CON ĐƯỜNG THUẬN ĐẠO * BS / Lê Thị Ngọc Vân

T
ừ ngày mở ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, ĐỨC CHÍ TÔN và ĐỨC LÝ THÁI BẠCH KIÊM GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ đã chọn đất Tây Ninh là nơi Tổ Đình của Đạo. Vùng đất được khai phá mở rộng đem đến sự an cư cho dân chúng quanh vùng thường được gọi bằng danh từ "Thánh Địa Cao Đài", bằng tất cả niềm yêu quý trân trọngVới cách xếp đặt các nơi tu luyện mà Đức Hộ Pháp đã dụng công bố trí để đưa nhơn sanh về Đạo, Đức Ngài giảng dạy để nhơn sanh hiểu về cảnh trí theo con đường thuận về Đạo, tiện muội xin mạn phép gọi là "Con đường thuận Đạo". Dù ở cách giải thích thế nào, đúng, sai tiện muội không dám lạm bàn vì chỉ là kẻ hậu bối, còn đang tìm về học Đạo mà Đạo Pháp Vô Biên. Tiện muội chỉ được nghe qua lời kể chuyện dí dỏm của ba muội lúc còn sinh tiền (ngày xưa ba của muội là sĩ quan Quân đội Cao Đài từng có thời gian kề cận học hỏi bên Đức Ngài). Và sau này muội cũng được nghe Hiền Huynh Hiền Tài Quang kể theo cách một nhà truyền giáo, nhà văn. Qua 2 người kể chuyện mà tiện muội được nghe đều cùng một ý nghĩa giống nhau. Tiện muội xin kể lại ra đây với một tấm lòng mong muốn cùng Quý Hiền tham khảo thêm để chúng ta hiểu rõ hơn dụng công của Đức Hộ Pháp khi lập nên những công trình tạo tác giúp nhơn sanh biết được đường đi trở về cội nguồn, thật là một công trình không một tôn giáo từ trước đây có được, "ĐẠO PHÁP VÔ BIÊN"
" Bát phẩm chơn hồn tạo thế giái hóa chúng sanh, vạn vật hữu hình tùng thử Đạo"
Theo ý nghĩa của quyền năng Đức Phật Mẫu tạo ra chúng sanh và tất cả đều tùng theo Đạo pháp.
" Đạo là nguồn cội của muôn loài và cũng là phương pháp để làm cho muôn loài được trở về nguồn cội". ( Lão Tử).
 
Với ý nghĩa trở về Đạo, Đức Hộ Pháp đã dụng công bố trí một con đường thực tế hữu hình qua đó nhơn sanh đi theo để tránh sự lầm lạc, để về với nguồn cội. Hôm nay chúng ta thử đi theo Đức Ngài Hộ Pháp trên con đường thực tế của cảnh trí mà Đức Ngài dựng nên ở "vùng Thánh địa".
 
Khi con người từ thuở lọt lòng thì cứ vậy mà lăn lóc giữa cảnh đời, cho đến khi muốn tìm về Đạo không phải tự một phát mà trở về được, theo đúng luật nhân quả công bình con người sẽ tấn hóa theo hành tàng của mình trên thế gian.
 
Con người sẽ bắt đầu đi từ chợ đời mà tượng trưng là chợ " Trường Lưu". "Giữa chợ đời muôn vạn nẻo, thương nhau vì lời nói mến nhau qua nụ cười", con người phải đem tình thương yêu trải đều khắp chúng sanh, đưa vào cuộc sống để đối đãi với nhau. Nếu "lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn" sao bỏ được chợ đời! Dứt khoát được tiền tài danh lợi, con người đi ra khỏi chợ Trường Lưu, đến đây một ngã ba, chúng ta sẽ loay hoay chưa chọn được lối đi nào cho thuận Đạo thì sẽ nhờ Thầy chỉ dẫn như lời Đức Hộ Pháp dạy: "Đến ngã ba đường nếu không biết đi thì đứng đó chờ THẦY dẫn đi" Đúng vậy, con đường mà Đức Ngài đặt tên "Thiên Thọ Lộ", là con đường dẫn ta đi tiếp vào con đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
Tiếp tục theo bước thuận Đạo, ta sẽ bước đến Ao Thất Bửu. Ao Thất Bửu là thể pháp tượng trưng Ao Thất Bửu ở cõi Hư Linh có 8 công đức thủy gồm có:
1 / Trừng tịnh: là lắng sạch
2 / Thanh lãnh: trong mát
3 / Cam Mỹ: ngọt ngon
4 / Khinh nhuyễn: nhẹ diệu
5 / Nhuận trạch: nhuận trơn.
6 / An Hòa
7 / Uống vào không đói khát
8/ Uống vào bổ khỏe xác thân.
 
Trước khi khánh thành Đức Hộ Pháp đã khử trược và trấn thần Ao Thất Bửu để giúp nhơn sanh giữ tâm trong sáng, đoạn bụi hồng trần để bước qua Đoạn trần kiều vào Trí Huệ Cung
" Ao Thất Bửu gội mình sạch tục"
Chợ Trường Lưu

Đoạn trần kiều là cây cầu nhỏ bắc qua con suối, theo lời Đức Hộ Pháp giảng dạy thì con suối này có đầu nguồn từ sông Hằng của Ấn độ, nơi sông này Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tắm gội sau khi đắc đạo dưới cội bồ đề.
 
Trí Huệ Cung-Thiên hỷ động. Trước cổng Trí Huệ Cung ta đọc được 2 câu liễn:
"Trí định thiên lương qui nhứt bổn
Huệ thông Đạo pháp độ quần sanh"
 
Trí Huệ Cung là cửa vào con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, lời của Đức Hộ Pháp giảng khi khánh thành Trí Huệ Cung vào ngày 17 tháng 8 năm Tân mão (1951).
"Bần đạo cả tiếng kêu con cái Đức CHÍ TÔN nhứt là cửu nhị ức nguyên nhân,tỉnh mộng lại, ngó nơi Trí Huệ Cung, phải vào cửa ấy mới đoạt đặng mà thôi, đoạt cơ giải thoát đặng mới nhập vào cửa Thiêng Liêng Hằng Sống mà Đức CHÍ TÔN đã tạo dựng riêng biệt dành để cho mọi người...."
 
Đêm 25 tháng 12 Canh Dần (dl 01-02-1951), Ngài Bát Nương Diêu Trì Cung đã nhắn gởi bài thi mừng cho Đức Hộ Pháp đã hoàn thành Trí Huệ Cung:
" Mở rộng đường mây rước khách trần
Bao nhiêu tình gởi nhắn nguyên nhân
Biển mê cầu Ngọc liên phàm tục
Cõi thọ sông Ngân tiếp đảnh thần.
Chuyển nỗi Càn khôn xây võ trụ
Nhẹ nâng nhựt nguyệt chiếu đài vân
Cầm gươm huệ chặt tiêu oan trái
Điều độ quần sanh diệt quả nhân."
 
Vào trong Trí Huệ Cung ,con người định thần, dứt bỏ oan trái được rồi, lập tam công (công phu, công quả, công trình) hành tứ lượng (từ, bi, hỉ xả), người tu nhìn qua một khoảng sân rộng trước Phạm môn, mà Đức Hộ Pháp gọi là "sân bay".
 
Sân bay mà không có máy bay đáp xuống. Đó là ta đã đuổi được "tham sân si" trong tâm để còn lại một không không trong tâm như khoảng đất trống vậy. Đoạn lìa tam độc để bước vào Trí Giác Cung, trên đoạn đường này Đức Hộ Pháp đặt tên là "lộ Trung Hòa".
 
Trên hai bên cổng Trí Giác Cung có 2 câu liễn:
" Trí linh quán thế thiên cơ đạt
Giác huệ siêu phàm Đạo pháp thông".
 
Trí Giác Cung-Địa linh động là nơi để người tu khi đã thông huệ đạo pháp tiếp tục tu dưỡng hành trì luyện thần dưỡng khí, thoát khỏi vòng tục lụy để đạt giác ngộ, bước qua Giải Khổ kiều để đến Vạn Pháp Cung.
" Cung Trí Giác định tinh thần
Hườn hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên".
Chúng ta vẫn cùng Đức Hộ Pháp tiếp tục trên Thiên Thọ Lộ, bước qua Giải Khổ kiều để đi đến Vạn Pháp Cung-Nhơn Hòa động.
 
Nơi đây hiện vẫn chưa hoàn thành theo bản vẽ của Đức Hộ Pháp. Từ ngày Đức Ngài lưu vong ở Nam Vang đến ngày Đức Ngài qui Tiên vị thì hiện nay bản vẽ Vạn Pháp Cung-Nhơn Hòa động đã thất lạc. Tất cả do Thiên ý.
 
Người tu về Vạn Pháp Cung là con đường tu chơn giải thoát. Đã vào đây thì bỏ lại tất cả áo mão phẩm tước của Đạo dù đi theo Cửu Thiên Khai Hóa hay Thập Nhị đẳng cấp Thiêng Liêng cũng vậy. Đến đây chỉ còn tu luyện chơn thần để Thiên Địa Nhân hiệp nhứt, đắc đạo giải thoát.
 
Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt.
Khi đắc pháp tại thế rồi, người tu theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, không an phận với cảnh Cực Lạc mà phải quay về Động đình Hồ trước cửa Tòa Thánh để bình hòa âm dương, dụng công Đạo Pháp tiếp tục hành Đạo, cứu thế gọi là "Thế Thiên hành Đạo" để bước vào Đền Thánh chính là Bạch Ngọc Kinh tại thế.
 
Trên đây là chuyện con đường thuận Đạo mà tiện muội đã được nghe, một đường đi tìm về nguồn cội là Bạch Ngọc Kinh mà người tín đồ Cao Đài thuận đi để trở về.
"Đạo là cái vô thủy vô chung, cũng như một con sông có cội nguồn mà vạn vật đều phải nhờ đến". (Lão Tử).
 
Để kết chuyện,tiện muội xin gởi đến Quý Hiền mấy câu thơ nhỏ.
" Đại Đạo kỳ ba đã phổ truyền,
Rộng đường Chơn Pháp bước hữu duyên.
Thuận đạo đường sanh Thiêng Liêng vị

Bạch Ngọc chờ con diệt khổ trần"

* BS / Lê Th Ngc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét