Dưới Bóng Cờ Cứu Khổ - 6 / 7 (Hồi ký Qui Tâm)


9 giờ 30 phút xe bít bùng đến khám Chí Hoà đưa 3 ông Hoà Bình đến toà. Ba ông Nhung, Nguyên, Ngời xuống xe với bộ Đạo phục Hiệp Thiên Đài vào toà án.Anh em đồng Đạo đứng lên chào hỏi trong vẻ mặt nghẹn ngào.Ba ông chào mừng tất cả với vẻ mặt bình thản vui tươi.

Hội Đồng thẩm phán có năm vị ngồi trên và ba ông Hoà Bình đứng trước vành móng ngựa.
Thiếu tá chánh án khởi đầu câu hỏi với ông Nhung trong bầu không khí căng thẳng: Ông hô hào sống chung, nhưng sống chung với ai ? Ông là người Tôn Giáo sống chung với cộng sản được không ?

Ông Nhung đáp: Đường lối Hoà Bình của Đạo Cao Đài có giải pháp hẳn hòi, chớ không nói suông. Hai miền Nam Bắc Việt Nam vì tiền đồ Tổ Quốc giống nòi xoá bỏ hận thù, thành kiến, ngồi lại thương thuyết với nhau, đi đến Hoà Bình rồi mới nói chuyện chung sống, khác hẳn với thuyết sống chung Hoà Bình. Sống chung trước rồi mới Hoà Bình sau là mâu thuẩn, không thể thành tựu được.

Chánh án : Chiến tranh này là chiến tranh tự vệ của chánh phủ và quốc dân trong khi cộng sản gây hấn phá hoại, ông đòi Hoà Bình thế nào chớ. Cộng Sản cứ buông khí giới đi tức nhiên chiến tranh sẽ ngưng.
Ông Nhung đáp: Chúng tôi không đòi Hoà Bình suông, mà chúng tôi có đưa ra một giải pháp để bình định miền Nam trước.
Ông Chánh án: Mặc dầu, nhưng ông đã lủng đoạn tinh thần chiến sĩ Quốc gia khi họ hăng say bảo vệ đất nước chốn cộng sản xâm lăng.
Ông Nhung đáp: Chúng tôi biết, lập chánh quyền dân sự với chánh quyền quân sự hai quyền này không được chi phối nhau, để chánh phủ được tôn trọng hoàn toàn và điều chỉnh quốc gia. Các Tướng lãnh các chiến sĩ có bổn phận ở tiền tuyến để làm tròn nhiệm vụ của mình

Chúng tôi chỉ yêu cầu được nói lên giải pháp của Đức Hộ Pháp để củng cố nhân tâm, mà khối tín đồ Cao Đài trên hai triệu người đã là hậu thuẩn cho chánh phủ.

Ông Chánh án: ông bảo miền Nam phải trung lập, trong khi miền Bắc có chánh thể vững chảy từ 20 năm nay, đồng thời nghiêng hẳn về phe vô sản, như thế miền Nam sẽ làm mồi cho cộng sản quốc tế thôn tính ?

Ông Nhung đáp : Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống chủ trương trong hiện tại. Chánh quyền đôi bên giữ nguyên vẹn nền tự trị của mình để sau đó thành lập Chánh phủ liên bang lâm thời thay mặt nước Việt Nam trước Liên Hiệp Quốc và điều hoà nền kinh tế tài chánh trong nước.

Vĩ tuyến 17 chỉ còn một ranh giới hành chánh, việc lưu thông toàn quốc được tự do, trong khi chánh quyền hai miền phải thi đua nhân nghĩa, khi dân tộc đã trưởng thành trong tự do dân chủ và khối dân tộc đã thống nhứt.

Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức để bầu cử Quốc Hội duy nhứt do Liên Hiệp Quốc giám sát, nước Việt Nam sẽ có thể chế thiệt thọ một chánh phủ duy nhứt trung lập và tự do. Như vậy chúng tôi chủ trương một nước Việt Nam trung lập khi nào chúng ta được thống nhứt và độc lập.

Ông Chánh án hỏi tiếp về cuộc họp báo không giấy phép:
- Ông Nhung đáp : Chúng tôi có đến Dinh Gia Long yết kiến Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu trước sự hiện diện của Trung tá bên Tổng nha cảnh sát. Chúng tôi có trình bày đường lối của Đức Hộ Pháp. được sự chấp thuận trên nguyên tắc của Quốc Trưởng cũng là người đồng Đạo với chúng tôi. Sau đó tôi có phái ông Sĩ Tải Ngời hiện diện trong phiên toà này đến gặp ông Trần Văn Tuyên (Phó Thủ Tướng) tại tư dinh để giải thích đường lối Hoà Bình Chung Sống. Ông Tuyên ngỏ lời mời tôi bàn kế hoạch họp báo. Gặp tôi, ông bảo để phần ông lo về phía chánh quyền và mời ký giả ngoại quốc, phần tôi mời báo chí trong nước.Tất cả phiên họp đừng quá 20 người và cứ việc họp báo vào ngày giờ nào cũng được.Tin cậy thiện ý của ông, chúng tôi tiến hành cuộc họp báo.

Không ngờ khi phải đối chấp trước toà dự thẩm ông vắng mặt hai lần và khai rằng ông tin tưởng đường lối của Đức Hộ Pháp là cao cả nhưng không nhận rằng có sự đồng ý với chúng tôi trong cuộc họp báo.

Thiếu Uý uỷ viên chánh phủ nói : Tôi nhìn nhận lòng ái quốc cao cả của Đức Hộ Pháp khi Đức Ngài đưa ra chủ trương hoà giải Nam Bắc. Nhưng ông kêu gọi ngưng bắn toàn diện trong khi âm mưu đen tối của cộng sản làm cho quốc gia không thể tin được, thì lời kêu gọi đó ngược lại giúp cho cộng sản vừa đánh phá miền Nam vừa tuyên truyền sách động quần chúng ?
- Ông Nhung đáp : Chúng tôi lấy chánh quyền miền Nam làm căn bản pháp lý thì trước khi tiến tới ngưng bắn toàn diện, miền Nam phải được bình định, chánh phủ phải vững mạnh, đủ nhân đạo đủ tinh thần cách mạng phục vụ dân và thu phục lòng dân.
- Ông Thiếu Uý uỷ viên chánh phủ nói : Trong lúc chánh phủ còn đương đầu với bọn du kích, phá hoại cộng sản còn bận rộn về các cuộc biểu tình chống đối bị can họp báo bất hợp pháp để nêu ra lý thuyết Chung Sống Hoà Bình Trung Lập gây hoang mang cho dư luận đại chúng đồng thời làm rối thêm cho chánh phủ.
- Ông Nhung đáp : Kính thưa ông Uỷ viên chánh phủ, chúng tôi kêu lên tiếng than về sự rời rạc trong nội bộ miền Nam, làm rạn nứt khối Quốc gia và suy yếu chánh phủ. Do đó chúng tôi kêu gọi tình thương chơn thật và thống nhứt toàn thể giúp chánh phủ giải quyết mọi bế tắc.Trong tuyên cáo của chúng tôi, chúng tôi không chấp nhận mọi cuộc biểu tình gây rối cho chánh phủ
- Ông Uỷ viên chánh phủ nói: Trong bức thư gởi ngoại quốc ông đề cao vai trò lãnh đạo kháng chiến Hồ Chí Minh với một chánh quyền vững mạnh đồng thời cộng sản Bắc Việt lủng đoạn cả giới công nông miền Nam, có đúng vậy không ?
- Ông Nhung đáp: Tôi muốn so sánh hai chánh thể Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh. Dầu cộng sản mỵ dân và bưng bít thế mấy đi nữa, họ nắm nhân tâm, nhờ vậy chánh quyền họ mạnh. Hơn nữa, với công kháng chiến chống Pháp giành độc lập, ông Hồ Chí Minh hẳn có uy thế đối cùng với công nông miền Nam. Trong lúc chánh phủ Ngô Đình Diệm có những hành động thất nhơn tâm, gây chia rẽ Đảng phái, Tôn Giáo, đàn áp đối lập, bóc lột dân chúng trắng trợn là nhận xét xác đáng không phiến diện.
Đó là một nhận xét khách quan để tìm lối thoát cho chánh phủ miền Nam, khi kiểm điểm được ưu và nhược thế, tôi không có ý đề cao ông Hồ Chí Minh.
- Ông Uỷ viên chánh phủ đáp: Ông kêu gọi thương yêu và thống nhứt để giải quyết vấn đề Việt Nam. Liệu cộng sản ông lấy tình thương lay chuyển họ được không ?
- Ông Nhung đáp: Không phải những người theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều là cộng sản. Cũng không phải toàn dân Bắc Việt là cộng sản, chúng tôi kêu gọi sự thống nhứt toàn thể trong tình thương thật sự để cứu quốc và kiến quốc.
Những mưu đồ khác ngoài ý muốn và chủ trương của Đức Hộ Pháp lưu lại sẽ không tồn tại
Cuộc thẩm vấn ông Nhung đến đây kết thúc.
Ông Chánh án gọi lần lượt 2 ông Sĩ Tải Nguyễn Thanh Nguyên và Nguyễn Minh Ngời, đại để ông chánh án thẩm hỏi chức vụ của 2 ông và ý kiến về bản Tuyên cáo của ông Nhung.
 Cả hai trả lời: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nhung về bản Tuyên cáo.
- Ông Chánh án hỏi: Các ông hoạt động chánh trị từ hồi nào ?
- Đáp: Thưa ông Chánh án, chúng tôi hoạt động từ năm 1956 là năm Đức Hộ Pháp xuất ngoại lên Nam Vang đề xướng Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống trong một Cương Lĩnh ngày 26-3-1956 gởi chung với nhiều thơ cho chánh phủ hai miền NAM BẮC và LIÊN HIỆP QUỐC, các cường quốc Tây Phương. Chúng tôi nghĩ rằng việc làm của Đức Hộ Pháp công khai minh bạch từ trong và ngoài nước nên không ngần ngại phổ biến đường lối cứu thế ấy.
- Ông Chánh án hỏi: Công việc phổ biến ấy đi đến đâu ? Có được sâu rộng không ?
- Đáp: Chúng tôi phổ biến Đường lối trong Đạo lẫn ngoài Đời, nhứt là trong Đạo chúng tôi. Chúng tôi hy vọng nó sẽ lan tràn sâu rộng cả Quốc dân thì càng hay.

Cụ Luật sư Trịnh Đình Thảo biện hộ cho 3 bị can nêu lên trên pháp lý hành động của ba ông gọi "phá rối trị an ".

"Một hành động phạm pháp là khi nào nó được thi hành. Đàng này các ông Sĩ Tải vừa mở cuộc họp báo thì bị cảnh sát đến ngăn, như vậy hành động chưa thành hình, thế nào làm tội người ta được. Tuy nhiên ba ông đã bị giam cầm 1 năm rồi. Bây giờ lại lên án nữa sao ?
Gần đây, người ta biểu tình hành hung cảnh sát, đả thương cả người Mỹ, gây thiệt hại vật chất, mà có ai bị lôi ra toà không ? Người ta hoan hô cả Hồ Chí Minh nữa kia !
Nói phá rối trị an thì các ông Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch đã bị nhà cầm quyền Pháp lên án rồi. Nhưng khi họ qua đời thì tên họ được đặt cho mấy con đường ở Sài Gòn. Biết đâu các ông này (chỉ 3 bị can) sẽ là ân nhân của Quốc dân ?
Về đường lối Hoà Bình Chung Sống, tôi xin đọc bức thơ Xuân của Đức Hộ Pháp gởi cho Quốc dân năm 1955.
Cụ Luật sư nhắc lại lời Gallile khi biết mình chịu oan ức trước Toà Công Giáo ngửa mặt lên trời than: nhưng trái đất vẫn quay kia mà ! ” và kết luận xin toà tha bổng các thân chủ của ông

Sau khi năm ông chánh án và phụ thẩm vào phòng kín nghị án 15 phút, trở ra đứng lên bàn móng ngựa giữa toà có lính quân cảnh cầm súng giàn chào.

Toà tuyên án.
- Sĩ Tải Phạm Duy Nhung 8 tháng tù  treo.
- Sĩ Tải Nguyễn Thanh Nguyên 6 tháng tù treo.
- Sĩ Tải Nguyễn Minh Ngời 6 tháng tù treo.

Phiên toà bế mạc đúng 12 giờ trưa.
Sau phiên toà anh chị em đến nhà Luật sư Trịnh Đình Thảo  để ủng hộ chi phí biện hộ. Cụ Trịnh Đình Thảo nói : Anh em vâng lịnh Đức Hộ Pháp làm Hoà Bình bị tù tội nhiều lần, còn tôi làm cố vấn pháp luật cũng do Đức Hộ Pháp giao phó, đó là bổn phận, anh em đừng ngần ngại, có việc gì cứ đến cho tôi hay.
*  *  *
THẦN MỘNG ỨNG THI
Hồi 2 giờ sáng ngày 14/02/Tân Mão (9-01-52)
Cho Luật Sự Phạm Duy Nhung.

Cảnh khuya tiếng nhạn khóc sương rơi
Thấu đến Huyền Khung vội dẫn lời
Đạo Đức chiến bào tâm định thế
Kinh luân tịnh thuỷ trí an đời
Vinh hư lý nhiệm quang khai rạng
Huyền ẩn pháp linh huệ chiếu ngời
Khuyến trẻ dập tàn cơn lửa khổ
Vãng lai Bồng Đảo có đâu nơi.

*  *  *

PHIÊN TOÀ QUÂN SỰ NHA TRANG
XỬ ÁN HOÀ BÌNH
(20-4-1966)
TOÀ ÁN QUÂN SỰ             
(Điều 47 Bộ Quân Luật)

Chúng tôi Thiếu tá Trần Văn Thục, Dự Thẩm Quân Sự Toà án Quân Sự Nha Trang.
Chiếu thủ tục thẩm cứu các bị can:
1 . Trần Quang Hiển, sinh năm 1901 tại Điện Sơn, Hoà Vang, Quảng Nam, con của Trần Đạm và Nguyễn Thị Nhự, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang số đính bài 18.347/CTP.
2 . Võ Trọng Hồng, sinh năm 1930 tại Phan Rang, Thanh Hải, Ninh Thuận con của Võ Trọng Thể và Nguyễn Thị Phương, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.348/CTP.
3 . Hứa Huyển, sinh năm 1906 tại An Phước, Hoà Vang, Quảng Nam con của Hứa Chi và Nguyễn Thị Da, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 349/TCP.
4 . Phạm Lực, sinh năm 1917 tại Phú Mỹ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, con của Phạm Sức và Trương Thị Hoà, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.350/CTP.
5 . Nguyễn Diên, sinh năm 1900 tại Văn Giang, Phú Vang, Thừa Thiên, con của Nguyễn Liên và Nguyễn Thị Giá, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.351/CTP.
6 . Đỗ Xuân Cư, sinh năm 1925 tại Đà Lạt, con của Đỗ Xuân Xên và Võ Thị Thâm, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.352/CTP.
7 . Lê Thành Dương, sinh năm 1917 tại Cát Hiệp, Phù Cát, Bình Định, con của Lê Huấn và Trần Thị Sửu, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.353/CTP.
8 . Nguyễn Hữu Phước, sinh năm 1918 tại Vọng Thạnh, Vĩnh Xương Khánh Hoà, con của Nguyễn Phao và Dương Thị Thứ, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.354/CTP.
9 . Nguyễn Thuận, sinh năm 1913 tại An Trạch, Hoà Vang, Quảng Nam con của Nguyễn Nhan(c) và Nguyễn Thị Nha (c), hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.355/CTP.
10 . Lê Hữu Đức, sinh năm 1932 tại Cát Hiệp, Phù Cát, Bình Định con của Lê Huấn và Trần Thị Sửu hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.356/CTP.
11 . Trần Phan, sinh năm 1915 tại Cát Hiệp, Phù Cát, Bình Định, con của Trần Hoan (c ) và Lê Thị Chút (c ), hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.357/CTP.
12 . Hứa Tỵ, sinh năm 1908 tại Bồ Bảng, Hoà Vang, Quảng Nam con của Hứa Chi và Nguyễn Thị Da, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.358/CTP.
13 . Lê Sỹ, sinh năm 1909 tại Tham Hội, Bình Sơn, Quảng Ngãi con của Lê Trang và Trịnh Thị Phương, hiện bị giam tại Quân lao Nha Trang, số đính bài 18.359/CTP.

Phiên toà này cũng do luật sư Trịnh Đình Thảo biện hộ Toà tuyên bố trắng án và trả tự do cho anh chị em hoà bình.
Sau hai lần biện hộ cho Hoà Bình ở toà án quân sự Bạch Đằng và toà án quân sự ở Nha Trang, một người bạn trí thức đến hỏi luật sư Trịnh Đình Thảo.
- Anh có biết mấy người Đạo Cao Đài Hoà Bình đó không
- Cụ Thảo đáp: Biết rõ chứ, tôi có bị giam chung với họ mà. Lại nữa, các văn kiện Hoà Bình từ Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đến mấy ông sau này đều có nghiên cứu.
- Đạo Cao Đài không nhìn nhận mấy người Hoà Bình được anh biện hộ (ý nói 6 Sĩ Tải bị Hội Thánh Toà Thánh Tây Ninh trục xuất ra khỏi Đạo).
- Cụ Thảo đáp: Tôi không phải là người Đạo Cao Đài nên không cần biết chi về việc của họ. Tôi chỉ biết họ tranh đấu không có lợi lộc, không có quyền thế, không dựa vào ai, chỉ tranh đấu cho lẽ phải và công lý với tinh thần trung lập thật sự. Tôi đồng ý với họ, chớ còn nói tranh đấu cho đất nước, cho dân tộc mà chạy theo ngoại quốc, là bán nước, là phản bội dân tộc.
Hồi trước tôi cũng binh vực cho hai ông Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu. Có lần hai ông tuyệt thực đến ngày thứ 9 tại khám lớn Sài Gòn, tôi đến gặp Thống Đốc Nam Kỳ Pages và qui trách nhiệm cho ông này về sanh mạng của ông Ninh và ông Thâu.

*  *  *
Thời Tý ngày 17-6-Bính Ngọ tại khám Chí Hoà, ông Nhung xuất Thần chấp bút bài Hội Kiến Huyền Thiên, thập thủ liên huờn (10 bài thơ bát cú), 10 bài song thất lục bát của Đức Hộ Pháp.
*  *  *

LỄ QUỐC KHÁNH  (1-11-1966)    (19-9-Bính Ngọ)

Ba ông Nhung, Nguyên, Ngời được trả tự do, mặc sắc phục Đạo ra về làm cho tất cả anh em tù rất ngạc nhiên và kính nể. Các ông giám thị ở đây  cũng tỏ vẻ cảm mến.

Ra tù lần này là lần thứ ba, 19 tháng 16 ngày, anh chị em ban bộ tổ chức bữa tiệc mừng  rất long trọng.
Ngày 15-10-Bính Ngọ, anh chị em tổ chức cúng vía và kỷ niệm Đệ ngũ chu niên ngày lập nguyện tại Phụng Kỳ 1961, phát động phong trào Hoà Bình giai đoạn thứ nhì, hoạt động ra Quốc tế.
Đến ngày 30-11-1966 báo Thần Chung có bài xã luận ở trang nhứt, trích lục nguyên văn như dưới đây:
GIẢI TOẢ HOÀ BÌNH

Thần Chung đã nhắc tới những bản án Hoà Bình cần phải xét lại, nhưng chúng tôi cho rằng chánh quyền đã nghĩ đến  chuyện đi trước chúng tôi nên Sĩ Tải Phạm Duy Nhung mới ra kịp ngày Quốc Khánh sau khi đã trải qua bao nhiêu thủ tục giấy tờ.

Thần Chung chỉ làm  nhiệm vụ của một tờ báo đi theo hướng  tiến của dư luận của đồng bào của lịch sử.
Trong khi dư luận trong nước và thế giới đều cổ võ cho Hoà Bình và đều tha thiết mong mỏi và vận động cho Hoà Bình sớm trở lại ở Việt Nam. Thần Chung thấy có bổn phận phải nhắc nhở tới những người đã mang lại vì hai chữ Hoà Bình, những tội phạm “Hoà Bình” mà trước đây người ta cho rằng cũng nguy hiểm như tội phạm chiến tranh.

Sĩ Tải đã bị câu lưu, đã xét xử dã man án từ lâu nhưng chưa được về nhà là vì còn phải ở thêm theo biện pháp hành chánh chiếu theo vụ số 6 của Ngô Tổng Thống hiện còn hiệu lực, do đó mà nhiều người đã bị câu lưu mà không được Toà án xét xử.
Ký giả Nam Đình

Trong hai cuộc họp báo ở Sài Gòn, thời đó có mấy chục tờ báo, nhựt báo và tuần báo đều có bài tường thuật tỏ vẻ hài lòng về cuộc vận động Hoà Bình của ông Nhung với nhóm người Đạo Cao Đài đúng lúc cuộc chiến tranh leo thang. Ký giả Nam Đình chủ nhiệm báo Thần Chung viết nhiều loạt bài ca ngợi. Luật sư Nguyễn Long sáng chế ra danh từ “Hoà phạm” mà từ trước tới giờ chỉ có danh từ chiến phạm mà thôi. Nhà văn Thiếu Sơn viết bài bênh vực trong báo Liên Á báo Đất Tổ, báo Dân Chủ Mới, báo Đuốc Nhà Nam, báo Chính Luận, báo Sống v.v…
Báo Hoà Bình của Linh Mục Trần Du đăng liên tiếp tài liệu Hoà Bình của Đức Hộ Pháp và của Sĩ Tải Phạm Duy Nhung.

NHÓM HỌP HOÀ BÌNH
Ngày 20-10-Bính Ngọ (31-11-1966)

Ban Châu Thành Thánh Địa Nam phái họp tại nhà ông Lễ sanh Ngọc An Thanh là Trưởng ban bị ông Chánh sự Lời (Tám Lời) đến Hương Đạo sở tại thuộc phạm vi gần văn phòng Khâm Thành Thánh Địa báo cáo Công an Tây Ninh đến bắt 15 người.

Việc báo cáo Hoà Bình là lịnh của các anh lớn xuống Bàn Trị Sự địa phương, nhưng cũng có nhiều Bàn Trị Sự địa phương không có báo cáo vì cho rằng làm Hoà Bình của Đức Hộ Pháp thì đâu có gì mà báo cáo.
 *  *  *

BUỔI LỄ TIẾP TÂN TẠI THÁNH THẤT PHỤNG KỲ
(Tân Vạn Biên Hoà)

Khai mạc buổi tiệc vào lúc 10 giờ ngày Chúa nhật 23-10-Bính Ngọ (4-12-1966).
Hiện diện có ông bà Luật sư Trịnh Đình Thảo, bà Bác sĩ Phạm Văn Huyến, bà Luật sư Long, bà Ký giả Chiếm, ông bà Kỹ sư Cang, ông bà kỹ nghệ gia Cảnh, ông Thanh Nghị, ông Thiếu Sơn, ông Minh Tải, ông Đặng Văn Ký v.v…

Thành phần bên Đạo có quí Ngài Đạo Nhơn Phú, Giáo Hữu Dự, Truyền Trạng Nhơn, Sĩ Tải Nhung, Sĩ Tải Nguyên, Sĩ Tải Hưởng, Sĩ Tải Ngời, Sĩ Tải Tú, Sĩ Tải Giảm, ông Quản, ông Ninh, ông Tâm Thành … Cùng quí bà Chí Thiện Ngưu, bà Nhung, bà Quản, bà Nguyên, bà Hưởng, bà Ngời, bà Phụng, bà Mùa trong ban miền Nam và Châu Thành Thánh Địa, bà Đỗ Thị Tư, cô Trần Thị Cất trong ban nấu chay và tiếp khách, anh chị em Ban Trị Sự cùng ban bộ sở tại.

Cuộc tiếp đãi  nồng hậu và vui vẻ.Món ăn chay nấu  lạ miệng làm cho quí quan  khách thưởng thức không ngớt lời khen tặng. Cuộc đàm đạo trong bữa tiệc cũng rất thân mật với nhiều hứa hẹn ngày tái ngộ. Hai giới Hoà Bình cùng chung một lý tưởng phụng sự cho đất nước giống nòi, sớm chấm dứt chiến tranh, hướng đến Hoà Bình thống nhứt Tổ quốc.

Sau bữa tiệc ông Nhung đứng lên tỏ lòng tri ân ông bà Luật sư Trịnh Đình Thảo đã dày công giúp đỡ anh em Hoà Bình trong các phiên toà quân sự Sài Gòn và Nha Trang với lời lẽ biện hộ đanh thép làm cho anh em Hoà Bình vô cùng cảm động.Ân cao trọng ấy anh em Hoà Bình càng ghi sâu mãi mãi. Chúng tôi cầu chúc Quí Ngài và Quí bạn được an khang quí thể, hầu phụng sự Tổ quốc giống nòi đến ngày thành đạt.

Cụ Thảo đứng lên thay mặt Quí ông bà để lời cám ơn chung toàn thể với bữa tiệc rất long trọng ngoài sự tưởng nghĩ của cụ. Cụ đã để lời chúc lành cho anh chị em và hẹn ngày tái ngộ.

Trước khi ra về ông Minh Tải thay mặt một số trí thức đô thành có bài thi nhắn các bạn Hoà Bình.
Đôi lời nhắn nhủ bạn Hoà Bình
Đoàn kết đến ngày dứt chiến tranh
Ly gián chúng gây mầm ác cảm
Đồng tâm ta giữ mối thâm tình
Bắc Nam già trẻ đều cương quyết
Âu Á xa gần thấy chứng minh
Dân tộc Việt Nam đầy dũng khí
Năm châu nhìn nhận chủ quyền mình.
Đặng Văn Ký
(Minh Tải )
Ngày 5-11-Bính Ngọ (15-1-1967)
Năm 1967


CUỘC VẬN ĐỘNG HOÀ BÌNH CUỐI CÙNG
CỦA SĨ TÃI PHẠM DUY NHUNG

Sau lần họp báo tại Lữ quán Majestic ngày 17-3-1965, ông Sĩ Tải Phạm Duy Nhung bị bắt giữ tại Tổng Nha Cảnh Sát quốc gia và câu lưu tại Khám Chí Hoà cho đến ngày 2-11-1966 được trả tự do. Lần này ông bị tù 19  tháng 16 ngày và cũng là lần chót trong cuộc đời đấu tranh chánh trị ôn hoà của ông theo chân Đức Hộ Pháp.

Ông Nhung định tìm nơi yên tỉnh dưỡng bệnh nhưng sứ mạng Thiêng Liêng thúc giục ông phải ứng phó đúng nhu cầu của thời cuộc nên không thể tạm nghỉ được. Từ cuối năm 1966 qua đầu năm 1967 các cuộc vận động Hoà Bình cho Việt Nam được lan tràn khắp nơi.
Phần nhiều những điểm đề nghị Hoà Bình thiếu công bằng, thiếu vô tư, thiên bên này hoặc bên kia không áp dụng được. Trong khi mặc dầu đang dưỡng bệnh nhưng ông cũng cố gắng viết thơ cho hai chánh phủ hai miền Nam Bắc Việt Nam.

- Gởi cho ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc
- Gởi cho ông Đại Sứ, Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế kiểm Soát đình chiến (Sài Gòn)
- Gởi cho Tổng Thống Mỹ quốc Lyndon Johnson
-  Gởi cho ông Tổng Lãnh sự Ấn Độ (Sài Gòn)

Mỗi bức thư đều có kèm 5 điểm đề nghị tiên khởi hoà đàm nguyên văn như sau :
1 . Thiết lập một phái đoàn Tôn giáo cùng nhân sĩ trí thức đến công nông ở miền Nam để chánh phủ miền Nam (Sài Gòn) gặp Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở một Quốc Gia Trung lập như Cam Bốt, Lào, Miến Điện chẳng hạn và gặp Chánh phủ miền Bắc tại Hà Nội hầu tìm phương hoà hợp ý thức và quan điểm để đi đến hoà đàm.
Phái đoàn này phải có tinh thần Trung lập trong vấn đề và Trưởng phái đoàn phải là người Tôn giáo đã có thành tích vô tư và Hoà Bình.
2 . Sau khi phái đoàn tuyên bố đã có hoà đồng quan điểm, lực lượng ngoại quốc lập tức ngưng oanh kích Bắc Việt vô điều kiện.
3 . Do sự điều đình của phái đoàn Hoà Giải thành phần và địa điểm hoà hội sẽ được ấn định cùng lúc phái đoàn tuyên bố hoà đồng quan điểm.
4 . Ngưng các cuộc chiến kể cả các sự di chuyển quân sự trong toàn quốc khi bắt đầu mở cửa hoà đàm.
5 . Một hội nghị sơ bộ của hoà đàm định hình thức đóng quân của ngoại quốc và của Giải phóng Miền nam trong lúc diễn tiến hoà hội và thảo chương trình cho Hội nghị Hoà Bình chánh thức.

Giải pháp Hoà Bình của Đức Hộ Pháp, một giải pháp có đầy đủ bác ái công bình trung lập, không theo bên nào cũng không bỏ bên nào, hợp tình hợp lý. Một đường lối dân tộc thuần tuý, thích ứng duy nhứt để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam, còn 5 điểm đề nghị tiến khởi hoà đàm của ông Nhung rất thiết thực với hoàn cảnh nội tình của cuộc chiến Việt Nam đã gởi đến ông  Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, nhưng ông không công bố 5 điểm đề nghị này. Ông đưa ra 3 điểm đề nghị của ông rất thiên lệch.

Trên đây là cuộc vận động của ông Nhung ra quốc tế. Còn trong nước, ông Nhung giao cho ông Hưởng và Giảm đi đến mỗi chi phái Cao Đài và các Tôn giáo bạn trình bày việc hoạt động Hoà Bình từ trước đến nay và phân phát các tài liệu.

Đầu tiên đến Bến Tre vì ông Giáo Sư Ngưu và Tài là hai vị Chức Sắc của ban Chỉnh Đạo đã gia nhập Hoà Bình Chung Sống,đến Thánh Tịnh của phái Tiên Thiên gặp ông Thượng Đầu Sư trao đổi ý kiến trong 1 ngày.Ông Đầu Sư cho biết là ông rất có cảm tình với ông Thượng Sáng Thanh ở Toà Thánh Tây Ninh, hai ông này cùng bị đày ở Côn Đảo vì Đạo hồi thời Pháp thuộc.

Hai ông đến Thánh Thất Minh Tân Khánh Hội phái Cao Đài thống nhứt tiếp xúc cụ Phan Khắc Sửu (đã tiếp xúc với cụ nhiều lần về Hoà Bình )và đến văn phòng phái Cao Đài Truyền giáo ở đường Cống Quỳnh.Cuộc tiếp xúc cũng rất thân mật vì Giáo sư Trần văn Quế cũng có ở Toà Thánh một thời gian, còn ông Đỗ vạn Lý thường xuyên lên xuống Toà Thánh Tây Ninh.

Đến Nam thành Thánh thất gặp ông Huệ Chơn, ông này hạch vấn đủ điều nhưng ông cũng thành thật nhìn nhận rằng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là tuyệt đối vì Ngài làm được nhiều việc lớn lao cho Đạo về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Đến Việt Nam Quốc Tự gặp Thượng Toạ Thích Tâm Châu Viện Trưởng Viện Hoá Đạo tiếp chuyện thân mật về Đạo sự, thời sự. Khi mời dùng trà Thượng Toạ Thích Tâm Châu hỏi ông Giảm và ông Hưởng được bao nhiêu tuổi, hai ông đều đáp 46 tuổi. Thượng Toạ nói như vậy ba người mình đây chỉ có một tuổi, sanh năm Nhâm Tuất (1922).

Đến Chùa Ấn Quang được Thượng Toạ Thích Huyền Quang Tổng Thơ Ký Viện Hoá Đạo Ấn Quang tiếp chuyện cho biết là Thượng Toạ Thích Trí Quang đang tịnh khẩu không tiếp khách. Ở đây hai ông biết được nhiều về tình hình Phật giáo đối với chánh quyền miền Nam.

Hai ông Hưởng và Giảm đến Toà Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nhưng ông này đi vắng, có Đức Giám Mục phụ tá tiếp. Sau đó hai ông đến Hội Khổng Học Việt Nam ở Đa Kao.

Sáng hôm sau hai ông đến văn phòng Đại Diện Phật Giáo Hoà Hảo (Sài Gòn) gặp ông Lương Trọng Tường. Buổi chiều qua chùa Tam Tông Miếu kết thúc chuyến đi. Khi đến nơi nào cũng có trao đầy đủ tài liệu về Hoà Bình của Đức Hộ Pháp.

Một chuyến đi hào hứng tuy gặp phải những câu hạch vấn với nhiều điểm thắc mắc nhưng nhờ sự giải đáp tường tận, mọi sự việc được thoả đáng làm hài lòng nhiều người. Việc làm của Đức Hộ Pháp được sáng tỏ thích ứng với thời đại, dầu cho người Đạo hay người đời, không ai phủ nhận được.

Sau đây là nguyên văn các bức thơ cuối cùng tranh thủ Hoà Bình cho Việt Nam của Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

Kính gởi Ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc
NewYork
(Do sự chuyển đạt của Ông Chủ Tịch Uỷ hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình chiến ở Sài Gòn)

Kính Ông Tổng Thơ Ký,
Qua các cuộc vận động nhằm đem lại Hoà Bình cho Việt Nam kể cả ba điều kiện của Ông Tổng Thơ Ký,cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn bị leo thang, tuy không ồ ạt như trước.Nhưng, nếu cuộc chiến vẫn không ngã ngũ thì sẽ vì quyết định chiến thắng của cả đôi bên mà rồi đây nhứt định không tránh được sự leo thang khốc liệt.

Trước hiểm hoạ đại chiến thế giới thứ ba mà vũ khí hạt nhân đang sẵn sàng tiêu diệt nhân loại, nước Việt Nam chúng tôi đang chịu thảm khổ về nhân mạng cũng như tài sản để làm mồi một cuộc chiến tranh có thể nói là không kẻ thắng và không biết đang và sẽ có lợi cho ai trong khi những sự cố gắng bám víu vào ảnh hưởng hoặc về chủ nghĩa, hoặc về quyền lợi đã là sự kiện khó khăn cho các cuộc vận động Hoà Đàm về Việt Nam

Xét lại vấn đề, chúng ta phải nhận định rõ ràng về ảnh hưởng và chiều hướng của cuộc chiến tranh huynh đệ hiện nay thì mảnh đất miền Nam Việt Nam là chủ đích cho cuộc hơn thua và chánh quyền miền Nam là định hướng sanh tử vậy.

Do đó, các điều kiện tiên quyết dẫn đến hoà đàm do các nứơc đưa ra đã vấp phải trở lực là sự thiên vị và không tương phù yêu cầu, làm cho bên này hoặc bên kia không chấp nhận.

Vì vậy, những cuộc vận động đã trở thành vô nghĩa và sẽ trở thành vô nghĩa nếu người ta không thay đổi được chân thể của nó. Nói rõ hơn, nếu lý thuyết còn được đặt nặng trên vấn đề và sự hữu hiệu của chủ nghĩa vốn là trọng tâm thì người ta không thể đi đến đâu cả.

Những cuộc vận động cho Việt Nam từ ngoài đến vốn dĩ nhiều cố gắng, song không đạt được kết quả, vì không đáp ứng khía cạnh.Chánh phủ miền Bắc Việt Nam không khi nào chịu bỏ rơi các cố gắng đã có, và Chánh phủ miền Nam hiện tại cũng không thể bị xoá đi để nhường cho một chánh phủ khác cho rằng đã do Chánh phủ miền Bắc un đúc. Dĩ nhiên, khía cạnh tranh chấp là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Trở lại quá khứ, chúng tôi đã từng vận động cho Hoà Bình Việt Nam với các thơ gởi cho quý vị Đại Sứ cùng Nguyên thủ Pháp, Anh, Mỹ từ năm 1961, tôi đã gởi tất cả đến cho Oâng Tổng Thơ Ký các văn thơ tương tự số: 004/ĐDHP-QN/TM ngày 15 tháng 11 năm 1962, 10/TUNHP-QN/TM ngày 19 tháng 4 năm 1965, 20/ĐCT ngày 30 tháng 8 năm 1966 tiếp theo Cương lĩnh Hoà Bình Chung Sống  của ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC đã gởi đến hai chánh phủ Nam và Bắc Việt Nam cùng Liên Hiệp Quốc 26-5-1956. Trong các thơ đó chúng tôi đã tiên liệu cho sự kiện chiến tranh sa lầy ngày nay.

Nếu người ta đã nghe chúng tôi thì ngày nay nhân dân và tài sản của dân tộc chúng tôi không bị tàn sát, huỷ diệt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã không là khía cạnh nan giải.

Ngày giờ đây không còn là lúc chần chờ để ngoại quốc điều giải nội bộ cho Việt Nam vì vấn đề Việt Nam thuộc địa hạt tâm lý dân tộc mà sự việc qua đã làm chứng cho điều đó.

Chúng tôi nói thẳng là chỉ có dân tộc Việt Nam mới dàn xếp nổi cho cuộc hoà đàm về Việt Nam mà thôi.

Vậy cho nên chúng tôi xin ông Tổng Thơ Ký chấp nhận và ủng hộ giải pháp sau đây đặng điều giải đôi bên mở cửa hoà đàm :
1 . Thiết lập một phái đoàn Tôn Giáo cùng Nhân sự từ trí thức đến Công, Nông ở miền Nam để gặp gỡ chánh phủ miền Nam tại Sài Gòn, gặp Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở một quốc gia Trung lập như Cam Bốt, Lào hoặc Miến Điện chẳng hạn và gặp chánh phủ miền Bắc tại Hà Nội hầu tìm phương hoà hợp ý thức và quan điểm để đi đến hoà đàm.

Phái đoàn này phải có tinh thần trung lập trong vấn đề và Trưởng phái đoàn phải là người Tôn giáo đã có thành tích vô tư và Hoà Bình.

2 . Sau khi phái đoàn tuyên bố đã có hoà đồng quan điểm, lực lượng ngoại quốc lập tức ngưng oanh kích Bắc Việt vô điều kiện.

3 . Do sự điều đình của Phái đoàn Hoà giải, thành phần và địa điểm hoà hội sẽ được ấn định cùng lúc Phái đoàn tuyên bố hoà đồng quan điểm.

4 . Ngưng các cuộc chiến kể cả các sự di chuyển quân sự trong toàn quốc khi bắt đầu mở cửa hoà đàm.

5 . Một Nghị hội sơ bộ của hoà đàm định hình thức đóng quân của ngoại quốc và của Giải Phóng Miền Nam trong lúc diễn tiến hoà hội và thảo chương trình cho Hội Nghị Hoà Bình chánh thức.

Chúng tôi nghĩ rằng hãy còn sớm để đưa ra theo đây một giải pháp để tiến tới độc lập thống nhất dân tộc và xứ sở của chúng tôi. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không ngoài CƯƠNG LĨNH CHÁNH SÁCH HOÀ BÌNH CHUNG SỐNG của ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC đã gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 26-3-1956 và trong Bản Tuyên Cáo của chúng tôi đã trao cho Báo chí trong và ngoài nước ngày 17 tháng 3 năm 1965 mà báo chí ngoại quốc đã đăng tải vào lúc đó.
Trân trọng kính chào Ông Tổng Thơ Ký.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

*  *  *

Kính gởi Đại Sứ, Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế
Kiểm Soát Đình Chiến.
Sài Gòn
Kính Đại Sứ,
Vì thời cuộc Việt Nam đã lâm vào tình trạng quá trầm trọng mà Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã phải nhiều nổ lực và còn đang tìm phương thế cho một giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

        Chúng tôi rất đổi mang ơn Quí Uỷ Hội về các nổ lực hữu ích cho dân tộc chúng tôi.Vậy cho nên chúng tôi tin rằng ông Đại Sứ rất sẳn sàng giúp đỡ chúng tôi hầu sớm cứu vãn tình thế của Việt Nam. Do đó, văn thơ số 003/ST-Tổng Thống của chúng tôi gởi cho Ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc để đưa ra giải pháp tiên khởi hầu đi đến hoà đàm, chúng tôi xin gởi kèm theo đây mong nhờ sự chuyển đạt của ông Đại sứ đến ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc.
Xin ông Đại Sứ nhận nơi đây sự tri ân của chúng tôi.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967.
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung.

*  *  *

Kính gởi Tổng Thống Lyndon Johnson
Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Kính nhờ sự chuyển đạt của ông Đại Sứ Mỹ Quốc tại Sài Gòn

Kính Tổng Thống,
Sau bao nhiêu cố gắng của Tổng Thống cũng như của toàn dân Mỹ Quốc cốt mong đem lại tự do dân chủ cho miền Nam Việt Nam của chúng tôi, tình trạng hiện thời vẫn chưa sáng sủa nếu không nói là sẽ đen tối thêm.

Sự kiện bất nhứt về ý chí trong khối Quốc gia Việt Nam cũng như sự bất đồng tâm lý của nhân dân Việt Nam đã là điểm quan yếu khiến cuộc chiến tại đây càng ngày càng khó giải quyết.

Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần nhận thức về xuất xứ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và các nguyên tố giúp cơ hội tạo hình và nuôi dưỡng nó lớn mạnh như ngày nay.

Qua các văn thư của chúng tôi hoặc đã gởi đến Quý Đại Sứ ở Sài Gòn ngày 23-10-1961, số 1-62/ĐDHP-QN/TM, ngày 8-3-1962, số 030/ĐDHP-QN/TM, ngày 18-8-1962, số 30/Phạm Công Tắc ngày 6-9-1966, hoặc đã gởi đến Tổng Thống Kenedy số 084/ĐDHP-QN/TM ngày 4-8-1963, chúng tôi đã cố tình nêu các khuyết điểm cần sửa chữa để cứu vãn tình thế của khối Tự do cũng như của miền Nam Việt Nam vào lúc bấy giờ. Việc làm đó của chúng tôi không ngoài ý chí giúp đỡ cho sự bảo trọng danh dự Mỹ Quốc và chặn bớt các hy sinh vô ích về nhân mạng và tài sản của toàn thể chúng ta. Tuy nhiên, trong đó chúng tôi buộc lòng phải có những va chạm làm phật ý Quý Chánh phủ lúc phô bày sự thật đặng cứu xét vấn đề.

Nhưng, nếu gạt qua một bên những tự ái thông thường của một cường quốc cần có và những lời lẽ của chúng tôi đã được coi là khả dĩ hữu ích vào lúc ấy, thì ngày giờ đây Tổng Thống đã không vấp phải trở lực riêng đối với Tổng Thống và trở lực chung đối với Chánh phủ Mỹ Quốc.

Thử hỏi mỗi tháng Mỹ quốc phải tiêu hao trên chiến trường Việt Nam một số lớn đạn dược: 1 triệu đạn trong pháo, 700.000 đạn súng cối và 100 triệu đạn súng trường, ngoài các tổn phí nặng nề về quân dụng kể cả phi cơ siêu thanh, hoả tiển không không và không địa cùng sanh mạng để rồi kết quả sẽ ra sao ? Nếu muốn tránh đụng độ với Trung Cộng tức là tránh hiểm hoạ đại chiến thế giới thứ ba bằng võ khí hạt nhân thì Mỹ khó thể giải quyết với Cộng sản về Việt Nam mà không tổn thất danh dự. Trái lại, Mỹ Quốc và Đồng Minh sẽ lâm chiến mà nguy cơ khó tránh khỏi cho cả thế giới và trách nhiệm cuối cùng chỉ có Mỹ Quốc và Cộng sản đồng gánh chịu.

Một khi đã như vậy, người thừa cơ hội để thực hiện mộng thực dân vẫn là kẻ thắng cuối cùng sau khi cuộc chiến không ngã ngũ.

Vậy cho nên, với tinh thần quốc gia thuần túy và ý chí biết ơn cũng như cảm mến Mỹ Quốc qua các nổ lực của Chánh phủ và nhân dân Mỹ đã giúp đỡ nước Việt Nam chúng tôi, chúng tôi mong rằng Tổng Thống không để cho sự hiểu lầm giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ Quốc lên cao hơn nữa với cố gắng tạo thành sự hoà dịu về tâm lý. Đó mới thật là điều kiện yếu trọng để chiến thắng cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Vì đó là một cuộc chiến tranh giữa tâm lý tiềm tàng và tâm lý thực tiễn.

Vậy cho nên những sự việc xảy ra hằng ngày trên địa hạt giao tế cũng như địa hạt quân sự, dân chúng Việt Nam đã lấy đó làm quan điểm khiến sức mẻ tâm lý giữa hai nước chúng ta.

Chánh phủ Mỹ đã đưa ra chương trình bình định nông thôn và tin tưởng rằng đó sẽ là phương pháp giải quyết hữu hiệu cho vấn đề, chúng tôi cũng mong được vậy, nhưng các bài học qua ở các chánh phủ từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 6 năm 1965 đã là bài học chua cay cho sự việc tiền mất tật còn. Chúng ta không thể thành công trên nền tảng cầu may được. Hơn nữa, sự hoạt động của Cộng sản hầu như gần lấn vào nội tâm hoạt động của chúng ta.

Trong tình trạng nguy ngập này và cũng là theo ý muốn của Tổng Thống cũng như trên bình diện Mỹ quốc và Việt Nam Cộng Hoà cùng cả thế giới.

Chúng tôi vừa gởi đến ông U Thant, Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc qua sự chuyển giao của Uỷ Hội Quốc tế ở Sài Gòn một giải pháp gồm 5 điểm tiên khởi để đi đến hoà đàm cho vấn đề Việt Nam. chúng tôi xin đính theo đây để Tổng Thống nghiên cứu và mong được Tổng Thống xem đó là các điều kiện khả dĩ chấp nhận về phía Mỹ quốc và Chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà để sớm thực hiện hoà bình cho Việt Nam chúng tôi mà Mỹ Quốc chẳng những giữ nguyên vẹn lại còn có thể nêu cao thêm danh dự vì lẽ nắm được phần công lý của vấn đề.

Trân trọng kính gởi đến Tổng Thống, Quý Chánh phủ và toàn dân Mỹ sự thân ái nồng nàn của chúng tôi.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

*  *  *

Kính gởi ông Đại Sứ Mỹ Quốc
Sài Gòn

Kính ông Đại Sứ,
Đối với các biến chuyển của Việt Nam, chúng tin chắc rằng ông Đại Sứ đã là người am hiểu tường tận.

Hẳn ông Đại Sứ cũng đã hiểu chúng tôi qua các thơ của chúng tôi đã gởi cho Quý Toà Đại Sứ từ năm 1961 đến nay và qua bốn điểm mà cựu Thiếu  Tướng Cao Đài Trương Văn Quảng, Phó Chủ Tịch của chúng tôi, đã trao và giải bày với vị Đệ Nhị Bí Thơ của Quý Đại Sứ trước lễ Noel 1966 vừa qua.

Những việc tiên liệu của chúng tôi về hiện tình đã chứa đựng trong các tài liệu nói trên, nhưng rất tiếc là Chánh phủ Mỹ vẫn cương quyết trên chương trình đã có nên không tránh khỏi các rối rắm về quân sự và chánh trị ở Việt Nam mà đang là việc bận rộn của Toà Bạch Ốc.

Vẫn biết đó là vấn đề danh dự, nhưng chúng tôi thiết tưởng rằng chúng ta cần cứu vãn tình thế thì mới nêu cao danh dự hơn được, ngược lại thì chúng ta sẽ phải phủi tay mà tiếc rẻ.

Tình hình Việt Nam đã trở thành vấn đề tế nhị, vậy cho nên sự giải quyết quả đã rất khó khăn. Nếu chúng ta không tìm thấy sự khôn ngoan khi đặt tâm trí vào vấn đề, thì chúng ta không thoát khỏi định luật sa dốc mà khách bàn quan không hiểu đó là việc làm của kẻ liều mạng hay của chúng ta.

Chúng tôi có thể nhắc lại thế cờ mà chúng tôi đã đề cập trong thơ gởi cho Tổng Thống Kenedy ngày 4-8-1963 và đã được Tổng Thống Kenedy tuyên bố sau đó là thế cờ Domino quả quan trọng ở Việt Nam.

Vậy cho nên chúng ta cần giải quyết càng sớm càng hay cho vấn đề Việt Nam.

Với chủ trương trên nền tảng Quốc gia thuần tuý và nhìn nhận Mỹ Quốc là thân hữu, nên chúng tôi vừa gởi cho ông U Thant, Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc 5 điểm để tiến tới hoà đàm và chúng tôi cũng gởi đến Tổng Thống Johnson những lời tâm huyết của chúng tôi.

Vậy chúng tôi xin gởi kèm theo đây để ông Đại Sứ coi đó là tài liệu nghiên cứu của ông Đại Sứ để vừa là bổ túc cho hồ sơ của ông Đại Sứ vừa là giúp đỡ dân tộc Việt Nam chúng tôi.

Do đó, chúng tôi chân thành yêu cầu ông Đại Sứ hiểu rõ chúng tôi hơn và giúp đỡ chúng tôi để các điều khoản tạo nên một nền hoà bình trong công lý cho Việt Nam được thành hình càng sớm càng hữu ích hơn.

Chúng tôi cũng không quên đến sự giúp đỡ của ông Đại Sứ hầu chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà cũng đồng quan điểm với Chánh phủ Mỹ trên sự nâng đỡ cho chương trình của chúng tôi được thực hiện.
Trân trọng kính Ông Đại Sứ nhận nơi đây sự thân mến của chúng tôi.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

*  *  *
Kính gởi :
- Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
Chủ Tịch Uỷ Ban lãnh đạo Quốc Gia.
Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hoà miền Nam.
Sài Gòn.

- Cụ Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà miền Bắc Hà Nội
- Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà miền Nam Sài Gòn.
- Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà miền Bắc Hà Nội.
(Nhờ sự chuyển đạt của Ông Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ở Sài Gòn ).

Kính Quý Chủ Tịch và Thủ Tướng, Chánh phủ Nam Bắc Việt Nam
Do thơ số 21/HP-HN và Cương Lĩnh Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống gởi đến Cụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cụ Chủ Tịch Hồ Chí Minh ngày 26 tháng 3 năm 1956, Đức Hộ Pháp đã tiên liệu sự kiện huynh đệ tương tàn và định thể thức vãn hồi sự thống nhứt dân tộc cùng lãnh thổ trong độc lập toàn vẹn

Tiếc thay, lời kêu gọi thống thiết của Đức Hộ Pháp lúc bấy giờ đã chẳng được nghe theo mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn vịn vào đó để mong chế ngự Đạo Cao Đài bằng cách bắt bớ, tra tấn lưu đày gần ngàn chức sắc và đạo hữu trung thành, hưởng ứng thi hành chương trình của Đức Ngài, làm cho 6 vị Chức Sắc bỏ chương trình của Đức Ngài, làm cho 6 vị Chức Sắc bỏ mình trong khám đường từ năm 1957 đến năm 1964.
Trong lúc đó, mầm nội chiến từ từ tiến triển và Mặt trận Giải Phóng Miền Nam thành hình năm 1960.
Kính thưa Quý Chủ Tịch và Thủ Tướng, Chánh Phủ Nam Bắc Việt Nam,

Nhìn lại giang san gấm vóc thuở nào, chúng ta không khỏi đau lòng trước sự tan tác dư đồ nước Việt, Tổ Quốc thân yêu của chúng ta. Đặt qua bên các luận lý diễn đạt tư tưởng và thể hiện hành động, hẳn quý vị cũng như toàn dân đều biết rằng các chiến cụ đang tàn phá đất nứơc ta không do ta chế tạo. Tin tức hằng ngày rêu rao về vũ khí nào của Nga, của Trung Cộng, Tiệp Khắc, Đông Đức, nào của Mỹ, Úc Đại Lợi, Mã Lai v.v…  tàn sát bên này hay bên kia biết bao thanh niên trong hàng ngũ quân đội và thường dân vô tội. Đó là chưa nói đến các cuộc giết hại trong những vụ bắt bớ giam cầm phi pháp và ám sát vô nhân đạo. những kẻ ngã gục do ngọn súng mũi gươm của dân Việt Nam và ngoại quốc, trong khi những tiếng kêu gọi vang lên khắp thế giới hướng về nhân dân và tổ quốc Việt Nam.

Sự thảm nhục quá nhiều và nơi đây chúng tôi không muốn đề cập đến sự thật tâm hay mưu đồ trên việc trợ giúp của ngoại quốc cho đôi bên Nam Bắc.Chúng tôi chỉ muốn nói lên tình thương dân tộc, nghĩa đồng bào lưu truyền trên 4.000 năm chung sống. Sự tương thân tương trợ, lòng vị tha bác ái, lý trí công bình, độ lượng khắc cốt ghi xương, người Việt Nam không chấp nhận những sự kiện vô nhân bất nghĩa, không từ bỏ dây liên hệ gia tộc hương lân, không thể rời xa ngọn rau tấc đất khả dĩ tạo thành gia đình nghiệp sở.

Vì thế, những sở hành trái ngược là nguyên nhân hỗn loạn ngày nay và nạn tương tàn khó giải quyết trong khi những luận lý sau đây đang xoay tròn trên thế giới.

Nói rằng sự tranh đấu của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam là do dân miền Nam nổi dậy chống một Chánh phủ ư ?
Chánh phủ miền Bắc không liên hệ với Mặt trận Giải Phóng miền Nam ư ? Mặt trận Giải Phóng miền Nam không phải là Cộng sản ư ?
Có thể rằng Chánh phủ miền Nam là công cụ của Mỹ và Mỹ là đế quốc xâm lăng hay chăng ?
Phải chăng Chánh Phủ miền Bắc là công cụ của Cộng sản quốc tế ?
Đọc các câu hỏi trên, hẳn chúng ta đã nhận định rõ rệt thực nghĩa.

Tới tâm thư này, chúng tôi nhận thức rằng Quý Chủ Tịch và Thủ Tướng Nam Bắc Việt Nam từng đứng trên cương vị Quốc gia dân tộc sẽ quyết chí tái lập thống nhứt và độc lập hoàn toàn cho Việt Nam để tiến tới đoàn kết mật thiết và thịnh vượng phú cường.

Theo đó, xin Quý Chủ Tịch và Thủ Tướng đôi bên hãy tạm quên tư kiến trong hiện tại mà thời cuộc bắt buộc phải có nơi mỗi vị, hầu cùng nhận chân nguyên căn hiện trạng của đất nước.

Chúng tôi ước mong tâm hồn quang minh chánh đại, khí dõng oai hùng, đức liêm khiết cách mạng của Quý vị sẽ kiến tạo căn bản của sự lưu tồn quốc gia.

Chúng tôi muốn nói đến vấn đề Hoà Bình Việt Nam.
Xuyên qua các cuộc vận động Hoà Bình khắp thế giới hiện nay, chúng tôi nhận thấy tất cả vấp phải trở lực khó giải quyết là vấn đề Mặt trận Giải Phóng miền Nam.

Chúng tôi cầu xin Quý vị hãy bình tâm trước ngưỡng cửa tình thương và đặt trọng tâm nhiệm vụ đối cùng Quốc dân bằng sự giải quyết thuận hoà vấn đề với các câu hỏi bổ túc:
- Phải chăng Mặt trận Giải Phóng miền Nam được thành hình với một biến thể của một chương trình cố hữu ?
-  Phải chăng Mặt trận Giải Phóng miền Nam là của nhân dân miền Nam ?
-  Phải chăng sự gia nhập và sự giúp đỡ Mặt trận Giải Phóng miền Nam của dân miền Nam là một sự quyết tâm?
-  Phải chăng với Hiệp Định Geneve 1954, Chánh Phủ miền Nam Việt Nam được công nhận trước công pháp Quốc tế cũng như Chánh phủ miền Bắc, mặc dầu cả hai không ở trong tổ chức Quốc tế ?
- Được sự Uỷ nhiệm của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc sau khi Đức Ngài gởi thơ và Cương Lĩnh Chánh Sách  Hoà Bình Chung Sống cho Chánh phủ hai miền từ năm 1956, chúng tôi liên tục tiến hành công tác Hoà Bình ở Quốc nội, mặc dầu phải qua bao gian nguy mà lần sau cùng là 19 tháng 16 ngày tù với án treo 8 tháng, chúng tôi rời khám đường lúc 19 giờ ngày 2 tháng 11 năm 1966

Vì bổn phận một công dân trước diễn biến của Quốc gia chúng tôi cầu xin Quý vị hãy nhận sự bình diện của hai Chánh phủ trước công pháp là nhu cầu tất yếu để giải quyết nội tình và sự vươn mình của một khối trong một Chánh phủ là một khía cạnh quan trọng của vấn đề cần giải quyết với nguyên tắc bình phương.

Chúng tôi xin đề đạt đến Quý Chủ Tịch và Thủ Tướng Chánh phủ Nam Bắc Việt Nam năm điều khoản sau đây, mong được sự chấp nhận của hai Chánh phủ để làm lối thoát cho sự tiên khởi đi đến hoà đàm :

1 . Thiết lập một Phái đoàn Tôn Giáo cùng nhân sĩ từ trí thức đến Công, Nông ở miền Nam để gặp gỡ Chánh phủ miền Nam tại Sài Gòn, gặp Mặt trận Giải Phóng miền Nam ở một Quốc gia trung lập như Cam Bốt, Lào hoặc Miến Điện chẳng hạn, và gặp Chánh Phủ miền Bắc tại Hà Nội hầu tìm phương hoà hợp ý thức và quan điểm để đi đến hoà đàm.
Phái đoàn này phải có tinh thần trung lập trong vấn đề và Trưởng phái đoàn phải là người Tôn Giáo đã có thành tích vô tư và Hoà Bình.
2 . Sau khi Phái đoàn tuyên bố đã có hoà đồng quan điểm, lực lượng ngoại quốc lập tức ngưng oanh kích Bắc Việt vô điều kiện.
3 . Do sự điều đình của Phái đoàn hoà giải, thành phần và địa điểm hoà hội sẽ được ấn định cùng lúc Phái đoàn tuyên bố hoà đồng quan điểm.
4 . Ngưng các cuộc chiến kể cả các cuộc di chuyển quân sự trong toàn quốc khi bắt đầu mở cửa hoà đàm.
5 . Một nghị hội sơ bộ của hoà đàm định hình thức đóng quân ngoại quốc và của Giải Phóng miền Nam trong lúc diễn tiến hoà đàm và thảo chương trình cho một Hội nghị Hoà Bình chánh thức.

Cùng với thơ này, chúng tôi cũng gởi năm điều khoản trên đây cho Ông U Thant, Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc để nhờ Ông vận động trước hai khối Quốc tế.

Vì sự tồn vong của đất nước, vì dân tộc Việt Nam chúng ta phải lách khỏi thảm trạng diệt chủng ngõ hầu sớm nhận được tự do, dân chủ và ấm no khi có hoà bình trong thông cảm và thương yêu chân thật, chúng tôi kính mong hai chánh phủ bắt tay nhau trước hoà hội.

Trân trọng đề đạt đến hai Chánh phủ tất cả lòng mong muốn của toàn dân trong công bình và bác ái, chúng tôi cầu nguyện Đức CHÍ TÔN  ban hồng  ân cho nước Việt Nam.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

Kính gởi :
Ông Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến.
                                      Sài Gòn

Kính Ông Chủ Tịch,
Đồng thời với thơ gởi cho Ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, chúng tôi cũng có thơ gởi đến bốn vị lãnh đạo hai Chánh phủ hai miền Nam Bắc Việt Nam

Với thiện chí giúp đỡ cho Việt Nam chúng tôi và sự công bình trên tình thương nhơn loại của Quý Đại Diện của ba Chánh phủ trong Uỷ Hội,chúng tôi kính nhờ sự chuyển đạt của Quý Uỷ Hội về bốn bức thơ kèm theo đây cho bốn vị Nguyên Thủ của Nam và Bắc Việt Nam y như trong thơ đã đề.
Trân trọng kính xin Ông Chủ Tịch và Quý Uỷ Hội nhận nơi đây sự cảm mến sâu xa của chúng tôi cũng như của toàn dân Việt Nam.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

*  *  *
Kính gởi: Ông Tổng  Lãnh Sự Ấn Độ.
                                      Sài Gòn.
Kính Ông Tổng Lãnh Sự,
Chúng tôi rất hoan nghinh kế hoạch Hoà Bình Việt Nam gồm sáu điểm của bà Indira Gandhi, Thủ Tướng Ấn Độ, trong tháng 7 năm 1966.

Người Á Đông, nhứt là dân tộc Việt Nam, rất cảm thông nước Ấn Độ, nơi phát sinh Phật Giáo của Đức Thích Ca Mâu Ni, đất lành cho tinh thần hiếu hoà nhưng bất khuất trước vũ lực của Thánh Gandhi.Vì thế, chúng tôi không ngần ngại gởi đến Ông Tổng Lãnh Sự tường tri các văn thơ :
- Số 003/ST-T ngày 30-1-1967, gởi Ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, trong đó chúng tôi trình bày giải pháp năm điểm để đi đến Hoà Hội cho Việt Nam.
- Số 004/ST-T và số 008/ST-T ngày 30-1-1967, gởi Ông Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ở Sài Gòn.
- Số 005/ST-T ngày 30-1-1967, gởi Tổng Thống Johnson.
- Số 006/ST-T ngày 30-1-1967, gởi Ông Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn.
- Số 007/ST-T ngày 30-1-1967, gởi các Nguyên Thủ Nam và Bắc Việt Nam

Đồng thời chúng tôi cũng đính theo đây các văn kiện nêu trên (bản chính) số 003/ST-T, số 004/ST-T và 4 văn kiện đồng số 007/ST-T, và số 008/ST-T, để yêu cầu Ông Tổng Lãnh Sự giúp đỡ chuyển đạt đến Ông Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ở Sài Gòn.
Trân trọng kính xin Ông Tổng Lãnh Sự nhận sự tri ân nồng hậu của chúng tôi.
Toà Thánh Tây Ninh, ngày 30 tháng 1 năm 1967
Sĩ Tải Phạm Duy Nhung

*  *  *
Đức Thầy có giảng dạy: “Các em hãy chia cơm xẻ áo và đùm bọc lẫn nhau hơn lúc nào hết ”.

Ông Nhung triệu tập anh em Ban thống Nhất và các Ban Bộ Nam, Nữ ngỏ ý cùng anh em theo Thánh ý của Đức Thầy cần làm kinh tế tự túc để chia sống với nhau. Cũng may chị Tư Tranh là con của Đức Thầy có sẵn một trại cưa ngưng hoạt động từ lâu. Chị đồng ý cho anh em mượn để làm cơ sở kinh tế tự túc nhờ đó anh em mua máy móc để lập trại cưa để bảng hiệu Hoà Bình kêu gọi được 38 cổ phần, mỗi cổ phần 20.000 đồng.

Nhằm ngày qui thiên của Đức Thầy mùng 10 tháng 4 năm Đinh Mùi anh chị em làm lễ khai trương trại cưa. Ông Nhung tuy bệnh nhiều nhưng cũng ráng đến dự.

*  *  *

SĨ TẢI PHẠM DUY NHUNG TỪ TRẦN

 Sĩ Tải Phạm Duy Nhung từ trần đúng 12 giờ trưa ngày 30-5-1967, nhằm ngày 22 tháng 4 năm Đinh Mùi, tại Toà Thánh Tây Ninh, sau 10 năm mắc bệnh phổi.

Một tin làm cho toàn thể anh chị em đồng tâm chí trong toàn quốc vô cùng cảm xúc và cũng là một tin làm sôi nổi dư luận trong Đạo, ngoài đời, vì ông Nhung đã trở thành người của thời cuộc Việt Nam mấy năm gần đây. một người được Đức Hộ Pháp giao phó tiếp tục sứ mạng Hoà Bình của Đức Ngài để lại.

Đến chia buồn có đông đủ các Ban vận động trong nước. Các cơ quan trong Đạo các giới trí thức cùng nhà văn, nhà báo từ thủ đô đến.

Trên 11 năm phục vụ đường lối cứu dân cứu nước do Đức Hộ Pháp đề xướng, ông Nhung đã hăng hái, tận tuỵ vận động Hoà Bình, đã có đầy đủ thiện chí kêu gọi thương yêu với các trào lưu chánh phủ. Với quốc tế, với báo chí cùng các đồng bào trong nước, tánh chịu khó siêng năng, trầm tĩnh lo phận sự, không khoe khoang, thành thật với mọi người hay chiều chuộng bạn tác, khiêm cung không để mất lòng ai cả.

Đặc tính ông là can đảm với chí hy sinh cao cả, không lui bứơc trước một trở lực nào. Con đường của Đức Thầy đã vạch sẵn để cứu vãn tình thế nguy ngập Việt Nam, ông kiên nhẫn thi hành sứ mạng thiêng liêng không ngại gian lao nguy hiểm.

Tóm lại, Sĩ Tải Phạm Duy Nhung là một chiến sĩ anh dũng. Ông liên tục tranh đấu gian khổ để kế chí vận động Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống do Đức Hộ Pháp Giáo Chủ Đạo Cao Đài đề xướng.Ông đã chịu đựng nặng nề mọi thử thách, khổ đau về thể xác lẫn tinh thần hơn các anh chị em trong đường lối.

Mắc bệnh phổi hơn 10 năm, lại bị liên tiếp vào tù ra khám, không có cơ hội và hoàn cảnh điều trị cho đến lành mạnh, Ông đã phải bỏ mình.Thật vậy, ông Nhung mất đi là một cái tang chung đối với các bạn đồng tâm và đồng chí của ông, cũng là tâm trạng đối với những bậc ưu thời mẫn thế có bầu nhiệt quyết đang lo âu đến tiền đồ Tổ Quốc.

Tuy vậy, toàn thể anh chị em trong Chách Sách Hoà Bình Chung Sống vẫn tin tưởng nơi anh linh bất khuất của người lãnh đạo nơi cõi vô hình hộ trì cho đường lối sớm thành công để thống nhứt Hoà Bình cho Tổ Quốc.

*  *  *

BÀI ĐIẾU VĂN

Của Cụ Thiếu Tướng Cao Đài Trương Văn Quảng đọc trước mộ phần ông Sĩ Tải Phạm Duy Nhung Chủ Tịch Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống vừa từ trần ngày 30-5-1967. Lễ an táng được cử hành ngày 2-6-1967 tại Toà Thánh Tây Ninh rất trọng thể, có đủ đồng đạo cùng đồng bào các giới tham dự.
Kính Hội Thánh, Chư Chức Sắc Chức Việc và toàn Đạo Nam Nữ,
Thưa Quý quan khách,

Chúng tôi nhân danh các Ban vận động Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp trong toàn quốc xin có đôi lời phân ưu trước mộ phần Ông Sĩ Tải Phạm Duy Nhung
Chúng tôi lấy làm bùi ngùi đứng trước linh cửu một người bạn đồng hành đau khổ trong giờ phút thiêng liêng ngàn năm vĩnh biệt này.
Cái tin ông Sĩ Tải Phạm Duy Nhung từ trần làm cho nhiều người xúc động mến tiếc.

Trong khi đất nước còn bị chia đôi và tình hình càng thêm nguy biến chưa giải quyết được, một người có  thành tích tranh đấu Hoà Bình cao đẹp như Ông lại vội từ trần, một cái tang đau buồn chung cho những người có thành tâm lo cho vận mạng đất nước.

Sĩ Tải Phạm Duy Nhung năm nay 42 tuổi xuất thân từ một gia đình trung lưu tại làng Bồ Cang, huyện Hoà Vang, tỉnh Quãng Nam làm việc Sở Hoả Xa hồi thời Pháp thuộc.

Năm 1948 Ông về Toà Thánh hiến thân làm việc Đạo. Năm 1949, ông đậu khoa Luật Sự Hiệp Thiên Đài và được tuyển chọn làm thơ ký Đức Hộ Pháp.

Năm 1954 ông được Đức Hộ Pháp cho thăng phẩm Sĩ Tải, ông là nhân viên Bộ Pháp Chánh tại Toà Thánh ở địa phương nhiều tỉnh. Ông cũng là người đặc biệt được Đức Hộ Pháp cho một chứng minh thư thay mặt cho Đức Ngài để vận động Hoà Bình cho Việt Nam. Ông tỏ ra xứng đáng người kế chí, tiếp tục sự nghiệp Hoà Bình của Đức Hộ Pháp để lại, là người có đủ can đảm dám xung phong vào đường cứu khổ. Việc làm khó khăn đến đâu ông cũng làm được dầu phải đương đầu với biết bao trở lực.

Từ năm 1961, sau ngày Đức Hộ Pháp qui thiên ông khởi đầu lên tiếng Hoà Bình đúng lúc chiến tranh Việt Nam vừa mở màn gây hấn rồi từ đó đến nay, tiếng nói Hoà Bình của ông được thường xuyên rất phù hợp trong mọi giai đoạn biến chuyển quan trọng của đất nước. Nhờ vậy danh thể Đạo Cao Đài với giải pháp cùng tên tuổi ông được các giới đồng bào trong nứơc và thế giới chú ý. Ông đã gởi nhiều bức thư cho các Liệt cường.Những sự việc ông tiên đoán trong các thơ đó ngày nay thời cuộc biến chuyển đều đúng. Ông đã hai lần họp báo được báo chí trong và ngoài nước tham dự, một lần ở nhà hàng Soái Kình Lâm trong Chợ Lớn vào tháng 11 năm 1963 và một lần tại Lữ quán Majestic ở Sài Gòn vào tháng 3 năm 1965. Đầu năm 1967 ông đã gởi một bức thư cho chánh phủ hai miền Nam Bắc Việt Nam, một bức thơ cho Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, một bức thơ cho Tổng Thống Johnson của Mỹ Quốc để đưa ra năm điểm đề nghị tiên khởi hoà đàm cho Việt Nam.

Nhìn lại kiếp sanh của ông trọn trung thành với Đạo, với nước trọn tuân hành lời dạy của Đức Thầy, Ông như đơn thân độc mã đứng ra gánh vác nặng nề sự nghiệp cứu nước của Đức Thầy giao lại đã chẳng được sự che chở giúp sức, ông còn bị chê bai biếm nhẻ, bị nhiều áp lực đè nặng lên người ông, nhưng ông vẫn bền gan nhẫn nại chịu đựng mọi khổ đau chẳng có giờ phút nào thối chí ngã lòng miễn sao cơ cứu khổ và cứu thế của Đức CHÍ TÔN  để tại mặt thế này được thực hiện. Ông không màng danh lợi, phế cả gia đình, đã chịu khổ trên 11 năm qua từ ngày lãnh phận sự kêu gọi Hoà Bình do Đức Hộ Pháp đề xướng. Đã ba lần vào tù ra khám với muôn đắng ngàn cay mặc dầu chí lớn có thưà, nhưng sức người có hạn. Ông chịu không nổi cơn trọng bịnh phải qua đời trong khi nước nhà còn phải trông cậy nơi ông, ông mất đi để lại cha già, một vợ với bốn con khờ.

Người ta thường nói : Khi đậy nắp quan tài mới định đặng giá trị trọng khinh của đời người. Việc làm của ông lịch sử cùng quốc dân đồng bào chứng minh điều ấy.

Trên đường phụng sự Đạo Giáo cùng Quốc gia dân tộc, chúng tôi mất một người bạn đồng hành có tài đức rất đáng buồn, nhưng cũng còn phần an ủi là ông Sĩ Tải Phạm Duy Nhung tuy đã mất mà vẫn còn lưu lại một sự nghiệp tinh thần có đủ quyền năng cứu nguy dân tộc và những người còn sống trong giờ phút thiêng liêng này đều để hết lòng thương yêu vào người đã khuất.

Chúng tôi thành tâm phân ưu cùng tang quyến và cầu nguyện ơn trên Đức CHÍ TÔN Đức Phật Mẫu ban hồng ân cho Sĩ Tải Phạm Duy Nhung được cao thăng phẩm vị nơi cõi hằng sống.
Toà Thánh ngày 25 tháng 4 năm Đinh Mùi
(DL 2-6-1967)

BÀI ĐIẾU VĂN

Của Bà Trần Kim Phụng Tổng Thơ Ký Kiêm Biên Phó Ban Châu Thành Thánh Địa, Đại diện cho Ban Miền Nam Nữ phái Chánh sách Hoà Bình Chung Sống. Đọc trước phần mộ cố Sĩ Tải Hiệp Thiên Đài Phạm Duy Nhung ngày 25 tháng 4 năm Đinh Mùi (DL 2-6-1967)

Nhân danh Ban Miền Nam và Ban Châu Thành Thánh Địa Nữ Phái Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống, chúng tôi xin có đôi lời vĩnh biệt người quá cố.

Kính thưa Chư Chức Sắc Hội Thánh,
Kính thưa Quý khách.
Kính thưa Chư Chức Việc và Đạo Hữu lưỡng phái.

Hôm nay là ngày quí vị đồng đạo Nam Nữ đưa xác cố Sĩ Tải Hiệp Thiên Đài Phạm Duy Nhung đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Sanh trưởng trong một gia đình Nho phong lễ giáo, nhờ sự un đúc của thân sinh, cố Sĩ Tải Nhung đã sớm có tinh thần trung cang nghĩa khí. Nhận thấy đời sống nha lại trong ngành công chức tại Quảng Nam không phù hợp với chí bình sanh, Sĩ Tải có một thời ra kháng Pháp rất hăng, cho đến khi hữu cơ duyên gặp Đạo Cao Đài là nơi có thể thoả mãn ý chí hiên ngang trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi tối cao của Quốc gia và nhân loại.

Đắc khoá Luật Sự năm 1949, rồi thăng Sĩ Tải năm 1954 làm thư ký tại văn phòng Hộ Pháp Đường, kế lãnh nhiệm vụ Pháp Chánh tại các tỉnh: Tây Ninh. Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công … với tinh thần công bình và nhân đạo Sĩ Tải được sự cảm mến của Hội Thánh và nhứt là Đức Hộ Pháp, cố giáo chủ Đạo Cao Đài.

Sau khi các bậc đàn anh từ chối trách vụ cứu thế và cứu khổ vạn linh, cố Sĩ Tải được Đức Hộ Pháp ban Uỷ Nhiệm Thơ thay mặt cho Đức Ngài trong Chánh Sách Hoà Bình Chung Sống tại Quốc nội từ năm 1956 đến nay là năm 1967, đã 11 năm dài trải qua biết bao gay cấn của thế tình khe khắt

Mười một năm sau này, thừa Uỷ Nhiệm Đức Hộ Pháp cố Giáo Chủ, Sĩ Tải Phạm Duy Nhung đã đưa ra đường lối Hoà Bình Dân Tộc, thống nhất đất nước với giải pháp do Đức Hộ Pháp đề xướng đã gởi cho Liên Hiệp Quốc, các cường quốc và Chánh phủ hai miền Nam và Bắc Việt Nam.Sĩ Tải bị các chánh quyền từ  triều Ngô Đình Diệm và kế tiếp bắt câu lưu tại các trung tâm cải huấn : Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi, Tân Hiệp, Chí Hoà rồi ra Toà án Quân sự đặc biệt Sài Gòn chỉ vì trong bản Tuyên cáo buổi họp báo tại Lữ quán Majestic Sài Gòn, Sĩ Tải đã mạnh dạn đưa ra chủ trương:

TÔN GIÁO KHÔNG DỊ ĐỒNG.
TÔN GIÁO LÀ HOÀ BÌNH.
TÔN GIÁO LÀ THỐNG NHỨT TRONG TÌNH THƯƠNG CHƠN THẬT.
TÔN GIÁO LÀ CÔNG BÌNH, VÔ TƯ, KHÔNG KHEN AI MÀ CŨNG CHẲNG CHÊ AI, CHỈ BIẾT NÓI LÊN SỰ THẬT VÀ XÂY DỰNG.
QUỐC DÂN LÀ MỘT KHỐI THƯƠNG YÊU.
TÔN GIÁO LÀ MỘT KHỐI THƯƠNG YÊU.
DÂN QUÂN LÀ MỘT KHỐI THƯƠNG YÊU.
CHỈ CÓ TÌNH THƯƠNG YÊU THẬT SỰ MỚI GIẢI QUYẾT ĐỰƠC MỌI SỰ BẾ TẮC…
Home                                 1 ]  2 ]   4 ]  5 ]  6 ]  7 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét