Khảo Cứu Vụ III - Chương Trình Học Đạo Cấp Cao Đẳng - 2 / 4 (Nữ Soạn giả Nguyên Thủy)

Tóm lại, nguyên nhân gây ra cái khổ là: si mê, vô minh, ái dục, nghiệp lực. Khi thấu triệt hợp lý Khổ đế đưa đến sự tận diệt nguyên nhân của khổ, ấy là đế thứ nhì: Tập đế. Đế nầy đề cập đến thái độ tâm lý của một người thông thường đối với ngoại cảnh. Chơn lý thứ nhì (Tập đế) có liên quan đến một năng lực hùng hậu, luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người. Năng lực tinh thần hùng hậu ấy là
Ái Dục, là nguyên nhân của tất cả những điều bất hạnh trong đời sống. Tập đế đề cập một cách gián tiếp đến những kiếp sống quá khứ, hiện tại và tương lai (nghiệp). Như vậy, sự hiện hữu của một chuỗi dài những kiếp hiện sinh đã được Đức Phật biện minh. Do đó, lý nghiệp báo, một hệ luận của thuyết tái sinh (luân hồi) cùng một lúc cũng được đề cập bao hàm.

III . DIỆT ĐẾ (La destrucion de la douleur):(Diệt là tiêu diệt cái khổ). Diệt đế là chơn lý về cách diệt trừ cái khổ. Muốn hết khổ thì phải tiệt diệt tất cả lòng tham dục, khiến cho Tâm thanh tịnh vô vi thì tự nhiên thấy Phật Tánh. Con người đã nhận thức cái khổ, tìm biết được nguyên nhân gây ra cái khổ, tức là đã giác ngộ thì tất nhiên sẽ tìm ra phương pháp diệt khổ. Nói một cách đơn giản, muốn diệt khổ, ta hãy diệt hết các nguyên nhân gây ra cái khổ. Mỗi con người chúng ta đều có hai phần: Phật tánh và thú tánh. Cái dục vọng thấp hèn xấu xa là do thú tánh xúi giục. Khó mà tiêu diệt được nó lắm, cần phải hướng dẫn nó, đồng thời phát huy Phật tánh và dùng Phật tánh hướng dẫn dục vọng vào đường cao thượng. Cần phải học tập kinh điển thường xuyên để tư tưởng được luyện tập tốt lành. Còn nghiệp lực xấu từ nhiều đời trước, chúng ta cũng không thể diệt bỏ trong một lúc được, nhưng có thể hóa giải bớt đi dần dần bằng việc làm từ thiện, giúp người, giúp đời, phụng sự chúng sanh một cách tích cực và hết lòng trong kiếp sống hiện tại. Khi gặp hoạn nạn khổ đau,  phải can đảm chịu đựng, không than van trách móc bất kỳ ai, vì ta nhận chân rằng cái khổ nầy là sự báo đáp của những việc làm không tốt trong các kiếp sống trước. Giác ngộ được như vậy tức là chúng ta bước vào con đường tu hành, Đức Phật sẽ chỉ cho ta con đường đưa đến sự giải thoát khỏi những khổ đau của kiếp sống nơi cõi trần.

Đế thứ ba: Diệt đế thuần túy là sự tự giác, là một pháp phải được thấu triệt bằng nhãn quan tinh thần. Chơn lý nầy phải được chứng ngộ bằng sự thoát ly hoàn toàn. Đây không phải là trường hợp từ khước những vật bên ngoài mà là sự dứt bỏ mọi luyến ái ở bên trong đối với thế giới bên ngoài. Với sự tận diệt trọn vẹn mọi luyến ái, Diệt đế được thành tựu. Phải ghi nhận rằng: nếu chỉ tận diệt năng lực tinh thần ấy thì không đủ để chứng ngộ Niết Bàn.

Niết Bàn không phải được tạo nên mà phải đạt đến. Niết Bàn có thể thành đạt từ trong kiếp sống hiện tại nầy. Như vậy, có thể hiểu rằng, mặc dầu tái sanh là pháp chánh yếu trong Phật giáo, mục tiêu cứu cánh của Phật giáo là chấm dứt tái sanh, không tùy thuộc ở tương lai vì có thể thành tựu trong kiếp sống hiện tiền. Đế thứ ba phải được thành tựu bằng cách trau giồi và phát triển đế thứ tư (Đạo đế).

IV. ĐẠO ĐẾ (La voie conduisant à la suppression des douleurs): Đạo là con đường. Đạo đế là con đường mà Đức Phật vạch ra cho chúng sanh diệt khổ. Đức Phật vạch ra nhiều con đường, tức là tạo ra nhiều pháp môn để tùy theo căn cơ trình độ tiến hóa của chúng sanh mà thực hành cho vừa sức, nhưng chung qui đều nằm trong hai pháp môn chánh yếu là: Tam Học và Bát Chánh Đạo.

1 . Tam Học: là ba điều học: Giới- Định- Huệ.
- Giới: Răn cấm để ngăn ngừa sự phát triển các dục vọng thấp hèn, dìu dẫn Thân, Khẩu, Ý vào cảnh tịnh.
- Định: Giữ cho tâm được thanh tịnh, không vọng động, tập trung tư tưởng vào đạo lý giải thoát.
- Huệ:  Trí não  trở nên  sáng suốt,    thấu được  mọi lẽ huyền vi, dứt hết phiền não.

2 . Bát Chánh Đạo: 8 con đường chơn chánh, ấy là Đạo diệt khổ
Chánh kiến: Trông thấy ngay thẳng.
Chánh tư duy: Suy nghĩ ngay thẳng.
Chánh ngữ:  Nói năng ngay thẳng.
Chánh nghiệp: Làm việc ngay thẳng.
Chánh mạng: Mưu sanh ngay thẳng.
Chánh tinh tấn: Mong tiến ngay thẳng.
Chánh niệm: Tưởng nhớ ngay thẳng.
Chánh định: Ngẫm nghĩ ngay thẳng.

Nhận xét: Trong Bát chánh đạo có hai Pháp môn quan trọng hơn hết là: Chánh kiến và chánh định. Chánh kiến nghĩa là trông thấy ngay thẳng tức Tri Kiến Phật. Mà muốn được Tri Kiến Phật phải thực hành chánh định cho đến viên mãn. Vả lại, sự vật ở đời không có thực thể. Chúng nó do nhơn duyên hiệp mà sanh, mãi đến khi nhơn duyên tan thì tử. Sách Phật gọi đó là ảo-hóa và đó cũng là cái yếu lý: Vô thường, vô ngã của nhà Phật. Ấy vậy nên kẻ hành giả phải dám nhìn thẳng vào sự thật của sự vật, tìm kiếm cái chơn tướng của nó; chớ chẳng khá nhận lầm cái ảo hóa. Sách Phật cho rằng nhận cái ảo hóa là chơn tướng của sự vật là cái nhận thức của chúng sanh và nếu theo cái ảo hóa mà hành động thì gây ra nhơn quả: mà nhơn quả là nguyên nhơn sanh kiếp Luân hồi. Thế nên kẻ không học phải vượt qua những ảo hóa của sự vật, tìm đến chơn tướng của nó, biết được như thế gọi là Giác. Trái lại thì là Mê, mà Giác là Phật, Mê là chúng sanh. Để tận diệt năng lực hùng mạnh (Ái Dục) cần phải vận dụng và phát triển 8 yếu tố công hiệu (Bát Chánh đạo). Tất cả 8 yếu tố ấy đều thuộc về tinh thần.

Tám năng lực tinh thần hùng mạnh và thiện phải được gom lại để đánh đổ một năng lực bất thiện, dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta. Tuyệt đối tinh khiết, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi tiến trình sanh tử triền miên, một cái tâm không còn vướng chút ô nhiễm, là những phước lành đi kèm theo cuộc chiến thắng vĩ đại nầy."

"Nền tảng của giáo lý Phật giáo là Tứ Diệu Đế có thể kiểm nhận bằng kinh nghiệm. Tứ Diệu Đế dính liền với con người. Bốn chơn lý ấy do chính Đức Phật khám phá và Ngài đã tìm ra một mình, không nhờ ai. Chính câu Phật ngôn là: Bốn chơn lý nầy chưa từng được nghe. Đã là chơn lý thì không biến đổi với thời gian.

Tóm lại, Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế là bốn chơn lý mầu nhiệm làm giáo pháp căn bản của Phật giáo, được Đức Phật Thích Ca thuyết giảng đầu tiên trong 45 năm hoằng pháp của Ngài. Bốn chơn lý nầy mở đường cho nhơn sanh bước vào Thánh vị mà phẩm vị Thánh cao nhất là A-La-Hán. Có đắc phẩm vị A-La-Hán thì mới mong mỏi tu hành tiến hóa lên hàng Bồ Tát và Phật Như Lai.

---O0O---

B- Bác-ái và Công-bình trong Đạo Phật:
Đức Hộ-Pháp nói: “Không gì khác lạ, các Ngài buộc Phật Thích-Ca Mâu-Ni, người Ấn-Độ lập giáo tại xứ sở Ấn-Độ của Ngài, thì Ngài có đồng tánh, đồng tâm với sắc dân nào khác với Ngài được, nhưng Đạo Phật vẫn truyền-bá làm chủ tinh thần khắp Á-Đông, hỏi do đâu ?

 -“Do nơi Bác-ái và Công-bình. Những phương pháp của các vị Giáo-chủ lập pháp-luật trong các Tôn giáo, cốt-yếu mở đường chỉ nẻo, chỉ cho nhơn-loại đi lên hiệp cùng chơn-tướng và chơn-pháp của Đạo-giáo tức nhiên là tín ngưỡng: THỜ NGƯỜI và THỜ TRỜI, luật pháp duy có Bác ái, Công-bình mà thôi. Đức Phật Thích Ca nếu nói Ngài không Bác-ái, Công bình thì Đạo-giáo không Công bình sao! Nếu giờ này chúng ta không thành Phật thì Đạo Phật không thành sao? Hỏi Đấng ấy lập giáo trên nền tảng nào? Có phải nền tảng Bác-aí chăng? Nếu không Bác-ái, công-bình, Phật chưa hề đem triết-lý cao siêu làm chủ tinh-thần nhơn-loại đặng. Chúng ta đây ai lo phận sự nấy, lại còn giành hơn thua nữa có đâu ép mình như Phật, nếu không vì chúng sanh, nếu không công-bình tâm-lý, nếu không lòng thương-yêu đầy-dẫy, Phật chưa hề hạ mình nâng-đỡ tinh-thần  nhân-loại dường ấy.”

C - Triết Lý Đạo Phật của Đức Phật Thích Ca
1 - Luật Nhơn-Quả pháp định (Loi Karmique)
Bần-Đạo xin thuyết Triết Lý Đạo Phật của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã đoạt Đạo đặng rồi, tức nhiên hiểu cái huyền vi bí mật của kiếp sanh con người, Ngài tầm ra căn nguyên bí yếu hơn hết là Luật Nhơn-Quả pháp định (Loi Karmique) Cái Luật Nhơn Quả của Ngài nó trúng trong chơn lý lạ thường, thử ta chối con người không có quả kiếp chi hết cũng như thuyết duy vật đã nói: con người đã sinh ra ở mặt thế nầy là tình cờ mà thôi, sống như vạn vật kia vậy, nếu cái thuyết ấy quả nhiên là chơn lý thì ta thử hỏi vậy chớ duyên cớ nào kẻ sanh ra vừa khỏi lòng Mẹ đã nằm trên đống vàng hay là ngự trên ngai vàng. Còn những kẻ sanh ra đã bị tật nguyền, đui mù, ngu dại, nếu không có định luật thiên nhiên công bình vô đối của Đại Từ Phụ tức nhiên của Đức Chí Tôn thì lẽ bất công ấy chúng ta phải giải nghĩa ra thế nào mà chớ ? Cái triết lý bí yếu ấy, Đức Thích Ca đã tìm đặng tức là nhơn quả của ta. “Nhơn” nghĩa là ta đã có làm điều chi thì “quả” của nó trả lụng lại.

Cái Luật Nhơn Quả ấy nó là căn kiếp sống của ta. Có nhiều kẻ cả đời làm lụng nhọc nhằn vợ con đông đúc, cả mọi điều gì muốn thi thố ra đều thất bại, mà cái thất bại ấy chẳng phải dở, cái miệng thường những kẻ ấy trong cơn đau khổ nói số kiếp của tôi nó thế nào, tội tình gì mà làm cho tôi như thế đó, là kẻ bên Đạo Phật. Các Tôn giáo khác không cần luận, ta thấy họ đã quyết định cái quả kiếp là gì ?  Phật đã nói: Cái kiếp sống đương nhiên của ta, định số phận của ta đương kiếp sống hiện thời là do căn quả của ta đã tạo kiếp trước, bây giờ cái triết lý ấy biểu ta muốn cho nên kiếp tới thì kiếp nầy ta chẳng nên gây nhơn quả nhiều hay nặng nề, vì cớ cho nên những bổn Đạo cùng những người tín ngưỡng theo triết lý của nhà Phật, khi họ thấy căn kiếp của họ đã nhiều bằng cớ không may, hoặc về tình ái, hoặc về sanh kế, hoặc về công danh, hoặc về nghèo giàu, bất kỳ quả kiếp của con người ta thường nương lấy đó mà sống, làm cho cái khổ của con người đã sanh ra chịu khổ rồi quả kiếp nặng nề ấy lại tăng thêm khổ nữa. Bây giờ quá sức chịu của trí não con người phải làm sao? Hễ khi nào bị khổ não quá chừng thì tìm phương pháp an ủi, bởi cớ cho nên nhà Phật là nhà hay an ủi tâm hồn của những kẻ đau khổ hơn hết đặng tự giác lấy mình, hiểu cái quả kiếp mà mình đã đào tạo, vì tại mình vi chủ tạo thành nó ra, bây giờ tìm phương giải nó đi, tức nhiên tránh kiếp tới, nếu ta đã biết kiếp nầy không may,  ta để trả nó mà thôi, ta đừng gây thêm quả kiếp nữa.

Bởi cớ cho nên Nam cũng vậy, Nữ cũng vậy, cạo đầu phế cả cái sống của mình gọi là qui y thọ phái vô chùa gởi thân trong cửa Phạm, cửa Đức Phật Thích Ca đặng tìm phương an ủi hay là hay hơn nữa đủ trí thức, đủ tự giác để đào tạo cái quả kiếp tương lai của mình, thật ra chơn lý ấy của nhà Phật an ủi một cách mạnh mẽ các tâm hồn bị đau khổ. Chính Phật cũng phải nhờ triết lý ấy mà nhiều phen đã tự an ủi mình làm một Phật vị, bởi chính mình Ngài muốn tạo một lớp Liên Hoa của Ngài, Ngài phải đầu kiếp làm Thảo Mộc lên Thú Cầm tới Nhơn Loại rồi đến Phật vị, thì tức nhiên trọn cái vòng siêu thoát của Ngài, Ngài đã biết nhơn loại, biết kiếp sống của con người đau khổ như thế nào, thật có sống với đời mới biết cái khổ của đời, những tay thầy thuốc giỏi hay biết được bịnh con người một cách đúng đắn mực thước thì chính mình ông phải có bịnh đó, ổng tự thí nghiệm bào chữa chứng bịnh của ổng rồi ổng mới đoạt được lịch thi của ổng không thế tưởng tượng. Đức Phật Thích Ca cũng thế, Ngài cũng sống, Ngài đã chịu trong cái Luật quả kiếp ấy luân chuyển từ vật hình dĩ chí cho tới Phật vị, cái quả kiếp của Ngài nó phải chơn thật không thể tưởng tượng được, thể bỏ nó ra không có cái triết lý nào giải nghĩa kiếp sanh con người cho nó mực thước hết.

Bây giờ xin luận về duy vật nó nói loài người là một giống khỉ tiến hóa lên chớ không phải Trời sanh ra, Bần Đạo dòm lụng lại sắc dân của Ấn Độ chính mình Phật Thích Ca là dân của Ấn Độ, dân da đen gọi Hắc Chủng, Ngài sanh ra ở đó, da thay vì đen nó hơi hồng hồng, rồi người Đời tặng Ngài màu hồng, họ gọi Ngài là Kim Thân, vì cớ cho nên các tượng hình của Ngài đều phết vàng, bởi tại hai chữ Kim Thân ấy, chính Ngài là sắc dân da đen mà sắc dân da đen là một Chủng tộc đến mặt địa cầu nầy sớm hơn hết. Chúng ta thử xét đoán nếu quả nhiên là loài khỉ tấn hóa lên cho tới sắc dân hắc chủng ấy có đâu đầu óc của họ đâu có quá chừng quá đỗi, tâm thần quán thế như thế đó, nhứt là đặc biệt hơn hết các triết lý cao siêu về mặt vô hình dân Ấn Độ đứng đầu hơn hết các chủng tộc. Nó trái ngược lụng lại những tộc chủng đã noi theo luật tiến hóa, nhứt là chót hết bây giờ là Bạch chủng tôi thấy họ đã tiến hóa nhiều từ Hắc chủng lên Thanh chủng tới Xích chủng đến Huỳnh chủng, rồi tới Bạch chủng, đường tiến hóa của nhơn loại nhiều quá, sâu xa lắm, tời chừng dòm lụng lại sắc dân Bạch chủng kia cũng không phải hơn gì sắc dân Hắc chủng, vì Hắc chủng người đã đến mặt địa cầu nầy hồi ban sơ hết, hay nói là Mẹ của các giống người hết thảy nơi thế gian nầy, mà người ta cao siêu như thế đó thì chính mình Bần Đạo không tin loài khỉ tiến hóa lên được, cái lý thuyết ấy vô lối, nếu không nói là quái dị, hay đặt cho nó cái tiếng là quái gỡ. Cái triết lý của nhà Phật từ thử tới giờ chưa có một vị Giáo chủ nào đã đọat Pháp mà biết cái bí ẩn Thiêng Liêng của luật Thiên nhiên kia một cách chánh đáng như thế, chơn thật như thế, có một điều chính mình trong sự luân hồi quả kiếp ấy, Đại Từ Phụ đã làm chứng trong bài Thơ của Ngài:
“Đài Vân Quan Võ để Phong Thần,
“Còn của Thầy đây để nhắc cân.
“Muôn phước ngàn lần không sót một,
“Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần”.

Nói như thế đó, chính mình Đại Từ Phụ đã nói rằng: “Quả kiếp Nhơn quả của con người luật ấy hiển nhiên vẫn có thiệt đó vậy.

2 - Triết lý cao siêu của Đức Phật Thích Ca:
Hôm nay là ngày Vía Phật Thích Ca, chúng ta cũng nên hiểu triết lý cao siêu của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã đạt đặng và đã truyền giáo, theo nền Tôn Giáo của nhà Phật là nền Tôn Giáo tối cổ, Bần Đạo thường thuyết, loài người vừa đến mặt thế nầy thì đã có Phật nơi mình rồi. Chính Đức Phật Thích Ca đã chịu ảnh hưởng Phật-Giáo ấy và chính chơn linh của Ngài có sứ mạng đến đặng độ bá ức Nguyên nhân qui hồi cựu vị. Ngài vì sứ mạng ấy mà Ngài phải tìm cho hiểu biết cơ quan giải thoát ấy phải định phương nào cho đạt được.

Tại sao các nguyên nhân không qui hồi cựu vị? Vì lẽ gì có sứ mạng đem cơ giải thoát đưa nơi tay bá ức nguyên nhân cho họ đạt vị? Ngài tìm thế nào triết lý cho nhơn sanh khỏi bị đọa lạc?
- Ngài hiểu rằng: Tứ Diệu Đề làm cho các nguyên nhân phải đọa lạc không giải thoát đặng, Ngài để cơ quan giải khổ tức nhiên thoát “Tứ Diệu Đề” (1) vì cớ cho nên triết lý cao siêu của Ngài tính sau này tìm cái phương pháp bá ức nguyên nhân đạt pháp đặng qui hồi cựu vị mà thôi, theo Bần Đạo đã biết, đã hiểu Ngài định hạ trần đầu kiếp cho vật loại tạo cái Tam thập lục phẩm Liên Hoa của Ngài. Tôi tưởng các vị Phật nơi Niết Bàn đã tạo nơi Kim Tự Tháp, dầu có bực cao siêu hơn Ngài là Đấng Di-Đà đi nữa cũng chưa bằng từng Liên Hoa chót của Ngài, nó vinh diệu làm sao đâu ! Tôi dám chắc chưa có vị Phật nào có can đảm tạo được nhứt phẩm Liên Hoa tốt đẹp như từng chót hết của Ngài. Bần Đạo dám chắc còn lâu lắm Ngài mới đến viếng mặt thế gian này vì Ngài đã sợ sệt, đã gớm ghiết hơn ai hết. Ngài tạo phẩm Liên Hoa chót của Ngài rồi thôi. Vinh diệu là biết bao nhiêu, vì khổ ấy mới đoạt được vinh diệu ! Hại thay! Những người không có đoạt được cái huyền vi bí mật tạo đoan, đạt Đạo họ tưởng dễ lắm, dễ dàng lắm, họ tưởng một cái ăn, cái ở mà họ đạt được. Cái oái-oăm đó bởi tinh thần người se sua mơ mộng lầm tưởng nội cái ăn cái ở, lại  làm màu  mè bao nhiêu đó đủ đạt Đạo.

Coi lụng lại kiếp sống của Phật Thích Ca, năm đạt đạo có 32 tuổi mà thôi, Ngài đạt coi dễ dàng chớ không phải như thuyết mơ mộng của nhơn loại, ta thường thấy Ngài không cần gì, Ngài đã dày sành đạp sỏi trong kiếp sanh đã chịu khổ hạnh cho tới 82 tuổi. Cái năm chót của Ngài 82 tuổi mà Ngài còn truyền giáo, buổi qui vị của Ngài mà còn truyền giáo Ngài không có ở cảnh Chùa nào hay mảnh đất nào mà thiên hạ đã hiến cho Ngài. Ngài chết giữa hai cội Bồ Đề buổi Ngài 82 tuổi mà Ngài không có nghỉ, mỗi ngày ôm bình Bát Vu đi xin cơm nuôi trẻ khó tật nguyền khổ não. Đức Phật Thích Ca đã chịu bao nhiêu khổ hạnh, phản phúc đủ điều, các môn đệ của Ngài khổ hạnh là đi xin ăn mà sống. Bần Đạo không tả nhiều, ai cũng biết cái cảnh ôm bình Bát Vu đi xin ăn có đủ no không? Các môn đệ của Ngài đã chịu khổ hạnh quá, khi tới bên xứ Bénarès dân đó ăn cá, chỉ có cá với cơm, có vị môn đệ yêu ái nhứt của Ngài là Vadatha ăn trường chay, cái thuyết của Ngài là cái thuyết ăn chay cao siêu Vadatha ăn trường chay, nghĩ một điều là trên sáu ngàn môn đệ đi đến đâu đều ăn xin của thiên hạ, ai cho ăn cái gì thì ăn cái nấy. Đến xứ Bénarès thiên hạ cho ăn cá, người môn đệ Vadatha nói nếu ăn cá thì không phải là Phật, nếu phải dùng theo luật buộc cả thảy đều ăn là được, Đức Phật Thích Ca cho ăn thì người môn đệ Vadatha xúi giục môn đồ của Ngài chia ra dắt đi một mớ, lập phe phân phái làm phản lại với Phật Thích Ca, như nạn Cao Đài đã bị tấn tuồng không có gì hết mà sanh ra phản Đạo, lập ra Chi phái giết Đạo. Một buổi trưa Ngài đang tham thiền nhập định tại chơn núi, chính Vadatha lăn đá xuống để cho Ngài chết, một vị Phật chẳng lẽ chết "bất đắc kỳ tử" như thế được, nên khiến một cây cản lại có miểng văng rớt xuống trúng chơn trái của Ngài đổ máu, Ngài giựt mình ngước mặt lên thấy Vadatha ở trên núi. Đức Phật Thích Ca nói: Sao dám làm đổ máu nhà Phật; có lời nói làm cho nhà Phật đổ máu mà Vadatha phải chết, nòi giống của Vadatha phải tiêu tàn, vì Vadatha giết Phật chẳng kể gì sự sống của Phật. Ngộ nghĩnh thay! Bên xứ Jérusalem là dân bất động "Juif" tức nhiên dân Do Thái giết Đức Chúa Jésus Christ đã phân định tội tình, nước người phái chịu điêu tàn, nòi giống người phải chịu lưu xứ. Quốc Thể các người không còn. Ngày giờ nào các người lập lại Tổ Quốc các người là ngày tận thế. Tiếng tận thế của Thiên Chúa Giáo, ngộ nghĩnh thay sự tình cờ mà chúng ta nên để ý. Ngày nay Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài thì dân Do Thái phục quốc lại, dân bất động đặng huờn nguyên ấy là ngày ân xá của Đức Chí Tôn cho đám tội nhơn đứng đầu của nhơn loại là dân Do Thái là dân bất động. Chúng ta suy nghĩ bao nhiêu đó, chúng ta thấy Đức Chí Tôn lập nền Tôn Giáo của Ngài đặng độ tận chúng sanh, quả nhiên có hiển hiện trước mắt chúng ta đã thấy đó.

Bần Đạo nói tiên tri rằng: Làm như thế dân Do Thái lập quốc  mình cũng như dân "Intouchable" nó sẽ qui nguyên của nó lại, vì nó đã đặng Ân-xá của Đức Chí Tôn, cả hình phạt ấy do Đức Phật Thích Ca định nó cũng như dân Do Thái bị Đức Chúa Jésus Christ định án nó mà nó đã được ân xá, coi lời nói của Ngài hứa, đã thi hành đó, nếu ai còn mơ hồ nữa chết không còn hồn vậy.

Vì cơ quan tận độ chúng sanh Đức Chí Tôn đến lập thành quả nhiên cơ quan ấy hiện hữu hiển nhiên, nếu chúng ta không tưởng tới, ngày kia về Bạch Ngọc Kinh không còn hồn, chừng đó người ta vạch ra không thế mình gian lận được. Hạnh phúc thay cho nhơn loại ! Hạnh phúc thay cho các đẳng chơn hồn có duyên phần mộ đạo, gặp buổi Đức Chí Tôn đến ở chung cùng mình, nếu không giải thoát được, Bần Đạo chưa dám chắc trái Địa-cầu nầy phải chuyển kiếp lần thứ ba nữa cho thoát khỏi nghiệp chướng đặng qui hồi cựu vị.

3 - Bình Bát Vu của Ông đựng cả chơn  hồn trong Càn Khôn Vũ Trụ:

Đức Hộ Pháp thuyết Đạo tại Ðền Thánh đêm  07-04 năm Nhâm Thìn (1952) rằng:
 “Bần Đạo xin nói thật, Đức Phật Thích Ca, dầu sự trị thế của Ngài đã hết, chúng ta chỉ nói là hết thôi. Hai ngàn năm trăm năm (2.500) lập Đạo trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống kia, Môn đệ của Ngài nhiều lắm, các người đừng tưởng Ông già ăn mày ấy không đủ quyền năng, mà các người khi dễ. Nội cái Bình Bát Vu của Ông đựng cả chơn hồn trong Càn Khôn Vũ Trụ, Ông ăn mày tại thế này vậy mà ngôi vị Cực Lạc Thế Giới của Ông các người xin một phẩm Liên Hoa, Ông có thể cho, là một người không nên khi dễ, không nên nguội lạnh với người đó, bởi vì Môn đệ của Ngài trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống nhiều lắm…

Bần Đạo nói thật mấy chị, Ôi! Không phải kiếp sanh dễ gì ngộ Đạo, Bần Đạo đã chán biết khó khăn kiếp sống của mình tại thế bao giờ cũng vậy, nó làm cho mình nặng nề khổ não về tinh thần, nhưng chúng ta đem lên mặt cân thiêng liêng, chúng ta lấy trí khôn ngoan để suy đoán cho cùng, chúng ta phải lấy trí khôn ngoan công chánh mà phán đoán, phần nào xác là xác, phần nào hồn là hồn, cái xác thịt nó không phải ở đây cho đến lúc tận thế đa nghe. Kiếp sống tại thế gian này của mấy người không mấy lát, cao trọng cần yếu hay chăng là phần hồn, đừng sa xuống Địa Ngục, đừng xuống đó là hơn hết. Xuống cửa đó rồi khó giải thoát lắm, khó giải thoát lắm đa nghe. Còn phần xác thì xác, hồn là hồn, mình lấy cái trí não của mình, lấy cái trung dung của mình làm sao cho Đạo có công chánh, hòa bình; xác cũng vậy, hồn cũng vậy. Chỉnh cầm cân giữ mực thước làm sao cho xác thế nào, thì phần hồn kia cũng vậy, đừng trọng bên này, phụ bên kia,  là khôn ngoan  hơn hết. Còn một cái trọng yếu hơn nữa là phải nhớ luôn luôn phụng sự Đức Chí Tôn, công nghiệp ấy không bao giờ mất, bởi Ông già đó chẳng chịu thiếu nợ ai hết, trái lại nếu chúng ta có phương thế lập vị chúng ta rồi mà chúng ta còn dư thừa công nghiệp đối với Ngài. Nhớ lại trong Cửu Huyền Thất Tổ của ta chưa chắc họ đều siêu thoát đặng, để chút của cải ấy đặng độ họ, tội nghiệp biết đâu trong Cửu Huyền Thất Tổ của mỗi đứa ta lại không có người ở dưới Phong Đô, rán tiện tặn chút đỉnh cho có của cải Thiêng Liêng cho họ hưởng mới khỏi uổng kiếp sanh của mình. Đức Chí Tôn có nói:
Đài Vân Quan Võ để Phong Thần,
Còn của Thầy đây để nhắc cân,
Muôn đức ngàn lành không sót một,
Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần".

Đấng đó không biết thiếu nợ ai hết và đã nói chẳng hề khi nào sai lời. Đã ngộ Đạo, đã biết Đạo, đã theo chân Đức Chí Tôn mà không biết tự mình tìm phương giải thoát, dầu chúng ta không mong mỏi cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ đi nữa, cũng mong mỏi tự giải thoát cho mình là trọng yếu hơn hết, biết Đạo mà nguội lạnh tốt hơn hết đừng có ở trong cửa Đạo, tốt hơn đừng ngồi trong cửa Đạo, ngồi nữa thêm tội không ích gì. Thử chúng ta để dấu hỏi chúng ta tu đây trông mong cái gì? Đừng như kẻ mờ hồ kia mà Đức Chí Tôn đã để :
Ngồi lì mà đợi Lý Ngưng Vương,
Biểu xuống thuyền Tiên nói chẹt lườn.
Co cẳng muốn vào rồi lại thụt,
Biểu thương sao đặng buộc người thương?

Thử xét lộn lại một ngày kia, mấy người về cõi Thiêng Liêng mà ngó thấy tôi đứng giữa không trung đó, mấy người kêu tôi biểu Ông cứu độ tôi, vì hồi đó tôi có gặp Ông tại thế, thì bây giờ Ông cứu độ tôi với - tình trạng đó tôi biết trả lời với mấy người làm sao chớ? Có thể một ngày kia tôi sẽ dâng sớ cho Đức Lý lập một hình phạt, hình phạt của tôi ngộ nghĩnh lắm: Không cho phái nữ đi vô Đền Thánh một thời gian, hành lễ ngoài sân một thời gian, bằng xin không được nữa, thì không khi nào lên Chức Sắc Thiên Phong được với tôi mà chớ.”

Sách Phật Tông Nguyên Lý chép rằng:
Khi Đức Thích-Ca viên tịch, Đệ tử của Ngài là A NAN-ĐA rơi lụy mà hỏi rằng: Khi Tôn-Sư nhập Niết-Bàn rồi ai dạy bảo các con ?
- Đức Phật đáp: “Ta chẳng phải vị Phật đầu tiên hay cuối cùng, ngày giờ đến, sẽ có một Đấng khác xuất hiện cứu đời, một Đấng Chí-Thánh, một Đấng Đại-giác cực kỳ cao thượng, một Đấng dẫn đạo vô song, một Đấng chủ tể Thánh, Thần và loài người. Đấng ấy sẽ truyền dạy các con một mối Đạo: Vinh-diệu buổi sơ khai, vinh-diệu buổi thạnh hành, vinh-diệu buổi kết cuộc. Đấng ấy sẽ xướng xuất một đời sống đạo đức hoàn toàn thuần khiết”.

4 - Đạo Cao-Đài sùng kính Phật Thích Ca
Bà Đầu Sư là người ái mộ
Đạo Phật nồng nàn hơn hết

Đức Hộ Pháp thuyết tại Ðền Thánh 07-04-Kỷ Sửu (1949): “Đêm nay là Vía Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni mà cũng là ngày vía Chị Cả của chúng ta là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, chẳng biết ngẫu nhiên hay là tiền định mà Bà Nữ Đầu Sư qui liễu nhằm ngày Vía Đức Phật Thích Ca. Theo Bần Đạo hiểu biết tưởng những người ái mộ Đạo Phật nồng nàn hơn hết chúng ta có thể nói rằng: Bà Đầu Sư cũng là người đứng trong đầu sổ của thiên hạ vậy. Trước ngày Đức Chí Tôn chưa mở Đạo, Bà Đầu Sư duy có biết Đạo Phật mà thôi, chính miệng của Người thuật lại với Bần Đạo: Từ bé Người đã để tâm ham mộ Đạo Phật không biết có quyền năng lạ lùng của Đức Chí Tôn tiền định hay chăng, mỗi khi niệm câu chú của Phật để tồn tại, thì Đức Chí Tôn Ngài đứng trong nhà Phật, gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giái, Đức Chí Tôn là Phật vị nên Bà đã thương lắm, thương một cách nồng nàn. Khi Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài tức nhiên Phật Giáo chấn hưng đó vậy. Ngày nay là Lễ của Đức Phật Thích Ca và của Chị chúng ta, chúng ta nên để tâm cầu nguyện chơn linh của Ngài và của Bà tức nhiên là Long Nữ, cả thảy chúng ta đều biết cái bí mật ấy. Bà Nữ Đầu Sư, Chơn Linh Long Nữ, Long Nữ là ai? Thật ra là người đòi của Phật Quan Âm Bồ Tát đó vậy. Bần Đạo hiểu về cái thuyết bí mật của Đức Quan Âm Bồ Tát lãnh trách nhiệm trọng yếu vâng lịnh của Đức Di Lặc Vương Phật Chưởng Quản điều khiển Bát Nhã Thuyền, vì cớ cho nên Đức Quan Âm Bồ Tát không có thể giáng trần được, chính mình Long Nữ là người hầu của Bà, tình nguyện giáng trần đặng hiệp với các Chơn Linh, các Cung các Điện và Hộ-Pháp đặng mở nền Chánh Giáo của Đức Chí Tôn, hầu tận độ Vạn Linh tạo cơ giải thoát.”

Mỗi một năm Đức Hộ Pháp đều nhắc nhở: Ngài thuyết tại Ðền Thánh đêm 07-04 năm Nhâm Thìn (1952) 

“Đêm nay là đêm cầu nguyện về ngày vía của Đức Phật Thích Ca và Bà Nữ Đầu Sư, vía Bà Nữ Đầu Sư trùng với Đức Phật Thích Ca. Nếu như chúng ta tin về đạo đức, chúng ta nói rằng có thể tin về mê tín, thì Bần Đạo nói rằng: Không có ai thương yêu Đức Phật Thích Ca trong kiếp sống của mình hơn là Bà Nữ Đầu Sư, trong một đời của Bà, Bần Đạo tưởng thiệt là một người giữ Đạo, Bà chỉ giữ Đạo của Đức Phật Thích Ca mà thôi. Khi Đức Chí Tôn đến mở Đạo, Bà theo chân của Đức Chí Tôn đã đành, không ai dại khờ gì khi người đã có tâm Đạo mà còn mơ hồ e-lệ sự chọn lựa của mình, nhưng Đức Chí Tôn là khác, mà kính trọng thờ phượng Đức Thích Ca đối với Bà Nữ Đầu Sư là khác, huống chi trọn cái gia đình từ Mẹ dĩ chí Bà đều thờ phượng một cách rất tôn nghiêm, dám chắc phần nhiều không có ai thờ phượng được như cả gia tộc của Bà đã thờ phượng Đức Thích Ca.

Luận tới đây tôi nghĩ ngày này đáng lẽ nếu nói rằng nước Việt Nam chủng tộc ta có thể thờ Đức Phật Thích Ca nhiều hơn hết, nhưng đến Đại Lễ này nếu không tưởng niệm đến Đức Thích Ca đi nữa là cũng còn đoái đến tình của Bà Nữ Đầu Sư mà dòm lại Phái Nữ trong Đại Lễ thấy lơ thơ, có phải vô tình chăng? Hay là Đạo của Phật Thích Ca và công nghiệp của Bà Nữ Đầu Sư bị có cơn mưa rồi lạnh ngắt, đã lạnh trước rồi bị trận mưa nữa nó lạnh luôn”. Bà Nữ Đầu Sư hồi còn tại thế này cũng vậy, hay về cõi Thiêng Liêng cũng vậy thương em lắm, thương phái nữ lắm, Bà binh vực bảo trọng từ khi mới mở Đạo, biết bao phen Đức Lý Giáo Tông đã phẫn nộ, chính mình Bần Đạo cũng không thế binh vực được mà còn có thể ghét nữa mà chớ. Duy có một mình chị binh vực bảo trọng phái nữ còn tồn tại đến ngày nay, bằng không thì bị phế rồi, bị Đức Lý phế rồi đó.”

II - TRIẾT LÝ ĐẠO GIÁO

LÃO TỬ 老子 (Tiên Đạo)
E:  Lao Tze
F:  Lao Tseu
Đức Hộ-Pháp thuyết chữ TU của Đạo giáo.
Tiểu sử Đức Lão Quân.

“Đức Lý Lão-Đam (Lão-Tử hay là Thái Thượng Lão Quân) vì lòng nhơn phổ hóa thế gian, tìm đặng chơn lý tinh thần vi chủ, trừ khử phương vị vật lụy hình, định tự chủ kỳ tâm là diệu pháp, lại lấy phước an nhàn làm cơ thoát tục. Ây đời là cảnh sầu thảm khó khăn mà Ngài đến bày phép chơi hay cho giải trí, chẳng khác nào Ngài thấy người đương ngậm đắng trêu cay, Ngài cho nếm mùi ngon vị ngọt. Ngài nhờ quyền hành vật dục trong trường công danh, phú quí của Lục quốc phân tranh, tạo ác đã vô ngằn, nó thức minh “bổn thiện” của Ngài, nên hoài ái dân sinh, mới truyền phương thoát khổ”
 (ĐHP: trích Khuê bài Thiêng liêng vị)

Theo Phật học: Lão Tử (C: lǎozǐ; tk. 6 (?) trước Công nguyên, cũng được gọi là Lão Ðam. Một trong hai vị hiền triết nổi danh nhất của Ðạo giáo song song với Trang Tử. Sử ký viết rằng: Lão Tử người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ, xóm Khúc Nhân (Hồ Nam bây giờ). Ông họ Lý, tên Nhĩ, tự Ðam. Trong tất cả những tác phẩm triết học người ta đều gọi ông là Lão-Tử hoặc Lão-Ðam. Theo nguồn tài liệu trên thì Lão Ðam giữ kho sách của nhà Châu và trong thời gian này ông có dịp gặp Khổng Tử. Cuộc gặp gỡ này thường được nhắc lại nhưng không thể xem là một sự kiện lịch sử. Thấy nước Châu suy, ông bỏ ra đi. Ðến cửa quan phía Tây, vị quan coi cửa là Doãn Hỉ biết ông sắp ẩn tích bèn cầu xin chỉ dạy. Thế là ông viết một quyển sách với khoảng 5.000 chữ nói về Ðạo và Đức, nay được gọi là ÐẠO ĐỨC KINH và sau đó ông đi mất tích. Theo truyền thuyết thì Lão Tử là tác giả của Ðạo Đức Kinh, nhưng các nhà nghiên cứu sau này đều nhất trí rằng, quyển sách này không thể ra đời trước thế kỷ thứ 4 hay 3 trước Công nguyên và vì vậy không phải là tác phẩm từ tay Lão Tử. Theo Tư Mã Thiên, tác giả của Sử ký, thì Lão Tử trau giồi đạo đức; học thuyết của ông cốt ở chỗ dấu mình, ẩn danh. Quan niệm này được nêu rõ trong cuộc gặp gỡ giữa ông và Khổng Tử (bản dịch của Nguyễn Duy Cần)

 “Khổng Tử đến Châu, hỏi Lễ. Lão Tử nói: Lời nói của ông là lời nói của  những kẻ  xương  tàn cốt rụi.  Vả, người quân tử đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì tay vòn nón lá mà đi chân. Ta nghe rằng, kẻ buôn giỏi khéo giữ của quí như không có gì, người quân tử đức thạnh, dung mạo dường như kẻ ngu. Họ khác với cái kiêu khí và đa dục của ông, sắc thái và dâm chi ấy không ích gì cho thân ông cả. Tôi sở dĩ bảo cho ông biết có bấy nhiêu thôi.

Khổng Tử về bảo đệ tử: Chim, ta biết nó bay thế nào; cá, ta biết nó lội làm sao; thú ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy thì ta có lưới bắt nó; cá lội thì ta có dây câu ví nó; chim bay thì ta có bẫy gài nó. Chí như con Rồng, thì ta không biết nó theo mây theo gió mà bay lượn như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con Rồng!.

 “Các Lão gia sau này đã tôn thờ Lão Tử, gọi ông là Thái Thượng Lão Quân, Ðạo Ðức Thiên Tôn. Ông được xem là người sáng lập Ðạo giáo. Nhiều huyền thoại về ông cũng được lưu lại. Việc mất tích của ông được các Lão gia giảng rằng, ông sang Ấn Ðộ gặp Đức Phật và thâu nhận Phật làm đệ tử. Thuyết này được các Lão gia nêu ra trong những cuộc tranh luận với các vị Tăng nhà Phật sau này.

Ðạo Đức Kinh bao gồm 81 chương ngắn, trong đó 37 chương đầu nói về “ÐẠO”, 44 chương sau nói về “ÐỨC”. Nội dung của quyển sách này cũng không nhất quán bởi vì nó cũng chứa đựng những quan niệm triết lý khác song song với triết lý Ðạo giáo. Quan niệm trung tâm của quyển sách này – ngoài ĐẠO và ĐỨC nêu trên – là vô vi, tức là làm mà không có tác ý “Bất hành nhi hành”.Tư tưởng của Lão Tử cũng được các vị Cao Tăng Trung Quốc hấp thụ và giảng trình theo cách nhìn của nhà Phật.

Truyền thuyết: mãi đến đời nhà Thương bên Tàu, Đức Lý Lão-Tử, Ngài mới đầu thai xuống trần. Việc đầu thai của Ngài cũng rất kỳ diệu: Ðời vua Bàn Canh nhà Thương (1401 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc Nữ mới vừa 8 tuổi (theo sách Ðông Du Bát Tiên), con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn, thấy cây Lý có một trái to chín đỏ, cô liền hái ăn. Ăn xong, nàng cảm thấy mỏi mệt và có thai. Người cha thấy sự lạ, bèn toán quẻ Âm Dương, biết là có một vị Ðại Tiên giáng sanh, nên không phiền hà gì cả và nuôi con gái rất kỹ. Nhưng nàng chịu mang thai như vậy cho đến già. Ðến năm nàng được 80 tuổi, trở thành bà già, tức là nàng đã mang thai ngót 72 năm, lúc đó là đời vua Võ Ðinh (1324 trước Tây lịch) nhà Thương, nàng Ngọc Nữ thấy trăng tỏ, bèn đi dạo sau vườn. Khi đi ngang qua cây Lý khi xưa thì đứa con từ trong bụng theo nách mẹ ra ngoài. Bà Ngọc Nữ kinh hãi, coi thấy nách mình liền lại như thường, không đau đớn chi cả. Ðứa con ra đời, nhưng đã phải ở trong bụng mẹ 72 năm, nên đầu tóc bạc trắng, do đó mới gọi là Lão Tử (con già). Lúc đó là giờ Sửu, ngày Rằm tháng 2 năm Canh Thìn, đời vua Võ Ðinh. Lão Tử chỉ cây Lý bảo rằng đó là họ của Ngài, lại xưng hiệu là Lão Ðam, tự là Bá Ðương, lại mỗi tai có 3 lỗ ở bên trong nên còn gọi là Lý Nhĩ. Cội Lý, nơi giáng sanh của Lão Tử, ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở. Ngài có miệng rộng, răng thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao như chẻ hai, trên trán có chỉ như 3 chữ Tam Thiên.

Thánh ngôn dạy “Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ giáo, thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu”.

Lão Tử tức là Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ giáng trần thời nhà Châu bên Tàu, gọi là Lão Tử. Ðức Khổng Tử giáng sanh năm 551  trước Chúa  giáng  sinh,    đến  hỏi

Ðức Lão Tử về Lễ.
Đức Hộ-Pháp nói: “Đức Lão-Tử thấy loài người không biết điểm tinh thần mình, không biết chơn-tướng tinh-thần mình để nơi nào định vị cho có giá trị. Ngài sanh tại Trung-hoa, tâm-lý nhơn-sanh không biết phẩm-giá tinh-thần của con người là gì, đến đỗi tâm lý loài người buổi ấy sa-đoạ, không biết phẩm-vị mình nơi nào, không biết tôn-trọng phẩm-vị đó nên đọa xuống thú-chất vật loại, nếu không vì Bác-ái, Từ-bi thức tỉnh nhơn-loại, cho biết phẩm-vị tối cao của họ, đừng làm con vật nữa. Nếu  không phải    tâm  Bác-ái,  Công-bình  thì không hề Ngài lập Giáo dường ấy. Ngày nay không phải nơi dân Á Đông này thôi, mà cả Âu-châu cũng vậy, biết rõ triết-lý đạo đức cao siêu của Ngài,  người  ta  theo chẳng biết bao nhiêu. Các Ngài xét định về mặt tinh-thần, lấy cả tinh thần siêu thoát của các Ngài coi có phải tinh-thần luật pháp của Tiên giáo chỉ do Bác ái, Công bình mà lập đặng chăng ? Phương pháp tạo ra có hình tướng ấy cốt yếu nâng-đỡ tinh thần nhơn-loại đến mục-đích cao-thượng là Bác-ái, Công bình”

LỄ VÍA ĐỨC THÁI THƯỢNG –
KỶ NIỆM CỦA ĐẠO GIÁO - CHỮ TU.
Đền Thánh đêm 14-02-Nhâm Thìn (1952)

“Hôm nay là ngày lễ của Đức Thái Thượng, tức là ngày kỷ niệm của Đạo Giáo. Bần Đạo nhơn dịp ngày Vía của Ngài, Bần Đạo tiếp giảng chữ Tu mà ông Truyền Trạng Trấn đã giảng bữa hôm trước. Đề mục còn sơ sót song đến cái đích đề mục ấy nói lại trúng, khi kết luận ông đã nói rằng: Duy có Tu mới có thể dìu dắt nhơn loại đi đến mục đích Đại-đồng Thế-giới, đem hòa bình toàn thiên hạ, đây là trúng. Nói về chữ Tu thuyết nó vẫn còn sơ sót rất nhiều.

Chữ Tu chúng ta đã ngó thấy thiên hạ phân ra hai:
- Chủ hướng về siêu hình,
- Chủ hướng về siêu vật.

Tức nhiên cái thuyết Duy Vật và Duy Tâm nó thường phản kháng cùng nhau, buổi này do nơi đâu mà sản xuất cái thuyết Cộng Sản và sản xuất cái thuyết Xã Hội của toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu này.

Ấy vậy, Bần-Đạo thừa dịp ấy giải rõ chữ Tu và tầm chủ hướng của nhơn loại, phải để trong mục đích nào, ấy là một cái đề chúng ta có thể nói từ Thượng-cổ đến giờ, tiền nhân, Chư Hiền, Chư Thánh, Chư Tiên, Chư Phật đã lập giáo và đã viết ra không biết bao nhiêu điển luật kinh sách, mà nói không hết, giải không cùng, huống chi đứng trên giảng đài này, lấy đề mục ấy mà nói không bao giờ đủ đặng. Bần-Đạo xin lấy cái tinh túy của nó giải rõ ra mà thôi. Duy Tâm thế nào, Duy Vật thế nào? Tầm nguyên lý coi nó do ở đâu xuất hiện hai lý thuyết ấy. Theo Kinh nhà Phật ta đã nghe rõ rằng loài người có nơi mặt địa-cầu này một trăm tám mươi ba triệu năm. Duy luận định nguyên-lý của nó, có trong năm chục triệu năm mà thôi, bổn căn của loài người nó có tánh vật của nó sanh trong vạn vật, cũng như con vật kia vậy, duy trong tánh vật của nó có Đức Chí-Tôn đến định Thiên-mạng của nó, nó có hai phần, hai đặc tánh. Tánh thú và tánh Trời.

Bây giờ luận về tánh thú của nó thì nó cũng như con thú kia vậy. Tánh của nó buộc nó đói phải cần kiếm ăn, lạnh rách phải kiếm mặc, nó khổ nó phải kiếm phương làm cho nó hạnh-phúc, nó khó khăn nó phải làm cho nó sung sướng cái phàm nghiệp của nó, thích cái gì phải kiếm phương thế nào làm cho nó thỏa thích, thỏa thích ấy là cái tánh thú dục nó vậy. Huống chi nó sanh nơi thế gian này chịu trong luật định của nó là tứ khổ, thì bây giờ nó phải tìm phương kiếm thế thoát khổ cho đặng; thoát khổ và tìm hạnh phúc với hình thể thì chẳng hề buổi nào tìm đặng, chẳng khi nào thấy hưởng được hạnh phúc do nơi hình thể mà nó chịu khổ, tức nhiên tánh thú của nó cốt yếu đến đặng chịu khổ, mà nó muốn thoát khổ, ấy là nó nghịch lại tánh đức luật định thiêng liêng của nó.

Ấy vậy, khi nó còn tánh thú, nó muốn làm sao thỏa mãn, hể thỏa mãn thú tánh của nó, thì nhân cách của nó bị hủy diệt, nhân cách không thể bảo thủ được cho lâu, thiên mạng nó không có phương bảo thủ, tâm linh của nó không có phương làm chủ nó đặng thì nó phải trở nên con vật mà thôi. Vì cớ cho nên các Đạo Giáo, các triết lý cốt yếu tìm phương nào dung hòa tánh thú của nó cho phù hạp với chơn mạng của nó, tức nhiên làm phương nào bảo trọng sống thú của nó, phù hạp với nhân cách đó vậy. Muốn cho đặng thế ấy, phải giải quyết cái khổ của nó, nó muốn thoát khổ có một đường tồn tâm mà thôi, tồn tâm tức nhiên một thiện pháp giữ Thiên mạng đó vậy.

Ấy vậy làm chủ cái tánh thú đặng bảo trọng Thiên mạng, tức nhiên phải dồi mài sửa đổi luyện cả tinh thần và hình chất của mình thoát khỏi tánh thú, đặng bảo tồn nhân cách, tức nhiên bảo tồn Thiên mạng của mình gọi là Tu. Chữ Tu cốt yếu là để trau dồi cho đặng thoát cái tánh thú, bảo vệ nhân cách của mình đó vậy.

Theo cách vật trí tri, bây giờ luận về siêu hình thì chúng ta đã ngó thấy, hễ khi nó thức, con vật nầy khi nó thức nó tìm sống trong vạn vật, nó cùng lẽ sống trong vạn vật. Luật của vạn vật buộc nó phải đi kiếm ăn, kiếm sống đặng bảo trọng sanh mạng của nó. Theo trong thể pháp về cái thú tánh của nó muốn thoát được tánh thú ấy, bởi vì nó hung hăng bạo ngược, mạnh mẽ, cừ-khôi phản trắc vô cùng vô lối. Có nhiều khi thiên tánh, tức nhiên thiên mạng không thế gì điều khiển nó được, người ta thấy có nhiều khi không thế gì người ta thắng nỗi thú tánh của nó, nên tìm con đường siêu hình. Nó thức thì nó rất hăm hở dữ tợn, hung hăng đủ thứ hết thảy đặng bảo vệ sanh mạng. Khi nó ngủ, tức nhiên khi nó nằm ra bình-tĩnh hết dữ, nó bình định được cả tánh chất nó bớt dữ, tức nhiên cũng như chúng ta khi còn thức, lo tìm muôn phương ngàn kế đặng bảo thủ sanh mạng của chúng ta, bảo thủ hạnh phúc của chúng ta nơi thế gian này; mà thật ra kiếm hạnh phúc ấy trong giấc chiêm bao của chúng ta mà thôi. Khi chúng ta ngủ mới được an ủi, ta thức bao giờ tinh thần cũng khổ não, vì thức ấy trong thuyết siêu hình mới xuất hiện ra hai lý thuyết tương đương ấy.

Từ Thượng Cổ đến giờ có thuyết nào giải rõ nó chưa? Chúng ta đã ngó thấy rất ít, chúng ta định trước, chúng ta đã thấy cái thuyết “Tánh mạng song tu” rõ rệt, ta có thể nói hai cái thuyết ấy như lý thuyết Pythagore và Đức Chí-Tôn. Pythagore lấy cách vật trí tri làm căn bản đặng đi đến siêu hình, văn từ cách vật trí tri đến siêu hình; còn Đức Phật Thích-Ca lấy siêu hình làm căn bản dìu dắt cách vật. Hai lý thuyết ấy đương đầu với nhau, mà đã thấy thật sự thì Pythagore không khi nào cầm lấy nó, nó không có vật, nó không có hình, nó cho rằng cái sống của vạn vật nơi mặt thế gian này do nơi vô hình xuất hiện, tức nhiên siêu hình kia làm căn bản của cách vật trí tri; mà nếu không có cách vật trí tri đứng chung đó, chẳng hề khi nào chúng ta thấy hai bên tương hội cùng nhau, vì vậy Ngài để chữ Dyade, hồi trưa Bần-Đạo đã triết lý hai chữ ấy mà hầu hết người Việt-Nam dịch chưa rõ. Bần-Đạo nghe chữ Dyade tưởng rằng chúng ta có dịp đem cái siêu hình tả ra, tức nhiên đem chữ Dyade đến cùng Ngài, chữ đó giải không ra. Ấy vậy, cái lời của Chí-Tôn để trên mặt thế gian này có hai phương pháp, siêu hình cũng trong đây, mà siêu vật cũng trong cửa Đạo này. Tại sao? Tại vì có một Đạo Giáo Ngài đến một thân Ngài mà thôi. Cả con cái của Ngài đã cho đầu kiếp dưới thế gian này trước, rồi Ngài mới đến sau, Ngài chung hiệp lại làm Thánh Thể của Ngài, Ngài biểu nó dâng Tam-Bửu là dâng xác thịt, trí não, dâng cả tâm hồn tức nhiên dâng cả sanh mạng của nó cho Ngài để làm chữ Khí, rồi Ngài trả chữ Khí của Càn Khôn Vũ Trụ, tức nhiên cái sống của nhơn loại đi đến mục đích chữ Tu, Ngài biểu cả toàn thể dâng xác thịt cho Ngài, Ngài trả lộn lại cái sống của Càn Khôn Vũ Trụ, trong mình nó sống dậy mà làm Thánh Thể của Ngài. Chúng ta tưởng tượng một ngày kia, toàn cả nhơn sanh đứng làm phần tử Thánh Thể của Ngài phụng sự cho Vạn Linh, tức nhiên phụng sự cho nhơn loại, hiệp trí não tâm hồn dâng cho Ngài hết, còn trở lực nào ngăn cản nữa, nhơn loại sẽ đến một cái tối trọng và thiên hạ nhứt gia như Đức Chí Tôn đã muốn. (Đức Hộ-pháp thuyết tại Đền Thánh đêm 14-02 năm Nhâm-Thìn (1952)

ĐẠO GIÁO LƯỢC KHẢO (1)

 (1) Ngài Tiếp Pháp  giảng tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 15-02- Giáp Thìn vào ngày Vía Đức Lão Tử. Đức LÃO QUÂN là vị Giáo chủ Đạo Giáo; hôm nay, ngày Vía của Đức Ngài, chúng ta nên nhắc sơ lược Tiểu sử và Học thuyết của Đức Ngài, âu cũng là một dịp ca tụng công đức của một Đấng dày công với Nhơn loại.

TIỂU SỬ ĐỨC LÃO QUÂN

Theo sách “Sử ký” Trung Hoa, Đức Lão Tử là người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ, Họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy là Đam, làm Quan giữ “Tàng Thất Sử” của Vua nhà Châu, Ngài sanh ước chừng 604 năm trước Tây lịch. Ngài là người ẩn dật hay ít tham gia thế sự, nếp sống của Ngài người đời ít biết, cho nên lịch sử của Ngài không mấy rõ. Có sách chép thế nầy, sách lại biên thế khác, mãi đến nay người ta cũng chưa tìm ra bằng chứng xác thực.

Sanh nhằm thời loạn, bên xứ Trung Hoa, Ngài nghĩ rằng Giáo lý vô vi không thể truyền bá được, thành thử, về sau, Ngài bỏ nhà, cỡi Thanh ngưu nhắm hướng Tây đi thẳng. Lần đi nầy, người ta gọi là “Lão Tử Tây du”.

Sách chép rằng: Khi đến Hàm-Cốc-Quan, Doãn Hỉ là quan giữ ải đón tiếp, Ngài lưu lại một thời gian, viết xong Bộ Đạo Đức Kinh, rồi từ giã Doãn Hỉ. Về sau, không ai gặp lại nữa.

Kế nghiệp Đức Lão Tử, có Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử, Liệt Tử. Nhứt là Trang Tử là người đặc sắc hơn hết, viết ra bộ Nam Hoa Kinh, làm sáng tỏ Đạo Giáo thêm lên. Thành ra Học huyết Lão Giáo nằm trong hai bộ Kinh: Đạo Đức Kinh và Nam-Hoa-Kinh.

Vậy Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh nói những gì?
Nam Hoa Kinh Trang Tử thể theo ý Đức Lão Tử mà xướng minh Đạo Giáo sáng tỏ thêm lên.

Đạo Đức Kinh thì Đức Lão Tử chỉ bàn hai chữ  “Đạo Đức” là cơ Tạo-đoan định vị Trời Đất hóa sanh vạn vật và vạn vật khi đã trót sanh thành rồi, mỗi vật đều có tích lũy đạo đức nơi mình. Muôn loài phải đạt đạo đức ấy thì mới sống. Quan niệm về Vũ Trụ và Nhơn Sanh như thế rồi Đức Lão Tử  căn cứ theo đó  mà lập thành  Giáo pháp.

Nay  chúng ta  muốn  biết học thuyết Đạo  Giáo  thì chúng ta phải tìm hiểu Đạo đức nơi Trời và Đạo đức nơi người, nhiên hậu sẽ theo phương pháp đó mà thành lập một nếp sống của mình.

ĐẠO ĐỨC NƠI TRỜI

ĐẠO LÀ GÌ?
Đạo là cái Vô danh có trước Trời Đất “Vô danh Thiên Địa chi thủy”. Đức Lão Tử tả cái Vô danh ấy như:
Có một "Cái" tự nó sanh nó. "Cái" ấy sanh trước Trời Đất, yên lặng trống không, đứng riêng một mình mà không nghiêng không lệch, lưu hành khắp nơi mà không mòn mỏi, "Cái" ấy khá gọi là ngưồn sanh hóa Thiên hạ. Ta chẳng biết tên gì, song mượn chữ gọi là Đạo.

Hữu vật hỗn thành.        (Tiên Thiên địa sanh,)
Tịch hề, liêu hề              (Độc lập nhi bất cải,)
Châu hành nhi bất đãi    (Khả dĩ vi Thiên hạ mẫu,)
Ngô bất tri kỳ danh.       (Tự chi vi Đạo".)
        (Đạo Đức Kinh, chương 25)

Vậy Đạo, chẳng những không tên mà còn vô hình, vô sắc, vô hương, vô xú nữa. Nói như thế thì Đạo là cái “Không”. Nhưng rồi Ngài sợ người ta hiểu lầm Đạo là trống rỗng; cho nên Ngài nói: Đạo dường như “Không” mà cũng dường như “Có”. Ngài mô tả cái "Có" rằng:

Đạo có ba trạng thái DI, HI và VI:
- Xem mà chẳng thấy nên gọi là  DI,
-  Lóng mà chẳng nghe nên gọi là  HI,
-  Bắt mà chẳng nắm được gọi là   VI".

DI, HI, VI là ba trạng thái hỗn hợp thành một thể. Cái thể ấy: trên, không phản chiếu ánh sáng; dưới, không ẩn khuất bóng tối, vằng-vặc không tên lại lui về chỗ vô vật, thật Đạo là trạng của cái vô trạng. Lại nữa, nó dường có, dường không và lưu hành không ngừng. Đón xem phía trước thì không thấy đầu mối, chận xem phía sau thì không thấy chỗ cuối cùng.

Thị chi bất kiến danh viết Di,
Thính chi bất văn danh viết Hi,
Bác chi bất đắc danh viết Vi,
Thử tam giả bất khả trí cật.
Cố hỗn chi vi nhứt,
Kỳ thượng bất kiếu,
Kỳ hạ bất muội.
Thằng thằng bất khả danh,
Phục qui ư vô vật,
Thị vị trạng chi vô trạng,
Thị vị hốt hoảng,
Nghinh chi bất kiến kỳ thủ,
Tùy chi bất kiến kỳ hậu".
                                                                                     (Đạo Đức Kinh, chương 14)

Tóm lại Đạo là cái vô danh, vô hình, vô sắc, vô thinh. Dường có, dường không: Ấy là cái lẽ huyền nhiệm của cơ Tạo đoan, định vị Tạo đoan, định vị Trời Đất, hóa sanh vạn vật.

ĐỨC RA SAO?
Đạo sanh hóa vạn vật, nhưng làm cho vạn vật nên hình vóc và sống an vui trong Vũ Trụ thì lại là Đức “Đạo sanh chi, Đức súc chi”. Nay như hỏi Đức ra sao thì Đạo Đức Kinh chép rằng: "Khổng Đức chi Dung, duy Đạo thị tùng" nghĩa là Đức thì trống không mà luôn luôn cận kề với Đạo. Hoặc nói rõ ra là yên lặng trống không gọi là Đạo. Tuy Đạo yên lặng trống không nhưng hàm súc đủ quyền năng sanh hóa. Đến chừng cái trống không phát động thành tựu sự sanh hóa vạn vật thì lại mang danh là Đức. Vậy chúng ta có thể nói: Đạo là Thể, Đức là Dụng.

Để phân biệt sự động tác của Đạo với Đức, Đạo Đức Kinh chương 51 nói rằng: Đạo sanh vật, Đức nuôi đó, cấp dưỡng đó, nuôi nấng đó, đùm học đó, bồi sự đó, dưỡng nuôi đó, chở che. Do câu: “Đạo sanh chi, Đức súc chi, Trưởng chi, dục chi, Đình chi, đốc chi. Dưỡng chi, phúc chi”.

Vậy Đạo sanh hóa vạn vật, Đức nuôi dưỡng chở che, đùm bọc. Còn sự biến hóa của Đạo thì Đức Lão Tử nói rằng:
- Đạo sanh một: Cái Vô danh sanh Thái Cực,
- Một sanh hai: Thái Cực sanh Âm Dương,
- Hai sanh ba: Âm Dương sanh Thái hòa.

Ba sanh vạn vật: Âm, Dương và Thái hòa sanh Vạn vật.
Vạn vật khi đã trót sanh thành rồi, mỗi vật đều có cỏng một phần Âm, bồng một phần Dương và một phần Thái hòa: “Đạo sanh nhứt, Nhứt sanh nhị,  Nhị sanh tam, Tam sanh vạn vật. Vạn vật phụ Âm, nhi bảo Dương, Xung khí dĩ vi hòa" (Đạo Đức Kinh, chương 42)

Riêng về người ta, chúng ta cũng có Đạo nơi mình là Âm Dương và Thái hòa. Kẻ học phải nhận thức lẽ huyền nhiệm Đạo tự nhiên của Vũ Trụ, để rồi sưu tầm giác ngộ Đạo Đức tự nhiên ở nơi mình.

ĐẠO ĐỨC TỰ NHIÊN NƠI NGƯỜI:
Đạo Đức tự nhiên nơi người đồng thể với Đạo tự nhiên của Vũ Trụ. Đạo tự nhiên Vũ Trụ thì có ba trạng thái: DI, HI, VI. Thì cái thực thể Đạo tự nhiên nơi người cũng gồm có ba trạng thái là Âm, Dương và Thái hòa. Tuy nói ba trạng thái, nhưng không bao giờ nó lìa xa nhau. Ba như một, một như ba, cũng như sự sống lẫn lộn trong Nhục thân, mà chúng ta chẳng hề trông thấy, chẳng hề lóng nghe, chẳng hề rờ đụng. Thật là huyền nhiệm vô cùng. Người ta phải có Đạo ấy nơi mình thì mới sống; trái lại thì phải dứt. Đức Lão Tử nói rằng:
"Vạn vật đắc nhứt dĩ sanh. Kỳ trí chi nhứt dã, vô dĩ vi sinh tương khủng diệt" nghĩa là muôn loài đặng một “Đạo” thì sống và sanh sản thêm nữa. Đến như số một “Đạo” nói đây, nếu muôn loài chẳng đặng nó để làm căn bản cho sự sống còn thì muôn loài phải dứt.

Người ta cũng nằm trong công lệ ấy, mà vấn đề sanh tử là một sự kiện quan trọng nhứt của kiếp người. Vậy phải giải quyết bằng cách nào?

Sau đây là:
PHƯƠNG PHÁP TU HỌC
Vả lại, Đạo Đức nơi người là Âm, Dương và Thái hòa như trước đã nói: Đạo ấy cũng như sự sống lẫn lộn trong nhục thân; chúng ta chẳng hề trông thấy, chẳng hề lóng nghe, chẳng hề rờ đụng. Thế nên muốn hàm dưỡng nó thì phải dùng pháp môn "Vô vi".

Vô vi là gì?
Vô vi nghĩa là không hành động theo ngoại giới mà chỉ hồi hướng về nội giới Tâm linh, sưu tầm giác ngộ lẽ huyền nhiệm của Tâm lý và Sanh lý. Cho nên Đạo Đức Kinh chương 48 nói rằng:
 “Vi Đạo nhựt tổn, Tổn chi hựu tổn, Dĩ chí ư Vô vi" nghĩa là học Đạo thì mỗi ngày mỗi giảm bớt và giảm bớt nữa cho đến vô vi.

Không làm tức “Vô vi” nhưng chẳng phải khô khan như cây khô hay cục đá, mà thật là phải giữ một tâm trạng hồn nhiên, như đứa trẻ chưa biết cười “anh nhi chi vị hài” cho nên nói rằng: "Đạo thường vô vi nhi vô bất vi" nghĩa là Đạo thường là vô vi, nhưng chẳng có việc gì không làm. Tại sao? Bởi vì kẻ học phải làm những việc chưa đến, phải lo những việc chưa có “vi vô vi, sự vô sự”.

Ví dụ: Chúng ta đã biết làm dữ thì họa trả lại. Biết làm dữ sẽ mang họa, chúng ta lánh dữ trước; thế là làm việc khi việc chưa đến. Xử sự khi sự chưa đến thì ắt chẳng có việc gì làm bận lòng chúng ta.

Vả lại, Đạo là nguyên lý ở trong Tâm linh siêu nhiên. Nay muốn tìm Đạo thì chúng ta phải vượt qua tất cả những lớp vọng chấp, thành kiến như: Lý trí, tình cảm, học lý hữu vi, thành kiến sai lầm vân vân... Vượt qua và vượt qua mãi đến Tâm linh thuần nhiên duy nhứt thì sẽ giác ngộ được Chơn lý “Đạo”.

Theo những lẽ trên đây, chúng ta hiểu rằng sự vật nào cũng có một phần "Vô" (Tinh Thần) và một phần "Hữu" (Vật chất); theo Đức Lão Quân thì cái "Vô" thiết dụng hơn cái "Hữu".Ví dụ: Ba mươi cây căm hợp thành hình tượng bánh xe, nhưng cái thiết dụng, làm cho bánh xe lăn tròn được, là cái lỗ trống trong cái đùm. Nhồi đất nên hình cái lu, nhưng chỗ thiết dụng để đựng nước là lòng trống không bên trong.

Thân hình người ta cũng vậy, nghĩa là người ta cũng có một phần "Vô" (Tâm) để chứa Đạo Trời và một phần "Hữu" (Thân) để thể hiện Đạo Trời thành Đạo người. Thế nên kẻ học nhứt thiết phải giữ cái Tâm không ấy, để hàm dưỡng Đạo Trời mà muốn giữ Tâm không thì kẻ học phải nhờ phép Thanh tịnh.

Muốn Thanh tịnh, theo Trang Tử thì kẻ học phải quên: Quên tất cả việc ngoài, quên tất cả tư tưởng bên trong, quên tất cả việc xưa, quên tất cả việc nay, quên rồi quên mãi cho đến những thành kiến sai lầm cũng chẳng còn ẩn núp bên trong nữa. Quên như thế là Tâm không, rồi trong Tâm không sẽ có xuất hiện điểm "Linh Quang, sáng suốt" để làm Chủ tể cho đời sống của mình. Nhơn đó, mà sự lập Đức, sự tu thân của kẻ học, nhứt thiết đều phải lấy thanh tịnh làm căn bản. Xin xem chi tiết kể như sau:

1 - VÔ DỤC:
Vô dục nghĩa là không ham muốn vật chất. Vô dục là phép tu Tâm, cũng như Mạnh Tử nói: “Tiết dục khả dĩ tồn Tâm”. Đạo Đức Kinh chương 12 nói rằng:

Năm màu sắc khiến người ta chóa mắt, năm thinh âm khiến người ta điếc tai, năm vị ăn khiến người ta tê tái lưỡi miệng, sải ngựa đi săn bắn khiến người ta hóa cuồng, của cải quý giá khiến người ta hành động sái phương pháp chánh trực. Thế nên Thánh nhơn vì bụng mà không vì tai mắt (tức vì Tâm mà không dùng giác quan).
Ngũ sắc lịnh nhơn mục manh,
Ngũ âm lịnh nhơn nhĩ lung,
Ngũ vị lịnh nhơn khẩu sảng,
Tri sính điền liệp,
Lịnh nhơn Tâm phát cuồng,
Nam đắc chi hóa,
Lịnh nhơn hành phương,
Thị vị Thánh nhơn,
Vị phúc bất vị mục".

Đại ý nói rằng: Nếu người ta phóng túng theo hoàn cảnh bên ngoài thì Tâm phải bị loạn động. Cớ ấy nên Thánh nhơn vì Tâm mà không trọng tai mắt. Đức LÃO TỬ nói rằng:"Họa mạc đại ư bất tri túc, Cửu mạc đại ư dục đắc” nghĩa là nói về họa thì không có họa nào lớn bằng "không biết đủ", nói về lỗi lầm thì không lỗi lầm nào lớn bằng "muốn được".

Thật vậy, nếu chúng ta không cho mình là đủ và muốn được mãi mãi, thì sự lỗi lầm, sự tai họa sẽ theo đó mà đến với mình.

Thử hỏi: Danh với thân, cái nào quý hơn? Thân với tiền của cái nào trọng hơn? Đức LÃO TỬ đặt một vài câu hỏi như vậy, để cho kẻ học tự mình so sánh.

2 - VÔ TRANH:
Người giữ Đạo thì có Đức, mà Đức là sức mạnh tinh thần, cho nên hễ người có Đức thì có tinh thần tự chủ mà không tranh với ai, không tranh với người và không tranh với hoàn cảnh. Nhờ không tranh mà chẳng lỗi lầm “Phù duy bất tranh cố vô vưu”. Đức LÃO TỬ mượn tánh nước để so sánh với tư cách người Đạo sĩ. Ngài nói:
Thượng thiện nhược thủy,
Thủy thiện lợi Vạn vật,
Nhi bất tranh. Xử chúng nhơn chi sở ố,
Cố cơ ư Đạo". (Đạo Đức Kinh, chương 8)

nghĩa là Bực thượng thiện giống như nước. Nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người người đều chê bỏ, tức chỗ thấp. Nhờ vậy nên người thượng thiện gần với "Đạo".

So sánh sự nhu nhược và cang cường, Đạo Đức Kinh chương 76 nói rằng: Người ta khi mới sanh thì mềm yếu, khi chết thì cứng rắn. Vạn vật thảo mộc khi mới sanh thì mềm dịu, khi chết thì khô cứng. Thế nên nói rằng: Cứng và mạnh là bạn của cái chết, mềm và yếu là bạn của cái sống.
"Nhơn chi sanh dã nhu nhược,
Kỳ tử dã kiên cường.
Vạn vật thảo mộc chi sanh dã nhu thúy,
Kỳ tử dã khô tháo".

Đại ý nói rằng người Thượng thiện không tranh với ai cả, tánh tình giống như nước. Nước hay làm lợi muôn vật, nghĩa là muôn vật dùng nước để uống được, để rửa cũng được, nước chẳng những không tranh mà còn hay ở chỗ thấp, là chỗ mà người đời hay chê bỏ. Và đại ý cũng như câu "Nhu nhược thắng cang cường" hay câu "Bất tranh nhi thiện thắng".

Thật quả vậy, nếu chúng ta chẳng tranh thì ai tranh với ta: "Phù duy bất tranh, Cố thiên hạ mặc năng dữ chi tranh" nghĩa là chỉ vì không tranh, cho nên thiên hạ chẳng ai tranh với mình.

3 - TRỰC GIÁC:
Về trí hay biết thì cũng cứ theo lẽ thiên nhiên mà sanh hoạt, chớ không cầu học thức kiến văn, nghĩa là cứ hướng về nội giới, gìn giữ tâm thanh tịnh, rồi Đạo vô vi sẽ xuất phát cảm ứng với Trời Đất vạn vật mà quán triệt sự vật. Đạo Đức Kinh chương 47 nói rằng:

Không bước ra khỏi ngõ mà biết việc thiên hạ, không dòm ra cửa sổ mà hiểu Đạo Trời.
“Bất xuất hộ nhi tri thiên hạ,
“Bất khuy dũ nhi kiến Thiên Đạo”.

Đức Lão Quân nói rằng: càng ra xa thì càng biết ít. Lẽ ấy nên Thánh Nhơn không tìm kiếm bên ngoài mà tự nhiên biết, không làm mà tự nhiên thành.
"Kỳ xuất di viễn, Kỳ tri di thiểu, Thị vi Thánh Nhơn. Bất thành nhi tri, Bất vi nhi thành".
Đạo Giáo chú trọng cái biết "Trực Giác" của Tâm Linh siêu nhiên, chớ chẳng cầu cái biết chi li của Trí Thức, cho nên nói rằng: "Tuyệt học vô ưu".

Đức Lão Tử còn đề cập đến hai chữ "Huyền Đồng" để làm rõ thêm cái ý nghĩa "Trực Giác". Đạo Đức Kinh chương 56 nói rằng: "Tri giả bất ngôn, Ngôn giả bất tri. Tắc kỳ đoài bế kỳ môn, Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, Hòa kỳ quang đồng kỳ trần, Thị vị Huyền Đồng" nghĩa là kẻ biết không nói, kẻ nói không biết. Thường ngậm miệng bít mắt, bít tai, lụt cái bén nhọn, bỏ sự chia phân, hòa với ánh sáng, đồng với bụi bặm. Ấy gọi là Huyền Đồng (đồng hóa với Đạo huyền bí) tức dùng cái khiếu trực giác tự nhiên, Trời Đất phú cho mình để cảm ứng với Đức. "Toàn tri năng, tận thiện mỹ" mà quán triệt vạn vật đến chỗ nguyên lý, chớ không phải cái biết vạn vật chi li của Lý trí luận (La tập).

LẬP ĐỨC:
Đức là năng lực ở trong tâm mà ra. Tịnh thì gọi là Tâm, động thì gọi Đức. Hoặc nói cách khác, Đức là những lý tưởng thiện mỹ mà người ta đã học hành cho đến Tâm đắc (lý tưởng tiềm tàng trong tiềm thức) hay lý tưởng tự nhiên sẵn có trong bổn tánh, đến khi hữu sự thì biểu dương cử chỉ tốt lành. Lập đức của Nho Giáo thì tập luyện thuần thục Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) để làm khuôn thước cho sự xử kỷ, tiếp nhơn. Đạo Giáo lại quay về nội giới Tâm linh siêu nhiên mà tìm đức, cho nên nói rằng: Người có đức thường thì Tâm trở nên hồn nhiên như đứa trẻ sơ sanh chưa biết cười “anh nhi chi vị hài” hoặc nói rằng: Thường đức đầy đủ thì người trở lại mộc mạc. Mà muốn được tâm trạng nầy thì phải thực hiện phép thanh tịnh. Đạo Đức Kinh chương 16 nói rằng: Hồi hướng về nội giới cho đến hư không cùng tột thì giữ được tịnh. Tịnh thì vạn vật “Thần khí chí ý” đều xuất hiện ra rồi chúng ta thấy nó lần lượt trở về căn cội. Ôi, mọi vật trùng trùng đều trở về nguồn gốc nó thì đó gọi phục mạng, mà phục mạng là thường. Biết cái Thường “Đức Thường” là Minh. Than ôi! Người đời, nếu chẳng có cái thường ấy thì gây ra hung bạo cho mình.

"Trí hư cực, Thủ tịch đốc, Vạn vật tịnh tác, Ngô dĩ quan phục, Phù vật vân vân,  Các phục qui kỳ căn, Qui căn viết tịnh, Thị vị viết phục mạng, Phục mạng viết thường, Trí thường viết minh, Bất trí thường vọng tác hung".

Đức LÃO TỬ nói rằng bậc toàn thiện đời xưa tinh tế nhiệm mầu, siêu huyền thông suốt. Họ sâu không thể dò được, cho nên muốn biết họ chúng ta nên mô tả dung mạo của họ như sau: cử chỉ của họ thận trọng dường như lội qua sông giá đông đặc, do dự dường như bốn bên có người dòm ngó họ, nghiêm trang dường như hầu khách quý. Tình thức của họ tan rã cũng như giá tan. Bộ tịch mộc mạc dường như gỗ chưa bào gọt. Trống không dường như hang núi. Kẻ giữ Đạo không muốn đầy, tức không cố chấp tư tưởng tạp niệm. Nhờ không ham đầy, cho nên Thiên lương không bị bế tắc. (Phỏng theo Đạo Đức Kinh, chương 15).

Người có đức thì tâm họ trở lại như “xích tử chi tâm”.Dung mạo họ thì như lẩn thẩn, mộc mạc. Đạo Đức Kinh chương 20 nói rằng:
Người đời thì hớn hở, như hưởng thái lao, như lên xuân đài. Riêng ta chỉ yên lặng chẳng có dấu vết chi, như đứa trẻ sơ sanh chưa biết cười rũ rượi vậy, như không biết về đâu. Nhưng riêng ta khác với người, là ta trở về với Mẹ nuôi muôn loại, tức là sống với Đạo tự nhiên.

"Chúng nhơn hi hi, Như hưởng Thái lao, Như xuân đăng đài, Ngã độc bạc hề kỳ vị triệu,  Như anh nhi chi vị hài. Luy luy hề nhược vô sở qui, Ngã độc dị ư nhơn, Như quí thực mẫu".

Thể hiện được phép thanh tịnh thì Tâm Đức trở về với vô vi, vô danh, mà hễ Tâm Đức đạt đến chỗ trí hư thì dung mạo trở về chỗ mộc mạc hồn nhiên như anh nhi chi vị hài.

DƯỠNG SANH:
Ngạn ngữ có câu: "Linh hồn thanh khiết ở trong một  thân thể khoẻ mạnh". Ấy vậy sự dưỡng sanh là một pháp môn trọng yếu cũng như pháp môn tu học tâm linh. Phép dưỡng sanh cần nhứt là phải làm sao cho thân ta sanh sống với một cách điều hòa và nhập vào lẽ thiên nhiên, tức sống  với  một tinh  thần không  loạn động,  một  nhục thể không đau ốm.

Đạo Đức Kinh chương 10 nói rằng:
"Tải doanh phách bảo nhứt, Năng vô ly hồ?
Chuyên khí trí nhu,  Năng anh nhi hồ?  Địch trừ huyền lãm, Năng vô tỳ hồ?"

Nghĩa là làm cho hồn phách hiệp một, không để chia lìa đặng không?  Làm cho khí trở nên mềm dịu, như đứa hài nhi đặng không?  Gội rửa lòng ta cho đến mức huyền diệu mà không bợn chút bụi trần, đặng không?

Đại ý Đức LÃO TỬ đặt ra  ba  câu  hỏi    không giải đáp, là vì mỗi người đều có một thể chất khác nhau, cho nên mỗi người phải chọn lấy phương thức tu hành riêng . Ấy vậy nên, nếu Đức Ngài lập phương trước thì e có người lầm, mà phép dưỡng sanh nếu áp dụng không đúng thì sẽ có hại cho sức khoẻ.

Chỗ nầy, về sau phải Luyện đơn nương theo mà chú giải rộng rãi, thành một giáo pháp riêng, để cầu sự trường sanh cửu thị, nhứt là câu:
"Chuyên khí trí nhu, Năng anh nhi hồ".

Họ chia sự hô hấp ra làm hai giai đọan là: ĐIỀU TỨC nghĩa là vận chuyển hơi thở điều hòa và ĐÌNH TỨC nghĩa là không thở bằng mũi mà chỉ hô hấp với bộ phận hô hấp bên trong. Chúng ta có nghe nói người tu theo phái Pha kia (Fakir) cũng đạt đến phép nội tức nầy nữa. Đó là cứu cánh của Pháp Môn trường sanh cửu thị. Nhưng chúng ta không nên liều lĩnh bắt chước, nếu không có người chỉ dẫn. Bởi vì phép Dưỡng sanh nếu áp dụng không đúng mức thì có hại cho sức khoẻ như đã nói trên. Về phép Dưỡng sanh Huỳnh Đế nội kinh có câu:
"Điềm đạm hư vô, Chơn khí tùng chi.
 “Tinh thần nội thủ, Bình an tùng lai".

Nghĩa là giữ điềm đạm hư vô thì  Chơn khí  theo đó, tinh thần bền vững bên trong thì bình an sẽ đến.

Câu nầy ý nghĩa cũng như lẽ đã nói trên.Thực hành được phép dưỡng sanh nầy thì không những mình có một thân hình sức khoẻ, một tâm hồn sáng suốt mà thần khí có thể dung hợp thành một Pháp thân vi diệu nữa.

XỬ THẾ:
Xử thế có ba điều là:
1 - Từ  
2 - Kiệm   
3 - Bất cảm vi thiên hạ tiên.

Từ - Từ nghĩa là hiền lành biết thương người, mến vật và hay giúp đỡ mọi người, mọi vật. Chữ Từ đồng nghĩa với chữ Bác-ái của Phật Giáo và chữ Nhân-ái của Nho Giáo, Đạo Giáo quan niệm rằng:

"Thiên Địa dữ ngã đồng sanh, vạn vật dữ ngã đồng thể". Thế nên kẻ học lúc nào cũng phải hòa mình với Trời Đất, vạn vật cầu sự an vui của mình theo lẽ tự nhiên. Đức Lão Tử dạy rằng: Kẻ làm lành, hay làm dữ với ta, ta đều lấy đức mà trả lại cả “Dĩ đức báo oán”.

Kiệm - Kiệm nghĩa là thiếu thốn. Chúng nhơn giành lấy cái thực, riêng ta thì cầu cái hư. Chúng nhơn tranh quyền lợi để làm giàu sang, riêng ta thì lúc nào cũng cho là đủ. Chúng nhơn cầu lấy phước lộc, riêng ta thì thu hình về chỗ vô vi cầu sự vô tội. Đức Lão Tử nói: Trên đường danh lợi, kẻ nào tri túc thì khỏi bị nhục, kẻ nào đứng ngoài vòng tranh đua thì khỏi bị hại. Thế nên ta vui lòng chịu thiếu thốn để cầu an vui theo Đạo.

Bất cảm vi thiên hạ tiên nghĩa là chẳng dám tranh hơn thiên hạ. Đức Lão Tử cho rằng: Luật thiên nhiên lúc nào cũng có một sức mạnh rất thiêng, không cần tranh mà hay thắng lợi, không cần nói mà hay ứng nghiệm, không cần vời mà các vật theo về, lờ mờ mà hay mưu toan “Thiên chi Đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng, bất triệu nhi tự lai, thiên nhiên nhi thiện mưu”. Vậy đạo sĩ sống theo luật thiên nhiên, không tranh giành để giữ vẹn Tâm thanh tịnh vô vi.

Đức LÃO TỬ nói: "Quân tử vi thiện nhược thủy, ủng chi khả dĩ tại sơn, khích chi khả dĩ quá tảng, năng phương, năng viên, ủy khúc tùy hình. Cố quân tử năng nhu, nhi bất năng nhược, năng cường nhi bất cang, như thủy chi tánh dã. Thiên hạ nhu nhược mạc quá ư thủy, thị dĩ nhu nhược thắng cang cường". Nghĩa là người quân tử tánh giống như nước, ngăn đó thì ở trên núi, hất đó thì có thể văng lên trán, nó có thể vuông có thể tròn, hay uốn mình theo hình, cho nên người quân tử hay mềm mà chẳng yếu, hay mạnh mà chẳng cứng, cũng như tánh nước vậy. Dưới trời chẳng có vật gì mềm yếu hơn nước, vậy nên cái mềm yếu hơn cái cứng mạnh. Nước chẳng tranh, song không phải hèn nhác. Đạo Đức Kinh nói rằng: "Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiện cường giả, mạc chi năng thắng, kỳ vô dĩ địch chi, nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cang". Nghĩa là trong thiên hạ chẳng có vật chi mềm yếu hơn nước, thế là dùng nước để đánh đổ vật cứng rắn, chẳng có vật gì bằng nước (nước chảy đá mòn) thật yếu hơn mạnh, mềm hơn cứng.

Theo TRANG TỬ thì người có Đạo Đức gọi là Chơn Nhơn. Lại nói Chơn Nhơn đời xưa không phân biệt kẻ hèn, không khinh khi kẻ khó, ở ngôi cao không kiêu, ở vị thấp không hổ, khi ra không hí hởn, lúc vào không buồn tẻ, không hung hăng tập thành, khi công thành thì chẳng tự đắc. Nói tóm lại buổi nào cũng giữ cái không không, chớ chẳng dùng Tâm thức mà cưỡng chế Đạo Tâm.

Câu nầy đại ý nói rằng: Thánh Nhơn không tranh hơn thiên hạ mà cứ ở chỗ thấp kém, lại còn không tự hiện, không tự thị, không tự phạt, không tự căng. Nghĩa là không tranh giành hơn thua với mọi người thì ai cùng mình tranh giành. Thánh Nhơn không tranh với thiên hạ, nhưng cứ lo ôm giữ Đạo thể, để làm gương cho đời soi sáng. Nhờ sự không tranh mà Thánh Nhơn ở ngoài muôn vật, mà chung qui muôn vật hướng về Thánh Nhơn.

Tóm lại: học thuyết của Đức LÃO TỬ lấy vô danh làm tôn chỉ, lấy vô vi làm phương tiện. Hay thì thật là hay nhưng khó phổ truyền trong nhơn gian. Bởi vì vô danh, vô vi là không không, nếu đem cái không mà giảng luận thì chúng ta không thể nói hết cái linh động thâm trầm của nó, thành thử kẻ học cứ tự tỉnh rồi tâm thần lãnh hội, để biết mà thôi. Chẳng những về Đạo tự tu, tự giác, Đức LÃO TỬ dùng phép vô vi mà đến luân lý cũng vậy.

Như Luân lý học Ngài bảo rằng: Vô tranh tức bất cảm vi thiên hạ tiên và dĩ đức báo oán. Thâm ý của Ngài là cần cho mình giữ được thanh tịnh là phương pháp tối cần để giồi mài cái linh lực Trời phú cho mình được mẫn huệ.  Tôn chỉ vô danh của Đức Lão Quân chống đối với các thuyết "hữu danh" của Đức Khổng Phu Tử. Đạo Giáo cho rằng ở trong tâm vô vi tự nhiên đã có tinh thần Nhân nghĩa rồi. Thanh tịnh thì không không, đến khi phát động thì đó là Nhân nghĩa vậy, chớ không phải lập thuyết Nhân nghĩa "hữu danh". Vả lại "hữu danh" thì hữu hình, hữu hình thì có bóng tối. Biết đâu có kẻ không tốt ẩn núp dưới bóng tối của danh Nhơn nghĩa để phỉnh phờ gạt gẫm người ta, cho nên Ngài nói: "Tuyệt nhân khí nghĩa dân phục hiếu từ" (Bỏ danh từ nhân nghĩa thì dân trở lại hiền từ) Đạo Đức Kinh chương 19. Đức LÃO TỬ là người ẩn dật, không hay giao thiệp với thế sự. Nếp sống ấy đủ mô tả được một phần nào cái thuyết "Thanh tịnh vô vi" của Ngài. Đạo Giáo là một Giáo thuyết trong Tam Giáo. Giáo lý Đại Đạo là qui nguyên Tam Giáo. Vậy Đạo Giáo chiếm một phần quan trọng trong pháp môn "Tu tâm huyện tánh" của người Tín đồ Đại Đạo. Nay kính.
Đêm 14 rạng mặt 15 tháng 2 Giáp Thìn
Tiếp Pháp : TRƯƠNG VĂN TRÀNG

III - TRIẾT LÝ NHO GIÁO
NGUỒN GỐC NHO GIÁO
 “Đức Khổng-Phu-Tử tự là Trọng Ni cũng vì nhơn thấy đặng hung bạo của đời nên lo trù hoạch phương châm giảm ác mới đặng đoạt triết lý chí thiện là cơ quan bảo thế. Ngài đắc thông nên tự nhiên biết rằng cơ Tạo, nghĩa là Trời, Đất và vạn vật hữu hình phải tấn hóa lần lần cho tận con đường chí thiện (nghĩa là người thì tận thiện, vật thì tận mỹ) gọi là Đạo. Ngài chỉnh chiếu theo sự tự nhiên hành động tâm lý của người đời đặng làm mục đích chuẩn thằng đoán xét; ngoài phép trau tâm luyện tánh, Ngài không nhìn phương pháp nào đặng tự giác đặng “bổn thiện” và kềm chế lấy điểm lương tâm, nên không chịu tin theo lý thuyết mỵ thuật huyền vi, mà trí khôn ngoan của người không thấu đáo. Ngài đã thấy phép trị thế, dầu cho dân sanh phản kháng thế nào, cũng tùng một chủ quyền chánh thể hoặc là do nơi đông tay xúm nhau đào tạo hay là do ở một người đã đặng mạng Trời làm Chúa người đời, cầm Luật Pháp trị an bá tánh. Sự quả quyết ấy đã nhìn thật toàn mặt thế.

Ngài cho chánh trị hành tàng của xác thịt thế nào thì tinh thần cũng vậy; nên nhìn nhận rằng trên các chủ quyền trị thế có quyền vô vi của Đấng Chí-Tôn, Ngài gọi là “nhứt đại viết Thiên” (一大曰天) nắm trọn phép thiêng liêng thưởng phạt. Đấng Chí-Tôn ấy chẳng phải có quyền năng về phần hồn mà thôi, lại cũng đặng oai linh phần xác; lý thuyết Trời- Người đồng trị nảy sanh từ đó.

Cơ nghiệp Văn Vương qua đến Đông châu là cùng tận, mà Ngài cố quyết duy trì, mong lòng hiệp quốc, đem Luật pháp đặng trị bình, lấy Nghĩa Nhân ra khử bạo.. Ngài hiểu rõ rằng quyền hành Chánh trị chia làm hai phần:
1 - Sanh hoạt của thi hài.
2 - Biến hóa về tâm lý.

Nên Ngài cho Luật pháp là cơ quan độc thiện để trị an thiên hạ, còn đạo nhân-nghĩa đủ thế kềm thúc tánh đức của người đời, nên Ngài mới cầm nhiếp chánh nhà Châu để sở vọng chấn hưng Vương Đạo. Thương thay một Đấng chí Thánh như Ngài mà cũng phải chịu bề thất vọng. bởi gặp buổi đời đã quá bạo tàn, nên cây quạt và mảnh mền là đạo Nhân Nghĩa của Ngài, không đủ thế quạt nồng đấp lạnh. Ngài phải thối bước về quê-  cam phận thối bước về quê- trọn đời ngồi dạy học. Bài tự thán “Chi lan” của Ngài, ai đọc đến cũng phải rơi châu đổ ngọc.

May thay! Qua đến đời Khổng Cấp (Tử Tư) là đích tôn của Ngài, dạy đặng một trang Môn đệ là Mạnh-Tử, rất nên đáng bậc hiền triết nối chí của Thánh nhân, cố mở mang Đại học” (ĐHP: Trích Khuê bài Thiêng liêng vị)

Thuyết Nho giáo:
Người Trung Hoa, sau khi quần tụ đông đảo, lập thành gia thất thì cái quyền trị gia do người cha. Lần hồi người ta theo nguyên tắc gia đình mà lập ra xã hội. Nghĩa là gia đình thì do người cha quản trị, nước thì có ông vua, còn khắp thiên hạ tức là nước Trung Hoa thời ấy thì có vị Hoàng Đế thống trị. Nguyên trong thời đại tối cổ, ở xứ Trung Hoa có năm ông vua ra đời tiếp nhau mà dạy dân là: Phục Hi, Thần Nông, Huỳnh Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, sách gọi đó là Ngũ Đế là năm vị Thánh Vương đắc Đạo, có Thần thông trông thấy những hiện tượng trong cõi Hư Linh. Một hôm, Vua Phục Hi dạo chơi trên sông Hà (Huỳnh Hà) ông trông thấy một con vật mình ngựa đầu rồng, trên lưng có dấu chấm, Ngài theo đó mà lập ra Bát Quái Đồ, cắt nghĩa Đạo biến hóa của Trời Đất, để làm nguyên tắc dạy người. Thì đây Nho Giáo thành lập một phần thì do thực tế, một phần thì do Huyền lý của Trời Đất, nghĩa là Nho Giáo lấy Đạo Trời làm khuôn mẫu dạy người. Làm theo Đạo trời là lành, trái với Đạo Trời là dữ. Cổ nhơn theo học Nho Giáo để giúp đời, cho nên trong quyển Nho Giáo, cụ Trần Trọng Kim cắt nghĩa chữ Nho như vầy:

Chữ Nho do hai chữ Nhơn và Nhu ghép thành. Chữ Nhơn là người, chữ Nhu là cần dùng. Hai chữ ghép thành chữ Nho, có nghĩa là người học hành thông suốt lẽ Trời Đất và tự họ sẵn sàng giúp ích cho nhơn quần xã hội, cầu cho xã hội biết cách cư xử thích hợp với lẽ Trời. Lấy Đạo Trời làm căn bản cho Đạo người. Nho Giáo giúp người Tàu được trên thuận, dưới hòa và tạo nên một nền luân lý có căn bản vững chắc.

Đến đời nhà Châu, triều Vua Linh Vương, ước chừng 551 năm trước Tây lịch kỷ nguyên, có một vị Thánh Nhơn, tên Khâu tự Trọng Ni, tức là Đức Khổng Phu Tử ra đời, Ngài chỉnh đốn Nho Giáo thành một Giáo thuyết có mạch lạc. Nhơn đó mà người đời bấy giờ gọi Nho Giáo là Khổng Giáo. Thiết tưởng, chúng ta nên nhắc sơ lược cái Tiểu sử của Đức Khổng Phu Tử, âu cũng giúp sự học vấn của mình một phần nào.

Tiểu sử Đức KHỔNG PHU TỬ
Đức Khổng Phu Tử là người nước Lỗ bên Tàu, sanh năm 551 trước Tây lịch kỷ nguyên. Cha Ngài tên Thúc Lương Ngột, mẹ là Nhan Thị. Ngài tên KHÂU, tự Trọng Ni, lúc lên ba tuổi, thì mồ côi cha, nhờ mẹ dưỡng dục, lên 19 tuổi, Ngài thành gia thất.

Về đường học vấn Ngài rất chú ý đến Lễ Nhạc. Năm 20 tuổi, Ngài vào học nơi nhà Minh Đường. Nguyên ở Lạc Ấp, ông Châu Văn Công có cất một nhà Minh Đường, tích trữ Kinh Điển, Luật lệ, hình tượng và báu vật đời xưa, để làm tài liệu khảo cổ, Đức Khổng Phu Tử nhờ đó mà mở rộng học lý của Ngài, sau khi ở Minh Đường về, sức học của Ngài rộng hơn trước nhiều. Từ đó học trò theo học càng ngày càng đông.

Ngài vốn người Nho học muốn đem Đạo của mình mà phổ biến trong dân gian để giúp đời, thành thử, Ngài châu du từ nước nầy sang nước nọ, có ý muốn mượn việc làm quan để thực hành Đạo lý, nhưng rốt cuộc rồi thất vọng. Đến 68 tuổi, Ngài về ở nhà dạy học và lo việc Kinh sách để lưu truyền cho hậu thế.

Tánh tình Ngài ôn hòa nghiêm trang, kính cẩn, những cử chỉ thường thức như: đi, đứng, nằm, ngồi mỗi mỗi đều ung dung ngay chính và lúc nào cũng có vẻ vui tươi. Đối với Vua, Quan, Ngài giữ Lễ trọn vẹn. Khi tế tự vào Miếu Đường, Ngài thành kỉnh, để thông cảm với Thần Minh. Nếu có việc quan hệ đến tánh mạng người ta thì Ngài lại dè dặt hơn nữa.

Ngài rất ham học, hay suy gẫm việc xưa nay, để tìm chơn lý. Ngài nói: "Mặc nhi thức chi, học nhi bất yếm hối nhơn bất quyện". Nghĩa là thầm lặng nghĩ ngợi để biết, học không chán, dạy người không mỏi. Ta chỉ có ba điều ấy thôi. Đời Ngài, duy có sự học hành Đạo lý là trên hết. Ngài nói:
"Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tùy, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã". Nghĩa là đức của mình không sửa cho tốt, học-hành của mình không giảng cho rõ, nghe điều nghĩa mà không theo được, nghe điều dở mà không đổi được. Đó là cái lo của ta vậy.

ĐỨC KHỔNG PHU TỬ MẤT
Một bữa nọ, Ngài dậy sớm, đi đạo trước sân, tay cầm gậy miệng hát rằng:
"Núi Thái Sơn phải đổ chăng?
Cây Lương mộc phải nát chăng?
Người triết nhơn phải nguy chăng?"

Thầy Tử Cống nghe bài hát ấy vào hỏi thăm. Ngài thuật điềm chiêm bao và Ngài cho biết rằng: Ngài sắp lìa trần. Đoạn rồi Ngài thọ bịnh bảy ngày mà mất. Năm ấy Ngài được 72 tuổi. Mộ Ngài ở Khổng Lâm, cách huyện Khúc Phụ hai dặm, thuộc tỉnh Sơn Đông bên Tàu. Ngài mất, học trò thương khóc thảm thiết, ai cũng thọ tâm tang ba năm.

Tóm lại, Đức Khổng Phu Tử là một bậc Chí Thánh, chẳng những các dân tộc Á Đông sùng thượng Ngài là một vị Thánh Sư, mà người phương Tây cũng khâm phục nữa. Chúng tôi thể theo đoạn văn của Bác Sĩ Chavanne phê bình Đức Khổng Phu Tử như sau, để làm bài kết luận:

Nước Tàu, sở dĩ nước Tàu là nhờ có một Cổ Điển rất tinh vi, rất kỹ càng, làm luật pháp cho cả mọi người trong nước phải theo. Phàm chế độ chánh thể, lễ giáo, phong tục, trong nước mỗi mỗi đều do đó mà ra cả. Cổ Điển ấy không phải nhờ Thần Quyền thưởng phạt mà từ Thượng cổ thời đại đến bấy giờ không hề thay đổi gì cả. Hiện nay vẫn còn là nền gốc vững chắc. Đời nọ qua đời kia, cái nghĩa lớn vẫn y nhiên; duy cách giải thích, cách ứng dụng, có khác nhau đôi chút mà thôi. Chính Đức Khổng Phu Tử là người đại biểu rõ rệt cho cái Cổ điển ấy, tự mình cũng không đổi mới gì cả.

Gốc Đạo của Ngài là Tồn Cổ, Ngài tin rằng những lễ phép của Thánh Nhơn đặt ra là rất mực khôn ngoan, rất mực tốt đẹp, người đời sau chỉ nên theo đúng như thế mà ăn ở là hay vậy. Đạo học của Ngài, cả thân thể của Ngài, chẳng qua là một bài chú thích, một bài chứng minh phép tắc, luân lý của người trước đặt ra tự bao giờ.

ĐẠO CỦA ĐỨC KHỔNG PHU TỬ

Đức Khổng Phu Tử tin có Trời, có quỉ thần, nên người ta theo giáo pháp mà học hành đến bậc Chí Thiện thì khi thác sẽ được chầu bên tả, bên hữu Đức Thượng Đế. Ngài quan niệm rằng trong cõi Thái Hư có Thái Cực và Âm Dương vận hành không nghỉ mà định vị Trời Đất và hóa sanh muôn loài, vạn vật, đến lượt chúng nó, khi đã trót sanh trưởng rồi thì giống đực, giống cái giao cấu mà sản xuất thêm ra mãi. Người là một loài trong số vạn vật, thành thử người cũng theo Đạo mà sanh và cũng phải theo Đạo mà sống. Người nào càng gần Đạo thì càng được vui tươi. Ấy vậy nên nhơn sanh phải lấy Đạo (Thiên Lý) làm nền tảng, làm khuôn thước cho sự ở đời của mình, tức là sống theo Đạo tự nhiên và giúp công hóa dục với Trời Đất.

Về sự tổ chức gia đình, xã hội thì căn cứ theo cái Đại hòa điệu của Vũ Trụ mà lập thành, khiến cho đức lớn chở che đức nhỏ, đức nhỏ phục tùng đức lớn. Lớn nhỏ chung sống với nhau dưới bầu trời an tịnh.

Đó là phần uyên nguyên của Khổng Giáo. Còn sự học hành thì Đức Khổng Phu Tử theo phương thức của các vì Thánh Vương đời xưa mà chăm chước cho thích nghi với Nhơn tâm thế sự, cho nên sách Trung Dung nói: Đức Trọng Ni thuật lại Đạo Vua Nghiêu, Vua Thuấn, bắt chước vua Văn, vua Võ, trên theo thời Trời mà quyền biến, dưới theo thủy thổ mà an vui.

Nói tóm lại, Khổng Giáo cho rằng Đạo Trời chỉ có sự sanh hóa. Người muốn theo Đạo Trời thì cũng chỉ làm lợi sanh cho người và vật; mà muốn đạt mục đích ấy, người phải học hành bốn điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.

NHÂN –NGHĨA- LỄ -TRÍ

Tượng trưng Đạo Trời là Càn, mà Đạo Càn có bốn Đức là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Đức Khổng Phu Tử theo đó mà thuyết minh bốn đức lớn của người là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Có chỗ nói Đạo Trời có Âm Dương, Đạo đất có Cương Nhu, Đạo người có Nhân Nghĩa. Thế nên người muốn thuận Đạo Trời thì phải thực hành Đạo Nhân Nghĩa.

NHÂN là gì? Đã biết rằng người ta, ai cũng có bẩm thọ của Trời một điểm Linh quang, để làm tư tánh của mình. Tánh người ra sao. Tánh ấy vốn lành. Khi nó phát động thì sáng suốt và cái biết của nó rất tự nhiên nhi nhiên. Cái phát động của tánh ấy Nho giáo gọi là Nhân. Vậy chúng ta có thể nói Nhân đại diện có tánh Thiên nhiên để thực hành Nhơn Đạo.

Lẽ như vậy nên nói rằng: "Nhơn giả nhơn dã". Nghĩa là Nhân ấy là Đạo người vậy. Nay phân tách chữ Nhân thì chúng ta thấy nó có hai phương diện là:
- Đối nội tức là đối với nội tâm và bổn thân.
- Đối ngoại, tức là đối với người và vật ở chung quanh chúng ta.

Đối nội: Muốn thực hành Đạo Nhân thì kẻ học luôn luôn phải giữ gìn bổn tâm của mình trong sạch, đừng để tư dục xen vào, cầu cho Bổn Tánh được tự do phát triển sở năng thiên nhiên của nó, rồi cứ theo luân lý ấy mà làm cho tận lực, thế là làm Đạo Nhân vậy. Hoặc nói cách khác là áp dụng Thiên lý vào đời sống thực tế của người gọi là làm Nhân.

Đối ngoại: Vả chăng Nhân là cái tác động của Bổn Tánh thiên nhiên cho nên Nhân vốn lành, cái lành ấy đối với người và vật ở chung quanh mình thì biết thương xót, ấy vậy nên chữ Nhân luôn luôn có chữ Ái kèm theo, nên gọi là lòng Nhân Ái. Mạnh Tử nói đại khái như vầy: Thoạt nhiên người ta trông thấy đứa bé rơi xuống giếng thì ai ai cũng động lòng thương xót. Sự thương xót ấy là cái tự nhiên của lòng Nhân Ái vậy. Lý thuyết thì đại khái như thế, nhưng về sự làm Nhân thì rộng lắm, vì Đạo Nhân là Đạo người. Đây chúng tôi nói đại lược thôi.

NGHĨA là gì? Nghĩa là hành động theo lẽ phải, theo Đạo lý. Đối với bổn thân thì Nghĩa là phương pháp bảo vệ lòng nhân, tức là gìn giữ tâm linh được chánh trực và giúp cho lòng nhân được tự do phát triển cái lành tự nhiên của nó. Còn đối ngoại thì Nghĩa là cử chỉ hành vi giúp cho lòng nhân ái phát biểu ra ngoài. Tỉ như người ta trông thấy đứa trẻ rơi xuống giếng thì ai ai cũng thương xót và lo cứu vớt. Sự cứu vớt đứa trẻ nạn kia là do lòng thương xót mà làm, chớ chẳng phải cứu vớt đứa trẻ để cầu thân với cha mẹ nó. Vậy nên nói rằng Nghĩa do lòng Nhân mà dấy và cũng vì thế hai chữ Nhân Nghĩa phải đi đôi với nhau thì mới phát biểu được Đạo Đức từ trong ra ngoài.

LỄ là gì? Chữ Lễ đây đồng với chữ Lý; nếu áp dụng vào sự thực hành đạo Nhân thì Lễ dùng để phân biệt điều thái quá, lẽ bất cập và làm khuôn thước đo lường cử chỉ hành vi. Vả lại, lòng người ta lúc nào cũng muốn sự ăn uống, trai gái và sợ sự tử vong bần khổ, Lễ dùng để hạn chế những tình cảm xấu xa làm cho người ta theo được Thiên lý.

Lễ còn có một tinh thần nữa là kính. Ban đầu Lễ dùng để tế tự, nghĩa là trong khi tế tự người ta phải giữ lòng kính, để cảm thông với Thần Minh. Về sau, Lễ lan rộng ra xã hội thành một khuôn phép trong sự giao thiệp. Sự tới lui qua lại ở giữa người nầy với kẻ nọ cần phải có Lễ, để phân biệt tôn ti, thượng hạ, hầu giữ vững niềm hòa ái trong gia đình và xã hội. Ở đây Lễ phải có Nghi để làm hình thức. Giả tỉ như khi chúng ta gặp người trưởng thượng thì có lòng kính: Ấy là Lễ. Rồi chúng ta nghiêng mũ cúi chào, ấy là Nghi dùng để phát biểu lòng kính ra bên ngoài cho nên nói rằng "Nghi tùy Lễ mà chế".

TRÍ là gì? Trí là tâm lực sáng láng, dùng để biết điều lành dữ, lẽ phải quấy. Đức Khổng Phu Tử cho Trí đứng đầu trong việc làm Nhân, vì có biết điều nào lành, điều nào dữ, nhiên hậu sẽ theo đó mà làm, hay tránh, cho nên có câu nói rằng: Trí Nhân Dũng. Tức là Trí đứng đầu trong hai đức Nhân Dũng. Mà muốn khai Trí phải làm sao?

Về mặt hữu vi thì chúng ta phải học cho rộng, nghĩ cho cùng, biện cho rõ và làm cho đến kết quả. Về mặt vô vi thì phải trầm mặc, tưởng gẫm nhứt là phải hạn chế lòng nhơn dục để cho Thiên lý lưu hành với một cách tự nhiên; trong cảnh lặng lẽ ấy sẽ có lương tri xuất hiện để cảm thông với Trời Đất vạn vật mà biết mọi lẽ. Trí thức và Lương tri hiệp thành một năng lực quán thông tinh thần và vật chất.

Tóm lại, Đức Khổng Phu Tử dạy người ta phải hết sức hàm dưỡng nguồn Thiên lý ở trong người của mình, tức là Bổn Tánh Thiên Nhiên được khương cường, rồi cứ theo đó mà làm cho tận lực mình, đó là làm Nhơn mà cũng gọi là Đạo người nữa.

So sánh Nho Giáo với Lão Giáo thì chúng ta thấy rằng nguyên nhơn và cứu cánh của hai Giáo thuyết nầy giống nhau như một. Duy có phương pháp tu học thì khác mà thôi. Đại loại như Đạo giáo thì lấy thanh tịnh vô vi làm căn bản tu học: Nghĩa là kẻ Đạo sĩ phải phế tất cả sự đời, đặt mình vào cõi thanh tịnh vô vi để rồi hòa mình với Đạo, an vui theo tự nhiên. Còn Nho Giáo thì chăm lo Thế sự; nhưng chẳng phải hành động theo tư dục mà phải lấy Đạo Trời (Thiên lý) làm cốt chỉ cho Đạo người, tức là đem Thiên lý mà áp dụng vào đời sống thực tế, cầu cho Trời Người được thông cảm. Người nào làm đúng Thiên lý gọi là Thiện, kẻ nào làm sai Thiên lý gọi là bất Thiện. Về sau, người ta dung hòa hai Giáo lý nầy để cung cấp cho Học giả trên đường tu tĩnh vậy.

KINH SÁCH ĐẠO NHO

NGŨ KINH - Trước, tuy vân Đạo Nho có Ngũ kinh là: Dịch, Thi, Thơ, Lễ và Nhạc, nhưng học lý không có thống hệ và có nhiều chỗ khó hiểu. Đến khi Đức Khổng Phu Tử ra đời và lúc về già, Ngài chỉnh đốn thành một học thuyết có mạch lạc, Ngài chú thích những đoạn khó hiểu và chính Ngài trước tác thêm một bộ kinh Xuân Thu. Đáng lẽ, kinh Xuân Thu hiệp với năm kinh thời xưa, thành ra sáu kinh; nhưng trái lại, người nhập kinh Nhạc và kinh Lễ làm một, thành ra trong số nầy cũng chỉ có Ngũ Kinh mà thôi.

Ngũ Kinh chi tiết như sau:
Kinh Dịch - Kinh Dịch là sách bói toán, định việc kiết hung, nhưng bên trong lại còn ẩn một học lý rất thâm trầm, giải thích lẽ âm dương biến hóa và tạo dựng Vũ trụ và sanh hóa muôn loài, chủ ý là để cho người ta xem đó mà biết cách lui tới trong phép xử đời. Dịch lý khó nhứt là chỗ tùy thời, cho nên có câu "Tùy thời chi nghĩa đại hỷ tai". Cái ý nghĩa của sự tùy thời lớn vậy thay.

Tại sao?
Bởi vì theo lẽ Âm Dương biến hóa, cuộc Thế tuần huờn dinh hư tiêu trưởng là lý tất nhiên. Tỉ như hết ngày tới đêm hết đêm tới ngày, hết Xuân tới Hạ, hết Hạ tới Thu, hết Thu tới Đông, rồi bắt đầu Xuân lại nữa. Ngày đêm đối đãi nhau; bốn mùa xoay vần không nghỉ. Con người trẻ rồi lớn, rồi già, rồi chết. Người này chết thì kẻ nọ lại sanh, cho đến cây cỏ cũng vậy; cây mọc lên rồi có hoa, có quả. Hoa quả già thì rụng, rồi lại mọc lên cây khác. Thời đã đổi dời không ngừng nghỉ như thế thì người ta cũng không thể chấp nhứt được; cho nên nói rằng kẻ học Dịch phải biết "Thời Trung" vậy.

Kinh Thơ - Kinh Thơ là sách chép những điển mô, huấn cáo của Vua tôi truyền nhau, cha con khuyên dạy, nhứt là trong khoảng đời Vua Nghiêu Thuấn đến Tây Châu. Tóm tắt mà nói bộ Kinh Thơ cốt yếu là bàn về chữ Tâm. Bắt đầu từ Vua Nghiêu truyền cho Vua Thuấn, vua Thuấn truyền cho vua Hạ Võ một câu khẩu quyết này:
“Nhơn Tâm duy nguy, Đạo Tâm duy vi” Lòng nhơn dục rất nguy hại, lòng Đạo đức rất tinh vi

Tại sao người ta có hai cái Tâm?
Đó chẳng qua là người đời hay bị vật chất quyến rủ mà sanh ra lòng ham muốn vật chất, cầu cho vui sướng xác phàm. Lòng nhơn dục ấy càng sôi nổi thì nó che khuất lòng Đạo Đức; bởi vì lòng Đạo Đức tinh vi khó thấy.

Học Kinh Thơ mục đích giữ Tâm chánh, đừng để cho tư dục xen vào Tâm.
Kinh Thi - Kinh Thi chép những bài ca, bài dao, từ đời Thượng Cổ đến nhà châu (Vua Bình Vương). Cái yếu ước của Kinh Thi là: "Tư vô Tà" nghĩa là chẳng suy nghĩ những điều quấy, tức trau giồi tư tưởng.

Vả chăng người ta sanh ra vốn tịnh, là tánh thiên nhiên Trời phú cho, đến khi tánh cảm xúc ngoại vật mà sanh động; đó là lúc lòng nhơn dục đã sanh. Đã có nhơn dục tất có suy nghĩ, có suy nghĩ tất có nói ra; có nói ra mà không hết tất có thở than. Đó là nguyên ủy phát biểu những lời ca, lời dao, mà người ta sưu tập thành bộ Kinh Thi.

Kinh Lễ - Kinh Lễ chép những lễ nghi để làm lề lối cho sự hàm dưỡng tánh tình, ngăn ngừa lòng dục và giữ trật tự phân minh trong gia đình, xã hội. Kinh Lễ có thể ước thúc trong câu "Vô bất kính": Không việc gì mà chẳng kính. Bởi vì Lễ do lòng kính cẩn mà dấy lên.

Trong Thiên Nhạc Ký có câu: "Thiên cao, Địa hạ, vạn vật tán thù, nhi Lễ chế hành hỷ. Lưu nhi bất tức, hợp đồng nhi hòa, nhi nhạc hưng yên": Trời cao, Đất thấp, muôn vật ở giữa có thiên hình vạn trạng khác nhau. Thánh Nhơn theo cái thứ bậc đó mà chế ra Lễ.

Đạo Trời Đất châu lưu không ngừng, mà hễ điều hòa thì sanh hóa, Thánh Nhơn theo cái điều hòa đó mà chế ra Nhạc. Thế nên kẻ học Lễ lúc nào cũng phải kính cẩn, kẻ học Nhạc lúc nào cũng phải điều hòa.

Kinh Xuân Thu - Chính Đức Khổng Phu Tử viết ra Xuân Thu Kinh. Ngài chép chuyện nước Lỗ, từ Vua Lỗ Ân Công đến vua Lỗ Ai Công và cũng có kể việc nhà Châu và các nước chư hầu nữa. Ngài soạn Kinh Xuân Thu không phải vô tình mà cố ý binh vực cang thường luân lý, lại yếu ước trong hai chữ: Khen chê. Chuyện nào phải thì Ngài khen, việc gì quấy thì Ngài chê. Đời sau có câu: "Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn, nhứt tự chi biếm, nghiêm ư phủ việt": Một chữ khen vinh dự như Vua ban áo Cổn, một tiếng chê nghiêm trang như phủ Việt của Vua truyền xử tội.

TỨ THƠ - Bốn bộ sách nầy do người sau soạn. Nhắc lại, khi Đức Khổng Phu Tử mất rồi Thất thập nhị Hiền tứ tán ra mỗi người một nơi dạy học. Mỗi người đều theo Tôn chỉ của Đức Thánh Sư, nhưng cách giảng giải khác nhau đôi chút. Duy có Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử thì có công hơn hết. Chính phái nầy chép ra bộ Luận ngữ, làm sách Đại học và Trung dung hiệp với bộ sách Mạnh Tử gọi là Tứ thơ.

SÁCH ĐẠI HỌC:

Sách Đại học theo danh từ mà cắt nghĩa thì nó là sách để cho người lớn học tập. Trong đó có Tam cang lãnh, và Bát điều mục.

Tam cang lãnh là Minh Minh Đức, Thân Dân và Chỉ ư Chí Thiện.
Minh Minh Đức là sáng cái đức sáng của mình. Vả chăng người ta ai ai cũng có bẩm thọ của Trời một điểm tánh linh. Tánh ấy sáng suốt và chơn thành tức là nguồn Thiên lý ở trong người, nhưng khi nhập thế cuộc rồi, thân phàm cảm xúc vật chất và kích thích tánh Thiên nhiên làm cho tánh nầy phải biến sanh một Tánh khí chất nữa, tức là Nhơn tâm. Nguồn Thiên lý ở trong người vì đó mà phải mờ tối, Minh Minh Đức tức là đả phá cái màn đen tối ấy, để cho tánh Thiên nhiên được tỏ rạng và linh động theo sở năng của nó.

Thân dân là gần gũi với người và yêu đương giúp đỡ người cũng như yêu đương giúp đỡ mình.
Chỉ ư Chí Thiện là việc làm ấy nhắm đến mục đích Chí Thiện. Học tập theo Tam cang lãnh là thực hành phép chánh kỷ hóa nhơn vậy.

Bát điều mục là cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Đời xưa người ta muốn làm sáng cái đức sáng của mình trong thiên hạ, trước phải xử xong việc nước, muốn xử xong việc nước, trước phải sửa được việc nhà, muốn sửa được việc nhà, trước phải tu thân; muốn tu thân trước phải chánh tâm, muốn chánh tâm trước phải thành ý, muốn thành ý trước phải biết cùng lý, muốn biết cùng lý thì phải suốt đến chỗ uyên thâm của sự vật.

Nói tóm lại muốn học Đạo Đại-Học trước phải tu thân mình rồi sau mới biết đường mà tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Phương pháp tu thân là chánh tâm, thành ý, trí tri và cách vật.  Cổ nhơn rất trọng Đạo tu thân, họ thường bảo nhau rằng: Từ vị Thiên Tử đến kẻ thứ dân, ai cũng phải tu thân trước, rồi sau mới làm xong các việc khác. Trái lại, thân chẳng tu mà muốn tề gia, trị quốc và bình thiên hạ thì thất bại. Giả tỉ cây kia, gốc đã thúi mà bảo ngọn đơm bông trổ trái thì không bao giờ được.

SÁCH TRUNG DUNG

Tăng Tử mất, thì cái học của ông truyền lại cho Khổng Cấp tự là Tử Tư. Chính Tử Tư soạn bộ Trung Dung.

Thế nào là Trung Dung?
Trình Tử nói: "Bất thiên chi vị trung; bất dịch chi vị dung. Trung giả dã thiên hạ chi chánh Đạo; Dung giả thiên hạ chỉ định lý". Chẳng nghiêng chích là Trung, chẳng dời đổi là Dung. Trung là chánh Đạo trong Thiên hạ. Dung là phương pháp để cho Thiên hạ định lẽ phải trái.

Sách Trung Dung trước nói Đạo gốc ở nơi Trời, không thể sửa đổi được, mà chính thể nó ở nơi người, không thể lìa xa được. Rồi lại nói đến cái lẽ chấp "Trung" của Thánh Hiền đời xưa là tồn dưỡng, tỉnh sát, để đạt được cái lẽ Chí Thiện.

Sự học hành chia ra hai phần là: Thiên Đạo và Nhơn Đạo. Cả hai phần ấy đều khởi đoan bởi một chữ thành, cho nên nói: "Thành giả Thiên chi Đạo; Thành chi giả Nhơn chi Đạo". Nghĩa là hoàn toàn là Đạo Trời, gắng sức làm ra hoàn toàn là Đạo người.

Vậy chữ Thành ở Thiên Đạo ra sao?
Có hai mặt: Du cửu và Du viễn.

Du cửu là còn mãi mãi. Du viễn là rộng xa vô cùng. Du cửu ở trong thì còn mãi mãi, du viễn ở ngoài thì rộng xa vô cùng. Đạo Trời như thế, cho nên cái phát lực rất cao đại quang minh. Đạo Trời chỉ có Thành mà được như thế.

Đạo người thì gắng sức làm cho mình trở nên Thành như Đạo Trời. Vậy phải làm sao cho mình trở nên Thành.

"Thành giả tự thành dã, nhi đạo tự đạo dã". Thành ấy là mình phải tự làm lấy; nghĩa là tự mình hoán cải tật hư, nết xấu, trở nên tánh tốt, phải tự mình ngăn ngừa lòng dục cho tâm thân thanh khiết yên lặng. Thế nên có câu nói: "Vô dục tức là thành" Mà hễ Thành được rồi thi tự nhiên Minh. Tại sao? Bởi vì người ta vốn có một điểm tánh của Trời phú cho; nó hằng  ở trong tâm nếu người  ta đừng cho tâm bị bế tắc thì tự nhiên tánh ấy xuất hiện cảm thông với

Trời Đất mà quán triệt vạn vật.
Rồi lại phải tiến nữa cho đến chí Thành, tức là cái Thành rất mực. "Duy thiên hạ chí Thành vi năng tận kỳ tánh, năng tận kỳ tánh tắc năng tận nhơn chi tánh; năng tận nhơn chi tánh tắc năng tận vật chi Tánh; năng tận vật chi tánh tắc khả dĩ tán Thiên Địa chi hóa dục; khả dĩ tán Thiên Địa chi hóa dục tắc khả dĩ dữ Thiên Địa đồng tham hỷ" (Chương 22).

Trong thiên hạ, duy có bậc Chí thành mới biết được Tánh Thiên nhiên của mình. Đã biết được tánh mình thì có thể biết đưọc tánh người. Đã biết được tánh người thì biết được tánh vật, đã biết được tánh vật thì có thể giúp Trời Đất trong sự hóa dục, đã giúp được Trời đất trong sự hóa dục thì có thể liệt vào hàng Tam Tài Thiên Địa Nhơn.

Lại nói rằng: "Chí thành chi Đạo khả dĩ tiền tri, quốc gia tương hưng tất hữu trinh tường; quốc gia tương vong tất hữu yêu nghiệt. Hiện hồ thi qui, động hồ tứ thể, họa phước tương chí, thiện tất tri chi, bất thiện tất tri chi. Cố chí thành như Thần": Đạo chí thành có thể biết trước những việc chưa xảy đến. Nước nhà sắp hưng thạnh ắt có điềm lành; nước nhà sắp mất ắt có điềm quái gở. Người ta dùng phép bói với cỏ Thi, mu Rùa, hoặc là xem qua cái động của tay chơn mà có thể đoán biết những điều họa phước sắp đến: Lành cũng biết trước; chẳng lành cũng biết trước; cho nên nói bậc Chí thành như Thần (chương 24).

SÁCH LUẬN NGỮ
Luận Ngữ là bộ sách do học trò Tăng Tử ghi chép những lời của Đức KHỔNG PHU TỬ. Xem sách Luận Ngữ có thể hiểu được tánh tình, dáng điệu của Đức KHỔNG PHU TỬ. Đại để như ôn cung, hòa nhã; ưu thế mẫn thời. Trong thiên Hương đảng có chép dáng điệu của Ngài lúc bình thường, khi tế tự, khi giao thiệp với Hương đảng, khi hầu Vua, cùng những cử chỉ tấn thối ăn mặc đều ra một vị Thánh sư.

SÁCH MẠNH TỬ
Mạnh Tử là người đắc Đạo. Ngài viết ra một bộ sách tựa là Mạnh Tử. Sách nầy gồm có bảy thiên nói về Chánh trị học.

Tâm Học - Mạnh Tử cũng theo sách Trung Dung, quan niệm rằng: “Thiên mạng chi vị Tán”. Chữ Tánh đây tức là phần Thiên lý ở trong người, nó gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tức là cái Minh Đức đã nói trong sách Đại Học ứng hóa để làm hạnh kiểm của người.

Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, tu ố, cung kính, thị phi. Lòng trắc ẩn tức là Nhân, tu ố tức là Nghĩa, cung kính tức là Lễ, thị phi tức là Trí. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là bốn cái Đức ở trong Bổn tánh, cho nên người ta muốn làm lành thì dễ như nước ở trên cao chảy xuống thấp, nhưng cũng có người không làm lành được là tại vật dục sở tế, khí bẩm sở cầu, làm cho Bổn tánh Thiên nhiên biến ra Tánh khí chất, hằng khuynh hướng về phàm trần, cầu vui vật chất cho mình mà thôi.

Mạnh Tử khuyên người ta nên giữ cái Thiên căn ấy, để làm chủ động cho đời sống, giữ Bổn tánh tức là đừng cho nó mờ tối và gắng sức trau giồi cho nó phát triển rất mực, rồi người ta theo đó mà hành động thì mình sẽ trở nên người lành, người tốt.

Tánh là Bổn thể của Tâm, cho nên Tâm Tánh tuy hai danh từ, song sự thiệt thì có một, cho nên Mạnh Tử nói: "Tận kỳ Tâm giả, tri kỳ Tánh giả, Tri kỳ Tánh giả tắc tri Thiên lý, tồn kỳ Tâm, dưỡng kỳ Tánh, sở dĩ sự Thiên dã". Biết hết Tâm là biết được Tánh, biết được Tánh là biết Đạo Trời giữ còn cái Tâm, hàm dưỡng cái Tánh, ấy là thờ Trời vậy.

Tồn Tâm - Nghĩa là giữ Tâm cho còn. Vả chăng, người ta sở dĩ đứng đầu trong vạn vật là nhờ có Tâm, và trong thiên hạ sở dĩ có người hiền kẻ ngu, cũng chỉ vì Tâm mà thôi. Thế đủ hiểu Tâm quý báu đến ngần nào. Mạnh Tử nói: "Quân tử sở dĩ dị ư nhơn giả dĩ kỳ tồn tâm dã". Người quân tử sở dĩ khác với người thường là nhờ giữ còn cái Tâm của họ.

Giữ Tâm cho còn rồi lại nuôi nó cho mỗi ngày càng thanh khiết thêm hơn. Về phương pháp nuôi Tâm không chi hay bằng ít ham muốn vật chất như sự giàu sang, danh lợi, sắc đẹp hay vui sướng nhĩ mục.

Tồn Tánh Dưỡng Khí - Tánh là lý toàn nhiên ở trong Tâm tức là phần tinh anh của Trời phú cho người. Mạnh Tử nói: "Nhơn chi sở dĩ dị ư cầm thú giả cơ hy. Thứ dân khử chi, Quân tử tồn chi". Người ta sở dĩ khác cầm thú chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Kẻ thứ dân thì bỏ mất, người quân tử thì giữ còn; nhưng Tánh phải có Khí thì mới đứng vững và sanh-trưởng thêm lên; cho nên kẻ học Tồn Tánh phải dưỡng Khí nữa.

Dưỡng Khí thì phải: "Trì kỳ chí nhi vô bạo kỳ khí". Giữ bền cái Chí mà không làm hại Khí. Giữ Chí nói đây, tức là giữ Tánh về mặt tích cực; chớ chẳng phải Tánh với Chí là hai vật. Nên hiểu rằng: Lúc tồn Tánh thì Tánh yên lặng tức là Tánh đứng về mặt Tiêu cực; nay dưỡng khí thì phải dùng Tánh về mặt tích cực để vận khí, tức là chí. Bởi vì Tánh là tướng soái của Khí; cho nên dưỡng Khí phải dùng Tánh (Chí) mà cầm giữ và vận hành. Mạnh Tử nói: "Kỳ vi khí giả chí đại, chí cường dĩ trực dưỡng, dưỡng nhi vô hại tắc, tắc hồ Thiên Địa chi gian" Khí ấy rất lớn, rất mạnh, nếu khéo nuôi nó thì nó có thể đầy khoảng Trời Đất. Phàm người nào tồn Tánh dưỡng Khí đến công viên quả mãn thì người ấy có thể cảm thông với Trời Đất mà cùng vạn vật đồng nhứt thể. Thật là Mạnh Tử làm sáng Nho giáo đến chỗ Vũ Trụ hóa Tâm linh để cùng Trời Đất vạn vật đồng thể vậy.

SỰ BIẾN THIÊN CỦA NHO GIÁO

Đến đời Tống, trào Vua Nhân Tông trở xuống Nho giáo cực kỳ thạnh hành, trong đó có những danh Nho như Chu Đông Di, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Hy, Lục Cửu Uyên ... mở mang Nho giáo rất rộng rất sâu. Lúc đầu Nho giáo chỉ chuyên về Nhơn Đạo mà không hay bàn đến lý cao siêu, nhưng đến đời Tống các danh Nho xuất hiện rất nhiều; mỗi người đều có tham khảo Lão học và Phật học, rồi lấy cái lý Vô Cực, Chơn Như để phụ vào cái thuyết Âm Dương, Thái Cực, thành ra từ đó Nho giáo không những là dạy luân lý mà còn phổ hóa cái thuyết xuất thế nữa. Thật học-lý không kém Lão và Phật-học.

Tóm lại, Nho giáo là một học thuyết gầy dựng phong tục, luân lý cho người Trung Hoa. Mặc dầu Nho giáo cũng có lúc thạnh, lúc suy; nhưng dầu sao Nho giáo cũng đem lại cho dân tộc Trung Hoa một nền văn hóa đạo đức thanh cao. Có người nói: Nước Tàu sở dĩ được cường thạnh lâu dài là nhờ Nho học vậy.

IV - TRIẾT LÝ GIA TÔ GIÁO

CHÚA JÉSUS-CHRIST
trong sứ-mạng
CAO-ĐÀI-GIÁO
ĐỨC HỘ-PHÁP NÓI VỀ CHÚA.
“Đức Jésus de Nazareth (gọi Christ) bởi lòng Nhơn Cứu thế lập nên Thánh Giáo Gia-Tô; Ngài mượn bác ái nhân sanh đặng thế mặt Chí-Tôn khai hóa, xem phổ tế chúng sanh rằng trọng, nên chuyên lo giúp khó trợ nghèo: dỗ kẻ dữ, dạy người ngu, ngó chơn thật mạng sanh hành thiện đạo, diệt dị đoan, trừ mê tín, dụng Chơn lý để răn đời, nhìn lương tâm là hình ảnh của Trời, lấy trí tuệ vẽ tươi Thiên cảnh.

Ngài hằng dạy rằng: “Cái khổ của thế gian là sự nghiệp của con người, phải Thọ khổ mới rõ cơ thoát tục”. Ấy đời đương giả dối mà Ngài đem chân thật đặng khử trừ, chẳng khác nào vào chốn náo nhiệt dữ dằn mà Ngài đờn tiếng đờn thanh tao hòa nhã.

Ngài nhờ:
1 - Đạo Luật của Môi-sen (Moise) thế kỷ ấy quyền hành biến đổi nên sanh nhiều chi Tả đạo bàn môn, lại thế lực của Cai-phe (Caiphe) về bên mặt phần hồn rất nên mạnh-mẽ buộc dân Do-Thái (Juifs) nhiều lẽ nên tà. Cả mê tín dị đoan của dân Giu-Dêu buổi ấy đã không cùng luận.
2 - Quyền luật đời nước La-mã (Roma) của Chúa César nghiêm khắc hại sanh linh đồ thán. Những nguyên ủy ấy khai minh “bổn thiện” của Ngài làm cho Ngài phải cam tâm gánh vác cả sự đau đớn của loài người cũng bởi lẫn tuất thương sanh, chịu tử tội đặng truyền phương thọ khổ” (ĐHP: Trích Khuê bài Thiêng-liêng-vị)

1 - NGUYÊN CĂN CHÚA JÉSUS

Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh đêm 14 tháng 11 năm Ðinh Hợi (1947) nói rằng:
“Bần Ðạo xin thuyết cái nguyên căn của Ðức Chúa Jésus Christ là gì?
Ðức Chúa Jésus Christ là ai ?

 - Nếu  chúng ta thấy chơn  truyền  của  dân  tộc Hébreux tức dân Do Thái bây giờ để lại, theo luật pháp của Thánh Moise đã tiên tri nói về Ðấng Cứu Thế giáng sanh, nếu chúng ta tìm tòi, lật từ tờ trong Kinh Thánh Gia Tô chẳng hề thấy tên Christ và chẳng có tên Christ, mà nơi cõi thiêng liêng Bần Ðạo dám chắc Ðức Chúa Jésus Christ là Chơn linh Christna là Tam Thế Tôn đó vậy. Ðức Phật Christna không phải xa lạ với chúng ta, bởi vậy cho nên Ngài đã đến mà lại đến với chức trách nhỏ nhen hèn hạ, bởi loài người quá tự kiêu, tự đắc, dùng phương pháp nhỏ nhen, hạ mình hèn hạ ấy hầu đem tâm hồn chí Thánh của Ngài thức tỉnh các sắc dân Âu Châu. Ngài đến nơi một nhà bần hèn. Bần Ðạo xin nói rằng: Ngài đến nhà của Bà Maria cốt yếu là một bà tu trong Ðền Thánh Jérusalem, ông Joseph cũng người tu trong Ðền Thánh. Luật của Ðền Thánh buộc hễ con gái đến tuổi cập kê cho ra xuất giá. Năm ấy cô Maria tức là một cô Ðạo nữ, chúng ta nói là một Ni Cô ở Ðền Jérusalem, đến tuổi lấy chồng. Phép Ðền Thánh buộc mấy Thầy tu trong Ðền Thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì chiếu theo lời Chí Tôn căn dặn nhủ lời Ngài nói với Adam và Eve buổi nọ: "Unissez vous et multipliez" (Bây phải chung sống cùng nhau đặng biến sanh ra nhiều nữa). Lễ tuyển chọn chồng cho bà Maria, theo luật Ðền Thánh buộc mỗi vị nam lựa bông để trong Ðền Thánh ba ngày, nếu bông ấy còn tươi tắn thì được cưới. Hại thay! Có nhiều kẻ trẻ trung, còn ông Joseph buổi nọ đã quá 50 tuổi cũng phải chịu theo luật cưới ấy. Nếu chúng ta nói đến hoa khôi lịch sắc thì bà Maria cũng có thể kể vào hạng đó. Mới tới tuổi cập kê mà sắc đẹp ấy làm biết bao nhiêu kẻ nam nhi ước vọng. Ông Joseph cũng như mọi người đem bông đến Ðền Thờ chịu trách nhiệm tuyển chọn ấy. Người tìm bông nầy, bông kia. Còn ông, ông tính mình đã già rồi, vợ con mà làm chi, nhưng luật Hội Thánh buộc không làm ắt có hình phạt hoặc quì hương chẳng hạn (Cười...). Bước ra khỏi Ðền Thánh, ông thấy bông huệ khô héo của ai bỏ, ông lượm lấy đem cậm vào bình, không ngờ thứ huệ rất nên kỳ lạ, những bông nụ nở rồi nó rụng đi, còn bông búp bắt hơi nước sống lại, nở tươi đẹp, còn các thứ hoa khác tàn rụi hết ông phải chịu phép cưới cô Maria. Hại thay! Nhà tu nếu làm lễ cưới rồi phải ra khỏi Ðền Thánh, mà đôi vợ chồng ông đều tu, không gia đình, không nhà cửa, không phương sanh sống, thật rất nên thê thảm.

May thay! Lúc còn ở Ðền Thánh, ông Joseph làm thợ mộc. Ông giỏi nghề mộc lắm. Ông mới bàn tính, bây giờ vợ chồng nghèo dắt nhau ra ngoài làm ăn, chồng làm thợ mộc, vợ may vá mà bà Maria về nữ công rất hay, khéo nghề đan (tricoter) nhờ vậy tìm sự sanh sống cũng tạm được đầy đủ. Thảng mãn ngày qua tháng lại, hạ sanh con đầu lòng là Jésus. Hai vợ chồng nuôi con với phương tiện nghèo khổ, nhứt là ngày hôm nay là ngày sanh của Ðức Jésus Christ còn để lại dấu tích cho chúng ta thật đáng để ý hơn hết. Ðêm lễ Noel trong Ðền Thánh làm lễ long trọng như chúng ta làm lễ hôm nay vậy, hai vợ chồng đi lại từ làng Nazareth vô Ðền Thánh làm lễ. Khi đó bà đã có thai gần ngày sanh, nghĩ mình đã có căn tu, đến ngày Ðại Lễ không thể ở nhà được, bụng mang dạ chửa, cũng rán đi đến chầu lễ thường lệ. Ở Châu Thành nhà cửa bị thiên hạ mướn chật hết, kiếm không ra chỗ ngụ, không lẽ ở ngoài trời, mới vô năn nỉ chúng cho ở trong chuồng chiên tạm trú. Trời đang tiết Ðông thiên, như ngày nay chúng ta nghe cũng hơi lạnh; lạnh lẽo lạ lùng nhứt là đối với hai người tâm Ðạo nầy vô ngủ trong chuồng chiên rất khổ sở. Ðúng 12 giờ khuya đêm ấy bà chuyển bụng sanh ra Ðức Chúa Jésus Christ.

Trong sách nói, ngày Chúa Giáng Sanh, có vì sao gọi là sao chổi mọc không gì khác lạ, đó là Comete de Halley, mỗi 75 năm mọc trở lại một lần. Các vị Vương tiên tri rằng: "Ngày nào sao chổi ấy mọc là ngày Chúa giáng sanh nên nhớ để dạ tìm người". Có nhiều huyền diệu ta không thể tưởng tượng được như đám chăn chiên đóng trại ngoài trời, bỗng nghe giữa thinh không có nhiều Thiên Thần kêu nói có Chúa Cứu Thế giáng sanh, nên Vua của dân Maures và các người chăn chiên ấy vô đảnh lễ Chúa đầu tiên hơn hết. Tai hại thay! Thời buổi đó nước của dân Juifs bị Ðế quốc Romains chiếm làm thuộc địa, ở Palestine thì để một vị Chánh Soái là Hérode Antivas hằng để tâm mưu sát Ðấng Chúa Cứu Thế, vì có tiên tri nói đến làm Vua nước Do Thái, nên ngay từ buổi đến trấn nhậm Palestine chính Hérode đã giết ông Thánh Saint Jean Baptiste. Buổi ấy các nhà tiên tri cho biết Ðức Chúa Cứu Thế sanh ngày đó mà không biết Ðấng Chúa Cứu Thế là ai ? Muốn giết, mà không biết ở đâu ? Nên bắt tất cả con nít sanh trong đêm ấy ra giết hết, đinh ninh rằng: Trong đám đó có lẽ có Ðấng Chúa Cứu Thế. Ai dè may thay! Ông Joseph đêm mệt mỏi nằm mộng thấy Thiên Thần mách bảo, liền bồng đứa trẻ trốn qua Egypte. Hai vợ chồng đào tẩu kịp chớ không thì Chúa cũng đã bị giết rồi. Qua Egypte một thời gian, đứa con lên được lên 5, 6 tuổi, nghe tin bên nước mình đặng yên và có lịnh thiêng liêng truyền dạy hai vợ chồng trở lại Palestine, chồng làm thợ mộc theo nghề cũ, vợ may vá nuôi con, lại sanh thêm ba bốn người con trai, gái nữa, thành thử cách sống rất nghèo hèn khổ não, từ cái đường sông Jourdain Ðức Chúa để bước đội nước mỗi ngày giúp Mẹ cùng kiếm công một hai cắc. Buổi nọ là lúc đã trộng rồi, được 12, 13 tuổi, theo cha học làm thợ mộc, ông chỉ đâu làm đó. Khi đó ông Joseph lãnh làm nhà của người ta, rủi cắt làm sao mấy cây cột lỡ cụt hết người chủ bắt đền không biết liệu làm sao? Nhà nghèo tiền đâu mua cột khác đặng bồi thường. Ông ngồi khóc ròng, đoạn Chúa mới cầu nguyện rồi cha một đầu con một đầu nắm kéo nhẵng ra cho đủ thước đặng bồi thường cho đủ, bằng không thì chỉ có ở đợ mà trừ. Thiệt lạ lùng thay và huyền diệu thay ! Đó là Ðấng Christ hành pháp lạ lần thứ nhứt trong năm 12 tuổi là năm kéo cột đó. Đức Jésus vô Ðền Thờ, buổi nọ chơn linh Ðấng Christna giáng hạ, các vị Giáo Chủ trong Ðạo toàn là những bác sĩ nghe tiếng đồn danh thần đồng của Chúa Jésus nên khi vô Ðền Thờ, họ xúm nhau lại vấn Ðạo, Ðức Christna giáng linh, ngồi giữa các vị Giáo Chủ ấy, thuyết đạo làm cho thiên hạ ngạc nhiên sự lạ.

Hai vợ chồng buổi nọ đi chầu lễ Sablat vô Ðền Thánh cúng rồi về, dòm lại Ðức Chúa đâu mất, hỏi ai nấy có thấy Jésus không? Hai ông bà tìm kiếm mãi cũng không thấy con, sợ sệt, hơ hãi chạy trở lại Ðền Thờ, thấy Jésus ngồi giữa, các bác sĩ, Giáo Chủ đó ngồi chung quanh đương vấn Ðạo.

Bữa nọ vì tình cờ, tuy vân lúc còn ở trong Ðền Thánh Bà có được truyền tin rằng: Bà sẽ cho loài người nơi mặt thế nầy, bởi nơi lòng Bà xuất hiện ra Ðấng Chúa Cứu Thế, tuy đã biết trước như vậy, nhưng vì chạy kiếm con không thấy, vừa mệt, vừa sợ sệt đến khi tìm gặp, thấy con ngồi thuyết Ðạo, đã có lòng phiền, bèn kêu Chúa nói: "Sao con làm cho Mẹ khổ não kiếm con lắm vậy". Ðức Chúa liền nói: "Bà kia, bà không biết tôi đang làm phận sự của Cha tôi biểu phải làm hay sao?". Bà mới tỉnh, tự hiểu biết, nên phiền Ðức Chúa vì lời nói đó. Từ đó khi Chúa về nhà thì cũng như mọi đứa trẻ khác, cũng đi đội nước, cũng đục đẽo làm thợ mộc phục tùng cha mẹ hiếu hạnh đủ điều. Trong nhà em út bất hòa, còn ông Jésus hiền lắm, tánh hay nhịn nhục nên mấy người em thường hay ăn hiếp. Ở nhà không yên, ông đi làm thợ lấy tiền về nuôi cha mẹ lây lất qua ngày.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét