Đấng Cha Chung - 3 / 3 (HT. Đoàn Kim Sơn)


Nầy Thiện nam tử! Ví như có người ở trong biển lớn, nhẫn đến trăm ngàn do tuần, trông thấy chiếc thuyền lớn ở ngoài khơi xa, liền nghĩ rằng: Đó là chiếc thuyền hay là khoảng không. Nhìn lâu, trong tâm quyết định biết là thuyền lớn. Bực thập trụ Bồ Tát, ở trong tự thân, thấy Phật tánh cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Ví như vị Vương tử, thân rất yếu đuối, dạo chơi suốt đêm,
đến sáng ngày sau, mắt mờ thấy không được rõ. Bực Thập trụ Bồ Tát dầu ở nơi thân mình thấy được Phật tánh nhưng chưa được rõ ràng cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Ví như quan lại, vì công sự suốt đêm trở về nhà chớp nhoáng thấy bầy trâu, liền nghĩ rằng: Đó là trâu ư, hay là dãy nhà, nhìn lâu, dầu nhận là trâu mà còn chưa định chắc. Bực Thập trụ Bồ Tát, dầu ở nơi thân mình thấy Phật tánh, chưa có thể định chắc cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Như Tỳ kheo trì giới, nhìn trong bát nước không có trùng, mà thấy tướng trùng, liền nghĩ rằng: Trong nước đây là trùng hay bụi đất, nhìn lâu, dầu biết là bụi nhưng chẳng rõ ràng. Bực Thập trụ Bồ Tát, ở trong thân mình thấy Phật tánh chẳng được rõ ràng lắm cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Ví như có người, xa thấy đứa trẻ đứng trong bóng tối, liền nghĩ rằng: Đó là con vật, là chim, hay là người? Nhìn lâu, dầu nhận thấy là đứa trẻ, nhưng vẫn chẳng rõ ràng. Bực Thập trụ Bồ Tát ở nơi thân mình thấy Phật tánh chẳng rõ ràng lắm cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử ! Ví như có người ở trong đêm tối, thấy bức họa tượng Bồ Tát liền nghĩ rằng: Đây là tượng Bồ Tát hay làtượng Thiên thần, nhìn lâu dầu nhận là tượng Bồ Tát, nhưng chẳng rõ ràng. Bực Thập trụ Bồ Tát ở nơi thân mình thấy Phật tánh chẳng rõ ràng lắm cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Phật tánh ấy rất sâu như vậy, khó biết khó thấy, chỉ Phật biết rõ, chẳng phải hàng Thanh Văn, Duyên Giác đến được. Người trí phải quan sát như vậy để rõ biết Phật tánh.
2 . CÁI BIẾT

Cực kỳ tự nhiên là chơn. Mọi hành động phát sinh từ cái nhiên chơn của bản thân đều là đạo tiến hoá trong trời đất.

Cha mẹ thiêng liêng cũng như cha mẹ nơi phàm thế, không hề mong con cái mình lúc no mà bảo đói, khi dốt mà tự thị mình khôn. Kiểng chân không thể đứng lâu, xoạt cẳng không thể đi lâu. Chỉ do sự thật mới trường tồn. Dù kết quả của hành động do chơn tâm có thành bại đặng thất ra sao đi nữa, đó vẫn là hiệp Thiên ý. Cho nên nói Đạo Thầy là đạo chơn thật và giữ cho tâm nhiên như tâm của đứa bé con còn đỏ hỏn là theo Đạo.

Cái biết chơn thật của nguời này khác với cái của nguời khác. Thông thuờng, ngũ quan cảm nhận các sự thấy sờ nghe ngửi nếm những thứ này thứ khác và cái trí ghi nhận, đào độn chúng để thành sự phán đoán nhưng ngoài những thứ đó, còn có thể có những quan năng và khả năng khác nữa.

Cái trí, nhất là trí nhớ tuy tiện dụng nhưng vẫn là một chuớng ngại cho việc hiển lộ hay đón nhận những cái chơn tự phát của mình hay của kẻ khác trong từng hoàn cảnh: Hôm qua thấy thỏ chạy va vào thân cây mà chết, ngày nay bỏ buổi cày để ôm cây đợi thỏ. Đó là cách suy nghĩ tuy có khi là chơn thật trong các kinh nghiệm quẩn quanh có giới hạn và khuyết điểm của mình nhưng nếu mình tự hỏi tự hỏi thêm nữa thì có thể sẽ biết khác hơn.

Hơn nữa, bên trên các qui luật vật chất còn có các ý chí tự do. Tích lũy cái nhớ chuyện xưa để dự đoán tương lai là một cách suy tư hàm ngụ ý nghĩ rằng chẳng hề có ý chí tự do trong trời đất.

Một khả năng khác thuờng với đại đa số không hẳn là điều kỳ quái đáng chê. Lắm khi chính cái trí nhớ đã lẫn lộn cùng cái biết và dẫn con nguời lạc mất cội nguồn nguyên thuỷ tự chơn tự phát và tự do của mình.

Một số lớn các lý thuyết hay kế hoạch đã chỉ dựa trên những dự đoán chớ không phải dựa vào cái biết cho nên dẫn tới những tương lai bấp bênh vô định, gọi đó là nghiệp lực. Cho nên biết cái biết là buớc đầu của nỗ lực giải phóng con nguời khỏi các mê tín, kể cả các thứ mê tín mang màu khoa học nữa.

2 . 1 . BIẾT CÁI BIẾT

2 . 1 . 1 .  BIẾT CÁI GÌ ? BIẾT BẰNG CÁCH NÀO ?
Biết cái gì như biết rằng toà nhà có mấy từng. Biết bằng cách nào như biết cầu thang để đi lên các tầng lầu ấy. Thuờng thì hai thứ biết có khác nhau nhung có khi hai thứ biết ấy là một, như kẻ ở trong toà nhà do leo các cầu thang mà biết có mấy tầng (hai cái biết là một). Ai đó ở ngoài toà nhà do thấy mà biết có mấy tầng dù chẳng biết cầu thang, thang máy hay thang cuộn ở đâu (hai cái biết khác nhau).

Có khi do biết thực hành cách nào đó mà biết cái gì đó, như khi dùng kính hiển vi mà thấy đuợc vi trùng. Cũng có khi do có quan năng cảm  nhận tinh vi (bản năng, ngũ quan, linh tánh) mà biết cái chi đó không cần phải dùng phương pháp đo đạc, thống kê nào, như nguời có thần nhãn.

Ngay cả những khả năng cụ thể như biệt tài âm nhạc hay thủ công cũng khó đuợc giải thích và dạy truyền. Biết thực hành việc sàn gạo cho thóc gom lại một nơi gạo tụ một chỗ chưa hẳn có thể nói hay dạy lại lý thuyết và phương pháp nào để làm đuợc như vậy. Con dơi có thể định huớng các chuớng ngại trên đuờng bay mà không cần mắt thấy ánh sáng, nó cũng không cần hay không thể giảng giải là do máy móc hay cơ chế chi.

Nói như vậy là để nhắc rằng không phải mọi việc đều cần phải do thực nghiệm hay phải do lý giải mới có. Ngoài tầm nghe thấy của người nào đó hay khoa học nào đó không hẳn là không có sự tồn tại cụ thể. Con mối không thể cảm nhận đuợc văn chương trên tờ giấy mà nó đang ăn.

2.1.2.  CÁI BIẾT VÀ CÁI THẬT.
Có những sự thật ngoài tầm biết của nguời này nhưng trong tầm biết của nguời kia. Có những sự thật ngoài tầm biết của mọi nguời nhưng không thể có cái biết nào ngoài sự thật. Có thể nói cái ta biết là cái có thật nhưng không thể nói cái ta không biết là không có.

2.1.3.  CÁI BIẾT VÀ ĐÚC TIN.
Có cái tin chẳng phù hạp với cái thật (như khi tin rằng cái nhà nào đó có năm tầng trong khi thực sự nhà ấy có bảy tầng) nên chẳng thể gọi là cái biết nhưng không thể có cái biết nào mà không có cái tin. Biết ắt hẳn là tin, tin chưa hẳn là biết nhưng khi đã không tin thì không biết.

Có cái không biết mà tin nhưng không thể có cái không tin mà biết. Không tin rằng Thuợng Đế đã ban cho con nguời quyền tự do tuyệt đối nên không thể biết những khả năng tiềm ẩn của mình và của nguời khác, không có ý tìm hiểu cách phát triển các khả năng ấy. Và chánh tín rất cần cho sự tiến hoá. Dùng chiêu bài đánh đổ mê tín mà lại mê tín vào một số lý thuyết hạn hẹp nào đó (dù là nhân danh khoa học đi nữa) cũng là một thứ mê tín sâu nặng vào thân phận nô lệ các qui luật vật chất mà mình xúm nhau vẽ ra và tin vào.
Cho nên kẻ khiêm nhuờng thuờng nói tôi chưa biết đuợc như vậy chứ chẳng nói tôi không tin.

2.1.3.1. Tin người biết chi đó nên mình nghĩ mình biết cái chi đó.
Có khi vì tin A biết việc nào đó nên mình cũng biết việc nào đó. Cái học thuờng là như vậy nhưng khi khởi nghi A thì cũng nghi luôn cái biết của mình về việc đó.

2.1.3.2. Tin vào phương pháp chứng minh nào đó nên mình nghĩ mình biết cái chi đó.
Có lúc vì B có đức tin dựa trên một tiến trình có tỉ lệ xác quyết cao (như dựa theo tiến trình “nếu và chỉ nếu X là thật“) nên có thể nói là biết X.

Nhưng như truờng hợp con két nọ - không có năng khiếu tìm hỏi lý do hay trình bày lý do, tức không có quan điểm, không có đức tin - do đuợc luyện tập mà phản xạ nói ra tiếng “đỏ“ mỗi khi đuợc cho thấy màu đỏ, tuy phát biểu ấy là đúng, cơ chế tạo ra phát biểu ấy có tỉ lệ xác quyết cao (con két nhiều lần nói đúng như vậy), khó mà nói rằng nó biết màu sắc ấy là đỏ.

Có kẻ chủ trương rằng để nói con chó biết đuợc ông A là nguời quen của nó, phải.
Có sự thật như vậy, có việc rằng con chó mừng rỡ đi theo ông A,
Có thể chứng minh,

Điều chứng minh đó phải là cần thiết để dẫn tới kết luận, như việc con chó đó từ khi gặp ông A, cứ nhất định theo ông ấy thôi,

Phải không thể phản biện. Nếu có thể chứng minh đuợc rằng ông A là nguời lạ, chỉ mặc y phục của chủ con chó thôi, kết luận trên là sai.

2.1.4. CÁI BIẾT VÀ SỰ PHÁN ĐOÁN
Thoạt đầu mình chỉ tin cái gì có thể lý giải đuợc. Nhờ vậy mà cái trí của mình được hình thành. Con nguời thuờng hay tầm lý nên không tin được cái Đạo nào không có lý pháp chi cả.

Nhưng rồi mình lại nhận ra rằng điều mình tin là có lý (có thể giải thích hay giải nghĩa nó) chưa hẳn là cái thật biết (hữu lý pháp chưa hẳn là hữu chơn Đạo). Vì sao? Vì có các lý pháp của tà quái vốn không chơn chánh và làm mình mất hẳn sự tự chủ và tự kỉnh, biến mình ra như con vật. Kẻ có tâm tự kỉnh không chịu tin theo các lý pháp phi chơn ấy.

Không tâm tự kỉnh cho nên không thấy Đạo. Lại cũng ví không thấy biết Đạo mà không tâm tự kỉnh. Không thấy cái lẽ chơn thật bình hoà như vậy nên tuởng phép lạ là Đạo, các pháp lý cao kỳ là Đạo.

Trong cái chơn thật bình hoà, có cái Tâm pháp làm ta thật biết có xảy ra cái chi đó dù ta không có lý pháp giải thích hay giải nghĩa nó đuợc.

Những cái gọi là phán đoán thuờng là dựa vào cái đã nhớ, tin, và biết có tính cách giới hạn. Chúng tạo nên một hệ thống các định đề hay tín niệm không chứng minh để từ đó mà so sánh, phán đoán, tích lũy thêm những cái biết có tính buộc ràng thêm nữa vào hệ thống ấy. Hệ thống ấy, cho dù có nhiều điều ly kỳ hấp dẫn, càng đi sâu vào càng có cái độc đáo, vốn là sản phẩm của cái tự do của TA chớ không phải là cái khách quan ràng buộc TA. Nếu cho đó là cái khách quan ràng buộc ta, ta đành phải chấp nhận nó, thì hệ thống ấy lại thành ra khối biệt nghiệp hay cộng nghiệp của mình, khiến mình không đuợc tự do, tự phát, tự tin.

Đó thật không phải là cái biết có tính giải phóng con nguời. Chưa có câu trả lời cho vấn đề thế nào là một tư duy khoa học (scientific speculation) để khám phá chân lý, mặc dù có cái gọi là những trình tự và lý luận khoa học (scientific procedures and reasoning) để khám phá và dò theo các công trình sáng tạo theo đó nguời ta phải dùng các thiết bị để đo đạc theo trình tự nào đó và trình bày các số liệu, rồi giải nghĩa các số liệu ấy bằng các từ ngữ khoa học.

Nhà khoa học thực nghiệm giống như nguời cẩn thận lần dò theo từng mảng ánh sáng mà cây đèn của ông ta rọi lên trên cánh đồng bao la đầy dẫy những manh mối mới nên thuờng báo cáo lại những quan điểm mình đã đạt đến mỗi lúc một khác.

Triết gia nghiên cứu khoa triết học về cái biết (epistemology) cũng mãi còn nhiều manh mối cho tới khi ông ấy thôi truy tìm về cái biết hay nói khác đi, khi có kinh nghiệm về cái không biết.
2 . 2 . BIẾT CÁI KHÔNG BIẾT

Nếu có thể dùng cái biết để biết cái biết, hoá ra chủ thể quan sát phân thân thành khách thể bị quan sát. Lửa không đốt đuợc lửa, cây thuớc không đo đuợc cây thuớc. Ai biết việc phân thân như vậy là lầm thì không làm như vậy nữa. Nhưng hiếm khi tâm trí ta rơi vào trạng thái không nghĩ nghị như vậy. Đó là trạng thái đại định, có sự chiêm nguỡng mà không có sự đánh giá.

Có kinh nghiệm về tình trạng trí não tâm thức ngưng nghỉ như vậy là biết cái không biết. Nhưng làm sao khi tâm thức ngưng  nghỉ lại cũng biết là mình đang ngưng nghỉ? Nếu mình động lên cái biết như vậy thì đâu còn cái không biết nữa.

Có lẽ phải bảo rằng mình biết thôi dùng tâm trí (thôi biết) truớc khi mình rơi vào đại định. Và khi xuất định, mình đuợc ai đó khác dạy rằng làm như hồi nảy là đại định đó. Ai có lần đuợc bảo như vậy ắt hiểu việc này ra sao. Khi cố hình dung lại chính tình trạng của mình trong khoảnh khắc truớc đó, mình ắt nhớ là mình đã chỉ lắng nghe thôi, không cố hiểu cố nhớ, cũng không lo luờng việc chi. Cũng thấy cảnh vật, thấy nguời nói, không là ngủ, không là xuất hồn, không là mê, thức mà không nghĩ mình thức để chi, không có tư thế đứng ngồi chi đặc biệt, chỉ có sự chuyên tâm mà không cố chuyên, nếu có ai hỏi chi ắt có thể trả lời chớ không phải là hoàn toàn ngu si ngơ ngẩn.

Khi viết ra chữ TH, có thể là mình không nghĩ sẽ hình thành chữ THI hay chữ THẦY; đó là truờng hợp của nguời được dùng làm đồng tử để cõi vô hình giáng bút (muợn tay mà viết chữ vẽ hình). Cũng có thể truớc khi viết ra chữ mình đã biết đó là chữ gì, như mình nghĩ ra vậy. Đó là sự giáng tâm.

Không động lên cái cố biết, duy có nguời rất khiêm nhuờng, chẳng nghĩ mình hơn thiên hạ mới làm được. Đức Lão Tử (tức là Đức Thái Thượng Lão Quân) nghe nói là một Đấng rất cao siêu vô vi cư Thái Cực chi tiền, hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng mà lại nói Ta có ba món báu: một là từ, hai là kiệm, ba là không thấy mình hơn nguời khác. Phải chăng ta có thể nhân đó mà hiểu rằng có từ, kiệm và không cảm thấy mình hơn thiên hạ như vậy thì thân tâm mình mới rỗng ran mà cư Thái Cực chi tiền?

Lại nữa, phải chăng có như Thái Thuợng (vô vi) rồi mới chứng Thái Cực và sau đó mới đến đuợc Thái Bạch? Do Thái Cực mà có Luỡng Nghi nuớc lửa. Do hoà đuợc nuớc lửa mà có ánh sáng. Ngụ từ ánh sáng là ngọn lửa lạnh ý nói điều này. Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu[1] là nói về cơ hữu vi sau Thái Cực đó vậy.

Cho nên chẳng phải cái Vô trong cuộc tương tác mà mình đã đến được (biết duy trì cái không biết) có nghĩa là Thực Vô (như  sự hoàn toàn không có chi). Nó là cái Hư Vô vì là nguồn của vô vàn cái có.

Từ chỗ Hư Vô đó mà tự nhiên có cái biết đón không thấy đầu theo không thấy cuối cho nên nói Không biết cái biết.

2 . 3 . KHÔNG BIẾT CÁI BIẾT
Cái biết từ Hư Vô chi khí là cái sáng của Thiên Nhãn. Do Phật tâm ứng với Phật Tánh mà có. Sự ứng đó có thể thoạt có thoạt không nhưng cái biết do đó rất chắc thật và có thể kiểm chứng đuợc.

Phật Tánh là kho báu giác tánh, như là Căn.
Phật tâm là đối tuợng cảm nhận, như là Trần.
Thiên Nhãn là cái thấy biết làm chứng, như là Thức.

Do được khai khiếu mà có thêm các thứ biết khác thường: người được khai nhãn thì thấy, khai nhĩ thì nghe, khai tâm thì cảm nhận, khai trí thì biết. Căn tốt hơn thì thức sẽ tinh vi hơn.

Nếu may duyên được Khai Sanh Quang, một phần thưởng của Thiên Đình, thì Căn Đức thêm hiển lộ, Chơn Đạo hướng về sự qui hiệp Vạn Linh với Chí Linh được khai mở, Phật Tâm, Phật Tánh và Thiên Nhãn đồng ứng cùng nhau.

             Thái học ĐẠO chơn TÂM,
            Thượng trường THI Đạo PHÁP,
             Đạo qui CĂN diệu LÝ,
            Tổ thiện ĐỨC tầm TU.

Thiên tình là đại đồng, Thiên tính là nhất quán. Tâm, pháp, lý Tiên Thiên không giống sự chấp vào tiểu ngã như tâm, pháp, lý Hậu Thiên cho nên phải tu mới qui vào Tổ của Đạo Thái Thượng được.

Khởi học qui thiện trước rồi sau mới có thể diệu tầm Chơn Đạo. Thiện là lành, hiền, tốt, giỏi. Thiện lành là do văn hoá, tập quán mà có. Thiện lành của thời nầy, chỗ nầy có thể khác với thiện lành của thời khác, lúc khác nhưng học trường qui thiện là học bỏ ác tệ để nhập hoà với đồng loại, vậy là tập tành áp dụng cái chơn ngã tự trung của mình vào cuộc sống, không để cho những cảm giác ngoại nhiễm chủ trị nữa.

Chơn thần của con người là một thể chịu sự xúc cảm để kinh nghiệm chính mình và thế giới chung quanh. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, đó là tính của chơn thần. Khi đem tâm qui thiện là bắt đầu dùng trí và sau đó để linh tánh (chơn linh) chủ ngự mà quyết đoán. Đó là lần theo chơn Đạo, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ràng buộc chi hoặc về giới luật, lý giải, hay pháp môn tu hành (như đã nói ở cuối đoạn 2.5) để tìm cho ra cái chính thật ta của mình.

Vì sự Thiện không sánh bằng với sự Chơn nên phẩm Chí Thiện vẫn dưới phẩm Chơn Nhơn, huống hồ là Chơn Phật. Mãi chấp vào thiện ác phải quấy thì lạc mất lẽ chơn.

Căn là rễ, còn dùng với nghĩa là gốc gác (của sự việc gì). Sáu thứ căn tạo nên sự biết của con người là mắt thấy biết, tai nghe biết, lưỡi nếm biết, mũi ngửi biết, da chạm xúc biết và trí nghĩ biết. Những thứ biết ấy đã quen vào mức độ, tánh chất nào thì cái tâm biết có màu sắc, kiểu vở đó.

Nếu được khai mở thêm đệ thất và đệ bát khiếu, sự thấy biết của con người ắt được rộng mở và chính xác hơn, không ưa bị gò bó trong các căn thức thấp kém nữa.

Sự gở bỏ ảnh hưởng của các buộc ràng từ các thứ căn thức giống như việc tháo các nút buộc, nút nào cột sau cùng thì phải mở trước. Các thứ nghiện ngập hay nhu cầu, ý tưởng không thật thiết yếu phải lần hồi bỏ đi, cho đến khi gốc lõi của cái sống thiên nhiên và cái biết bày chình ình ra đó tất mhiên mình sẽ nếm mùi của sự thật. Đạo qui căn là như vậy.

Cơ Đạo nay đã đến giai đoạn Đạo Tâm, trọng điểm là lập cho được con đường tiếp nhận các giáo huấn vô ngôn tự nơi chơn tâm mình để từ đó thọ pháp, hành pháp. Phương tu là theo cái Lý của Tâm Pháp và phương ngộ là Căn Đức. Lý chuyển từ Thái Cực nhất trung, căn thọ từ tông tộc thông dung (cùng thấu tỏ nhau).

Gốc của Thiện Đức là Chơn Trung, tu Thiện Đức gốc ở nghe theo tâm chính nhiên tự trung của mình. Đó là tâm có cả âm dương lẫn trọng tài nhưng cũng là không chấp trước gì cả mà khi động dụng thì vô tận vô cùng.

[1] Tệ Huynh xin chỉ rõ quyền hành lớn lao của Ðức Lý Ðại Tiên Thái Bạch Kim Tinh cho mấy em rõ:
Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
Quyền năng dâng thửa Thiên Triều,
Càn Khôn Thế Giái dắt dìu Tinh Quân.

Tinh Quân thọ sắc thuở Phong Thần,
Cho đến Ðường Triều mới biến thân.
Thái Bạch Kim Tinh đương trị thế,
Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.
Ðộng Ðình thi rượu đong muôn đấu,
Bồng Ðảo câu Tiên nắm một cần.
Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế,
Tam Kỳ độ rỗi các Nguyên Nhân.

Diễn Văn của Ðức Quyền Giáo Tông đọc tại Tòa Thánh, 8-4-Giáp Tuất (1934).

3 . BA NGUỒN LỬA SỐNG

Nói chung, có ba cấp độ của lửa sống:
- Lửa nội tại của thế giới vật thể, hiện thực ra thành lửa ma xát và đó là lửa chuyển từ trong ra ngoài qua sự chuyển động quanh trục.
- Lửa Minh Thương từ ngôi Thái Dương, tức lực hấp dẫn tạo chuyển động theo chu kỳ quĩ đạo.
- Lửa Qui Phục vào cõi Chí Chơn của vũ trụ, tức điển lực thu hút theo hướng di chuyển thẳng.

Sinh hoạt còn bị chi phối bởi cái ta (tiểu ngã) thì chỉ biết có lửa ma xát thôi. Qui luật trong trường hợp này là tiết kiệm và triết lý sống là hành động khôn ngoan theo thuật dưỡng sanh.

Khởi có sự thương yêu kính mến một nguồn sống nào đó hấp dẫn mình, dòng sinh lực vật thể/tâm linh sống dậy và từ đó mới có chiều hướng thượng. Bấy giờ mình mới biết đến lửa trí huệ là thế nào. Qui luật trong trường hợp này là luật hút đẩy hay đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu.

Hai trường hợp trên đây là việc của ta hay của phe ta. Qua mức tiến hóa cao hơn nữa, những ý thức về ta và về phe ta hoàn toàn nhường chỗ cho ý thức làm việc vì Thiên Cơ. Sự làm việc này không nhằm để lập công cho ta hay cho bất cứ phe nào của ta. Do ta đã qui phục vào khối Đại Toàn, coi tất cả là một mà sự câu thông với nguồn Đại Toàn xuất hiện. Cũng do nguồn Đại Toàn đã ứng theo sở nguyện mà xóa dùm bản ngã cho ta. Lửa sinh hoạt bấy giờ là điển lực, bất kể các chu kỳ thời vận của Nhựt Nguyệt. Luật tắc sinh hoạt là luật tổng hợp. Nói khác đi, sự làm việc của ta nhằm vào công cuộc tiến hóa chung.

Tình trong trường hợp thứ nhất là từ cái Dục trong nội tại thân thể vật chất mà có. Các nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ…tạo ra lửa Dục này. Lửa Dục này sở dĩ chuyển được thành lửa trí huệ cũng do nhân duyên gặp người đồng thanh đồng khí khiến cho giận-buồn- muốn- ghét bị triệt tiêu, chỉ còn mừng-thương-vui mà thôi. Trong trường  hợp thứ ba, mừng-thương-vui theo kiểu vì ta và vì phe ta tự nhiên nhường chỗ cho tình ái vũ trụ giữa những bậc có khả năng và tâm thức Đại Ngã, tức là tâm trí và tình ái của các Đấng Tạo Hóa chắt chiu từng mầm sống nhỏ nhít nhưng không lụy vào bất cứ giới hạn nào.

Ba cấp độ thị hiện của ba thứ lửa ấy là:
            1 . Thế giới cụ thể khách quan,
            2 . Thế giới tâm lý chủ quan,
            3 . Nguồn tâm linh tại vị trí trung ương của mỗi thế giới.

Các bước từ 1 đến 16 trong các đồ hình từ 27 đến 30 là các bước đi xuyên qua thế giới cụ thể của vật chất có qui luật khách quan và thế giới của tâm lý chủ quan. Qui luật khách quan của thân thể vật chất thì có tính chu kỳ theo dòng thời gian. Tâm lý chủ quan thì do lực Tiên Thiên từ nguồn Thái Dương đào tạo. Và bên trên hai thứ lực Hậu Thiên và Tiên Thiên này là lửa điển tâm linh xây dựng nguồn ý chí.
Liên hệ tâm linh không mở ra được thì ý chí không xây dựng được.

Alice Bailey và Djwhal Khul đã viết:
Một yếu tố nữa tạo ra chu ký tuần hoàn là các ảnh hưởng của các định tinh hay các tú lên hệ thống của chúng ta và ngay cả trên bất cứ tầm mức cơ cấu nào trong hệ thống:
            Chòm Đại Hùng Tinh.
            Chòm Tiểu Hùng Tinh.
            Sao Bắc Cực (nơi mà hành tinh của chúng ta đặc biệt có tương quan)
            Chòm sao Pleiades,
            Chòm sao Capricorn.
            Sao Draco.
            Sao Sirius.
            Nhiều Tinh và Tú trong hệ Zodiac.

Bí ẩn đươc dấu trong khoa Thiên Văn dạy cho nội môn, và cho tới khi chủ thể của năng lượng có làm việc xuyên qua thể cái vía, hay qua sự phóng xạ, và có sự thấu hiểu hơn về việc thăng hoa toàn thân từ tình trạng thấp đến tình trạng cao, điều bí mật thực sự của  “ảnh hưởng” của những thiên thể này lên chính mình sẽ vẫn trong tình trạng như hiện tại – một bí mật không được phát hiện. Nếu tác dụng phóng xạ của con người hay một nhóm con người qua lại nhau vẫn còn là một điều chưa được khoa học thực nghiệm rõ biết thì ảnh hưởng huyền bí của  những (thiên) thể lớn lao này cũng vẫn chưa được biết. Khoa học nhận biết một số các chất dẫn đến hay hướng đến sự mạch lạc trong vũ trụ, giống như các luật tổng quát của trật tự xã hội trong nhân loại đều được công nhận, nhưng người ta ít biết về các sự phóng xạ năng lượng từ các thể vía của các thiên thể mặt trời và nhóm mặt trời và từ các hành tinh và nhóm hành tinh này. Người ta đã biết các hoạt động nguyên tử của chúng nhưng biết rất ít về việc chúng có cái phần tương tự như “từ lực thú vật” nơi con người. Người ta cũng hoàn toàn không  tính đến hoặc không chấp nhận việc các thể vía của chúng có từ lực phóng xạ rất mạnh. Phải tính đến các yếu tố này khi nghiên cứu đến yếu tố thời gian và chu kỳ, và sự dùng hạ trí để nghiên cứu các số liệu không giúp hiểu rõ bí pháp được. Sự hiểu biết ấy đến từ trực giác do cuộc điểm đạo kích hoạt. (A Treatise on Cosmic Fire, tr. 796.)

4 . ĐỒ HÌNH THIÊN QUỐC CỦA VALENTINIUS

Valentinus (còn viết là Valentinius) (khoảng 100-160 sau công nguyên) được biết là một nhà tu của trường phái Ngộ Đạo (Gnosticism), tiếp thu học vấn từ Alexandria, một khu vực đô thị lớn chịu ảnh hưởng của Công Giáo. Clement of Alexandria ghi nhận rằng Valentinus theo học với Theudas và Theudas là môn đệ của St. Paul of Tarsus. Valentinus nói rằng ông đã được Theudas truyền thụ giáo lý biệt truyền mà ông đã nhận được từ Paul. St. Paul of Tarsus này chính là thánh Paul, mà cùng với Simon Peter và James the Just là ba vị môn đồ nổi bật nhất của Đức Jesus Christ. Nhưng những bí pháp này đã bị Tòa Thánh La Mã bỏ qua kể từ giữa thế kỷ thứ hai.

Ông dạy rằng có ba hạng người, người có bản chất tinh thần, người tâm linh và người vật dục. Chỉ người có bản chất tinh thần mới nhận được đủ trí huệ giúp mình trở về Thiên quốc. Người có bản chất tâm linh (những người Công Giáo bình thường) nhận được một sự cứu rỗi kém hơn, còn người có bản chất vật dục thì phải chịu phận bị tàn diệt mà thôi.

Valentinus đã viết về nhiều vấn đề nhưng giáo pháp của ông đã bị lảng quên rất lâu cho đến khi Charles William King, trong sách the Gnostics and their Remains (1864, 1887 2nd ed.) nói rằng nguồn gốc của trường phái Ngộ Đạo (Gnosticism) là từ Đông Phương, nhất là từ Phật Giáo.

Bà Blavatsky cho rằng điều này cũng có thể tin được nhưng GRS Mead, một thành viên của hội Thông Thiên Học từ năm 1884 và là một thư ký riêng của bà Blavatsky từ 1889 cho tới khi bà qua đời năm 1891, lại cho rằng sách của King's thiếu tính trọn vẹn của chuyên gia.

Trong các năm 1890-1 Mead cho in bản dịch của Pistis Sophia trên tạp chí Lucifer, và từ đó, nhiều công trình của ông đã làm cho phái Gnosticism có thể được công chúng thông minh ngoài giới hàn lâm biết đến. Sách của ông đã tiếp tục có ảnh hưởng rộng rãi.

Giáo hội Gnostic được lập ở Pháp năm 1890, những trường phái dạy về diệu pháp của tình dục lần lượt được mở ra ở nhiều nơi như Paschal Beverly Randolph ở Mỹ, Ordo Templi Orientis (Order of Oriental Templars, OTO) ở Đức và Áo.  Nhiều hội đoàn liên quan đến giáo pháp này đã được mở ra ở nhiều nơi

The Gnostic Society, được thành lập năm 1928 để nghiên cứu giáo lý gnostic và từ khoảng 1993, the Gnosis Archive từ một usenet newsgroup đã phát triển mau chóng thành một website trên internet cho đến nay.

Sau đây là đồ hình của Valentinius xuất hiện trên tạp chí Lucifer, tháng 5 năm 1890, dẫn bởi Alice Bailey & Djwhal Khul, A Treatise on Cosmic Fire -Một khảo Luận về Lửa Tiên Thiên và Hậu Thiên).  Những chú thích kèm theo đồ hình là trong sách A Treatise … nói trên.
Trước nhất là một điểmPoint(Điểm), ngôi một Monad, ngôi Bythus (ngôi Thậm Thâm), Đấng Từ Phụ không được biết và không thể biết. Kế đó là Triangle(Tam Giác), ngôi Bythus và bộ đôi Lưỡng Nghi Duad, là Nous (Trí) và  đối phần của nó là Aletheia (Sự Thật). Sau đó là   (Hình Vuông), Lưỡng Nghi kép Duad, Tetraktys hay Tứ Tượng, Nhị Dương , Ngôi Lời và  Anthrôpos (Con người), Nhị Âm, đối tác của nó,  Zoê (Đời sống) và ngôi  Ekklesia (Giáo Hội), Tấ cả là Bảy. Tam Giác là Tiềm Năng của Tinh Thần, Hình Vuông là Tiềm Năng của Vật Chất; đường sổ dọc là Tiềm Năng của Tinh Thần, và đường ngang là Tiềm Năng của Vật Chất.

Kế đó là ngôi sao năm cánh Pentagram, ngôi Pentad, dấu hiệu huyền bí của Manasaputras hay các Con của Trí Huệ, mà cùng với bạn đối tác của nó làm thành Mười. rồi đến các tam giác đan chéo nhau Two interlaced Trianglesthành Ngôi sao Sáu Cánh Hexas, mà cùng với đối tác của nó làm thành con số 12, hay Thập Nhị Chi. Đó là phần nội dung của Thiên Quốc và, cộng chung với ngôi Ý trong Thiên Tâm, có tất cả là 28, vì Bythus hay Đức Từ Phụ không được nhận biết, vì ấy là Căn cội của tất cả. Hai vòng tròn nhỏ bên trong Thiên Quốc là  cặp đối tác Christos-Pneuma (Christ và ngôi Thánh Thần); đó là Hậu Thiên (after-emanations), và, như vậy, một mặt, nó biểu trưng cho sự hạ thế của Chơn Linh để khai tâm và thăng tiến Vật Chất,  mà chủ yếu nó cũng phát ra từ một nguồn cội, và mặt kia, ấy là sự giá lâm hay sự nhập thể của  Kumâras hay của các Đại Linh Căn của nhân loại.

5 . BẢY MÓN BÁU TRONG NHÀ CỦA DUY MA CẬT

Bấy giờ trong nhà ông Duy Ma Cật có một Thiên nữ thấy các vị trời, người đến nghe pháp, liền hiện thân ra tung rải hoa trời trên mình các vị Bồ Tát và Ðại đệ tử. Khi hoa đến mình các vị Bồ Tát đều rơi hết, đến các vị Ðại đệ tử đều mắc lại. Các vị Ðại đệ tử dùng hết thần lực phủi hoa mà hoa cũng không rớt.

Lúc ấy, Thiên nữ hỏi Ngài Xá Lợi Phất :
- Tự sao mà phủi hoa ?

Xá Lợi Phất nói :
- Hoa này không như pháp nên phủi.
- Chớ bảo hoa này là không như pháp. Vì sao ? Hoa này nó không có phân biệt, tự Nhân giả phân biệt đó thôi ! Nếu người xuất gia ở trong Phật pháp có phân biệt là không như pháp, nếu không phân biệt là như pháp. Ðấy, xem các vị Bồ Tát, hoa có dính đâu ? Vì đã đoạn hết tưởng phân biệt. Ví như người lúc hồi hộp sợ, thời phi nhơn mới thừa cơ hại đặng. Như thế, các vị Ðại đệ tử vì sợ sanh tử nên sắc thinh, hương, vị, xúc mới thừa cơ được, còn người đã lìa được sự sợ sệt thì tất cả năm món dục không làm chi đặng. Do tập khí kiết sử chưa dứt hết nên hoa mới mắc nơi thân thôi, còn người kiết tập hết rồi, hoa không mắc được.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
- Thiên nữ ở nhà này đã được bao lâu ?
- Tôi ở nhà này như Ngài được giải thoát.
- Ở đây đã lâu ư ?
- Ngài giải thoát cũng lâu như thế nào ?

Ngài Xá Lợi Phất nín lặng không đáp.

Thiên nữ nói :
- Tại sao bực kỳ cựu đại trí lại nín lặng ?
- Giải thoát không có ngôn thuyết, nên ở nơi đó ta không biết nói làm sao !

Thiên nữ nói :
- Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Vì sao ? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên. Thế nên, Ngài Xá Lợi Phất, chớ rời văn tự mà nói giải thoát. Vì sao ? Vì tất cả pháp là tướng giải thoát.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi :
- Không cần ly dâm, nộ, si, được giải thoát ư ?

Thiên nữ nói :
- Phật vì kẻ tăng thượng mạn nói ly dâm, nộ, si là giải thoát thôi, nếu kẻ không tăng thượng mạn thời Phật nói tánh của dâm nộ, si là giải thoát.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
- Hay thay, hay thay, Thiên nữ ! Nàng được cái gì, chứng cái gì mà biện tài như thế ?

Thiên nữ nói :
- Tôi không được, không chứng, mới được biện tài như thế. Vì sao ?
- Nếu có được, có chứng thời ở trong Phật pháp là kẻ tăng thượng mạn.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ :
- Ở trong ba thừa, ý nàng cầu thừa nào ?

Thiên nữ nói :
- Cần pháp Thanh Văn để hóa độ chúng sanh, tôi làm Thanh Văn; cần pháp nhơn duyên để hóa độ chúng sanh, tôi làm Bích Chi Phật, cần pháp đại bi để hóa độ chúng sanh, tôi làm Ðại thừa. Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Như người vào rừng chiêm bặc(19), chỉ ngửi có mùi chiêm bặc, chứ không còn mùi hương nào khác. Cũng như người vào nhà này chỉ ngửi mùi hương công đức của Phật chớ không ưa ngửi mùi hương công đức của Thanh Văn và Bích Chi Phật.
- Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Có những vị Ðế thích Phạm Vương, Tứ Thiên Vương và chư Thiên, long thần, quỉ cả thảy vào trong nhà này nghe Thượng nhân đây giảng nói chánh pháp, đều ưa mùi hương công đức của Phật phát tâm rồi ra.
- Thưa Ngài Xá Lợi Phất, tôi ở nhà này đã mười hai năm chưa từng nghe nói pháp Thanh Văn, Bích chi Phật, Chỉ nghe đại từ đại bi của Bồ Tát và những pháp bất khả tư nghị của chư Phật. Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Nhà này thường hiện ra tám pháp “chưa từng có, khó đặng”. Tám pháp là gì ?
- Nhà này thường dùng ánh sáng sắc vàng soi chiếu ngày đêm không khác, chẳng cần ánh sáng của nhật nguyệt soi chiếu, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ nhất, – Nhà này hễ ai vào rồi không còn bị các thứ cấu nhiễm làm não loạn, đó là pháp “chưa từng có khó đặng” thứ hai.
- Nhà này thường có các vị Ðế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương và các Bồ Tát ở phương khác nhóm họp không ngớt, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ ba. – Nhà này thường nói sáu pháp Ba la mật và pháp bất thối chuyển, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ tư. Nhà này thường trổi âm nhạc bực nhứt của trời, người, vang ra vô lượng tiếng pháp, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ năm. – Nhà này có bốn kho tàng lớn chứa đầy các món báu, giúp khắp cho kẻ nghèo thiếu, hễ cầu liền được không bao giờ hết, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ sáu. – Nhà này Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Ðà, Phật A Súc, Phật Bửu Ðức, Phật Bửu Diệm, Phật Bửu Nguyệt, Phật Bửu Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hướng, Phật Nhứt Thiết Lợi Thành, vô lượng chư Phật trong 10 phương, khi Thượng Nhân đây niệm đến liền hiện tới rộng nói tạng pháp bí yếu của chư Phật, khi nói xong các Ngài đều trở về, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ bảy. – Nhà này tất cả cung điện tốt đẹp của chư Thiên và các cõi Tịnh độ của chư Phật đều hiện ở trong đây, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ tám.
- Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Nhà này thường hiện ra 8 pháp “chưa từng có, khó đặng” như thế, ai thấy được việc không thể nghĩ bàn đó mà lại còn ham ưa pháp Thanh Văn ư ?

Ngài Xá Lợi Phất nói :
-  Vì sao ngươi không chuyển thân nữ kia đi ?

Thiên nữ nói :
- Mười hai năm nay tìm kiếm mãi cái tướng nữ nhơn hẳn không thể đặng, phải chuyển đổi cái gì ? Ví như nhà huyễn thuật hóa ra một người nữ huyễn, nếu có người hỏi rằng : Sao không chuyển thân nữ đó đi ? Vậy người hỏi đó có đúng chăng ?

Ngài Xá Lọi Phất nói :
- Không đúng. Huyễn hóa không có tướng nhứt định còn phải chuyển đổi gì nữa.

Thiên nữ nói :
- Tất cả pháp cũng như thế, không có tướng nhứt định, tại sao lại hỏi không chuyển thân nữ ?

Tức thời Thiên nữ dùng sức thần thông biến Ngài Xá Lợi Phất thành ra Thiên nữ, Thiên nữ lại tự hóa mình giống như Ngài Xá Lợi Phất mà hỏi rằng: Tại sao Ngài không chuyển thân nữ đi?

Ngài Xá Lợi Phất mang lấy hình tướng thân nữ mà đáp rằng :
- Ta nay không biết tại sao lại biến thành thân đàn bà này?

Thiên nữ nói :
- Thưa Ngài Xá Lợi Phất ? Nếu Ngài chuyển được thân đàn bà đó, thời tất cả người nữ cũng sẽ chuyển được. Như Ngài Xá Lợi Phất không phải người nữ mà hiện thân nữ, thời tất cả người nữ cũng lại như thế, tuy là hiện thân nữ mà không phải người nữ đâu. Vì thế, Phật nói : tất cả các pháp không phải đàn ông, không phải đàn bà.

Bấy giờ Thiên nữ thu nhiếp thần lực, thân Ngài Xá Lợi Phất trở lại như cũ. Thiên nữ hỏi Ngài Xá Lợi Phất:
- Tướng đàn bà bây giờ ở đâu ?

Ngài Xá Lợi Phất đáp :
- Tướng đàn bà không ở đâu, mà ở tất cả.

Thiên nữ nói :
- Tất cả pháp lại cũng như thế, không ở đâu mà ở tất cả. Vả lại không ở đâu mà ở tất cả là lời Phật nói.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ :
- Nàng ở nơi đây chết rồi sẽ sanh nơi đâu?

Thiên nữ đáp:
- Phật hóa sanh thế nào, tôi cũng hóa sanh thế ấy.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
- Phật hóa sanh không phải chết rồi mới sanh.

Thiên nữ nói :
- Chúng sanh cũng thế, không phải chết rồi mới sanh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ :
- Ngươi bao lâu sẽ chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác?

Thiên nữ đáp :
- Khi nào Ngài Xá Lợi Phất trở lại phàm phu, tôi sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
- Có khi nào ta trở lại phàm phu.

Thiên nữ nói :
- Có khi nào tôi lại được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì sao? Vì Bồ Ðề không xứ sở nên không có được.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
- Hiện nay các Phật chứng Bồ Ðề vô thượng (A nậu đa la tam miệu tam bồ đề), các Phật đã chứng, sẽ chứng nhiều như số cát sông Hằng thời gọi là gì?

Thiên nữ đáp :
- Ðấy là theo số mục văn tự ở đời mà nói có 3 đời, chớ không phải nói Bồ Ðề có quá khứ, vị lai và hiện tại.  Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Ngài đặng đạo A la hán ư?

Ðáp :
- Không có đặng mà đặng.

Thiên nữ nói :
- Các Phật, Bồ Tát cũng như thế, không đặng mà đặng.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo ngài Xá Lợi Phất :
Thiên nữ này đã từng cúng dường 92 ức Đức Phật, đã được thần thông du hý của Bồ Tát, nguyện lực đầy đủ, chứng vô sanh nhẫn không có thối lui, vì theo bổn nguyện nên tùy ý mà hiện ra để giáo hóa chúng sanh.

6 . SỰ THÀNH LẬP CƠ TIẾN HÓA

Một Thí Dụ: Sự Tiến Hóa Của Loài Thú.
(Chapter Seven: THE EVOLUTION OF ANIMALS,
First Principles of Theosophy by C. Jinarajadasa)

Khi nghiên cứu thiên nhiên, ta có thể từng thấy rằng số nhiều các sinh thể không phải được thấy trong loài người mà trong giới thú vật và thảo mộc. Các lý thuyết khoa học hiện đại cho ta biết rằng có một cầu nối trong sự tiến hóa hình thể từ thảo mộc đến thú vật, và từ thú đến người; cho nên rõ ràng rằng, vì cho tới mức này con người là bậc cao nhất trong tiến hóa, tất cả các hình thể thấp hơn con người phải đang hướng về kiểu cách này.

Kiểu cách cao nhất trong giới thú và gần với con người hơn hết là “cái mắc xích bị mất”; và con vượn người là hình thức hiện còn tồn tại gần cái “cái mắc xích bị mất” ấy nhất. Về mặt hình thể vật chất, ta có thể thấy đủ rõ ràng sự chuyển tiếp từ vượn người đến người; nhưng khi xét đến trí thông minh trong giới thú vật, có một khoảng trống rất lớn trong quan điểm tiến hóa khoa học. Ta có vài loại thú vật nhà như chó, mèo và ngựa trong đó có xuất hiện những đặc trưng của trí thông minh và xúc cảm có tính người; về bản tính bên trong nhiều con trong loài chó lại gần với loài người hơn là con vượn người. Rõ ràng rằng không thể có sự chuyển tiếp, về mặt hình thể, từ chó đến người; do vậy, chắc hẳn rằng, nếu sự tiến hóa lại tiến hành cứng nhắc theo bậc thang hình thể như khoa học đề ra, các tánh chất cao cấp của con người đã có phát triển trong những con thú nuôi của chúng ta phải thực tế bị phí uổng đi.
Để hiểu rõ hơn việc thiên nhiên hoạt động ra sao, ta phải bổ túc quan điểm tiến hóa hình thể  trong giới thú vật bằng quan điểm về tiến hóa của mạng căn của chúng. Chỉ với quan điểm sau này ta mới có thể hiểu rõ vai tuồng của giới thú vật trong diễn trình tiến hóa.

Mạng căn nào, dù là kim thạch, thảo mộc, thú cầm hay con người, trên cơ bản vẫn là Cái Sống Duy Nhất, nó là sự thị hiện bản chất và hành động của Đấng Tạo Hóa; nhưng mạng căn này phát lộ những thuộc tính của mình hoặc đầy đủ hoặc thiếu sót, là do nó có đã vượt nhiều hay ít những giới hạn trong cuộc tiến hóa của mình hay không. Trong giới kim thạch, những giới hạn này là lớn nhất, nhưng trong giới thảo mộc, thú cầm và con người thì ít hơn. Trong sự tiến hóa những thuộc tính của mình, Mạng Căn tuần tự vượt qua những giới hạn này; sau khi trãi qua cái giới hạn trong vật chất kim thạch, và đã học nơi đó cách tự biểu lộ mình trong việc hình thành các hình dạng kỹ hà qua sự kết tinh, nó tiếp tục tiến đến việc trở thành mạng căn trong giới thảo mộc. Giữ lại tất cả những khả năng mà Mạng Căn đã học qua vật chất kim thạch, nay nó lại thêm vào đó những khả năng như một cái cây, và khám phá ra những phương cách mới để tự phát hiện. Khi đã làm đủ các công tác tiến hóa trong giới thảo mộc rồi, Mạng Căn  này, với tất cả những kinh nghiệm thu được trong cuộc sống kim thạch và cây cối, xây dựng những cơ thể trong giới thú vật, để có thể phát hiện thêm nữa những thuộc tính của mình qua những hình thức phức tạp hơn và dễ uốn nắn hơn của cuộc sống thú vật. Khi công tác tiến hóa trong giới thú vật của nó đã xong, giai đoạn tự khám phá tiếp theo của nó là trong giới loài người.

Xuyên qua tất cả những giai đoạn vĩ đại này, trong tư cách một loài kim thạch, thảo mộc, thú vật hay con người, chính Cái Sống Duy Nhất ấy đang hành động, đang xây dựng, tái xây dựng, tái xây dựng, luôn luôn xây dựng những hình thể cao hơn và cao hơn nữa. Mạng Căn này, lâu trước khi bắt đầu công việc của mình trong vật chất kim thạch, đã tự phân ly mình để nhập vào bảy dòng sống lớn, mỗi dòng có tính chất đặc trưng và bất biến của mình (hình PL 6.1).

Trong đồ hình, Nguồn Sống Duy Nhất được tượng trưng bằng hình tam giác trong vòng tròn.

Mỗi dòng trong bảy dòng này tự phân biệt mình để đi vào bảy lối  biến thái. Nếu ta tượng trưng bảy dòng lớn bằng những số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, những biến thái trong mỗi dòng sẽ như bảng sau đây.
Bây giờ ta đã rõ cách thức theo đó kiểu sống thứ nhất có bảy biến thể. Trong loại thứ nhất, tính chất riêng của nó được nhấn mạnh lên gấp đôi (1.1), nhưng từ biến thái thứ hai tới thứ bảy, tính cách riêng của nó lại được biến thái bởi sáu loại tính cách cơ bản kia 1.2, 1.3,1.4,1.5,1.6,1.7. Với sáu loại cơ bản kia cũng cùng một nguyên lý như vậy, như ta sẽ thấy trong bảng. Các kiểu này được biết như những “Tia”.

Mỗi một trong bốn mươi chín biến thái của Sự Sống Duy Nhất đi theo sự phát triển đặc tính riêng của mình kinh qua tất cả những tầng giới sự sống, kim thạch, thảo mộc, thú cầm và nhơn loại. Kiểu sống trong Giới thú vật thuộc vào biến thái 3.2, đi từ giới kim thạch qua thế giới thảo mộc dọc theo kênh riêng của mình, và là sự sống 3.2 của giới thảo mộc. Khi đã đến lúc để bước vào giới thú vật, nó xuất hiện ở đó vẫn theo sự sống 3.2, và qua hình thức của thú vật đặc biệt dành riêng cho sự phát triển kiểu sống này. Khi đời sống thú vật lại tới giai đoạn bước qua giới nhân loại, nó sẽ xây dựng nên một kiểu người 3.2, chứ không phải theo một kiểu nào khác. Bốn mươi chín biến thái này của dòng sống duy nhất theo bốn mươi chín kênh chuyên biệt qua suốt các giới, và không có sự trộn lẩn kiểu sống này với kiểu sống kia.

Khi bốn mươi chín dòng sống trong giới thú vật sẵn sàng bước qua giới nhân loại, từng loại trong bảy biến thái của mỗi kiểu cơ bản lại đồng qui vào thành một vài hình thức thú vật tiền định, ở giai đoạn cao nhất của cuộc sống thú vật của mình. Những hình thức thú vật này được Thiên Cơ sắp xếp sao cho đến gần được với nhân loại như là thú vật nuôi; và, dưới ảnh hưởng của những chăm sóc hào phóng dồn cho chúng nó, mạng căn thú vật ấy phát lộ được các thuộc tính ẩn của mình, và phát triển chúng, và “hình thành cá tính riêng” cho chính mình để tiến vào giới nhân loại.

Ngày nay, chúng ta có vài loài thú vật đứng cương vị như cánh cửa mở vào giới con người; những loài đó như là chó, mèo, ngựa, voi và có lẽ cả khỉ nữa. Cuộc chuyển hóa từ thú sang người có thể diễn ra qua các cửa này, với điều  kiện là có các ảnh hưởng thích đáng từ các hành vi của con người được mang đến cho chúng. Dù rằng kiếp chó và mèo là kiểu cách cao nhất đi theo hai “Tia” của mình, sự chuyển hóa chỉ xảy ra được khi một con chó hay mèo đặc biệt nào đó đã phát triển được trí thông minh và sự từ ái của mình từ hành vi trực tiếp của con người.

Các thú vật nuôi của chúng ta đã từng phát triển từ các thứ thú vật lúc trước hoang dại hơn; loài chó là hậu duệ của loài sói, và loài mèo là từ nhiều giống thuộc nhà họ miêu, như loài báo, loài cọp v.v. Ở giai đoạn này, dòng chảy của Cái Sống thể hiện trong dòng sống chó, dòng Khuyển (Canine), tất cả đều hội tụ vào chó nhà để tiến vào giới nhân loại; và tương tự như vậy, các loại mạng căn dòng Miêu (Feline) hội tụ vào loài mèo nuôi. Trong những kỷ nguyên tương lai, ta sẽ có những thú vật “được thuần hóa thành vật nuôi” cũng từ những hình thức khác, tạo ra bảy cửa tiến vào nhân giới.

Để hiểu cuộc tiến hóa của loài thú, ta cần biết rõ ý niệm về hồn khóm. Theo cái nhìn của Thông Thiên Học, cá thể con người không phải là thân thể vật chất của người đó, mà là chủ thể tâm linh đang mang một hình hài thể chất, vốn cũng là một con thú thôi. Y như vậy, con thú thật sự cũng không phải là thể chất, đó là một mạng căn vô hình tác động lên một hình thể thú vật giống như linh hồn tác động lên thân thể con người. Cái mạng căn vô hình kích hoạt những hình hài thú vật đó được gọi là hồn khóm (Group-Soul).

Hồn khóm là một số lượng xác định chất của cái trí có năng lượng mà Đấng Tạo Hóa thêm cho. Chất cái trí này có chứa sinh lực nhất định ở cấp bậc tiến hóa thú vật, và trong sinh lực ấy có chứa trữ tất cả các phát triển khả hữu của tâm thức và sinh hoạt thú vật. Cái hồn khóm này, ở những chu kỳ tiến hóa trước, là hồn khóm thảo mộc; và ở những chu kỳ trước đó, là hồn khóm kim thạch. Cho nên giờ này, ở giai đoạn ta đang xét tới đây, hồn khóm thú vật đã trở nên có tính chuyên môn cao độ rồi, do kinh nghiệm chúng thu được từ thảo mộc và từ vật chất kim thạch. Ở giai đoạn tiến hóa này, không có  một hồn khóm thú vật cho giới thú vật nữa, cũng như không có một loại thể chất cho mọi con thú, và cũng giống như trong sự tiến hóa của các hình thể ngày nay ta có  sự phân nhánh thành các giới, chi (sub-kingdom), nhóm (group), lớp (class), các bộ (order), họ (family), giống (genus) và loài (species) cho nên trong hồn khóm cũng có những phân loại tương tự. Đồ hình kế tiếp, hình PL 6.3, sẽ cho ta ý niệm về cung cách hoạt động của hồn khóm.

Cho như có một hồn khóm, trên cảnh giới cái trí, của vài loại mạng căn thú vật nào đó; hồn khóm này sẽ luân hồi trở đi trở lại trên trái đất qua các đại biểu thú vật của mình. Mạng căn của hai con thú trong hồn khóm này sẽ hoàn toàn khác nhau trong suốt thời gian chúng còn sống; nhưng khi chúng chết, mạng căn của mỗi con trở lại với hồn khóm, và được hòa trộn với tất cả mạng căn trở lại như vậy của những con thú khác để hình thành nên hồn khóm của thứ loài đó. Nhìn đồ hình PL 6.3, nếu ta xem A và B là hai đại biểu của hồn khóm trên cảnh giới vật chất, thì, khi chúng sinh con – A sinh ra a, b, c, d và e và B sinh ra f và g – mạng căn có linh hồn nằm trong thể xác của thế hệ mới đến thẳng từ hồn khóm trên cảnh giới cái trí. Cho như trong lứa đẻ của A, các con thú con được tượng trưng bằng a, d và e phải chết non vì yếu sức, hay bị hủy diệt vì những kẻ thù của giống loài; và cũng thế một  đứa con của B, tượng trưng bằng g cũng đồng chịu số phận như vậy. Khi các con thú này chết, mạng căn của chúng quay thẳng về hồn khóm, và đóng góp vào kho kinh nghiệm những kinh nghiệm mới mẻ mà chúng đạt được trước khi chết.
Bây giờ, theo đồ hình,  ta thấy rằng g cho sinh ra h, i, j và c sinh ra k và l và f cho ra đời m, n và o. Mạng căn có linh hồn trong thể xác của thế hệ thứ ba cũng đến thẳng từ hồn khóm, nhưng nó sẽ được khắc ghi lên đó những kinh nghiệm thu thập được bởi những phần tử của các thế hệ trước đã chết trước khi chúng được bào thai. Khi mỗi con thú chết, mạng căn mang hồn trong hình hài con thú ấy được đổ trút lại vào hồn khóm, và khi mạng căn này trở lại với hồn khóm, thêm vào các kinh nghiệm mà chúng thu thập được trong các thứ môi trường vật thể khác nhau, để tạo ra phần trí nhớ bẩm sinh. Chính trí nhớ của những kinh nghiệm thời trước này tự hiện ra thành bản năng trong loài thú; và ý thức của hồn khóm thay đổi dần, tùy theo mức đóng góp mà nó nhận được từ các đại biểu trên thế gian sau khi chúng trở về.

Sẽ rõ ràng rằng b, c và f chỉ sống còn được vì chúng có khả năng tự thích ứng với môi trường thiên nhiên, lúc nào cũng thay đổi quanh chúng và a, d, e và g phải chết vì chúng không đủ mạnh để tự thích ứng với môi trường đó. Mấy con trước sống còn vì chúng là những con mạnh nhất, thích ứng nhất, trong một môi trường đầy chiến đấu và cạnh tranh; và vì là thành phần thích  ứng để sống còn, chúng trở nên những mạch dẫn truyền cho các mạng căn đang tiến hóa của hồn khóm, thế là chúng cho sinh ra những hậu duệ có phẩm chất đã được phát triển thích ứng để sống còn cho môi trường nào đó.

Trong hành vi chọn lựa hình thức thích hợp nhất để sống còn này của thiên nhiên, trong thế giới vô hình, có những bậc mà đồ hình này gọi là “Các Đấng Kiến Tạo”. Các Nguồn Thông Minh này thuộc vào một giới cao hơn giới nhơn loại, và được biết với tên là các Tiên Thánh (Devas hay Angels).

Một bộ phận mà các “Đấng Soi Sáng” này có khi làm việc là hướng dẫn tiến trình sống với thiên nhiên; chính họ đã hướng dẫn Cuộc Chiến Đấu để tồn tại, và, trong phần trách nhiệm của mình, trông chừng sự phát triển các đặc tính hướng tới những hình thức lý tưởng cho thứ loài. Họ phối hợp các genes di truyền vốn liên hệ rất gần gủi với sự phát hiện những đặc tính tiềm ẩn của mạng căn đang ngụ trong hình hài vật thể. Những Đấng Kiến tạo này có trước mặt mình một số Những Kiểu Mẫu phải phát triển cho được trong thiên nhiên, để có thể phục vụ tốt nhất cho Cái Sống; với những Nguyên Mẫu trước mặt mình, họ trông chừng và rèn đúc những cơ quan từ những thế giới vô hình, sao cho có thể mang tới sự đến của kẻ thích ứng nhất mà những lý thuyết tiến hóa thông thường khó thể giải thích được.

Các lý thuyết về sinh vật ngày nay không đủ để giải thích “ba vấn đề chánh yếu của sự tiến hóa” – nguyên ủy của các giống loài, nguyên ủy của sự thích ứng, và sự bảo trì các khuynh hướng trường kỳ. Ý tưởng theo kiểu cái “tự nhiên mù” kia lại có thể làm việc một cách có chủ định bằng phương pháp thuần túy máy móc “mò mẫm học tập qua thử và sai” không có tính thuyết phục. Việc thích nghi quả có định hướng tới một mục đích hữu định trong trường kỳ. Quan điểm về hồn khóm và về các Đấng Kiến Tạo Thiêng Liêng cho ta một sự giải thích hợp lý. Chính các Đấng Kiến Tạo này đã dùng phương pháp thử nghiệm và sai lầm trong các hoạt động trường kỳ của mình qua các thời đại nhưng ngay từ đầu trước mặt họ đã có cái kiểu mẫu tận chung.

Sự phấn đấu để tự tồn của các sinh linh là phương pháp được chấp nhận bởi Các Đấng Kiến Tạo, để tìm ra sinh linh nào trong số chúng nó sẽ phát triển, trong cuộc phấn đấu ấy, những kiểu thích nghi có thể dùng làm mẫu giúp ngày càng gần giống hơn với các Nguyên Mẫu. Phải nhớ rằng trong cái chết của bất cứ cơ thể sống nào, mạng căn của nó không phải tan biến vào chỗ chẳng còn chi nữa; mạng căn ấy, với kinh nghiệm của mình, quay lại với hồn khóm của mình, và rồi về sau  lại phát sinh ra để cư ngụ trong một hình thù mới. Cho nên khi ta thấy rằng trong số một trăm hạt giống có lẽ chỉ có một hạt tìm được chỗ đất mầu để nẩy mầm, và chín mươi chín hạt phải bị phí đi, cái phí phạm đó chỉ là biểu kiến (thấy được bên ngoài) vì mạng căn của chín mươi chín cái “bất xứng” ấy lại xuất hiện trong thế hệ sau như là hậu duệ của hạt giống “xứng hợp”.

Với nguyên lý này về sự bất khả hủy diệt của cái Sống trước mặt mình, các Đấng Kiến Tạo sắp xếp cho có một cuộc phấn đấu để trường tồn trong giới thực vật và thú cầm. Phương pháp này đưa tới một sự tàn nhẫn dữ dội trong thiên nhiên, nhưng ở mặt vô hình của nó cũng có một sự cộng tác thân ái nhất giữa các Đấng Kiến Tạo đang điều hành sự phát triển của những lực lượng thù nghịch nhau. Tất cả họ đều có chung một mục đích, đó là thực hiện Thiên Ý, vốn đã đặt trước mặt họ cái Nguyên Mẫu phải được tái sản xuất trong sự tiến hóa của các hình hài.

Bây giờ ta phải hiểu bằng cách nào mà một mạng căn thú vật lại tự tách ly mình trong diễn trình dẫn tới sự cá biệt hóa. Nếu ta coi xét đến bất cứ hồn khóm nào, thí dụ như của loài chó (Canine – hình 58), ta sẽ trước nhất để ý rằng hồn khóm của nó nằm trong cảnh giới cái trí.

Ta hãy coi như hồn khóm của giống khuyển tự biểu lộ chính mình trong các hình thể loài Khuyển (Canine) ở nhiều nơi trên thế giới. Sự khác biệt khí hậu và những chuyển biến trong môi trường sẽ làm cho những cá thể khác nhau đưa ra những đáp ứng khác nhau, tùy theo phần thế giới nơi mà mỗi mạng căn thể hiện; mỗi cá thể trong một xứ khi chết sẽ mang lại cho hồn khóm một kiểu kinh nghiệm và khuynh hướng khác nhau. Khi những kinh nghiệm này được tích lũy lại qua một khoảng thời gian, trong hồn khóm sẽ nổi lên những trung tâm khác nhau, mỗi trung tâm xuất hiện ra những khuynh hướng và kinh nghiệm khác nhau. Nếu ta nghĩ rằng mỗi kinh nghiệm là một tần số rung động trong mạng căn của phần tử trong cuộc, thì, nơi nào một đám đông có sinh ra hai tần số rung động, đám đông ấy có khuynh hướng phải phân chia ra, giống như cái ly bị vỡ khi nước sôi được rót vào đó, vì tần số rung động của các hạt bên trong thình lình bị làm cho rung động mau hơn các hạt cấu tử bên ngoài.

Tượng tự, ta sẽ thấy ra rằng, sau nhiều thế hệ, hồn khóm của họ Khuyển sẽ chia nhỏ ra thành các hồn khóm chuyên biệt của họ sói, chồn, chó, chó rừng và các giống loại khác. Tương tự, hồn khóm của họ nhà Miêu (Feline – hình PL 6.4) sẽ chia ra, tùy  theo những chuyên biệt kinh nghiệm, thành những nhóm hồn khóm của sư tử, cọp, mèo v.v. Thật vậy, cũng y như giống chia nhỏ thành những họ, hồn khóm cũng từ từ tự chia thành các hồn khóm nhỏ hơn chứa những tính chất và khuynh hướng ngày càng chuyên biệt hơn.

Trong tiến trình chia nhỏ hồn khóm này, ta sẽ đến một điểm mà một nhóm hồn khóm nhỏ sẽ là chỗ trú của chỉ một số ít các hình thù thể chất; khi việc này xảy ra, và khi các hình thể có thể được mang tới để chịu ảnh hưởng của con người, sự chuyển hóa từ thú đến người có thể xảy ra và đã gần đến việc hình thành cá tính.
Nếu giả như ta xét đến hồn khóm nguyên thỉ của họ nhà Miêu, ta sẽ, theo dòng thời gian, có một hồn khóm nhỏ kích hoạt ra một giòng mèo nuôi có tính chuyên biệt cao (hình PL 6.4); ở giai đoạn này, có thể có sự cá thể hóa. Nếu ta xét đến hai con mèo, số 1 và số 2, ta có thể coi như kinh nghiệm của chúng nó không giống nhau; ta sẽ coi con mèo số một tìm được một hộ gia cư nơi đó nó được hoan nghênh và nó được dồi dào sự thích thú và tình yêu thương, còn con mèo số 2 lại được sinh ra trong một hộ gia cư khác nơi đó nó bị bỏ xó trong bếp và bị cấm không cho vào phòng khách. Con mèo số một, trong môi trường thuận lợi của mình sẽ bắt đầu đáp ứng lại những tần số rung động cao từ những ý nghĩ và cảm xúc của ông bà chủ tác động lên nó; và cả lúc trước khi nó chết nữa, điều này sẽ mang đến một sự chuyên biệt cao trong hồn khóm nhỏ nhoi đến nỗi phần hồn khóm mà con mèo số 1 đại diện sẽ tách ly khỏi phần còn lại của hồn khóm. Trong trường hợp con mèo số 2, khi nó chết, cái mạng căn trong nó sẽ trở về với hồn khóm, để hòa nhập vào đó với những mạng căn khác quay về.

Khi con mèo số 1 phải tự tách ly khỏi hồn khóm của mình trong cuộc sống, những giai đoạn sau nữa của của sự cá thể hóa có thể được hiểu nhờ đồ hình tiếp theo (PL 6.5).

Nhưng bây giờ con vật ta xét đến không phải là con mèo mà là một con chó, “Jack”. Jack trước là một con chó thuộc nòi chó sục cáo hết lòng với ông bà chủ của mình, và cũng là một bạn tốt của tác giả. Nếu ta nhìn đồ hình và tưởng tượng cái hồn khóm có Jack trong đó trước khi nó đến với chủ nó là một hình chữ nhật, rồi tình thương đặc biệt dồn cho Jack sẽ có kết quả, như được chỉ ra trên đồ hình, là hút cái phần hồn hóm của Jack thành ra một hình tháp hướng lên trên. Sau đó, cái số lượng vật chất cõi trí, tượng trưng cho “hồn của Jack” từ từ tự tách ly khỏi phần còn lại của vật chất cõi trí tạo nên hồn khóm, như chỉ rõ trong cột ba của đồ hình.

Bấy  giờ đã đến lúc Jack tách ly khỏi hồn khóm chó, không chỉ vì tần số cao cấp mà ông bà chủ và các bạn gởi cho nó, mà còn do một Nhất Nguyên, một “phần chiết ra của Thiên Tính” đang tìm cách hình thành một cái “ngã” hay là một cái Hồn để bắt đầu cuộc hành hương của mình vào giới con người.

Ngôi Nhất Nguyên này đã từ lâu cấp cho nó một nguyên tử trung tâm của mỗi cõi, như là một “điềm báo” ký gởi trước về viễn cảnh của công tác tương lai của nó. Những “nguyên tử trường tồn” này của nó đã được tiếp nối gởi ra cho các chất cơ bản, cho kim thạch, thảo mộc, và các hồn khóm thú vật để từ đó tiếp nhận bất cứ kinh nghiệm nào có được.

Khi “nguyên tử thường trực” thấy có tiếp cận được với một phần hồn khóm thú vật có tính chuyên biệt cao, như là “hồn của Jack” thì, từ cảnh giới cao của mình, ngôi Nhất Nguyên lại gởi xuống một vài ảnh hưởng, để đáp ứng lại những việc mà các bạn nhân loại đã làm cho “hồn của Jack”. Những ảnh hưởng này được tượng trưng trong đồ hình như là lực từ Ngôi Nhất Nguyên ban rải xuống trên “hồn của Jack”. Ngôi Nhất Nguyên  được tượng trưng bằng hình nón ngược đầu ở bê trên và mỗi ngôi sao trong hình nón này tượng trưng cho phẩm chất mà Ngôi Nhất Nguyên đang thị hiện trên mỗi cảnh giới hoạt động của Jack.

Khi “hồn của Jack”, do kết quả của những bức xạ thiêng liêng hơn và mạnh mẽ hơn từ Ngôi Nhất Nguyên[2], tự tách ly khỏi hồn khóm, trông bên ngoài Jack vẫn còn hình thù là chó, nhưng nó thật sự đang trong giai đoạn chuyển tiếp, vì nó không còn là chó nữa dù chưa phải là người. Giai đoạn này được mô tả trong cột ba của đồ hình.

Giai đoạn kế đó, được mô tả trong cột cuối cùng của đồ hình, là khi, do kết quả của sự ban bố của Ngôi Nhất Nguyên từ những cảnh giới cao hơn, Cái Vía được thành lập.

Chuyện thật xảy ra chỉ có thể được mô tả bởi một ví von, nếu ta tưởng tượng rằng “hồn của Jack” được tượng trưng trong cột ba bằng hình tháp dưới thấp, giống như một khối hơi nước không có tính kết dính mạch lạc, không hình thù chi chính xác; rồi ta lại nghĩ rằng tất cả hơi nước này bây giờ đông đặc thành một giọt nước, rồi ta lại nghĩ rằng không khí được thổi vào trong nước ấy và bọt bong bóng được tạo ra; thì đây là chuyện giống như điều đã xảy ra cho “hồn của Jack” khi Ngôi Nhất Nguyên đi xuống để tạo ra cái vía. Một cảm hứng thiêng liêng, ấy là năng lượng của Ngôi Nhất Nguyên tuôn đổ vào chất cõi trí[3] và đối với Jack ấy là cái linh hồn nhỏ bé của mình. Vật chất cõi trí tự nó sắp xếp thành ra Cái Vía, để trở thành chiếc xe chở của cái gọi là “Đứa Con Trong Lòng của Cha” đi xuống dưới để trở thành một hồn người.

Nên nói rõ rằng, trong tiến trình hình thành cá tính này, con thú không trở thành con người theo cùng cách mà thảo mộc đã trở thành con thú; trong việc hình thành cá tính, tất cả những gì mà từ lâu vốn là con thú bây giờ lại biến thành chiếc xe để chở một phần của Thiên Tánh, Ngôi Nhất Nguyên, đến từ trên cao. Ngôi Nhất Nguyên này không thể làm cho Cái Vía thành ra có Ngã tính cho tới khi tất cả những giai đoạn trước của các kinh nghiệm trong cõi thú vật và các cõi trước đó đều được hoàn tất, trong khi nó sử dụng những gì mà giới thú vật đã chuẩn bị cho nó, thật ra nó là một dòng năng lượng và tâm thức rất khác với những gì có trong các giới thấp hơn con người. đó là lý do tại sao có một khoảng trống vô biên giữa con vượn người cao cấp nhất và cái hồn cá thể trẻ trung nhất; trong hồn này là cái sống của một ngôi Nhất Nguyên, còn trong con vượn, ta chỉ có những biểu hiện cao cấp hơn của đời sống thú vật mà thôi.

Từ lúc mà “hồn của Jack” tự phân ly khỏi hồn khóm chó, thực ra nó đã thôi làm chó, dù nó vẫn còn hình hài con chó. Từ điểm phân ly này cho tới lúc thực sự hình thành cái vía, có nhiều giai đoạn chuyển hóa. Những giai đoạn này có thể được làm cho nhanh hơn do sự hiểu biết thích đáng của con người về tiến trình hình thành cá tính, sao cho các bạn bè thú vật của chúng ta có thể nhanh chóng bước qua sự tiếp nhận Ân Thiêng để biến mỗi chúng nó thành ra một Hồn Người.

Một trong những đặc ân lớn nhất trong cuộc sống mà con người có được là cộng tác với Thiên Cơ để làm nhanh lên tiến trình hình thành cá tính của các con thú cao cấp, nhưng đấy là một cái ân mà thời nay, vì không biết, chỉ một ít người sẵn sàng tiếp nhận mà thôi. Ngày nay hầu hết người ta coi như dĩ nhiên rằng thú vật tồn tại chỉ nhằm mục đích phục vụ cho con người; dù rằng thú vật thật ra để cho ta sức mạnh và trí thông minh của chúng, để giúp ta phát triển nền văn minh của mình, nhưng chúng tồn tại không phải chủ yếu là vì con người, mà là để hoàn tất mục đích của chúng trong Cõi Thiêng Liêng. Trong sự đối xử của ta với thú vật, ta phải nhớ rằng trong khi chúng cho ta sức mạnh, bổn phận tiên khởi của ta vẫn phải là coi sóc xem chúng có phát triển theo cách thức làm nhanh lên cái tiến trình xây dựng cá tính của chúng hay không.

Thời đại này chúng ta huấn luyện trí thông minh của loài ngựa để có hãnh diện với tốc độ, của loài chó để phát triển tài khéo đi săn, của loài mèo để thành ra “tay giỏi bắt chuột”. Tất cả những thứ này đều cực kỳ sai lầm, vì thú vật được cho tiếp cận với con người để chúng nó cai cái bản năng man rợ của mình, và để khơi dậy những nhân tính cao cấp hơn từ trong chúng nó. Mỗi hành vi của con người nhằm sử dụng cái khéo léo thuần túy thú vật để thỏa mãn dục vọng của mình là một điều tai hại cho cái sống của con thú đang tiến hóa. Bây giờ ta phải học cho biết rằng trong khi sự thông minh thượng đẳng và khả năng điều ngự thiên nhiên của chúng ta đã cho ta điều ngự được loài thú, sự điều ngự ấy vẫn phải thực hiện vì sự lợi ích của giới thú vật chớ không phải vì chính chúng ta [4].

*  *   *

[1] Đây chính là Thầy với ba sự thị hiện: tạo Càn Khôn Thế Giới, tạo Càn Khôn Vạn Vật và tạo Đạo phục hồi các con về với Thầy. (LND)
[2] Trong sự hình thành cá tính, hai đối cực được đặt gần nhau, và tại lúc gặp nhau, ánh sáng tuôn ra, chiếu sáng cái hang vật chất và chiếu sáng lối đi mà hành giả phải theo trên đường về ngồn cội.

Liên hệ với loài người, sự chiếu rọi này dẫn đến:
Sự tự biết mình,
Mục tiêu,
Tách rời khỏi tất cả các bản ngã hay các lãnh vực có tính cá nhân
Ý thức (điều quan trọng nhất),
Khả năng tiến hóa,
Khả năng “chiếu sáng hơn nữa hơn nữa cho đến ngày trọn lành”.
Điều này đúng cho cả Đức Thái Dương Thượng Đế lẫn cho người ỡ Thiên Đường.

Sự hình thành cá tính có nghĩa đen là sự đến với nhau (từ trong bóng tối của sự lơ đãng) của hai yếu tố Vật Chất và Tinh Thần bằng phương tiện của một yếu tố thứ ba, ấy là ý chí thông minh, mục tiêu và hành động của một Cá Thể. Do việc tiếp cận nhau của hai cực này mà ánh sáng được sản sinh, một ngọn lửa được chiếu rọi, một quả cầu vinh quang chói lọi được dần dần thấy rõ có gia tăng cường độ của ánh sáng, sức nóng và sự rực rỡ cho tới khi đạt được khả năng hoặc đến cái mà ta gọi là trọn lành. Ta nên lưu ý rằng những từ ánh sáng, sức nóng và sự rực rỡ là những dấu hiệu đặc trưng của mọi cá thể có cá tính từ các Đấng thiêng liêng cho tới loài người
Alice Bailey & Djwhal Khul - A Treatise on Cosmic Fire – Sollar Fire, The Fire of Mind

[3] Thông Thiên Học gọi Tam Thể Tối Cao là “Adi- Amupadaka – Atma”, Tam Thể Thượng của con người là “Atma – Buddhi – Manas” (trong đó Manas là Thượng Trí). Tam Thể Hạ là “Hạ Trí – Tình Cảm – Xác Thân Vật Chất”. (LND)
[4] Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng từng dạy:
“Nếu ta thấy được cõi hư-linh kia cái tinh của các vạn-loại bị giết chóc một cách tàn nhẫn, bởi loài người kết oán thù thâm với nó, chực chờ thù ghét vì vậy mà nó có vay trả luân-hồi mãi mãi đọa đày bất-năng thoát tục.
Mong sao chúng ta từ đây phải biết trọng lấy lẽ ấy mà luyện đệ nhị xác thân cho đủ đầy sự tinh khiết, là phải thương loài vật, phải thương tất cả để chấm dứt cái oan-nghiệt ấy mà truyền bá cái huờn thuốc linh-đơn nầy là đạo-đức của Chí-Tôn, để cứu vớt quần-sanh thoát vòng đọa lạc.” ( Đền Thánh, đêm Rằm tháng 2 Năm Đinh-Hợi (1947)
 HT. Đoàn Kim Sơn

Home                         1 ]  2 ]  3 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét