MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ CÁC BIỂU TƯỢNG Ở CỬA ĐỀN THÁNH * TỪ CHƠN

1 . Vào cửa Đạo Cao Đài – một động tác không đơn giản.
2 . Các biểu tượng và ý nghĩa triết học.
3 . Kết luận.
1 . Vào cửa đạo Cao Đài - một động tác không đơn giản.
Như chúng ta đã biết qua lịch sử, trong đời sống bộ tộc ngày xưa, mọi người đều phải nghe theo thầy mo, thầy cúng, không được cãi lại. Ngay trong thời Trung Cổ, ở châu Âu ai không tuân theo Hội Thánh cũng có thể bị kết án là dị giáo, thậm chí là phù thủy, và có thể bị giết chết.Trong thời đại văn minh ngày nay, việc gia nhập tôn giáo là một quyền tự do. Trong hầu hết mọi xã hội, không còn việc bắt buộc phải chọn một Đạo Sư hay một tín ngưỡng nào. Người ta có thể đến với một đoàn thể tôn giáo nào đó, rồi cũng có thể rời khỏi tôn giáo đó để gia nhập một tôn giáo khác nếu thấy không vừa ý.
 
Lẽ    nhiên, mọi người  đến với tôn giáo vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể vì cả gia đình tôi đều vào đạo, nên tôi cũng vào cho tiện; có thể vì tôi yêu thích triết lý giải thoát; hoặc có thể vì tôi muốn có cơ hội để giúp đỡ kẻ bần hàn…Tuy nhiên cũng có những người đến với tôn giáo vì những nguyên nhân khác quan trọng hơn. Những người này nhận ra đời sống là một vòng lẩn quẩn vô vọng và họ không tìm ra được cách nào để thoát khỏi chốn cuồng phong bão táp ấy. Họ cần một điều duy nhất: đó là GIẢI THOÁT.
Phần lớn các tôn giáo đều có mục đích sau cùng là giải thoát con người khỏi mọi phiền não đau khổ. Và, vượt lên trên tất cả, Cao Đài là một tôn giáo mới, là con thuyền Bát Nhã đưa loài người đến mục tiêu giải thoát.
 
Có lẽ  nên xác định thêm thuyền Bát Nhã là gì? Bát Nhã là phiên âm tiếng Trung Quốc của từ "Prajna". Đây là một từ Ấn Độ cổ có nghĩa là sự suy nghĩ sáng suốt. Người xưa ví cuộc đời như một bể khổ. Muốn vượt qua bể khổ phải suy nghĩ sáng suốt. Vậy thì suy nghĩ sáng suốt ví như chiếc thuyền giúp ta đi qua bờ  bên kia của bể  khổ, qua được bờ bên kia tức là không còn khổ nữa. Cao Đài là con thuyền Bát Nhã nghĩa là "Cao Đài giúp chúng ta có được sự suy nghĩ sáng suốt để vượt qua được biển đời đau khổ"
 
Khi đến với Cao Đài, những mục tiêu như là: vào Đạo Cao Đài để gia đạo được yên vui, làm ăn khấm khá, kiếp sau có cuộc sống tốt đẹp hơn cũng là những mục tiêu quan trọng đối với một số người. Nhưng triết lý Cao Đài nhắm vào mục tiêu sau cùng quan trọng nhất của một kiếp người. Mục tiêu đó là giải thoát. Muốn giải thoát, người học đạo Cao Đài phải nghiên cứu triết lý của Cao Đài, rồi áp dụng trong cuộc sống để đạt mục tiêu giải thoát. Có như vậy thì người học đạo mới không uổng phí một kiếp người.
Vậy triết lý Cao Đài là gì?  Và ta tìm ở đâu?
Trước hết  xin phép được cùng thống nhất với nhau ở đây cụm từ "triết lý Cao Đài".
Triết lý là gì?
Triết = minh triết, sáng suốt. Lý = những suy nghĩ có trật tự, có hệ thống. Triết lý là những suy nghĩ về  cuộc sống, về  bản thân, về  các mối quan hệ trong xã hội được sắp xếp lại có hệ thống. Mục đích của những suy nghĩ này là giúp cho chúng ta sống yên vui trong đời sống ở cõi tạm này, thoát khỏi những thống khổ buồn phiền, và hướng về  một tương lai là "tiến bước trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống". Đó là triết lý.
Còn triết lý Cao Đài là gì?
Chắc chúng ta ai cũng biết, hệ thống triết lý Cao Đài bao gồm Tam Giáo và Ngũ Chi. Nghĩa là tổng hợp triết lý của nhiều tôn giáo. Nhưng chúng ta cẩn thận khi dùng chữ  tổng hợp triết lý. Chúng ta không thể  dồn chung các triết lý tôn giáo lại với nhau rồi gọi đó là tổng hợp.
Thí dụ như chúng ta trích vài câu kinh Phật Giáo, trích vài câu trong Đạo Đức Kinh v. v... ghép chung vào trong một quyển sách nào đó rồi gọi đó là ‘tổng hợp triết lý’.
Thật sự ra, triết lý Cao Đài tàng ẩn trong Thánh Ngôn, ẩn dấu thâm sâu trong các biểu tượng. Và khi chúng ta tìm hiểu thật cẩn thận mới thấy rằng, triết lý Tam Giáo Ngũ Chi đã hòa quyện vào nhau đến mức hoàn hảo, đến mức phát triển một văn hóa mới. Đó là văn hóa Cao Đài. Chúng ta đã biết những thuật ngữ  như là "Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống", "hiệp một với Đức Chí Tôn" hay là "Thánh Thất" chưa từng xuất hiện trong kinh sách nào trước đây.Những thuật ngữ  này tạo ra tính đặc thù trong ngôn ngữ triết lý Cao Đài. Mà đặc thù là tính chất ưu việt giúp cho một hệ thống triết lý mới phát triển xa hơn nữa. Chúng ta,những người tu học Cao Đài có bổn phận gìn giữ ngôn ngữ này không để cho lụi tàn. Hơn thế nữa, phải phát triển ngôn ngữ, văn hóa ấy. Nhưng đây lại là một vấn đề lớn khác, xin được trình bày vào dịp khác.
 
Xin được trở lại vấn đề lúc đầu: đó là người học đạo Cao Đài phải nghiên cứu học hỏi triết lý Cao Đài để  áp dụng vào cuộc sống và đạt được mục tiêu giải thoát. Như vậy, vào cửa đạo Cao Đài không phải là một động tác đơn giản. Người học đạo phải nghiên cứu tỉ  mỉ  công phu để hiểu cho rốt ráo những ẩn dụ sâu xa. Chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen một từ nào đó, rồi khăng khăng cho đó là đúng. Hay chúng ta trích một câu nào đó tách xa ngữ cảnh của nó rồi gọi là hiểu. Những hiểu biết manh mún như thế chỉ đem lại ngộ nhận và xung chướng, gây thêm phiền não mà thôi.
 
Chúng tôi xin đơn cử hai ví dụ như sau về cái hiểu manh mún, hiểu theo nghĩa đen đơn thuần: chúng ta còn nhớ Thánh ngôn như thế này "…Thầy đã nói: Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con. Chúng nó hằng thừa dịp mà cắn xé các con, nhưng Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp chúng nó chẳng hề  thấy đặng là Đạo Đức của các con…"  Nếu hiểu nghĩa đen chữ thiết giáp-áo bằng sắt. Chúng ta có thể hiểu như thế này không: khi mặc áo đạo là không còn sợ  mọi nguy hiểm nữa? Chắc chắn là chúng ta không thể hiểu như thế rồi. Bởi vì Đức Chí Tôn chỉ dùng ngụ ý của từ thiết giáp mà thôi. Còn cụm từ ‘lũ hổ lang’ thì sao? Chúng ta có thể hiểu rằng lũ hổ lang đó chính là những người ngoại đạo vẫn tìm cách để phá đạo không? Không phải như thế, bởi vì nghĩ như thế  là đem lòng phân biệt: có người trong đạo, có người ngoài đạo. Trong khi Đức Chí Tôn dạy chúng ta rằng phải cứu độ vạn linh, thậm chí độ cả người chưa sinh ra đời nữa. Chúng ta còn nhớ trong Di Lạc Chơn Kinh "nhược nhơn đang sanh,nhược nhơn vị  sanh…" nghĩa là cả người đang sống lẫn người chưa sinh ra đời cũng có quyền được cứu độ kia mà. Thực sự, ý chính của đoạn thánh ngôn trên là Đức Chí Tôn khuyên con cái của Ngài ráng giữ vững tinh thần đạo đức đừng ngại khó khăn mà thôi.
 
Xin thêm một ví dụ  nữa. Có một khách nước ngoài thấy hình vẽ các ngôi sao trên quả Càn Khôn bèn hỏi: Có bao nhiêu ngôi sao? Nếu chúng ta trả lời có 3072 ngôi sao, chắc chắn vị khách kia không vừa ý. Bởi vì khoa học ngày nay có những thiết bị  tối tân có thể đếm được nhiều hơn con số ấy gấp vạn lần. Nếu chúng ta bảo thánh ngôn nói như thế  thì chắc một điều là họ không tin. Đến chỗ này chúng ta phải nghiên cứu thêm một ít về  triết học Đông Phương và Tây Phương thì mới giải thích được thỏa đáng cho người khách kia. Cả  người  phương  Tây  lẫn người phương Đông đều biết số vô hạn. Nghĩa là nếu ta cứ dùng số đếm mà đếm mãi thì không bao giờ ta đến chỗ tận cùng. Nhưng quan niệm Tây Phương và Đông Phương khác nhau ở  cách diễn đạt. Người phương Tây diễn đạt sự  vô hạn bằng cách chấm lửng, hoặc dùng ký hiệu toán học "tiến tới vô hạn". Người phương Đông lại hay dùng những con số nhất định để diễn đạt điều chưa biết hay là sự vô hạn. Ví du như; "chín tầng mây", "chín phương Trời, mười phương Phật". Nếu chúng ta đếm theo kiểu phương Tây thì chúng ta sẽ đếm Trời có 9, còn Phật có 10. Vậy nên mới đưa đến chỗ cãi nhau Phật lớn hơn Trời v.v…Như vậy những con số có giới hạn của triết lý phương Đông dùng để chỉ sự vô hạn. 3072 ngôi sao trên quả Càn Khôn là ngụ ý "Tam thiên thế giới, thất thâp nhị địa" tức là ám chỉ sự vô hạn của thế giớivật chất. Và con số này là không thể đếm như mình đếm sao được.
 
Có người cho rằng: muốn được giải thoát phải làm sao thì cứ nói thẳng ra cho dễ hiểu, việc gì phải dài dòng khó hiểu. Chuyện Thần Tiên mơ hồ rối rắm chỉ làm cho người học đạo rối trí không biết tin vào đâu bây giờ! Thôi thì cứ qui định cụ thể: "tụng kinh" mấy lần thì được "quả gì" cho xong. Nhưng khổ thay, giải thoát không phải là một việc dễ dàng! Hiểu được triết lý Cao Đài là một việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi người học đạo phải dồn tất cả trí lực để đột phá.
 
Tại sao người học đạo phải tự  suy nghĩ tìm tòi gian khổ như vậy?
Có ba nguyên nhân như sau:
. Một là, thế giới giải thoát là một thực tại vô ngôn, tức là dùng lời nói hay chữ viết thì không thể miêu tả cho tận tường.
 
Xin nói rõ thêm về thực tại vô ngôn. Thực tại là ngay bây giờ, không phải hôm qua hay năm trước, cũng không phải mai mốt hay năm sau. Vô ngôn không phải là không nói, mà là không thể dùng lời nói để miêu tả. Tôi xin phép tạm mượn một ví dụ như thế này: Lâu lắm rồi tôi không gặp một người bạn cũ. Thế rồi đột nhiên tôi gặp lại người đó. Nỗi mừng vui đột nhiên phát khởi trong lòng. Ngay trong giây phút tức thì đó, (không phải trước khi gặp, cũng không phải sau khi gặp) chỉ có nỗi mừng vui mà thôi, tuyệt nhiên không có phân biệt tôi như thế nào, người đó ra sao.
Không có suy nghĩ gì cả! Một tích tắc sau đó, nỗi vui mừng đã qua, và mình mới thấy là lúc nãy mình đã hết sức mừng vui. Cái giây phút mừng vui ngắn ngủi ấy là thực tại vô ngôn. Trong giây phút đó, không có đã qua, không có sắp tới, cũng không biết là bản thân mình đang mừng vui, bởi vì khi biết mình mừng vui là đã hết mừng vui rồi. Như vậy, trong kiếp sống chúng ta đã có rất nhiều khoảnh khắc thực tại vô ngôn như thế, lúc đó chúng ta hoàn toàn được giải thoát. Chỉ có điều là những khoảnh khắc ấy vô cùng ngắn ngủi. Ngoài những lúc đó ra chỉ toàn là phiền não, lo toan, đau khổ mà thôi. Do đó, chúng tôi xin tạm kết luận một cách thô thiển, nôm na thế này: Nếu cả cuộc đời chúng ta chỉ bao gồm những thực tại vô ngôn như thế thì đó là giải thoát khỏi phiền não rồi vậy.
 
Xin được trở  lại vấn đề: người học đạo phải tự  suy nghĩ tìm tòi gian khổ như vậy là vì ba nguyên nhân. Một là thế giới giải thoát là một thực tại vô ngôn, không thể dùng ngôn ngữ  để  diễn đạt cho được. Cho nên trong Cao Đài,ngoài lời nói ra Đức Chí Tôn còn dùng các biểu tượng và các hình thức khác để dạy đạo. Biểu tượng ngắn gọn, có thể dùng một hình tượng thôi đã gói ghém cả một câu truyện. Nếu hiểu được câu truyện, hy vọng người học đạo lần hồi phăng ra đầu mối của triết lý vi diệu kia mà tìm đường giải thoát. Như vậy người học đạo phải tìm tòi nhiều nơi nhiều chỗ. Và nên nhớ rằng ngôn ngữ không phải là thực tại vô ngôn!
 
. Hai là, giải thoát là một động tác phát khởi từ  bên trong của người học đạo. Không một ai đem đến sự giải thoát cho người khác được. Ngay cả Đại Từ Phụ, tức là Đức Chí Tôn Thượng Đế, vì quá thương yêu chúng sanh,muốn cứu chúng sanh cũng chỉ có thể chỉ đường thôi. Chúng sanh phải tự lên đường tìm kiếm. Thêm nữa, người học đạo phải có ý muốn giải thoát, và phải tự mình suy nghĩ xem có thật sự là mình muốn giải thoát hay không. Vì có những người sống không lo toan, tính toán gì cả. Họ đâu cần giải thoát nữa!
 
. Ba là, chính động tác suy nghĩ tìm tòi là sự vận động của ý thức. Ý thức tức là KHÍ, tức là tinh thần hay sự suy nghĩ của con người. Khi người học đạo suy nghĩ về triết lý Cao Đài là đã luyện KHÍ hóa THẦN mà không hề hay biết.Xin ví dụ: nếu Đức Chí Tôn  dạy rằng: "Muốn đắc pháp, các con phải suy nghĩ về  cuộc sống, về  bản thân con, về người  khác" có lẽ  chúng ta chưa có ấn tượng lắm đâu.Nhưng Đức Chí Tôn ban cho chúng ta biểu tượng Thiên Nhãn. Đây là biểu tượng gây thắc mắc nhiều nhất. Có lẽ lần đầu tiên trong cuộc đời, ai cũng bị "sốc" khá mạnh khi nhìn Thiên Nhãn. Điều đó khiến cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ: tại sao phải thờ Thiên Nhãn? Tại sao lại là MỘT MẮT mà không phải là HAI MẮT? Chúng ta tiếp tục suy nghĩ tìm tòi để giải thích. Thế là chúng ta đã suy nghĩ tự nguyện mà không hề hay biết.
 
2 . Các biểu tượng và ý nghĩa triết học.
Vào cửa đạo Cao Đài là bước vào đền thánh, bởi vì đền thánh là biểu tượng của Cao Đài. Nhưng bước vào đền thánh với tâm thái thế nào mới đúng nghĩa với một người tu học? Người học đạo không bước vào cửa đền thánh giống như một khách du lịch, mà bằng sự thông hiểu đầy đủ về các biểu tượng.
 
Trước hết là đền thánh. Về mặt vật chất, đó là nơi thờ phượng  Đức Chí Tôn và các Đấng   Thiêng Liêng. Tuy nhiên về mặt triết học, đền thánh mang một ý nghĩa trọng đại: Đền thánh là hình tượng Bạch Ngọc Kinh tại thế. Xin đừng hiểu lầm rằng Bạch Ngọc Kinh trên cõi thiêng liêng hằng sống cũng là một tòa nhà giống hệt như thế. Nếu hiểu như vậy là đã nhìn đền thánh bằng con mắt nhị nguyên, nghĩa là suy nghĩ bằng ý thức so sánh. Người học đạo phải nhìn đền thánh bằng con mắt tâm linh, tức là tư tưởng phi tư tưởng thì mới hiểu Bạch Ngọc Kinh là gì.
 
Nhưng thế nào là "nhìn đền thánh bằng cái nhìn tư tưởng phi tư tưởng" nghĩa là nhìn bằng sự suy nghĩ không suy nghĩ. Muốn hiểu điều này, trước hết phải hiểu suy nghĩ là gì. Khi ta nhìn một cây cảnh, chẳng hạn, ta nhận xét:‘cây cảnh này đẹp’. Vậy là ta đã suy nghĩ rồi đó. Nếu có người nào đó đưa cho chúng ta một vật hết sức lạ. Từ nhỏ đến lớn ta chưa hề nhìn thấy lần nào. Lẽ dĩ nhiên lần này ta không biết trả lời ra sao. Chúng ta không thể nhận xét được là đẹp hay không đẹp. Đó là lúc ta không suy nghĩ. Vậy khi nào chúng ta suy nghĩ không suy nghĩ? Chúng tôi xin khiên cưỡng mượn một ví dụ như thế này: mình đi xa nhà làm ăn đã lâu. Một hôm bỗng nhiên cảm thấy nhớ  nhà, nhớ  quê hương vô cùng. Rồi mình lên xe về quê. Khi về đến nơi,nhìn thấy cảnh xưa, gặp lại người thân, cha mẹ. Ngay lúc đó mình cảm thấy một tình cảm dạt dào, lòng mình như ấm lại, quên hết mọi nhọc mệt đi đường, thậm chí quên cả bản thân mà không hề hay biết. Ngay trong giây phút đó, mình vẫn thấy, vẫn biết, nhưng mình không chê, không khen,không nhận xét. Không có mình, không có người mà chỉ có một tình cảm êm đềm sâu xa mà thôi. Trạng thái đó tạm gọi là trạng thái suy nghĩ không suy nghĩ.
Nếu chúng ta nhìn đền thánh bằng cái nhìn suy nghĩ không suy nghĩ như vậy, thì rất nhiều sự thật hé lộ ra trước mắt chúng ta.
 
Nhìn toàn thể, đền thánh tượng hình một con vật linh thiêng, tức là long mã. Đầu long mã là Hiệp Thiên Đài. Hai sừng là lầu chuông lầu trống. Mắt long mã là Thiên Nhãn. Miệng long mã là lối vào. Thân long mã là Cửu Trùng Đài. Vậy suy ra Bạch Ngọc Kinh  là một sinh thể (tức là một vật sống), mà sinh thể thì chuyển động không ngừng nghỉ. Vì sinh thể này là nơi ngự của Đức Chí Tôn, nên bước vào nơi ngự của Ngài là bước vào một cõi giới chuyển động không ngừng. Mà quả thật như thế  trong vũ trụ  dưới quyền của Đức Chí Tôn không có gì là nằm im, bất động. Các hành tinh thì bay vùn vụt trong không gian, các tế bào trong cơ thể chúng ta sinh ra rồi chết đi hằng ngày. Con người bình thường thì lại muốn mọi thứ ổn định, không thay đổi. Ví dụ như cuộc sống  ổn định, việc làm  ổn định, tiền gởi trong ngân hàng không bị  sụt giảm đi. Rõ ràng nếu mình sống trong sự chuyển động không ngừng nghỉ kia thì thật là khó khăn. Thế nên khi vào Bạch Ngọc Kinh, chỉ có những chơn linh đắc pháp, hoàn toàn giải thoát khỏi mọi trói buộc của suy nghĩ nhị nguyên, mới thích ứng nổi với sự chuyển động vô cùng nhanh chóng và phức tạp kia.
 
Thông thường, người bình thường khi bước vào đền thánh sẽ cảm thấy vô cùng bở  ngỡ, lạ  lùng trước những biểu tượng đầy bí ẩn. Sở dĩ như vậy là vì chưa hiểu được ý nghĩa của những biểu tượng này. Giống như khi ra nước ngoài người ta sẽ cảm thấy lạ lùng trước những phong tục mới lạ khó hiểu của những dân tộc khác. Muốn thích ứng được với phong tục xứ  lạ quê người, ta phải có chuẩn bị trước về  mặt tâm lý. Muốn vào Bạch Ngọc Kinh tại thế chúng ta cũng phải có những chuẩn bị như thế. Những điều cần chuẩn bị Đức Chí Tôn đã nêu sẵn tại cửa đền thánh. Vì vậy cho nên trước khi vào đền thánh người học đạo phải hiểu rõ những lời dạy quí báu này. Cũng vì cần phải hiểu rõ cho nên trong các thời cúng, các chức sắc Hiệp Thiên Đài luôn đi vào đền thánh trước các chức sắc Cửu Trùng Đài. Xin đừng hiểu lầm rằng chức sắc Hiệp Thiên Đài quan trọng hơn nên vào trước. Đây chỉ là ngụ ý, Hiệp Thiên Đài tượng trưng cho KHÍ, tức là ý thức, tức là sự suy nghĩ của con người. Hiệp Thiên Đài vào đền thánh trước nghĩa là ý thức dẫn đường cho thể xác để mở lối vào Bạch Ngọc Kinh. Nói cho dễ hiểu là phải suy nghĩ cho thấu đáo mọi hiện tượng vật chất thì mới thông suốt được tâm linh và vào được Bạch Ngọc Kinh thiêng liêng.
 
Trước khi vào đền thánh, người học đạo nếu đứng xem xét cho cẩn thận sẽ thấy nhiều biểu tượng. Tùy theo trình độ và sự hiểu biết riêng của từng cá nhân mà mỗi người tự suy xét và có những suy nghĩ khác nhau. Nhưng biểu tượng có lẽ  gây  ấn tượng nhất là tượng Ông Thiện, Ông Ác. Biểu tượng này nhắc đến một truyện cổ Ấn Độ. Truyện kể rằng, vua Tỳ Kheo có hai người con là Tỳ Văn (Ông Thiện) và Tỳ Võ (Ông Ác). Tỳ Văn rất hiền lành, trái lại Tỳ Võ rất hung dữ. Khi vua Tỳ kheo muốn truyền ngôi lại cho con để đi tu, ông chọn Tỳ Văn. Vua Tỳ Kheo bèn cử Tỳ Võ đi vỗ an bá tánh và nhân lúc đó ông nhường ngôi cho hoàng tử Tỳ Văn. Tỳ Võ trở về tỏ ý không phục và bảo Tỳ Văn nhường ngôi lại cho mình. Tỳ Văn quá sợ cho nên cầm ngọc  ấn chạy lên chùa nơi vua cha tu niệm, khi đến trước cửa chùa thì té chết. Tỳ Võ đuổi theo anh, đến nơi thấy anh mình đã chết nên vô cùng hối hận. Cuối cùng Tỳ Võ bỏ tất cả, xuống tóc đi tu theo cha.
 
Câu chuyện nêu trên có ngụ ý triết lý rất sâu xa. Trước hết theo nghĩa đen của câu truyện thì Ông Thiện và Ông Ác là hai anh em ruột. Chỉ vì hiểu lầm nhau mà xảy ra chuyện đáng tiếc. Còn nghĩa bóng là THIỆN ÁC vốn dĩ không xung khắc, không trái ngược nhau. Mọi xung khắc tranh chấp ở cõi đời này vốn là do bất đồng quan điểm về cách giải quyết vấn đề mà thôi. Ví dụ như, tôi muốn giúp đỡ mọi người. Nhưng tôi nghèo quá, nên chỉ giúp bằng chính công sức mình. Bạn cũng muốn giúp đỡ  mọi người, nhưng lại cho rằng giúp bằng tiền bạc thì cụ thể hơn. Vậy là bạn tìm cách kiếm tiền trước rồi mới giúp đỡ sau. Mục đích chung của hai chúng ta là giúp đỡ người khác nhưng cách làm lại khác nhau. Nếu không dàn xếp khéo léo thì tôi và bạn có thể quay ra chỉ trích lẫn nhau và đi đến tranh chấp. Nhưng nếu tôi và bạn hiểu rõ chân tướng của vấn đề thì mỗi người cứ tự theo cách của mình, hỗ trợ nhau trong khi làm việc thiện. Được như vậy không những tránh được xung khắc mà còn mau có kết quả nữa.
 
Về mặt triết học, hình tượng Thiện-Ác tượng trưng cho hai thành tố chính trong ý thức, tức suy nghĩ của conngười chúng ta. Đó là: ĐÚNG-SAI, CÓ-KHÔNG, CHẤP NHẬN-CHỐI BỎ, THƯƠNG-GHÉT. Qua thánh ngôn Đức Chí Tôn dạy rằng: "Khi chưa có chi trong càn khôn thế giới thì khí Hư Vô sinh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy  phân  Thái  Cực ra Lưỡng  Nghi.
Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế  giới…"
 
Đây là qui luật của mọi hiện tượng trong vũ trụ bất kể đó là vật chất hay tinh thần. Ví dụ như trong cơ thể con người chúng ta, các tế bào sinh sản theo đúng qui luật trên. Và sự kiện ấy diễn ra từng giây phút một. Còn khi chúng ta suy nghĩ, ý thức cũng diễn biến theo qui luật này với một tốc độ rất nhanh. Thông thường chúng ta chỉ biết được là mình đã suy nghĩ khi mình có nhận xét một điều gì đó là đúng hoặc sai, là thiện hoặc ác, là tốt hoặc xấu…Nghĩa là nếu chú ý quan sát bản thân mình thì chúng ta chỉ có thể thấy được hiện tượng Lưỡng Nghi mà thôi. Ngay sau đó diễn biến trên liền biến ra Tứ Tượng rồi Bát Quái v.v…
 
Tôi xin đơn cử một ví dụ: có một ai đó chỉ trích tôi thậm tệ. Tôi liền suy nghĩ: người đó không TỐT với tôi. Vậy là tôi đã phân biệt tốt và xấu. Đó là hiện tượng Lưỡng Nghi. Ngay sau đó tôi suy nghĩ tiếp: mình phải đối phó với người đó như thế nào? Dĩ nhiên tôi chỉ có thể nghĩ ra một trong bốn cách sau đây (tức là Tứ Tượng):
- Tôi chỉ trích lại người đó thẳng thừng.
Tôi chấp nhận chỉ trích để sửa đổi.
- Tôi thấy rằng những lời chỉ trích này có phần đúng nhưng cũng có phần sai.
- Tôi thấy rằng chỉ trích này chẳng đúng mà cũng chẳng sai, nên làm ngơ cho xong.
 
Thế là ý thức tôi chuyển sang Tứ Tượng. Rồi cứ thế,nếu tôi tiếp tục suy nghĩ nữa sẽ chuyển sang Bát Quái rồi nghìn nghìn vạn vạn ý tưởng khác. Dù cho con người có thể suy nghĩ ra muôn vạn đều phức tạp, thì cũng không thể vượt ra ngoài qui luật trên. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta rất cần hai quan niệm đúng sai này. Khi gặp nước sôi, chúng ta lập tức nảy sinh ra hai ý nghĩ: nước sôi có lợi nếu dùng để  luộc rau, nhưng cũng có hại vì có thể  gây phỏng da đau đớn. Vậy chúng ta đã biết làm gì với nước sôi rồi. Tuy nhiên cũng chính hai ý niệm ĐÚNG SAI này khiến con người tranh chấp ở mọi cấp độ. Tôi muốn tu theo cách này, còn bạn muốn tu theo cách khác. Vậy là hai chúng ta khác nhau, và hậu quả chúng ta đã thấy, nhẹ thì tách ra lập chi phái, nặng thì gây ra những cuộc chiến tôn giáo đẫm máu.
 
Vì thế có quan niệm cho rằng suy nghĩ theo kiểu nhận xét ĐÚNG SAI là không nên. Khi tu hành phải tránh xa, không cho ai là đúng, cũng không cho ai là sai. Nghĩa là KHÔNG KHÔNG. Nói theo Thiền Học là Niệm Vô Niệm tức là suy nghĩ  mà không suy nghĩ. Hay theo như Đức Lão Tử  thì Vô Vi Nhi Vô Bất Vi, tức là không làm nhưng không có điều gì là không làm. Đây là một loại ngôn ngữ phi ngôn ngữ rất khó hiểu đối với người bình thường, thậm chí chúng ta có thể hiểu lầm khi áp dụng vào thực tế. Cho nên có người hiểu thành "ngồi yên không động đậy" hay là "từ bỏ xe nhà, vợ con…" để thực hiện ý niệm không không.
 
Trái lại thế, trong Cao Đài, trước khi bước vào đền thánh, Đức Chí Tôn dạy chúng ta rằng: hai ý niệm THIỆN ÁC, ĐÚNG SAI vốn có cùng một nguồn gốc như hai anh em Ông Thiện Ông Ác vậy. Nói cách khác Lưỡng Nghi cùng do Thái Cực sinh ra.
 
Còn hơn thế nữa, phía trên lối vào có biểu tượng cân công bình. Nghĩa là hai ý niệm Thiện Ác, Đúng Sai ngang bằng nhau, cùng hiện hữu đối đãi, không thể chia lìa được. Giống như Đức Chí Tôn mở đạo thì có Đại Tiên Kim Quang Sứ phá đạo để thử thách lòng tin của các đệ tử. Thế cho nên người học đạo Cao Đài không né tránh hai ý niệm này, mà phải thấy rõ tác dụng của Thiện-Ác, Đúng-Sai. Đối với đời sống thường ngày là cần thiết, nhưng khi gặp xung khắc trở ngại thì phải hiểu đó là hai ý niệm có quan hệ mật thiết như hai anh em ruột.
 
Như vậy, tại lối vào của đền thánh, người tu học Cao Đài đã phải giải quyết vấn đề khó khăn nhất của Thiền Học rồi vậy. Trong Thiền Học, khi giải quyết xong vấn đề nhị nguyên, thiện ác, hành giả đạt được trạng thái người Trung Quốc gọi là Giác Ngộ, người Nhật gọi là Satori. Từ đó về sau hành giả tự hiểu biết mọi vấn đề một cách sáng suốt,nghĩa là giải thoát.
Nhưng trong đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy chúng ta thêm mấy vấn đề rất quan trọng. Khi người học đạo nhận biết rõ Thiện-Ác, Đúng-Sai là cùng một gốc,thì mọi suy nghĩ đều đổi khác. Trong tâm thức người học đạo nhìn thấy mình và một người tội lỗi nào đó là anh em ruột thịt. Dù tôi đúng, bạn sai thì chúng ta cũng là anh em ruột thịt. Như thế mọi tranh chấp tan biến, cõi lòng thảnh thơi, ung dung. Lúc này Thiền Học gọi là ‘Tâm bất động’hay ‘tâm tịnh’. Xin đừng hiểu lầm tâm bất động là không suy nghĩ gì cả. Trong trạng thái tâm bất động này, người tu học vẫn suy nghĩ, biết đúng biết sai, nhưng không phát khởi lòng tranh chấp thù hận.
 
Đến giai đoạn này, nghĩa là bước qua được cửa đền thánh rồi, người học đạo đã tịnh tâm, cũng vừa lúc bước tới Tịnh Tâm Điện. Tại đây có tượng Tam Thánh. Đây cũng là một biểu tượng quan trọng nữa của Cao Đài. Tượng Tam  Thánh (tức là các Ngài Nguyễn  Bỉnh Khiêm, Victor Hugo và Tôn Dật Tiên) đang lập giao ước giữa Trời và Người.Giao ước này gồm hai điều khoản THƯƠNG YÊU và CÔNG BÌNH. Victor Hugo và Tôn Dật Tiên là hai bậc vĩ nhân của loài người tượng trưng cho hai nền văn hóa Đông và Tây. Nguyễn Bỉnh Khiêm tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là sắc dân mà Đức Chí Tôn đã chọn để hợp nhất mọi hệ thống tư tưởng trên thế giới trong lần mở đạo kỳ ba.
 
Điều đáng bàn ở đây là hai từ giao ước. Chúng tôi đề nghị dùng giao ước thay cho hoà ước như trước đây vẫn dùng. Vì hòa ước là để ký kết giữa hai phe phái, hay là hai nước có thế mạnh tương đương để ngưng một cuộc chiến.Trái lại giữa nhân loại và Thượng Đế không có chiến tranh,vậy dùng giao ước đúng hơn. Trở lại với giao ước nói trên, Đức Chí Tôn không hề dùng quyền lực tối cao để bắt buộc loài người phải thương yêu và công bình. Ngài ban cho con người quyền được ký kết, nghĩa là tự  nguyện thực hiện.Ngay trong hành động này đã có hai ý nghĩa quan trọng:
 
Thứ nhất là Đức Chí Tôn vì quá thương yêu loài người nên đã cho phép loài người ngang hàng với Ngài. Chính qua hành động này, Đức Chí Tôn đã thực hiện điều khoản THƯƠNG YÊU và CÔNG BÌNH rồi. Vấn đề còn lại là loài người có tự nguyện thực hiện hai điều nói trên không? Xét cho cùng thì cho đến thiên niên kỷ này, loài người vẫn chưa thực hiện được hai khoản này cho tới nơi tới chốn.
 
Thứ hai là, qua hành động lập giao ước này, Đức Chí Tôn dạy nhân loại rằng hành động thương yêu và công bình không hề có tính cưỡng chế hay bắt buộc. Quả đúng như vậy, mình thương hoặc không thương, thế thôi. Không thể thương vì điều này, thương vì điều kia. Ví dụ thế này, tôi thương bạn tôi vì bạn tôi nghèo, không kiếm tiền được nhiều bằng tôi; vậy là chưa thương thật sự. Chừng nào mình thương, mà không biết tại sao thương, cũng không cần biết tại sao, cũng không biết là mình thương. Thì đó mới là thương yêu thật sự.
 
Vậy tới lúc này đây, khi người học đạo bước qua cửa đền thánh, đồng thời nhận rõ được chân tướng của thiện ác thì tâm sẽ  tịnh. Tâm tịnh thì sẽ  biết thương yêu và công bằng thực sự. Đạt được điều ấy, người học đạo có thể sẵn sàng bước đến các bửu pháp khác mà Đức Chí Tôn để tại đền thánh.
 
3 . Kết luận.
Bây giờ đã hiểu ý nghĩa lời dạy của Đức Chí Tôn để tại đền thánh rồi, người học đạo sẽ thận trọng hơn khi bước vào cửa đền thánh hay là các thánh thất. Bước vào cửa đền thánh hay là các thánh thất chính là bước vào cửa Bạch Ngọc Kinh tại thế. Khi vào đến tượng Ông Thiện, Ông Ác,người tu học phải suy nghĩ xem trong ngày đã gặp bao nhiêu người làm trái ý mình. Có bao nhiêu người làm điều không phải với mình. Mình có đối xử với người đó như là anh em ruột thịt chưa? Nếu mình xem người đó là anh em ruột thịt, thì mình không gắt gỏng, to tiếng với người đó. Mình cũng không chỉ trích người đó nặng nề. Cũng không xem người đó là sai còn mình là đúng. Cũng không còn mình hay là người đó. Chỉ còn lại một tình thương, thương như anh em ruột thịt, thương như anh em Tỳ Võ Tỳ Văn. Nếu mình chưa làm được như vậy thì phải thận trọng lưu ý để lần sau cư xử cho đúng.
 
Khi vào đến tịnh tâm điện thì phải xét xem tâm mình có tịnh hay chưa? Có còn xem mình là người quan trọng không? Có thấy mình luôn luôn đúng mà kẻ khác thì luôn luôn sai không? Có suy nghĩ không suy nghĩ chưa? Mỗi ngày thực hiện bốn thời cúng là những cơ hội để tập tành ý thức bản thân người học đạo. Có khi tịnh tâm được, có khi không tịnh tâm được. Nhưng lâu ngày chày tháng rồi cũng luyện được. Đạt được điều này con đường đi tới những bửu pháp kế tiếp sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, thiết nghĩ hiểu được lời dạy của Đức Chí Tôn thì không nhất thiết vào đền thánh hay thánh thất mới có thể tịnh tâm. Bất cứ lúc nào trong đời sống hằng ngày, mỗi khi người học đạo nhận rõ Thiện Ác, Đúng Sai là anh em ruột là đã tịnh tâm rồi. Mà đã tịnh tâm được tức là đã bước vào Bạch Ngọc Kinh tại thế. Bước vào Bạch Ngọc Kinh sẽ đươc nghe những lời dạy quí báu của Đại Từ Phụ. Đó cũng là điều mà mọi người tu học Cao Đài đều mơ ước.
* TỪ CHƠN
Saigon Oct 4 Th 2013
Resvised Oct 28 Th 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét