NHỮNG CÁCH THỨC THÔNG CÔNG TRONG ĐẠO CAO ĐÀI. * Từ Chơn.

G
iới thiệu
Đối với người có tôn giáo thì ngoài thế giới loài người đang sống còn ít ra là hai thế giới nữa sau khi chết. Một cho người tốt gọi là Thiên Đàng và một cho kẻ xấu gọi là Địa Ngục. Đối với tín đồ Cao Đài thì thậm chí có nhiều vũ trụ cùng tồn tại. Còn các nhà khoa học thì sao? Thuyết đa vũ trụ mà nổi bật là thuyết của Everett (1957) đã lôi cuốn nhiều nhà khoa học và chúng ta chờ xem nhiều thay đổi trong cách tiếp cận của con người với khoảng không gian bên ngoài trái đất mà Cao Đài gọi là Địa Cầu 68.
Do vậy loài người từ lâu đã tìm nhiều cách liên lạc với các thế giới đó. Đạo Cao Đài lập ra dựa trên nền tảng này và những cách liên lạc này được gọi là thông công. Thông công gồm nhiều cách như cầu nguyện, xây bàn, cầu cơ, chấp bút v.v... Trong Đạo Cao Đài, những phương pháp này đã được nâng lên hàng cao quý gọi là Bửu Pháp – nghĩa là những cách thực hiện tôn quí. Trong Tòa Thánh Tây Ninh, khoảng trống giữa bàn thờ Thợng Đế và cلc ngai của Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư được gọi là Cung Đạo. Đây là  nơi các chức sắc cao cấp ngày trước cầu cơ  giao tiếp với cõi thiêng liêng. Đứng tại đây nhìn thẳng lên trần Đền Thánh, sẽ nhىn thấy biểu tượng của các Bửu Pháp này.
 
Những cách thức thông công trên trần Cung Đạo
Hình ảnh trên Cung Đạo Đền-Thánh
 
Đầu tiên chúng ta sẽ thấy một hình bầu dục toả ra những tia hào quang và bên trong là nhiều hình thể được đắp nổi. Không thấy có tài liệu chính thức nào của Hội Thánh giải thích rõ hình này, nên chúng tôi tự tìm hiểu bằng cách tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, kể cả phỏng vấn những tín đồ lớn tuổi để có được những giải thích như sau.
Chính giữa là hình Thiên Nhãn tượng trưng đấng quyền lực Tối Cao trong vũ trụ này mà tín đồ Cao Đài gọi là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đại Từ Phụ, hay đơn giản là Thầy.
Dưới Thiên Nhãn là hình một người nam gốc Á Châu lớn tuổi, để râu dài rất tiên phong đạo cốt, trên nền của quả địa cầu. Chúng tôi nhận được nhiều giải thích khác nhau về hình này, như là Thượng Đế, Hồng Quân Lão Tổ, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư và hình ảnh tượng trưng cho nhân loại.
Vậy chỗ này mời quý đọc giả cùng vận dụng chút suy luận để tìm hiểu đến nơi đến chốn. Trước hết hãy khẳng định chủ đề của bức phù điêu này. Rõ ràng bức tranh này nói về những dụng cụ mà loài người dùng để liên lạc với thế giới bên kia (tín đồ Cao Đài gọi là cõi thiêng liêng hằng sống). Vậy những ý đi ra ngoài chủ đề này ta sẽ loại ra. Suy ra, nếu cho tượng bán thân là Thượng Đế thì đã có  biểu tượng Thiên Nhãn rồi, không hợp lý! Vả lại triết lý đạo dạy rằng Thượng Đế không có hình tướng. Nếu cho là Hồng Quân Lão Tổ, là vị Thần tối cao trong Đạo Giáo, xuất hiện đầu tiên sau khi vũ trụ hình thành, thì khái niệm này tương đương với Thượng Đế, cũng không hợp lý. Nếu cho là Đức Cao Thượng Phẩm, thì chúng tôi không thấy tài liệu nào của đạo đề cập đến việc này. Chỉ có nữ soạn giả Nguyên Thuỷ nói Đức Hộ Pháp bảo ông Tá Lý Bùi Ái Thoại tạo hình Hồng Quân Lão Tổ theo hình ảnh của Đức Thượng Phẩm. Nhưng tại sao lại đắp theo hình ảnh Ngài Cao Quỳnh Cư? Xin mời quý đọc giả đọc phần 9 của bài này sẽ rõ. Rốt cuộc chỉ còn một giả thuyết mong manh, nhưng hợp với chủ đề, là ảnh này tượng trưng nhân loại. Nhân loại dùng những dụng cụ trong ảnh để liên lạc với Thượng Đế. Như vậy là tạm thời hợp với chủ đề của phù điêu cho đến khi nào có một văn bản giải thích chính thức của Hội Thánh.
Những vật thể còn lại chắc chắn là các dụng cụ để thông công và được xét lần lượt từ trên xuống dưới như sau:
1 . Đại Ngọc Cơ: trước hết, phía trên Thiên Nhãn là một dụng cụ rất đặc trưng của Đạo Cao Đài được gọi là Đại Ngọc Cơ. Đây là một chiếc giỏ đan bằng tre, trên miệng giỏ có một thanh gỗ (thường là bằng cây dâu) gác ngang qua tâm. Một đầu thanh gỗ vươn dài ra bên ngoài, tận cùng được khắc thành hình đầu chim loan. Đây chính là bút để viết. Khi sử dụng, giỏ có tư thế úp miệng xuống và có hai người nâng miệng giỏ. Sau đó người ta cũng cầu nguyện xin được giao tiếp. Lúc cơ giáng, đầu chim loan sẽ viết xuống mặt bàn, hoặc có khi viết lên mặt giấy. Do các cách tiếp xúc như xây bàn hoặc dùng Tiểu Ngọc Cơ thường rất chậm, một bài văn có khi mất cả đêm, nên các đấng thiêng liêng đã dạy các đệ tử Cao Đài tạo ra Đại Ngọc Cơ để nhận nhiều thông tin hơn và nhanh hơn. Hiện nay Đại Ngọc Cơ được giữ ở Nữ Đầu Sư Đường Toà Thánh Tây Ninh.
2 . Xin xăm: phía bên trái của Thiên Nhãn là hình đắp nổi của một ống xăm, và một đôi “keo” âm dương. Ống xăm thường là một ống tre hình trụ cao khoảng 0,15 m. Trong ống đựng những thẻ xمm cũng bằng tre. Mỗi thẻ này đều có đánh số thứ tự.
Nếu muốn hỏi các đấng thiêng liêng điều gì thì người ta làm như sau: quì trước bàn thờ, hai tay cầm ống xăm đưa lên ngang mày, đọc thầm điều muốn hỏi. Sau đó người ta lắc ống xăm theo một cách qui định sẵn. Thường thì sau khoảng vài phút sẽ có một thẻ xăm rơi ra khỏi ống.
Bây giờ người ta mới tiến hành xin “keo”. Keo là hai mảnh gỗ đặt vừa lòng bàn tay người. Hai mảnh này có dạng một hạt đậu tách ra làm đôi. Người ta cũng nâng hai mảnh gỗ ngang mày cầu nguyện. Sau đó thả rơi xuống sàn. Nếu hai mảnh nằm trái chiều nhau, (một sấp một ngửa) điều đó có nghĩa là các đấng thiêng liêng đã đồng ý trả lời bằng thẻ xăm đã rơi ra trước đó.
Cuối cùng người ta đọc số trên thẻ xăm, rồi đến nơi trữ sẵn các quẻ xăm để nhận câu trả lời. Các quẻ xăm thường là một mảnh giấy ghi một bài thơ ngắn kể về một điển tích trong sử ký Trung Hoa và lời bình luận ở dới. Người ta liên hệ câu chuyện này với bản thân và đoán ra câu trả lời.
Xin xăm thường phổ biến ở cلc ًền thờ, chùa Phật trên khắp đất nước Việt Nam. Trước năm 1975, tại đền thờ Phật Mẫu ở Tòa Thánh Tây Ninh cũng có tổ chức xin xăm. Nhưng sau 1975 thì việc này bị chính quyền cho là mê tín dị đoan và bị cấm chỉ. Tuy nhiên, ở Sài Gòn thì vẫn còn cho xin xăm ở Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) và, mới đây theo mạng Internet, chùa Vạn Phật ở quận 5 có máy xin xăm nhập từ Đài Loan.
3 . Huyền Bút: Giữa đôi keo “âm dương” và đường biên của hình bầu dục là một cây viết đặt trên một xấp giấy. Đây là cách cầu cơ gọi là Huyền Bút. Theo Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng trong Khảo Luận Xây Bàn & Cơ Bút (2005), thì trong cách này người ta không cần đồng tử mà treo một cây viết dưới một nhánh trúc, đầu viết chạm vào giấy. Sau khi cầu nguyện thì viết di chuyển và tạo ra chữ trên mặt giấy. Trong bức phù điêu nói trên thì xấp giấy có ghi mấy câu thơ bằng Hán văn như sau:
Viết thử Thiên-thơ với nét trần.
Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng quân.
Chuyển luân thế sự...
 
Toàn văn bài thơ là của Đức Lý Thái Bạch, Giáo Tông Đạo Cao Đài giáng cho trong đàn cơ tại Báo Ân Từ, ngày 15-10-Đinh Sửu (17-11-1937) như sau:
 
Viết thử Thiên-thơ với nét trần,
Hầu sau bền giữ nghiệp Hồng-quân.
Chuyển-luân thế sự đưa kinh Thánh,
Trừ diệt tà-gian múa bút Thần.
Kìa lóng non Kỳ reo tiếng phụng,
Nầy xem nước Lỗ biến hình Lân.
Công-danh nước Việt tay đành nắm,
Mưa móc dân-sanh gắng gội nhuần.
 
4 . Chấp Bút: Phía dưới hình cầu cơ bằng Huyền Bút là ảnh một bàn tay cầm bút lông viết trên một mặt phẳng mấy câu thơ bằng Hán văn:
 
Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ.
Khai Đạo muôn năm trước định giờ,
Mau bước phải gìn…
 
Toàn văn bài thơ là của Đức Chí Tôn ban cho Ông Nguyễn-văn-Ký (tên ông này là từ đầu tiên của bài thơ) trong một đàn cơ ngày 29 tháng 10 năm Bính-Dần (3-12-1926), như sau:
 
Ký thành một cuốn gọi Thiên-thơ.
Khai Đạo muôn năm trước định giờ,
Mau bước phải gìn cho mạnh trí.
Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.
 
Đây là một cách thông công dành cho các chức sắc cao cấp trong Đạo Cao Đài gọi là Chấp Bút. Theo Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng trong Khảo Luận Xây Bàn & Cơ Bút (2005), thì chỉ có một vài vị đệ tử đầu tiên là được thiêng liêng cho phép áp dụng cách này như Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức, Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi và Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh.
Sau này, theo quyển Bí Pháp Luyện Đạo của Bát Nương Diêu Trì Cung (1979) thì Hiền Tài Nguyễn Văn Mới (cựu Tốc Ký Viên của Đức Hộ Pháp) cũng được Bát Nương dạy cách chấp bút.
Theo cách này, người sử dụng lấy một xấp giấy, đánh số thứ tự vào các mặt giấy rồi đặt ngay trước mặt mình. Sau đó quì trước bàn thờ, dùng tay thuận của mình nâng một cây viết (không bắt buộc phải là loại gì) ngang mày và cầu nguyện. Nếu có hiện tượng giáng bút, tay cầm viết sẽ bị tê rần lên và sẽ tự động hạ xuống viết lên mặt giấy. Lúc này người viết rơi vào trạng thái nửa tỉnh thức, nửa mê man. Khi viết hết một mặt giấy, tay kia sẽ tự động lật giấy sang trang để viết tiếp. Chính vì  thế mà phải đánh số trang trước, để khi viết xong, người viết tỉnh lại, nhặt giấy lên ghép lại thành văn bản.
5 . Tiểu Ngọc Cơ: Ngay phía dưới đôi keo “âm dương” là một bảng mẫu tự Latin. Đây là cách cầu cơ rất phổ biến ở các nước phương Tây. Người ta dùng một miếng gỗ nhỏ có hình quả tim, có thể lắp thêm bi lăn ở dưới để cho dễ di chuyển. Đó là cơ. Cơ được đặt lên một bảng chữ cái. Khi cầu cơ, cần có hai người đặt ngón trỏ lên trên cơ. Sau đó người ta cầu nguyện giống như khi xây bàn. Khi có một linh hồn nào nhập vào, cơ sẽ di chuyển vòng tròn (thường là ngược chiều kim đồng hồ nếu ở Việt Nam). Mũi nhọn của trái tim (cơ) chỉ vào mẫu tự nào thì người ta sẽ ghi chép mẫu tự đó để ghép lại thành văn bản. Nhiều đệ tử khác trong Đạo Cao Đài đã dùng cách này và gọi đó là Tiểu Ngọc Cơ.
6 . Bói Dịch: Ở bên phải Thiên Nhãn là một chiếc dĩa nhỏ, phía dưới là một quyển sách được thắt dây, có ghi chữ Tứ Kinh. Đây là cách thông công theo truyền thống Trung Hoa. Trong năm bộ kinh điển của Khổng Giáo gọi là Ngũ Kinh có bộ Kinh Dịch, giải thích quan niệm của cổ nhân Trung Quốc về những biến đổi trong vũ trụ. Theo cách thông công này, khi có thắc mắc gì muốn hỏi các đấng thiêng liêng, người ta gieo mấy đồng xu hoặc hột xúc xắc lên cái dĩa. Từ đó thu được một con số. Số này sẽ chỉ ra một trong 64 quẻ ghi trong quyển Kinh Dịch và nhờ đó người ta suy ra giải đáp cho thắc mắc của mình. Như vậy thì cách này cũng giống như xin xăm hay như ở Việt Nam có bói Kiều vậy.
7 . Huyền Cơ: Ngang với chiếc dĩa là hình một vật giống như hai tấm bảng hoặc một cái hộp có nắp đậy. Đây là vật rất khó xác định, nên chúng tôi đành phải suy đoán. Nếu là hai tấm bảng, thì chưa thấy hoặc nghe vật dụng gì dùng để thông công giống như vậy. Nếu là cái hộp có nắp đậy, thì giống cách cầu cơ gọi là Huyền Cơ. Theo Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng trong Khảo Luận Xây Bàn & Cơ Bút (2005), cách này không cần đồng tử cầm viết, người ta cho giấy trắng vào trong hộc bàn (giống cái hộp trong hình) hoặc phong bì rồi cầu nguyện. Ít lâu sau lấy giấy ra thì thấy đã có chữ viết trên đó. Hy vọng là suy đoán này hợp lý. Nếu không thì đành chờ khi nào có đủ Thập Nhị Bảo Quân tức Hàn Lâm Viện Cao Đài quyết định vậy.
Trên bề mặt của vật thể này cũng có ghi những Hán tự như sau:
 
Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp....
 
Đây là bài tứ tuyệt của Đức Chí Tôn giáng cho trong buổi cầu cơ đêm Noel 1925, nguyên văn như sau:
 
Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
 
8 . Xây bàn: (Có người gọi là sai bàn) Ngay dưới cách cầu theo Huyền Cơ này, người ta sẽ nhìn thấy một chiếc bàn ba chân tượng trưng cho phương pháp xây bàn. Đây là một chiếc bàn được thiết kế sao cho một chân ngắn hơn những chân còn lại. Do đó bàn bị gập ghềnh và có thể gõ chân xuống sàn tạo ra tiếng động. Khi cần giao tiếp với thế giới siêu tự nhiên, sẽ có nhiều người (số người không giới hạn) ngồi xung quanh bàn, úp bàn tay lên bàn rồi cùng cầu nguyện, hoặc đọc một bài thơ có nội dung xin được tiếp xúc với các linh hồn ở cõi thiêng liêng. Khi có một linh hồn nào đó muốn giao tiếp, thì bàn chuyển động và gõ chân xuống nền nhà. Theo qui ước truyền thống ở Việt Nam, bàn gõ một nhịp là muốn nói mẫu tự A, hai nhịp là Ă, ba là Â v.v…Cứ như thế, các mẫu tự sẽ ghép lại  thành từng chữ rồi thành bài văn hay thơ. Trong số các đệ tử đầu tiên của đạo Cao Đài thì ba vị Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang và Phạm Công Tắc đã dùng cách này để liên lạc với thế giới thiêng liêng. Hiện nay ở Nữ Đầu Sư Đường Toà Thánh Tây Ninh còn giữ một chiếc bàn bốn chân và ở Thảo Xá Hiền Cung (Thánh Thất Châu Thành Tây Ninh) giữ một chiếc bàn ba chân. Ngày xưa bàn bốn chân này dùng để xây bàn ở nhà của Ngài Cao Quỳnh Cư còn bàn ba chân dùng ở nhà Ngài Cao Hoài Sang.
 
9 . Sóng âm: Phía bên phải của cái bàn ba chân, sát với đường biên là hình chiếc lỗ tai. Đây là biểu tượng cho cách liên lạc bằng sóng âm, nghĩa là nghe các đấng nói chuyện trực tiếp. Tuy nhiên, chỉ có người nào được cho phép liên lạc mới nghe thấy thôi. Những người khác sẽ không nghe được cho dù cùng có mặt tại chỗ với người đó. Đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo thì hiện tượng này không phải là lạ. Đức Mẹ đã tiếp xúc và nói chuyện với nhiều tín đồ ở Fatima, La Vang, Mexico v.v...Hiện nay Đức Mẹ đang nói chuyện với nhiều thị nhân (tức là người nhìn thấy được Đức Mẹ) mà nổi bật là bà Mirjana ở làng Medjugorie thuộc nước Bosnia-Herzegovina. Hiện tượng này bây giờ quý đọc giả có thể dễ dàng xem qua YouTube.
10 . Xuất Chơn Thần: Bây giờ xin quay lại phần tượng Đức Cao Thượng Phẩm, theo lý giải của nữ soạn giả Nguyên Thuỷ. Như đã trình bày ở phần giới thiệu, để hợp với chủ đề của phù điêu thì chúng tôi giải thích hình này kèm theo quả địa cầu sau lưng là tượng trưng cho loài người. Vì chủ đề tranh là “Loài người và các cách thông công với cõi thiêng liêng hằng sống”. Nhưng lý giải sao khi Đức Hộ Pháp bảo ông Tá Lý Bùi Ái Thoại lấy Đức Cao Thượng Phẩm làm mẫu? Chúng tôi mạnh dạn suy đoán đây là biểu tượng của cách thông công cao cấp nhất trong Đạo Cao Đài: Xuất chơn thần.
Lý do là vì, thứ nhất, xuất chơn thần cũng là một cách thông công của Cao Đài, nhưng trong bức phù điêu này chưa có nhắc tới.
Thứ hai, do thánh ngôn dạy cấm uống rượu năm Mậu Thìn (1928) có đoạn:  Thầy nói cái chơn thần là nhị xác thân các con, là khí chất (le sperme évaporé). Nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy. Nơi trung tim của nó là óc; nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là vi hộ, nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh các con, khi luyện thành đạo, đặng hiệp một với Khí, rồi mới đưa thấu đến chơn thần hiệp một mà siêu phàm nhập Thánh”. Vậy, do chơn thần xuất ra từ mỏ ác trên đỉnh đầu nên hình ảnh đầu người đúng là để tượng trưng cho cách thông công này.
Thứ ba, xuất chơn thần thường là kết quả của pháp môn tịnh luyện trong Tịnh Thất Cao Đài. Theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền thì Đức Thượng Phẩm chủ quản các Tịnh Thất. Lại nữa, trong Bí Pháp Luyện Đạo (1979), sau khi người luyện đạo xuất chơn thần ra được, Bát Nương Diêu Trì Cung dạy rằng: “Còn việc ta muốn đi đâu và gặp ai thì lại phải cầu xin với Đức Thượng Phẩm. Nếu được thì Đức Thượng Phẩm điều khiển cây Long Tu Phiến giúp chơn thần ta đến nơi mà ta muốn đến, gặp người mà ta muốn gặp”. Rõ ràng Đức Thượng Phẩm rất quan trọng trong cách thông công này. Điều này lý giải tại sao Đức Hộ Pháp bảo lấy hình ảnh Thượng Phẩm để tượng trưng cho cách thông công xuất chơn thần.
Trong cách này, con người tiếp xúc trực tiếp với thế giới thiêng liêng bằng tư tưởng. Chưa thấy có tài liệu chính thức nào của Đạo Cao Đài nói rõ về cách thức này. Qua Thánh Ngôn, chỉ thấy nói là có cách luyện Tam Bửu và sẽ dạy cho các tín đồ khi vào Tịnh Thất để luyện đạo.
Để tham khảo thêm về Tịnh Luyện Cao Đài, kính mời quý đọc giả đọc Bí Pháp Luyện Đạo của Bát Nương Diêu Trì Cung do Từ Huệ chấp bút trên internet. Hiện giờ, đây là tài liệu rõ ràng và dễ hiểu nhất. Theo thiển ý, vài trăm năm nữa, khi Hội Thánh có đủ Thập Nhị Bảo Quân (Hàn Lâm Viện Cao Đài) sẽ nghiên cứu mọi tài liệu để thảo ra chương trình tịnh luyện phù hợp nhất cho các tín đồ.
Những đồng tử
Dù là cách nào đi nữa, thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là người thực hiện. Trong Cao Đài Giáo, những người thực hiện được các cách giao tiếp nói trên thường được gọi là các đồng tử (psychics) và không phải ai cũng có thể là đồng tử.
Đặc biệt chỉ có một số đồng tử nhất định có thể nhận lời truyền dạy từ Thượng Đế, những vị này được gọi là Ngự Mã Quân. Lúc mới mở đạo, Thượng Đế đã giáng cơ chỉ định 7 đôi đồng tử:
1 . Quý ngài Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc.
2 . Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu.
3 . Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu.
4 . Trần Duy Nghĩa và Trương Văn Tràng.
5 . Ca Minh Chương và Phạm Văn Tươi.
6 . Phạm Tấn Đãi và Nguyễn Thiêng Kim.
7 . Huỳnh Văn Mai và Võ Văn Nguyên.
Các vị này đem Đại Ngọc Cơ đi đến nhiều nơi ở Việt Nam để cلc ًấng thiêng liêng giáng cơ thu nhận tín đồ. Sau đó, vì phương pháp thông công bị lạm dụng quá nhiều, nên đã có lệnh ngưng cầu cơ rộng rãi ngoài các tín đồ. Riêng Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh vẫn thực hiện cầu cơ cho đến năm 1975. Sau đó, chính quyền đã cấm hoạt động này.

Phân loại cơ  
Theo Thánh Ngôn, những cách thông công nói trên thường tạo ra những bài văn hoặc thơ và được phân loại thành Tiên Cơ, Tà Cơ Nhơn Cơ. Ranh giới giữa ba loại rất mong manh, rất khó phân biệt. Nói chung, tìm được một đồng tử đã khó, tìm được một bài cơ có giá trị còn khó hơn nữa.
1 . Tiên Cơ
Khi cầu cơ và nhận được những bài văn, thơ hay, hoặc lời giảng đạo uyên thâm, thì những bài cơ này được xem là có nguồn gốc Tiên Cơ.
2 . Tà Cơ
Khi những bài cơ ẩn chứa những ý đồ xấu, hoặc có lời lẽ không ًạo đức xúi giục người ta tranh chấp với nhau, đó là kết quả của Tà Cơ.
3 . Nhơn Cơ
Khi không có đấng thiêng liêng nào giáng mà đồng tử điều khiển cơ nói ra ý nghĩ của chính mình, đó là Nhơn Cơ. Điều này thường xảy ra ở những người ham danh tiếng hay chức tước. Thường mình ham chức gì thì cơ sẽ phong chức đó cũng như mình muốn đấng nào phong chức cho mình, cũng sẽ được như ý muốn.
 
Kết luận
Do rất khó phân biệt đâu là Tiên Cơ, Tà Cơ hoặc Nhơn Cơ, nên trong đạo Cao Đài không có khuyến khích tín đồ dùng các phương pháp thông công này. Các tín đồ nào muốn tìm hiểu giáo lý thì, trước hết, hãy đọc Quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I và II.  Đây là tài liệu quan trọng ghi lại các bài cơ trong thời kỳ mở đạo. Hiện nay đây là quyển sách được Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh chính thức phát hành.
* Từ Chơn
Sài Gòn, 12/4/2007
Sửa chữa bổ sung 10/12/ 2020

1 nhận xét: