Thập Nhị Thời Quân Là Gì Vai Trò Phẩm Tước. * QS TS Nguyễn Thanh Bình (Sưu Khảo)

Ð
ức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài ngày 12-01-Ðinh Mão (dl: 13-2-1927): “Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Ðạo. Hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn. Thầy đã nói Ngũ Chi Ðại Ðạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Lại nữa, Hiệp Thiên Ðài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế giới, Lục Thập Bát Ðịa cầu, Thập Ðiện Diêm Cung, mà cầu siêu cho cả nhơn loại.
Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.
Hiệp Thiên Ðài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm…”.
Sơ Đồ Hình Cổng Chánh Môn Tòa Thánh Tây Ninh Của Đức Hộ Pháp
 
Đức Chi Tôn lúc tiền khai Đạo, lập Thập Nhị Thời Quân trước khi mở Đạo. Thập Nhị Thời Quân chia làm ba Chi:
 
1 . Phần của HỘ PHÁP chưởng quản về PHÁP thì:
- HẬU là Bảo Pháp, (Nguyễn Trung Hậu)
- ÐỨC là Hiến Pháp, (Trương Hửu Đức)
- NGHĨA là Khai Pháp, (Trần Duy Nghỉa)
- TRÀNG là Tiếp Pháp, (Trương Văn Tràng)
Lo bảo hộ Luật đời và Luật Ðạo, chẳng ai qua Luật mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết.
 
2 . THƯỢNG PHẨM thì quyền về phần ÐẠO:
- CHƯƠNG là Bảo Ðạo, (Ca Minh Chương)
- TƯƠI là Hiến Ðạo, (Phạm văn Tươi)
-  ÐÃI là Khai Ðạo, (Phạm Tấn Đãi)
- TRỌNG là Tiếp Ðạo, (Cao Đức Trọng)        
Lo về phần Ðạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất, đều xem sóc chư môn đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm Luật đến khổ khắc cho đặng.
 
3 . THƯỢNG SANH thì lo về phần ÐỜI:
- Bảo Thế thì PHƯỚC (Lê Thiện Phước)
- Hiến Thế thì MẠNH (Nguyễn văn Mạnh)
- Khai Thế thì THÂU (Thái văn Thâu)
- Tiếp Thế thì VĨNH (Lê Thế Vĩnh)
Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.
 
Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền ắt trọng phạt.
Thầy ban ơn cho các con”.
 
Tại sao chi Đạo và chi Pháp Thầy lại để tên của chức sắc trước, phẩm tước sau? Riêng chi Thế thì phẩm tước trước, tên chức sắc sau?
 
Đây cũng là truyết lý Âm Dương thuận nghịch đó vậy.
Chi Đạo (Dương), chi Thế (Âm - Đời của Đạo). Âm Dương tương hiệp. Chi Pháp là cơ Hòa. Ba Chi Đạo, Thế, Pháp hiệp đủ Tam Tài (Thiên Địa Nhân). Vai trò nầy củng thấy rỏ nơi quyền hạn của ba vị Thái, Thượng Ngọc Chưởng Pháp Cửu Trùng Đài ghi trong Pháp Chánh Truyền (rất là hay huyền bí và siêu việt vô cùng).
 
Xem cách Thầy ban Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài chúng ta cũng đã nhận thấy cái lý Âm Dương trong ba Chi Pháp Đạo và Thế rồi vậy. Hai chi Pháp và Đạo (thuộc về Đạo) thì Thầy đặt tên các vị ở trước, đặt phẩm tước sau; chỉ duy chi Thế là Đời, nên đặt tước phẩm ở trước và tên các vị ở sau. Ấy là ngay trong một cơ quan Đạo cũng phải đủ truyết lý Âm Dương tương hiệp. Có nghĩa rằng Đạo thì lo tô bồi Nhơn tước (Thế Đạo) để khi đến với Thiên Đạo thật sự chỉ là một sự hợp thức hóa, mượn Thiên Tước làm con đường trở về Thiêng liêng vị mà thôi.
Còn Đời trọng cái Thiên Tước mà ít khi trau giồi Nhơn Tước. Nếu bản thân không tự trau giồi, thì khi có Thiên Tước rồi, cái Nhơn Tước không trau giồi kịp.
 
Pháp Chánh Truyền dạy: Thượng Sanh thì lo về phần Ðời.
Mỗi sự chi thuộc về Đời thì về quyền của Thượng Sanh, Chưởng Quản chi Thế.  
Dưới quyền của Thượng Sanh có bốn vị Thời Quân là: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế, Bảo Thế. Bốn vị Thời Quân chi Thế đặng cùng quyền cùng Thượng Sanh, khi người ban lịnh hành chánh; song mỗi vị có mỗi phận sự riêng, quyền hành riêng.
 
Thượng Sanh là cây cờ của Thế, tức là Ðời, ấy vậy Đời nơi nào thì Thượng Sanh nơi đó. Người có quyền xem xét kẻ hành đạo coi Thánh Ðức có đắc nhơn tâm cùng chăng, nhược bằng kẻ ấy thể Ðạo không đủ tư cách, thì người có quyền dâng sớ cầu xin thuyên bổ.
Hình Cổng Chánh Môn Tòa Thánh Tây Ninh Xây Theo Sơ Đồ của Ngài Bảo Thế
 
Chơn linh các nguyên nhân bị đọa trần, quỉ nhơn chuộc tội hay là hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi (ấy là Thế Độ). Nên Thượng Sanh làm chủ của Thế Ðạo, nắm luật Thế nơi tay, mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Ðạo.
 
Thượng Sanh đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Ðài.
Hiệp Thiên Ðài là luật lệ, mà Thượng Sanh lại là Chánh Trị, ấy vậy là người của Cửu Trùng Ðài nơi Hiệp Thiên Ðài.
 
Trong Huấn Từ nhân lễ tấn phong Hiền Tài ngày 08-02-Canh-Tuất (dl: 15-03-1970), Đức Thượng Sanh nói:
“Các bậc hiền (thánh hiền) thời xưa đựơc có cái tiết tháo như vậy là nhờ biết phân biệt cái Tước của Trời cho và cái Tước của Người cho: Nhân Nghĩa, Trung Tín, vui làm điều lành không mỏi là cái Tước của Trời cho, tức là Thiên Tước.
Công khanh, đại phu là cái Tước của người cho, tức là Nhơn Tước.
Người xưa (các bậc Thánh Hiền) lo sửa cái Thiên Tước thì cái Nhơn tước theo sau và được bền bĩ. Người đời nay chỉ lòe mình có cái Thiên Tước để cầu lấy cái Nhơn Tước; khi đã được cái Nhơn Tước rồi thì dẹp bỏ cái Thiên Tước không nói đến nữa. Như thế thì thật là qúa nông nỗi vì rốt cuộc thành ra mất hết, cái Nhơn Tước cũng không giữ được bao lâu”.
 
Ban Thế Ðạo là cơ quan thuộc về phần Đời, bắt nguồn và phát xuất từ cửa Ðạo, làm dây nối liền cho Ðạo Ðời tương liên tương đắc, ngỏ hầu tạo lập đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời Chuyển thế. Như vậy, nhiệm vụ của Ban Thế Ðạo là tuân Thế Luật của Ðạo, đem công đức và giáo lý Đạo hướng dẫn nhơn sanh trở về nguồn cội Ðạo, tô điểm cho nền Ðại Ðạo mỗi ngày một thêm huy hoàng.
 
Ban Thế Ðạo thành lập do Thánh Lịnh số 01/TL ngày 28 tháng 2 năm Ất Tỵ (dl: 30-3-1965) của Ðức Thượng Sanh thể theo Thánh Giáo của Ðức Lý Ðại Tiên đêm mùng 3 tháng 12 Quý Tỵ (dl: 7-1-1954) và Thánh Giáo Đức Hộ Pháp ngày mồng 9 tháng 2 năm Ất Tỵ (1965), cơ quan nầy trực thuộc Hiệp Thiên Đài (HTĐ),  dưới quyền Chưởng Quản của một vị Thời Quân chi Thế do Hội Thánh ủy nhiệm (Chưởng Quản HTĐ).
 
Ngài Bảo Thế Lê Thiên Phước là vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài đầu tiên được giao nhiệm vụ đặc trách Ban Thế Đạo: 
- Ngày 21-2 Ất-Tỵ (dl 23-3-1965) Trưởng Ban Thế Đạo.
- Thánh Lịnh số 04/TL của Đức Thượng Sanh ngày 3-12-Đinh Mùi (dl 2-1-1968) sửa đổi danh từ Trưởng Ban Thế Đạo lại là Chưởng Quản Ban Thế Đạo.
Ngài Bảo Thế qui vị ngày 17-3 Ất-Mão (dl 28-4-1975) ngay vào lúc đất nước thay đổi (ngày 30-4-1975). Bảo Thế là giữ đời, nhưng một khi Đời đã mất thì Ngài cũng ra đi. Ấy là môt bí pháp rất nhiệm mầu của chư vị Thời Quân đó vậy.
Đàn cơ đêm 18-3 Ất-Mão (dl 29-4-1975) tại Cung Đạo Đền Thánh, Đức Hộ Pháp giáng cơ cho Bài Thài tế lễ Ngài Bảo Thế: “Bài thài chúng ta đã thấy "Bảo Thế Cứu Nước" đã trúng lúc, vậy cứ dùng bài thài ấy cúng tế BảoThế”.
Đức Hộ Pháp ban bài thi "Bảo Thế Cứu Nước" được xem như ấn chứng vai trò và trách nhiệm của Ngài Bảo Thế. Nguyên vào năm 1960, Đức Hộ Pháp giáng cơ tại Giáo Tông Đường, có khen Ngài Bảo Thế bằng bài thơ khoán thủ “Bảo Thế Cứu Nước”. Giờ đây là Bài Thài hiến lễ Ngài Bảo Thế:
BẢO trọng vạn linh hiệp Chí Linh,
THẾ nguy chuyển loạn lập hòa bình.
CỨU đời mở Đạo kinh luân sẵn,
NƯỚC Việt trông chờ sách cứu tinh.
 
Phải chăng 15 năm trước, Đức Hộ-Pháp đã trù liệu Bài Thài này dành cho ngày hôm nay cho Ngài Bảo Thế chăng? Đây là trường hợp đặc biêt nhứt mà trong 12 vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài chưa một ai được như vậy.
Ngày 6-2-Ất Tỵ (dl 8-3-1965) Đức Phạm Hộ-Pháp cũng có giáng cơ cho Ngài Bảo Thế bài thi khoán thủ:
Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Thừa Mạng
" QUYỀN uy nhờ bởi giữ Chơn truyền,
CHƯỞNG đức dụng hiền mộ Thánh Tiên.
QUẢN quán chúng sanh tu cội phúc,
HIỆP hào nhân sĩ hưởng tiền duyên.
THIÊN môn mở rộng nguyên nhân đến,
ĐÀI nội tuyển thăng Thánh đức lên.
THỪA thế chuyển nguy an Thánh địa,
MẠNG Trời đâu để quỉ hành quyền."
 
Dưới quyền lãnh đạo của vị Thời Quân chi Thế Chưởng Quản Ban Thế Ðạo, một Ban Quản Nhiệm Trung Ương được thành lập để điều hành công việc của Ban Thế Ðạo.
Ban Thế Ðạo đặt Văn phòng Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh, và những Văn phòng địa phương tại các Châu và Tộc Ðạo.
 
Chức sắc trong Ban Thế Ðạo có nhiệm vụ độ Đời nâng Đạo, hành sự trực tiếp với Cửu Trùng Đài (CTĐ) về mặt chuyên môn trong xã hội, trực thuộc HTÐ chi Thế về mặt chơn truyền và luật pháp, và tuân theo Thế Luật của Ðạo.
 
Vị Thời Quân chi Thế Chưởng Quản Ban Thế Ðạo chiếu theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền (hay các Luật Đạo) ban hành các Quyết Định về Ban Thế Đạo. Tổng Quản Nhiệm Ban Thế Đạo không được quyền chiếu Pháp Chánh Truyền, Tân Luật hay các Luật Đạo ban hành các Quyết Định về Ban Thế Đạo (điều nầy vi phạm và lạm dụng luật pháp chơn truyền của Đạo).
 
Chức sắc Ban Thế Đạo (Đời), cũng như tất cả các tín đồ, nhưng được thêm cái Nhơn Tước (như Hiền Tài, Quốc Sĩ, …) để có cơ hội lập vị trong đường Đời và đường Đạo hầu vun bồi, mượn cái Thiên Tước để qui hồi cựu vị (hay phản bổn hoàn nguyên, con đường “trở về”, hay Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống).
 
Chức sắc Ban Thế Đạo cũng như tất cả tín đổ đều phải tùng Thế Luật. Riêng chức sắc Ban Thế Đạo, khi phế Đời hành Đạo, sẻ được Đức Lý Giáo Tông phong phẩm chức sắc bên Cửu Trùng Đài như Giáo Hửu, Giáo Sư hay Phối Sư, v.v.v... phái Thái, Thượng hay Ngọc. Sau khi nhận phẩm phế Đời hành Đạo, các vị chức sắc nầy phải tuân theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền.
 
Trong Thánh Ngôn ngày 12-01-Ðinh Mão (dl: 13-2-1927 ), Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài và phong phẩm vị chánh thức cho Thập Nhị Thời Quân mà trước đây (trước khi mở Đạo), Ðức Chí Tôn thâu nhận và chỉ tạm phong là Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.
 
Ðêm 25 rạng mặt 26 Avril 1926 (al: ngày 14 rạng mặt rằm tháng ba, năm Bính Dần):
 
Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài
Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
Giáo Ðạo Nam Phương
 
“Kim triêu dĩ đảo Thiên Trung Quang,
Ám hiểu thế tình tánh đức nan;
Chỉ đải thời lai Quang minh tụ,
Tả ban thiểu đức, Hữu ban mang.
 
Ðức, Hậu, phong vi tiên đạo phò cơ Ðạo Sĩ.
Cư, phong vi Tá Cơ Tiên Hạt Ðạo Sĩ.
Tắc, phong vi Hộ giá Tiên đồng tá cơ Ðạo Sĩ.
Trung, Lịch, đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo lịnh sắc mạng Ta.
Kỳ, phong vi Tiên Sắc Lang Quân Nhâm Thuyết Ðạo Giáo Sư.
Bản, phong vi Tiên đạo Công Thần Thuyết Ðạo Sư.
Cư, tuân theo lời Thầy truyền mà thi hành”.
 
Theo tài liệu sưu khảo (Ðạo Sử), để dự bị Thập Nhị Thời Quân, Ðức Chí Tôn lập 6 cặp Phò loan, phong là Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo sĩ, gồm:
1 - Trương Hữu Ðức - Nguyễn Trung Hậu: Phò loan tại đàn Cầu Kho (nhà của Ông Ðoàn Văn Bản).
2 - Trần Duy Nghĩa - Trương Văn Tràng: Phò loan tại đàn Lộc Giang (Phuớc Long Tự Chợ Ðệm, sư trụ trì: Yết Ma Giống)
3 - Phạm Văn Tươi - Cao Minh Chương: Phò loan tại đàn Tân Kim (nhà Hội Ðồng Nguyễn Văn Lai, xã Tân Kim, Cần Giuộc)
4 - Nguyễn Thiêng Kim - Phạm Tấn Ðãi: Phò loan tại đàn Long Thành Tự ở gần Chợ Rạch Kiến, Cần Ðước.
5 - Huỳnh Văn Mai - Võ Văn Nguyên: Phò loan tại đàn Thủ Ðức (nhà của Ông Ngô Văn Ðiều, gần Chợ Thủ Ðức).
6 - Nguyễn Văn Mạnh - Lê Thiện Phước: Phò loan nhiều nơi, không rỏ và nhất định.
 
Khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, ba vị Phò loan: Nguyễn Thiêng Kim, Huỳnh Văn Mai, Võ Văn Nguyên không đến dự, nên ba vị nầy không được phong vào Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài.
 
Ðức Chí Tôn phong cho ba vị khác là: Thái Văn Thâu, Lê Thế Vĩnh, Cao Ðức Trọng.
Ngài Cao Ðức Trọng được Ðức Chí Tôn phong sau cùng khi Ðức Chí Tôn bảo Ðức Hộ Pháp lên Nam Vang mở đạo. Tại Nam vang, Ðức Hộ Pháp phò loan cùng Ngài Cao Ðức Trọng, để Ðức Chí Tôn giáng cơ thâu môn đệ.
 
Đi thâu Thập Nhị Thời quân rồi Đức Chí Tôn mới mở Đạo.
Đức Chí Tôn dạy: “Thầy lại nhắc cho các con hay rằng: trong Thập Nhị Thời Quân, đâu đó đều có sắp đặt, nếu không phải mấy đứa phò loan của Thầy đã định thì các Thánh Ngôn do nơi khác mà ra đều là không phải lời của Thầy nói. Con phải đề phòng cẩn thận, nghe à!
Thầy hằng nói cho các con biết, việc Cơ Bút là việc tối trọng, nếu không có Chơn linh quí trọng thì thường có Tà quái xung nhập mà khuấy rối làm cho thất nhơn tâm….
Thầy nói cho các con hiểu bậc Chơn Thánh mà phải đọa trần nếu không đủ tánh chất để dìu dẫn nhơn sanh thì cũng chưa xứng đáng cầm bút cho Thầy truyền Đạo”.
 
Đức Chí Tôn thâu Thập Nhị Thời Quân trước, xong rồi mới mở Tam Kỳ Phổ Độ. Thập Nhị Thời Quân là gì?
Ngày 15-10-Bính Dần (dl: 19-11-1926) chính thức Khai Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Từ Lâm Tự (Gò kén, Tây Ninh), Đức Chí Tôn phong phẩm tước cho Thập Nhị Thời Quân. Đúng ra phải 12 vị nhưng thực tế chỉ có 11 vị thôi, trong đó khuyết phẩm Tiếp Đạo.
 
Công việc điều hành phải lo xây cất Đền Thánh tạm ở làng Long Thành thì do Đức Cao Thượng Phẩm, còn Đức Phạm Hộ Pháp thì sau khi nghỉ phép sáu tháng để lo Lễ Khai Đạo, xong trở lại công sở thì người Pháp đổi Ngài đi Campuchia. Nhưng khi sang đây thì Ngài bắt đầu mở Đạo ra nước ngoài, thành lập Kim Biên Tông Đạo, rồi từ đó truyền giáo ra ngoại quốc, mở và phát triển Hội Thánh Ngoại Giáo.
 
Trong đàn cơ đêm 29-6-Đinh Mão (dl: 27-7-1927) tại Thánh Thất Nam Vang do Đức Hộ Pháp và ông Cao Đức Trọng phò loan, Đức Chí Tôn ân phong Ngài Cao Đức Trọng vào chức Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài. Ngài là vị Thời Quân được Đức Chí Tôn phong sau cùng trong số Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.
 
Ở Nam Vang, lúc đó thì ông Cao Đức Trọng đang làm việc tại Văn phòng Chưởng Khế. Tức nhiên là quyền năng Thiêng liêng dành cho con Gà (ông Trọng tuổi Đinh Dậu) đi gáy xứ người (truyền Đạo hải ngoại), một Bí pháp Đạo nhiệm mầu làm sao người phàm rõ thấu được.
 
Pháp Chánh Truyền dạy: Thượng Phẩm thì quyền về Ðạo.
Dưới quyền có: Tiếp Ðạo, Khai Ðạo, Hiến Ðạo và Bảo Ðạo.
Bốn vị Thời Quân của chi Ðạo, đồng quyền cùng Thượng Phẩm khi người ban quyền hành chánh, song mỗi vị có phận sự riêng, quyền hành riêng.
Hễ bước chơn vào cửa Ðạo, thì là có Thiên Phẩm, mà hễ có Thiên Phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn nghĩa Phổ Ðộ.
 
Các chơn linh dầu nguyên nhân hay là hóa nhân đều nhờ Thượng Phẩm gìn giữ binh vực cho ngồi đặng an ổn địa vị mình, giúp đỡ cho đức hạnh trổi thêm cao cho khỏi phạm luật lệ; xem sóc ngôi thứ chẳng cho giành giựt lẫn nhau, ắt giữ cho Cửu Trùng Ðài đặng hòa nhã êm đềm, khép cửa Thiên Môn, cấm đường không cho các chơn linh thối bước. Phẩm trật nhờ người mà đặng thăng lên, hay là bị người mà phải hạ. Thượng Phẩm là chủ của Thiên Đạo.
Thượng Phẩm là cây cờ của Ðạo. Hễ Ðạo nơi nào thì Thượng Phẩm nơi ấy.
Thượng Phẩm đối quyền với Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Ðài.
Hiệp Thiên Ðài là luật lệ mà Thượng Phẩm lại là Chánh Trị, ấy vậy Thượng Phẩm là người của Cửu Trùng Ðài nơi Hiệp Thiên Ðài.
 
Tiếp Ðạo là người tiếp cáo trạng án tiết thì phải quan sát trước coi có oan khúc chi chăng, đáng ra binh vực thì phải dâng lại cho Khai Ðạo.
 
“Nơi cõi vô vi (Thiêng Liêng) phải có Thập Nhị Khai Thiên dùng Chơn Linh biến ra mười hai đấng gọi là Thập Nhị Thời Thần mỗi vị lo phận sự trong một phần mười hai  của thời gian sáng tạo chia làm Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, v.v... phối hợp nhau để tạo nên cung Trời, thì ở mặt thế (hữu hình) này đối tượng của Thập Nhị Thời Thần là Thập Nhị Thời Quân cũng phải phối hợp cùng nhau để giúp tạo thành hình tướng của Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài).
Cho nên Đức Chí Tôn có nói (TNHT):
"Thập Nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy.
Chư Tiên Phật là các Đấng thọ thiên chức Khai hóa “Cửu Trùng Thiên”, nên đứng vào hàng “Cửu Thiên Khai Hóa”.
 
Đức Hộ Pháp có giải thích trong bài Diễn văn ngày 14-2-Mậu Thìn (1928):
" Hội Thánh hiệp nhau lập Tân Luật, cũng như cả Thập Nhị Khai Thiên lập Luật.
Thập Nhị Khai Thiên lập Luật giao lại cho Thầy; còn Hội Thánh lập Luật cũng giao lại cho Thầy.
Vậy thì Tân Luật với Thiên Điều cũng đồng giá trị."
"Luật Đạo thành ra Thiên Điều thì Hội Thánh là Ngọc Hư Cung tại thế. Hội Thánh hiệp nhau lập Luật Đạo thì cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập Thiên Điều.
Vậy thì Hội Thánh và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đồng một thể."
 
Thập Nhị Thời Quân ở hữu hình chính là Thập Nhị Thời Thần ở vô vi nên số tuổi của các Ngài thể hiện con số Thập Nhị Địa Chi (12 con Giáp) của Đạo Trời, vì vậy mà tuổi của 12 vị Thời Quân mỗi người đứng đầu một con Giáp không ai trùng hợp với ai mà lại còn có sự đặt định một cách khít khao, huyền nhiệm vô cùng.
 
Chư vị Thập Nhị Thời Quân có mặt trong buổi đầu gọi là Thập Nhị Chơn Quân, Tuổi các vị Thời Quân và ngày giờ được ghép bởi Thập Thiên Can và Thập Nhị Địa Chi còn gọi là Thập Nhị Thời Thần. Đúng như lời Kinh Cúng Đức Phật Mẫu:
“Thập Thiên Can bao hàm vạn Tượng
Tùng Địa Chi hóa trưởng Càn Khôn”.
 
(Ý nghỉa như vầy: Mười (Thập) Thiên Can bao gồm muôn hình trạng.
Mười (Thập) Thiên Can tùng theo Thập Nhị (mười hai) Địa Chi sanh thành và làm rộng lớn Càn Khôn Vũ Trụ).
 
Trong số 12 vị Thời Quân nầy, người được Đức Chí Tôn chọn đầu tiên là Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa (Bính Dần, 1926), và người được chọn sau cùng là Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng (29-6-Đinh Mão, dl: 27-7-1927).
 
Người lớn tuổi nhất trong Thập Nhị Thời Quân là Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương tuổi Canh Tuất (1850), nhỏ tuổi nhất là Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh tuổi Quí Mão (1903),
đứng cuối hàng Thiên Can mang chữ Quí. Theo thứ tự thì một vị ở đầu bảng và một vị ở cuối bảng Thập Nhị Thời Quân. Quả là một cơ Đạo mầu nhiệm của tạo hóa.
 
Đàn cơ tháng 8 -1928 (al: tháng 7-Mậu Thìn): Ngài Bảo Pháp hỏi Thầy về Thiên Mạng của Thập Nhị Thời Quân ra sao?
Đức Chí Tôn trả lời:
“Trọng lắm! Mà bây giờ chưa có chi cho lắm, chớ Thập Nhị Thời Quân ngày nào có công việc rồi, các con sẽ thấy công việc của các con lớn lao là dường nào! Rất đỗi ở thế một viên chức nhỏ như Chủ tỉnh còn nhiều quyền hành rộng lớn thay! Huống chi các con là BẢO, HIẾN, KHAI, TIẾP cả toàn cầu, thì trách nhậm phải làm sao thì các con cũng hiểu. Nhưng Thầy chưa phân định vì các con chưa tới kỳ hành sự đó”.
 
Xin ghi chú thêm về lời dạy của Đức Chí Tôn bên trên: BẢO, HIẾN, KHAI, TIẾP là 4 phẩm vị của 3 chi Pháp Đạo Thế trong Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.
Bảo: là giữ gìn; Hiến: là dâng; Khai: là mở, bày ra; Tiếp: là rước.
 
Cũng xin giải thích rõ thêm là:
Thập Thiên Can là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Thập Nhị Địa Chi là 12 con Giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo (Mão), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Theo thứ tự người ta ghép một Can với một Chi như: Can thứ nhất với Chi thứ nhất là khởi Giáp Tý. Sau đó, mãn chu kỳ mười Can thì tiếp tục phối hợp Can thứ nhất với Chi thứ mười một, ví như chu kỳ mới của vòng Thiên Can thứ nhì là: Giáp Tuất, Ất Hợi. Rồi Can thứ ba với Chi thứ nhất... cứ tuần tự như vậy lại đến năm Giáp Tý là đáo tuế. Trong một chu kỳ, tên mỗi Can xuất hiện sáu lần (60: 10 = 6) và tên mỗi Chi xuất hiện năm lần (60: 12 = 5). Chu kỳ này, ta gọi là Lục Thập Hoa Giáp hay biểu Giáp Tý. Một Lục Thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm). Mãn chu kỳ ấy sẽ khởi lại như ban đầu nữa.
 
Chư vị Thập Nhị Thời Quân là đồng tử trung gian giữa Trời và Người. Nếu không có Thập Nhị Thời Quân thì cũng không có Đạo, vì chư vị là những thiên sứ phò cơ nhận lời của Đức Chí Tôn và Phật Tiên dạy. Từ trước Hiệp Thiên Đài đã có qui định 4 cặp cơ là:
- Qúi ông Tắc, Cư (Phạm Công Tắc, Cao Huỳnh Cư): cơ lập giáo .
- Qúi ông Hậu , Đức (Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu Đức): cơ lập pháp.
- Qúi ông Sang, Diêu (Cao Hoài Sang, Cao Huỳnh Diêu): cơ truyền giáo .
- Qúi ông Nghĩa, Tràng (Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng): cơ bí pháp Cơ bút là bí pháp mầu nhiệm và quyền lực của Thiêng Liêng của Đạo. Thánh ngôn chỉ có giá trị khi cầu ở Cung Đạo (Đền Thánh) và đồng tử là người được ơn trên chỉ định. Còn những ai khác, cầu nơi khác thì chỉ để học hỏi không có giá trị truyền rao (phổ biến).
Đức Hộ Pháp có giải thích như sau:
“Cả toàn Thánh Thể và con cái Đức Chí Tôn đều hiểu: trong 12 vị Thời Quân của 12 con giáp là cơ huyền bí tạo Càn Khôn Vũ Trụ thế nào có lẽ cả tinh thần của toàn thể con cái Đức Chí Tôn đều hiểu thấu”.
 
Thập Nhị Thời Quân là mười hai vị Thánh bên Hiệp Thiên Đài dưới quyền của Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh Chưởng Quản. Tổng cộng 15 vị (12 + 3= 15).
 
Đức Hộ Pháp nói:
“Còn nhứt Phật, nhị Tiên, thập nhị Thánh (15 vị) tại Hiệp Thiên Đài thì là các Đấng hầu hạ bên Thầy lúc trước, nay tuy xuống thế cũng cứ giữ phận hầu Thầy mà thôi”.
Thập Nhị Thời Quân đây là thuộc về cơ quan Hiệp Thiên Đài, là một trong ba cơ quan trọng yếu của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bởi:
“Hiệp Thiên Đài là nơi chuyên về Đạo pháp, bảo hộ luật Đời và luật Đạo, như Ngọc Hư Cung nắm Thiên Điều tức là Ngọc Hư Cung tại thế mà Hộ Pháp là Chưởng Quản.
“Hiệp Thiên Đài chính là cửa Trời đó vậy. Hiệp là chung với, Thiên là Trời; hiệp cùng Trời tức là cửa vào đường Trời, cái thang bắc cho phàm đến cùng Trời.
 
Con số 15 là thành quả của Ma Phương số, là tâm của Bát Quái Cao Đài.
Vùng Nội Ô Toà Thánh có cả thảy 12 cửa. Điều đặc biệt là nhân sanh không thấy cửa số 5, nhưng vẫn có đủ số 12, bởi vì cửa số 5 là Ngũ trung, tức nhiên ở vào chính giữa thì làm sao làm cửa cho được, nên xem như không có cửa hữu hình, mà cửa số 5 chính là ngôi Điện Thờ Đức Phật Mẫu, Đức Diêu Trì Phật Mẫu là Mẹ chử Khí, là Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Tuy nhiên đã có Cổng Chánh Môn trước ngôi Đền Thánh cũng đủ số 12 cửa vậy. Vị trí và phương hướng của Tòa Thánh cũng là phương vị của Bát Quái Đồ Thiên.
 
12 Cửa chính Nội Ô Tòa Thánh là hình tượng Thập Nhị Thời Thần ứng với Thập Nhị Thời Quân hửu hình của Hiệp Thiên Đài.
 
Cửa Chánh Môn được xây dựng như một cổng tam quan với 3 lối đi, một cổng chánh và hai cổng phụ hai bên. Ðức Hộ Pháp có chỉ dẫn Ban Kiến Trúc của Ðạo vẽ họa đồ Cửa Chánh Môn trên nóc đắp mái ngói có để Cổ Pháp Tam Giáo (là Cổ Pháp Hộ Pháp).
 
Ngày mùng 8-Giêng-Giáp Thìn (dl 20-2-1964), Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước đảm nhận  Quyền Chưởng quản HTĐ kiêm Thống Quản Hội Thánh Phước Thiện. Cửa Chánh Môn hiện nay do Ngài Bảo Thế phối hợp với Tỉnh trưởng Tây Ninh là Thiếu Tướng Lê văn Tất xây dựng theo bản đồ mới do Ty Kiến Thiết Tây Ninh đề nghị trên nóc đắp thêm hai Rồng phò hay tranh Cổ Pháp (hai Rồng được thêm vào). Họa đồ nầy được Ngài Bảo Thế chấp thuận. Tại sao nói hai Rồng tranh Cổ Pháp? Vì bản tánh của Rồng là “Long năng biến hóa”, hình Rồng hả miệng, mình uốn khúc là Rồng tranh Châu thời Phong Kiếm Xuân Thu; nay đem tranh Cổ Pháp, đó là việc làm của Thời Quân Chi Thế.
 
Rồng đứng đầu trong hàng Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Nhắc về khi làm 7 cái Ngai cho 3 vị Đầu Sư, 3 vị Chường Pháp và Giáo Tông Cửu Trùng Đài, Thầy cũng bảo chạm Tứ Linh, nhưng ngai của Giáo Tông “chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng” ấy là lý Âm Dương biến hóa vô cùng.
“Thập Nhị Thời Quân không phải quyền tại thế gian này, quyền nơi cửa Đạo Cao Đài này, cũng không phải tại đây nữa. Đức Hộ Pháp nói: đây là quyền Đạo Cao Đài cả Thiêng Liêng Hằng Sống”. (ĐHP: 1-9-Kỷ-Sửu).
 
Nhiệm vụ của Thập Nhị Thời quân được Ngài Khai Pháp giáng cơ ngày 2-2-Giáp Thìn (dl: 4-1-1965) xác nhận: “Ngày Bần Tăng về Chí Tôn mới rõ quyền năng Thiên Triều vô biên. Chính Bần Tăng rón rén bước vô Bạch Ngọc Kinh phải nhờ chơn linh Vi Hộ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí Tôn phần nào và được thấu đáo nhiệm vụ của Thời Quân, chẳng những nơi thế gian này mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ trách vụ mình.
Nếu quí vị được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần Tăng ước mong quí Bạn Thời Quân dòm về hướng Chí Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên soái mạng”.
 
Các chơn linh đến bực nào cũng phải do nơi ấy mà xuất hiện, như Thầy nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay rồi mới khai Thiên lập Địa tạo Càn Khôn Vũ Trụ:
- Thiên khai ư Tý.
- Địa tịch ư Sửu.
- Nhơn sanh ư Dần.
 
Khi đề cập tới vũ trụ và nhân sinh, người tín đồ Đạo Cao Đài thường lưu truyền câu Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần nghỉa là: Trời mở mang ở Hội Tý, Đất mở rộng thêm ở Hội Sửu (tịch là mở), Người sanh ra ở Hội Dần. Các hội tiếp theo là sự tiến hóa của trời, đất, người và vạn vật đến chỗ hoàn hảo. Đó là nói theo chu kỳ tạo đoan của vũ trụ.
 
Xem như trên thì Tam đầu chế Hiệp Thiên Đài tức là ba vị Thượng Phẩm, Thượng Sanh, Hộ Pháp có tuổi lần lượt là Tý, Sửu, Dần; tức là đứng đầu ba con giáp. Trong 12 vị Thời Quân cũng vậy, có ba vị: Khai Pháp (Tý), Khai Đạo (Sửu), Hiến Pháp (Dần) cũng đứng đầu ba con giáp, tạo thành Tam Âm họp với Tam Dương của Tam Đầu chế Hiệp Thiên Đài để điều hòa máy Âm Dương của Trời Đất. Tuổi tác các vị này quan hệ đối với cơ Đạo cũng như thời tiết bốn mùa trong một năm vậy. Tất nhiên rất là trọng-yếu.
 
Các chơn linh dầu nguyên nhân hay là hóa nhân, hễ chịu hữu sanh thì đều nơi tay Thập Nhị Thời Quân mà siêu đọa, cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ Thập Nhị Thời Thần mà thăng giáng. Thập Nhị Thời Quân tức là Thập Nhị Thời Thần tại thế. Thập Nhị Thời Quân dưới quyền Hiệp Thiên Đài, chia ra làm ba chi: Pháp, Đạo, Thế.
Đức Chí Tôn dạy "Thập Nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay”.
 
Thay lời kết, xin trích gởi đến bài thi của Đức Chí Tôn dạy trong “Thi Văn Dạy Đạo”, Thánh Ngôn Hiệp Tuyễn:
Mở rộng đường mây rước khách trần,
Bao nhiêu tình gởi nhắn nguyên nhân.
Biển mê cầu ngọc liền phàm tục,
Cõi thọ sông ngân tiếp đảnh Tần.
Chuyển nổi Càn-Khôn xây Võ-Trụ,
Nhẹ nâng Nhựt-Nguyệt chiếu Đài-vân.
Cầm gươm huệ chặt tiêu oan-trái,
Dìu-độ quần-sanh diệt quả nhân.
 
Midland MI USA ngày 16 tháng 11, 2020
QS TS Nguyễn Thanh Bình
Ban Thế Đạo
ĐĐTKPĐ/TTTN
 
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I & II, (1972).
2. Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển I-IV, Nguyễn Văn Hồng Sưu Tập.
3. Bí Pháp và Thế Pháp Phật Pháp Tăng, QS TS Nguyễn Thanh Bình (2019)
4. Thập Nhị Thời Quân (2009)
5. Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài (1932)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét