HIỆN TƯỢNG XUẤT CHƠN THẦN CỦA ĐẠO CAO ĐÀI HUYỀN HỌC và KHOA HỌC * Từ Chơn

G
IỚI THIỆU
Có một phim tài liệu trên kênh Discovery mô tả một thầy tu Tây Tạng ngồi thiền đến mức tự nâng cơ thể lên khỏi mặt đất khoảng 0,5 mét. Hiện tượng gây nhiều tranh cãi này khá giống với một hiện tượng trong đạo Cao Đài, vốn khiến cho nhiều người ngoài đạo truyền miệng rằng “Đạo Cao Đài tu tiên và người tu học có thể bay được !” Sự thật trong đạo Cao Đài có một pháp môn được đặt tên bằng thuật ngữ rất đặc trưng Cao Đài, đó là “tịnh luyện xuất chơn thần”. Nhưng nếu nói là “bay” được thì có phần cường điệu.
 
Hầu như tất cả tín đồ Cao Đài đều biết và bàn luận về hiện tượng “xuất chơn thần”. Thế nhưng rất ít người biết được cặn kẽ đó là gì và có liên hệ đến khoa học đương đại của nhân loại như thế nào. Đa số tín đồ thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau - cả chính thức lẫn không chính thức - và những nguồn thông tin này có khi đối chọi nhau đến mức vô lý. Do đó, bài viết này nhằm nghiên cứu, sắp xếp lại các thông tin cho hợp lý, làm sáng tỏ vấn đề, tránh các ngộ nhận không đáng có, và giúp cho mọi người có một cái nhìn khá hoàn chỉnh ngõ hầu vững bước trên con đường tu học. Điều quan trọng nhất là khi hiểu rõ vấn đề sẽ tránh được một số suy nghĩ thần bí, không tốt về mặt tôn giáo.
 
Có lẽ cần phải có một chút so sánh với các tôn giáo khác cho rõ vấn đề hơn. Phần lớn tôn giáo trên thế gian đều có một mô hình cơ bản như nhau. Trước hết là một tiên đề, nhận thức về thực tại khó khăn, đau khổ của kiếp sống con người, kế đó là một pháp môn, nghĩa là một cách thức để vượt qua khó khăn này và “đắc đạo” là giải quyết xong khó khăn đó trong tâm trí. Điểm quan yếu của tôn giáo là các pháp môn.
 
Thông thường các tôn giáo có hai cách để phổ biến các pháp môn. Một là cách chính thức thông qua một tổ chức hợp pháp trong đó các tín đồ họp lại và tự điều hành. Hai là qua các nhóm nhỏ tách ra từ nhóm chính, và thường không được nhóm chính công nhận - nói rõ hơn là các chi phái. Thường thì nhóm chính, đông tín đồ nhất, có cơ sở chùa chiền lớn nhất, sẽ cố gắng gọt dũa các pháp môn của mình sao cho không bị xã hội bác bỏ. Còn các chi phái thì có những pháp môn được xem như bí mật. Những nhóm này thường tự cô lập cho nên các thông tin về pháp môn của họ được giữ kín nội bộ và do đó, hay bị người ngoài thêm thắt những chi tiết thần bí cho hấp dẫn trong những câu chuyện trà dư tửu hậu.  
 
Các tín đồ theo các tôn giáo “chính thống” thường đọc kinh, cầu nguyện, lánh dữ, ăn chay, làm từ thiện. Nói chung, họ thực hành những pháp môn tương đối dễ hiểu đối với xã hội và được xã hội mặc định là “đúng”. Những phương pháp khác như xiên cây nhọn qua cơ thể, nhai các loại lá cây gây ảo giác, luyện tập những tư thế lạ lùng, nhảy múa lên đồng … bị gán cho là không chính thống. Những phương pháp này thường bị tôn giáo “chính thống” không coi trọng, cho là thần bí, thiếu tính khoa học.
 
Đạo Cao Đài xem trọng cả hai loại pháp môn vừa nêu, dĩ nhiên là chọn lọc theo đặc trưng của mình. Ngay từ lúc mở đạo, triết lý của đạo đã định nghĩa rõ ràng hai loại pháp môn. Có cả một hệ thống lý luận riêng cho hai loại pháp môn này qua khái niệm Thể Pháp – xếp loại dành cho các pháp môn cầu nguyện, làm từ thiện, phổ biến giáo lý, và Bí Pháp – xếp loại pháp môn dành cho những người tịnh luyện theo đặc trưng của Cao Đài. Tân Luật (Hiến pháp đạo - 1927) đã có một chương gồm tám điều luật về Tịnh Thất dành cho những tín đồ theo phương pháp tịnh luyện. Bằng chứng quan trọng nhất là tài liệu thuyết đạo về bí pháp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Tài liệu này do Ban tốc ký Toà Thánh Tây Ninh ghi lại và đã chính thức phát hành nội bộ từ thập niên 1960. Thêm một bằng chứng nữa củng cố điều này là các cơ sở của đạo cũng chia ra hai loại rõ ràng: các thánh thất dành cho thể pháp và các tịnh thất dành cho bí pháp.
 
HUYỀN HỌC.
Ngay từ những ngày đầu mở đạo của năm 1926, những bài giáng cơ của các đấng thiêng liêng đã có đề cập đến cách tịnh luyện để xuất chơn thần. Lúc bấy giờ khái niệm Thể Pháp và Bí Pháp chưa được nhấn mạnh và cũng chưa có một hệ thống vững chắc như sau này. Những khái niệm về tịnh luyện có thể gặp rải rác trong các bài cơ. Khi thì là những ẩn dụ theo kiểu cổ điển rất khó hiểu, thí dụ như: chiết khảm điền ly hay luyện thánh thai. Khi thì diễn giải khá rõ ràng: Thầy nói cái Chơn Thần là nhị xác thân các con, là khí chất nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tâm của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi Hộ. Nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh các con khi luyện thành đạo đặng hiệp một với Khí, rồi Khí mới thấu đến Chơn Thần hiệp một mà siêu phàm nhập thánh.
 
Vì thông tin khi ẩn khi hiện như thế nên người ta càng tò mò muốn biết tịnh luyện là gì. Trong hàng tín đồ lúc đó có truyền tay nhau những tài liệu về tịnh luyện. Những tài liệu này thường không rõ xuất xứ và cũng không nói cụ thể về phần xuất chơn thần, vốn là cứu cánh của pháp môn tịnh luyện. Có rất nhiều người đã thử tịnh luyện, mà đình đám nhất là vụ nhóm Tuyệt Cốc hay Tịch Cốc (1934) do hai ông Ngô Đức Nhuận và Nguyễn Ngọc Điền chủ trương. Dân gian gọi nhóm này là đạo “bay” vì họ tuyên bố rằng họ “biết bay”. Dĩ nhiên đó chỉ là quảng cáo! Nhóm này không được Hội Thánh công nhận và về sau có những hoạt động quá khích nên bị chánh quyền Pháp lúc bấy giờ giải tán và các tín đồ xa lánh. Dù sao, đây cũng là bằng chứng là có phong trào tịnh luyện trong hàng tín đồ.
 
Về phần Hội Thánh, những hoạt động chính thức thuộc lãnh vực tịnh luyện có thể kể ra như sau. Trước hết, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã chính thức hệ thống khái niệm Thể Pháp và Bí Pháp của Cao Đài. Ngài là một trong những bậc tiền bối tiên phong trong lãnh vực này và cũng chính là người công khai khẳng định là có pháp môn tịnh luyện để xuất chơn thần. Đặc biệt loạt bài thuyết đạo về Bí Pháp đã để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển các pháp môn của Cao Đài.
 
Đức Hộ Pháp khẳng định ba pháp môn quan trọng trong Cao Đài: đi hành đạo như một tu sĩ theo các phẩm trật của Cửu Trùng Đài, theo Phước Thiện tạo của cải vật chất cho đạo và tịnh luyện trong các Tịnh Thất. Theo định nghĩa thì hai pháp môn đầu được xếp loại là thể pháp và pháp môn thứ ba là bí pháp.
Trí Huệ Cung.
Đức Hộ Pháp, theo Tân Luật của Cao Đài, đứng đầu Hiệp Thiên Đài và nắm giữ bí pháp tịnh luyện. Do đó chính ngài đã điều hành việc xây Trí Huệ Cung. Đây là tịnh thất đầu tiên của đạo và cũng được qui định dành cho nữ phái. Trong bài thuyết đạo lễ trấn thần Trí Huệ Cung ngày 15 tháng 12 Canh Dần (1950), ngài đã đề cập đến pháp môn tịnh luyện xuất chơn thần. Vào ngày 16 tháng 1 Tân Mão (1951) ngài là người đầu tiên nhập tịnh tại đây trong ba tháng. Duy một điều Đức Hộ Pháp có lẽ chỉ truyền dạy tịnh luyện cho một số tín đồ thân cận chứ không có bằng chứng nào về sự truyền bá rộng rãi. Cho đến khi Đức Hộ Pháp lánh nạn sang Nam Vang thì mọi vấn đề có liên quan đến pháp môn tịnh luyện xuất chơn thần đều dừng lại. Các chức sắc cao cấp khác, nếu có biết về tịnh luyện, đều không đề cập đến vấn đề. Ngoài ra do tân luật qui định họ cũng không có thẩm quyền gì trong lãnh vực này. Cho đến nay những gì thuộc về tịnh luyện mà Hộ Pháp chính thức để lại là văn bản Phương Luyện Kỷ (phát hành ngày 14 tháng 1 năm Đinh Hợi – 1947) và 12 Bài Tập Thể Dục. Nhưng những tài liệu này quá sơ sài không đủ truyền tải đầy đủ pháp môn tịnh luyện. Hiện nay những tín đồ tự nguyện quản lý Trí huệ Cung và Trí Giác Cung không biết gì về pháp môn tịnh luyện cả.
Trí Giác Cung.
Trí Giác Cung cũng là một tịnh thất, nhưng không được đề cao như Vạn Pháp Cung và Trí Huệ Cung. Đây là một cơ sở từ thiện của một tín đồ Cao Đài là ông Giáo Thiện Đinh công Trứ. Sau khi ông Trứ qua đời một cách bí ẩn, thì hội thánh tiếp quản. Một thời gian sau, cơ sở này được xếp loại là tịnh thất theo huấn lịnh 285/VP-HP ngày 5 tháng 12 Giáp Ngọ của Đức Hộ Pháp và hiện nay là nhà dưỡng lão. Cũng không một ai ở Trí Giác Cung biết hoặc thực hành pháp môn tịnh luyện.
Vạn Pháp Cung.
Riêng Vạn Pháp Cung, được xem là nơi tịnh luyện dành cho nam phái, thì có một đường hướng phát triển không thuận lợi cho lắm, ít ra là theo ý định của Đức Hộ Pháp. Tương truyền rằng Đức Hộ Pháp đã cùng vài đệ tử đến chân núi Bà Đen tìm vị trí cho Vạn Pháp Cung. Sau đó đức ngài đã cho lập bản vẽ Vạn Pháp Cung và tuyển nhân công chuẩn bị cho công tác xây dựng. Nhưng rồi thời cuộc biến chuyển không thuận lợi và việc xây cất không như dự kiến. Một đệ tử của ngài là ông Giáo Thiện Võ văn Đợi đã qui tụ một số tín đồ tại vị trí định xây Vạn Pháp Cung để tịnh luyện nhưng không được Hộ Pháp công nhận. Trong một bài thuyết đạo, ngài đã gọi những người này là “nhóm đạo núi” và ẩn dụ rằng họ đã đi sai đường.
 
Hiện nay những truyền nhân của “nhóm đạo núi” vẫn nối tiếp ý nguyện của ông Giáo Thiện Đợi và xây dựng cơ sở Vạn Pháp Cung ở chân núi Bà Đen. Tuy nhiên, bây giờ Vạn Pháp Cung là một cơ sở tôn giáo có qui luật riêng và không rõ có thuộc quyền quản lý của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh hay không. Cũng tương tự như Trí Huệ Cung và Trí Giác Cung, không ai ở Vạn Pháp Cung biết rõ về tịnh luyện cả.  
 
Bí Pháp Luyện Đạo của Bát Nương Diêu Trì Cung Đến khoảng năm 1979, tài liệu Bí Pháp Luyện Đạo của Bát Nương Diêu Trì Cung xuất hiện. Tài liệu này do Hiền Tài Nguyễn văn Mới, tốc ký viên của Đức Hộ Pháp, chấp bút. Bát Nương Diêu Trì Cung đã truyền dạy cho Hiền Tài Mới bí pháp tịnh luyện xuất chơn thần. Cho đến nay, đây là tài liệu đề cập đến pháp môn tịnh luyện rõ ràng, cụ thể nhất.
 
Tài liệu này ấn định thời gian tịnh luyện, nói rõ cách hô hấp, cách xuất chơn thần. Điều nổi bật là xuất chơn thần, trước đây thường được nhắc tới một cách bí ẩn thì nay được miêu tả rõ ràng. Chơn thần, theo tài liệu của Bát Nương, là phần bán hữu hình của cơ thể vật lý có thể tách rời và di chuyển bên ngoài cơ thể. Người ta thường gọi bằng những từ ngữ khác như là phách, vía, hồn, ý thức vv… Người tịnh luyện thành công có thể xuất chơn thần đi khắp vũ trụ, gặp gỡ các đấng thiêng liêng và trở về xác phàm trong khoảng vài mươi phút. Tuy nhiên, điều quan trọng là những ai có căn cơ, tiền duyên mới luyện thành công chứ không phải ai tịnh luyện cũng đều đạt được như vậy! Bát Nương cũng dạy rõ xuất chơn thần được chưa phải là đắc đạo và đây chỉ là một trong ba pháp môn quan trọng của Cao Đài, không phải là pháp môn cao cấp nhất. Tín đồ chọn pháp môn nào và đắc đạo hay không là tuỳ duyên phần từng cá nhân. Điều này thật tách bạch và bác bỏ quan niệm của phần đông tín đồ vẫn thường cho rằng “tu phước” không bằng “tu huệ”, hoặc “phổ độ” là thấp kém hơn “tịnh luyện”.
 
Bát Nương dạy Hiền Tài Nguyễn văn Mới đem tài liệu về Hội Thánh Tây Ninh để phổ biến ở các tịnh thất. Tuy ông đã đem tài liệu này về trao lại cho những chức sắc cao cấp nhất trong Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (lúc đó được gọi là Hội Đồng Chưởng Quản), nhưng họ đều không có phản hồi tích cực mấy! Hiện nay tài liệu này được truyền tay qua các bạn bè của Hiền Tài Mới và được lan truyền trên mạng internet là chính. Tính cho đến nay, Hội Thánh chưa chính thức công bố văn bản nào cụ thể và đầy đủ về pháp môn tịnh luyện xuất chơn thần.
 
KHOA HỌC ỨNG DỤNG.
Trong khi tôn giáo Cao Đài bế tắc không có một phát triển nào đáng kể về pháp môn tịnh luyện xuất chơn thần, các tịnh thất hoặc rêu phong phủ lối hoặc trở thành “điểm du lịch” và “chợ trời” thì bên trời Tây tình hình sáng sủa hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu thần học gọi hiện tượng này là soul travel, spirit walking hay subtle body (những từ ngữ này rất gần với “xuất chơn thần” và “đệ nhị xác thân” của Cao Đài) còn các nhà khoa học thì gọi là out-of-body experience hay OBE, tạm dịch là cảm-nhận-từ-bên-ngoài- cơ-thể.
 
Mặc dù các nhà thần học và khoa học bất đồng về mặt phương pháp tiếp cận, thực hiện thí nghiệm và cách dùng các từ ngữ, nhưng nói chung quan điểm của họ trùng hợp ở chỗ: sự “biết thấy” hay “ý thức” là một bộ phận có thể tách ra khỏi cơ thể vật lý của con người, trái với quan niệm cổ điển cho rằng ý thức chỉ tồn tại bên trong cơ thể mà thôi. Họ còn đi xa đến mức nói rằng, trong một số điều kiện, thì “sự biết thấy” đó có thể tách rời ra và di chuyển bên ngoài cơ thể. Cao Đài gọi hiện tượng này là “xuất chơn thần vân du thiên ngoại”.
 
Đầu tiên, vào năm 1943 nhà văn George Tyrrel đã sử dụng từ out-of-body experience trong tác phẩm Apparition (Hồn ma) của mình. Kể từ đó các nhà nghiên cứu khoa học đã chọn từ này để chỉ cảm giác trôi bềnh bồng bên ngoài cơ thể. Song song với cảm giác này, phần ý thức của người ta có thể nhìn lại cơ thể của chính mình hoặc thấy nhiều hiện tượng khác thường nữa.
 
Các nhà khoa học nghiên cứu trường hợp của những bệnh nhân trên bàn mổ. Một số đã đi vào khoảng thời gian cận tử (near death) nhưng sau đó sống lại. Họ mô tả cảm giác trong khoảng cận tử này rất giống nhau, đó là tách ra khỏi cơ thể và trôi nổi trong không khí. Hiện nay, các nhà khoa học kết luận rằng cảm giác này có thể tạo ra bằng nhiều cách: thí dụ như kích thích một bộ phận của vỏ não, dùng chất hoá học gây ảo giác, hoặc ngồi thiền đến mức cao độ nhất. Riêng khoảng ngồi thiền tạo ra cảm giác OBE là rất trùng hợp với pháp môn tịnh luyện xuất chơn thần của Cao ài.
 
Có thể kể ra quá trình phát triển và những thành tựu khoa học về cảm-nhận-từ-bên-ngoài-cơ-thể (OBE) tính cho đến nay như sau.
Khởi đầu, Tiến sĩ Celia Green là người đầu tiên có nghiên cứu khoa học về OBE vào năm 1968. Tuy nhiên nghiên cứu này chủ yếu là lý thuyết dựa trên hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Dù thế, đây là những viên đá lót nền cho những nghiên cứu về sau.
 
Tiếp theo, Giáo sư Tiến sĩ Olaf Blanke, thuộc Viện Nghiên Cứu Não và Tâm Trí (Brain-Mind Institute), là người đầu tiên tạo ra hiện tượng OBE trên một bệnh nhân. Vào năm 2007 trong lúc khám cho một phụ nữ bị chứng động kinh thì ông tình cờ chạm một điện cực vào vùng tiếp giáp giữa thuỳ đỉnh và thuỳ thái dương bên phải của vỏ não. Ngay lập tức, người phụ nữ nói với ông là bà đã “ra khỏi cơ thể” và nhìn thấy “cơ thể” của mình từ một vị trí ở bên ngoài. Hiện tượng này sẽ biến mất nếu sự kích thích không còn nữa. Sau đó, Tiến Sĩ Blanke đã thực hiện thêm nhiều thí nghiệm, tất cả đều chứng minh phần ý thức của con người có thể tách ra khỏi cơ thể vật lý.  
 
Kế đến, Tiến Sĩ Henrik Ehrsson, Trưởng phòng thí nghiệm não bộ, cơ thể và bản ngã thuộc viện nghiên cứu Karolinska, Stockholm (Karolinska Institute’s Brain, Body and Self Laboratory in Stockholm) là người đầu tiên làm thí nghiệm về OBE trên những người mạnh khoẻ vào tháng 8/ 2007. Sử dụng kính đeo mắt thực tế ảo, một lần nữa ông chứng minh một người mạnh khoẻ, tỉnh táo có thể nhìn lại cơ thể mình từ một vị trí bên ngoài xác thân của chính mình.
 
Gần đây nhất là tháng 8 năm 2013, Tiến sĩ Jane Aspell thuộc đại học Anglia Ruskin ở Cambridge đã công bố công trình của mình trên chuyên san Psychological Science. Trong một thí nghiệm, nhiều người tình nguyện đã đeo kính thực tế ảo. Họ được nhìn thấy chính cơ thể của mình từ phía sau. Khi cho cơ thể chớp sáng theo nhịp đập của tim họ trong vài phút, họ tuyên bố là mình có cảm giác đã ra ngoài cơ thể.
 
Qua những thành công nói trên, có thể nhận thấy cho dù khoa học chưa đồng tình với thuyết linh hồn của thần học, nhưng rõ ràng đã công khai xác nhận bước quan trọng cơ bản nhất của thần học: con người không phải chỉ có xác thân mà là sự kết hợp giữa hai phần riêng rẽ, xác thân và ý thức. Đặc biệt tôn giáo Cao Đài còn đi xa hơn, chi tiết hơn khi khẳng định con người là sự kết hợp hài hoà giữa ba thành phần xác thân, ý thức và linh hồn. Cũng giống như chứng minh được OBE, một ngày kia khoa học cũng sẽ chứng minh được lý thuyết của Cao Đài là đúng. Lúc đó khoa học và thần học sẽ đồng quy về phương diện này.
 
KẾT LUẬN :
Nếu so sánh giữa huyền học Cao Đài và khoa học ứng dụng thì có thể rút ra bài học sau đây. Bí pháp tịnh luyện của Cao Đài đã có phần lý thuyết, nhưng phần thực hiện thì còn thiếu, vì thế chưa có bổ sung, phát triển và thành tựu nào đáng kể. Người trong đạo thì thiếu thông tin chính xác, nên cho rằng đây là một điều gì đó “bí mật” (một phần do từ “bí pháp” mà ra!), chỉ dành cho một số đối tượng “cao cấp”. Người ngoài đạo thì bán tín bán nghi, xem bí pháp tịnh luyện là huyễn hoặc, không thực tế. Ngoài ra môi trường xã hội ở Việt Nam vốn có đặc điểm là khư khư bám lấy những điều cũ kỹ, sợ hãi những thay đổi, nên vẫn chưa có đủ điều kiện để bí pháp tịnh luyện phát triển.
 
Trái lại, các nhà khoa học phương Tây có nhiều lợi thế hơn trong khi tìm tòi nghiên cứu vấn đề. Họ đều có học vị cao, làm việc trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Những thông tin về nghiên cứu của họ đều công khai hoặc trên các chuyên san khoa học như Science, Nature, Psychological Science… hoặc trên các hệ thống thông tin đại chúng hàng đầu như BBC, CNN, New York Times, Telegraph, Science News, the Guardian … . Chính vì thế họ có những bước tiến vững chắc về phía mục tiêu đề ra. Ngoài ra, môi trường xã hội của họ sẵn sàng chào đón những điều mới mẽ, không ngại thay đổi.
 
Đối với tôn giáo Cao Đài, xuất chơn thần, tức là tách rời phần ý thức ra khỏi cơ thể là để học đạo từ các đấng thiêng liêng, tiến lên mục đích tối hậu là đắc đạo, đối với các nhà khoa học phương Tây là để ứng dụng vào nhiều lãnh vực trong đời sống, trước mắt là chữa bệnh. Dù cho bên nào thành công trước thì cuối cùng hai con sông cũng sẽ gặp gỡ ở một nơi tiền định: chứng minh cho nhân loại biết rằng linh hồn và kiếp sau là có thật.
 
Riêng đối với Hội Thánh Cao Đài, tác giả bài viết này hy vọng đạo sẽ phát triển ngày càng nhiều, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng. Thực tế, đạo hiện nay đã có tính quốc tế. Đây cũng là ứng nghiệm một tiên tri của Thượng Đế: “đạo sẽ truyền ra ngoại quốc”. Rõ ràng như thế, chuyện truyền bá đạo ra nước ngoài cách nay hơn ba mươi năm là không tưởng nếu tính đến thực lực của Hội Thánh về mọi mặt từ tài chính đến trình độ chức sắc. Nhưng nay, đạo Cao Đài, nhờ ơn trên xoay chuyển, đã có Thánh Thất ở nhiều quốc gia tiên tiến như Mỹ, Úc. Chỉ có truyền đạo còn khó khăn vì rào cản ngôn ngữ mà thôi.
 
Một điểm đáng để ý là, ở phương Tây ngày nay, tĩnh toạ, tức là ngồi thiền (meditation) không còn là điều bí ẩn nữa và ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Trước thực tế đó tác giả trộm nghĩ rằng Hội Thánh Cao Đài không những cần phải tập trung phát triển pháp môn tịnh luyện mà còn phải công khai thông tin cho mọi người đều biết. Bởi vì một là đạo Cao Đài vẫn dạy rằng phải đưa các pháp môn ra để phổ độ, không dấu diếm nữa; hai là trong thời đại tin học ngày nay việc dấu diếm một điều gì đó ngày càng trở nên lạc điệu, không phù hợp với xu thế của thế kỷ 21; cuối cùng, có công khai thì mới có nhiều đóng góp bổ sung, thử nghiệm để pháp môn hoàn chỉnh hơn.
 
Xin mạn phép mượn một ý tưởng của Đức Hộ Pháp để kết luận bài này: Đạo có ngoại dung Thể Pháp và nội dung là Bí Pháp, cần phát triển song hành cả hai thì mới gọi là chánh giáo.  
* Từ Chơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét