Quốc Đạo Nam Phong - 2 / 2 (Nữ soạn-giả Nguyên Thủy)

Quyền hạn của chúng ta, ngày nào chưa bảo thủ cho toàn dân tộc được thì đừng mong gì vĩnh cửu. Trái lại cần phải tô điểm Nam phong do tinh thần Tổ phụ ta để lại làm căn bản mới đủ sức mạnh, đủ cường liệt đứng đợt với toàn cầu vạn quốc. Bằng chẳng vậy thì đừng mong sớm hưởng, còn xa vời lắm”.
7 - Ông chủ-quyền thứ nhì là Hương-đảng.
 (Đền Thánh, thời Tý mồng 1 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 07-07-1948)
“Chúng ta hôm nay tiếp tục khảo cứu nền phong hóa của nước nhà ta đối với các dân tộc toàn thiên hạ.

Bần-Đạo đã giảng về chủ quyền thứ ba của xã hội chúng ta, gọi là quyền giáo sư thứ ba theo Đạo Nho mà vị chủ quyền về đạo nhơn luân hay là chủ quyền về gia đình ấy tức là ông cha. Bần Đạo đã giảng về đạo và quyền của người rồi, bây giờ tiếp giảng về ông chủ quyền thứ nhì của xã hội

Ông chủ quyền thứ nhì mà cũng là giáo sư văn minh Nho Giáo là ông Chủ của Hương đảng. Bần Đạo đã nói chức Đại Hương Cả hay Kế Hiền là mới bày đặt sau này, chớ Nho Giáo chỉ định tới Hương Chủ là hết. Ta thấy rằng vị đó cầm quyền hương thôn, mà thật ra người cũng là chủ quyền của xã hội. Ta để tâm nghiên cứu coi cái phong hóa của đệ nhị chủ quyền nắm đó ra thế nào? Bần Đạo xin nói trước rằng nó tốt đẹp không gì bì đặng, hại thay! Ngày giờ này vì quốc dân xu hướng theo văn minh tân thời mà muốn phế bỏ hủy hoại và cũng do bởi cớ mà Đức Thanh Sơn để câu thi tự hào rằng:
"Văn hiến bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công?"

Nền văn hóa đạt được trải qua bốn ngàn năm, không cần ai dâng công tạo văn hiến khác.

Đạo của vị chủ Hương đảng là coi sóc sự sanh hoạt của dân chúng trong thôn hương, chẳng những nắm chủ quyền sự sanh hoạt mà còn nắm chủ quyền sự chết sống, cầm vận mạng cả thôn hương trong tay nữa. Đạo của người là Đạo thường, lo phụng thờ tôn miếu của triều đình. Các đình làng đương nhiên là Công thần miếu, thờ những vị Công thần bất kỳ nơi nào trong thôn quê đã xuất hiện những vị trung quân ái quốc, vị quốc vong xu, tô điểm giang san, binh vực lợi quyền của xã hội; có công vĩ đại với triều đình, đến khi qui liễu được nhà Vua ân tứ phong cho Thần vị. Điều hay hơn hết là vị Công thần đạt vị đó, lại được trong bổn thôn sanh quán của người thờ người. Sự khéo léo ta thấy hiển nhiên, vì cớ vị Hương Chủ trong thôn hương cần nhứt tạo hiền tài; nào là lập trường học, bố thí kẻ côi cúc không phương học vấn, nào là nâng đỡ các gia đình hữu học. Khi đạt đặng khoa mục, khỏi làm xâu, bởi gọi hàng khóa sĩ. Bần Đạo xin nói rằng chưa nước nào đã làm như nước Nam ta, khi xuất sĩ vị Tân khoa về quê gọi là bái tổ vinh qui, lạy tạ mồ mã Tông đường; ngày đó chẳng cần tả, sự vinh hiển vô đối của họ, nên phương pháp ấy giục tâm toàn quốc cố học, học đặng hành.

Hại thay! Trong thôn hương nhiều nhặt nhiệm nên cũng có sự hay mà cũng có sự dở, là kẻ nào bất tài thiếu học, hay có tánh chất hèn kém, không đủ tinh thần tế thế an bang; làm cục bướu của xã hội, nếu kẻ ấy không lập thân danh đặng thì duy có trốn mà đi chớ không dám ở trong làng mình nữa. Vì cớ cả quốc dân nong nả học hành, chẳng phải học để lập thân danh mà thôi chỉ thấy khuôn khổ nghiêm nghị, dìu dắt chủ hướng người quân tử dù tánh đức tiểu nhơn mà ở trong làng cũng phải sửa nết lại.

Vị Hương Chủ có phận sự bảo vệ sinh mạng nên theo đàng cựu thì trích đất quốc gia làm công điền; hồi cựu trào số đất công điền trong các đất đai của làng rất thặng, vì thuở ấy dân chưa có gia nghiệp tư bản. Những đất hoang vu, ông Hương Chủ khai mở thành công điền, toàn thể dân đinh buộc họ duy có làm xâu mà thôi, mà chẳng phải làm xâu như bây giờ, người nào có làm xâu thì số lúa tư sản của mình được hưởng trọn vẹn, người nào không làm sẽ bị trích mấy phần mười số lúa tư sản của mình đó.

Số sản xuất những công điền ấy chia làm ba phần: Hai phần ba để vào công nho làng, một phần ba nạp cho triều chánh của nhà Vua, nên không có lấy thuế bằng tiền bạc. Nhà Vua buổi nọ muốn thưởng công các quan duy có đong lương mà thôi, vị nào cao cấp mấy hộc, trung cấp mấy hộc, hạ cấp mấy hộc; ngoài ra lương ấy nhà Vua có phương pháp kêu là ban thưởng đặc biệt về công nghiệp vĩ đại, ân tứ cho ngựa bốn cặp, sáu cặp hay mười cặp, hay xe đôi chục, năm chục mà thôi, sự khéo léo của quốc gia là giục tâm cho dân cày cấy, ngoài ra sự chăn nuôi súc vật, rồi vì sau nầy việc canh điền nặng nề thì lại bày ra việc thưởng trâu bò thay thế cho đầu ngựa. Ngày xưa làm quan không ăn tiền chỉ lãnh lương nên tiếng tục gọi là "ăn lương" là vậy.

Một phần ba số lương triều chánh thâu vào thì nhà Vua dùng phát lương cho các quan, năm nào đặng mùa, dư dã thì làm kho dự trữ, nơi các Hương đảng cũng đều phải vậy. Thảng như rủi năm nào thất bác, dân đói khó, thì lập tức mở kho ấy phát cho dân gọi là chẩn bần, mà đầu tiên đứng ra tế chẩn là ông Hương Chủ, khởi phát ở kho lúa của làng trước, khi nào thiếu mới lấy thêm ở kho quốc gia.

Sự nong-nã chẳng phải tìm phương cho dân cày cấy ruộng nương mà thôi, phải khuyến khích chăn nuôi súc vật, khuếch trương các tiểu công nghệ trong làng, thúc giục dân nuôi tầm dệt vải làm tơ lụa, các nghề thợ mộc, thợ rèn và các kỹ nghệ nào hay khéo mà dân sở tại làm đặng, quyền ấy là quyền của ông Chủ Hương đảng, còn Ban Hội Tề, Hương Sư, Hương Hào, v.v... đều là phụ thuộc vào triều chánh của ông Hương Chủ mà thôi.

Cái Đạo của vị Hương Chủ là thờ Công thần, mà là thờ mạng sống của toàn dân trong hương nữa, nên cổ tục ấy lưu truyền đến ngày hôm nay, sống cũng phải lo cho dân, mà chết cũng phải lo cho dân. Vì cớ đồ âm công phải có sẵn. Hồi cựu trào bất kỳ hạng nào, dầu là một vị quan hồi hưu về ở trong làng cũng vậy, hễ khi có một đám tử, người dân của làng đã được định làm nhưng quan có bắt khiêng đám cũng phải đi, không ai khỏi đặng.

Lại nữa, chẳng phải lo việc chết thôi, còn phải lập nhà thương, nhà nuôi trẻ em, trường học, cả cái khuôn khổ văn minh hương đảng lưu lại ngày nay là do nơi chủ quyền của Hương Chủ mà ra vậy.

Hồi lúc Bần Đạo còn nhỏ, nhớ nhứt là khi xay lương và giã lương, hễ lúa đem về kho rồi thì dân làng nhứt là phụ nữ, xúm lại giã cho trắng đặng nạp về triều kêu là nạp lương, tục ấy mới bỏ trong thời gần đây. Mà xay lương thôi thì đô hội, mệt nhọc mà vui-vẻ lạ lùng. Không thể nói hết đặng, câu hò, câu hát còn lưu lại trong dân gian ngày hôm nay là do nguyên cội xay lương đó. Xay giã xong, 1/3 nộp cho triều đình, 2/3 để cho hương đảng.

Còn một điều nữa là ở trong làng hễ có người nghèo khổ cơ hàn, thì Hương Chủ dạy toàn dân làng phải bảo vệ, hễ cưới vợ không được thì xúm nhau chung tiền lại giúp, cất nhà không nổi thì xúm nhau tạo nhà cho, khi có bịnh hoạn thì xúm nhau đến thăm viếng và giúp đỡ, tình liên lạc mật thiết như cốt nhục, mà khuôn tuồng đó ngày nay đã mất rồi, vì chưng tư lợi tư kỷ nhiều quá mà làm cho tiêu diệt hết lòng tương ái tương thân trong hương đảng.

Ta thử nghĩ lại, một ông chủ cầm quyền xã hội dường đó, chánh sách còn bằng mấy Cộng sản, mà là Cộng sản tinh thần, nên Quốc gia chúng ta có Cộng sản thúc nhặt tâm lý làm khuôn phong hóa chung sống cùng nhau, không cướp bóc, không tranh quyền đoạt vị. Ở trong làng, quyền làm chủ hương thôn ấy chỉ có truyền biểu mà thôi, dầu trong triều về đó ở mà dân không tín nhiệm thì cũng không có quyền gì buộc dân đem mình lên đặng.

Phần nhiều triều chánh sau nầy mới có tham quan ô lại, chớ thời xưa một người làm quan rất sợ điều đó lắm, là vì hễ đã mang danh tham quan rồi thì về làng không ở với ai được, cả làng mạt sát chịu không nỗi, cho nên cả cái bí pháp hằng tâm gìn giữ rất nhặt nhiệm, kẻo buổi về già không chịu nỗi sự trích điểm của thôn lân, được vinh quang chừng nào thì lại càng giữ gìn tánh đức.

Trong làng mà vị nào vì dân, lo cho dân, đủ tánh đức nuôi dạy dân, thương dân như con đỏ thì dân sanh cử lên, chớ không phải bầu cử hốt mớ, rồi đưa kẻ bất tài thất đức lên được, vì trong triều chánh của ông Hương Chủ, ở dưới có Ban Hội Tề, đi từ mức đào luyện từ cấp, rồi mới lên đến Hương Chủ thì đã sáng suốt mực thước lắm rồi.

Ngoài ra nữa, còn một điều là trong hương đảng coi chủ quyền ấy như ông Tòa, đến bây giờ còn chức tước mà quyền không phải vậy. Ông chủ của làng làm Tòa xử, hòa giải dân tình, nên không có tụng cáo ra triều đình bao giờ, hay là trừ các án tiết trọng hệ, như cường đồ, sát mạng, mới thấu đến luật hình triều chánh. Trong làng có điều gì chinh tâm với nhau thì ông chủ của làng xử trước, nếu bất đồng đem nội vụ ra nhà việc, hễ lỗi nhỏ thì nạp tiền câu tra, tội lớn thì căng nọc đánh giữa dân làng, không đến nỗi chết mà hễ bị đánh rồi thì về nhà còn có nước trốn đi nơi khác, hoặc đóng cửa đi đâu đi lén lút khổ não lắm vì bị gièm pha nhạo báng xấu hổ chịu không nổi.

Còn nói về phụ nữ nhứt là gia đình nào con hát bè, hát bộ, thì có dọn mà đi luôn. Đến nghiêm luật gái chửa hoang, đẻ lạnh thì cha ông, con cháu, đều bị đòi ra giữa làng hết thảy. Thứ vợ hổn với chồng, chồng hiếp vợ, con bất hiếu, em vô lễ với anh cũng vậy, đặng giữ nghiêm phong hóa xã hội do khởi đoan từ hương đảng ra quốc gia xã hội.

Triều đình cốt yếu làm đầu đặng nắm giềng mối, chớ thật ra cầm quyền xã hội là trong hương đảng, mà quyền trong hương đảng là của Đệ Nhị chủ quyền, tức là quyền ông Hương Chủ đó vậy.”

8 - PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC TRONG HƯƠNG THÔN VIỆT NAM.
 (Đền Thánh, thời Tý mồng 5 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 11-07-1948)

“Kỳ trước, Bần Đạo đã giảng về đạo của vị chủ quyền xã hội chúng ta là ông chủ, nay tiếp thuyết về phương pháp tổ chức xã hội ta trong hương thôn là thế nào và ai cầm quyền ấy.

Ta đã thấy Nho Đạo ta lấy gia-đình làm căn bản, bước từ tiểu-giađình là gia-tộc lên đại-gia-đình là quốc-gia. Lại thấy sự khéo léo trong gia đình là phương pháp thực hành. Các phần tử trong gia tộc hiệp lại thành Tông-đường, Một gia tộc nào đủ nhơn nghĩa đạo đức thì Tông đường đó, để mắt nong nả cho có đủ phương pháp thi thố cả sở năng của mình; bởi chỉ trông cậy nơi mình làm cho gia đình đứng đợt được với thiên hạ một cách vinh diệu, mà hễ Tông đường được vinh diệu, tức nhiên người đại diện cho Tông đường ấy khi ra thay mặt cho Tông đường, đã đào luyện trí thức tinh thần, sở năng, sở kiến, đặng thay thế Tông đường cho xứng đáng trước luật quan phép nước.

Trong hoàn cảnh kiến thiết xã hội là vậy. Làm đầu Tông đường được, tức nhiên trong hương đảng đã để dành địa vị cho danh thể cao trọng ấy rồi. Thanh niên thì vào hàng thành đinh, niên kỷ cao trưởng thì vào hàng kỳ lão, lãnh kiến thiết hương đảng, không bỏ một ai. Tuy vậy, Ban Hội Tề có đông đảo mặc dầu, nhưng Bần-Đạo đã nói rằng Hội Tề bất quá là triều chính của Đệ Nhị chủ quyền là ông Hương-Chủ trong hương đảng vậy thôi.

Ấy vậy, trong hương thôn có mặt nào đứng đợt làm đầu hương thôn, mặt ấy không lẽ triều chính không biết đặng, nên danh nghĩa trong hương đảng liên quan mật thiết với triều đình, mà hễ có liên quan tức nhiên là địa vị triều đình sẽ dành để cho người cầm quyền hương đảng đó vậy.

Tổ chức xã hội chúng ta đi từ tiểu gia đình lên đại gia đình là quốc gia, vì cớ nên Tiên Nho chúng ta: dầu cho Đệ Tam quyền là ông Cha trong gia đình, mà có tội đem ra giữa triều chánh buộc tội là trị đạo bất nghiêm, còn Đệ Nhị chủ quyền lại là trị dân không nghiêm cũng gọi là trị đạo bất nghiêm. Hình phạt nặng nề sẽ định án cho hai chủ quyền Đệ Nhị và Đệ Tam đó không phương chối cãi.

Cái đạo, nói tiếng đạo mà người cầm quyền trị đạo phải thật hành được đạo đã không dễ, thì cầm quyền trị đạo lại càng không dễ nữa. Phải làm thế nào thi thố cho dân sự trong bổn thôn thấy tâm Thánh của mình là thay thế Đức Khổng-Phu-Tử làm cha mẹ dân, mà chẳng vậy thôi, còn cầm quyền làm thầy trong bổn thôn nữa mà chớ.

Tổ chức xã hội quốc gia chúng ta không mắc mỏ mà thật sự thì khó đáo để. Thuở mà nòi giống nầy còn kêu cha là bố và mẹ là cái, kẻ nào đạt được vị Bố Cái hương đảng, tức là cha mẹ của hương đảng, ấy là lời ban thưởng, tặng khen lớn lao lắm vậy, tức nhiên Đệ Nhị chủ quyền là quyền của vị Bố Cái hương đảng là vinh diệu hơn hết.

Ấy vậy, Đệ Nhị chủ quyền làm cha, làm thầy hương thôn, ta suy xét tưởng tượng xem phận sự ấy trọng yếu như thế nào? Coi dân như con đỏ, làng như cha mẹ dân thay thế cho triều đình, mà muốn nên phận cha mẹ dân thì vị chủ quyền đó không tư tâm, tư kỷ, hễ tư tâm tư kỷ tức bốc lột dân, trộm cướp của dân, hiếp bức dân. Ta thấy phương pháp đương nhiên, hiện giờ còn giữ khuôn khổ ấy, chỉ hại một điều là hương đảng đương nhiên xu hướng tân thời đã hết làm cha mẹ dân, dở thói tham quan ô lại, làm cục bướu làm mụt ghẻ tâm lý của dân. Vì cớ nên giá trị của Đệ Nhị chủ quyền không còn năng lực nữa, mà nếu không còn năng lực tức là hết cầm quyền chuyển tâm lý được, biểu thế nào ngăn cản được dân xu hướng theo văn minh mới, mà nhứt là nòi giống Việt Nam nầy hay nghinh tân yểm cựu lắm.

Nếu không đủ biệt tài cầm cái khối báu do Chí Tôn để lại mà trau giồi làm cho có giá trị cứ do theo điều mới mẻ ấy thì chỉ có làm cha làm chủ bướng vậy thôi, nên cần phải biết sửa đương lại thì xã hội này sẽ đứng đầu hơn hết. Tại mình làm chủ mà không biết của báu, khinh miệt nên thiên hạ mới khinh miệt nó. Ấy vậy đương thời bây giờ thiên hạ không còn làm cha mẹ, bố cái hương đảng nữa, nên cái vinh diệu của Tiên Nho ta lưu lại đã bị bại hoại thành hình tướng dị hợm lắm rồi.

Vị chủ quyền hương đảng của nhà Nho ta, tuy là tư tưởng tinh thần rất đơn sơ, nhưng nói ít mà làm nhiều, nên vị Hương Chủ hồi cựu trào lãnh làm chủ hương đảng thì triều đình phái một vị quan đến phong quyền cho và thường nói: "Triều chánh cầu xin một điều là vị Hương Chủ làm sao cho xứng đáng phận sự cha mẹ của dân".

Trước, ta đã thấy quyền làm cha mẹ trong gia đình khó khăn thế nào rồi, thì vị Hương Chủ lên làm cha mẹ dân trong một làng, lời xưa thường gọi là bá tánh là vì bởi nhiều Tông đường hiệp lại mới thành một làng. Nên việc làm cha mẹ dân trong một làng không phải dễ, dân đói phải lo, dân rách phải lo, dân khổ phải lo, một tên dân đau khổ thì ông chủ quyền phải ở bên mình như cha ở bên mình con vậy, cha nâng đỡ danh thể làm cho con nên thế nào, thì ông chủ quyền của hương thôn cũng phải làm nên cho dân thế ấy. Nghĩa là tâm lý của ông cha cầm quyền gia đình trị con thế nào, thì ông chủ cầm quyền hương lân trị dân cũng như cha trị con vậy.

Nếu từ trước đến giờ còn giữ được khuôn khổ tổ chức của tổ phụ để lại, thì Bần Đạo tưởng chẳng hề thấy sự tồi phong đương nhiên và cầm chắc sự thống khổ loạn lạc chẳng hề có đặng. Ngày hôm nay, phong hóa quốc gia xã hội ta không còn nguyên hình tướng nữa, đã thay đổi ra thô tục gớm ghiết quá chừng.

Đức Lý Giáo Tông lập Bàn Trị Sự:
Ngài lập chức Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự, rồi Ngài lại biểu Bần Đạo lập chức Thông Sự.

Ngài nói Phó Trị Sự là Giáo Tông em, mà nơi làng có Giáo Tông em thì tức nhiên phải có Hộ Pháp em là Thông Sự nữa chớ.

Nếu sự tổ chức hương lân chưa phải cần yếu thì Đức Lý đã không làm như vậy. Ngài đặt chức Chánh Trị Sự tức là ông Chủ, Đệ Nhị quyền trong thôn lân về phần Đạo, hỏi vậy mơ vọng của Đức Lý để Chánh Trị Sự làm gì? Đức Lý có ý đem qui củ Đạo vào Đệ Nhị chủ quyền, đặng phục hồi lại y như trước. Ngài quyết định hơn nữa là để vị Chức Sắc ấy nắm quyền Hội Thánh tức là vào Thánh Thể của Đức Chí Tôn, nghĩa là dự định đặng lên Lễ Sanh, rồi lên Giáo Hữu, tức là vào hàng Thánh Thể đó vậy. Muốn chỉnh đốn xã hội lại, nên luôn dịp để một khuôn khổ trị Đạo cho dân sanh tỉnh giác, biết vật báu ấy mà gìn giữ, tô điểm, làm cho xã hội thôn lân thêm xinh lịch. Ý muốn là vậy, mà thử hỏi Bàn Trị Sự toàn thể quốc gia ta ngày kia có đủ năng lực và đủ tinh thần đạo đức để chỉnh đốn xã hội ta trong hương thôn, lần lần sửa lại theo tổ chức tối cổ của quốc gia xã hội ta trước được không?

Bần Đạo dám chắc rằng Đạo Cao Đài làm đặng, và nhờ bàn tay của toàn thể quốc dân Việt Nam ta đó. Việc làm bất luận lâu hay mau, miễn đạt được thì thôi, Bần Đạo sợ e một điều là đầu óc hình thể ta thấy trước mắt, thay vì chỉnh đốn đi ngược trở lại khuôn cũ, rồi lại còn xu hướng theo tổ chức xã hội, làm diệt vong phong hóa; thay vì cứu sống lại cái gia tài, lại làm tiêu cả sự tốt đẹp thọ hưởng đã bốn ngàn năm nay còn noi lại.

Bần Đạo mơ ước một điều là toàn con cái của Đức Chí Tôn trong hương thôn tức là Bàn Trị Sự, biết phận sự trọng yếu của mình để đủ tinh thần làm vừa theo Thánh ý của Đức Lý Giáo Tông và Đức Chí Tôn. Bần Đạo mong mỏi cả thảy đem cái quý của Tổ phụ chúng ta lưu lại chỉnh đốn cho đẹp cho xinh đủ oai quyền năng lực, đặng ngày kia đem cho toàn các sắc dân khác đồ theo. Đương buổi này thiên hạ đương thống khổ tâm hồn, nếu họ thấy chánh sách của ta đạt được, họ sẽ lấy và đồ theo mà lấy trong tay Cao Đài họ không thẹn mặt.

Cả thảy nam nữ nhớ lời căn dặn, đặng khi thái bình trở lại, lo chỉnh đốn Bàn Trị Sự trong hương thôn, để làm nền móng tổ chức quốc gia ta sống lại đẹp đẽ mỹ mãn và cường liệt, mà quốc gia ta có đẹp đẽ mỹ mãn cường liệt thì nhờ nơi hương đảng tạo ra; nếu mấy người tạo ra thô bỉ thì sự kiến thiết cũng thô bỉ, hễ mấy người tạo ra đẹp đẽ thì sự kiến thiết đẹp đẽ, mạnh mẽ vì bởi khởi đầu đào tạo bằng hột giống mạnh, thì cây lên mạnh, bằng hột giống yếu thì cây sẽ lên yếu.

9 - ĐỆ NHỨT CHỦ QUYỀN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM.
Tại Đền Thánh, thời Tý mồng 9 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 15-07-1948)

Đức Hộ-pháp nói:
 “Đêm nay Bần Đạo giảng tiếp về đệ nhứt chủ quyền của xã hội chúng ta. Bần Đạo đã giảng kỳ rồi về đệ nhị chủ quyền tức là chủ quyền hương đảng và đã giải rõ ràng cái phương pháp kiến thiết từ thử là lấy gia đình làm căn bản. Tiểu gia đình là trong một nhà liên quan với cả Tông đường gọi là họ, là tánh, trung gia đình tức là tổ chức trong hương đảng của Đệ Nhị chủ quyền, tới Đệ Nhứt chủ quyền làm đầu một Đại gia đình là một nước.

Ta đã tự hiểu Thánh ý của Đức Chí Tôn sanh ra nòi giống chúng ta và đã tạo cả tinh thần của nòi giống chúng ta, không biết chừng dìu dắt tinh thần ấy để lập chánh kiến quốc gia, là lấy gia đình làm căn bổn. Ta thấy rõ ràng Chí Tôn muốn cho cả nhơn loại chung hiệp cùng nhau làm một đại gia đình toàn cầu thế giái sau nầy vậy, nên Ngài định trước cho một quốc dân của Ngài đến lấy tinh thần đạo đức làm căn bổn cho cả tinh thần đạo đức toàn nhơn loại, lấy cả quyền năng lập quốc cho nước Việt Nam, đặng làm khuôn mẫu chuẩn đích tương lai lập chánh trị toàn cầu thiên hạ mà chớ.

Nếu không tự tôn, ta cũng nhận thấy rằng điều tưởng tượng ấy không lầm, bởi dầu muốn hay không, quyền năng vô hình cũng xô đuổi dục tấn các dân tộc vạn quốc phải đi đến sự chung hiệp vào đại gia đình của toàn nhơn loại mà thôi.

Ấy vậy, Bần Đạo thuyết Đệ Nhứt chủ quyền do Tổ phụ chúng ta tổ chức và lưu lại trong văn hiến tức là nhà vua. Đệ Nhứt quyền là giáo sư, là ông cha của cả nước. Không lạ gì, chúng ta cũng thấy như ông cha trong tiểu gia đình kia vậy.

Đức Khổng Phu Tử nói: "Đạo trị dân không khác đạo trị gia đình" ấy đạo của Ngài vậy. Chúng ta thấy trước khi lên cầm quyền vì một sơn hà xã tắc, một nhà đương quyền tại vị, hay đã thoái vị cũng vậy, các vì Vương Đế thường có nói nơi cửa miệng hoặc di chúc lại, bao giờ cũng mơ ước cho có người kế vị xứng đáng làm cha mẹ của nhơn dân bá tánh, văn hiến của ta tuy đơn sơ mà thâm thúy lắm, là nói ít mà làm nhiều, và sự khó khăn trọng yếu chẳng thể tưởng tượng được.

Bần Đạo nhắc lại một lần nữa là buổi nòi giống An Nam ta đây còn kêu cha là Bố, mẹ là Cái, mà vị Đế Vương nào lên cầm quyền được dân tặng là Bố Cái, như Bố Cái Đại Vương, thì sự vinh hiển của triều chánh đó không luận đặng, mà sự vinh hiển của Đế Vương đó cũng chẳng tả được đối với lòng dân. Nói ít làm nhiều. Văn hiến của ta do văn hiến của Tàu châm chế sửa chữa lại, lấy của người làm của mình. Lấy căn bản chánh gốc của người ta mà làm của cải riêng của mình với tư cách đặc biệt, tưởng không nước nào khéo léo hơn nước Việt Nam ta vậy.

Ta thấy lời một vị Đế Vương để lại cho con lên truyền kế cho mình như Hớn Chiêu Liệt để lại Hậu Chúa, có câu căn dặn rằng: Nếu nhà cầm quyền nào mực thước trị dân, biết tùng theo thì thiên hạ thái bình, quốc thới dân an, Hớn Chiêu Liệt sắc Hậu Chúa viết: "Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi" (nghĩa là ông Hớn Chiêu Liệt căn dặn con truyền kế rằng: Đừng thấy lành nhỏ gọi nhỏ mà không làm, đừng thấy ác nhỏ gọi nhỏ mà làm). Vì Đế Vương biết rằng trong tay cầm sanh mạng quốc gia, trị cả bá tánh để lại cho con một di ngôn bất hủ. Nếu cả các Đế Vương trên mặt địa cầu nầy, cầm sanh mạng quốc gia biết lấy câu ấy làm "trấn tâm chi bửu" cho mình, Bần Đạo tưởng chắc, nếu thi hành cho đúng thì cả quốc dân đó hạnh phúc vô cùng.

Tổ phụ chúng ta muốn trong nước ta, dân ta, tình của Vua đối với dân thế nào cho mực thước, chơn thật như cha đối với con, nếu Vua đối được với dân như cha đối với con, tức nhiên lấy tình ái làm quyền hành, công chánh làm mực thước, tưởng không quốc gia nào trên mặt địa cầu nầy hưởng được hạnh phúc hơn nữa. Ta thấy tấn tuồng ly loạn do kẻ cầm quyền định vận mạng cho nước, cho dân chỉ biết mình, không biết bá tánh.

Thường nghe nói: "Thiên hạ vi gia" hại một điều tuy vậy nhà Vua ở với bá tánh như cha ở với con nên có câu "thiên hạ vi gia" vậy nhà Vua lấy thiên hạ làm nhà, thương dân như con đỏ, trái lại họ lấy thiên hạ làm tôi đòi của cải. Thay vì coi thiên hạ như nhà như con, họ lại coi thiên hạ như nô lệ, tư nghiệp của mình, tức là hiểu lầm khuôn khổ của Tiên Nho ta đã quyết định vậy.

Tổ chức thật khéo léo làm sao, chính nhà Vua cũng không thoát cái khuôn viên gia đình. Nếu ngôi Vua truyền hiền thì chẳng nói chi, từ khi các vị Đế Vương truyền tử đến giờ gia đình vẫn ở bên cạnh họ, họ phải bảo trọng gia đình trước nhứt, bởi gia đình của họ là Đệ Nhứt gia đình trong quốc gia. Ta thấy từ khi các quốc gia nầy chẳng chịu ảnh hưởng của Nho Tông mà lập quốc, đã trở nên suy đồi bởi nguyên căn nào, do trị gia bất nghiêm! Cho nên cổ truyền tai hại hơn hết là cái loạn trong cung tần, trong vòng hoàng tộc mà sản xuất, đã hiển nhiên như vậy không chối cãi được. Các vì Vua trị gia bất nghiêm, biểu không bại hoại sao được, mà Đệ Nhứt gia đình thất đạo có liên quan mật thiết đến cả toàn bá tánh thất đạo.

Nhà Vua cốt yếu coi bá tánh như con đỏ, coi nước nhà như đại gia đình, giữ đạo nhơn luân làm trọng hệ, đã có quyền sanh sát, mà nếu quyền ấy không chuẩn thằng, biểu sao dân trong nước không thống khổ. Khi sự thống khổ ấy dân chịu đựng nổi chẳng nói chi, thảng như quá sức không chịu nổi được nữa, sanh loạn lên thì triều chánh và cả nước nhà phải nghiêng đổ.

Sự kiến thiết quốc gia lấy gia đình làm gốc, ta không thể chối rằng không biết gia đình ấy hay là từ bỏ đạo nhơn luân, duy có theo lối vô thần thì mới chối đạo nhơn luân đặng, nếu không chối đạo nhơn luân, tức không chối đạo gia đình, mà không chối gia đình thì cũng không hề chối tương lai vận mạng của tổ quốc mình được.

Ấy vậy căn bản của phong hóa Việt Nam ta do nơi đạo nhơn luân, nơi gia đình, dầu ai thuyết minh phong hóa như thế nào đi nữa nguyên căn tinh túy cũng vẫn do nơi gia đình mà thôi; cho nên gia đình, phân làm ba hạng: Hạ, trung và thượng gia đình; thượng gia đình là Quốc gia, trung gia đình là Hương đảng, hạ gia đình là Tông đường, không có chi là lạ, là khó, nhưng căn nguyên ấy ta không sửa đổi đặng bởi ba bực hạ, trung, thượng của cơ tấn hóa thế nào thì gia đình cũng thế ấy. Cả Càn Khôn có Thượng giái, Trung giái, Hạ giái, mặt luật thiên nhiên của sự tiến hóa trật tự ấy không thể tiêu hủy đặng.

Tổ chức xã hội của chúng ta khéo léo làm sao đâu, Bần Đạo dám chắc rằng cao thượng hơn hết. Hại thay! Quốc dân ôm của báu trong tay mà không biết quí trọng, liệng rồi chạy theo ăn mót đồ bỏ của thiên hạ, lấy làm của. Đức Chí Tôn đến đặng thức tỉnh nhơn sanh, nên mới có câu Ngài nói với nhà Vua: "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong" là thêm ý rằng: Tổ phụ chúng bây để lại cho bây một phong hóa, nó sẽ biến thành phong hóa của toàn nhơn loại vậy.

Ngài cho biết rằng chúng ta vốn có của báu, mà của báu ấy thiên hạ đang tìm kiếm đặng sống”.

CHƯƠNG IV

CHƠN TƯỚNG CỦA NHO-TÔNG

1 - QUYỀN NĂNG CỦA NỀN TÔN GIÁO.
Bần Đạo xin thuyết minh quyền năng của nền Tôn giáo.
 “Cả chủng loại, loài người và vật loại, chúng ta quan sát ngoại thể thấy loài người và vạn vật phải ở chung hiệp cùng nhau, gọi là xã hội mới sống được.

Chúng ta thấy trước mặt nhiều vật loại sống đặng như ong, kiến, cũng nhờ tổ chức xã hội, giống thú mà còn biết chung hiệp từ đoàn thể tức nhiên có tinh thần xã hội. Loài người cốt yếu sống cũng phải có xã hội.

Lại nữa, nếu chúng ta tìm chơn lý của Phật-giáo thì thấy Chí-Tôn đã phú thác cho loài người làm Chúa vạn-vật. Ngài để tinh thần của loài người cao trọng, tức nhiên cho người có khối linh vĩ đại, trọng hệ hơn, đủ phương thể làm tròn trách vụ đối với vạn vật, tức Ngài định cho ta làm chủ xã hội vạn linh.

Làm trách vụ tức nhiên có tinh thần cảm xúc mà cảm xúc tức nhiên sanh tình. Tình là luật thiên nhiên của Chí Tôn. Tình phân ra hai vở chánh, nơi cõi phàm thì có luật định giới hạn, chúng ta thấy tạo luật pháp xã hội, hiển nhiên nơi cửa Hư Linh cũng có đặc quyền, nên cũng phải có khuôn luật là Thiên điều. Có nhiều vị Phật cầm vững quyền thưởng phạt ấy, gọi là nhơn quả, vay trả, hễ nên thì thưởng, còn hư phải thường, luật định như thế rất nên công bình chánh đáng.

Vì có khuôn khổ luật pháp do quyền Thiêng Liêng của Chí Tôn định, bằng chẳng vậy dữ cũng như hiền, lành cũng như ác hỗn độn cả tinh thần của Chí Linh, tổng số không mực thước, không căn đề, không cội rễ.

Ấy vậy Đạo cốt yếu tạo khối tình ái tâm lý của loài người, biết mình là phần tử của xã hội, phải làm điều gì cho xã hội nhờ.

Gia đình là một phần nhỏ trong xã hội, nếu biết gìn giữ thân thể, tôn trọng danh giá cha mẹ, anh em thảng có đứa du côn không kể gia pháp, làm rối loạn gia đình thì kẻ đó ai cũng muốn bỏ, muốn đưa ra khỏi gia đình tông tổ. Sợ e gia đình nào mực thước, thảng có điều vô phúc ấy sẽ xử đứa làm nhục đó, hình phạt nặng nề hơn kẻ tha nhơn.

Càn khôn là đại gia đình, cửa Đạo cũng vậy, xã hội cũng vậy, là một gia đình có cha mẹ, bà con, như một tông tộc vậy.

Lớn hơn gia đình là một quốc gia, là một gia đình lớn, gồm cả các gia đình tổng hợp lại, chiều theo một khuôn luật do quyền năng của Đạo giáo tức Đại gia đình.

Ta lần lượt đi đến toàn nhơn loại hiệp lại thành Đại gia đình.

Con người sanh ra phải biết trách vụ của mình, trong tiểu gia đình hay đại gia đình cũng vậy. Người ở gia đình chỉ xưng mình là con, vì cớ Jésus Christ chỉ xưng mình là con của Người (le fils de l'homme).

Ôi! Chỉ làm người mà được thành nhơn thì hiểu giá trị của nó thế nào? Văn minh Nho giáo hiểu giá trị làm người ấy khó khăn lắm, khó mà minh biện được: "Vi nhơn nan, vi nhơn nan" (làm người khó, làm người khó). Tố tố vi nhơn nan (làm người rất nên là khó).

Mong làm người cho xứng đáng là người trong gia đình là khó khăn lắm, mà hễ làm người để dìu đỡ được gia đình, tức là chúa gia đình đó; mình là người mà nâng đỡ được quốc vận, là chúa của quốc gia. Giờ ta thử hỏi: Một nền tôn giáo đem tâm lý loài người hiệp một lại là một điều đứng trên cái mức đại gia đình đó. Làm người chủ xứng đáng của gia đình đã là khó, làm người chủ xứng đáng của quốc gia lại càng khó, rồi làm người chủ xứng đáng của một nền Tôn-giáo không phải dễ. Hễ làm chủ được xứng đáng, thì đối với nhơn quả, ta chỉ có nhơn mà không còn quả nữa. Người đã đem thân nầy ra làm chúa gia đình, không còn là mình nữa mà là bậc tiền bối; người đáng là người chủ của một nước là bực Thánh nhơn, người đáng là người chủ một Tôn-giáo ấy là vị Phật.

Ấy vậy, chúng ta muốn quan sát một Tôn-giáo nào được gọi là Chánh-giáo, thì Tôn-giáo đó phải đủ yếu điểm tạo nên người chủ của nó đặng dìu đỡ các phần tử của Đạo ấy, đủ hạnh kiểm, đủ quyền năng. Phải cao thượng hơn sự thường tình, đi cho vững trên con đường hằng sống mới xứng đáng là chủ của Đại gia đình Càn Khôn Võ Trụ. Cả phương pháp không mực thước quyền hành để đạt đến địa vị chúa một tôn giáo thì không phải chánh đạo. Ta đã thấy gì? Đạo Cao Đài có không? Ta suy xét coi: Có hẳn. Nếu con đường ấy, kẻ nào cố gắng thì nên người làm chúa nền tôn giáo của Chí Tôn đã tạo sẵn, có mực thước, chuẩn thằng, phép tắc, để cho người ấy lập nên địa vị."
 (Tại Đền Thánh, thời Tý mồng 3 tháng giêng năm Mậu Tý (dl. 12-02-1948)

2 - Phải giữ lấy nền Văn-minh tối cổ Nho-Tông của ta
 “Nhứt là chủng-tộc Việt-Nam đã thọ ảnh-hưởng tối cổ của Nho-Tông chúng ta, cả thuần-phong mỹ-tục làm cái cảnh tượng tâm-hồn nòi-giống Việt-Nam, đều là khuôn-khổ của nền văn-minh tối-cổ Nho-Tông của Ta đó vậy”.

Chính Đạo-Đức Học-Đường là cái “lò đạo-đức” rèn đúc nên hình, nên vóc từ tuổi thơ sanh để nên người hữu-dụng của Đạo của Đời, góp phần xây dựng cho Đạo Đời hôm nay. Qua hai câu đối đã thể-hiện đủ tinh-thần cao đẹp ấy.
Đạo-đức lưu-truyền hậu-tấn hiếu trung phò xã-tắc
Học-đường giáo-hóa thư-sanh nhơn-nghĩa lập giang-san

Qua bao thời-gian vật đổi sao dời, thạnh suy bĩ thái, ai thấy được con tim Phật-pháp của Tôn-sư Hộ-pháp đã trải rộng ra để chuẩn-bị cho số thanh thiếu niên ấy, đã mớm vào lòng của tuổi thơ những giọt nước Từ-bi, những bữa cơm Đại-Đồng, Nhân-nghĩa. Nay cũng còn được đám con chí-hiếu của Đạo-Đức Học-Đường đã và đang thực-hiện câu “hiếu trung phò xã-tắc” và làm điều “nhơn-nghĩa lập giang-san”.

Qua rồi bao xuân đi hè lại, mỗi dịp bãi-trường đều được nghe lời giáo-huấn của bậc Tôn-Sư Hộ-Pháp, nay có còn chăng chỉ là vang bóng một thời:

Những lời yếu-thiết này Đức Hộ-Pháp đã ân-cần nhắc nhở nhất là thanh thiếu-niên Việt-Nam nhân ngày Lễ baĩ trường tại Đạo-Đức Học-Đường ngày 22-12 Đinh-Hợi. 1er Février 1948.

Bởi vì thuở ấy tinh-thần của các Thầy Cô giáo chỉ đến trường dạy-dỗ cho học-sinh bằng cách Phụng-sự, công-quả mà thôi. Vì Đạo còn nghèo không có tiền để phát lương lại còn phải nuôi cả 2.000 học-sinh ăn bữa cơm trưa nơi Trai đường nữa.

Cái tình-cảm giữa Thầy trò buổi ấy nó chân-tình làm sao! Những ai đã xuất thân từ cái ngôi trường đơn sơ nghèo nàn ấy hẳn không bao giờ quên được nghĩa-tình cao đẹp của thời niên thiếu, lúc nào nó cũng như bông hoa bốn mùa đầy hương sắc. Nó không quá kiêu sa, độc-lập mà nó hàm tiếu đọng trong lòng hoa lóng-lánh những giọt sương, giọt sương thơ ngây mà đầm ấm nghĩa Thầy trò, tình bè-bạn.

Cái tình thương-yêu giữa Đấng Giáo-chủ và toàn Đạo cũng như các trò sinh nó quí mến làm sao! Đẹp biết bao nhiêu Ôi ngàn năm, ngàn năm cao đẹp!

Lúc ấy ông Nguyễn-Hữu-Lương làm Giám-Đốc Đạo Đức Học-Đường. Đức Hộ-Pháp trả lời bài Diễn-văn của ông Giám-Đốc Nguyễn-Hữu-Lương rằng:

“Mấy vị Giáo-viên nhứt là Lương, mỗi phen có lễ nơi học-đường, mỗi phen đến dự nó làm cho Bần-Đạo cảm-xúc. Đến, hễ thấy đám nhỏ trước mắt rồi thấy tình cảnh khổ-não đương thời, tấn tuồng khổ sở ấy nó phô-diễn cùng các sắc dân và cả toàn quốc của chúng ta. Ngày nay Đạo-Đức Học-Đường biết đảm nhiệm thì Thầy biết giá-trị của mấy con chịu khổ-não nhọc-nhằn dường nào!

Hiện nay chúng ta có ba mặt trận:
-Thứ nhứt: mặt trận hình-thức là để chiến-đấu quân tàn bạo sát-hại nòi-giống quốc-dân ta, có chiến tướng binh-sĩ dưới cây cờ Nhơn-Nghĩa của đạo binh Cao-Đài, về phần xác. Phần hữu-hình ta thấy: để bảo-tồn Đạo-giáo, để bảo-thủ thân sống con người.

- Mặt trận thứ nhì để chiến-đấu về tinh-thần trí-thức, mấy con là chiến tướng, thắng tới, tiến tới và cố gắng hy-sinh thắng đặng trận.

- Cũng như mặt-trận thứ ba: Thánh thể của Đức Chí-Tôn tức là Chức-sắc Thiên-phong đã làm chiến-tướng thắng cả tâm-hồn, bảo-thủ nền Quốc-Đạo từ mảy mún và tô-điểm thêm xinh, không có lực-lượng nào đến phá-hoại nó đặng.

Ba mặt trận ấy thấy hiển nhiên trước mắt, cả tương-lai rực-rỡ sẽ có lời hứa-hẹn tốt đẹp, trước qua sau tới, giữ nền Quốc-Đạo, nếu mấy em, mấy con không bảo-thủ vững-vàng thì sẽ bị phản-động-lực ngoại-xâm húng hiếp, cái tương-lai ấy trong tay các em, các con, Thầy có lời yếu thiết gởi gấm cả tương-lai rực-rỡ đó cho mấy em, mấy con nghe à!

Bần-Đạo để lời cùng Ty Giáo-Huấn và học-sinh nam nữ.
Hôm nay các em, các con trong Ty Giáo-huấn hơn ai hết, Thầy đã biết rõ cái chí hy-sinh của mấy con nam nữ, các Giáo-viên, Thầy hiểu rõ hơn ai hết, các con đã thiếu-thốn mọi điều đối cùng sự cực-nhọc của các con thì không gía nào mà so sánh đặng. Trọng-yếu của tương-lai Đạo là tức nhiên tạo tâm-hồn của sắp nhỏ mà chính mình các con là tay thợ đào-tạo tương-lai của chúng đó vậy.

Các con học-sinh Nam Nữ,
Các con sẽ lớn, đời tương-lai nòi-giống và vận-mạng Tổ-Quốc của mấy con; hàng niên-kỷ như Thầy, như Hội-Thánh đều để cả sở-vọng của mình trong trí não tâm-hồn các con đó vậy. Lẽ dĩ nhiên bất kỳ một xã-hội nhơn-quần chủng-tộc nào cũng thế, mỗi sắc dân đều có văn-hóa phong-tục khác nhau cả thảy. Ta có thể so-sánh một phong-hóa của một nước nào nó có thể cao-thượng hơn của ta mà ta không có thể gì nhìn nó rằng giống hệt của ta?

Bởi mỗi tinh-thần của một chủng-tộc nào, sắc dân nào nó cũng có cái đặc-điểm của nó hết, nhứt là chủng-tộc Việt-Nam đã thọ ảnh-hưởng tối cổ của Nho-Tông chúng ta, cả thuần-phong mỹ-tục làm cái cảnh tượng tâm-hồn nòi-giống Việt-Nam, đều là khuôn-khổ của nền văn-minh tối-cổ Nho-Tông của Ta đó vậy.

Lẽ dĩ nhiên là mỗi Tôn-giáo đều đào-tạo một nền văn-minh khác nhau; ta có thể so-sánh cả phong-hóa, văn-hiến của mỗi chủng-tộc hay mỗi nền văn-minh ta có thể chia ra hai đặc-điểm:
- Có nền văn-minh xuất hiện ra một Tôn-giáo.
- Có nền văn-minh xu-hướng theo xã-hội của cả mấy con có phải lạc-hậu chăng?

Chưa chắc! nếu quan-sát cho tận-tường thì ta ngó thấy cái khuôn-khổ xã-hội của Nho-Tông chúng ta, nó có thể làm một nền-tảng cho tương-lai của xã hội nhân-quần kia nữa mà chớ! Chỉ ta có chịu thiệt-thòi một điều là nền văn minh cao-thượng ấy, ta chưa biết đem nó ra đặng cho cả thiên-hạ đều biết cái giá-trị của nó, chỗ khuyết-điểm là do nơi đó mà thôi.

Đương nhiên hôm nay ở trước mắt các con đã ngó thấy trong nước các con. Nếu Thầy nói ở trong tâm-hồn các con giờ này có hai cái ảnh-hưởng thiêng liêng về hai nền văn-minh Âu-Á:
- Âu là nền văn-minh của Công-giáo,
- Á là nền văn-minh sở-hữu của mấy con là Nho.

Buổi giao-thời cả phương-pháp giao-huấn nó chưa thiệt-hiện tướng diện nó ra cho thiệt chắc đặng làm con đường; con đường tinh-thần thiên-nhiên phù-hạp với cả trí-não tâm-hồn của nòi-giống chủng-tộc các con.

Bần-đạo ngó thấy rằng: cái pha lộn của phương-pháp giáo-huấn Pháp còn tồn-tại. Bần-Đạo cũng nhìn nó đã ăn sâu vào tâm-hồn của nòi giống ta. Sau 80 năm đã chung sống cùng Pháp, nhưng nó chưa hề chắc rằng nó đã làm cho tâm-hồn của ta phải xu-hướng trọn-vẹn theo nó; bởi vì cả phong-hóa, văn-hiến đều khác hẳn với ngôn-ngữ, với trí-thức của chúng ta.

Ấy vậy, phương-pháp hay-ho hơn hết là nơi các con làm thế nào dung-hòa hai nền văn-minh ấy tức nhiên hai cái phương học-thức ấy.

Bần-đạo đã đi quan-sát cả Đài-loan, ở Nhựt, ở Triểu-Tiên, rồi mới cân coi phương-pháp họ đã cải-tổ cả nền văn-minh của họ thế nào và họ đã dìu đường cho hạng thanh-niên của họ về phương học-thức thế nào. Bần-đạo ngó thấy một cái hay của họ hơn hết là những điều chi ngoài, họ chỉ để ngoài lại với cái hàng rào kín đáo; cái chi ở trong họ giữ một cách đáo-để kỹ-lưỡng ở trong.

Cả cái duy-tân của họ bề ngoài nếu bất kỳ nước nào để bước chân tới xứ-sở của họ, thì ngó thấy hoàn-toàn là duy-tân; từ cách ăn mặc, tánh-tình cho tới-cử chỉ đều là duy-tân hết. Duy có một điều quí-hóa hơn hết thảy mà Bần-Đạo lấy làm sung-sướng thấy đặng là cả Phong-hóa văn-hiến cổ-truyền của họ, họ vẫn giữ, họ bảo-thủ nó còn tồn-tại hiển-nhiên, không cho cái ngoài kia xâm-phạm.

Ấy vậy cái học-thức của nòi-giống các con đã hai ngàn năm trăm năm văn-hiến, phong-tục cổ-truyền Nho-Tông, cái đẹp-đẽ của nó, nếu các con khéo giữ cũng như các nước đã chịu ảnh-hưởng của văn-minh Nho-Tông của chúng ta, cái chi mà nó ngoài kia thì để nó ngoài, cái chi mà của ở trong của mình mà nó quí-hóa đó là của sở hữu mấy con thì mấy con giữ.

Cái học-thức của Tổ-phụ các con để lại, nhứt là do nơi Tiên-Nho, họ chỉ mong có một điều, các con học đặng hành, mà các con thiệt-hiện được cái hành đó, hay hay dở là do sự phục-vụ Tổ-quốc nòi-giống các con đó. Nếu nói rằng phục-vụ cả thiên-hạ là quá đáng, phục-vụ nội gia-đình và chủng-tộc của mấy con là khuôn-khổ học-thức cổ-truyền Tổ-phụ các con để lại đó vậy.

Thầy rút ra trong Tam-Tự kinh, Thầy chỉ rõ rằng không phải học-thức đặng làm nhà triết-học, mà cốt-yếu học-thức đặng phục-vụ cho Tổ-quốc giống nòi “Khuyển thủ dạ, kê tư thần, tằm thổ ti, phong nhưỡng mật, nhơn bất học bất như vật”.

Lấy theo một khuôn-khổ mà nói: con chó giữ nhà, con gà nó canh giờ, con tằm nó nhả tơ, con ong nó mửa mật, rồi còn kết-luận “nhơn bất học bất như vật” nghĩa là người không học không bằng vật. Nếu đem ra bốn cái thí-dụ ấy là chỉ nghĩa bốn thí-dụ về phục-vụ mà thôi, “dĩ các sở-hành vi thượng” tức là lấy cái sở-hành ấy làm đầu hết; các con đã hấp-thụ được cái sự giáo-hóa của các Thầy, Cô của các con về đạo-đức tinh-thần. Bần-đạo chỉ mong các con học, học đặng lấy cái thuyết, rồi cố gắng thật-hành cái lý-thuyết ấy ra mới đáng cái học của mình”
Đức Hộ-pháp cũng có lời phủ-dụ (Ngày 17-5 Quí-Tỵ dl 27-6-1953)

“Các con Giáo-viên Đạo-Đức Học-đường!

Sự khổ hạnh, sự hy-sinh của các con từ khi mở Đạo đến giờ đã un-đúc tinh-thần trí-não của đoàn em mấy con hôm nay đã kết liễu. Cái nên của Đạo dường này, mỗi công-trình vĩ-đại của các con, Đạo-sử đã ghi chép.

Hôm nay đến đây Thầy không để lời cám-ơn, bởi vì lời cám-ơn ấy nó ở đầu môi chót lưỡi không có giá-trị gì. Thầy chỉ chúc có một điều là lòng yêu-ái của Thầy tương-hiệp với các con, vì nó là báu-vật để cho Thầy đối với các con đó vậy.

Chúng ta sanh làm người đứng giữa vũ-trụ này, đứng trong hoàng-đồ Việt-Nam, giờ phút này chẳng qua là một phần-tử trong xã-hội thôi. Bần-Đạo thường nói: chúng ta cũng có một thân-thể, một đầu-óc. Thân-thể ấy, đầu-óc ấy cũng như thân-thể, đầu-óc ai kia vậy, không hơn, không kém. Nếu chúng ta làm đặng điều gì đắc-lực về tương-lai, định vận-mạng cho xã-hội, định vận-mạng cho nòi-giống, cho Tổ-quốc là đều do chí cương-quyết của ta hiệp chủng đồng-tâm nhứt-trí, đa số tinh-thần thống-nhứt lại, thì cái hành-tàng năng-lực mới có thể hoạt-bát đặng.

Các con cũng như Thầy. Thầy hồi nhớ lại khi mới mở Đạo, một thân côi quạnh bị cường-quyền áp-bức. Đạo lúc đó còn đương trong buổi phôi-thai như trứng mỏng kia. Đời lại bị lệ-thuộc. Dân nghèo, đồng-bào khổ-não, cảnh tượng chết trước mắt, chết lần, chết mòn, làm cho tinh-thần của Bần-đạo thống- khổ biết bao nhiêu. Nhưng Bần-đạo vẫn cương-quyết rằng: một thân làm không nỗi mà cái sở-vọng của ta quyết đem ra cứu nước, cứu dân thì nó sẽ đoạt được cái sở-vọng ấy. Nếu ngày giờ nào mà ta có thể tạo các thanh-niên đoàn hậu-tấn của chúng ta họ nhứt-tâm nhứt-đức, thì ta mới có thể cứu-vãng tình-thế vận- mạng nước nhà và chủng-tộc đặng.

Vì thế cho nên ta phải cố-gắng, các con ngó thấy buổi sơ-khai Đạo như thế nào? Nước nhà các con thế nào? Vì Thầy cũng có đầu óc như các con chớ có lạ chi đâu!

Có lạ chăng là nhờ huyền-diệu Chí-Tôn ban cho Thầy để thống-hợp cả tinh-thần các con lại làm một cho nên hình, nên tướng và Thầy giảng cho các con hiểu thêm rằng: Buổi nọ thiên hạ đã áp-bức, chê đè, nhục-mạ Bần-đạo biết bao nhiêu, nhưng Bần-đạo có thể an-ủi đặng là Bần-đạo tự nói rằng: Một thân ta có thể các người chà đạp đặng, chớ khối hậu-thuẫn tương-lai chưa hề ai chà đạp đặng.

Vì chí-hướng cương-quyết và can-đảm ấy nên hôm nay tinh-thần đạo-đức này vẫn tiến-triển mãi và thống-nhứt lụng lại làm một khí-cụ vững-chắc và mạnh-mẽ hơn là định vận-mạng cho nước nhà đương nhiên bây giờ đó vậy.

Tinh-thần các con cũng như tinh-thần của Thầy, hết thảy đều đem chí hướng tương-lai, nòi-giống do đám thanh-niên của mấy con đào-tạo thế nào, thì cái hình-trạng của Thầy đào-tạo các con thế ấy. Rồi đây nó sẽ từ từ tiến tới với vẻ đẹp của chúng ta, chúng ta hãy cố-gắng làm cho hiện tướng ra đặng đào-tạo cả tương-lai kia, thì chúng ta mới có thể định trước một tương-lai tốt-đẹp cho nòi-giống nước nhà đó vậy.

Mấy con học-sinh Nam Nữ,
Ở thế-gian này có hai năng-lực tinh-thần là:
1 - Chữ Tài.
2 - Chữ Tâm.

Chữ tài với chữ tâm các nhà triết-học chúng ta buổi trước đã trích điểm, họ đã để hình-trạng nó như thế nào, họ tỏ ra cái hình-trạng của nó vô hình. Nhưng các bậc tiền thân, nòi giống của chúng ta đã trạng tỏ một cách có thể nói sáng-suốt tỏ rõ không có gì gọi là mờ ám.

Chữ tài, chữ tâm kia, hai tinh-thần đó giờ phút này nó tương-đương với nhau và nó tranh-đấu đặng định-hướng cho nhơn-loại và định tương-lai cho nòi giống hay chăng? Có chứ! Nhưng chúng ta cần phải coi lại tình-trạng đương nhiên chúng ta thấy rõ-ràng: Chữ tài với chữ tâm, hai tinh-thần đó giờ phút này nó đương tranh-đấu với nhau, tranh-đấu để định vận-mạng đó vậy.

Ở phương Âu, dường như chữ tài thắng hơn chữ tâm! Chữ Tài ấy nó đưa nhân-loại đi đến địa-điểm nào?

Thử hỏi hai trận đại-chiến ở Âu-châu nó làm cho nhân-loại giết lẫn nhau phải chăng là một bài học hay-ho về chữ Tài ấy hay chăng? Còn chữ tâm kia vẫn mịt-mờ biến mất theo thời-gian!.

Phải chăng Đức Chí-Tôn đến đặng làm cho rõ-ràng chữ Tâm nơi Á-Đông này hay chăng? Có lẽ Bần-Đạo tin quyết như thế đó. Nếu nhân-loại không tin-tưởng chữ TÂM, lại chạy theo chữ TÀI thì sẽ đi đến chỗ tiêu diệt. Vì cớ cho nên chúng ta phải nhìn-nhận rằng: Chữ Tài, chữ Tâm phải đi đôi với nhau. Nếu chữ TÀI mà không có chữ TÂM thì không được. Mà chữ TÂM nếu không có chữ TÀI cũng không được!

Hai cái tinh-thần tâm-não ấy của nhân-loại nó phải đi đôi với nhau mới có thể bảo-tồn vĩnh-viễn mạng sống của nhân-loại trên mặt địa-cầu này. Ghê-gớm hơn hết là giờ phút này vận-mạng tương-lai của nhân-loại có thể tiêu-diệt đặng, trong khi nhơn-loại hưởng được chẳng biết một phần thưởng hay một hình-phạt về tương-lai. Hai khối tinh-thần ấy nó có một quyền-lực vô-biên, vô đối, nó có thể cứu-vãng sanh-mạng nhơn-loại nơi mặt địa-cầu này là CHỮ TÂM, mà cũng có thể tiêu-diệt cả toàn thể nhơn-loại trên mặt địa-cầu bằng một CHỮ TÀI, là năng-lực nguyên-tử đó vậy!

Phải chăng cái năng-lực ấy nó làm mô-giới cho CHỮ TÀI và CHỮ TÂM thí-nghiệm với nhau hay chăng?

Thầy mong-ước cho các con ngó vào CHỮ TÂM làm chuẩn-đích; chữ Tài nó là thừa, vì chữ Tâm của nòi giống mấy con đã 4.000 năm lập-nghiệp dưới sự lệ-thuộc của các sắc dân mạnh-mẽ, đa số dưới hoàng-đồ nước Tàu đã bảo-vệ tinh-thần, nòi giống cho tới ngày nay còn tồn-tại vĩnh-viễn. TÂM ấy nó chẳng đâu xa, chỉ tìm kiếm là có hiển nhiên, vì nó ở trong đầu óc của các con, trong năng-lực của các con. Các con thâu-đoạt cả tương-lai của thiên-hạ đem làm khí-cụ đặng định-hướng cho tương-lai của mấy con mà thôi!

Để kết-luận về một đề-tài QUỐC-ĐẠO NAM-PHONG mà Đức Hộ-Pháp đã nhiều đêm thuyết-giảng, thì đây là một bài thuyết-đạo mà Đức Ngài đã thuyết trong đêm Hội-Yến DIÊU-TRÌ-CUNG, đó là Chữ Hiếu (15-8 Nhâm-Thìn)

3 - CHỮ HIẾU
Đền Thánh, thời Tý đêm 21 tháng 2 năm Mậu Tý (dl. 31-03-1948)

Đức Hộ-pháp nói:
 “Nói về chữ hiếu thật là quá rộng rãi bao la, nên Nho-giáo nói không hết được.

Ví như có câu rằng “Quạt nồng ấp lạnh” nghĩa là khi cha mẹ nóng nực thì quạt cho mát, khi cha mẹ lạnh thì đắp cho ấm, đó là câu nói để tỏ tâm hiếu của con cái theo thế thường tình nhỏ mọn mà thôi, chớ đối với Phật-Mẫu không có một điều gì ta làm đặng đền công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mà gọi là hiếu, bởi mình không phương thế trả cái hiếu ấy đặng bao giờ. Vì vậy mà sách Nho tả không hết được.

Ấy vậy, có hiếu tức là phụng-sự cho cha mẹ đủ mọi phương diện theo hoàn cảnh của mình. Làm con mà muốn nói mình có hiếu mà Ổng mặc kệ Ổng, mình mặc kệ mình, có khi cả đôi tháng hoặc suốt năm không thăm viếng, đợi tin chết đặng về để tang, bằng không chết thì thôi, Ông Bà sống tự họ, mình sống tự mình.

Rủi nghe ai nói: Ông Cha bị cảm nặng, bị lạnh rét sao chú nó hoặc cô nó không về thăm thì lại nói rằng:
- "Tôi cũng lạnh gần chết tôi đây, nhà tôi ở xa, ổng lạnh ổng ở nhà, tôi đi đường xa đây tôi còn cảm nặng đau hơn ổng nữa" vậy.

Đối với cha mẹ mình phải báo hiếu trọn cả kiếp sanh cũng chưa vừa, càng khổ não, khó khăn chừng nào thì tâm hiếu ấy mới quí, mới trọng.

Đối với Chí-Tôn cũng thế. Đêm hôm qua đi cúng chỉ có một ít người thôi, đó là tâm đạo theo Trời mưa nắng! Lại đổ thừa đi mưa sợ cảm sổ mũi nhức đầu. Tội nghiệp Chí-Tôn rủi có lạnh không ai đến cho mà chớ, mà Người chắc không lạnh nên không cầu lụy chi mình, chỉ mình không hưởng ơn riêng, sợ buổi trút hồn là khổ não.

Trong Thánh-Giáo Gia-Tô có câu chuyện như thế nầy: Đức Chúa Jésus Christ nói: "Nhiều kẻ được kêu mà ít người đến" (Il y a beaucoup d'appelés mais peu de venus) ý nói rằng con cái của Đức Chí-Tôn thì nhiều mà hạng đặng siêu rỗi vẫn ít. Có người đó cũng có học thức nghe vậy tức mình nói: "Đấng Cứu Thế đến siêu rỗi thì siêu hết, chớ có lý nào kêu lại không đến, Thánh giáo nói làm sao vậy chớ?" coi bộ bất bình lắm.

Đến ngày lễ Đức Chúa Giáng Sinh, tuyết trời lạnh lắm, mà anh ta cũng làm chức trùm hay cậu gì trong Đền-Thánh đó, nhưng đến buổi lễ thấy Đền Thờ trống trơn. Ông Cha mới kêu anh ta lại, vừa cười vừa nói rằng: "Nhiều người kêu mà ít kẻ đến là vậy đó." Anh ta nhớ lại lời mình vấn nạn khi trước, bắt thẹn thuồng mắc cở.

Nếu nền Đạo của Chí-Tôn phải tùng theo sự nồng lạnh mà thạnh hay suy, thì đây về sau, Bần-Đạo tưởng nếu trời mưa miết ắt diệt Đạo Cao-Đài nầy đặng có phải?

CHƯƠNG V

NHƠN-LUÂN CHI ĐẠO

Trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ này Thầy ân-cần nhắc-nhở Nữ-phái, vì lâu nay Nữ-phái bị thiệt-thòi bởi cái án bất công của xã-hội. Nay Thầy đến ban cho một sự Công-bình và Thương-yêu thật sự, tức là thực-thi Bản đệ tam Thiên-nhơn Hoà-ước rồi đó. Thánh-ngôn Thầy dạy:
…“Chẳng phải vì đờn-bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.

Phần các con truyền Đạo kỳ Phổ-Độ này cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức cũng bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói nơi Bạch-Ngọc-Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều.Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ-phái. Nghe và tuân, Thầy hằng ở với con, lo chung cùng con, con chớ ngại! (TNI/29)

Thầy một lần nữa xác nhận:
 “Trên Bạch-Ngọc-Kinh có đủ Nam và Nữ, các con chớ lầm tưởng là phân biệt. Có các Đấng Nữ Tiên, Nữ Phật còn lớn quyền thế hơn Nam nhiều” (TNI/9)

“Thầy dạy: Chư Ái-nữ, Thầy vì Tam-Kỳ Phổ-Độ chẳng phân cao thấp, sang hèn, Thầy chỉ khuyên một điều là đạo hạnh các con phải giữ hằng ngày cho nhằm phương-pháp Nhơn-đạo, tức là Tứ đức đó vậy. Các con hiểu à?

“Nền Nhơn-luân của con nhà Nam-Việt chẳng lầm, mà tại các con hay nhiễm thường tình mà hư-hoại, nên chi Thầy phải nhắc lại cho các con đừng lầm nữa, nghe các con!

Nam-phái vào. Các con nghe cho rõ, thường ngày các con trông thấy những điều trái tai gay mắt, các con có biết vì sao chăng? Như kẻ làm quan ỷ quyền hiếp bức dân lành, đứa ngu nghịch cha phản bạn, làm rối luân-thường, các con có biết vì tại sao chăng?..Tại vô Đạo…” (TNI/80)

Thầy dạy: Nữ-phái biết trọng Tam tùng Tứ đức, Nam-phái Tam cang Ngũ thường. Hễ Nhơn-đạo thành thì là phù-hạp Thiên-đạo, nghe à!” (TNI/101)

A - Tam cang Ngũ thường theo Nho giáo
I. TAM CANG :
Ba giềng mối lớn trong đạo làm người

Người phái nam khi đã trưởng thành thì phải giữ 3 điều đạo trọng là: Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang

1 . Quân thần cang Giềng mối vua tôi. Đạo vua tôi.
Thần dân trong nước phải trung với vua. Vua ở đây tượng-trưng cho quốc gia dân tộc. Phải trung với quốc gia dân tộc của mình, giúp vua dựng xây đất nước và bảo-vệ cho dân-tộc.

Người dân từ xưa tới giờ đã mất niềm tin với người cầm đầu như vua, Tổng-Thống chẳng hạng, nên khi nói tới vua thì chỉ thấy bóng dáng của một triều-đại của Lê-Long-Đỉnh Việt-Nam hay Tần Thuỷ-Hoàng bạo Chúa.

Phải nên trung-thành với một vị vua vì dân, vì nước, chớ không phải trung thành mù quáng theo một ông vua hay dòng họ nhà vua. Nếu trung thành với hôn quân thì đó là ngu trung.

Mạnh Tử từ ngàn xưa đã dạy rằng: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh Nghĩa là: Dân là quí, nước nhà là kế, vua tự xem mình là nhẹ. Cho nên vị vua phải tự ý-thức điều đó; còn với người dân cần phải trung thành với quốc gia dân tộc đồng thời trung thành với một ông vua đạo-đức mà hết lòng phò vua giúp nước.

Một vị vua vì dân, vì nước tức là đã quên mình thì dẫu chức vua cũng là một chức phẩm trong các phẩm mà thôi. Vua là để phụng-sự cho dân, cho nước. Còn nếu nói rằng ta chỉ quí dân mà không tôn-trọng vua thì e rằng đây là một hình ảnh quí con mà không cần đến mẹ, như chế-độ phong kiến ngày xưa. Nếu cả toàn dân mà khinh thường vua rồi bảo ông vua hết lòng lo cho nước có được không? Người dân có quyền xem trọng hay khinh là khi đối diện với Người kìa. Có những vị làm đầu dân-tộc là vị vua tồi-tệ như Lê-Long-Đỉnh hỏi có mấy ai phục, hay nễ vì, nhưng liệu có dám khinh trước mặt vua không? Đó là do từ trong lòng của mỗi người mà ra vậy.

Lại cũng có câu “Quân minh thần trung” Nghĩa là: Vua sáng thì tôi trung. Rủi khi gặp vua hôn ám thì bề tôi có thể can-gián, không can-gián được thì đưa họ xuống bởi chế-độ quân-chủ dân-quyền thì dân có quyền chứ!

Nếu không thể giữ lòng trung với vua thì cũng phải biết yêu-thương nòi giống quốc gia dân tộc! Còn nếu nói “khinh vua” theo thường tình nghĩ-nghị thì dù khinh dù trọng nào có nghĩa lý gì trong khi đó người dân vẫn cúi đầu mà vẫn chịu sự đàn áp?

“Tại sao Trung? Tại tình-ái cao thượng dồi dào đối với quốc-dân nòi giống lên đến cực độ, nó quá vĩ đại. Nếu ta thấy một vị công thần liều mạng sống đặng bảo vệ cho quốc dân, trung ấy chưa phải là trung với vua, mà trung với nước chớ! Có điều vua là tượng trưng cho nước, nên trung với vua tức là trung với nước. Mà có trung đặng là vì quyền năng ái-chủng, ái-quốc nuôi trong tinh thần nhiệt liệt, nên tình ái ấy vi chủ tinh thần, cho nên ta thấy có kẻ vì trung dám hy sinh tánh mạng được là vì vậy.”

2 . Phụ tử cang 父子崗 Giềng mối cha con.
Phải hiếu với cha mẹ. Phải biết nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mà lo đền đáp. Thuở nhỏ phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ, khi lớn lên, cha mẹ đã già yếu thì phải lo bảo dưỡng cha mẹ.

Ông Thánh Tăng Tử có nói rằng: "Hiếu giả bách hạnh chi tiên, hiếu chí ư Thiên tắc phong vũ thuận thời, hiếu chí ư địa tắc vạn vật hóa thành, hiếu chí ư nhân tắc chúng phúc hàm trăn."

Nghĩa là: Hiếu là nết đứng đầu trăm hạnh, hiếu cảm đến Trời thì gió mưa hòa thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi, hiếu cảm đến người thì phúc lộc thịnh vượng.

Phần cha mẹ thì phải hết lòng thương yêu, chăm sóc dạy dỗ con cái cho nên người và làm gương tốt cho con.

Cha hiền con thảo, từ xưa đến nay vẫn vậy. Trong gia-đình muốn có con hiều-thảo thì chính cha mẹ phải có được những đức tính đó. Có câu “Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử, ngỗ-nghịch hoàn sinh ngỗ-nghịch nhi” là vậy. Bởi cha mẹ có hiền thì sinh con nó mới bắt chước cái hiền ở cha mẹ, còn cha mẹ ngỗ-nghịch bảo con không giống ngỗ-nghịch sao được.

3 . Phu thê cang 夫妻 Giềng mối chồng vợ. Đạo vợ chồng.
Đạo vợ chồng trọng yếu nhứt phải là thuận hòa trong tình thương yêu chơn thật, dù gặp hoàn cảnh khó khăn cũng phải giữ gìn trọn vẹn như vậy. Vợ chồng sống với nhau, ngoài tình thương yêu, còn phải giữ nghĩa với nhau. Thánh-nhân dạy phải yêu-quí nhau như buổi ban đầu, gọi là “tương kính như tân”

Đạo vợ chồng rất nên quan-trọng để từ đó gầy dựng nên giòng giống, khởi điểm là gia-đình, xã-hội, quốc-gia dân-tộc và đến thế-giới nữa.

II . NGŨ THƯỜNG
hay còn gọi là Năm hằng tức là năm mối đạo thường..
Ngũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

1 . Nhơn Lòng thương người mến vật tức là sự nhân-từ, nhân-ái.
Con người thường có hai tình cảm đối ngược nhau: Hễ thương thì không ghét, mà ghét thì không thương. Như thế, muốn có lòng Nhơn thì phải mở rộng lòng thương yêu để cái ghét không có chỗ chen vào.

Lòng Nhơn là căn bản của đạo làm người, là đầu hết các hành tàng. Giữ luôn được lòng Nhơn thì lúc nào ta cũng được an vui, hạnh phúc.

Thánh-ngôn Thầy có dạy:
NHƠN là đầu mối các hành-tàng,
Cũng bởi vì NHƠN dân hoá quan.
Dân-trí có NHƠN nhà nước trị
Nước nhà NHƠN thiệt một cơ-quan.

2 . Nghĩa Cư xử theo lẽ phải đạo.
Trong cách xử thế, cái Nghĩa là quan trọng nhứt, nó dẫn dắt con người đến đạo đức. Nghĩa phải đi liền với Nhơn, có Nhơn mà không có Nghĩa thì đạo đức thiếu hình thức, còn có Nghĩa mà thiếu Nhơn thì đạo đức thiếu tinh thần. Nó là bóng và hình tức là cặp âm dương cơ ngẫu đó vậy. Nếu dẫn chứng một nguyên-nhân sâu xa, thì đây lời Đức Hộ-pháp nói:

Tại sao ta có Nghĩa? Tại sao Nghĩa lại hiện tướng trên tánh đức của một chơn linh cao trọng? Nơi cõi Hư-linh mỗi người có một gia tộc, một đại nghiệp, anh em đông biết bao nhiêu. Bần Đạo xin nhắc lại câu nầy cho toàn cả hiểu điều yếu trọng: Chẳng phải vì sự tình cờ mà chúng ta được chung đứng trong lòng của Đức Chí-Tôn ngày nay đây. Biết đâu trong 24 chuyến thuyền Bác-Nhã chở các nguyên nhân hạ trần đặng làm bạn và độ rỗi các Hóa nhân và Quỉ nhân, lại không có chúng ta ngồi chung trong đó.

3 . Lễ Phép tắc tốt đẹp trong xử thế.
Lễ là mực thước để đo lường tư tưởng, hành động trong khi xử thế. Nó thể hiện sự tôn nghiêm trật tự và hòa hợp trong ý nghĩ và việc làm.

Đức Lão Tử có nói: Nếu thất Đạo thì nên theo Đức, nếu thất Đức thì nên theo Nhơn, nếu thất Nhơn thì nên theo Nghĩa, nếu thất Nghĩa thì nên theo Lễ. Vậy muốn trở về với Nghĩa thì phải học Lễ trước hết.

4 . Trí Năng lực hiểu biết.
Nhờ có Trí mới phân biệt được sáng tối, phải quấy, thiện ác. Mục đích của Trí là tìm hiểu chơn lý, tức là Đạo, nên cần phải lo học tập để mở mang cái Trí. Khi cái Trí hiểu biết rõ ràng thì hành động mới tránh được sai lầm.

5 . Tín Tin tưởng. Nho nói “Nhơn bất tín bất lập” (người không có được chữ Tín thì không nên danh với đời) Tín là gồm có bộ nhân và ngôn.

Lời nói phải đi đôi với việc làm. Phải giữ chữ Tín và phải quí trọng lời mình nói ra. Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, nghĩa là: một lời nói ra, xe tứ mã khó đuổi theo kịp.

Chữ Tín rất quan trọng, nó thể hiện phẩm chất đạo đức của con người mình. Nhơn vô tín bất lập, nghĩa là: người mà không có chữ Tín thì không làm nên được việc gì.

Tóm lại, phần Nhơn đạo của nam phái gồm hai phần trọng yếu là: Tam cang (Trung, Hiếu, Nghĩa) và Ngũ thường (Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Tất cả gồm 8 chữ, nếu làm trọn vẹn được một chữ thì đủ đạt Thần vị, như những bề tôi trung với vua, liều thân với nước, được vua phong Thần, đưa về các làng xã làm Thần Hoàng, ủng hộ dân chúng và được hưởng cúng tế; nếu làm trọn vẹn được hai chữ thì được phong Thánh, như trường hợp Quan Vân Trường thời Tam Quốc được trọn vẹn hai chữ Trung và Nghĩa, nên hiển Thánh.

B . Tam cang Ngũ Thường theo Đạo Cao Đài
Thánh-nhân dạy trai Tam cang Ngũ thường, Gái Tam tùng Tứ đức .

Với tính cách vững-chắc trong Đạo nhơn-luân không thể thiếu nên dùng làm Tứ đức cho giới nữ-lưu. Thế nên Nữ giữ lấy Tam tùng Tứ đức.

Đây là tất cả giềng mối nhân-luân đạo trọng của dân-tộc Á-Đông luôn có nền-nếp văn-minh tinh-thần bất-khuất, dù ngày nay lượn sóng văn-minh vật-chất có lôi cuốn nhân-lọai vào cơn xáo-trộn kinh-hòang! Chắc-chắn những cái gì hay đẹp truyền thống không bao giờ mất đi được.

Chính Đức Chí-Tôn đến để lập lại cán cân công-bình ấy để được sống lại mà làm người thật xứng đáng với người!

Vì lẽ đó nên Đức Hộ-Pháp quả-quyết:
 “Tân-luật Đức Chí-Tôn cốt-yếu muốn cho ta làm, đặng ta bảo-vệ Tam cang Ngũ thường của nhân-lọai. Nói về phương Đông này dầu cho luận tới các quốc-gia, xã-hội đến đâu đi nữa, họ tự-trọng, họ văn-minh thế nào họ chưa ra khỏi đường lối ấy, niêm-luật ấy bao giờ. Nếu họ ra khỏi là muốn tự bỏ cả xã-hội của họ, thì họ sẽ thành cái gì chớ không thành xã-hội”

“Trong Tân-luật ấy Đức Chí-Tôn định cho Ngũ-giới-cấm, Tứ đại điều-qui và trong ấy cốt-yếu bảo-vệ Tam cang ngũ thường cho tòan thể con cái của Ngài. Thật ra cái Thiên-luật của Ngài mà Ngài đã để trong tâm-não con cái của Ngài”

Đạo Cao-Đài là thời-kỳ Nho-Tông Chuyển Thế, tức là lấy tinh hoa giáo-lý Nho-giáo để phục hưng đạo-đức trong phần Nhơn-đạo. Do đó, Tam cang và Ngũ thường của Nho-giáo được Đạo Cao-Đài áp dụng làm căn-bản cho việc tu thân của phần Nhơn-đạo, để sau đó tiến lên bực cao hơn là tu Thiên-đạo cầu giải thoát.

1 . Thể pháp và Bí pháp của Thế-đạo (cũng gọi là Nhơn-đạo)
Tam Cang và Ngũ thường theo Nho giáo như vừa trình bày ở phần trên là thuộc về Thể pháp của Nhơn đạo.

Đức Cao Thượng-Phẩm giáng cơ dạy về Thể-pháp và Bí-pháp của Nhơn đạo, được Ngài dạy như vầy:
Một nhơn-sanh phải giữ thế nào cho tròn Nhơn đạo?

“Đạo nhơn-luân gồm có Nhơn-đạo và Thiên-đạo. Nhơn-đạo tức là Thế-đạo.

* Về Thế Đạo:
 “Hẳn mấy em đã rõ đại-cương về Thế-đạo tức là Nhơn đạo:
- Nam thì Tam cương, Ngũ thường,
- Nữ thì Tam tùng, Tứ đức.

Song đó chỉ là thể của Nhơn-đạo hữu hình mà thôi. Nếu mấy em hằng ngày tâm niệm có bấy nhiêu thì làm sao trọn vẹn được.

Trong Thế đạo phải phân-tích ra làm hai pháp lý:
- Một là Thể pháp Thế-đạo.
- Hai là Bí pháp Thế-đạo.

Tam cang Ngũ thường, Tam tùng Tứ đức là Thể, đặng làm sở hành cho mặt Thể pháp Thế-đạo mà thôi, lấy đó làm chánh đề mà đi.

Bây giờ muốn giữ Tam cang phải làm thế nào?
1- Quân thần cang: Vua là kẻ chăn dân. Vậy bổn phận ấy là phải lập trên những hành tàng để cứu giúp dân cho khỏi điều thống khổ. Ấy là công việc của Cơ Quan Phước Thiện bây giờ đó. Tôi phải tỏ dạ trung-thành đặng vùa giúp vua mà làm cho bá tánh an cư lạc nghiệp, tức là bổn phận của hàng Thánh thể đó vậy.

2 - Phụ tử cang: Cha là người thay quyền Chí Tôn trong một tiểu gia đình, tức nhiên là phải biết mình là bổn phận giáo hóa dưỡng dục, tức nhiên một Hội Thánh nhỏ trong một gia đình. Vậy con phải trọn hiếu, tức nhiên là không làm điều nhục tổ hổ tông, tức là bổn phận một tín đồ, hay nói đúng hơn nữa là một Môn-đệ xứng đáng của Đức Chí Tôn đó vậy.

3 - Phu thê cang: Chồng là người cầm lèo lái đặng đưa một tiểu gia đình đến chỗ đạo đức thanh bạch, tức là bổn phận của cơ quan Hành-Chánh đó vậy. Vợ là người tùng theo chồng để giúp an sự nghiệp tạo nên hạnh phúc của gia đình, tức là bổn phận của Bảo Cô đó vậy.

Về Ngũ thường thì:
Nhơn: là phải biết nghĩa đồng sanh, biết tình đồng hưởng, Âm Dương chi khí, chẳng để lòng sái loạn chơn truyền, tức nhiên là phải trọn vâng theo luật Công bình - Bác ái.

Nghĩa: là phải biết trọn phận người để tạo nên danh trọng giá cao, tức là phải giữ nên phẩm hạnh mà nhìn rõ của chung đồng hưởng.

Lễ: là giữ hạnh nết đứng đắn để tạo nên một nhân phẩm, biết nhường biết nhịn. Tức nhiên là phải giữ trọn hạnh đạo đó vậy.

Trí: là phải thông hiểu việc thế mà đi, không để tên tuổi phải lời chê tiếng nhẻ, tức nhiên là phải trọn vâng luật pháp chơn truyền đó vậy.

Tín: là phải đúng lời đúng hẹn, tức là phải danh chánh ngôn thuận, thuyết hành phải được giống in nhau, tức là phải trọn thệ đó vậy.

Đó là mặt Thể pháp Thế đạo. Còn mặt Bí pháp Thế đạo là phương tầm ra định hướng để vẹn giữ Tam cang Ngũ thường, tức nhiên là trọn phần Nhơn đạo. Ấy là kết quả do Thể pháp mà nên.

Nói chung về Bí pháp Thế đạo tức nhiên là phương pháp giúp đời an nhàn đạo-đức đó vậy”.

Về Tam tùng Tứ đức là phần của Nữ-phái:

TAM TÙNG

1 - Tùng phụ: như người con phải trọn giữ tiết-trinh, cũng như kẻ Tín-đồ giữ trọn danh Đạo
2 - Tùng Phu: như bóng tuỳ hình, tức nhiên là phải ví mình như một trong Thánh-thể tùng Hội-Thánh vậy.
3 - Tùng tử: là phải vì đám hậu-sinh mà quên mình đặng tạo thành sự nghiệp tương-lai cho chúng, tức nhiên là bổn-phận của Chức-sắc vậy.

TỨ ĐỨC: CÔNG DUNG NGÔN HẠNH

1 - Về Thế Đạo:
Tức nhiên là việc làm cho nhơn-sanh thoát khổ, lời nói để đưa đường giáo hoá. Hành-vi cử chỉ đặng treo gương mặt thế, tức là phải biết nâng cao giá-trị của Thánh thể Chí-Tôn: nết-na đầm-thấm, giữ trọn Thương-yêu, tức nhiên là làm nền móng cho Đại-Đồng thế-giới, đó là Thể pháp.

Kẻ đã trọn về mặt Thể-pháp tức nhiên hiểu biết Bí pháp. Vì Bí-pháp không chi lạ hơn là phương-pháp bí-yếu để nâng cao giá trị cho Thế-đạo. Nói rõ hơn nữa là phương làm cho đời trở nên tận thiện tận mỹ. Nói theo nhơn-sanh triết-lý thì Bí pháp là kế-hoạch nâng cao đời sống trong Nhơn-nghĩa đó vậy”.

2 - Thiên-đạo:
“Về Thiên-đạo cũng có Thể-pháp và Bí-pháp như Thế đạo vậy.

Về Thể-pháp Thiên-đạo tức nhiên là những nơi học hỏi để ung-đúc tinh-thần trên khuôn viên Chánh-pháp.

Trong Thể-pháp Thiên-đạo chia ra làm ba thời-kỳ:
- Thứ nhứt là thời-kỳ khai thác.
- Thứ nhì là thời-kỳ luyện tập.
- Thứ ba là thời-kỳ thi-hành.

Trong thời-kỳ sau này mới thường gặp những cơ khảo-đảo đặng thử-thách tinh-thần.

Về thời-kỳ thứ nhất thì là những tạo-tác làm nơi qui hợp đức-tin cho con cái Đức Chí-Tôn, tức là các Đền thờ đó vậy. Khi một môn-đệ đã thọ môn, tùng giáo thì phải do nơi các Đền thờ đặng tựu hiệp Đức-tin: đó là bước đầu tiên của Thể-pháp Thiên-đạo. Do đó sự cúng kiến niệm kinh là điều yếu-trọng vậy.

Qua thời-kỳ thứ nhì là đem đức-tin đã trụ được đặng tập luyện tâm tánh và khởi lập công trừ quả đặng tự giải khổ cho mình và giúp phương cứu khổ cho toàn nhơn-loại, ấy là phương tập luyện tánh thành , tâm niệm đó vậy.

Qua thời-kỳ thứ ba là thi-thố những đức-tin hầu lấy phương giải khổ mà đem gieo truyền hột giống Thương-yêu, ấy là phương cứu khổ đó vậy. Trong lúc này tinh-thần hay gặp những chướng ngại hoặc làm cho nao-núng tan rã đức-tin, hoặc theo đường quỉ mị, chia phe phân phái mà nên Tả đạo, Bàn-môn như hằng hữu đã xảy ra đó.

Trong ba thời-kỳ thì:
- Thứ nhứt là lập ngôn.
- Thứ nhì là lập công.
- Thứ ba là lập đức.

Đó là Thể-pháp Thiên-đạo.
Khi đã trọn phần Thể-pháp rồi liền bước qua mặt Bí-pháp là phương Tu tâm sửa tánh hầu lập thành Chơn-khí thanh-khiết mà hiệp với Chơn-thần đặng tiếp lấy Chơn-linh để giải phương cứu khổ thêm bề siêu lý diệu chơn. Ấy là phương tầm hiểu chơn-truyền chánh-pháp đó vậy.

Khi đã vẹn sạch TINH KHÍ THẦN là đắc pháp đó.

Mấy Em đã học được về khoa bí-pháp khẩu tụng, vậy khá để tâm học hỏi cho được tâm truyền thì công-phu của mấy Em đã được phần thưởng vô giá đó.
Nói về THIÊN-ĐẠO tức là luận về Vũ-trụ triết-lý, là nói về không-gian.
Còn THẾ-ĐẠO là luận về nhơn-sanh triết-lý, tức là nói về thời-gian đó.
Mấy em khá hiểu cho lắm mới được. Phải để tâm suy-nghiệm đó nghe!”
 (Trích Tam thể xác thân của đức Thượng-Phẩm)

PHỤ CHƯƠNG

TƯ-TƯỞNG ĐẠI-ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ-PHÁP

ĐẠO

* Thầy thường nói với các con: Lập một nước thì dễ mà trị một nước thì khó.
Về mặt tinh thần, lập một nền Đạo lại khó mà trị một nền Đạo lại khó nữa. Vì phải hàng phục nhơn tâm thành hay bại là do nơi đó.

* “ĐẠO là chi? ĐẠO rất cao thâm mầu-nhiệm, Đạo trùm càn-khôn thế giới không có vật chi, không có việc chi ra khỏi ĐẠO, xin diễn tắt rằng hễ có đời tức nhiên có ĐẠO”

* Nền Đạo đã thông truyền Quốc-Tế, vậy phải vãn-hồi các bản sắc trong lành cho xứng danh là Thánh-Địa, hầu làm cái trụ cốt tinh-thần cho nhơn-loại hướng về tin-tưởng.

* Ngày kia, khi Đạo Cao Đài đã mạnh mẽ tràn lan khắp năm châu. Lúc ấy thế giới sẽ đua nhau về đây thỉnh Ngọc Xá Lợi của Liệt Thánh về chiêm ngưỡng cũng sẽ không kém gì cuộc cung nghinh xá lợi Phật của thế giới ngày nay vậy.

* - Đạo xuất ư Đông
Theo nguyên-lý của trời đất thì Đạo luôn luôn phát khởi từ phương Đông

* Câu “Ánh thái-dương giọi trước phương Đông”. Ánh Thái-dương là Đạo đó vậy. Nay đã đến hạ-nguơn mạt kiếp, cuối cùng nên Đức Chí-Tôn mới chuyển Đạo nơi vùng Á-đông, đấy là nơi nguồn Đạo phát ra, lại khai nơi Nam-kỳ (một trong ba kỳ nơi cõi Á-đông). Vì cõi Đông-dương đây cũng về miền Đông của Á-châu nên ngày nay phải khởi khai nơi hướng Đông trước rồi mới truyền lần ra hướng Tây.

* Như Đức Chúa Jésus khai Đạo bên Âu-châu, thì cũng khởi khai nơi miền Đông của Âu-châu, rồi mới loan truyền khắp cả Âu-châu, ấy là luật tự-nhiên từ cổ chí kim, hễ Đạo phát khai thì cứ bắt đầu từ phương Đông truyền ra.

* Ngày nay là giáp một vòng nên khởi lại điểm ban đầu gọi là “Thiên địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy” do đó nền Đại-Đạo phải khai tại Á-Đông này nên Thầy mới mở Đạo nơi Đông-dương là cực Đông của Á-châu mà lại khai nơi xứ Nam-kỳ là xứ thuộc-địa, dân-tộc yếu hèn, kém cỏi, ấy là do nơi Thiên-cơ tiền định cả muôn năm, lại là thưởng cái lòng tín-ngưỡng của người Nam từ thử.

* Tuy khai Đạo tại nước Nam mà cũng khởi từ Đông, do cái lý từ Bàn-cổ sơ khai: “Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, nhơn sanh ư Dần” . Do vậy mà Đạo khởi khai tại Tây-ninh lần lần truyền ra Gia-định, Biên-Hòa, Thủ-Dầu-một, Chợ-lớn là mấy hạt ở hướng Đông. Qua năm thứ nhì, thứ ba Đạo mới truyền ra mấy hạt hướng Tây”.

“Cái nguyên-lý ấy có từ thuở chưa có càn-khôn vũ-trụ. Đạo-giáo có dạy: Hai lằn nguơn-khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái-cực, chủ ngôi Thái-cực là Đức Chí-Tôn. Khi trời sét nổ ta nghe gì? An-nam mình kêu là “ùm”. Vì cớ phép Phật sửa lại là “úm”(úm ma ni bát ri hồng). Câu ấy đọc có nghĩa là nắm cả quyền-năng vũ-trụ quản suất trong tay. Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên-căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông.

* Ấy vậy, nguyên-căn của Đạo-giáo do bên Á-Đông này, có tiếng trống phát khởi trước nên chùa thường xử-dụng độc nhất tiếng trống; tiếng ngân ấy là sự ảnh-hưởng đạo-giáo, mới xuất hiện qua Âu-châu đều là ảnh-hưởng từ Phật-giáo, mà Phật-giáo xuất hiện nơi Á-đông. Vì vậy mà Đạo nơi phương Tây chỉ có tiếng chuông, còn các nền Tôn-giáo phụ thuộc đều không đúng theo nguyên-tắc căn-bản.

* Do nguyên-lý “Đạo xuất ư Đông” Đế xuất hồ Chấn mà ngày nay Đạo Cao-Đài qui nguyên hiệp nhứt nên có đủ trống và chuông, ấy là thuần-túy tinh-thần Á-Đông để phát-huy đến cả đại-Đồng thế-giới vậy”

* Lại nữa trên chữ nghĩa thì chữ ĐÔNG Thánh-nhân khi chế ra văn-tự cũng đã xác-định phương Đông là phương mặt trời mọc; nghĩa là chữ cấu hợp bởi chữ mộc và bộ nhựt tức là mặt trời lên khỏi ngọn cây, lúc ấy vầng dương lố dạng.

* Kinh đã nói rõ “Ánh Thái-dương giọi trước phương Đông. Tổ-Sư Thái-Thượng Đức Ông”, suy ra có phải là tiền Thánh đã chỉ rõ rằng các mối Đạo khai từ phương Đông trước mà ba Đấng Giáo-chủ của ba đạo-giáo đã lần-lượt xuất hiện, đó là:
- Phật-Tổ Thích-Ca Như-Lai mở Phật-đạo chánh truyền,
- Kế Đức Thái-Thượng Lão-Quân khai Tiên-giáo,
- Đức Thánh Khổng-Phu-Tử khai Thánh-giáo, tức là ba Tôn-giáo lớn đã làm chủ tinh-thần nhân-lọai đến ngày nay.

ĐẠI-ĐẠO

* Đức Chí-Tôn muốn nói với Ngài Bảo-Đại nền Quốc-Đạo của Người, ngày nay đã thành Đại-Đạo. Trong chữ Đại-Đạo bao trùm cả đức tin loài người.

* Nền Đạo Cao-Đài vốn là cơ-quan để nắm tay của đời dìu-dắt vào trường học của trời mà chớ!”.

* Nền Đạo Cao-Đài thực hiện Trời Người hiệp một đồng trị, mới có cơ-quan giải-thoát như vậy”

“Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ chiếu theo luật Thiên-đình hội Tam-giáo mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu-dắt nhơn-sanh bước lên con đường Cực-lạc, tránh khỏi đoạ luân-hồi và dụng Thánh-tâm mà dẫn dân sanh, làm cho hoàn-toàn trách-nhiệm nặng-nề của đứng làm người, về bực nhơn-phẩm ở chốn trần-ai khốn-đốn này

* Nếu người nào không Nhập-môn làm môn-đệ Đức Chí-Tôn thì không thế gì vào được Cực-Lạc thế-giới, vì các Đạo-giáo đã bị bế, chỉ còn lại nền Đạo Thánh-truyền của Di-Lạc-Vương tận độ mà thôi”

“Nếu không đi vào con đường Tam-kỳ Phổ-Độ thì không thế gì đi con đường nào mà về Cực-lạc thế-giới là vậy đó. Phương-pháp độ dẫn chỉ có khuyên các chơn-linh dầu nguyên-nhân hay hoá nhân đoạt được chữ “Hoà” với chữ “nhẫn” mới về nơi cửa này được, dầu cho vạn kiếp sanh dày công tu-luyện mà còn ganh-ghét thì sẽ bị vào tay Chúa quỉ, không trông gì về cùng Thầy được

* Chí Tôn muốn nói phong-tục nước nhà của Người sẽ làm nền phong-hóa của loài người

* Bần Đạo xin nói quả quyết rằng: Từ tạo thiên lập địa đến giờ chưa có nền Tôn giáo nào được mau chóng như Tôn-Giáo của Chí-Tôn đến tạo nơi xứ Việt Nam chúng ta.

* Chúng ta ôn thử lại trong buổi thành Đạo cuối cùng trong 2 năm nay, ta thấy gì? Nếu chúng ta có đủ tinh thần tìm hiểu Thánh ý của Chí Tôn trong 22 năm, để cho chủng-tộc Việt-Nam chịu đau khổ, chịu trong cảnh tương tàn, tương sát, thống khổ, cảnh tượng nguy ngập có nghĩa gì? Ý vị gì?

- Ấy là Đức Chí Tôn xây chuyển cho con cái của Ngài thấy rằng: Hung bạo ở thế gian, không phải năng lực độc đoán mà thắng được và trị thế được.

* Đối với thế gian nầy, nếu có phương chước, có bí pháp thì duy lấy nhơn đức trị nó mà thôi. Hung bạo của đời nầy không lấy hung bạo trị đặng, duy lấy đạo đức tinh thần trị mới đặng.

* Đến ngày 14 tháng 10 Bính Dần, nhằm ngày 18-11-1926, Đức Chí Tôn dạy thiết Đại Lễ Khai Đạo chánh thức tại Từ-Lâm-Tự tỉnh Tây-Ninh, đồng thời Đức Chí-Tôn lập Pháp-Chánh-Truyền phong vị cho Chức-Sắc Hiệp-Thiên-Đài, Cửu-Trùng-Đài, và Đức Chí-Tôn dạy nhóm Hội-Thánh lập Luật, vậy sau ba tháng Đại-Hội, Đạo đã có Pháp, có Luật thì nghiễm-nhiên Đạo thành một nền Tôn-Giáo danh gọi là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

* “ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ do Đức Cao-Đài Thượng-Đế dùng Huyền-diệu Cơ bút khai sáng tại nước Việt-Nam từ năm Bính-Dần (1.926) đến nay đã 30 năm, độ dân được một số thiện-nam tín-nữ hơn hai triệu người, Tổ-Đình thờ Đức Chí-Tôn và Đền thờ Đức Phật-Mẫu lập thành tại Thánh-địa Tây-Ninh. Hội Thánh hành-đạo dưới quyền Đức Tiên-Trưởng Lý Thái-Bạch kiêm Giáo-Tông về mặt vô-vi, còn về mặt hữu-vi thì dưới quyền Đức Quyền Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt, nay đã qui thiên. Hiện giờ Đức Hộ-Pháp chấp-chưởng quyền tối cao trong cửa Đạo cho tới ngày có Giáo-Tông hữu-hình chánh-vị.

* Luật-pháp: Luật-pháp của Đại-Đạo là Tân-luật và Pháp-Chánh-Truyền do Đức Cao-Đài Thượng-Đế dùng huyền-diệu Cơ bút giảng dạy để làm qui-củ chuẩn-thằng cho Hội-Thánh truyền giáo.

Diệt trừ mê-tín dị đoan, bất nạp bóng chàng, phù thủy, bổn Đạo dung-hoà mọi tín-ngưỡng và tùy khả năng tiến-hoá của mỗi hạng người và phong-tục của mỗi điạ-phương mà phổ-độ.

* Tôn-chỉ: Tôn-chỉ của Đại-Đạo là dìu-dẫn quần-sanh trên con đường xử thế, lấy luân-lý và triết-lý làm yếu-tố.

* Luân-lý: Luân-lý thì dạy con người giữ Đạo nhân-luân, làm tròn bổn phận mình, đối với mình, đối với gia-đình, đối với xã-hội là gia-đình rộng lớn, đối với toàn cả thiên-hạ là Đại-Đồng huynh-đệ.

* Triết-lý: Triết-lý thì cấm xa-hoa phung-phí, tránh bã lợi mồi danh, trọng duy tâm hơn duy vật và xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo đặng giữ cho tâm thần được thơ-thới nhẹ-nhàng.

* Giáo-lý: Giáo-lý của Đại-Đạo là chuyên về tín-ngưỡng và tu-trì, dìu-dẫn quần-sanh trên con đường xuất thế.

* Tín-ngưỡng: Tín-ngưỡng thì dạy thờ Đấng Tạo-đoan là Trời, là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, Chúa tể Càn-khôn vũ-trụ, sùng thượng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đã dày công giáng trần độ thế. Đại-Đạo cũng như các Tôn-giáo nhìn nhận linh-hồn bất tiêu bất diệt và tồn-tại mãi theo định luật quả báo, có vay có trả, phải chuyển kiếp luân-hồi đền nợ tiền-khiên đặng lần bước trên con đường sáng suốt cho tới cõi Hư-linh hằng sống.

* Tổ phụ chúng ta chịu Đạo-giáo để lại sự thờ phượng Tông-tổ gia-đình chúng ta, tức nhiên thờ kẻ quá vãng, ta coi người chết như sống, chúng ta tôn sùng mạng sống của con cái Người, vì loài người là Thiên-hạ mà Thiên-hạ là Trời.

* Chúng ta biết nhìn nhận Trời trên mặt địa cầu, chúng ta biết thờ phượng Trời, tức nhiên thờ loài người đó vậy. Đạo-giáo chúng ta để lại 2.000 năm, vậy điều trọng hệ là thờ Trời và thờ Người

* Tu-trì: thì dạy lập công bồi đức, thủ giới trì trai, trau-giồi đạo-hạnh, tịnh-dưỡng tinh-thần, tu tâm luyện tánh đặng đoạt vị thiêng liêng”

CHUNG
 Home       1 ]  [ 2 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét