Đại Đạo Triết Lý Nhân Bản - 1 / 5 (Huệ Phong)


Li Cảm Tưởng.
Quyễn "Triết Nhân Bản".
Giáo Lý và Triết Lý của một Tôn Giáo rất là mầu nhiệm, siêu việt mà người trần thế tìm tòi để TU, nhưng nhiều khi hết một kiếp sống riêng của đời mình cũng chưa thấu triệt để gọi hiểu một chút gì của Tạo Hóa đã sắp bày.
May duyên cho Nhơn loại vào thời kỳ Hạ Nguơn Mạt Pháp nầy ĐỨC CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ GIÁO ĐẠO
NAM PHƯƠNG TÁ DANH CAO ĐÀI, ĐẠI ÂN XÁ cho chúng sanh TU, để tự mình sửa tánh ăn Hiền ở Lành, biến đời dữ hóa ra Hiền đặng giữ bền Cơ Sanh Hóa và cũng để mỗi người tự lập công tạo âm chất khi viên mãn về bái mạng ĐỨC CHÍ TÔN, ĐỨC PHẬT MẪU cùng các Đấng Thiêng Liêng không hổ thẹn.

Nhưng vì vật chất dục người phải nặng mang trong kiếp sống nên sự TU trau luyện phần Hồn phải kém đi, do đó sự truyền bá mối Đạo Trời đến đại chúng lắm khi phải bị chậm và sự học hỏi ở Tinh Thần Đạo Đức phải kém.

Nay có Hiền Huynh Huệ Phong đã ra công dài sưu tầm về Đạo Giáo Cao Đài phần triết lý viết rõ LÝ của ĐẠO để giải đáp cho ai muốn tìm hiểu triết lý Đạo CAO ĐÀI ở mọi đề mục, đề tài.

Sưu tầm về triết của Đạo Cao Đài không phải đơn thuần tự hiểu biết do bản thân HUỆ PHONG mà thôi, tôi thiết nghĩ vì lòng mộ Đạo và trọn đức Tin Tín Ngưỡng nên ĐỨC CHÍ TÔN, ĐỨC PHẬT MẪU, các Đấng thiêng liêng đã khai khiếu sáng được Huệ Nhãn cho

Huệ Phong thấy sự Huyền Bí và Huyền Linh để viết thành tài liệu cho Đạo lưu lại mai sau.
Đó là một công dài của Hiền Huynh Huệ Phong góp phần Đại Nghiệp Đạo Cao Đài rất quí giá trong nền Tôn Giáo.

Tôi có lời xin giới thiệu đến Đại Chúng Đạo Đời mong độïc giả sẽ thấy và hiểu về nền ĐẠI ĐẠO CAO ĐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH phần Triết Lý Đạo do ĐỨC CHÍ TÔN dùng Huyền Diệu Cơ Bút khai mở nền Đại Đạo Cao Đài Đại Ân Xá cho toàn cả Nhơn loại trong kỳ Hạ Ngươn Tam Chuyển nầy.

Tòa Thánh, Ngày 12 tháng 2 năm 1999
(ÂL: 27-12 Mậu Dần)
Phối sư THƯỢNG NHÃ THANH
Nguyên Quyền Thượng Chánh Phối Sư

*  *  *

Đ Tặng Soạn Giả
Quyễn "Triết Lý Nhân Bản".
Mừng bạn Huệ Phong đã thành công trong sự nghiệp văn chương và đạo đức với quyển "Triết Lý Nhân Bản". Vậy tôi xin cảm tưởng một bài thi coi như gởi trọn tấm chân tình để thay lời xác minh cùng bạn đọc.
THI
Mừng bạn Huệ Phong bút nở hoa,
Phát huy triết lý thuyết trung hòa.
Búa rìu phàm tục không lay chí,
Ân điển Thánh Linh hẳn giúp ta.
Tánh giống Đổng Hồ nêu những thật,
Tâm như Lục Tổ giải đâu ngoa.
Nhu cầu Đại Đạo vui nguồn sống,
Tam lập đường tu rạng Thánh tòa.

Tòa Thánh ngày 15 tháng 2 Tân Mùi
(1991)
CHÁNH CÔNG

*  *  *

Cảm tưởng Về quyễn.
ĐẠI ĐẠO TRIẾT LÝ NHÂN BẢN

Triết thuyết Cao Đài lý nhiệm thay,
Hữu duyên Trời giúp được công dài.
Huệ Phong bút hiệu làng thi cũ,
Phẩm vị Thiên Thần buổi hiện nay.
Am hiểu cơ mầu nền Chánh Giáo,
Âu nhờ ân điển khiếu quang khai.
Đề ra Nhân Bản sưu tầm đọc,
Làm đuốc soi đường bước hậu lai.
Ngày 1 tháng Giêng Kỷ Mão.

(dl. 16-2-1999)
Giáo Hữu
THƯỢNG BUỘI THANH
Tự Hoài Lẹ

*  *  *
LỜI MỞ ĐẦU
Chỉ có đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tượng hình một quả Càn khôn đặt giữa tòa Bát Quái. Trên quả Càn khôn, chúng ta thấy ngôi Bắc Đẩu, trên đó vẽ một con mắt bên trái để cho nhơn sanh sùng bái với ý nghĩa thờ Trời, cũng là thờ Người. Đây là nguyên lý độc nhứt vô nhị.

Bởi Đức Chí Tôn đến lập Đạo Kỳ ba, muốn bảo tồn triết lý nhơn sanh trong đạo pháp nên dạy thờ Thiên Nhãn tức là thờ thần Thiên lương của nhơn loại.

Bao quanh Thiên Nhãn là khung mây hình tam giác tiêu biểu cho lý Thái cực, bao trùm cả Thiên Nhãn, ở bên trong thể hiện vòng vô cực, chính giữa có nhứt điểm thần. Ở người là con ngươi.

Còn ở trời đất là cái Tròn với cái Vuông của hai đấng Chí Tôn. Quả Càn Khôn tượng cái bản thể viên dung ở lý đạo, vốn con số "không" (0), chớ thuở Hồng Mông đạo sanh nhứt là Phật, nhứt sanh nhị là Pháp, nhị sanh tam là Tăng, nên giữa khoảng không phát một tiếng nổ thì khí hư vô biến sanh ngôi Thái Cực tức là phần Tăng của nguơn vô thỉ, liền có Đức Chí Tôn hiện nơi khối lửa Thái Cực, ngự trị cả Phật, Pháp, Tăng. Đức Chí Tôn chuyển vận linh tánh biến xuất ba nguơn khí là : 1) Lý phản phục, 2) Pháp thu liễm, 3) Cơ định vị, rồi mới khởi thỉ tạo Càn Khôn Thế giới. Xong, khối lửa ấy tắt không còn nữa tức làThái Cực nhi Vô Cực.

Từ cái không hình thành cái có. Từ cái có trở lại cái không đều do đạo pháp hư vô. Nên cơ Tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ, Thái Cực là khởi thỉ, Vô Cực là nhi trị, ở trời đất cũng như ở con người tư tưởng của tâm, còn hành động ở tánh, nhưng tâm cũng là tánh.

Thờ quả Càn Khôn với Tôn giáo Cao Đài là thờ cái lý âm dương của trời đất, ấy là đạo, bởi âm dương hòa sanh hóa Càn Khôn vạn vật và chư Thần Thánh Tiên Phật cũng do đó mà ra. Nói về Pháp, cái phần siêu thể để tượng lý nguơn khí của Chí linh tức là thờ Trời. Còn về vật thể là hình ảnh của Vạn linh ấy là đất nên thờ quả Càn Khôn có nghiã là thờ Chí linh và Vạn linh. Ta nhìn vào Chơn Pháp của Đức Chí Tôn dạy phải đốt trong lòng quả Càn Khôn một cây đèn, thay cho ngọn huệ đăng chiếu rực Tam Thập Lục Thiên, còn ở chúng ta tâm cũng thuộc hoả làm điểm dương của lý Thái Cực để vận hành tiểu thể thiên địa nầy, Thái Cực ở Trời tức là Tam Tài nên triết lý Cao Đài đã thể hiện khung hình tam giác nơi ngôi thờ Đức Chí Tôn là một đấng chủ tể Càn Khôn nắm quyền Phật, chủ cả Pháp và Tăng.

Với cơ năng ba hào dương, tạo hóa đã tượng hình tam giác bằng ba ngọn đèn Thái Cực và Lưỡng Nghi khi hành lễ, để phát huy ba điểm dương của Đức Chí Tôn trong cơ khởi thỉ Càn Khôn. Từ Thái Cực, Lưỡng Nghi gác tréo sanh tứ tượng không tính số toàn là dương. Chừng biến tứ âm thành Bát Quái là cơ chưởng giải của đại Vũ Trụ, nên nơi tòa Bát Quái thờ quả Càn Khôn có đủ lý âm dương. Bên trong quả Càn Khôn có ba mươi sáu cọng sườn nằm theo chiều dọc, thể hiện cho Tam Thập Lục Thiên là con số cửu của Trời, mặt ngoài có Thất Thập Nhị Địa là con số cửu của đất, Bề kính tâm 3 thước 3 tấc, 3 nhân với 3 lại là 9, thành ra ba hào dương của cung Càn là Trời. 3 lần 9 là 27 cũng từ 9, là con số định vị cho Càn Khôn. Nếu lấy số chín mà cộng với "tam" của Tam Thiên Thế Giái là con số mười hai, vốn số Thập Nhị Địa Chi của Phật Mẫu, với Đức Chí Tôn ba là con số khởi thỉ, 9 là con số định vị tức thị con số Thập Nhị Khai Thiên vì lẽ đó mà cả chúng sanh phải vận hành theo qui luật tạo đoan giữa không gian và thời gian của một chu kỳ. Chẳng vật thể gì ở ngoài pháp can chi của trời đất biến dịch, Chi là hệ ngang, Can là hệ dọc cũng như pháp tứ tượng ở nơi tiểu Vũ Trụ của chúng ta, trí là hệ thống âm, tâm là hệ thống dương, người có cả hai không thể thiếu, nếu thiếu chiều dọc là con người quên hẳn nguồn gốc Thiên lương, thảng họ được chiều ngang thì giỏi phần tấn hóa, dầu có tài trí, nhưng tánh ý không hiền.

Đại Đạo là một triết lý duy nhân. Do đó, chúng ta muốn hiểu đạo học phải tầm gốc ở nhơn sinh chỗ tình người, bởi nhơn sinh là một phần tối linh của Thượng Đế, không phải duy thiên duy địa mà bỏ nhân, nên mọi sự sống nhất tịnh nhất động với hệ thống có qui luật nhịp nhàng do máy hành tàng... "các hữu Thái Cực". Cái của Chí Linh ở trong Vạn Linh giữa Chí linh và Vạn linh, nên Cao Đài giáo đã thể hình hai chữ Thiên Thượng và Thiên Hạ, riêng chúng ta là phẩm tối linh phải gìn còn cái thiên lương để xử kỷ tiếp vật, tất nhiên chúng ta thật hành cái triết lý Trời Người đồng trị, nên phần nhơn sinh nhìn vào bản thể là một tiểu Vũ Trụ, phải kết tụ cái pháp thân bằng thần của Vạn linh. Nhờ vật loại cộng sinh vào đó để làm hình ảnh thiên lương của Chí linh tức là Trời.

Chúng ta muốn hiệp được cùng Trời thì tâm tu không xa rời bổn thiện, về phần nội tại ta nên nhận thức Đại Đạo là cơ qui nhứt của Đức Chí Tôn với chơn pháp đồng nguyên thì sự luận giải về triết lý Vũ Trụ phải gắn liền với triết lý nhơn sinh ở mặt tâm linh và đạo pháp.
Thánh Địa Cao Đài, ngày 6-5 (nh) Canh Ngọ
(DL 28-6-90)
Soạn giả: Huệ Phong

*  *  *
1 - CHÂN LÝ ĐẠO TRỜI

Tôn giáo Cao Đài là một nền minh triết gồm cả bí quyết của trời đất và vạn vật, Tam Giáo và Ngũ Chi để phát huy cơ huyền nhiệm của vũ trụ,ï là một "đại nhứt thể" có quan hệ với nhơn sinh ở mặt tâm linh và đạo pháp, do càn khôn hữu hạp biến tướng cơ hữu hình, thì hình ảnh của Chí linh ở trong Vạn linh, chúng ta phải dùng tầm mắt thiên lương mới nhìn thấy đặng.

Trước trời đất, thuở Hồng Mông hỗn độn trược thanh lộn lạo do hạo nhiên khí kết thành khối sanh quang, bỗng dưng tách rời ra hai làn sanh khí, thì đạo biến sinh pháp, pháp ấy vốn ánh diệu quang của khối sanh quang luân lưu giữa khoảng không vô lượng. Thời gian hai làn sanh khí đụng với nhau phát vang tiếng nổ đầu tiên nơi cõi hư vô đó là nguyên lý Thái Cực về cơ khởi thỉ. Liền đó, có Đức Chí Tôn ngự trị trong ngôi Thái Cực, chuyển đạo pháp biến xuất chơn thần cho Càn Khôn, rồi Càn Khôn mới phân định âm dương biến tạo chơn thần cho chúng sanh, mỗi chúng sanh là mỗi linh lực, đó là "các hữu thái Cực" của Chí linh ở trong Vạn linh.

Đức Chí Tôn nói khí hư vô sanh có mình Thầy; rồi Thầy mới sanh cả chư Thần,Thánh,Tiên, Phật. Như vậy Đức Mẹ Chơn thần của chư Tiên Phật và chúng sanh do đâu mà có ? Bởi Phật, Tiên nguyên thỉ có 3 vị do pháp tánh Đức Chí Tôn bao trùm ngôi Thái Cực mới biến xuất là: 1) Thái Thượng, 2) Nguơn Thỉ, 3) Hộ Pháp. Thủy là Chơn âm của Đức Phật Mẫu, Hỏa là Chơn dương của Đức Chí Tôn.

Khi tạo Càn Khôn, Đức Chí Tôn biến ra ba nguơn khí tượng lý cho ba ngôi pháp đó là con số "tam sanh vạn vật". Bắt đầu khởi thỉ nếu luận theo cổ giáo Bà La Môn thì ba ngôi đó tức là "Tam Thế Chí Tôn" trong cơ sáng tạo, hay là Tam Hồn của Đức Chí Tôn . Ngài là đấng chủ tể Càn Khôn thế giái nắm quyền chưởng giải ở nghi hóa dục. Lý phản phục do Thái Thượng, Pháp thu liễm do NguơnThỉ, Cơ định vị do Hộ Pháp.

Nhờ ba Đấng đó giúp Đức Ngài phân quyền ngự trị biến xuất hào cửu tam, hào cửu nhị và hào sơ cửu. Cửu (9) là số lão dương sẽ sanh âm ở lý đạo. Càn là Trời, tượng thể 3 vạch mới tách rời thành Khôn lục đoạn dương đã biến xuất âm. Ngôi "Dương" Đức Chí Tôn là Thần, Thái Thượng là Khí, do ánh Thái Cực phát xuất Thái Bạch là Tinh, tức thị ánh sáng của khối nguơn linh chiếu vào cảnh giới hữu hình tạo thành cơ hóa dục. Còn ngôi "Âm" Đức Nguơn Thỉ là Thần, Hộ Pháp là Khí nắm cơ định Càn Khôn thế giới xong. Khí vật chất phát xuất Thông Thiên Giáo chủ là Tinh, tượng thể phần xác thú của Vạn linh. Đất là căn nguyên của Thông Thiên Giáo chủ để tạo xác thú cho con người. Nên thân chúng ta là thành phần triệt giáo thuộc về nhơn dục của con vật,

Ngôi Thái Cực do Đức Chí Tôn phân tánh trong cơ khởi thỉ tạo đoan pháp hóa vận hành biến thành phản động lực Thái Cực, chuyển mình với hình tam giác, liền phát xuất mầm móng lưỡng nghi, xoay tứ tượng, biến Bát Quái, do nhị khí âm dương giữa Phật Mẫu cùng Đức Chí Tôn mới tạo thành Càn Khôn Thế giái do hai ngôi Đạo và Pháp.

Đạo tượng lý do chơn khí phát xuất. Pháp tướng của Đức Chí Tôn là Nhiên Đăng ngự trị cõi Hư Vô Thiên. Nhưng đến đời Hiên Viên mới giáng sanh, Đức Thái Bạch tới đời Đường mới biến thân với họ Lý. Còn vào thời nhà Châu Đức Nguơn Thỉ mới biến thân là Doãn Hỉ, cùng thời Đức Thái Thượng biến thân là LãoTử.

Trong cơ khởi thỉ đến định vị xong, Thái Cực là cái "có" trở lại cái "không" thì chơn khí Vô Cực của Phật Mẫu phát xuất. Pháp tướng của Đức Mẹ là Di Đà trước ngực với chữ Vạn xoay theo chiều thu liễm thuộc pháp giới của Phật Mẫu, để chưởng quyền Lôi Âm Tự có nghĩa đức Di Đà an ngự ngôi tiếng sấm Hồng Mông mà đạo trời cũng tượng lý trong dương phải có âm, âm dương tương hòa là cơ sanh hóa càn khôn vạn vật. Phật Tiên nguyên thỉ chỉ có 7 vị lấy lý tượng số thất diệu cho ngôi Bắc Đẩu của Đức Chí Tôn, nên phần âm kể như cái bóng ở ngôi dương có nghĩa Phật Mẫu là pháp thân của Đức Chí Tôn đó vậy. Nhưng ngôi Thái Cực ở Đức Chí Tôn là tiếng nổ khai thiên với khối điển lực chiếu sáng rực cả hư không, còn Đức Phật Mẫu là ngôi tiếng vang bao trùm cả Vũ Trụ của cơ lập địa. Tiếng nổ tạo ra tiếng vang. Tiếng vang có là do nơi tiếng nổ. Đền Thánh gốc ở đạo Trời nên thể hiện hai đài Chung Cổ Lôi Âm và Bạch Ngọc. Cổ là tiếng nổ ở bên âm, Chung là tiếng vang ở bên dương, tức thị Chơn dương hữu âm trung, Chơn âm hữu dương trung; vì lẽ đó khi cúng đàn trước khởi trống triệt cả hư không, dầu nơi Bạch Ngọc Kinh chư Thần Thánh cũng nương ánh Linh Quang đạo pháp của Đức Chí Tôn đến mà chầu Lễ, và chư Thần Thánh ở tại thế cũng vậy. Cúng đàn hành Đại Lễ hay Tiểu Lễ được thể hiện ở lý âm dương có phướn Chi Đạo và Chi Thế. Chư Thiên Phong cùng Chư Tín đồ nam nữ sắp hàng đâu đó nghiêm trang, gần nữa hồi chuông thì Đức Hộ Pháp đến ngự trên Ngai, tay ban cờ lệnh cho vị Hộ Đàn Pháp Quân quì xuống tiếp nhận, xong đứng dậy xá rồi bước ra.

Nếu Đại Đàn hành Đại Lễ, vị Hộ Đàn Pháp Quân ra tại chỗ để mời chư Chức sắc Thiên Phong nam nữ nhập đàn. Hàng Thánh đổ lên đi theo sau phướn Thượng Phẩm do Hữu Phan Quân cầm phướn chi Đạo dẫn đầu, kế chư vị Hiệp Thiên Đài là Pháp, đến chư Thánh Cửu Trùng Đài là Thế. Còn hàng Thiên Thần đổ xuống đi sau phướn Thượng Sanh do vị Tả Phan Quân cầm, mỗi vị phải bắt ấn tý từ vị trí để vào. Còn khi cúng Đàn thường chư Chức sắc để ý thấy vị Hộ Đàn ra tại tam cấp phất cờ lệnh thì chư Chức sắc và chư Tín đồ nam nữ tuần tự vào, Chức sắc đến ngưỡng cửa Tịnh Tâm Đài phải bắt ấn tý, còn Tín đồ nam nữ vào cửa bên hông Hiệp Thiên Đài, đến Cấp Tam Qui Thường Bộ phải bắt ấn tý là pháp trấn tâm tùng cơ định vị trong giờ hành lễ.

Còn chuông dọng thì phóng Phong Đô với cơ ân xá của Đại Đạo các tội hồn xuất khỏi cảnh u đồ, nên pháp kệ chuông với câu "Tam Kỳ vận chuyển Kim Quang hiện". Về pháp đó là con dao hai lưỡi đối ở tâm đức của chúng ta. Người tu hành chơn chính hiện chữ "Tiên", tức là phù hộ mạng cho bản thân, còn hạng tà tâm sẽ hiện chữ "Sứ" để dẫn dắt chúng ta đến chỗ đọa nghiệt trần do sự gieo nhân phải gặt quả tùy ở sự dữ lành.

*  *  *

2 - ĐẠO DỤNG ÂM THINH

Đạo "Dụng Âm Thinh" thể hiện cái Linh lực của Trời Đất đối cùng vạn vật. Khi cúng đàn, khởi trống dứt rồi mới khởi chuông. Sự thực hành lễ cúng đàn tiêu biểu cho pháp giới tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ. Khởi đầu đánh ba tiếng trống (Lôi Âm Cổ), và ba tiếng chuông (Bạch Ngọc Chung), thể hiện nguyên lý Tam Thiên : Thượng Thiên là Phật, Trung Thiên là Pháp, Hạ Thiên là Tăng. Kế tiếp đánh và kệ bốn dùi Khai Chung Cổ. Bốn dùi trống, ngôi tiếng nổ, là tứ dương; bốn tiếng chuông, ngôi tiếng vang, là tứ âm. Xong điểm nhẹ mỗi mỗi đều sáu, thể hiện con số khai nguơn của hai ngôi Đạo và Pháp, rồi đánh lên ba hồi. Mỗi hồi mười hai chập, mỗi chập là mười hai dùi. Vậy, mỗi hồi là 144 dùi, ba chữ số cộng lại là chín. Ba hồi là con số cửu của cung "Càn", ngôi dương thể hiện cho Tam Thập Lục Thiên. Mỗi hồi 144 dùi, ba hồi là 144x3=432 dùi, cộng ba chữ số lại cũng là 9, đó là con số của pháp định vị Càn Khôn. Chung Cổ mỗi chập đánh 12 dùi, trong đó đánh 9 dùi, tiếng điểm 10 làm 1 thành nhồi 3 là 12; 12 là số khai thiên, trong đó 3 là số khởi thỉ, 9 là số định vị.

Với lý đạo tiếng nổ là ngôi dương ở bên âm, còn tiếng vang là ngôi âm ở bên dương, thì lẽ đương nhiên trong âm phải có dương, nên chuông cũng đánh 3 hồi 12 chập thể hiện ngôi tiếng nổ ở bên âm triệt cả Tam Thập Lục Thiên, ngôi tiếng vang ở bên dương làm cho thức tỉnh Tam Thập Lục Động. Dứt lợi 3 dùi, để giục tỉnh Tam Hồn của chúng sanh đặng vận hành pháp giới tâm linh trụ cả tinh thần nơi đàn nội để cung nghinh Thượng Đế.

Trong nhạc phải có lễ, trong lễ phải có nhạc. Nhạc là cơ điều hòa, lễ là pháp trật tự, cũng như trong luật phải có pháp, trong pháp phải có luật, tiếng nổ Thái Cực ở Chí Tôn là ngôi luật điều hòa trong Càn Khôn, còn tiếng vang của ngôi Vô Cực ở Phật Mẫu là pháp trật tự trong Vũ Trụ, khác nào tất cả nhạc khí thể hiện luật điều hòa, còn sanh phách là pháp trật tự.

Chung kim sanh thủy, chày mộc sanh hỏa, còn trống văm bằng cây, mặt bằng đồng có đủ cả lý âm dương, những vật dầu kim thạch thảo mộc, thú cầm đều do tay người chế nhạc tạo thành bát âm của vạn loại. Khi hiến lễ cũng hòa rập các món nhạc khí với chơn lý của Thượng Đế tận độ chúng sanh trong buổi Tam Kỳ mà đạo Trời thể hiện.

Mỗi khi Lễ cúng đàn, khởi trống rồi mới khởi chuông. Kế tiếp khởi nhạc. Sự biểu tượng chứng tỏ vạn vật xuất phát do ngôi tiếng nổ và ngôi tiếng vang của hai đấng tạo đoan, nên bát âm của vạn vật dấy lên để chiêm ngưỡng. Còn bên Công Giáo, khi hành Lễ chỉ giựt chuông mà thôi. Dầu Chúa Cứu Thế là con một của Chúa Trời, nhưng thuộc ngôi hai, bởi chuông thể hiện cho tiếng vang để thức tỉnh chúng sanh. Chúa cùng một nguơn linh phần giác hồn của Đức Chí Tôn, vì đó mà Chúa Cứu Thế với Đức Hộ Pháp biết được Đưc Chí Tôn, mới cho nhơn loại biết rằng Đức Đại Từ Phụ của chúng ta trên cõi hằng sống là Đấng Vi Chủ phần linh hồn. Đến như Đức Thích Ca cũng để lời phỏng ngôn mà thôi. Bởi Đức Thích Ca là Giáo Chủ cõi ta bà, còn Đức Di Đà Giáo Chủ Tây phương Cực Lạc, Đức Địa Tạng Giáo Chủ cõi u minh. Phật vì chúng sinh lập cơ tận độ các tội hồn còn ở Phong Đô, nhưng buổi Nhị Kỳ Thập Điện Minh Vương nắm luật Thiên điều như vị quan tòa để mà buộc tội. Nay là buổi Tam Kỳ với cơ đại ân xá của Đức Chí Tôn, thì 10 vị đó trở thành Thập Điện Từ Vương tức là Trạng Sư của tội hồn. Ngôi Đền Thánh, Tòa ngự của Đức Chí Tôn hiệp Ngũ Chi qui Tam giáo, có thờ Đức Thích Ca nhưng kinh xưng tụng Đức Nhiên Đăng, cũng như bên nhà Thiền tăng đồ thờ Thích Ca mà niệm Di Đà, xưng tụng Đức Nhiên Đăng là xưng tụng cái đức khai nguyên, vị Phật đầu tiên ven đường mở ngõ dọn nền. Còn thờ Đức Thích Ca là thờ cái công lập nên ngôi nhà Phật Giáo, đó là cái lý hữu thỉ hữu chung mới là trung đạo sẽ thành Đại Đạo; về Tiên Giáo Tâm Kinh xiển dương oai linh Thái Thượng, 2/3 niệm danh cũng Thái Thượng, nhưng cúng đàn ngày sinh của Lão Tử, cũng như thờ Đức Quan Âm Thị Kính, mà cúng đàn ngày của Đức Quan Âm Diệu Thiện; về Thánh Giáo Tâm Kinh xưng tụng Đức Văn Xương cũng vậy nhưng niệm danh Khổng Thánh là vị hưng Nho. Cúng đàn cũng ngày của Khổng Thánh. Đây là ba Tôn giáo buổi Nhị Kỳ vị Giáo Chủ cõi ta bà làm cái lý trung hoà, nên Đức Thích Ca thuyết kinh Di Đà, vị Phật buổi Nhứt Kỳ, đắc lịnh phổ truyền giáo pháp. Đến Tam Kỳ Đức Thích Ca còn thuyết Di Lạc Chơn Kinh đó là lễ bàn giao cơ tận độ chúng sinh cho Cao Đài ở thời kỳ Đức Di Lạc. Bởi Sơ hội Long Hoa Đức Nhiên Đăng Chưởng giáo Thanh Vương Đại Hội, Nhị hội Long Hoa Đức Di Đà Chưởng Giáo Hồng Vương Đại Hội, Tam hội Long Hoa Đức Di Lạc Chưởng Giáo Bạch Vương Đại Hội; Đức Di Lạc vị cỗ Phật thứ ba đứng ra cứu đời, vâng mệnh trời đến để lập lại thời Thượng Nguơn Thánh Đức.

*  *  *

3 - TINH KHÍ THẦN
VÀ PHÁP ĐỊNH VỊ CÀN KHÔN

Trong cơ khởi thỉ, pháp giới tạo đoan, Càn Khôn đã định vị, Đức Chí Tôn mới giao quyền cho Phật Mẫu quản khí Hư Vô. Hư là hư linh, Vô là vô cực, bởi nguyên nhân đó mà chúng sanh niệm danh Đức Diêu Trì Kim Mẫu với hai chữõ Thiên Tôn là vậy.

Ngôi Vô Cực ở Đức Phật Mẫu là pháp giới phát xuất khí hư vô biến tạo Chơn thần cho chúng sanh trong khối Vạn Linh nhờ phối hợp âm dương mới đủ tinh khí thần như trời đất đúng như câu "Thiên địa vạn vật đồng nhất thể". Nên sự hiến lễ của Tôn Giáo Cao Đài dùng hoa tượng trưng cho Tinh, rượu tượng trưng cho Khí, trà thì tượng trưng cho Thần. Lễ dâng rượu phải đúng Ngọ và Tý bởi hai thời đó nguơn khí của trời đất hưng vượng, còn trà dâng phải thời Mẹo và thời Dậu bởi hai giờ đó nguơn thần của trời đất hưng vượng. Như vậy Trời Đất cũng có tinh-khí-thần. Bởi ánh Thái Cực nảy sanh Thái Bạch là nguơn tinh, nên buổi Tam Kỳ Đức Lý Đại Tiên kiêm nhiệm Giáo Tông, cầm quyền chuyển thế vừa sửa trị vừa định vị cho thánh thể của Đức Chí Tôn.Trong nguơn bảo tồn dầu ở chơn trời gốc bể cũng có Bàn trị sự là Hội Thánh Em thay hình thể cơ tận độ của Thầy

Đạo tượng lý thái cực do cung Càn biến xuất dưới một vạch ngang hai vạch chỏi lên thành hình tam giác, mọi vật thể cực lớn từ hữu hình lẫn vô hình chẳng lọt ra ngoài, còn cực nhỏ ví như hạt nguyên tử cũng khó ẩn được bên trong. với cái không không là vô cực, giữa thái cực và vô cực Đức Thái Thượng và Đức Hộ Pháp là đầu mối trung hòa lưỡng cực, nhờ đó mà tạo thành khối điển lực sanh quang cho Càn Khôn Thế Giới, vì thế mà tôn giáo vẫn quí ba ngôi báu của trời đất. Người tu theo Phật hằng niệm Phật-Pháp-Tăng, tâm ta biết thọ giáo là qui y Phật, tánh biết giữ giới là qui y Pháp, thân biết hành sãi vãi là qui y Tăng. Triết lý của Đức Chí Tôn đối với con người từ thể xác đến linh hồn, thì Phật là tượng lý, Pháp là định vị, Tăng là phát huy chơn tướng của đạo nhờ đó mà xây dựng nên nền chánh giáo phổ truyền.

Giữa Tiên Thiên và Hậu Thiên, Tăng là Tinh, phần sanh hóa, Pháp là Khí, lý trưởng dưỡng, Phật là Thần cơ an định. Đối với người tu hằng niệm Phật-Pháp-Tăng coi như hằng kỉnh vậy, hễ kỉnh Phật thì xá vô, kỉnh Pháp thì xá ra, kỉnh Tăng thì xá ngang tức mỗi người chúng ta tạo nơi đàn nội một pháp Tứ Tượng nhứt âm, nhứt dương của trời đất, nhờ đó mà biến sanh vạn vật.

Xá Tăng là xá cái nguyên lý về cơ sáng tạo ở cõi vô hình trước kia, cũng như ở mặt hữu vi, nhờ sự khởi thỉ mới có chỗ để cho chúng ta sùng bái, tức nhiên phải kỉnh Tăng, trước cũng như sau : vô thì chào, ra thì kiếu, chớ không phải xá đối tượng giữa nam và nữ. Còn luận về phật pháp, từ vô thỉ đến khởi thỉ, Tăng là nguyên lý phát khởi Càn Khôn đó là cơ mầu nhơn đạo của Đức Chí Tôn, vừa phân hóa vừa phân quyền định vị mỗi vật thể, mỗi chơn hồn với bản năng sanh tồn tự hữu, nhờ Tăng mà phát huy cơ tạo đoan cùng chân lý đạo, nên người tu đắc pháp rồi mới đắc Phật,

Khi xá chí trán kỉnh Thiên, chí đơn điền kỉnh Địa, chí ngực kỉnh Nhân. Nhân tức tâm, tâm tức thiên , thiên giả ngã dả, còn xá với phép định vị là Thiên-Địa-Nhân. Ý nghĩa lạy tiêu biểu lý phục nguyên Thiên-Nhân-Địa, thấy rõ con người chúng ta là pháp trung hoà giữa Thiên và Địa, nên khởi lạy trước đem cái điểm dương của Thiên vào Tâm. Chừng ngất dậy đem cái điểm âm của địa lên, tức hệ thống dương của bản tâm đã đắc nhứt hình thành pháp Tứ Tượng ở con người, cũng như nơi đàn nội, lúc ngất lên để lạy tiếp thể hiện ĐịaNhân-Thiên của mỗi Thừa trong chín phẩm với pháp Dục Tấn là Địa- Nhân-Thiên.

Kỉnh Phật hay các Đấng đều xá ba xá là bởi chúng ta ngưỡng vọng cái lý Tam Tài, còn kỉnh pháp xá có một, với chân lý vạn pháp qui nhứt. Kỉnh Tăng cũng xá một, bởi nhứt thuyết chúng sanh nhứt điểm linh. Riêng sự bái lễ Đức Phật Mẫu không lấy dấu Phật-Pháp-Tăng nhưng thể hiện trong câu niệm Nam mô Diêu Trì Kim Mẫu là Phật, Nam mô Cửu Vị Tiên Nương là Pháp, Nam mô Bạch Vân Động Chư Thánh là Tăng. Ngọc Hư là Thiên điều, còn Cung Diêu Trì là pháp giới, do nguyên lý đó nên Tôn giáo Cao Đài đem luật áp dụng ở mặt điều hành về pháp cốt yếu để giữ thăng bằng cho cơ đạo. Dầu Tín đồ dĩ chí Thiên phong muốn tạo công lập vị phải đi trong khuôn luật Cửu Trùng Đài, còn Hiệp Thiên Đài lẽ đương nhiên là pháp định vị.

Đời lập Pháp Viện Tối Cao để chủ lấy luật, với đạo lại khác, có Phật rồi mới có Pháp. Do đó ngôi luật của Đức Chí Tôn nắm quyền Phật chủ cả Pháp và Tăng. Người tu biết tùng khuôn luật của đạo do sự tìm tàng đạt được chơn lý là đắc Pháp, rồi gắng trau dồi thân tâm, trụ được chơn tánh là đắc Phật, lúc nhập định xuất thần được gần gũi với các đấng để học hỏi gọi là đắc Duyên, nhờ đó mở đươc con mắt giữa nơi trán là cái cửa của tâm linh. Với cái nhìn quán thông căn cơ của mình chỗ bản lai diện mục là đắc Vị.

Ở Cơ Tạo đoan có Phật Pháp rồi mới có Tăng. Dầu những đấng thay trời lập giáo cũng không ngoài chân lý đó. Khổng Thánh dạy chúng sanh tu thân giữ điều nhân với phép tồn tâm, Thái Thượng dạy lập đức để tu mệnh làm phương dưỡng tánh. Thích Ca dạy về linh hồn có luân hồi quả báo. Trong Tam Giáo, Phật là Thần, Tiên là Khí, Thánh là Tinh, bởi cớ Khổng Tử chiêm bao gặïp Lão Tử rủ bay lên không trung, nhưng cố gắng mà vẫn quá chậm chừng gặp núi non hiểm trở lo sợ, Lão Tử mới nói đó là tư tưởng chớ chẳng có chi, cứ bình tĩnh tự nhiên bay qua thì được. Khi đó Khổng Tử nhìn thấy đôi cánh mình nhỏ lần, chỉ còn ba cọng lông còi, nghe hỏi nặng nề nên hạ cánh trở về cùng mặt đất, tất nhiên đạo Thánh thể hiện phần Tinh của con người.

Con người phải đủ Tinh Khí Thần. Đó là triết lý của Tam Giáo. Trong con người chúng ta phải có đủ ba tôn giáo, Phật là linh hồn, Tiên là chơn thần, Thánh là xác thân.Tôn giáo Cao Đài đã biểu tượng cho cơ qui nhứt của Đức Chí Tôn trong sự hiến lễ : hoa thể hiện cho nguơn Tinh, rượu thể hiện cho nguơn Khí, trà thể hiện cho nguơn Thần. Trà có chung nước trắng tượng lý âm dương, Rượu là Khí sao lại ba chung? Ba chung cùng một nguyên lý giữa con người với trời đất thể hiện cơ định vị là ba nguơn Khí của Thiên-Địa-Nhơn. Về tượng lý khởi thỉ của cơ tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ, ngôi Thái Cực Đức Chí Tôn phát xuất ba nguơn Khí : 1) Thái Thượng, 2) Nguơn Thỉ 3) Hộ Pháp. Luận đến vô thỉ là ba nguơn khí của Phật-Pháp-Tăng ở ba ngôi nhứt Cực, nhì Nghi, tam Tài.

Loài người là phẩm tối linh để đại diện cho chúng sanh, nên trong giờ hiến lễ, coi như nguơn Khí của Vạn linh được hiệp cùng đấng Chí linh. Nguơn Vô Thỉ khởi điểm có tượng lýù, có định vị bằng pháp số nhứt Cực, nhì Nghi, tam Tài, vì vậy màø đạo Cao Đài rất chú trọng lễ dâng Tam Bửu.

Tại sao Hành Chánh, Phước Thiện hai bên thực hiện nghi lễ cúng đàn dâng Tam Bửu cho Đức Chí Tôn cùng Đức Phật Mẫu, sự bái lễ thấy không giống nhau? Trước kia Đức Hộ Pháp đã dạy Lễ viện Đền Thánh cũng như Báo Ân Từ đều bái lễ như nhau khi dâng Tam Bửu. Về sau, đàn anh chúng ta, có thỉnh ý Hội Thánh xin sửa đổi về cách lạy, có khác ở pháp số.

Đầu năm Đinh Hợi (1947) ông Giáo sư Ngọc Ninh Thanh người thâm Nho học được bổ nhiệm nắm quyền Thượng Thống Lễ Viện Cữu Trùng Đài, mới đề nghị cùng Hội Thánh về cách bái lễ khi dâng Tam Bửu như sau : trường hợp dâng một Bửu thì lạy ba lạy (mỗi lạy bốn gật), còn dâng đủ ba Bửu thì mỗi Bửu lạy một lạy, mỗi lạy bốn gật, để khi dâng một Bửu hay ba Bửu thì cũng giữ đủ mười hai lạy cho đúng số 12 của Thầy, đề nghị này được Hội Thánh đồng ý ra Châu tri ban hành nhưng tài liệu đó đã bị thất lạc.

Tương tự, ngày 18-8 Mậu Dần (10-10-38 ), Hộâi Thánh ra Châu Tri số 61, do ba vị cầm quyền Chánh Phối Sư ký, là: 1) Giáo sư Thái Phấn Thanh, 2) Giáo sư Thượng Chữ Thanh , 3) Phối sư Ngọc Trọng Thanh, trong đó điều 5 qui định về lạy từ Bàn Trị Sự đổ xuống như sau: " Chánh Trị Sự đổ xuống Tín đố lạy bốn lạy ". Như vậy kể như mất hết hai phẩm Nhơn Thần (Bàn Trị Sự) và Địa Thần (Tín đồ giữ đủ trai giới 10 ngày đổ lên) trong cửu phẩm Thần Tiên, theo Thánh ngôn của Thầy đã dạy "Lạy Thần, Thánh ba lạy, lạy vong phàm bốn lạy". Vong phàm là thân nhân chúng ta chưa biết đạo hoặc những tín đồ bị Hội Thánh trục xuất, hay không giữ đủ trai giới vv... Cả hai Châu Tri đều được Đưc Hộ Pháp phê chuẩn. Nhưng thiết nghĩ do Đức Ngài vẫn trọng cái chủ quyền của Hội Thánh là hình thể Đức Chí Tôn nên chấp thuận vì đủ ba ấn ký. Kể hai văn bản đó có đủ quyền Chí Linh, nếu có quyền Vạn linh cầu xin thì quyền Chí Linh sẽ cứu xét cho lại. Bởi vị Chánh Trị Sự là Đầu Sư em, Phó Trị Sự là Giáo Tông em, Thông Sự là Hộ Pháp em, xem đó là vong phàm thì làm sao điều hành phận sự của Hội Thánh em đặng, vì hai phẩm chót của Hạ thừa chức việc là Thần của người, tín đồ là thần của đất phải cúng triêu tịch không điện tam bửu chớ nơi bàn linh có đủ để biểu tượng tinh khí thần cho người tu. Với lý đạo có tinh khí mà thiếu thần mất cơ an định, có thần mà không tinh khí khó huờn được đệ nhị xác thân. Về phép tu phải hiệp tam bửu mới đắc vị.

Nên lạy Tam tài thể hiện nguyên lý của ba ngôi Trời có nhựt nguyệt tinh, đất có thủy hỏa phong, người có tinh khí thần ý nghĩa là vậy.

Trường hợp trong thời cúng thường ngày, nếu hiến lễ Thầy một bửu thì lạy ba lạy, còn ba bửu thì lạy mỗi bửu một lạy để giữ đươc con số 12 của lý Khai Thiên như Ông Giáo sư Ngọc Ninh Thanh hướng dẫn. Nhưng như thế sẽ mất con số biến dịch của đạo pháp về Tam Thập Lục Thiên, kể dâng Tam Bửu mỗi bửu 3 lạy, mỗi lạy 4 gật cộng thành 12 mỗi lần lạy, như vậy tính chung ba lần là 36, tổng hai chữ số là 9, đó để làm con số định vị của ngôi dương, Từ khởi thỉ đến chung kết phải giữ đúng lý số của cơ huyền nhiệm, nên sự hành lễ của Tôn Giáo Cao Đài biểu tượng pháp giới tạo đoan có liên quan cùng pháp giới chúng sanh trong tứ thời hành lễ.

Khi cúng tứ thời, về niệm danh Đức Cao Đài trong bốn bài: Niệm hương, Ngọc Hoàng Kinh, dâng một Bửu, Ngũ nguyện, mỗi bài lạy ba lạy, mỗi lạy 4 gật, tổng số là : 4 (bài) x 3 (lạy) x 4 (gật) = 48, tổng hai chữ số là 12, con số Khai Thiên. Như vậy, khởi thỉ bằng bài Niệm hương 3 lạy, 4 gật (12), chung kết cũng con số 12 thì mới đúng pháp. Danh Thầy có 12 chữ, mỗi lạy 4 gật thành 48 chữ, tổng hai chữ số cũng 12.

Về Lễ Cúng Đại Đàn, niệm danh Thầy trong 7 lần như : Niệm hương (1), bài Ngọc Hoàng Kinh (1), Dâng Tam Bửu (3), Thượng sớ (1), bài Ngũ nguyện (1), mỗi lần lạy 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, tổng số là: 7 (lần) x 3 (lạy) x 4 (gật) = 84 tổng hai chữ số vẫn là 12, đó là con số Nhứt bổn tán vạn thù, Vạn thù qui nhứt bổn, mới là lý số của đạo pháp biến dịch, chớ dâng đủ tam Bửu mà mỗi Bửu có 4 lạy (kể cả lạy và gật) thì mất hết 24 lạy chỉ còn có 60 lạy, tức nhiên con số chung kết không trở lại chỗ khởi thỉ là số 12.

Trong Tứ Thời Xưng Tụng Tam Giáo Tâm Kinh, khi dứt mỗi bài kinh, lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật. Lạy mỗi vị 9 lạy (kể cả lạy và gật), ba bài kinh có 27 lạy, cộng hai chữ số là 9. Danh mỗi vị trong Tam Giáo gồm 12 chữ. Mỗi lạy 3 gật, mỗi lần niệm 12 chữ, ba lần niệm 36 chữ, 3 với 6 là 9, đó là pháp định vị cho 3 ngôi Tinh-Khí-Thần. Phật là Thần, Tiên là Khí, Thánh là Tinh. Khi cúng Tứ thời nơi Báo Ân Từ, về niệm danh Đức Diêu Trì Kim Mẫu trong 5 bài : Niệm hương, Phật Mẫu Chơn Kinh, Tán Tụng Công Đức DTKM, Dâng một Bửu, Ngũ nguyện, mỗi bài lạy ba lạy, mỗi lạy 3 gật, tổng số là : 5 (bài) x 3 (lạy) x 3 (gật) = 45, tổng hai chữ số là 9, biểu tượng cho Cửu Thiên Khai Hóa.

Trường hợp cúng Đàn thì dâng đủ Tam Bửu, có thượng sớ, bớt bài Tán Tụng Công Đức DTKM, tính ra là 7 bài (bớt một bài, thêm ba bài). Mỗi bài lạy 9 lạy (kể cả lạy và gật), 7 bài 63 lạy, tổng hai chữ số là 9. Đó là pháp định vị cho Càn Khôn ở con số cửu, nên rượu cúng 3 chung, mỗi chung 3 phân, cộng lại cũng là 9. Trừ khi Lễ điện 9 phân vì có một ly. Còn trà cúng, mỗi chung 8 phân, tượng thể con số Bát Quái hai ngôi ở lý âm dương lưỡng hiệp là Thần. Phần hoa tiêu biểu cho nguơn tinh, tức hình thể của phẩm tối linh, phải tốt đẹp thơm tho mới đem ra hiến lễ cho hai đấng Tạo Đoan. Vì con người ảnh hưởng pháp giới tạo đoan trong tiểu thể thiên địa cũng như đại thể, do ngũ khí biến ngũ hành, cõi đất sanh ngũ sắc, dầu nơi mặt thế, người hay vật cũng chia ra có 5 màu. Nên sự hiến lễ thể hiện phần nguơn tinh của chúng sinh, với lý đạo thài hoa tươi năm sắc là vậy.

Luận về triết ta phải có cái nhìn quán triệt hai chiều. Triết có nghĩa là triệt cùng một vấn đề nếu triệt thượng luận về vũ trụ còn triệt hạ thì diễn tả ở sự vật. Nhưng cũng đồng nhất cái lý tạo đoan chỗ khởi thỉ. Khí hư vô còn hồn hồn ngạc ngạc mới biến ra ngôi Thái Cực, nên phần tượng lý âm trước dương, có nghĩa là đạo sanh nhứt, nhị sanh tam là âm sanh dương, đó là khối sanh khí của nguơn vô thỉ, chừng khởi thỉ tạo Càn Khôn Thế Giới rồi do cơ định vị của tạo đoan biến ra pháp giới chúng sanh mới định danh thì Thiên trước Địa.

Cơ khởi thỉ tạo nhơn loại cũng thế, Đức Thượng Đế là Chúa Trời lấy đất nặn hình rồi hà sanh khí vào liền có sự sống đó là ông A Dông. Chúa Trời bèn lấy cọng sườn của ông A Dông, là hệ thống ngang thuộc âm của ngôi dương là xương sống ở hệ dọc, lấy đó mà tạo ra bà Ê Va thì nữ phải tùng nam, nam nữ thể hiện lý âm dương của chí linh ở trong vạn linh để bảo tồn cơ sanh hóa.

Vì đó mà đạo vợ chồng kể như một xác thịt, một linh hồn. Nên kỳ ba Đức Chúa Trời đến cũng nhắc lại, đó là Đức Chí Tôn nói lên trong giờ hành Pháp Hôn Phối trong bài thi tứ hôn ở câu "Mãn thế bất ly thể dử hồn", có nghĩa đôi vợ chồng trọn đời xác thịt với linh hồn chẳng rời nhau, thảng như để bỏ không có điều kiện thích đáng, coi như mình tự phân thây mình vậy.
*  *  *

4 - TRỜI LÀ THẦN THIÊN LƯƠNG
CỦA NHÂN LOẠI

Tôn Giáo Cao Đài dạy thờ Thiên Nhãn, tức thờ Trời mà cũng là thờ chúng ta đó. Về lý âm dương giữa Trời và Người cũng như pháp thập tự giá với hình tứ tượng có ác, có thiện, thể hiện đạo Chúa đủ lý âm dương mới trường tồn, còn ta thờ Đức Chí Tôn bằng Thiên Nhãn, với căn bản tinh túy ở nguyên lý âm dương. Thờ Thiên Nhãn tức là thờ Thần Thiên Lương của nhơn loại sự trọng đại chỗ Trời Người hiệp nhứt, Thượng Đế tức là chúng ta mà chúng ta cũng là Thượng Đế, vì thế chúng ta sùng bái cái điểm linh của bản tâm, bởi Nhãn thị chủ Tâm. Thần cư tại nhãn, Thiên Nhãn là căn bản của chúng sanh, vì mỗi chúng sanh đều thọ một phần nguơn linh của Tạo Hóa.

Thờ Thiên Nhãn là thờ đủ Phật-Pháp-Tăng. Luận về Tăng, thờ Thiên Nhãn là thờ cái bản thể chữ "Chủ", luận về Pháp, thờ Thiên Nhãn là thờ cái bản tâm của con người, luận về Phật thờ Thiên Nhãn là thờ cái bản chân của Thượng Đế, tức là Thần Thiên Lương của nhơn loại. Bởi cớ mà người tu phải vì nhơn loại tức vì Thượng Đế, nếu biết vì Thượng Đế phải dùng thiên lương của mình đặng chế ngự dục tình, mới xứng danh đại diện cho Chí Linh trong cơ truyền giáo để phổ cáo triết lý thờ Thiên Nhãn tức là thờ Tâm Linh.

Nếu chúng ta luận đến tâm linh, biết cái chi để điển hình cho nó. Chỉ có con người, tâm linh mới nhìn thấy được phần lý giải, dầu rằng cái trong thân là thực tại, ngược lại là hư không. Tâm là cái hư không, vốn của thời gian, bởi nó là điểm linh quang của ánh lửa Thái Cực, khi ba tất hơi ở con người đã dứt thì nó trở về với nguyên lý Thái Cực rất an nhàn tự tại nhập vào khối đại linh quang, vì lẽ đó cầu hồn khi hấp hối được đọc "Bài ba mươi sáu cõi Thiên Tào..." để rước Chơn linh, còn lễ cầu siêu cho những chơn thần thiếu chay lạt chỉ cầu Bạt tiến mà thôi. Bạt tiến có nghĩa rút níu lên, đọc bài "Đầu vọng bái ..." để cầu các Đấng hợp điển lực cùng chúng ta mà cầu rỗi cho chơn thần, vì bởi chơn thần có liên hệ cùng xác thân, mà kiếp người tu không trọn chẳng dám đưa lên cao sợ lôi điển đánh chơn thần ra tro bụi.

Tánh là không gian, Tâm là thời gian. Nếu cái Tâm ta biết trau thành cõi Niết Bàn thì Tánh sẽ hoàn nguyên phật vị nơi cõi Hằng Sống. Tâm là cái "không" ở trong cái "có"ù là Thân, mà cái có đó lại là cái không, vì bản thân chưa phải trường tồn, linh hồn mới là bất diệt, nên triết lý đạo thể hiện những cái "có" để làm sáng tỏ cái "không". Trong bản thân của chúng ta, Tánh là màn ảnh của Tâm, Tâm vốn là linh thể của vũ trụ. Chỗ vừa khởi ra ánh diệu quang là Vũ, vừa kết tụ làn từ khí là Trụ, ở chơn tướng biến thành pháp trí để làm cái lý trung hòa cho thần khí vận hành, do đó mà biến sanh tiềm lực cho cơ thể là Chí, còn Ý ví như tia phản chiếu tự động để soi vào màn ảnh giữa Tánh và Tâm, cái phần nội tại phát xuất ở ngoại diện cho mọi người thấy. Tâm có đức làm hình thức cho cái đạo thường hằng, Tánh có hạnh để biểu tượng sự cứu cánh về nghi lễ đối với con người và Thần linh. Còn thân có mệnh, mệnh ấy là trời nên mọi sự sống ở cõi đời do trời vi chủ và định mệnh, nhưng Ý của Tâm ở tại Tánh, Trí của Tánh ở tại Tâm. Chẳng khác nào hai thanh âm chuông mõ để biểu tượng cho Lễ Nhạc, Mõ thể hiện cho nhạc để điều hòa câu kinh khi tụng niệm, chuông thể hiện cho lễ để giữ trật tự nơi lòng nhắc chừng kỉnh bái. Chuông mõ còn có ý nghĩa của kim mộc. Mộc năng sanh hỏa, kim năng sanh thủy. Thủy bên tả, hỏa ở bên hữu cùng đổi vị trí coi như pháp ký tếâ.

Còn ý nghĩa năm cây nhang trong ba là án tam tài, ngoài hai là tượng ngũ khí. Khi thắp lên cái phần thực tại là an lư thể cho ngũ hành, còn cái phần bốc lên lập đảnh tượng cho ngũ khí, với Trời là ngũ khí, với đất là ngũ hành, với nhơn sanh là ngũ tạng. Cùng thể cho ngũ hành, khéo luyện sanh ngũ khí triều nguyên với pháp tiên đạo trong cơ khởi thỉ, Thái Cực, Lưỡng Nghi Tam Tài là pháp định danh và định vị.

Luận về nguơn vô thỉ, phần tượng lý nhứt Cực là Phật, nhì Nghi là Pháp, tam Tài là Tăng, tức thị cung "Càn." Cực là hào cửu sơ, Nghi là hào cửu nhị, Tài là hào cửu tam. Khi cắm năm cây hương, ngoài hai cây, biểu tượng hai làn sanh khí của thuở Hồng Mông, còn trong ba cây, tượng Tam Tài Phật-Pháp-Tăng, nên khi bái lễ với Phật ta phải trụ được nguơn thần, với Pháp ta phải định được nguơn khí, với Tăng ta phải chuyển được nguơn tinh. Về cơ khởi thỉ Đức Chí Tôn là Phật, Diêu Trì Kim Mẫu là Pháp, vạn vật là Tăng, nên ở trong trời đất cái tự nhiên đó là Phật, cái an nhiên đó là Pháp, cái hiển nhiên đó là Tăng. Vậy, ta phải luyện cái tự nhiên cho Tánh, tập cái an nhiên cho Tâm, tu cái hiển nhiên cho Thân. Thân là thành phần mắc vướng, nó sẽ ảnh hưởng cho Tánh và Tâm. Nay cơ tận độ Kỳ ba nên Đức Chí Tôn đến lần đầu tiên với tiền bối chúng ta xưng Thánh danh bằng ba chữ A, Ă, Â nghĩa ám chỉ ngôi thờ Đức Thượng Đế tức là tòa Bạch Ngọc Kinh tại thế, A là Pháp (Hiệp Thiên Đài), Ă là Tăng (Cửu Trùng Đài), Â là Phật (Bát Quái Đài).

Ngoài ra, ba chữ A, Ă, Â về đạo pháp là một triết lý uyên thâm huyền nhiệm. A là chữ đầu của 24 chữ cái tức là đạo, Ă là một dấu dương, Â là một dấu âm đủ chứng tỏ là một Đấng Chủ Tể Càn Khôn. Trong Kỳ ba Đức Chí Tôn đến lập đạo để cứu đời, nên A là Pháp, Ă là Tăng, Â là Phật, buổi Tam Kỳ cơ tuần huờn phản tiền vi hậu, Thầy là Phật chủ cả Pháp Tăng, với chơn lý cơ tận độ Thầy tức là Phật là Â, nhưng thờ ở sau để đưa cả chúng tăng là Ă trở vào Hư Vô Chi Khí, A là Pháp, đó là lời của Đức Chí Tôn xưng với môn đồ.

Nói về pháp, bản thân của ta là khối sanh vật có vàn vàn nguơn chất, tức là khối chúng sanh, chơn lý đạo kỳ ba dạy ta độ tận chúng sanh, tức phải dứt tiệt dục vọng và phiền não của chúng sanh trong con người. Muốn tận độ chúng sanh, cúng Tứ Thời ta nhớ niệm danh của Đại Từ Phụ 12 chữ (Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát) Tam Giáo cũng niệm danh mỗi vị 12 chữ. Kể như Thầy đã nắm trọn Phật-Pháp-Tăng vào tay ở câu niệm. Cao Đài laø Nho, Tiên Ông là Lão, Bồ Tát là Thích, còn hai chữ Nam mô là một triết lý quan yếu đối với trời đất cùng vạn vật.

Thuở hỗn độn Hồng Mông trong pháp sơ tạo, Đạo khởi thỉ Trời Đất nên chữ được niệm đầu tất cả các Thánh Danh là Nam vô đọc trại là Nam mô. Nam Bính Đinh hỏa lửa Thái Cực ở lý nhứt nguyên biến cung Càn thành ba vạch, Vô là chỗ tách rời hình Khôn, lục đoạn với khoảng không đó là vòng Vô Cực nơi phát xuất sanh quang cho Vũ Trụ, dầu đời hay đạo cũng sống trong cái lý của tạo đoan. Khi tâm Thành tưởng niệm thì hai chữ Nam mô trước, (RỒNG TIÊN NGUYÊN LÝ DỊCH). Do vậy, cái bản tính của con người Việt nam với tinh thần sùng thượng, không quên cái nguyên lý chỗ cơ khởi thỉ để tưởng niệm cái thiêng liêng nhứt là ba ngày của đầu năm trong dịp Tết Nguyên Đán. Tổ tiên ta còn giữ tập tục đều dán trước cổng nhà 4 chữ thật to gọi là "Tam Dương Khai Thới" chứng tỏ nòi giống ta còn nhớ tới nguyên lý tạo đoan về ba hào dương cung Càn. Với sự hiếu kỉnh đó nên Đức Chí Tôn đem ánh linh quang khai cơ tận độ, để giáo Đạo Nam phương trong buổi Tam Kỳ trên dải đất rồng tiên được may duyên gội nhuần ân huệ của Thượng Đế.

Nước Việt từ Đức Quốc Tổ truyền kế trên danh tự 18 đời Hùng Vương, cộng cũng 9, đó là con số khai cơ định vị của trời đất, lẽ tất nhiên đạo Trời là cơ khởi thỉ, đầu là Thượng Nguơn đệ nhứt chuyển, hễ có khởi thỉ thì phải có chung kết trong giai đoạn. Nay là Hạ Nguơn tam chuyển hầu mãn nguơn thứ 9 thì Trời khai Đạo tại nước Việt Nam tức là pháp định vị cho một Chu Kỳ có cả không gian lẫn thời gian, vì nòi giống chúng ta còn mang nặng cái truyền thống của Tổ Tiên về nguyên lý đạo của Trời đất, nhân đó mà chúng ta mới có sự may duyên cho miền Nam nước Việt (Nam Bính Đinh Hỏa). Bởi Đức Hộ Pháp Giáo chủ đạo Cao Đài là người thừa lịnh. Căn cứ Pháp Chánh Truyền lời dạy của Đức Chí Tôn. Cung Đoài tức Cung Đạo ở giữa, hữu Cung Khôn, còn bên tay trái của Thầy là Cung Càn. Nên Đức Hộ Pháp lật Bát Quái Hậu Thiên trở lại thành Bát Quái Trung Thiên đưa Cung "Càn" về phía Tây Nam tức là "Đài tại Nam Phương Đạo thống truyền". Ba cung Càn, Khảm, Cấn đổi vị trí Khôn, Ly, Tốn.

Nền minh triết của nòi giống Rồng Tiên phát khởi do nguyên lý của đạo pháp. Về hai chữ Rồng Tiên, Tiên ở núi, Rồng ở bể, thể hiện lý âm dương của trời đất, về dân tộc tánh chưa mất nguồn gốc trên bốn ngàn năm lịch sử của Tổ Tiên lưu lại cho con cháu Âu Lạc. Âu là Âu Cơ mẹ của chúng ta là Tiên ở núi (Liên Sơn Thành Khí), còn Lạc là Lạc Long Quân tức cha của chúng ta là Rồng ở bể, vốn thủy sanh. Khí coi như phép ký tế của đạo pháp, giữa nhị khí tạo thành lý Thái Cực mới sanh một bọc trăm trứng, nhờ đó mà biến ra nguyên chủng Rồng Tiên, chẳng khác nào buổi khai thiên lập địa trăm ức nguyên nhân giáng trần trong cơ khởi thỉ.

Nguyên nhân vốn là siêu khí của Càn Khôn do đạo pháp biến sanh chủng tử, đó là nguơn chất ở Kim Bồn, chưa đến kiếp người nên chẳng có pháp thân, không phân nam nữ. Vì lẽ đó, cái nguyên lý Rồng Tiên của chúng ta 50 người theo Cha xuống biển là dương gián, thể hiện đạo Trời với chơn lý từ ngôi dương đến ngôi âm cơ sanh hóa, còn 50 người theo Mẹ lên núi là âm phù, coi như từ ngôi âm trở về ngôi dương của lý trưởng dưỡng, trong số đó chẳng có nói nam hay nữ đều ám chỉ lý âm dương giữa Cha và Mẹ mà thôi. Với con số Ngũ của trời đất ở Khung Hồng Phạm mới biến dịch cơ tạo đoan Càn Khôn và vạn vật.

*  *  *

5 - DỊCH LÀ ĐẠO PHÁP
                 
Đến đời Tây Châu, Đức Văn Vương ngồi tù nơi Vũ Lý bảy năm, nhầm con số Thất Diệu, định thần mở khiếu huệ quang để nghiên cứu cơ huyền nhiệm của vũ trụ. Khi về nước mới tìm lại những vạch ở Hà Đồ của Phục Hi, để lại gọi Tiên Thiên Bát Quái, và căn cứ Lạc Thư soạn ra Hậu Thiên Bát Quái, cũng lấy số tượng cho lý.

Đến Đức Khổng Phu Tử nhìn thấy cơ hành xử của Vũ Trụ nên phụ chú vào cho mỗi hào thêm sáng tỏ mới có sách gọi là Kinh Dịch, đây cũng bằng chứng cụ thể kể nòi giống Rồng Tiên mới là Thỉ Tổ của Dịch Lý, nên chuyện bánh chưng bánh dầy không ngoài ý nghĩa về minh triết của đạo pháp ở câu "Thiên viên Địa phương". Nếu có một nền triết lý trên tôn chỉ thiếu đạo pháp, thì nó chỉ để áp dụng cho bản thể nhị nguyên mà thôi, coi như ngày nào phục hồi được môi trường về tâm linh thì thế giới mới có hoà bình nhơn loại.

Với sự chiêm ngưỡng của tín đồ trong nền Đại Đạo, Toà Thánh Tây Ninh là nơi thờ Trời được thể hình pháp Địa Chi có mười hai cửa nội ô ra vào, còn ngôi thờ cũng biểu tượng ba đài Bát Quái là Phật, Hiệp Thiên là Pháp, Cửu Trùng là Tăng, để phát huy chơn tướng của Đạo. Cửu Trùng Đài là phần xác, Bát Quái Đài là linh hồn, Hiệp Thiên Đài là Chơn Thần, chẳng khác nào ở bản thân của con người chúng ta cũng có ba, một là Thân, hai là Tâm, ba là Tánh, y như ngôi Đền Thánh mà Đức Hộ Pháp đã tạo, Bát Quái Đài phần nguơn linh tức là Đạo, Hiệp Thiên Đài phần nguơn khí tức là Pháp, còn Cửu Trùng Đài phần nguơn Tinh tức là Thế. Mỗi đài đều có liên hệ ảnh hưởng cho nhau. Chẳng khác nào Thân Tâm và Tánh, Tánh là cái thể của Tâm, nhưng Tâm cũng là Tánh, Tánh để tiêu biểu mọi sắc thái về hành động, còn Tâm là cái trừu tượng xuất phát những tư tưởng cho Tánh, Tâm thay vì tòa Bát Quái, tánh ví như cửa HiệpThiên, Thân tượng thể ví Cửu Trùng, đó là phần xác của vạn linh được tiêu biểu đạo pháp của Càn Khôn tức là hình ảnh Chí Linh đó vậy.

Chính giữa Cửu Trùng Đài có Nghinh Phong Đài tức là Đài tiếp giá..., tầng dưới vuông tượng thể địa phương. Với qui luật công bình, bốn bên thể hình Thập Nhị Địa Chi bằng 12 ô chữ, nhưng thấy có 10, bởi bên trong Nghinh Phong Đài đông và tây đọc được hai chữ Lôi- Điển còn bên ngoài mười ô toàn là chữ triện hay cổ tự, chữ Lôi đỡ đầu đòn dông, Nghinh Phong Đài giáp với Bát Quái Đài hướng chánh đông, chớ kỳ thật bên ngoài Nghinh Phong Đài do hai nóc đền chập lại nên mất hết 2 ô chữ, còn phía trong Nghinh Phong Đài từ Hiệp Thiên Đài nhìn lại chữ Điểân đỡ đầu đòn dông phía chánh tây Nghinh Phong Đài. Như vậy chữ Lôi chánh đông tiêu biểu tiếng nổ là Đạo, còn chữ Điển chánh tây tượng lý tiếng vang về ánh chớp là Pháp. Bên trong nhìn cũng có mười ô chữ như bên ngoài, vì tô liền hướng Bắc hết một ô, hướng Nam một ô, chỉ thấy có mười ô coi như pháp Địa Chi phối hợp cùng Thiên Can tạo cơ hóa trưởng Càn Khôn.

Tầng trên Nghinh Phong Đài thì tròn tượng thể Thiên viên ở nguyên lý của sự bác ái với cái không chẳng có giới hạn, giáp vòng chỉ có mười ô chữ tiêu biểu cho Thập Thiên Can, nhưng ngay chánh tây bên ngoài đủ mười, nhưng bên trong tô kín chỉ còn có chín ô của Pháp định vị cho hai chữ Can Chi, Can Chi tượng lý âm dương ở Trời Đất. Chi là cành hệ thống ngang, Can là gậy hệ thống dọc, phần trên hình quả địa cầu nó tròn với bản viên dung ở lý đạo, còn vuông với định hướng bình phương về pháp.

Trên nóc địa cầu có hình Long Mã phụ Hà Đồ với tám cung Bát Quái, Càn trên Khôn dưới chính giữa là Thái Cực Đồ với hai điểm chấm hình bầu dục tạo sức hút đun đẩy mãi của lý Thái Cực tức châu kỳ Vô Cực, về đạo học là Thái Cực, với khoa học cái lý đồng nhất là"đi na mô" một đầu phát âm điện, một đầu phát dương điện, sở dụng là chỗ biến ra trung hòa điện. Đó là chân lý Đạo Trời mới tạo cho đời sự sống có ánh sáng mà Khoa Học thể hiện với điều kiện của Đạo Học ở cơ hóa dục quần linh. Còn Hà Đồâ tượng thể cho không gian và thời gian với triết lý tạo đoan cái không lẫn trong cái thời, cái thời chẳng rời cái không. Không gian là pháp an nhiên thời gian là cơ chuyển hóa, chuyển hóa ấy là Đạo, an nhiên ấy là Đức. Đạo có nghĩa là thời, thời có nghĩa là dịch, dịch có nghĩa là lý âm dương của trời đất. Hình Long mã đứng giữa quả địa cầu coi như chỗ Vạn Pháp qui nhứt giữa Tiên Thiên và Hậu Thiên hòa hợp nguơn khí của đạo pháp biến xuất can chi để vận hành cơ hóa trưởng của Vũ Trụ. Do đó, có tám rồng vàng đỡ quả địa cầu cất đầu bao quanh chia thành tám hướng tượng thể Bát Quái Tiên Thiên, thân kèo châu lại như tám đuôi rồng tại nóc trái đất ở bên trong, tất nhiên nằm ngay rúng Long mã. Long mã tiêu biểu Tiên Thiên Khí. Địa cầu tiêu biểu cho Hậu Thiên Khí, kể như pháp ký tế của trời đất buổi Hạ Nguơn của cơ tuần huờn Vũ Trụ.

*  *  *

6 - CƠ HOẰNG PHÁP

Trời mở đạo kỳ ba với cơ qui nhứt, căn cứ trên nguyên lý Lạc Thư Hà Đồ của nền Tôn giáo Cao Đài đã biểu tượng huyền pháp Hư Vô của trời đất, tất nhiên là cơ qui nhứt của nền Đại Đạo với khối đức tin lớn vốn con đường cả Trời mở kỳ ba. Tam giáo qui nguyên Ngũ Chi phục nhứt tức là ba cổ xe đồng hành, cổ Hạ Thừa dành cho Thần Đạo Nhơn Đạo mới đủ phương độ rỗi đưa chúng sanh về nơi bổn thiện. Đạo có nghĩa là con đường để cho các Chơn Linh bị đọa trần nhờ nương nơi đó mà lần về cựu vị. Chúng ta tin nơi Đức Thượng Đế giáng thế kỳ ba theo Thánh Ngôn đã dạy. Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự nên nơi đó có đủ ba ngôi : Thông Thiên Đài là Phật, Phi Tưởng Đài là Pháp, Tịnh Tâm Đài là Tăng, nên khi Thầy đến dụng huyền năng cơ bút mở đạo kỳ ba cho chúng sanh Thầy mới xưng danh Ngọc Hoàng Thượng Đế lần đầu tiên tại tư gia đức Cao Thượng Phẩm, dạy thiết Lễ Hội Yến Diêu Trì. Đức Chí Tôn có đến dự nhưng Phật Mẫu không hề thấy, chứng tỏ cái Hội Yến Diêu Trì năm Ất Sửu là phát khởi bào thai của nền Đại Đạo có đủ chủ âm quang và dương quang, nếu nói đó là bào thai thì phải hợp đủ tinh khí thần. Nên Đức Chí Tôn dạy lập đàn Vọng Thiên cầu Đạo trong đó Thầy kêu có 3 vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh với cái danh thì đủ chủ ba chi Đạo-Pháp-Thế. Thế thểcho Tinh, Pháp thể cho Khí, Đạo thể cho Thần, quì trước đàn Vọng Thiên. Với ý nghĩa chi Đạo tiêu biểu cho nguơn Thần, chi Pháp tiêu biểu cho nguơn Khí là ngôi chủ quyền pháp giới Ngũ Lôi nơi cõi Hư Linh, còn Chi Thế tiêu biểu cho nguơn Tinh. Chừng khai sanh Đạo mới tạo nên hình thể của Thầy là ngày lập cơ phong Thánh, cũng là lập Pháp.

Hôm nay được Hội Thánh thay mặt cho nhơn sanh dạy công thợ tạc tượng Đức Hộ Pháp đặt lên Ngai nhằm ngày 13 qua 14 tháng 12 năm Quí Mão. Buổi sáng làm lễ an vị xong, tối lại 3 Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện đồng vào Cung Đạo làm lễ cầu nguyện Đức Chí Tôn cùng các Đấng đặng dán Thiên Nhãn cũ lên quả Càn Khôn mới lợp lại lần này bằng kim loại (nhôm), làm lễ an vị cúng Tý Thời Tiểu Đàn Vọng Nhựt và cầu ơn trên Đại Từ Phụ trấn thần Bửu Tượng Hộ Pháp, kế sau Bửu Tượng Đức Thượng Sanh được Hội Thánh làm lễ an vị ngày 1-7 Đinh Tỵ, còn Bửu Tượng của Đức Thượng Phẩm tạc lúc Tòa Thánh đã hoàn thành cuối năm Bính Tuất, Đức Hộ Pháp còn sanh tiền cầm quyền chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài.

Hiện. tam Vị tiền bối Hiệp Thiên Đài đã ngự trên Ngai để chúng sanh chiêm ngưỡng ân đức của ba Ngài đã dày công trong cơ lập đạo mà còn với sứ mạng để cứu đời. Riêng về Bửu Tượng Đức Hộ Pháp mình mặc giáp đầu đội mão chỉa Tam Sơn, ngự trên Thất Đầu Xà, buộc dây Sắc Lịnh, bên trong thả mối nơi hông mé Đức Thượng Phẩm, thấy đó đã chứng tỏ Pháp trị Đạo, nhưng thuộc bên hữu của bản thân kể như nắm phần trị Thế nữa, tay hửu cằm cây Kim Tiên, Đức Ngài có đủ quyền điều khiển lôi điển Càn Khôn Vũ Trụ, thay vì Giáng Ma Xử đã trấn giữ Cực Lạc Thế giới.

Khi cúng đàn, lúc đứng dựa Ngai là Đức Ngài chuyển pháp, lúc ngồi là trụ pháp, nơi để chân và gác tay chính Đức Ngài đã ngự trị bốn cái nộc độc ở trong con người. Đó là ai, nộ, ố,dục. Nếu người tu biết trưởng dưỡng ba cái thể hiện bên sau Đức Ngài là Hỉ, Ái, Lạc thì cơ giải thoát chúng ta được khai thông thất khiếu sanh quang bằng bửu pháp Kim Tiên.Vì bửu pháp Kim Tiên ở Đức Ngài có đủ quyền tác phước cho người trước kia hung dữ mà nay biết khử ám hồi minh nên hóa giải tội tình với cơ tận độ kỳ ba. Bửu tượng Đức Cao Thượng Phẩm ngự giữa thân mình thể hiện lý đạo phải bảo trọng bản tâm, tay hữu cầm bửu Pháp Long Tu Phiến do điển khí Tam Thập Lục Thiên kết thành nên tượng hình bằng 36 lông cò trắng. Phần đầu Long Tu Phiến là ngọn Phất trần để quét sạch bợn trần rồi mới dùng Long tu Phiến quạt đưa Chơn Thần về cõi Hư Linh, tay tả nắm xâu chuổi Từ Bi để phát huy tinh thần độ rỗi chúng sanh và dâng Đạo cho Đức Hộ Pháp.

Bửu tượng Đức Thượng Sanh ngự ở phần đuôi lưng buộc dây Thần Thông ở bên trong, ngoài có dây Sắc Lịnh, bên sau giắt Thư Hùng Kiếm, tuy một mà thể hiện cho hai : một lưỡi trống một lưỡi mái tức là pháp âm dương của Chi Thế đương nhiên có đủ quyền về Thế Đạo trị ở phần đuôi "Thể tạo thế và chuyển thế." Tay hữu cầm cây Phất Chủ dâng thế vào cho Hộ Pháp, tay tả nắm xâu Chuỗi Từ Bi dâng Đạo cho nhân sanh.

Giữa Đạo và Thế, Long Tu Phiến, Phất Chủ, Thư Hùng Kiếm là ba bửu pháp giúp tay chuyển thế Cửu Trùng Đài trong cơ truyền giáo. Dưới quyền ba Chi của 3 Ngài có Thập Nhị Thời Quân và Thập Nhị Bảo Quân tức là lấy số tượng cho lý kể như 24 vị Trưởng Lão lo phụng sự cho Đức Chúa Trời nơi Tòa Thánh, thể hình Bạch Ngọc Kinh tại thế. Bửu pháp nơi mão mỗi Chi đều khác, Chi Pháp Bình Bát Vu, Chi Đạo quạt Long Tu có Phất Trần, Chi Thế Phất Chủ và Thư Hùng kiếm, lúc thi hành sứ mạng Chi Pháp buộc dây Sắc Lịnh thả mối ngay giữa, Chi Đạo thả mối bên hữu, Chi Thế thả mối bên tả. Phần tiểu cấp bên Hiệp Thiên Đài, phẩm Luật Sự do Sắc Lịnh số 24 của Đức Hộ Pháp đề ngày 23-5 Bính Tý (DL. 16-6-1936) dạy mở khoa mục thi Luật sự, còn phẩm Sĩ Tải. Truyền Trạng, Thừa Sử, Giám Đạo, Cải Trạng, Chưởng Ấn, Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, do Thánh Giáo của Đức Chưởng Đạo dạy lập 18-2 Ất Hợi (22-3-1935). Những vị trên đây nơi mão đề phẩm trật và cân "Công bình" với Thiên Nhãn. Đây là mão hệ dọc, còn mão thuộc hệ ngang bên sau có ba Cỗ Pháp Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu.

Từ Thời Quân dĩ chí phẩm Luật sự áo mão toàn màu trắng, chỉ có Thời Quân ba chi đều có mão tròn mỗi chi mỗi bửu pháp dùng để ngồi tòa y như mão của Chánh Bảo Thể vậy. Nếu hành lễ cúng Đại Đàn, quí Ngài đội Nhựt Nguyệt Mạo, còn cúng thường thì đội Hỗn Nguơn Mạo. Còn Chức Sắc tiểu cấp giúp việc cho Hiệp Thiên Đài, những vị được mang dây Sắc Lịnh của Pháp Chánh ban cho để thừa hành sứ mạng, thả mối ngay giữa với nhiệm vụ Pháp Chánh Địa Phương hay Trung ương đặng giải quyết mọi việc đạo, chỉ dùng trong phiên họp mà thôi.

Chức Sắc Hiệp Thiên Đài không phân nam tả nữ hữu như bên Cửu Trùng Đài, nhưng có hai Chi : Đạo và Thế thể hiện cho âm dương còn lý trung hòa là Chi Pháp. Cửa Hiệp Thiên biểu tượng nguyên lý là Nguơn Thần trong cơ khởi thỉ chỉ gọi bằng nguyên nhân chưa phân nam nữ. Chừng chuyển hóa trong bát phẩm chơn hồn được về cùng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, do công phu tu luyện nhờ đó mà phục vị đắc đệ nhị pháp thân, thì Chơn Thần đó mới có nam nữ như người ở thế vậy.

Tam vị tiền bối Hiệp Thiên Đài đã triều thiên được Hội Thánh tạc tượng đồng ngự trên ngai Thất Đầu Xà bao quanh ba cái đôn với tòa sen màu đỏ. Chiếc đôn ba Ngài hình bát giác có tám chân thể hiện cho pháp giới tạo đoan liên quan pháp giới chúng sanh ba con số bát tức 24 vốn của ba ngôi Phật-Pháp-Tăng, chủ Chi Pháp Đức Ngài thứ 8, chủ chi Đạo Đức Ngài thứ tư, Chủ Chi Thế Đức Ngài cũng thứ tư, sự biểu tượng Đạo là Tứ dương, Thế là Tứ âm về thứ tự ba Chi cũng là pháp giới y như tuổi Tý Sửu Dần của ba Ngài vậy.

Lúc tạc tượng của ba Ngài, thợ nhìn bửu ảnh mà đắp Đức Thượng Phẩm Chi Đạo đứng bộ Lưỡng Nghi trên tòa sen dưới chân không nệm, mang giày trắng đế vàng, mũi giày có chữ Đạo, bên trong áo tràng trắng ngoài mặc áo lá xanh để tóc phủ vai, để râu, đầu không đội mão bởi đạo với vẻ tự nhiên.

Bửu tượng Đức Hộ Pháp thể hiện uy quyền, mình mặc giáp, đầu đội mão chỉa Tam Sơn, chơn mang hia chót mũi hia có chữ Pháp, đứng bộ chữ nhơn trên cái nệm đỏ, chứng tỏ Đức Ngài ấn nguơn khí sanh quang để ngự trị phần Tăng, thuộc pháp giới chúng sanh trong bát phẩm chơn hồn. Chữ Khí màu vàng ở trong cái phong nền đỏ tức là Phật ở trong Tăng cũng như Đạo ở trong Pháp.

Bửu tượng Đức Thượng Sanh, trong mặc áo tràng trắng ngoài áo lá xanh, chơn mang giày trắng mũi giày có chữ Thế. Đầu bịt Thanh Cân, Chơn đứng bộ chữ bát trên chiếc nệm xanh để vận chuyển pháp giới chúng sanh biết tùng cơ dục tấn, vì vạn vật hữu sanh, hữu chủ, hữu định mệnh do Đấng Tạo Hóa. Thượng Sanh chủ Chi Thế tức chủ phần Tăng, nên mỗi vật hình điều riêng bản năng sinh tồn tự hữu do Trời phú tánh với câu "Thiên sử ư Tánh" vì đó mà tất cả chúng sanh mỗi mỗi điều có linh tánh, riêng con người là phẩm tối linh nhờ trí thông minh khôn hơn vạn vật, vạn vật có Sanh hồn, Giác hồn. Nếu phần Sanh lấn phần Giác thì linh tánh trở nên ác tánh. Về con người chúng ta Thượng Đế ban cho có đủ ba hồn Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn. Nếu Chơn Thần kẻ thế quá hôn trầm thì lương tâm sanh ác tâm, tức là mê hồn trở thành con người lộn lương tâm chỉ biết tùng nhơn dục của xác thú.

*  *  *

7 - SÁM TRUYỀN MINH TẢ

Tòa Thánh Tây Ninh đạo Cao Đài đã thể hình Bạch Ngọc Kinh tại thế để thờ Đức Thượng Đế tức là Chúa Trời mà Sám truyền Ky Tô Giáo đã minh tả bên trong có 24 vị Trưởng Lão (đó là Thập Nhị Thời Quân và Thập Nhị Bảo Quân),vòng thành có 12 cửa. Nhưng ngôi đền thể hình con linh vật dưới nách có nhiều tròng đó là số Thiên Nhãn giáp vòng ngôi đền với hình Long Mã, mà Cao Đài đã tượng thể tòa Bạch Ngọc Kinh với chơn pháp khi vô chầu lễ từ phẩm Nhơn Thần đổ xuống vào hai bên lỗ tai nam tả nữ hữu với bổn phận để nghe và nhắc nhở cho nhau chưa đủ quyền lập đàn thuyết đạo. Còn từ phẩm Thiên Thần đổ lên vào ngay cửa giữa tức là miệng dầu nam hay nữ với điều kiện có sứ mạng thuyết đàn giáo hóa, mỗi vị Thiên Thần là một cái loa của Hội Thánh để truyền đạt lời của Chúa Trời. Theo triết lý Phật, phẩm đi vào lỗ tai chia ra có 3 hạng Tín đồ hàng Thinh văn, chức việc phụ hàng Duyên Giác, Bàn Trị Sự hàng La Hán, còn vào cửa miệng thể hiện sự giáo hóa Lễ sanh hàng Bồ Tát sơ Tâm, Giáo hữu hàng Bồ Tát Thâm hạnh, còn Giáo sư đến Đầu sư là hàng đại Bồ Tát với sứ mạng đội mão Bát Quái, nhưng khi Hoán Đàn số ít Chánh Trị Sự với Giáo Nhi được lịnh đi nối tiếp phẩm Thiên Thần ở pháp dục tấn.

Ngôi Tòa Thánh vòng quanh nách đền có 23 Khuôn Thiên- Nhãn đắp 2 mặt nằm trong khung hình tam giác tức là 46, trước Hiệp Thiên Đài một, trên Cung Đạo một, nơi quả Càn Khôn một, với Thánh Tượng Thờ bên trong Thông Thiên Đài một, tức 50 Thiên Nhãn tượng lý số ngũ của Khung Hồng Phạm Ngũ Hành bao quanh cửu trù mà ngôi đền đạo Trời đã thể hiện Tòa Thánh hình Long Mã.

Ngôi đền có tứ tướng tượng ngũ hình là Long Mã, ngũ hình sinh tứ tướng là Long, Lân, Qui, Phụng đã thể hiện, chúng ta nhìn hai lầu chuông trống là cặp gạt rồng, chỗ Đức Di Lạc ngự là ngù lân, đá cẩn nền giáp vòng thể hình là Qui, tầng ô ngói mái đền phơi bày như chim sè cánh là Phụng. Cái dụng của ngôi Đền là hình Long Mã nằm, cửa Tịnh Tâm Đài là cái miệng, 2 cột rồng 4 cột hoa sen đứng chõi bao lơn là hàm răng, cái lưỡi dựng lên bên trong là phong chữ Khí, bên ngoài Tam Thánh ký hòa ước, ba Cổ Pháp trước bảng Đại Đạo là sóng mũi, Thiên Nhãn Kế trên là tam tinh, 2 chữ Nhân Nghĩa là đôi mắt, 2 cái vòm ở lầu chuông trống cửa để vào đền là lỗ tai, với 4 cửa có Kim Mao Hẫu là chơn, hình Long Mã nhỏ ở nóc địa cầu là phụ Hà Đồ, chỗ đại bửu tòa của Tam Thế Phật trên Bát Quái là cái đuôi.

Trở lại mặt tiền ngôi đền nơi bao lơn Tòa Thánh tiêu biểu những tấm gương bất hủ có đủ hạng người từ vua chí thứ dân, bên hữu cánh đền nhìn qua Hạ Võ là nhân, Ngu Thuấn là hiếu, Toại Hữu là công, Phạm Lãi là trung, Lữ Vọng là thời, Bá Nha là nghĩa, Hứa Do là trí, Mãi Thần là chí. Những sự tích có đủ hạng người Sĩ Nông Công Thương, Canh Tiều Ngư Mục đây là Tứ Thú. Phần đầu là Tứ Dân, đạo trời biểu tượng tinh thần hòa hợp cuộc sống của nhơn loại, đặc biệt có hai tích nếu tả nhìn qua hữu Mãi Thần nhứt sĩ, bằng bên hữu xem qua tả Hạ Võ nhứt nông, còn Toại Hữu là công, Phạm Lãi là thương, với Tứ Thú về lao công không phải ở tài nghệ tiêu khiển Cầm Kỳ Thi Họa, Canh là Ngu Thuấn, Tiều là Tử Kỳ, Ngư là Lữ Vọng, Mục là Sào Phủ.

Sự lành dữ ở con người do lỗ miệng nên cửa đền bên tả thể hình ông Thiện, bên hữu thể hình ông Ác, ông Thiện thể hiện dưới chơn một tòa sen, còn ông Ác xuất phát dưới chơn một khối lửa, giữa ác và thiện đạo trời thể hiện cái lý âm dương, nếu kẻ ác biết giác ngộ sẽ thành, bằng có sở hành lấn áp người thiện, thì người thiện với điều kiện tự vệ tay tả cầm đao bửu pháp để sát sanh tâm đặng bảo tồn bổn thiện.

Kìa sự thể hiện 2 món báu của ông Ác, tay hữu cầm Thiết Song Phủ vốn cái rìu của thời Cổ với người tu phải nhờ ông ác dùng những nhát rìu chạm trổ mới ra thiệt tướng, tay tả cầm Lưu Tinh Chì, hai loại binh khí võ quan, ông Ác giác ngộ cũng thành thì con người biết hối lỗi lo tu hành đến phút chung qui được nhập cửa lầu Bát Quái. Phần trên Tam Bửu kết tụ, thì ba cái hành tàng của kiếp sanh rơi xuống trụ dưới chân thành khối lửa nó là Hỏa Tinh Tam muội, lửa phàm của bản thân ba cái Tham, Sân, Si, còn Tam muội Chơn Hỏa là lửa phật của Tinh Khí Thần.

Giữa ác và thiện ta khó biện biệt được bởi sắc phục y nhau, nhưng chúng ta hãy nhìn vào ông Ác khác ông Thiện ở chỗ tâm đức. Bởi ông Ác xuất phát làn từ khí hai mối ở trong khối lửa uốn quanh khỏi thân hình với màu đỏ của lửa, còn ông Thiện làn Từ Khí phát hiện cũng vậy với màu tam thanh hai chân đạp trên hai đầu mối của làn Từ Khí. Bên trên ông Ác và ông Thiện, Cao Đài đã thể hiện hai chữ Nhân Nghĩa theo triết lý đạo Trời. Nhân bất tương tranh, nghĩa bất vụ lợi. Nhân gốc lợi sanh ở trời, nghĩa gốc phúc lợi ở đất, thì tất cả người tín đồ phải đem tài lợi sanh hầu làm việc phúc lợi để giúp ích chúng sanh, bởi Nhân tức thị Tâm, Tâm tức thị Thiên thì chúng ta có đủ quyền thực thi những điều ở mặt phúc lợi, và vận dụng cái tài chỗ lợi sanh mới là Nhân Nghĩa, chớ không phải giúp người để cầu danh và tạo uy tín để thừa dịp đấu tranh cho môi trường chánh trị. Đó chưa hẳn là tình thương ở Đức Chí Tôn.

Còn mặt tiền hai lầu chuông trống biểu tượng bó hoa ba màu. Tích U Vương chiêm bao ngó thấy từ trên trời bay xuống, bèn hỏi triều thần cho là điềm lành, sẽ có đạo Tam Thanh giáng thế. Nên trước mắt ta tượng hình hai chữ T, có nghĩa là Tam Thanh, mỗi bó hoa đều nằm trong lòng chữ T. Coi như một linh thể Tam Thanh rơi vào khổ hải đặng kết thành bè từ làm phương độ rỗi chúng sanh. Tam Kỳ là cơ qui nhứt nên Thánh Thể của Đức Chí Tôn cũng tiêu biểu màu Tam Thanh như bó hoa ở lầu chuông trống. Hoa thể hiện cho Tinh, dưới hoa là lớp sóng bể trần, giữa tia chớp ánh ngần của điển lực tức là Khí, trên đầu chữ T với một cổ quả 3 màu đó là nguyên lý của Thần về hột thánh cốc, nhờ nước Khổ hải mà hột Thánh Cốc mới nảy mầm đơm hoa, chừng hương từ ái lan ra mùi trần sẽ lắng dịu. Bởi vùng Đông Á từ vua chí dân nhân tâm bất nhứt, thế đạo suy di. Nên Thích Ca giáng sanh Khai Phật giáo gọi Thái Thanh, Lão Tử giáng sanh khai Tiên giáo, gọi Thượng Thanh, Khổng Tử giáng sanh khai Thánh giáo gọi Ngọc Thanh, cả ba để biểu tượng cho Tinh Khí Thần.

Còn Nhứt Kỳ, Nhiên Đăng là Thần, Hồng Quân là Khí, Văn Xương là Tinh, theo kinh Đức Nhiên Đăng là đấng chủ tể Càn Khôn cũng một vị Tôn Sư trong thời hỗn độn, chính là Đức Hồng Quân vốn Thầy của Thái Thượng, Nguơn Thỉ và Thông Thiên Giáo Chủ. Hai danh từ đó có nghĩa là Đức Chí Tôn, Đức Nhiên Đăng hà hơi hóa mống một cột chống trời nói đến mống có đủ ba màu Tam Thanh vàng xanh đỏ, còn cột là hệ thống dọc của ngôi nhứt dương trên đó có ngọn huệ đăng chiếu 36 cõi Trời tức là Khối lửa Thái Cực. Nên Tôn Giáo Cao Đài thờ đèn Thái Cực tức thị thờ Nhiên Đăng đó vậy.

Đức Chí Tôn đã nói Nhiên Đăng Cỗ Phật thị ngã, Thích Ca Mâu Ni thị ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị ngã kiêm viết Cao Đài. Trong mỗi thời kỳ lập đạo, Tam giáo biểu tượng Tinh Khí Thần đặng thay Thân cho Đức Chí Tôn làm phương độ rỗi, Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ từ Phật đến Tiên kế Thánh là một ngôi trường chia thành ba lớp mới phù hợp trình độ tấn hóa cho cả nhơn sanh dễ bề tu học từ thượng đẳng chí hạ đẳng.

Riêng cõi Á Đông Trời cũng ban cho chúng ta có ba ngôi vua thời cỗ thể hiện chủ quyền của lý sơ nguyên về mặt Thế Đạo. Phục Hi biểu tượng cho lửa tức là Thiên Hoàng, Thần Nông biểu tương cho đất tức là Địa Hoàng, Huỳnh Đế biểu tượng cho người tức là Nhơn Hoàng, Tam Hoàng thể hiện cho đầu mối phẩm tối linh về Tinh, Khí, Thần của con người với lý Tam Tài của cơ khởi thỉ để khai nguơn định hội và tạo thế, Phục Hi là mầm móng phát huy Cơ khởi thỉ đồ vật nhờ đạt pháp Ngũ Hành, Thần Nông tìm ra lẽ sống nếm thuốc và dạy dân trồng Ngũ Cốc, Huỳnh Đế bày ra áo mão mở mang nền nhân bản cho giềng mối Ngũ Luân, nên Lôi Âm Cổ Đài, Bạch Ngọc Chung Đài đã thể hiện bó hoa ba màu vàng xanh đỏ, một triệu ứng để chứng tỏ Thanh Đạo khai lần thứ 3 mà Đức Chí Tôn đã xác định ở Câu Thi (Thanh Đạo tam khai thất ức niên). Bởi Đức Chí Tôn chủ về Thanh Đạo buổi Tam Kỳ là cơ qui nhứt gồm đủ Tam Thanh tức thị Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh. Lấy Tinh Khí Thần làm hình thể Hội Thánh đặng đem cái nộ Khí Tam Thanh của Xiển giáo để trừ cái độc Khí Tam Bành của Triệt giáo, nên những cái gì của Đức Chí Tôn khi dựng lại nguơn bảo tồn sẽ đem về hiệp một với nền Đại Đạo chớ không phải Cao Đài đa Thần giáo.

Còn Đức Phật Mẫu chủ về Huỳnh Đạo, nên các nền Tôn Giáo cõi Á Đông thường gọi Phật Mẫu nhiều danh từ khác nhau, Hoàng Cực Lão Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Tây Vương Mẫu, còn nhân gian thờ kính cái danh là Mẹ Sanh hay Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ cũng là Phật Mẫu. Còn Bà Nữ Oa luyện thạch bổ Thiên. Trời là (Càn tam liên) chừng tách ra với khoảng không đó là vòng (khôn lục đoạn) dương đã sanh âm chỗ cơ biến dịch của đạo pháp. Nên ám chỉ sự luyện đá thành khí ngũ sắc vá trời cho liền, liền một vạch sanh một cung. Đoạn một vạch thành một quẽ đó là cơ biến dịch Càn Khôn, với chân lý đó nói lên cái quyền Thiên Hậu của Đức Phật Mẫu tức là Trời tuy danh từ khác nhau chớ chúng ta nhìn vào tựu trung cùng một nguyên lý mà thôi, nên bài Tạo Hóa Thiên, Kinh Phật Mẫu với ý nghĩa khi dứt niệm danh hai lần, vế trên nói lên sự chiêm ngưỡng Đức Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa Huyền Thiên, vế dưới xưng tụng cái quyền Thiên Hậu Chí Tôn Đại Bi Đại Ái của Phật Mẫu cũng là Trời, hiện trên quả địa cầu này vật là cái thể của chúng sinh, còn dụng là cái linh của tạo hóa.

Chỉ có con người là vật tối linh của Đức Chí Tôn mới đủ tam hồn mà thôi, sanh hồn đến trong bào thai lúc tượng nhơn hình, còn giác hồn đến một phần ở bên trong, một phần ở bên ngoài phù trì mẹ, chừng thai sinh lọt lòng sẽ nhập vào trọn vẹn, thảng thai sinh lọt lòng rồi mà không tiếng khóc xổ lòng, ta nắm hai chơn xách lên vỗ đít ba cái, hài nhi mới ré lên lúc đó giác hồn mới vào, còn linh hồn đúng 12 tuổi mới đến cũng tùy việc làm của hai hồn kia hoặc ở hoặc đi, nếu con người đủ căn duyên lúc chung qui tam hồn tuần tự xuất phát đi một lượt, bằng nặng nghiệp quả phải trả ở sự hành xác cái linh cái giác đã đi rồi, chỉ còn sanh hồn ở lại với xác thể là phần Tăng nên sự ăn nói mất chuẩn thằng có vẻ kỳ dị. Kể như tâm trí chẳng còn. Nên Thánh Giăng còn trong bụng mẹ mà biết mừng Chúa Cứu Thế bằng sự nhảy nhót mạnh. Lúc hai Bà đang mang thai đến thăm nhau có sự chào đón của thai nhi là nhờ giác hồn, như vậy nên những vong vô danh và bào thai bị súc sảo mới đôi tháng mà biết đến sự ân oán đối với gia đình. Đức Chí Tôn có nói một giọt máu là một điểm chơn linh, nên phần tinh của bản thân là một khối sanh vật. Giữa cha và mẹ hòa chung giọt máu mới tạo ra bào thai dầu chưa tượng nhơn hình, chỉ còn bằng khí chất tất nhiên phải có tiểu hồn vật loại trong đó.

Hồn là phần vô vi để phát huy về Xiển giáo, còn bản thân là vật hữu thể kể như của Triệt giáo, nó vốn xác thú của ta sinh ra để rồi tử, tử để rồi sinh. Đó là lẽ dinh hư tiêu trưởng của trời đất (sinh sinh bất tức) nên trước mặt chúng ta có ba hiện tượng để cấu tạo cơ thể cho muôn loài, về siêu thể là khí biến ra vi thể là chất, vi thể biến ra vật thể là hình, từ Sinh đến Tử do dịch lý âm dương chuyển hóa, nếu chúng ta định thần khám phá đến chỗ u linh sẽ nhìn thấu cái nguyên lý của vạn vật.

Chớ kỳ thật ta chưa hiểu kiếp ta đâu, cũng như sâu chưa biết mình là con của bướm, cũng như bướm chưa hiểu mình là kiếp của sâu. Do sự chuyển hóa từ đầu suốt cuối, chẳng khác chi loại chuồn chuồn đẻ rơi mặt nước. Chừng nở được là giống ăn mài, mức chung kết của nó trèo lên ngọn cỏ lột lớp vỏ để có cánh mà bay chưa hay kiếp của nó là con ăn mài với định luật tất cả loài vật phải chuyển hóa, để tấn hóa căn bản của nó là Tinh, Khí, Thần. Thảng như trời đất không thần thì mất cơ an định, còn người vật không thần sẽ bị hoại, bằng tôn giáo đảng phái không thần khó tồn tại với thời gian ví như một đóa hoa phải có ba thời kỳ. Nở phô sắc đó là Tinh, nép cánh gìn hương đó là Khí, đưa nhụy kết trái đó là Thần, cùng một nguyên nhân phát xuất do định luật của trời đất.

Nên đôi lầu chuông trống thể hiện ba món báu với triết lý tôn giáo Cao Đài, dưới thì giỏ Hoa Lam của Phật Quan Âm cấp cho đệ tử buổi Tam Kỳ là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, còn bầu linh gậy sắt của Lý Thiết Quả buổi Tam Kỳ lại là anh cả Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt. Giỏ Hoa Lam tiêu biểu phần Tinh về linh thể Vũ Trụ của cơ chuyển hóa, bầu linh thuộc hỏa, gậy sắt thuộc thủy đó là tam bửu, hoa là Tinh, thủy là Khí, hỏa là Thần. Đạo Trời thể hiện Tinh Khí Thần cho ngôi tiếng nổ và ngôi tiếng vang.

Còn đôi cửa bên hông khoảng giữa Cửu Trùng Đài bên Tả ngôi đền tượng thể hai con Kim Mao Hẫu cái ở bên nam phái, còn cửa phía bên nữ thì hai con Kim Mao Hẫu đực với lý đạo trong âm có dương, nhưng bốn cửa có tám con Kim Mao Hẫu đều ở lý âm dương, riêng biệt của mỗi cửa, hễ trụ búp sen phía tả thì Mao Hẫu gác chơn hữu ở trên đó, còn ở bên hữu thì gác chân tả cả tám con đều như vậy, chỉ có một trụ búp sen bên hông Bát Quái mé phái nữ trụ bên tả thấp hơn trụ bên hữu tám phân cũng là nguyên nhân của đạo pháp, còn 2 cửa bên hông Bát Quái đều bốn con đực hết, cửa chẳng có ngõ vào bên trong coi như cửa của Thiên Thần xuống thế, có 9 cấp, mỗi cấp 2 tấc rưỡi cũng là 7. Bảy lần 9 là 63 cũng 9 ở pháp định vị.

Lúc Đức Hộ Pháp còn tại tiền đã dạy thể hiện bí pháp này trong mỗi kỳ đàn, Đức Ngài cho một phần Lễ sanh nam nữ được lên bên trong tầng hành lang lầu đặng chầu lễ, khi mãn đàn không được trở lại Hiệp Thiên Đài như hiện nay là do vị Quyền Ngọc Chánh Phối Sư ra lệnh bế môn chặn cơ truyền giáo nên Thiên Thần phải trở về Trời đó là việc xãy ra từ thời Ngô Triều đàn áp Đạo.

Chớ trước kia Đức Hộ Pháp chủ quyền Đạo nên Hội Thánh nhứt luật khi hành lễ xong bãi đàn phẩm Lễ Sanh, tuần tự lại đường thang khu ốc phía sau Bát Quái để xuống, nam bên tả nữ bên hữu, chừng ra đến sân xem như Thiên Thần xuống trần gian. Công giáo nhờ Thiên Thần gần 2.000 năm Đạo Thánh vững bền, nay Trời mở Tam Kỳ Lễ sanh với phẩm là Thiên Thần mà Đức Chí Tôn đã định vị ở lý âm dương có nam lẫn nữ để dìu dẫn chúng sanh lo lập công, phải đi trong con đường Cửu Phẩm Thần Tiên mới về được cùng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu dầu Thập Nhị Đẳng cấp thiêng liêng lúc chung qui cũng phải vượt Cửu Thiên Khai Hóa.

Còn Kim Mao Hẫu ở cõi thiên giữ cửa Bạch Ngọc Kinh đó là con linh vật chực rước những người hoàn tất ba món nợ sẽ chở vào triều kiến Đức Chí Tôn, nếu chúng ta trả chưa xong thì nó chẳng cho vào, nợ thứ nhứt ta là phẩm tối linh biết đem thân để phụng sự cho vạn linh sẽ trả được món nợ về điểm linh của Đức Thượng Đế, nợ thứ hai trong kiếp sanh ta dùng những vật hữu sanh của Đấng Háo Sanh. Nếu khéo tu hành luyện nó chuyển thành đệ nhị Pháp Thân mới trả được món nợ Chơn Thần cho Đức Phật Mẫu. Nợ thứ ba chúng ta có bản thân, phải có nhân duyên, đó là Thập nhị công nghệ mối liên hệ giữa cuộc sống tức là cái ơn của xã hội. Nếu trong ba mà không trọn coi như đắc tội cùng Vạn Linh với Chí Linh.

Buổi Tam Kỳ gọi đó là Thập nhị nhơn duyên mà kiếp người đã thọ ân với 12 nghề. Sĩ Nông Công Thương, Ngư Tiều Canh Mục, Nho Y Lý Bốc. còn triết lý bên phật dạy từ vô minh đến bệnh tử gọi Thập Nhị nhân duyên vốn cái nghiệp của bản thân.

Với giáo lý Cao Đài ai có bản thân phải có nhân duyên cùng Thập nhị công nghệ, đó là cái ơn của xã hội đã cung ứng vào cuộc sống cá nhân ta tức là "Vạn thù qui nhứt bổn" thì người tu phải nặng ơn xã hội trên đường hành giả trọn tâm đức cầu rỗi cho cả chúng sanh thoát ly khổ hải coi như "Nhứt bổn tán vạn thù".

Còn trên nóc Bát Quái Đài có tượng hình Tam Thế Phật tiêu biểu tam hồn của Đức Chí Tôn nên Phật có ba màu vàng, xanh, đỏ, với sự thể hiện chúng ta thấy rõ ở bên trên đền thờ Đức Chí Tôn. Linh hồn màu vàng, giác hồn màu xanh, sanh hồn màu đỏ, đã chứng tỏ ở con người cũng thế Thượng Đế cũng là chúng ta. Nhưng chúng ta cũng là Thượng Đế, với con người ở thế sanh hồn của bản thân, giác hồn của trí thức, linh hồn của tâm thần, Tam Hồn của Chí Tôn thường tại trong chúng sanh nên gọi cái danh là Tam Thế Chí Tôn. Ba vị phật CHRISTNA màu xanh chánh bắc, Phật CIVA màu đỏ chánh nam, Phật BRAHMA màu vàng chánh tây, xoay theo chiều chưởng giải, màu vàng của Thần Sáng tạo tức thần hòa bình, màu xanh của Thần hủy diệt tức thần hóa sinh, màu đỏ của thần phá hoại, ngược lại Thần bảo tồn, Nhứt Thế Chí Tôn là Phật, Nhị Thế Chí Tôn là Pháp, Tam Thế Chí Tôn là Tăng, theo chiều chưởng giải ngôi Tăng có Pháp, còn cơ thu liễm ngôi Pháp có Tăng, nên vạn vật tùng phép thu liễm ví như cây cỏ bỏ dòi quấn ngọn cũng theo chiều thuận với định luật. Phật BRAHMA cỡi con thiên nga day chánh tây đó là vị Thần Sáng Tạo mở đường đưa sanh chúng về cung Đoài tức Cung Đạo chỗ trụ nguơn thần, tay hữu bắt ấn khai nguơn, một ngón chỉ thiên biểu tượng lý Thái Cực, hai ngón cụng đầu với hình Châu Kỳ thể hiện Vô Cực tương hòa có nghĩa là "Thái Cực nhi Vô Cực", tay tả nắm bửu châu đưa trước ngực tức thị ấn pháp trấn linh thể Càn Khôn, cũng là trấn điểm linh ở bản tâm của nhơn loại đó là vị hiện thân của Đức Chí Tôn.

Phật CHRISTNA mình trần day chánh bắc, chơn đạp trên đầu rắn dữ tức thần hủy diệt dục tình không phải giết mệnh, ngược lại thần hóa sinh Tiên Phật, nên những tư tưởng quấy ở con người dấy lên sẽ bị ngự trị phần ai nộ ố dục của nhơn sanh để giữ còn cái nguơn linh ở Thượng Đế, phật CHRISTNA cũng đứng trên Thất Đầu Xà như Hộ Pháp để trừ 4 cái nộc độc trong bản thân nhơn loại. Nhìn vào thực tại đấng đó cũng là hiện thân của Hộ Pháp, nhưng thổi ống tiêu để thức tỉnh quần linh, day miệng ống đưa sinh khí vào cung Chấn chánh đông tức là cung pháp nơi tụ nguơn thần.

Ống tiêu có bảy lỗ tượng cho tổ khiếu thất tình, nếu con người khéo tu nó sinh thất bửu cũng thể hiện cho thất khiếu sanh quang, nhưng đắc pháp rồi thần khí phục hồi mở được cửu khiếu nhờ kết tụ tam diệu sẽ chiếu ngần ánh xá lợi. Nên Thích Lão định danh là Mâu Ni Bửu Châu hoặc Thử Mễ Huyền Châu hay Cửu Khúc Minh Châu. Phật CIVA da đỏ mình trần đứng day chánh nam, tay tả chống nạnh thể hình tam giác ở lý tam tài Thiên, Địa, Nhân, tay hữu chống gươm với phép định địa, chơn phải đạp trên đầu Giao Long để trừ cái dữ phô bày nơi mặt thế làm khổ chúng sanh, dầu mọi vật thể đúng chu kỳ với định luật bị đào thải trở lại vật chất. Lẽ tất nhiên phần đó phải có sanh hồn, như thế Thần Phá Hoại tức Thần Bảo Tồn là vậy. Thần CiVa có bộ nhủ hoa là hiện thân của Phật Mẫu, nhưng phật Mẫu chính Đức Nguơn Thỉ với hạnh huỳnh kỳ.

       Home                                                   [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 [ 4 ]  [ 5 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét