Khảo Luận Xây Bàn & Cơ Bút Trong Đạo Cao Đài - 2 / 4 ( HT. Nguyễn Văn Hồng )


Dịp may lúc bấy giờ có ông Phán Phan Văn Tý, làm việc ở sở Trường Tiền, vốn là bạn cũ của ông Cư và ở gần nhà ông Cư tại đường Bourdais Sài Gòn. Ông Phán Tý qua lại chơi nhà ông Cư, thấy quí ông Cư, Tắc, Sang xây bàn cầu Tiên, được một bài văn thì lâu quá, nhưng ông chưa dám nói, mãi đến khi ông Cư qua nhà nói muốn cầu bằng Ngọc Cơ nhưng chưa có, ông Phán Tý liền cho biết ông đang có một cây Ngọc Cơ, để ông lấy cho mượn.

Ông Phán Tý liền đi đến ông Âu Kích (tức là Âu Kiệt Lâm pháp danh Âu Minh Chánh) ở chùa Minh Lý đường Douamont đòi lại Ngọc Cơ mà ông đã cho ông Âu Kích mượn từ lâu để thỉnh kinh.
Ông Âu Kích nói: - Hiện giờ tôi chấp bút được rồi, ít khi dùng đến Ngọc Cơ, xin gởi trả lại ông.
Ông Phán Tý liền lấy Ngọc Cơ về cho ông Cư mượn.

Nguồn gốc cây Ngọc Cơ của ông Phan Văn Tý:

Nguyên cây Ngọc Cơ nầy, ông Phán Tý thỉnh nơi chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một. Ông Trần Hiển Vinh tu ở chùa Hội Khánh thuộc Chi Minh Thiện trong Ngũ Chi Minh Đạo, có tạo ra 12 cây Ngọc Cơ. Ông thân sinh của Trần Hiển Vinh là một pháp sư rất sành việc cầu cơ thỉnh Tiên.

Ông Phán Tý vốn tánh hiếu kỳ, xin thỉnh một cây Ngọc Cơ về nhà, để ngày nay có cho ông Cư mượn dùng.

Cây Ngọc Cơ nầy gồm có một cái giỏ, đan bằng trúc, xuyên qua miệng giỏ là một cái cán dài, ở đầu cán có gắn một cọng mây xuyên qua cán, làm như cái trục đờn gáo, dùng để cơ viết ra chữ bóng trên mặt bàn. Cái giỏ cơ được bọc vải vàng bên ngoài phủ kín các nang trúc. Ngọc Cơ phải được đặt nơi tinh khiết khô ráo, trước khi cầu cơ phải xông hương khử trược.

Khi có Ngọc Cơ rồi, ông Phán Tý tập cho hai ông Cư và Tắc làm đồng tử phò Ngọc Cơ đặng viết ra chữ bóng. Phải tập hai ngày, hai ông Cư và Tắc mới phò Ngọc Cơ thuần thục.

(Ông Phan Văn Tý quê quán ở Thủ Dầu Một, làm công chức sở Trường Tiền, là người theo đàn Minh Thiện Thủ Dầu Một, có nhà ở gần nhà ông Cư. Ông Phán Tý là sui gia của ông Trần Hiển Vinh, chủ đàn Minh Thiện).

Đêm 15-8-Ất Sửu (dl 2-10-1925), khởi đầu phò Ngọc Cơ để cầu các Đấng thiêng liêng.
Từ khi khởi sự Xây Bàn vào ngày 5-6-Ất Sửu cho đến ngày 15-8-Ất Sửu phò Ngọc Cơ cầu Đức Phật Mẫu, tính ra thời gian Xây Bàn kéo dài ngót 2 tháng 10 ngày.

HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG

Đúng vào đêm Trung Thu, 15-8-Ất Sửu, tại nhà ông Cư (134 Bourdais, nay là đường Calmette Sài Gòn), cả thảy đều đủ mặt.

Ông Cư sắp đặt một cái bàn dài, rải bông xung quanh, phía trong bàn, ngay chính giữa, để một cái ghế mây lớn, nối theo là 9 cái ghế mây nhỏ hơn đặt quanh bàn dài, trên bàn chưng dọn những bình bông và trái cây tươi tốt. Đặt trước mỗi cái ghế là một tách trà, một ly rượu, một bộ chén muỗng, đũa.

Vào chập tối, ông Cư đốt hương xông trầm, trang hoàng rất tinh khiết và yêu cầu không tiếp khách tối nay.

Ông Cư lên nhang đèn, cả thảy đều quì lạy, khấn vái. Xong, hai ông Cư và Tắc đem Ngọc Cơ ra cầu. Đây là lần đầu tiên hai ông sử dụng Ngọc Cơ để cầu các Đấng.

Đức Bà Cửu Thiên Nương Nương giáng trước và tiếp theo là Cửu vị Tiên Nương, để lời chào mừng quí ông.

Thất Nương yêu cầu ba ông (Cư, Tắc, Sang) đờn, rồi mỗi người ngâm bài thi của mình (đã làm sẵn do Thất Nương dặn trước) để hiến lễ Đức Phật Mẫu.

Chừng nhập tiệc, Thất Nương mời ba ông ngồi vào bàn cho vui. Ba ông không thể chối từ, nên đem thêm ba cái ghế, sắp sau lưng chín cái ghế nọ, ba ông xá rồi ngồi xuống.

Bà Hiếu (bạn đời của ông Cư) sắp đặt đồ ăn chay sẵn, đi vòng quanh bàn dài, gắp thức ăn đặt vào chén của Mười Đấng, rồi rót rượu và rót nước trà đãi Mười Đấng vô hình, giống như đãi người hữu hình vậy.

Cách chừng nửa giờ sau, như là mãn tiệc, hai ông Cư và Tắc đem Ngọc Cơ tái cầu.

Lịnh Nương Nương và Chín vị Nữ Tiên giáng cơ để lời cảm tạ và nói: - Từ đây có Ngọc Cơ thì tiện cho Diêu Trì Cung đến dạy việc.

Xong, mỗi vị cho một bài thi 4 câu làm kỷ niệm:

                        CỬU THIÊN NƯƠNG NƯƠNG
Cửu kiếp Hiên Viên thọ sắc Thiên,
Thiên Thiên cửu phẩm đắc cao huyền.
Huyền hư tác thế Thần Tiên Nữ,
Nữ hảo thiện căn đoạt Cửu Thiên.

                                   Nhứt Nương:
Hoa thu ủ như màu thẹn nguyệt,
Giữa thu ba e tuyết đông về.
Non sông trải cánh Tiên lòe,
Mượn câu thi hứng vui đề chào nhau.

                                   Nhị Nương:
Cẩm tú văn chương hà khách đạo?
Thi Thần tửu Thánh vấn thùy nhân?
Tuy mang lấy tiếng hồng quần,
Cảnh Tiên còn mến, cõi trần anh thư.

                                   Tam Nương:
Tuyến đức năng thành đạo,
Quảng trí đắc cao huyền.
Biển mê lắc lẻo con thuyền,
Chở che khách tục, cửu tuyền ngăn sông.

                                   Tứ Nương:
Gấm lót ngõ chưa vừa gót ngọc,
Vàng treo nhà ít học không ưa.
Đợi trông nho sĩ tài vừa,
Đằng giao khởi phụng khó ngừa Tiên thi.

                                   Ngũ Nương:
Liễu yểu điệu còn ghen nét đẹp,
Tuyết trong ngần khó phép so thân.
Hiu hiu nhẹ gót phong trần,
Đài sen mấy lượt gió thần đưa hương.

                                   Lục Nương:
Huệ ngào ngạt đưa hơi vò dịu,
Đứng tài ba chẳng thiếu tư phong.
Nương mây như thả cánh hồng,
Tiêu diêu phất phướn, cõi tòng đưa Tiên.

                                   Thất Nương:
Lễ bái thường hành tâm đạo khởi,
Nhân từ tái thế tử vô ưu.
Ngày xuân gọi thế hảo cừu,
Trăm duyên phước tục khó bù buồn Tiên.

                                   Bát Nương:
Hồ HỚN HOA SEN TRẮNG nở ngày,
Càng gần hơi đẹp lại càng say.
Trêu trăng hằng thói dấu mày,
Cợt mây tranh chức Phật đài thêm hoa.

                                   Cửu Nương:
Khiết sạch duyên trần vẹn giữ,
Bạc Liêu ngôi cũ còn lời.
Chính chuyên buồn chẳng trọn đời,
Thương người noi đạo, Phật Trời cũng thương.

Sau khi các Đấng ở Diêu Trì Cung thăng hết rồi thì kế Đấng A Ă Â đến nhập cơ.

Ông Cư và ông Tắc tọc mạch hỏi:
- Khi nãy, Diêu Trì Cung đến, có Ngài ở đó không?

Ông A Ă Â đáp:
- Có chớ, Ta ở đây từ khi ban sơ đến giờ.
- Ngài có thấy Diêu Trì Cung đến không?
- Có chớ, chính mình Ta tiếp đãi.

Ông Cư hỏi:
- Diêu Trì Cung ngó thấy Ngài không?
- Không ngó thấy.
- Sao vậy?
- Ta dùng phép ẩn thân.

Ông Tắc tọc mạch hỏi tiếp:
- Như đứa em của tôi là Thất Nương Diêu Trì Cung có thể đạt đạo đặng chăng?
- Đạt đặng chớ.
Ông Cư hỏi: - Phải làm sao?
- Phải tu, bằng không tu thì chẳng đạt đặng.
Ông Tắc hỏi: - Tu chừng bao lâu mới đạt đặng?
Ngài làm thinh không đáp.
Ông Tắc hỏi: - 1 năm, 5 năm, 10 năm, 100 năm, . . .
Ngài cũng làm thinh, rồi thôi không hơi sức nào hỏi nữa, không biết chừng nào mới đạt đặng.
Đêm ấy, quí ông thức tới 3 giờ sáng.

*   *   *

Kể từ khi hai Ngài Cư và Tắc cầu được các Đấng bằng Ngọc Cơ rồi thì hai Ngài thường dùng Ngọc Cơ hơn là Xây Bàn, bởi vì phò Ngọc Cơ tiếp nhận Thánh giáo rất mau, mau hơn nhiều lần so với Xây Bàn. Đó là tại nhà Ngài Cư.

Còn bên nhà Ngài Cao Hoài Sang thì hai Ngài: Diêu và Sang vẫn cầu các Đấng bằng lối Xây Bàn như lúc trước.

Trước đây, quí ông Xây Bàn là làm theo cách của Thần Linh Học Tây phương thông công với các chơn linh trong cõi vô hình.

Nay nhờ Thất Nương chỉ vẽ cách dùng Ngọc Cơ, các ông dùng Ngọc Cơ để thông công với các Đấng vô hình là theo lối Phò Cơ thỉnh Tiên của Tiên giáo từ bên Tàu truyền sang Việt Nam.

Các vị trong Ngũ Chi Minh Đạo như:Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân đều rất rành về cách Phò cơ thỉnh Tiên nầy.
Cách Phò cơ nầy nhanh hơn và tiến bộ hơn rất nhiều so với cách Xây Bàn trước đây.

3) Cách lập một Đàn Cầu Cơ:
Nơi lập đàn Cầu Cơ phải tinh khiết, trang nghiêm, yên tỉnh, phải lập nghi thờ có đủ: bông, trái cây, trà, rượu, nhang, đèn, và lư trầm để xông hương khử trược.

Một vị đạo cao đức trọng làm Chủ đàn, cũng gọi là Pháp đàn, dâng lời cầu nguyện, hai vị đồng tử để phò cơ, một đọc giả đọc các chữ do cơ viết ra, một điển ký ghi chép, các đồng nhi để đọc Kinh Cầu Cơ, nhiều người hầu đàn, nếu không có đồng nhi thì quí vị trong đàn đọc Kinh.

Trước hết, đọc bài Kinh Cầu Tiên:
BÀI CẦU TIÊN

Trời còn sông biển đều còn,
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần.
Thanh minh trong tiết vườn Xuân,
Phụng chầu hạc múa gà rừng gáy reo.
Đường đi trên núi dưới đèo,
Lặng tìm cao thấp ải trèo chông gai.
Phận làm con thảo há nài,
Biết phương Tiên Phật Bồng Lai mà tìm.
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu Trời Đất thanh liêm chín mười.
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi,
Bền lòng theo Phật cho người xét suy.
Thần Tiên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng nhứt thì giáng linh.

(Bài nầy thường được gọi là Bài Trời Còn vì khởi đầu bằng hai chữ Trời Còn).

Khi có Đấng thiêng liêng giáng làm cơ chuyển động thì liền đọc Bài Mừng Tiên, cũng gọi là Bài Thúc Cơ:
BÀI THÚC CƠ (Mừng Tiên)

Mừng thay chi xiết nỗi mừng,
Hào quang chiếu diệu ngàn từng không trung.
Hạc reo bay khắp dạo cùng,
Càn khôn thế giới cũng chung một bầu.
Môn sanh thành kỉnh chực hầu,
Tửu trà hoa quả mừng cầu Tiên Ông.
Nhang thơm tốc đốt nực nồng,
Đèn lòa ngọn lửa tợ rồng phun châu.

(Bài nầy thường được gọi là Bài Mừng Thay vì khởi đầu bằng hai chữ Mừng Thay).

Hai vị đồng tử rất quan trọng, vì là người trực tiếp cầm cơ, tiếp điển của các Đấng thiêng liêng, nên phải mặc Đạo phục nghiêm chỉnh, thân thể tinh khiết, hai tay phải được xông hương khử trược, trước khi Phò cơ phải ngồi đại tịnh để trừ bỏ các tạp niệm, giữ cho tư tưởng được thanh cao.

Vị Đọc giả quì kế bên bàn phò cơ, nhìn kỹ nét bút viết chữ bóng mà đọc lên cho Điển ký ghi chép ra. Nếu Đọc giả đọc trật thì cơ gõ mạnh xuống bàn rồi viết lại chữ đó.

Trong trường hợp đang khi cầu cơ, thoảng như đèn tắt hay bị cúp điện, đàn cơ vẫn tiếp tục như thường, nhưng các Đấng dùng huyền diệu làm cho chữ bóng viết trên bàn cơ ánh lên màu huỳnh quang để Đọc giả thấy mà đọc cho Điển ký ghi chép, khi đọc xong thì chữ huỳnh quang biến mất rồi cơ viết tiếp chữ khác, cũng hiện huỳnh quang, cho đến khi nào đèn được thắp sáng trở lại.

Dự được những đàn cơ nầy mới thấy rõ sự linh thiêng mầu nhiệm vô cùng của các Đấng giáng cơ.
Như trên vừa trình bày, đây là cách thức lập một Đàn Cơ để cầu các Đấng thiêng liêng.

Về sau, khi Hội Thánh tổ chức các Đàn Cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh, vị Chủ đàn thường là Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung hay Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, quí Ngài bỏ bớt các nghi tiết đọc “Kinh Cầu Cơ” và “Bài Mừng Thay”, vì Cung Đạo là nơi mà Đức Chí Tôn qui định để tổ chức các Đàn cơ chính thức của Đạo.

4) Nguyên do làm cho Ngọc Cơ chuyển động.

Ngày 4-11-Canh Dần (dl 12-12-1950). Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về nguyên do chuyển động của Ngọc Cơ, chép ra sau đây:

CAO THƯỢNG PHẨM
“Bần đạo chào các em.
Hai em Hưởng và Nhung muốn hỏi về điển lực Cơ Bút. Vậy Bần đạo giải thích cho.
Nói về nhơn điển thì trong mỗi người đều có điển Âm và điển Dương, tiếng Pháp gọi rằng Courant internatif. Do đó mà người đụng dây đèn cùng một thứ điện ấy thì chỉ bị giựt té mà thôi, nhưng tùy theo chơn thần mà điển đó mạnh hay yếu.

Trong một cặp loan, điển đó được điều hòa thì cơ viết dễ và người tiếp điển thiêng liêng dễ thông công với cảnh vô hình.

Hai người lúc nhơn điển xuất ra, hễ bên nầy Âm thì bên kia Dương, bên nầy Dương thì bên kia Âm, hai luồng điển ấy xô đẩy, hút kéo nhau mà cây cơ được vận chuyển.

Lúc điển vô hình chưa giáng thì hai luồng điển ấy không ăn với nhau, vì cớ mà cây cơ không chuyển động. Chừng lúc nào người tiếp điển đã xuất chơn thần tiếp rước điển thiêng liêng, thì điển vô hình làm cho hai luồng nhơn điển đụng chạm nhau mà xây chuyển cây cơ.

Còn cây cơ có chuyển mà viết không được, vì một phần do hai luồng nhơn điển không điều hòa cùng nhau, nó chạm nhau mà không làm một Âm hay một Dương, vì đó mà cây cơ không chỉ theo chỗ, hay không chuyển động được, hoặc do thần không tịnh, hoặc do thần của người tiếp điển lộn xộn bất định, nên điển thiêng liêng bị đứt, chơn thần của kẻ phò loan làm cho loạn điển.

Hưởng bạch: - Bạch Đức Ngài, như người tiếp điển thì tiếp điển luôn, còn người truyền điển thì không bao giờ tiếp điển đặng, có vậy không?

- Không, vì người tiếp điển là người có chơn thần riêng hạp với điển vô hình, còn những người truyền điển nếu tập luyện lâu ngày, chơn thần được quen với điển vô hình, lần lần cũng tiếp điển vô hình đặng. Nhưng đó là phần rất ít.

Hưởng bạch: - Bạch Đức Ngài, chỉ những người tiếp điển mới chấp bút được mà thôi hay sao? Xin Đức Ngài dạy cho chúng con được hiểu biết.

- Chính những người tiếp điển cũng có người không chấp bút được, còn người truyền điển mà chơn thần có hạp với điển thiêng liêng, nhơn điển được điều hòa, thần được tịnh, thì cũng chấp bút được.
Để Bần đạo dạy tiếp về điển vô hình.

Điển vô hình là thứ điển thuần Dương mà thôi, kêu rằng Courant continu positif. Do đó mà khi điển thiêng liêng giáng hiệp với hai luồng điển của cặp phò loan mà thành luồng điển ba dây, kêu rằng: Courant triphasé. Sự huy động của cây cơ là do luồng điển hợp thành ấy.
Điển của việc phò loan là vậy đó.

Còn điển của việc chấp bút cũng do luồng điển ba dây hợp thành mà làm chuyển động bàn tay cầm bút, nhưng cái khó là người chấp bút một lần phải xuất ra hai thứ điển: Âm và Dương đặng vận chuyển cây bút. Nhưng cây bút phải là cây bút chì, đặng điển thiêng liêng chạy vòng trong cây bút mà không đụng đến tay người chấp bút thì mới viết dễ dàng được.
Đó, hai em coi thì hiểu rõ sự huyền diệu của cơ bút là do đâu.
Thôi, Bần đạo kiếu. THĂNG.

5) Nguồn gốc của Cơ Bút:
Trong khi quí Ngài: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu xây bàn để thông công với các Đấng thiêng liêng theo cách Xây Bàn của Thần Linh Học Tây phương, thì các vị Chức sắc trong Ngũ Chi Minh Đạo (Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân) đã biết Phò Cơ và Chấp Bút theo cách thức của Đạo Minh Sư từ bên Tàu truyền qua Việt Nam.

Trong lúc đó thì có nhiều đàn cơ thỉnh Tiên cho toa thuốc trị bịnh, được nhiều người cho là linh hiển, tổ chức ở các nơi như: Đàn Chợ Gạo tại Phú Lâm Chợ Lớn (Ngài Lê Văn Trung thường hầu đàn cơ nầy, tại đây Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy Ngài Lê Văn Trung làm cho Ngài giác ngộ), Đàn tại Chùa Ngọc Hoàng ở Dakao, Đàn Miếu Nổi, Đàn Minh Thiện tại Chùa Quan Thánh ở Thị Xã Thủ Dầu Một rất nổi tiếng (đồng tử là ông Nguyễn Văn Trượng sử dụng Đại Ngọc Cơ, ông không biết chữ Nho, nhưng khi lên cơ thì viết ra toàn là chữ Nho, ý tứ rất cao siêu), ở Cần Thơ có Đàn Cái Khế rất linh hiển....

Các đàn cơ thỉnh Tiên trong thời gian nầy chủ yếu là ban cho phương thuốc trị bịnh nhơn sanh, khuyên nhủ những gia đình có người bịnh nên lo làm phước, giúp người giúp đời, thì mới được tai qua nạn khỏi.

Cây Ngọc Cơ của ông Phán Phan Văn Tý đưa cho Ngài Cao Quỳnh Cư mượn là cây cơ mà ông Tý đã cho ông Âu Minh Chánh mượn một thời gian để cầu cơ thỉnh kinh, sau đó ông Âu Minh Chánh chấp bút được để thỉnh kinh nên giao trả cây Ngọc Cơ nầy lại, và ông Tý đem cho Ngài Cao Quỳnh Cư mượn để cầu Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương trong cuộc lễ Hội Yến Diêu Trì Cung lần đầu tiên tổ chức tại tư gia của Ngài Cao Quỳnh Cư ở đường Bourdais Sài Gòn.

Tất cả những diễn tiến vừa kể trên, ăn khớp nhau một cách có hệ thống, dường như có một sự sắp đặt trước, được điều khiển bởi các Đấng vô hình.

Tuy là nhờ Thất Nương chỉ vẽ để 4 Ngài Cư, Tắc, Sang, Diêu cầu các Đấng trong Diêu Trì Cung lần đầu tiên bằng Cơ Bút trong ngày Rằm tháng 8 năm Ất Sửu, nhưng việc Cơ Bút đã có tại Việt Nam từ lâu do các Đạo sĩ của Đạo Minh Sư từ bên Tàu truyền qua VN, và lúc đó rất thạnh hành.

Cách cầu cơ do Thất Nương chỉ vẽ, cơ viết ra chữ bóng trên bàn cơ, là cách cầu cơ tiến bộ nhứt, viết ra chữ nhanh nhứt (nhanh hơn việc Xây Bàn gấp 50 lần), mà Đồng tử phò cơ (thường gọi là Phò loan) ít mệt nhứt, nên có thể ngồi cầu sơ suốt đêm, liên tiếp từ đêm nầy tới đêm khác, cả mấy năm trường như vậy mà vẫn chịu nổi.

Về sau, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư chỉ phò Đại Ngọc Cơ khi cầu Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, Đức Lý Thái Bạch, và các Đấng Giáo Chủ, bởi vì cầu bằng Đại Ngọc Cơ phải có một đọc giả được khai khiếu thì mới đọc trúng chữ bóng.

Cho nên khi cầu các Đấng thiêng liêng khác thì quí Ngài thường cầu bằng Tiểu Ngọc Cơ, chỉ vần mẫu tự để ráp lại thì đọc dễ dàng hơn, tuy không mau bằng cầu Đại Ngọc Cơ nhưng cũng mau hơn Xây Bàn gấp 10 lần.

Khi cầu bằng Tiểu Ngọc Cơ, Đồng tử bên Dương kiêm nhiệm đọc giả, nên rất thuận tiện.
Khi xưa, thời vua Quang Tự (1875-1908) nhà Thanh là thời kỳ Cơ Bút được phát minh và rất thạnh hành bên Tàu.
Trong thời kỳ nầy, các quyển Kinh sau đây được các Đấng thiêng liêng giáng cơ ban cho:
Kinh Địa Mẫu, do Đức Phật Mẫu giáng cơ ban cho vào năm Quang Tự thứ 9 (1883).

Kinh Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo, do Đức Lữ Tổ giáng cơ ban cho vào năm Quang Tự thứ 17 (1891).
Kinh Quan Thánh Đế Quân Cửu Kiếp Vĩnh Mạng, được giáng cơ ban cho vào năm Quang Tự 20 (1894).
Cuốn Vạn Pháp Qui Tông được Pháp Sư Bùi Văn Nhân, tự là Trần Phúc Thanh, hiệu là Huyền Bách làm ra vào mùa Thu, ngày 9 tháng 8 năm Nhâm Dần (1902), nhằm năm thứ 28 đời vua Quang Tự... ... ...

Tất cả các Kinh sách trên đều được những Đạo sĩ của Đạo Minh Sư từ bên Tàu truyền qua Việt Nam.

Trong cuốn Vạn Pháp Qui Tông, có chỉ rõ cách lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên, rất phức tạp: cách sắp đặt lễ nghi, cách vẽ bùa bắt ấn, đọc chú, mỗi Đấng thiêng liêng có bài chú riêng... ... ...

Ban đầu cầu các Đấng theo lối Huyền Cơ, viết chữ Nho trên mâm cát, mỗi lần cầu, cơ viết được vài chữ.

Sau đó mới dùng đồng tử tiếp điển viết ra chữ Nho trên mâm cát: đồng tử cầm một cành đào mà đầu cành đào chấm vào mâm cát. Khi Đấng thiêng liêng giáng điển, đồng tử cầm cành đào rung động, đầu cành đào viết ra chữ trên mặt cát, đọc giả đọc xong rồi thì khỏa cát cho bằng trở lại đặng cơ viết tiếp chữ khác. Cứ như thế mà tiếp được bài văn hay bài Kinh.

Cách dùng đồng tử tiếp điển, mau hơn cách cầu theo lối Huyền Cơ rất nhiều, nhưng lại bị lệ thuộc vào đồng tử. Nếu đồng tử hạp điển thiêng liêng, thì tiếp trọn tư tưởng của Đấng thiêng liêng và bài văn viết ra rất hay, đầy tính cách cao thượng; còn đồng tử không hạp điển, thì tiếp điển không trọn, bài văn viết ra có nhiều chỗ khiếm khuyết.

Cách Phò cơ do Thất Nương chỉ dẫn cho Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm, viết ra chữ bóng trên mặt bàn cơ, là lối phò cơ tiến bộ nhứt, ưu điểm nhứt, viết ra chữ mau nhứt, hơn tất cả các cách phò cơ khác, nhưng đòi hỏi “đọc giả” phải được khai khiếu mới đọc trúng chữ bóng do hai đồng tử tiếp điển viết ra.

Theo lời thuật của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, khi Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho Pháp Chánh Truyền đêm 15 rạng 16-10-Bính Dần, cơ viết rất mau, Điển ký chép không kịp, Ngài Bảo Pháp phải chép tiếp, hai người phân ra chép mới kịp theo đọc giả.

Tóm lại, Cơ Bút trong Đạo Cao Đài, tuy có nguồn gốc từ Cơ Bút của Đạo Minh Sư bên Tàu truyền qua Việt Nam, nhưng do Thất Nương Diêu Trì Cung giáng bàn hướng dẫn cách thức rất đầy đủ và rất tiến bộ, lại viết chữ quốc ngữ, nên càng thêm dễ dàng hơn thời xưa viết chữ Nho rất nhiều.

6) Chấp bút:
Chấp bút là trường hợp một đồng tử cầm cây viết chì đặt trên mảnh giấy trắng, được một Đấng thiêng liêng giáng điển vào tay cầm bút, viết ra chữ.
Dùng viết chì cầm chấp bút thì dễ tiếp điển hơn các cây viết khác.

Đồng tử chấp bút phải là người được thiêng liêng khai khiếu, thì mới có thể nhận được linh điển của các Đấng thiêng liêng mà viết ra. Đồng tử chấp bút phải giữ tư tưởng thanh cao, không không, để tiếp trọn vẹn linh điển của các Đấng thiêng liêng.

Nếu đồng tử có những tư tưởng riêng, thì nó choán hết tâm trí của đồng tử, nên linh điển mang tư tưởng của các Đấng không thể chen vào được, thành ra việc chấp bút do tư tưởng của đồng tử viết ra, chớ không phải của Đấng thiêng liêng. Điều nầy rất khó tránh, nếu đồng tử chấp bút không phải là người có căn cơ lành, có phận sự lớn trong việc hướng đạo cho nhơn sanh.

Nơi đồng tử ngồi chấp bút phải kín đáo, tinh khiết, thanh tịnh, tay chấp bút và cây bút phải được xông hương khử trược, nên dùng nhiều cây bút chì chuốc sẵn và nhiều tờ giấy trắng đặt kế bên. Quần áo và thân thể của đồng tử phải sạch sẽ trang nghiêm.

Những trường hợp đồng tử chấp bút còn tánh tự đắc, tham vọng danh quyền, hay có mưu đồ chánh trị thì các Đấng thiêng liêng không thể giáng vào được, và bài văn viết ra hoàn toàn do phàm ý của đồng tử, các Đấng thiêng liêng không thể xen vào được, chưa nói việc Tà Thần Tinh Quái có thể nương theo dục vọng của đồng tử mà xúi vào, bày điều tà mị nguy hiểm, xa đường đạo đức.

Trong Đạo Cao Đài, lúc ban đầu còn dùng Cơ Bút phổ độ để thâu nhận tín đồ, ngoài Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, thì Đức Chí Tôn cũng cho một số vị Thời Quân: Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Hiến Pháp Trương Hữu Đức, Khai Đạo Phạm Tấn Đãi,... và Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh chấp bút, để tạo thêm đức tin.

Nhưng sau khi Đức Chí Tôn cấm Cơ Bút phổ độ thì Đức Chí Tôn cũng thâu lại việc Chấp bút của quí Ngài, chỉ còn 3 vị là Chấp bút được: Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm để trực tiếp nhận mệnh lệnh của Đức Chí Tôn điều hành nền Đạo và cũng để học hỏi nơi Đức Chí Tôn và các Đấng về mặt Bí Pháp.

Ngày 1-12-Ất Sửu (dl 14-1-1926),
Ông Đốc Học Đoàn Văn Bản xin với Đức Chí Tôn cho ông Chấp Bút.
Đức Chí Tôn trả lời bằng bài thi:
Bút nở mùa hoa đã có chừng,
Chẳng như củi mục hốt mà bưng.
Gắng công ắt đặng công mà chớ,
Buồn bực rồi sau mới có mừng.

Thầy trả lời rất khéo, ý nói Thầy định cho ai thì nấy đặng, chớ không phải ai cũng có thể cầu cơ và chấp bút được.

Ngày 26-6-Bính Dần (dl 4-8-1926),
Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Phối Sư Thái Thơ Thanh tập Chấp Bút, trích ra như sau:
“Thơ, con rán tập Chấp bút, Thầy chỉ vẽ cho.

Thơ nghe: Khi con ngồi tập thì Thần con cho tịnh, chẳng nhớ chi hết. Khi Thầy giáng thì làm cho con khó chịu một chút, rồi Thầy dạy con viết, mường tượng như con đặt ra vậy, mà không phải con đặt đâu. Thầy đưa Thần con theo Thầy lên không đặng Thầy dạy nó viết chữ chi thì nó cứ viết theo, chớ nó không biết gì hết. Khi ấy con có hơi khó chịu, như điển dính tay con vậy. Ấy là Thầy giáng, song con đừng có lòng sợ thì Thầy mới dễ giáng.
Đãi! Con lấy 9 cây nhang đặng Thầy làm phép Trấn Thần cho nó”. THĂNG.

7) Sự huyền diệu của Cơ Bút:
1 . Ông Le Fol, Thống Đốc Nam Kỳ phò cơ.
Ngày 7-10-1926, Thống Đốc Nam Kỳ là ông Le Fol tiếp nhận Tờ Khai Đạo do Ngài Lê Văn Trung mang tới.

Trong thời gian ấy, ông Le Fol cũng nhận nhiều báo cáo bất lợi cho Đạo từ các cấp dưới trình lên. Ông Le Fol phân vân, cân nhắc.

Được biết Ngài Ngô Văn Chiêu làm việc tại dinh Thống Đốc, thờ Đức Cao Đài, lại không có tên trong Tờ Khai Đạo. Một hôm, ông bà Le Fol tự ý đến tư gia của Ngài Chiêu tìm hiểu. Khi nghe Ngài Chiêu cho biết về huyền diệu cơ bút, do hiếu kỳ cũng như muốn tự thử nghiệm, ông bà Le Fol đề nghị được chính mình phò loan. Ngài Chiêu chấp nhận và làm pháp đàn trợ điển.
Lúc cơ lên, ông bà Le Fol mê man, đến khi tỉnh lại, tiếp được một bản văn bằng Pháp ngữ, ý cho biết trong vòng mấy ngày tới, ông bà sẽ nhận được tin buồn.
Quả thật, sau đó ít ngày, có tin từ Pháp qua, cho biết cha của ông Le Fol đã mất.

2 . Toàn quyền Pasquier hại đạo, bị chết cháy.
Ông Pierre Pasquier làm Toàn Quyền Đông Dương từ năm 1928 đến năm 1934. Ông quyết tâm tiêu diệt Đạo Cao Đài, nên làm giả tạo nhiều hồ sơ để đem về Pháp, chứng minh với Chánh phủ Pháp là Đạo Cao Đài là một tổ chức chánh trị dưới lớp tôn giáo chống lại nước Pháp.

Pasquier đi máy bay về Paris, còn đang bay trên bầu trời của thành phố Marseille, bỗng nhiên phi cơ phát cháy nổ tung. Pasquier cùng với gia đình và toàn bộ hồ sơ ngụy tạo đều bị đốt cháy ra tro.

Đó là vì Pasquier phạm Thiên điều, nên bị chư Thần diệt thác, linh hồn bị đày vào Phong đô.
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ngày 28-6-Giáp Tuất (dl 8-8-1934) nói rằng:
“Những kẻ nào dám vi phạm vào Thiêng liêng, dù xa dù gần, đều phải bị trừng phạt.

Hãy xem tên Toàn Quyền Pasquier và nhiều kẻ khác bị giết chết bởi phán quyết thiêng liêng. Không một ai có thể tránh thoát những cơn thịnh nộ của Trời, nếu chống lại Đấng Thượng Đế. Hãy nghe theo và tin tưởng sự công bằng của Thượng Đế”.

Hai năm sau, Pasquier được phép giáng cơ để xưng tội cùng Hội Thánh. Bài giáng cơ chép ra như sau:
Tòa Thánh, ngày 18-81936 (âl 2-7-Bính Tý).
PIERRE PASQUIER
Tôi nói tiếng An Nam.
Tôi đã cầm đặng một cuốn sách Nho, học thông Đạo lý.

Cái tư tưởng của tôi buổi nọ, nó thiên về bên Khổng giáo chớ không phải hướng qua bên Phật đạo. Tôi càng suy xét thì lại lấy làm lạ vì cớ nào tôi lại dùng Nhà Thiền toan phá Đạo Cao Đài buổi nọ. Quái dị thay!

Tôi đã đám xưng mình là văn sĩ Nho phong, kinh truyện, văn chương trước mắt mà lại chịu thiệt thòi sai sót, chẳng hiểu đặng rằng Nho giáo chuyển luân tạo dựng toàn cầu Tân thế.

Sự lạc lầm ấy do đâu mà có?
Ôi! Quan trường! Ôi nha lại! Vì mi mà làm cho ta phải đui mắt, linh hồn phạm tội nghịch ý Chí Tôn, Thiên điều tàn sát. Hận thay ngôi vị đế vương là đao kiếm trừ mạng linh hồn mà chớ. Gớm thay! Ghê thay!
THI
Vương bá bửu ngôi thị ngục hình,
Thiên lao như thử tấc công khanh.
Đồ thân phát phối cầm dân mạng,
Y phục đai cân thị tử thành.
THĂNG.

Việc Toàn Quyền Pasquier chết cháy trên không ứng với câu sấm tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Giữa năm hai bảy mười ba,
Bỗng đâu lửa cháy tám gà trên mây.

Tám gà: Hán văn gọi là Bát Kê, đồng âm với tiếng Pháp là Pasquier, tên của viên Toàn Quyền Đông Dương.

3. Paul Doumer bị giảm tuổi thọ 12 năm.
Ông Paul Doumer làm Toàn Quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902, làm Chủ tịch Thượng Nghị Viện năm 1927 và Tổng Thống Cộng Hòa Pháp năm 1931, bị ám sát chết tại Paris năm 1932.

Ngày 3-8-Giáp Tuất (dl 11-9-1934), Paul Doumer được phép giáng cơ, nói với Đức Quyền Giáo Tông:
“ – Phải, nhưng tôi đã thiếu sót một bổn phận mật thiết trước khi chết, đó là không chấp thuận đúng lúc sự tự do tín ngưỡng của quí Ngài.
- Phải, nhưng quí vị có biết chăng, thật là khó khăn cho việc thay đổi lòng dạ con người. Họ có chịu nghe tôi nói không? Sự thiếu sót bổn phận thiêng liêng ấy đối với Đấng Thượng Đế làm tôi trả giá 12 năm của đời sống tôi. (Tuổi thọ giảm 12 năm).
Tôi đến để chỉ nói với quí Ngài như thế. Xin cáo biệt.”

4 . Chuyện ông De Lagarde theo Đạo Cao Đài.
Ông De Lagarde, trước kia không theo đạo nào hết, ông là người tín ngưỡng tự do (libre penseur), làm Chủ sự Sở Bưu Điện ở thủ đô nước Lào đã mấy năm, ông có người vợ người Nam ở Cần Thơ tên là Nguyễn Thị Trụ, nên ông nói tiếng Việt khá.

Một hôm, nhằm ngày chủ nhựt, ông đi săn bắn trong rừng, bị một bầy voi đuổi, ông liệu bề không bắn được và không dám chống cự, bèn ù té chạy. Vì kinh hoảng nên ông bị vấp ngã té vào một bụi gai, cào chảy máu cả mặt mày. Do tai nạn nầy, ông De Lagarde bị thương nặng nơi hai con mắt. Mấy bác sĩ ở Vạn Tượng (Vientiane) chữa không khỏi, ông bị mù luôn. Người vợ đưa ông đi đến các bác sĩ danh tiếng ở Hà Nội và Sài Gòn để chữa trị, nhưng đôi mắt ông vẫn không lành, tốn không biết bao nhiêu tiền bạc nhưng đành phải chịu mù lòa, ông phải nghỉ việc và chức vụ của ông bị một người khác thay thế. Đó là khoảng năm 1935.

Bỗng dưng một hôm, mấy bà bạn của vợ ông khuyên nên đưa ông đi lên Tòa Thánh Tây Ninh, vì người ta đồn rằng nơi đó, nếu bệnh nhân thành tâm thì có Tiên giáng bút cho thuốc trị, bình gì cũng lành.

Trong lúc tuyệt vọng về y khoa Tây phương, ông De Lagarde nghe lời người vợ VN, thành tâm cầu nguyện, nếu có vị Tiên nào giáng bút chữa lành bịnh mắt của ông, thì ông xin theo Đạo Cao Đài và sẽ hy sinh suốt đời ông cho Đạo.

Buổi cầu cơ được tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh vào đêm Rằm, vợ chồng ông De Lagarde đều thành tâm cầu nguyện, và chính ông cũng theo đúng các nghi lễ của Đạo Cao Đài, ông ăn chay, giữ gìn thân thể và tâm hồn trong sạch suốt 3 ngày đêm trước buổi cầu cơ.

Thế rồi trong không khí trang nghiêm tịch mịch của đêm khuya, trước bửu điện huyền linh, ông De Lagarde vào hầu đàn cơ, quả nhiên có một vị Tiên giáng cơ kêu ông De Lagarde cho bài thi bằng tiếng Việt, trong đó bảo ông lấy một ít tro nhang hòa vào ly nước lạnh dâng cúng trên bàn thờ mà xoa vào đôi mắt mù lòa, xoa như thế thường xuyên 3 ngày đêm thì sẽ thấy lại ánh sáng.

Ông De Lagarde làm đúng như lời Tiên dặn, ngày thứ nhứt, ngày thứ nhì, ngày thứ ba, sáng ngày thứ tư, bà vợ xoa cho ông giọt nước mầu nhiệm cuối cùng còn ở đáy ly, bỗng nhiên cặp mắt của ông lần lần hé mở, lim dim như người mới ngủ dậy, rồi mở hẳn, ông De Lagarde mừng quýnh, đang nằm trên giường liền ngồi dậy la lớn lên:

- Tôi đã thấy lại được rồi! Tôi đã thấy lại được rồi!
Và thật thế, ông De Lagarde đã hết mù lòa nhờ huyền diệu thiêng liêng, cặp mắt ông sáng lại như trước.

Ông được trở lại làm công chức Sở Bưu Điện Hà Nội.
Sau đó, hai ông bà De Lagarde đều nhập môn theo Đạo Cao Đài, và đó là 2 tín đồ nam nữ rất nhiệt thành, hăng hái tham gia việc lập công quả phổ độ nhơn sanh. Ông De Lagarde được phong Lễ Sanh phái Thượng và bà vợ của ông là Nguyễn Thị Trụ được phong Nữ Lễ Sanh Hương Trụ.
(Kể theo Lễ Sanh Ngọc Đoan Thanh)

5 . Thần Thổ Địa bảo vệ Thánh Thất Cầu Kho.
Năm 1926, một buổi nọ, bổn đạo Thánh Thất Cầu Kho chuẩn bị lập đàn cầu cơ, trong số đó có các vị: Đoàn Văn Bản, Vương Quan Kỳ, Huỳnh Trung Tuất,... Mọi người đã vào nhập đàn thì người cháu của ông Đốc Bản là điềm chỉ viên của Tây (Pháp) báo cho mật thám Pháp đến bắt.

Ngay lúc đó, Thần Thổ Địa giáng cơ báo rằng: “Chư nhu khá bình tâm nghe Địa báo đàn, khoảng 5 phút nữa, mã tà Tây sẽ đến vây bắt chư nhu. Chư nhu bình tĩnh, yên lặng, việc ấy đã có thiêng liêng lo rồi.”

Khi Thần Thổ Địa thăng thì lính Tây (Pháp) cũng vừa đến bố ráp Thánh Thất Cầu Kho.
Người cháu của ông Đốc Bản vừa chỉ điểm thì thiêng liêng bắt y mê man đứng trân tại chỗ, ngay lúc đó, nhà đèn cũng vừa cúp điện. Thời cơ đã đến, các vị lập đàn và hầu đàn liền thoát ra ngoài, giải tán, mạnh ai nấy lặng lẽ về nhà.

Khoảng 15 phút sau, nhà đèn có điện trở lại, người cháu của ông Đốc Bản cũng tỉnh lại, lính Tây vào Thánh Thất quan sát không có chi khác lạ, rầy la kẻ chỉ điểm, rồi cũng rút êm. Người cháu bị ông Đốc Bản đuổi đi, không cho ở đó nữa. Tuy nhiên, sau đó y ăn năn hối cải, xin nhập môn vào Đạo.

6 . Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức giúp Đạo.
Ngài Hiến Pháp tự thuật lại như sau:
“Khi thọ phong chánh thức vào hàng Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài với chức Hiến Pháp Chơn Quân, Đức thường lên xuống Tòa Thánh Tây Ninh để hành đạo trong lúc rảnh rang, vì Đức vẫn còn giúp việc cho Chánh phủ Pháp, tùng sự tại Sở Hỏa Xa Sài Gòn.

Sau, Đức được ông Chánh Sở Mật Thám Nam Kỳ là ông Nadau mời đến để giao chức vụ Thông dịch viên Sở ấy.

Trước khi nhận lời, Đức có cầu cơ thỉnh giáo Đức Chí Tôn, vì lúc bình thường, Đức không thích giúp việc cho Sở ấy, là Sở không có cảm tình đối với dân chúng. Đức Chí Tôn dạy Đức nên qua giúp việc cho Sở ấy, vì sẽ có cơ hội giúp Đạo.

Quả thật như lời Đức Chí Tôn nói, chẳng bao lâu sau ông Cao Quỳnh Cư (tức Đức Cao Thượng Phẩm) có ra bản “PHỔ CÁO CHÚNG SANH” để truyền bá Đạo Cao Đài, trên bìa bản Phổ Cáo ấy có tựa đề “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Lần đầu tiên bản Phổ Cáo ấy không có in kèm thêm chữ Hán, nhưng lần in sau, ông Cư có thêm 6 chữ Hán ( ). Để tượng trưng Tam giáo qui nguyên, ngoài bìa Phổ Cáo Chúng Sanh có vẽ hình ba vị Giáo chủ là: Đức Thích Ca, Đức Lão Tử và Đức Khổng Tử.

Bản Phổ Cáo Chúng Sanh in lần đầu được gởi ra Nha Tổng Giám Đốc Mật Thám Hà Nội để dịch ra Pháp văn. Nhưng người thông dịch viên ngoài ấy lại dịch câu tựa: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đạo lớn cứu vớt ba Kỳ.

Lúc đó là lúc nhà cầm quyền Pháp để ý theo dõi hành vi Đạo Cao Đài rất gắt, nên Hà Nội gởi bài dịch văn ấy vào Nam hỏi ông Chánh Sở Mật Thám Nadau, có phải Đạo Cao Đài làm chánh trị không, để họ giải tán.

Nhằm lúc ấy, ông Nadau tin dùng Đức, nên ông mới đến hỏi bài dịch văn ấy có đúng nghĩa không?

Đức trả lời rằng: Không đúng, vì nguyên văn câu ấy có nghĩa là Đại Đạo mở lần thứ ba để độ rỗi, chớ không phải cứu vớt ba Kỳ (trong Liên bang Pháp là Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ). Để trưng bằng cớ cụ thể, Đức đem trao cho ông Nadau bản Phổ Cáo Chúng Sanh có in kèm chữ Hán.

Ông liền phúc trình ra Hà Nội giải thích rõ việc ấy. Nhờ đó mà Đạo khỏi bị giải tán và người Đạo cũng đỡ khổ. Đó là bằng chứng Đức cứu Đạo”.

7 . Đức Chí Tôn độ ông bà Nguyễn Ngọc Thơ – Lâm Ngọc Thanh theo Đạo, ngày 6-6-Bính Dần (dl 15-7-1926).

Một ngày nọ vào đầu năm Bính Dần, ông Phạm Tấn Đãi chấp bút để học Đạo, thì được lịnh Chí Tôn dạy: “Con hiệp cùng Trung để đi độ Thơ”.

Ông Đãi vâng lịnh Đức Chí Tôn, từ Cần Giuộc đi lên Sài Gòn, tìm đến nhà ông Cao Quỳnh Cư để hỏi thăm ông Lê Văn Trung thì Bà Cư đáp: “Ông Trung có ra đây, vừa mới đi lên nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ”.

Ông Đãi hỏi thăm địa chỉ của ông Thơ, liền đi lên Tân Định tìm được nhà ông Thơ thì gặp ông Trung tại đó.

Ông Đãi trình bày về Thánh giáo của Đức Chí Tôn, thì ông Thơ nói: “Tôi muốn làm sao hai ông cầu nguyện thế nào cho tôi chấp bút được thì tôi mới tin”.

Ông Trung nhận lời vào bảo ông Thơ phải ăn chay 3 ngày, đồng thời hai ông Trung và Đãi cũng ở đó hiệp nhau cầu nguyện.

Ông Thơ chấp bút thông công được với Đức Chí Tôn, nên ông bằng lòng theo Đạo. Ông Thơ nói: Xin làm thế nào để độ luôn vợ của ông là Bà Lâm Ngọc Thanh đang ở Vũng Liêm theo Đạo luôn cho thuận một đường.

Ông Trung cầu nguyện, Ơn Trên cho biết hiện giờ Bà Thanh đang làm việc gì ở Vũng Liêm, từng chi tiết, ông Thơ ghi chép rồi đánh điện kêu Bà lên Sài Gòn.

Khi Bà lên tới thì ông Thơ hỏi Bà các việc Bà đã làm trong ngày hôm qua, thì Bà nói đúng như Ơn Trên đã cho biết. Thế là hai ông bà Thơ và Thanh đều tin và theo Đạo.

Ngày ông Nguyễn Ngọc Thơ và bà Lâm Ngọc Thanh nhập môn theo Đạo Cao Đài là ngày Thứ năm, 6-6-Bính Dần (dl 15-7-1926).

8 . Đêm 24-9-Ất Sửu (dl 10-11-1925)
Ngài Lê Văn Duyệt giáng đàn cho thi thời cuộc VN.

Có mấy chí sĩ đến hầu đàn nhờ ba ông xây bàn hỏi về thời cuộc. Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt giáng bàn trả lời rất chính xác làm cho quí ông thỏa mãn ước vọng.

Đây là đêm mà ba ông: Cư, Tắc, Sang ngậm ngùi và xúc động hơn hết khi Ngài Tả Quân nhập bàn cho bài thi:
Đã ghe phen phấn khởi can qua,
Thuộc địa trách ai nhượng nghiệp nhà.
Trăm họ than van nòi bộc lại,
Ba kỳ uất ức phép Tây tà.
Xa thơ biến gãy rời vương thất,
Nam đảnh hầu thay sáng quốc gia.
Ách nước nạn dân gần muốn mãn,
Hết hồi áp chế tới khi hòa.

Cách mấy hôm sau, Ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt nhập bàn cho tiếp bài thi thứ nhì:
Khi hòa tuy có chí đồng thinh,
Vận nước nên hư cũng bởi mình.
Tôi giặc lắm người xô vũ trụ,
Lòng trung mấy kẻ xót sanh linh.
Đường dài chớ nệ ngàn công gắng,
Bước nhọc đừng nao một dạ thìn.
Đồ sộ giang sơn xưa phủi sạch,
Trông vào tua vẹn nỗi đinh ninh.

Ngài Cao Hoài Sang bạch với Đức Ngài:
- Trong tình thế hiện tại, các nhóm Cần Vương có nên họp nhau đứng dậy làm cách mạng để thoát ách nô lệ chăng?

Ngài Tả Quân trả lời bằng bài thi 4 câu:
Mạnh yếu hai đàng đã hiển nhiên,
Đôi mươi năm nữa nước nhà yên.
Dằn lòng ẩn nhẫn xem thời thế,
Đừng vội gây nên cuộc đảo huyền.

9 . Nhờ Cơ Bút báo trước nên Ngài Giáo Sư Thượng Vinh Thanh và các Chức sắc tại Văn phòng Long Xuyên thoát nạn ngày 11-10-Nhâm Ngọ (dl 18-11-1942).

Trong thời kỳ đầu, Ngài Giáo Sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) được lịnh Đức Lý Giáo Tông và Đức Quyền Giáo Tông dạy hợp tác với quân đội Nhựt để cứu Đạo, Ngài Giáo Sư Vinh sắp đặt công việc Đạo nơi Kim Biên xong thì liền trở về Long Xuyên đặng triệu tập nhơn tài và thảo chương trình làm việc.

Lúc bấy giờ, tại Văn phòng Long Xuyên, Chức sắc và Đạo hữu vô ra tấp nập, bàn bàn luận luận hình như sắp gặp con đường để giải thoát cho Đạo khỏi bị đàn áp của Chánh phủ Pháp, ai cũng đầy vẻ hân hoan tràn trề hy vọng.

Tối lại cầu Đức Lý Đại Tiên và Đức Quyền Giáo Tông giáng dạy những hành trình và cho hay nhiều tin rất lạc quan. Đức Lý căn dặn: Ngày 11-10-Nhâm Ngọ (dl 18-11-1942) phải khởi hành lên Sài Gòn.

Nên rạng ngày 11 thì Văn phòng Đạo tại Long Xuyên đóng cửa giải tán, kẻ lên Sài Gòn, người đi Lục tỉnh, thì đến chiều, có Mật thám Pháp đến khám xét, nhưng chỉ còn một mình ông Lễ Sanh Thượng Tý Thanh ở đó để trả lời, nên không xảy ra việc chi phiền phức nguy hiểm.

Nếu Đức Lý Giáo Tông không căn dặn khởi hành vào sáng ngày 11 thì tất cả những người trong Văn phòng Đạo tại Long Xuyên đều bị Pháp bắt vào chiều hôm đó.
(Theo Lịch Sử QĐCĐ của Nguyễn Thành Danh)

10 . Đức Hộ Pháp thuyết đạo Huyền Diệu Cơ Bút:
Đêm 30-4-Tân Mão (dl 4-6-1951): Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Giảng Đài Tòa Thánh về Huyền diệu Cơ Bút.

HUYỀN DIỆU CƠ BÚT

“Đêm nay Bần đạo thuyết về Huyền diệu Cơ Bút. Cả Thánh Thể Đức Chí Tôn, cả con cái Nam Nữ của Người cũng vậy, đã biết về Huyền diệu Cơ Bút. Nó là vấn đề mà chúng ta không thế gì lấy trí khôn tưởng tượng của chúng ta định cái chơn giả của nó đặng.

Tại sao? Trong cái huyền diệu thiêng liêng ấy nó gồm cả bí mật huyển vi của cơ thể tạo đoan hữu hình và vô vi của Càn Khôn Vũ Trụ. Chúng ta thử nghĩ, các bậc chơn tu đắc pháp, họ chỉ tìm đặng hiểu Vô Vi Cảnh đặng lập giáo là khó khăn thể nào, từ thử đến giờ, biết bao nhiêu kẻ tu mà tính lại coi được bao nhiêu người đắc Pháp đắc Đạo?

Tìm thấu đáo cho đặng cái bí mật huyền vi vô định của Càn Khôn Vũ Trụ, nó lại khó khăn quá lẽ, chẳng hề khi nào chúng ta lấy trí khôn định quyết đặng, định nó chỉ có chúng ta tìm hiểu lấy trí thức mình đặng định cái chơn tướng của vạn vật hữu hình, tức nhiên chúng ta chỉ học phương pháp cách vật trí tri. Chúng ta đã thấy cái trở lực biết bao nhiêu khó khăn, huống chi các việc trong Cơ Bút thống hiệp cả sự khó khăn của Huyền Vi Cảnh với Hữu Hình Cảnh nữa.

Nó khó lắm, nếu luận điều ấy, Bần đạo phải ngồi viết không biết bao nhiêu sách mới có thể tả ra mảy may được. Lên tại Giảng đài nầy 15 phút hay nửa giờ, thuyết về Cơ Bút chẳng khác nào chúng ta cầm ly nước đổ xuống biển.

Ấy vậy, Bần đạo chỉ lấy cái đại cương của nó, nói cho Thánh Thể Đức Chí Tôn và toàn cả con cái nam nữ của Ngài thấu đáo mảy may chút ít, đặng khỏi bị Cơ Bút làm cho đức tin tàn phá tiêu diệt mà chớ.

Bần đạo buộc mới đây lập Thánh Lịnh định khuôn luật của Cơ Bút, vì có nhiều lẽ, trước đây Bần đạo khoan dung để cho Cơ Bút tự do. Khoan dung ấy làm cho phiền lòng Đức Lý, cho nên Đức Lý trách Bần đạo cầm quyền Hộ Pháp trong tay điều trị mà không định luật để cho rối loạn Cơ Bút. Nên Bần đạo lập Thánh Lịnh đó, cùng chẳng đã mới lập Thánh Lịnh, vì từ trước đến giờ, Bần đạo để cho Cơ Bút tự do.

Bần đạo nói thật tại Giảng đài nầy, Bần đạo thấu đáo được Thánh ý của Đức Chí Tôn. Ổng lấy cái giả đặng lập cái thiệt, chỉ có tay Ông Trời làm được mà thôi, không ai làm đặng hết, chớ hành tàng của cơ Đời họ đều lấy cái giả.

Chính mình Đại Từ Phụ hồi mới ban sơ đến đề 4 câu thi như vầy:
Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ,
Giữa biển ai từng gặp Lão Tô.
Mượn thế đặng toan phương giác thế,
Cũng như nương viết của chàng Hồ.

Lấy cái giả của Đời, Ngài tạo cái thiệt của Ngài, duy chỉ có Ông Trời làm được mà thôi.

Chính Bần đạo có thí nghiệm, Bần đạo có người bạn thiết ở ngoài đời, thi giỏi văn hay, bạn đồng chí với nhau, biết tài lực nhau, người ấy nghĩ rằng cả Cơ Bút trong cửa Đạo xuất hiện ra do đầu óc của Cao Thượng Phẩm và Bần đạo. Người ấy cho rằng, văn Cao Thượng Phẩm cũng hay, chính mình Bần đạo thì cũng giỏi, người ấy cho rằng cả Thánh giáo ấy do Cao Thượng Phẩm và Bần đạo mà xuất hiện.

Bần đạo thấy cái nghi ấy của bạn, bây giờ muốn độ bạn thì Bần đạo phải làm thế nào?
Muốn thử giả thiệt đặng biết Ông Trời là ai, bạn làm ơn cầm cây viết đây, bạn là nhà văn, bạn muốn viết chi thì viết, còn Bần đạo sẽ dâng sớ cho Đức Chí Tôn. Bần đạo làm một bài thi tứ tuyệt cầu xin Đức Chí Tôn cho biết sự chơn giả các quyền năng của Ngài đặng độ bạn.

Người bạn ấy cầm cây viết, viết ra 4 câu thi tứ tuyệt, chừng viết rồi, Bần đạo đưa 4 câu thi Bần đạo đã làm để trong bao thơ, chừng xé ra coi, họa đúng với 4 câu thi của bạn.

Bần đạo hỏi, Bần đạo chỉ cái đầu óc phàm và trí khôn của ta là khí cụ của Đấng Chí Linh kia cho bạn ngó thấy.
Đấng Chí Linh đã lấy cái giả của bạn làm cái thiệt đó vậy. Người bạn ấy tỉnh giấc lại, tự mình theo đạo, sự thật vậy.
Ôi! Huyền diệu cơ bút! Chúng ta không thể gì tả cho được!

Trong Càn Khôn Vũ Trụ có hai ông chủ:
- Ông chủ vô hình của Càn Khôn Vũ Trụ, ông chủ vô hình trên cõi Thiêng liêng hằng sống, ấy là Đấng Tạo đoan, là Đấng Chí Linh, là Đấng Đại Từ Phụ.
- Ông chủ thứ nhì là NGƯỜI, tối linh trong vạn vật, cốt yếu của Đức Chí Tôn sanh ra loài người đặng lấy quyền của Ngài cầm quyền vạn linh hữu hình, tức là cầm quyền vạn linh vô hình của Ngài đó vậy.

Bởi vậy, Tiên Nho chúng ta nhìn nhận Thiên thượng Thiên hạ. Thiên thượng là Đức Chí Tôn, Thiên hạ là loài người.
Muốn đặng thấu đáo Càn Khôn Vũ Trụ, tinh thông vạn vật, Đức Chí Tôn dùng Cơ Bút.

Ngài nói rằng: Một phần của con, và một phần của Thầy hiệp nhứt mới thấu đáo Càn Khôn Vũ Trụ, tinh thông vạn vật. Hai người chủ quyền ấy, một người về hữu hình, một người về vô hình, hiệp lại với nhau mới làm chủ cơ thể Càn Khôn Vũ Trụ, có lạ chi?

Lạ chăng là cây cơ của chúng ta đưa lên hợp lực hai quyền năng ấy, trong đó cây cơ đưa lên là lấy hai cái sống của hai Ông Chủ làm cái sống duy nhứt, đặng phục lịnh quyền hành thiêng liêng của Đức Chí Tôn sử dụng mà thôi, thì nó là cây viết thiêng liêng của Đức Chí Tôn đó vậy.

Khéo, chúng ta phải khéo. Cảnh Vô vi Vô Tử Thiên, lại cũng có cảnh Hữu Tử Thiên. Chừng nào vô hàng phẩm đứng địa vị Vô Tử Thiên, tánh chất của họ cao siêu, không còn phàm chất.

Các Đấng thiêng liêng còn ở trong Hữu Tử Thiên thì họ cũng như ta vậy, cũng có quân tử, tiểu nhân, cũng cá nhân cá tánh như ta vậy. Các Đấng ấy thế nào thì ta thế đó, có nhiều hàng phẩm mà ta không luận cho cùng, cũng có kẻ thân với ta, mà cũng có kẻ thù nghịch đáo để với chúng ta, không thế gì chúng ta hòa giải với họ đặng. Chúng ta đã ngó thấy trong Đạo pháp, nếu có Phật thì có Ma, có Trời thì có Quỉ; chúng ta chịu hai cửa, một là cửa thua, hai là cửa ăn.

Các chơn linh từ bậc Hữu Tử Thiên trở xuống biết bao nhiêu mà nói, họ không đáng gì là thầy ta mà họ mơ vọng dạy ta, biểu ta làm học trò họ. Đám chơn linh đó, nhứt là ở trong Đại Hải Chúng, đệ nhứt nguy hiểm hơn hết là Kim Quang Sứ tự là Quỉ Vương. Nếu chúng ta đã tu, rủi như lầm nghe nó thì làm đầy tớ cho nó, làm môn sanh của nó.

Có một điều Bần đạo thấy hiển nhiên trước mắt, khi mới mở Đạo, Thánh Thể Đức Chí Tôn còn thương yêu hòa ái với nhau, chưa đến nỗi chia rẽ, chưa đến nỗi thù địch, kế Kim Quang Sứ đến.

Kim Quang Sứ đến cầm cơ viết câu nầy:
Chín phẩm Thần Tiên nể mặt ta,
Ông Giáo Sư Bảy (Lê Văn Bảy) ở Kim Biên nói: Ông nào đây chắc lớn lắm, bước ra quì xuống lạy. Cơ viết luôn:
Thích Ca dầu trọng khó giao hòa.
Kế Ông Chữ (Đặng Trung Chữ) bước ra, quì xuống lạy nữa. Cơ viết tiếp:

Lấy chơn đem giả tô Thiên vị,
Thắng bại phàm tâm liệu thế à?

Tới chừng ký tên Kim Quang Sứ mới biết là Quỉ Vương, là Tà giáo.
Hai người đã theo nó, bằng cớ hiển nhiên, các bạn ngó thấy. Các bạn của ta đã lầm cái thiệt ra cái giả.

Nếu không giải quyết được cái hư thiệt, chúng ta phải theo Tà giáo mà chớ! Duy có Đức Chí Tôn lấy cái giả làm cái chơn được.

(Xin xem thêm lại Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Q.4 bài thứ 07.
Ban Đạo Sử ấn hành lần thứ nhứt năm Đinh Mão - 1975)

8) Những trường hợp thử Cơ Bút:

1 . Đêm 4-7-Ất Sửu (dl 22-8-1925)
Cô Hớn Liên Bạch nhập bàn làm thi.
Khi quí ông ngồi vào xây bàn, vừa đặt tay lên bàn thì Cô Vương Thị Lễ giáng. Ông Cao Hoài Sang nói:
- Tứ muội, còn chị em nào biết làm thi, xin mời giùm về để họa thi cho vui.

Cô Lễ gõ bàn trả lời:
- Có chị Hớn Liên Bạch làm thi hay lắm, vậy xin chờ em một chút.

Giây phút, bàn chuyển động, Cô Lễ giới thiệu Cô Hớn Liên Bạch. Ông Sang có ý hồ nghi Cô Lễ nói gạt mình, nên nói nửa đùa nửa thật, xin để tôi ra đề cho cô bạn mới làm thơ. Ông Sang liền ra đề: “Tiễn biệt tình lang”.

Bàn liền uyển chuyển gõ lia lịa không ngừng, khi ráp lại thành chữ được một bài thi tuyệt diệu sau đây:
TIỄN BIỆT TÌNH LANG
Chia gương căn dặn buổi trường đình,
Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.
Bước rẽ ngùi trông cơn ác xế,
Lời trao buồn nhớ lối trăng thinh.
Ngày chờ mây áng ngàn dâu khuất,
Đêm bặt đèn khuya một bóng nhìn.
Mờ mệt non Vu ngơ ngẩn luống,
Dặm đâu cách bức nghĩa đâu khinh.

(Sau Cô Hớn Liên Bạch xin đổi 2 câu chót lại là:
Lần lựa cô phòng xuân thỏn mỏn,
Xa xôi ai thấu nỗi đinh ninh.)

Ông Sang xin Cô làm tiếp một bài thi nữa lấy nhan đề là: “Hoài lang”. Bàn liền chuyển động gõ ra một bài thi:

HOÀI LANG
Động Đình nhớ buổi tạm chia đường,
Bốn giọt nhìn nhau lối rẽ cương.
Trời thảm mây giăng muôn cụm ủ,
Biển sầu nước nhuộm một màu thương.
Cờ thần chạnh lúc vầy đôi bạn,
Tiệc ngọc nào khi hội nhứt trường.
Mượn vận, lương nhân xin nhắn nhủ,
Vườn xưa tiếng nhạn luống kêu sương.
                                                           HỚN LIÊN BẠCH

2 . Đêm 8-7-Ất Sửu (dl 26-8-1925).
Ông Cao Quỳnh Cư nhớ đến ông Huỳnh Thiên Kiều đã mất cách đây khá lâu, mà lúc sống ông làm việc tại sở Tuần thành, bổ vào dinh Đốc lý Sài Gòn, coi về sở Patentes. Ông Kiều là một nhà thơ nổi tiếng, hiệu là Quí Cao. Ông Cư vái ông Quí Cao về xướng họa thi văn.

Lát sau, ông Quí Cao nhâp bàn, xin họa bài thi “Tiễn biệt tình lang” của Cô Hớn Liên Bạch:
Ình ình trống giục thảm trường đình,
Đau nỗi chia phôi một chữ tình.
Hồng nhạn đưa tin trông vắng dạng,
Phụng lầu gác quyển đợi hòa thinh.
Vừng trăng xẻ nửa lưng tròng ngó,
Một mảnh gương treo biếng mắt nhìn.
Kẻ ở phương trời người góc biển,
Lòng thành nhắn gởi chữ khương ninh.

QUÍ CAO
(Huỳnh Thiên Kiều)

Ông Quí Cao gõ bàn tiếp:
Nhắn nhủ mấy anh một ít lời,
Làng mây hồn trẻ đã xa chơi.
Mẹ già nỗi hiếu chưa rồi đạo,
Vợ yếu niềm duyên chẳng trọn đời.
Chạnh nhớ quê xưa lòng xót xáy,
Buồn trông cảnh cũ dạ bời bời.
Ai về gởi lạy tình sông núi,
Kiếp khác ân sinh sẽ đáp bồi.
                                               QUÍ CAO

3 . Đêm 4-8-Ất Sửu (dl 21-9-1925).
Ông Cao Hoài Sang bữa nay cảm thấy buồn nên đề bài thi “Tự thán” có ý than thân trách phận, sao lăn lóc với tình đời, tuy tuổi chưa bao nhiêu mà đà mòn mỏi. Ông Sang đưa bài thi cho ông Cao Quỳnh Cư xem và có ý mời chư vong linh họa vận. Bài của ông Cao Hoài Sang như vầy:

TỰ THÁN
Sầu dài ngày vắn có chi vui,
Toan tính thâu đêm ruột rối nùi.
Ngược gió thuyền đầy cơn sóng dập,
Xuôi dòng nước lớn vạt bèo trôi.
Buổi đường danh lợi thêm gay trở,
Ngảnh lối tang thương luống ngậm ngùi.
Lần lựa xuân hè năm tháng lụn,
Thôi thôi đến thế, thế thì thôi!
                                                           CAO HOÀI SANG

Cô Đoàn Ngọc Quế giáng bàn họa vận:
Chung tình đoạn gánh khó làm vui,
Lần gỡ chưa xong chỉ rối nùi.
Lời hẹn xưa còn vầng nguyệt chứng,
Hương thề nay thả giữa dòng trôi.
Kim rời cải rụng lòng ngao ngán,
Đá nát vàng phai dạ ngậm ngùi.
Một khối tuyền đài tình khó dứt,
Ráp gương kiếp khác quyết chờ thôi.
                                                           ĐOÀN NGỌC QUẾ

Trong bài thơ có 2 chữ “Tình” ở câu phá và thúc, thế là trùng tự. Quí ông hỏi thì bàn gõ ra chữ: Permis (cho phép).

4 . Đêm 11-8-Ất Sửu (dl 28-9-1925)
Ông Nguyễn Trung Hậu, nguyên trước là thi hữu với thi sĩ Huỳnh Thiên Kiều, hiệu là Quí Cao, nghe tin ông Quí Cao giáng bàn làm thi nơi nhà Cao Quỳnh Cư, ông Hậu liền tìm đến nhờ ông Cư xây bàn thỉnh Quí Cao về làm thi.

Hai ông Cư và Tắc thỉnh bàn ra, đốt nhang vái ông Quí Cao, rồi ngồi vào đặt tay lên bàn. Tịnh thần một chốc thì bàn bắt đầu chuyển động. Ông Quí Cao nhập bàn, cho bài thi:
Âm Dương tuy cách cũng chung trời,
Sinh tịch đời người có bấy thôi.
Chén rượu đồng tâm nghiêng ngửa đổ,
Thương nhau nhắn nhủ một đôi lời.
QUÍ CAO
    Home                     1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét