HƯỚNG DẪN CĂN BẢN CHO NGƯỜI MUỐN NHẬP MÔN CAO ĐÀI. * Mai Văn Tìm.


Tập tài liệu nầy trình bày một số điều căn bản cho những người trước khi nhập môn nên đọc qua, gồm các điểm chính sau đây:
1 - Giáo chủ Đạo Cao Đài chính là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
2 - Những điểm ưu việt của đạo Cao Đài.
3 - Nghi thức nhập môn cầu đạo.
4 - Ý nghĩa lời minh thệ nhập môn.
5 - Một số vấn đề liên quan đến việc nhập môn.
6 - Tại sao phải minh thệ ? Minh thệ có lợi ích như thế nào?
7 - Sau khi nhập môn người tân tín đồ bắt đầu con đường tu như thế nào ?
8 - Kết luận.
HƯỚNG DẪN CĂN BẢN
CHO NGƯỜI MUỐN NHẬP MÔN
CAO ĐÀI
 
Nhập môn tức là nghi thức để trở thành một người tín đồ Cao Đài. Khi chúng ta quyết định nhập môn vào Đạo tức là chúng ta thấy được sự ích lợi cũng như có đức tin vững mạnh vào nền Đạo. Mà muốn có được đức tin vững mạnh vào Đạo chúng ta phải hiểu rõ những điểm căn bản của Đạo trước khi nhập môn.
Tập tài liệu nầy trình bày một số điều căn bản cho những người trước khi nhập môn nên đọc qua, gồm các điểm chính sau đây:
1 - Giáo chủ Đạo Cao Đài chính là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
2 - Những điểm ưu việt của đạo Cao Đài.
3 - Nghi thức nhập môn cầu đạo.
4 - Ý nghĩa lời minh thệ nhập môn.
5 - Một số vấn đề liên quan đến việc nhập môn.
6 - Tại sao phải minh thệ ? Minh thệ có lợi ích như thế nào?
7 - Sau khi nhập môn người tân tín đồ bắt đầu con đường tu như thế nào ?
8 - Kết luận.
 
1/. Vị giáo chủ của đạo Cao Đài là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Chúng ta thấy những tôn giáo từ trước đến nay được thành hình do một người hữu hình bằng xương bằng thịt, tu hành đắc đạo rồi lập nên một nền Đạo để cứu vớt chúng sanh như Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jésus, Đức Mohamet, . . . Nhưng đạo Cao Đài do chính Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền diệu dạy bảo các bậc Tiền khai lập nên qua cơ bút, cho nên vị giáo chủ của Cao Đài chính là Đúc Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mà người Việt Nam gọi là Ông Trời là Đấng tối cao duy nhứt tạo nên càn khôn vũ trụ và muôn loài vạn vật, mà nay người Cao Đài còn gọi Ngài là Đấng Chí Tôn hay là Đại Từ Phụ vì Ngài ban cho mỗi người một điểm linh hồn nhờ đó con người mới được khôn ngoan sáng suốt tối linh hơn hết trong muôn loài vạn vật.
Ngoài ra mỗi người chúng ta còn còn có một điểm chơn thần do Đức Phật Mẫu ban cho nên gọi Đức Phật Mẫu là Đại Từ Mẫu hay là Bà Mẹ Thiêng Liêng, mà dân tộc Việt Nam xưa nay thờ phụng dưới danh xưng Bà Mẹ Sanh hay Mẫu trong đạo Mẫu của dân gian. . .
Nay hai Đấng Cha Mẹ Thiêng Liêng vì thương con cái nên mới đến thế gian mở ra nền Đạo Cao Đài để độ rổi con cái Người thoát khỏi cảnh đau khổ trầm luân nơi cõi trần gian mà trở về quê xưa cảnh cũ.
Những vị giáo chủ xưa nay là hàng Tiên Phật vâng mạng lịnh của Đức Thượng Đế đến thế gian mở Đạo độ rỗi chúng sanh, nhưng nay là thời hạ ngươn mạt kiếp là thời kỳ cuối nên chính mình Cha Mẹ Thiêng Liêng đến để cứu vớt cả con cái của Người từ bao đời chưa về được.
Chúng ta có thể nói những vị giáo chủ xưa nay như là các bậc đàn anh, đàn chị của chúng sanh còn ngày nay chính Cha Mẹ chúng ta đến mở Đạo. Đây là điều hữu hạnh cho nhân loại bởi vì tình thương yêu của cha mẹ lúc nào cũng hơn hẳn anh chị rồi.
 
2/. Những điểm ưu việt của đạo Cao Đài:
Đạo Cao Đài là tôn giáo ra đời sau các nền chánh giáo khác nên phải có những điểm tân tiến ưu việt so với các nền tôn giáo xưa nên mới có thể hấp thụ một số lớn người nhập môn từ giới trí thức cho tới hàng nông dân kể cả người Việt lẫn người Pháp thời bấy giờ.
Nhìn chung chúng ta thấy một số điểm ưu việt chính sau đây:
- Đạo Cao Đài xướng xuất một nền tảng giáo lý tổng hợp cho rằng tất cả các vì giáo chủ các tôn giáo xưa nay đều vâng mạng lịnh của Đức Thượng Đế giáng trần mở đạo độ rổi nhơn sanh tùy theo từng thời kỳ và tùy theo phong tục tập quán từng địa phương mà mở ra những mối đạo khác nhau.
Vì vậy người Đạo CĐ không kỳ thị hay kích bác bất cứ tôn giáo nào, điều nầy sẽ khiến những cuộc xung đột về tôn giáo sẽ không còn nữa.
- Giáo lý Cao Đài quan niệm tất cả chúng sanh đều là anh em, những loài thú vật cũng  sẽ tiến hóa lên làm người nên người không nên giết hại bất cứ loài vật nào đầu nhỏ nhít cũng vậy.
- Cao Đài xướng xuất một ý thức hệ đại đồng, mọi dân tộc trên thế giới không phân biệt màu da sắc tóc, đều là anh em với nhau nên giúp đỡ lẫn nhau chớ không không vì nước mạnh mà chiếm đoạt đất đai, tài nguyên nước nhỏ, như xưa nay chúng ta thường thấy.
- Cao Đài áp dụng nguyên tắc Thiên Nhân hiệp nhứt, Quyền quyết định tối cao là Bát Quái Đài do chính Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng chưởng quản nên không bị người hành đạo biến cải, thất chơn truyền, vì vậy nguơn hội của đạo Cao Đài kéo dài đến thất ức niên (bảy trăm ngàn năm) như lời dạy của các Đấng qua cơ bút. Nguyên tắc Trời Người hiệp nhứt được áp dụng triệt để nên xã hội sẽ tiến triển theo chiều hướng phù hợp với Thiên ý chớ không bị sa đọa nữa.
- Đức Chí Tôn đã đem cửu phẩm Thần Tiên để tại mặt thế nầy cho con cái người do theo đó mà lập vị. Khi mà chúng ta đoạt được một cách xứng đáng nơi cõi thế nầy thì khi về Thiêng Liêng vẫn được nhìn nhận, thí dụ như một vị Lễ sanh làm tròn nhiệm vụ thì về cõi Thiêng Liêng sẽ xứng vị vào hàng Thiên Thần. Trong Pháp Chánh Truyền có quy định như sau:
“Trong Cửu Trùng Đài có Đầu Sư thì đối với phẩm Địa Tiên, Chưởng Pháp thì đối với phẩm Nhơn Tiên, Giáo Tông thì đối với phẩm Thiên Tiên: Tam Trấn Oai Nghiêm thay quyền Phật vị tại thế nầy. Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn Lành của Bát Quái Đài. . . . .còn Chánh Phối Sư và Phối Sư đối phẩm Thiên Thánh, Giáo Sư đối phẩm Nhơn Thánh, Giáo Hữu đối phẩm Địa Thánh, Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự đối phẩm Nhơn Thần, Chư Tín Đồ đối phẩm Địa Thần.  . . .
- Đặc biệt trong Tam Kỳ Phổ Độ nữ phái được nâng đỡ cho cầu phong vào hàng chức sắc như nam phái và chỉ kém nam phái hai phẩm cao nhất là Giáo Tông và Chưởng Pháp mà thôi. Còn đối với các tôn giáo thời Nhị Kỳ phổ độ, nữ phái chỉ có hàng nữ tu chớ không lên các phẩm trật như nam phái.
- Đạo Cao Đài còn được gọi là Đại Ân Xá lần ba đây là cuộc ân xá lớn dành cho người nhập môn vào đạo và quyết tâm tu hành chân chính theo chơn pháp Cao Đài sẽ được Thiêng Liêng cho trả nghiệp quả một cách nhẹ nhàng để có thể dễ dàng đoạt vị trong môt kiếp sanh nầy.
- Qua ý nghĩa 2 bài kinh Di Lạc và kinh Đại Tường cùng hình tượng Đức Phật Di Lạc cởi trên lưng cọp trên nóc Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh và 4 cột Rồng và Hoa trước cửa Đền Thánh nói lên Tam Kỳ Phổ Độ là ngươn hội của Đức Phật Di Lạc, Ngài sẽ thị hiện trong Đạo Cao Đài và khai mở Hội Long Hoa ban thưởng cho người tu hành đoạt vị.
3/. Nghi thức nhập môn cầu đạo.
 
Nghi thức nhập môn vào đạo rất đơn giản, người muốn nhập môn chỉ việc đến bất cứ Bàn Tri Sự địa phương hay một Thánh Thất hay tại Tòa Thánh xin nhập môn và sau đó vị chức sắc hay chức việc sẽ hướng dẫn người nhập môn quì trước Thiên bàn đọc lời minh thệ như sau:
Tôi tên ....Tuổi...:
 Thề rằng : từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi  dạ đổi lòng, hiệp đồng chư  môn đệ, gìn  luật  lệ  Cao  Đài,  như  sau  có  lòng  hai  thì  Thiên tru  Địa  lục”.
Rồi lạy Thầy (Đức Chí Tôn) ba lạy là xong.
Sau đó Hội Thánh sẽ cấp cho giấy Sớ Cầu Đạo để chứng minh mình là người tín đồ Đại Đạo.
 
4/. Ý nghĩa lời minh thệ nhập môn:
 
Lời Minh Thệ nầy do Đức Chí Tôn giáng cơ lập ra, chớ không phải do một người phàm nào đặt để, nên có tính cách thiêng liêng huyền bí.
Câu Minh Thệ gồm 36 chữ, số 36 là bội số của 12, mà số 12 là số riêng của Đức Chí Tôn.
1 *  Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế :
“ Là trọn nhìn một Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn, ngoài ra không đặng xu hướng theo ngoại giáo, tà quyền, lập nên phe đảng, chia rẽ tâm lý, gây nên sự rắc rối chia ly  làm mất đức  tin  trong cửa Đạo.
2 * Hiệp đồng chư môn đệ  gìn luật lệ Cao Đài :
“ Tín đồ nhập môn rồi phải tuân hành luật pháp chơn truyền của Đại Đạo là : Tân Luật, Đạo Luật, Pháp Chánh Truyền, vv... và thi hành các qui điều giáo huấn của Hội Thánh để làm tròn phận sự mình. Ấy là phương hiệp đồng nhứt trí của toàn đạo, tín đồ, Chức việc, Chức sắc Hội Thánh để nhặt gìn luật lệ Cao Đài của Đấng Chí Tôn.
3* Như sau có lòng hai thì Thiên tru Địa lục :
“ Ăn ở hai lòng, bất trung bất chánh, dối Thầy phản bạn và làm những việc trái với luật lệ của Đại Đạo, cùng hành động vô nhân vô nghĩa, mất sự thương yêu, mất điều tín nhiệm, gieo rắc những điều ngờ vực hiềm khích giữa tình đồng đạo và manh tâm bội nghịch cùng Hội Thánh, sẽ chịu luật công bình của Trời Đất tru diệt (giết phạt).
“ Minh Thệ đối với luật vô vi tức là Thiên điều của Chí Tôn và các Đấng Phật Tiên Thánh Thần cầm quyền trị thế là một ân huệ được chọn làm môn đệ của Đấng Chí Tôn.
“ Khi giữ tròn lời Minh Thệ sẽ được các Đấng hộ trì, ban ân lành, đạo tâm sáng suốt, trọn vẹn đức tin, đến ngày thành công đắc đạo, được ghi tên vào Tiên tịch (Bộ Tiên).
“ Minh Thệ đối với luật hữu hình của Hội Thánh là một giá trị uy tín đối với Đạo và Hội Thánh. Khi giữ tròn lời Minh Thệ sẽ được tín nhiệm kính nể, bảo trợ hưởng mọi đặc ân với luật công bình của Hội Thánh.
“ Lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo là một điều rất quan hệ của người giữ Đạo và là một lời hứa trọn vẹn tín thành với Hội Thánh cùng các Đấng thiêng liêng.
“ Một kiếp sanh ở hiện tại và tương lai, phước hay tội, cũng do nơi lời Minh Thệ nầy.
“ Vậy, toàn đạo nam nữ nên trân trọng gìn theo lời Minh Thệ.” (Trích văn thư của Hội Thánh : Dẫn giải lời Minh Thệ nhập môn cầu Đạo ngày 27-1-Tân Mão, dl 4-3-1951)
 
5/. Một số vấn đề liên quan đến việc nhập môn.
a) Người có đạo khác muốn nhập môn vào đạo Cao Đài và vẫn giữ đạo cũ của họ có được không ?
Theo sự tham khảo ý kiến một số huynh tỷ cho rằng trường hợp nầy mình cứ cho họ biết lời minh thệ và nếu họ đồng ý thì cứ cho nhập môn vào Đạo.
b) Người tín đồ Cao Đài có được vào đạo khác đồng thời vẫn giữ đạo Cao Đài ?
Điều nầy không được vì lời minh thệ từ đây chỉ biết một đạo Cao Đài mà thôi.
c) Nên hiểu rõ danh từ các tôn giáo khác dùng để chỉ sự gia nhập đạo như đạo Phật gọi là Qui y Tam Bảo, đạo Chúa gọi là lễ Rửa Tội, hay Báp Têm (tiếng Anh gọi là Baptize), một số môn phái thiền thì gọi là Truyền Tâm ấn, . . .
 
6/. Tại sao phải minh thệ ? Minh thệ có lợi ích như thế nào?
a). Đức Hộ Pháp dạy ư nghĩa của việc minh thệ:
 “ Bần đạo nói thật, buổi Đức Chí Tôn đến tạo Quốc Đạo cho nòi giống Rồng Tiên nầy, chính Ngài cầm cơ đi đến các tỉnh kêu từ nhà, gọi từ đứa con, cho không biết bao nhiêu bài khuyến dạy, tạo thành một nền tôn giáo Cao Đài là Quốc Đạo. Bần đạo tưởng chưa có người nào đem cả tinh thần tâm đức mà thi ân cho dường ấy, Đức Chí Tôn đến độ rỗi, lập giáo, rồi lại bắt Minh thệ.
Hỏi tại sao Ngài lại bắt Minh thệ ? Là buộc con cái phải hiệp đồng cùng nhau. Mỗi người có một chút đức tin. Thầy bảo qui đức tin ấy lại, phải có tâm đức tin tưởng, yêu ái lẫn nhau, phải nhìn nhận có Thầy, có đức tin nơi Thầy. . .”
 
 b).  Mục đích của Minh thệ là gì ?
- Về phần người : Minh thệ cốt để người tín đồ dứt khoát tư tưởng mà thủ tín với lời thề, không dám làm điều gì trái với lời thề tức là trái với luật đạo, để hết lòng lo lập công bồi đức, trau tâm luyện tánh mà đạt đến phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.
- Về phần thiêng liêng :  Người có lập Minh thệ thì các Đấng thiêng liêng mới nhìn nhận là môn đệ của Đức Chí Tôn, tức là tín đồ của Đại Đạo, mới hộ trì không cho tà ma khuấy phá, gây trở ngại bước đường tu tiến. 
c). Minh thệ có ích lợi gì ?
Khi lập Minh thệ rồi mới được làm môn đệ của Đức Chí Tôn, mới hưởng được hồng ân của Chí Tôn ban cho :
* Thứ nhứt, môn đệ giữ tròn luật đạo, ăn chay 10 ngày trong một tháng thì vào hàng Đạo hữu, đối phẩm Địa Thần trong Cửu phẩm Thần Tiên.
* Thứ nhì, môn đệ giữ tròn luật đạo, ăn chay 10 ngày mỗi tháng thì khi qui liễu được làm Phép Xác, Phép Đoạn Căn, Độ Thăng, làm Tuần Cửu, Đại Tường, Tiểu Tường, để đưa chơn hồn đi lên qua 12 từng Trời, bái kiến các Đấng Tiên Phật, bái kiến Đức Phật Mẫu và Đức Chí Tôn, sau đó được Tòa Tam Giáo Ngọc Hư Cung định phận. 
* Nếu không giữ tròn lời minh thệ thì bị Thiên tru địa lục, đây là lời thề rất nặng mà nếu chúng ta có hùng tâm dám thề trước Thiên bàn thì nhờ lời minh thệ nầy các sẽ Đấng hộ trì cho linh hồn được siêu thăng như trong kinh Cầu hồn khi hấp hối:
“Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh,
Ăn năn sám hối tội tình,
Xét câu minh thệ, gởi mình cõi thăng”
Vậy, việc Minh thệ là một việc làm rất có ích và rất có ý nghĩa đối với mỗi tín đồ Cao Đài, về phương diện phàm trần cũng như về phương diện thiêng liêng.
 
7/. Sau khi nhập môn người tân tín đồ bắt đầu con đường tu như thế nào ?
Sau khi nhập môn, người tân tín đồ bắt đầu việc học hỏi về giáo lý, luật pháp Đạo qua những kinh sách căn bản nhất của Đạo là: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tân Luật Pháp Chánh Truyền, Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. . .
Theo Tân Luật, một số điều cần làm ngay như:
- Nhập đạo rồi phải quên những việc oán thù nhau khi trước, phải tránh việc ganh ghét, tranh đua kiện cáo, phải nhẫn nhịn và hòa thuận với nhau. . .
- Xem xét lại nghề nghiệp của mình có nhằm những nghề mà luật Đạo cấm như: sát sanh hại vật, tồi phong bại tục, soạn hay ấn hành những truyện phong tình huê nguyệt, không được buôn bán các thứ rượu mạnh và á phiện là vật độc làm cho giảm chất con người. . .Nếu phạm vào các nghề nghiệp như trên thì phải tìm cách giải nghệ tìm nghề khác mà sinh sống.
- Phải ăn năn sám hối những điều mình sai phạm trước kia vì chưa biết Đạo và tự nguyện không từ bỏ không còn tái phạm nữa.
- Phải tập ăn chay mỗi tháng từ 6 ngày, sau đó phải ăn chay 10 ngày là tối thiểu. Việc ăn chay 10 ngày, gọi là Thập trai rất là quan trọng vì không ăn đủ 10 ngày trở lên thì khi thoát xác chơn thần trọng trược không thể vượt qua 9 tầng Trời mà siêu thoát, nên luật Cao Đài bắt buột người tín đồ phải giữ trai kỳ 10 ngày đổ lên.
- “Hễ nhập môn rồi phải trau giồi giữ tánh hạnh, cần giữ Ngũ Giới Cấm là:
Nhứt Bất Sát Sanh, là chẳng nên sát hại sanh vật.
Nhì Bất Du Đạo, là cấm trộm cướp; lấy ngang, lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy để ý hại cho người, mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.
Tam Bất Tà Dâm, là cấm lấy vợ người, thả theo đàn điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt (vợ chồng không gọi tà dâm).
Tứ Bất Tửu Nhục, là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị.
Ngũ Bất Vọng Ngữ, là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng, thô tục, chưởi rủa người, hủy báng Tôn Giáo, nói ra không giữ lời hứa”.(Trích Tân Luật , Điều thứ hai mươi mốt).
- Ngoài ra cần giữ Tứ đại điều qui :
Buộc phải trau giồi đức hạnh giữ theo tứ đại điều qui là:
1 - Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.
2 - Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên Đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.
3 - Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.
4 - Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh trước rồi khi sau.
Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng đừng vụ riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người. ”.(Trích Tân Luật , Điều thứ hai mươi hai).
- Mỗi tháng hai ngày sóc vọng, và những ngày lễ vía phải đi cúng ở Thánh Thất một là để hưởng được điển lành của các Đấng ban cho để chơn thần mình ngày càng sáng suốt, nhẹ nhàng, hai là thể hiện tình hòa ái thân mật giữa các bạn đồng môn cùng nhau học hỏi, giúp đỡ để cùng tu tiến, ba là thông hiểu các thông tri lời dạy của Hội Thánh ban xuống cho toàn đạo rõ và thi hành. . .
- Nên lập Thiên bàn, nhờ chức sắc, chức việc an vị Thánh tượng thờ Thầy nơi tư gia để mỗi ngày cúng tứ thời, điều nầy rất quan trọng vì cúng tứ thời là một bí pháp của Đạo và mỗi  khi cúng là cho linh hồn ăn uống. . .
- Phải học thuộc kinh cúng Tứ thời, kinh Di Lạc, kinh Cứu Khổ và kinh Sám Hối. Kinh Di Lạc có năng lực để cầu siêu và cầu an, còn kinh Cứu khổ để cầu lành bịnh, tiêu tai giải nạn, kinh sám hối để sửa mình để ngày càng hoàn thiện không còn gây thêm tội tình nghiệt chướng.  
- Nên biết rằng pháp tu theo đạo Cao Đài gọi là tu tại thế nghĩa là mình vẫn sống hòa mình trong xã hội, làm tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội đồng thời tu sửa tánh tình ngày càng hoàn thiện cùng lập nhiều công quả tức là giúp ích cho Đạo cho Đời cho cả chúng sanh với tấm lòng bác ái vị tha.
- Tu sửa thân tâm theo Phuơng Luyện Kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo của ĐHP.
- Ba con đường lập vị của người môn đệ Cao Đài là :
1 . Hành Đạo nơi Cửu Trùng Đài: bắt đầu là các phẩm Bàn Tri Sự là Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự, rồi từ từ cầu phong lên Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư,... Đây là con đường hành chánh đạo dành cho những người có khả năng giáo hóa nhơn sanh.
Trong sử Đạo đã có nhiều vị hành đạo từ phẩm Bàn Tri Sự và cuối cùng lên đến phẩm Đầu Sư tức là vào hàng Tiên vị. . .
2 . Hành Đạo nơi Cơ Quan Phước Thiện bắt đầu từ phẩm Minh Đức, Tân Dân,...rồi lên nữa tất cả là 12 phẩm nên gọi là con đường Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng. Đây là con đường làm ra của cải vật chất, giúp khó trợ nghèo, nuôi dưỡng người cô thân, già yếu neo đơn,...
Trong sử Đạo có những vị bước lên tới phẩm cao nhứt là Hiền Nhơn, ngang hàng với phẩm Chánh Phối Sư bên Cửu Trùng Đài, tức là vào hàng Thiên Thánh.
3 . Thứ ba là con đường tu chơn, theo đường nầy thì không có phẩm vị mà chỉ lo lập công quả và tịnh luyện, điển hình là cơ quan Phạm Môn do Đức Hộ Pháp thành lập trước kia. Theo con đường nầy đã có 2 vị sau khi qui thiên được đắc vị vào hàng Phối Thánh.
Ngoài ra tùy theo khả năng chuyên môn của mỗi người có thể xin gia nhập vào các cơ quan khác của Đạo để lập công quả như:
- Chức sắc Bộ Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài từ phẩm Luật Sự đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.
- Thập nhị Bảo Quân, Đây là 12 vị chức sắc chuyên môn thuộc Hàn Lâm Viện của Đạo được đối phẩm Thiên Thánh.
- Ban Thế Đạo từ phẩm Hiền tài đến phẩm Phu Tử. Ban nầy nhằm mời gọi các hạng trí thức ngoài đời đến với Đạo, các vị nầy vẫn làm việc ngoài đời bình thường nhưng có chân trong cửa Đạo tùy theo khả năng, nghề nghiệp mà giúp Đạo trợ Đời, Và khi đã rảnh nợ Đời thì có thể xin cầu phong vào hàng chức sắc để đi hành Đạo. . .
- Chức sắc bộ nhạc từ nhạc sĩ, lễ sĩ, giáo nhi cho đến cao nhất là Tiếp Lễ nhạc quân là ngang hàng bậc phẩm Thiên Thánh.
- Ban Kiến trúc thì có các phẩm trật như Tá Lý, Phó Tổng Giám, Tổng Giám (đối phẩm với Giáo Hữu vào hàng Địa Thánh)
- Ngoài ra người đạo hữu có thể lập công quả ở rất nhiều cơ sở đạo khác như : Cửu viện gồm có:
Học viện (giáo dục, hạnh đường huấn luyện chức sắc, chức việc), nếu là giáo viên có thể dạy thêm công quả nơi trường của Đạo như Đạo Đức Học Đường. . .
Y viện tức bộ y tế của Đạo, quản lý các bệnh viện, dưỡng đường. Nếu là y sĩ, y tá có thể làm thêm công quả nơi các dưỡng đường của Đạo. . .
Nông viện bộ Nông nghiệp sản xuất lúa gạo nông sản cho Đạo.
Hộ viện, quản trị tài chánh Đạo,
Lương viện, lo về lương thực cho Đạo,
Công viện, tức là bộ công chánh của Đạo lo về đường sá, xây cất.
Hòa viện, lo việc phân xử, hòa giải các tranh chấp và giữ an ninh trật tự như Cơ Thánh Vệ, Cơ Bảo Thể. . .
Lại viện, tức là bộ nội vụ Đạo, quản lý nhân sự, thuyên bổ chức sắc.
Lễ viện lo về nghi lễ, thờ cúng.
Ban Đạo Sử (sưu tầm lưu giữ tài liệu đạo), Ban Mỹ thuật (trang trí các cuộc lễ) . . .
Tóm lại, con đường lập công quả trong cửa Đạo rất rộng rải, tùy theo sở thích tùy theo khả năng mỗi người đều có thể lập công quả được. Trong Tam Kỳ Phổ Độ rất quan trọng việc tạo lập công quả vì muốn được giải thoát trước hết ta phải trả cho rồi các món nợ trong nhiều đời nhiều kiếp ta nhờ vả xã hội nhơn quần.
Thánh giáo Đức Chí Tôn:
“Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả.
Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn.  (TNHT, 5-7-1926)
- Sau một thời gian lập công quả và tu thân khi đủ Tam lập là: lập đức, lập công và lập ngôn, người tín đồ có thể xin vào Tịnh Thất để tịnh luyện, hiện tại có 3 trung tâm để tịnh luyện là Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung và Vạn pháp cung, nhưng hiện nay 3 trung tâm nầy chưa có chính thức hoạt động...
Trên đây chỉ là một số vấn đề căn bản nhất cho người mới bắt đầu học Đạo. Sau đó người môn đệ sẽ học hỏi qua Thánh Ngôn, Thánh giáo, Lời Thuyết Đạo của các bậc Tiền bối, tìm hiểu lịch sử, giáo lý, triết lý, luật pháp đạo. . . để tu hành cho đến ngày viên mãn. . .
 
Kết luận:
Việc nhập môn vào Đạo là điều rất quan trọng có ảnh hưởng đến sự thăng đọa linh hồn nên trước nhứt người muốn nhập môn phải hiểu rõ lời minh thệ là quyết tâm theo một đạo Cao Đài để lo tu hành đoạt vị, giải thoát luân hồi sanh tử mai sau.
Phải hiểu rõ vào đạo là một hồng ân to lớn gặp thời kỳ Chí Tôn ban đại ân xá nên sẽ dễ dàng đoạt vị thiêng liêng hơn những con đường khác, giống như một khoa thi chánh phủ mở ra thì văn bằng mới có giá trị.
Để kết thúc chúng tôi xin mượn lời Thánh giáo của Đức Chí Tôn :
“Chư chúng sanh nghe:
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, chiếu theo luật Thiên đình, Hội Tam giáo, mở rộng mối Ðạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn sanh bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa luân hồi và dụng Thánh tâm mà dẫn dân sanh, làm cho hoàn toàn trách nhậm nặng nề của đứng làm người, về bực nhơn phẩm ở cõi trần ai khốn đốn nầy. . . . .
Càn khôn càng náo nhiệt, ngày tận diệt đã hầu kề. Kẻ hữu phần đặng nắm mối Ðạo Trời, dựa chiếc thuyền sen lần vào non cao suối lặng, để rửa bớt chút bợn trần, dưỡng tánh tu thân, để nâng lên địa vị thanh cao, lánh xa đọa luân hồi trong lúc hồn lìa khỏi xác.
Kẻ vô phước dụng tà tâm làm một món lợi riêng, quên cả điều hành phạt đã kế bên mình, chới với cả muôn triệu giữa dòng, mà chẳng chịu sớm tự hối đặng gỡ lần mối họa sau.
Hành trình dài đăng đẳng, mà bước tục hãy còn chờ, chẳng sớm biết mình, họa Trời đâu tránh khỏi.
Khá biết cho. . .”(Trích TNHT, 3-1-1927)
* Mai Văn Tìm
 
HẾT
 
PHẦN TRÍCH LỤC THÁNH GIÁO, THI VĂN.
“Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo.
Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.
Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao”.(TNHT, 5-3-1927)
“Than ôi! Ðã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn, thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh giáo đâu?” (TNHT, 27-12-1926)
“Phụng gái non Nam, Đạo trổ mòi ,
Trổ mòi nhơn vật bốn phương Trời .
Trời Âu, biển Á chờ thay sắc ,
Sắc trắng mây lành phủ khắp nơi”.
 
“ Thiệt vàng gặp lửa tuổi càng cao ,
Dầu gọi mình khờ cũng chẳng nao .
Theo Đạo Cao-Đài ơn cứu độ ,
Muôn năm hưởng phước trở về sau” .
 
“Đường Đạo tìm vào mới rõ cơ,
Cơ mầu giải khổ chớ chần chờ.
Chờ cho trễ bước thuyền xa bến,
Bến tục thoát vòng hết ước mơ”.
 
“Cõi thế tìm nơi đạo-đức vào,
Lòng thành Thần-Thánh chứng công-lao.
Nhân-sanh thấy khổ đưa tay cứu,
Chẳng mất phần sau địa vị cao”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét