Cao Thượng Phẩm, Luật Tam Thể, Nữ Đ.S. Hương Hiếu - 4 / 4 (HT-Trần văn Rạng)

Thừa-Sử Phước bạch: - Có phải ba vòng trở lại từ bực kim-thạch không?
- Phải vậy.
Thừa-Sử Phước bạch: - Một vòng cũng đủ giác ng rồi, cần gì phải tới ba vòng?
- Bỡi phạm thệ của Thiên-Điều, chớ không phải phạm tội. Phạm tội cũng có khi bị trở về kim-thạch chớ.
Thừa-Sử Phước bạch: - Nếu phạm tội thì phạt tới thú
cầm là đủ, cần gì phải tới kim-thạch?

- Cười......Kiếp hóa-nhân thì về quỉ-vị, còn kiếp nguyên-nhân phải bị đọa đày, như vậy mới sánh với quĩ-vị được chớ. Đó là luật Thiên-Điều đã định, dầu cho nguyên-nhân hay hóa- nhân cũng đồng hình phạt, lẽ công-bình là đó. Mấy em đã được rõ chưa?

Thừa-Sử Phước bạch: - Xin cho mấy em học kỹ lại.
- Phải học kỹ lại, chị đã dặn rồi đa. Mấy em cũng có mòi mệt mỏi.
Thôi chị kiếu.
Thăng.

(*) Tam Đồ : Hoả đồ bị đày ở địa ngục, Huyết đồ đầu thai làm súc sanh, Đao đồ bị ở cõi ngạ quỉ nên khó thoát tục.
Ai phạm Thiên điều đến Đức Hộ Pháp cầu khẩn, Ngài mở Huệ Quang Khiếu bằng cách học Văn kinh, nghe kinh đi cúng, tư kinh suy nghĩ những điều kinh dạy, Thiền định là tịnh luyện để chống lại Tam đồ. Nhờ hào quang Đức Hộ Pháp khai huệ quang dù ở cõi Tam Đồ cũng được giải thoát.

Tái-Cầu
Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Về Tam-Thể xác thân, các em được rõ như vậy là đủ. Còn nói về các Bí-Pháp khác, mấy em phải tự lấy trí mà kiếm hiểu. Phương-pháp kiếm hiểu, Bát-Nương đã chỉ rồi, mấy em ráng tập thì rõ được kết-quả. Cần nhứt là đừng để lục-dục thất-tình xao-động. Phải coi chừng hỏa-tinh đa!

Hỏa-tinh (*) tiếng Pháp gọi là " Calorie ", về y-học; còn " Feu Sorpent " về khoa Thần-Linh Học , nó chạy luồn theo tủy, và tiết ra bỡi các dây thần-kinh. Muốn luyện hỏa-tinh phải tịnh tâm, định trí, trụ thần mà chuyển vận, tức là lấy khí dương vào cơ thể đó vậy. Phải lấy trí mà điều-khiển nó.
Mấy em còn chỗ nào muốn hỏi, kỳ tới Bần-Đạo dạy thêm cho, rồi tiếp dạy về Bát-Hồn.
Nhớ để ý lời của Các Đấng đã để đó nghe.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

 (*) Hỏa tinh là dương khí châu lưu trong cơ thể để nuôi sống xác thân, nếu dưỡng khí tuyệt thì người tắt hơi thở

Đêm 17 tháng 12 Tân-Mão ( D.L. 31/1/52 ).
Phò-Loan: Luật-Sự Nhung, Hưỡng.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Hợi, Cao.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo dẫn dạy cho mấy em được rõ thế nào là tịnh thần, định trí, và thế nào là xuất Chơn-Thần.

Mỗi khi muốn tìm hiểu một lẽ gì, hoặc về siêu-hình hay về Thể-Pháp, mà muốn được có ấn chứng của Chơn-lý, hay là của một Đấng vô-hình thì phải để tâm không Vô Tâm Đạo dị tầm, và trí phải cố theo đuổi một lý-lẽ (Lập nên 1 công án) muốn tầm ra, cần nhứt là đừng để cho tâm bị động, tức nhiên hỏa-tinh sẽ phát khởi, kích thích làm loạn não cân thì chẳng những không được ấn-chứng, mà có khi bị hại là rối loạn thần-kinh-hệ mà trở nên loạn trí hay điên cuồng.

Định thần là vậy, còn xuất Chơn-Thần là khi ngồi, giữ tâm, tịnh thần được minh mẫn, lấy trí mà khai hoát Nê-hườn-cung, cùng trong lúc ấy, phải vận-chuyển âm dương cho điều- hòa, đem luồng hỏa-tinh chạy khắp cả bảy phách, rồi định tĩnh tâm thần, được một lát thì bắt đầu thấy buồn ngủ và Thần xuất ngoại bay đi. Phương-pháp nầy phải lắm công phu, và phải giữ trọn vô-tư mới được. Chớ nên nóng nảy hám vọng mà nguy đa! Trước hết, phải rèn lòng sửa tính rồi mới luyện được.

Trong mỗi thể xác đều có bảy oan-nghiệt mà chính nó là chủ-khảo trên mặt thế đó! Vì cớ Đức Chí-Tôn đã nói rằng trong mỗi hình thể đều có quỉ, duy có thiết-giáp Đạo-bào mới ngăn nỗi mà thôi.

Bần-Đạo đã chỉ rõ các phương-pháp đặng tạo thiết-giáp ấy, mấy em khá nhớ cho lắm đa! Phải thực-hành từ lời nói, việc làm cho đến ý-chí mới mong đoạt được. Mấy em đã hiểu chưa? Còn gì muốn hỏi thì cứ hỏi.

Thừa-Sử Phước bạch: - Xin Đức Ngài dạy chi tiết về khí Thái-Cực và khí Hư-Vô.
- Khí Thái-Cực là khí sanh-quang, còn khí Hư-Vô là khí Chơn-Như đó.

Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ còn về khí Âm Dương với khí Lưỡng-Nghi?
- Vẫn đồng một.

Thừa-Sử Phước bạch: - Có phải Hỏa-tinh là Chơn-khí không?
- Không phải. Hỏa-tinh là sức nóng của Dương-quang tạo thành. Nhờ sức nóng ấy nung nấu Chơn-tinh mới bốc thành Chơn-khí. Còn hỏi chi nữa?

Thừa-Sử Phước bạch: - Dương-quang làm thế nào vào trong thể xác được?
- Dương-quang vẫn vào trong cơ thể do dưỡng-khí, và tiết ra bỡi những điển-tử dương do bảy phách trụ lại.

Thừa-Sử Phước bạch: - Nhiều lúc tôi làm việc bằng trí, thường hỏa bốc lên nhức đầu, có phải là hỏa-tinh bốc lên không?
- Phải đó, hỏa-tinh ấy nếu không biết phép dưỡng-sanh của Bần-Đạo đã dạy thì nó sẽ làm hại cho hoặc trí, hoặc nhãn-quan, hoặc tâm, hoặc phổi. Muốn giữ trọn phép dưỡng-sanh thì ăn đừng no quá, làm đừng mệt quá, ngủ đừng nhiều quá, đi đừng mau quá, hè đừng mát quá, đông đừng ấm quá, hơi thở phải điều-hòa, ý-chí phải trong sạch, tâm phải định, lục-dục thất-tình phải cản ngăn, chỉ có vậy là được.

Thoảng như thảo-thực mà nhuốm bịnh, thì chỉ có nhịn đói uống nước chín có chút đường sẽ lành mạnh. Còn như nhục-thực thì phải cần thuốc bỡi vì hơi đc và vi-trùng phá-hoại cơ thể.

Thừa-Sử Phước bạch: - Theo Đạo như dạy nhục-thực có hại cho khi xuất thần, là chất thịt có tính cách lôi kéo điển-khí làm cho Chơn-Thần bị điển đánh tan khi nó xuất ra đi?
- Nhục-thực mà xuất thần sẽ bị các linh uỗng kiếp lôi kéo, cũng có hại là bị lôi theo âm-khí mà gặp ngũ-lôi nữa.
Thừa-Sử Phước bạch: - Làm thế nào được biết trong mình hết chất thịt trong khi đã ăn chay một thời gian?

- Cười .....Có khó chi em, lấy ví-dụ cho các em hiểu: một chiếc xe hơi chạy bằng " xăng " xấu, được nữa chừng em bỏ " xăng " ấy đi, rồi lau rữa, sửa máy và đổi " xăng " tốt vào thì máy chạy tốt ngay chớ có sao!
Thừa-Sử Phước bạch: Chúng em học luyện như vậy, có sai với Chơn-Truyền của Đạo Cao-Đài chăng?

Cười ......Mỗi khi muốn học và luyện thì phải đủ công-đức mới có kết-quả. Bần-Đạo đã dặn rồi. Mà khi đã đủ công-đức thì rõ nẽo tu-chơn, ai cũng được, đó là luyện tập cho mỗi Chơn -Thần, còn công-quả vẫn phải tiếp tục, chớ đâu có phải ngồi mà nhắm mắt đâu, mà sái chơn-truyền. Bần-Đạo dạy cho mấy em, là cốt yếu rèn cho mấy em được xứng vị đó thôi.

Luật-Sự Hưỡng bạch: - Bạch Đức Ngài, trong sách Thông-Thiên-Học có nói về cái trí, vậy xin cho biết cái trí là thế nào?
- Trí là Linh đó. Bên Thần-Linh-Học, chưa tìm rõ Chơn-Linh là thế nào. Nói cho đúng hơn là họ chỉ muốn có một nền tảng thiển-cận trong Bí-Pháp Thiền-Đạo mà thôi, còn đi đến đoạt-pháp thì chưa được hoàn-bị.

Luật-Sự Hưỡng bạch: - Chúng em coi sách về Thần-Linh-Học và Thông-Thiên-Học có bổ ích trong sự học hỏi không?
- Coi sách có ích nhưng cần phải định Thần mà nghiệm lý mới được.
Mấy em chịu khó một chút sẽ được kết-quả.
Bần-Đạo kiếu.

Tái-Cầu
Chị chào mấy em,
Chị đêm nay dạy các em đi đến con đường, mà các em đã dò lần đặng đến con đường chơn-chánh. Mấy em có để tâm đến các điều chỉ dạy đó chăng?
Các em có hiểu Chị dạy các em bữa qua rồi đó, các em cần phải ôn-nhuần. Chị căn-dặn một điều là các em còn nghĩ nhiều điều không đúng Chơn-lý, nên chi các em còn mơ hồ lắm. Các em để tâm coi lại, Chị sẽ dẫn thêm nữa.

Thừa-Sử Phước bạch: - Thưa, lương-tâm tức là Chơn-Linh, chớ đâu phải Chơn-Thần?
- Chơn-Linh đâu có lương-tâm, chỉ Chơn-Thần mới có.

Thừa-Sử Phước bạch: - Vậy Chơn-Linh lấy gì mà chế-ngự thể xác?
- Chơn-Linh chế ngự đặng gìn-giữ Chơn-Thần, do đó, mới có các đấng ám trợ.
Đến đây, đã tới giờ cúng, khi khác Chị sẽ tiếp.
Chị chào các em. Thăng.

Đêm 19 tháng 12 năm Tân-Mão ( D.L. 15/1/52 ??? (sai?) ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Hưỡng, Hợi.
Thư-Ký: Minh.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo tính giải về Bát-Hồn, song nhận thấy lỡ-dở, vậy để qua năm tới sẽ tiếp tục.

Bây giờ, Bần-Đạo chỉ cho mấy em được biết về cách vận-chuyển điển-quang.

Trong mỗi thể xác đều có nhơn-điển gọi là âm-dương khí. Điển ấy chạy khắp châu thân, do nơi bảy phách vận-hành mà có. Khi điển ấy chạy trong cơ thể, tức là đem sanh lực cho lục-phủ, ngũ-tạng đặng nuôi sống xác thân.

Mỗi khi bị bịnh là do điển-quang chẳng được lưu thông khiến nên mệt nhọc. Vậy muốn vận-chuyển điển-quang trong cơ thể thì phải hoặc ngồi, hoặc nằm mà hô-hấp cho được điều hoà, chậm chừng nào hay chừng đó. Trong khi ấy, phải để tâm được tịnh, mỗi buỗi sáng, phải lấy khí dương, cũng bằng cách hô-hấp điều-hòa, nhưng đứng day mặt về đông, buổi chiều lấy khí âm, nhưng đứng quay mặt về tây.

Mấy em ráng tập cho thường như vậy trong một thời gian sẽ kết-quả. Mỗi lần độ nữa giờ là đủ.

Còn vận chuyển điển-quang của Chơn-Thần thì trong lúc ấy, phải đem hết khả năng, tư- tưởng trụ lại mà vận-hành cho khí xuất dương, nghĩa là phải định Thần vậy.

Còn muốn vận-chuyển điển-quang của Chơn-Linh, thì là phương tham-thiền nhập-định đó. Những nhà tu dụng được đệ lục giác-quan cũng nhờ phương-pháp đó rồi chuyển đi tư- tưởng.

Mấy em nếu chịu khó công-phu luyện-tập, thì ngày sau sẽ dùng nó trong việc tình báo với nhau, nghĩa là, giữa hai em xa cách có thể nói chuyện với nhau bằng Chơn-Thần mà hiểu nhau được. Cần nhứt là khi chuyển đi tư-tưởng phải đúng thời đúng khắc, tỷ như máy thu thanh và phát thanh vậy.
Bần-Đạo khuyên mấy em ráng trì chí, Bần-Đạo rất mong kết-quả.
Đêm nay như vậy là đủ, và cũng để chấm dứt bài học về Tam-Thể xác thân.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

Đêm Cúng Tất Niên.
21 tháng chạp năm Tân-Mão ( D.L. 17/1/52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Hợi, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự: Tiếp,Tỹ, Hợi,Đúng,Hưởng.
Thư-Ký: Minh.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đại hỷ! Mấy em tổ-chức coi long trọng quá. Khá thủ lễ, có các đấng đến chung vui. Bần-Đạo mừng thấy khoa Bí-Pháp nầy mấy em đã lãnh hội được chút ít, đó là sở vọng của Bần-Đạo. Có vậy , mấy em mấy xứng vị trong cửa Hiệp-Thiên chớ.
Chung niên Bần-Đạo để lại cho mấy em một bài thi:
Cửa tục Động-đào để nét Tiên,
Khai Thần định trí hiệp đưa thuyền.
Cầu Ngân hẵn được khi mời khách,
Kinh Ngọc ắt nên lúc chọn duyên.
Mở nét huỳnh-cân tua sửa thế,
Đóng đường âm-khí sắp trao nguyền.
Chúc qua năm mới thêm phần huệ,
Học thấu cơ mầu đến đãnh Tiên.

Bần-Đạo sẽ đem các sự học vấn của mấy em ra Đại-Hội Thiên-Triều đặng cầu xin thêm ân-huệ cho mấy em. Bần-Đạo nhượng cơ cho Anh Cả.

Tiếp-điển:
Thượng-Trung-Nhựt
Qua mừng chung mấy em.
Chung niên qua thấy mấy em mà qua tủi thân cho Cữu-Trùng Đài quá lẽ. Thương cho họ thiếu hiểu. Cuối năm, Qua chỉ mong chúc mấy em được rạng thêm danh khí, cầm đuốc huệ giữ mực Chơn-Truyền. Qua rất mong sự học hỏi nầy giúp phần hay cho mấy em đặng tầm phương dìu-dẫn bên phần xác.

Qua xin để một bài thi:
Mừng rạng Chơn-Thần giữ trọn công,
Đèn từ soi khắp chiếu non sông.
Sửa đời mong có Chơn-Thần tắm,
Đặng dẫn xác thân đến cõi bồng.
Qua xin nhượng cơ cho Thanh-Sơn Đạo-Sĩ.

Tiếp-điển:
Bạch-Vân
Đại tiếu! Đại tiếu!
Mừng chư môn-đệ cùng các em.
Thi:
Dẫn thế về Tiên có mấy tay,
Mừng thay cửa Đạo Hiệp-Thiên-Đài.
Đưa cờ dìu chúng qua bờ bĩ,
Nắm kiếm độ sanh khỏi sóng tai.
Cứu giống Lạc-Hồng còn luyến thế,
Sửa dòng Nam-Việt lại tương lai.
Chúc thêm bước tiến qua non Phật,
Chiếm được chiến bào cứu nạn tai.

Có các vị Tiên-Nữ muốn nhập cơ.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

   Diêu-Trì-Cung Tiên-Nữ
   Mừng mấy em,
Văn: Hoa tươi thắm sắp mừng xuân mới,
Đón chào Tiên đã tới Đào-Nguyên.
Sông Ngân sắp sẵn con thuyền,
Chờ ngày đón khách may duyên trở về.

Cẫm-tú đấy ra bề Tiên-giới,
Mở Thần-Quang bước tới Đào-Nguyên.
Nắm cân giữ lấy Đạo quyền,
Đưa thuyền Bát-Nhã độ duyên cõi trần.

Liễu ủ nét đứng gần trúc thạch,
Nhớ nguồn cơn muốn trách thợ trời.
Thương dân Hồng Lạc lưng vơi,
Trường thi đã vắng chợ đời lại đông.

Huệ đưa hương ướp nồng thân để,
Khóc cho người chẳng kể dân Nam.
Chỉ lo một chước dấy tham,
Chẳng tình bạn hữu, chẳng màng nghĩa nhân.

Lễ nhà Nam mười phần chưa bốn,
Bỡi Hiệp-Thiên có vốn không lời.
Chúc mau tiến kịp cơ trời,
Sửa hồn Việt-chủng về mười như xưa.

Khiết tinh-ba khá ngừa bóng khuyết,
Giữ cho tròn ấn-quyết Hiệp-Thiên,
Mở trường đã có Chư Tiên,
Chúc thêm tài đức giữ giềng Đài-Cao.

Bát-Nương
Chị chào mấy em,
Chị Tam-Nương và chị Tứ-Nương vắng mặt, nhờ chị kiếu lỗi. Chị xin mừng và chúc một bài thi:
Hoa sen trong trắng có gì hơn,
Ở chốn bùn nhơ chẳng dạ hờn.
Chúc đến Nhâm-Thìn thêm trí cả,
Đặng theo Liên-Bạch giúp đời chơn.
Chị mừng thấy mấy em được trọn Lễ, mấy em khá gắng thêm.
Chị lui.

- Hình : Luật Tam Thể - Minh Họa

Chương III

Bát Hồn
Đầu Thềm Xuân Nhâm-Thìn ( 1952 )
Xưng tụng công-đức và mừng rước các Đấng.
Vui trong cảnh trí ấy vui Thiền,
Mừng bước trần nay đặng gặp duyên.
Đuốc huệ rạng ngần soi bóng tục,
Bút Thần huy-động bủa Ân Thiên.
Nâng thuyền Bát-Nhã nhiều linh-cảm,
Mở lối vĩnh-sanh sẵn diệu-huyền.
Xuân đến tưởng ghi ơn giáo hoá,
Lòng thành kỉnh hiến đến chư Tiên.
Kính bái,
- Thừa-Sử Phan Hữu Phước.
- Luật-Sự Phạm Duy Nhung.
- Luật-Sự Huỳnh Văn Hưỡng.

Bát-Hồn
Đêm 6 tháng giêng Nhâm-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Trấn, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Chư vị Chức-Sắc Bộ-Pháp-Chánh Hiệp-Thiên-Đài.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo mừng chung mấy em,
Năm mới, tinh-thần của mấy em cũng được mới, Bần-Đạo vui lắm đa! Vậy Bần-Đạo để mừng lại bài thi nguyên-vận.
Thi:
Bến tục thuyền sen dựa đảnh Thiền,
Cỡi lưng hạc trắng hiệp vầy duyên.
Cửa Huỳnh trau nét kề oai Phật,
Động Bích lui chơn tiếp lịnh Thiền.
Bĩ ngạn sóng đưa cơn bĩ cực,
Cầu Ngân bờ rước lúc lúc linh-huyền.
Khai Thần để bước lên Bồng-Đảo,
Trỏ nẽo tay đưa gậy trúc Tiên.

Bần-Đạo đã hứa sang năm nầy sẽ dẩn-giải về Bát-Hồn và còn nhiều hơn nữa. Vậy tiếp tục kỳ tới, Bần-Đạo sẽ chỉ cho.
Bây giờ có anh cả và chư Tiên muốn đến.
Bần-Đạo kiếu.

Tái-Cầu:
Phò-Loan: Thừa-Sử Hợi, Luật-sự Nhung.
Thượng-Trung-Nhựt
Chào mấy em,
Cờ đến nước rồi mấy em ơi!
Ê, Lương, Trân có biết pháo huyền-khống lại thêm xe thọc đít không. Cười......vậy đó.
Ê, pháo xe của chúng chạy lung-tung, bị ngựa rượt nà, vui quá. Chú chốt thung dung quá lẽ, cung còn trống, chỉ xích một chút nữa là êm. Nhưng khó do tụi chốt, ngựa pháo xe nằm rìa bị pháo của chúng nhảy lên cổ. Qua đã nhứt định thí xe mà.

Ê, rồng múa bị tróc chút vãy cũng không sao. Buồn cười có kẽ nói Thiêng-Liêng sao tư vị. Cười...Nếu chẳng vậy thì toàn nhơn-loại sẽ ra tro mạt đó đa.
Phải có gốc mới có ngọn chớ.

Ê, mấy em vui đi, qua nhượng cơ cho mẹ Bát.

Tiếp-điển:
Chị chào chung các em,

Anh cả chọc giận chị đó, mấy em không binh sao?
Mừng, mừng.
Thi:
Đào-Nguyên soi rõ một đèn từ,
Để bóng huỳnh-vân chiếu Ngọc-Như.
Rải cánh Bạch-Liên lên bể khổ,
Đưa đoàn chiên dại đến Huyền-Hư.

Các em ráng nối chí của Đại-Ca và Nhị-Ca đi, Chị giữ lái cho. Chị nhượng cơ cho Cữu-Nương.

Tái-Cầu:
Phò-Loan: Luật-Sự Hưỡng, Trường.
Cữu-Nương Diêu-Trì-Cung.
Chị chào mấy em,
Chị Bát-Nương đã chỉ cho các em khi nãy, các em còn nhớ không? Các em cố giữ vững đức-tin thì các em sẽ nhìn thấy lời hứa của Chí-Tôn ra thế nào. Có khó mới có công được chớ! Nếu dễ-dàng ai làm chẳng được, mà làm được cũng là một việc thường, có gì gọi rằng phi-phàm? Các em đã rõ biết cảnh khó dễ của quyền đời trước kia, mà hôm nay đến đó cũng là việc thường. Các em trông, mà tới thì lại sợ, thì trông để làm gì?

Các em hãy vui lên để đón rước con rồng vàng mới được. Mọi việc Chí-Tôn đã sẵn định cho con cái của Người rồi, chỉ còn đợi coi các đứa con ấy có đủ khôn ngoan để thọ lãnh phần thưởng đó mà thôi. Các em cố nối chí là đoạt được. Con đường đã vạch sẵn, chỉ còn tiến bước theo là xong việc.
Chị có mấy lời chỉ bảo cho các em, vậy các em nên nhớ mà lo tròn sứ mạng của các em.
Chị xin kiếu.
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.

Tái-Cầu:
Chị chào mấy em,
Thi:
Lễ mọn lòng trần thấu Ngọc-Hư,
Nhà nam dựng nghiệp Lễ nên lư.
Xông trầm hơi tỏa tâm là Lễ,
Dụng Lễ tạo Linh có mối từ.

Mấy em may duyên được gần-gũi chư Tiên, chị tưởng đó cũng do cơ huyền-ẫn. Mấy em khá trau-giồi khi qua xuân mới. Chị rất mừng đuốc huệ đã có người nắm, Chị bớt khổ nhọc chút ít. Vậy Chị xin để lời cám ơn mấy em đó!
Khuyên nhủ khách trần lánh bợn nhơ,
Tầm chơn Từ-Phụ ráng qua bờ.
Cánh buồm dong ruỗi trên khổ hải,
Xin vững lái lèo rước kẻ khờ.
                          Tiếp:
Kẽ khờ đó lòng ngơ sao nỡ,
Phướng từ bi khá trở đuôi về.
Cuốn lôi dùm đám còn mê,
Chớ đừng riêng hưởng chẳng hề cứu nhau.

Kìa là bước động đào tỏ nẽo,
Ráng chèo mau kẽo trể thời cơ.
Lãnh phần bảo-thủ chớ ngơ,
Thuyền không về bến còn chờ đợi chi.

Đã là lúc Đạo-Kỳ bủa khắp,
Lấy dạ công bồi đắp trời Nam.
Dìu dân phải đáng hồn Nam,
Mới tròn lẽ hóa cõi phàm trở Tiên.

Chị chỉ mong có vậy, nhờ mấy em ráng giữ lời khuyên. Chị rất mừng qua năm mới Chị vui thấy tinh-thần trọn vững của mấy em.
Chị xin để một câu vắn tắt: " Chơn-Thần tinh-khiết mới độ rỗi được xác thân và mới hiệp Chơn-Linh đặng."
Chị kiếu.
Thăng.

Đêm 10 tháng giêng Nhâm-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Ảnh, Hợi, Tiếp, Tú, Hưỡng, Cao, Trường, Khoe.

Bát-Nương
Chị chào mấy em,
Đêm nay Chị đến đặng chỉ cho mấy em được rõ Diêu-Trì-Cung là nơi nào?
Nơi Ao Diêu-Trì có một đài phát hiện Âm-Quang, đài ấy thâu lằng sanh-quang của Ngôi Thái-Cực, rồi đem Dương-quang hiệp với Âm-quang mà tạo nên Chơn-Thần cho vạn-linh trong càn-khôn vũ-trụ.

Phật-Mẫu là Đấng nắm cơ sanh hóa, thay quyền Chí-Tôn, đứng ra thâu cả Thập-Thiên- Cang đem hiệp với Thập-Nhị Địa-Chi mà tạo nên vạn-vật. Nơi Cung Diêu-Trì là nơi tạo nên Chơn-Thần và thể-xác đó vậy.

Diêu-Trì-Cung là cung điện bằng ngọc Diêu ở bên Ao Thất-Bữu chớ chẳng chi lạ. Ngọc tượng trưng cho sự quý giá, còn Diêu là chất hơi kết-tụ mà thành.
Dưới quyền của Phật-Mẫu có Cữu Tiên-Nương trông nom về cơ giáo-hóa cho vạn-linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật, trông nom về cơ phổ-độ mà Quan-Âm Bồ-Tát là đấng cầm đầu.

Quan-Âm Bồ-Tát ngự tại Cung Nam-Hải ở An-Nhàn-Động. Còn Diêu-Trì-Cung thì ở tại Tạo-Hóa Huyền-Thiên.

Nơi Cung Diêu-Trì còn có một cõi Âm-quang riêng biệt gọi là Phong-Đô đặng giáo-hóa các Chơn-Thần đã bị lạc nẽo trên đường trần.

Vậy vắn tắt hơn, Diêu-Trì-Cung là cơ sanh-hóa vạn-linh và vạn-vật đó. Chị sẽ đến dạy thêm vào kỳ tới.
Chị xin kiếu.

Tái-Cầu:
Cao-Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo giảng về Bát-Hồn.

Trong Càn-Khôn vũ-trụ, có tám đẳng Chơn-hồn là: - Kim-thạch hồn, Thảo-mộc hồn, Thú-cầm hồn, Nhơn-hồn, Thần-hồn, Thánh-hồn, Tiên-hồn và Phật-hồn.

Từ lúc hổn-độn sơ khai, âm-dương biến hóa thì trong khí Hư-vô đã có sẳn các tế-bào. Sau tiếng nổ, âm-dương phân tách, khí Dương-quang là khí nhẹ-nhàng bay lên trên; còn khí âm là khí-chất chứa các tế-bào nên lóng xuống dưới.

Sau một chuyển thì các khí-chất trên liên-đới với tế-bào mà tựu lại thành chất-khí và biến thành vạn-vật.

Khi chưa thành hình thể hữu-vi thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương-quang đốt cháy. Sau đó, nơi Diêu-Trì Cung thâu Thập-Nhị Địa-Chi mà biến khí Dương-quang và chất khí làm ngũ-hành.

Vậy đất, nước, sắt đá và lửa được nảy sanh trước hết. Đó là Kim-thạch hồn.
Sau một chuyển nữa, nước, đất, đá, lửa và sắt mới tiết ra một chất khí, và liên-đới với các tế-bào lại mà tạo nên cây cỏ. Đó là Thảo-mộc hồn.
Sau một chuyển nữa, các cây cỏ chia tế-bào mà liên-đới với ngũ-hành tạo nên bách-thú. Trong đó có phần ở khô gọi là điểu-thú, có phần ở nước gọi là ngư-thú. Đó là Thú-cầm hồn.
Sau một chuyển, ngũ-hành hiệp với thảo-mộc mà nuôi thú-cầm. Trong thú-cầm, Chơn-hồn đã bước vào cơ tấn-hóa, do đó, tạo nên thủy-tổ loài người là la-hầu tức là người khỉ đó. La-hầu lần lần sanh-hóa, và nhờ điểm Linh-quang của Chí-Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ. Đó là Nhơn-hồn.
Trong Nhơn-hồn lại chia ra: Thần-hồn, Thánh-hồn, Tiên-hồn, và Phật-hồn. Nếu đoạt được thể-pháp tức là Thần-hồn, tạo được phẩm người gọi là Thánh-hồn, trả xong nhơn-đạo, tạo nên bí-pháp gọi là Tiên-hồn. Đoạt-pháp, tức là Phật-hồn đó vậy.

Kỳ tới, Bần-Đạo sẽ phân tách mỗi đẵng Chơn-hồn cho mấy em dễ hiểu hơn.
Bần-Đạo kiếu.

Đêm 13 tháng Giêng Nhâm-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Hợi, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Hưỡng, Hợi, Đúng.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay, Bần-Đạo giải về Kim-thạch hồn.

Trong Âm-khí, có sẵn tế-bào, do đó, Phật-Mẫu đem Âm-quang hiệp với Dương-quang mà liên-đới tế-bào lại thành hình chất hữu-vi. Sở dĩ, các hình-chất được thấy rõ là do nơi sự liên-đới ấy.

Khi mới thành hình thể, thì nó chỉ là một cục lửa, tức nhiên là một cực độ của Dương- quang trụ lại mà thôi. Lần lần khối lửa ấy bị âm-quang rưới hơi lạnh mà nguội dần. Trong khí ấy mới phân tách ngũ-hành riêng biệt.
- Như đất thì tế-bào là một điển-tử dương bao bọc bỡi 72 điển-tử âm.
- Loại kim khí thì một dương với 92 âm.
- Các loại kim khác nhau là do thứ thì có lẩn lộn tế-bào của thảo-mộc; thứ thì lẩn lộn tế-bào của nước. Có thứ lẩn lộn nhiều thứ tế-bào mà có nước, thì tế-bào là một dương với 67 âm.
- Lửa là tế-bào của Dương-quang, tức là chỉ có điển-tử dương mà thôi, hiệp với tế-bào của loại kim mà có.
- Cây cỏ thì tế-bào là một dương 36 âm. Sự mềm cứng của nó là do sự lẩn lộn chất nước cùng không đó.

Những màu sắc là do khí Dương-quang rọi vào, khí tiết ra của các tế-bào mà có. Những tế-bào của đất ngày ngày biến-chuyển theo thời gian mà thay đổi hình tướng thành sắt, đá, cây cỏ. Vì đó mà gọi sự biến-chuyển ấy là cơ tấn-hóa của Kim-thạch hồn.

Trong Kim-thạch hồn, có sự biến-chuyển của toàn thể cơ hữu-vi lẩn lộn nên theo Đạo- Pháp từ xưa vẫn gọi đó là sắc biến không, không thành sắc vậy.
Cơ Tạo-Đoan nhờ từ Kim-thạch hồn mà lập nên mọi biến chuyển trong trường thế tục và lập nên trường thi công-quả cho các nguyên-nhân. Từ thử đến giờ, mấy em vẫn hằng thấy muôn vật đều qui thể, dầu sắt đá cũng vậy.

Hôm trước mấy em có nói:- Có thứ không thấy tan ra như đồ sứ, đồ chai?... Cười..... Thử hỏi, chất hoá-học ngày kia sẽ tựu về đâu, hay là cũng theo thời gian mà tiêu-hủy? Bằng chứng cụ thể, là mấy em có thể gì kiếm đặng các vật ấy của thời gian trên hai ngàn năm về trước? Nếu có kiếm được thì các viện bảo-tàng chứa đâu cho hết cà!

Mấy em đã hiểu rõ Kim-thạch hồn chưa? Gọi rằng Hồn, vì nó cũng có lẽ sống của nó đó vậy. (*)
Thôi đêm khác sẽ giải về Thảo-mộc hồn.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

(*) Có bản chép khác, như sau:

Tiếp bạch: - .................
- Hơi khí không phải là Kim-thạch.
Tiếp bạch: - ................
- Phải vậy, khi muôn vật bị chất lửa nấu nung, tức nhiên là bị Dương-quang chi phối, khi ấy thì Âm-quang không còn liên đới tế-bào nữa, vì có các tế-bào phân tách ra mà lẩn lộn vào Âm-khí, theo khoa-học gọi các chất khí như sanh khí là sanh-quang đó. Đạm khí là chất trụ thành kim chất. Các khí cũng ở trong Ngũ-hành khí, hay là dương khí hoặc là âm khí mà thôi.

Đàn-Cơ đêm 24 tháng 10 Canh-Dần
của Đức Cao Thượng-Phẩm dạy về Vật-chất hồn xin ghép vào đây cùng một thể với Kim-thạch hồn.

Đàn-Cơ nầy do Thừa-Sử Hợi và Luật-Sự Nhung Phò-Loan.
Hầu-Đàn gồm có những vị: Thừa-Sử Hải, Truyền-Trạng Phước, Luật-Sự Ngời, Trân, Khõe, Đôi, Khen, Hưỡng; Giáo- Hữu Thượng Giác Thanh, ông bà Nguyễn-Hữu-Lương.

Cao Thượng-Phẩm
Đêm nay Bần-Đạo nói về Vật-chất hồn.
Nguyên thĩ của nó cũng là tế-bào, nhưng ở chung lộn cùng nhau, chẳng phân tách riêng một thứ gì.
Sau một thời gian biến chuyển, chịu dưới sự điều động của khí âm-dương mà biến nên hình tướng đặng tạo thành ngũ-khi (*). Nó tuy không cử-động, không tri-giác, nhưng thật sự thì nó có sự biến đổi hình-dạng. Đó là hồn của nó vậy.

Cái hồn ấy chịu sự trau-giồi mà biến làm vật hi-sinh đặng nuôi thảo-mộc, thú-cầm cùng nhơn-loại mà được tiến-hóa lên, từ chỗ vật-chất nó tạo-thành ngũ-khí, và các vi-tố đặng nuôi dưỡng mà biến lần hình thành thảo-mộc.
Đó, các em đã hiểu Vật-chất hồn và sự tiến-hóa của nó chưa? Có gì không hiểu thì cứ hỏi.
Thừa-Sử Phước bạch: - Đức Địa-Tạng Vương là thế nào?

- Địa-Tạng Vương Bồ-Tát là vị Phật chưởng-quản cơ biến-chuyển của vạn-vật. Bỡi vì, mỗi vật muốn biến nên hình khác đều phải qui thể, do đó, mà kêu là Địa-Tạng.
Thừa-Sử Phước bạch: ..........
- Linh hay không tùy theo sự ứng nghiệm cùng không. Hồn của nó tuy phải chịu bực thấp hèn nhưng lúc nào làm xong phận sự cũng được cao thăng mà chuyển kiếp. Vậy thì sự linh cũng do hồn ấy. Để Bần-Đạo cho một bài thi:
Căn xưa vẫn tại một không hai,
Lãnh lịnh đi thi phải đổi hài.
Tái kiếp làm đồ cho chúng đạp,
Trở ngôi phải mặt để người sai.
Lần hồi luân chuyển lên cây cỏ,
Thong thả châu lưu đến mạng loài.
Học hỏi một thời cam khổ hạnh,
Ngày sau đoạt vị có ai hay.
Các em coi bài thi mà hiểu ý.
Bần-Đạo kiếu.

Đêm 16 tháng Giêng Mậu-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Trấn, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Chư-vị Thừa-Sử, Luật-Sự, và Thư-ký.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo giải về Thảo-mộc hồn.

Từ Kim-thạch hồn, các tế-bào thâu khí âm-dương mà liên-đới lại tạo nên thảo-mộc. Các thảo-mộc đều chung một thứ tế-bào song tùy theo giống, có thứ thì mình nước như loại thảo, thứ mình cứng, có ba phần tế-bào của thảo-mộc và một phần nước là cây tạp, còn thứ chỉ một phần tám nước là gỗ quý.

Trong các thứ cây đều có tế-bào của Kim-thạch tùy theo mỗi giống. Do đó, mà có những tánh chất khác nhau, chất ngọt do đạm-khí và lân-chất, chất đắng do kim-khí, chất mặn do kim và thạch-khí lộn với đạm-khí và lân-khí. Chất chua do thạch-khí và thổ-khí lộn với thủy-khí.

Còn các sắc màu của hoa lá là do nơi khí Dương-quang chiếu vào chất khí của nó tiết ra mà có. Các tế-bào đến Thảo-mộc hồn tức là bước lên trường thi công-quả rồi đó.
Bỡi do nơi Thảo-mộc hồn đã tự mình thâu các tế-bào và âm-dương khí làm món thực-dụng cho thú-cầm và nhơn-loại.
Về Thảo-mộc hồn chỉ có bấy nhiêu thôi. Thừa-Sử Phước bạch: -(*) Về Thảo-mộc, có thứ có chất độc ăn vào nguy hiểm? -Bỡi trong khí ngũ-hành thâu nơi thảo-mộc đã hoặc nhiều dương-khí hoặc nhiều âm-khí, vì đó có thứ mát quá, có thứ nóng quá, có thứ tự mình nó phản khắc âm-dương. Nếu trúng thứ ấy, thì là bị độc-khí, (*) còn thì hàn ngộ, hàn nhiệt, ngộ nhiệt cũng vậy. Mấy em hiểu chưa?
Thôi để bữa khác tiếp thêm về Thú-cầm hồn,(*) Bần-Đạo thấy em Trấn muốn tìm hiểu triết-lý ở trong khoa-học nầy. Vậy Bần-Đạo chỉ cho một lối để được dễ-dàng hơn, chẳng chi đâu lạ: " Vạn-vật đồng sanh đó em à ! ".
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

(*) Có bản chép có thêm phần nầy, chúng tôi ghi vào cho quý vị rộng đường tham-khảo.

Tái-Cầu
Bát-Nương
Chị chào mấy em,
Đêm nay Chị chỉ cho mấy em được rõ Hư-Vô là gì?
- Từ buổi phân Lưỡng-Nghi, thì Dương-khí là nơi phát sanh của Dương-quang tiếp dẫn bỡi Ngôi Thái-Cực. Nơi Dương-quang hằng sản-xuất biết bao điểm-linh mà có nên cõi vô-hình. Những điểm-linh ấy, sau một thời gian trải bước trên trường thi công-quả mà tạo nên ngôi vị.

Nơi cõi vô-hình chia ra Tam-Thập Lục-Thiên, mà từng cao nhứt là ngôi Chúa-tể cả Càn Khôn Vũ-trụ.
Ba mươi sáu từng trời ấy, chia ra làm ba ngàn thế-giới, đặng lập nên Võ-trụ hữu-hình. Ba ngàn thế-giới ấy, tức là các cung các động đó vậy.

Hằng đêm ngữa mặt lên trời, mấy em nhìn thấy hằng hà sa số sao, ấy là ba ngàn thế giới đã nói kia vậy.

Những sao mà theo khoa-học gọi là định-tinh, ấy là nơi của chư Đại Tiên-Trưởng hằng ngự để điều-khiển thế-giới của mình. Còn các sao gọi là hành-tinh là nơi của các Chơn linh đang thi-hành phận-sự. Trong Tam-Thiên Thế-Giới lại phân ra Tứ-Đại Bộ-Châu, đặng chưởng-quản về Thất-Thập Nhị-Địa Cầu.

Nơi cõi Hư-Vô, là cõi vô-hình theo sắc-tướng; song đối lại với Dương-quang vô-tướng thì nó lại là hữu-hình. Mấy em đã được rõ khí Dương-quang là những nguyên-tử dương cấu tạo, vậy thì, các Chơn-linh cũng là sự kết-hợp của tế-bào Dương-quang đó vậy.

Do đó, mà trong cõi hữu-hình loài người đã tầm ra những luồng sóng điện vô-hình. Vậy cho nên những vị đắc Pháp có Huệ-nhãn thì thấy được, có Huệ-nhĩ thì nghe được, có Huệ tỷ thì ngữi được, có Huệ-tâm thì ứng được.
Như vậy, mấy em đã rõ cõi Hư-Vô và cõi sắc-tướng khác nhau thế nào rồi.
Thôi chị lui nghe.

Tái-Cầu
Bát-Nương Diêu-Trì Cung
Chị chào mấy em,
Muốn học Đạo thì phải chú tâm cho lắm mới đặng. Để chị dạy phương-pháp chú tâm cho các em.

Chú tâm, các em hiểu chẳng có gì là lạ. Sở dĩ, các em vẫn lo nhiều công việc không có thì giờ suy-nghiệm nên không tìm được nguyên-lý. Vậy các em nên ôn-nhuần những bài đã học là được. Các em nên hiểu rằng các Đấng Thiêng-Liêng chỉ dạy đại-cương, còn các em tầm chơn-lý thì mới mong hiểu được.

Các em nên cẩn-thận trong khi sưu-tầm nguyên-lý mà khỏi điều thắc mắc. Chị chỉ cho những nỗi thắc mắc của các em, khi các em tìm trong một bài nào, thì các em chỉ tìm những điều các em thấy trong lời dạy mà thôi, chớ nên tìm những viễn vông mà mệt trí. Những điều mờ hồ các em nên sưu-tầm cho cạn lý, rồi mới đem ra bàn giải trong các em khác. Như vậy mới mong được những điều lầm lộn của trí đoán của mình. Như có điều gì còn mờ-hồ nữa, thì sẽ hỏi nơi các Đấng chỉ dạy thêm.

Vậy các em nên xem lại những bài đã chỉ dạy trong những kỳ mà các em đã nhận thấy là dễ hiểu đó.

Các em muốn chị dạy vì nữa không? Chị dạy như thế là rõ-rệt lắm rồi. Các em cứ do đó mà thi hành theo cho đúng như ý chị.
Chị kiếu.

Đêm 19 tháng Giêng Nhâm-Thìn ( D.L.14/2/52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Luật-Sự Cao, Tiếp, Cầm, Hợi, Đúng, Hưỡng.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay, Bần-Đạo giảng về Thú-cầm hồn.
Từ Thảo-mộc hồn, các tế-bào đã liên đới mà tạo thành sanh khí đặng dưỡng nuôi thú-cầm và nhơn-loại. Bỡi cớ, lẽ sống của Đệ-Nhị xác thân đã có bởi khí tiết của Thảo-mộc hồn. Do đó, mà sau một sự biến chuyển, các tế-bào của thảo-mộc liên đới với tế-bào của kim-thạch mà biến hoá ra thú-cầm.

Lúc mới phát sanh, thì giống như thú được nãy sanh ra trước. Đến lúc có một cuộc tang thương biến đổi, những loại có chân bò lên sống trên mặt đất và lần lần thành ra thú vật. Trong thú vật lại có sự thay đổi mà biến hóa thành thú-cầm.

Những tế-bào tạo nên loài thú là do những hột nguyên-tử, một điển-tử dương và 36 hột điển-tử âm.

Sau khi phân-tách các loài thú, vì mỗi thứ dùng một vật thực khác nhau, và có những tánh cách liên-hợp tế-bào khác nhau, mà biến nên hình tướng và thể chất riêng biệt.

Khi đã thành Thú-cầm hồn rồi, thì các linh-hồn đã bước vào con đường tấn-hóa vì nó được hưởng chút ít ân-huệ của Phật-Mẫu ban cho là Chơn-Thần hay là Giác-Hồn đó vậy.

Nhờ nơi đặc tánh của Thú-cầm hồn mà Chí-Tôn đã tạo nên loài người, bằng phương cho thêm Đệ-Tam xác thân, đặng khai đường tấn-hóa cho các hồn thuộc hạ đẳng hồn.

Trong Thú-cầm hồn, những vật đã đủ tánh linh, tức là những vật đã đi được trên đường tấn-hóa đó vậy. Về Thú-cầm hồn có bấy nhiêu, mấy em coi lại bài đã giải kỳ trước sẽ rõ nhiều. ( Bài Thánh-Giáo kỳ trước ngày 23 tháng 8 Canh-Dần đã giải về loài vật có ghi lại ở sau bài nầy ).

Thừa-Sử Phước bạch: ....................
- Lúc mới phát sanh Thú-cầm thì các hình-thể đều đã phân biệt bỡi sự liên-đới của tế-bào. Đó là cơ huyền-vi của Đấng Tạo-Hoá đó. Từ ấy trở về sau, các giống vật đã sẵn mầm giống mà sanh-sản thêm ra, quyền Tạo-Hóa chỉ còn thổi Sanh-quang đặng tạo nên sự sống hữu-vi nữa mà thôi.

Luật-Sự Hưỡng bạch: - Về điển-tử của loài Thảo-mộc chuyển qua Thú-cầm phải thế nào?
- Thú-cầm hồn biến hóa do Thảo-mộc hồn, thì lúc ban sơ loài ngư phải là tế-bào của Thảo-mộc. Đến chừng biến chất thì tế-bào lại tăng hay là giảm bớt điển-tử âm, do nơi kết hợp hình-thể để tạo nên xương thịt , máu huyết của nó.

Thừa-Sử Phước bạch: - Về loài côn-trùng ...........
- Côn-trùng thuộc về thảo-mộc biến-hóa, nên nó đứng giữa thảo-mộc hồn và thú-cầm hồn. Trong Bát-Hồn thì côn-trùng là loại biến-hóa mà thôi.
Đêm nay như vậy là đủ.
Bần-Đạo kiếu.

Ghi lại Thánh-Giáo giảng về Loài- Vật.

Đêm 23 tháng 8 Canh-Dần ( Ngày 4 / 10 / 50 ).
Đàn-Cơ nầy do nhị vị Luật-Sự Khỏe và Du Phò-Loan;
Hầu-Đàn gồm có những vị: Luật- Sự Trường, Hưỡng, Đôi, Hợi, Khen, Vân, Cao

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào các em,
Về sự tiến-hóa của Bát-Hồn, loài vật đứng vào phẩm thứ ba của Bát-Hồn, nó cũng biết cảm xúc như loài người vậy. Nó cũng biết thương biết ghét, nhưng không được khôn ngoan như loài người. Loài vật chia ra làm hai loại: Loại thượng-cầm và loại hạ-thú.

Loại thượng-cầm thì có tánh chất giống như loài người, là có thứ chim biết nói, nó nhớ cũng như người. Ngày xưa, người ta dùng chim để đi thơ từ chỗ nầy sang chỗ nọ. Còn loài hạ-thú, thì có thứ nó cũng khôn ngoan như loài người, nó cũng biết nghe và vâng lời sai biểu của loài người. Lại có thứ cũng giống nhiều bản-chất của loài người, như con khỉ chẳng hạn.

Về loài vật , dầu cho là thượng-cầm hay hạ-thú, đều có thọ một điểm linh-quang của Đức Chí-Tôn ban cho, cũng như loài người vậy. Từ loài vật, nó phải thay đổi nhiều kiếp mới tiến-hóa lên loài người được, và chính nó cũng do sự tiến-hóa của loài thảo-mộc mà biến hình. Cũng có nhiều khi loài người làm nên tội ác trong kiếp sanh, mà phải bị Luật Thiên-Điều trừng-phạt, rồi cho đầu thai trở lại làm loài vật.

Cái Bí-Pháp của các nền Đạo-Giáo đã khai mở từ xưa, cũng như giáo-lý của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, để dạy cho môn-đồ về sự tiến-hóa của Bát-Hồn, và về sự luân-hồi chuyển kiếp, hoặc về sự bị giáng cấp của Bát-Hồn, do Luật Thiên-Điều phân định chí công.

Vậy một khi bàn đến loài vật thì người có Đạo ai cũng đều nhìn nhận rằng, là bậc thứ ba của Bát-Hồn. Nó cũng có thể tiến-hóa lên phẩm người, và cũng có thể biến trở lại loài thảo-mộc tùy theo sở hành gián tiếp của nó. Nên nó có thọ hai bản-chất của loài người và của loài thảo-mộc.
Thôi Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

Bộ Pháp-Chánh Hiệp-Thiên Đài.
Đêm 22 tháng Giêng năm Nhâm-Thìn ( D.L.17/2/52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Hợi, Trấn, Tả Phan Quân, Luật-Sự Cao, Đúng, Tất, Tiếp, Du, Tỹ, Cẩn.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Trong Bát-Hồn, mấy em đã được giải từ Kim-thạch cho đến Thú-cầm, tức là qua lớp học biến chuyển tạo nên lần vũ-trụ trong buổi lập địa, tức là Sữu thời Địa tịch. Bây giờ qua Nhơn-Sanh Dần chi.

Khi các Thú-cầm đã hóa sanh đầy đủ, thì các Sanh-hồn và Giác-hồn đã đến lúc huệ khai, vì đó, Chí-Tôn rưới Linh-quang ban cho một thể thứ ba là Chơn-Linh. Giống " Hầu " Hầu nhơn là Homo-Sapiens : Loài khỉ phát triển thành người là giống đã được tấn-hóa hơn, nên vì cớ La-Hầu đã được Chơn-Linh điểm trí mà tạo nên thủy-tổ loài người. Như trong Đệ-Nhứt xác thân các em đã học thì loài người được thông- minh sáng-suốt nhờ ở Đệ-Tam xác thân điều-khiển, và Đệ-Nhứt xác thân tinh-túy. Đó là Nhơn-hồn.

Từ tạo ra Nhơn-hồn cho đến tạo được sự uy-linh của nó thì phải trải qua hai chuyển. Đến cuối Nhị-chuyển thì các Chơn-Linh tức là Nguyên-nhân mới bước vào trường thi công quả, và mở Thượng-Ngươn Tam-chuyển. Từ ấy đến nay, đã đến Thượng-Ngươn Tứ-chuyển tức là Nhơn-hồn còn thêm phần tấn-hóa nữa.

Thừa-Sử Phước bạch: .........................
- Từ Thượng-Ngươn, Trung-Ngươn, Hạ-Ngươn đều ở trong Tam-chuyển.
- Trong Nhơn-hồn, từ buổi Tam-chuyển được tấn-hóa thêm bốn phẩm nữa là Thần, Thánh, Tiên, Phật-hồn. Nhơn-hồn nào đã được trọn trung, ấy đã vào Thần vậy. Biết được nghĩa chánh, bồi-bỗ Đạo Nhơn-luân, tức là Thánh-vị. Đến Thánh-hồn, thì phải thông suốt phần Thế-Đạo đó vậy.

Trong phần Thế-Đạo mà tạo được Bí-Pháp đặng bước qua mặt Thể-Pháp Thiên-Đạo tức là Tiên-Vị. Đã lập được Thể-Pháp Thiên-Đạo mà tầm nên Bí-Pháp Thiên-Đạo tức gọi là đắc Pháp, ấy là Phật-Vị.

Bát-Hồn đến đây đã dứt.
Kỳ tới, Bần-Đạo sẽ giải về Thế-Đạo và Thiên-Đạo.
Bần-Đạo kiếu.

Tái-Cầu
Phò-Loan: Thừa-Sử Hợi, Luật-Sự Cao.
Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo đã giảng về Bát-Hồn, vậy mấy em ráng ôn-nhuần những điều của qua dạy, hầu kỳ tới sẽ giảng thêm.

Em Cao ráng tập cho nhuần sau sẽ hữu-dụng.
Qua muốn mấy em đều có mặt mỗi kỳ. Mấy em sẽ tiếp nơi các Đấng nhiều lý do mà các em chưa nhuần-nhã. Mấy em có biết đâu, mỗi kỳ các em hội-họp, nhiều Đấng đã chỉ dạy rất công-phu.

Sở dĩ, các Đấng muốn cho các em trở nên người hữu-dụng, vì các em ở trong cửa Hiệp- Thiên-Đài, mà lại là tinh-thần của Đạo. Các em có hiểu đâu nơi cửa Hiệp-Thiên, các em là người dẩn đầu cho đoàn hậu-tấn sau nầy đó.

Mọi việc chi đều do Chí-Tôn sắp sửa đâu đó rồi, chớ chẳng phải ai cũng làm được đâu.
Các em đều có bổn phận để dìu đường cho những kẽ đến sau. Các em nên chú-ý, vì mỗi hành-vi của các em, đều có các Đấng hộ-trì nên chi các em vẫn được người tín-nhiệm đó.
Các em hằng lo lập công thêm cho xứng phận, Bần-Đạo sẽ giúp đỡ cho.
Đêm nay đã dạy nhiều, Bần-Đạo xin kiếu.
Thăng.

Ghi-chú: Đàn-Cơ học hỏi riêng, của anh em nhơn-viên Bộ-Pháp-Chánh từ trước tổ-chức tại tư gia. Bắt đầu từ ngày 22 tháng Giêng Nhâm-Thìn trở về sau, dời về Tòa nhà Bộ-Pháp- Chánh Hiệp-Thiên-Đài.

Thế-Đạo và Thiên-Đạo
Bộ Pháp-Chánh, đêm 25 tháng Giêng Nh. Thìn ( D.L. 20/2/52 ).
Phò-Loan: Thừa-Sử Trấn, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Tả-Phan-Quân, Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Hưỡng, Tú, Cẩm, Đúng, Cao.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay, Bần-Đạo giải về Thế-Đạo là gì?

Hẳn mấy em đã rõ đại-cương về Thế-Đạo là: Nam là Tam-Cang, Ngũ-Thường; nữ thì Tam- Tùng Tứ-Đức. Song đó chỉ là thể của Nhơn-Đạo hữu-hình mà thôi. Nếu mấy em hằng ngày tâm niệm có bấy nhiêu thì làm sao trọn vẹn được.

Trong Thế-Đạo phải phân tách ra làm hai pháp-lý : Một là Thể-Pháp Thế-Đạo, hai là Bí- Pháp Thế-Đạo. Tam-Cang Ngũ-Thường, Tam-Tùng Tứ-Đức là thể đặng làm sở-hành cho một Thể-Pháp Thế-Đạo mà thôi, lấy đó làm chánh-đề mà đi. Bây giờ muốn giữ Tam-Cang Ngũ-Thường phải làm thế nào?

-Quân-Thần Cang: Thì vua là kẽ chăn dân. Vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ. Ấy là công việc của Cơ-Quan Phước-Thiện bây giờ đó. Tôi phải tõ dạ trung thành đặng vừa giúp vua, mà làm cho bá tánh an-cư lạc nghiệp, tức là bổn-phận của hàng Thánh-Thể đó vậy.

-Phụ-Tử Cang: Cha là người thay quyền Chí-Tôn trong một tiểu gia-đình, tức nhiên là phải biết mình là bổn-phận giáo-hóa, dưỡng-dục, tức nhiên một Hội-Thánh trong một gia-đình. Vậy con phải trọn hiếu, tức nhiên là không làm điều nhục tổ hổ tông, tức là bổn-phận một tín-đồ, hay đúng hơn là một Môn-Đệ xứng-đáng của Đức Chí-Tôn đó vậy.

-Phu-Phụ Cang: Chồng là người cầm lề giữ lái, đặng đưa một tiểu gia-đình đến chỗ đạo- đức thanh bạch, tức nhiên là bổn phận của Cơ-Quan Hành-Chánh đó vậy. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an sự nghiệp, tạo nên hạnh-phúc của gia-đình, tức là bổn-phận của Bảo-Cô-Quân đó vậy.

Vậy, Ngũ-Thường thì Nhơn, là phải biết nghĩa đồng sanh, biết tình đồng hưởng âm-dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn Chơn-Truyền, tức nhiên là phải trọn dâng theo luật công- bình bác-ái.

Nghĩa: là phải biết trọn phận người, để tạo nên danh trọng giá cao, tức là phải giữ nên phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.

Lễ: là giữ hạnh nết đúng đắng để tạo nên một nhân-phẩm, biết nhường biết nhịn, tức nhiên là phải giữ trọn hạnh Đạo đó vậy.

Trí: là phải thông hiểu việc thế mà đi, không để tên tuổi phải lời chê tiếng nhẽ. Tức nhiên là phải trọn tùng luật-pháp Chơn-Truyền đó vậy.

Tín: là phải đúng lời, đúng hẹn, tức là phải danh chánh, ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau, tức là phải trọn thệ đó vậy.

Đó là mặt Thể-Pháp Thế-Đạo, còn mặt Bí-Pháp Thế-Đạo là phương tầm ra định hướng để vẹn giữ Tam-Cang Ngũ-Thường, tức nhiên là trọn phần Nhơn-Đạo. Ấy là kết-quả do Thể-Pháp mà nên.

Nói chung về Bí-Pháp Thế-Đạo tức nhiên là phương giúp đời an nhàn Đạo-đức đó vậy.

Về Tam-Tùng Tứ-Đức là phần của nữ-phái.
* Tùng Phụ: như người con gái phải giữ tiết-trinh, cũng như kẽ Tín-Đồ giữ tròn danh Đạo.
* Tùng Phu: như bóng tùy hình, tức nhiên là phải ví mình như một trong Thánh-Thể tùng Hội-Thánh vậy.
* Tùng Tử: là phải vì đám hậu-sanh mà quên mình, đặng tạo thành sự-nghiệp tương lai cho chúng, tức nhiên là bổn phận của Chức-Sắc vậy.

Công, Ngôn, Dung, Hạnh tức là việc làm cho nhơn-sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo-hóa. Hành vi, cử chỉ đặng treo gương mặt thế, tức là phải biết nâng cao giá-trị của Thánh-Thể Chí-Tôn. Nết-na đầm thắm, giữ trọn thương yêu, tức nhiên là làm nền móng cho đại-đồng thế-giới. Đó là Thể-Pháp.

Kẽ đã trọn về mặt Thể-Pháp tức nhiên hiểu biết Bí-Pháp, vì Bí-Pháp không chi lạ hơn là phương-pháp bí-yếu dể nâng cao giá-trị cho Thế-Đạo. Nói rõ hơn nữa, là phương làm cho Đời trở nên tận thiện tận mỹ. Nói theo nhân-sanh triết-lý, thì Bí-Pháp là kế-hoạch nâng cao đời sống trong Nhơn-Nghĩa đó vậy.
Mấy em đã rõ chưa? Kỳ tới Bần-Đạo giải về Thiên-Đạo.
Bần-Đạo kiếu.

Tái-Cầu
Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Bần-Đạo dẩn giải thêm về Pháp-lý: - Một nhơn-sanh phải giữ thế nào cho tròn Nhơn-Đạo?

Đạo Nhơn-Luân cần phải có đủ Tam-Cang Ngũ-Thường, vì đó là nền gốc của Nhơn-Luân.
Nhơn-Luân gồm có Nhơn-Đạo và Thiên-Đạo. Nhơn-Đạo các em đã rõ, còn Thiên-Đạo các em sẽ học trong kỳ tới.

Vậy hôm nay Đạo Nhơn-Luân đã giải rõ nữa phần, các em cần nhớ kỹ kẻo khó tiếp phần Thiên-Đạo.

Mấy em đã thấu hiểu, không còn gì là khó khăn nữa, cần nhứt là phải thật hành y theo Nhơn-Đạo thì mới mong bước qua Thiên-Đạo.

Vậy các em nên cố-gắng làm tròn sứ mạng, ấy là các em đã xong phận sự Nhơn-Đạo. Cần nhứt là phải giữ trọn đức tin, mới mong trọn vẹn trong cửa Đạo.
Vậy Bần-Đạo xin kiếu.
Thăng.

Bộ Pháp-Chánh, đêm 28 tháng Giêng Nhâm-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Trấn, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Thừa-Sử Hợi, Phước; chư vị Luật-Sự.

Bát Nương
Chị chào mấy em,
Những bài học đã qua, đem đến cho mấy em rất nhiều kết-quả trên nẽo tu chơn tầm pháp. Vậy mấy em khá dồi tâm luyện trí thêm cho được phần linh-diệu, hầu rửa sạch Chơn-Thần mà hoát mở " Thiên môn " để dễ bề hiểu chơn, tri lý.

Mấy em có hiểu đâu rằng, mấy em là những Tướng-Soái tương lai ra binh Cứu-Khổ, do nơi đây mấy em sẽ tạo nên những bậc tài hiền. Thoảng như Chơn-Pháp mù khơi, mấy em mới làm sao được đó cà!

Vậy đường học vấn để thấu triệt lẽ huyền-vi, phần nhờ nơi công-phu gắng chí, phần nhờ nơi tâm-pháp bí-truyền, mấy em mới được nên hoàn-hảo.

Chị để lời khuyên mấy em khá gắng, đừng lầm tưởng là phải yên tịnh một nơi mới thâu nên kết-quả. Mấy em phải tập làm thế nào mà tầm cho được cái tịnh ở trong cái động thì mới nên đó, bằng chẳng vậy, quỉ mị sẽ vùa theo chỗ an tịnh riêng mình mà dẩn nẽo đó nghe. Phải để tâm cho lắm mới được. Nó rõ cho dễ hiểu hơn, là Chơn-Thần muốn tịnh lúc nào cũng được, chẳng nệ đông tiếng ồn-ào, việc làm bề-bộn.

Mấy em hãy nhìn trong không-gian lẫn-lộn bóng thời gian rồi tầm nguyên-lý thời gian sẽ đến đâu và thế nào rồi gẫm lại cho kỹ coi thời gian đi trong không gian để làm gì. Kỳ tới trả lời cho Chị.
Chị xin kiếu.

Tái-Cầu
Phò-Loan: Thừa-Sử Hợi, Luật-Sự Nhung.

Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Đêm nay Bần-Đạo giải về Thiên-Đạo.

Trong Thiên-Đạo cũng có Thể-Pháp và Bí-Pháp như Thế-Đạo vậy. Về Thể-Pháp Thiên-Đạo tức nhiên là những nơi học hỏi để ung đúc tinh-thần trên khuôn viên chánh-pháp.

Trong Thể-Pháp Thiên-Đạo chia ra làm ba thời kỳ:
- Thứ nhứt là thời kỳ khai thác,
- Thứ nhì là thời kỳ luyện tập.
- Thứ ba là thời kỳ thi hành.

Trong thời kỳ sau nầy, mới thường gặp những cơ khảo-đảo đặng thử thách tinh-thần.
Về thời kỳ thứ nhứt, thì là những tạo-tác nơi qui-hợp đức-tin cho con cái Chí-Tôn, tức là các Đền-Thờ đó vậy. Khi một môn-đệ đã thọ tùng giáo, thì phải do nơi các Đền-Thờ đặng tựu hiệp đức tin. Đó là bước đầu tiên của Thể-Pháp Thiên-Đạo. Do đó, sự cúng kiến niệm kinh là điều yếu trọng vậy.

Qua thời kỳ thứ nhì, là đem đức tin đã trụ được đặng tập luyện tâm tánh, và khởi lập công trừ quả đặng tự giải khổ cho mình, và giúp phương cứu-khổ cho toàn nhơn-loại. Ấy là phương tập luyện tánh thành, tâm niệm đó vậy.

Qua thời kỳ thứ ba, là thi thố những đức tin hầu lấy phương giải-khổ mà đem gieo truyền hạt giống thương yêu, ấy là phương cứu-khổ đó vậy. Trong lúc nầy, tinh-thần hay gặp những chướng ngại , hoặc làm cho nao-núng tan rã đức tin hoặc theo đường quỉ mị, chia phe phân phái mà nên tả-đạo bàn-môn như hằng-hữu đã xảy ra đó.

Trong ba thời kỳ thì, thứ nhứt là lập ngôn, thứ nhì là lập công, thứ ba là lập đức. Đó là Thể-Pháp Thiên-Đạo. Khi đã trọn phần Thể-Pháp rồi, liền bước qua mặt Bí-Pháp, là phương tu tâm sửa tánh, hầu lập thành Chơn-Khí thanh khiết, mà hiệp với Chơn-Thần, đặng tiếp Chơn-Linh để giải phương cứu-khổ thêm bề siêu-lý, diệu-chơn. Ấy là phương tầm hiểu chơn-truyền chánh- pháp đó vậy. Khi đã vẹn sạch tinh, khí, thần thì là đắc Pháp đó vậy.

Mấy em đã được học về khoa Bí-Pháp khẩu tụng (Phép tu chơn tịnh luyện là khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương ứng), vậy khá để tâm học hỏi cho được tâm-truyền, thì công phu mấy em đã được phần thưởng vô-giá đó. Nói về Thiên-Đạo, tức là luận về vũ-trụ triết-lý, tức là nói về không gian. Còn Thế-Đạo, là luận về nhơn-sanh triết-lý, tức là nói về thời gian đó! Mấy em khá hiểu cho lắm mới được. Phải để tâm suy-nghiệm đó nghe!

Đêm nay chấm dứt về Thế-Đạo và Thiên-Đạo.
Kỳ tới, Bần-Đạo sẽ để những câu hỏi để khảo dợt.
Mấy em ráng nhớ, Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

Bộ-Pháp-Chánh Hiệp-Thiên-Đài
Đêm 2 tháng 2 năm Nhâm-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Trấn, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Chư-vị Thừa-Sử, Luật-Sự và Thư-Ký.

Bát-Nương
Chị chào mấy em,
Mấy em trả bài Chị coi nào!
( Câu hỏi của Bà Bát-Nương đêm 28 tháng Giêng năm Nhâm-Thìn: " Thời-gian đi trong không-gian để làm gì?" )

Thừa-Sử Trấn bạch: ......
- Còn hết?
Thừa-Sử Phước bạch: Dạ có bấy nhiêu.
- Cười...... cho ba điểm. Em Phước?
Thừa-Sử Phước bạch.........
- Còn nữa không?
Thừa-Sử Phước bạch: Dạ hết.
Cười....... cho ba điểm. Em nào nữa, Hưỡng?
Luật-Sự Hưỡng bạch: ...........
- Còn nữa không?
Luật-Sự Hưỡng bạch: Dạ chỉ bao nhiêu đó.
- Ba điểm. Hợi.( Luật-Sự Hợi )
Luật-Sự Hợi bạch: Thưa bà không biết.
- Tú, Cao?
Dạ, cũng như ba người trước.

Mấy em chưa chịu để tâm tìm học, nên mới còn bị mơ hồ đó thôi, chớ những câu chị hỏi không ngoài các bài đã học.

Từ hổn-độn sơ khai, hình bóng chỉ là Chơn-Như chi khí. Sau tiếng nổ, phân tách lưỡng- nghi, Phật-Mẫu tạo nên sắc tướng hữu-vi tức là Càn-Khôn vũ-trụ hữu-hình. Từ ấy, thời gian xuất hiện.

Trong câu chị hỏi: " Trong không gian lẫn-lộn bóng thời gian để làm gì? " Vậy thì cõi vô hình tức là không gian, ấy là Đạo đó vậy. Trong không gian có lẫn-lộn thời gian, tức là Thế nằm trong Đạo chớ có gì đâu. Vậy thì Thế ở trong Đạo để làm gì? Có phải chăng là để cho thời gian trau giồi mà mở cơ tấn hóa đó không?

Bây giờ nói về Đạo pháp thì thời gian nảy sanh từ khí Lưỡng-Nghi phân tánh, tức nhiên là cơ Tạo-Đoan phát điển hành tàng. Vậy thì thời gian lẫn-lộn trong không gian, tức là bóng với hình. Khí ngũ-hành là cơ-thể tạo nên hữu-vi sắc tướng, lấy kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà tạo nên trường công-quả cho không gian. Bây giờ đến câu hỏi: Lẫn-lộn thế nào?

Trong Thế có Đạo, trong Đạo có Thế, thời gian tỏa bóng ấy không gian; không gian tạo hình là thời gian, tức nhiên là Thế-Đạo cùng Thiên-Đạo đó.

Thiên-Đạo phải do nơi Thế-Đạo làm hạ tầng cơ sở, còn Thế-Đạo phải nhờ Thiên-Đạo làm thượng tầng đoạt vị, đôi đàng phải nương nhau. Vậy thì thời gian do không gian chế ngự, không gian do thời gian mà biến hóa.

Bây giờ đến câu hỏi: Lẫn-lộn rồi đến đâu? Ấy là điều mà mấy em hằng biết, tức là cơ siêu-việt tấn-hóa mà tạo nên Hư-Vô thanh khí, tức là cơ Tạo-Đoan tấn hóa đến chỗ tận thiện, tận mỹ vậy.
Mấy em làm biếng quá đổi!
Bạch: - Tại mấy em suy-nghiệm chưa ra lý.
- Cười......Kỳ tới em nào trả bài không đủ trung bình điểm bị phạt ngâm thi. Bây giờ cho câu khác.
Mấy em thử làm một bài luận về " Không gian và thời gian ", chị chấm văn đó nghe. Phải luận cho hết lý và thật rõ-ràng mới được. Coi chừng ngoài đề thi ăn trớt nghe.
Chị kiếu.

Tái-Cầu
Phò-Loan: Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Nhung.
Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
Mấy em hãy định trí mà suy gẫm để trả lời những câu hỏi của Bần-Đạo:
" Linh-hồn do đâu mà phát hiện, và phát hiện thế nào? "

Thừa-Sử Trấn bạch: - Linh-hồn do nơi Chí-Tôn mà phát hiện, phát hiện để chế ngự Chơn- Thần và sanh-hồn đi trong khuôn viên Đạo-Đức, tấn-hóa theo mực thước bác-ái.

- Phải vậy . Linh-hồn là gì?
Thừa-Sử Trấn bạch: - Linh-hồn là điểm Linh-quang của Đức Chí-Tôn ban bố cho con cái của Đức Chí-Tôn, sản-xuất trong khối Thái-Cực.

- Ấy là nguyên thể vô hình, chia sớt do nơi ngôi Thái-Cực.
Thừa-Sử Phước bạch: - Ngôi Thái-Cực chỉ có điển-tử dương, tại sao Chơn-Linh lại có một dương và một âm.

- Chơn-Linh là một dương và một âm là do nơi Lưỡng-Nghi hiệp đồng chi khí, còn ngôi Thái-Cực là ngôi cực dương.
Thừa-Sử Phước bạch: - Vậy thì một âm ấy tức nhiên có của Phật-Mẫu trong đó.

- Âm-khí mới là của Phật-Mẫu chớ.
Luật-Sự Hưỡng bạch: - Dạ, nếu không do Phật-Mẫu, điển-tử âm ấy do nơi đâu phát sanh?

- Điển-tử âm là do nơi Thập-Nhị Địa-Chi biến hình, đó là nguyên bổn của khí Hư-Vô mà thôi. Đến chừng Phật-Mẫu lấy Thập Thiên-Can hiệp với Thập Nhị Địa-Chi rồi thổi lằng âm khí mới tạo nên Chơn-Thần. Mấy em hãy nhớ rõ Lưỡng-Nghi phân tách rồi mới có Ngũ- Hành khí.
Bây giờ đến câu hỏi: Quyền năng Tạo-Đoan của Chí-Tôn là thế nào, của Phật-Mẫu là thế nào?

Thừa-Sử Phước bạch: - Chí-Tôn thổi sanh-quang nuôi vạn-vật, Phật-Mẫu tạo ra các cơ-quan hữu tướng.
- Tức là tạo nên phẩm-vị cho các Chơn-Linh. Mấy em chưa được thông suốt cho lắm. Bần- Đạo để những câu hỏi ấy, mấy em về soạn bài rồi trả-lời kỳ tới.
Thừa-Sử Phước bạch: - Dạ, soạn bài thì được hoàn-mỹ hơn, vì mấy em có đủ thì giờ suy gẫm.

- Đó là cách khảo-dượt lý-trí của mấy em, chớ cho bài rồi suy-nghiệm thì khai trí rất chậm. Mấy em ráng chịu khó thì mới được sáng-suốt vững bền.
Đêm nay như vậy, Bần-Đạo cũng đủ hiểu về lý-trí của mấy em. Kỳ tới khá gắng thêm.
Bần-Đạo kiếu.

Xin trích ra những câu hỏi để mọi người tự làm bài:
A /. Của Bà Bát-Nương Diêu-Trì-Cung:
Luận về Không-gian và Thời-gian.

B /. Của Đức Cao Thượng-Phẩm:
1/. Linh-hồn do đâu phát hiện và phát hiện như thế nào?
2/. Linh-hồn là gì?
3/. Quyền năng tạo-đoan của Chí-Tôn là thế nào? Của Phật-Mẫu là thế nào?

Pháp-Chánh Hiệp-Thiên-Đài, đêm mùng 5 tháng 2 Nhâm-Thìn.
Phò-Loan: Thừa-Sử Trấn, Luật-Sự Nhung.
Hầu-Đàn: Tã Phan-Quân, Thừa-Sử Phước, Luật-Sự Hợi, Cẫm Hưỡng, Cao; Thư-ký Minh.

Bát-Nương
Chị chào mấy em,
Đâu thử trả bài Chị coi!
- ( Đọc bài của Thừa-Sử Trấn ).
- Văn nghe cũng gọn, song tứ chưa rộng, chỉ bó hẹp trong lẽ Âm-Dương mà thôi. Phải luận cả Bát-Hồn và cõi Hư-Vô mới trọn tứ được. Chị cho 5 điểm, bằng lòng không?

Thừa-Sử Phước bạch: - Tự xét thấy chị khuyên như thế cũng quá đáng, xin thành kính trọng ơn Chị.
Thừa-Sử Phước bạch: - Xin cho trả bài như nói Đạo, vì không có thì giờ làm bài.
- Coi chừng văn tàu-hủ ky.
- ( Thừa-Sử Phước nói miệng trả lời câu hỏi ).
- Văn nói nghe chưa định đủ nghĩa, luận bao trùm nhưng thâu chưa gọn, phải định rõ nghĩa, tả đủ hình mới được. Nhờ có công lại thành tàu-hủ ky. Cho 5 điểm. Mấy em trả bài nữa đi.
- ( Đọc bài của Tả Phan-Quân Trang Văn Giáo ).
- Toàn bài bị định lộn nghĩa, có hai câu được mà thôi. Khen em cố tâm gắng học, ráng thêm nữa. Phải coi bài học cho nhiều. Công ấy cho 5 điểm.
- ( Đọc bài của Luật-Sự Hưỡng ).
- Văn dùng được, chỉ tứ còn lộn xộn, chưa sắp thứ-tự được. Còn thiếu lý. Cho 5 điểm.

Thừa-Sử Phước bạch: - Xin thêm điểm cho bài của Hưỡng.
- Cười.........
- ( Đọc bài của Luật-Sự Cao ).
- Văn còn túng khúc trạng, không có luận, không đầu, lẫn-quẩn, còn thiếu tứ. Bài làm đã có ý. Cho 5 điểm.
- ( Đọc bài của Thư-ký Minh ).
- Bài làm mất đầu, luận bao quát, mà thiếu nghĩa và thâu không gọn đề. Được 5 điểm. Còn nữa trả bài?

Luật-Sự Nhung bạch: - Bài làm chưa rồi, thiếu câu kết, xin cho kỳ tới trả.
- Phải trả bài mới được.
- ( Hưỡng đọc dùm bài của Luật-Sự Nhung ).
- Bài làm còn thiếu luận, vì đã định nghĩa riêng từ đề một thì phải có luận riêng cũng từ đề, sau rồi mới luận chung. Trong bài luận ít hơn trạng, kêu là thủ vĩ bất đồng, làm có tứ, phải luận thêm cho đủ nghĩa rồi mới gom hết. Cho 5 điểm. Còn em Hợi?
- ( Đọc bài của Luật-Sự Hợi ).
- Cho tứ rộng, mà định nghĩa còn túng, văn chưa trôi chảy. Ráng thêm, trạng luận chưa phân biệt. Cho 5 điểm.

Luật-Sự Cẩm bạch: -" Xin cho kỳ tới ".
- Nhớ hẹn nghe. Chị đòi nợ như đĩa đói đó!

Đáng lẽ, đêm nay Chị cho bài mẫu song vì Nhung mệt rồi. Thôi để đêm khác, mấy em gom chung hết mấy bài , rồi luận ý làm nên một bài Chị coi thử.

Thừa-Sử Phước bạch: - Xin gom đưa cho Thừa-Sử Trấn.
- Cứ ai cũng được, chớ phạt thì bị chung đó nghe. Mấy em hãy để ý, là bịnh chung của mấy em ở chổ hành văn không định thức, tứ và nghĩa không gom đề. Ráng học cho thật rõ nghĩa rồi định câu văn cho gọn, dùng chữ không dư không thiếu. Chị khen chung mấy em là đã tấn-triển được khá rồi đó. Hãy ráng thêm.
Chị kiếu.

Tái-Cầu
Cao Thượng-Phẩm
Bần-Đạo chào mấy em,
- Mấy câu Bần-Đạo hỏi, mấy em trả lời coi thử thế nào?
(Đọc bài của Thừa-Sử Trấn ).

- Câu trả lời về " Sự xuất-hiện của Linh-hồn " ít quá, phải nói rằng: Điểm Chơn-linh là một chiết linh của Ngôi Thái-Cực. Nơi Ngôi Thái-Cực là quyền năng của cả mọi thương yêu tự-toại, không di không dịch. Vậy thì chiết linh của Ngôi Thái-Cực, tức là điểm Linh-quang, hay là Linh-hồn do nơi khối thương yêu vô tận, sáng suốt vô biên mà nảy sanh trên vạn-linh, tạo thành luật công-bình và bác-ái.

- Em nào có bài thì trả Bần-Đạo coi.
( Đọc bài của Luật-Sự Hưỡng ).

- Trả lời vắn tắt quá! Còn nữa không?
( Đọc bài của Minh ).

- Cũng vậy, còn nữa không?
Câu " Linh-hồn phát hiện thế nào " thì nói như vầy: " Ngôi Thái-Cực là Chúa-Tể Càn-khôn vũ-trụ, nắm lẽ điều-hòa mà vận chuyển vạn-linh. Vì có quyền vi-chủ để giữ quyền năng tạo vị, nên phải chiết linh, tức là chia sớt quyền năng, đặng điều khiển vạn-linh, trong khuôn viên tạo-đoan định ngôi, lập vị ".

" Linh-hồn là gì? " thì nói rằng: " Sự sáng suốt của một nguyên-nhân và một hóa-nhân, biệt phân từ chánh định lẽ công tư, biết thương yêu cùng tội lỗi, ấy là trí sáng-suốt đó vậy ".

Còn về " Quyền năng ", mấy em đã được hiểu rõ câu trả lời của Trấn, đủ nghĩa rồi đó! (1)
Mấy em phải chịu khó tìm học trong những bài đã có, để tìm và định nên lý sâu xa. Định và tầm được rồi, thì mấy em đã rộng trí-thức trong Chơn-Truyền chánh-pháp đó!

Bần-Đạo cho câu hỏi nữa, kỳ tới trả lời:
1/. Chơn-Thần kết hợp với Chơn-Khí do nơi đâu?
2/. Chơn-Thần và Chơn-Khí chế ngự xác thân để làm gì?
3/. Chơn-Thần sáng suốt thế nào? Và khi nào mới nên hình?
4/. Cả Đệ-Nhị xác thân dùng để làm gì trong cơ tấn-hóa?

Mấy em ráng tìm lý cho đủ.
Bần-Đạo kiếu.
Thăng.

Bài Mẫu
Của Bà Bát-Nương Diêu-Trì-Cung
luận về Không-gian và Thời-gian.
Bộ-Pháp-Chánh

Đêm 12 tháng 2 Nhâm-Thìn ( Dl. 9 / 3 / 52 ).
Phò-Loan: Luật-Sự Nhung, Hưỡng.
Hầu-Đàn: Tả-Phan-Quân, Luật-Sự Cao, Hợi, Thơ-Ký Minh.
Bát-Nương
Chị chào mấy em,
Chị đã hứa cho bài về " Không-gian và Thời-gian ", vậy mấy em coi rồi suy gẫm, và tự sửa bài mình nghe. Trúng, trật rồi biết. Chị cũng khen đó. Cười.....

" Trong Càn-Khôn vũ-trụ, ngẫng mặt lên là Trời, cuối mặt xuống là đất, muôn ngàn hình tướng luôn luôn xoay chuyển. Cả thế-giới hữu-vi cho đến mọi hành tàng bí-ẩn, thảy thảy đều xuôi chiều thuận nẽo, thưởng phạt công-bình. Xem như vậy, quyền tạo đoan đã nên chí công chí chánh.

Ngược lại, dòng văn sử của cơ tạo hình đặt tướng, cả thời-gian đi lại trong cõi không-gian thử hỏi, bóng hình bao nả?

Kể từ hổn độn chưa khai cho đến khi Càn-Khôn hiện thể, khí Hư-Vô phân lọc Lưỡng-Nghi, tỏa ra Tứ-Tượng định hình Bát-Quái, tạo khí Ngũ-Hành mà nên Nhựt-Nguyệt tinh cầu cùng các tầng Thiên, đặng giữ lấy mức điều-hòa âm thinh sắc tướng trong cõi bao la trùng điệp của khí vĩnh-sanh, rồi từ đó nét công-bình phải nên giữ lẽ. Bóng thiều-quang, làn sanh khí, nhựt du dạ hành, chẳng một mảy lòng không bẩm thọ âm-dương đào tạo. Công thưởng tội trừng, chuyển chuyển luân luân vận hồi tấn-hóa để tạo nên bầu bác-ái công minh. Đó là thời gian chuyển vận trong không gian đó vậy.

Không gian nâng đỡ thời gian, thời gian điều-độ không gian. Không gian nhờ thời gian mà biến thể điều-hòa, thời gian nhờ không gian mà giữ mực công-bình. Cả cơ thể Tạo-Đoan đi trong khuôn viên Bác-ái, lấy điều-hòa giữ lẽ thương yêu, gìn công-chánh đưa đường tấn-hóa. Nơi không trung bao la thiên tượng tại thế gian đầy dãy địa hình, có có không không, đi đi lại lại, mất còn còn mất, thảy thảy uy-linh, nhìn lại quyền năng Tạo-Hóa đã đáng công-phu.

Vậy thì vũ-trụ càn-khôn đứng trong điều hòa, giữ lẽ hằng sanh tấn-hóa mãi mãi không ngừng, ấy là Đạo hướng về nẽo vũ-trụ quan mà tạo nên Chơn-Lý. Cả cơ thể hữu-vi biến chuyển không ngừng, tạo thành cơ tấn-hóa, ấy là thế định trong lẽ Nhân-sinh-quan mà đi cùng Chơn-Lý.

Định lại rõ hơn, Đạo là điều-hòa, tức không gian nâng đỡ; Thế là công-bình, tức thời gian chuyển vận. Thời gian nhờ không gian mới an vững, không gian do thời gian tạo bình hòa.

Nói chung, thời gian và không gian là bốn phương, trên, dưới. Không gian vô hình ở dưới, đi tại trong chuyển ra ngoài. Thời gian hữu tướng đứng trên, hiện từ ngoài đến trong.

Không gian chuyển từ không ra sắc, thời gian biến từ sắc đến không. Ấy là huyền-vi của Đấng Chí-Tôn đã để đó vậy.

Đó, mấy em coi lại, chấm câu cho rành rẽ, chấm phết phân minh coi Chị hành văn có được không? Cho phép phê bình, không tư vị đa!

Bài hội của mấy em, Chị muốn để dành cho mấy em tự dượt lấy, coi thử thế nào. Khỏi phê bình.
Thôi Chị lui.

Bài Mẫu Của Đức Cao Thượng-Phẩm
giải thích trong ba câu hỏi, dựa theo bài làm của Thừa-Sử Phạm Ngọc Trấn,
ngày 5 tháng 2 Nhâm-Thìn.
1/. Linh-hồn do đâu phát hiện, và phát hiện thế nào?
Thừa-Sử Trấn trả lời: Linh-hồn do Đức Chí-Tôn mà phát hiện. Phát hiện để chế ngự Chơn Thần và thể xác, tiến-hóa theo khuôn viên đạo-đức của Tạo-Đoan là bác-ái và công-bình, lập nên công-quả mà đoạt phẩm vị Thiêng-Liêng.

Đức Cao Thượng-Phẩm dạy: Ít quá, phải nói rằng, điểm Chơn-Linh là một chiết linh của Ngôi Thái-Cực. Nơi Ngôi Thái-Cực là quyền năng của cả mọi thương yêu tự-tại, không di không dịch. Vậy thì chiết linh của Ngôi Thái-Cực, tức là điểm Linh-quang hay là Linh-hồn do nơi khối thương yêu vô tận, sáng suốt vô biên mà nãy sanh trên vạn-linh, tạo thành luật công-bình và bác-ái.

- Câu: Linh-hồn phát hiện thế nào? Thì nói như vầy: " Ngôi Thái-Cực là chúa-tể càn-khôn vũ-trụ, nắm lẽ điều-hòa mà vận-chuyển vạn-linh. Vì có quyền vi-chủ để giữ quyền năng tạo-vị, nên phải chiết-linh tức là chia sớt quyền năng đặng điều-khiển vạn linh trong khuôn viên Tạo-đoan định ngôi lập vị."

2./ Linh-hồn là gì?
Thừa-Sử Trấn trả lời: Linh-hồn là nguyên thể vô-hình, tức là điểm Linh-quang chia sớt do nơi Ngôi Thái-Cực.

Đức Cao Thượng-Phẩm dạy: Linh-hồn là gì? Thì nói rằng " Sự sáng suốt của một nguyên- nhân và một hóa-nhân, biệt phân tà chánh, định lẽ công tư, biết thương yêu cùng tội lỗi, ấy là trí sáng suốt đó vậy.

3/ Quyền năng Tạo-đoan của Đức Chí-Tôn là thế nào?
Thừa-Sử Trấn trả lời: Đức Chí-Tôn là chúa của sự sống, toàn quyền thống ngự vạn-vật, vi chủ Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại từ đại bi, dùng sanh quang nuôi sống muôn loài, dùng huyền-diệu vô biên mà tạo nên phẩm-vị cho toàn con cái của Người.

- Quyền năng của Phật-Mẫu thế nào?
Thừa-Sử Trấn trả lời: Phật-Mẫu là Đấng Tạo-Đoan cả Càn-Khôn hữu-vi, nắm trọn chơn- pháp tạo thành sắc-tướng cho muôn loài trong vũ-trụ, ban cho ta Chơn-Thần để bão- sanh thể xác, gầy dựng nên cơ Đời, lập thành trường thi công-quả, hầu đoạt phẩm-vị Thiêng-Liêng. Chưởng quyền khai tông định Đạo, dưỡng sanh đảm bảo hồn hài cho vạn-vật, tức là mẹ sanh của tất cả.

Đức Cao Thượng-Phẩm dạy: " Về quyền năng, mấy em đã được hiểu rõ câu trả lời của Trấn, đủ nghĩa rồi đó.

Mấy em phải chịu khó tìm học trong những bài đã có, để tìm và định nên lý sâu xa. Định và tầm được rồi, thì mấy em đã rộng kiến-thức trong Chơn-Truyền Chánh-Pháp đó."
Khóa học đến đây tạm ngưng
CHUNG
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét