Khảo Cứu Vụ II. Chương Trình Học Đạo Cấp Trung Đẳng - 1 / 3 (Nữ Soạn giả Nguyên Thủy)

Lời Nói Đầu.
Theo tinh thần phổ thông nền Chơn Đạo của Thầy ra khắp Năm châu Thế giới, nhưng trải qua nhiều sự biến chuyển của Đạo quyền quá khắc khe, nên vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy mà chương trình Khảo Cứu Vụ của ĐỨC HỘ-PHÁP đề ra vào năm Đinh Hợi (1948) cũng không tồn tại được bao lâu. Sau đó Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài TRƯƠNG HỮU ĐỨC ra một Thánh lịnh mới để thực hiện Ban Khảo-Cứu-Vụ
tại Tòa-Thánh, ngày 04 tháng 05 Nhâm-Tý (dl: 14-06-1972) nhưng rồi vẫn bị thời cuộc biến thiên mà tất cả phải bị ngừng lại.

Vừa qua chúng ta thực hiện được Chương trình “Học tập Cấp Sơ đẳng” xem như là bài học nhập môn vậy.

Qua phần II này Thầy hướng dẫn Chương trình cấp Trung Đẳng. Chúng ta nên nghiên cứu qua về Dịch Học để bắt đầu tìm hiểu về Bát Quái như thế nào hòa hợp với chương trình Đạo học như chương trình dẫn thượng. Mọi cố gắng hôm nay xin góp bàn tay PHỤNG SỰ và HIẾN DÂNG trên tinh thần NHÂN NGHĨA và làm sáng danh Đạo Trời kỳ Ba Cứu thế và Chuyển Thế. Xin xem lại Chương trình Khảo Cứu Vụ đầy đủ hơn nơi Phần I: Cấp Sơ Đẳng.

Cám ơn ông Quang Minh đã khuyến khích nên chúng tôi thực hiện được sớm hơn thời gian dự định.
Trân trọng làm món quà thân ái nhứt gởi đồng Đạo.
Tây Ninh Thánh Địa, mùa Hội-Yến Diêu-Trì.
Năm Kỷ Sửu (dl: 16-08-2009)
Nữ Soạn giả
NGUYÊN THỦY

 

Nguyên văn Thánh Lịnh của Đức Hộ-Pháp

Hộ-Pháp Đường          ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ ÐỘ
Văn Phòng                       (Nhị Thập Tam Niên)
Số: 114 / TL              TÒA THÁNH TÂY NINH

THÁNH LỊNH

Hộ-Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài
Hiệp-Thiên và Cửu Trùng.

Chiếu y Đạo Luật ngày 16-01-Mậu Dần (dl: 15-02-1938) giao quyền Thống nhất Chánh Trị Đạo cho Đức Hộ Pháp nắm giữ cho đến ngày có Đầu sư chánh vị.

Nghĩ vì sự Phổ thông Chơn truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là việc rất cần ích trong lúc nhơn sanh đang tiến trên con đường Hạnh phúc Hoà bình.

Nghĩ vì mục đích Cao-Đài Đại-Đạo là đem nhân loại đến chỗ Đại-Đồng tạo Tân Dân chỉ ư chí thiện trong khuôn viên Tân-Luật Pháp-Chánh-Truyền

Nghĩ vì Chánh giáo của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là QUI NGUYÊN TAM GIÁO PHỤC NHỨT NGŨ CHI cho đặng Phổ thông Chơn Đạo phải thông hiểu rành mạch nguyên lý của các Tôn-giáo. Nên:
THÁNH LỊNH

Điều thứ nhứt:
1 - Thiết lập Khảo-Cứu-Vụ tại Toà-Thánh để sưu tập Kinh điển và Thánh Ngôn, Thánh Giáo đặng khảo cứu Triết lý Cao-Đài Đại-Đạo và Kinh sách của Tôn-giáo khác mà ra Kinh sách để Phổ thông Đại-Đạo Tam-Kỳ.

2 - Tổ chức  các  cuộc  giảng Đạo tại Toà Thánh và các Châu Đạo để phổ thông Triết lý của Đại-Đạo Tam-Kỳ

Phổ-Độ.
3 - Tổ chức các lớp Huấn luyện Chức sắc, Chức việc để đủ tài liệu truyền Giáo.
4 - Ra báo chí để Phổ thông Chơn Đạo.
ĐIỀU 2 & 3 (xem ở quyển I: Cấp Sơ Đẳng đầy đủ)

Điều thứ tư:
CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN

1 - Cấp Sơ đẳng (Đã phổ biến) 
1 - Đạo là gì? Tu là gì?
2 - Tiểu sử của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
3 - Nghi tiết và ý nghĩa  của các tổ chức thờ phượng.
4 - Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
5 - Tam Qui Ngũ giới.
6 - Tiểu sử sơ đẳng của Tứ Thánh, Tam Trấn, Đức Khương Thái Công.
7 - Địa dư Việt Nam về mặt Kinh tế, Chánh trị và Tôn giáo
8 - Phép tu luyện, trau lòng đạo đức cho trong sạch (Phương pháp này sẽ chỉ riêng)

2 - Cấp Trung đẳng:
1 - Tại  sao khai Đạo ? Tại sao bế Đạo ?
2 - Lịch sử Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và chánh trị của Đạo theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
3 - Tiểu sử của Tứ Thánh, Tam Trấn, Đức Khương Thái Công, Bát Tiên (Tham khảo)
4 - Địa dư các cường quốc và hoàn cầu về phương diện Kinh tế, Chánh Trị, Tôn giáo.
5 - Tu niệm theo phép: GIỚI- ĐỊNH- HUỆ.

3 - Cấp Cao đẳng:
1 - Triết lý Phật Giáo
2 - Triết lý Đạo Giáo
3 - Triết lý Nho Giáo
4 - Triết lý Gia-Tô-Giáo
5 - Triết lý Hồi Giáo
6 - Triết lý Bà-La-Môn Giáo
7 - So-sánh các triết lý Tôn giáo với các Triết lý Cao-Đài giáo để phân rành chỗ hơn chỗ kém của đôi bên.
8 - Tâm-lý-học:  tâm lý con người:
- Trong thời bình trị ra sao ? Của kẻ phú quí ra sao?
- Nhứt là phương diện tín ngưỡng trình độ nhơn loại hiện giờ ra sao? Ảnh hưởng phong trào vật chất do khoa học gây nên thế cuộc nào ? Chỉ chỗ sai lầm qua tư tưởng hiện tại.
- Làm cách nào đem con người lại đường Đạo (Sưu tầm các phương pháp hạnh phúc cứu thế)

4 - Phép tu luyện:
1 - Thật hành: Giới- Định- Huệ
2 - Pháp tham thiền nhập định và tiếp điển Tiên Thiên cho thân hình được tráng kiện.

Điều thứ năm:
Vị  Bảo Thế (Lê Thiện Phước) thừa quyền Hộ Pháp lãnh thi hành Thánh Lịnh này.
Lập tại Toà Thánh ngày 15 tháng 12-Đinh Hợi
(Dl:  25-01-1948)
HỘ-PHÁP
PHẠM-CÔNG-TẮC

KHÁI NIỆM
Về
Phương TU theo THỂ- PHÁP THIÊN-ĐẠO

Người tu theo Đạo Cao Đài là tu theo Thiên Đạo, cũng có hai phần: Thể pháp và Bí pháp của Thiên Đạo.

Đức Thượng-Phẩm dạy về:
Thể pháp Thiên Đạo là những nơi học hỏi để cung ứng tinh thần trên khuôn viên Chánh pháp.
Trong Thể pháp Thiên-Đạo chia ra làm ba thời-kỳ:
1 - Thứ nhứt là thời-kỳ khai thác.
2 - Thứ nhì là thời-kỳ luyện tập.
3 - Thứ ba là  thời-kỳ thi-hành.

Trong thời-kỳ sau này mới thường gặp những cơ khảo đảo đặng thử-thách tinh-thần.
-  Về thời-kỳ thứ nhứt là những tạo tác nơi qui họp Đức-tin cho con cái Chí-Tôn, tức là các Đền Thờ đó vậy. Khi một Môn-đồ đã thọ môn tùng giáo thì phải do nơi các Đền Thờ đặng tựu họp Đức-tin. Đó là bước đầu tiên của Thể-Pháp Thiên-đạo; do đó sự cúng-kiến, niệm kinh là điều yếu-trọng vậy.
- Qua thời-kỳ thứ nhì là đem ĐỨC TIN đã thụ  được đặng tập luyện tâm tánh và khởi lập công trừ quả đặng tự giải khổ cho mình và giúp phương cứu khổ cho toàn nhân loại. Ấy là phương tập luyện tánh thành, tâm niệm đó vậy.
- Qua thời-kỳ thứ ba là thi-thố những Đức-tin hầu lấy phương giải khổ mà đem gieo truyền hột giống Thương yêu,  ấy là phương CỨU KHỔ đó  vậy.

Trong lúc này tinh-thần hay gặp những chướng ngại hoặc làm cho nao-núng tan rã Đức-tin, hoặc theo đường quỉ-mị, CHIA PHE PHÂN PHÁI mà nên TẢ ĐẠO BÀNG MÔN như hằng hữu đã xảy ra đó.

Trong ba thời-kỳ này:
-  Thứ nhứt là Lập Đức,
-  Thứ nhì là Lập Công,
-  Thứ ba là Lập Ngôn.             

Đó là Thể-Pháp Thiên-Đạo.
Khi đã trọn phần THỂ PHÁP rồi liền bước qua mặt BÍ-PHÁP là những phương-pháp Tu tâm sửa tánh hầu lập thành Chơn-khí thanh-khiết mà hiệp với Chơn-thần đặng tiếp Chơn-linh để giải phương cứu khổ thêm bề sâu, siêu lý diệu chơn. Ấy là phương tầm hiểu chơn-truyền chánh pháp đó.

Khi đã vẹn sạch Tinh -Khí -Thần là đắc pháp vậy.
Mấy Em đã học qua  về  khoa  Bí-pháp khẩu tụng. Vậy khá để tâm học hỏi cho được Tâm-truyền thì công phu của mấy Em đã được phần thưởng vô giá đó.
- Nói về THIÊN-ĐẠO tức là luận về vũ-trụ triết-lý, tức là nói về Không-gian.
- Còn nói về THẾ-ĐẠO là luận về nhân-sanh triết lý, tức là  nói về Thời-gian.  

Mấy Em khá hiểu cho lắm mới được. Phải để tâm suy nghiệm đó nghe !”
 (Trích Tam thể xác thân của Đức Thượng-Phẩm)

Đức Hộ-Pháp cũng cho biết:
“Đức Chí-Tôn để cả hai triết-lý cho nhơn-loại biết sự thật. Bởi cớ cho nên Đức Chí-Tôn đến: Ngài đến đặng giải một triết lý, một công-lý hiện hữu tại mặt thế gian này: Sự chơn thật.

Ngài đã giải sự chơn thật.
Phải hiểu THỂ-PHÁP, biết Thể-pháp rồi mới thấu đến BÍ-PHÁP. Khó lắm! Phải để tinh-thần tìm hiểu cho lắm! Khó lắm !  Phải rán học cho  lắm mới có  thể đoạt đặng! Điều rất khó-khăn là phải viết sách.(ĐHP 5-4 Kỷ-Sửu)
Vì : “Có Thể pháp thì có Bí-pháp!
Các vị Giáo-chủ cũng phải tùng theo khuôn luật đó, một nền Tôn giáo có:
- THỂ PHÁP là cơ-quan GIẢI KHỔ cho chúng sanh, tức nhiên phải có:
- BÍ-PHÁP đặng làm cơ-quan GIẢI THOÁT cho chúng sanh. Hễ độ phần xác tức nhiên phải độ phần hồn cho toàn vẹn.

Một nền TÔN GIÁO đã xuất hiện tại thế gian này dầu Thể-Pháp cao siêu bao nhiêu đi nữa, nếu không có Bí Pháp làm tướng diện căn bản thì nền Tôn Giáo ấy chỉ là Bàng môn Tả đạo mà thôi”. (ĐHP: 9-4 Kỷ Sửu 1949)

“Hồi tưởng lại việc đã qua trong các thời xưa, nhứt là thời cận đại và lấy kinh-nghiệm xét-đoán, chúng tôi nhận thấy hễ nơi nào sôi-nổi phong-trào náo loạn lôi cuốn con người vào chốn diệt vong thì cập theo đó sản-xuất một mối Đạo mới để cứu vớt sanh-linh khỏi cơn đồ thán.
Như trước kỷ-nguyên Thiên-Chuá giáng sanh, nhơn-loại cơ hồ bỏ qua lời truyền của Đức Phật Thích-Ca vạch rõ con đường Bát-chánh để làm phương giải khổ.
Quên hẳn lời dạy của Đức Khổng-Tử giữ Đạo Nhân-luân, tạo nhân kết nghĩa để làm cửa điều-hoà xã-hội và vì khinh-thường Huấn-ngôn của các Đấng ấy, nên cơ Đời thuở nọ lâm cơn hỗn-độn thì Cơ-Đốc-Giáo ra đời  Cứu-Thế. Chưa mãn hai ngàn năm hoằng khai Công-giáo thì nhơn-loại lần lần không quan-tâm đến lời của Đấng Christ tiên-tri số-phận điêu-linh của loài người trong khoảng đời mạt kiếp này. Lời tiên-tri đã ứng-nghiệm thì ĐẠI-ĐẠO CAO-ĐÀI  xuất hiện.

CHƯƠNG I

CÂU 1- Tại  sao khai Đạo? Tại sao bế Đạo?

Lý Đạo trong trời đất lẽ ra là nhiên nhiên bất hoại, bất dịch nhiệm-mầu, không có khai, cũng không có bế, cũng như không một ai có quyền chỉnh sửa được, vì Đạo vốn là vô-vi, như không-khí được ban cho người và vật có sự sống. Không khí không bao giờ mất ở trong vũ-trụ này, nhưng tại người làm cho không-khí bị nhiễm trược tức là tự người làm cho mất đi sự thanh-khiết mà thôi. Sau cùng là người phải chịu trách-nhiệm cho việc làm vô-ý-thức của mình. Hậu quả là Bịnh! Ngày nay sinh ra đủ thứ Dịch bịnh

ĐẠO thì mênh-mông ví như biển cả tiếp nhận nước từ mọi dòng sông luân-lưu đổ ra, ấy là lúc nước chảy thông. Nếu có người đắp đập ngăn sông làm cho nước phải ứ đọng rồi chảy vòng-vèo cho đến khi không còn luân-lưu được nữa, ấy là lúc Đạo BẾ. Rồi đến khi có người đứng ra khai cho dòng nước chảy thì lại thông, rồi lại bế; cứ thế mà thời THÁI, BĨ cứ xoay quanh trong lẽ dinh, hư, tiêu, trưởng là như vậy.

Đạo Cao Đài hôm nay ra đời, ấy cũng vì các Tôn Giáo khác đã qua nhiều thời kỳ bị BẾ, nay Thầy là Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng-Đế đến để khai thông mối Đạo làm nên thời THÁI. Như vậy sự thông hay bế cũng do vật dục của con người làm nên mà chuyển xây thành ra THÁI là thời Đạo khai; BĨ là thời Đạo bế.

Đây là lời xác nhận:
 “ÐẠI ÐAO TAM KỲ PHỔ ÐỘ khai sáng tại Việt Nam từ năm 1926, người bổn Ðạo lúc ấy còn bị quyền Ðời bó buộc.  Mãi tới năm 1956  Hội Thánh    thỏa  ước  với Chánh Phủ Cộng Hòa ước hẹn không làm chính trị và được trọn quyền truyền bá mối Ðạo khắp xứ Việt Nam”.

 Về mặt Thiên Cơ Thầy có dạy:
 “Từ trước, TA giáng sanh lập Phật giáo gần sáu ngàn năm thì Phật-Đạo chánh truyền gần thay đổi. TA hằng nghe chúng sanh nói “Phật giả vô ngôn”! Nay nhứt định lấy Huyền-diệu mà giáo Đạo, chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn.

Dường nầy từ đây chư chúng sanh chẳng TU bị đọa A-Tỳ thì hết lời nói rằng “Phật Tông vô giáo” mà chối tội nữa. TA nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp TAM KỲ PHỔ ÐỘ nầy mà không TU thì không còn trông mong siêu rỗi”.

Qua thời gian vật đổi sao dời, Đạo cũng như Đời đã trải qua biết bao lẽ Thịnh - Suy, BĨ - THÁI..

BĨ là gì?
nghĩa là bế tắc, gồm có chữ bất ở trên, chữ Khẩu ở dưới, là ám chỉ con người không có miệng hay nói khác đi dầu cho có miệng cũng không nói được thành lời, dẫu có nói đi nữa là phải nói theo sự đặt để của người khác.Cũng như chữ Phỉ chữ Phi nghĩa là không vậy.

Ở trong trời đất vẫn có đủ cả vạn-vật. Nhưng ở trong vạn-vật thì người là một giống tối linh. Vậy nên chỉ nói “người”thời đại-biểu được cả vạn-vật. Người, thật ra là phối với trời đất mà làm ra Tam Tài, nên đạo người tức là đạo trời đất, mà đạo trời đất chính là ở con người hiện hữu 

Đạo trời là gì?
- Là Khí Dương.
Đạo đất là gì?
- Là Khí Âm.
Âm Dương hoà hợp nhau thì sanh thành được vạn vật, đạo người cũng nhân đó mà còn. Âm Dương cách tuyệt với nhau thời chẳng sanh thành được vạn-vật, đạo người cũng nhân đó mà mất.

Đặc tính của quẻ BĨ:
Càn Khôn là hai cánh cửa để đi vào Đạo Dịch. Vậy khi cha mẹ phối hợp tức là Âm Dương giao nhau thì hình thể thứ ba ra đời, là sự thành hình của người con. Đứa bé sanh thuận, nghĩa là đầu quay xuống thì thấy trước nhất là:
Ba nét liền tượng ba hào Dương gọi là quẻ Kiền
Ba nét đứt tượng là ba hào Âm,  gọi là quẻ Khôn
1 hậu môn
1 bộ sinh-dục.                     
Một miệng.                                                     
Hai lỗ mũi.
Hai con mắt.
Hai lỗ tai.

Một quẻ kép như trên có Kiền vi Thiên ở trên, Khôn vi Địa ở dưới đọc là Thiên Địa Bĩ
Một đứa bé ra đời thì đầu quay xuống phía dưới đất, để cho Âm Dương hoà hợp (đầu là Dương, đất là Âm) tức nhiên một hài-nhi mới ra đời thân thể yếu-ớt là từ chỗ tối-tăm đi ra là thời BĨ (cần phải được nuôi dưỡng săn sóc)
- Thứ nhất: Đầu quay xuống như thân cây mới mọc.
- Giai đoạn thứ nhì đứa bé nằm ngang, đầu và mình ngang nhau, chống tay bò như con thú bốn chân.
- Giai đoạn thứ ba đứa bé đứng thẳng, đầu hướng lên trời, chân đặt lên đất. Đó chứng tỏ là con người đã phải theo định luật tiến-hoá của Bát-hồn.

Hình dạng các khiếu trên tạo nên quẻ Thiên Địa Bĩ.        
Luật tiến-hoá của vũ-trụ là một vòng tròn không đầu mối, thế nên hết Thái đến Bĩ, qua Bĩ rồi lại Thái. Đó là chuyện hữu hình. Vô vi cũng vậy.

Con người mới ra đời, đầu quay xuống gọi là “sanh thuận” tức là mới khởi là phải “đương đầu” với một thế giới mới, tuy mọi sự đều khó-khăn, phải phấn-đấu lắm mới được. Rồi một phen trở về cũng vậy, tức là chết. Chơn hồn cũng quay đầu về trình Mẹ ở Cung Diêu-Trì là Cung Tạo Hoá Thiên (số 9), thì cũng phải chịu thời Bĩ để thích nghi với một thế giới mới nữa. Thế nên Ông Bà ta đã rõ thông luật tiến-hoá ấy mà khi người chết đặt nằm, đầu phải quay ra ngoài là thuận lý Âm Dương của Trời đất  (Trở về là thời Âm, Cung Mẹ là Dương đối với Âm) Vì chữ ngoài đây tức là Thượng là hướng thượng, như quẻ ngoại là quẻ “Thượng” là nằm trên. Quẻ nội nằm dưới.

Lại nữa qua hai quẻ THÁI, BĨ đi liền nhau mà bao quát được vô số vấn đề Đạo-lý trong vũ-trụ.
Thời Bĩ này Âm-khí ở dưới chẳng chịu thượng giao với Dương, dương-khí ở trên chẳng chịu giao tiếp với âm.  Âm Dương cách tuyệt nhau như thế, tất nhiên vạn vật chẳng sinh thành, còn gì là đạo làm người nữa, nên nói rằng: chẳng phải đạo làm người. Dịch nói Bĩ chi phỉ nhân .

Việc trời đất lớn rộng để chỉ cái bao la, còn thân người nếu âm-khí không xung lên, dương khí không giáng xuống thành bịnh quan cách bất thông.

Tâm thuật cũng vậy, nếu bên ngoài hưng phấn mà bên trong chứa nhiều nhân dục, cũng gọi là phỉ nhân vì còn nhiều thú tính, thì sao xứng đáng vào hàng Tam Tài?

Quẻ BĨthì Kiền trên, Khôn dưới, thoạt nhìn thì thấy vị trí của hai quẻ có vẻ là thuận, nhưng luận về khí-hóa thì khí Dương ở Kiền có tính bốc lên và khí Âm ở Khôn thì lắng xuống dưới, hai khí có chiều hướng khác nhau thì làm sao hòa nhau được, đã không hòa được thì vận Bĩ phải đến mà thôi.Quẻ Thiên-Địa BĨ là lúc bế tàng.Khi Đạo Bế là phần Dương cuối cùng muốn đứt, chuyển biến ra Âm. Hết thạnh đến suy, nhơn vật thay đổi: Thời Đạo Bế, người sinh ác tâm, bạo ngược, gian tham xảo trá, giao cảm ác khí nên tội-lỗi làm chìm đắm sa đoạ, nhơn vật điêu tàn. Phần Dương tiêu huỷ, phần Âm thạnh phát. Ấy là lúc Âm thạnh Dương suy.BĨ là thời kỳ Đạo bế.

Đạo vận có một phần Dương, một  phần  Âm hiệp thành Càn Khôn Thế giái, thì Âm Dương chuyển vận tuần hoàn mà sanh sanh hoá hoá mới có đêm tối ngày sáng.  

Bĩ là bế tàng, là cùng tận. Bởi Quẻ Thuần Kiềnchủ cát tường là điều lành. Nhưng cái khó ở đây là quẻ Thuần Kiền đã biến thành Thiên Địa Bĩ  vì mất đi ba hào Dương ở dưới, Âm cứ tiến dần lên (Dương biến Âm)

- THỜI ĐẠO BẾ:
Thánh giáo của Phật Thích Ca giáng Cơ tại Hội Phước Tự (Cần Giuộc). Ngày 05-04-Bính Dần (Samedi 5 Juin 1926) có lời rằng:
 “Chư sơn nghe dạy:
 “Vốn từ LỤC TỔ thì Phật Giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh Pháp bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh Giáo, lập riêng pháp luật buộc mối Ðạo Thiền.

TA vì luật lịnh Thiên mạng đã ra cho nên cam để vậy, làm cho Phật Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thiên Ðịa hoằng khai, nơi “Tây Phương Cực Lạc” và “Ngọc Hư Cung” mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật Tông Nguyên Lý đã  cho  hiểu  trước đến  buổi  hôm  nay rồi;  tại  Tăng  đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.

Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo... Ôi ! Thương thay ! Công có công, mà thưởng chưa hề có thưởng; vì vậy mà TA rất đau lòng.

TA đến chẳng phải cứu một mình chư Tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng trần, TA đương lo cứu vớt.

Chư Tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ Ðộ nầy là lần chót; phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật. Chư Sơn đắc Đạo cùng chăng là do nơi mình hành Đạo. Phép hành đạo Phật Giáo dường như ra sái hết, tương tợ như gần biến "Tả Ðạo Bàng Môn". Kỳ truyền đã thất, chư Sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây Phương mà cửa Tây Phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành chánh quả do nơi nào mà biết chắc vậy. TA đã đến với huyền diệu nầy, thì từ đây TA cũng cho chư Tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền. Chư Tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa”.

Bài Thánh giáo này cũng như hầu hết các Bài giáng Cơ khác ở buổi tiền khai Đại-Đạo đều xuất phát từ các ngôi Chùa Phật, như Đàn Cơ này tại Chùa:

Hội Phước Tự là một ngôi chùa ở Cần Giuộc mà vị sư trụ trì là Yết Ma Luật (Nguyễn văn Luật). Tháng 4 năm Bính Dần (1926), Hội Phước Tự tổ chức trường hương, Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm Thiền chủ. Chư vị lập đàn cầu cơ, tiếp được bài Thánh Ngôn nầy. Hòa Thượng Thiện Minh được Ðức Chí Tôn phong làm Ðầu Sư phái Thái, Thánh danh Thái Minh Tinh. Sau, Yết Ma Luật được Ðức Chí Tôn phong Giáo Sư phái Thái là Thái Luật Thanh. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

Vì sao phải lập Đàn nơi chùa Phật?
- Thứ nhứt là thời tiền khai Đại Đạo nên chưa có một cơ sở vật chất nào, nếu có chỉ là tạm mượn nhà riêng thôi
- Thứ hai là Đức Thượng Đế muốn cảnh tỉnh các vị Đại Đức, Thượng Toạ cùng các Phật tử biết rằng thời kỳ của Phật Thích Ca đã mãn, Đạo Cao Đài ra đời chỉ là Phật giáo chấn hưng, mục đích Qui Nguyên Tam Giáo Phục Nhứt Ngũ Chi.

Thế nên trong ngày Lễ khai Đạo: rằm tháng 10 năm Bính Dần (dl: 19-11-1926) tại Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén –Tây Ninh) chính Thầy có giáng ban cho đôi câu đối:
- DI-LẠC thất bá thiên niên khởi khai Đại-Đạo
- THÍCH CA nhị thập ngũ thế chung lập Thiền môn.

Để xác nhận rằng: nguơn hội này của Đức Di-Lạc đến để khai mối Đại-Đạo Tam kỳ. Còn Đức Thích Ca thì qua 2.500 năm (25 thế kỷ) kết thúc mối đạo Thiền.

Thầy cho biết Ðạo bị bế lại là vì Chánh pháp tu đắc đạo bị đóng lại, làm cho người tu không thể thành Chánh quả được; giống như trường thi đóng cửa, không tổ chức thi tuyển thì đâu có ai đậu đạt được?Tu không thành là vậy

Hai nhân vật: Huệ Năng và Thần Tú Thầy có nhắc đến. Hai vị nầy đều là học trò của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn của Phật giáo Trung Hoa. Thần Tú học với Hoằng Nhẫn nhiều năm nhưng chưa tỏ ngộ được Chơn tánh. Huệ năng mới học với Ngũ Tổ có 8 tháng nhưng lại ngộ Đạo, thấy được Chơn tánh, đạt được trí huệ. Do đó, Ngũ Tổ truyền Y Bát cho Huệ Năng làm Lục Tổ Phật giáo, dạy xuống miền Nam hoằng pháp, truyền bá phép tu Ðốn ngộ.

Sư Thần Tú có phần buồn nên đi lên phía Bắc hành đạo, truyền bá phép tu Tiệm ngộ. Lúc bấy giờ, Phật giáo Trung hoa chia ra: Nam Tông của Lục Tổ Huệ Năng và Bắc Tông của Ðại sư Thần Tú. Nhưng  Nam Tông  mới là chánh truyền vì Lục Tổ Huệ Năng cóYbát nên làm Lục Tổ

Thế nên có Mật chiếu tức là  Mệnh lệnh bí mật của Ðức Chí Tôn cho biết rõ “.. từ LỤC TỔ thì Phật Giáo đã bị bế lại.” Trong sách Phật Tông Nguyên Lý tức là quyển Kinh Phật viết vào thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, trong đó có nêu 6 chữ “Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ” viết rằng: Sau Ðức Thích Ca sẽ có một Ðức Phật rất lớn giáng trần mở Đạo. Ấy là Ðức Chí Tôn mở Ðại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay đó !

Các mối Đạo nay đã thất kỳ truyền tức là chơn lý Chánh truyền đã mất. Chơn truyền là giáo lý chơn thật đúng đắn được Ðấng Giáo chủ truyền lại cho các Môn đồ ngay từ buổi ban đầu.Lâu ngày bị sửa đổi thành phàm giáo

Thế là khi BĨ cực thì THÁI lai:
Theo lý  Dịch,  Đạo khai   thời THÁI,  là hình ảnh hai tay đẩy hai cánh cửa (môn là cửa) ra ngoài..

Lúc Đạo khai là thời của quẻ THÁIÂm khí của Khôn giáng xuống, Dương khí của Kiền thăng lên hoà hợp, ấy là lúc hanh thông, vậy phần Âm sau cùng vừa tận thì đến phần Dương phát khởi chuyển hoá. Ấy là thời-kỳ phổ khai, nhơn loại đặng từ-thiện minh chánh, những hung ác bạo tàn đều tiều tuỵ. Lúc ấy là Dương thạnh Âm suy, nhơn vật tuần hoàn đến kỳ thoát hoá, người lo tu tâm dưỡng tánh, cọng hưởng thái-bình. Do máy Âm Dương chuyển vận đến hết phần Âm cuối cùng là Thái.

Nguyên Đạo-lý trong vũ-trụ chỉ có lẽ tương-đối, mà không lẽ gì tuyệt-đối. Hễ sau lúc đã Thái (Địa Thiên Thái) là hanh thông rồi, tất nhiên vận cùng khó tới vậy. Nên, sau quẻ Thái tiếp lấy quẻ Bĩ. Thái cực thì Bĩ lai, Bĩ cực Thái lai, chuyện đời đầy vơi là như thế.

Về quẻ THÁI theo khí-hậu thì khí Âm và khí Dương giao nhau, dung hòa nhau được thì mới hanh THÁI.

Ngay thời-điểm cực kỳ đen tối như xã hội Việt Nam lúc bấy giờ (vào khoản năm 1926):
- Trong thì tâm lý nhơn sanh còn nhiều phức tạp theo đa thần giáo, tinh thần Tôn giáo chưa chuyên nhất nào là theo bóng, chàng, đồng, cốt, thầy phù, thầy pháp đủ loại, mặc dầu tín ngưỡng cao nhưng NHÂN TÂM bất nhất
- Ngoài thì dân tộc chịu lệ thuộc dưới quyền thống trị của người Pháp. Dân sinh chịu đau khổ dằng dai.

Đức Chí-Tôn đến, Ngài đến để xoay thành vận THÁI, tức là đem lại sự hanh-thông, sáng-sủa, huy-hoàng cho dân-tộc Việt, đồng thời để giải nguy cho nhân-loại đang lâm vào cảnh đau thương nhất, loạn-ly nhất như hiện tại đã thấy trong thời kỳ Hạ nguơn mạt pháp này:

 “Đức Chí-Tôn mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ tức là Đạo Cao-Đài đặng mở một kỷ-nguyên mới, Qui  Tam Giáo Hiệp Ngũ Chi, lập thành một nền Tôn-giáo Đại-Đồng cho hiệp với trình-độ tiến-hóa của nhơn-loại và của quả địa cầu 68 của chúng ta, dọn đường cho Đức Di-Lạc ra đời”.

 “Vì muốn độ 92 ức nguyên-nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa-đọa cõi hồng-trần. Ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo không giáng trần bằng xác thân mà chỉ giáng bằng Huyền-diệu Cơ-Bút  mới qui đặng cả Đại-Đồng Thế-giới”. 

Xếp đặt quẻ,Thánh nhân lấy theo hình ảnh con người Luận về Lý Dịch qua con người:
(Tài-liệu này trích trong Dịch-lý Cao-Đài I cùng Soạn-giả)

Tại sao phải lấy hình ảnh của con người?
- Vì tất cả con người trên thế giới này đều có những bộ-phận giống nhau về Âm Dương, nam nữ. Bộ sinh dục nam thì tượng Dương vẽ một gạch liền  Nữ tượng Âm, vẽ gạch đứt  Dựa theo nguyên tắc này mà Thánh nhân làm ra bộ Kinh Dịch, ký hiệu  toàn  bằng  những vạch liền, vạch đứt thay đổi nhau mà làm nên quẻ biến đó vậy.

Từ đó mới suy ra: người nào cũng có ở trên mặt và trên người những cơ quan hữu hình như:
Vì người là một sản phẩm hoàn hảo nhất của Thượng  Đế. Thánh-nhân do theo đó mà làm nên nét chẵn, lẻ; Âm, Dương để diễn-tả sự chuyển biến trong vũ-trụ này. Do vậy nét đứt  biểu thị bằng hào Âm, nét liền tượng hào Dương Nét liền, nét đứt đều do từ lý tính của người. Chính do Âm Dương này đã trở thành đầu mối của Càn Khôn Vũ Trụ mà Thánh-nhân đã luận nên tất cả những sự biến thiên trong trời đất, không đâu là không có hình ảnh Âm Dương. Dù vật lý học, nguyên tử học, sinh học, triết học, lịch học và nhất là TRIẾT LÝ CAO-ĐÀI.

Theo trên, với con số 7 là 7 khiếu (khiếu là lỗ) ở trên mặt, tức là 7 khiếu Dương; nhờ Dương-điển trên mặt nên tất cả con người dù xứ nóng hay xứ lạnh đều chịu được thời tiết mỗi nơi khác nhau, nếu khí Âm lên đến đầu hay mặt, là bịnh.

Thế nên Pháp Chánh Truyền qui định cho phái Nữ chỉ đến phẩm Đầu Sư mà thôi. Còn hai phẩm Giáo Tông và Chưởng Pháp thì không được dự vào cũng vì lẽ ấy.

Con số 7 có liên-hệ đến thất tình và thất khiếu sanh quang  của  con  người. Do các số này đã làm nên phương trình Đạo học, đang áp-dụng trong thế giới lòai người.

Xưa Phật chỉ độ phần Dương mà thôi, tức là độ hồn mà không độ xác, độ tử không độ sanh, độ Nam mà không độ Nữ, nên Phật-giáo chỉ làm tuần thất (nghĩa là 7x7=49 ngày)

Ngày nay, chính Đức Chí-Tôn mở Đại-Đạo, là cơ quan tận-độ chúng-sanh, tức là thực hiện cả con số 9 (hình ảnh của toàn Cửu khiếu =7 khiếu dương + 2 khiếu âm) tức nhiên Kỳ Ba này độ cả hồn lẫn xác, độ tử và độ sanh,  độ Nam và Nữ, độ toàn cả nhân-loại trên Càn khôn Thế giới và vật loại; không phân biệt giống dân nào; vì tất cả đều là con của Thượng-Đế. Đạo Cao Đài làm tuần Cửu (9x9=81)

Điều này ứng với Sám Trạng Trình, rằng:
 “Cửu Cửu Càn Khôn dĩ định,
 “Thanh Minh thời tiết hoa tàn”.

Bởi thế nên đúng thời này Thầy lập Cửu-Trùng-Đài là con đường vào Cửu-Trùng-Thiên, từng bước lên nấc thang tiến-hóa qua Cửu-Phẩm Thần-Tiên để đến nơi tuyệt phẩm là Niết Bàn, theo như Phật giáo quan-niệm đó.

Chỉ có con người mới được hình ảnh của quẻ THÁI mà thôi, tức nhiên đứng thẳng đầu đội trời chân đạp đất.
Đặc tính quẻ THÁI :
Trong khi đó Khôn ( 6 vạch đứt) là Âm ở trên, quẻ KIỀN dương ở dưới, chỉ một sự bao dung, như tình cha mẹ thương con. Quẻ Kiền (3 nét liền) cọng chung là 9 nét. Người Á Đông nói Kiền là Cha, Khôn là Mẹ.

Khi trời đất giao nhau, Âm Dương hoà hiệp thì muôn vật sinh trưởng cho nên mới nói THÁI: "Âm Dương hoà hiệp, thiên địa tương giao vị chi THÁI."

THÁI còn có nghĩa nhỏ đi lớn lại, Âm đi Dương lại. Thế của khí Âm Dương trời đất giao nhau mà muôn vật hanh thông, trên dưới giao nhau mà chí khí giống in nhau. Trong Dương mà ngoài Âm, trong mạnh mà ngoài thuận. Đạo quân tử ngày một tăng trưởng, đạo tiểu nhân ngày một tiêu mòn.

Soán viết: Thái, tiểu vãng đại lai cát hanh, tắc thị thiên Địa giao nhi vạn vật thông dã. Nội Dương ngoại Âm, nội kiện ngoại thuận. Quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu.

Vậy thì trời đất giao nhau, Âm Dương hoà hợp là quẻ THÁI. Muôn vật tươi tốt. Đấng nhân quân phải làm thế nào giữ được mức quân bình: không thái quá mà cũng không bất cập, cốt thực hành, vun bồi, sửa sang giúp đỡ cho nên việc của Trời đất và phù trợ cho dân sanh.

Hãy xem giữa trời đất và con người có những điểm tương đồng, tức nhiên “Trời đất in ta một chữ đồng”. đúng như câu của các Triết gia Đông Tây đều nhìn nhận: Con người là một Tiểu Vũ trụ “Nhân thân tiểu vũ trụ”.
 “Con người đứng phẩm tối linh,
 “Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi”.

Trời đất, vạn vật đều có đầy đủ trong con người của chúng ta. Sự tương ứng giữa hình tượng và các số của Đại Vũ trụ (Macrocosme) tức là trời đất với Tiểu Vũ trụ (Microcosme) tức là con người.

Sau đây là những phần tiêu biểu:
Trời đất                                Con người
Đại Vũ trụ (Macrocosme)    
Tiểu Vũ trụ (Microcosme)
Trời: Tròn                              
Đầu: tròn

Đất: vuông không hẳn vuông 
Chân: vuông, xếp khít 2 chân đứng thẳng, gần như vuông.                                             

Tam Bửu: Tinh- Khí- Thần
- Trời: Nhựt, Nguyệt, Tinh
- Đất: Thuỷ, Hoả, Phong
- Người: Tinh- Khí- Thần

Tứ Tượng: 
Trời: Thái Dương , 
Thiếu Dương, Thái âm Tứ chánh: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người: Tứ chi: 2 tay 2 chân Thiếu Âm, 

Ngũ Hành:
Kim, Mộc,Thuỷ, Hoả, Thổ
Ngũ tạng: Tâm, can, Tỳ, phế, thận
Lục khí: Âm, dương, gió, mưa, Tối, sáng
Lục phủ: Ruột già, ruột non, Tam tiêu, bàng quang, Bao tử, túi mật.                           
Thất chánh: mặt trời, trăng và 5 ngôi sao: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.
Thất khiếu: trên mặt người 7 khiếu: 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng

Bát tiết: lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí;
Bát mạch: phù, trầm, trì, sát, Tế, Đại, đoản, trường.
Bát cương: Âm, dương, biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thiệt.

Cửu Tinh: Thất chánh và Thiên hà, Bắc đẩu.
Cửu khiếu: trên mặt 7 khiếu.
2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng và dưới có 2 khiếu Âm: lỗ tiêu, lỗ tiểu

Thập Can: Giáp, Ât, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.
Thập chỉ: 10 ngón tay
Thập nhị Chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo,Thìn,Tỵ, Ngọ,Mùi, Thân,  Dậu, Tuất, Hợi.
Thập nhị khí quản: 12 lóng khí quản.

Trời đất có 24 khí Âm Dương: tiếp dẫn 12 tháng nuôi dưỡng 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Trời đất: 1 năm có hơn 360  ngày.
Người có 24 khúc đại trường tiếp dẫn 12 kinh môn phân ra nuôi Tứ tướng: Mắt, mũi, tai, Lưỡi.
Người gồm có hơn 360 đốt xương.

Trờiđất: vận chuyển một ngày.
Một đêm là 13.500 độ (1 vạn 3 ngàn năm trăm độ)
Người: một ngày một đêm thở hít gồm có 13.500 hơi thở (1vạn 3 ngàn 5 trăm hơi thở)

Khắp cả bầu trời có 36.000 tinh tú (ba vạn 6 ngàn Tinh tú)
Khắp châu thân người có 36.000 lỗ chân lông (ba vạn 6 ngàn lỗ chân lông)
(Tài liệu này  trích Trung Thiên Dịch –Trung thiên Đạo của Trần Cao Vân).

Nếu so với lời giảng giải của Thầy thì có 3.072 ngôi sao. Do đó mà Đức Chí-Tôn bảo ông Phối sư Bính phải vẽ đủ 3.072 vì Tinh tú (Sao) trên Quả Càn Khôn, có CON MẮT của Thầy. Chúng ta cùng nghiên cứu sau, về con số sai biệt này, hẳn có duyên cớ.

Trên người một bậc là Thánh nhân là bậc đại nhân thông minh huệ trí, nhân đức tuyệt vời, tự nhiên lấy sứ mệnh Thiêng liêng của Trời đất giao phó “Tham Thiên hoá dục” để thay Trời đất mà hoàn thành công việc che chở của Hoá công, để cuộc sống con người ngày thêm tiến hoá.

Luận về Đạo-pháp:
Nếu thời THÁI là hanh thông, thời BĨ là bế tàng thì trong trời đất mọi thứ đều có ảnh hưởng lẫn nhau, mà thời tiết, khí hậu của mỗi thời điểm có thể định quyết cho các thứ  thịnh  suy Bĩ Thái, cũng như việc Đạo: BĨ    thời-kỳ

Đạo Bế, Thái là thời kỳ Đạo  Khai. Trước hết nên xét qua:
Về thời tiết:
Quẻ Bĩ nếu xét trong 12 tháng của 12 Thiên-Tử quái thì Bĩ nằm vào tháng 7, mà cũng chỉ vào 7 khiếu dương ở trên mặt, vì  chính  nó phải chịu đựng đủ các thời tiết nóng lạnh và “đối mặt” với đời.

Dưới đây là bản đồ ghi rõ 12 tháng trong một năm, mỗi tháng ứng vào một Cung. Phân ra hai bên:Âm Dương:
- Khởi ở Tý là tháng 11 là quẻ Phục (Địa Lôi Phục).
- Tháng Sửu là tháng12 ứng quẻ Lâm (Địa Trạch Lâm).
- Tháng1 (giêng) Dần, ứng vào quẻ Thái (Địa Thiên Thái).
- Tháng 2 là Mẹo ứng quẻ Đại-Tráng (Lôi Thiên Đại-Tráng)
- Tháng 3 là Thìn ứng quẻ Quyết (hay Quải) (Trạch Thiên Quyết)
- Tháng 4 là Tỵ ứng vào quẻ Kiền (Bát thuần Kiền)
( H.1)  12 tháng của một năm gọi là 12 Thiên Tử Quái

Dương bắt đầu thăng từ 1 Dương ở quẻ Phục tiến dần đến khi thuần Dương ở quẻ Kiền có 6 hào Dương. Đây là Dương tiến, thì Âm thoái tức là Âm tiêu Dương trưởng, nghĩa là Âm lui dần.
- Tháng 5 là Ngọ ứng vào quẻ Cấu (Thiên Phong Cấu)
- Tháng 6 là Mùi ứng vào quẻ Độn (Thiên Sơn Độn)
- Tháng 7 là Thân ứng vào quẻ Bĩ (Thiên Địa Bĩ)
- Tháng 8 là Dậu ứng vào quẻ Quán (Phong Địa Quán)
- Tháng 9 là Tuất ứng với quẻ Bác   (Sơn Địa Bác)
- Tháng 10 là Hợi ứng với quẻ Khôn (Bát Thuần Khôn)

Với 6 quẻ của 6 tháng sau từ quẻ Cấu trở đi thì Âm xuất hiện. Quẻ Cấu có một Âm ở dưới tiến dần lên đến Khôn là hoàn-toàn Âm, Ấy là Âm trưởng thì Dương tiêu.               Hình vẽ trên khi nhìn xuyên tâm đối, qua trục ngang thấy bên này là THÁI (Dương) bên kia là BĨ (Âm) mà con người đang sống trong thế giới Nhị nguyên nên cứ mãi lẩn-quẩn không bao giờ thoát ly được. Các quẻ trên đồ hình chỉ cân bằng được qua TÂM mà thôi. Muốn thoát ly các việc luân hồi sanh tử, giàu nghèo, sướng khổ ấy phải đi vào tâm của vòng tròn, mà tâm của vòng tròn là ngôi của Thượng Đế. Muốn nhập vào Đại ngã để về với Thượng-Đế thì phải TU. Đó là con đường ngắn nhất, là thành công nhất ! Đạo Cao-Đài chính là con đường tu tắt trong nguơn hội này. Chứng tỏ đây là thời THÁI, là hanh thông vậy! Dịch gọi Âm là thời Tiểu-nhân, Dương là thời Quân-tử.           

- Quẻ Bĩ  thuộc tháng 7 trong chu-kỳ 12 tháng.
- Quẻ Thái thuộc tháng giêng trong chu kỳ 12 tháng

12 tháng của một năm gọi là 12 Thiên-tử Quái.
Sở dĩ gọi là “12 Thiên tử quái” bởi vì 12 quẻ này là đại diện (là vua) của 64 quẻ biến. Mà 64 quẻ biến được sản sinh cũng từ Bát Quái mà ra. Thầy có cho biết:
…“Thái cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ
Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hoá vô cùng mới thành ra Càn Khôn Thế giái” .
Đây là điểm mấu chốt,căn bản sự biến hoá của Dịch
Với con số 12 quẻ là nền tảng của Đạo Cao Đài khi luận qua về Thập Nhị Thời Thần, Thập nhị Thời Quân, Thập Nhị Bảo Quân…Riêng Thầy thì dạy rằng:

 “Thập Nhị khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế giái; nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.

Nguyên-lý về SỐ: Số 12 là số đặc-biệt tức là  9+3.
9 là cơ vận-chuyển, 3 là ba ngôi. Lấy 3 ngôi hiệp vào cơ vận-chuyển tức là CƠ QUI NHỨT, nắm cả các PHÁP trong tay mà người nắm pháp ấy là chủ tể càn khôn vũ trụ, nên Thầy có nói số 12 là số riêng của Thầy là vậy. Nếu cộng lại là 1+2 = 3 tức là ba ngôi đầu tiên.

Nếu tính theo hàng là 1 và 2 tức là lý Thái-cực đứng trước luật ÂmDương thì thấy rõ quyền-năng Chưởng quản trong đó. Vì thế Thầy nói chi chi cũng có luật định, không vật chi ngoài quyền sở định của tạo hóa hết”.

Đặc biệt là các quẻ xuyên tâm đối nếu ta cộng lại sẽ có một tổng số giống nhau. Ví như quẻ Địa Thiên Thái có biệt số là 81 (Khôn vi Địa số 8, Càn vi thiên số 1) Trái lại quẻ Thiên Địa Bĩ sẽ có biệt số là 18 (tức nhiên Càn 1 Khôn 8). Nếu cọng cả hai số này lại sẽ là 81+18= 99. Tất cả 31 đôi quẻ còn lại nếu đặt trên vòng tròn cũng có kết quả giống nhau như thế. Nhìn lại Đảo Phú-quốc có cả thảy 99 hòn, như thế có ngẫu nhiên không? Từ Sài-Gòn đến Tây Ninh 99 km có phải là ngẫu nhiên không ?

Lại nữa Càn (11) trên, Khôn (88) dưới, hiệp số cũng là 99. Nhìn vào Toà Thánh: Hai Đài Lôi-Âm-Cổ (lầu trống) và Bạch-Ngọc-Chung (lầu chuông) mỗi Đài cao 36m (3+6=9) nếu đặt hai số liền nhau thành ra 99 có ngẫu nhiên không?  Bên trong hai hàng cột Rồng xanh  mỗi bên là 9, vậy 99 có ngẫu nhiên không ?

99 là thành số của hai quẻ Càn Khôn là đầu mối của vạn vật:CÀN (3 vạch liền), KHÔN (6 vạch đứt) hiệp lại thành 9. Hai số 9 đặt liền nhau là 99, hoá thành con số 36m cũng trở lại với Dịch số, cùng như nhau.

Tóm lại hai quẻ CÀN KHÔN là cánh cửa để đi vào ĐẠO DỊCH. Chỉ đến thời kỳ này Đức Chí-Tôn mở Đại Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ mới phô bày hết những nét tinh hoa của Đạo Dịch, hoàn thành các con số, phù hợp với thời kỳ văn minh của “Kỹ thuật số”. Căn bản đó là BÁT-QUÁI.
Thánh ngôn Thầy dạy  (TN I /15)

 “Muốn trọn hai chữ PHỔ ĐỘ phải làm thế nào ? Thầy hỏi?– Phải bày Bửu pháp chớ không đặng dấu nữa!”
Bửu Pháp ở đâu ?   – Đó là Đền Thánh Tây-Ninh.

Đền Thánh này là nơi chứa đầy Bí-Pháp.
Về nguyên lý của Vũ trụ thì trong trời đất luôn luôn qua những giai đoạn: Dinh, hư, tiêu, trưởng cũng đều do Bát Quái biến hoá. Người, là đứng vào phẩm tối linh, gần gũi với Trời đất, hấp thụ lẽ đạo mầu, nắm vững sự cùng thông, âm dương tiêu trưởng. Nhờ vậy mới thấy cuộc thế là trò chơi, sự sống chết là lý vô thường: giàu không lấy làm tự tôn, nghèo không tự ty. Thánh nhân đạt Đạo mới thấy rằng: sớm mai nghe Đạo chiều chết cũng vui “Triêu văn Đạo tịch tử khả hỉ !”.Trong lòng lúc nào cũng ung dung tự tại được. Bởi vì:

Luật của Vũ-trụ khi THÁI, lúc BĨ vẫn cứ thay nhau như con đường đi vậy, không bao giờ bằng phẳng cả. Đó là nói cái lý tương đối mà thôi chứ không bao giờ có tuyệt đối, mà định-luật trời đất cũng không bao giờ để cho đến mức thái quá.Nếu vậy thì sự nghèo khổ tận cùng mà không phương giải quyết thì người nghèo chắc không sống nỗi. Âu đó cũng là bài học hay cho nhân-loại khi đến cõi trần này, mục đích là tiến hoá chứ không phải thụ hưởng. Có nhận rõ như thế mới thấy rằng người là Lữ khách dừng chân nơi quán trọ. Cuộc đời này là giả cảnh. Nhưng phải lướt qua sông mê bể khổ, khó nhứt là sông “Ngân hà”! Ngân hà là gì ? – Là sông tiền, sông bạc, nó là thứ làm cho con người từ cổ chí kim luôn điêu đứng. Kiếm ra tiền bạc là một nỗi khổ, nhưng đến lúc phải quên nó đi cũng là một nỗi khổ gấp vạn lần ! Làm sao quên được ? Thầy dạy: TU.
Có câu: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả.
“Anh-hùng hào kiệt có hơn ai ?”

Xem lại hai quẻ THÁI và BĨ đi liền nhau cũng thấy cả triết-lý của cuộc đời nằm trong đó. Đời cứ hết thịnh đến suy, qua cơn BĨ cực đến hồi THÁI lai. Để nhắc-nhở rằng khi được an-nhàn tự-toại hãy nghĩ đến sự khó-khăn, khổ sở của Đời mà quan tâm giúp đỡ. Khi gặp cơn nguy khó cũng đừng làm mất nét anh-phong của trời đã phú cho.  Tục ngữ có câu “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, hoặc “Quan nhất thời, dân vạn đại” là chỉ đời vô thường.   Chính Đức Phật Thích Ca đã nhiều lần nhắc nhở:
- “TA nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp TAM KỲ PHỔ ĐỘ này mà KHÔNG TU, thì không còn trông mong siêu rỗi” (TN I /20)
- “Con chỉ có TU mà đắc Đạo. Phải ngó đến hằng ức, thiên, vạn kẻ nhơn sanh chưa đặng khỏi luân hồi, để lòng Từ-bi độ rỗi kẻo tội nghiệp” (TN I / 21)
-  “THẦY  nhứt định đến chính mình THẦY  độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. nhưng mà buộc phải lập Chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, Anh trước Em sau mà đến nơi Bồng đảo” (TN I /18)

KẾT LUẬN CÂU 1:
Nền Đại Đạo này có bị BẾ không?
 [Sài gòn, 7-7-Bính Dần (Thứ bảy, 14-8-1926)]

Lời Thầy: Các con nghe dạy:
 “Vẫn từ ngày Đại Đạo bế lại, Chánh quyền đều vào một tay Chúa Quỉ.  Cười !

Khi Ngọc Hư Cung và Lôi-Âm-Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Độ, Chúa Quỉ biết cơ mầu nhiệm ấy và hiểu rõ rằng Tà quyền đã dứt, nên trước khi Thầy chưa đến, nó đã hiểu rõ rằng bề nào Thầy cũng phải chiếu  y Thánh ý: Tam Giáo Qui Nhứt mà dùng danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT, nên chúng đã dùng chữ  CAO ĐÀI trước Thầy mà lập Tả Đạo Bàng Môn.

Thầy hỏi các con: Vậy chớ Tà quái nhận tên ấy là chủ  ý gì ? Lại làm cho ra rẻ rúng danh ấy, để cho các con nghi ngờ mà lánh xa Thánh giáo như đàn Cái Khế vậy.

Nhưng có một điều là nó không dám ngự nơi ngai Thầy,  tiện dụng làm một vị Tiên Ông mà thôi.

Cười…Vậy, các con khi nghe nói Cao Đài nơi nầy, Cao Đài nơi kia, đừng vội tin mà lầm mưu Tà mị. Các con nghe và tuân theo.  (TNCT. TTT. 263)  (ĐS. II. 236)

 “Đạo khai Tà khởi” như Thầy đã dạy. Lại nữa Thầy cũng cho biết luôn “Danh Ta nó còn mượn duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi”.

Lời sau đây chính ông Nguyễn Ngọc Tương đã thuộc nằm lòng, nên đã viết thơ khuyên Ông THÁI CA khi ông ấy bỏ Đạo, thật là tha thiết, rằng:

“Vì không có cái chi mà làm bằng cớ chắc chắn buộc cho Anh phải tin rằng thiệt Tiên Phật có giáng cơ ký tên. Thầy đã dạy “Đạo khai thì Tà khởi” Nó cũng dám lấy tên Thầy mà cám dỗ lựa là tên Tiên Phật, nên Thầy đã căn dặn: Ngoài Thập Nhị Thời quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng Cơ nơi này nơi nọ, mà phải bị lầm mưu Tà quái cám dỗ. Vậy nên Anh rất thong-thả mà nghe hay không nghe, tin hay không tin, tự nơi Anh, không có một mảy chi bó buộc Anh hết, đặng ngày sau Anh không sang sớt một mảy chi cho ai hết.”

Thế rồi, sau đó ít lâu chính hai Ông: Tương và Trang lại vứt áo ra đi, lập Chi phái Bến Tre: Ban Chỉnh Đạo…thì quả thật “ngày sau Anh không sang sớt một mảy chi cho ai hết.”

Xưa nay người làm luật thường chết trên luật là đó!
1 - Yếu lý mà Đức Thượng Đế đến với nhân loại qua danh:

“THÍCH CA MÂU NI PHẬT tá danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT Giáo Đạo Nam Phương”.

Buổi đầu Thầy thường giáng Đàn nơi các chùa Phật:
-  Mục đích là cho biết nhiệm kỳ Phật giáo đã mãn
- Vốn từ Đạo bị BẾ lại thì phần nhiều hữu công tu mà thành thì ít thành
- Cái tận tất là đến cuối cùng, mà hễ cuối cùng chẳng dứt thì phải Qui Nguyên lại trước, nên gọi là tuần hoàn.
- Thầy nói: Nơi đây là Thánh địa, TA lập Thánh Thất TA đã nhứt định đến với huyền diệu đặng chuyển Phật Giáo lại cho hoàn toàn.
- Tiếng AN NAM từ đây Thầy cho là CHÁNH TƯ đặng lập Đạo của Thầy.
- Thầy giao cho ông Như Nhãn “lập thành Tân Luật Thích giáo” để không một ai ra khỏi Tân Luật Đại Đạo.

Những vấn đề trên Thầy đã thông qua Hoà Thượng Như Nhãn là nhân vật điển hình “để thâu phục Thích Đạo”

Như nhãn là ai?
NHƯ NHÃN tên NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1874-1938)
Chính là Hoà Thượng Giác Hải. Đức Chí-Tôn phong “Quản Pháp Thiền Sư Thích Ðạo Chuyển Luật Linh Diêu Ðạo Sĩ, "Chưởng Pháp phái Thái". Là người đứng ra hiến ngôi Từ Lâm Tự (Gò kén- Tây Ninh) cho Cao-Đài làm Lễ Khai Đạo Nhưng sau khi có biến cố trong ngày Đại Lễ thì Hoà Thượng Như Nhãn đòi Chùa lại, đuổi Đạo, buộc phải dời cơ sở vật chất đi trong vòng ba tháng, nếu không thì đưa ra Tòa. Từ đó Ông trở về vị thế cũ và cũng bị Đức Lý cách chức luôn.

Tiểu sử: Hòa Thượng Như Nhãn pháp danh là Thích Từ Phong, thế danh là Nguyễn văn Tường, trụ trì chùa Giác Hải ở gần cầu Ông Buông (Phú Lâm) Chợ Lớn. Ngài có quyên góp tiền trong Phật tử để mua đất xây ngôi Từ Lâm Tự tức Gò Kén, Tây Ninh. Ông Bà: Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh đóng góp nhiều tiền bạc cho việc xây cất chùa Từ Lâm nầy. Sau, nhờ huyền diệu Cơ Bút, Ðức Chí Tôn độ cho Ông Bà Nguyễn Ngọc Thơ và Hòa Thượng Như Nhãn theo Ðạo Cao Ðài. Do đó, Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm ở Gò Kén cho Ðạo Cao Ðài dùng làm Thánh Thất để tổ chức Ðại Lễ Khai Ðạo ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần (dl 19-11-1926).

Trong Ðại Lễ Khai Ðạo, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt ếm sót một cửa, do đó Quỉ Vương nhập Đàn phá khuấy, nhập vào ông Lê Thế Vĩnh mạo xưng Tề Thiên Ðại Thánh và nhập vào Cô Vương Thanh Chi (con ông Vương Quan Kỳ) mạo xưng Quan Âm Bồ Tát, hai người nhảy múa lung tung, khiến Hòa Thượng Như Nhãn mất đức tin, số nữ đệ tử của Ngài xúi đòi chùa Từ Lâm lại, nên sau cùng Ðức Lý Thái Bạch khuyên dạy Hội Thánh trả chùa và hướng dẫn Hội Thánh mua đất ở Long Thành xây dựng khu Nội Ô Tòa Thánh vĩ đại như ngày nay.

Thầy có dạy riêng Hoà Thượng Như Nhãn nhiều Đàn Cơ, ghi thêm làm tài liệu, để thấy rõ mục đích của Thầy trong cơ Chuyển Thế này.
* Ngày 16-7-Bính Dần (dl: 23-8-1926 )

THÍCH CA MÂU NI PHẬT tá danh
CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
Giáo Đạo Nam phương

Như Nhãn Hiền Đồ, nghe dạy:
Vốn từ ĐẠO BỊ BẾ lại thì phần nhiều hữu công tu mà thành thì ít thành, TA rất yêu thương.
Hiền Đồ có lòng giữ gìn Phật Tông Chánh pháp, cái địa vị cao thượng của TA ban cho Hiền Đồ từ thử là cốt để đợi cho tới ngày khởi định lập pháp TAM KỲ PHỔ ĐỘ cho Hiền Đồ có đủ quyền thế mà hành chánh với TA.

Thiên cơ khó lậu, nếu tỏ tường chơn pháp của Lôi Âm Tự và Bạch Ngọc Kinh ra thì chưa ắt ngày nào Đạo đặng mở, Tam Giáo Qui Nhứt.

Hiền Đồ cũng hằng trông mong cho Đạo đặng vậy. Hiền Đồ đủ hiểu, Thánh Đạo gọi GIA TÔ lập ĐẠO sau hết mà Thánh quyền cao thượng là chừng nào chưa ? Mà tiếc cho Tiên Đạo và Phật Đạo là mối ĐẠI ĐẠO đã khai từ  mới tạo Thiên lập Địa.

Mỗi sự chi cũng hữu chung hữu thỉ, cái tận tất là đến cuối cùng, mà  hễ  cuối  cùng  chẳng dứt thì phải Qui Nguyên lại trước, nên gọi là tuần hoàn.

Ngày nay là buổi tuần hoàn Đại Đạo, Thiên Địa hoằng khai, TA trông công Hiền Đồ mà lập thành cho nước NAM làm CHỦ nền Chơn Đạo của TA.

Nơi đây là Thánh địa, TA lập Thánh Thất. Hiền đồ có lòng giúp Ta chăng ?
Chỉ Hiệp làm một mà thôi, vì TA đã nhứt định đến với huyền diệu đặng chuyển Phật Giáo lại cho hoàn toàn. Hiền Đồ đừng ái ngại.

  khá đọc Thánh Ngôn cho Như Nhãn Hiền đồ nghe. TẮC tụng Nhơn Quả cho chúng sanh nghe”.
* Thiền Lâm Tự: 29-7-Bính Dần  [Chúa nhựt 5-9-1926] 

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI
Giáo Đạo Nam Phương

…Như Nhãn Hiền Đồ ! THẦY không muốn nói với con bằng tiếng Hớn Ngôn, vì tiếng AN NAM từ đây Thầy cho là CHÁNH TƯ đặng lập Đạo của Thầy, nên buộc phải nói rõ ràng với con.

Thời kỳ dấu diếm Thiên cơ đã qua rồi, Thầy phong cho con là: Quản Pháp Thiền Sư Thích Đạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Đạo Sĩ, con vừa lòng chăng?

Con đã giúp Thầy gìn giữ Thích Đạo nguyên Luật từ thử, nay mới còn đặng như vầy, không thì đã ra Bàng Môn Tả Đạo rồi.

Con phải biết THẦY ngày nay trông công con mà lập thành Tân Luật Thích giáo. Con phải đại tịnh kể từ  tháng  9  cho  tới  Rằm tháng 10,  Thầy  không muốn cho con lo lắng điều gì khác hơn là xét xem Kinh điển lại.

Con biết Ngũ Chi: Minh Đường, Minh Sư, Minh Tân, Minh Lý, Minh Thiện, cũng đều do nơi Phật  pháp mà ra, duy  giáo lý của các Chi  ấy thì có: Tiểu Học, Đại Học,

Trung Dung và Tứ Thơ là kinh điển mà thôi.
Còn phái Lão duy có Đạo Đức Kinh và Huỳnh Đình Kinh là căn bổn.
Con phải xem xét hết lại mà lập TÂN LUẬT.

Thầy nhứt định giao Thánh Thất nầy lại cho Thơ lo lắng thế cho con, song sự thờ phượng phải có thay đổi chút ít, sau Thầy sẽ dạy chư Đạo hữu con định liệu.

Rằm tháng 10 nầy, Thầy xin con Hội cả chư Hòa Thượng tại Thánh Thất đây chung lo lập TÂN LUẬT. Ngày ấy Thầy sẽ dạy cho hai vị Hòa Thượng phò loan, đặng có điều chi bợ ngợ thì cầu Thầy mà thôi.

Thầy phú thác một trách nhậm nặng nề cho con, nhưng mà con đừng ái ngại. Danh giá con, Thánh Đạo Thầy trong ấy, con khá hết lòng.

Con phải hiểu rằng, hội chư Hòa Thượng trọn đôi ba tháng thì là hao tốn, song chẳng hề chi, để Thầy định liệu. Tuy vân, Thầy biết sức một mình con  cũng  đủ  lập  TÂN LUẬT,  nhưng    Thầy  muốn có Hòa Thượng đặng cho khỏi trành tròn, lại còn làm tay chơn Thầy để thâu phục Thích Đạo.

Thầy cậy con một điều là đòi MINH, vì nó là Môn đệ của con, đặng giao chức Thái Đầu Sư cho nó đi Phổ Độ nhơn sanh. Cái trách nhậm ấy đáng lẽ về phần con, song con tuổi đã cao rồi, khó bề cực nhọc, nghe à !

Thầy để con trọn quyền mà Thầy xin con an lòng, Thầy lo chung cùng con, Thầy trông cậy nơi con lắm đó !”
 (ĐS. II. 238)
* Chùa Giác Hải, Sài gòn: 15-8-Bính Dần (dl: 21-9-1926)

 Thử xem hậu vận của Hoà Thượng Như Nhãn !
Mặc dầu Đức Chí-Tôn ban cho những lời giáo huấn hết sức ân cần như vậy, thế mà Hòa Thượng Như Nhãn cũng bị mất đức tin và phản ngôn. Mặt khác, số đệ tử của Hòa Thượng Như Nhãn yêu cầu Ngài bỏ Ðạo Cao Ðài và đòi chùa lại. Hòa Thượng Như Nhãn nghe theo và quyết định đòi chùa Từ Lâm, không hiến cho Ðạo Cao Ðài nữa, hẹn trong 3 tháng Ðạo Cao Ðài phải dời.

Ngày 19-11-Bính Dần, Hòa Thượng Như Nhãn bị thiêng liêng quở phạt, đau nặng.
Ngày 01-12-Bính Dần, Ðức Chí Tôn giáng cơ quở phái Thái và Hòa Thượng Như Nhãn, tỏ ý muốn phế bỏ phái Thái. Ðức Phổ Hiền Bồ Tát cầu xin Đức Chí Tôn tha thứ cho phái Thái và đừng bỏ phái Thái (phái Phật).

Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ trục xuất Hòa Thượng Như Nhãn ra khỏi Ðạo Cao Ðài.
Tháng 2 năm Ðinh Mão, Ðức Lý Giáo Tông quyết định trả chùa Từ Lâm cho Hòa Thượng Như Nhãn và chỉ dẫn Hội Thánh tìm mua được 96 mẫu đất tại làng Long Thành (Tây Ninh) để dời các cơ sở của Ðạo về nơi đây, lập thành Tòa Thánh Trung ương của Ðạo Cao Ðài như ngày nay, ấy là Bạch Ngọc Kinh tại thế.

Hòa Thượng Như Nhãn qui liễu vào ngày 5-12-Mậu Dần (dl 24-1-1939) hưởng thọ 75 tuổi. Tháp của Ngài được xây ngay trước Từ Lâm Tự (nay là Thiền Lâm Tự) Gò Kén -Tây ninh).

Lập lại lời của Đức Hộ-Pháp nói về việc mượn chùa Từ Lâm của Hoà Thượng Giác Hải:
“Đức Chí Tôn nói “chi chi cũng tại Tòa Thánh Tây Ninh nầy mà thôi”. Ngó lại thấy hiện tượng của Đạo nghèo đến nước không phương thế làm chùa để mượn Từ Lâm Tự của nhà Thiền tức của Hòa Thượng Giác Hải làm mới nửa chừng, họ muốn cho mượn đặng lợi dụng mình làm cho xong. Xuất của ra làm, chừng mở Đạo vừa xong quyền Đời quyền Đạo xúm lại đè nén muốn hạ nhục làm cho rẻ giá trị, đòi chùa lại, đuổi đi.

Thật vậy, họ đuổi đi, phải đi cấp thời, mua được đất Long Thành ngó lại toàn rừng già thú dữ đầy cọp beo đủ thứ. Như thế ấy mà nói chi chi cũng tại Tòa Thánh Tây Ninh nầy mà thôi. Nếu buổi ấy ai đức tin không vững chắc còn có nước trốn mà đi. Một phần đã từ bỏ Đạo vì lẽ ấy, còn những người có đức tin một chút nói rằng ở coi, coi họ làm sao tương lai sẽ như thế nào? Nếu nên thì mình theo, bằng không nên thì đả đảo rồi bỏ đi. Như vậy mà vẫn còn một đám người nữa vì thương chúng sanh, kính trọng con cái Đức Chí Tôn, đem đức tin để trọn vẹn nơi Ngài, lo lắng cho tương lai của nhơn sanh, tự hỏi: nếu lời hứa của Đức Chí Tôn không thành tựu thì Đạo Cao Đài thành sao đặng? Vì cớ, những kẻ ấy đem tất cả nhiệt huyết của mình đặng cứu dân, lời hứa của Đức Chí Tôn, đem cả đức tin thực hiện cho thành tựu mong mỏi cứu tình thế, thấy khổ nhơn loại mà hy sinh tạo nghiệp. Bần Đạo ngó lại hai mươi mấy năm rồi biết bao nhiêu sanh mạng về gởi rừng nầy nơi nước độc bệnh chướng, nhìn lại Thánh Địa biết bao nhiêu mồ mã, biết bao xương máu.”
(Trích từ “Chi Phái quyển I” cùng Soạn giả)

LUẬN VỀ CHỮ ĐẠO (12 nét)
Phân tích chữ ĐẠO (12 nét) Trên: hai nét phết, là Âm Dương của trời đất hoá sanh, nói gần hơn là do cha mẹ phàm thể sanh ra người, chỉ Âm Dương tương-hiệp. Nét nhứt đặt nằm ngang ở dưới là chỉ người đứng đầu Vạn linh, hiệp chung lại là đủ Tam Tài: Thiên- Địa- Nhân.

Giữa là chữ Mục là con mắt, có 5 nét, tượng lý Ngũ-hành thuộc Thổ, Thổ ở trung-ương, tính chất thuộc màu vàng, sắc dân là châu Á, Việt Nam ở vào châu Á, là Thánh Địa, mà Tây Ninh là Thánh Địa của Việt Nam.

Câu liễn thứ nhứt ở cổng Toà Thánh như vầy:
* Cao thượng Chí-Tôn Đại-Đạo hoà-bình dân chủ MỤC.
Chữ Mục(5 nét) thêm nét phết thành chữ Tự (6 nét) Tự là chính mình, do vậy mà sự tu-hành là điều tự quyết, tự chủ, tự quyền, tự lập…để định cho phương châm hành sử của mình. Thế nên số 6 là con số bình-hoà, hạnh-phúc. Câu liễn đối thứ nhì ở Toà-Thánh là:
* Đài tiền sùng bái Tam-Kỳ cọng hưởng TỰ do quyền.

Cả hai bộ-phận trên dưới ráp lại thành chữ Thủ (9 nét) Thủ là đầu, là khởi điểm. Khởi điểm con người là Cung Mẹ Diêu-Trì thuộc từng thứ 9, nên khởi xuất từ đây mà khi trở về cũng là đây. Nhưng nơi đây chưa phải là bến ước mơ cho linh-hồn khi thoát xác mà phải có đủ Tam lập nữa; tượng bằng bộ sước (3 nét) họp lại mới thành ra chữ ĐẠO (9 nét+3nét=12 nét). Số 12 là con số của Thầy, tức nhiên người tu hành đi vào Cửu phẩm Thần Tiên mà phải hành đủ Tam lập là Lập đức, Lập công, lập Ngôn. Chính là con đường Thiêng-liêng Hằng sống, là về bến ước mơ của linh-hồn: Là cõi Niết Bàn đó vậy.

Chữ Mục phải thêm chữ Cấn nữa mới thành chữ NHÃN . Tuỳ theo trình độ tu tiến mà có được Tâm Nhãn, Thần Nhãn, Thánh Nhãn…đến Thiên Nhãn. Thờ Thiên Nhãn để cho người Cao-Đài thấy rằng chính đây là Đạo Trời, người Việt cũng như đất Việt được may mắn đón nhận, có trách nhiệm trong sứ mạng khai Đạo cứu Đời trong Cơ  Chuyển Thế và Cứu Thế này.

Nay, Đức Chí-Tôn mở nền ĐẠI-ĐẠO.Vậy nên biết qua chữ Đại để tìm hiểu giá trị và phân tích chữ ấy:
Chữ  Đại là lớn. Đã rằng lớn thì có chi lớn hơn nữa! Nó có thể bao quát cả Càn Khôn vũ trụ, nó cao thượng vô hình, không chi ở ngoài nó đặng. Đã vậy nó còn có một cái nghĩa riêng về lẽ Đạo nữa. Nghĩa riêng ấy là:
Chữ Đại là hợp bởi chữ Nhơn là người và chữ Nhứt là một. Nhơn viết hai phết là chỉ Âm dương hiệp nhứt, là phát khởi Càn Khôn hoá sanh vạn vật. Vì nhơn là người, mà người biết tu luyện thì đoạt đặng cơ mầu nhiệm Hoá công thì là đắc nhứt. Nhơn mà đắc nhứt nữa (chữ Nhơn thêm chữ nhứt thành chữ Đại) thì vĩnh kiếp trường tồn, diên niên bất hoại. Đắc Nhứt là gì? – Nghĩa là đặng Một. “Một” tức là cái pháp độc nhứt vô nhị, cái pháp kín nhiệm huyền vi của Tiên Phật, khẩu truyền tâm thọ, để cỗi xác phi thăng, siêu phàm nhập Thánh. Có câu “Thiên đắc Nhứt: Thanh, Địa đắc Nhứt: Ninh; Nhơn đắc Nhứt: Thành.” Có nghĩa là Trời đặng một ấy là khinh thanh, đất đặng một ấy mà bền vững, người đặng một ấy mà trường tồn. Thế nên chỉ có NGƯỜI  tu mới đắc Đạo mà thôi. 
Thánh-Ngôn  II/3 Thầy dạy về chữ ĐẠO:

Đạo là gì? Sao gọi Đạo?
 “ĐẠO, tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đoạ trần do theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo, thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Đạo, nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi mới học các nghĩa huyền-bí khác cho đích xác đặng. Đời cũng thế, Đạo cũng thế, chẳng Đạo chẳng nên Đời. Đời Đạo chẳng trọn, lấy Đạo trau Đời, mượn Đời giồi Đạo, Đạo nên Đời rạng, giũ áo phồn hoa, nương bóng khổ trăm năm mãn cuộc, tự thanh cao, nếm mùi tự toại, dưỡng chí thanh nhàn thì có chi hơn.
Vậy là mầu, vậy là trí” .

CHƯƠNG II

CÂU II:  Lịch sử  ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
và Chánh- Trị của ĐẠO theo
TÂN LUẬT & PHÁP CHÁNH TRUYỀN

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
E: The Great Way of Third Universal Salvation
F: Troisième Amnistie de Dieu en Orient.      

Chương II: Câu 2: Lịch sử Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ và chánh Trị của Đạo theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.

A - KHÁI QUÁT:
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Đạo lớn mở ra vào thời kỳ thứ ba để cứu giúp toàn cả chúng sanh nơi cõi trần này, hầu thoát khỏi cảnh khổ của luân hồi mà trở về cõi Thiêng-Liêng Hằng Sống, chính là Niết Bàn đó vậy..
 (Đại Đạo là một nền Đạo lớn, nhưng khi nói lớn thì không còn gì lớn hơn nữa, nên nói là Đại Đạo.Tam Kỳ là thời kỳ thứ ba. Phổ Độ là cứu giúp chúng sanh rộng khắp)

Khi mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn xưng danh hiệu là:“CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT” nên  nền  Đại-Đạo  này còn  được gọi theo danh xưng của Đấng Thượng-Đế là ĐẠO CAO ĐÀI.

Gọi là Đại Đạo bởi vì Đạo Cao Đài là một nền Đạo lớn do Đức Thượng Đế sáng lập. Mục đích của Đại Đạo là Qui Tam giáo: Nho – Thích - Lão và hiệp nhứt Ngũ Chi là

Nhơn đạo - Thần đạo - Thánh đạo - Tiên đạo - Phật đạo.
Gọi là Tam Kỳ Phổ Độ là vì trước đây đã có hai thời kỳ Phổ Độ:
■ Nhứt Kỳ Phổ Độ khai thời thượng cổ có các Tôn giáo:
- Phật giáo do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật khai mở .
- Tiên giáo do Đức Thái Thượng Đạo Tổ khai mở.
- Nho giáo do Đức Văn Tuyên Đế Quân khai mở. 

Đồng thời:
- Đức Brahma-Phật mở Đạo Bà La Môn,
- Đức Moïse mở Thánh giáo ở nước Do Thái gọi là Do Thái giáo.
■ Nhị Kỳ Phổ Độ khai thời Trung cổ có các Tôn giáo:        
- Đức Phật Thích Ca mở Phật giáo ở Ấn Độ.
- Đức Lão Tử mở Tiên giáo ở Trung hoa.
- Đức Khổng Tử mở Nho giáo ở Trung hoa.
- Đức Chúa Jésus mở Thánh giáo ở nước Do Thái.
- Đức Mahomét mở Hồi giáo ở nước Á Rập,
- Đức Khương Thượng cầm Bảng Phong Thần mở ra Thần đạo Trung hoa...

■ Nay, thời Tam-Kỳ Phổ-Độ nhằm cuối Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, Đức Chí Tôn đến “Qui nguyên Tam Giáo Phục Nhứt Ngũ Chi” vì ngày nay Càn khôn dĩ tận thức, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà, nên Đức Ngài đến mở ra một nền Đại Đạo tại nước Việt Nam, thống nhứt thành một mối, để nhơn loại không còn bị chia rẽ nhau vì khác Tôn giáo, hầu tiến đến một THẾ GIỚI ĐẠI-ĐỒNG.

Vì lẽ đó Đức Chí-Tôn  lập Tam Trấn  Oai  Nghiêm thay quyền Tam giáo mới trấn phục nỗi hoàn cầu, gồm có:
- Phật Quan Âm thay quyền Phật giáo, là Nhị trấn Oai Nghiêm.
- Đức Lý Đại Tiên Thái Bạch Kim Tinh thay   quyền Tiên giáo, là Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
- Đức Quan Thánh Đế Quân thay quyền Thánh giáo, là Tam Trấn Oai Nghiêm, lập Nho Tông Chuyển thế.

Tóm tắt Ba thời kỳ Phổ Độ:
Đức Chí Tôn cho biết đây là kỳ Phổ Độ chót, trước khi mở  Đại Hội Long Hoa là có cuộc Phán Xét cuối cùng,  tận độ toàn cả chúng sanh, cứu giúp không để sót một ai.      Đức Chí Tôn khẳng định:
 “Gặp TAM KỲ PHỔ ĐỘ” nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi”.

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ chánh thức mở ra vào ngày 15 tháng 10 năm Bính-Dần (dl: 19-11-1926) và Đức Chí Tôn chọn dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam để Khai Đạo, dùng Tây Ninh làm Thánh Địa xây dựng các cơ quan trung ương, để từ nơi đây truyền bá khắp hoàn cầu.

Thầy dạy: “Chi chi cũng tại TÂY-NINH  mà thôi”.

B - SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Đức Hộ-Pháp nói:“Có nhiều người viết Đạo-sử và đã nói cho người ngoại-quốc hiểu Đạo. Trong ấy có nhiều điều không đúng sự thật,  nhứt là trong các bài Cơ.

Đạo ban sơ thế nào? - Nhiều người đã nói đến, đã giảng lịch-sử Đạo, nhưng không đúng lịch-sử chút nào hết. Sự thật như thế này:
Trong năm Ất-Sửu: các Thầy, các Ông, từ hàng Thẩm-phán, Phủ, Huyện, muốn tìm một sự thật mà thiên hạ đã làm đảo-lộn trong giới trí-thức đương thời là “Con người có thể thông-công cùng các Đấng thiêng-liêng vô hình được” nhứt là thuyết này đã làm cho cả Âu-Châu sôi nổi, nhiều sách vở đã tung ra cả hoàn-cầu do các Hội Thần linh-học và Thông-thiên-học đã khảo-cứu một cách rõ-rệt. “Loài người có thể sống với cảnh thiêng-liêng kia như chúng ta đang sống đây vậy” .Cái triết-lý ấy làm cho nhiều người, nhứt là người học-thức muốn tìm-tàng thấu đáo.

Nơi hạng học-thức ấy có một người cố tâm hơn hết là Đức Cao Thượng-Phẩm. Ban sơ chưa biết gì, chỉ làm theo phương-pháp bên Âu-Châu hay bên Pháp là Xây bàn.

Cái duyên ngộ Đạo của chúng tôi lúc đó chưa có quyền-năng thiêng-liêng xúi biểu hay xô đẩy. Chúng tôi muốn tìm hiểu huyền-vi bí-mật thiêng-liêng của Đức Chí Tôn đã tạo ra CànKhôn Vũ trụ. Sách vở để lại cũng nhiều, nhưng thật ra lý-thuyết ấy làm cho chúng tôi chưa quyết định về tín-ngưỡng cách nào mà đức-tin đã có thật vậy.

Khi Đức Chí-Tôn  đến  với  chúng tôi, Đức Chí Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo CAO-ĐÀI.

Tới chừng Ngài biểu chúng tôi cầm một cây Cơ và một  ngọn  bút  đi  các  nơi thâu  Môn-Đệ. Trọng-yếu  của Ngài là thâu mấy vị Tông-đồ có sứ-mạng trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này làm môi-giới độ ĐẠO sau này.

Đức Chí-Tôn biểu chúng tôi phò-loan đặng Ngài dùng quyền-năng Thiêng-liêng kêu gọi mấy vị Tông-đồ đó. Quả nhiên chẳng bao lâu, có đủ Thập Nhị Thời Quân hiển hiện ra, trong số các vị Thời-quân ấy có Cao Tiếp Đạo ở tại Kim-Biên chớ không phải ở Sài-Gòn.

Đi thâu Thập-Nhị Thời-quân rồi, Đức Chí Tôn mới mở Đạo. Chừng đó Ngài mới chỉ cho chúng tôi biết rằng có một người thờ Ngài là ông Ngô-văn-Chiêu, tức nhiên Đức Chí-Tôn muốn thâu Ông làm Giáo-Tông đầu tiên đó. Có một điều lạ-lùng suy-nghĩ không ra nguyên-cớ là Đức Chí-Tôn biểu Bà Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu may sắc-phục Giáo-Tông cho Người, kỳ hạn trong mười ngày Người sẽ được lên làm Giáo Tông.

Trong thời-gian mười ngày, chỉ có mười ngày mà thôi ! Chúng tôi không hiểu nguyên-cớ nào Ông Ngô-văn Chiêu không hưởng được điạ vị ấy. Ông Ngô-văn-Chiêu là một vị Phủ, Đốc Phủ-sứ buổi nọ, ở tại Hà-Tiên, do nơi Cơ bút, Đức Chí-Tôn đến với Ngài và thâu Ngài làm Môn-Đệ đầu tiên hết, là Người được Đức Chí Tôn xưng là “CAO ĐÀI TIÊN-ÔNG ĐẠI-BỒ-TÁT MA-HA-TÁT.”

Trong khi đó Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Đức Chí-Tôn chỉ nhà của Ông Ngô-văn-Chiêu cho chúng tôi và nói:
- Ngô-văn-Chiêu thờ Thầy lâu rồi, các con đến đó kết Bạn cùng nó,    cớ  cho nên  chúng  tôi  mới  đến Ông Ngô-văn-Chiêu.
Một buổi nọ chúng tôi phò-loan học hỏi như thường  ngày. Đức  Chí-Tôn kêu  chúng tôi  và Đức  Cao  Thượng Phẩm phải đi vô trong Chợ Lớn, đến tại nhà của Đức Quyền Giáo-Tông của chúng ta  bây giờ là Ông Lê-Văn Trung. Buổi nọ Ông Lê-Văn-Trung đang làm Thượng nghị-Viện. Hội-đồng Thượng-Nghị-Viện chẳng khác bây giờ là một vị Tổng-Thống đời Pháp-thuộc. Chức Nghị Viện lớn lắm! Ông là người Nam làm đến bực đó thôi; mà nghe ra Ông là người quá sức đời, Tôi với Đức Cao Thượng-Phẩm không hạp chút nào! Nhứt định không làm điều đó được, nghe danh quá đời, chơi bời phóng túng không thể tả hết; buổi chúng tôi ôm Cơ đến nhà Ngài đặng Đức Chí-Tôn độ Ngài. Khi vô tới nhà, thú thật với Ngài rằng:
- “Chúng tôi được lịnh của Đức Chí-Tôn dạy Đạo, Anh  tính sao Anh tính !”
Ngộ quá chừng quá đỗi. Ông biết Đấng đó hơn chúng tôi biết: lo sắp đặt bàn ghế, sửa-soạn buổi phò loan; rồi thì chúng tôi tiếp rước Ông, độ Ông, bắt Ông Nhập-môn đủ hết; chúng tôi không hiểu Ông có tin nơi Đức Chí-Tôn hay không?

Có khi tưởng Ông không tin nơi Đức Chí Tôn nữa chớ! Trong nhà Ông có nuôi một người con nuôi tên là Thạnh còn nhỏ độ 12, 13 tuổi gì đó. Hai Cha con kiếm đâu ra được một cây Cơ không biết. Vái Đức Chí-Tôn rồi cầu Cơ. Khi phò-loan, thằng nhỏ kia cầm đến cây Cơ thì ngủ, ông thì thức, Cơ thì chạy hoài. Đức Chí-Tôn dạy Ông nhiều lắm, không biết dạy những gì. Ông hỏi thì Đức Chí Tôn trả lời, chỉ có hai người biết với nhau mà thôi. Từ đó Ông mới tin nơi Đức Chí Tôn.

Từ  khi Đức Chí-Tôn đến độ Đức Quyền Giáo Tông rồi mới xuất hiện ra Hội-Thánh. Nếu chúng tôi làm  chứng thì chúng tôi có thể  nói rằng: Do  nơi  Đức  Quyền Giáo Tông mới xuất hiện ra Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài đó vậy.

Ngôi vị của Ông Saint-Pière, Giáo-Hoàng của Thiên Chúa-Giáo ở La-Mã như thế nào thì ngôi vị của Đức Quyền Giáo-Tông ngày nay cũng thế. Bởi vì chính mình Đức Chí-Tôn đến thâu Ngài, biểu Ngài lập thành Hội Thánh. Ngài đi đến đâu, Tôi và Đức Cao Thượng Phẩm theo phò-loan để Đức Chí-Tôn thâu Môn-Đệ, thâu được bao nhiêu thì giao cho Đức Quyền Giáo-Tông Thượng Trung-Nhựt giáo-hóa, chính do nơi Ngài cầu  khẩn Đức Chí-Tôn thâu Môn-Đệ. Ngài luôn luôn đi các nơi để Phổ độ chúng sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo. Đức Chí-Tôn sai hết chúng tôi, tức Thập-Nhị Thời-Quân đi phò-loan cùng hết, không chỗ nào không có Cơ Bút:

Người thì xuống miền Tây, người đi miền Trung, đi cùng hết. Thâu Môn đệ xong, Thầy dạy chúng tôi về Tây Ninh mở Đạo. Với hai bàn tay trắng, không có một miếng đất cắm dùi làm sao mở Đạo?

Khi đó Đức Chí-Tôn thâu Ông Nguyễn-Ngọc Thơ tức là Phối-Sư Thái-Thơ Thanh làm Môn-Đệ, Thái Thơ Thanh tức là bạn chí-thân, tức là chồng của Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh. Thành thử mỗi người đều có Thiên mạng nơi mình mà không ai biết, chính Bà là người cầm đầu Nữ-phái đó vậy. Đức Chí Tôn thâu rồi mới biểu hai vợ chồng Ông Thái-Thơ Thanh vào mượn Từ Lâm Tự ở Gò kén đặng mở Đạo; Chùa Từ-Lâm chưa xong gì hết, có Chánh điện, còn Đông-lang, Tây-lang thì chưa có, đằng này mấy Anh lớn họp nhau xuất tiền ra làm cho xong.

Đến ngày rằm tháng mười năm Bính-Dần thì mở Đạo, chúng tôi gởi Đơn lên Chánh-phủ Pháp xin mở Đạo công-khai, trong đơn có kể tên những người Môn-Đệ đầu tiên.  Sau khi mở Đạo nơi Chùa Gò-kén,  tức    Chùa Từ Lâm-Tự. Người cầu Đạo càng ngày càng đông. Người Pháp buổi nọ sợ chúng tôi làm loạn, nên xúi-giục Hoà Thượng Giác-Hải đòi chùa ấy lại, đuổi chúng tôi đi cho hết mở Đạo; đồng thời người Pháp bắt đầu làm khó Đạo, hăm he các Chức-sắc, họ lập hồ-sơ đen để trừng-trị những người theo Đạo.

Riêng phần Bần-Đạo là Công-chức,  khi vâng lịnh Đức Chí-Tôn đến Chùa Gò-kén mở Đạo, Bần-Đạo có xin phép nghỉ sáu tháng, đến chừng trở lại làm việc người ta không cho Bần đạo ở Nam-Việt nữa, đổi Bần-Đạo lên Kim Biên, tức Nam-Vang ( xứ Cam-Bốt bây giờ ).

Nơi đó Bần-Đạo vừa làm việc vừa lo mở Đạo, mục đích là làm thế nào cho Đạo chóng thành-tựu. Riêng phần mấy Anh lớn trong hàng phủ, huyện, đã có chức phận làm quan triều Pháp bị người doạ nạt đủ điều. Nếu theo Đạo Cao-Đài người ta sẽ bắt bỏ tù, người ta còn hăm-he con cái Đức Chí-Tôn sẽ bị Chánh-quyền Pháp triệt-để bắt bớ nữa, vì cớ cho nên mấy Anh phải sợ, một cái sợ rất nên phi-lý. Nhưng người Pháp buổi nọ cầm quyền sanh-sát trong tay, hễ thuận thì còn, nghịch thì chết, không còn ai lạ gì việc đó nữa. Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn buổi nọ chỉ còn lại có ba người. Ba người ấy thiên-hạ gọi là ba người lỳ. Ba người ấy là:
- Đức Quyền Giáo-Tông,
- Đức Cao Thượng-Phẩm và Bần-Đạo đây.            

Chúng tôi nhứt trí quyết làm cho thành Đạo, cho vừa lòng Đức Chí-Tôn, bởi vì không biết duyên cớ nào chúng tôi hiểu rằng: chúng tôi phải báo hiếu cho Đức Chí Tôn và tự-nhiên quyền-năng Thiêng-liêng giúp chúng tôi biết Đạo Cao-Đài này tương-lai sẽ cứu quốc, cứu chủng tộc và giống-nòi, chúng tôi hiểu rõ-rệt như thế, nên ba Anh em chúng tôi nhứt định hy-sinh kiếp sống mình, hy sinh cả hạnh-phúc để tạo cho nên tướng, nhứt quyết như thế nào, bất kể sống chết. Cả ba chúng tôi, nhứt định phải làm cho Đạo Cao-Đài thành, thành đặng cứu khổ, cứu chủng tộc chúng tôi. Sự quyết chí về tương-lai như thế, nên phải bỏ Chùa Gò-kén, tức là Từ-Lâm Tự, để về đây, về làng Long-Thành Tây-Ninh để lập nên Toà-Thánh bây giờ.

Trong lúc chinh-nghiêng như vậy, tiếc thay Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Cao Thượng Phẩm phải về cảnh Thiêng-liêng trước, còn lại có một mình Bần-Đạo, Bần Đạo thấy rằng nạn nước nguy-vong, thân nô-lệ ra với hai bàn tay trắng, bắt gió nắn hình, muôn điều khổ-não, lập nghiệp Đạo cho thành, cho con cái Đức Chí-Tôn. Hôm nay Đạo là máu, là xương của con cái Chí-hiếu của Ngài dựng thành đó vậy.

Ba mươi năm khổ não, toàn con cái Đức Chí-Tôn lập nghiệp cho Đạo hôm nay đặng thành tựu. Ngó dĩ-vãng, ngó đương nhiên bây giờ xa cách như Trời với vực. Yếu buổi nọ, so-sánh mạnh hôm nay. Nhục buổi nọ so-sánh vinh-hiển hôm nay, giá-trị xa nhau thiên-lý.

Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn từ khi lập Đạo chịu khổ-hạnh truân-chuyên, chịu nhục-nhã, chịu mọi điều thống-khổ, thì hôm nay được vinh hiển như thế. Bây giờ Đạo nên hình là cả một khối tâm-đức vô biên của con cái Đức Chí-Tôn tạo nên tướng” (ĐHP:13-10-Giáp-Ngọ 1.954).

1 - Tìm hiểu Cao-Đài là gì? Lý do nào khai Đạo?
Đức Hộ-Pháp nói về Tân giáo Cao-Đài:
 “Đạo Cao-Đài tức là ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ ĐỘ khai sáng vào thời-kỳ này là do Thiên cơ  tiền định và cũng hợp với lời tiên-tri của  các Đấng Giáo Chủ đã khai mở các Đạo-giáo trên thế-giới.

 “Theo Phật-giáo, Lão-giáo và Khổng-giáo thì đều dạy rằng: thời-kỳ này là thời-kỳ Hạ nguơn khiến đời tận diệt để chuyển xây trở lại Thượng nguơn Thánh-đức với một kỷ-nguyên mới. Đặc biệt Đức Thích-Ca Mâu-Ni khi lập giáo có cho biết đến năm 2.500 kỷ-nguyên Phật giáo, là thời-kỳ để cho Đức Di-Lạc ra đời mở Hội-Long Hoa lập một kỷ nguyên mới đó vậy”.

Cao-Đài là gì?
Nho-Giáo nói rằng trên đỉnh đầu là Đấng Cao-Đài. Đã nói là Cao thì không còn chi cao hơn nữa để tôn tặng Đức Thượng-Đế là Đấng tối cao, tối đại. Ngày nay chính Đấng Thượng-Đế mở Đại-ĐạoTam-Kỳ Phổ-Độ xưng danh là Ngọc-Hoàng Thượng-Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Đạo Nam phương.

CAO-ĐÀI là cái Đài cao, xưa muốn cầu Thần Tiên thì cất một cái Đài cao bằng tranh lá rồi lên đó để cầu-đảo gọi là thảo-đài. Nay chính Đấng Thượng-Đế đến với nhân loại mở Đại-Đạo nơi đất nước Việt-Nam chính là mở cơ Đại-Ân-Xá lần ba để độ dẫn 92 ức nguyên-nhân còn mê đắm hồng-trần.Danh xưng “Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ Tát Ma Ha Tát” là gồm cả Tam-giáo, gọi là Tam Giáo Qui Nguyên:
- Cao-Đài là tượng-trưng cho Nho-Giáo.
- Tiên-Ông là chỉ  Tiên-Giáo.
- Đại Bồ Tát Ma Ha Tát  chỉ Phật Giáo.

Chính Đấng Thượng-Đế đã nói về việc xưng danh ấy, tức nhiên quyền Chưởng quản Càn Khôn vũ trụ là một mà ba,mà ba cũng như một đầy đủ đức tính khiêm nhường

Thầy dạy:
 “Các con coi bậc Chí-Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ-rỗi nhơn-sanh là thế nào, phải xưng là môt vị Tiên-Ông và Bồ-Tát là hai phẩm chót của Tiên Phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối-cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm-nhượng là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ Môn-đệ cho Thầy là nhỏ. Cười..!.

 “Hạnh khiêm-nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi Thiên-hạ đặng. Các  con  phải khiêm-nhường sao cho bằng Thầy. Thầy lại nói  buổi lập Thánh-Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội-lỗi, đâu đến nhọc công Thầy.
 “Ấy vậy, các con ráng độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết.

2 - Tại sao gọi là CAO-ĐÀI ?
Có nhiều Hội-giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo đặng dạy lần cho Vạn-quốc rõ thấu chánh-truyền.

"Ngày nay Thầy mới đến lập một cái CAO-ĐÀI 高臺 nghĩa là Đền thờ cao trọng hay là Đức-tin lớn tại thế này (La haute Église ou plus grande foi du Monde) làm nên nền Đạo; lại mượn một sắc dân hèn-hạ nhỏ-nhít của hướng Á-Đông là An-Nam ta, đặng cho trọn lời tiên tri “Đạo xuất ư Đông” 道出於東 và cho trúng Thánh-ý chìu lụy hạ mình của Thầy lập thành Hội-Thánh, làm hình thể Thiêng-liêng của Thầy hầu cầm cho đặng dùi trống Lôi Âm giục giọng truy hồn, nắm cho chặt chày chuông Bạch Ngọc đặng trổi hơi định-tánh làm cho cả con cái của Thầy thức tỉnh, nhìn Thầy mà trở về quê cũ” (PCT)

3 - Hiện-tượng Đức Chí-Tôn mở Đạo Cao-Đài Chí-Tôn lập Cao Đài để làm Tòa ngự của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến hồng-trần này làm BẠN cùng người, hiệp cả loài người làm một.

Đức Hộ-Pháp cũng xác nhận rằng:
Nếu giờ phút này thiên-hạ đừng cho ta dị-đoan, chúng ta có thể nói Đức Chí-Tôn biết tình trạng nhơn-loại đã đến mức tự diệt nhau nên Ngài đến tạo nền Chơn-giáo của Ngài, tức nhiên ĐẠO CAO-ĐÀI, cho nhơn-loại gìn giữ phần hồn đặng định chuẩn-thằng cái sống của họ, đừng cho nó đến cảnh điên của nó, mà họ đến cảnh điên tức đến cảnh tự diệt. Đức Chí-Tôn đến đặng cho huờn thuốc phục sinh đặng cho nhơn-loại sống lại là Đạo-đức tinh thần của Đức Chí-Tôn tạo cho họ, ĐẠO CAO-ĐÀI chính là cái sống linh-hồn nhơn-loại, bảo vệ tánh mạng tức nhiên Chơn-thần của họ, đặng họ tránh cái nạn tiêu-diệt.                                                                  

Lời  tiên-tri trong sách “Ấu-học Tầm nguyên” về sự xuất hiện của Đạo Cao-Đài: trong quyển “Giác mê ca” mà tác-giả là một Đạo-gia có ghi lại đoạn văn sau: 
Hữu duyên mới gặp Tam-kỳ Phổ-độ
Muôn đời còn tử-phủ nêu danh,
Ba ngàn công-quả đặng viên thành,
Mới đặng Thiên-thơ chiếu-triệu.

Đây có mục-đích báo cho nhân-loại biết trước rằng chỉ có người hữu-duyên mới gặp được Tam Kỳ Phổ Độ, hầu do theo chơn-lý Chánh-truyền ấy mà làm phương thoát tục mới mong trở về ngôi xưa vị cũ. Bởi Đạo Cao Đài là Tu nhập thế nên phải lập công bằng cách Phụng sự Vạn linh, mà phụng sự Vạn linh tức nhiên  phụng sự Trời.  Điểm tới đích là Niết-bàn.Đạo Cao-Đài nói là cảnh Thiêng liêng Hằng sống. Niềm tin hứa-hẹn của Tam-Kỳ Phổ-Độ đã đến, đã ứng hiệp,nhất định không có gạt gẫm, nguỵ tạo.

Phải lập cho được Ba ngàn công quả chính là phải tu chơn thực theo phương thức sau, mà sách Trang Tử nói:
Chí nhân vô kỷ.Thần nhân vô công.Thánh nhân vô danh.
- Quên mình làm nên cho người, đạt (một số 0)
- Làm mà không tính công đạt (hai số 0)
- Làm mà không ham danh đạt  (ba số 0)

Đây là nói lý: phải hiểu rằng: Đặt số 3 trước ba số (000) thành 3.000 công quả.

4 - Đạo Cao-Đài dạy phải lập cho được 3.000 công quả nghĩa là gì ?
Đúng như lời tiên-tri. Nay người tu theo Cao-Đài phải lập cho được “Ba ngàn công-quả” ấy là cơ đắc Đạo tại thế đó vậy. Bởi:
* Chí-nhân vô kỷ: người có lòng nhân thì quên mình mà lo cho người. Không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người,đến chúng-sanh, đến mối Đạo phải được sớm hoằng khai, sớm được Phổ-độ. Hằng ngày ta cầu nguyện gì ?
"Nam mô nhứt nguyện Đại-đạo hoằng khai,
"Nhì nguyện Phổ độ chúng sanh"...

* Thần-nhân vô công: đứng bậc Thần, làm mà không tính công. Người làm Đạo phải hết mình lo cho lý tưởng Đạo-pháp, làm cho hết việc chớ chẳng phải đợi hết giờ.

* Thánh-nhân vô danh: vào bậc Thánh thì làm mà không kể đến danh. Không tham công, chẳng mến danh  mới đạt được cái chơn lý phụng sự. Một người tu hành thật sự là phải thể-hiện cho được các yếu lý ấy, mà cũng là lúc được Đức Phật-Mẫu ban cho Quả Đào Tiên. Chính là người TU phải nắm vững đầu mối hai quẻ Càn Khôn, là am tường về Bát Quái. Nếu nói như vậy thì tại sao các Chức-sắc ngày hôm nay  theo luật công-cử phải có đủ thời-gian công-quả ?
- Đó chỉ là cái lằn mức để được thăng phẩm-vị hầu tiếp-tục con đường Phụng sự, còn đã là công-quả thật sự thì phải đo bằng “cây thước lương-tâm”chứ không phải là cây thước thời gian. Dù cho nói rằng năm năm, ba năm, nhưng chính thực mỗi người phải “tự biết xét mình” là điều trọng-hệ nhứt.

Đạo là lý, muốn cho thấu-lý Đạo phải luận, từ đó mới có lý-luận, thuyết-luận, giảng-luận, luận đạo.
Lẽ ra phải nói là “Tam vô” nhưng từ này, nó sẽ trùng hợp với những gì đã có trong cơ hữu hình rồi.
Truyền thuyết cho rằng vườn Đào của Đức Phật Mẫu

Phải 3.000 năm đào mới trổ bông, 3.000 năm đào mới sanh trái, 3.000 năm đào mới chín. Như vậy muốn ăn một trái đào chín như vậy phải qua 9.000 năm. Nếu thật như thế thì chắc không một ai hưởng được.
Nhưng người Đạo Cao-Đài vẫn được “ăn Đào” mỗi năm. Vì sao ? Đây là lý Đạo nhiệm mầu để tượng trưng: Nếu lấy Cửu Trùng Đài làm chuẩn, cùng các đối phẩm, thì Cửu Trùng Đài có 3 cấp, mỗi cấp có 3 phẩm. Mỗi phẩm như vậy là phải đạt cho được 3.000 công quả như nói trên (vô kỷ, vô công, vô danh). Khi đạt đến bực Thiên Tiên tức nhiên hoàn thành con số 9 (Ấy là lúc Đào Chín: "Tây Vương Mẫu vườn đào ướm chín" (Cửu II) để thưởng công cho người đắc Đạo.
 “Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ chiếu theo luật Thiên đình, Hội Tam-giáo mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn-sanh bước lên con đường Cực-Lạc tránh khỏi đoạ luân-hồi và dụng Thánh-tâm mà dẫn dân-sanh, làm cho hoàn-toàn trách-nhiệm nặng-nề của Đấng làm người, về bực nhơn-phẩm ở cõi trần-ai khốn-đốn này”.

5 - Triết-lý của Đạo-Giáo
Đức Hộ-Pháp nói:
“Các vị Giáo-Chủ, lập giáo đều nương nơi một tinh thần của họ, tinh-thần hữu-định ấy có căn-nguyên trong tinh-thần của toàn nhơn-loại. Họ chỉ lấy một thuyết trọng yếu đặng làm triết-lý Đạo-Giáo của họ, tỷ như:
- Thánh-Giáo Gia-Tô  lấy TÂM làm căn bản,
- Lão-Giáo  lấy THÂN làm căn bản,
- Hồi-Giáo  lấy  TÍN-NGƯỠNG làm căn bản.

Mỗi Giáo-lý đều có sở-năng làm trung-tâm-điểm đặng vi-chủ tinh-thần của con người trong chỗ khuyết điểm của họ”.
 “Có một điều Bần-Đạo xét đoán lấy làm sợ sệt hơn hết là nền Tôn-Giáo của Đức Chí-Tôn lấy Tinh Thần làm căn-bản. Hỏi vậy, tinh-thần của nhơn-loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn-minh vật-chất, tinh-thần ấy có đủ quyền-năng tự-vệ lấy họ chăng?

Tinh-thần họ có đủ lực-lượng chiến thắng chăng? Nếu thoảng tinh-thần của nhơn-loại không quật khởi lên, tự-quyết, tự-chủ, tự định-phận đặng mà phải chịu làm nô lệ cho văn-minh vật-chất, thì tương-lai của Đạo Cao-Đài sẽ ra sao? Mà chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, mà còn phải bảo vệ chơn tướng của đạo đức tinh thần của loài người trở mặt ra đối với tinh-thần cường liệt của Chí-Tôn, thì tương-lai nơi mặt thế này sẽ như thế nào? Chúng ta cũng nên để có một câu hỏi. Có một điều ta nên để mắt nhìn coi Chí-Tôn tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh-thần đạo-đức ấy. Ấy là một phương pháp ta nương theo đó đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền-bĩ vậy.”

Qua hình vẽ tượng trưng dưới đây thì Lão giáo do Đức Lão Tử làm Chưởng Giáo, chủ trương rằng chính con người khổ đây là vì có THÂN này, nếu không có thân thì đâu có khổ.“Hữu THÂN hữu khổ”.Thế nên Lão Giáo thì cho vạn vật đều gốc ở Đạo, Đời là một cuộc phù vân, hơi đâu mà để trí lo-nghĩ, người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi cùng Tạo hóa, không cần chi đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí; không thiết gì đến pháp luật, chế độ, miễn là được thảnh thơi vô-vi thì thôi. Vì THâN đây chính là cái gốc làm ra Tứ khổ của con người, là lý do đó.
Thánh Giáo Gia Tô, Đức Chúa đã chịu chết trên cây Thánh giá để chịu tội cho nhân loại, phải chịu một mũi kiếm đâm vào trái tim Ngài, là tinh thần phụng sự cao độ.

Hồi-Giáo thì lấy Tín ngưỡng làm căn bản: Tín ngưỡng cũng có hai: Chánh tín và Mê tín. Nếu là chánh tín thì Tôn giáo ấy bền bĩ, lâu dài với thời gian..

Ngày nay ĐẠO CAO ĐÀI chủ trương tu nhập thế là phải Tu thân, Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tập sửa tánh thành cho ngoài trong trọn vẹn, lập ba ngàn công quả như đã nói trên, theo phương Luyện kỷ của Đức Hộ-Pháp đặng vào Con đường thứ ba Đại-Đạo. Hay nói khác đi là TÁNH MẠNG SONG TU: tức là phải tu cả Tâm và Thân.
Ấy là lấy cả TINH THẦN triết lý của các Tôn giáo trên Thế giới từ xưa đến giờ đó vậy.

6 - Tôn chỉ cao thượng của Đạo Cao-Đài là gì?
Đức Hộ-Pháp nói: “Cái Tôn-chỉ của Đại-Đạo ngày nay là gồm cả ba nhà Đạo Chánh là Nho – Thích - Đạo. Chuyển cả ba Đạo ấy mà hiệp lại làm một, nên chi chúng ta tu Đại Đạo thì phải noi theo Tôn-chỉ của Tam Giáo mà tập rèn tâm tánh. Nghĩa là phải nắm trọn:
- Tam cang Ngũ Thường (Nho-giáo)
- Vẹn giữ Tam qui Ngũ giới (Phật-giáo)
- Luyện Tam bửu Ngũ hành (Tiên-giáo)

Người mà gồm được cả ba thì là gần Thần, Thánh, Tiên, Phật vậy”.
Đạo Cao-Đài là “Qui Nguyên Tam Giáo Phục Nhứt Ngũ Chi” cho nên có Tôn chỉ rõ rệt:  
- Tín-ngưỡng thì thờ Trời  và thờ Người.
- Về Luật-pháp thì Bác-ái và Công-Bình.
- Mục-đích là đưa nhân-loại tấn-hoá trên con đường Chân- Thiện- Mỹ. Chung qui dầu ở nơi Tôn-giáo nào cũng  lấy TÂM làm gốc:

Tìm hiểu các nhà Tôn-giáo đã dạy đời những gì, đó chính là Tôn-chỉ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay.
- Thích-giáo  Phật Thích-Ca làm Chưởng-giáo, dạy:
. Tam qui Ngũ giới
. Minh tâm kiến tánh.
. Thật hành Bác-ái, Từ bi

- Tiên-giáo Đức Thái Thượng làm Chưởng-giáo, dạy
. Tam bửu Ngũ hành.
. Tu tâm luyện tánh.
. Thủ cảm ứng chứng minh.

- Thánh-giáo  Khổng-Tử làm Chưởng-giáo, dạy:
. Tam cang Ngũ thường.
. Tồn tâm dưỡng tánh.
. Lấy Nhân-Nghĩa làm hành tàng.

TÓM LẠI: Nho nói: Tồn tâm dưỡng tánh.
Tiên nói: Tu Tâm luyện tánh.
Thích nói: Minh tâm kiến tánh.
Thích nói: TỪ BI,
Nho nói: TRUNG THỨ
Tiên nói: CẢM ỨNG

Tiên nói: Bảo nguơn thủ nhất.
Thích nói: Vạn pháp qui nhứt.
Nho nói: Chấp trung quán nhứt

Cứ đôi câu đại khái đó thì hiểu biết nghĩa lý nào có khác chi? Nên Đức Thể Hà Tiên có bài thi rằng:
Tam giáo nguyên lai nhứt lý đồng,
Hà tu phân biệt các Tây Đông?
Tam hoa, Tam bửu, Tam tài lý.
Ngũ đức, Ngũ hành, Ngũ giới trung.

Nghĩa là: Tam giáo nguyên lai đồng một lẽ, không tất phân biệt khác nhau làm chi, xem như lời: Tam hoa, tam bửu, tam tài; Ngũ đức, ngũ hành, ngũ giới đều dùng chữ TAM, chữ NGŨ mà dạy đời. Vậy thì từ thuở xưa các Đấng Giáo chủ của Tam giáo đã công nhận Tam giáo y nhau như một mới có thuyết Tam Giáo đồng nguyên..

Bài Khai Kinh (Trong Kinh Tứ thời nhựt tụng) nầy do Đức Lữ Tổ (Đại Tiên Lữ-Đồng-Tân) giáng cơ ban cho Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu). Đây chỉ là bài diễn nôm của bài Khai Kinh Kệ Hán-văn trong Kinh Huyền Môn Nhựt Tụng, từ bên Tàu truyền sang nước Ta.

Hội Thánh vâng lịnh Đức Chí Tôn đến Minh Lý Đạo thỉnh bài Khai Kinh nầy về làm Kinh Đại-Đạo Tam Kỳ  Phổ-Độ. Nguyên văn bài Khai Kinh bằng Hán văn:

Trần hải man man thủy nhựt Đông,
Vãn hồi toàn trượng Chủ Nhân Công.
Yếu tri Tam giáo TÂM nguyên hiệp,
Trung Thứ, Từ Bi, Cảm Ứng, đồng.


Giải câu 1: Biển trần bát ngát mênh mông nước, mặt Trời mọc ở phương Đông. Đạo cũng phát khởi từ phương Đông.
Câu 2: Đạo được trải qua nhiều thời kỳ, cũng nhờ vào Đức Phật Tổ (Tổ Sư), Đức Thái Thượng Lão Quân, Đức Khổng Thánh, Giáo Chủ của Tam Giáo duy trì đến nay.
Câu 3: Tôn  giáo quan trọng nhất là Tâm. Chính cái Tâm này mà Tam giáo làm gốc cho sự qui hợp.
Câu 4: Nho dạy Trung thứ, Phật dạy Từ bi, Lão dạy  Cảm ứng (Kinh Cảm Ứng), tất cả đều có bộ TÂM .

Bài Khai Kinh được dịch ra như sau:
 “Biển trần khổ vơi vơi Trời nước,
Ánh Thái Dương giọi trước phương Đông..
Tổ Sư, Thái Thượng, Đức Ông,
Ra tay dẫn độ, dày công giúp Đời.
Trong Tam giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành,
Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành,
TỪ BI  Phật dặn: Lòng thành, lòng nhơn.
Phép Tiên Đạo: Tu chơn dưỡng tánh,
Một cội sanh ba nhánh in nhau,
Làm người rõ thấu lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh”.

câu Hán văn trên được Đức Lữ Tổ giáng cơ diễn nôm thành bài Khai Kinh mà chúng ta thường tụng: Đặc biệt là câu cuối dùng cách chơi chữ rất tuyệt; tức nhiên mỗi chữ trong các từ này đều có bộ TÂM đặt ở dưới Trung thứ hết lòng thật của mình là Trung, đem lòng mình nghĩ đến người là Thứ. Trung thứ chính là đạo Nhân Nghĩa của Đức Khổng Tử.

Từ bi 慈悲 là lòng thương người mến vật, thương khắp chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khổ. Từ bi là hạnh đặc trưng của Phật.

Cảm ứng 感應 lấy tinh thần mà cảm với Thần linh: Cảm là nhân, ứng là quả; cảm là nguyên động lực, ứng là bị động lực; tỷ như thiện cảm thì phước báo ứng, ác cảm thì họa báo ứng.

Ngày nay, Đạo Cao-Đài Qui Tam Hiệp Ngũ, bởi vì:
 “Tam giáo là ba nền Đạo Chánh thuở nay, song bị tay phàm canh cải càng ngày càng xa Thánh-giáo mà hóa ra phàm giáo. Thượng-Đế lấy làm đau đớn, hằng thấy nhơn sanh phải bị sa đoạ tội lỗi, mạt kiếp chốn A-tỳ, nên nhứt định chuyển "Tam-giáo Qui Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt", chấn hưng Tôn-giáo lại cho hoàn toàn rồi khêu sáng ngọn đèn thiêng-liêng lên để dìu dắt bước đường cho kẻ có công TU- HÀNH mà khỏi xảy chân, lạc lối.

Ấy vậy, tất cả các yếu chỉ này làm tiêu-chuẩn cho mọi hành-vi. Cả Luật-Pháp khuôn viên điều-mục của ba nền Tôn-giáo ấy từ buổi sơ khai có đủ phương diện, quyền năng dìu đời thống khổ. Nhơn sanh trong thời kỳ Thượng cổ còn tính đức, biết giữ chơn truyền, chuẩn thằng, qui củ của ba nhà: Thích- Đạo- Nho tức là Phật, Tiên, Thánh; nghĩa là phải  làm lành lánh dữ,  dưỡng tánh  tu tâm, mới chung hưởng thái-bình, hạnh-phúc.”

7 - CAO-ĐÀI là Phật Giáo chấn hưng:
Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I trang 14, chúng ta nhận thấy Đức Phật Thích Ca giáng cơ dạy về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lần đầu tiên vào ngày 26-2-Bính Dần (dl: 8-4-1926) tại đàn Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc). Bài Thánh ngôn do Đức Thích Ca Mâu Ni giáng

THÍCH CA MÂU NI PHẬT:
Chuyển Phật Đạo,
Chuyển Phật Pháp,

Chuyển Phật Tăng,
Qui nguyên Đại Đạo.

Tri hồ chư chúng sanh?
Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ.
Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đại hỷ phát đại tiếu.
Ngã vô lự tam đồ chi khổ.
Khả tùng giáo Ngọc Đế viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
 (Thích nghĩa: Qui nguyên Đại Đạo: Trở về nguồn gốc là nền Đại Đạo. Tri hồ chư chúng sanh? Chư chúng sanh có biết chăng? Khánh hỷ: Vui mừng. Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ: Hợp được vào Tam Kỳ Phổ Độ. Đại hỷ phát đại tiếu: Mừng lớn, phát cười lớn tiếng. Ngã vô lự tam đồ chi khổ: Ta không lo cái khổ của ba đường luân hồi đày đọa. Khả tùng giáo Ngọc Đế: Khá nghe theo lời dạy của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế.)

Cũng trong đàn cơ nầy, khi tái cầu, Đức Chí Tôn giáng dạy như sau đây:
CAO ĐÀI
Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?
- Tam Kỳ Phổ Độ là gì? - Là Phổ Độ lần thứ ba.

Sao gọi là Phổ độ? Phổ độ nghĩa là gì?
- Phổ là bày ra. Độ là gì? - Là cứu Chúng sanh.

Muốn trọn hai chữ Phổ Độ phải làm thế nào? Chúng sanh là gì?
- Chúng sanh là toàn cả nhơn loại, chớ không phải là lựa chọn một phần người, như ý phàm các con tính rối.  Muốn trọn hai chữ Phổ Độ phải làm thế nào? Thầy hỏi? - Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa.”

8 - Đạo Cao-Đài là Tôn giáo toàn cầu
Đức Hộ-Pháp nói:
Tôn giáo, Ngài vi chủ năm châu hiệp Tín ngưỡng lại, qui nhứt mà thôi.  Nắm cả Tín-ngưỡng của loài người lại, chính CHÍ TÔN là CHÚA TỂ Càn Khôn Thế Giái, làm CHÚA nền chính trị tại nước NAM, vi chủ tinh thần loài người tức đủ quyền năng lập QUỐC ĐẠO.

Kỳ khai ĐẠI ĐẠO TAM KỲ tạo một linh-đài qui Tín ngưỡng của toàn nhơn-loại, đủ quyền năng tiêu-diệt Tà pháp đặng đem nhơn-loại đến ĐẠI-ĐỒNG.

Nay Đức Chí-Tôn khai Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là đúng theo lời Sấm truyền của các vì GIÁO CHỦ ngày xưa.

Chỉ có hai phương diện:     
1 - Là do TAM GIÁO thất kỳ truyền,         
2 - Là chính mình ĐỨC CHÍ TÔN giáng cơ lập ĐẠO  đặng Qui Nguyên Phục Nhứt, gọi là chấn hưng TAM GIÁO lại cho hoàn toàn, lập Luật Pháp khuôn viên cho phù hợp theo dân trí buổi này mới tìm phương độ rỗi nhơn sanh, hiệp cả TINH THẦN của các dân tộc biết nhìn nhau một CHA chung là thuận hòa cùng nhau, thật hành chủ quyền THƯƠNG-YÊU, chung thờ một Tôn-giáo ĐẠI ĐỒNG thì nhơn loại mới gội nhuần ân huệ và đời tranh đấu tự diệt sẽ trở nên đời MỸ TỤC THUẦN PHONG thì vạn loại mới chung hưởng cơ HÒA-BÌNH, phục hồi THƯỢNG CỔ là do THIÊN THƠ tiền định buổi Hạ nguơn chuyển thế hoán cựu duy tân.

Tóm lại: ĐỨC CHÍ TÔN khai ĐẠO kỳ thứ ba này là thuận theo “Lẽ  tuần-hoàn châu nhi phục thủy”.
 “ĐẠO CAO ĐÀI là nền CHÁNH GIÁO tức là nền ĐẠO CAO ĐÀI này để thay thế tất cả Tôn Giáo đã có từ trước. Vì lẽ các Tôn Giáo ấy ngày nay không phù hợp với lương tri,  lương năng  của  loài người nữa. Hay nói một cách khác là các nền Tôn Giáo ấy ngày nay đã bị BẾ.

 “Những điều bí yếu bí trọng trong nền ĐẠO CAO ĐÀI, những triết lý cao siêu mà chỉ ĐẠO CAO ĐÀI mới có, tuy nhiên âu cũng là một đặc ân của ĐỨC CHÍ TÔN dành cho ĐẠO CAO ĐÀI là HỘ PHÁP thay lời ĐỨC CHÍ TÔN nói ĐẠO cho toàn thể con cái của Ngài nghe, quí hay chăng là chỗ đó” (ĐHP).

9 - Từ thử nước Nam chẳng Đạo nhà:
Đức Chí-Tôn  đã xác nhận qua bài thơ:
Từ thử nước Nam chẳng Đạo Nhà,
Nay TA  gầy dựng lập nên ra.
Ví bằng ai hỏi sao bao nã ?
Rằng trẻ noi sau biến hoá già !

Đức Quyền Gíáo-Tông cũng nói rõ lý-do là Việt Nam từ trước đến giờ không có Đạo nhà:   
 “Quả thật vậy !
 “Người nước Nam từ cổ chí kim thật không có ĐẠO trong nưóc nhà, mà người Nam ta có tâm đạo, người Nam trổi danh khắp địa-cầu về bề tín-ngưỡng: đạo PHẬT, đạo TIÊN, đạo NHO tuy khai bên ẤN-ĐỘ và TRUNG HOA, sau người Nam biết đặng cũng hết lòng sùng bái. Đạo GIA-TÔ của mấy vị Linh-mục bên Thái-Tây đem truyền bá bên nước ta thì người Nam cũng kính trọng. Phần nhiều trong người Nam thì hay đi chùa, đi miễu, đi nhà thờ cầu-khẩn, vọng tưởng hết lòng, ngưỡng-mộ trời Phật. Người không đi chùa, đi miễu, không đi nhà thờ thì trong nhà cũng thờ cha mẹ quá vãng ấy là đạo NHO.

Mấy bằng cớ trên đây chỉ rõ-ràng người Nam-Việt tin-tưởng Trời, Phật, Thánh, Thần; tin-tưởng chắc rằng người chết thì cái xác phàm này chết, tiêu diệt, chớ linh hồn bất tiêu bất-diệt. Vì Đạo-Tâm ấy mà trong thời-kỳ chuyển Đạo này ĐẤNG CHÍ-TÔN thương lòng thành-thật của nhơn sanh nơi đây mà khai TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ (Ân-xá lần thứ ba).

10 - Đức Chí-Tôn đến chuyển Quốc-Đạo:
 (Đức Hộ-Pháp thuyết ngày 14-10-Quí-Tỵ)

 “Thật ra, nếu không phải cái huyền linh vô đối của Đức Chí-Tôn đến đặng chuyển Quốc Đạo thì trong một thời gian ngắn ngủi nền Đạo chưa rõ đến địa vị cao trọng và qúi hóa như thế này.!

ĐẠO CAO-ĐÀI tức Đạo Tổ-Phụ của chúng ta chỉ mới có hai mươi mấy năm thôi; nếu chúng ta kể từ ngày Chuyển thế của nó. Nhưng Thánh-thể Đức Chí-Tôn và toàn thể con cái Nam Nữ của Ngài nên nhớ rằng: Đạo Tổ Phụ mấy người đã 2.500 tuổi. Phải nhớ điều đó.

Đức Chí-Tôn muốn rửa-ráy nó.
Để nói rõ Thánh ý của Đức Chí-Tôn đến mức nào và Ngài muốn gì ? Giờ phút này cả toàn con cái của Ngài chắc có lẽ thắc-mắc. Vì vậy: Nội tình của Đạo gặp nhiều nỗi khó khăn, nếu chúng ta không nói rằng nó đã chịu một khó khăn về mọi phương diện.

Nhưng đối với Bần-Đạo, Bần-Đạo thấy mỗi phen Đạo chịu khổ nhục, chịu khó khăn hay bị chê rẻ khinh khi thì Bần-Đạo lại vui mừng mới chướng cho chớ ! Bởi mỗi phen như thế là mỗi phen Đức Chí-Tôn muốn rửa-ráy nó, tô điểm nó đến một địa vị cao trọng thêm nữa chớ chẳng chi khác. Cả con cái Đức Chí-Tôn đều tin nơi Bần-Đạo để con mắt quan sát coi có quả như vậy hay không?

Cái khó đảm-đương đương-nhiên bây giờ là không làm cho thêm nhục cơ-thể Đạo là sửa soạn tô điểm đặng một Đài vinh diệu vô đối. Trong thời gian ngắn ngủi tới đây, nếu cả con cái Đức Chí-Tôn có Đức-tin thì hiểu rõ điều ấy.”

C - Nghiên cứu về Chánh-Trị của  ĐẠO  theo TÂN LUẬT & PHÁP CHÁNH TRUYỀN
Theo lời Đức Hộ-Pháp giảng giải trên cho biết là:
- Đạo Cao Đài thành hình là do HUYỀN DIỆU CƠ BÚT.
- Đức Thượng Phẩm là chi Đạo, tức mở đường xuất Thánh
- Danh “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ” ra đời.
- Thập nhị Thời Quân xuất hiện tức Thập Nhị Thời Thần.
- Trước đó đã có ông Ngô văn Chiêu biết Đạo Thầy.
- Từ khi Đức Chí-Tôn đến độ Đức Quyền Giáo Tông rồi mới xuất hiện ra

Hội-Thánh Cửu Trùng Đài..
Xem thế thì Đức Chí-Tôn đã “Khai Đạo muôn năm trước định giờ” nhưng khi mở Đạo tại thế gian này thì mở Thể pháp trước.Việt Nam hân hạnh đón nhận nền Đạo mới

1 - Dùng huyền diệu Cơ Bút Chí-Tôn dụng tánh đức lương sanh lập Hội-Thánh “Buổi Hạ nguơn Tam Kỳ Phổ độ là thời kỳ Ân xá tội tình cho toàn cả chúng sanh; lại nhơn buổi văn minh, nhơn loại thông đồng, càn khôn dĩ tận thức, cho nên Đức Chí-Tôn dùng Huyền diệu Cơ bút giáng Cơ khai Đại Đạo, chủ nghĩa là độ tận 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đoạ cõi hồng trần nên gọi là cơ quan cứu thế.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét