Số 3 Huyền Diệu Hay là Tam Bửu - Tập 1 - 2 / 3 (Nữ Soạn-giả Nguyên Thủy)

Từ ngày Đạo bị bế họ có lắm công tu mà thành thì không thành. Tội nghiệp thay, vì 92 ức nguyên nhân ấy mà chính mình Đức Chí Tôn phải giáng trần mà lập nền chơn giáo của Ngài, chúng ta đã ngó thấy cái Thánh ân, đặc biệt hơn hết là Đức Chí-Tôn đã thấy rõ rằng: Các nguyên nhân ấy không phương gì tự giải thoát đặng vì quá tội tình, quá mê luyến hồng trần hoặc đào
tạo quả kiếp nặng nề quá đỗi, vì cớ cho nên tu thì có tu mà thành thì không có thành, tức nhiên từ ngày Đạo bế thì cơ siêu thoát đã mất tại mặt thế này, chính mình Đức Chí Tôn biết rằng không thế gì các nguyên nhân tự mình đạt cơ giải thoát đặng.
        Hôm nay Ngài đến lập nền Chơn-giáo của Ngài chúng ta đã ngó thấy lòng yêu ái vô tận của Ngài là thế nào?

CHƯƠNG III

Ba Đài

A - Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có 3 Đài
Là hình thể Đạo tại thế
1 - Bát Quái Đài: Thể hiện Linh Hồn, thuộc Thần.
2 - Hiệp Thiên Đài: Thể hiện Chơn Thần, thuộc Khí.
3 - Cửu Trùng Đài: Thể hiện xác thân, thuộc Tinh.
I - Bát Quái Đài:
Bát-Quái-Đài là ngôi thờ phượng Đức Thượng Đế tá danh: Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma Ha-Tát và các Đấng Giáo-Chủ Tam Giáo cùng các Đấng Thiêng Liêng trong Ngũ Chi Đại-Đạo là Nhơn-Đạo, Thần Đạo, Thánh-Đạo, Tiên-Đạo, Phật-Đạo.         

Bát-Quái-Đài dưới quyền Đức Chí-Tôn, Ngài là Chúa của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cùng vạn-linh, chính ông chủ Bát-Quái-Đài là Đức Chí-Tôn.

2 - Hiệp Thiên Đài;
Hiệp-Thiên-Đài là cơ quan Lập pháp của Đạo, là nơi để thông công cùng Đức Thượng-Đế và các Đấng Thiêng-liêng bằng Cơ Bút do chức sắc Hiệp-Thiên-Đài phò loan để tiếp các Thánh ngôn và Luật Pháp Đại-Đạo của các Đấng Thiêng Liêng giảng dạy.

Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-pháp làm chủ.
- Hiệp-Thiên-Đài là quyền Hộ-pháp làm chủ.

Hội Thánh Hiệp Thiên Đài gồm các chức sắc Thiên Phong theo phẩm trật sau đây:
- Hộ-Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài và bảo hộ Luật Đời cùng Luật Đạo.  
- Thượng-Phẩm lo về mấy Thánh Thất và Tịnh Thất. 
- Thượng-Sanh lo về phần Đời của Đạo.  
- 12 Vị Thời Quân thuộc 3 Chi: Pháp, Đạo, Thế đặt dưới quyền hành sự của Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng  Sanh.

3 - Cửu Trùng Đài:
Cửu-Trùng-Đài là cơ quan Hành Pháp của Đạo. Cửu-Trùng-đài do Giáo-Tông làm chủ Hội-Thánh.

Ba ông chủ ấy, có hai ông này: Cửu-Trùng-Đài và Hiệp Thiên-Đài nếu riêng ra thì không có thế gì dâng sớ cho Bát Quái-Đài, tức nhiên quyền Chí-Tôn ở nơi Bát-Quái Đài.

Hai Đài Cửu-Trùng và Hiệp-Thiên hiệp nhứt là quyền Chí Tôn tại thế này, không có một quyền cai-quản nào cải qua quyền Bát-Quái được. Hội Thánh Cửu Trùng Đài gồm chức sắc Thiên phong theo các phẩm trật sau đây.
 (ĐHP 18-8 Kỷ- Sửu)

Chức sắc Nam Phái:
-  1 Phẩm Giáo Tông (Nhứt Phật) Lãnh đạo tối cao toàn Đạo có phận-sự dìu dắt Đạo-hữu trong đường Đạo và đường Đời.       
- 3 Chưởng Pháp (Tam Tiên): Lãnh nhiệm vụ nghiên cứu Luật Pháp Đạo trước khi ban hành cho toàn Đạo.
- 3 Đầu Sư (Tam Tiên): Cầm quyền Chánh Trị Đạo ban hành Luật Pháp Đạo.
- 36 Phối Sư (Tam Thập Lục Thánh): Có 3 vị Chánh Phối Sư làm đầu, dưới quyền 3 vị Đầu Sư cai trị Đạo.
- 72 Giáo Sư (Thất Thập Nhị Hiền): Có phận sự dạy dỗ Đạo Hữu trong đường Đạo và đường Đời. Được quyền dâng sớ cầu nài về Luật Lệ làm hại Nhơn Sanh hay là cầu xin chế giảm Luật lệ ấy.
- 3.000 Giáo Hữu (Tam Thiên Đồ Đệ): Chia đều mỗi phái 1.000, chẳng nên tăng thêm hay là giảm bớt. Lãnh phận sự phổ thông Chơn Đạo.

- Lễ Sanh: Không hạn định số. Lễ Sanh là người có hạnh kiểm tốt, được quyền đi khai đàn cho mỗi Tín Đồ.

Về Chức-sắc Nữ phái:
Chức Sắc Nữ Phái khởi từ phẩm Đầu Sư trở xuống Lễ Sanh, quyền hành y như Nam phái, song chỉ điều hành về Nữ-phái mà thôi. Tất cả tùng lịnh của Giáo-Tông và Hộ-Pháp. Về Nữ-phái thì vô hạn định về con số.
Bàn trị sự (Hội-Thánh Em):

Bàn Trị sự  là cơ quan hành Đạo trong thôn xã gồm
Những Chưc việc sau đây:
- 1 Chánh Trị Sự
- 1 Phó Trị Sự
- 1 Thông Sự

Có nhiệm vụ giúp đỡ các sinh hoạt của Đạo và săn sóc các Đạo hữu, như anh lớn trong gia tộc. Bàn Trị sự còn được xem như là một Hội-Thánh Em.

Bảng tóm tắt:

B - Lập Tân-luật là để phân quyền cho
Chức sắc Cửu Trùng Đài:

Ngày 16-10 Bính-Dần (dl 20-10-1926) tại Từ Lâm Tự. Đức Chí-Tôn giáng Cơ dạy Hội-Thánh lập Tân Luật để phân quyền hành cho Chức-Sắc Cửu Trùng Đài có phẩm trật, hầu có Chức sắc thi hành phận sự thể thiên hành chánh đạo.

Ngoài ra Thầy cũng giáng Bút truyền các Bí-pháp cho Hộ-Pháp. Hội Thánh chơn truyền Tân pháp đã đạt đặng như: Phép Giải-oan, phép Khai sanh Môn, Kim quang và còn nhiều Bí-pháp khác nữa. Trong các Bí-Pháp có cơ mầu đắc Đạo.   Ấy là cơ vô vi TINH – KHÍ- THẦN hiệp nhứt. Ngọc là Tinh, Thượng là Khí, Trí là Thần. Nếu cả ba không hiệp thì chẳng hề thành Đạo đặng.

1 - Ba Đài liên quan mật thiết cùng nhau:
-  Bát-Quái-Đài là linh-hồn.
- Cửu-Trùng-Đài là xác thịt.
- Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần.

 “Hồn đặng tương-hiệp cùng xác phải nhờ chơn thần. Chơn-thần lại là bán hữu-hình tiếp vô-vi mà hiệp cùng hình thể, cũng như Đạo tiếp Thánh-Đức của các Đấng thiêng-liêng mà rưới chan cho nhơn-loại”.

Đức Hộ-pháp nói: “Phước-Thiện là thay cho Hiệp Thiên-Đài gánh vác nhiệm-vụ cứu khổ nên Hội-Thánh Phước-Thiện do nơi Qua cùng Đức Lý-Giáo Tông đã đồng-ý tạo nên hình tướng. Ngài rất vui lòng. Tại sao vậy?

- Nhiệm-vụ của Hộ-Pháp phải có Giáo-Tông. Bởi Giáo-Tông, Chí-Tôn định có quyền cai trị đường Đạo và đường Đời, mà  hễ  Giáo-Tông    Hộ-Pháp hiệp  một là quyền Chí-Tôn tại thế”.

Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài là phổ thông nền chơn giáo, lo về mặt giáo-hóa, bảo-tồn nền văn-hiến tồn tại. Cửu-Trùng-Đài là cái Đài thể theo Cửu Trùng Thiên mà kiến trúc, có chín nấc cao thấp khác nhau.

Cửu Phẩm Thần Tiên vâng lịnh Ngọc-Hư Cung trị thế gới vô hình cũng như Cửu-Trùng-Đài vâng lịnh Bát Quái-Đài mà Chưởng-Quản mối Đại-Đạo tại thế gian về mặt hữu vi. Vậy tất cả chơn linh trong Càn Khôn vũ trụ đều phải vào Cửu Trùng Đài và tuần tự theo đẳng cấp thấp cao để đoạt vị Thiêng liêng của mình.

Cửu Trùng Đài do Hội-Thánh quản trị, mạng danh Hội-Thánh Cửu Trùng Đài gồm có một phái Nam và một phái Nữ.

Đức Chí-Tôn lập Pháp-Chánh-Truyền cho cả hai phái (Theo Đàn Cơ 16-10 Bình-Dần – 1926)
Như vậy trường Đại-Đạo theo như Đức Hộ-Pháp dạy về đường Đạo và đường Đời rằng:
- “Thể-pháp của Đạo Cao-Đài là một trường công quả của chúng ta, trường công-quả ấy để cho chúng ta lập đức,  lập công,  lập ngôn.
- Bí-pháp chơn-truyền của Đức Chí-Tôn tức nhiên cơ-quan huyền-bí để cho con cái của Ngài giải-thoát.”

2 - Quyền hành của ba Đài:
1/- “Trong Bát-Quái-Đài: kể từ Tiên vị đổ lên cho tới Thầy thì đã vào địa vị các Đấng Trọn lành “Classe des Parfait ou des Purs”.

Từ Thánh-vị trở xuống Nhơn vị thì vào hàng Thánh “Class des Épures”. Từ thú cầm  xuống vật chất thì hàng phàm tục “Classe des Impurs” ấy vậy trong Bát Quái-Đài từ bậc Thánh hồn thì còn phận sự điều đình càn khôn thế giới, giao thiệp cùng các chơn hồn, còn ở trong vòng vật chất nâng đỡ, dạy dỗ cho phàm phẩm tấn hoá lên cho tới Thánh vị. Hễ vào đặng Thánh-vị rồi thì tự nhiên mình biết lấy mình, dầu phải bị đoạ trần đi nữa cũng còn giữ vẹn Thánh đức mà tu hành đặng đạt đến địa vị trọn lành. Lên địa vị Trọn lành rồi thì mới đồng quyền cùng Tạo-Hóa, Từ bi, tự tại, bất tiêu, bất diệt.” (PCT)

2/ - “Trong Hiệp-Thiên-Đài: thì có Hộ Pháp thay quyền cho các Đấng Thiêng-Liêng và Thầy mà gìn giữ công bình Tạo hóa, bảo hộ nhơn loại và vạn vật lên cho tới địa vị tận thiện, tận mỹ. Người thì tận thiện, còn vật thì tận mỹ. Chẳng cần lấy sức mình mà lập, chỉ bảo hộ cho sự tấn hóa tự nhiên khỏi điều trở ngại, nếu nói có quyền bảo hộ thì phải có Luật pháp, lấy Luật pháp mà kềm chế nhơn sanh, cũng như các Đấng Trọn lành lấy Thiên điều mà sửa trị Càn khôn Thế giới.
- Hộ-Pháp là thể các Đấng Trọn lành. Người lại giao quyền cho Thượng-Phẩm lập Đạo, đặng dìu dắt các chơn hồn lên tột phẩm vị của mình, tức là nâng đỡ binh vực cả Tín-đồ và Chức sắc Thiên phong ngồi an địa vị, cũng như chư Thần Thánh Tiên Phật điều đình Càn Khôn thế giới cho an tịnh, hòa bình mà giúp sức cho Vạn linh sanh sanh hóa hóa.
- Thượng-Phẩm tiếp các chơn hồn của Thượng Sanh giao vào cửa Đạo. Thượng-phẩm là người thể Đạo đối với hàng Thánh,  ấy là người cầm đầu các Thánh.
- Thượng-Sanh về Thế độ, đem các chơn hồn vào cửa Đạo, dầu Nguyên nhân hay là Hóa nhân cũng vậy, phải nhờ Người độ rỗi. Thượng Sanh đặng mạng lịnh chuyển thế, điều độ nhơn sanh ra khỏi trầm luân khổ hải, buộc Thượng-Sanh phải gần gũi kẻ vô Đạo đặng an-ủi dạy-dỗ. Mà kể từ hạng vô Đạo trở xuống cho tới vật chất thuộc về phàm, ấy vậy Thượng-Sanh là thể Đời, người đứng đầu của phẩm phàm tục.”   (PCT)

3/ - Trong Cửu-Trùng-Đài có:
- Đầu-sư  thì đối với phẩm Địa Tiên
- Chưởng-Pháp  thì đối với phẩm  Nhơn Tiên
- Giáo-Tông  thì đối với phẩm Thiên Tiên

TAM TRẤN OAI NGHIÊM thay quyền Phật-vị tại thế này. Ấy vậy các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng Trọn lành của Bát-Quái-Đài.

 Giáo-Tông giao quyền cho Đầu-sư. Đầu sư lại phân quyền cho Chánh-Phối-Sư lập Đạo đặng độ rỗi nhơn sanh cũng như Hộ-Pháp giao quyền cho Thượng Sanh và Thượng Phẩm.
- Chánh-Phối-sư và Phối-sư đối phẩm Thiên Thánh
- Giáo-sư đối phẩm Nhơn Thánh.
- Giáo-hữu đối phẩm Địa Thánh.
- Lễ Sanh đối phẩm Thiên Thần.
- Chánh Trị sự, Phó Trị sự và Thông sự  đối phẩm Nhơn Thần.
- Chư Tín đồ đối phẩm Địa Thần

Đây: Cửu-Trùng-Đài đối phẩm với Cửu Thiên Khai hoá:

Như trên thì trong cửa Đạo còn có Cửu viện, dưới quyền Chánh-Phối-sư của Ba phái:
- Thái Chánh-Phối-sư coi ba viện: Hộ, Lương, Công.
- Thượng Chánh-Phối-sư coi ba viện: Học, Y, Nông.
-  Ngọc Chánh-Phối-sư coi ba viện: Hoà, Lại, Lễ.

C - Một số Chức-sắc không có qui định trong
Tân-luật & Pháp-chánh-truyền
Ngoài ra còn có các Chức-sắc không có qui định trong Tân-Luật & Pháp-chánh-truyền mà do Thánh-giáo, Thánh-lịnh, Đạo lịnh được thành lập do các cơ quan thuộc Hiệp-Thiên-Đài. Lần lượt là:
1 - Pháp chánh Hiệp-Thiên-Đài (có 8 phẩm cấp)
2 - Phước Thiện có 12 cấp, gọi là Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng-liêng
3 - Thập Nhị Bảo-Quân (12 phẩm cấp)
4 - Chức sắc Bộ Nhạc  (10 phẩm cấp)

1 - Pháp chánh Hiệp-Thiên-Đài có 8 phẩm cấp
từ trên xuống:

1 - Tiếp Dẫn Đạo Nhơn (Instructeur) đối phẩm Chánh-phối sư
2 -  Chưởng Ấn (Chancelier) đối phẩm Phối-sư
3 - Cải-Trạng (Avocat) đối phẩm Giáo-sư
4 - Giám Đạo (Inspecteur) đối phẩm Giáo-sư
5 - Thừa sử (Commissaire de Justice) đối phẩm Giáo-hữu
6 - Truyền Trạng (Greffier)  đối phẩm Giáo-hữu
7 - Sĩ-tải ( Scrétaire Archiviste)  đối phẩm Lễ Sanh
8 - Luật sự (Agent judiciaire) đối phẩm Chánh Trị sự.

2 - PHƯỚC THIỆN:
Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng có 12 phẩm, từ trên xuống:
1 - Phật Tử       2 - Tiên Tử       3 - Thánh nhơn    4 - Hiền nhơn
5 - Chơn nhơn  6 - Đạo nhơn    7 - Chí-thiện        8 - Giáo thiện
9 - Hành thiện 10 - Thính Thiện 11 - Tân Dân  12 - Minh Đức

3 - THẬP NHỊ BẢO QUÂN
(12 PHẨM)

Ngoài ra còn có 12 vị Bảo-Quân dưới quyền chỉ huy của Giáo-Tông và Hộ-Pháp.
Đức Hộ-Pháp trả lời trong quyển Lời phê về Thập Nhị Bảo-Quân là:
 “Toàn thể Bảo-Quân là Hàn-Lâm-viện, mỗi vị có sở chức, sở năng ấy là điều khác nhau đặc biệt, tỷ như: Huyền-Linh-Quân nghĩa là Thần linh hồn khác với Bảo Học Quân là thuộc về khoa-học hay thực tế học..

Bảo Quân có 12 vị gọi là Thập Nhị Bảo Quân là:
1 - Bảo Huyền-Linh-Quân  (Science mystique)
2 - Bảo-Học-Quân  (Science physique – Instruction
Publique)
3 - Bảo Thiên-văn Quân  (Astrologie)
4 - Bảo Địa Lý Quân   (Géologie)
5 - Bảo Sanh Quân   (Santé puplique)
6 - Bảo Cô Quân   (Chevalerie)
7 - Bảo Văn Pháp Quân   (Belles lettres)
8 - Bảo Y Quân   (Médecine)
9 - Bảo Nông Quân  (Agriculture)
10 - Bảo Công Quân  (Arts et Métiers)
11 - Bảo Thương Quân  (Commerce et Industrie)
12 - Bảo Phong Hoá Quân  (Philosophie) hoặc còn gọi là
Bảo-Sĩ-Quân tức là Triết-học.

4 - CHỨC SẮC BỘ NHẠC (10 PHẨM)
Từ phẩm trên xuống:
1 - Tiếp lễ Nhạc quân   2 - Nhạc sư            3 - Đốc nhạc
4 - Đề Nhạc                  5 - Lãnh Nhạc        6 - Quản Nhạc
7 - Đội nhạc   8 - Cai Nhạc   9 - Bếp Nhạc  10 - Nhạc sĩ
D - Thánh-Thể Đức Chí-Tôn:

Chính vì Đức Chí-Tôn trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ này không có nhân thân phàm ngữ nên phải lập Hội-Thánh làm Thánh Thể của Ngài.

Đức Hộ-Pháp nói:
“Thánh-Thể Đức Chí-Tôn chẳng phải trong Hội Thánh mà thôi, mà cả toàn con cái của Ngài Nam Nữ, nếu Qua không nói đến mấy Em mới sơ sanh, nó cũng là đám Thánh-Thể của Ngài. Là buổi may duyên của chúng ta ngộ Đạo “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Bởi cái may duyên ấy do nơi mấy Em đào tạo nó, một phần tử buổi sơ sanh, tức nhiên kể từ hạng sơ sinh Đức Chí-Tôn đã đến lựa từ khi mấy Em đã có trí khôn ngoan cho nhập Thánh-thể của Ngài đứng vào hàng Chức sắc Thiên phong gọi là chư Thánh, mấy Em mới nên người “Tam thập nhi lập”.

Cái phẩm vị Thiêng liêng của mấy Em nơi mặt thế: Phó Trị sự, Thông Sự, đối với ngôi Giáo-Tông, Hộ-Pháp trong khi tuổi của mấy Em đã tri thiên mạng rồi.

Rất ngộ-nghĩnh thay cho Chí-Tôn lấy công bình ấy đặng lập Thánh-Thể của Ngài. Ngài để một kiểu vở, một khuôn luật tạo đoan hay là  một gia đình kia không khác gì hết. Mấy em đã ngó thấy trong Đạo, Đức Chí-Tôn đã để:
- Hàng Tín-đồ  đối với Đại-Từ-Phụ.
- Phó-trị-sự và Thông sự đối với phẩm Giáo-Tông và Hộ-Pháp.
- Chánh-Trị-Sự  đối với phẩm Đầu-Sư.
* Kích thước xây cất ba Đài:

Theo bài Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông thì Tòa Thánh được xây dựng  gồm 3 phần:
- Bát Quái Đài, xây trên khoảnh đất hình vuông, mỗi cạnh 27 mét, nền cao 9 mét.
- Cửu Trùng Đài, là phần Chánh Điện, xây nối theo, bề ngang 27 mét, bề dài 81 mét.          
- Hiệp Thiên Đài, xây nối theo Cửu Trùng Đài, trên hình vuông, mỗi cạnh 27 mét.         
Tổng cộng thì bề dài của Tòa Thánh là: 27+81+27 =135 mét và bề ngang của Tòa Thánh là: 27 mét.
Những chi tiết khác thì Đức Lý vẽ và dạy riêng cho Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Ngài Phối Sư Thái Bính-Thanh.          

Chúng ta nhận thấy các con số về kích thước của Tòa-Thánh đều là những bội số của một số căn bản là 9.

E - Tinh thần Tam-giáo
I - Thiên địa vạn-vật nhất thể:
Cái lý trong vũ trụ giống nhau cho nên các Học thuyết ấy đều theo một chủ-nghĩa “Thiên địa vạn-vật nhất thể” 天地萬物一體 Song, mỗi một Học-thuyết đi ra một đường là vì cách lập giáo và sự hành-đạo khác nhau.

1/ - Lão-giáo thì cho vạn-vật đều gốc ở Đạo, Đời là một cuộc phù-vân, hơi đâu mà để trí lo-nghĩ, người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi cùng Tạo hóa, không cần chi đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí; không thiết gì đến pháp luật, chế độ, miễn là được thảnh-thơi vô-vi thì thôi.

2/ - Phật-giáo thì cho vạn-tượng do Chơn-như mà ra, sắc với không là một, sự sinh hóa là cái vọng niệm chứ không phải là thực. Cái thực là Chân-như. Người ta phải tìm cái thực ấy mà quay trở về gốc cũ để ra thoát vòng sanh, tử;  tức là để  đến Niết-Bàn, hết cả sự khổ-não.

3/ - Nho-giáo thì cho rằng sự biến-hóa ở trong vũ trụ là do sự nhất động, nhất tịnh của Thái-cực mà sinh ra. Vạn-vật đã phát hiện ra là thực có, thì chi bằng cứ theo cái thực ấy mà hành động và sinh tồn; sự sinh-tồn của vạn vật không ra ngoài được những điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí;

仁義禮智 tức là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh 元亨利貞 của Tạo-hóa. Vậy nên người ta ai cũng phải theo những điều ấy mà vui trong cuộc sinh-hóa.

Thành thử cái gốc vốn là một, mà cái ngọn thì chia ra khác nhau. Bởi cái tư-tưởng khác nhau như thế cho nên Lão-giáo và Phật-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tiêu-cực, thành ra cái Đạo xuất thế; Nho-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tích-cực, thành ra cái Đạo nhập thế.

Vì có sự tương-đồng, tương-dị ấy mà ta có thể xét đoán tường-tận được, tuy cái tương-dị về thể hành đạo của các Đạo có khác nhau, nhưng chung-qui cũng là một gốc, cái gốc đó tức là căn bản của muôn sự vật cho tất cả vũ-trụ bao-la mà ta gọi là Thiên-lý. Cái Thiên-lý đó là cái tóm thâu của Trời, biểu-tượng trong KINH DỊCH vậy”
 (Lời phát-đoan của Nguyễn-Mạnh-Bảo)

2 - Triết Đông-phương có 3 nhà:
Phật, Lão và Dịch:
-  Một là Phật-học.
-  Hai là Lão học.
-  Ba là Dịch-học.

* Nhưng Phật-học thì lý-tưởng quá cao, mà con đường tu là xuất thế. Lão học chỉ lấy thuyết Âm Dương làm nền tảng cũng theo đường xuất thế. Hỏi tại sao đường lối tu của Phật và Lão phải xuất thế?
- Vì nhân-loại buổi ấy Thánh đức còn nhiều, về địa lý thì đất đai rộng-rãi, đất rộng người thưa. Tính tình người còn hiền hậu, còn giữ nguyên cái chân tính của “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, không bị ảnh hưởng của ngoại lai như ngày nay. Thế nên việc tu thuở ấy giống như người chơi cây kiểng, nhàn rỗi, thư thái. Tìm đến non cao núi thẵm, lánh chốn phồn hoa để tìm đến một cái thú tuyệt vời là tầm Tiên noi Phật. Thật ra nếu không tu thì người thuở ấy cũng vẫn hiền từ nhân hậu lắm rồi! Thời Thượng đức mà!
* Lão-học thì cũng vẫn một nhà xuất thế như Phật, tìm chốn non Thần động Thánh để thích chí thanh nhàn, tu Tiên luyện pháp: Quá cao xa và đòi hỏi thời gian. Thế kỷ này liệu thế nào mà tu-hành cho được. Nếu cả nước đồng xuất thế thì lấy ai lo cho dân-tộc, làm sao đất nước mở mang? Nhân sanh đi vào  đường tiêu cực?

* Nay nếu chiết trung ở trong các nhà Triết-học Đông phương vừa tinh-vi, vừa thiết thực, vừa thấu lý, vừa thích dụng thời chẳng gì bằng Dịch-học.

Vì lòng ưu thời mẫn thế gốc ở tấm lòng Từ-bi thời DỊCH chẳng khác gì Phật, tùy thì thức thế dù trăm đường biến hóa, thời Dịch có lẽ hay hơn Lão. Nếu nghiên-cứu về Dịch-học thì Phật-học và Lão-học cũng quán thông, gần gũi cùng thiên-lý, Âm Dương lý số thông cùng vạn vật.

Nếu có kẻ hỏi:
Hiện đã có Đạo Lão, Đạo Gia Tô, Đạo Thích là ba chánh Đạo, thế thì Tam giáo đã có rồi hà tất  phải cần lập Đạo khác mà làm gì ?
- “Nếu nói Đạo thì đã có sẵn từ tạo thiên lập địa. Hễ có Đời tức nhiên có Đạo. Hư-vô là Đạo, Âm Dương là Đạo, trời đất là Đạo, nhơn vật là Đạo.
 “Tam  giáo    Đạo  chánh  thuở  nay, song  bị tay phàm canh cải, càng ngày càng xa Thánh-giáo mà hoá ra phàm giáo. Thượng-Đế lấy làm đau-đớn, hằng thấy nhơn sanh phải bị sa vào tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ, nên nhứt định chuyển Tam giáo Qui nguyên Phục nhứt, chấn hưng Tôn giáo lại cho hoàn-toàn, rồi khêu sáng ngọn đèn Thiêng liêng lên để dìu-dắt bước đường cho kẻ có công tu hành mà khỏi phải sa chân lạc bước”

3 - Phật độ 6 ức nguyên nhân là nghĩa gì ?

Con số 6 ấy là nói phép tu theo Phật là cho hiểu nguồn gốc khổ của con người là do lục căn, bởi khi tiếp xúc với lục trần thì sinh ra lục dục. Nếu nhờ biết tu thì biến tất cả thành ra lục thức để đến chỗ cao thượng hơn là đạt cho được Lục thông để khỏi phải bị đoạ vào Lục đạo luân hồi.

Chính ra những con số LỤC này nó đã nằm ngay trong chân tính của con người, nhưng khi đến trần là bị nhiễm trần, lâm phàm rồi thì cái gì cũng phàm. TU  chính là lau bụi trên mặt gương, nào phải lau gỗ mà thành gương được. Thế nên chỉ có người TU mới được viên mãn mà thôi. Cho nên Đạo-pháp nói lý là “Phật độ được 6 ức nguyên nhân” là vậy:

- LỤC CĂN: Sáu gốc rễ có sức nảy sanh. Lục căn chính là sáu giác quan của con người để nhận biết sự vật:
1 - Nhãn (Mắ)      2 - Nhĩ (tai)           3 - Tỷ (mũi)
4 - Thiệt (lưỡi)     5 - Thân (da thịt)   6 - Ý (Tư tưởng)

- LỤC THỨC: Sáu điều hiểu biết của con người.
  Lục thức có được là do Lục căn. Lục thức gồm:
1 - Nhãn thức: sự biết do mắt nhìn thấy
2 - Nhĩ thức: Sự biết do tai nghe
3 - Tỷ thức: Sự biết do mũi ngửi
4 - Thiệt thức: Sự biết do lưỡi nếm
5 - Thân thức: Sự biết do da thịt cảm nhận
6 - Ý thức: sự biết do tư tưởng

- LỤC TRẦN: Trần là bụi, chỉ cõi trần. Lục trần là sáu cảnh nơi cõi trần diễn ra trước Lục căn, làm cho Lục căn sanh ra Lục thức. Lục trần gồm:
1 - Sắc: cảnh vật có màu sắc xinh đẹp.
2 - Thinh: âm thanh êm ái, lời nói ngọt ngào.
3 - Hương: mùi thơm của hoa, của món ăn.
4 - Vị: thức ăn ngon béo bổ.
5 - Xúc: trang sức lụa là, da thịt mát mẻ.
6 - Pháp: Tư tưởng mưu tính thực hiện cho thoả ý muốn
- LỤC DỤC: Sáu điều ham muốn. Vì bởi Lục trần khêu gợi Lục căn, Lục căn sanh ra Lục thức, Lục thức sanh ra Lục dục. Lục dục gồm:
1 - Sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp
2 - Thinh dục: ham muốn nghe âm thanh êm tai.
3 - Hương dục: ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu
4 - Vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng
5 - Xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng.
6 - Pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.

Con người có Lục căn nên mới có Lục thức. Lục thức bị Lục trần cám dỗ mới sanh ra Lục dục. Bốn thứ ấy liên hệ mật thiết nhau, tương tác nhau làm cho con người lẩn quẩn như bị trong cơn lốc của cuộc đời.

“Thất tình Lục dục là mối loạn hằng ngày trong tâm trí, không phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí đánh phá ruồng trong núi cao rừng thẵm còn dễ trừ dẹp đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là Lục dục: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân và Ý dục, chúng nó phá hại hằng ngày.
Nhãn thì ưa màu sắc tốt đẹp.
Nhĩ  thích nghe những giọng nói tao nhã thanh bai.
Tỹ  thì ưa mùi thơm hơi ngọt.
Thiệt  thì ưa nếm vật lạ món ngon.

Thân:  mến vợ đẹp hầu xinh, cả dục tình dâm niệm.
Ý lại tư tưởng vất vơ quấy phá. Nhứt là Ý là mối đại hại cho con người. Nó tư tưởng sự nầy sang sự nọ. Chuyện nọ hết đến chuyện kia. Nó ra vô lẹ làng không chi ngăn đón đặng, nên cho nó là đứa ăn trộm tài nghề, xách món nầy, vật nọ trước mắt muôn người mà chẳng ai thấy.
Còn thân, cái thân thể muốn sự dâm dục quá độ, mới hao tán nguơn Tinh, nguơn Khí, nguơn Thần.
Thiệt là lưỡi, miệng ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương, phạm tội sát sanh, bị sa đọa vào Lục đạo.
Tỹ  là mũi ưa thơm tho mới khiến lòng ham muốn.
Nhĩ  là tai, tai nghe điều phi lễ.
Nhãn  là mắt ngó thấy sắc đẹp thì lòng dục dấy lên.

Vậy thì, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân ham, đều xúm làm cho thân xao động, sanh lòng quấy. Vả lại, Lục dục là sáu con quỉ, tức là sáu đứa du côn, nhưng biết cách thâu phục chúng nó đặng thì sáu con quỉ ấy trở nên Lục thông là đắc đạo.

Muốn thâu phục sáu con quỉ ấy thì phải làm chủ cái Tâm, tâm cho thanh tịnh, định cái trí, trí phải tự nhiên. Lục dục được an, Lục thần đầy đủ.

Hễ có Lục dục thì có Lục trần, mà hễ có Lục trần thì mới sanh Lục tặc. Có Lục tặc thì hại Lục căn, Lục thức,

Lục thần, nên sa vào Lục đạo.
Ấy là kiếp con người không có Nguơn Thần chấp chánh, để cho Thức Thần đương quyền, thì dầu có sống, cũng là sống một cách vất vơ, vất vưởng như bồ nhìn trơ trơ để gió lay người đẩy”.Phải biết rằng làm người khó:
“Dễ gì lộn kiếp đặng làm người,
“May đặng làm người há dễ duôi!”

4 - Tiên Đạo độ 2 ức nguyên nhân là nghĩa gì?
Tức là nói về lý Âm Dương là lý tương đối hữu hình: Hễ có sinh thì có diệt, có sướng thì có khổ, hai ý nghĩa này cứ đắp đỗi nhau không bao giờ dứt như bóng với hình. Bởi cõi trần này là cõi nhị nguyên phải vậy. Muốn chấm dứt sự luân hồi nhân quả phải diệt nhân thì không có quả nghiệp. Thế nên nói rằng: “Phật sợ nhân, chúng sanh sợ quả.” Vì Phật sợ nhân nên không gây nhân thì đâu phải gặt hái kết quả. Chúng sanh cứ làm liều không suy nghĩ, khi gặt hái những quả xấu rồi mới sợ thì đã muộn rồi! Nên lý cũng đồng như trên, nói rằng “Tiên độ 2 ức nguyên-nhân” là do lý cớ ấy. Tức nhiên Đạo Tiên Đức Lão-Tử muốn thoát ly cái kiếp sống nhộn nhịp để tìm đến suối lặng non Thần để tiêu diêu mà thôi.

Ở đời khi nói sướng thì bên cạnh đã có khổ rồi. Có sanh là có tử, nghĩa là hai cái lý tương phản cứ theo nhau không bao giờ dứt. Số 2 là nói về Âm Dương chẵn lẻ mà  Đức lão Tử đã chủ trương

5 - Đạo Cao-Đài độ 92 ức nguyên-nhân:
Qua kỳ ba Phổ-Độ thì Đạo Cao-Đài ra đời, gọi là cơ tận độ, tức là độ sanh và độ tử, độ cả Nữ và Nam, độ toàn vạn linh sanh chúng, nên đến con số tận cùng là số 9. Nhìn gần thì con người  có Cửu khiếu.

Ý-nghĩa về SỐ: Phải đợi đến 9 là cơ huyền-diệu nhiệm mầu. Huyền-diệu hơn hết là số đó. Nó là cơ chuyển biến đến mực độ tận thiện tận mỹ, toàn năng, toàn tri.

Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận-động để hiệp về cơ qui nhứt. Phép toán học thử đến 9 rồi trở về 0 là vậy. Cùng cực cái động tức trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy.

Số 2 là chỉ cho hai triết lý của Phật và Lão hợp lại để làm triết-lý sống động trong kỳ ba của Đạo Cao-Đài Đạo Cao-Đài là một Tôn-giáo mới khai mở vào năm Bính-Dần 1.926 nên gọi là một nền Đạo mới, hay là một nền Tân-Tôn-giáo với Tôn chỉ Qui nguyên Tam giáo Phục Nhứt Ngũ Chi là vậy. Đó là ý-nghĩa của con số 92 ức nguyên nhân.

Vả lại 8 ức nguyên-nhân vừa độ được, có ảnh hưởng đến con số 8 (6+2) chính là con số  Bát Quái. Phải đến thời kỳ mới lý giải nỗi thuyết CAO-ĐÀI bằng Bát Quái đó vậy.

 Tôn-chỉ của Đại-Đạo là dìu-dẫn quần-sanh trên   con đường xử thế, lấy luân-lý và triết-lý làm yếu-tố.
- Ðạo mở vào buổi nhơn sanh đang khuynh hướng về đường vật-chất thì cái Tôn-chỉ Ðạo tất phải có thiệt lực gì cực kỳ mãnh liệt mới dung hòa nỗi hai thuyết duy tâm và duy vật và phải hạp thời thì nhơn sanh mới chịu hoan nghinh mà bước vào cửa Ðạo. Nếu Ðạo mà không có cái Tôn-chỉ duy-tân cải cách theo trình-độ tiến hóa của nhơn sanh thì Ðức Thượng-Ðế chẳng cần nhọc công tái lập, vì Ðạo vẫn có từ tạo Thiên lập Ðịa mà trong nhân-gian cũng đã lập thành nhiều nền Tôn-giáo để tùy thời mà tế độ quần linh”.

6 - Tôn chỉ cao thượng của Đạo Cao-Đài là gì?
Đạo Cao-Đài là Qui nguyên Tam Giáo Phục nhứt Ngũ Chi, cho nên có Tôn chỉ rõ rệt:  
- Tín-ngưỡng thì thờ Trời  và thờ Người.
- Về Luật-pháp thì Bác-ái và Công-bình.
- Mục-đích là đưa nhân-loại tấn-hoá trên con đường Chân, Thiện, Mỹ. Chung qui dầu ở nơi Tôn-giáo nào cũng lấy Tâm làm gốc:

Tìm hiểu các nhà Tôn-giáo đã dạy đời những gì, thì đó chính là Tôn-chỉ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ:
- Thích-giáo:  Phật Thích-Ca làm Chưởng-giáo, dạy:
. Tam qui Ngũ giới
. Minh tâm kiến tánh.
. Thật hành Bác-ái, Từ bi

- Tiên-giáo: Đức Thái-Thượng làm Chưởng-giáo, dạy:
. Tam bửu Ngũ hành.
. Tu tâm luyện tánh.
. Thủ cảm ứng chứng minh.

- Thánh-giáo: Khổng-Tử làm Chưởng-giáo, dạy:
. Tam cang Ngũ thường.
. Tồn tâm dưỡng tánh.
. Lấy Nhân-Nghĩa làm hành tàng

Ngày nay, Đạo Cao-Đài Qui Tam Hiệp Ngũ, bởi vì:
 “Tam giáo là ba nền Đạo chánh thuở nay, song bị tay phàm canh cải càng ngày càng xa Thánh-giáo mà hóa ra phàm giáo. Thượng-Đế lấy làm đau đớn, hằng thấy nhơn sanh phải bị sa đoạ tội lỗi, mạt kiếp chốn A-tỳ, nên nhứt định chuyển Tam-giáo qui nguyên Ngũ chi hiệp nhứt, chấn hưng Tôn-giáo lại cho hoàn toàn rồi khêu sáng ngọn đèn thiêng-liêng lên để dìu dắt bước đường cho kẻ có công TU- HÀNH mà khỏi xảy chân, lạc lối.

Ấy vậy, tất cả các yếu chỉ này làm tiêu-chuẩn cho mọi hành-vi. Cả luật-pháp khuôn viên điều-mục của ba nền Tôn-giáo ấy từ buổi sơ khai có đủ phương diện, quyền năng dìu đời thống khổ. Nhơn sanh trong thời kỳ Thượng cổ còn tính đức, biết giữ chơn truyền, chuẩn thằng, qui củ của ba nhà: Thích, Đạo, Nho tức là Phật, Tiên, Thánh; nghĩa là phải làm lành lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, mới chung hưởng thái-bình, hạnh-phúc.”

 Đức Hộ-Pháp nói:
 “Cái Tôn-chỉ của Đại-Đạo ngày nay là gồm cả ba nhà Đạo chánh là Nho, Thích, Đạo. Chuyển cả ba Đạo ấy mà hiệp lại làm một, nên chi chúng ta tu Đại Đạo thì phải noi theo Tôn-chỉ của Tam giáo mà tập rèn tâm tánh. Nghĩa là phải nắm trọn:
- Tam cang Ngũ thường      (Nho-giáo)
- Vẹn giữ Tam qui Ngũ giới (Phật-giáo)
-  Luyện Tam bửu Ngũ hành (Tiên-giáo)

Người mà gồm được cả ba thì là gần Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy”

7 - Triết-lý Đạo-Giáo:
Đức Hộ-Pháp nói: “Các vị Giáo-Chủ, lập giáo đều nương nơi một tinh thần của họ, tinh-thần hữu-định ấy có căn-nguyên trong tinh-thần của toàn nhơn-loại. Họ chỉ lấy một thuyết trọng yếu đặng làm triết-lý Đạo-Giáo của họ, tỷ như:
- Thánh-Giáo Gia-Tô lấy TÂM làm căn bản,
- Lão-Giáo lấy THÂN làm căn bản,
- Hồi-Giáo lấy  TÍN-NGƯỠNG làm căn bản,

Mỗi Giáo-lý đều có sở-năng làm trung-tâm-điểm đặng vi chủ tinh-thần của con người trong chỗ khuyết điểm của họ. Có một điều Bần-Đạo xét đoán lấy làm sợ sệt hơn hết là nền Tôn-Giáo của Đức Chí-Tôn lấy Tinh Thần làm căn bản. Hỏi vậy, tinh-thần của nhơn-loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn-minh vật-chất, tinh-thần ấy có đủ quyền năng tự-vệ lấy họ chăng? Tinh-thần họ có đủ lực-lượng chiến thắng chăng?

Nếu thoảng tinh-thần của nhơn-loại không quật khởi lên, tự-quyết, tự-chủ, tự định-phận đặng mà phải chịu làm nô lệ cho văn-minh vật-chất, thì tương-lai của Đạo Cao-Đài sẽ ra sao ? Mà chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, mà còn phải bảo vệ chơn tướng của đạo đức tinh thần của loài người trở mặt ra đối với tinh-thần cường liệt của Chí-Tôn, thì tương-lai nơi mặt thế này sẽ như thế nào ? Chúng ta cũng nên để có một câu hỏi.(?)

Có một điều ta nên để mắt nhìn coi Chí-Tôn tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh-thần đạo-đức ấy. Ấy là một phương-pháp ta nương theo đó đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền-bĩ vậy.”

8 - Cao-Đài là Tôn giáo toàn cầu:
Đức Hộ-Pháp nói: Tôn giáo, Ngài vi chủ năm châu hiệp Tín ngưỡng lại, qui nhứt mà thôi. Nắm cả Tín-ngưỡng của loài người lại, chính CHÍ TÔN là CHÚA TỂ Càn Khôn Thế Giái, làm CHÚA nền chính trị tại nước NAM, vi chủ tinh thần loài người tức đủ quyền năng lập QUỐC ĐẠO. Kỳ khai ĐẠI ĐẠO TAM KỲ tạo một linh-đài qui Tín-ngưỡng của toàn nhơn-loại, đủ quyền năng tiêu-diệt Tà pháp đặng đem nhơn-loại đến ĐẠI-ĐỒNG.

Nay Đức Chí-Tôn khai Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là đúng theo lời sấm truyền của các vì GIÁO CHỦ ngày xưa.

Chỉ có hai phương diện là :
1 - Là do TAM GIÁO thất kỳ truyền
2 - Là chính mình ĐỨC CHÍ TÔN giáng cơ lập ĐẠO đặng qui nguyên phục nhứt, gọi là chấn hưng TAM GIÁO lại cho hoàn toàn, lập luật pháp khuôn viên cho phù hợp theo dân trí buổi này mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh, hiệp cả TINH THẦN của các dân tộc biết nhìn nhau một CHA chung là thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ quyền THƯƠNG-YÊU, chung thờ một Tôn-giáo ĐẠI ĐỒNG thì nhơn loại mới gội nhuần ân huệ và đời tranh đấu tự diệt sẽ trở nên đời MỸ TỤC THUẦN PHONG thì vạn loại mới chung hưởng cơ HÒA-BÌNH, phục hồi THƯỢNG CỔ là do THIÊN THƠ tiền định buổi hạ nguơn chuyển thế hoán cựu duy tân.

Tóm lại, ĐỨC CHÍ TÔN khai ĐẠO KỲ thứ ba này là thuận theo lẽ tuần-hoàn “châu nhi phục thủy”

“ĐẠO CAO ĐÀI là nền CHÁNH GIÁO tức là nền ĐẠO CAO ĐÀI này để thay thế tất cả Tôn giáo đã có từ trước. Vì lẽ các Tôn giáo ấy ngày nay không phù hợp với lương tri, lương năng của loài người nữa. Hay nói một cách khác là các nền Tôn giáo ấy ngày nay đã bị bế.

 “Những điều bí yếu bí trọng trong nền ĐẠO CAO ĐÀI, những triết lý cao siêu mà chỉ ĐẠO CAO ĐÀI mới có, tuy nhiên âu cũng là một đặc ân của ĐỨC CHÍ TÔN dành cho ĐẠO CAO ĐÀI là HỘ PHÁP thay lời ĐỨC CHÍ TÔN nói ĐẠO cho toàn thể con cái của Ngài nghe, quí hay chăng là chỗ đó”  (ĐHP).

9 - Từ trước nước Nam chẳng Đạo nhà:
Đức Chí-Tôn đã xác nhận điều ấy rằng “Từ trước nước Nam chẳng Đạo nhà”
Đức Quyền Gíáo-Tông cũng có nói rõ lý-do là Việt-Nam từ trước đến giờ không có Đạo.  
 “Quả thật vậy! Người nước Nam từ cổ chí kim thật không có ĐẠO trong nưóc nhà, mà người Nam ta có tâm đạo, người Nam trổi danh khắp địa-cầu về bề tín-ngưỡng: đạo PHẬT, đạo TIÊN, đạo NHO tuy khai bên ẤN-ĐỘ và TRUNG HOA, sau người Nam  biết đặng cũng hết lòng sùng bái.

Đạo GIA-TÔ của mấy vị Linh-mục bên Thái-Tây đem truyền bá bên nước ta thì người Nam cũng kính trọng. Phần nhiều trong người Nam thì hay đi chùa, đi miễu, đi nhà thờ cầu-khẩn, vọng tưởng hết lòng, ngưỡng-mộ trời Phật. Người không đi chùa, đi miễu, không đi nhà thờ thì trong nhà cũng thờ cha mẹ quá vãng ấy là đạo NHO.

Mấy bằng cớ trên đây chỉ rõ-ràng người Nam-Việt tin-tưởng Trời, Phật, Thánh, Thần; tin-tưởng chắc rằng người chết thì cái xác phàm này chết, tiêu diệt, chớ linh hồn bất tiêu bất-diệt. Vì Đạo-Tâm ấy mà trong thời-kỳ chuyển Đạo này ĐẤNG CHÍ-TÔN thương lòng thành-thật của nhơn sanh nơi đây mà khai TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ (ân-xá lần thứ ba).

10 - Đức Chí-Tôn đến chuyển Quốc-Đạo:
 (Lời Đức Hộ-Pháp nói ngày 14-10-Quí-Tỵ)

 “Thật ra, nếu không phải cái huyền linh vô đối của Đức Chí-Tôn đến đặng chuyển Quốc Đạo thì trong một thời gian ngắn ngủi nền Đạo chưa rõ đến địa vị cao trọng và qúi hóa như thế này.

ĐẠO CAO-ĐÀI tức đạo Tổ-phụ của chúng ta chỉ mới có hai mươi mấy năm thôi; nếu chúng ta kể từ ngày chuyển thế của nó. Nhưng Thánh-thể Đức Chí-Tôn và toàn thể con cái Nam Nữ của Ngài nên nhớ rằng: Đạo Tổ-phụ mấy người đã 2.500 tuổi. Phải nhớ điều đó.

Đức Chí-Tôn muốn rửa-ráy nó.

Để nói rõ Thánh ý của Đức Chí-Tôn đến mức nào và Ngài muốn gì ? Giờ phút này cả toàn con cái của Ngài chắc có lẽ thắc-mắc. Vì vậy: Nội tình của Đạo gặp nhiều nỗi khó khăn, nếu chúng ta không nói rằng nó đã chịu một khó khăn về mọi phương diện.

Nhưng đối với Bần-Đạo, Bần-Đạo thấy mỗi phen Đạo chịu khổ nhục, chịu khó khăn hay bị chê rẻ khinh khi thì Bần-Đạo lại vui mừng mới chướng cho chớ ! Bởi mỗi phen như thế là mỗi phen Đức Chí-Tôn muốn rửa-ráy nó, tô điểm nó đến một địa vị cao trọng thêm nữa chớ chẳng chi khác. Cả con cái Đức Chí-Tôn đều tin nơi Bần-Đạo để con mắt quan sát coi có quả như vậy hay không?

            Cái khó đảm-đương đương-nhiên bây giờ làm cho thêm nhục cơ-thể Đạo là sửa soạn tô điểm đặng một Đài vinh diệu vô đối. Trong thời gian ngắn ngủi tới đây, nếu cả con cái Đức Chí-Tôn có Đức-tin thì hiểu rõ điều ấy.

11 - Cao-Đài là gì? Lý do nào khai Đạo?

Đức Hộ-Pháp nói về Tân giáo Cao-Đài:
 “Đạo Cao-Đài tức là ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ ĐỘ khai sáng vào thời-kỳ này là do Thiên-cơ tiền định và cũng hợp với lời tiên-tri của các Đấng Giáo-Chủ đã khai mở các Đạo-giáo trên thế-giới.
 “Theo Phật-giáo, Lão-giáo và Khổng-giáo thì đều dạy rằng: thời-kỳ này là thời-kỳ hạ nguơn khiến đời tận diệt để chuyển xây trở lại Thượng nguơn Thánh-đức với một kỷ-nguyên mới. Đặc biệt Đức Thích-Ca Mâu-Ni khi lập giáo có cho biết đến năm 2.500 kỷ-nguyên Phật giáo, là thời-kỳ để cho Đức Di-Lạc ra đời mở Hội-Long Hoa lập một kỷ nguyên mới đó vậy”.

Cao-Đài là gì? - Nho-Giáo nói rằng trên đỉnh đầu là Đấng Cao-Đài. Đã nói là Cao thì không còn chi cao hơn nữa để tôn tặng Đức Thượng-Đế là Đấng tối cao, tối đại. Ngày nay chính Đấng Thượng-Đế mở Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ xưng danh là “Ngọc-Hoàng Thượng-Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Đạo Nam phương".

CAO-ĐÀI là cái Đài cao, xưa muốn cầu Thần Tiên thì cất một cái Đài cao bằng tranh lá rồi lên đó để cầu-đảo gọi là thảo-đài. Nay chính Đấng Thượng-Đế đến với nhân loại mở Đại-Đạo nơi đất nước Việt-Nam chính là mở cơ Đại-Ân-Xá lần ba để độ dẫn 92 ức nguyên-nhân còn đắm mê hồng-trần.

Danh xưng “CAO-ĐÀI TIÊN-ÔNG ĐẠI-BỒ TÁT MA-HA-TÁT” là gồm cả Tam-giáo gọi là Tam Giáo Qui Nguyên:
- Cao-Đài  là tượng-trưng cho Nho-Giáo.
- Tiên-Ông  là chỉ Tiên-Giáo.
- Đại Bồ Tát Ma Ha Tát  chỉ Phật Giáo.

Chính Đấng Thượng-Đế đã nói về việc xưng danh ấy, tức nhiên quyền Chưởng quản Càn Khôn vũ trụ là một mà ba, mà ba cũng như một là vậy.

Thầy dạy:
 “Các con coi bậc Chí-Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ-rỗi nhơn-sanh là thế nào, phải xưng là môt vị Tiên-Ông và Bồ-Tát là hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối-cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm-nhượng là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ Môn-đệ cho Thầy là nhỏ. Cười..!.

 “Hạnh khiêm-nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi Thiên-hạ đặng. Các  con  phải khiêm-nhường sao cho bằng Thầy. Thầy lại nói  buổi lập Thánh-Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội-lỗi, đâu đến nhọc công Thầy. 
 “Ấy vậy, các con ráng độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết.

12 - Tại sao gọi là CAO-ĐÀI ?
Có nhiều Hội-giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo đặng dạy lần cho Vạn-quốc rõ thấu chánh-truyền.
 “Ngày nay Thầy mới đến lập một cái CAO-ĐÀI 高臺 nghĩa là Đền thờ cao trọng hay là Đức-tin lớn tại thế này (La haute Église ou plus grande foi du Monde) làm nên nền Đạo; lại mượn một sắc dân hèn-hạ nhỏ-nhít của hướng Á-Đông là An-nam ta, đặng cho trọn lời tiên tri “Đạo xuất ư Đông” 道出於東 và cho trúng Thánh-ý chìu lụy hạ mình của Thầy lập thành Hội-Thánh, làm hình thể Thiêng-liêng của Thầy hầu cầm cho đặng dùi trống Lôi Âm giục giọng truy hồn, nắm cho chặt chày chuông Bạch Ngọc đặng trổi hơi định-tánh làm cho cả con cái của Thầy thức tỉnh, nhìn Thầy mà trở về quê cũ” (Pháp-Chánh-Truyền)

Hiện-tượng Đức Chí-Tôn đến mở Đạo Cao-Đài Là do thuở trước cổ-nhân muốn cầu chư Tiên, Phật phải cất một cái Đài cao bằng tranh lá gọi là thảo-đài.

Ngày nay, Chí-Tôn lập Cao-Đài để làm Tòa ngự của Thần, Thánh, Tiên, Phật đến hồng-trần này làm bạn cùng người, hiệp cả loài người làm một.

Đức Hộ-Pháp cũng xác nhận rằng:
"Nếu giờ phút này thiên-hạ đừng cho ta dị-đoan, chúng ta có thể nói Đức Chí-Tôn biết tình trạng nhơn-loại đã đến mức tự diệt nhau nên Ngài đến tạo nền Chơn-giáo của Ngài, tức nhiên ĐẠO CAO-ĐÀI, cho nhơn-loại gìn giữ phần hồn đặng định chuẩn-thằng cái sống của họ, đừng cho nó đến cảnh điên của nó, mà họ đến cảnh điên tức đến cảnh tự diệt. Đức Chí-Tôn đến đặng cho huờn thuốc phục sinh đặng cho nhơn-loại sống lại là Đạo-đức tinh thần của Đức Chí-Tôn tạo cho họ, ĐẠO CAO-ĐÀI chính là cái sống linh-hồn nhơn-loại, bảo vệ tánh mạng tức nhiên Chơn-thần của họ, đặng họ tránh cái nạn tiêu-diệt”.                                                                 
Ấy, lời tiên-tri trong sách “Ấu-học Tầm nguyên” về sự xuất hiện của Đạo Cao-Đài.          
Đúng như lời tiên-tri trong quyển “Giác mê-ca” mà tác-giả là một Đạo-gia có ghi lại đoạn văn như sau: 
Hữu duyên mới gặp Tam-kỳ Phổ-độ
Muôn đời còn tử-phủ nêu danh,
Ba ngàn công-quả đặng viên thành,
Mới đặng Thiên-thơ chiếu-triệu.

Đoạn văn thơ này có mục-đích báo cho nhân-loại biết trước rằng chỉ có người hữu-duyên mới gặp được Tam-Kỳ Phổ-Độ, hầu do theo chơn-lý Chánh-truyền ấy mà làm phương thoát tục mới mong trở về ngôi xưa vị cũ mà cởi bỏ cái kiếp trần-ai nặng nợ này. Điểm tới đích đó là Niết-Bàn, Đạo Cao-Đài nói là cảnh Thiêng-liêng Hằng sống. Niềm tin hứa-hẹn của Tam-Kỳ Phổ-Độ đã đến, đã ứng hiệp:
 “Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ chiếu theo luật Thiên đình, Hội Tam-giáo mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn-sanh bước lên con đường Cực-Lạc tránh khỏi đoạ luân-hồi và dụng Thánh-tâm mà dẫn dân-sanh, làm cho hoàn-toàn trách-nhiệm nặng-nề của Đấng làm người, về bực nhơn-phẩm ở cõi trần-ai khốn-đốn này”.

Phải lập cho được 3.000 công quả:
Lời tiên-tri cũng cho biết rằng, cơ đắc Đạo là phải có đủ “Ba ngàn công-quả”. Vậy 3.000 công-quả ấy là gì?

Sách Nam-Hoa-Kinh của Trang-Tử có ghi rõ:
- Chí-nhân vô kỷ (0) người có lòng nhân thì quên mình mà lo cho người.
- Thần-nhân vô công (0) đứng vào bậc Thần thì làm mà không tính công.
- Thánh-nhân vô danh (0) vào bậc Thánh thì làm mà không kể đến danh.

Một người tu-hành thật-sự có thể-hiện được các yếu lý ấy là đạt được 3.000 công-quả, nghĩa là đạt cho được ba điều (0) không ấy, là người tu chơn-chánh thì quên mình làm nên cho người, chẳng ham công, chẳng mến danh. Thật vậy ba đầu mối quan-hệ nhất của người tu là:

1 - Không còn nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến người, đến chúng-sanh, đến mối Đạo phải được sớm hoằng-khai, sớm được Phổ-độ.
2 - Người làm Đạo chỉ biết hết mình lo cho lý-tưởng Đạo-pháp làm cho hết việc chớ chẳng phải đợi cho hết giờ.
3 - Không tham công, chẳng mến danh mới đạt được cái chơn-lý phụng-sự.

Nếu nói như vậy thì tại sao các Chức-sắc ngày hôm nay theo luật công-cử phải có đủ thời-gian công-quả?

- Đó chỉ là cái lằn mức để được thăng phẩm-vị hầu tiếp-tục con đường Phụng-sự, còn đã là công-quả thật-sự thì phải đo bằng “cái lương-tâm” mà thôi. Dù cho nói rằng năm năm, ba năm, nhưng chính thực mỗi người phải “tự biết xét mình” là điều trọng-hệ nhứt.

Đạo là lý, muốn cho thấu-lý Đạo phải luận, từ đó mới có lý-luận, thuyết-luận, giảng-luận.

13 - Tam giáo thất chơn truyền:
Có thấy được sự suy-đồi của Tam-giáo qua thời gian làm cho thất chơn-truyền, Cao-Đài Đại-Đạo mới ra đời để cứu nguy cho nhân-loại, mà khởi điểm là Việt Nam. Như vậy thì liệu sự thất chơn-truyền ấy do đâu? Bởi đâu? Vì đâu ?

Đức Hộ-Pháp nói: “Những cơ-quan và những hành vi hiện-tượng của các Tôn-giáo đương-nhiên ngày nay như dường biến thành cổ-vật, nên đã mất cái hay để giúp đời tự-trị, tự giác, tâm hồn thiếu nơi an-ủi, tư-tưởng mất pháp chuẩn thằng, trí thức không phù hành-động, biểu sao đời không trở nên một trường náo-nhiệt, rắc-rối, khó khăn, rồi giục cho cả nhơn sanh dong ruổi trên con đường duy-vật mà quên hẳn cái quyền vi-chủ của trí-thức tinh thần. Ôi, thử nghĩ cái ngày nào trí-thức tinh-thần đã tiều tụy, thì cái lương-tri, lương-năng cũng do đấy mà tiêu-tàn, thì con người đứng giữa cõi trần-hoàn này phải trở nên bao nã ?

.. “Tưởng lại, tương-lai của Đạo Cao-Đài do nơi cái sở hành và cái tư-tưởng cao-thượng của nó, ngày nay nó có thể hứa với nhơn-sanh rằng: một ngày nào chúng ta sẽ hưởng điều hạnh-phúc ấy”.

Quả thật, “Đức Chí-Tôn hoằng-khai Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ tức là thành lập một trường công-quả tại thế gian này để cho tất cả nhơn-sanh thi đua lên nấc thang tiến-hóa tột phẩm thiêng-liêng, cao thấp tùy nơi sở-hành của mỗi người muốn cùng chẳng muốn”.           

Tam-giáo thất-kỳ-truyền như thế nào?
Đạo Cao-Đài hôm nay phải xuất hiện, theo như lời Đức Hộ-Pháp nói, chính là do:
 “Tôn-giáo thất-kỳ-truyền: Nho, Thích, Đạo, hiện nay đã trở nên phàm-giáo, chư Đệ-tử trong ba nhà Đạo không giữ giới-luật qui điều, canh-cải chơn-truyền, bày ra các điều giả cuộc làm cho Tam-giáo biến thành dị hợm.
- Đệ-tử nhà Đạo, chẳng tùng pháp-giáo của Đức Thái-Thượng Lão-Quân. Tuy ở trong nhà Đạo mà tức thị mê-tín dị-đoan.
- Đệ-tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích-Ca,thì đệ-tử nhà Thích dị-đoan mê tín.
- Đệ-tử nhà Nho chẳng thực-hành điều mục của Đức Văn-Tuyên Khổng-Thánh, thì đệ-tử nhà Nho dị-đoan bất chánh.

Tóm lại, hai chữ “Dị-đoan” nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui-giới thể-lệ chơn truyền của Tam giáo.

Hồi tưởng lại việc đã qua trong các thời xưa, nhứt là thời cận đại và lấy kinh-nghiệm xét đoán, nhận thấy nơi nào hễ sôi-nổi phong-trào náo-loạn lôi cuốn con người vào lối diệt-vong thì cập theo đó sản-xuất một mối Đạo mới để cứu vớt sanh-linh khỏi nơi đồ-thán.

Như trước kỷ-nguyên Thiên-Chúa Giáng sanh, nhơn-loại cơ hồ bỏ qua lời truyền của Đức Phật Thích-Ca, vạch rõ con đường Bát-chánh để làm phương giải khổ; quên hẳn lời dạy của Đức Khổng-Tử giữ Đạo nhân-luân, tạo nhân kết nghĩa để làm cửa điều-hòa xã-hội và vì khinh thường huấn-ngôn của các Đấng ấy, nên cơ đời thuở nọ lâm cơn hỗn-độn thì Cơ-Đốc-giáo ra đời Cứu Thế. Chưa mãn hai ngàn (2.000) năm hoằng khai Công-giáo thì nhân loại lần lần không quan tâm đến lời của Đấng Christ tiên tri số-phận điêu linh của loài người trong khoảng đời mạt kiếp này. Lời tiên-tri ứng-nghiệm về Đạo Cao-Đài xuất hiện” .

PHÁP TU THEO CAO-ĐÀI

Xem ra Dịch như một vải áo, còn Đạo như một cái áo cắt ra từ tấm vải ấy. Do vậy mà Lý Dịch luôn luôn hiển-hiện trong tinh thần Đại-Đạo như bóng với hình. Vì vậy, người Tu theo Đạo Cao-Đài là tu nhập thế; tức nhiên:
- Hằng ngày hành theo tinh-thần Nhân nghĩa; Phụng sự cho chúng-sanh theo Nho-Đạo.
- Phương-pháp tu là luyện Tinh- Khí- Thần, là phép tu Tiên-đạo. “Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh”.
- Nhưng đắc vào hàng Phật-đạo (Bởi nếu đi theo Cửu-Trùng-Đài, đến tuyệt-phẩm là Giáo-Tông vào hàng Phật-vị; còn đi theo Hiệp-Thiên-Đài đến tuyệt phẩm là Hộ-Pháp cũng vào hàng Phật-vị).Đó là tinh-thần Qui Tam giáo của Cao Đài Đại Đạo  ngày nay là vậy.

F - Ba Thời kỳ khai Đạo:

Nay Đạo Trời khai sáng tại Việt-Nam đây cũng do nguyên-lý là “Đạo xuất ư Đông”. Từ cổ chí kim, tạo thiên lập địa, Đạo đều phát khởi từ phương Đông (là các nước ở miền Á-Đông (Asie) như các nền chơn-giáo trước kia: Nho , Đạo , Thích cũng đều phát khởi nơi miền Á Đông rồi lần lần truyền-bá qua phương Tây như:
- Đạo Phật thì khai tại Thiên-trước là Đức Nhiên Đăng Cổ-Phật và Đức Thích-Ca Mâu-Ni khai Phật-giáo.
- Đại-Đạo là Đạo Tiên, Lão-Tử khai tại Trung-Hoa.
- Sau nữa Khổng-Tử khai Đạo Thánh cũng tại Trung-hoa là ở miền Á-Đông. Sau lần lần Đạo trải khắp qua hướng Tây, nên Đức Chúa Jésus truyền Đạo Thánh tại hướng Tây. Kế đó Đạo mới roi truyền ra khắp năm châu đến để làm Giám-khảo cho kỳ Long-Hoa Đại Hội.

Tuy nhiên nay đã qua ba thời-kỳ khai Đạo:
- Hồi Nhứt-kỳ Phổ-Độ cầm quyền vi chủ là Đức Nhiên-Đăng Cổ-Phật.    
- Đến Nhị-kỳ Phổ-Độ là Đức Thích-Ca Như-Lai.
- Qua Tam-kỳ Phổ-Độ là Đức Di-Lạc Vương-Phật đến để làm Giám-khảo cho kỳ Long-Hoa Đại hội.

Qua hai thời kỳ Phổ Độ rồi, mỗi lần Phổ Độ như vậy đều có đủ Phật, Tiên, Thánh giáng trần tùy theo phong hóa của tư phương mà gầy Chánh giáo, như:

Nhứt Kỳ Phổ-Độ:
- Phật đạo có Đức Nhiên đăng cổ Phật Chưởng-giáo
- Tiên đạo có Đức Thái-Thượng Đạo Tổ Chưởng giáo
- Thánh Đạo:  Đức văn Tuyên Đế quân Chưởng giáo.            

Nhị Kỳ Phổ-Độ:
- Phật Đạo: Thích-ca Mâu-Ni làm Chưởng giáo
- Tiên Đạo: Thái Thượng Lão-Quân làm Chưởng giáo
- Thánh Đạo: Đức khổng-Tử làm Chưởng giáo

Thánh ở phương Đông gọi là Ông Thánh Ta
Thánh ở phương Tây là Đức Chúa Jésus gọi là Thánh Tây
Tam-kỳ Phổ-Độ Tam Trấn Oai-nghiêm:
- Phật Đạo thì Quan-Âm Bồ-Tát thay quyền Phật giáo là Nhị Trấn Oai nghiêm.
- Tiên Đạo thì Thái-Bạch Kim-Tinh làm Nhứt Trấn Oai nghiêm thay quyền Tiên giáo..
- Thánh-Đạo thì Quan-Thánh Đế-Quân làm Tam Trấn Oai nghiêm thay quyền Thánh giáo.

Bảng tóm tắt về Tam giáo như sau::
Nay qua Tam-Kỳ Phổ-Độ thì chính Đấng Thượng Đế đến mở Đạo và Ngài làm Giáo-Chủ vô vi, chứ không giao Chánh giáo cho tay phàm nữa, bởi hậu quả là càng ngày càng canh cải làm cho ra phàm giáo, nhưng phải lập Chánh thể cho có phương thế mà dìu dắt nhơn sanh trên con đường hành thiện. Do vậy mà ngày nay lập Tam Trấn Oai nghiêm để thay quyền Tam giáo:

* Ngày 14 tháng 10 Bính-Dần, nhằm ngày 18-11-1926, Ðức Chí-Tôn dạy thiết Ðại Lễ Khai Ðạo chánh thức tại Từ-Lâm-Tự tỉnh Tây-Ninh, đồng thời Ðức Chí-Tôn lập Pháp-Chánh-Truyền phong vị cho Chức-Sắc Hiệp-Thiên Ðài, Cửu-Trùng-Ðài và Ðức Chí-Tôn dạy nhóm Hội Thánh lập Luật. Vậy sau ba tháng Ðại-Hội, Ðạo đã có Pháp, có Luật thì nghiễm nhiên Ðạo thành một nền Tôn Giáo danh gọi là Ðại-Ðạo Tam Kỳ Phổ-Ðộ.

Như vậy, Đức Thượng Đế quyết định: “Thầy lấy đức háo sanh mở Đạo lần ba mà vớt kẻ hữu phần tránh khỏi nơi buộc ràng khổ phạt. Ai hữu phước đặng để chân vào, kẻ vô phần phải bị Tà yêu cám dỗ”.

Thầy xác định rằng:
 “Thầy lấy đức háo sanh mở Đạo, cứu rỗi sanh linh cho kịp trước kỳ Hạ nguơn này, nhưng Đạo chẳng hoàn toàn, con đường đi chưa cùng bước là vì tại lòng nhiều đứa chưa để hết Tín ngưỡng mà nghe lời Thánh giáo, cho nên nền Đạo phải ra tan tành manh mún”.

1- Đại-Ân-xá là gì?

 Việt Nam này hân-hạnh được  đón nhận trước tiên nền Chánh giáo, để rồi thông truyền cho cả thế giới một nền Tân Tôn-giáo với chủ-nghĩa Đại-Đồng để hưởng Cơ Đại-Ân xá lần ba của Đức Thượng-Đế.

Đại-Ân-xá là gì?  Tức là một cuộc ân-xá lớn (tiếng Pháp gọi là Troisième Amnistie de Dieu en Orient).
“Mỗi nguơn hội Đức Chí-Tôn với lòng Từ-bi tha thiết thương con cái của Người không nỡ để chìm đắm nơi sông mê bể khổ, nên mỗi nguơn hội Đức Chí-Tôn có mở một kỳ Phổ-Độ để cứu vớt nhơn-sanh và rước các Nguyên nhân tức là nguyên-linh đã xuống trần nay đem trở về ngôi vị cũ. Như thế thì mỗi Kỳ Phổ-Độ đều có mở một cuộc Ân xá, mở cửa dễ dàng cho các Đẳng chơn hồn có đủ phương lập vị.  Nền Đạo này là Cơ Đại-Ân-Xá tận độ chúng sanh nên Cao-Đài xưng là Đại-Đạo. Vì chủ-nghĩa tối cao của Đại-Đạo chẳng những là QUI TAM-GIÁO HIỆP NGŨ CHI mà thôi, mà phải làm thế nào dầu bậc Đế vương ngoài thế cũng phải bái phục, phải tùng Đạo, phải dò theo các cơ thể của Đạo, phải nhờ Đạo mới mong trị an thiên hạ đặng.  Vậy mới gọi là HIỆP NHỨT.!

Vậy mới gọi là ĐẠI-ĐẠO!
Đại-Đạo ngày nay cũng là Phật-Đạo vì gồm hết Tam giáo Nho, Thích, Đạo và Thích-Ca cũng là Thầy, Thầy là Thích-Ca”.

2 - Tam nguơn của Trời đất:

- Thượng-nguơn: là nguơn tạo-hóa ấy là nguơn Thánh-đức, tức là nguơn vô tội (cycle de création c’est-à-dire cycle de l’innocence)
- Trung-nguơn là nguơn Tấn-hóa, ấy là nguơn tranh đấu, tức là nguơn tự diệt (Cycle de  progrès ou cycle de lutte et de destruction).

- Hạ-nguơn là nguơn bảo-tồn, ấy là nguơn tái tạo, tức là nguơn qui cổ (cycle de conservation ou cycle de reproduction et de rénovation)

Đạo có ba nguơn chính, mà nguơn Tạo-hóa là Người đã gầy dựng Càn Khôn vũ trụ. Vậy khi mới tạo thiên lập địa nhơn-loại sanh ra tánh chất con người rất đỗi hỗn độn, còn đương thuần phát thiên lương, nên chi cứ thuận tùng thiên-lý mà hòa-hiệp dưới trên, tương thân tương ái, thời kỳ ấy người người đều hấp thụ khí Thiên nhiên, nên hằng cộng hưởng thanh-nhàn khoái lạc mà vui say mùi đạo-đức tháng ngày, bởi cớ đời Thượng-cổ mới có danh là Thượng đức. Thượng nguơn ấy cũng kêu là đời Thượng đức nữa.

Kế đó bước qua Trung-nguơn thì nhơn tâm bất nhứt, tập quán theo thế đời, thâm nhiễm nhiều nết xấu làm cho xa mất điểm Thiên lương, nên chi nay Đại-Đạo ra đời.

3 - Tam tài: Thiên  Địa  Nhân.

 “Nho-Tông của chúng ta có để 3 câu trọng yếu, muốn lập quốc, muốn tạo hạnh-phúc cho dân, quốc dân phải có đủ 3 điều kiện: “Thiên-thời, địa-lợi, nhơn-hòa”.

Ấy vậy chúng ta kiếm thử coi trong ba điều-kiện để tạo cho dân coi có phương thế gì giải khổ cho thuận lợi hay chăng?

- Thiên-thời tức nhiên theo mạng Trời, Trời đã định cho mình thì mình phải tùng mạng Trời, tùng mạng Trời tức-nhiên tùng Đạo. Thiên-thời tức nhiên là Đạo, không thể gì chối được.

- Địa-lợi là gì ? Là cả thảy địa-dư toàn trong nước dân đều hiền, đất sung túc được hay chăng ? Bực thượng lưu, trí-thức cần nên tưởng lại câu ấy, mà câu ấy là của ai? Quốc-Vương, Thủy-Thổ, Địa-Lợi, dầu không đặng hưởng địa-lợi nó cũng biến địa-lợi, mà phải có đạo-đức, có nhơn tài tạo mới được.

- Nhơn-hòa đặng chi ? Nếu cả thảy không có hòa thì loạn-lạc, hễ loạn-lạc thì có giặc-giã chiến-tranh”.

Chúng ta là con dân Việt-Nam có niềm tự hào về đất nước của mình, về dân-tộc của mình và nhất là về tinh thần Tín-ngưỡng của mình.”

4 - Đạo xuất ư Đông

Ðạo là tối trọng tối quí trong đời, Ðạo vẫn có trước rồi mới có Đời. Ðạo Đời đi cặp nhau. Ðạo như cái lưới bao trùm Càn khôn Thế giới, không có việc chi từ lớn chí nhỏ mà ra khỏi Ðạo. Nay vì cuộc tuần hoàn và vì căn bổn háo sanh nên Ðấng Chí Tôn chuyển Ðạo lại.

Dẫn hồi tạo Thiên lập Ðịa thì nội vùng Á Ðông đây văn minh trước, nên từ Bàn Cổ sơ khai, Ðạo cũng khai bên vùng Á Ðông trước, như:
- Ðạo Phật thì mở khai tại Thiên Trước là Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật,
- Thích Ca khai Ðạo Phật.
- Ðại Ðạo là Ðạo Tiên thì Lão Tử khai tại Trung Huê
- Sau nữa Khổng Phu Tử khai Ðạo Thánh cũng ở Trung Huê là ở miền Á Ðông.
- Sau lần lần Ðạo trải khắp qua hướng Tây nên Ðức Chúa Giê-Su truyền Ðạo Thánh bên hướng Tây. Kế đó Ðạo mới rọi truyền ra khắp năm châu.

Ngày nay là châu nhi phục thỉ, nên Ðại Ðạo phát ra tại Á Ðông nầy. Bởi cớ ấy nên trong bài Khai Kinh của Ðức Lữ Tổ cho hai câu đầu như vầy:
"Biển trần khổ vơi vơi trời nước,
Ánh thái dương rọi trước phương Đông... "

Mặt trời mọc hướng Ðông rồi lần lần lặn thì qua hướng Tây, Ðạo truyền ra cũng như thế.
Người Nam Việt tin tưởng Trời Phật, Thánh Thần, tin tưởng chắc rằng chết thì cái xác phàm nầy chết tiêu diệt, chớ linh hồn bất tiêu bất diệt, vì đạo tâm ấy mà trong thời kỳ chuyển đạo nầy Ðấng Chí Tôn thương lòng thành thật của nhơn sanh nơi đây mà khai Tam Kỳ Phổ Ðộ (ân xá lần thứ ba).

Tuy khai Ðạo tại nước Nam mà cũng khởi ư Ðông. Bàn Cổ sơ khai Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. Từ năm Bính Dần, Ðạo phát khai tại Tây Ninh lần lần truyền ra Gia Ðịnh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn là mấy hạt ở về hướng Ðông. Qua năm thứ nhì thứ ba, Ðạo mới truyền ra mấy hạt hướng Tây.

Trong thời đại Hạ nguơn đây, nhân loại ở thế gian phần đông vì ham cái văn minh vật chất, ham ăn mặc sung sướng, giành giựt cấu xé mồi phú quí, bả vinh hoa, vẻ cân đai, mùi chung đỉnh, mạnh còn, yếu mất đua chen lẫn lộn.
Than ôi! Nhân loại như thế sao khỏi động lòng Trời!

G - THỂ-PHÁP ĐẠI-ĐẠO
Vài nét Cơ bản:
Mọi vật trong trời đất luôn hiển hiện ba ngôi nhưng cùng một bản thể, gọi đó là Tam ngôi nhứt thể, là cùng chung một bản thể duy nhứt, cũng còn gọi là Tam bửu  tức là ba món quí báu nhứt, không thể xa lìa nhau được.
Trong gia-đình là hình ảnh của “Cha- Mẹ-Con” đều có cùng chung một bản thể.

I - HUYỀN DIỆU CƠ BÚT

1 - Tại sao mở Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn không giáng bằng xác thân, mà lại giáng bằng Huyền-diệu Cơ bút?

1/ - Mục-đích của Đạo Cao-Đài là tận-độ chúng sanh, độ 92 ức nguyên-nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đọa hồng trần.
2/ - Ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo không giáng bằng xác thân mà chỉ giáng bằng Huyền-diệu Cơ bút, là vì thời kỳ chuyển Đạo vô-vi hiệp Tam-thanh chấn-hưng Tam giáo Phục nhứt Ngũ chi nên Đức Chí-Tôn giáng bằng Huyền-diệu Cơ bút mới qui đặng cả Đại-Đồng Tam giáo.

 3/ - Đức Chí-Tôn làm Giáo-chủ Đại-Đạo là Đấng vô hình, dùng HUYỀN DIỆU CƠ BÚT dạy Đạo thì dân tộc nào cũng có thể học trực tiếp với ông Thầy Trời được, nếu họ biết dùng phép “Thông-Thần-lực”. Thế là sự bất đồng ngôn ngữ chẳng còn là một sự thắc mắc nữa.”

Bởi:
Nhứt kỳ và Nhị-kỳ Phổ-Độ: Phật, Tiên, Thánh, giáng linh Tam-giáo; nhân buổi nhơn-loại chẳng hiệp đồng nên ba vị Giáo-chủ đã thọ sanh riêng địa-phận, nên hai kỳ khai Đạo vừa qua chỉ Phổ-độ trở về cựu vị có  8 ức nguyên nhân (Phật độ 6 ức, Tiên độ 2 ức).

Còn buổi Hạ-nguơn Tam-kỳ Phổ-độ là thời-kỳ ân xá tội-tình cho toàn cả chúng sanh, lại nhơn buổi văn minh, nhơn-loại thông đồng, càn khôn dĩ tận thức cho nên  Đức Chí-Tôn dùng Huyền Cơ Diệu Bút, giáng cơ khai Đạo, chủ-nghĩa là  tận độ 92 ức nguyên-nhân qui nguyên vị.

2 - Thầy dùng ngọn Linh bút mà khai thông tất cả:
Cơ Bút đã lập thành từ Thể pháp cho đến Bí-pháp, tức nhiên Đức Ngài chỉ dùng ngọn Linh bút mà khai thông tất cả mọi vấn đề như:

1/ - Đức Chí-Tôn dùng Huyền diệu Cơ Bút giáng điển linh quang tiếp xúc với nhân loại ký Đệ Tam Thiên nhơn Hoà ước mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để dìu-dẫn nhơn sanh lập đời Minh Đức, Tân dân, huynh đệ Đại Đồng, Hoà bình thế giới, xây hạnh phúc cho nhân loại với hai điều kiện là BÁC ÁI và CÔNG BÌNH để bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển.

2/ - Thời kỳ các Đấng thiêng liêng còn ở cõi vô hình thì dùng Huyền diệu Cơ bút thay thế cho Đức Chí-Tôn giáng dạy và dìu dẫn nhơn sanh. Các Chơn linh khác giáng trần thay thế hình ảnh Đức Chí-Tôn lập thành Hội Thánh tức là Thánh Thể để phổ độ chúng sanh, gieo truyền Chánh giáo nên gọi là thời-kỳ các Đấng Thánh Thần  (Règne du Saint Esprit).

Ngày nay Đức Chí-Tôn đã đến, đem nền Tôn giáo của Ngài để tại mặt thế này đặng chỉnh đốn đạo-đức tinh thần từ thượng cổ đến giờ bằng Huyền diệu Cơ Bút. Ngài đến không có quyền nào ngăn cản, Ngài dạy con cái của Ngài, Ngài có quyền đem bí mật huyền vi tạo đoan giáo hoá con cái của Ngài.

3/ - Ngày nay Đức Chí-Tôn đã đến, Ngài không giáng thân như các lần trước, mà giáng linh bằng Huyền Diệu Cơ Bút. Vì lẽ đó Ngài phải lập Hội-Thánh để làm Thánh Thể của Ngài

3 - Huyền diệu Cơ bút lập Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ
Đức Hộ-pháp nói:
“Nếu Tôi không lầm Cơ Bút đã cho Tôi biết các Bạn Hiệp-Thiên-Đài do nơi đâu sản xuất?

* Do để giữ quyền Thiêng-liêng nên mới có 12 vị Thời quân, Thập nhị Địa chi tức là cảnh Thiêng liêng vô hình của chúng ta”.
 “Ngày nay từ Âu sang Á làn sóng văn minh tràn ngập khắp nơi, vật chất lấn át tinh thần, khiến cho nền luân lý cổ truyền cõi Á-Đông phải luân lạc bởi Hạ nguơn hầu mãn nên Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng-Đế dùng Huyền diệu Cơ bút lập Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ với Tôn chỉ Qui nguyên Tam giáo Phục Nhứt Ngũ chi:
- Lấy Nho-Tông Chuyển thế
- Lấy sự Thương-yêu làm phương-pháp thực hành Chánh Đạo.
- Đức Chí-Tôn quyết cứu vớt những kẻ hữu căn thoát vòng khổ hải, tránh đoạ luân hồi hầu vui hưởng môt hạnh phúc vĩnh cữu.

4 - Trước, Ngài mở ra Cơ Bút dạy bằng Thánh giáo:
Đức Hộ-Pháp dặn rằng:
1/ - Mấy con nên biết rằng: Nền Đạo của Chí-Tôn là chung cho sự Tín-ngưỡng toàn nhân loại trên mặt Địa-cầu này chớ chẳng riêng nước Việt-Nam hay mấy con”.
2/ - Các việc trong Cơ bút thống hiệp cả sự khó-khăn của Huyền-vi-cảnh với Hữu-hình-cảnh nữa. Vậy nên việc Cơ Bút lấy làm tối trọng, dùng đến phải quan trọng. Nếu Cơ Bút viết ra câu văn xằng-xiệu và dạy điều trái đạo lý, tốt hơn kẻ phò cơ nên dẹp đi cho khỏi điều quan hệ về sau.
3/ - Nhơn buổi văn minh, nhơn loại thông đồng Càn khôn dĩ tận thức cho nên dùng Huyền diệu Cơ Bút giáng Cơ khai Đại-Đạo, chủ nghĩa là độ 92 ức nguyên-nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đọa hồng trần nên gọi là cơ quan Cứu thế. Chúng ta thấy Đức Chí-Tôn đến: Trước hết Ngài mở ra Cơ Bút dạy bằng Thánh giáo.

Nhưng khi chưa đến thì đã có Đức Phật-Mẫu đến với chúng ta lập thành khuôn khổ một mực: dầu cho cơ quan nào “Dĩ tiểu vi đại” cũng vậy. Bà Mẹ phàm chúng ta sản xuất nuôi dưỡng chúng ta thế nào thì Phật Mẫu cũng thế ấy”  (15-8 Mậu-Tý – 1948)

5 - Có ba phẩm Đồng-tử phò loan:
* Đức Lý, Ngài nói:
 “Việc Cơ Bút Hiền-hữu tuy chưa rõ thấu Huyền diệu cho trọn mặc dầu, chớ kỳ trung cũng đã hiểu biết chút đỉnh, chẳng phải ai cầm Cơ mà đều đặng huyền diệu hết. Lão giải nghĩa: Có ba phẩm Đồng-tử phò loan:
     - Một là : Giáng tâm
     - Hai là: Mê.
    - Ba là: Giáng thủ.

Tây phương gọi là Intuitif, Semi Intuitif et Automatique. Thầy đã cho Hiền-hữu chấp Cơ một đôi khi quả có huyền diệu, nhưng mà có nhiều khi tà bổn thân Hiền hữu nó lại choán lấy Thiên ý mà dịch trật. Vì vậy mà Hiền-hữu phải nhiều phen thất chí”.

6 - Hội-Thánh làm Thánh Thể cho Ngài, tức nhiên ba Đài đều do Cơ bút lập thành:

Ngày nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo. Ông Thầy của chúng ta là ông Thầy Trời, giáng trần bằng Huyền Diệu thiêng liêng Cơ Bút. Ngài không có hình thể mà làm cho chúng ta biết, không có tiếng nói mà chúng ta nghe: Có đủ Tinh – Khí – Thần hiệp nhứt:
Bởi hình thể của Ngài là Hội-Thánh làm Thánh Thể cho Ngài, tức nhiên ba Đài:
- Hội-Thánh Cửu Trùng Đài tượng trưng xác thân.
- Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tượng trưng trí não.
- Bát-Quái Đài tượng trưng linh hồn

Trong cửa Đạo Cao Đài Đức Chí-Tôn mở Đạo chỉ dụng Cơ Bút mà lập thành từ Thể pháp cho đến Bí-pháp, tức nhiên Đức Ngài chỉ dùng ngọn Linh bút mà khai thông tất cả mọi vấn đề như thế.

7 - Tối ưu của Cơ Bút là sự Huyền diệu:
* Đạo Cao-Đài đang sử dụng Cơ Bút là sự Huyền diệu. Cái tối ưu của Cơ bút đã cho thấy rõ, điển hình là:
1/ - Việc kiến trúc Tòa-Thánh cũng do Cơ Bút.
2/ - Lập thành Luật pháp Đại-Đạo cũng là Cơ Bút
3/ - Hệ thống tổ chức, lập thành Hội-thánh ba Đài, nghi thức cúng kiến…nghĩa là tất cả đều do Cơ Bút chỉ vẽ.

Nhưng bất cứ điều gì khi cái lợi càng cao thì sự hại càng to. Cơ Bút đây cũng vậy, nó cũng rất có hại nếu khi người ta lợi dụng mà làm ra giả mạo.

Trước mắt đã cho thấy vì một số chức-sắc tiền bối không chịu nghe lời Thầy mà cầu cơ chấp bút riêng, sự cầu riêng tư như vậy điển lực của người vọng động theo cái tâm hám vọng, bất chánh nên bị dẫn dắt bởi Tà quái. Kết quả Chi-phái ra đời, tức là chống lại với Tòa-Thánh Tây Ninh, lập riêng pháp luật, bày đủ thứ như một hàng giả. Mãi đến ngày nay vẫn còn là một điều họa hại cho nhơn sanh hứng chịu. Do đâu ? Do vì không hiểu được chơn lý tuyệt vời của Đức Thượng-Đế đến ban cho. Điều này Chí-Tôn đã chỉ rõ: hằng ngày người Tín hữu tụng đọc câu “Cửu Thập Nhị tào chi mê muội”. Mê muội chính là đây, là không tầm hiểu cho thấu chơn lý chánh truyền. Cái hại ấy như thế nào?

8 - Sự Tai hại của Cơ Bút khi lạm dụng:
1/ - Trước nhứt là phân phe chia phái, bất đồng chánh kiến. Cùng là thờ Trời mà kẻ thì theo Tòa-Thánh, người thì Hậu-giang, kẻ lại Minh Chơn-lý. Thật ra các bậc tiền bối thì chúng ta không bàn, nhưng là Đạo-hữu chúng ta hãy nhận định kỹ: Đạo thì mênh-mông và không hình sắc thì không có gì gọi là “Chỉnh Đạo” Duy nên chỉnh ở con người mà thôi!

2/ - Kết quả tu có công mà thành thì bất thành. Nếu thực sự cần nhiều phe phái như vậy thì tốt hơn Đức Chí Tôn giữ nguyên Tam giáo Ngũ chi như từ trước đến giờ có phải khỏi mất công Thầy dìu dẫn hay không? Cũng là tiện bề cho Thầy  khỏi phải giáng phàm lập Đạo.

3/ - Nhưng Chí-Tôn không phải là không có cách trừ cái nạn chia phe phân phái, nhưng nếu nhân sanh biết tìm nẻo chánh mà học Đạo, tìm Đạo chánh mà tu, Tìm lý đạo siêu mầu mà học hỏi để không uổng một kiếp sanh gặp Đạo Thầy mà đường tu bị nghẽn lối! Điều ấy nghĩ thật vô phước hơn là người chưa biết Đạo!

9 - Tánh cách đa dụng của Huyền diệu Cơ Bút:
1/ - Đức Chí-Tôn chẳng giáng bằng xác thân mà lại dụng tánh đức lương sanh lập quyền Hội-Thánh thay hình thể hữu vi cho Đức Chí-Tôn, thay thế và lập Vạn linh đối phó cùng quyền Chí linh, ấy là cơ mầu nhiệm cứu vớt quần sanh giải thoát khỏi chốn sông mê bể khổ.
2/ - Kỳ  Hạ  nguơn  này  dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế  nào cũng  không  làm hại  xác thân  của Đức

Chí-Tôn như các vì Giáo chủ buổi trước vậy.
3 / - Bởi quyền Vạn linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên Luật pháp xây chuyển cơ Đạo và cơ Đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của tạo hoá. Đức Chí-Tôn khai Đạo kỳ ba này giáng bằng Huyền diệu Cơ Bút là do nơi Thiên thơ tiền định chuyển Đạo vô vi hiệp Tam giáo Ngũ chi làm một”   (ĐHP: 1-7 Mậu-Dần – 1938)

10 - “Quyền phép Càn khôn một túi thâu”:
1/- “Ngày nay Đức Chí-Tôn đã đến, đem nền Tôn giáo của Ngài để tại mặt thế này đặng chỉnh đốn đạo đức tinh thần từ thượng cổ đến giờ bằng Huyền diệu Cơ bút.
2/ - Ngài đến không có quyền nào ngăn cản, Ngài dạy con cái của Ngài, Ngài có quyền đem Cơ bí-mật huyền vi tạo đoan giáo-hóa con cái của Ngài”.
3/ - Vì cớ cho nên lập Ðạo Cao Ðài, Chí Tôn tiên tri rằng: Ðạo Cao Ðài là cờ báo hiệu cho Vạn quốc hay trước rằng thời kỳ Nho Tông chuyển thế đã đến”.

Cả thế giới đều qui tụ về đây trong tinh thần một Tôn giáo Đại-Đồng: Vì cớ các Đấng giáng cơ bên Âu-châu nói: loài người sẽ đạt được đến điạ vị tối cao, tối trọng, mà họ muốn đạt, là lòai người sẽ có:
Một nòi giống.  Một quốc gia.  Một Tôn-giáo.
 “Ngày giờ nào loài người đạt được ba điều ấy thì THẾ-GIỚI ĐẠI-ĐỒNG  kết liễu thành tướng”.

11 - Ba vị Tướng-Soái được Đức Chí-Tôn chọn lựa:
Đức Thượng-Sanh xác nhận:
 “Lúc ban sơ, Đức Chí-Tôn dùng huyền diệu Cơ bút thâu phục các Chức-sắc thượng-cấp Hiệp-Thiên Đài, dùng những vị này trong việc phò-loan để lập thành ĐẠI ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ.

“Trước thời-kỳ Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài được lịnh dùng Đại-Ngọc-cơ trong việc truyền giáo thì chỉ là một giai-đoạn chơi giải trí của ba vị nói trên là các ông: Cao Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao-Hoài Sang. Sau được đắc phong là: Thượng-Phẩm, Hộ Pháp, Thượng-Sanh.

 “Vốn là nhà thi-sĩ và chất-chứa nơi tâm nỗi căm hờn vì nước nhà bị đô-hộ, tương-lai của tổ quốc, hoặc làm thi xướng họa chơi cho tiêu-khiển.

 “Lúc sơ khởi thì cũng gặp nhiều khó-khăn, vì trong đêm đầu ba vị đốt nhang khấn vái, ngồi để tay trên bàn từ 9 giờ tối đến 2 giờ khuya mà không có kết quả gì hết, cố tâm nhẫn-nại, ba vị ngồi thêm đêm thứ nhì (nhằm ngày 26-7-1925) thì đúng 12 giờ khuya có một vong-linh nhập bàn, gõ chữ ráp thành bài thi Đường-luật 8 câu. Đó là bài thi “Tự thuật” của Cụ Cao-Quỳnh-Tuân là thân sinh của Ông Cao-Quỳnh Cư.

Ba ông rất  cảm-động và ngạc-nhiên.
Cách mấy đêm sau, vong-linh Cô Đoàn Ngọc Quế nhập bàn cho bài thi “Tự thán” (cũng là bài Thác vì tình), thiệt là lời châu ngọc, điệu thi văn nghe qua ngậm-ngùi xúc-cảm.

 (Đoàn-Ngọc-Quế là giả-danh của Cô Vương Thị Lễ, tức là Tiên-cô Thất-Nương Diêu Trì-Cung).

Thấy sự hiển-linh và huyền-diệu trong sự tiếp xúc với người cõi vô-hình, ba Ông tích-cực say-mê việc xây bàn, đêm nào cũng họp nhau ngồi cho tới ba hoặc bốn giờ sáng mới nghỉ.

Từ đó về sau thì các vị Tiên, Thánh, thường nhập bàn, khi thì cho thi-phú hoặc giải nghĩa thi văn, khi thì xác-luận về vận-mệnh nước nhà, đánh trúng chỗ yếu-điểm của tâm-hồn ba ông, khiến cho ba ông ngây-ngất trong niềm vui sướng.  

Tiếp được bài thi nào hay thì khi dứt cuộc xây bàn, ba ông nán lại: hai ông rao đờn, một ông ngâm thi, rồi cùng nhau mượn chung rượu đầy vơi trong lúc tàn canh để gợi hứng niềm hoài cảm.

Cái đêm mà ba Ông ngậm-ngùi và xúc động hơn hết là đêm 10-11-1925 Đức Tả-quân Lê-Văn-Duyệt nhập bàn cho thi…

Nhờ chơi xây bàn mà ba ông CƯ, TẮC, SANG, học hỏi đạo-lý, trau-giồi trí-thức cho tới ngày Đức AĂÂ xưng chính danh là Đức Chí-Tôn, dạy ba ông Vọng thiên-bàn ngoài sân, quì giữa trời mà cầu Đạo (nhằm ngày mùng 1 tháng 11 Ất Sửu, dương-lịch 16-12-1925). Đó là ba vị Đệ  tử mà Đức Chí-Tôn thâu nhập-môn trước nhứt trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ Toà-Thánh Tây-Ninh.

Sau đó, Đức Chí-Tôn thâu-phục chư vị Thời-quân Hiệp-Thiên-Đài, vị Đầu-sư Thượng Trung-Nhựt và các vị Đại-Thiên-phong Cửu Trùng-Đài...

Do lịnh Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng Đế, ba vị Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh, Hộ-Pháp, hiệp với chư vị: Bảo-Văn Pháp-Quân, Bảo-Pháp, Hiến-Pháp, Khai Pháp, Tiếp-Pháp, chia nhau đi khắp các tỉnh Nam-phần để phò loan thâu người cầu Đạo nhập-môn”
 (ĐHP22-12 Đinh-Mùi 1958)

12 - Ông Nguyễn Ngọc Tương đưa ra những dẫn chứng về sự hại của Cơ bút khi tâm  của người đứng đầu Minh Chơn Lý là ông Ca  còn hám vọng:
…“Anh suy-nghĩ đến thì Anh thấy liền, Cơ ấy lợi dụng cái danh, cái chức của Đạo mà dụ người. Anh thấy rõ trong hàng Chức-sắc theo Anh có một phần đông chưa trừ được cái lòng háo danh. Có khi cũng còn vì tranh nhau cái phẩm cao thấp mà gây hờn chác giận, té ra Anh đã công kích hẳn cái sự trục lợi nơi người rồi Anh trở lại không tránh khỏi  cái sự  cầu danh  nơi mình đó.  Phải chi hết thảy chư vị theo giúp Anh,  Nam Nữ cũng vậy:
- Đừng một ai cầu phong Chức-sắc,
- Đừng một ai nghe Anh cầu phong cho ham mà lãnh,
- Đừng một ai nghe nói Cơ Bút phong chức cho, lật đật vui chịu, thì Minh-Chơn Lý của Cơ bút Hậu-giang đặt ra để mà công kích Tây-Ninh đó còn có chỗ phải nghĩa.!
Lời thơ của Ông Tương gián khuyên Ông Ca)

13 - Cái lắt-léo của Cơ để cho biết  mà phân biệt chơn giả
Lời thơ ông Nguyễn Ngọc Tương khuyên Ông CA:
 “Anh sẽ thấy rõ các sự Anh đã làm trong một năm rưỡi nay, đối với đạo-đức ra sao? Thế nào? Xa đạo-đức bao nhiêu dặm, chừng ấy Anh hết lầm nghe Cơ Bút Hậu giang nữa. Biết được sự thiệt rồi, mau mau tự nhiên Anh sẽ bãi hết các cuộc Anh đương gầy, giải chức Thái Đầu-sư mới của Anh. Vì:
- Anh sẽ thấy rõ chữ Nhựt trong Đạo-hiệu Thái-Ca Thanh của Anh. Đó là một cái lắt-léo của Cơ để cho Anh biết mà phân biệt chơn giả đó.
- Trong lòng Anh thiệt hết giận rồi, tự nhiên Anh cũng sẽ thấy rõ-ràng là không có Thần hay Tiên Thánh nào xúi Anh thêm nghịch, dạy Anh chia lìa, đốc Anh truyền rao nhục mạ Tây-Ninh rồi lại gia phong cho Anh và các vị theo giúp Anh, hối đốc lập dựng Thánh Thất Cầu Vỹ mà làm Toà-Thánh để nhóm Hội-Thánh Tây Ninh, mượn nhà Anh mà làm Hiệp-Thiên-Đài,
-  Anh sẽ thấy rõ ràng là cơ cám dỗ nương cái hơi phiền-phức của Anh và chư vị kia mà phát hiện những sự ấy đặng giúp cho mấy Anh Em được thoả tình tư tưởng”.
Lời lẽ như thế nhưng hai ông Tương và Trang cũng ra đi.
 (Bức thơ số 1 của ông Thượng Tương Thanh)
 (Trích tập HUYỀN DIỆU CƠ BÚT cùng Soạn giả đã in)

CHƯƠNG IV

A-TamTrấn Oai-nghiêm

Khái niệm:
 “Khi lập ra mối Đại-Đạo này lẽ ra phải có đủ Tam Giáo: Phật- Tiên- Thánh như hai lần Phổ-Độ trước. Nhưng  để thích nghi với trình độ của dân trí, phù hợp với nhân tâm cùng sự tiến hóa vượt bực của nhân loại trong thời kỳ nguyên-tử-chuyển này. Chính vì thời buổi thay đổi, Đức Chí-Tôn mới đến lập nền Đại-Đạo chuyển Tam giáo qui nguyên Phục nhứt cho hợp với Thiên-thơ, Đức Chí-Tôn mới chọn ba vị: Phật, Tiên, Thánh cầm quyền Tam-Trấn thay mặt cho Tam giáo giáng cơ lập thành đạo đức.

Ngài lập Tam Trấn Oai-nghiêm thay cho Tam giáo lập Đạo vô-vi, không hình thể như trước, gọi là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

TAM TRẤN OAI NGHIÊM là ba vị trấn nhậm với một quyền hành Oai nghiêm. Ba vị này thay thế ba Đấng Giáo-chủ của Thích- Đạo- Nho để Phổ độ chúng sanh trong kỳ ba Đại Ân xá của Đức Chí-Tôn.

Nay bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển là nguơn phục cổ nên thuộc về Phật, do vậy mà đại diện của:
- Phật Đạo là Đức Phật Quan-Âm chưởng quản về Phật giáo, quyền Nhị trấn Oai nghiêm.
- Tiên Đạo là Đức Lý Đại Tiên Chưởng quản Tiên giáo, quyền Nhứt Trấn Oai nghiêm.
- Thánh Đạo là Đức Quan Thánh Đế Quân, chưởng quản Thánh giáo, quyền Tam Trấn Oai nghiêm, cũng gọi là Nho-Tông chuyển thế.                                                                        

Như vậy Tôn chỉ của Tam-kỳ Phổ-Độ là Tam Giáo Qui Nguyên Ngũ Chi Phục nhứt. Thế nên không còn có các vị Giáo-chủ làm đầu Tôn-giáo như trước nữa, vì vậy Đức Chí Tôn lập Tam-Trấn Oai-Nghiêm thay quyền Phật vị. Đây cũng là cơ Đại-Ân-xá của Đức Chí-Tôn, Ngài đến xưng là AĂÂ tức là Tam ngôi nhứt thể “Qui các Đạo hữu hình làm một” chính là thời kỳ này.

1 - Tại sao gọi là Tam Trấn Oai-nghiêm?
Tam trấn tức là ba Trấn. Ba Trấn cũng có nghĩa là Tam giáo. Như Nhứt kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ các Đấng ấy giáng thân lập Đạo kêu là Tam giáo. Nay, Đức Chí-Tôn lấy huyền-diệu lập Đạo mà chấn hưng Tam giáo, lại phải có ba vị thay thế cho: Phật, Tiên, Thánh nên kêu là Tam Trấn có nghĩa là trấn nhậm. Đấy cũng là Đức Chí-Tôn chọn lựa công quả Chơn thần thiêng liêng của ba vị đương lúc còn ở thế, như:
- Thái-Bạch Kim-Tinh  công bình minh chánh.
- Quan-Âm Bồ-Tát  tiết hạnh trinh liệt.
- Quan-Thánh Đế-Quân  trung can nghĩa khí.

Ngài lập Tam Trấn đặng giao trách nhiệm thế quyền cho đủ số Tam-giáo trong lúc Tam-Kỳ Phổ-Độ này.

2 - Quyền-hành Tam Trấn:
 “Tam trấn Oai-nghiêm thay quyền Phật vị tại thế này. Ấy vậy, các Đấng ấy đối phẩm cùng các Đấng trọn lành của Bát-Quái-Đài” (PCT/19)      

…Thầy lập đặng thay mặt cho Thầy nơi Cửu Trùng Đài cầm quyền chánh trị là Phật đó vậy. Cửu Trùng Đài phù hợp với Cửu trùng Thiên thì dầu cho cả Chơn linh trong Càn khôn  cũng phải vào nơi đó đoạt cho đặng các phẩm vị giả trạng ấy mới mong mỏi tạo lập Thiên vị mình, chẳng vào cửa Đạo hiệp cùng Cửu-Trùng-Đài thì chẳng đi đường nào mà vào Cửu Trùng Thiên cho đặng”
 (Diễn văn ĐHP: 14-2 Mậu-Thìn)       


4 - Niệm danh Tam Trấn:
Trong các nghi thức lễ bái, tế tự hay lòng sớ dâng về Thiêng liêng của Đạo Cao-Đài, các Môn-đệ của Đức Chí-Tôn sau khi nguyện lấy dấu: Phật- Pháp- Tăng và niệm danh Thầy, rồi kế đến niệm danh Tam Trấn:
- Nam Mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát
- Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-Tát Ma-Ha-Tát
- Nam Mô Lý Đại Tiên TRưởng kiêm Giáo-Tông

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
- Nam Mô Hiệp-Thiên Đại Đế Quan-Thánh Đế-Quân
- Nam Mô chư Phật chư Tiên, Chư Thánh, chư Thần.

Với năm câu nguyện như trên, nhưng ba câu giữa là niệm danh Tam Trấn đủ thấy quyền năng và trách nhiệm của Tam Trấn là trọng đại trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ này.
Ấy là ba ngôi hiệp cùng Nhị khí Âm Dương đó vậy.

5 - Đức Chí-Tôn lập Tam Trấn:
Thánh ngôn Hiệp tuyển. Thầy dạy:
Trong Tam-Kỳ Phổ-Ðộ và qui Tam-Giáo nầy:
- Phật thì có Quan-Âm.
- Tiên thì có Lý-Thái-Bạch.
- Thánh thì có Quan-Thánh Ðế-Quân khai Ðạo.
“Vậy con lập cho đủ ba Trấn chứng đàn; con phải lập bàn Ngũ-Lôi, như Thầy dạy lúc trước; phải có bùa Kim Quang-Tiên, còn con viết bùa Giáng-Ma-Xử để bàn vọng Hộ-Pháp; rồi Cư chấp bút nhang cho Thầy triệu Ngũ Lôi đến; rồi nó xuống đứng gần bàn Hộ-Pháp với Tắc và Sang; còn mấy đứa phò-loan đứng vòng theo đó.

Con biểu Tương, Kim, Thơ thề y như buổi trước; chư Môn-đệ thề như buổi Thiên-Phong. Con phải nhớ dặn chúng nó tịnh tâm mới đặng, vì có cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật chứng đàn.

Các con nghe Tịch Ðạo, thi:
THANH ÐẠO tam khai thất ức niên,
Thọ như Ðịa huyển thạnh hoà Thiên.
Vô-hư quy phục nhơn-sanh khí,
Tạo vạn cổ đàng chiếu Phật duyên.

THANH  là tịch các con”. Đây là Tịch Đạo cho Nam-phái. Ngay trong buổi Giáo-Tông này thì Tịch Đạo cho Nam là chữ THANH
Nhưng vào thời Giáo-Tông kế nữa đây, thì Nam phái sẽ lấy chữ ĐẠO.
Vậy thì theo lời Thầy dạy. Ví dụ Chơn-thần như:
- Tương là Thượng-Tương-Thanh,
- Kim là Thượng-Kim-Thanh,
-  Thơ là Thái-Thơ-Thanh.
Phải dùng tên ấy mà thề”.
 (Nếu như ngày sau đổi Tịch Đạo thì ví như:

Tương là Thượng Tương Đạo
Kim là Thượng-Kim-Đạo
Thơ là Thái-Thơ-Đạo

6 - Tam Trấn cũng là Tam Bửu: Tinh- Khí-Thần
Nay Đức Chí-Tôn lập Tam Trấn thì:
- Đức Phật Quan-Âm tượng cho Thần, là đức BI.
- Đức Lý Đại-Tiên tượng cho Khí, là đức TRÍ.
- Đức Quan-Thánh tượng cho Tinh, là đức DŨNG.

Ba đức BI- TRÍ -DŨNG chính là Tam bửu mà  người Môn đệ Cao-Đài học hỏi nơi Tam Trấn rồi dâng lên cho Chí Tôn. Phải có đủ Bi- TRí- Dũng như vậy mới có thể tiến đến Đại Đồng. Nhân loại ngày nay chiến tranh tàn khốc vì chỉ có hai đức: Trí và Dũng mà thiếu đức Bi cho nên tiếng khóc không bao giờ nguôi. Vì sao ?-Vì Trí có thừa nên chế ra nguyên tử, đạn dược giết người hàng loạt; cũng như đức Dũng lại quá thừa  nên dám ôm bom liều chết mà cướp đi bao nhiêu sinh mạng của những con người vô tội. Thế giới muốn Hòa bình, Hạnh phúc phải tăng cường đức BI nữa mới mong lập lại cán cân công bình cho hạnh phúc được.

7 - Tại sao thờ Tam Trấn?
- Tại thời kỳ khai Đại Đồng Tam giáo: Nho, Thích, Đạo Qui Nguyên, Đức Chí-Tôn làm chủ cầm quyền Chưởng pháp cho phù hợp trong buổi Hạ nguơn tuần hoàn chuyển thế. Ba vị Tam Trấn chấp chưởng cơ quan mầu nhiệm, trấn nhậm quyền hành, lập Luật pháp, Đạo Nghị Định cho hiệp với Thiên thơ.  Vì thọ mạng lịnh Đức Chí Tôn nên trong toàn bổn Đạo phải để tâm thành kính và phụng thờ Tam Trấn”.

Thế nên Kỳ Phổ-Độ này Đức Chí-Tôn lập Tam Trấn Oai-Nghiêm thay quyền cho Tam-giáo. Hết Tam-Kỳ Phổ-Độ thì nguyên-căn qui nhứt trở lại mở Nhứt-Kỳ Phổ Độ nữa sẽ có vị Phật ra đời cầm quyền vi chủ định-luật Càn-khôn. Đó là cơ-quan quản-trị Càn khôn vũ-trụ vậy.

8 - Dâng Tam Bửu cho Đức Chí Tôn:
Đức Hộ-Pháp nói: “Quyền  hành  của  các  Ngài
trong Tam Trấn Oai Nghiêm, có liên quan với cái Lễ tối trọng tối yếu của chúng ta là phải dâng Tam Bửu cho Đức Chí Tôn. Bần Đạo đã có dịp giảng về Tam Bửu ấy. Tỷ như một người kia tìm Đạo, người ta thấy mình dâng ba món ấy mà mình gọi là ba báu, rồi người ta để mắt thấy Bông- Rượu - Trà người ta để dấu hỏi, ba món ấy báu lắm hay sao ? Báu ấy là báu gì ? Bần-Đạo đã giảng ba cái đó tượng trưng cho báu vật của ta là:
- Thứ nhứt thân phàm xác thịt của chúng ta đây, thuộc về Tinh.  BÔNG  tượng trưng xác thịt.
- Thứ nhì là trí não của ta, khôn ngoan hơn vạn vật gọi là Khí.  RƯỢU  tượng trưng cho trí não.
- Thứ ba TRÀ tượng trưng cho linh hồn của chúng ta là cái hằng sống thiêng liêng của chúng ta, nó mới gọi là ba cái báu.

Thật ra chúng ta suy nghĩ coi không có gì quí hơn xác thịt ta, trí óc ta và linh hồn ta hơn hết.
Đức Chí Tôn đến biểu chúng ta dâng ba báu vật ấy cho Ngài, Ngài không đòi hỏi dâng cho Ngài cái gì khác. Giả tỷ như đời Thượng Cổ nhơn loại dâng cho Ngài tới sanh mạng con người, nên người ta phải giết người để làm tế vật. Sau đó thay thế mạng sống con người, nhơn loại lại dâng Tam sanh tức nhiên bò, trâu, heo và sau nữa bên Âu Châu theo Đạo Do Thái thì dâng cho Đức Chí Tôn một con chiên trắng, con chiên ấy phải trắng như tuyết mà thôi.”

9 - Giờ phút này Đức Chí Tôn đến biểu chúng ta dâng Tam Bửu: Bông- Rượu- Trà.
Tưởng đâu là gì, thiên hạ nói báu gì đâu ba món ấy gọi là báu. Ai ngờ ba món báu ta dâng cho Ngài là báu vật, bởi vì Ngài là Chúa của ta, Ngài tạo sinh ta, Ngài là Cha của ta về phần hồn và phần xác, Ngài đòi ba món quyền sở hữu của Ngài cho ta, lấy ba món báu của ta đó vậy. Bây giờ nếu như người tầm Đạo kia nói: Tôi không biết Ông đòi ba món ấy để làm gì? Và tôi không biết Ông dùng ba món báu ấy là xác thịt, trí não và linh hồn của mình để Ông làm gì ? Người ta để dấu hỏi, tức nhiên ta phải trả lời:

- Chúng ta đã thấy hiện tượng Đức Chí Tôn đến qui Tam Giáo: Nho- Thích- Đạo, lấy cả tinh thần đạo đức của ba nền Tôn Giáo ấy đặng làm môi giới chuẩn thằng. Rồi lập thêm làm gì Tam Trấn Oai Nghiêm ? Có phải chăng lập Tam Trấn Oai Nghiêm là để bảo vệ ta và Tam Trấn Oai Nghiêm có bổn phận dâng lên cho Đức Chí Tôn ? Sự thật như vậy. Nếu không phải vậy Đức Chí Tôn chẳng hề khi nào sắm Tam Trấn Oai Nghiêm ra làm gì cho chúng ta thờ phượng.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét