Âm Nhạc Đại Đạo - 1 / 3 (Nữ Soạn-giả Nguyên-Thủy)


LỄ dĩ địa trần minh định nhơn gian tôn trật tự,
NHC do Thiên tác tuyên thông thế gii ch điu hòa.
"
調 "
 (Hai Câu lin đt trưc cng B nhc trung ương Tòa-Thánh)
Nói v L NHC đã minh đnh tôn ch và lp trường đến một mức độ thật quan trọng vô cùng:

- LỄ xuất phát từ nơi cõi trần này để làm sáng tỏ đức độ của con người phải biết tôn trọng sự trật tự, lớn nhỏ phân minh
- NHẠC do thiên nhiên tác động để truyền bá rộng rãi khắp toàn cầu với mục đích duy nhất là sự điều hòa.

Ngày nay Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài lấy NHO TÔNG chuyển thế mà Đạo Nho lấy LỄ NHẠC làm trọng LỄ NHẠC Là HỒN Đạo phải được xem là yếu trọng vậy.

THAY LỜI TỰA
Ngài Bảo-Văn Pháp-Quân nói về Lễ Nhạc:
Năm Đinh-Mão (1927) Ngài Cao Quỳnh Diêu thọ phong Tiếp Lễ Nhạc Quân, có phận sự sắp đặt Lễ nghi và Âm nhạc trong việc cúng tế trong Đạo.

Đầu năm 1929, Ngài Tiếp-Lễ Nhạc-Quân Cao Quỳnh Diêu vâng lịnh Hội-Thánh, đặt ra 3 Bài Dâng Tam Bửu (Dâng Hoa, Dâng Rượu, Dâng Trà), có dâng lên Bát Nương Diêu-Trì-Cung giáng cơ chỉnh văn lại, để thay thế 3 bài Dâng Tam Bửu cũ đã dùng lúc mới mở Đạo. Đồng thời Ngài cũng vâng lịnh Đức Hộ Pháp viết bài Tán tụng công đức Diêu-Trì Kim-Mẫu.

Năm này, trong lúc Ngài Cao-Quỳnh-Diêu còn ở phẩm Tiếp-Lễ Nhạc-Quân, Ngài viết quyển “NGHI TIẾT ĐẠI ĐÀN & TIỂU ĐÀN” với mục đích chỉnh đốn Lễ Nhạc trong các Đàn Cúng Vía Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng liêng cho đúng theo qui cách tốt đẹp, đạt được sự trang nghiêm để áp dụng thống nhứt trong Đạo Cao-Đài, dâng lên Đức Hộ Pháp duyệt xét rồi chuyển qua Hội Thánh.

Hội-Thánh xem xét đồng ý và Đức Quyền Giáo Tông ban hành, kể từ ngày 17-6 Canh-Ngọ (dl 12-7-1930) áp dụng thống nhứt cho tất cả các Thánh-Thất.

Trong quyển “Nghi Tiết Đại Đàn & Tiểu Đàn” nầy, Ngài Tiếp-Lễ Nhạc-Quân Cao Quỳnh Diêu hiệu là Mỹ Ngọc, có viết Lời tựa như vầy:
“LỄ là một việc rất trọng hệ, vì là cái hình thể của nền Đạo phô bày ra trước mặt người.

Chư Đạo-hữu cần phải để công xem sóc nhắc nhở nhau mà gìn giữ tư cách trong mỗi khi hành Lễ cho trang hoàng, hầu tỏ tấc lòng thành kỉnh của mình cùng Đức Chí Tôn và chư Tiên Phật Thánh Thần, lại cũng là một phương châm về đường Phổ-độ nữa Mỗi khi chúng ta hành Lễ, thì người ngoại Đạo sẵn ý xem vào mà phân biệt Tà Chánh một ít của nền Đạo trong đó, vì Đạo là việc nhiệm mầu huyền bí rất sâu xa, người ngoài nào thấu đặng? Duy có chăm nom cách cử chỉ của chúng ta trọng kỉnh các Đấng thế nào, thì đủ cho người vẽ ảnh Đạo ra thế nấy mà thôi.

NHẠC cũng là một việc cần yếu, vì là phương làm cho đầm ấm tao nhã cốt để dìu dẫn giúp cho thành Lễ ra vẻ long trọng, vì đã che lấp các việc xao động trong cơn hành Lễ, trên thì hiến cái vẻ tiêu tao phù trầm cho các Đấng, dưới là làm cho chúng ta, vì nghe đặng cái giọng tao nhã, nhặt khoan, hoặc có lúc vì tiếng nhạc trổi mà lòng ta vẫn hân hoan mà quên bẵng cái mỏi mệt trong cơn hành Lễ hoặc có khoản vì cái thức phù ba của giọng đờn mà làm cho ta yên tịnh, mới có thể thiền tâm vọng cầu các Đấng cho thấu đáo.

Có câu phương ngôn của bậc hiền triết miền Âu châu rằng: “La musique adoucit les moeurs” lại có nói Nếu muốn biết sự tấn hóa của một sắc dân, sau sẽ trở nên thế nào, thì duy có xem trong nét văn-chương và nghe giọng Nhạc của sắc dân ấy cũng đủ hiểu trước.

Huống chi Đấng Chí-Tôn ra công khó nhọc khai sáng cho ta một nền Đại-Đạo như vầy, lại dìu dẫn ta từ bước, mà ta lại chẳng để hết tâm chí chấn-chỉnh nghề Nhạc cho hoàn toàn hầu gìn giữ đường tấn hóa cho nền Đạo sao?
Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 20-4-Kỷ Tỵ (1929)
Tiếp Lễ Nhạc Quân Mỹ Ngọc

Đầu năm Canh Ngọ (1930), Ngài Cao Quỳnh Diêu được thăng phẩm Bảo Văn Pháp Quân chánh vị đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc cho hoàn toàn, cho tới ngày thành Đạo.

Chương I

1 - THÁNH-LỊNH cho CHỨC SẮC BỘ NHẠC
(Đức Hộ Pháp đã để lời phổ hóa trong cuộc phát THÁNH-LỊNH cho CHỨC SẮC BỘ NHẠC đi hành Đạo Nam, Trung, Bắc và Kiêm-Biên Tông đạo ngày 18-7 Quí Tỵ - 1953.)

Đức Hộ Pháp Thuyết:
"Thưa cùng Chư Vị cầm quyền các Cơ Quan Chánh Trị Đạo.

Hôm nay Bần-Đạo đến dự lễ nầy trọng yếu đặng mừng cho cả Chức sắc Bộ Nhạc lãnh sứ mạng chỉnh đốn cả Lễ-Nhạc y theo chơn truyền của Đạo.

Các Em, mấy đứa nhỏ, Thầy lấy làm vui mừng thấy cả tâm đạo của mấy Em biết chọn một con đường lập thân danh khéo léo. Qua thường nói với mấy em rằng: Nếu một nền Tôn-giáo mà không có LỄ, không có NHẠC thì cả cái mỹ pháp của nó, dầu Thể Pháp, Bí Pháp cũng vậy, chẳng hề khi nào đặng tốt đẹp hoàn mỹ.

Qua có giảng cho mấy em biết, vì cớ nào Nhạc là Lễ, mấy em biết khuôn khổ của Nhạc do tinh thần xuất hiện, Qua chỉ rõ một bằng chứng, dầu cho cả thảy mấy em trong Nhạc-Sĩ cho tới chức lớn của Bộ Nhạc là Tiếp Lễ Nhạc Quân, mấy em cầm một cây đờn mà đờn thì không có đứa nào giống đứa nào hết, bởi cả tinh thần ra trong ngón đờn của mấy em, đó là cá nhân của mấy em đó vậy.

Ấy vậy, Nhạc nó sản xuất trong tinh thần, mà tinh thần là gì? Tinh thần mới thiệt là Đạo.

Tại sao Nhạc là Lễ?
LỄ ngoài đời mấy em ngó thấy một bằng cớ hiển nhiên, là khi mấy em đờn hòa cùng nhau, tuy ngón đờn của mấy em mỗi đứa đều khác, hay dở đặc biệt mỗi đứa đều không giống nhau, nhưng mà cái nhịp trường canh mấy Em phải theo nó mà thôi, nếu không tùng nó thì mấy Em chẳng hề khi nào hòa NHẠC cùng kẻ khác được.

Ấy vậy trong khuôn khổ HÒA với nhau, ấy là LỄ.
Vì cớ cho nên Qua giảng tiếp cho mấy Em hiểu, LỄ NHẠC do âm thinh đó vậy.

Ngộ nghĩnh thay! Giờ phút nầy Qua cho mấy Em biết, chỉ có dân tộc Việt-Nam về văn hóa Nho-Tông của chúng ta mới có đặng một cái NHẠC là đều do nơi âm thinh và điều Qua đương nói với mấy Em, cái kinh dinh của các sắc dân trên mặt địa cầu nầy, cả các quốc dân xã hội đều nhận điều đó. Nước Trung Hoa hay các sắc dân chịu ảnh hưởng cái văn minh tối cổ của Nho-Tông chúng ta mới có NHẠC, âm thinh ấy là LỄ.

Bằng cớ hiển nhiên, chính Qua đọc một tờ nghị luận tại nơi Liên-Hiệp-Quốc, họ luận rằng: Nếu cả thảy các dân tộc nơi mặt địa cầu nầy mà đặng gìn giữ cho còn LỄ cũng như nước Tàu đã được LỄ tối cổ của họ, cả những điều nghịch hẳn cùng nhau, khởi hấn cùng nhau giữa hội nghị của Liên Hiệp Quốc chẳng hề khi nào xảy ra, nếu có xảy ra là tại họ vô lễ cùng nhau mà chớ.!

Do nơi vô lễ ấy mà nhơn loại chịu thống khổ hai phen Đại-chiến hoàn cầu. Mấy Em nghĩ, họ vô lễ cùng nhau cho đến nước họ đập bàn ghế ra khỏi Hội-nghị của Quốc-tế là tại họ thiếu LỄ, mà LỄ là NHẠC. Qua lấy một bằng cớ rõ ràng, người Pháp đã nói:“La Musique Adoucit les Moeurs”.

NHẠC làm cho phong hóa luân lý tốt đẹp dịu dàng, mà không phải một mình nước Pháp mà thôi, cả các liệt quốc Âu Châu đều cũng nói.

Ấy vậy, giờ phút nầy Qua ký Thánh Lịnh cho mấy Em đi các nơi, cốt yếu đặng mấy Em đem cái ngôn ngữ điều hòa, lấy một ống tiêu mà Trương-Lương đã làm cho tan vỡ một đạo binh hùng tráng của Hạng Võ, đánh tan nát cơ nghiệp của Sở, thâu đạt cơ nghiệp ấy đem lại cho nhà Hớn duy có ống tiêu Trương-Lương mà thôi.

Giờ phút nầy Qua giao cho mấy Em một sứ mạng làm sao cho thiên hạ nghe ống tiêu Thiêng Liêng của mấy Em đặng tinh thần nòi giống mấy Em đứng dậy định tương lai vinh-quang cho mình với cái giọng ngọt dịu của mấy Em, làm cho thiên hạ thức tỉnh, diệt tiêu bớt hung hăng bạo ngược, trái lại đem đến một con đường hòa hưỡn, cao quí, tốt đẹp, êm dịu, đem lại cái đạo đức tinh thần chiến thắng để cứu vãn sanh mạng loài người.
Bởi giờ phút nầy họ đang đi đến con đường diệt vong mà chớ”.

2 - Bài Huấn Dụ của Đức Thượng Sanh về NHẠC
BÀI HUẤN DỤ của Đức Thượng Sanh đọc trong buổi Lễ Bổ nhiệm Chức sắc và nhơn viên Bộ Nhạc Trung Ương Tòa Thánh Tây Ninh. Ngày 29-6-Canh Tý (dl 24-5-1960).

Kính thưa chư Chức sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng, chư Đạo hữu.
Hôm nay, Hội Thánh Hiệp Thiên-Đài lấy làm hài lòng đến chứng kiến Ban Cai Quản Bộ Nhạc Trung ương nhơn dịp ông Tiếp Lễ Nhạc Quân ban hành Huấn Lịnh của Hội Thánh giao phó trách nhiệm cho mỗi chức phẩm và nhơn viên của Ban nầy.

Riêng tôi, tôi lấy làm vui và mãn nguyện được thấy một sự tiến bộ khả quan và tôi hy vọng vị Tiếp Lễ Nhạc Quân và Chức sắc cùng nhơn viên của Bộ Nhạc, cũng như Bộ Lễ, sẽ tận tâm chung sức nhau để trau giồi và nâng cao nền LỄ NHẠC của Hội Thánh về hình thức cũng như về tinh thần.

Mỗi Chức sắc và mỗi vị đều rõ biết, LỄ NHẠC là rất quan hệ và trọng yếu cho đời và cho con người, cũng chẳng khác chi món ăn và thức mặc vậy. Các Đấng Thánh nhân thời cổ tìm cái căn nguyên cao xa và tôn quí của LỄ NHẠC ở trong đạo tự nhiên của Trời Đất và cho rằng: LỄ là cái trật tự của Trời Đất, NHẠC là cái điều hòa của Trời Đất.

Võ trụ nhờ có LỄ NHẠC mà tồn tại, vạn vật trong Trời Đất nhờ có LỄ NHẠC mới có trật tự phân minh, thời tiết thuận lợi, Âm Dương luân chuyển, khí tính điều hòa mà giúp cho cơ sanh hóa.

Nói cách khác, LỄ NHẠC của Trời Đất tức là cách sắp đặt của Đấng Tạo hóa, làm cho vạn vật được có vị trí phân minh không sai đường, không đổi hướng: hết Xuân qua Hạ, Thu mãn kế Đông về, mưa nắng tùy theo mùa, gió sương tùy theo tiết, hết ngày tới đêm, hết tối tới sáng, nhựt nguyệt tuần tự chuyển luân, phân phối Âm Dương điều hòa, ấm lạnh thế nào cho cỏ cây được sởn sơ, mùa màng được kết quả.

Cơ quan sanh hóa của người và vật nhờ đó mà tồn tại và tiếp diễn mãi. Cái trật tự và cái điều hòa làm cho vạn vật sanh tồn. Đó tức là LỄ NHẠC của Trời Đất vậy.

Thánh nhơn mới nhơn đó chế ra LỄ NHẠC để làm căn bản trong sự dạy người và trị thiên hạ, khiến người ta cư xử hành động sao cho hợp Nhơn đạo, tức là hợp với Thiên lý.

Vì lẽ đó, đối với các bậc Đế Vương đời trước, LỄ và NHẠC có cái địa vị rất là trọng yếu về đường chánh trị. “LỄ tiết dân tâm, NHẠC hòa dân thạnh”, là dùng Lễ để tiết chế lòng dân, dùng Nhạc để hòa thanh âm của dân.

Cái hay của LỄ là làm cho có sự cung kính, giữ trật tự phân minh. Cái hay của NHẠC là tạo sự điều hòa khiến cho tâm tánh tao nhã. Nhạc và LỄ phải dung hòa với nhau thì mới được hoàn toàn, vì nếu có LỄ mà không có NHẠC thì người ta đối xử với nhau phân biệt, mất tình thân ái; còn có NHẠC mà không có LỄ thì thành ra thiếu trật tự, khinh lờn nhau.

Vậy có LỄ tức phải có NHẠC để kềm chế nhau cho có điều hòa và phân biệt.
Đức Khổng-Tử tin sự dùng Lễ Nhạc có công hiệu rất lớn, nên Ngài nói rằng: “Quân tử minh ư Lễ Nhạc, cử nhi thố chi nhi dĩ” có nghĩa là: người quân tử biết rõ Lễ Nhạc, chỉ đem thi thố ra là đủ. Vì Lễ thì khiến sự hành vi bên ngoài, Nhạc thì khiến tâm tình bên trong. Cái cực điểm của Nhạc là hòa, cái cực điểm của Lễ là thuận. Nếu bên trong mà tính tình điều hòa, bên ngoài sự hành vi thuận hợp nghĩa lý, thì cái tà tâm vọng niệm thế nào còn chen vào được lòng người ta nữa.

Trái lại, nếu Lễ mà không kính, Nhạc mà không hòa, thì dầu bề ngoài có giữ đủ các lề lối thì cũng không có ích lợi cho sự tiến hóa của con người.

Lập nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ lúc ban sơ, Đức Chí-Tôn lấy Lễ Nhạc làm gốc. Đức Chí Tôn chỉ dạy từ bước chơn đi LỄ phải thế nào, cho tới hòa tấu những bản Nhạc nào mà thường nhắc nhở Chức sắc nếu Cúng Đàn mà Lễ Nhạc không nghiêm thì chỉ để cho tà quái xung nhập, chứ các Đấng thiêng liêng không chứng.

Vậy các Chức sắc và nhơn viên trong Bộ Nhạc cũng như Bộ Lễ, nên hết lòng sốt sắng với nhiệm vụ, gắng lo trau giồi nghệ thuật cho tới chỗ tận thiện tận mỹ, để nâng cao tinh thần của nền Đạo.

Nơi một Đàn cúng mà Lễ Nhạc được trang nghiêm thì Đàn cúng được bao trùm, có thể nói là một bầu quang tuyến thiêng liêng huyền diệu, khiến cho chúng ta tưởng tượng là có Đức Chí Tôn và các Đấng Tiên Phật giáng đàn để chứng kiến lòng thành của chúng ta và ban ơn cho chúng ta.

Trái lại, nếu LỄ không nghiêm, NHẠC không hòa, thì Đàn cúng dường như có cái tâm trạng hỗn loạn, nô đùa, khiến người quì cúng có cái tâm trạng xao xuyến, bần thần, bất mãn. Lập Đàn cúng như vậy, chúng ta chẳng những thất lễ mà còn đắc tội với Đức Chí Tôn.

Ngoài ra, có người ngoài hay người của các Tôn giáo khác dự kiến, chúng ta lại làm hạ phẩm giá nền Đại Đạo, đó là chúng ta chất thêm tội lỗi nữa.

Thành thử, nhiệm vụ của Chức sắc và nhơn viên Bộ Nhạc cũng như Bộ Lễ lấy làm quan trọng và công quả của mấy vị đối với Đức Chí-Tôn là một công quả cao quí, chẳng phải tầm thường.

Đức Chí-Tôn có nói và tôi cũng thường nhắc nhở chư Đạo hữu về mặt Đạo, không có công quả nào cao, công quả nào thấp. Kẻ chịu lao tâm, người chịu lao lực, lao tâm hay lao lực đều hướng về một mục tiêu là giúp ích cho Đạo, làm nên cho Đạo. Thế thì sự phục vụ dầu về phương diện nào và dưới hình thức nào, đều có cái giá trị Thiêng liêng duy nhứt của nó. Cao hay là thấp là do nơi cái tâm của ta, do nơi có sự thành thật hay không mà thôi.

Ấy vậy, hướng về tiền đồ đại nghiệp của Đạo, tôi xin toàn thể Chức sắc và nhơn viên Bộ Nhạc và Bộ Lễ lấy hết chí thành thi hành phận sự đắc lực để phục vụ Đức Chí Tôn và phụng sự cho nền Chánh giáo, hầu ngày sau để tên tuổi nơi sử Đạo và lập vị xứng đáng ngày công viên quả mãn.
Tòa Thánh, ngày 29 tháng 4 Canh Tý (dl 24-5-1960).
THƯỢNG SANH
CAO HOÀI SANG

3 - LỜI ĐIỀU TRẦN:
Ngài Bảo-Văn Pháp-Quân Cao Quỳnh Diêu có viết

LỜI ĐIỀU TRẦN để dạy các học sinh học Nhạc Lễ nơi Lễ Nhạc Đường vào năm Nhâm Thìn (1952) như sau đây:
Yếu lý thuộc về Giáo khoa Lễ Nhạc hầu thành lập Chương trình để un đúc tinh thần cho học sinh, tượng trưng phép điều hòa nơi cửa Đại Đạo.

NHẠC: vốn là một Đạo pháp rất thâm u, đã có trước buổi Khai Thiên, vẫn là một từ khí thông công với luồng điện-thoại truyền tấu khắp Càn Khôn chiêu tụ chơn hồn cả vạn vật.

Khi thành lập các địa giới, biến sanh đủ muôn loài, rồi thì vạn linh hấp thụ lấy năm âm của thức nhạc mà tỏ vẻ Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Dục riêng của mỗi loại. Nhưng do theo luật công bình thiêng liêng thì buổi sơ sanh của vạn loại cả thảy đều tự khởi với cái giọng đớt-đát thô-bĩ. Chừng tìm hiểu được cái lẽ nhiệm mầu của Trời Đất, nhơn loại mới lần hồi trau luyện sửa đổi cho ra thanh tao trong giọng nói, giúp thêm tinh vi cho khuôn lễ, tiến hóa cho đến khi phù hạp tánh cách thiên nhiên với nhau mới có cộng hưởng phép điều hòa, mà xây dựng nền phong hóa riêng của mỗi quốc dân; hồn nước do nơi đó mà phân định cao thấp. Ấy là Đạo pháp để gầy nên cơ hiệp chủng y theo triết lý của Lễ Nhạc đã cạn giải.

Nguồn cội của phép điều hòa đã tìm được mà tin dùng văn từ buổi cổ thời do nơi Đức Hiên Viên Huỳnh Đế.

Khi Ngài ngự chế ra Lễ Nhạc, Ngài để ý nghe thấy sự hỗn hợp của Bát hồn: Bào, Thổ, Cách, Mộc, Thạch, Kim, Ty, Trúc, tuy là khác giống nhau mà có thể tỏ ra vẻ hòa âm. Từ ấy, Ngài cứ bình tâm định trí để tìm hiểu lẽ nhiệm mầu của luật thiên nhiên. Chừng rõ thấu cơ mầu của Trời Đất, Ngài mới tùy nơi hình thể của thức hồ cầm (tục gọi là đờn tỳ bà) có vẻ trạng thái Thiên triều: đôi bên tả hữu có dây văn dây võ, trên có Tứ Thiên Vương, dưới có Thập Điện Quân. Ngài nương theo kiểu mẫu ấy gầy nên quốc vận, như Ngài đã thành lập một quốc gia.

Về nội dung: nơi triều đình có văn biền để bỉnh chánh, nơi biên cương có võ bị để ngừa loàn, xây dựng nên một quốc thể đủ vẻ nghiêm trang, thuần túy.

Về ngoại dung: Ngài đào tạo nên tổng, làng, hương đảng có đủ tánh tình ôn hậu để giáo hóa lê dân với tư cách điều hòa. Toàn trong nước, cả quan dân đều cộng hưởng thái bình, thành thử trong buổi nọ, nhờ nơi đó mà Kinh Lễ và Kinh Nhạc xuất hiện, mà hễ hai bộ Kinh Lễ và Kinh Nhạc được ra mặt dìu đời tức là Nho-Tông đã sáng lập.

Tiếp theo là phép an dân của Đức Hiên Viên Huỳnh Đế, về sau có vua Nghiêu vua Thuấn là hai bậc Thánh Đế đều noi theo gương ấy mà làm cho cuộc thế rất nên điều hòa, cả lê thứ thảy đều được an cư lạc nghiệp. Từ ấy đến nay, thời gian đã trải qua trên bốn ngàn năm mà nhơn vật trong thế kỷ 20 nầy vẫn còn để tâm hoài vọng cho thời cơ điều hòa của phép Lễ Nhạc buổi nọ được tái vãng.

Như thế thì buổi hiện thời, trong hàng trí giả còn có ai là chẳng biết rằng LỄ NHẠC vốn là hai quan điểm đặc sắc để khởi dẫn bước đầu tiên cho nhơn loại, lần hồi gầy mối cảm tình nhau mà đoạt được phép điều hòa, nhứt là trong buổi loạn lạc nầy, cả nhơn loại toàn cầu đều chịu thống khổ nguy nan, còn có chi hay để cải sửa cơ đời cho bằng phép ấy. Các Đấng thiêng liêng hay gợi nhắc chúng ta nên dùng pháp mầu của Nho-Tông để chuyển thế là bởi đó.

Luận giải dường ấy thì chúng ta đủ rõ thấy rằng: nét hưng vong của một quốc vận, nhục vinh của một chủng tộc, suy thạnh của một gia đình, nên hư của một cá nhân, cuộc cờ đời biến đổi trở day đều do nơi đó cả thảy. Hà tất chúng ta nơi cửa Đạo Trời, vẫn có nhiệm vụ thật hành phép điều hòa trong cửa Đại Đạo để làm khuôn mẫu trước hết cho nòi giống Việt Thường theo bước, hầu gây nên Quốc Đạo theo mấy câu văn của Đức Chí Tôn đã dạy:
QUỐC ĐẠO kim triêu thành Đại Đạo,
NAM-PHONG thử nhựt biến Nhơn phong.
An dân liệt Thánh tùng Nghiêu Thuấn,
Văn hóa tương lai lập Đại đồng.

Vậy thì hai quan điểm của Lễ Nhạc, chúng ta cần phải giồi trau cho có vẻ thuần túy, để tượng trưng phép điều hòa thế nào cho xứng đáng một gương trong để soi sáng vẻ Đạo hạnh cho toàn cả Việt dân dõi chước, làm cho vạn bang nhìn nhận thì Quốc Đạo chúng ta tự gầy nên rồi Đại Đạo tùy đó mà hoằng khai trong các nước.

Muốn giải rõ hơn nữa thì thức Nhạc của hiền xưa đã gầy nên vốn để trạng thái vẻ thanh âm của phép điều hòa cho nhơn loại làm gương soi mình, hầu giồi mài trong lời lẽ cho có âm giọng thuần hòa thanh tao âm điệu. Vậy thì trước nhứt mấy em Lễ sĩ, Nhạc sĩ cần phải sẵn có học biết nhiều ít về văn chương, ngôn ngữ mới có đủ hầu sắp đặt theo thứ tự khép và lâm giọng của Nhạc-pháp, ngôn từ mới âm điệu, lời lẽ mới thanh tao, mà nói năng cho vừa lỗ tai người trong khi giao tiếp với nhơn quần xã hội để tượng trưng phép điều hòa y theo nguyên pháp của Đại Đạo.

Vì LỄ NHẠC là Đạo-pháp điều hòa của Đấng Hóa công đã gây nên để un đúc tinh thần cho nhơn loại hầu khêu gợi gieo rắc sự cảm hóa với nhau mà lập thành cơ hiệp chủng, cũng vì đó quốc-dân Pháp thường nói: La musique adoucit les moeurs. Nghĩa là: Âm nhạc để giúp đời được thuần phong mỹ tục.

Dường ấy thì những Chức-sắc có trọng trách dìu dẫn Nhạc sĩ và Lễ sĩ, chúng vẫn là đoàn em sẽ có nhiệm vụ thể hình Lễ Nhạc, chư vị cần phải do theo trình độ cao thấp của chúng mà gây nên, cần nhứt là tùy phương châm mà tạo lập lấy chương trình Nhạc Lễ cho có mục văn chương, trạch cử một vị Giáo-sư để dạy về văn từ, nhưng phải liệu lượng thế nào cho vừa với trí não của đoàn em mà dẫn lối, chúng nó mới có đủ tinh thần mẫn đạt mà tập rèn hầu lần hồi tiến bước vào nghệ thuật cho có vẻ thanh cao.

a/ - Về NHẠC PHÁP:
Vậy thì cứ thể hình Nhạc pháp hai phương Văn Võ khác nhau: các thức đờn đều thuộc về Văn ban, vì có sẵn bản của hiền xưa đã sắp đặt. Trong mỗi bản đều có lớp có lang tùng theo nhịp nhàng nội ngoại ứng biến mà diễn tả bài Nhạc của nghệ sĩ thế nào cho có đủ câu Âm câu Dương đúng với niêm thức của bản, mới có thể hòa âm với các giống đờn khác, chẳng khác nào như các nhà văn sĩ cần chủ tâm, tùy nơi âm vận, niêm, luật, phá, thừa, trạng, luận, chuyển, kết, cho đúng mà hành văn mới tác thành những áng thi phú văn từ đáng giá.

Hơn nữa, Nhạc sĩ cần phải thấu hiểu rằng: tuy nhà văn sĩ đã chung họa thi văn với nhau trong một đề chủ, nhưng tinh thần trong bài văn đều do nơi khí phách riêng của mỗi người, tùy nơi tâm chí cao thấp mà biến tướng, nhờ đó mà ngoại nhân rõ thấy tài hay dở của văn sĩ. Nghệ thuật của Nhạc sĩ cũng vẫn dường ấy, vì cũng do nơi giọng đờn thanh cao tao nhã hay là thô bỉ sượng sùng mà người nghe hiểu được trình độ tiến hóa của Nhạc sĩ là thế nào.

Khó hơn nữa là dầu cho thức đờn hay dở thế nào cũng đều phải khép vào khoảng mau chậm của nhịp do nơi lá phách của ban võ lược, tức là cặp trống và đồ ngang đã ra ni, mới có vẻ rập ràng của các giống đờn.

Cặp trống Nhạc và các món như: mõ, bạc, trống cơm, bồng, kèn, v.v..., tục gọi là đồ ngang, đều đứng vào ban Võ lược vì cả thảy đối chọi với nhau mà xây dựng nên nhịp, mỗi món vẫn có phận sự riêng, khi thì minh, lúc lại ẩn, phải tùy cơ ứng biến cho đúng phép mà làm cho rập ràng nhau mới vững đặt nhịp nhàng.

Nói tóm tắt là cả hai bên Văn ban, Võ bị đều phải tương đắc với nhau, giọng hòa Âm của thức Nhạc mới có thể trợ giúp vẻ trang nghiêm cho cuộc lễ.

b/ - Về LỄ PHÁP:
Theo Lễ pháp thì Lễ sĩ phải thấu hiểu rằng: Lễ đã dạy kỹ, bước bằng chữ Tâm tức là giữ trọn tấm lòng thành, đi đứng có mực thước, tùy theo nhạc chầu 7 lá phách mới bước vào một bước, ấy là trạng thái bước LỄ đi đứng có vẻ tề chỉnh, còn hiến dâng Tam bửu: Bông, Rượu, Trà, tức là tạm dùng ba món để thể hình: Tinh, Khí, Thần, nghĩa là chúng ta hiến lễ cho Đấng Chí-Tôn với tấm lòng chí thành thường chứa ba tôn chỉ của Tam giáo là: Bác ái, Công bình và Điều hòa, tương tự như nơi cơ bí truyền có thể hình tam giác đóng khuôn bao quanh lương tâm (huệ nhãn).

Tóm tắt cả ý nghĩa là trong mỗi cuộc Lễ hiến cho Đức Chí-Tôn hoặc các Đấng thiêng-liêng hay là các bậc Tiền Hiền đã quá vãng, cả hành vi của mấy em Lễ sĩ và Nhạc sĩ biểu diễn vốn để tượng trưng cái phép cư xử theo LỄ cho nhơn loại dõi chước.

Nếu muốn yên vui với nhau nơi cõi tạm nầy, nhơn loại cần phải cộng sự với nhau bằng tấm lòng thành thật, tâm hằng giữ vững ba món báu là:
- Yêu đương với nhau,
- Đoan chánh với nhau,
- Hòa nhã với nhau, hầu được tránh khỏi mọi nỗi sai lầm với nhau trong bước đường đời. Ấy là đúng theo Thánh ý của Đức Chí Tôn, vì Chí Tôn đã có dạy chúng ta nhiều lần với câu Thánh giáo nầy:
- “Chẳng cần chi hơn là Thầy thấy các con để tâm hòa nhã với nhau. Đó mới thật là Lễ long trọng các con hiến cho Thầy”.
Mà đó cũng là ba tôn chỉ của Nho, Thích, Đạo, do nơi thi văn Đức Kim Mẫu đã dạy rằng:

THI
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đạt đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối đạo cầm.
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Đạo tầm.

Những yếu điểm nầy, chẳng những để cho Nhạc sĩ, Lễ sĩ tìm hiểu đặng trau luyện nghệ thuật, mà toàn người trong Đại Đạo cũng cần phải chú tâm về đó, hầu giồi mình cho đắc pháp mới đáng gọi là Môn đệ của Đức Cao Đài Thượng Đế.

c/ - KẾT LUẬN:
Lời lẽ Tiểu Dẫn nầy, tuy sơ lược, song cũng có nhiều ít ý nghĩa nhiệm mầu của phép Lễ Nhạc. Vẫn có thể được dễ hiểu cho các Chức sắc và mấy em học sinh nơi Lễ Nhạc Đường.

Vậy xin chư vị nên ký tâm về mấy lời vắn tắt nầy. Nếu muốn cho đoàn hậu tấn học tập Lễ Nhạc cho rập ràng thì rất dễ, còn trau luyện nghệ thuật cho ra vẻ thanh cao (nghĩa là được thanh tao và cao thượng) để dẫn lối thuần phong mỹ tục cho Việt chủng là việc rất khó, ta cần phải un đúc đoàn em về văn từ cho nhuận thấm thì nghệ thuật của chúng mới trở nên thuần túy mà biểu diễn trong các cuộc lễ, mà cũng vẫn có đủ tánh cách nho nhã cho mấy em, trong khi ra ngoài tương tiếp với nhơn quần xã hội, đáng mặt một học sinh nơi Lễ Nhạc Đường của Đại Đạo, vì Lễ Nhạc là hai quan điểm đặc sắc của Nho tông để đoạt phép điều hòa nâng cao hồn nước.

Chư vị phải để ý cẩn thận về đó cho lắm mới khỏi hổ lòng với lời Thánh giáo của các Đấng thiêng liêng đã dạy câu: Nho tông chuyển thế nơi cửa Đại Đạo.
Làm tại Trung Tông Đạo Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngày 1 tháng 8 Nhâm Thìn (dl 19-9-1952).
BẢO VĂN PHÁP QUÂN
Cao Quỳnh Diêu (ấn ký)

4 - LỄ NHẠC là hai điều trọng hệ của Đức Chí-Tôn.
ĐỨC HỘ PHÁP Thuyết đạo tại Bộ Nhạc-Lễ đêm 16- 09 Canh Dần (1950) lúc 8 giờ 40 tối. Trong buổi tiệc của Nhạc sĩ Tân-Khoa.

“LỄ NHẠC là hai điều trọng hệ của Đức Chí-Tôn. Khi Ngài đến vẫn chú ý về hai điều ấy, chúng ta cũng vẫn biết, nền Đạo Cao-Đài là Nho-Tông chuyển thế, thì tức nhiên của toàn cả xã-hội nhơn quần nơi mặt địa cầu này nhờ Đạo Nho sửa đoan chỉnh đốn thiên hạ lại, chúng ta thấy xã hội tinh túy đạo đức của họ dường như đảo ngược lại khủng hoảng tinh thần mà ra vậy.

Nho đạo đã lập xã hội ở Á Đông từ Tam Hoàng qua tới nhà Châu rồi Ngài Châu Công chỉnh đốn Tân Dân.

Lễ Nhạc sản xuất do nơi Huỳnh Đế với Châu Công; Ấy vậy mình phải biết Nhạc khi nào cầm cây đờn, năm mười cây hòa lại nó một giọng thì tức nhiên chữ Hòa do nơi Nhạc sanh ra vậy.

Lễ Nhạc do nơi âm thinh, bởi thế nên chúng ta thấy Vạn Quốc giờ phút nầy, dầu văn minh thế nào mà hiểu đặng nền tăng tiến của Trung-Hoa thì đều khen ngợi. Từ thử đến giờ, trên mặt địa cầu này, có nước Tàu là do Đức Khổng-Phu-Tử chỉnh đốn hoàn bị nên Lễ Nhạc có phương thế làm môi giới, làm khí cụ cho toàn vạn quốc đương buổi nầy. Lấy tư cách lễ độ làm ngoại giao, tưởng chắc không nghịch nhau, chúng ta thấy tấn tuồng của vạn quốc họ đều thất lễ ấy, mà thế giới khởi chiến tranh.

Mấy em Nhạc tự biết mình chẳng phải làm nghề sơ lược của bọn đờn thổi ngoài đời như họ vậy, thành ra hèn hạ, còn nếu muốn biết tánh cách quan trọng của nó thì dở lịch sử ra xem mới biết, dầu nước văn minh nào ở mặt địa cầu nầy cũng không thể cải bỏ Nhạc được.

Mấy em phải biết cái tinh túy mà người ta có thể đo lường Nhạc cao thấp mà hiểu được, vì cớ cho nên mỗi nước có bản Quốc-thiều. Qua nói cùng mấy em rõ, giờ phút nầy mấy em cầm cây đờn, giữ giá trị riêng để tự trọng lấy mình. Qua nói rõ hồi lúc Qua học đờn tài tử, Qua đờn không cần ai khen, không sợ ai chê, hễ cầm cây đờn lên giọng đều như nói chuyện về tinh thần với cây đờn của mình, nhứt là Đức Cao Thượng Phẩm sanh tiền buổi nọ, lấy cây đờn mà làm bạn thiết, hết thảy ngôn ngữ thường tình đều khinh rẻ. Qua nghe từ ngôn ngữ của Nhạc, Qua biết nó là bạn tri âm, tri kỷ, cao thâm hoạt bát của nó, nên lấy trí luận thì từ trước kia Bá Nha là bạn tri âm của Tử Kỳ, biết tri kỷ đặng để làm gương. Hễ cầm cây đờn thì phiêu phi ở giữa lừng trời. Nhiều khi tiếng đờn hợp với tinh thần, thấy dường như tượng trưng ra khỏi xác thân để giúp tinh thần cường liệt vô đối, cái năng lực của cây đờn là ấy vậy, kẻ ngoài bàn luận, phê bình tánh cách hòa nhã mà thôi, mình biết tinh túy của mình, trọng hay khinh là do nơi mình, nếu mình biết trọng thì họ trọng, nếu mình biết khinh thì họ khinh, mấy em tưởng tượng nghe đờn của mấy em, giờ phút nầy mấy em có thể nghĩ nó có giới hạn và có thể làm bạn với ta.

Từ thượng cổ, từ bực yếu trọng, họ nói là bạn với nó vậy, chí hướng tự trọng của nó, từ trước kia những bực tiền nhân của chúng ta là bạn thế nào, thì ngày nay chúng ta cũng làm bạn như thế ấy. Mấy đứa thi đậu kỳ nầy, con đường Thánh Thể của Đức Chí-Tôn đã mở rộng cho mấy em cứ khoan thai bước tới. Qua để hy vọng tương lai kẻ nào cầm vận mạng của nó phải biết giá trị và tánh chất hòa hợp với tiếng đờn yểu điệu, hiền từ, lịch lãm, khí khái của mấy em đã đào tạo. Ngày kia nó có giá trị và ảnh hưởng cho cả Quốc hồn là cây đờn của mấy em, nó sẽ là tương lai vận mạng của nước, nhớ từ đây sắp về sau phải biết tự trọng lấy mình, mà biết tự trọng lấy mình thì sau thiên hạ mới trọng mình vậy”.

5 - Hôm nay Bần Đạo giảng về ý nghĩa Lễ Nhạc.

Đức Hộ-Pháp nói:
“Từ thử ai cũng cho âm thanh sắc tướng là tà mị, mà căn bản của Đạo Nho là Lễ Nhạc mà chính Đạo Tam Kỳ là Nho Tông chuyển thế thì phải truy tầm nguyên lý của nó mà xác nhận cho đúng nghĩa là thế nào?

Đôi phen chúng ta không hiểu được cho uyên thâm khi dâng lễ cho Chí-Tôn lúc Nhạc Tấu Quân Thiên, hết lớp trống, qua đến Bảy bài thì lâu quá có khi phải chồn chân rồi nản chí, chính Bần Đạo cũng vậy vì nghĩ rằng: Chí Tôn tư vị quốc dân Việt Nam nên tiền định chi chi cũng làm gương mẫu cho toàn Đại-đồng Thế giới mà có Lễ Nhạc nầy luôn luôn khi dâng Lễ thì ý nghĩa ấy ắt cao trọng lắm là phải.?

Bởi cớ nên khi mới Khai Đạo, Bần-Đạo đến tại Thánh Thất Thủ Đức của ông Thơ tạo lập, Bần Đạo không tin nên hỏi Đức Lý Giáo Tông, Ngài dạy rằng, trên Ngọc Hư Cung có hai câu liễn:

Phía hữu: Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh Lão.
Phía tả: Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.
           
           
Bần-Đạo cũng không hiểu là gì, lần lần Bần-Đạo hỏi nữa, Bần-Đạo lại được dạy mà hiểu rằng:
“Kể từ phôi thai Càn Khôn vạn vật nầy, Chí Tôn là khối sanh quang, biến thành hai khối sanh khí, hai khối ấy trụ lại thành một khối lớn tương hiệp nhau mới nổ sanh tiếng Âm, người ta gọi là nổ ầm, hay nghe tiếng Ni, Đạo Phật sửa lại thành Úm (Úm ma ni bát rị hồng ) nhờ tiếng nổ ấy Bát hồn mới vận chuyển biến sanh vạn vật và loài người.!

Tiếng ấy bay ra nghe đến đâu thì khí sanh quang đến đó tức là có sự sống đến, bằng chẳng nghe được thì nơi ấy tiêu diệt nghĩa là chết mất mà thôi. Bởi cớ nên dùng những vật Bát âm, nó đã chết đi rồi như cái trống chẳng hạn là tấm da trâu đã chết mà với sự khôn ngoan của loài người nó mới có tiếng kêu được tức là làm cho nó sống lại được, nghĩa là Bát hồn ấy vận chuyển sống lại mà đảnh lễ Đức Chí-Tôn, vì cớ nên khi nghe Nhạc Tấu Quân Thiên là có âm thinh sắc tướng, song hiểu xác lý: Khi dâng lễ Chí Tôn qui pháp định, thấy và nghe cả Bát Hồn vận chuyển dâng cái sống cho Ngài.

Nên chi từ đây, khi Nhạc Tấu Quân Thiên chúng ta xem quí hơn dâng Tam Bửu, dầu phải lỡ đi nửa chừng trong Đền Thờ, nghe đến đó phải dừng lại, cấm không được đi lộn xộn thì lễ ấy giảm điều kính trọng dâng cho Chí-Tôn mà không nên.

Khi ấy là vận chuyển Bát hồn đảnh lễ Đức Chí Tôn, vì cớ Lễ Nhạc hiểu rõ lại thì Chí-Tôn không phải là tư vị nước Việt-Nam mà chính nghĩa là làm cho sống lại Bát hồn và Ngài vẫn vui nhận lễ ấy. Ấy vậy mới có thể làm chủ và làm gương cho toàn nhơn loại được, thì danh ấy không phải là quá đáng.
Xin khuyên toàn Đạo từ đây nên để trọn tâm mà kính trọng khi Nhạc Tấu Quân Thiên”.

6 - NHẠC TẤU QUÂN THIÊN
Đức Hộ-Pháp giảng giải rằng:
Bên Á Đông, trong nền Đạo Cao Đài có trống có chuông, còn bên Âu Châu có chuông mà không có trống là tại sao? Tại sao Á Đông dùng trống còn Âu Châu dùng chuông?

Trống là âm thinh của Đạo. Thuở chưa có càn khôn vũ trụ, Đạo giáo có dạy: Hai lằn nguơn khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái Cực. Chủ ngôi Thái Cực là Đức Chí Tôn. Khi nào Trời sét nổ, chúng ta nghe sao? An Nam mình kêu “Ầm” còn theo Đạo pháp kêu “Ùm”, vì cớ phép Phật sửa lại là “úm” (Úm ma ni bát rị hồng) câu ấy đọc có nghĩa là nắm cả quyền năng vũ trụ quản suất trong tay. Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông.

Ấy vậy nguyên căn của Đạo Giáo do bên Á Đông nầy, có tiếng trống ngân bay qua Âu Châu, nên các Đạo giáo Âu Châu đều là hưởng ứng theo Phật Giáo mà Phật Giáo xuất hiện nơi Á Đông. Vì vậy mà các nền tôn giáo phụ thuộc không đúng theo nguyên tắc căn bản.

Còn tại sao khi vô làm lễ, lúc “Nhạc Tấu Quân Thiên” tức là lễ hiến dâng sự sống cho Đức Chí Tôn là Thầy của cả càn khôn vạn vật, Bần Đạo thường nhắc nhở tất cả phải đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh. Nhạc là hưởng ứng của cả khối sanh quang, của càn khôn vạn vật đồng thinh. Nơi Á Đông có câu “Biều, Thổ, Cách, Mộc, Thạch kim dữ Tư Trước nãi bát âm”.

Các vật vô năng mà nói đặng có trật tự niêm luật hòa nhau là đạt đạo, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến lễ. Nơi Ngọc Hư Cung có đôi liễn:
“Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh Lão.
“Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.”

Khi nhạc trổi, cả thảy phải im lặng, hiến cả âm thinh sự bí mật ấy gọi là Phi Tướng Lễ, chủ ý là trình tấu với Đức Chí Tôn rằng :Các con biết được mầu nhiệm nguyên căn của Cha lành muốn cho các con nối nghiệp theo một khuôn phép trường tồn. Lễ đó trọng hệ như dâng Tam Bửu vậy. (TĐII/80)

7 - Quyền hành Tiếp Lễ Nhạc Quân.
Tiếp Lễ Nhạc Quân là một phẩm Chức sắc cao cấp, thay quyền cho Bảo Văn Pháp Quân, Chưởng quản về Nhạc và Lễ, Khách Đình và Nhà thuyền.

(Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Lễ Nhạc: lễ nghi và âm nhạc trong cúng tế. Quân: người, ông)

Phẩm Nhạc Sư, phẩm cao cấp nhứt trong Bộ Nhạc, sau 5 năm công nghiệp đầy đủ, được cầu thăng lên phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân khi phẩm nầy bị khuyết.

Phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân được cầu thăng lên phẩm Bảo Văn Pháp Quân khi phẩm Bảo Văn Pháp Quân bị khuyết.

Nhạc Sư đối phẩm Giáo-Sư Cửu-Trùng-Đài, còn Tiếp Lễ Nhạc Quân thì đối phẩm với Phối Sư Cửu-Trùng Đài.

Chú giải Pháp Chánh truyền có dạy:
“Ngoại Pháp-Chánh-Truyền, dưới quyền Hộ-Pháp thì còn Bảo-Văn Pháp-Quân (Art et Belles Lettres), trước Thầy phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân, nay đã vào chánh vị, đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn cho tới ngày thành Đạo”.

Phận sự của Tiếp Lễ Nhạc Quân được Đức Phạm Hộ Pháp ấn định trong Thánh Lịnh số 23 ngày 22-4 Quí Tỵ (dl 14-5-1953) khi thăng cấp cho Nhạc Sư Võ Văn Chở lên làm Tiếp Lễ Nhạc Quân.

Đây nguyên văn Thánh Lịnh nói trên:
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Nhị thập bát niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH
HỘ PHÁP ĐƯỜNG  
Văn phòng      
---ooo---        
Số: 23
THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng
Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;
Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (Dl 15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ đến ngày có Đầu Sư chánh vị.

Chiếu y Thánh Lịnh số 23, ngày 27 tháng 1 Nhâm Thìn (Dl 22-2-1952) ân tứ cho Nhạc Sư Võ Văn Chở được thăng phẩm Tiếp Lễ Nhạc Quân.

THÁNH LỊNH

Điều thứ 1: Phận sự của Tiếp Lễ Nhạc Quân Võ Văn Chở được gia tăng như sau nầy:
1 . Chưởng quản Khách Đình.
2 . Cai quản Ban Tổng Trạo và toàn nhơn viên Đạo Tỳ.
Điều thứ 2: Người trọn quyền sắp đặt và phân công trong các Ban Lễ, Nhạc và Trạo cho mỗi vị, các tư kỳ phận.

Tiếp Lễ Nhạc Quân là chủ sự tang tế thì mỗi khi có Lễ, Lễ Viện Hành Chánh và Lễ Viện Phước Thiện phải cho người hay liền.

Điều thứ 3: Tiếp Lễ Nhạc Quân được phép giữ tài chánh của Lễ Nhạc Viện và cầm sổ sách thâu xuất cho phân minh mọi khoản. Sổ nầy mỗi cuối tháng phải có Phụ Thống Lễ Viện Hành Chánh và Lễ Viện Phước Thiện chấp thuận và ký tên mới đủ lẽ.

Điều thứ 4: Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Chưởng quản Phước Thiện, Tiếp Lễ Nhạc Quân, Phụ Thống Lễ Viện Hành Chánh, Phụ Thống Lễ Viện Phước-Thiện, Cai quản các Ban Lễ, Nhạc và Trạo, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.
Tòa Thánh, ngày 22 tháng 4 Quí Tỵ (14-5-1953).
HỘ PHÁP
(ấn ký)

Trong quyển LỜI PHÊ của Đức Hộ Pháp, nơi trang 15, Đức Phạm Hộ Pháp có phê như sau:
“Lễ sĩ, Giáo nhi, Nhà thuyền với nhơn viên Nhà thuyền là thuộc quyền của Tiếp Lễ Nhạc Quân quản suất, còn đào huyệt thuộc về phần nhơn viên dưới quyền Nhơn Quan Đạo tỳ.”

Nhiệm vụ của Tiếp Lễ Nhạc Quân được Đức Phạm Hộ Pháp qui định là:
- Cai quản các Ban, Bộ: Bộ Nhạc, Ban Lễ sĩ, Ban Giáo nhi và Đồng nhi.
- Chưởng quản Khách Đình.
- Cai quản Ban Nhà Thuyền, Ban Tổng Trạo và toàn nhơn viên Ban Đạo Tỳ.

Tiếp Lễ Nhạc Quân là chủ về Tang Tế nên được phép giữ tài chánh của Lễ Nhạc Viện, làm sổ thâu xuất phân minh.

CHƯƠNG II

I - Thánh giáo Thầy dạy về Nhạc Lễ.
Ngày 18-5-Bính Dần.
(dl 27-6-1926)
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ VIẾT CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG

Nhơn, con phải khởi sự kể từ ngày nay cho tới bữa Ngọc Đàn Vĩnh Nguyên Tự, tập Nhạc đủ lại hết. Như nhập Lễ thì đừng đánh trống Bát Nhã, mà đánh Ngọc Hoàng Sấm, nghĩa là mỗi hồi 12 tiếng, đổ xuống đủ 12 hồi, 3 lần như vậy.

Bạch Ngọc Chung cũng dộng ấy.
Khi nhập Lễ xướng “Khởi Nhạc” thì phải đánh trống và đờn Bảy bài cho đủ.

Chừng hiến Lễ, phải đờn Nam Xuân ba bài, vì Lễ Sanh phải hiến lễ bảy lái, đi chữ Tâm . Tới khi thài, thì đờn “Đảo Ngũ Cung”, rồi con lại bắt đầu đờn lại, cho chư Môn đệ tụng kinh.

Lịch, Tân-Luật con lập có Thầy giáng đủ Lễ hết. Vậy con truyền cho chư Môn đệ đặng chúng nó y theo mà hành lễ.

Nghĩa, con phải học xướng cho thuộc làu.
Biểu, Đức cũng vậy. Ba con phải nhớ lời Thầy dặn cho kỹ nghe.

Mấy đứa con là: Nghĩa, Hậu, Đức, Tràng, Cư, Tắc, Sang, đều mặc đồ trắng, hầu theo thứ lớp như vầy:

Nghĩa, Đức đứng xướng ngoài, là tại bàn thờ Hộ Pháp; rồi Hậu, Tràng đứng cập kế đó; kế ba con sau rốt hết: Tắc giữa, Cư mặt, Sang trái.

Còn ba bàn thờ trong thì biểu Lịch lập như vầy:
- Giữa Thượng Đàn,
- Hữu Ngọc Đàn,
- Tả Thái Đàn.

Còn Thánh vị của chư Môn đệ đã dĩ vãng thì tùy theo phái nó mà sắp kế theo bàn thờ Thầy.
Kỳ, Kim hầu xướng nội, là bàn thờ trong, biểu chúng nó đứng như vầy:
Kỳ bên mặt, Kim bên trái.
Còn Bản, Giỏi, một cặp Lễ Sanh đầu, đi giữa với một cặp nữa là Tỷ với Tiếp.

Tả thì Nhơn với Tương, hữu thì Giảng với Kinh.
Lập ngoài cho đủ ba bàn vọng, đều để chư Lễ Sanh hầu.

Chừng nào nội xướng, thì để cho Lễ Sanh điện lễ, cúng vật thì để sẵn ngoài ba bàn; chừng Lễ Sanh xướng, thì đem vô cho mấy vị chức sắc hiến lễ.

Trung, con phải cậy hai vị Lão thành Minh Đường hầu trong đặng tiếp lễ Thượng Đàn, Ngọc Đàn thì Kinh và Chương, còn Thái Đàn ngày ấy Thầy lựa.

Cười...

Minh, Thầy sẽ dạy nó đến.
Cười...
Ba bàn ngoài, thì mỗi bàn phải có hai viên chức sắc hiến lễ.
Tương và Tươi tại giữa Thượng Đàn.
Muồi và Vân bên Ngọc Đàn, còn Thái Đàn ngày ấy Thầy định.
Cười...
Bản, đứng dậy. Thầy vẽ đi chữ Tâm là sao, rồi Thầy mới dạy tiếp đặng.

(Phết trước mấy dấu ngón chơn mặt, giơ lên, phết qua một cái đặng làm cái chấm... Đứng hai chơn cho ngang nhau... Con phết đi, đứng thụt lại.)
Cư, con đi cho nó coi con.(1)
Các con coi Thầy đi đây nè.!
Hiểu lấy nước, con.

Con đi thế nào thành hai chữ Tâm lộn ngược như vậy. Cư đi trúng, đi lại nữa con.
Cư, giỏi con, phải vậy, như con muốn cho ra bộ lịch sự, thì khi chấm gót, con nhún bộ xuống một chút.
Cười...

Giỏi, Bản ... Thầy tiếp.
Đọc lại Nghĩa.
Như ngoại xướng điện “Trà”, “Quì”, Chức sắc đồng quì dưng Trà lên khỏi đầu.

Một cặp Lễ Sanh đầu ở giữa hầu đặng cầm song đăng bước lên. Khi xướng “Quì”, thì cũng phết chơn trái đá chơn mặt, quì xuống cho đều với ba cặp Lễ Sanh kia; chừng trống nhạc đổ, thì lần lần đứng dậy cho đều, day mặt vào Bửu Điện.

... Phải vậy con... Hễ đứng dậy rồi, xây mặt vào Chánh Điện, để song đăng và cúng vật xuống ngay ngực; chừng trống đổ lần thứ nhì, cung lên; nhạc lại khởi, thì xem nhịp mà đi bảy lái; chừng ấy Thầy dặn Nhơn nó nhịp lại cho các con đi.
Cười...Con Trung, con phải giữ y như Tân Luật mà hành Lễ.”

(1) Đây là điểm mà Ngài Bảo-Văn nói Đức Chí-Tôn nhập vô xác Đức Thượng-Phẩm dạy Ngài Cư đi Lễ chữ Tâm.

II - LỄ NHẠC ĐẠI- ĐẠO 樂大道
* Nhạc hành lễ
* Nhạc Đại đàn và Tiểu đàn tại Đền Thánh
* Nhạc cúng Tứ thời tại Đền Thánh
* Nhạc cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ
* Nhạc cúng Tứ thời tại Báo Ân Từ

A- Nhạc hành lễ

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Lục Thập Bát Niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH

Kính gởi : Chư vị Chánh Phó trưởng phiên Nhạc 1,2,3.
Chức sắc, chức việc và nhân viên thuộc ban Nhạc Tòa-Thánh.
Chánh yếu
Về việc cúng Đại Đàn, Tiểu Đàn và Tứ thời hai nơi Đền-Thánh và Báo-Ân-Từ.

Xin nhắc lại để đồ theo khuôn mẫu Lễ-nghi của các bậc Đại Đức tiền nhân ra công dạy dỗ Nhạc, Lễ, Kinh kệ buổi sơ khai, hôm nay chúng ta phải gia tâm chỉnh đốn cho y khuôn mẫu để khỏi phần thất lễ.

Nhạc hành lễ là âm nhạc diễn tấu trong Đại đàn và Tiểu đàn khi cúng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

Sau đây là bài của Nhạc Sư Trần Thiện Niệm, cai quản Ban Nhạc Tòa Thánh, gởi cho các Chánh Phó Trưởng Phiên Nhạc, Chức sắc và nhân viên Bộ Nhạc, để thi hành về phần Âm nhạc trong Đại đàn, Tiểu đàn và Tứ thời khi cúng Đức Chí Tôn tại Đền Thánh và cúng Đức Phật Mẫu nơi Báo Ân Từ.

B - Nhạc Đại đàn và Tiểu đàn tại Đền Thánh:
1 - Toàn thể Chức sắc Chức việc tới Đàn vía phải mặc phẩm phục Chức sắc của mình. Đại đàn thì mặc Đại phục, Tiểu đàn thì mặc Tiểu phục, không có phẩm cấp thì không được ngồi vào băng Bán nguyệt, khi lên lầu Hiệp Thiên Đài đảnh lễ xong là 11 giờ 35 phút.
2 - Gần tới giờ hành lễ, ban Nhạc phải ngồi vào băng Bán nguyệt, là nơi hành lễ trước 15 phút mà lo chu đáo các món Nhạc khí của mình. Đại đàn thì ở Nghinh Phong Đài và lầu Bát Quái Đài, Tiểu đàn thì tại lầu Hiệp Thiên Đài.
3 - Khi Chức sắc và toàn thể nhập đàn đến Hiệp Thiên Đài thì Nhạc không khua động, chuyện vãn, thử kèn chi cả, do lễ đài báo hiệu.
4 - Nhạc chấp sự các môn chánh phải là vị Chức sắc quan trọng hơn, nghiêm chỉnh thi hành, vì trước Đại điện Chí-Tôn, Chức sắc phải trọng vọng khiêm cung đảnh Lễ.
5 - Trống Tiếp Giá phải là vị Trưởng ban y căn bản thủ vĩ phân minh. Các môn phụ phải tế nhị khiêm nhường, giọng kèn oai linh không lệch lạc. Tới đờn 7 bài, hay 5 bài, hay 3 bài, cần thúc lẹ.
6 - Từng Hương, không đờn quá lơi và không đờn lớp trống Xuân, tới kinh Niệm Hương và Khai Kinh, đừng đờn cho đọc kinh lơi quá, lệch chữ Kinh cùng ảnh hưởng đến toàn thể mỏi mệt và giảm tinh thần Tín ngưỡng. Đờn Nam xuân cho đọc Kinh Ngọc-Hoàng và Tam giáo, đờn giữ mức trung bình, lẹ quá mất giọng Xuân, cũng không đờn lớp trống xuân, vì lớp trống xuân, Đức Chí-Tôn đã tiền định rồi.
7 - Trống lập ban: đổ trống nhuyễn nhẹ ngắn, chờ gài thủ các môn phụ mới tiếp vào để không lấp câu xướng cũng không trễ lạy (nhứt là chờ nơi Lễ đài báo hiệu).
8 - Trong ba tuần Dâng Tam bửu, không đổi người nhằm thủ vĩ bất động phách. Đàn nội tôn nghiêm gìn tiền hậu luật y nhứt mẫu khiến đàn nội không bị phóng tâm.
9 - Thượng Tấu Sớ Văn: câu sớ quan trọng, điểm trống tỏ ý uy linh, kính cẩn hơn; câu trung bình thì điểm trung bình. Phần sớ (đốt sớ) có uy linh, trống chuyển qua thét.
10 - Trống lập ban: ba lạy xong gài trống vô đờn lớp trống xuân tụng kinh Ngũ Nguyện, lạy xong dứt trống lập ban.
11 - Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài nhập Nội nghi và Hộ Đàn Pháp Quân, Tả Hữu Phan Quân nhập Nội nghi, bái xong dứt trống lập ban, trở thét trung bình. Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài đi về tới chỗ, tiếng kiểng đổ, toàn thể đứng lên xá, rồi bày ban đứng chờ.
12 - Toàn thể nghe tiếng chuông bãi đàn, nhạc gài thái bình, tiền bần hậu phú, tiễn bước Chức sắc đi ra, Nhạc dứt, tịch, ấy là đàn tràn viên mãn.

C - Nhạc cúng Từ thời tại Đền Thánh:
1 - Khi lên từng lầu Hiệp-Thiên-Đài thì ban nhạc đảnh lễ một lượt cho rập ràng. Còn 10 phút trước khi khởi lễ thì ngồi vào băng bán nguyệt, soạn lên dây đờn nhỏ nhẹ, cần nghiêm túc thủ lễ tỏ sự tôn kính vì là trước đại điện.
2 - Đúng giờ hành lễ, chuông nhứt, nhạc rao đờn, Chức sắc, Chức việc và toàn đạo tới cấp Hiệp-Thiên-Đài thì nhạc đờn bài Hạ.
3 - Kế tiếp chuông nhì, Chức sắc, Chức việc đồng xá, vào ngồi thì dứt bài Hạ. Nhạc liền ra Ai, chuông thỉnh Thánh vừa xong là khởi đờn Nam ai, Giáo nhi và đồng nhi tụng kinh Niệm Hương. Lạy xong, tiếp tụng bài Khai Kinh. Hai bài giọng Nam ai nầy, đừng đọc kinh lơi quá, khiến tiếng kinh lệch lạc không đúng chữ Kinh và không đúng giọng nếu đờn lơi, cũng không đờn lớp mái Nam ai trong đờn kinh nầy.
4 - Tới đờn Xuân, Giáo nhi và đồng nhi tụng bài Ngọc Hoàng Kinh và luôn trong các bài kinh giọng Xuân nầy, không lẹ quá mà mất phù ba của giọng xuân, cũng không xen lớp trống xuân vì lớp trống xuân thể pháp đờn cho Năm câu nguyện, đặng dứt thời cho cúng đàn mà thôi.
5 - Tới đờn Dâng Tam bửu, Giáo nhi đồng nhi chờ qua nhịp mới thài, đều đúng câu đờn nào cũng vậy. (Lời dạy của Đức Phạm Hộ Pháp vì chánh pháp môn nhịp điệu).
6 - Thời cúng có Dâng Sớ, khi mãn thài thì đờn bài Hạ, tùy mau chậm, dứt để đọc sớ. Khi phần sớ, nhạc rao xuân, lạy 3 lạy xong thì nhịp vô lớp trống xuân đọc Ngũ Nguyện, dứt thì trở đờn bài Hạ. Nếu có Chức sắc Hiệp Thiên-Đài lên Nội nghi lạy thì chờ, khi về tới chỗ thì đứng lên bài ban, Nhạc và Giáo nhi đồng nhi lạy. Nghi lễ kệ chuông bãi đàn.
7 - Cúng thời Ngọ, Nhạc còn đờn để Giáo nhi và đồng nhi tụng kinh Tuần Cửu, khi dứt kinh đến niệm Câu chú của Đức Chí Tôn, nhạc không được đờn nhái theo mà được đờn xuân tới cho ăn nhịp mà thôi.
8 - Mỗi thời cúng Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, mỗi nơi có Chức sắc Bộ Nhạc để ủng hộ chư nhân viên trong thời cúng được nghiêm túc, tôn kính của Nhạc Thánh đường, đối với lòng tín ngưỡng của toàn đạo trong thời cúng, ấy là gương mẫu Nhạc của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vậy.
9 - Riêng về Chức sắc, Chức việc cúng thời Tý tại Đền Thánh phải mặc áo Tiểu phục cho nghiêm trang hơn.
Mong chư Chức sắc Chức việc chú ý khoảng nầy cho được chu toàn thiện mỹ.

D - Nhạc cúng Đại đàn tại Báo Ân Từ:
1 - Tới 11 giờ 35 phút, ban nhạc lo chuẩn bị trước, nhứt là lo chỉnh soạn các môn nhạc khí và nhân viên của mình.
Còn 15 phút đến 12 giờ thì đến lễ bái mà ngồi vào băng bán nguyệt, so dây đờn nhỏ nhẹ, nhứt là kèn và trống cơm, muốn thử kêu rõ ràng thì phải tại cơ sở của mình, còn đến giờ cúng thử nhỏ cho biết ăn giọng âm thanh với đờn mà thôi.
2 - Lên trước Đại Điện không được hút thuốc, nói chuyện ồn ào mất vẻ trang nghiêm, vì là nơi tất cả tịnh tâm đảnh lễ, còn hút thuốc cũng là trược đối với thiêng liêng, hơn nữa khi đi cúng cũng đã súc miệng sạch rồi.
3 - Các môn chánh của nhạc phải là người có phẩm lớn và đạo hạnh mà làm chuẩn hướng.
Nhạc Tấu Quân Thiên, trống gài đầu trung bình, bạc không phép lướt trống, vì thúc lẹ thì lớp và âm thanh không phân minh, làm giảm uy hùng của Tiếp Giá. Còn đờn 3 hay 5 bài thì cần đờn lẹ lên, nhớ tôn Thánh ý Đức Phạm Hộ Pháp, không hối thúc Tiếp Giá mà hối thúc đờn.
4 - Tới từng Điện Hương: đờn xuân điện không đờn lơi, cũng không đờn lớp trống xuân. Khi lễ quì, toàn thể nghe chuông thỉnh Thánh, nhạc rao đặng vô đờn Nam ai. Giáo nhi đồng nhi đọc kinh Niệm Hương, đừng đờn đọc kinh lơi vì trong giọng kinh quá trầm, chữ kinh lệch lạc, bổn đạo mỏi, giảm tín ngưỡng. Tới bài Khai Kinh cũng giọng Nam ai, hai bài nầy cần thúc nhịp lại.
5 - Trống lập ban: trống nhỏ ngắn gọn, các môn tum bạc kèn và phụ chờ gài thủ vô sau nghe đúng pháp, còn đổ ồn lên một lượt làm lấp mất tiếng câu xướng của lễ sĩ, đổ kéo dài thời gian làm mất một lạy của tập thể.
6 - Tới đờn Xuân, Giáo nhi đồng nhi đọc Phật Mẫu Chơn Kinh, giữ mức trung bình, lẹ quá mất giọng Xuân, cũng không đờn lớp trống xuân (vì như đã nêu ở phần trên), dứt, trống lập ban, lạy.
7 - Lễ điện Tam bửu: qua những lớp bài Hạ và trống thét, lớp trống thét không đánh mỏ, bạc lẹ quá mất điệu thuần hậu trung dung, tới gài Đảo ngũ cung, giữ mực trung bình. Lễ tới Nội nghi, tới thượng Tam bửu, Lễ sĩ đổi sang thì nhạc thúc mực trung bình mà thôi, lẹ quá giảm giá nhịp điệu Nhạc Thánh đường.
8 - Trống lập ban, lạy, một mình trống đổ nhỏ gài thủ thì các môn phụ lập vô thủ nhịp sau, còn đổ rầm lên lấp xướng, trễ lạy lụp chụp có khi lễ phải chờ vì Lễ hưng Nhạc tác.
9 - Đến Thượng Tấu Sớ văn, từ xây tá đến thét ngắn. Lưu ý tới câu sớ quan trọng thì điểm trống, tôn kính uy linh hơn (đổ ro roi điểm ba), câu trung bình thì điểm trung bình (không ro mà điểm ba). Tới phần sớ, đổ trống phần sớ có vẻ tôn nghiêm dâng uy hùng, tiếp thét luôn. Lạy 3 lạy.
10 - Đến Ngũ Nguyện, gài trống vô đờn, chừng mức hồi khởi đầu không lẹ không chậm (như đờn Xuân và Tiếp Giá mới vô nhịp ban đầu) tới đây mới đờn lớp trống xuân với năm câu Nguyện, cuối cùng tận tâm cầu đảo của toàn thể đặng mãn đàn. Khi 3 lạy xong, nghe chuông, toàn thể đứng lên xá và đứng lưỡng ban.
11 - Nhạc còn trổi đều, cho Lễ sĩ, Giáo nhi, đồng nhi, Trật tự, Kiểm đàn lạy, còn Nhạc khi mãn Năm câu nguyện thì lo thi nhau mà lễ bái, đến đây đồng chờ tiếng kiểng và ba tiếng chuông.
12 - Lễ sĩ xướng: Lễ thành, nhạc đổ trống gài lớp thái bình, tiền bần hậu phú rồi dứt, tịch, mãn lễ.

E - Nhạc cúng Tứ thời tại Báo Ân Từ:
1 - Còn 20 phút tới giờ cúng, Nhạc phải ứng trực sẵn, đến chừng còn 10 phút, Nhạc vô bái lễ, xong vào băng bán nguyệt ngồi lên dây đờn nhỏ gọn và không nói chuyện ồn ào pha lẫn, thủ lễ nghiêm túc.
Tới giờ, Chuông nhứt, rao đờn vô bài Hạ. Chuông nhì, vô quì, dứt đờn bài Hạ, toàn thể nghe chuông thỉnh Thánh, nhạc rao đờn vô Nam ai, Giáo nhi đồng nhi đọc kinh Niệm Hương (đừng vô đờn và đọc kinh quá lơi). Dứt bài Niệm Hương, lạy 3 lạy. Tiếp đọc bài Khai Kinh. Hai bài Nam ai nầy đọc quá lơi sẽ có nhiều chữ kinh lệch lạc.
2 - Dứt bài Khai Kinh, tiếp đờn Nam xuân cũng không quá lẹ, Giáo nhi đồng nhi đọc Phật Mẫu Chơn Kinh, nếu lẹ sẽ mất giọng phù ba của hơi xuân, nhạc cũng không đờn lớp trống xuân (như đã nêu ở phần trên), dứt bài xuân, lạy 3 lạy.
3 - Nhạc rao Xuân nữ, vô đờn Xuân nữ, đờn mức trung bình, nhứt là thuần túy thung dung pháp Nhạc Thánh đường (chớ không phải cải lương sân khấu), Giáo nhi đồng nhi cũng không nên tụng bài kinh Tán Tụng Công Đức Phật Mẫu kéo dài, ngược lại vì kinh đọc cúng không phải nói lối của sân khấu mà tưởng sân khấu là phi pháp. Phi pháp là phi lễ.
4 - Mãn bài kinh đờn giọng Xuân nữ, nhạc rao giọng Đảo, lạy 3 lạy xong, nhạc vô đờn bài Đảo, Giáo nhi đồng nhi chờ qua một nhịp mới khởi thài. Ấy là ý thức của Đạo nghiệp.
5 - Ba lạy xong chờ gõ vô nhịp trở đờn lớp trống xuân một lớp, Giáo nhi đồng nhi tụng Ngũ Nguyện, dứt bài Ngũ Nguyện liền đờn bài Hạ, lạy 3 lạy xong, toàn thể đàn nội đứng lên. Nhạc dứt đờn. Toàn thể đứng lưỡng ban. Giáo nhi đồng nhi và Nhạc đi lạy, nghi lễ đánh chuông.
Lạy xong trở về vị trí.
6 - Nghi lễ kệ chuông bãi đàn, bái mãn đàn.

III - Những phẩm tước về NHẠC tại Tòa-Thánh:
(Nhạc: Âm nhạc, âm thanh có tiết tấu hòa nhau nghe êm tai, để nói lên một ý nghĩa. Sĩ: Học trò. Sư: thầy).
Nhạc Sĩ  là người chuyên về Âm nhạc.
Nhạc Sư là bực thầy về Âm nhạc.
Nhạc Sĩ và Nhạc Sư là hai phẩm Chức sắc trong Bộ Nhạc. Phẩm thấp nhứt là Nhạc Sĩ, phẩm cao nhứt là Nhạc Sư. Nhạc Sĩ đối phẩm Chánh Trị Sự và Nhạc Sư đối phẩm Giáo Sư.

Muốn được vào phẩm Nhạc Sĩ, người học nhạc phải qua một kỳ thi do Hội Thánh tổ chức và phải đậu kỳ thi nầy, có cấp bằng của Hội Thánh. Khi đủ công nghiệp, Nhạc Sĩ phải thi lên Bếp Nhạc.

Thể thức thi Nhạc Sĩ: Biết cầm một cây đờn và trọn hiểu nhạc khi có Tiểu đàn và Đại đàn, Nhạc trống Tiếp Giá.
Thể thức thi Bếp Nhạc là: Biết trọn nghi lễ và nhạc nghệ về tài tử.
A - BỘ NHẠC 部樂
A : Department of Music.
P : Département de Musique.
Bộ là một ngành. Nhạc: Âm nhạc. Bộ Nhạc là cơ quan chuyên môn đào tạo các Nhạc sĩ cổ nhạc của Đạo và tổ chức các Ban Nhạc trong việc cúng tế và lễ nghi trong Đạo.

Bộ Nhạc và các phẩm Chức sắc của Bộ Nhạc được chánh thức thành lập theo Thánh Lịnh số 25 của Đức Phạm Hộ Pháp ký ngày 29-3-Tân Mão (dl 4-5-1951).

B - Nguyên văn Thánh Lịnh:
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Nhị Thập Lục Niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH
HỘ PHÁP ĐƯỜNG  
Văn phòng      
---ooo---        
Số: 25 
THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng
Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;

Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ đến ngày có Đầu Sư chánh vị.

Chiếu y Sắc Lịnh số 51 ngày mồng 9 tháng 11 Bính Tý (22-12-1936) định phần phong thưởng cho Lễ Sĩ và Giáo Nhi đầy đủ 5 năm công nghiệp;

Nghĩ vì Ban Lễ đã định phận thì Bộ Nhạc cũng được hưởng đặc ân của Hội Thánh đặng tiến bước lập vị.
THÁNH LỊNH

Điều thứ 1: Trong Bộ Nhạc của Tòa Thánh có 9 phẩm ân phong như sau nầy:
            1 - Nhạc sĩ                   2 - Bếp Nhạc               3 - Cai Nhạc
            4 - Đội Nhạc               5 - Quản Nhạc             6 - Lãnh Nhạc
            7 - Đề Nhạc                8 - Đốc Nhạc              9 - Nhạc sư

Điều thứ 2: Bộ Nhạc chuyên chú về tài năng nghệ thuật thì từ hạ phẩm đến thượng phẩm, mỗi cấp đều có khoa mục đặng tuyển chọn danh nhơn để điều khiển nội Ban.
Trong mỗi kỳ khoa mục, vị nào đủ tài ứng thí thì được phép xin thi và mỗi khi thi đậu là mỗi lần được thăng phẩm, nhưng không được xin ứng thí vượt bậc.

Điều thứ 3: Nếu thi rớt vì không đủ tài thì ở lại phẩm cũ, chờ đủ 5 năm công nghiệp mới được cầu ân phong.
Phẩm Nhạc Sư đủ 5 năm công nghiệp thì thăng lên Phối Sư hay là Tiếp Lễ Nhạc Quân nếu có khuyết.

Điều thứ 4: Chín phẩm trong Bộ Nhạc đối với 9 phẩm của HIỆP-THIÊN-ĐÀI hay các phẩm khác của Cửu Trùng Đài và Phước Thiện.

Điều thứ 5: Chư vị: Bảo Thế Tổng Thơ Ký Chánh Trị Đạo, Khai Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Thượng Thống Lại Viện, Đạo Nhơn Chưởng quản Phước Thiện, Phụ Thống Lễ Viện Hành Chánh, Phụ Thống Lễ Viện Phước Thiện, Nhạc Sư Bộ Nhạc, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.
Tòa Thánh, ngày 29 tháng 3 Tân Mão. (4-5-1951).
HỘ PHÁP
(ấn ký)

(*) Ghi chú:
Chỗ đối phẩm của Nhạc Sư trong Điều thứ 4 của Thánh Lịnh nầy, có điều chỉnh lại đúng theo lời dạy của Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ trong Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 25-6-Nhâm Tý (dl 4-8-1972), xin xem bên dưới.
Khi trước, Điều thứ 4 trong Thánh Lịnh ghi là: Nhạc Sư đối phẩm Tiếp Dẫn Đạo Nhơn (HTĐ), Phối Sư (CTĐ), Hiền Nhơn, Thánh Nhơn (CQPT). Điều nầy trái với Điều thứ 3 bên trên: "Nhạc Sư có đủ 5 năm công nghiệp mới được cầu thăng lên Phối Sư hay là Tiếp Lễ Nhạc Quân nếu có khuyết."
Vì có sự không khớp nhau giữa Điều thứ 3 và Điều thứ 4 trong cùng một Thánh Lịnh như thế, nên trong Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 25-6-Nhâm Tý (dl 4-8-1972) hồi 20 giờ 15 phút, Phò loan: Hiến Pháp và Khai Đạo, Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa bạch cùng Đức Phạm Hộ Pháp: "Theo Thánh Lịnh số 25/TL, Điều thứ 3 định phẩm Nhạc Sư sau 5 năm công nghiệp được cầu phong vào phẩm Phối Sư, nhưng qua Điều thứ 4, Nhạc Sư cho đối phẩm Phối Sư và Hiền Nhơn, Thánh Nhơn bên Phước Thiện. Hai điều đó không phù hợp nhau. Xin Đức Ngài chỉ dạy.
Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ đáp: Cho đối phẩm Giáo Sư, sau 5 năm được đối phẩm Phối Sư”.

Chín phẩm trong Bộ Nhạc đối với 9 phẩm của HIỆP-THIÊN-ĐÀI hay Cửu Trùng và Phước Thiện.
C - Đạo phục của các Chức sắc Bộ Nhạc:
“Ngày 22-8 Đinh-Hợi (6-10-1947) quí ông Nhạc Sư Võ Văn Chở, Đốc Nhạc Đinh Văn Biện và Đề Nhạc Hồ Văn Sai có Văn-bản thỉnh giáo Đức Hộ Pháp về Đạo phục của Chức sắc Bộ Nhạc, được Đức Hộ-Pháp bút phê, nguyên văn như sau:

“Bần-đạo đã dạy trước rằng, mặc sắc phục hồng (màu đỏ), áo đỏ, quần trắng, như các vị Võ sĩ cựu, có viền kim tuyến bạc nơi cổ, nơi tay, ngay ngực có mang ba màu Đạo, chính giữa thêu hình cây Đờn Tỳ-bà. Dưới cây đờn thì để chức tước của vị Chức sắc ấy, áo cụt khỏi trôn mà thôi. Từ Nhạc-Sĩ trở lên tới Quản-Nhạc viền kim tuyến bạc, từ Đề Nhạc đổ lên viền kim tuyến vàng”.

Ngày 27-11 Kỷ-Sửu (15-1-1950) Ngài Bảo-Thế, Thừa quyền Hộ-Pháp, có sao lời phê trên gởi cho Ông Phụ Thống Lễ Viện Phước-Thiện và Nhạc Sư Võ Văn Chở qua Đạo thư số 84.

Như vậy, Chức sắc Bộ Nhạc đều mặc Đại phục y như nhau theo lời dạy trên, chỉ phân biệt ở tước phẩm ghi phía dưới cây Đờn Tỳ-bà trên Tam sắc Đạo thêu nơi ngực và màu kim tuyến viền nơi cổ và tay. Đức Hộ-Pháp không có dạy về Mão và Tiểu phục của Chức sắc Bộ Nhạc, nhưng trên thực tế thì Chức sắc Bộ Nhạc đội Mão và mặc Tiểu phục như sau:

a) Mão đại phục: Gọi là Hỗn-Nguơn-Mạo có hình dáng như mão Ngưỡng-Thiên của Giáo-Hữu phái Ngọc nhưng thấp hơn một chút (cao khoảng 12 cm), giữa Mão, ngay trước trán có Tam sắc Đạo, gác xéo một cây Đờn Tỳ bà.

b) Tiểu phục: Từ Nhạc Sư đổ xuống Nhạc Sĩ đều mặc áo tràng trắng, có thắt ngang lưng một sợi dây nịt trắng như Tiểu phục của Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài từ phẩm Cải Trạng đổ xuống Luật Sự. Đầu đội Bán Nguyệt Mạo như cái calot trắng (giống Mão của Đầu Phòng văn), ngay giữa trán có huy hiệu hình chữ nhựt bằng kim khí, trên có Tam sắc Đạo và cây Đờn Tỳ-bà gác xéo”.

Năm 1952, Đức Phạm Hộ-Pháp ra Thánh Lịnh mở khóa thi tuyển Nhạc Sĩ và Bếp Nhạc đặng bổ khuyết cho đủ số ứng dụng trong Đạo. Nguyên văn Thánh Lịnh ấy chép ra dưới đây:

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Nhị Thập Thất Niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH
HỘ PHÁP ĐƯỜNG
Văn phòng      
---ooo---        
Số: 13 
THÁNH LỊNH

HỘ PHÁP Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền;
Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (Dl 15-2-1938) giao quyền Thống Nhứt Chánh Trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ đến ngày có Đầu Sư chánh vị.

Nghĩ vì cần mở Khoa thi Nhạc Sĩ và Bếp Nhạc đặng bổ khuyết cho đủ số ứng dụng trong cửa Đạo.

Do theo lời phê của Hộ Pháp ngày 6 tháng 10 Tân Mão phân định thể thức khoa mục Nhạc Sĩ và các cấp trong Bộ Nhạc.
THÁNH LỊNH

Điều thứ 1: Khoa thi Nhạc Sĩ và Bếp Nhạc sẽ mở tại Tòa Thánh ngày rằm tháng chạp năm Tân Mão tại Báo Ân Từ đúng 3 giờ chiều. Những đơn xin thi phải đệ lên Văn phòng Hiệp-Thiên-Đài ngày 14 tháng chạp Tân-Mão là ngày chót.

Điều thứ 2: Thể thức thi Nhạc Sĩ là: Biết cầm một cây đờn và trọn hiểu Nhạc khi có Tiểu đàn và Đại đàn, Nhạc trống tiếp giá. Thể thức thi Bếp Nhạc là: Biết trọn nghi lễ và nhạc nghệ về tài tử.

Điều thứ 3: Ban Giám khảo trong cuộc thi nầy là:
* Bảo-Thế Tổng thơ-ký Chánh trị đạo: Chủ tọa
* Nhạc sư Võ văn Chở: Giám-khảo
* Giáo-Hữu Thái-Hưỡn Thanh: Giám khảo.
* Chí-Thiện Lê-văn-Phuông: Giám khảo.

Điều thứ 4: Vị Bảo Thế Tổng Thơ Ký Chánh Trị Đạo và Chức sắc có danh sách trong Ban Giám khảo, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.
Lập tại Tòa Thánh, ngày 9 tháng 12 Tân Mão. (dl. 5-1-1952).
HỘ PHÁP
(ấn ký)
Tiếp Dẫn Đạo Nhơn 接引道人
Có hai trường hợp:
1 - Tiếp Dẫn Đạo Nhơn

là một phẩm Chức sắc cao cấp Hiệp-Thiên-Đài, kế dưới Thập nhị Thời Quân (Tiếp: Nhận lấy, đón nhận, tiếp rước. Dẫn: dẫn dắt. Đạo Nhơn: người đạo).

Tiếp Dẫn Đạo Nhơn: đối phẩm với Phối Sư của Cửu Trùng Đài. Nhiệm vụ, quyền hành, thăng thưởng và Đạo phục của Tiếp Dẫn Đạo Nhơn được qui định trong Hiến Pháp Chức sắc Hiệp Thiên-Đài.

Vị Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đầu tiên của Hiệp Thiên Đài là ông Gabriel Gobron, người nước Pháp, là một nhà văn và nhà báo, có viết hai quyển sách về Đạo Cao Đài bằng Pháp văn để truyền bá Đạo Cao Đài nơi ngoại quốc là:
- Histoire du Caodaïsme (Lịch sử Đạo Cao Đài), xuất bản năm 1948 tại Paris.
- Histoire et Philosophie du Caodaïsme (Lịch sử và Triết lý của Đạo Cao Đài), xuất bản năm 1949 tại Paris.
2 - Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là vị Phật cõi Cực-Lạc
Thế Giới: Tiếp Dẫn Đạo Nhơn là một vị Phật cầm phướn Tiếp Dẫn, tiếp rước các chơn hồn đắc đạo đến Cực lạc Thế Giới.
Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Đức Phật Tiếp Dẫn Đạo Nhơn có giáng cơ cho một bài Thánh giáo sau đây: Ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Thân (1932).

THI:
Tiếp độ hiền lương bước thuận đàng,
Dẫn vào cửa Phật tránh thương tang.
Đạo thành muôn kiếp nhàn vui hưởng,
Nhơn sự màng chi cuộc trái oan.
                                                                                              Tiếp Dẫn Đạo Nhơn
Diễn dụ:
Bần tăng tiếp đặng chiếu chỉ lâm đàn cho cả thiện nam tín nữ ít lời diễn dụ: Khuyên sớm lo tu hành, lo bồi âm chất, sửa mình cho vẹn vẻ, tam cang ngũ thường đừng sót.

Phàm muốn gần đặng Tiên Phật thì phải trì tâm học đạo, hiếu nghĩa vi tiên, tình sư nghĩa đệ vuông tròn, hóa nhơn mới thuận.

Cái Hội Long Hoa hầu gần, thi người đạo đức, thưởng phạt công minh, chừng ấy kẻ có căn Tiên thì Tiên rước, người có duyên Phật thì Phật đưa, còn những người vô đạo vô đức, Thần Tiên cũng thương xót nhưng không thể độ.

Nay Hội Tam Nguơn tuần hoàn sửa dựng, vớt bực hiền lương, đưa hàng thiện sĩ, phong cương sửa trị, lập hội thái bình, khuyên thiện nam tín nữ lo tu: trước tròn nhơn đạo, rồi mau tính tu hành, ngõ nhờ phước lớn, vượt qua khổ hải, sẽ gặp Thiên đàng, chớ tưởng cuộc thế gian là quê cũ, mê đắm gây việc trái oan, sau khó trở về Cực Lạc.
THI
Tang điền thương hải chẳng bao xa,
Khuyên thế lo tu kịp tuổi già.
Danh lợi đường đời như cụm khói,
Công thành cửa Phật tợ liên hoa.
Lăng xăng mặt đất lo không cửa,
Thanh tịnh vườn Tiên khỏe vạn nhà.
Nhớ tới Long Hoa gần sắp đặt,
Bần tăng vội vã dắt thoàn qua.
                                               Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.
                                   THĂNG.

D - Cảm tưởng của Ngài Ngọc Chánh Phối Sư trong ngày Khánh thành Bộ nhạc
Ngày 25-10 Mậu-Thân (dl 14-12-1968) Bộ Nhạc khánh thành HỌC ĐƯỜNG BỘ NHẠC TRUNG ƯƠNG để đào tạo nhơn tài cho Bộ Nhạc và cũng để gìn giữ và phụng sự nền Âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Trong dịp nầy, Ngài Ngọc Chánh Phối Sư có đọc lời Cảm Tưởng, trích ra sau đây:
“Bởi truyền thống của mối Đạo là Nho-Tông Chuyển Thế, Đức Chí-Tôn dùng Nhạc để chế ngự lòng phàm, hóa lòng người, khiến cho được chí thiện chí mỹ. Trên sở năng hoát truyền Lễ Nhạc, người Nhạc sĩ nên ghi nhớ lời dạy của Đức Chí Tôn như sau: Ngày nào Lễ Nhạc được hoàn toàn thì Đạo mới mong thành lập, mà Lễ Nhạc tức nhiên Hội Thánh của Đức Khổng Phu Tử đó vậy.

Ấy vậy, Nhạc sản xuất trong tinh thần, mà tinh thần mới thật là Đạo và trong Nhạc biểu tượng cho sự Lễ, như chúng ta đã thấy một bằng cớ là khi hòa đờn cùng nhau, mặc dù ngón đờn của mỗi người đều khác, sự hay dở, song cái nhịp trường canh là qui củ phải nương theo, nếu không tùng, chẳng khi nào hòa nhạc cùng nhau được, bởi khuôn khổ của Nhạc là hòa, ấy là Lễ vậy. Trong tương lai, nơi nầy sẽ là chỗ đào luyện tinh thần Lễ Nhạc điều hòa của Nho-Tông Chuyển Thế, vì Nhạc có thế lực rất mạnh về đường đạo đức để sửa lòng người cho ngay chính hòa thuận”.

E - Đức Thượng Sanh Quyền Chưởng quản Hiệp-Thiên-Đài ban Huấn Từ
Cũng trong dịp nầy, Đức Thượng Sanh Quyền Chưởng quản Hiệp-Thiên-Đài ban Huấn Từ, trích ra đây:

“Học Đường của Bộ Nhạc đã hoàn thành, đó là một công quả đáng ghi của Chức sắc Bộ Nhạc. Giờ đây, vị Chưởng quản và Chức sắc Bộ Nhạc phải gắng công đào luyện đàn em cho thành tài, đồng thời trau luyện nghệ thuật mình cho đến chỗ tận thiện tận mỹ, trước để phụng sự nền Đạo, sau để nâng cao phẩm giá của Âm nhạc là môn học rất trọng yếu của Khổng giáo.

Khi mới khai sáng nền Đạo, Đức Chí Tôn rất trọng Nhạc và Lễ, vì cái hay của Lễ là giữ trật tự bên ngoài, cái hay của Nhạc là tạo sự điều hòa để kềm chế tâm tình bên trong cho khỏi vọng niệm.

LỄ và NHẠC cùng hợp nhau và nếu giữ đúng nề nếp thì đàn cúng mới nghiêm chỉnh, được bao trùm một bầu không khí huyền diệu thiêng liêng khiến chúng ta cảm tưởng là có Đức Chí Tôn và chư Tiên Phật giáng ngự để ban ơn cho toàn Đạo.

Trái lại, nếu Lễ không nghiêm, Nhạc không hòa, thì đàn cúng có cái trạng thái hỗn loạn khiến cho người đến lễ bái có một tâm trung xao xuyến, tinh thần bất định. Đó là một sự thất lễ đối với các Đấng thiêng liêng, và như vậy Đức Chí Tôn không khi nào giáng đàn, tà quái có thể thừa dịp xung nhập gây nên điều rắc rối. Trong nhiều đàn cúng lúc ban sơ, Chức sắc thường bị Đức Chí Tôn giáng cơ quở trách vì đàn không nghiêm, Lễ Nhạc còn khuyết điểm.

Trong năm Ất Tỵ (1965), Đức Hộ Pháp cũng có giáng cơ tại Đền-Thánh dạy Chức sắc Bộ Nhạc nên trau luyện Nhạc điệu vì nghệ thuật còn kém. Sự kém cỏi đó, có lẽ một phần do NHẠC SĨ thiếu tập duợt, hoặc có thụ huấn mà chưa nhuần nhã.

Tôi ước mong mỗi Chức sắc Bộ Nhạc nên lưu tâm để tự mình trau luyện cho đúng mức độ nghệ thuật. Thưởng thức một bài đờn hay như nghe một bài thi sắc sảo, một câu đờn tao nhã điêu luyện như một câu thi tuyệt bút, có mãnh lực gợi cảm làm xúc động tâm hồn.

Vì vậy thời xưa, các Đấng Đế Vương dùng NHẠC để cảm hóa lòng người trong đạo trị dân, vì NHẠC có thể khiến cho dân trở nên thuần hậu và có thể di phong dịch tục.

Nhạc là món ăn tinh thần đứng đầu trong bốn thú phong lưu của Thánh Hiền thời xưa: Cầm, Kỳ, Thi, Họa, và các bậc Thánh Hiền đã dùng NHẠC để đạt đến lý tưởng cao siêu, giúp ích cho sự an bang tế thế, xây dựng nước nhà. Vì Nhạc có cái thế lực quan trọng như vậy, nên Đức Khổng Tử soạn ra Kinh Nhạc và cho đứng vào hàng Ngũ Kinh là: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc. Về sau, Ngài làm bộ sách Xuân Thu, nhập với năm bộ sách trước gọi là Lục Kinh.

Sau khi Đức Khổng Tử mất, kế đến nhà Tần có việc đốt sách thì những Kinh ấy bị thiêu hủy hoặc thất lạc ít nhiều, nhứt là Kinh Nhạc thì mất gần hết, chỉ còn lại có một thiên, sau đem nhập vào bộ Lễ Ký đặt tên là thiên Nhạc Ký, thành thử trong sáu bộ Kinh chỉ còn lại có Ngũ Kinh là: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.

Tánh của Đức Khổng Tử hay ưa thích đàn hát. Lúc Ngài ở nước Tề ham học Nhạc Thiều, trong ba tháng say mê cho đến đỗi ăn không biết mùi vị. Ngài nói: Ta chẳng ngờ học Nhạc vui đến như thế (Bất đồ vi Nhạc chi chí ư tư dã.)

Khi Ngài châu lưu khắp thiên hạ thì bên mình không khi nào rời cây đàn Ngũ huyền cầm. Quan niệm của Ngài là tiếng đàn thanh nhã có thể nâng cao tinh thần và trụ vững tâm chí siêu nhân của người quân tử. Lúc Ngài bị vây giữa khoảng nước Trần và nước Sái, bảy ngày không nấu ăn, chỉ ăn rau luộc suông, các đệ tử như Tử Lộ, Nhan Hồi, Tử Cống , vv... đều băn khoăn lo sợ cho Ngài, nhưng Ngài vẫn ung dung ngồi đàn hát.

Chúng ta thấy rõ Thánh nhơn trọng dụng Âm nhạc như vậy vì Nhạc nghệ là một bộ môn văn hóa cao đến tột độ và Nhạc Thiều có mãnh lực huyền bí cao siêu, giúp an dân trị nước, cải hóa xã hội.

Du Bá Nha đập nát Dao cầm, thề không đờn nữa vì người bạn tri âm là Chung Tử Kỳ đã mất thì không còn ai biết nghe tiếng đờn của mình. Khổng Minh Gia Cát Lượng mượn tiếng đờn mà lui giặc Tư Mã Ý. Trương Tử Phòng nhờ có giọng tiêu ai oán mà trong một đêm giải tán tám ngàn đệ tử của Sở Bá Vương tại Cửu Lý San để cho Lưu Bang diệt được kẻ thù chung của thiên hạ, lập nên cơ nghiệp nhà Hớn hơn 400 năm.

Công dụng của Nhạc Thiều thời xưa thì cao thượng như vậy. Ngày nay, người ta dùng Âm nhạc làm công cụ cho chủ nghĩa con buôn trên sân khấu, khiến nên Nhạc sĩ vì kế sanh nhai phải bán rẻ tài nghệ, làm cái giá trị của Quốc Nhạc phải bị hạ thấp đến cực điểm.

Trong cửa Đại Đạo, chúng ta phải nâng đỡ ngành Âm nhạc, phải bảo tồn nhạc điệu cổ truyền để lưu lại cho đất nước tinh hoa của một nghệ thuật thuần túy, mặc dù cái tinh hoa ấy nay chỉ còn phưởng phất chút dư hương do sự phế cựu hoán tân của giới nhạc sĩ trong nước. Đi ngược với trào lưu thoái bộ đó, chúng ta không nên coi thường môn Âm nhạc và phải cố tâm gìn giữ cái chơn giá trị của nó. Dù Nhạc Lễ hay Nhạc điệu tài tử cổ truyền, mỗi môn đều có cái hay riêng đặc biệt. Nếu học Nhạc dù là môn nào, phải cố gắng học đến chỗ cùng cực uyên thâm, năng luyện tập trau giồi để ngày càng thêm tiến triển mới đáng gọi là biết yêu nghệ thuật.

Từ đây, Bộ Nhạc Trung Ương đã có một ngôi Học Đường làm nơi đào tạo nhơn tài, Chức sắc đàn anh trong Bộ Nhạc phải ra công dìu dắt Nhạc Sĩ thế nào cho khỏi mang tiếng hữu danh vô thực.

Với sự mong ước nói trên, Tôi xin cầu chúc vị Chưởng quản và Chức sắc Bộ Nhạc thành công mỹ mãn để phục vụ cho nghệ thuật và cho nền Đại Đạo”
Nay kính.
THƯỢNG SANH Cao Hoài Sang

F - BÁ NHA - TỬ KỲ
Trong làng nhạc thì ai cũng biết qua đôi tâm hồn cảm kích nhau vì họ hiểu được nhau qua tiếng đờn. Đôi tri âm đó là Bá Nha và Chung tử Kỳ. Nhưng khi Chung Tử Kỳ mệnh bạc thì Bá Nha đờn trước mộ của Chung Tử Kỳ lần cuối, xong rồi đập vỡ đờn và nguyền rằng không bao giờ đờn nữa vì không còn một ai nghe được tiếng đờn. của mình.
Chạm khắc trước Đền Thánh)  

Trong văn chương Việt-Nam câu chuyện Bá Nha, Tử Kỳ đã trở thành một điển cố cho là tri âm, tri kỷ để nói lên tình bạn thâm thiết, nghĩa là tình thân mật của một người Bạn hiểu được lòng mình, nghe được cả tâm tư như chính mình vậy.

Truyền thuyết cho rằng Bá-Nha là một tay đờn điêu luyện, Chung Tử Kỳ nghe được và cảm được tiếng đàn ấy.

Bá-Nha người đời Tống làm quan đến chức Thượng đại Phu, có tài chơi đàn rất giỏi. Thường phàn nàn trong thiên hạ không ai có thể thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một đêm trăng sáng, nhân đi sứ ở nước Sở về, lại có gió mát, cảnh vật nên thơ, gợi hứng. Bá-Nha liền cho quân ghé thuyền vào bờ Hàm Dương lấy đàn ra khảy. Trên bờ sông, bấy giờ Tử kỳ vừa đốn củi về, nghe tiếng đàn trầm bổng liền đứng dừng lại trộm nghe. Cung đàn đang réo rắt đàn lại đứt dây. Bá Nha cho rằng nơi này vắng vẻ, non núi chập chùng, chắc là có bọn trộm đạo chi chăng, liền cho quân sĩ lên bờ tìm bắt. Tử Kỳ vội lên tiếng đáp:
- Tôi là người đốn củi, chợt đi ngang qua đây nghe Đại nhân gảy khúc đàn hay nên trộm lắng tai nghe chớ không phải là người bất lương!

Bá Nha không tin một gã tiều-phu trẻ tuổi lại biết thưởng thức tiếng đàn tuyệt diệu của mình. Liền hỏi:
- Ta đàn bản gì ban nãy đó?

Tử Kỳ không chút ngần ngại đáp:
- Ngài đàn bản Đức Khổng-Tử thương tiếc Thầy Nhan Hồi.

Bá Nha có ý trọng người am hiểu tiếng đàn của mình, liền mới xuống thuyền và lên dây gảy một bản đàn khác, tâm trí nghĩ mình đang ở chốn non cao. Tử Kỳ khen hay:
- Tiếng đàn cao vút, chí của Ngài vòi vọi ở chốn non cao (Nga nga hồ, chí tại cao sơn)

Bá Nha lại đàn một bản đàn khác, tâm trí lại nghĩ mình đang ở trên dòng nước chảy, Tử Kỳ lại khen hay:
- Chí của Ngài cuồn cuộn như dòng nước chảy (dương dương hồ, chí tại lưu thủy).

Bá Nha nhìn nhận Tử Kỳ là người Bạn tri âm của mình, biết thưởng thức tiếng đàn của mình, nên rất quí mến. Cả hai cùng đàm đạo rất thân mật và rất là tương đắc. Bá Nha mời Tử Kỳ về Kinh đô nước Tống để chung hưởng sang giàu. Tử-Kỳ từ chối vì còn cha mẹ già phải phụng dưỡng, không thể trái đạo làm con. Cả hai cùng hẹn nhau đến sang năm cùng hội ngộ ở nơi này.

Y hẹn, qua năm sau, Bá Nha vào triều xin với Vua về thăm quê hương, đến chỗ cũ đem đàn ra khảy, nhưng không thấy Tử-Kỳ đâu, tiếng đàn lại nghe như oán, như than. Bá Nha sinh nghi liền tìm đến nhà Tử Kỳ hỏi ra mới biết Chung-Tử-Kỳ đã chết. Bá Nha thương tiếc vô cùng, xin đến mộ để viếng thăm người Bạn xấu số một lần cuối

Đến phần mộ Tử Kỳ, Bá Nha đem đàn ra khảy một bản đàn điếu nghe ra bi thảm, bày đồ tế lễ trước mộ Tử Kỳ. Bá Nha khóc than thảm thiết, đàn xong liền đập vỡ cây đàn, thề trọn đời không đàn nữa vì thiếu bạn tri âm.

Về sau, người ta dùng hai chữ “Tri âm” để nhắc đến Bá-Nha Tử-Kỳ. Tri âm có nghĩa là biết tiếng, biết thưởng thức tiếng đàn của mình.

Trong bài “Gửi phường hậu tử” làm trong phút sắp lâm chung; nhà Cách mạng Phan Bội Châu có câu:
Đàn Bá-Nha mấy kẻ thưởng âm?
Bỗng nghe qua khóc trộm lại thương thầm,
Chung-Kỳ chết ném đàn không gảy nữa.

G - Đức Hộ-Pháp giải rõ về chỗ hòa-hiệp: Nhạc là Hòa
“Chỉ hòa mới hiệp, hiệp mới có định; mà hễ có định mới có an, bằng chẳng vậy sẽ có phản-động-lực. Hễ không hòa tức giục cho phải nghịch, hễ nghịch phải ly, mà ly tức nhiên động; hễ động tức nhiên phải loạn. Dầu cho chúng ta quan-sát về đạo-lý-học, triết-lý-học, tâm-lý-học, cách trí-học, ta thấy quả quyết cơ quan taọ đoan hữu-hình trước mắt ta nếu không tùng khuôn luật điều hòa: Bần Đạo tưởng càn-khôn vũ-trụ này đã tiêu diệt. Dầu cho về đạo-lý-học, ta ngó thấy khởi đầu nếu cái nguơn-linh của Đức-Chí-Tôn không hòa-hợp với nguơn-âm của Phật-Mẫu thì Thái-cực chưa ra tướng; Hễ Thái-cực chưa ra tuớng tức nhiên càn-khôn vũ-trụ naỳ không ra gì hết.

“Chúng ta ngó thấy hành tàng tạo-đoan trước mắt ta là sự điều-hòa trong thân thể và triết-lý đạo-giáo ta biết rằng: nếu ta không đoạt đặng bảy khối sanh quang thiêng liêng kia đặng tạo thành xác thịt thì ta không có. Ta không sanh ở đây: nói gần hơn nữa nhứt điểm tinh-thần của Cha ta không hiệp với huyết bồn của Mẹ ta, thì tức nhiên không có sự hiệp-hòa cả khuôn luật tạo đoan này.

“Ấy vậy chúng ta nương nơi hòa khí đặng hay không? Cả cơ bí-mật của ta dầu cả hình thể tạo-đoan, ta ngó thấy con vật trước mắt ta nếu không hòa thì không có cảm-ứng, không hòa chắc cơ thể tạo-đoan không có nam nữ; cốt yếu sanh nam nữ đặng hiệp-hòa nhau tức nhiên sanh sản loài người. Ngoài ra nữa ta đã ngó thấy, nếu như không có điển-lực điều-hòa do thiêng-liêng định; tức nhiên Bần-Đạo dám chắc chưa có Thánh-Đạo. Bởi có ai thuận với ai đâu! Các chủng-tộc cũng nương theo khuôn luật hiệp-hòa ấy mới tồn-tại, mới hiệp chủng tộc được.

“Về triết-lý-học chúng ta ngó thấy nhiều phản-ảnh nó không thế gì in nhau được. Hễ hiểu đặng quyền-năng của Đạo tỷ như: lửa và nước, hai món ấy không thế gì gần nhau được, như chúng ta thấy máy tàu, trước khi đã tìm ra năng-lực của nước, hiểu được như hơi nước, nó sẽ có cái quyền lực xô đẩy cả sức nặng 30.000 tấn; quả nhiên trước mắt chúng ta thấy, hiện tượng không thể chối đặng.

“Cái điển-lực thiên-nhiên, ta thấy khí âm đụng với khí dương thành ra sấm sét, lửa sét ấy do nơi điển dương đụng với điển âm biến ra khối lửa. Nó mạnh thế nào chúng ta ngó thấy không thế gì tưởng-tượng được. Đem điển âm để riêng ra cách bức điển dương, hai cái đụng nhau dữ dội lắm. Ta thấy áp-lực của hơi nước thế nào, tức nhiên ngày nay ta thấy không phải là điển-lực. Bây giờ ta có phương-pháp thâu đặng, thâu chúng lại làm ngọn đèn sáng-suốt.

“Cả tinh-thần quốc-gia xã-hội hay là Đạo-giáo, thiên-nhiên cũng vậy. Cái khuôn luật hòa là cái khuôn luật tạo ra càn khôn vũ trụ, có nhiều cơ-quan phản-khắc nhau. Ta có quyền nào làm cho nó hiệp lại thì cơ-quan tạo-đoan nắm trong tay, cũng như chúng ta ngó thấy, không thế tưởng-tượng hai khối sức mạnh thiêng-liêng làm ra ngọn lửa. Ngọn lửa ấy nó soi-sáng trong tâm-tình hiện tượng.

“Khi xưa xã-hội nhơn-quần trên mặt địa-cầu này ta ngó thấy, các bộ-lạc tàn-bạo cùng nhau. Tại sao? Tại nơi cơ thể hữu hình không làm thỏa mãn loài người.

“Hại thay! Cơ-quan hữu hình không làm thoả mãn tâm lý loài người, từ thuở đến giờ với tinh-thần ấy chỉ có nương theo Đạo-giáo và biết thật thi, biết định hướng, biết tự chủ, biết định-phận mình trong thân sống; ngày nay Đạo-giáo trên mặt địa-cầu này hết quyền-năng vi chủ, hoàn cảnh quá khổ não của lòai người, tuồng đời thảm khổ càng tấn tới, thấy cái sống càng khó-khăn, nền văn minh càng tiến lên một bước, thì khối thảm khổ của loài người càng thêm nữa. Hồi đương buổi bây giờ, ngó các chủng-tộc đối nại nhau, tranh sống với nhau, phản khắc nhau.

“Bần-Đạo đã nói hồi nãy, nếu không hòa nhau đặng, tất nhiên phải nghịch, hễ nghịch tất nhiên phải ly; hễ ly tất nhiên phải xao động; hễ xao động tất có loạn lạc.

“Bây giờ hỏi muốn tìm giải-pháp để cứu tình thế, chúng ta để thử tinh thần, trí não suy đoán xem ta thấy rằng: không hòa mới có nghịch, mới có ly, như không đồng tâm, đồng chí, đồng sống cùng nhau thì tức nhiên có xao động. Bần-Đạo nói cả vạn quốc đó vậy;Động tức nhiên phải loạn.

“Bây giờ muốn tìm phương-pháp trị loạn đặng phải phương chiêu an nơi đương động, mình phải giải thoát nó; đương ly cách mình tìm phương hội hiệp; bây giờ nó đương nghịch, mình tìm phương-pháp hòa nó vậy”.

IV - NHỮNG ĐIỀU TRỌNG YẾU

A - Lễ Nhạc là gì?
A: The rites and music.
P: Les rites et la musique
(Tham khảo thêm tài liệu của Hiền tài Hồng ba tiết 1, 2, 3)

Lễ Nhạc 禮樂 là Lễ nghi và Âm nhạc (Lễ là cách bày tỏ sự tôn kính bằng cử chỉ hay bằng cúng tế, cuộc lễ có nghi tiết. Nhạc: âm nhạc)

Lễ và Nhạc trong Đạo Cao Đài được Đức Chí-Tôn xem rất quan trọng, cho nên ngay từ khi mở Đạo, Đức Chí Tôn đã nhiều lần giáng cơ dạy về Lễ và Nhạc.

Sau đây chúng ta sẽ nghiên cứu từng phần một.

1 - LỄ
Chữ Lễ, trước tiên dùng với ý nghĩa là các hình thức cúng tế, cầu Thần linh ban phước và cúng tế Tổ Tiên. Sau đó, chữ Lễ được dùng rộng ra bao gồm những phép tắc phù hạp với phong tục và tập quán của dân chúng trong việc quan, hôn, tang, tế. Sau nữa, chữ Lễ có nghĩa thật rộng, gồm cả quyền bính của vua và cách tiết chế các hành vi của dân chúng cho thích hợp lẽ tự nhiên của Trời Đất.

Thế nên, Kinh Lễ của Nho-giáo viết rằng: “Lễ giả, Thiên chi tự” Nghĩa là: Lễ là cái trật tự của Trời. Do đó, Nho giáo rất chú trọng về Lễ và dùng Lễ vào 4 mục đích sau đây:

1/ - Dùng Lễ để hàm dưỡng tánh tình.
Dùng Lễ để tạo thành một không khí đạo đức trang nghiêm, dần dần biến thành một tập-quán tốt, khiến người ta làm điều phải một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩ.
Vào nơi đền chùa, thấy khung cảnh cúng bái trang nghiêm, tự nhiên sanh lòng tôn kính.Vào chỗ đám tang, thấy cái không khí ảm đạm thê lương, tự nhiên sanh lòng bi ai.
Vậy nhờ Lễ mà con người được khơi dậy những tình cảm tốt đẹp cao thượng.

2/ - Dùng Lễ để giữ tình cảm thích hợp đạo Trung dung.
Dùng Lễ để giữ tình cảm của mình không cho thái quá mà cũng không cho bất cập, theo đúng đạo Trung Dung. Nhờ vậy, thể xác và tinh thần của con người được quân bình, hành động lúc nào cũng được sáng suốt và chừng mực.

Đức Khổng Tử bảo Nhan Uyên là người đã hiểu rõ đạo Nhân hơn người là do Lễ: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là không phải Lễ chớ nhìn, không phải Lễ chớ nghe, không phải Lễ chớ nói, không phải Lễ chớ làm.

3/ - Dùng Lễ để định rõ lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới phân minh. Nhờ Lễ mà ta phân biệt được kẻ thân người sơ, kẻ nhỏ người lớn, vì Lễ qui định sự đối xử khác nhau rõ rệt. Do đó không còn chỗ hiềm nghi, định rõ lẽ phải trái.

Nhờ Lễ mà định được Chính danh, có Chánh danh mới định phận cho thích hợp. Do đó có tôn ti trật tự, phép tắc luân lý từ gia đình đến xã hội, tạo nên một xã hội trật tự thái bình.

4/ - Dùng Lễ để tiết chế lòng dục.
Dục vọng của con người thì không cùng và lúc nào nó cũng đòi hỏi phải làm cho nó thỏa mãn. Nếu không dùng Lễ để chế giảm, tất dục vọng sẽ làm con người hư hỏng. Dùng Lễ để chế giảm mà còn hướng dẫn dục vọng vào chỗ cao thượng nữa.

Lễ và Pháp luật đều có mục đích ngăn chận sự hư hỏng và tội lỗi của con người. Nhưng Lễ có ưu điểm là nó có thể ngăn cản những việc lầm lỗi chưa xảy ra, còn dùng pháp luật là để trừng trị những việc tội lỗi đã xảy ra rồi. Do đó, Thánh nhân trọng Lễ hơn trọng hình phạt. Pháp luật tuy phải đặt ra, nhưng dùng sự giáo hóa về Lễ mà ngăn chận trước sự phạm tội mới là ưu việt.

Tóm lại: chữ Lễ trong nghĩa rộng có bao hàm tính chất pháp luật. Nhưng Lễ chú trọng về mặt giáo hóa và ngăn ngừa sự hư hỏng, phạm tội; còn Luật pháp thì chú trọng trừng phạt những hư hỏng và phạm tội đã xảy ra.

Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì, không nên làm điều gì và tại sao như thế. Còn Luật pháp thì cấm không cho làm việc nầy, việc nọ, hễ vi phạm thì bị trừng phạt.

Người làm trái Lễ thì bị chê cười, có tính cách trừng phạt về mặt tinh thần, người làm trái pháp luật thì bị trừng phạt về thể xác.
Thánh giáo:
Lễ là hạnh nết của Thần Tiên,
Phải giữ lễ nghi thật vững bền.
Trước mắt phàm tuy trông chẳng thấy,
Chín từng lồng lộng Đấng bề trên.

2 - NHẠC:
Nhạc là sự hòa hợp của các thứ âm thanh mà tạo thành, thể hiện sự rung cảm của lòng người đứng trước ngoại vật, hay nói khác đi, chính sự rung cảm trong lòng người mới tạo thành tiếng Nhạc.

Khi người buồn thì tiếng nhạc có âm điệu bi ai; khi người vui-vẻ phấn chấn trong lòng thì tiếng nhạc nhanh, dồn dập, vui tươi; khi ngoại cảnh sanh lòng yêu mến thì tiếng nhạc hòa nhã dịu dàng. Ngược lại, tiếng nhạc có thể cảm hóa lòng người, khiến người nghe rung động theo nó, như khi nghe nhạc réo rắc thanh tao thì người nghe có ý nghĩ cao thượng, khi nghe nhạc giựt gân, dâm ô thì người nghe có ý nghĩ thấp hèn.

Nhạc có thế lực rất quan trọng như thế nên bực Đế Vương thời xưa như vua Thuấn dùng Nhạc để hóa dân, khiến dân trở nên lương thiện.

Sách Nhạc Ký có viết: Nhạc là cái vui của Thánh nhân, mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và làm cho phong tục dời đổi được.

Cho nên Tiên Vương mới đặt ra việc dạy Nhạc.
Nhạc cũng phải giữ lấy đạo Trung dung, dẫu vui cách mấy cũng không làm mất cái chánh, dẫu buồn cách mấy cũng không làm mất cái hòa. Như thế Nhạc mới điều hòa tánh tình của con người.

3 - SỰ PHỐI HỢP NHẠC và LỄ:
Nhạc và Lễ đều có cái chủ đích chung là sửa đổi tâm tánh con người cho ngay chánh, bồi dưỡng tình cảm cho thuần hậu. Nhưng mỗi bên có cách thức riêng biệt.
- Lễ cốt ở sự cung kính để giữ cho trật tự phân minh,
- Nhạc cốt ở sự điều hòa khiến cho tâm tánh được tao nhã.

Do đó, Lễ và Nhạc cần phải phối hợp với nhau thì mới thành tựu mục đích tốt đẹp. Nếu có Lễ mà không có Nhạc, tức là có Kính mà không có Hòa, thì nhơn quần ở với nhau có sự phân biệt thái quá, nên chia rẽ xa cách. Nếu có Nhạc mà không có Lễ, tức là có Hòa mà không có Kính, thì thành ra dễ dãi khinh lờn.

Vậy nên, có Lễ phải có Nhạc, có Nhạc phải có Lễ, để cho cái nầy bổ khuyết cái kia thì mới tạo được sự điều hòa tốt đẹp và một trật tự ổn định trong xã hội.

Lễ và Nhạc có ý nghĩa rất sâu xa và có tác dụng mạnh mẽ về đường đạo đức, vì một đàng khiến cho tâm tánh ở bên trong và một đàng khiến cho sự hành động ở bên ngoài, cốt cho trong ngoài hòa thuận. Trong hòa là làm cho tâm tánh được điều hòa, ngoài thuận là làm cho hành vi cử chỉ thuận theo đạo lý, hợp lòng người. Trong và ngoài được như thế thì cái tà tâm và dục vọng không có cơ hội phát triển và dần dần sẽ biến mất, nhường chỗ cho Thánh tâm và những dục vọng thanh cao.

Nhưng Đức Khổng Tử lại nói: “Nhơn nhi bất nhơn như lễ hà? Nhơn như bất nhơn như nhạc hà?” nghĩa là:
Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Lễ được?
Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Nhạc được?

Ý của Đức Khổng Tử nói rằng: Dầu Lễ và Nhạc có hay đến bực nào đi nữa mà người dùng Lễ và Nhạc không có lòng nhơn đức thì cũng không có hiệu quả gì. Có nhơn đức tức là có tình cảm dồi dào, có trực giác mẫn huệ, rồi lấy Lễ Nhạc mà khiến thì công dụng của Lễ Nhạc rất hay; còn nếu không có nhơn đức mà đem dùng Lễ Nhạc thì chỉ là cái hư văn kiểu cách trống rỗng mà thôi, không có tác dụng gì.

Đức Khổng-Tử chủ trương Lễ Nhạc cũng phải trung dung, không nghiêng hẳn về bên Lễ, cũng không nghiêng hẳn về bên Nhạc, vì: Nhạc thắng hóa bừa bãi, Lễ thắng hóa chia lìa. Khiến thích hợp tánh tình, phục sức và dung mạo là công việc của Lễ Nhạc.

Lễ Nhạc còn có địa vị trọng yếu trong phép trị nước và được đặt ngang hàng với Hành chánh và Hình pháp.

Lễ để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh âm, Hành chánh để thống nhứt hành động, Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ Nhạc, Hành chánh, Hình pháp có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhứt lòng dân để thực hiện nền thạnh trị”.

Ý của Đức Khổng Tử và các bậc Thánh xưa dùng Lễ Nhạc cao siêu như thế, nhưng lần lần, từ đời nọ qua đời kia, Nhạc và Lễ biến đổi theo tình đời và trở nên sái hết cả.

Lễ thì biến ra thêm phiền toái mà không giữ được sự Kính làm gốc, Nhạc thì biến ra đủ thứ đủ loại mà không giữ được sự Hòa làm gốc. Con người không được Nhạc Lễ hướng dẫn và kềm chế nên đã bị dục vọng vật chất lôi cuốn đến chỗ thấp hèn, đang tiến vào hố sâu vực thẵm.

May mắn thay cho nhơn loại! Nhứt là hữu hạnh cho dân tộc Việt Nam, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế khai sáng Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tại nước Việt-Nam, Đức Chí-Tôn rất chú trọng về Lễ Nhạc, nên Đức Ngài đến để chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn.

Trong Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển, Đức Chí Tôn dạy về Lễ Nhạc rất kỹ, đôi khi Đức Chí Tôn phải giáng linh vào Cao Thượng Phẩm để biểu diễn về Lễ cho các Môn đệ nhìn thấy tận mắt rõ ràng mà học tập làm theo.

Lễ và Nhạc do Đức Chí Tôn lập ra, trên nền tảng cái cũ là Cổ lễ và Cổ nhạc của Nho giáo, để làm ra cái mới, khiến cho cũ và mới hoàn toàn dung hợp nhau, làm cho Lễ Nhạc trong Đạo Cao Đài có những nét độc đáo, sử dụng có hiệu quả nhứt, để đưa nhơn loại trở về con đường đạo đức chơn chánh.

Nơi Văn Phòng Lễ Nhạc Đường trong Nội Ô Tòa Thánh có đôi liễn Lễ Nhạc:
LỄ dĩ địa trần minh định nhân gian tôn trật tự
NHẠC do Thiên tác tuyên thông thế giới chủ điều hòa
調
- Lễ lấy sự bày ra trên mặt đất mà chế thành, định rõ phẩm bực con người nơi thế gian, kính trọng sự trật tự,
- Nhạc do Trời làm ra, bày tỏ cho thế giới thông hiểu nhau, chủ yếu là sự điều hòa.

B - Thanh âm và tiết điệu của Nhạc:
1 - NHẠC (Fr : MUSIQUE)
là thanh âm có tiết điệu dễ nghe Như hát, đàn, trống, kèn. Một âm LẠC là vui mừng. Đủ thấy Nhạc là một sự thoải-mái, vui hứng trong lòng.

NHẠC là một trong Ngũ-Kinh: THI, THƯ, LỄ NHẠC, DỊCH, XUÂN THU nhưng qua thời đại của Tần Thủy-Hoàng với chánh sách « Phần thư khanh Nho» tức là đốt sách chôn học trò, nên ngọn lửa Tần đã thiêu rụi tất cả chỉ còn lại bộ KINH DỊCH mà thôi, vì nhà Tần cho rằng đây chỉ là sách bói toán, không đáng quan ngại.

Thật ra:
“Bộ kinh NHẠC của KHỔNG-TỬ đã san định, nay chỉ còn có một ít trong thiên Nhạc-Ký, chép ở trong bộ Lễ Ký. NHẠC được hiểu theo ý của cổ-nhân: NHẠC là do ÂM mà sinh ra. Cho nên mới hình ra ở cái THANH, những thanh tương ứng cùng nhau rồi biến ra thành phương, tức là thành cung bực, trong, đục, cao, thấp, gọi là ÂM..

Âm chia ra làm năm bực là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ (Năm âm ấy theo luật Hoàng-cung gọi là năm chính thanh và hai biến thanh là biến Cung và biến Chủy, có khi gọi là thanh Văn và thanh Vũ, gồm tất cả là bảy thanh, nhưng khi nói ÂM-NHẠC thì thường chỉ 5 âm chính, chứ không nói bảy thanh. Đem các âm so vào những Nhạc-khí để đánh ra tiếng: Kim, Thạch, Ty, Trúc: những đồ múa là Can (khiên), thích (búa), vũ (lông chim sẻ), mao (lông đuôi bò) và những thi phú ca vịnh, gồm tất cả gọi là NHẠC.

Vậy nghĩa chữ NHẠC nói chung cả chuông trống, đàn địch, múa hát và văn thơ.

NHẠC với lòng người cảm-hóa lẫn nhau:
- Một là bởi lòng người cảm xúc ngoại cảnh mà thành ra tiếng NHẠC.
- Hai là tiếng NHẠC cảm lòng người rồi khiến lòng người theo tiếng NHẠC mà biến đi, như:
- Khi ngoại cảnh đau đớn thì lòng người thương xót, trong lòng đã thương xót thì thanh âm nghe tiêu-sái.
- Khi ngoại cảnh tốt lành tất là trong lòng vui-vẻ thì thanh-âm nghe thong-thả, êm-đềm.
- Khi ngoại cảnh thỏa thích, trong lòng hớn-hở thì thanh âm nghe hể-hả.
- Khi ngoại cảnh có điều không lành, trong lòng tức giận thì thanh âm nghe thô-thiển dữ tợn.
- Khi ngoại cảnh trông thấy tôn-nghiêm thì thanh âm nghe chánh-trực, nghiêm-trang.
- Khi ngoại cảnh làm cho sanh ra lòng yêu mến thì thanh âm nghe dịu dàng, hòa nhã .

2 - NHẠC LÀ HÒA
Nhân-lọai hòa không theo định-luật của vũ-trụ và vạn-vật.
Vì ở đây không phải trạng-thái Âm Dương. Hòa để sanh-hoá. Nhân-loại hòa để thuận; hòa nhưng vẫn giữ nguyên sắc-thái riêng nên gọi là Tập-thể-hòa.

Trạng-thái tập-thể-hòa giống như sự hòa đàn, hòa nhạc (Hòa âm, lập ngôn). Trong dàn nhạc, mỗi Nhạc-sĩ tự do phát huy tài-nghệ; nhạc-cụ tự-nhiên trổi giọng thanh tao, nhưng đồng theo nhịp nhàng trầm bổng, tạo nên một bản hòa tấu êm tai, phấn chí.

“Thầy nói: Vạn vật trong càn-khôn vũ-trụ có tác dụng tương-đối nhau. Vật nầy ảnh-hưởng đến vật kia một cách mật-thiết cho đến đỗi trước mắt Thầy tất cả là một bản nhạc đại-hòa tòan năng toàn thiện, để riêng rẻ thì không một vật nào hoàn-toàn, nhưng hợp nhất lại thành một khối linh-diệu vô cùng. Lẽ Đạo là như thế.

“Giữa các con và một hạt cát, chưa một vật nào hơn một vật nào. Vạn-vật thảy đều có cái lý riêng của nó. Càng phân-tích lại càng chia rẻ, mà càng hòa-hiệp lại càng qui nhứt. Cười! Lý Đạo nhiệm-mầu như thế, con hãy rõ cái lý chơn thật để suy gẫm.

“Một mùa Xuân không phải chỉ gồm có mây lành, trăng sáng, hoa đẹp, gió trong mà gồm cả những đám hoa gai gốc, những ánh nắng gay-gắt lẫn dịu-dàng, những dòng sông uốn khúc, những tấm lòng hớn-hở cũng như những nỗi-niềm đau thương. Xuân là tất cả những hương sắc của đất trời hòa-hợp lại. Xuân là tất cả những nét đẹp và xấu hòa lẫn nhau trong đó thể hiện sâu xa nhất cái đẹp vĩnh-cữu và ngự trị trên ấy một ánh dương quang. Tóm lại Xuân là khoảng thời-gian thịnh sáng của một chu-kỳ thời gian lẫn không gian. Đó lý Đạo nhiệm-mầu là thế.

“Trong tốt có xấu, trong xấu có tốt, nhiều cái xấu tạo nên cái tốt, nhiều cái tốt tạo nên cái xấu mới lại do những cái gọi là xấu ấy hòa-hiệp nhau thành điểm tốt hoàn-toàn.

“Còn phân tán là còn luân lạc ra đi, khi hòa-hợp là lúc đầm-ấm trở về. Đi, về mãi mãi cho cùng tận càn-khôn để chơn-linh mãi cao-trọng đó là lý chơn-chánh nhất của Đạo-mầu.

“Tôn-giáo ở địa-cầu tuy nhiều như thế và dường phản-khắc nhau nhưng sự thật vẫn hòa-hợp lẫn nhau. Nếu không có sáo, không trống, không kèn, không đàn, không nhịp phách, không dễ chi tạo bản Đại-hòa.

Nhiều chơn linh tấn-hóa không đồng đều thì có nhiều Tôn-giáo mở ra để thích hợp cho trình-độ của họ, Thầy cho mở Đạo cùng khắp các nơi không khác nào Thầy cho nhiều trẻ đi học từng phần, từng cách xử-dụng nhạc cụ, để một ngày nào đó họp lẫn nhau lập thành một phiên Đại-Nhạc-hội.
- Phiên Đại-hội ấy ngày nay chính là Hội Long-Hoa.
- Bản Hòa-tấu ấy là bản Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ.
- Nơi Đại-hòa-tấu ấy là Tòa-Thánh Tây-ninh tại nước Việt-Nam của các con”.

Ngày nay, Đức Chí-Tôn mở Đạo dùng cả Âm, thinh, sắc, tướng, để cảm hóa nhân-tâm không gì bằng Âm-nhạc. Lại nữa linh-hồn của Đạo phải kể đến: Nhạc, Lễ và Đồng-nhi, tức là hồn của thi thơ đó vậy. Lời tựa trong kinh Thi đã diễn-tả được tinh-thần ấy:
“Khi hoài-bão còn ở trong tâm của người là Chí, phát ra lời là Thi.

Tình động ở trong mà diễn ra bằng lời, lời thấy chưa đủ thì ta ta-thán. Ta-thán thấy chưa đủ, thì ta ca vịnh. Ca vịnh thấy chưa đủ, thì bất-giác tay ta múa, chơn ta nhảy.

Tình cũng phát-động ở trong mà diễn ra bằng âm thanh. Âm-thanh thành bài gọi là âm-nhạc:
- Nước trị thì âm-nhạc yên và vui, chánh-trị được điều-hòa,
- Nước loạn thì âm-nhạc oán và nộ, chánh-trị bị ngang trái,
- Nước mất thì Âm-nhạc buồn và rầu, dân-tình khốn đốn.

Bởi vậy, chính-đính còn hay mất, làm động đến thiên địa, cảm đến quỉ thần, không gì bằng Kinh Thi”.

Từ khi mới mở Đạo, Đức Hộ-Pháp đã chú-ý đào luyện cho bộ Nhạc về môn Âm-nhạc cổ-truyền, Đức Ngài ban Thánh-lịnh cho Chức-sắc Bộ Nhạc để đi hành Đạo địa-phương và giải-thích về giá-trị cần-thiết của Nhạc:
Nhạc là cái gì đặt bên trên âm-thanh.

Thanh là một tiếng kêu nào bất cứ. Khi tiếng kêu đó có văn-vẻ, tiết-điệu thì gọi là Âm . Khi âm đó đưa tới Đức gọi là Nhạc.

“Thanh văn chi vị âm, đức âm chi vị nhạc”

  Home       1 ]  [ 2 ]  3 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét