Khảo Luận Xây Bàn & Cơ Bút Trong Đạo Cao Đài - 4 / 4 ( HT. Nguyễn Văn Hồng )


5 . 3 – Ngài Bảo Pháp nói về Huyền Khiếu của đồng tử:
“Người chấp cơ gọi theo danh từ thông thường là đồng tử, ĐĐTKPĐ gọi là Chức sắc Hiệp Thiên Đài.

Đồng tử là người có đặc khiếu xuất Chơn thần ra khỏi Phách đến hầu Thần Tiên nghe dạy bảo bằng cách chuyển di tư tưởng, rồi nhờ linh điển Thần Tiên giáng hiệp với nhơn điển đồng tử làm cho cánh tay cử động mà diễn giải tư tưởng ra bằng văn tự.
Có 2 thứ Đồng tử: Đồng mê và Đồng tỉnh.

Chấp cơ mà mê, Chơn thần xuất trọn khỏi Phách (Chơn thần vốn còn dính với Phách bởi sợi từ khí), tiếp được rõ ràng tư tưởng của Thần Tiên nên diễn ra nhiều bài thi phú văn chương tuyệt diệu, hoặc nhiều bài đạo lý cao thâm, nhưng mãn đàn, Chơn thần đồng tử phải mệt mỏi.

Ngày xưa các nhà văn nho hay lập đàn thỉnh Tiên trên non cao thanh vắng và dùng đồng mê. Tiên thường giáng cho nhiều bài thi tuyệt bút với khí vị Thần Tiên, hoặc có tánh cách tiên tri, song ý nghĩa ẩn vi khó hiểu, đợi việc xảy ra rồi mới thấy rõ, có khi giáng cho toa thuốc chữa bịnh thiệt là linh nghiệm. Nhưng cách cầu cơ ấy rất khó, đàn nội phải thanh tịnh, một tiếng gà gáy hay chó sủa, một khua động bất thường, đủ làm cho Chơn thần đồng tử hoảng hốt nhập về phách. Thế là đàn cơ lỡ dở.

Chấp cơ mà tỉnh, chỉ có một phần Chơn thần xuất ra, nên tiếp tư tưởng không được rõ ràng, bài chấp cơ thường khuyết điểm, nhưng được tiện lợi là không buộc phải thiết đàn nơi chốn non cao thanh vắng, và khi mãn đàn, Chơn thần đồng tử ít mệt.

Thần Tiên lại tùy đặc khiếu của đồng tỉnh mà truyền tư tưởng bằng cách giáng tâm hay giáng thủ.

Đồng tử giáng tâm, tuy chưa viết ra mà thần trí biết trước mang máng những lời sắp viết ra, tựa hồ như tự mình đặt để vậy.

Đồng tử giáng thủ tựa như bộ máy, tay cứ chiều theo điển lực, cử động viết ra chớ không hay biết chi hết.

Lập Đạo kỳ ba nầy, Đức Thượng Đế dùng đồng tỉnh mới tiện cơ phổ độ. Nếu dùng đồng mê, người chấp cơ đâu đủ lực lượng tinh thần đặng chịu nổi đêm nầy sang đêm khác và luôn như vậy mấy năm trường.

Lại mỗi đàn cơ, Đức Chí Tôn dùng hai người Phò loan cho đủ Âm Dương hiệp nhứt là cơ sanh hóa của Đạo.

Người chấp cơ bên Hữu (bắt ngoài ngó vô) thuộc Âm tiếp tư tưởng rồi truyền qua người bên Tả thuộc Dương tiếp điển viết ra.

Còn Chấp bút thì một đồng tử, song bút pháp chỉ dùng tiếp Mật lịnh và Bí truyền, chớ không dùng về cơ phổ độ.

Thủ cơ và chấp bút là cách thông công gián tiếp với các Đấng thiêng liêng.

Lần lần người tu đến bực cao siêu, đắc Nhãn Thông và Nhĩ Thông thì sẽ trực tiếp thông công, khỏi phải nhờ trung gian là Cơ Bút nữa.

Vả chăng, Cơ Bút là việc tối quan trọng, vì lẽ Tà Chánh khó phân, nên chi Đức Chí Tôn có dạy:
“Cơ Bút là việc tối quan trọng, nếu không có chơn linh quí trọng thủ cơ thì Tà Quái xen vào khuấy rối các con làm cho phải thất nhơn tâm.
“Thầy nói cho các con biết, bực Chơn Thánh mà phải đọa trần, nếu không đủ tánh chất dìu dẫn nhơn sanh, cũng chưa đáng cầm bút cho Thầy truyền Đạo.”

Cõi Trung giới có nhiều hạng Âm Linh (Các bực Âm Linh ấy đại loại là: các vì Thánh, Chánh Thần, Tà Thần, Bát Bộ quỉ loại, vong linh của thường nhơn, nhơn phách và thú phách ly trần) mà hạng nào, thanh hay trược, thiện hay ác, cũng giáng cơ được hết. Vậy tránh sao khỏi Chánh Tà lẫn lộn.

Vẫn biết Pháp đàn (người chứng đàn) phải biết biện phân, phán đoán thiệt hư, nhưng với trí phàm hữu hạn, dễ gì tránh khỏi sai lầm.

Đồng chưa minh, chỉ tiếp xúc với Âm Linh hạ đẳng mà thôi.
Một điều quan trọng nữa là người thủ cơ hay chấp bút mà không đại tịnh để dứt vọng niệm thì chỉ viết ra những tư tưởng chứa sẵn trong thần trí, kỳ thật không có Âm Linh nào giáng.

Chúng ta biết tư tưởng vốn biến thành hình và sống một thời gian lâu hay mau tùy theo sức tư tưởng mạnh hay yếu. Đồng tử cần phải diệt hết tư tưởng thấp hèn về bản ngã và cá nhơn, lúc nào cũng phải giữ cho cõi tâm an tịnh, chớ chẳng đợi khi chấp cơ.

Ví dụ đồng tử có một dục vọng gì, dục vọng ấy chưa thỏa mãn thì nó vẫn còn nuôi nấng trong Chơn thần, nó tượng nên hình như cái thai trong thai bào, càng lâu càng lớn, đợi đến ngày tháng (đến khi có dịp) là sanh ra.

Đến khi đồng tử chấp cơ, dẫu rằng lúc nầy rán giữ đại tịnh, không sanh vọng niệm mới, nhưng cái vọng niệm cũ kia đã tượng nên hình, bấy giờ có dịp sanh ra.

Vì vậy mà cũng một đồng tử chấp cơ, có bài Thánh huấn làm cho chúng ta kính phục vô cùng, mà cũng có bài làm cho chúng ta chán nãn.

Ở trường hợp nầy, đồng tử bị tư tưởng mình ám thị nên gọi là “Tự kỷ ám thị” (Autosuggestion).

Chẳng những vậy thôi, mà những người hầu đàn, nếu họ có tư tưởng mạnh, tư tưởng ấy có thể chuyển di qua Chơn thần đồng tử, nếu đồng tử có “cảm thụ tánh” (suggestivité) nghĩa là cái tánh dễ bị ám thị (suggestion).

Duy đồng tử có đạo hạnh thanh cao, trì trai thủ giới, hoặc đồng tử tiền định, mới thông công được với các Đấng Thượng đẳng thiêng liêng thì Cơ Bút mới huyền diệu. Tuy nhiên cũng không khỏi tự kỷ ám thị chẳng nhiều thì ít.

Cơ thể và huyền khiếu của đồng tử:
Cơ thể của con người cũng như cái máy vô tuyến điện. Máy nầy có 2 bộ phận: Một phần để thâu điển vào, còn một phần để phát điển ra.

Phàm hễ muốn thâu điển của một cái máy khác phát ra thì máy thâu và máy phát, cần phải có một năng lực thuần điển cùng nhau (même longueur d’ondes).

Đồng tử như cái máy để thâu điển. Nếu máy tốt thì thâu được trọn điển báu, nếu máy xấu thì khó bề thâu trọn điển báu được.

Diệu Hữu là một thứ điển quang linh động, sự rung động của nó vô cùng vô tận. Muốn thâu được Diệu Hữu của các Đấng thiêng liêng, đồng tử phải là một thứ máy tinh anh và phải đồng điển với Thần Tiên.

Vô tuyến điện thường ở xa đánh tới, phải trải qua một khoảng không gian rộng hay hẹp tùy theo đường đi. Nếu khoảng không gian ấy được bình tịnh, không bão tố thì điển ban ra không bị loạn (brouillage).

Diệu Hữu cũng vậy, Thần Tiên ban nó ra bắt từ khoảng tịch mịch không trung, nếu được thanh tịnh thì sẽ tiếp được những bài văn cao siêu lưu loát, ý nghĩa thâm trầm, ẩn vi mầu nhiệm.

Tóm lại, bổn tánh của Diệu Hữu thường là thanh tịnh, ấy là của Thần Thánh Tiên Phật. Nếu người được tinh khiết thanh tịnh thì hiệp với Trời, thông công với Thần Tiên được. Trái lại, thì Tà Thần xen vào, gạt gẫm làm cho người học đạo phải mất đức tin mà sa ngã, nếu chưa đủ trí biệt phân.

Cho nên người dùng Cơ Bút mà tầm đạo hay là học đạo thì phải dè dặt, cẩn thận, mới khỏi sa vào lưới rập của Quỉ Vương.

Phần thứ năm:

THÁNH NGÔN
dạy về Cơ Bút

I - Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn dạy Cơ Bút.
1 . Ngày 19-11-Ất Sửu (dl 3-1-1926)
Thủ cơ - Chấp bút
Thủ cơ hay là Chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất Chơn thần ra khỏi phách đặng hầu Thầy nghe dạy.

Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy.

Chơn thần là gì?
Là nhị xác thân (périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.

Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn Thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.

Như chấp cơ mà mê, thì Chơn Thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo, Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra; người đọc trật chữ nó nghe đặng, không chịu, Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.

Còn chấp bút, khi Thầy đến thì làm cho Thần con bất định một lát, cho Thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết, ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn Khôn, tinh thông vạn vật đặng.

Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng, tắm gội cho tinh khiết, rồi mới đặng đến trước Bửu Điện mà hành sự; chớ nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ thì phải để ý thanh bạch, không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác đến hầu dạy việc. Phải có một Chơn Linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng Linh Hồn tinh tấn; phải tập tành chí Thánh, Tiên, Phật, mới phò cơ dạy đạo cả chúng sanh. Kẻ phò cơ, chấp bút cũng như tướng soái của Thầy để truyền đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường. Còn việc truyền thần lấy điển quang, thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi Thần của nó viết ra, có khi trúng, có khi trật.
Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành. (TNHT 1-2 HN, B2)

2 . Ngày 29-1-Bính Dần (dl 13-3-1926)
Thầy dạy Ngài Trương Hữu Đức chấp cơ:
Thầy dạy Ngài Trương Hữu Đức chấp cơ:
“Đức! Cái công quả của con là chấp cơ truyền Đạo. Nghe Thầy dạy điều thiếu sót.

Như trước khi muốn thủ cơ thì phải lo diệt trần, là đừng để vào trí của con một ý muốn riêng chi hết. Cầm cơ thì trí não thanh tịnh, đừng sắm sửa vào trí chi hết, vì là phần riêng của con thì Thầy lấy chi mà ứng vào đó cho đặng.

Con phải giữ trí tỉnh táo, khi cơ lên thì Thầy ứng câu gì vào trí, con viết ra câu ấy. Thầy giáng tâm của con. Như trí con choán hết ý tứ Thầy thì đâu đặng linh nghiệm.
Kỳ dư như: Cư, Tắc, Sang, . . . . thì Thầy giáng thủ, một đôi khi cũng giáng tâm.
Phải nhớ đặng chấp cơ mới linh nghiệm.
Nghe và tuân theo.“ THĂNG
(TNST, Q1, B25).

3 . Thầy dạy về Thập nhị Thời Quân và Cơ Bút.
(Xem phần Chú thích bổ xung Bài Thánh Ngôn số 125 trong TNHT 1-2 HN, B125).

“Nếu không phải mấy đứa phò loan của Thầy đã định thì Cơ Bút do nơi khác mà ra đều là không phải lời của Thầy nói.”

“Bực Chơn Thánh mà phải đọa trần, nếu không đủ tánh chất để dìu dẫn nhơn sanh thì cũng chưa xứng đáng cầm bút cho Thầy truyền Đạo.”

4 . Các loại Cơ Bút – Cơ quan đồng tử:
Thánh giáo có dạy:
“Giờ nầy, Thầy biện phân về Cơ quan đồng tử cho các con hãn tàng tự sự.

Cơ là gì? Cơ thật nghĩa là máy. Quan là gì? Quan là một trong các bộ phận của cái máy “Thiên Cơ”, là mỗi phần cốt yếu của luật tuần hoàn xây chuyển đó.

Vậy hai chữ Cơ quan ứng hiện chia ra làm 3 cách:
- Thứ nhứt: Tiên Cơ dùng huyền vi chơn lý.
- Thứ hai: Tà Cơ dùng mê tín dị đoan.
- Thứ ba: Nhơn Cơ dùng hữu hình thể cách.
Thầy sẽ luận giải cho rõ ràng, kẻo các con còn nghi nghi ngại ngại.

Tiên Cơ: dùng luật huyền vi chơn lý, là lấy sự chánh đáng để dìu dắt các con bước lần theo đường sáng suốt tấn hóa mãi lên.

Tà Cơ: dùng mê tín dị đoan, là lấy sự chẳng đặng chơn thật, kiếm thế cho các con quá mê theo những sự dị đoan mà phải sai lầm.

Nhơn Cơ: dùng hữu hình thể cách, là sự chi có hình dạng. Đấy là do các con làm ra.

Các con khá nhớ: Trong 3 cách đều phải thọ điển cả, chớ chẳng phải không đâu. Các con nghe Thầy giải lý:

TIÊN CƠ: Luật tiếp điển như vầy:

Hễ đồng tử định Chơn thần rồi thì tâm tịnh, mà hễ tâm tịnh thì minh khiếu sẽ phát lộ ra, kế tiếp với Chơn thần xuất hiện lên trên, rồi nối với Tiên Thiên điển mới rọi ra thành Thánh giáo. Nên khi lập đàn, các con cần nhứt trước hết phải cho thanh tịnh, đừng khua động. Nếu động thì tâm đồng tử động, cái minh khiếu tiếp liên với Tiên Thiên điển bỗng rời ra, thành thử phải đứt điển đó.

TÀ CƠ là vầy:
Cũng phải tiếp điển nữa, nhưng vì điển Hậu Thiên quá nhiều, có một tý Tiên Thiên mà thôi. Tiên Thiên điển là Dương điển, còn Hậu Thiên là Âm điển, Tà thuộc Âm, hễ Âm điển nhiều thành ra Tà cơ đó.

NHƠN CƠ: cũng có điển.
Lúc mới tạo nên vật kiện là vầy: Khi các con muốn làm ra một món chi, thì cái ý muốn ấy tự trong tâm các con phát hiện ra, óc của các con nó khiến các con cử động tứ chi mà tạo thành vật ấy. Đó cũng gọi là điển, song thật là Nhơn điển, Phàm điển.

Vậy Thầy đã minh giải tận tường, các con lấy đó mà suy nghiệm, chớ đừng để lòng nghi ngại từ bấy lâu nay.”
(Trích trong quyển Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp)

*   *   *

Sau đây xin dẫn chứng 3 trường hợp Cơ Bút: Nhơn cơ, Tiên cơ, Tà cơ.
Chúng ta phải dùng hết lương tri và lương năng mới có thể phân biệt được 3 trường hợp nầy.

1. - Nhơn Cơ:
Ngày 10-4-Kỷ Hợi (dl 17-5-1959), Đức Hộ Pháp qui Thiên tại Kim Biên (Nam Vang). Đức Ngài có di chúc:

“Bần đạo qui Thiên, tạm gởi thể xác nơi đất Cao Miên một thời gian. Ngày nào nước nhà độc lập, thống nhứt, thực hiện đúng theo đường lối Hòa Bình Trung Lập, sẽ di liên đài về Tòa Thánh Tây Ninh.”

Ngày 12-9-Ất Tỵ (dl 6-10-1965), Đức Hộ Pháp giáng cơ dạy Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa và Sĩ Tải Bùi Quang Cao phải ở lại Nam Vang gìn giữ liên đài của Đức Hộ Pháp, còn những người khác thì tùy nghi, muốn về Tòa Thánh tiếp tục hành đạo hay ở lại đây cũng được, không bắt buộc.

Đến năm Canh Tuất (1970), ở nước Miên có cuộc biến loạn dữ dội do Khmer đỏ gây ra, họ tàn sát Việt Kiều, Ngài Hồ Bảo Đạo rất lo sợ và rất muốn trở về VN để tránh tai họa.

Ngài Hồ Bảo Đạo thiết lập đàn cơ, cùng với Sĩ Tải Cao phò loan, cầu Đức Hộ Pháp.

“Nội dung bài giáng cơ nầy của Đức Hộ Pháp là dạy Hội Thánh lo đem liên đài của Đức Ngài về Thánh địa, vì lúc nầy có biến loạn ở Kim Biên.”

Xin chép lại nguyên văn bài giáng cơ nầy:
Thánh Thất Kim Biên, ngày 23-2-Mậu Tuất (dl. 30-3-1970)
Phò loan: Bảo Đạo - Sĩ Tải Cao.
Hầu đàn: Hồ Thái Bạch.

"Chào Chú Đốc và hai em,
Tình thế đến lúc chúng ta phải tự giải quyết số phận của chúng ta, nghĩa là phải rời nơi đây sớm chừng nào hay chừng nấy. Đó là thượng sách.

Di cốt của tôi nếu tiện thì cũng di luôn về Tổ Đình cho sớm.

Di chúc của tôi hết hiệu lực đối với chánh quyền hiện hữu. Nếu nơi đây sanh biến thì chúng ta hết chánh nghĩa ở ngoại quốc, có thế thôi.

Nhưng muốn cho thuận tiện là Hội Thánh phải dời về cho hợp lẽ. Chúng mình chỉ đợi lịnh của Hội Thánh là đủ, còn mọi việc đều do Chú lo liệu.

Hiện thời chưa giải quyết được việc ấy, bởi lẽ biên giới đóng cửa không thể qua được.

Chú cứ tính lần đi là vừa nghe Chú!

Khi được thơ Hội Thánh, Chú phải lo tính cách xin với chánh phủ hồi hương cho cả thảy phái đoàn theo Chú.

CAO cũng vậy, là thu dẹp liền đi là vừa, tao chi lịnh mầy đó.

Thôi, mọi việc đều do nơi Tổ Đình tất cả, Chú chỉ lo sắp xếp trong yên lặng là đủ, chỉ cho hay khi được tin Tổ Đình, chờ còn phải xây tháp để liên đài ở Đại Đồng Xã nghe Chú.

Đây đến đó còn ít lâu nữa, cứ bình tĩnh mà lo việc nầy, chớ thố lộ mà hư việc, Chú đợi lịnh sẽ sắp đặt, đừng chộn rộn nghe Chú, cứ để tình trạng yên ổn như vậy mà lo việc sau nầy cho phương tiện.

CAO cũng vậy, chớ bồn chồn làm cho Đạo nơi Kim Biên xôn xao nghe Chú!" THĂNG

Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa gởi bài Thánh giáo nầy về Tòa Thánh Tây Ninh cho Đức Thượng Sanh và Hội Thánh thi hành.

Đức Thượng Sanh tiếp được thơ của Ngài Hồ Bảo Đạo và bài Thánh giáo nầy của Đức Hộ Pháp thì cảm thấy bài Thánh giáo dạy không đúng theo lời Di chúc của Đức Hộ Pháp trước khi Đức Ngài qui Thiên, bởi vì lúc nầy nước Việt Nam chưa thống nhứt, chưa hòa bình, chưa trung lập theo đường lối của Đức Hộ Pháp. Có lẽ đây là NHƠN CƠ do Ngài Hồ Bảo Đạo viết  ra chăng?

(Bởi vì lúc cầu Đức Hộ Pháp, Ngài Hồ Bảo Đạo quá lo sợ bọn tàn ác Khmer đỏ nên Ngài có ý muốn mạnh mẽ trở về Việt Nam. Tư tưởng lo sợ nầy của Hồ Bảo Đạo làm choán chỗ hết tư tưởng của Đức Hộ Pháp, nên cơ viết ra toàn là tư tưởng của Hồ Bảo Đạo, chớ không phải ý của Đức Hộ Pháp. Do đó, bài Cơ bút nầy là Nhơn Cơ).

2 . Tiên Cơ:
Đức Thượng Sanh, có rất nhiều kinh nghiệm về Cơ Bút, hiểu rõ đây là Nhơn Cơ do Chơn thần của Hồ Bảo Đạo viết ra, nên thiết lập một Đàn cơ chánh thức tại Cung Đạo Tòa Thánh, do hai vị Thời Quân phò loan, có các Chức sắc của hai Đài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Cơ Quan Phước Thiện hầu đàn, để cầu Đức Hộ Pháp xác minh.

Đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh, đêm 24-3-Canh Tuất (dl 29-4-1970), lúc 9 giờ 15.
Phò loan: Hiến Pháp – Khai Đạo.
Hầu đàn: Đức Thượng Sanh, Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, chư Chức sắc HTĐ, CTĐ và CQPT.
Hầu bút: Truyền Trạng Khuyên, Giáo Hữu Tám.

HỘ PHÁP

Mừng bạn Thượng Sanh cùng các bạn Hiệp Thiên, chư Chức sắc Cửu Trùng Đài nam nữ.

Cười . . . Bạn Thượng Sanh muốn hỏi điều chi?
- Bạch Đức Ngài, ông Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa có gởi về một bài Thánh giáo nói rằng: Đức Ngài giáng cơ tại Kim Biên dạy Hội Thánh lo đem liên đài của Đức Ngài về Thánh địa, vì lúc nầy có biến loạn nơi Kim Biên.

Chức sắc vẫn phân vân, có phần tin và có phần không dám tin. Trong bổn đạo nơi Ngoại ô và các nơi khác có dư luận xôn xao về sự sắp đặt di liên đài của Đức Ngài về Tòa Thánh.

Tiểu đệ xin Đức Ngài từ bi dạy về sự di liên đài trong lúc nầy có phải thật là Thánh ý của Đức Ngài không?
Đức Hộ Pháp hỏi: - Thượng Sanh nghĩ sao?

Đức Thượng Sanh bạch:
- Theo quan niệm của tiểu đệ thì Đức Ngài đã có di ngôn phải chờ lúc Việt Nam độc lâp, đất nước được thống nhứt sẽ di liên đài về Tòa Thánh và Đức Ngài cũng có giáng cơ dạy Hội Thánh HTĐ là nước nhà chưa thống nhứt thì không vui sướng gì mà hồi loan.

Vì vậy, tiểu đệ cứ tôn trọng di ngôn và Thánh huấn của Đức Ngài trước kia. Nếu di liên đài lúc nầy, tiểu đệ thấy nhiều bất tiện và sơ thất vì thời cuộc hiện tại và cũng trái với Thánh ý của Đức Ngài.

- Hay! Cầm giềng mối như vậy mới đúng. Nếu mỗi lần có biến sự mà không vững tinh thần thì phải bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi.

Bần đạo đã nói trong thời kỳ nầy, Bần đạo có về cũng không ích lợi chi cho Đạo cũng như Đời.

Vậy Bần đạo đồng ý với Thượng Sanh và toàn Hội Thánh, nên truyền bá lời nầy cho toàn đạo hay biết, kẻo hiểu lầm rất tai hại.

Bần đạo thành thật cảm ơn chư Thánh. THĂNG.

3 . Tà Cơ:
Ông Nguyễn Văn Ca tách ra khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, về Cầu Vỹ Mỹ Tho lập ra Phái Minh Chơn Lý, hợp tác với Thiên sư Nguyễn Văn Phùng, chưởng quản HTĐ, chấp cơ, đổi hết cách thờ phượng, thay hình Thiên Nhãn bằng hình trái tim, thay đèn Thái Cực bằng thập ngũ linh đăng, đi sâu vào Tà giáo.

Sau đây là Bài giải thích Thiên Nhãn một cách rất tà mị, đăng trong tập Đuốc Chơn Lý (số 51 trang 12), do Tòa Thánh Minh Chơn Lý tại Định Tường xuất bản năm 1955:

VÔ VI HIỆP THIÊN ĐÀI
Ngày 19-8 âm lịch 1938 (7 giờ tối)

Được, con nghe Thầy dặn: Nay Thầy giải nghĩa câu:
“Nhãn thị chủ tâm, lưỡng quan chủ tể, quan thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả ngã dã.”

Trước Thầy có hứa sau Thầy sẽ chỉ rành là đợi cho đến ngày nay là đúng là Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy phải giải cho rành cho cả thảy đặng hay kẻo nhiều đứa nó ước ao trông đợi.

Giải nghĩa như vầy:
Chữ Nhãn thị chủ tâm nghĩa là cái Nhãn của mỗi người đó là chủ nghĩa ở nơi tạng Tâm mà truyền ra, ấy là trái tim nên hình cái Nhãn cũng tương tự như trái tim vậy. Đó là Tâm nội xuất hình ư ngoại đó, nên lấy nó mà làm chủ nghĩa đặng cho đời xem chung nên gọi là Nhãn thị chủ tâm là vậy đó.

Lưỡng quan chủ tể, chữ Tể nầy là cai trị (gouverner) nghĩa là hai điều quan hệ trong sự ngó dòm, coi xét, đó phải ngăn ngừa phòng sợ, trong đó có chánh có tà, đó là lưỡng quan là hai ngõ đó, hễ ngó chánh thì có chánh, ngó tà thì có tà, trong đó có một ngôi chủ tể xem xét không lầm nên phải quan phòng là vậy đó.

Quan thị Thần, chữ Quan nầy là khán (observer), chữ Thị nầy là thật (droit), nghĩa là xem xét đặng làm việc phải là chữ Thị đó. Thị trong đó có Thần, Thần nầy là Thần huệ diệu minh là điển đó, nên gọi là điển quan Thần diệu huệ phát minh tâm là vậy đó.

Thần thị Thiên, Thần vậy đó mới gọi là có Trời ẩn trong đó. Thần nầy mới gọi là Thần mục tợ điển. Còn Thiên đó thì người đời hay kêu là Thiên La Thần, Địa La Thần là vậy, vì xem xét không lầm, bao la vũ trụ chẳng vị chẳng tư.

Còn Thiên giả ngã dã là: chữ Thiên là xấu (mauvais), chữ Ngã nầy là nghiêng (pencher). Đó là nghĩa nói về người đạo.

Nếu dùng Thiên Nhãn đặng treo vậy thì trong chỗ ngó xem hành động không y theo lời dạy thì người đó có chỗ thiên là không đúng thật nơi lòng.

Phật gọi là ngã (tomber) tướng đó. Hễ người đạo mà phạm vào nhơn ngã thì hóa ra người nương đạo mà lập danh quyền lợi, dầu có treo cũng vô ích.

Vậy con biểu Ca nó coi rồi giao lại cho ba Đầu Sư, Tứ Bửu, Thiên Sư xét cho kỹ, coi cho rành, đặng in ra rồi gởi cho các Chi Phái khác đặng rõ lời Thầy dạy đó, hoặc may chúng nó có đặng hồi tâm mà tránh cái nạn tu mà lắm mê hoặc đặng biết chơn lý mà theo Thầy thì là nhờ công trong mỗi đứa đó.” (THĂNG)

II - Thánh Ngôn của Đức Lý dạy Cơ Bút.
Ngày 13-12-Bính Dần (dl 16-1-1927)
Trong bài Thánh Ngôn Đức Lý Giáo Tông dạy cách dâng Tân Luật, có nói thêm về các vị Thời Quân HTĐ làm phò loan:

“Nhưng Lão dặn thêm một điều nầy là cả thảy mấy em chẳng phải phò loan đặng huyền diệu hết.

Như kể ra thì có 3 cặp mà thôi, còn các cặp khác phải cẩn thận cho lắm vì thần chúng nó không đủ trọn mà cầm tánh mạng nhơn sanh hay là ngăn ngừa tà ma quỉ mị xung nhập. Nghe à.”

III - Phán đoán thiệt giả trong Cơ Bút:
Đức Chí Tôn giáng cơ dạy về sự phân biết chơn giả trong Cơ Bút:

THI
Ngọc Hoàng mở rộng Đạo Kỳ Ba,
Thượng Đế Long Hoa biện Chánh Tà.
Khuyên trẻ gìn lòng tu chí thiện,
Trường thi kíp tới gặp Trời Cha.

Thầy các con,
Đồng tử có nhiều hạng, song trong nhiều hạng đó, nên phân biệt trước hết là cái Giả và cái Thiệt.

Lấy về phương diện vô hình thì các con không có thể rõ đâu là Ma hay là Phật, nhưng theo phương diện hữu hình thì các con có thể rõ đặng, vì nhờ cái lý tự nhiên ở trong sự giao thiệpThần Tiên nầy.

Đạo phải hồi rời rã là vì người học đạo chưa biết dụng đồng tử, cứ tưởng cho huyền diệu là Tiên Phật, còn không huyền diệu là Ma là Quỉ. Điều đó rất mê tín, các con nên tránh xa.

Cái huyền diệu nơi cõi vô hình là trả lời theo sớ, đáp trúng lời nguyện thầm. Việc ấy chẳng những Tiên Phật có mà thôi, Quỉ Ma còn cơ huyền diệu hơn nữa. Nhiều huyền diệu để mà chi? Để mà hoặc chúng mê nhơn, lợi dụng.

Phần nhiều các con lại tưởng lầm rằng: Cơ huyền diệu là Tiên là Phật, nên chi, các đứa ấy hễ nghe Cơ Bút nào huyền diệu như đã nói trên thì nó cứ tin mà lầm lũi thiệt hành, đó là điều mê tín. Thầy bảo các con chẳng nên bắt chước.

Các con hãy tìm cái chơn lý ở trong mỗi sự hành động của Thần linh, thì các con mới biết chắc thiệt hay giả.

Trong sự tập cơ, luyện bút, thì Tiên Phật không hơn Ma Quỉ cái huyền diệu, mà chỉ hơn chúng nó cái Chơn Lý tự nhiên mà thôi.

Bởi vậy cho nên Thầy thường nhắc các con nhớ rằng: Sau khi học hỏi nơi đàn Tiên, các con phải cần trình diện với lương tâm và trí phán xét cho kỹ. Chẳng phải nghe nói lời của Trời Phật mà sợ, không phán xét, vì càng có danh hiệu chừng nào thì cái giả danh càng cao chừng nấy.

Mọi việc đều có chánh có tà, các con là Thầy mà Thầy là các con, nhưng chỉ có khác với chúng con là ngôi chánh trị của Thầy ở nơi cõi Hư Vô mà thôi.

Vả chăng, người tu là miếng mồi ngon mà lũ Quỉ là đám người chực sẵn vậy. Người chực sẵn bao giờ thấy mồi ngon mà bỏ đâu, nhưng con mồi nào khỏi đặng cũng nhờ cái hay riêng của nó. Ví dụ con thỏ, cái hay của nó là sức chạy, nếu nó cụt mất cẳng thì sẽ không còn hay nữa.

Các con cũng vậy, cái hay của các con là cái Trí khôn, để phân biệt sự chơn giả cho khỏi lầm lạc, mà nếu các con để mất trí khôn là mất cái hay đó không sai. Hễ mất cái hay thì có ngày sa vào bẫy rập của lũ Quỉ Vương.

(Trích trong quyển Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp)

Phần thứ sáu

CƠ BÚT TIÊN TRI

Nhờ Cơ Bút, Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng giáng cơ tiên tri nhiều điều hệ trọng.
1 . Đức Chí Tôn tiên tri: Một ngày kia, Trung Hoa sẽ thờ phụng Đạo Cao Đài, Hoa Kỳ sẽ lãnh trách nhiệm truyền giáo.

Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh thời Tý ngày 24-5-Mậu Tý (dl 30-6-1948):
Bần đạo nhớ khi lên mở Hội Thánh Ngoại Giáo trên Kim Biên, năm 1927, đặng truyền giáo, Đức Chí Tôn cho Bà Phối Sư Hương Lự của chúng ta được thông công cùng Ngài, nhờ nghe nhờ thấy đặng truyền Pháp cho Bần đạo.

Khi nọ, Đức Chí Tôn biểu Bần đạo lại kệ bàn viết có một dãy nhựt trình đặng rút ra hai tờ, Ngài lại dạy Chị chúng ta là Bà Phối Sư Bảy đứng bắt ấn, kế Bần đạo trải hai tờ Nhựt trình sau lưng mà Bà Chị vẫn không biết. Tới lúc bắt ấn rồi, Bần đạo thưa: Đã trải rồi.

Tức thì Bà Chị nhảy ngược lại, đạp hai tờ Nhựt trình.

Bần đạo không hiểu nghĩa gì. Đức Chí Tôn biểu coi hai chơn có đạp cái gì? Bần đạo coi chân trước, giở lên là hình Tưởng Giới Thạch, đạp ngay trên đầu; còn cẳng sau, Bần đạo biểu giở nhón lên coi thì thấy hình Roosevelt, quan Tổng Thống của nước Mỹ, đạp ngay ngực và miệng.

Đức Chí Tôn nói với Bần đạo rằng:
“Một ngày kia, Trung Hoa sẽ thờ phụng Đạo đáo để, còn nước Mỹ sẽ lãnh trách nhiệm đi truyền giáo toàn cầu.”

Ngày nay chúng ta đã thấy tưởng chừng như mấy vị phóng viên bên Mỹ đến lấy hình trọn vẹn của Đạo, đủ cả chi tiết, kinh luật đem về xứ để truyền bá, thì mấy vị nầy chẳng khác chi như Đức Tam Tạng ngày xưa đến Ấn Độ thỉnh Kinh.

Bần đạo dám chắc sự bí mật mà Bần đạo thấy Chí Tôn hành pháp buổi nọ đã kết liễu ngày hôm nay.
Ấy vậy, chúng ta phải chịu nhọc một chút đặng nghinh tiếp họ trong buổi lễ hôm nay.
Bần đạo tưởng khi những người có mặt ngồi tại đây hầu lễ nầy, biết chừng đâu cũng sẽ được hạnh phúc như đi truyền giáo bên Mỹ sau nầy mà chớ.

Bần đạo để lời cám ơn toàn cả nam nữ, và cái Bí Pháp ấy, chúng ta sẽ thấy Chí Tôn làm thành tướng trong thời gian ngắn ngủi sau đây.

2 . Đức Lý Thái Bạch tiên tri về các thành phố lớn của Việt Nam:
Tây Ninh, ngày 4-1-Đinh Mão (dl 5-2-1927).

THÁI BẠCH

Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh, hảo hội hiệp.
Thảm cho nhơn loại! Khổ cho nhơn loại!
Đời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút.
Lão đã vì thương yêu nhơn sanh, hội mười ngày nơi Bạch Ngọc Kinh, cãi cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên điều chẳng dễ chi sửa đặng.

Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau tới buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng rán chịu, lạy lục khẩn cầu.
Chư đạo hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ không hồn, thấy càng thảm thiết!

Lão tưởng chẳng cần phải nói chi một nước nhỏ nhoi đã đặng danh Thánh Địa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Huế, Hải Phòng, Hà Nội thay!
Thảm! Thảm! Thảm!

3 . Thần Hoàng Mỹ Lộc tiên tri Tận Thế:
“Từ thuở Ta vưng chiếu chỉ đến trấn nhậm nơi đây, Ta một tấm lòng lo cho lê thứ đặng an cư lạc nghiệp, thạnh vượng mùa màng; mỗi mỗi đều hằng lo lắng cho chúng sanh nơi phần trách nhiệm.

Nay có lịnh Ngọc Hoàng chiếu chỉ cho phép ta giáng cơ mầu nhiệm mà tỏ nền Đạo là quí trọng cho lê thứ hiểu. Lê thứ đâu rõ thấu việc Trời đã định hơn mấy chục ngàn năm nay. Lê thứ nghe:

Kỳ Hạ Nguơn hầu mãn nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần còn lại có một mà thôi.

Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy, thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện ăn năn sám hối, lo việc tu hành; đồng với nhau cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời đoái tưởng đến chăng?

Bởi thế nên Ngọc Đế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh mới lập hội Tam Kỳ Phổ Độ đặng có cứu vớt chúng sanh, đương linh đinh nơi biển khổ.”
(TNHT 1-2 HN, B79)

4 . Tôn Sơn Chơn Nhơn tiên tri Nhựt – Hoa hiệp chủng tạo Tân thế giới, nước Nhựt sụp đổ.
Ngày 17-11-Bính Tý (dl 30-12-1936)

Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo.

TÔN SƠN CHƠN NHƠN
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

“Một là chánh phủ Pháp với Đông dương nầy chẳng phải thật tâm trọng Đạo, cố ý giúp giùm, mà thật sự thì cho Đạo xuất dương nơi Trung huê đặng mai phục ẩn binh toan phương hãm hại . . . . .

Hai nữa là vì Thiên Thơ đã định Huê - Nhựt hiệp chủng. Hại nỗi lại là tay có trọng trách nơi phần tạo Tân Thế giới cho Đức Chí Tôn, nên Ngọc Hư phải bảo trọng, không cho diệt chủng, duy chịu nạn diệt quốc mà thôi.

Trong thế kỷ 21, sẽ thấy tang điền Nhựt đảo biến nên thương hải Huê Triều. Ấy vậy, lúc phối hiệp dân sanh sẽ có lắm trường huyết chiến.

Em nói trong thời gian ngắn ngủi chi đây sẽ có Nhựt Huê đại chiến.”
(TNST, Q.2, Bài 46).

5 . Đức Chí Tôn ban cho vua Bảo Đại bài thi tiên tri:
Ngày 12-12-Đinh Hợi, Đức Chí Tôn giáng cơ, Đức Hộ Pháp và Ngài Cao Tiếp Đạo phò loan.

Đức Chí Tôn cho bài thi 8 câu, dặn rằng: Ông Nguyễn Bửu Tài viết bài thi ra chữ Nho, Bác sĩ Lê Văn Hoạch đem trao tận tay cho vua Bảo Đại (Nguyễn Vĩnh Thụy):
Thượng hạ nhị Thiên xử Địa huờn,
Việt Nam nhứt quốc nhứt giang sơn.
Hoàng đồ toàn bảo Thiên thơ định,
Đảnh tộ trường lưu tổ nghiệp tồn.
Quốc Đạo kim triêu thành Đại Đạo,
Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.
An dân liệt Thánh tùng Nghiêu Thuấn,
Văn hóa tương lai hiệp đại đồng.

6 . Bài thi tiên tri của Đức Lý Giáo Tông.
Ngày 1-3-Mậu Tý (dl 9-4-1948).

Phò loan: Hộ Pháp – Khai Pháp.
Việt Thường hữu phúc xuất Thiên Quân,
Chuyển thế Chí Tôn dĩ định tuần.
Trị loạn Nam phương trừ mãnh hổ,
Thừa bình Bắc địa kiến kỳ lân.
Hoàng triều hậu nhựt nghi tùng cổ,
Văn hiến tương lai khả hoán tân.
Thánh chúa hiền thần phò tổ nghiệp,
Khải ca định vận tại Thu phân.

7 . Thi Vấn Đáp của Bát Nương và Đức Hộ Pháp:
Bát Nương hỏi Đức Hộ Pháp:
Dám hỏi Đại huynh rõ máy Trời,
Chừng nào ba lửa cháy ba nơi?
Năm sông đua chảy năm sông cạn?
Bảy núi nổi tan bảy núi dời?
Tận thế Long Hoa sao chẳng thấy?
Tai trời ngạt khí có hay thôi?
Rồng bay Ngựa chạy cho ai cỡi?
Đất dậy dường bao đổi xác trời.

Đức Hộ Pháp họa vận và trả lời:
Hành tàng hư thiệt tại Cha Trời,
Đông mậu năm hồ hỏa khắp nơi.
Châu Ngũ khí hòa tan ác nghiệt,
Thất Sơn dấy động Thất Sơn dời.
Thế tiêu Xuân Kỷ Long Hoa trổ,
Thưởng phạt cuối cùng Thánh đức thôi.
Long Mã ban vương tiêu trận kỵ,
Cù phi hải sụp lý thay trời.

8 . Tiên tri của Liễu Nhứt Chơn Nhơn (Tôn Tẫn):
Đêm 5-7-Nhâm Thìn (dl 24-8-1952)

Phò loan: Hộ Pháp - Bảo Văn Pháp Quân.
                                                 LIỄU NHỨT CHƠN NHƠN

Địa hoàng chuyển biến đổi dư đồ,
Diệt tận văn minh của Đạo Tô.
Phân đảnh Á Âu chia Bắc hải,
Lập triều Anh Mỹ đóng Tây đô.
Hoàng quyền nghiêng ngửa chia dân quốc,
Đế Pháp chơi vơi thống bạch cờ.
Thắng bại một trường lưu huyết trận,
Thừa nguy Việt mới định xa thơ.

Chào chư Thánh, các em nam nữ.
Để tỏ một vài lời bí ẩn của cơ đời và lẽ Đạo, sau nầy sẽ đem ra bàn luận chơi.
Hiện giờ nầy, ván bài Việt Nam tới giai đoạn “Thừa nguy Việt mới định xa thơ” rồi đó, mà nó phải đi đến đường lối nào nói nghe thử?
Bạch: - . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
- Đã luận biện thì luận, chớ có hỏi ra sao thì khó coi lắm.
Bạch: - . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
- Đã đành, nhưng phải nói thử coi chớ.
Bạch: - . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

- Chưa phải vậy đâu. Nói như thế nầy mới hợp pháp hóa: Phải có một trận thứ ba mà bao nhiêu cũng đem toàn lực ra Thái Bình Dương để kình địch, rồi 24 giờ mới ngã ngũ ra sao, chờ kết luận.

Nếu đánh Nga thì còn ngăn biển Bắc Hải, còn đánh Mỹ thì có Đại Tây Dương, còn đánh Anh thì có biển Manche, còn chú Lùn thuộc về Đông Á.

Chừng ấy Thái Bình Dương là cơ khí chận đường tiến thối của các cường quốc mặc sức tranh hùng. Khi binh kiệt thì chỉ cậy nơi vùng Đông Á tiếp cứu. Cười . . . . tiếp lương.

Chừng ấy ai đói khát phải quị lụy, mình làm nghĩa. Còn bên ấy lại do nguyên tử, khinh khí thì còn đâu chi độ binh nhung.

Chỉ còn Đông Á là tránh nạn ấy được do có Thái Bình Dương ngăn hộ nên mới ra tay tế độ, là “Thừa nguy Việt mới định xa thơ” là lúc nầy gần rồi.
Thôi, nói ít vậy. Kiếu. THĂNG.

9 . Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tiên tri:

Chừng nào chi Pháp đã ra đi,
Là lúc Đạo Trời gặp vận suy.
Chức sắc chuộng quyền hơn chuộng Đạo,
Nhơn sanh lo cốt chẳng lo bì.
Mão cao dễ rớt nên thành nhát,
Cổ ngắn khôn kêu phải hóa lì.
Khảo thí lọc lừa trường hắc bạch,
Chung lo hiệp sức thoát cơn nguy.
THANH SƠN ĐẠO SĨ.

10 . Ông Trương Định giáng cơ tiên tri: Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu sẽ bị chết thảm.
Tối 29-4-Quí Mão (dl 22-5-1963), vài cựu sĩ quan Liên Minh lén họp nhau cầu cơ hỏi các Đấng thiêng liêng về vụ Phật tử ở Huế nổi lên chống Ngô Đình Diệm. Họ họp nhau tại nhà một cựu sĩ quan Cao Đài ở Ngã tư Ao Hồ.

Ông Trương Định, một nhà ái quốc chống Pháp thế kỷ 19, giáng cơ, khuyên họ không nên nhúng tay vào máu và cho bài thơ sau đây tiên tri về 2 anh em ông Diệm.

Bài thơ nầy bằng chữ Hán (xin nhớ rằng hai em nhỏ học sinh ngồi làm đồng tử mù đặc chữ Nho):
Sơ nhất dương thời thế chuyển luân,
Ngọ hành mão đắc lục binh quân.
Ác nhân hạ mã bình minh nhị,
Tôn giáo an truyền đạo lý thuần.
                                               Trương Định.

Viết xong một câu, ông Trương Định ngưng cơ chờ ông Phạm Tài Đoan đọc lại có đúng không, rồi ông mới viết tiếp.

CHÚ GIẢI:
Sơ nhất: là ngày mùng 1; dương: là dương lịch; luân: là bánh xe, biểu hiệu sự luân hồi của Phật giáo; chuyển luân: chuyển bánh xe Phật giáo, nghĩa là làm cách mạng vì động cơ Phật giáo. Ngọ hành: 12 giờ trưa khởi cuộc cách mạng. Mão đắc: 6 giờ sáng thì cách mạng đắc thắng, thành công. Lục binh quân: quân trên bộ, bộ binh. Hạ mã: xuống ngựa, ý nói kẻ đang nắm quyền bị lật đổ; bình minh nhị: sáng ngày mùng 2. Thuần: không có gì pha trộn, ý khuyên tôn giáo không nên để chánh trị xen vào.

Giải nghĩa: Ngày mùng 1 dương lịch, cách mạng bùng nổ, vì nguyên nhân Phật giáo.

Binh chủng lục quân đứng lên làm cách mạng, khởi cuộc từ 12 giờ trưa đến 6 giờ sáng thành công.

Kẻ ác bị hạ bệ ngày mùng 2.

Tôn giáo muốn được an truyền thì phải thuần túy tôn giáo, không để chánh trị xen lẫn vào.

Ý nghĩa bài thơ tiên tri thật rõ ràng, không chút gì bí hiểm, khó hiểu, và cuộc cách mạng lật đổ Tổng Thống Diệm xảy ra đúng như đã tiên tri trước năm tháng: Trưa (ngọ hành), ngày mùng 1 Tây (sơ nhất dương thời) cuộc cách mạng bùng nổ, mà Phật giáo là cái ngòi (thế chuyển luân), 6 giờ sáng hôm sau ngày mùng 2 tuyên bố cách mạng thành công (mão đắc) và một lúc sau loan báo, hai anh em Diệm Nhu bị giết (Ác nhân hạ mã bình minh nhị). Lục quân binh cũng đúng vì chỉ có một mình binh chủng lục quân đứng lên lật đổ ông Diệm, còn hải quân và không quân đứng ngoài cuộc....
(Viết theo Hồi Ký của Lễ Sanh Phạm Tài Đoan)

Phần thứ bảy

CÁC LUẬT ĐỊNH
về CƠ BÚT
I . Cấm Cơ Bút Phổ Độ:
Cuối tháng 6 Đinh Mão (1927)
Thầy ra lịnh ngưng hết Cơ Bút truyền Đạo,
Chỉ còn Cơ Bút tại Tòa Thánh Tây Ninh mà thôi.

*   *   *

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, ngày 2-5-Đinh Mão (dl 1-6-1927), Đức Chí Tôn phán:
“Còn cuối kỳ tháng 6 đây thì Thầy phải ngưng hết Cơ Bút truyền Đạo.
Các con sẽ lấy hết chí thành đã un đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hoàn toàn mối Đạo.

Nầy là mấy lời đinh ninh sau rốt, khá lưu tâm.
Ai vạy tà nấy có phần riêng, cứ giữ theo nẻo thẳng đường ngay, bước đến thang thiêng liêng, chờ ngày hội hiệp cùng Thầy. Ấy là điều quí báu đó....
Thầy ban ơn cho các con.”

Đức Chí Tôn cấm Cơ Bút phổ thông, có lẽ vì các lý do sau đây:
- Đạo đã mở từ đầu năm Bính Dần, đến tháng 6 năm Đinh Mão là được 1 năm rưởi, Quỉ Vương sắp khởi lên khuấy phá nền Chơn Đạo của Đức Chí Tôn.

Sáu cặp cơ phổ độ của Hiệp Thiên Đài, theo lời của Đức Lý Giáo Tông, thì không phải tất cả đều phò loan huyền diệu hết, mà chỉ có 3 cặp cơ huyền diệu mà thôi.

Quỉ Vương chỉ sợ 3 Ngài: Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao Thượng Sanh.
Sáu cặp cơ nầy do Đức Chí Tôn lập ra để phò loan tại 6 Đàn Cơ Phổ Độ, thâu nhận nhơn sanh vào Đạo.

Ngoài 6 Đàn Phổ Độ nầy, còn có nhiều đàn cơ khác của người ngoại Đạo lập ra để xin thuốc trị bịnh, hoặc để nói tiên tri về việc chánh trị, đôi khi cũng nói về đạo lý.

Đức Chí Tôn e ngại Quỉ Vương nhập vào các đàn cơ nầy phá khuấy, gây ra sự mê tín dị đoan hay lừa dối, làm mất đức tin của nhơn sanh.

Do đó, Đức Chí Tôn ra lịnh ngưng hết Cơ Bút truyền Đạo, hơn nữa, Tân Luật đã lập thành, các Chức sắc chỉ do theo đó mà truyền Đạo và thâu nhận tín đồ.

Cơ Bút chỉ còn tại Tòa Thánh Tây Ninh, để Đức Chí Tôn, Đức Lý Giáo Tông và các Đấng thiêng liêng giáng cơ điều hành việc Đạo, phong thưởng Chức sắc, ban cho Tân Kinh và những Đạo Nghị Định thiết yếu, và dạy những điều quan trọng cho nền Đạo.

Sau đó, Hội Thánh cũng lập thành những điều lệ nghiêm nhặt để kiểm duyệt Cơ Bút, hầu tránh những điều tai hại có thể xảy ra.

II . Hội Thánh qui định về Cơ Bút của HTĐ. Chương trình hành sự:
Ngày 17-12-Tân Mùi (dl 24-1-1932), các Chức sắc cao cấp của hai Đài: Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài, họp lại lập thành các Qui luật về Cơ Bút trong Đạo, để thi hành cho khỏi có điều trắc trở.

Chương trình và các qui định về Cơ Bút chép như sau:
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH SỰ
của Hiệp Thiên Đài về Cơ Bút

CHƯƠNG TRÌNH

Khoản thứ nhứt: Về Cơ Bút.

Phận sự hiện thời về Cơ Bút của Chức sắc Hiệp Thiên Đài theo lời giải của Hộ Pháp.
Buổi mới lập đạo, Thánh ý đã định giao trách nhiệm phò loan cho 4 cặp cơ và mỗi cặp đều có phận sự đặc biệt là:
- Cơ lập Đạo (Enseignements religieux)
- Cơ Pháp (Législation – Sacerdoce)
- Cơ Phổ Độ (Propagande de la Foi)
- Cơ Bí Pháp (Enseignements ésotériques)

1 . Hộ Pháp và Thượng Phẩm là Cơ lập Đạo.
Tiên khởi Đức Chí Tôn đã dụng đặng rửa lỗi cho chúng sanh, xây nền Đạo, dựng Hội Thánh, lập Tân Luật và Pháp Chánh Truyền mà thể cho Thiên điều và Hiến pháp Thiên Đạo.

Khi Thượng Phẩm qui vị thì cơ Phong Thánh đã xong phận sự và nền Đạo cũng đã lập hoàn toàn thì Chức sắc phải chịu luật lệ công cử và duy có tuân y Pháp Chánh Truyền mà điều độ chúng sanh, Đạo hữu duy có tuân y Tân Luật đoạt lần phẩm vị. Cho nên về Cơ Bút thì cơ lập Đạo tức là Hộ Pháp và Thượng Phẩm đã trọn vẹn phận sự rồi.

2 . Hậu và Đức là Cơ Pháp.
Chuyên về Hiến pháp của Đạo (Législation reigieuse). Hiến Pháp của Đạo là Tân Luật và Pháp Chánh Truyền thì không ai đặng phép canh cải thêm bớt mà Cơ Pháp không biết nhứt là không có Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài công đồng nhìn nhận, cũng như buổi lập luật, Thánh ý đã muốn cho cả Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài phải công đồng nhận chịu.

3 . Mỹ Ngọc và Sang là Cơ Phổ độ để dẩn chúng sanh vào cửa Đạo.

4 . Nghĩa và Tràng là Cơ Bí pháp của Đạo, nhưng hiện thời Tịnh Thất của Đạo chưa thành lập thì phận sự chưa đến.
Những lời chép trên đây là do theo lời Hộ Pháp giải.

Khoản thứ nhì: Kiểm duyệt
Thánh Ngôn cũ và làm Lịch sử của Đạo.

Hiệp Thiên Đài phải có một Ban Kiểm Duyệt để thâu hết về một mối các Thánh Ngôn từ ngày khai đạo đến giờ.

Cả Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phải hành đạo do theo Thánh Ngôn kiểm duyệt rồi mà thôi.

Ban Kiểm duyệt Hiệp Thiên Đài phải lãnh phần làm lịch sử của Đạo.

Khoản thứ ba: Thể lệ chấp cơ
và ban hành Thánh Ngôn.

Điều thứ nhứt: Mỗi khi Hội Thánh Cửu Trùng Đài muốn cầu Đức Chí Tôn thì phải viết tờ cho Hộ Pháp biết ý nguyện của mình về phận sự của cặp cơ nào.

Điều thứ nhì: Hộ Pháp sẽ tùy theo mà cho cặp cơ ấy hay, nghĩa là như cầu hỏi về luật pháp thì Hộ Pháp sẽ cho cặp cơ Hậu và Đức biết trước, v.v... đoạn trả lời cho Hội Thánh Cửu Trùng Đài và định ngày giờ thỉnh cầu.

Điều thứ ba: Không được phép cầu nơi nào khác hơn là tại Bửu điện Hiệp Thiên Đài.

Điều thứ tư: Mỗi lần cầu, duy có Hộ Pháp và Giáo Tông đặng hầu đàn và một Chức sắc Hiệp Thiên Đài làm ký lục mà thôi, trừ ra khi nào giáng cơ dạy kêu ai thì người ấy mới được đến hầu.

Điều thứ năm: Chấp cơ rồi thì Hộ Pháp, Giáo Tông và 3 Chức sắc Hiệp Thiên Đài có tại đàn sẽ kiểm duyệt Thánh Ngôn liền, rồi giao cho Giáo Tông ban hành.

Điều thứ sáu: Trước khi ban hành, Giáo Tông phải để cho Bàn Kiểm Duyệt Thánh Ngôn của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài xem trước, như Bàn Kiểm Duyệt nầy xin ngưng ban hành thì Giáo Tông phải trả lại cho Hộ Pháp đặng định ngày cầu Đức Chí Tôn hỏi lại.

Chức sắc Thiên phong Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài ký tên dưới đây đồng nhìn nhận Tờ Chương Trình hành đạo nầy và định:

Thứ nhứt: Tuyên bố Tờ Chương Trình nầy.
Thứ nhì: Ngày mùng 8 tháng Giêng tới đây là ngày cả Chức sắc Hiệp Thiên Đài sẽ về Tòa Thánh mà tái thủ phận sự.
Làm tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 24 tháng 1 năm 1932.
(âl 17-12-Tân Mùi).
Ký tên:
Hộ Pháp
PHẠM CÔNG TẮC  

Thượng Đầu Sư Quyền Giáo Tông
THƯỢNG TRUNG NHỰT
             
- Hiến Pháp Trương Hữu Đức
- Khai Pháp Trần Duy Nghĩa
- Tiếp Pháp Trương Văn Tràng
- Bảo Thế Lê Thiện Phước
- Khai Thế Thái Văn Thâu
- Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh
- Tả Phan Quân MÙI.

Thượng Chánh Phối Sư
- THƯỢNG TƯƠNG THANH

Thái Chánh Phối Sư
- THÁI THƠ THANH

- Ngọc Chánh Phối Sư
có xin kiếu.

III . Văn thư và Thánh Lịnh của Đức Hộ Pháp:
Đức Hộ Pháp gởi văn thơ cho chư vị Thời Quân và Chức sắc Hiệp Thiên Đài về vấn đề Cơ Bút.

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Nhị thập lục niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH
Ngày 16-2-Tân Mão (dl 23-3-1951).

HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng

Gởi cho cả Chức sắc Thiên phong HTĐ.
Cơ Bút là một cơ quan thuộc Huyền Linh Pháp nên vẫn là hư hư thiệt thiệt, vì bất kỳ mọi sự chi mà có tánh phàm của con người hùn vốn vào đó đều giả nhiều mà thiệt ít.

Cơ Bút đã đủ quyền lập Đạo đặng thì nó cũng đủ quyền diệt Đạo đặng.
Vì cớ mà Đức Chí Tôn đã cấm Cơ Bút Phổ Độ.
Một điều nguy hiểm nhứt là Cơ Bút có quyền phong cho một tên cùi phung ăn xin nơi giữa chợ ngồi địa vị Giáo Tông hay là Hộ Pháp đặng, thì ta là người giữ gìn chơn pháp lại càng phải oai nghiêm lắm lắm mới đặng.

Bần đạo đã xét nét cùng các Đấng và Thánh Lịnh số 6/PC thì làm cho chúng ta phải lưỡng lự.

Nếu dùng oai nghiêm mà trị giả dối đã đành, còn thoảng như rủi gặp thiệt, ta mới tính sao?

Bần đạo đã có giải rõ những đồng cốt là khí cụ có thể là của Trời dùng mà cũng có thể là của Quỉ hại. Đồng cốt giả, với Bần đạo, Bần đạo dám cho nó giả, vì cái giả của nó, Bần đạo sẽ có đủ phương làm ra có thiệt. Còn các bạn tu và em út ta nó có đặng như Bần đạo đâu mà Bần đạo dám cả gan để cho họ bị hại vì cái giả của đồng cốt.

Đã bàn luận xong cùng các Đấng, nên Bần đạo quyết định như vầy:

Y như Bần đạo đã định khi trước, là ai cũng đặng tự do dùng Cơ Bút mà học hỏi lấy mình mà thôi, còn cấm nhặt không đặng truyền bá.

Nếu bài cơ nào học tư mà truyền bá ra thì Quân Đội và Thánh Vệ sẽ bắt luôn người tuyên truyền và đồng tử mà giam lại đặng đợi Cơ Hiệp Thiên Đài định phân giả hay thiệt. Nếu giả thì người tuyên truyền và đồng tử sẽ bị giao cho quyền nhà binh dùng thế nào tùy ý, nghĩa là sung vào cơ quân vệ theo lính cho tới ngày nào tiên tri hay là huyền linh nói trong Cơ Bút thiệt hiện ra có thật đủ lẽ.

Một điều hại nhứt mà Cao Thượng Phẩm nói: “Không nên để cho mấy đứa nhỏ nó ra lịnh hay là dạy lại mình chớ!”

Bần đạo muốn hỏi rõ, phải nó làm cơ giả không? Thì người cười mà nói rằng: “Quả có phần giả của nó, dầu nó cố ý hay là vô tình cũng là đáng tội. Hộ Pháp để ý xét xem mấy bài văn sẽ thấy cái giả của chúng nó.”
“Cơ Bút giả đã nhiều rồi, Hộ Pháp liệu lấy.”
(Lời nầy của Đức Lý Giáo Tông).
Thi hành Chánh pháp cho nghiêm nhặt.

Bất kỳ Cơ Bút nào mà ra lịnh cầm quyền Hội Thánh, không có mặt đủ Thiên phong Nhị Hữu Hình Đài và nơi Cung Đạo Đền Thánh, xuất hiện thì ra lịnh bắt đồng tử và kẻ nghịch tuyên truyền giam lại, rồi đem ra Pháp Chánh kết án trục xuất ra khỏi Đạo.

Bảo Thế xem rồi lập Thánh Lịnh lại đưa cho Bần đạo ký.
Ký tên và đóng ấn: PHẠM CÔNG TẮC

Thông truyền cho cả mấy bạn Chức sắc HTĐ:
Thừa Sử, Truyền Trạng và Luật Sự tường tri.
KHAI PHÁP (ấn ký)
23-3-1951 (Tân Mão)

*   *   *

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Nhị thập lục niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH
Số: 21/ TL.

THÁNH LỊNH
HỘ PHÁP
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.

Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền,
Chiếu y Đạo Luật ngày 16-1-Mậu Dần (dl 15-2-1938) giao Quyền Thống Nhứt Chánh Trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ cho tới ngày có Đầu Sư chánh vị,

Nghĩ vì Cơ Bút là một cơ quan thuộc về Huyền Linh Pháp nên vẫn là hư hư thiệt thiệt, vì bất kỳ mọi sự chi mà có tánh phàm của con người phối hợp vào đó đều giả nhiều mà thiệt ít,

Nghĩ vì Cơ Bút đã đủ quyền tạo Đạo đặng thì nó cũng đủ quyền diệt Đạo đặng, vì cớ mà Đức Chí Tôn đã cấm Cơ Phổ Độ,

Nghĩ vì Hộ Pháp đã khoan hồng, cho phép mỗi người được tự do dùng Cơ Bút để học hỏi riêng mà thôi, còn cấm nhặt không được truyền bá.

Nghĩ vì có nhiều người ở nhiều nơi không tuân hành y lịnh dạy, nên lúc sau nầy có Cơ Bút giả nảy sanh quá nhiều làm cho bổn đạo xao xuyến phân vân, e di hại cho toàn sanh chúng.

Nên:
THÁNH LỊNH
Điều thứ nhứt: Mỗi người trong bổn đạo được phép dùng Cơ Bút học hỏi riêng mà thôi, nhưng cấm bặt truyền bá ra ngoài.

Điều thứ nhì: Sự truyền bá ra ngoài có nghĩa là: Chép Thánh Giáo của người học hỏi riêng rồi phân phát ra cho người khác xem, hoặc tuân hành theo.

Điều thứ ba: Những vị nào phạm lịnh trên đây (Điều thứ nhứt và Điều thứ nhì) sẽ bị nghiêm trị như sau nầy:
1) Nếu bài Cơ Bút nào để học hỏi riêng mà truyền bá ra ngoài thì Quân Đội và Cơ Thánh Vệ truy nã người tuyên truyền và đồng tử, giam cả thảy lại cho tới khi có Cơ Bút của Hiệp Thiên Đài định phân thiệt giả.
2) Nếu giả thì người đồng tử và người tuyên truyền sẽ bị giao cho Quân Đội tùy ý xung vào cơ binh theo lính, hoặc vào Cơ Thánh Vệ cho tới ngày tiên tri hay huyền linh nói trong Cơ Bút ấy thật hiện ra có thật đủ lẽ.

Điều thứ tư: Bất kỳ Cơ Bút nào mà ra lịnh cho cầm quyền Hội Thánh, không có đủ mặt Thiên phong Nhị Hữu Hình Đài và nơi Cung Đạo Đền Thánh xuất hiện thì Hội Thánh liền ra lịnh bắt đồng tử và người tuyên truyền Cơ Bút ấy giam lại, rồi đưa nội vụ ra Pháp Chánh kết án trục xuất ra khỏi Đạo.

Điều thứ năm: Vị Bảo Thế Tổng Thơ Ký Chánh Trị Đạo, chư vị Chức sắc Hiệp Thiên Đài, vị Khai Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, chư vị Quyền Thái Chánh Phối Sư, Quyền Thượng Chánh Phối Sư, Quyền Ngọc Chánh Phối Sư, Đạo Nhơn Chưởng quản Phước Thiện, Quyền Tổng Tư Lịnh Quân đội Cao Đài, Chỉ Huy Cơ Thánh Vệ, Khâm Thành Thánh Địa nam nữ, Nữ Chánh Phối Sư Hành chánh và Nữ Phối Sư Chưởng quản nữ phái Phước Thiện, các tư kỳ phận, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.
Tòa Thánh, ngày 22-2-Tân Mão (dl 29-3-1951).
HỘ PHÁP (ấn ký)

IV . Thông tri về Cơ Bút của Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản HTĐ:
Ngày 2-6-Nhâm Tý (dl 12-7-1972), Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức cầm Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, ra THÔNG TRI số 196/QCQ/TT: Nhắc lại Thánh Lịnh số 21/TL ngày 22-2-Tân Mão (dl 29-3-1951) cấm truyền bá Cơ Bút học hỏi riêng.

Ngài Hiến Pháp nhấn mạnh: Chỉ có những Thánh giáo nào đã được Hội Thánh kiểm duyệt mới được phổ biến.
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ thập thất niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH
Văn phòng      
Quyền Chưởng Quản  
Hiệp Thiên Đài
      ---ooo---
Số: 196/QCQ/TT       
THÔNG TRI

HIẾN PHÁP
Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài

Kính gởi: - Hội Thánh Cửu Trùng Đài,
- Hội Thánh Phước Thiện.
- Chức sắc, Chức việc và toàn đạo lưỡng phái.
Kính chư Hiền hữu, chư Hiền muội.

Chiếu Thánh Lịnh số 21/TL ngày 22 tháng 2 Tân Mão (dl 29-3-1951), mỗi người trong bổn đạo được phép dùng Cơ Bút học hỏi riêng mà thôi, cấm nhặt truyền bá ra ngoài và định rõ hình phạt về tội vi phạm.

Nghĩ vì có một số người vô trách nhiệm, giả tạo ra một vài bài Thánh Giáo ở bên ngoài, cho là Thánh Giáo của Hiệp Thiên Đài cầu tại Giáo Tông Đường, để phổ biến khắp vùng Thánh địa và ở địa phương, làm tổn thương uy danh của Hội Thánh và có ý định mê hoặc bổn đạo hoặc làm điều bất chánh.

Kể từ đây, nếu bài Thánh Giáo nào ban hành mà không có Hội Thánh ấn ký hoặc Chức sắc hữu trách ký tên thì kể như vô hiệu lực, toàn đạo chẳng nên nghe và tuân theo.

Xin Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Phước Thiện phổ biến sâu rộng Thông Tri nầy cho toàn đạo đều hiểu biết.
Nay kính.
Tòa Thánh, ngày 2-6-Nhâm Tý (dl 12-7-1972).
HIẾN PHÁP Trương Hữu Đức
(ấn ký)

KẾT LUẬN
Xin trích Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn trong quyển Thiên Đạo của Ngài Bảo Pháp làm kết luận:

“Nền Đạo sáng khai, Thầy tạm dùng Cơ Bút làm khuôn mẫu. Các con phải lãnh ảnh hưởng bên Hiệp Thiên Đài mà hành đạo.

Những sự lợi hại của Cơ Bút có hai đàng là:
Một là chánh đại quang minh giáo đạo, ấy là Thầy các con, là Tiên Cơ đó.

Hai là chỗ mê muội hữu vi hữu tướng để cho ác quỉ hung thần truyền thinh giáo đạo cho những đứa con không đủ đạo đức, tức là Tà Cơ và Nhơn Cơ vậy.”

“Thầy khuyên các con rán nhớ hai chữ “Chí Thành”, để dạ không không, đừng tính điều chi khác với hai chữ “Chí Thành”, vì hễ Tâm Chí Thành thì mới có cảm giác đặng. Mà cảm giác đặng thì mới có ứng hóa, hễ ứng hóa thì các con mỗi đứa đều đặng rõ thông mọi việc, ấy là rõ đặng Thiên Cơ phú thác cho một điểm linh quang. Điểm linh quang ấy vốn có tánh lương tri lương năng, chứng rõ đặng Thiên Cơ, ấy mới gọi rằng: Chơn Thật.

Các con đừng thầm tính rằng nên cầu Thầy cùng chư Phật Thánh Tiên mà nghe Thánh giáo dạy bảo cho rõ Thiên Cơ, ấy là ở trong đó có một cái lẽ đại hại ẩn vi, nó dìu dắt các con đi sai đường lạc ngả. Có phải vậy không các con?

Vì Cơ Bút là cơ quan rất tối cao tối trọng, vã lại Cơ Bút là cơ vận chuyển theo thời thế mà tấn hóa, dìu dắt các con chung hòa như một sợi dây để buộc đàng liên ái, đúng với luật thiên nhiên đó thôi.”

Người biết dùng Cơ Bút là biết phán đoán. Người biết phán đoán tức là người không chịu làm nô lệ cho tư dục, thì Cơ Bút không còn tư tâm, tư phân, tư kiến, bài bác chỉ trích, nuôi nấng ác cảm, chia phe lập phái.

Người ấy sẽ là người sáng suốt, rọi đuốc quang minh mà dìu dẫn nhơn sanh đi từ bến mê qua bến giác.

Chừng đó, Cơ Bút sẽ là cái chìa khóa mở kho báu vô tận cho chúng sanh lạc hưởng.
Cơ Bút là một cái chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh, một cái chìa khóa mở kho bí mật của Trời Đất.
Thí dụ: Chúng ta nay là người đứng trước muôn ngàn cái hình vẽ, có nên nhìn miếng giấy rằn rực mà quên cái tinh thần, nét họa tuyệt sắc, cái màu thuốc sắc sảo của anh thợ khéo sao?
Người hành đạo cũng thế, có nên vì cái hình thức mà quên cái lý thâm uyên của Đại Đạo sao?

HẾT
    Home                     1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét