Dưới Bóng Cờ Cứu Khổ - 1 / 7 (Hồi ký Qui Tâm)


Thay Lời Tựa.
Cuối Hạ Ngươn, nhơn loại say mê vào đường vật chất, phế cả giá trị đạo đức tinh thần, mới sanh ra nhiều tộc ác.

Khi điểm thiên lương của Trời ban cho người đã mất, con người chỉ biết có quyền lợi làm căn bản cho kiếp sống, lòng tham vọng gây nên tranh chấp, quyết liệt tàn sát lẫn nhau, mạnh được yếu thua, để rồi đi đến cơ tự diệt.

Đức Chí Tôn đến khai Đạo cốt yếu đem lời vàng tiếng ngọc để thức tỉnh chúng sanh và cứu những người biết giác ngộ, biết cải ác tùng lương lập đời Thượng ngươn Thánh đức.

Vào ngươn Thánh đức nhơn loại trên mặt địa cầu, không phân biệt màu da sắc tộc, đồng nhìn một Đấng cha chung là Thượng Đế, biết nhìn  nhau là bạn đồng sanh. Con người biết tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không còn hận thù chém giết, chung sống an cư lạc nghiệp trong thế giới đại đồng hoà bình hạnh phúc.

Vì nhơn loại không thể tạo hoà bình chung sống, tự do dân chủ cho nhau, nên Đức Chí Tôn đến khai Đạo để tạo hoà bình hạnh phúc và tự do dân chủ thật sự cho toàn thiên hạ.

Đó là cơ cứu khổ và cứu thế của Đức Chí Tôn. Buổi ban sơ khai Đạo, Thiên Ý đã để trong hai câu liễn trước Toà Thánh.

"CAO THƯỢNG CHÍ TÔN ĐẠI ĐẠO HOÀ BÌNH DÂN CHỦ MỤC"
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI TAM KỲ CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN."

 Sự thực hiện được mục đích ấy rất khó khăn và mắc mỏ, nên phải có đức tin mạnh mẽ đặt trọn vào hai Đấng Phụ Mẫu vạn linh là Đức Chí Tôn và Phật Mẫu. Phải kiên tâm trì chí, chịu nhẫn nhục với tinh thần hy sinh phụng sự, cương quyết làm tròn sứ mạng đến thành công.

Các bậc tiền bối có sứ mạng khai sáng mối Đạo như Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, cùng nhiều vị khác đã trải qua biết bao nhiêu khổ hạnh, gian lao cho đến ngày qui vị...
* * *
   Năm 1931.
THÔNG ĐIỆP HOÀ BÌNH CỦA
ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG THƯỢNG TRUNG NHỰT
Vào năm 1931, Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt nhân danh Giáo Tông Đạo Cao Đài, thay lời Đức Thượng Đế, kêu gọi Hoà Bình các nước trên mặt địa cầu thông qua Hiệp hội báo chí Thế giới, nguyên văn như sau :

   Tây Ninh, ngày 1-12-1931.

Kính gởi  Quí vị Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Báo Chí Thế Giới,
Kính Quí vị Chủ Tịch,
Chúng tôi rất hân hạnh và kính cẩn yêu cầu quí Ngài khuyến nhủ tất cả các Giám đốc nhựt báo, các tạp chí định kỳ, dành cho chúng tôi một chỗ để kêu gọi sự thống nhứt đức tin như bản kèm theo đây.

Đó là một đặc ân mà báo chí ban cho toàn thể nhơn loại. Sở dĩ nếu sự thống nhất đức tin được thực hiện, thì các chủng tộc sẽ xem nhau như anh em và Hoà Bình thế giới sẽ được giải thoát cơn ác mộng ghê gớm về một trận thế chiến sắp xảy đến mà sức phá hoại sẽ mười phần dữ dội hơn trận thế chiến (1914-1918).
Mong Quí vị Chủ Tịch nhận nơi đây những cảm tình kính mến và biết ơn của chúng tôi.
THƯỢNG TRUNG NHỰT
Toà Thánh Tây Ninh
Ngày 1-12-1931

THÔNG ĐIỆP
Kính gởi :
- Chư Vị Hoàng Đế Quốc Vương.
- Quí Vị Nguyên Thủ Lãnh đạo các nước.
- Chư Vị Giáo Lãnh các Tôn Giáo trên thế giới,

Kính thưa Quí Ngài,
Chúng tôi trân trọng và thành kính thông báo cùng quí Ngài, Đấng Tối Cao tức là Đấng Thượng Đế toàn năng, mà cũng là Đại Từ Phụ của tất cả nhơn loại, đã giáng lập trên một góc của nước Việt Nam thuộc tỉnh Tây Ninh một nền Tân Tôn Giáo. Nền Tân Tôn Giáo này có thể canh tân toàn thể thế giới bằng một lý tưởng cao quí, đó là tình thương vạn vật, rồi đây bởi sự chuyển xây của Tạo Hoá, các sắc dân sẽ đồng tâm hiệp lực kết tình anh em với nhau và chừng ấy nền Hoà Bình Thế Giới sẽ phát hiện.

Chiến tranh ! Cuộc chiến tranh tội lỗi giữa huynh đệ giết nhau một cách ghê tởm của thế kỷ 20 được mệnh danh là tiến bộ văn minh vẫn có thể tránh được.Sở dĩ chúng tôi nói đến “Tội huynh đệ giết nhau” là vì dầu cho chủng tộc nào có phân chia nòi giống, nhưng tất cả đang sống trên quả Địa cầu này đều là con cái cùng tuỳ thuộc dưới quyền năng ngự trị của Đấng Cha chung là Thượng Đế, hay nói rõ hơn là Đấng Chủ Tể cầm vận mạng của họ. Một khi các dân tộc gây hấn chiến tranh với nhau, điều đó có khác nào anh em một cha đã tự giết nhau đó vậy.

Nhận lãnh nơi Thượng Đế bậc Từ Phụ của toàn nhơn loại, chúng tôi có cái sứ mạng truyền bá nền Chánh giáo của Người đến khắp hoàn cầu.

Chúng tôi có đủ bằng chứng về sự giáng hạ của Người trên đất nước này với nhiều phép lạ đã xảy ra giống như thời Chúa Jesus ngự, đến ban phép lạ xưa kia ở Lourdes và các nơi khác.

Tin tưởng mãnh liệt vào hiệu năng của nền Tôn giáo này và hoàn toàn vững tin nơi thiện ý của mình, chúng tôi đã trình bày lên nhà cầm quyền thuộc địa Pháp một bản Minh Thệ viết tay (kèm theo đây có một bổn) mà nội dung chúng tôi cam kết với lời hứa  chịu tử hình rằng chỉ chăm lo về mặt Đạo Giáo chớ không mảy may nào làm rối loạn an ninh trật tự.Ngược lại chúng tôi yêu cầu được sự giúp đỡ và hỗ trợ của nước Pháp để thi hành sứ mạng truyền bá nền Tôn giáo này khắp hoàn cầu.

Đối với sự kính trọng của chúng tôi, tiếc thay các vị đại diện của nhà cầm quyền thuộc địa Pháp vẫn không có hảo ý đáp ứng, một số ít tỏ ra thông cảm khoan dung, một số khác lại áp dụng đủ mọi cách cốt để ngăn chặn sự truyền bá này.

Đức Thượng Đế đã giáng dạy chúng tôi hoằng hoá Chánh Đạo của Người đến khắp hoàn cầu, chúng tôi quả quyết không có gì lầm lẫn trong sứ mạng ấy. Đặt mình vào bổn phận, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu quí Ngài thông truyền cho toàn thể nhơn loại thế giới hiểu biết việc làm của chúng tôi, để mọi người hiểu rằng : “Giờ Đại Xá Đức Chí Tôn đã điểm “… cả sự thống hiệp của con cái Đấng Tạo Hoá là để phụng sự cho Hoà Bình hơn là tiếp tục tìm kế hoạch thống trị thế giới.

Muốn được vậy, chỉ cần sao cho tất cả người đời biết thương yêu đồng chủng và giữ gìn hạnh đức đúng theo đường lối mà Đức Chí Tôn đã vạch.

Chúng tôi chắc rằng, hơn ai hết quí vị Đế Vương, Quốc Vương, Quốc Trưởng, Giáo Chủ v.v … đều muốn cho thần dân và thuộc hạ đang sống dưới quyền uy của quí vị đều được sống mà không bị ám ảnh bởi một sự sợ hãi triền miên về một trận chiến tranh tương lai, mà các vũ khí tối tân sẽ gây nên những sự tàn phá và những sự ghê tởm không tả xiết, hơn thế nữa quí Ngài mong muốn họ sống một đời sống an bình, hạnh phúc và vĩnh viễn thoát khỏi cơn ác mộng về một trận chiến tranh cận đại”.

Chúng tôi yêu cầu quí Ngài phái sớm một số người đến với chúng tôi để họ có thể hiểu rõ hơn những gì mà chúng tôi đã gầy dựng nên. Đức Thượng Đế phán dạy chúng tôi như vầy:
“Các con, mối Đạo của Thầy nếu các con phát trễ một ngày thì mỗi ngày qua sẽ là dịp để cho hàng trăm ngàn linh hồn đoạ lạc nơi chốn trầm luân.”

Giờ đây lời kêu gọi đã được truyền ra khắp chốn, chúng tôi nghĩ rằng : “Mình đã làm tròn bổn phận”. Tuy nhiên khi nào có đủ phương tiện chúng tôi sẽ đi khắp hoàn cầu để truyền đến mỗi dân tộc lời Thánh Giáo mới mẻ này.
Kính mong quí Liệt vị chiếu cố và thể nhận nơi đây lòng tôn kính sâu xa của chúng tôi.
QUYỀN GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Thượng Trung Nhựt

*  *  *

BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG được sự hưởng ứng của Giáo Hội bên Châu Âu như sau:
EGLISE GNOSTIQUE của Đức Quốc
P. FUTLINGEN, ngày 13-12-1931
Kính thưa : Đức Ngài cao cả, quyền năng và thánh thiện,
Thưa Đức Ngài,
Bức Thông điệp của Đức Ngài đã đến vùng Trung Âu chúng tôi!Tổng Giáo Hội Eglise Gnoslique Đức Quốc, mà chúng tôi là Trưởng Lão quyết định chuẩn bị liên hợp với Cao Đài Giáo …

Tôi được lãnh nhiệm vụ báo tin cho Đức Ngài biết sự quyết định này và kính xin Đức Ngài thông truyền cho chúng tôi về Lịch sử, Hiến chương, Giáo lý và những nghi lễ nền Đại Đạo của Ngài bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoà Lan; để nhờ đó, chúng tôi tổ chức các Giáo Hội Cao Đài ở những quốc gia như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Bỉ, Lithuaniens, Lettens và Estheniens.

Để vững tin vào sự thật hiện điều mong ước đó, xin Đức Ngài hãy xem tôi như người thuộc hạ khiêm tốn của Đức Ngài vậy.
Ký tên H.Godwin

Thánh cha và Trưởng Lão của Giáo hội Eglise Gnostique Đức Quốc.
Địa chỉ : H. Godwin Stuertuets (GrenzMard). Đức Quốc (Allemagne).

*  *  *
   Năm 1933.
TOÀN QUYỀN ĐÔNG PHÁP
P.PASQUIER BỊ CHÁY MÁY BAY
Năm 1933, Quan Toàn Quyền Đông Pháp Pierre Pasquier giả tạo một số Thánh Giáo của Đạo tiên tri về thời cuộc đem về trình với Chánh phủ Pháp để diệt Đạo Cao Đài. Máy bay của ông tới Pháp chỉ còn cách Paris 200 cây số thì phát nổ và cháy. Trong lúc bối rối, ông định quăng va li tài liệu của Đạo xuống đất nhưng lại quăng lầm va li quần áo, còn tài liệu của Đạo cùng vợ chồng ông bị cháy rụi trong máy bay.

Chơn linh Ông là một chơn linh Bạch Vân Động nên sau đó  có giáng cơ về than với Đức Hộ Pháp vì quan trường làm cho ông mù quáng phá Đạo của Đức Chí Tôn, bị phạm Thiên Điều. Ông có cho một bài thi như dưới đây :
THI
Vương bá bửu ngôi thị ngục hình
Thiên lao như thử tất công khanh
Đồ thân phát phối cầm dân mạng
Y phục cân đai thị tử thành.

   Năm 1934.
ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG ĐĂNG TIÊN
Năm 1934, Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đăng tiên.Tang lễ được cử hành long trọng có hàng vạn tín đồ Nam, Nữ về Toà Thánh. Đức Lý Giáo Tông giáng cơ giao quyền Chưởng Quản Cửu Trùng Đài cho Hộ Pháp, bài thi khoán thủ :

HỘ PHÁP CHƯỞNG QUẢN NHỊ HỮU HÌNH ĐÀI.
THI
Hộ giá Chí Tôn trước đến giờ
Pháp luân thường chuyển máy thiên cơ
Chưởng quyền Cực lạc phân ngôi vị
Quản xuất Càn khôn định cõi bờ
Nhị kiếp Tây âu cầm máy tạo
Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ.
Hình hài Thánh thể chừ nên tướng
Đài trọng hồng ân gắng cậy nhờ.

*  *  *
   Năm 1935.
ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ở MIỀN RỪNG NÚI LỘC NINH, HỚN QUẢN VỀ TOÀ THÁNH
Năm 1935, ông Lễ Sanh Thượng Út Thanh được Hội Thánh bổ nhiệm đi phổ độ người thiểu số ở vùng rừng núi Lộc Ninh, Hớn Quản.Sau một thời gian chịu khó khăn, ông Út độ được trên hai ngàn (2000) người theo Đạo.

Khi về Toà Thánh ông Út mặc Tiểu phục cỡi ngựa dẫn đầu, phía sau cứ mỗi một hàng ngang là bốn người Nam có Nữ có nối dài cả một cây số, lộ trình từ Suối đá lên Bàu Năng, rồi đến cửa Hoà Viện, đặc biệt là mỗi người mang theo sau lưng một cái gùi và tay cầm cái chà gạc bén nhọn để lên vai, đó là vũ khí bảo vệ của họ.

Bổn Đạo hai bên đường trông thấy rất ngạc nhiên và lạ lùng chưa bao giờ có.Lễ Sanh Út mặc tiểu phục, cỡi ngựa coi oai vệ như Tướng lãnh, phía sau đoàn quân đi ngay hàng thẳng lối, có trật tự, mà toàn là người thiểu số.Thật là phi thường ngoài sức tưởng tượng của mỗi người, vì số người thiểu số này không bao giờ chịu theo người Pháp, mà ông Út dẫn độ họ theo Đạo được là một công nghiệp phi thường hiếm có.

Khi nhà cầm quyền Pháp tỉnh Tây Ninh hay tin thì họ quá lo ngại vì sợ Đạo làm loạn, mặc dầu Hội Thánh có trình bày là số người này hiền từ, họ theo Đạo để tu hành, chớ không làm gì hại đến nhà nước.Hội Thánh lo may sắm Đạo Phục áo dài trắng cho họ và cuối cùng Pháp yêu cầu Hội Thánh cho họ trở về rừng núi của họ, chỉ còn ở lại một số ít thôi.

*   *   *
   Năm 1936.
NHÀ CẦM QUYỀN PHÁP ÁP CHẾ ĐẠO
Năm 1936, Đức Hộ Pháp nhân danh Hội Thánh Đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh gởi đơn xin phép làm Lễ khánh thành Thánh Thất Trảng Bàng với nhà cầm quyền Pháp, đồng thời Hội Thánh mời các quan khách và bổn đạo ở khắp địa phương. Nhưng gần đến ngày hành lễ thì nhà cầm quyền Pháp ra lệnh cấm và cho lính Tây bao vây, canh gác Thánh Thất Trảng Bàng không cho ai đến. Đức Hộ Pháp cho người đến gặp Luật Sư Trịnh Đình Thảo tại Sài Gòn để bày tỏ sự việc rắc rối này. Ông Thảo liền đánh điện qua Pháp cho bạn ông là Georges Mandel, đương kim Tổng Trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp, ông này liền đánh điện qua Hà Nội cho toàn quyền phải để cho Đạo Cao Đài được tự do tín ngưỡng.

Tức thì lính Tây bao vây Thánh Thất Trảng Bàng rút hết và cuộc Lễ khánh thành được cử hành long trọng với đông đủ quan khách và hàng vạn tín đồ các địa phương về tham dự.

Luật sư Trịnh Đình Thảo là cố vấn pháp luật của Đạo Cao Đài. Ông lập được nhiều kỳ công với Đạo.Nhờ đó, Lễ khánh thành Thánh Thất Trảng Bàng được kết quả như ý muốn. Đạo có tiếng vang và Đức tin của tín đồ thêm vững.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy mỗi phen Đạo bị áp bức thì Đạo tiến lên một bực, càng bị nhận chìm càng nổi lên cao, Đức Chí Tôn trui rèn con cái của Ngài cho ra thiệt tướng.

*  *  *
   Năm 1936.
LỄ ĐẠI TƯỜNG ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG
Tháng 10 Bính Tý (1936)
Đức Hộ Pháp giao cho Ngài Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh đứng ra tổ chức cuộc Lễ Đại tường Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt. Cuộc Lễ được toàn thể tín đồ hưởng ứng mạnh mẽ vì ngưỡng mộ công ơn của Đức Quyền Giáo Tông, cũng như ngày đăng tiên toàn thể đều bịt khăn tang.

Hồi đó chung quanh Nội ô Toà Thánh chỉ có bốn hướng Đạo, ngoài ra toàn là rừng, có bè thuỷ lục của các tỉnh miền tây về đậu tại Bến kéo, các tỉnh đều có Cộ, số bổn đạo về dự có trên sáu chục ngàn người (60.000), tối ngủ hai bên rừng thiên nhiên suốt cuộc lễ bảy ngày. Cuộc lễ có nhiều quan khách ngoại quốc và trong nước tham dự.
Sự long trọng của cuộc lễ làm cho tinh thần của toàn Đạo được nâng cao.

*  *  *

KHỞI CÔNG TẠO TÁC TOÀ THÁNH
Sau cuộc lễ Đại Tường Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp cho khởi công tạo tác Toà Thánh và các dinh thự ngày 1-11-Bính Tý (1936).

*  *  *
   Năm 1937.
TỜ PHÚC SỰ CỦA ĐỨC HỘ PHÁP GỞI CHO PHÁP
Do theo sự điều tra của Ủy ban điều tra các thuộc địa Pháp hạch vấn về Đạo Cao Đài, Đức Hộ Pháp với tư cách Giáo Chủ Đạo Cao Đài có gởi bản phúc sự hồi đáp với đại ý : Chánh sách cai trị của Pháp áp dụng theo cái văn minh Cơ Đốc Giáo của Phương tây, còn tinh thần Dân tộc Việt Nam đã lâu đời thấm nhuần tinh thần Khổng Giáo bên Phương Đông. Đạo Cao Đài dung hoà tư tưởng Đông và Tây, lấy Nho tông chuyển thế trên căn bản tinh thần đạo đức của Tổ phụ lưu truyền là bác ái, công bình, vị tha, ưu nhơn, ái vật …

Chủ nghĩa Đạo Cao Đài phù hợp tinh thần thuần tuý Dân tộc Việt Nam, cho nên Đạo được bành trướng mau lẹ, làm cho người Pháp phải lo lắng. Lại nữa, người Pháp xét thấy Đức Hộ Pháp là nhà cách mạng đạo đức có tinh thần ái quốc, tuy bất bạo động nhưng không hợp tác. Người Pháp xét thấy bất lợi cho chánh sách thuộc địa của Pháp ở Đông dương.

*  *  *
   Năm 1937.
ĐỨC HỘ PHÁP BỊ TRUẤT PHẾ LẦN THỨ NHỨT
Trong lúc Đức Hộ Pháp và toàn Đạo đang nổ lực tạo tác Toà Thánh thì ở Sài Gòn có một phiên họp tại Phú Nhuận do Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang làm chủ toạ, ký tờ thông tri gởi cho toàn Đạo có đông đủ Chư vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.

Có vài vị trong Thập Nhị Bảo Quân ký tên không nhìn nhận chức Hộ Pháp của Ông Phạm Công Tắc. Tờ thông tri này đối với toàn Đạo là vô hiệu  lực vì không đúng với chơn truyền Luật pháp của Đạo.
*  *  *

   Năm 1938.
ĐẠI HỘI NHƠN SANH NĂM MẬU DẦN (1938)
Đại hội Nhơn Sanh năm Mậu Dần công nhận quyền thống nhất Chánh trị Đạo của Đức Hộ Pháp cho tới ngày có Đầu sư chánh vị, lập thành Bộ luật Đạo năm Mậu Dần, với bốn cơ quan nền Chánh trị Đạo : Hành Chánh, Phổ Tế, Pháp Chánh và Phước Thiện.

*  *  *
   Năm 1939.
ĐỨC LÝ GIÁO TÔNG GIÁNG CƠ CHO

ĐỨC HỘ PHÁP MỘT BÀI THI
Đức tin một khối tượng nên hình
Đã hiệp vạn linh với Chí Linh
Nêu phướn từ bi tiêu hoạn lạc
Soi gương bác ái lập Hoà Bình
Chiêu an tả đạo trừ tà khí
Độ tận chúng sanh chiếu cứu tinh
Mở mắt thiên lương dìu chủng tộc
Nghĩa nhân âu đổi lấy nhơn tình

   Năm 1941.
ĐỨC HỘ PHÁP BỊ BẮT ĐÀY ĐI
MADAGASCAR
Ký giả Nam Đình là một nhà báo chuyên về luật pháp ở Sài Gòn, có bà con kêu Đức Hộ Pháp bằng chú, lên Toà Thánh cho Đức Hộ Pháp hay là Pháp sắp bắt Đức Hộ Pháp. Ông này hứa sẽ đem xe đưa Đức Hộ Pháp qua Xiêm lánh nạn, vì thời đó nhiều nhà cách mạng Việt Nam cũng qua Xiêm lánh nạn. Đức Hộ Pháp trả lời : Đức Chí Tôn giao con cái của Ngài cho ta, ta cứ ở Toà Thánh, tụi nó có muốn bắt thì bắt.

Một tuần lễ sau vào buổi sáng ngày 4-5-1941, Đức Hộ Pháp sửa soạn sẵn, bận áo dài trắng có chiếc nón Đạo, cùng cây gậy với một túi xách quần áo sẵn sàng, chừng một tiếng đồng hồ sau, xe mật thám Catinat của nhà cầm quyền Pháp vào Hộ Pháp Đường đưa giấy mời Đức Hộ Pháp, Đức Hộ Pháp trả lời : “Tôi đã sửa soạn xong” rồi ra đi.

Rồi người Pháp đày Đức Hộ Pháp đi Sơn La, sau lại bắt thêm một số chức sắc. Cùng đày đi Madagascar với Đức Hộ Pháp có năm  vị, còn mấy vị khác đày đi Sơn La, Lao Bảo, Bà Rá, Côn Đảo, khám lớn Sài Gòn.

Pháp đóng cửa Toà Thánh và các Thánh Thất địa phương, biến Nội Ô Toà Thánh thành khu quân sự, cấm không cho người Đạo vào.
*  *  *
   Năm 1945.
THANH NIÊN ĐẠO CAO ĐÀI HIỆP TÁC
VỚI NHỰT BỔN ĐẢO CHÁNH PHÁP (1945)
Ngày 9-3-1945, Nội ứng Nghĩa binh Đạo Cao Đài tại hãng tàu Nitinan ở Sài Gòn hiệp tác với Nhựt Bổn đảo chánh thực dân Pháp.

- Tháng 5-1945 hai pháo đài B29 bay ngang qua Toà Thánh định bỏ bom vì đạo Cao Đài hiệp tác với Nhựt Bổn đảo chánh Pháp, nhưng bỏ không trúng Toà Thánh mà mấy chục trái bom rơi xuống Bàu dài cách Toà Thánh trên 10 cây số, gần xóm Phan bây giờ.
- Tháng 8-1945 Nhựt Bổn đầu hàng Đồng minh.
- Tháng 11-1945, người Pháp trở lại Việt Nam lần thứ hai. Sau khi Nhựt Bổn đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, một đội binh Pháp với xe bọc thép từ Sài Gòn lên chiếm tỉnh Tây Ninh trong tay của Việt Minh. Chiếm xong tỉnh Tây Ninh, đoàn xe nhà binh Pháp chiều lại lúc 4 giờ tiến vô Toà Thánh để trả thù vụ đảo chánh. Họ vô tới ngã ba Cơ Thánh vệ gần cửa số 2 Nội ô xả súng bắn dữ dội. Tuy biết trước việc chẳng lành sắp xảy đến, chức sắc và bổn đạo ở trong Nội ô đều núp trốn trước nhưng rồi cũng có một vị Bảo thể bị trúng đạn chết.
- Khi đoàn xe nhà binh Pháp đến cửa Hoà Viện thì thấy treo cờ Tàu “Trung Hoa Dân Quốc ” của Tưởng Giới Thạch thì ngưng bắn liền, vì Trung Hoa Dân Quốc nằm trong Tứ Cường Đồng Minh thắng trận Nga, Tàu, Anh, Mỹ. Khi người Pháp hỏi tại sao treo cờ Tàu thì có ông Giáo Sư Thái Khị Thanh (người Tàu) đứng ra trả lời với người Pháp là Đức Hộ Pháp giao cho ông làm chủ Toà Thánh này.
- Hồi đó ông Sĩ Tải Nguyễn Hượt Hải làm thông ngôn giữa ông Giáo sư Khị và người Pháp. Nhắc lại chuyện cũ, có lần Đức Hộ Pháp gọi ông Giáo Sư Khị vô Hộ Pháp Đường và nói : Hồi trước Anh có giúp cho tôi một lần rồi, bây giờ Anh giúp cho tôi một lần nữa. Đức Hộ Pháp chỉ nói như vậy thôi, chớ không biết giúp về việc gì. Chuyện này chỉ có ông Sĩ Tải Hiển là thơ ký của Đức Hộ Pháp  biết được mà thôi.

*  *  *
   Năm 1946.
ĐỨC HỘ PHÁP TỪ MADAGASCAR
TRỞ VỀ VIỆT NAM
Sau 5 năm 2 tháng bị lưu đày, Đức Hộ Pháp trở về nước trong lúc tình hình Việt Nam hỗn loạn, đồng đạo và đồng bào vô tội thiệt hại về sanh mạng lẫn tài sản một cách oan uổng, nên Đức Hộ Pháp buộc lòng phải duy trì Quân Đội Cao Đài làm trái độn giữa Việt Minh và Pháp để gìn giữ an ninh cho đồng đạo và đồng bào.

*  *  *
   Năm 1947.
ĐỨC HỘ PHÁP MỞ KHOA THI LUẬT SỰ
HIỆP THIÊN ĐÀI VỚI NGỤ Ý CHỮ TRUNG
Đề tài như sau:
Ông Giáo Sư Quí ở Mỹ Tho có bốn người con, trước khi ông qua đời, ông chia gia tài cho con, cô Hường là con gái út không lập gia đình, đi tu về Toà Thánh làm công quả đắc phong Lễ Sanh. Phần gia tài của cô, cô giao hết cho anh Hà là trưởng nam để lo bảo dưỡng mẹ già. Anh Hà là người con có hiếu với mẹ, làng xóm ai cũng khen, nhưng trong thời gian qua anh bỏ Mẹ một mình. Anh đi đâu mất làng xóm không hay biết. Năm 1945, cô Hường từ Toà Thánh về thăm mẹ mới hay anh Hà không còn phụng dưỡng mẹ già như lời hứa, cô dâng đơn lên Hội Thánh kiện anh Hà về tội bất hiếu. Hội Thánh phái một người xuống điều tra.

Người thi làm tờ phúc sự minh tra dâng về Hội Thánh nói rằng anh Hà xuống hiệp tác hãng tàu NITINAN theo ông Giáo Sư đại biểu Trần Quang Vinh để lo phục quốc. Vì vậy, anh Hà là người trọn trung mà phải mang tiếng thất hiếu với mẹ. Thí sinh nào làm tờ phúc sự minh tra nói như trên đây là trúng tuyển.
Khoa thi này có 70 thí sinh nhưng trúng tuyển Nam, Nữ được 32 vị Luật Sự Hiệp Thiên Đài.
(Đề thi viết trên đây, viết theo đại ý chớ không phải nguyên văn của Đức Hộ Pháp).

*  *  *
   Năm 1948.
ĐỨC HỘ PHÁP ĐỀ XƯỚNG GIẢI PHÁP BẢO ĐẠI.
Trận giặc giữa Việt Minh và Pháp đang đánh nhau, chớ Việt Nam chưa có một Chánh Phủ hợp pháp để thương thuyết với Pháp, Đức Hộ Pháp triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Sài Gòn, có đông đủ các nhân sĩ Nam Trung Bắc, các Tôn giáo, đảng phái. Đức Hộ Pháp được đề cử chủ toạ phiên họp.

 Đức Hộ Pháp đưa ra giải pháp Bảo Đại, lúc ban đầu mọi người đều tỏ vẻ không tán đồng, xầm xì to nhỏ với nhau. Đức Hộ Pháp giải thích thêm vì sao Ngài đề xướng giải pháp Bảo Đại:
- Nhà Nguyễn đã ký hai Hiệp Ước 1862 và 1864 giao nước Việt Nam cho Pháp bảo hộ, bây giờ Nhà Nguyễn phải lấy lại, rồi giao cho Quốc dân Việt Nam liệu định. Chỉ có cựu Hoàng Bảo Đại mới có đủ tư cách thương thuyết với Pháp.
- Trong phiên họp, ông Nghiêm Xuân Thiện một nhân sĩ miền Bắc đứng lên chấp nhận ý kiến của Đức Hộ Pháp, kế đó là ông Trần Văn Lý một nhân sĩ miền Trung cũng tán thành. Đức Hộ Pháp mới tuyên bố như vậy Nam, Trung, Bắc, đã đồng ý, nhờ toàn hội cho biết ý kiến và toàn hội đồng hoan hỉ giải pháp Bảo Đại của Đức Hộ Pháp.

*  *  *
   Năm 1949.
Năm 1949 Đức Hộ Pháp qua Hồng Kông rước Cựu Hoàng Bảo Đại về nước lập Chính phủ để thương thuyết với Pháp. Đức Hộ Pháp là cố vấn tối cao của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, đồng thời Đức Hộ Pháp giao Quân Đội Cao Đài thành quốc gia hoá dưới quyền sử dụng của Chính Phủ Bảo Đại.
*  *  *
   Năm 1951.
ĐỨC HỘ PHÁP NHẬP TỊNH TRÍ HUỆ CUNG
THỂ PHÁP VÀ BÍ PHÁP CỦA ĐẠO
Đạo có Thể Pháp và Bí Pháp. Đức Hộ Pháp cầm quyền Chí Tôn tại thế tạo trước phần Thể Pháp như tạo tác Toà Thánh cùng các dinh thự Nội Ô, tạo bốn cơ quan nền chánh trị Đạo như Hành Chánh, Phổ tế, Pháp chánh và Phước Thiện, tạo Phạm Môn, Trí Huệ Cung (Thiên Hỉ Động), Trí Giác Cung (Địa Linh Động), Vạn Pháp Cung (Nhơn Hoà Động), tạo Thuyền Bát Nhã, các Sở Công Nghệ, Cô Nhi Viện, Dưỡng Lão Đường, Bệnh Viện, Đạo Đức Học Đường, Ban Thế Đạo …

Năm 1951, vừa tạo xong phần Thể Pháp, Ngài chuyển qua phần Bí Pháp. Ngài nhập tịnh Trí Huệ Cung 3 tháng được tiếp kiến với Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, Đức Lý Giáo Tông và các Đấng Thiêng Liêng để mở cơ cứu khổ và cứu thế vạn linh.

*  *  *
Năm 1954.
BỨC THƯ KHÔNG NIÊM CỦA ĐỨC HỘ PHÁP GỞI CHO CỤ HỒ CHÍ MINH
Vì biết trước mưu mô của ngoại quốc định chia xẻ nước Việt Nam, nên Đức Hộ Pháp có gởi một bức thư không niêm như sau :

THƯ GỞI CỤ NGUYỄN ÁI QUỐC
Thưa Cụ,
Bần Đạo lấy cử chỉ tự nhiên của mình, chẳng chịu ảnh hưởng một quyền năng, kính gởi bức Tâm Thơ này cho Cụ nhưng cũng vì không biết địa chỉ nơi nào nên phải cậy mặt báo cùng Vô tuyến Truyền thanh đặng đệ đến thấu tai Cụ.

Vì nghĩa đồng tình và đồng chí hướng, và cũng chịu đau khổ cùng giống nòi với Tổ quốc giang san trong 80 năm lệ thuộc, Bần Đạo cũng như Cụ phải chịu gian lao vào tù ra khám, sống chết đã giao định mạng trong tay người.

Giờ phút này, Cụ đã đặng hạnh phúc làm Cách mạng thành công thì Cụ cũng cho Bần Đạo hưởng đặng mảy may hạnh phúc bảo vệ sanh mạng và tài sản của đồng bào tránh cho được nạn tương tàn, tương sát lẫn nhau đặng chút nào hay chút nấy, vì giá trị mua chuộc hoàng đồ Tổ quốc Giang san chúng ta đã trả với một giá rất mắc mỏ là mua chuộc với xương máu của đồng bào. Thật ra Cụ cũng như tôi, mục đích duy nhất của chúng ta là thâu hoạch cho kỳ được độc lập và thống nhất hoàng đồ sau 80 năm bị chia rẽ.

Thưa Cụ, ngày hôm nay chúng ta đã đoạt vọng là, trước mắt Quốc tế làm chứng, nước Pháp đã trả trọn vẹn độc lập cho ta rồi, chỉ còn nạn chia rẽ giống nòi ta đó, chịu ảnh hưởng của hai khối Nga Mỹ mà giúp thêm cho kẻ ngoại nhân toan mưu xẻ hai hoàng đồ của ta đặng cố gây hoạ diệt chủng cũng như nhị Chúa Nguyễn Trịnh buổi nọ.

Khi đồ lưu nơi hải ngoại trở về, Bần Đạo lấy làm cảm kích nếu không nói rằng vui mừng, thấy lập trường tranh đấu của Cụ, cũng như chủ trương thống nhất Hoàng đồ và tranh đấu cho hoàn toàn độc lập. Chẳng lẽ hôm nay đã đoạt đến mục đích, mà Cụ lại để cho kẻ ngoại nhân đồ mưu phá tiêu cả công nghiệp vĩ đại của cuộc tranh đấu toàn quốc và sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào.

Cụ tranh đấu, Bần Đạo thương thuyết, hai ngọn cờ giải ách lệ thuộc của giống nòi là Cụ và Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, cả hai đã thành công và toàn quốc đồng bào không chối cải ơn nặng của hai người đã giải ách đô hộ cho họ, chỉ còn một nỗi khắt khe lưu lại là tình thế hai đảng Quốc Cộng.

Ước mong Cụ đừng quên ngày hiệp tác ban sơ của Cụ và Đức Quốc Trưởng Bảo Đại mà tái hợp cùng nhau tài hoà tâm đặng định vận mạng tương lai bền vững cho giống nòi và Tổ quốc.

Nếu lời kêu gọi này mà đặng hưởng ứng đôi bên thì rất nên may mắn và hạnh phúc cho dân nước Việt.
Toà Thánh, ngày 29 tháng 3 Giáp Ngọ (1-5-1954)
HỘ PHÁP

*  *  *

CUỘC ÂU DU CỦA ĐỨC HỘ PHÁP
Năm 1954, chiến tranh Việt Pháp quyết liệt đến hồi kết thúc, hai bên lâm chiến sắp đem vấn đề ra giải quyết tại bàn Hội nghị Genève. Trước khi đi dự hội, với tư cách quan sát viên, đêm 15-4-Giáp Ngọ (17-5-1954), trong một buổi thuyết Đạo tại Đền Thánh, Đức Hộ Pháp có tuyên bố:
Hôm nay, nhơn dịp Đức Quốc Trưởng Bảo Đại mời và nước Pháp cũng mời, Bần Đạo đến Âu Châu sẽ có nhiều sự trọng yếu để đem ra thi thố, nhứt là ngọn cờ cứu khổ của Đức Chí Tôn đem đến Âu Châu để cho Đức Chí Tôn có đủ năng lực uy quyền cứu vãn tình thế rắc rối loạn ly.

Thật ra, nhơn loại bị một sự khảo đảo nặng nề, bị khủng bố tinh thần vì thời cuộc, ấy là họ đương lo sợ trận giặc Đại chiến thứ ba không thể tránh khỏi, họ tìm phương giải quyết tức nhiên làm thế nào bảo vệ Hoà Bình cho nhơn loại.

Ngài đã bảo cái nền Chơn giáo cốt yếu là một nền Tôn giáo của toàn thể nhơn loại, nhứt là Ngài giao cho chúng ta cái sứ mạng đặc biệt là làm thế nào đặng giải ách lệ thuộc cho nòi giống và bảo thủ Hoàng đồ Tổ phụ của nước Việt Nam. Toàn thể con cái Đức Chí Tôn đã ngó thấy sứ mạng đó rất khó khăn, phải hy sinh thế nào đặng thực hiện nền độc lập thật sự. Cái phận sự thiêng liêng quí trọng ấy Ngài giao cho dân Việt thống nhất Hoàng đồ từ Nam chí Bắc để bảo thủ giang san thống nhất mảy may lại, theo ý tưởng của Bần Đạo như thế.

- Mới đây Bần Đạo có nghe hai Đảng phái Quốc gia và Cộng sản muốn chia Hoàng đồ làm hai, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới nên Bần Đạo viết một bức thư không niêm gởi cho Nguyễn Ái Quốc, cho biết giống nòi Việt Nam không thể chia đôi và toàn thể Quốc dân không chịu nhị Chúa như Nguyễn Trịnh buổi trước.Từ Hoành sơn trở vô là Chúa Nguyễn, từ Hoành Sơn đổ ra là Chúa Trịnh, hai khối ấy đã làm cho nòi giống phải hy sinh vô cớ.

Chuyến Âu Du của Đức Hộ Pháp khởi hành từ ngày 20-5-1954 đến ngày 20-7-1954 là 2 tháng.
Người Pháp ký trao trả độc lập cho Việt Nam đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh nhựt của Đức Hộ Pháp tại Paris.Khi ở Paris Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victo Hugo) có giáng cho một bài thi.

THI
Khởi điểm vinh quang đã vẽ màu,
Giang san nước Việt giá là bao,
Nền nhân Câu Tiển vừa chen bước
Cửa ải Phù Tang  đã mở vào
Mong lịch duyệt nay đà lịch duyệt
Muốn thanh cao đã đặng thanh cao
Tiên Rồng đã gặp hồi phong vũ
Thay đổi Càn Khôn thử thế nào.

Đến Genève với tư cách quan sát viên, phái đoàn của Đức Hộ Pháp được ông Phạm Văn Đồng, trưởng Phái đoàn Việt Minh tiếp đón long trọng tại biệt thự riêng. Nơi đây Đức Hộ Pháp nhân danh một người cùng nòi giống cùng một Tổ Quốc Việt Nam, hơn nữa là một người đồng họ Phạm, tha thiết khuyên ông Đồng mấy điểm:
- Đặt quyền lợi Tổ Quốc trên hết.
- Không chấp nhận sự can thiệp của ngoại bang. Nếu cấm Pháp, Mỹ không xen vào nội bộ Việt Nam thì Trung Cộng và Liên Xô cùng tất cả bất cứ nước ngoại quốc nào cũng không được nhúng tay vào.
- Hai chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Quốc Gia Việt Nam phải thừa nhận nhau giải quyết vấn đề nội bộ Việt Nam, không để ngoại bang giải quyết.
Có như thế mới đem lại thống nhất và hoà bình được.

Nhưng những lời khuyên nhủ của Đức Hộ Pháp không được hiệu quả, rốt cuộc Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17 thành hai miền Nam Bắc do Việt Minh và Pháp ký kết.
- Khi về nước nhà, đêm 1-7- Giáp Ngọ (8-1954) Đức Hộ Pháp tuyên bố tại Đền Thánh : Khi đến Ba Lê, Bần Đạo cùng phái đoàn vào Đền thờ Notre Dame quả quyết cầu nguyện cho Hội nghị Genève thất bại. Vì nếu Hội nghị mà kết liễu sẽ chia đôi đất nước Việt Nam ta, cả thảy chúng tôi hết tâm cầu nguyện mà không hiệu nghiệm là vì tại quả kiếp vẫn vậy, phải trả vay bằng một giá rất đau đớn, khổ não tâm hồn.
- Có Hoà Bình thiệt, mà nước Việt Nam đoạt đặng hoà bình;nhưng than ôi!Quả kiếp của Việt Nam đã dày dặn quá, Bần Đạo cầu xin Đức Chí Tôn hai điều: Xin đặng Hoà Bình nhưng nạn đổ máu của nòi giống không sao tránh khỏi, cái quả kiếp hiển nhiên là chia đôi thiên hạ mà con cái Chí Tôn đã ngó thấy trước mắt, vì cớ vay trả ấy, chúng ta mới có thể tạo dựng nước nhà đặng.
*  *  *

- Hiệp định Genève ký kết xong ngày 20-7-1954 nước Việt Nam đương nhiên chia hai miền Nam Bắc, một bên thân Nga, một bên thân Mỹ, tạo thành hai chiến tuyến đối nghịch, gây nên cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn.

*  *  *

CUỘC Á DU CỦA ĐỨC HỘ PHÁP
Sau chuyến Âu Du, cũng trong năm Giáp Ngọ (1954), Đức Hộ Pháp khởi hành chuyến Á Du qua Nhựt Bổn rước xác tro Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về nước; trên đường đi, Đức Hộ Pháp có ghé thăm Đài Loan, Đại Hàn. Khi về từ Nhựt Bổn sang Đài Loan được Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cấp cho một chiếc máy bay đưa phái đoàn Đức Hộ Pháp về Sài Gòn.

ĐỨC HỘ PHÁP THUYẾT ĐẠO TẠI TOÀ THÁNH
Sau khi nước Việt Nam bị chia đôi, Đức Hộ Pháp có lời tuyên bố như sau :
- Ngày nay Thánh Thể của Đức Chí Tôn không chịu chia đôi như trước nữa, mặc cho ai vì quyền lợi, họ tranh nhau thây kệ họ, dầu cho Quốc gia hay Cộng Sản cũng vậy, “Bần đạo sẽ dìu dẫn cả Thánh Thể Đức Chí Tôn đến địa vị trung lập …”
- Thánh Thể Đức Chí Tôn đến giai đoạn làm một Giáo sư hoà giải đặng đem cái hạnh phúc lại cho nòi giống Việt Nam trước đã rồi đây ta sẽ chịu khó làm khuôn vàng thước ngọc để nơi mặt địa cầu này, đem lại hạnh phúc cho các chủng tộc.

*  *  *
   Năm 1955.

THÔNG ĐIỆP ĐẦU NĂM ẤT MÙI
THÔNG ĐIỆP VÔ TUYẾN TRUYỀN THANH
CỦA ĐỨC HỘ PHÁP.
Gần lúc bước sang năm Ất  Mùi, nhân danh Đấng Tạo Hoá Cao Đài Bất Diệt, tôi gởi toàn thể nhân loại bức thông điệp này để thiết tha kêu gọi những vị cầm đầu các Chính Phủ lãnh đạo các dân tộc nhận định nhiệm vụ một cách khôn khéo hơn.
- Ở trên thế gian này không có gì là bất di bất dịch cả. Theo luật Trời, mọi vật đều tiến triển. Lẽ dĩ nhiên, xã hội loài người cũng phải theo định luật ấy.
- Bao giờ cũng vậy, nhân loại cố kiếm một con đường để tạo một đời sống trong hoà bình và hạnh phúc mà vẫn không đạt được ý muốn chỉ vì không biết nghe theo mệnh trời. Ngày nay nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần ghê gớm và vẫn còn phải tự hỏi đâu là sinh lộ.
- Hai chủ thuyết hiện đối chọi nhau, một bên mệnh danh là Dân chủ thì tán dương sự Quốc gia tương trợ và tôn trọng giá trị con người cùng bảo tồn cái gì hay và đẹp. Thuyết ấy cao cả biết bao nhưng lại thiếu thành thật mà những điều khoản ghi trong tập Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc tán dương gần đây vẫn chưa được thực hiện.
- Thuyết thứ hai mệnh danh là Cộng sản xúi giục giai cấp vô sản chống chọi giai cấp tư bản, chủ trương tiêu huỷ những sự bất công xã hội và hứa hẹn quân phân lại tài sản, nhưng vì có tính cách độc tài và vô thần nên đã trở thành quá khắt khe.
- Nay hai bên đã thực sự tranh chấp và cả hai chủ thuyết đều hứa hẹn tạo nhân loại một đời sống tốt đẹp hơn xưa. Có một điều mà chúng ta có thể nhận xét thật rõ rệt là cả hai đều không đạt tới đích là Hoà Bình và Hạnh Phúc.
- Trái lại, nhân loại vẫn cứ bị qua phân và còn phải đau khổ nhiều vì cuộc xung đột cứ kéo dài không có lối thoát.Chúng ta đều lo lắng tự hỏi rằng thế giới sẽ đi tới đâu nếu không phải là đi đến chỗ diệt vong, vì hai phe cũng đều chuẩn bị những chiến cụ có một sức phá hoại mãnh liệt.
- Sự cộng tồn đã được đem ra thí nghiệm tại đất Trung Hoa, Cao Ly, Việt Nam ở Á Châu và tại nước Đức, các Quốc Gia Ba Nhỉ Căn ở Âu Châu không được như ý muốn và chỉ tạo được một nền hoà bình phù phiếm làm cho tình hình thế giới thêm căng thẳng vì chính các nước kia lại phải chịu đựng gian khổ nhiều nhất.
- Do đó, tất cả trách nhiệm đều trút vào những ông cầm đầu các Chính phủ, lãnh đạo quần chúng, nếu các ông cứ dìu dắt nhân loại đến chỗ diệt vong.
- Vậy thì mỗi người chúng ta nên nghe theo tiếng gọi của Đấng Thiêng Liêng ấp ủ ở bản thân ta và phải nên hiểu rằng chỉ có lòng thương yêu trong bác ái, đoàn kết trong hoà khí và công bằng mới có thể hoà bình và hạnh phúc.
Bây giờ tôi xin ngỏ cùng nhân dân Pháp và đồng bào Việt Nam tôi vốn có những mối quan hệ trực tiếp với nhau.
- Đối với người Pháp, chúng tôi có thể nói và tuyên bố trước thế giới rằng trong tám mươi năm chung sống, hai dân tộc Pháp và Việt Nam đã cùng trải qua nhiều nỗi thống khổ kinh hoàng trong hai cuộc đại chiến 1914-1918 và 1939-1945.
- Hỡi các người Pháp, chắc các ông cũng hiểu hơn ai hết, dân tộc Việt Nam với nền văn minh cố cựu, trí cương quyết và nguyện vọng hiện thời của họ. Các ông không hẳn lạ gì người Việt Nam có một đặc tính đã không biết phụ bạc lại còn biết phân biệt bạn và thù, các ông không thể phủ nhận được đức tin của nhân dân Việt Nam đối với nước Pháp.
- Hỡi các người Pháp, hơn ai hết các ông có đủ đức tư cách để chứng tỏ rằng trong giờ phút này, sau khi đã huỷ bỏ nền thống trị của các ông, nước Việt Nam cũng không chịu công nhận một uy quyền khác thay thế dù trước sau chỉ hoài bảo một nguyện vọng là quyền tự định đoạt lấy số phận của mình.
- Đồng thời các ông có thể tuyên bố với các dân tộc bạn, trước hết với dân tộc Mỹ vốn có thiện chí tỏ tình hữu nghị và giúp đỡ Việt Nam, rằng các dân tộc ấy vẫn được coi như là ân nhân, nhưng phải coi chừng đừng phạm vào sự lầm lỗi để đi từ chánh sách thực dân đến chánh sách can thiệp, bất cứ với hình thức nào, trong công việc riêng của Việt Nam, để tránh khỏi phải chịu hậu quả về cuộc thí nghiệm của họ.
- Đối với nhân dân Việt Nam và riêng đối với các vị lãnh đạo miền Bắc cũng như miền Nam, tôi xin các ông cống hiến cho quí vị nhân loại đang ở trong tình trạng nguy vong, một tấm gương xán lạn đoàn kết và cho mọi người biết rằng đoàn kết là sống. Trong những giờ phút này, trách nhiệm của các ông thật nặng nề nếu các ông cứ cố chấp theo đuổi một cuộc đấu tranh lý tưởng quốc tế, đầy dẫy những dục vọng vị kỷ và phe đảng. Các ông không nên quên rằng hạnh phúc của dân tộc ta là kết tinh của tình đoàn kết trong tình thương yêu, hoà khí và công bằng. Đó là lý tưởng quốc gia mà tổ tiên ta từ ngàn xưa lưu truyền lại chớ không phải là sản phẩm của cuộc đấu tranh chánh trị và bè phái. Phải nên mạnh bạo và thẳng thắn nhận định như thế thì các ông sẽ được toàn dân ủng hộ.
- Các ông không thể quên rằng người Việt Nam phải đau khổ ê chề vì sự chia rẽ nội bộ và những cuộc tuyển cử riêng rẽ do hai Chính phủ đối lập tổ chức không thể nào tránh được những dục vọng bè phái.
- Các ông cầm đầu Chính phủ miền Bắc và miền Nam các ông còn đợi gì mà không nêu ngay gương đoàn kết bằng cách thực hiện một Chính phủ lâm thời, duy nhất, thoát ly khỏi ảnh hưởng ngoại quốc, sự tham dự của các phần tử thuộc mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo, ngõ hầu tiến tới cuộc tổng tuyển cử toàn quốc Việt Nam.
- Toàn dân sẽ ghi công của các ông và do đó, bằng tấm gương quý báu ấy, các ông sẽ được tiếng đã cứu vãn trước hết nước Việt Nam và sau cùng toàn thế giới.
- Trước khi ngừng lời tôi xin thành khẩn cầu nguyện Đức Chí Tôn Cao Đài của chúng ta để cho nhơn loại, sang năm mới sẽ thoát qua giấc triền miên, hướng thẳng vào ánh hào quang chói lọi là Chân lý của Thượng Đế đặng lựa chọn lấy con đường hạnh phúc.
- Cuộc đấu tranh để sinh tồn sẽ đưa đến cuộc binh đao gây nên khổ não, tàn phá và chết chóc.
- Trái lại sự hổ tương để sinh tồn bằng cách thương yêu trong tình huynh đệ, đoàn kết trong hoà khí và công bằng, đó mới là điều kiện tạo nên sự hợp tác, hoà bình, sáng tạo, hạnh phúc và sinh hoạt.
Mỗi người chúng ta đều có thể tự do chọn lấy một con đường.
Toà Thánh, Tây Ninh, ngày 20-1-1955
HỘ PHÁP

*  *  *

BỨC THƠ XUÂN GỞI CHO TOÀN THỂ ĐỒNG BÀO
VIỆT NAM ĐẦU NĂM ẤT MÙI
Cùng toàn thể Quốc dân Đồng bào Việt Nam, nhơn dịp ngày Xuân năm Ất Mùi, Bần Đạo thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn chan rưới hồng ân cho toàn dân nước Việt đặng mau thoát khỏi ly loạn tương tàn.

Sau nữa, Bần Đạo có mấy lời thống thiết ngỏ cùng toàn thể quốc dân :
- Trót mười năm quật cường giải ách lệ thuộc, thâu hoạch độc lập cho tổ quốc giống nòi thì toàn thể đồng bào đã góp vào biết bao nhiêu xương máu và đau khổ. Lập trường tranh đấu thâu hoạch cho kỳ đặng hạnh phúc tự do cơm áo của nòi giống sau 80 năm đô hộ, đã khiến cho lòng ái quốc nồng nàn của mỗi công dân Việt Nam để tâm vào một chí hướng là Độc lập và Thống nhất non sông. Hại thay! Cơ cấu tranh đấu cho kỳ đặng ấy đã chia rẽ dân tộc ra nhiều phương pháp và nhiều chí hướng : Việt Minh là gì ?  Quốc gia là gì ?
- Thì cũng là đồng bào Việt Nam tìm phương tranh đấu. Nhưng các danh từ và nhãn hiệu ấy chẳng lẽ có năng lực đặng chia rẽ con cái của một nước, một chủng tộc và xem lẫn nhau là kẻ tử thù ? Đau đớn thay nạn tương tàn tương sát đã xảy ra cũng do nơi định nghĩa bất đồng của các phương pháp và danh từ tranh đấu.
- Từ ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 dương lịch, cuộc giải phóng dân tộc đã khởi đầu. Các biện pháp đem thắng lợi cho nước nhà hôm nay cũng chưa thâu hoạch đặng trọn vẹn, lại còn gây thêm nạn qua phân lãnh thổ : từ vĩ tuyến 17 đổ vô là của khối Quốc gia còn vĩ tuyến 17 đổ ra là của Việt Minh làm chủ. Nạn nhị Chúa phân tranh Nguyễn Trịnh ngày xưa đã biểu diễn lại.
- Bần Đạo thử hỏi cuộc tranh đấu giải ách lệ thuộc đặng đem hạnh phúc đó lại cho ai ?
- Phải chăng cho tổ quốc và cho toàn thể đồng bào thì lý ra chẳng lẽ có một nguyên cớ nào làm cho nòi giống Việt này chia phân cho đặng. Chủng tộc duy có một Hoàng đồ chỉ có một. Rồi ta lại thử hỏi:ai đã gây nên nỗi loạn ly tán, giống nòi ? Phải chăng vì năng lực ngoại bang đã gây ra nạn phân chia tộc chủng.
- Hai chí hướng đương nhiên của quốc tế là lý thuyết dân chủ xã hội và cộng sản xã hội. Hai lý thuyết ấy đều hứa hẹn rằng nhân loại phải duy tân và cải tổ xã hội vì tổ chức xã hội đương nhiên đã gây thất vọng cho nhân loại quá nhiều, nên đem lại cho họ quá nhiều đau thảm hơn là hạnh phúc. Đôi bên đều hứa hẹn tìm một phương pháp sửa chữa đặng tìm cái hay trừ cái dở. Lời hứa hẹn ấy đã thấm nhuần trong trí não đau khổ của nhân loại nhất là hạng bần dân và các quốc gia lạc hậu mong ước chóng được thực hiện điều đó.
- Hai triết lý xã hội mới mẻ kia đương tranh đấu đặng thâu hoạch tín nhiệm của toàn thể nhân loại trên mặt địa cầu này. Cuộc tranh đua của họ đã hiển nhiên kịch liệt và hỗn độn nhưng họ cũng đã đủ năng lực phân chia nhân loại làm đôi chí hướng.
- Hại nỗi, hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ gây cho nhân loại một tấm thảm kịch tương sát, tương tàn. Ta nên để đức tin cho thời gian và không gian định nên hư của họ, nhưng hiển nhiên hôm nay ta chịu biết bao nhiêu đau khổ. Ta muốn cho vay đặng hưởng lợi, mà lợi đâu chẳng thấy, vì hứa hẹn ấy chỉ với lỗ miệng, không bảo kê, không chứng chắc mà giờ phút này ta bị lỗ vốn một cách đau đớn và oan uổng.
- Cuộc chạy theo bóng bỏ hình của nòi giống Việt Nam từ xưa đã vậy, nó đã làm nên bịnh của chủng tộc, đồng bào sẽ hỏi Bần Đạo dùng phương pháp nào để trừ hại thì Bần Đạo chỉ trả lời một cách đơn giản như thế này :
- Ngày nào cả chủng tộc Việt Nam đặng định tỉnh trong quốc hồn của họ thì họ mới có thể cố thủ và bảo vệ sanh tồn của họ.
- Ngày nào lòng ái quốc nồng nàn của nước Việt Nam thoát khỏi lợi dụng đặng biến thành một ngọn lửa thiêng dâng trọn lên bàn thờ tổ quốc của họ thì họ mới bảo thủ được trọn vẹn Hoàng đồ cùng tộc chủng.
- Ngày nào đầu óc của cả khối quốc dân biết trọng dĩ vãng lịch sử của mình rồi định phận cho mình xứng đáng là một nước đủ hùng cường, đủ uy tín hầu đối diện cùng quốc tế rồi chủ định số phận của mình do năng lực của mình, không ỷ lại nơi một ngoại bang nào thì ngày ấy mới giải ách nô lệ thuộc về tinh thần lẫn vật chất của mình đặng.
- Tình thế đương nhiên là Bắc Việt đã bị lệ thuộc vào Trung Cộng, còn Nam thì sống gởi nơi tay người thì kiếp số tương lai của ta chưa biết nương nơi đâu mà an đặng. Nếu tình thế này mà kéo dài tới mãi thì hoà bình của họ đã hứa hẹn cùng ta chỉ là mộng ảo.

Bần Đạo ước mong và cầu xin cho cả toàn thể đồng bào sáng suốt hơn đặng tự định số mạng và tương lai của mình.
Bần Đạo để lời chào mừng toàn thể đồng bào và cầu chúc cho các gia đình đều hạnh phúc.
Toà Thánh Tây Ninh, 27 tháng Chạp Giáp Ngọ (20-1-1955)
HỘ PHÁP

*  *  *

HỘI NGHỊ TÔN GIÁO THẾ GIỚI TẠI ĐÔNG KINH
Trong năm 1955, một Hội nghị các Tôn Giáo Thế Giới nhóm họp tại Đông Kinh (Nhựt Bản).
 Ngài Bảo Thế Hiệp Thiên Đài Lê Thiện Phước đọc một bài diễn văn nói về hoà bình được toàn hội hoan nghinh chủ nghĩa cao quí Đạo Cao Đài của Đức Chúa Trời.

*  *  *

ĐỨC HỘ PHÁP THÀNH LẬP MẶT TRẬN THỐNG NHẤT TOÀN LỰC QUỐC GIA
Đức Hộ Pháp thành lập “Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia” gồm các Tôn Giáo Đảng phái để làm hậu thuẩn mạnh mẽ cho miền Nam thương thuyết với miền Bắc, nhưng ông Ngô Đình Diệm lại cố ý phá “Mặt Trận”.
*  *  *

LỄ KHÁNH THÀNH TOÀ THÁNH TÂY NINH
(Mùng 9 tháng Giêng năm Ất  Mùi )
Năm 1955, Đức Hộ Pháp ra lịnh tổ chức cuộc lễ khánh thành Toà Thánh long trọng có mời các Tôn Giáo bạn, các Đảng phái, các Ngoại Giao Đoàn của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Trong cuộc Lễ Đức Hộ Pháp cho mời một gánh hát bội ở Sài Gòn lên hát ba đêm sân khấu tại Đại Đồng Xã, mỗi đêm một tuồng hát do Đức Hộ Pháp chọn lựa tuồng.
- Đêm thứ nhất: Tuồng Tiêu Anh Phụng loạn trào.
- Đêm thứ hai: Tuồng Ngũ Vân Thiệu bị vây.
- Đêm thứ ba: Tuồng San Hậu, bà Nguyệt Kiểu đi tu.

Ý nghĩa mấy tuồng hát là Đức Hộ Pháp cho biết trước việc sắp xảy đến trong cửa Đạo, như vụ Nguyễn Thành Phương làm loạn, rồi đến ngày lễ Hội Yến Diêu Trì Cung rằm tháng 8 năm Ất Mùi. Qua đêm 16, tại Văn Minh Điện, Đức Hộ Pháp ra bốn câu thai đố :

   - Câu 1: "Ví dầu cầu ván đóng đinh,
   Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi."
   Xuất nhứt vật dụng: cái Thang

   - Câu 2: "Bậu nghe ai dỗ ai dành
   Chanh chua bậu chuộng cam sành bậu chê."
   Xuất nhứt vật dụng: cái Trách.

   - Câu 3: "Ví dầu tình bậu muốn thôi,
   Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra."
   Xuất nhứt vật dụng: cái Ly

   - Câu 4 : "Một mai thiếp có xa chàng,
   Đôi bông thiếp trả đôi vàng thiếp xin."
   Xuất nhứt vật dụng: cái Khai

Đức Hộ Pháp ra câu thai đố trước bốn ngày Nguyễn Thành Phương đem quân về bao vây Toà Thánh ngày 20-8- Ất Mùi.
*  *  *

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG ĐEM QUÂN VỀ KHỦNG BỐ TOÀ THÁNH BAO VÂY HỘ PHÁP ĐƯỜNG.

- Ngày 20-8-Ất Mùi (1955), Trung tướng Nguyễn Thành Phương đem binh về khủng bố Toà Thánh, bao vây Hộ Pháp Đường và bắt ông Đại tá Nguyễn Văn Kiết chỉ huy cơ Thánh vệ vì  Phương tuân theo mạng lịnh của Ngô Đình Diệm.

- Ngày 25-8, một cuộc họp tại Hộ Pháp Đường diễn ra, ngồi bàn họp có Đức Hộ Pháp, bên Hiệp Thiên Đài có ông Cao Tiếp Đạo, ông Thừa Sử Phan Hữu Phước, bên Cửu Trùng Đài có ông Phối Sư Thượng Tước Thanh, ông Giáo Sư Thái Đến Thanh, bên Phước Thiện có ông Đạo Nhơn Út, bên Quân Đội có Thiếu tướng Lê Văn Tất thay mặt cho Trung tướng Nguyễn Thành Phương, đứng nghe phía sau có vài Sĩ Tải và cô Tư Tranh.

- Trong phiên họp, Thiếu Tướng Lê Văn Tất với tư cách thay mặt cho Trung tướng Phương lên tiếng chỉ trích Đức Hộ Pháp đủ điều. Đức Hộ Pháp có trả lời với ông Tất. Sau đó ông Thừa Sử Phước xin phép có ý kiến. Ông Phước nói mấy anh theo Quốc gia thì làm theo Quốc gia, còn Đức Hộ Pháp lãnh đạo Tôn giáo làm theo lập trường của Tôn Giáo chớ làm như các anh sao được. Các anh nên nhớ nhờ Đạo mà các anh được nên danh với thiên hạ rồi các anh trở lại khủng bố Đạo.

- Qua ngày sau ông Phương cho quân đội đến tận nhà bắt ông Thừa Sử Phước.Phan Quang Hạo 20 tuổi là con ông Phước nóng lòng cứu Cha cho nổ một trái khói cũng bị bắt  luôn.Ông Phương còn ra lịnh bắt bốn, năm cô gái làm công quả ở Toà Thánh đánh đập buộc phải khai  là có tư tình với Đức Hộ Pháp.Ông Phương cho xe thông tin của quân đội chạy khắp cùng Thánh Địa công bố việc xấu này cho toàn Đạo biết.

*  *  *

XIN NHẮC LẠI MỘT ĐOẠN LỜI THUYẾT ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ PHÁP TẠI ĐỀN THÁNH ĐÊM 15-12-MẬU TÝ (1948).
Kỳ thuyết pháp  trước, Bần Đạo đã để một dấu hỏi Đạo Cao Đài có thể đem lại hạnh phúc cho nhơn loại tạo hoà bình làm cho Đại Đồng thiên hạ đặng chăng ?

Đã để dấu hỏi tức nhiên phải trả lời, chúng ta chẳng nên chỉ biết tin nơi Đức Chí Tôn mà thôi, mà phải biết Ngài đến tạo nền Tôn Giáo cốt yếu là đến ký hoà ước với nhơn sanh, tạo hạnh phúc cho nhơn sanh và làm cho thiên hạ đặng hưởng thái bình nơi địa cầu 68 này, tức nhiên chúng ta đã quả quyết và để đức tin chắc chắn rằng: thế nào cũng thành tựu, nhứt là có lời quyết đoán của Anh cả Thiêng liêng của chúng ta là Đức Lý Giáo Tông đã nói :
"Đức tin một khối tạo nên hình,
Đã hiệp Vạn linh với Chí Linh"

Nghĩa là Đạo Cao Đài đã thành nhưng từ từ đi lên cho đến cái địa cảnh vô đối của nó.

Ta biết Chí Tôn đến ký Hoà ước dưới thế gian này, chúng ta ngó thấy Hoà ước của nhơn sanh nhứt là các liệt cường ký với nhau khoản này khoản nọ khoản kia đủ thứ không biết mấy khoản.Với Đức Chí Tôn chỉ có hai khoản mà thôi.

* Luật Thương yêu : Ngài định cho chúng ta là thương yêu, không phải thương yêu nhơn loại mà thôi, mà phải thương yêu toàn vạn linh nữa.
* Quyền Công chánh : Ngài chỉ định là quyền công chánh.

Từ thử, chúng ta chưa ngó thấy Hoà ước nào đơn sơ như thế mà nó oai quyền làm sao không thể gì thực hiện đặng ! dầu cho tận thế loài người cũng không khi nào thực hiện ra đặng !

Chúng ta đã hiểu và tin rằng thế nào nó cũng thành, chúng ta chỉ lấy lương tri, tức là lấy trí tri để hiểu chơn tướng của Đạo Cao Đài, làm thế nào đem hạnh phúc cho nhơn loại hưởng được và tạo hoà bình cho thiên hạ cả Đại đồng Thế giới.

   Cuối năm Ất Mùi (1955)
Sau khi đưa Chư Thánh đêm 24 tháng Chạp, Đức Hộ Pháp mời một số anh em Hiệp Thiên Đài, Phước Thiện, Quí vị sĩ quan vào Hộ Pháp Đường họp mặt.

 Đức Ngài cho biết ngày gần đây sẽ đưa ra một giải pháp mới để cứu vãn tình thế của nước nhà.Đức Hộ Pháp cầm giữ Thiên Thơ, việc làm nào của Đức Ngài cũng theo đúng Thiên Thơ tiền định, mà hễ theo đúng Thiên Thơ thì phần nhiều đi ngược với tình thế rất khó khăn, nguy hiểm.

Trong cửa Đạo, những người không nghe lời Đức Hộ Pháp chạy theo thế tình đều bị thất bại. Kinh nghiệm một thời gian dài của Đạo, cũng như của đất nước, việc làm nào đúng theo Thiên Thơ tuy bị thử thách nhưng vẫn tồn tại và phát triển, còn việc làm nào theo phàm tâm tục ý nghịch với Thiên Thơ tuy dễ làm nhưng phải bị huỷ hoại theo thời gian cho nên mới có câu :
“Thuận Thiên giả tồn
Nghịch Thiên giả vong ”

Thầy đến khai Đạo trong một nước bị trị. Đạo Thầy phải trải qua nhiều trào chính phủ từ Pháp đến Việt Nam. Chính phủ nào cũng áp chế  Đạo nhiều hoặc ít, nặng hay nhẹ, chỉ có Chính phủ Bữu Lộc nhìn nhận 40 cây số vuông vùng Thánh Địa Toà Thánh Tây Ninh với Thánh Thị vô phòng thủ.

Đạo Thầy yếu mà mạnh, người xô qua kẻ đẩy lại nhưng không sao. Họ có đủ quyền lực để diệt Đạo nhưng cuối cùng họ bị sụp đổ, còn Đạo Thầy vẫn còn Đạo Thầy. Thầy còn thì Đạo còn.

Việc gì sắp xảy ra Đức Hộ Pháp cũng nói trước. Đầu năm 1955, khi đến thăm Bộ Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài ở Giang Tân, trước đông đủ các sĩ quan Đức Hộ Pháp có nói : “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược không khéo Thầy trò mình đụng nhau xước lỗ mũi ”.

*  *  *

ĐỨC HỘ PHÁP ĐÃI TIỆC BAN ĐẠO TỲ
Đức Hộ Pháp ra lệnh cho Nữ phái tổ chức một bữa tiệc trịnh trọng đãi khách quý, nhưng không ai biết là khách quý nào. Đến giờ đãi tiệc, Đức Hộ Pháp ra lệnh cho ông Sáu Hồ dẫn Ban Đạo Tỳ đến dự tiệc. Đức Hộ Pháp có để lời phủ dụ quý báu về công nghiệp cho Ban Đạo Tỳ.

       Việc làm đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng quan trọng vì có ảnh hưởng sâu đậm vào lòng con cái của Đức Chí Tôn đến thất ức niên. Đối với công lao cao quý của Ban Đạo Tỳ là nhân viên của Đức Di Lạc giúp một phần độ rỗi chúng sanh trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

*  *  *

ĐỨC HỘ PHÁP LẬP BÁO QUỐC TỪ
Năm 1955, Đức Hộ Pháp làm lễ khánh thành Báo Quốc Từ để tỏ lòng tri ân các bậc tiền bối đã dày công xây dựng và mở mang bờ cõi nước Việt Nam thành một dãy giang san gấm vóc với tinh thần cổ truyền của Tổ Tiên trên bốn ngàn năm lưu lại là đạo đức, nhân nghĩa, bác ái, công bình, vị tha yêu nhơn ái vật.

Việc làm của Đức Hộ Pháp có ý nghĩa đặc biệt tồn tại mãi trong ký ức của mỗi người, đem tinh hoa của dân tộc Việt Nam làm căn bản để truyền bá mối Đạo ra vạn quốc theo như lời Thánh Giáo của Đức Chí Tôn : “Nam Phong thử nhựt biến nhơn phong ”.

CHÁNH SÁCH
HOÀ BÌNH CHUNG SỐNG
DO DÂN- PHỤC VỤ DÂN- LẬP QUYỀN DÂN

SỬ LƯỢC

   Năm 1956.

GIAI ĐOẠN I (1956 -1959)

ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC GIÁO CHỦ ĐẠO CAO ĐÀI ĐỀ XƯỚNG VÀ LÃNH ĐẠO.

Sáng sớm mùng 5 Tết năm Bính Thân (1956), Đức Hộ Pháp cùng đoàn tuỳ tùng bí mật sang NamVang, hơn một tháng sau Đức Ngài chánh thức đưa ra Quốc Tế Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống với tiêu đề:
DO DÂN- PHỤC VỤ DÂN- LẬP QUYỀN DÂN
theo các văn bản như sau :           

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Tam Thập Nhứt Niên
TOÀ THÁNH TÂY NINH
Hộ Pháp Đường                                   
   Văn Phòng                                 
        --0--
Số 20 HP-HN
Hộ Pháp Phạm Công Tắc
Giáo Chủ Đạo Cao Đài

Kính gởi Quí Ngài : Chủ Tịch Liên  Hiệp Quốc,
Các Ngài Thủ Tướng Chính Phủ các cường quốc.

Kính Quí Ngài,
Sau 82 năm bị đô hộ dưới quyền Pháp thuộc, ngày 9  tháng 3 năm 1945, toàn cả Quốc Dân Việt Nam quật cường giải ách nô lệ. Việc trọng đại ấy đã có tiếng dội khắp cả thế giới và các Liệt cường Quốc Tế đều hiểu rõ.

Đã 11 năm tranh đấu không ngừng để định chủ quyền độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam, toàn dân đã phải chịu bao nhiêu thống khổ tang tóc về tài sản cũng như sanh mạng, lại thêm bị hai ngoại quyền Cộng Sản và Tư Bản xen vào nội bộ chia Quốc dân Việt Nam làm hai xu hướng

Kể từ ngày quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ lại thêm tai hoạ lớn lao hơn nữa chồng lên đầu dân Việt Nam. Thật vật, 9 nước ở Hội nghị Genève với hảo ý đem hoà bình lại cho xứ Việt Nam và chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh đã vô tình mà không nhận định sự tai hại cho dân Việt là thế nào nên đã ký một hiệp định chia đôi lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 rồi lại định cho Việt Nam phải tự tìm phương thống nhất, chúng ta nên nhớ rằng khi ký hiệp định Geneve thì vĩ tuyến 17 chỉ có ý nghĩa là chia đội của hai bên ra để tránh sự đụng chạm.

Nhưng về sau thì vĩ tuyến 17 đã biến thành một cách thực tế ranh giới chia hẳn hai miền Nam, Bắc, miền Bắc thì do cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo với chánh phủ thân Nga và miền Nam thì cụ Ngô Đình Diệm với một chánh phủ thãn Mỹ.

Là nạn nhân của thời cuộc và của sự tranh chấp Chủ nghĩa quốc tế, dân tộc vô phước này, thay vì đặng giúp đỡ và an ủi lại phải chịu thêm một vết thương đau thảm do 9 nước đã vô tình xâm phạm vào quyền dân tộc tự quyết của họ.

Tình trạng ấy đã hiển nhiên và không một ai có thể nào chối cãi, việc cốt yếu hiện nay là phải tầm một diệu dược để cứu chữa bệnh trạng ấy.

Bần Đạo rất hài lòng nhận nơi đây hảo ý và sự cố gắng dẻo dai của các cường quốc Trung lập để tìm một giải pháp hoà bình mong giải quyết vấn đề Việt Nam.

Là Giáo chủ của một Đạo giáo tượng trưng tinh thần của một dân tộc đủ phong tục, đủ văn hiến do một nền văn minh tối cổ Khổng Giáo, Bần Đạo không thể ngồi yên đặng nhìn sự thống khổ của họ, vì lẽ bất công của xã hội nhân quần. Vì cớ nên Bần Đạo định góp sức mọn mình với sự cố gắng của các liệt cường để tìm phương cứu vãn tình thế, giải nạn cho chủng tộc Việt Nam đặng bảo vệ Hoà bình và hạnh phúc cho họ. Hôm nay Bần Đạo phải xuất ngoại cốt yếu để bảo thủ tự do cá nhân, hầu có đủ phương tiện kêu gọi lòng nhân đạo của các liệt cường, giúp sức cho Bần Đạo đủ phương hoà giải hầu tránh nạn cốt nhục tương tàn của sắc dân Việt sắp gây nội chiến vì đôi ảnh hưởng.

Nhơn đó Bần Đạo xin gởi theo đây một chương trình tối thiểu và đại ý là một đường lối chung sống, lập thành cho nước Việt Nam một chánh phủ liên bang hầu có thể thực hành thống nhất theo như Hiệp Định

Chương trình này Bần Đạo đã định rõ trong bức điện văn gởi cho Tứ Cường trong buổi hội nghị Genève kỳ nhì vào ngày 21 tháng 7 năm 1955 và đã nhờ Thủ Tướng Pháp Edgar Faure chuyển đệ.

Bần Đạo chỉ xin Liên Hiệp Quốc và các Liệt Cường thật tâm ủng hộ và cương quyết bảo đảm cho Bần Đạo đặng tự do tuyên truyền giải pháp này khỏi sự khủng bố của hai chính phủ đương quyền Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm trong khi Bần Đạo thực hành sứ mạng Hoà Bình này.

Bần Đạo quả quyết rằng : Đồng bào Việt Nam luôn luôn yêu chuộng Hoà Bình sẽ hưởng ứng nhiệt liệt phong trào này, nếu họ làm tròn tự do phát biểu ý chí của họ.

Bần Đạo xin thành thật tỏ lòng tri ân Quý vị
PHNOM PENH, Ngày 26 tháng 3 năm 1956
HỘ PHÁP
(Ký tên và đóng dấu)

Có đính kèm Bản Cương Lĩnh Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống như sau :
Do Dân- Phục Vụ Dân- Lập Quyền Dân.

CƯƠNG LĨNH
I . THỐNG NHẤT LÃNH THỔ VÀ KHỐI DÂN TỘC VỚI PHƯƠNG PHÁP ÔN HOÀ.
II . TRÁNH MỌI XÂM PHẠM NỘI QUYỀN VIỆT NAM
III . XÂY DỰNG HOÀ BÌNH HẠNH PHÚC VÀ TỰ DO DÂN CHỦ CHO TOÀN DÂN

*  *  *

I . THỐNG NHẤT LÃNH THỔ VÀ KHỐI DÂN TỘC VỚI PHƯƠNG PHÁP HOÀ BÌNH

GIAI ĐOẠN THỨ NHỨT.
1 . Để hai chánh phủ Địa phương tạm giữ nguyên vẹn nền tự trị nội bộ mỗi miền theo ranh giới vĩ tuyến 17.
2 . Thành lập một “Ủy Ban Hòa Giải  Dân Tộc” gồm có các nhân sĩ trung lập và một số đại diện bằng nhau của chánh phủ hai Miền để tìm những điểm dung hợp giữa hai Miền.
3 . Tổ chức nước Việt Nam thống nhất thành chế độ Liên bang Trung lập gồm có hai miền liên kết (Nam và Bắc) theo hình thức của Thuỵ Sĩ với một Chánh phủ Liên bang Lâm thời để điều hoà nền kinh tế trong nước và để thay mặt cho nước Việt Nam thống nhứt đối với Quốc tế và Liên Hiệp Quốc.
4 . Bãi bỏ bức rào vĩ tuyến 17, dân chúng được bảo đảm sự lưu thông tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam để so sánh và chọn lựa chế độ sở thích mà định cư.

Vĩ tuyết 17 chỉ là một ranh giới hành chánh của hai Miền hiện hữu mà thôi, còn dân tộc Việt Nam vẫn là một khối duy nhất Trung lập và tự do.

GIAI ĐOẠN THỨ NHÌ.
1 . Đánh thức tinh thần dân tộc đến mức hướng thành đủ sức đảm nhiệm công việc nước, theo nhịp tiến triển của thế giới, trong khuôn khổ Tự do và Dân chủ.

2 . Khi Dân tộc đã trưởng thành và khối tinh thần đã thống nhứt thì toàn dân Việt Nam sẽ tự giải quyết thể chế thiệt thọ theo nguyên tắc Dân tộc tự quyết bằng cách mở cuộc tổng tuyển cử thể theo Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 để thành lập Quốc Hội duy nhất cho nước Việt Nam.

Cuộc Tổng tuyển cử này sẽ tổ chức dưới sự kiểm soát và trách nhiệm trọn vẹn của Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa mọi điều áp bức dân chúng. Quốc hội này sẽ định thể chế thiệt thọ và thành lập một Chánh phủ Trung ương nắm chủ quyền trong nước Việt Nam.

II . TRÁNH MỌI XÂM PHẠM NỘI QUYỀN VIỆT NAM.
Hữu dụng nền độc lập của mỗi Miền đã thu hồi do hai khối nhìn nhận (Chánh phủ Hồ Chí Minh ở miền Bắc và Chánh phủ Ngô Đình Diệm ở miền Nam tức là Chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà).

Hướng vào các nước Trung lập như Ấn Độ, Anh, Miến Điện, A-Phú-Hản v.v. để mở một đường lối thứ ba gọi là “ĐƯỜNG LỐI DÂN TỘC ” căn cứ trên khối Dân tộc để làm trung gian dung hoà hai chế độ.

Tránh mọi hướng dẫn, ảnh hưởng hoặc can thiệp của một khối nào trong hai khối độc lập NGA-MỸ. Vì đó là một cuộc tương tàn có thể gây nên trận Thế giới chiến tranh thứ ba.

Gia nhập vào một trong hai khối NGA hoặc MỸ tức là chịu làm chư hầu cho khối ấy và tự nhận là thù địch của khối kia. Như thế Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống chưa thể thực hiện được. Bằng chứng là tình trạng của Đức, Áo, Trung Hoa, Triều  Tiên và Việt  Nam hiện tại.

III . XÂY DỰNG HOÀ BÌNH HẠNH PHÚC VÀ TỰ DO DÂN CHỦ CHO TOÀN DÂN
1 . Kích thích và thúc đẩy cuộc “THI ĐUA NHƠN NGHĨA  giữa hai miền Bắc và Nam để thiệt hiện hạnh phúc cho toàn dân trong cảnh Hoà Bình, xây dựng trên nguyên tắc Bác ái, Công bình và Nhân đạo.
2 . Áp dụng và thật hành Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc để thực hiện tự do dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
3 . Thâu nhập tất cả mọi ý kiến phát huy có tinh thần hiền triết cổ truyền của chủng tộc đưa lên và giao lại cho Liên Hiệp Quốc hoà giải để thi hành cho dân chúng nhờ.
4 . Dùng tất cả các biện pháp để thống nhất tinh thần Dân tộc trong việc xây dựng hạnh phúc với điều hay lẽ đẹp trên căn bản hy sinh và phụng sự.
5 . Hai miền phải thành thật bãi bỏ mọi tuyên truyền nguỵ biện và xuyên tạc lẫn nhau. Phải để cho nhân dân đứng trước sự thực tế mà nhận xét hành động của đôi bên rồi lần lần sẽ đi đến chỗ thống nhứt ý chí.
6 . Sự thực hiện Chánh sách Hoà bình Chung sống trên đây sẽ đặng thi hành dưới sự ủng hộ và kiểm soát thường trực của Liên Hiệp Quốc và các phần tử trung lập trong và ngoài nước, hầu ngăn ngừa mọi điều áp bức nhân dân do nội quyền độc tài của địa phương hay do áp lực của ngoại quyền xúi giục.
PHNOM PENH, ngày 26 tháng 3 năm 1956
HỘ PHÁP
Phạm Công Tắc

*  *  *
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ Đ
Tam thập nhứt niên
Tòa Thánh Tây Ninh
             Hộ Pháp Đường                             
                 Văn phòng
                  ----0----
             Số 21/HPHN             
HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và  Cửu Trùng

Kính gởi:
-  Cụ Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Chánh Phủ
   Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà
-  Cụ Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Chánh Phủ
   Việt Nam Cộng Hoà.

Kính hai Cụ,
Cũng như Bần Đạo, có lẽ hai cụ hiểu rõ hơn Bần Đạo nữa về tình thế nguy ngập cho Tổ Quốc và giống nòi Việt Nam ta đã trót chịu hơn 11 năm tang tóc vì nạn cốt nhục tương tàn nồi da xáo thịt.

Cái tai vạ ấy do đâu ? Phải chăng vì đồng bào ta vô ý thức mà trở thành nạn nhơn của hai ảnh hưởng ngoại quyền gây loạn. Tình thế ấy phải chấm dứt mới thực hiện đặng phương pháp giải ách lệ thuộc ngoại bang và thâu hồi độc lập thực sự.

Bần Đạo có dịp viết thư tỏ nỗi niềm nguy hại, nếu hai chánh phủ chẳng tìm phương thoát khỏi ngoại quyền xúi giục, thì nội chiến Nam Bắc phân tranh sẽ không tránh khỏi.

Thoảng như tai vạ ấy vẫn tiếp tục, gây nạn cốt nhục tương tàn thì năng lực tranh đấu cách mạng giải phóng dân tộc sẽ tiêu hao mà trở thành bánh vẽ. Vì khi phong trào cách mạng đã kiệt lực thì ách lệ thuộc sẽ tròng vào đầu cổ của dân tộc còn nguy hại hơn thời Pháp thuộc nữa mà chớ.

Hội nghị Genève buổi nọ đã sanh sản ra Hiệp định ngày 20 tháng 7 năm 1954 là một món độc dược để đầu độc cho Quốc dân ta đi đến một cảnh chết vô phương cứu chữa là giam hãm ta vào giữa cuộc tranh đấu của hai ảnh hưởng quốc tế.

Ta muốn thoát ly tức ta tìm một giải pháp bảo thủ nội quyền đặng định vận mạng tương lai do nơi tay ta đào tạo, chớ chẳng chịu ngoại quyền nào làm chủ nội bộ của ta.

Muốn đặng như thế Bần Đạo xin gởi theo đây một Chương trình thống nhứt Tổ quốc Giang san cho hai cụ để trọn tâm nghiên cứu và tìm thêm phương pháp hay khéo bổ cứu vào mọi mặt khuyết điểm, hầu có thể thi hành đặng y theo ước vọng thống nhứt và hoà bình của dân tộc.
Home                                 [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét