Vận dụng bí pháp thuyền Bát Nhã trong Đạo Cao Đài * Từ Chơn

V
ào bài
Trong các đám tang theo nghi lễ Đạo Cao Đài, chiếc xe đưa người đã mất ra nghĩa trang được tạo hình giống một chiếc thuyền có đầu và đuôi rồng. Tuỳ theo địa phương mà thuyền được Đạo Tỳ (người khiêng quan tài) đẩy hoặc có gắn động cơ để di chuyển như thuyền máy hoặc xe hơi. Phương tiện này có tên là Thuyền Bát Nhã.
Theo luật Cao Đài, người đã mất, từ hàng tín đồ đến phẩm Phối Sư hoặc tương đương, sẽ đưa bằng thuyền này. Chức sắc cao hơn nữa thì không dùng thuyền Bát Nhã mà sẽ đưa bằng hình thức “liên đài kỵ Long Mã”. Nghĩa là quan tài của họ có tám cạnh gọi là Liên đài (đài sen) để trên xe tang tạo hình con vật linh Long Mã (con vật mình ngựa đầu rồng). 
Chức sắc phẩm Lễ Sanh còn có thêm nghi lễ Chèo Hầu tại Khách Đình (nhà tang lễ), tức là một đoạn hát bội diễn cảnh chèo thuyền Bát Nhã. Từ phẩm Giáo Hữu trở lên thì có Chèo Đưa long trọng hơn.
 Thuyền Bát Nhã trong đám tang theo Đạo Cao Đài.
Giải nghĩa
Có lẽ tiếp theo nên tìm hiểu ý nghĩa của các danh từ cần thiết trước khi đi sâu vào vấn đề. Trong chủ đề này Bát Nhã là từ chủ đạo, cần được tìm hiểu trước nhất. Từ này nguyên gốc tiếng Phạn (Ấn Độ cổ) là Prajñā. Người Tàu dịch ra là và người Việt đọc là Bát Nhã, có nghĩa là Trí huệ (tuệ), Huệ (tuệ) hay sự hiểu biết sâu xa.
Đây là một thuật ngữ của Đạo Phật. Nếu quý đọc giả tra trên internet sẽ gặp một rừng đủ kiểu giải thích. Để giúp quý đọc giả rút ngắn thời gian đọc, chúng tôi sẽ thu gọn lượng kiến thức khổng lồ đó và tập trung vào chủ đề của chúng ta. 
Từ này xuất hiện trong bài Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (Maha Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất, chỉ có khoảng 260 chữ, của Phật giáo Đại thừaThiền tông, và cũng là bài kinh quan trọng của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. 
Chúng tôi sẽ không lập lại bài kinh ở đây mà chỉ trích dẫn vài câu quan trọng nhất như sau.
ooOoo
Bản Hán Việt
Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá-lợi-tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thụ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
......
Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề.
 
Dịch ra tiếng Việt 
Vị Bồ Tát Quán Tự Tại khi đạt đúng mức trí huệ thì thấy năm yếu tố cấu tạo nên con người đều là không, do đó không còn đau khổ gì nữa.
Này Xá Lợi Tử, có chẳng khác không, không chẳng khác có, có tức là không, không tức là có. Cảm xúc, nhận thức, ý thức cũng vậy.
.......
Tất cả các vị Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều nhờ vào trí huệ này mà đạt ngôi vị cao nhất.
ooOoo
 
Như vậy, đại khái là khi người tu học đạt đến sự hiểu biết sâu xa, sẽ thấy mọi sự là không. Kết quả là sẽ vượt qua mọi đau khổ và đạt ngôi vị Phật. Vậy sự hiểu biết sâu xa (trí huệ) đó là gì và “thấy mọi sự là không” là thấy kiểu nào?
 
Khi chúng ta đến một ngôi làng nhỏ ven biển vào một buổi chiều tà, nếm không khí mằn mặn lan tỏa trong không khí, ngắm những con sóng hiền lành chạy lăn tăn vào bờ, bấy giờ bộ não ta lập tức làm công việc vốn nó vẫn làm: đó là so sánh. Nó lập tức so sánh cảnh vật trước mắt với những nơi ta đã biết và đưa ra kết luận chỗ này đẹp hơn, đáng để đến ở hơn. Sự so sánh này nhanh đến nỗi ta không hề thấy nó diễn ra. Ta còn mãi bận thưởng thức cảnh đẹp trước mắt. Đó, sự hiểu biết thông thường của chúng ta là như vậy. 
 
Còn hiểu biết đến mức gọi là trí huệ thì sao? Xin nói thêm là có người không thích dùng chữ “trí huệ”, họ dùng “trí bát nhã” để chỉ sự hiểu biết ở mức cao này. Nhưng danh tự đâu có quan trọng, mà quan trọng là phải hiểu đó là cái gì, phải không quý vị? Xin trở lại với chủ đề: giả sử ta chưa từng đi đâu cả, chỉ ở trong một gian phòng, không thấy cảnh vật bên ngoài. Có người bịt mắt ta và đưa ra ngôi làng kể ở trên rồi tháo bịt mắt ra. Lúc đó trí não ta chỉ biết so sánh ngôi làng với một căn phòng cũ duy nhất nên nó không có việc gì làm nhiều. Nó nín bặt và chỉ còn ta với vẻ đẹp thiên nhiên thu hồn kia. Mọi kết luận, mọi lý lẽ đều im lặng nhường cho cảm giác vui thích tận cùng. Mặc dù so sánh còn hơi khiên cưỡng, nhưng trí huệ có thể xuất hiện trong một tình huống na ná như vậy đấy.
 
Hoặc câu truyện trong Thiền Học sau đây: Một ông thầy dạy Thiền giao công án (một câu hỏi mà người học phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời) cho học trò của mình. Anh học trò về phòng vắt óc suy nghĩ. Khi có được câu trả lời anh vội lên nói với thầy thì thầy lắc đầu không công nhận. Quá nhiều lần như vậy làm anh nản chí vô cùng. Thậm chí lần sau cùng, anh chưa kịp mở miệng nói thì thầy đã lắc đầu rồi. Nghĩ rằng mình không có duyên với Thiền, anh đành quay trở lại cuộc sống thường nhật của một tu sĩ Phật Giáo: đó là tụng kinh, niệm Phật, ôm bình bát đi khất thực [1]. Dù tự nhủ lòng sẽ không nhớ đến công án của thầy nữa, nhưng đôi khi ý tưởng đó vẫn cứ lởn vởn trong đầu. Một hôm anh đến một nhà kia, như thường lệ, đứng cúi đầu lim dim niệm Phật chờ chủ nhà đem thức ăn ra. Bà chủ đang quét sân vội đến nói rằng hôm nay chưa chuẩn bị thức ăn kịp. Vì bận niệm Phật, anh không nghe thấy nên vẫn đứng im lặng. Bà chủ đến nói với anh vài lần nữa, nhưng anh vẫn không nghe. Quá tức mình lại sẵn cây chổi trong tay, bà chủ nóng tính khỏ lên đầu anh một cái. Ngay trong tích tắc đó, vấn đề từ lâu tưởng đã ngủ yên quay trở lại với anh kèm theo câu trả lời mà anh chưa từng nghĩ đến trước đây. Quá vui mừng anh bỏ chạy về trường thì thấy vị thầy già đang đứng vuốt râu chờ ở cổng. Anh chưa kịp nói gì thì thầy đã cười vui vẻ và hỏi “Sao lâu vậy con?” [2]. Cây chổi đã đóng vai trò xúc tác cho trí huệ của anh học trò bùng nổ và câu hỏi của ông thầy là ấn khả chứng minh [3] cho anh.
 
Từ những ví dụ trên có thể suy ra trí huệ chính là suy nghĩ của ta diễn ra ngay khi gặp phải một vấn đề mà không có lý luận, suy tính, so đo gì cả. Và suy nghĩ như vậy đem lại một kết quả tốt đẹp ta chưa bao giờ thấy trước đó. Cũng như trong Bài Tâm Kinh, Bồ Tát Quán Tự Tại vỡ lẽ ra rằng mọi thứ trên đời là không và do đó không còn đau khổ nữa.
 
Tuy nhiên, xin lưu ý cái “không” này không phải là cái “không” đối nghịch với cái “có” trong thế giới nhị nguyên, nơi chúng ta đã và sẽ đốt cháy cuộc đời mình. Trong thế giới chúng ta đang sống, “có” là tài sản lớn lao, là vợ đẹp, là con cái thành đạt và được người khác tôn trọng. Trái lại, “không”, tức là thiếu những thứ đó, sẽ bị người khác coi thường, thậm chí là dẫm đạp lên. Đức Phật đã khẳng định “không” qua cái nhìn trí huệ không phải như vậy bằng câu giải thích nổi tiếng trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh “có chẳng khác không, không chẳng khác có, có tức là không, không tức là có. Cảm xúc, nhận thức, ý thức cũng vậy”. Rõ ràng “không” của chúng ta không giống “không” mà Đức Phật đề cập ở đây. “Không” của trí huệ là “có” còn “không” của nhị nguyên không phải là “có”. Không của Phật là kết quả của trí huệ còn không của chúng ta là do những tính toán, so sánh phàm tục.
 
Tóm lại, bài kinh nói rằng vận dụng trí huệ sẽ thấy cái “không” của Đức Phật và sẽ trở thành người sánh ngang với Ngài. Vậy thì vấn đề đối với người tu học là làm sao để có trí huệ. Nhưng ta cũng nên để ý một điều quan trọng là Đức Phật nói “vận dụng trí huệ” chứ không hề nói “làm sao để có trí huệ”.
 
Mục đích
Trong Đạo Cao Đài, Đức Hộ Pháp có giải thích về thuyền Bát Nhã  “Bần đạo cũng tả lại từ khổ hải [4] về cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống phải đi ngang qua Ngân Hà. Có một chiếc thuyền Bát Nhã của Đức Quan Âm Bồ Tát, [5] vâng lịnh Đức Di Lặc Vương Phật [6] chèo qua lại Ngân Hà [7]và khổ hải đặng độ sanh [8] thiên hạ” [9]. Dựa vào lời giải thích này và nguyên tắc mọi thể pháp (hình thức) trong Cao Đài đều có bí pháp (ý nghĩa) [10] song hành, chúng ta có thể suy ra thể pháp là dùng thuyền Bát Nhã đưa người đã mất ra nghĩa trang và bí pháp là đạt được trí huệ. Thể pháp để đưa người đã chết còn bí pháp để nhắc người còn sống. Tiếc một điều là hiện nay thể pháp và bí pháp chưa được song hành, nghĩa là chúng ta chỉ làm đám tang rất đúng nghi lễ mà chưa thực hành trí huệ cho bản thân mình. Sau đám tang, từ Bát Nhã kia lại lẫn vào những lo toan trong cuộc sống thường nhật và chỉ lại thoáng qua khi ta nhìn thấy một đám tang khác nữa. Vậy thì vấn đề là tín đồ Cao Đài chúng ta phải tăng cường việc thực hiện trí huệ để cho bí pháp nâng lên ngang tầm với thể pháp. 
 
Hơn nữa, qua lời giảng của Đức Hộ Pháp, thì Đức Quan Âm Bồ Tát (danh hiệu khác của Quán Tự Tại Bồ Tát) điều khiển thuyền Bát Nhã để độ sanh. Vậy rõ ràng là dạy đạo cho người sống rồi. Chính chúng ta, những người đang sống, mới cần thực hiện trí huệ để tự giải thoát mình khỏi cảnh trần gian này đó vậy. 
 
Thực hiện ngày xưa
Đức Hộ Pháp từng dạy rằng, “Song muốn đạt được pháp thì phải luyện. Ban sơ mới khai Ðạo chúng ta phải thi hành thể pháp. Nếu sau nầy không đạt được chơn pháp thì cũng như con người có quần mà không có áo vậy” [11]. Rõ ràng Đức Hộ Pháp dạy trước hết phải thực hành thể pháp nhưng về sau phải thực hành bí pháp (ngài gọi là chơn pháp) nữa thì mới trọn vẹn đường tu. Chúng ta đã vận dụng thể pháp thuyền Bát Nhã tốt, vậy phần vận dụng bí pháp “đạt trí huệ” thì sao?
 
Trước hết chúng ta hãy xem người xưa làm thế nào để đạt trí huệ. Người ta còn dùng rất nhiều danh từ để chỉ trạng thái này như đắc đạo, đắc pháp, thành đạo, ngộ đạo, liễu đạo v.v...Trong bài này chúng tôi xin dùng chữ đạt trí huệ cho thống nhất. 
 
Truyền thuyết Phật Giáo Thiền Tông nói rằng Phật Thích Ca xác nhận ngài Ma-ha Ca-Diếp (Mahākāśyapa) đã đạt được trí huệ nên giao y bát (áo cà sa và bình bát vu [12]) cho ngài. Như vậy ngài trở thành vị Tổ Sư Thiền Tông đầu tiên ở Ấn Độ mà người Tàu gọi là sơ tổ Tây Thiên. Sau đó ngài truyền lại cho ngài A-nan. Ngôi vị tổ sư cứ thế mà truyền cho đến đời thứ 28 là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Đến đây thì Phật Giáo bước vào giai đoạn suy vi ở Ấn Độ nên ngài Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc truyền đạo. Tổ Sư người Trung Quốc đầu tiên kế thừa y bát là ngài Huệ Khả. Y bát tiếp tục truyền đến đời thứ sáu thì Đức Lục Tổ Huệ Năng quyết định dừng lại vì các đệ tử bắt đầu có khuynh hướng dùng bạo lực để dành lấy y bát rất nguy hiểm. 
 
Theo truyền thống Thiền Tông, việc truyền dạy cho học trò dựa trên căn bản “dĩ tâm truyền tâm” [13], nghĩa là không dùng lời nói, không dùng chữ viết. Một ví dụ nổi tiếng là câu chuyện “niêm hoa vi tiếu” [14] kể lại một hôm Đức Phật nâng cành hoa lên mà không nói gì cả. Tất cả đệ tử đều ngơ ngác không hiểu, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Ngay sau đó Đức Phật tuyên bố là đã giao chánh pháp cho ngài Ca Diếp. Như vậy, Đức Phật gián tiếp xác nhận ngài Ca Diếp hiểu hành động nâng cành hoa, nói khác đi ngài Ca Diếp đã đạt trí huệ hay đạt đạo.
 
Như đã trình bày ở trên, trong Tâm Kinh Đức Phật chỉ nói vận dụng trí huệ để thấy mọi sự là “không” chứ không nói “làm thế nào để có trí huệ”. Trong Thiền Tông do tâm truyền tâm mà không ai ngoài cuộc có thể biết được thầy dạy cách nào cho trò đạt trí huệ. Cứ xem trường hợp Đức Phật Thích Ca dạy ngài Ca Diếp thì rõ. Rốt cuộc người ngoài như chúng ta chỉ biết vị tổ sư nào giữ y bát là vị đó đã đạt trí huệ. Không may là từ Đức Lục Tổ Huệ Năng về sau không còn truyền y bát, nên từ đó về sau ta không biết được ai đạt trí huệ. Thực sự thì Đức Lục Tổ cũng dạy rất nhiều học trò rồi các vị đó cũng nối tiếp mãi về sau này. Nhưng vì không có y bát làm bằng chứng nữa nên bây giờ ta không biết được ai là ai. Thêm một việc nữa là những kẻ lừa đảo thời nay rất nhiều, họ cũng xưng mình là Thiền Sư chân truyền này nọ. Cứ thế mà việc tìm một Thiền Sư thật sự càng thêm khó khăn. Bởi đó mà thánh ngôn Cao Đài nói rằng đạo đã bị bế (chặn lại). Hậu quả là, người tu thì nhiều mà người đắc đạo thì rất ít [15], hai ngàn năm nay ở Á Đông chỉ có Đức Huệ Mạng Trường Phan [16] mà thôi.
 
Thực hiện ngày nay
Nếu việc thực hiện khó đến như vậy thì ngày nay chúng ta phải làm gì? Có một người bạn nói với tôi rằng làm thế nào thì cứ nói thẳng ra, cứ “truyền tâm” như thế thì làm sao mà có nhiều người đạt trí huệ được. Vậy làm sao cứu được nhiều người để lập đời thượng ngươn thánh đức? [17] Xin cám ơn ý tốt của bạn khi thắc mắc như vậy và đây là câu trả lời:
 
Thứ nhất, chuyện đạt trí huệ ta đang bàn đây là chuyện đạt ngôi vị Phật, theo Đạo Cao Đài thì chỉ dưới Đức Chí Tôn Thượng Đế mà thôi. Vì vậy không thể “dễ dàng” được. Thứ hai, Đạo Cao Đài có mục tiêu cứu tất cả chúng sinh, chứ không phải đem tất cả chúng sinh lên ngôi vị Phật. Trên cõi thiêng liêng hằng sống còn có nhiều ngôi vị khác như Thần, Thánh, Tiên, và theo lời Đức Hộ Pháp, ta đừng lo thiếu chỗ. [18] Thứ ba, thật sự ra các bậc tiền bối dĩ tâm truyền tâm là cũng có lý do, chứ không phải “dấu nghề” đâu. Chúng ta biết rằng hầu hết suy nghĩ đều phát xuất từ hệ thống nhị nguyên luận (xấu tốt, thiện ác v.v...), chỉ có trí huệ là không có lý luận, tính toán. Các vị tiền bối không dùng lời nói hay chữ viết vì đó là con đẻ của những suy nghĩ nhị nguyên. Công cụ của nhị nguyên không thể truyền tải được thế giới của trí huệ. Nếu có dùng thì chúng ta sẽ đọc thấy những câu rối rắm đến kỳ lạ như đã thấy trong Tâm Kinh: “có chẳng khác không, không chẳng khác có, có tức là không, không tức là có”v.v...Ai thử giải nghĩa, phân tích thì sẽ đi lòng vòng rồi kết thúc ở chỗ vô nghĩa. Thắc mắc vẫn hoàn thắc mắc bởi lại lấy suy nghĩ nhị nguyên để soi một suy nghĩ nhị nguyên khác. Một Giáo Sư Triết nổi tiếng của Đại Học Vạn Hạnh trước năm 1975 là Phạm Công Thiện đã ví von: “rắn cắn đuôi rắn”.
 
Các Thiền Sư thì lại khác, vốn là bậc đã đạt trí huệ rồi nên nhìn học trò là biết ngay người này còn thiếu cái gì nữa thì sẽ đạt đạo. Từ đó ông giao một công án cho học trò để suy nghĩ. Công án này có thể là một câu hỏi, một câu nói hay một cái liếc mắt, một hành động nào đó thí dụ như rót trà. Dù sao mặc lòng, công án chỉ có tác dụng chuẩn bị tâm thế chứ không phải là cách để đạt trí huệ. Chính căn cơ và duyên phận của người tu học mới quyết định lúc nào thì đạt trí huệ. Điều quan yếu là công án này chỉ có người thầy và học trò biết, còn người ngoài như chúng ta, cùng với các Thiền Sư dỏm, thì không hiểu gì đâu. Mỗi công án sẽ dành riêng cho một học trò chứ không có chuyện các học trò cùng nghiên cứu một công án, cùng trả lời và cùng....tốt nghiệp giống như cái học tri thức ở trường học.
 
Vậy yếu chỉ đạt trí huệ của người xưa là một Chân Sư [19] để nhìn thấy cái thiếu của mình và một công án để tập trung suy nghĩ đến mức cùng lý [20]. Đây là điểm mà chúng ta ngày nay không biết tìm ở đâu. Rất may Đạo Cao Đài đã có sẵn giải pháp nếu chúng ta thật tình muốn dành cuộc đời mình cho cứu cánh giải thoát. Đạo Cao Đài đề ra hai phương pháp để đạt trí huệ.
 
Đối với bậc thượng thừa [21]
Theo Cao Đài có ba cách tu học (pháp môn) được khuyến khích: lập công theo hệ thống chức sắc Cửu Trùng Đài, lập đức theo hệ thống Phước Thiện và Tịnh Luyện ở Vạn Pháp Cung/Trí Huệ Cung. Cách thứ ba chính là cách để đạt được trí huệ mà theo thuật ngữ Cao Đài là “đắc đạo tại thế”. Nghĩa là, tịnh luyện thành công ta sẽ đạt được trí huệ ngay trong lúc còn sống, còn hai pháp môn kia chỉ biết được kết quả khi ta về cõi thiêng liêng hằng sống, tức là sau khi chết.
Nói về tịnh luyện hay con đường thứ ba đại đạo, chúng tôi đã tham khảo một số tín đồ Cao Đài và phát hiện có nhiều ý kiến trái nghịch nhau. 
 
Thứ nhất, một số ý kiến gọi đây là Thiền Cao Đài. Những người nghiên cứu kỹ kinh sách Đạo Phật và Đạo Cao Đài thì không đồng ý. Họ cho rằng, thật sự ra, Thiền và Bí Pháp Tịnh Luyện là hai pháp môn khác nhau từ cách bắt đầu cho đến kết quả.[22] Cách gọi này giống như việc một số tác giả thấy Đạo Cao Đài có thờ Đức Phật Thích Ca liền gán cho cái tên Đạo Phật Cải Cách! Bây giờ thậm chí có nhiều danh hiệu còn hãi hùng hơn nữa như Tịnh Độ Cao Đài, Dòng Thiền Phổ Độ, Dòng Thiền Chơn Pháp... Cũng may, Hội Thánh Cao Đài chưa hề công nhận một cái tên nào như thế.
 
Thứ hai, phần lớn tín đồ Cao Đài nhìn pháp môn tịnh luyện với ánh mắt nghi ngại. Một số nói thật với chúng tôi là sợ bị điên và họ kể lại một lô một lốc người sau khi luyện đều đã bị điên. Những tín đồ lớn tuổi thì cẩn thận hơn! Họ nói muốn kết luận như thế thì phải có một thí nghiệm y tế trung thực, cho thấy một người bình thường sau khi luyện một thời gian sẽ bị bệnh tâm thần. Họ bảo rằng có rất nhiều người thực hành Thiền hay Yoga trên khắp thế giới hiện nay, cũng khá giống như Tịnh Luyện, nhưng cũng đâu nghe nói có ai bị điên gì. Hơn nữa, khi Hội Thánh tổ chức tịnh luyện, thì sẽ có các bác sĩ tham gia để chăm sóc sức khoẻ cho người tịnh luyện. 
 
Thứ ba, một số tín đồ cả quyết rằng trong thời kỳ ba này, tín đồ Cao Đài được miễn tịnh luyện, chỉ cần làm công quả thôi là đủ rồi.  Điều này đã khiến chúng tôi đọc lại hết Thánh Ngôn và kinh sách của Cao Đài, và thú thật chúng tôi không thấy có chỗ nào nói cho miễn tịnh luyện. Chỉ thấy trong Tân Luật Cao Đài ghi Điều thứ 13: “Trong hàng Hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ 10 ngày sắp lên được thọ truyền Bửu pháp, vào Tịnh Thất có người chỉ luyện đạo”. Luyện đạo hay tịnh luyện trong Tịnh Thất đã ghi trong Tân Luật, vậy thì sao có chuyện miễn được? Nếu cho miễn Tịnh Luyện, thì Đức Hộ Pháp không bỏ công cất Trí Huệ Cung và cũng không nhập tịnh ở đây trong ba tháng làm chi cho mất công. Và như quý đọc giả thấy trong đoạn trích ở trên, Đức Hộ Pháp dạy rằng phải thực hiện chơn pháp (bí pháp) nếu không thì như người có mặc quần mà không mặc áo. Đó là chưa kể người ta đã bỏ qua đoạn thánh ngôn này: “Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật từ ngày bị bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên Đình mỗi phen đánh tản “Thần” không cho hiệp cùng “Tinh, Khí”. Thầy đến đặng hườn nguyên Chơn Thần cho các con đắc Đạo”.[23] Theo ý kiến riêng của chúng tôi, nói rằng pháp môn tịnh luyện là tự nguyện, không bắt buộc thì hợp lý hơn.
 
Thứ tư, nhiều người cho rằng tịnh luyện thuộc hàng cao cấp, chỉ dành riêng cho một số tín đồ đặc biệt được ân sủng, thậm chí gán cho pháp môn này những phép màu huyền bí. Nhưng những tín đồ lớn tuổi lại nói rằng, trong ba pháp môn khuyên dùng nói trên, điều quan trọng là người tu học chọn phương pháp phù hợp với hoàn cảnh, căn cơ, trình độ và sở thích của mình. Cũng như ngoài đời vậy, chọn nghề phù hợp thì dễ đi đến thành công hơn. Thế thôi. Chưa chắc gì thực hành tịnh luyện sẽ dễ đạt kết quả hơn lập công hoặc lập đức và cũng chưa chắc gì vào Tịnh Thất là sẽ thành công đâu.
 
Thứ năm, có người cho rằng Hội Thánh ở Tây Ninh là để phổ độ (truyền giáo), còn các chi phái (?) thì lo phần bí pháp (tịnh luyện). Những tín đồ Cao Đài Tây Ninh thuần thành cho rằng quan điểm này trái với lời giảng của Đức Hộ Pháp: “Một nền Tôn Giáo nào đã xuất hiện tại thế gian này dầu Thể Pháp cao siêu bao nhiêu đi nữa, nếu không có Bí Pháp làm tướng diện căn bản, thì nền Tôn Giáo ấy chỉ là Bàng Môn Tả Đạo [24] mà thôi” [25]. Hơn nữa là quan điểm đó trái với chủ nghĩa dung hợp của Đạo Cao Đài. Không gì khôi hài hơn mình dạy người ta phải “qui nguyên hiệp nhất” trong khi bản thân mình thì hãnh diện vì có nhiều chi phái!
 
Tuy vậy, nếu xét tình hình thực tế hiện nay (năm 2020), ai muốn thực hành pháp môn tịnh luyện của Cao Đài sẽ gặp một số trở ngại như sau.
 
Trước hết, vẫn chưa có luật đầy đủ về Tịnh Thất và tịnh luyện. Trong Tân Luật Pháp Chánh Truyền còn rất sơ lược. Sau này Hội Thánh cần phải xây dựng một bộ luật đầy đủ từ tổ chức, quy chế, đến quy mô của tịnh thất cho khoảng thời gian kéo dài đến thất ức niên (700,000 năm).
 
Kế đó là chưa có cơ sở vật chất đầy đủ. Theo lời Đức Hộ Pháp, có hai tịnh thất là Trí Huệ Cung (nữ phái) [26] và Vạn Pháp Cung (nam phái). Hiện nay Trí Huệ Cung đã xây dựng hoàn thành, còn Vạn Pháp Cung vẫn còn trong dự tính.[27] Có lẽ vài trăm năm nữa thì hai tịnh thất này mới có thể thực sự đảm nhận vai trò của mình.
 
Cuối cùng, vẫn chưa có tài liệu chính thức hướng dẫn rõ ràng. Cách tịnh luyện phần lớn được đề cập rải rác trong hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và một số tác giả, nhưng cách dùng chữ cổ xưa đầy điển cố bí hiểm rất khó cho việc truyền đạt. Hiện nay, quyển Bí Pháp Luyện Đạo [28] của Bát Nương Diêu Trì Cung là đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu nhất. Nhưng sách còn phải chờ Hội Thánh kiểm duyệt và cho phép xuất bản. Quý đọc giả muốn tham khảo xin đọc trên internet theo link trong phần chú thích cuối trang hoặc nghe trên YouTube. Thiển nghĩ, khi có Hàn Lâm Viện Cao Đài (Thập Nhị Bảo Quân) đầy đủ, thì viện sẽ nghiên cứu tất cả các tài liệu về tịnh luyện để có một phương pháp khoa học cho pháp môn này. 
 
Đối với bậc tối thượng thừa
Một số bạn đạo chúng tôi thắc mắc rằng họ không có điều kiện để lập công theo Cửu Trùng Đài và cũng không thể tham gia lập đức theo Phước Thiện nhưng lại thấy thích hợp với tịnh luyện. Nếu nói như trên là phải chờ Hội Thánh vài trăm năm nữa thì đâu có được. Vậy thì chúng tôi đề nghị quý bạn đó hai cách. 
 
Thứ nhất, chắc mọi người đều nghe chuyện ngài Huệ Năng. Ông nhà nghèo không có tiền đi học, phải đi đốn củi bán lấy tiền nuôi mẹ già. Một hôm khi đi ngang qua chùa nghe người ta tụng kinh Kim Cương (Cang) thì tự nhiên phát trí huệ. Ông tìm đến Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn xin theo học và về sau được truyền y bát làm Tổ Sư Thiền Tông Trung Hoa đời thứ sáu. Câu truyện cho thấy đối với bậc tối thượng thừa, nếu đầy đủ cơ duyên thì chỉ nghe một đoạn kinh thôi đã đạt trí huệ ngay. 
 
Trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn có dạy rằng muốn trọn hai chữ phổ độ, phải bày bửu pháp chớ không đặng dấu nữa. [29] Bửu pháp (bí pháp) đây là cách đạt được trí huệ đó vậy. Và bửu pháp đã được thể hiện qua mọi thể pháp (hình thức) của Cao Đài như hình thể Đền Thánh, các biểu tượng, các nghi lễ, kinh sách v.v... Nếu bạn là bậc tối thượng thừa, thì nghiên cứu thể pháp Cao Đài cũng giúp bạn đạt trí huệ đó. Cứ thử xem sao!
 
Thứ hai, Bát Nương Diêu Trì Cung có dạy rằng, nếu bạn là chơn linh cao trọng thì có thể nghiên cứu sách Bí Pháp Luyện Đạo và thực hiện phần tịnh luyện tại nhà. Nếu đủ căn cơ, bạn cũng có thể đạt trí huệ vậy (đạt trí Bát Nhã, đắc đạo, đắc pháp, thành đạo v.v...)
 
Giải thoát
Nói tóm lại, từ thể pháp chiếc xe tang mang tên “thuyền Bát Nhã”, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu bí pháp “đoạt được trí huệ”. Bây giờ vấn đề của mỗi người trong chúng ta là có thực sự muốn thực hiện bí pháp này hay không mà thôi. Việc đó Đức Chí Tôn Thượng Đế đã giao cho chúng ta quyền tự quyết định. 
Để thêm phần mạnh dạn trong quyết định quan trọng nhất đời này, xin dẫn lại lời của Đức Hộ Pháp:
Chúng ta đạt pháp (đạt đạo) do chúng ta có ba thể tương liên [30]. Đừng tưởng (nghĩ rằng) chúng ta không đạt được. Chúng ta hễ đi được thì đi hoài, đâu cũng có đường hết thảy. Song muốn đạt được pháp thì phải luyện. Ban sơ mới khai Ðạo chúng ta phải thi hành thể pháp. Nếu sau nầy không đạt được chơn pháp thì cũng như con người có quần mà không có áo vậy”.[31]
 
Vậy chúng ta cứ lên đường, đừng sợ là không đạt được dù biết rằng chuyện đó sẽ vô cùng khó khăn. Một khi có được trí Bát Nhã rồi (tức là thành Phật), thì chúng ta sẽ nhìn thấu vận mạng của mình và từ đó quyết định sẽ làm gì trong phần còn lại của đời mình cũng như trong những kiếp sau nữa. Và tự quyết định được số phận mình phải chăng là đã giải thoát khỏi vòng kềm toả của sinh tử luân hồi, là điều mà ngay từ ngày đầu học đạo ai cũng muốn đạt được ?
* Từ Chơn 
Sài gòn October 4th 2020
Địa chỉ liên lạc
Chú thích :
[1] - Ôm một cái bình lớn đi xin thức ăn giống như Đức Phật ngày xưa.
[2] - Trích trong Thiền Luận. Daisetsu Teitaro Suzuki, 1927.
[3] - Xác nhận anh trả lời đúng hay nói khác đi, anh đã đạt đến mức trí huệ (Bát Nhã).
[4] - Biển khổ, ám chỉ trần gian.
[5] - Hay Quán Thế Âm Bồ Tát, một danh hiệu nữa của Quán Tự Tại Bồ Tát.
[6] - Theo Đạo Cao Đài đây là vị Phật chủ trì Hội Long Hoa trong lần cứu nhân loại lần thứ ba.
[7] - Giòng sông theo truyền thuyết đã ngăn cách hai người yêu nhau Ngưu Lang và Chức Nữ.
[8] - Đạo Cao Đài phân biệt độ sanh là dạy đạo cho người sống và độ tử là dạy đạo cho người đã chết.
[9] - Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Bài 7 ngày 31/10/1948. Ban Tốc Ký TTTN.
[10] - Thể pháp và bí pháp là từ ngữ đa nghĩa của Cao Đài. Ở đây chúng tôi dùng theo nghĩa hình thức và nội dung. Xin quý đọc giả cẩn thận khi dùng hai từ này. Có thể đọc thêm chi tiết ở đây https://www.daotam.info/booksv/thephapvabiphap/thephapvabiphap.htm
[11] - Bài 15 quyển 1 Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp (1/2 Đinh Hợi, 1947).
[12] - Bình đựng thức ăn đi xin của tu sĩ Phật Giáo.
[13] - Còn gọi là truyền tâm ấn, tức là dùng tư tưởng để dạy cho học trò.
[14] - (Thích Ca) niêm hoa, (Ca Diếp) vi tiếu - Phật Thích Ca nâng cành hoa lên, Ông Ca Diếp mỉm cười.
[15] - Thánh ngôn 5/6/1926 và thánh ngôn 21/8/1926. TNHT quyển 1
[16] - Ông thầy chùa nhỏ người Miên ở núi Điện Bà, Tây Ninh.
[17] - Đức Hộ Pháp nói rằng quả địa cầu 68 của chúng ta đang từ thời hạ ngươn tam chuyển tiến lên thượng ngươn tứ chuyển, là thời đại của những con người đạo đức.
[18] - Bài 35 Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. 27/4/1949 Ban tốc ký TTTN.
[19] - Người thầy thực sự, nghĩa là người đã đạt trí huệ (đắc đạo).
[20] - Không thể dùng lý lẽ để giải quyết.
[21] - Ăn chay trường, giới sát và tuân theo Tứ Đại Điều Quy. (Tân luật PCT Cao Đài). 
[22] - Quý đọc giả có thể đọc thêm thông tin ở đây. Cám ơn.
[23] - Đàn cơ ngày 25th Feb 1926 - TNHT quyển 1.
[24] - Tôn giáo dạy người những điều sai lầm. Bàng = tả - là sai trái, không đúng. Môn = đạo - là tôn giáo hay môn phái. 
[25] - Bài 2 Bí Pháp - Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ban Tốc Ký TTTN.
[26] - Có người nói là Trí Giác Cung nữa, nhưng không thấy Đức Hộ Pháp nhắc tới chỗ này.
[27] - Bây giờ ở chân núi Bà Đen cũng có một cơ sở xưng là Vạn Pháp Cung, nhưng không nghe thấy là có thuộc quyền Hội Thánh hay không. 
[28] - Do Từ Huệ (Hiền Tài Nguyễn Văn Mới, Tốc Ký Viên TTTN) chấp bút. Xin đọc ở link này.
[29] - Thánh ngôn ngày 8/4/1926. TNHT quyển 1.
[30] -  Phối hợp Tinh, Khí, Thần.

[31] - Bài 15 quyển 1 Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp (1/2 Đinh Hợi, 1947).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét