Dưới Bóng Cờ Cứu Khổ - 7 / 7 (Hồi ký Qui Tâm)


Đặt trọng tâm phổ biến tôn chỉ và triết lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong cơ cứu khổ, cứu thế của Đức CHÍ TÔN  Sĩ Tải Nhung mặc dầu nhiều lần vào tù ra khám, song chí quyết giúp chánh quyền một giải pháp thuần tuý Quốc gia Dân tộc với phương châm : Do Dân, Phục vụ Dân, Lập Quyền Dân, và chống mọi hình thức ngoại xâm, tâm chí ấy vẫn thuỷ chung như nhứt.

Để kế chí Đức Hộ Pháp cố Giáo Chủ trên giải pháp Quốc gia dân tộc,
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung đã trả giá rất đắc với bao phen ra khám vô tù, ngày hôm nay chánh quyền miền Nam mới đưa ra đường lối : “Chỉ có tình thương mới thực hiện được Đại Đoàn Kết dân tộc ” mà Bộ Thông tin chánh quyền đang tuyên truyền trong quảng đại quần chúng.

Ngoài ra Sĩ Tải Nhung còn chịu đựng lắm điều ác cảm, gán ghép vu cáo vô căn cứ của thế tình gièm siểm …

Ngót 19 năm phục vụ Đại nghiệp Đức CHÍ TÔN, cố Sĩ Tải đã dốc trọn tâm lực trong cuộc thánh chiến, thân thể tiều tuỵ, bệnh hoạn áo đảo xác yếu hơi mòn, nhưng chí khí vẫn hiên ngang nở một nụ cười thoát tục trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Cố Sĩ Tải Phạm Duy Nhung, Hiền Huynh ôi !

Với chủ trương tình thương và công bằng Tôn Giáo, hôm qua Hiền huynh đã bị kết án tù đày ! Nay trước khi nhắm mắt để an nghỉ giấc nghìn thu, Hiền Huynh đã thấy đời đem chủ trương của mình ra áp dụng, thành công sơ khởi này có lẽ cũng đủ cho người anh hùng dân tộc ngậm cười nơi tiên cảnh. Và với quyền năng thiêng liêng chuyển pháp, chúng tôi tin rằng tất cả chủ trương đường lối của Hiền Huynh đã thông đạt đến Liên Hiệp Quốc, các liệt cường thế giới và trong quốc nội vừa rồi sẽ có được kết quả, sẽ đem vinh quang lại cho toàn cả Đạo Đời.

Nhưng Hiền Huynh ơi ! Gánh nặng trên đường thiên lý, nay Hiền Huynh đã vội tách bước du tiên, để lại cho bạn Đồng Đạo, Đồng tâm chí, từ gia đình riêng đến toàn thánh thể Chí Tôn phải rơi giọt thương lòng rồi đây biết đến bao giờ mới khuây khỏa nỗi xót thương đau khổ của bạn đồng sanh đã cùng Hiền Huynh vào sanh ra tử tại thế này

Kính thưa chư Chức Sắc, chức việc và toàn Đạo Nam, Nữ.
Trước khi khỏa  nắm đất vàng lên mộ phần người thiên cổ, có phải chăng trước mắt chúng ta đây, thật là cả một rừng thương núi thảm …
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung, Hiền Huynh ôi ! Anh hùng tử, khí hùng nào tử, Hiển linh xin chứng.
Toà Thánh, ngày 25 tháng 4 năm Đinh Mùi
(DL 2-6-1967)

Ban Miền Nam và Ban Châu Thành Thánh Địa Nữ  phái đồng ai điếu.

BÀI ĐIẾU VĂN
Của Giáo sư Ngọc Tài Thanh, thay mặt thiện nam tín nữ Ban Chỉnh Đạo tỉnh Kiến Hoà tế điếu trước quan tài cố Sĩ Tải Phạm Duy Nhung ngày 24-4-Đinh Mùi

Kính thưa Chư Chức Sắc Hội Thánh  lưỡng đài
Kính thưa Chánh quyền và quý quan khách
Kính thưa Ban Thống Nhứt Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống, Chư Hiền huynh, Hiền Tỷ và tang quyến.

Nhân danh đồng Đạo Nam Nữ Ban Chỉnh Đạo nơi tỉnh Kiến Hoà, tôi xin phép Chư quý vị được đứng trước linh cửu cố Sĩ Tải Phạm Duy Nhung để đôi lời phân ưu cùng tang quyến.
Thưa Quí Ban Thống Nhứt,
Thưa cố Sĩ Tải phu nhơn,

Từ khi gia nhập vào đường lối Hoà Bình của Đức Hộ Pháp, Cố Giáo chủ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chúng tôi chỉ hân hạnh được đôi lần tiếp xúc với cố Sĩ Tải Phạm Duy Nhung là người có Uỷ nhiệm thư thay mặt đường lối Đức Ngài tại Quốc nội. Được một thời gian vừa mới thông cảm, hiểu biết nhau trên tôn chỉ cứu khổ nhơn sanh, cứu nhơn loại tránh hoạ tận diệt của hung thần chiến tranh đã gây tang tóc cho biết bao dân tộc trên mặt địa cầu xuyên qua hai trận thế chiến khủng khiếp còn ám ảnh.

Thành thật mà nói rằng từ khi chúng tôi thực hiện đường lối Hoà Bình tiếp xúc được giới lãnh đạo Phạm Duy Nhung, thì Người bị câu lưu liên tục, vào khám ra tù, tiếp theo đó là bệnh hoạn trầm trọng vì bấy nhiêu năm tận tuỵ với sứ mạng thiêng liêng, hao mòn biết bao tâm lực ! Ôi ! trách vụ hai gánh nặng Đạo Đời mà sức người có hạn, Sĩ Tải phải trút hơi thở cuối cùng trước gánh nặng nhơn sanh.

Thưa Quý vị
Thưa Hiền Đệ cố Sĩ Tải thân mến,
Chúng tôi nghe tin cố Sĩ Tải liễu Đạo dường như sét đánh ngang tai, mặc dù biết rằng lẽ tử sinh là lẽ đương nhiên của Tạo Hoá đã an bài theo định luật. Chúng tôi thương Hiền Đệ là thương tình đồng Đạo, đồng tâm, đồng chí, đã xả thân phục vụ đại nghiệp Đức CHÍ TÔN, thương Hiền Đệ đã nêu gương quả cảm lãnh đạo đường lối của Đức Giáo Chủ trước bao nhiêu chông gai trở lực của cơ Đạo tuồng Đời, thương Hiền Đệ đã phế gia đình vợ yếu con thơ để lo vận động Hoà Bình dân tộc, thống nhứt giang sơn, mong đem hạnh phúc cho giống nòi, đã nhiều phen bị bạo quyền nhà Ngô câu lưu được ra tù lại vào khám mà tâm chí vị tha không lúc nào nản lòng thối bước.

Trước sự nghiệp chung, toàn Đạo cũng như toàn dân đang mong mỏi, Hiền Đệ vội tách bước về thiêng liêng cảnh để gánh nặng lại bạn đồng tâm chí kế tiếp, thật là một sự đáng tiếc nơi lòng của bạn đồng thuyền. Là vì con thuyền Hoà Bình Chung Sống do Đức Hộ Pháp Giáo Chủ giao cho Hiền Đệ lèo lái sắp đến mục tiêu thì vị thuyền trưởng lại vắng mặt bên bờ bĩ ngạn.

Hay là Hiền Đệ đã chán đời đen bạc toan vẹt ngút mây xanh đem chủ nghĩa Hoà Bình về Thiên Cung để vận chuyển theo diệu pháp vô vi, quyết vượt chướng ngại của thế trần để thể hiện cho non sông nòi giống được gội nhuần hồng ân cứu thế của Đức CHÍ TÔN.

Hiền Đệ ơi ! Bóng người lãnh đạo hôm nay đã khuất mắt trần gian, nhưng khí phách người anh hùng vẫn phảng phất đó đây anh linh bất tử người lãnh đạo vẫn tiềm tàng nơi lòng đồng chí.

Cho hay sống ở thác về là điều mong mỏi của khách trần công viên quả mãn, song đối tình thể xác chúng tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc khi vắng tiếng tri âm tính toan Đạo sự, tâm sự này tưởng không bút mực nào tả xiết.

Từ đây mỗi khi nghe Đạo Đời đề cập đến Hoà Bình thống nhứt đất nước Việt Nam, Hiền Đệ ơi ! Làm sao chúng tôi quên được tôn danh cao cả Sĩ Tải Phạm Duy Nhung.

Thưa quý vị,
Trước khi chào vĩnh biệt người thiên cổ, một lần nữa tôi xin thay toàn Chư đạo tâm Nam Nữ nơi Ban Chỉnh Đạo thâm tâm cầu nguyện Đức CHÍ TÔN, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng liêng ban trọn hồng ân cho Hiền Đệ được cao thăng thiên vị hầu đủ quyền năng phù hộ cho đàn em noi bứơc đến mức thành công !
   Hỡi ôi ! Thương tiếc thay
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 25-4-Đinh Mùi
(DL 2-6-1967)
Giáo Sư Ngọc Tài Thanh

CÂU ĐỐI CỦA LIÊN TỈNH MIỀN ĐÔNG
Chơn Thần về cảnh hư vô, hiển hách phò trì Bác ái hữu
Khí phách vào nơi Cực Lạc anh linh hổ trợ đồng tâm.

CÂU ĐỐI CỦA LIÊN TỈNH MIỀN TRUNG
Nhiều khi vào cảnh lao lung, giông gió không phải lòng sắt đá
Lắm lúc ra trường khảo thí, nắng mưa càng rõ nét vàng son

CÂU ĐỐI CỦA LIÊN TỈNH MIỀN TÂY
Nghiêng vai gánh vác Hoà Bình, một kiếp bình sinh tròn bổn phận
Quyết chí gầy nên xã hội, ngàn năm lịch sử rạng thinh danh.

MỘT PHÁI ĐOÀN TRÍ THỨC Ở SÀI GÒN.
Do cụ Luật Sự Trịnh Đình Thảo hướng dẫn có cụ Đặng Văn Ký, kỹ sư Tô Văn Cang, hai nhà văn Thiếu Sơn và Thanh Nghị cùng một số trí thức trong Uỷ Ban Bảo Vệ Hoà Bình của Bác sĩ Phạm Văn Quyến đến tại tư gia ông Nhung để chia buồn và đến tại mộ phần đặt vòng hoa tưởng niệm.

Cụ Đặng Văn Kỳ đại diện Phái đoàn có đọc một bài thơ thương tiếc người quá cố Hoà Bình Chung Sống Phạm Duy Nhung.
"Nối chí Thầy nêu thuyết Đại Đồng
Họp báo tuyên dương đường chánh nguỵ
Vô tù thông cảm cuộc tồn vong
Liên hoan bao vạn lên nhà bạn
Truy điệu ông nằm dưới mộ ông
Thống nhất ngày vui ông vắng mặt
Xa gần nhắc nhở nhớ nghi phong"

THI ĐIẾU
Sĩ Tải PHẠM DUY NHUNG
Dân tộc Việt Nam còn đang thê thảm quá !
Sao anh đành sớm vội bước non tiên ?
Để bao nhiêu đau xót đám em hiền
Nhưng nhớ lại hồn thiêng anh bất khuất
Gương Giáo Chủ anh ghi câu ký ức
Quyết noi theo đòi hỏi sự Hoà Bình
Để mưu cầu hạnh phúc lại nhân sinh
Đem độc lập, Hoà Bình cho dân tộc
Đường tranh đấu xem còn nhiều gai góc
Vì lợi quyền mà nhẹ gánh đồ thơ
Đám trung lương đang sống chịu dật dờ
Nguyện cương quyết noi gương người chí sĩ
Anh tuy mất nhưng rạng danh nghĩa khí
Biết bao lần đày ải chốn gian lao
Vì thương yêu chủng tộc mến đồng bào
Với sứ mạng Thầy giao người kế chí
Cờ thế giới đang lâm vào nước  bể
Đợi ngày giờ bùng nổ trận kỳ ba
Nhưng làm sao qua khỏi thuyết trung hoà
Tôn chỉ Đạo không thiên về tả hữu
Sớm tỉnh mộng hoạ chăng còn thế cứu
Nếu tranh hùng chi khỏi máu xương phơi
Thương đời toàn nhân loại chịu chơi vơi
Đò chung sống kêu người mau cất bước
Việc dang dở sao anh đành đi trước ?
Hay là anh thử thách bạn đồng thuyền
Nguyện Hồn anh hiển hách chốn thiêng liêng
Xin ám trợ đàn em tròn sứ mạng
                                                              HỮU VÂN.
                                                        
Sứ mạng Thầy giao Sĩ Tải Nhung !
Nhung y chánh sách vận hoà đồng
Đồng tâm cứu Quốc nêu đoàn kết
Kết chí an dân tránh diệt vong
Vong bản xu thời sao lắm kẻ
Kẻ xây thế cuộc mấy nhiêu ông
Ông tròn nhiệm vụ về thiên cảnh
Cảnh hợp rồi tan tợ vũ phong.
                                                              MINH TRIẾT.

Hoà Bình nhắc đến nhớ Duy Nhung !
Nam Bắc rồi ai xướng hiệp đồng
Quyết sách san hà ngăn biến loạn
Vận trù chủng tộc thoát suy vong
Xứng danh tỉnh thức trong nhiều kẻ
Nối chí dò đoan chỉ một ông !
Trung nghĩa rạng ngần trang sử Đạo
Ngàn năm bia tạc dấu anh phong.
                                                              TÔN HƯNG.

Làm xong thiên mạng có Duy Nhung
Thuyết lý thương yêu bất dị đồng
Chung sống Việt thường nêu chính nghĩa
Hoà Bình nhân loại thoát nguy vong
Ghe phen mạo hiểm dìu đồng chí
Mấy đợt vào tù chẳng thiếu ông
Chí cả hy sinh vì Quốc Đạo
Anh hùng dù thác tạc anh phong.
                                                              TRẦN KIM PHỤNG.

Sứ mạng Thầy giao Sĩ Tải Nhung
Tung ra giải pháp để hoà đồng
Vì chưng thế giới tranh quyền lợi
Khiến nạn nhơn quần chịu diệt vong
Quyết sách vận hành nên thế tướng
Mở đường cứu khổ bởi tay ông
Nào hay một phút thiên thu biệt
Kế nghiệp Đức Thầy vẹn tác phong.
                                                              THANH HIỂN.

Biết tả làm sao nỗi nhớ nhung
Ngài đi để lại tiếng chuông đồng
Trời nam mây rủ màu tang tóc
Đất Bắc khởi sầu trận bại vong
Giữa cuộc cờ đời không bóng tướng
Trong vòng danh lợi biết tai ông
Lòng thành khẩn nguyện trên Thiên Đế
Sớm có anh tài được tấn phong.
                                                              THANH TÙNG.

Trí Duy Nhung ! Dũng Duy Nhung !
Rúng động năm châu khúc nhạc đồng
Vận lối Hoà Bình xua khổ nạn
Mở đường chung sống tránh nguy vong
Văn chương hoa gấm loà nhân thế
Khí phách anh hùng vậy tiếng ông
Rỡ rỡ vân đài thiên vạn cổ
Nêu gương chí sĩ với Nho phong.

Trung Duy Nhung ! Nghĩa Duy Nhung !
Đời Đạo hai vai một gánh đồng
Hơi Thánh quét tan mưu dị chủng
Bút Thần soi sáng nẻo hưng, vong
Diêu Trì hớn hở mừng Thiên sứ
Non nước dật dờ khóc tiếc ông
Sông núi khí thiêng khen khéo tạc
Nghìn thu danh nghiệp chiếu Nam phong.
                                                                         TRỌNG HỒNG.

Đất lỡ trời long tối mặt mày
Được tin huynh trưởng lánh trần ai
Ngôi thiên anh được yên vui hưởng
Cõi tục em đang khổ đoạ đày
Khói lửa chiến tranh còn dậy đất
Hoà Bình Chung Sống biết nhờ ai
Nhơn sanh đổ luỵ đồng thương tiếc
Thế giới mất đi bực trí tài.
                                                                         LÊ TẤN HƯƠNG.

Mỗi lần chầu lễ viếng Tây Ninh
Nhớ đến Nhựt Quang rất cảm tình
Dạ sắt chiếu loà gương bác ái
Lòng son nhuộm thắm nét Hoà Bình
Thương đời dìu chúng ngừa tai nạn
Cứu thế mong người dứt chiến tranh
Trao gánh Đồ Thơ cho hậu tấn
Tuy chưa rồi việc đã nên danh.
                                                                         TRẦN VĂN THÔNG

Hiệp Thiên Sĩ Tải Phạm Duy Nhung
Sứ mạng Thầy giao quyết vẫy vùng
Thơ gởi cáo tri, xa vạn quốc
Tuyên ngôn họp báo gọi Tây Đông
Kiên trung, dũng sĩ, như Hàn Tín
Ái  ưu dân tợ Tử Phòng
Thừa lịnh của Thầy làm Chủ Tịch
Hoà Bình Chung Sống đắc kỳ công.
                                                                         QUI TÂM.

Tưởng nhớ chép lại bài thi của người quá cố sáng tác trong tù.

TĨNH SAY
Biết ai đang tỉnh, biết ai say !
Thấy tỉnh trong say mới thật tài
Cạn chén san hà say ấy tỉnh
Vui tình phong nguyệt tỉnh mà say
Tuồng đời xạo sự dường say tỉnh
Nẻo Đạo quanh co lẽ tỉnh say
Say Đức, say Nhân, say Tổ Quốc
Tỉnh đâu sánh được cái say này !
(Trung tâm Huấn Chính Thủ Đức )
Ngày 6 tháng 11 Đinh Dậu
(DL 26-12-1957)
PHẠM DUY NHUNG
*  *  *

BÀ TÁM NỮ PHỐI SƯ HƯƠNG NHIỀU
BẠN ĐỜI CỦA ĐỨC TÔN SƯ HỘ PHÁP QUI TIÊN.

Tin buồn vào 8 giờ tối đêm 25-6-Đinh Mùi (1967)
Vì nhớ ơn Đức Tôn Sư Hộ Pháp, toàn Đạo Nam nữ để tang đưa linh cửu từ Toà Thánh ra Phạm Nghiệp trên đoạn đường dài mấy cây số.

*  *  *

PHIÊN TOÀ HIỆP THIÊN ĐÀI

Lần thứ nhứt đưa mấy vị Chức Sắc Hoà Bình ra xét xử.
Ngày 20 tháng Chạp năm Đinh Mùi (DL 19-1-1968)

Toà Hiệp Thiên Đài vâng lịnh Thượng cấp tổ chức phiên xử những Chức Sắc hoạt động theo đường lối Hoà Bình bị cáo về ba khoản :
1 . Hoạt động Chánh sách Hoà Bình Chung Sống do Đức Hộ Pháp đề xướng
2 . Phế phận
3 . Hội họp Hoà Bình bất hợp pháp

Giáo Hữu Thời đề cử ngồi ghế biện hộ, ông nói như sau :
Chánh sách Hoà Bình Chung Sống ra đời không phải do tánh cách cá nhân mà do Đức Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài nhân danh một vị Giáo Chủ đề xướng.

Trong khi cả thế giới người ta kêu gọi Hoà Bình, tại sao chủ trương Hoà Bình của Đức Hộ Pháp đã đề xướng 12 năm được người ta hưởng ứng nồng nhiệt. Trái lại các chiến sĩ tiền phong thực thi theo đường lối Hoà Bình của Đức Hộ Pháp chủ xướng lại bị đem ra làm tội ?

Bốn vị Giáo Hữu bị cáo đã tự nguyện làm con tế vật cho Đức CHÍ TÔN  nên mới can đảm hy sinh để rồi chịu cảnh vào tù ra khám bị khổ hình nhục nhã đủ điều mà không mảy may vụ  lợi.

Họ làm việc lợi ích chung, nếu kết quả cộng đồng hưởng, Đạo được danh thơm tiếng tốt vì Đức Giáo Chủ của Đạo đề xướng đường lối cứu thế đó. Còn việc chưa thành thì riêng mình chịu khổ. Họ đã bị đời câu lưu thể xác, đem đi tra tấn giam cầm cho đến khi được buông thả, thì Đạo lại nỡ nào hành tội thêm nữa về mặt tinh thần.

*  *  *

TẾT MẬU THÂN 1968

Lan tràn khắp miền Nam vùng Thánh Địa Toà Thánh Tây Ninh cũng đồng chung số phận. Ban Thống nhất thành ban cứu trợ nạn nhân chiến cuộc như người chết, người bị thương, nhà cháy người bị thiếu lương thực. Ban này có cả 100 anh chị em tham gia người lo vận động lương thực quần áo, mùng mền phân phát, người lo cây lá cất lại nhà, người lo tiền bạc giúp đỡ cho người bị thương người chết…
*  *  *

Ngày 15 tháng 1 năm Mậu Thân 1968 ông thân sinh của Nhựt Quang từ trần.Đó là  Giáo hữu Ngọc Trinh Thanh (Phạm Duy Trinh).
*  *  *

Hoà Đàm Ba Lê bắt đầu ngày 4-4-1968 khi Bắc Việt đồng ý với Mỹ ngồi vào bàn hội nghị để giải quyết chiến tranh Việt Nam.

Vào giữa năm Mậu Thân (1968) anh em trở xuống Phụng Kỳ “Thánh Thất Tân Vạn Biên Hoà ” lần thứ hai để được bảo đảm an ninh, tiếp tục hoạt động anh em mở khoá học tập về Chánh sách Hoà Bình Chung Sống với 9 đề tài :

1 . Nguồn gốc Chánh sách Hoà Bình Chung Sống.
Khi Đức CHÍ TÔN đến khai Đạo kỳ thứ ba, con đường cứu khổ và cứu thế của Ngài là Giải Pháp Hoà Bình Chung Sống do Đức Hộ Pháp Giáo Chủ Đạo Cao Đài đề xướng từ năm 1956.
Hồi ban sơ khai Đạo Thiên Ý Đức CHÍ TÔN  đã để vào hai câu liễn trước Đền Thánh.

"CAO THƯỢNG CHÍ T ÔN ĐẠI ĐẠO HOÀ BÌNH DÂN CHỦ MỤC,
ĐÀI TIỀN SÙNG BÁI TAM KỲ CỘNG HƯỞNG TỰ DO QUYỀN."

Vì vậy Đạo Cao Đài phải thực hiện cho kỳ được Hoà Bình. Sứ mạng cao cả của tín đồ Cao Đài là phải có đủ can đảm dám hy sinh phụng sự cho Hoà Bình là đường lối cứu khổ và cứu thế của Đức CHÍ TÔN  để tại thế.

2 . Hoàn cảnh xuất hiện Chánh sách Hoà Bình Chung Sống.
Hội nghị Geneve năm 1954 ký kết chia đôi nước Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc. Miền Bắc thân Nga, miền Nam thân Mỹ, là hai khối đối lập Quốc Tế mạnh mẽ. Một cảnh tượng chiến tranh huynh đệ tương tàn sắp xảy đến, nên Đức Hộ Pháp đưa Chánh sách Hoà Bình Chung Sống là một giải pháp hoà giải dân tộc với phương pháp ôn hoà hợp tình lý, tiết kiệm xương máu cho dân tộc.

3 . Văn kiện khai sáng và giai đoạn hoạt động Chánh sách Hoà Bình Chung Sống.
Đức Hộ Pháp đã gửi bức thơ số 20 đề ngày 26 tháng 3 năm 1956 cho Liên Hiệp Quốc và các cường quốc có đính kèm bản Cương Lĩnh.

Thơ số 21 đề ngày 28 tháng 3 năm 1956 gởi cho cụ Hồ Chí Minh, Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở miền Bắc, và cụ Ngô Đình Diệm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam có đính kèm bản Cương Lĩnh.

Thơ gởi cho Chư Vị Đại Đức toàn thể các Tôn Giáo đề ngày 1 tháng 10 năm Bính Thân (3-11-1956) có đính kèm bản Cương Lĩnh Chánh sách Hoà Bình Chung Sống và nhiều thơ khác, lịch trình hoạt động Chánh sách Hoà Bình Chung Sống có ba giai đoạn :
Giai đoạn 1: Do Đức Hộ Pháp đề xướng và lãnh đạo anh chị em thệ hữu hoạt động bí mật ở trong nước.
Giai đọan 2 : là giai đoạn công khai.

4 . Mục đích của Chính sách HBCS.
Đường lối cứu khổ và cứu thế kỳ ba của Đức CHÍ TÔN  không riêng cho nứơc Việt Nam mà chung cho cả đại đồng thiên hạ. Cho nên Đức Hộ Pháp đưa ra giải pháp tạo Hoà Bình hạnh phúc cho nước Việt Nam trước để làm nhịp cầu Hoà Bình cho khắp thế giới.

5 . Lập trường Chánh sách Hoà Bình Chung Sống.
Chánh sách Hoà Bình Chung Sống được thành lập theo căn bản Chủ Nghĩa bác ái và công bình của Đạo Cao Đài. Một đường lối thuần tuý dân tộc với lập trường trung lập thật sự, không thiên tả không thiên hữu, không chống chánh quyền cũng không tranh chánh quyền bất vụ lợi, bất hợp tác, bất bạo động.
Một đường lối duy nhất để giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương pháp ôn hoà.

6 . Chánh sách Hoà Bình Chung Sống với truyền thống dân tộc Việt Nam.
Chánh sách Hoà Bình Chung Sống  được thành lập trên căn bản hy sinh và phụng sự, dựa theo tinh thần hiếu hoà trong Đạo nghĩa của dân tộc từ ngàn xưa lưu lại, đồng bào ruột thịt biết thương yêu nhau với tinh thần tương thân tương trợ, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, chớ không chém giết nhau vì tranh danh đoạt lợi.

7 . Chánh sách Hoà Bình Chung Sống với các nước trên thế giới.
Giải pháp hoà giải dân tộc của Đức Hộ Pháp không riêng cho nước Việt Nam mà còn thích ứng cho các nước chia đôi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức Quốc, các nước có tranh chấp nội bộ.

8 . Chánh sách Hoà Bình Chung Sống với pháp lý.
Việc hoạt động Chánh sách Hoà Bình Chung Sống một cách ôn hoà không bạo động, không làm rối loạn trật tự an ninh công cộng, không xâm phạm một đoàn thể hay cá nhân nào thì không bao giờ vi phạm luật pháp.

Dầu thời đại nào, nước nào hay pháp luật nào, cũng không buộc tội làm Hoà Bình được, bắt bớ giam cầm những người làm Hoà Bình là tại dùng cường quyền áp chế mà thôi
Trong bộ luật của Đạo có câu ; Đừng thấy đồng đạo tranh đua mà không để lời hoà giải

9 . Chánh sách Hoà Bình Chung Sống với chánh trị.
Chánh sách Hoà Bình Chung Sống là một đường lối chánh trị Đạo Đức chơn chánh chỉ làm con tế vật hy sinh phụng sự cho Đạo cho Đời, cho Tổ Quốc giống nòi và nhơn loại.

Đạo không làm chính trị để tranh giành quyền lợi cho cá nhân  hay đoàn thể của mình. Đạo phải phụng sự cho Đời, quên mình làm nên cho người mới phải là Đạo. " Tiên Thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc ".

Muốn đi đến con đường cứu khổ và cứu thế kỳ ba của Đức CHÍ TÔN, cần phải có tinh thần hy sinh, phụng sự, kiên trì trì chí, nhẫn nại, khiêm tốn và trường kỳ gian khổ.

*  *  *

Hơn một năm ông Nhựt Quang qui vị chưa có ân điển để các Đấng Thiêng Liêng về dạy bảo. Khi anh em xuống Phụng Kỳ lần thứ hai lập đàn cầu nguyện để phò loan cầu các Đấng nhưng chưa hạp điễn nên các Đấng chưa giáng được, anh Bùi Văn Liền là Chánh trị sự cũng là hội viên Hoà Bình đứng hầu Đàn, bỗng nhiên tay anh run và quơ lên. Anh em thấy vậy mời anh ngồi vào phò loan, Đức Thầy giáng cơ dạy việc, liền từ đó về sau này thay thế cho ông Nhựt Quang về ân điễn.

Năm 1969.

KHOÁ HỌC TẬP 9 ĐỀ TÀI CHÁNH SÁCH
HOÀ BÌNH CHUNG SỐNG

Lần đầu tiên tại Phụng Kỳ-Khoá Nhựt Quang
Ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Dậu (1969) Ban Thống nhất mời 20 anh chị em từ Ban miền Nam và các Ban Liên tỉnh về dự khoá học.

Chương trình học tập mỗi ngày học một đề tài, bắt đầu học một đề tài buổi sáng nghe thuyết trình viên giảng đề tài anh chị em học viên phát biểu ý kiến hoặc nêu những câu hỏi để Ban thuyết trình trả lời, buổi chiều anh chị em học viên làm bài theo đề tài học buổi sáng với những câu hỏi của ban giảng viên. Bài làm được chấm điểm ưu hạng hay trung bình

Ban thuyết trình do ông Minh Hiền và anh em Ban Thống nhứt thay phiên mỗi ngày một người.

ĐẶC SAN HOÀ BÌNH

Ngoài việc mở lớp huấn luyện cho anh chị em được thấm nhuần Chánh sách Hoà Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp, Ban Thống nhứt còn cho ra nhiều tập Đặc san Hoà Bình để phân phát cho anh chị em trong ban bộ.
- Tập số 1 Số xuân năm Đinh Mùi (1967).
- Tập số 2 Số kỷ niệm ngày qui thiên của Đức Hộ Pháp mùng 10 tháng 4 năm Đinh Mùi (1967).
- Tập số 3 Số kỷ niệm đặc biệt về Sĩ Tải Phạm Duy Nhung vừa qua đời (Ngày 22 tháng 4 năm Dinh Mùi 1967).
- Tập số 4 Số xuân năm Kỷ Dậu  (1969).
-  Tập số 5 Số kỷ niệm ngày qui thiên của Đức Hộ Pháp.
-  Tập số 6 Số xuân năm Canh Tuất (1970).
-  Tập số 7 Số kỷ niệm ngày qui thiên của Đức Hộ Pháp mùng 10 tháng 4 năm Canh Tuất
- Tập số 8 Số xuân Tân Hợi.
- Tập số 9 Số kỷ niệm ngày sinh nhật Đức Hộ Pháp mùng 5 tháng 5 Tân Hợi (1971).
- Tập số 10 Số xuân Nhâm Tý
- Tập số 11 Số kỷ niệm qui thiên của Đức Hộ Pháp mùng 10 tháng 4 năm Giáp Dần (1974).

Năm 1970.
KHOÁ HỌC THỨ NHÌ

Khoá Phan Hữu Phước.
Ngày mùng 10 tháng Giêng năm Canh Tuất khai giảng khoá học tại Phụng Kỳ với 9 đề tài, một số anh chị em chưa được học khoá trước về dự học khoá này

Ngày 19 tháng 4 năm Canh Tuất (23-5-1970) Phái đoàn Hoà Bình đi cứu trợ Việt kiều hồi hương tại Thanh Điền.

Đức Thượng Sanh ra lệnh lần thứ hai đưa các vị Chức Sắc làm Hoà Bình ra Toà Hiệp Thiên Đài xét xử.

Trong khi cả thế giới lên tiếng kêu gọi Hoà Bình để chấm dứt cuộc chiến giữa người Việt với người Việt, Đức Thượng Sanh lại ra lệnh cho Ngài Khai Đạo Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh đưa các vị Chức Sắc làm Hoà Bình ra xét xử lần thứ hai.

Ngài Khai Đạo hồi đáp như sau :
Vâng Thánh Chỉ số 169/TB ngày 23-4 Đinh Mùi (Dl 31-5-1967) của Đức Ngài dạy

Thiểm Toà đã đưa nội vụ ra xét xử với lời tuyên cáo Toà vô thẩm quyền bản án không được Đức Ngài duyệt y ban hành, và gần đây Ngài dạy Thiểm Toà đưa nội vụ ra xét xử lại.

Bạch Đức Ngài,
Trước khi đưa nội vụ ra xét xử 20-2-Đinh Mùi (19-1-1968) Thiểm Toà đã thụ lý nội vụ kỹ lưỡng. Xét nét, cân nhắc, đắn đo về pháp luật lý và tình theo khuôn viên Đại Đạo một cách rộng rãi và vô tư, nhưng Thiễm Toà không hội đủ yếu tố để buộc tội sở hành của các bị can hoạt động theo đường lối trên đây.

Chiếu Luật và Pháp Đại Đạo thì các can nhân không hành động ngoài khuôn viên đạo đức hoặc làm tổn thương hay lem ố thanh danh của Đạo.

Nhận thấy chánh sách trên đây do Đức Hộ Pháp chủ trương, hoạt động nay trót 15 năm, khởi xướng lúc chế độ độc tài ráo riết đàn áp các Tôn giáo và Đảng phái đối lập nhưng chỉ bắt bớ câu lưu một thời gian rồi trả tự do vô điều kiện vì không đủ yếu tố pháp lý để buộc tội họ. Pháp luật toà án Quốc gia đã không xử được, lẽ nào nơi cửa Đạo Đức ở phạm vi Thiểm Toà lại đem các bị can ra buộc tội họ.

Hơn thế, khi Chánh sách Hoà Bình Chung Sống ra đời, Đức Hộ Pháp dụng quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài ra bản Cương Lĩnh và tuyên ngôn gởi cho các cường quốc trên thế giới hay biết việc làm và lập trường của Đức Ngài tại Việt Nam chánh sách này không đối lập Hội Thánh mà cũng không khuynh đảo Chánh quyền mà lại nhiệt thành hợp tác và ủng hộ. Nếu phải đưa nội vụ ra toà xét xử thì người hầu toà trước tiên phải là người chánh phạm, tức là người cầm đầu chủ xướng gánh lấy trách nhiệm, còn những người thi hành theo mệnh lệnh chỉ là tùng phạm mà thôi, thì có lẽ nào toà xử người tùng phạm mà không buộc chánh phạm

Lại nữa, có một số Chức Sắc, Chức việc tham gia Chánh sách trên bị quyền đời bắt bớ giam cầm, khi trao trả tự do về với Hội Thánh  được kể là có công nghiệp (khổ hạnh) trong dịp cầu phong và cầu thăng năm Ất Tỵ và cũng đã được Đức Lý Đại Tiên đặc ân thưởng, thì lẽ nào cũng cùng hưởng ứng tham gia một Chánh sách cùng thi hành một mệnh lệnh mà kẻ có công, người lại đắc tội bao giờ ?

Và hiện thời, hầu hết chẳng những ở lãnh vực Tôn Giáo, Hội Đồng Tôn Giáo mà trên chính trường chính trị cao trào đòi hỏi Hoà Bình nổi lên khắp tiểu cường quốc trên thế giới, thì Hội Thánh  cũng nên hãnh diện mà đón nhận việc làm Hoà Bình do Đức Hộ Pháp là người đầu tiên đề xướng và chủ trương.

Hiện nay, từ các đại cường đến những nước nhược tiểu trên thế giới, Đức Giáo Hoàng, Phật Giáo thế giới các Tôn giáo, Đảng phái, những cuộc biểu tình khổng lồ ở Âu Mỹ đều phản đối chiến tranh. Dư âm vang rền từ phương trời xa vọng lại Việt Nam chiến địa đang tràn ngập máu hồng xương trắng, thật sự cũng là khích động tâm can đồng bào Việt đã phải thét lên những lời kêu gọi đến tình thương yêu nhau để chấm dứt mọi bế tắc. Cả thảy quốc dân ta đều bừng tỉnh qua làn tử khí chiến tranh, đồng phát động ý thức tìm những giải pháp đem lại Hoà Bình, chấm dứt việc sát hại nhau, hầu khôi phục Hoà Bình cho đất nước.

Đời đã có toà án Quốc tế xử tử các “phạm nhân chiến tranh ” rồi. Chúng ta thiết nghĩ có thể còn có những phiên toà án để xử “Hoà Bình Chung Sống ” đặng dung dưỡng chiến tranh chăng ? MINH TRIẾT

KIỂM ĐIỂM LẠI THỜI GIAN 15 NĂM

Thời gian 15 năm trôi qua, hoạt động Hoà Bình gây  nên một tiếng vang Hoà Bình cho Đạo trước mắt quốc dân đồng bào và quốc tế mặc dầu phải trả giá mắc, có hàng ngàn người bị quyền đời bắt bớ, tra tấn, giam cầm liên tục trong đó có một số Thánh Tử Đạo, phần trong Đạo có một số Chức Sắc bị ngưng quyền chức với sáu  vị Sĩ Tải bị trục xuất ra khỏi Đạo.

Chuyện mới nghe qua không thấy gì nhưng nghĩ cho kỹ rất quan trọng, vì chống Hoà Bình là chống Đức Hộ Pháp, Giáo Chủ Đạo Cao Đài quyền Chí Tôn tại thế. Chống lại Đạo vì Đạo Cao Đài là : Đại Đạo Hoà Bình. Chống Hoà Bình là chống hai câu liễn trước Toà Thánh, nghịch với Thiên Ý.

Đạo Cao Đài khai mở tại Việt Nam mang dòng máu Việt Nam, thọ ơn ngọn rau tấc đất Việt Nam trong khi đồng bào vô tội bị tiêu hao sanh mạng và tài sản vì bom đạn làm cho cả thế giới phải lên tiếng kêu gọi Hoà Bình cho Việt Nam. Chống Hoà Bình là chống lại dân tộc của mình.

May nhờ Đức Hộ Pháp đưa ra giải pháp Hoà Bình hợp thời đúng lúc, bằng không Đạo bị mang tiếng với lịch sử lòng thương yêu đối với đồng bào với nhơn loại.

Trong Thánh Ngôn Đức CHÍ TÔN  có dạy :
Đồ thơ quằn quại gánh nghiêng vai
Mặc khách hàng văn nhọc chớ nài
Nghiệp nước nỗi nhà còn bận bịu
Thanh nhàn chưa phải buổi xem mai

Trong Thánh Ngôn Đức CHÍ TÔN cũng có dạy :
Con biết rằng Thầy vì nhơn loại
Sanh con ra tính phải cho con
Ơn đáp vẹn, nghĩa đền tròn
Ngọn rau tấc đất nhờ con lo dùm.

Đức Hộ Pháp cầm luật Thiên Điều, trong cửa Đạo bất cứ ai, lớn hay nhỏ làm trái mạng lịnh của Đức Hộ Pháp là phạm Thiên Điều.

Nhắc lại buổi nói chuyện của Đức Hộ Pháp đầu xuân năm Ất Mùi (1955) trong bữa cúng ông bà chung tại trại đường mùng 2 tết.

Đức Hộ Pháp nói: - Mời cả thảy nâng ly nay là lễ cúng ông bà chung vào đầu năm Bần Đạo lấy tánh cách tình đồng bạn cả các cơ quan Nam lẫn Nữ không phân giai cấp để trao đổi ý kiến nhau trong tình thân mật. Vì ngày mùng 8 tới đây thì bắt đầu vào lễ khánh thành Toà Thánh rồi, hiện nay công việc còn đang bê bối, bỏ vở các Châu, Tộc các nơi triển lãm cũng chưa xong.

Đức Ngài cầm ly rượu đưa lên lần thứ hai và tuyên bố rằng : Đây là thực nhơn tài thì cứu nhơn tai, từ đây sắp đến biến thiên chuyển đổi dân chúng chịu tai nàn tang tóc, bổn phận chúng ta đứng trong Tôn giáo mới nghĩ sao ?

Bần Đạo vì vâng lệnh Đức CHÍ TÔN  đến với hai tay không Ngài không cho món chi đặng làm bằng cớ. Trái lại Ngài bảo phải bắt gió nắn hình làm sao đặng. Ngài bắt buộc phải làm. Bần Đạo cố gắng thi hành xong, tưởng đây là xong để tu hành như Tôn giáo khác vậy.Ngờ đâu Ngài ra lịnh Bần Đạo phải chủ trương xây dựng cho được cái “Toà Bạch Ngọc ” tại thế này mà tại đây. Bần Đạo biết làm sao, mới thưa:“Bạch Thầy con biết làm sao mà xây dựng đặng ”

Ngài trả lời: Con cứ lo làm Thầy giúp cho. Có Thái Bạch.
Bần Đạo phải chịu hứa, thiệt quá sức khó ! Đến chừng Bần Đạo cố gắng thi hành xong, mừng quá đỗi giao cho Ngài. Giờ phút này mình lo tu an nhàn tự toại rồi.

Việc mừng chưa thoả mãn, kế đó lịnh đòi của Đại Từ Phụ giao cho Bần Đạo lãnh làm chiếc “Thuyền Bát Nhã ” rước khách và đưa khách. Bần Đạo không biết nghĩ sao mà “Ông già ” trao cái khó khăn cho Bần Đạo. Chèo thuyền rước khách mà đưa làm sao đặng, việc rất khó làm nhưng Bần Đạo không dám cãi. Cả vấn đề không biết kiểu vở nó ra sao. Bần Đạo cũng lãnh lịnh. Đại Từ Phụ nói : Con cứ lo, có Thầy giúp cho.

Đại Từ Phụ có tiên tri trước: Liên tiếp Đạo Cao Đài còn có bổn phận …
Giờ phút này nó đến mà tuổi tác Bần Đạo đã già lại  thân cô lẻ, sức yếu hơi mỏi mòn. Đức CHÍ TÔN  ra lịnh chiếc “Xa Thơ ” đến ngày trổi bánh, Bần Đạo có bổn phận công dân. Mà trái ngược lại Đại Từ Phụ giao phải đẩy chiếc “Xa Thơ ” ấy : đi đôi một công hai việc mới nghĩ sao đây ?Vậy Hội Thánh  và các bạn có thi ân tiếp sức với Bần Đạo phần nào không ?

Có 1 vị thưa : Bạch Ngài có điều chi ra lịnh chúng tôi cũng phải tiếp phần nào với Ngài, chớ có lẽ đâu dám ngó lơ.
Đức Ngài cười và nói : Hội Thánh  hứa thì không nên thất tín nghe ! nói thì nói, chớ đến khi Bần Đạo ra lịnh đòi phen, chẳng thấy ai ngó ngàng, đến chừng “Xa Thơ ” nó quạt cánh, cây cờ “Cứu Khổ ” nó vùng phát mạnh quá cả thảy chức sắc lưỡng đài không ai dám lại gần nó vậy. Bần Đạo quả quyết rằng : Gió giông dục mạnh, nó quay quá mạnh không ai dám đẩy mà chớ!

Khi Bần Đạo ra lịnh lần chót cả đạo hữu nam nữ đám nhỏ út xung phong vào áp đẩy chớ không biết phải quấy vào đâu hết. Cứ đẩy, đẩy mãi toát mồ hôi, đã cực khổ vậy rồi anh chị “bự ” của nó còn ghét bỏ nó lấy gậy móc, móc cổ, móc giò nó mắng nhiếc nó nữa mà chớ, còn thêm moi móc cho người ngoài xài xể, xúi giục đánh đập chúng nó mà cũng chưa vừa. Vậy mà chúng cứ lầm lũi đến sau nên phận.

 Thôi, đến đây xong xin giải tán, chúng ta còn lo cuộc lễ đã gấp.
Đức Hộ Pháp là Đấng khai nguơn chuyển thế, còn Quí anh lớn là tướng soái của Đức CHÍ TÔN  đến giúp Đức Hộ Pháp, chẳng những không giúp mà còn chống lại việc làm của Đức Hộ Pháp.

Vào đêm 15 tháng 10 Giáp Thìn (1964) Đức Thượng Sanh và Ngài Hiến Pháp phò loan cầu Đức Hộ Pháp hỏi về việc Đạo.

Đức Hộ Pháp nói: Hiệp Thiên Đài làm sái nát hết.
Đức Thượng Sanh hỏi về việc cầu thăng.
Đức Hộ Pháp nói : Thượng Phẩm không công nhận.
Ngài Hiến Pháp bạch xin cầu phong.

Đức Hộ Pháp nói: Cây cơ phong Thánh đã gãy, Đức CHÍ TÔN giao cho quyền Vạn linh định đoạt.

   Năm 1970.

Ngày 14 tháng 8 năm Canh Tuất (14-9-1970)
Đức Hộ Pháp giáng dạy lo Đại Lễ Phật Mẫu Hội Yến Diêu Trì Cung tại Thánh Thất Phụng Kỳ do chức sắc Hiệp Thiên Đài châm chước có đủ mặt anh em như Minh Hiền, Minh Triết, Tâm Thành.
*  *  *

KHOÁ HỌC TẬP THỨ BA,

Khoá Trần Tấn Hợi
Ngày 16 tháng 8 năm Canh Tuất (16-9-1970) khai giảng khoá học thứ ba tại Thánh Thất Phụng Kỳ với 9 đề tài về Chánh sách Hoà Bình Chung Sống .

Khoá học bán chánh thức tại Thánh Địa Toà Thánh Tây Ninh khoá Nguyễn Thị Nhãn

Ngày 2 tháng 9 Canh Tuất (1-10-1970) mở khoá học 9 đề tài cho chị em nữ phái Châu Thành Thánh Địa và các phận Đạo, hương Đạo.

   Năm 1971.

Tập xuân Hoà Bình Tân Hợi số xuất bản kịp thời đúng ngày đưa Chư Thánh 23 tháng Chạp Canh Tuất, được phân phát đầy đủ các ban bộ và các miền liên tỉnh.
Khoá học bán chánh thức cho nam phái tại Thánh Địa Toà Thánh Tây Ninh

Ngày mùng 2-2 – Tân Hợi (26-2-1971)
Mở khoá học bán chánh thức cho anh em nam phái, Ban Châu Thành Thánh Địa và các Ban Phận, Ban Hương.

Ngày 24-2-Tân Hợi (20-3-1971)
Phái đoàn Tuyên Huấn miền Nam Nữ phái đi miền Tây chỉnh đốn Ban liên tỉnh Nữ phái miền Tây

Ngày 10-4-Tân Hợi (4-5-1971) toàn thể Ban bộ về Phụng Kỳ cúng vía qui thiên Đức Hộ Pháp. Và hợp thức hoá khoá học Nguyễn Thị Nhãn cho chị em Nữ phái.

Ngày 22-4-Tân Hợi (16-5-1971)
Ban Thống Nhứt tổ chức cúng giỗ Nhựt Quang có đông đủ anh chị em tham dự tại Phụng Kỳ

Ngày 5-5-Tân Hợi (28-5-1971)
Toàn thể các ban bộ tề tụ về Phụng Kỳ cúng lễ Giáng Sinh Đức Hộ Pháp và phát hành tập san số 9 có hình bìa chữ KHÍ nói về ngày qui thiên của Đức Hộ Pháp với nhiều tài liệu hay cho những người có đức tin ham chuộng Hoà Bình.
Hợp thức hoá khoá học bán chánh thức – Khoá bán chánh thức tại Đà Lạt (khoá công bình)

Ngày 10-5-Tân Hợi (1971) hai ông Trần Tuyết và Hớn ) ra Đà Lạt khai giảng khoá học Công Bình của anh chị em Ban bộ Liên Tỉnh miền Trung, rồi đến Phan Rang thăm viếng anh chị em.
Khoá học Bác Ái của anh chị em liên tỉnh miền Tây tại Vĩnh Long, tư gia ông Trần – Tuyết – Hớn Uỷ viên Tuyên Huấn Ban miền Nam

Ngày 1 tháng 6 năm Tân Hợi (1971) Khai giảng khoá học Bác ái cho anh chị em các ban bộ liên tỉnh miền Tây.
*  *  *

ANH HUỲNH VĂN TUY TỪ TRẦN

Ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1971) sau cơn bệnh nặng anh Huỳnh Văn Tuy cựu Chánh trị sự qui vị tại Bệnh viện Bài Lao, Thủ Đức, đúng vào ngày lễ khai Đạo. Từ ngày lập nguyện gia nhập Chánh sách Hoà Bình Chung Sống anh tích cực lo phận sự được Đức Thầy phong tặng Đệ nhứt Đệ tử, cơ cứu khổ.

Lễ tang anh được cử hành tại Thánh Thất Tân Vạn (Biên Hoà) có đông đủ anh chị em thệ hữu các nơi về cầu nguyện và chia buồn. ông Thạnh Quang thay mặt ban Thống nhứt đọc bài ai điếu kể công nghiệp và đạo hạnh của người quá cố tại phần mộ

THI ĐIẾU
Theo Thầy trọn Đạo có Tâm Thành
Thệ hữu tiếc thương vắng bóng anh
Đẩy chiếc Xa thơ qua khúc quẹo
Lên Thuyền Bát Nhã thấy Huyền Linh
Đạo Đời phụng sự hai vai gánh
Trung nghĩa nêu gương một tấc thành
Đệ nhứt môn đồ cơ cứu khổ
Được Thầy ban thưởng rạng thanh danh
                                                              Qui Tâm

Năm 1972.

Đầu Xuân Nhâm Tý phát hành đặc san xuân số 10.
Ngày 6 tháng Giêng Ban Thống Nhất trở xuống Phụng Kỳ sửa soạn cúng lễ Đức CHÍ TÔN,đồng thời Ban Thống Nhứt làm lễ bế giảng khoá học Bác Ái, các ban bộ địa phương trong tỉnh của Nữ phái đã học một năm qua.

Ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Tý Bà Chí Thiện Võ Thị Ngưu lâm trọng bệnh. Bà đề nghị cử bà Thái Thị Sử làm Trưởng ban liên tỉnh Miền Đông Nữ phái thay thế.

Ngày 10 tháng 4 năm Nhâm Tý (22-5-1972) Ban Thống Nhứt tổ chức cúng lễ kỉ niệm ngày qui thiên của Đức Hộ Pháp tại Phụng Kỳ rất trọng thể có đủ mặt các ban bộ chư thệ hữu về đông đủ.Họp ban Thống Nhứt chỉnh đốn ban bộ

Ngày  22 tháng 4 năm Nhâm Tý, cúng lễ kỉ niệm Nhựt Quang tại Phụng Kỳ.
Ngày mùng 5 tháng 5 Nhâm Tý cúng lễ sinh nhựt Đức Hộ Pháp tại Phụng Kỳ.
Ngày 16 tháng 5 ban cứu trợ Hoà Bình đi công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc ở xã Phan và Suối đá.
Lễ Trung Thu rằm tháng 8 cử hành lễ Hội Yến tại Phụng Kỳ.
Hiệp định Ba Lê được ký kết ngày 29-1-1973.

   Năm 1973.
LỄ TÂN NIÊN QUÝ SỬU

Ngày 30 Tết chiều rước ông bà cúng tại Thánh Thất Phụng Kỳ, thời Tý rước Chư Thánh cúng Tiểu Đàn sáng mùng 1 Tết Ban Thống Nhứt qua chúc xuân Bác Mười (ông Ân Dưỡng Chơn Nhơn) và chụp ảnh lưu niệm vì ông bịnh quá nhiều.

Đến mùng 2 tết Ban Thống Nhứt về Toà Thánh đi thăm vùng chiến sự từ Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung đến chợ Long Hoa.

Ngày 4 tháng Giêng, Ban cứu trợ Hoà Bình chở 2 xe gạo cứu trợ nạn nhân chiến cuộc và sửa nhà che chòi cho anh chị em tạm trú.

ĐÁM TANG BÀ CHÍ THIỆN VÕ THỊ NGƯU
TRƯỞNG BAN MIỀN NAM NỮ PHÁI.

Ngày 10 tháng 4 năm Quý Sửu cúng lễ qui thiên của Đức Hộ Pháp tại Phụng Kỳ, đồng thời hay tin bà trưởng ban miền Nam Nữ phái Chí Thiện Võ Thị Ngưu từ trần lúc 12 giờ trưa ngày 10 tháng 4 hưởng thọ 63 tuổi.

Tang lễ bà Chí Thiện Võ Thị Ngưu làm ở Toà Thánh, tang lễ cử hành có các cơ quan trong Đạo cùng toàn thể anh chị em thệ hữu Hoà Bình, đến cầu nguyện và chia buồn cùng tang quyến.
*  *  *

BÀI ĐIẾU VĂN

Của ban miền Nam Nữ phái đọc tại  Cực Lạc Thái Bình.

Hiền Tỷ ôi !
Mười mấy năm theo tiếng gọi của Đức Thầy
Nào quản tiếng chê bai chỉ trích
Nhìn non nước điêu tàn lòng kích thích
Nặng dìu Đời mạc khách tóc sương pha
Mấy mươi năm chung gánh Đạo nhà
Quyết thực hiện san hà thống nhất
Lời di chúc Đức Thầy còn phưởng phất
Khi Hoà Bình thống nhất mới di Đài
Nên người người đều chung sức đắp xây
Nay lố dạng bởi Ân Thầy đề xướng
Cả thế giới về đây chung hưởng
Mối Đạo mầu bành trướng khắp năm châu
Danh Việt Nam thế giới đứng đầu
Hiền tỷ vội về chầu Kim Khuyết
Trong cửa Đạo Đệ Huynh buồn chi xiết
Cả đàn em mến tiếc bậc trung thành
Vẫn biết rằng trong việc tử sanh
Do số định nhưng tâm tình lưu luyến
Nay Hiền Tỷ về chầu Linh Tiêu Điện
Hội Bàn Đào kiến diện Đức Diêu Trì
Đón mừng người đắc quả hồi qui
Thanh Sử Đạo còn ghi muôn thuở
Chí phi thường người người đều nhắc nhở
Cả đàn em lớn nhỏ nguyện bền tâm
Quyết một lòng đền đáp nghĩa cao thâm
Noi gương chị âm thầm lập Đức
Đường Tiên tục từ đây đành cách bức
Lòng khẩn cầu ân huệ Đức CHÍ TÔN
Diêu Trì Cung độ dẫn linh hồn
Hiền Tỷ đặng Thiên Tôn ban phẩm vị
Chúng em có đôi dòng bi lụy
Hỡi ôi ! thương thay, tiếc thay, hiển linh.
Xin chứng.

Sáng ngày 15-4-Quí Sửu di linh cửu vào Đền Thánh hành pháp độ thăng và đưa an táng nơi Cực Lạc Thái Bình.
- Thay mặt Ban Thống Nhứt đọc ai điếu.
- Thay mặt Ban Miền Nam Nữ phái đọc ai điếu.
- Thay mặt Liên tỉnh Miền Đông đọc ai điếu.

Cuộc lễ an táng rất trọng thể, đủ mặt Ban bộ các địa phương nhứt là bên Nữ phái rất đông đảo, luyến mến tiếc thương người chị đáng kính.

Vì bà là người rất dày công với Đường lối Hoà Bình hai lần thọ khổ nơi ngục tù với  anh em, chí cả không sờn tiếp tục nhiệm vụ dìu dắt chị em miền Nam đến ngày thoát xác, được Đức Hộ Pháp rước về đúng ngày kỷ niệm qui thiên của Đức Thầy. Chư thệ hữu khắc bia lưu niệm, phần mộ do gia đình đài thọ.

GIÁO SƯ THƯỢNG GIÁC THANH QUI TIÊN

Ngày 2-6-Quí Sửu (1973) ông Giáo Sư Thượng Giác Thanh (Bùi Trí Giác) là Nhạc phụ của Sĩ Tải Phạm Duy Nhung từ trần. Hồi sanh tiền tuy già yếu không ra khỏi nhà nhưng ai đến thăm ông, ông cũng khuyến khích làm Hoà Bình.

THI ĐIẾU
Giáo hoá nhơn sanh chẳng mỏi lòng
Sư về chầu lịnh Ngọc Hư Cung
Thượng thừa lập vị hoà nhơn loại
Giác thế tầm chơn hiệp đại đồng
Thanh bạch lòng gìn gương đạo hạnh
Qui nguyên để rạng chức Thiên phong
Tiên Rồng may gặp Long Hoa hội
Cảnh cũ  ngôi xưa cũng toại lòng
Qui Tâm.

GIÁO HỮU THƯỢNG DỰ THANH QUI TIÊN

Ông Giáo Hữu Thượng Dự Thanh, Ân Dưỡng Chơn Nhơn từ trần, thọ 82 tuổi.
12 giờ trưa ngày 2 tháng 7 năm Quí Sửu (1973) cụ Giáo Hữu Thượng Dự Thanh qui vị tại tư gia xã Tân Vạn Biên Hoà (đất Phụng Kỳ).Tang lễ được cử hành rất trọng thể chưa từng có ở địa phương. Có ba ban Lễ, Nhạc, Đồng nhi và Ban chèo thuyền ở Hội Thánh  xuống hai xe đò lớn (do tang chủ đài thọ).

Đông đảo đồng bào Đạo Đời ở quanh vùng tấp nập đến xem chèo thuyền vì chưa từng thấy.Anh em thệ hữu Hoà Bình từ Toà Thánh xuống mấy trăm người, trên 5 chiếc xe đò cũng do tang chủ đài thọ sở phí. Anh em thệ hữu ở các tỉnh miền Tây, miền Đông, Trung từ Nha Trang, Đà Lạt, Phan Rang, Phan Thiết vô, từ ban Thống Nhứt đến các Ban bộ địa phương đều thọ tang có cả hàng ngàn người. Bà con ở quanh vùng ngạc nhiên vì chưa có đám nào để tang đông đảo trắng lớp như vậy.

 Hội Thánh  có phái Chức Sắc đại diện đến Tân Vạn dự lễ tang và tuyên dương công nghiệp Bác Mười Ân Dưỡng Chơn Nhơn.

Ngày mùng 7 tháng 7 lễ di linh cửu an táng  trên chiếc Thuyền Bát Nhã trên đoạn đường dài hai cây số, nào người đi đưa đám nào người đứng hai bên đường xem chèo thuyền rất đông đảo vì ở địa phương chèo thuyền là mới mẻ ai cũng thấy lạ nhưng rất thích thú, thêm vào đó còn có nhạc Tây, nhạc Tàu và Lân múa.

Đến phần mộ có đọc nhiều bài điếu văn.Trong lúc đường lối của Đức Hộ Pháp cần nhiều cột trụ, cụ Giáo Hữu Thượng Dự Thanh qua đời làm xôn xao anh chị em thệ hữu ở khắp nơi, hồi còn sanh tiền, cụ là một người có danh tiếng trong Đạo cũng như ngoài Đời. Cụ được Đức Hộ Pháp tín nhiệm giao cho nhiều công tác  quan trọng trong Đạo. Khi tình nguyện phục vụ Chánh sách Hoà Bình Chung Sống cụ được Đức Hộ Pháp cho biệt danh “Ân Dưỡng Chơn Nhơn ”.
Sau đây xin trích một đoạn văn tế Cụ :
Thật là :

Đấng quân tử nợ tang bồng hồ hải
Chí trượng phu khẳng khái nghĩa nhơn quần
Từng nuôi nghèo, trợ khó, đãi ba quân
Đem Chơn Đạo thấm nhuần dân tộc Việt
Chính giữa lúc giống nòi say bắn giết
Người kêu gào đoàn kết Bắc Trung Nam
Nguyện đấu tranh cách mạng với phương châm
Dụng bác ái công tâm làm mực thước
Ấy  đường lối, người được Thầy dẫn bước
Dắt đàn em sau trước dõi theo người
Cội Hoà Bình chung sống  trổ hoa tươi
Cho nhân loại, đồng bào vui hạnh phúc
Song than ôi !
Câu thiện nguyện bao giờ đến lúc ?
Dù Tiên sinh kiếp tục chí chưa thành
Nay về chầu Ngọc Khuyết chốn tinh anh
Đem diệu pháp, ân lành chan khắp xứ
Bao thành tích rạng ngần trong Đạo Sử
Gương đàn anh hỏi thử mấy nhiêu người
Nhạn lẻ bầy … Cây tiếc lá vàng rơi !
Ruột se thắt nghẹn lời … Chào vĩnh biệt
Hỡi ôi !
Thương thay ! Tiếc thay !
Hiển linh xin chứng.

BAN THỐNG NHỨT

Chánh sách Hoà Bình Chung Sống.
Trong mấy ngày tang lễ tuy đông đảo nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, kết cuộc tốt đẹp.Gia đình tang chủ rất hài lòng vì được các quan khách cùng bà con trong Đạo ngoài Đời khen tặng chưa bao giờ có được một đám tang như vậy, đó là danh dự cho gia đình.

*  *  *

Ngày 21-7-Quí Sửu Ban Thống Nhứt công cử bà Lễ Sanh Trần Hương Dung làm quyền Trưởng ban miền Nam Nữ phái thay thế cho bà Chí Thiện Võ Thị Ngưu từ trần.

*  *  *

Ngày 15-8 Ban Thống Nhứt thiết lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Thánh Thất Phụng Kỳ có đông đủ anh chị em tham dự

Ngày 15-10-Quí Sửu (9-11-1973) Ban Thống Nhứt và các Ban bộ về Phụng Kỳ cúng lễ Khai Đạo và ngày kỉ niệm 12 năm hoạt động đường lối Chánh sách Hoà Bình Chung Sống ra Quốc tế.

   Năm 1974.
XUÂN GIÁP DẦN

Ngày 8-1 Ban Thống Nhứt xuống Phụng Kỳ hiến lễ Đức CHÍ TÔN  và cúng Sao hội.
Ngày 5-2 ông Giáo Hữu Ngọc Của Thanh Phó Ban miền Nam từ trần

Ngày 10-4-Giáp Dần cúng lễ kỉ niệm qui thiên của Đức Hộ Pháp tại Phụng Kỳ đồng thời ra đặc san Hoà Bình số 11 kỉ niệm 10-4.
Ngày 18-5-Giáp Dần Ban Thống Nhứt khai mạc khoá giáo lý cho ba ban Lễ, Nhạc, Đồng nhi dự học
Ngày 3-6-Giáp Dần Thanh Quang và Minh Triết dạy giáo lý tại Phụng Kỳ mỗi chúa nhật hằng tuần.
Ngày 15-8 lễ Trung thu, các ban bộ về Phụng Kỳ dự Hội Yến Diêu Trì.

Ngày 15-10- Giáp Dần (28-11-1974)
Đại Lễ kỉ niệm và Đại Hội ban bộ các nơi về dự lễ Kỷ niệm 13 năm phát động đường lối ra Quốc tế của Nhựt Quang và ban bộ phúc trình chung niên về hoạt động của đường lối và họp Ban Thống Nhứt kiểm điểm công tác trong năm qua.

*  *  *
   Năm 1975.

THÔNG ĐIỆP HOÀ BÌNH CỦA NGÀI HIẾN PHÁP

Ngày 4-12-Giáp Dần (DL 15-1-1975) Ngài Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài công bố bản Thông điệp Hoà Bình gởi cho Liên Hiệp Quốc và các nước liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam.

Nhận xét khách quan bản Thông điệp Hoà Bình này ra đời quá muộn màng vì cả thế giới đã lên tiếng và biểu tình rầm rộ kêu gọi Hoà Bình cho Việt Nam, còn mình thì im hơi lặng tiếng.
Bởi vậy Đức Hộ Pháp lo cái lo trước thiên hạ mới phải Đạo.

Lại nữa hai bên lâm chiến đã tính toán với nhau ký Hiệp Định Hoà Bình Ba Lê, mình có lên tiếng kêu gọi Hoà Bình thì chuyện cũng đã rồi, Liên Hiệp Quốc và các nước chỉ căn cứ vào Hiệp Định Ba Lê mà thôi.

TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÃO (1975)

Ban Thống Nhứt dự Tết ở Phụng Kỳ xong liền trở về Toà Thánh lo  cho cuộc lễ Đại Tường cụ Cố Giáo Hữu Thượng Dự Thanh và lễ truy điệu chiến sĩ trận vong, khánh thành Đài Kỷ niệm cùng 84 ngôi mộ chiến sĩ xây đắp xong.

Ngày 7-3-Ất Mão  (18-4-1975), vì Liên Đài của Đức Hộ Pháp ở Nam Vang không còn ai gìn giữ, do người Việt Nam bị đuổi về nước hết nên hai vợ chồng ông Giáo Sư Thái Của Thanh tình nguyện ở lại gìn giữ Liên Đài,sau bị Khờ Me Đỏ giết chết .

Ngày 28-4-1975 DL Quốc Hội đề cử Đại Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà.

Ngày 30-4-1975, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh lính miền Nam ngưng hẳn tiếng súng, chiến tranh Việt Nam chấm dứt sau 15 năm phân tranh Nam Bắc (1960-1975).

*  *  *
   Sau 1975.

Ngài Hiến Pháp Trương Hửu Đức qui vị ngày 15 tháng 12 Ất Mão (15.1.1976)
Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi được đề cử Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài(19.1 Bính Thìn). Hành quyền vừa được một tháng, Ngài qui vị  một cách bất ngờ (19.2 Bính Thìn)
Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa được đề cử thay thế. (15.3Bính Thìn)

*  *  *

1978 Chánh quyền tỉnh Tây Ninh phát động chiến dịch lên án Đức Hộ Pháp và các cấp lãnh đạo của Đạo Cao Đài.Chính quyền tổ chức nhiểu đợt học tập, triển khai bản án.

Đến 15.12.1978, Hội Đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh ra quyết nghị, theo đó:
Điều 3: Giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức Hành chánh Đạo từ trên đến cơ sở,xóa bỏ và nghiêm cấm cơ bút.

Chính quyền sẽ quản lý toàn bộ các cơ sở vật chất mà Đạo đang quản lý kinh doanh không thuộc chức năng Tôn giáo để phục vụ cho lợi ích xã hội.

*  *  *

Từ các Tôn Giáo, Đảng phái các giới đồng bào đến các  nhà cách mạng, các nhân sĩ trí thức Nam Trung Bắc hễ ai có biết Đức Hộ Pháp đều tỏ lòng mến mộ vì đức độ của Ngài.

Gần đây có hai nhà văn Nguyễn Khải viết hàng loạt bài “Điều tra về một cái chết ” và Nguyễn Trường Thiên Lý viết cuốn “Ván bài lật ngửa ” bịa đặt ra những việc xấu để bôi nhọ Đức Hộ Pháp, nhưng họ bị thất bại vì dư luận thấy được mưu mô hạ cấp của họ trong chương trình phá hoại Đạo Cao Đài.

Họ bị lên án 3 điểm :
Đầu độc dư luận, lừa dối và khinh thường đọc giả sáng suốt, thành ra người bị nói xấu mà không xấu, chính họ mới là người xấu.
“Ngậm máu phun người ” không trúng ai nhưng miệng mình đã dơ rồi. Gán ghép sự kiện và nhân vật một cách vụng về, xem qua ai cũng thấy là giả. Tự mình hạ phẩm giá mình để trở thành ngòi bút đâm thuê viết mướn.
Bôi bác một bực tu hành chơn chánh với ý đồ phá hoại tín ngưỡng của Tôn Giáo là phạm tội ác chưa từng có. Tóm lại, bôi nhọ kẻ khác để mong che dấu tội lỗi của mình là việc làm muôn đời của kẻ tiểu nhân.
Trong Đạo cũng như ngoài đời, mọi hành tàng đều đi vào lịch sử mà lịch sử thì trung thực và vô tư không ai qua khỏi. Hễ ai bước lên “sân khấu ” thì khán thính giả đã  nghe thấy.
Khán thính giả là chứng nhân của lịch sử.
Qui Tâm
Home                                 1 ]  2 ]   4 ]  5 ]  6 ]  7 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét