May thay! Nhờ đạo tâm của toàn Thánh Thể của Ngài và
toàn con cái nam, nữ cũng vậy, nhứt là đám thiếu niên đã làm cho cảm động Đức
Chí Tôn, nên Ngài cho Bần Đạo hội diện cùng quyền năng thiêng liêng bốn phen
trong ba tháng.
Bần Đạo nói rằng: Cái định mệnh của nhơn loại, cũng như cái định mạng của
toàn thể quốc dân Việt Nam, trong giờ phút nầy
ở trong tay Đức Chí Tôn và Bần Đạo
dám quả quyết rằng: Luật nhơnquả của nhơn loại chưa hết thì chưa tạo hạnh phúc được.
Cái mơ vọng của thiên hạ đạt đặng cùng chăng là khi nào khối Thánh đức của
họ cao hơn phàm tâm của họ, thì giờ phút ấy hạnh phúc của họ mới có, và cơ quan
cứu khổ của Đức Chí Tôn mới thiệt hiện được.”
2 - Đức Chí-Tôn mở con đường
Thiêng liêng Hằng sống
Trí Huệ Cung: 16 tháng chạp, Canh Dần (1950)
“Ngày hôm nay nếu chúng ta biết đặng hồng ân của Đức Chí Tôn ban thưởng thế
nào, thì đây là một ngày vui của chúng ta không thế gì tả đặng. Bởi giờ phút nầy,
sau khi 20 năm chúng ta chịu khổ hạnh vì Đạo mà lăn lóc, cực nhọc về phần xác lẫn
phần hồn.
Ngày nay Đức Chí Tôn đã mở cho chúng ta một con đường Thiêng Liêng Hằng Sống
và Bần Đạo đã vâng mạng lịnh Đức Ngài tạo dựng một bến giải thoát cho toàn thể
nhơn loại trên mặt địa cầu nầy.
Bần Đạo nói: từ đây, kể từ ngày nay cửa Thiêng Liêng của Đạo đã mở rộng, Bần
Đạo kêu toàn thể con cái Đức Chí Tôn, ai hiểu biết mình đứng trong hàng phẩm Cửu
nhị ức Nguyên Nhân (92 Ức Nguyên Nhân) hãy tỉnh mộng lại đặng về cùng Đức Chí
Tôn.
Cửa nầy là cửa của các người đến đoạt Pháp
đặng giải thoát lấy mình, đến trong lòng Đức Chí Tôn, vì Đức Chí Tôn đã
đưa tay ra nâng đỡ mà chúng ta không đến,
không tưởng nghĩ đến, thì sau nầy ắt sẽ bị đọa lạc nơi cõi Phong Đô. Giờ phút ấy
không còn trách Đức Chí Tôn rằng: không thương yêu con cái của Người, không đem
cơ quan tận độ chúng sanh để nơi mặt địa cầu nầy cứu vớt nữa. Bần Đạo để lời
cám ơn toàn thể con cái Đức ChíTôn một phen nữa.
3 - Trí Huệ Cung là một cơ
quan tận độ
chúng sanh:
Trí Huệ Cung, 26 tháng chạp Canh Dần (1950)
“Các Bạn, ngày nay Bần Đạo tạm giải
chức Hộ Pháp; giờ phút nầy là người Bạn tu của các Bạn mà thôi. Bần Đạo tạm giải
chức Hộ Pháp đặng đến với các con cái của Ngài, với một tình nồng nàn, Hộ Pháp
cũng là người Bạn Thiêng Liêng về phần hồn với con cái của Ngài.
Trí Huệ Cung là một cơ quan tận độ chúng sanh đã xuất hiện nơi cửa Đạo Cao
Đài nầy. Bần Đạo nói rằng: nó không phải của ta, của đặc biệt của chúng ta, mà
nó là của toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy; bởi nó tượng trưng hình ảnh
Chí Linh Đức Chí Tôn nơi thế nầy, mà hễ tượng trưng hình ảnh Chí Linh tức nhiên
không có quyền nào nắm nó được, vì nó là của đặc biệt của toàn thể nhơn loại, tức
nhiên toàn thể con cái Đức Chí Tôn. Nó không có phép phân biệt đảng phái, Tôn
giáo hay nòi giống nơi mặt địa cầu nầy.
Cửa Thiên Hỉ Động là cửa Thiêng Liêng Hằng Sống của toàn thể các đẳng chơn
linh, nên nó không chịu thúc phược hay là nô lệ cho một tư tưởng nào, hơn là tượng
trưng cái quyền vô tận, vô đối của Đấng Chí Linh, hằng tạo dựng đại nghiệp cho
con cái của Ngài nơi mặt địa cầu nầy, tức nhiên toàn thể nhơn loại đó vậy.
Nó đã đến, đến đặng chi?
Đặng làm Bạn chí thân cùng toàn thể con cái của Ngài, thì nó phải có độ lượng
yêu ái nồng nàn, nó không phân biệt tư tưởng hay hình thể, nếu nó có còn tư tâm
để cả tinh thần nơi một chủ hướng nào, thì nó đã phạm quyền vô biên của Đức Chí
Tôn tại thế đó vậy.
Ấy vậy, toàn thể con cái của Đức Chí Tôn, các Bạn đồng cùng Bần Đạo không
phân biệt đảng phái hay nòi giống tư tưởng nào, Bần Đạo đã thọ mạng lịnh Đức
Chí Tôn đến làm Bạn với các con cái của Ngài; nhứt là Cửu nhị ức Nguyên Nhân tỉnh
mộng lại. Những hình thể của thiên hạ đã do nơi trí óc con người từ thử đến giờ,
chưa có ai đặng quyền nắm cơ giải thoát, thì giờ phút nầy Cửu nhị ức Nguyên
Nhân vẫn còn đọa lạc.
Bần Đạo cả tiếng kêu con cái Đức Chí Tôn nhứt là Cửu nhị ức Nguyên Nhân tỉnh
mộng lại, ngó nơi Trí Huệ Cung phải vào cửa ấy mới đoạt đặng mà thôi, đoạt cơ
giải thoát đặng, mới nhập vào cửa Thiêng Liêng Hằng Sống mà Đức Chí Tôn đã tạo
dựng riêng biệt dành để cho mọi người.”
C - HÀNH BÍ-PHÁP
1 - Đức Chí-Tôn hành pháp
tại Kiêm biên
Đức Hộ-Pháp thuyết tại Ðền Thánh, thời Tý đêm 24 tháng 5 năm Mậu Tý (dl.
30-06-1948)
“Bần Ðạo nhớ khi lên mở Hội Thánh
Ngoại Giáo trên Kiêm Biên năm 1927, đặng truyền giáo, Ðức Chí Tôn cho vị Phối Sư
Hương Lự của chúng ta đây được thông công cùng Ngài, nhờ nghe, nhờ thấy, truyền
pháp cho Bần Ðạo.
Khi nọ, Chí Tôn biểu Bần Ðạo lại kệ “bàn viết” có sắp một dãy nhựt trình đặng
rút ra hai tờ. Ngài lại dạy Chị chúng ta là Bà Phối Sư Bảy đứng bắt ấn, kế Bần Ðạo
trải hai tờ nhựt trình sau lưng mà bà Chị vẫn không biết. Tới lúc bắt Ấn rồi, Bần
Ðạo thưa “Ðã trải rồi”. Tức thì bà Chị nhảy ngược lại, đạp hai tờ nhựt trình. Bần
Ðạo không hiểu nghĩa gì. Ðức Chí Tôn biểu coi hai chơn đạp cái gì ?
Bần Ðạo coi chơn trước giở lên là hình Tưởng Giới Thạch, đạp ngay trên đầu,
còn chơn sau Bần Ðạo biểu giở nhón lên, coi thấy hình Roosevelt, quan Tổng Thống
của nước Mỹ đạp ngay ngực và miệng. Ðức Chí Tôn nói với Bần Ðạo rằng:
- "Một ngày kia Trung
Hoa sẽ thờ phụng Ðạo đáo để, còn nước Mỹ sẽ lãnh trách nhậm đi truyền giáo toàn
cầu”.
Ngày nay, chúng ta đã thấy tưởng chừng như Chí Tôn đã khiến mấy vị phóng
viên bên Mỹ đến lấy hình trọn vẹn của Ðạo, đủ cả chi tiết, Kinh Luật đem về xứ
để truyền bá, thì mấy vị nầy chẳng khác như Ðức Tam Tạng ngày xưa đến Ấn Ðộ thỉnh
Kinh. Bần Ðạo dám chắc sự bí mật mà Bần Ðạo thấy Chí Tôn Hành pháp buổi nọ, đã
kết liễu ngày hôm nay.
Ấy vậy, chúng ta phải chịu nhọc một chút đặng nghinh tiếp họ, trong buổi lễ
nầy.
Bần Ðạo tưởng khi những người có mặt ngồi tại đây hầu lễ nầy, biết chừng
đâu, cũng sẽ được hạnh phúc như đi truyền giáo bên Mỹ sau này mà chớ.!
Bần Ðạo để lời cám ơn toàn cả nam nữ và các BÍ PHÁP ấy chúng ta sẽ thấy Chí
Tôn làm thành tướng trong thời gian ngắn ngủi sau đây.”
2 - Đức Hộ Pháp "Ban
Phép Lành"
Đền Thánh, đêm 01-01- Ất Mùi (24-01-1955)
“Đêm nay, đêm giao thừa năm Ất Mùi. Cũng như các năm trước, Bần Đạo đã nhớ
dường như Đức Chí Tôn khi mở Đạo ngày 15-10 năm Bính-Dần tại Chùa Từ Lâm Tự (Gò
Kén). Qua đầu năm Đinh Mão cũng giờ này, cũng đêm nay, khi hầu Đàn rồi phò loan
Đức Chí Tôn - Ngài biểu cả thảy con cái của Ngài hiện diện nơi đó ra:
“Thầy đưa Cơ lên các con
chung ngang qua Cơ Thầy ban Phép Lành cho các con”.
Đức Cao Thượng Phẩm và Bần Đạo bị Đức Chí Tôn xách đứng lên ra ngay giữa Đại
Điện đưa cần Cơ lên cho cả thảy con cái của Ngài Nam Nữ chung ngang qua.
Bần Đạo vâng mạng lịnh của Đức Chí Tôn, đêm nay Bần Đạo Ban Phép Lành cho
toàn cả con cái của Ngài Nam, Nữ. Cả thảy cầu nguyện Đức Chí Tôn chan rưới “Hồng
Ân Thiêng Liêng”, Hồng Ân của Ngài rải khắp cho con cái Nam, Nữ.
Thơ Xuân đầu năm Ất Mùi.
Đêm nay Bần Đạo không giảng Đạo chỉ đọc bức thơ của Bần Đạo gởi cho toàn cả
Quốc Dân Việt Nam. Tiếp theo bức thơ Bần Đạo có làm một bảng “Tuyên Ngôn” gởi
các Quốc Trưởng và các nhà cầm vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Lát nữa
Bần Đạo sẽ giải nghĩa bức thơ này sơ lược cho nghe.
Bây giờ Bần Đạo đọc bức thơ Bần Đạo gởi cho toàn Quốc Dân Việt Nam:
Bức thơ Xuân gởi cho toàn
thể đồng bào Việt Nam
đầu năm Ất-Mùi của Đức Hộ-Pháp
Giáo chủ Đạo Cao-Đài
Cùng toàn cả Quốc Dân đồng bào Việt Nam,
Nhơn dịp ngày Xuân năm Ất Mùi, Bần Đạo thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn
chan rưới hồng ân cho toàn dân nước Việt đặng mau thoát khỏi ly loạn tương tàn.
Sau nữa Bần Đạo có mấy lời thống thiết ngõ cùng toàn thể quốc dân.
Trót mười năm quật cường giải ách lệ thuộc, thâu hoạch độc lập cho Tổ quốc
giống nòi thì toàn thể đồng bào đã góp vào biết bao nhiêu xương máu và đau khổ.
Lập trường tranh đấu thâu hoạch cho kỳ đặng hạnh phúc tự do cơm áo của nòi giống
sau 80 năm đô hộ, đã khiến cho lòng ái quốc nồng nàn của mỗi công dân Việt Nam
để tâm vào một chí hướng là Độc Lập và Thống Nhứt non sông.
Hại thay! Cơ cấu tranh đấu cho kỳ đặng ấy nó đã chia rẽ dân tộc ra nhiều phương
pháp và nhiều chí hướng: Việt Minh là gì ? Và Quốc Gia là gì?
Thì cũng là đồng bào Việt Nam tìm phương tranh đấu. Nhưng các danh từ và nhãn
hiệu ấy chẳng lẽ có năng lực đặng chia rẽ con cái của một nước, một chủng tộc
và xem lẫn nhau là kẻ tử thù?
Đau đớn thay nạn tương tàn tương sát đã xảy ra cũng do nơi định nghĩa bất đồng
của các phương pháp và danh từ tranh đấu.!
Từ ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 dương lịch, cuộc giải phóng dân tộc đã khởi
đầu. Các biện pháp đem thắng lợi cho nước nhà hôm nay cũng chưa thâu hoạch đặng
trọn vẹn, lại còn gây thêm nạn qua phân lãnh thổ: Từ vĩ tuyến 17 đổ vô là của
khối Quốc Gia, còn vĩ tuyến 17 đổ ra là của Việt Minh làm chủ. Nạn nhị Chúa
phân tranh Nguyễn Trịnh ngày xưa đã biểu diễn lại.
Bần Đạo thử hỏi cuộc tranh đấu giải ách lệ thuộc đặng đem hạnh phúc đó lại
cho ai?
Phải chăng cho Tổ Quốc và cho toàn thể đồng bào thì lý ra chẳng lẽ có một
nguyên cớ nào làm cho nòi giống Việt nầy chia phân cho đặng. Chủng tộc duy có một
thì Hoàng Đồ chỉ có một. Rồi ta lại thử hỏi: Ai đã gây nên nội loạn ly tán giống
nòi? Phải chăng vì năng lực ngoại bang đã gây nạn phân chia tộc chủng.?
Hai chí hướng đương nhiên của Quốc tế và lý thuyết Dân chủ xã hội và Cộng sản
xã hội. Hai lý thuyết ấy đều hứa hẹn rằng nhân loại phải duy tân và cải tổ xã hội,
vì tổ chức xã hội đương nhiên đã gây thất vọng cho nhân loại quá nhiều nên đem
lại cho họ nhiều đau thảm hơn là hạnh phúc. Đôi bên đều hứa hẹn tìm một phương
pháp sửa chữa đặng tìm cái hay trừ cái dở, lời hứa hẹn ấy đã thấm nhuần trong
trí não đau khổ của nhân loại nhất là hạng bần dân và các quốc gia lạc hậu đều
mong ước chóng được thực hiện điều ấy.
Hai triết lý xã hội mới mẻ kia đương tranh đấu đặng thâu hoạch tín nhiệm của
toàn thể nhơn loại trên mặt địa cầu này. Cuộc tranh đấu của họ đã hiển nhiên kịch
liệt và hỗn độn nhưng họ cũng đã đủ năng lực phân chia nhân loại làm đôi chí hướng.
Hại nỗi, hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ gây cho nhân loại một tấm thảm kịch
tương sát, tương tàn. Ta nên để đức tin cho thời gian và không gian định nên hư
của họ, nhưng hiển nhiên hôm nay ta chịu biết bao nhiêu đau khổ. Ta muốn cho
vay đặng hưởng lợi, mà lợi đâu chẳng thấy vì hứa hẹn ấy chỉ với lỗ miệng, không
bảo kê, không chứng chắc mà giờ phút nầy ta bị lỗ vốn một cách đau đớn và oan uổng.
Cuộc chạy theo bóng bỏ hình của nòi giống Việt Nam từ xưa đã vậy; nó đã làm
nên bịnh chủng tộc. Đồng bào sẽ hỏi Bần Đạo dùng phương pháp nào để trừ hại thì
Bần Đạo chỉ trả lời một cách đơn giản như thế này:
- Ngày nào cả chủng tộc Việt Nam đặng định tỉnh trong Quốc hồn của họ thì họ
mới có thể cố thủ và bảo vệ sanh tồn của họ.
- Ngày nào lòng ái quốc nồng nàn của nước Việt Nam thoát khỏi lợi dụng đặng
biến thành một ngọn lửa thiêng dâng lên bàn thờ Tổ Quốc của họ thì họ mới bảo
thủ được trọn vẹn Hoàng Đồ cùng tộc chủng.
- Ngày nào đầu óc của cả khối Quốc Dân biết trọng dĩ vãng lịch sử của mình
rồi định phận cho mình xứng đáng làm một nước đủ liệt cường, đủ uy tín hầu đối
diện cùng Quốc Tế rồi chủ định số phận của mình do năng lực của mình, không ỷ lại
nơi một ngoại bang nào thì ngày ấy mới giải ách lệ thuộc về tinh thần lẫn vật
chất của mình mới đặng.
Tình thế đương nhiên là Bắc Việt đã bị lệ thuộc của Trung Cộng, còn Nam thì
bị sống gởi nơi tay người, thì kiếp số tương lai của ta chưa biết nương nơi đâu
mà an đặng. Nếu tình thế này mà kéo dài tới mãi thì hòa bình của họ đã hứa hẹn
cùng ta thì là mộng ảo.
Bần Đạo ước mong và cầu xin cho toàn thể đồng bào sáng suốt hơn đặng tự định
số mạng và tương lai của mình.
Bần Đạo để lời chào mừng toàn thể đồng bào và cầu chúc cho các gia đình đều
hạnh phúc.
Bức thơ Bần Đạo có gởi cho đài phát thanh Sài Gòn, đêm nay có lẽ giờ này đã
đọc rồi.
Cái nạn qua phân lãnh thổ, Bần Đạo nói sẽ làm cho nhơn loại đau khổ và nguy
hiểm không thể tưởng tượng vì năng lực tàn phá của võ khí tối tân nhứt là bom
nguyên tử. Nếu nhơn loại không rán sức đem hòa bình hạnh phúc do con đường thiêng
liêng của Đức Chí Tôn đã đến thì nhơn loại sẽ bị tiêu diệt. Nhơn loại mắc nạn
tiêu diệt ấy là do tội tình của họ. Một điều Bần Đạo nói cho nước Pháp biết rằng:
“Sắc dân này không quen chịu lệ thuộc, cả sự tranh đấu đặng giải ách lệ thuộc của
họ đối với nòi giống Trung Quốc buổi nọ không ai cản họ được. Hốt Tất Liệt thâu
cả Hoàng đồ bên Âu Châu, đặt gót tới Việt Nam bị thảm bại”.
Bần Đạo xin hai chánh phủ phải hiệp với nhau làm một và toàn thể quốc dân
Việt Nam không phân biệt đảng phái, Tôn Giáo phải hiệp nhau làm một đừng chia
đôi ra. Bần Đạo cầu xin họ sáng suốt đặng định tương lai mình, do mình vi chủ
không muốn cầu ai. Nhứt là nước Việt Nam nhờ Pháp nói với Mỹ. Nước Việt Nam đã
đánh đổ quyền hành của Pháp, không muốn quyền hành nào thay thế là vậy.
Đạo mở tức là Cơ Đại-Ân-xá của Đức Chí-Tôn:
3 - HỘ PHÁP Hành Pháp mỗi
khi
vô Cúng Đàn
Ðền Thánh, đêm 14-2- Mậu Tý (dl. 24-03-1948)
Hôm nay Bần Ðạo chẳng phải thuyết Đạo.
Bần Ðạo chỉ nói chuyện mà thôi: Nói chuyện Hộ Pháp, mỗi phen vô CÚNG ĐÀN
làm việc chi, theo như lời Bần Ðạo đã hứa.
Bần Ðạo nói đây để cả thảy được biết điều ấy trọng hệ như thế nào, đặng giữ
gìn và giúp Bần Ðạo mỗi phen HÀNH PHÁP được dễ dàng một chút. Bần Ðạo nói hôm
nay, để đêm mai có nhiều thì giờ giảng những điều thiết yếu hơn, trọng hệ hơn.
- Mỗi phen nhập Đàn, hễ trống chuông rồi, thì tất cả đi vô, cả thảy đi vô
thong thả, chỉ có Bần Ðạo thật bối rối. Bước lên Ngai rồi, trụ Pháp lại, vẽ bùa
niệm chú. Câu chú mà khi thượng sớ, chúng ta thường nghe đọc “Tam Châu Bát Bộ Hộ-Pháp
Thiên-Tôn”. Thật sự thì như vầy “TAM THIÊN THẾ GIÁI HỘ PHÁP GIÁNG LÂM”. Từ trước
đến giờ, các bậc tiền bối của chúng ta đã để như nói trên nên không thể sửa cải
được, phải để y như vậy.
Khi bái đàn rồi cả thảy quì tụng kinh, còn Bần Ðạo tịnh niệm, mỗi câu Kinh
mấy em đọc vẫn dễ, vì thuộc mà đọc thôi, riêng Bần Ðạo mỗi câu Kinh phải mật niệm,
tụ hết cả nghĩa lý của nó dâng lên Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng. Rồi còn điều
nầy rắc rối hơn hết, hễ khi nào cả thảy tụng rồi bài Kinh Chí Tôn hoặc Kinh Tam
Giáo: khi Bần Ðạo thấy nín hết, buổi đó đem hết tinh thần trụ lại, dâng lời mặc
niệm ấy vào Bát Quái Ðài. Ðến khi tất cả niệm Ngũ nguyện cũng vậy, Bần Ðạo định
tâm, dồn cả đức tin biến thành một Huệ-quang chiếu diệu đem vào Bát-Quái-Ðài rồi,
đợi cho Bát-Quái-Ðài trả lời, khi ấy ở trong đó ánh sáng tủa ra, Bần Ðạo cúi đầu
niệm thế cho cả thảy.
Còn dâng Tam Bửu: Bần Ðạo hiểu cả nghĩa lý của nó đang khi dâng Bông, cả thảy hình thể con
cái của Chí Tôn tức là Thánh Thể của Ngài, trụ hết xác Thánh đó dâng cho Ngài đặng
Ngài làm phương cứu thế. Ðó là dâng Bông.
Tới dâng rượu: cả thảy khi dứt câu Kinh, nín lặng hết, Bần Ðạo vận dụng cả trí não tinh
thần, đem đức tin của cả thảy dâng vào Bát Quái Ðài.
Tới dâng Trà: là dâng cả Linh hồn cho Chí Tôn. Bần Ðạo để cả tinh thần trụ lại, đem
linh hồn của cả con cái Chí Tôn dâng cho Ngài.
Khi các người Cầu nguyện, buổi cầu nguyện biết vậy thì nguyện như vậy thôi,
còn Bần Ðạo phải trụ hết tinh thần định trở lại, đem cả những lời cầu nguyện ấy
đặng dâng cho Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng.
Khi Chí Tôn truyền cho Pháp ấy, Bần Ðạo nghĩ rằng: Ðó là chiếu theo Cổ pháp
của nhà Phật buổi trước, nhứt là Thiền Môn mỗi khi làm chay, thí của, cầu siêu,
hay tuần tự chi đều rước một vị Hòa Thượng trụ trì đến. Không gì khác hơn là
Bí-pháp của Chí Tôn trụ thần. Bần Ðạo dám chắc rằng không ai biết, họ tụng kinh
như hát mà thôi, không ai để hết tinh thần vào câu kinh, nên mấy thầy chùa gõ
mõ tụng kinh có ăn thua gì. Trọng hệ là vị Hòa Thượng trụ trì ngồi hành pháp,
nhưng không hiểu họ có biết mà làm y theo đó hay không? Cái trọng hệ ấy, nếu ai
làm cho y, thì là trúng với Bí pháp. Tiểu Ðàn thì vậy.
Còn Ðại Ðàn lại còn rối cho Hộ Pháp hơn nữa, là có ba ấn: Thượng Nguơn, Trung Nguơn, Hạ
Nguơn, ấn ấy không phải do tay Hộ Pháp không? Khi đứng lên Ngai rồi bắt ấn Hộ
Pháp, lấy cả Tam Bộ Thiêng Liêng tức là sanh khí mà ta thấy trước mắt tỏa ra
cùng khắp. Rồi đến trụ Thần lại bao trùm cả trái đất nầy như vòng bao một trái
cây gì vậy, để cái cuống lên trên, đem dâng cho Chí Tôn ngự.
Kế dâng Bông, bắt Ấn Thượng Nguơn
dưới đạp Ngưu Ðẩu, tay đưa Gián Ma Xử lên hiệp với chữ Khí, đem Khí ấy đưa ra cả
Càn Khôn thế giới. Ấn Thượng Nguơn làm chủ chữ Khí, đem Khí ấy hiệp hết cả
Ngươn Khí đặng bao trùm vũ trụ.
Ðến Trung Nguơn bắt Ấn Hiệp Chưởng biến hóa, Gián Ma Xử để nằm ngang, đuôi bên Thế, cán
bên Ðạo, ý nghĩa Ðạo cầm cán đặng trị Ðời. Bắt ấn Hiệp Chưởng, cầm cả cơ pháp của
vạn vật biến sanh đặng bảo tồn không cho tương tranh, tự diệt nhau.
Tới Hạ Nguơn, tay tả thuộc Dương để trên, tay hữu thuộc Âm để dưới, rồi để Gián Ma Xử
chúi xuống, trụ Thần đem cả Càn Khôn hiệp cả vạn vật. Bắt ba Ấn phải trụ thần,
làm sao cho ấn ấy đừng thất pháp. Cho nên ban sơ, buổi Chí Tôn mới giao cho Bần
Ðạo tại Từ Lâm Tự, cái khó là trí óc vẫn lo ra, vì không quen, không phải mình
làm thầy phù, thầy pháp gì ổng giao cho học mãi làm không trúng. Vì cớ nên mới
có quỉ lộng tại Từ Lâm Tự buổi nọ, các Ấn khác của Hộ Pháp có linh hay không mà
quỉ lộng? Ấy là Thiên Cơ khiến vậy. Chí Tôn mở Tam Thập Lục Ðộng coi có phá nổi
Ngài không? Có thể làm cho tiêu diệt nền Chánh Giáo không? Ðể cho chúng sanh
thí nghiệm mà thay quyền năng vô tận của Ngài. Buổi nọ vì thời gian ngắn ngủi,
nên công việc chưa rành rẽ, vì không đủ thì giờ để chuyên luyện, hoặc cho là chưa
trọng hệ cho lắm, nên có điều sơ lược. Ðó là Thánh ý của Ðức Chí Tôn muốn như vậy.
Trong một thời Cúng, Bần Ðạo đã căn dặn nhiều phen trọng hệ hơn hết, là khi
Dâng Tam Bửu, dầu cho tinh thần suốt buổi Cúng có nhiều lúc lo ra đi nữa, đến
khi Dâng Tam Bửu, khuyên cả thảy định thần đặng mật niệm, dâng ba bửu trọng hệ
cho Chí Tôn, tức là giúp sức Bần Ðạo hành pháp dễ dàng một chút đó.”
4 - Vía Đức Phật Quan-Âm Đức
Hộ-Pháp HÀNH PHÁP trong thời Cúng Đàn
Đền Thánh đêm 18 /02 năm Nhâm Thìn (1952)
Mỗi kỳ Đại Đàn kể từ 12 giờ cho đến 2 giờ, trong hai giờ đồng hồ nếu mấy
người mặc một bộ đồ võ phục như vầy, có buộc dây như Tôi, chịu thử như Tôi coi
ra sao mấy người biết. Từ lúc mới vô dĩ chí cho tới mãn lễ, không có lúc nào ở
không, luôn luôn hành pháp không nghỉ, tới xong lễ lại lên giảng đài giáo Đạo
cho con cái Đức Chí Tôn, nếu ngày kia có tuổi thêm chút nữa, chắc làm không nỗi,
không thể đứng nỗi, chịu không nỗi nữa.
Hạng nhứt dòm trở lại thấy họ làm biếng đi Cúng, thấy nó não nề làm sao! Thối
chí làm sao! Bần Đạo cho hay lần này là lần chót, ngày giờ nào có Đại lễ như vầy,
Bần Đạo ngó thấy trước mắt nếu còn sự biếng nhác của con cái Đức Chí Tôn, Bần Đạo
không thuyết Đạo nữa, lần này là lần chót!
Đêm nay Bần Đạo thuyết cái đề rất trọng yếu là:
Con người đi tìm Đạo hay Đạo đi tìm người?
Từ Thượng Cổ đến giờ đã lắm người tự nhiên biết rằng: Cả cái khuôn luật
thiên nhiên của tạo đoan thế nào là Thánh ý của Đức Đại Từ Phụ cũng đã định vậy.
Luật thiên nhiên của tạo đoan buộc chúng ta phải nhìn nhận cái khuôn luật tối yếu,
tối trọng của Ngài. Trong vạn vật hữu sinh chúng ta thấy chúng ta đứng đầu hơn
hết, vì chúng ta linh hơn vạn vật. Vì cớ cho nên khi chúng ta còn thiếu niên
chúng ta chưa đủ trí thức, chúng ta vẫn thường theo một khuôn luật là tìm sống
thôi. Bởi phương bảo vệ cái sống của mình là khuôn luật thiên nhiên đã định vậy,
hễ khi nào chúng ta tìm sống tức nhiên chúng ta làm thế nào cho chúng ta sống
được. Tức nhiên chúng ta không chịu nhịn sống cho ai hết, nói rõ ra cái tấn tuồng
tranh sống mà Bần Đạo đã thuyết cái yếu lý của toàn thể nhơn loại trên mặt địa
cầu này, để định vận mạng tương lai của họ, cái yếu lý ấy hệ trọng hơn hết. Hễ
nhượng sống thì còn tồn tại với nhau, mà tranh sống thì tức nhiên tự diệt với
nhau vậy.
Ấy vậy, chúng ta tìm Đạo
là gì? Là chúng ta thoát ly cho đặng cái thú tánh, để bảo
tồn cái thiên mạng của mình. Dầu cá nhân của chúng ta, dầu toàn thể nhơn loại
cũng vậy, duy chịu có khuôn luật ấy mà thôi.
Kỳ trước Bần Đạo đã thuyết hai cái cơ thể: Nhục thể và Linh hồn của chúng
ta tức nhiên là cái nguơn linh của chúng ta vậy. Nó phải tương liên mật thiết với
nhau, đặng nó điều độ dìu dẫn trên con đường Tu, tức nhiên trong con đường Đạo
của chúng ta là tánh và mạng phải song tu, ta phải biết cái tánh của ta vẫn còn
cái thú tánh của nó, trong xác thịt thú này, ta tìm phương nào cho thoát ly nó,
đừng chịu quyền năng của nó ràng buộc, ta phải đạt cho được cái tinh thần
thiêng liêng vô đối đó. Chúng ta đồng thể cùng Đấng Chí Linh tức nhiên đồng thể
cùng Đạo. Đạo là cơ quan mà toàn thể nhơn loại từ Thượng Cổ đến giờ, tìm kiếm
đó vậy. Họ tìm Đạo là tìm gì? Họ tìm Đạo đặng đạt được chơn pháp giải thoát kiếp
sinh của họ. Nhà Phật tìm phương chước đặng diệt quả kiếp của mình đặng đạt cơ
siêu thoát. Đạt cơ siêu thoát đặng làm gì? Đặng lập vị Thần, Thánh, Tiên, Phật
và có phương thế đồng thể cùng Đức Chí Tôn đặng cầm quyền tạo đoan của Càn Khôn
Vũ Trụ, ấy là mơ vọng của toàn thể nhơn loại từ xưa đến nay đi tìm Đạo là vậy đấy.
Hỏi từ trước đến giờ họ đã tìm đặng hay chăng? Ta để dấu hỏi mơ hồ. Những Đấng
đã đạt Đạo, chúng ta chắc hay không, duy mấy vị Giáo Chủ mà thôi. Còn các môn đệ
của các Ngài, sau khi các Ngài đã qui liễu; chúng ta để dấu hỏi họ đã đạt vị được
như vậy hay chăng? Chắc cả thảy đều để dấu hỏi mơ hồ hết. Giờ phút nầy chính
mình Bần Đạo đứng tại giảng đài này, là người để đức tin vững chắc hơn toàn thể
nhơn loại. Mà chính mình Bần Đạo phải để dấu hỏi mơ hồ này, thì tưởng chưa có
ai đạt cơ siêu thoát đặng.
Ấy vậy, đạt siêu cơ thoát đặng chi? Đặng đạt phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật
và cả phẩm vị Trời nữa, có phải như vậy chăng? Hết thảy đều nhìn nhận là phải vậy.
Mà giờ phút này Đấng cầm quyền cả Càn Khôn Vũ Trụ, làm Chúa cả Chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật, Ngài đến cùng ta đem cái địa vị của Ngài để trong mình của mỗi đứa,
tức là Ngôi Chí Thánh của Ngài. Ngài đến lấy cả hình xác của chúng ta đặng làm
phần tử Thánh Thể của Ngài. Phải chăng nếu chúng ta lấy cái triết lý chơn lý ấy
tìm tòi, chúng ta thấy rằng: Ông Trời đến ở cùng ta, ta là ông Trời tại thế
này, cửu phẩm Thần Tiên ở trong Thánh Thể của Ngài; Thần, Thánh, Tiên, Phật
Ngài đem để trong tay của chúng ta cả thảy. Lý do là Đạo đến tìm ta, chớ ta
không có tìm Đạo. Thượng Cổ không biết chừng nhiều Đấng đã muốn trông thấy như
ta đã trông thấy, và họ muốn đặng như ta đã đặng hôm nay, nhưng họ chưa đặng mà
chúng ta đã đặng.
Ấy vậy Bần Đạo quả quyết rằng, xưa kia thiên hạ tìm Đạo một cách khó khăn
mà giờ phút nầy ta lại thấy Đạo đến tìm ta.
Hồi chiều mấy anh em chúng tôi có ngồi luận Đạo với nhau, đang nhắc Ngài. Đức
Chí Tôn mới đến Ngài có than rằng:
Cười khan mà khóc bởi
thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả
bầy;
Biết phận già không chờ chống
gậy,
Nương theo con dại mới ra
vầy.
Ông thấy mình tội tình quá lẽ, nhơn loại con cái của Ông đã sa ngã, đã tội
chướng quá nhiều, chính mình Ông cầm gậy đến ở cùng con cái của Ông. Một là tìm
phương giải tội cho nó. Hai là tìm phương đem quyền pháp cơ quan siêu thoát đến
trong tay nó. Nếu toàn thể con cái từ Tín Đồ dĩ chí Thiên Phong Chức Sắc không
có đạt vị đặng, dám chắc khi trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống cái hổ nhục chẳng
thế gì chúng ta thấy đặng các bạn của chúng ta đang tiếp chúng ta nơi cửa Hư
linh đó vậy, và lẽ sao đạt không đặng không có gì tệ mạt hơn”
5 - Ý nghĩa đi Hoán Đàn (Cúng Đại Đàn)
Đêm rằm tháng 2 năm Mậu Tý (dl. 25-03-1948)
(LỄ THÁI THƯỢNG)
Không có một điều chi Chí
Tôn để trong Pháp giới của Ngài, trong cửa Ðạo nầy, mà không có nghĩa lý. Ít nữa
mình không biết thì phải tìm cho biết, coi tại sao như thầy chùa chạy kim đàn vậy,
tìm cho ra duyên cớ đặng hiểu biết bên trong pháp giới của Ðức Chí Tôn là thế
nào mà hình thể bên ngoài lại dị kỳ làm vậy. Không biết phải hỏi, cả thảy nên
biết rằng, không một điều gì trong nền Tôn Giáo nầy mà vô nghĩa lý đa nghe.!
Tại sao phải Hoán đàn, nam, nữ chen nhau?
Ðó là Bùa Pháp Luân Thường Chuyển. Tại sao Chí Tôn để bùa Pháp Luân Thường
Chuyển tại thế này, đặng chi vậy? Hiện đã mãn Hạ Ngươn tam chuyển, bắt đầu Thượng
Ngươn Tứ chuyển ta gọi là khai ngươn nên phải để cho Pháp luân chuyển.
Ta đã biết thời Tiên Thiên Khí và Hậu Thiên Khí chuyển làm một mối mới đạt
Ðạo đặng. Cả thảy đều biết qua Cửu Trùng Ðài nầy là Cửu Thiên Khai Hóa, còn
Cung trên kia là Cung Ðạo. Từ trước đến nay, mỗi người mải miết tìm Ðạo mà Chí
Tôn để giữa đó, trước mắt mà không biết. Ði chín từng Trời để cho phần hồn đi
cho cùng tột Cửu phẩm Thần, Thánh, Tiên, đến Phật, tức là Phật xuống phàm, rồi
phàm trở lại Phật, chuyển luân như vậy, Bí pháp gọi là đạt Ðạo. Tại sao cả thảy
không tìm hiểu, rồi không chịu vô Hoán đàn, sợ mỏi chân, chờ trong nầy thiên hạ
đi giáp rồi mới vô cúng mà thôi.
Cũng vì bởi không Hoán Đàn là không đạt được Thể pháp đó không đủ theo pháp
giới của Chí Tôn, nên người cầm pháp có phận sự không cho vô tức là không cho
làm loạn Ðạo.”
6 - Hành Bí-pháp trong cửa Đại-Đạo
Ngài Bảo-Đạo Hồ-Tấn-Khoa có nói:
Những điều sơ khởi:
Người mới Nhập môn vào Đạo Cao-Đài lập Minh thệ thì đặng hưởng hồng-ân là
thọ phép Giải oan. Phép này rửa sạch tội tiền khiên của mình từ trước.
Phép này cũng là một Đại Ân xá những tội tình, nhưng từ ngày Nhập môn về
sau thì phải gìn giữ đừng gây thêm tội mới cho đến ngày chết tức là ngày trở về
với Đức Chí-Tôn (Đại-Từ-Phụ) thì được nhẹ nhàng rất nhiều.
Ngoài Bí-Pháp giải-oan này Đức Chí-Tôn còn ban cho Pháp Tắm Thánh, pháp làm
Hôn phối và đặc biệt nhứt là phép xác và phép độ thăng.
Người Tín-hữu Cao-Đài nào giữ được 10 ngày chay trong mỗi tháng đổ lên được
thọ truyền Bửu pháp tức là hưởng được phép xác, cắt hết 7 dây oan-nghiệt.
Linh-hồn không còn bị ràng buộc với thi hài bởi 7 dây oan-nghiệt nữa nên được
xuất ra nhẹ-nhàng về cõi Thiêng-liêng Hằng sống.
Còn Phép độ thăng là để giúp cho linh hồn những Chức-sắc được nhập vào Bát-Quái-Đài dễ-dàng hơn”.
a/ - Tín đồ khi mới Nhập
môn phải Minh-Thệ:
Tới phiên các Môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng:
“Tên gì?... Họ gì?... Thề rằng: Từ đây biết một Ðạo Cao Ðài Ngọc Ðế, chẳng đổi
dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn đệ, gìn luật lệ Cao Ðài, như sau có lòng hai thì
Thiên tru Ðịa lục." (36 chữ)
Tới trước bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị Ðầu Sư.”
b/- Cúng Tứ Thời là Bí pháp Giải thoát:
Thầy dạy:
Thuở Đức Hộ-Pháp còn sanh tiền Ngài cũng lo ngại cho loài người vì sự
văn-minh tuyệt đỉnh bị “giục thúc bởi phương sống vật chất, họ tìm hạnh phúc
trong cái sống vật hình, vì cớ Đạo-giáo mất quyền”.
Ngài vấn nạn Đức Lý Giáo-Tông:
“Đương thế kỷ hai mươi này văn-minh cực điểm đã đi quá cao rồi, đem đạo-đức tinh thần làm
thuyết cứu thế sợ chẳng có kết quả. Tôi công nhận rằng trước hai ngàn năm có lẽ
nhơn loại còn bảo thủ được khối thiên lương, biết xu-hướng đạo-đức; tinh thần đạo-đức
buổi ấy dường như gặp một mảnh ruộng có nhiều phân nên hột giống mới mọc đặng,
còn thế-kỷ hai mươi này là thời-kỳ văn-minh vật chất, nếu đem đạo-đức ra làm
môi giới cứu vãn tình thế cho đời e vô hiệu quả.
Đức Lý Ngài than, nói quyết đoán rằng:
- Theo lẽ Hiền-hữu nói nhơn loại ngày giờ này không cần đạo-đức có phải?
Bần-Đạo trả lời:
- Thật vậy! Nhơn-loại buổi này không cần đạo đức, chỉ tìm hạnh phúc nơi
văn-minh khoa học cũng có thể được chứ?
Ngài cười:
- Văn-minh khoa-học chỉ nuôi phần xác thịt mà thôi, con phần linh hồn chắc-chắn
họ sẽ đói!
Bần-Đạo vấn nạn tiếp:
- Tại sao Ngài nói linh-hồn đói? Linh-hồn có ăn sao mà đói?
- Phải! Phải có vật-thực đặng bảo dưỡng nó như thi hài vậy, nếu không vật
thực nó sẽ tiều-tụy rồi chết mà chớ!
Bần Đạo lại hỏi:
- Đạo-đức tìm nơi đâu mà có đặng?
- Tức nhiên tìm nơi cửa Thiêng-liêng hằng sống mới có, mà tìm nơi cửa
Thiêng-liêng hằng sống tức là cửa Đạo. Buổi ăn của linh-hồn là buổi ta vô Đền
Thờ cúng đấy! Ta không thấy mùi của nó tức chưa hưởng được, tưởng vô Đền thờ là
bị luật buộc, không dè mỗi phen đi cúng tức là cho linh-hồn ăn vậy! Bần Đạo tưởng
thấy trong trí cần phải bắt buộc cả thảy đi cúng. Vì trong thâm tâm Bần Đạo định
mấy người chưa biết mùi của nó, cũng như kẻ nhà quê đưa cho gói bánh ăn chẳng
được, rồi khi đã biết mùi rồi bán cả áo quần mà mua ăn” (TĐ II/152)
Vì tính cách trọng-yếu đó mà Đức Phật Quan-Âm nhắc nhở rằng:
- Phải năng cúng kiến:
Thánh Giáo của Đức Quan Âm Bồ-Tát dạy:
"... Các em phải lo cúng kiến thường:
1 - Một là tập cho Chơn Thần được gần gũi các Đấng Thiêng Liêng cho đặng
xán lạn.
2 - Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả
chúng sanh.
3 - Ba là có tế lễ thì tâm mới có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên.
4 - Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương
tri, lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em nhớ
à! ..."
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2, ngày
08--05-1933)
- Cúng phải nghiêm trang:
Thánh Giáo Đức Chí Tôn dạy:
"Thầy hằng nói với các con rằng: Thà là các con lỗi với Thầy, thì Thầy
vì lòng từ bi mà tha thứ, chớ chẳng động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật,
vì họ chẳng tha thứ bao giờ.”
Thầy lại cũng đã nói:
"Mỗi khi Chơn linh Thầy giáng Đàn, thì cả vàn vàn muôn muôn Thần,
Thánh, Tiên, Phật theo hầu hạ. Các con nếu mắt phàm thấy đặng, phải khủng khiếp
kinh sợ vô cùng! Nhưng thấy chẳng đặng, nên tội cũng giảm nhẹ đó chút.
Thất lễ là đại tội trước mắt các Đấng Chơn linh ấy! Thầy phải thăng cho các
con khỏi hành phạt. Thầy chẳng buổi nào chấp trách các con, bởi lòng thương yêu
hơn chấp trách rất nhiều. Sợ là sợ cho các con mất đức với chư Thần, Thánh,
Tiên, Phật.
Xem đó, thì các con khá dè dặt, kỉnh Thần, Thánh cho lắm! Vì Thầy là bậc
Chí Tôn, lòng hay quảng đại mà tha thứ, chớ Thần, Thánh hễ các con có lỗi, thì
cứ Thiên điều mà quở phạt các con nghe à!”
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2, ngày
15-10-1926)
Cúng là hình thức Xét mình:
“Trước khi vào lạy Thầy buổi tối phải tự hỏi mình coi phận sự ngày ấy xong
chưa? Nếu phận-sự chưa rồi, lương tâm chưa an tịnh thì phải biết cải quá, rán sức
chuộc lấy tội lỗi của mình đã làm thì các con lo chi không bì bực chí Thánh. Thầy
mong cho mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình ấy. Đặng vậy thì may-mắn cho Đạo và
các con cũng sẽ đặng thung dung nêu gương cho kẻ khác”.
Hiện nay có nhiều vị niên cao kỷ trưởng muốn được nghỉ đi cúng, vậy có đúng
chơn pháp không?
Sau đây là lời phê của Đức Hộ-Pháp vào năm 1951qua tờ xin của Chí-Thiện
Lê-văn-Trưởng xin nghỉ Cúng thời Tý vì tuổi già bịnh hoạn.
Đức Hộ-Pháp phê rằng:
“Hễ càng già lại càng Cúng nhiều đặng dâng mạng căn số kiếp của mình cho
Chí-Tôn định, ấy là Bí mật giải thoát của Chí-Tôn để nơi Cô tận độ. Dầu đương
giờ mình Cúng mà chết trước mặt Người lại càng hay. Phải tuyên truyền cho ai
cũng đều thấu đáo nghĩa lý Bí pháp này.
Khi đau ốm nằm dưỡng bịnh, hễ nghe thời Cúng là dậy dâng Tam bửu cho
Chí-Tôn”.
Đi Cúng quả là hữu ích, nên Thầy ân cần dặn bảo:
“Phải chịu khó cúng Tứ thời và nhìn Thiên-Nhãn cho thường. Mỗi lần Cúng cho
được lâu, lâu đặng cảm lòng giáng hỏa hết đau mắt.
Luôn dịp Thầy nói cho các con biết: Cúng Tứ thời có ích cho các con lắm, chớ
không phải ích chi cho Thầy. Nếu Cúng được thường thì lòng dạ mở-mang, tứ chi
luân chuyển, có nhiều khi tật bịnh tiêu diệt. Con nên biết việc Cúng Tứ thời
nghe! (ĐCT:10-11-Bính Dần -14-12-1926)
Đức Hộ-Pháp thường nhắc:
Điều trọng-yếu là cả Bí-pháp Đạo-giáo có liên quan mật thiết với Thể-pháp rồi
cả thảy đều nghĩ, từ thử tới giờ Hộ-pháp buộc phải đi Cúng, phải hành Đạo thế
nào, không phải Ngài buộc mà Ngài hưởng một quyền lợi gì riêng hết, thử suy
đoán chơn pháp ấy rồi mới biết.
Bần Đạo vì phận sự muốn cho con cái của Đức Chí Tôn tạo cơ giải thoát nên mới
buộc gắt-gao như vậy thôi”
- Niệm danh Cao-Đài là Bí-pháp giải thoát Cao-Đài là gì?
Nho-Giáo nói rằng trên đỉnh đầu là Đấng Cao-Đài. Đã nói là Cao thì không
còn chi cao hơn nữa để tôn tặng Đức Thượng-Đế là Đấng tối cao, tối đại. Ngày
nay Đấng Thượng-Đế mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ xưng danh là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế
viết Cao Đài Tiên Ông Đại-Bồ Tát Ma-Ha-Tát Giáo Đạo Nam phương.
CAO-ĐÀI là cái Đài cao, xưa muốn cầu Thần Tiên thì cất một cái Đài cao bằng
tranh lá rồi lên đó để cầu-đảo gọi là thảo-đài. Nay chính Đấng Thượng-Đế đến với
nhân loại mở Đại-Đạo nơi đất nước Việt-Nam chính là mở cơ Đại-Ân-Xá lần ba để độ
dẫn 92 ức nguyên-nhân còn đắm mê hồng-trần.
Danh xưng “CAO-ĐÀI TIÊN-ÔNG ĐẠI-BỒ TÁT MA-HA-TÁT” là gồm cả Tam-giáo gọi là
Tam Giáo Qui nguyên:
- Cao-Đài là tượng-trưng
cho Nho-Giáo.
- Tiên-Ông là chỉ
Tiên-Giáo.
- Đại Bồ Tát Ma Ha
Tát chỉ Phật Giáo.
Chính Đấng Thượng-Đế đã nói về việc xưng danh ấy, tức nhiên quyền Chưởng quản
Càn khôn vũ trụ là một mà ba, mà ba cũng như một là vậy. Thầy dạy:
“Các con coi bậc Chí-Tôn như Thầy mà
hạ mình đặng độ-rỗi nhơn-sanh là thế nào, phải xưng là môt vị Tiên-Ông và Bồ-Tát
là hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối-cao
tối trọng, còn Thầy thì khiêm-nhượng là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ Môn-đệ cho
Thầy là nhỏ. Cười..!.
“Hạnh khiêm-nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ
rỗi Thiên-hạ đặng. Các con phải khiêm-nhường sao cho bằng Thầy. Thầy lại
nói buổi lập Thánh-Đạo, Thầy đến độ rỗi
kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội-lỗi, đâu đến nhọc công Thầy.
“Ấy vậy, các con ráng độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết”.
7 - Tại sao Đức Chí-Tôn phải
cho Môn đệ của Ngài cả Ấn – Pháp – Bùa - Chú và còn bắt lập Minh thệ nữa?
Đức Hộ-pháp thuyết 12-7 Mậu-Tý (1948)
“Phương ngôn Pháp có câu “Aide-toi le ciel t'aidera” và Tiên Nho chúng ta
nói “Tận nhơn lực tri thiên mạng” điều nầy hiển nhiên chơn thật lạ lùng chúng
ta rán cố gắng hết sức mình thì Chí Tôn mới ban cho cái huyền linh của Ngài, nếu
không rán không thế gì hưởng được, mấy Em nhận biết điều ấy, chúng ta do
Chí-Tôn kêu gọi đặng gầy dựng, ta phải cố gắng, vì lẽ không thăng tức ta phải đọa.
Mấy Em nhớ, Ðạo của mấy Em chúng Qua đã tạo dựng cho mấy Em đặng ngày kia mấy
Em tiếp theo Chơn Truyền Luật Pháp thay thế cho mấy Qua đặng truyền nghiệp cho
hậu tấn.
Pháp nói “Chaque soldat a un bâton de maréchal dans son sacoche” nghĩa là:
Mỗi tên lính đều có cây giản của ông Thống Chế trong bị của họ. Qua nói rằng: Mỗi
vị Tín đồ đều có cái mão của Giáo Tông và Hộ Pháp đội trước trên đầu, không lấy
được là lỗi tại mấy Em, chẳng lẽ có một người mà người đó chết rồi là diệt tiêu
nền Ðạo.
Ngày kia không có gì vui hứng cho Qua hơn, khi thấy xuất hiện trong mấy Em,
khi Qua đã già vô Tịnh thất an dưỡng tinh thần, mà thấy đặng mấy Em ở dưới bước
lên ngồi địa vị cao trọng của Qua”.
8 - Người Tín hữu Cao Đài
được sử dụng các Bí pháp
1/ - Bắt Ấn Tý:
Pháp Đạo buổi Tam Kỳ là “Bắt Ấn Tý” tức nhiên nắm cả pháp Thiên điều vào
tay, do câu “Ốc trần huờn ư song thủ chi nội”. Do vậy mà người mới nhập môn vào
Đạo là được trao cho Ấn, Pháp, bùa, Chú. Ấn là Ấn Tý. Pháp là dùng nước Âm
Dương thuỷ hoả Ký Tế, Bùa là bùa chữ Khí, là khí sanh quang tức là sự sống của
vạn loại. Chú là câu chú của Thầy, niệm “Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma
Ha Tát”.
Trong kỳ ba giáo Đạo, Đức Chí Tôn đại từ đại bi ban cho toàn Đạo ẤN TÝ để
cho mỗi Môn đệ hộ thân, chớ không cầu xuất điển hại người, nên ngón trỏ và ngón
út không đưa thẳng ra như cách bắt ấn khác. Vì khi bắt Ấn Tý thì dùng ngón tay
trái ấn vào ngón áp út chỗ cung Tý, Tý là nơi khởi đầu vạn vật.
Tam-Kỳ Phổ-Độ: Hiệp đủ Phật, Thánh, Tiên là thời-kỳ kiết quả độ đủ chín mươi
hai ức nguyên nhân về nơi nguyên thủy. Có câu: “Thiên Địa tuần hoàn châu nhi phục
thỉ. Tam Giáo qui nguyên” chắp tay hoa sen đã thành trái.
Buổi Tam-kỳ Phổ-Độ, trước khi lạy phải bắt Ấn Tý, gọi là Kiết quả, nghĩa là
thời-kỳ này đã thành trái. Tu thì thành, dữ thì đọa.Thưởng phạt phân minh.
Mỗi bàn tay có 5 ngón:
- Ngón cái gọi là mẫu chỉ (ngón mẹ của các ngón)
- Ngón trỏ gọi là thực chỉ (chỉ đúng sự thực)
- Ngón giữa gọi là trung chỉ (ngón ở chính giữa)
- Ngón áp út là Vô danh chỉ (ngón tay không tên)
- Ngón út gọi là Tiểu chỉ (ngón tay nhỏ nhứt)
Bàn tay trái thuộc Dương, bàn tay hữu thuộc Âm.
nắm lại, đó gọi là Ấn Tý (bấm vào cung Tý) như một trái cây đã thành hạt.
Đoạn bàn tay phải đỡ bàn tay trái ôm tròn lại và đầu ngón cái của bàn tay phải
bấm vào cung Dần của bàn tay trái, như hình một trái cây đầy đặn.
Nay qua hội Nhơn sanh ư Dần, tức là qua Tam-Kỳ Phổ-Độ- Kiết quả - là ngươn
hội mà Chí-Tôn đến mở một nền Đại-Đạo, độ hết cả quần linh về cõi Niết-bàn, chẳng
để cho một điểm chơn-linh nào ở nơi Đông-Độ.
Khi ngón tay cái của bàn tay trái ấn vào cung Tý, còn lại bốn ngón của bàn
tay trái này là Tứ Dương, ngón tay cái của bàn tay mặt bấm vào tay tả ở cung Dần,
bốn ngón bao ngoài là Tứ Âm, hiệp chung nhau lại là Bát quái tức là tám ngón
tay biểu thị cho Bát phẩm Chơn hồn.
- Tức nhiên bốn ngón thuộc Âm là: Vật chất hồn, Thảo-mộc-hồn, Thú cầm-hồn,
Nhơn hồn.
- Bốn ngón thuộc Dương là chỉ về Thần-hồn, Thánh hồn, Tiên-hồn, Phật hồn.
Ấy là buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ này Đức Chí Tôn độ hết nhơn vật quần linh tận qui
nguyên vị. Cọng chung hai lần 4 ngón tay
trên lại tức là Tứ tượng biến Bát-quái. Bát quái biến hóa vô cùng mới thành ra Càn khôn thế
giái.
Tay trái (Dương) mà có ngón tay cái ở trong; đồng thời tay trái lại có ngón
tay cái của bàn mặt là Âm chỉ vào, đó là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.
Âm Dương luôn hòa quyện nhau không bao giờ xa lìa. Một Âm một Dương gọi là Đạo
“nhứt Âm nhứt Dương chi vị Đạo”. Âm Dương hiệp nhứt mới phát khởi Càn khôn.
Sách có câu: “Vô danh Thiên Địa chi thủy” là trước khi Trời Đất chưa khai,
thì một khí không không, sau định hội Tý mới mở Trời, nên chữ Tý ở tại góc ngón
tay vô danh. Khi mở Trời rồi mới có hữu danh vạn vật chi mẫu. Muôn vật có hình
chất đều thọ nơi mẫu mới hóa sanh.
Như cách lạy nầy là thời kỳ dạy Đạo, còn người luyện Đạo cách lạy cũng hai
tay kiết quả, nhưng mà khi lạy chí đất phải để hai bàn tay ngửa mới cúi đầu.
Cách lạy mầu nhiệm, nghĩa lý sâu xa, chưa đến kỳ Tịnh Thất nên không dám giải
diệu mầu, e lậu Thiên cơ chẳng dễ”.
(Lời dạy của Đức Quyền Giáo-Tông)
Đức Chí-Tôn lập Đạo trong buổi Hạ-nguơn này thể hiện cơ tuần-huờn châu nhi
phục thủy, Tôn-chỉ lấy Tam giáo qui nguyên Ngũ chi Phục nhứt để đưa nhân-loại đến Đại-Đồng. Lấy theo
nguyên-lý của vũ-trụ thì:
- Thiên khai ư Tý, trời khai vào hội Tý.
- Địa tịch ư Sửu, đất thành hình ở hội Sửu.
- Nhơn sanh ư Dần, có nhơn-loại vào hội Dần.
Nay là buổi “Nhơn sanh ư Dần” nên đây là phần hành của Đức Di-Lạc. Do vậy
mà hình ảnh của Ngài ngự ở mặt tiền Đền-thánh, cỡi cọp để làm biểu tượng là năm
Dần
*Thiên khai ư Tý: Vì trước khi trời đất chưa khai thì chỉ là một khí không
không mờ mịt. Sau khi định hội Tý mới mở trời, nên chữ Tý đặt ở ngón vô danh
(ngón tay không tên, gần bên ngón út, nên gọi là áp út). Có câu “Vô danh Thiên
địa chi thủy” 無名天地之始 (không tên là trước khi
có trời đất)
*Địa tịch ư sửu: là khi mở trời rồi, đất mới được thành hình, do khí nhẹ
bay lên làm trời, khí nặng lắng xuống thành đất. Cơ biến hóa này do Mẫu (mẹ) tượng
trưng ngón tay cái trên bàn tay gọi là Mẫu chỉ. Vạn-vật hữu hình trong trời đất
này đều do Mẹ tạo thành, có câu “Hữu danh vạn-vật chi mẫu” 有名萬物之母.
Đạo Cao-Đài xác nhận trong vũ-trụ bao la đều do Phật-Mẫu điều hành, Phật-Mẫu
nắm cơ hữu tướng. Chí Tôn nắm phần vô tướng.
* Nhơn sanh ư Dần: Tức là nay qua Hội Dần là thời kỳ của nhơn-loại, là người.
Bây giờ đủ cả “Cha, Mẹ, Con” Tam tài thống hiệp. Người đứng vào ngôi cùng với
trời đất tức là Thiên, Địa, Nhân. Đạo-pháp đã đúng hội Tam-Kỳ kiết quả. Cao-Đài
xuất thế là hiệp với Thiên thơ đã định:
“Tam kỳ khai hiệp Thiên
thi,
“Khoa môn Tiên vị ngộ kỳ
Phật duyên”.
Do vậy mà Ấn Tý của thời kỳ thứ ba Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ
là thời kỳ Thiên Địa hoằng khai.
Đức Hộ-Pháp nói:
Đạo “Là cơ mầu nhiệm, mà cơ mầu nhiệm
ấy phải làm ra thế nào có hình thể như một con đường dẫn người ra khỏi chốn trầm luân khổ hải, lại đặng phước
siêu phàm nhập Thánh.
Muốn thoát khỏi luân hồi
phải làm sao ?
Phải đoạt cho đặng cơ bí mật siêu phàm nhập Thánh. Cơ bí mật ấy, nếu không
phải Thầy cho thì chưa ắt xin ai mà đặng.
Ấy vậy, Đạo là cơ bí mật làm cho kẻ phàm có thể đoạt đặng phẩm vị Thần,
Thánh, Tiên, Phật.
Thầy đến qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi để cho chúng sanh hiểu cơ mầu nhiệm mà
luyện tinh thần.
Thầy đã đến rồi, thoảng muốn lập riêng ra một Tôn giáo khác lại chẳng đặng
sao? lại Qui Tam Giáo và Hiệp Ngũ Chi mà làm gì ?
Nếu như kẻ ngoại giáo nói mình bắt chước đoạt cả đạo của người ta mà làm của
mình thì mới nói sao?
Ai ai cũng hiểu rằng:
- Nhơn đạo dạy tu luyện phần xác.
- Tiên đạo phần trí thức tinh thần.
- Phật đạo phần Thiêng liêng Hư vô tịch diệt.
D - HÀNH PHÁP ĐỘ THĂNG
1 - Đức Hộ-Pháp hành Pháp
độ thăng
ông Phối-sư Thượng Sách
Thanh (Đỗ Văn Sách)
Đức Hộ-Pháp nói tại Báo Ân Từ ngày
19-6-Canh Dần (1950)
“Thưa cùng Chư Thánh, chư Chức Sắc Thiên Phong Cửu Trùng Đài.
Hôm nay, chúng ta Nam cũng vậy, Nữ cũng vậy, phải chịu một cái tang chung của
người Bạn đồng khổ với chúng ta là Phối Sư Thượng Sách Thanh đã qui liễu. Cái
trạng huống đời bao giờ cũng vậy, mảnh xác thịt này của chúng ta chung sống với
nhau trong một thời gian thôi, dầu cho ngắn ngủi bao nhiêu đi nữa, chúng ta
cũng lưu lại một thâm tình thương mến nồng nàn. Nếu không có luật thiên nhiên ấy,
chắc cả kiếp sống ta vô vị không có chi hết. Theo Chơn pháp của Đức Chí Tôn
ngày chúng ta vui, vì đã biết Bạn trọn trung cùng Hội Thánh, trọn hiếu cùng Đức
Chí Tôn và Phật Mẫu, ngày giờ này Bạn đã hưởng một đặc ân riêng của Đức Chí Tôn
đã dành để.
Thương thay!
Cả công nghiệp của ông Bạn đồng khổ với chúng ta đây là ông Phối Sư Thượng
Sách Thanh. Kể từ khi phế đời hành Đạo, dầu cho gia đình nghèo khổ khó khăn bao
nhiêu nhưng ông chỉ biết Đạo, không biết đời, biết Hội Thánh không biết gia đình.
Thảm cho một điều là bao phen nền Đạo chinh nghiêng, bị khảo đảo như thế mà
Người vẫn lo vẫn làm, vì đầu óc Người biết tư tưởng về hành tàng của mình, biết
thi thố đầu óc sở định chớ không muốn nói, mà tánh người cũng ít hay nói nữa. Cả
thảy Quân Đội, kể từ lúc đảo chánh, đều có ý thấy tại sao một người bịnh hoạn, ốm
yếu mà hoạt bát không buổi nào ngừng hành Đạo, không buổi nào nghỉ, mảnh thân yếu
ớt bạc nhược mà lo hơn ai hết: lo cho nghiệp Đạo, nghiệp Đời, không nói mà làm
là tại sao? Tại cái lòng ái quốc, ái chủng nồng nàn của ông. Một nỗi nữa, cái
phần của Đạo quyết đem mảnh thân làm sao cho nên, lấy cái năng lực của mình,
đem mặt công lý cho toàn thể thiên hạ thấy rõ cái quyền năng vô tận của Đạo thế
nào, sở hành của ông không nói chỉ làm mà thôi, có tư tưởng không ngôn ngữ.
Công nghiệp của ông kể sơ từ trước đến giờ:
- Mùng 4 tháng 10 năm Bính Tuất, ông khai công nghiệp
-11 tháng 10 năm Bính Tuất, Thánh Lịnh thuyên bổ trách nhậm Khâm Trấn Đạo
(Biên Hòa).
-12 tháng 8 năm Đinh Hợi, bổ làm Thượng Thống Lại Viện.
-17 tháng 4 - Mậu Tý thăng thưởng lên Phối Sư.
-11 tháng 3 năm Canh Dần xin phép nghỉ dưỡng bịnh, chính mình Bần Đạo thấy
yếu ớt, bịnh hoạn, nên biểu nghỉ. Nếu không thì Người nhứt định không nghỉ, nhứt
định làm Đạo cho đến chết mà thôi. Bần Đạo biết nên để cho nghỉ, mà trong lúc
nghỉ không có nghỉ gì hết, nghỉ gì được; người đầu óc như thế mà nghỉ, lo mãi
thôi. Phải biết cái tuổi già hồi hưu chỉ lấy an nhàn làm căn bản; nhưng không,
vẫn giúp đỡ Đạo, vẫn tìm phương thế làm cho Đạo, Đời chung hưởng hồng ân của Đức
Chí Tôn chan rưới.
Ấy vậy, cái công nghiệp của người Bạn đồng khổ với chúng ta ngày giờ này
chúng ta đã giao và chính tay Bần Đạo đã giao Chơn linh của Người đến nơi tay của
Đức Chí Tôn cho Người lập vị; còn mấy em, mấy con trong tang quyến cả thảy nên
nhớ lời Bần Đạo nói đến, nếu cửa Thiêng liêng vẫn mở, thì có thể ông cha của mấy
em đặng hưởng tình yêu vô tận trên cảnh Thiêng liêng Hằng sống. Cảnh đó mới là
cảnh hạnh phúc, còn cảnh này đây là cảnh khổ mà thôi. Hy sinh mạng sống tạo
nghiệp, mà không phải tạo nghiệp đời cho mấy em. Bởi nghiệp đời vinh hiển bao
nhiêu đi nữa cũng không giá trị gì hết, bao nhiêu xã tắc, sơn hà, Vương đế từ
trước đến giờ đã tạo dựng mà ngày nay còn tồn tại cái chi không?
Trái lại ông cha của mấy em, đã tìm một con đường vinh hiển cho mấy em là
“Đạo nghiệp”. Nghiệp Đạo còn, thì giọt mồ hôi, giọt máu của ông cha mấy em còn;
mấy em biết giữ nó cho tồn tại là cái hiếu của mấy em đó. Biết bao nhiêu ông
cha đã thương con, lo cho con, nhưng thương là nhiều cách khác nhau, Cha mấy em
đã tạo dựng cơ nghiệp cho mấy em đây, mấy em không còn trách cứ được nữa, Cha mấy
em đã làm xứng đáng một ông Cha. Bần Đạo xin làm chứng cho mấy em đã được người
Cha xứng đáng.”
2 - LỄ HÀNH PHÁP ĐỘ THĂNG
CHO GIÁO HỮU THƯỢNG SANG THANH.
Đức Hộ-Pháp thuyết tại Đền Thánh ngày 19 tháng 7 năm Canh Dần (1950)
“Lời dạy của Đức Hộ Pháp căn dặn có
một điều nên để ý là làm sao ngày qui liễu, gởi Thánh cốt tại đất Thánh Địa vì
trái địa cầu 68 nầy không có chỗ đất nào quí hóa cho bằng đất Thánh Địa, nếu để
được cốt hài nơi đây rồi thì rất hạnh phúc cho tương lai con cháu.
Cái quí trọng của đất Thánh Địa, là có Lục Long phò ấn nên Đền Thánh nằm
ngay trung tim của 6 con rồng đoanh lại.
Dầu nơi Cực Lạc cũ, hay đất mới, cùng là Nghĩa Địa; đất 50 mẫu ở Long-Thành
cũng vậy, Bần Đạo đã biết bên nước Tàu: hễ ông, bà, cha, mẹ họ có qui, họ quàng
lại để chọn ngày hoặc chỗ đất tốt có hàm rồng, dầu phải năm, ba năm họ cũng đợi
kiếm được mới làm lễ an táng, vì bên nước Tàu có nhiều nhà biết Thiên văn, hay
khoa coi bói họ giỏi. Phần nhiều là các nhà giàu có hay chọn lựa. Ngày nay dân
tộc Việt Nam có phước: Chí Tôn đã tiền định cho giòng giống Lạc Hồng sẽ hưởng
điều phúc hậu tương lai, ai có duyên mà về đây gởi cốt hài là có phước lắm vậy”.
3 - Đức Hộ-Pháp hành phép
độ thăng cho ông
Thừa Sử Phạm Ngọc Trấn
Đức Hộ-pháp hành pháp tại Đền Thánh
ngày 09 tháng 7 năm Nhâm thìn (1952).
“Hôm nay là ngày qui liễu của vị Thừa Sử Phạm Ngọc Trấn, Bần Đạo để lời
phân ưu cùng Hiệp Thiên Đài và Quân đội vì các người đã mất một người bạn đồng
khổ Từ khi mở Đạo cái kiếp sanh của Thừa Sử Trấn không biết thú vị mùi Đời là gì,
trọn hiến thân cho Đạo, hai mươi mấy năm gian lao khổ nhọc, không có một điều
chi chúng ta đã chịu, mà Thừa Sử Trấn không chịu.
Gánh nặng của Đạo cũng đã chia sớt, gánh nặng của Đời cũng dám hy sinh, vì
nước, vì nhà, vì chủng tộc; hiến thân cho Đạo trọn đời đó vậy.
Hỏi? Từ thử đến giờ Thừa Sử Trấn có đặng vui hưởng hay chăng?
- Bần Đạo nói không, không có gì hết.
Tuy vẫn biết con người có mặt tại thế gian này thì phải sống. Hễ có sống tức
nhiên có chết, bởi không ra ngoài tứ khổ, dù chết thế nào cũng chết; nhỏ cũng
chết, lớn cũng chết, luật thiên nhiên ấy không từ bỏ ai. Đã mang mảnh thi hài
này, dầu chết thế nào cũng là chết. Duy
có một điều may mắn cho Thừa Sử Trấn hơn hết là biết mình đã mang mảnh thi hài
xác tục sống ở mặt thế gian này, mà không có vui sống; nếu có cái sứ mạng
thiêng liêng hiệp công tạo Đạo, thì Thừa Sử Trấn là người đã chờ Đức Chí Tôn đến,
hiệp cùng Đức Chí Tôn để tạo nền chơn giáo của Ngài. Nay có kẻ đã giết Trấn, thảng
như Trấn còn oan nghiệt quả căn tiền kiếp, thì kẻ đã giết Trấn tức nhiên kẻ đó
sẽ giải nợ cho Trấn và chịu quả kiếp của Trấn. Từ khi có linh hồn tới giờ, bởi
nó đến nó trả mà kẻ ấy không cho nó trả, tức nhiên lãnh cho nó.
Tội nghiệp thay!... Đi năm non bảy biển, vào sanh ra tử mà không chết, về ở
trong nhà máu thịt mà chết, thảm thiết có bao nhiêu đó mà thôi !.
Dưới bóng cờ CỨU KHỔ, dưới bóng cờ NHƠN NGHĨA, hai bóng ấy tưởng đâu gởi mảnh
thân phàm, có thể bảo vệ được! Nhưng ngày nay đã ra nông nỗi, chúng ta buồn duy
có bao nhiêu đó mà thôi.!
Kẻ giết rồi tưởng đâu kiếp sống bền bĩ có hạnh phúc mà hưởng cho tới tận thế,
hưởng cho đặng sống nơi mặt địa cầu này hoài, chớ không tưởng có cái chết,
nhưng sự thật thì chết cũng chết. Thử hỏi trong lương tâm của họ vui hưởng được
cái gì? Nếu kẻ thù địch giết Trấn thì không nói làm chi. Nếu trong cửa Đạo này,
có kẻ phản Đạo, phản Thầy, phản bạn, đưa mũi súng bắn Trấn, họ không nghĩ rằng:
“Họ bắn chết Đạo của họ” họ không nghĩ rằng họ đã bắn chết thân danh của họ,
duy tiếc có bao nhiêu đó mà thôi.! Còn ngoài ra thì con cái Đức Chí Tôn nên mừng
giùm cho Trấn, ấy là lời của Bần Đạo nói quả quyết như thế.
4 - ĐỨC HỘ PHÁP Hành Lễ Độ
Thăng Ngài
Đạo Nhơn PHẠM CÔNG ĐẰNG
Đền Thánh ngày 10 tháng 2 Giáp Ngọ (1954)
Phạm Công Đằng là một vị Môn Đệ trong Phạm Môn hồi ban sơ.
Bần Đạo còn nhớ lại, khi Bần Đạo đến Kiêm Biên mở Hội Thánh Ngoại Giáo. Khi
trở về Đức Cao Thượng Phẩm ở nhà dạy đặng một đoàn Môn Đệ: trong số ấy có Ông
thân của Phạm Công Đằng. Buổi nọ Ông Đằng chỉ theo cha hành Đạo, có một điều là
gia đình của người rất hạnh phúc hơn hết toàn con cái Tông Đường đều mộ Đạo.
Sanh nơi thế kỷ 20 này dưới quyền Pháp thuộc gia tộc của Phạm Công Đằng chỉ
thủ cựu, cả phong hóa cổ tục của Tổ Phụ để lại, tức nhiên là gìn giữ Đạo Nho,
nhứt là Ông thân của Phạm Công Đằng.
Khi Bần Đạo về: cả cha con phế Đời hành Đạo.
Dầu rằng buổi nọ gia đình ở tại Thanh Phước nhưng cả con cái Nam, Nữ toàn
thể đều theo Đạo. Phạm Công Đằng tiếp tục đến khi nền Đạo chinh nghiêng: trong
bị quyền Đạo khảo đảo, ngoài bị Pháp buổi họ, áp bức làm cho mấy Anh lớn cầm
quyền của Đạo chia rẽ nghịch lẫn nhau với thiên hạ giục cho nghịch, giục cho loạn.
Đức Cao Thượng Phẩm về Thảo Xá Hiền Cung, chỉ còn Đức Quyền Giáo Tông, tình
trạng nguy ngập không thể tưởng tượng, chúng tuyệt lương, chúng bắt buộc. Bất cứ
ai trong Đền Thánh buổi nọ đi ra hành Đạo đều bị chúng bắt và đem giam cầm.
Pháp định diệt Đạo hồi buổi sơ sanh mới phôi thai. Họ bắt buộc cho đến đỗi
không có cơm ăn đủ; có sao đặng, miệng ăn đông, việc làm không có gì hết, ba bốn
phen đi xin tiền về để tạo Đền Thánh, ba bốn phen đều ăn hết, làm cho thiên hạ
thối chí ngã lòng, trong cũng thế, ngoài cũng thế.
Bên ngoài chúng mướn tay sai của Pháp buổi nọ bắt buộc, giam cầm, bị nhục một
cách không thể tưởng tượng. Bên trong chia phe phân phái, một đoàn theo Đức Quyền
Giáo Tông, một đoàn theo Ông Tương, một đoàn theo Đức Cao Thượng Phẩm (ba bốn
phe).
Họ nghịch nhau cho đến nước, Thầy trò Phạm Môn không có gì hết, để lại bao
nhiêu người Môn Đệ thiên hạ lại gọi rằng Tả Đạo Bàn Môn, lập phe lập phái đi đầu
cáo Pháp. Pháp bắt Phạm Môn đem ra tòa xử nào phạt vạ, nào tù tội, làm cho Đạo
buổi nọ phải chết. Cho đến những kẻ chứa Đức Cao Thượng Phẩm cũng không đặng và
những người trọn hiến thân hy sinh vì Đạo cũng bị thiên hạ xô đuổi. Buổi nọ Phạm
Môn cũng bị đuổi ra khỏi Đền Thánh Thầy trò dắt nhau mua miếng đất tạo nên Phạm
nghiệp làm cho Đạo sống trở lại.
May thay! “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhơn” nhất là Đức Chí Tôn ở bên mình
nên những mâu thuẫn phá hoại không thành tựu gì hết.
Trong số 72 Môn Đệ của Bần Đạo, thật sự hành Đạo chỉ có 26 đứa mà nghiệp Đạo
hôm nay được thành tướng dường này. Nếu không có Phạm Môn thì Đền Thánh không
thành tựu, nếu không có Phạm Môn thì nền Đạo Cao Đài đã chết rồi.
Trong công nghiệp gầy dựng, cứu sống Đạo, Phạm Công Đằng đã có chung chịu
trong đó.”
E - ĐỨC TIN THỂ HIỆN Ở SỰ
CẦU NGUYỆN
Nay Đạo Trời khai mở, người Tín-Hữu Cao-Đài đều có một Đức-tin mạnh-mẽ nhứt,
đó là Cầu-nguyện. Vì cầu nguyện là một sự cảm ứng với Thiêng-liêng. Chính chỗ
này không ai kiểm soát được, không ai thấy biết được, cũng là chỗ cao thượng của
tâm-linh là vậy.
Cầu là xin, nguyện là hứa. Đây là phần tâm linh của người muốn thông-công
cùng với Đấng Huyền linh cầu xin một ước muốn mà khả năng của phàm thể này
không làm nỗi, phải cậy sự trợ giúp của Thế-giới vô hình, của các Đấng
Thiêng-Liêng, để hưởng sự Huyền diệu ấy.
1 - Giá trị của sự cầu-nguyện:
“Sự cầu-nguyện có cảm-ứng với chánh-trị Thiêng Liêng tức là các Đấng vô
hình đều rõ biết mọi sự hành tàng nơi cõi thế, triết-lý về hình thể của con người,
thọ tinh Cha huyết mẹ sản xuất ra thì có sự cảm giác Thiêng Liêng đối cùng nhau
rất mật-thiết, cho nên một người con lúc đi làm ăn xa nhà, khi có bịnh-hoạn hay
xảy ra điều gì tai biến thì thân-thể của người con sẽ có điềm máy động: giựt thịt,
máy mắt hoặc là ứng mộng thấy rụng răng và các điều khác, đó là về phần Tinh
Khí hình thức của con người.
Còn về phần linh tánh thì do nơi Đức Chí-Tôn ban cho Nhứt điểm lương tâm nó
có cảm giác cùng Chí-linh, cho nên Ta hữu sự thì thành tâm Cầu-nguyện. Nền Đạo
là một sự Cảm ứng rất mầu-nhiệm vô cùng, có câu:
“Nhân tâm sanh nhứt niệm
thiên địa tất giai tri”
Giảng về “Con đường Thiêng-liêng hằng sống” Đức Hộ-Pháp có nói:
“Bần-Đạo có những điều trọng-yếu căn dặn: Từ ngày Bần-Đạo giảng cái Bí-Pháp
ấy, Bần-Đạo vẫn cầu nguyện với Đức Chí-Tôn luôn, bởi vì nó có nhiều điều
khó-khăn, những điều mà mình ngó thấy bằng con mắt Thần, lấy cái nhân-khẩu của
mình mà tả chẳng hề khi nào đúng chắc đặng. Bần-Đạo thú thật rằng mười phần có
lẽ Bần-Đạo tả đặng năm hay bảy phần là nhiều, sợ còn kém hơn nữa.
Bần-Đạo chỉ có Cầu-nguyện
với Đức Chí-Tôn cũng như hồi trước Tam-Tạng đi thỉnh kinh nơi Ấn-Độ.
Ngài là người Tàu mà kinh viết tiếng Phạn, muốn dịch ra rất khó lắm, lấy cả
Kinh Luật trong trong tiếng Phạn đem ra rất khó cho Ngài lắm, cho nên Ngài đại
nguyện, Ngài làm thế nào Ngài rán sức âm tiếng Phạn ấy ra chữ Nho. Ngài chắc ý
Ngài âm tiếng Phạn ấy chưa đúng, Ngài có hứa chừng nào mà tôi qui liễu, nếu
trong Kinh Luật Đạo Giáo mà tôi không minh tả ra đặng thì khi chết cho cái lưỡi
tôi đen, nếu tôi tả trọn vẹn thì cho cái lưỡi tôi đỏ.
May phước Bắc Tông được hưởng một ân-huệ của nhà Phật đã ban ân riêng cho Đức
Tam-Tạng, khi Ngài chết người ta vạch lưỡi của Ngài ra coi thì lưỡi của Ngài đỏ,
vì cớ mà chơn-giáo của nhà Phật là Bắc-Tông có thể nhờ Đức Tam-Tạng đã minh tả
ra trọn vẹn.
Ngày nay Bần-Đạo mỗi phen lên giảng về Bí-Pháp thì Cầu-nguyện với Đức
Chí-Tôn cho sáng-suốt, mà biết vẫn còn thiếu kém không thể gì tả bằng con mắt
Thần của mình đã ngó thấy đặng trọn một bài.
Nếu đoạt Pháp đặng, thấy đặng, có lẽ cũng chỉnh thêm, giùm giúp tay với Bần-Đạo
mới toàn-thiện toàn-mỹ đặng”.
2 - Cầu-Nguyện những gì?
Đức Hộ-pháp thuyết tại Đền Thánh, đêm 1-12
Giáp Ngọ (1954)
“Chúng ta thử giở lịch-sử loài người ra xem, thì không có một thế-kỷ nào mà
không có giặc-giã tàn sát lẫn nhau, giờ này chúng ta cũng thế. Các bạn đồng đạo,
Tôn giáo cũng thế.
Hôm nay xúm-xích nơi Đền-Thánh chung vào lòng Từ-bi Bác-ái vô tận vô biên của
Đức Chí-Tôn để Cầu nguyện một điều là Đức Chúa Jésus Christ sống lại, là mơ ước
thế nào nhơn loại hưởng đặng đặc ân ấy, để chia khổ não đừng tàn sát lẫn nhau
đem trở lại sự yêu-ái lẫn nhau. Nhìn nhau là bạn đồng sanh, lời cầu nguyện quí
báu hơn hết với Đức Chí Tôn là cầu nguyện như thế. Bần Đạo nói Đức Chúa Jésus
Christ đối với triết lý của Đức Chúa Trời như thế nào thì hôm nay đường lối của
Đức Chí Tôn đến dạy chúng ta như thế ấy. Chúng ta chỉ mong mỏi có một điều là
nhơn loại đặng Hòa bình mà thôi”.
Tiếp theo:
Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện:
Một người Pháp hầu đàn Thầy giáng Cơ nói:
“Thầy cho con hiểu rằng nếu không có ý muốn của Thầy, thì trên quả địa cầu
nầy chẳng có vật chi sanh tồn tất cả.
Lại có lắm kẻ đáng thương hại tự phụ rằng họ hiểu thấu cả lẽ mầu nhiệm của
Ðấng Tạo Hóa. Nhưng Thầy không bao giờ cho một kẻ nào dưới cõi trần nầy tiết lậu
Thiên cơ cả. Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện. Thầy không bao giờ không cảm ứng
với những lời cầu nguyện chơn thành. Như thế đủ chứng tỏ cho con tin rằng Thầy
là Ðức Jéhovah của dân Hébreux, vị chủ tể của quân lực dân Israël, vị Thánh vô
danh của dân Do Thái, Ðức Ðại Từ Phụ của Chúa Jésus Cứu Thế. Con chỉ cần cầu
nguyện Thầy với danh hiệu CAO ÐÀI thì sẽ có sự cảm ứng chấp thuận.
Con đến đây với tấm lòng thành thật để làm việc phải cho giống dân biết phục
thiện hiện đang giao phó cho con. Vậy Thầy nhờ con truyền bá giáo lý nầy cho
dân tộc đặt dưới quyền bảo hộ của con. Chỉ có cách đó mới có thể kềm giữ nhơn
loại trong tình yêu sanh chúng và đem lại cho con một cuộc đời Hoà-bình bền
bĩ”.
CHƯƠNG IV
ĐỨC HỘ-PHÁP GIẢNG BÍ-PHÁP
A - Duyên khởi:
Thầy đã dạy rõ ngay từ buổi đầu trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển còn ghi lại những
nguyên nhân chính mới có xuất hiện Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ Độ buổi nay là vì:
Từ việc Phật giáo bị bế đến
Kỳ truyền đã thất:
Ngày19 tháng 4 Bính Dần (Dl 30 Mai
1926)
“Từ trước TA giáng sanh lập Phật Giáo gần sáu ngàn năm thì Phật Ðạo chánh
truyền gần thay đổi. TA hằng nghe chúng sanh nói Phật giả vô ngôn! Nay nhứt định
lấy Huyền diệu mà giáo Ðạo, chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật Giáo lại
cho hoàn toàn.
Dường nầy, từ đây chư chúng sanh chẳng tu bị đọa A TỲ, thì hết lời nói rằng“Phật
tông vô giáo” mà chối tội nữa. TA nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp TAM KỲ PHỔ
ÐỘ nầy mà không tu, thì không còn trông mong siêu rỗi”.
Nhưng hai thay Phật Thích Ca đau đớn bởi lý do:
B - Tam giáo Kỳ truyền đã thất:
Ngày 5-4- Bính Dần( Samedi 5 Juin 1926).
“Vốn từ Lục Tổ thì Phật Giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì
bất thành; Chánh Pháp bị nơi THẦN TÚ làm cho ra mất Chánh Giáo, lập riêng pháp
luật buộc mối Ðạo Thiền.
TA vì luật lịnh Thiên mạng đã ra cho nên cam để vậy, làm cho Phật Tông thất
chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì TAM KỲ PHỔ ÐỘ, Thiên Ðịa hoằng khai, nơi
"Tây Phương Cực Lạc” và "Ngọc Hư Cung” mật chiếu đã truyền siêu rỗi
chúng sanh. Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi; tại
Tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.
Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo...
Ôi! Thương thay! Công có công, mà thưởng
chưa hề có thưởng; vì vậy mà TA rất đau lòng.
TA đến chẳng phải cứu một mình chư Tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần,
Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng trần, TA đương lo cứu vớt.
Chư Tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp KỲ PHỔ Ðộ nầy là lần
chót; phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật. Chư Sơn đắc đạo
cùng chăng là do nơi mình hành đạo. Phép hành đạo Phật Giáo dường như ra sái hết,
tương tợ như gần biến “Tả Ðạo Bàng Môn”. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết
cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây
Phương mà cửa Tây Phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành chánh quả do nơi nào mà
biết chắc vậy. Ta đã đến với huyền diệu nầy, thì từ đây TA cũng cho chư Tăng
dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu
thất kỳ truyền. Chư Tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa.”
Với nền Tân Tôn giáo như Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ do chính Đức Thượng-Đế đến lập
tại đất nước Việt Nam là một cơ Đại Ân Xá cho toàn cả nhân loại. Vì:
“Thầy đã lập Ðạo nơi cõi Nam nầy, là cốt để ban thưởng một nước từ thuở đến
giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng
một cách vinh diệu. Từ tạo Thiên lập Ðịa, chưa nước nào dưới quả địa cầu 68 nầy
đặng vậy”. (12-01-Ðinh Mão)
Thế nên Đức Hộ-Pháp mới thuyết THỂ PHÁP và BÍ PHÁP CAO-ĐÀI cho toàn thể
nhân tâm hướng về:
I - Bí Pháp Chơn Truyền của
ĐỨC CHÍ TÔN
Đền Thánh, đêm 05-04- Kỷ Sửu (02-05-1949)
1 - Tôn giáo Thất Chơn truyền
do đâu?
“Toàn cả Thánh-Thể Đức Chí-Tôn tức nhiên Chức Sắc Thiên Phong đều biết rằng:
Các nền Tôn-giáo đương nhiên bây giờ nếu gọi là thất chơn truyền, thì thất chơn
truyền do nơi đâu?
- Do tại Bí-pháp không đúng theo lương tri lương năng của loài người.
Lương tri lương năng của mỗi người đương thời buổi này đã đạt đến một mức
cao thượng, trọng hệ là những triết lý đơn sơ buổi nọ, của các nền Tôn giáo để
tại mặt thế này. Hồi buổi Thượng cổ, không cầm được quyền năng cầm tâm lý của
nhơn loại trong khuôn khổ đạo đức tinh thần nữa.
Đối với các triết lý Bí pháp buổi nọ, bây giờ nhơn loại tăng tiến quá lẽ,
thành thử các vị Giáo chủ đã lập luật pháp, nhưng luật pháp đơn sơ ấy, ngày nay
không có đủ quyền năng trị tâm thiên hạ nữa”.
Đức Thượng-Phẩm cho biết thêm
về hậu quả:
“Các Em cũng dư hiểu rằng các Giáo-lý
từ xưa đã bị Thất-kỳ-truyền là tại Môn-đồ
của họ không chịu đặt mình trong khuôn viên Luật-Pháp của Giáo-lý ấy.
Nếu một thời-kỳ mà Giáo-lý đã Thất Chơn-truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết
bao tang-thương biến đổi. Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo lại
chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập
vị.
- Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo hóa nhơn-sanh,
- Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt Luật
Pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh giáo của Đức Chí-Tôn
khỏi phải qui thành phàm-giáo.
Cũng vì lẽ quyền-hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc
Đạo-quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi-lầm mà chẳng chịu phục
thiện đặng cải sửa cho trở nên tận thiện. Các Em đâu hiểu rằng Chí-Tôn giao quyền
sửa trị Chức Sắc, Chức việc và toàn Đạo Nam, Nữ cho bên Hiệp Thiên-Đài là
Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô hình. Nếu
ai chẳng thận-trọng để cho phạm vào luật pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận
và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa!
Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được;
rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời”.
Xét kỹ ra trong cả Tam giáo: Phật, Tiên, Thánh thì:
2 - Bí pháp chơn truyền của
Công giáo không có:
“Bởi thế cho nên nền Tôn giáo mới hơn các nền Tôn giáo khác có mặt tại địa
cầu này là nền Thiên Chúa Giáo, vị Giáo chủ sáng suốt, vị Giáo chủ ngôn ngữ hoạt
bát, tinh thần minh hoạt hơn hết, là Đức Chúa Jésus Christ, nhưng hại thay
trong Thể pháp Ngài đủ quyền năng đem giáo lý của Ngài đặng làm nền tảng tâm lý
của nhơn loại. Nhưng về mặt Bí pháp chơn truyền, Ngài chỉ có nói một điều, các
Môn đệ nhứt là các vị Thánh Tông Đồ “Có nhiều lý lẽ cao siêu ta chưa có thể nói
với các người đặng, dầu ta có nói các người cũngchưa hiểu”.
Vì cớ cho nên Bí pháp chơn truyền của Công giáo không có, không có thể có.
Bởi Bí pháp, theo lời Đức Chúa Jésus-Christ
thì buổi nọ Bí pháp Chơn
truyền của
Ngài chưa có thể gì nói cho thiên hạ nghe đặng.
3 - Tôn giáo của Chí-Tôn
dùng Huyền-diệu Cơ Bút để giải rõ hai mặt LUẬT: Thể pháp và Bí pháp
“Ngày nay Đức Chí Tôn đã đến, đem nền Tôn giáo của Ngài để tại mặt thế này,
đặng chỉnh đốn đạo đức tinh thần từ thượng cổ đến giờ, bằng Huyền-diệu Cơ Bút.
Ngài đến không có quyền nào ngăn cản, Ngài dạy con cái của Ngài, Ngài có quyền
đem cơ bí mật huyền vi tạo đoan giáo hóa con cái của Ngài.
Nền Tôn-giáo xưa khác, còn nền Tôn-giáo của Đức Chí Tôn ngày nay khác.
Vả chăng mỗi cơ quan đã tượng hình nơi Càn Khôn vũ trụ ngày giờ này có hai
mặt luật.
1 - Luật hữu vi, tức nhiên luật định tướng định hình gọi là Thể pháp.
2 - Luật vô hình là định luật bí ẩn của nhơn loại gọi là Bí pháp.
Đạo giáo trọng hệ nhứt là Bí-pháp, vì do nơi Bí pháp mà người ta mới tìm
tàng được trong cơ quan Tạo đoan. Cơ quan đó, tìm tàng Bí pháp ấy do cách vật
trí tri, nếu ta dịch ra Pháp-văn “La raison renverra toute la chose”. Cách vật
trí tri, ta ngó thấy Đạo Nho đã có một khoa tối cổ đó vậy.
Các Đạo giáo đương quyền tức nhiên cơ quan Tạo đoan vạn vật, Đạo phải có luật
hữu hình và vô hình.
Đạo giáo của Đức Chí Tôn hay các nền Tôn giáo khác cũng vậy. Đạo là gì?
- Đạo là huyền vi bí mật cơ quan Tạo đoan, trọn cả cơ quan Tạo đoan ở trong
hai khuôn luật hữu hình và vô hình của nó.
Khuôn luật vô hình tức nhiên cơ quan bí mật huyền vi. Tìm hiểu đặng
chi? Phải tìm hiểu đặng,
mới biết cái
định luật về phần hữu vi. Trong hữu hình ấy, nếu ta lấy cách vật trí tri của
nó mà tầm vô hình vô ảnh của nó.
- Luật hữu hình tức nhiên là Thể pháp.
- Luật vô hình tức nhiên là Bí pháp.
Ví dụ 1: nấu một nồi cơm
Bây giờ chúng ta lấy một cái thí dụ: nếu nấu một nồi cơm muốn cho chín, cho
ngon, ta phải làm thế nào?
- Muốn cho nồi cơm trắng thì phải giã gạo, trước khi nấu để gạo vào nồi, ta
phải vo cho sạch cám, vo rồi bắc lên nấu, nếu không đổ nước thì thành gạo rang
còn gì, nếu đổ nước nhiều thì nhão, nhão quá thành cháo ngô, nên phải đổ nước
cho vừa chừng với gạo, cơm cạn rồi cần phải bới lửa ra, chỉ hong lấy hơi cho
chín thì gạo mới thành cơm.
Nồi cơm bây giờ đem ra, ta phải tìm cái bí mật của nó tại sao cơm nhão? Tại
sao cơm khô? Tại sao có cơm cháy? Tại sao cơm sống? Nếu từ thử đến giờ quốc-dân
Việt-Nam không biết nấu cơm thì ăn gạo sống sao? Định luật chỉ có một chứ không
có hai!
Ví dụ 2: làm bánh bông lan
Một cái thí dụ nữa: Như làm bánh bông lan chúng ta ngó thấy muốn làm cần phải
có bột, có đường, có trứng gà tất cả là ba món. Bây giờ phải làm sao cho bánh
bông lan nổi tầm phồng. Chúng ta thấy phải đánh trứng gà cho nổi bong bóng đều
lên, để đường vô đánh nữa, đánh cho nổi tầm phổng, rồi mới để bột vào đánh nữa,
đánh cho đều. Bột, đường, trứng gà đánh cho nổi thật đều, nổi chừng nào tốt chừng
nấy, tới chừng hấp phải để hơi lửa vô cho nóng, cho chín, thành ra bánh bông
lan tầm phổng, nếu bánh không nổi thì thành bánh xệp.
Nhận định rồi mình ngó thấy bột, đường, trứng gà, là Thể-pháp, nướng chín
và nổi thuộc về Bí-pháp, cái bí ẩn vô biên
là để lửa nướng chín. Cho nó
chín, cho nó tầm phổng đó mình không thể định được.
Bây giờ cơ quan Tạo đoan cũng vậy, nó có cái lý do của nó, nó có cái định
luật của nó, nó có từ mức của nó. Tức nhiên hình luật:
- Chúng ta có thể quan sát được là Thể pháp;
- Còn mức bí ẩn chúng ta không thể lấy trí định được tức nhiên Bí-pháp.
Ấy là một điều rất trọng yếu các nền Tôn-giáo tại mặt địa cầu này, được trường
cửu hay chăng là do Luật Bí pháp.
Đức Chí Tôn để cả hai triết lý cho nhơn loại biết sự thật. Bởi cớ cho nên Đức
Chí-Tôn đến. Ngài đến đặng Ngài giải một triết lý, một công lý hiện hữu tại mặt
thế gian này.
Sự chơn thật. Ngài đã giải sự chơn
thật.
Ấy vậy từ đây đến sau, Bần-Đạo giảng tiếp Thể pháp. Cho biết Thể-pháp rồi mới
thấu đáo Bí pháp.
Có một điều Bần-Đạo khuyên đừng có bơ bơ nữa, điều khó khăn phải để tinh thần
trí não tìm hiểu cho lắm, khó lắm phải rán học mới có thể đoạt pháp đặng. Điều
rất khó khăn là phải viết sách, nhưng Bần Đạo muốn lấy ngôn ngữ làm thế nào cho
mau hiểu.”
Bần Đạo hứa mỗi kỳ Đàn thuyết về Bí Pháp.
Đền Thánh đêm 01-6 năm Tân Mão (1951)
II - Tại sao Bần Đạo phải
thuyết minh về Bí Pháp?
Đáng lẽ theo cổ truyền Bí Pháp là huyền bí không thể gì truyền một cách rõ
ràng được. Nhưng đối với Đạo Cao Đài tức nhiên đối với nền Chơn giáo của Đức
Chí Tôn nó không phải như trước. Đức Chí-Tôn đã nói rõ ràng rằng: Ngài đến cốt
yếu để diệt trừ mê tín mà hại thay từ trước đến giờ các Đạo giáo nếu quả nhiên
có mê tín là do Bí Pháp hơn hết.
-Thể Pháp của Đạo Cao Đài là một trường công quả của chúng ta, trường công
quả ấy để cho chúng ta lập đức, lập công và lập ngôn.
- Còn Bí Pháp Chơn truyền Đức Chí-Tôn tức nhiên cơ quan huyền bí để cho con
cái của Ngài siêu thoát.
* Thể Pháp:
Nói về Thể Pháp chúng ta hân hạnh làm sao, muốn cho chúng ta lập đức, chính
mình Đức Chí Tôn đã cho chúng ta mượn danh thể của Ngài, chúng ta đã làm Thánh
Thể của Ngài nơi mặt thế này.
Ôi! Quyền lực về phương pháp lập đức đối lại với cảnh Thiêng Liêng là mua
ngôi vị của chúng ta đó vậy.
Lập công là Ngài đã tạo hình thể của Ngài tức nhiên Đền-Thánh đó là Đền thờ
hữu hình của Ngài để tại mặt thế này, chúng ta phải lập công với sanh chúng tức
nhiên lập công cùng con cái của Ngài. Ngài để cho chúng ta lập công chớ không
phải làm nô lệ cho ai tất cả. Chúng ta thấy Ngài phụng sự cho con cái của Ngài,
chúng ta lập công là tạo danh thể của Ngài, do lập công mà ra.
Bây giờ lập ngôn: chính mình Ngài, Ngài phải làm, cầm cây Cơ bút viết dạy
chúng ta từ lời nói việc làm, từ tánh đức, từ đạo lý. Còn ngôn, có ngôn gì hơn
Ngài nữa để cả thảy các Thể pháp đặng chúng ta định vị chúng ta, chính tay Ngài
cho chúng ta mượn cả thảy.
* Bí Pháp:
Bí Pháp là điều trọng yếu hơn hết, nếu không phải chúng ta cầu nơi quyền
năng vô biên của Ngài đặng đoạt cơ siêu thoát thì dám chắc rằng: Dầu Thánh Thể
của Ngài hay con cái yêu dấu của Ngài Nam Nữ cũng vậy, thì giờ phút này không
có ai ngồi đây, trong cửa Đạo Cao Đài này, chúng ta vì một kiếp sanh thọ khổ Tứ
Diệu Đề chúng ta chỉ mơ ước một điều là đạt đặng huyền linh Bí Pháp, trước khi
thực hiện đặng Bí Pháp, chúng ta phải có một đức tin mạnh mẽ, đức tin ấy phải đủ
năng lực trong tinh thần của Hội Thánh.
Muốn có Đức tin vững chắc thì chúng ta phải có đức Tự tín, có tự tín mới đạt
đặng Thiên tín, tức nhiên đạt đặng Đạo tín của chúng ta.
Muốn thấu đáo và muốn đạt cho đặng tự tín chúng ta phải tự biết chúng ta, rồi
ta mới biết địa vị đứng trong hoàn vũ này đương đầu với Vạn Linh, ngôi vị ở
trong hàng phẩm nào, chúng ta phải biết ta ở đâu mà đến, chúng ta mới hiểu con
đường chúng ta sẽ về, Bí Pháp sẽ dìu dẫn chúng ta đi trên con đường ấy. Cả tinh
thần nhơn loại hoang mang giờ phút nay họ chưa hiểu họ là gì?
Bần Đạo chỉ cười có một điều là trí thức tinh thần con người đã đến địa vị
cao trọng, cái hay biết của họ giờ phút này Bần Đạo quả quyết rằng, họ đã tạo
nhiều rồi, bằng cớ là ở Thư Viện tại New York (Nữu ước) chứa hai triệu hai trăm
ngàn quyển sách, chúng ta thử nghĩ kiếp sống của chúng ta có ba vạn sáu ngàn
ngày, chúng ta muốn đọc cho hết sách ấy ít nữa bảy trăm năm, mỗi ngày chúng ta
giỏi đọc một quyển.
Nhưng Con người chưa biết do đâu mà có ?
Ôi! cho cái hay biết của con người còn gì luận nữa, biết thật, giỏi thật,
nhưng có một điều là họ chưa biết họ, con người chưa biết con người do đâu mà
có. Giờ phút này dầu văn minh cực điểm, trí thức quá cao trọng mà họ chưa
biết họ là gì hết. Sự thật vậy, bởi họ không biết họ cho nên sản xuất ra thuyết Duy vật
và Duy tâm đang hy vọng lấy Vật lý học họ tìm con người.
Nhứt hơn hết là họ tìm căn nguyên con người, họ lấy theo vật lý học họ nói
con người là con vật, họ nói con vật này nó cũng đồng sống như vạn vật kia, họ
tiềm tàng vật-lý-học họ nói bổn căn con người do hai tinh trùng của nam nữ: là
nam tinh trùng và nữ tinh trùng. Hai con tinh trùng ấy khi nam nữ giao cấu với
nhau, hai con tinh trùng hiệp với nhau sanh ra con người, nó là con sâu, nguyên
nhân nó là con tinh trùng, hai con ấy hợp lại với nhau, tinh trùng nam là cốt,
tinh trùng nữ là nhục, hai con đó hiệp lại với nhau thành cục huyết đỏ lòm rồi
lần lần mọc đầu, mọc tay biến ra thành nhơn hình.
Con thú gì trước kia cũng bởi do hai con tinh trùng ấy nó hợp với nhau rồi
biến ra hình tượng của nó vậy. Bây giờ Đạo cũng nhìn con người là con vật,
nhưng lúc nó biến ra Nhơn hình, quyền năng nào biểu nó biến, do quyền năng nào
cho phép nó biến, họ lấy vật-lý-học nói tầm xàm, kẻ muốn tìm sự thật đem chơn
lý đánh đổ tinh thần mà chơn lý của họ là chơn lý mộng ảo.
Chính Bần Đạo cũng nhìn sự thật chúng ta là con vật. Bần Đạo biết rằng nơi
mặt địa cầu này trước kia tượng hình ra nó là cây, điều động có rễ, có máu, bắt
đầu lần lần mọc lên cái đầu, hai cái tay, hai cái chân biến hình ra con dã nhơn,
lần lần biết đi như con khỉ vậy. Mà lạ chướng hơn hết lúc biến thân ra nó, cái
Linh cái Sống của nó thế nào chúng ta không biết. Hồi thời buổi nó tượng Nhơn hình
của nó rồi, hỏi vậy cái Sống của nó ở đâu? Ai cho mà có? Và cái linh ở đâu mà
có? -Đạo giáo chúng ta có chối rằng thi hài chúng ta không phải là con vật đâu!
Chính Đạo giáo nhà Phật có nói con người chúng ta là con kỵ vật để cho Vạn linh
cỡi nó đi đường từ mặt địa cầu nầy qua mặt địa cầu khác, mà con thú ấy là người
của ta, mà người cỡi thú ấy là Phật, tức nhiên là cái Linh của chúng ta đó vậy.
Bây giờ không phải thi hài nầy siêu thoát được, thú là thú, sanh ra tại Thổ huờn
tại thổ, còn người cỡi nó là Phật, cho nên không có quyền năng nào giam hãm hay
trói lại được. Phật ấy mới thật là con cái của Đức Chí Tôn, chính mình con thú
vật-lý-học đã nói, con thú có người cỡi, mà người cỡi ấy là Phật, là con đẻ của
Đức Chí Tôn.
Ấy vậy cơ quan siêu thoát là Phật siêu thoát chớ không phải con thú nầy
siêu thoát được.”
Kỳ tới Bần Đạo sẽ thuyết cái sống của con người đối với Vạn linh nơi mặt địa
cầu nầy.
III - Bí-pháp của Đức
Chí-Tôn là gì?
Đức Hộ-pháp thuyết tại Đền Thánh ngày 15-05 năm Tân Mão (1951)
“Trước, Bần Đạo đã hứa kỳ này giảng
về Bí Pháp, ấy là một điều giảng rất khó khăn, Bần-Đạo lấy cả tinh túy của nó
thuyết ra đây. Chẳng phải đứng nơi tòa giảng này mà thuyết cho đủ được. Nếu như
không có điều gì trở ngại về bí quyết, Bần Đạo thuyết minh cho toàn thể con cái
Đức Chí-Tôn thấu đáo, hiểu cho tận tường cái bí-pháp Đức Chí-Tôn đến trong thời
kỳ này, để trong nền chơn giáo của Ngài. Ấy vậy Bần-Đạo có một điều mơ mộng tìm
phương trụ cả đức tin con cái của Ngài, nam nữ đặng cái đức tin ấy làm một ngọn
huệ quang Thiêng-liêng, nó dìu dắt Thánh-Thể của Ngài trong con đường
Thiêng-Liêng Hằng Sống tức nhiên con đường giải thoát.
Bí Pháp là gì? Là những cái hình trạng của Đạo về hữu hình, tức nhiên hình trạng của Hội
Thánh, tức là hình trạng của Thánh-Thể Đức Chí-Tôn tại mặt thế này. Là quyền
năng điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ tức là quyền năng vô đối của Đức Chí Tôn đã cầm
nơi tay, Ngài đến cùng con cái của Ngài, đặng Ngài ban cho một quyền hành đủ
phương pháp, đủ quyền năng tự giải thoát lấy mình.
Tiên Nho chúng ta có trạng tả một điều vô hình, để tả ra một hình trạng hữu
vi, nó vô tướng mà nó hữu lý làm sao đâu. Tiên Nho gọi chúng ta là khách trần,
gọi mặt thế gian, tức là mặt địa cầu 68 này là “Quán tục”. Ta là khách, cõi trần
này là Quán, nó hay làm sao đâu, không lấy tỉ thí gì minh-bạch chơn chánh hơn tỉ
thí đó. Chúng ta thử nghĩ toàn cơ quan huyền diệu vô biên Đức Chí-Tôn đào tạo
trong Càn Khôn Vũ-trụ và vạn vật hữu hình, chúng ta có thể quan sát trước mắt
chúng ta đây, chúng ta ngó thấy đều do khuôn luật Thiên nhiên tương đối mà ra,
hễ có khuôn luật tương đối tức nhiên nó phải có đối cảnh. Bởi khuôn luật tạo ra
hình, hễ có hình thì có cảnh, hễ có khuôn luật tương đối tức nhiên phải có đối
cảnh, tức nhiên có hình thì có bóng, vô bóng tức nhiên vô hình.
Chúng ta thử nghĩ luật tương đối, chúng ta lấy điều đơn sơ quan sát chúng
ta thấy sống trong giấc ngủ và chúng ta sống trong khi thức, ngủ là sống với Vạn
Linh, thức là sống với vạn vật. Chúng ta quan sát được hai đối cảnh sống với
khuôn luật Càn Khôn Vũ Trụ kia cũng vậy không có gì khác, có cảnh sống có cảnh
chết, sống chúng ta thể nào chết chúng ta thể nấy, không có chi la. Sống chúng
ta là khách của “Quán tục” này, ta chết tức nhiên ta trở về quê Tổ, tức nhiên
ta nhập trong cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống chớ không có chi lạ.
Bây giờ hai hình trạng ấy chúng ta thử nghĩ nó có liên quan mật thiết với
chúng ta thể nào? Đơn sơ chúng ta nên lấy tỉ thí một cách khoa học là khi chúng
ta thức mơ vọng điều gì, làm điều gì, cái năng lực trong hành tàng thường thức
của chúng ta, trong giấc ngủ chúng ta nằm mộng mơ nói tầm xàm làm đối cảnh của
nó, đối buổi thức tức nhiên buổi sống ấy vậy. Thức ngủ là trong khuôn luật sống
chết, cái sống phải có cái chết, hành tàng của cái sống chúng ta thể nào thì buổi
chết của chúng ta nó cũng hiện tượng ra nguyên vẹn, ấy vậy không có điều gì lạ
hết.
Bây giờ luận về phần Thiêng Liêng tức nhiên phần linh-hồn của chúng ta.
Bần-Đạo nói mỗi cá nhân con cái Đức Chí Tôn đều có phẩm vị của họ, có từ thử
đến giờ, khuôn luật vẫn có một mà thôi. Chúng ta thấy trong Bí Pháp của Phật Tổ,
Ngài đạt đặng bí pháp, Ngài để khuôn luật giải thoát. Chúng ta đã ngó thấy tại
sao người khác Đức Chí Tôn không để “Tam Diệu Đề”, tức nhiên, Lão, Bịnh, Tử trước
mắt đặng lãnh giáo Ngài, lại để cho Đức Phật Thích-Ca thấy Tam Diệu Đề? Khi Phật
Thích Ca thấy Tam Diệu Đề Ngài mới thêm một đề Sanh nữa là Tứ Diệu Đề: Sanh,
Lão, Bịnh, Tử.
Đức Phật Thích Ca nhờ Bí-pháp của Đức Chí Tôn để trước mặt Ngài mà Ngài đạt
được cơ quan giải thoát, có chi đâu. Muốn tránh Tứ Diệu Đề tức nhiên Tứ Khổ thì
đừng gây Nhân, có Nhân tức nhiên có Quả, muốn tránh Sanh, Lão. Bịnh, Tử thì phải
diệt cho hết quả, lẽ dĩ nhiên đó vậy...
Bí-Pháp Đức Chí Tôn đã cho Phật Thích Ca thế nào, Đức Chí Tôn cũng có thể cho con cái của
Ngài mỗi đứa để tự giải thoát lấy mình.
Nếu Đức Lão-Tử không làm Thượng-Thơ-tịch vô Đại thơ phòng nhà Châu, nếu
Ngài không vô Thư Viện nhà Châu lật Bát Quái-Đồ của Phục Hi để lại, chưa chắc rằng
Ngài đã đoạt pháp. Ngài ngồi tìm tòi coi Bát Quái Đồ để trong Thư Viện nhà
Châu, tức nhiên Bí Pháp của Đức Chí Tôn dành để cho Lão Tử. Khi Ngài đã đạt được
Bát Quái Đồ rồi, Ngài được trở nên vị Giáo Chủ danh vọng đến đời nay.
Bây giờ tới Đức Chúa Jésus, vị Giáo Chủ danh vọng đương buổi nầy gồm cả Vạn
Quốc, các Dân Tộc Âu Châu trong khuôn khổ đạo đức của Ngài nếu không có 40 ngày
Ngài đã ra đồng sa mạc thiền định, Đức Chí Tôn không đến cùng Ngài và không bị
quỉ cám dỗ thì Bí-Pháp của Ngài không hiện tượng ra được.
Bây giờ đến Khổng Phu Tử, nếu Ngài không có khổ về Nhơn đạo của Ngài và xã
hội của Ngài giặc-giã can qua, bởi Ngài sanh ra gặp buổi loạn ly đời Đông Châu
Liệt Quốc, nếu Ngài không có khổ về công danh của Ngài cho đến đỗi và nếu Ngài
không khổ về tinh thần của Ngài vì hiếu, thì chắc tinh thần của Ngài chưa ngó
toàn thể các sắc dân, tức nhiên đồng chủng đồng bào của Ngài, thì tôi tưởng Đạo
Nho của Ngài chưa xuất hiện.
Nếu Đức Chí Tôn không để Thánh Thể của Ngài xuống 60 năm trước ngày mở Đạo,
không phải ngày nay Ngài không sai các chơn linh xuống thế, không tạo hình ảnh
Cửu Thiên Khai Hóa, Ngài không mở rộng cửa Bạch Ngọc Kinh tại thế gian này thì
dám chắc nền chơn giáo của Ngài chưa hiện tượng. Huyền diệu thay nền chơn giáo
của Ngài! Lấy cả quyền năng vô biên Ngài làm Thể Pháp, Bí Pháp của Ngài, Ngài lấy
căn bản Vạn linh, Ngài tạo nên đặng phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật trên mặt thế
gian này.
Ấy vậy Bần Đạo nói: Nơi cửa Tịnh Thất chúng ta có thể nói rằng: Nơi chúng
ta đưa bạn chúng ta đi cũng là cửa rước bạn chúng ta đến. Bí pháp ấy càng ngày
con cái Đức Chí Tôn càng ngó thấy, vì mới mở nên hình trạng chưa có rõ, chớ
hoàn thành rồi con cái Đức Chí Tôn sẽ ngó thấy đối tượng Thiêng Liêng của nó thế
nào, phải để đức tin vững vàng nơi Thánh Thể Đức Chí Tôn cho cường liệt, cường
liệt Đức Chí Tôn mới xoay chuyển xã hội nhơn quần và tạo hạnh phúc cho xã hội
nhơn quần được.”
Đêm 09 tháng 04 Kỷ Sửu (dl 06-05-1949)
“Kỳ trước Bần Đạo giảng tại sao gọi
là Thể Pháp và Bí Pháp của khuôn luật Tạo đoan Càn Khôn vũ trụ này. Nay Bần Đạo
giảng tiếp:
IV - Do nơi học thuyết nào
sản xuất ra chữ Đạo?
“Vả chăng, cơ Tạo-đoan hiển nhiên trước mắt, chúng ta thấy là định một
khuôn luật, ngó thấy cả vạn vật đặng sống trong Càn Khôn vũ trụ, nó có nghĩa lý
sống của nó, cũng như mình biết mình có nghĩa lý sống của mình. Cái nghĩa lý sống
ấy có phần hiển nhiên ta định được, ta thấu đáo được, gọi là Đời; còn bí mật
huyền vi chúng ta lấy lương tri lương năng định đoạt không được, thuộc về bí ẩn
huyền vi cơ tạo, nhứt là cái Sống và cái Linh là trọng yếu của cơ quan Tạo-đoan
hơn hết, nó giục tinh thần nhơn loại buộc phải tìm tàng khảo cứu cho ra hình tướng,
phần ấy gọi là Đạo.
Vì cớ cho nên sách vở để lại, thiên hạ đã thú thật rằng không phương đoạt
được, phần định được chỉ nói “Cường danh viết Đạo”.
Cái Sống và cái Linh chia ra làm hai hạng:
- Hạng khảo cứu về Vật.
- Hạng khảo cứu về Thần.
Vật thì xu hướng theo bản năng của cơ Tạo đoan hiện hữu, lấy vật lý làm căn
bản; mà lấy vật lý làm căn bản thì họ hướng về xã hội nhơn quần hay là định sống
của xã hội. Định sống của xã hội tức là định sống của vật. Định sống của vật tức
nhiên là Đời.
Bây giờ, bí ẩn huyền vi của cơ Tạo đoan để trước mắt có nhiều lý lẽ bất
công, họ khảo cứu về tinh thần đạo đức. Những lẽ bất công đó, buộc họ tìm tàng
cao siêu hơn nữa đặng cho thấu đáo cả bí-mật huyền vi cơ tạo đoan ấy.
Lẽ cố nhiên, con người cũng đồng sống với vạn vật, thấy mình linh hơn vạn vật,
biết mình có bản năng đặc sắc hơn nhờ cái Linh đó. Linh ấy đáng lẽ nó phải tồn
tại, nhưng cơ bí mật Tạo đoan, có chết thì có sống, giục con người đi trong con
đường hiểu biết, tìm tàng cho thấu đáo: tại sao mình sống, sống duy chủ thân thể
mình; mình chết cái Linh ấy, cái Sống ấy nó đi đâu? Vì cớ mà đời đã sản xuất
các triết lý Đạo giáo, các vị Giáo chủ từ trước đến giờ đến thế gian này tạo Đạo,
đã để hai khuôn khổ, định về chủ hướng ấy.
Sống về vật hình là dìu dẫn sự sống của huyền linh, họ thuyên về một đường
vô hình. Sự sống, chết họ thấu đáo cái hư không tiêu diệt và cái tồn tại hiển
hách của nó.
Bây giờ cả hành tàng bất công do chỗ nào sản xuất ra trong cửa Đạo?
Đời chúng ta ngó thấy cái sống về vật hình chia hẳn nó ra, thì cái sống về
vật hình là bóng dáng mơ hồ. Trong cái sống vật hình, thi hài thể chất, chúng
ta nhận thấy nó không tồn tại, mà trái ngược lại nó vẫn là cơ quan tạo khổ cho
ta mà thôi. Đã là cơ quan tạo khổ, thì cái sống này có hữu ích gì đâu? Chẳng lẽ
cơ bí mật Tạo đoan tạo ra vật hình, mà loài người ngó thấy đây để ảnh hưởng đến
chơn tánh cao thượng. Tạo đoan ra, không phải để chịu thống khổ mà thôi, phải
có nguyên do gì chớ?
Bởi nguyên do phải có chủ hướng, vì lẽ đó mà nó giục nhơn loại tìm tàng chí
hướng của con người sống để làm gì, là tìm hiểu đặng định phận của mình, liên
quan như thế nào trong cái sống, tức nhiên là thấu đáo bản năng của mình, định
phần tương lai giữa Càn Khôn vũ trụ trong vạn vật đó vậy. Tương lai của sự sống
tức nhiên tương lai của loài người. Tương lai của loài người tức nhiên tương
lai của Đạo. Con người đứng trước vạn vật, thú cũng đồng thú, khác bởi người là
Đạo, trong người Chí-Tôn đã để Đạo, Đạo khác với thú là vì trong loài thú Đức
Chí-Tôn không có để tánh Linh như Đức Chí Tôn đã định tánh cho loài người, đặng
loài người làm Chúa vạn vật. Vật phải dựa vào trong tay loài người đặng duy chủ
đó vậy.
Ấy vậy Bần Đạo nói: Có Thể-pháp thì có Bí-pháp.
Các vị Giáo Chủ cũng phải tùng theo khuôn luật đó, một nền chơn giáo có Thể
pháp là cơ quan giải khổ cho chúng sanh tức nhiên phải có Bí pháp đặng làm cơ
quan giải thoát cho chúng sanh. Hễ độ phần xác tức nhiên phải độ phần hồn cho
toàn vẹn.
Một nền Tôn giáo nào đã xuất hiện tại thế gian này dầu Thể pháp cao siêu
bao nhiêu đi nữa, nếu không có Bí pháp làm tướng diện căn bản, thì nền Tôn Giáo
ấy chỉ là Bàn Môn Tả Đạo mà thôi.”
V - ĐẠO 道 LÀ GÌ?
Tây-Ninh-Chùa Gò Kén- năm Bính-Dần 1926
THẦY các con,
“Cõi trần là chi? Khách trần là sao?
Sao gọi khách?
Trần là cõi khổ,
để đọa bậc Thánh, Tiên có lầm lỗi. Ấy là cảnh sầu để trả xong quả, hoặc về ngôi
cũ, hoặc trả không xong quả, phải mất cả chơn linh là luân hồi, nên kẻ bị đọa
trần gọi là khách trần.
Ðạo là gì?
Sao gọi Ðạo?
Ðạo, tức là con
đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Ðạo là đường của
các nhơn phẩm, do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Ðạo, thì
các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Ðạo, nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho
đích xác đặng. Ðời cũng thế, Ðạo cũng thế, chẳng Ðạo chẳng nên Ðời, Ðời Ðạo chẳng
trọn, lấy Ðạo trau Ðời, mượn Ðời giồi Ðạo, Ðạo nên Ðời rạng, giũ áo phồn hoa, nương
bóng khổ trăm năm mãn cuộc, tự thanh cao, nếm mùi tự toại, dưỡng chí thanh nhàn
thì có chi hơn.
Vậy là mầu, vậy là trí.”
Phân tích chữ Đạo:
Chữ Đạo 道 bắt đầu chấm hai chấm trên là Âm Dương nhị khí, kế
dưới một nét ngang tức là Âm Dương hiệp nhứt, nên chi một sanh hai, hai sanh
ba, ba sanh vạn vật; rồi vạn-vật cũng quay về hiệp một. Kế dưới chữ tự 自 (6 nét) nghĩa là tự nhiên mà có. Nên chi Đạo dạy phải tự lập, tức là lo
tu-hành để đạt được huyền-bí đạo-mầu thì trí lự mới phát minh. Chữ tự 自là tự tri, tự giác chớ chẳng ai làm cho người khác giác ngộ giùm hay
minh-huệ giùm được. Trên dưới ráp lại thành chữ thủ 首 (9 nét). Chữ thủ nghĩa là ban sơ, lúc ban đầu, khởi thuỷ, là đầu mối của
càn khôn vũ-trụ. Kế là bộ Tẩu 辶(3 nét) tẩu nghĩa là chạy, nên kêu là “pháp luân thường chuyển”.Họp chung lại
thành chữ ĐẠO 道
Chữ ĐẠO 道 Thánh-nhân đã đặt một cái luân-lý trong đó tự lâu
rồi; hai nét Âm Dương hiển-hiện trên đầu đó, hình ảnh của cha mẹ ta đó, có hợp
nhất được thì mới sanh ra một chủng-tử đầu tiên là con
mắt, tức là chữ Mục 目 mục là con mắt, là trung
tâm của chữ Đạo. Con mắt để thâu thập tất cả tinh-hoa, đó là công ơn trước hết
là của cha mẹ sản sanh ra ta. Cha mẹ cũng phải chịu ơn của hai Đấng trên cao
kia nữa, đó là âm dương trời đất, ngày nay Đạo Cao-Đài xác nhận là Đức Chí-Tôn
và Đức Phật Mẫu.
Đức Thượng-Đế là một khối Đại linh quang, là ánh sáng bao la, biểu tượng bằng
“Con mắt” thế nên Đạo Cao Đài thờ “Thánh Tượng Thiên Nhãn” là vậy.
Hai Đền thờ của các Ngài còn đó! Niềm tự tin này không bao giờ lầm, nghĩa
là ánh sáng đã lóe lên từ mắt trở thành chữ Tự 自 (tự là chính mình), từ đây con người tự giác, tự tu, tự trau-giồi cho kiếp
sanh trên con đường tiến hóa. Nhưng nẻo đến đã có lối thông thì đường về cũng
chính mình sáng-suốt, cho nên khi ráp cả hai phần trên dưới lại thành ra chữ Thủ
首 (thủ là đầu). Cái đầu này đưa ta đến và nó cũng hướng
dẫn cho ta về, chúng ta xuống bằng cái đầu cho rằng thuận, thì khi về cái đầu
cũng phải quay ra ngoài để triều kiến Đức Mẹ Diêu-Trì nơi cung Tạo-Hóa Thiên ở
từng trời thứ chín, thì cái đầu này biểu tượng
chữ thủ 首 (9nét) nó mới hợp
lẽ. Nếu quay vào thành ra đi nghịch làm sao đoạt Đạo? Than
ôi!
Đức-tin nơi ta đó, ngày nay Chí-Tôn tạo Đạo ra để cho nhân-loại thờ nhân-loại.
Đạo Cao-Đài thờ con Mắt là thờ thiên-lương
của mình đó vậy, cho nên con đường tu giục-giã ta phải hoàn thành Tam lập, tức
nhiên lập đức, lập công, lập ngôn nghĩa là chữ thủ 首 thêm một bộ sước 辶 (biểu-tượng bằng bộ sước
có 3 nét) thành ra chữ ĐẠO 道 (chữ Đạo có 12 nét do 9+3, tức là con số của Thầy)
Đây là tầng trời cao nhất, có về đến đây được thì mới nhập vào cõi Thiêng-liêng
Hằng sống và hòa nhập được với Càn Khôn vũ-trụ, tức là về được cùng Thầy.
Sự tu thân cần phải có ĐẠO, tin-tưởng nơi Đạo. Bởi “Đạo là cơ bí-mật làm
cho kẻ phàm có thể đoạt đặng phẩm-vị Thần, Thánh, Tiên, Phật”.
Thầy làm chủ chữ Đạo là Cha của sự sống:
Thầy dạy rõ về quyền-uy tối thượng ấy
(TNII. 62)
“Các con. Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn khôn Thế-giới
thì Khí Hư vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái cực. Thầy phân Thái
cực ra Lưỡng nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ tượng, Tứ tượng biến Bát-quái,
Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn-khôn thế-giái. Thầy lại phân tánh Thầy
mà sanh ra vạn vật là: Vật-chất, Thảo-mộc, Côn trùng, Thú-cầm, gọi là chúng
sanh.
Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn-Linh Thầy mà ra. Hễ
có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha của sự sống. Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy
không cùng tận.
Cái sống của cả chúng sanh Thầy phân phát khắp Càn khôn Thế-giới, chẳng
khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ
bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm. Nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng
thì là sát một kiếp sanh không cho biến hóa.
Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu Nguyên-sanh hay Hóa-sanh cũng vậy,
đến thế nầy lâu mau đều định trước. Nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả báo
không sai, biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi
mà ra đến đỗi ấy. Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ. Các
con gắng dạy nhơn sanh điều ấy”.
Thuyết tại Đền Thánh, đêm 13 tháng 04 Kỷ Sửu
(dl 10-05-1949)
“Trước khi giảng tiếp Bí-pháp và Thể-pháp của Đạo, Bần Đạo nhắc lại một lần
nữa. Kỳ rồi Bần Đạo đã tỏ cho cả thảy đều biết, nhơn loại đến giữa cơ Tạo đoan
Càn Khôn vũ trụ, huyền vi bí mật Tạo đoan đã cho một tánh chất ly kỳ bí mật, là
khôn ngoan hơn vạn vật. Do khôn ngoan ấy mà tìm hiểu rằng:
VI - Cả cơ thể Tạo đoan có
hai đặc điểm trọng yếu:
- Một là sống
- Hai là linh
Biết được hai đặc điểm ấy, thấy nhơn loại có hai chủ hướng:
- Một là nương với cái sống của mình, cho cái sống là hệ trọng tức nhiên là
học thuyết cơ thể Tạo đoan của đời.
- Hai là nương theo tinh thần nhơn loại, nương theo triết lý này cho cái
Linh là trọng hệ, vì cớ nên xu hướng theo phần hồn là tinh thần thường tại.
Bây giờ chia theo hai lẽ ấy.
- Sống tức là Đời
- Linh tức là Đạo
Hai lẽ sống chia nhơn loại ra hai đường căn bản, đứng trung tâm điểm cũng
do nơi trí thức tinh thần, mà trí thức ấy xu hướng:
Theo học thuyết Đời tức là xu hướng theo cái Sống.
Theo học thuyết Đạo, tức là xu hướng theo Linh.
Cả hai tinh thần ta thấy không có lầm lạc, nhứt là đàng nào cũng có nguyên
lý của nấy. Đời xu hướng theo cơ quan sống tức nhiên cơ quan Đời họ cũng có Bí
pháp và Thể pháp. Xu hướng theo Đạo cũng có Bí pháp và Thể pháp. Nhưng hai lý
thuyết dường như phản trắc. Về phần Đạo, thì trí thức tinh thần nhơn loại nhìn
nơi vô biên biết Càn Khôn vũ trụ tức là cơ Tạo đoan, nó định luật cho khối người,
thành ra Pháp chủ Luật, tức là Pháp trước Luật sau. Còn cơ quan Đời tức là cơ
quan xu hướng theo cái sống, định Luật được rồi, mới tìm tàng Pháp đặng thi
hành Luật, thành ra Luật trước Pháp sau. Bây giờ Bần Đạo thuyết về Đạo-giáo trước
rồi thuyết về Thế đạo sau.
Kỳ rồi Bần Đạo hứa thuyết về Đạo pháp tức nhiên là Bí pháp. Bần Đạo đã nói
có hai chủ hướng:
- Sống tức nhiên là Thể pháp.
- Linh tức là Đạo thuộc Bí pháp.
Chia rẽ rõ ràng như vậy, rồi không còn bợ ngợ gì mà không quyết định.
Ấy vậy trong Đạo Pháp có
hai thuyết:
Thể Pháp là xu hướng theo sống, cái sống của vạn loại tức là đồng sống với
nhơn loại, rồi do cái sống ấy tìm tàng Thể pháp trong tinh thần Đạo giáo đặng bảo
thủ cho tồn tại cái Linh, tức là bảo thủ tồn tại cái khôn ngoan trí thức của
mình; buổi sống thế nào vẫn còn mãi mãi đến buổi chết. Trái ngược lại dầu cho
cơ quan chết ấy do cái Linh ấy không có đại diện của nó, ít nữa Linh ấy cũng để
lại trong máu mủ chúng ta, tức là để lại cho nhơn loại tương lai còn tồn tại đặng.
Chúng ta không thể chối cải được. Tại sao chúng ta thấy hiện tượng trên mặt địa
cầu này con người có đặc điểm riêng, dầu cho kẻ sơ sanh cũng sống với cái sống
của con vật; mà con vật ấy cũng sanh như những con vật khác. Có điều ta nhận thấy
nó khôn ngoan hơn tức là linh hơn vạn vật, Linh ấy do nơi Linh của nhơn loại đoạt
được với tinh thần Đạo Giáo đặng truyền lại (Droit d'hérédité) nếu Linh ấy nhơn
loại đoạt được là do cha mẹ đã đoạt được trước, vì trẻ sơ sinh kể như con thú
kia lấy gì khôn ngoan hơn con thú được, nếu không nhờ cái Linh truyền thống lại.
Chúng ta ngó thấy Bí pháp ở giữa Thể pháp, ta thấy nó bán thế, bán lý; Ấy là do
sự truyền thống của tinh thần loài người. Ta chưa thấy một sắc dân nào đã tiến
triển, tức đã tiến bước trên đường văn minh hay là đã tiến bước trên con đường
trí thức tinh thần mà thối bước trở lại. Nhơn loại mãi tiến tới không bao giờ
thối.
Chúng ta ngó thấy nữa: Mặt địa cầu này có nhiều sắc dân, sắc dân nào đã
khôn ngoan thì họ truyền tử lưu tôn, khôn ngoan đặc biệt, điều ấy không ai chối
đặng. Ấy vậy cái Linh của chúng ta không ngó thấy mà biết rằng có cái truyền thống.
Cũng như Bí pháp là cơ quan bí mật ta không ngó thấy, không có gì tượng trưng
cho nó nơi mặt địa cầu này, nhưng ta biết rõ nó vẫn tiến triển mãi.
Nhìn cao hơn chút nữa, giữa nhơn loại đối với cá nhân hay đối với dân tộc,
chúng ta thấy trước sau đặc biệt không thể gì chối cải được nữa, ta không thể
nói mặt địa cầu này, giờ phút này, có một người nào làm người như Đức Phật
Thích Ca, như Đức Lão Tử, Đức Chúa Jésus Christ đã làm người. Ta không thấy người
nào dám nói là người, có đủ sức đối thủ với các Đấng ấy, chưa có đặc điểm gì
khác. Các Đấng ấy cũng là người như ta, tại sao lại được hơn ta vậy? Tại khối
Linh của họ đoạt được muôn muôn kiếp sanh, ta không đoán biết đặng đã lập vị
cho họ đến đặc điểm mà ta chưa hề biết tới, chúng ta đang còn ở hồi sau, khối
Linh ấy định phận trong tinh thần đạo đức, định phẩm cho họ làm Giáo chủ nhơn
loại.
Hai đặc điểm Bần Đạo vừa nói thuộc về Bí pháp.
Bây giờ nói Thể Pháp tức là nói xu hướng của cái sống. Các người đã tiềm tàng học thuyết về cái
sống mà họ có tinh thần xu hướng về cái Linh của họ, họ đã làm thế nào tìm ra
khuôn luật. Bần Đạo đã nói, họ tìm khuôn luật cho hạp với cơ Tạo đoan Càn Khôn
vũ trụ tức nhiên cái sống của họ phải thế nào cho phù hạp với chơn lý của vạn vật
trước họ đặng đồng sống với vạn vật, đồng sống thì ta thấy có khuôn luật đặc điểm
như thế nào? Tại sao vậy? Tại luật thiên
nhiên định cho họ bảo thủ cái sống (Instinct de conservation). Luật thiên nhiên
cho bảo thủ cái sống là khuôn luật định phận làm người giữa nhơn loại vậy.
Rồi đến bảo thủ cái Linh cho tồn tại tức nhiên là bảo thủ khôn ngoan, cái khôn ngoan hơn vạn vật.
Trước phải cung kỉnh cái sống ấy tồn tại mãi, cái sống ấy vẫn còn về tương lai
đạo đức tinh thần của nhơn loại để định phận cho nhơn loại. Nhơn loại đã tìm
tàng và hiểu rằng: Trên một triệu năm khi nhơn loại để chơn nơi mặt thế này,
cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại, tại thế này có thể thêm chớ không có bớt là
do khôn ngoan, biết bảo thủ cái sống tại mặt địa cầu này thay thế cho Đấng Chí
Linh mà sửa cải, tô điểm các cơ quan hữu hình cho đặng tận thiện tận mỹ như Đấng
Chí Linh đã định: họ theo khuôn luật của mỗi ngày đi tới nơi, mỗi kiếp mỗi mới
mãi thôi “Nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân” ngày nay mới, càng ngày càng mới
là lời Tiên Nho của chúng ta để lại. Đổi
mới là khuôn luật thiên nhiên chỉ định cho họ mỗi ngày phải mới tùng theo khuôn
luật tấn hóa của vạn loại trong Càn Khôn vũ trụ này vậy.
Muốn bảo thủ cho cái sống tồn tại, Đạo giáo lập ra cái thuyết “Ái tuất
thương sanh” (1) làm căn bản. Họ lấy yêu ái mà định luật cho cơ quan bảo thủ
cái sống tồn tại đến ngày nay, là do nơi đó mà tinh thần của con nguời định quyết
rằng: khuôn luật Tạo đoan có bảo thủ mạng sống với khuôn luật “Ái tuất quần
sanh” của họ đặng thi thố định con đường, rồi họ quả quyết đi đến, tức nhiên sẽ
đến cảnh Linh của họ giữa vạn vật, họ sẽ thấy đặc điểm của họ để làm chủ Vạn
linh ấy. Giờ phút nào họ thấy được thì họ có quyền vi chủ Vạn linh. Đương nhiên
họ sống với hình xác thịt mà họ đã quả-quyết, định quyền vi chủ của họ giữa Vạn
linh được. Buổi thoát xác tức là buổi lìa khỏi căn bản nguyên sanh của họ, họ sẽ
tới được cảnh giới Chí linh; ấy là Bí pháp Đức Chí Tôn để tại mặt địa cầu này vậy.
Kỳ rồi Bần Đạo đã thuyết một nền Tôn-giáo nào có đủ cái Linh tại thế, giữa
loài người và loài người biết ra một nền chơn giáo có đủ bằng cớ là Huyền linh,
đặng bảo thủ phần hồn của loài người là căn bản của loài người. Còn nền Tôn
Giáo nào không có cái Linh ấy, Bần Đạo đã nói chỉ là Tả Đạo Bàn Môn mà thôi. Bởi
không có đủ quyền năng siêu độ chơn hồn của vạn loại, phải có cái Linh đủ năng
lực độ hồn nhân loại. Bằng không, Bần Đạo nói lại, chỉ là Tả Đạo Bàn Môn đó
thôi.
Chúng ta thấy các nền Tôn-giáo từ trước đến giờ dầu cho Linh ấy không ra tướng
diện, từ buổi có loài người vẫn chạy theo Linh ấy. Các nền Tôn Giáo tại mặt địa
cầu này và các vị Giáo chủ tạo Đạo vẫn tìm cách làm cho cái Linh ấy được ra tướng
diện. Bần Đạo không cần tả nhiều, e thiên hạ nói của mình trọng hơn của thiên hạ.
Đạo Cao Đài có đủ quyền năng hiển hách anh linh của nó, không có nền Tôn-giáo
nào tại thế này khả dĩ đối thủ được cả thảy, tức nhiên Bí pháp của Đạo Cao Đài
giờ phút này không có kẻ nào dám cả gan nói Bí pháp ấy do tay phàm hay do một vị
Giáo-chủ mang xác phàm cầm nó, mà chính trong tay của Đức Chí Tôn là Đấng tạo
Càn Khôn vũ trụ, Chúa cả vạn vật, cầm Bí-pháp trong tay đặng độ rỗi phần hồn
nhơn loại. Tức nhiên không có nền tôn giáo nào dám đối thủ với Đạo Cao Đài cho
bằng đặng
Ghi chú:
Câu “Ái tuất thương sanh”.Đúng ra là Chữ Tuất 恤 chứ không phải chữ truất, vì Tuất có nghĩa là thương xót, một bên là bộ
tâm 忄 một bên là chữ huyết 血 Còn chữ truất 絀 có nghĩa là loại bỏ thì ở
đây thấy ra hơi tối nghĩa. Tự điển của Hiền Tài Hồng thấy có chỗ đồng quan điểm
là “Ái tuất thương sanh”
Thuyết Đạo tại Đền Thánh, đêm 12 tháng 05 năm Kỷ Sửu (dl 08-06-1949)
Bần Đạo giảng tiếp:
VII - Thể Pháp và Bí Pháp
của Thế Đạo.
Mấy kỳ trước Bần Đạo đã trình bày đại cương Thể Pháp và Bí Pháp của Đạo.
Bây giờ Bần Đạo khởi tách ra từ chi tiết của nó.
Bần Đạo đã chán biết, có nhiều người ham nghe Bí Pháp của Bần Đạo lắm,
nhưng Bần Đạo phất ngọn lên đó để đặng cho họ theo đặng họ đi Cúng, nếu không họ
làm biếng đi cúng họ ngủ hết.
A - Bần Đạo khởi thuyết Thể
Pháp của Đời:
Vả chăng Bần Đạo đã nói rằng: do hai chủ yếu làm cho con người xu hướng
theo hai lẽ.
- Yếu tố thứ nhứt SỐNG đeo đuổi theo sống: theo yếu tố sống tức nhiên theo
Đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét