Kế hoạch tấn công được duyệt lại. Lực lượng xung kính chính, để chiếm Kinh
thành sẽ là 3.000 lính mộ. Thực dân sẽ tập trung tại Huế để luyện tập, chờ ngày
đưa vào Đà-Nẵng xuống tàu sang Pháp. Theo tin tình báo thì mộ binh từ Quảng
Bình, Quảng Trị sẽ được đưa vào Huế, vào trung tuần tháng 4 dương lịch. Và tàu
vận tải nhà binh Pháp sẽ cập bến vào thượng tuần tháng 5 dương lịch. Ước lượng
theo hai yếu tố đó, ngày khởi binh được ấn định
vào đêm 3 tháng 5 năm 1916. Hiệu
lịnh động binh sẽ được phát ra từ trường Quốc học, bằng cách đốt hai dãy nhà tranh
của trường ấy.
“Mưu sự tại nhân thành sự tại
Thiên” mà bại sự chắc chắn cũng là tại nhơn…
Công việc dự bị được xúc tiến trong
vòng bí mật cho đến giờ phút chót. Cơ mưu bị bại lộ ngay trước giờ xuất quân, vừa
tối trời ngày 3 tháng 5 dương lịch Tôn Thất Để và Nguyễn Văn Siêu phò Đức Vua
đi ra khỏi Hoàng thành, tại đây ông Trần Cao Vân và Thái Phiên đã chực sẵn
trong một chiếc thuyền.
Thế là Đức Vua vĩnh biệt ngai vàng,
từ đây quyết hy sinh cuộc đời vàng ngọc cho Tổ quốc. Có sách chép, khi Ngài cải
trang ra đến bờ sông Hồng giang định cùng hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên đi
vào Quảng Nam, thì có một đảng viên bình nhựt có tiếp xúc với Ngài trông thấy
và chính đảng viên này đi tố cáo với thực dân.
Dầu thế nào trong ba ngày lùng kiếm
khắp nơi, mật thám Pháp vẫn không dò ra tung tích. Mãi đến chiều ngày thứ ba,
chúng nó mới tìm thấy Ngài trong một ngôi chùa trên núi Ngũ Phong. Thực dân sai
một đám triều thần lên đó tâu xin Ngài hồi loan, có kẻ dùng lời nói quỉ mị ứa
hai hàng nước mắt mà năn nỉ, nhưng Ngài nhứt định không nghe, thà để cho thực
dân bắt. Đức Vua bị bắt và bị cầm giữ tại đồn Mang Cá của quân Pháp.
Lúc bấy giờ, thực dân rất bối rối
vì nhiều lẽ: nước nhà của chúng đang lâm nguy, quân Đức đã chiếm cứ vùng Đông Bắc.
Khẩu hiệu Cách mạng đã lan tràn trong đại chúng Việt Nam. Đức Vua được thần dân
vô cùng ngưỡng mộ. Toà Khâm sứ Trung Việt sợ, nếu không liệu thế thu hẹp câu
chuyện lại thì hoá ra cơ quan mật thám của chúng bất lực, trong khi công việc
chính của chúng thám thính động tịnh. Cho nên chúng nó đấu dịu với Ngài.
Mặt khác ông Trần Cao Vân lo sợ Ngài có mệnh
hệ nào dưới độc thủ của bọn thám tử Pháp.
Trong lời cung khai, ông
nhận hết tội lỗi, không khai ra một lời gì để cho thực dân có thể dựa vào đó mà
buộc tội Đức Vua.
Nhưng khi thực dân hỏi đến
Đức Ngài, thì Ngài lại không đổ lỗi cho ai khác, mà lại dụng ý che chở cho những
kẻ cộng sự, tự nhận tất cả âm mưu đánh đuổi ngoại xâm khôi phục đất nước.
Do đó Ngài bị đồ lưu qua Đảo
Réunion. Các lãnh tụ VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI đều bị kết án tử hình và bị hành
quyết tại An Hoà, gần Kinh thành. Một số người khác có liên can đều bị tù đày.
Vua DUY TÂN năm ấy 17 tuổi
trị vì được mười năm. Ngài là một thanh niên ưu tú, Ngài không thể ăn không ngồi
rồi, nên phải đi học thêm và 28 năm sống thừa, phải hoạt động theo sở thích của
mình: nào nghiên cứu khoa học, khảo lự Âm nhạc cổ kim, nào vui say theo nghề
Phi công cho qua ngày tháng.
Đức DUY TÂN tử thương
trong một tai nạn máy bay, trong khi tấm thân còn trong vòng ly tiết, nơi đất
khách quê người, hưởng thọ 45 tuổi.
Cả một cuộc đời hy sinh
cho tự do độc lập mà từ khi lên bảy cho đến khi chết, Ngài không được hưởng một
ngày tự do độc lập. Nỗi căm hờn buồn tủi của Ngài nơi tuyền đài kể làm sao xiết!
Nhưng anh linh của Ngài mà
toàn thể Tín đồ Đại Đạo Cao Đài và những khách hành hương khác, hiện diện trong
buổi Lễ ngày 16 tháng 8 vừa qua, đều thành kỉnh tưởng niệm đến, sẽ đời đời phưởng
phất trong tâm trí của thần dân, luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta tinh thần bất
khuất của dân tộc.(Trích Báo Quốc Từ của Ô. Hiển Trung)
Hoàng Tử Vĩnh San. Ông Vua ấy lại
sinh vào một hoàn cảnh xã hội đến lúc điêu tàn, đen tối nhứt trong lịch sử. Bao
nhiêu nỗi bầm gan, tím ruột, tủi nhục, ích kỷ, bất công bao trùm đầy nghẹt chẳng
những riêng cho nhà Vua mà cả một dân tộc bấy giờ. Nào những biến cố trong
hoàng triều: từ Vua Tự đức nhắm mắt lìa trần, triều đình ngày một khuynh đảo,
Tôn Thất Thuyết, Nguyễn văn Tường tự quyền phế lập, bỏ Vua Dục Đức lại còn bắt
hạ ngục bỏ đói cho chết.
Vua Hiệp Hoà lên nối ngôi được bốn
tháng rồi cũng bị hạ ngục, ép phải uống thuốc độc mà chết. Vua Hàm Nghi phải bỏ
ngôi! Đến Đức Phụ-Hoàng (vua Thành Thái) của nhà vua cũng bị đày! Trước bao tấn
thảm kịch thê lương đã diễn ra tưởng trong lịch sử của Hoàng tộc chưa bao giờ
có, thì bảo sao vì Vua trẻ tuổi không đau khổ đến ngần ấy cho được!
Lớn lên Vua DUY TÂN tỏ ra
là một thanh niên tuấn tú, hiên ngang, lỗi lạc và cũng như Vua Cha có ý bài
Pháp. Tất nhiên lúc đó đã có người bí mật liên lạc với Ngài để trình bày nông nỗi
Vua Cha bị người Pháp đày và áp bức, triều thần phản bội và sự khổ nhục của quốc
dân từ ngày mất nước, do đó mà tâm trạng của Ngài bị kích thích, rồi Ngài hay đòi ra ngoài lấy cớ chốn Cung điện
quá tù túng. Người Pháp cho làm nhà thừa lương ngoài cửa Tùng (Quảng Trị) để Ngài
ra nghỉ mát và tiêu khiển. Thực ra, Ngài ra ngoài xem xét dân tình và để bắt
liên lạc với nhân sĩ trong nước. Ngài đã gặp Khoá Bảo là một nhà Cách mạng và một
số nhân sĩ ái quốc tại địa phương này.
Một hôm Ngài chơi cát ngoài bãi biển,
một cận thần lấy nước cho Ngài rửa tay. Vừa rửa tay, Ngài hỏi:
Tay bẩn lấy gì mà rửa?
- Tay bẩn lấy nước mà rửa.
Thế nước bẩn lấy gì mà rửa
?
- Nước bẩn lấy máu mà rửa!
Được biết Ngài khảng khái
và yêu nước thương dân, nhiều lãnh tụ phong trào Hậu Văn Thân bí mật tìm đến
Ngài để cùng gây phong trào cứu quốc nối tiếp sự nghiệp của Vua Hàm Nghi và
Thành Thái.
Thế là nhiều cuộc phản động
nổi lên nhưng không được toại ý. Sau cùng vào một đêm rạng ngày 2 tháng 4 năm
Duy Tân thứ 10 (dl 3-5-1916) vua Duy Tân định lẻn ra khỏi Hoàng thành, không
may lại gặp tên mật thám Nguyễn Văn Trứ làm Thông Phán toà Khâm. Liền đó, Vua bị
lính đuổi theo. Túng thế, nhà Vua phải gói Ấn bỏ lại trên cầu Tràng Tiền rồi
đánh lừa quân lính mà theo Thái Phiên và Trần Cao Vân lẫn trốn. Toà Khâm phái
Phan Đình Khôi mang quân đi tầm nã, bắt được Thái Phiên ở Chùa Thiên Mụ, đưa về
Huế và nhốt vào đồn Mang cá.
Trần Cao Vân cũng bị bắt ở
làng Hà Trung thuộc huyện Phú Lộc (Huế).
Ngày 17 tháng 5 năm 1916, các Ông
Trần Cao Vân, Thái Phiên và hai tên thị vệ bị đem ra chém tại An Hoà, còn Vua
Duy Tân sau 10 ngày bị bắt nhốt ở Đồn Mang cá, Pháp liền đưa Ngài sang Đảo
Réunion ở Phi Châu.
Cuộc Cách Mạng của phong kiến lại một
phen nữa đổ nhiều xương máu và vô cùng uổng phí. Rồi từ đó gọng kìm Đế quốc siết
chặt hơn bao giờ hết vào giới quan liêu và trí thức Việt Nam.
Vua Duy Tân rời khỏi nước thì Ông
Hoàng Bửu Đảo con Vua Đồng Khánh lên ngôi lấy hiệu là Khải Định vào năm 1916.
Vua Khải Định trị vì đến năm 1926 thì mất
CUỘC KHỞI NGHĨA DUY TÂN
(Phỏng theo
tài liệu Trung Thiên Dịch &Trung Thiên Đồ của Cụ Trần Công Định)
Sau cuộc khởi nghĩa Duy
Tân (ngày 4-5-1916) là một cuộc Cách mạng có đông đủ quần chúng tham gia tích cực,
quân dân hợp tác, binh sĩ một lòng, tất cả
đều nhiệt liệt hưởng ứng cuộc khởi nghĩa ngày 3-5-1916 nhằm lật đổ chế độ
thống trị của thực dân Pháp để giành lại quyền độc lập tự chủ cho quốc gia tự
do, hạnh phúc cho dân tộc. Vì vận nước thời dân, cuộc khởi nghĩa Duy Tân hoàn
toàn thất bại.Cụ trần Cao Vân và bao nhiêu chiến sĩ Cách mạng đã đi vào lịch sử
gây ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần yêu nước của đồng bào ta và dư luận khắp
trên Thế giới.
A - Đối với đồng bào trong nước:
Cuộc khởi nghĩa Duy Tân là
một tiếng súng vang trời thức tỉnh đồng bào ta lên đường chống thực dân pháp,
nói lên tinh thần quân dân hợp tác, binh sĩ một lòng. Bởi thế các tỉnh miền
Trung đã nhất tề hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này, làm cho thực dân Pháp khiếp vía
kinh hồn. Vụ binh biến của Đại Tá Harmandes hưởng ứng theo phong trào khởi
nghĩa đã làm cho quân sĩ Pháp bỏ mạng rất nhiều trong cuộc biến động tại Trấn
Bình Đài (Mang Cá) vào ngày 02-5-1916.
Sau cuộc khởi nghĩa Duy Tân đã gây
cho dân ta một sự căm thù, phẫn uất trước những hành động dã man của thực dân
Pháp; càng căm thù chán ghét càng siết chặc thêm hàng ngũ, nung nấu thêm tim
gan, học tập thêm kinh nghiệm quyết chiến thắng thực dân để khôi phục nền tự chủ cho Tổ quốc, để rửa thù cho tiên liệt và
xây dựng cho thế hệ tương lai. Bởi thế cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn tại Thái
Nguyên (1917) tiếp diễn để trả lời cho chính sách phi nhân vô đạo của thực dân
Pháp cùng với những lời nguyền rũa khóc than ai oán trong dân chúng. Trước thảm
cảnh con mất cha, vợ mất chồng với bao thảm hoạ tím ruột bầm gan vì hành động bạo
tàn chém giết tra tấn, lưu đày của thực dân Pháp đối với dân ta thời đó.
Đọc bài “Khuê Phụ thán”
sau đây ai lại không xúc cảm trước những lời ai oán xót thương trong cảnh biệt
ly của một người vợ mất chồng, người mẹ mất con, mà cả chồng và con đều bị lưu
đày biệt xứ. Đấy là lời than vãn của một Bà Hoàng Hậu, vợ Vua Thành Thái, mẹ
Vua Duy Tân, cả hai vị anh quân nhiệt tâm thương dân yêu nước, quyết khôi phục
giang san cho Tổ quốc, đem lại tự do hạnh phúc cho toàn dân. Nhưng đại sự bất
thành, đành phải xa lìa xứ sở thân yêu,
sống nơi chân trời góc biển:
Chồng hỡi chồng! Con hỡi con !
Cùng nhau xa cách mấy năm tròn.
Bên trời góc biển thân chim cá,
Dạn gió dầy sương tủi nước non.
Càng buồn tủi cho nước non
càng căm thù bọn thực dân vô đạo, rồi chỉ biết đem tâm sự ấy hỏi Trời. Tại sao
tạo hoá gây chi cảnh bất bình tang thương như thế?
Bớ bớ Xanh kia sao chẳng đoái?
Tấm lòng uất
tức một canh thâu,
Canh thâu chưa ngủ hãy còn ngồi.
Gan ruột như dầu sục sục sôi !
Non nước xanh xanh trời một góc,
Chồng hỡi chồng! Con hỡi con ơi !
Con ôi! Ruột mẹ bấn như tương,
Bảy nổi ba chìm rất thảm thương!
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương…!
Cũng chính vì cuộc khởi
nghĩa Duy Tân đã nói lên lòng nhiệt thành yêu nước của dân tộc Việt Nam từ vua,
quan đến các bậc sĩ phu, trí thức, binh lính, nông dân, cả đến các chiến sĩ hữu
danh hay vô danh đều đoàn kết quyết tâm, nguyện chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc.
Để tưởng nhớ đến các vị
anh hùng dân tộc đã hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng quốc gia, mà trong Thi Tù
Tùng thoại của Cụ Huỳnh Thúc kháng đã ghi lại những bài thơ sau đây, nêu rõ từng
nhân vật trong công cuộc khởi nghĩa Duy Tân (ngày 04-05-1916).
Đây là Vua Duy Tân, một nhà vua trẻ tuổi, nhưng Người có chí khí phi
thường, biết qui tụ những bậc anh hùng yêu nước để mưu đồ đại sự, quyết tâm cứu
vãn nước nhà thoát vòng nô lệ của thực dân Pháp. Chính Ngài đã cầm đầu và hạ lịnh
tổng khởi nghĩa Duy Tân (3-5-1916):
Nhục thực dinh đình nhãn để không,
Ám trung thảo dã kiết anh hùng.
Sổ hàng y đới tùng thiên hạ,
Thần quỉ tiềm hào vạn hác phong.
肉 食 盈 庭 眼 底 空
暗 中 草 野 結 英 雄
數 行 衣 帶 從 天 下
神 鬼 潛 號 萬 壑 風
Dịch nghĩa:
Đầy nhà chung đỉnh mặc ai,
Đồng quê thầm kết những tay anh hùng.
Chiếu Trời ban xuống đôi hàng,
Thần reo quỉ khóc muôn hang gió lồng.
Tuy đại sự bất thành,
nhưng chí khí phi thường, mưu lược và hùng tâm Cách mạng của Vua Duy Tân không
kém gì những bậc anh hùng nổi danh như Williams (Ý) và Minh Trị Thiên Hoàng (Nhựt)
nhưng khác nhau chỉ ở sự thành công hay
không mà thôi:
Càn tuyền Khôn chuyển thử hà thần,
Minh Trị, Duy Liêm nhất bối nhân.
Sự nghiệp bất
thành hùng đoán tại,
Vô tầm niên hiệu hoán Duy Tân.
乾 旋 坤 轉 此 何 神
明 治 維 廉 一 輩 人
事 業 不 成 雄 斷 在
無 漸年 號 喚 維 新
Dịch nghĩa:
Xoay trời chuyển đất ra tay,
Duy Liêm, Minh Trị bậc này nhường ai?
Việc hư hùng đoán còn hoài,
Duy Tân niên hiệu mấy ai sánh bằng?
Khi cuộc khởi nghĩa Duy
Tân thất bại mang theo sự đổ vỡ công nghiệp của nhà Vua. Gần 10 năm ở ngôi mà
ngày nay coi như không còn nữa. Khi nước nhà gặp cảnh ly loạn lâm nguy, mới thấy
được ai là người trung nghĩa thuỷ chung vì dân, vì nước như Cụ Trần Cao Vân, cụ
Thái Phiên đã quyết cùng Vua sống chết.
Khi Vua Duy Tân xuống tàu từ Long Hải
(Ô Cấp – Vũng Tàu) đưa sang đảo Réunion, lần này là lần cuối cùng sẽ từ biệt
quê hương yêu dấu, sống nơi hoang đảo thê lương. Tuy người ra đi nhưng hùng khí
Cách mạng của dân tộc Việt Nam vẫn còn mãi mãi như gào thét phải quyết chiến và
quyết thắng thực dân Pháp để sống còn.
Một phần anh em trong hàng ngũ quân
đội Pháp cũng quyết tâm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Duy-Tân. Tất cả đều sẵn sàng
lau gươm lắp súng và đợi lệnh là xung phong diệt địch đã làm cho thực dân Pháp
khiếp vía. Cuộc khởi nghĩa Duy Tân dân chúng tham gia đông đảo, phần lớn là những
người đã từng đấu tranh quyết liệt qua các phong trào khất sưu, kháng thuế tại
các Tỉnh miền Trung. Rồi tiếp tục tham gia vào cuộc Duy Tân khởi nghĩa
(3-5-1916)đa số là người thiện chiến anh dũng phi thường, quyết tâm phục vụ cho
quốc gia dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Duy Tân là một cuộc Cách mạng biểu hiện tinh thần bất khuất của dân tộc ta, quyết tâm đoàn kết chống Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do hạnh phúc cho toàn dân. Nhưng vì vận nước thời dân, cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, tiền nhân ta đành phải đem cái chết để đền bồi cho nợ non sông tổ quốc. Điều đó là một bài học “kinh nghiệm xương máu” vô cùng cao quí đáng cho chúng ta quan tâm suy nghĩ về tiền đồ tương lai của dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Duy Tân là một cuộc Cách mạng biểu hiện tinh thần bất khuất của dân tộc ta, quyết tâm đoàn kết chống Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do hạnh phúc cho toàn dân. Nhưng vì vận nước thời dân, cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, tiền nhân ta đành phải đem cái chết để đền bồi cho nợ non sông tổ quốc. Điều đó là một bài học “kinh nghiệm xương máu” vô cùng cao quí đáng cho chúng ta quan tâm suy nghĩ về tiền đồ tương lai của dân tộc.
B - Đối với dư luận thế giới:
Sau cuộc khởi nghĩa Duy
Tân, thực dân Pháp cố ý che đậy dã tâm xâm lược và tội ác tày trời của chúng tại
Việt Nam. Chúng còn âm mưu cấu kết với bọn gian manh, chủ trương làm tay sai
xuyên tạc sự thật của quân dân ta với sự thiệt hại của chúng để đánh lừa dư luận
Thế giới. Chúng cho rằng “Cuộc khởi nghĩa Duy Tân ngày 4-5-1916 chỉ là cuộc mưu
đồ của nhà vua trẻ tuổi, chưa trị vì, còn đương ở dưới sự bảo trợ của Hội dồng
nhiếp chánh. Ngài trốn khỏi Cung điện để gặp nhóm phiến loạn.Cuộc khởi nghĩa của
Ngài đã bị thất bại một cách thảm hại. Dân chúng An Nam từ 30 năm nay đã ưa chuộng
nền bảo hộ tốt lành, nhân đức của nước Pháp, nên họ trung thành với chánh quốc,
không đáp lại lời kêu gọi của nhà vua”.
Cả đến bọn quan lại tư bản thực dân
Pháp tại Đông dương cũng đồng loã và cố tình che dấu sự thật, tuyên truyền lấp
liếm bằng cách klhoa trương cuộc thanh bình giả tạo ở Đông Dương. Chúng cho rằng
“Cuộc khởi nghĩa Duy Tân chỉ là việc làm của một vị ấu vương An nam, thấy trong
nước mênh mông rộng rãi của mình chỉ có 180 người lính Pháp canh giữ, nghe những
lời bàn nhảm định khôi phục lại nước nhà tưởng là điều dễ lắm. Nhưng quần thần
đều từ chối cho nên vị ấu vương bị mất ngai vàng.”
Thực ra cuộc khởi nghĩa Duy Tân
(1916) làm cho thực dân Pháp tại Đông dương phải núng thế, càng lo sợ hơn là
phong trào xin xâu, chống thuế (1908) tại các tỉnh miền Trung. Vì đây là một cuộc
Cách mạng có chủ trương đường lối rõ rệt và đông đảo quần chúng tham gia trong
tinh thần quân dân hợp tác, để chống thực dân Pháp giành lại quyền tự chủ cho
quốc gia, đem lại hạnh phúc tự do cho dân tộc. Bởi vậy sau cuộc khởi nghĩa Duy
Tân, chánh phủ Pháp đã phái Toàn quyền M.Albert Sarraut sang Đông dương (ngày
22-11-1927) để thực thi một cuộc cải cách đứng đắn của chánh phủ Pháp tại Việt
Nam.
Chính nhà Sử học Thế giới
Philippe viết về Việt Nam đã nhận định:
“Cuộc khởi nghĩa Duy Tân
do chủ trương của một Hội kín: Việt Nam Quang Phục Hội, khắp trên toàn quốc. Đoàn thể này từ đây sẽ điều động các lực lượng
của các hội kín, nhất là ở miền Nam Việt Nam, đang trong thời kỳ hoạt động mạnh
mẽ, nhiều cuộc phá rối, khởi loạn. Cũng có những cuộc nội loạn thực sự vào năm
1913-1916.
Ở Bắc Việt, tướng du kích
thời 1892-1896 là Đề Thám đã tiếp tục chiến đấu trở lại vào năm 1909 và bị hạ
vào năm 1913. Cuộc biến động lan tràn đến Huế. Vua Duy Tân trẻ tuổi có một tinh
thần hăng hái, đã được các đoàn thể quốc gia thuyết phục tháng 5-1916. Nhà Vua
trốn Cung điện cầm đầu một cuộc khởi nghĩa không lớn lắm, đó là hội kín gây nên. Bị bắt, nhà vua bị truất
ngôi và đày ở cạnh Cha gần Alger.
Và chính cũng vì cuộc khởi
nghĩa Duy Tân mà một Giáo sư Sirdar Ikbal Ali nghiên cứu về Triết học văn học
viễn đông đã cho rằng: Cuộc khởi nghĩa Duy Tân là một cuộc Cách mạng. Sirdar
Ikbal Ali đã nói:
“Hoàng Tử Vĩnh San niên hiệu
Duy Tân, nhà Vua trẻ tuổi, khi đầy đủ trí thông minh sáng suốt, đã nhận thức
rõ, dưới quyền cai trị của người Pháp, dân Việt không có hạnh phúc gì cả. Sự
thành tín giao hảo với văn hoá cổ truyền tốt đẹp từ xưa của người Việt Nam đã
được minh chứng qua những hành động của thực dân Pháp đối với việc khai quật lăng
vua Tự Đức để tìm vàng và châu báu. Người Pháp không còn chạy chối được hành động
này. Bất thình lình cuộc đại chiến thứ I bùng nổ. Nhà vua trẻ tuổi cầm đầu một
cuộc Cách mạng, nhưng vì thế yếu, bị đày sang đảo Réunion Island với Phụ Hoàng 1916.”
“The lad of eight years of age
Prince Vinh san was given the royal name of Duy Tân. This youth was
sufficiently mature in mind to see that
his people were not happy under French ascendancy. He was too, enraged,
according to Vietnamese historians, to discover that the grave of Tự Đức
was dug up by the French not for any archaeological interest but for the sake
of the gold and jewels that were to be found in it . The French of course
denied this fact.
Matters took a sudden
turn on the outbreak of the first world
war, when the young ruler managed to
raise a revolt, but the effort failed and he was exiled to Réunion Island like his father
1916” .
Tóm lại:
Tất cả các yếu tố thực tế
và hiển nhiên như thế, dù cho thực dân Pháp cố tình che dấu cũng chỉ là
vô ích. Đó là ảnh hưởng sau cuộc khởi nghĩa Duy Tân
đối với đồng bào ta, là một bài học kinh nghiệm vô cùng quí giá trong công cuộc chống ngoại xâm. Và cũng làm
cho thế giới biết rõ chánh sách đô hộ bạo tàn của thực dân Pháp đối với dân ta
trên 30 năm đô hộ.Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (4-5-1916) là cuộc cách mạng chủ
trương lật đổ một chế độ thống trị thối nát lỗi thời, để lập nên một chế độ văn
minh và nhân bản. Than ôi, dù có KẾ HOẠCH KHỞI NGHĨ, nhưng không thành:
1 - Tổng phát động khởi nghĩa toàn diện,
đúng giờ Tý ngày mùng 2 tháng 4 năm Bính Thìn. Khởi điểm tại Kinh Đô Huế, sẽ bắn
súng thần công báo hiệu lịnh cho hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đồng thời ở đèo
Hải Vân cũng nổi hiệu cho hai Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
2 - Huy động các đạo quân
Thừa Thiên, hưởng ứng trợ oai cho các đội
binh sĩ chiếm lấy kinh đô Huế.
3 - Thu cả toàn lực Quảng
Nam, Quảng ngãi, dân chúng hợp lực với binh sĩ chiếm giữ cửa đà Nẵng để mở đường
giao thông với Đức. Ngoài ra các tỉnh khác cũng theo kế hoạch bạo động cướp
chánh quyền như thế.
4 - Vạn nhất tấn công
không thắng lợi, thì đạo quân Quảng Nam rút về phía Tây chiếm vùng rừng núi
Bà-Nà, đạo quân Quảng Ngãi kéo lên miền Gió Rứt, là những địa điểm hiểm trở
làm hậu thuẫn cho những cuộc phản công
Do sự uỷ nhiệm của việt
nam quân chánh phủ, các yếu nhân Cách mạng mỗi người đều có công tác phụ trách
điều khiển mỗi Tỉnh do Cụ Trần Cao Vân, Thái Phiên điều động chiếm thủ Kinh đô
và phụ trách rước Vua Duy Tân ra khỏi Hoàng thành, chờ cuộc hỗn loạn bình định
và chánh quyền vãn hồi sẽ tôn nhà vua trở lại ngôi.
Kế hoạch đã quyết định và
phâ n phối hoàn bị, chỉ còn chờ ngày thi hành…Nhưng …CƠ MƯU BẠI LỘ…
Vua Duy-Tân ngày 05-9-1907
Vua DUY-TÂN 19-09-1907
ẤU CHÚA DUY TÂN
4 - KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ ĐIỆN HẠ
(1871-1951)
KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ ĐIỆN
HẠ sanh tại Thuận Hoá (Trung Việt) ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (niên hiệu
Tự Đức thứ 33) dương lịch 28-02- 1882. Qui vị tại Đông Kinh (Nhựt Bổn) ngày
01-03 năm Tân Mão (Dl 6-4-1951). Hưởng thọ được 80 tuổi. Người là con của Hàm Hoá Hương Công, cháu năm đời của
Tinh Duệ Hoàng Thái Tử (Đức Hoàng Tử Cảnh) sanh tại Huế Điện Hạ được tập Tước Kỳ-Ngoại-Hầu
nhưng không xuất sĩ.
Sanh ra giữa cơn binh lửa,
giang san xã tắc cơ đồ sụp đổ, khôn lớn trong lúc quốc hận, nợ nước thù nhà
tràn ngập non sông. Người đã nghe được tiếng nói căm hờn của dân tộc, đã thấy
được nỗi đau khổ của đồng bào dưới sự áp chế của bọn xâm lăng. Những danh từ Tổ
quốc, Tổ nghiệp, cứu nước, cứu dân, đã ăn sâu vào trí non nớt của Ngài. Rồi như
số trời đã định, sẽ luôn luôn thúc giục và trong hơn nửa thế kỷ về sau sẽ là
phương châm và mục đích duy nhất của cuộc đời Cách mạng của vị Hoàng Thân tận
tuỵ với Tổ quốc dân tộc.
Khi mới 13 tuổi, Người đã có cơ hội
để Phụng sự đại nghĩa. Năm ấy (1895) đảng Văn Thân Cần Vương Nghệ Tĩnh do Cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo,
phái người vào Kinh rước Hàm Hoá Hương
Công ra làm Thủ lãnh, để tăng cường thể lực cho lực lượng kháng chiến đang gặp
lúc khó khăn. Nhưng tự xét tuổi già sức yếu, Hương Công bèn cử Điện Hạ đi thay.
Chẳng may sứ giả của cụ Phan vào đón Người lại lâm bịnh, chết giữa đường, rồi
không bao lâu cụ Phan cũng mất và ngay sau đó, tổ chức Cần Vương Nghệ Tĩnh bị
quân thù đánh úp tan vỡ.
Giáo dục của Người được sớm chuyển
từ cựu học qua tân học. Không học từ chương khoa cử cũ, mà học Sử ký, Địa dư,
Người ham đọc những Tân thơ và Chánh trị, kinh tế của những nhà Tân học danh tiếng
Trung Quốc.
Đến khi Người trở thành một
thanh niên trí thức, trong khoảng từ 17 đến 21 tuổi, hai cớ khác để hiển thân
cho nước, lại kế tiếp đến thực dân định truất phế Đức Thành Thái và tôn Người
lên thay ngôi. Nhưng Người cương quyết từ chối, tuy nói rằng lấy nghĩa quân thần
làm trọng, nhưng thiệt ra Điện Hạ quyết không hợp tác với Quân chủ.
Năm 1903 nhà đại cách mạng
Phan Bội Châu và Việt Nam Quang Phục Hội
tại Quảng Nam, Phan tiên sinh bí mật hội kiến với Người, trình bày mục
đích của đảng Cách mạng đánh đuổi thực dân, khôi phục độc lập và rước người làm
Hội Chủ. Bởi Ông thuộc dòng dõi của Hoàng Tử Cảnh, con trưởng của Vua Gia Long,
có tinh thần Cách mạng và được Việt Nam Quang Phục Hội tôn làm Hội chủ
Cá nước gặp Rồng mây, Điện
Hạ nhận lời ngay và từ đó nghiễm nhiên trở thành vị lãnh tụ của Đảng Cách mạng
đầu tiên của dân tộc với nhiệm vụ Phục
quốc an dân.
Được quốc dân Nam, Trung, Bắc hưởng
ứng, Quang Phục Hội chuẩn bị tiến hành ngay kế hoạch khởi binh đánh Pháp, nhưng
vấn đề khí giới khó mà giải quyết được tại trong nước.
Năm 1905, Ông Phan Bội Châu được cử
đi ngoại quốc tìm mua súng đạn và cầu viện các quốc gia đồng văn, đồng chủng.
Qua đến Nhựt Bản, ông được tiếp đón ân cần,
song dân tộc Bảo-Hoàng Phù Tang yêu cầu trực tiếp giao thiệp với Hoàng
Thân lãnh tụ mới bàn đến việc viện trợ.
Tháng 2 năm Bính Ngọ (1906) Cường Để
Điện Hạ từ giã ra đi. Bước chân ra đi như cỡi tấm lòng, Hoàng Thân xiết bao hy
vọng. Hy vọng nơi tình huynh đệ của dân tộc Phù Tang. Hy vọng nơi sự chiến thắng
vẻ vang của Hoàng quân trong trận Nhật Nga đại chiến vừa qua. Hy vọng nơi sự
thành công của mình: ngoại viện có, súng đạn có, ngày khởi nghĩa không xa mà
Cách mạng sẽ thành công! Than ôi! Càng hy vọng nhiều, sự thất vọng càng nặng nề.
Đến Hoành Tân – Đông kinh, Điện Hạ
tiếp xúc được ngay với những yếu nhân Nhật: như Bá tước Đại-Ôi lãnh tụ Đảng Tiến
bộ; ông Khuyển Dưỡng Nghị (sau này là Thủ Tướng nước Nhật). Các ông đều tỏ ý
hoan nghinh và vui lòng chiếu cố, nhưng khi đề cập đến vấn đề viện trợ, đến khí
giới, thì họ khuyên hãy chờ cơ hội!
Bao nhiêu hy vọng của các
nhà lãnh tụ cách mạng đều xây dựng trên cảm tình, lý tưởng. Nhưng đến khi đụng chạm
với thực tế, những hy vọng ấy trở thành thất vọng.
Trên đường Quốc tế, cảm
tình, lý tưởng đều phải nhượng bộ cho điều kiện ngoại giao.Tuy đại thắng Nga
La-Tư, nước Nhựt còn phải hưu dưỡng quốc lực, nhứt là về mặt quân sự và kinh tế.
Quyền lợi ngoại giao của Nhật Bản còn phải gây cảm tình với các cường quốc Âu
châu,
nhứt là nước Pháp và nước
Anh. Đó là thực tế, nó không cho phép nước Nhật ủng hộ cách mạng Việt Nam chống
Pháp được.
Ngày tháng qua, mối thất vọng
của vị Thủ lãnh Quang Phục Hội lại càng chua chát, khi nghe tin tại quốc nội một
số lớn đảng viên chờ đợi lâu ngày không thấy súng đạn về đều chán nản, lại một
vài đồng bào trí thức phát động chiến dịch diễn thuyết bài xích chủ trương cách
mạng bạo động của Quang Phục Hội.
Nhưng tuy thất vọng dồn dập,
Điện Hạ không bỏ phí thời giờ trong khi chờ đợi cơ hội.
Vài tháng sau, khi đến
Đông Kinh, Người đã lo việc giáo dục cho chính mình và cho những đồng bào thanh
niên lục tục xuất dương qua Nhựt theo con đường Phụng sự của Người. đó là kế hoạch
bồi dưỡng nhân tài..
Sinh viên Việt Nam phần
nhiều được nhập học các trường Đại học Đông kinh, một số sau này trở nên Cán bộ
của đảng, năm, bảy người sẽ cọng sự, chia sẻ đắng cay bùi ngọt với Điện Hạ cho
đến ngày cùng.
Cụ Cường Để đã từng theo học trường
Chấn Võ Lục Quân Đông Kinh (Nhựt) năm 1906.
Qua năm 1908, Cụ học ở trường
Đaị học Waseda. Cuối tháng 10 năm 1909
vì có lịnh nước Nhựt trục xuất những nhà Cách Mạng Việt Nam, Cụ phải
sang Trung Hoa lánh nạn, qua Xiêm, sang Âu Châu và đã có lần về miền Nam Việt
Nam với mục đích cổ động Phong Trào Đông du cầu học và hoạt động Cách mạng Cứu
quốc.
Thời gian lo buồn toan
tính, ngày tháng thoi đưa mà công việc chưa tiến được Điện Hạ sực nhớ đến nước
Xiêm nơi Đức Cao-Hoàng ngày xưa lập căn cứ,dưỡng tinh sức nhuệ. Người bèn lìa
Nhựt sang Xiêm với một hy vọng mới. Nhưng sau ba tháng quan sát, hy vọng cũng
tiêu tan !
Nước Xiêm tiếng là độc lập,
nhưng vẫn còn chịu thế lực của Anh, Pháp. Ngoại giao Pháp đã chận đường vận động
của Cách mạng Việt Nam tại Xiêm.
Người lại trở qua Nhật vào
khoản 1908-1909, đoàn thể Việt Nam lưu trú tại Đông Kinh có trên 200 người,
Chánh phủ Pháp dùng thủ đoạn ngoại giao yêu cầu Chánh phủ Nhật dẫn độ Điện Hạ
và giải tán sinh viên Việt Nam. Tuy không đến nỗi áp dụng biện pháp dẫn độ,
Chánh phủ Nhật phải chiếu theo Hiệp ước Nhật –Pháp 1907, áp dụng biện pháp “cưỡng
bách xuất cảnh” đối với Người.
Khi tiễn chân Người từ giã
đất Phù Tang, một ông bạn Nhật tặng cho Người một khẩu súng lục, để nếu không
may lọt vào tay người Pháp, thì, súng này liệu với thân này chứ không chịu nhục.
Từ ngày đặt chân trên xứ Mặt
Trời mọc với biết bao hy vọng, đến ngày lủi thủi sắp lưng ra đi, vừa ba năm rưỡi,
công bất thành danh bất toại, tâm trí của Người lúc bấy giờ
buồn tủi biết bao! Nhưng
may cũng có một điều an ủi: Chánh phủ và những người bạn Nhật thật tình che chở,
không để cho Người bị nhục trong tay bọn Pháp quyết tình bắt cho được Người.
Bước chân khỏi đất Nhật,
Người phải hết sức đề phòng. Khi xuống tàu đi Thượng Hải, Người phải giả làm bồi
tàu, làm đầu bếp. Khi đến Thượng Hải lại phải cạo trọc đầu, gắn đuôi sam, cải
trang ra người Mãn Châu để che mắt bọn thám tử và cũng để cho người Tàu khỏi lầm
là người Nhật mà họ đang ghét.
Thượng Hải, Hồng Kông,Quảng
Châu đều là những căn cứ của Quang Phục Hội, nhưng lại cũng là những đất Tô giới
Âu Mỹ. Trong khi lưu trú cũng như những lúc di chuyển, Người phải đổi tên, trốn
tránh, có khi phải ở nhà những người bạn Tàu.Có chỗ chỉ những đồng chí thân-cận
mới biết nơi cư ngụ.
May thay! Trong khi cách mạng Việt
Nam đang lâm vào cảnh lén lút thì Cách mạng Trung Hoa bừng dậy đánh phá Đế quốc
Mãn Châu. Nhơn khi tình thế nước Tàu lộn xộn, Quang Phục Hội lại hoạt động ráo
riết, đầy hy vọng. Một số vũ khí mua được, nhưng không có phương thế nào chở về
nước được, vì người Pháp bưng bít tất cả đường lối, đành phải đem giúp Trung Quốc
Đồng Minh Hội do nhà đại Cách mạng Tôn Văn lãnh đạo
Tháng 10 năm 1911, Cách mạng Trung Hoa thành
công, ông Tôn Văn được bầu lên chức đại Tổng Thống. Những lãnh tụ khác, ngày
trước có tiếp xúc với Điện Hạ và cụ Phan Bội Châu, ngày nay đều giữ chức vụ
quan trọng trong Chánh phủ Dân quốc.
Điện Hạ đi Thượng Hải hội kiến với
Tân Đô đốc Thượng Hải Trần Kỳ Mỹ, đi Nam Kinh gặp gỡ Hoàng Hưng, Tân Tổng-Giám-Nhân
của Chính phủ Nam Kinh. Ông Phan Bội Châu thì đi Quảng Đông yết kiến Hồ Hán Dân
Tân Đô đốc Quảng Châu. Tay bắt mặt mừng các ông đều là người tốt, đều có ý viện
trợ, nhưng đều khuyên hãy chờ cơ hội, vì họ cũng chưa tổ chức được nền thống trị
mới. Nhơn chánh phủ Dân quốc ra lịnh giải tán một số bộ đội tại hai Tỉnh Quảng
Đông và Quảng Tây. Phan tiên sinh nghĩ ngay đến kế hoạch lợi dụng những lực lượng
võ trang ấy và liên lạc với những nhóm Thổ phỉ Tàu, kéo quân về chiếm đất Bắc,
hiệp lực với quân Cần Vương của ông Hoàng Hoa Thám; một mặt từ Yên Thế đánh ra;
một mặt từ biên giới đánh xuống. Kế hoạch này không phải là phiêu lưu. Nghĩ vậy,
ông Phan Bội Châu với một sách lược đầy đủ đi Hồng Kông bàn tính với Điện Hạ..
Người phân tách lợi hại: “Mình
không có thực lực mà dùng quân Tàu ô hợp, không tướng tài, không kỷ luật, bọn
Thổ phỉ còn tệ hơn, thì dầu có đánh đuổi được quân Pháp, gỡ cho ra cái hoạ quân
Tàu sẽ là một trách nhiệm lịch sử vô cùng nặng nề cho chúng ta. Lợi bất cập hại vậy”. Phan Tiên
sinh bái phục, kế hoạch đành bãi bỏ.
Tháng 5 năm 1912, Việt nam
Quang Phục Hội được cải tổ, ông Phan Bội Châu được bầu làm Tổng Lý thay quyền Hội
Chủ chấp chánh công việc. Từ đây gánh nặng lãnh đạo được thư thả hơn trước.
Công việc vận động tại nước
Tàu không tiến hành như ý muốn, Người bèn nghĩ đến một nơi khác.
Phải tạm gác ra ngoài hai
nước Nhật và Xiêm, vì ngoại giao Pháp đã chận hẳn lối đi của Người. Vậy thì đi
đâu để vận động cho có hiệu quả.?
Được tin quốc nội, các đồng
chí chuẩn bị một cuộc bạo động tại Bắc Kỳ và thực dân dự bị đem quân lính miền Nam ra đánh dẹp miền Bắc. Người không ngần
ngại, quyết định về nước vận động một phen. Định vận động cho đồng bào các giới,
khi nghe tin ngoài Bắc khởi nghĩa thì hưởng ứng, gây một phong trào chống Pháp
phổ biến toàn quốc, vận động cho quân lính Nam, Trung bị đưa ra Bắc, sẽ trở
súng bắn lại quân Pháp.
Chuyến đi này chẳng khác
nhập hổ huyệt. Đầu tháng 2 năm 1913, Người cùng hai đồng chí xuống tàu, từ Hồng
Kông đi Tân-Gia-Ba vô sự. Từ Tân-Gia-Ba về Sài gòn lại nguy hiểm vô cùng. Người
phải ăn mặc và van lơn như một chú cu-li, đi làm ăn tha phương nay bịnh hoạn
tìm về xứ sở. Một người bồi tàu có từ tâm, dấu Người vào một cái phòng dưới đáy
tàu. Bốn ngày sau, khi tàu cập bến, lại phải chờ cho hành khách và lính Mã-tà
lên hết, người bồi mới đem Người lên bờ.
Tại Sài-gòn, Chợ-lớn, Mỹ
tho, Vĩnh long, người gặp lại một số đồng chí ngày trước hoạt động ở Đông Kinh
Tái ngộ xiết bao mừng rỡ, nhưng ai cũng lo sợ cho Người, vì lúc đó ở Sài-gòn vừa
xảy vụ “Tạc đạn”, Mã-tà Pháp hoạt động ngày đêm, lùng bắt tất cả những đồng bào
bị tình nghi chống Pháp.Thấy đồng chí lo sợ cho mình Người lại e ngại cho đồng
chí, nên không dám ở nhà ai, chỉ ở đò, mỗi ngày đổi một chiếc, đậu một nơi.
Đảng viên mới cũ, lần lượt đến thăm
hỏi và lãnh chỉ thị vận động. Một số đảng viên thanh niên phụ trách hộ vệ.
Một hôm đi tàu thuỷ từ Chợ lớn đến Vĩnh long, Người
nghe hai hành khách nói chuyện với nhau: Có tin Đức Cường Để mới lén về
Sài-gòn, nhà nước treo giải thưởng ai bắt được Đức ông sẽ bổ cho làm Đốc Phủ.
Đến Vĩnh long, một đồng
chí Xã trưởng sở tại rước Người về nhà, tại một làng gần Châu thành, liền nghe
trống đánh vang dậy, đồng chí ra đường nghe ngóng, thì ra thanh niên trong làng
đánh trống nhóm làng loan tin “Vua Ta đã về”. Thế là Người phải từ giã đồng
chí, vội vã đi nơi khác và tính việc xuất dương lại. Nhờ một số đồng chí tận
tâm hoạt động, chuyến hồi hương này, than ôi ! Cũng là lần cuối cùng Điện Hạ đặt
chân trở lại đất nước quê nhà, đem lại một kết quả khả quan về phương diện
chánh trị, cũng như tài chánh.
Tháng 5 năm 1913, Người
đáp tàu đi Hồng Kông, lần này chỉ phải nằm dưới gầm tàu từ Sài gòn ra Ô-Cấp thôi.
Trở lại đất Tàu, Điện Hạ thấy tình thế thất lợi cho mình. Tại Quảng Đông đảng
Cách mạng Tàu đã thất thế,
phong trào phản cách mạng
bành trướng khắp nơi. Các đồng chí đều phải xa lánh, mỗi người một ngã. Lại
nghe có nhiều đồng chí khác bị bắt giữ tại Cảnh sát cuộc Hồng Kông, Người vội đến
hỏi thăm tin tức, rồi cũng bị bắt đó luôn. May nhờ một đồng chí mướn thầy kiện
và nộp 2.000$ thế chân Người mới được tại ngoại, sau 8 ngày ở trong lao lý. Lúc
bấy giờ Chánh phủ Hồng Kông, thể theo lời yêu cầu của chánh phủ Pháp, đã quyết
định bắt để trục xuất cảnh tất cả đảng viên cách mạng Việt Nam. Lối trục xuất của
họ không khác gì dẫn độ. Những nhà cách mạng
họ chú trọng, có thể bị chở tới tô giới Pháp.Về phần Điện Hạ trường hợp
này chắc chắn sẽ xảy ra. Vì vậy, tuy số tiền thế chân là lớn, Người phải đành
hy sinh nó mà xa chạy cao bay cho kịp thời, không thể không khỏi sa vào tay người
Pháp.
Nguyên lúc về nước, đồng bào có
quyên góp một số tiền hai vạn đồng (20.000$00). Người giao một phần cho một
nhóm đồng chí ở Sài-gòn để lập cơ sở thông tin gởi qua Xiêm, còn bao nhiêu thì
gởi vào ngân hàng chuyển qua Hồng Kông. Có số tiền này, người định đi Âu châu
quan sát tình hình (theo kế hoạch đã định trước, thì phái đoàn đi Âu châu để khảo
cứu về chánh trị, kinh tế, quân sự là 10 người, nhưng vì tài chánh eo hẹp nên
chỉ còn chỉ ba đồng chí trí thức được chọn đi theo Người).
Hành trình vô sự, tàu ghé
Marseille, Naples, rồi theo đường xe hoả đi Berlin ở lại vài tuần, lại qua
Londres.
Tại Londres, Điện Hạ tiếp
được một bức thư của ông Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương, đang ở Paris, mời
Người về nước hiệp tác với chánh phủ Pháp.
Điện Hạ trả lời đại ý yêu
cầu Chánh Phủ Pháp bỏ Chánh sách bóc lột, ngu dân cũ, mà thi hành một chánh
sách khai hoá đứng đắn, khi ấy không gọi Người cũng vui lòng về nước…
Tháng 4 năm 1914, Người lại
nhận mật hàm của đồng chí từ nước Tàu gởi sang báo một tin mừng quan trọng: do
Tướng Đoàn Kỳ-Thuỵ, Lục-Quân-Bộ Tổng Trưởng đề nghị Tổng-ThốngViên-Thế-Khải đã
chấp thuận viện trợ tài chánh cho Cách mạng Việt-Nam. Tướng Đoàn Kỳ-Thuỵ mong được hội kiến với Điện Hạ tại Bắc Kinh.
Người chấm dứt ngay cuộc
Tây du, đáp tàu trở lại Trung quốc. Người đã từng tiếp xúc với Đoàn-Kỳ-Thuỵ, biết
ông rất có thế lực lại là một vị Tướng tài, thanh liêm, biết trọng đạo nghĩa,
có quan niệm rõ về vấn đề Việt Nam.
Đến Bắc Kinh, Điện Hạ được
đại diện Lục-Quân Bộ đón rước trọng thể, lấy một phủ đệ làm nơi tiếp đãi Người.
Ôi ! Hy vọng, phen này chắc
được Trung Hoa Dân Quốc viện trợ một cách thiết thực.
Than ôi ! Đến khi hội đàm
với Đoàn-Kỳ-Thuỵ xong thì nỗi thất vọng
của Người không còn biết tả làm sao được ! Số là trong khoản hai tháng sau khi
ông Tướng Tàu mời Người đến Bắc Kinh hội
kiến, Tổng Thống Viên-Thế Khải lại ký với Pháp một hiệp ước gọi là “Tá khoản” trong ấy có điều khoản Pháp – Hoa thân thiện,
buộc nước Tàu phải tôn trọng quyền lợi của Pháp tại Đông Dương.
Để an ủi Người, Ông Lục-Quân-Bộ
Tổng Trưởng nói: vì tình thế chưa thực hành kế hoạch viện trợ được, chứ không
phải bãi bỏ, xin Hoàng Thân nhẫn nại. Lời nói của ông Đoàn-Kỳ-Thuỵ thành thật.
Song nó cũng lại là một lời hứa, thêm vào biết bao lời hứa khác!
Trận Âu-Châu Đại chiến bạo
phát ngày 27-8-1914 đem lại cho Quang Phục
Hội tại quốc nội cũng như Hải ngoại một nguồn hy vọng mới. Đảng lại hoạt động
đêm ngày, cũng có hàng ngũ, lực lượng võ trang, chuẩn bị thừa cơ kéo quân về nước.
Sự liên lạc giữa Điện Hạ và Tổng Trưởng Đoàn-Kỳ-Thuỵ cũng được nối lại.
Đến năm 1915, Người tiếp
được thơ của ông này ấn định kế hoạch viện trợ:
1 - Thời Kỳ chuẩn bị: chánh Phủ Dân Quốc viện trợ cho
Cách mạng Việt-Nam một ngân khoản. Số bạc ứng trước là 50 vạn, sẽ do Tổng Thống
Viên-Thế-Khải trao tay cho Điện-Hạ trong một buổi hội kiến định vào tuần lễ
sau.
1 - Thời Kỳ thực hành: Dự định đến năm Dân Quốc bát niên (ba năm sau) Chánh phủ Trung Hoa sẽ viện
trợ quân sự cho cách mạng Việt-Nam, thi hành kế hoạch đánh đuổi quân Pháp, khôi
phục độc lập.
Giấy trắng mực đen, biết bao là hy
vọng, tuy thời gian chuẩn bị ba năm quá lâu, nhưng nó cũng không phải là nhứt định,
sau này sẽ tính.
Trong cả tuần lễ sau,
không thấy thiệp mời của Phủ Tổng Thống. Thì ra, trước ngày ông Viên-Thế-Khải định
hội kiến với Điện Hạ, Chánh Phủ Dân Quốc tiếp được một văn kiện ngoại giao của
Chánh phủ Nhật, đưa 21 điều thắc ngặt, yêu cầu Trung-Quốc thừa nhận. Tình hình
ngoại giao giữa hai nước trở nên trầm trọng. Thế là số trợ ngân hoá ra chuyện ảo.
Và từ đó, Người không tiếp xúc được với các yếu nhân Tàu nữa.
Lúc ấy là tháng 5 năm
1915, ôn lại những hoạt động từ trước, công việc gì cũng không phải là không
thiết thực, không phải là không quan trọng. Công việc nào nếu thành tựu như dự
định, cũng có thể đưa Cách mạng đến thành công. Ngày nay chiếc thân lưu lạc, bốn
bể không nhà, thất vọng chồng chất, Điện Hạ sao cho khỏi cảm thương thân thể!
Phong sương lâu ngày, vất vả đòi phen, Người cảm thấy cần phải nghỉ ngơi đôi
chút, bèn quyết định trở sang Nhựt, mà tình thế đã đưa lên ngang hàng với các
Cường quốc Âu Mỹ.
Lưu trú lần này tại đất
Phù-Tang, Người không còn lo bị trục xuất, nhưng nghĩ đến bổn phận đối với Tổ
quốc, sực nhớ lại trách nhiệm đối với đảng, đối với quốc dân., làm sao Người
hưu túc cho đành?
Nhưng Cách mạng lại đứng trước một tình thế mới
vô cùng khó-khăn. Pháp đã lôi cuốn được Nhật vào phe. Đó là một mánh khoé khôn
khéo tuyệt vời của ngoại giao Pháp, khiến cho tình hình Đông-Nam-Á không thay đổi
và thỉ chung có lợi cho Pháp.
Tại quốc nội tình thế lại
càng bế tắc. Người Pháp một mặt tuyên truyền hứa hẹn tự do, đem tước lộc mua
chuộc các hàng trí thức, mặt khác dùng kế ly gián phá hoại hàng ngũ Cách Mạng,
ngăn cản đoàn kết quốc dân. Những đồng bào tình nghi phản đối đều bị tù đày. Những
nhà đại ái-quốc như Trần-Cao-Vân, Thái Phiên…kể hàng trăm người đều bị hành quyết.
Sau cuộc khởi nghĩa thất bại do Đức Duy-Tân lãnh đạo. Lực lượng kháng chiến của
ông Đề Thám tại Yên Thế cũng bị tiêu diệt.
Tại nước Tàu và nước Xiêm
lưới Mật thám Pháp cũng bũa khắp. Các lãnh tụ từ Phan Tiên sinh trở xuống đều bị
giam giữ tại các tô-giới. Người nào lọt vào tay Pháp thì bị đem về nước trị tội. Liên lạc viên từ
trong nước ra cũng như từ ngoài nước về đều bị bắt; đến nỗi trong ngoài không
thông tin với nhau được. Cách mạng đành bó tay trong suốt bốn năm trời, chịu tiếng
hèn với đồng bào, với thế giới.
Nhưng dầu thiên nan vạn
nan Cách mạng cũng không nản chí. Sau trận đệ I Thế chiến chấm dứt (11-11-1918)
Điện Hạ trở qua Tàu. Phan Tiên sinh cùng các đồng chí khác đều đã được trả tự
do, nhưng kế hoạch vận động của Đảng phải chịu ảnh hưởng của tình thế rối loạn
của nước Tàu, gặp trăm ngàn trở ngại.
Vả lại với những biến chuyển
lớn lao trên mọi phương diện sau cuộc Âu Châu Đại chiến, Việt Nam Quang Phục Hội
không đáp ứng nhu cầu chánh trị của quốc dân nữa. Với sự xuất hiện của nhiều đảng
phái mới và sự hiện diện của ông Nguyễn Ái-Quốc tại nước Tàu, vai tuồng lãnh đạo
của Quang Phục Hội lu mờ lần lần trong khoản thời gian từ sau Thế chiến thứ I đến
đầu Thế chiến thứ II
Thế chiến II bùng nổ. Năm
1939, nước Nhật nhảy vào vòng chiến tranh. Lần này Nhật đứng vào mặt trận chống
Pháp, tình thế tức khắc thay đổi. Cơ hội cứu quốc trở lại với Quang Phục Hội.
Ngày 12 tháng 3 năm ấy,
Quang Phục Hội được cải tổ và đổi ra VIỆT-NAM PHỤC QUỐC ĐỒNG MINH HỘI để cho có
một hình thức thích hợp với tình thế hơn.
Đảng lập cơ quan tuyền
truyền tại Đài Bắc, hợp tác với Tổng Đốc
Phủ Đài Loan, đả phá luận điệu bài Nhật của Chánh phủ Tưởng Giới Thạch và của
Pháp tại Đông dương. Đảng lại hợp tác với Hoàng Quân, tổ chức Việt Nam Kiến Quốc
Quân tại Quảng Đông và Quảng Tây.
Ngày 22-6-1940, Kiến Quốc
Quân cùng quân Nhựt khai chiến với quân Pháp, đánh thẳng vào Đồng Đăng, Lạng
Sơn, quân Pháp đầu hàng.
Tình thế lại biến chuyển,
một Thoả ước trao đổi quyền lợi giữa Nhựt và Pháp được ký kết:
- Một bên: chánh quyền
Pháp tại Đông Dương hiệp lực với người Nhựt trong cuộc chiến tranh Đại-Đông-Á.
- Bên kia: Nhật duy trì hiện
trạng, công nhận cho Pháp tiếp tục cai trị Đông Dương.
Kiến Quốc Quân được lịnh
lui binh. Một cánh quân không tuân thượng lịnh bị Pháp đánh tan. Thế là kế hoạch
của Phục Quốc Đồng Minh Hội không thực hiện được.Tuy vậy thanh thế của Hội về mặt
chánh trị lại phát triển tại quốc nội, nhờ thành tích Cách mạng của Điện Hạ, mà
50 năm tận tuỵ với Tổ quốc đã in sâu hình ảnh vào tâm não của đồng bào ái quốc.
Đại đa số nhân sĩ, đảng
phái Quốc gia nhất là CAO ĐÀI, đều đặt hy vọng phục quốc vào Điện Hạ
Ngày mùng 7 tháng 5-1945
có tin Người hồi hương.
Tại Sài-Gòn, nhân dân hưởng
ứng lời hiệu triệu của Giáo hội Cao-Đài, tổ chức cuộc đón rước rất long trọng,
trong một khung cảnh tưng bừng náo nhiệt. trên các nẻo đường, những Khải-Hoàn-Môn
với biểu ngữ “ĐIỆN HẠ VẠN TUẾ” nói ra tiếng nói nhiệt thành ngưỡng mộ của mọi
con dân Việt Nam lúc bấy giờ, càng sực nhớ ân đức tiền nhân khai sáng lại càng
mừng cho Điện Hạ có cơ hội phục hồi Tổ nghiệp.
Nhưng than ôi! Một trở ngại lớn chận
đường về của Người.Lịch sử chưa chép rõ trở lực ấy từ đâu mà có. Nhưng chúng ta
biết chắc rằng, tuy Hoàng Đồ Bảo Đại đã
tuyên bố độc lập ngày 11-03-1945 tại Huế, nhưng Nam Kỳ vẫn chưa được trở
về với Hoàng triều và vị Thống đốc Nhựt đã tuyên bố tại Sài-Gòn ngày
30-4-1945”:
“Đây là một ngộ nhận về vấn đề độc
lập tại Đông Dương hoàn toàn ở dưới quyền kiểm soát Quân sự. Nền độc lập của Đế
Quốc An-Nam và của Cao-Miên sẽ được tuyên bố, nhưng Nam-Kỳ chẳng những thuộc
quyền Quân sự mà lại còn ở dưới quyền cùa Quân đội Nhựt. Vậy thì không có vấn đề
Nam Kỳ độc lập”.
Mặt khác, chúng ta không quên rằng
Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để từ khi nguyện hiến thân cho Tổ quốc đến khi sự nghiệp
Cách mạng gần thành tựu, nửa Thế kỷ sau, thỉ chung chỉ có một ý chí: khôi phục
độc lập Hoàng đồ cho Tổ nghiệp từ Mũi Cà-Mau đến ải Nam quan.
Vậy thì lời tuyên bố của vị
Thống Đốc Nhật hoàn toàn trái với ý chí bất di bất dịch của Điện-Hạ và sự Người
không hồi hương lúc ấy để hưởng một thành công sứt mẻ, lại càng biểu lộ một ý
chí mà chúng ta ngày nay càng nghĩ đến càng thêm áo não sùng bái.
Cụ trở về Nhật vào tháng 5 năm
1945, phải cải danh người Trung Hoa lấy tên là Lâm Thuận Đức, được sự giúp đỡ của
Thủ trưởng nước Nhật lúc bấy giờ là Khuyển Dưỡng Nghị, bỗng nửa chừng Dưỡng Nghị
bị ám sát, nhưng Cụ Cường Để vẫn hăng hái hoạt động, tổ chức không ngừng.
Vào cuối tháng 2 năm 1939,
Việt Nam Quang Phục Hội được đổi thành Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội. Bôn ba
trên đường tranh đấu cứu quốc, trong nước cũng như ngoài nước, Cụ đều hăng hái
làm việc nhưng đại cuộc chưa thành.
Mùa Đông năm 1949 từ nước
Nhật, nhơn danh Phục Quốc Đồng Minh Hội, Người lên tiếng kêu gọi thế giới tự
do, giúp đỡ cho dân tộc Việt-Nam thâu hồi độc lập, tự do, đối với thực dân
Pháp, cũng như đối với Cộng Sản Việt Minh.
Năm 1950, Đức Quốc Trưởng Bảo-Đại gởi
thơ mời Người hồi hương chung lo việc nước nhưng Người từ chối vì thực dân Pháp
vẫn còn kiểm soát chánh phủ Quốc gia. Cũng trong năm ấy, Người từ Đông Kinh đáp
tàu thuỷ sang BangKok, nhưng chánh phủ Thái không cho phép Người lên bờ (1) có
lẽ để tránh báo chí phỏng vấn ồn-ào và mục đích của người sang Xiêm là muốn về
cho gần nước nhà để tìm hiểu tình hình cho rõ hơn và nếu thuận tiện, Người sẽ về
Sài-Gòn, nhưng chánh quyền Pháp lại sợ, nếu Người về Việt Nam phò tá Đức Bảo-Đại,
thì thanh thế Chánh phủ Quốc gia sẽ được tăng cường và vấn đề Liên Hiệp Pháp sẽ
bị đem thương thuyết lại ngay, cho nên ngoại giao Pháp vận động với Chánh phủ
Thái không cho phép Người bước chân lên đất Thái” (Thúc Dật Thị)
Ngày 6 tháng 4 năm 1951 Cụ
thọ bệnh và mất tại Đông kinh (Nhật). Hưởng thọ được 80 tuổi.
Trong quyển “LỜI PHÊ” của Đức Hộ-Pháp. trang 61 bày tỏ ý kiến về Đức Ngài qua chuyến công du
sang Đài Loan và Nhựt bổn lúc 10g ngày 29-3-1954.
Ngài nói:
“Tôi có ý muốn đặt những
cơ sở của Đạo Cao Đài tại Đài Loan, cũng như Tôi đã làm việc đó tại Pháp trong
cuộc hành trình vừa qua của Tôi sang Âu Châu.
Thăm Đài Loan xong, Tôi sẽ
qua Nhật Bản và sẽ lưu lại đó chừng ba, bốn ngày để rước hài cốt của Hoàng Thân
Cường Để về nước. Riêng Tôi, Tôi chưa được quen biết Hoàng Thân. Những nhà ái
quốc Việt Nam đối với Tôi, khi Tôi còn là nhà chiến sĩ Cách mạng, đã là biểu hiệu
của cuộc tranh đấu giành độc lập cho Tổ quốc.
Hơn nữa dầu rằng không phải
là một Giáo đồ của Đạo Cao-Đài, Hoàng Thân Cường Để đó là người thứ nhất và
cũng là người có nhiều ảnh hưởng nhất đã bảo vệ cho Đạo của chúng tôi. Trước
khi mất, người đã ban cho Đạo Cao Đài hài cốt và tài sản của Người. Nay Tôi qua
Nhật chính là để thi hành lời trối trăn của Người là rước hài cốt của Người về nước”.
Đức Hộ-Pháp nói tiếp:
“Cũng như việc rước tro của Đức Kỳ
Ngoại Hầu Cường Để về Thánh Địa Toà Thánh là nhiệm vụ Thiêng liêng của một nền
Tôn giáo, hơn nữa là một công dân đất nước của Tổ Phụ lưu lại
cùng là hài cốt của Cụ Duy Tân ở cù lao TIDI và những hài cốt của các nhà ái quốc
lưu vong bỏ mình nơi Hải ngoại. Sau nữa lập một Ban Đạo tỳ cải táng, đi cùng khắp
miền Nam Việt Nam tìm những mồ hoang, những hài cốt của giòng dõi Lạc Hồng bị
ngọn lửa chiến tranh gây hấn từ năm 1945 đến nay đã dấy trên đất nước. Biết bao
nhiêu người đã bỏ mình vì nạn tương tàn cốt nhục, làm thế nào đặng rước về di
táng nơi Nghĩa trang Thánh Địa Toà
Thánh, đồng bào Việt Nam thấy rõ lòng NHƠN NGHĨA của nền Tôn giáo là tấm gương
lịch sử soi chung hậu thế”. (ĐHP thuyết
tại Trí Huệ Cung 4-10-Giáp Ngọ (dl 20-10-1954)
Năm Ất-Dậu (1945) sau cuộc
Đảo chánh Pháp (9 Mars) có làm cửa Khải-Hoàn-Môn tại Sài-gòn đặng tiếp rước Đức
Kỳ Ngoại-Hầu Cường Để là nhà Cách mạng
phiêu lưu 40 năm nơi xứ người. Ngài Chánh Đức viết:
CẢM ĐỀ
Rúng động non Nam khúc khải hoàn,
Treo gương Hồng-Lạc phục giang san.
Vẻ tươi Quốc sử loà cương thổ,
Đánh tỉnh hồn dân dựng miếu đàng.
Nước bốn ngàn năm lừng máu đỏ,
Dân hăm lăm triệu rạng da vàng.
Khí linh bia mãi cùng trời đất
Rúng động non Nam khúc khải hoàn.
TỔ CHỨC CUỘC LỄ RƯỚC ĐỨC
KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ
Tháng 5 năm 1945 tại Sài-Gòn, Đạo
Cao-Đài có tổ chức cuộc Lễ để rước Đức Cường Để
về nước.Với Lý do sau đây:
1 - Xét thấy Hoàng Đế Bảo
Đại không đủ sức cầm quyền, không thể đưa đất nước đến hoàn toàn độc lập theo nguyện
vọng của toàn dân.
2 - Xét thấy Cụ Cường Để
là nhà Cách mạng Nguyễn
Phúc Vân sanh tại Huế, năm Tự Đức 33 (1882)
con của Hàm Hoá Hương Công, cháu 5 đời của Tăng Duệ Hoàng Thái Tử (Đức Hoàng Tử
Cảnh) được tập tước Kỳ Ngoại Hầu nhưng không xuất sĩ. Là người có tinh thần
Cách mạng thuở còn trẻ, đang lưu vong tại Nhựt hoạt động giải phóng giành độc lập
lại cho nước Việt Nam, có khả năng lãnh đạo dân tộc, có đủ uy tín với toàn quốc
đồng bào. Ngài được các nhà yêu nước mến phục và có tên tuổi đối với quốc tế.
Chính Ngài đã lãnh đạo tối cao của Cơ quan Phục Quốc Đồng Minh Hội.
Ngài rất xứng đáng lãnh đạo toàn
dân trong lúc này nên các chánh khách hiệp với Giáo sư Đại biểu đến Bộ Tham mưu
Nhật thương thuyết rước Đức Ngoại Hầu Cường Để về nước.
Ngày 17-5-1945, được tin điện của
Ngài cho hay sẽ về nên các đoàn thể yêu nước, mà nhất là khối Cao-Đài lo làm Lễ
đài sẵn tại phía sau Nhà Thờ Đức Bà.
Cất khán đài, dựng Khải hoàn môn rất
lộng lẫy, có Nghĩa binh Cao-Đài đứng gát trang nghiêm, có đội cận vệ túc trực.
Sự trọng thể này làm cho hầu hết quần chúng đi ngang qua phải xuống xe đi hai
bên chứ không đi cửa giữa
Các tỉnh nghe tin sự tổ chức rước nhà Cách mạng
Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, nhiều người lên Sài-gòn chờ đợi cả tháng mà Đức Ngài vẫn
chưa về. Tại sao vậy?
Theo như con của Đức Ngài là Tráng
Cử và Tráng Liệt cho biết: Kỳ Ngoại Hầu định về, thì cuộc chiến đã tới tấp trên
đất Phù-Tang, bom nguyên tử của Mỹ đã trút xuống hai thành phố Hiroshima và
Nagasaki làm cho nhà cửa đổ nát, hàng vạn người Nhật phải chết, cộng thêm Đảo
Okinawa hạm đội Mỹ tràn ngập. Lại nữa, Ngài được các đồng chí cho biết tại quê
nhà có sự manh nha tranh quyền lãnh đạo quốc dân, nên Ngài quyết định gởi xương
nơi đất khách. Vào ngày 5 tháng 4 năm 1951 Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để từ trần để
lại muôn vàn luyến tiếc.
Năm Giáp Ngọ (1954)
Đức Hộ-Pháp sang Nhựt rước di hài của Đức Kỳ Ngoại
Hầu
Cường Để về nước.
ĐỨC HỘ PHÁP tuyên bố tại phi trường
Tân Sơn Nhứt ngày 12-10-1954 (năm Giáp Ngọ)
Thưa cùng đồng bào Việt Nam,
Đây là di hài của Đức Kỳ
Ngoại Hầu Cường Để, quí danh là Nguyễn Phúc Vân, Ngài là đích tôn của Đức Đông
Cung Cảnh tức là Tông Chi Hoàng Tộc. Cả toàn thể Quốc Dân đều biết dĩ vãng của
Ngài.
Ngài đã hy sinh một đời sống
lưu vong nơi đất khách, cốt theo đuổi một mục đích, là làm thế nào phục hồi vận
mạng Tổ Quốc, độc lập thiệt hiện.
Ngài cũng như Bần Đạo, tâm
hồn của Ngài phù hạp với tâm hồn của Bần Đạo là chẳng lúc nào Ngài phân biệt
màu sắc chánh trị, cùng đảng phái, đoàn thể, Tôn Giáo.
Một kiếp sống của Ngài, chỉ
có một mục đích là làm thế nào phục sự vận mạng Tổ Quốc và đồng bào Việt Nam.
Đau đớn thay! Trên bốn chục năm lưu vong nơi đất khách. Ngài theo đuổi một mơ vọng
mà Ngài không đạt đặng. Công chưa thành, danh chưa toại, Ngài đã thành người
thiên cổ nơi đất khách quê người.
Hôm nay, di hài của Ngài
đã được đem về nước:
Do đó khối anh linh của Ngài
cũng cùng về hiệp với khối Quốc hồn của bốn ngàn năm lập quốc.
Thê thảm thay! Trước nửa
giờ lâm chung, Ngài còn rán ngồi dậy nhắn cùng tất cả Thanh Niên Việt Nam hãy
cương quyết phục cường cứu quốc, rồi Ngài nằm thiêm thiếp. Trước khi trút hơi
thở cuối cùng Ngài còn rán kêu: “Việt Nam Muôn Năm”.
Bần Đạo nghe thuật lại điều
ấy, Bần Đạo cảm khích vô ngần. Những bạn đã lưu vong cùng Ngài đã khóc hết nước
mắt. Khối tâm hồn ái quốc ấy hôm nay ước mong nó sẽ là một ngọn lửa thiêng nung
sôi tâm hồn của toàn thể Quốc Dân Việt Nam, bỏ thành kiến, bỏ đảng phái hiệp sức
cùng nhau để cứu vãn tình thế nước nhà đang lúc nguy vong tan tác.
Trước khi dứt lời, Bần Đạo
xin toàn thể đồng bào nối điêu theo dư âm khốn khổ của Ngài đã kêu cả toàn thể
đồng bào của chúng ta. Bần Đạo hô như Ngài đã kêu gào thống thiết trước hơi thở
cuối cùng của Ngài”.
Đức Hộ Pháp tuyên bố trong dịp rước di hài
Cụ Cường Để.
Đức Hộ Pháp tuyên bố trong
dịp rước Di hài của Cụ Cường Để tại Tòa Thánh, ngày 20-9-Giáp Ngọ (1954)
Thưa Chư Chức Sắc Thiên Phong Nam,
Nữ Lưỡng Phái, Thánh Thể Đức Chí Tôn, Hội Thánh Nam, Nữ, các Cơ Quan Chánh Trị
Đạo.
Tiếp theo lời tuyên bố của
Bần Đạo khi về đến Sài Thành đã nói về đời sống của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để,
Bần Đạo chẳng cần nhắc đi nhắc lại thì cả toàn thể quốc dân Việt Nam, cả toàn Đạo
cũng biết rõ sự hy sinh vô đối của Ngài, kiếp sống của Ngài chỉ có một mục đích
quật cường giải ách lệ thuộc thâu hồi độc lập và phục quốc cho đồng bào. Khi mới
đến Tân Sơn Nhất Bần Đạo đã tỏ lời kêu gọi theo yếu thiết của Đức Kỳ Ngoại Hầu
lúc lâm chung. Cả một đời sống hy sinh của Ngài mong tạo hạnh phúc cho Tổ Quốc
cho giống nòi mà phải chịu chẳng biết bao nhiêu gian truân khổ não, cũng chỉ vì
lòng ái quốc vô đối của Ngài.
Cả Thanh Niên Việt Nam nên
ghi nhớ những lời nhắn gởi của Ngài, trước nửa giờ chết, Ngài còn rán ngồi dậy
nhắn cho toàn Thanh Niên Việt Nam phải cương quyết quật cường cứu quốc, mặc dầu
còn một hơi thở cuối cùng, nhưng Ngài còn rán hô “Việt Nam Muôn Năm” rồi mới tắt
thở. Bần Đạo không thấy mà đã nghe Đồng bào Việt Kiều ở Đông Kinh thuật điều ấy
làm cho Bần Đạo khóc, và chính mình Bần Đạo chỉ biết khóc mà thôi.
Nối theo lời kêu gọi thống
thiết của Ngài Bần Đạo về đến đây cũng xin cả toàn thể con cái Đức Chí Tôn Nam,
Nữ Lưỡng Phái lập lại lời thống thiết trước giờ chết của Ngài. Bần Đạo hô cả thảy
đều hô theo:
“VIỆT NAM MUÔN NĂM !”.
Ngày mùng 1 tháng 3 Quí Tỵ
(1953)
Lễ Đại Tường Đức Kỳ Ngoại
Hầu Cường Để
Bài Thài:
Ngoài bốn mươi năm biệt cửa nhà,
Quyết lòng khôi phục nước Nam ta.
Náu-nương đất khách chờ thời thế
Tuổi thọ bảy mươi trí chẳng già.
Cường Để
THỦ BÚT CỦA ĐỨC CƯỜNG ĐỂ
(Bức thư bằng Hán tự của Đức Kỳ Ngoại Hầu
Cường Để Điện Hạ gởi ông Trần Quang Vinh )
Ông Trần Quang Vinh Dịch y nguyên văn:
Đông Kinh, ngày mùng 2 tháng 12 năm
1948
Cùng Đồng chí Trần Quang Vinh,
Mấy năm nay tuy bặt hẳn âm tín,
nhưng nhờ có “Radio Sai-gòn” truyền thanh, cũng rõ được túc hạ và các đồng chí
Tín đồ mạnh khoẻ như thường, tôi rất an dạ.
Tôi vẫn tin chắc rằng dầu cho thời
thế biến động cách nào, đồng chí đối với
tôi tất không bao giờ xao lãng mà tôi đây chưa hề khoảnh khắc vong hoài.
Ngày tôi trở về nước tưởng
không bao lâu nữa, có thể thực hiện được, xin mong cả thảy an tâm và bảo trọng.
Hiện nay trong nước đều đã đồng tâm ủng hộ Hoàng Đế Bảo-Đại hồi loan chấp
chánh, giữ nền độc lập thống nhứt Quốc gia, vậy Tín đồ ta hãy tỏ rõ sự hành động
nhứt trí của mình giúp cho cuộc giao thiệp
độc lập sớm giải quyết, trật tự hoà bình
mau thấy trở lại làm cho quốc dân ta được an cư lạc nghiệp, mặc ấm ăn no, ấy là
điều sở nguyện của tôi đó.
Bức thơ của đồng chí gởi
ngày 30 tháng 10, mãi đến ngày 1 tháng 12 mới tiếp được,ấy là vì phải trải qua
cuộc kiểm duyệt của quan địa phương nên mới chậm trễ như thế.
Nay kính thư này cầu chúc
cho Đạo an, xin rõ lòng nhau và trao tấc dạ này cùng các đồng chí.
Về gia đình của đồng chí
Nguyễn văn Sâm, xin hãy tận tâm chiếu cố, chớ lãnh đạm thờ ơ, rất mong.
Hiện thời những thơ từ qua
lại đều phải qua mắt sở kiểm duyệt rồi mới phát ra. Phàm thông tin bằng văn tự,
chỉ dùng bốn thứ văn tự là: Hoa, Anh, Nhựt, Pháp mà thôi. Vì vậy bức thư này
không thể viết bằng Quốc ngữ, nên phải viết bằng Hán văn, xin lượng cho.
Cường Để
(Ký tên và đóng dấu)
Tokyo, ngày 28 tháng 11 năm 1950
Đồng chí Trần Quang Vinh
Tổng Trưởng Bộ Binh Bị (Lực)
SÀI-GÒN
Kính gởi,
Câu chuyện hàn huyên, xin miễn thứ
không phải nói. Mấy lâu nay tôi vẫn hết sức vận động các phương diện Anh, Mỹ,
nhờ khuyến cáo chánh phủ Pháp mau xác nhận quyền độc lập tự chủ cho nước nhà, mới
thu phục được lòng dân, mới phòng ngừa được hoạ Cọng.
Mới rồi, nghe tin rằng
Chánh phủ và Nghị viện Pháp đã thông qua cái Nghị án giải phóng Đông dương độc
lập thật sự, Tôi rất đỗi lấy làm mừng cho cả dân tộc
được thấy đem lại
Hoà-bình, an cư lạc nghiệp. Tôi sẵn lòng về nước phò Vua giúp nước gầy nên thịnh
cường cho dân tộc được vẻ vang, cho dân sinh được sung túc, cho thoả cái nguyện
vọng 47 năm nay. Nhưng nhà báo thông tin cũng có khi sai lầm, sự thực hẳn có được
như lời nhà báo nói hay không? Vả chăng muốn trưng cầu ý kiến các đồng chí biết
nên về hay chưa nên về ra sao đã, mới hợp cái đạo nghĩa “Đồng ưu cọng lạc” với
nhau. Vậy nay tôi xin hỏi ý kiến túc hạ cùng các đồng chí nên thế nào cho biết,
cám ơn.
Quân đội ta cần phải cho ăn mặc đầy
đủ, huấn luyện cho tinh nhuệ, kỷ luật cho nghiêm minh, hình thức có, tinh thần
phải có. Chúng ta ở cái tình thế ngày nay rất khó khăn, phải tế tâm cho lắm mới
đứng vững.
Sau đây xin chúc đức Hộ-Pháp cùng
các giáo hữu mạnh giỏi, bền lòng phấn đấu cho tổ quốc vẻ vang.Vì có lời chúc
các chiến sĩ Hoà Hảo, Bình Xuyên hùng dũng phấn phát đồng lòng nhứt trí ủng hộ
Đức QuốcTrưởng Bảo Đại để cứu đồng bào
quốc dân ra khỏi lầm than.
Nay kính (Ký tên đóng dấu)
CƯỜNG ĐỂ
LỜI
NÓI THÀNH THỰC:
Đồng bào tương sát là một sự rất
khá thương tâm. Bên kháng chiến phần nhiều là những nhà ái quốc, vì tổ quốc độc
lập tự chủ mà phải đứng ra chịu đầu đạn mũi gươm, chớ không phải vì quyền quí lợi
lộc, cũng không phải vì chủ nghĩa chủ trương gì khác. Nếu như nay Chánh phủ
Pháp đã chịu xác nhận đem độc lập chủ quyền trả lại cho ta rồi đó,thì bên họ
đương nhiên cũng vui lòng quăng gươm súng trở về với ta, đâu lưng hiệp sức mà
vun đắp non sông, tạo hạnh phúc cho đồng bào. Vả chăng không
còn có lý do gì mà họ
kháng chiến được nữa, mở con đường khoan đại đãi ngộ cho họ để về với ta. Xét
cho kỹ tấm lòng yêu nước, yêu nòi họ chẳng khác
gì ta. Sự thực cũng nhờ họ mà đem lại được cái địa vị ngày nay, cúng ta
không quên được họ, lưu ý lưu ý!
CƯỜNG ĐỂ
Tokyo, ngày 20 tháng 1 năm 1951
Kính gởi đồng chí Trần Quang Vinh
Tổng Trưởng Bộ Quân Lực
Chánh Phủ Quốc gia Việt-Nam
SAI-GÒN
Quí thơ và quí ảnh tiếp được cả,
cám ơn..
Nước ta ngày nay tuy vẫn đã độc lập
rồi song hành chánh kinh phí hãy còn ỷ lại vào người, thực là mộ sự không hay
cho nước nhà lắm, ta phải tìm cách gì để cho tài nguyên dồi dào mà tự cấp tự
túc mới hợp lẽ. Thiết tưởng hiện thời ở Nhựt Bản công nghiệp rất phát triển, mà
nguyên liệu ở Tàu, Mãn châu, Triều Tiên không đem lại được, họ đương tìm cách
mua bán với ta, mà ta cũng có nhiều phẩm vật cần dùng đến của họ lắm, đường gần
mà giá rẻ, có tiên cho cả hai bên, vậy hy vọng tướng quân bàn với Chánh phủ ta
nên phái đại biểu qua Nhật hiệp định việc mua bán với họ, để cho có kinh tế mà
làm việc nước rất tốt. Ngoài cửa biển ta, tàu Nhựt bị đánh chìm rất nhiều, thứ
tàu ấy để như thế có phương hại cho sự giao thông đi lại. Vả chăng vớt lên được
thì có lợi ta nhiều, ở Nhựt có nhiều người có kinh nghiệm sự vớt tàu chìm, ta mời
họ qua mà trù tính việc đó rất tốt.
Sự Nhựt thông thương với ta, Mỹ
cũng vui lòng, bởi vì Mỹ cũng cần dùng Nhựt chế đồ cho họ mà thiếu nguyên liệu.
Triều tiên có cả Quốc Liên Quân đánh dùm, mà Trung Cộng không thèm đếm xỉa chi
hết, ỷ có nhiều quân cứ đánh đại vào, nước
ta viện cô, quân ít, vạn nhứt hoá đánh vào, ta sẽ tính sau.
Toà thánh Tây ninh nên lập bệnh viện
cứu chữa dân nghèo, nên lập trường học giáo dục trẻ em cho hắn hiểu luân lý đạo
đức ở đời, rồi dạy cho hắn biết một nghề nghiệp gì đó, để hắn nuôi thân, khỏi
ăn bám vào cha mẹ bà con thực là rất quí. Thanh niên ta mất dạy rất nhiều, làm
Chánh phủ với làm cha mẹ nên chăm lo cho hắn, chớ để hỏng cái đời thanh thiếu
niên của hắn, di hại tới nước nhà, chú ý chú ý.
Nhà tôi có mười mấy đứa cháu ở Huế,
nghe nói cha chúng nó bỏ nhà đi vắng, vậy thì không co ái trông nom sự học hành
cho chúng nó, thực khá thương tâm.Tướng quân có ngày giờ lo được. Nhớ để ý dùm,
rất cám ơn.
Nay kính
Ký tên: CƯỜNG ĐỂ
Người nước ta hiện thời ở Tokyo chỉ
có một mình Tôi là không hùa theo chủ nghĩa Hồ được, còn bao nhiều là Hồ chủ tịch
muôn năm. Cha chả muôn năm cả.Tôi tuổi già mà ở một mình đơn cô, có thể xin đức
Quốc trưởng cho phép một hai đứa cháu của tôi qua Tokyo ở với Tôi, Tôi rất cám
ơn vô cùng tận.
Kính chúc các đồng chí
muôn năm
Đức Quốc trưởng Bệ Hạ muôn
năm
Chánh phủ độc lập mới muôn
năm
Ký tên: CƯỜNG ĐỂ
Ngày năm ngoái tôi qua Xiêm để cho tiện đường liên
lạc đồng chí, rồi tích cách về nước phò tá Đức Bảo Đại để làm choi mau đem lại
Hoà bình cho dân nhờ, không ngờ không lên bờ được! Tiếc thay! .Ký tên: CƯỜNG ĐỂ
… …Sài gòn, ngày 19 tháng 2 năm
1951
Kính gởi Đức Kỳ Ngoại Hầu
Cường Để Điện Hạ.
ĐÔNG KINH
Kính Điện Hạ,
Tiếp đặng thơ của Điện Hạ đề ngày
20-1-1951, Tệ chức xin đa tạ, đa tạ. Các lời vàng ngọc của Điện Hạ chỉ giáo các
đồng chí và Tệ chức xin ghi nhớ vào tâm
trí. Về vấn đề gởi đại biểu sang Nhật là phận sự của chánh phủ, nhưng thời cuộc
lúc này chưa thuận tiện, Chánh phủ mới phái hai vị Sứ thần đi ngoại quốc: Ông
Bác-Sĩ Trần văn Đôn, Cựu Thị Trưởng Sài-Gòn, Chợ lớn, đặng phái sang Luân Đôn
(Londres) và ông Nguyễn Khoa Toàn cựu Tổng Trưởng sang Vọng Các (Bangkok) Lần
lượt sẽ tới phiến các nước khác.
Toà Thánh Tây Ninh đã có sẵn Bệnh
viện và trường học. Học sinh nghèo do Hội Thánh và Quân đội bảo bọc có trên
6.000 sinh viên, đâu đó đều có tổ chức chu đáo.
Chánh phủ Việt Nam –Tân
chánh phủ đã thành lập, kỳ này Tệ chức xin rút tên ra. Bộ Quốc phòng hãy là
Quân lực đã giao cho Ông Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc Việt. Sỡ dĩ Tệ chức không
dự vào Nội các là do nơi sự đổi chọn vào
bộ khác, nên Tệ chức không bằng lòng. Qua trung tuần tháng ba (Mars) Tệ chức
sang Pháp lối vài ba tháng….Tệ chức kính thăm Điện Hạ, cầu chúc Điện hạ mạnh
khoẻ và luôn gặp may mắn
Nay kính
Ký tên
TRẦN QUANG VINH
PHÁI ĐOÀN BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
Viếng BÁO QUỐC TỪ
Lúc 9 giờ ngày 20 tháng 10
năm Bính Ngọ (dl 1-12-1966)
Phái đoàn đến viếng BÁO QUỐC
TỪ tại chợ Long Hoa, Phái đoàn Bửu Sơn Kỳ Hương làm lễ cầu nguyện các vị Tiền
Vương, ông Vạn Pháp Tiếp Dẫn Đạo Nhơn ứng khẩu đọc bài này:
Ơn Quốc Tổ Tiền Vương ghi nhớ,
Đoàn BỬU SƠN muôn thuở nào quên.
Tứ Ân Hiếu nghĩa đáp đền,
Tiền vương Thành Thái tuổi tên ghi lòng,
Đức Hàm Nghi gán công phế Đế
Vào non Nam núi Tượng lập nền!
Duy Tân tại dạ dựng lên,
Cường Hầu phục quốc tuổi tên chói loà,
Bửu Lân bất phục Lang sa,
Đưa Kỳ ngoại quốc bước qua Nhựt Hoàng.
Ngày trở lại giang san dựng nghiệp,
Hảo tâm đồng hoà hiệp Hiển Trung
Tiền nhân các Đấng anh hùng,
Nay đoàn hậu tấn thỉ chung một lòng,
Đất Nam Việt Tiên Rồng một thuở,
Nhìn ánh gương Cường Để Thái Duy,
Thành công quốc thời Tân nghi,
Cao-Đài tỏ rạng Nam Kỳ Tây Ninh.
Đoàn hậu tấn đây xin làm Lễ,
Các tiền Vương thuận kế cứu đời,
Hiệp chung Tam giáo vây thời
Bửu gia hoà thuận cơ trời định phân
Lập Thượng cổ Tân Dân, Minh đức,
Đời Thượng nguơn đáng bực Nam triều,
Tuổi tên tiền bối danh nêu,
Noi theo lý trí mộ triêu nhơ tài
VẠN PHÁP cảm đọc bài Cung chúc,
Đạo nhơn lành ung đúc tinh thần
Lòng người vì nước vì dân,
Vì Đời vì Đạo tinh thần nêu cao.
Nhìn tiền bối ước ao tâm trí,
Tưởng Tiền Vương dụng lý nhơn hoà.
Ngày nay tới Thị LONG HOA,
Báo ân cầu nguyện tự ta lòng thành.
Cầu đạo đức nhơn sanh hoà hiệp,
Lập Thượng nguơn cho kịp kỳ thời.
Dâng hương cầu nguyện Phật Trời,
Tiền Vương các Đấng chứng lời nguyện đây.
Trở về nơi cảnh miền Tây,
ĐỒ THƠ xem kỹ lời Thầy di ngôn,
Người đạo đức tử tôn tiền bối,
Nhớ Trăm quan một khối tinh thần.
Cùng nhau hoà hiệp an dân,
Hiếu Trung Nghĩa Dũng tinh thần chớ phai,
TỨ ÂN cũng đáp ngay tròn phận,
Khuyên đệ huynh bỏ giận chớ hờn,
Bài này của Lão Đạo đờn,
Kính dưng đạo đức BỬU SƠN xem tường,
Nên trí đạo nên nhường phải nhịn,
Chờ Thiên cơ có lịnh Thánh Hoàng.
Chúc mừng bổn Đạo phái đoàn,
Hội đồng liên phái được an tấm lòng.
Tháng năm mùng một có công,
Đúng niên KỶ DẬU con Ông trở về
Tây Ninh an phận một bề,
Đồng nhau hồi hướng trở về Tây an,
ĐỒ THƠ thầy Tổ truyền ban,
Xem coi cho kỹ hiệp đàng NGHĨA NHÂN,
Đôi lời vọng bái Thánh ân
Kính nhau tình bạn ân cần CHỮ TU
“Nam Mô A-Di-Đà-Phật”
Hoài
niệm Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để
Thời gian thấm thoát trôi qua,
Nước non hớn hở cỏ hoa ngậm ngùi.
Đại Tường ngày tháng tới nơi,
Ai người thức giả ai người chí công.?
Nhớ xưa Cường-Để sổ lồng,
Bôn ba hải ngoại non sông một chèo.
Sĩ phu trong nước hướng theo,
Cánh buồm Bắc Hải con chèo Việt-Nam.
Tăng Bạt Hỗ với Sào Nam,
Ra đi vì nghĩa việc làm vì dân
Nêu danh cách mạng tinh thần
Gọi người đồng chủng tinh thần bước ra
Khi Nhật-bản lúc Trung-hoa
Hoành thân Thượng hải những là nguy nan
Gặp Dưỡng Nghị quốc sự bàn
Tâm đầu ý hiệp quan san chẳng từ
Lương-Ngọc-Quyến với thiên tư
Chấn-Vũ Học Hiệu tay cừ xuất thân
Kỳ-Ngoại-Hầu trạc thanh xuân
Cùng ăn cùng học chuyên cần anh em
Tung hoành kể đã bao phen
Xiêm la Đức Quốc trí bền xông pha
Luân-Đôn vận động nước nhà
Toàn quyền xá lợi thiết tha yêu cầu
Lạ thay là Kỳ Ngoại Hầu !
Nung gan đúc trí trước sau vững bền
Non
sông ghi dấu họ tên,
Một
lòng vì nước chẳng quên vì nhà.
Bốn
mươi năm Nhựt-bổn qua,
Tấm lòng vì nước thân là cỏ cây.
Trời Nam hưng vận ngày nay,
Hồn về chín suối xác rày thành tro.
Ra đi bao nỗi hẹn hò,
TINH TRUNG BÁO QUỐC ra tro cũng đành
Nghìn thu rõ mặt tài danh,
Sử xanh còn đó đành rành ghi tên.
Ngoài hoạt động chẳng ai quên,
Biết bao tác phẩm lưu truyền đến ta
Đồng Minh Phục Quốc lập ra
Chín cương giải nghĩa những là tương thân
Việt-Nam nghĩa hiệp trung thần
Những ai vì nước vì dân qua đời
Quan phục hưng, phương lược rồi
Gọi người quốc sĩ gọi người trung cang
Thuốc Tiên lấy linh hồn đan,
Ngõ hầu bồi bổ ruột gan anh hùng
Dâng bản chủ nghĩa thành công
Ấy là phương sách hưng vong duy trì
Dư cửu niên lai sở trì,
Đây là chủ nghĩa thạnh suy nước nhà.
Chút thân lưu lạc cõi xa,
Một lòng vì nước vì nhà tận trung
THIÊN HỒ ĐẾ HỒ SOẠN XONG
Ngài Cường Để một tấm lòng xót xa
Đến nay thân đã về già,
Nước nhà độc lập vẫn là lênh đênh
Trăm năm ghi lại chút tình,
Vo toàn Bất Khải đinh ninh chẳng về
Sắt son giữ trọn lời thề,
Biển Đông di hận hồn quê mơ màng
Nắm tro gởi đất Phù Tang,
Tiếng quyên réo rắt phụ phàng trời xanh
Gió mưa lay động bức mành,
Phải hồn Tinh Vệ xót tình tha hương.
Đại Tường gãy khúc đoạn trường,
Càng nhìn thấy cảnh càng thương nỗi lòng
Xa xa nhắn với Hoá Công,
Đau lòng Cuốc rũ uổng công
KHUYẾN CÁO QUỐC DÂN CA
Bài “Khuyến cáo Quốc Dân ca” dưới đây
là của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để viết ra tại Đông Kinh ngày 11 tháng Giêng năm
1944 gởi về cho nhân dân Việt-Nam và toàn thể Chiến sĩ Cách Mạng trong thời kỳ
phấn đấu để giành độc lập.
Nước mất sáu mươi năm rồi đó,
Quốc dân ta có nhớ hay không?
Kìa xem các nước Á-Đông,
Miến, Phi đều đã thoát vòng Mỹ Anh,
Chỉ còn có một mình Ta đó,
Vẫn để cho Pháp nó đè đầu,
Pháp kia còn có chi đâu?
Từ ngày thua Đức đã hầu diệt vong.
Gọi là nước thật lòng thành nước,
Ấy thế mà vẫn được trị bình,
Vẫn còn bạo ngược hoành hành,
Mà Ta cũng vẫn trung thành lạ thay,
Làm nô lệ đến ngày nào nữa?
Đến ngày rày còn chửa chán sao?
Hỏi hăm lăm triệu đồng bào?
Chuyện
ta Ta phải tính sao bây giờ ?
Chẳng
lẽ cứ ngồi chờ đến chết?
Giương
mắt trông của hết đến cùng.
Bảo
nhau phải dốc một lòng,
Phen
này ta quyết chẳng dong quân thù.
Ông
Cha trước Bình Ngô
Sát-Thát,
Nòi
giống mình hèn nhát chi đâu !
Sao
Ta lại chịu cúi đầu?
Làm
tôi tớ Pháp như trâu như bò?
Mình khốn khổ ấm no chẳng đủ,
Riêng sướng cho một lũ Tây Đầm.
Ai người có chút lương tâm?
Nghĩ nông nỗi ấy cũng bầm tím gan,
Nhiều kẻ vị thăng quan tiến chức,
Mà nỡ tâm bán nước hại nòi,
Vị tiền cũng lại lắm người,
Cơ hồ khắp nước chim mồi chó săn,
Ai có chí cứu dân cứu nước?
Thì lũ này sửa trước chớ tha,
Hỏi anh em chị em ta ?
Hiến thân cho nước mới là Quốc dân.
Pháp nọ cậy có quân có súng,
Động tí chi giết sống người mình.
Thực thì khố đỏ, khố xanh,
Trừ
quan là Pháp là anh em nhà.
Sao
không biết đảo qua đánh nó?
Nếu
đồng tâm có khó chi đâu?
Người
mình mình chớ hại nhau,
Xin
quay ngọn súng trỏ đầu thằng Tây.
Nay
mai sẽ có ngày khởi nghĩa,
Các
anh em xin chớ ngại ngần.
Dốc
lòng vì nước vì dân,
Giúp
ta người sẽ có quân hùng cường
Nay dân tộc da vàng hợp sức,
Đánh đuổi người áp bức bấy lâu,
Đồng tâm ta phải bảo nhau,
Có ra sức mới ngóc đầu được lên.
Này những kẻ có tiền có của,
Chớ của mình mình giữ khư khư,
Đem tiền giúp nước bây giờ,
Có công là sẽ có lời lãi to.
Chẳng hơn cứ bo bo từng cuộn,
Rồi đến thành giấy lọn vứt đi,
Làm giàu cũng phải khéo suy,
Trước là vì nước sau vì bản thân.
Nay cơ hội đã gần tới đó,
Quốc dân ta xin cố sức lên.
Nhứt là Nam Nữ thanh niên,
Chớ quên cứu nước là thiên chức mình
Đừng say đắm hư linh vật chất,
Sự vui chơi xin dứt hết đi.
Kìa trông hai nước Miến Phi,
Họ đà độc lập mình thì làm sao?
Không lẽ chịu thuộc vào Pháp mãi?
Xiềng xích này ta phải phá ra,
Ta không cứu lấy nước nhà,
Khó mong cái sự người ta cứu mình.
Phải quyết chí hy sinh phấn đấu
Vì tự do rơi máu cũng đành,
Hãy vào Phục Quốc Đồng Minh,
Góp thêm sức mạnh làm thành việc to.
Tranh độc lập tự do cho nước,
Cho nước mình cũng được như ai.
Đứng trên Thế giới vũ đài,
Từ đây cũng có mặt người Việt Nam
Bốn mươi năm đi làm việc nước,
Thân già này chưa được chuyện chi!
Tuổi nhiều nhưng sức chửa suy,
Thuỷ chung lòng những lo vì nước non.
Cũng chẳng tưởng đến con đến của,
Cũng không mong làm chúa làm Vua.
Chỉ mưu đánh đuổi quân thù,
Để gây dựng lại cơ đồ nước ta.
Bởi vì thế bỏ nhà sang Nhựt,
Bấy nhiêu năm nếm mật nằm gai.
Đã hay thành sự tại Trời,
Gắng công cũng phải tại người mới nên
Vậy nay có mấy lời thành thực
Xin quốc dân hợp tác đồng lòng.
Người xuất của, kẻ xuất công,
Người ngoài vận động, người trong thật hành.
Sẽ có kẻ giúp mình thêm nữa,
Việc phen này không sự không xong.
Cốt sao ta phải hết lòng,
Thành công sẽ chỉ trong vòng năm nay.
KỲ NGOẠI HẦU CƯỜNG ĐỂ
BÀI ÁI QUỐC CA
Nay ta hát một
câu ái quốc,
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Nghiêm trang bốn mặt sơn hà,
Ông cha ta để cho ta lọ vàng,
Trải mấp lớp Tiên Vương dựng mở,
Bốn ngàn năm dải nắng dầm mưa.
Biết bao công của
người xưa,
Gang sông tấc
núi dạ dưa ruột tằm
Hào đại hải ầm ầm trước mặt,
Dải Cửu Long quanh quất miền Tây.
Một toà san sát xinh thay,
Bắc kia Vân Quảng, Nam này Côn Lôn.
Vẽ gấm vóc nước non thêm đẹp
Chắc những mong cơ nghiệp dài lâu
Giống khôn há phải đàn trâu!
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng.
Hăm lăm triệu dân cùng của hết
Sáu mươi năm nước mất quyền không.
Thương ôi ! Công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu chảy non chồng thịt cao,
Non nước ấy biết bao máu mủ?
Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang.
Cờ ba sắc xứ Đông Dương,
Trông càng thêm nhục nói càng thêm đau
Nhục vì nước mà đau người trước,
Nông nỗi này non nước cũng oan,
Hồn ôi ! Về với giang san.
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này,
Hợp muôn sức ra tay Quang Phục,
Quyết phen này rửa nhục báo thù.
Một câu ái quốc reo hò,
Xin người trong nước phải cho một lòng.
CƯỜNG ĐỂ
Ngọ môn – Huế (1948)
5 - Tráng Liệt và Tráng Cử
đòi xác tro của Cụ CƯỜNG ĐỂ.
Hai Ông Tráng Liệt và Tráng Cử là hai con của Cụ Cường Để, ở Huế vào Sài
gòn, với sự hướng dẫn của Ông Nguyễn văn Vàng, Đại biểu Chánh phủ Miền Tây,
nguyên Tỉnh Trưởng tỉnh Tây Ninh và với áp lực của Chánh Phủ Ngô Đình Diệm, lên
Tòa Thánh Tây Ninh, đòi Hội Thánh trả xác tro của Cụ Cường Để, vào năm 1956.
Diễn tiến của sự việc được Ông Cải
Trạng Nguyễn Minh Nhựt tự Trân thuật lại chi tiết như sau đây :
"Không nhớ rõ ngày tháng nào
trong năm 1956 (Bính Thân), Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Vàng, nhờ có công với Chánh
phủ trong việc khắc khe đàn áp Đạo ở Tây Ninh, thêm sự nâng đỡ của Phó Tổng Thống
Nguyễn Ngọc Thơ, được thăng cấp Đại Biểu Chánh Phủ Miền Tây đặc trách Hoa Kiều
Sự Vụ, dẫn hai Ông Tráng Liệt và Tráng Cử lên Tòa-Thánh Tây-Ninh, đòi nhận lại
xác tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
Lúc bấy giờ Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức cầm giềng mối Đạo, do Ủy Nhiệm Thư của Đức Hộ Pháp. Cả Hội
Thánh Lưỡng Đài chẳng biết tính lẽ nào, yêu cầu hoãn lại để thỉnh giáo Đức Hộ
Pháp.
Trước kia, do Di Chúc Di Ngôn của Đức Cường Để,
Đức Hộ Pháp dẫn phái đoàn Đạo Cao Đài sang Nhựt Bổn thỉnh xác tro của Người về thờ tại Tòa Thánh. Hội Thánh không dám tự chuyên quyết định
giao.
Ông Vàng hỏi Hội Thánh thỉnh giáo Đức Hộ Pháp cách nào và chờ trong bao
lâu?
Hội Thánh trả lời :
- Bằng điện tín và chờ trong một tuần.
Ông Vàng cười và đồng ý.
Sau nầy rõ lại là Ty Bưu Điện nhận tiền và nội dung bức điện tín của Hội Thánh nhưng không chuyển
đi. Có lẽ Ông Vàng đắc ý vì sách lược dự tính sẽ được áp dụng mà Hội Thánh
không thể biết được. Có lẽ Ông nghĩ rằng trước sau gì Hội Thánh cũng phải giao
xác tro mà không làm sao có lịnh của Đức Hộ Pháp. Ông Vàng cười là vậy. Thâm ý
của Chánh quyền muốn cách ly Hội Thánh với Đức Hộ Pháp.
Đúng kỳ hẹn, Ông Vàng cùng hai Ông Tráng Liệt
và Tráng Cử đến tại Giáo Tông Đường. Ông Vàng với vẻ đắc ý, hỏi Hội Thánh:
- Thế nào ? Đức Hộ Pháp trả lời thế nào ?
Hội Thánh cho đọc bản văn do bút tự của Đức Hộ
Pháp dạy giao xác tro và buộc phải ký biên nhận.
Ông Đại Biểu Vàng ngạc nhiên hỏi:
- Hội Thánh liên lạc bằng cách nào ?
Hội Thánh trả lời:
- Liên lạc bằng điện tín. Đức Hộ Pháp sai người mang giấy về cho kịp
ngày giờ.
Ông Vàng hỏi: - Đi đường nào ?
Hội Thánh đáp: - Không biết.
Ông Vàng nghi nghi ngờ ngờ không đoán ra. Kỳ thật, Hội Thánh tiên đoán
và tiên liệu cho liên lạc đi để nhận hồi âm về liền, việc gấp rút sợ trễ sẽ gây
bối rối.
Sĩ Tải Nguyễn Minh Nhựt tự Trân được lịnh thảo Biên nhận trình lên Hội
Thánh, chuyển qua tay ông Vàng. Ông kêu Sĩ Tải Trân chỉnh lại, đại ý rằng, đã
đi với Đại Biểu Chánh phủ mà còn ghi số căn cước, địa chỉ làm gì.
Sĩ Tải Trân nhỏ nhẹ đáp:
- Xin Ông nói với Hội Thánh. Tôi
viết xong là hết phận sự.
Hội Thánh cho đánh máy Biên nhận, chỉnh theo yêu cầu của ông Đại Biểu
Vàng.
Trong lúc chờ đợi, Sĩ Tải Trân hỏi hai ông con của Cụ Cường Để :
- Hai ông nghĩ thế nào mà đến đây xin đòi lại xác tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu
?
Một trong hai người đáp:- Vì hiếu đạo rước về thờ.
Sĩ Tải Trân hỏi tiếp:
- Hai ông quan niệm thế nào về chữ Hiếu ?
- Lúc còn sống thì thương kính, vâng lời, phụng
dưỡng; chết thì phải thờ cúng...
Sĩ Tải Trân nói lên ý kiến:
- Ông nói về hiếu đạo, lúc cha mẹ còn sống thì phải vâng lời. Tôi nghĩ lời
trối trăn của người sắp chết đáng lẽ phải được tôn trọng hơn mới phải. Trước giờ
nhắm mắt, Đức Kỳ Ngoại Hầu để Di chúc lại và Di ngôn có ghi âm, xin gởi xác tro
cho Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Đức Hộ Pháp là người dưng, tôn trọng Di chúc của bậc chí sĩ anh hùng vị quốc vong thân ở nước
ngoài, không nệ mệt nhọc tốn kém, dẫn phái đoàn Đạo đến Nhựt rước về thờ tại Tòa Thánh theo ý
đã để. Hai ông là con, đáng lẽ có bổn phận bảo trọng Di chúc Di ngôn, làm đúng
như ý mới phải. Nay Hai ông đòi xác tro lại đem đi nơi khác, làm trái Di chúc tức
là thất hiếu, sao lại gọi là vì hiếu ?
Biên nhận được đánh máy sạch, ký tên
xong. Hội Thánh mời qua Báo Ân Từ để giao tại Hậu Điện. Hai Ông Tráng Liệt và
Tráng Cử trịnh trọng đưa ra 10.000 đồng nói là đền ơn Hội Thánh và Đức Hộ Pháp.
Ngài Thái Chánh Phối Sư Thái Bộ Thanh và Ngài
Giáo Sư Thái Đến Thanh khuyên hai ông nên giữ lại để xài. Đức Hộ Pháp hành động,
mục đích không phải để hai ông cám ơn và nếu có đền ơn Đức Hộ Pháp thì 10.000 đồng
không thấm vào đâu so với tổn phí cho cả một phái đoàn Đạo cùng đi với Đức Hộ
Pháp, phí tổn phải trội hơn rất nhiều. Vả lại, trước kia, mỗi lần hai ông đến
viếng Tòa Thánh, Đức Hộ Pháp thường cho ông nào cũng vậy, khi thì 5.000. khi
thì 10.000, Đức Hộ Pháp có tính toán gì đâu. Nay có đáng gì để luận với số tiền
10.000 đồng mà gọi là đền ơn Đức Hộ Pháp.
Ông Đại Biểu xen vào: - Trước khác,
nay khác.
Hai ông Tráng Liệt và Tráng Cử nài
nỉ xin để cúng chùa. Ngài Thái Chánh Phối Sư chỉ tủ hành hương và nói:
- Việc cúng chùa là tùy hỷ. Hội
Thánh không trực tiếp nhận tiền cúng chùa, nếu muốn, xin bỏ vào tủ hành hương.
Điều đáng ghi nhận là mấy hôm trước, biết có vụ đòi xác tro, Sĩ Tải Lê Quang Tấn
và Sĩ Tải Trân đã hội ý với ông Đạo Nhơn Phạm Văn Út, Trưởng Tộc Phạm môn, chia
lấy một ít xác tro Đức Cường Để, dành lại cho Hội Thánh, gọi là kỉnh trọng Di
chúc của người anh hùng chí sĩ, còn phần nhiều thì giao cho Đại Biểu Chánh phủ
và hai ông con của Đức Cường Để. Ông Út sau được thăng phẩm Chơn Nhơn và đã qui
vị. Không rõ phần xác tro chia lại, hiện giờ ai cất giữ.
Ngày giao xác tro cũng có điều rắc
rối nho nhỏ:
Ngài Hiến Pháp lánh mặt,
Biên nhận thiếu chữ ký của Ngài. Ông Đại Biểu giành giữ Biên nhận, nói sẽ đem
cho Ngài Hiến Pháp ký. Hội Thánh im lặng, mặc nhiên bằng lòng. Một số Chức sắc
không đồng ý, đề nghị Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Sáng Thanh đòi lại. Việc
nội bộ để Hội Thánh lo. Ông Vàng không giao.
Trên đường đi từ Báo Ân Từ đến Đền
Thánh để hai ông Tráng Liệt và Tráng Cử đảnh lễ, Ngài Thượng Chánh Phối Sư sợ mất
lòng không dám đòi quyết, còn khuyên rằng:
- Người ta là người lớn, không
lẽ sai lời. Rồi người ta cũng giao lại cho mình, chớ họ giữ làm gì. Chờ cho
Ngài Hiến Pháp ký tên xong, họ sẽ giao lại cho mình chớ gì. Không tán thành ý
kiến đó, Sĩ Tải Trân nói:
- Đạo có phần khác, còn
Chánh trị xảo trá muôn mặt. Mình không tin lời họ được. Việc nội bộ của Đạo,
Ngài Hiến Pháp ở gần đây, mình đem lại cho Ngài ký, phải tiện hơn không. Tại
sao họ ở xa mà lại giành giữ ? Như vậy thấy rõ ý họ không tốt rồi. Ngày kia họ
không trả lại, Hội Thánh sẽ ăn làm sao nói làm sao với Đức Hộ Pháp
Mấy ông lên xe sắp rời Tòa Thánh.
Trường hợp bất đắc dĩ, dầu biết mình quá nhỏ nhoi nhưng xét thấy có bổn phận phải
trực tiếp đòi nên buộc lòng Sĩ Tải Trân nói lớn:
- Ông Đại Biểu chưa đưa Biên nhận lại
cho Hội Thánh. Ông Vàng ngồi ở băng sau bất bình, vừa chìa Biên nhận ra, vừa
nói to:
- Đây nè ! Ngài Thái Chánh Phối Sư
vội cầm lấy và xe chạy. Tạm kết thúc màn đòi xác tro của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường
Để, do Chánh quyền Ngô Đình Diệm làm đạo diễn ... là động cơ thúc đẩy.
Được nghe kể lại, xác tro đòi lại
được đưa về Huế, có tổ chức buổi lễ tiếp rước long trọng nói là Chánh phủ đã rước
về từ Nhựt Bổn.
Phải chăng Chánh quyền Ngô Đình Diệm
lo ngại tinh thần ái quốc của đồng bào trong nước sẽ tập trung hướng về Thánh Địa
Tây Ninh, có Báo Quốc Từ thờ các anh hùng chí sĩ vị quốc vong thân, gây ảnh hưởng
không hay cho Chánh quyền hiện hữu"
Cải Trạng Nguyễn Minh Nhựt
tự Trân (ký tên)
(Trích trong Hồi Ký của Cải
Trạng Nguyễn Minh Nhựt tự Trân, nhan đề là Văn Tịch Pháp Nhơn Luân Chi Đạo).
6 - Truy thăng Tướng Trình Minh Thế
vào hàng phẩm Quốc Sĩ đặng
thờ nơi Báo Quốc Từ
Bài thài Trình Minh Thế:
Lỡ bước qua sông chẳng kịp đò,
Chí cao khéo định khỏi phiền lo.
Anh hùng định thế chưa an thế,
Chỉ tiếc mày râu chẳng vẹn trò.
Nói đến Đức Hộ-Pháp là Giáo Chủ
Đạo Cao Đài
Là nói đến đức khoan hồng và Từ bi, tức là nói đến tấm lòng, nói đến cái
tâm của nhà Phật. Đức Hộ Pháp chơn linh là Hộ-Pháp Di-Đà. Dù gặp kỳ Nho Tông
chuyển thế, nhưng là một Đấng tu hành, Đức Ngài
vẫn hằng thương con cái của Đức CHÍ TÔN, hạ mình mà dìu dẫn toàn chư Môn đệ.
Năm 1955, Quí Ngài Thái,
Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư cầu xin Đức Hộ-Pháp truy phong Tướng Trình Minh Thế
vào phẩm Thế Đạo, Đức Ngài phê như sau:
“Truy thăng Trình Minh Thế vào hàng phẩm Quốc
Sĩ và đặng thờ nơi Báo Quốc Từ cùng Đức Thành Thái và Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để”.
Xem vậy, không những phong
tặng phẩm vị Quốc Sĩ đầu tiên Thế Đạo mà còn đặc ân cho thờ chung với các vì
Vương thì rõ lòng yêu mến người chiến sĩ của Đức Ngài như thế nào !
Vài nét về Anh Hùng TRÌNH MINH THẾ
(Trích lược sử Quân Đội Cao-Đài tự vệ - Lê Thành
Dân)
Nói đến Anh hùng phải cho
thật đúng nghĩa: Anh là vua của loài hoa, nghĩa là chỉ về tinh thần, đạo đức,
trong sáng.Hùng là vua của loài thú tức là hùng dũng, gan dạ, quyết thắng. Ở
đây Tướng Trình Minh Thế thật xứng đáng là Anh hùng của dân tộc, hay nói khác
đi Ông là người nồng cốt xuất thân từ Đạo Cao-Đài.
Tướng Trình Minh Thế được bổ làm
Tham Mưu Trưởng thay Tướng Phương .
Tháng 12 năm Tân Mẹo (Janvier 1951)
Tướng Thành,Tổng Tư Lịnh Quân Đội Cao Đài quyết định thuyên bổ các Sĩ Quan trong Quân Đội đảm trách vụ mới
như sau Tướng Thế về đảm nhận chức Tham Mưu Trưởng thay cho Tướng Nguyễn Thành
Phương đi trị bịnh lao phổi tại Bệnh viện Đồn Đất (Hopital Grall Saigon).
Tướng Trình Minh Thế ra Chiến
Khu:
…Đêm 21-3-1951 Tướng Trình Minh Thế
rút tất cả Tứ phòng và các ban ngành công xưởng cơ khí trực thuộc tại Bộ Chỉ
huy Liên Tỉnh Miền Đông cùng các Trung Đội lưu động khu vực Tây ninh vào rừng lập
Chiến khu kháng chiến. Căn cứ kháng chiến của Tướng Trình Minh Thế đóng cập
theo biên giới Việt – Miên như các làng Long Thuận, Long Khánh, Long Giang,
Long Chữ, Long Vĩnh, Thanh Điền, Ninh Điền và núi Bà Đen (Tỉnh Tây ninh)
Ông thành lập Mặt trận gọi là “Mặt
trận Quốc gia Liên Minh kháng chiến” đặt bản doanh tại núi Bà Đen. Mặt trận
tuyên ngôn rằng: Đoàn kết toàn dân gồm 6 thành phần: Sĩ, Nông, Công, Thương,
Binh, Tăng, nhằm đánh ba kẻ thù là bài phong, đả thực, diệt cộng để giải phóng
quê hương, giành độc lập cho đất nước.
Chủ trương của Mặt trận dứt khoác
không hợp tác với phong kiến, với thực
dân, với Cộng Sản. Mà chỉ kết hợp với tất cả các đoàn thể và các cá nhân có
lòng yêu nước. Đài phát thanh trong núi lan đi khắp nơi trong nước cũng như
ngoài nước làm cho Pháp, Chánh phủ Quốc gia và Việt Minh cũng như các giới
chánh trị nghi ngờ về đường lối của Cao Đài.
Việt Minh cho rằng việc Tướng
Thế ra rừng là do tổ chức của các nhà lãnh đạo Tôn giáo Cao-Đài, nhằm mục đích
lấn chiếm vùng kiểm soát của Việt Minh.
Pháp thì nói sự ra đi của
Tướng Thế là do Ông Phạm Hộ-Pháp tổ chức để chống Pháp.
Chánh phủ Trần văn Hữu của
Bảo Đại cũng làm khó dễ không ít đối với Đức Hộ-Pháp và Tướng Thành. Cho rằng
đây là một âm mưu của Đạo Cao Đài tổ chức cho Tướng Thế đi để chống lại Quốc
Gia Việt-Nam.
Một số Chức sắc, Chức việc
và Đạo hữu cho rằng Tướng Thế vì buồn nội bộ mà ly khai.
Bốn trường hợp trên đây ai
đoán đúng ai đoán sai? Và sự thật ra sao?
Chủ Tịch Mặt trận Quốc Gia Liên Minh
Kháng chiến tuyên bố:
Tổ chức Chiến khu an bày và bắt đầu
hoạt động thì bom nổ trước nhà hàng Majestic Saigon, xe của các Sĩ quan Pháp và
các Bộ trong nội các Chánh phủ hư hại nhiều.
Tại Nam vang Cao Miên, bom nổ tại
bãi xe Nhà hàng lớn làm cho công chức và Sĩ Quan Pháp bị thương và chết cũng
nhiều. Tại Tỉnh Sa-đéc miền Tây Nam Việt, ném bom giết Thiếu Tướng Chamson là một
Tư lịnh và Thái Lập Thành, Thủ Hiến Nam phần Việt Nam, gây tiếng vang đều khắp
trong cả nước lẫn ngoài nước. Sự xuất hiện xuất quỉ nhập Thần của Liên minh làm
cho Pháp và Chánh phủ bù nhìn lo sợ. Pháp đưa quân thiện chiến về núi đồi tấn
công vào bản doanh của Tướng Thế tại núi Bà và bao vây liên tục nhưng không sao
triệt hạ được thế lực của Tướng Trình Minh Thế.
Quân đội của Tướng Trình Minh Thế
đã tấn công Quân Đội Pháp liên tục và Quân đội Pháp cũng hành quân ráo riết cố
diệt cho được Quân đội Liên Minh, như thế mà Việt minh còn tuyên truyền khắp
trong vùng sâu rằng: Lực lượng của Tướng Trình Minh Thế là tay sai của Pháp đưa
vào lập Chiến khu để đánh Việt Minh.Việt Minh cấm nhân dân không được tham gia
hoạt động cho Quân Đội Liên Minh, nếu ai tham gia thì sẽ chịu tử hình. Việt
Minh gây căm thù với Liên Minh tích cực.
Thậm chí người Cha của Tướng Trình Minh Thế là Cụ Trình Thành Quới và em ruột
là Trình Minh Đức làm lò gạch ở vùng Cái Tắt (Bến Cầu) mà Việt Minh cho nhơn
viên đột nhập vào đốt cháy hết các dãy trại, giết chết Ông Quới và em Đức cùng
một số người thân thuộc rồi bỏ đi. Điều này càng căm hờn chủ thuyết của Việt
Minh nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, không vì vậy mà Tướng
Trình Minh Thế thù hận hết những người Việt Minh. Trái lại, ông rất thâm tình với
các anh Việt Minh đã bỏ hàng ngũ Cộng Sản trở về hợp tác cùng Ông lo cho đại
nghĩa Liên Minh như các Anh:
- Lâm Tiến Dũng (tự Thưởng)
Bí thư Tỉnh Gia Định
- Vũ Ước, nhà báo.
- Nhị Lang, nhà chánh trị
(cả hai là người Bắc)
- Nguyễn văn Phương, chánh
trị viên.
- Hồ Hán Sơn, nhà chánh trị
và Quân sự.
(cả hai
là người Trung).
Ngoài các anh này ra Tướng
Trình Minh Thế còn kết hợp với các nhân vật tên tuổi khác trong Việt Nam Quốc
Dân Đảng của Cụ Hải Thần. Độc lập đảng của Cụ Hồ văn Ngà. Dân xã Đảng của Hoà Hảo.
Quốc gia Liên hiệp của Vũ Tam Anh và Đệ Tam Sư đoàn của Nguyễn Hoà Hiệp…nên Mặt
trận Quốc gia Liên Minh Kháng chiến có một Bộ Tham mưu nhiều thành phần đứng
chung nhau để chiến đấu giành lại quê hương đất nước.
Ngoài mục đích trên Tướng Trình
Minh Thế còn có nhiệm vụ tối mật là bảo vệ nền Đạo của Đức Chí-Tôn cho đến ngày
Khánh Thành Đền Thánh (Toà Thánh Tây Ninh)
Bấy nhiêu tài năng và
thành tích của TRÌNH MINH THẾ cũng đã làm cho người Pháp phải kinh oai. Sau đây
là phúc trình của Ông GAUTIER gởi cho Bộ
trưởng Liên Quốc nói về Quân Đội Cao-Đài:
PHÁP nhận
định riêng về Ông Trình Minh Thế:
Tướng Trình Minh Thế bao giờ cũng
là địch thủ nguy hiểm nhất của ta cả về chánh trị lẫn quân sự.
Ông ta có một nghị lực không gì khuất
phục nỗi, một sức làm việc không biết mỏi mệt và những đức tính, hành động đã
được chứng tỏ nhiều lần có thể phá hoại công cuộc của chúng ta được. Ông đã gây
cho ta không phải ít điều phiền toái, khi ông còn ở trong Quân Đội Cao Đài trước
ngày ra khu. Ông đã lập được nhiều xưởng cơ khí quan trọng và gây được phong
trào quần chúng mạnh mẽ. Hiện nay Ông được rất nhiều dư luận Quốc tế chú ý, đứng
đầu là dư luận Mỹ, bởi Ông ta đã chiếm một lập trường vững chắc. Ông vừa tuyên
bố chống Ta, chống Cộng. Trước khi rời khỏi hàng ngũ Cao-Đài, Ông đã có liên lạc
nhiều giới nhân vật Mỹ ở Sài-gòn, theo sự
dò xét của ta thì những sự tiếp xúc đó không ngoài vấn đề cộng tác giữa hai
bên. Khi Ông ta ra Rừng, Ông có lần gặp gỡ Tổng Thơ Ký Toà Đặc sứ Mỹ ở Cẩm
Giang (T6ay Ninh).
Hiện nay phong trào của Trình Minh
Thế không phải là một đe doạ nặng nề cho chúng ta nữa, bởi vì những quân sĩ của
Ông ta vẫn còn tranh đấu trong phạm vi Tôn giáo nhiều hơn, là bởi trong bộ đội
còn thiếu chánh trị viên. Chúng ta có thể lợi dụng lòng Tín ngưỡng của họ để buộc
Ông Phạm Công-Tắc ra mệnh lệnh cho Tín Đồ rời bỏ chiến khu, lại nữa ta bảo Ông
Thành tuyên truyền rằng: “Ông Thế hành động theo mạng lịnh của Việt Minh”. Vì
đó mà Ông Thành buộc phải tiêu diệt quân phiến loạn. Bằng cách ấy ta có thể làm
suy yếu nội bộ Cao-Đài mà không sợ dư luận Mỹ, như thế vấn đề Ông Trình Minh Thế
có thể coi là tạm giải quyết xong …
Nói tóm lại: Chiến thuật của ta là
chia rẻ lực lượng Cao Đài, không kể lực lượng của Ông Thế, làm hai phe dễ dàng
bóp nghẹt một phe, hoặc là ta để cho lực lượng ấy thăng bằng nhau để dễ bề tiêu
diệt cả hai.
Ở Việt Nam vấn đề Cao-Đài là một
trong những vấn đề gai gốc nhứt cần phải giải quyết kịp thời để tránh những kết
quả tai hại”….
(Bản Phúc trình này viết bằng
tiếng Pháp. Quân Đội Cao Đài mua của các gián điệp viên làm việc với Pháp, dịch
ra Việt Ngữ dài 12 trang giấy pelure đánh máy, chỉ trích lấy một phần trọng yếu).
Diễn từ TÂN XUÂN của Thiếu Tướng Trình-Minh Thế Tổng
Tư lịnh Quốc Gia Liên minh Chủ tịch lâm thời
Mặt Trận Quốc gia Kháng chiến.
(Báo Quốc gia số 37 ra ngày 1-3-1954)
Thưa Đồng bào toàn quốc,
Mai đây, Xuân sẽ trở về với
đất nước và dân tộc Việt-Nam.
Tất cả hai chục triệu trái
tim hồi hộp, hai chục triệu tâm hồn vui vẻ, hai chục triệu tâm hồn hy vọng, hai
chục triệu tâm hồn băn khoăn…
Lẽ vì Xuân Giáp Ngọ này là
một mùa chinh chiến, cũng như tám Xuân trước đã qua. Dân tộc Việt-Nam ta vốn là
một dân tộc hùng mạnh và văn hiến. Vì vốn là một dân tộc văn hiến nên cái Tết
và cái Xuân cổ truyền của giống nòi là cái Tết và cái Xuân thanh lịch. Nhưng
cũng vì dân tộc ta là một dân tộc hùng dũng nên cũng đã từng bao phen ăn Tết và
thưởng Xuân bằng cách tuốt gươm đánh quân ngoại quốc xâm lăng. Cái thành tích vẻ
vang nhất của cách ăn Tết chơi Xuân võ thượng này là trận tấn công quân nhà Thanh của Tôn Sĩ Nghị do vị anh hùng
Nguyễn Huệ thống lĩnh và toàn thắng..
Ngày nay dân tộc Việt-Nam
lại sống lại những ngày anh dũng như xưa. Say sưa về nhiệm vụ cao cả và chính
đáng của mình, người Chiến sĩ Quốc gia bao giờ cũng hăng hái, cũng quyết liệt.
Chỉ bao giờ hoàn toàn thành công trong danh dự, chúng ta mới bỏ súng trở về với
gia đình, an hưởng cái hoà bình trong độc lập mà ta đã cố công chiến đấu đem về
cống hiến Tổ quốc.
Cái chí nguyện mãnh liệt
và cao quí ấy, anh em chiến sĩ của Mặt trận Quốc gia Kháng chiến đã ba lần lập đi lập lại, mỗi khi Tết về đưa
xuân tới. Các lời chí nguyện trong rừng xanh núi biếc ấy, ngày hôm nay chúng
tôi nhân
là Tổng Tư lịnh Quân Đội
Quốc gia Kháng chiến mà lớn tiếng nhắc nhở lại với anh em và đồng thời công báo
cùng Quôc dân đồng bào:
Chúng tôi rất vui lòng,
chúng tôi say sưa tận hưởng cái Tết và cái Xuân chiến sĩ. Non sông và dân tộc
có thể tin tưởng ở tấm lòng kiên trinh
“vùng đất của chúng tôi”.
Chúng tôi nguyện sẽ cùng
dân tộc chiến đấu cho tới cùng. Xuân Giáp Ngọ này chúng tôi lại thấy hăng hái
hơn, tin tưởng hơn Xuân trước vì chúng tôi thấy rằng năm Giáp Ngọ sẽ là một năm
quyết định.
Tinh sổ tám lần xuân khói lửa, ta đã thấy ta
đã vượt qua những giai đoạn sau đây:
Từ 1945 đến 1949 Pháp mù
quáng theo đuổi cái cuồng vọng là chinh phục Việt Nam một lần thứ hai nữa. Sau
bốn năm bất lực, Pháp bèn thay đổi, tỏ ra mềm dẽo hơn. Vì thế mới có cuộc thí
nghiệm “Chế độ Sài-gòn” từ 1949 đến nay. Nhưng ván bài Chế độ Sài-gòn cũng tỏ
ra thất bại.
Cho nên từ tháng 7 năm
1953 trở đi Pháp muốn thay đổi chính sách. Một mặt thì tuyên bố muốn bắt
tay với dân tộc Việt-Nam, một mặt lại âm
mưu điều đình với Việt-Cộng..
Ta nhận thấy có ba giai đoạn
rõ-ràng trong thái độ của Pháp. Tại làm
sao có các sự biến chuyển lớn lao như vậy? Các yếu tố của sự thay đổi thái độ của
Pháp là gì?.
Bà con ta ai cũng nhận thấy
cái yếu tố chính, đó là sức kháng cự hoặc hùng dũng, oanh liệt của người chiến
sĩ, hoặc âm thầm lặng lẽ, dẻo dai và cũng nhiệt liệt của người dân. Toàn thể
dân tộc Việt-Nam một lòng một dạ chống với thực dân. Vì vậy mà dân tộc và chính
nghĩa đã thắng thực dân và cường quyền.
Trong công cuộc kháng chiến
ấy, anh em Mặt Trận quốc gia kháng chiến cũng dự một phần oanh liệt. Xương máu
anh em đã phơi, đã chảy. Anh em đã nếm đủ mùi cay đắng của cuộc đời người chiến
sĩ yêu nước, đem thân ra mà nguyện phụng sự cho non sông.
Sau này, khi dân tộc đã
giành được, khi hoà bình đã vãn hồi với dân tộc, nếu có ai hỏi anh em rằng:
“Trong buổi quốc biến anh đã làm gì?”
Các anh em có thể lấy làm
vinh hạnh mà trả lời rằng: Tôi đã chiến đấu trong hàng ngũ Mặt trận Quốc gia
Kháng chiến”.
Cái sức chiến đấu mầu nhiệm
lạ thường của dân tộc Việt-Nam đã làm cho thực dân Pháp kiệt quệ.
Kiệt quệ về tài chính Pháp
đã tiêu tốn ở Đông dương một cách vô ích tất cả số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho Pháp quốc trong công cuộc trùng tu nước
Pháp. Không những thế, Pháp lại còn tiêu phí một số tiền lớn trích ở trong nền
tài chánh của Pháp nữa. Nghĩa là nước Pháp nghèo nàn, đuối sức vì cuộc chiến
tranh và sự chiếm đóng của quân Đức đã phải đem một phần cái tài lực của mình để
nuôi cuộc chiến tranh Đông dương. Sự cố gắng của Pháp vượt ra ngoài sự chịu đựng
của Pháp. Vì thế, thuế má của dân nặng nề, tình trạng ấy ảnh hưởng tới nền kinh
tế, hàng hoá của Pháp chịu sưu nặng nên giá bán cao hơn hàng hoá ngoại quốc,
thành thử không xuất cảng được nhiều: kinh tế của Pháp thành ra bị bế tắc, tài
chánh của Pháp vì thế cũng bị khủng hoảng và do sự khủng hoảng về nền tài chánh
đi đến sự khủng hoảng về tiền tệ. Sự xuất kém về các phương diện kinh tế, tài
chánh, tiền tệ ấy đã gây cho nước Pháp một
sự khủng hoàng lớn xã hội: ấy là phong trào đình công lớn xã hội, ấy là phong
trào đình công vĩ đại của Pháp hiện nay.
Tóm lại, ta có thể ví Pháp
như một người đã bị trọng bịnh nên sức lực
đã suy giảm đi nhiều rồi mà lại còn cố gắng làm một công việc nặng nề quá đáng.
Sự cố gắng đó lẽ tất nhiên không thể kéo dài lâu mãi được. Lẽ tất nhiên thế nào
cũng có một ngày người bệnh đó phải khoanh tay bỏ dở công việc của mình; đó là tình trạng kiệt sức
của người Pháp ngày nay.
Ta nên chú ý các tin tức
sau đây mà các báo chí lúc bấy giờ đã đăng tải, trong một bức thư gửi cho tất cả
các nghị sĩ Pháp Hội ái hữu toàn quốc, các quan cai trị của nước Pháp đều nói rằng:
“Trong hai điều ta phải chọn
lấy một. Nếu muốn tiếp tục cuộc chiến tranh Đông dương thì phải tăng thuế má của
dân Pháp lên 30% nữa thì ngân quỹ của nước Pháp mới thăng bằng được. Nếu không
muốn tăng thuế lên 30% thì phải tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến tranh Đông
dương thì ngân quỹ của nước Pháp mới khỏi thiếu thốn tiền chi tiêu.
Đó là một câu nói mô tả một
cách hết sức rõ-rệt cái thực trạng khốn đốn của nước Pháp do sự đeo đuổi dằng dai
cuộc chiến trường Đông dương gây nên.
Lại mới đây Tổng trưởng bộ
Tài chánh Pháp trong chánh phủ Laniel là Edgar Faure lại cũng đã tuyên bố rằng
công quỹ của Pháp sẽ hao hụt 870 tỷ quan trong niên khoá sắp tới.
Tóm lại, Pháp hết tiền, mà
không có tiền thì làm thế nào mà làm nỗi cuộc chiến tranh Đông dương nữa.
Vì vậy nên Pháp phải thay
đổi chánh sách của mình ở Đông Dương.
Cho nên trên kia ta đã nói rằng: thời cuộc chánh trị ở Việt Nam đã đi đến chỗ
chín muồi rồi.
Sự kiện đó lẽ tất nhiên là
vô cùng lạc quan cho vận mệnh nước nhà và hết sức tươi đẹp cho các phần tử quốc
gia Việt-Nam chân chính
Sự kiệt quệ thứ hai của thực dân
Pháp là thiếu quân số. Sáu chục nghìn quân chính tông đã bỏ mình hay bị tàn tật
vì cuộc xâm lăng Việt Nam. Còn quân đội Phi châu thì táng thân ở Việt-Nam có tới
trăm ngàn. Thực dân Pháp không sao mà lấy ra đủ lính mà tiếp tục cuộc xâm lăng
mãi được. Các con số trên đây đủ tỏ rõ sức kháng chiến của dân tộc Việt-Nam ta
oai hùng đến bực nào.
Cái sức kháng thực dân của
dân tộc lại làm cho thực dân bị chua cay về một phương diện nữa. Ấy là sự thất
bại hoàn toàn của bè lũ Việt gian và tay sai trong chế độ Sài-gòn.
Từ cái chế độ Nam kỳ quốc
của bọn Nguyễn văn Thinh, Lê văn Hoạch, Trần văn Hữu cho tới cái chế độ Sài gòn
của bọn Nguyễn văn Xuân, Trần văn Hữu, Nguyễn văn Tâm, tất cả bè lũ Việt gian
và bù nhìn đều khoanh tay thúc thủ.
Dân chúng không hợp tác.
Dân chúng phản đối, trốn thuế, đào ngũ,
bất hợp tác, đả đảo, đó là các hình thức của ý chí chống bù nhìn, chống Việt
gian mà toàn dân đã áp dụng một cách đắc lực. Còn các đoàn thể như Cao Đài, Hoà
hảo thì chỉ hợp tác ngoài mặt chứ không giúp được bọn Việt gian và bù nhìn Sài-gòn được một điều gì đáng kể.
Tóm lại như ta thấy, các sự
hy sinh, các sự cố gắng, các sự dẻo dai, các sự chịu đựng của dân tộc Việt-Nam
đã đem lại được nhiều kết quả rực rỡ. Sự thất bại của thực dân Pháp càng ngày
càng rõ rệt, càng ngày càng hiện hình. Cái triệu chứng cụ thể nhất của của sự
nhượng bộ của Pháp là sự thãi hồi viên Toàn quyền thuộc địa Gauthier. Và lấy một
nhân viên của Bộ Ngoại giao nay mai sẽ gửi sang đảm nhận Chức cao uỷ ở Sài-gòn.
Cái triệu chứng cụ thể thứ
hai là cái phong trào gần như chính thức của một sự thay đổi về quan niệm “Liên
Hiệp-Pháp”.Từ trước tới giờ không ai lạ gì rằng Pháp không bao giờ chịu nghe
nói tới một cuộc thay đổi quan niệm về Liên-Hiệp-Pháp của họ. Vậy mà bây giờ họ
đã chịu đem vấn đề ấy ra bàn. Như thế có phải riêng họ đã biết thối lui khi một
cái ma lực của ta mỗi ngày mỗi mạnh.
Tuy nhiên ta cũng không
nên lạc quan thái quá. Chừng nào mà các phần tử quốc gia chân chính được đại diện
cho dân tộc Việt-Nam thì ngày đó Pháp mới quả thực là thay đổi chính sách và ngày đó thì vấn đề
thực dân, vấn đề xâm lăng, vấn đề Pháp Việt mới thực thụ là giải quyết xong
xuôi, để nhường chỗ cho một vấn đề khác..
Tóm tắt Bài Diễn văn này
chúng tôi xin lập lại: Xuân Giáp-Ngọ đã mang lại cho dân tộc Việt-Nam một tình
thế chánh trị khá lạc quan, nhưng nếu muốn cái viễn ảnh lạc quan ấy thực hiện
thì ta cần phải hoạt động ráo riết nhiều hơn nữa, thì ta phải cố gắng thêm lên
nhiều nữa. Nhưng cố gắng không thôi thì không đủ. Điều cần nhất là phải thống
nhất ý chí, phải thực sự đoàn kết một cách có công tâm và nhiệt thành.
Kinh nghiệm một năm qua đã
tỏ cho ta biết rằng sự thống nhất về chánh trị không phải là dễ dàng đâu. Chúng
ta sẽ chỉ thành công được là khi mà chúng ta thắng nỗi các sự chia rẻ, xích
mích, bất đồng ý kiến giữa các anh em quốc gia chân chính mà thôi.
Riêng về phần tôi, tôi rất
tin tưởng một sự đại-đoàn kết của tất cả
mọi tầng lớp dân chúng và các đoàn thể quốc gia chân chính. Tôi tin rằng ai ai
cũng nhận thấy Đại đoàn kết là một sự cần thiết, là một bổn phận, là một bí quyết
của thành công..
Riêng về phần mặt trận Quốc
gia Kháng chiến, thì chúng tôi bao giờ
cũng sẵn lòng, cũng chuẩn bị sẵn sàng bắt tay tất cả các anh em quốc gia chân
chính.
Giờ đây tôi xin mời đồng bào toàn
quốc cùng anh em chiến sĩ của Mặt trận Quốc gia Kháng chiến hãy cỗi mở nỗi lòng
trong chốc lát để mà tận hưởng cái hương vị say nồng của mùa Xuân, nhất là của
một mùa Xuân khói lửa. Chúng ta sẽ hân hoan đón Xuân mới. Song, trong cái say
sưa ấy, chúng ta cũng sẽ không quên mà dành cho các đồng chí đã hy sinh cho đất
nước một niềm tư tưởng thành kính và âu yếm. Vì các Bạn đồng chí ấy đã cùng ta
hứa hẹn những lời thuỷ chung .
Sau hết, nhân danh tất cả
các anh em chiến sĩ của mặt Trận Quốc
gia kháng chiến, chúng tôi xin trân trọng cám ơn đồng bào toàn quốc đã hưởng ứng
và ủng hộ chúng tôi về đủ các phương diện tinh thần và vật chất. Về phương diện
tinh thần chúng tôi đã được hưởng những
món quà, những lời tâm sự rất là cảm động. Sở dĩ chúng tôi càng ngày
càng say sưa thêm mãi với công việc chiến đấu của chúng tôi, là vì chúng tôi
luôn luôn được lãnh những lời khuyến khích nồng nàn của bà con gần xa. Chúng
tôi càng ngày càng tin tưởng ở cái chính nghĩa thực thụ mà chúng tôi phụng sự.
cho nên sự kiên quyết của chúng tôi lại càng ngày càng càng kiên quyết hơn.
Về phương diện vật chất
chúng tôi cũng được đồng bào toàn quốc khuyến khích nhiều lắm. Sở dĩ chúng tôi
chiến đấu được nỗi ba năm nay cũng là nhờ sự ủng hộ của đồng bào, một sự ủng hộ
có tính cách khuyến khích chúng tôi trên con đường phụng sự dân tộc.
Đối với các nghĩa cử đó
chúng tôi xin trân trọng gởi lại một tấm lòng tri ân nồng nhiệt.
Đứng trước mặt Quốc dân Việt-Nam,
anh em Mặt Trận Quốc gia kháng chiến xin cùng tôi lặp lại lời nguyện: “VÌ TỔ QUỐC
VÀ DÂN TỘC CHIẾN ĐẤU CHO TỚI THÀNH CÔNG”
BÀI VĂN TẾ HỒN THIÊNG SÔNG NÚI
Lần
dở trang sử cũ;
Đốt
nén tâm hương hầu Ngưỡng vọng Quốc hồn,
Qua
ngàn năm phơi trải tấm lòng son,
Ơn quốc thổ nghìn
thu công rỡ rỡ,
Dầu
Vua quan công hầu khanh tể,
Tấm
lòng trung còn truyền để muôn đời.
Hận
bao người nhục chí chuyển dời,
Mãn
xu nịnh, gian hùng cũng khuynh nguy điên đảo
Thương
bấy chí anh hùng cao ngạo,
Thề
đương đầu với nghịch bạo không nao!
Xem
cái chết tợ hồng mao trước gió,
Hồn
núi sông tự ngàn năm gắn bó.
Khí
Thiêng liêng mở ngõ giống hùng anh,
Dân
Việt Thường đầy khí khái liệt oanh.
Trừ thô bạo chí thành luôn dũng liệt,
Nay ĐẠI ĐẠO hoằng khai cõi Việt,
Xoá thù hiềm nêu chí liệt bao dung,
Ngưỡng ân Thiêng Quốc-thổ kiêu hùng,
Khắc trong dạ lòng thành Ngưỡng vọng:
Nguyện nối chí anh phong truyền thống,
Hầu điểm tô giòng giống Tiên Rồng.
Đạo cứu đời nêu câu: BÁC ÁI - ĐẠI ĐỒNG,
Đời nương Đạo mới rõ quyền CÔNG CHÁNH,
Chí-Tôn dạy: Không thương đừng ghét lẫn,
Hãy thương thương mới rõ sức nhiệm mầu,
Đạo Trời sáng chói Năm Châu.
Xuân nguơn Mậu Dần (1998)
Nữ Soạn giả
NGUYỄN LỆ THUỶ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét