Giáo Dục Văn Hóa Đạo Cao Đài - 1 / 3 (Hiền Tài Trần Văn Rạng)


Lời Tưạ Về Giáo Dục.
Quyển sách này không có ước vọng đúc kết về GIÁO DỤC, VĂN HOÁ và THANH NIÊN của Đạo Cao Đài, mà chỉ ghi chép lại đôi điều của một số người đã sống, đã học và lớn lên thành đạt trong một số lãnh vực.
Trước tiên, chúng tôi xin tôn vinh các bậc tiền nhân đã khai rừng phá rẫy xây dựng tổ đình Thánh Địa Cao Đài và mở trường Đạo để dạy dỗ đoàn hậu tấn tiến lên.

Mặt khác, do ước mong của các cựu sinh các trường Đạo Đức, Lê Văn Trung và Viện Đại học Cao Đài, để nhớ lại một thời “ăn chưa no, lo chưa tới, áo tơi không lành, mà học hành hãnh tiến”. Từ mười phương về Thánh địa “Vạn thù qui nhứt bổn”, học hành đỗ đạt, rồi tung ra khắp muôn nơi; “Nhất bổn tán vạn phù”. Dù tiềm sinh hay hiển sinh, chúng ta luôn trụ vững đức tin nơi Đấng Cha Lành. Dù nghèo hay giàu, chúng ta hằng hồi hướng về bảng Đạo kỳ Tam Thanh.

Ngày nào, chúng ta còn nhớ khi vào học phải đọc kinh. Trong đó, có câu:
“ Buộc yêu thương, bạn đồng môn
Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm”
Trong mỗi chúng ta đều cảm thấy như có sợi dây vô hình ràng buộc theo lời Đức Chí Tôn dạy: “Thầy cấm các con từ đây nếu không đủ sức thương yêu nhau thì chẳng được ghét nhau, nghe à” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I trang 69). Sự thương yêu ấy đặt trên nền tảng “nhân nghĩa” không những trong kiếp sống tạm này mà còn nơi cõi vĩnh hằng nữa.

Các bạn thấy sao ? Chớ riêng tôi lúc trở lại trường Đạo Đức dạy môn Giáo lý cho các em học sinh lòng tôi quá ngậm ngùi gần như không có lần nào tôi không rơi nước mắt khi đọc kinh đến hai câu này. Và cũng chính vì thế, ngay khi còn mài đũng quần trên băng ghế trường Nghĩa thục Lê Văn Trung tôi đã chọn hai chữ vần trong hai câu chót bài “Kinh nhập học” làm bút hiệu cho mình:
“May duyên gặp hội Long VÂN
Thuyền thơ ngọn gió Các ĐẰNG xuôi đưa”
Sau hết, xin phép quí Thầy Cô dù sống hay chết, các bạn cựu sinh dù ở trong hay ở ngoài nước, cho phép tôi được “gọi tên” nhau để chúng ta sống lại một thời đã qua, đã mất, nhưng còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người.
TRẦN VĂN RẠNG

CHƯƠNG I

GIÁO DỤC

TIẾT 1 : ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG
Đạo đức lưu truyền hậu tấn hiếu trung phò xã tắc
Học đường giáo hoá thơ sanh nhân nghĩa lập giang san.

1 . Sơ lược về Đạo Đức Học Đường
Sau khi dời Thánh Tượng từ Gò Kén về chùa mới hơn một năm. Hội Thánh hội nghị quyết định mở trường khai dân trí.
Chương trình học theo chương trình nhà nước.
Tiểu học có các môn : Việt Văn, Pháp Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Cách trí, Vệ sinh, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo : Giáo lý, Hán văn.

Các lớp : Đồng ấu (Cours enfantin), Dự bị (Cours prépara toire), sơ đẳng (Elémentaire),Trung đẳng (Moyen), Cao đẳng ( Supérieur) để thi tiểu học.

Trung học có các môn : Việt Văn, Pháp Văn, Toán, Vật Lý, Hoá Học, Sử Địa, Nhạc, Vẽ, Thủ công, cộng thêm các môn của Đạo : Giáo lý, Hán Văn.

Các lớp : năm thứ nhứt ( cours 1è année), năm thứ hai (2è année), năm thứ ba ( 3è année), năm thứ tư ( 4è année) để thi Brevet.

Tháng 9 năm 1928 khai giảng năm học đầu tiên, trường Đạo Đức Học Đường có tất cả 210 học sinh. Nhân ngày lễ phát thưởng năm đầu tiên cho học sinh trường Đạo Đức vào ngày 14-7-Kỷ Tỵ (18-8-1929) Ngài Thượng Đầu Sư đến dự lễ để khích lệ thầy cô giáo và các em học sinh. Ngài nói :
“ Trong mấy năm qua Đạo nghèo, nên mấy em (giáo viên, học sinh) chịu phần hui hút, còn mấy anh đây lại bị kẻ thúc người đè, nên không săn sóc mấy em trẻ dại, để mấy em chiu chít như gà mất mẹ.
“ Xét cổ suy kim mới biết rằng tôn giáo nào cũng nhờ học thức mà gìn mối đạo, truyền bá chánh giáo mới đặng tròn câu phổ độ. Đạo nghèo đồng tiền eo hẹp. Thầy giáo không một đồng lương, lại thân ngày ngày dạy dỗ ấu nhi , phải làm công trả quả vùi thân cùng sanh chúng. Học sinh, đồng nhi nam nữ tập viết bằng lá buông. Chỗ ngủ lấy ván sạp làm giường. Bề ăn uống tương rau hẩm hút. Ba năm dư mới rảnh chút thời giờ, mấy anh đây mới lập trường và phát thưởng. Lễ đơn sơ dạ yêu thương, giục mấy cháu hết lòng lo cho đạo đức”.

Bài huấn dụ của Ngài Thượng Đầu Sư cho ta thấy mấy ý như sau :
- Lấy ván sạp làm giường : Thật vậy, nhà giáo viên, nhà lưu trú học sinh đều kê đơn sơ bằng gỗ xẻ thành ván. Phần bìa thân cây thì làm bàn, băng cho học sinh. Ai có sống, có học trong những năm hai mươi của thế kỷ XX mới thấm thía được lời chân thật mà thân yêu trìu mết của người anh Cả.

- Ăn uống tương rau hẩm hút : Thật ra là nước muối, rau lang suốt lá từ gốc tới ngọn ( chớ không chỉ ăn ngọn), chuối xắc nguyên cây, bữa cháo bữa củ mì. Các học trò thời ấy nói vui với nhau : “ Nước tương Đại Đạo, cơm cháo Tam Kỳ, củ mì Phổ Độ”.

Chao ôi ! ăn uống như thế. Học lấy kiến thức để sau nầy “ phổ độ nhân sanh”. Lý tưởng của trường đề ra thật cao, qua câu liễn :
Đạo Đức truyền lưu hậu tấn hiếu trung phò xã tắc,
Học Đường giáo hoá thơ sanh nhân nghĩa lập giang san.
- Tập viết bằng lá buông : Cái nghèo khó thử thách lòng trang hiếu học. Học mà không có tập mà phải viết bằng lá buông. Các thầy thương trò mà phát minh ra tập lá.

Những ngày nghỉ học, thầy trò đi dã ngoại tìm rừng lá buông cắt đem về, rọc bỏ phần sống lá. Thân lá được cắt từng đoạn dài đều nhau độ 20cm, rồi đem phơi khô để lá buông từ màu xanh lục chuyển sang màu vàng nhạt. Sau đó, xếp lá chồng lên nhau rồi lấy tấm ván ép cho bằng phẳng, gọi đó là tập lá.

Mực viết trên lá buông là cỏ mực. Cỏ mực nhổ trên ruộng rẫy về rồi giả nhuyễn, vắt lấy nước, vô bình mực chia cho các học sinh. Chao ôi ! cái học kiểu “ Trần Minh khố chuối” như thế mà “ Hiếu trung phò xã tắc” là tấm lòng thiết thạch đối với quê hương, có chi sánh nổi.

Sang năm 1931, Thượng Chánh Phối Sư báo cáo trước Hội Nhơn Sanh có đoạn viết :
“ Trong Toà Thánh có lập một Đạo Đức Học Đường để dạy trẻ em, có 8 lớp học, 6 lớp con trai trình độ lớp nhì, một lớp con gái Việt, 1 lớp con nít Đàn Thổ (Tà Mun) . Tất cả được 274 trò. Các thầy dạy điều có bằng sơ học, làm công quả, không lấy tiền. Học trò cũng không đóng học phí.
Ngoài ra, cứ mỗi tối những người công quả nội ô Toà Thánh ước chừng 400 người đều phải theo học. Có những lớp dạy chữ, dạy kinh, dạy đạo tuỳ theo sự hiếu học của mỗi người”.

Báo cáo của Hội Nhơn Sanh năm 1932 xác nhận có nhiều tiến bộ :
“ Trường Đạo Đức Học Đường năm nay có mở thêm được ba lớp học nam nữa. Một lớp năm thứ nhì ( Cours 2 è année) và hai lớp Đồng Aáu ( Cours Enfantin), cộng chung là 11 lớp. Số học trò được 417. Trong đó có 312 trò nam và 105 trò nữ, thêm được 143 trò, nhiều hơn năm ngoái.
Kỳ thi tiểu học vừa rồi, nhà trường có 26 trò đi thi đều đậu hết. Có 21 trò đậu luôn phần Pháp văn .( mention francaise). Mấy cô giáo và thầy giáo dạy nơi trường đều siêng năng lo lắng dạy dỗ. Không người nào ăn lương bổng hết”.

Ta thấy tinh thần thầy cô qua mấy chữ “siêng năng lo lắng” và “ không lương bổng”. Dạy ngày không đủ, các thầy cô tranh thủ dạy đêm. Các học trò từ xa xôi ngoại ô Thánh Địa, tay cầm đèn chông, chân trần mò mẫm đêm hôm khuya khoắc vào Đạo Đức Học Đường để ôn thi. Sự tận tâm kia với kết quả 100% thật là xứng đáng.

Truyền thống đó được nối dài cho đến tận năm 1952. Năm đó, trường có 60 lớp lợp bằng tranh, tường xây gạch đất không nung ( gạch sống), chỉ có một dãy lớp ngói ở phía trước cho các lớp 1è annéc, 2è année. Có 10 lớp Cao Đẳng ( Cours supérieur) đi thi tiểu học với 5.393 thí sinh thi tại Tỉnh lỵ, chỉ rớt một trò vì bị bịnh bất thường. Đó là thành quả kỷ lục đền đáp công ơn thầy trò dạy và học hằng đêm, làm rạng danh đạo thời ấy.

Chính năm 1952, ngôi trường phổ thông ở trên đường Hoàng Tòng Hướng, ngoài cửa số 7 ngoại ô được trùng tu và cất thêm hai dãy để nhận học sinh vừa mới thi đỗ tiểu học. Nhà trường phải mở 12 lớp Đệ Thất vì phải nhận thêm hai lớp cho học sinh ngoài tỉnh.

Ngày khai giảng, Đức Phạm Hộ Pháp đến dự và đổi tên trường Phổ thông thành trường Nghĩa thục Lê Văn Trung để nhớ ơn Đức Quyền Giáo Tông người có công đầu tiên khai hoá nhân sanh tại vùng Thánh Địa”.

Con cháu nối bước. Năm 1961, giáo sư Trần Văn Rạng dạy trường Trung học Công lập Tây Ninh đưa đơn xin phép lập “ Hội Aùi Hữu Cựu Sinh Đạo Đức và Lê Văn Trung” được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép hoạt động số 128 - NĐ ngày 20-10-1961.

2 . Hệ thống tổ chức
Đạo đức Học đường trực thuộc Học viện, có hệ thống từ Trung ương tới địa phương các châu, tộc đạo : Trung ương có Đạo Đức Học Đường. Các phận đạo có Trường Minh Đức Tân Dân (quen gọi Trường Đại Đồng), trường Địa Linh Động. Hai trường này học sinh ăn cơm trại đường. Ở các tỉnh có lập trường Đạo Đức như Long An, Kiến Phong v.v.. các giáo viên được bổ nhiệm từ Toà Thánh.
Về tổ chức, trong cuốn Lời phê Đức Hộ Pháp có ghi thế này :
“Theo Vi bằng số 590/VB ngày 27-7-Nhâm Thìn (1952), phiên nhóm cử Lễ sanh Ngọc Lương Thanh thừa quyền phụ thống Học Viện và Lễ sanh Hài, Lễ sanh Cảnh phụ trách (Ban Quản Trị)”.
Lời phê Đức Hộ Pháp như vầy : “Phê và cho lập Thánh lịnh (theo Vi Bằng trên)”.

“Về vụ đặt tên trường không cần ích, vì ta còn phải ngừa sẵn ngày kia Đạo tức là Hội Thánh còn phải giải quyết quyền giáo huấn cùng chánh phủ nữa, đừng để trong trường tranh chấp mà đem tên của mấyvị Tiên Thánh của Đạo ra không hay”.

Như thế, Đạo Đức Học Đường lúc này có hai ban
- Ban Quản Trị : do Lễ Sanh Thượng Hài Thanh và Lễ sanh Thượng Cảnh Thanh, trên có Lễ sanh Ngọc Lương Thanh thừa quyền phụ thống Học viện coi tổng quát.

- Ban Giám Đốc : do ông Trần Hữu Khuôn làm Giám đốc coi về chuyên môn học tập của học sinh.

Giáo viên trong buổi đầu có các thầy : Phan Hữu Phước, Trần Ngọc Văn, Nguyễn Văn Hội, Huỳnh Văn Hưởng, Nguyễn Văn Khiết.v…v..

3 . Sinh hoạt học đường
Lúc đầu, gia đình học sinh còn nghèo ăn mặc sạch sẽ chưa có đồng phục, nhưng ngày thứ hai chào cờ phải mặc áo dài trắng. Học sinh nào phạm lỗi nặng phải lên đài (một cái ghế cao có ba bậc) đã bị phạt một lần thì không thể nào còn tái phạm nữa.
Về văn nghệ chủ yếu là trống và các đàn thùng không kèn thổi, phụ diễn trong những ngày lễ của trường và của đạo. các thầy thì làm thi làm thơ có chân trong Đạo Đức Văn Đàn như Vân Khanh, Tôn Hưng, Trần Ngọc Hiếu v.v..

Về thể thao, trường có sân bóng chuyền phía sau văn phòng trường và bóng đá đối diện mặt tiền của trường bên kia đường Cao Thượng Phẩm. Người cầm còi (trọng tài) chính là thầy Nguyễn Hữu Lương. Ngoài việc đá bóng giao hữu với các trường bạn, còn giao hữu thân thiện với các cơ quan trong đạo.

Về báo chí thực hiện trong dịp Tết và nghỉ hè. Lúc đầu in bằng xu xoa, tờ Bạn Trẻ do Thầy Trương Văn Ba chủ biên, sau in Ronéo. Năm 1970 trường mua máy in, cũng từ đó báo được in thành tập hẳn hoi.

Nhà in còn in nhiều sách đạo như các quyển : Giải nghĩa Kinh Thiên Đạo, Thế Đạo của Hiền tài Đặng Mỹ Lệ, Thiên Bàn tại tư gia của Giáo hữu Thượng Lý Thanh ..v…v..

4 . Đặc điểm của ngành giáo dục Cao Đài :
Ngành giáo dục Cao Đài dạy đủ các môn theo chương học của Nhà nước, cũng đi thi lấy các văn bằng của Bộ Giáo Dục. Có năm, Học Viện tổ chức kỳ thi lấy văn bằng của Đạo. Mục đích để tuyển chọn làm trong các cơ quan Đạo.
Đặc điểm của giáo dục Cao Đài là học thêm môn Giáo lý về thần học Cao Đài để cho đứa trẻ thấm nhuần triết lý cao thượng của Đạo.

Kế đến là môn Hán Văn lớp nào cũng phải học vì Đạo chủ trương Nho Tông chuyển thế nên tại gian chính của Văn phòng thờ Đức Khổng Tử. Chính nhờ môn Hán Văn giúp học sinh của Đạo vượt khó khăn khi theo học trường Đại Học Văn Khoa.

Thực ra việc học chữ Hán là học phần gốc, phần nguồn chứ không phải là học cành lá của ngôn ngữ. Nếu một học sinh không hiểu thấu đáo từ Hán Việt thì không những sai về kiến thức mà còn khó có thể thưởng ngoạn một tác phẩm văn học. Chẳng hạn chỉ một từ phong với nhiều ý nghĩa khác nhau, nếu học sinh không hiểu tường tận thì có thể hiểu lầm tiên phong là trước gió (thay vì là mũi nhọn); rừng phong là rừng gió (thay vì rừng bàng); rêu phong là rêu gió (thay vì rêu phủ); cao phong là gió cao (thay vì núi cao) …; rồi thiên thư là sách trời và thiên thu có thể là trời thu (thay vì ngàn năm). Muốn am tường chữ Hán, đòi hỏi phải có một thời gian học tập khá lâu, cho nên phải dạy học sinh ngay ở cấp phổ thông cho kịp lúc chứ không thể nào đợi khi lên đại học chuyên ngành rồi mới dạy.

Về hình thức, mỗi sáng thứ hai học sinh mặc áo dài trắng chào cờ nước và cờ đạo, nên lúc đầu hát bài Mừng thay Chí Tôn ngày nay đã đến, sau đổi ra hát bài Học sinh Hành khúc chớ không hát quốc ca.

Hồi đó, chưa có hiệu đoàn trường. Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài lúc đó hoạt động chính ở hai trường do hai liên đoàn đảm trách, giáo dục học sinh cuộc sống dã ngoại.

Liên đoàn Lê Văn Trung do chính giáo sư Bạch đảm trách. Liên đoàn Phạm Công hoạt động tại trường Minh Đức Tân Dân và các trường trong các phận đạo.

Năm 1955, Ban thanh trừng khủng bố khiến cho các giáo viên và học sinh tản lạc về các tỉnh, nhất là Sài Gòn. Việt Nam Bửu Tự ở đường Phan Thanh Giản Sài Gòn là của Đạo Nhơn Diêu Minh nhận học sinh từ Tây Ninh, với lời kêu gọi “Đồng bạc cho trẻ mồ côi”. Các nhà từ thiện hết lòng giúp đỡ. Học sinh đến chùa ngày càng đông quá tải p hải che ở ngoài mái hiên. Chính quyền Ngô Đình Diệm ngăn chặn không cho các người hảo tâm giúp tiền của cho chùa. Hậu quả các học sinh tự giải tán.

Đạo đức học đường phải dời ra chỗ Cơ Thánh Vệ và trở thành trường Bán Công, quyền của Học Viện không còn.

5 . Đạo đức Học Đường phục hồi :
Năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Đạo Đức Học Đường được dời về chỗ cũ. Giáo sư Thượng Cảnh Thanh lo xây cất lại Đạo Đức Học Đường. Trong ngày an vị trường, ông quyền Thượng Thống Học Viện cảm tác bài thi như sau :
Đạo Đức Học Đường
Ba chục gian nhà mới tạo nên,
Nguy nga đồ sộ cảnh thêm bền
Mái tôn lạc trợ che toà nóc,
Viên gạch đồng tâm đúc vững nền
Văn hoá phát huy phương dạy trẻ
Công trình xây dựng sử đề tên.
Văn phòng Đạo Đức tăng huê mỹ,
Dồi luyện tinh thần chống vượt lên.
                                               Ngày 15-3-1965
                                                           THƯỢNG CẢNH THANH

HỌA VẬN
Học đường Đạo Đức được xây nên,
Sương gió bao năm vẫn vững bền.
Thuở trước nhà tranh duềnh thấp mái
Giờ đây tôn gạch vững cao nền.
Mỗi ngày mỗi mới thêm tươi trẻ
Càng lúc càng tăng với tuổi tên.
Tận sức “hiếu trung phò xã tắc”
Dồi trau trí tuệ, đạo càng lên.
                                                                       VÂN ĐẰNG

Đạo Đức Học Đường từ đó tổ chức có qui cũ. Hiệu trưởng (Nguyễn Hữu Lương), Giám học, Tổng Giám thị, Hiệu đoàn trường được sự hỗ trợ đắc lực của Đại Đạo Thanh Niên Hội.

Để chuẩn bị mở các lớp đệ nhị cấp, thầy Nguyễn Hữu Lương đã hoạt động tích xây được 10 phòng lầu với bêtông kiên cố. Để đánh dấu thành tích to lớn đó, lễ bãi trường năm 1972 rất trọng thể.

* Lễ phát thưởng cho học sinh trường Đạo Đức và Lê Văn Trung
Vào ngày 15 tháng 4 Nhâm Tý (dl 27-5-1972), Ban Giám Đốc Đạo Đức Học Đường làm lễ phát thưởng cho các học sinh ưu tú năm học 1971-1972.

Ông quyền Thượng Chánh Phối Sư đến chủ toạ buổi lễ và ban huấn từ, có đoạn viết :
“Niên học vừa mãn đã đem lại kết quả tốt đẹp cho trường là một kỳ công. Hội Thánh để lời ban khen chung, ước mong thành quả này được nhân lên mãi mãi để xứng đáng tên trường Đạo Đức Học Đường mà Hội Thánh đã dày công sáng lập…
“Hội Thánh hoan hỉ đặt niềm tin nơi quí vị Hiệu Trưởng, qúi Giáo Sư, giáo viên đã đem tài năng tô điểm văn hoá và đạo pháp, giáo hoá con em Đạo trở thành nhân tài cho Đạo và xã hội”.

Hôm sau, ngày 16 tháng 4 Nhâm Tý (dl 28-5-1972), Ban Giám Đốc trường trung tiểu học Lê Văn Trung làm lễ phát thưởng cho các học sinh ưu tú năm học 1971-1972.

Ông quyền Thượng Chánh Phối Sư đến chủ toạ buổi lễ và ban huấn dụ, có đoạn viết :
“Hội tưởng lại những năm khổ cực….Hội Thánh đã tạo nên ngôi trường Trung Học Lê Văn Trung này để tiếp tục học hành, khỏi bị gián đoạn vì chi phí và trường xa…
Nhờ Ban Giám Đốc, quí Giáo Sư, giáo viên nam nữ gắng công đào tạo học sinh Trung Học Lê Văn Trung tiến triển tốt đẹp. Mỗi năm đều có một số thành tài giữ cương vị quan trọng trong xã hội….Giá trị là điều hãnh diện cho Hội Thánh, cho phụ huynh học sinh” (TT53, tr.7-8).

Nhớ lại ngày mồng 3 tháng 5 Aát Mùi, Đức Hộ Pháp đến dự lễ phát thưởng và ban lới huấn dụ cho ban Giáo chức Đạo Đức Học Đường như sau :
“Phương pháp hay hơn hết là nơi các con làm thế nào dung hoà hai nền văn minh ấy (tức Aâu - Á).
Bần Đạo đi quan sát ở Đài Loan, ở Nhật, ở Triều Tiên rồi, mới cân coi phương pháp họ đã cải tổ nền văn minh của họ thế nào và họ đã dìu đường cho hàng thanh niên của họ về phương pháp học thức thế nào. Bần Đạo ngó thấy cái hay của họ là những điều chi ở ngoài họ để ngoài, với hàng rào kín đáo; cái chi ở trong giữ gìn đáo để kỷ lưỡng ở trong…

Duy có một điều quý hoá hơn hết mà Bần Đạo lấy làm sung sướng thấy đặng là cả phong hoá văn hiến cổ truyền họ vẫn giữ. Họ bảo thủ nó tồn tại, hiển nhiên không cho ngoại lai xâm phạm” (TT99, tr.2-3).

6 . Lễ phát thưởng học sinh Đạo Đức Học Đường năm 1974 :
Vào lúc 09 giờ ngày mùng 9 tháng 4 năm Giáp Dần (DL, 5/1974), Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Sáng Thanh đã đến Đạo Đức Học Đường chủ toạ Lễ bãi trường và phát thưởng cho những học sinh ưu tú niên khoá 1973-1974. Cùng đi với Ngài Thượng Đầu Sư có phái đoàn Hội Thánh gồm quý Ngài Bảo Đạo HTĐ. Hiến Đạo HTĐ, hai Ngài Thái và Ngọc Đầu Sư, Ngài Qu.Thượng CPS, Qu. Nữ Chánh Ps. Ngài Chơn nhơn Phó CQ.HT.PT. cùng quý CS Hiệp thiên, Cửu trùng, Phước thiện lưỡng phái. Về phần chánh quyền có Phó Tỉnh trưởng Hành chánh đại diện Đại tá tỉnh trưởng Tây Ninh, Ông Thanh tra trung học vùng III cùng quý giáo chức, Ông phó Viện trưởng Viện Đại học Cao Đài, Gs. Mã Thành Công.
Khởi đầu buổi lễ, lễ chào Quốc kỳ và Đạo kỳ,một phút mặc niệm để tưởng nhớ công ơn Đức Hộ Pháp cũng như quý chức sắc, quý ân sư quá cố đã hy sinh cho Đạo Đức Học Đường. Kế đến ông Phụ tá Hiệu trưởng đọc diễn văn khai mạc, tiếp theo một học sinh đại diện cho hơn bốn ngàn học sinh Đạo Đức Học Đường đọc diễn văn bày tỏ lòng tri ân Hội Thánh và Chánh quyền, học sinh nàycũng đã nói lên lòng biết ơn của toàn thể học sinh đối với Đức Hộ Pháp, người đã hy sinhtất cả tâm chí tạo dựng ngôi trường, đào tạo những trang tài đức phục vụ cho quốc gia dân tộc và Đạo pháp, tạo những người công dân biết yêu quê hương và quí chuộng đạo nghĩa…

Sau cùng, Ngài Thượng Đầu Sư ban huấn từ, Ngài để lời khen ngợi tất cả học sinh Đạo Đức học Đường, niềm ao ước là đặt kỳ vọng vào các em cháu học sinh ráng cố gắng học hành để sau này trở nên những bậc nhânt ài có đầy đủ đạo đức phục vụ cho quốc gia và Đạo pháp. Ngài cầu nguyện ơn trên và Đức Hộ Pháp hộ trì cho các em cháu học sinh được sáng thông trí tuệ học tập.

Sau đó Hội Thánh, quý quan khách phát tượng trưng một ít phần thưởng, những phần thưởng còn lại được thầy cô phân phát sau, xem kẽ chương trình lễ phát thưởng có phần văn nghệ do các em học sinh trình diễn giúp vui.

Trường Đạo Đức Học Đường đã hoạt động gần hai thế hệ, đủ để vườn ươm lên cây và trổ hoa trái, truyền bá ánh sáng văn hoá và giáo lý Đạo Cao Đài không những cho 19 phận Đạo mà còn cho học sinh các tỉnh về đây tá túc học tập. Bao nhiêu cảm tình bấy nhiêu hoài niệm trường cũ đã chất chứa trong tâm qua bao thế hệ học sinh. Có dịp đi qua trường lòng ai không rào rạc nhớ từng mái tranh góc lớp, gợi lên những bộ mặt chất phát thân thương. Ôi! Ngày ấy còn đâu (?).

TIẾT 2 : NGHĨA THỤC LÊ VĂN TRUNG

Nghĩa thục Lê Văn Trung giáo dân khai tâm mẫn tuệ
Thượng Trung Nhứt Giáo Tông hương đạo độ thế hằng sanh.

1 . Sơ lược việc thành lập trường .
Vào cuối năm 1949, Đoàn thiếu nhi quân được quân đội thành lập. Trụ sở toạ lạc tại ngã tư Ao Hồ trên đường Hoàng Tòng Hướng. Nơi học tập văn hoá của các thiếu nhi quân thường gọi là Trường phổ thông. Hai cơ sở này đều do thiếu tá Nguyễn Văn Ngọ chỉ huy.
Đến giữa năm 1952, do sự sắp xếp của Hội Thánh các học sinh vừa thi đỗ tiểu học của trường Đạo Đức đều dời sang trường này tiếp tục học lớp Đệ Thất.

Tháng 9-1952 trường làm lễ khai giảng tại rạp hát cửa số 7, có Đức Phạm Hộ Pháp đến chủ toạ danh dự buổi lễ. Trong lời huấn dụ Đức Ngài đặt tên cho trường là Nghĩa thục Lê Văn Trung.

Từ đó, Đại tá Trần Văn Tuyên ( quen gọi Trần Tuyên) làm Hiệu trưởng. Năm đó, trường có tất cả 9 lớp đệ thất từ A đến I và hai lớp 1 èø Année và 2 è Année từ trường Đạo Đức Học Đường cũng chuyển sang 2 lớp học, 2 bên văn phòng.

Chương trình học của trường y như các trường công lập. Đặc biệt có học thêm hai môn Hán Văn và Giáo lý.

Học sinh vào học phải đọc “Kinh nhập học”. Buổi sáng chào cờ không hát quốc ca mà hát bài “Học sinh hành khúc” vì một bên treo cờ quốc gia và một bên treo cờ đạo.

2 . Tổ chức trường sở :
Trường có Ban Giám Đốc, Phòng Học Vụ, Phòng Giám Thị, Phòng Giáo Sư.
Ngày 21-3-1955, Chính phủ Liên Hiệp được thành lập, Đạo Cao Đài tham dự 4 ghế bộ trưởng. Trong đó có Đại tá Trần Tuyên. Oâng vốn là Chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao từ ngày 28-5-1946.

Sau đó, nhà văn Chu Tử tức Chu Văn Bình lên thay làm Hiệu trưởng, điều khiển trường.

Ngày 6-8-1955 Ngô Đình Diệm phái tướng Nguyễn Thành Phương lập Ban Thanh Trừng các phần tử chống chính quyền. Do đó, ông Chu Văn Bình và các giáo sư đến cộng tác với trường bỏ trường về Sài gòn, khiến trường bị khủng hoảng trầm trọng.

Nhất là Quân đội Cao Đài được quốc gia hoá (1955) nên không còn bảo trợ tiền bạc cho trường nữa. Các học sinh phải đóng tiền. Do đó, một số học sinh nghèo phải nghỉ ngang, một số bỏ về quê đi học trường ở các tỉnh.

Năm học 1955-1956 các học sinh lớp Đệ Tứ đi thi Trung học Đệ Nhất cấp, các chứng chỉ học trình cuối cấp mang tên trường Đạo Đức Học Đường và do Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Lương ký tên.

Sau đó trường được bán công hoá, do Hiệu trưởng trưởng Trung học Tây Ninh kiêm nhiệm.

Thời gian này, Hiệu Đoàn Trường hoạt động không mạnh nên giáo sư Trần Văn Rạng được phép Hiệu trưởng và Học viện lập Liên Đoàn Hướng Đạo Lê Văn Trung để rèn luyện cho học sinh sự tháo vát và nhanh nhẹn,sau trở thành Đạo (tức Tỉnh Hội) Vàm Cỏ Đông dời trụ sở về tỉnh lỵ.

Vừa lúc đó, Hiền tài Dương Văn Dũng xin nghỉ dạy trường công lập về làm Hiệu trưởng trường TH Lê Văn Trung. Từ đó trường phát triển mạnh. Trường mở các lớp đệ nhị cấp, có học sinh thi tú tài, đỗ đạt cao.

Trường Trung Tiểu học Lê Văn Trung chỉ tồn tại trong 23 năm nhưng đã đào tạo nhiều nhân tài cho Đạo và cho nước. Xin đọc lời khen ngợi trong buổi lễ phát thưởng tháng 5-1973 làm tiêu biểu.

3 . Lễ phát thưởng của Trung, Tiểu học Lê Văn Trung :
Vào lúc 08 giờ ngày 25 tháng 4 Quí Sửu (27-5-1973) Ngài Thượng Chánh Phối sư Thượng Nhã Thanh đã đến chủ toạ lễ bãi trường và phát thưởng của Trường Trung, Tiểu học Lê Văn Trung niên học 1972-1973. Hiện diện trong buổi lễ có Ngài Bảo Đạo HTĐ, Ngài Thái Chánh Phối Sư, Bà Phối Sư Hương Mây điều khiển Tam Viện Học, Y, Nông cùng chư Chức sắc. Về phần quan khách có Phó Tỉnh trưởng Hành chánh, thay mặt Đại tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh, quí vị phụ huynh học sinh.
Mở đầu buổi lễ, ông Hiệu trưởng đọc diễn văn khai mạc, kế tiếp một đại diện học sinh trình bày cảm tưởng. Sau đó, ông Phó Tỉnh trưởng hành chánh để lời phủ dụ, và sau cùng, Ngài Qu. Thượng Chánh Phối Sư ban huấn từ. Ngài nhắc nhở quí vị phụ huynh cần lưu tâm đến việc học hành,đức hạnh của con em mình bằng cách liên lạc với nhà trường để theo dõi về sở hành của chúng. Ngài để lời ban khen quí vị giáo sư, Ban giám đốc, chính quí vị là những chiến sĩ trungkiên trên mặt trận văn hoá, mang bó đuốc bừng cháy của văn minh soi sáng làng mạc, chống giặc mù chữ, chống lại tất cả những gì sa đoạ, sai lạc, gây thưởng tổn cho người dân về mặt tinh thần. Ngài nhắc nhở các em học sinh phải cố gắng học tập để trở thành những phần tử ưu tú phụng sự cho Tổ quốc giống nòi và Đạo pháp.

Tiếp tục là phần phát thưởng danh dự tượng trưng cho những học sinh ưu tú. Được biết, Trung, Tiểu học Lê Văn Trung năm nay gồm 155 phần thưởng cho bậc Trung học, 73 phần thưởng cho bậc Tiểu học và 36 phần thưởng sinh hoạt học đường.

Dưới đây là nguyên văn bài huấn dụ của Ngài Quyền Thượng Chánh phối sư.
“Hôm nay, tôi rất hân hạnh đến chủ toạ buổi lễ phát thưởng cho các em học sinh niên khoá 1972-1973 của trường Lê Văn Trung xin cám ơn ông Hiệu trưởng, quý Giáo chức cùng quý vị phụ huynh học sinh đã dành sự danh dự cho tôi.
Tôi cũng lấy làm mừng thấy các bậc cha mẹ học sinh cùng tham dự buổi lễ phát thưởng chứng tỏ quý vị đã lưu tậm đến học đường, nơi nung đúc những tinh hoa của đất nước, những công dân hữu ích cho xã hội. Nhân dịp này tôi yêu cầu quý vị trong niên học tới đây sẽ luôn luôn lưu tâm hơn nữa, bằng cách tiếp xúc thường xuyên với học đường để giúp các vị giáo chức trong việc kiểm soát sự học tập cũng như về đức hạnh của con em mình, đồng thời nếu có thể nâng đỡ học đường về mặt tinh thần hay vật chất. Có được sự giao tiếp như vậy, không khí học đường mới phấn khởi , con em mình mới mau tiến bộ và trở nên ngoan ngoãn.

Thưa quý Giáo sư, Giáo viên nam nữ.
Sau ngót mười tháng trời tận tình giảng dạy các em học sinh, quý vị đã không nề khó nhọc vất vả.

Điều mà tôi muốn thốn lên trước tiên với quý vị là niềm cảm thông sâu xa của tôi về những công tác khó khăn mà quý vị đã can đảm nhận lãnh và thi hành trọn vẹn từ trước đến nay. Với tinh thần phục vụ cao cả, quý vị đã xung phong mang bó đuốc bừng cháy của văn minh soi sáng làng mạc, chống giặc mù chữ, chống lại tất cả những gì sa đoạ, sai lạc, gây thương tổn cho người dân về mặt tinh thần, quý vị không những có nhiệm vụ giáo dục con em để sau nầy trở nên những con dân hữu dụng cho tổ quốc, mà còn phải có bổn phận của một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, bảo tồn tinh thần cao cả của dân tộc. Tiện đây, tôi xin ngỏ lời khen thưởng quý vị về tinh thần phục vụ cao trọng đó.

Các em học sinh,
Tôi rất lấy làm mừng được nhìn thấy nét mặt hớn hở vui của các em dưới mái trường ấm cúng này, bởi vì hình ản của các em chính là hình ảnh của tôi mấy mươi năm về trước. Nhưng các em đã may mắn hơn tôi thuở ấy, các em được vui vẻ học-hành trong bầu không khí tự do phóng khoáng do Hội Thánh Cao Đài lãnh đạo, lúc nào Hội Thánh cũng hằng lưu tâm săn sóc đến đời sống và sự học vấn của các em.

Hôm nay, các em cùng nhau họp mặt vui vẻ và thân mật trong lễ phát phần thưởng, với các em được lãnh tôi có lời nhiệt tình khen ngợi ; còn các em khác tôi khuyên cố gắng học tập chuyên trì các em cần phải có tinh thần học đến tận nơi, hỏi đến khi hiểu thật trong suốt, hành thật chu đáo, mới thật sự là giá trị của một học sinh ưu tú.

Ngày mai, các em sẽ tạm xa trường,xa thầy, xa bạn bè về nghỉ với gia đình.
Trong những tháng nghỉ hè, các em sẽ vui chơi thoả thích để bồi dưỡng sức khỏe. Các em sẽ có dịp giúp đỡ cha mẹ công việc nhà, đem những điều hay đã học hỏi được bày vẽ cho các em, các bạn và những người không có hoàn cảnh thuận lợi đi học như các em.

Ở trưởng, các em đã là những học sinh ngoan ngoãn, về nhà các em sẽ là những con hiếu thảo của cha mẹ, hoà thuận với anh em, thân thiện với bà con hàng xóm để xứng đáng với công lao của cha mẹ và thầy cô đã dày công dạy bảo .

Trước khi dứt lời, tôi thay mặt Hội Thánh ban khen Quản trưởng, Ban Giám Đốc, Giám Thị, quý Giáo sư, giáo viên đã dày công tạo nên danh dự cho trường Trung, Tiểu học Lê Văn Trung, tôi mong rằng quý vị nên tích cực mãi để danh được thêm cao, tôi cầu nguyện ơn trên Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng, Đức Quyền Giáo Tông ban phúc lành cho quý vị và các em học sinh luôn được trí tuệ sáng suốt cùng nhau tô điểm uy danh trường Trung, Tiểu học Lê Văn Trung và thành thật chúc quý vị được bình an để vui hưởng mùa Quí Sửu này.”

4 . Chỉ đạo của Học Viện trong năm học
Dưới đây là bản chỉ dẫn chi tiết hàng tháng của Học Viện các trường trực thuộc Học Viện thông tư cho các Hiệu trưởng phải kiểm tra ở từng tháng trong năm như sau :
THÁNG 9 :
- Số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 so với số trẻ trong độ tuổi ở địa phương.
- Xây dựng kế hoạch của các tổ chuyên môn và các bộ phận khác.
- Kiểm tra chất lượng học sinh
- Việc tổ chức tập thể dục
- Hồ sơ học sinh mới tuyển vào lớp đầu cấp

THÁNG 10 :
- Kiểm tra toàn diện một số giáo viên trong trường
- Hoạt động của các tổ chuyên môn
- Việc giữ gìn tập,vở, sách giáo khoa của học sinh

THÁNG 11 :
- Kiểm tra toàn diện một số giáo viên trong trường
- Việc thực hiện nội qui của trường đối với giáo viên, học sinh.

THÁNG 12 :
- Kiểm tra toàn diện một số giáo viên trong trường
- Việc thực hiện kế hoạch của Ban giám đốc, các tổ chuyên môn và các bộ phận chuẩn bị cho thi Đệ I lục cá nguyệt.

THÁNG 1 :
- Việc tổ chức thi, cho điểm, xếp loại và vào học bạ học
- Xếp thi đua ở các lớp, các tổ chuyên môn

THÁNG 2 :
- Kiểm tra toàn diện một số giáo viên trong trường
- Việc thực hiện nội qui của trường đối với giáo viên, học sinh
- Hoạt động của các tổ chuyên môn

THÁNG 3 :
- Kiểm tra toàn diệm một số giáo viên trong trường
- Việc giữ gìn vở, SGK của học sinh

THÁNG 4 :
- Việc thực hiện kế hoạch năm học của Ban Giám Đốc, tổ chuyên môn và các bộ phận khác để chuẩn bị tổng kết.
- Việc bồi dưỡng và chất lượng học sinh lớp cuối cấp
- Kiểm tra hồ sơ thi của học sinh lớp cuối cấp.

THÁNG 5
- Công tác tổ chức thi, chấm điểm , xếp loại vào học bạ cả năm học.
- Công tác tổng kết, xếp loại thi đua ở các lớp
- Việc hoàn chỉnh hồ sơ thi của học sinh lớp cuối cấp.
- Kiểm tra chất lượng học sinh lớp 1, 2 để cho lên lớp

THÁNG 6, 7
- Nghỉ hè

THÁNG 8
- Công tác chuẩn bị khai giảng đối với giáo viên và học sinh
- Việc tổ chức thi lại và xét lên lớp
- Việc vệ sinh lớp học và sân trường
- Mỗi ngày hiệu truởng kiểm tra việc thực hiện giờ giấc của giáo viên, học sinh
+ Ban giám đốc kiểm tra việc cho điểm, cộng điểm, xếp loại ở các lớp
+ Ban giám đốc kiểm tra việc thực hiện chương trình
+ Ban giám đốc kiểm tra việc thu, chi các loại quỹ
+ Ban giám đốc kiểm tra số học sinh bỏ học ở từng lớp
+ Ban giám đốc kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh cá nhân của học sinh - Mỗi lục cá nguyệt :

Ban giám đốc kiểm tra hồ sơ giáo viên ít nhất là 1 lần. Trong một năm học Hiệu trưởng phải kiểm trả đầy đủ các nội dung nêu trong từng tháng và định kỳ như trên có ghi rõ kết quả kiểm tra vào sổ kiểm tra nội bộ trường học.

TIẾT 3 : VIỆN ÐẠI HỌC CAO ĐÀI

Phạm Công Tắc Hộ Pháp khai đạo độ trì sanh chúng
Viện Đại Học Cao Đài khải đường truyền giáo thế nhân.

1 . Tổng quát về Viện Đại Học Cao Đài
Từ năm1971Viện Đại Học Cao Đài (tạm đặt trường sở tại nhà Hội Vạn Linh) đã lập đầy đủ để xin khai giảng. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trù trừ không cấp giấy phép vì người đứng tên Viện trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân HTĐ vốn là cựu Thủ tướng đối nghịch.
Việc tuyển sinh phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Mãi đến ngày 24/11/1971 Hội Đồng Quản Trị Viện Đại Học Cao Đài mới được Bộ Giáo Dục cấp giấy phép số 7999/GD/VP đề ngày 29/9/1971 bổ túc giấy phép số 9335/GD cấp ngày 24/11/1971 mà vị quyền viện trưởng chưa có bằng cử nhân, nhằm mua chuộc cử tri theo Đạo Cao Đài trong kỳ bầu cử Tổng thống vào ngày 03/10/1971.

Vị Thời Quân Khai Đạo, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị đã trấn tỉnh như sau, nhân ngày bác sĩ Lê Văn Hoạch, Bảo Sanh Quân HTĐ nhận chức viện trưởng :

“ Suốt gần hai niên khoá 1971 - 1972 và 1972-1973 với tư cách quyền viện trưởng tôi xin xác nhận thành quả tốt đẹp của viện, một phần lớn công do luật sư Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân, nhị vị khoa trưởng là tiến sĩ Lê Trọng Vinh và kỹ sư Đoàn Minh Quang đảm nhiệm điều hành giảng huấn ….

Song song với việc điều hành viện. Hội Đồng Quản Trị chúng tôi đặt nặng trọng tâm xúc tiến công tác xây cất viện trên phần đất 7 mẫu do cố Hộ Pháp đã chỉ định tại Chợ Long Hoa. Hội Đồng Quản Trị bằng mọi cách phải hoàn thành việc xây cất khu C để đưa một số sinh viên về học trong niên khoá 1973-1974. Với ngân khoản 400.000.000 dự trù xây cất Viện đại học Cao Đài, Hội Đồng Quản Trị tin tưởng vào .sự bảo trợ của Hội Thánh, sự yểm trợ của chính quyền và lòng hảo tâm của chư tín hữu Cao Đài trên toàn quốc, nhất định Viện Đại Học Cao Đài sẽ được hoàn thành .

2 . Việc xây cất Viện Đại Học Cao Đài
Khu đất có diện tích 7 mẫu 82 sào, khu xây viện chiếm 19.500 mét vuông, cửa chánh quay ra đường Ca Bảo Đạo, cửa phụ ở đường Phạm Ngọc Trấn. Khởi công xây cất ngày 9-1-Nhâm Tý (dl 23-2-1972).
Để kịp khai giảng năm học 1971-1972, Hội Thánh quyết định thiết kế nhà Hội Vạn Linh tạm làm Viện Đại Học Cao Đài

Ngày 30-9-1971, ông Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục lên Tòa Thánh Tây Ninh trao nghị định thành lập Viện Đại Học Cao Đài đủ tính chất pháp lý. Ông Tổng Trưởng nói rõ về việc thành lập trong giai đoạn đầu chỉ có 2 phân khoa : Nông Lâm Mục và Thần Học Cao Đài Giáo.

Ông Tổng Trưởng trao cho Hội Thánh giấy phép số 7999/GD/VP ngày 29-9-1971 của Bộ Giáo Dục, sau lập thêm phân khoa sư phạm gồm 2 ngành : Văn khoa và khoa học. Giấy phép bổ túc số 9335 /GD ngày 24-11-1971.

3 . Thể lệ và học trình các phân khoa
I/ NHẬP HỌC :
1) Mỗi năm Viện sẽ tổ chức vào đầu niên khoá một kỳ thi tuyển để chọn các sinh viên nhập học năm thứ I các Phân khoa của Viện.

Kỳ thi tuyển đầu tiên được tổ chức tại Đạo Đức Học Đường (Toà Thánh-Tây Ninh) vào ngày 20-12-1971

2) Ứng viên phải hội đủ các điều kiện sau :
- Có bằng Tú tài II, hoặc văn bằng tương đương.
- Hợp lệ tình trạng quân dịch.

3) Sau khi có kết quả kỳ thi tuyển. Viện sẽ ấn định một thời hạn ghi danh. Chỉ có thí sinh trúng tuyển mới được ghi danh và chỉ được ghi danh trong thời gian hạn định.

Thí sinh không ghi danh coi như từ khước việc học ở Viện và sau thời hạn ghi danh, Viện sẽ không chấp nhận bất cứ sự khiếu nại nào.

4) Khi ghi danh sinh viên phải nộp đầy đủ những hồ sơ do Viện chỉ định, gồm có :
- Đơn xin ghi danh
- Bảnsao chứng chỉ Tú Tài II hoặc văn bằng tương đương có thị thực.
- Bản trích lục giấy khai sanh
- Biên nhận đóng lệ phí ghi danh
- Bốn (04) ảnh 4x6

5) Sinh viên dùng hồ sơ giả mạo, khi bị phát giác sẽ bị loại khỏi Viện và có thể bị truy bố trước Tòa án.

II / HỌC TRÌNH CÁC PHÂN KHOA
A/ PHÂN KHOA NÔNG LÂM MỤC
1) Phân khoa Nông Lâm Mục gồm có hai cấp :

Cấp I : Học trình 2 năm : Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cán sự Nông Lâm Mục.
Cấp II : Học trình 4 năm : Các sinh viên có khả năng chuyên môn và có phương tiện tiếp tục thêm 2 năm, khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kỹ sư Nông Lâm Mục với ghi chú ngành chuyên môn (Nông Khoa, Súc Khoa…).

a) Ở cấp I cũng như cấp II, cuối năm thứ hai và năm thứ tư, sinh viên phải đệ trình một tiểu luận, ít nhất 30 trang đánh máy về một đề tài đã được lựa chọn trước sự chấp thuận của một trong các Giáo sư đang phụ trách năm thứ 2 (hoặc năm thứ tư tuỳ trường hợp).

B/ PHÂN KHOA SƯ PHẠM
1) Phân khoa sư phạm gồm 2 cấp :

Cấp I : Học trình 2 năm : Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cao Đẳng Sư Phạm có ghi chú ngành liên hệ và nhiệm ý lựa chọn.

Cấp II : Học trình 4 năm : Các sinh viên có khả năng chuyên môn, có phương tiện có thể tiếp tục học thêm 2 năm để lấy bằng Cử nhân Sư Phạm (Ban Văn Khoa hoặc Ban Khoa Học).

a) Ở cấp I, Viện đào tạo các Giáo sư Trung học Đệ Nhứt Cấp và ở cấp II Viện đào tạo các Giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp

*   *   *

Chính học trình của Viện Đại Học Cao Đài là một sự mới lạ trong nền Đại Học Cao Đài là một sự mới lạ trong nền Đại Học Việt Nam vì chương trình học gồm có hai cấp bực.

Cấp bực thứ nhứt gồm 2 năm học đầu áp dụng tinh thần Đại Học Cộng Đồng (Private Junior College) được phát triển tại Hoa Kỳ và một số Quốc gia trên thế giới, nhằm đạo tạo cán bộ trung cấp với một chương trình Đại Học chuyên khoa ngắn hạn để có đủ kiến thức tổng quát và thực dụng về các ngành chuyên môn phù hợp với nhu cầu tại địa phương. Chương trình ngắn hạn này cũng có tác dụng đại chúng hoá nền Đại Học.

Như vậy, sau hai năm học, sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng được cấp bằng của mình trong các ngành liên hệ.

Tuy nhiên, Viện Đại Học Cao Đài không hạn chế chương trình học của sinh viên ngay ở cấp bực thứ nhứt, vì tiếp theo đó, sinh viên có khả năng và phương tiện còn có thể tiếp tục việc theo học ở cấp bực thứ hai theo như các Viện Đại Học thông thường của Quốc gia hay các tôn giáo bạn.

Nhưng ở cấp bực thứ hai tính cách chuyên khoa được tăng gia mạnh mẽ hơn nên sinh viên tốt nghiệp có khả năng chuyên môn tăng tiến hơn các Viện Đại Học theo lề lối phổ thông cổ điển.

III / HỌC TẬP
1) Sinh viên theo học các Phân Khoa của Viện phải có mặt trong tất cả các giảng khoá, trừ trường hợp một số quân nhân công chức vì công vụ không thể chuyên cần được. Trường hợp này sinh viên nên lưu ý Ban Giám Đốc để được chỉ dẫn giúp đỡ về mặt học vụ.
( Giảng Khoá đầu tiên đã được khai giảng sau một buổi lễ cử hành dưới sự chủ toạ của Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức tại Viện ngày 28-12-1971)
2) Trong suốt học trình, ở mỗi cấp, sinh viên không được ở lại hơn một năm học.
3) Sinh viên vì những lý do chính đáng có thể gián đoạn việc học, nhưng chỉ được học lại với sự chấp thuận của ông Viện trưởng.
4) Thời gian tạm nghỉ học sẽ được coi như không ở lại lớp.
5) Mỗi năm nhà trường tổ chức 2 kỳ thi lên lớp :

- Kỳ I : Cho tất cả các thí sinh của Viện, có ghi tên dự thi.

- Kỳ II : Cho sinh viên thi hỏng kỳ I và những sinh viên bị bịnh hay vì lý do công vụ không dự thi khoá I
6) Chỉ những sinh viên có ghi danh và dự đủ số giờ thực tập mới được ghi danh dự thi.
7) Sinh viên được chấm đậu lên lớp đối với :
- Phân khoa Nông Lâm Mục có điểm số trung bình tổng quát là 12 điểm
- Phân khoa Sư Phạm có điểm số trung bình tổng quát là 10

Trong cả hai phân khoa, thí sinh có điểm một bài thi từ 05 trở xuống là sẽ bị điểm loại, thí sinh bị đánh rớt kỳ thi đó.

8) Thí sinh thi hỏng khoá I sẽ chỉ p hải thi lại những bài có điểm số dưới 12 đối với phân khoa Nông Lâm Mục và dưới 10 đối với Phân khoa Sư Phạm

9) Căn cứ vào kết quả kỳ thi cuối niên khoá năm thứ II (hoặc năm IV) sinh viên sẽ được xếp hạng :

Tối ưu : Nếu có điểm số trung bình từ 18/20 trở lên
Ưu : Nếu có điểm số trung bình từ 16/20 trở lên
Bình : Nếu có điểm số trung bình từ 14/20 trở lên
Bình thứ : Nếu có điểm trung bình từ 12/20 trở lên
Thứ : Nếu có điểm số trung bình từ 10/20 trở lên
(riêng đối với sinh viên Sư Phạm)

10) Học phí ấn định cho niên khoá 1971-1972 là 10.000$. Các sinh viên được tuyển chọn qua kỳ thi tuyển phải thanh toán học phí cho trọn niên khoá một lần nội trong tuần lễ đầu khai giảng để làm thủ tục hồ sơ nhập học và xin hoãn dịch vì học vấn nếu có. Các thí sinh trúng tuyển không làm thủ tục nhập học và đóng tất cả học phí trong thời hạn do Viện ấn định được xem như tự ý bỏ học và mọi sự khiếu nại sẽ không được cứu xét.

11) Viện cũng chấp nhận một số bàng thính viên (auditeurs libres) là những người có hoặc không có cấp bằng Tú Tài toàn phần, nhưng có đủ khả năng cần thiết, đến tham dự các buổi giảng huấn trong các phân khoa của Viện để trau giồi thêm kiến thức riêng của mình.

Các bàng thính viên chỉ được vào giảng đường để dự thính mà thôi không được chấp nhận cho thi cử lên lớp hoặc lấy cấp bằng như các sinh viên của Viện và cũng không được cấp phát chứng chỉ gì.

12) Muốn được phép dự thính các buổi giảng huấn, các bàng thính viên phải xin ghi danh theo thể thức “bằng thính viên” và phải đóng choViện một khoản học phí là 5.000$ mỗi niên khoá.

IV/ QUYỀN LỢI.
1) Sinh viên của Viện Đại Học Cao Đài sẽ được quyền :
- Sử dụng thư viện và phòng đọc sách của Thư viện trong những ngày giờ do Thư viện ấn định.
- Sinh hoạt thể thao, văn nghệ, du ngoạn do Viện tổ chức.

* Sinh viên xuất sắc :
- Trong thời gian theo học có thể được miễn giảm học phí hoặc cấp học bổng, tiền học bổng sẽ do Hội Đồng Quản Trị qui định với sự đề nghị của Khoa Trưởng liên hệ.

( Hiện tại Viện chỉ miễn học phí cho một số con em Chức sắc và Đạo hữu không có khả năng tài chính và làm công quả cho Đạo).
- Sau khi tốt nghiệp sẽ được Viện giới thiệu vào làm việc tại các cơ sở công hoặc tư hay phụ trách giảng dạy tại các trường do Hội Thánh Cao Đài tạo lập và quản trị như Trung học Lê Văn Trung, Đạo Đức Học Đường …

TIẾT 4 : HẠNH ĐƯỜNG

Hạnh Đường giáo dưỡng Lễ sanh tầm triết lý,
Đại Đạo hoằng dương Giáo hữu độ quần sanh.

1 . Sơ lược về Hạnh Đường Đại Đạo :
Hạnh Đường toạ lạc đối diện với Giáo Tông Đường. Nơi huấn luyện chức việc, chức sắc Lễ sanh, Giáo hữu hành đạo tha phương.
Trong Lời Phê Đức Hộ Pháp, Ngài dạy thờ thầy Mạnh Tử nơi Hạnh Đường vì Mạnh Tử rất có hiếu nghe lời mẹ học hành chăm chỉ, được người đời tôn danh Á Thánh.

Tích xưa Mạnh Mẫu rành rành,
Khuyên con học tập sử xanh bia truyền.
Mặt khác, thầy Mạnh Tử chủ trương Nhân Nghĩa và lấy dân làm gốc, liệt vua vào hàng thứ yếu như chủ trương của Đạo Cao Đài, tiềm ẩn trong câu “Dân vi quí, xã tắc vi thứ chi, quân vi khinh”, mà không coi trọng vua như Khổng Tử “Trung thần bất sự nhị quân”


2 . Lễ khai giảng khoá huấn luyện Chức Việc
Trong Đạo Cao Đài Hội Thánh Cửu Trùng Đài có hai tầng : Hội Thánh anh gồm chức sắc từ Lễ sanh trở lên. Hội Thánh em gồm chức việc Ban Trị Sự. Đây là hạ tầng của cơ sở quan trọng của Đạo. Trải qua nhiều biến cố, hàng chức sắc bị khảo đảo, bị lưu đày. Ban Trị Sự một lòng trung thành bám trụ giữ Đạo hữu. Họ là những người bình dân tôn thờ Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, họ vững tin rằng : “tại người làm sai chớ đạo không sai”.
Ngày mồng 4 tháng 6 năm Canh Tuất (dl. 8-7-1970) Đức Cao Thượng Sanh đến dự lễ khai giảng khoá huấn luyện chức việc Ban Trị Sự Châu Thành Thánh Địa tại Hạnh Đường và ban huấn từ như sau :

“ Hội Thánh hằng để ý chăm nom dìu dắt quý vị, Chức sẳn giảng viên không nài khó nhọc ra công chỉ dẫn, dạy dỗ đàn em cho đủ tài, đủ hạnh hầu phục vụ đắc lực nhơn sanh trên đường tu hành thì quý vị nên gắng lo trau giồi trí thức cho được minh mẫn sáng suốt để ngày sau có thể lập vị xứng đáng cho mình trong cửa Đại Đạo.
Thiết tưởng dầu trong giới nào, từ cổ chí kim ai cũng lấy sự học tập làm phương pháp đào tạo nhân tài, nhứt là trong các tôn giáo, sự học hỏi lại càng cần thiết cho người tu sĩ do câu : “ Tự giác nhi giác tha” . Phải đủ sáng suốt mới có thể dìu đường cho kẻ khác, nếu mình không sáng suốt hoặc thông hiểu một cách mù mờ, tức nhiên tránh không khỏi sự lạc đường sai hướng và trên bước lầm lạc của mình, mình sẽ kéo theo cả một đoàn người do mình làm hướng đạo.

Đức Chí Tôn có dạy : “ Dầu làm Vua, làm Thầy, làm Công nghệ, làm Đạo sĩ cũng cần phải có cái chí lớn mới thành tựu đặng”

Chúng ta nên quan niệm rằng trước khi lập chí, chúng ta cần phải lo học hỏi để trở nên sáng suốt tức là đem cái trí não ra khỏi vòng mê tối vậy.

Hội Thánh hằng để tâm lo lắng, muốn cho quý vị trở nên những nhơn vật xứng đáng đối với mặt Đạo cũng như mặt Đời, vì quý vị là những cộng sự viên cần yếu của Hội Thánh, đại diện cho Hội Thánh nơi địa phận mình trấn nhậm, tuy ở vào địa vị hạ cấp của guồng máy Hành Chánh Đạo, nhưng quý vị có nhiệm vụ trọng yếu không kém gì các Chức sắc cao cấp của Hội Thánh. Hơn nữa, quý vị là những người thân cận hằng ngày với tín đồ, hoà mình với nhơn sanh chia vui sớt nhọc với Bổn Đạo trong mọi trường hợp thì quý vị chẳng nên khinh thường cái trách vụ cao đẹp của mình.

Cũng như ngoài mặt Đời, nền tảng chính trị của quốc gia ở ấp, xã,trong Đạo Cao Đài nền tảng Hành Chánh Đạo ở nơi ấp và Hương Đạo, rồi kế đến Tộc Đạo hay là Phận Đạo.

Mặc dù ở vào hạ tầng cơ sở, nhưng nếu trong ấp hoặc Hương Đạo có điều xáo trộn trên dưới thiếu sự điều hoà, tín hữu có điều bất mãn, nhơn tâm ly tán, mất hẳn tình đoàn kết tương thần thì ở nơi cấp trên Hội Thánh cũng chịu ảnh hưởng không ít hay khó giữ uy tín đối với mặt Đời và Bổn Đạo.

Bởi thế đem thắng lợi vẻ vang về cho Đạo hay làm cho Đạo thất bại, mang tai tiếng cũng đều do nơi hành vi của quý vị.

Đã mang danh là Hội Thánh em , quý vị nên thận trọng giữ gìn tư cách đứng đắn, làm cho người đời kính nể, người Đạo tin cậy, đối đãi với toàn thể tín hữu nơi địa phận mình như tình huynh đệ trong gia đình, đem tình thương chan rưới khắp cả Bổn Đạo, giúp đỡ, nương nhờ lẫn nhau, thực hành câu “ Nhứt gia hữu sự bá gia ưu”.

Được như vậy dù cuộc đời chua cay bi đát đến mức nào, quý vị cũng không đến nỗi lâm vào cảnh khó khăn nan giải.

Điều cần nhứt là phải trọn hiếu với Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ,giữ trọn trung thành với Hội Thánh, ngoài ra gắng công học hỏi, noi gương Thánh trước Hiền xưa mà rèn luyện đức tốt tánh lành. Tiền tài,châu báu có nhiều giá trị ở đời,nhưng đức tốt tánh lành có giá trị hơn nữa, tiền tài châu báu có thể bị chúng cướp giựt chớ đức tốt tánh lành không thể nào mất được và khi xác thân ta trở về với cát bụi, những đức tốt tánh lành sẽ theo linh hồn ta để nâng cao địa vị ta nơi cõi Thiêng liêng, Đức Chí Tôn có cho bài thi dạy rằng:
Được vàng chớ khá gọi là may
Vàng hết tội kia chất dẫy đầy
Bỏ đức bỏ nhân bao kiếp đọa
Khuyên con giữ Đạo đến cùng Thầy.

Phân biệt được lẽ cao thấp giữa tinh thần và vật chất, quý vị nên quí trọng cái thiên chức ấy.

Muốn làm tròn thiên chức ấy, quý vị nên thực thi mấy điều sau đây ;
1/ Thực hành trọn vẹn Tứ đại Điều qui ấn định nơi chương V Tân Luật.
2/ Phải giữ dạ vô tư mà cư xử với Bổn Đạo, không vì ai giàu mà trọng đãi, ai nghèo mà khinh khi.
3/ Chỉ thi hành những việc do Hội Thánh ra lịnh bằng văn kiện chính thức, không nên chia phe phân nhóm làmmất sự đoàn kết thân mật trong Bổn Đạo và gây sự khó khăn cho Hội Thánh.
4/ Nếu có điều khó khăn không giải quyết được phải thỉnh giáo bề trên, không nên phán định sơ suất.
5/ Trong trường hợp nào cũng phải giữ uy tín của mình và nâng cao uy quyền của Hội Thánh

Nếu quý vị tuân hành đúng theo lề lối ghi trên đây, tôi tin chắc quý vị sẽ thành công mỹ mãn và sẽ được người Đạo cũng như người Đời kính phục”.

3 . Lễ khai giảng Hạnh Đường khóa Lễ Sanh
Vào ngày 19-6-Quí Sửu (dl 18-7-1973), toàn thể Lễ sanh tân phong tề tựu tại Hạnh Đường dự lễ khai giảng Hạnh Đường về hành chánh đạo dành cho phẩm Lễ Sanh, đặt dưới quyền chủ tọa của Ngài Hiến Pháp HTĐ.
Khởi đầu buổi lễ, Ngài Hiến Pháp và chư chức sắc cao cấp bái lễ trước bàn thờ Đức Khổng Tử, lần lượt tới giảng viên, học viên. Ông Quyền Thượng Chánh Phối Sư đọc diễn văn khai mạc xác nhận. Khoá có 569 học viên gồm 464 nam và 105 nữ, được phân làm hai lớp chiều và sáng. Thời gian học là 6 tháng.

Sau đó, Ngài Hiến Pháp HTĐ ban huấn từ có đoạn viết:
“Trước hết chức sắc đàn anh cần phải nêu gương tốt cho lời nói đi đôi với việc làm.
“Tôn chỉ của Đại Đạo là qui tam giáo hiệp ngũ chi, nên chúng ta không kỳ thị tôn giáo nào cả. Nhờ đó, sự thống nhất các tôn giáo và chi phái sẽ không gặp điều trở ngại sau này.

“Tôi rất vui mừng được tin Đạo Oomoto mời Đạo Cao Đài sang Nhật dự đại hội .... Trong lúc người ngoại quốc hướng về Đạo ta thì chúng ta phải có thái độ như thế nào để xứng đáng với câu “Danh bất hư truyền”. (Huấn từ của Ngài Hiến Pháp HTĐ TT.8, tr.7)

4  . Lễ khai giảng Hạnh Đường khoá Giáo Hữu :
Vào ngày 17 tháng 4 Giáp Dần (dl 8-5-1974), toàn thể Giáo Hửu cựu và tân phong tề tựu tại Hạnh Đường dự lễ khai giảng khoá Cao Đẳng HaÏnh Đường dưới quyền chủ tọa của Ngài Hiến Pháp HTĐ.
Sau nghi lễ, ông Giáo Sư quyền giám đốc Hạnh Đường đọc diễn văn cho biết có 6 giảng viên và 262 học viên nam nữ chia ra làm hai :
- Học chính htức :        nam 153, nữ 6
- Học hàm thụ :            nam 71, nữ 32

Sau đó, Ngài Hiến Pháp HTĐ ban huấn từ, có đoạn viết :
“Tôi rất hài lòng nhận thấy hàng năm Hội Thánh đều mở khoá Hạnh Đường, lo đào tạo chức sắc ưu tú, có năng lực phục vụ Đạo pháp đắc lực để phổ htông chơn đạo khắp nơi, ngõ hầu nhân sanh hướng về tình thương bao la, mầu nhiệm của Đức Thượng Đế”
Đến ngày 17 tháng 9 Giáp Dần (dl 31-10-1974), Ban Giám Đốc Hạnh Đường đã làm lễ bãi khoá hàng phẩm Giáo Hữu.

Sau khi Hội Thánh nguyện hương trước bàn thờ Khổng Thánh, vị Giáo Sư quyền giám đốc Hạnh Đường báo cáo kết quả khoá có 255 vị Giáo Hữu theo học, có nhiều vị đang hành đạo địa phương học hàm thụ. Nên chỉ có 194 vị dự thi cuối khoá, trong đó 182 vị đậu, tỉ lệ 93,8%.

Hội Thánh phái tượng trưng 5 chứng chỉ tốt nghiệp. Tiếp theo một học viên đọc lời tri ân Hội Thánh và các gaỉng viên. Kế đó, Ngài Bảo Đạo, Tổng Giám Đốc Hạnh Đường ban huấn từ, có đoạn viết :

“Với mấy em vừa chấm đậu, tôi xin chân thành ban khen mấy em có trình độ khá vững đủ sức để đảm đương những trách vụ nặng nề mà Hội Thánh sẽ giao phó. Tôi ước mong mấy em thi hành trách vụ, làm vui lòng Hội Thánh và được mọi người kính mến.

“Mấy em nên nhớ rằng mấy em vừa được ban cấp bằng Hạnh Đường thì nên rán cư xử sao cho ra hạnh người ta. Vì lẽ ấy muốn giữ giá trị một chức sắc cần phải giữ hạnh nết cho đoan trang mới đặng mọi người kính nể” (TT.110 tr.10-11).

5 . Giáo lý hướng thượng tiến bộ
Đạo Cao Đài có một giáo lý bao dung rộng rãi, coi nhân loại đều có một Đấng cha chung trong một đại gia đình với thuyết đại đồng, lấy tình thương xóa bỏ hận thù .”Thầy cấm các con từ đây nếu không đủ sức THƯƠNG YÊU nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à !” (TN 2, tr.69)
Giáo lý cao thượng, tiến bộ, diệt mê tín dị đoan, coi cõi Hằng sống (Thiên đàng) và thế gian (Địa đàng) chỉ là một. “CẢNH NHÀN chẳng phải đâu xa, chỉ ở nơi ĐỊA ĐÀNG đây.” (Đàn đêm 21-2 -1927) hoặc “Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa”. (Đàn 28-1-1926). Thầy chỉ rõ : “ Hễ cái tâm sáng suốt thiện từ đạo đức là thiên đàng, còn tâm mê muội vạy tà hung bạo là Địa ngục cũng chỉ tại cái tâm”. Chính cái tâm của một số môn đệ thấp kém mà Thầy răn dạy : “Đạo Thầy không mê tín dị đoan , một số môn đệ bày biện vô lối, chẳng bao lâu thành ra mối bàn môn Tả Đạo”. Một số người đã đưa lên bàn thờ những Thánh Tiên thần thoại lý tưởng có từ lâu trong dân gian, nhằm lấy biểu tượng siêu thoát đạt đạo của các Đấng ấy mà tế độ chúng sanh, chớ các Đấng ấy không phải là chủ tể và chủ động trong việc giáo hóa nhơn sanh trong kỳ Ba phổ độ này. Dù vây, điều đó không phù hợp với nền Tân Tôn giáo nên Đức Chí Tôn cho là “Bày biện vô lối”

“Không có nhà thờ nào có ma thuật cả, vì ma thuật luôn giấu diếm, còn nghệ thuật, tôn giáo mở toang cửa mời gọi mọi người”

“Cái đẹp tự thân tôn giáo không đồng nghĩa với bất kỳ cái đẹp lý tưởng nào, nhưng nó thể hiện một cách đặc thù của một nghệ thuật chân tính về nó”.

“Thế nên, nghệ thuật và tôn giáo đều mang chức năng phục vụ xã hội hay một cộng đồng. Điều đó, khiến cả hai không thể bị phân hóa hay chia cắt thành những bộ phận rời” (E.Durkheim).

Người tín hữu Cao Đài nào cũng thông suốt lời dạy sau đây của Đức Chí Tôn : “Thầy đến đặng hườn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo”. (TNHT .I, tr.12) Nói thế không phải ai nhập môn vào đạo đều đắc đạo dễ cả mà phải dày công tu luyện. Một đằng khác, Đức Chí Tôn nói rõ hơn : “Than ôi ! Đã bước vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền thánh giáo đâu? Đạo trời khai ba lượt, người tục lỗi muôn phần,sanh đứng vào thế cuộc, chưa biết mình đã lãnh một vai tuồng, đặng chờ đến kết quả hồn qui Thiên ngoại : Lánh khỏi xác phàm trở về nơi khởi hành. Phận chưa xong phận, thân chẳng nên thân, thân phận lo tính chưa rồi còn mong mỏi chi dụng mình vào đường đạo đức để cho có ích chung nữa đặng.

Lương tâm của các con là một khiếu thiêng liêng của Thây ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng để hành việc nhơn đức. Làm một việc phải tức là do theo ý Trời, phạm một nét vạy tà là phạm nơi Thiên luật. Phải quấy Thần Thánh chép biên, thưởng phạt duy đợi ngày chung cuộc, khá biết vậy!”

Theo Thánh ý, dù có quyền thiêng liêng giúp đỡ, nhưng con người phải tự cứu lấy mình : “Tận nhơn luật tri Thiên mạng” hay “có Trời mà cũng có Ta”, chớ không phải mọi việc đều buông xuôi phó thác cho số mạng.

“Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Nếu đời không tội lỗi, đâu phải nhọc đến công Thầy”. (TNHT.I, tr.33)

‘Thầy khuyên các con hãy mỡ rộng trí ra mà thương nhơn loại,thì mới hạp ý thầy.Các con phải giữ gìn đức hạn, đối với kẻ trên bằng chữ khiêm hòa, đối với kẻ dưới bằng chữ khoan dung”. (TNHT.I tr.71)

Đức Chí Tôn dạy ta xử ngược lại thế đời: “ Các con hiền mà các con dữ, các con yếu mà mạnh,các con nhỏ nhoi mà quyền thế, các con nhịn nhục mà hành phạt. Cử chỉ của các con khá tập sao cho nghịch với cử chỉ thế tình thì gầnngôi Tiên Phật đó”. (TNHT. I tr.46)
Nho nhã con tua tập tánh tình,
Dưới đòi đừng tưởng một mình lanh.
Một câu thất đức thiên niên đọa,
Nhiều nỗi trầm luân bởi ngọn ngành
                                                                       (TNHT.I, tr.122)

Đó là hành trang tối thiểu để người đạo đi vào cuộc đời (nhập thế). Cuộc sống trong xã hội luôn luôn thay đổi và biến động. Cách tu, lối tu vì thế cũng phải tiến bộ cho phù hợp với đời. Thời còn ăn lông ở lỗ, núi hang là nơi ở thiên nhiên nên con người chọn lối tu núi tức là tu Tiên. Khi con người biết quần tụ cất nhà để ở thì con người nảy ra lối tu chùa tức tu theo phật.

Trong luật cạnh tranh sinh tồn, người đẻ mà đất không đẻ nên thức ăn thiếu thốn, người ta giành giật nhau từng miếng ăn manh áo. Đức Khổng Tử ra đời kêu gọi con người phải biết phải học nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên ha. Từ đó nảy sinh lối tu tề của Nho giáo.

Xã hội ngày càng văn minh, tiếnbộ, nếp sống sinh hoạt cũ không còn thích hợp nữa. Thành thị hay nông thôn, chỗ nào cũng có người, cũng có chợ. Người ta sống giữa chợ đời, trò đời thì cũng phải có lối tu chợ tức tu tâm. Đó là lối tu của người tín hữu Cao Đài hiện nay, mỗi người đều tự giác tha, và điều rõ câu : “ Ngô thân bất độ hà nhân độ”. Đạo ẩn trong lòng mọi người, nó sẳn sàng trấn áp mọi “nộ, ố, bi, ai”.Họ có một nội tâm sinh động và một nội lực thâm hậu để chống trả mọi cơn khảo đảo từ ngoài đưa vào. Thế mới gọi là “đại ẩn ẩn thành thị” tức tu giữa thành thị mới gọi là đại ẩn. Lại có câu : “Nhất tu thị, nhị tu sơn”.

Xét về quá trình các phương pháp tu, từ tu núi, tu chùa, tu tề, tu chợ, chắc chắn tu giữa chợ là lối tu khổ luyện nhất . Người tín hữu không bỏ nhà ẩn thân nơi non cao , không vào chùa để tham thiền nhập định mà tiếp xúc với mọi người, chung đụng với mọi người, gần gũi với mọi cám dỗ chực đưa bất cứ tín hữu nào vào đường tội lỗi, nếu chưa luyện đạo tâm vững vàng.

Đạo lập ra để cứu đời, tận độ chúng sanh toát khỏi nguy nàn. “Mở một mối đạo chẳng phải thường tình, mà sanh nhằm đời gặp đặng mối đạo chẳng phải dễ”. (TNHT .I,tr.53) “Đạo Trời mở ra cho một nước, tất là ách nạn của nước ấy hầu mãn”. (TNHT.II, tr.114)

“Các con vì Đạo là việc công lý, mà công lý đánh đổ cường quyền thì đạo mới phải đạo”. (TNHT.I, tr.98)

Thế nên, ngay từ đầu, Đạo Cao Đài nêu rõ chủ trương của mình là vì hòa bình, dân chủ, tự do.

“Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo hòa bình dân chủ mục,
Đài tiền sùng bái Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền.”
Đúng là chữ CHÁNH , giáo sư Latapie (Phó quản lý nội viện) sợ Pháp làm khó dễ nên xin đổi ra chữ MỤC .

Bởi lẽ, “Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời này thì Đạo chưa thành”. (TNHT.I, tr.98)

Làm thế nào để khỏi thấy một điều bất bình? Đức Chí Tôn dạy phải thi hành “Luật Thương yêu, quyền công chánh”. Vì “Sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn Khôn thế giới . Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, Càn Khôn mới an tịnh”.

Giáo lý Đạo Cao Đài đề cao gia đình một vợ một chồng. “Cấm người trong Đạo, từ ngày ban hành luật này về sau, không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối …Vợ chồng người Đạo không được để bỏ nhau. (Tân Luật, TN 1966, tr.12)

Tuy vậy, Đức Chí Tôn hằng nhắc nhở chư mộn đệ : Tà dâm là một trọng tội.

“Phàm xác thân con người, tuy con người coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chứa vàn vàn, muôn muôn sinh vật. Những sinh vật ấy cấu kết nhau mà thành khối. Vật chất ấy có tính linh …

Các vật thực nào tì vị, lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết. Nó có thể hườn ra nhân hình, mới có sanh sanh tử tử của kiếp nhơn loại. Vì vậy mà một giọt máu là một khối chơn linh.

Như các con dâm quá độ là sát mạng chơn linh ấy. Khi các con thoát xác, nó đến tại Nghiệt Đài mà kiện các con. Vậy phải giữ gìn giới cấm ấy cho lắm”. (TNHT.I, tr. 26)

Vì nhận nơi con người điều có tính dục do cha mẹ truyền lại nên chấp nhận người Đạo phải có vợ chồng nhưng tuyệt đối cấm dâm dục. Khi trở thành chức sắc, Tân Luật “Cấm vợ chồng bỏ nhau” nên chức sắc Đạo Cao Đài có vợ có chồng là vậy. Không làm điều chi trái với thiên nhiên để rồi phải vụng trộm như các hàng giáo sĩ của các tôn giáo khác.

Vả lại, nếu đi tu mà bỏ nhà để vợ, không làm điều gì có ích cho gia đình, tìm chỗ thanh vắng lo cho riêng mình thì có ích chi cho xã hội. Đó không phải là chủ trương của Đạo Tam Kỳ. Vào Đạo tu tâm sửa tánh để trở nên người hiền lành nhân đức, làm điều ích nước lợi dân mà phổ độ chúng sanh vào đuờng ngay nẻo phải.

Người tín đồ nào cũng hiểu lời nói của Mạnh Tử “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”. Ngài than không có người hiền nối mối Đạo, đó là tội vô hậu lớn. Về sau, Châu Tử chú giải theo phong kiến “Tội không con là lớn hơn cả” để cưới hầu thiếp. Vả lại, cổ nhân có dạy : “Trong sử hay bút ký, mấy điều gian hại chẳng luận chữ hiếu có con hay không con”.

Năm 1923, Đức Vân Trung Tử giáng đàn dạy : “Chẳng phải ông MạnhTử nói không con là bất hiếu. Nếu không con bất hiếu sau Lục Tổ trước còn thành Phật đặng?” (Hội Lý Xiển Chơn, TN 1959, tr.13)

Trong gia đình vợ chồng “Các con hòa hợp nhau trong sự sống chung cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt”. (TNHT.I,tr.51) Nam Nữ bình đẳng : “Giục tài nữ sĩ sánh bì cùng nam” (Nữ Trung Tùng Phận ). Trong một xã hội nữa phong kiến, nữa thuộc địa mà giáo lý Đạo dạy Nam Nữ bình quyền, đó không phải là cuộc cách mạng đổi mới cho thân phận người phụ nữ ư? Trong khi đạo Kitô, phụ nữ không được làm Linh Mục, đạo Hồi phụ nữ không đuợc đến nhà thờ.

Thêm vào đó, theo cổ tục, khi có kinh nguyệt, người phụ nữ tránh ra ngoài thì giáo lý Đạo dạy : “Không vì nguyệt huyết kỵ anh linh”. Sự tiến bộ của khoa học ngày nay đã giải thích được điều đó.

Vốn là một tôn giáo tiến bộ nên : “ Việc tang không nên xa xí, không nên để lâu ngày, không dùng đồ âm công loè loẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng. Trong việc tế vong linh, không nên dùng vật hy sinh, nên dùng toàn đồ chay thì được phước”. Việc cầu siêu vong linh trong tuần cửu cửu (81 ngày), tiểu tường (200 ngày) đến Đại tường (300 ngày) là mãn tang”. (Tân Luật, sđđ, tr.13)

Xem thế, thời gian mãn tang khó trong Đạo chỉ có 581 ngày trong khi phong tục cũ phải mất 3 năm (1095 ngày) gấp đôi thời gian trong Đạo, choáng hết thời gian làm ăn, ngăn trở sinh hoạt.

Đạo cấm hẳn vọng ngữ (Ngũ giới cấm) : “Các con nói dối dù chưa dối người, các con đã dối lương tâm mà lương tâm tức là chơn linh”. (Đạo Sử II,tr.273) Năm Mậu Thìn (1928), Đức Chí Tôn cấm tham lam: “Tham vào tâm, tâm hết Đạo, tham vào chùa, chùa hết chánh giáo, tham vào nước, nước hết chánh trị, tham lam lộng klhắp thế giới, thế giới hết Thần Tiên. Lòng tham có thể giục lỗi Đạo cùng Thầy”. (TNHT.II, tr.63)

Nhất là bối toán, đồng cốt, giết sinh vật để tế lễ,trong Đạo Cao Đài rất cấm kỵ. (TNHT.I,tr.86)
Những điều mê hoặc dị kỳ,
Các con nên phải xa đi đừng làm.
Kho tàng là chuyện bá xàm,
Nộm hình, tà khí, độn nham tà quyền.
Bỏ vòng vàng bạc, giấy tiền,
Thánh Thần đâu có quá điên lấy xài!

“Thầy dạy con đừng cúng chi hết, vì chơn nhơn chẳng hưởng của phàm bao giờ. Còn làm việc đãi, chẳng nên gọi là cúng”. (Đạo Sử II, tr.123)

Tắt một lời, Đạo Cao Đài là một tôn giáo hướng thượng tiến bộ. “Thầy chẳng dùng sự chi mà thế gian mà thế gian gọi là tà quái dị đoan, nếu có xảy ra một ít dị đoan trongĐạo đã dùng lỡ, ấy là tại nơi tâm của một vài môn đệ, nếu chẳng giữa theo lẽ Chánh mà hành Đạo và bày biên nhiều sự vô lối thì trong ít năm sau sẽ trở nên một mối Tả Đạo”. (TNHT.II, tr.42)

Việc tế lễ Đức Chí tôn của Đạo Cao Đài hết sức tiến bộ. Xét quá trình các tôn giáo từ xưa tới nay, ta thấy rằng : Vào thời thượng cổ, quan niệm về Thượng Đế còn mơ hồ. Con người thờ Tô tem gần như rộng khắp mặt đất.

Trong Cựu ước, người ta hiến lễ lên thần linh bằng đồng nam đồng nữ làm vât hy sin. Đạo giáo thì độc tôn, Thánh Moise là Đấng hằng hữu và phải tàn sát tất cả sắc dân nào có tín ngưỡng riêng.

Qua thời Trung Cổ, người ta quan niệm Thuợng Đế có quyền tác họa , ban phước. Kẻ nào làm lành được lên Thiên Đàng hay Cực Lạc, còn đứa dữ bị đày vào hỏa ngục hay Địa ngục. Tôn giáo nào cũng cho mình là Chánh là Phải . Do đó mới gây ra chiến tranh tôn giáo như ở Ấn Hồi hoặc kỳ thị tôn giáo ở Âu Châu.

Về tế lễ Trời Đất, thay đổi những con vật lớn bằng những con vật nhỏ gọi là Tam sanh mà không còn dùng con người làm vật hy sinh như trước nữa.

Thời kỳ hiện đại, ngoài những kinh sấm truyền báo trước Đạo Cao Đài xuất hiện Xem “Đại Đạo Sử Cương” ,quyển I , ở Châu Aâu có Hội thông thiên học , Hội Baha’i tuyên truyền thuyết tôn giáo Đại Đồng (La religion universelle) và báo tin cho toàn nhân loại sẽ có một nền tôn giáo chủ trương Đại Đồng thế giới ra đời . Đến năm 1926, Thượng Đế đã giáng trần lập Đạo Cao Đài và đã có Giáo hội, giáo pháp, kinh lễ chuẩn định.

Đạo Cao Đài cũng quan niệm rằng : Việc hiến lễ lên Đức Chí Tôn không còn chi bằng sanh mạng của mình. Nhưng thay vì dùng đồng Nam, đồng Nữ hoặc dùng sinh vật để cầu phước , cầu danh lợi cho riêng mình, người tín hữu Cao Đài dùng Tam Bửu là ba món quí báo nhất của con người gồm tinh khí thần hay bằng Bông Rượu Trà dâng lên Đức Đại Từ Phụ.

- Bông tượng trưng cho hình thể hữu vi(thể xác) tức là Tinh.
- Rượu tượng trưng cho trí não khôn ngoan tức là Khí.
- Trà tượng trưng cho linh hồn tức là Thần.

Việc hiến lễ của Tính hữu Cao Đài không cầu mong phước lộc cho riêng mình mà chỉ nguyện dâng cả thân này, từ thể xác, trí não đến linh hồn làm con vật hy sinh để phục vụ, thi hành lịnhcủa Đức Đại Từ Phụ đưa nhân loại đến cảnh huynh đệ đại đồng . Tắt một lời, xét việc hiến lễ từ xưa đến nay, cách hiến lễ của Đạo Cao Đài có ý nghĩa cao thượng và tiến bộ nhứt.

Khi bước vào làm lễ Đức Chí Tôn, ta gặp bức bích họa Tam Thánh 1 Chặn ngang đường. Chỉ một bức tượng này thôi đủ nói lên tôn chỉ, mục đích, tuyên ngôn, giáo lý của Đạo Cao Đài. Nội dung bản Thiên Nhơn Hòa Ước gồm có năm đề cương khiết lãnh như sau:

1/-Tôn chỉ : Vạn giáo qui nhứt bổn. Trong đó Thanh Sơn Đạo Sĩ đại biểu Lão giáo, Nguyệt tâm chơn nhơn (Victor Hugo) đại biểu Thánh giáo, Tôn Trung Sơn đại biểu Phật giáo (Vì tiền kiếp là Nguyễn Trãi) Bức bính họa này do họa sĩ Lê Minh Tòng vẽ vào năm 1947 (thời kỳ trang trí Tòa Thánh) do ý của Đức Hộ pháp. - Bức bính họa này do họa sĩ Lê Minh Tòng vẽ vào năm 1947 (thời kỳ trang trí Tòa Thánh) do ý của Đức Hộ pháp. . Tuy biểu tượng Tam giáo nhưng bao hàm vạn giáo vì ba tôn giáo trên Thiên bàn xếp hàng ngang nên còn chấm lửng đến vô tận dẫn đến Đại Đồng Tôn giáo.

2/-Mục đích : Đại Đồng nhân loại, trong đó, TSĐS là người Việt Nam. NTCN là người pháp và TTS là ngưới Trung Hoa . Tuy ba sắc dân mà biểu trưng cả nhân loại.

3/-Tuyên ngôn : Nhân loại cùng Đấng cha chung. Hiện tượng hóa thân từ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người Việt Nam chuyển kiếp là người Pháp Richelieu… Hoặc trước ta ở Ấn Độ theo Aán giáo khi đầu thay sang Israel ta sẽ theo Do Thái giáo. Thế thì ta thay đổi, tôn giáo thay đổi, nhưng Đức Thượng Đế chỉ có MỘT mà thôi.

4/-Triết lý : Trời còn hiệp nhứt. Trong bản hòa ước có 4 chữ Thiên Thượng Thiên Hạ (Dieu et Humanité) “Thiên Nhơn vốn hiệp nhứt rồi bất tất phải nói hợp” (Trình Hiệu). Trong Đạo Cao Đài, Trời người hợp nhất qua trung gian đồng tử tức phò cơ, chấp bút .

5/-Giáo lý : Trong bản hòa ước ghi rõ: bác ái, công bình, thương yêu và công chánh. Loài người chỉ cần thực hiện hai chữ THƯƠNG YÊU là sẽ thấy ĐẠI ĐỒNG HUYNH ĐỆ.

Tóm lại, Đức Chí Tôn đã dạy, Thầy đến dạy sự thương yêu va diệt mê tín, chẳng dùng điều chi tà giáo dị đoan. Thật là một tôn giáo hướng thượng và tiến bộ. Đạo Cao Đài làm sáng lại truyền thống Nam Phong chớ không phục cổ. Xây dựng tương lai Nhơn phong với mô thức xã hội văn minh giản dị phác thực chớ không phải thứ văn minh mưu xảo phồn tạp.

CHƯƠNG II

THANH NIÊN

TIẾT 1 : ĐOÀN HƯỚNG ĐẠO SINH CAO ĐÀI

Hướng Đạo dẫn đường dân chúng tìm chân lý
Cao Đài mở lối quần sanh hiểu nghĩa nhân

Cuối năm 1949, ảnh hưởng chiến tranh, nhiều gia đình di cư về Toà Thánh, đem theo con cái vô nghề rỗi công. Trước hoàn cảnh đó, giáo sư Hồ Thái Bạch (Hiền tài) họp cùng một số người đồng chí hướng lập ra Bá Nghệ Đoàn, được Đức Hộ Pháp chuẩn phê quyết định số 470 ngày 05-06-1949

Trụ sở Đoàn năm giữa Đường Nhơn và Bắc Tông Đaọ. Bá Nghệ Đoàn dạy cho thanh thiếu niên nhiều nghề như mộc, hồ, đan, khắc mộc gỗ..Trong đó, chỉ có hai nghề đan mây tre lá và khắc mộc gỗ cho Chơn Truyền Aán quán có nhiều người theo học và phát triển nhất.

Số thanh thiếu niên tụ tập ngày càng đông. Giáo sư Bạch quyết hợp thức hoá với Đạo và Đời. Ông làm đơn gởi lên văn phòng Hộ Pháp xin thành lập Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài và Đạo Linh Sơn với Hội Hướng Đạo Việt Nam.

Ngày 5 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1952), Đức Hộ Pháp ký Thánh lịnh số 18/TL cho phép Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài được phép hoạt động theo lời hứa và Luật Hướng Đạo như dưới đây

LỜI HỨA HƯỚNG ĐẠO
Tôi xin lấy danh dự của tôi mà hứa rằng :
- Làm tròn bổn phận đối với tôn giáo và tổ quốc
- Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào
- Tuân theo luật Hướng Đạo

LUẬT HƯỚNG ĐẠO
1 . Hướng Đạo Sinh là người trọng danh dự.
2 . Hướng Đạo Sinh tuân theo luật Đạo, luật nước và người cộng sự.
3 . HĐS giúp ích mọi người bất cứ lúc nào.
4 . HĐS là bạn của mọi người.
5 . HĐS lễ độ và nhã nhặn.
6 . HĐS yêu các giống sinh vật
7 . HĐS vâng lời.
8 . HĐS vui vẻ khi gặp khó khăn.
9 . HĐS biết tiết kiệm của người và của mình.
10 . HĐS trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.

BÀI HÁT CHÍNH THỨC
Của Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài
Lời và nhạc : Vân Đằng
Đưa nhau lên đường anh em thanh niên
Kiến tạo thanh bình chúng ta bước đều
Hướng Đạo Sinh Cao Đài ! HĐS nhân nghĩa,
Hướng Đạo Sinh Cao Đài ! Từ bi, bác ái, công bằng.
Ta đi lên gieo vui tươi muôn nơi
Ta đi lên, người HĐS. Cao Đài !

Để thực thi luật Hướng Đạo “ giúp ích mọi người”, Ban Huynh Trưởng hội họp quyết định thành lập trường tiểu học Minh Đức - Tân Dân. Cơ sở trường đặt trong nội ô ở gần cửa số 3.

Trường do huynh trưởng Lê Hoàng Hải ( Lễ sanh) làm cai trường. Ban giáo viên gồm có : Nguyễn Thành Kỉnh, Nguyễn Văn Trạng, Lê Văn Cẩn …

Những học sinh cô nhi, con chức sắc neo đơn đều được ăn cơm tại Trai đường của Đạo. Ban giáo viên ăn cơm tại trụ sở Hướng Đạo do tiền lương của giáo sư Bạch cung cấp. Ngoài ra, không có lãnh khoản tiền nào khác và được cầu phong vào hàng chức sắc. Trường phải đóng cửa vì Ban Thanh Trừng.

Các ngày lễ lớn, Đoàn Hướng Đạo Sinh Cao Đài lãnh tổ chức các cuộc vui như đốt lửa trại, trình diễn văn nghệ, biểu diễn xếp chữ, trồng tháp …

Hoạt động của Đoàn từ 1952 đến 1955 có ba điểm son lớn :
- Giúp đỡ tương trợ đồng bào bị lụt năm Nhâm Thìn (1952) ở Tây Ninh.
- Lưu diễn văn nghệ ở miền Tây với Quái kiệt Trần Văn Trạch giúp đồng bào bị hoả hoạn ở chợ Thiếc năm 1953 ( Sài gòn).
- Giúp đồng bào di cư 1954 tại trại tạm cư Trường Trung Học Lê Văn Trung và những hoạt động từ thiện khác.

TIẾT 2 : ĐẠI ĐẠO THANH NIÊN HỘI

Đại Đạo oát triền hợp lực dựng nền nhân
Thanh niên hội hiệp đồng tâm xây chánh giáo

1 . Sơ lược về ĐĐ Thanh niên Hội
Đại Đạo Thanh Niên Hội thành lập năm 1965, đứng đầu là vị Hội Trưởng. Hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương,điều khiển do các ban chấp hành nhiệm kỳ là ba năm như BCH Trung Ương, Châu Thành Thánh Địa, Phận Đạo, Tỉnh Hội, Quận Hội, có hệ thống ngang với các Châu Tộc Đạo và trợ lực cho các Châu Đạo, trợ lực cho các Tộc về giáo dưỡng thanh niên.
Hội kỳ chiều ngang 2/3 chiều dài, nền xanh da trời, viền trắng trên nền có ba vòng tam thanh và sao Bắc Đẩu.

Đồng phục nam áo sơ mi trắng có cầu vai, quần tây dài màu xanh, đầu đội nón rộng vành, nữ áo sơ mi trắng có cầu vai, vái màu nâu, nón trắng hay nón vải.

Thanh niên gia nhập phải tuân theo “Điều lệ Hội”, xin lược ghi một số điều :
- Điều thứ nhứt : Hội Thánh công nhận Đại Đạo Thanh Niên Hội là một cơ quan để tiếp sức với Hội Thánh trong việc thi hành Thế Luật của Đạo cho được đắc lực.
- Điều thứ ba : Đại Đạo Thanh Niên Hội thành lập nhằm mục đích đoàn kết chặt chẽ tầng lớp thanh niên con em của Đạo thành một khối vững chắc để phục vụ Hội Thánh.

Gây tình thương thân tương ái giữa các đoàn thể thanh niên.
Đào tạo nhân tài cho xã hội. Quyết tâm giữ vững nền Tâm pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Những điều vừa nêu trên đã ấn định mục tiêu và nhiệm vụ của Đại Đạo Thanh Niên Hội là xây dựng một xã hội mới theo Tân Pháp của Đạo Cao Đài là tứ hải giai huynh đệ, năm châu chung nhà để xây dựng thế giới Đại Đồng phồn vinh.

Muốn được như thế, người thanh niên đạo trước hết phải tạo cho mình một thể chất khoẻ mạnh và trong sạch. Kế đến phải tự rèn luyện bản thân có những đức tính tốt như trọng danh dự, trọng tự do, trọng tín nghĩa và sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa vì Đạo.

Điều cần yếu nhất là phải học hành siêng năng.
Ngài Hiến Đạo ban huấn từ cho Đại Đạo Thanh Niên Hội nhân Đại lễ Hội Yến 14-8-Aát Hội (2-10-1971) đã nhấn mạnh điều đó như sau :

“ Thế kỷ XX là thế kỷ hạt nhân nguyên tử…..Thế kỷ khoa học tiến bộ mau lẹ.
“ Thanh niên phải làm gì để theo kịp đà tiến triển của khoa học. Các em phải học tập cho rộng để mở mang kiến thức, nghĩ cho sâu để hiểu rõ ngọn ngành, nghiên cứu kỹ lưỡng để phân biệt phải trái …

“ Học là niềm đam mê, học hoài học không chán, lấy sự học làm thú vị. Học như vậy mới hay, mới có kết quả tốt đẹp. Học để biết sự biến chuyển trong đời, trong sự thể, biết cái mới lạ, cái đẹp hay. Học như vậy mới thật là học …

“ Các em thanh niên vốn là con cháu của tín hữu Cao Đài con nhà đạo đức, các em không thể làm chuyện hư hèn để tiếng nhơ cho họ hàng thân tộc. Các em phải tránh xa khỏi bị đầu độc bằng phim ảnh truỵ lạc của bọn con buôn trục lợi.

“ Hỡi các em thanh niên, đất nước đặt hy vọng vào các em đạo, trông cậy vào các em. Các em cố gắng học cho tốt để mai sau góp phần xây dựng xứ sở, dìu dắt đống bào bước lên đường văn minh tiến bộ theo kịp bằng người” ( TT 38, tr. 8, 9).

2 . Đại hội bầu cử ĐĐTN Hội
Vào ngày mồng 4 tháng 5 Giáp Dần (dl 23-6-1974), đại hội bầu cử Ban chấp Hành Trương Ương Đại Đạo Thanh Niên hội nhiệm kỳ 1974-1976 tại Đạo Đức Học Đường, gồm có đại châu thành Thánh Địa, các Châu Tộc Đạo của các địa phương về tham dự đông đủ.
Khởi đầu, ông Hội trưởng BCH Trung Ương ĐĐTNH đọc diễn văn khai mạc và vị Tổng Thư ký tường trình về mọi sinh họat của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Ông Quyền Thượng Chánh Phối Sư ban huấn từ đại ý.

Sự hiện diện đông đủ của các cấp Hội giúp buổi lễ thêm long trọng và được quí vị Thời Quân, quí Ngài Đầu Sư đến dự và đồng chủ tọa để khuyến khích nung chí trên bước đường hoạt động thanh niên, bồi đắp tương lai hậu tấu cho Giáo Hội.

Nhân dịp Đại Hội, ông nhắn nhủ với các hội viên. Điều thứ nhứt của Đạo Lịnh thành lập Đại Đạo Thanh Niên Hội có ghi : “Hội Thánh công nhận ĐĐTNH là một cơ quan để tiếp sức với Hội Thánh trong việc thi hành thế luật của Đạo cho được đắc lực”.

Điều thứ ba của bản điều lệ cũng ghi : ”ĐĐTNH thành lập nhằm mục đích đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp thanh niên con em của Đạo thành một khối vững chắc để phục vụ Hội Thánh. Gây tình tương thân tương ái giữa các đoàn thể thanh niên đào tạo nhân tài cho xã hội. Quyết tâm giữ vững nền Tân pháp của ĐĐTKPĐ”. Song song với các điều trên, người thanh niên Đại Đạo đặt tình thương nhân loại lên trên hết, chống mọi tư tưởng sa đà thoái hóa. Như thế, nhiệm vụ bức htiết của ĐĐTNH trong lúc này là “Xây dựng một xã hội mới đặt trên nguyên tắc công bằng, bác ái và tự do dân chủ.

Muốn thế, người thanh niên Đạo bắt đầu phải tự xây dựng bản thân bằng những điều căn bản sau :
- Xây dựng một cơ thể lành mạnh trong xác thân khang kiện
- Xây dựng nếp sống đạo đức vị tha
- Xây dựng tư cách làm người. Trọng tín nghĩa, thờ danh dự, ham tự chủ, giàu hy sinh và tinh thần phục vụ cao.
Đó chính là những mục tiêu tối thượng của phong trào thanh niên Đại Đạo, trong sứ mạng tiếp sức với Hội Thánh thi hành thế luật của Đạo cho ra thiệt tướng.

3 . Đạo lịnh và điều lệ thành lập ĐĐTN Hội
A / ĐẠO LỊNH SỐ 038-ĐL

Điều thứ nhứt : Hội Thánh công nhận Đại Đạo Thanh Niên Hội là một cơ quan để tiếp sức với Hội Thánh trong việc thi hành Thế Luật của Đạo cho được đắc lực.
Điều thứ nhì : Chức sắc hành quyền Đạo ở Trung ương cũng như ở địa phương phải hết lòng nâng đỡ Đại Đạo Thanh Niên Hội trong nhiệm vụ nói trên.

Điều thứ ba : Chư vị Hiến Pháp Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, Đầu Sư Cửu Trùng Đài, Chưởng Quản Phước Thiện, Nữ Chánh Phối Sư, Chưởng Quản Nữ Phái Cửu Trùng Đài và Nữ Phối Sư Chưởng Quản Nữ Phái Phước Thiện, các tư kỳ phận lãnh ban hành và thi hành Đạo lịnh này./.
Toà Thánh, ngày 25 tháng 5 năm Aát Tỵ ( 24-6-1965 dl)
THƯỢNG SANH
PHÊ KIẾN
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
( ấn ký)

BẢO THẾ
QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
(ấn ký)

B -/ ĐIỀU-LỆ
ĐẠI-ĐẠO THANH-NIÊN HỘI

Chương 1: Danh-Hiệu, Trụ-Sở, Mục-Đích, Phạm-Vi, Thời-Hạn
Điều Thứ I: Danh-Hiệu
Điều Thứ II: Trụ-Sở
Điều Thứ III: Mục-Đích
Điều Thứ IV: Phạm-Vi, Thời-Hạn

Chương 2: Thành-Phần, Nhiệm-Vụ, Điều-Kiện Nhập Hội & Ra Hội
Điều Thứ V: Thành-Phần Hội-Viên
Điều Thứ VI: Nhiệm-Vụ của Hội-Viên
Điều Thứ VII: Điều-Kiện Nhập Hội & Ra Hội
Điều Thứ VIII: Thiếu-Sinh Đại-Đạo

Chương 3: Tổ-Chức
Điều Thứ IX: Tổ-Chức của Đại-Đạo Thanh-Niên Hội
Điều Thứ X: Thành-Phần của mỗi Cấp
Điều Thứ XI: Nhiệm-Kỳ, Định-Kỳ & Đại-Hội
Điều Thứ XII: Kỷ-Luật
Điều Thứ XIII: Hội-Đồng Kỷ-Luật

Chương 4: Tài-Chánh
Điều Thứ XIV: Tài-Chánh của Hội
Điều Thứ XV: Chi Thu

Chương 5: Nội-Quy, Sửa-Đổi Điều-Lệ, Giải-Tán
Điều Thứ XVI: Nội-Quy, Sửa-Đổi Điều-Lệ, Giải-Tán

CHƯƠNG I

DANH-HIỆU, TRỤ-SỞ, MỤC-ĐÍCH, PHAÏM-VI, THỜI-HAÏN

ĐIỀU THỨ I DANH-HIỆU
          Nay thành-lập trong hàng thanh-niên nam-nữ Đạo Cao-Đài một Hội lấy tên là ĐẠI-ĐẠO THANH-NIÊN HỘI.    

ĐIỀU THỨ II TRỤ-SỞ
          Cơ-quan Trung-Ương đặt tại:    TÒA-THÁNH TÂY-NINH (Việt-Nam).    

ĐIỀU THỨ III MỤC-ĐÍCH
Đoàn-kết chặt-chẽ các từng lớp thanh-niên của Đạo thành một khối vững-chắc để phục-vụ nhơn-loại.
Gây tình tương-thân tương-ái, trao-đổi văn-hóa, kiến-thức và kinh-nghiệm giữa các đoàn-thể thanh-niên tôn-giáo trên thế-giới; thể-hiện tình-thương vạn-loại đúng theo tôn-chỉ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Đào-tạo nhân-tài cho xã-hội trên căn-bản: Đức, Trí và Thể-Dục để bảo-đảm hạnh-phúc chung cho nhân-loại.
Duy-trì, bảo-vệ và phát-triển văn-hóa truyền-thống Việt-Nam.
Quyết-tâm giữ-vững nền Tân-Pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, bảo-vệ tự-do tín-ngưỡng và tôn-trọng các nền tôn-giáo, tiến tới một thế-giới đại-đồng duy nhất trong Bảo-Sanh, Nhân-Nghĩa và Công-Bằng. Hội chủ-trương đặt tình-yêu nhân-loại trên hết và tuyệt-đối không tham-gia chính-trị.    

ĐIỀU THỨ IV PHẠM-VI, THỜI-HẠN
Hội hoạt-động trên lãnh-thổ Viet-Nam và và vô kỳ hạn.    

CHƯƠNG II

THÀNH-PHẦN, NHIỆM-VỤ, ĐIỀU-KIỆN NHẬP HỘI VÀ RA HỘI, THIẾU-SINH ĐẠI-ĐẠO

ĐIỀU THỨ V THÀNH-PHẦN HỘI-VIÊN
Hội-Viên Sáng-Lập là những người khởi-xướng và đứng ra thành-lập Hội.
Hội-Viên Danh-Dự là những Chức-Sắc, Chức-Việc trong Đạo hoặc những nhân-sĩ trí-thức có uy-tín trong xã-hội có nhiệt-tâm đối với Hội.
Hội-Viên Chỉ-Đạo là những người được mời giúp ý-kiến và hoạch-định đường-lối cho Hội, thành-phần cốt-cán của Hội.
Hội-Viên Ân-Nghĩa là những người hảo-tâm thiện-chí giúp Hội về phương-tiện tinh-thần lẫn vật-chất.
Hội-Viên Hoạt-Động là tất cả hội-viên thiệt-thọ của Hội có trách-nhiệm trực-tiếp về sinh-hoạt của Hội.    

ĐIỀU THỨ VI NHIỆM-VỤ CỦA HỘI-VIÊN
Thi-hành triệt-để Thế-Luật của Đạo.
Trung-thành với Tôn-Chỉ và Mục-Đích của Hội.
Tôn-trọng Điều-Lệ và Nội-Qui của Hội.
Gia-công khảo-cứu và sưu-tầm để trao-dồi văn-hóa, tập-luyện thể-dục thể-thao để kiện-toàn bản-thân hầu làm tròn bổn-phận một tín-đồ xứng-đáng của Đạo Giáo, một công-dân tốt của đất-nước.
Bàn-luận, đóng góp ý-kiến, tuyệt-đối không được chỉ-trích hay cãi-vã gây bất hòa nhau.
Kính trên, nhường dưới, hòa-thuận nhau, không phân-biệt tôn-giáo, chủng-tộc.
Tham-gia các công-việc từ-thiện.
Khuyến-khích và giúp-đở lẫn nhau trên đường tu học, thực-hiện Đại Đoàn-Kết. Giữ nền hòa-ái tương-thân, làm cho mọi người hướng về Thượng-Đế, nhìn-nhận là Đấng Cha chung theo tinh-thần Đại-Đồng Nhân-Loại.    

ĐIỀU THỨ VII ĐIỀU-KIỆN NHẬP & RA HỘI
Những thanh-niên có khuynh-hướng đạo-đức.
Không phân-biệt màu da sắc tóc, tôn-giáo.
Phải làm đơn gia-nhập Hội và có một Hội-Viên tiến-dẫn.
Hội-Viên muốn ra Hội phải gởi đơn đến Hội.
Hội-Viên đã xin ra Hội có thể xin gia-nhập trở lại, cũng phải tùng theo thể-lệ đã ấn-định như một hội-viên mới xin gia-nhập.    

ĐIỀU THỨ VIII THIẾU-SINH ĐẠI-ĐẠO
Những thiếu-niên nam-nữ dưới 18 tuổi sẽ kết-nạp vào đoàn Thiếu-Sinh Đại-Đạo nếu có sự chấp-thuận của cha-mẹ.    

CHƯƠNG III

TỔ-CHỨC

ĐIỀU THỨ IX TỔ-CHỨC CỦA ĐẠI-ĐẠO THANH-NIÊN HỘI
Tổ-chức của ĐẠI-ĐẠO THANH-NIÊN HỘI theo hệ-thống từ dưới lên trên gồm có:
Phân-Hội
Hương-Hội
Quận-Hội
Tỉnh-Hội
Khu-Hội
Liên-Khu-Hội
Bang-Hội
Trung-Ương     

ĐIỀU THỨ X THÀNH-PHẦN CỦA MỖI CẤP
Thành-phần của mỗi cấp sẽ được quy-định rõ trong bản Nội-Quy.    

ĐIỀU THỨ XI NHIỆM-KỲ, ĐỊNH-KỲ & ĐẠI-HỘI
Nhiệm-Kỳ:
Sau khi được Chính-Phủ chính-thức cho phép thành-lập Hội trong thời-hạn tối-đa là sáu tháng các sáng lập viên phải triệu-tập Đại-Hội để bầu Ban Chấp-Hành Trung-Ương chính-thức.

Nhiệm-kỳ của Ban Chấp-Hành Trung-Ương là ba (3) năm.
Nhiệm-kỳ của các cấp khác là một (1) năm.

Định-Kỳ:
Ban Chấp-Hành các cấp họp hằng tháng một kỳ.
Ban Chấp-Hành Trung-Ương họp tam-cá-nguyệt một kỳ. Riêng Ban Chấp-Hành Trung-Ương có thể họp bất-thường do Hội-Trưởng triệu-tập hoặc do 2/3 số nhân-viên yêu-cầu.

Đại-Hội:
1 - Mỗi năm vào dịp Rằm tháng Giêng (Âm-Lịch) sẽ tổ-chức Đại-Hội thường-niên để:
* Tường-trình công-việc năm qua và hoạch-định chương-trình hoạt-động cho năm tới.
* Bầu-cử Ban Chấp-Hành Trung-Ương khi mãn nhiệm-kỳ.

2 - Thành-phần của Đại-Hội gồm có các Hội-Viên lãnh-đạo các cấp đại-diện.
3 - Thủ-tục bầu-cử và nghị-quyết:
* Đại-Hội chỉ hợp-lệ khi có sự hiện-diện của 2/3 các đại-diện hợp-pháp.
* Trong trường-hợp không đủ số nầy, Ban Chấp-Hành sẽ triệu-tập Đại-Hội lần thứ hai trong thời-hạn một (1) tháng, và Đại-Hội nầy với bất-cứ bao nhiêu đại-diện hợp-pháp tham-dự cũng đều có giá-trị.
* Bầu-cử và nghị-quyết theo thể-thức đa-số tương-đối những đại-diện có mặt, hoặc có đại-diện hợp-pháp.
* Trường-hợp số phiếu tương-đương phải bỏ phiếu lại lần thứ hai.
* Trong lần bỏ phiếu lần thứ hai, nếu hai số phiếu bằng nhau thì ý-kiến của chủ-tọa hội-nghị sẽ có giá-trị tuyệt-đối.     

ĐIỀU THỨ XII KỶ-LUẬT
Tưởng-Thưởng:
Sau 5 năm Hội-Viên không gián-đoạn công-nghiệp và có đủ điều-kiện về:
Phương-diện hạnh-đức
Trình-độ học-thức
Tinh-thần phục-vụ
Trên 25 tuổi
Sẽ được Hội-Thánh chọn cầu-phong cho lên Lễ-Sanh do đề-nghị của vị lãnh-đạo, chư-vị Tân Lễ-Sanh nầy sẽ làm cán-bộ ưu-tú để dạy lại đàn em. Sau 3 năm làm cán-bộ sẽ được Hội-Thánh thâu-dụng bổ-nhiệm hành Đạo ở địa-phương.
Trừng-Phạt:
Những Hội-Viên không tuân-hành đúng theo quyết-nghị của Trung-Ương và hành-động có phương-hại đến danh-nghĩa Hội, tùy trường-hợp phải chịu những kỷ-luật sau đây:
Phê-bình
Cảnh-cáo
Quỳ hương
Khai-trừ có thời-hạn
Khai-trừ vĩnh-viễn     

ĐIỀU THỨ XIII HỘI-ĐỒNG KỶ-LUẬT gồm:
Hội-Trưởng
3 Phó Hội-Trưởng
Tổng Thư-Ký
2 Kiểm-Soát Viên tham-dự
Hội-Trưởng:   Chủ-tọa phiên-họp và nghị-quyết trừng-phạt (theo các quy-luật của Hội.)
Đệ I Phó Hội-Trưởng:   Giữ quyền buộc-tội Hội-Viên phạm kỷ-luật của Hội.

Đệ II Phó Hội-Trưởng:   Đứng ra biện-hộ cho Hội-Viên phạm kỷ-luật của Hội.

Đệ III Phó Hội-Trưởng:   Tuyên đọc bản phạm kỷ-luật trạng của Hội-Viên phạm kỷ-luật (nêu rõ điều-khoản.)

2 Kiểm-Soát Viên:   (tham-gia ý-kiến và chứng-kiến.)

- Trong trường-hợp một trong những Hội-Viên chỉ-đạo phạm kỷ-luật, sẽ do Đại-Hội họp Hội-Đồng Kỷ-Luật xét-xử dưới sự chứng-kiến của Hội-Thánh.

Tổng Thư-Ký: là thuyết-trình viên và có phận-sự ghi-chép các phiên-xử.     

CHƯƠNG IV

TÀI-CHÁNH

ĐIỀU THỨ XIV TÀI-CHÁNH CỦA HỘI gồm có:
Tiền gia-nhập Hội và tiền niên-liễm của Hội-Viên.
Tiền do các Hội-Viên Ân-Nghĩa giúp.
Nguồn-lợi hợp-pháp do hoạt-động của Hội tạo nên.
Động-sản, bất-động-sản hiện-hữu và đang được tạo mãi do nhu-cầu của Hội có Ban Chấp-Hành đứng tên.     

ĐIỀU THỨ XV CHI THU:
Tiền gia-nhập Hội và niên-liễm của Hội sẽ do Thủ-quỹ thâu.
Thủ-quỹ chỉ giữ được tối đa 10.000 đồng, ngoài ra sẽ đưa gởi ở ngân-khố hoặc Hộ-Viện Hội-Thánh.
Thủ-quỹ chỉ được quyền chi tới 1.000 đồng mỗi lần trong một công-việc và không được chi quá 3 lần trong 1 tháng. Trên 5.000 đến 10.000 đồng phải có chữ-ký của Hội-Trưởng.
Từ 10.000 đồng trở lên phải do toàn Ban Chấp-Hành ấn-định.
Nếu công-việc chi không ở trong chương-trình của Đại-Hội quyết-định thì phải chờ tới Đại-Hội để lấy quyết-định.
Tiền niên-liễm sẽ đóng từng tam-cá-nguyệt vào khoảng từ 1 đến 10 ngày tháng đầu của tam-cá-nguyệt.
Tiền nhập Hội đóng 1 lần ngay khi làm lễ nhập Hội.     

CHƯƠNG V

NỘI-QUY, SỬA-ĐỔI ĐIỀU-LỆ, GIẢI-TÁN

ĐIỀU THỨ XVI NỘI-QUY, SỬA-ĐỔI ĐIỀU-LỆ, GIẢI-TÁN
Bản Nội-Quy của Hội sẽ do 1 Ủy-Ban nghiên-cứu và soạn-thảo được Đại-Hội chấp-thuận.
Chỉ có Đại-Hội mới có quyền quyết-định sửa-đổi Điều-Lệ.
Hội có thể bị giải-tán khi Hội đủ các điều-kiện như sau:
Do quyết-nghị của Hội-Thánh.
Do quyết-nghị của 2/3 tổng-số Hội-Viên.
Do quyết-nghị của Chánh-Quyền.
Trong trường-hợp Hội giải-tán, tài-sản của Hội sẽ giao cho cơ-quan Phước-Thiện của Hội-Thánh.     

Làm tại Tòa-Thánh Tây-Ninh, ngày 8 tháng 4 Giáp-Thìn
(Dương-Lịch, ngày 19 tháng 5 năm 1964)
Khán
Chức-Sắc Hiệp-Thiên-Đài
Bảo-Sanh-Quân
Bác-Sĩ Lê-Văn-Hoạch

T. M. Ban Chấp-Hành
Hội-Trưởng
Lễ-Sanh Ngọc-Hòa-Thanh
Kỹ-Sư Nguyễn-Ngọc-Hòa


PHẦN THỨ HAI

CHƯƠNG I

VĂN HOÁ

TIẾT 1 : NGHI LỄ VÒNG ĐỜI

Trong Đạo Cao Đài, con người từ lúc sinh ra cho tới chết đều làm bốn lễ chánh. Đó là nghi lễ vòng đời. Đứa bé sau khi sinh ra được đưa đến Thánh Thất làm lễ Tắm Thánh, lớn lên lấy vợ gả chồng thì có lễ Hôn phối, đến già thì có lễ Chúc Thọ và khi qua đời có lễ Tang.

1 . Lễ Tắm Thánh :
Tam Thánh ký hoà ước mở đạo Tam Kỳ. Ba Ngài đứng đón nhơn sanh ngay cửa chánh vào Đền Thánh.
Đứa bé được đem đến làm lễ tắm thánh cũng phải qua ba Ngài cân thần trước và ban đạo hiệu như Bạch Linh (HTK), Bạch Minh (HTB), Vân Phong (LTP), Vân Đằng .v..Thánh danh do Đức Lý ban cho các chức sắc, còn đạo hiệu do Bạch Vân Động ban cho bất cứ ai, nhất là tín đồ để trục đuổi tà khí mà tiếp nhận ân điển thiêng liêng.

Đức Chí Tôn có dạy :
“Chơn thần của các con, gặp tà khí thì khó chịu nên Thầy xuống điển nhiều đặng ngăn tà mị, một đôi khi phải nhập xác vì điển xuống nhiều. Cũng một lẽ ấy mà mỗi lần lập thệ đều có nhập xác” (Thánh ngôn Quyển II-1970-trang 90) .
Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ có bổn phận phải đem nó đến Thánh Thất hay Đền Thánh để làm phép Tắm Thánh. Điều thứ 12 chương Thế luật của Bộ Tân luật ĐĐTKPĐ ghi rõ như sau :
“Đứa con nít khi được một tháng sắp lên phải đem đến Thánh Thất sở tại mà xin làm lễ Tắm Thánh và ghi vào Bộ Sanh của bổn đạo”.
Sau nghi lễ này, đứa trẻ sẽ được coi là tín đồ về mặt pháp lý. Nó được cấp giấy chứng nhận gọi là “Giấy Tắm Thánh”. Cha mẹ có bổn phận phải giữ gìn giấy này cho đến khi nó trưởng thành. Theo luật lệ hiện hành của Hội Thánh, đến năm 18 tuổi, đứa trẻ được coi là trưởng thành. Nó phải làm lễ Nhập môn Minh thệ và đem giấy Tắm Thánh đổi lấy Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ. Hội Thánh sẽ ghi tên nó vào Bộ Đạo chính thức từ đây.

Sở dĩ có sự ràng buộc nầy là vì khi còn bé thơ, cha mẹ đem nó đi Tắm Thánh, nó chưa có ý thức gì về hành động này cả. Việc làm này hoàn toàn do cha mẹ nó định đoạt. Giờ đây đứa bé đã trưởng thành, nó có ý thức và trách nhiệm đối với mọi hành động của nó. Nó được hoàn toàn tự do xác định rằng nó muốn theo Đạo Cao Đài hay không tuỳ ý nó. Thoảng như nó nhất quyết từ chối không theo Đạo, luật lệ của Hội Thánh cũng không nhập môn, không có Sớ Cầu Đạo thì kể là không có Đạo.

     
        Home        [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét