Lý Giải Quả Càn Khôn - Bát Quái Cao Đài - 1 / 2 (Hiền Tài Trần Văn Rạng)


LỜI DẪN
Vào mùa xuân Canh Dần (1950), từ Biên Hòa tôi về Đất Thánh viếng an Sư Phụ. Trong cuộc mạn đàm, Đức Hộ Pháp đã dạy :
Các con nên lưu ý, Đền Thánh và các kiến trúc trong hay ngoài đều tiềm ẩn Dịch Lý. Các con đã thấy rõ ba Tịnh Thất có tên :
THIÊN hỉ động - Trí Huệ Cung .
NHÂN hòa động - Vạn Pháp Cung.

ĐỊA linh động - Trí Giác Cung.
Người đứng giữa Trời Đất gọi là Trung Thiên, nên giáo lý Cao Đài chủ về Nhân Đạo để cứu đời là vậy.

Ở ngoài Miền Trung, chi Minh Sư của Đạo sĩ Trần Cao Vân (1866-1916). Trong kinh nhựt tụng có hai câu :
Con cầu Phật Tổ Như Lai,
Con cầu cho thấu Cao Đài Tiên Ông.
Vì đó ông nghiên cứu Trung Thiên Dịch, nhưng phải bỏ dở vì theo phò vua Duy Tân chống thực dân nên bị Pháp bắt và hành hình (1916). Ông còn để lại bài.

VỊNH TAM TÀI
Trời Đất sinh ta có ý không,
Chưa sinh Trời Đất có ta trong,
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in ta một chữ đồng.
Trời nứt ra ta, Trời chuyển động,
Ta thay Trời mở Đất mênh mông.
Trời che Đất chở ta thong thả
Trời, Đất, Ta đây đủ hóa công.

Đúng chín năm sau, các Đấng giảng dạy về Bát Quái Cao Đài mà Thầy đã vẽ lại nơi Bát Quái Đài.

Lời vàng tiếng ngọc của Sư Phụ như còn vang vọng đâu đây, như khuyến khích đồng đạo tiếp tục xiển dương Trung Thiên Dịch Lý. Tôi mạo muội viết tập "Nguồn Việt Tộc", giải thích các phủ từ theo Kinh Dịch mà chưa thể đi sâu vào đặc trưng hình thể Đạo. May thay được vị Hiền Tài Trưởng Nhiệm giáo lý hưởng ứng "Lý giải quả Càn Khôn". Thật là một diễm phúc vậy.
Thánh địa, xuân Nhâm Tý (1972)
Hiền tài VÕ HIẾU NGHĨA
(Chưởng phủ Võ Phủ Từ)

LỜI TỰA
Tư tưởng của Đạo Cao Đài đặt trong nền tảng Kinh Dịch, mới nghe có người không khỏi ngạc nhiên, từ trước Đức Chí Tôn đã dạy : "Thầy bày ra trước mắt, tại các con không tìm hiểu". Mặt khác, ai cũng nghe : Tòa Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế, nghe vậy để lòng vậy. Đâu nghĩ rằng những cột rồng tượng trưng cho Dịch Lý, các danh từ Bát Quái, Hiệp Thiên, Cửu Trùng… đều là những chữ nằm trong Kinh Dịch. Đức Chí Tôn đã dạy một câu y trong Kinh Dịch : "Thái Cực phân lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng" (Thánh ngôn Hiệp tuyển II - TNHT, trang 62)
Thế thì, Đạo Cao Đài áp dụng Kinh Dịch từ lúc nào và Dịch của ai ?

Từ thời Tiền Khai Đại Đạo như Thánh Ngôn đã dẫn trên. "Khi Càn Khôn vừa thành hình thì có Dịch ngay trong đó" (Càn Khôn thành liệt nhi Dịch lập hồ kỳ tring hỉ) và áp dụng Kinh Dịch do chính Đức Khổng Tử san định và viết Thập Dực vì trong Ngũ Kinh thì Đạo Cao Đài chọn kinh Xuân Thu làm cổ pháp, Kinh Dịch làm bí pháp, Kinh Lễ làm thể pháp (ôn nhu, kính hòa). Thế nên giúp ta thành người đó là Đức Khổng Tử. Ta tìm Đạo ở Phu Tử, chịu cái ơn bao la ở Ngài. Ta nhận Ngài là bậc Thánh Nhân có công với hậu học, nêu danh mãi trời đất. Cho nên nói : "Dịch đến Văn Vương thì được tu sửa, đến Phu Tử thì được rạng rỡ" (Lý Quá, Tây Khê Dịch thuyết, quyển I, trang 8).

Thật vậy, "Kinh Dịch là bộ sách rộng lớn, hết thảy đều đầy đủ, trong đó : có Đạo Trời, có Đạo Người, có Đạo Đất". (Dịch chi vi thư dã, quãng đạo tất bi : hữu Thiên Đạo yên, hữu Nhân Đạo yên - Dịch Hệ Hạ, chương X)

Như thế nghiên cứu Dịch, Tiên Thiên Bát Quái, chủ yếu là cái học Tiên Thiên Tâm Pháp (Đạo Tâm)… Mọi vật phát khởi từ tâm ra. Cái Pháp ấy, cái Tâm ấy của Tam Tài (Thiên Địa Nhơn) thực chỉ là một (Thái cực) mà thôi" (THIỆU UNG, Hoàng Cực Kinh Thế, quyển 7 thượng, trang 4 và 34). Thế nên việc đặt tư tưởng của Đạo Cao Đài trong Kinh Dịch là do tiền khải, do Ơn Trên tạo cái bí pháp cho toàn Đạo. Bởi vì, Kinh Dịch từ lâu đã được coi như một Thánh kinh (Bible) của Thiên Chúa Giáo hay Kinh Koran của Hồi Giáo. (CHARLES DE HARLES, Le Lire des mutations, Paris 1959, trang 5).

Song Kinh Dịch do đâu mà có ? "Nếu nói Dịch thì Dịch khởi thủy từ CÀN KHÔN mà Càn là thủy tổ của Khôn. Nếu nói vật thì muôn vật khởi từ Khôn (Mẹ) mà Khôn lại có gốc ở Càn (Cha), Càn chính là nguồn gốc vĩ đại đầu tiên vậy". (Chu Dịch Bản Nghĩa, chương X). Trong Đạo Cao Đài thờ QUẢ CÀN KHÔN tượng trưng cho Lý Thái Cực mà Dịch cùng khởi thủy từ Càn Khôn. Vậy cả hai cùng một gốc. Nói về thể pháp, việc thờ phượng của Đạo Cao Đài có nguồn từ Kinh Dịch.

Mặt khác, thờ Thiên Nhãn là thờ đấng duy nhứt, con số 1 Dịch Kinh viết : "Nhất vạn hóa chi căn" (số 1 là số căn của vạn hóa). Thế nên, thần học Cao Đài là "nhất nguyên luận" (Dưới thiên bàn bát giác tại Tòa Thánh đã ghi rõ câu đó).

Nhất nguyên luận tượng trưng ở quẻ THÁI : âm dương hòa hợp, thiên địa tương giao, thuộc thời đại hoàng kim. Sự xuất hiện của Đạo Cao Đài trong thời hạ ngươn tam chuyển (Mạt pháp) để tiến lới thời thượng ngươn tứ chuyển (Thánh đức hoàng kim), đưa con người trở về cựu vị (paradiseretrouve') phục kỳ bản, phản kỳ chân "phục kỳ bản, phản kỳ chân" phục hồi cái tâm nhất nguyên như thuở ban đầu. Phản bổn hườn nguyên là nhất nguyên thiền định theo kinh dịch (xem thơ thiền), còn tu theo phép thần thông có hành động lạ thường, tâm địa phì đại bản ngã là nhị nguyên, lòng còn phân biệt tâm vật, mà Đạo Cao Đài thì chủ trương tâm vật bình hành, đạo đời tương đắc.

Đạo là quân bình tịnh, tuy "vô vi mà dịch sử quần linh". Đó là Thái Cực, biểu tượng bằng con số 1. Đức là quân bình động, biểu tượng con số 5 ở trung cung Bát Quái. Đó là cái động trong cái tịnh, âm dương điều hòa theo tỷ lệ 3/2 (số tham thiên lưỡng địa). Đã nói ta áp dụng Kinh Dịch do Đức Khổng Tử san định mà bậc thầy chỉ dạy cho các tín hữu Cao Đài là Đức Chí Tôn, gần hơn là Đức Thanh Sơn Đạo sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đức TSĐS đã am tường sâu sắc Kinh Dịch qua tác phẩm Hoàng Cực Kinh Thế. Trước Đền thờ Ngài có câu đối :
"Lý học thâm uyên trình tiên giác".
Trong Sấm ký Trạng Trình in năm 1948 có bài kệ 4 câu:
Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An.

Trời đất định rằng chín lần chín 81 năm, vào tiết thanh minh sức dịch đã tàn. Đến đầ năm dê và đuôi năm ngựa (1954) tám vạn binh Cụ Hồ tiến vào kinh đô. Về Đạo Cao Đài, Đức TSĐS đã tiên tri về tên P.Pasquier toàn quyền Đông Dương vì diệt đạo nên bị chết thảm bằng máy bay trên mây như sau :
Giữa năm hai bảy, mười ba
Lửa đâu mà đốt "tám gà" trên mây .

Tám gà là bát kê ám chỉ toàn quyền P.Pasquier, ta có thể đặt mối tương quan giữa giáo lý Cao Đài và học thuyết Kinh Dịch đối chiếu như sau :
- Việc tôn thờ quả Càn Khôn và thuyết âm dương cơ ngẫu trong Kinh Dịch.
- "Thầy là các con, các con là Thầy" trong Thánh ngôn HT và thuyết Thiên Nhơn hợp nhứt "Thiên địa vạn vật đồng nhứt thể" trong Kinh Dịch.
- Lẽ biến hóa "Tam khai thất ức niên" của TNHT và học thuyết "Sinh sinh chi vị Dịch" trong Kinh Dịch.

- Kiến trúc Tòa Thánh Tây Ninh đủ 4 đức : Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của quẻ Càn trong Kinh Dịch. Long Mã Kỵ Hà Đồ của Đạo CĐ là một ảnh hưởng hiển nhiên không cần biện giải. Tóm lại "Thầy Khai Bát Quái (Cao Đài) để tác thành Càn Khôn thế giới". Thật vậy, Đạo Cao Đài lấy Càn Khôn làm đầu vì trời đất là nguyên tổ của vạn vật và nguồn gốc của âm dương. Muôn vật trong vũ trụ đều từ Càn Khôn mà phát sinh.

Đức Chí Tôn dạy: "Tòa Thánh day mặt vào hướng Tây (cung Đoài). Ấy là cung Đạo. Bên tay trái Thầy là cung Càn, tay mặt Thầy là cung Khôn (trong Bát Quái Đài nhìn ra)". (Tân Luật, PCT, Paris Gasnier 1952, trg 71). Khi khai tịch Đạo Nam phái Thầy cũng dạy : "Thanh Đạo tam khai thất ức niên". Đạo mở kỳ ba thọ bảy trăm ngàn năm, còn có nghĩa là "Tam dương khai thái" : ba dương (càn) mở vận thịnh vui, tức ba dương thì sinh ra quẻ Thái ( ) là thông suốt, quẻ Thái chủ tháng 1, vía Chí Tôn, gồm Càn ( ) dưới, khôn ( ) trên, biểu tượng thịnh vượng an lạc. Càn ba ( ) + khôn sáu ( ) là chín tức Cửu Thiên (9 tầng trời). Vậy thờ Quả Càn Khôn là thờ Đấng Cửu Thiên Khai Hóa. Như thế, Kinh Dịch có trước hay Đạo thờ Càn Khôn có trước ? Hãy nghe Đức Chí Tôn dạy : "Có Thầy rồi mới có các con, không có Thầy thì không có chi trong vũ trụ". Thầy lại dạy : "Có các con mới có Thần, Thánh, Tiên, Phật". Vậy Phục Hi hay Văn Vương hay Khổng Tử cũng chỉ là ông Thánh, ông Tiên. Người nào hỏi vậy là chẳng hanh thông nền Đại Đạo mà Đạo Cao Đài, chỉ là cái tên để gọi trong kỳ ba Phổ Độ. Thật ra, nền Đại Đạo đã có truyền thống từ xa xưa mà Đạo Cao Đài tiếp nối làm sống lại thời Thánh Đức thịnh an. Giống như Nho giáo có trước khi Trọng Ni ra đời.

Khổng Tử chỉ là vị Thánh phục hưng Nho giáo nên Đạo Ngài có tên mới là Khổng Giáo.
Mùa Đại Lễ Chí Tôn
TVR.

CHƯƠNG MỞ ĐẦU
NHẬP MÔN DỊCH HỌC

Càn vi thiên, Khôn vi địa, Chấn vi lôi, Tốn vi phong, Khâm vi thủy, Ly vi hỏa, Cấn vi sơn, Đoài vi trạch. THUYẾT QUÁI TRUYỆN
 

I/ - LUẬT DỊCH HỌC
1/ - Quẻ :
Quẻ có hai loại : quẻ đơn có 8 quẻ : Càn, Khảm, Chấn, Cấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi quẻ có ba vạch ngang.

Quẻ kép do hai quẻ đơn chồng lên nhau luân phiên và thứ tự tạo thành 64 quẻ kép như Hàm, Hằng… Mỗi quẻ có 6 vạch ngang.

2/ - Hào :
Hào là vạch ngang của quẻ kép, có 6 hào kể từ dưới lên trên. Dưới thấp là hào Đầu (sơ), rồi Hai, Ba, Tư, Năm, cuối cùng là hào Trên (Thượng)

Hào chia làm hai thứ : những hào có vạch ngang liền gọi là hào Dương (hay Cửu), những hào có vạch ngang dứt, gọi là hào Âm (hay Lục).

Ví dụ quẻ Chuân, hào Đầu gọi là Sơ Cửu, hào hai gọi là Lục Nhị (sáu hai).

3/ - Tính của các quẻ, các hào :
Tám quẻ đơn mỗi quẻ đều có tính riêng như Càn thì manïh, Khâm thì thuận, Chấn thì động, Tốn thì lay, Cấn thì đậu, Đoài thì đẹp, Ly thì sáng, Khảm thì đầy.
Tính các hào : hào dương cứng mạnh, đi lên; hào Aâm mềm yếu, đi xuống.

4/ - Tượng của các quẻ và các hào :
Tám quẻ đơn tượng trưng cho mọi vật trong vũ trụ. Mỗi quẻ biểu hiện cho nhiều vật. Ví dụ : Càn là Trời, là tượng con rồng, Khôn là Đất, là tượng con trâu, Chấn là sấm, là tượng cái cây, Khảm là nước, tượng là mây mưa. Tốn là gió, Ly là lửa v.v…
Các hào không có tượng riêng vì không hình dung riêng cho vật gì.

5/ - Ngôi vị các hào : Mỗi quẻ 6 hào, tức có 6 ngôi. Hào Đầu là ngôi thứ dân, hào Hai là ngôi tư mục, hào Ba là ngôi đại phu, hào Tư là ngôi đại thần, hào Năm là ngôi vua chúa, hào Trên là ngôi lão thành.
II/ - BA BÁT QUÁI

1/ - Phân biệt ba bát quái :
Ba vạch ngang của bát quái tượng trưng cho tam tài : Thiên, Địa, Nhơn. Ba bát quái trong vũ trụ cũng vậy.
2/ - Đặc điểm của Bát Quái Cao Đài :

1/ - Dương nghi âm nghi :
Phần bên trái thuộc dương (nam) gồm các quẻ : Càn, Khảm, Cấn, Chấn. Phần bên phải thuộc âm (nữ) gồm các quẻ : Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Muốn biết quẻ dương hay âm, ta dùng phép nhân các số đại số thì thấy ngay.

- Càn . . . . . . 3 vạch dương, tức là +x+x+x = +dương
- Khôn . . . . . 3 vạch âm, tức là -x-x-x = -âm

Dịch hệ từ Hạ truyện viết : "Dương quái đa âm, âm quái đa dương" (quẻ dương có nhiều vạch âm, quẻ âm có nhiều vạch dương)

2/ - Phương vị của Trung Thiên Bát Quái :
Trung Thiên ứng với giai đoạn phát triển nhân danh. Trung Thiên nói về ngũ hành và âm dương là hai yếu tố quan trọng trong sinh hóa muôn loài, tức là trung nữ (Ly) và trung nam (Khảm) làm chủ trong thời Tam Kỳ Phổ Độ nhằm lấy sức sống trẻ đang lên của Ly Khảm mà tạo thời cải thế.

Bởi lẽ, cha mẹ (Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu) già rồi nên lui về Tây Nam và Tây Bắc (theo BQ Cao Đài) mà hướng dẫn 6 con nên Càn ở Tây Nam, Khôn ở Tây Bắc. Theo quái vị : 3 gái theo mẹ (Tốn, Ly, Khôn, Đoài) và 3 trai theo cha (Càn, Khảm, Cấn, Chấn). Đó là theo hệ từ thượng truyện : "Đạo Càn làm nên con trai, đạo Khôn làm nên con gái" là vậy.

III/- LÝ GIẢI QUẢ CÀN KHÔN

1/ - Việc tạo Quả Càn Khôn :
Đức Chí Tôn dạy việc thờ Ngài như sau :
"Một quả Càn Khôn như trái đất tròn quay (biến dịch). Bề kinh tâm (đường kính) 3,3 mét, sơn màu xanh da trời. Cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên quả Càn Khôn. Thầy kể : Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, còn Thất Thập Nhị (72) Địa, Tam Thiên Thế Giới (3.000) đều là tinh tú (hành tinh). Tính lại 3072 ngôi sao, liệu vẽ trên đó cho đủ, trên sao Bắc Đẩu vẽ con Mắt Thầy. Đáng lẽ quả Càn Khôn phải bằng pha lê, đúc bên trong một ngọn đèn thường sáng. Aáy là lời cầu nguyện rất quý báu cho cả nhơn loại" (Đàn cơ đêm 17/06/1926).
Xem thế, quả Càn Khôn không chỉ là trái đất mà gồm cả Thiên Cầu. Các tinh tú nói trên xa gần khác nhau, nhưng trong đêm mắt ta như ghi trên một hình cầu màu xanh to lớn (do hiệu quả của phép phối cảnh). Đó là Thiên Cầu, vì nước Việt Nam (gần xích đạo) nên thấy sao Bắc Đẩu nằm ngang trên đường chân trời (tức ngang tầm mắt) chớ không phải Thiên Nhãn vẽ trên địa xích đạo.

2 / - Con số Càn Khôn nhiệm mầu sanh hóa :
Quả Càn Khôn đường kính là 3,3 mét, lý giải theo toán học thì biến hóa khôn lường, ẩn tàng triết lý sâu xa.
3 - 3 = 0 biểu tượng Hư vô (Trời Đất chưa phân)
3 : 3 = 1 biểu tượng Thái Cực (ngôi Đức Chí Tôn)
3 x 3 = 9 biểu tượng Thái Dương (Mặt trời)
3 + 3 = 6 biểu tượng Thái Âm (Mặt trăng)

Chỉ có 2 con số 3 mà gom cả lý thuyết vũ trụ, nếu không là Đức Chí Tôn thì không ai có thể viết nổi !

3/- Đường lên Chân Tiên :
Trong bài "Ngọc Hoàng Kinh" có những câu :
- Thượng chưởng Tam thập lục thiên, Tam thiên thế giới
- Hạ ốc thất thập nhị địa, Tứ Đại Bộ Châu
Trong khi trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển I, trang 45, thì Đức Chí Tôn dạy :
"Thầy kể Tam thập lục thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí…" gom lại lấy ý mà hiểu như vầy :
a/- Thất thập nhị địa :
72 quả cầu trong Thái Dương hệ Mặt trời, Địa cầu ta đang ở là số 68. Đức Chí Tôn dạy : "Bực Đế vương nơi Địa Cầu 68 chia bằng một người thường nói Địa cầu 67. Như vậy số địa cầu càng nhỏ càng phanh cao như Đức Lão Tử bảo : "Thiếu tắc đắc, đa tắc hoặc" là vậy. Do đó người ta phải tu bỏ bớt dục vọng để sang Bộ Châu khác thanh thoát hơn.

b/- Tứ Đại Bộ Châu
hay Thái Dương hệ khác ở : Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiên Bộ Châu và Bắc Cưu Lưu Châu. Họ giỏi hơn ta, điều khiển ta. Họ tinh thông minh triết nên có thể vào Tam Thiên Thế giới hay lên Tam thập lục thiên mà tu thành chánh quả.

c/- Tam thiên thế giới :
Trong "Luật tam thể" Đức Cao Thượng Phẩm giáng dạy "Mấy em thử phân loại Tam Thiên Thế giới và Thất Thập Nhị Địa coi thử ? Bạch : Tam Thiên Thế giới là ở từng trên bao phủ còn Thất Thập Nhị Địa ví như bàn cờ ở dưới. Đức Cao Thượng Phẩm viết : "Phải vậy đó. Tam Thiên Thế giới là ngôi vị, còn Thất Thập Nhị Địa là trường thi công quả".

d/- Tam thập lục thiên :
Trong "Bài thuyết Đạo", Đức Hộ Pháp nhắc lại lời dạy của Đức Chí Tôn "Thái Cực sanh Lưỡng nghi, tức Tam Thiên vị là Ba Ngôi Trời. Dưới 3 ngôi ấy có Tam Thập tam thiên (33 tầng trời), cộng với 3 ngôi trên là Tam thập lục thiên.

Dưới 36 tầng trời còn một tầng nữa là nhứt mạch đẳng tinh vi gọi là Niết Bàn, chín tầng vừa là Cửu thiên khai hóa, tức là 9 phương Trời cộng với Niết Bàn là Thập Phương chư Phật".
Tuy dạy tạo tác quả Càn Khôn mà thật ra là chỉ rõ con đường tu đi đến Chân Tiên.

4 / - Thời Bĩ vận cần tu tâm : Quẻ Càn chồng lên quẻ Khôn thành quẻ Bĩ, ám chỉ thời Bĩ vận mạt pháp. Đức Chí Tôn phái Tam Thánh xuống trần ký đệ tam hòa ước giữa Trời và Người để cứu rỗi chúng sanh thoát cơn lầm than với Vũ Hịch (bút lông gà do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn viết) tuyên cáo tình trạng khẩn cấp cho nhân loại biết gặp khổ nạn nếu năng tu sẽ được đại ân xá.

Ovide, thi sĩ người Hy Lạp (sanh năm 40 trước Công nguyên) nói về"Thời sắt thép" (l'Âge de Fer) như sau :
"Thời này tất cả mọi tội lỗi đều được phô bày ra ánh sáng, lòng ham mê chơn lý như lòng chí thành đều mất dạng. Thay vào đó là mưu mô, thủ đoạn, giả trá, bội phản, tàn bạo và tham lam…

Người ta sống bằng cướp bóc, ít khi có sự hòa thuận giữa anh em ruột, con thì mong chờ cha chết, lòng hiếu thảo không còn, còn thần công lý bỏ hẳn trần gian đầy máu đổ".

Trong Bhagavata Purâna viết : "Trong thời hắc ám (Kali), người đạo đức, kẻ có công cũng thua kẻ có tiền… Người ta tìm thú vui trong hôn nhân xác thịt chớ không nghĩ đến việc truyền giống, trong làm ăn thì toàn là gian lận mánh khoé".

Bởi lẽ, quẻ Bĩ có âm khí chiếm phần nội quái (chủ), còn dương khí bị đẩy lui ra ngoại quái (khách)
Địa vị giá trị đều đổi thay ngôi vị. Bọn tiểu nhân mang bộ mặt giả làm quân tử (đạo đức giả). Khi Âm thay vai trò của Dương là thời kỳ mạt pháp xáo trộn. Âm dương bất giao, nội ngoại ly cách đưa đến xã hội nhiễu nhương. Đó là thời kỳ sắt thép máu lửa, hắc ám, bĩ vận vậy.

5/ - Càn Khôn là Thái Cực :
Thái Cực là Càn Khôn (Dương âm), Càn Khôn là Thái Cực, Thái Cực là Chí Tôn, Chí Cực.

Hệ từ thượng, chương XII viết : "Càn Khôn là cái sâu kín của Đạo Dịch. Càn Khôn thành hàng mà Đạo Dịch lập nên ở trong. Càn Khôn bị phá thì còn gì để thấy Đạo Dịch. Dịch không thể thấy thì hầu như Càn Khôn không thể thi hành được".

Điều này đã nói rõ trong hệ từ thượng, chương VI "Nhất âm nhất dương chi vị đạo" (một âm một dương gọi là Đạo).

(1) "Càn Khôn là cửa của Đạo Dịch. Càn tiêu biểu vật thuộc dương, Khôn tiêu biểu vật thuộc âm. Âm Dương hợp với nhau mà cương nhu mới có thực thể, thể hiện công việc của trời đất và thông cảm cái đức của Thần Minh" Thần là Trời, Minh là trăng sao. .

Hệ từ thượng, chương XI viết thêm : "Đóng cửa gọi là Khôn, mở cửa gọi là Càn. Một lần đóng một lần mở gọi là biến" Đây nói đến sự biến hóa của muôn vật do âm dương đùn đẩy lẫn nhau.

Biểu hiện ra nó gọi là tượng, hình thể nó gọi là đồ dùng, chế ra mà dùng nó gọi là pháp" (Chương XI) chương XII nói rõ hơn :
"Hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí" (Cái có trước khi có hình gọi là đạo, cái có từ khi có hình gọi là Khí)

Tất cả các Khí đó, Đức Lý Thái Bạch gom chung một chữ KHÍ ( ) gồm 1) chữ Khí ( ) là hơi vô hình, 2) chữ Khí ( ) hơi nước bán hữu hình, 3) chữ Khí ( ) dụng cụ hữu hình, gọi là Tam tự nhất thể.

Tóm lại, Càn Khôn (dương âm) là hai tính chất của vũ trụ và vạn vật, trở thành một thế giới quan của Đạo Cao Đài. Thế giới quan này đã thâm nhập vào học thuật, tư tưởng, văn hóa của loài người.

Bởi lẽ, Càn Khôn (dương âm) không dùng để chỉ rõ hiện tượng hay sự vật đặc thù nào, mà là Đạo rộng lớn phổ biến. Nói một cách khác Đạo Cao Đài đồng nghĩa với tình huynh đệ đại đồng.

6/ - Sự huyền diệu của Quả Càn Khôn :
Theo lời Ngài Trương Hiến Pháp : "Thể theo Thánh ý Đức Chí tôn, chư Chức sắc hiệp sức kiến tạo quả Càn Khôn đầu tiên đặt lên một trụ cột nơi Bát Quái Đài…

Về sau rủi ro, quả Càn Khôn ấy phát hỏa (vận Bĩ) cháy tiêu hết, duy có Thiên Nhãn thì còn lại y nguyên (Đó là thời kỳ Từ Lâm Tự). Hội thánh quyết định tạo một quả Càn Khôn khác, tất cả đều quyết định đặc Thiên Nhãn cũ lên quả Càn Khôn mới.

Quả Càn Khôn sau vì thời gian cũng hư hoại. Hội Thánh kiến tạo một quả Càn Khôn khác nữa thay thế. Hội Thánh cũng đồng thanh dành lại Thiên Nhãn cũ để đặt lên quả Càn Khôn mới ngày nay (tức nơi Đền Thánh).

Một sự linh thiêng ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Sau khi hạ quả Càn Khôn cũ xuống, cả thế giới và trong Đạo đều chấn động. Trong Đạo xảy ra nhiều rối rắm, gây bất hòa giữa người Đạo với nhau. Đến nỗi, Đức Lý giáng cơ quở trách và ngưng việc cầu phong, cầu thăng.

Ngoài đời có nhiều thay đổi, như cuộc đảo chánh của Hội Đồng tướng lĩnh Việt Nam cộng hòa, vụ mưu sát Tổng thống Mỹ Kennedy (1961), Nhà Vua Thái Lan gặp nhiều khó khăn và nhiều biến chuyển khác trên toàn thế giới" (Hiến pháp HTĐ Trương Hữu Đức, trang 11,12)

Cuộc biến chuyển này, Đức Phạm Hộ Pháp cũng đã tiên tri trong bài thi sau:
Chẳng phải Tây Ninh chịu nạn nghèo,
Cuộc đời biến chuyển rất cheo leo.
Trời còn đất lỡ tang thương biến,
Ruộng rẫy phố tan lộ mốc meo.
Sắc tiếng thi ngâm tua giảm bớt,
Con đường công quả khá làm theo.
Văn chương đâu rõ thông cùng lý,
Chánh trị hưng suy đã thấy lèo.

Những kiến trúc phần phụ quả Càn khôn cũng mang nhiều sắc thái Dịch lý.


CHƯƠNG I

TƯ TƯỞNG ĐẠO CAO ĐÀI

ĐẶT TRÊN NỀN TẢNG KINH DỊCH

Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi,
Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng,
Tứ Tượng sanh Bát Quái biến hóa vô cùng.
                                                              TNHT2, tr.62

Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh
Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng,
Tứ Tượng sinh Bát Quái.
Dịch Hệ Từ Thượng

Kinh Dịch ảnh hưởng sâu rộng vào ý thức hệ Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ và kết thúc với quan niệm tổng hợp Tam Giáo đồng nhất thể (Nguyễn Đăng Thục, Kinh Dịch với nền văn hóa Việt Nam, tháng 3/1994). Kinh Dịch nhấn mạnh truyền thống đạo học Đông Á thuộc về nhất nguyên tâm linh, có mặt từ thời đại đồ đồng cách đây gần 3.000 năm. Dịch không những ảnh hướng rất sớm đối với nền văn hóa Việt Nam mà còn ngấm sâu vào tôn giáo và tầng lớp sĩ phu. Nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện tam tài trong Kinh Dịch như sau :
Dẫu rằng muốn học máy linh,
Xem chừng Trời Đất trong hình người ta.
                                                                                     (Ngư tiều y thuật vấn đáp)

Trong Kinh Tam Thánh của Đạo Cao Đài cũng có câu giống như vậy :
Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa
Tượng mảnh hình giống cả Càn Khôn.

- Đạo thờ Càn Khôn: là Đạo thờ Cha Mẹ vì Càn là Cha, Khôn là Mẹ. Đạo thờ cha mẹ tâm linh chính là một tín ngưỡng bản địa của dân tộc ta. "Đạo thờ cha mẹ tâm linh dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Bởi đó chính là tinh thần văn hóa, là kinh nghiệm lịch sử, là sự độc đáo của Việt Nam không thể xóa bỏ được" (Văn hóa nghệ thuật số 8 năm 1996, trang 25).

Mặt khác, Kinh Thuyết Pháp có câu : "Đạo Hư Vô, Sư Hư Vô". Hư Vô bao gồm tất cả : vũ trụ, không thời gian vạn vật. Về giáo lý bao hàm ba ý : 1) Có mà không; 2) Cuộc đời ngắn ngủi không không; 3) Tất cả mọi vật không thể tồn tại dưới một hình thức nhứt định (phải biến dịch). Giáo lý đạo dạy : Cuộc đời vô thường tức không vĩnh hằng, luôn luôn thay đổi để tiến lên. Đạo đức cũng phải tiến hóa. Đạo thờ Trời Đất, Cha Mẹ cũng phải sửa đổi cho hợp trào lưu phát triển của nhơn sanh. Không biến sinh là hiện tượng chết dần.

- Dịch là biến dịch, tương sinh tương khắc, là quay về với lẽ ban đầu. Trong xã hội nông nghiệp buổi đầu, chịu tác động trực tiếp của thời tiết do mặt trời, còn các mùa xâu chuỗi theo trăng. Con nước triều vận hành trong thế quay về. Đời người cũng sinh lão bệnh tử theo gió mưa. Cái vòng lặp đi lặp lại đó, Đạo Cao Đài gọi là vòng luân hồi "Thầy là các con, các con là Thầy".

Thầy phân tánh tạo ra khoáng sản, thảo mộc, cầm thú rồi con người. Con người ấy sống tập đoàn với nhau phải có lễ, có đạo đức để bước lên hàng Tiên Phật mà trở thành Thầy. Thánh giáo dạy :
Tu hành là học làm trời
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.

Thành Phật rồi sau còn đầu kiếp tu nữa tạo thành vòng tròn luân hồi mãi mãi.
Đạo Cao Đài phân lịch sử loài người thành Tam ngươn : Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn. Mỗi Ngươn có nhiều chuyển thời kỳ khai Đạo Cao Đài gọi là Hạ Ngươn tam chuyển, thời mạt pháp. Thế nên, sự hiện hữu Của Đạo Cao Đài có mục đích giác ngộ loài người quay đầu hướng thiện, mở ra một kỷ nguyên hòa hợp nhân loại, không còn tranh chấp kỳ thị, bên nhau cộng hưởng thế giới Đại Đồng, mà Thánh giáo Cao Đài gọi là đời Thánh Đức nhằm Thượng Ngươn Tứ Chuyển, hết một vòng đại hóa.

- Sinh sinh chi dị lịch : Sinh rồi sinh gọi là dịch, nên dịch cũng đồng nghĩa chưa xong. Quả Càn Khôn cũng biểu tượng chưa xong, chưa xong mới biến cho hoàn toàn. Trong Kinh Dịch, quẻ 63 là Ký tế : xong rồi nhưng đến quẻ cuối 64 lại là Vị tế : chưa xong. Hợp rồi tan, tan rồi hợp là một qui luật của vũ trụ.

Thế nên, Đạo Cao Đài lúc khai nguyên có đủ Giáo Tông, Hộ Pháp coi như đã xong. Bỗng nhiên, Giáo Tông không nhận chức lại chưa xong. Đạo một mối, chia ra 12 chi phái để phổ độ chúng sanh. Theo qui luật "Tan rồi hợp", nhất định Đạo Cao Đài sẽ thống nhất. Đức Lý Giáo Tông dạy "Cơ qui nhứt thế nào cũng sẽ thực hiện" (Đàn tại Đền thánh đêm 1970 Đinh Dậu).

Đạo dưới thời Pháp thuộc không biến không thể nào tồn tại. Đạo trong thời khoa học kỹ thuật tiến bộ không biến không thể nào phù hợp với nhân sinh mà thọ truyền thất ức niên, và "Oát truyền vô biên" được.

- Từ quẻ phục trong Kinh Dịch : Trong Tam vị thiên sứ phò cơ khai đạo, Đức Cao Thượng Phẩm là người cao niên nhất thuộc tuổi Mậu Tý, hợp với Thiên Khai ư Tý, nhằm quẻ Phục trong Kinh Dịch.

Phục là bắt đầu lại các nền Tôn giáo cổ xưa đã qui phàm. Thế nên danh từ Cao Đài chỉ là tên gọi các nền Đại Đạo đã có từ lâu, trong thời Hạ Ngươn Tam chuyển. Nhà văn Gabriel Gobron gọi Cao Đài là Phật giáo phục hưng (Bouddhisme re'nove') chính vì đó. Phục hưng, phục sinh hay chấn hưng là sống lại những nền văn hóa Tôn giáo đã mất, rồi phát triển lên tầm cao mới, phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.

Những khái niệm cơ bản trên và những lý giải sắp biện thuyết sau đây cho phép ta mạnh dạn phát biểu : TƯ TƯỞNG CAO ĐÀI ĐẶT TRÊN NỀN TẢNG KINH DỊCH. Hãy nhìn Tòa Thánh Tây Ninh ta thấy ngay ba đài cao vời : Hiệp Thiên Đài, chống đỡ bằng 28 cột rồng. Giáo lý Cao Đài gọi Đền Thánh là "Bạch Ngọc Kinh tại thế". Thánh Ngôn cũng dạy " Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa" và Đức Hộ Pháp cũng giảng giải :"Thiên Đàng ở tại thế gian này", có nghĩa là Niết Bàn hay địa ngục cũng tại cái TÂM ở mỗi người.

Bạch Ngọc Kinh là kinh đô ngọc trắng, là Thánh địa của những môn đồ mặc sắc phục trắng. Các đài : Bát Quái, Hiệp Thiên, Cửu Trùng nhứt định rút từ trong Kinh Dịch và các cột rồng biểu tượng Dịch lý, không thể nói khác được. Mặt khác, "Dịch Khởi thủy từ Càn Khôn" (Chu Dịch Bản Nghĩa, chương X) mà Đạo Cao Đài thờ quả Càn Khôn. Vậy Đạo và Dịch có cùng chung một gốc.

Thế nên, nói tư tưởng Đạo Cao Đài đặt trên nền tảng Kinh Dịch là có cơ sở thuận lý.

BÁT QUÁI ĐÀI

Dịch Hệ Hạ viết : "Ngày xưa, họ Bà Hy cai trị thiên hạ, ngẩng lên xem hiện tượng ở trên trời, cúi xuống xem phép tắc ở mặt đất, nhìn qua dáng vóc của chim muông, như tiện nghi của đất, gần thì lấy ngay ở mình, xa thì lấy ở vật, Phục Hy mới làm Bát Quái để cảm thông với đạo đức của Thần linh, để phân loại tính tình của vạn vật".
Thật vậy, Phục Hy (4477-4363 trước Tây lịch) đã khám phá những quẻ (quái) trên mình con Long Mã hiện ở Hoàng Hà mà lập ra Bát Quái mà người quen gọi là Tiên Thiên BQ gồm tám quẻ : Càn, Đoài, Ly, Chấn (qua trái) Tốn, Khảm, Cấn, Khôn (qua phải). Về sau, Văn Vương thấy quẻ rùa trên sông Lạc và cứ vào Hà Đồ, Lạc thư mà lập ra Hậu Thiên BQ gồm tám quẻ theo thứ tự : Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn, Khảm, Cấn.

Thánh ngôn dạy : "Thầy lập ra Bát Quái mà tác thành Càn Khôn thế giới". Ý nói Thầy chuyển Phục Hy lập ra Bát Quái tạo Thiên, Văn Vương gầy nên Bát Quái lập địa và sau Thầy lập ra Bát Quái Cao Đài mà sinh thành vạn vật, trong đó có con người đứng giữa Trời và Đất nên gọi là Trung Thiên BQ gồm tám quẻ theo chiều dương (ngược chiều kim đồng hồ) theo thứ tự : Càn, Khảm, Chấn, Cấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài (xem chương III), Trung Thiên Bát Quái rất khác phương vị so với hai Bát Quái trên. Trên thiên thờ Đức Chí Tôn có tám cạnh biểu tượng đầy đủ : một sinh hai, hai sinh bốn, bốn sinh tám… như Hệ từ thượng viết : "Dịch có Thái Cực, Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ tượng sanh Bát Quái…" Kinh dịch cho rằng : Thái Cực là lý mà Dịch là số. Nói cách khác : "Thái Cực là nguồn của lý, Đồ Thư là tổ của số".

Vậy Thái Cực và Dịch vốn là Một. Thánh Ngôn lại dạy : "Trong khí Hư Vô phát ra vầng đại uang minh là Thái Cực… cái lý đơn nhứt ấy phân định : Khí khinh thanh phù giả vi Thiên, khí trọng trược ngưng giáng giả chi địa. Khí nhẹ nhàng bay bổng lên làm ngôi Càn. Càn là Trời tức nhứt dương chi khí . Khí nặng nề ngưng giáng xứng làm Khôn. Khôn là Đất tức nhứt âm chi khí. Thái Cực mới vận hành khí chơn dương hiệp cùng khí âm hỗ hợp nhau mà hóa hóa sanh sanh tạo thành thiên hình vạn trạng. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật, nhưng vạn vật vẫn phải quay về một vì "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bổn".

Trong âm có lẫn một phần chơn dương nhờ huyền khí thăng lên. Càn mất một hào dương mà lẫn lộn phần âm vào, nên Càn lìa ngôi mà Khôn thất vị. Tiên Thiên mới biến thành hậu Thiên, Hà Đồ phải hóa Lạc Thư, gọi rằng "Tứ cá âm dương cộng thành Bát Quái". Bát quái biến hóa vô lường về các hiện tượng thiên nhiên, xã hội và hàm chứa các mã số của tin học hiện đại. Bát Quái do đâu phát sinh ?

Đứng về lý luận, Bát Quái Tiên Thiên dẫn nguồn từ âm dương và Bát Quái Hậu Thiên phát sinh từ ngũ hành. Đạo thờ Càn Khôn là Đạo thờ Trời Phật ông bà, cha mẹ tức ÂM DƯƠNG.

Triết lý âm dương hình thành rất sớm ở vùng nông nghiệp Nam Á, khi chưa có chữ viết, thuộc địa bàn dòng Bách Việt. Tư tưởng âm dương là khái niệm trừu tượng bắt nguồn từ hoa màu và con người. Âm dương gắn bó mật thiết trao đổi nhau và chuyển hóa, hễ âm cực thì dương sinh và dương cực thì âm sinh. Không có vật loại gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương và trong dương có âm. Muốn định tính âm dương phải xác định được đối tượng so sánh. Ví dụ : người đối với Trời là âm, nhưng người đối với Đất là dương.

Quan niệm "Nam tả nữ hữu" trong Đạo cũng là quan niệm âm dương. Nam thuộc dương tính giành chỗ bên trái, nữ thuộc âm tính giữ chỗ bên phải (trong Thiên Bàn nhìn ra). Do đó, đưa tới "dương thiện, âm ác" tức ông Thiện được tạo bên nam và ông Aùc tạc tượng bên nữ, nhưng cái trái cũng có cái xấu "tả đạo bàng môn", đi quá đà là tà đạo, đi vào cửa phụ là bàng môn.

Đạo Cao Đài phát sinh trong lòng nước Việt mà Việt Nam là một dòng của Bách Việt, những người đã sáng tạo nên triết lý âm dương. Cho nên, từ cách nghĩ, cách sống đều toát lên tính cách quân bình âm dương, nói một cách khác, dù là một tôn giáo, Đạo Cao Đài chủ trương "TÂM VẬT bình hành". Cho nên, họ tôn vinh CÀN KHÔN, Tiên Rồng, Long Mã, Đại Từ phụ - Đại Từ Mẫu, Cha Lành - Mẹ Hiền… như nhau.

Nhờ thấm nhuần văn hóa truyền thống và triết lý âm dương, người Đạo nắm vững hai qui luật cơ bản về âm dương:

1/ - Trong âm có dương, trong dương có âm : Thực tế là : trong rủi có may, cái khó ló cái khôn, trong dở có hay.

2/ - Luật sinh hóa vật cùng tất biến : Thực tế là : sướng lắm khổ nhiều, tham thì thâm, bĩ cự thới lai, trèo cao té nặng… chính nhờ thông rõ qui luật quân bình âm dương mà Đạo Cao Đài chủ trương : trung dung, trung chính, trung đạo, không nghiêng duy tâm nên cũng không nghiêng duy vật, không xuất thế mà cũng không nhập thế vì nếu vận động thì cái dụng khác nhau nhưng về nguồn gốc cái thể giống nhau, chẳng khác nhưng về nguồn gốc cái thể giống nhau, chẳng khác gì âm với dương. Chính vì triết lý bình hành nên Đạo Cao Đài tôn thờ ông Thiện lẫn ông Aùc vì thiện không đúng chỗ là ác mà ác đúng chỗ (như ông Ác) là thiện. Nhờ thế mà người theo Đạo : từ bi, hỉ xả, lạc quan yêu đời vì "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Đạo Cao Đài thờ Đức Khổng Tử nhập thế biểu tượng một ông mũ cao, suy tôn Dịch Lý phương Bắc : Thái Cực, Lưỡng Nghi, Bát Quái và Đức Lão Tử xuất thế, một ông đầu trần đề cao âm dương, ngũ hành phương Nam. Khổng Tử ôm mộng "Bình thiên hạ". Lão Tử hài lòng với "nước nhỏ dân ít" với học thuyết : "Nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Tư tưởng của nhị vị đều được Đạo Cao Đài tổng hợp đưa lên Thiên Bàn thờ tại Đền Thánh và tư gia.
Theo Dịch lý, số lẻ thuộc dương, số chẵn thuộc âm. Trong thần học Cao Đài cũng thuận lý như vậy.

1/ - Số lẽ :
Đấng Duy Nhất, Tam Tài, Ngũ Hành, Thất Thánh, Cửu Thiên khai hóa… còn Cửu Thiên Huyền Nữ chỉ nguồn gốc của Đức Phật Mẫu, khi trời đất mới phân định âm dương thì Phật Mẫu cũng là Đấng Cửu Thiên bằng Trời nhưng khi hành pháp thì ở cung Tạo Hóa Thiên.

2/ - Số chẵn :
Tứ đức, lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), Bát Cửu Cung, Mười Phật (Phật Mẫu + 9 nữ Phật), thập nhị địa chi (Không sách nào nói 12 tầng trời). Vậy Bát Quái là âm ?

Trong Bát Quái có quả Càn Khôn cộng là chín tức Cửu Thiên khai hóa ở chỗ đó.

Nói cách khác, dù Tôn giáo khoa học đều lấy âm dương làm gốc để được vuông (chẵn, âm) tròn (lẻ, dương). Hình vuông, hình tròn là yếu tố cơ bản của vũ trụ của đời sống tâm linh. Đời vua Hùng, hình vuông là bánh chưng biểu tượng trái đất, hình tròn là bánh dày biểu tượng mặt trời. Hình vuông chu vi Tòa Thánh biểu tượng sự vững chắc, tĩnh tại. Hình tròn quả Càn Khôn là điểm mở rộng quanh một tâm đăng một tổng thể hoàn hảo, đồng nhất. Nhà hiền triết Platon coi hình vuông, hình tròn là hai hình đẹp một cách tuyệt đối. Ông biểu hiện tâm linh bằng một quả cầu như Đạo Cao Đài. Vì chuyển động quay tròn là một chuyển động hoàn hảo, không có điểm khởi đầu mà cũng không có điểm cuối : vô thủy vô chung, đạo pháp vô biên… thế nên hình cầu là biểu tượng cho tinh thần siên nhiên mà con người khó vươn tới được. Do đó, hình tròn là biểu tượng thần linh có thiên chức tạo lập vũ trụ và vạn vật. Tâm đăng là điểm xuất phát của hình tròn và tất cả điểm của hình tròn đều tìm được nơi xuất phát và nơi kết thúc. Đó là Thái Cực là tâm điểm, là Đấng Chí Tôn. Trong Đền Thánh dưới các mái vòm biểu tượng cho sự vô tận vô biên của thần linh, phía dưới là nơi lễ bái của các tín đồ trong 4 cột rồng hình vuông.

Thật ra, Bát Quái, Tứ Tượng… đều do Thái Cực mà có, Thái Cực là cực hạn không gì sánh nổi, bao gồm không thời gian, lớn không có ở ngoài, mà nhỏ không có ở trong.

Trang Tử nói : "Đại nhi vô ngoại, vị chi đại nhất, tiểu nhi vô nội, vị chi tiểu nhất" (To mà không có ở ngoài, gọi là to nhất, nhỏ mà không có ở trong gọi là nhỏ nhất)

Chu đôn Hi cho rằng : "Vô cực nhi thái cực" (vô cực mà Thái Cực). Vô cực không hình mà Thái Cực là thể có hình. Mọi thứ đều từ cái không đến cái có, nên có câu "hữu sinh ư vô" (cái có sinh từ cái không). Vô cực không nghĩa là trống rỗng mà vô cực là nguyên lý của thể tồn tại có hình của thái cực. Thế nên, Chu Đôn Hi nói thêm : "Vô cực chi chân, nhị ngũ chi linh, diệu hợp nhi ngưng" (Cái chân không vô cực, cái tính âm dương, ngũ hành hợp lại một kỳ diệu mà ngưng tụ)

Xét Thái Cực về mặt vận dụng, Mạng Khang Vu đã chú thích trong "Tam thống lịch" : "Thái Cực nguyên khí, hàm tam vi nhất" (Nguyên khí Thái Cực, gom ba làm một).

Vạn vật đều có một Thái Cực và tồn tại đều theo qui luật gom ba làm một.

Vòng 1 : Từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi tức là âm dương.

Hiệp Thiên Đài là Chơn Thần

 Bát Quái Đài là Đạo

Cửu Trùng Đài là Đời (Nhân sanh của Đạo)

- Vòng 2 : Từ âm dương một chia thành ba, suy ra ngũ hành.

- Vòng 3 : Từ ngũ hành hợp với ngũ phương, ngũ tạng, Nghi, tượng, quái cũng giống như ba giai đoạn phát triển đầu giữa cuối.

Từ đó, suy diễn :
1/ - Giới tự nhiên có tam tài : Trời, đất, người.
2/ - Bát quái có : Tiên, Hậu, Trung, quẻ có 3 hào : Trong, giữa, ngoài.

Tắt một lời, âm dương ngũ hành tất cả đều suy ra từ phép "Thái Cực gom ba làm một", và Bát Quái, Hà Đồ, Lạc Thư cũng là biến đổi của Thái Cực.

Xuất phát từ đó, Nho giáo đưa ra học thuyết tam tài : Trời, đất người. Lão giáo đưa ra thuyết khí hóa tam thanh : Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh. Thích giáo đưa ra tam bảo pháp: Phật, Pháp, Tăng. Cao Đài giáo đưa ra ba ngôi : A,Ă,Â. Hệ Từ Hạ, chương thứ X có bàn về đạo tam tài như vầy : "Dịch là sách rộng lớn đầy đủ, có đạo trời, đạo người, đạo đất. Gộp tam tài mà gấp đôi lên, nên thành sáu, số sáu chẳng khác là đạo tam tài". Trong Chu Dịch định tam tài thành phương diện :

1/ - Tam tài là chỉ trời, đất, người.
2/ - Trời đất người đều có thuộc tính, theo qui luật nhất định : Đạo Trời là âm dương, Đạo Đất là cương nhu, Đạo người là nhân nghĩa.
3/ - Trời đất người đều thông suốt 64 quẻ của tam tài. Trong đó, hào thứ nhất, thứ hai biểu tượng đất (ở dưới); hào thứ ba, thứ tư biểu tượng người (giữa), hào thứ năm, thứ sáu biểu tượng trời (trên).

Tư tưởng Chu Dịch về đạo tam tài có hai mặt.
1/ - Nói vềvũ trụ sinh thành : "Trời đất giao cảm mà muôn vật hóa sinh".
2/ - Nói về trời người cảm ứng : "Thuận với Trời và ứng với người" (Thuận hồ thiên nhi, ứng hồ nhân)
Trong quẻ Hàm, lời Thoán nói : "Trời đất giao cảm mà muôn vật hóa sinh".

Trong Hệ Từ Hạ, chương V nói : "Trời đất đều hòa muôn vật đều hóa thuần, giống đực giống cái kết tinh, mà vạn vật hóa sinh".

Theo xu hướng phát triển, đưa ba Bát Quái Tiên Thiên, Hậu Thiên, Trung Thiên trùng lên nhau ta thấy :

1/ - Bát quái Tiên Thiên và Hậu Thiên : Càn hợp với Ly, Khôn hợp với Khảm. Chiều TTBQ dự sinh Càn Đoài Ly Chấn, đã sinh Tốn Khảm Cấn Khôn ngược chiều nhau.

Và cuối ở Khảm, Khảm Ly là gia đình của Càn Khôn" (Lưu Đại Quản, Chu Dịch khái luận, Bản I - 1896, trang 195)

Theo Tiên Thiên BQ, Ly là quẻ dương về mặt tự nhiên, khi chuyển sang xã hội (Trung Thiên BQ) nó chuyển thành quẻ âm (bản thân Ly là quẻ âm) nên xếp ở phương Bắc lạnh, còn Khảm vốn là quẻ âm về mặt tự nhiên khi chuyển sang mặt xã hội, nó chuyển thành quẻ dương (bản thân Khảm là quẻ dương), nằm ở phương Nam nóng phù hợp với phương vị BQ Cao Đài, và địa lý Việt Nam.

2/ - Trung Thiên BQ lấy Ly, Khảm, Chấn, Đoài làm chủ 4 mùa ứng với Nhân. Nếu TTBQ là sinh, HTBQ là vượng thì TgTBQ là thành.

Ly là Con MẮT nằm trên sao Bắc Đẩu ở Tây tức dương chủ tiến lên, nên phải lấy con trưởng (Chấn) làm trước mà để bên tả, Đoài âm chủ lui xuống nên lấy con nhỏ (Đoài) làm quí mà để bên hữu (phân ban). Chấn Đoài trước là khinh, Ly Khảm sau mà trọng. Còn Càn lui về Tây Nam, Khôn lui về Tây Bắc vì đã già đứng qua bên. Đó là phương vị mới của Đệ Tam BQ hay BQ Cao Đài.

A / - BÁT QUÁI TRONG VŨ TRU
(Minh Họa theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

B/ - BÁT QUÁI TRONG MẮT

(Thần cư tại nhãn để luyện Đạo)
Theo "Trung y nhãn khoa học giảng nghĩa" mắt con người được chia làm 8 khuếch. Mỗi khuếch là một vùng tượng trưng cho 1 quẻ. (Con số dưới đây tương ứng với số trong con mắt trên hình)
1/ - Thiên khuếch : gồm lòng trắng ở hai bên phải trái của lòng đen, thuộc phổi, tượng CÀN.
2/ - Địa khuếch : gồm mi trên và mi dưới thuộc tỳ và bao tử lượng KHÔN.
3/ - Thuỷ khuếch : gồm đồng tử thuộc thận, tượng KHẢM.
4/ - Hỏa khuếch : gồm 2 khoé mắt thuộc tim và mạng môn thuộc LY.
5/ - Lôi khuếch : gồ lòng trắng phía trên lòng đen thuộc ruột non, tượng CHẤN.
6/ - Sơn khuếch : vòng giáp đồng tử và lòng đen thuộc mật tượng CẤN.
7/ - Phong khuếch : lòng đen thuộc gan, tượng TỐN.
8/ - Trạch khuếch : lòng trắng phía dưới lòng đen, thuộc bàng quang tượng ĐOÀI.

Đối với ngũ tạng (ngũ hành), mắt chia làm 5 vùng hợp với các điều trên. Mi mắt thuộc Tỳ thổ, hai khoé mắt thuộc Tâm hỏa, lòng trắng thuộc Phế kim, lòng đen thuộc Can mộc, đồng tử thuộc Thận thủy.

C/ - BÁT QUÁI TRONG NGƯỜI
(Tám quẻ tụ Đan Điền để luyện đơn)

Trong mỗi người đều có Bát Quái tại các cơ quan sau :
1/ - GAN tượng Tốn vì gan và Tốn đều thuộc Mộc, gan hóa phong ( ) Tốn tạo gió.
2/ - PHỔI tượng Càn vì phổivà Càn đều thuộc Kim, phổi chứa khí trời mà Càn ( ) là Trời.
3/ - TÂM tượng Ly vì tim và Ly đều thuộc Hỏa, tim phát xuất thần minh mà Ly ( ) là sáng.
4/ - THẬN tượng Khảm vì thận và Khảm đều thuộc Thủy, thận là cơ quan trọng yếu mà Khảm ( ) là hiểm yếu.
5/ - TỲ tượng Khôn vì cùng thuộc Thổ, Tỳ tạo ra cốc khí mà Khôn ( ) tác thành vật.
6/ - MẬT tượng Chấn vì cùng thuộc Mộc, mật xuất phát quết đoán mà Chấn ( ) là sấm động.
7/ - VỊ tượng ấn vì cùng thuộc Thổ, bao tử chứa thức ăn, mà Cấn ( ) là núi chứa quặng mỏ.
8/ - RUỘT GIÀ tượng Đoài vì cùng thuộc Kim, ruột già chứa phẩn mà Đoài ( ) là đầm lầy chứa bùn lầy.

Theo luật cộng thông của học thuyết "Thiên Nhân hợp nhất", Thái Cực tương đương với đơn điền (dưới rốn ba thốn) là trọng tâm sanh mạng, nơi hội tụ năng lượng và chuyển hóa. Luồng khí năng lượng ấy, hành giả luyện khí gọi là đơn (thuốc).
Lưỡng nghi phân thân thể con người trên dưới trước sau, phải trái thành ba phương vị vật thể từ tính sinh mạng lớn : đứng thẳng, dọc ngang lập thành hệ tọa độ ba chiều của nhân thể, năng lượng cơ thể con người theo đó vận hành không ngừng nghỉ.

Tứ tượng chỉ các mặt nhân thể. Tất cả mặt từ rốn trở lên tiếp với trời, mặt từ rốn trở xuống liền với đất, theo Tiên Thiên Bát Quái lấy 2 quẻ Càn Khôn trên dưới biểu thị trời đất, chiều ngang trái phải Khảm Ly biểu thị nước lửa. Trước sau là chiều dọc với 2 quẻ Cấn Đoài biểu thị núi đầm thông khí. Trong ngoài là Cấn Tốn biểu tượng sấm gió nỗi lo toan.

Sanh mạng con người có ba điểm : tinh, khí, thần. Tinh là hình thể sanh mạng. Khí là năng lượng sanh mạng vận động. Thần là cơ cấu điều tiết khiến cho âm dương trong người được thăng bằng.

Thế nên, Đức Chí tôn chủ yếu dạy luyện khí. Luyện khí chủ yếu là điều thần, giữ gìn bên trong thân thể là điều quan trọng nhất. Thần là cái ngự trị hoạt động sống khử trừ hết thảy tạp niệm "tâm viên ý mã", mà giữ ý tâm tại đơn điền (dưới rốn ba thốn) nên luyện khí, còn gọi là luyện đơn.

Hành giả luyện khí lấy hội âm (dưới âm khiếu) vì âm là nơi bắt đầu khơi động mạch, là lò luyện đơn. Đơn điền là cái đỉnh (vạc có ba chân biểu thị tam bửu) giống như nửa cái nồi, nên cổ thư có câu : "Nửa cái nồi nấu Càn Khôn, một hạt gạo (đơn) bao trời đất" (Bán liên oa chử Càn Khôn, nhất lạp mễ bao thiên địa).

Tinh, khí, thần là thuốc luyện đơn trong cái đỉnh đó. Hành giả làm thế nào đổ được tam bửu vào đỉnh. Tinh mặt trời là động lực đầu tiên của vạn vật sinh trưởng, nên Chu Dịch biểu tượng bằng quẻ Ly, y học gọi là tâm hỏa, là nguồn gốc của thần, người xưa ví như gái đẹp.

Tinh mặt trăng là thể để vạn vật dựa vào, nên Chu Dịch biểu tượng bằng quẻ Khảm, y học gọi là thận thủy, là nguồn gốc của tinh, người xưa ví như đứa trẻ. Thận thủy theo can mộc, thăng lên về bên trái. Tâm hỏa theo phế kim hạ xuống về bên phải, gặp nhau ở tỳ ngay chính giữa. Tỳ thổ là đất mẹ của vạn vật, nên người xưa ví như bà hoàng. Đứa trẻ, người con gái đẹp lấy bà hoàng làm môi giới, biểu tượng thủy hỏa giao nhau, hai quẻ Khảm (trên) Ly (dưới) gọi là Ký tế, đưa tam bửu vào đỉnh.

Thuốc tam bửu sau khi vào đỉnh, trước dùng võ hỏa nấu tức dùng ý niệm đưa hơi thở từ từ vào đơn điền (ruộng cưa thuốc). Kế đó dùng văn hỏa ôn dưỡng theo âm khơi mạch vào đơn điền, mạch nhâm vừa mở thì cách mạch khác cũng đều mở, khí đến vĩ lư qua giáp tích lên ngọc chẩm tới Nê hoàn.

Khi luyện thở, mặt hướng về sau Bắc Đẩu vì sao Bắc Đẩu là cái gậy chỉ huy thiên thể vận hành. Cơ thể con người cũng ứng với sao Bắc Đẩu nên lấy sao đó làm thần. Muốn ý niệm tập trung thì ý phải nương theo hơi thở. Nếu để ý vu vơ sản sinh thì tâm hỏa thịnh, còn để ý niệm phân tán thì thận thủy hàn. Lúc đó, hành giả nên ngưng luyện đơn. Theo bà Bát Nương dạy tịnh luyện của cơ Phổ Độ rất tiến bộ rộng rãi "Phải tìm cho được cái tịnh trong cái động" và "Muốn tịnh luyện lúc nào cũng được" (Thượng Phẩm CQC, Luật Tam Thể, trang 168) 
Cột Rồng

2/ - HIỆP THIÊN ĐÀI

Hiệp Thiên Đài là tên gọi tắt của chuỗi chữ Hiệp Nhứt Thiên Nhơn hay Thiên Nhơn Hiệp Nhứt. Vì lẽ đó, Hiệp Thiên Đài tại Đền Thánh trên bức bích họa Tam Thánh có nêu bốn chữ "Thiên Thượng Thiên Hạ" (Dieu et Humanité) tức Đệ Tam Hòa Ước ký giữa Trời và Người hiệp nhứt qua trung gian cơ bút.
"Thiên Nhơn Hiệp Nhứt" hay "Vạn vật đồng nhất thể" là quan niệm đã có từ ngàn xưa trong triết học Đông Phương. Trình Hiệu khẳng định : "Thiên Nhơn vốn hiệp nhất rồi, bất tất phải nói hợp". (Thiên Nhơn bản hợp nhất, bất tất ngôn hợp). Bởi lẽ đó, Trần Thuần viết : "Thái Cực chỉ là nói cái lý bao gồm tất cả Trời, Đất, vạn vật". (Thái Cực chỉ thị tổng Thiên, Địa, vạn vật chi lý nhi ngôn - Bắc Khê Ngữ Lục).

Theo Đức Khổng Tử, muốn "Trời Người hiệp nhứt" thì loài người phải "quay về với Đạo" (phản phục Kỳ Đạo) theo nếp sống Trung Dung và Đạo Thời Trung. Đức Lão Tử cũng dạy "quay trở về gốc" (Phục qui kỳ căn). Đạo Phật thì tu luyện "Phản bổn hườn nguyên".

Nếu chiếu tự hai chữ Thiên Nhơn thì chữ Thiên ( ) do chữ Nhị ( ) và chữ Nhơn ( ) hợp lại, cho ta thấy Nhơn luôn luôn gắn liền với Thiên và Thiên luôn hàm chứa Nhơn để tạo nên sự sống cho vũ trụ. Riêng chữ Thiên là nhứt ( ) đại đấng to duy nhất trong trời đất, còn con người là nhứt tiểu. Nói theo Thánh Ngôn, Đức Chí Tôn là Đại linh quang còn con người là tiểu linh quang do Ngài ban.

Tư tưởng cổ truyền của Đông Phương khác hẳn Tây Phương. Đạo học cho rằng việc người với lẽ trời là một. Điều mà con người cho là nhân lực, thật ra là do thiên ý. Trình Y Xuyên tóm nội dung Kinh Dịch : "Dịch giả, Thiên Nhơn tương hợp nhi dĩ hỉ" (Dịch chỉ nói về lẽ tương hợp của Trời và Người).

Rene' Gue'non cho rằng trật tự xã hội với trật tự thiên nhiên liên quan với nhau hết sức mật thiết, chớ không phải hai hoạt động khác nhau. Bác sĩ Faure cho rằng : "Các vết đen trên mặt trời (taches solaires) làm cho các bịnh cấp tính và hiểm nguy tăng độ đau lên đáng sợ. Nó còn gây nhiều vụ tự tử, nhiều án mạng rùng rợn". Ngược lại, những năm mà mặt trời yên lặng thì con người trên trái đất được thái bình.

Thứ đến, đạo học Đông Phương cho rằng vạn vật biến hóa và vận chuyển theo vòng tròn (thiên luân), còn Tây Phương cho nó theo đường thẳng. Trình Y Xuyên nói : " Biến là khí dương tiến từ Thiếu dương (một giờ đêm) đến thái dương, còn hóa là khí dương đã đến thời kỳ suy hủy từ Thiếu âm đến Thái âm" (24 giờ đêm thí dụ cho dễ hiểu).

Thần học Cao Đài thể hiện cái vòng tròn biến dịch (re'volution cireulaire) như sau : "Thầy là các con, các con là Thầy". Ý tưởng thiên nhân hợp nhứt quá rõ ràng. Cũng chính vì tiến hóa theo vòng tròn mà Đạo Cao Đài cho rằng Càn Khôn vũ trụ có ba ngươn : Thượng, Trung, Hạ rồi lại Thượng. Thượng ngươn tứ chuyển theo Đạo Cao Đài không phải thời thái cổ, rập y khuôn nếp sống thuở Thuấn Nghiêu hay kêu gọi con người trở lại thời hoang sơ. Thượng ngươn tứ chuyển là thời hiện đại (ở chữ tứ chuyển ) kêu gọi con người đừng xô xát nhau, Đạo nhắc nhở họ là anh em, con một nhà, một cha, cộng đồng huynh đệ ưu ái.

Nơi Bát Quái Đài thờ quả Càn Khôn tức Aâm Dương (vô hình), đối diện với Quả Càn khôn là chữ KHÍ ở Hiệp Thiên Đài. Khí là khí hóa. Nếu Aâm Dương không được khí hóa thì không thể hóa sinh muôn vật. Đó là cái ý nghĩa rất lớn của nhiệm vụ bán hữu hình Hiệp Thiên Đài, thông công thiên linh mà hóa hợp vạn linh". Càn tri đại thủy, Khôn tác thành vật" (Đạo Càn gây mầm trước, Đạo Khôn làm thành vật chất. Hệ từ thượng).

Sách Lã Thị Xuân Thu viết : "Phàm nhân vật giả, âm dương chi hóa dã, âm dương giả, tạo hồ thiên nhi thành dã" (Tất cả con người là do âm dương hóa ra, âm dương là do Trời tạo thành).

Tư tưởng "Thiên Nhơn hợp nhất" coi trời, người, xã hội là một chỉnh thể hài hòa. Thân thể con người là một tiểu vũ trụ thu nhỏ. Khái niệm này xưa kia ở Babylone, Hy Lạp, Aán Độ, Trung Quốc đều hiện hữu, gồm ba tư tưởng chủ yếu :
1/- Con người là chí linh của vạn vật
2/- Con người có nhiều phương thức đối ứng với vũ trụ.
3/- Con người có thể dùng nhiều cách cảm ứng với vũ trụ.

Vũ trụ có âm dương hài hòa, ngũ hành sinh hóa, nhờ đó thân thể con người cũng như thế. Thân thể, tướng mạo con người ứng với hình tượng trời đất, nên người ta có thể dựa vào đó để đón phước họa của con người mà khuyên đừng trái ý trời.

Trời đất tồn tại lâu dài, con người là hình ảnh của vũ trụ thu nhỏ nếu chịu tu tâm luyện đơn (tức luyện khí) có thể thành Tiên Phật cùng trời đất vĩnh hằng. Khái niệm đó xây dựng quan hệ con người và tự nhiên giới, địa vị và vai trò chính của con người trong vũ trụ. Đó là con đường "Thiên Nhơn hợp nhất".

Tam giáo cho mục tiêu cuối cùng của đường tu là giải thoát. Theo Nho giáo, tu thân là để hợp với đạo đức, luân lý bao hàm quan hệ giữa con người với con người.

"Quản Tử, nội nghiệp" nói :
"Mọi người sinh ra, trời xuất ra tình, đất xuất ra hình, hợp 2 cái đó lại thành người, hòa hợp thì sinh, không hòa hợp thì không sinh".

Con người đại thể là hình thể và tinh thần. Tinh thần có là khí trời, hình thể thành là từ khí đất. Sách "Hoài Nam Tử, thiên tinh thần" viết : "Khí trời là hồn, khí đất là phách". "Trời có gió mưa lạnh nóng, người cũng có lo, buồn mừng giận, cho nên mật là mây, phổi là khí, gan là gió, thận là mưa, tỳ là sấm…".

Trong "Tố Vấn, âm dương ứng tượng đại luận" cũng nói :
"Khí trời thông với phổi, khí đất thông với họng, hơi gió thông với gan, khí sấm thông với tâm, khí núi thông với tỳ, khí mưa thông với thận".

Tóm lại, con người chẳng những do hai khí trời đất sinh ra mà hai khí trời đất còn nuôi dưỡng. Bởi lẽ, người xưa gọi sự giao hợp giữa nam (dương) nữ (âm) sinh con là "hợp khí âm dương".

Đổng Trọng Thư chủ trương "Thiên nhân cảm ứng" ông cho rằng Trời là thần tối cao có ý chí, là người sáng tạo, vị chủ tể tối cao của vạn vật và xã hội loài người. Sự biến đổi của muôn vật và sự hưng thịnh của xã hội loài người đều quyết định bởi thiên mạng.

Ông kết luận : Trời và người có khí chất và cảm tình giống nhau. Cho nên, giữa Trời và người có thể cảm ứng để đạt đến tiêu ngữ "Thiên Nhân hợp nhất".

Lý giải chữ KHÍ*

Bước vào Đền Thánh, ta gặp khoảng không gian hẹp. Đó là Tịnh Tâm Điện. Tịnh Tâm dịch từ tiếng Phạn Dhyâna, tiếng Trung Quốc phiên âm là Tch'anna, Phật giáo dịch âm là Thiền, Victo hugo gọi là Les contemplations (trầm tự, tịnh tâm).
Điện hay quán là nơi luyện đạo của các Đạo sĩ. Nhìn lên bức bích họa ta thấy Thanh Sơn Đạo Sĩ, Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (V.Hugo). Danh từ Đạo sĩ, Chơn Nhơn là cấp độ tu của Tiên giáo.

Muốn luyện đạo phải luyện khí, chữ KHÍ bên sau tấm bích họa, là triết lý cao thâm của Đạo Cao Đài. Ngay từ buổi đầu, Đức Chí Tôn đã dạy : "Tắc làm Tịnh Thất cho rồi đặng mấy anh con vào tịnh, cái đài luyện khí trật hướng".

Đức Cao Đài coi việc luyện khí là quan trọng nhất vì thiếu khí vạn vật khô héo, con người phải chết. "Thông thiên hạ nhất khí nhi" (Thông suốt thiên hạ là một khí - Trang Tử). Theo Hoài Nam Tử "Thiên khí vi hồn, địa khí vi phách". (Khí trời là hồn, khí đất là phách - Thiên tinh thần).

Khí ảnh hưởng đến mọi mặt tri thức : Phê bình văn học, bình phẩm thơ văn, nghệ thuật hội họa cho tới việc chữa bịnh, dưỡng sinh…. Các học thuyết khí hóa, học thuyết vận khí của Đông y và phép luyện khí đều bắt nguồn từ Kinh Dịch…

Hội khí công Showa, Tokyo làm máy đo tần số cực thấp EJF đo công năng phát từ bàn tay. Sau khi phát khí công 18 giây, xuất hiện trên màn dao động ký điện tử từ trường trung bình 2mG (miligauss) kéo dài đến giây thứ 40. Từ giây thứ 50 xuất hiện tín hiệu mạnh 5mG, có cường độ mạnh gấp ngàn lần người thường, nên có chữa được nhiều bệnh.

 (*Khí : hơi vô hình, hơi nước bản hữu hình, dụng cụ hữu hình Chữ Khí trong Đạo Cao Đài là "Tam tự nhất thể".)

Hình Chữ Khí
  
Học thuyết luyện khí của Đạo Cao Đài và trong Dịch trùng hợp nhau, nếu không nói là một. Luyện chơn nhứt khí của Đạo là hợp lai nguyên khí trong người và huyền khí ngoài trời làm một dẫn xuống biển khí (khí Hải) dưới rốn ba thốn. Các Đạo sĩ gọi chỗ này là đơn điền (ruộng đơn thuốc), nên luyện khí còn gọi là luyện đơn.

Bụng là trọng tâm của thân thể con người, là nơi hội tụ chơn khí, nên người ta coi bụng là thái cực vì nơi đó tiếp cận với thân kinh xương cùn và nhóm thần kinh khoang bụng. Thế nên, khi luyện khí lấy khí mặt trời làm động lực đầu tiên, dịch lý biểu tượng bằng quẻ Ly. Ly là tâm hỏa, là nguồn gốc của thần chỉ cần hợp với tinh cơ thể nữa thì Tinh, Khí, Thần gom về một mối mà đạt đạo bước vào hàng Thánh Thể.

Chức sắc hàng Thánh thể phải có Thánh tính để độ đời, làm nước vinh đạo sáng hầu xây dựng tình huynh đệ đại đồng.

Ít lâu sau việc dạy luyện KHÍ của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu giảng dạy tại Khổ Hiền Trang (Mỹ Tho) như sau :
THI
Thảo Đường phước địa ngộ tùng hoa,
Lục đại dư niên vũ trụ hòa
Công hưởng trần gian an lạc nghiệp,
Thế đăng đồng đạo thịnh âu ca.

Thảo Đường là tên Thiền sư Trung Quốc, dòng thiền thứ ba truyền đạo vào nước ta ở phía Nam nước Chiêm Thành vào đầu thế kỷ XI, được vua Lý Thánh Tôn (1054-1072) đưa về mở Đạo tràng ở Thăng Long và truyền đạo được sáu đời (lục đại).

Đức Phật Mẫu dạy lập Thảo Đường là nhắc đến Tịnh Thất. Thế nên, vào tháng chín năm Tân Mùi tại Khổ Hiền Trang, Đức Hộ Pháp làm lễ điểm đạo, lập Hồng Thệ cho 34 đệ tử đầu tiên của cơ giải thoát.

Lúc đầu muốn luyện đạo phải phân giờ theo thời cúng : tý, ngọ, mẹo, dậu. Chu kỳ vận hành của khí trong người hết một vòng gọi là một chu thiên. Khi hành pháp, ta gọi là chu thiên vận pháp hay chu thiên hỏa hậu mà trong "Luật tam thể" gọi là hỏa tinh.

Khởi đầu là chu thiên tý ngọ, đưa khí thông suốt hai mạch nhâm, đốc khiến chơn khí hai mạch xoay vòng không nghỉ. Chu thiên mẹo, dậu là đưa khí lưu thông kỳ kinh bát mạch cho pháp luân thường chuyển.

Bà Bát Nương dạy : "Cái tịnh ở trong cái động" và "chơn thần muốn tịnh lúc nào cũng được" (Cao Thượng Phẩm, Luật Tam Thể, trang 168). Đó là phương luyện tâm pháp siêu thoát và mới mẻ nhất. Mọi tín hữu đều hành được.

3/ - CỬU TRÙNG ĐÀI

Chương II, Hệ Từ Thượng có viết : "Hà xuất đồ, Lạc Xuất Thư, Thánh Nhơn tắc chi". Vua Hạ Vũ (2205-1766 trước Tây lịch) thỉ tổ nhà Hạ trị thủy ở sông Lạc, một chi nhánh của sông Hoàng Hà. Khi nước rút, vu thấy một con linh qui hiển hiện trên lưng có 9 số mà lập ra Cửu Trù Hồng Phạm (khuôn phép lớn) tức chín điều cơ bản để dạy dân trong sinh hoạt hàng ngày.
Cửu Trù, Cửu Thiên, Cửu Trùng chỉ là tên gọi khác nhau mà cùng một gốc theo Từ Nguyên : Cửu Trùng Thiên là chín từng Trời hay Trời. Còn theo sách Lã Thị Xuân Thu : Cửu Thiên bao gồm Trung ương (Thái Cực), Tứ chính và Tứ ngung tức bốn hướng chính, bốn hướng phụ. Đó là Bát Quái chớ có chi lạ !

Trên nóc Cửu Trùng Đài có long mã tải Lạc Thiên Thư (Trên tay Đức Lý cầm quyển Lạc Thiên Thơ, Đức Hộ Pháp gọi Thiên Thơ là "Thánh Ngôn" đó. (ĐHP. Thuyết Đạo ngày 6-8Tân Mão - 1951)) và Trung Thiên Bát Quái trung hoà giữa Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái (xem chương III). Trong Hệ Từ Thượng, Chương XII có viết : "Hình nhi thượng gọi là đạo, hình nhi hạ gọi là Khí". (Hình nhi thượng giả vị chi Đạo, hình nhi hạ giả chi Khí). Ý nói : Hình nhi thượng là cái học về Tiên Thiên và hình nhi hạ là cái học về Hậu Thiên.

Hình nhi thượng giả vị chi Đạo chỉ Cung Đạo nơi Bát Quái của Đền Thánh. Nơi ấy thuộc Tiên Thiên vô vi thờ Chí Tôn, Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Hình nhi hạ giả vị chi Khí Chữ Khí ( ) chỉ việc vô hữu hình gồm cả người, vật. Đạo Cao Đài nhận phần Tiên Thiên vô vi làm bí pháp và Hậu thiên hữu hình làm thể pháp mà lập giáo.

Trần Tổ Niệm trong Dịch Dụng giải lý như vầy : "Hình nhi thượng lấy một âm một dương (Càn Khôn) cho đến cả cương nhu, bởi thế mới gọi là Đạo (vì nhất âm nhất dương vị chi Đạo). Hình như hạ thì lấy Nhân Nghĩa (hai chữ Nhân Nghĩa tạc trước lầu chuông trống), lễ nhạc (ban nhạc thiết trí nơi lầu Hiệp Thiên Đài), hễ có phận sự thì phải giữ, hễ có hình phải có danh, bởi thế mới gọi là Khí" (Những chữ trong ngoặc đơn là của người viết thêm vào để giải cho rõ nghĩa).

Tắt một lời, nhìn kỹ Đền Thánh, ta không thấy chỗ nào là không phảng phất tính chất của Dịch. Bởi vì, "học Dịch là học về Trời". (Phù học Dịch, học Thiên dã). Thiệu Tử nói thêm : "Học về Tiên Thiên là học về Tâm, học về Hậu Thiên là học về Tích, ra vào, có không, sống chết. Tất cả đều là Đạo" (Tiên Thiên chi học Tâm dã, Hậu Thiên chi học Tích dã, xuất nhập, hữu vô, sinh tử giả. Đạo dã). Thế thì, không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ nghiên cứu Tòa Thánh Tây Ninh thôi, ta cũng thấy tư tưởng Đạo Cao Đài hình thành từ Kinh Dịch. Nhất là phần nhân đạo, Đạo Cao Đài bám chặt thuyết Trung Dung của Nho giáo mà Đức Khổng Tử là bậc Thánh nhân đã làm cho Kinh Dịch trở nên tẫm diệu, cứu dịch ra khỏi nhục ô danh bói toán.

"Dịch đến Văn Vương thì được tu sửa, đến Khổng Tử thì được rạng rỡ" (Cố viết : Dịch cái Văn Vương nhi tu, cái Phu Tử nhi hiển) (LÝ QUÁ, Tây Khê Dịch thuyết, quyển 1, trang 8.). Thật vậy, Phục Hy chỉ vạch quá, Hạ Vũ chỉ làm Cửu Trù, từ Văn Vương mới thật có Kinh Dịch, là triết lý động của phương Đông. Năm trăm năm sau, Khổng Tử đọc đi đọc lại Kinh Dịch ba lần làm đứt cả lề. Ngài mới làm được Thập Dực, Thoán, Tương thêm vào ý Văn Vương thì Đạo Dịch mới sáng tỏ.

Khiến cho Trần Tổ Niệm mới thốt lên : "Thánh Nhân làm Dịch không gì khác hơn là khiến con người thuận theo cái lý của tính mạng. Cái lý của tính mạng chính là Đạo Tam Tài". (Thánh Nhân tác Dịch vô tha, tương sử nhân thuận tính mệnh chi lý nhi dĩ. Tính mệnh chi lý, Tam Tài chi Đạo dã (TRẦN TỔ NIỆM, Dịch Dụng, quyển 6, trang 2.). Do đó, ta thấy vũ trụ quan của Đức Khổng Tử thể hiện đầy đủ trong Kinh Dịch. Ngài đã viết : "Trời, Đất, Người, vật tuy khác nhau, nhưng đối với Đạo chỉ có một mà thôi". (Thiên, Địa, Nhân, Vật tắc dị tử, kỳ ư Đạo, nhất dã).

Tóm lại, Đạo Tiên Thiên là học về Tâm pháp vô vi, thuở Trời Đất nguyên sơ cho đến khi "Thái Cực sinh âm dương, âm dương động tĩnh tuần hoàn trong Thái Cực, mà tuần hoàn trong Thái Cực cũng là tuần hoàn trong vũ trụ" (Triệu Ung, Hoàng Cực Kinh Thế).

Đạo Hậu Thiên là học về cái lý trong cuộc vận hóa ngũ hành (Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) hữu hình trong cuộc sống nhân sanh. Năm vị tương đắc mà đều hữu hạp, một câu nói bao gồm cả cái vô cùng diệu lý của Hà Đồ. Các số 1-6 Thủy và 2 - 7 Hỏa chính là THẬP THIÊN CAN (Mười can của Trời). Các hành Thủy ở Bắc và hành Hỏa ở Nam chính là THẬP NHỊ ĐỊA CHI (12 chi của Đất). Như thế, một qua, một lại giao thoa với nhau trong khoảng Trời Đất, sinh sinh hóa hóa, có cái gì là chẳng theo đó mà ra (Ngô Quế Sâm, Chu Dịch tượng thuật, quyển 9, trang 29.).

Phục Hy vạch Bát Quái lập Tiên Thiên đồ lúc vũ trụ còn vô hình (âm dương), Văn Vương kế tục lập Hậu Thiên đồ diễn tả giai đoạn biến hóa sự hình thành của trời đất vạn vật, con người ra đời phải có nhân đạo để kiềm thúc trong lễ nên Trung Thiên đồ xuất hiện do mặc khải của Đức Cao Đài.

Đạo Trung Thiên hay Trung Dung chủ yếu là Đạo Nhân đứng giữa Thiên và Địa trong Tam Tài. Tiên Thiên là Đạo Trời, Hậu Thiên là Đạo Đất và Trung Thiên là Đạo Người. Càn Khôn sinh 6 con, có gia đình thì nhân đạo mới xác lập. Thế nên, người ở giữa Trời Đất phải hành động sao cho trung hòa với đạolý Trời Đất và chịu ảnh hưởng sự biến hóa của Càn Khôn vũ trụ.

Càn Khôn là âm dương nhưng hơi khác hơn vì Càn là Thái Cực (Đại Từ Phụ) và Khôn (Đại Từ Mẫu) cũng do Thái Cực biến ra. Thế nên, người ta mới gọi Thái Cực là nhất nguyên lưỡng cực (le principe polarise'). Thời đại này là thời Đạo Tâm hay Tâm Thái Cực (vì nhất âm nhất dương chi vị đạo mà nhất âm hợp với nhất dương là Thái Cực) mà Tâm Thái Cực tức "ngọn đèn lòng". Mỗi người tự soi sáng cầu nguyện chính trong tâm mình để sớm đến thời Thượng ngươn Tứ chuyển , khi thấy Thiếu dương hiện ở Phương Đông và Thái Dương rạng rỡ ở Nam bang. Đó là lúc thời mạt kiếp của thiếu âm và thái âm (hắc ám) lui dần vào bóng tối. Đức Di Lặc sẽ hiện ra như vì sao Bắc Đẩu, chính là lúc "phục kỳ bản, phản kỳ chân".

Đạo Cao Đài vi chủ Càn Khôn vì "Cái nghĩa của 64 quẻ đều do một quẻ Càn mà ra" (Lục thập tứ quái chi nghĩa, tam vu Càn chi nhứt quái - Dương Từ Hổ). Họ Dương cho rằng gạch liền (-) của hào dương là chỉ sự hoàn toàn, còn gạch đứt (- -) cũng vẫn của hào dương mà bị phân chia nên chưa hoàn toàn. Trong Phúc Aâm ta thấy bà Eva (âm) do xương sườn của ông Adam (dương) mà hóa thành, đã hiện rõ ý trên. Họ Dương lại viết : "Vạn vật, vạn hóa, vạn lý đề do quẻ Càn mà ra. Quẻ Khôn cũng chỉ là quẻ Càn chia đôi, chớ đâu phải ngoài quẻ ( )
Trong ngày lễ vía Đức Chí Tôn

Cuộc kiến tạo Tòa Thánh….

Càn có quẻ Khôn. Các quẻ Chấn, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài cũng do quẻ Càn mà biến sanh khác nhau, đâu phải ngoài quẻ Càn có sáu quẻ ấy. Tất cả đều do sự biến hóa của Càn mà ra cả". Đó là Họ Dương muốn nói đến cái lý Nhất Nguyên. Dưới hầm Thiên Bàn tám cạnh đặt quả Càn Khôn có tám quẻ : Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Dưới tám quẻ, khởi đầu từ quẻ Càn (xoay ngược chiều kim đồng hồ, chiều dương của dịch lý) có viết tám chữ "Tam giáo QUI NGUYÊN (ngay quẻ Chấn về hướng Đông), Ngũ Chi Phục Nhứt" (ngay quẻ Đoài về hướng Tây). Đọc theo trục Đông Tây Chấn Đoài ta thấy hai chữ NHỨT NGUYÊN. Điều đó xác nhận Đạo Cao Đài là Nhất Nguyên, rất phù hợp với Dịch : "Số một (Càn) là căn số của vạn hóa" (Nhất vạn hóa chi căn dã).
"Trong Kinh Dịch, Khổng Tử căn cứ vào sự đối đãi của Aâm Dương, cơ ngẫu mà xiển minh thuyết Nhất nguyên của Thái Cực. Đạo ở ngay chỗ tương đối của Aâm Dương" (TRẦN NGỌC THÊM, Bản sắc văn hóa VN, 1996, trang 279)

G.ENCAUSSE trong quyển "La Science des Nombres' đã viết : "Con số nào, nếu càng xa số Một thì càng đi sâu vào vật chất, trái lại càng trở về số Một thì con số đó càng lên cao về tinh thần và ánh sáng' (Plus un nolnbre se'loigue du nolnbre UN, plus il s'enforce dans la matiere, plus il se rapproclu du nombre UN, plus il remonte vers l'esprit et la lumiere). Thật là chí lý và dinh diệu thay số Một tức ngôi Thái Cực tức Đạo. Ai càng xa Đạo thì càng vào đường sa ngã vật chất.

4 / - TƯỢNG SỐ, BÍ PHÁP & THỂ PHÁP
- Con số 1 :
Bàn rộng hơn, hình nhi thượng của Dịch là các số và tượng của nó. Tượng của mỗi con số có tác dụng như một trường sinh lực đủ sức tạo từ cái không đến cái có. Chẳng hạn con số 1 là số bất biến, con số thể (căn), còn số 3 là con số dụng của số 1 thì biến hóa vô cùng "dĩ bất biến" hoặc "nhứt thân ức vạn diệu huyền thần biến" (Kinh Lễ). Thật vậy, bất cứ con số nào cũng đều từ con số căn 1 mà cộng thêm vào, nếu con số lớn thì trừ mãi cũng trở về con số 1.
CỘNG
1 + 1 = 2
2 + 1 = 3
3 + 1 = 4
4 + 1 = 5
5 + 1 = 6
6 + 1 = 7
7 + 1 = 8
8 + 1 = 9
9 + 1 = 10

TRỪ
10 - 1 = 9
9 - 1 = 8
8 - 1 = 7
7 - 1 = 6
6 - 1 = 5
5 - 1 = 4
4 - 1 = 3
3 - 1 = 2
2 - 1 = 1

- Con số 3 là số biến của số 1, "nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật" hay "một cội sanh ba nhánh in nhau" (Kinh Lễ). Do số 1 không cấp số nên lấy con số 3 dùng làm căn. Ta thấy, số 9 là biến số của số 3 (3 x 3), số 27 là biến số của 3 (3 x 3 x 3), số 81 cũng là biến số của số 3 (3x 3 x 3 x 3) …. Như thế, khi biết được số căn là biết được cái thể của các số biến.

- Con số 7, số 9 :
Trong quyển Liệt Tử, ngay chương đầu đã toát lên cuộc đại hóa từ Thiếu dương đến Thái dương, rồi từ Thiếu âm đến Thái âm. Khí dương tượng trưng các con số 1, 3, 5, 7, 9 trong Hà Đồ. "Goi là Dịch là vì có biến. Dịch biến thành MỘT. MỘT biến thành BẢY. Bảy biến thành CHÍN. CHÍN là con số cùng, nên biến lại thành MỘT. MỘT (Thái Cực) là con số khởi đầu của mọi sự biến hóa" (Thiên Thụy)

Tại sao khi đàn ông mất khắt 7 tiếng chuông, còn đàn bà 9 tiếng. Tục ngữ có câu "ba hồn bảy (chín) vía", nên người mất thì gọi hồn hay chiêu hồn bằng chuông (phách anh linh…) Vì đàn ông có 7 vía là : 2 tai, 2 mắt, 2 lỗ mũi và miệng, đàn bà thêm âm môn và tuyến nhũ (1) nữa là 9 vía.

- Còn Cửu Huyền Thất Tổ là sao ?
Tự điển TỪ NGUYÊN giải : 1/- Cửu Huyền là 9 tầng trời, 2/- Thất Tổ là Bảy đời tổ : Nội tổ, Tằng tổ, Cao tổ, Tiên tổ, Viễn tổ, Thỉ tổ, Cửu tổ.
Như vậy Cửu Huyền Thất Tổ là con cháu thờ bảy đời ông bà tổ tiêu diêu trên chín tầng trời. Giống như khi đưa vong ta làm bàn đưa 4 chữ Vĩnh Du Tiên Cảnh, Vãng Sanh Cực Lạc nên khi lập bàn thờ vong, người xưa đề 4 chữ Cửu Huyền Thất Tổ. Theo văn phạm Trung Hoa : Cửu Huyền là định ngữ của Thất Tổ nên phải đứng trước, chớ không phải con cháu đứng trước ông bà. Cũng thuận với lời Thánh Ngôn dạy "nhứt nhân chứng ngộ Thất Tổ siêu thăng". Ta còn thấy Cửu Huyền Thiên Nữ cùng lối giải thích ngữ pháp.

- Con số 5, con số 10 :
Con số 5 ở cung trung là số sinh thuộc thổ, gấp đôi là số thành 10. con số 5, trong Kinh Dịch là số Tham Thiên Lưỡng Địa. Tham là ba (3 x 3 = 9) số 9 là trời.

Lưỡng là hai (3 x 2 = 6), 6 là số đất. Trên Thiên Bàn có đèn Thái Cực. Lưỡng nghi đăng, năm cây nhang xếp thành hai hàng. Hàng trong ba cây là số tham thiên (Thái Dương), hàng ngoài hai cây là số lưỡng địa (Thiếu âm) biểu tượng dương xướng âm họa. Tinh thần phải là chủ vật chất.

Trong Bát Quái Đồ, cung trung thuộc hành thổ. Thổ tỏa khí để nuôi kim. Kim sinh Thủy. Thủy sinh Mộc. Mộc sinh Hỏa, sau cùng thành tro bụi vào lòng đất để nuôi muôn loài.

Sống gần đất mẹ bao nhiêu càng hưởng sinh lực dồi dào của mẹ ngần ấy. Thế nên, những vật gì làm chân ta ngăn cách với đất như giày, dép, da…. dễ làm cho ta thiếu cứng cáp. Thế nên người xưa cho rằng nơi nào linh thiêng thì khí đất nơi đó cũng linh thiêng. Vậy khi ta vào chiêm ngưỡng Đức Chí Tôn tại Đền Thánh, ta nên bỏ giày dép ở ngoài để hưởng được cái linh khí của các Đấng. Ngược lại, cung Đạo, các ngai… nơi thường phát ra những lằn điển quang đặc biệt nên các Chức sắc cao cấp phải mang giày vô ưu, tránh làm ô uế vùng Thánh địa đó. Ấy là nghi lễ, ta thấy ở các điện, đền, Thánh Thất….

- Con số 3, số 6 :
Theo Dịch, con số 3 là biến số của số 1. Đó là Tam vị nhất thể của Bà La Môn (La trinité Brahmaiste) mà Đạo thờ trên đỉnh Bát Quái Đài : Brahma, Christna (Vishnou), Shiva, còn trong Đạo Cao Đài là : Phật, Pháp, Tăng. Tuy ba là một.

Trong "Thần khúc" (Divine Come'die) của thi hào Ý Dante (1265 - 1321) gồm có ba phần, mỗi phần có 33 khúc, mỗi khúc có 3 câu. Có thể nói con số 3 là số trí tuệ nhất trong triết học. Học giả Tống Nho Thiệu Ung gọi số 3 là chân số của Dịch, chữ số chính đáng của Trời Đất.

Đức Lão Tử cũng dạy : "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Lễ chế nhà Châu qui định "Lễ dĩ tam vi thành" (Lễ 3 lần là hoàn thành). Lễ dâng Tam bửu, trong Đạo Cao Đài cũng 3 lần là xong. Nhiều từ mang tính số 3 như : Tam Giáo, Tam Đài, Tam Tài, Tam Thanh, Tam chi (Pháp, Đạo, Thế), Tam Qui, Tam Công, Tam Lập… con số tam phục thật là con số mầu nhiệm.

Theo huyền bí học Tây Phương : ngôi sao ba cánh hay 5 cánh, khi hướng lên là thiện, khi hướng xuống là ác. Trong Đạo Cao Đài không phân rõ thiện và ác vì ông Thiện ông Ác đều tụ thành chánh quả. Bởi lẽ, ông Thiện đứng gần ông Ác (mà hiền) mới thấy ông này dữ. Ông Ác đứng gần ông Ác hơn như lời ông Ác nói : "Anh hiền quá cai trị bọn ác không sợ", thì ông Ác cũng là ông Thiện. Điều đó, được Đức Hộ Pháp biểu tượng bằng hai tam giác đều chồng lên nhau thành ngôi sao 6 cánh. Mỗi cánh đề một chữ trong 6 chữ : "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" mà cái Thiện đè lên cái Ác tức Dương trên Âm dưới.

- Con số 15 :
Số 15 là số đặc biệt của Lạc Thư, cộng chiều ngang, chiều dọc, đường chéo đều là 15. Người Phương Tây gọi là Ma Phương (Carré, magique).
Trong bài Tứ Tuyệt điểm danh các cao đồ đầu tiên có 12 đệ tử (phần dương) cộng với 3 vị hầu đàn (phần âm) là 15. (xem hình trang 45)

CHIÊU, KỲ, TRUNG độ dẫn HOÀI sanh
BẢN đạo khai, SANG, QUÍ, GIẢNG thành
HẬU, ĐỨC, TẮC, CƯ thiên địa cảnh
HƯỜN, MINH, MÂN, đáo thủ đài danh.

Số 15 lại là số đồng tử Hiệp Thiên Đài, số đặc biệt vật phẩm dâng cúng Đức Phật Mẫu và là số Thái Cực vì số 5 là số sinh cộng với số 10 là số thành, thuộc thổ ở trung ương.
Như thế, số 15 ám chỉ Đạo Cao Đài thờ phần dương Chí Tôn và cả phần âm Phật Mẫu. Bài thi này chỉ rõ, Đức Chí Tôn đặt tư tưởng Cao Đài trên Kinh Dịch.


- Các ngươn, hội :
Bát Quái tuy có 64 quẻ, thật ra chỉ có 12 quẻ chi phối vạn vật và phân làm 6 quẻ âm và 6 quẻ dương. Trong cuộc đại hóa vũ trụ khởi đầu là cung Tý (thuộc quẻ Phục nhứt dương sinh) nên mới gọi "Thiên khai ư Tý". Mỗi chu kỳ có 4 thời : Thiếu dương (xuân), Thái dương (hạ), Thiếu âm (thu), Thái âm (đông). Bốn mùa lập thành một nguơn (Manvatara). Một nguơn có 12 hội (nhứ năm có 12 tháng), mỗi hội thuộc quẻ lục âm hay lục dương. Mỗi hội có 30 vận (như 1 tháng có 30 ngày), mỗi vận có 12 thế, mỗi thế có 30 năm.

Trong nguơn vũ trụ (anne'e cosmique), nếu tính Tý đến Tỵ là dương trưởng, từ Ngọ đến Hợi là dương tiêu. Một nguơn của mỗi chu kỳ có 12 hội, 360 vận và 4320 thế, nghĩa là mỗi nguơn có 129.600 năm, mỗi hội có 19.800 năm, mỗi vận có 360 năm và mỗi thế có 30 năm.

- Đại Thiên Địa, tiểu Thiên Địa :
Theo thuyết "Thiên nhơn hiệp nhứt", con người là mỗt ảnh hình tu nhỏ của Càn Khôn vũ trụ. Quan hệ giữa thiên nhiên và con người có tính chất đồng dạng và hợp nhất. Thế nên, ta chỉ cần quan sát bầu trời với những vì sao mà khi một trẻ sơ sinh mới ra đời đã chịu ảnh hưởng sâu xa nên có thể qua tinh tú đoán biết được số phận và tương lai của con người là vậy.

Trong Kinh Dịch, lý thuyết ngũ hành tương quan với nhân thể từ đi đứng, cử chỉ, lời nói, gương mặt, hộp sọ… đều chứa đựng các thông tin của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong nhân tướng học, khuôn mặt là yếu tố quan trọng nhất. Khuôn mặt con người sánh như bầu trời mà mặt trời là nhãn cầu trái, mặt trăng là nhãn cầu phải (tức lưỡng quang chủ tể ), các vì sao là những nốt ruồi và lông mày tượng trưng cho mây.

Năm bộ phận trên khuôn mặt tương ứng với ngũ hành : 1) Trán và lông mày là hỏa thuộc tâm, 2) . Đôi mắt là mộc thuộc can, 3). Hai mũi là kim thuộc phế, 4). Cái miệng là thổ thuộc tỳ, Hai tai là thủy thuộc thận. Còn kích thước hình dáng của hộp sọ nói lên tri thức của một người.

Khuôn mặt của một người tác thành năm loại : Tròn, vuông, xoan, tam giác, chữ nhật và tương ứng với một số tính cách nhất định.

Dưới đây là so sánh hình thái giữa trời và người :
(1) 16 tiết : tiểu tuyết, đại tuyết, tiểu hàn, đại hàn, Vũ thủy, Thanh Minh, Kinh trập, Cốc vũ, tiểu mãn, Mang chủng, tiểu thử, đại thử, Bạch lộ, Hàn lộ, sương giá 9.)

CỬU KHIẾU của con người được Đức Chí Tôn xếp đặt có hình quẻ THÁI (Địa Thiên Thái : quẻ Khôn chồng lên quẻ Càn), trong câu "Thanh Đạo TAM KHAI Thất ức niên", tức tam dương Khai Thái (vận thịnh)
Con số 9 : Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ đã tiên tri : "Cửu cửu Càn Khôn dĩ định". Cửu cửu là 9 x 9 bằng 81, số 9 là số cực dương ở phương Nam trong Hậu Thiên Bát Quái và là số mạt vận của 1 chu kỳ Tiên Thiên Bát Quái, nên Trung Thiên Bát Quái (Bát Quái của Đạo Cao Đài) dùng Khảm Thủy ở phương Nam để chữa lửa (lửa tượng trưng cho chiến tranh) mà bảo tồn vạn loại : Điều đó, cũng nằm trong ý niệm : Thần Shiva (Civa) là thần phá hoại mà cũng là Thần bảo tồn vạn loại.

Trở lại : Sấm Trạng Trình, lấy số 9 làm căn, ta thấy những biến cố "cửu cửu" quan trọng sau đây :
Năm 1936 : (1+9+3+6=19), bỏ 10 còn 9 ' Thế chiến thứ hai mở màng.
Năm 1945 : (1+9+4+5=19) , bỏ 10 còn 9 ' Các nước nhỏ tuyên bố độc lập.
Năm 1954 l (1+9+5+4=19) , bỏ 10 còn 9 ' Việt Nam tạm phân tại vĩ tuyến 17.
Năm 1963 : (1+9+6+3=19) , bỏ 10 còn 9 ' Ngô Đình Diệm bị đảo chánh.

Con số 9 lão dương ấy đã chấm dứt thời Tiền Khai Đại Đạo (1926-1971) của năm vị Thánh Tông đồ : Ngô Minh Chiêu, Cao Quỳnh Cư, Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang. Tất cả là 45 năm (4+5=9). Số 45 là số đặt biệt của Lạc Thư, 5 vị cao đồ nhơn với 9 vẫn là 45. Số 5 là số Tham Thiên (3), Lưỡng Địa (2). Số 5 là do hai số căn 3 và 2 hợp thành 3+2=5. Muốn trở về với Đạo, với Thái Cực (tức MỘT), ta dùng phép trừ :
5 - 2 = 3
3 - 2 = 1 (Thái Cực)

Lẽ dễ hiểu, người tu mốn phản bổn hườn nguyên thì mỗi ngày phải bớt : bớt trục vật, bớt dục vọng, bớt tham danh lợi, bớt điều thị phi như Đức Lão Tử dạy : "Tổn chi hựu tổn, dĩ chí ưu vô vi" (Hãy bớt lại bớt thì đạt đạo vô vi) mà vô ngã nhi hành. Krishnamurti, Thông Thiên học, cũng nói : "Hãy không là gì cả, thì đời ta sẽ trở nên vô cùng giản dị và tốt đẹp".

Nhắc lại, cuối đời Đức Cao Thượng Sanh là năm 1971 (1+9+7+1=18=1+8=9). Số 9 là số lão dương, về phương Tây (nơi mặt trời lặn), báo hiệu thời các Thánh Thần trọ vì (règne du saint Esprit) đã chấm dứt, nghĩa là thời Thiên phong bằng cơ bút không còn nữa.

Sách Thái Huyền có giảng : "Phần khí dương làm 3 chặng (3x3=9), chồng lên 3 lần, đến 9 doanh là tới chỗ chí cực". Đó là con số 9 cực dương viên màn công phu thì "Tinh hóa khí, khí hóa thần, thần hườn hư" mà đắc đạo về côi vô.

Khoa Tượng số học Tây Phương (Symbolisme des Nombres) cũng viết về sự huyền bí của con số 9 trong cái chết của Đức Je'sus Christ như vầy : "… Notons e'galement qu'après sa résurreetion le Christ appuruofois aux disciples et aux apôtres".

Sau cùng, ta có thể lập tương quan giữa tượng và số của Kinh Dịch với bí pháp và thể pháp của Đạo Cao Đài qua các con số từ 1 tới 12 (chữ xiêng thuộc Kinh Dịch, chữ thường là thuật ngữ Đạo Cao Đài, chữ lăn quăn là chung cả hai).

Số 1 - Thái Cực, Nhất Nguyên,Chí Tôn, Đấng Duy Nhất (Lè Très - Haut)
Số 2 - Lưỡng Nghi, Nhị Nguyên, Nhị Kỳ Phổ Độ.
Số 3 - Tam tài, Tam giáo, Tam Kỳ Phổ Độ.
Số 4 - Tứ tượng, Tứ thời, Tứ Đại điều qui.
Số 5 - Ngũ hành, Ngũ Chi, ngũ giới cấm.
Số 6 - Số Đất, Lục tự Cao Đài ĐĐTKPĐ, (áo) sáu nút (tiểu phục HTĐ).
Số 7 - Thánh Thất, Thất Hiền.
Số 8 - Bát Quái Đài, Bát Cảnh Cung, Bát Tiên…
Số 9 - Cửu Trùng, Cửu Trùng Thiên, Cửu Thiên Huyền Nữ, Cửu Nương.
Số 10 - Số Thành, Mười phương Phật (1 Phật Mẫu + 9 Nữ Phật), Thập Thiên Can.
Số 11 - Số lễ phẩm nơi bàn Hộ Pháp.
Số 12 - Thập nhị địa chi, Thập nhị khai thiên, Thập nhị thời quân, Thập nhị thời thần là Thần thời gian trong Đạo.

Số 12 là vừa thể pháp vừa bí pháp : nếu nói Thập nhị thời quân. Quân là người sờ mó được thuộc hữu hình thể pháp; nếu nói Thập nhị thời thần. Thần linh khuất dạng thuộc vô vi bí pháp. Nói một cách khác, bí pháp (huyền tượng) được thể hiện bằng những con số. Những con số này lại biến hóa vô cùng để trở về cõi không. Vì nhiều người chưa rõ sự huyền bí của các con số trong Đạo nên Đức Hộ Pháp nhắc nhủ : "Thể pháp tác thành mười điều chẳng hiểu đặng ba, còn bí pháp thì chưa ai hiểu thấu, làm cho Đạo mất giá trị trước mắt chúng sanh, đức tin ngày càng khuyết giảm" (Tân Luật và Pháp Chánh Truyền PCT, trang 93).

Đức Chí Tôn đã dạy : "Số 12 là số đặc biệt của Thầy". Thế nên, Thầy đã an bày trên toàn thế giới. Thánh Lacov người Israél có 12 con trai, là 12 vị Thánh trị vì 12 đội quân. Iisus Mavin đã dựng lên 12 khối đá tạ ơn 12 lần thoát nạn. Lăng Salomon được 12 bò tót bảo vệ và 12 viên đá quý trên ngực 12 bò.

Đường vào tu viện Thánh Ioanna ở Jérusalem có 12 cổng làm bằng 12 khối đá ghép lại ghi tên 12 tông đồ. Âm lịch, dương lịch năm chia 12 tháng, ngày 12 giờ (12 x 2 = 24 giờ).

Đại Đạo phát sinh Tam Giáo Đạo
Tam Giáo Đạo quy nguyên Đại Đạo
Thư pháp Lý Thượng Nhân Hương Cảng

- Kích thước Tòa Thánh 
- Chín từng trời đất 
- Thiên các Cao Đài trên Cửu Thiên (minh họa theo Thánh Ngôn HT)
Tứ tượng có liên hệ với văn minh loài người :
Thái Cực sanh lưỡng nghi, biểu tượng hữu hình là Đền Thánh (dương) và Đền Phật Mẫu (âm), Lưỡng Nghi Sanh Tứ Tượng biểu hiện là vòng thành Tòa Thánh hình vuông, mỗi cạnh 1Km (duy nhất). Mỗi cạnh có ba cửa, cộng chung 12 cửa, thêm Chánh môn nên phải xây lắp cửa số 5 đệ giữ đúng Thập Nhị Khai Thiên. Các cửa xây theo Pháp Tam Quan (3 cửa). Không quan (cửa bên trái) là lối nhìn về lẽ không : "không tức thị sắc". Giả quan nhìn theo lẽ sắc : "Sắc tức thị không". Không theo hai nẻo. Không sắc là vào trung quan tức Trung Đạo, Trung Dung. Đó là con đường chính của giáo lý Đạo Cao Đài.

Văn minh nhân loại vận chuyển theo vòng tròn : Mùa xuân (Thiếu dương), hạ (Thái Dương), thu (thiếu âm), đông (Thái âm). Xuân qua thì hạ tới, thu mãn thì đông sang theo nhị cung khôn : "Nhất âm nhất dương" như đêm ngày nốit iếp nhau. Trong cuối mùa đông lạnh lẽo (Lão âm) một hào dương trổi dậy, biểu hiện bằng quẻ phục . Thế nên, trong bản thân văn minh điện tử nhận thấy sự tàn phá gớm ghiếc của khoa học cơ giới, một thế hệ ngấm ngầm tạo lập thời hoàng kim an bình thánh thiện, thay thế cho thời mạt kiếp. Trong quyển Indivisible Anatony, bác sĩ Graham Howe nhận định : Các thức giả phương Tây tìm về với đạo học phương Đông. Vòng thành Tứ tượng ước mong ngày đó trong thế tĩnh.

Tứ tượng sanh Bát Quái là hình thể chợ Long hoa chinh mong tới ngày lập đời Thánh Đức. Vòng thành Tòa Thánh.
Và Bát Quái Long Hoa thị chuyển dịch theo chiều dương (ngược chiều kim đồng hồ) của Bát Quái Cao Đài. Thế nên cửa một Bắc thuộc quẻ Ly, cửa 2 Tây Bắc thuộc quẻ Khôn, cửa 3 Bắc thuộc quẻ Càn, cửa 5 Nam thuộc Khảm, cửa 6 Đông Nam thuộc Cấn, cửa 7 Đông thuộc Cấn, cửa 8 Đông Bắc thuộc Tốn, rất phù hợp với hướng địa lý và cùng phương vị với Tòa Thánh.

- Lại nói về con số 9 :
"Chín từng trời đất, thông truyền chứng tri". Theo kinh Cửu và kinh Di Lạc, chín từng trời đất (theo Giáo lý của Đạo Cao Đài) tứ dưới lên trên là : 1. Thanh Thiên, 2. Huỳnh Thiên, 3. Xích Thiên, 4. Kim Thiên, 5. Hạo Nhiên Thiên, 6. Phi Tưởng Thiên, 7. Tạo Hóa Thiên, 8. Hư Vô Thiên, 9. Hỗn Ngươn Thiên.

Theo Từ Nguyên : Cửu Trùng Thiên là Trời. Theo Dante Alighieri (1265-1321), đại thi hào ý cho rằng số 9 biểu thị cho Thượng Đế. Theo Kinh Thánh sự thăng thiên của Đức Je'sus Christ cũng rất huyền bí : Chúa bị đóng đnh lúc 3 giờ, sau 3 giờ hấp hối và 3 giờ nữa (cộng chung 9 giờ) thì mất. Sau đó 3 ngày tức 72 giờ (7+2=9) thì Chúa sống lại và lên Thiên Đàng.

Theo từ điển Le Petit Larousse (xuất bản năm 1995, trang 1580), trong trường ca THIÊN NHIÊN, triết gia Hy Lạp Parmenide (515-440 trước Tây lịch) cho rằng con số 9 luôn chứa đựng con người và các sự vật một cách tuyệt đối.

Trong triết học cổ đại Trung Hoa, con số 9 đã làm cơ sở cho tất cả mọi lễ nghi tôn giáo, tổ chức hành chánh và tập tục mọi nơi trên lãnh thổ. Vua Hạ Vũ đã đúc 9 cái vạc làm biểu tượng cho 9 châu trong nước. Chín vạc ấy người đời gọi là Cửu Bảo. Phải kể thêm, trước đó, vua Nghiêu Thuấn chia Trung Hoa làm cửu châu. Theo sách Hoa Đà Thần dược muốn luyện thuốc Tiên phải Cửu chuyển công thành tức là phải trải qua chín lần luyện đơn. Về sau, các lương y cũng theo đó mà Cửu chưng cửu sái tức là 9 lần nấu, 9 lần phơi.

Ở nước ta, trong bộ sử Quốc Triều chính biên có viết : "Mùa xuân tháng giêng năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long cho đúc 9 khẩu thần công", tượng trưng 4 mùa và ngũ hành. Đến tháng 12-1835, vua Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh tượng trưng cho sự thành công và sự bền vững của triều đại. Sở dĩ có quan niệm cửu trùng như vậy là vì các vua chúa ngày xưa coi mình như con Trời (Thiên tử).

Thêm vào đó, Trời có Cửu Thiên thì người có Cửu khiếu. Trời có Đại linh quang thì chiết cho người có Tiểu linh quang. Do đó mà con người có thể tiếp được điển trời. Đó là nguồn gốc cơ bút của Đạo Cao Đài. Chính con số 9 đã biểu thị sự huyền bí đó. Nếu đem con số 9 nhân với bất kỳ con số nào hay từ người con cả cho đến con thứ 15 chẳng hạn, khi cộng lại thì tổng số của nó đều bằng 9.

Thí dụ :
9 x người thứ 2 = 18 mà 1+8=9
9 x người thứ 14 = 126 mà 1+2+6=9

Dù là con số 12 thì vẫn nằm trong phạm trù của số 9.
9 x 12 = 108 mà 1+0+8=9

Những điều trên cho ta thấy rõ : Trời là 9, các con dù 2,12… 14 có biến đổi thế nào đi nữa cũng vẫn là 9 : phản bổn hườn nguyên. Kinh Tam Thánh có câu :
Đại Từ Phụ Từ Bi tạo hóa
Tượng hình hành giống cả Càn Khôn

Con số 9 là số đặc biệt của Đức Cao Đài, khoa học không thể nào giải thích toàn vẹn được. Đức Chí Tôn biểu tượng quyền uy của mình bằng Mặt Trời mà không gọi tên gì khác (?) có 9 hành tinh xoay quanh theo một trật tự như sắp đặt sẵn, không chênh không lệch, theo một quỹ đạo pháp qui. Từ gần tới xa của cửu tinh là : 1/- Thủy tinh, 2/- Kim tinh, 3/- Địa cầu, 4/- Hỏa tinh, 5/- Mộc tinh, 6/- Thổ tinh, 7/- Thiên vương tinh, 8/- Hải vương tinh, 9/- Diêm vương tinh.

Con số 9 rất quen thuộc với mọi tín đồ Cao Đài. Quả Càn Khôn đường kính 3 mét 3 tấc 3 phân. Mão Giáo Tông cao 3 tấc, 3 phân 3 ly. Cửu Trùng Thiên giữa Đại Đồng Xã 9 bậc…

Sự biến dịch của vũ trụ vô cùng "thành trụ hoại không". Sự biến thiên vạn hóa đó để tạo thành cái mới.

Theo "Hoàng Cực Kinh Thế" thế bế vật của quẻ Bác trong Kinh Dịch là chấm dứt một chu kỳ đại hóa để dọn đường cho một kỷ nguyên mới. Đó là thời Thượng Ngươn Tứ Chuyển. Bởi vì, hào dương của quẻ Bác (năm hào Âm ức hiếp một hào Dương) vừa suy tàn, lại được phục sinh ở quẻ phục ( ) tức là Thiếu Dương nảy mầm trong Thái Âm, tạo ra hiện tượng mới, con người mới để lập đời Thánh Đức, sau khi xã hội cũ tàn lụi.

Andre' GIDE diễn tả một cách dễ hiểu và thú vị hơn : "… hoa có rụng thì trái mới sinh, nếu trái không rụng làm gì có những hoa trái mới sắp đơm bông, cũng như mùa xuân đầy nhựa sống kia phát sinh trên mùa đông chết lịm" (…Chaque Fleur se/doit de faner pour son fruit, que celui-ci, s'il/ne tombe et meur ne saurait assurer des floraisons nouvelles, de sorte que le primtemps même prend appui sur le deuil de I'hiver) (AUDRE' GIDE : Nouvelles Nourriture trang 87 ).

Tóm lại., con số 5 là Tham Thiên Lưỡng Địa bao gồm cả Aâm Dương, vừa sinh vừa sát. Năm vị Thánh Tông Đồ mở đạo rồi liễu đạo, đều đã được Kinh Dịch nói đến : "Lúc cần phải dừng lại thì dừng lại, lúc nào cần phải hành mới động, động tịnh lúc nào cũng phải chừng mực đúng thời" (Thời chỉ tắc chi, thời hành tắc hành, động tịnh bất thất kỳ thời, kỳ đạo quang minh). Quả là "Dịch quán quần Kinh chi thủ". Kinh Dịch là bộ sách đầu não (*) mà tư tưởng của Đạo Cao Đài đặt nền tảng trên đó.

(*)Tứ Thánh viết Kinh Dịch là : Phục Hi hoạch quái và trùng quái, Văn Vương làm quái từ. Thoán Từ, Chu Công làm Hào từ (Tượng Từ), Khổng Tử làm Thập dực. Thời Phục Hi chưa có văn tự nên Kinh Dịch chưa in mà chỉ có hoạch quái. Về sau, Khổng Tử san định lục Kinh thì Dịch đã thành sách gồm 12 thiên gồm 2 Kinh và 10 Truyện.

Hai Kinh là Thượng Kinh và Hạ Kinh, trình bày 64 quẻ. Mười truyện tức Thập Dực (10 cánh) do chính Khổng Tử sáng tác, xếp thứ tự :

   1 . Thoán truyện thượng                       6. Hệ từ truyện hạ
   2. Thoán truyện hạ                               7. Văn ngôn truyện
   3. Tượng truyện thượng                       8. Thuyết quái truyện
   4. Tượng truyện hạ                              9. Tự quái truyện
   5. Hệ từ truyện thượng                        10. Tạp quái truyện

Kinh Dịch bàn về vũ trụ quan, nhân sinh quan, dạy con người cái lý trị loạn, thịnh suy, đắc thất…
CHƯƠNG II

LÝ GIẢI CÀN KHÔN

CÀN vô đắc khán
KHÔN vô đắc duyệt

Ngay trong năm đầu (1926) giáng cơ dạy Đạo, Đức Chí Tôn đã xác nhận Ngài đã tạo ra vũ trụ và thống ngự vạn vật. Đức Chí Tôn dạy thờ Ngài như sau :
"Một quả CÀN KHÔN như trái đất tròn quay. Bề kinh tâm (đường kính) 3,33 mét, sơn màu xanh da trời. Cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên quả Càn Khôn. Thầy kể Tam thập lục thiên, Tứ đại Bộ châu ở không không trên không khí, còn Thất thập nhị địa, Tam thiên thế giới đều là tinh tú. Tính lại 3.072 ngôi sao, con liệu vẽ lên đó cho đủ; trên sao Bắc Đẩu con vẽ con MẮT THẦY (Thiên Nhãn). Đáng lẽ, quả Càn Khôn phải bằng pha lê, đúc bên trong một ngọn đèn thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quý báu cho cả nhơn loại" (Đàn cơ đêm 17/6/1926)
Xem thế, quả Càn Khôn không phải chỉ là Trái Đất (Khôn) mà gồm cả Thiên Cầu (Càn) trùm lên nhau biểu tượng âm dương hiệp nhứt : "Nhất âm, nhất dương chi vị đạo". Vậy Đạo bao gồm cả Aâm Dương mà âm dương là Thái Cực mà Thái Cực là ngôi Đức Cao Đài. Chung qui thờ quả Càn Khôn là thờ Đức Chí Tôn, thờ âm dương là thờ sự biến dịch của vạn loại. Đó là triết lý cao khiết về mặt tôn giáo và cả khoa học nữa. Bởi lẽ, đời người ngắn ngủi, con người chỉ là hiện tượng nhất thời phát sinh do tác động giữa âm dương mà sinh thành. Nguyên tử cũng chỉ do sự hóa hợp điện tử âm (e'lectron) và điện tử dương (proton) mà sinh thành. Tất cả mọi việc trong vũ trụ đều lấy Càn (dương), Khôn (âm) làm điều kiện cơ bản.

1 . Càn Khôn là gì ?
Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo
Do Âm Dương kiệp đạo biến thiên
Càn Khôn là Đạo, là Thái Cực, mà "Đạo sinh nhứt, nhứt vi Thái Cực" (Thiệu Tử - Văn Ngũ Lục). Lý giải đơn giản hơn thì :

CÀN ( ) là Trời, là vua, là cha, là chồng, là đầu, là cứng (càn kiện cao minh), là lãnh đạo, là vàng, là băng, là đỏ thắm, là thiên thể.

KHÔN ( ) là đất, là nhân dân, là vợ, là mẹ, là thuận tòng, là mềm, là sắc vàng, là văn, là bụng…

Càn Khôn là âm dương trong trời đất "Một âm một dương quanh đi quẩn lại như cái vòng tròn không đầu mối. Nói rằng Âm dương chỉ là MỘT (Thái Cực) cũng được, mà bảo là âm dương thiên biến vạn hóa vô cùng tận cũng được" (Nhất âm nhất dương như hoàn vô đoan. Vị âm dương chỉ thị nhất cá khả; vị âm dương khước thị thiên biến vạn hóa nhi vô cùng diệt khả) (HỒ CƯ NHÂN, Dịch Tương Sao, Quyển II, trang 8)

Chu Hy trong "Chu Dịch Bản Nghĩa" giải thích cụ thể hơn : "Hoàng đế, Nghiên Thuấn rũ áo xiêm mà thiên hạ trị; đó là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn" (Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ như Càn Khôn)

Trong Dịch Hệ Thượng (Chương IV), Chu Tử chú giải về Càn Khôn như vầy : "Đạo Dịch chỉ là Âm (Khôn) với Dương (Càn) mà thôi. U uẩn hay rõ ràng, sống hay chết, quỷ cũng như Thần, tất cả đều là biến tướng của âm dương, là cái Đạo của Trời Đất". Và ông quả quyết : "Cái khí (mà khoa học gọi là E'THER) bàn bạc khắp trong trời đất để biến hóa tạo lập ra muôn loài, thực ra chỉ là hai khí âm dương trước sau, suy thịnh mà thôi". (Doanh Thiên Địa chi gian, sở dĩ vi tạo hóa giả, âm dương nhị khí chi thủy chung thịnh suy nhi dĩ). Đức Chí Tôn cũng dạy : "Đạo Thầy không chi lạ, không ngoài hai lẽ âm (Khôn) dương (Càn)".

Như vậy, hai động lực căn bản tạo thành vũ trụ là âm dương. Nếu dương cực thì âm sinh, âm cực thì dương sinh. Khoa vật lý cũng chứng minh rằng : một nguyên tử có hai yếu tố căn bản là âm điện tử (électron) và dương điện tử (proton) hoạt động nhộn nhịp chớ không im lìm. Nếu nguyên tử chỉ có thuần một âm tử hay dương tử thì nguyên tử ấy chằng thể nào phóng xạ sinh hóa được. Giả dụ, nếu mạch điện bị cắt một dây âm hay một dây dương thì không thể nào tạo ra điện năng được. Như thế, âm dương không thể tách rời. Âm dương chỉ là hai trạng thái tịnh động của Lý Thái Cực, chu hành trong vũ trụ cũng tác động với nhau để biến hóa vạn vật.

Chung qui, "Đạo vốn chỉ một âm, một dương mà thôi". Trước sau, đầu mối, động tịnh, tối sáng, trên dưới, tiến lui, qua lại đóng mở, đầy vơi, tiên trưởng, tôn ti, quý tiện, biểu lý, ẩn hiện, hướng, bội, thuận nghịch, tồn vong, đắc thất, xuất nhập, hành tàng, có cái gì thích hợp mà chẳng phải một ÂM một DƯƠNG ?" (TRẦN THÚC LƯỢNG và LÝ TÂM TRANG, Tống Nguyên học án, quyển 3, trang 643) Vậy "vật có gốc ngọn, việc có trước sau" và có "biết được trước sau mới gần được Đạo" (TIỀN MỤC, Tứ Thư thích nghĩa, Tập II, trang 2).

2 . Kinh Dịch giải về Càn Khôn ra sao?

Trong Kinh dịch phần Thoán truyện do Đức Khổng Tử viết có đoạn : Đức nguyên, Càn lớn, vạn vật bắt đầu từ Càn (nảy nở) thống cả Thiên Đạo, Càn làm mây mưa khiến cho vạn vật hình thành sinh trưởng. Bậc Thánh Nhân thấy cả trước sau, cả 6 hào của quẻ thuần Càn ( ) , mỗi hào có 1 vị nên thuận thời mà hành Đạo như cưỡi 6 rồng (ám chỉ 6 hào dương của quẻ thuần Càn) mà thống ngự cả vùng Trời. Đạo Càn biến hóa khiến cho mọi vật giữ được tính Trời ban, giữ cái nguyên khí cho Thái hòa. Bậc Thánh Nhơn đứng đầu muôn vât, theo Đạo Càn thì muôn nước đều bình an" (Đạt tai càn nguyên, vạn vật tư thủy nãi tống thiên, ận hành vũ thí phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thủy, lục vị thời thánh, thời thừa lục long dĩ ngữ thiên. Còn Đạo biến hóa, các chánh tính mệnh, bảo hợp thái hòa nãi lợi trinh, thủ xuất thử vật, vạn quốc hàm ninh).

Đạo Càn Khôn theo Kinh Dịch như sau :
Theo quẻ thuần Càn thì Càn có 4 đức tính : nguyên (đầu tiên), hanh (thông), lợi (thích đáng), trinh (chính bền). Trời có đức nguyên vì là ngồn gốc của vạn vật, có đức hạnh vì làm ra mây mưa để cho vạn vật sinh trưởng, có đức lợi và trinh vì biến hóa làm cho mọi vật giữ được bẩm tính và nguyên khí đặng thái hòa. Càn còn tượng trưng cho người quân tử với 4 đức tính nhân, nghĩa, lệ, trí.

Chu Công giải nghĩa 6 hào của quẻ thuần Càn thành 6 rồng, con vật ngự của Đức Chí Tôn như sau :
HÀO ĐẦU : Rồng còn ẩn náo chưa (đem tài) dùng được (tiềm long vật dụng), tức rồng còn dưới vực sâu chưa lên mây nên chưa biến hóa được.Ý nói : người chưa gặp thời thì nên trau dồi hạnh đức, luyện thêm tài trí, ở ẩn, không cầu danh, không ai biết mình thì cũng chẳng buồn.
HÀO HAI : Rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi (hiện long tại điền, lợi kiến tại nhân). Người giúp đời mà không khoe công lao, giữ được lòng thành tín và được trung chánh gặp đại nhân thì lợi.
HÀO BA : Người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng, dù nguy hiểm nhưng không tội lỗi (quân tử chung nhật, càn càn tịch tịch nhược. Lệ vô cửu). Người quân tử giữ lòng trung tín mà tiến đức lập ngôn, lấy lòng thành lập sự nghiệp. Ở địa vị cao mà không tự kiêu, ở địa vị thấp mà không lo lắng. HÀO BỐN : Như rồng có khi bay lượn, có khi nằm vực, tùy thời mà khônh lầm lỗi (hoặc được tại uyên vô cửu)
Thận trọng tùy thời cơ, nên tiến thì tiến (như rồng bay) nếu không thì chờ đợi (rồng nằm vực) chuẩn bị cho kịp lúc ra giúp đời.
HÀO NĂM : Rồng bay lên trời ra mắt đại nhân thì lợi (Phi long tại thiên lợi kiến đại nhân). Mây bay theo rồng, gió bay theo cọp. Ý nói thánh nhân ra đời người người trông theo.
HÀO CUỐI : Rồng lên cao quá có hối hận (kháng long hữu hối). Rồng bay cao quá khó xuống, nếu hành động sẽ xảy ra điều đáng tiếc vì cực thịnh tắc suy nên lui bước để giữ đạo người quân tử.

Trên đây, quẻ thuần Càn dạy người Nam, dưới đây quẻ thuần Khôn ( ) dạy người nữ. Thật ra cả hai quẻ Càn Khôn đều dạy chung con người.

Đạo Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con ngựa cái (nguyên hanh lợi tần mã chi trinh) vì Văn Vương cho con ngựa cái có tính thuận theo đực, như Khôn thuận theo Càn.

HÀO SƠ LỤC : (dưới)
Sáu là tên hào âm. Sương là khí âm kết lạ. Aâm thịnh thì nước đóng cục thành váng. Hào này là âm mới sinh nên ở dưới.
HÀO LỤC NHI : Hài sáu hai mềm thuận mà trung chính, nên đức tính của nó trong thẳng ngoài vuông, lại thịnh lớn nên không cái gì là không lợi.
HÀO LỤC TAM : Hào sáu ba thuộc dương bên trong ẩn văn vẻ tốt đẹp, nhưng ở trên lục nhị nên không thể ẩn tới cùng.
HÀO LỤC TỨ : Cẩn thận kín đáo như thắt chặt miệng túi nên không lỗi. Hào này hai lần âm nên khó khen.
HÀO LỤC NGŨ : Cái đức trung thuần đầy mà hiện ra ngoài nên nói "quần vàng cả tốt".
HÀO THƯỢNG LỤC : (Trên hết)
Âm cực thịnh nên tranh nhau với dương nên nói "rồng đánh nhau ở đồng đều bị thương".

Quẻ Khôn cả 6 hào đêu âm nên đều biến thành dương mới vĩnh viễn chính đính.

Càn tạo ra vạn vật ở cõ vô hình thuộc khí, mà phải nhờ Khôn, vạn vật mới tượng hữu hình rồi sinh trưởng. Cho nên công của Khôn (Mẹ) cũng lớn như công của Càn (Cha) chỉ khác là Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn. Thế nên, các đức nguyên, hanh lợi, Khôn có đủ như Càn. Riêng về đức trinh thì Khôn hơi khác : tuy chính và bền mà phải thuận.

Chính vì Khôn có đức thuận mà mọi việc khởi xướng đều là Càn. Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người đời nếu ở địa vị Khôn thì phải tùy theo người trên mà làm, không nên khởi xướng mà lầm lỡ. Như thế, Đức Mẹ chở được vạn vật cũng lớn sánh bằng Đức Cha.

Thế thì, người xưa "Thấy Trời cao, đất thấp mà lập ra Càn khôn động và tĩnh nhất định nhờ đó mà phân biệt cương nhu". (Thiên tôn, địa ti, Càn Khôn định hĩ, động tĩnh hữu thường, cương nhu hoán hỉ. Hệ Từ Thượng Truyện )

Tóm lại, "Đạo Càn lúc tĩnh thì chuyên nhất, lúc động thì tiến thẳng, cho nên sức sinh của nó lớn; Đạo Khôn lúc tĩnh thì thu lại, lúc động thì mở ra, cho nên sức sinh của nó rộng" (Phù Càn kỳ tĩnh dã chuyên, kỳ động dã trực, thi dĩ đại sinh yên. Phù Khôn kỳ ĩnh dã hấp, kỳ động dã tịnh thị dĩ quãng sinh yên. Hệ Từ Thượng Truyện, chương 6).

Nói cách khác, "Đạo Càn mạnh nhất trong thiên hạ, đức hạnh của Càn là làm việc gì cũng dễ dàng, bình dị mà vẫn biết được chỗ nguy nạn. Đạo Khôn nhu thuận nhất trong thiên hạ, đức của nó đơn giản mà vẫn biết được nơi trắc trở" (Phù Càn thiên hạ chi khí kiện dã, đức hạnh bằng di, dĩ tri hiếm. Phù Khôn, thiên hạ chi khí thuận dã, đức hạnh bằng giản, dĩ tri trở - Hệ Từ Thượng Truyện, chương 12).

Qua lý giải trên ta nhận rằng : ĐỨC CHÍ TÔN chọn quả CÀN KHÔN tạo Thiên Nhãn làm ngôi thờ thiêng liêng cho toàn Đạo đã nói lên ý tưởng cao xa huyền nhiệm vô biên. Càn Khôn biế đổi vô thường như Dịch Lý, không ngừng tạo ra vạn loại và "thống ngự vạn vật" vô thủy vô chung.

Xem thế, "Sự biến dịch của Càn Khôn uẩn ảo quá ? Khi Càn Khôn hình thành thì đã có dịch ở trong. Nếu Càn Khôn bị hủy thì không thể có dịch, nếu dịch không thể phát hiện thì Càn Khôn tắc nghỉ" (Càn Khôn hủy tắc vô dĩ hiện dịch, dịch bất khả hiện, tắc Càn Khôn hoặc cơ hồ hỉ) (CHU HY, Chu dịch Bản Nghĩa, Hệ Từ Thượng, Chương XII)

Muốn Càn Khôn (âm dương) không xung khắc phải theo học thuyết Trung Dung của Đức Khổng Tử mà Albert Einstein gọi là "Thuyết tương đối". Ấy là đại biểu cho tính sáng tạo của khoa học hiện đại và cá tính thống nhất (TRƯƠNG KỲ QUÂN, Trung Hoa Ngũ thiên niên sử, quyển II, Chương XII, trang 25). Trong Hệ Từ Thượng, Khổng Tử viết "Thiên hạ cùng qui về (tuy khác đường) một mối mà trăm lo" và trong Hệ Từ Hạ, Ngài viết : "Đạo cùng đi mà chẳng chống đối nhau, muôn vật nuôi nhau mà chẳng hại nhau" (Đạo tịnh hành nhi bất tương bội, vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại) (CHU HY, Sđđ, Hệ Từ Hạ)

"Đạt được trung hòa thì trời đất định vị, muôn vật đều hóa dục… Trung là gì ? Trung là cái gốc lớn của thiên hạ. Hòa là gì ? Hòa là sự đạt Đạo của thiên hạ" (Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên… Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt Đạo dã). Đạo đó là Đạo trung dung mà Đức Khổng Tử cho là không thể phút iây nào rời xa được (Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã) (Tiền mục, Tứ Thư thích nghĩa, Tập II, trang 35-36)(4) Đạo Trung Dung quan trọng như vậy nên vua Thuấn phải dặn dò ông Vũ : "Lòng người dễ khuynh nguy, lòng mến Đạo lại yếu, cho nên phải xét cho tinh một mực mà quyết giữ cho bằng được Trung Dung". (Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, duy tâm duy nhất, doãn cấp quyết trung) (COUVREUR SERAPHIN, Les Annales de'la Chine, Paris 1950, trang 39)(5) Tóm lại, Đạo Cao Đài mục đích là QUI TAM GIÁO, mà đời Lý Trần gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên là QUỐC ĐAÏO, đã bắt nguồn từ hai luồng tư tưởng lớn trên bán đảo Ấn Trung : Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo mà nhiều người tin tưởng này có thể dung hợp thành một ý thức hệ kiệm đủ chân thiện mỹ, khả dĩ đem lại cho Đông phương và toàn thể nhân loại một cuộc sống tinh thần cũng như vật chất đầy đủ, tốt đẹp, luôn luôn khai phóng và hướng thượng.

Sự tin tưởng này cũng là một liều thuốc vô cùng linh nghiệm để đối phó với bệnh tình cấp bách hiện tại của Tây phương. Thức giả Tây phương đã nhận thấy sự kém cõi của mình, hơn một lần tự hạ, mang học hỏi và cầu xin Đông phương giải cứu cho họ (NGUYỄN HỮU LƯƠNG, sđđ, trang 27)

3 . Càn Khôn Sản Xuất Hữu Hình

* CÀN KHÔN THỂ HIỆN VĂN HÓA

CÀN KHÔN hợp nhau là quẻ Thái (Khôn trên Càn dưới) . Quẻ Thái ( ) là thông suốt chủ tháng giêng : mồng chín tháng giêng là Vía Đức Chí Tôn.
CÀN KHÔN chính là Cửu Thiên Khai Hóa theo sơ đồ sau :
Quẻ Thái là cha đẻ của quẻ Bí ( ) mà Kinh Dịch trình bày quẻ Bí như một khái niệm văn hóa : 1.Từ kinh nghiệm cuộc sống, 2. Từ vận động tự nhiên gọi là Thiên Văn rồi hóa thành Nhân Văn.

Trong quẻ Bí phần Thoán Truyện đã viết : "Quan hồ Thiên văn dĩ sát thời biến. Quan hồ Nhân Văn dĩ hóa thành thiên hạ' (xem vẽ đẹp của Trời để biết sự đổi mùa, xem vẻ đẹp của người để giáo hóa thiên hạ)
(Ghi chú các chữ trên : Thien văn, Nhân văn, Thiên hạ, Thành văn, hóa thành)

Thái sinh ra Bí là do sự biến quái âm dương giao nhau: "Cương thượng nhi văn nhu. Nhu lai nhi văn cương" (Dương làm nên Văn cho Âm, Âm tới làm Văn cho Dương).

Văn hóa là cái "lễ" do nguyên khí của trơi đất làm cho cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp. Đó là ý nghĩa của quẻ Thái biểu sự hanh thông.

Quẻ Bí biểu tượng văn hóa nhân sanh bởi hai lẽ :
1 . Quẻ Bí đứng sau quẻ Phệ Hạp ( ). Phệ Hạp là nhân sanh trong xã hội quần tụ nhau. Sống chung phải có văn hóa, đó là đạo đức làm người tức Nhơn đạo.

2 . Quẻ Sơn Hỏa Bí tức núi trên, lửa dưới. Lửa chiếu sáng cho núi rạng rỡ, vì văn hóa là sự làm đẹp cho đời.

Trong quẻ Bí, văn hóa ví như ngón chân (Bí kỳ chỉ) vì ngón chân giúp loài người đứng thẳng. Ngón chân cái có huyệt Ẩn Bạch tiếp Địa Mạch (Force Tellurique). Mặt khác, văn hóa còn ví như cái râu hay nhơn trung là tiêu chí của "Thái Cực sinh lưỡng nghi" (xem trang 48 / Chương I) : trên Khôn (âm) dưới Càn (Dương), rốt cuộc đó là quẻ Thái biểu tượng trên mỗi người.

Tắt một lời, Càn Khôn là Thái hanh thông, Đức Chí Tôn đem cái văn hóa nam phong biến thành Nhơn (loại) phong mà giáo đạo. Quá trình đó, Đạo Cao Đài đã thực hiện qua ba giai đoạn : 1. Dựng lại hình thể và bản chất của nền văn hóa dân tộc, 2. Làm sống lại đạo đức truyền thống, 3. Phát triển lên tầm cao mới trùm nhân loại.

* CÀN KHÔN SẢN XUẤT HỮU HÌNH

Đạo thờ Càn Khôn là đạo thờ Cha Mẹ tâm linh dân tộc chính là một tín ngưỡng hỗn địa của dân chúng, là bộ phận của văn hóa Việt Nam thời Âu Cơ - Lạc Long Quân đến Mẫu Liễu - Trần Hưng Đạo nay là Đại Từ Phụ (Cha Lành), Đại Từ Mẫu (Mẹ hiền) của Đạo Cao Đài.
"Đạo thờ Cha Mẹ tâm linh dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Bởi đó, chính là tinh thần văn hóa, là kinh nghiệm lịch sử, là sự độc đáo Việt Nam không thể xóa bỏ được". (Tạp chí VHNT số 8-IXCVI, trang 25)

Xem thế, đạo thờ Càn Khôn không những phù hợp với Dịch lý mà còn phù hợp với việc thờ Cha Mẹ tâm linh dân tộc. Khi nói "Thiên khai ư Tý, địa Tịch ư Sửu và Nhơn sinh ư Dần", xét trong lịch sử Đạo Cao Đài các năm Tý, Sửu, Dần ta thấy :

* Thiên Khai ư Tý : Vào tháng Giêng năm Giáp Tý (2/1924), Đức Cao Đài cho ông Ngô Văn Chiêu thấy cảnh Bồng Lai. Trên cảnh ấy có Thiên Nhãn và Nhựt, Nguyệt, Tinh. Khi đổi về Sài Gòn, ông dạy đốc học Thới vẽ lại y như vậy mà thờ. Đó là tượng Thiên nhãn đầu tiên (Tiểu sử QPNVC, trang 34). Năm Tý lại là năm tuổi Đức Cao Thượng Phẩm (Mậu Tý- 1887)

* Địa Tịch ư Sửu : Vào đêm rằm tháng 8 Ất Sửu (1925) tại nhà Đức Cao Thượng Phẩm thiết lễ Hội Yến Diêu Trì Cung lần đầu tiên. Năm Sửu là năm tuổi của Đức Cao Thượng Sanh (Tân Sửu - 1900).

* Nhân sanh ư Dần : ngày 15-10-Bính Dần (1926), Đạo Cao Đài khai tại Thánh Thất Từ Lâm, Tây Ninh để phổ độ nhơn sanh. Năm Dần là năm tuổi của Đức Phạm Hộ Pháp (Canh Dần - 1890) .

Thế mới hay việc gì cũng có thiên cơ dĩ định trước.
Ta dùng quẻ Càn vẽ biểu đồ TAM DƯƠNG khai thái sau đây
Thật vậy, Đức Cao Thượng Phẩm là biểu tượng của Thiên Đạo, Đức Phạm Hộ Pháp là biểu tượng của Nhơn Đạo, Đức Cao Thượng Sanh là biểu tượng của Địa Đạo. Người xưa gọi là Tam Đạo thống Tam Năng : Thiên năng, Nhơn năng, Địa năng mà điều hòa vạn hữu.

- Quẻ Càn đã hiện ra. Còn quẻ Khôn ở đâu ? Đạo từ thuở khai nguyên đến nay chỉ có ba nữ Đầu Sư, phù hợp với đức tính của quẻ Khôn : nguyên, hanh, lợi, trinh.

- Bà Đầu Sư Lâm Hương Thanh là nữ môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài. Bà ngươn linh là Long Nữ, được Phật Thích Ca giảng Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và Đức Văn Thù Bồ Tát độ thành. Bà đã hiến tiền của xây dựng tổ đình Tòa Thánh. -Bà có công đầu trong việc may sắc phục đạo.

- Bà Đầu Sư Hồ Hương Lự là người chứng quả thượng thọ 96 tuổi, đắc quả Thanh quan tư bộ, mà người phối ngẫu là cụ Cao Hoài Ân được Đức Cao Đài truy phong Xuyên quan tư bộ (vị quan coi bộ đời). Vị quan coi bộ Đạo là Ngân hà công bộ tức cụ Phạm Công Thiện. Ta dùng quẻ Khôn vẽ "biểu đồ TAM ÂM" sau đây:
Tại Tòa Thánh, biểu tượng bên nữ là cái trống (âm), bên nam là cái chuông (dương). Chuông trống (dương âm) hòa hợp thì sự sống vĩnh hằng.

* NAM PHONG, NHƠN PHONG

Qua những điều vừa trình bày trên, ta thấy Tam Dương Khai Thái, đem đến sự hanh thông cho đất nước "Đạo Khai thì ách nước hầu mãn" theo lời dạy của Đức Chí Tôn. Khi nước nhà độc lập phải phục hưng văn hóa kinh tế. Thế nên Tam Âm Khai Văn vì văn hóa thuộc quẻ Bí mà Bí là con đẻ của quẻ Thái. Bởi lẽ, quẻ Khôn cũng do quẻ Càn chẻ làm đôi mà ra.
Văn hóa chính thống : nguyên hanh lợi trinh của quẻ Khôn nằm trong nếp truyền thống của văn hóa dân tộc. Đức Cao Đài đã dạy :
Quốc Đạo Kim triêu thành Đại Đạo
Nam Phong thử nhựt biến Nhơn Phong.

Khởi đầu là quốc Đạo Nam Phong, mục đích cuối cùng tôn chỉ của Đạo Cao Đài là Đại Đạo Nhơn phong tức Đại Đồng Nhơn loại. Đức Chí Tôn lại dạy rõ thêm:
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc
Chủ quyền chơn đạo một mình ta.
  Home         1 ]  [ 2 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét