Ngôi Thờ Đức Chí Tôn - 1 / 2 (Hiền Tài Trần Văn Rạng)

Thay Lời Tựa.
Khi trời đất phân ngôi đã có Thái cực, Đấng duy nhất đó ngự trên đài cao. (Linh tiêu nhất tháp thị Cao Đài). Đấng ấy phân thân giáng trần dạy dỗ chúng sanh theo đường đạo đức. (Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền).
"Nhiên Đăng Cổ Phật thị ngã, Thích Ca Mâu Ni thị ngã, Thái Thượng Ngươn Thỉ thị ngã, Kim Viết Cao Đài"
"Thầy là Đức Jéhovah của dân Hébreux, vị thánh vô danh của dân Do Thái, đức Chúa Cha của Chúa Jésus".

Trước nửa đầu thế kỷ XX, chính Đấng duy nhất đã dùng huyền diệu cơ bút dạy nhân loại bài học đầu tiên là Thương Yêu và Công Chánh. Ngài dạy: "Thầy cấm các con từ đây nếu không đủ sức Thương Yêu nhau thì chẳng đặng ghét nhau nghe à !" (Thánh ngôn Hiệp Tuyển TNHT, trang 69) hoặc "Sự thương yêu là chìa khoá mở cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự Thương yêu thì chẳng qua khỏi cửa luân hồi". (TNHT quyển II, trang 43).

Xem thế, sự Thương yêu là mục đích tối thượng của nền tân tôn giáo Cao Đài. Ai bước ra ngoài sự thương yêu thì chẳng thể phản bổn hườn nguyên được.
VÍA ĐỨC CHÍ TÔN NĂM XLIX.

CÀN KHÔN TRỜI ĐẤT
(Tựa lần tái bản)

Thờ quả Càn Khôn là thờ Trời Đất. Càn (Trời) trên Khôn (Đất) dưới là quẻ Bĩ biểu tượng thời Mạt Pháp. Nhưng tượng truyện viết : "Đại nhân chi cát, vị chính đáng dã". Nghĩa là Đấng Chí Tôn lòng lành vời ngôi vị chính đáng nên làm tắt cuộc bĩ vận trên thế giới.
Trong Kinh Dịch quẻ Bĩ được cấu thành ba hào dương ở trên và ba hào âm ở dưới gọi là Thiên Địa Bĩ tức bế tắc mạt kiếp. Thế thường càn vi thiên là Trời, Khôn vi Địa là đất. Trời đặt ở trên, đất ở dưới là thuận lý sao gọi là Bĩ ? Do âm dương không giao hoà và không tương hợp nên bế tắc.

Theo Đức Lão Tử trong Đạo Đức Kinh thì vạn vật lấy âm bọc dương (lúc đó mới Thái). Bởi lẽ khí dương nóng nhẹ dễ phát tán phải được khí âm nuôi dưỡng thành tượng thì khí dương mới có thể xuất lộ độc lập. Thế nên, Đạo phải cần được bao bọc nuôi nấng bởi đức, mà đức chỉ có thể trưởng thành được khi vào Ngôi Thờ Chí Tôn mà tu niệm. Nhờ đó mới có thể đảo ngược Bĩ thành Thái (lớn, thông suốt) tức Khôn trên Càn dưới mà tạo đời Thánh Đức.

Nói rõ hơn Khôn ở trên (tượng tín hữu) giữ khí đức. Càn ở dưới (tượng Hội Thánh) mà lập ngôi. Ngôi được khí đức nâng đỡ thì thái hoà bền vững (tức Thái). Như thế muốn hạnh thông phải thực hành lời dạy của Đức Chí Tôn là "Thương yêu".
ĐẠI LỄ ĐỨC CHÍ TÔN NĂM LX
TVR

PHẦN THỨ NHỨT

THƯỢNG ĐẾ GIÁNG TRẦN

CHƯƠNG I

THỜ ĐỨC TIN CỦA NHÂN LOẠI

Sự xuất hiện của Đạo Cao Đài đã được kinh sấm báo trước, là một tôn giáo được Đức Chí Tôn mặc khải toàn diện. Đạo sinh ra là để cứu đời "tận độ chúng sanh" thoát khỏi bể trầm luân.
Đạo Cao Đài sinh ra và lớn lên trong cái nôi gò bó chật hẹp dưới hai tầng áp bức : nửa thực dân, nửa phong kiến.

Thế mà, Đức Chí Tôn phán truyền : "Độ dẫn hoài sanh" "Hòa bình dân chủ tự do" , "Luật thương yêu, quyền công chánh", Nam nữ bình quyền (có bao nhiêu Chức sắc nam thì có bao nhiêu nữ), phá bỏ hủ lậu (Không vì nguyệt huyết kỵ anh linh) để "tạo đời cải dữ ra hiền" (Những tiêu đề tóm lược này xin đọc lại Thánh Ngôn Hiệp Tuyển). Và Đức Chí Tôn đã dùng huyền diệu qua cơ bút lập Đạo :
Từ thủa nước Nam chẳng Đạo nhà,
Nay ta gầy dựng lập nên ra …

Đó là những chiếc gai nhọn thọc thẳng vào chế độ thực dân và phong kiến, dù Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt bày tỏ với Thống Đốc Nam Kỳ lúc đó (1927) là Blanchard de la Brosse là Đạo Cao Đài chỉ thờ kính Trời (Dieu) chớ không làm chính trị (Tiểu sử Đức Quyền Giáo Tông. TN 1973, tr.53-54). Nhưng mật thám Pháp vẫn đàn áp nhiều tín đồ, dẹp Thánh Tượng (Tiểu sử Đức Quyền Giáo Tông. TN 1973, tr.53-54).

Lalaurette, Thanh tra Chính trị sự vụ và Hành chánh Nam kỳ, và Vilmont, Tỉnh trưởng Tây Ninh (Administrateur des Services civils, Chef de la province de Tây Ninh) đã theo dõi Đức Quyền Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp rất gắt gao, được đúc kết trong tập phúc trình "Le Caodaisme" (Le Caodaisme, Saigon 1933, 91 trang) gồm 2 phần :
- Phần I : (tr1-24) do Lalaurette viết lược sử và giáo điều CĐ
- Phần II : (25-91) do Vilmont viết gồm tài liệu về phái, kinh tế, xã hội, sự phân lý tôn giáo và chính trị.

Còn triều Nguyễn ra dụ cấm đạo : "Bảo Đại tự niên cấm truyền giáo Trung kỳ" vì Đạo Cao Đài hô hào "Tự do dân chủ" làm lung lay chế độ quân chủ phong kiến.

Thật ra, đạo ở trong nước, không thể tách khỏi xã hội nên Giáo lý Cao Đài dựa theo sinh hoạt của con người hầu biến đổi cuộc sống ngày một tốt hơn. Bởi lẽ đó mà Giáo lý Đạo Cao Đài phù hợp với ước vọng thầm kín từ lâu của nhân sanh. Đạo đã trở thành cái phao, con thuyền cứu độ trong lúc họ bị phong ba bão táp bủa vây. Họ đến với Đạo Cao Đài vì Đạo Cao Đài tận độ họ, vỗ về an ủi họ và tương lai sẽ giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc đời cực khổ hiện hữu. "Thầy đến lập nền Chánh giáo tại cõi Đông Dương là cốt làm cho kẻ bị hiếp đáp đặng mạnh mẽ, kẻ hiền lương làm thầy kẻ hung bạo" (Đạo sử quyển II, TN 1957 tr.248)

Giáo lý Đạo Cao Đài là những nguyên tắc hành động "Phổ độ chúng sanh" chớ không phải những giáo điều suông. Người tín hữu nào cũng hiểu rằng tu là làm giảm bớt đau khổ cho chính mình và cho những người xung quanh mình, chứ không phải tu vì Thượng đế hay làm cho Giáo hội thêm uy quyền. Với quan niệm như vậy, người tín hữu Cao Đài sẵn sàng đón nhận giáo thuyết Tam giáo, Ngũ chi với thành tâm thiện ý. Họ đã thực thi lời Đức Chí Tôn dạy : Thương yêu và Công chánh (Amour et Justice) mà không vì bản ngã tôn giáo.

Họ có một đạo tâm sinh động và một nội lực mạnh mẽ để chịu đựng khảo đảo của cuộc đời. Dù đời nêu lên "Cái Aùn Cao Đài", dù đời cho Đạo là những mảnh vỡ của nền văn hóa truyền thống (Kim Định, Căn bản Triết lý trong văn hóa VN. Saigon 1967, tr.70). Những việc đó là những thử thách trên đường tu học. Họ không trả lời nhưng có những bạn hữu của họ hồi đáp cho khách bàng quan bằng "Cái Aùn Cao Đài" và người tín hữu các tôn giáo trước cũng đã đi vào cuộc đời với những nỗi "nhọc nhằn" như vậy. "Khi Thích Ca truyền đạo, dân Braman cho là Bàng môn. Khi Lão Tử truyền đạo thì đời cho là phù phép mê hoặc. Khi Chúa Jésus truyền đạo thì dân Israel gọi là Tả đạo" (Đạo sử II, sđd tr.243).

Người ta bảo không thể nào "Qui Tam giáo, Hiệp Ngũ chi" được. Bởi lẽ họ đã thâm nhiễm triết học Tây phương. Theo Louis Millot, những ai muốn hiểu được người Đông phương thì hãy xếp lại quyển "Phương pháp luận" (Discours de la Méthode)của Descartes vì lý luận Đông phương và Tây phương không cùng bản chất. Đông phương không có triết học mà chỉ có Đạo học. Tất cả các nền tôn giáo lớn đều xuất phát từ phương Đông, Đạo học Đông phương không trong không ngoài, vừa là A mà vừa không phải là A.

Thần học Cao đài cũng mang tính hư hư thực thực đó. Guglielmo Ferreco khi so sánh giữa nền văn minh phẩm và nền văn minh lượng của Tây phương có viết :
"Dường như cái lý tưởng tiến bộ càng mập mờ bao nhiêu thì càng có sức mạnh được nhiều người tin tưởng bấy nhiêu". Thêm vào đó, G.Monod Herzen nhận xét : "Sự tổng hợp Đông phương và Tây phương, nền tảng của sự thuần nhất loài người là một vấn đề sinh tử, có lẽ là vấn đề khẩn thiết nhất của thời đại" (La Synthèse Orient, base de l'unite humaine, est une nécessité vitale, probablement la plus immédiatement nécessaire à notre époque) (Confluences Orient-Occident, France Asie N0100)

Có người cho rằng không thể nào làm như Tôn giáo Cao Đài, để chung Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử cùng trên một thiên bàn được. Thật ra, "Tam giáo tuy có khác nhau ở chỗ lập giáo và hành đạo nhưng đến chỗ cùng tột tuyệt đối thì cũng gặp nhau ở chỗ lý tưởng, cho nên vẫn dung nạp được nhau. Đó là cái đặc sắc của Tôn giáo Á Đông." (Trần Trọng Kim, Phật giáo, Saigon 1958). Đức Khổng Tử đã nói : "Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lợi" (Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau nhưng về một chỗ; dẫu có trăm lo cũng gom về một mối). Cái một ấy là Thái cực, là tuyệt đối, còn vạn tượng chỉ là sự biến hóa của cái một đó, mà cái một ấy là Thiên Nhãn, tượng trưng cho Đấng Duy Nhứt.

Trong "La Fin d'un Mythe", Carlo Suarès nhận định một cách sáng suốt như vầy : "Chân lý là sự tổng quảt của hai đối cực, chớ không phải sự đề cao cái này mà phủ nhận cái kia. Đạo học Đông phương và Khoa học Tây phương đều cùng sống trong một ảo tưởng như nhau". (La vérité est la synthèse des deux pôles, mais non pas l'affirmation de l'un au détriment de l'autre. L'Orient métaphysique est dans la même illusion que lOccident scientifique).

Đông phương và Tây phương đều sống trong ảo tưởng nên đều sai lầm như nhau. Nhân loại ngày nay đã xích lại gần nhau vì "càn khôn dĩ tận thức" và "Đồng qui nhi thù đồ", cùng gom về một mối Đại Đạo mà mỗi bên đi theo con đường riêng của mình : Thống nhứt mà không đồng nhứt.

Theo Hubert Benoit : "cả vạn vật trong vũ trụ đều do sự tổng hợp của Tam nguyên (ngôi Trung hòa), có hai nguyên lý

mâu thuẫn, một cái thuộc Dương (Thiện), một cái thuộc Aâm (Ác) cả hai cùng đứng trên một bình diện và có giá trị bằng nhau, được một nguyên lý tối cao (Trời) điều hòa lại, hòa giải hoặc chỉnh lại, bằng không, chúng sẽ tự hủy diệt lẫn nhau". (Tout l'univers est ainsi créé par la synthèse trinitaire, deux principes opposés, l'un positif, l'autre négatif, situés sur la même plan et ayant la même valeur, sont harmonisés, concillíes arbitré par un principe suprême, sans lequel, ils s'annuleraient) (H.Benoit, metaphysi que ét Paychanalyse, Paris 1945, trang 40).

Thánh Mahatma Gandhi đồng quan điểm với tôn giáo Cao Đài, đã nói : "Tất cả những chân lý khác biệt nhau, khác nào số lá trên cây, tuy mỗi lá có sắc thái riêng nhưng chung qui ở trên một thân cây, cùng một gốc sống chung với nhau". Chẳng khác chi ý bài Khai Kinh "Một cội sanh ba nhánh in nhau". Nếu những ai phê phán Thần học Cao Đài bằng cách chia ra từng phần mà không xem là một toàn thể bất khả phân, tất cả đều do một Đấng Duy Nhứt, tùy trình độ cao thấp của nhân sanh qua các thời kỳ mà Ngài lập Đạo, là chưa hiểu được chủ trương tổng hợp của nền Đạo mới này.

Đức Lão Tử dạy : "Người rành đạo thì không thích biện lý, kẻ ưa biện lý là kẻ không rõ lẽ Đạo" (Biện giả bất thiện, thiện giả bất tiện). Chân lý Đại học không thể chứng minh như khoa học mà chỉ khêu gợi, giác ngộ : "Nói là không biết, mà biết thì không nói". (Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn). Đó mớilà Đạo tâm sâu kín.

Biểu tượng tổng hợp và thống nhất của tôn giáo hoàn cầu đó là "Con Mắt trái mở rộng". Đó là đức tin chung đúc ngàn đời không những của dân tộc khác trên thế giới tôn sùng.

Thờ duy nhất một Con Mắt là thờ Chân lý tuyệt đối :
"Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể.
Quang thi Thần,
Thần thi Thiên.
Thiên giả Ngã giả"

"Tượng Thầy chẳng giống chi hết. Thầy vốn vô hình vô ảnh. Thầy tốt đẹp chưa ngọn bút phàm nào vẽ đặng, nhưng vẽ như Tượng thường tốt hơn là Tượng Ngũ chi" (Đạo sử II, tr.229).

Trên thế giới, nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc sùng kính Con Mắt. Trong Thánh Kinh Tân ước của Kitô giáo có nhiều đoạn nói về Con Mắt. Thánh Mathieu, nơi chương 6, điều 22,23 và Thánh Luc, nơi chương 11, điều 34, 35 đều viết : "Con Mắt là ngọn đèn rọi sáng thể xác. Nếu con mắt lành thì cả thể xác được minh mẫn. Nếu Con Mắt xấu thì cả thể xác sẽ ở trong U Minh (bóng tối)". (L'Oeil est la lampe du corps. Si ton oeil est en bon état, tout ton corps sera éclairé. Mais si ton oeil est en mauvais état, tout ton corps sera đans les ténèbres).

Ở Hoa Kỳ, vào năm 1776, Ủy ban soạn thảo triện gồm 3 nhà lãnh đạo Mỹ quốc là Thomas Jefferson, Benjamin Franklin và John Adams với hình Kim Tự Tháp mà trên chót có "Con Mắt" trong hình tam giác như các khung hình quanh Tòa Thánh hiện nay. Họ giải thích rằng tiền nhân người Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Thượng Đế nên sự tiến bộ của nước Hoa Kỳ luôn cần được sự phù hộ của Đức Thượng Đế.

Vì thế, người tín hữu Cao Đài theo chủ thuyết Đại Đồng nhân loại, không hành động cái gì riêng cho mình mà "quên mình làm nên cho người, giúp người nên Đạo" (Theo Tứ đại điều qui).

Thật ra cái nguyên lý tối cao nhất điều hòa những mâu thuẫn là Đạo, là Đấng Tuyệt Đối (Một Con Mắt), là Đấng vĩnh cửu … vô ảnh giúp nhân loại khỏi rã rời và chia rẽ. (G.Gobron, Histoire et Phylosophie du Caodaisme, Paris Dervy 1949, tr.196)

Thiên Nhãn cũng chỉ là một tượng trưng mà thôi, tùy nước tùy nơi mà con mắt khác nhau về hình thể nhưng thống nhất về giáo lý : Tin Đấng Duy Nhất.

Đức Chí Tôn đã dạy : Đạo Thầy là vô hình, vô dạng, nhưng cái lý vô vi ấy cần phải nương với hữu hình. Chẳng nên lấy cái Có mà bỏ cái Không, mà cũng chẳng nên giữ gìn cái Không mà quên cái Có. Bổn nguyên của Đạo Cao Đài là duy nhất Thần với biểu tượng Thiên Nhãn. Còn những cách thể bày biện ngoài Thiên Nhãn chỉ là sự biểu lộ lòng tôn kính đối với hàng giáo lãnh của các tôn giáo đã có trước, cũng nhằm để phổ độ chúng sanh bằng hình tượng siêu thoát.

CHƯƠNG II

THƯỢNG ĐẾ HẰNG HỮU

Thật sự có Trời (Dieu) không ? Trời ở đâu ?
Ta hãy nghe ông Trời phán truyền :
"Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền" Hay: "Cùng nhau một (Đại) Đạo tức một Cha (Trời)" (TNHT.I.TN1964 tr.5)
Đó là tuyên ngôn của nền Đại Đạo gồm tất cả các mối Đạo để tiến tới Đại Đồng Nhân loại vì con một nhà, anh em một cha.

Lúc nào Đức Chí Tôn cũng có mặt dưới những hình thức lập giáo khác nhau, Ngài cho biết :
"Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Ngươn Thỉ thị Ngã,
Kim viết Cao Đài" (TNHT.I. tr.13)

"Thầy là Đức Jévovah của dân Hébreux, vì Chúa tể của quân dân Israel, vị Thánh Vô danh của dân Do Thái, Đức Chúa Cha của Chúa Jésus. Con chỉ cần cầu nguyện Thầy với danh hiệu Cao Đài thì sẽ có cảm ứng ngay". (TNHT.I. tr.124)

Như vậy, đặt vấn đề có Trời, có Thượng Đế, có Chúa Cha hay không thì nên quay lại tìm hiểu các tôn giáo mà Đạo Cao Đài tổng hợp. Sự hiện diện của Đạo Cao Đài là tiếp nối đạo Giatô và đạo Phật sắp mạt pháp vào năm 2000. mạt pháp theo Đức Hộ Pháp dạy không phải Tận thế mà đúng một giáp tới một nền văn minh tôn giáo mới, một chu kỳ Đạo [ Bài thuyết Đạo (Quyển I), tr.132]

, lúc đó, Đức Di Lạc ra đời cứu rỗi con người. Ngài là biểu tượng của nền văn hóa tổng hợp hoàn cầu. Ngài đầy đủ nhận định về xã hội và kiến thức về con người để dẫn dắt nhân loại đi trên con đường Đạo tâm Thánh Đức. Sự xuất hiện của Đức Di Lạc như cuộc vận động mới làm sống dậy những gì Đức Cao Đài đã phán truyền : Nhân loại hiệp đồng, văn hóa khoa học chỉ là một.

Trở lại vấn đề có Trời hay không ?Vào thế kỷ II, nhà thiên văn Ptolémé đã viết : "Có một sức mạnh nào đó phóng ra từ ête vĩnh cữu của vũ trụ và truyền tới hết thảy những gì bao quanh trái đất và có cái gì hoàn toàn phụ thuộc vào sự thay đổi. Đó là những điều mà mọi người thấy rõ. Mặt trời cùng với môi trường bao quanh nó, bằng cách nào đó, luôn luôn truyền cái trật tự của mình tới tất cả những gì ở trên mặt đất". ( Những bí mật của sự tiên đoán. Hà Nội 1977, tr.144)

Thầy Trang Tử cũng viết : "Ta thấy Trời xoay vòng, còn đất thì duy trì mãi. Mặt trời, mặt trăng cứ xoay vòng liên tiếp. Ta tự hỏi cái gì thống quản vũ trụ ? Cái gì nối liền vũ trụ ? Cái gì tồn tại vô cùng và giữ cho các hành tinh chuyển động mãi mãi như vậy ?" Nhứt định phải có một Đấng thống ngự vạn vật. "Khi chưa có chi trong Càn Khôn Vũ Trụ thì khí Hư Vô sanh có một mình Thầy". ( TNHT.II.TN 1963, tr.62)

Vậy Đức Chí Tôn là Đấng Nguyên Thủy.
Vũ trụ không ngẫu nhiên mà có. Trái đất tự quay mà không có điểm tựa, lại phân bốn mùa tám tiết, không ngừng nghỉ, không sai một ly. Những hiện tượng đó buộc ta phải nghĩ rằng có một vị Chúa tể thiêng liêng là Vô vi Thái cực, cái "Vô danh thiên Địa chi thỉ", cái không tên mà là nguồn gốc của Trời Đất. Cái Chân Hư ấy qui tụ điểm Chân nhứt (Jésus) và ánh sáng nguyên thủy (A Di Đà Phật) mà nay gọi là Đức Chí Tôn (Le Très-Haut).

Đứng trước vũ trụ huyền bí bao la, không ai mất đức tin hoàn toàn. Hãy để cho tiếng lương tâm vang lên, thì đức tin sẽ ló dạng. Sự hiện hữu của Trời là nhờ kinh nghiệm trong cuộc sống, chớ không phải nhờ từ bên ngoài hay nhớ lý luận. Rõ ràng nhất là khi công lý loài người vắng bóng thì động lòng Trời, ta sẽ thấy sự diệu hữu của Ngài. "Có lắm người tưởng rằng ta phải thấy Trời y như Trời đứng bên này, còn ta đứng bên kia, đâu phải vậy. Trời với tôi chỉ là một động tác thấy Trời của tôi" (Eckhart).

Đức Chí Tôn đã dạy : "Tuy con không thấy Thầy nhưng nghe Thầy dạy thì con nên tin đó là sự thật". Vả lại cơ thể của Tiên Phật là tinh tế, mắt thường đâu thể nhìn thấy dễ dàng được.

Lắm người ngoài miệng nói không có Trời, nhưng gặp khó khăn bất hạnh lại "kêu Trời" vì Trời là một Đấng Công bình, toàn thiện toàn năng. Do đó, "nơi lòng Thầy ngự động Thầy hay" (TNHT.I.tr.87). Thế nên, muốn tin có Trời, phải sống phù hợp với Đạo lý để tâm ta có đủ tri giác nhận thức một điều gì đó. Miễn sự tư duy đó là vô ngã biết thương yêu kẻ khác vì cùng một cha chung, rồi lần lần ta sẽ thấy có Trời ngự trong lòng ta.

"Ta chuẩn nhận Đức Thượng Đế như một anh linh tuyệt đối, vô thỉ vô chung, toàn thiện toàn hảo, vô hình mà hiện thực, như một thực thể toàn tri, vô sở bất tại. trong đời tôi, hơn một lần, mỗi khi cõi lòng đau khổ, cái anh linh toàn năng, cái LÝ tuyệt vời, cái hình ảnh Từ bi ấp đã phát lộ đến với tôi đầy xót thương, an ủi, dường như để cho tôi thấy là có Trời. TÔI CHO LÀ CÓ TRỜI, không phải như trường hợp một thầy tu có đức tin vì có học Đạo, mà đây là trường hợp của kẻ vô tín ngưỡng buộc lòng phải tin có Trời như người bại trận." (Dieu existe-t-il?Saigon 1972, tr.88 và 174)

Theo Théologia Germanica : "Trời là một và phải là một. Trời là tất cả và phải là tất cả. Vậy cái gì có nhưng không phải là Một không phải là Trời và cái gì có nhưng không phải là Tất cả không phải là Trời. Bởi vì Trời là Một và trên Một, là Tất cả và trên Tất cả. Người nào mà vạn hữu không phải là Một đối với mình, kẻ đó không thể tìm thấy sự thỏa mãn nơi Trời" (trang 184).

Tóm lại, Trời không cao, không xa, không lạ với bất cứ ai. Trời ở ngay trong lòng người "trong lòng Thầy ngự" hay "Nhãn thị chủ tâm" cũng vậy. Thượng đế hằng hữu ở khắp mọi nơi, nhất là nhữngnơi trầm luân khổ hải, mất công lý. Nhờ thế người đa nghi mấy cũng phải tin, người ác mấy cũng phải hiền, người yếu mấy cũng thấy mạnh. Trong Thánh ý : "Các con nhỏ noi mà các con to lớn, các con nhịn nhục mà các con hình phạt". (TNHT.I.tr 36)

Nhờ tin có Trời, sợ Trời, con người mới làm lành lánh dữ để khỏi bị Trời hình phạt.

CHƯƠNG III

Ý NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ

Tôn giáo Cao Đài phản ánh phong hóa xã hội Việt Nam. Tín đồ đa số thuộc giới bình dân. Vậy ta tìm hiểu nơi mà Đạo Cao Đài xuất hiện và trưởng thành xem dân chúng ấy có ý niệm như thế nào về Đấng Toàn năng.
Sau khi khảo sát tục ngữ, phong dao Việt Nam, Thanh Lãng đã lược ghi như sau :
1/ - Ông Trời tự có, không ai dựng nên, nhưng tất cả vũ trụ đều là tạo phẩm của ông Trời.
2/ - Ông Trời điều động guồng máy vũ trụ, không việc gì xảy ra trên đời này, dù việc thầm kín trong lòng người, mà không do ông Trời.
3/ - Ông Trời không cay ác độc địa, trái lại rất nhân từ, nhất là đối với người lương thiện. (Thanh vãng, Văn chương bình dân, Saigon 1957, tr.227)

Trong ngôn ngữ dân gian không thiếu những từ ngữ : Lạy Trời, Ơn Trời, nhờ Trời, Trời giúp … Thế nên, họ rất thương, rất mến ông Trời. Vì đó mới có danh từ : Đại Từ Phụ, Cha, Thầy … rất gần gũi thân thương cảm hóa được tấm lòng quần chúng. Nhờ đó, họ cảm ứng nồng nhiệt Đạo Mới mà không có mãnh lực nào ngăn cản nổi.

Theo Lê Văn Siêu, "quan niệm siêu hình về Thượng Đế thời xưa chỉ chất phác là có một Đấng Vạn năng ngồi trên chín từng mây mà dưới này ai nói gì cũng nghe, ai nghĩ gì cũng biết cả (Lê Văn Siêu, Nguồn gốc Văn học VN, Saigon 1956, tr.76) rất phù hợp với giáo lý Cao Đài.

Léopold cadìere có quan niệm gần giống như vậy : "Ý nghĩa về một Đấng Toàn năng đã được phát triển với ảnh hưởng của các tư tưởng Trung Hoa, nhưng ngay từ khởi thỉ, trong ý thức VN đã có sẵn mầm móng của ý niệm đó rồi" (Nguyễn Đăng Thục, Tư tưởng VN (dẫn lại), Saigon 1964, tr.258)

Có lẽ Hoàng Trọng Miên viết rõ về ông Trời :
"Ngày xưa, trước tất cả mọi sự, đã có ông Trời. Trời là một bậc quyền phép vô song, ở trên cao, làm ra tất cả : Trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng; sinh ra tất cả : Loài người, muôn vật, cỏ cây … Từ mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao trên Trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên.

Trời có Con Mắt, thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ của muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng và đến khi chết thì về chầu Trời . . . . "

Giang sơn của Trời từ mặt đất lên đến trên cao có Chín Tầng Trời và chỗ giáp với đất, ấy là chân Trời. Trời vô hình, không nói, nhưng người ta tin là ở đâu đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời, mọi việc đều do Trời định.

Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng ở trong Cung điện giống như Cung điện nhà vua dưới trần đã bắt chước làm theo. Ở cửa điện có một vị Thần mặc áo giáp cầm côn giữ cửa.

Ngọc Hoàng hợp triều tại đây, triều đình cũng không khác gì hạ giới, chư Thần Thiên cung, đạo quân nhà Trời để trừng phạt những Thần linh ngỗ nghịch.

Vợ Ngọc Hoàng là Tây Vương Mẫu ở núi Côn Lôn, cùng một đàn Tiên nữ. Tây Vương Mẫu có một vườn Đào, cứ 3000 năm trái chín một lần, ăn vào thì được trường sanh bất tử.

Cõi trời chia ra 9 tầng, các vị Thần tùy chức tước mà ở theo thứ tự mỗi tầng. Ngọc Hoàng là bậc tối cao, ở tầng thứ nhất" (Hoàng Trọng Miên, VN Văn học toàn thư (Q.I) Saigon 1959, tr.61)

Đó là ông Trời theo quan niệm của dân gian.

Đọc kinh điển Cao Đài giáo, ta thường thấy câu này: "Tùy theo trình độ tiến hóa của nhân sanh mà thay đổi cho phù hợp". Thế nên, Đức Chí Tôn của Đạo Cao Đài không da vàng mũi tẹt hay da trắng mũi cao mà vô hình vô ảnh "Vô vi nhi dịch sử quần linh" ( Kinh Lễ. Paris Gasnier 1952, tr.18) không hình mà điều khiển cả nhân sanh. Đức Chí Tôn không hề có vợ hay con như quan niệm thấp thỏi của dân gian.

Dưới tay của Đức Chí Tôn có cả một triều nghi tức là Thiên triều, còn gọi là Ngọc Hư Cung, cầm quyền cai trị toàn cả thế giới vô hình và hữu hình, chẳng có mảy lông nào lọt qua lưới Trời. Đó là về mặt "Công", về mặt "Tư", Thượng Đế là Đại Từ Phụ, Đấng Cha Lành của mọi chúng sanh. Lúc nào Ngài cũng Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả, thương toàn nhân loại và "Thầy cấm từ đây các con nếu không đủ sức THƯƠNG YÊU nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau" (TNHT.II, tr.69). Thượng Đế là Thiên Thượng, còn nhân loại là thiên hạ. Hai khối ấy luôn luôn tương hiệp, tương sanh để thế giới vĩnh hằng. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong ý niệm "Thầy là các con mà các con là Thầy". Nói cách khác, Thượng Đế là Đại Linh Quang, con người là Tiểu Linh Quang do Ngài phân tánh cho ta. Nói rộng hơn, Thượng Đế là khối Đại Lương Tri (Conscience universelle) gồm tất cả Lương tri của nhân loại.

Thượng Đế là Thái Dương, chủ Dương quang. Phật Mẫu là Thái Aâm, chủ Aâm quang. Phật Mẫu chuyển hóa Aâm Dương tạo thành chúng sanh :
"Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh,
Càn khôn sản xuất hữu hình
Bát hồn vận chuyển thành chúng sanh".
( Kinh Lễ. Paris Gasnier 1952, tr.101)

Trên đây là ý niệm về Trời của người bình dân Việt Nam. Còn đối với các tôn giáo mà Đạo Cao Đài tổng hợp có quan niệm thế nào về Thượng Đế ?

Kitô giáo cho Đức Chúa Trời chỉ là một cá nhân siêu phàm, có xác thịt nhưng toàn năng. Ai ai cũng phải chịu phán đoán tối hậu của Đức Chúa Trời, làm lành thì được hưởng phước, làm dữ sẽ bị hình phạt đời đời.

Đạo Phật cho Phật là chân lý siêu việt. Thật ra học thuyết Đại Thừa có ý niệm về Trời. Về hình thức suy cứu với căn bản triết lý và dưới hình thức bình dân theo thuyết đa Thần giáo, cho Phật chỉ là một khuôn mặt của Thượng Đế. Đại Thừa cũng cho rằng Bồ Tát ngự ở vị trí cao nhất nên Bồ Tát vốn là một ngôi với Thượng Đế. Trong câu niệm : Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát", xác nhận Đại Bồ Tát là Đức Thượng Đế.

A Di Đà Phật (Adi Boudha) là vị Phật tối sơ, còn gọi là Tối Thắng Phật, đã lấy cái trí hóa ra 5 vị Phật khác gọi là Dhyani Boudha. Năm vị này tự tính luân thân hóa ra 5 vị Bồ Tát, đó là Phổ Hiền Bồ Tát, Kim Cương Thủ Bồ Tát, Quan Thế Aâm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát và Bảo Thủ Bồ Tát (Ratnapâni Bodhisattva).

Giáo lý của Bà La Môn giáo (tức Aán Độ giáo) không giống giáo lý Kitô giáo và Phật giáo. Bà La Môn giáo không phủ nhận có một Đấng điều khiển vũ trụ. Mọi người được tự do muốn tin Đức Chí Tôn là Brahma, Siva hay Christna (Hiện thân của Vishnou) cũng được.

Phái cổ Phệ Đà tin có Đấng Tối Cao, chẳng tùy thuộc không gian, thời gian và nhân quả. Phái nhứt nguyên (advaita) dạy : Nhờ có Đức Brahma mà người Bà La Môn mới biết mọi việc. Không có Trời ban hơi thờ cho ta thì ta không sống thêm một giây nào. Ta sống là nhờ Trời. Trời là tinh túy của vạn vật trong hoàn vũ, là nguồn suối phát xuất linh hồn. Không một ai ở thế gian tự hào là mình biết Trời.

Chuyển sang Trung Hoa, dân tộc này tin có ngôi Thượng Đế thống ngự vạn vật. Đấng ấy ngự tại sao Bắc Đẩu điều khiển cả thế gian, không tùy thuộc vào ngôi nào, có đầy đủ quyền uy.

- Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vọng. (Theo ý Trời thì còn, trái ý Trời thì mất).
- Mưu sự tại nhân, hành sự tại Thiên. (Tính việc ở người, thành việc do nơi Trời).
- Tác thiện, Thiên giáng chi bá phúc, tác bất thiện, Thiên giáng chi bá ương. (Làm lành, Trời ban trăm điều phước, làm ác, Trời cho trăm tai ương).
- Tri mạng chi nhân kiến lợi bất động tâm, tử bất oán. (Biết mạng Trời, thấy lợi không động lòng, thấy chết không oán hờn).

Xem thế, các dân tộc trên thế giới như các tôn giáo đã ra đời đều tin có một Lý Tuyệt đối, tối cao, siêu nhiên mà loài người không ý niệm nổi. Dù hoài nghi thế nào, vũ trụ và con người đều bị một định luật khắc khe thống quản. Đấng điều khiển ấy là Đức Chí Tôn, là Thế Tôn, là Ông Trời, là Đức Chúa Trời … tùy theo quan niệm của mỗi dân tộc.

CHƯƠNG IV

TRỜI NGƯỜI HIỆP NHỨT

Tôn giáo Cao Đài bám chặt cội rễ vào đất nước, nơi mà Đạo xuất hiện và đơm hoa kết trái. Đạo cực lực phát huy và triển khai các thành ngữ "Trời cao có Mắt. Ý dân là ý Trời"
"Ý dân là ý Trời" nghĩa là sao ? Theo Kinh Cảm Ứng, cầu tất linh, cảm tất ứng. Nghĩa là trong một đàn cúng lễ chẳng hạn, mọi người đều nguyện cầu "Thiên hạ thái bình". Những ý tưởng đó bay lên cao động lòng Trời và Trời theo ý muốn của nhân sanh mà ban ơn lành cho "Thiên hạ thái bình".

Người Đạo Cao Đài phát triển "Ý dân là ý Trời" thành "Trời người hiệp nhứt". Khi bước vào cửa chánh Đền Thánh, ta thấy hình Tam Thánh, đại biểu cho cả ba nước "gần gũi" Việt Nam nhất, đứng ký Thiên Nhơn hòa ước, còn gọi là Đệ Tam Hòa Ước.

Tiêu đề là :thiên Nhơn hiệp nhứt (hai chữ Hán viết là Thiên thượng Thiên hạ và hai chữ Pháp là Dieu et Humanité).

Nội dung là : Thương yêu và công chánh (mà nguyên ngữ bằng chữ Pháp là : Amour et Justice).

Vậy muốn Trời Người hiệp nhứt phải làm sao ? Phải nhờ đồng tử làm trung gian mà trong Đạo gọi là Thập nhị Thời quân. Giáo lý Cao Đài xác nhận con người có linh hồn vì nếu không có linh hồn thì cũng không có Đạo Cao Đài. Nói cách khác, linh hồn là một Tiểu Linh quang của Đức Chí Tôn (Ngài là Đại Linh quang) phân tánh ban cho (TNHT.I.tr.95) nên khi tâm ta động hay ước nguyện điều gì thì Đại Linh quang của Ngài sẽ cảm ứng ngay vì cùng một tầng số vi ba, một nguồn gốc hóa thành. Chẳng khác gì trung tâm điện toán, một tế bào quang điện nhiễu động thì trung tâm có phản ứng ngay. Chính nhờ đó mà Đạo Cao Đài mới thông linh được các Đấng vô hình qua cơ bút.

"Khoa học cũng làm sáng tỏ việc não bộ của con người phát ra các làn sóng điện từ có cùng đặc tính của những sóng đã ghi được trong bầu trời". (Những bí mật của sự tiên đoán, Hà Nội 1977, tr.150)

Kinh Dịch có viết "Dịch giả ? Thiên Nhơn tương hợp nhi dĩ hỉ" (Dịch là gì ? Cái lẽ Trời Người cùng hiệp đó mà).

"Khởi nguyên của sự sống là sinh lực (bióenergie) và là năng lượng khí (énergie). Chung quanh khoảng không vũ trụ còn có trường hấp dẫn, trường điện tử, trường sinh học, trên khoảng chân không còn có một dạng thứ tư của vật chất là Plasma của vũ trụ và Bioplasma của sinh vật. Chính những dòng Plasma vận hành trong cơ thể con người giao lưu cùng vũ trụ" (VS-Tinh Khí Thần của tư tưởng Đông phương).

Việc phù cơ thỉnh Tiên đã có từ thời đại Lý Trần và có lâu đời ở Trung Hoa. Trước khi Đạo Cao Đài xuất hiện, phái Minh Sư ở Trung Hoa do cơ bút đã truyền bá câu :
CAO như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng,
ĐÀI tại Nam phương đạo thống truyền"

Đến thời Pháp thuộc, báo chí chữ Pháp phổ biến phương pháp xây bàn (la table tournante), các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc theo đó mà làm và vô hình trung bắt điển thiêng liêng truyền Đạo.

Ta có thể nói, Đạo Cao Đài phát sinh dựa trên hai nền tảng :
1/ - Xã hội tính Việt Nam chung đúc trên 4000 năm văn hiến. Đó là văn hóa Phật, Khổng, Lão, sau cùng là Kitô giáo. Đạo Cao Đài cố gắng làm sáng tỏ phong hóa VN : Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
2/ - Khoa học tâm linh như Thần Linh học, Thông Thiên học, nhất là phong trào xây bàn ở Châu Aâu tràn vào nước ta vào đầu thế 20. Như thế, đức tin người Cao Đài có cơ sở, đâu phải huyễn hoặc mê tín. Đạo Cao Đài là một tôn giáo tiến bộ có đủ năng lực giải thoát con người tiến đến cõi Thiêng liêng hằng sống.

Việc cầu cơ thỉnh Tiên hiện nay trên thế giới, ngoài nước Trung Hoa lâu đời, còn có Pháp, Anh … nhất là Mỹ. Theo báo Nation (1991) người ta cầu cơ nơi trống thuộc nhà thờ Đạo Do Thái ở New York nhân ngày giỗ của cô đào Marilyn Monroe (tự tử ngày 5-8-1962), hồn cô về cho biết "cô uất hận vì đã bị dòng họ Kenedy ám sát".

Việc xây bàn bắt đầu từ năm 1847 ở nông trại Hydesville thuộc tiểu bang New York, Mỹ quốc, tại gia đình họ Fox. Theo lời bà Fox, một hôm bà nghe tiếng đập cửa. Bà liền nói "Hãy đếm đến 20" thì tiếng đập đủ số 20. Bà liền nói nếu hồn linh thì đập 2 tiếng, được đáp y như lời. Sau đó hồn linh cho biết mình tên là Charles Haynes, làm phu khuân vác bị chủ nhà giết chết và chôn trong hầm trại. Ông Fox đào lên thấy xương tóc của người chết.

Tiếng đồn người sống nói chuyện với hồn linh vang khắp nước Mỹ.

Năm 1852, Hội nghị Thông linh học (Congrès spirite) mở ra lần đầu tại Cleverland. Số người theo Thông linh học lên đến 3 triệu người vào năm 1854, trong đó có hơn 1 vạn đồng tử. Phái đoàn đồng tử Mỹ sang Anh, Đức, Pháp gây phong trào Thông linh rộng lớn tại những nước đó.

Ở Pháp, bà Girardin phổ độ cho văn hào Victor Hugo (Sau đắc phong Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại giáo Cao Đài) về việc xây bàn khi ông ra đảo Jersey. Sau đó Allan Kardec hệ thống hóa Thông linh học phù hợp khoa học chân xác ngày nay.

Non một thế kỷ, việc xây bàn từ Pháp mới truyền sang nước ta, được các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang tiếp nhận, học tập xây bàn. Vô hình trung họ đã làm trung gian cho Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế khai Đạo ở Việt Nam.

Quay sang nước Nhật, từ thời vua Minh Trị Thiên Hoàng Đạo OMOTO (Đại Bản) cũng được sáng lập bằng huyền diệu cơ bút. Năm 1935, Hội Thánh Đạo OMOTO có phái giáo sĩ sang VN liên lạc với ông Đầu Sư Thái Thơ Thanh. năm 1955, phái đoàn Cao Đài sang dự hội nghị tôn giáo quốc tế tại Nhật, được ông Sao Deguchi, Giáo chủ Đạo OMOTO tiếp đón. Ông nói cơ bút của Hội Thánh OMOTO cho biết Đạo Cao Đài sẽ xuất hiện tại VN (Lịch sử Cơ bút Đạo Cao Đài, Sài gòn, Hồn Quê 1967, tr.37)

Bên Ý, vào năm 1984, Luật sư Sados Albertini, một tín hữu Kitô giáo, có đứa con trai tên Andrea bị chết oan. Hồn hắn về thông tin cha và bà đồng tử Anitac. Luật sư tổng kết những điều kỳ diệu mà ông giao tiếp với con viết thành quyển "Thế giới bên kia tồn tại". cuốn sách bán hết trong 10 ngày và phải in lại đến lần thứ 24. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng : Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp. Oâng đã nhận được 5000 lá thơ chứng tỏ họ bị thuyết phục về huyền diệu của Thế giới vô hình.

Luật sư Sardos Albertini viết "Tôi tin ở Chúa. Tôi tin ở Giáo hội. Các thông báo của Andrea (linh hồn người chết) đều hoàn toàn thích hợp với những điều Giáo hội răn dạy, chính vì vậy, tôi tin vào Andrea".

Về Andrea cho biết "Bãi chăn thả lớn các linh hồn đi theo ánh sáng vô tận của Thần Thánh … Một linh hồn chỉ biết những gì mà Thượng Đế thông đạt". (Dẫn lại trong Đặc san "Mùa xuân thi ca". Nhà XB Hội Nhà Văn VN năm 1992, tr.43-44)

Những điều vừa trình bày trên chứng tỏ rằng thế giới vô hình và sẵn sàng liên lạc với người còn sống. Ngay từ buổi đầu lập giáo, Đạo Cao Đài luôn luôn được Đức Thượng Đế phò trợ. "Muốn đến với Thầy thì cầu nguyện. Thầy không bao giờ không cảm ứng với những lời cầu nguyện chân thành" (TNHT.I.sđđ, tr.124) và "Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa". (TNHT.I.sđđ, tr.18)

Những lời phán truyền đó nói lên "Trời Người hiệp nhứt" trong ý niệm lưu truyền lâu đời "Có Trời mà cũng có Ta"

Đức Chí Tôn lại dạy : "Sự nào về Đạo mà vừa lòng trong cả chư Chức sắc và tín đồ, ấy là hiệp Thiên ý. Còn điều nào mà phần nhiều môn đệ của Thầy chẳng khứng chịu theo, ấy là bất hiệp Thiên ý đó" (TNHT, sđđ, tr.47). Câu ấy có khác gì câu : Ý dân là ý Trời.

Nhờ đó, bao nhiêu khó khăn thử thách trong buổi đầu đều được Đức Chí Tôn hiển linh qua cơ bút chỉ vẽ, giải quyết mọi vấn đề. Chỉ một thời gian rất ngắn, cơ chế Đạo đã hình thành : Pháp Chánh Truyền, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài .

Những điều huyền diệu linh hiển của cơ bút thì vô ngần không kể xiết. Từ việc dạy Ngũ chi Minh đạo về hiệp nhứt, tới việc trị bịnh điên, bịnh thời khí, đều đạt kết quả tốt. Nhờ đó, Đạo khai không bao lâu, số người theo Đạo lên tới non triệu.

PHẦN THỨ HAI

NGÔI THỜ ĐỨC CHÍ TÔN

CHƯƠNG I

QUÁ TRÌNH XÂY CẤT TOÀ THÁNH

Đạo Cao Đài phát sinh trong hoàn cảnh nước nhà bị lệ thuộc Pháp. Nhân dân nghèo đói thất học. Đa số tín đồ là bần nông nên Đạo Cao Đài là tôn giáo của người nghèo. Đến ngày Khai Đạo, họ chưa có đền thờ nên phải mượn tạm Chùa Từ Lâm (Gò Kén). Chùa nhỏ, người đến dự lễ quá đông, do đó xảy ra việc tà quái trong đêm khai đạo (ngày 25-10-Bính Dần) , trước mắt viên đại uý Pháp Monet và các tên tình báo của Sở Mật Thám Đông Dương, về sau chúng đúc kết in thành tập "Le Caodaisme".
Chínhvì việc tà quái mà Hoà Thượng Như Nhãn, chủ chùa Từ Lâm đòi chùa lại. Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư giữ việc Đạo lúc đó phải tìm đất xây dựng chùa mới. Nhà Ngài ở gần đình Hiệp Ninh (nay gọi là Thảo Xá Hiền Cung). Năm 1915 Ngài làm thơ ký Sở hoả xa Sài gòn. Năm 1925, nghỉ việc theo Đạo mới, Ngài mua được phần đất của Aspar, viên kiểm lâm người Pháp. Đất này vốn là rừng cấm nằm trên đường dây thép,còn gọi là đường trên (La route haute) phân biệt với đường quốc lộ 22, lúc đó gọi là đường dưới (La route basse).

Trước tiên, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư cho khai phá khu Bàu Cà Na tới sân bay (khoảng trước chợ Từ Bi). Lúc đó, 1926 vùng này còn rừng cấm, âm u nhiều chướng khí. Nước hết sức độc,uống vào chói nước. thú dữ như cọp, gấu, beo, rắn độc…nhiều vô kể. Loài người và loài thú tranh nhau từng thế đất. Lúc khai phá rừng, người Miên, TàMun xuống cả ngàn người làm công quả. Viên Chánh Tham biện Pháp nghi ngờ nên gọi Đức Cao Thượng Phẩm ra toà bố hỏi rằng :
- Ông làm cái gì mà đông đảo như vậy ?
- Tôi mua đất đặng trồng caosu
- Trồng mấy mẫu ?
- Phá tới đâu, tôi trồng tới đó.

Vì lúc đó việc trồng caosu rất thạnh hành và là một nguồn lợi lớn cho Pháp nên họ làm ngơ. Khu khai phá đầu tiên này trong vùng cây ba nhánh gồm 96 mẫu của Hội cựu chiến binh Pháp. Bắc giáp lộ liên tỉnh 13, Đông giáp sân bay chiến lược của Pháp (chưa sử dụng), Nam giáp Ao hồ, Tây giáp đường Mít Một.

Chùa mới cất tạm bằng cây và tranh, có nhà thờ chính,Hậu điện, Đông lang, Tây lang , Trù phòng.

Đến tháng 10 năm Tân Sửu (1933) khởi công xây cất bằng bêtông cốt sắt, do ông Nguyễn Ngọc Thơ trông coi. Ông Thơ người Sài gòn, làm tri huyện Tân Định. Năm 1926 ông theo Đạo thọ phong Đầu Sư. Ông và bà Lâm Ngọc Thanh (Nữ Đầu Sư) xuất tiền mua đất cất chùa mới và một miếng rừng khác ở phía Tây Nam.chùa mới đất tên là Chùa Cực Lạc và phóng nhiều con đường mới như Quan Âm Các, Phước Đức Cù, Long Nữ Điện….

Việc xây dựng Toà Thánh của ông Nguyễn Ngọc Thơ, ông Lê Văn Trung bị dở dang, được ông Lê Thế Vĩnh mướn kỹ sư Phan Hiếu Kinh lãnh làm lầu Hiệp Thiên Đài, đúc cột và đổ plafond chút ít rồi cũng ngừng vì thiếu tiền.

Đến ngày 01-11-Bính Tý (1936) Đức Phạm Hộ Pháp kêu gọi sự giúp đỡ của bà Lâm Ngọc Thanh quyết tâm xây dựng Toà Thánh với khẩu hiệu "Bắt gió nắn hình". Đứng bên sau ông là Phạm Môn phát hồng thệ và thủ trinh chấp hành sự chỉ dẫn xây cất của sư phụ.

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần hai bùng nổ, quân đội Pháp chiếm đóng Toà Thánh, việc xây cất đình chỉ. Mãi đến ngày 24-01-Aát Dậu (1954). Toà Thánh được mở cửa lại do ông Lâm Tài Khị lo xây dựng. Đến đầu năm Đinh Hợi (1947), tập thể thợ hồ và công quả, đứng đầu là Tổng Giám Lê Văn Bàng, bàn giao cho Hội Thánh Cao Đài, Toà Thánh đã kiến thiết xong. Nhưng mãi tới năm 1955 mới làm lễ Khánh Thành.

Toà Thánh là công trình kiến trúc của nhân dân lao động tuyệt đại đa số là ít học hoặc thất học. Họ chỉ với niềm tin sắt đá "Linh tại ngã" mà đã hoàn thành một công trình kiệt tác ở miền Nam. Một nhà triết học nói : "Cho một niềm tin, tôi biến rừng núi ra thành thị". Thật vậy, từ năm 1926, vùng núi u tịch, dân cư và phố chợ vùng Đất Thánh phát triển không ngừng theo nguyên tắc phổ cập trên thế giới : dọc theo trục lộ giao thông. Khởi đầu, vùng mà nay gọi là Cửa Hoà Viện, hai bên đường trên (La route haute) dân Đạo lập chợ Từ Bi, chợ Thương Binh (nay là chợ Hiệp Lễ). Dọc theo 20 nhà cửa mọc lên như nấm, dọc theo lộ Quan Âm Các, nhà cửa san sát, chợ Ngã Năm trù phú, chợ cửa số 7 và chợ Mít Một, tới năm 1951 mới có chợ Long Hoa.

Số tín đồ ngày càng đông, Hội Thánh Cao Đài phải mở rộng khu phía Đông Bắc 70 mẫu, tức khu Cực Lạc Thái Bình ngày nay, giáp ngã ba Suối Đá. Đến năm 1932 tăng thêm 70 mẫu, những vùng sau này được dân chúng kéo đến lập nghiệp, năm 1950 Trí Huệ Cung (tại Trường Hoà hiện nay) khánh thành, vì lòng tin thoát được nợ trần, bổn đạo phải đi từ Thiên Thọ lộ, qua cầu Đoạn Trần mới được vào Thiên Hỷ động tức Trí Huệ Cung. Ở Qui Thiện thì có Trí Giác Cung, ở chân núi thì có Vạn Pháp Cung. Đến năm 1950, vùng đất Thánh rộng 20.383 mẫu.

Toà Thánh dài 96 mét, ngang 22,50 mét, cao 27 mét, nằm về phía Đông tỉnh lỵ Tây Ninh, cách 5km và cách Sài gòn 95 km. Toà Thánh nằm thiên về phía Tây gần cửa Hoà Viện. Đó là công trình kiến trúc của toàn thể tín đồ Cao Đài, sáng tạo cả bê tông cốt tre. Hằng năm lượt các tín đồ Cao Đài từ khắp Lục Tỉnh đi về Toà Thánh làm công quả xây dựng. Họ chịu đựng mọi gian khổ, có người tự túc cả lương thực mà không ăn cơm Trại Đường. Các tầng lớp địa chủ, thương buôn giàu có cũng đóng góp để xây dựng Toà Thánh. Sau 14 năm (1933-1947) lao động ngày đêm của nhơn sanh, Toà Thánh mới hoàn thành.

Để tôn vinh toàn thể nhân dân lao động, ngoài công trình đắp hình các Thánh, ông Bùi Aùi Thoại là người bình dân ít học đã đắp Lao Động chi Đài ở bao lơn mặt tiền Toà Thánh,chỗ danh dự nhất, tám hạng người lao động : Sĩ , Nông , Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục . Ông Bùi Aùi Thoại được điểm công hàng đầu đắc phong Á Thánh.

Dưới đây, xin trích đoạn đầu và đoạn chót của "Tờ Bàn Giao Đền Thờ Đức Chí Tôn cho Hội Thánh"
Toà Thánh, ngày mùng 3 tháng 1 năm Đinh Hợi.
(dl. ngày 24-1-1948)
"Chúng tôi đồng đứng tên dưới đây là Tổng Giám, Tá Lý, Nhân công Nam Nữ xin dâng 3 bổn này lên Hội Thánh.

Nguyên vào năm Bính Tý (1936), các con có làm tờ trình nguyện làm Đền Thờ Đức Chí Tôn. Nay các con đã hoàn thành, xin giao lại cho Hội Thánh…

VI BẰNG : Vị Tổng Giám xây Toà Thánh Lê Văn Bàng xin phép Đức Hộ Pháp cho toàn nhân công Nam Nữ làm lễ ra mắt những vị Tiền vãng. Đoạn Đức Hộ Pháp mời cả Chức sắc Nam Nữ vào lạy Chí Tôn ban ơn huệ cho cả gia quyến các công thợ và những thiện tâm hỷ cúng vào sự tạo tác Toà Thánh.

Khi bái lễ xong, Đức Hộ Pháp, nhân danh Hội Thánh, để lời cảm tạ tấm lòng thiết thạch của những môn đệ chí hiếu và tận trung. Kẻ công, người của đã trải qua biết vao thời gian nguy biến, gian lao, gìn giữ đức tin, mới lần hồi kiến tạo một Đền thờ vĩ đại oai nghiêm tráng lệ dường nầy.
Vị Tá Lý Lê Ngọc Lời thay mặt Tổng Giám Lê Văn Bàng đọc lời chúc mừng.

Toà Thánh là hồn của Đạo, là khối đức tin lớn xuất hiện tại vùng Á Đông vào cuối kỳ Hạ ngươn. Nhờ nơi huyền diệu thiêng liêng mà Đạo đặng phổ thông mau chóng. Nhiều tín đồ đã tùng giáo, nên Đạo phải có Thánh Thể của Chí Tôn tại thế mà tụ khối đức tin của toàn nhơn loại. Vì lẽ đó, Đức Quyền Giáo Tông, ba vị Chánh Phối Sư thi hành theo tiếng gọi của nhơn sanh để làm Toà Thánh. Biết bao nhiêu người hăng hái vui mừng chung hợp xây Toà Thánh cho mau rồi…

Khi vị Tá Lý đọc xong, Đức Hộ Pháp đáp lời. Bần Đạo không ngờ mấy xem phái Nữ đã đạt được kỳ công. Nhớ lại khi mới khởi công, Bần Đạo chỉ chọn phái Nam , sau vì nhân công không đủ nên chọn thêm mấy em nữ. Ban đầu trộn hồ, gánh gạch, lần hồi xây đắp vách tường, công việc của mấy em làm càng ngày càng tiến như phần đông Nam phái. Mọi việc chi đủ Nam Nữ, Âm Dương mới tạo thành lý Đạo. Aáy là định ý của Đức Chí Tôn đó vậy.

Khi ấy, vì dè dặt, Bần Đạo mới buộc mấy em phải hồng thệ và thủ trinh cho tinh khiết mà xây Đền Thánh. Ngay nay đặng hoàn thành, Bần đạo sẽ giải thệ cho mấy em nào muốn ra lập gia đình tuỳ thích.

Đức Hộ Pháp kêu vị Tổng Giám Lê Văn Bàng đem tờ Giao Lãnh mà khi xưa mấy vị nầy đã ký với Hội Thánh, Đức Ngài ký tên với danh vị người thợ hồ. ( Ban Kiến Trúc : Lễ Giao Lãnh Đền thờ Đức Chí Tôn 1948. Ấn hành 1971)

Thật vậy, chính người thợ hồ Phạm Công Tắc đã hướng dẫn thiết kế xây dựng và đắp hình tượng trong ngoài Đền Thánh lưu để mai sau.

CHƯƠNG II

KIẾN TRÚC TOÀ THÁNH

I . MẶT TRƯỚC ĐỀN THÀNH

Tổng thể Đền Thánh rất nguy nga tráng lệ, chiều dài 96 mét, và chiều ngang 22 mét. Mặt tiền day về hướng Tây. Bên trái là Lầu chuông gọi là Bạch Ngọc Chung Đài, bên phải là Lầu trống gọi là Lôi Âm Cổ Đài, cả hai đều cao 27 mét. Ngay giữa, phía trước có đúc 4 cây trụ rồng có quấn hoa sen chạm trổ rất tinh vi,màu sắc sặc sỡ,tượng trưng Long Hoa Đại Hội.
Năm bậc thềm bước lên, mỗi bậc cao độ 16 cm, tượng trưng Ngũ Chi Đại Đạo. Ngước mắt nhìn ngay giữa thấy ngay bàn tay Đức Thượng Đế cầm Cân Công Bình. Ngó sang bên phải là tượng ông Thiện, mình mặc giáp,đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao mà gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện. Bên trái là tượng ông Aùc , cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, trợn mắt nhăn răng, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều Aùc. Bởi lẽ ác đúng lúc là thiện, thiện không nhằm chỗ là ác.

Phía trên 4 cột rồng, xây hình bán nguyệt, đó là Lao Động Đài, có đắp hình tượng 8 nghề trong xã hội : Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh , Mục với ý nghĩa : dù làm nghề gì, khi qui vị cũng phải về Toà Thánh mà xem phước tội.

Ngang đài nầy, bên phải người xem, có tượng màu trắng của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, bên trái là tượng Bà Đầu Sư Lâm Hương Thanh. Hai chức sắc Nam Nữ nầy có kỳ công khai mở Đạo và xây dựng đền đài.

Phía trên hai tượng nầy có tạc hình hai đóa hoa đỏ xanh trang nhã siêu thoát. Trong sự tích Vua U Vương nhà Châu nằm mộng thấy bó hoa từ trên rơi xuống mà được Đạo Phật truyền sang.

Nơi lầu chuông, lầu trống, mỗi lầu đều có 6 tầng. Trên đỉnh lầu chuông, dưới ngọn thu lôi có tạc tượng cái hồ lô, là bửu pháp của Lý Thiết Quả. Trên đỉnh lầu trống có tạc hình giỏ hoa lam, là bửu pháp của Long Nữ ( đồng tử của Quan Thế Âm). Hai hình nầy trên tượng của Đức Quyền Giáo Tông và Bà Đầu Sư mà hai vị nầy vốn là ngươn linh của Lý Thiết Quả và Long Nữ.

Chính giữa hai lầu chuông trống là tượng Thiên Nhãn màu xanh tươi thắm, toả ra những tia sáng lunglinh, tượng trương Đấng Thượng Đế toàn năng. Hai bên Thiên Nhãn có đắp 2 câu đối chữ Hán.
HIỆP NHẬP CAO ĐÀI BÁ TÁNH THẬP PHƯƠNG QUI CHÁNH QUẢ.
THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO NGŨ CHI TAM GIÁO HỘI LONG HOA.

Nghĩa là :
Hiệp vào Cao Đài, trăm họ mười phương sùng Chánh giáo.
Trời khai Đại Đạo, năm nhánh ba giáo hộ Long Hoa.

Trên hai câu đối nầy có hai chữ nho, bên phải là chữ Nhân, bên trái là chữ Nghĩa. Đó là triết lý của Kinh Dịch mà Đạo Cao Đài phát huy thành giáo luật.

Trên hai chữ Nhân Nghĩa có một hàng chữ Hán và một hàng chữ Việt đều viết : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Phía trên, ngay giữa hàng chữ nầy có Cổ Pháp Tam giáo là Bình Bát Vu (Phật), Phất chủ (Tiên) và quyển Xuân Thu (Nho). Trên cùng là tượng Phật Di Lạc ngồi trên lưng cọp để làm kỷ niệm năm Bính Dần khai đạo. Mặt khác, theo Thánh giáo, Đức Chí Tôn lập Đạo để đưa nhơn loại đến Hội Long Hoa do chính Đức Di Lạc chấp chưởng.

Cách thềm ngoài trên 2 mét là Tịnh Tâm Điện, nơi dùng để toàn Đạo tịnh tâm thần trước khi vào chầu Lễ. Trên bức vách chắn tạc tượng Tam Thánh là :
1 . Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thánh danh Thanh Sơn Đạo Sĩ.
2 . Victor Hugo, Thánh danh Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.
3 . Tôn Dật Tiên, Thánh danh Tôn Trung Sơn.

Tam Thánh ở Bạch Vân Động thay mặt nhơn loại ký với Thượng Đế đệä tam hoà ước : "Thiên Thượng, Thiên Hạ" (Dieu et Humanité) : Trời Người hiệp nhứt qua trung gian cơ bút.

Hai bên Tịnh Tâm Điện có đường lên Hiệp Thiên Đài, có bàn thờ Chức sắc Hiệp Thiên đài đã qui liễu.

Hai bên bàn thờ có hai đường lên lầu chuông, lầu trống. Sở dĩ gọi lầu chuông là Bạch Ngọc Chung Đài là vì tạc chuông theo hình ở Bạch Ngọc Kinh tứ thời, còn lầu trống là Lôi Âm Cổ Đài vì tạc trống sấm theo hình ở Lôi Âm Tự.

Tiến lên tầng lầu chót, đưa mắt nhìn phía Bắc là núi Bà Đen, phía Đông là núi Thị Vải làm hồn ta lâng lâng xao xuyến.

II . BÊN TRONG ĐỀN THÁNH

Mặt sau bức hoạ Tam Thánh, bên trong Đền Thánh là 3 chiếc ngai thất đầu xà (rắn 7 đầu) tượng trưng cho Thất tình : Hỉ, Aùi, Lạc, Nộ, Ố, Ai, Dục, trong mỗi con người. Thật ra, con người không thể nào diệt được Thất tình, nên phải dưỡng 3 tính tốt : Hỉ, Aùi,Lạc tượng trưng bằng ba đầu rắn đưa lên, và 4 tính xấu : Nộ, Ố, Ai, Dục bị đè xuống tượng trưng bằng 4 đầu rắn còn lại.
Ngai chính giữa là ngai Hộ Pháp. Trên vách tường sau ngai này là tạc một chữ KHÍ (Tam Tự nhất thể, xem "Lý giải quả Càn khôn ) màu vàng, tức khí sanh quang nuôi sống vạn vật, tượng trưng sự miên trường của vạn loại.

Ngai bên trái là ngai Thượng Sanh và bên hữu là ngai Thượng Phẩm. Ba ngai này hiện đã tạc ba tượng của ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh đã triều Thiên.

Bên trong Đền Thánh có 28 cột rồng tượng trưng cho Nhi Thập Bát Tú giáng trần giáo đạo đứng chầu Thượng Đế. Các cột rồng sơn đủ các màu : vàng, xanh, đỏ, trắng là để tượng trưng cho ba kỳ phổ độ.

Nhất kỳ phổ độ có Thanh Dương Đại Hội để phán đoán đức hạnh và công quả tu hành của nhân sanh do Đức Nhiên Đăng chưởng pháp.

Nhị kỳ phổ độ có Hồng Dương Đại Hội có Đức Di Đà điều khiển.

Tam Kỳ Phổ Độ có Bạch Dương Đại Hội do Đức Di Lạc tuyển phong Phật vị. Vì vậy các rồng trắng (Bạch long) ở Bát Quái Đài dưới quả Càn Khôn là tượng trưng thời kỳ Bạch Dương và cột rồng vàng (Huỳnh long) biểu tượng các vị Phật đến chứng Đại Hội Long Hoa.

Các cột rồng há miệng nói lên "khẩu phát ngôn" đặc điểm của thời kỳ Đại Ấn xá này dạy Đạo cho nhân sanh tầm theo đường chánh, chấm dứt thời kỳ "Phật giả vô ngôn".

Trên vòm trần nhà ở giữa hai cột rồng có chạm hình rồng nhô ra 6 đầu,chung quanh sơn màu xanh da trời lấy ý trong bài Ngọc Hoàng Kinh là : Thời thừa lục long, du hành bất tức ( Xem phần thứ 2, chương V) tức xe Trời (Thiên xa).

Hai bên vách Đền Thánh tạc hình hoa sen, gương sen và ngó sen trong khung hình chữ nhứt đứng, ở giữa có khung tam giác tạc Thiên Nhãn phản chiếu các tia rẽ quạt rất sinh động. Thiên Nhãn là Thái cực, bụi sen trên, bụi sen dưới là Âm Dương tức Lưỡng Nghi, 4 trái sen hai bên là Tứ Tượng, 8 lá sen là Bát Quái, 12 ngó sen là Thập nhị Khai Thiên; lấy hình ảnh sen để biểu tượng cho Dịch lý của vạn vật luân chuyển không ngừng trong vũ trụ.

Nền của Đền Thánh có 9 bậc thật dài, độ 63 mét, ngang tả ban hữu ban đều sơn trắng có tạc hình Tứ linh : Long (biến dịch), Lân (hạnh phúc), Qui (trường cửu), Phụng (thái bình).

Gần ngang cửa hông, nhìn lên trần nhà ở giữa, trổ lên nóc, có xây một cái đài hình tròn, cao 17 mét, gọi là Nghinh Phong đài. Trên nóc đắp một nửa địa cầu có vẽ các châu lục trên thế giới. Trên nửa địa cầu này, ngoài trời có tạc con Long Mã đem hàm ấn chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông. Bởi lẽ Á châu là nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều tôn giáo như : Bái vật giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo…"Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông" . Vả lại, long mã tượng trưng cho sự hợp nhứt Âm Dương để phát khởi vạn loại vì theo Dịch lý rồng thuộc dương, ngựa thuộc âm.

Dưới Nghinh Phong đài có 2 cột rồng uốn theo khuôn ốc. Cái miệng rồng phun ra 6 chia đỡ Giảng đài, nơi để chức sắc đứng giảng Đạo, tượng trưng người tu phải biết đè nén Lục trần, còn gọi Lục tặc (6 kẻ cướp), nó lợi dụng sơ hở của ta mà xâm nhập vào thân xác. Lục trần là : Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc

(đụng chạm nam nữ), Pháp (phương cách nhập vào ý).

Ra cửa hông dọc lan can mỗi bên có 6 cửa ra vào. Các bậc lên xây dựng như bậc thang mà hai bên có tượng hai con Kim Mao Hẩu lông vàng gần giống con sư tử. Các tứ linh : long, lân, qui, phụng, chim thú được tạc tượng y như thật, song ý tưởng vượt lên trên hình tượng cụ thể mà biểu hiện bí pháp thiêng liêng tiềm ẩn bên trong.

Rời Giảng đài, trước Bửu Điện là 7 chiếc ngai sơn son thiếp vàng hình long, lân, phụng. Trước 7 chiếc ngai chắn bức bình phong chạm rồng mạ vàng rất linh động. Hai bên bình phong và 7 chiếc ngai thiết trí hai hàng lổ bộ bửu pháp của Bát Tiên :
1 . Bầu rượu của Lý Thiết Quả
2 . Quạt của Hớn Chung Ly
3 . Thư Hùng Kiếm của Lữ Đồng Tân
4 . Gậy của Trương Quả Lão
5 . Giỏ Hoa Lam của Lam Thể Hoà
6 . Hoa sen của Hà Tiên Cô
7 . Oáng tiêu của Hà Tiên Tử
8 . Cặp sanh của Tào Quốc Cựu

Bảy chiếc ngai thứ tự từ trong Bửu Điện ra là :
- Một ngai Giáo Tông chạm rồng
- Ba ngai Chưởng Pháp chạm phụng
- Ba ngai Đầu sư chạm lân
Cuối ngai Giáo Tông là hết 9 bậc của Cửu Trùng Đài. Mỗi lần đi qua một công trình kiến trúc là lòng khách hành hương tiến dần vào nẻo Đạo.

III . BÁT QUÁI ĐÀI

Đến bậc thứ 10 ngắn hơn gọi là Cung Đạo. Trên nóc Cung Đạo đúc vòm bầu Trời, chạm hình Đức Hồng Quân, Đại ngọc cơ và quyển Xuân Thu đều được chạm kiếng phản chiếu lung linh.
Mặt trước và phía trên Cung Đạo có đúc bức hoành hình chữ M, tạc tượng các Giáo chủ Tam giáo, Tam Trấn và Ngũ chi Đại Đạo.

- Hàng trên ba vị Giáo chủ : Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử .
- Hàng giữa ba vị trong Tam Trấn : Quan Âm, Lý Bạch, Quan Thánh.
- Hàng dưới Lý Bạch là Jésus Christ và Khương Thượng.

Nếu kể từ Thích Ca xuống thì đại diện Ngũ Chi Đại Đạo là : Phật (Thích Ca), Tiên (Lý Bạch), Thánh (Jésus Christ), Thần (Khương Thái Công), Nhơn (Giáo Tông).

Bức hoành bên tả thờ Bát Tiên như đã dẫn.

Bức hoành bên hữu thờ Thất Thánh : Vương Tiễn, Na Tra, Vi Hộ, Lý Tịnh, Kim Tra, Lôi Chân Tử, Mộc Tra. Theo Đức Hộ Pháp, đã tạc Thất Thánh. Lẽ ra đắp tượng Thất Hiền Hy Lạp phù hợp với tư tưởng nhập thế của Đạo Cao Đài. Theo "Roman des sept Sages", Thất Hiền ở vào thế kỷ trước Tây lịch là : Thalès, Pittacos, Bias, Solon, Cléobule, Chilon và Périandre.

Thalès kêu gọi từ bỏ những bất lương. Hãy trị chính bản thân mình trước khi ra lịnh cho kẻ khác.

Việc thờ quá nhiều Thần như vậy là một kinh nghiệm tôn giáo trong quá khứ để thu hút nhiều tín đồ. Bởi lẽ "Phật giáo nhiều Thần thoại phép mầu, có vô số vị Thần Thánh làm trung gian giữa tín đồ và Đấng Tối Cao đã thắng Phật giáo Nguyên thuỷ; cũng như Thiên Chúa giáo đa sắc thái chú trọng tới bề ngoài đã thắng Kitô giáo giản dị nghiêm khắc thời nguyên thuỷ" (Qill Durant, Lịch sử Văn minh Ấn độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Saigon 1971, tr 255)

Việc thờ Tam Trấn biểu thị cho Tam Kỳ Phổ Độ có một triết lý thật sâu xa. Đó là thờ bi, trí, dũng của loài người.

- Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm biểu tượng cho Trí vì có lý trí mà Ngài để không để lôi cuốn vào đường truỵ lạc. Cái trí của Ngài sáng rõ như Kim Tinh.

- Quan Thế Âm, Nhị Trấn oai nghiêm biểu tượng cho Bi vì thương chúng sanh đau khổ mà bố thí cứu độ. Trí và Bi lúc nào cũng đi đôi với nhau làm nền tảng cho cơ phổ độ.

- Quan Thánh Đế Quân, Tam Trấn Oai nghiêm biểu tượng cái Dũng. Cái uy dũng, cái trung can nghĩa khí của ngài là gương sáng cho người tu học.

Kế Cung Đạo là bàn thờ Đức Chí Tôn hương trầm toả nghi ngút. Trên quả Càn Khôn ngay chính giữa có vẽ Thiên Nhãn. Quả Càn Khôn không chỉ là trái đất mà bao gồm cả Thiên cầu. Vì Càn là trời tức là Thiên cầu thuộc Dương; Khôn là đất tức địa cầu thuộc Âm mà "Nhất âm nhất dương chi vị Đạo". như thế, thờ Thiên Nhãn trên quả Càn Khôn là thờ Đạo. Thiên thượng (Thiên cầu), Thiên hạ (Trái đất có người) hiệp nhứt đã thể hiện rõ trên quả Càn Khôn. Đó là chủ đích tối cao của nền Tân tôn giáo. Quả Càn Khôn được đặt trên cái đài hình bát giác (8 cạnh). Từ dưới quả Càn Khôn là những khuôn linh vị viết bằng chữ Hán thờ các vì Giáo chủ trong các thời kỳ phổ độ trước.

Hai bên có cặp hạc thanh thoát đứng trên lưng rùa (trường cửu), cổ vươn cao chầu Thượng Đế. Chung quanh quả Càn Khôn có tạc nhiều con rồng sơn màu trắng, biểu tượng cho Bạch Dương Đại hội ở kỳ Hạ ngươn này.

Dưới Bát Quái Đài có cái hầm sâu xuống đất gọi là Hầm Tàng Bửu Khánh. Theo các Đền xưa,hầm này dùng chứa châu báu, tiền của các người hảo tâm cúng hiến. Khi có Thiên tai đao binh đói khổ thì khai ra bố thí cho dân nghèo.

Phía trên Bát Quái Đài xây lên ba tầng : Tầng dưới từ nóc lên độ 15 mét, tầng giữa độ 10 mét và tầng chót độ 5 mét. Trên đỉnh có tạc 3 tượng Phật day mặt về ba hướng (Thời Bà La Môn giáo, 3 vị chỉ là Thần).
- Phật Brahma, cưỡi con Huyền Nga, day mặt về hướng Tây, điều khiển Thượng ngươn Thánh Đức.
- Phật Shiva (Siva) đạp trên thất đầu xà, day mặt về hướng Bắc, điều khiển Trung ngươn tranh đấu. Tại sao Phật Shiva đạp trên rắn bảyđầu như Hộ Pháp vì "Thần Shiva còn giữ vai trò của Dvaparala tức là các Hộ Pháp giữ các đền thờ" (Nghiêm Thẩm, Tôn giáo của người Chàm tại VN, Saigon DHVK 1972 tr 18 và 30)
- Phật Christna (hay Vishnou) cưỡi con giao long (trong thần thoại con Rồng cháu Tiên) dạy mặt về hướng Nam điều khiển hạ ngươn bảo tồn hay Ngươn tái tạo (Mahabhrata (sử thi Ấn độ), Hà Nội 1979). Đó là 3 vị Thần của Đạo Bà La Môn đã thành Phật trong kỳ ba Phổ độ. Trong sử thi Ấn Độ "Mahabharata", Thần Vishnou cưỡi chim thần Garuda, Shiva cưỡi bò thần Nanđin, mình quấn đầy rắn, Christna là Thần tình yêu có sứ mạng bảo vệ hoà bình.

Tham quan xong, lửng thửng bước ra ngoài, trong lòng còn luyến tiếc, quay đầu lại nhìn mái ngói :trùng thềm điệp ốc", phía dưới có khung tròn vẽ đôi chim hạc bay trước ánh mặt trời mông mênh khiến tâm hồn lâng lâng muốn lánh chốn hồng trần ràng buộc. "Gà dù sẵn lúa mà bếp lửa cận kề; hạc dù thiếu ăn nhưng trời đất mênh mông" (Lung kê hữu mễ than oa cận; dã hạc vô lương thiên địa khoan).

IV . CÁC KIẾN TRÚC QUANH TOÀ THÁNH
Phần này chỉ giới thiệu các dinh, đường, tháp mà không chuyên sâu vào giáo lý.
Sau Bát Quái Đài là Tháp Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, xây ba tầng hình 8 cạnh. Sở dĩ táng liên đài bát giác, xây tháp bát giác vì theo kinh có câu "Ba mươi sáu cõi Thiên Tào, nhập trong Bát Quái Đài mới vào Ngọc Hư",nghĩa là muốn về chầu Thượng Đế thì phải qua Bát Quái Đài.

Sau Tháp Đức Quyền Giáo Tông là Hậu Điện, nơi ở của các Chức sắc phế đời hành đạo. Bên trái là Đông lang, nhà ở của Chức sắc Nam. Bên trái Đông lang là 3 tháp của 3 vị Nam Đầu sư Thái, Thượng,Ngọc.

Bên phải Hậu Điện là Tây lang, nhà ở của Chức sắc Nữ. Bên phải Tây lang là Tháp Nữ Đầu Sư.

Đền Thánh, Hậu Điện, Đông lang, Tây lang họp thành chữ Sơn (nghĩa là núi) biểu thị sự cao khiết.

Phía Bắc, cách Đền Thánh độ 100 mét là Toà Nội Chánh,nơi làm việc của 3 vị Chánh Phối Sư và Cửu Viện Hành Chánh. Phía Tây, cách mặt tiền Đền Thánh 30 mét có cột phướn cao 30 mét, ở chân phướn có chạm rồng và hoa sen. Cách cột phướn 10 mét có cây Bồ Đề do Đức Narada Théra, Phật giáo Tích Lan tặng. Dưới cội Bồ Đề có tượng Đức Phật Thích Ca thiền.

Hai bên sân Đại Đồng Xã có hai khán đài rất lớn, 12 bậc, ẩn vào trong hai cụm rừng Thiên nhiên. Sở dĩ gọi như vậy, vì khi xây cất Toà Thánh, 2 cụm rừng này được chừa lại như nguyên thuỷ.

Ơû giữa hai khán đài trên sân Đại Đồng Xã có xây cái nền chơ vơ giữa trời hình bát giác, có 9 bậc, gọi là Cửu Trùng Thiên , nơi dùng để thiêu xác các Chức sắc từ Đầu sư trở lên.

Hướng về Tây, tượng Xa Nặc chạy bộ theo Đức Thích Ca cỡi ngưạ phía trước. Hai tượng này biểu hiện sự tích tầm Đạo của Thái tử Sĩ Đạt Ta.

Về phía Nam Đền Thánh, dọc Đại lộ Phạm Hộ Pháp có nhiều kiến trúc mỹ lệ. Khởi đầu là Nữ Đầu Sư Đường, nơi thờ các Nữ Đầu Sư và cũnglà nơi làm việc của phái Nữ. Kế đến là Hạnh Đường, nhà Huấn luyện Chức sắc đi phổ độ chúng sanh. Phía sau Hạnh Đường là Trai Đường, nhà ăn chung của đồng đạo phế đời lo Đạo.

Đối diện với Hạnh Đường là Giáo Tông Đường , nơi thờ Đức Quyền Giáo Tông cũng là nơi làm việc của chư Chức sắc Đại Thiên Phong.

Cách Giáo Tông Đường một con đường về phía bên phải Toà Hiệp Thiên Đài, đó là cơ quan bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đại Đạo, cũng là nơi thờ Đức Cao Thượng Phẩm, Cao Thượng Sanh và 12 vị Thời Quân.

Đối xứng vời Hiệp Thiên Đài qua con đường là Ban Tương Trợ cung cấp nhu cầu cần thiết cho mọi người.

Giáp rào Hiệp Thiên Đài về phía bên phải là Hộ Pháp Đường, kiến trúc dạng khối chữ nhựt, nóc bằng. Xưa kia là nơi làm việc của Đức Phạm Hộ Pháp, nay là nơi thờ tự và nhà kỷ niệm của Ngài.

Sát bên phải Hộ Pháp Đường là Báo Ân Từ tạm làm Đền Thờ Phật Mẫu. Đây là ngôi Đền dạng khối chữ nhựt, phân ra 2 tầng : trệt và lầu, đài duy nhất cao vút gọi là Bạch Ngọc Chung đài.

Báo Ân Từ là nơi thờ phượng những bậc đại ân, đại hiếu, nên mặt tiền đền này tạc sự tích Nhị Thập Tứ Hiếu để răn đời. Bên trong Đền thờ phân làm 3 gian, gian giữa rộng hơn hai bên. Từ ngoài vào tới cung thờ có tất cả 8 lồng căn, gọi là Bát Cảnh Cung. Trên hai hàng cột phân lòng căn treo mặt nộm hình quả tim sơn vàng có cắm cờ vang mang ý nghĩa "Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ".

Trong Bửu Điện, bàn ngoài thờ tượng Phật Thích Ca và bàn trong thờ Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật cưỡi chim loan. Ngay từ buổi đầu dạy Đạo. Đức Phật Mẫu và Chín cô hết lòng dìu dắt 3 vị Thiên sứ từng bước đi vào cửa Đạo.

Đức Phật Mẫu là Mẹ sanh của toàn thể nhân loại, chưởng quản từng Trời Tạo Hoá Thiên. Đức Từ Mẫu còn được gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Hậu, Tây Vương Mẫu theo thần thoại Trung Hoa, Thiên Mẫu, Cửu Trùng Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Nay Đạo Cao Đài gọi là Đức Diêu Trì Phật Mẫu hay Kim Mẫu (gọi tắt của chữ Kim Bàn Phật Mẫu). Như thế, quyền lực của Đức Phật Mẫu rất to lớn, chỉ có từ ngữ Đức Mẹ mà vừa là Thiên, là Tiên, là Phật. Đức Phạm Hộ Pháp đã thuyết đạo trên Cửu Long đài hồi 16 giờ ngày 15-8-Đinh Hợi (1947) có câu :"Bần đạo tưởng cả thảy toàn Đạo nên biết quyền hành ấy…".

"Phật Mẫu là chủ Âm quang, Chí Tôn là chủ Dương quang, Âm Dương tương hiệp, Đạo Cao Đài nương theo năng lực của hai khối Âm Dương ấy mà phát triển."

Như thế, quyền lực của Đức Phật Mẫu đồng đẵng với Đức Chí Tôn.

Nơi Phật Mẫu ngự là Cung Tạo Hoá Thiên Diêu Trì Cung, Tây Hoa Cung (Hoàng Xuân Hãn, Bích Câu Kỳ Ngộ, Đại Học Huế 1964) hay Côn Lôn (Hoàng Trọng Miên, VN Văn học Toàn thư , Saigon 1959) và theo văn chầu thì Thiên Hậu có nhiều cung ,lắm điện, mỗi nơi Ngài mặc một sắc áo riêng (Nguyễn Đăng Thục, Tín ngưỡng dân gian, Saigon 1964)

Đức Phật Mẫu cho Nhị Nương coi Vườn Đào. "Cứ ba ngàn năm trái chín một lần, ăn vào thì được trường sanh bất tử, thường dùng để bày tiệc đãi các vị Thần Tiên" ( Hoàng Trọng Miên, VN Văn hoạc Toàn thư , Saigon 1959) . bí pháp này được thể hiện hàng năm vào ngày 15-8 âm lịch gọi là Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung.

Như thế, Phật Mẫu là biểu tượng cao cả phổ quát (trong ý niệm vừa là Mẹ, là Thánh, là Tiên, là Phật), của nguồn sống (Vườn Đào),sức ần lao ( giữ Vườn Ngạn Uyển) và nguồn vui (đãi yến, sum họp gia đình). Còn việc thay cung đổi áo là do vận hành theo thời gian, do thời tiết, do trình độ tiến hoá của con người nhằm phổ độ, đúng với câu : "Cửu kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên".

Từ vua Hiên Viên, Đức Phật Mẫu thọ sắc Trời đã 9 lần thay hình đổi dạng giáng trần để phổ độ con cái của Ngài.

Ta có thể kể như sau :
1 . Đời Hoàng Đế Hiên Viên giáng trần độ người Trung Hoa và các nước lân cận.
2 . Đức Mẹ ISIS ở đền Memphis nước Ai Cập, tay cầm Thiên thơ hoá sanh vạn vật.
3 . Thiên Hậu Héra (Junon) nghiêm trang ngự trên ngai rực rỡ ở Hy Lạp.
4 . Đức mẹ Démêter là Thánh Mẫu của vũ trụ.
5 . Mayâ, Mẹ sanh của Thái tử Sĩ Đạt Ta tại kinh thành Ca tỳ la vệ được 7 ngày thì bà qui Tiên (563 trước Tây lịch).
6 . Đức Mẹ Devi Bhagava (hay Jagadambâ) ở Ấn Độ hiện thân tình mẫu tử, luôn chăm sóc chúng sanh.
7 . Thánh Mẫu Maria sanh Chúa Hài Đồng ở hang Bêlem thuộc xứ Jérusalem.
8 . Đức Phật Mẫu giáng hạ ban cho vua Hán Võ Đế quả đào Tiên và độ vua tu hành. Sự tích nầy được Đạo Cao Đài tạc tượng phụng thờ.
9 . Kỳ ba phổ độ này, Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên giáng trần khai mở Đạo Cao Đài.

Khi tuần du trong Càn khôn Thế giới, Đức Phật Mẫu ngự trên lưng chim thanh loan. Chim thanh loan là chim mái có sắc xanh nhiều hơn, một loài linh điểu. Ngược lại chim phụng trống cũng là giống chim ngũ sắc như chim loan mà sắc đỏ nhiều hơn "Phụng gáy Kỳ Sơn" thì Thánh nhân ra đời.

Đức Phật Mẫu chưởng quản Hội Kim Bàn gồm có chín Tiên Nương. Mỗi cô có 3 nhiệm vụ chính;
- Nơi trụ trì hành pháp
- Nhiệm vụ Hội Kìm Bàn giao
- Vùng phổ độ ở trần gian.
1 . Nhứt Nương Hoàng Thiều Hoa, giữ Vườn Ngạn Uyển, chăm sóc sức khoẻ vạn linh, nhiệm vụ phổ độ miền Bắc nước VN.
2 . Nhị Nương Cẩm Tú , coi Vườn Đào, giữ gìn sự sống của loài người (bảo sanh), giáo đạo ở Campuchia.
3 . Tam Nương Kim Tuyến , ở tầng Thanh Thiên, siêu độ khách trần, phổ độ ở miền Trung VN.
4 . Tứ Nương Lê Thị Gấm, ở tầng Huỳnh Thiên, dạy chân, thiện, mỹ cho loài người, phổ độ ở đồng bằng miền Bắc VN.
5 . Ngũ Nương Liễu Hạnh, ở tầng Xích Thiên,siêu độ khách trần đắc đạo cho địa vị ngày càng cao thăng.
6 . Lục Nương Hồ Thị Huệ, ở tầng Kim Thiên, bảo toàn sinh mạng cho chúng sanh, phổ độ Pháp quốc. Đó là Jeanne d'Arc.
7 . Thất Nương Vương Thị Lễ, ở tầng Hạo Nhiên Thiên, độ dẫn người theo Đạo Cao Đài, giáo đạo ở Trung Hoa.
9 . Cửu Nương Cao Thoại Khiết , ở tầng Tạo Hoá Thiên với Đức Phật Mẫu , dạy về khoa học, mỹ thuật, phổ độ ở miền Tây VN( Xem thêm "Công đức Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật" cùng người viết.)

Sát rào Bá Huê Viên là Nam Đầu Sư Đường, nơi thờ các vị Đầu Sư Thái Thượng Ngọc trên lầu, dưới nhà là nơi hành chánh.

Đối diện với Đầu Sư Đườnglà nhà Hội Vạn Linh, trước kia là Hội Thánh Ngoại Giáo (La mission étragère) nên bên trong có thờ Tam Thánh vì Victor Hugo là Chưởng Đạo của Hội Thánh Ngoại Giáo. Sau dùng làm nơi họp của Hội Nhơn Sanh. Nhà này có thời kỳ thiết lập Viện Đại Học Cao Đài.

Bên kia đường Oai Linh Thiên là Y Viện Hành Chánh. Cách rào Y Viện là Cơ quan Hàm phong. Đối diện với Hàm phong là Cơ quan Phát thanh và phổ thông giáo lý gần cửa số 8 Nội ô.

Dọc đường Oai Linh Tiên, kế nhà Hội Vạn Linh là Văn phòng Hội Thánh Tần nhơn, đối diện với Văn phòng này là Văn phòng Ban Thế Đạo. Sát rào Ban này về phía Nam là Đạo Đức Học Đường, ngôi trường xưa nhứt của Đạo.

Từ Ban Thế Đạo bước qua đường Cao Thượng Phẩm là Văn phòng Đại Đạo Thanh Niên Hội, sát rào Hội này là Văn phòng Trung Tông Đạo, kế là Bắc Tông Đạo, rồi văn phòng Hội Thánh Đường Nhơn.

Đối diện với Bắc Tông Đạo là Ban Lễ Nhạc, Ban Đồng Nhi.
Tại góc Ngã tư Oai Linh Tiên và Cao Thượng Phẩm là Khách Đình (đúng ra là Trường Đình), nơi quàng quan tài của Lễ sanh và Đạo hữu để cúng tế trước khi đem táng. Đối diện với Khách Đình là Nhà Thuyền, nơi để Thuyền Bát Nhã và chỗ ở của nhân viên chèo thuyền và đạo tỳ.

Trước Thuyền Bát Nhã có câu đối :
1 . Vạn sự viết vô nhục thể thổ sanh hườn tại thổ
Thiên nhiên tự hữu linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên
2 . Sanh tiền bổn vọng, phú quí công danh kim hà tại
Chơn linh thê sở, công hầu cực phẩm bất đươngnhiên.

3 . Hữu thể sanh nhi từng tứ khổ,
Vô hình tử giả hoá tam đồ.

Chư Chức sắc trường trai được chèo thuyền để độ thăng cả 92 ức nguyên nhân. Bởi lẽ , đời Thượng ngươn có 100 ức nguyên nhân xuống trần độ rỗi chúng sanh. Phật Tổ độ được 6 ức, Lão Tử độ được 2 ức,còn lại 92 ức cho Tam Kỳ Phổ Độ.

Các nhân vật trong buổi tối chèo thuyền là :
Tổng lái, là chơn linh Hắc Sát Tinh, tượng trưng Bát Quái Đài.
Tổng mũi,là chơn linh Bạch Hổ Tinh, tượng trưng Hiệp Thiên Đài.
Tổng Thương, là chơn linh Huỳnh Long Tinh, tượng trưng Cửu Trùng Đài.
Tổng Khậu, tượng trưng cho nhơn sanh, buồn vui thất thường.
12 Bá trạo, tượng trưng 12 con giáp của một lứa tuổi .

Bước qua đường nhỏ là Cơ quan Phước Thiện , nơi giúp đỡ tương trợ người nghèo, bịnh tật, mồ côi, quan quả cô đơn.

Kế bên là Dưỡng Đường Phước Thiện, có nhiều người già nua ở đây nên còn gọi là Dưỡng Lão Đường. Sát bên là Văn phòng Nữ phái Phước Thiện,cũng đồng nhiệm vụ giúp Đạo trợ đời như Nam phái.

Có dự xem lễ chèo thuyền mới thấy được sự trân trọng linh hồn con người của Đạo Cao Đài là nhường nào!.

V . TRIẾT LÝ KIẾN TRÚC
Khi du khách đến thăm Toà Thánh, cái lôi cuốn họ đầu tiên là hai lầu chuông và trống cao ngất. Một hệ thống kiến trúc đền tháp nằm giữa hai khu rừng Thiên nhiên màu xanh biếc. Hệ thống đền tháp này có giá trị về văn hoá lớn nhất ở miền Nam, bao gồm bờ thành, đền điện, phủ đường, vườn cảnh…
Jeannine Anboyer trong quyển "Mỹ thuật Viễn Đông" nhận định rằng : Người VN đã biết chọn những cảnh thiên nhiên để xây những công trình kiến trúc thờ cúng của họ. (les arts de l'Extrême Orient, Paris 1948, tr 83).

Một danh sĩ Nhật Bản cũng cho rằng Toà Thánh được xây cất trên suối ngầm chảy qua 6 cửa gọi là "Lục Long phò ấn" hay "Lục Long kết tụ". Vùng đất này rất phát triển về Đạo pháp và nhân tài (Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và nay, Saigon 1972, tr 177).

Trước kia, Đức Lý giáng đàn dạy :
"Lão khen Thái Thơ Thanh, tưởng chư hiền hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa (tức đất xây cất Toà Thánh hiện nay) : sâu hơn 300 thước như con sông giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn làm như 6 con rồng đoanh châu. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là Lục Long Phò Ấn. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu : một đầu ra Giếng mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia".

Về Lục Long phò ấn, ta thấy như sau : Viễn cảnh Toà Thánh, về phía Đông địa lý (cung Chấn) gối lên giồng Sân Cu (Đất lành chim đậu), mặt trước phía Tây (cung Đoài) trông ra rạch Tây Ninh. Phía tả (Nam) thanh long nước sông Cẩm Giang- Bến Kéo chảy cuộn quanh. Phía hữu (Bắc) bạch hổ núi Điện Bà ôm vòng lại như cánh cung. Đó là điểm kết long mạch sách gọi là hàm rồng. Phong thuỷ âm dương hội đủ.

Cận cảnh, hồ Động Đình (bàu Cà Na) nước chảy không ngừng nghỉ (pháp luân thường chuyển) vào rạch Ao Hồ, hướng Tây Nam (Càn). Trái phải rừng Thiên nhiên xanh biếc hài hoà cảnh trí. Phía Bắc (cung Ly) suối Lâm Vồ. Phía Đông Bắc (cung Tốn) Suối Đá. Phía Đông (Chấn) Suối cái chảy về Nam (Khảm) qua Đoạn Trần Kiều. Suối con lượn ra Giải Khổ Kiều : bốn suối hợp sức tưới mát và bao quanh vùng Thánh Địa, kết tụ Lục Long phò ấn.

Biểu hiện Tay Long (dương), Tay H ổ (âm) không đối lập nhau mà còn hoà hợp lồng vào nhau nhiều lần, viễn cảnh như cận cảnh. Bên trái (Thanh Long), bên phải (Bạch Hổ) thế sông núi châu đầu vào nhau như hình móng ngựa (đại Kiết). Địa thế Lục Long phò Toà Thánh đó, không đâu tốt đẹp bằng .

Đó là nhận xét về địa lý, còn các cửa Nội ô Toà Thánh thì sao ?

Ta đem Bát Quái Cao Đài (Trung Thiên Bát Quái) du di trước Đền Thánh. Để 12 cửa cài 8 cạnh phù hợp với tám cạnh bát quái (giả sử ta bẻ 4 góc). Từ cửa số 2 qua cửa Chánh Môn hướng Tây Bắc ( tức 2+3 =5) từ cửa số 4 qua cửa số 6 hướng Tây Nam (tức 4+6=10).

Bây giờ ta xét theo Dịch lý. Cửa số 1 (cửa Hoà Viện) ngay hướng Bắc, nhìn lên Bát Quái Cao Đài là quẻ Ly. Ly thuộc tâm hoả là CON MẮT, là minh (sáng suốt) để cai quản Đạo. Từ lúc xây cất Đền Thánh, cửa Hoà Viện là cửa chính tấp nập nhứt. Đối xứng với cửa số 2 là cửa số 7 (nội ô) thuộc thuỷ, tẻ lạnh chỉ là cửa phụ (theo Trung Thiên Bát Quái).

Hướng Tây Bắc theo Bát Quái Cao Đài thuộc quẻ Khôn, Khôn thuần âm biểu tượng Đất là mẫu đạo, sanh hoá và nuôi dưỡng vạn vật. Hướng Tây Bắc trùng cửa số 2 sung túc tấp nập và cửa Chánh Môn. Cửa Chánh Môn xây theo Pháp Tam Quan. Không Quan (cửa bên trái) là lối nhìn về lẽ không "Không tức thị sắc". Giả quan (cửa bên phải) nhìn theo lẽ sắc :" Sắc tức thị không". Không sắc vào trung quan (cửa giữa) tức Trung Đạo Trung Dung. Đó là cửa chính của Đạo Cao Đài. Cửa số 2+3 cửa tam quan bằng 5. Theo Dịch Lý số 5 là số sinh đúng là cửa của Đức Mẹ (Khôn).

Hướng Tây Nam theo Bát Quái Cao Đài thuộc quẻ Càn. Càn thuần dương biểu tượng Trời là Thiên Đạo phụ đạo điều khiển vạn vật. Hướng Tây Nam trùng cửa số 4 sung túc tấp nập lúc chợ Ngã Năm phồn thịnh và cửa số 6 khai thông về nam, nơi sinh hoạt của nhân sanh. Cửa số 4 cửa số 6 bằng 10. Theo Dịch Lý số 10 là số thành đúng vào cung Càn. Mẹ sinh, Cha đưa con đến thành tựu.

Những điều trên thể hiện được mối quan hệ hài hoà giữa Trời Đất Người (Thiên Địa, Thiên Nhân, Nhân Địa). Tắt một lời, các cửa Đền Thánh chỉ thể hiện qua ba hướng : Bắc Ly, Tây Bắc Khôn và Tây Nam Càn đúng với Thiên Thơ nên phát triển không ngừng.

Đó là truyền thống kiến trúc cổ VN theo lối kiến trúc cảnh vật hoá (Architecture paysagée).

Kiến trúc đền tháp và phủ đường trong khuôn viên Nội ô Toà Thánh không vươn lên cao mà dàn trải theo chiều Bắc Nam. Theo quan niệm hướng Bắc là nơi ngự của Đức Chí Tôn "Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng". Thế nên Toà Thánh không xây dựng ngay trung tâm nội ô mà kiến trúc sát về phía cửa số 1 phương Bắc. Những công trình lớn nhỏ kéo dài về phía Nam như Giáo Tông Đường, Nữ Đầu Sư Đường, Hiệp Thiên Đài, Hộ Pháp Đường, Hội Thánh Ngoại Giáo, Nam Đầu Sư Đường vv…theo quan niệm "Đài tại Nam phương Đạo thống truyền". Những kiến trúc này cách nhau bằng những hàng rào và cổng. Mỗi dinh thự có chức năng khác nhau tạo nên những không gian ấm cúng và tôn nghiêm.

Các kiến trúc ở đây mang tính chất tổng hợp giữa Đạo (Religion) và Đời (Profane), giữa thần linh và con người mà con người là chủ thể của kiến trúc và thiên nhiên ở đây. Theo quan niệm chung của các tín hữu "Đời không Đạo không sức, Đạo không Đời không quyền".

Vòng thành của Toà Thánh hình vuông dài độ 4000 mét, gồm một Chánh môn và 12 cửa. Nhìn cửa Chánh môn thấy rõ nét kiểu kiến trúc Đông Tây kết hợp. Trước sau và hai bên của Đền Thánh là các ngôi tháp của các vị Chức sắc Đại Thiên phong như tháp Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh nằm cạnh cửa Chánh môn. Tháp Giáo Tông ở ngay sau Bát Quái Đài , còn hai bên là tháp vị Đầu Sư Thái Thượng Ngọc. Các kiến trúc tháp âm phần có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa của nó về mặt tôn giáo. Âm phần này là cõi sống của người chết, các Chức sắc qui vị này luôn luôn hiện hữu bên cạnh các người còn sống. Các kiến trúc hình tháp đỉnh có lộng kiếng đó, vì thế nó không phải là những nỗi tang tóc mà là niềm vinh dự cho chư tín đồ.

Toà Thánh chịu ảnh hưởng ít nhiều kiến trúc Trung Hoa, phương Tây và Ấn Độ. Kiến trúc tuy thể hiện sự du nhập của phương thức kiến trúc và xây dựng nước ngoài, nhưng giá trị truyền thống văn hoá vẫn được bảo tồn và bị địa phương hoá đến nỗi người ta không còn phân biệt đâu là Đông, đâu là Tây.

Mái lợp cuả Toà Thánh uốn cong nhẹ, mái kép kiểu "trùng thiềm điệp ốc" như các kiến trúc của ta vào đầu thế kỷ 19. Hai lầu trống chuông cao 27 mét như tháp chuông nhà thờ. Ở Đền thờ Phật Mẫu chỉ một tháp, ta thấy rõ ảnh hưởng phương Tây. Ngay giữa mặt tiền trên nóc có hình Đức Di Lạc thể hiện tính triết lý của Đạo Phật phương Đông. Nhất là các cột dưới bao lơn, tạc hình rồng và hoa sen, tượng trưng Long Hoa Đại Hội. các tượng hình và hoa văn chuộng nét mềm mại quanh co của các nghệ sĩ dân gian.

Rắn 7 đầu (Thất đầu xà) ảnh hưởng cấu trúc Đế Thiên Đế Thích (Angkor Thom, Angkor Vat). Người được cử đi tham quan Đế Thiên về xây dựng Toà Thánh là Đầu sư Nguyễn Ngọc Thơ. Những con người Naga này bị địa phương hoá thành Thất tình : Hỉ, Nộ, Aùi, Ố, Ai, Lạc, Cụ để phù hợp với việc giáo hoá về Đạo pháp cho chúng sanh.

Trên nóc Bát Quái Đài tạc hình 3 vị Thần của Đạo Bà La Môn : Brahma vị Thần sáng thế, Christna (tức Vishnou) vị Thần bảo tồn và Shiva vị Thần phá hoại để xây dựng cái mới. Nét đắp vẽ sinh động và vút lên trời cao.

Trên nóc Cửu Trùng Đài là một vòm tròn (Nghinh phong đài), kiểu kiến trúc Hồi giáo, nhưng bị địa phương hoá, phía trên có tạc hình con long mã (con thú đầu rồng mình ngựa, khi nó xuất hiện sẽ có Thánh nhân ra đời). Con Long mã chạy về hướng Tây (hướng mặt tiền của Toà Thánh), quay đầu về hướng Đông, mang một ý nghĩa huyền bí về tôn giáo : Đạo xuất tự phương Đông, mang truyền bá ở phương Tây và gốc Đạo vẫn ở phương Đông.

Hai bên sau Toà Thánh còn có hệ thống nhà ngang (lang) là Đông lang và Tây lang, tạo nên không gian mở rộng cần thiết cho sinh hoạt đạo sự và cũng phù hợp với sinh hoạt của con người vùng nhiệt đới.

Bên cạnh Đền thờ và các ngôi tháp đều có vườn hoa cây cảnh, Bá huê góp phần quan trọng vào ngôn ngữ kiến trúc truyền thống thể hiện quan niệm vũ trụ Á Đông. Tất cả các kiến trúc trong Nội ô Toà Thánh đều được thiết kế, qui hoạch và thi công có chuẩn định về trình độ mỹ thuật và kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Ông Henri Regnault trong Hội nghị Thần linh học tại Lausane, Thuỵ Sĩ (1948) phát biểu : "Những vị nào có dự Hội nghị Assise, Haywards Henth, Bruxelles thì đã nhận được cuốn di bút của M.Gobron nói về lịch sữ và giáo lý Đạo Cao Đài. Cuốn sách đó có nhiều tranh ảnh. Điều đó cho thấy rằng trong tôn giáo này, nghệ thuật có một địa vị rất quan trọng. Kiến trúc trong và ngoài Toà Thánh là một mỹ thuật đáng được chú ý đặc biệt"

CHƯƠNG III

Ý NGHĨA THỜ THIÊN NHÃN (TƯ GIA)

1 . ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ là gì ?
tức là Đại ân xá kỳ ba, từ khi có loài người đến giờ.
a) NHẤT KỲ PHỔ ĐỘ : tức nhứt thiết Long Hoa thiên khai tý hội, các vị Thánh nhân sau đây ra đời cứu thế.
- Nhiên Đăng Cổ Phật (Thích Giáo)
- Thái Thượng Đạo Tổ ( Đạo Giáo)
- Văn Tuyên Đế Quân ( Thánh Giáo) theo Kinh Lễ.

b) NHỊ KỲ PHỔ ĐỘ : tức nhị thiết Long Hoa , Thiên khai Sửu hội. các vị sau đây ra đời :
- Thích Ca Mâu Ni (Thích giáo)
- Lão Tử ( Lão giáo)
- Khổng Tử (Thánh giáo)

b) TAM KỲ PHỔ ĐỘ tức tam thiết Long Hoa Thiên khai Huỳnh đạo hay dần hội.

Ba vị sau đây đại diện cho Tam Giáo : Lý Thái Bạch (Tiên), Quan Thánh Đế Quân (Thánh), và Quan Âm Bồ Tát (Phật) gọi là Tam Trấn.

2 . CAO ĐÀI LÀ GÌ ?
tức tên gọi riêng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đài mà nơi Chí Tôn hằng ngự, cao nhất trong ba đài : Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài,và Hiệp Thiên Đài nên gọi là Cao Đài.
Có thi rằng :
Linh tiêu nhất pháp thị Cao Đài
Đại Hội quần Tiên thử ngọc giai
Vạn Trượng hào quang tùng thử xuất.
Cổ danh hữu cảnh LẠC THIÊN THAI.

Nghĩa là : Nơi Linh Tiêu Điện có một cái tháp tên gọi Cao Đài quần Tiên thường đến Đại Hội, hào quang muôn trượng nơi ấy chiếu ra, mà tên cũ là LAÏC THIÊN THAI.

CÁCH XẾP ĐẶT TRÊN THIÊN BÀN
Tân Kinh viết "Lập vị Thượng Đế thì phải lựa nơi nào cho tinh khiết tốt hơn hết là giữa nhà lập trang Thờ cho cao và treo màn cho khuất chỗ thờ phượng" xếp đặt theo hình chữ chủ ( ) là chúa tể 12 phẩm vật tượng trưng cho thập nhị khai thiên.

Thích chữ :
1) Thiên Nhãn,
2) Đèn Thái cực,
3) trái cây,
4) Bông,
5) Nước trà (để bên phải ấy là âm),
6, 7, 8 ) 3 ly rượu,
9) Nước trắng (để bên trái ấy là dương)
10 và 12) Hai cây đèn,
11) lư hương.

Ý NGHĨA

THÁNH TƯỢNG THIÊN NHÃN

Người đầu tiên được dạy thờ Thiên Nhãn là Ngài Ngô Minh Chiêu ( từ năm 1921) mãi đến năm 1925 Chí Tôn mới giải thích cho quý ngài Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư… như sau :
Nhãn thị chủ tâm
Lưỡng quang chủ tể
Quang thị thần
Thần thị thiên
Thiên giả, ngã dã

Nghĩa là : Mắt là chủ cái tâm con người, hai ánh sáng là chúa tể (vì hướng dẫn mọi sự vật) mà ánh sáng là Thần, Thần là Trời mà Trời là Ta vậy. Nhớ thờ con mắt trái thuộc dương mà dương là Trời.

Hiện nay hai loại tượng được thờ là tượng Ngũ Chi và tượng Tam Trấn. Thờ tại tư gia như sau :
TƯỢNG NGŨ CHI XẾP ĐẶT NHƯ SAU

THIÊN NHÃN
LÃO TỬ - - - - - - - - - THÍCH CA - - - - - - KHỔNG THÁNH
QUAN ÂM - - - - - - - - THÁI BẠCH - - - - - QUAN THÁNH - -
- - - - - - - - - - - - - - - - - -- GIÊ SU - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
- - - - - - - - - - - - - KHƯƠNG THƯỢNG - - - - - - - - - - - - - - -
- - - - - - - - - - - - - - - GIÁO TÔNG - - - - - - - - - - - - - - - - - -

+ TƯỢNG TAM TRẤN ( có 3 hàng chữ Hán)

THIÊN NHÃN
QUAN . . . THÁI . . . . QUAN
ÂM . . . . . BẠCH . . . THÁNH
BỒ . . . . . . KIM . . . . . . ĐẾ . ..
TẤT . . . . .TINH . . . . . QUÂN


A) TAM GIÁO là : Thích Ca, Khổng Thánh, Lão Tử.
- THÍCH CA : tức Thái tử Sĩ Đạt Ta, Giáo chủ Phật Giáo đạo, phát sanh ở Ấn Độ. Ngài giáng sanh lối 503 trước Tây Lịch, có vợ có con, xuất gia năm 29 tuổi và đắc đạo năm 35 tuổi viên tịch tại xứ Câu Thi Na thọ 84 tuổi.

- LÃO TỬ tức Lý Nhĩ (570-490 TTL) người đồng thời với Khổng Tử, Giáo Thuyết Ngài nằm trong bộ Đạo Đức Kinh,vì thế mới gọi Ngài là Giáo Chủ Đạo Giáo.

- KHỔNG TỬ tức Khổng Khâu, hiệu là Trọng Ni sanh năm 551 TTL, châu du khắp các nước trên đất Trung Hoa, sau ngài về dạy 3000 môn đệ chỉ có 72 người xuất sắc, rồi biên soạn Kinh Xuân Thu và san định Kinh Thi.

b) NGŨ CHI là : Phật Đạo (Thích Ca), Tiên Đạo (Thái Bạch) Thánh Đạo (Giêsu) Thần Đạo (Khương Thượng), Nhơn Đạo (Giáo Tông). Theo hàng dọc.có người cho Phật đạo là :

- QUAN ÂM là một vị Bồ Tát nhiều lần hiện thân trong cõi Ta bà (trần gian này) để tận độ chúng sanh, cần Ngài cứu độ thì tụng kinh Cứu Khổ.

Trong các lần hiện thân quá khứ Ngài có khi làm Phật, khi Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh văn, khi làm Tiên, Thần, làm Quốc Vương, Đại Thần, Trưởng Giả, Tỳ Kheo, Cư Sĩ nghĩa là thiên biến vạn hoá…

- QUAN THÁNH tức Quan Võ tự Vân Trường sanh vào thời Đông Hán dưới triều Vua Hoài Đế, người tỉnh Sơn Đông (Trung Hoa), Ngài kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi dựng cờ dẹp giặc Huỳnh Cân.

Sau làm trấn thủ Kinh Châu , bị thất thủ, Ngài không hàng nên bị bắt và bị giết ngày 18-2. năm Kiến An thứ 24, thọ 58 tuổi.

- LÝ BẠCH tự là Thái Bạch (701-762) Đại thi sĩ đời Đường (Trung Hoa) hiệu là Trường Canh, Lý Trích Tiên, Ngài rất thông minh, lên 5 tuổi đã đọc lục giáp, lên 10 thông hiểu kinh thi, thư, và thường xem sách bách gia, lên 15 tuổi thích kiếm thuật. Ngài là người hào hiệp, trọng người, khinh tài, nhẹ phú, thích làm hiệp sĩ.

- GIÊSU tức Jésus Christ là giáo chủ Gia tô giáo sanh vào năm 749 niên hiệu cổ La Mã tại thành Bétnléem trong 1 máng cỏ. Khi chúa ra đời thì bên phương Đông 3 tu sĩ thấy xuất hiện một vì sao chói sáng nên tiến đến xứ Judée (Do Thái) gặp chúa rồi trở về phương Đông, nhưng vua Hérode ra lịnh tìm giết Ngài, sau Ngài bị Đại Giáo Sĩ Caiphe lên án tử hình trên thập tự giá giữa hai tên ăn trộm.

- NOURN DINH nguyên họ tên là Nour…el….Din…Mahmoud người Hồi giáo sinh năm 1117 làm vua Thổ Nhĩ Kỳ (1146-1173). Một trong những địch thủ đáng kinh sợ của quân Thập tự chinh. Khi chiếm cứ Damas thủ đô nước Syrie (1155) ông đã mở ra con đường tới Ai Cập. Nhờ đó tướng Saladin chiến cứ thủ đô Le Caire (1169)

Bên Long vị các Thánh Tử Đạo Nam phái nơi Đền Thánh có long vị Noum Dinh được truy thăng là Thánh Tử Đạo Cao Đài, đại diện cho Hồi giáo trong kỳ ba phổ độ này.

- KHƯƠNG THƯỢNG tự Tử Nha, sanh vào khoảng đời Tổ Cảnh nhà Thương (Ngài học đạo với Đức Ngươn Thỉ Thiên Tôn tại núi Côn Lôn hơn 40 năm khi xảy ra Thương Châu dấy động, Ngài hội chư hầu 800 trấn tại Sông Mạnh Tân phạt Trụ, rồi treo ấn từ quan về non tu luyện. Tương truyền khi phạt Trụ, Ngài dâng lịnh lập bảng Phong Thần.

2) ĐÈN THÁI CỰC
Đèn Thái Cực được Đấng Chí Tôn dạy như vầy :"Trước khi chưa phân trời đất thì khí hư vô bao quát càn khôn, sáng soi đầy trong vũ trụ,nó là một trung tâm điểm tức là đạo. Đạo ấy mới phát sanh ra thái cực, hoá lưỡng nghi, lưỡng nghi là âm dương (động với tịnh) có âm dương rồi mới hoá sanh muôn vật.

"Ngọn đèn các con thờ chính giữa, đó là giã mượn làm tâm đăng. Phật Tiên truyền đạo cũng do đó các con không thànnh đạo cũng tại đó, nó ngay chính giữa không lai động, xao xuyến chiếu thấu khắp cả càn khôn.

"Mặt nhựt, mặt nguyệt , có lúc sáng lúc tối, chớ nó thì giờ khắc nào cũng tỏ rạng không lu mờ, nhơn vật nhờ đó mà sanh,nhờ đó mà thành, nhờ đó mà an vui, trời đất nhờ đó mà mà an ninh trường cửu, người tu hành nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, siêu phàm nhập Thánh, hễ chinh bên tả thì tả đạo, xê qua bên hữu gọi là Bàng Môn, ngày chính giữa là chính Đạo.

"Các con nên tường lý ấy trong tâm, tâm an tịnh vô vi bất động là chánh đạo; tâm còn tính mưu thần chước quỷ độc ác, hiểm sâu ấy là Bàng môn Tả đạo chớ chi các con".

3 VÀ 4 TRÁI VÀ BÔNG :
Tượng trưng cho bốn mùa , trái cây tượng trưng cho ngũ vị đối với tiên thiên ngũ khí, còn biểu hiện cho người tu đắc đạo; bông tượng trưng cho xanh tươi tốt đẹp, chỉ về tinh là hình thể con người. Năm sắc bông tượng trưng cho ngũ hành và tinh hoa trên thế giới tức ngũ châu : Á châu, Aâu châu, Mỹ châu, Phi châu, Đại dương châu. Thế nên, Cao Đài giáo không phân biệt lãnh thổ chủng tộc, vì tất cả là con chung của Thượng đế.

5 VÀ 9 NƯỚC CÚNG : âm dương
- a) Nước trà : ( số 5) để bên hữu ấy là âm.
Nước âm là nước trong lòng đất, biển cả, sông rạch, suối nguồn, chúng sanh nhờ nước để uống mà sống.

Nước trà tượng trưng cho thần tức là linh hồn khi cúng rót đúng tám phân, chỉ bát hồn vận chuyển nơi Bát Cảch cung của đức Phật Mẫu.

- b) Nước trắng : ( số 9) để bên tả ấy là dương.
Nước dương là nước trên trời sa xuống, tinh khiết do đấng Thượng Đế ban cho, nếu nguồn, nước âm cạn phải cần nước dương chan rưới. Trời Đất tương hoà, âm dương tương hiệp loài người mới thịnh vượng vững bền.

Nhớ nước trắng không được nấu, nếu nấu sôi thì hết dương, tuyệt cơ sanh hoá ( Thánh huấn số 1 NCPS/TH)

- 6 , 7 VÀ 8 - 3 LY RƯỢU
Rượu tượng trưng cho khí, tức hư vô chi khí. Ba ly rượu tượng trưng cho 3 cõi : hạ giới, trung giới và thượng giới, rượu trong ly chỉ rót 3 phân tượng trưng cho bậc tu hành; hạ thừa, trung thừa, và thượng thừa và 3 hạng người là hạ lưu, trung lưu và thượng lưu. Khí là trí não tương hợp với tinh và thần gọi chung là tam bửu : Tinh, Khí, Thần để cúng hàng ngày biểu hiệu cho cơ hiệp nhứt. Có vậy con người mới mong tu hành đắc đạo đặng.

- 10 VÀ 12 - HAI CÂY ĐÈN
Gọi là lưỡng nghi quang, tượng trưng cho ánh sáng nhựt nguyệt soi khắp Càn Khôn vũ trụ,cũng soi thấu lòng chư môn đệ, quét sạch tà tâm để hướng về thái cực.


- 11 - LƯ HƯƠNG Năm cây hương tượng trưng cho "tham thiên (3) lưỡng địa (2) bao gồm cả âm dương tức 3 x 3 = 9 là thái dương và 3 x 2 = 6 là thái âm.chín lẻ thuộc dương, sáu chẳn thuộc âm bên phải. Khi dâng lễ phải đốt đủ năm cây hương,tức đủ âm dương thay Càn Khôn.

Khi thắp 3 cây nhang hàng trong gọi là án tam tài với ý nghĩa.
- Vũ trụ có tam tài là : Thiên (Trời), Địa (đất), Nhơn ( người).
- Trời có tam ngươn là : Thượng, trung và hạ ngươn hoặc : Nhựt, nguyệt, tinh.
- Đất có tam báu là : thuỷ, hoả, phong (gió)
- Người có tam bửu là : tinh, khí, thần

Năm cây hương còn tượng trưng cho năm bậc tiến hoá của người tu hành.
- a- GIỚI HƯƠNG : Người giữ 5 giới cấm, không chê kẻ khác, không hung dữ, không giận, không tham…
- b. ĐỊNH HƯƠNG : người tu thiền, giữ lòng tự nhiên không phiền luỵ vì thiện ác ở đời, tâm chẳng loạn động, thiền định.
- c. HUỆ HƯƠNG : Người đắc trí huệ, không chạy theo danh lợi, không sa vào thất tình, tâm sáng suốt phân biệt thiện ác.
- d. GIẢI THOÁT HƯƠNG Người được giải thoát không nghe theo bọn tà thuật, chăm lo hành thiện.
- e. TRI KIẾN GIẢI THOÁT HƯƠNG : Người tự biết mình, tâm tự tại, thấy bản tánh Như Lai của mình, Đề bạt Bát nhã Tam muội (chánh thọ).

Ngũ hương còn gọi là ngũ phần pháp thân hương. Năm sự thân lành hiệp lại làm cái pháp thân. Ngũ hương còn là năm thứ hương thơm để dâng lễ : đàn hương, trầm hương, đinh hương, uất kim hương, long não hương.

CÁCH HIẾN LỄ

Cách hiến lễ tức việc cúng kiến Đấng Chí Tôn và các Đấng, mỗi ngày cúng 4 lần gọi là tứ thời.
Thời Tý từ 23 giờ (đêm) đến 01 giờ (khuya).
Thời Ngọ từ 11 giờ trưa đến 13 giờ (chiều)
Thời Dậu từ 17 giờ(tối) đến 19 (tối)
Thời Mẹo từ 05 (sáng) đến 07(sáng).

1) TẠI SAO PHẢI CÚNG TỨ THỜI ?
a) Thời Tý : Thời cực âm sanh dương, là thời ngươn khi của Đức Chí Tôn phát khởi do nhứt điểm sanh dương chi Khí, vận chuyển càn khôn hoá sanh vạn loại nên dạy Dâng Rượu. Nên hiến lễ giờ nầy cho khí phách người được mạnh mẽ, trí óc sáng suốt.

b) Thời Ngọ : Thời ngươn khí của Chí Tôn cực thịnh, đầy đủ dương quang soi sáng khắp vũ trụ nên dạy Dâng Rượu. Nên hiến lễ giờ nầy ta hưởng được khí sanh quang của Đức Chí Tôn.

c) Thời Dậu : Thời ngươn thần của Đức Chí Tôn giáng hạ và tịnh dưỡng âm dương giao thời, thuỷ hoá ký tế, vạn loại yên tĩnh, nên dạy Hiến Trà , ta hiến lễ giờ nầy để hàm dưỡng chơn thần thanh tịnh.

d) Thời Mẹo : Thời ngươn thần của Chí Tôn phát khởi biến hoá,thuỷ hoả ký tế vạn loại hữu sanh, nên dạy Hiến Trà. Nên hiến giờ nầy để hưởng quyền lực của Chí Tôn cho chơn thần con người được khang kiện.

2) TẠI SAO PHẢI LẠY ?
Theo Thánh ngôn dạy thì lạy là tỏ bề ngoài (thể pháp) để kính trong lòng đối với các đấng thiêng liêng (bí pháp). Pascal nói : "Muốn có đức tin phải quỳ xuống mà đọc kinh"

- a) Chấp hai tay lạy là sao ?

Tả là nhựt, hữu là nguyệt vị chi âm dương, âm dương hiệp nhứt, phát khởi càn khôn, sanh sanh hoá tức là đạo. bắt ấn tí là kết thành quả, xoè là kết thành hoa (bông).

Bắt ấn tý : là ngón cái của bàn tay trái chỉ vào góc ngón tay áp út, bàn tay phải bao ngoài, ngón cái của bàn tay phải chỉ vào góc ngón trỏ tay trái (dần), ám chỉ sự chủ tâm kính trời, tức "Nhân sanh ư tý, đạo khai ư dần".

Nếu tầm nguyên thì khi Lão Tử dạy đạo Tiên bảo chắp hai tay kiết nhị, như bông sen búp, khi lạy thì xé ra, hai tay úp xuống đất cúi đầu lạy ba lạy gọi là khế thủ. Khi Thích Ca dạy đạo thì dạy chấp tay hiệp chưởng hoa khai, nghĩa là khi lạy thì ngửa hai bàn tay ra để xuống đất mà cúi đầu , gọi là hoà Nam. Khi Khổng Tử dạy đạo Thánh thì cung tay đến mày mà lạy gọi là Phủ Phục. Còn nay Cao Đài giáo chấp tay thành quả sen, hai tay là âm dương tức Lưỡng Nghi, khi lạy bàn tay úp xuống, hai ngón tay cái gát lên nhau biến sanh Tứ Tượng, tám ngón còn lại là chỉ Bát Quái, Bát Quái biến sanh càn khôn vũ trụ. Thế nên Tam Kỳ Phổ Độ là độ rỗi hết cả 92 ức nguyên nhân về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống chẳng bỏ sót một ai.

b) Lạy Tiên, Phật chín lạy là sao ?

Là lạy Đấng Cửu Thiên khai hoá, còn lạy Thầy 12 lạy là thập nhị khai thiên là thầy, chúa tể cả càn khôn thế giới nắm trọn thập nhị thời thần trong tay.

Mỗi lạy phải niệm câu chú của Thầy (trừ những bài Kinh có câu niệm riêng) : Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam Mô (NAMAH) là qui y, qui mạng, quyết chí dâng theo.
Cao Đài thuộc Nho giáo vì có câu : "Đầu thượng viết Cao Đài".
Tiên Ông là ông Tiên thuộc Lão Giáo.
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát là vị Bồ Tát lớn, thuộc Thích giáo.
Câu niệm này đã chỉ rõ sự qui nguyên Tam Giáo.

3) TẠI SAO MẶC ĐỒ TRẮNG ?
Vì Cao Đài là một tôn giáo tổng hợp mà màu trắng là tổng hợp của 7 màu : đỏ, cam, vàng, xanh, lam,chàm, tím. Trong Thích giáo chí tâm kinh có câu: Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ xanh thiên : hà hơi thành mống ( 7 màu) làm trụ chống vững cõi trời.

Màu trắng nhắc nhở mọi tín đồ, luôn luôn phải trau sửa tâm tánh cho thanh khiết và trong trắng.

Riêng các Chức sắc Cửu Trùng Đài thì mặc Thiên phục màu Tam giáo : vàng (Thích giáo), xanh (Lão giáo), đỏ (Thánh giáo).

CHƯƠNG IV

NGÔI THỜ ĐỨC CHÍ TÔN

Trong Tòa Thánh, trên Cung Đạo, có Bát Quái Đài xây thành 12 bậc, tượng trưng cho Thập nhị Khai thiên. Từ lúc giáng trần, Đức Chí Tôn ngự tại Tòa Thánh. Nếu có nơi nào nói là Ngài giáng, đó chỉ là phân tánh của Ngài do lời cầu khẩn của nhơn sanh mà thôi.
Trên mặt Bát Quái có vẽ các quẻ và tạo quẻ Càn Khôn tượng trưng cho sự thống nhất các tôn giáo trên hoàn vũ (vạn thù qui nhứt bổn) , ở giữa quả Càn Khôn vẽ thiên Nhãn (con mắt trái mở rộng).

Đức Chí Tôn dạy việc thờ Ngài như sau :
"Một quả Càn Khôn như trái đất tròn quay. Bề kính tâm (đường kính) 3,33 mét, sơn màu xanh da trời. Cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên quả Càn Khôn,. Thầy kể Tam thập lục thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, còn Thất thập nhị Địa, tam thiên Thế giới đều là tinh tú (hành tinh). Tính lại 3072 ngôi sao, liệu vẽ trên đó cho đủ, trên sao Bắc Đẩu vẽ con Mắt Thầy. Đáng lẽ quả Càn Khôn phải bằng pha lê, đúc bên trong một ngọn đèn thường sáng. Aáy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại".(Đàn cơ đêm 17-6-1926)

Xem thế, quả Càn Khôn không chỉ là trái đất mà gồm cả Thiên cầu (Quả Càn Khôn chỉ tạc thờ tại Tòa Thánh, còn các Thánh Thất thờ Thiên Nhãn). Các tinh tú nói trên xa gần khác nhau, nhưng trong đêm mắt ta thấy như ghi trên một hình cầu màu xanh rất lớn ( Do hiệu quả của phép phối cảnh.), đó là Thiên cầu, vì người ở nước VN (gần địa xích đạo) nên thấy sao Bắc Đẩu nằm ngang trên đường chân trời (tức ngang tầm mắt) chớ không phải Thiên Nhãn vẽ trên địa xích đạo.

Còn ngọn đèn thường sáng, đó là giả mượn Tâm đăng, Phật Tiên truyền Đạo cũng do đó, nhân loại thành Đạo cũng ở đó. Ngọn đèn Thái Cực để ở ngay chính giữa Thiên cầu, không lay động, không xao xuến, chiếu soi khắp cả Càn Khôn. Mặt trời, Mặt trăng có lúc sáng lúc tối (đối với con người) chớ đèn Thái Cực, nơi Thầy ngự thì giờ khắc nào cũng tỏ rạng. Nhơn vật từ đó mà sanh, từ đó mà thành, nhờ đó mà an vui. Vũ trụ nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, siêu phàm nhập Thánh. Đó há không phải là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơ loại hay sao ?

Mặt khác, ngọn đèn cũng biểu trưng nguồn sáng nuôi sống nhơn loại. Đèn tắt là thời kỳ mạt kiếp tới. Khoa học nhận vũ trụ hiện đang ở thời kỳ nở ra (période de dilatation). Mọi vật đều dãn ra cùng một nhịp (Đường dài nào trong vũ trụ cũng nở thêm chừng 0,000.000.01% mỗi năm). Do đó, các tinh tú ngày càng xa nhau, đến một lúc nào đó, điều kiện sống không còn, vạn loại sẽ đến thời kỳ mạt kiếp. Cho nên người tín đồ Cao Đài luôn luôn thắp sáng (sưởi ấm) trên Thiên Bàn để cầu nguyện cho nhơn loại trường tồn.

Tại sao Thiên Nhãn tượng trưng cho Thượng Đế ?
Đức Chí Tôn dạy như vầy : "Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh tượng con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược :
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên
Thiên giả ngã giả"
Nghĩa là :
Mắt là chủ cái Tâm
Hai yếng sáng trong mắt là chủ tể,
Yếng sáng là Thần,
Thần là Trời
Trời là TA vậy.
Đức Chí Tôn lại dạy :
"Từ ngày Đạo bế, tu thì nhiều mà người đắc Đạo rất ít vì Thần là cơ mầu nhiệm mà lại bị hiếm. Nay Thầy đến hườn nguyên Tam Bửu cho các con đắc đạo. Các con hiểu thần cư tại nhãn, thì nên bố trí cho đạo hữu các con hiểu. Nguồn Tiên Phật yếu nhiệm tại đó".

Cổ thư có nói : Mắt là nơi chứa Thần. Ngoài con Mắt ra không thể chỉ Thần ở đâu cả, nếu không thì Thần người không chỗ nào là không có Thần. Lông tóc không có Thần thì xỉn nháp mà vàng, răng không Thần thì không sáng bóng, tiếng nói không có Thần thì không thể hài hòa, móng tay chân có Thần mới sáng sủa". (Hải Thượng tập Đạo Lưu Dư Vận, Saigon, Khai Trí 1972).

Như vậy, thờ Thiên Nhãn (tức thờ Thần) là cách diễn đạt bí pháp muốn đắc đạo phải có Thần mới hườn nguyên với đệ nhị xác thân mà nhập cảnh Thiêng liêng hằng sống.

Đức Chí Tôn đã dạy : "Con Mắt là gốc ở Tâm". Dân Pháp cũng nói "Con Mắt là kiếng soi tâm" (L'oiel est miroir du coeur).

Như vậy, con Mắt tượng trưng cho lương tri, lương tâm (conscience). Cả vạn vật hợp lại thành khối đại lương tri, đại lương tâm (conscience universelle) tượng bằng Thiên Nhãn, nên thờ Thiên Nhãn là thờ Đức tin của nhân loại.

Trong Tứ thời lễ bái, lúc nào người tìn hữu cũng nhìn thẳng lên Thiên Nhãn để soi tâm mình mà kiềm chế tục tánh tội lỗi vì "Hoàng Thiên hữu nhãn" (Trời cao có mắt).

Trong Tam giáo Thích, Lão, Nho đều lấy tâm tánh giáo hóa con người. Tâm tánh có biết được là do "Lưỡng quang chủ tể" tức cửa ngõ tâm hồn chủ đạo. Thế nên,

Phật giáo dạy : Minh tâm kiến tánh
Lão giáo dạy : Tu tâm luyện tánh
Nho giáo dạy : Tồn tâm dưỡng tánh

Trong Kinh Dịch cũng có câu : "Nhất nhơn chi tâm, tức Thiên Địa chi tâm, nhân vật chi lý, tức vạn vật chi lý". (Cái tâm của mỗi người là cái tâm của Trời Đất, cái lý của mỗi người là cái lý của vạn vật).

Phải nhận rằng Đạo Cao Đài liên quan nhiều với các truyền thuyết và tôn giáo Trung Hoa, nhưng không có tham vọng làm y như người phương Bắc mà giản dị nó vừa tầm vóc với mọi sắc dân. Người đệ tử Cao Đài có ước vọng tôn giáo mình sẽ rộng hơn Di Hòa Viên và dài hơn Vạn Lý Trường Thành.

Dưới Bát Quái Đài có cái hầm gọi là Hầm Tàng Bửu Khánh, tượng trưng nới chứa châu báu để cứu khổ nhơn sanh.

Trên nóc Bát Quái Đài thờ 3 ngôi Thần của Đạo Bà La Môn (Ấn giáo) là Brahma, Siva (Shiva). Christna (hay Vishnou) tượng trưng cho Tam Thanh : Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh, ba phái trong Đạo Cao Đài. Ba Thần vâng lịnh Đức Thượng Đế điều khiển ba ngươn, công thành quả mãn nên đắc Phật vị.

- Phật Brahma, hướng mặt về phía Tây, điều khiển Thượng ngươn tức ngươn Thánh Đức.
- Phật Siva hướng mặt về phía Bắc, điều khiển Trung ngươn tức ngươn Tranh đấu, như lời cầu khẩn Đức Chí Tôn (vì Thượng Đế ngự tại ngôi Bắc Đẩu) tế độ nhơn sanh thoát vòng trầm luân.
- Phật Christna, hướng mặt về phía Nam, điều khiển Hạ ngươnt tức ngươn Bảo Tồn.

Đức Hộ Pháp có giảng về nhiệm vụ cao trọng của Phật Christna : "Dầu cho những chơn linh nào chết nơi chân trời hay góc bể đi nữa, nếu đầy đủ công nghiệp tâm đức thì được Phật Christna (Vishnoun) lãnh lịnh Đức Chí Tôn mà rước chơn linh ấy về ngay nơi Bạch Ngọc Kinh" .Đức Hộ Pháp giảng thêm : "Tòa Thánh là hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh tại thế, tương quan bí pháp nơi cõi thiêng liêng".

Tóm lại Cao Đài giáo chọn biểu tượng Thiên Nhãn để tôn thờ vì lẽ Đấng Tối cao vô hình, vô ảnh. Nếu một vị Giáo chủ bằng xương bằng thịt là người Tây phương sẽ làm người Đông phương mặc cảm và ngược lại. Thế nên, hình ảnh thi phàm mắt thịt là hàng rào ngăn cách khó có thể thực hiện một tôn giáo đại đồng nhơn loại.

Lẽ đương nhiên, Cao Đài giáo nhất Thần tượng trưng bằng CON MẮT TRÁI MỞ RỘNG. Còn những thể thức bày biện bên ngoài Thiên Nhãn chỉ là sự biểu lộ lòng tôn kính đối với hàng giáo lãnh của các tôn giáo, đồng thời giúp việc truyền đạo được mau chóng.

Bình tâm mà nhận rằng, không tôn giáo nào chỉ duy nhất một vị Thần mà phải nói là các tôn giáo có một vị Thần độc tôn mà còn không còn biết bao nhiêu vị Thần khác bao quanh.

Hãy bình tâm nhìn cách thờ phượng chính thống tại Tòa Thánh Tây Ninh. Ta thấy có hai phần rõ rệt : cái nhìn ngang thấy được và cái ngẩng đầu lên mới thấy được.

1/ - Cái ngẩng đầu lên là nơi thờ Thần Thánh Tiên Phật trong Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ độ. Những Thần linh đã có sẵn trong nhân dân các nước. Tam Kỳ Phổ độ tạc tượng thờ là để kính trọng (Kính nhi viễn chi) để xác nhận các tôn giáo đều có chung nguồn gốc. Các thức giả chắc thấy được mỹ ý đó.

2/ - Cái nhìn ngangđều thấy được là ngôi thờ các Thần linh của Đạo Cao Đài. Từ Tam Thánh, Tam vị thiên sứ, Bảy ngai : 1) Giáo Tông, 2) Chưởng Pháp, 3) Đầu Sư tới Thiên bàn thờ quả Càn Khôn trên có Thiên Nhãn đều là thần linh của Tam Kỳ Phổ độ.

Thánh thi, Thánh ngôn dạy hợp với trào lưu tiến hóa sau thời Khai Đạo Cao Đài mới được chấp nhận. Lời của các bậc Giáo lãnh phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Đạo Cao Đài được trân trọng.

Thế thì, Đạo Cao Đài là Đạo Cao Đài, có bản sắc riêng của mình. Khi làm lễ, Đức Chí Tôn dạy các đệ tử nhìn ngay vào Thiên Nhãn mà không nhìn nơi nào khác. Lời dạy ấy có ai còn dám bảo Đạo Cao Đài đa thần không?

"Không ai chối cãi rằng Đạo Cao Đài đã làm sống lại cái quyền hạn tối thiêng liêng của con người với những tư tưởng quảng đại và nhân từ. Họ đã đem đến cho dân chúng Đông Dương một sự hấp dẫn mãnh liệt, nên đến năm 1931, họ đã tập hợp trên một triệu tín đồ" ( Báo Progrès Civique ngày 19-12-1931).

1/ - Càn Khôn là gì ?
QUẢ CÀN KHÔN không phải chỉ là Trái đất (Khôn) mà gồm cả Thiên Cầu (Càn) trùm lên nhau, biểu tượng âm dương hợp nhứt chi vị đạo". Vậy Đạo bao gồm cả Âm Dương, mà Âm Dương là Thái Cực, mà Thái Cực là ngôi Đức Cao Đài. Chung qui thờ Quả Càn Khôn là thờ Đức Chí Tôn. Thờ Âm Dương là thờ sự biến dịch của vạn loài. Đó là triết lý cao khiết về mặt tôn giáo và cả khoa học nữa. Bởi lẽ đời người ngắn ngủi, con người chỉ là hiện tượng nhất thời phát sinh do tác động giữa âm dương mà sinh thành. Nguyên tử cũng chỉ do sự hóa hợp điện tử âm và điện tử dương mà sinh thành. Tất cả mọi việc trong vũ trụ đều lấy Càn (Dương), Khôn (Âm) làm điều kiện cơ bản. Vậy Càn Khôn là gì ? Càn Khôn là Đạo, là Thái Cực, mà "Đạo sinh nhứt, nhứt vi Thái Cực" (Thiệu Tử, Văn Ngữ Lục). Lí giải đơn giản :
- CÀN là Trời, là Vua, là Cha, là Chồng, là đầu, là cứng, là lãnh đạo, là vàng, là băng, là thiên thể …
- KHÔN là Đất, là nhân dân, là vợ, là mẹ, là thuận tòng, là mềm, là sắc vàng, là văn, là bụng …

Càn Khôn là âm dương trong Trời Đất. "Một âm một dương quanh đi quẩn lại cái vòng tròn không đầu mối. Nói rằng âm dương là Một (Thái Cực) cũng được, mà bảo là âm dương thiên biến vạn hóa vô cùng tận cũng được" (Nhất âm nhất dương nhi hoàn vô đoan. Vị âm dương khước thị thiên biến vạn hóa nhi vô cùng diệc khả) (Hồ Cư Nhân, Dịch Tương Sao, quyển II, tr.8).

Chu Hy trong "Chu Dịch Bản Nghĩa" giải thích cụ thể hơn "Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn rũ áo xiêm mà thiên hạ trị; đó là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn" (Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ như Càn Khôn).

Trong Dịch Hệ thượng (Chương IV), Chu Tử chú giải về Càn Khôn như vầy: "Đạo dịch chỉ là Âm (Khôn) với Dương (Càn) mà thôi. U uẩn hay rõ ràng, sống hay chết, quỉ cũng như Thần, tất cả đều là biến tướng của âm dương, là cái Đạo của Trời Đất". Và ông quả quyết : "Cái Khí (mà khoa học gọi là ÉTHER) bàn bạc khắp trong trời đất để biến hóa tạo lập ra muôn loài, thực ra chỉ là hai khí âm dương trước sau, suy thịnh mà thôi" (Doanh Thiên Địa chi giab, sở dĩ vi tạo hóa giả, âm dương nhị khí chi thủy chung thịnh suy nhi dĩ). Đức Chí Tôn cũng dạy : "Đạo Thầy không chi lạ, không ngoài hai lẽ âm (Khôn) dương (Càn).

Như vậy, hai động lực căn bản tạo thành vũ trụ là âm dương. Nếu dương cực thì âm sinh, âm cực thì dương sinh. Khoa vật lý cũng chứng minh rằng : một nguyên tử có hai yếu tố căn bản là âm điện tử (électron) và dương điện tử (proton) hoạt động nhộn nhịp chứ không im lìm. Nếu nguyên tử chỉ có thuần một âm tử hay dương tử thì nguyên tử ấy chẳng thể nào phóng xạ sinh hóa được. Giả dụ, nếu mạch điện bị cắt một dây dương thì không thể nào tạo ra điện năng được. Như thế, âm dương không thể tách rời. Âm dương chỉ là hai trạng thái tịnh động của Lý Thái Cực, chu hành trong vũ tụ cùng tác động với nhau để biến hóa vạn vật.

Chung qui "đạo vốn chỉ một âm một dương mà thôi. Trước sau, đầu cuối, động tịnh, tối sáng, trên dưới,tiếnlui,qua lại,đóng mở, đấy vơi, tiêu tưởng, tôn ti, quí tiện,biểu lý, ẩn hiện, hướng bội, thuận nghịch, tồn vong, đắc thất, xuất nhập, hành tàng; có cai gì thích hợp mà chẳng phải một âm một dương?" (Trần Thúc Lượng và Lý Tâm Trang, Tống nguyên học án, quyển III, tr.643) Vậy "Vật có gốc ngọn, việc có trước sau" và có "Biết được trước sau mới gần được đạo" (Tiền Mục, Tứ Thư thích nghĩa, tập II, tr.2)

2/ - Kinh Dịch giải về Càn Khôn ra sao ?
Trong Kinh Dịch phần Thoán truyện do Đức Khổng Tử viết có đoạn : "Đức nguyên, Càn lớn, vạn vật bắt đầu từ Càn (nảy nở) thống cả Thiên Đạo, Càn làm mây mưa khiến cho vạn vật hình thành sinh trưởng. Bậc Thánh Nhân thấy cả trước sau, cả 6 hào của quẻ thuần Càn, mỗi hào có một vị nên thuận thời mà hành Đạo như cưỡi 6 rồng (ám chỉ 6 hào dương của quẻ thuần Càn) mà thống ngự cả vùng Trời. Đạo Càn biến hóa khiến cho Bậc Thánh Nhơn đứng đầu muôn vật, theo Đạo Càn thì muôn nước đều bình an" (Đại tai càn nguyên, vạn vật tư thủy, nãi thống thiên, vận hành vũ chí phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thủy, lục vị thời thành, thời thừa lục long dĩ ngự thiên. Càn Đạo biến hóa, các chánh tính mệnh, bảo hợp thái hòa nãi lợi trinh, thủ xuất thử vật, vạn quốc hàm ninh)
Trong Hệ từ truyện, Thiên Thượng, chương 1 có viết "Đạo Càn tạo thành người Nam, Đạo Khôn tạo thành người Nữ" (Càn Đạo thành Nam, Khôn Đạo thành Nữ).

Câu : "Thời thừa lục long dĩ ngự thiên" như câu : "Thời thừa lục long du hành bất tức" trong bài "Ngọc Hoàng Kinh" , lại nữa Càn Khôn còn tạo ra con người. Vậy ta xét Đạo Càn Khôn theo Kinh Dịch như sau :

Theo quẻ Thuần Càn thì Càn có 4 đức tính : nguyên (đầu tiên), hanh (thông), lợi (thích đáng), trinh (chính bền). Trời có đức nguyên vì là nguồn gốc của vạn vật, có đức hanh vì làm ra mây mưa để cho vạn vật sinh trưởng, có đức lợi và trinh vì biến hóa làm cho mọi vật giữ được bẩm tính và nguyên khí đặng thái hòa. Càn còn tượng trưng cho người quân tử với 4 đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí.

Chu Công giải ngĩa 6 hàm của quẻ Thuần Càn thành 6 rồng, con vật ngự của Đấng Chí Tôn như sau:

HÀO ĐẦU : Rồng còn ẩn náo chưa (đem tài) dùng được (tiềm long vật dụng), tức rồng còn dưới vực sâu chưa lên mây nên chưa biến hóa được. Ý nói : người chưa gặp thời thì nên trau dồi hạnh đức, luyện thêm tài trí, ở ẩn không cần danh, không ai biết mình thì cũng chẳng buồn.

HÀO HAI : Rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi (hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân). Người giúp đời mà không khoe công lao, giữ được lòng thành tín và được trung chánh gặp đại nhân thì lợi.

HÀO BA : Người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng, dù nguy hiểm nhưng không tôi lỗi (quân tử chung nhật, càn càn tịch tịch nhược. Lệ vô cửu) Người quân tử giữ lòng trung tín mà tiến đức lập ngôn, lấy lòng thành lập nên sự nghiệp. Ở địa vị cao mà không tự kiêu, ở địa vị thấp mà không lo lắng.

HÀO BỐN : Như rồng có khi bay lượn, có khi nằm vực, tùy thời mà không lầm lỗi (hoặc được, tại uyên vô cửu)

Thận trọng tùy thời cơ, nên tiến thì tiến (như rồng bay) nếu không thì chờ đợi (rồng nằm vực) chuẩn bị cho kịp lúc ra giúp đời.

HÀO NĂM : Rồng bay trên ttrời ra mắt đại nhân thì lợi (Phi long tại thiên lợi tiến đại nhân). mây bay theo rồng, gió bay theo cọp. Ý nói Thánh nhân ra đời người người trông theo.

HÀO CUỐI : Rồng lên cao quá có hối hận (kháng lạng hữu hối). Rồng bay cao quá khó xuống, nếu hành động sẽ xảy ra điều đáng tiếc vì cực thịnh tắc suy nên lui bước để giữ đạo người quân tử.

Trên đây, quẻ Thuần Càn dạy người Nam, dưới đây quẻ Thuần Khôn dạy người Nữ. Thật ra hai quẻ Càn Khôn đều dạy chung con người.

Đạo Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con người cái (nguyên hanh lợi, tấn mã chi trinh) vì Văn Vương cho con ngựa cái có tính thuận theo đực, như Khôn thuận theo Càn.

Càn tạo ra vạn vật ở cõi vô hình thuộc Khí, mà phải nhờ Khôn, vạn vật mới tượng hữu hình rồi sinh trưởng. Cho nên công của Khôn (Mẹ) cũng lớn như công của Càn (Cha), chỉ khác là Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn. Thế nên, các đức nguyên, hanh lợi, Khôn có đủ như Càn. Riêng về đức trinh thì Khôn hơi khác : tuy chính và bền mà phải thuận.

Chính vì Khôn có đức thuận mà mọi việc khởi xưởng đều là Càn. Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người đời nếu ở địa vị Khôn thì phải tùy thuộc theo người trên mà làm, không nên khởi xướng mà lầm lỡ. Như thế, Đức Mẹ chở được vạn vật cũng lớn sánh bằng Đức Cha.

Cái lý của 6 hào Thuần Khôn gần ý như vậy nên không bàn thêm.
Thế thì, người xưa "Thấy Trời cao, Đất thấp mà lập ra quả Càn Khôn động và tĩnh nhất định nhờ đó mà phân biệt được cương nhu" (Thiên tôn, Địa ti, Càn Khôn định hỉ, động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hỉ, Hệ Từ Thượng Truyện).

Tóm lại, "Đạo Càn lúc tĩnh thì chuyên nhất, lúc động thì tiến thẳng, cho nên sức sinh của nó lớn. Đạo Khôn lúc tĩnh thì nhu lại, lúc động thì mở ra, cho nên sức sinh của nó rộng" (Phù Càn kỳ tĩnh dã chuyên, kỳ động dã trực, thi dĩ đại sinh yên. Phù Khôn kỳ tĩnh dã hấp, kỳ động dã tịnh thị dĩ quãng sinh yên. Hệ Từ Thượng Truyện, chương 6).
   
Home       [ 1 ]  [ 2 ]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét