TÌM VỀ BỜ GIÁC; * BS/ Lê Thị Ngọc Vân

K
ính chào Quý Hiền, hôm nay tiện muội xin thô thiển vài lời góp nhặt " Ý tại ngôn ngoại" hầu chuyện cùng Quý Hiền. ĐẠO PHÁP VÔ BIÊN nên nếu có những điều thiếu sót xin Quý Hiền thứ lỗi và góp thêm để chúng ta cùng học Đạo. 
Trước thảm cảnh tai họa khó lường tại miền Trung Việt Nam, nơi khúc eo trên dải đất hình chữ S nhiều đau khổ, cả tháng nay từ dịch bệnh Covid, đến mưa lũ lụt ngập, sạt lở đất đồi chôn vùi hàng trăm sinh mạng.Chữ "KHỔ" thật đậm nét trước thời tiết khắc nghiệt, thảm khổ nối tiếp nhau đè lên những sinh mệnh, con người thật yếu đuối trước thiên nhiên lên tiếng.
Trong bài viết này, tiện muội không đề cập đến nguyên do vì đâu nên thảm họa, chỉ là nhìn cảnh khổ diễn ra mà con người đang chịu để thấm thía hơn câu kinh " Biển trần khổ vơi vơi trời nước".
Thế gian phải đối mặt với sinh lão bệnh tử, thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói, sinh ly tử biệt đều là khổ.
Con người hầu hết đều có kinh nghiệm về "khổ". Khổ đó không là trừu tượng, không chỉ là suy luận mơ hồ, mà chính là một thực tế con người phải trải qua để biết "sợ". Sợ để tu, để tìm phương giải khổ.
Từ thời Thượng Ngươn đến nay trải qua hàng chục ngàn năm, đã có nhiều pháp môn dạy người ta giải khổ, Hạ Ngươn là Ngươn cuối cùng của thời Tam chuyển để bước sang Thượng Ngươn Tứ Chuyển,con người vẫn loay hoay với mơ hồ ảo vọng, chạy tìm hạnh phúc ở thế gian qua danh, lợi, tiền tình, v.v... để rồi chữ "Khổ" vẫn đeo mang. Thực tế nếu không hữu duyên cũng khó mà tu được, hàng ngày công việc kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình để tồn tại cho trọn kiếp sanh, ngày ngày đối mặt với những đua tranh, ràng buộc. Hết 1/3 đời người đầu tiên là phải học ngày học đêm để mong mỏi sau này được an nhàn hưởng lợi,sau đó 1/3 đoạn đường kế tiếp cố vun quén bản thân gia đình để kiếm tìm hạnh phúc, tranh đua vật chất để có được danh vọng, địa vị. Và còn lại 1/3 đời sau cùng đối diện với sức khỏe suy mòn, bệnh tật triền miên, hàng ngày lấy thuốc làm bạn. Mấy ai có trọn vẹn niềm vui hạnh phúc?
Để rồi sau cùng khi hơi thở hóa thinh không, buông thõng đôi tay, không giữ được hơi thở thì còn giữ được gì? Hữu hình vật chất không còn dính níu, không mang theo thể xác được, vậy con người là gì? Sống là gì? Hay chỉ là một thực thể tổng hợp từ nhiều tế bào có những chức năng riêng biệt? Vậy cái gì cho những tế bào đó có năng lượng để thành sự sống? Các nhà khoa học đã tìm tòi nghiên cứu,mổ xẻ con người để tìm hiểu ngọn nguồn của mạch sống. Và nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã nói "Năng lượng không thể tự sinh ra cũng như mất đi, nó chỉ biến đổi thành một dạng khác"  Một trong những tiền đề chắc chắn nhất của khoa học là năng lượng không bao giờ chết, và luân hồi được nhắc đến trong các tôn giáo không phải là hư cấu. Đến đây khoa học và tâm linh đã có điểm tương đồng, bắt tay nhau rồi, và nếu ai chỉ nhìn về khoa học sẽ tìm hiểu thêm, và người tin vào triết thuyết luân hồi sẽ tin tưởng vào nghiệp quả.Như vậy Luân hồi là để cân bằng giữa nghiệp và đức.
Nghiệp không phải là một khái niệm mơ hồ, đó là hành tàng của nhơn loại khi còn tại thế, nó xuất hiện từ hữu hình nhưng lại phi thời gian vì nó dính với năng lượng để tạo thành nhân quả.Nhân quả chính là sự công bình của Thượng Đế, và 6 nẻo luân hồi của Phật gia nói đến cũng chính là để hoàn thiện đời sống tâm linh, tích đức giải trừ nghiệp chướng,tu tâm dưỡng tánh để đạt được tận thiện, tận mỹ.Với người tu Cao Đài là để trở về nguồn năng lượng khởi nguyên của vũ trụ là Đấng Thượng Đế.NGÀI ban phát năng lượng sống trên Càn khôn vũ trụ từ khối Đại Linh Quang của NGÀI, dùng đức háo sanh từ bi với tất cả chúng sanh là con cái của NGÀI.Nhưng con người ở thế trần thường bị dục vọng của xác thân lôi cuốn, vì thể xác là vật chất hữu hình của tinh cha huyết mẹ tạo nên, mang trong hình hài thể xác là trí tuệ, gọi là chơn thần là bán hữu hình.Trí tuệ có sáng suốt hay không là nhờ ở Điểm Linh Quang của Thượng Đế ban phát, thường được gọi là Lương Tâm, là chân tâm, đó chính là Chơn Linh mà chỉ có ở con người mà thôi.Có thể lấy một ví dụ như sau:
- Thân xác là cỗ xe, chất đầy lục dục thất tình,tham sân si, nếu không có con ngựa để chạy và người cầm cương thì cỗ xe chỉ là một vật chất hữu hình vô ích.
- Con ngựa là chơn thần mang theo nghiệp lực để kéo chiếc xe.
Nghiệp thiện hay ác sẽ đưa đi theo luật nhơn quả.
- Và người đánh xe chính là Chơn Linh, người đánh xe tất nhiên phải cầm cương,giây cương đó là những pháp môn hỗ trợ cho chơn thần giải trừ nghiệp chướng trì kéo thể xác.
Khi chiếc xe đã hư hoại thì người đánh xe sẽ dẫn con ngựa lìa bỏ hữu hình,trong bài Kinh " Khi đã chết rồi" có câu kinh " Kêu chơn hồn vịn níu chơn linh.Năng lai năng khứ khinh khinh,Mau như điển chiếu nhẹ thành bóng mây". Con ngựa lại phải mang theo những nghiệp lực cũ mà chiếc xe tạo ra để tìm chiếc xe mới.
Đó là vòng luân hồi sinh tử của con người phải chịu.Nếu cứ như vậy mãi thì biết đến bao giờ Chơn Linh được trở về nơi cội nguồn. Trở về với năng lượng uyên nguyên hay là năng lượng khởi nguyên.
Đức CHÍ TÔN hay Đấng Thượng Đế đều là một do danh xưng con người đặt ra, NGÀI đã nhiều lần ban truyền những Pháp môn để hướng con người về nẻo Thượng, thoát khỏi vòng sinh tử, tìm về Chân, Thiện Mỹ. Nay là thời kỳ của Hạ Ngươn, để bảo tồn sanh chúng, Đức CHÍ TÔN đã hạ mình dùng huyền diệu để cứu vớt chúng sanh bằng nền Đạo lần thứ ba gọi là ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, thực hiện quyền thương yêu và luật Công bình thưởng phạt.Mở Đạo lần thứ ba này là một cuộc Đại Ân Xá của Thượng Đế cho tất cả chúng sanh. " Mở cơ tận độ nhẹ nhàng chơn linh".
Tất cả chúng sanh trong kiếp này nếu biết tu dưỡng đều được trở về cùng THẦY.
" Vô siêu đọa quả căn hữu pháp
Vô khổ hình nhơn kiếp lưu oan
Vô địa ngục, vô quỉ quan
CHÍ TÔN đại xá nhứt trường quy nguyên."
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, bài Thánh Giáo của Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy rõ. "... Vậy THẦY lại dặn các con: nếu kẻ không tu, làm đủ phận người, công bình, chánh trực,khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng THẦY; nên THẦY cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại càn khôn thế giới , nếu biết ngộ một đời tu, đủ trở về cùng THẦY đặng.;
mà hại thay!... mắt THẦY chưa đặng hữu hạnh hoan lạc thấy đặng kẻ ấy.
Vậy THẦY dặn: Đạo là nơi các con nên quý trọng đó vậy"
 ( TNHT- Q 1)
Để kết luận cho bài viết, tiện muội xin gởi đến Quý Hiền bài thơ của muội bằng lời chân quê mộc mạc.
" Thế gian muôn sự lắm đau thương.
Chữ"KHỔ" đề ra cõi vô thường.
Dòng sông sinh tử theo nghiệp lực
Luân hồi muôn kiếp!! Phải tầm phương
Thoát vòng khổ hải nương Chánh Pháp
ĐẠI ĐẠO KỲ BA chỉ tỏ tường.
 
Nhập thế trần ai, trường công quả
Đem tình thương thọ khổ nhọc nhằn
Cứu khổ rồi tâm bình lặng sóng
Tham sân si ngã mạn tiêu trừ
Giải khổ quay về bờ giác đặng
Bát Nhã thuyền neo đợi khách trần."
Tiện muội xin kính chúc Quý Hiền thân tâm an lạc, niềm tin vững chắc vào Đạo TRỜI khai mở lần ba để cứu độ nhơn sanh. Chúng ta cùng nghe lời THẦY dạy: " Danh quyền nơi Trời là bền chắc nhứt và danh quyền ấy mới chịu đựng nổi bao sự thử thách ( Trung bạch: Mấy con phải làm sao tìm đặng phẩm tước của cải và danh vọng của Trời )
* THẦY trả lời "TU"
( TNHT, Q. 1 )
" NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT."

* BS/ Lê Thị Ngọc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét