Chi Phái Cao Đài - 3 / 4 (Nữ Soạn-giả Nguyên Thủy)


Thượng Tài Thanh, Hiền hữu hiểu lời Lão rồi chớ?
Bảo Thế, Khai Pháp, Tiếp Ðạo, sáng ngày mai phải xuống Trí Huệ Cung tường thuật cặn kẽ cho Hộ-Pháp nghe. Còn hai em Hưởng và Nhung, Lão khen đó, hai em đã giúp Lão chỉnh đốn Cửu Trùng Đài nhiều lắm đó, Lão mang ơn nơi cõi Hư linh, còn hữu hình Lão chẳng có quyền.” Thăng.

Tái cầu: Lúc 23 giờ.
THƯỢNG TRUNG NHỰT
“Qua chào mấy em. Cười !
Ông Già nộ khí dữ quá ta! Lúc nãy đồng tử của họ có một người tà tâm nên Ổng đánh nó đó.

Bạch:
- Không sao, tuy vậy chớ Thượng Tài Thanh và Cao Sĩ Tấn biết suy nghĩ lắm, họ bị quá mê tín mà nên nông nỗi. Cười . . . Coi chừng đồng tử bị đánh, bịnh ta ơi!

Tội nghiệp, không phải tự họ muốn lên giả, nhưng tại Thần trược mà bị hồi điển. Những người đồng tử họ bất bình, họ nói mình xúm nhau mà làm ngưng nghề họ, chớ không phải là Ðức Lý. Cười .. Mặc dầu lúc nãy, Ông Già đã nói trước rồi.

Còn KHOA thì coi hình như đeo muốn rớt.
Em Trung Dõng nên gần gũi dẫn dụ họ, nếu họ có ức thì xin với Ðức Hộ-Pháp, Ðức Hộ-Pháp phò loan tại Trí Huệ Cung một lần nữa, nhưng không cho đồng tử theo vì có hại cho họ.

Cười . . . Cần cơ gãy . . . Cười . . .
Anh nói thiệt, nếu cơ không gãy thì e cho họ phát điên rồi mà chớ. Ðó cũng may cho họ vì đầu cơ không có điển, hành pháp không xuất được. Thôi cũng yên một phần, em Trung Dõng cười đi em.” Thăng.

Chú thích:
(KHOA: Ngài Hồ Tấn Khoa, lúc đó chưa được phong chức Bảo Ðạo.
TRUNG DÕNG: hiệu của Trung Tướng Nguyễn Văn Thành).

7 - Phái Minh Chơn Ðạo
Phái nầy do ba Ngài:
1 - Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang,
2 - Cao Triều Phát và
3 - Nguyễn Ngọc Thiệu,

Tách khỏi phái Minh Chơn Lý (vì thấy hai ông Ca và Phùng biến cải theo Tà đạo), qui tụ về Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, lập ra phái Minh Chơn Ðạo vào năm 1935. Lúc đầu trụ sở đặt tại Chùa Minh Sư của Ngài Trần Ðạo Quang tại Giá Rai, sau mới lập Tòa Thánh Ngọc Minh ở Giồng Bướm Giá Rai, cũng gọi là Tòa Thánh Hậu Giang. Gần Tòa Thánh nầy có Ngũ Hành Tòa để làm Hiệp-Thiên-Ðài. Phái nầy hoạt động khá mạnh, lên tới tỉnh Vĩnh Long.

Phái Minh Chơn Ðạo giữ đúng theo Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và lễ nghi của Ðạo buổi sơ khai. Phái nầy không luyện đạo, mặc dầu Ngài Trần Ðạo Quang, trước khi gia nhập Ðạo Cao Ðài, Ngài là Thái Lão Sư cầm đầu Chi Minh Sư ở Việt-Nam. Ngài Trần Ðạo Quang được phong chức Chưởng quản Vô Vi Chưởng quản Cửu-Trùng Ðài, Ngài Cao Triều Phát chức Thái Chưởng Pháp Chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, Ngài Nguyễn Ngọc Thiệu chức Ðầu Sư Ngọc Thiệu Nhựt. Sau nầy, Ngài Cao Triều Phát lại tách ra, ông Nguyễn Văn Kiện tự Huân được phong chức Hộ-Pháp Thiên Ấn Tinh Quân, chưởng quản Hiệp Thiên Ðài.

Cơ bút của phái Minh Chơn Ðạo phong gần đủ các phẩm Chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Đài, như: Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh, 9 vị Thời Quân, 2 vị Chưởng Pháp, 7 vị Ðầu Sư, 3 Chánh Phối Sư (không có phẩm Giáo-Tông, bên Cửu Trùng Đài thì chức Chưởng quản Vô Vi là cao nhứt).

Sau cuộc đảo chánh của Nhựt Bổn, quân đội Pháp trở lại dùng phi cơ dội bom, trúng Tòa Thánh Ngọc Minh tan tành. Ngài Cao Triều Phát hợp tác với Việt Minh để bảo vệ tín đồ. Sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, Ngài Cao Triều Phát tập kết ra Bắc và qui liễu tại đó trong năm sau.

8 - Hai vị Quyền Đầu-Sư tách ra lập Chi Phái Bên Tre
Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh,


Quyền Đầu-Sư Ngọc Trang Thanh

Nhóm Nguyễn Phan Long mở Hội Vạn Linh xét xử tội trạng Đức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung và Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc.

Ngày 19-5-Quý Dậu (Thứ ba:11-7-1933)
Thực dân Pháp kết hợp với triều đình nhà Nguyễn ở Huế và được sự nội ứng của Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Tri phủ Lê Bá Trang) đưa nhà chính trị Nguyễn Phan Long về Toà-Thánh Tây-Ninh qui tụ tất cả Chức sắc, chức việc, đạo hữu trên toàn quốc họp về mở “Đại hội vạn linh” họp giữa chánh điện trong Đền-Thánh để xét xử tội trạng Đức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung và Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc.

Ông Nguyễn Phan Long là người không có Đạo Cao Đài, hôm ấy người ông đầu trần, mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay, quần sọt (ngắn) trắng, bỏ áo trong quần, giày ba ta trắng, ngồi ghế Nghị trưởng chủ toạ đại hội vạn linh; còn Chức sắc, Chức việc mặc đại phục (áo mão chỉnh tề) ngồi theo thứ bậc.

Sau những nghi thức khai mạc, Ngọc chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Tri phủ Lê Bá Trang) chủ trưởng Chức sắc Cửu Trùng Đài Nam phái ra trước Đại hội giới thiệu ba chồng hồ sơ:
1 - Đây là những bài báo tường thuật những sai trái của hai ông Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc.
2 - Còn đây là những thư tố cáo tội trạng cũng của hai ông Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc.
3 - Còn đây là những văn bản cật vấn hai ông Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc của Đạo và Đời về sở hành của hai ông.

Ông Nguyễn Phan Long Nghị trưởng chủ toạ đại hội vạn linh phát biểu:
- Đề nghị mời hai đương sự ra trước đại hội để trả lời chất vấn của đại hội (Tờ Vi bằng 36 trang đánh máy có kèm theo ở phần phụ lục. Cuối sách)

Cả đại hội đồng ý, cử người đến Giáo-Tông-Đường và Hộ-Pháp-Đường mời Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp.

Hai Ngài rất bình thản, vui vẻ và giải thích cho những vị đến mời nói cho nghe rằng:
- Khi chúng ta nhập môn cầu Đạo đã Minh thệ rằng: “Hiệp đồng chư Môn đệ gìn luật lệ Cao-Đài” mà theo Tân Luật của Đạo Cao Đài, chương VII, về hình phạt, điều thứ 29 “Chư Chức sắc ai có phạm Luật pháp trong Đạo thì đem ra trước Toà Tam giáo phân xử” và “Toà Tam giáo có Đức Giáo-Tông làm đầu, ba vị Chưởng Pháp nghị án, vị Đầu-Sư phái mình về phần dâng biểu buộc tội. Một Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài làm Trạng sư.

Chư Hiền hữu về nói lại với quí vị ấy muốn xử tội Đức Quyền Giáo-Tông và Bần Đạo hãy tiến hành đúng theo luật lệ Cao-Đài thì Đức Quyền Giáo-Tông và Bần Đạo sẽ đến dự.”

Những kẻ đi mời về không tường thuật đầy đủ lời phát biểu của Đức Ngài, chỉ nói vắn tắt: “Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp không đến dự.”

Nguyễn Phan Long Nghị trưởng chủ toạ đại hội vạn lịnh phán quyết rằng:
- Vậy thì chúng ta xử khiếm diện.
Họ đọc hết chồng báo bịa đặt vu-khống, tố cáo nặc danh, văn bản cật vấn vô căn cứ (mất trọn một ngày).

Ngày hôm sau tiếp tục đại hội:
Bà Phối-Sư Hồ-Hương-Lự (Bà mẹ của Đức Thượng-Sanh) mặc đại phục vào Cung Đạo Đền Thánh bái lễ xong, Bà đi thẳng đến bàn chủ toạ hỏi ông Nguyễn Phan Long:
- Ông chưa nhập môn vô Đạo Cao-Đài, Ông chưa phải là Tín đồ Cao-Đài, vậy ông lấy tư cách gì mà làm chủ toạ cái đại hội này? Căn cứ vào luật lệ nào mà ông xử tội Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp? Hơn nữa toàn thể Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu đều có mặc áo chỉnh tề; còn ông đầu trần, mặc quần cụt ngồi giữa Bửu Điện Đền Thánh Cao-Đài có vô lễ lắm không?

Ông Nguyễn Phan Long lúng túng đáp:
- Tôi là nhà báo đến đây dự đại hội, vì không có ai xứng đáng làm chủ toạ, đại hội tín nhiệm tôi, bầu tôi làm Nghị trưởng chủ toạ đại hội vạn linh nầy.

Bà Phối-Sư Hồ-Hương-Lự nhìn xuống Hội trường to tiếng cật vấn:
- Chư Hiền huynh, Hiền Tỷ là Chức sắc Đại Thiên phong, vậy chư vị dựa vào điều khoản nào trong Pháp Chánh Truyền và Tân Luật mà bầu một người không phải là Tín đồ Cao-Đài (ngoại Đạo) làm chủ toạ đại hội của Đạo để xử tội Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp

Không một ai trả lời được câu hỏi của Bà Phối-Sư Hồ-Hương-Lự, bỗng có Luật sư Diệp văn Kỳ đến phát biểu:
- Tôi thay mặt Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc đến thông báo với quí ông bà rằng:

“Trong Đạo Cao-Đài: quyết nghị của Đại hội nhơn sanh, quyết nghị của Đại hội Hội Thánh và quyết nghị của Thượng Hội hợp nhứt lại là Quyền Vạn Linh, chứ không hề có “đại hội vạn linh”. Buổi họp của quí ông bà đây là ngoài chơn truyền luật pháp Cao-Đài."

Bà Phối-sư dậm chân thét lên:
- “Đức Chí-Tôn ơi! Quỉ Vương phá Đạo đây nè!”.

Bấy giờ như ong vỡ tổ, tất cả mọi người lật đật cuốn áo mão bỏ hội trường ra về.
Thế là cái gọi là “Đại hội Vạn linh” của các nhóm phá Đạo tự nhiên rút lui êm không trật tự.

Thực dân Pháp gây áp lực và bắt buôc khiến cho:
- Tri phủ Ngô văn Chiêu lập Chi phái Chiếu Minh.
- Tri phủ Vương Quan Kỳ và Đốc học Đoàn văn Bản lập phái Cầu Kho.
- Tri phủ Nguyễn văn Ca lập phái Minh-Chơn-Lý.
- Chính khách Nguyễn Phan Long họp đại hội vạn linh truất phế Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp.

Tất cả đều không đạt thành nguyện vọng và mục đích, chỉ vì không hiểu pháp luật của Đại Đạo.

1 - Thực dân Pháp bắt đầu lưu ý đến luật pháp Đạo:
Nhất là Pháp-Chánh-Truyền là do chính Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế đến lập: Về luật công cử Chức sắc Cửu Trùng Đài đã có ghi rõ:
- Phối Sư muốn lên Đầu-Sư thì phải có đủ ba mươi sáu vị Phối Sư xúm nhau công cử. Hiện tại Phối Sư chưa đủ 36 vị nên không thể công cử theo Pháp chánh truyền, do đó khi vị Đầu-Sư Thái-Minh-Tinh (Hoà-Thượng Thiện Minh) bị áp lực của thực dân Pháp và Phật giáo nên đã phế phận (không hành Đạo), còn vị Đầu-Sư Ngọc Lịch Nguyệt say mê luyện Đạo, cũng không hành đạo nữa. Chỉ còn lại có vị Thượng Đầu-Sư Thượng Trung Nhựt mà thôi.

Ngày 06-02 Nhâm-Thân (Thứ bảy 12-3-1932) Ngài Đầu-Sư Thượng Trung Nhựt được quyền thiêng liêng thăng lên phẩm Quyền Giáo-Tông Lê-Văn Trung, do đó hàng phẩm Đầu-Sư hoàn toàn bị khuyết.

Quyền hành này tức nhiên Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế, cho nên các Ngài hiệp lại chỉ định ba vị làm Quyền Đầu-Sư là:
- Thái Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh hành quyền Thái Đầu-Sư.
- Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh hành quyền Thượng Đầu-Sư.
- Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh hành quyền Ngọc Đầu-Sư.
Bấy giờ trong Đạo đã có đủ ba vị Quyền Đầu-Sư rồi.

2 - Thực dân Pháp hậu thuẫn và hỗ trợ phái Minh Chơn lý của Tri phủ Nguyễn văn Ca:
Đồng thời họ truyền lịnh cho nhóm bồi bút phát động cao trào viết sách, làm báo để tấn công hầu đả phá Đạo Cao-Đài và hạ bệ hai Đấng đầu công bậc nhất của Đạo là Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp.

Khi chiến dịch Cao-Đài Minh-Chơn-lý và nhóm người bồi bút đã đạt mức cao điểm, thì ba vị Quyền Đầu sư công bố:
“Nền Đạo đang gặp cơn nguy biến nên ba vị Quyền Đầu-Sư phải dùng QUYỀN THỐNG NHỨT điều hành Hội Thánh đúng theo Pháp Chánh Truyền qui định.
Quyền Thống Nhứt: “Khi Minh thệ rồi, Đầu-Sư đặng cầm quyền luôn cả về Chánh trị và Luật lệ.
Nhờ quyền lớn lao này Đầu-Sư sẽ có đủ thệ lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Đạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn, thì Đầu-Sư đặng dùng quyền Thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải phục mạng, dầu cho Giáo-Tông và Hộ-Pháp cũng phải vậy.” (Hay! Ấy là lời khen của Đức Lý).
Là một con dao hai lưỡi. Nguy hiểm thật!
Nhưng đấy là chước quỉ “dùng gậy ông đập lưng ông” vô phương cứu chữa!

Lúc bấy giờ ba vị Quyền Đầu-Sư căn cứ vào Pháp Chánh Truyền dùng quyền Thống nhứt của ba Quyền Đầu-Sư thỉnh cầu Đức Quyền Giáo-Tông, Đức Hộ-Pháp và Đức Thượng-Phẩm ra trước Hội Thánh lưỡng đài giải trình sự việc. Phái Cao-Đài Minh Chơn lý và nhóm Nguyễn Phan Long đã làm cho dư luận xôn xao đối với nền Đạo và nhất là thanh danh của ba Ngài, nhưng các Ngài xem như sự việc bình thường không cần giải thích.

Luật pháp đã rõ ràng người chưa hiểu hãy kiếm chơn lý mà hiểu, người đã lầm phải sớm thức tỉnh trong kiếp sanh này, nếu không thì khi thoát xác phải đến Đại Hải chúng mà hối ngộ thì quá muộn rồi!

3 - Thực dân Pháp hậu thuẫn và hỗ trợ phái Cầu kho nhập cuộc chống đối Toà-Thánh:
Ba Ngài cũng không giải trình sự việc trước Hội Thánh lưỡng Đài và cũng không cần giải thích lý do.

Những nhóm này vẫn ngầm khích động, lôi kéo được thêm phái Cầu Kho nhập cuộc, tham dự vào cao trào chống đối Đạo Cao-Đài Toà Thánh Tây Ninh.

Qua 15 tháng 7 năm Mậu Thìn (Thứ Tư:29-8-1928)
Nhóm của Nguyễn Phát Trước (Bí danh Tư Mắt) là trùm du đãng Sài-gòn, Chợ-lớn đem hàng ngàn côn đồ về Toà Thánh Tây Ninh dùng võ lực trực tiếp đối với Đạo Cao-Đài.

Ba vị Quyền Đầu-Sư của Cao-Đài Toà-Thánh Tây ninh liền họp với phái Cầu kho, phái Minh Chơn lý, nhóm của Nguyễn Phan Long và nhóm du đãng của Tư Mắt soạn một bản văn “Tối hậu thư” bắt buộc:
- Đức Quyền Giáo-Tông Lê văn Trung.
- Đức Hộ-Pháp Phạm Công-Tắc.
- Đức Thượng-Phẩm Cao Quỳnh Cư.

Mỗi người phải tự viết :Tờ nhận tội, Tờ từ chức, Tờ cam đoan không trở lại Thánh Địa Tây ninh. Nếu không tuân sẽ bắt trói ngoài rừng cho cọp xé xác ăn thịt.

Ba Ngài cùng nhận định: Cả một cuộc đời các Ngài không làm một điều gì trái với đạo lý, chưa làm một điều gì thất nhơn tâm, nếu không nói là có công thì cũng không kể là có tội được, nên ba Ngài cương quyết không nhận. Vì rằng Đức Thượng Đế đã ban cho các Ngài phẩm tước thiêng liêng này để hành Đạo: chuyển thế và cứu thế, nay phận sự chưa rồi thì không thể từ chức.

Còn việc không trở lại Toà Thánh thì dầu rằng bất cứ nơi nào cũng Phổ độ chúng sanh, cũng Hoằng khai Đại Đạo được. Nghĩ vậy Đức Hộ-Pháp rời Thánh Địa và xuống Từ-Vân-Tự ở Túc Trưng (Thủ đức). Đức Thượng-Phẩm thì về Thảo xá Hiền cung ở Tây-ninh.

Chỉ riêng Đức Quyền Giáo-Tông, Ngài nói rằng Đức Thượng-Đế giao cho Ngài làm Anh Cả nhơn sanh và lãnh đạo cả cơ nghiệp Đại-Đạo nơi thế gian này, Ngài quyết không tham sống sợ chết. Nhất định ở lại Toà Thánh Tây ninh này, ung dung ở lại Giáo-Tông-đường chờ lũ Quỉ dữ đến.

Trong khi đó thành phần đối lập tự mạo nhận viết Tờ nhận tội, chịu từ chức, cam đoan không trở lại Toà Thánh, xong rồi đưa vào Giáo-Tông Đường bắt buộc Đức Ngài ký tên. Chúng hẹn sau 24 giờ đồng hồ mà Ngài không ký thì sẽ cho các lực lượng côn đồ (nhóm du đãng của Tư Mắt) sẽ tấn công vào Giáo-Tông-đường giết chết Ngài. Bên ngoài hàng ngàn tên du đãng đang chờ lịnh!

Được hung tin ấy, Bà Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) chạy xe từ Vĩnh long qua Từ-Vân-Tự gặp Đức Hộ-Pháp, được Đức Ngài cho xem Thánh giáo của Đức Chí-Tôn. Bà rời Từ-Vân-tự về Toà Thánh. Đến nơi chỉ còn 45 phút nữa. Bà đến gặp ba vị Quyền Đầu-Sư, Bà nói:
- Chuyện đâu còn có đó, thiếu gì cách giải quyết, cần gì phải dùng bạo lực? Thầy đã bảo “Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hoà” Các anh không nhớ sao? Các anh dùng bạo lực giết chết Anh Cả Lê Văn Trung thì đồng Đạo sẽ nghĩ gì về các Anh? Đời sẽ nhìn vào hành động của các anh mà đánh giá Đạo như thế nào? Nếu các anh muốn cho Anh Cả nghỉ hành Đạo thì để tôi vào Giáo-Tông-Đường khuyên Anh Cả.

(Cái khó cho nhóm người dã tâm này là còn có mặt Ngài Quyền Đầu-Sư Thái Thơ Thanh là bạn đời của Bà Lâm Ngọc Thanh, mặc dù ông Thơ cũng đang bị cưỡng chế, nhưng nếu Ông rút khỏi Quyền Thống nhứt của ba Đầu-Sư, thì quyền ấy cũng tan rã, không còn hiệu lực).

Thế nên nhóm đối lập của ông Trang và ông Tương cầm đầu, đồng ý để cho Bà Chánh Phối-sư Lâm Hương Thanh vào Giáo-Tông-đường gặp Đức Quyền Giáo-Tông Lê-Văn-Trung. Khoản 30 phút trôi qua, Bà Lâm Hương Thanh từ trong Giáo-Tông-Đường đi ra, tay cầm tờ giấy phất phất lên ra hiệu là Đức Quyền Giáo-Tông đã nhận chịu tất cả rồi, Bà ra lịnh cho Bảo thể và nhóm côn đồ của Nguyễn Phát Trước (Tu Mắt) giải tán, Bà nói:

- Còn mấy chú này giải tán đi, Anh Cả đã đồng ý nghỉ rồi!
Bà trao tấm giấy cho Quyền Thái Đầu-Sư Thái Thơ Thanh, rồi tự lái xe Traction 15 Normal vào tận cửa Giáo-Tông-Đường rước Đức Quyền Giáo-Tông Lê-Văn-Trung ra thẳng cửa số 1 (Hoà viện) về làng Long thành, quận Châu thành, Tỉnh Tây ninh, lập Từ bi thôn tu tại gia..

Văn bản tự tay Đức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung viết ngắn gọn:
“Từ khi Đức Chí-Tôn giao cho lèo lái thuyền Đạo. tôi đã Đông xông Tây đột, Nam Bắc tảo trừ, quên ăn, quên ngủ. Nay tôi tuổi cao, sức yếu, bệnh hoạn. Tôi trao quyền cho các Em tôi:
- Hộ-Pháp Phạm Công Tắc.
- Thái Thơ Thanh.
- Thượng Tương Thanh.
- Ngọc Trang Thanh
Điều khiển nền Đạo khi tôi nghỉ dưỡng bịnh.
Quyền Giáo-Tông Lê văn Trung
(Thượng Trung Nhựt)

4 - Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh nắm trọn quyền hành:
Bấy giờ hai ông Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh nắm trọn quyền hành trong Đạo. Mặc tình bổ nhiệm các tay thuộc hạ vào những chức vụ trọng yếu trong Đạo. Thăng phẩm vị cho Chức sắc đàn em. Chuẩn bị nhân sự bổ đi làm Đầu họ đạo, Đầu tỉnh đạo ở địa phương.

Đức Hộ-Pháp ở nơi Thủ Đức theo sự hướng dẫn của Thất nương Diêu Trì Cung, phò Cơ giúp đồng bào xin toa thuốc hoặc tìm hiểu cõi vô hình. Đồng bào ngày một đến rất đông.

Thuở đó ở Mỹ tho có một nhóm cầu Cơ để xướng hoạ thơ văn với cõi vô hình. Mỗi lần tổ chức cầu Cơ thì ngọn đèn nơi bàn cầu Cơ có ống khói loáng màu đỏ nên gọi là Hồng đăng đàn. Ở Cai-lậy, Cái Bè, Mỹ tho cũng có một nhóm cầu cơ như vậy nhưng ống khói đèn nơi bàn cầu Cơ lại loáng màu trắng, gọi là bạch-đăng-đàn. Hai nhóm này thường trao đổi những bài Thánh giáo nhận được cho nhau xem, để xem nhóm nào nhận được bài của các Đấng cao trọng hơn.

Một hôm, một vị Đại Tiên trong nhóm Bạch-đăng đàn dạy các vị này lên Từ-Vân-Tự ở Túc Trưng Thủ-Đức rước Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc về đây và tất cả phải tùng theo sự chỉ dạy của Đức Ngài. Đồng thời khi ấy nhóm Hồng đăng đàn cũng được dạy y như vậy.

5 - Đức Hộ-Pháp làm phận sự của Chí-Tôn giao phó là lập Phạm Môn:
Đức Ngài nói:
“Chỉ Qua biết phận sự của Qua là Đại-Từ Phụ giao phó với một lời yếu thiết như thế này:

- Tắc, đời quá khổ chẳng phải khổ về xác thịt mà thôi, mà lại khổ đến tinh thần nữa, nạn của nhơn loại tương tàn tương sát sắp đến. Thầy giao cho con một cây Cờ Cứu Khổ, chẳng phải cứu khổ tinh thần mà thôi, lại lẫn cả thể xác nữa. Trọng hệ hơn hết là điều ấy Thầy giao phó cho con, nhưng mà con phải hiểu: có khổ về tinh thần mới biến sanh ra khổ của thể xác.

Thầy nói rõ Thầy giao cho một gánh Đạo và Đời. Thực sự ra Bần Đạo xin thú thật, gánh của Đạo chẳng hề khi nào làm cho Bần-Đạo khủng khiếp. Duy có gánh của Đời, Ngài giao phó nó nặng nề hơn hết…”

Trước, vào ngày rằm tháng giêng năm Mậu Thìn (dl 06-02-1928) Đức Thượng Đế có dạy Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung và Thượng-Phẩm Cao Quỳnh Cư đến làng Phú mỹ, quận Cai-Lậy, tỉnh Mỹ tho lập Minh-Thiện Đàn. Nay, trong lúc Đạo Cao-Đài bị khảo đảo dồn dập, Minh-Thiện-đàn không được trông nom tới, có vẻ suy tàn, nên khi Đức Hộ-Pháp đến hợp nhứt hai nhóm cầu Cơ trên để phục hưng lại Minh Thiện Đàn và Đức Ngài làm Chưởng quản đồng thời cũng lập Phạm Môn. Khi ấy, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế có giáng cho bài thi về Phạm Môn, sau Đức Hộ-Pháp giải trong bài thuyết Đạo:

Phạm-Môn là gì? Do nơi đâu mà nảy sanh ra Phạm-Môn ?
“Phạm-Môn là cửa Phật; Phạm là Phật, môn là cửa, tức là cửa Phật, thật-hành là nhà Phật.

Trong Thánh-ngôn hiệp-tuyển trang thứ 119 về khỏan thi văn dạy Đạo, có một bài thi tứ tuyệt, chính mình Đức Chí-Tôn giáng cho như vầy:
Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm Môn,
Khuyến tu hậu nhựt độ sinh hồn.
Vô lao bất phục hồi chơn mạng,
Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn.


Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm-Môn là nghĩa gì?
Nghĩa là Chí-Tôn kêu cả con cái của Đức Chí-Tôn thức giấc cho mau hiến thân vào cửa Phạm.

Khuyến tu hậu nhựt độ sanh hồn nghĩa là khuyên chúng sanh nên ráng tu-hành tùng khuôn viên kỷ-luật nhà Phật, thì ngày kia linh hồn được siêu thăng thoát hóa.

Vô lao bất phục hồi chơn mạng là Đức Chí-Tôn dạy con cái của Ngài nếu không công lao khổ hạnh trong cửa Đạo thì không thể nào trở về ngôi xưa vị cũ được.

Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn là nhằm lúc thế kỷ hai mươi này, thời kỳ Đức Chí-Tôn rộng mở cửa Phật độ toàn con cái của Ngài, chỉ khuyên chúng ta ráng tu tỉnh ngộ, huỷ cả hành-vi của thế sự, đem thân vào cửa Phạm chịu nâu sồng, khổ hạnh cho đặng thì tự-nhiên đắc Đạo tại thế đó vậy.

Thưa chư Chức-sắc Thiên phong Nam nữ, bài thi này chính Đức Chí-Tôn giáng dạy trong Thánh-Ngôn Hiệp Tuyển hai mươi mấy năm trường; song le, ít ai để ý tìm hiểu nghĩa lý sâu xa có ẩn nhiều huyền-vi mầu-nhiệm của Đạo .

Do bởi tấm màn bí-mật nên khó nỗi truy tầm, song cũng có lắm người vén được màn bí-mật ấy, nên ngày nay nhơn-sanh mới hưởng được giọt nước Cam-lồ của Đức Chí-Tôn cho tòan nhơn-loại.

Đời quá bạo tàn cho nên Đức Chí-Tôn mới giáng trần mở Đạo cho con cái của Ngài biết; các ngôi Thần, Thánh,Tiên, Phật đều tình-nguyện hạ thế cứu đời, xuống bao nhiêu lại càng mất bấy nhiêu. Trong thời kỳ Bần-Đạo vâng lịnh Đức Chí-Tôn xuống thế mở Đạo thì Đức Chí Tôn mới hỏi rằng:

- Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở Bí-pháp trước hay là mở thể-pháp trước ?
Bần-Đạo mới trả lời:
- Xin mở Bí-pháp trước.

Chí-Tôn nói: Nếu con mở Bí-pháp trước thì phải khổ đa ! Đang lúc đời đang cạnh-tranh tàn-bạo, nếu mở Bí-pháp trước cả sự bí-mật huyền-vi của Đạo, đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại, thì mối Đạo phải ra thế nào ? Vì thế nên mở thể-pháp trước, dù cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cả cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì cũng vô hại. Xin miễn là mặt Bí-pháp còn là Đạo còn”.
(ĐHP 30-5-Quí-tỵ 1953)

Bấy giờ, số người nghe theo Đức Hộ-Pháp vào Phạm Môn ngày càng đông. Trước cổng Phạm Môn Đức Hộ-Pháp có đặt đôi liễn như vầy:
PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp.
MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền

Đôi liễn nầy về sau đặt tại cổng của Hộ-Pháp Đường thường gọi là đôi liễn Phạm Môn, vì hai chữ đầu là PHẠM MÔN. Đôi liễn nầy cũng thấy đặt phía sau ba cái ngai của Đức Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh tại Hiệp-Thiên Đài của Đền-Thánh Tòa Thánh Tây Ninh..

Đôi liễn Phạm Môn biểu thị tôn chỉ của Phạm Môn tức là Cửa Phật.

Giải nghĩa:
Phạm: Phật. Lưu ý: Chữ Phạm là Phật, khác với chữ Phạm là họ Phạm. Giáo: dạy. Tùy: theo. Nguơn: chữ Nguơn của câu 1 đối với chữ Hội của câu 2. Nguơn Hội là chỉ những khoảng thời gian dài.

Đức Ngài còn dẫn giải đây chính là sự nghiệp của người tu theo tinh thần của Cao-Đài tức là Phật giáo chấn hưng, nên cũng còn gọi là PHẠM NGHIỆP.

Còn có câu câu liễn như vầy nữa:
PHẠM nghiệp thừa nhàn lợi lộc công danh vô sở dụng
MÔN quan tích đạo tinh thần pháp bửu hữu cơ cầu
祿

Đôi liễn nầy do Đức Phạm Hộ-Pháp viết ra và Đức Ngài cho đặt lên cổng của ngôi nhà Phạm Nghiệp vừa mới cất xong. Phạm nghiệp là cơ sở đầu tiên của Phạm Môn, do Đức Ngài lập ra vào năm 1929 tại phần đất nằm bên quốc lộ 22, khoảng giữa Giang Tân và Thị xã Tây Ninh.

Hai chữ đầu của đôi liễn là PHẠM MÔN, nên Phạm Nghiệp chính là Phạm Môn, mà Phạm Môn cũng chính là Phạm Nghiệp.

Giải thích:
* Phạm: Phật. Phạm nghiệp: sự nghiệp của Phật. (Đừng hiểu lầm là sự nghiệp của dòng họ Phạm). Thừa nhàn: nhơn vào lúc nhàn. Lợi lộc: những món lợi nói chung. Công danh: có sự nghiệp và địa vị cao trong xã hội. Vô: không. Sở dụng: cái công dụng của nó.

Câu 1: Sự nghiệp của Phật, thừa lúc nhàn, lợi lộc và công danh đều không cần dùng đến.
* Môn: cửa. Quan: cơ quan. Tích đạo: chứa đạo đức. Tinh thần: phần sáng suốt thiêng liêng. Pháp bửu: cái pháp quí báu. Cơ cầu: con cháu nối theo cái nghề nghiệp do cha ông truyền lại.

Câu 2: Cơ quan chứa đạo đức, tinh thần và pháp bửu truyền lại được người sau noi theo.
Số người theo ngày càng đông đến nỗi phải cất thêm nhiều nhà cửa bằng tranh lá tạm mới có đủ chỗ cho người đến học Đạo thuộc Phạm Môn lúc bấy giờ. Khi có số đông người thì phải có qui điều giới luật là đương nhiên

“Thập điều giới răn” ra đời:
Đức Hộ-Pháp có ra 10 điều răn cấm cho người Phạm Môn do theo mà học hỏi gọi là “Thập điều giới răn”

Điều 1 - Phải tuân y Luật pháp chơn truyền của Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Điều 2 - Phải trọn hiếu với Tông đường, phụ mẫu. Trọn nghĩa vợ chồng, vẹn phận làm cha mẹ.
Điều 3 - Phải giữ trai giới
Điều 4 - Phải xa lánh các đảng phái chánh trị
Điều 5 - Phải thật hành Phước Thiện, nuôi người già, dưỡng trẻ nhỏ.
Điều 6 - Không đặng thâu của chúng sanh.
Điều 7 - Coi anh em đồng Đạo như ruột thịt.
Điều 8 - Không bội sư, phản bạn.
Điều 9 - Phải ở như các Thánh Hiền, đừng phạm tội vong ân, bội đức.
Điều 10 - Phải thương yêu cả loài người, loài vật, kỉnh mạng sanh theo Thánh chất của Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế là Chúa sự sống.

6 - Lập Hồng thệ khi vào Phạm Môn:
Nhân sự nơi Phạm Môn ngày càng đông nên cần phải mở Lương điền ra các Tỉnh khác nữa.

Ngày 03-01 năm Nhâm Thân (Thứ Hai:8-2-1932)
Tất cả người Phạm Môn lập Hồng thệ “Đào Viên Pháp” quì trước Thiên Bàn Đức Chí-Tôn mà thề rằng:
“Tôi, (Họ, Tên, Tuổi) thề rằng từ nay coi Phạm Môn như ruột thịt, sanh tử bất ly, thoảng có điều chi hoạn nạn thì tôi liều mình với anh em tôi. Nếu ngày sau tôi thất nguyện, quyền Thiêng liêng sẽ hành pháp Tận đoạ Tam đồ bất năng thoát tục và Thầy tôi không nhìn nhận tôi nữa”.

Thoạt đầu, nhóm thực dân Pháp nghi rằng Đức Hộ Pháp sẽ lập ra Chi phái Cao-Đài mới, để đối kháng với ba ông Quyền Đầu-Sư đúng như ý đồ của Pháp hoạch định, do đó chúng mới để yên cho Minh Thiện Đàn phát triển.

Đến khi thấy thành lập Phạm Môn, ban qui điều. Phân nhiệm tổ chức. Phát triển hậu cần. Bấy giờ thực dân Pháp sinh lo ngại nên quyết dẹp Phạm Môn. Chúng xúi giục những thân nhân của nhóm người theo Phạm Môn kiện Đức Hộ-Pháp ra Toà về tội “dụ dỗ con em của họ bỏ quên tộc họ của mình mà tôn thờ họ Phạm”, phá hoại phong hoá Việt-Nam, xúc phạm Tông đường của họ.

7 - Đức Hộ-Pháp ra Toà trả lời về Phạm Môn:
Trước Toà, Đức Hộ-Pháp giải thích rằng:
Câu 1: Chữ Phạm có nhiều nghĩa trong lối viết chữ Nho, mà chữ Phạm đây là Phật, gồm có lâm trên và phàm dưới. Dẫn chứng hai chữ Phạm Môn (lối vô tự kinh) ở trước Đền Thánh đó. Hai khu rừng thiên nhiên, mỗi một khu rừng tượng chữ mộc (Mộc là cây) hai khu rừng tượng hai chữ mộc liền nhau, thành ra chữ lâm là rừng. Trước Đền là sân Đại-đồng-xã tượng cho cảnh phàm . Bấy giờ ghép lại: Lâm đặt trên, phàm đặt dưới thành ra chữ PHẠM. Chung quanh Đền có 12 cửa tượng là môn . Do đó mà Phạm Môn chính là đây, là cửa Phật. Đôi liễn này hiện đặt ở cổng Hộ-Pháp-Đường.
Tóm lại: Phạm Môn là cửa Phật, chứ không phải là tộc họ Phạm của Ngài (Phạm Công Tắc).
Câu 2: Khi vào Phạm Môn có buộc mỗi người phải làm Tờ hiến thân, có cha mẹ, vợ chồng đồng ý ký tên mới nhận, thì không có lý do gì ai dụ dỗ ai được.
Câu 3: Điều thứ nhì trong “Thập điều giới răn” của Phạm Môn có qui định rõ “Phải trọn hiếu với Tông đường, phụ mẫu. Trọn nghĩa vợ chồng, vẹn phận làm cha mẹ.”thì không thể bảo rằng phá hoại luân lý, xúc phạm Tông đường được.
Toà không buộc tội về những lý do trên, lại xoay qua vấn đề “Lập Hội đoàn” không xin phép.

Đức Hộ-Pháp chống án lên Toà Thượng Thẩm Sài gòn. Toà Thượng Thẩm Sài gòn xử chung quyết “Y án Toà Sơ Thẩm”. Đức Ngài liền chống án lên Tối Cao Pháp Viện ở Thủ đô Paris (Pháp). Đức Ngài uỷ quyền cho Ngài Bảo-Cô-Quân là Luật-sư Dương văn-Giáo thay mặt Đức Ngài lo việc chống án. Kết quả: Tối Cao Pháp Viện phán quyết: Trắng án!

Bấy giờ, Đức Ngài vẫn lo hoạt động Phạm Môn: một mặt bổ nhiệm 21 vị Phạm Môn đi 21 Tỉnh (Thuở ấy miền Nam Việt-Nam chỉ có 21 Tỉnh mà thôi). Một mặt Ngài trở về Tây-Ninh lập Phạm Nghiệp như đã nói trên.

8 - Quyền hành của Hộ-Pháp phải như thế. Ai hiểu?
Đức Hộ-Pháp nói:
“Mấy em Nam, Nữ nghĩ coi; một lời tiên tri trước kia nó hiện tượng hôm nay ra thể nào, mấy Em biết cái huyền linh vô biên của Đấng cầm quyền thưởng phạt vô hình nó mạnh mẽ và chơn thật thế nào? Bởi cớ cho nên khi Đạo mới phôi thai thì các quỷ-quyền toan diệt Đạo. Buổi sơ sanh Đạo yếu ớt, bạc nhược, ngu dại, dốt nát thế nào, nên bị nó giục cho thiên hạ dùng cả năng lực quyền hành của mình toan tiêu diệt Đạo cho kỳ đặng. Họ đồ mưu chia rẻ làm cho trong Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn phải ly tán, Anh nghịch Em, Em bất hòa với Anh, cả nền Đạo chinh nghiêng đảo ngược.

Gánh một chức vụ Hộ-Pháp cầm cả Luật Pháp của Đạo, không lẽ Qua ngồi ngó đặng chịu tội cùng Đức Chí Tôn. Qua phải tìm phương giải quyết đem chữ Hòa của Đức Chí Tôn muốn ấy đặng làm căn bản. Bởi cớ cho nên mới sản xuất ra Phạm-Môn và Qui-thiện.

Thiên hạ nói Qua lấy Tộc Qua là Phạm, tức nhiên lập cái đảng-phái cho họ Phạm.
Qua hỏi: Thiên hạ đã tuyên-truyền dối trá ấy đặng đánh đổ cả uy-tín của Qua như thế nào, Qua chưa hề trả lời cho ai hết, dầu cho quyền hành buổi nọ rất mạnh-mẽ đòi phen đem đến Luật hình, mà chính mình Qua cũng chưa nói cho họ biết nghĩa lý Phạm-Môn là gì?

Hôm nay mấy em biết chưa?
Có lẽ phần nhiều mấy em đã biết, Phạm ấy là Phật, Phạm Môn là cửa Phật, nói rõ hơn nữa là cửa Tu Chơn của Đạo, cửa Bảo-thủ Chơn Pháp của Chí-Tôn. Còn Qui Thiện thế nào Qua chưa nói ra cho thiệt tướng.

Thiên hạ đều hung bạo, vì lẽ hung bạo làm cho Anh nghịch Em, Em hận Anh, trong cửa Đạo không có một vẻ chi là Đạo hết. Lập trường Qui-thiện là cốt yếu đem lòng lành của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn hiệp nhứt cùng nhau làm một đặng bảo thủ Chơn-Truyền của Đạo.

Buổi đầu tiên nó sản xuất tại nơi Mỹ-Tho, Qua lập "Khổ Hiền Trang” mấy em biết hai chữ Khổ Hiền ý định Qua thế nào không? Trong bảy mươi hai anh em chung sức cùng nhau mà làm đầu trường Qui-Thiện ấy là Đinh Công Trứ vẫn là một trong đó vậy. Nhờ cả sự giáo hóa của Qua cái nghĩa lý tối yếu, tối trọng của Chơn-Pháp Đức Chí-Tôn Qua giao lại cho nó, để làm thế nào cho thiên hạ hết thống khổ về tinh thần lẫn vật chất. Sự biết Đạo của Đinh-Công-Trứ là vậy.
Tưởng cũng như Qua đã bị các nạn-nhân của các lực lượng quyền Đạo luôn quyền Đời.

Buổi nọ thiên hạ tuyên-truyền dối trá thì Đinh Công-Trứ cũng bị nạn ấy. Qua đã bị thiên hạ chê là lo Đời hơn lo Đạo, thì Đinh-công-Trứ cũng vậy, thiên hạ nói nó cũng như Qua lo Đời hơn lo Đạo.

Mấy em ôi! Trong buổi phong ba bão táp, nhơn loại ở trong sông mê bể khổ, một con thuyền Bát-Nhã chưa tạo thành đặng độ-rỗi họ, ít nữa mấy em cùng Qua cố gắng tạo cho thành đặng cứu vớt khổ não của họ đặng bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Thiên hạ thấy mấy em khổ-não, cái khổ ấy nó đã làm cho Qua đổ biết bao nhiêu giọt huyết lệ từ khi mới biết Đạo. Tân-Dân-Thị chính của mấy Em tìm phương chui đụt, tìm phương giải khổ cho mấy Em. Mấy Em được hạnh-phúc hay chăng là do lòng đạo đức của mấy Em. Qua còn sống đây thì Qua cũng lo tạo dựng mảy-may hạnh phúc cho mấy Em. Tạo hạnh phúc ấy chỉ có một đường lối duy nhứt là Qua làm sao cho mấy Em giải khổ, phận sự Thiêng Liêng của Qua là vậy.

Trong Bí-pháp Qua viết chữ Hòa, nơi Tân-Dân Thị nhờ chữ Hòa mà thêm lòng yêu ái. Qua gởi hai chữ Hòa Ái nơi lòng của mấy Em đó vậy. Qua cầu xin mấy Em có một điều là chung sức cùng nhau đặng tạo hạnh phúc cho nhau, mấy Em đã có sẵn tình đức của Đức Chí-Tôn đã đến trong ba chục năm nay thôi, chỉ trong ba chục năm hưởng được đặc ân của Đại-Từ-Phụ đã đến tạo cả tâm hồn mấy Em. Tình đức trong Đạo ấy, mấy Em tu thân dễ quá chừng quá đỗi. Tu thân mấy Em là làm nền móng vững chắc đặng lập công danh, đừng ngó ra ngoài những giả dối đó mà cho là sự thật. Chưa có thật đâu mấy Em ! Đứng trong cửa Đạo nương tình đức lập thân danh. Qua dám nói chắc cả con cái Đức Chí-Tôn Nam, Nữ để ý, do căn bản tình đức ấy chẳng hề khi nào hư, nếu Qua không nói mấy Em ngồi trên đầu thiên hạ”.
(ĐHP thuyết đêm 14-11 Giáp Ngọ)

9 - Đức Hộ-Pháp lập Phạm nghiệp:
Ngày 15 tháng 8 Mậu Thìn (Thứ Sáu:28-9-1928)

Đức Hộ-Pháp trở về nơi Trường Đua, làng Trường Hoà, quận châu thành, Tỉnh Tây Ninh mua một phần đất lập Phạm Nghiệp. Mục đích lập Phạm nghiệp là để cho thành phần đối lập trong Đạo Cao Đài giờ này họ chỉ chú ý vào đấy (Một hình thức dương đông kích tây). Ngoài ra Ngài còn lo tiến nhanh tổ chức các sở Lương điền Phạm Môn thuộc Tỉnh Tây-ninh nữa, như:
Sở Khách đình: từ địa phận cửa số 5 đến cửa số 8 thuộc Thánh địa.
Sở Trường Hoà (vùng bàu sen).
Sở Giang Tân (Mé sông vàm cỏ, nơi giáp ranh xã Trường hoà và Long Thành).
Sở Cầu khởi. Sở Mít một. Sở Dưỡng lão…

Bấy giờ trước sự im lặng của Đức Quyền Giáo-Tông, sự tích cực hoạt động của Đức Hộ-Pháp, nhóm người đối nghịch cũng rất lo ngại, nên quyết ra lịnh “Truất phế” ngay những vị này.

10 - Về phía của hai ông Tương Trang chiếm hữu Toà-Thánh:
Sau khi nắm trọn quyền điều hành Hội-Thánh, hai ông Quyền Đầu-Sư là: Thượng Tương Thanh (Tri phủ Nguyễn Ngọc Tương) và Ngọc Trang Thanh (Tri phủ Lê Bá-Trang) đã hiện rõ chân tướng mình là: Tham quyền cố vị, thể hiện hết sự độc tài, độc đoán, bất chấp chơn truyền đạo lý và không tuân thủ luật pháp của Đại-Đạo. Do vậy mà thời gian này Ngài Quyền Thái Đầu-Sư Thái Thơ Thanh đã tuyên bố không hợp tác với hai vị này.

Thế là không còn đủ số ba Quyền Đầu-Sư mà hành Quyền Thống nhứt của ba vị Đầu-Sư được nữa. Mặc dù vậy, hai ông Tương và Trang vẫn thi hành theo mật lịnh của thực dân Pháp; tiến hành truất phế Đức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung và Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc.

Hai ông cho mời tất cả Chức sắc Cao-Đài: Đầu Tình đạo, Đầu Quận Đạo, Chức việc đầu hương đạo về Toà Thánh Tây Ninh nhân ngày Lễ Vía Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, ngày 9 tháng giêng năm Kỷ-Tỵ (Thứ Hai: 18-02-1928) với mục đích lợi dụng người địa phương không rõ nội tình ở Trung ương làm cuộc sách động truất phế hai Ngài luôn.

Trong khi đó Đức Hộ-Pháp đã thông báo cho các Sở Lương điền Phạm Môn trên toàn quốc ngầm giải thích hành động của hai ông Tri phủ Tương và Trang. Do đó lượng người kéo về Toà Thánh đông gấp hai, ba lần những năm khác (Ngài dùng phương pháp tương kế tựu kế).

Đến giờ cúng Đại Đàn Lễ Vía Đức Chí-Tôn bất thình lình Đức Hộ-Pháp và Đức Quyền Giáo-Tông xuất hiện trong giờ cúng.

Sau phần nghi lễ, Đức Quyền Giáo-Tông lên Đài thuyết Đạo. Đại ý nói là khi Đức Ngài nghỉ dưỡng bịnh có trao quyền điều hành lại cho Hội Thánh là các ông:
“- Hộ-Pháp Phạm Công Tắc.
- Thái Thơ Thanh.
- Thượng Tương Thanh.
- Ngọc Trang Thanh

Điều khiển nền Đạo khi tôi nghỉ dưỡng bịnh.”

Đức Hộ-Pháp cũng trình bày việc Ngài rời Toà Thánh Tây Ninh xuống Từ-Vân-Tự, Túc trưng (Thủ đức), rồi xuống Cai lậy Mỹ tho thống nhứt Hồng Đăng Đàn và Bạch Đăng Đàn, củng cố Minh Thiện Đàn, lập Phạm Môn, lo tạo Sở Lương điền... không kiểm soát việc làm của Hội Thánh Cửu Trùng Đài, để nhiều Chức sắc vi phạm lời Minh thệ khi Nhập môn cầu Đạo “Hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài”.

Lúc ấy Đức Hộ-Pháp lên giải lý và xuất trình một số Thánh giáo của Đức Phật-Mẫu và Thất Nương Diêu Trì Cung dạy Ngài phải xuống Thủ Đức rồi Cai-lậy (Mỹ tho) củng cố Minh-Thiện-Đàn làm sáng tỏ tánh thiện của người Đạo Cao-Đài cho nhơn sanh thấy rõ hầu tùng theo chơn truyền Đại-Đạo. Khi một người đã vào Đạo thì Cửu Trùng Đài giáo hoá họ về việc tu hành. Khi qui vị thì Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Đài giúp đưa chơn linh họ vào Bát-Quái-Đài. Ngoài ra Đức Ngài còn lo gỡ ếm “Long Tuyền Kiếm”của người Tàu, để phục lại cho Việt-Nam có được Thánh Chúa, tôi Hiền, phát Vương, phát Tướng.

Vì tầm quan trọng đó: lo cho nhơn sanh tức là lo cho Tổ quốc Việt-Nam, nên Đức Ngài phải gát lại việc kiểm soát Hội-Thánh Cửu Trùng Đài trong thời gian qua.

Đối với số Chức sắc không giữ đúng lời Minh Thệ Ngài phân tích:
- Quyền Chí-linh hiệp quyền vạn linh, tức là Trời Người hiệp một. Quyền lực tối cao của Đức Thượng Đế còn không độc đoán, vậy hai Ông Tương và Trang chỉ là Quyền Đầu-Sư mà mọi việc lớn nhỏ trong cửa Đạo lại lắm quyền độc đoán, một mình tự quyết như vậy là vi phạm luật của Đạo.

- Chiếu y Pháp Chánh Truyền thì:
. Giáo hữu muốn thăng lên Giáo Sư thì nhờ 3.000 vị Giáo Hữu xúm nhau công cử.
. Giáo-sư muốn thăng lên Phối-Dư thì nhờ 72 vị Giáo Sư xúm nhau công cử.
. Phối Sư muốn thăng lên Đầu-Sư thì nhờ 36 vị Phối Sư xúm nhau công cử.

Hiện nay trong cửa Đạo, mỗi phẩm cấp đều không đủ số như Pháp Chánh Truyền qui định. Do đó Đức Lý Đại Tiên Trưởng Nhứt Trấn Oai nghiêm kiêm Giáo-Tông Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã thỉnh ý Ngọc Hư Cung và đã được dạy là trao quyền thăng phẩm vị Chức sắc cho QUYỀN VẠN LINH cho đến khi có các phẩm vị Chức sắc thì sẽ áp dụng luật cầu thăng theo như Pháp Chánh Truyền qui định.
- Như vậy việc hai ông Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh thăng phẩm vị cho một số Chức sắc thuộc hạ là vi phạm vào luật lệ Cao Đài.
- Như việc hai vị này giao trách nhiệm cho Giáo Hữu Thượng Chính Thanh làm Quyền Thượng Thống Lại viện, quản lý toàn bộ Chức sắc Cửu Trùng Đài, cũng là vi phạm luật lệ của Đạo.
- Vấn đề bổ Chức sắc: không được thuyên bổ Chức sắc về nơi nguyên quán, để khỏi bị mặc cảm đối với dĩ vãng, nếu có, hoặc vì quen thuộc mà vị nễ nhau khó làm việc mà mất sự vô tư. Hai vị này đã vi phạm vào luật Đạo.

Sau đó, toàn Đạo thỉnh cầu Đức Quyền Giáo-Tông vừa dưỡng bịnh vừa trở lại chấn chỉnh lại Hội-Thánh Cửu Trùng Đài và cũng thỉnh cầu Đức Hộ-Pháp thường xuyên có mặt ở Toà-Thánh Tây Ninh lo cho nền Đạo giữ đúng luật pháp chơn truyền Đại-Đạo.

Hai ông Quyền Đầu-Sư: Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh đã bị mất uy tín trong toàn Đạo và hỏng cả kế hoạch “truất phế” hai Đấng đầu công của Đạo là Đức Quyền Giáo-Tông Lê-Văn-Trung và Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc ngay trong thời điểm này.

11 - Phương pháp dùng bạo lực của nhóm phản đối:
Hai vị Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh họp với các nhóm của Minh Chơn Lý, nhóm Cầu kho, nhóm Nguyễn Phan Long và nhất là nhóm du đãng của Nguyễn Phát Trước (tức là Tư Mắt) làm nồng cốt, quyết dùng bạo lực.

Đức Hộ-Pháp đàng này cho gọi tất cả anh em Phạm Môn về bảo vệ Thánh Địa Tây Ninh. Hàng hàng lớp lớp người Cao-Đài chân chính và người của Phạm Môn chia nhau canh gát tất cả các cửa vào Nội-Ô Toà Thánh. Lực lượng thành phần đối lập đương nhiên xông vào, thế là trận xô xát xảy ra từ 7 giờ đến 9 giờ, thì nhóm đối lập này bị yếu thế, đành rời khỏi Thánh Địa mà trở về địa phương của họ.

Ngày 26-5 Quí Dậu (Thứ Ba: 18-7-1933)
Hội Thánh Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ Độ lập Đạo Nghị định thứ 17 ngưng quyền cả hai Ông:
- Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh (Tri phủ Nguyễn Ngọc Tương )
- Quyền Đầu-Sư Ngọc Trang Thanh (Tri phủ Lê Bá Trang)

Ngày 13-10 Giáp Tuất (Thứ Hai: 19-11-1934)
Đức Quyền Giáo-Tông ở Toà-Thánh qui Tiên, toàn Đạo đều thọ tang một bậc Giáo-Tông đáng kính.

Hai ông Tri phủ Tương và Trang về dự đám tang với chủ định là cướp quyền Đạo một lần nữa. Nhưng Đức Quyền Giáo-Tông đã tiên liệu nên có lời Di chúc là:

“Cấm hai vị Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang cùng đám thuộc hạ không được dự tang lễ của Đức Ngài”.

Do đó mà đoàn người phải trở về Bến Tre.
Sau ngày Lễ Đại Tường của Đức Quyền Giáo-Tông (tức là 581 ngày, sau ngày qui) Đức Hộ-Pháp có giải rõ về “Đại Hội Nhơn Sanh” là việc cần yếu. Nhân đó tổ chức Đại hội này, toàn Đạo sẽ chọn người đủ khả năng tài đức mà uỷ nhiệm và trao cho người xứng đáng để đảm nhiệm trọng trách Chưởng quản Cửu Trùng Đài.

Kết quả Hội-Nhơn-Sanh đã Uỷ nhiệm trách vụ Chưởng Quản Cửu-Trùng-Đài cho Đức Hộ-Pháp kiêm nhiệm, tức là kể từ ngày này Đức Hộ-Pháp sẽ Chưởng Quản cả Nhị Hữu Hình Đài: Hiệp-Thiên và Cửu Trùng cho đến ngày có Đầu-Sư chánh vị..

Sau đó, phò cơ thỉnh giáo Đức Lý Đại Tiên, Đức Ngài có dạy rằng: “Trước kia Lão có nói sẽ nhượng nửa quyền về phần xác cho Hộ-Pháp, thì Lão đã đồng ý giao trách nhiệm cho Hiền Hữu. Nếu không có nửa quyền của Lão chia cho thì Hộ-Pháp khó có thể điều hành Hội-Thánh Cửu Trùng Đài.”

Qua bao lần số chức sắc đàn Anh đã ra đi: một số bỏ Đạo, một số lập Chi phái rồi kéo theo số thân tín của mình thành ra số Chức sắc của Tòa Thánh buổi đầu vốn đã ít giờ lại ít hơn, tinh thần cũng kém, nên việc điều hành Hội-Thánh giữa buổi này rất khó.Đức Lý Đại Tiên cho Thi

Bắt ấn trừ yêu đã đến kỳ,
Ngọc Hư định sửa mối Thiên Thi.
Cửu Trùng không kế an thiên vị,
Phải để Hiệp-Thiên đứng trị vì.
Thành Pháp dìu đời qua bể khổ,
Nên công giúp thế lánh cơn nguy,
Quyền hành từ đấy về tay nắm,
Phải sửa cho nên đúng thế thì!
                                                              Đức Lý Giáo-Tông

Ngày 18-11 Giáp Tuất (Thứ Hai: 24-12-1934)
Hai ông Tương và Trang về Thánh-Thất An-Hội (Bến Tre) phổ biến châu tri 147 mạ lỵ Đức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung và Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc.

Hai ông tự phong chức là:
- Tri phủ Lê Bá Trang là CHƯỞNG PHÁP
- Tri phủ Nguyễn Ngọc Tương làm ĐẦU SƯ của phái Bến Tre.

12 - Ban Chỉnh Ðạo (Phái Bến Tre):
Nhớ lại vào đầu năm 1934, khi hai ông rút khỏi Tòa Thánh Tây Ninh về Bến Tre lập Ban Chỉnh Ðạo, với mục đích chấn chỉnh lại nền Ðạo, qui tụ được 85 Thánh Thất theo về với hai ông. Trong lúc đó, toàn Ðạo Cao Ðài chỉ có 128 Thánh Thất, như vậy số Thánh Thất theo hai ông Tương và Trang cùng với số tín đồ chiếm hết 2/3, Tòa Thánh Tây Ninh chỉ còn lại 1/3. Hai ông cố gắng lôi kéo một số vị Thời Quân Hiệp-Thiên-Đài theo về hai ông để cho có đủ hai Ðài: Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài, nhưng không thành công, vì một số vị Thời Quân, tuy có bất mãn Ðức Hộ-Pháp nhưng quí vị ấy muốn giải quyết vấn đề theo chiều hướng khác hơn hai ông kia, nên quí vị ấy không hợp tác với hai ông được.

Thế lực của hai ông rất mạnh, lại được chánh quyền Pháp ủng hộ, nên hai ông tổ chức thuê bao gần chục chiếc xe đò đưa rất đông tín đồ của hai ông về Tây-Ninh dự định sẽ dùng sức mạnh chiếm Nội-Ô Toà-Thánh. Hai ông báo cho Ðức Quyền Giáo-Tông biết ngày 20-1-Giáp Tuất (1934) hai ông sẽ kéo lên Tòa Thánh, vì hai ông nghĩ rằng phần thắng nắm chắc trong tay.

Ðức Quyền Giáo-Tông liền thông báo cho Ðức Hộ-Pháp. Ðức Hộ-Pháp tức cấp huy động tất cả khoảng 500 công quả Phạm Môn chia nhau giữ chặc các cửa vào Nội Ô Toà Thánh. Với sức kháng cự quyết liệt mạnh mẽ của 500 công quả Phạm Môn, lực lượng của hai ông Tương và Trang phải chịu thảm bại, rút lui về Sài Gòn.

Cuối năm 1934, Ðức Quyền Giáo-Tông đăng Tiên (ngày 13-10-Giáp Tuất, dl 19-11-1934).

Trong khi đó, tại Thánh Thất An Hội Bến Tre, Ngài Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang tổ chức Ðại Hội toàn thể Chức sắc và tín đồ thuộc Ban Chỉnh Ðạo để bầu cử chức Giáo-Tông: Lần bầu cử thứ nhứt, Ngài Lê Bá Trang lên chức Ngọc Chưởng Pháp; lần bầu cử thứ nhì, Ngài Nguyễn Ngọc Tương lên chức Giáo-Tông. Ðó là vào năm 1935 (Ất Hợi).

Năm 1938, Ngài Nguyễn Ngọc Tương cử hành một lễ long trọng, tuyên bố nhiệm vụ của Ban Chỉnh Ðạo chấm dứt. Như vậy là Ngài lập thành Chi phái Bến Tre, xây dựng Thánh Thất An-Hội thành Tòa-Thánh Bến-Tre, tổ chức Cửu Viện, thăng thưởng một số Chức sắc cầm quyền Cửu Viện.

Thực lực của phái Bến Tre lúc đầu rất đông và rất mạnh, nhưng vì không có chánh nghĩa nên số người theo ông lần lần rút lui, các hoạt động chỉ cầm chừng, dần dần suy tàn, nhất là sau khi Ngài Lê Bá Trang qui vị. Ngài Nguyễn Ngọc Tương thường nhập tịnh theo cách riêng của ông, càng về sau nầy, Ngài tự xem mình như là một phân thân của Ðức Lý Giáo-Tông, nên Ngài tự xưng là Lý Giáo Tông.

Năm 1951, Ngài Nguyễn Ngọc Tương qui vị.
Sau đó, phái Bến Tre phân ra làm hai nhóm nhỏ độc lập nhau: Một nhóm tại Tòa Thánh Bến Tre, một nhóm tại Thánh Thất Tân-Túc (Bình Chánh) và Thánh Thất Ðô Thành đường Hậu Giang Chợ Lớn.

(Ðức Quyền Giáo-Tông giáng cơ tiết lộ cho biết: Ngài Nguyễn Ngọc Tương là chơn linh của Ngô Tôn Quyền tái kiếp, Ngài Lê Bá Trang là chơn linh Quan Vân Trường thời Tam quốc tái kiếp)

13 . TIỂU SỬ NGUYỄN NGỌC TƯƠNG (1881- 1951)
Ông Nguyễn Ngọc Tương sanh ngày 26-5-Tân Tỵ (dl 22-6-1881) tại làng An Hội, tỉnh Bến Tre, thuở nhỏ học tại Collège Mỹ Tho, rồi lên Sài Gòn học ở Lycée Chasseloup Laubat, đậu bằng Thành Chung năm 1902, xin làm Thơ ký phòng Thượng Thơ. Làm nơi đây được 1 năm thì xin về làm Thơ ký nơi Tòa Bố tỉnh Bến Tre suốt 17 năm liền.

Năm 1919, thi đậu ngạch Tri Huyện, được bổ làm Chủ Quận Châu Thành Cần Thơ, rồi Chủ Quận Hòn Chông (Hà Tiên), rồi đến năm 1924 thì đổi về làm Chủ Quận Cần Giuộc, qua năm 1927 đổi ra làm Chủ Quận Xuyên Mộc (Bà Rịa).

Ông nhập môn theo Ðạo Cao-Ðài vào tháng 2 năm Bính-Dần (1926), thọ phong Thượng Chánh Phối Sư ngày 17-5-Bính Dần (dl 26-6-1926). Năm 1930, thăng lên Quyền Ðầu Sư.
Ðầu năm 1934, ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, rút về làng An Hội lập Ban Chỉnh Ðạo và sau đó biến thành Chi phái Bến Tre.
Ngày 8-1-Ất Hợi (dl 11-2-1935), Ðại Hội Vạn Linh của phái Bến Tre bầu ông Tương làm Giáo-Tông phái Bến Tre.
Ngày 7-4-Ất Hợi (dl 9-5-1935) cử hành Lễ Ðăng điện cho Ngài Tương lên ngôi Giáo-Tông ở Thánh Thất An Hội Bến Tre và từ đó, Thánh Thất An Hội được gọi là Tòa Thánh Bến Tre.
Từ năm 1942 đến 1951, ông Tương thường nhập tịnh trong Tịnh Thất riêng, lúc đó ông thường tự xưng là Lý Giáo-Tông.
Ngày 14-4-Tân Mão (dl 19-5-1951), ông Tương qui thiên, tháp được xây dựng ngay trước Thánh Thất An Hội, Bến Tre.

14 - TIỂU SỬ LÊ BÁ TRANG (1879-1936):
Ông Lê Bá Trang sanh năm 1879 tại làng An Qui, tổng An Trung, tỉnh Sa-đéc. Ông theo Tây học, thi đậu ngạch Tri Huyện, được bổ làm Chủ Quận Thủ Ðức, rồi thi đậu Tri phủ, được bổ làm Chủ Quận Chợ Lớn, được thăng Ðốc Phủ Sứ, làm Chủ Quận Vũng Tàu.

Ông nhập môn theo Ðạo Cao Ðài vào tháng 5 năm 1926 (Bính Dần), được Thiên phong Ngọc Chánh Phối Sư vào ngày 3-7-Bính Dần (dl 10-8-1926).
Năm 1929, Ngài Lê Bá Trang xin từ quan và phế đời về Tòa Thánh Tây Ninh hành Ðạo.
Năm 1930, Ngài Lê Bá Trang được thăng lên Quyền Ngọc Ðầu Sư, cùng một lượt với Ngài Nguyễn Ngọc Tương.

Ông Trang cùng với ông Tương rút về Bến Tre lập Ban Chỉnh Ðạo, sau đó biến thành Chi phái Bến Tre. Ông được Ðại Hội Vạn Linh của phái Bến Tre bầu làm Ngọc Chưởng Pháp.

Ông Trang qui liễu tại Bến Tre ngày 30-5-Bính Tý (dl 17-7-1936), liên đài được đưa về Tòa Thánh Tây Ninh ngày 21-7-1936, được Toà-Thánh nhận cho vào nhập bửu tháp ở phẩm Ngọc Ðầu Sư.

Ðàn cơ tại Phạm Nghiệp ngày 11-6-Bính Tý (dl 28-7-1936), phò loan: Ðức Hộ-Pháp và Cao Tiếp Ðạo, Ðức Quyền Giáo-Tông giáng cơ nói về chơn linh của Ngài Lê Bá Trang bị đọa nơi Lạc Hồn Trì, ghi lại như sau:

THƯỢNG TRUNG NHỰT
“Chào mấy em.
“Thượng-Phẩm nói với Qua mấy em đợi.
Ôi! Qua nghĩ lại bắt tức mình, mấy em nghĩ lại mà coi, một kiếp sanh đâu mấy lát, cái giả cuộc trần hoàn tuy xem nháy mắt mà ảnh hưởng nó sâu sắc biết là bao, nào là danh, nào là vị, nào là tước, nào là quyền, nào là vinh, nào là trọng, rốt sự rồi cũng không còn mảy mún giá trị chút gì nơi cõi Hư linh Hằng sống, bất quá như còn vui dự đặng một tiệc ngọt ngon của khách phong trần say sưa một lát mà đòi phen chịu thảm cả đời.

Qua đến viếng TRANG nơi Lạc Hồn Trì, nó nằm mê sảng sốt, đau lòng hết sức, như lời Thất Nương và Bát Nương làm chứng, thì dầu cho Qua có đến gần nó lúc nầy cũng không bổ ích chút nào cả, phải đợi cho nó từ từ định tỉnh, may ra có tay Thất Nương giải mộng thì thỉnh thoảng định tỉnh tinh thần. Nếu Qua cượng cầu thì chẳng khác nào hầu chuyện với người điên, chọc thêm loạn tánh.

TÁM, Em nên phò loan đặng Qua truyền tin TRANG cho Em hiểu. Khi nãy, Qua thấy em có khách nhiều thì phải, thôi Qua đi.” Thăng.

Chú thích:
TRANG: Ông Lê Bá Trang.
Ðức Quyền Giáo-Tông gọi Ðức Hộ-Pháp là Em TÁM (vì Ðức Hộ Pháp thứ tám)

Ðàn cơ tại Hộ-Pháp Ðường ngày 17-10-Bính Tý (dl 30-11-1936), phò loan: Ðức Hộ-Pháp và Cao Tiếp Ðạo. Ðức Quyền Giáo-Tông giáng cơ nói về chơn linh của ông Trang và ông Tương:
THƯỢNG TRUNG NHỰT

… “TRANG khóc quá bây ơi! Vừa hiểu hiểu chớ còn khi tỉnh khi say, nhưng Qua theo bên mình ủng hộ, không sao phòng ngại.
Em TÁM làm ơn nói với con Hai cho nó biết, kẻo lo rầu tội nghiệp.

Hộ-Pháp bạch: - Biết nó nghe không?
- Em cứ nói giùm. Cha chả! Va oán Em đánh va hôm nọ lắm. Qua an ủi mà hễ tỉnh thì cằn rằn hoài. Em nên viết cho va một cái thơ an ủi, cậy Qua đưa giùm đặng Qua thừa dịp thức tánh va một chút. Em làm ơn giùm.

…- Ôi! Thây kệ, đừng giận làm gì nữa. Nếu Em thấy va lúc nầy thế nào Em cũng tội nghiệp. Em làm phước làm giùm cái tháp cho va, hễ tỉnh thì hỏi có bao nhiêu đó hơn hết.

Ôi! TƯƠNG là cục nợ báo đời của TRANG, do căn kiếp phải vậy, dầu khi chết cũng còn theo báo hại.

Em biết TƯƠNG là ai chăng?
Ðứa nào nói trúng, Qua thưởng một củ mì.
Qua nói nhỏ: NGÔ TÔN QUỜN đó biết không?...

15 - Cái chết của Ông Lê Bá Trang:
Ngày 30-5 Bính Tý (Thứ Sáu: 17-7-1936). Ông Tri phủ Lê Bá Trang, là Ngọc Chưởng Pháp của Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre) từ trần. Ban Chỉnh Đạo xin Hội-Thánh Cao-Đài Toà-Thánh Tây Ninh cho ông Trang được an táng nơi nội-ô Toà-Thánh Tây Ninh. Dù rằng ông Trang đã bị Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ lập Đạo Nghị định thứ 17 ngưng quyền cả hai Ông: Tương và Trang ngày 26-5 Quí-Dậu (Thứ Ba: 18-7-1933) rồi. Nhưng Hội Thánh vẫn rộng quyền ân tứ như lời cầu xin.

Thế là vào ngày 4-6 Bính-Tý (Thứ Ba: 21-7-1936)
Ban Chỉnh Đạo Bến tre chở liên đài ông Lê Bá Trang về Toà Thánh có cả ông Nguyễn-Ngọc-Tương mặc phẩm phục Giáo-Tông của phái Bến tre và đoàn tuỳ tùng là Chức sắc áo mão rực rỡ, rần rần, rộ rộ kéo về Toà-Thánh Tây ninh. Thực sự đây cũng là một “ý đồ” chiếm Toà Thánh nữa. Nhưng…

Hội Thánh Cao-Đài Toà Thánh căn cứ vào quyết nghị là: Ban Chỉnh đạo Bến tre đã có Hội-Thánh riêng, giáo điều riêng, giáo lý riêng, Thánh Thất riêng thì không thể mặc sắc phục này vào Toà Thánh được. Muốn về Toà Thánh thì phải tuân theo Nghị định thứ 8 của Đức Lý Giáo-Tông là phải “mặc áo trắng”.

Ban Chỉnh Đạo thì cho rằng: “Bằng khoán đất và tất cả giấy tờ của Đạo đều là của ông Tương đứng tên thay mặt ngày xưa cùng với Bà Nữ Đầu-Sư Lâm Hương Thanh” Thì hôm nay đây ông Tương trở về với vị thế một chủ nhà.

Đức Hộ-Pháp với cương vị Hộ-Pháp Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài có Đức Lý công nhận qua bài:
THI
HỘ giá Chí-Tôn trước đến giờ.
PHÁP luân thường chuyển máy Thiên-cơ.
CHƯỞNG quyền Cực-Lạc phân ngôi vị.
QUẢN suất Càn-khôn định cõi bờ.
NHỊ kiếp Tây Âu cầm máy tạo.
HỮU duyên Đông-Á nắm Thiên-thơ,
HÌNH hài Thánh-Thể chừ nên tướng.
ĐÀI trọng hồng-ân gắng cậy nhờ.
Ngài phán định rằng:
“Những Chức sắc phế phận, bỏ Toà Thánh ra đi, đã bị Hội-Thánh ngưng quyền, nay ăn-năn hối cải, muốn trở về tạ tội xin Hội-Thánh khoan hồng, thì khi ra đi mang phẩm tước gì, nay trở về phải mang phẩm tước đó, chứ không thể xưa là một phẩm Quyền Đầu-Sư nay quay trở lại với một phẩm Giáo-Tông được! Với những hình thức cờ quạt lộng tàng, tiền hô hậu ủng như thế này không thể chấp nhận cho vào Toà Thánh được” .

Thánh vệ đã canh giữ các cửa vào Nội-ô một cách nghiêm nhặc. Buộc lòng phái Bến Tre phải để liên đài ông Trang ở ngoài cửa Hoà viện (cửa số 1) rồi các vị kia tủa ra khắp các cửa định tìm đường xông vào.

Phía Toà Thánh thì số người của Minh Thiện Đàn, Phạm Môn kéo hết lực lượng về giữ an ninh trật tự nên đối phương không thể vào được.

Phía Toà án Tây ninh của Pháp ủng hộ phái Bến tre, nhưng trời đổ mưa như trút, nhóm người này chạy tán loạn, lại bị số lính của thực dân Pháp tới không biết bên nào chủ hoà, bên nào chủ chiến, khiến họ đuổi cả nhóm Chi phái chạy tơi bời.

Trong lúc đó thì có cụ ông Lê Vinh Hiển, trước đây là một thành viên Thiên Địa Hội chống thực dân Pháp, bị bắt kết án “khổ sai chung thân” nơi Côn Đảo, ông vượt ngục trở về, thả bè trôi tấp vào Rạch giá và tiếp tục mưu đồ chống Pháp, bằng cách là cải cả tên họ. Việc này là vào đầu năm Bính-Dần (1926) chính các Ngài Lê văn Trung, Hộ-Pháp và Thượng-Phẩm có cầu Đức Thượng Đế giáng Cơ thâu nhận là đệ tử tiền khai Đại-Đạo, Đức Chí-Tôn đã đổi tên Lê Vinh Hiển thành Lê Ngọc Diệp để tránh cuộc truy lùng của thực dân Pháp. Ông này chỉ đứng phía sau làm hậu thuẫn cho các việc đạo sự.

Ông Lê Ngọc Diệp đến gặp ông Tri phủ Nguyễn Ngọc Tương Giáo-Tông của phái Bến Tre. Cụ nói:
Việc của người Việt Nam hãy để cho người Việt Nam tự giải quyết tốt hơn, cũng như việc của Đạo Cao Đài hãy để cho người Cao Đài tự giải quyết, chứ để người Pháp phân xử thì nhục lắm.

Ông đề nghị giúp ông Tương giải quyết:
- Tôi có ba điều thắc mắc, nếu Đạo huynh giải đáp thoả đáng, tôi sẽ yêu cầu Chú Tám nó (Chỉ Đức Hộ-Pháp) mở rộng cửa Toà Thánh thiết lễ long trọng tôn vinh Đạo huynh lên lãnh đạo Toà-Thánh Cao-Đài. Còn nếu Đạo huynh chưa giải đáp được thì hãy đem thuộc hạ về Bến Tre tìm câu giải đáp, khi nào tìm được hãy trở về Tây Ninh, tôi vẫn giữ lời hứa. Nếu chú Tám và Hội Thánh không giúp tôi thi hành lời hứa thì tôi sẽ tự sát trước mặt Đạo huynh để tạ tội vì không thực hành lời hứa này.

Thắc mắc thứ nhứt: Từ ngàn xưa các Tôn giáo đều phải trải qua ba thời kỳ:
- Thời kỳ lập pháp.
- Thời kỳ thịnh pháp
- Thời kỳ mạt pháp

Nay Đức Chí-Tôn đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng Đạo khai truyền thất ức niên, thế thì thời kỳ lập pháp của Đạo Cao Đài ít nhứt cũng một trăm năm, rồi còn phải trải qua bốn trăm ngàn năm của thời kỳ thịnh pháp nữa mới tới thời kỳ mạt pháp. Như vậy Đạo Thầy còn trong thời kỳ phôi thai, mở ra chưa được mười năm, còn trong thời kỳ lập pháp, thì Đạo hư chỗ nào mà các Ngài phải lập Ban Chỉnh Đạo? Vả lại Thánh trước Hiền xưa đã nói: Nhơn hư Đạo bất hư thì giờ đây Ban Chỉnh Đạo là chỉnh nỗi gì? Nếu như Anh Cả là Đức Quyền Giáo-Tông có hư thì chỉnh Anh Cả, hoặc chú Tám (Hộ-Pháp) có hư thì chỉnh chú Tám nó, sao lại Chỉnh Đạo? - Giữa cơn mưa lạnh mà áo của Ngài Nguyễn Ngọc Tương đẵm mồ hôi, tất nhiên là ông không thể nào trả lời được câu hỏi này rồi!

Ông Lê Ngọc Diệp hỏi tiếp câu thứ nhì:
Trước kia ông Ngô Văn Chiêu không nhận phẩm Giáo-Tông, buộc Đức Chí-Tôn phải trao quyền cho Đức Lý Đại Tiên Trưởng kiêm luôn chức Giáo-Tông Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Nay Anh Cả Thượng Trung Nhựt dầu cho là Giáo-Tông hữu hình thì cũng chỉ là Quyền Giáo-Tông mà thôi. Giờ này Anh Cả đã qui Tiên, thì Đạo huynh có muốn thay thế cũng phải là Quyền Giáo-Tông như Anh Cả thôi, chứ sao Đạo huynh lại xưng là GIÁO-TÔNG?

Vậy Đức Lý Giáo-Tông đã bị cách chức hồi nào?. Đức Thượng Đế có bằng lòng việc từ chức của Đức Lý Giáo-Tông chưa? Đạo huynh tự phong là Giáo-Tông có được sự đồng ý của Đức Thượng Đế chưa? Còn nếu Đạo huynh cho rằng do thuộc hạ của Đạo huynh phong cho thì là Giáo-Tông của phái Bến Tre chứ không thể là Giáo-Tông của Cao-Đài Toà-Thánh Tây Ninh được.

Ông Lê Ngọc Diệp tiếp:
Qua hai câu hỏi thắc mắc của tôi Đạo huynh không trả lời được thì dầu cho có câu hỏi thứ ba thì Đạo huynh cũng không hội đủ điều kiện để tôn vinh lên lãnh đạo Cao Đài. Thôi Đạo huynh cùng nhóm anh em thuộc hạ hãy về Bến Tre mà suy ngẫm các câu hỏi ấy.

Thế là bên ngoài trời mưa để trợ lực và phía Toà án của thực dân đã đuổi lầm số người của Bến tre về hết rồi; chỉ còn lại liên đài của ông Trang nằm trơ trọi. Hội Thánh Cao-Đài Tây Ninh lo xây tháp cho Ngài Lê Bá Trang an táng trong nội ô Toà Thánh theo nghi thức Đạo chu toàn.

A - Kết quả về hành động của Chi phái: Năm bức thư
1 - Năm 1928 Ngài Ngô văn Chiêu lập phái Chiếu Minh ở Cần-thơ chuyên về việc Tu luyện cho riêng mình.
2 - Năm 1930 Ông Giáo-hữu Ngọc Chính Thanh tách ra khỏi Toà-Thánh Tây-ninh lập ra phái Tiên Thiên ở làng Sóc Sải tỉnh Bến-Tre. Cơ Bút riêng của ông Chính phong cho Ông chức Chưởng-Pháp.
3 - Tiếp theo cũng vào năm 1930, Giáo-Sư Thượng Kỳ-Thanh tức là Vương-Quan-Kỳ, không tuân lịnh Toà Thánh Tây-Ninh áp dụng nghi lễ mới, nên tách ra lập phái Cầu-kho, lập tại Thánh-Thất Cầu-Kho.
4 - Năm 1931, Ông Phối-sư Thái Ca-Thanh cũng tách khỏi Toà-Thánh Tây-Ninh lập phái Minh-Chơn-Lý ở Cầu Vỹ Mỹ-Tho. Ông Nguyễn-Văn-Ca là phẩm Phối-Sư về lập ra Chi phái và tự xưng mình là Đầu-Sư Thái-Ca Nhựt.
5 - Ngài Chưởng-Pháp Trần-Đạo-Quang đương là Chức sắc của Toà-Thánh Tây-Ninh, tách ra theo ủng hộ ông Ca là Minh-Chơn-Lý. Sau, Ông Trần Đạo Quang thấy nơi họ biến thành Tà Đạo liền bỏ xuống Bạc-liêu họp với Cao-Triều-Phát lập ra Chi phái Minh-Chơn-Đạo vào năm Giáp-Tuất (1934).
6 - Năm 1933 Nguyễn Phan Long lập Liên-đoàn Tỉnh hội kéo về Toà-Thánh Tây-Ninh mở Hội Vạn-linh, ông Nguyễn Phan Long làm Nghị-Trưởng, dụng ý truất phế Đức Quyền Giáo-Tông Lê-Văn-Trung, nhưng không thành công đành kéo về Sai-gòn.

Đầu năm 1934 hai Ông Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn-Ngọc-Tương) và ông Ngọc-Trang Thanh (Lê Bá-Trang) không biết vì lý do gì mà hai ông bất đồng ý kiến trầm-trọng với Đức Quyền Giáo-Tông Lê-Văn Trung mà họ tách ra lập Chi phái lấy tên là Ban Chỉnh Đạo, lấy Thánh-thất An-Hoà Bến-Tre làm trụ sở, nên thường gọi là phái Bến-Tre.

Như vậy:
Thời-gian từ năm 1926-1928 ông Ngô-Văn-Chiêu là người tách ra lập Chi phái đầu tiên, lấy hiệu Chiếu-minh vô-vi tại Cần-thơ.

Tuy nhiên chỉ có các phái sau đây có ảnh hưởng và gây áp lực mạnh đến Toà-Thánh Tây-Ninh nhiều nhất.

Việc lập Chi phái của ông Nguyễn văn Ca, lần lần biến ra Tà Đạo nên nhị vị (Quyền Đầu-Sư Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang Thanh) lúc bấy giờ đương quyền nơi Tòa-Thánh, nên hai vị có gởi hai bức thơ:
1 - Ông Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương) có gởi cho Ông Ca, khuyên ông nên hồi tâm mà về với nguồn cội Đạo là gốc Toà-Thánh Tây-ninh.
2 - Ông Ngọc-Trang-Thanh (Lê Bá-Trang) ra Công văn gởi cho các Đầu Tỉnh Đạo và Quận Đạo, chủ ý là cấm các Họ Đạo đừng tin điều gì do Thái-Ca-Thanh nói, nên đề cao cảnh giác hành động của Ông Ca.

Tiếp theo là bức thơ của:
3 - Ông Tiếp-Thế Lê Thế Vĩnh gởi cho Đạo-hữu Lê Bá-Trang có hành động tổ chức người để phá Đạo, vì ông Tương và Ông Trang lúc này (đầu năm 1934) đã tách ra lập Chi phái, lấy tên Ban Chỉnh Đạo Bến-Tre rồi.
4 - Ông Tương có gởi cho Đức Hộ-Pháp một lá thư, lời lẽ thiếu lịch-sự, buộc Đức Hộ-Pháp phải trả lời gấp.
5 - Đức Hộ-Pháp có thơ phúc đáp cho ông Tương.

Kèm theo đây có cả thảy 5 bức thơ ghi ra cho đồng Đạo được am tường.
Sau khi Đức Quyền Giáo-Tông đăng Tiên năm 1934 thì ở Bến-Tre tổ chức bầu cử vào năm 1935. Ông Tương tự phong lên làm Giáo-Tông và Ông Trang làm Chưởng-pháp.
Giữa năm 1934 Đức Lý Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp lập Đạo Nghị Định thứ 8 tức là Đệ Bát Đạo Nghị Định, thì kể từ đó về sau không còn Chức-sắc nào trong Toà Thánh Tây-Ninh dám lập Chi phái nữa.
Từ đây về sau có rất nhiều Chi phái là do từ Chi phái nảy sanh Chi phái mà thôi.

Tóm lại:
Qua hai cao trào Chi phái nổi bật nhất là phong trào của ông Nguyễn Phan Long lập Hội Vạn Linh để truất phế Ðức Quyền Giáo-Tông Lê Văn Trung và phong trào Ban Chỉnh Ðạo của hai vị Quyền Ðầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang, các vị nầy đã chống đối Toà Thánh Tây Ninh rất mãnh liệt.

Hỏi vậy, những vị ấy đã thành công được những gì? Tạo lập được những công trình gì để làm vẻ vang cho Ðạo? Làm lợi ích gì cho nhơn sanh? Hay đó chỉ là tranh quyền đoạt vị cá nhân, không có chánh nghĩa để thủ thắng nên chịu thất bại thảm thương mà thôi.

Trong lúc đó, Tòa Thánh Tây Ninh là cái gốc của Ðạo, càng ngày càng phát triển, sum suê bông trái đầy đủ.

Trước năm 1935, trong Nội-Ô Tòa-Thánh còn cất tạm bằng cây ván, là công trình của Đức Cao-Thượng-Phẩm các cơ quan của Hội Thánh còn bằng mái tranh vách đất, nhưng dần dần Tòa Thánh được cất lên nguy nga đồ sộ theo kiểu vở của Thiên đình, báo hiệu sự xuất hiện của một nền văn minh mới của nhơn loại nơi cõi Á Ðông, rồi các dinh thự khác cũng dần dần được dựng lên bằng những con tim chơn chất thực sự thương Thầy mến Ðạo, và đặc biệt dựng lên ngôi thờ Ðức Phật Mẫu, bà Mẹ Chung thiêng liêng của toàn nhơn loại, thể hiện một nền triết lý hoàn chỉnh của Ðạo Cao Ðài là tôn thờ đủ hai ngôi: ngôi Dương và ngôi Âm. Ðó là nguồn gốc của con người, của vạn vật và của Càn Khôn vũ trụ.

Thử điểm qua hai hình thức loạn đạo mà kết quả là:
* 5 bức thơ có tính cách quan trọng về Chi phái
* Vi bằng buổi họp “Đại hội Vạn linh”

5 bức thơ có tính cách quan trọng về Chi phái
1 - Thượng Tương Thanh gởi thơ cho Thái-Ca-Thanh
2 - Ngọc-Trang-Thanh gởi thơ cho các Họ Đạo nên đề cao cảnh-giác Thái-Ca-Thanh.
3 - Lê-Thế Vĩnh gởi thơ cho Chức-sắc và bổn Đạo nói về Lê-Bá-Trang
4 - Thượng-Tương-Thanh gởi thơ cho Đức Hộ-Pháp
5 - Đức Hộ-Pháp phúc đáp Thư của Thượng-Tương-Thanh

Bức thơ số 1: Ông Thượng Tương Thanh gởi cho Thái Ca Thanh

Chánh Phối Sư Thượng-Tương-Thanh.
Gởi Ông Thái Ca-Thanh ở Cầu Vỹ.

Hiền huynh, kính thăm Anh và để ý lời thành thật mong cho Anh vui đọc và để ý vào.
Tôi có tiếp được xấp Thánh-giáo Hậu-giang của Anh gởi và một cái thơ mời hội ở Thánh-Thất Mỹ-Tho ngày rằm tháng 10 tới đây. Tôi có đọc kỹ và cũng có đọc lại các Thánh-giáo, Thánh-ngôn. Anh gởi xuống lần trước. Tôi thấy rõ là một cuộc khảo do nơi Tam-Trấn để cho Tà Thần mượn tên cám dỗ, trong ba cái bịnh lớn của con người là “Tham, Sân, Si” Nếu bậc cầm đuốc dẫn đường mà không trừ hết, còn một hai cũng phải bị vướng.

Anh đọc kỹ các Thánh-ngôn Cơ Bút của Hậu-giang từ khi ban sơ đến bây giờ, Tôi chắc Anh cũng thấy cái hư thiệt bên trong như Tôi vậy. Có một phần rất ít của Tiên Thánh, còn bao nhiêu đều là Tà mưu chước quỉ của Tà Thần cám dỗ.

Anh muốn phân biệt Chánh Tà thì cứ lựa những Thánh-ngôn nào dạy Thương-yêu nhau, hoà hiệp nhau luôn luôn mà dìu-dắt nhau trên con đường đạo-đức, bỏ giận, bỏ hờn, đừng ganh đừng ghét, đừng nghịch với một ai là của Tiên Thánh cho. Còn Cơ nào giáng cho bài thơ có hay cho cách mấy đi nữa mà có xen lộn vào những lời kích-bác, bày sự xấu của người, xúi giục sự hờn giận nghịch lẫn, chia phe phân phái đều là của Tà-Thần, dầu có lấy tên Tiên Thánh cho đến tên Thầy mà ký vào đó cũng không nên tin. Vì những bậc trọn lành biết khuyên hoà thuận, chớ không khi nào dạy phân chia.

Trong những bài của Tiên Thánh giáng dạy đều dùng toàn là lời tao-nhã, tiếng Thương yêu, dạy ròng đạo đức, trông vào thấy liền khí tượng Tiên Thánh. Anh đọc lại mấy bài giáng Cơ Hậu-giang coi được bao nhiêu có hình trạng như vậy. Những Thánh-Ngôn do nơi Toà Thánh mà ra, nếu không đủ vẻ cao thượng đó cũng không buộc ai phải tin hết.

Nếu phăn lại gốc thì Tôi rõ biết, khi ban sơ lúc Anh thay mặt cho Tôi ở Toà-Thánh, Anh có bất bình về sự hành động cử chỉ của mấy vị Đại-Thiên-Phong nơi đây đối đãi với Anh.

Vì sự bất bình này mà dùng Cơ Bút Rạch-giá để cầu hỏi bài “Chánh Tà yếu lý” ra đời rất hạp với cái tư tưởng của Anh lúc đó, mà làm cho Anh vui lòng để trọn Đức-tin vào. Dụ được Anh rồi nó dắt Anh đi lần lần, từ mấy thứ “An Thiên Đại Hội” qua đến lập Toà-Thánh Tam Bình Kiên-giang Thất Sơn, đã nhiều phen tiên tri này nọ đều trôi hết, nay đem Anh trở về lập Toà-Thánh Trung ương Mỹ tho, là chỗ ở của Anh, Tôi xét kỹ thiệt toàn là công cuộc của Cơ cám dỗ Hậu-giang. Do sự bất bình kia mà gầy tạo ra đó! Anh suy-nghĩ đến thì Anh thấy liền, Cơ ấy lợi dụng cái danh, cái chức của Đạo mà dụ người. Anh thấy rõ trong hàng Chức-sắc theo Anh có một phần đông chưa trừ được cái lòng háo danh. Có khi cũng còn vì tranh nhau cái phẩm cao thấp mà gây hờn chác giận, té ra Anh đã công kích hẳn cái sự trục lợi nơi người rồi Anh trở lại không tránh khỏi cái sự cầu danh nơi mình đó. Phải chi hết thảy chư vị theo giúp Anh, Nam Nữ cũng vậy, đừng một ai cầu phong Chức-sắc, đừng một ai nghe Anh cầu phong cho ham mà lãnh, đừng một ai nghe nói Cơ Bút phong chức cho lật đật vui chịu, thì Minh-Chơn Lý của Cơ bút Hậu-giang đặt ra để mà công kích Tây-Ninh đó còn có chỗ phải nghĩa.!

Sau khi kích bác nhục mạ Tây-Ninh rồi (bố cáo) mà dán khắp Lục Tỉnh mong Anh và các Chư vị giúp để cho Tà Thần xúi giục mà hăng-hái thọ lãnh gia phong lập riêng một Hội-Thánh Trung-ương tự mình làm chủ, làm cho ai trông vào cũng thấy cái Chủ nghĩa Minh-Chơn-lý của Hậu-giang kết chung lại là một trường háo danh ham chức đó là “Tôi”. Đạo ở nơi nào? Đức ở nơi nào?

Than ôi! Chư Nam Nữ không rõ thấu mà ngã với Anh theo Cơ cám dỗ. Nay đã thấy cái Cơ-quan của Tà điển hiện ra đó rồi, thì mau ăn-năn trở về Thầy cho chóng.

Khi Anh về Thiêng-Liêng rồi, Tôi còn sợ Anh không thế chi đỡ cho Ông Chưởng-Pháp Trần Đạo Quang cầm duyên đầu được, vì nghĩ ít chữ nghĩa, làm sao mà phân biện bằng Anh.! Tuy nói Ngài cầm đầu chớ ai cũng rõ thiệt Anh làm Chủ. Anh cũng không đỡ cho Đồng tử chút nào, vì không ai buộc Anh phải nghe Cơ của chúng nó cầu mà viết ra và cũng không đổ được cho Thầy, Đức Lý hay là chư Tiên Thánh ký tên những bài giáng Cơ Hậu giang đó.

Vì không có cái chi mà làm bằng cớ chắc chắn buộc cho Anh phải tin rằng thiệt Tiên Phật có giáng cơ ký tên. Thầy đã dạy “Đạo khai thì Tà khởi” Nó cũng dám lấy tên Thầy mà cám dỗ lựa là tên Tiên Phật, nên Thầy đã căn dặn: Ngoài Thập Nhị Thời quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng Cơ nơi này nơi nọ, mà phải bị lầm mưu Tà quái cám dỗ. Vậy nên Anh rất thong-thả mà nghe hay không nghe, tin hay không tin, tự nơi Anh không có một mảy chi bó buộc Anh hết, đặng ngày sau Anh không sang sớt một mảy chi cho ai hết.

Tôi phân biệt tới đây, nếu Anh cũng chưa nghe được, thì Tôi lấy hết tình Anh Em xin Anh rút bỏ hết những sự giận hờn phiền-phức đi, dầu giận phải hay giận không phải cũng đừng chứa một mảy trong tâm, vì cái giận thiệt của cái Tà dục cho dễ cám dỗ mình đó.

Trong lòng anh thiệt hết giận rồi, thì cái màn bí mật che án sẽ xủ xuống. Anh sẽ thấy tỏ rõ chi cũng có Thầy biết, cũng có chư Phật, Thánh, Tiên hay.

Thiên-phong Chức sắc nào ở Tây-Ninh thiệt có tội thì bị phạt, không khi nào chạy khỏi. Anh sẽ thấy rõ các sự Anh đã làm trong một năm rưỡi nay, đối với đạo-đức ra sao, thế nào, xa đạo-đức bao nhiêu dặm, chừng ấy Anh hết lầm nghe cơ Bút Hậu-giang nữa. Biết được sự thiệt rồi, mau mau tự nhiên Anh sẽ bãi hết các cuộc Anh đương gầy, giải chức Thái Đầu-Sư mới của Anh. Vì Anh sẽ thấy rõ chữ Nhựt trong Đạo-hiệu Thái-Ca-Thanh của Anh. Đó là một cái lắt-léo của Cơ để cho Anh biết mà phân biệt chơn giả đó. Trong lòng Anh thiệt hết giận rồi, tự nhiên Anh cũng sẽ thấy rõ-ràng là không có Thần hay Tiên Thánh nào xúi Anh thêm nghịch, dạy Anh chia lìa, đốc Anh truyền rao nhục mạ Tây-Ninh rồi lại gia phong cho Anh và các vị theo giúp Anh, hối đốc lập dựng Thánh Thất Cầu Vỹ mà làm Toà-Thánh để nhóm Hội-Thánh Tây Ninh, mượn nhà Anh mà làm Hiệp-Thiên-Đài, Anh sẽ thấy rõ ràng là cơ cám dỗ nương cái hơi phiền-phức của Anh và chư vị kia mà phát hiện những sự ấy đặng giúp cho mấy Anh Em được thoả tình tư tưởng.

Nghĩa là do cái nguồn nơi ấy mấy Anh Em được thoả tình tư-tưởng, nghĩa là do cái nguồn nơi ấy mấy Anh Em mà sản xuất đặng để cám dỗ mấy Anh Em đó, như Anh và chư vị theo Anh thiệt tu-hành muốn noi gương đạo-đức, muốn thiệt Minh-Chơn-Lý, thì trước nên mau mau giải hết Chức-sắc của Cơ Hậu-giang phong rồi lấy cái đạo-đức nơi trong mình tròi-trọi ra mà bố hoá ra cho chúng sanh, dìu dắt chúng sanh nơi con đường sáng láng, thốt lên những lời từ thiện, một hành động cử chỉ nào cũng không sái lẽ đạo-đức, lo độ những người chưa nhập môn, giáo-hoá những người còn tánh lung-lăng, tự mình làm thế nào ra một gương lành tỏ rạng cho người hậu tấn nương theo mà bước tới vũng-vàng trên con đường đạo đức.

Nếu Anh và các Anh theo Anh mà còn dụ-dự, tiếc áo-mão thì cái Minh-Chơn-lý của mấy Anh em sẽ bị nơi áo-mão đó mà mất hết chủ-nghĩa hay, rồi cũng vì áo-mão đó trì nặng phải chìm không phương cứu vớt.

Xin Anh nghĩ cho cùng tột. Tôi khẩn cầu chư Thần Thánh ban bố thêm sáng láng cho Anh mau thấy sự thiệt mà hết dụ-dự, giải được chức mới rồi lại khuyên chư vị theo Anh giải sạch, ngày ấy mấy Anh mới thiệt Minh Chơn-Lý, rồi mấy Anh Em sẽ hồi tâm tự nhiên trở về Thầy, hoà-hiệp lại như xưa mà chung lo mối Đạo.

Tôi bảo kiết rằng: Mấy Anh trên Toà-Thánh Tây Ninh đều vui lòng và đưa tay tiếp rước mấy Anh Em Hậu giang cùng nhau tái hiệp trùng-phùng, bỏ những điều rắc rối đã xảy ra do Cơ khảo của Tà-Thần sắp đặt.

Cái hoà-hiệp đó là một hiến lễ trân-trọng hơn bao giờ hết cho Thầy. Xin Anh và mấy Anh em theo Anh mau mau về hội-hiệp mà dâng cho Đại-Từ-Phụ. Đại-Từ-Phụ sẽ vui lòng ban ân huệ đầy-đủ cho chúng ta, từ đây sẽ khắn khít như xưa, chung nhau trau giồi nền Đạo lại cho tỏ rạng mà phổ thông đến ngoại bang.
Tây-Ninh 1er Novembre 1932
Đã ký tên
Thượng-Tương-Thanh

Bức thư số 2: Ông Ngọc-Trang-Thanh gởi các Họ Đạo đề cao cảnh giác Thái-Ca-Thanh.

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Đệ thất niên)
Toà-Thánh Tây-Ninh, le 3 Novembre 1932.
(Mùng 6 tháng 10 năm Nhâm Thân)

Ngọc Chánh Phối-sư kiêm Chủ-trưởng Chức-Sắc Nam-phái.
Gởi cho chư vị Đầu họ Tỉnh và Quận Đạo.

Hiền Hữu,
Xin Hiền-Hữu đọc bức thơ sao lục dưới đây của Thượng Tương-Thanh Chánh Phối-sư, gởi khuyên Ông Thái-Ca-Thanh ở Mỹ-Tho hồi tâm đặng trở lại đường Chánh-giáo.

Các ý-kiến tỏ ra trong thơ ấy đều hạp với ý-kiến của Tôi nên khuyên Hiền Hữu đọc lại cho rõ, hiểu cho chắc rằng những việc của ông Thái-Ca-Thanh hồi giờ gánh sự rắc-rối cho nền Đạo đều do chuyện hờn giận riêng mà làm cho vừa lòng, nên không nhằm Thánh-ý.

Nếu Đạo-hữu nào còn mê-tín theo Người nữa thì sau rồi dầu có ăn-năn cũng muộn và trễ bước đường công quả. Xin Hiền Hữu truyền lại cho chư Đạo hữu Nam Nữ rõ biết mà tránh việc lầm lạc ấy, hầu đi cho cùng bước Đạo mà về Thầy.
Ký tên
Ngọc Trang Thanh
Chú thích:
Điều đáng lưu ý là:
- Bức thư của ông Tương khuyên ông Ca đề ngày 1-11-1933
- Văn thư của ông Trang gởi cho các Họ Đạo đề cao cảnh giác Ông Ca đề ngày 3-11-1933.
- Ngay lúc này, Nhị vị Thượng Tương Thanh và Ngọc Trang-Thanh cả hai là phẩm Chánh-Phối-Sư, là Chức sắc đương quyền.
- Ngày 17-1-Đinh-Dậu (1933) cách nhau trên 10 ngày, hai Vị Tương và Trang được Đức Quyền Giáo-Tông và Hộ-Pháp đồng ký tên thăng phẩm Quyền Đầu-Sư, kế đó không lâu hai vị này bất đồng ý-kiến với Đức Quyền Giáo-Tông mà tách ra Chi-phái Bến Tre (Ban Chỉnh Đạo).

Bài thơ số 3: Ông Lê-Thế Vĩnh gởi Chức-sắc và bổn Đạo nói về Lê-Bá-Trang

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Đệ bát niên)
Toà-Thánh Tây-Ninh,
       HIỆP THIÊN ĐÀI 
                 Số: 9            
     le 10 Novembre 1933.
(Mùng 29 tháng 8 năm Quí-Dậu)

Lê Thế Vĩnh

Kính gởi cùng Chư Chức sắc Thiên-phong Nam Nữ và Chư Đạo-Hữu Nam Nữ lưỡng phái,

Kính cùng chư Hiền huynh và chư Hiền Tỷ.
Ngày 12 Septembre 1933, Đạo-hữu Lê Bá-Trang là Cựu Quyền Đầu-Sư Cửu-Trùng Đài bị ngưng quyền.
Ngày 26 Juillet 1933, có ra Châu-tri số 146 nói là Can dự đến Tệ Đệ và toàn nền Chánh-trị Đạo.
Tệ Đệ chỉ buồn cười cũng bỏ qua cho Người biết xét mình mà ăn-năn tự hối, dè đâu ngày 20 Septembre 1933, Người lại ra thêm một tờ Châu-tri số 147 cố ý nhục mạ Đức Quyền Giáo-Tông và nhiều vị Chức-sắc đương hành Đạo.
Tệ Đệ vẫn điềm nhiên xem coi trong trí lực thường tình của Người sau này được nảy nở được nhiều Chi đặc biệt nữa.
Thật vậy cách vài hôm sau quả có kẻ phụ sự của Người đến Giáo-Tông-đường giựt máy đánh chữ và vu vạ, rồi thì càng ngày càng lộng, nào là nhóm ngày nhóm đêm, nào là xúi giục kiện thưa, nào là hăm doạ bỏ tù Đạo hữu, nào là kỳ cho một tháng nữa là đuổi hết cả Quyền Giáo-Tông và Hộ-Pháp ra khỏi Thánh-Địa, nào là hiêu hiêu tự đắc khoe rằng: Chấp ba ngựa cũng thắng…
Đầu-Sư gì mà luật Đạo không thông, trách-nhiệm không biết, thậm chí kinh Cúng Tứ thời cũng không thuộc, Tu-hành gì mà còn giả dối, còn mưu-mô, còn quyền quyền thế thế.

Than ôi! Nếu Tệ Đệ không có phận-sự đặc biệt trong Hội-Thánh, thì Tệ Đệ đã thối bước lâu rồi, để cho họ tự quyền diệt Đạo.

Tệ Đệ đâu có dám cho là toàn vẹn, nhưng từ ngày Tệ Đệ nhứt định phế Đời đặng trọn hiến thân cho Đạo từ ngày về Toà-Thánh hành Đạo cho đến nay thì Tệ Đệ hằng nguyện đem hết tâm trí để giúp ích cho Đạo và hằng giữ trọn lành trung can thanh bạch, hầu quan sát cho việc Đạo một cách chơn thật chánh đáng.

Biết bao phen Tệ Đệ nghĩ đến tâm lý thấp thỏi của nhiều Đạo-hữu mà phải đau lòng ứa luỵ. Tệ Đệ chán rõ họ đã không đủ đức hạnh thâu phục nhơn tâm, mà không đủ tài trí đặng cầm vững nền Đạo, họ chỉ có đủ mưu để giục loạn chứ không đủ sức để trị bình.

Cả bằng cớ Tệ Đệ đều nắm sẵn nơi tay đặng đợi ngày giải kẻ phạm ra Toà Tam giáo, sẽ cho toàn Đạo biết rõ rằng: “Hai Đạo-Hữu Lê-Bá-Trang và Nguyễn-Ngọc-Tương là người phản Đạo”.

Tệ Đệ xin chư Đạo-Hữu cứ giữ phận-sự tu-hành, đừng lầm nghe mà sau này ăn-năn rất muộn.

Tệ Đệ vì phận-sự quyết xin Đức Hộ-Pháp giữ nghiêm pháp luật và từ đây ngày nào còn Đức Hộ-Pháp và Tệ Đệ thì bọn Tà Thần đừng mong gì đến cửa Đạo mà dụng Tà quyền để áp bức và hăm doạ đạo-hữu.
Nay kính
Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh (Ký tên)

Bức thư số 4
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Đệ ngũ niên)
Gia-Định, le 15 Janvier 1935.
Thánh Thất Bình-Hoà    
           Gia Định 
             No-10  
Thượng Đầu-Sư Thượng Tương Thanh

Gởi cho Đức Hộ-Pháp Toà-Thánh Tây-Ninh.
Kính Đức Hộ-Pháp: Tôi gởi theo đây một bổn Châu-tri số 9 của Ban Chỉnh Đạo gởi mời toàn Đạo từ Chức-sắc Thiên-phong tới Tín đồ, nhóm Hội Vạn-linh tại Thánh-thất An-Hội (Bến Tre) mà chọn cử một vị để cầm giềng mối Đạo và nhứt định sẽ hiệp về Toà-Thánh Tây ninh mà làm việc.

Ban Chỉnh Đạo ấy ra đời do Thiên-ý của Đức Chí Tôn và sự mời nhóm Vạn linh đây là cũng nơi lòng trời khiến vậy. Còn mời về Toà-Thánh Bến-Tre là sự bất đắc dĩ, cực chẳng đã vì sau khi an táng Anh Cả rồi, sự bất hoà cũng còn thấy nơi Tỉnh Tây-Ninh.

Xin Ngài xem cái Châu-tri và sẽ thấy mấy cái trước của Ban Chỉnh Đạo Bến-Tre đã truyền ra và đã gởi cho Ngài rồi thì Ngài sẽ rõ cái tâm của chúng tôi để trọn về sự lo-lắng phục hồi Đức tin của Đạo-hữu đang xiêu ngã và về sự Hoà-bình trở lại cho bước Đạo được vững-vàng đi tới. Vậy bổn phận Tôi phải cho Ngài hay như Ngài có cho toàn Đạo chẳng phân thuận nghịch về thong-thả nơi Toà-Thánh Tây-Ninh thì vào Vía Đức Chí-Tôn, các con lớn nhỏ của Thầy hết thảy sẽ kéo về một lượt mà nhóm Hội Vạn linh cân phân công quả và chọn một vị để cầm giềng mối Đạo.

Được kết quả xong, đến giờ Tý chúng ta sẽ vào Bửu-Điện mà làm Lễ Đức Chí-Tôn và nguyện từ đây sắp tới chúng ta sẽ khôn ngoan hơn. Ai còn giả dối mưu-mô xin Thiên Đình hành xác tại thế mà làm gương cho người sau sợ lấy giữ mình mà hành Đạo.

Nếu mỗi chúng ta quên được cái hẹp hòi cá nhân thì bữa đó chúng ta sẽ hiến được cho Thầy một Lễ rất trân trọng không chi bằng, rồi sẽ được Thầy vui-vẻ thấy chúng ta hoà hiệp mà ban ơn vô tận cho chúng ta sắp năm sắp bảy lần khi trước, cái lễ này sẽ hiến được cùng không là nơi Ngài hết chín phần mười. Xin Ngài suy xét lại.

Tôi tưởng cũng xin cho Ngài biết trước, như Ngài không vui thuận cho Đạo về Chùa thì Đạo cũng sẽ nhóm nơi Thánh-Thất Bến-Tre định đoạt xong rồi, có lẽ cũng tuân mạng Trời mà kéo luôn về Chùa lo làm việc Đạo.

Chừng ấy nếu có xảy ra sự chi xung đột thì về Ngài chịu trọn phần trách-nhiệm đó hết, đối với Đạo và đối với Đời. Xin Ngài nhớ Toà-Thánh là của Đạo, của Đạo là của chung, là của Vạn-linh, một phần ít tùng Đạo không đủ cho Ngài nhóm hết Vạn-linh một mình.

Xin Ngài vui-vẻ để trả lời thư này cho Tôi biết một buổi mơi ngày 18 Janvier 1933; Tôi sẽ về Toà-Thánh nơi Dinh Ngài mà nhận lãnh.
Nay kính
Ký tên: Thượng Tương Thanh

Bức thư số 5 : Của Đức Hộ-Pháp phúc đáp Thượng Tương Thanh

Toà-Thánh Tây-ninh le 27 Janvier 1935
Hộ-Pháp,
Cùng Thượng-Tương-Thanh Thánh-Thất Bến-Tre.

Kính Đạo-Huynh,
Bần-Đạo có được bức thư số 10 đề ngày 15 Janvier 1935, của Đạo-Huynh nói về việc nhóm Vạn-linh tại Toà Thánh ngày mùng 8 tháng giêng, và định cho Bần Đạo phải trả lời nội bữa mai ngày 18 tháng giêng 1935.

Trước khi luận đến các khoản đại khái trong thơ của Đạo-Huynh, Bần-Đạo thú thật rằng: Lấy làm ngạc nhiên và thấy thái-độ hiện thời của Đạo-Huynh đã khác hơn buổi trước rất nhiều, có lẽ Đạo-Huynh cũng nhớ khi Đạo-Huynh còn biết tuân luật Đạo, biết phân đẳng cấp, biết phận Quyền Đầu-Sư đến hầu chuyện cùng Bần-Đạo, từ lời nói đến tư cách của Đạo-Huynh, nó hoà nhã, nó nhỏ nhẹ, nó khuôn phép làm sao! Cho Nên Bần-Đạo thường tưởng rằng một ngày kia cũng có thể khuyên Đạo-Huynh biết ăn-năn tự hối mà khép mình trong khuôn viên luật pháp của Đạo. Không ngờ ngày nay Đạo Huynh tư tưởng phân được và còn cầm viết ký được một bức thơ hăm doạ Bần-Đạo như vậy!

Đạo Huynh! Khi vị Ngọc-Trang-Thanh vì hám quyền mà khởi đồ mưu giục loạn, đặng biếm vị Đức Quyền Giáo-Tông. Người hành động bằng cách nào, mà rốt cuộc nó ra sao? Chưa hiểu quyền Vạn-linh là gì? Chưa biết cái pháp luật về quyền ấy như thế nào? Mà cũng dám hiệp với một nhà chánh trị ngoài đời (chẳng có chưn trong Đạo) nhóm bướng Hội-Vạn-linh rồi việc bất thành phải tự mình lui bước lại còn tuyên bố rằng: "Cả cáo trạng đã giao phó cho Toà Đời phân định Chánh Tà". Rồi giữa Toà Đời vu cáo những lời vô bằng cớ, những điều biếm nhẽ đều tiêu tan như tuyết giá để rửa sạch bụi trần cho Đức Quyền Giáo-Tông. Cho nên lúc đăng Tiên Ngài mới được toàn Đạo thương tiếc và an táng Ngài long trọng dường ấy!

Bần-Đạo coi lại buổi trước vị Ngọc Trang Thanh hành động thế nào, thì ngày nay Đạo Huynh cũng khởi hành đặng lo đồ mưu thiết kế luật pháp để hăm doạ, cũng bất kể luật pháp, cũng giục loạn, cũng phân chia con cái Đức Chí-Tôn, cũng lợi dụng Đức tin và lòng thật thà của chư Đạo-Hữu, kết cuộc rồi cũng tạo thêm trò cười cho Đời cùng Đạo.

Than Ôi! Không lẽ Đạo lập ra đã không hữu ích cho Đời, còn phá hoại sự trật tự, sự êm tịnh, sự hoà-bình và cuộc trị an của Đời đang mong-mỏi nữa hay sao!?

Bần Đạo rất tiếc cho Đạo Huynh và cũng vì lẽ đó mới viết bức thơ trả lời này.

1 - Châu-tri số 9 của Ban Chỉnh Đạo.
Bần-Đạo nhắc lại cho Đạo Huynh nhớ rằng: Từ ngày Bần-Đạo và Đức Quyền Giáo-Tông lập Nghị định thứ 17 ngưng quyền hành chánh của Đạo Huynh và Nguyễn Ngọc Trang có nhiều duyên cớ trọng hệ, nghĩa là từ ngày 18 Juillet đến nay thì Đạo Huynh và vị Ngọc Trang Thanh đều lui về Bến-Tre và Sa-Đéc không biết được việc Chánh-trị của Hội-Thánh nữa. Nhờ còn một phần Tín-đồ còn nghe và theo Đạo Huynh cùng Ngọc Trang thanh cho nên mới lập ra Chi Phái riêng, có tên riêng, kỷ luật riêng và hành chánh riêng. Hành động càng ngày càng khác hẳn với Thánh-Ngôn của Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng-Liêng, với Pháp-Chánh-Truyền và Tân Luật. Thậm chí lời Hồng thệ của Đạo Huynh và Ngọc Trang Thanh đã tự mình lập trước Thiên Bàn cũng ra vô giá trị.

Bần Đạo nói một ít lâu đây phái của Đạo huynh sẽ bỏ luôn đến danh của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà chớ! Con đường đã khác nhau thì tức nhiên cả giấy tờ chi do nơi phái của Đạo huynh ban hành đối với Bần Đạo không nói ra có lẽ Đạo Huynh cũng chán biết rồi.

2 - Chọn cử một vị cầm giềng mối Đạo:
Kẻ có tội đang chờ ngày nạp mình cho Toà Đạo mà đem ra làm đại biểu cho muôn triệu sanh linh thì có chi chướng bằng. Phải công cử Giáo-Tông không có dễ-dàng đơn sơ như ý của Đạo Huynh hiểu đâu! Phải cả hoàn cầu, chớ chẳng phải một bụm tay Tín-đồ mà tạo đặng phẩm-vị ấy. Bần Đạo thấy Đạo Huynh và vị Ngọc Trang Thanh biết mình là bậc Quyền Đầu-Sư thì chưa có quyền ra tranh cử, nên yêu cầu Đảng phái xúm riêng nhau tại Bến-Tre 24 Décembre 1935 rồi tôn lén Đạo Huynh và vị Ngọc Trang Thanh lên Chức Đầu-Sư và Chưởng pháp đặng có quyền ra tranh cử. Cái sở hành ấy chỉ có làm cho chúng sanh thấy rõ cái hám tâm của Nhị vị rõ hơn.

Rồi đây sẽ có một cuộc chọn cử một vị để cầm giềng mối trong Đảng phái. Thế thì Đạo Huynh chẳng cần cho Bần Đạo hay để làm gì!

3 - Hiệp về Toà-Thánh Tây Ninh để làm việc:
Ngày Đạo Huynh và Ngọc Trang Thanh đã phản loạn Chơn truyền, toan phương đánh đổ quyền-hành của Đức Quyền Giáo-Tông thì Bần đạo cũng nhiều phen can gián. Chỉnh sợ có một điều là Đạo bị phân phe chia phái, mà hễ phân phe chia phái thì tức phải có điều xung đột cùng nhau.

Than Ôi! Cái khôn ngoan sáng tính ấy không đặng kết quả cũng vì Ngọc Trang Thanh cầm cán để toan phá hoại Chánh giáo của Đức Chí-Tôn, đương nhiên trước mặt chúng ta để định, hẳn thế nào cũng phải do một trường náo-nhiệt.

Đạo Huynh là người có cầm quyền Chánh-trị trong trường đời cũng biết cái khó-khăn của phương giải quyết. Nói cho cùng lẽ: Nếu Đạo huynh để hết ý đem mình ngồi nơi địa vị của Bần Đạo thì sẽ thấy chẳng có chi hay hơn là ngồi đợi cho đôi đàng cố tâm hoà thuận rồi sẽ liệu phương hợp tác cùng nhau. Còn trái lại muốn để cho đôi đàng đối diện đương cơn phấn đấu tương hành, ấy là vô tình gây nên một trường rối loạn phi lý.

Vậy thì sự của Đạo huynh tính về Toà-Thánh, nếu thoản như có một trận xung đột mà ra, hay lẽ nào thì tự nơi Đạo huynh quyết định điều ấy trước rồi.

Đạo Huynh còn viết trong thơ rằng: Xin Ngài nhớ Toà-Thánh là của Đạo, là của Vạn linh, là của chung. Cũng vì nhớ Toà-Thánh là của Đạo, nên Bần-Đạo nhứt định ở Toà-Thánh mà gìn-giữ của ấy cho Đạo.

Song le, Bần-Đạo giữ của ấy là giữ cho người biết tùng luật Đạo, chớ không phải giữ giùm cho những kẻ mưu toan phá Đạo. Trước kia có ai buộc kẻ ấy phải hứa chắc, phải Hồng thệ rằng: Sẽ trọn tuân luật-lệ Cao-Đài.

Trách-nhiệm của Bần-Đạo là cầm Cân Công-Bình buộc kẻ ấy phải giữ y theo lời tự nguyện mà thôi. Bần Đạo cho biết có Luật Đạo chớ không hề biết đến cá-nhân. Tình đồng Đạo là tình Đồng Đạo, còn Luật pháp là Luật pháp. Bần Đạo không vì đồng đạo mà quên Luật pháp được, huống chi người đã ra công khó khai phá Toà-Thánh là Bần-Đạo đây mà Bần Đạo chưa hề kể đến công. Còn người lo vay mà mua đất cho Đạo là Quyền Đầu-Sư Thái Thơ Thanh mà Người cũng chưa hề nhắc đến của. Còn Đạo Huynh chỉ là Người của Đạo tạm mượn cái tên đặng đứng Bộ đất giùm cho Đạo đặng đối phó cùng Đời mà thôi. Còn lại ra Châu-tri cho hay rằng: Đạo huynh vẫn làm chủ đất, thì bên nào là người sang đoạt của Đạo? Là của Vạn linh, là của chung?

4 - Một ít phần Đạo-Hữu tuỳ Ngài không đủ cho Ngài choán hết một mình:
Bần Đạo chỉ nói rằng; Chỉ biết mặt Luật pháp chớ không hề biết đến cá-nhân, cũng chưa lúc nào để ý đến cá nhân, cũng chưa lúc nào để ý đến ít hay nhiều. Song le Bần Đạo thấy cái sai lầm lớn của Đạo Huynh là tưởng rằng một phần ít Đạo, thì Bần Đạo nếu phải nói thiệt thì chưa có bằng cớ chắc chắn nào để giải quyết được.

Bần Đạo chẳng phải tránh một cuộc đối diện để phân biệt ít nhiều, trái lại chỉ có một điều là sợ Đạo huynh sẽ không đủ sức kềm chế cái hung tâm của nhiều người trong đảng phái là sợ cho sự thật sẽ làm cho Đạo Huynh và Đảng phái thất vọng rồi phải xa Thầy bỏ Đạo mà thôi.

Ngôi Giáo-Tông thế nào cũng có Chánh vị, ngày công cử vị ấy chẳng xa đâu! Bần Đạo khuyên Đạo Huynh và Đảng phái đừng bất cập để tránh một sự tranh đấu của Đạo Huynh và Đảng phái muốn và sẽ lập ra cũng không quyết thắng được.

Kết luận: Bần Đạo cũng để hết ý để đọc thơ của Đạo Huynh, thầm hiểu rằng: giờ này Đạo Huynh vẫn tưởng cho Bần-Đạo rất hám vọng cái quyền-hành của Giáo-Tông nên cố tâm giành-giựt.

Đạo Huynh quên rằng: Bần Đạo đã là Người cầm quyền mà ban cho kẻ khác thì chẳng lẽ còn để lòng tham, ganh hiền ghét ngõ, có lẽ Đạo Huynh còn nhớ ngày 12 tháng 3-1932 là ngày thiết lễ rất long trọng tại Toà Thánh đặng Bần Đạo giao quyền Giáo-Tông cho Đức Thượng Đầu-Sư Thượng Trung Nhựt, ban quyền-hành Quyền Đầu-Sư cho Đạo-huynh và Ngọc Trang Thanh, Thái Thơ Thanh và ban quyền-hành Chánh Phối Sư cho ba vị khác thì ngày ấy chính mình Bần Đạo đến ban quyền cho từng vị, chỉ trách-nhiệm cho từng người thì mỗi vị đều có trả lời với Bần Đạo “Tôi đã thấu đáo Chơn truyền của Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ và từ đây xin giữ y luật Đạo đặng làm tròn phận sự”.

Cũng vì lẽ trên mà khi trước Bần Đạo mới thâu Quyền Chánh-Phối-Sư cho Hiệp-Thiên-Đài cầm.
Ngày nay cũng vậy, thoảng như Bần-Đạo thâu quyền lại đặng để hết dạ nhặc nhiệm phong thưởng dè-dặt là cố ý chọn Hiền tài đặng đem vào Thánh-Thể của Thầy đó thôi. Bần-Đạo chẳng vì tình riêng của ai, cũng chẳng coi ai đáng giá hơn mà xu-phụ, cho nên vẫn lấy công bình mà ban thưởng quyền hành, chớ chẳng hề áp bức ai bao giờ!!
Nay kính.
Ký tên: Phạm Công-Tắc

B - TỜ VI BẰNG BUỔI HỌP Đại hội Vạn linh (36 trang đánh máy)

(Đây là Vi bằng buổi họp “Đại Hội Vạn linh năm Quí Dậu” (1933) của Nguyễn Phan Long qui tụ các Chi phái Hậu giang hiệp với số người phản Thầy phản Đạo kéo nhau về Toà Thánh Tây Ninh trích điểm Đức Quyền Giáo-Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ-Pháp mục đích muốn chiếm Toà Thánh, có hơn ngàn người. Trong buổi họp có làm Vi bằng dài 36 trang đánh máy, vì vậy nên đặt cho nhóm này “Tam thập Lục động quỉ về phá Toà Thánh”. Ông Nguyễn Phan Long là nhà chánh trị đời bị Pháp mua chuộc xúi giục hại Đạo)

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Đệ bát niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH

VI BẰNG

Nhóm hội Vạn linh tại Toà-Thánh ngày 19-5 Quí-Dậu (Dl 11-6-1933)
Nhơn có Tờ của Chức sắc Thiên phong Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, Hội viên Thượng hội mời nhóm đặng Công đồng bàn luận việc lỗi Đức Quyền Giáo-Tông Thượng Trung Nhựt, sớm mơi ngày 11-6-1933, chư đạo hữu tề tựu đông đảo tại Toà-Thánh Tây Ninh.

Đúng 10 giờ khai Hội, chư Chức sắc Thiên phong và Đạo hữu đến trước Bửu Điện, nhưng cửa đã khoá chặc rồi, có hai đạo hữu đang giữ. Ông Quyền Chưởng Quản Nguyễn Trung Hậu hỏi chìa khoá, hai người giữ cửa trả lời rằng ông Giáo-sư Ngọc Trọng Thanh được lịnh của Quyền Giáo-Tông dạy khoá cửa Bửu Điện và cấm không cho mở.

Khi ấy có thầy Cai tổng và hai Hương chức làng sở tại đến gìn-giữ trật tự. Ông Nguyễn Trung Hậu xin thầy chứng lời khai ấy và dạy hai người giữ cửa ký tên vô tờ khai để làm Vi bằng. Đoạn sai người đi mời ông Giáo sư Ngọc Trong Thanh đem chìa khoá đến, ông không đến, chờ quá 20 phút đồng hồ cho chắc rằng ông Giáo-sư Ngọc Trọng không chịu đến, ông Nguyễn Trung Hậu bèn nói lớn lên cho chư vị đạo hữu đứng xung quanh biết rằng: Hôm nay anh em chúng ta về Toà-Thánh đặng hiệp nhau bàn tính việc quan-hệ của Đạo, mà ông Quyền Giáo-Tông cấm mở cửa Bửu Điện, vậy tôi xin hỏi chư đạo hữu, Bửu Điện là của riêng ông Quyền Giáo-Tông hay là của chung của toàn Đạo?

Chư đạo hữu đứng tại đó trên năm trăm người, đồng rập một tiếng nói rằng: là của chung!

Ông Nguyễn Trung Hậu hỏi: Của chung mà ông Quyền Giáo-Tông ra lịnh khoá lại, vậy chúng ta tính làm sao? Chư đạo hữu đồng giơ tay lên rập một tiếng: Chúng ta phải mở cửa ra!

Các việc này có thầy cai tổng và làng sở tại chứng kiến. Liền đó có một vị đạo hữu trèo lên song-ly vào Bửu Điện, vặn song hồng mở cửa ra, rồi Chức sắc Thiên phong vào Bửu Điện và đạo hữu nam nữ đồng theo vô.

Khi hay cửa Bửu Điện đã mở rồi, thì chư đạo hữu ở xung quanh Toà-Thánh trước kia vì bị lịnh của Quyền Giáo-Tông hăm doạ và ngăn cản mà không dám đến, bây giờ mới lần lượt kẻ trước người sau vào Bửu Điện, chia ra ba ban: phía bên nam phái chật nức, còn bên nữ phái xem có hơi rải rác một chút.

Chức sắc của ba Hội có mặt: bốn vị Hội viên Thượng hội: Quyền Chưởng Quản Nguyễn Trung Hậu, Lê Thiện Phước, Phạm văn Tươi và Quyền Ngọc Đầu-Sư Lê Bá Trang.

Bốn vị Giáo-sư: Ngọc Kinh Thanh, Thượng Lai Thanh, Thượng Thình Thanh, Thái Minh Thanh, 16 vị.

Giáo-hữu: Ngợi, Hiển, Lợi, Đối, Thêm, Thành, Bảy, Ngọc, Giáp, Dành, Đàng, Huỳnh, Tri, Bộ, Hoạ, Môn. Còn nhiều Thiên phong không mặc đạo phục phải đứng theo hàng vạn linh và nhiều vị Lễ sanh Đầu Họ Tỉnh, Đầu Họ Quận, các chủ Thánh Thất và chư phái viên Hội nhơn sanh, hiệp kể chung với đạo hữu trên ngàn người.

Báo giới Tây, Nam có quí ông:
1 - Vabois (Courrier de Saigon)
2 - Bonvicini (C.pinion)
3 - Trạng sư Diệp văn Kỳ, Nguyễn Thế Phương (Công Luận)
4 - Nguyễn Phan Long (Đuốc Nhà Nam)

Khi lập ba ban xong rồi, chư đạo hữu làm lễ ra mắt Đức Chí-Tôn và chư Tiên Phật. Xong việc lễ rồi, ông Quyền Đầu-Sư Ngọc Trang Thanh mở lời trước như vầy:
Kính trình cùng chư vị đạo hữu nam nữ, ngày nay chư vị đạo hữu đặng Tờ mời trước không mấy ngày mà đành chịu hao tốn, cực nhọc đến đây đông đủ như vầy, chúng tôi xin để lời kính chào mừng và cám ơn chu vị.

Đặng Tờ mời, kế đặng lịnh cấm nhặc, mà chư vị cũng đi đến, ấy là một việc của chư vị xử riêng bằng lương tâm, tôi không lẽ nói việc này là phải hay không, chỉ để cho chư vị đến rồi còn có ngày giờ xem xét thêm mà quyết đoán cho ra lẽ phải chăng; còn phần tôi, giờ này đứng ra đây tỏ đôi điều cùng chư vị, vì phận đứng đầu sổ cáo và đầu Tờ mời, lại cũng có lãnh vai giải nghĩa sơ qua cho một phần chư vị chưa đọc được Châu tri và Vi bằng Thượng hội cho rõ cái mục đích của buổi hội nhóm hôm nay.

Số là Anh Cả chúng ta là ông Thượng Trung Nhựt sái phận sự Quyền Giáo-Tông, nên chúng tôi là bảy Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài và Cửu Trùng Đài, có nhóm tại Bửu Điện ngăn ngừa sự sái ấy cho nền Đạo khỏi ngửa nghiêng thêm nữa:

Lần thứ nhất là ngày 19 tháng Chạp năm rồi (dl 15-01-1933) mời Đức Quyền Giáo-Tông đến bàn luận việc thiết yếu của Đạo, Ngài không đến, vì Ngài cho rằng mời thiếu lễ.
Lần thứ nhì ngày 22 tháng 3 năm nay (dl 16-4-1933) Ngài cũng cho rằng mời thiếu lễ không đến.

Vì chúng tôi được đủ số Hội viên thượng hội, nên có nhóm lại xem xét kỹ lưỡng, thiệt quả là Quyền Giáo-Tông có lỗi với Đạo; nên lập vi bằng gởi cho Ngài xem, xin mãn tám ngày trả lời cho chúng tôi biết việc chúng tôi cáo Ngài là phải hay quấy? – Trả lời không nói việc phải quấy, cứ nói rằng hội nhóm không đúng pháp luật, không đủ lễ nghĩa với Ngài.

Mời Ngài đôi ba phen không đến, gởi Tờ trả lời không cho biết rõ việc oan, ưng thế nào; nên nay phải mời thêm chư vị Hội-Thánh và Hội Nhơn sanh cho đủ ba Hội hiệp lại kêu là “Hội Vạn Linh” đến xem xét lại công việc chúng tôi làm có sái pháp luật chỗ nào, có bất công, bất chánh hay không? Xin hết lòng chỉ giáo, bằng xem xét không có chỗ nào làm sái phép thì nên hiệp cùng chúng tôi mà thi hành những điều quyết định trong Tờ Vi bằng Ngày 23- 3 Quí Dậu (dl 16-4-1933)

Xin chư vị nam nữ nghĩ lại coi, bởi ý muốn hoà mới đôi ba phen mời nhóm, cho anh em có đường phân giải thiệt hơn cùng nhau, mà Quyền Giáo-Tông không chịu đến, để đi làm những việc sái luật Đạo và luật Đời, xúi người này ngỗ nghịch kình chống với người kia, rồi không thi hành phận sự, có phải tại Ngài muốn loạn không? Vậy nay muốn thấu đáo việc chúng tôi đã làm ra đây có chánh đáng cùng không, tôi tưởng phải làm như vậy thì đặng công bình. Cử một ban Uỷ viên tạm thời đặng điều đình việc của chúng ta sẽ bàn luận, bất luận là Chức sắc hay đạo hữu cũng đều được phép cử vô Uỷ ban ấy, vì lúc này cả thảy chúng ta là đồng một quyền Môn đệ của Đức Chí Tôn không còn phân lớn nhỏ nữa, ban Uỷ viên có 4 người:
1 - Một Nghị trưởng
2 - Một Phó Nghị trưởng
3 - Một Từ Hàn
4 - Một Phó từ Hàn

Ban này thay mặt cho cả ba hội, kêu là “Hội Vạn linh” được quyền đối phó cùng quyền hành Chí-Tôn. Nên xin lựa chọn Đạo hữu nào đủ tư cách, biết đạo và biết đời, có đủ cớ là người biết lo cho Đạo, không phải phe phái nào hết.

Đó! Chúng tôi có mấy lời thưa cùng quí vị, xin để hết lòng vì Đạo, minh chánh việc này ra cho việc Đạo được rỡ ràng cho nhơn sanh có chỗ dựa nhờ cho xứng đáng.”

Khi dứt lời thì ông Giáo sư Ngọc Kinh Thanh xướng lên cử ông Nguyễn Phan Long làm Nghị trưởng ban Uỷ viên tạm thời, chư đạo hữu đứng gần truyền lần lời xin ấy ra cho cả thảy đạo hữu xung quanh nghe biết, thì toàn cả chư đạo hữu hiện diện đồng ưng thuận cử ông Nguyễn Phan Long làm chức Nghị trưởng, vì là người đủ tư cách, thuở giờ không thuộc đảng phái nào, tài đức có lại lào thông cả việc đời và việc Đạo. Ông Nguyễn Phan Long không thế từ, phải vào lãnh ghế Nghị trưởng.

Ông Trương Duy Toản được cử Phó Nghị trưởng, ông Giáo hữu Tuyết Tấn Thành làm Từ hàn, ông Chánh Trị sự Phạm văn Long làm Phó Từ hàn.

Ban Uỷ viên cử xong, ông Nghị Trưởng đứng lên khai hội, Ngài nói:
Thưa chư đạo hữu, ngày nay tôi ra mắt Thầy, sau ra mắt chư đạo hữu lần thứ nhứt, nhưng đã lâu nay tôi vẫn ái mộ Đạo, vẫn sùng bái Thầy. Tôi sở dĩ lấy tư cách nhà viết báo mà lên đây, không dè chư đạo hữu quá yêu, nhứt tâm công cử tôi là Nghị trưởng Hội đồng tạm thời này, thiệt là một là điều vinh dự, song có hơi quá phận sự của tôi, nhưng chư đạo hữu đã đồng tâm chiếu cố, tôi đâu dám từ chối.

Thưa chư đạo hữu, nền đạo của Đức Chí-Tôn mấy năm trước thạnh hành như lửa cháy, rồi sau lại phải chịu nhiều nỗi khó khăn, bên ngoài kẻ ganh người ghét, kiếm trăm phương ngàn kế để ngăn cản sự tiến hoá của Đạo; bên trong lại sanh lắm điều rắc rối, anh em một Đạo mà chia ra nhiều phe, nhiều phái không hoà thuận với nhau, tưởng có khi người cầm quyền mối Đạo không đủ tư cách và đắc nhơn tâm nên mới ra cớ đỗi!

Xin chư đạo hữu biết rằng trong cửa Đạo ngày nay có gần một triệu Tín đồ và danh Đạo đã bay ra ngoại quốc: nước Đức, Ba lan, Ấn độ, Lithuanie… đã biết tên Đạo và họ kính trọng Đức Quyền Giáo-Tông mình lắm, tưởng không thua gì Đức Thánh Pha-Pha bên Thiên Chúa giáo.

Chúng ta phải có vị làm đầu cho xứng đáng mới chẳng hổ với người; vậy mà coi trong Đạo ngày nay có vẻ suy đồi, mới đây có báo đăng tin rằng trong đạo hữu có 47 người đã qua nhập Đạo Thiên Chúa giáo. Trong số này có một vị trước theo Đạo Minh sư, người này hứa sẽ đem thêm vài ngàn đạo hữu khác vào Đạo Thiên Chúa nữa. Ấy là chỗ nguy hiểm cho Đạo đó. Có nhiều đạo hữu tưởng rằng bởi Đức Quyền Giáo-Tông thiếu đức nên ngày nay đem Ngài ra vấn nạn ở buổi nhóm này. Xin chư đạo hữu nhớ câu “Hữu công tắc thưởng hữu tội tắc trừng”. Còn bổn phận của tôi thì phải giữ trật tự và để cho đôi bên tiên cáo và bị cáo biện bác lời lẽ của mình cho thong thả”

Ông Nghị trưởng dứt lời ban Uỷ viên bắt đầu làm việc. Trước hết ông Nghị trưởng xin dùng lễ khiêm tốn viết thơ mời Đức Quyền Giáo-Tông đến trả lời những điều Ngài đã bị cáo giữa Hội cho minh bạch.

Quyền Đầu-Sư Ngọc Trang Thanh nói: Lời yêu cầu của Nghị trưởng sợ e không được hiệu quả, vì chiều hôm qua tôi có viết thơ cho Quyền Giáo-Tông hay và xin mời Ngài đến dự Hội, bây giờ đã quá giờ nhóm rồi mà không thấy hồi âm. Thế thì chắc Ngài chẳng khứng đến. Vậy xin truyền cùng Ban Uỷ viên thân hành đến Giáo-Tông đường mời Ngài.

Cả thảy đạo hữu đều ưng thuận lời xin của Quyền Ngọc Đầu-Sư. Ban Uỷ viên liền thi hành việc ấy, vạn linh lại phái thêm ba vị Giáo Hữu ba phái đồng hành cùng Ban Uỷ viên. Khi đến Giáo-Tông-Đường, thấy cửa ngõ đóng, ông Nghị trưởng xin vô, người giữ cửa mời vào nhà gát, ban Uỷ viên vào nhà gát rồi, thì ông Nghị Trưởng viết thơ xin ra mắt Quyền Giáo-Tông.

Thơ như vầy “Thưa ngài, nhơn sanh cử ban Uỷ viên có tôi là Nguyễn Phan Long và mấy ông nữa đặng chứng kiến việc biện bác về Tờ tố cáo trong Đạo cách mấy bữa rày. Tuân theo ý muốn của nhơn sanh và giữ phép khiêm tốn, ban Uỷ viên xin ý kiến Ngài, đặng mời Ngài ra mắt Hội đồng. Vậy Ngài định lẽ nào xin Ngài cho ban Uỷ viên biết ..?”
Nay kính Ký tên: Nguyễn Phan Long

Thơ đưa rồi chờ gần 20 phút, Quyền Giáo-Tông cho người mời vào Dinh, thì thấy ông Quyền Ngọc Chánh Phối Sư ra nói “Đức Quyền Giáo-Tông dạy tôi đến rước mấy ông” Ban Uỷ viên theo vô phòng, ông Quyền Giáo-Tông chào mời và hỏi “Hôm nay là Hội gì mà mời tôi?”

Nghị trưởng đáp: - Hội Vạn linh.
Quyền Giáo-Tông nói: Tôi không thế đi được vì hội sái phép” Nói đoạn Ngài dở sổ ra đọc cái thơ trong đó có hai bài chấp bút dạy về sự lập Hồng thệ. Đọc một hồi lâu rồi Đức Quyền Giáo-Tông hỏi: hai vị Chánh Phó Từ hàn, ban Uỷ viên có biết ba vị Quyền Chưởng pháp lãnh trách nhiệm có đúng luật lệ không?

Phó Từ Hàn đáp: - Chúng tôi được Tờ mời về đặng nghe nói chuyện Anh Cả, khi đến hội được nhơn sanh tín nhiệm công cử vào ban Uỷ viên, nay đi đến mời Anh Cả, còn phần luật lệ đúng hay không xin hỏi lại mấy vị đứng Tờ mời”

Nghị trưởng nói: Nhơn sanh đang chờ đợi xin mời Ngài đến dự Hội”.

Quyền Giáo-Tông nói: “Tôi không thể đi được, vì Hội không đúng pháp luật. Vả lại việc Đạo tôi lãnh phần đối đãi với Chánh phủ, sau tôi giao quyền cho ông Thượng Tương Thanh, còn mấy tháng sau đây thì về phần ông Giáo sư Latapie, cho nên chuyện xin phép tắc thì về ông Giáo-sư Latapie mà ông này không có xin phép thì Hội làm sao?”.

Quyền Ngọc Chánh Phối Sư Trần Duy Nghĩa, Quyền Thái Chánh Phối Sư Phạm Tấn Đãi, Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thái Văn Thâu. Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh.

Chức sắc ngoại giáo: Giáo sư Thượng Bảy Thanh, Thượng Chữ Thanh, Hương Phụng; ngoài ra có hai ông Trạng sư Dương văn Giáo và Diệp Văn Kỳ hai ông sau đây đã cáo từ.

Ban Uỷ viên cho Hội hay rằng “Quyền Giáo-Tông nói Hội nhóm hôm nay sái phép, không đúng luật Đạo nên không đến, song Ngài có phái 9 vị Chức sắc có tên bên đây thay mặt đến dự nhóm:
Cách một hồi lâu Chức sắc thay mặt đi đến Bửu Điện, thấy có ông Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh mặc Thiên phục, còn kỳ dư mặc đồ thường. Ban Uỷ viên liền mời vào, rồi ông Nghị trưởng giới thiệu cho Nghị viên biết. Kế đó, ông Lê Thế Vĩnh trình hai Tờ thay mặt cho Giáo-Tông và Hộ-Pháp trong buổi nhóm này.

Nghị trưởng nói: “Tôi xin cho Hội đồng rõ biết ông Lê Thế Vĩnh có tờ thay mặt cho Giáo-Tông và Hộ-Pháp, vậy trong khi phái viên của Quyền Giáo-Tông đứng lên nói. Xin chư đạo hữu phải êm tịnh mà nghe lời bào chữa cho Quyền Giáo-Tông và xin chư vị đến nhóm hôm nay phải tuân ba điều kiện kể dưới đây đặng giữ phần trật tự trong buổi nhóm hội:
1 - Mỗi người đứng nói không quá 15 phút.
2 - Vấn đề nào nói rồi người sau không phép lập lại.
3 - Ban Uỷ viên cho phép thì mới được nói, khi người nói thì chư đạo hữu phải lẳng lặng mà nghe.
Kế trao lời cho ông Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh.

Ông Tiếp Thế nói:
- Tôi xin lỗi Hội đồng trước khi nói vì em có lỗi nên xin phép làm lễ Đức Chí-Tôn rồi sau sẽ nói”.
  Home       1 ]  [ 2 ] 3 ]  4 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét