Đạo Lão Trong Cao Đài * Từ Chơn

G
iới thiệu
Triết lý Đạo Cao Đài đặt nền tảng trên nguyên tắc Tam Giáo Qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhất, tạm dịch: xem mọi tôn giáo trên hành tinh này là một. Dù vậy nhưng triết lý của ba tôn giáo Phật, Lão, Khổng vẫn đóng góp phần quan trọng hơn là những tôn giáo khác trong triết lý Cao Đài. Lý do có lẽ là đạo mở tại Việt Nam, một quốc gia thuộc Châu Á vốn đã thấm nhuần truyền thống của ba tôn giáo này từ lâu. Trong bài này kính mời quý đọc giả nghiên cứu khái quát về Đạo Lão cùng những ảnh hưởng quan trọng trong Đạo Cao Đài.
* Sơ lược về Đạo Lão
Đạo Lão, còn gọi là Lão Giáo, Tiên Đạo, Tiên Giáo, Đạo Hoàng Lão, Đạo Gia, xuất hiện ở Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ sáu trước Chúa Giáng Sinh, nghĩa là được khoảng 2,500 năm rồi. Đạo có ảnh hưởng đến mọi mặt sinh hoạt của người Trung Hoa như y học, sinh học, chính trị, âm nhạc, võ thuật, triết học v.v...Về sau theo chân người Hoa, đạo Lão truyền sang các quốc gia kế cận, rồi lần lần ra cả thế giới.
* Giáo chủ
Tất cả các tín đồ thuộc nhiều môn phái Lão Giáo ở Trung Quốc đều tôn Lão Tử làm giáo chủ dù bản thân ngài không hề lập ra một tổ chức tôn giáo nào. Cuộc đời của Lão Tử, thậm chí việc ngài có thật trên đời hay không, vẫn còn là vấn đề tranh cãi của các học giả. Riêng chúng ta chỉ biết qua truyền thuyết mà thôi.  Thực sự ra Lão Tử là tên gọi để tỏ lòng tôn kính bởi vì Lão () là “đáng kính” hay “già”, còn Tử () là thầy. Theo dân gian kể lại, ngài tên là Lý Nhĩ (李耳), tên tự [1] là Bá Dương (伯陽), tên thuỵ [2] là Đam, () có nghĩa là "Bí ẩn". Người đời còn gọi ngài bằng nhiều danh xưng khác nữa như Lão Đam, Lão Quân, Lý Lão Quân, Đạo Đức Thiên Tôn, Thái Thượng Lão Quân, Thái Thượng Đạo Tổ, Lão Tử Đạo Quân, Huyền Đô Đại Lão Gia.
 
Người ta kể lại rằng ngài làm quan trông coi thư viện trong triều đình nhà Chu. Sau đó nhận thấy chính sự sắp suy tàn, lòng người điên đảo nên ngài quyết định bỏ đi. Trong lúc cưỡi trâu xanh đi qua nước Tần, đến ải Hàm Cốc thì ngài gặp vị quan giữ ải là Doãn Hỉ. Do được báo mộng từ trước nên khi thấy ngài, viên quan này biết ngay đây là thánh nhân và cầu xin được làm học trò, nhưng ngài không nhận lời. Cuối cùng vì thấy Doãn Hỉ rất thành tâm muốn học đạo, ngài viết quyển Đạo Đức Kinh để lại cho ông ta, dặn cứ theo đó mà tu học, rồi đi vào sa mạc mênh mông. Từ đó về sau không ai gặp lại ngài nữa.
 
* Triết lý
Đạo Lão bao gồm nhiều hệ tư tưởng truyền thống của Trung Hoa, vốn đã có từ đời nhà Chu (1040-256 trước CN) nghĩa là có trước khi Lão Tử ra đời, như là vũ trụ quan về thiên địa, thuyết về chân khí, thuyết âm dương, thuyết ngũ hành, Kinh Dịch, v.v...Thêm vào đó những cách thức tu tập truyền thống Trung Hoa như điều hoà hơi thở, Thái cực quyền, Khí công v.v... cũng được các tín đồ đạo Lão thực hành rộng rãi. Trước khi Lão Tử viết quyển Đạo Đức Kinh thì đạo Lão chưa định hình là một tôn giáo có một triết lý nhất quán. Quyển kinh này cộng thêm quyển Nam Hoa Chân Kinh của Trang Tử [3] (thế kỷ thứ 4 trước CN) đã giúp người nghiên cứu hình thành được hệ tư tưởng của đạo Lão, do đó đôi khi người ta còn gọi là hệ tư tưởng Lão Trang. Các đệ tử đời sau còn viết ra Xung Hư Chân Kinh, Văn Thuỷ Chân Kinh, Huỳnh Đình Kinh,
 
[1] - Ngày xưa, ở bên Tàu, đến 20 tuổi sẽ được đặt tên tự để mọi người gọi thay cho tên thật. Thường người giàu, có học thức mới có tên tự.
[2] - Tên đặt cho người sắp chết dựa vào tính hạnh của người đó.
[3] - Sử gia Tư Mã Thiên viết về Trang Tử khá vắn tắt: "Trang tử, người đất Mông, tên Chu, làm quan lại ở Vườn Sơn (Tất Viên)".
 
nhưng cho đến nay Đạo Đức Kinh vẫn được xem là  kinh văn căn bản của đạo Lão.
Trong bài này, để thu gọn vấn đề lại, chúng tôi không điểm hết 81 chương của quyển Đạo Đức Kinh, mà chỉ xin trích dẫn và bàn đến vài điểm nhấn của hệ tư tưởng Lão Tử như sau:
 
Khái niệm Đạo
Trong chương 1 Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết:
Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh.
Vô danh thiên địa chi thuỷ; hữu danh vạn vật chi mẫu.
 
Tạm dịch: Đạo mà có thể gọi là đạo thì không phải là đạo thực sự. Tên mà có thể đọc lên được thì không phải là tên thực sự. Không tên là gốc của trời đất; có tên là mẹ của mọi vật.
 
Đọc phần dịch xong, có lẽ chúng ta sẽ có ngay ý nghĩ là “khó hiểu quá!”. Đúng vậy, cực kỳ khó hiểu đối với bộ não bình thường của chúng ta! Toàn bộ 81 chương của Đạo Đức Kinh đều viết kiểu na ná như vậy và mấy ngàn năm nay, các học giả thi nhau giải thích đủ các kiểu. Do mỗi người hiểu một cách mà nảy sinh ra rất nhiều trường phái, thí dụ chỉ riêng Đài Loan đã có 86 giáo phái, chưa kể một số lượng áp đảo, không thống kê hết được, ở Hồng Kông và Trung Quốc.
 
Trong bài này chúng tôi đề nghị diễn giải ý của Lão Tử dựa trên thuyết âm dương, vốn cũng là một thuyết căn bản của đạo Lão. Giống như biểu tượng âm và dương luôn sóng đôi, ý tưởng trong Đạo Đức Kinh thường được trình bày theo từng cặp câu đối với nhau, trong đó từng cặp từ ngữ hoặc trái nghĩa nhau, hoặc song hành, hoặc bổ sung cho nhau. Ví dụ như Đạo với Danh; Vô danh với Hữu danh v.v...Do đó, ý nghĩa sau cùng phải là tổng hợp của từng cặp đối, chứ không thể tách rời ra rồi phân tích để hiểu riêng từng câu. Vậy ý nghĩa đoạn văn trên diễn giải cho dễ hiểu như sau:
Tất cả mọi thứ trong vũ trụ này đều bắt nguồn từ một trạng thái không biết gọi là gì. Lúc đó chưa có lời nói hoặc chữ viết. Bây giờ vũ trụ đã hình thành, nhưng từ ngữ hiện nay cũng không thể diễn giải được, nên tạm gọi trạng thái đó là Đạo.
 
Vậy chữ đạo ( tiếng Hoa) thông thường có nhiều nghĩa: một là đường đi, hai là cách làm, ba là một tôn giáo, bốn là những nguyên tắc đạo đức, v.v... Sau khi Đạo Đức Kinh ra đời chữ đạo có thêm một nghĩa nữa: đó là “để-tạm-gọi-nguồn-gốc-của-vũ-trụ”. Đọc giả nào chưa quen cách dùng từ đa nghĩa của tiếng Hoa sẽ dễ bị rối loạn bởi cách dùng từ như vậy. Muốn biết từ dùng theo nghĩa nào thì phải dựa vào đoạn văn, thí dụ như đang nói về đi lại, du lịch thì đạo là đường đi, nói về tín đồ thì đạo là tôn giáo, nói về Đạo Đức Kinh thì đạo là nguồn gốc của vũ trụ, v.v...
 
Trở lại với vấn đề, vậy theo Lão Tử, có hai điểm quan trọng trong vũ trụ quan của ngài. Thứ nhất, tất cả vũ trụ này sinh ra từ chỗ không có tên gọi. Thứ hai, lời nói của con người không thể diễn tả chỗ đó. Vậy giờ riêng ngài tạm gọi đó là Đạo ( Tao). Thông qua đó chúng ta cũng thấy ngài chỉ ra hai thế giới cực kỳ khác biệt, một của sự thật và một của danh tự hay lời nói. Những câu chữ khó hiểu của ngài là nơi giao nhau của hai thế giới đó, là chỗ cho người tu học đi vào chân lý.
 
Thuyết âm dương
 
Trong chương 42, Lão Tử viết :
Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa.
 
Tạm dịch: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Bất cứ vật gì cũng đều cõng Âm và ôm Dương. Hai lực này đối với nhau nhưng khuynh hướng là sẽ tiến tới chỗ dung hòa.
 
Từ hai câu này, chúng ta lại thấy Lão Tử nhắc lại định nghĩa về Đạo mà ngài đã viết ở chương 1 : Đạo là nguồn gốc của mọi thứ, cả vật chất lẫn sinh vật mà ta biết. Và ở câu thứ hai là nói về thuyết âm dương. Thật sự ra, thuyết âm dương đã được truyền trong dân gian Trung Hoa từ thời vua Phục Hy (2852-2738 trước Chúa Giáng Sinh) qua Kinh Dịch. Bây giờ Lão Tử nói rõ thêm là âm dương có trong tất cả mọi vật và luôn luôn sóng đôi chứ không tách riêng rẽ. Hơn nữa ngài khẳng định thêm mối quan hệ giữa âm và dương rất đặc biệt: vừa đối nghịch lại vừa hài hoà nhau.
 
Hiện nay theo các nhà nghiên cứu thì không phải chỉ có văn hoá Trung Hoa mới bàn tới thuyết âm dương. Các nền văn hoá khác như ở phương Tây cũng đã bàn tới một điều tương tự gọi là nhị nguyên luận, thuyết này hiện được áp dụng trong rất nhiều lãnh vực như triết học, tâm linh, chính trị, luân lý, luật pháp v.v...
 
Đạo Cao Đài cũng có rất nhiều biểu tượng biểu đạt thuyết âm dương, như Đại Từ Phụ và Phật Mẫu, Lầu Chuông và Lầu Trống, Tam Thập Lục Thiên và Tam Thập Lục Động, Đức Chí Tôn và Kim Quang Sứ, các câu đối ở những nơi quan trọng v.v...Tuy nhiên mối quan hệ giữa âm và dương thì rất phong phú chứ không chỉ có “vừa đối kháng vừa hài hoà”. Mối quan hệ đó có thể là bất cứ loại gì có ở thế gian này. Một ví dụ thú vị là tượng Ông Thiện (Tỳ Văn) và Ông Ác (Tỳ Võ) ở trước cửa Đền Thánh. Câu chuyện kể lại hai vị này là anh em ruột, con của một vị vua ở Ấn Độ. Dĩ nhiên, chuyện không giải quyết được của họ là ai sẽ kế vị vua cha. Xung khắc lên đỉnh điểm khi vị vua già muốn giao ngai vàng lại cho người hiền lành hơn là Ông Thiện. Ông Ác thì cho rằng làm vua mà hiền quá thì chỉ làm cho xã hội rối loạn thôi, nên ông đi tìm anh để thương lượng. Ông Thiện không muốn xung đột với em nên bỏ chạy lên chùa, nơi vị vua cha đang quy y. Không may ông trượt chân ngã xuống vực qua đời. Ông Ác đuổi đến nơi, nhìn thấy nên vô cùng hối hận. Cuối cùng ông cũng bỏ cả ngai vàng, vào chùa xuống tóc theo cha. Như vậy thì Ác cũng có lý do hợp lý của Ác, và Thiện Ác không đối đầu nhau khắc nghiệt đến mức loại bỏ nhau. Chúng ta vẫn thường nghĩ theo lối đó, nghĩa là tội nhân thì phải bị trừng phạt, thậm chí giết chết. Câu truyện Thiện Ác trên lại dẫn chúng ta đi vào một hướng đầy nhân văn. Kẻ làm ác kia chính là em ruột của mình đó, dẫu khác biệt quan điểm nhưng cũng đậm tình người và lương tâm cũng thuần khiết như mình. Đây chính là biểu tượng Âm Dương của Cao Đài trong lần mở đạo kỳ ba, ẩn dụ hãy dùng tình người để giải quyết các xung khắc.
 
Khái niệm vô vi
Trong chương 37 Lão Tử viết :
Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.
Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa.
 
Tạm dịch: Đạo không làm gì nhưng không có gì mà không làm. Bậc vương hầu nếu làm được như vậy thì mọi vật sẽ tự phát triển.
 
Đây là một khái niệm rất thú vị mà hơn hai ngàn năm qua người ta đã bỏ ra nhiều công sức để phân tích tìm hiểu nhưng vẫn không thể thống nhất với nhau. Càng phân tích bằng luận lý học, ta sẽ càng mắc vào cái mớ rối rắm mà Giáo Sư Phạm Công Thiện từng ví von “rắn cắn đuôi rắn”.
 
Trước hết, mời quý vị xét cách dùng chữ vô vi thông thường của chúng ta. Trước hết, vô vi nghĩa đen bình thường là “không làm gì” hay “không hành động” do đó các học giả phương Tây thường dịch là “inaction” “inexertion” hay “effortless action”.
Thứ đến, trong kinh sách đạo Cao Đài lại thấy dùng chữ vô vi theo nghĩa khác. Ví dụ như “Nên Thầy phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần mà đưa chúng nó lại vô vi chi khí, chính là Niết Bàn
 
[4] -  Giáo Sư dạy Phật Học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh (trước 1975).
đó vậy” [5]. Vô vi ở đây là Niết Bàn, cõi trời, thiên đàng, cõi thiêng liêng hằng sống v.v...
 
Thứ ba, còn thấy dùng theo nghĩa là tâm linh hay tinh thần, đối nghịch với hữu hình (vật chất), như trong thánh ngôn này: “Thời kỳ mạt pháp này, khiến mới có Tam Kỳ Phổ Độ, các sự hữu hình phải huỷ phá tiêu diệt. Thầy đến chuyển đạo, lập lại vô vi . Các con coi thử bên nào chánh lý: hữu hình thì bị diệt đặng, chớ vô vi chẳng thể nào diệt đặng”. [6]
 
Trở lại với vấn đề chính, trong bài này chúng tôi nói về chữ vô vi của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. Vô vi của Lão Tử không hề giống với ba cách dùng vừa nêu vì có thêm cái đuôi “nhi vô bất vi”. Suy ra nghĩa cả câu sẽ là: Đạo không làm nhưng không có gì là không làm! Rất nhiều học giả diễn giải câu này là Đạo thường hành động theo tự nhiên. Do đó các bậc vua chúa nên làm theo như vậy để cho dân chúng phát triển. Tóm lại, câu có nghĩa là: Lão Tử khuyên vua chúa nên hành động thuận theo tự nhiên.
 
Chúng tôi mạn phép không đồng ý hiểu theo hướng đó vì tự nhiên là một định mức không rõ ràng, có thể là xấu hay tốt cũng được. Một lời khuyên như vậy không có giá trị luân lý. Hơn nữa, khuyên vua chúa thì dính líu đến lãnh vực chính trị. Theo thiển ý, dứt khoát Lão Tử không bàn chuyện chính trị vì ngài vốn coi thường quan chức, bổng lộc, triều đình. Nhất định ngài phải nói đến một cái gì đó phi thường hơn. Nếu không, thì Đạo là điều gọi tên được. Mà như vậy trái với nguyên tắc ngài đã nêu ở chương 1: Đạo không thể gọi tên.
 
Phân tích theo ngữ pháp phương Tây thì câu này gồm ba lần phủ định: lần đầu phủ định hành động, lần thứ nhì phủ định của phủ định tức là khẳng định hành động. Giữa không làm và có làm là chữ nhi (nhưng mà). Vậy phải dịch: Đạo không làm nhưng mà có làm. Đạo ở chỗ không gọi tên được vì vậy hành động của đạo cũng không gọi tên được. “Không mà có” là cách người xưa dùng ngôn ngữ có hạn để chỉ điều vô hạn, dùng cái gọi được để chỉ cái gọi không được. Rốt cuộc, làm theo Đạo là một hành động vượt ra ngoài ngôn từ, lý luận của con người.
 
[5] - Đàn cơ ngày 24/10/1926.
|6] - Đàn cơ ngày 5/8/1926.
 
* Tôn giáo
Do có quá nhiều môn phái mà rất khó xác định có bao nhiêu tín đồ đạo Lão. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Trung Quốc vào năm 2010 số người thực hành các nghi lễ có liên quan đến đạo Lão là 173 triệu và 12 triệu là các tu sĩ gọi là đạo gia. Năm 1956 Hiệp Hội Lão Giáo Trung Quốc ra đời để quản nhiệm các hoạt động của đạo. Sau đó hội bị giải tán, cấm hoạt động trong thời gian có Cách Mạng Văn Hoá dưới thời Chủ Tịch Mao Trạch Đông và được phép hoạt động trở lại vào năm 1980. Trụ sở của hội hiện nay đặt tại Đền Bạch Vân ở Bắc Kinh.
 
                                                  Vai trò trong Cao Đài
* Lão Tử
Trong đạo Cao Đài, Lão Tử là giáo chủ Tiên Giáo (Đạo Lão), được thờ phượng ngang hàng với các vị giáo chủ khác như Khổng Tử (Nho Giáo), Phật Thích Ca (Phật Giáo) v.v...
Giáo lý Cao Đài dạy rằng từ thời thái cổ đến nay, Đức Chí Tôn Thượng Đế đã mở đạo để dạy dỗ loài người ba lần (tam kỳ). Hai lần đầu, các giáo chủ tuân lịnh ngài xuống thế gian trong xác thân con người để dạy đạo. Nói riêng về Đạo Lão thì trong Nhứt kỳ phổ độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ (hay Thái Thượng Đạo Quân) mở Tiên Giáo ở Trung Hoa. Đến Nhị kỳ phổ độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng sanh là Đức Lão Tử cũng ở Trung Hoa để chấn chỉnh Tiên Giáo. Và trong Tam Kỳ Phổ Độ hiện nay thì các giáo chủ không xuống trần gian nữa, lần này chính Đức Chí Tôn Thượng Đế mở đạo Cao Đài thông qua huyền diệu cơ bút (tức là cầu cơ, chấp bút).  
 
* Giáo Tông Cao Đài
Ngày 23/9 Bính Dần (29/10/1926) Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng cơ dạy rằng “từ đây quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái Bạch...”. Kể từ đó toàn đạo Cao Đài biết rằng Đức Lý Thái Bạch là Giáo Tông của đạo. Sách sử ghi nhận ngài là bậc thi hào nổi tiếng đời Đường ở Trung Hoa. Theo luật Cao Đài, Giáo Tông là chức vụ đứng đầu Cửu Trùng Đài và đồng thời là anh cả của tất cả tín đồ. Đến ngày 22/11/1930 thì Đạo Nghị Định số 2 ra đời, theo đó  Đức Lý Giáo Tông giao Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) chức vụ quyền Giáo Tông đạo Cao Đài. Như vậy đạo Cao Đài có một Giáo Tông thiêng liêng là Đức Lý Thái Bạch và một quyền Giáo Tông để xử lý các vấn đề ở thế gian là ngài Thượng Trung Nhựt. Chỉ có một trùng hợp lý thú là cả hai vị đều có liên quan đến đạo Lão. Đức Lý Giáo Tông trên cõi thiêng liêng giữ chức vụ Đệ Nhứt Trấn Oai Nghiêm, thay mặt cho Tiên Giáo (Đức Quan Âm thay mặt Phật Giáo và Đức Quan Thánh thay mặt Nho Giáo) trong lần phổ độ thứ ba này, còn Ngài Lê Văn Trung là Đầu Sư phái Thượng, cũng là nhánh Tiên Giáo. Trong Cửu Trùng Đài có ba vị Đầu Sư thay mặt cho ba phái: phái Thái (Phật), phái Thượng (Tiên) và phái Ngọc (Nho).
 
* Tịnh Thất
Đức Hộ Pháp thường khuyên tín đồ Cao Đài ba cách tu tập tiêu biểu: lập công theo Hội Thánh Cửu Trùng Đài, lập đức theo Hội Thánh Phước Thiện và tu chơn (tức là tịnh luyện) trong các Tịnh Thất. Đặc biệt pháp môn tịnh luyện của Cao Đài có liên quan đến đạo Lão nhiều nhất.
Trước hết kính mời quý đọc giả xem đoạn thánh ngôn này:
Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.
Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc đạo mà có Tinh, Khí, không có Thần thì không thế nhập mà hằng
sống đặng. Còn có Thần không có Tinh, Khí thì khó huờn đặng nhị xác thân.”
Thêm vào đó, Đức Hộ Pháp có nhắc tới luyện Tam Bửu (Bảo) trong những bài thuyết đạo về Bí Pháp và đặc biệt là Bát Nương Diêu Trì Cung trong quyển Bí Pháp Luyện Đạo đã truyền dạy cách luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hoá Thần, luyện Thần hườn Hư. Có vài tác giả còn thêm “luyện Hư hườn Vô”, nhưng như vậy là luyện Tứ Bửu chớ đâu phải Tam Bửu. Hơn nữa “hư” đồng nghĩa với “vô”, do đó câu “hư hườn vô” thật sự là tối nghĩa.
 
Xin trở lại vấn đề, rõ ràng chúng ta thấy pháp môn tịnh luyện xuất chơn thần của đạo Cao Đài có liên quan đến khái niệm Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) trong đạo Lão. Sở dĩ phải nói rõ như vậy vì đạo Lão có rất nhiều tông phái, mỗi tông phái đều có triết lý và cách tu tập khác nhau, từ luyện bùa chú, thuật phong thuỷ, kỳ môn độn giáp, luyện thánh thai, luyện trường sinh bất tử, luyện Ngũ Khí Triều Ngươn, luyện Tam Hoa Tụ Đảnh, luyện Thái Cực Quyền, luyện Khí Công v.v...Ngay cả khái niệm Tinh, Khí, Thần và cách luyện cũng được các đạo gia diễn giải nhiều cách khác nhau.
 
Riêng cách tịnh luyện của Cao Đài không phải có nguồn gốc từ một tông phái nào đó của đạo Lão mà phần lớn do cơ bút truyền lại. Hiện nay trong kinh sách của đạo Cao Đài có rất nhiều quyển nói đến luyện Tam Bửu, nhưng quyển Bí Pháp Luyện Đạo của Bát Nương Diêu Trì Cung là giải thích rõ ràng dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, như chúng tôi từng đề cập trước đây, khi nào Hội Thánh Cao Đài có điều kiện tổ chức tu chơn, thì cần Thập Nhị Bảo Quân, tức là Hàn Lâm Viện Cao Đài, nghiên cứu tất cả tài liệu luyện đạo có sẵn của Cao Đài để thảo ra một chương trình tịnh luyện phù hợp với con người, phong tục, khí hậu Việt Nam cho các tín đồ.
 
                                                                             Kết luận
Đến đây, chúng tôi xin phép khép lại bài khảo luận này. Chỉ trong khoảng mươi trang giấy, chúng tôi không thể làm gì khác hơn là cung cấp cho quý đọc giả những thông tin cơ bản nhất về mối liên quan giữa đạo Lão và đạo Cao Đài vì có một lần nghe một bạn đạo nói chưa thấy bài viết về vấn đề này. Lẽ ra còn có thể viết chi tiết hơn, nhưng xin hẹn bài sau bởi viết dài quá, e là khó đọc.
[7 ] - Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. 17/7/1926,
* Từ Chơn
Sài gòn 12 Nov 2020
References:
Wikipedia (English).
Britannica.
Stanford Encyclopedia of Philosophy .
Bước đầu học đạo - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.
Tự điển Hán Nôm (online).
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Hội Thánh Cao Đài.
Bí Pháp Luyện Đạo - Từ Huệ chấp bút 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét