Âm Nhạc Đại Đạo - 2 / 3 (Nữ Soạn-giả Nguyên-Thủy)


Con vật mới biết thanh mà chưa biết âm (tạm nói theo thông lệ). Người thường chỉ biết âm mà chưa biết nhạc. Chỉ có bậc quân-tử mới biết được Nhạc tức là cái đức của âm-thanh. Cái Đức đó là Hòa.“Nhạc dữ thiên địa đồng hòa”
Cái chính cốt của Nhạc là ở chỗ Hòa với thiên-điạ. Muốn cho “chí đức” “chí Hòa”
thì phải thấu triệt cả cái hòa hàng ngang cũng như hòa hàng dọc. Chính là chữ thập đó vậy.

3 - LỄ NHẠC là phần trọng-yếu của Khổng-Giáo
LỄ-NHẠC quan hệ đến luân-lý, phong-tục và chính-trị rất mật-thiết lắm, cho nên các Nho gia tìm cái căn nguyên ở trong đạo tự-nhiên của trời đất.
- LỄ là trật tự của Trời Đất
- NHẠC là cái điều-hòa của Trời Đất.

Hai bên dung-hòa nhau thì mới hòan-toàn được. Nếu có LỄ mà không có NHẠC thì nhân quần ở với nhau thành ra phân-biệt thái-quá nhân tình bất thông; có NHẠC mà không có LỄ thì thành lưu đãng, khinh nhờn.

Vậy nên có LỄ phải có NHẠC, để cái nọ chế cái kia thành điều-hòa. Vì một đường thì khiến tâm-tình ở trong, một đường thì khiến sự hành-vi ở ngoài, cốt cho trong HÒA ngoài THUẬN.
- Cái cùng-cực của NHẠC là HÒA
- Cái cùng-cực của LỄ là THUẬN

Nếu trong lòng mà tính-tình điều-hòa và ở ngoài mà hành-vi thuận hợp nghĩa-lý thì cái tà-tâm vọng niệm còn vào thế nào được lòng người ta nữa.
Vậy nên Thánh-Nhân dạy người cốt lấy LỄ-NHẠC làm trọng (ĐHP)

4 - Lời Thỉnh giáo:
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tam Thập Bát Niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH

Kính Đại-Huynh Tiếp-Pháp Hiệp-Thiên-Đài.
Tệ-sĩ Tiếp Lễ Nhạc-Quân trân trọng giải đáp 3 câu hỏi của Đại-Huynh sau đây.

1 . Dàn-Trống-Quan nghĩa là gì?
2 . Tại sao từ Phối sư trở xuống đưa linh-cữu có Dàn Bắc?
3 . Tại sao có khác nhau?

Xin giải đáp:
1 - Dàn-Trống-Quan là môn Võ-Quốc-Thiên tối cổ của Việt Nam.
Đời thì từ Đế vương trở xuống Tam-Công
Đạo thì từ Đầu-Sư trở lên đến Giáo-Tông và Hộ Pháp được ngự hưởng bài Trống Quan
Định nghĩa của Dàn-trống-Quan dùng trong nghi lễ đưa và rước.v.v...

2 - Từ Phối-Sư đổ xuống khi qui vị phải còn hành nghi lễ chèo-hầu và chèo đưa.
Khi chèo đưa, những tổng-trạo và Dàn-đờn trên thuyền Bát-Nhã thay cho Dàn-Nam, đó vậy. Dàn-Bắc là tiền phong hướng đạo.

3 - Chỗ khác nhau
là từ Đầu-Sư trở lên khi qui vị kỵ Long-Mã, không chèo hầu, không chèo-đưa phải có dàn Nam thay cho Tổng Trạo v.v...
Từ Phối-sư trở xuống còn chèo-đưa nên không được dùng Dàn-Nam, để tránh sự gây rối thinh âm giữa Dàn-nam và Dàn đờn trên thuyền Bát-Nhã.
Thưa Đại huynh,

Lời Lẽ Tệ sĩ biện minh trên đây là chính mình Đức Hộ-Pháp khi xưa đã dạy Tệ-sĩ với khẩu lịnh.

Bởi, từ ấy đến nay tuân theo khẩu lịnh Đức Ngài mà thi hành chớ không có Văn chỉ truyền ký.
Thành thật kính đệ Ngài ngự lãm.
Nay Kính, Tòa-Thánh, ngày 20-09-63
TIẾP LỄ NHẠC QUÂN
(Ký tên đóng dấu)

C - CHỈNH ĐỐN CÁC THỨC LỆ CÚNG KIẾN
Đạo Sử của Bà Hương-Hiếu có ghi:
CHÚ GIẢI: Ngoài các thức-lệ chỉnh đàn hành-lễ phải cho y một kiểu vở, phải định thêm lễ-nghi về quan, hôn, tang, tế, buộc các nơi phải tùng theo một luật-lệ, pháp giải-oan, phép tắm-thánh cũng vậy

Về NHẠC cũng phải chỉnh-đốn, nhứt là giọng đọc kinh của đồng-nhi phải phân biệt ba giọng: Ai, Xuân và Đảo Ngũ Cung. Hơi đọc kinh có ảnh-hưởng nhiều về sự HÒA-BÌNH êm-tịnh và phát thạnh của THÁNH-THẤT sở tại, cứ tụng một hơi ai-oán thì không khác nào cầu sự khổ não cho THÁNH-THẤT mình (Đạo sử II).

Thầy dạy:
“LỄ NHẠC chẳng hoàn-toàn, nhiều đứa cậy tài học giỏi lượm-lặt sách xả rác hủ Nho, mong bài bác đặng vinh mặt. Thầy bây giờ chỉnh để phúc Thiên-Điều hành luật, ai biết nguồn cội vội sửa mình mới mong thoát khỏi tà ma, mà đi cho cùng bước Đạo.

Uổng thay! Nền Đạo chẳng phải hư, ngày nay không phương tái lập, THẦY giao cho mấy đứa, vì Đạo vì đời khá hiệp trí chung lo, họa may mới với người đặng muôn một.

Con được phép cho mấy anh… coi Thánh giáo của THẦY. Thầy cho các con hay rằng: Đại-Lễ TÒA-THÁNH chẳng hoàn toàn theo cách thức dạy trước đây thì khá biết rằng: có tà-quái chứng mà thôi nghe! (9-1 Canh Ngọ)

Bảo-Văn-Pháp Quân bạch: ...
- Được! nhưng còn sơ sót, món nào liệu chẳng có ích, thì nên chế giảm, trừ ra NHẠC phải giữ cho toàn, đi LỄ cho có vẻ nghiêm-nghị, ấy là hai món đại khái đó.

“NHẠC còn chưa đủ thể cách, đờn để rước chư TIÊN THÁNH không phải vậy là đủ, người Nhạc-công phải ăn mặc tinh-khiết. Sắp đặt vào khởi NHẠC phải có thứ lớp phân minh, chớ chẳng phải muốn đờn bài chi cũng đặng, ấy là trái Thánh-ý đó. Phải sắp đặt lại nghe à!

Nơi Đàn nào mà khác hơn Thánh-giáo và bày biện nhiều trái cách thì Đạo hữu không phép tham-dự. (TNHH 18-7-1928 )

“Từ thử đến giờ, trên mặt địa cầu này có nước Tàu là Đức KHỔNG PHU TỬ chỉnh-đốn hoàn bị nên LỄ NHẠC có phương thế làm môi giới, làm khí cụ cho toàn vạn quốc đương buổi này” (ĐHP)

“NHẠC LỄ là phép nhà NAM, THẦY muốn giữ gìn sao cho trọn vẹn, các con hiểu ?” ( 21-8 Bính Dần ĐCT)

“LỄ NHẠC là hai điều trọng hệ của ĐỨC CHÍ TÔN, khi Ngài đến vẫn chú ý hai điều ấy (ĐHP).

Nhứt là Đức CAO THƯỢNG PHẨM sanh tiền buổi nọ, lấy con Đờn mà làm bạn thiết, hết thảy ngôn ngữ thường tình đều khinh rẻ (ĐHP)

LỄ NHẠC sản xuất do nơi HUỲNH ĐẾ với CHÂU CÔNG (ĐHP)

Chính cái tác-dụng mãnh-liệt của NHẠC đó mà cổ nhân đã giáo dục con người bằng cách chế ra “NHẠC”. NHẠC là cái vui của Thánh-Nhân mà khiến cho lòng dân trở nên tốt lành; có thể cảm lòng người rất sâu và di phong dịch tục được, cho nên Tiên-Vương mới đặt ra dạy NHẠC.

“Từ hàng CHƯỞNG-PHÁP đổ lên mới đặng “NHẠC CÔNG KHỞI NHẠC”, còn từ Đầu Sư đổ xuống, lễ xướng “CHỨC SẮC TỰU VỊ”, lễ xướng “giai quì” thì nhạc khởi.

NHẠC SĨ là một chức phẩm của Bộ Nhạc trong nền ĐẠO CAO-ĐÀI, NHẠC SĨ là phẩm cấp sau cùng về nhạc, đối phẩm với CHÁNH-TRỊ SỰ bên CỬU TRÙNG-ĐÀI”

NHẠC là hưởng ứng của cả khối sanh quang của càn khôn vạn-vật đồng thinh. Nơi Á-Đông có câu: "Biều, thổ, cách, mộc, thạch, kim, dữ ty, trước nãi Bát âm”. Các vật vô năng mà nói đặng, có trật-tự niêm luật hòa nhau là đoạt ĐẠO, hiệp lại với tiếng Kinh mình đọc là âm thinh nghĩa là con người cùng vạn-vật đồng thinh hiến lễ”

“Mấy Em phải biết cái tinh-túy mà người ta có thể đo lường NHẠC cao thấp mà hiểu được.
Mình biết tinh-túy của mình, trọng hay khinh là do nơi mình; nếu mình biết trọng thì họ trọng, nếu mình khinh thì họ khinh” (ĐHP).
“Ta nói cho chúng sanh biết: gặp TAM-KỲ PHỔ ĐỘ này mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.
Tại đây là một nơi ta khởi chế sự TẾ LỄ THỜ PHƯỢNG lại” (TNHH).

Ý nghĩa hai câu liễn về Bát hồn:
Hai câu liễn này xuất xứ trên Ngọc-Hư Cung, từ phía tả qua phía hữu của Ngôi Trời, nói lên tinh thần của Lễ Nhạc.

BÁT HỒN VẬN CHUYỂN CA HUỲNH LÃO
VẠN VẬT ĐỒNG THINH NIỆM CHÍ TÔN

Giải nghĩa:
Câu 1: Bát hồn tức là tám phẩm cấp chơn hồn là: vật-chất-hồn,thảo-mộc-hồn, thú-cầm-hồn, nhơn-hồn, Thần hồn, Thánh-hồn, Tiên-hồn và Phật hồn, luôn luôn có sự vận chuyển để tiến-hoá, đều ca tụng danh của Đức Thượng-Đế (Huỳnh-Lão) là Đấng mở Đạo vàng (bởi Cao Đài là Phật Giáo chấn-hưng).

Câu 2: Cả muôn loài vạn-vật đều đồng niệm danh Thầy tức là Chí Tôn Đại-Từ-Phụ, Chúa tể vạn-vật trong càn khôn thế-giới.
D - Vì sao Đạo Cao-Đài ngày nay dùng cả Trống và Chuông?
Đạo Cao-Đài ngày nay là Cơ Đại-Ân-xá của Đức Chí-Tôn, nên Ngài đến độ cả xác lẫn hồn, độ sanh và độ tử, độ cả Nữ và Nam, nói chung là cả Cơ Âm Dương Tạo-hóa. Thế nên tiếng Trống tượng cho Dương, mà tiếng Chuông tượng cho Âm. Bất cứ nền Tôn-giáo nào có đủ Âm Dương thì Tôn-giáo đó mới tồn tại, mới lâu dài được.

Đạo Khổng dạy: “Tác ư Lễ, hưng ư Thi, Thành ư Nhạc” tức là hình thức làm tác động đến cảm quan của con người không gì bằng LỄ, làm hưng khởi phấn chấn cõi lòng không điều gì hay hơn THI và sự thành công chính là ở NHẠC. Do vậy mà ngày nay Đức Chí-Tôn đến mở Đạo đã:

“Khởi chế sự Tế lễ thờ phượng lại, mọi hình thức lễ nghi điều chỉnh do nơi Đức Chí-Tôn sắp đặt thật trang hoàng”

Vì vậy, Đạo Cao-Đài có ba bộ môn chính yếu là “LỄ, NHẠC, ĐỒNG NHI” để phục vụ, điều hành việc Hôn, Tang, Tế-sự theo nghi thức của Đại-Đạo. Nghi thức Tôn giáo thì có đủ Chuông và Trống:
- Tiếng trống để Giác mê chúng sanh qui bổn thiện.
- Tiếng chuông để cảnh tỉnh nhơn tâm hướng thiện.
Thế nên:
- Thời Nhứt kỳ Phổ-độ: Phật pháp thịnh hành nên nhà Chùa dùng trống. Tiếng trống để phá tan bức màn vô minh cho dân tộc Á-Châu này.
- Qua thời-kỳ thứ hai: Phật pháp lại phát triển mạnh thêm như Đức Phật Thích Ca Chưởng giáo Đạo Phật, mà Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ, Châu Á. Kế đến Khổng, Mạnh, Lão, Trang…đều phát xuất từ Trung-Hoa cũng là châu Á. Tuy nhiên để làm quân bình cán cân Đạo pháp, cũng là ảnh hưởng của văn-minh tinh thần từ Á-châu lan rộng qua khắp Âu-châu, như giọng ngân của tiếng chuông làm Âm-hưởng nên Đức Chúa Trời (Đức Thượng đế) mới phái Đức Chúa Jésus Christ đến Âu-châu để lập thành Thiên-Chúa-Giáo hầu thức tỉnh dân tộc Âu châu biết nhìn nhận chân lý tuyệt đối của đạo-mầu, chính Ngài là Đức Chúa con đã đến đây thi hành mệnh lệnh. Từ đó nơi Nhà thờ là nơi qui tụ con Chiên của Chúa chỉ dùng tiếng Chuông để cảnh tỉnh nhơn sanh mà thôi. Đó là “Tiếng chuông Giáo Đường”.

- Nay qua thời Tam-Kỳ Phổ-Độ: tức là giáp một vòng của trời đất gọi là “Thiên Địa tuần hoàn châu nhi phục thủy” thì trở lại điểm ban đầu. Đức Chí-Tôn cảm cái Nghĩa của những Tín-đồ trung kiên của Phật, Tiên,Thánh, Thần, của những con chiên trung thành của Chúa, mới mở cơ tận độ Kỳ ba nên đấy là lúc âm-thanh vang rền của Chuông Trống đồng vang vọng lên như thôi thúc tất cả đều hướng về Thượng-Đế để được cứu rỗi trong thời mạt pháp này. Vì hầu như thời gian làm cho nền Chánh giáo của Đông Tây cũng bị lệch lạc cho đến thất kỳ truyền.

1 - Đặc biệt là nghi thức cúng Đàn dâng Lễ Chí-Tôn đờn bảy bài
Trong các thời Đại-đàn dâng lễ Đức Chí Tôn có đờn bảy bài, do Thánh-giáo Đức Chí-Tôn dạy về ý-nghĩa của bảy bài đàn ấy, bởi trong các bài đàn này là thể hiện đủ tám món Nhạc khí của dân-tộc Việt-Nam. Chỉ duy hiến lễ cho Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế mới có bảy bài ấy là:
1 - Xàng xê là khi trời đất mới sơ khai, chưa phân thanh trược, thuở còn hỗn độn.
2 - Ngũ Đối thượng hay là bài Thượng, là khí thanh bay lên làm trời.
3 - Ngũ đối hạ hay là bài Hạ, là lúc khí trược lắng xuống thành đất .
4 - Long đăng là mặt nhựt chiếu sáng, sức nóng làm cho nước bốc lên thành mây.
5 - Long ngâm là lúc mây gặp khí lạnh nên tụ lại thành mưa, từ trên trời rơi xuống.
6 - Vạn giá là muôn vật đã định rồi, ấy là lúc nước hợp với đất biến sanh, khiến sản-sanh ra vạn-vật, gọi chung là chúng-sanh.
7 - Tiểu khúc là những vật nhỏ-nhít đều có định luật của nó, khi đất biến ra ngũ-hành sanh ra kim-thạch, thảo mộc, thú cầm đến loài người …
Đức Hộ-Pháp thỉnh giáo: Vì sao phải đờn bảy bài?
Đức Chí-Tôn dạy:
“Thầy thích nghe những bản ấy, vì nó có ý-nghĩa của sự Tạo thiên lập địa, là buổi mới có Trời đất. Còn Đảo ngũ cung có ý-nghĩa là qui trở lại, tức là qui cổ: đó là Vạn thù qui nhất bổn”.

Đức Hộ-Pháp bạch tiếp:
Nếu lấy những bài đó hiến lễ thì Thầy tư-vị dân tộc Việt-nam sao?

Đức Chí-Tôn phán dạy rằng:
“Trên thế-gian này chưa có nền Âm-nhạc cổ nào để rước Thầy mà đủ ý-nghĩa như âm-nhạc cổ của Việt-Nam; nên Thầy chọn nó làm tiêu-biểu cho toàn cầu, cho nhân loại noi theo” (18-5-Bính-Dần 1926)

Xin lập lại một lần nữa lời Đức Hộ-Pháp nói:
“ĐẠO CAO ĐÀI là nền Đạo qui pháp cả cái sống của Bát hồn mà dâng lễ trả cái sống. Khi mới phôi thai càn khôn do nơi hai khối khí mà tạo thành, ngày nay lại dâng lễ trọng cho CHÍ-TÔN tức là qui pháp cho khối sanh-khí ấy, tức là CHÍ-TÔN vui và duy nhứt mà thấy sự sống trả lại cho Ngài.

Toàn đạo nên trọn tâm xét hiểu nhiệm mầu đạo lý ấy mà lần lần đạt cho được chơn pháp của CHÍ-TÔN.

NHẠC là hưởng ứng của cả khối sanh-quang của càn-khôn vạn-vật đồng thinh. Nơi Á-đông có câu “Biều, thổ, cách, mộc, thạch, kim dữ tư, trước nãi bát âm”. Các vật vô năng mà nói đặng, có trật-tự niêm luật hòa nhau là đạt ĐẠO, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến-lễ." (TĐII/80)

Chú thích
▪ Bát âm là tám loại âm thanh phát ra từ tám nhạc khí cổ ở đông phương. (Bát: Tám, thứ tám. Âm: Tiếng, âm thanh. Tám thứ âm thanh vang ra từ Nhạc)

Bát âm tương ứng với Bát Quái, là:
1 . Kim: Tiếng chuông thuộc cung Đoài.
2 . Thạch: Tiếng khánh thuộc cung Cấn.
3 . Ty: Tiếng dây đàn thuộc cung Ly.
4 . Trúc: Tiếng sáo tre thuộc cung Khảm.
5 . Bào: Tiếng sinh, kèn thuộc cung Tốn.
6 . Thổ: Tiếng trống đất thuộc cung Khôn.
7 . Cách: Tiếng trống da thuộc cung Càn.
8 . Mộc: Tiếng mõ cây thuộc cung Chấn.

Bát âm là chỉ âm nhạc nói chung.
▪ Bát âm là tám thứ tiếng về nhạc: Biều (tiếng sên), Thổ (tiếng trống đất), Cách (tiếng trống da), Mộc (iếng mõ gõ), Thạch (tiếng đá), Kim (tiếng chuông đồn), Ty (tiếng dây đàn), Trúc (tiếng ống sáo tre) (dữ là cùng với. Tiếng Pháp là Avec)

2 - Cúng phải nghiêm trang:
Đức Hộ-Pháp cũng ân cần dặn dò:
“Khi vô Đền-Thánh, Đền nầy gọi là Đền-Thánh, thì thế nào mấy em phải hiểu. Qua đứng trên Ngai lấy hết tư tưởng của mấy em cái giọng của mấy em cầu kinh Qua ôm hết dâng lên cho Đức Chí-Tôn. Dâng đây, không phải là tiếng thường, ấy là cái Thiên-thiều; Ngài hưởng rồi, Ngài trả lại cho mấy em cái Thiên-tinh. Có như vậy thì địa cầu nầy mới an tịnh, mới thái bình được. Mấy em ôi! Nếu cúng mà giọng đọc thô bĩ, không đồng một nhịp nhàng thì mong gì cái thiều-quang của Càn Khôn Vũ Trụ điềm-tĩnh đặng an hưởng”.

E - Nguồn gốc Đạo học của Lễ Nhạc:
LỄ NHẠC sản-xuất do nơi Huỳnh-Đế với Châu Công. Thế nên Đạo Cao-Đài ngày nay Đức Chí-Tôn lập ba ban: Lễ, Nhạc, Đồng-nhi cốt lấy chữ hòa làm gốc, cũng là pháp qui Tam-bửu qua hình-thức:
- Lễ thuộc về TINH để thể hiện chữ TÂM.
- Đồng-nhi đọc kinh hòa giọng là KHÍ.
- Nhạc là THẦN.

Nói chung đây là hồn Đạo. Do vậy mà Thể-pháp là tượng hình của Bí-pháp, phải chỉnh-đốn các thức lệ cúng kính, không được chế cải.

1 - Đức Chí-Tôn mở Đạo dùng cả Âm, thinh, sắc, tướng, để cảm hóa nhân-tâm không gì bằng Âm-nhạc

Ngày nay, Đức Chí-Tôn mở Đạo dùng cả Âm, thinh, sắc, tướng, để cảm hóa nhân-tâm không gì bằng Âm-nhạc. Lại nữa linh-hồn của Đạo phải kể đến: Nhạc, Lễ và Đồng-nhi, tức là hồn của thi thơ đó vậy. Lời tựa trong kinh Thi đã diễn-tả được tinh-thần ấy:
“Khi hoài-bão còn ở trong tâm của người là Chí, phát ra lời là Thi.

Tình động ở trong mà diễn ra bằng lời, lời thấy chưa đủ thì ta ta-thán. Ta-thán thấy chưa đủ, thì ta ca vịnh. Ca vịnh thấy chưa đủ, thì bất-giác tay ta múa, chơn ta nhảy.

Tình cũng phát-động ở trong mà diễn ra bằng âm thanh. Âm-thanh thành bài gọi là âm-nhạc:
- Nước trị thì âm-nhạc yên và vui, chánh-trị được điều-hòa.
- Nước loạn thì âm-nhạc oán và nộ, chánh-trị bị ngang trái,
- Nước mất thì âm-nhạc buồn và rầu, dân-tình khốn đốn.

Bởi vậy, chính-đính còn hay mất, làm động đến thiên địa, cảm đến quỉ thần, không gì bằng Kinh Thi”.

Từ khi mới mở Đạo, Đức Hộ-Pháp đã chú-ý đào luyện cho bộ Nhạc về môn Âm-nhạc cổ-truyền, Đức Ngài ban Thánh-lịnh cho Chức-sắc Bộ Nhạc để đi hành Đạo địa-phương và giải-thích về giá-trị cần-thiết của Nhạc

“Qua lấy một bằng cớ rõ-ràng, người Pháp đã nói: “La Musique adoucit les Moeurs”

Nhạc làm cho phong-hóa, luân-lý tốt đẹp dịu-dàng, mà không phải một mình nước Pháp mà thôi, mà các liệt quốc Âu-Châu đều cũng nói.

Nhạc là cái gì đặt bên trên âm-thanh.

Thanh là một tiếng kêu nào bất cứ. Khi tiếng kêu đó có văn-vẻ, tiết-điệu thì gọi là Âm . Khi âm đó đưa tới Đức gọi là Nhạc.

“Thanh văn chi vị âm, đức âm chi vị nhạc”

Con vật mới biết thanh mà chưa biết âm (tạm nói theo thông lệ). Người thường chỉ biết âm mà chưa biết nhạc. Chỉ có bậc quân-tử mới biết được Nhạc tức là cái đức của âm-thanh. Cái Đức đó là Hòa.“Nhạc dữ thiên địa đồng hòa” .

Cái chính cốt của Nhạc là ở chỗ Hòa với thiên-điạ. Muốn cho “chí đức” “chí Hòa” thì phải thấu triệt cả cái hòa hàng ngang cũng như hòa hàng dọc. Chính là chữ thập đó vậy.

2 - Hai câu liễn về Lễ Nhạc:
Hai câu liễn về LỄ NHẠC đã minh định tôn chỉ và lập trường của LỄ NHẠC quan trọng đến mức độ nào rồi.!

LỄ xuất phát từ nơi cõi trần này để làm sáng tỏ đức độ của con người phải biết tôn trọng sự trật tự, lớn nhỏ phân minh.

NHẠC do thiên nhiên tác động để truyền bá rộng rải khắp toàn cầu với mục đích duy nhất là sự điều hòa

LỄ dĩ Địa trần minh định nhơn gian tôn trật tự
NHẠC do Thiên tác tuyên thông thế giới chủ Điều Hòa
調

Ngày nay Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài lấy NHO TÔNG chuyển thế mà Đạo Nho lấy LỄ NHẠC làm trọng yếu. Thế nên ba ban LỄ, NHẠC, ĐỒNG NHI là bộ phận chủ yếu của NHẠC Đại-Đạo ngày nay.

3 - Những âm-thanh trong vũ-trụ tạo thành Tam-bửu của Nhạc:
Cái vi-diệu của Nhạc là HÒA. Cái gốc hòa phát nguyên từ trời, đất và người, gọi là Thiên, địa, nhân làm cái gốc của vạn-vật:
- Trời sinh ra vạn-vật,
- Đất nuôi vạn-vật,
- Người làm thành vạn-vật.

Người cảm-thông cái nghĩa của đất trời mà lý hội:
* Trời sinh ra vạn-vật bằng hiếu đễ.
* Đất nuôi vạn-vật dưới hình-thức ăn uống.
* Người hoàn-thành bằng LỄ NHẠC.

Tuy nhiên làm sao thấy được nhạc?
Vì nó từ trong lòng vũ-trụ, Từ trong lòng vạn-vật,
Từ trong lòng mọi người.

Nếu cả tiếng côn-trùng không tấu lến làm sao nghe được âm-thanh rộn-rã. Tiếng gió không khua động cành lá làm sao nghe được rì-rào? Lòng người không cảm hoài, vui buồn ai-oán thì làm sao có được khúc nhạc lòng.

Tất cả hòa thành Nhạc của vũ-trụ vạn-vật. Nếu được tinh-ba chắc lọc hòa-đồng với vũ-trụ sẽ thành Thiên thiều.

Sự tinh-ba đó là điều-hòa nên mới sinh ra Lễ tức là trật-tự, ngăn-nắp, khiêm-cung, hòa-ái.

LỄ NHẠC là hai điều trọng-hệ của Đức Chí-Tôn. Khi Ngài đến vẫn chú-ý đến hai điều ấy.

Thầy nhấn mạnh: Nhạc Lễ là pháp nhà Nam. Thầy muốn giữ-gìn sao cho được trọn vẹn, các con hiểu?”

CHƯƠNG III

A- VŨ TRỤ và ÂM NHẠC

Đức Hộ-Pháp giải:
1 - VŨ-TRỤ-QUAN nói về phần ÂM-NHẠC:
Ngày 16 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1954) tại văn phòng Tiếp Lễ Nhạc Đường.
“Đây là Dịch-Lý qua Thái-cực đồ thuyết: lấy ý mà hội chớ không thể lấy lời mà truyền.

Vũ-trụ lúc đầu là khí hồng-mông mờ-mờ, mịt mịt, u u, minh minh, đào độn qua lại, lại qua, có lúc lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn-hợp gọi là Vô-vi chi-khí.

Trong khí Hư-Vô có phát hiện ra một vầng quang minh linh-diệu vô cùng tức là THÁI-CỰC. Song THÁI CỰC Đơn Nhứt tuyệt đối ẩn, không rõ ra cho nên không sinh hóa được, muốn sinh-hóa được phải có đôi, phải có tương đối, có điều hòa. Vậy nên Thái cực biến hóa thành ra Âm và Dương. Âm dương theo lẽ điều hòa mà sanh hóa Ngũ hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để biểu thị cái chất đã thành hình.
Lúc Âm Dương phân định thì khí khinh thanh lên làm trời, khí trọng trược xuống làm đất.

Âm Dương được điều hòa với nhau mà sinh hóa muôn vật, vật nào bẩm-thụ khí sanh quang đặng nhiều làm Phật, Tiên, Thánh, Thần. Vật nào bẩm-thụ ít thì làm người hay các loài khác như côn trùng, thảo mộc, thủy tú, sơn xuyên.

Tóm lược thực thể:
“Vô cực nhi Thái cực”. Thái-cực động sinh hóa ra khí Dương lại bình tĩnh. Bình tĩnh lại động sinh hóa ra khí Âm.

Một lần động, một lần tĩnh, hỗ-tương quan hệ, gốc chung phân hóa ra một Âm Dương là hai cách cơ bản thiết lập: Dương biến, Âm hợp vào mà sinh hóa ra Thủy, Hỏa, Kim, Thổ, Mộc là năm nguyên khí phân bố có thứ-tự, bốn mùa thời tiết của một năm vận hành.

Hỗn độn mà thành vũ-trụ lấy nguyên-lý sinh động là cơ bản ấy là khí, vô hình phi chất, biểu hiện ra hữu hình và trở nên vạn-vật.

Cái siêu hình mà không rời hiện thực, cái dòng thực tại toàn diện siêu nhiên và tự nhiên duy nhứt.
Các bậc Thánh-nhân hiểu rõ nguyên lý uyên thâm nên hòa mình vào cảnh sắc thiên-nhiên cùng một thể chung cùng một cảm thông.

Đức vua Phục-Hy quan sát trời, đất để biết. Biết để ứng-dụng vào đời, điều-lý tâm linh, vạch ra tám quẻ để thông cái thịnh-đức của Trời và bày tỏ cái tình của vạn vật.

Thừa kế cái chí thành của Thánh nhân, nên Tôn giáo CAO-ĐÀI với nghi lễ, với cơ bản vận dụng sinh động món nhạc khí: Bào, Thổ, Cách, Mộc, Thạch, Kim, Tơ, Trúc.

Tiết tấu: Thanh, Kỳ, U, Nhã, Bi, Tráng, Du, Dương gọi là Bát âm để biểu thị cho Bát hồn và làm cho Bát hồn sống dậy.

Trên Bạch-Ngọc-Kinh có đôi liễn:
“Bát hồn tư mặc ca Huỳnh-Lão
“Vạn vật đồng thinh niệm Chí-Tôn”

Lòng chí thành để bày tỏ thịnh đức rộng lớn “HƯ VÔ CHI KHÍ” Vô cực nhi Thái cực là mẹ cha của vũ trụ.
Để điển lưu điệu thiên phong văn võ nhạc thời xưa, Nghiêu Thuấn với nghi nhạc thời nay.
Nhạc tấu Quân thiên và tiết tấu bảy bài gọi là ghi nhớ thuở hồng mông mở mang trời đất.

Bảy bài đàn hiến lễ Đức Chí-Tôn:
1 . Xàng xê: biểu thị thuở hồng mông đào độn
2 . Ngũ đối thượng: biểu thị lúc phân chia khí Dương
3 . Ngũ đối hạ: biểu thị lúc phân chia khí Âm
4 . Long đăng: biểu thị phân ra khí thanh làm Trời
5 . Long ngâm: biểu thị phân ra khí trược làm đất
6 . Vạn giá: biểu thị sinh hóa muôn loài
7 . Tiểu khúc: biểu thị thủy tú sơn xuyên

Đức Hộ-Pháp dạy tiếp:
“Mấy em được nghe rõ lời dẫn giải nêu trên: VŨ TRỤ và ÂM NHẠC.

Trong khi Nhạc Tấu Quân Thiên và tiết tấu bảy bài, nếu có lỡ bước phải dừng lại thành kính tưởng niệm.”

2 - TINH THẦN LỄ NHẠC
“LỄ giả biểu tượng thiên-lý chi tiết-văn, thật hiện nhơn sự như chi tắc.
“NHẠC giả ứng hiệp Ngũ hành chi sanh hóa, tuyên thông bát phong chi hòa khí”

Ý nghĩa:
- LỄ là nêu rõ hình tượng tiết-văn của Trời, như là tiết Xuân, tiết Hạ, tiết Thu, tiết Đông, cùng là mặt nhựt, mặt nguyệt, các vì tinh-tú đều vận chuyển bốn mùa, không khi nào ngưng trệ hay là xâm phạm nhau.

Còn đối xử với việc người đều có uy nghi và phép tắc phân-minh đẳng cấp, tôn-ti thượng hạ, không khi nào loạn hàng thất thứ.

- Nói về NHẠC là ứng hiệp sự sanh hóa của Ngũ hành: KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ và tuyên bố thông truyền không khí điều hòa cả bốn phương, tám hướng, nên sách lễ-ký có nói rằng:
- “LỄ giả thiên địa chi trật tự,
- NHẠC giả thiên địa chi điều hòa”

Ý nghĩa: LỄ là khuôn viên trật tự của Trời đất, NHẠC là không khí điều hòa của Trời đất.

Vì lẽ cho nên Thánh hiền xưa nghị chế ra Lễ để bình phục lòng dân không cho rối loạn, còn tác Nhạc để dung hòa tiếng nói của dân không cho hỗn-hào, là sở dĩ hiệp đồng lòng dân mà lập ra đạo trị nước, hóa dân cho tất cả đều biết cung kỉnh khiêm nhượng và thuận hòa thân ái, gây ảnh hưởng đi đến chỗ trung thứ Đại Đồng.

Vậy nên phép hành Lễ được điều hòa tức thị là NHẠC. Phương tấu nhạc có trật tự tức thị là Lễ. LỄ NHẠC phải tương đắc cùng nhau mới cảm-kích Thần minh báo ứng phước lành.

Từng xem cổ sử, thấy đời thượng cổ có vua Thuấn Đế dĩ NHẠC hóa dân, nghĩa là Ngài dùng NHẠC tiêu thiều ca bài “Nam phong” cảm hóa lòng dân. Ca bài Nam phong là có ý nghĩa “Nam phong trưởng dưỡng vạn vật”, mong cầu cho dân chúng đều thịnh-vượng mùa-màng, an cư lạc nghiệp, nhờ ảnh-hưởng của ngọn Nam phong mà tự nhiên quốc gia thịnh-trị, thiên-hạ thái-bình.

Trải đến thời Trung cổ có vua Văn-Vương “dĩ LỄ hóa dân”, nghĩa là Ngài dùng LỄ-NGHI pháp độ cảm hóa lòng dân. Hễ khi nào người dân có phạm lỗi thì Ngài vẽ vòng mà phạt cho biết cải-hóa ăn năn tự mình giác ngộ, trau giồi trở nên Hiền Thánh. Nhờ ảnh hưởng của Lễ Nghi mà tự-nhiên nhà không đóng cửa, ngoài đường chẳng lượm của rơi.

Nhận xét cho chí lý thấy vua Thuấn-Đế và vua Văn-Vương chỉ dùng NHẠC-LỄ để cảm hóa lòng dân là chủ tâm cầu khẩn cho dân mình đều trở nên Hiền-Thánh.

Nay đến thời kỳ chuyển thế tái tạo qui cổ, may duyên gặp Đấng Chí-Tôn đến khai Đạo lập Giáo, dùng phương pháp dung hòa hiệp nhứt cả NHẠC-LỄ của Thuấn-Đế và Văn-Vương đặng cảm hóa toàn thể chúng sanh đều trở nên đời Thánh đức cộng hưởng thuần phong mỹ tục thạnh-trị thái bình.

Chiếu trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển về Khoản thi văn dạy đạo, rằng:
THI
Đời hiếp lẫn nhau nỡ chẳng thương,
Thương Đời nên mới đến đem đường.
Đường dài vó ngựa tua bền sức,
Sức yếu lòng người khéo để gương.
Gương Đạo noi theo đời Thuấn-Đế,
Đế dân vẹn giữ lối Văn-Vương.
Vương hầu lê thứ ai là chí?
Chí quyết làm cho thế khác thường.

Qua bài thơ trên, ĐẤNG CHÍ TÔN chỉ dạy rõ rệt, duy chỉ có hai câu luận làm cho chúng ta chú ý, rằng:
“Gương Đạo noi theo đời Thuấn Đế,
“Để dân vẹn giữ lôí Văn-Vương.”

Nhận thấy xưa kia vua Thuấn Đế dùng Nhạc Tiêu thiều cảm hóa lòng dân, đến thời kỳ này ĐẤNG CHÍ TÔN lại dùng Nhạc tiêu-thiều ca tụng Nam xuân cảm hóa toàn thể chúng sanh đều được hòa thuận thương yêu.

Còn luận đến pháp hành-lễ thì ĐẤNG CHÍ-TÔN dùng pháp Nhựt-dụng thường hành lễ bái cảm hóa toàn thể chúng sanh đều phát khởi Đạo-tâm, biết cung kỉnh khiêm nhượng, hiển nhiên rằng tinh-thần của LỄ NHẠC rất quan hệ cho việc trị quốc an dân bình phục tâm-lý toàn thể thiên hạ đều hiệp kỉnh, đồng hòa không còn tranh chấp hơn thua hay là kỳ thị chủng tộc và tất cả xem nhau như anh em một nhà.

Bởi cớ cho nên Tiên nho có nói “Văn huyền ca nhi tri nhã” ý nghĩa là người có chí hướng vì nước, vì dân, nghe đến tiếng đờn, tiếng ca hay tiếng tơ, tiếng trúc, thì người có thể quyểt đoán quốc gia thạnh-trị hay là suy vong

Vậy nên người biết phép hành Lễ và hiểu phương tấu nhạc, phải sáng suốt nhận định lợi hại như thế nào.!

Sự thật là một triệu chứng hiển-nhiên. Đấng Chí Tôn đến chấn hưng cổ Lễ và cổ Nhạc của tổ tiên Việt-Nam chúng ta bốn ngàn năm về trước là chủ yếu nâng đỡ tinh thần đạo đức cho dân tộc Việt-Nam, phải tôn-trọng nền Nho-Tông thuần-túy cổ-truyền, để làm gương mẫu cho thế giới dân tộc đều cảm hóa noi theo (Thông Tin Đại-Đạo 7)

3 - NGUỒN GỐC và SỰ VI DIỆU CỦA NHẠC
Đời Tam Hoàng chế CHỮ tượng theo hình và dấu chân chim, chân thú, thì NHẠC lại theo tiếng chim kêu hoặc tiếng động của sự vật mà chế.

Vua Phục Hi do tiếng chim phượng kêu, ghép trúc làm ống tiêu, chế theo hình chim phượng, tiếng thổi âm thinh phát ra giống tiếng chim phượng gáy.

Thứ lớn gọi là Nhã-tiêu ghép liền 23 ống, dài một thước bốn tấc (thước ta). Thứ nhỏ gọi là Tụng tiêu ghép liền 16 ống dài hai thước một tấc. Cả hai thứ gọi là tiêu quản. Còn thứ không đáy là đồng tiêu.

Về sau vua Hoàng-Đế sai Linh-Luân lấy trúc ở Côn khê chế ra ống Địch, ống Địch có bảy lỗ cầm ngang mà thổi, cũng giống như tiếng chim phượng, trông giản tiện lắm, người đời sau thấy ống tiêu-quản rườm-rà mới chỉ dùng ống Địch cầm mà thổi dọc. Thứ dài gọi là Tiêu, thứ ngắn gọi là Địch.

Ống sinh do Bà NỮ-OA nghe tiếng chim Loan mà sáng chế. Vua truyền cho ông Vĩnh-Viễn đúc 12 cái chuông đánh lên hòa với giọng tiêu.

Còn trống do tiếng sấm mà chế.
Lịnh truyền cho ông Thái-Dung đặt ra nhiều bản: như bản Hàm-Trì, bản Thừa-Vân, bản Vân-Môn, Nam Phong….
Điệu phân làm bốn:
- Thanh thương
- Thanh dốc
- Thanh chủy
- Thanh vũ

Đến vua Thuấn, chim phượng bay đến múa và gáy, nhơn đó mới chế khúc nhạc thiều.

Đờn cầm năm dây (Ngũ huyền cầm) ứng theo năm cung; tượng Ngũ hành, xuất phát âm cung ngũ khí: Cung (thổ), Thương (kim), Giốc (mộc), Chủy (hỏa), Vũ (thủy).

Cầm tức là cấm, nghĩa là cấm chỉ những sự dâm-tà mới giữ được Chánh đạo. Vua Văn-Vương và Vũ-Vương do theo Cầm-lý dẫn-giải cho cái đạo trị nước an dân là từ gia-đình đến triều-chánh, chánh lịnh nghiêm minh mới thái-hòa.

Cuối Ân có Sư Điêu chế ra khúc nhạc My-my, vua Trụ nghe lấy làm thích lắm, bởi khiêu gợi dâm đãng kiêu sa. Đến khi vua Vũ-Vương đánh Trụ mất nước. Sư Điêu ôm đàn chạy về phía Đông, nhảy xuống sông Bạch-Thủy, tục truyền về sau có ai thích âm nhạc mà đi qua đây, ban đêm nghe văng-vẳng tiếng đàn ở dòng sông.

Đức Khổng-Tử là bậc Thánh-sư, lúc ở nước Tề học nhạc Thiều Ngài hiểu đến chỗ nguyên-lý tinh-thâm vi diệu của Nhạc, trong ba tháng say mê ăn không biết mùi-vị

Ngài nói: ta chẳng ngờ học NHẠC vui đến thế “Bất đồ vi nhạc chi khí ư tư giả”.

Khi Ngài châu lưu khắp thiên hạ thì bên mình không khi nào rời cây đàn Ngũ-huyền-cầm. Quan niệm của Ngài là tiếng đờn thanh-nhã có thể nâng cao tinh thần và trụ vững tâm-lý siêu nhiên của người quân-tử. Lúc Ngài bị vây giữa nước Trần và nước Sái, bảy ngày không ăn, chỉ ăn rau luột suông. Các Đệ-tử như Tử-Lộ, Nhan Hồi, Tử-Cống… đều băn-khoăn lo sợ cho Ngài, nhưng Ngài vẫn ung dung ngồi đàn hát.

Bực Thánh nhân còn trọng dụng Âm nhạc như vậy, vì Nhạc-nghệ là một bộ môn văn hóa cao đến tuyệt độ của Nhạc Thiều có cái mãnh-lực huyền bí cao siêu giúp nước trị dân, cải hoán xã hội.

BÁ-NHA đập nát cây đàn thề không đờn nữa vì người bạn tri-âm là CHUNG TỬ-KỲ đã mất thì không còn ai biết nghe tiếng đờn của mình.

KHỔNG MINH GIA CÁT mượn tiếng đờn mà lui giặc TƯ MÃ Ý.

Trương Tử-Phòng nhờ có giọng tiêu ai oán mà một đêm giải tán tám ngàn đệ tử của Sở Bá Vương tại Cửu-lý San.

Công dụng của NHẠC-THIỀU hồi xưa Thánh-hiền đã dùng NHẠC để đặt ra cái lý cao siêu, giúp cho sự kinh bang tế-thế. Thế nên Nhạc được liệt vào hàng Ngũ-kinh là Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Nhạc.

4 - LỄ NHẠC LUẬN
LỄ: Trong việc lập đàn thiết Lễ, muốn tỏ lòng thành kính nên phải thiết lễ lập đàn, lập Lễ tất phải có Nhạc

Cái sở dụng của NHẠC, LỄ là thế nào?
Lập LỄ thì phải có người Lễ Sĩ, áo mão chỉnh tề, hết lòng thành kính, hai tay nâng cúng vật lên ngang mày theo nhịp-nhàng của Âm-nhạc, từ từ điện lễ đi lên, tỏ vẻ rất là tề chỉnh, đi bộ trang nghiêm, ấy để khiến người bàng quan sanh lòng tôn kính, cho nên tinh thần LỄ là tôn kính.

NHẠC: trống, chuông, đờn, kèn, ống tiêu và nhiều thứ âm thanh khác nhau.

Trống dẫn đầu khai NHẠC, trống có hai cái âm dương khởi động văn vũ, sấm động thấu suốt cùng trời đất.

Trống là sấm: Sấm CHẤN ở phương đông (là mặt nhựt) kế đến là đờn nguyệt ở phương Tây, theo nhịp sống mà khải hòa đông tây, âm dương hòa thuân).

Kế đến đờn Nhị (đàn cò), gáo, chờ ba nhịp mà cùng hòa, tức là Thủy Hỏa đồng Ký-tế, rồi đó các khí cụ khác đồng hòa theo một loạt do trống điều khiển cho đúng nhạc lý thành thuận, đồng thời dấy lên một lượt (tức đều đủ) rất là êm dịu, hòa thuận buổi lễ chen lẫn tiếng lớn, tiếng nhỏ, giọng phù trầm nghe như nhường nhịn lẫn nhau rất là hòa điệu, để cho mỗi nhạc khí thung dung phô diễn sở năng của nó, cho nên tinh thần nhạc là HÒA .

LỄ NHẠC: Nguyên ngày xưa tiền nhân đã quan sát vũ trụ nhận thức được luật vũ trụ, nhận thức được luật trật-tự và điều hòa của TRỜI, ĐẤT rồi theo đó mà chế ra LỄ NHẠC cho nên nói rằng :
- LỄ giả thiên địa chi tự
- NHẠC giả thiên địa chi hòa.

Tiền Thánh đã dụng ý chế ra LỄ NHẠC rất là hay mà cái sức mạnh tinh thần ấy có thể uyển-chuyển kích động lòng người đến chỗ cao xa, lòng Tín-ngưỡng xúc động mà hoài bão đến sự siêu thoát của tinh-thần.

Cũng như sức mạnh của tinh thần ấy LỄ NHẠC có thể cảm hóa được lòng người về đường đạo đức.
Kính là vâng thuận, có vâng thuận mới có hòa thuận.
Vậy LỄ NHẠC thường phải đi đôi với nhau mới có kết quả mỹ mãn.
LỄ mà không có NHẠC hay có NHẠC mà không có LỄ thì buổi lễ ấy mất tôn nghiêm hòa kính.
Kính và hòa là nhơn tâm và thế sự luôn luôn phải hòa mình với nhau cùng trời đất Càn khôn vũ trụ.

Nếu Kính mà không hòa phải ly tán, Hòa mà không kính thì lòng người phải loạn: như hội họp nhiều người mà không có điều lễ, biết kỉnh nhường để làm cho có trật tự trên dưới lớn nhỏ.

Người lớn mà khinh thường kẻ nhỏ, hành động nói năng không lễ độ. Kẻ nhỏ mà hỗn ẩu, không kiêng nễ người lớn. Trật tự không có thì chung qui phải giải tán.
HÒA mà không KÍNH tức là loạn
KÍNH mà không HÒA là phản nghịch

Than ôi! Gia đình ly tán, xã hội loạn lạc thì than ôi làm thế nào quần tụ để giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống của con người. Xem đó cũng đủ hiểu LỄ và NHẠC rất là tương quan mật thiết của người trong việc hàm dưỡng tánh lành trong đời sống của con người ở trên mặt thế này vậy.

Vậy có LỄ phải có NGHĨA mà có NGHĨA cũng phải có LỄ là trật-tự và hòa bình để dâng hiến mà hiệp cùng vũ trụ: THIÊN. ĐỊA. NHƠN nên vạn vật hóa THUẦN

5 - THIỂU HỌC LÝ TÍCH CƠ NHẠC
Về cơ-nhạc xuất hiện cũng tại lý Âm Dương của trời-đất mà tác thành CƠ-NHẠC, vì kể từ hỗn độn sơ khai thì nhứt Thái-Cực sanh Lưỡng-Nghi, phân Tứ-Tượng rồi biến thành Bát-Quái mà tạo thành càn-khôn vũ-trụ, rồi có NGŨ-HÀNH hầu hóa sanh nhơn-loại và vạn-vật.

Nên vì đó mà các Đấng Tiên-Vương, kể từ Đức PHỤC-HY, THẦN-NÔNG, HUỲNH-ĐẾ, ĐẾ NGHIÊU, ĐẾ THUẤN, rồi tiếp nối vua Thang, vua Võ, chánh thức mở mang là CHÂU-CÔNG, KHỔNG-TỬ.

Đức PHỤC-HY bậc chí Thánh, Tiền-Vương thông thiên-văn, định địa-lý, tiếp xem Bát quái Hà Đồ mà rõ việc nhiệm-mầu của Đấng Tạo-Hóa, đặng thống danh chánh đạo về Bát âm, Ngũ thanh và Lục Luật cho CƠ NHẠC cổ thời sơ khai.

Về Bát-Âm là Cơ-Năng của Bát-Quái: CÀN, KHẢM, CẤN, CHẤN, TỐN, LY, KHÔN, ĐOÀI.
Ngũ thanh là cơ-năng của ngũ-hành là: KIM, MỘC, THỦY, HỎA, THỔ.

a/ - Lục-Luật
là cơ năng của con số 12 của sanh quang khí, bậc Tiên-Vương minh định Bát âm là: Bào, Thổ, Cách, Mộc, Thạch, Kim, Ty, Trước. Nên các Đấng mới tạo ra ống Luật, ống Lữ, Ngọc thạch, Tỳ bà và đờn cầm, đờn sắc, các loại NHẠC này đều lượng theo thể thiên pháp địa, bốn mùa tám tiết, ngũ hành lục hiệp, quân thần tá sứ chi nghĩa, văn võ đẳng cấp chi nhân, chúng sanh hiếu hòa trung tiết đễ. Ấy là giữ phong hóa nhơn-luân cho chánh nghĩa, khai thông pháp tam-tài vậy là: THIÊN, ĐỊA, NHƠN.

Còn hiện nay Văn Bát âm là: Tam, Tiêu, Tranh, Đản, Kiềm, Tỳ, Cò, Độc.
Bát âm võ là: Bồng, trống, kèn, chiêng, tum, mỏ, đẩu, bạc.
Vì có trống sơ khai nên có câu chú: “Úm ma ni bát ri hồng”
Còn câu kinh Phật-Mẫu rõ hơn :
“Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh”

Nhớ hồi ĐẠO CAO ĐÀI sơ khai, ĐỨC CHÍ TÔN dạy bậc Thiên-phong phải học NHẠC-LỄ thì Đức Hộ Pháp có ý thắc mắc bạch với ĐỨC CHÍ TÔN:

Đời đã chê Âm-thanh sắc tướng sao ĐỨC CHÍ TÔN còn buộc chức sắc học NHẠC-LỄ làm chi?
ĐỨC CHÍ TÔN dạy rằng: Trên Bạch-Ngọc-Kinh có đôi câu liễn, đặt hai bên tả, hữu:
“ BÁT HỒN TƯ MẬT CA HUỲNH LÃO
“ VẠN VẬT ĐỒNG THINH NIỆM CHÍ TÔN”

Từ đây về sau Đức Hộ-Pháp không còn thắc mắc nữa.

b/ - Về NGŨ THANH:
Cung Thanh-Cung làm chủ cho bốn mùa: Trung ương, Mồ, Kỷ, Thổ.
Cung Thanh-Thương làm chủ ba tháng về mùa thu Tây phương, Canh, Tân, Kim.
Cung Thanh-Giốc làm chủ ba tháng về mùa xuân: Đông-phương, Giáp, Ất, Mộc.
Cung Thanh-Chủy làm chủ ba tháng về mùa Hạ: Nam-phương, Bính, Đinh, Hỏa.
Cung Thanh-Vũ làm chủ ba tháng về mùa Đông: Bắc-phương, Nhâm, Quí, Thủy .

Trong mỗi cung có một Tiên-Hoàng làm chủ:
- GIỐC Long MỘC Tiên hiệu Hoàng Bá
- CHỦY Long HỎA Tiên hiệu Hoàng-Trọng
- THƯƠNG Long KIM Tiên hiệu Hoàng-Thúc
- VÕ Long THỔ Tiên hiệu Hoàng-Thiếu.

Đây là NGŨ-CUNG và NGŨ-HÀNH gắn liền với Thập-Thiên-can và Thập-Nhị địa chi.
Thập-nhị Địa chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Kinh Phật-Mẫu hằng ngày tụng đọc rằng:
“ Thập thiên can bao hàm vạn-tượng
“ Tùng địa chi hóa trưởng càn-khôn.”

Ấy là tạo hóa có 10 thiên can và 12 địa chi cùng tương liên với Lục Luật và Lục Lữ mà lưu hành trong một năm được điều-hòa, nhơn-loại và vạn vật tồn sinh, tiến hóa theo luật thiên nhiên của trời đất.

c/ - Về Lục căn, Lục Lữ:
Nguyên vì ống Luật và ống Lữ có 6 bậc Âm và 6 bậc Dương :
- Lục Luật về dương là: Huỳnh chung, Thái thốc, Cổ tẩy, Nhuy tân, Duy tắc, Vô dịch.
- Lục-Lữ về âm là: Đại lữ, Giáp chung, Trung lữ, Lâm chung, Nam lữ, Ưng chung.

Thành số định là 12 vì trong một năm có 12 tháng, 6 tháng thuộc Dương là lục Luật, 6 tháng Âm thuộc về lục Lữ để huân bố các khí hậu trong càn khôn vũ trụ mà trưởng-dưỡng vạn vật cho tiến-hóa lên.

Buổi cổ thời Đức Hiên-Viên dạy ông Linh-Quản đến phía Tây Chấn (đại hạ) sau núi Côn-Lôn lấy tre nơi hang Giải cốc, lấy ba lóng chia làm hai ống.

Đức Ngài dạy phân bậc, dùi lỗ rồi dạy thổi hầu khải tấu cung Huỳnh chung. Về sau các bậc Thánh Đế, kế tiếp chế ngự ra 6 ống, 12 ống và 36 ống, có ống dài, ống ngắn cắm vào trái bầu để hòa với tiếng chim phụng trống, kêu là Hoàng, thuộc dương Lục Luật, chim mái kêu là Phụng thuộc âm Lục Lữ, hầu sánh tấu cung Huỳnh chung để cầu được sự an-lành, sanh sanh hóa hóa và nhơn-tâm chẳng cho phóng-túng mà sai việc cang thường, luân-lý, đạo đức, nghĩa nhân là bẳng căn Luật Lữ, làm cho vạn pháp do theo điều hòa vạn loại trong càn khôn vũ trụ.

Trong Thánh giáo ĐỨC CHÍ TÔN dùng nhạc-lý mà dạy ĐẠO rằng :
“ Trong tám tiếng phân tường giai cấp,
“ Vọng CUNG THƯƠNG cao thấp tùy nhau.
“ GIỐC CHỦY võ hiệp thanh-tao,
“ Lục-căn Lục Lữ phân sao cho đều.”

Xét lại Cơ Nhạc có căn nguyên tông tích lịch sử từ thuở sơ khai, càn khôn phân định, nguyên thủy khai hóa dục tấn nhơn-loại giữ đạo đức nghĩa nhân ghi ân-thâm từ đời Tam-Hoàng Ngũ-Đế. Tuy có khoản thạnh suy nhưng không thất chánh, đến đời Châu-Công, Khổng-Tử gia tâm chỉnh-đốn hoàn bị đủ Ngũ-Kinh Tứ Truyện, đến đời Tần Thỉ-Hoàng “khanh sĩ phần-thơ” tức là đốt sách, chôn học trò nên KINH NHẠC bị mất chỉ sót còn một thiên ghép vào kinh LỄ cũng có phần giảng-giải các kinh truyện như trong bộ khai-tịch diễn nghĩa, thiên Nhạc-ký và tự-điển giải-nghĩa, thì NHẠC có lắm điều mật thiết sâu xa, đối với nhân loại và cơ nhiệm mầu của tạo hóa.

Cũng vì thời-kỳ quá ư văn-minh cực điểm, đem nhiều điều dễ theo cho nhơn loại khiến sai chơn truyền đạo nghĩa của Thánh trước Hiền xưa. Để rồi chuyên chế, khinh khi, ganh ghét, hiếp lẫn, thù hằn, chiến tranh làm cho phong di tục diệt, kinh kệ xem thường, nghĩa-nhân che lấp đạo đức, lễ-nghi âm nhạc lần lần coi là loại tình thường lệ tục.

Hôm nay ĐỨC CHÍ-TÔN hoằng khai Đại-Đạo Tam kỳ Phổ-Độ là NHO TÔNG chuyển thế, Phật giáo chấn hưng, như vậy BỘ NHẠC HỘI-THÁNH rất cần, về tinh thần, hình thức, bản bài của nghệ thuật; nhạc khí, nhạc lý, nhạc điệu phải được ra vẻ là thuần-túy, hầu đáp ứng với nhơn sanh trong nền Đại-Đạo.

Nên nhớ lại lời phổ hóa của Đức Hộ-Pháp rằng:
“THI THƠ, LỄ NHẠC là căn-bản chơn truyền pháp NHO TÔNG, BỘ NHẠC là của chính mình Đức Chí-Tôn đã lập với BỘ LỄ, dầu dở hay Bần-Đạo không quyền luận biện, chỉ làm theo ý muốn của Đức Chí-Tôn mà thôi”.

Và Ngài nói :
“Dầu nước nào có văn minh cực điểm tới đâu nữa, cũng không thể cải bỏ NHẠC được. Nên có câu: “HƯNG Ư THƯ, TÁC Ư LỄ, THÀNH Ư NHẠC” ấy là lời trong NHO GIÁO vậy”.
Thiểu học lý tích cơ nhạc xin vắn tắt trên đây.
Bộ nhạc, ngày 6 tháng 7 năm Quí Sửu
Chưởng quản Bộ Nhạc Trung-ương (dl: 4-8-1976)
Phó Chưởng quản Bộ Nhạc Trung ương
Nhạc sư
TRẦN-VĂN-NIỆM

Phê kiến:
Nhạc Sư
VÕ THÀNH TƯƠI

Tóm lại:
"Dầu nước văn minh nào ở trên mặt địa cầu này cũng không thể bãi bỏ NHẠC được“. (ĐHP).
"Ấy vậy, mình phải biết NHẠC. Khi nào cầm cây đờn, năm mười cây hòa lại có một giọng thì tức nhiên CHỮ HÒA do nơi NHẠC mà sanh ra vậy”. (ĐHP).

6 - BẢY BÀI đờn “NHẠC TẤU QUÂN THIÊN”
Khi hiến lễ CHÍ-TÔN (Đại đàn) phải đờn bảy bài.

Thầy dạy:
“Khi nhập, lễ xướng KHỞI NHẠC thì phải đánh trống và đờn bảy bài cho đủ”. (TNII/24)

Ghi thêm kỹ niệm của Tiếp-Lễ Nhạc-Quân giải thích có sự hội ý của Ngài Bảo Đạo năm 1979. Khi hỏi về ý nghĩa bảy bài đờn:

“Con người được xem là tiểu thiên địa vì có những phần liên quan với TRỜI ĐẤT, được đứng vào phẩm tam tài: THIÊN, ĐỊA, NHƠN.

Vì:
- Trời có Tam bửu Ngũ khí.
- Đất có Tam bửu Ngũ hành.
- Người có Tam bửu Ngũ tạng.

Trước khi luận qua về mỗi thể ta thử tìm biết đại cương về bảy bài đàn cúng CHÍ-TÔN trong thời Đại-đàn. Vì phần nhạc lý, nhạc pháp có liên quan đế sự vận hành của Trời đất.

Tuân y Thánh-Giáo đã dạy: Cúng CHÍ-TÔN đờn đủ bảy bài. Bảy bài gồm có: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

Về ý nghĩa:
1/ - Xàng xê: là qua lại, lại qua của thời kỳ sơ khai hỗn độn.
2/ - Ngũ Đối Thượng: Ngũ khí thanh phù giả vi thiên năm khí nhẹ bay lên làm Trời.
3/ - Ngũ Đối hạ: Ngũ khí trược trầm giả vi địa (năm khí nặng rơi xuống làm đất) là lúc phân ra khí Âm.
4/ - Long đăng: biểu thị lúc phân ra khí thanh: Trời.
5/ - Long ngâm: Biểu thị lúc phân ra khí trược: Đất .
6/ - Bản vạn giá: Biểu thị sanh hóa muôn loài. (Người).
7/ - Bản Tiểu khúc: Biểu thị thủy tú sơn xuyên.

7 - NHẠC TẤU QUÂN THIÊN so sánh ý nghĩa Lễ BÁT MAN TẤN CỐNG.
LỄ “Bát-Man tấn cống” có từ đời nhà Châu. Nhà Châu có bốn chư hầu lớn là: Tây Bá Hầu, Đông Bá Hầu, Nam Bá Hầu, Bắc Bá Hầu. Còn 800 chư hầu nhỏ khác đều bị xem như chư Hầu Man Rợ. Mỗi năm các chư hầu nhỏ phải đem cống một vật nạp cho chư hầu lớn, để rồi bốn chư hầu lớn nạp lại cho Châu Vương.

800 chư hầu nhỏ khi dâng cống sứ có bản Nhạc đặc sắc để tiếp Vua và dâng lễ Cống, nên gọi là “Bát-Man tấn cống.”.

Bản “Bát Man Tấn cống” được phổ biến trên đài phát thanh Sài-gòn thời Nguyễn văn Thiệu vào chiều thứ Tư mỗi tuần, mở đầu cho chương trình Phổ thông Giáo lý. Bản Nhạc này do Đức Cao Thượng-Sanh viết lời.

Bàn tới Lễ “Nhạc tấu Quân Thiên” tức là bản nhạc tiếp Đức Thượng Đế nó có tánh cách tương tợ như bản nhạc của 800 chư hầu hiến vua thời nhà Châu.

Lễ “Chỉnh sát cúng phẩm” cũng mường tượng với lễ của Chư hầu nhỏ đến dâng lễ Cống. Vua sai một quan Lễ bộ ra xem coi vật hiến có xứng đáng không, có đồ giả không? Có đầy đủ theo ước hẹn không? Nếu đủ điều kiện thì Quan Lễ Bộ mới nhận.

Còn nay một chức sắc Hiệp-Thiên Đài thay mặt Hội-Thánh đến xem xét Tam Bửu coi có tinh khiết không?, coi có Bông tốt, Rượu mới, Trà thơm không? Lại còn trấn Pháp vào đó để biến Bông thường làm “Tiên Hoa”, Rượu thường làm “Tiên Tửu”, Trà thường làm “Tiên Trà” để tượng trưng thể xác, trí não và linh hồn của sanh chúng làm báu vật dâng lên Đại-Từ-Phụ.

Còn 6 vị Lễ sĩ cầm đèn Vàng, xanh, Đỏ để đưa hộp đựng Tam Bửu lên vị chánh tế là :
- Cặp đèn phái Thái là đại diện cho phái Phật
- Cặp đèn phái Thượng là đại diện cho phái Tiên

- Cặp đèn phái Ngọc là đại diện cho phái Thánh (phái Nho) để dâng Tam bửu cho Đức Chí-Tôn. Tam bửu phải qua vị Chánh tế, cũng như xưa các chư hầu đại diện cho dân chúng nơi địa phận mình dâng cho 4 chư hầu lớn, rồi 4 chư hầu lớn dâng lên vua, nên khi đến vị Chánh tế, ta phải nhờ 4 vị Lễ sĩ nhịp theo nhịp trống tiếng đờn làm Lễ trọng mà hiến cho Đại-Từ-phụ.

Cái hộp đựng Tam Bửu có tên là “Tam bửu Ngọc Hàm”. Vậy từ “Nhạc Tấu Quân Thiên” đến “Chỉnh sát Cúng phẩm”, rồi Lễ cầm đèn Thái, Thượng, Ngọc đem “Tam bửu Ngọc Hàm” đến vị Chánh tế, tiếp thu lễ điện của Lễ-sĩ dâng Bông, Rượu, Trà lên Đức Chí-Tôn, tất cả gọi là lễ “Bát Man Tấn cống”.

Câu : Bát hồn tư mặc ca Huỳnh Lão,
Vạn vật đồng thanh niệm Chí-Tôn
Là câu liễn nơi Ngọc Hư Cung, giải thích thêm rõ nghĩa là: “Bát Man tấn Cống” nói trên.

Chú thích:
Chữ “Quân” trong câu “Nhạc tấu Quân Thiên” buối trước đã dùng, có lẽ do theo điển tích trên đây. Nhưng phần đông trong Thuyết đạo lại còn viết “Huân Thiên”
(Bài này của ông Sĩ-tải Huỳnh-văn Hưởng lúc sinh thời, Anh đã viết tay trao cho Tôi, bảo tôi ghi vào quyển Nhạc mà Tôi đang soạn. Thế mà nay đã 17 năm trôi qua. Giờ đây đã ra người thiên cổ. Tập Nhạc này mới được ra đời)

8 - NGUỒN GỐC Thần bí của LỄ NHẠC:
Theo quan-niệm cổ-nhân dù ĐÔNG hay TÂY thì NHẠC cũng có một nguồn gốc rất thần-bí.
Người Ấn-Độ cho rằng NHẠC do vị Nữ-Thần Saraswati, con gái của thần sáng tạo vũ-trụ Brahmâ chế tạo ra, còn các raga (điệu nhạc) chánh thì do thần Mahadev và vợ là Nữ-Thần Parviti sáng tạo. Người Ấn-Độ lại còn tin rằng điệu raga megh là điệu nhạc thuộc hành thủy khi nào hát lên thì trời mưa nên trong những năm hạn hán, họ thường thỉnh cầu các ca sĩ danh tiếng đàn hát lên điệu nhạc ấy để cầu mưa.

Đối với dân Trung Hoa thì NHẠC do các vị Thánh vương chế tạo ra khi nghe tiếng chim phụng, chim loan, tiếng sấm. Người đầu tiên làm việc ấy chính là vua Phục Hi, nghe tiếng chim phụng kêu Ngài đã làm ống tiêu bằng trúc theo hình chim phụng. Khi thổi lên, ống tiêu phát ra những âm thanh giống như tiếng hót của chim phụng. Đến đời Hoàng Đế, nhà vua đã chế ra một loại ống thổi gọi là kèn dốc mà khi âm thanh phát ra thì tạo thành thanh “GIỐC” giống như tiếng hai con chim phụng cùng kêu lên hay hai con rồng cùng ngâm lên. Theo Đức KHỔNG TỬ thì NHẠC do âm sinh ra “Nhạc giả âm chi sở do sinh dã”.

Mà ÂM có năm bậc: CUNG, THƯƠNG, GIỐC, CHỦY, VŨ. Vả lại NHẠC có một nghĩa rất rộng gồm cả đàn, hát, văn thơ, chuông trống.

9 . SỰ QUAN TRỌNG CỦA NHẠC
Vì NHẠC có một nguồn gốc thần-bí như thế nên NHẠC có thể làm điều-hòa Trời Đất; hòa chung với Trời đất. Ngoài ra NHẠC còn có thể cảm hóa lòng người vì tình dục con người thì do ngoại cảnh sinh ra trong khi tính tình thì do Trời phú cho: phàm là người ai cũng có cái tính bởi huyết khí, tâm trí sinh ra mà cái tình AI, LẠC, HỈ, NỘ thì không thường. Sự ứng cảm khởi ở ngoại vật mà động rồi cái tâm thuật mới hình rõ ra. Thật vậy, khi nghe âm thanh thong-thả êm-đềm thì lòng người cảm thấy vui-vẻ mà khi nghe âm thanh trầm buồn thì lòng người thương cảm xót xa hay khi nghe âm thanh chính-trực thì lòng người cũng trang nghiêm, tôn kính. Vì NHẠC cảm hóa con người một cách sâu xa nên có thể biến cải tâm-tánh con người khiến con người trở nên hiền lương nhân hậu hoặc độc ác, tàn bạo, dâm đảng.

Nhạc thanh thiện khiến người làm điều thiện, NHẠC thanh ác khiến người làm điều ác. Như vậy, tác dụng của NHẠC còn để di dưỡng tính tình con người nhờ những âm thanh tao nhã. Đức KHỔNG PHU TỬ nói rằng: “Xét cho cùng các lẽ về NHẠC để trị lòng người thì cái lòng giản dị, chính trực, từ ái, thành tín, tự-nhiên phơi phới mà sinh ra”.

Chính vì cái tác-dụng mãnh-liệt của NHẠC đó mà cổ-nhân đã giáo-dục con người bằng cách chế ra NHẠC .

“NHẠC là cái vui của Thánh-nhân mà khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và di phong dịch-tục được cho nên Tiên-Vương mới đặt ra dạy Nhạc”.

10 . SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA LỄ VÀ NHẠC
Như vậy chủ đích của NHẠC cũng tương tự như chủ đích của LỄ là vừa tiết-chế tánh-tình mà cũng vừa hàm-dưỡng nó, nghĩa là vừa bắt buộc tính-tình phải tuân theo qui-luật vừa bồi dưỡng để nhân-tính càng ngày càng phát triển hầu tiến đến chỗ chí-thiện.

Trong thiên NHẠC-KÝ (sách Lễ ký) chép rằng:
“Người ta sinh ra vốn tĩnh, đó là tính Trời, cảm với vật ở ngoài mà động là cái muốn của tính. Vật đến thì cái biết của mình biết, nhiên-hậu cái ưa, cái ghét mới hình ra. Cái ưa cái ghét mà không được tiết-chế ở trong, cái biết của mình bị ngoại vật dẫn dụ, cứ thế mà không nghĩ lại thì thiên-lý tiêu-diệt vậy.”

Xem thế, ngoại vật có thể làm mất cái thiên-tính của người ta đi, bởi vì:
"Cái thường tình của hạng người trung-nhân hễ có thừa thì xa-xỉ, không đủ thì bỏn xẻn, không ngăn cấm thì dâm đảng, không theo tiết độ thì sai lầm, buông thả lòng dục thì hư-hỏng. Cho nên ăn uống phải có hạn-lượng, y phục phải có tiết chế, cửa nhà phải có pháp độ, súc tụ phải có số thường, xe cộ và đồ dùng phải có hạn-chế, đó là đề phòng cái nguồn loạn vậy”, vì lẽ đó nên mới “ theo thường tình của người ta mà đặt ra LỄ để ngăn giữ người ta khỏi làm bậy”. Như vậy thì “LỄ tiết chế cái tình, cấm sự loạn sinh ra cũng như bờ đê giữ nước khỏi tràn và nếu nói rằng đê cũ không dùng chi mà phá nó đi thì sẽ bị nước tràn ngập, nói LỄ cũ không dùng đi mà bỏ nó đi thì ắt có rối loạn.”

Nếu LỄ đã đủ cái chủ-đích như thế nào thì NHẠC cũng được cổ-nhân đặt ra với chủ-đích như thế ấy hay nói khác đi LỄ-NHẠC được các Thánh-Nhân tạo ra là để chế ngự-tình người mà nếu bỏ đi thì lấy gì đè-nén dục-vọng xấu-xa nữa. Sách LỄ-KÝ viết rằng: “Ngoại vật khiến người cảm-xúc không cùng, vậy thì cái ưa cái ghét của người mà không được tiết chế thì khi vật đến người bị cảm mà hóa theo giống như điều mình ưa muốn. Người mà hóa theo giống như vật mình ưa muốn thì thiên-lý Trời phú cho sẽ bị tiêu diệt và có thể thực hành tất-cả những cái dục-vọng xấu xa. Đã như thế ắt có cái tâm bội nghịch, trá ngụy, có những hành vi dâm dật, tác loạn. Vì đó mới sinh ra những việc kẻ mạnh hiếp người yếu, số đông tàn-bạo với số ít, kẻ có trí thì lừa dối người ngu, kẻ can đảm làm khổ kẻ nhát gan rồi kẻ đau ốm không được nuôi dưỡng, người già, con trẻ, kẻ cô độc không được an thân, ấy là cái đường đi tới đại-loạn vậy. Vì thế mà Tiên-Vương chế ra LỄ NHẠC để tiết chế cái tình của người: “Dây rơm, mũ mấn, khóc lóc là để điều chỉnh lễ tang, chiêng trống, đồ dùng, ca vũ là để định cái giới-hạn cho sự biểu-lộ cái tình trong những lúc vui-vẻ; lễ cưới, lễ quan (lễ đội mũ), lễ cài trâm là để phân biệt con trai, con gái, tiệc liên quan, giỗ chạp là để làm cho sự giao tiếp giữa các hạng người được thích đáng, đứng đắn.

Đức Khổng-Tử cũng rất chú trọng đến việc học thi, học LỄ, học NHẠC để sửa đổi tâm-tính đúng-đắn ngay chính.
- “Hưng khởi cái chí khí là ở THI.
- “Sửa sang phẩm cách cho đứng đắn là ở LỄ
- “Điều hòa tính tình cho hoàn toàn là ở NHẠC”

Do câu:
“HƯNG Ư THI, TÁC Ư LỄ, THÀNH Ư NHẠC”
Do đó nếu thiếu NHẠC thì xã hội không điều hòa mà vũ trụ cũng chưa hoàn-hảo. LỄ-NHẠC quả thật rất cần thiết cho xã hội, cho loài người. Trong “Xuân thu phồn lộ” Đổng Trọng-Thư, người đời Hán, viết rằng:

Trời đất và người là cái gốc của vạn vật, Trời sinh ra vạn vật, đất nuôi vạn-vật, người làm thành vạn-vật. Trời sinh ra vạn-vật bằng hiếu đễ, đất nuôi vạn vật bằng ăn mặc, người hoàn thành bằng LỄ NHẠC.

Tuy nhiên, dù LỄ NHẠC giống nhau về chủ đích nhưng lại khác nhau về căn nguyên.

“Trời cao đất thấp, muôn việc khác nhau cho nên nhân đó mà đặt ra LỄ CHẾ để phân tôn-ti, trật tự. Trời đất và vạn-vật lưu hành không nghĩ rồi hội họp khí tính cho điều hòa để hợp đức mà sinh ra dục thế mới thành ra có NHẠC”.

Như vật LỄ là làm cho Trời đất trật tự.
NHẠC là làm cho Trời đất điều hòa.

Trong Trời đất, muôn vật khác nhau thì về nhân sự phải có LỄ phân ra trật-tự khác nhau để cho vạn-vật có thứ-tự phân minh. Trong Trời đất, vạn vật tuy có khác nhau nhưng cũng đồng một thể, cùng theo một lẽ điều hòa mà sinh-hóa nên chế ra NHẠC để hợp đồng lại làm một.

Nhưng LỄ NHẠC phải luôn luôn hòa hợp nhau, bổ túc nhau, cái nọ chế cái kia thì mới hoàn toàn được:

NHẠC làm cho hợp đồng, LỄ làm cho phân biệt. Hợp đồng thì tương thân nhau, phân biệt thì tương kính nhau. Dùng NHẠC quá thì thành ra lưu đảng, dùng LỄ quá thì phân-ly cách biệt mất cái tình thân-ái, thích hợp tính-tình, trang sức dung mạo là việc của LỄ NHẠC vậy.

Ngoài ra về phương diện đạo đức, LỄ-NHẠC có một ý nghĩa sâu xa, một tác động rất mãnh liệt vì:
- NHẠC là động ở trong, LỄ là động ở ngoài.
- Cái cùng cực của NHẠC là HÒA
- Cái cùng cực của LỄ là THUẬN.

Nhưng thế nào là hòa, thế nào là thuận?
Hòa là làm điều hòa tính-tình trong lòng, còn thuận là làm cho cái hành-vi ở ngoài luôn luôn thuận hợp với điều hay, lẽ phải và nhờ đó con người có thể diệt mất cái lòng tà của mình đi.

Mặc dù LỄ-NHẠC quan trọng như thế nhưng phải được thực-hiện cho đúng tôn chỉ của LỄ là kính, NHẠC là hòa mới được, nếu LỄ-NHẠC mà không kính cũng không hòa thì ôi! Dùng LỄ NHẠC phải có ích lợi gì? Đức Khổng-Tử đã quan niệm rằng đồ lụa cùng chuông trống là những vật cần-thiết cho LỄ cho NHẠC nhưng nếu LỄ NHẠC không kính không hòa thì dùng các vật ấy làm gì nữa. Bởi thế, Ngài than rằng:
“Lễ vậy! Lễ vậy! Ngọc lụa vậy hay sao?
“Nhạc vậy! Nhạc vậy! Chuông trống vậy hay sao?

Xem thế, LỄ-NHẠC có một mối tương quan mật thiết với nhau nên trong các buổi tế lễ tại Đền-Thánh Tây Ninh, NHẠC chiếm một địa-vị hết sức quan-trọng và làm cho buổi tế-lễ được thêm phần trang-nghiêm.

11 - Phật Shiva thổi ống tiêu để thức tỉnh quần linh:
Đức Shiva-Phật mình trần quay về chánh Bắc, đứng trên Thất-đầu-xà tức là Thần hủy diệt, ngó qua phía hữu, ấy là ngôi thứ nhì tượng trưng phần Âm Dương, cơ sanh hoá cũng là cơ hủy diệt, ấy là ngôi Bảo tồn.

Phật Shiva cũng như Hộ Pháp ngự trên Thất Đầu Xà để trừ bốn mầm độc trong bản thân nhơn loại, đó là Ai, Nộ, Ố, Dục. Nhìn vào thực tại Đấng đó cũng là hiện thân của Hộ Pháp, nhưng thổi ống tiêu để thức tỉnh quần linh, hướng miệng ống tiêu để đưa sinh khí vào cung Chấn chánh Đông tức là cung Pháp, nơi tụ nguơn Thần. Nếu những tư tưởng quấy ở con người có dấy lên sẽ bị ngự trị phần Ai Nộ Ố Dục của nhơn sanh để giữ còn cái nguơn Linh của Thượng Đế,

Ống tiêu có bảy lỗ tượng cho Thất tình, nếu con người khéo tu biến thành thất bửu cũng thể hiện cho thất khiếu sanh quang, nhưng đắc pháp rồi thần khí phục hồi mở được Cửu khiếu nhờ kết tụ Tam diệu sẽ chiếu ngần ánh Xá lợi. Nên Thích Lão định danh là Mâu Ni Bửu Châu hoặc Thử Mễ Huyền Châu hay Cửu Khúc Minh Châu

Diêu-Trì-Cung là nơi ngự của Đức Phật-Mẫu, ngày nay Ngài đến tại mặt thế gian này đã tượng-trưng bên Ấn Độ: Phật-Giáo Ấn-Độ gọi Ngài là Shiva Phật, là cái hình ở trên Bát-Quái-Đài chúng ta để trên nóc, thấy có “Tinh Nhũ” nơi ngực của Ngài đó.

Hồi buổi Chí-Tôn phân định, phân tánh của Ngài, lấy Khí tức nhiên là Ngài dùng cái “Linh-Pháp”của Ngài biến tướng ra Phật-Mẫu. Phật-Mẫu thuộc về Âm, Chí-Tôn thuộc về Dương, Âm-Dương hiệp lại mới biến hóa Càn Khôn Vũ-Trụ, sanh ra vạn-vật.

12 - GIÁ TRỊ ÂM-NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT-NAM trước QUỐC TẾ.
Lời Tòa soạn đăng trong tuần báo Việt báo số 18:
Luận về NHẠC, chúng tôi xin chân thành nói lên cùng quí vị nào có ý coi thường bộ môn ÂM-NHẠC CỔ TRUYỀN.

Quí vị có ngờ đâu, cách đây 21 năm (vào năm 1970) với Nhạc khí thô-sơ. Một cây Cò, cây Tranh mà ông TRẦN VĂN KHÊ đã góp danh dự cho nước nhà trong kỳ Đại nhạc hội quốc tế tại Budapest, được vẻ vang với hạng nhì so cùng 70 nước khắp Năm-châu.

Thiết nghĩ danh dự ấy đủ cảnh tỉnh những ai hướng ngoại mà cũng đánh thức quí vị Nhạc sĩ lão thành rằng thế giới còn biết thưởng âm, quí vị không đến đỗi phải ném cây Cầm không khảy nữa, còn với quí bạn hậu-học, hãy cố gắng để gìn giữ sắc thinh cổ truyền của Tổ tiên Việt Nam, hoặc phát huy nó đến tuyệt-mỹ với lý uyên thâm của bộ môn ÂM-NHẠC CỔ TRUYỀN, đừng để lu-mờ mà phải tội cùng các vị tiền nhân đã đem danh dự về cho Tổ quốc chúng ta.

Để quí vị được thưởng lãm, chúng tôi xin trích lục nguyên văn bức thư của ông TRẦN-VĂN-KHÊ từ Budapest gởi về, đăng trong tuần báo VIỆT BÁO số 18. Từ 17 đến 24-09-1949 phát hành tại saigon, do Lê Thọ Xuân làm giám đốc (bức thư đăng nơi trang 4,5 và 23) nguyên văn như sau:
Tại Đại Nhạc Hội BUDAPEST trước hàng 70 nước khắp Năm-Châu bạn TRẦN VĂN KHÊ
Đã lãnh giải II cho VIỆT NAM CỔ-TRUYỀN.
(Bài của Nhạc sĩ Trần văn Khê)

Vẫn biết rằng nhờ toàn dân Việt Nam đang anh dũng tranh đấu, nhờ những lý do chính trị, họ phải để cho Việt Nam có một hai kết quả gì, nhưng tôi sung sướng vì đã được đem chút tài mọn mà phụng sự tổ quốc: Nước Việt Nam yêu quí của chúng ta.
Tại ..
Gởi những anh chị em quen biết
Budapest, 25-8-1949

Tôi gởi thư này để các Bạn chia vui với Tôi và để khoe với các Bạn rằng trong kỳ thi Đàn cổ với các nước tại Budapest, tôi đã đem giải nhì cho Việt Nam ngang hàng với Mông cổ, thua Nga và hơn Lô-ma-ni và Hung-Gia-Lợi Hôm tôi được mời lại phòng văn hóa của Đại Nhạc Hội Budapest để bàn về những cuộc tranh tài về NHẠC và KHIÊU-VŨ, tôi đã nói với những nhân viên phòng văn hóa rằng: Nước Việt Nam đã xa xôi lại còn đang tranh đấu giành tự do thành ra các nhân tài vì nhiệm vụ kháng chiến không thể dự Hội nghị. Chúng tôi là những sinh viên ở Âu Châu, bất tài, chỉ cố gắng trình bày một phần nào của văn hóa Việt Nam. Vì nó là bổn phận của chúng tôi chớ ra mà tranh tài với các nước thì chúng tôi không dám.

Nhưng nhân viên phòng văn hóa nói rằng: Nếu Việt-Nam không tranh tài về các môn đờn Piano hay Violon thì ít ra Việt Nam cũng có một lối nhạc cổ đặc biệt và các nước như Mông-cổ, Hung-gia-lợi cũng sẽ đem những cây đàn cổ thô-sơ ra dự thi, anh cố gắng để Việt Nam có thể góp mặt với các nước chớ!

Bảo tôi ra tranh tài thì tôi không dám, nhưng bảo tôi ráng dự-thí để Việt-Nam được góp mặt với các nước thì tôi khó thể chối-từ. Thế là tôi nhận lời .

Về nhà tôi nói với anh em .
“Chắc chắn thế nào mình cũng hạng chót, nhưng ít ra trong lúc dự thí và khi có kết quả dầu hạng chót đi nữa mình cũng làm cho tên tuổi Việt-Nam được người ta để ý thêm một chút. Tôi kỳ thật là liều mạng già, làm lì ra dự thí để cho tên Việt-Nam được nhắc nhở đến .

Tuy nghĩ thế nhưng lòng vẫn phập-phòng. Và chiều ngày 17-8-1949 tôi ôm cây đàn cò “chết nhạc” của tôi lại, gắn cục tòng chỉ cho ngay, thay dây mới và phủi bụi cây đàn tranh và nhấn dây cho nó êm dây. Đúng 4 giờ chúng tôi lại Magyar sinhaz mà dự thí .

Trong lúc chờ đợi, tôi nghe người giới thiệu đọc bằng tiếng Nga, pháp, Anh, Hung rằng hôm nay có những nước Tiệp-Khắc, Hung gia-Lọi, Lỗ-ma-Ni, Bảo gia Lợi và Việt Nam dự thí về Nhạc và Khiêu vũ theo xưa, tôi đâm ra lo.

Đoàn Tiệp-Khắc ra sân khấu với trên 80 thanh niên nam nữ hát những bài hát cổ và múa những điệu đặc biệt theo đồng quê.

Đoàn Bảo-Gia-Lợi đem trên 100 thanh niên hợp xướng những bản xưa và nhảy múa rầm rộ, lại thêm có giàn nhạc violon đờn theo điệu Tziganes. Mặc dầu Trời không nóng lắm mà tôi toát mồ hôi. Trời ơi ! Người ta đi dự thí với hàng trăm người, với bao nhiêu bài hát, điệu múa với cả giàn nhạc, mà tôi đơn thân với hai cây đàn quèn này tôi sợ làm xấu hổ cho Việt Nam quá. Tôi nhớ lại ân hận rằng không cố năn nỉ anh Tư Huyện mượn cây đàn Cò cẩn để cây đàn Cò bạch chảng của tôi ra sân khấu dự thi coi kỳ quá .

Nhưng kìa đoàn Hung-gia-Lợi ngoài nhiều lối khiêu-vũ theo xưa còn có thêm một giàn nhạc xưa với cây đàn giống như Tam thập lục với mấy ống sáo bằng đồng, bằng cây.

Đoàn Lỗ-Ma-Ni lựa ra hai người kỳ tài: một em bé 13 tuổi thổi ống sáo năm lỗ những điệu nhạc xưa giống như tiếng sáo của mấy mục đồng đuổi trâu về xóm. Một thiếu nữ chỉ dùng một lá cây mà thổi một điệu Nhạc xưa, tiếng kêu tương tự như giọng kèn tiểu của nhạc ta. Rồi giàn đờn gồm có mấy cây đờn tam thập lục, đàn hình bầu dục như cây tì-bà. Thêm vào đấy bao nhiêu điệu múa tưng bừng .

Chết tôi rồi ! Áo tôi ướt đầm cả mồ hôi khi bỏ màn, người giới thiệu ra nói, bây giờ đến phần anh VĂN KHÊ biểu diễn cổ nhạc Việt Nam.

Trái lại với quang cảnh tưng bừng đầy màu sắc, rầm rộ với những điệu khiêu vũ trên sân khấu mênh mông đơn thân và độc mã với cây đàn Cò xấu xí .

Màn kéo lên.
Khán giả hơi ngạc nhiên vì từ 4 giờ đến bây giờ toàn những ban nhạc, những đoàn khiêu vũ, bây giờ lại chỉ có một người ngồi với một cây đàn dị kỳ.

Phóng viên các báo chụp hình. Ánh Magnésium làm chóa mắt tôi.

Khi lên dây xong, định thần lại, tôi thấy trên lầu 8 người Giám khảo ngồi trước tám tờ giấy trắng. Thính giả lặng thinh. Tôi nghe tim tôi đập mạnh .

Cầu xin ông Tổ Nhạc giúp cho tôi trong phen này
Những bàn tay lỗi lạc như sáu Tửng, Tư Huyện, Sáu Quí, Chín Kỳ.. Các anh ở đâu để tôi lãnh trách-nhiệm nặng nề là thay mặt cho Cổ-nhạc Việt-Nam đây?

Tôi bắt đầu rao ít câu. Tôi không rao theo các điệu cải lương. Tôi phỏng theo điệu sa mạc rồi đặt ngay ra nhiều câu với nhiều ngón run, ngón vuốt.

Hôm nay tôi để cả tâm hồn tôi vào đấy, tôi đàn bực trên rồi xuống bực dưới. Cả rạp im lặng nghe .

Dạo đàn trong 5 phút tôi ngâm 6 câu sa mạc vừa ngâm vừa đàn phụ họa theo. Dứt bài tiếng vỗ tay vang dậy cả rạp và họ vỗ mãi trong gần hai phút không ngừng. Tôi hơi vững lòng lên tinh thần lấy đàn tranh ra. Tôi nhấn trên một sợi dây đến chín chữ đàn khác nhau. Phóng viên các báo lại chụp hình một lần nữa. Tôi rao đàn tranh trong 5 phút lại bắt đầu ca bản Bắc cung ai, lại cũng vừa đàn vừa ca. Trước khi ca tôi có cắt nghĩa sơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ý nghĩa bài hát một thiếu phụ than thân trách phận.

Tôi cố diễn lại sự đau đớn của thiếu phụ bằng giọng ngâm, bằng chữ nhấn, bằng nét mặt và khi dứt bài một tràng pháo tay vang dậy. Tôi phải trở ra chào thính giả mấy lượt. Nhưng tôi nghĩ rằng đó chẳng qua là lối xã giao chớ so với các giàn nhạc kia tôi còn cho mình kém quá . Nhưng tôi đã rán hết sức tôi và tôi đã thành công, tôi đã làm được một số thính giả cảm động vì bài hát .

Nhiều phóng viên các báo: Hung, Tiệp, Lỗ đến hỏi tôi về cây đàn Cò và đàn Tranh và họ nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà cây đàn Tranh và đàn Cò lên tiếng tại kinh đô nước Hung .

Cùng đi với tôi, Anh Nguyễn Ngọc Hà đờn bản Thiên thai bằng Guitare électrique, nhưng khi nhà báo đến hỏi cây đàn gì anh Hà bảo là cây đàn Lục huyền cầm Hạ Uy-di cho nó có cái tên Việt Nam. Anh Hà rất được hoan nghênh với cây đàn và có điều lạ là dân chúng Hung chưa nghe Guitare Hawaienne lần nào cả và rất thích giọng đàn uốn éo.

Làm xong phận sự, chúng tôi ra về sung sướng ở chỗ Việt Nam cũng đã góp mặt với các nước khác trong cuộc tranh tài này.

Vài hôm sau, nước Nga với một Nhạc công danh tiếng biểu diễn Balalaika và những cây đàn cổ khác . Nước Mông cổ với cây đàn Tam, lúc khảy lúc kéo. Nhạc sĩ Mông cổ đã kéo rất hay như tiếng violon- cellle.

Đến bữa 24-8-1949, sau khi ban Giám khảo cộng điểm lại thì cô thông ngôn hối hả chạy cho tôi hay: Anh Khê này! 4 giờ chiều anh lại Âm-nhạc-viện mà lãnh thưởng. Phòng văn hóa vừa cho hay anh được giải thưởng về Nhạc. Anh thay đồ đi mau. Tôi có mấy lời khen anh đấy.!

Thay đồ đi mà tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ mình hạng chót nhưng họ cho giải an-ủi hoặc một cấp bằng danh dự chi chi chớ chẳng lẽ mình hơn người ta.

Đến Âm-nhạc-viện thấy bao nhiêu đại biểu các nước ngồi chật, trên bàn danh dự có chủ tịch thanh niên thế giới, chủ tịch sinh viên thế giới, mười bốn viên giám khảo, các nhạc sư, nhạc trưởng các nước.

Hôm ấy, Nga được 50 giải thưởng đàn violon, đàn piano, hợp xướng, độc xướng, kèn trompette... các anh nhạc sĩ Nga hạng nhứt cả.

Đến phiên Cổ nhạc, hạng nhứt Garayev (Nga), hạng nhì Biemian (Mông cổ), và tôi (Việt Nam) hạng ba Plorilkia (Lỗ ma ni) và Beres ( Hung gia Lợi)

Khi kêu đến tên tôi, tôi đi lên sân khấu và trong lúc chủ tịch phiên nhóm bắt tay tôi và cả rạp vỗ tay, phóng viên các báo chụp hình, tôi sung sướng vì đại biểu các nơi không phải hoan nghinh cá nhân tôi mà hoan nghinh cả một nền Cổ nhạc Việt-Nam. Tôi sung sướng vì tôi đã không làm hổ mặt Việt Nam.

Và nói ra chắc các bạn cười tôi sao yếu tánh chớ trong những trường hợp thế này tôi thấy mặt tôi nóng bừng và nước mặt từ đâu tuôn dài theo má khi tôi trở về chỗ ngồi. Lúc đứng trên sân khấu tôi cố dằn và rán cười nhưng khi về đến chỗ ngồi lại thấy nước mắt đâu nó tuôn ra như thế?

Dở quá bạn nhỉ ? Nhưng Nhạc sĩ nào lại chẳng dễ xúc cảm hơn người.

Hôm nay khi các báo đăng kết quả, khi các đài phát thanh loan báo tin các cuộc tranh tài, nhiều bạn nhạc sĩ các nước tìm tôi hỏi thăm về Âm nhạc Việt-Nam, về những cây đàn cổ, tiếc rằng không có những cây đàn sến, đàn kiềm, đàn tì bà, đàn độc huyền để cho họ biết thêm, vì khi qua Pháp tôi chỉ có đem được hai cây đàn cũ, mua lại của người ta. Nhưng hiện giờ tôi quí hai cây đàn ấy lắm. Chúng nó đã giúp tôi khi tôi trình bày Cổ Nhạc Việt-Nam vào hôm 24-08. Có lẽ tôi đã sống được một phút cảm động nhứt trong đời Nhạc của tôi.

Vẫn biết rằng nhờ toàn dân Việt-Nam đang anh dũng tranh đấu, nhờ những lý do chính trị họ phải để cho Việt Nam có một hai kết quả gì, nhưng tôi sung sướng vì đã được đem chút tài mọn mà phụng sự Tổ quốc.
Nước Việt Nam yêu quí của CHÚNG TA .

B - ĐẠO DỊCH TRONG NGHI THỨC CAO-ĐÀI
I - Luận Đạo
1 - Đạo là Dịch:
Không một ai phủ nhận, nhưng khi vào nghệ thuật như Âm nhạc Việt-Nam, hay nói chung là Nhạc Dân tộc cổ truyền thì không thể thiếu tinh-thần Dịch lý để điều-hòa từ Âm thanh đến tiết tấu. Càng không thể không biết Dịch, khi Thánh-nhân chế tác các loại đờn đã áp dụng Dịch-học vào nghệ thuật một cách sâu sắc.

Xưa Vua Phục-Hi là một nhà thông-minh huệ trí, ngẩng lên thì ngắm Thiên-văn, cúi xuống thì xét lý Âm Dương, chẵn lẻ, vì cớ đó mới vạch thành nét: Một nét liền tượng Dương  một nét đứt tượng Âm  (Đây cũng là do theo lý tính của người mà phân biệt Âm Dương, Nam Nữ. Chỉ một Âm, một Dương làm đầu mối cho muôn ngàn sự vật trong cõi đời này. Cả thế-giới hữu hình lẫn vô hình, chính hai ngôi này làm khởi thuỷ, như cha và mẹ trong gia-đình; vạn-vật là đực cái, trống mái.

Người dân-tộc Campuchia hay Chàm họ cũng biết đến hai ngôi này, họ cũng lấy vật Tổ để thờ gọi là Cái “Linga” tức là hình ảnh “chày đặt lên cối” cũng là hình ảnh Âm Dương, nhưng suy-nghĩ của họ còn nằm trong thời ấu-trĩ, tức là còn bán khai, chưa tiến-hoá.

Dịch-học gọi là Lưỡng-nghi (Lưỡng nghi tức là hai ngôi Âm Dương), cũng gọi là Kiền khôn.

Hai ngôi tác-dụng lên nhau thì có biến-hoá. Sự biến-hoá ấy giống như một tế-bào cứ tăng gấp đôi lên: một sinh hai, hai sinh bốn, bốn sinh tám. Khoa-học gọi là theo luật song tiến-số. Dịch-học gọi là Lưỡng-nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng biến Bát quái, Bát-quái biến hoá vô cùng mới thành ra Kiền-Khôn thế giái.

2 - Thành lập nên quẻ Kiền  Khôn 
Biến-hoá lần này là qua hai giai-đoạn: thêm âm, thêm dương lên ngôi Dương thành ra hai nét dương 
gọi là Thái-dương số 1, lấy Dương làm gốc, cho một âm đặt lên dương nữa sẽ có dạng làgọi Thiếu-âm số 2.

Bấy giờ đến ngôi Âm biến-hoá cũng như trên, lấy âm làm gốc, thêm dương lên sẽ có một dương một âm gọi là Thiếu-Dương số 3, tiếp-tục thêm âm sẽ có hai âm  gọi là Thái Âm số 4. Lưỡng-nghi sanh Tứ-tượng là lần biến-hoá ở giai đoạn này, tức nhiên hai nghi sinh được 4 tượng là Thái dương số 1, Thiếu-âm số 2, Thiếu dương số 3, Thái-âm số 4. Gọi là tượng, tức là tượng hình, mỗi tượng chỉ có hai vạch thôi.

Vạn-vật biến-hoá không ngừng, thế nên Tứ tượng cũng biến-hoá theo qui-tắc như trên. Tức nhiên lần này Tứ tượng biến Bát-quái, gốc Tứ-tượng vẫn đặt ở dưới, Ví như:

Thái-dương qua hai lần thêm dương, thêm âm lên trên thành ra lần đầu có 3 nét dương tạo thành quẻ KIỀN  Kiền vi Thiên (Kiền là trời) là quẻ số 1.

Lần sau thêm lên nét âm thành quẻ ĐOÀI  tức là có một Âm trên hai Dương. Đoài vi Trạch số 2. Trạch là hồ, đầm, ao…

Thiếu-âm cũng qua hai lần thêm dương, thêm âm thành ra quẻ LY Số 3, Ly vi hoả (ly là lửa), tiếp theo là quẻ Chấn vi Lôi số 4, CHẤN  là sấm.

Thiếu-dương cũng qua hai lần biến sẽ có quẻ số 5 là TỐN  Tốn vi phong (Tốn là gió). Quẻ số 6 là Khảm vi thuỷ, KHẢM  (Thuỷ là nước).

Thái-âm qua hai lần biến-hoá như trên, sẽ cho ra hai quẻ là  CẤNsố 7 và KHÔN số 8.

Bát-quái là Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.

Vì sao phải học dịch, vì Càn Khôn là hai cánh cửa để đi vào Đạo Dịch. Kinh Đại-Đạo ngày nay luôn hiển hiện hai chữ CÀN KHÔN:

Lại nữa những phương pháp chế tác Nhạc cũng như tạo ra các Nhạc khí, nhạc cụ đều dùng đến cách án Tam tài, Bát phương, Bát hướng… đâu đâu cũng hiển hiện tinh thần Dịch-lý trong đó. Dịch là trọng yếu của môn Âm Nhạc Cổ truyền Việt-nam đó vậy..

Kinh Phât Mẫu:
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.
……
Càn khôn tạo hóa sánh tài,
Nhứt triêu, nhứt tịch kỉnh bài mộ khang.

II - NGHI THỨC CHỈNH ĐỐN LÒNG NGƯỜI TRƯỚC ĐÃ
LỄ là những phép tắc qui củ được đặt ra hay là tập quán của xã hội. Nghĩa rộng Lễ còn là quyền chính của nhà vua cùng cách tiết chế của nhân dân và cả những việc thích-hợp với cái lẽ công chính-đính của đạo-lý và lẽ thích-nghi của sự-lý.

LỄ còn là cái thực của Nghĩa. Lễ tự đối với từng người là những qui củ đặt ra buộc thân-xác phải theo để tới mục-đích chính-đính và bền-bĩ của mình. Lễ còn là những cái tự khắc-phục chính thân mình để khỏi ra ngoài tập-quán của cái Lễ thi-hành, để hàm-dưỡng cái tính-tình của đồng-loại, giữ mực trung mà xử-kỷ tiếp-vật, tức là tự xử với mình và tiếp người vậy.

Thế nên, Thánh-nhân mới đặt ra Lễ để ngăn giữ cái tình cảm của người ta cho có chừng mực, không nên có lúc thái-quá, lại có khi bất-cập.

Khổng-Tử nói rằng: “Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tứ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo.” Nghĩa là: Cung kính không có Lễ thì nhọc, cẩn thận không có lễ thì khiếp sợ, Dũng mà không có lễ thì loạn.

Tính thẳng mà không Lễ thì ngang-ngạnh, nên kẻ vũ-dũng mà không có Lễ ắt là kẻ vũ-phu mà làm loạn. Trong cuộc mạnh lớn mà không có Lễ thì ắt lắm điều càn bậy nên người Quân-tử coi cuộc mạnh-mẽ to lớn mà không phải Lễ thì không bước chân vào vậy.

Phu-Tử lại nói rằng: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.” Tức nhiên: không phải Lễ chớ trông, không phải Lễ chớ nghe, không phải Lễ chớ nói, không phải Lễ chớ động.

Như ở đây nói rõ là: Không phải Lễ chớ bước vào.
Người Quân-tử trong lúc thời mình đang mạnh-mẽ lớn-lao như vậy, tài đức lớn lao thì tới đâu hay thi-hành gì ai mà chẳng phục, chẳng hanh-thông? Những nơi không phải Lễ thì không bước chân vào. Trong cuộc Đời, người Quân-tử xử-kỷ, tiếp-vật như vậy tỏ rõ là có một nghị-lực tự-chủ mạnh-mẽ to lớn biết là dường nào! Có thể ngăn-cản ép mình theo ý-muốn của mình mà không bao giờ phóng đãng theo vật-dục. Như những kẻ vũ-phu có cái lực năng cử đỉnh, sức đánh muôn người, ra trận thì bách chiến bách thắng mà tâm mình vẫn chưa được chính. Như Nã-phá Luân cứng mạnh thế mà cũng thành mềm-yếu bên cạnh nàng Joséphine. Trụ-vương sức địch muôn người mà cái trí chỉ xiêu về với nàng Đắc-Kỷ.

Thử hỏi lỗi ấy do ai? Do nàng Joséphine chăng? Do nàng Đắc-Kỷ chăng? Ngẫm cũng buồn cười: Người ta đẹp, người ta quyến rũ với sắc nước hương trời ấy thì mặc người ta, can chi tới mình, mà đắm, mà lụy rồi đổ cho tại “Đàn bà”! Chỉ có thắng mình không được mà tự làm lụy cho mình, mà làm cho “Ngửa nghiệng chín bệ, gập-ghình ba châu” là tại các Ông chứ sao lại đổ là tại Đàn bà đẹp?

Cái vũ-dũng của những đấng nhân-quân đó cũng chỉ là những sức mạnh đè-ép được người mà chưa có thể tự đè ép được mình, cho nên mới bị cái nạn vong-quốc.

Cái sức mạnh to lớn không chính-đính có thể mất được mà cái trí óc của đứa thất-phu khó lòng cướp nỗi. Cho nên cái trí của đấng Quân-tử to-lớn mạnh-mẽ lắm thay, không cần trị người mà tự trị mình được thì ắt người phải trị được. Ôi! những lời răn của Thánh-nhân cao xa lắm thay!
  Home       1 ]  [ 2 ]  3 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét