Bí Pháp Đạo Cao-Đài - 1 / 4 ( Nữ Soạn giả Nguyên Thủy )


Lời nói đầu
Tôn-giáo quan trọng nhất là BÍ PHÁP. Nghiên cứu về một Tôn giáo tức nhiên nghiên cứu về BÍ PHÁP của Tôn giáo đó. Thử hỏi Đạo Cao-Đài có Bí pháp không và tìm hiểu Bí Pháp ấy như thế nào?
Đền-Thánh này chứa tất cả BÍ PHÁP!
Nay, Đức Chí-Tôn đến tạo Đạo, Ngài dựng nên Toà-Thánh Cao-Đài hiện tại nơi miền Nam Việt-Nam, vùng Tây Ninh
Thánh Địa này, là ngôi của Đức Chí-
Tôn ngự,  tượng-trưng Bạch Ngọc Kinh tại thế:
            “Cái quyền-năng vô cực vô thượng của Ngài do những pháp vô-vi mầu-nhiệm mà có nên gọi là BÍ PHÁP. Đức Chí Tôn cũng dùng BÍ PHÁP mà lập Đại-Đạo Tam kỳ Phổ-Độ để ứng nghiệm cái quyền-năng của Ngài nơi địa cầu 68 này để bảo-tồn cơ sanh-hóa, vì Ngài là Chúa sự Thương yêu, mà vì thương-yêu mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do BÍ PHÁP lập thành.
            “Đền-Thánh là nơi Thầy ngự tại thế cũng do BÍ PHÁP mà biến tướng ra. Ấy vậy, Đền-Thánh này chứa tất cả BÍ PHÁP của Đấng Chúa-tể Càn khôn vậy.
            Đền-Thánh hoàn thành là cái triệu chứng “Châu nhi phục thủy”. Từ đây đến vô cùng Vạn linh sanh chúng sẽ hưởng được muôn điều hạnh phúc của quyền-năng vô cực vô thượng của Đức Chí-Tôn ban cho tại thế này”.
          Xin trân trọng gởi đến Đồng Đạo bốn phương đề tài “BÍ PHÁP CAO ĐÀI” để cùng nhau nghiên cứu.
Thánh Địa ngày Vía Đức CaoThượng-Phẩm
In ngày 01- 03 - Kỷ Sửu (dl 26-3-2009)
Nữ Soạn giả NGUYÊN THUỶ

CHƯƠNG I
Ba Vòng Vô Vi
Khái niệm về Bí-pháp

 Mọi vật trong trời đất không thể đơn giản như dưới mắt con người trông thấy hằng ngày mà xem thường, như mặt trời buổi sáng mọc ở phương Đông, chiều lặn ở phương Tây. Cũng như Đạo không chỉ là một sự bái lạy, đến Chùa dâng hương xá Phật như người đời thường nhận định; Mà trong sự vận hành của mặt trời phải đi theo một định luật của Tạo hoá. Người đến Chùa dâng hương là cả một tấm lòng thành kính, một sự câu thông với Càn-Khôn Vũ-trụ trong một Đức tin tuyệt đối. Còn nếu ta chưa được Đức-tin ấy là vì chưa thấu hiểu Chơn truyền Luật pháp Đại-Đạo mà thôi. Chứ không có một việc làm nào là vô ích, cử chỉ nào mà vô dụng đâu.! Tất cả đều ẩn tàng một cái gì khó giải bằng lời nói cho rõ thông được, vì nó còn bí ẩn, còn trong vòng bí mật của vũ trụ, hay nói khác hơn là ta chưa đủ ngôn từ mà diễn đạt cho chính xác được, Đạo giáo gọi đó là Bí Pháp.

Bí nghĩa là trang sức. Bí có nghĩa là rực rỡ, sáng sủa, to lớn. Ví như dưới núi có khí ấm: núi là chỗ ngưng tụ của vạn vật, trong đó tượng đủ Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ; là nơi cây cỏ, thú cầm tụ hợp. Sự tụ họp theo một luật định có thứ tự theo văn vẻ của trời đất.

Trên núi thì cây cỏ mọc xanh um, dưới có bò dê đang ăn cỏ. Sự tụ họp của loài nào theo loại ấy, kết thành cái đẹp của thiên nhiên, của Tạo hoá bày ra, cho nên dưới bàn tay của Tạo hoá không có gì là không có chủ định hay nói rõ hơn là một sự hỗn tạp cả. Ví như trâu bò thì theo giống loại của nó kết hợp mà phủ giống, chắc chắn trâu, bò sẽ sanh ra giống trâu, bò. Ngựa sinh ra ngựa, không bao giờ sai lệch ra giống khác, gọi là “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” là vậy.

Nếu lấy quẻ Dịch mà nói thì đây là quẻ SƠN HOẢ BÍ. Có nghĩa là dưới núi có ánh sáng chiếu lên núi, như vậy tượng là một sự trật tự, đẹp đẽ của Tạo hoá. Trật tự ấy là theo một luật định của Hoá công mà con người chưa thấu đáo được, chưa giải thích nỗi nên gọi là BÍ-PHÁP.

Theo cuộc sinh tồn thì thân xác ta là chỗ an trụ của kiếp sống trong cõi đời, nhưng cả đời nếu không phải là một chuyên môn như Bác-sĩ, chắc chắn ta không bao giờ thấy cả ruột gan, phèo phổi nằm theo cách thức nào trong bụng, đừng nói chi đến cả bộ não ta hoạt động như thế nào, tâm tư ta suy nghĩ đây do ai điều khiển. Sống, ta chưa hiểu phương thức sống; chết, hồn này sẽ về đâu? Tất cả những sự kiện trên gọi là Bí-Pháp vì nó quá bí ẩn trong cuộc đời. Nhưng có phải vì vậy mà không một ai thấu đáo được? - Có chứ!

Trong cửa Đạo Cao-Đài ngày nay người nắm giữ BÍ PHÁP thuộc về quyền hành của Hộ-Pháp Giáo Chủ Đạo Cao-Đài. Tức nhiên Hộ-Pháp là người nắm pháp Thiên Điều, nắm cơ mầu nhiệm của Đạo vậy.

Làm sao biết được?
Chính Đức Hộ-Pháp có  thuật lại rằng:
          “Đời quá ư bạo-tàn, cho nên Đức Chí-Tôn mới giáng trần mở Đạo cho con cái biết: các ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đều tình nguyện hạ thế cứu đời, xuống bao nhiêu lại càng mất bấy nhiêu. Trong thời-kỳ ấy Bần Đạo vâng lịnh Đức Chí Tôn xuống thế mở Đạo, thì Đức Chí-Tôn mới hỏi rằng:
           - Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở Bí pháp
trước hay là mở Thể-pháp trước?

           Bần-Đạo trả lời:
           - Xin mở Bí-Pháp trước.
          
   - Chí-Tôn nói:
           - Nếu con mở Bí-Pháp trước thì phải khổ đa! Đang lúc đời cạnh-tranh tàn bạo, nếu mở Bí Pháp trước, cả sự bí-mật huyền-vi của Đạo, Đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào?

           Vì thế nên mở Thể-pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn mặt Bí Pháp còn là Đạo còn.
            - Bí-pháp là Hiệp-Thiên-Đài giữ.                                                       
           - Thể pháp là Cửu Trùng Đài mở mang bành trướng về mặt phổ thông chơn giáo”.

Đức Ngài còn cho biết:
“Bí-pháp Chơn truyền của Đức Chí-Tôn ấy là một thuyết pháp trọng yếu khó-khăn hơn hết.

Các nền Tôn-giáo đương nhiên bây giờ nếu gọi là thất chơn truyền, thì thất chơn truyền do đâu?
- Do tại Bí-pháp không đúng lương tri lương năng của loài người, lương tri lương năng của mỗi người đương thời buổi này đã đạt đến mức cao thượng, trọng hệ là những triết-lý đơn sơ buổi nọ của các nền Tôn giáo để tại mặt thế này, hồi buổi Thượng cổ không cầm được quyền năng cùng tâm lý của nhân loại trong khuôn-khổ đạo-đức tinh-thần nữa.

Ngày nay Đức Chí-Tôn đã đến, đem nền Tôn giáo của Ngài để tại mặt thế này đặng chỉnh đốn đạo đức tinh thần từ Thượng cổ đến giờ bằng Huyền Diệu Cơ bút. Ngài đến không có quyền nào ngăn cản, Ngài dạy con cái của Ngài, Ngài  có quyền  đem Cơ  bí-mật  huyền vi Tạo đoan giáo-hóa con cái của Ngài”.

Thế nên cùng một sự việc, mà mỗi người mỗi có sự thấy khác nhau. Người Bác-sĩ rất sợ vi-trùng vì người đã từng nhìn thấy vi trùng đủ các loại qua kính hiển vi. Có thể phóng to lên hằng triệu lần, nên đã thấy rõ hình dạng và biết được sự hoành hành của nó đến mức độ nào. Đối với người thường thì thản nhiên, không hề sợ sệt vì chưa bao giờ được một lần trông thấy vi trùng !

Mọi vật trong vũ-trụ này cũng đầy sự bí mật huyền vi mầu nhiệm, không thể thấy bằng mắt thường được, nhưng vẫn có người thấu biết được. Vì sao? Vì người ta nhìn bằng con mắt thấu thị. Muốn có được con mắt thấu thị ấy phải làm sao? - Phải luyện. Phải học cho đến nơi đến chốn. Sự luyện ấy gọi là TU, là luyện đơn. Chính là sự cúng kiếng hằng ngày qua pháp Tứ thời Nhựt tụng là tu luyện cho chính mình  có con mắt thấu thị đó.

Người thấy biết được mọi vật trong cõi bí mật, vô hình gọi là Phật, tức là bậc đã giác ngộ hay nói khác đi là người đã quét sạch được lòng phàm. Trong chữ Phật gồm có bộ nhân là chỉ về người và chữ Phất là quét, tức nhiên người đã quét sạch bụi trần. Nếu xem đầu óc như một ngăn tủ trống trải thì chứa được những thứ mà ta muốn, còn tủ đã đầy ấp đồ đạc rồi thì không thể để một vật gì khác được nữa. Thế nên khi muốn làm một việc gì phải suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới làm, vì Phật thì sợ nhân, cho nên không dám gây nhân. Chúng sanh chỉ sợ quả, nên làm việc gì cứ làm liều, khi thất bại thì đau khổ.

Ví như rượu, thuốc lá là có hại, thậm chí đến như người uống rượu bị phạt, hút thuốc lá đến nơi công cộng bị cấm, nói rằng hậu quả là ung thư, là chết người, nhưng vẫn chứng nào tật nấy,  thuốc vẫn  cứ hút,  rượu vẫn  cứ uống.
Mai ngày ra sao cũng được.!

Vì tầm nhãn giới của các Đấng vô hình thấy được cả hành tàng thiện ác của chúng sanh, nên kêu gọi chúng sanh lo làm thiện, làm lành, trì trai giữ giới, đừng giết hại sanh vật, vì nó cũng là đàn em chưa tiến hoá của chúng sanh mà thôi. Nhưng cũng vì thói quen ăn uống đã nhiều đời rồi bây giờ không nhịn được. Khó lắm, ngày còn bé Mẹ đã cho ăn món ngon vật lạ, thịt này, thức kia cốt yếu cho con mau lớn, mập-mạp. Chính người Mẹ cũng không nhận ra Luật quả báo, Luân hồi là gì. Cứ cái đà ấy mà người cứ giết chóc từ con vật nhỏ đến con vật lớn, rồi tranh chấp nhau mà giết hại đến con người cũng xem là một điều tự nhiên. Tại sao có kẻ kiêng dè không giết một con ong cái kiến, mà có kẻ khác sát hại hàng loạt mà không gớm tay?

Thể Đời, nhưng với những việc cụ thể như vậy đó là Thể pháp. Hậu quả của việc làm ấy sẽ có lợi hại, nên hư đặng thất như thế nào đó là Bí-pháp của Đời.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà đạo học phân tích, nhận định rõ-ràng: Rượu, thuốc lá là Thể pháp của đời. Hậu quả chết người, bịnh ung thư là Bí-pháp của đời. Tức là Thế đạo. Như vậy Đời có Thể pháp và Bí pháp.

Cũng như một học trò mới cắp sách đến trường bắt đầu học là tu theo Thể pháp Thế đạo, một vài tháng sau, nó đọc được chữ tức là đạt được Bí-pháp Thế đạo đó. Nó cầm tờ giấy bạc đọc được, biết được giá trị đồng tiền này lớn, nhỏ…Nhìn vào tấm bảng “Cấm đi lối này!” “Không leo trèo cột điện, nguy hiểm, chết người!” Nó đọc được, nó biết tránh. Nó đạt Bí pháp Thế đạo rồi đó!

Đạo cũng vậy, khi đã ý thức cảnh đời là nơi “Sống gởi thác về”, không vĩnh cữu, thì người mới lo tiến thêm một bước học hỏi nữa là Tu theo Thiên đạo: cúng kiếng, làm công quả, bố thí, trường chay khổ hạnh, phụng sự, tất cả những thứ ấy là hành theo Thể pháp Thiên Đạo, mục đích là gì? - Tức nhiên giải thoát kiếp luân hồi sanh tử. Có thật vậy không? Chưa tin, hãy thí nghiệm.

Nay, Đạo Cao-Đài, Đức Chí-Tôn cho thờ “Thánh Tượng Thiên nhãn Thầy” tức nhiên Thầy đã trấn Thần vào đó. Sự cúng kiếng hằng ngày quì trước Thiên bàn tức là nhận “Thần” của Đức Thượng Đế đó vậy.

Tại sao những người tu thiền sai pháp thường bị một chứng gọi là “tẩu hoả nhập ma”? Thử xét lại có nhiều nguyên cớ, nhưng có một điều là nơi ngồi “Tịnh” mà điểm để họ “Luyện Thần” không có ai trấn Thần cho họ, nên khi ấy Thần lực trong người mới đầu chưa đủ sức chống lại Tà lực bên ngoài. Nhưng khi hấp thu từ-trường được mạnh rồi bất cứ ngồi nơi nào cũng được. Cần yếu nhứt là không vọng tưởng.

Bởi chữ NHÃN tức là con mắt thấu thị, gồm chữ Cấn là núi họp với chữ là mụclà mắt, do hai chữ này kết hợp lại, thế nên còn gọi là Huệ nhãn, Thần nhãn, Thánh nhãn. Do vậy thời điểm này Đạo Cao-Đài có được Bí-Pháp để chỉ rõ một thời kỳ chuyển tiếp để đến một giống dân Thần Thông Nhơn, tức là người người đều có được một sự sáng suốt, chí linh, chí diệu.

            Hỏi vậy sứ mạng Cao-Đài-giáo phải làm gì?
            “Thầy dặn rằng: Thầy đến chẳng phải lập một nền Đạo mới mà đến đặng nhắc các con rằng: Ngày tận tuyệt đã hầu gần, Quỉ Vương sắp đến, Thánh ngôn các Đạo đã khai từ thuở tạo thiên không đủ kềm thúc nhơn sanh đặng trọn lành.

            Đời càng ngày càng trở nên hung bạo, nhơn loại giết lẫn nhau, cả hoàn cầu giặc giã, bịnh chướng biến sanh, thiên tai rắp đến. Ấy là các điều Thầy đã nói tiên tri rằng: Ngày tận thế đã đến!
            Thầy  đã tạo thành đủ cả Pháp luật.
            Thầy đến chỉ độ kẻ vô Đạo chớ không phải sửa Đạo. Các con hiểu à!” (23-11 Bính Dần – 1926)

1 - Về mặt hình thành Bí-pháp:

  Trong các Bí-pháp có mầu nhiệm đắc Đạo
   Pháp Chánh-Truyền Đức Lý Giáo-Tông có dạy:
  …Nhờ Ngài và Hội-Thánh cầu khẩn, Thầy mới giáng bút truyền các Bí-pháp ấy cho Hộ-pháp:
      “Mừng thay cho nhân loại chút ít rồi. Hội-Thánh chơn truyền Tân pháp đã đạt đặng như phép “Giải-oan”, phép “Khai sanh môn”, Ban Kim quan…lại còn nhiều Bí pháp nữa mà Hộ-pháp chưa có lịnh truyền và lại bị chúng sanh và Hội-Thánh còn mờ hồ không nạp dụng. Ngày nay chẳng biết các Đấng Thiêng-liêng và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Bát-Quái-Đài đã thọ lịnh của Thầy mà hành pháp vì thuộc về quyền hành của các Đấng ấy; ngày nay mới tính sao? Trong các Bí-pháp có mầu nhiệm đắc Đạo, bây giờ các Đấng ấy cho hay là không? Thảm!...Cười. Nếu  Lão có phương chỉnh đốn nền Đạo lại thì đặng, bằng chẳng vậy, thì không có một người đắc Pháp, Cửu Trùng Đài cũng đã yểm quyền Bát Quái-Đài mà chớ!  Thật vậy đó chút”

2 - Đạo mở tức Cơ Đại-Ân-xá của Đức Chí-Tôn:

Ngài Bảo-Đạo Hồ-Tấn-Khoa có nói:
“Người mới Nhập môn vào Đạo Cao-Đài lập Minh thệ thì đặng hưởng hồng-ân là thọ phép Giải oan. Phép này rửa sạch tội tiền khiên của mình từ trước.

Phép này cũng là một Đại Ân xá những tội tình, nhưng từ ngày Nhập môn về sau thì phải gìn giữ đừng gây thêm tội mới cho đến ngày chết tức là ngày trở về với Đức Chí-Tôn (Đại-Từ-Phụ) thì được nhẹ nhàng rất nhiều.

Ngoài Bí-Pháp giải-oan này Đức Chí-Tôn còn ban cho Pháp Tắm Thánh, pháp làm Hôn phối và đặc biệt nhứt là phép xác và phép độ thăng.

Người Tín-hữu Cao-Đài nào giữ được 10 ngày chay trong mỗi tháng đổ lên được thọ truyền bửu pháp tức là hưởng được phép xác, cắt hết 7 dây oan-nghiệt. Linh hồn không còn bị ràng buộc với thi hài bởi 7 dây oan nghiệt nữa nên được xuất ra nhẹ-nhàng về cõi Thiêng liêng hằng sống.

Còn phép Độ thăng là để giúp cho linh hồn những Chức-sắc được nhập vào Bát-Quái-Đài dễ-dàng hơn”.

3 - Người Đạo Cao-Đài hành Bí pháp Đạo là lời Minh thệ:

Cho chí đến Thiên-phong Chức-sắc như hai vị Đầu-sư khi lãnh nhiệm vụ cũng phải lập Minh-Thệ.
Thánh ngôn dạy:
   “Cả thảy Môn đệ phân làm ba ban, đều quì xuống, biểu TẮC leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang, đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy triệu nó đến, rồi mới tới trước mặt Tắc, đặng Thầy trục xuất Chơn Thần nó ra, nhớ biểu Hậu, Ðức xông hương tay của chúng nó, như Em có giựt mình té thì đỡ.

Rồi biểu hai vị Ðầu Sư xuống ngai, quì, đến trước mặt Ngũ Lôi, hai tay chấp trên đầu, quì ngay bùa Kim Quang Tiên mà thề như vầy:

"Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên Ân là Thượng Trung Nhựt và Lê Văn Lịch tự Thiên Ân là Ngọc Lịch Nguyệt, thề Hoàng Thiên, Hậu Thổ, trước Bửu Pháp Ngũ Lôi rằng làm trọn Thiên Ðạo mà dìu dắt cả mấy em chúng tôi đều là Môn đệ của Cao Ðài Ngọc Ðế; nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định chẳng dám chuyên quyền mà lập thành Tả đạo; như ngày sau hữu tội thì thề có Ngũ Lôi tru diệt” (Lời thề trên có 60 chữ)

Ðến bàn Vi Hộ Pháp cũng quì xuống, vái  y vậy, đều câu sau thì như vầy:
“Như ngày sau phạm Thiên Ðiều thề có Hộ Pháp đọa Tam Ðồ bất năng thoát tục”.

Rồi mới biểu Giảng xướng lại nữa “Phục vị”, thì nhị vị Ðầu Sư trở lại ngồi trên Ngai. Chư Môn-đệ đều đến lạy mỗi người hai lạy.

Tới phiên các Môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng:
Tên gì?... Họ gì?... “Thề rằng: Từ đây biết một Ðạo Cao Ðài Ngọc Ðế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn đệ, gìn luật lệ Cao Ðài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Ðịa lục."(36 chữ)
Tới trước bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị Ðầu Sư.”

Đức Hộ pháp có dạy vào ngày rằm tháng 9 năm Bính Tuất (1946) rằng:

… “Còn nói về phần chư Môn Ðệ của Ðức Chí Tôn, từ buổi đem thân vào cửa Ðạo trong lúc Nhập môn đã quì trước Bửu Ðiện có bàn Ngũ Lôi, mà lập Minh thệ (như trên) Than ôi! Cho những người thề như vậy, mà cũng không để trọn đức tin nơi Chí Tôn lại thối bước ngã lòng, cổi áo Ðạo, dẹp khăn tu, mong mỏi xu hướng theo con đường tục lụy, cho nên mới gây tạo ra con đường lằn súng mũi đạn ngày nay.

Vậy, ai là người thất thệ với Chí Tôn thì phải sớm thức tỉnh tâm hồn, ăn năn sám hối, cầu xin Ðại Từ Phụ cùng các Ðấng Thiêng Liêng, từ bi ân xá tội lỗi tiền khiên, họa may đặng chung hưởng ân huệ của Ðức Chí Tôn ban cho sau nầy.

Ngày nào toàn thể nhơn sanh đều biết hồi đầu hướng thiện, nhìn Ðạo Trời là một Cơ Quan Cứu Thế, thật hành chủ nghĩa Thương yêu cho ra thiệt tướng thì ngày ấy mới đặng hưởng Hòa bình Đại đồng thế giới”.

Đức Hộ-pháp cũng dạy cho biết rằng:
“Về Bí pháp của Đạo cũng như triết lý của Đời, là càng đau khổ thì càng kinh nghiệm, càng thanh cao. Con đường Thiêng liêng lập vị của Đạo cũng do nơi    Pháp ấy. Thử hỏi từ ngàn xưa, biết bao vị  đắc đạo mà không nhờ trong khuôn khổ nào chăng ?

Lại có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử Đạo” là cũng trong một ý niệm ấy. Nếu thoảng như đi trên con đường lập vị thiêng liêng được sung sướng hoặc dễ dàng hoặc không cần chi phải mệt xác mệt trí, hoặc không có chịu sự khảo duợt nào về tinh thần hay hình thể, thì nhơn loại trên mặt địa cầu nầy sẽ thành Phật hết. Như thế, các em nghiệm coi phẩm trật ấy có phân biệt và quí trọng không ? Hẳn là không phân biệt rồi.

Vậy các em nên hiểu điều đó để lướt qua mọi trở ngại thử thách đặng kíp sớm cho các em đoạt được sở  hành  phi  phàm đó vậy.”

4 - Đạo Cao-Đài có Thể-pháp và Bí-pháp:
Nay là thời-kỳ Hạ nguơn Tam chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển, Đức Chí-Tôn mở ra mối Đạo Trời là cơ Đại Ân xá cho nhân lọai. Cơ Đại Ân xá này được thực hiện ở mọi nơi, mọi chỗ và bằng nhiều phương thức khác nhau:

“Đức Chí-Tôn để cả hai triết-lý cho nhơn-loại biết sự thật. Bởi cớ cho nên Đức Chí-Tôn đến: Ngài đến đặng giải một triết lý, một công-lý hiện hữu tại mặt thế gian này: Sự chơn thật.
Ngài đã giải sự chơn thật.

Phải hiểu Thể-pháp, biết Thể-pháp rồi mới thấu đến Bí-pháp. Khó lắm! Phải để tinh-thần tìm hiểu cho lắm! Khó lắm! phải rán học cho lắm mới có thể đoạt đặng! Điều rất khó-khăn là phải viết sách.”
ĐHP 5-4 Kỷ-Sửu)

Vì : “Có Thể pháp thì có Bí-pháp!
Các vị Giáo-chủ cũng phải tùng theo khuôn luật đó, một nền Tôn giáo có:
- Thể-pháp là cơ-quan giải khổ cho chúng sanh, tức nhiên phải có:

- Bí-Pháp đặng làm cơ-quan giải thoát cho chúng sanh. Hễ độ phần xác tức nhiên phải độ phần hồn cho toàn vẹn. Một nền Tôn giáo đã xuất hiện tại thế gian này dầu Thể-pháp cao siêu bao nhiêu đi nữa, nếu không có Bí pháp làm tướng diện căn bản thì nền Tôn giáo ấy chỉ là Bàng môn tả đạo mà thôi”.
                       (ĐHP: 9-4 Kỷ Sửu 1949)

CHƯƠNG II

A - NHỮNG HÌNH THỨC GỌI LÀ BÍ PHÁP
TRONG NỀN ĐẠI ĐẠO
Bí pháp 
A: The sacrament.
P: Le sacrement.
Bí: sáng rỡ. Giấu kín, không hở ra cho ai biết.
Pháp: có nghĩa là pháp thuật, phương pháp.
Bí Pháp là những pháp thuật huyền diệu, mà khi thi hành sẽ có những hiệu quả thiêng liêng mà ta không thể dùng trí phàm hiểu biết hết được.

Đây là những Bí Pháp Chơn truyền của Đại-Đạo.
Trong cửa Ðạo Cao Ðài, Ðức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Ðức Chí Tôn truyền cho các Chức sắc vào hàng Thánh Thể của Cửu Trùng Đài và Hiệp-Thiên-Đài hay Phước Thiện đi hành đạo ở địa phương bảy Pháp sau đây để cứu độ nhơn sanh phần xác cũng như phần hồn, hầu giúp cho công cuộc Phổ Độ nhơn sanh được kết quả:
   1 - Phép Tắm Thánh.                           2 - Phép Giải Oan.
   3 - Phép Hôn Phối.                              4 - Phép Giải bịnh.    
   5 - Phép Xác                                      6 - Phép Ðoạn Căn.    
                                                              7 - Phép Ðộ Thăng.

Tương tự: Bên Thiên Chúa giáo cũng có bảy Bí Pháp dành cho “Con chiên của Chúa” là:
          1 - Phép Rửa tội   2 - Thêm sức   
          3 - Thánh Thể.                 4 - Giải tội   
          5 - Xức dầu                     6 -Truyền chức
                                      7 - Hôn phối.

1 - Bí pháp xưng tội

Chơn-truyền từ trước đến nay Đức Chí-Tôn để tại mặt thế trên các Đạo: Phật, Tiên, Thánh, là phương để gội rửa linh-hồn mà thôi. Đức Hộ-Pháp nói:
           “Nhứt là Đạo Thiên Chúa có phép xưng tội là một Bí pháp, nhưng ta không hiểu tại sao Chí-Tôn lại không truyền chơn-pháp.
           Ta nghĩ, có lẽ Đức Chúa Jésus-Christ đã ban quyền cho những đại-diện của Ngài tức là người cầm quyền Hội Thánh có đủ năng-lực xá tội, nhưng trong hai đàng là kẻ xá tội và kẻ xưng tội; cũng có lẽ có người không thực tâm xưng tội, hoặc người không xứng đáng là ngừơi xá tội. Nếu xét ra người đến xưng tội và người xá tội cũng đều là phàm cả, chưa biết người này có xá tội được cho người kia chăng? Thảng không đủ quyền tha tội càng thêm mang tội hơn nữa. Hễ có tội tức là có hình, có hình tức có phạt, có phạt phải thành án, mà án tiêu mới hết tội. Nên hễ có tội thì phải trả, mà có trả rồi thì hết tội”..
(Đức Hộ-Pháp 1-7 Mậu Tý 1948)

2 - Nhận dạng Bí tích

Tại sao cũng thời là người mà không ai giống ai? Trách nhiệm, quyền hành cũng không giống nhau? Cuộc đời thăng trầm cũng không giống nhau? Có ai biết được?

Nhưng duy chỉ biết được một phần nào trong cái cơ vi bí mật của Tạo hoá có thể từ trong kiếp trước, nay qua kiếp này còn lại một ít dấu tích mà người “sành đời” mới nhận biết hay đoán ra được thôi. Đó gọi là Bí tích.

Trong cửa Đạo Cao-Đài ngày nay: Một Đấng mà toàn Đạo rất là tôn trọng đây là Đức Hộ-Pháp, có ai biết được Ngài là ai? Cũng vì theo trí phàm mà trước đây có nhiều sự ngộ nhận về Ngài, vì nghĩ rằng Ngài nhỏ tuổi  không quyền thế, nên coi thường Ngài. Đến khi có Luật, Pháp, phân ngôi cao thấp thì sinh ra ganh tỵ, không nễ nang nhau, vì ngỡ rằng Ngài nhỏ tuổi thì cái gì cũng nhỏ, Đức Chí-Tôn cho là lầm lắm!

Đức Hộ-Pháp là hiện thân của Đức Chúa Jésus Christ.

Làm sao biết được?
Trong năm 1956, thời gian Ngài còn lưu vong nơi Miên Quốc, Kim biên Tông Đạo. Công việc tắm rửa cho Ngài là của Ba Hiệu, hôm ấy Ba Hiệu bị cảm không lo cho Ngài được nên nhờ Ông Út Thoại (Hữu Phan Quân Lê Văn-Thoại) làm thay. Đang tắm kỳ lưng cho Ngài thấy sau lưng hiện lên một Thiên-Nhãn hào quang sáng chói, trông việc lạ, ông quan sát tiếp thấy bên hông có vết sẹo lớn và hai bàn tay cũng như hai bàn chân có dấu đóng đinh, còn trước trán hiện lên chữ Vạn . Khi tắm xong và mặc đồ cho Ngài rồi, ông Thoại tự tay đóng cửa phòng tắm lại, đoạn quì xuống bạch với Đức Ngài rằng:
 “Có phải Thầy là Chúa Jésus Christ Hộ-Pháp Di  Đà không?”

Đức Hộ-Pháp quở:
- “Đồ quái gỡ. Ai bảo con hỏi?”

Ông Thoại bạch:
- Thưa Thầy do con thấy Thiên Nhãn sau lưng Thầy và trước trán hiện lên chữ Vạn và vết sẹo do CHÚA bị đóng đinh trên Thập Tự giá”.

Đức Thầy dạy:
- “Con không được tiết lộ nghe!”

Ông Phạm Công Tắc nguơn linh là Ngự Mã Thiên Quân Hộ-Pháp Di-Đà. Hiện Ngài nắm Ba Châu trên cõi Trời, nên nhơn sanh niệm danh Ngài là “Nam mô Tam Châu Bát Bộ Hộ-Pháp Thiên Tôn”. Nhưng khi ngự ngai thì mặc Đại phục có Mão và “Người phải mặc giáp, đầu đội Kim Khôi toàn bằng Vàng, trên Kim Khôi có thể Tam Sơn, giống như cái chỉa ba ngạnh, chủ nghĩa là Chưởng Quản Tam Thiên bên Tây Phương Cực Lạc”. (PCT)

Do đó mà khi thuyết giảng Đức Ngài có dạy rằng lẽ ra câu niệm phải là “Nam mô Tam Thiên Thế giới Hộ pháp giáng lâm” nhưng vì đã thành thói quen niệm như trên nên không sửa.

Đức Hộ-Pháp nói về quyền hành của Ngài:
“Bần Đạo duy muốn làm Bạn với con cái Ngài, nên phẩm vị PHẬT SỐNG của Đức Chí Tôn để cho Bần Đạo, mà Bần Đạo chưa có ngồi. Ấy vậy mê tín dị đoan trong cửa Đạo Cao Đài không có và không cần có, quả quyết hẳn vậy, nên đình lại Bí pháp chơn truyền, nếu thuyết ra là lấy cái quyền năng mê tín dị đoan mà thắng thiên hạ là một điều hèn nhát nên Bần Đạo không dùng, để khi nào dùng được Bần-Đạo sẽ dùng. Bần Đạo hứa chắc sẽ giáo hóa cho con cái Đức Chí Tôn mà thôi”.

Đức Hộ-Pháp làm phận sự của Chí-Tôn giao phó.
 Đức Ngài nói:
“Chỉ Qua biết phận sự của Qua là Đại-Từ-Phụ giao phó với một lời yếu thiết như thế này:

- Tắc, đời quá khổ chẳng phải khổ về xác thịt mà thôi, mà lại khổ đến tinh thần nữa, nạn của nhơn loại tương tàn tương sát sắp đến. Thầy giao cho con một cây CỜ CỨU KHỔ, chẳng phải cứu khổ tinh thần mà thôi, lại lẫn cả thể xác nữa. Trọng hệ hơn hết là điều ấy Thầy giao phó cho con, nhưng mà con phải hiểu: có khổ về tinh thần mới biến sanh ra khổ của thể xác.

Thầy nói rõ Thầy giao cho một gánh Đạo và Đời.
Thực sự ra Bần Đạo xin thú thật, gánh của Đạo chẳng hề khi nào làm cho Bần-Đạo khủng khiếp. Duy có gánh của Đời, Ngài giao phó nó nặng nề hơn hết…”

Về việc “Bí Tích” này Ông Thoại rất tôn kính và giữ nơi lòng không dám nói ra cho một ai biết. Chỉ duy ông Sĩ-Tải Huỳnh-Văn Hưởng thuở sanh tiền thường ghi chép tài liệu và thân cận với Ông Hữu Phan Quân Lê văn Thoại nên có ghi lại. Tình cờ tôi biết được, nhưng hai vị này còn sinh thời, tôi không dám tiết lộ sớm, nhân có một em ở Tiền giang yêu cầu tôi nên viết về những bí sử, tôi vẫn còn e ngại, nhân hôm nay thấy ông Thanh Minh đã phổ biến những vấn đề này tôi mới tùng theo và ghi vào quyển “Bí pháp Cao-Đài” mà tôi đang soạn.

Được biết Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là Ngự Mã Thiên Quân tức là người đánh xe (ngự là đánh xe) của Đức Ngọc Đế, giáng trần làm Hộ Pháp cầm cây Kim Tiên, còn cây Giáng Ma Xử trấn ở Thiên môn. Mãi đến khi Đức Hộ-Pháp triều Thiên rồi mới dám viết nên lời này: “Đức Ngài chính là Chúa Jésus Christ Hộ-Pháp Di Đà” đó vậy.

 Trong tài liệu này vị Phạm Thanh có đề cập đến thuở xưa Đức Di-Lạc đang tắm với ông Cư-sĩ họ Trần nơi suối Trường Đình, đưa lưng nhờ ông Cư sĩ kỳ giùm, bỗng thấy hiện bốn Thiên Nhãn sau lưng Phật Di-Lạc.

Sự so-sánh này để thấy vào hàng Phật thì có nhãn quang chiếu khắp cõi ta bà để cứu nhơn độ thế. Phật Di Lạc là một trong ba vị Cổ-Phật là: Nhiên Đăng, Di-Đà và Di-Lạc. Còn Hộ-Pháp Di-Đà là Ngự Mã Thiên Quân của Đức Chí-Tôn thay thế cho Ngài giáng trần chuyển Pháp lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Ngài là Đấng thay quyền cho Cực-Lạc Thế giới chuyển pháp.

Nhân đó, nhìn  trong Đạo  phục  của Chức sắc Đại
Thiên phong bên Cửu Trùng Đài như Chưởng Pháp phái Ngọc “Bộ Ðại Phục thì toàn bằng màu hồng (màu Ðạo) nơi trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí (PCT)”.
(Chưởng Pháp phái Thượng cũng như trên nhưng đặc biệt thay bằng màu Trắng)

- Ngoài ra thì Pháp Chánh Truyền còn dạy rõ là phẩm Giáo sư “nơi trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy, bao quanh một vòng vô vi, áo ba dải”.

- Chánh Phối Sư thì áo chín dải, còn Phối Sư ba dải. Ðạo Phục cũng có hai bộ phân biệt (Ðại Phục và Tiểu Phục) như của vị Ðầu Sư, song trước ngực và sau lưng có thêu Thiên Nhãn Thầy bao quanh một vòng vô vi.

- Riêng Đầu sư thì khác, nơi trước ngực và sau lưng có “thêu sáu chữ Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ, bao quanh ba vòng vô vi”.

Thiên Nhãn ở trước ngực là sự nhập tâm về giáo lý, giáo pháp của Đại-Đạo. Thiên Nhãn ở sau lưng là sự phát huy lý Đạo, như hào quang chiếu diệu khắp nơi để Phổ Độ chúng sanh trong cơ chuyển thế và cứu thế này. Nhưng đây chỉ là “thêu Thiên Nhãn”.Còn Thiên Nhãn thực thì mỗi người phải ra công tu tập mới có được vậy.

3 - Hỏi vậy ngày xưa Chúa đã chịu nạn cho
nhân loại như thế nào?
Đức Hộ-Pháp nói:
“Ðức Chúa Jésus-Christ thương nhơn loại một cách nồng nàn thâm thúy. Bởi Ngài đã ngó thấy:
- Nhứt Kỳ Phổ-Ðộ nhơn loại ký Hòa-ước với Chí Tôn mà đã bội ước, nên phạm Thiên-Ðiều, nhân-quả nhơn loại gớm ghiết. Do nhân-quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trữ đến ngày nay, Thánh-Giáo gọi là “Tội Tổ tông”.

           - Chính mình Ngài đến, đến với một xác thịt phàm phu, Ngài đến giơ tay để ký Đệ Nhị Hòa ước với Ðức Chí Tôn chịu tội cho nhơn loại, ký đệ nhị Hòa-ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về cùng Ðấng Cha lành của họ tức nhiên là Ðức Chí-Tôn, là Ðại Từ-Phụ chúng ta ngày nay đó vậy.

Ðấng ấy vô tận vô biên, thấy nạn của nhơn loại đã dẫy-đầy, Ngài chỉ xuống tại mặt thế nầy làm con tế vật đặng chuộc tội tình cho nhơn loại, mà lại còn đem quyền của Chí-Tôn để nơi tay của nhơn loại, bàn tay đó đã ký đệ nhị Hòa-ước cho nhơn loại, nó làm cho Ngài thế nào?

- Do tay Ngài ký tờ Hòa ước với Chí Tôn, nên hai tay của Ngài bị đóng đinh trên cây Thập Tự giá. Hai chân của Ðấng ấy đã đi trước nhơn loại dìu đường hằng sống cho họ, rồi hai chân của Ðấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây Thánh-Giá, còn trái tim yêu ái nhơn sanh vô hạn ấy bị một mũi kiếm vô tình đâm ngay cạnh hông của Ngài, lấy giọt máu cuối cùng đó đặng cứu nhơn loại, một tình ái vô biên ấy để lại cho loài người một tôn chỉ yêu ái. Tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh em cốt nhục và khuyên nhủ nhơn loại coi nhau như đồng chủng.

“Ðức Chúa Jésus Christ đã lấy máu thịt đặng chuộc tội cho loài người. Giờ phút nầy là giờ hiển Thánh của Ngài dùng quyền hành yêu ái vô biên của Ðức Chí Tôn mà tha tội cho nhơn loại đó vậy”.

Làm sao biết được Đức Hộ-Pháp là hậu thân của Đức Chúa? – Bài thi khoán thủ “Hộ-Pháp Chưởng Quản  Nhị Hữu Hình Đài” có câu:
Nhị kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ.

Nếu kiếp thứ nhì Người đến thế này cầm máy tạo nơi “Tây Âu” do Thiên thơ định đoạt là Đức Chúa Jésus, thì kiếp thứ nhứt là ai? – Chính là Phật Thích Ca.

Còn kiếp thứ ba hay kiếp hiện tại là Hộ-Pháp Phạm Công Tắc. Qua “bức hình ba mặt” thì gồm có Hộ pháp, Phật Thích Ca và Đức Chúa, cho ta kết luận ấy. Tức là ngày nay thì Ngài: “Hữu duyên Đông Á nắm Thiên thơ”. Chính Đức Ngài đang hành quyền Hộ-Pháp đó vậy.

Hiện tại hàng rào quanh Hộ-Pháp-Đường là hình ảnh Thập Tự Giá trang trí thành những cây sắt đứng, cốt để nhắc nhở cho nhơn sanh thấy rằng biểu tượng “Thập Tự Giá” là hình ảnh của Chúa Cứu Thế đó.

Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có trả lời Đức Hộ-Pháp về nguyên linh VI-HỘ khi Ngài cầu hỏi:
(Báo Ân Đường Kiêm Biên, ngày 15-8-Bính Thân (dl 19-9-1956). Phò loan: Hộ Pháp - Bảo Đạo)
- “Phải! Thì trước đầu kiếp vào nhà họ VI, còn nay vào nhà họ PHẠM. Điều đó có chi khó hiểu mà phỏng đoán. Tiên tri của Bần Tăng đã nhiều và chỉ rõ Việt Nam xuất Thánh thì đã hẳn rồi, còn chi không rõ rệt. Hơn nữa lại còn một điều trọng hệ hơn là DI-LẠC giáng linh, thì Thiên Tôn đã thấy rằng, tiên tri vốn không sai sót.…. Vui mừng hơn nữa là từ đây thiên hạ sẽ hiểu rõ Thánh chất của Thiên Tôn và ngọn cờ cứu khổ sẽ cứu quốc cho giống nòi Việt Nam, rồi loan ra cho toàn thế giới chung hưởng.”

Quả thật ngày nay Vi Hộ đắc quả Phật Hộ Pháp, gọi là VI HỘ PHÁP,hộ giá Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Vi Hộ Pháp đầu kiếp xuống trần vào nhà họ Phạm, tên là Phạm Công Tắc, làm Tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo cứu Đời

B - Tìm hiểu nguơn linh của các bậc tiền bối:

Trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nầy, Bát Tiên lâm  trần độ chúng sanh bằng thi phàm xác thịt là các ông:
   1 . Lê Văn Trung.                    2 . Cao Quỳnh Cư .
   3 . Cao Hoài Sang.                  4 . Ca Minh Chương .
   5 . Lâm Quang Bính.                6 . Huỳnh Hương Hồ.
   7 . Vương Quan Kỳ.                8 . Ngô Văn Chiêu.

BÁT TIÊN LÂM TRẦN

Việc chi trên cõi vũ trụ tuần hoàn này cũng do Thiên Thơ định sẵn. Lúc mới thâu Môn đệ đầu tiên, Đức Chí Tôn đã dùng Huyền diệu cho Ngài Ngô văn Chiêu thấy cảnh Bồng Lai để ham Đạo mà tu hành, làm người nhân chứng thứ nhứt trong cửa Đạo. Chính cảnh Bồng Lai báo hiệu cho Bát Tiên giáng phàm lập Đạo cứu đời.

Vào đêm 17-6-Qúi Hợi (dl 30-7-1923) tại Miếu Nổi, Tào Quốc Cựu giáng cơ khuyên tu như sau:
“Chư Nhu có phước có duyên nên mới gặp Đạo ở kỳ thứ ba “Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ”. Tiên Thánh đều lâm phàm mà độ kẻ nguyên nhân”(Đại Đạo căn nguyên)

Miếu Nổi nằm trên cồn đất độ trăm thước ở giữa sông Bến Cát, một nhánh của sông Bình Lợi (Gia định). Theo sách Tử Nguyên và Quảng sự Loại, Bát Tiên là những người phàm tu thành Tiên. Kể thứ tự như sau:

1 . Lý Thiết Quả .      2 . Chung Ly Quyền .
3 . Lữ Đồng Tân  .     4 . Trương Quả Lão .
5 . Lam Thể Hòa  .    6 . Hà Tiên Cô .
7 . Hàn Tương Tử.    8 . Tào Quốc Cựu.

Trước tiên Ðức Lão Tử độ Lý Thiết Quả; sau khi đắc đạo, Lý Thiết Quả độ Hớn Chung Ly và Hớn Chung Ly độ Lữ Ðồng Tân. Độ tất cả tám người thì lập thành Bát Tiên. Lữ Ðồng Tân là Đệ tử của Hớn Chung Ly.

1 - Lý Thiết Quả hay  Lý Ngưng Dương.
Là nguơn linh của Ông Lê Văn Trung.
(1876 - 1934)
Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.

Lý Thiết Quả người đất Giáp, sinh đời nhà Tùy, tên là Hồng Thủy, tiểu tự Thiết Quả (hay Quẩy). Người khôi ngô, tu luyện ở Nham Động. Trước khi xuất Chơn thần đi học với Đức Lão Tử, Thiết Quả dặn đệ tử: giữ xác Ta ở đây, hồn Ta đi trong 7 ngày. Sau thời gian đó Ta không về thì hủy xác. Mới 6 ngày, mẹ học trò bị chết, người học trò vội hủy xác Thầy. Lý Thiết Quả xong việc trở về, không thấy xác, nhập vào tử thi của một kẻ hành khất. Ngài biến bị và gậy của kẻ ăn mày thành “Bầu Hồ lô và gậy sắt” làm Bửu pháp của Ngài. Do đó, Lý Thiết Quả chân què, mặt và thân hình xấu xí, tay cầm bầu rượu.

Đức Lý Ngưng Dương hay Lý Thiết Quả cho thi:

“Đại hỉ chư Đạo-hữu:
Trời đất riêng tay giữ một bầu,
Ngàn mây dặm gió gót chơn thâu.
Rừng tòng thong-thả nhàn ra dạo,
Đền Ngọc thung-dung rảnh đến chầu.
Thoát tục sớm dìu nên Bảy bạn,
Dẫn phàm nay rảo khắp Năm châu.
Thế trần mừng gặp Tam-Kỳ độ,
Biển khổ thuyền đưa khách lánh sầu.
                                                  Lý-Ngưng-Dương

Hai vị nầy có điểm giống nhau là hay cứu người.
Ngài Lê văn Trung quê ở Chợ Lớn, sinh ra trong một gia đình Nho phong. Ông rất thông minh năm 17 tuổi đã được bổ vào ngạch Thư ký Soái phủ Nam Kỳ. Năm 1906, ông đắc cử Hội Đồng Quản Hạt. Năm 1911, ông đề xướng trường Nữ Học Đường, được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh. Ông Lê văn Trung được Đức Cao Thượng Phẩm  độ vào cửa Đạo năm Ất Sửu (Dl 6-10-1925).

Ông từ chức Nghị viên, phế đời hành Đạo:
Ngày 23-4-1925 đắc phong Đầu Sư, Thánh danh Thượng Trung Nhựt.
Ngày 03-10-Canh Ngọ (1930)  Đức Lý Giáo Tông ban cho Ngài phẩm “Quyền Giáo Tông” hữu hình.
Đức Quyền Giáo-Tông Lê văn Trung hành Đạo: Tính từ ngày Khai Đạo là 15-10- Bính Dần (19-11-1926)

Lúc Ngài qui Tiên ngày 13-10-Giáp Tuất (19-11-1934).
đúng 8 năm tròn, không thừa không thiếu 1 ngày. Điều ấy đúng vào con số Bát Tiên mà Ngài là vị Tiên trưởng. Về lý Đạo thì Ngài đã nắm trọn Bát Quái Cao Đài vào tay.Ấy là Đấng đã “thay Trời tạo thế” trong nền Đại-Đạo.

Tượng Đức Quyền Giáo-Tông LÊ VĂN TRUNG đứng trên quả đất đặt trước Bạch Ngọc Chung Đài (lầu chuông) của Đền Thánh. Nguơn linh Ngài là Lý Ngưng Dương hay là Lý Thiết Quả.

Hiện nay Tháp của Ngài đặt phía sau Bát Quái Đài Đền Thánh - Toà Thánh Tây Ninh-.

Đức Hộ Pháp đề Thần Lý Ngưng Dương du Nam:
Bầu linh gậy sắt quảy du Nam,
Nương bóng Từ Bi đến cõi phàm…
Bảy Bạn  ai còn nơi cõi thế,
Đông du xin nhắc chuyện ông Lam.
                                                              (1949)

- Tượng, Đức Quyền Giáo Tông tay trái cầm gậy sắt, tay phải cầm quyển Thiên Thơ (Bộ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển) đúng câu “Cầm mối Thiên Thơ lo cứu chúng”.

Cũng nên phân biệt những quyển sách có trên các bức Tượng trong Đền Thánh như:
- Đức Khổng-Tử tay cầm quyển sách cuộn tròn ấy là Bộ Xuân-Thu mà bình sinh Đức Ngài đã san định. Nay là buổi Cao-Đài Đại-Đạo nên bộ Xuân Thu trở thành Cổ pháp của Đạo Thánh, là một trong Cổ-pháp Tam giáo:
“Xuân-Thu, Phất chủ, Bát-vu,
“Hiệp qui Tam-giáo hữu cầu chí chơn”.
                                                              (Kinh Phật-Mẫu)

- Đức Quan-Thánh tay cầm sách mở ra, cũng là bộ Xuân-Thu, nhưng Đức Quan-Thánh là người học ở Bộ Xuân Thu, lập chí từ đó “Chí tại Xuân Thu tâm tại Hớn”.
Như vậy là có cả thảy ba bộ sách cũng vừa đủ cho  người Cao Đài suốt thông lý Đạo, là số ba tròn đầy rồi!

Như vậy Giáo Tông trong cửa Đạo có các Ngài:
- Lý Đại Tiên Trưởng kiêm Giáo-Tông Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ là Giáo-Tông chánh vị, thuộc về Thần.
- Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, chỉ mới “Quyền” thuộc về Khí.
- Ngài Ngô văn Chiêu thì Đức Chí-Tôn định ban phẩm Giáo-Tông, trong thời gian 10 ngày thì bị biếm. Nhưng Ngài cũng có công “mời gọi” các bậc lương sanh, truyền lại phương thức thờ Thiên Nhãn Thầy, thuộc Tinh.

Vậy Tinh - Khí - Thần đã đủ. Thế nên trong cửa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ này không một ai có quyền xưng là Giáo-Tông nữa cả.

Thánh ngôn Đức Lý có dạy ngày 19 - 3- 1928:
 “Ðại hỉ, Ðại hỉ ! Cười... Lão cũng nên cắt nghĩa phẩm vị của chư Hiền hữu. Tỷ như ngôi của Thượng Ðầu Sư, Ngọc Ðầu Sư, Thái Ðầu Sư, Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, hay là Giáo Tông của Lão đi nữa, dầu ngày sau có nhượng cho ai, thì họ ngồi địa vị của mình, chớ chẳng hề ở thế nầy có hai Thái Bạch, hai Thượng Trung Nhựt, hai Ngọc Lịch Nguyệt, hai Thái Nương Tinh, hai Hộ Pháp, hai Thượng Phẩm, hai Thượng Sanh bao giờ, hiểu à!”

2 - Hớn Chung Ly hay Chung Ly Quyền
Là Nguơn linh ông Cao Quỳnh Cư
(1887-1929)
Thượng Phẩm Hiệp-Thiên-Đài

Do điển tích “Hớn rước Diêu Trì” nơi Báo-Ân-Từ:
Vốn là Vua Hớn Vũ Đế có lòng mộ Đạo và sùng kính ĐỨC DIÊU-TRÌ-KIM-MẪU hơn hết trong các triều đại. Ngài là Vua thứ V của nhà Hán (Hớn) bên Tàu khoảng 141-87 trước Tây lịch, nghĩa là cách nay hơn 2.000 năm, Ngài có lập một cảnh chùa cực kỳ tráng lệ gọi là Hoa Điện để sùng kính Đức Diêu-Trì. Nhân ngày lục tuần, Ngài thiết lễ ăn mừng, được một vị Tiên ĐÔNG PHƯƠNG SÓC đến mách bảo cho cách thức để thỉnh Đức Phật Mẫu Diêu-Trì về ngự.

Thường, Đức Mẹ Diêu Trì cỡi con chim Thanh loan tức là con chim linh của Đức Phật-Mẫu. Theo hầu, có 4 vị Tiên-Đồng Nữ Nhạc là: Hứa Phi Yến, An Phát Trinh,  Đổng song Thanh, Vương Tử Phá. Đồng thời có 9 vị Tiên Nương theo sau Đức Phật Mẫu. Khi đến ngự nơi Hoa Điện Đức Phật Mẫu có ban cho HỚN VÕ ĐẾ bốn quả Đào Tiên. Ông Đông Phương Sóc hai tay nâng cái dĩa để nhận tặng vật ấy.

Do theo điển tích này mà trên bức hình đều được đắp tượng nổi để tỏ lòng ngưỡng vọng Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU. Hình ảnh Hớn-Võ-Đế đắp theo gương mặt của Đức Cao Thượng Phẩm, vì chính  Đức Cao Thượng Phẩm là hậu thân của Hớn Chung Ly hay còn gọi là nguơn linh của  Ngài.

Cuối năm Tân Mão (1951) Báo-Ân-Từ xưa bị hư mục qua 20 năm, giờ này được chuẩn bị để kiến tạo lại ngôi Báo Ân Từ cho khang trang. Phần trang trí được tạo dưới hình thức mới mẻ hơn, đắp vẽ bằng Tượng nổi do theo điển tích “HỚN RƯỚC DIÊU TRÌ”nói trên.

Hớn Chung Ly do từ tên Chung Ly Quyền, tự Vân Phòng, người đất Hàm Dương, làm tướng đời Hớn. Chung Ly râu dài, mặt sáng, mình cao tám thước nên được vua Hớn phong làm Nguyên soái đi đánh quân Phiên. Lý Thiết Quả thấy Chung Ly ham chinh chiến nên khiến cho thất trận chạy lạc vào núi gặp Đệ tử của ông là Đông Huê. Ông ấy mời cơm chay rồi nói “Công danh như bọt nước, phú quí như đèn trước gió. Thừa dịp này, Tướng quân nên đi tu, ham chi phú quí”.        

Chung Ly hỏi: Luyện phép chi được sống lâu?

Đông Huê đáp: Trống lòng là đừng lo chi cả, đặc bụng là không đam mê sắc dục, lo gì không trường thọ. Chung Ly Quyền xin thọ giáo. Sau gặp Chính Dương Chơn Nhơn truyền thêm phép Tiên và đắc Đạo. Tay ông cầm cây Long Tu Phiến (quạt kết bằng râu Rồng).

Hớn Chung Ly giáng Cơ:
“Chư Đạo-hữu may mắn thay, gặp đường Chánh giáo, chớ dần-dà, trễ công thiếu quả, mà chẳng đến thang Thiêng-liêng kịp thì Hội vị. Lão mong ngày Đạo khải hoàn, chư Đạo-hữu nên gắng sức. Đường cũng chẳng bao xa, miễn hiệp đồng nhứt tâm vì sanh chúng, sau còn ngày gặp-gỡ.  Cho thi:
Rảo khắp non sông dặm trải qua,
Bì gương nhựt nguyệt tác không già.
Biển trần nay gặp kỳ dìu chúng,
Muôn dặm đèn soi đã có TA !
                                                                                                 Hớn-Chung-Ly

Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, nguơn linh là Hớn Chung Ly trong Bát Tiên và tiền thân là vua Hớn Võ
Ðế xưa. Ban đầu Bát Tiên do Lý Thiết Quả cầm đầu.

Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư Chưởng quản chi Đạo (Hiệp Thiên Đài) tuổi Mậu Tý (1888). Qui thiên ngày 1 tháng 3 năm Quí-Tỵ (1929).

 “Đức Cao Thượng Phẩm làm sứ-mạng của Chí Tôn đến tạo dựng nền Tôn giáo tại thế này. Người cùng với Đức Hộ-Pháp họp thành cặp cơ phong Thánh lập Pháp Chánh truyền và Tân-luật để làm Hiến-chương cho nền Quốc Đạo.

 “Chúng ta phải nhìn-nhận đầu công khai Đạo của Đức Cao Thượng-Phẩm, vì nếu thiếu bàn tay xây dựng của Người để chấp Cơ cùng Hộ-Pháp thì:
- Đâu có Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ.
- Đâu có Chức-sắc Thiên-phong Nam Nữ.
- Đâu có Hội-Thánh và các cơ-quan trong Đạo.
- Đâu có Pháp-Chánh-Truyền và Tân-luật.
- Đâu có đại-nghiệp hiện giờ cho nhơn-sanh thừa hưởng.”

Đến khi khởi công xây dựng Thánh Thất tức là nhà chung của Đạo (là Thánh-Thất tạm trước khi xây Đền Thánh bây giờ) thì Đức Thượng-Phẩm là người đứng ra cùng góp công với nhân-sanh bứng gốc phá chồi, thật là Đấng đã khai sơn phá thạch cùng với Đức Hộ-Pháp tạo nên một ngôi thờ phượng khang-trang, một ngôi Tổ đình lưu lại cho nhơn-sanh một đức-tin tuyệt-đối. Nhưng đại nghiệp ấy mới nửa chừng Người phải về Thiêng-liêng làm nhiệm-vụ của Đức Chí-Tôn giao-phó, đành buông gánh Đạo lại cho Đức Hộ-Pháp một tay lèo-lái. Với hai Đấng đầu công thật là công-trình vẹn-vẻ, vừa lo phần Thể pháp, vừa thực hiện Bí-Pháp của Đạo, hai Ngài đã thể hiện cơ Âm Dương tương đắc vậy.

Với lời minh-chứng của Đức Hộ-Pháp như sau:
 “Bần-Đạo xin nhắc lại, xin làm chứng cho cả thảy con cái Đức Chí-Tôn: Nam Nữ cũng vậy. Nếu toàn thể con cái của Ngài một đôi triệu chơn linh mà có Đức-tin vững chắc như Đức-tin của:
- Đức Thượng-Phẩm Cao Quỳnh-Cư,
- Đức Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt,
- Hộ-pháp Phạm-Công-Tắc.

Nếu cả thảy đều có Đức-tin vững-vàng dường ấy Bần-Đạo dám nói chắc rằng: Các người dời núi Bà xuống châu-thành Sài-gòn cũng đặng. Có thể nói: nền Đạo Cao Đài này thiệt-hiện được như ngày nay là nhờ Đức-tin của Thượng-Trung Nhựt.”

Đức Hộ-Pháp nói lý do:
“Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn buổi nọ còn lại có ba người. Thật ra hồi ban sơ chỉ có ba người. Ba người ấy thiên-hạ kêu là ba người lỳ, ba người ấy là:
- Đức Cao-Thượng-Phẩm    
- Đức Quyền Giáo-Tông      
- Và Bần-Đạo đây (Hộ-pháp)

 “Chúng tôi nhứt tâm, nhứt trí quyết làm cho thành Đạo, cho vừa lòng Đức Chí-Tôn. Bởi vì không biết duyên cớ nào chúng tôi hiểu rằng: chúng tôi phải báo hiếu cho Đức Chí-Tôn và tự nhiên quyền-năng thiêng-liêng giúp chúng tôi biết ĐẠO CAO-ĐÀI này tương-lai sẽ cứu quốc, cứu chủng-tộc và giống-nòi.”

…Kể từ đó bị khảo miết: Đức Cao Thượng-Phẩm bị khảo đến ngày giờ chót. Ngày giờ cuối cùng, nằm trên giường bịnh cho tới hơi thở cuối cùng không buổi nào không bị khảo, không buổi nào không bị nhục-nhã. Cái luật thiên-nhiên không có điều gì xin-xỏ, điều gì cũng phải mua chuộc.

Bần-Đạo đã quyết rồi, xin để Bần-Đạo kết luận: Bởi mua chuộc với cái khảo-đảo, nhục-nhã của đời, để bảo-trọng danh-giá của Ngài. Ngày nay Ngài sang-trọng vô đối.”
Giữa nguơn linh và hiện kiếp: Hai vị này có điểm giống nhau là rộng tâm tu, xả thân cầu Đạo.
Ngài Cao Quỳnh Cư sinh trong gia đình Nho phong Lễ giáo ở Hiệp Ninh (Tây Ninh).
Thời kỳ làm Thơ ký Sở Tạo Tác tại Sài Gòn, ông thường cùng các bạn họp Xây bàn, được Đấng AĂÂ giáng đàn cho thi. Sau được Đức Phật Mẫu và Thất Nương hướng dẫn vào đường Đạo.

Ngày 23-4-1925, ông thọ phong Thượng Phẩm, sau khi lập bàn Vọng Thiên cầu Đạo (ngày 1-11-Ất Sửu).
Ngày 7-10-1926 lập Tờ khai Đạo với chánh phủ.
Ngày 18-11-1926 (14-10-Bính Dần) thiết Đại Lễ Khai Đạo tại Từ Lâm Tự. Ngài phò cơ viết ra Bộ Pháp Chánh Truyền thành lập Hội Thánh.

Năm 1928, Ngài bị khảo đảo, sau khi Thánh Thất dời về Chùa mới ở làng Long Thành. Quá đau lòng, Ngài lâm bịnh và qui Tiên (ngày 1-3-Kỷ Tỵ) tại Thảo Xá Hiền Cung. Tháp Ngài đặt phía trái, trước mặt tiền Đền Thánh.

3 - LỮ ĐỒNG TÂN
Là nguơn linh của ông Cao-Hoài-Sang
( 1900 - 1971)
Thượng-Sanh Hiệp Thiên Đài.

Lữ Đồng Tân tên là Nham, tên chữ là Đồng Tân, thuộc gia đình vọng tộc đời Đường.
Ông mắt phụng, mày tằm, tay dài, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má nhô lên, thích ăn mặc như đạo sĩ, năm 20 tuổi lấy hiệu là Thuần Dương, thi đỗ Cử nhân..
Khi đến Trường An, Lữ Đồng Tân gặp Chung Ly Quyền trong một quán trọ. Chung Ly muốn độ ông tu Tiên nên bày việc nấu nồi kê. Trong khi Lữ Đồng Tân ngủ mê nơi quán, thấy mình thi đỗ Trạng Nguyên cập đệ, hai lần cưới con gái nhà quyền thế. Có gia đình, con cháu đủ đầy, đều đỗ đạt vẻ vang, hạnh phúc trong 40 năm. Sau bị nịnh thần vu oan, tịch thâu gia sản và đày qua núi Lãnh Biểu, cực khổ vô cùng, ông ôm mặt khóc rồi giựt mình thức giấc. Ông thấy Chung Ly Quyền còn nấu nồi kê chưa chín nên phá lên cười và nói: “Huỳnh Lương do vi thục, nhất mộng đáo Hoa Tư” (Nồi kê chưa chín, mộng đã đến nước Hoa Tư). Rồi ông quay sang Chung Ly hỏi: Ông biết tôi nằm mơ thấy gì không ?

Chung Ly đáp: Chiêm bao 40 năm, công việc cả muôn mà không đầy giây lát. Việc được không đủ mừng, việc mất không đủ lo, nhưng có ý thức đại giác, thế gian nầy chỉ là giấc mộng lớn mà thôi. Lữ Đồng Tân nghe lời nói phải, giác ngộ, bèn lạy Chung Ly Quyền và xin theo học phép tu Tiên. Sau Lữ Đồng Tân đắc Đạo, tay cầm Thư Hùng Kiếm. ..

Lữ Đồng Tân giáng Cơ:
Chư Đạo-hữu, Đức Chí-Tôn dìu bước, cả Tiên Phật dẫn đàng, há chẳng sớm lánh phồn hoa, đặng dồi dào gương độ chúng. Huống chi, chư Đạo-hữu đã có quả nơi mình, lại chẳng vì mạng lịnh Đức Từ-Bi, mà chịu ít lâu khổ hạnh, hầu mong buổi đoạt phẩm-vị Thiêng-liêng sao?

Ước mong ngày hội ngộ, trông mong buổi tạc thù, rượu Thánh ra non dòm thế, cờ Thần dựa đảnh luận đời. May thay! Vui thay! Chư Đạo-hữu nên gắng sức! Thăng.
Riêng vui nguyệt chiếu sắc trong ao,
Đền ngọc từng khi để bước vào.
Rảnh hứng trăm hoa khoe Đảnh Ngự,
Nhàn vầy mấy Bạn dự Bàn-Đào.
Độ đời rảo gót non sông lướt,
Cứu thế dìu nhân đạo-đức trau.
Chờ buổi tuần huờn Thiên Địa trở,
Nương gươm Thần huệ một vừng cao.
                                                  Lữ-Đồng-Tân

Nguơn linh còn vọng lại trong hiện kiếp: Lữ Đồng Tân vốn thổi tiêu, tâm hồn thích tiêu dao với thiên nhiên cùng tiếng nhạc dìu dặt. Ngài Thượng Sanh Cao-Hoài Sang đã mời nhiều đoàn nghệ sĩ về Thánh Địa diễn các vở tuồng do Ngài biên soạn được khán giả và đồng Đạo hoan nghênh nhiệt liệt.

Ngài Cao Hoài Sang, sinh ngày 11-9-1900 tại xã Thái Bình, tỉnh Tây Ninh. Thân sinh là cụ Cao Hoài Ân, một vị Thẩm Phán đầu tiên tại Miền Nam và thân mẫu là Bà Hồ Hương Lự (Nữ Đầu Sư Hàm phong). Đức Ngài là con út trong gia đình có ba anh em. Người anh cả là Ngài Cao Đức Trọng Tiếp Đạo Hiệp Thiên Đài và chị là Giáo Sư Cao Hương Cường (Giám đốc Cô nhi viện Tây Ninh).

Sau khi thi đỗ bằng Thành chung, Đức Ngài vào làm việc tại Sở Thương Chánh (tức Quan thuế Sài gòn) cho đến chức Tham Tá Thương Chánh rồi hồi hưu.

Trong thời gian làm viên chức, Ngài còn là một Nhạc sĩ tài hoa của trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon.

Đức Thượng Sanh là một trong những bậc tiền khai Đại-Đạo. Ngài góp công nhiều trong nền Đạo Cao-Đài:

Ngày 30-10 Ất-Sửu (dl 15-12-1925)
Ông AĂÂ giáng dạy rằng:
 “Ngày mùng 1 tháng 11 này (dl 16-12-1925) Tam vị phải  VỌNG THIÊN CẦU ĐẠO.    
Tắm gội cho tinh-khiết, ra quì giữa Trời cầm 9 cây nhang mà vái rằng:
“Ba Tôi là: Cao-Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao Hoài-Sang. Vọng bái CAO-ĐÀI THƯỢNG-ĐẾ, ban ân đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”       

Sớm mai ngày mùng một, ông Cao-Quỳnh Cư đi mượn một Đại Ngọc-Cơ của ông Tý ở ngang nhà (cũng ở đường Bourdais, Sài-gòn). Nhớ lời Ông AĂÂ dạy, ba ông quì ngoài sân, sắp đặt có một cái bàn nhỏ, quì chống tay  trên bàn, cầm 9 cây nhang mà vái:
“Ba tôi là: Cao-Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao Hoài-Sang. Vọng bái Cao-Đài Thượng Đế ban ân đủ phúc lành cho Ba tôi cải tà qui chánh.”  

Ba ông cứ tịnh tâm mặc niệm vái như lời Ông AĂÂ dạy, không nhớ tới cái vụ quì ngoài đường có kẻ qua người lại dập-dìu, lớp thì xe cộ họ đi chơi, đi coi hát về, họ dừng chân lại coi ba ông cúng vái ai mà quì ngoài sân cỏ như vậy. Ai coi mặc ai, ba ông cứ quì đó cầu-khẩn van-vái cho tàn hết 9 cây nhang.
Ngày Vọng Thiên Cầu Đạo là sắp vô đề mở Đại Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, các Đấng dìu-dắt ba ông lần lần, nghĩa là ba ông mới nhập trường Đạo.”

Tại sao Đức Phật-Mẫu dạy phải cầm 9 cây nhang mà khấn-vái?
- Bởi mỗi người là một tế-bào khởi thủy cho sự trường tồn của nền Đại-Đạo.

Nền Đạo trải qua nhiều lúc gian truân. Sau khi Đức Hộ-Pháp tự lưu vong sang Miên quốc để tránh cảnh nồi da xáo thịt, lúc ấy Hội-Thánh có mời Ngài về để lèo lái con thuyền Đạo đang luân vơi. Ngài có làm bài thơ vào tháng 7-1970 hai câu đầu là:
Hội Thánh mời giao nắm Đạo quyền,
Mười ba năm một dạ trung kiên

Hẳn Đức Ngài biết mình chỉ giúp Đạo hơn 13 năm thôi? Đến khi qui Thiên Ngài giáng Cơ và cho sửa hai câu đầu như trên, còn toàn bộ giữ nguyên. Thế nên bài thơ ấy  hàng năm làm:

Bài thài để dâng hiến lễ Ngài Thượng Sanh:
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên
Độ đời quyết lánh vòng danh lợi,
Trau chí tìm noi bậc Thánh hiền.
Từ ái làm nền an thổ võ
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên,
Những mong huệ trạch trên nhuần gội,
SỨ MẠNG LÀM XONG giữ trọn nguyền.
                                      Thượng Sanh Cao Hoài Sang

Ngài Qui Thiên ngày 26 tháng 3 năm Tân-Hợi (1971) tại Sài gòn, nhưng Hội-Thánh rước về Toà-Thánh làm lễ Thánh tang cho Ngài. Một đám tang lớn nhất trong nước, kể cả đời lẫn Đạo. Nhất là toàn Đạo để tang Ngài như một “rừng tang” trắng xoá.

Đức Hộ-Pháp có lời tiên tri qua bài Thi:
Cao-Đài khai Hội tại Tây trường
Cải cựu hoán tân chế Lệ Thương
Qui chánh cải tà hoàn miếu võ
Tòng chơn khử giả định phong cương
Hồng Môn thử nhựt tri thành bại,
Xích Bích kim triêu biện nhược cường.
Phụng tấn Long hồi huờn Nhứt thổ.
Lập cân hiển hiện buổi Huỳnh Lương.

Bài này là một trong số nhiều bài thơ của Đức Hộ Pháp. Ngoài lời tiên tri về vấn đề thời cuộc qua các điển xưa tích cũ làm dẫn chứng cho sự việc ngày nay, chúng tôi không đủ khả năng bàn luận. Duy chỉ hai câu cuối là dùng lối chữ Hán chiết tự cũng lý thú xin ghi để làm quà hiến cho chư độc giả:

Phụng là loài điểu, trong Dịch chỉ thời gian là tháng, năm Dậu. Long là chỉ vì Vua: người đứng đầu một quốc gia, một lãnh thổ..Huờn là hiệp lại. Nhứt và Thổ đặt lên nhau thành ra chữ VƯƠNG

Câu cuối: Lập là đứng, cân là khăn. Hai chữ này đặt lên nhau sẽ thành chữ ĐẾ . Như vậy cả hai chữ mới tìm thấy đọc thành VƯƠNG ĐẾ nghĩa là có Vua Trời.

Hình ảnh người đứng trên Ngai mà đội khăn đây là Đức Thượng Sanh khi mặc phẩm phục thì Ngài đội khăn, gọi là “bao tải xanh” là hình ảnh Vua Đời đó vậy.

4 - TRƯƠNG QUẢ LÃO
Là nguơn linh của ông Ca Minh Chương
(1850-1928)
Bảo Đạo Chơn Quân Hiệp-Thiên-Đài

Trương Quả Lão là con dơi trắng tu hành thành Tiên, làm bạn với Lý Thiết Quả, ở ẩn trong núi Trung Điền (Hàng Châu). Tên thật là Trương Quả, chữ Lão là già được người đời thêm vào.

Dưới đời Đường, niên hiệu Khai phong (713-733) Võ Hậu cho triệu về Kinh, nửa đường ông giả chết. Đường Minh Hoàng nhiều lần đem sắc chỉ rước, ông mới chịu ra và được phong là Ngân Thanh Lộc Đại phu. Sau ông xin về ẩn dật trên núi, lấy hiệu là Thông Huyền tiên sinh, qui Tiên dưới đời Thiên Bảo (742-755).

Trương Quả Lão giáng cơ:
Hỉ chư Đạo-hữu,  Đạo gặp  lối  quanh  co, há biết ngừa vực thẵm, gắng sức cho tròn trách-nhậm lớn lao của Đấng Chí-Tôn phú thác.
Chư Đạo-hữu khá biết:
TRƯƠNG  kỳ bạch động mộ Tiên gia,
QỦA  diệu thâu trì tác trí kha.
LÃO  dược độ sanh tiên tự  khởi,
Hiến trần tu thức trực ninh tà.
                                                              Trương Quả Lão

Ách nước nạn dân, số Trời đọa thế. Vòng vay trả, mối buộc ràng; nếu có tai mắt rộng xa, tự hỏi vì đâu nông nỗi.

Đây hậu thân của Trương Quả Lão là: 
Ngài Ca Minh Chương sanh năm 1850 (tuổi Canh Tuất) tại ấp Thanh Ba, làng Mỹ Lộc Tây, tổng Phước Ðiền Trung, quận Cần Giuộc, trong một gia đình thấm nhuần Nho giáo (Ngài Ca Minh Chương cùng quê với Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung).

Ngày 21-2-Bính Dần (dl 3-4-1926) Ðức Chí Tôn giáng cơ tại Vĩnh Nguyên Tự, Ngài Ca Minh Chương có hầu đàn, được Ðức Chí Tôn ban cho bốn câu thi và thâu nhận Ngài vào hàng Môn đệ:
Thế thượng hề vô bá tuế nhân.
Thất tuần dĩ định vấn thời quân.
Ưu tư mạc vọng thường vô lộ,
Nghiệp trái tùy căn định số phần.

Khi Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên-Đài, ngày 12-1-Ðinh Mão (dl 13-2-1927), Ðức Chí Tôn phong Ngài Ca Minh Chương phẩm Bảo Ðạo, nên người ta thường gọi Ngài là Ca Bảo Ðạo. Ngài được Ðức Chí Tôn khai khiếu. Ngài phò loan cùng Ngài Hiến Ðạo Phạm Văn Tươi, lập thành cặp Phò loan truyền Đạo.

Hoàn cảnh khắc khe của Ngài Ca Minh Chương thật quá thảm thiết. Bài Văn tế của Đức Hộ-Pháp có ghi:
…Hỡi ôi ! Vợ già yếu, gái thời ngây dại,
Nối lửa hương, ngó lại vắng người.
Theo linh xa một gái chơi-vơi,
Phò giá triệu bóng trời không kẻ đậy…

Ðức Chí Tôn giáng cơ cho Ngài Ca Bảo Ðạo bài thi để an ủi cho hoàn cảnh gia đình quá bi thảm của Ngài:
Thấy con gia đạo tợ tơ cuồn,
Chạnh đến lòng Thầy dạ ướm tuôn.
Ngặt nỗi vợ nhà đau dã dượi,
Khật khùng con trẻ nói luông tuồng.
Khiến nên mai đảnh khơi màu trắng,
Cho đến tòng lâm trổ sắc buồn.
Công quả đã đành công quả đủ,
Nay đem ba kiếp dập dồn luôn.

Qua bài thi trên, Ðức Chí Tôn cho biết: Ðức Chí Tôn cho gia đình của Ngài Ca Bảo Ðạo nhồi quả ba kiếp nhập lại trả trong một kiếp nầy: Ngài bị bịnh, vợ cũng bị bịnh, con bị điên khùng. Nay phải ráng chịu đựng để trả trong kiếp nầy cho sạch nợ tiền khiên thì mới có thể trở về cựu vị (lúc này Bà Lâm Hương Thanh có đến trị bịnh cho)

Ngài Ca Bảo Ðạo hành quyền được gần ba năm. Ngài qui Tiên vào ngày 19-10-Mậu Thìn (dl 30-11-1928), hưởng thọ 79 tuổi. Ban đầu an táng tại quê nhà,vì Đạo mới khai chưa có điều kiện đất đai. Sau cải táng về Ngã Ba Ao Hồ, Châu Thành Thánh địa, Toà-Thánh Tây Ninh

5 - LÂM THỂ HOÀ
Là Nguơn linh của ông Lâm Quang Bính
(1873-1931)
Phối sư Thái Bính Thanh

Lam Thể Hòa là ông Tiên bị đày đọa làm khách trần. Tính tình thuần hậu nhất trong Bát Tiên.
Ông thích mặc áo rộng màu xanh, buộc dây lưng đen thật to, một chân đi đất, một chân đi giày. Mùa hạ mặc áo lót bông, mùa đông nằm trên tuyết. Thường ngày, ông cầm cặp sanh dài 3 thước ta, vừa đi, vừa nhịp ca ngoài chợ mà kiếm tiền bố thí cho người nghèo.
Đạp ca Lam Thể Hòa
Thế giới năng kỷ hà ?
Hồng nhân nhất Xuân Thu
Lưu quang nhất trịch thoa
Cổ nhân hổn hển khứ bất phản
Kim nhân phân lai cánh đa
Triệu kỵ loan phụng cáo bích lạc
Mộ kiến tang điền sinh bạch ba
Trường cảnh minh huy tại không tế
Kim ngân cung khuyết cao ta nga

                                      Dịch ca:
Nhịp chân ca Thái Hòa
Thế giới được bao lâu ?
Nhan sắc như xuân cội
Thời hạn tựa thoi đưa
Người xưa không trở lại
Người mới đến quá thừa
Sáng cưỡi loan trời thẵm
Chiều dâng thành sóng xa
Không trung lâu đài sáng
Cung điện cao nguy nga

Về sau, trong lúc uống rượu với Lý Thiết Quả nơi Hào Lương, bỗng trên mây có xe hạc, tiếng tiêu thanh thoát đưa hai ông bay bổng, trở về Tiên vị, tay ông cầm Giỏ Hoa Lam.

Lâm Thể Hoà giáng Cơ:
“Hỉ chư Đạo-hữu, Đạo gặp kỳ Phổ-độ, khá biết cải thế thì. Đạo khả trọng, đức năng trau.
Đời dời đổi, Đạo chờ người.
Khách tục nương thuyền độ,
Non Tiên tiếng khánh đưa,
Gắng nhọc thế lọc-lừa,
Tìm đường ngay thẳng-rẳng.
Nguồn rửa bợn nhiều đường cay đắng,
Bước nâu sồng dặm lắm gay go.
Liệu sao khỏi trễ con đò,
Mới thoát vòng khổ hải.
Gắng sức vì sanh mạng,
Lao tâm chớ sợ bởi căn xưa.
Đường quanh co, bước khá ngừa;
Nẻo hiểm trở, chơn nên lánh.
                                                  Hậu tái ngộ. Thăng

THI
Từng vào non Thánh lại Đền vàng,
Mãn quả sớm nhờ sắc ngọc ban.
Lần hạc tu tâm thìn nét Đạo,
Biển trần độ chúng vững con thoàn.
Cuộc cờ chung hứng nơi rừng thắm,
Bầu rượu riêng vui với cội  tàng.
Gặp lúc dìu đời qua bến tục,
Để công phải nhọc đến phàm gian.
                                                  Lâm-Thể-Hòa

Hậu thân là Phối sư THÁI BÍNH THANH, tên thật Lâm Quang Bính, người Rạch Giá, là nguơn linh của Lâm Thể Hòa. Hai vị giống nhau ở tánh tình thuần hậu, ý tứ từ hòa, thương người nghèo. Ông được phong Giáo sư phái Thái ngay từ buổi đầu. Ông chưa rõ tự sự bạch rằng:
“Thưa Thầy, Lâm Thể Hòa mặc áo xanh, sao Thầy ban cho phái Thái (áo vàng).

Đức Chí Tôn chuyển cơ viết:
- “Đó là bí pháp, con biết sao được”.

Vai trò của ông Bính trong việc xây dựng Toà Thánh cũng rất quan trọng:
Thầy dạy:
“Hộ Pháp, Thượng phẩm, nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn, vào Điện phò loan cho Lão vẽ  ( khuôn viên Toà Thánh).

Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào Điện hết, nghe à !”

Nhất là việc thiết kế Quả Càn Khôn có Thiên Nhãn để thờ. Thầy dạy ngày 12-8 Bính Dần (17-9-1926):

Bính – “Thầy giao cho con lo một trái Càn Khôn; con hiểu nghĩa gì không?... Cười... Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm ba thước ba tấc, nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy!…”

6 - HÀ TIÊN CÔ
là Nguơn linh của Bà Giáo sư Hương Hồ

 Hà Tiên Cô là người con gái mang họ Hà ở huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam, tên là Tố Nữ, sinh vào đời Đường. Thuở nhỏ, trên đầu có 6 xoáy, mọi người lấy làm kỳ. Năm 15 tuổi, cô xin cha mẹ đến ở khe Vân Mẫu. Đêm nằm mộng thấy Tiên dạy ăn hột Vân Mẫu sẽ nhẹ mình và trường thọ. Cô vội đi tìm hạt Vân Mẫu thì gặp Lý Thiết Quả và Lữ Đồng Tân đang hái thuốc. Thấy cô gần thành Tiên, Lữ Đồng Tân cho cô một quả Đào. Cô ăn mới nửa trái thì thấy không đói nữa, biết được mọi sự họa phước, lành dữ trên đời. Mọi người cho cô là Thần Tiên, cất lầu cho cô ở và gọi cô là Hà Tiên Cô. Bà Võ Hậu nghe tiếng, cho người đến rước, đi được nửa đường, cô biến mất. Sau Lý Thiết Quả độ dẫn hai mẹ  con cô  đều  thành Tiên. Tay

Hà Tiên Cô cầm bông sen.
Bà Giáo sư Hương Hồ (Huỳnh Thị Hồ) nguơn linh là Hà Tiên Cô, con gái của Bà Lâm Thị Thanh (Đầu sư Hương Thanh). Một hôm, Đức Chí-Tôn giáng đàn gọi đến Bà Hương Hồ. Hôm ấy Bà đang hành kinh (kinh nguyệt) không dám lên lầu để trình diện, nên được Bà Bát Nương dạy: Bà Bát Nương giáng đàn:

THI
Thân phận phàm nhơn trược đã đành
Chẳng vì nguyệt huyết kỵ anh Linh
Âm dương Nam Nữ hoa trêu bướm
Hòa ái tương sanh thủy nhập bình
Tạo hóa ví tay xây đảnh trí
Chúng sanh nên mặt tạo khuôn hình
Thợ trời đâu dễ chê đồ Tạo
Tốt xấu sạch dơ tại miệng mình
        Đó là một quan niệm tiến bộ của nền Tân Tôn giáo.

7 - HÀN TRƯƠNG TỬ (hay Tương Tử)
Là Nguơn linh của ông Vương Quan Kỳ
(1880 - 1940)
Giáo sư Thượng Kỳ Thanh

Hàn Trương Tử sinh vào đời Đường, người huyện Nam Dương kêu Hàn Dũ (Xương Lê) bằng chú.        

Thuở nhỏ, theo Lữ Đồng Tân học đạo Tiên. Sau về quê gặp ngày sinh nhật Hàn Dũ. Hàn Dũ có ý trách Hàn Trương bỏ nhà đi lưu lạc. Hàn Trương liền thưa rằng:

 “Xin chú đừng giận, cháu có nghề nầy xin kính mừng sinh nhựt”. Nói xong, Hàn Trương nhóm đất rồi trùm lại, giây lát dở ra nhiều hoa nở, mỗi cánh đều có chữ Vàng:
“Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
“Tuyết ửng Lam quan mã bất tiền”

Xương Lê không hiểu gì cả. Sau vì can vua sùng Đạo Phật mà bị đày ra Triều Châu. Khi đến Tần Lĩnh, Lam quan, Hàn Dũ được Hàn Trương ra đón. Hàn Dũ nhờ đó biết được ý hai câu thơ của Hàn Trương bèn tiếp:
Nhứt phong triêu tấu Cửu Trùng Thiên
Tịch phiến Triều Câu lộ bát thiên
Dục vị Thánh Triều trừ tệ sự
Khảm tương suy hũ tích tàn niên
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý
Hảo thu ngô cốt chướng giang biên

                          Dịch thơ :
Buổi sớm dâng vua một bức thư
Triều Châu chiều đến bị đày lưu
Muốn vì Thánh Chúa trừ tệ nạn
Đâu tiếc cuối đời vận đã suy
Tần Lĩnh mây che nhà chốn ấy
Ải Lam tuyết phủ ngựa không đi
Biết mi hảo ý từ xa đến
Thu nhặt cốt ta ở bến ni !

Thấy Hàn Trương đoán không sai, từ đó Hàn Dũ mới trọng Đạo. Rạng ngày, Hàn Trương dâng cho chú một bầu thuốc nói: Chú uống thuốc nầy khỏi bịnh và không bao lâu nữa được phục chức nhờ bài “Văn Tế cá sấu”. Nói rồi, Hàn Trương từ biệt chú. Về sau, nhờ vua Tề đuổi được cá sấu, Hàn Dũ được phục chức cũ.

Hàn Trương thành Tiên, người đời gọi là Hàn Trương Tử hay Tương Tử, tay cầm ống tiêu. Bản tính của Hàn Tương Tử là thích phóng túng tiêu dao.

Hậu thân là:
Ông VƯƠNG QUAN KỲ người tỉnh Chợ Lớn, cháu nội của Thống Chế Vương Quan Hạc, ông ngoại là nhà Nho yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt. Ông là tri phủ Sở Thuế Thân Sài gòn.

Song thân ông Kỳ là Vương Quan Để và Bà Huỳnh Thị Bảy. Ông học Lycée Chasseloup đậu Diplôme, cùng làm việc với ông Ngô Văn Chiêu ở Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Ông theo Đạo được Đức Chí Tôn phong phẩm Giáo sư ( 26-4-1926) và cho bài thi:
Nhựt nhựt tân hề nhựt nhựt tân
Niên đáo tân hề đạo khả tân
Vô lao công quả tri đương tác
Niên hóa niên hề đạo tối tân.

Ông Kỳ là bào đệ của Ông Vương Quan Trân - thân sinh cô Vương Thị Lễ (tức Thất Nương Diêu Trì Cung) hướng dẫn Tam vị Thiên sứ học Đạo buổi đầu. Trong  “Con đường Thiêng Liêng hằng sống” Đức Phạm Hộ Pháp nói về ông như sau:

“Bần Đạo nói rõ người ấy là Vương Quan Kỳ chú ruột của Thất Nương. Người mở Đạo mà chẳng biết Đạo là gì hết và cả hành tàng nếu chúng ta thấy sẽ lên án là Tả Đạo Bàn Môn chắc hẳn vậy.

Người đó bận Thiên phục giống hình đội Mão Giáo sư, áo tốt lại vắt vai, mão cầm nơi tay, bận quần cụt ở trần đi ngật ngờ, ngật ngưởng cười một mình không biết cười cái gì, đi ngang qua Bát Quái Đài, như không vậy..”.

Đó là nguơn linh Hàn Trương Tử thích phóng túng tiêu dao. Nay:
Ông Kỳ thọ phong Giáo-Sư ngày 26-4-1926. Ông là Chú của cô Vương Thị Lễ. Cô Lễ đến với Tam Kỳ Phổ Độ trong buổi đầu tiên, tá danh là Đoàn Ngọc Quế tức Thất Nương Diêu-Trì-Cung hướng dẫn các ông Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư và Cao-Hoài-Sang học Đạo buổi đầu.

Ngày 15-3 Bính-Dần, ông Vương Quan-Kỳ được phong chức “Tiên đắc Lang quân nhậm Thuyết Đạo Giáo sư”. Rồi ông được Thiên-phong Giáo-sư phái Thượng, tức là Thượng-Kỳ Thanh ngày 14-5 Bính-Dần.

Đến rằm tháng 10 Bính Dần (dl 19-11-1926) lại xảy ra việc thử thách: Cô Vương Thanh Chi là ái nữ Ngài Vương Quan Kỳ bị “nhập xác” tạo nên chuyện biến trong ngày Lễ khai Đạo này tại Thánh Thất Gò-Kén. Có lẽ vì vậy thêm một lý do nữa khiến Ngài Vương Quan Kỳ chán nản và lơi dần việc Đạo sự mới ra đến nỗi.

Nhưng đến ngày 14-11 Bính-Dần (18-12-1926) thì Đức Lý giáng dạy:
“Thượng-Kỳ-Thanh bị sụt chức làm Giáo Hữu. Như không tuân lịnh xuất ngoại”.
Đến ngày 18-11 Bính-Dần (22-12-1926)

Đức Lý dạy:
 “Thượng-Trung-Nhựt, Hiền-hữu viết thơ cho mấy Thánh-Thất lục tỉnh nói Thượng-Kỳ Thanh bị trục xuất ra khỏi hàng Môn-đệ chẳng quyền-hành truyền Đạo nữa. Như nó chẳng tin nghe lời bị phạt Tả đạo bàng môn thì chịu, nghe à! Đã Lập Pháp mà nó muốn làm chi thì làm như buổi trước vậy hoài, thì bị phạm Thiên-điều tránh sao cho khỏi tội. Hộ-Pháp Hiền-hữu khá an lòng”.   

Qua ngày 28-11 Bính-Dần (1-1-1927) thì:
Đức Lý giáng dạy:
 “Thượng-Trung-Nhựt, Hiền-hữu từ đây coi Thượng Kỳ Thanh như một Môn Đệ vậy thôi, chứ chức Giáo-Hữu cũng cất luôn nữa. Thầy để lời xin tha mà Pháp-luật đã phạm tha sao cho được”.
Vào năm 1930, Giáo-Sư Thượng Kỳ-Thanh tức là Vương-Quan-Kỳ, không tuân lịnh Toà Thánh Tây-Ninh áp dụng nghi lễ mới, nên tách ra lập Chi phái, lập tại Thánh Thất Cầu-Kho.


8 - TÀO QUỐC CỮU (Cựu)
Là Nguơn linh của ông Ngô văn Chiêu
(1878-1932)
Đệ-Tử đầu tiên của Đức Thượng Đế

Tào Quốc Cữu (hay Cựu) tên Hữu, là con trai thừa tướng Tào Ban, người đất Linh Thọ, em Hoàng Hậu, vợ của Tống Thái Tổ.  Tào Hữu, tướng khôi ngô đẹp đẽ, được Vua và Hoàng hậu qúi mến, nên tặng cho một bài vàng. Ngược lại, người em ỷ thế hại dân. Sợ liên lụy, Tào Hữu bán hết sản nghiệp bố thí cho dân nghèo, rồi mặc đồ đạo sĩ đi tu.

Tào Hữu gặp Lữ Thuần Dương, bị Tiên ông nầy gạn hỏi: Đạo ở đâu mà tu? Tào Quốc Cữu chỉ trái tim Thuần Dương cười nói: lòng là trời, trời là Đạo, đã biết cội rễ, tu chắc thành Tiên. 
Tào Quốc Cữu hay Cựu xin thọ giáo và đắc Đạo.
Tay cầm cặp sanh. Năm 1923 Tào Quốc Cựu giáng đàn Bến Cát (Gò Vấp) “Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ” báo trước Đạo Tam Kỳ xuất hiện .

Nay, Ông NGÔ VĂN CHIÊU sinh tại Bình Tây, Chợ Lớn, nguơn linh của Tào Quốc Cựu. Hai vị giống nhau ở điểm lánh trần. Năm 1920 ông làm chủ quận Hà Tiên, rồi ra Phú Quốc mà ngộ Đạo Cao Đài. Năm 1921, Tiên Ông  giáng dạy “Chiêu, tam niên trường trai”.

Ngài Ngô Văn Chiêu, sanh ngày 7 tháng Giêng năm Mậu-Dần (dl 8-2-1878) Thân mẫu là bà Lâm-Thị Quí và thân phụ là ông Ngô-Văn Xuân thuộc dòng dõi quan Thị Lang của triều đình Huế.

Khi Ngài Chiêu được 6 tuổi, ông bà thân của Ngài tìm được việc làm ở Hà-Nội nên đem Ngài gởi cho người em ruột là bà Ngô Thị Đây ở Mỹ Tho. Bà Đây có chồng là người Hoa, mở tiệm thuốc Bắc tại xã Điều Hòa, cạnh nhà việc, thuộc Mỹ Tho.
Ngài Chiêu ở với cô ruột và được cô cho đi học đến năm 12 tuổi thì nhờ người quen cũ của cha bảo lãnh xin vào học nội trú tại Collège Mỹ Tho. Sau đó Ngài lên Sài Gòn học tại trường Chasseloup Laubat và đậu bằng Thành Chung năm Ngài được 21 tuổi.

Lý do Ngài Ngô văn Chiêu không được làm Giáo Tông trong thời Đại- Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ:
Thầy giáng Cơ nói:
“Chư Môn đệ nghe dạy:
Vốn từ trước trong Thiên thơ Tam Kỳ Phổ Độ nầy nền Chánh giáo phải có: Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên đồ đệ, Chưởng quản thâu Tam giáo hiệp nhứt.

CHIÊU, thiệt là Nhứt Phật đó.
Vậy, trước ngày định lập Thiên phong đặng tôn chức Giáo Tông cho nó, thì Chúa Quỉ sai tam thập lục động địa giái kêu nài với Ta rằng: Cựu phẩm nó chẳng xứng ngôi ấy và kiện rằng: Nó chẳng nhứt tâm thờ phượng Ta. Ta có cãi lẽ, Quan Thánh Đế và Quan Âm giúp lời, Ta nhứt định phong chức Giáo Tông cho nó.

Chúa Quỉ xin lịnh Ta mà khảo nó và phải để cho Tam thập lục động hành xác nó. Ta không nỡ nên cho khảo mà không cho hành xác.

Rủi thay! Đau đớn thay! Buổi khảo nó phải bị Tà quái áp chế nên phải mất ngôi, song Ta cũng còn thương yêu chẳng nỡ, nhưng mà có mặt chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thì khó bề bào chữa đặng.

Đại lụy! Ta phải dùng quyền Chí Tôn mà tha thứ, song buộc nó phải Tịnh thất.

Ta vừa muốn tha nó, lại bị Tam thập lục động khảo nữa thì mới liệu sao? Ta phải giáng cơ biểu nó.
Con Thơ! con phải tuân nơi lịnh Thầy đã dạy khi
Thầy giáng cơ mà thôi,  còn mọi  sự khác thì đừng nghe:
- Kẻ bị tù còn có thế rỗi ai chăng?
Chư Môn đệ khá nghe lịnh dạy, từ đây, ai còn phạm đến thì Thầy buộc trục xuất cho khỏi rối loạn nền Đạo của Thầy.”  Thầy thăng.

 (Trích trong tập Thánh Ngôn chép tay của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 237)

Ngày 9-1 Bính-Dần (dl 21-2-1926)
Đức Chí-Tôn giáng Cơ ban Thi cho Ông Chiêu bài:
Bao  năm dạy-dỗ quá dày công.
Lời hứa năm xưa gắng giữ lòng.
Siêu đọa đôi đường tua chọn lấy.
Lơi chơn một bước sẽ hoàn không.
                                                              Cao Đài
(Theo Đạo-sử của Bà Đầu sư Hương-Hiếu)

(Ngày 21-10 Bính Dần  -  dl 26-11-1926)
Thầy nói:
 “Thầy cũng thương đó chút. Thầy đã nói cái lòng thương của Thầy hơn biếm trách, nên Thầy chẳng hề biếm-trách các con, ngặt trước quyền của Thần, Thánh, Tiên, Phật biết sao cứu rỗi cho đặng.
 “Thầy lại phải làm thinh cho kẻ thì mất lẽ công bình. Thơ nó tưởng Thầy giận mà nài xin tha-thứ. Thầy thì đặng còn chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mới nài sao? Nhất là Thái-Bạch Kim Tinh rất khó. Chiêu cũng vì vậy mà mất ngôi. Các con chớ dễ ngươi mà phạm thượng nghe à!”.!

Trước đó thì chư Môn-đệ đồng quì lạy Thầy xin thứ tội cho ông Chiêu.
Ông Vương-Quan-Kỳ bạch hỏi Thầy:
- Bạch Thầy:Anh Cả Ngô-Văn-Chiêu bảo Thầy giao cho Ảnh thay Thầy làm Chủ mối Đạo, dạy-dỗ Môn Đệ mà Ảnh không chịu tiếp xúc với chúng con, phải làm sao?..

C - THẬP NHỊ THỜI QUÂN

Ngày 15-10-Bính Dần (Dl 19-11-1926) chính thức Khai Đạo tại Từ Lâm Tự (Gò kén - Tây Ninh), Đức Chí Tôn phong phẩm tước cho Thập Nhị Thời Quân. Đúng ra phải 12 vị nhưng thực tế chỉ có 11 vị thôi, trong đó khuyết phẩm Tiếp Đạo.

Công việc điều hành phải lo xây cất Đền Thánh tạm ở làng Long Thành thì do Đức Cao Thượng Phẩm, còn Đức Phạm Hộ Pháp thì sau khi nghỉ phép sáu tháng để lo Lễ Khai Đạo, xong trở lại công sở thì người Pháp đổi Ngài đi Campuchia. Nhưng khi sang đây thì Ngài bắt đầu mở Đạo ra nước ngoài, tức là thành lập Kim Biên Tông Đạo, rồi từ đó truyền giáo ra ngoại quốc, tức là có thêm một Hội-Thánh ngoại giáo..

Trong đàn cơ đêm 29-6-Đinh Mão (dl 27-7-1927) tại Thánh Thất Nam Vang do Đức Phạm Hộ Pháp và  ông Cao Đức Trọng phò loan, Đức Chí Tôn giáng dạy và phong Thánh cho nhiều vị. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ban phẩm cho ông Cao Đức Trọng. Đức Hộ Pháp cầu hỏi:
- Bạch Thầy, còn Trọng em con, sao không thấy Thầy phong chức.?         

Đức Chí Tôn gíang Cơ đáp:         
- Tắc, sao con dại quá vậy, Trọng thuộc về chi Đạo bên Hiệp Thiên Đài.          

Thật vậy, sau đó ông Cao Đức Trọng được Đức Chí Tôn phong cho phẩm Tiếp Đạo. Lúc đó thì ông Trọng đang làm việc tại Văn phòng Chưởng Khế (Nam Vang). Tức nhiên quyền năng Thiêng liêng dành cho con gà (ông Trọng tuổi Đinh Dậu) Gà đi gáy xứ người, một Bí pháp nhiệm mầu làm sao người phàm rõ thấu được!

Thấy ra Đức Hộ-Pháp là Người của Hỗn Nguơn Thiên, Cung thứ 11.Thế nên trên bàn thờ Hộ-Pháp chỉ 11 Cúng phẩm. Trong khi đó Thiên bàn thờ Đức Chí-Tôn phải đủ 12 Cúng phẩm, vì Đức Thượng Đế quyền hành là Chúa Tể Càn Khôn vũ trụ.Còn Hộ-pháp nắm Cung Càn (quẻ Bát-thuần Càn  biểu tượng 6 nét Dương, biệt số 11) thay trời trị Thế: Giáo Chủ Đạo Cao-Đài cơ hữu hình.
Thế nên: Thập nhị Thời quân có 12 phẩm cho 12 vị khác tuổi nhau: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Người lớn tuổi nhất là Bảo Đạo Ca Minh Chương tuổi Canh Tuất (1850). Người nhỏ tuổi nhất là Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh tuổi Quí Mão. Một vị ở đầu bảng và một vị ở cuối bảng Thập Nhị Thời Quân. Quả là một cơ mầu nhiệm của Tạo hóa.

Dưới đây là danh sách Thập Nhị Thời Quân:
1 -  Khai Pháp Trần Duy Nghĩa  tuổi Mậu Tý     (1888)
2 -  Khai Đạo Phạm Tấn Đãi  tuổi Tân Sửu                    (1901)
3 - Hiến Pháp Trương Hữu Đức  tuổi Canh Dần (1890)
4 - Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh  tuổi Qúi Mão            (1903)
5 - Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu tuổi Nhâm Thìn           (1892)
6 - Tiếp Pháp Trương văn Tràng tuổi Qúi Tỵ      (1893)
7 - Hiến Thế Nguyễn văn Mạnh  tuổi Giáp Ngọ  (1894)
8 - Bảo Thế Lê Thiện Phước tuổi Ất Mùi                       (1895)
9 - Hiến Đạo Phạm văn Tươi  tuổi Bính Thân      (1897)
10 -Tiếp Đạo Cao Đức Trọng tuổi Đinh Dậu      (1897)
11 - Bảo Đạo Ca Minh Chương tuổi Canh Tuất (1850)
12 - Khai Thế Thái văn Thâu tuổi Kỷ Hợi                       (1899)

Lại nữa chư vị Thời Quân có mặt trong buổi đầu gọi là Thập Nhị Chơn Quân.
Tuổi và ngày giờ được ghép bởi Thập Thiên Can và Thập Nhị Địa Chi còn gọi là Thập nhị Thời Thần.

Đúng như lời Kinh Cúng Đức Phật Mẫu:
“Thập Thiên Can bao hàm vạn Tượng
“Tùng Địa Chi hóa trưởng Càn Khôn”.
Cũng nên nói rõ:
Thập Thiên Can là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Thập Nhị Địa Chi là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo (Mão), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Theo thứ tự người ta ghép một CAN với một CHI như: Can thứ nhất với Chi thứ nhất là khởi Giáp Tý.

Sau đó, mãn chu kỳ mười Can thì tiếp tục phối hợp Can thứ nhất với Chi thứ mười một, ví như chu kỳ mới của vòng Thiên Can thứ nhì là: Giáp Tuất, Ất Hợi.. Rồi Can thứ ba với Chi thứ nhất…cứ tuần tự như vậy lại đến năm Giáp Tý là đáo tuế. Trong một chu kỳ, tên mỗi Can xuất hiện sáu lần (60 : 10 = 6) và tên mỗi Chi xuất hiện năm lần (60: 12 = 5). Chu kỳ này, ta gọi là Lục thập hoa giáp hay biểu Giáp Tý. Một Lục Thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm). Mãn chu kỳ ấy sẽ khởi lại như ban đầu nữa, nhưng chắc chắn sẽ có những biến chuyển mới lạ hơn.

Bài thi Đức Chí-Tôn ban cho ông Ca Minh Chương:
Giáp Tý niên hề! Giáp Tý niên!
Càn Khôn thiên địa định qui tiền
Hạ ngươn Kỷ Tỵ xuân viên mãn
Thượng cổ Mậu Dần thất ức niên

Chư vị Thập Nhị Thời Quân bấy giờ là đồng tử làm trung gian giữa Trời và Người. Nếu không có Thời Quân thì cũng không có Đạo, vì chư vị là những Thiên sứ phò Cơ, chấp Bút đủ huyền linh cho Trời, Phật, Thánh, Thần giáng Cơ dạy Đạo. Các vị là Tướng Soái của Chí Tôn.

Từ trước Hiệp Thiên Đài đã qui định có 4 cặp cơ:
1 - Chư vị: Tắc - Cư  là Cơ Lập giáo
2 - Chư vị: Hậu - Đức là Cơ Lập pháp
3 - Chư vị: Sang - Diêu là Cơ Truyền giáo
4 - Chư vị: Nghĩa - Tràng là Cơ Bí pháp

Cơ Bút là Bí Pháp mầu nhiệm và là huyền-lực của Thiêng Liêng. Thánh ngôn chỉ có giá trị khi cầu ở Cung Đạo Đền Thánh Toà-Thánh Tây Ninh mà thôi. Đồng tử phải là những người được Thiêng Liêng chỉ định.

Ngoài ra nếu có những Đàn Cơ khác ngoài sự chuẩn nhận nêu trên thì chỉ có giá trị học hỏi riêng không được phổ biến rộng ra ngoài. Bất tuân thì phạm tội cùng Hội-Thánh Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ. Nhưng điểm quan trọng là sẽ bị lạc vào bàn Môn Tả Đạo mà thôi.

1 - Ngài Trần-Duy-Nghĩa
(1888-1954)

Khai pháp Chơn Quân Hiệp-Thiên Đài
Nguơn linh là Thánh Pierre

Ông Trần Duy nghĩa sinh ngày 17-8 Mậu-Tý (dl 11-9-1888). Qui lúc 3giờ sáng ngày 22-01-Giáp-Ngọ (24-2-1954)

Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, nguơn linh là Thánh Pierre, một trong 12 vị Thánh Tông Ðồ của Ðức Chúa Jésus Chris, nhưng có đến ba lần chối Chúa.

Chuyện kể lại:
“Một hôm nọ, Đức Phạm Hộ Pháp lập Đàn, có các vị Chức sắc Thiên phong dự chứng. Đức Phạm Hộ Pháp cầm cây Kim Tiên đưa ra bên trên và trước mặt Ngài Khai Pháp đang quì. Đức Phạm Hộ Pháp nói:
- “Nầy Pierre, ngày trước ngươi đã chối TA ba lần, lần nầy Ta tha cho đó.”

Tiền kiếp của Ngài là Thánh SAINT PIERE, tức là một trong 12 Thánh Tông-Đồ của Thiên-Chúa-giáo, ngày nay các vị Thánh ấy cũng trở lại trong hàng Thập Nhị  Thánh, tức là Thập Nhị Thời-Quân trong cửa Hiệp-Thiên Đài cũng giữ phận sự hầu Thầy mà thôi”.

Hiện tượng này, một lần nữa xác định rằng Đức Chúa Jésus-Christ vốn tiền thân của Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc, Ngài làm nhiệm vụ tha tội cho Thánh Pierre.

            Khi Ngài Khai Pháp Trần Duy nghĩa qui Thiên liền giáng Cơ cho bài thi làm:

Bài Thài hiến Lễ
Đã chán công danh dưới phép người,
Đem thân cửa Phạm để nên nơi.
Lóng chuông Bạch-Ngọc hồi hồn tục,
Nghe trống Lôi-Âm tỉnh mộng đời.
Nắm pháp Thiêng-Liêng dìu Thánh vị,
Cầm Cân Công-lý giữ ngôi Trời.
Dầu chưa trọn nghĩa Thiên-Thơ định,
Giác ngộ vui theo cũng kịp thời.

Đức Hộ-Pháp nhắc lại buổi đầu Đức Chí-Tôn dạy “đi tìm Pháp”. Nhưng rốt lại đi tìm đúng Ông Trần-Duy Nghĩa, sau Đức Chí-Tôn phong cho Ngài là KHAI-PHÁP CHƠN-QUÂN:

“Bần Đạo đưa bài Thánh Giáo Đức Chí Tôn dạy đi tìm Ngài thì Ngài nói với Bần Đạo hai câu, mà làm cho Bần Đạo kính phục và cảm tưởng mãi nơi tâm, biết rằng ông nầy có thể chung sức với mình gánh vác nỗi sự nghiệp của Chí Tôn đã giao phó.

Ngài nói rằng:
“Tôi tưởng dòng dõi của dân tộc Việt Nam trên bốn ngàn năm đã chết, nào dè ngày nay Đức Chí Tôn đến định lập Quốc Đạo thì chắc hẳn rằng đất nước Việt Nam sẽ sống lại được mà là cứu chữa Tổ quốc và giống nòi dân tộc Việt Nam sẽ cỗi ách lệ thuộc giữa thời Pháp thuộc đang bạo hành.”

Kể từ đó thì Ngài vẫn cương quyết lo giúp đỡ Bần Đạo và sự kính nể đáo để không giờ phút nào mà Đức Ngài muốn rời xa Bần Đạo.

Khi trở về Thánh Địa Bần Đạo gượng làm vui chớ kỳ thật riêng về Đức Ngài Khai Pháp và Bần Đạo không  giờ khắc nào mà quên trong cảnh tù đày lao lung…

Bần Đạo đã thấy toàn thể con cái Đức Chí Tôn rất chú ý về việc đó, nhưng Bần Đạo ôm lòng nín chịu và căn dặn Ngài vẫn dằn lòng không thốt ra lời nói gì cả. Bần Đạo sợ nói ra đây gây oán chất hờn thêm cho Đạo, nếu Bần Đạo nói ra không có bút mực nào tả cho hết, lại thêm xung đột.

Kể từ ngày về Thánh Địa Đức Ngài Khai Pháp thường than khổ với Bần Đạo, vì sợ e không khỏi gây cảnh nồi da xáo thịt, bên ngoài thì Pháp, bên trong thì Việt Minh, ở giữa thì Quân Đội Cao Đài, ai vui hứng chớ riêng Đức Ngài không có ngày nào mà không lo sợ sự đổ máu giết chốc lẫn nhau làm đến tương tàn cốt nhục của nòi giống Việt Nam ta nữa mà chớ…”

Thử cơ Bút - Nguơn linh Pierre giáng:
Một hôm Ông Bà Đốc Phủ Chi, là người theo Đạo Công-giáo có đến nhà Ngài Cư, mục đích muốn thử xem vấn đề chơn giả của Cơ Bút, nên ông Bà có đề nghị:

“Xin cho chúng tôi để thử trên bàn Cơ hai vật này là Ảnh tượng CHÚA và Cây Thánh giá. Nếu Đức Cao Đài là Thượng-Đế thật thì mới giáng Cơ được, bằng Quỉ Vương thấy hai vật báu này tự nhiên phải tránh”.

Ông Cư bằng lòng cho thử. Đoạn Ông Đốc Phủ  cùng ngồi với Ngài Tắc để quan sát. Trước hết Thánh Pierre giáng Cơ cho bốn câu thi để trả lời cho Ông Bà Đốc Phủ Chi, vào ngày 17-11 Ất-Sửu (dl 01-01-1926)

Thánh giáng Cơ cho biết là:
SAINT PIERE
Thiên đàng giữ cửa góc Trời Tây,
Truyền Ðạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
Cao Ðài phú thác dắt dìu bây.
                                                  (31 Decembre 1925)

          Ngày 11-01 Bính Dần (dl 23-2-1926) Đức Chí Tôn có giáng cho KHAI-PHÁP CHƠN-QUÂN bài thi:
Đạo Tâm rỡ rỡ sáng như ngày
Hiệp cũng may mà gặp cũng may.
Đã mộ trong lòng thân cũng mộ,
Một lòng mộ Đạo chớ đơn sai
Đức Chí-Tôn

Ngài Khai Pháp quí danh là Trần Duy Nghĩa, sanh năm Mậu Tý (1888) tại làng Thành Phô, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò-Công. Trưởng thành trong một gia đình Nho phong. Thân phụ là Ông Trần-Duy-Quyền và Thân mẫu là Bà Đặng thị Lâu, đều ở Gò Công.              

Ngài Trần Duy Nghĩa được Thiên phong Khai  Pháp, cùng một lượt với chư vị Thời-Quân khác khi Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp-Thiên-Đài ngày 12  tháng Giêng năm Đinh Mão (dl 13-2-1927).      

Ngài hợp cùng Ngài Tiếp-Pháp Trương văn Tràng thành cặp Phò-loan truyền Đạo lúc ban sơ và sau đó trở thành cặp Phò loan chuyên về Bí Pháp.

2 - Ngài Khai Ðạo Phạm Tấn Ðãi
(1901-1976)

Nguơn linh Ngài là Ðông phương Sóc.
 Là Tiên gia giáng trần làm Quân sư cho Hớn Võ Ðế, trong sự tích “Hớn rước Diêu Trì” (Xem lại trang 27).

Ông Phạm Tấn Đãi, tộc danh là Thuộc và Đạo hiệu là Trí Thanh, sanh ngày 28-7-Tân Sửu (dl 10-9-1901) tại làng Mỹ Lệ, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn. Qui ngày 19-2 Bính-Thìn  (1976)

Thân phụ của Người là Ông Phạm Thành Thiệt, được Thiên phong Giáo Hữu, sau khi nhập môn cầu Đạo, thăng lần đến phẩm Phối Sư Phái Thượng.

Thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Ruộng, cũng được thọ Thiên ân Giáo Hữu, quê ở Chợ Trạm làng Mỹ Lệ. Vào ngày 4-11-Ất Sửu (Thứ Bảy:19-12-1925). Người được ông Phủ Nguyễn Ngọc Tương mời đến dự Lễ Khai đàn, có rất đông viên chức đến dự. Đêm ấy, Đức Chí Tôn giáng dạy, ban cho mỗi người một bài thi và riêng Người thì Đức Chí Tôn cho bốn câu thi như sau:
Dằn lòng len lỏi hãy qui y,
Nay gặp Ta đây đã đến kỳ.
Oanh liệt hồng trần e phải khổ,
Tầm đường đạo đức tránh đường nguy.

Đúng một tuần sau, ngày 11-11-Ất Sửu, Thứ Bảy: ngày 26-12-1925 các ông ấy đến tư gia của Người để Khai đàn thượng tượng cầu các Đấng.

Đêm ấy, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Đạo và thâu nhận nhập môn, có cho Người một bài thi:
Nên gầy đạo đức đặng hồi nguyên,
Un đúc trẻ thơ sửa tánh hiền.
Nương bút Thiên cơ lo độ chúng,
Dìu người gắng sức đến rừng thiền.

Chính ngày ấy là ngày Người nhập môn cầu Đạo. Sau ngày nhập môn, Người cùng ông Đốc học Tươi tập cầm cơ hằng tháng mới viết ra chữ  và thi phú.

Ngày Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên-Đài ngày 12 tháng Giêng Đinh-Mão (dl 13-2-1927), Đức Chí Tôn phong Ngài Phạm Tấn Đãi chức Khai Đạo Hiệp Thiên-Đài .

3 - Ngài Hiến-Pháp Chơn Quân
TRƯƠNG HỮU ĐỨC
(1890-1975)

Nguơn linh là Từ Hàng Đạo Nhơn.
Ngài Hiến Pháp lấy Đạo Hiệu là Thân Dân.
Ông sanh ngày 02-02-Canh Dần (1890). Qui Tiên lúc 20g15 ngày 15-12- Ất Mão (dl 15-01-1975).
Quê quán: Cầu  An Thượng, Hiệp-Hòa, Chợ-Lớn.
Đức Chí Tôn có cho biết nguơn linh của Ngài Hiến Pháp là Từ Hàng Đạo Nhơn. Ngày 3-7 Đinh-Mão (31-7-1927) may được Quỉ Cốc Đại Tiên giáng đàn, Ngài mới xin cho mỗi người một bài thi kỹ niệm:
Thập Nhị Tiên gia nhứt tánh TỪ,
HÀNG phong Vương mãn thọ hàn thư.
Trung niên thế cuộc tao vân mộng,
Quản thị Càn Khôn thủ Phật thư.

“Trương Hữu Đức, sanh ngày mùng 2 tháng 2 năm Canh Dần (1890) (trên giấy tờ sanh năm 1892), con ông Trương Văn Tựu (chết) Cựu Cai Tổng Cầu An Thượng, làng Hiệp Hòa (Chợ Lớn), Giáo Sư phái Ngọc và bà Lê Thị Nhụy tức Sót (chết). Hiền nội của Ngài Trương Hữu Đức là Bà Nguyễn Thị Sanh, nhập môn vào Đạo Cao Đài rất sớm, được Đức Chí Tôn phong phẩm Nữ Lễ Sanh, do kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ nhứt ngày 14-Giêng năm Đinh Mão (dl 15-2-1927).

Ngài Nhập môn vào Đạo Cao Đài từ năm Ất Sửu (1925) lúc mới còn Xây bàn, vì lúc ban sơ, những người theo Đạo đều do lịnh Đức Chí Tôn chỉ định, nên không có Sớ Cầu Đạo.

Trong số 12 Môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn nêu tên trên bài thi tứ tuyệt trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển thứ I có tên ĐỨC (sau thọ phong Hiến Pháp Hiệp Thiên-Đài), hiệp với Ông HẬU thành cặp phò loan truyền Đạo, Ông Hậu sau thọ phong Bảo Pháp Hiệp Thiên-Đài.

Ngài Hiến-pháp là một trong những Tướng-Soái của Đức Chí-Tôn, lúc qui thiên Ngài cũng giáng đàn cho

               Bài Thi để thài hiến lễ:
HỮU-ĐỨC mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn mong ước cái không hay.
Mừng nay gặp Đạo lòng mong muốn,
Chí quyêt cùng nhau để hiệp vầy.
                                                  Hiến-pháp Chơn Quân

Trong khi Ngài nhập môn vào Đạo Cao-Đài ngày 9-01 Bính-Dần (dl 21-02-1926) Qua bữa sau, lúc đúng Ngọ, trong khi thanh tịnh, Ngài bắt chước Đức Hộ-Pháp ngồi chấp bút một mình và cầu nguyện xin thi, có vị Minh-Nghĩa Tiên Ông giáng bút cho bài thi như sau:
Minh Đức mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn mong ước cái không hay
Mừng cầu Âu Á càng thêm mặt,
Mừng nậu côn đồ đã chịu chay!

Ông Hữu Đức chỉ chấp bút được một lần ấy thôi.  Chính Ngài Hiến-Pháp Trương-Hữu-Đức được Đức Chí Tôn cho biết rằng “Đức cứu Đạo”. Sau quả thật như vậy.

4 - BẢO-PHÁP CHƠN QUÂN
NGUYỄN TRUNG HẬU
(1892-1961)

Nguơn linh là Xích Tinh Tử
Ông Nguyễn Trung Hậu, tên thật là Nguyễn Văn Hậu, bút hiệu Thuần Ðức, sanh ngày 5-3-Nhâm Thìn (dl 1-4-1892) tại làng Bình Hòa, tỉnh Gia Ðịnh. Qui tại Gia định lúc 16 giờ ngày 7-9 Tân-Sửu (1961) táng ở quê nhà.
  Home       1 ]  [ 2 ] [ 3 ]  [ 4 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét