Các Cổ Pháp Ðại Ðạo và Cổ Thư Tam Giáo - 1 / 2 (HT-Trần Văn Rạng)


LỜI DẪN
Đạo Cao Đài chủ trương "Tam giáo qui nguyên", nên lấy biểu tượng của Tam Giáo làm cổ pháp. Cổ pháp trong Đạo chia làm đôi: Cổ pháp Hộ Pháp và Cổ pháp Giáo Tông. Cổ pháp Hộ Pháp: lấy biểu tượng Tam giáo bên Cửu Trùng Đài: Bình bát vu (Phật), Phất chủ (Tiên) và Xuân Thu (Nho).

Cổ pháp Giáo Tông: lấy biểu tượng đặc trưng của Đạo Cao Đài bên Hiệp Thiên Đài :
Long Tu Phiến của Thượng Phẩm, Phất chủ và Thư Hùng Kiếm của Thượng Sanh. Vì sao vậy ? Đó là Bí pháp.

Các cổ thư Tam Giáo: Theo phiên họp tại khảo cứu vụ ngày 24-3-1974 đã quyết định :
- Khổng giáo chọn sách TRUNG DUNG vì trong bài "Khai Kinh", trong quyển "Kinh Thiên Đạo - Thế Đạo" có câu:
" Gốc bởi lòng làm phải làm lành
TRUNG DUNG Khổng Thánh chỉ rành"
- Lão giáo chọn sách ÐẠO ĐỨC KINH vì trong bài kinh "Tiên giáo" có câu
" Tử khí đông lai
Quãng truyền ÐẠO ĐỨC"
Dạy truyền bá rộng rãi ÐẠO ĐỨC KINH của Đức Lão Tử.
- Phật giáo chọn sách "Pháp Bảo Đàn Kinh" vì trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển nhắc tới Đức Lục Tổ Huệ Năng và trong Kinh "Thích giáo" có câu :
" Phá nhứt khiếu chi huyền quang
Tánh hiệp vô vi."

Dạy về tu thiền. Thiền định của Lục Tổ Huệ Năng giống như thiền của Đạo Cao Đài do Bà Bát Nương dạy "Phải tìm cái tịnh trong cái động" và hành giả Cao Đài "Muốn tịnh lúc nào cũng được".
Mời chư độc giả vào thăm vườn hoa Cổ pháp và Cổ thư sẽ thấy rõ những điều vừa giải lý ở trên.
Tòa Thánh, ngày 15 tháng 8 năm Giáp Dần
( dl 30 - 9- 1974 )
TRƯỞNG NHIỆM GIÁO LÝ BTĐ
TRẦN VĂN RẠNG


PHẦN THỨ NHỨT

CÁC CỔ PHÁP ÐẠO CAO ĐÀI
Thuyết trình tại Khảo Cứu Vụ ngày 24-3-1974
Hiệu đính, ngày 25-4-1974.

Để giúp đỡ người tự học và tìm học của một số tín đồ trẻ, nhất là của những người ngoại Đạo, chúng tôi cố gắng giải thích về Cổ Pháp của Đạo Cao Đài, hầu góp phần trong muôn một vào việc xây dựng nền Đạo Pháp.

Cổ Pháp có hai nghĩa :
1 - Cổ Pháp là Pháp luật xưa (Xem "Lịch Sử Luật Pháp", của Vũ Văn Mẫu)
2 - Cổ Pháp là bí pháp xưa của các Tôn giáo. Ở đây ta phải hiểu theo nghĩa tổng hợp, dùng bí pháp xưa của các Tôn giáo là để biểu tượng chánh pháp ngày nay và nhất giữ luật lệ theo Tam giáo.

Theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền có ba Cổ Pháp của Tam giáo là : Bình Bát Vu, Cây Phất Chủ và Bộ Xuân Thu (xem Pháp Chánh Truyền, Paris, Gasnier, 1952)thường gọi là Cổ Pháp Hộ Pháp. Cổ Pháp của Thượng Phẩm là Long Tu Phiến và Cổ Pháp của Thượng Sanh là Thư Hùng Kiếm và Phất Chủ (xem Pháp Chánh Truyền, Paris, Gasnier, 1952), gọp chung các Cổ Pháp Thượng Phẩm, Thượng Sanh gọi là Cổ Pháp Giáo Tông.

I - CỔ PHÁP GIÁO TÔNG

Như trình bày trên, Cổ Pháp này gồm có : Long Tu Phiến ở giữa, Phất Chủ bên trái ( trong nhìn ra) và Thư Hùng Kiếm bên mặt.

1 - Long Tu Phiến: Long Tu là râu rồng, Phiến là quạt tức quạt râu rồng, nhưng thật sự chỉ làm bằng 36 lông cò trắng kết thành. Về Bí pháp thì Đức Cao Thượng Phẩm giải thích như vầy:
" Long Tu Phiến là cây quạt do điển khí của Tam Thập Lục Thiên kết thành, quạt ấy tiết ra một điển lực có ảnh hưởng đến cuộc tiến hóa của quần linh. Chơn thần nào trong sạch thì nương theo đó mà siêu nhập Cực lạc thế giới.
" Trái lại, Chơn thần nào luyến ái tà mị thì phải lánh xa, mà đi lần đến U Minh cảnh giới. Cả cơ "thu" và cơ "xuất" của Long Tu Phiến với Chơn thần đều do luật đồng khí tương cầu mà thành tựu, nghĩa là, nếu chơn thần Đạo Đức thì Long Tu Phiến hấp dẫn đến gần và đưa vào Cực Lạc thế giới, còn nếu Chơn thần nào trọng trược thì Long Tu Phiến đẩy ra xa và lần hồi đi đến cảnh U Minh đen tối" (Bà Đầu Sư Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn, 1967)

2 - Phất chủ: Phất chủ hay phất trần là cây chổi quét sạch bụi trần gian, vốn của Thái Thượng Lão Quân.

Phất chủ là điển khí của Thất Bửu Diêu Trì Cung kết hợp dùng để sửa trau chơn thần trở nên thanh khiết (Bà Đầu Sư Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn, 1967). Nếu xét theo từ nguyên : Phất là quét, chủ là con chủ. Phất chủ là cây chổi quét làm bằng lông đuôi con chủ. Một loài thú họ nai, hình vóc như con hươu mà lớn hơn. Thường con chủ đi trước, đàn hươu theo sau. Vì đuôi nó dài chấm đất nên đi đến đâu nó quét bụi đến đó. Vì thế, các vị Tiên thường dùng lông đuôi con chủ làm phất trần (quét bụi trần), một bửu bối của Thái Thượng Lão Quân, giáo chủ Lão giáo.

3 - Thư hùng kiếm : Thư hùng kiếm gồm hai cây : gươm thư (mái) và gươm Hùng (trống) trong Nữ Trung Tùng Phận có câu:
Gươm thư giúp sức gươm Hùng,
Điểm tô nghiệp cả con Rồng cháu Tiên.

Điều đó chứng tỏ Gươm này trị thế. Theo văn thư số 264-TQTS của Ngài Bảo Thế. Chưởng Quản Ban Thế Đạo có thích nghĩa Thư Hùng Kiếm là gươm Thần Huệ nghiêm trị xảo trá, khử trừ tà mị.

Theo Thánh Giáo dạy thì Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung ngươn linh là Lý Ngưng Dương, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư ngươn linh là Hớn Chung Ly (tên Quyền) và Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang ngươn linh là Lữ Đồng Tân (Thông tin Cao Đài Xuân Tân Hợi, 1971).

Theo lịch sử Bát Tiên, Lý Ngưng Dương là học trò của lão Tử ( tên Lý Nhĩ) mà Lão Tử vốn là ngươn linh Thái Thượng Lão Quân nhặt giữ Phất chủ. Vì muốn cho Lý Ngưng Dương học Đạo Tiên nên Lão Tử xui khiến cho học trò của Lý Ngưng Dương đốt xác thầy, khi trở lại trần gian, Lý Ngưng Dương phải nhập vào xác của 1 người ăn mày có bầu rượu và gậy tre. Đức Lý Ngưng Dương mới biến hai vật ấy thành bầu hồ lô và gậy sắt và trở thành hai Bửu tháp. Hai Bửu tháp này đắp trên nóc lầu chuông và lầu trống.

Lý Ngưng Dương thành Tiên thứ nhất nơi Bồng Lai đảo vì Bồng Lai có 8 động nên cần 8 Tiên chủ sự. Do đó, mà Lý Ngưng Dương độ được học trò là Chung Ly Quyền đời Hớn nên gọi là Hớn Chung Ly. Hớn Chung Ly thường dùng Long Tu Phiến và sau độ được học trò là Lữ Đồng Tân, Lữ Đồng Tân vốn người tài hoa, Hớn Chung Ly ( tự Vân Phòng) phải làm phép huỳnh lương (nấu bắp) cho Lữ Đồng Tân nằm chiêm bao thấy vía đi thi, đỗ Trạng, cưới vợ giàu rồi bị vu oan, giựt mình tỉnh mộng mới chịu đi tu Tiên.

Bình thời Lữ Đồng Tân thổi tiêu, nhưng thường dùng Thư Hùng Kiếm để trừ gian trá như việc quăng gươm pháp giết hai con của Long Vương khi Ma Yết ăn cắp Ngọc Bảng của Lam Thể Hòa ( ngươn linh của Ngài Phối sư Thái Bính Thanh ) (Lời xác nhận của Ngài Khai Pháp, chiều mùng 2 Tết Giáp Dần). Đức Hộ Pháp nhấn mạnh rằng đó chỉ là thể pháp có giới hạn để tượng trưng cái Bí pháp vô cùng .(Đại Đạo Bí Sử)

Người Đạo nên xem đó là những biểu tượng, là cái móc mà con người nhắm để đạt đến hoặc tránh xa chớ không nên xem là cứu cánh. Ai trong chúng ta đã thấy Dạ Xoa hay qủi sứ hoặc Satan. Nhưng khi cần nói cái xấu thì người ta cho rằng xấu như dạ xoa, dữ như quỉ sứ, ác như Satan, ta liền thấy ngay cái xấu, sự dữ, sự ác đến cùng tột.

Tắt một lời, Cổ Pháp Giáo Tông đã thể hiện đầy đủ chủ thuyết "Đạo Đời tương đắc" về bí pháp cũng như Thể pháp.

II - CỔ PHÁP HỘ PHÁP

Như trình bày trên, Cổ Pháp này là Cổ Pháp tượng trưng cho Tam giáo gồm có : Bình Bát Vu, Cây Phất Chủ và Bộ Xuân Thu.

1 - Bình Bát Vu: Bình Bát Vu là Cổ Pháp của Phật giáo, cái bình của Khất Sĩ Tịnh độ tông, là y bát Chánh Truyền của Ngũ Tổ tức Hoàng Nhẫn Sư Tổ (Đại Đạo Sử Cương, Quyển 2)
"Phật học từ điển" có kể chuyện một vị Đạo nhơn già tên Tài Tùng đến Cầu Đạo nơi Ngài Tứ Tổ Đạo Tín Thiền Sư. Nhưng vì Tài Tùng già nên Tứ Tổ không dạy Đạo mà phải thực hiện chữ nhẫn đầu thai kiếp sau. Tài Tùng bèn đến ngủ nhờ nhà con gái người họ Châu khiến nàng này thọ thai hoang, nên bị cha mẹ đuổi đi. Nàng nhẫn nhịn chịu khổ sau sinh một trai. Lúc đứa nhỏ 7 tuổi, hai mẹ con đi xin ăn, gặp Tứ Tổ gọi đứa nhỏ là "vô tánh nhi" đứa nhỏ đáp là " Ngã Phật tánh" ( Tôi họ Phật). Nhờ đó, Tứ Tổ nhớ lời hứa xưa mà xin đứa trẻ về nuôi đặt tên là Hoằng Nhẫn và truyền y trang, Bát Vu cho đặng làm tổ thứ năm ( Ngũ Tổ). Đời Đường Cao Tông (661), Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát cho Lục Tổ Huệ Năng, ba năm sau thì tịch (663). (Đoàn Trung Cồn, Phật Học Từ Điển, tập II , 1967)

Theo "Pháp bảo Đàn Kinh" Huệ Năng sinh vào đời Đường Thái Tông (638) năm 24 tuổi ngộ Đạo đến trụ trì tại chùa Bảo Lâm (Trung Hoa) được Ngũ Tổ truyền y bát để làm Lục Tổ theo Đông Độ ( còn theo các Tổ Sư thì Huệ Năng là Tổ thứ 33). Khi mang Bình Bát Vu đi khất thực là để xin cái Pháp, cái Đạo để nuôi lấy cái huệ mạng. Việc khất thực do Phâït truyền cho chư đệ tử xuất gia là thực hiện Đạo trung thứ để diệt hai điều thái quá là : tránh xa sung sướng thái quá và khổ hạnh thái quá. Theo "Kinh An Lạc" việc khất thực của Phật đem lại 10 điều lợi ích cho nhân sanh: dứt khổ, đặng vui, dứt kiêu ngạo, nguyện đầy bát, cúng thí phân phát; những chúng sanh bị ngăn ngại thì đặng gặp Phật, năng tri bát, làm nghi thức cho chúng sanh, dứt sự chê bai, trừ sự tham ái.
2 - Phất chủ : là Bửu Tháp của Lão giáo, còn gọi là Phất trần, kết bằng lông đuôi hươu.
Về ý nghĩa xin xem ở trên.
3 - Kinh Xuân Thu : là Cổ Pháp của Khổng giáo.

1 - THỜI ÐẠI XUÂN THU :
Thời Đại Xuân Thu (722- 480 trước Tây lịch) khởi thủy từ khi nhà Châu lên ngôi Thiên Tử. Đây là chế độ phong kiến, chia thiên hạ ra 70 nước để phong thưởng cho các công hầu, hoàng tộc làm chư hầu. Các nước chư hầu thời đó đều được quyền tự chủ. Tuy nhiên hằng năm phải triều cống phẩm vật cho Thiên tử nhà Châu. Thêm vào đó khi có chinh phạt nước nào, thì phải theo lệnh Thiên tử đem quân đi tòng chinh. Các nước chư hầu lớn thì độ bằng hai tỉnh ở nước ta, còn nhỏ thì bằng một vài quận. Vì nước Trung Hoa thuở ấy ở quanh vùng sông Hoàng Hà.

Từ khi nhà Châu suy vong dời đô về miền đông xứ Lạc Ấp lệnh của Thiên tử không còn ai theo. Các chư hầu lại nảy nở thêm 160 nước. Thế nên chiến tranh dành đất, dành nhân dân ngày càng khốc liệt, cương thường đạo lý suy vi, nhân dân đồ thán. Các nước Tấn, Tề, Tống, Tần, Sở, Ngô, Việt ….. xưng bá rồi nước này xâm chiếm nước kia. Thiên tử nhà Châu không đủ quyền lực ngăn cấm. Sử Tàu gọi thời này là Xuân Thu thời đại.

Nguyên nhân thúc đẩy Đức Khổng Phu Tử soạn ra Kinh Xuân Thu là vì đời loạn, đạo Đế Vương chinh nghiêng con người mê sa công lợi, không còn ai nghĩ đến nghĩa nhân. Để cứu với thiên hạ, để sửa đổi giềng mối, nên Đức Khổng đưa ra học thuyết mới phát minh đạo Thánh hiền lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà dạy đời, lấy cương thường mà hạn chế dục vọng.

2 - TRIẾT LÝ KINH XUÂN THU
"Xuân Thu dĩ Đạo danh phận" : Sách Xuân Thu là để nói danh và phận (Trang Tử), đó là ý kiến của bậc đại hiền triết thời đại chiến quốc, chớ không phải là bộ sách đơn thuần chép sử như người đời thường hiểu. Ba chủ đích của sách là : chính danh tự, định danh phận và ngụ bao biếm. Chủ ý của Đức Khổng là tôn Thiên Tử nhà Châu, định chế độ quân chủ. Vì theo quan niệm của Ngài : trong một nước không thể không có quyền quân chủ. Nhưng Ngài lại lo rằng những bậc Vua Chúa thường hay lạm dụng quyền lợi của mình mà làm những điều tàn bạo. Thế nên Ngài mới lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị Trời Đất, lấy Trời mà nghiêm trị Vua, Chúa. Vì đó, sách trình bày một cách đặc thù hạn chế quyền của nhân quần. Để thực hiện điều này Ngài mới nương theo các điều thiên tai dị thường như nhật nguyệt thực, hiện tượng sao chổi, động đất, hỏa sơn …..Để cảnh giác những bậc nhân quân, Ngài muốn những bậc ấy thấy các điềm dữ đó mà kinh sợ rồi tự tu tỉnh, tự cứu làm những điều nhân nghĩa.

Ngài còn đưa ra thuyết đổi loạn ra trị, tránh những bạo hành và trừng trị kẻ gian ác. Có người trách Ngài biến việc của Thiên tử, hoặc nhờ Ngài phổ hóa những điều tai dị để mê hoặc người Đời vì nhân gian cho Ngài là Vua không ngôi. Chính cái khổ tâm đó mà Ngài nói : " Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ": người biết ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu ( Mạnh Tử - Đằng Vân Công hạ ). Bởi lẽ không hiểu rõ cái uyên thâm cốt cán ấy mà các Hán nho chú trọng cái thuyết âm dương Ngũ Hành tạo nên các mê tín dị đoan.

Hàm súc ý nghĩa sâu xa như vậy, nên các danh nho xưa nay vẫn kính trọng bộ sách ấy, Cao Đài Giáo coi là một Cổ Pháp cũng vì lẽ ấy. Chủ thuyết quân chủ, các nước Á-Đông hầu hết hấp thụ ít nhiều tinh thần Kinh Xuân Thu. Các sử gia cũng thường theo lối biên niên mà chép sử.

3 - NGÔN TỪ TRONG KINH XUÂN THU
Chúng ta phải xác nhận rằng dân tộc Việt Nam nói chung và Đạo Cao Đài Giáo nói riêng đã tiềm ẩn xác nhận tinh thần dùng chữ trong Kinh Xuân Thu. Mỗi chữ Đức Khổng đều cân nhắc dùng đúng chỗ, đúng nghĩa. Sự khen chê là cốt ở những chữ Ngài dùng. Chỉ một chữ chê thì tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà sanh nêu vạn cổ, nên kẻ đương thời mới nhận định : " Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn, nhất tự chi biếm, nhục ư phủ việt" một chữ khen thì vinh như cái áo hoa cổn Vua ban, một chữ chê thì nhục hơn tội búa rìu.

Bàn về chữ chết thì Thiên Tử chép là băng, chư hầu chép là hoăng, Vua cướp ngôi mà chết thì chép là tô, quan ngay chính mà chết thì chép là tốt, quan nịnh thì chép là tử. Về danh phận người nào chính đáng thì ghi rõ chức phẩm và tên tự, còn danh không chánh thì dẫu làm phẩm trật nào cũng chỉ ghi có tên tục mà thôi.

4 - CAO ĐÀI GIÁO VỚI KINH XUÂN THU :
Chủ thuyết của Cao Đài Giáo là rút tinh hoa của các tôn giáo chính truyền. Vì hấp thụ được tinh thần nhân nghĩa trị loạn của Kinh Xuân Thu mà Kinh Xuân Thu được liệt hạng vào hàng Cổ Pháp, trong Cổ Pháp Hộ Pháp. Đạo Cao Đài lại được khai vào thời hạ ngươn mạt kiếp loạn lạc, con người đánh mất lương tâm, xã hội không còn giai tầng quân, sư, phụ, con mắng cha, lừa mẹ, dân nước không tuân lệnh nhà cầm quyền, nhà lãnh đạo chẳng lấy nhân nghĩa, lẽ phải trị nước. Các nhà giáo -lãnh tranh quyền ảnh hưởng. Hậu quả máu đổ ngoài biên thùy, giữa thành đô, ngay cả chốn tôn nghiêm, tu hành chỉ còn là cái "mốt" của thời đại hoặc để lợi dụng tập thể. Xem thế, xã hội hôm nay băng hoại có khác chi thời đại Xuân Thu.

Hình ảnh Xuân Thu xuất hiện trong Cao Đài Giáo như một cảnh tỉnh, con người đã đánh mất lương tri, tim tràn đầy thù hận thì chỉ có gương thương yêu nhân nghĩa mới có thể kéo họ ra khỏi vực thẳm. Ngày nay, người ta còn nhắc đến điềm lạ như vĩ tinh xuất hiện, chọn ngày lành tháng tốt để xây dinh thự, để khánh thành; đó chẳng qua là tiềm lực của Kinh Xuân Thu thúc đẩy con người hãy coi chừng Trời phạt.

Nhưng có một điều làm cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ : đó là chủ đích của Kinh Xuân Thu tôn trọng quân quyền, còn khi lập Cao Đài Giáo, Đấng Chí Tôn ban hai câu liễn "Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục; Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền", thì chủ trương dân chủ. Như vậy đâu là lý ưng của sự kiện ?

Đi sâu vào tinh thần Kinh Xuân Thu thì chúng ta mới thấy là quân quyền. Đức Khổng Tử quan niệm một cách rộng rãi; " Phàm người ta đã quần tụ với nhau thành xã hội thì tất phải có quyền tối cao để giữ kỷ cương cho cả đoàn thể. Cái quyền ấy gọi là quân quyền, tức là quyền chủ tể cả một nước.

Ở trong nhà thì con phải hiếu với Cha, Mẹ; ở trong nước thì thần dân phải trung với quân. Hai chữ trung quân không nên theo như người ta thường vẫn hiểu là chữ trung với người làm đế làm vương mà thôi, nhưng có thể theo nghĩa là ta trung với cái quân quyền trong nước. Theo nghĩa rộng ấy thì bất cứ ở vào thời đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chính đáng. Có lòng trung ấy thì dân mới yêu và nước mới trị, miễn là quân quyền không trái với lòng dân là được" (Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển Thượng, Sài Gòn, Tân Việt in lần thứ 4).

Xem thế thì quân quyền theo Đức Khổng Tử không khác với dân quyền; miễn là làm sao trị dân cho dân được no ấm, chính sự được công bình,. Tư tưởng chính trị của Khổng giáo là tư tưởng dựa trên nền tảng phụ hệ và dân chủ … xem dân chúng là nguồn trí tuệ cao nhất, lấy dân chúng làm căn bản. (Trần Quang Thuận, Tư Tưởng Chính Trị Trong Triết Học Khổng Giáo, 1961)

Cao Đài Giáo tổ chức theo chế độ nào ? Tuy hai là một, tuy một mà hai. Bất cứ ở tôn giáo nào cũng phải tôn trọng thần quyền, muốn được vậy thì phải có triều nghi tế lễ Trời Đất, cái việc mà ngày xưa chỉ có Thiên tử mới được trần thiết. Về hình thức thì Cao Đài Giáo, có triều nghi có giai tầng đẳng cấp, áo mão các tín đồ gần như chế độ quân chủ ngày xưa.

Dân chủ hay quân chủ cũng không thể gán ghép cho một tôn giáo. Tôn giáo muôn đời vẫn là tôn giáo có cái đặc thù riêng của nó, có những bí pháp chính truyền, hóa dân bằng luân lý, bằng đường lối đạo đức bất di bất dịch.

Với Kinh Xuân Thu, Cao Đài Giáo đã nhận được những gì ? Nhìn tổng hợp lấy tinh thần để phân tích, chúng ta thọ hưởng bao giá trị.

1 / Định chế nhân nghĩa :
Về điểm này Đức Khổng Tử đã nói : "Ngô đạo nhất dĩ quán chi". Đạo của ta suốt từ đầu tới cuối chỉ có một mà thôi. Đạo nhất quán ấy gọi là trung thứ hay nhân nghĩa cũng đều do đạo nhân mà ra cả. Có nhân thì thông suốt cái thiên lý thuần nhiên quán xuyến từ tư tưởng đến hành động không có cái gì là không hợp với cái Đạo nhất thể. Từ ngữ nhân nghĩa được coi là một định chế trong chủ thuyết của Cao Đài Giáo. Một định chế được coi như là một định đề hằng đúng mà tất cả mọi tín hữu phải noi theo.

2 / Giá trị danh xưng :
Điều này hiển nhiên, không ai chối cải trong Cao Đài Giáo hằng loạt từ ngữ danh xưng từ thấp lên cao ; tiểu đệ, tiểu muội, hiền đệ, hiền muội, hiền huynh, hiền tỷ. Đại huynh từ Phối sư trở lên : " Trong Thánh Thể của Chí Tôn, từ Giáo Hữu tới Đầu sư, Chưởng Pháp, chỉ Giáo Tông mới được quyền là Anh Cả mà thôi". ( Đức Hộ Pháp, thuyết đạo ngày 15-4-Qúi Tỵ). Còn về danh phận, ai dù phẩm trật cao mà không phế đời hành đạo vẫn không được liệt vào lịch kỷ niệm.

3 / Thuyết loạn trị trật tự xã hội :
Muốn tạo lập một xã hội trật tự có cơm ăn áo mặc, những giáo điều khuyên răn, gương nhân từ khiêm cung của hàng giáo lãnh không, chưa đủ, mà phải hành động, phải biết đau cái đau của nhân loại, phải biết khổ cái khổ của người bần hàn. Vả lại, Đạo Cao Đài lại nêu câu cứu khổ :
" Phật vì thương đời mà tìm cơ giải khổ
Tiên vì thương đời mà bày cơ thoát khổ
Thánh vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ
Thần vì thương đời mà lập cơ thắng khổ
Hiền vì thương đời mà đoạt cơ tùng khổ"

Đức Hộ Pháp đã nói: "Cây cờ cứu khổ của Đạo Cao Đài là thương yêu và công chánh. Phải thực hiện được hai điều ấy thì Hòa bình và Hạnh phúc mới đến với chúng ta đặng".

Tóm lại, các cổ pháp trong Đạo Cao Đài lấy những bảo vật của Tam giáo thuộc hữu vi làm hình thức để biểu tượng các vô vi, vô ảnh cho nhân sanh hình dung mà tu tâm dưỡng tánh hầu tiến tới Đạo mà đạt đến cái lý mầu nhiệm của tạo đoan.

Xin kết lại rằng :
CÁC CỔ PHÁP ÐẠO CAO ĐÀI
I  . Cổ Pháp Giáo Tông
II . Cổ Pháp Hộ Pháp
1 . Bình Bát Vu ( Phật giáo)
2 . Phất Chủ ( Lão giáo)
3 . Kinh Xuân Thu ( Khổng giáo)

PHẦN THỨ HAI
CÁC CỔ THƯ TAM GIÁO

CỔ PHÁP GIÁO TÔNG bao gồm Cổ Pháp Thượng Phẩm về Thiên đạo và Cổ Pháp Thượng Sanh về Thế đạo. Tu theo thiên đạo thì linh hồn được giải thoát về cõi Thiêng liêng hằng sống, còn tu theo Thế đạo thì đạt tới Đại đồng Nhân loại.
CỔ PHÁP HỘ PHÁP hay Cổ Pháp Tam Giáo: Phật, Lão, Nho. Phép xưa ba đạo chọn lấy tinh hoa: TRUNG ÐẠO của Phật giáo là tâm vật bình hành; TỀ VẬT của Lão giáo là lấy chỗ dư bù chỗ thiếu để quân bình xã hội; TRUNG DUNG của Khổng giáo là không chênh phải trái, thực hiện được ba đạo Trung đó thì thiên hạ thái bình. Vả lại, Trung Dung là tư tưởng Đại đồng trong triết học Khổng giáo. Người đệ tử Cao Đài từ khai đạo cho đến nay, tu thân theo 3 con đường Tam giáo mà vốn một đó, mỗi ngày bốn lần tụng niệm : "Trung dung Khổng Tánh chỉ rành…" Sau đây, chúng tôi trích nguyên văn các sách liên hệ về việc tu theo con đường Đại Đạo đó. Khổng giáo chọn Trung Dung; Lão giáo chọn Đạo Đức Kinh và Phật giáo chọn sách thiền định : Pháp Bảo Đàn Kinh của Huệ Năng vì Thánh ngôn trân trọng Đức Lục Tổ.

Mong các đồng đạo tìm thấy đôi phút thanh thản tâm hồn qua các trang sách này.
HT. TRẦN VĂN RẠNG

SÁCH KHỔNG GIÁO
Trung Dung


CHƯƠNG ĐẦU
Dịch âm

Trung dung
(Chu -Hi chương cú)

Tử Trình - tử viết : bất thiên chi vị trung, bất dịch chi vị dung; trung giả thiên hạ chi chính đạo, dung giả thiên hạ chi định lý. Thử thiên nãi Khổng môn truyền thụ tâm pháp, Tử Tư khủng kỳ cửu nhi sai dã, cố bút chi ư thư, dĩ thụ Mạnh tử; kỳ thư thủy ngôn nhất lý, trung tán vi vạn sự, mạt phục hợp vi nhất, phóng chi tắc di lục hợp, giai thực học dã. Thiện độc giả, ngoạn sách nhi hữu đắc yên, tắc chung thân dụng chi, hữu bất năng tận giã hĩ.

Dịch nghĩa
Sách trung dung
( Chi Hi chia từng chương, từng câu )

Thầy Trình tử nói rằng : không lệch gọi là trung, không thay đổi gọi là dung; trung là đường chính trong thiên hạ, dung là lẽ nhất định trong thiện hạ. Thiên này là tâm pháp của học trò đức Khổng nghe thầy dạy mà truyền lại. Thầy Tử Tư sợ lâu ngày sai đi, nên chép vào sách mà truyền cho thầy Mạnh tử. Sách này bắt đầu nói về một lẽ, tờ giữa tản ra làm muôn việc , sau cùng hợp lại một lẽ, rải ra thì nó đầy cả sáu "hợp", cuốn lại thì nó trở về dấu vào nơi kín, ý vị nó không cùng mà đầu là điều thực học. Kẻ khéo đọc ngẫm nghĩ tìm mà hiểu được, thì dùng trọn đời cũng không hết vậy.

CHƯƠNG II

QUÂN TỬ

Dịch âm: Trọng Ni viết : Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung. Quân tử chi trung dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi trung dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã.
Dịch nghĩa : Đức Trọng Ni nói rằng : Người quân tử giữ theo đạo trung dung, kẻ tiểu nhân phản lại đạo trung dung đã có cái đức quân tử lại giữ cho hợp lẽ vừa của từng thời còn kẻ tiểu nhân dù theo đạo trung dung đi nữa cũng vẫn có cái lòng tiểu nhân mà không kiêng sợ gì cả.

CHƯƠNG III

TRUNG DUNG KỲ CHÍ

Dịch âm : Tử viết : trung dung kỳ chí hĩ hồ, dân tiển năng cửu hĩ.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : đạo trung dung thất cùng tột lâu rồi, loài người ít theo được.

CHƯƠNG IV

TỬ VIẾT

Dịch âm : Tử viết : Đạo chi bất hành dã, ngã tri chi hĩ, trị giả quá chi, ngu giả bất cập dã; đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hĩ, hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập dã. Nhân mạc bất ẩm thực dã, tiển năng tri vị dã.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : Vì sao đạo không thực hành được, ta biết rồi vậy, vì người trí thì vượt qua, kẻ ngu thì không tới. Vì sao đạo không tỏ rõ ra được, ta biết rồi , vì người hiền thì vượt quá, kẻ chẳng hiền thì không tới. Người ta chẳng ai là không ăn uống, nhưng ít kẻ biết sự thật vị của món ăn thức uống.

CHƯƠNG V

ÐẠO KỲ BẤT HÀNH

Dịch âm : Tử viết : Đạo kỳ bất hành hĩ phù !
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : Ôi ! đạo chắc không thực hành được rồi !

CHƯƠNG VI

THUẤN ĐẾ

Dịch âm : Tử viết : Thuấn kì đại trí dã dư ! Thuấn hiếu vấn nhi hiếu sát, nhĩ ngôn ẩn ác nhi dương thiện; chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kì trung ư dân, kì tư dĩ vi Thuấn hồ.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : Vua Thuấn thật là bậc đại trí ! Vua Thuấn ưa hỏi, ưa xét những lời nói gần, dấu điều xấu, biểu dương điều thiện, nắm hai đầu nối, lấy cái chính giữa mà dụng với dân; vì thế mới là vua Thuấn vậy.

CHƯƠNG VII

DƯ TRÍ

Dịch âm : Tử viết : Nhân giai viết dư trí, khu nhi nạp chư cổ hoạch hãm tịnh chi trung, nhi mạc chi năng tị dã; nhân giai viết dư tri, trạch hồ trung dung, nhi bất năng cơ nguyệt thủ dã.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : Người ta ai cũng nói là "ta khôn", thế nhưng xô vào lưới, bẫy, hầm mà không biết tránh; người ta ai cũng nói là "ta khôn" thế nhưng chọn được đạo trung dung mà giữ theo, lại không giữ nổi suốt tháng.

CHƯƠNG VIII

NHAN HỒI

Dịch âm: Tử viết : Hồi chi vi nhân dã, trạch hồ trung dung, đắc nhất thiện tắc quyền quyền phục ưng, nhì phất thất chi hĩ.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : Nhan Hồi làm người, biết chọn lẽ trung dung mà theo, hễ được một điều lành, thì giữ kín trong dạ, không để cho nó mất đi.

CHƯƠNG IX

THIÊN HẠ

Dịch âm : Tử viết : thiên hạ quốc gia khả quân dã, bạch nhận khả đạo dã, trung dung bất khả năng dã.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : Thiên hạ nước nhà có thể làm cho đồng đều được, tước lộc có thể từ chối được, mũi nhọn trần có thể giầy đạp lên được, đạo trung dung không thể làm nổi.


CHƯƠNG X

TỬ LỘ

Dịch âm : Tử viết : Sách ẩn hành quái, hậu thế hữu thuật yên, ngô phất vi chi hĩ; quân tử tuân đạo nhi hành, bán đồ nhi phế, ngô phất năng dĩ hĩ; quân tử y hồ trung dung, độn thế bất kiến,tri nhi bất hối, duy thánh giả năng chi.
Dịch nghĩa: Đức Thánh nói: Tìm những lẽ bí ẩn làm những việc quái lạ để cho đời sau thuật lại, ta không làm như thế; người quân tử đã theo đạo để đi, nửa đường lại bỏ, ta không thể thôi được; người quân tử tựa vào đạo trung dung trốn đời chẳng ai biết mình mà chẳng ăn năn, chỉ có bậc Thánh nhân mới làm được như thế.

CHƯƠNG XI

QUÂN TỬ CHI ÐẠO

Dịch âm : Quân tử chi đạo, phị nhi ẩn, phu phụ chi ngu khả dĩ dự tri yên, cập kì chí dã, tuy thanh nhân diệc hữu sở bất tri yên; phu phụ chi bất tiếu, khả dĩ năng hành yên, cập kì chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất năng yên. Thiên địa chi đại dã, nhân do hữu sở hám, cố quân tử ngữ đại, thiên hạ mạc năng tải yên, bất khả lị chi ý dã, kỳ hạ bát chương, tạp dẫn Khổng tử chi ngôn dĩ minh chi.
Dịch nghĩa : Đạo của người quân tử rộng mà kín, ngu như cha mẹ cũng dự biết được, nhưng đến chỗ cùng tột của nó thì bậc Thánh nhân cũng có chỗ không biết; bất tiếu như cha mẹ cũng có thể làm theo được, nhưng đến chỗ cùng tột của nó thì Thánh nhân cũng có chỗ không làm nổi. Lớn như Trời đất, mà người ta còn có chỗ phàn nàn, cho nên đạo quân tử, nói lớn thì thiên hạ không ai chở được, nói nhỏ thì thiên hạ không ai phá được. Kinh Thi nói : " Diều bay đến trời, cả nhảy dưới vực", ấy là nói thấu cả trên cao dưới thấp vậy. Đạo quân tử gây đầu tử chỗ vợ chồng, nhưng đến chỗ cùng tột của nó, thì tỏ rõ cả trời, đất.

Trên đây là chương thứ mười hai, lời thầy Tử Tư nói rõ cái ý "đạo không thể dời được" ở chương đầu; tám chương dưới đây, thì dẫn xen lời Đức Khổng để nói thêm cho rõ.

CHƯƠNG XII

ÐẠO BẤT VIỄN NHÂN

Dịch âm : Tử viết : Đạo bất viễn nhân, chi vị đạo nhi viễn nhân , bất khả dĩ vi đạo. Thi vân: "Phạt kha phạt kha, kì tắc bất viễn" chấp kha dĩ phạt kha, nghễ nhi thị chi, do dĩ vi viễn , cố quân tử dĩ nhân trị nhân, cải nhi chi. Trung thứ vi đạo bất viễn, thi chư kỉ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân. Quân tử chi đạo tứ, Khâu vị năng nhất yên ; sở cầu hồ tử, dĩ sự phụ vị năng dã ; sở cầu hồ thần, dĩ sự quân vị năng dã; sở cầu hồ đệ, dĩ sự huynh vị năng dã, sở cầu hồ bằng hữu, tiên thi chi vị năng dã. Dung đức chi hành, dung ngôn chi cẩn, hữu sở bất túc, bất cảm bất miễn, hữu dư bất cảm tận; ngôn cố hành, hành cố ngôn, quân tử hồ bất tháo- tháo nhĩ.
Dịch nghĩa : Đức Thánh nói : đạo vốn chẳng xa người, kẻ muốn làm theo đạo mà xa với người thì không thể làm theo đạo được. Kinh Thi nói : "Đẵn cái rìu, kiểu nó không xa", cầm cán rìu để đẵn cán rìu, ngắm mà nhìn, còn lấy làm xa à ? thế nên, người quân tử lấy người mà sửa người, đổi được cái xấu thì thôi. Trung và thứ cách đạo không xa, hễ điều gì làm cho mình mà mình không muốn thì cũng đừng làm cho người ta. Đạo quân tử có bốn điều mà Khâu này chưa làm được một điều nào : những điều muốn cầu ở kẻ làm con, ta đem thờ cha chưa được ; những điều muốn cầu ở kẻ làm tôi, ta đem thờ vua chưa được; những điều muốn cầu ở em, ta đem thờ anh chưa được; những điều muốn cầu ở kẻ làm bạn, ta chưa thể đem thi hành trước với bè bạn .Thực hành những đức hạnh thường, giữ gìn những lời nói thường, nếu có chổ làm không đủ sức thì không dám gắng, nói hoặc có thừa thì không dám hết lời. Lời nói phải đoái lại việc làm, việc làm phải đoái lại lời nói người quân tử như thế chẳng là thực lắm sao !

SÁCH LÃO GIÁO

Đạo Đức Kinh

Lưu Ý: Quyển Đạo Đức Kinh gồm cả thảy là 81 chương, dưới đây chúng tôi chỉ nhận được:
chương 1 đến chương 21, chương 65 đến 67, chương 77, 78 và 81.
Khi nào nhận tiếp các chương còn lại chúng tôi sẽ bổ sung để hầu quí đọc giả.
Kính mong qúi vị thông cảm.

CHƯƠNG 1
ÐẠO KHẢ ÐẠO

Đạo khả đạo, phi thường Đạo.
Danh khả danh, phi thường Danh.
Vô danh thiên địa chi thỉ.
Hữu danh vạn vật chi mẫu.
Cố

Thường vô dục, dĩ quan kỳ diệu.
Thường hữu dục, dĩ quan kỳ kiếu.
Thử lưỡng giả đồng.
Xuất nhi dị danh.
Đồng vị chi Huyền.
Huyền chi hựu Huyền.
Chúng diệu chi môn.

DỊCH NGHĨA
Đạo có thể gọi được, không phải là Đạo "thường"; là vĩnh cửu, bất biến.
Danh có thể gọi được không
Phải là Danh " thường"
Không tên, là gốc của Trời Đất;
Có tên, là mẹ của Vạn Vật.

Bởi vậy
. Thường không tư dục, mới nhận được chỗ huyền diệu của Đạo.
Thường bị tự dục, chỉ thấy chỗ chia lìa của Đạo.
Hai cái đó đồng với nhau.
Cùng một gốc, tên khác nhau.
Đồng nên gọi Huyền.
Huyền rồi lại Huyền.
Đó là cửa vào ra của mọi huyền diệu trong Trời Đất.

CHƯƠNG 2
THIÊN HẠ GIAI TRI MỸ

Thiên hạ
Giai tri mỹ chi vi mỹ.
Tư ác dĩ.
Giai tri thiện chi vi thiện.
Tư bắt thiện dĩ.
Cố

Hữu vô tương sanh.
Nan Dị tương thành.
Trường Đoản tương hình
Cao Hạ tương khuynh.
Âm Thinh tương hòa.
Tiền Hậu tương tùy.
Thị dĩ Thánh nhơn
Xử vò vi chi sự.
Hành bất ngôn chi giáo.
Vạn vật tác yên nhi bất từ.
Sanh nhi bất hữu.
Vi nhi bất thị.
Công thành nhi phất cư.
Phù duy phất cư.
Thị dĩ bắt khứ.

DỊCH NGHĨA
Thiên hạ đều biết tốt là tốt.
Thì đã có xấu rồi.
Đều biết lành là lành.
Thì đã có cái chẳng lành rồi.

Bởi vậy.
Có với Không cùng sanh.
Khó và Dễ cùng thành.
Cao và Thấp cùng chiều.
Giọng và Tiếng cùng họa.
Trước và Sau cùng theo.
Vậy nên, Thánh nhơn
Dùng " vô vi" mà xử sự
Dùng "bất ngôn" mà dạy dỗ.
Để cho vạn vật nên mà không cản.
Tạo ra mà không chiếm đoạt.
Làm mà không cậy công.
Thành mà không ở lại.
Vì không ở lại.
Nên không bị bỏ.

CHƯƠNG 3
BẤT THƯỢNG HIỀN

Bất thượng hiền.
Sử dân bất tranh.
Bắt qúy nan đắc chi hóa.
Sử dân bắt vi đạo.
Bắt kiến thả dục.
Sử dân tâm bất loạn.
Thị dĩ thánh nhơn chi trị.
Hư kỳ tâm.
Thực kỳ phúc.
Nhược kỳ chí.
Cường kỳ cốt.
Thường sử dân vô tri vô dục.
Sử phù trí giả bất cảm vi dã.
Vi vô vi.
Tắc vô bất trị.

DỊCH NGHĨA
Không tôn hiền tài, khiến dân không tranh giành.
Không quý của khó đặng, khiến cho dân không trộm cướp.
Không phô điều ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn.
Vì vậy, cái trị của Thánh nhơn làm dân
Hư lòng.
No dạ.
Yên chí.
Mạnh xương.
Thường khiến cho dân không biết, không ham.
Khiến cho kẻ trí không dám dùng đến cải khôn của mình.
Nếu làm theo vô vi, ắt không có gì là không trị.

CHƯƠNG 4
ÐẠO XUNG NHI DỤNG CHI

Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh.
Uyên hề tự vạn vật chi tòng
Tỏa kỳ nhuệ.
Giải kỳ phân.
Hòa kỳ quang.
Đồng kỳ trần.
Trạm hề tự hoặc tồn.
Ngô bất tri thùy chi tử.
Tượng đề chi tiên.

DỊCH NGHĨA
Đạo thì trống nhưng đổ vô mãi không đầy.
Đạo như vực thẳm, dường như tổ tông của vạn vật.
Nó làm nhụt bén.
Tháo gỡ rồi.
Điều hòa ánh sáng.
Đồng cùng bụi.
Nó trong trẻo thay ! dường như trường tồn !
Ta không biết Nó là con ai.
Dường như trước Thiên - đế

CHƯƠNG 5
THIÊN ĐỊA BẤT NHÂN

Thiên địa bất nhân
Dĩ vạn vật vi sô cẩu.
Thánh nhơn bất nhân.
Dĩ bách tánh vi sô cẩu.
Thiên địa chi gian.
Kỳ du thác thược hồ !
Hư nhi bất khuất.
Động nhi dũ xuất.
Đa ngôn so cùng
Bất như thủ trung.

DỊCH NGHĨA
Trời đất không nhân.
Coi vạn vật như chó rơm.
Thánh nhơn không có nhân.
Coi trăm họ như chó rơm.
Cái khoảng giữa Trời Đất.
Giống như ống bễ.
Tuy trống mà vô tận.
Càng động càng hơn ra.
Càng nói nhiều, càng không nói hết được.
Thà giữ lấy cái Trung.

CHƯƠNG 6
CỐC THẦN BẤT TỬ

Cốc thần bất tư.û
Thị vị Huyền tẩn.
Huyền tẫn chi môn.
Thị vị thiên địa căn.
Miên miên nhược tồn
Dụng chi bất cần.

DỊCH NGHĨA
Thần hang không chết.
Nên gọi Huyền tẩn
Cửa của Huyền tẩn.
Gốc rễ của Đất Trời.
Dằng dặc như còn
Dùng hoài không hết.

CHƯƠNG 7
THIÊN TRƯỜNG ĐỊA CỬU

Thiên trường địa cửu.
Thiên địa sở dĩ năng trường.
Thả cửu giả.
Dĩ kỳ bất tự sinh.
Cố năng trường sinh.
Thị dĩ Thánh nhơn.
Hậu kỳ thân nhi thân tiên.
Ngoại kỳ thân nhi thân tồn.
Phi dĩ kỳ vô tư da ?
Cố năng thành kỳ tư.

DỊCH NGHĨA
Trời dài đất lâu.
Trời đất sở dĩ dài lâu.
Vì không sống cho mình.
Nên đặng trường sinh.
Vì vậy Thánh nhơn.
Để thân sau, mà ở thân trước.
Để thân ra ngoài mà thân còn.
Phải chăng vì không riêng.
Mà thành được việc tư ?

CHƯƠNG 8
THƯỢNG THIÊN NHƯỢC THỦY

Thượng thiện nhược thủy.
Thủy thiện lợi vạn vật.
Nhi bất tranh.
Xử chúng nhơn chi sở ố.
Cố cơ ư Đạo.
Cư thiện địa.
Tâm thiện uyên.
Dữ thiện nhân.
Ngôn thiện tín.
Chánh thiện trị.
Sự thiện năng.
Động thiện thời.
Phù duy bất tranh.
Cố vô vưu.

DỊCH NGHĨA
Bậc " thượng thiện" như nước :
Nước hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh.
Ở chỗ mọi người đều ghét.
Nên gần với Đạo.
Ở hay lựa chỗ thấp.
Lòng thì chịu chỗ thâm sâu.
Xử thế thích dùng đến lòng nhân.
Nói thì trung thành không sai chạy.
Sửa trị thì làm cho được thái bình.
việc thì hợp với tài năng.
động thì hợp với thời buổi.
Ôi và không tranh.
Nên không sao lầm lỗi.

CHƯƠNG 9
TRÌ NHI DOANH CHI

Trì như doanh chi .
Bất như kỳ dĩ.
Súy nhi chuyết chi.
Bất khả trường bảo.
Kim ngọc mãn đường.
Mạc chi năng thủ.
Phú quí nhi kiêu.
Tự di kỳ cữu.
Công toại thân thối.
Thiên chi đạo.

DỊCH NGHĨA
Ôm giữ chậu đầy.
Chẳng bằng thôi đi.
Dùng dao sắc bén.
Không bén được lâu.
Vàng ngọc đầy nhà.
Khó mà giữ lâu.
Giàu sang mà kiêu.
Tự vời họa ưu.
Nên việc, lui thân.
Đó là đạo Trời.

CHƯƠNG 10
TẢI ĐINH PHÁCH

Tải doanh phách bão nhất.
Năng vô ly hồ ?
Chuyên khí trí nhu.
Năng anh nhi hồ ?
Địch trừ huyền lãm.
Năng vô tỳ hồ ?
Ái dân trị quốc.
Năng vô vi hồ ?
Thiên môn khai hạp.
Năng vô thư hồ ?
Minh bạch tứ đạt.
Năng vô tri hồ ?
Sanh chi súc chi.
Sanh nhi bất hữu.
Vi nhi bất thị.
Trưởng nhi bất tẻ.
Thị vị Huyền đức.

DỊCH NGHĨA
Làm hồn phách hiệp một.
Không thể chia đặng không ?
Làm hơi thở tụ lại.
Như trẻ sơ sanh, đặng không ?
Gột rửa lòng ham huyền diệu.
Đừng còn chút bợn, đặng không ?
Thương dân trị nước.
Mà làm như không làm, đặng không ?
Cửa trời khép mở.
Mà làm như con mái, đặng không ?
Hiểu biết tất cả.
Mà làm như không biết gì cả, đặng không ?
Sanh đó, nuôi đó.
Sanh mà không chiếm cho mình.
Làm mà không cậy công.
Làm bậc lớn mà không làm chủ.
Đó gọi là Huyền đức.

CHƯƠNG 11
TAM THẬP PHÚC

Tam thập phúc, cộng nhứt cốc.
Đương kỳ vô, hữu xa chi dụng.
Duyên thực dĩ vi khí.
Đương kỳ vô, hữu khí chi dụng.
Tạc hộ dũ dĩ vi thất
Đương kỳ vô, hữu thất chi dụng.
Hữu chi dĩ vi lợi.
Vô chi dĩ vi dụng.

DỊCH NGHĨA
Ba chục căm, hợp lại một bầu, nhưng nhờ chỗ " không" mới có cái " dụng" của xe.
Nhồi đất để làm chén bát.
Nhờ chỗ " không" mới có cái " dụng" của chén bát.
Khoét cửa nẻo, làm buồng the.
Nhờ chỗ " không" mới có cái " dụng" của buồng the".
Bởi vậy.

Lấy cái " có" đó để làm cái lợi.
Lấy cái " không" đó để làm cái dụng.

CHƯƠNG 12
NGŨ SẮC LỊNH

Ngũ sắc lịnh nhơn mục manh.
Ngũ âm lịnh nhơn nhĩ lung.
Ngũ vị lịnh nhơn khẩu sảng ?
Trì sỉnh điền liệp.
Lịnh nhơn tâm phát cuồng.
Nan đắc chi hóa.
Lịnh nhơn hành phương.
Thị dĩ thánh nhơn.
Vị phúc bất vị mục.
Cố thử bỉ thủ thử.

DỊCH NGHĨA
Năm màu khiến người tối mắt.
Năm giọng khiến người điếc tai.
Năm mùi khiến người tê lưỡi.
Sải ngựa săn bắn.
Khiến lòng người hóa cuồng.
Của cải khó đặng.
Khiến người gặp nhiều tai hại.
Bởi vậy Thánh nhơn.
Vì bụng mà không vì mắt.
Nên bỏ cái nầy mà lấy cái kia.

CHƯƠNG 13
SỦNG NHỤC NHƯỢC KINH

Sủng nhục nhược kinh.
Quý đại hoạn nhược thân.
Hà vị sủng nhục nhược kinh ?
Sủng vị thượng, nhục vi hạ.
Đắc chi nhược kinh.
Thất chi nhược kinh.
Thi vị sủng nhục nhược kinh.
Hà vị quý đại hoạn nhược thân ?
Ngò sở dĩ hữu đại hoạn giả.
Vi ngô hữu thân.
Cập ngô vô thân.
Ngò hữu hà hoạn !
Cố

Quý dĩ thân vi thiên hạ,
Nhược khả ký thiên hạ,
Ái dĩ thân vi thiên hạ,
Nhược khả thác thiên hạ.

DỊCH NGHĨA
Vinh và Nhục đều là sợ hãi;
Quý và Hoạn đều là vì có thân.
Tại sao gọi Vinh và Nhục đều là sợ hãi ?
Là vì, Vinh trên thì Nhục dưới,
Được cũng sợ hãi,
Mà mất cũng sợ hãi.
Vì vậy mới gọi " Vinh Nhục đều là sợ hãi".
Tại sao gọi " Quý và Hoạn đều là vì có thân ?"
Là vì , ta sở dĩ có lo lớn là vì ta có thân.
Nếu ta không thân,
Ta sao có lo !
Vậy, kẻ nào biết quý thân vì thiên hạ,nên giao phó thiên hạ cho họ được.
Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ, nên gởi gắm thiên hạ cho họ được.

CHƯƠNG 14
ÐẠO ĐỨC KINH

Thị chi bất kiến danh viết Di;
Thính chi bất văn danh viết Hi :
Bác chi bất đắc danh viết Vi.
Thử tam giả bất khả trí cật.
Cố hỗn nhi vi nhất.
Kỳ thượng bất kiểu,
Kỳ hạ bất muội.
Thằng thằng bất khả danh.
Phục quy ư vô vật,
Thị vị vô trạng chi trạng,
Vô vật chi tượng,
Thị vị hốt hoảng,
Nghinh chi bất kiến kỳ thủ,
Tùy chi bất kiến kỳ hậu.
Chấp cố chi đạo,
Dĩ ngự kim chi hữu.
Năng tri cố thỉ,
Thị vị đạo kỷ.

DỊCH NGHĨA
Xem mà không thấy, nên tên gọi là "Di";
Lóng mà không nghe, nên tên gọi là "Hi";
Bắt mà không nắm được, nên gọi là "Vi".
Ba cái ấy, không thể phân ra được,
Vì nó hỗn hợp làm Một.
Trên nó thì không sáng,
Dưới nó thì không tối,
Dài dằng dặc mà không có tên.
Rồi lại trở về chỗ không có.
Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng
Cái hình trạng của cái không có vậy.
Ấy gọi là "hốt hoảng".
Đón nó thì không thấy đầu,
Theo nó thì không thấy đuôi.
Giữ cái đạo xưa,
Để mà trị cái có của hiện nay.
Biết được cái đầu mối của xưa.
Ấy gọi là nắm được giềng mối của Đạo.

CHƯƠNG 15
Cố chi thiện vi sĩ giả,
Vi diệu huyền thòng,
Thâm bất khả thức.
Phù duy bất khả thức,
Cố cưỡng vi chi dung.
Dự yên nhược đông thiệp xuyên,
Do hề nhược uý tứ lân.
Nhiễm hề kỳ nhược khách,
Hoán hề nhược băng chi tương thích :
Đôn hề kỳ nhược phác,
Khoáng hề kỳ nhược cốc,
Hỗn hề kỳ nhược trọc.
Thục năng trọc dĩ chỉ,
Tĩnh chi từ thanh;
Thục dĩ an dĩ cửu,
Động chi từ sanh.
Bảo thử Đạo giả bất dục doanh,
Phù duy bất doanh,
Cố năng tế bất tân thành.

DỊCH NGHĨA
Bậc toàn thiện xưa,
Tinh tế, nhiệm mầu,
Siêu huyền, thông suốt.
Sâu chẳng khá dò.
Bởi chẳng khá dò,
Tạm hình dung Đó.
Thận trọng dường qua sông trên nước đặc.
Do dự dường sợ mắt ngó bốn bên.
Nghiêm kính dường khách lạ,
Chảy ra đường băng tan,
Quê mùa dường gỗ chưa đẽo gọt,
Trống không dường hang núi,
Pha lẫn dường nước đục.
Ai hay nhờ tịnh mà đục hóa trong,
Ai hay nhờ động mà đứng lại đi ?
Kẻ giữ Đạo, không muốn đầy.
Chỉ vì không muốn đầy,
Nên mới che lấp được.
Mà chẳng trở nên mới.

CHƯƠNG 16
TRÍ HƯ CỰC

Trí hư cực
Thủ tịnh đốc
Vạn vật tịnh tác,
Ngô dĩ quan phục.
Phù vật vân vân ..
Các phục quy kỳ căn.
Quy căn viết tịnh,
Thị vị viết Phục Mạng.
Phục Mạng viết Thường.
Tri Thường viết Minh,
Bất tri thường, vọng tác hung.
Tri thường dung,
Dung nãi công,
Công nãi vương,
Vương nãi thiên,
Thiên nãi Đạo,
Đạo nãi cửu,
Một thân bắt đãi.

DỊCH NGHĨA
Đến chỗ cùng cực hư không,
Là giữ vững được trong cái " Tịnh".
Vạn vật cùng đều sinh ra;
Ta lại thấy nó trở về gốc,
Ôi ! mọi vật trùng trùng,
Đều trở về cội rễ của nó.
Trở về cội rễ, gọi là "Tịnh".
Ấy gọi là "phục mạng"
Phục mạng gọi là "Thường".
Biết " Thường" gọi là "Minh".
Không biết đạo "Thường" mà làm càn là gây hung họa.
Biết đạo "Thường" thì bao dung,
Bao dung thì công bình,
Công bình thì bao khắp,
Bao khắp là Trời,
Trời là Đạo,
Đạo thì lâu dài,
(Ai mà được vậy)
Suốt đời không nguy..

CHƯƠNG 17
THÁI THƯỢNG

Thái thượng, hạ tri hữu chi.
Kỳ thứ thân nhi dự chi.
Kỳ thứ uý chi.
Kỳ thứ vũ chi.
Tín bất túc yên,
Hữu bất tín yên.
Du hề kỳ quý ngôn.
Công thành sự toại,
Bách tánh giai vị ngã tự nhiên.

DỊCH NGHĨA
Đời thái sơ, dân chỉ biết có đấy.
Kề đó, dàn thân và khen đầy.
Kề đó, dân khinh đầy.
Vì không đủ tin,
Nên dân không tin,
Bậc thánh xưa, quý lời nói,
Làm xong công việc cho dân,
Mà dân cứ tưởng " tự nhiên tự mình làm".

CHƯƠNG 18
ÐẠI ÐẠO PHẾ

Đại Đạo phế, hữu Nhân Nghĩa.
Huệ Trí xuất, hữu đại nguy.
Lục thân bất hòa hữu hiếu từ.
Quốc gia hỗn loạn hữu trung thần.

DỊCH NGHĨA
Đạo lớn mất, mới có Nhân Nghĩa.
Trí Huệ sanh, mới có dối trá.
Lục thân chẳng hóa, mới có hiếu từ.
Nước nhà rối loạn, mới có tôi ngay.


CHƯƠNG 19
TUYỆT THÁNH TRÍ KHÍ

Tuyệt nhân khí trí,
Dân lợi bách bội.
Tuyệt nhân khí nghĩa,
Dân phục hiếu từ.
Tuyệt xảo khí lợi,
Đạo tặc vô hữu.
Thử tam giả, dĩ
Vi văn bất túc.
Cố lịnh hữu sở chúc.
Kiến Tố bão Phác,
Thiểu tư quả dục,

DỊCH NGHĨA
Dứt Thánh bỏ Trí,
Dân lợi trăm phần.
Dứt Nhân bỏ Nghĩa,
Dân lại thảo lành.
Dứt xảo bỏ lợi,
Trộm cướp không có.
Dứt ba khoản đó,
Có đủ vào đâu.
Phải được như vầy :
Ăn ở giản dị và chất phác.
Ít riêng tây,
Ít tham dục.

CHƯƠNG 20
TUYỆT HỌC VÔ ƯU
Tuyệt học vô ưu
Duy chi dữ a,
Tương khứ kỷ hà ?
Thiện chi dữ Ác,
Tương khứ nhược hà ?
Nhơn chi sở uý,
Bất khả bất úy.
Hoàng hề kỳ vị ương tai !
Chúng nhơn hy hy,
Như hưởng thái lao
Như xuân đăng đài.
Ngã độc bạc hề kỳ vị triệu,
Như anh nhi chi vị hài,
Luy luy hề nhược vô sở quy.
Chúng nhơn giai hữu dư,
Nhi ngã độc nhược di,
Ngã ngu nhơn chi tâm dã tai !
Độn độn hề.
Tục nhơn chiêu chiêu
Ngã độc hôn hôn.
Tục nhơn sát sát,
Ngã độc muộn muộn,
Đạm hề kỳ nhược hải.
Liêu hề nhược vô chỉ.
Chúng nhơn giai hữu dĩ,
Nhi ngã độc ngoan tự bỉ.
Ngã độc dị ư nhơn,
Nhi quý thực mẫu.

DỊCH NGHĨA
Dứt học, không lo.
"Dạ" với "Ơi", khác nhau chỗ nào ?
Lành với Dữ khác nhau ở đâu ?
Chỗ mà người sợ,
Ta há chẳng sợ,
Nhưng chưa có chi,
Sợ cũng vô ích.
Người đời vui vẻ,
Như hưởng thái lao.
Như lên xuân đài.
Riêng ta im lặng,
Chẳng dấu vết chi.
Như trẻ sơ sinh,
Chưa biết tươi cười.
Rũ rượi mà đi,
Đi không chỗ về.
Người đời có dư,
Riêng ta thiếu thốn.
Lòng ta ngu dốt vậy thay !
Mờ mệt chừ !
Người đời sáng chói,
Riêng ta mịt mờ.
Người đời phân biện,
Riêng ta hỗn độn.
Điềm tỉnh dường tối tăm,
Vùn vụt dường không lặng.
Người đời đều có chỗ dùng,
Riêng ta ngu dốt, thô lậu.
Ta riêng khác người đời.
Ta quý Mẹ nuôi muôn loài.

CHƯƠNG 21
KHỔNG ĐỨC CHI DUNG

Khổng đức chi dung,
Duy Đạo thị tùng.
Đạo chi vi vật,
Duy hoang duy hốt
Hốt hề hoảng hề,
Kỳ trung hữu tượng,
Hoảng hế hốt hề ,
Kỳ trung hữu vật.
Yêu hề minh hề,
Kỳ trung hữu tinh.
Kỳ tinh thậm chân,
Kỳ trung hữu tín.
Tự cổ cập kim,
Kỳ danh bất khứ.
Dĩ duyệt chúng phủ.
Ngô hà dĩ tri chúng phủ
Chi trạng tai ?
Dĩ thử.

DỊCH NGHĨA
Dáng của Đức lớn,
Theo cùng với Đạo,
Đạo sanh ra Vật,
Thấp thoáng mập mờ,
Thấp thoáng mập mờ,
Trong đó có hình.
Mập mờ thấp thoáng,
Trong đó có Vật.
Sâu xa tăm tối,
Trong đó có tinh.
Tinh đó rất thực,
Trong đó có tín.
Từ xưa đến nay.
Tên đó không mất,
Gốc của vạn vật.
Ta làm sao biết được trạng thái của Nó.
Nhờ đó vậy.

CHƯƠNG 65
CỔ CHI THIỆN VI ÐẠO

Cổ chi thiện vi Đạo giả
Phi dĩ minh dân
Tương dĩ ngu chi.
Dân chi nan trị
Dĩ kỳ trí đa.
Cố

Dĩ trí trị quốc,
Quốc chi tặc.
Bắt dĩ trí trị quốc,
Quốc chi phúc.
Tri thử lượng giả diệc khẻ thức.
Thường tri khẻ thức,
Thị vị Huyền đức.
Huyền đức, thâm hĩ, viễn hĩ.
Dữ vật phản hĩ,
Nhiên hậu nãi chí đại thuận.

DỊCH NGHĨA
Đời xưa , kẻ khéo thi hành Đạo.
Không làm cho dân "khôn lanh"
Mà làm cho dân "thực thà"
Dân mà khó trị,
Vì nhiều trí mưu.

Bởi vậy,
Lấy trí mà trị nước,
Là cái vạ cho nước.
Không lấy mà trị nước.
Lấy cái phúc cho nước.
Biết hai điều ấy,
Là biết làm mô thức.
Thường biết làm mô thức,
Nên gọi là huyền đức
Huyền đức thì sâu, thẳm.
Nhân đó, muôn vật trở về.
Rồi sau mới đến chỗ "đại thuận".

CHƯƠNG 66
GIANG HẢI SỞ DĨ NĂNG VI

Giang hải sở dĩ năng vi
bách cốc vương giả
Dĩ kỳ thiên hạ chi.
Cố

Năng vi bách cốc vương.
Thị dĩ dục thượng dân tất dĩ ngôn hạ chi
Dục tiên dân tất dĩ thân hậu chi.
Thị dĩ thánh nhơn.
Xử thương nhi dân bất trọng.
Xử tiền nhi dân bất hại
Thị dĩ thiên hạ lạc thôi nhi bất yếm.
Dĩ kỳ bất tranh
Cố
Thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.

DỊCH NGHĨA
Sông biển sở dĩ làm đặng Vua trăm hang.
Vì nó khéo đứng dưới thấp,
Nên làm Vua đặng trăm hang.
Bởi vậy,
Muốn ngồi trên dân,
Hẳn lấy lời mà hạ mình,
Muốn đứng trước dân,
Hẳn lấy mình để ra sau.
Vậy nên, Thánh nhơn
Ở trên mà dân không hay năng.
Ở trước mà dân không thấy hại.
Vì thế
Thiên hạ không chán, lại còn đẩy tới trước,
Bởi đó không tranh,
Nên thiên hạ không cùng tranh với đó được.

CHƯƠNG 67
THIÊN HẠ GIAI VỊ NGÃ

Thiên hạ giai vị ngã Đạo đại
tự bất tiếu
Phù duy đại,
Cố
Tự bất tiếu.
Nhược tiếu cửu hỹ
Kỳ thế dã phù !
Ngã hữu tam bửu
Trì nhi bảo chi :
Nhất viết từ;
Nhị viết kiệm;
Tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên :
Từ cố năng dũng,
Kiệm cố năng quảng.
Bất cảm vi thiên hạ tiên,
Cố năng thành khí trưởng.
Kim xá từ thả dũng,
Xá kiệm thả quảng.
Xá hậu thả tiên
Tử hỹ
Phù từ dĩ chiến tắc thắng
Dĩ thủ tắc cố.
Thiên tướng cứu chi,
Dĩ từ vệ chi.

DỊCH NGHĨA
Thiên hạ đều gọi Đạo ta là lớn mà dường như không giống chi cả.
Bởi nó Lớn nên Nó không giống chi cả.
Nhược bằng Nó giống vật chi,
Thì Nó đã nhỏ lâu rồi !
Ta có ba vật báu, hằng nắm giữ và ôm ấp :
Một là "Từ";
Hai là "Kiệm";
Ba là "Không dám đứng trước thiên hạ"
Từ mới có Dũng,
Kiệm mới có rộng,
Không dám đứng trước thiên hạ thì được Ngôi cao.
Nay, nếu bỏ Từ để được Dũng,
bỏ Kiệm để được Rộng,
bỏ Sau để đứng trước là chết vậy !
Lấy Từ mà tranh đấu thì thắng ;
Lấy Từ mà cố thủ thì vững.
Trời mà muốn cứu ai,
Lấy Từ mà giúp đỡ.

CHƯƠNG 77
THIÊN CHI ÐẠO

Thiên chi Đạo, kỳ du trương chung dư ?
Cao giả ức chi,
Hạ giả cử chi;
Hữu dư giả tổn chi;
Bất túc giả bổ chi.
Thiên chi Đạo :
Tôn hữu dư nhi bổ bất túc.
Nhơn chi đạo tắc bất nhiên :
Tôn bất túc dĩ phụng hữu dư.
Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ ?
Duy hữu Đạo giả.
Thị dĩ thánh nhơn;
Vi nhi bất thị,
Công thành nhi bất xử,
Kỳ bất dục kiến hiền.

DỊCH NGHĨA
Đạo Trời ư ?khác nào cây cung gương lên :
Chỗ cao, thì ép xuống,
Chỗ thấp thì nâng lên.
Có dư, thì bớt đi.
Không đủ, thì bù vào.
Đạo của Trời :
Bớt chỗ dư.
Bù chỗ thiếu.
Đạo của Người thì không vậy :
Bớt chỗ thiếu,
Bù chỗ dư.
Ai đâu có dư để bù cho thiên hạ.
Nếu không phải kẻ đã được Đạo !
Bởi vậy, Thánh nhơn :
Làm mà không cậy công,
Công thành rồi, không ở lại,
Không muốn ai thấy tài hiền của mình.

CHƯƠNG 78
THIÊN HẠ NHU NHƯỢC

Thiên hạ nhu nhược,
Mạc quá ư thủy,
Nhi công kiên cường giả,
Mạc chi năng thắng.
Kỳ vô dĩ dị chi
Nhu thắng cương,
Nhược thắng cường.
Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành
Thị dĩ Thánh nhơn vân :
Thọ quốc bất tường,
Năng vi thiên hạ vương.
Chánh ngôn nhược phản.

DỊCH NGHĨA
Dưới trời, mềm yếu, không chi hơn trước
Không chi hơn đó được.
Không chi thế đó được
Mềm thắng cứng,
Yếu thắng Mạnh.
Dưới trời không ai biết,
Nhưng không ai có thể làm được.
Bởi vậy thánh nhơn nói :
"Dám nhận lấy bụi bặm của nước,
"Mới có thể làm được chủ xã tắc.
" Dám nhận lấy sự không may của nước,
"Mới có thể làm Vua thiên hạ".
Lời ngay nghe trái ngược.

CHƯƠNG 81
TÍN NGÔN BẤT MỸ

Tín ngôn bất mỹ,
Mỹ ngôn bất tín.
Thiện giả bất biện,
Biện giả bất thiện.
Trí giả bất bác,
Bác giả bát tri.
Thánh nhơn bất tích,
Ký dĩ vi nhơn kỷ dũ hữu.
Ký dĩ dữ nhơn kỷ dũ đa.
Thiên chi Đạo, lợi nhi bất hại,
Thánh nhơn chi Đạo, vi nhi bất tranh.

DỊCH NGHĨA
Lời thành thực không đẹp,
Lời đẹp không thành thực.
Người "thiện" không tranh biện,
Người tranh biện không "thiện".
Người trí không học rộng,
Người học rộng không trí.
Bực thánh nhơn không thu giữ,
Càng vì người, mình càng thêm có,
Càng cho người, mình càng thêm nhiều.
Đạo của Trời, lợi mà không hại.
Đạo của Thánh nhơn, làm mà không tranh.
          Home       1 ]  [ 2 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét