Vào 1/3 âm lịch hàng năm Hội
Thánh Cao Đài kỷ niệm ngày Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư trở về cõi thiêng liêng
hằng sống.
Ngài là một trong những vị
tiền bối đã mở đường khai phá vào những ngày đầu thành lập đạo Cao Đài. Sử đạo
còn ghi lại lòng tin tuyệt đối của Ngài đối với Đức Chí Tôn Thượng Đế. Khi nghe
lịnh mở đạo, Ngài lập tức từ bỏ cuộc sống sung túc, không ngại thiếu thốn, dấn
thân làm người đi đầu mở đạo cho Đức Chí Tôn.
Đến nỗi bạn bè phải khuyên
can “Thầy Tư, sao thầy quá tin dị đoan. Con còn đang học bên Pháp, mà Thầy đi
như vậy thì việc học của con phải dở dang sao ?” Xét kỹ tình cảnh của Ngài thì mới
thấy đức tin này quả thực là rất hiếm có đối với một người bình thường dù là
trong xã hội thuộc Pháp ngày xưa hay thậm chí ngày nay cũng vậy.
Đọc sử đạo, hầu như mọi tín
đồ Cao Đài đều biết tiểu sử và công nghiệp của Ngài và người bạn đời là Bà Đầu
Sư Hương Hiếu mà tín đồ thường gọi bằng một từ thân thương là Bà Tư, vì vậy
trong bài viết này, chúng tôi không nhắc lại chuyện đó, mà chỉ xin thảo luận
thêm về vai trò rất quan trọng của Ngài trong Bí Pháp Tịnh Luyện của Đạo Cao
Đài.
NHỮNG DẤU ẤN THIÊNG LIÊNG
Trước hết, xin nói về những
dấu ấn thiêng liêng mà Đức Ngài còn để lại cho những thế hệ trẻ Cao Đài. Chỉ
xin nhắc những dấu ấn có liên quan đến Bí Pháp Tịnh Luyện thôi, bởi vì phần lớn
các tác giả trước đây chỉ bàn lướt qua nên chúng ta không thấy hết sự quan trọng
của những dấu ấn này.
Là một đồng tử quan trọng Chỉ
riêng tại Đền Thánh, vốn là biểu tượng ở thế gian của Bạch Ngọc Kinh tức là
trung tâm điều hành vũ trụ của Đức Chí Tôn, chúng ta đã thấy một điều hiếm có,
nếu điểm qua các vị tiền bối thời kỳ mở đạo. Đó là Ngài được tạc tượng đến hai
lần. Một là tượng toàn thân đứng trên ngai của Ngài, bên phải của ngai Hộ Pháp
trong Hiệp Thiên Đài. Hai là tượng bán thân đắp nổi trên trần Cung Đạo.
Tượng Ngài đứng trên ngai,
tính chung với tượng Đức Hộ Pháp, tượng Đức Thượng Sanh, chữ Khí sau lưng Đức Hộ
Pháp và ngai Thất Đầu Xà (ngai hình rắn 7 đầu), là hướng dẫn cho pháp môn tịnh
luyện xuất chơn thần của Cao Đài. Mọi người ai cũng có thể quan sát, nghiên cứu
thể pháp này để tìm ra bí pháp cho riêng mình. Nếu ai quan sát mà không tìm ra
được điều gì hoặc cảm thấy không thích, thì người đó chưa đủ căn quả để đi vào
con đường thứ ba của đại đạo (tịnh luyện). Đường thứ nhất là tham gia làm chức
sắc Cửu Trùng Đài, đường thứ hai là làm chức sắc Phước Thiện. Xin nói thêm, những
vị chưa phù hợp để tịnh luyện thì không nên cố gắng tìm cách làm cho được vì sẽ
rất khó thành công. Tuy nhiên, những vị đó không phải là không có cơ hội khác để
đắc đạo. Trong đạo Cao Đài còn vô số pháp môn (cách tu tập) khác và nếu tìm ra
được cách thích hợp cho bản thân thì ai cũng có thể đắc đạo cả. Tính từ ngày mở
đạo đến nay nhiều vị tiền bối đã đắc đạo mà không thông qua tịnh luyện, chỉ nhờ
làm công quả
thôi, như Phối Thánh Phạm
Văn Màng, Phối Thánh Bùi Ái Thoại, Thánh Phi Châu (Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển) v.v...
Còn về tượng bán thân trên
trần Cung Đạo, có người nói là của Hồng Quân Lão Tổ, vị Thánh tối cao của Đạo
Lão, nhưng xét chủ đề của bức phù điêu là nói về những cách thông công giữa con
người và các đấng thiêng liêng thì nói như vậy là chưa ổn lắm.
Tương truyền Đức Hộ Pháp bảo
ông Tá Lý Bùi Ái Thoại lấy hình ảnh của Đức Thượng Phẩm làm mẫu khi đắp tượng
này. Từ đó, trước hết, chúng tôi đoán tượng này có mục đích nhắc nhở mọi người
về vai trò đồng tử rất quan trọng của Đức Thượng Phẩm trong buổi khai đạo. Bởi
phần lớn các buổi “xây bàn” là diễn ra ở nhà Ngài và những bài cơ quan trọng có
liên quan đến Tân Luật Pháp Chánh Truyền (Hiến Pháp Cao Đài) đều do Ngài và Đức
Hộ Pháp phò loan (làm đồng tử cầu cơ). Đức Ngài cũng chính là người cầm Đại Ngọc
Cơ khi Đức Chí Tôn trục thần Đức Hộ Pháp.
Nên nhớ là trong toàn bộ các
đệ tử đầu tiên việc trục thần chỉ áp dụng duy nhất cho Đức Ngài Phạm Công Tắc.
Tất cả các vị đệ tử còn lại trong số 12 vị đầu tiên đều không có thủ tục trục
thần, chỉ quỳ tuyên thệ mà thôi. Đức Thượng Phẩm là một đồng tử quan trọng đến
nỗi, sau khi Ngài bỏ xác phàm để về trời, ngày 1-3 Canh Ngọ (1930), Đức Hộ Pháp
đã nói, “Cái cơ Phong Thánh, cơ lập thánh, cơ truyền giáo Ngài (Đức Thượng Phẩm)
đã đem theo, nên ngày giờ này, thảng có cơ Phong Thánh thì Ngài cậy mượn Cao Tiếp
Đạo nâng loan có Ngài trợ lực, chớ cây cơ Phong Thánh hiển nhiên giờ phút này không
còn. Cái
tiếc của Bần Đạo có hay chăng là ở điều đó".
Theo lời Bà Đầu Sư Hương Hiếu
thì chỉ khi Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm cầm cơ thì Đức Chí Tôn mới giáng. Do
đó, Đức Hộ Pháp nói từ ngày Đức Thượng Phẩm mất đi, không có người cầm cơ để Đức
Chí Tôn phong chức và dạy đạo nữa, phải nhờ Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng tạm cầm
cơ thay thế.
Ngoài ra, tượng bán thân
trên trần Cung Đạo còn ẩn dụ một điều nữa. Đó là Đức Ngài còn một nhiệm vụ trọng
yếu nữa đối với Bí Pháp Tịnh Luyện Xuất Chơn Thần. Điều này sẽ được trình bày
trong phần sau.
Vai trò quan trọng trong Hội
Yến Diêu Trì Thứ đến, ngày nay khi vào Báo Ân Từ lạy Phật Mẫu, chúng ta thấy
hình ảnh của Đức Thượng Phẩm quỳ dưới tượng của Mẹ và Cửu Vị Nữ Phật. Vậy là
trong Nội Ô Thánh Địa, Đức Ngài được tạc tượng tới lần thứ ba! Theo truyền thuyết
Trung Hoa, Hán (Hớn) Vũ Đế là người đầu tiên được tiếp kiến Phật Mẫu và Đức Hộ
Pháp dạy rằng, "Nguyên căn của Hớn Võ Đế là Hớn Chung Ly giáng sanh thành
lập quốc gia. Kỳ Hạ Ngươn này, Đức Cao Thượng Phẩm cũng là chơn linh của Hớn
Chung Ly tái thế lập thành Quốc Đạo nên tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm thuận
hơn".
Nghĩa là, tướng Chung Ly Quyền,
một trong tám vị Tiên trong truyền thuyết Trung Hoa, giáng sanh là Hán Vũ Đế và
ngày nay giáng sanh là Đức Thượng Phẩm. Hán Vũ Đế tiếp Phật Mẫu tại cung
điện của mình còn Hội Yến Diêu Trì đầu tiên tổ chức tại nhà Đức Cao Thượng Phẩm.
Vậy nên tạc tượng Thượng Phẩm đón Mẹ là dựa vào sự kiện này. Đức Hộ Pháp nhiều lần
giải thích rằng Hội Yến Diêu Trì hàm chứa bí pháp giải thoát của đạo Cao Đài.
Vì vậy vai trò của Đức Thượng Phẩm trong kỳ ba này là cực kỳ quan trọng mà các
chơn hồn cần học hỏi để tự mình giải thoát khỏi vòng quay luân hồi sanh diệt
triền miên.
VAI TRÒ TRONG BÍ PHÁP TỊNH LUYỆN
Chưởng quản các Tịnh Thất Theo Luật Cao Đài (Tân Luật Pháp Chánh Truyền)
Thượng Phẩm chưởng quản các Tịnh Thất, nghĩa là Ngài trực tiếp chăm sóc việc tu
tập tại đây. Tất cả các tín đồ vào tịnh luyện đều phải thực hành Bí Pháp Tịnh
Luyện theo hướng dẫn của Ngài. Lúc mới mở đạo, Hội Thánh đã lập Tịnh Thất đầu
tiên tại cụm rừng gần Báo Ân Từ mục đích là cho Ngài tĩnh dưỡng sau vụ khảo đảo
của ông Tư Mắt (Nguyễn Phát Trước). Ngày 15/10/Mậu Thìn (1928) Hội Thánh đã đến
Thảo Xá Hiền Cung rước Đức Thượng Phẩm về nhập Tịnh Thất này. Đến nay thì không
còn nghe nhắc gì đến Tịnh Thất này nữa. Vậy người nhập Tịnh Thất Cao Đài đầu
tiên chính là Đức Thượng Phẩm, cũng là người chưởng quản.
Tính cho đến nay thì Đạo Cao Đài dự kiến có ba tịnh thất là Trí Huệ
Cung, Trí Giác Cung (hiện làm nhà dưỡng lão) và Vạn Pháp Cung. Vạn Pháp Cung
chưa xây dựng chính thức, nhưng một nhóm tín đồ Cao Đài đã tự động thành lập ở
chân núi Bà Đen, không rõ có thông qua Hội Thánh hay không. Từ khi ban hành Tân
Luật (1926) cho đến 700,000 năm nữa, các Tịnh Thất Cao Đài vẫn thuộc về quyền
chưởng quản của Đức Thượng Phẩm cho dù Ngài không có mặt tại thế gian. Xin nhớ
cho rằng, theo Tân Luật Cao Đài, chức vụ Giáo Tông có thể bầu cử người thay thế,
nhưng Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh thì không. Chức sắc Hiệp Thiên Đài chỉ
bầu cử từ chức vụ thấp nhất đến chức vụ cao nhất là Thập Nhị Thời Quân. Chức vụ
Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh không có bầu cử người khác thay thế.
Vậy thì, hiện nay ba Tịnh Thất vẫn chưa hoàn chỉnh và Hội Thánh cũng
chưa có tổ chức tịnh luyện chính thức. Tuy nhiên, ngày 1-2 năm Đinh Hợi (1947)
Đức Hộ Pháp đã nói, “Chúng ta đạt pháp do chúng ta có ba thể tương liên. Đừng
tưởng chúng ta không đạt được. Chúng ta hễ đi được thì đi hoài, đâu cũng có đường
hết thảy. Song muốn đạt được pháp thì phải luyện. Ban sơ mới khai Ðạo chúng ta
phải thi hành thể pháp. Nếu sau nầy không đạt được chơn pháp thì cũng như con
người có quần mà không có áo vậy”.(Quyển 1 Bài 15 Thuyết Đạo ĐHP - Ban Tốc Ký).
Nghĩa là, muốn đắc đạo phải phối hợp ba thể Tinh Khí Thần bằng cách luyện đạo.
Nhưng lúc mới mở đạo thì phải lo thể pháp (nghi lễ cúng lạy) nhiều hơn còn về
sau phải vừa lễ nghi cúng lạy vừa tịnh luyện song hành mới đúng. Như vậy, dư luận
bấy lâu nay bảo rằng Đức Chí Tôn cho “miễn” tịnh luyện thậm chí là “cấm” tịnh luyện
trong kỳ ba này là không có cơ sở.
Suy cho cùng, theo ý riêng chúng tôi, phải chờ vài trăm năm nữa, khi có
Hàn Lâm Viện gồm Thập Nhị Bảo Quân đầy đủ, Hội Thánh mới định hình được Bí Pháp
Tịnh Luyện và lúc đó mới tổ chức chính thức cho mọi tín đồ tham gia. Hiện nay
(năm 2021) cũng có nhiều tín đồ tự mình tịnh luyện tại nhà theo những hướng dẫn
riêng. Đó là những chơn linh cao trọng đáng tôn quý. Những vị này khi nhìn các
bửu pháp ở Đền Thánh họ biết ngay là mình phải làm gì hoặc có khi các đấng
thiêng liêng giáng tâm (truyền thẳng vào tư tưởng) cho họ cách tịnh luyện. Miễn
là những vị đó làm đúng hướng dẫn và giữ đúng Tân Luật Pháp Chánh Truyền Cao Đài
thì Đức Thượng Phẩm sẽ hỗ trợ cho họ được thành công. Lưu ý là người bình thường
như chúng ta khó mà biết được những vị này vì họ không bao giờ nói ra cho mọi
người biết.
Hỗ trợ sau khi xuất chơn thần Đức Thượng Phẩm còn giữ một vai trò rất
quan trọng trong Bí Pháp Tịnh Luyện. Đó là giúp cho chơn thần di chuyển sau khi
ra khỏi thể xác. Chắc mọi người còn nhớ ngày 24/8/1934 , Đức Thượng Phẩm đã giáng cơ nói rằng, “Hồi em còn ở
thế, sức giận của em đến đỗi, nếu em được thiêng liêng vị tức cấp (cho phép), thì
có lẽ cây quạt của em đã đưa họ trụm vào Phong Đô (Địa Ngục) không sót một ai”.
Từ đó có thể suy ra sức mạnh của Long Tu Phiến hay chính xác hơn là quyền năng
của Ngài trên cõi thiêng liêng hằng sống rất lớn, có thể giúp các chơn thần đến
bất cứ đâu trong vũ trụ của Đức Chí Tôn.
Còn trong quyển Bí Pháp Luyện Đạo, Bát Nương Diêu Trì Cung dạy rằng,
trong khi luyện đạo, nếu chơn thần ra khỏi cơ thể được, hành giả muốn đi đâu
thì cầu nguyện với Đức Thượng Phẩm, Ngài sẽ dùng Long Tu Phiến để đưa đi. Việc
này khiến chúng ta nhớ lại và hiểu vì sao Đức Hộ Pháp bảo ông Tá Lý Bùi Ái Thoại
đắp hình đầu người trên trần Cung Đạo theo ảnh Đức Thượng Phẩm để tượng trưng
cho thể pháp thông công xuất chơn thần.
Nếu không có Đức Thượng Phẩm thì chúng ta chỉ lẩn quẩn quanhc hỗ mình ngồi
sau khi xuất chơn thần mà thôi, không thể tiếp xúc với các đấng thiêng liêng để
học đạo. Xin nhắc lại rằng trong Bí Pháp Tịnh Luyện của Cao Đài, xuất chơn thần
chưa phải là đắc đạo, mà người tịnh luyện chỉ được gặp các đấng thiêng liêng để
học đạo thêm nữa, tuỳ theo duyên phần của mình. Thường thì bên Thiền Tông Phật
Giáo gọi là gặp minh sư, Cao Đài gọi là gặp chơn sư. Sau đó khi xuất tịnh (ra
khỏi Tịnh Thất) sẽ tiếp tục hành đạo theo lời dạy cho đến khi đắc đạo.
Giúp đỡ trong việc trở về ngôi vị cũ Không những đối với những hành giả
tịnh luyện mà với những tín đồ thực hành các pháp môn khác, như làm công quả,
làm từ thiện v.v... thì quyền năng của Ngài cũng rất lớn. Hãy nghe Đức Ngài nói
tiếp, “Nhưng chừng bỏ xác phàm, được nhãn huệ quang rồi, em lại thương đau
thương đớn, dường như sợ cho họ sái đường lạc nẻo, thì phải mất một bạn thiêng
liêng rất quí trọng vậy. Thành thử, phải dìu dắt, chìu theo tâm phàm họ cao thấp
mà sửa từ bước, độ từ chặng, mà nếu rủi dìu họ không được thì phải tận tụy với
trách nhiệm, làm thế nào cho họ đừng sa đọa Phong Đô, để cầu với Tam Giáo Tòa
cho tái kiếp mà chuộc căn quả”. Như vậy, Ngài luôn sẵn sàng dạy dỗ và giúp đỡ mọi
người tuỳ theo căn cơ của từng người. Thậm chí đối với kẻ tội lỗi, Ngài cũng
tìm cách giúp cho họ không bị trừng phạt và xin cho họ đi đầu thai để chuộc tội.
Chúng ta cũng đã thấy Ngài giáng cơ dạy đạo sau khi qua đời qua tác phẩm Luật
Tam Thể.
Còn nữa, đêm 7-3-Kỷ Tỵ (16-4-1929) Đức Chí Tôn giáng cơ dạy:“Thầy đã nói
rõ, Thượng Phẩm phải về Thầy trước các con, nhưng hại thay, vì biếng nhác, các
con không đọc Thánh Ngôn của Thầy mà kiếm hiểu. Đạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm
không trở lại thiêng liêng chi vị, thì ai đem các chơn hồn các con vào cửa Thiên
giùm đó con”.
Từ thánh ngôn nêu trên, có thể suy ra Đức Ngài có nhiệm vụ rất quan trọng
trong việc đón tiếp và sắp xếp ngôi vị trên cõi thiêng liêng hằng sống cho các
chơn hồn trở về sau khi chết. Và Đức Ngài luôn chờ đợi để giúp đỡ mọi chơn hồn
bằng tình anh em bao dung. Biết được như vậy mọi người sẽ an tâm hơn khi trở về
cảnh cũ. Ta có thể tạm hiểu Đức Ngài giống như là Phụ Trách Khen Thưởng trên trời
đó vậy.
KẾT LUẬN
Tóm lại, mặc dù Đức Thượng Phẩm chỉ hành đạo có 4 năm ở thế gian, nhưng
trọng trách của Ngài hiện nay trên cõi thiêng liêng hằng sống rất lớn. Đó là
giúp đỡ các chơn hồn trở về có được ngôi vị xứng đáng và đặc biệt giúp những vị
nào thực hành bí pháp tịnh luyện của Cao Đài thành công. Chơn thần của những vị
này sẽ được Ngài đưa đến gặp chơn sư. Từ đó sẽ được dạy dỗ đến khi đắc đạo.
* Từ Chơn
Sài Gòn 11/4/2021
Tham khảo.
* Cao Thượng Phẩm-Luật
Tam Thể-Nữ Đầu Sư Hương Hiếu-* Hiền Tài Trần Văn Rạng 1972.
* Đạo Sử I - Nữ Đầu
Sư Hương Hiếu.
* Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển I và II.
* Tự Điển Cao Đài
(online) - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét