Khảo Cứu Vụ III - Chương Trình Học Đạo Cấp Cao Đẳng - 3 / 4 (Nữ Soạn giả Nguyên Thủy)

Ðến năm 30 tuổi nghe Saint Jean Baptiste truyền giáo tại bờ sông Jourdain, cũng trong lúc đó, Ðức Chúa đến gặp ông đang giải oan cho thiên hạ. Khi vừa thấy Ðức Chúa ở xa xa đi đến thì ông đã biết là Ðấng Chúa Cứu Thế, mới nói: "Từ sáng đến giờ tôi chỉ chờ có một người nầy thôi”. Ðức Chúa đến thọ giáo nơi ông Thánh Saint Jean Baptiste và thọ phép
Giải Oan của Ngài. Trong buổi vừa hành pháp xong, Ðức Chúa ở bờ sông Jourdain vừa bước lên thì trên không trung hiện ra hào quang sáng suốt, hiện ra giống như chim bồ câu trắng (colombe) sa giữa đầu Chúa, ngay giữa thinh không có tiếng nói: "Nầy con yêu dấu của TA, cả ân đức của Ta để cho Ngươi đó". Từ ngày đó Ðức Chúa Jésus là chơn linh Ðấng Christna giáng hạ cho nên đi truyền giáo nơi nào, chơn linh Ngài không phải như ngày sanh nhựt nữa, mà đã biến thành Chí Thánh vậy. Ngài là chơn linh Thánh sống trước mắt cả thiên hạ đạt cả Ðạo Giáo, Ngài quan sát nơi mặt thế nầy, Ðức Jésus Christ không kém hơn ai trong hàng Giáo Chủ. Ngài để nhứt tâm lẫn tuất thương sanh, yêu ái người thật nồng nàn chơn chất. Ðức Thích Ca thế nào thì Chúa thế ấy. Bởi cớ thiên hạ thương mến nghe theo Ðạo Giáo của Ngài. Dân Juif các vì Giáo Chủ buổi nọ, luôn các vua chúa Palestine, thấy Ðức Chúa Jésus Christ thuyết Ðạo Giáo có một chí hướng chơn truyền phản khắc với tôn chỉ của họ, họ oán ghét, tìm phương giết Chúa, đến đầu cáo với César rằng: "Người ấy mưu cuộc phản loạn đem bọn Juif ra khỏi sự thống trị của chế độ Romain", nhưng họ cáo đủ thứ cũng không được, vì Thánh đức của Chúa không thể phạm vào được. Họ lại tìm cách bài bác Luật Ðạo, tạo một ban tuyên truyền làm cho nhơn gian sợ di hại liên lụy không dám gần Chúa. Mấy Giáo Chủ (Caiphe) ấy bắt Jésus giao cho Nguyên Soái Pilate lên án tử hình. Tuyên truyền thế nào không biết cho đến ngày Lễ Pâques là ngày thả tù nhơn, có tên Barabbas là Tướng hung dữ, sát nhơn đủ tội lỗi mà toàn dân Juif đồng tha bổng, còn Ðức Chúa Jésus chúng không tha, lên án tử hình và đem ra giết, đóng đinh trên cây Thập Tự.

Cái chết của Jésus Christ là gì? Là Ngài đem xác Thánh trọng quí dâng cho Chí Tôn làm tế vật, xác Thánh chết trên Thánh Giá là Lễ Tế đồng thể với Tam Bửu của chúng ta dâng cùng Ðức Chí Tôn ngày nay đó. Vậy, Ðức Chúa Jésus Christ đã làm con tế vật cho Ðức Chí Tôn đặng cứu chuộc tội lỗi của loài người, nhứt là các sắc dân Âu Châu, nên danh thể Ngài để hai chữ Cứu Thế chẳng có chi là quá đáng. Thật ra Ðấng Cứu Thế ấy là Tam Thế Chí Tôn giáng linh tức Christna tái thế.”

2 - LỄ CẦU SIÊU CHIẾN SĨ TRẬN VONG.

Đối với đạo Chúa gọi Thánh Tử Đạo tức là người vì Chúa mà chết oan, chết thay cho Chúa. Nay Đạo Cao Đài những người vì đại nghiệp mà hy sinh cho Tổ quốc cũng được gọi là Thánh tử đạo vậy. Thế nên toàn Đạo nhớ ơn nên có ngày cầu nguyện này

Đức Hộ-Pháp thuyết lúc 8 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 10 năm Mậu Tý (1948) rằng:
 “Ngày nay là ngày cầu-nguyện cho các Thánh-Tử Ðạo tức nhiên là ngày lễ các Thánh. Nguyên căn ngày nay là khi Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh có tiên-tri rằng Chúa Cứu Thế sẽ ra đời làm chủ tinh-thần thiên hạ. Các vị Vua Chúa ác sợ mất quyền tìm cách giết Chúa. Nhưng vì đã lánh khỏi, chúng biết ngày sanh, vì oán hờn mà đeo đuổi bắt con nít đẻ trùng ngày với Ðức Chúa mà giết. Kẻ bị giết ngày ấy đều đặng hiển Thánh, vì Chúa mà chết thay thế cho Chúa, nên Thiên-Chúa-Giáo lấy ngày ấy làm ngày kỹ-niệm các Thánh bỏ mình vì Chúa. Ngày nay là ngày kỹ-niệm các chiến-sĩ trận vong, các chiến-sĩ ấy hy-sinh cho quốc gia, vì nước nhà, vì nòi giống, vì nhơn loại họ không tiếc mạng sống, đứng lên để mưu hạnh phúc cho toàn cầu gầy dựng lại Quốc-gia.

Ấy là các Thánh vô tội đã hy-sinh tạo hạnh-phúc cho toàn thiên hạ, cho kẻ khác hưởng, bởi thế ngày nay chúng ta nên hội hiệp nhau lại làm lễ cho long-trọng mà cầu siêu cho các chiến-sĩ đã hy-sinh bảo vệ sanh mạng tồn tại của thiên-hạ. Ngày nay là ngày trọng yếu, mà lại là ngày lễ của Chính-phủ chọn lựa. Chúng ta nên để tâm cầu nguyện đặng tỏ rằng người sống không bao giờ quên kẻ chết và kẻ chết cùng người sống vẫn có một quan niệm chung thờ một chủ-nghĩa; duy có khác là cái chết và cái sống. Ngoài ra không ai phân biệt được, mà nếu không phân biệt được thì nhơn loại có một mà thôi. Tinh thần vẫn một, sự phân biệt đó là tại tâm lý phàm phân chia, chớ tinh thần không phân màu sắc dân tộc nào hết, chỉ có một quê hương chung là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, có một Ðấng Chúa Tể là Trời.

Cả thảy chúng ta ngày nay chung hiệp lại để cầu nguyện cho các bạn ta hay người ân của ta để cho các Ðấng linh hồn đặng siêu thăng. Và chúng ta cũng hiến trọn cả thi hài nầy cho Chí-Tôn, thì bất kỳ cầu-chuyện chi, ta làm sự gì tức là dâng cho Ngài cả.

Xin Chư Chức-Sắc Thiên-Phong và Chư Chức-việc Ðạo-hữu phải thành tâm hiến lễ cho Chí-Tôn như chúng ta dâng mảnh thân mình cho Ngài vậy.

Lập một ông Trời kế vị
Ðền Thánh, ngày 29 tháng 4 năm Ðinh Hợi (1947)
“Tuy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở

Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong hàng Phật đạt kiếp từ tạo Càn Khôn Thế Giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người:
      1 - Phật Thích Ca .
      2 - Phật Di Lặc .
      3 - Ðức Chúa Christ.

Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói.

Hễ Ðấng nào đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Ðại Ðạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được, thì Ðấng ấy sẽ kế nghiệp Ðức Chí Tôn.”
3 - LỄ HẠ NGUƠN NĂM MẬU TÝ

Ðền Thánh, đêm rằm tháng 10 năm Mậu Tý (1948)
Kỳ lễ Hạ Nguơn nầy nền Chánh Giáo của Ðức Chí Tôn đã đặng 24 tuổi. Trong thời gian 24 năm, nền Chánh Giáo của Ðức Chí Tôn đã trải qua biết bao nhiêu nỗi khó khăn thiên chuyển: buồn có, khóc có, vui có, nhục có, vinh có, hận có. Trong 24 năm cả thảy Thánh Thể của Ngài và toàn con cái của Ngài nam, nữ đã chịu biết bao nhiêu khổ hạnh, đã chịu biết bao nhiêu nỗi thê lương, buồn thảm; chúng ta dòm lại ngày nay, cái nền Chánh Giáo Ðức Chí Tôn cho nòi giống chúng ta, đã thành tựu rồi đó. Chúng ta suy đoán coi nó có đặng giá trị mà chúng ta đã mua chuộc trong 24 năm trường chăng? Hồi tưởng, nếu chúng ta công tâm, nhất là cho cái lương tri, nghĩa là lấy trí não xét đoán, thì chúng ta biết nhìn nhận rằng:Với cái đại nghiệp Thiêng Liêng dường ấy, một cái cơ-quan trọng-yếu đã độ được toàn thể quốc dân, về phần xác và phần hồn, mà đổi chuộc cái khổ hạnh của chúng ta thì không có nghĩa lý gì hết. Chúng ta xem lại, lấy công tâm suy đoán, những khổ hạnh của các vị Giáo Chủ từ trước, vâng mạng lịnh của Ðức Chí Tôn, đến tạo Ðạo cứu Ðời chẳng phải chịu khổ não về phần hồn mà thôi, về phần xác của họ cũng bị đọa đày thảm thiết. Còn nói về nhục thì thôi: Không vị nào không khổ nhục Chơn linh.
Đó ! Chúng ta nhìn thấy Chí-Tôn không có thiếu nợ chúng ta bao giờ. Bởi vì Ngài không khi nào thiếu nợ con cái của Ngài, dầu tình cũng vậy. Ngài chỉ biết cho mà không biết hưởng. Từ thử đến giờ chưa có kẻ phàm nào đã đem tinh thần, trí não, tâm hồn dùng làm tôi tớ cho Ngài mà bị lỗ lã bao giờ, chỉ đặng lời mà thôi. Thế gian người ta thường nói chúng ta chết là hết, chúng ta thử suy đoán: với một kẻ mà đã đem trọn kiếp sanh mình làm con tế vật cứu thế như Ðức Chúa Jésus Christ đem thân ra chịu khổ hạnh truyền giáo thật ra chỉ vỏn vẹn có hai năm thôi, kế bị dân Do-Thái đóng đinh trên cây Thánh-Giá như kẻ thường tình kia.

Một Ðấng Quân-Vương, một Ðấng chủ trương, bất kỳ là xã hội nào hay là một cơ đồ nào, đối với một tội dường ấy có thể nói đến Ðấng Jésus-Christ. Hồi còn sanh tiền đi truyền giáo cho dân lại bị khổ nhục, nhứt là bị bắt buộc mãi trong vòng tù tội, nỗi khổ hạnh cái nào mà Ngài không có; cho đến Ngài chịu chết trên cây Thánh Giá. Ngài chưa biết buổi nào là hạnh phúc trong kiếp sanh của Ngài hết. Ngài chết trên cây Thánh-Giá với mảnh thân tù và tội tử hình. Chỉ có Ðức Jésus Christ cho một Ðấng thiếu nợ mà thôi, mà Ðấng ấy là Ðức Chí-Tôn là Ðại-Từ Phụ là Thầy của chúng ta ngày nay đó vậy. Có một Ðấng đó thiếu nợ tiền-khiên, mà đã hai ngàn năm Ðạo Thánh Gia-Tô làm chủ tâm lý cả toàn thiên hạ trên khắp mặt địa cầu nầy. Còn cái vinh diệu của Ngài, ôi vô đối !

Buổi nọ Ngài nói “Con chim có tổ, con chồn có hang mà con người nầy chỉ bởi theo nghiệp đời mà Ngài không kiếm được chỗ để gối đầu”. Chúng ta thấy lời than của Ngài thì biết: đời chẳng ai nghèo nàn hơn Ðức Chúa Jésus-Christ. Ngày nay hiển nhiên trước mắt chúng ta thấy vinh quang vô đối của Ngài, về mặt xác thịt và linh hồn làm Chúa cả gần toàn mặt địa cầu nầy. Hỏi nợ ấy ai trả đặng, chỉ có Người đó cho, là Người đó trả, với một kiếp sanh vinh diệu, sang trọng oai quyền.

Từ thử đến giờ dưới thế gian Ðức Chí-Tôn chưa cho người nào khác nữa. Ấy vậy một Ðấng không từ chối cái nợ của mình, với kẻ chết mà đã 2.000 năm vẫn tiếp tục đền bồi cái nợ ấy. Ðấng ấy chẳng khi nào phụ rãy cái Thánh-Thể của Ngài và con cái của Ngài. Bần-Ðạo biết hẳn vậy, hằng khuyên chúng ta giữ đạo đức tinh thần đặng làm tôi tớ của Ngài, làm Môn-đệ của Ngài, hay là đặng làm con của Ngài, vì có bao nhiêu đó mà thôi.

Ðấng ấy không hề chịu nợ tình với chúng ta. Trong 24 năm tạo nên hình tướng nền Ðạo, tạo dựng Ðền Thờ tối cao tối trọng nơi thế gian nầy, thì Ngài không hề phụ rãy bao giờ.”

4 - SỰ HIỂN THÁNH CỦA CHÚA CỨU THẾ

Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh  đêm 24 tháng 11 năm Mậu Tý (dl: 24-12-1948) nhân ngày Vía Đức Chúa Jésus Christ.
 “1948 năm trước, lúc nầy có một vị Chí Tôn giáng trần giáo Ðạo tại Tây Phương, vị Chí Tôn an bang tế thế mang xác phàm lập giáo để lại một nền văn minh vĩ đại cho nhơn loại, tính ra được 1948 năm.

Trước buổi Ðức Thích Ca gần qui liễu, ANANDA và A-Nan-Ca-Diếp đến bên Ngài khóc lóc hỏi Ngài rằng: Thầy qui rồi ai dạy chúng con?

 Ðức Thích Ca nói: Có một Ðấng đến sau ta, oai quyền hơn ta nữa. Ðức Phật Thích Ca đã nói một vị Tây Phương Giáo Chủ Jésus Christ đó vậy. Ấy là một đàn anh đã thông tri cho nhơn loại biết người em kế vị của mình sắp đến, Ngài có nói trước còn oai quyền hơn ta nữa, thì thật quả vậy.

Khi Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh ở Tây Phương gần thọ hình, các vị Thánh Tông Ðồ tức nhiên là Môn đệ của Ngài than rằng: Nếu Thầy thọ hình ai dạy chúng con? Ngài nói: Cần yếu ta phải đi, cần yếu ta phải về với Cha ta, ta phải về đặng an vui, rồi sau nầy sẽ có một người đến cùng các ngươi đặng an ủi dạy dỗ các ngươi nhiều điều huyền vi bí mật.

Ðức Phật Thích Ca nói sau nầy Ðấng ấy còn oai quyền hơn ta nữa, Ðấng ấy tức nhiên là Tây Phương Giáo Chủ Jésus Christ và Chúa đã cho nhơn loại hay: Sau Ðạo Thánh Gia Tô có Ðạo Cao Ðài xuất hiện đó vậy.

Có một Ðấng Chơn linh Tam Thế Chí Tôn, nhơn loại đều biết tánh danh đó:
- Nhứt Thế BRAHMA Phật, tức nhiên là Tạo Hóa,
- Nhị Thế CIVA Phật tức nhiên Tấn Hóa,
- Tam Thế CHRISTNA Phật tức nhiên Bảo Tồn. Ðấng trọn quyền bảo tồn ấy là lòng ái tuất thương sanh (1) vậy. Vì cớ cho nên Ðức Chúa Jésus Christ thương nhơn loại một cách nồng nàn thâm thúy, Ngài đã ngó thấy Nhứt Kỳ Phổ Ðộ nhơn loại ký Hòa ước với Chí Tôn mà đã bội

Chú thích: (1) ÁI TUẤT THƯƠNG SANH 
E: To have compassion on people.
F: Avoir la compassion du peuple.

Ái tuất thương sanh là thương xót và cứu giúp dân chúng. (Ái: yêu, ưa thích. Tuất: Thương xót một cách nồng nàn. Thương: Màu xanh. Sanh: Sống. Ái tuất là thương xót cứu giúp người bằng một tình yêu mến nồng nàn. Thương sanh là đồng  bào, dân chúng trong mọi giới)

Trong các tài liệu Thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp đều ghi là “Ái Truất thương sanh”, Tôi rất hoài nghi từ này chưa chính xác. Soạn giả có gặp nhiều vị Tốc ký ngày xưa, như Anh Ngô Công Phát, hỏi rằng Anh có biết chữ Hán không?- Không. Anh có thấy tài liệu viết tay của Đức Ngài không?- không. Anh có nghĩ rằng lời Đức Ngài nói Anh nghe thoáng qua tức là không rõ không?- Có. Xong rồi anh lấy Tự điển Hán Việt  của Đào duy Anh ra để tra chữ “TUẤT” và chữ “TRUẤT” thì chữ “truất” nghĩa là bỏ, như  truất phế, thì nghĩa lý không rõ bằng chữ TUẤT   Phân tích sẽ thấy  bên trái là bộ tâm (tấm lòng) bên phải là chữ huyết là máu. Có nghĩa là tình thương bằng cả tim máu của con người, dịch là tình thương nồng nàn, thì rõ nghĩa hơn. Xin trưng cầu ý kiến của đồng đạo. (chờ có Hàn Lâm viện Cao Đài sẽ  giải  rõ). Tôi thấy Cao Đài Tự điển của anh Hồng cũng đồng tình như vậy    (Trích “Cao Đài Đại Từ điển” cùng Soạn giả sắp in)

ước, nên phạm Thiên Ðiều, nhơn quả nhơn loại gớm ghiết, do nhơn quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trữ đến ngày nay, Thánh Giáo gọi "tội tổ tông", chính mình Ngài đến, đến với một xác thịt phàm phu, Ngài đến giơ tay để ký đệ nhị hòa ước với Ðức Chí Tôn chịu tội cho nhơn loại, ký đệ nhị hòa ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về cùng Ðấng Cha lành của họ tức nhiên là Ðức Chí Tôn, là Ðại Từ Phụ chúng ta ngày nay đó vậy.

Ðấng ấy vô tận vô biên, thấy nạn của nhơn loại đã dẫy đầy, Ngài chỉ xuống tại mặt thế nầy làm con tế vật đặng chuộc tội tình cho nhơn loại, mà lại còn đem quyền của Chí Tôn để nơi tay của nhơn loại, bàn tay đó đã ký Đệ Nhị Hòa-ước cho nhơn loại, nó làm cho Ngài thế nào?

Do tay Ngài ký tờ hòa ước với Chí Tôn, nên hai tay của Ngài bị đóng đinh trên cây Thập tự giá. Hai chân của Ðấng ấy đã đi trước nhơn loại dìu đường hằng sống cho họ, rồi hai chân của Ðấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây Thánh Giá, còn trái tim yêu ái nhơn sanh vô hạn ấy bị một mũi kiếm vô tình đâm ngay cạnh hông của Ngài, lấy giọt máu cuối cùng đó đặng cứu nhơn loại, một tình ái vô biên ấy để lại cho loài người một tôn chỉ yêu ái. Tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh em cốt nhục và khuyên nhủ nhơn loại coi nhau như đồng chủng Năm 1948 nhơn loại không tầm Giáo lý của Ngài nữa, chắc chắn như vậy. Bần Ðạo nói quả quyết rằng, nhơn loại đã quên hẳn Ngài rồi đó. Cho đến ngày nay cả toàn nhơn loại trên địa cầu nầy, không chịu nghe lời Ngài, không theo bước của Ngài, nên nạn tương tàn tương sát lẫn nhau sắp diễn ra gần đây, nhưng nếu chừng nào toàn cả nhơn loại biết tôn sùng nhau, vì tình cốt nhục, thì cái nạn tương tàn tương sát trên mặt địa cầu nầy sẽ không có nữa. Hai tấn tuồng, hai thảm trạng như thế có thể đưa nhơn loại đến chỗ tiêu diệt mà chớ, vì nhơn loại không biết nghe, Ðấng ấy đã lấy máu thịt của mình làm con tế vật dâng hiến cho Ðức Chí Tôn, để cầu xin tha tội cho nhơn loại. Nhơn loại sẽ mất đức vì không nghe theo Ðấng Cứu Thế, Ðấng ấy đã bảo anh em phải yêu ái lẫn nhau, giúp đỡ nhau, sống cùng nhau cho trọn vẹn kiếp sanh. Trái ngược lại Đệ nhị Hòa ước kia đã ký kết với Ðức Chí Tôn bị nhơn loại bội ước nữa, vì bội ước mà bảo sao nhơn loại không bị tội tình mắc mỏ sao được?

Ðêm nay là nhờ hiển Thánh anh linh của Ðấng Cứu Thế, Ðấng đã để lòng ưu ái vô tận mong cứu vãn tình thế nguy ngập, lấy cả tình ái ấy làm phương giải khổ cho nhơn loại. Chúng ta để tâm cầu nguyện cùng Ngài, để Ngài mở con mắt Thiêng Liêng cho chúng sanh đặng nhìn thấy cái chơn tánh của kiếp sống họ nơi nào, đừng mê muội đừng ngu dốt, lấy tinh thần sáng suốt bỏ cái lục dục thất tình đầy tội ác nầy. Muốn tránh cái nạn tương tàn tương sát kia, muốn cứu rỗi lấy họ, hầu làm cái nạn tiêu diệt kia được thoát khỏi ấy là lời cầu nguyện của chúng ta đêm nay đó. Ðức Chúa Jésus Christ đã lấy máu thịt đặng chuộc tội cho loài người. Giờ phút nầy là giờ hiển Thánh của Ngài dùng quyền hành yêu ái vô biên của Ðức Chí Tôn mà tha tội cho nhơn loại đó vậy”.
5 - Biết hy sinh cái chết đặng
đạt cho được cái sống.

Lòng hoài vọng của Đấng Giáo Chủ Cao Đài cũng như toàn Đạo hằng năm, cứ đến Đêm kỹ-niệm của Đức Chúa Jésus Christ, tức nhiên Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, đều thiết lễ Đại Đàn cầu nguyện Đức Ngài ban ân lành cho toàn sanh chúng. Đức Hộ-Pháp nói rằng:

“Từ khi mở Đạo đến giờ cả Thánh-Thể Đức Chí Tôn và Bần-Đạo đã thuyết minh một cái đời hy sinh đạo đức của Ngài, cả thảy đều biết, không cần thuyết lại nữa, lập đi lập lại cũng không bổ ích vào đâu cho lắm. Chúng ta thử tìm trong các Thánh-ngữ của Ngài để lại. Hiểu thấu cái huyền vi bí ẩn Đạo-giáo của Ngài thế nào, cái ấy có lẽ hữu ích hơn, nên Bần-Đạo lấy lời triết lý của Ngài đã nói lưu trong Thánh ngữ của Ngài để lại cho các Thánh Tông Đồ có câu nói cao sâu bí ẩn mà thiết thật làm sao hay làm sao!  Ngài nói rằng: Biết hy sinh cái chết đặng đạt cho đặng cái sống. Vì lời Thánh giáo ấy mà những kẻ tìm Đạo thường hay bàn luận tìm cái nghĩa lý của nó, Đức Chúa Jésus-Christ đã sanh ra thì bị cường bức, Đạo của Ngài truyền giáo thiên hạ không hiểu thấu và người ta đã bắt bớ, người ta đã đè nén, người ta đã âm mưu hại Ngài, cho nên lời nói ấy cốt yếu giục các Môn-đệ của Ngài quyết chiến đấu và quyết thắng, điều ấy chưa phải lẽ.

Bần-Đạo đã thuyết minh tới đây, kẻ thì nói Ngài đến lập nền Thánh-Giáo của Ngài, Ngài lập cái đền thờ thiêng liêng Đạo-Giáo của Ngài tại thế gian này, Ngài xưng mình là con chiên hy sinh đặng làm con tế vật của Đức Chúa Trời, để cứu rỗi tội tình thiên hạ, tức nhiên con chiên chí Thánh. Tánh mạng của Ngài, thi hài của Ngài chịu chết trên cây Thập-Tự-Giá, cốt yếu làm con tế vật ấy để dâng cho Đức Chí-Tôn đó vậy. Sự hy sinh của Ngài làm con tế vật ấy là Thánh Thể, tức nhiên của toàn cả tín đồ tin tưởng nơi Ngài, đã thọ phép chơn giáo của Ngài coi như Đấng chí Thánh. Vì lẽ ấy cho nên Ngài thuyết câu đó, cốt yếu Ngài dám hy sinh tử đạo đặng bảo thủ chơn truyền của Ngài, cũng có lý nhưng chưa phải lẽ, cái bí mật trong lời nói ấy là vầy: Phải biết làm sao cái chết thật, mà phải biết làm sao cái sống là thật. Cái sống và cái chết, ta cũng nên tìm hiểu điều ấy. Vả chăng chúng ta sanh ra có hai cái sống và có hai cái chết.
- Chúng ta ngó thấy xác thịt của chúng ta không phải là cái sống, bởi vật thể nó phải chịu tiêu hủy tức nhiên nó phải chết, mà thiệt cái chết của nó chẳng phải chết vì cái xác thịt mà thôi, mà chết vì danh giá, kiếp sống của mình, cái lời nói là chết.
- Còn bây giờ cái sống không phải cái xác thịt chúng ta đã ngó thấy trước mắt, bất quá con người sanh ra một trăm năm là nhiều rồi chết trước mắt. Ấy vậy cái sống thật chỗ nào? Cái sống thật của chúng ta là cái sống về tinh thần hiện tại của chúng ta cho trường tồn, tức nhiên nói về linh hồn chúng ta vậy.

Cái đó mới thiệt sống, cái sống với linh hồn là cái sống thật, sống với xác thịt tức nhiên sống giả. Bây giờ còn cái sống nữa, sống thế nào đồng sống cả vạn loại, cả cái sống Đại-Đồng sống trong cái sống ấy mà muốn đồng sống, chúng ta phải hiệp làm một cùng vạn loại, biết nó là cái sống của mình, biết mình là cái sống của nó. Cái sống ấy là cái sống của Đức Chí-Tôn nắm trong tay của Ngài đó vậy. Cái sống trên cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống của Ngài đã tạo dựng cho nó, trước khi ta đến đầu kiếp làm con người ở mặt thế gian này, cái sống ấy phải sống.

Bây giờ luận theo Đức Chúa Jésus Christ, phải biết hy sinh cái chết mới tìm cái sống. Đạo giáo nào kiếm mắc mỏ khó khăn, chớ Đạo giáo Cao-Đài Đức Chí Tôn để Bí pháp ấy trong Thánh-Thể của Ngài. Ngài nói những kẻ nào dám chết về Đời, sống vì Đạo, những kẻ ấy mới đáng làm Thánh-Thể của ta nơi mặt thế gian này. Cả toàn Thánh Thể đã hiểu lắm, tới phẩm Giáo-Hữu phải chết, chết vì Đời rồi sống lại sống vì Đạo. Tức nhiên Đức Chúa Jésus Christ nói cao sâu rằng: Nếu ai đã biết ai, đã biết cái sống của chúng ta đã ban cho mà dám hy sinh cái kiếp chết của họ, là cái xác thịt này thì mới đạt đặng cái sống trường tồn vĩnh cửu, tức nhiên Thiêng Liêng Hằng Sống của Cha ta đã dành để.

Bần Đạo thuyết điều ấy cốt yếu nói cả toàn thể con cái của Đức Chí Tôn, dầu cho hàng tín đồ nam nữ dĩ chí Đại-Thiên-Phong cũng vậy, mỗi phần tử Thánh-Thể của Ngài phải biết cái mạnh của mình là cái sống thật, cái yếu của mình là cái sống giả, phải có can đảm hy sinh cái chết, cái thi hài thúi tha của ta đây đặng mà đạt cho đặng cái danh Hằng sống và chúng ta đặng ngôi vị Thiêng Liêng Hằng Sống; Nơi cửa Thiêng Liêng kia của Ngài đã dành để, tức nhiên là đại nghiệp của Ngài đã chia chung cho mỗi đứa con. Đức Chí Tôn nói rằng: Thầy dành để đại nghiệp cho các con, Thầy không có quyền đem cho kẻ khác duy có kẻ nào từ bỏ, thì Thầy mới có quyền đem cho kẻ khác mà thôi. Cái sống đó mới sống thật, sống trường tồn, sống vĩnh cửu. Sống Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Chí Tôn mới thật sống đó.!
(Đức Hộ-Pháp: 26-11-Tân-Mão (dl: 24-12-1951)

 6 - Hạnh phúc thay cho những kẻ khờ khạo!
Đức Ngài nói tiếp: đêm 30-12-Tân-Mão (1952)

Một ông cha thương yêu vô tận, hạnh-phúc cho chúng ta đã sanh ra lại ngộ Đạo. Đấng đã cầm quyền cả Càn Khôn Vũ Trụ nơi tay, làm Chúa cả cái sống cái chết của Càn Khôn Vũ Trụ đến chung ở chúng ta, cái hạnh phúc ấy, cái vinh diệu ấy còn chi hơn nữa. Bởi thế cho nên khi Ngài đến cầm cây Linh bút đặng mở chơn-truyền của Ngài, những kẻ phàm tâm kia lấy làm lạ lùng và không có thể tưởng tượng đặng và không có thể tin đặng. Ôi! Một trường ngôn luận buổi nọ biết bao nhiêu kẻ chê bai, khinh rẽ là thế nào. Trong một bài thơ Ngài than như vầy:
Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy.
Nương theo con dại mới ra vầy."

Thật vậy, Ngài quá thương con cái mới ra nông nỗi đó, tưởng lòng thương yêu vô tận ấy không thể gì ta tưởng tượng đặng, không thể gì chúng ta biết đặng cái giá trị nồng nàn yêu ái vô biên vô tận ấy, chỉ vì “Nương theo con dại mới ra vầy” câu ấy nồng nàn thấm thúy đau đớn làm sao, câu nói đó là vì thương con dại của Ngài, mà toàn thể anh em chúng ta có hiểu cái tiếng “dại” ấy là thế nào không? Bần-Đạo xin nhắc lại lời nói của Đức Chúa Jésus Christ đã nói:

- Hạnh phúc thay cho những kẻ khờ khạo! Vì nó được quyền năng của ông Cha của Thiêng Liêng kia binh vực nó, hồi nó sống đây nó dại khờ, nhưng không phải cái dại ấy mà nó cô độc, bởi vì nó còn ông Cha oai quyền vô tận vô biên, Ổng thay thế cái khôn cho nó.
- Hạnh phúc thay cho những kẻ yếu hèn! Những kẻ yếu hèn với những người sang cả, khi trở về cùng Cha của họ nơi nước Hằng Sống của Đức Chí-Tôn đã dành để cho con cái đau khổ của Ngài, cái giá trị vẫn khác.
- Khốn khổ thay những kẻ miệt sát kẻ yếu hèn. Khốn khổ thay cho những kẻ áp bức, hiếp đáp những người cô thế, trẻ con, góa bụa, tật nguyền, bởi vì nó miệt sát nhục mạ con cái của Ngài tức là nhục mạ Đấng Tạo đoan, như vậy là còn tội tình nào lớn hơn điều ấy. Nếu quả nhiên sắp con của Ngài phải chịu hèn hạ khổ não, ngu khờ là tại Ngài muốn vậy, Ngài muốn dành để cái oai quyền binh vực của Ngài cho chúng nó”.

7 - NHỮNG ĐÀN CƠ DÀNH CHO NGƯỜI PHÁP
Thuở tiền khai Đại-Đạo có nhiều Đàn Cơ có người Pháp đến hầu Đàn được Đức Chí-Tôn giáng dạy riêng:

Ghi chú:  Sau đây là 8 đàn cơ được Đức Chí-Tôn giáng  cho những người Pháp đến hầu đàn học hỏi nơi Người.

Trích từ Thánh ngôn Hiệp-Tuyển I: Phần Việt văn:

Ngày 26 tháng 4 Bính-Dần (dl Mardi 8 Juin 1926)
Loài người từ đâu đến?
 “Hỡi nầy dân-tộc có diễm phước: Thầy sẽ làm thỏa mãn tánh hiếu-kỳ của con. Là loài người, các con có biết tự đâu các con đến chăng?

Trong vạn-vật hiện hữu trên qủa địa-cầu nầy, các con là kẻ được ban ân huệ nhiều hơn cả. Thầy đem các con đến tận Thầy, bằng cả tinh thần lẫn trí-huệ. Các con có đủ bằng chứng để tự biết mình do sự thăng phẩm-vị thiêng liêng. Chúa Cứu Thế đã đến với các con. Người đã phải chịu đổ máu Thánh để chuộc tội cho loài người. Trong 2000 năm vắng mặt Người, các con đã làm gì hữu ích ?

Các con truyền-bá Đạo Người, nhưng chính các con cũng không hiểu chi cả. Các con lại làm sai-lạc bản chất Tôn-chỉ của nền Thánh-giáo. Nhân-loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh Tông-Ðồ. Chiếc Ngai quí báu nhứt trên thế gian nầy hiện là chiếc Ngai của vị Đệ nhứt Cao-đồ của Người. Giáo-lý ấy đáng lẽ phải đem lại Hòa bình và tương ái cho loài người, nhưng trái lại nó gây mầm chia rẻ và chiến tranh.Bởi thế, nên nay chính Thầy phải đến để đem lại cho các con nền Hoà-bình đã từng hứa hẹn.

Rồi đây Chúa Cứu-thế sẽ trở xuống sau. Thầy giã từ các con. Các con sẽ còn học-hỏi nhiều việc khác nữa với mấy vị Môn-đồ của Thầy.”
Thời kỳ tận-diệt đã hầu kề (Vendredi, 1 Octobre 1926)

… “Các con có biết chăng hiện nay vì thế gian rất hung bạo nên thời kỳ tận-diệt đã hầu kề. Nhơn loại tàn sát lẫn nhau, bởi không biết dùng khoa học vào việc phải, nên nó mới biến thành chia rẽ và chiến tranh.

Thánh-Ðạo của Chúa Cứu-Thế (vì sự hiểu lầm) làm tăng-gia dục-vọng của kẻ mạnh đối với người yếu và giúp giáo cho bọn trên hiếp dưới.

Phải có một giáo-lý mới-mẻ đủ khả năng kềm chế nhơn-loại trong sự thương xót chúng sanh.

Chỉ có xứ Việt-Nam còn duy trì được sự tôn sùng Tổ-Phụ theo tục lệ cổ-truyền, mặc dầu xứ ấy chỉ biết chịu ở dưới quyền lệ thuộc từ ngày được tạo lập tới giờ. Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên thể như vậy mãi”...

[Ngày 17-9 Bính-Dần  (Mercredi 27 Octobre 1926)]
“Nhơn-loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến. Thầy đã sai Allan-Kardec, Flammarion cũng như Elie và Thánh Jean-Baptiste là những bực tiền Thánh báo tin ngày giáng-sinh chấn động của Chuá Cứu-thế Jésus, nhưng chúng nó đứa thì bị hành hạ, đứa khác bị giết chết, bởi ai? Cũng bởi loài người. Chính con của Thầy cũng bị các con giết mất. Các con chỉ biết tôn sùng Người bằng tinh-thần chớ không bằng Thánh-chất. Thầy đã muốn nói với các con chỉ một lần mà thôi, hồi thời kỳ Thánh Moise trên ngọn núi Sinai, nhưng các con không hiểu được ý Thầy. Lời hứa của Thầy với Tổ-tiên các con về việc xin chuộc tội cho các con và ngày giáng sinh của Chúa Cứu thế là việc đã có lời Sấm tiên tri rồi mà các con không chịu quan tâm đến. Nay Thầy phải tự tìm lấy một phương pháp huyền diệu hơn để thâu phục các con. Các con sẽ không còn chối cãi nữa được trước Tòa phán-xét chung rằng Thầy không cứu vớt nhơn-loại bằng những phương-pháp công hiệu. Dầu Thầy có khoan dung cách mấy đi nữa Thầy cũng không thể bôi xóa được những tội lỗi của các con đã làm từ lúc tạo thành nhơn-loại. Từ nay thế-giới phải chịu trong vòng hắc ám. Tinh-thần đạo-đức đã tiêu mất, sự thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu...

Dân-tộc Pháp-Việt là hai dân-tộc được nhiều huệ phúc nhất. Thầy muốn sao cả hai được hòa hiệp nhau mãi mãi. Giáo-lý của Thầy có mục-đích dạy dỗ các con hòa hợp nhau trong sự sống chung cộng đồng quyền-lợi và sinh hoạt. Vậy các con hãy chung hiệp nhau mãi mãi theo ý muốn của Thầy và hãy truyền-bá khắp hoàn-cầu thuyết hòa bình tương-thân tương-ái”.
 (28 Octobre 1926 (18 -9-Bính Dần)

… “Các con tưởng rằng ông Trời không thể làm cái gì mà ông muốn sao?
M... Thầy chỉ định các con lãnh một vai trò bạc-bẽo mà nhân-đạo. Con vì tâm-tình cao-thượng mà cứu vãn sự sụp đổ của một dân-tộc đã hấp thụ một nền văn minh tối cổ. Con tự hy-sinh để đem lại cho dân tộc ấy một nền đạo lý chơn-chánh, đó là công-nghiệp dành sẵn cho con. Hãy đọc các Thánh-Ngôn của Thầy. Giáo-lý của Thầy sẽ là Đại-đồng. Nếu nhơn-loại biết tu-hành thì đó sẽ là nền Hoà-bình hứa hẹn chung cho tất cả các dân-tộc. Con sẽ tỏ cho nước Pháp biết: Nước Việt-Nam là nước xứng đáng đối với Pháp. Thôi có bấy nhiêu cho con hôm nay”.
Dimanche 28-10-1926 (24 tháng 10 năm Bính Dần)
 “Một đàn cơ riêng biệt ít khi được thiết lập cho ai, mặc dầu lời thỉnh nguyện có quan-hệ cách mấy đi nữa cũng không đặng. Nhưng đối với con, Thầy được hiểu lòng nhơn-đức, tánh từ-thiện của con, nên Thầy cho con được thỏa nguyện. Ngoài ý-chí đạo-đức của con, con còn có ý tìm hiểu giáo-lý mới mẻ nầy, giáo-lý mà một vài đồng bào của con đã giải thích xuyên tạc dưới một hình thức tinh ranh. Nơi xứ nầy dân tình rất thuần-hậu và ôn hòa nên Thầy đến cũng như Chúa Cứu Thế đã đến với chúng con để bài trừ tà thuyết và truyền bá chơn Ðạo trên toàn cầu. Người sống trên thế-gian nầy, dầu thuộc giống dân nào, cũng chỉ có một cha chung mà thôi, ấy là Trời đang chế ngự số-mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất-đồng đạo-lý, mà chính tất cả các con đều phải chung chịu đau khổ để rửa tội của các con ở cõi thế gian nầy. Con để chơn vào con đường đưa đến cảnh an nhàn hưởng những chuỗi ngày hạnh phúc nơi cõi Niết Bàn. Con rán tiếp tục đi trên con đường vạch sẵn ấy để theo đuổi đến mức cuối cùng. Nhiều Ðấng anh-linh sẽ dìu bước cho con. Các lời cầu nguyện của con sẽ được chuẩn nhận. Bấy nhiêu đây đủ rồị- Từ giã con!
 [Mercredi 15-12-1926 (11 tháng 11 năm Bính Dần)]

“Mọi việc đều đúng giờ đã định. Con đã thấy và hiểu những điều mà phần đông đồng bào của con đang tìm hiểu. Chỉ sau nhiều cuộc khảo cứu và sưu-tầm về Thần linh học mà Thầy đem truyền nền đạo-lý mới mẻ nầy.

Thầy há chẳng có lời tiên-tri rằng Thần-linh-học là một nền Ðạo tương lai sao ? Hẳn nhiên con đã thành tâm thật ý muốn gây tại xứ nầy tình liên-lạc tinh-thần giữa hai dân tộc Pháp-Việt mà Thầy chí quyết cho họ được chung sống trong cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt.

Con sẽ đắc kỳ sở nguyện của một người làm phải. Lời khẩn nguyện của con sẽ được chấp thuận. Sau nầy con sẽ là một trong các Môn-đồ trung thành của Thầy để đi truyền-bá hòa-bình và tương-ái trên khắp hoàn cầu.

Ban truyền giáo Pháp sẽ được thành lập gần đây.
Con cần phải về Pháp trong năm 1928 để binh vực giáo lý của Thầy tại Hội-Nghị Ðại-Ðồng Tôn-Giáo.
Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng do Thiên-Ý.
 [Vendredi 17--1926 (13 tháng 11 năm Bính Dần )]

“Thầy cho con hiểu rằng nếu không có ý muốn của Thầy, thì trên quả địa-cầu nầy chẳng có vật chi sanh tồn  tất cả. Lại có lắm kẻ đáng thương hại lại tự-phụ rằng họ hiểu thấu cả lẽ mầu-nhiệm của Ðấng Tạo-Hóa. Nhưng Thầy không bao giờ cho một kẻ nào dưới cõi trần nầy tiết lậu Thiên-cơ cả. Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện. Thầy không bao giờ không cảm ứng với những lời cầu nguyện chơn-thành. Như thế đủ chứng tỏ cho các con tin rằng Thầy là Ðức Jéhovah của dân Hébreux vị chủ tể của quân-lực dân Israel, vị Thánh vô danh của dân Do Thái, Ðức Ðại-Từ-Phụ của chúa Jésus Cứu Thế. Con chỉ cần cầu-nguyện Thầy với danh hiệu Cao-Ðài thì sẽ có sự cảm ứng chấp-thuận. Con đến đây với tấm lòng thành thật để làm việc phải cho giống dân biết phục-thiện hiện đang giao phó cho con. Vậy Thầy nhờ con truyền bá giáo-lý nầy cho dân tộc đặt dưới quyền bảo hộ của con. Chỉ có cách đó mới có thể kềm giữ nhơn-loại trong tình yêu sanh-chúng và đem lại cho con một cuộc đời hòa bình bền bỉ.

-- O0O --

Dimanche 19 Décembre 1926
15 tháng 11 năm Bính Dần

Thầy các con
Các con phần nhiều biết tiếng Langsa, Thầy dùng nói cho dễ hiểu đạo-lý.
- Phẩm-tước là gì? Của cải danh-vọng là gì?
Phẩm tước là sự tổng-hợp các chức tước đã bày ra để quyến rũ người hoặc ít hoặc nhiều. Những chức-tước ấy do người đời tạo ra phong-thưởng kẻ khác.
- Giá-trị của các chức-tước ấy ra sao? Giá-trị những chức tước ấy tuỳ theo mà tạo nó ra.
- Việc chi do người đều phàm cả nó không bền, thường thường bị hư hỏng và tiêu tan ngay sau khi người đã được nó tặng bị cướp mất sự sống. Các con hãy tìm tước phẩm nơi cõi thiêng-liêng, tước phẩm ấy mới là vĩnh viễn. Còn tài-sản là tổng-quát các vật quý-giá của con người để thu nhặt trên thế-gian nầy.
- Của cải ấy gồm những gì?
- Vàng bạc chỉ là loại kim-khí tầm thường.
- Hồng là một chất màu.
- Còn lục là chất do loài vật cấu thành ra. Các con xem của ấy là quý giá thật-sự sao? - Xét từ nơi sản xuất các vật ấy, đều không đáng kể. Các con nên tìm sự giàu đức-tính của Trời. Chỉ có cách đó, mới gọi là vĩnh-cửu. Của quý ấy không ai ăn cướp đặng cả. Danh vọng thường hay chống lại với đức hạnh. Nó rất ngắn ngủi và thường thành tựu nhờ sự gian trá.
- Danh-quyền nơi Trời là bền chắc nhứt. Và danh quyền ấy mới chịu đựng nỗi bao sự thử thách.
(Trung bạch: - Mấy con phải làm sao mà tìm đặng phẩm-tước của cải và danh-vọng của Trời).
- Thầy trả lời: “TU”.
V - TRIẾT LÝ HỒI GÍAO
HỒI GIÁO (Mahométisme, Islamisme)

Hồi-giáo là một Tôn Giáo dạy các Tín  đồ phải phục tùng Thượng-Đế một cách hoàn toàn tuyệt đối, không thắc mắc, không bàn cải, vô điều kiện (Hồi được dịch tiếng Á Rập: Islam nghĩa là Phục Tùng. Giáo: Tôn giáo)

Đây là một Tôn Giáo độc Thần tiêu biểu nhứt, nó có tính cách cứng rắn, đưa người Hồi giáo lẫn lộn giữa Đạo và Đời. Hồi Giáo được Giáo-Chủ Mahomet chánh thức mở ra từ ngày 16-07-622 (Sau kỷ nguyên Tây lịch) tại thành phố Medina nước Á-Rập và ngày này được dùng làm kỷ nguyên Hồi Giáo.

Quyển sách căn bản của Hồi Giáo là Thánh Kinh Coran, ghi chép những điều giảng dạy của Giáo chủ Mahomet Kinh Thánh Co-ran là văn bản thiêng-liêng và duy nhứt làm nền móng cho Đạo Hồi. Nó là nhân tố thiết yếu gắn bó mọi Tín đồ Hồi-giáo trên thế giới, hằng ngày mỗi Tín đồ phải cầu nguyện bằng cách đọc thuộc lòng một vài đoạn Kinh Coran. Co-ran theo tiếng Á-Rập: Qurân có nghĩa là tụng niệm. Đấy là những lời của chính Thượng Đế truyền lại cho Đấng Tiên tri. Kinh Co-ran có tính thiêng liêng đến nỗi trong các nước Hồi Giáo, người ta không bán và cũng không mua quyển Kinh này, những người dơ bẩn không được rờ mó đến nó và người ngoại Đạo không được phép cất giữ Kinh Co-ran. Kinh này được viết bằng tiếng Á-Rập và không ai được quyền dịch ra môt thứ tiếng khác, mọi Tín đồ dù thuộc quốc tịch nào cũng phải tụng Kinh Co-ran bằng tiếng Á-Rập.

Kinh Co-ran tuy không được viết dưới dạng thơ, nhưng nhịp điệu và cách đọc Kinh làm cho nó giống như một tập thi ca viết bằng những từ-ngữ rất đẹp, rất trong sáng. Chính chất lượng của Kinh đã làm cho các Tín đồ  càng tin rằng đó thật là những lời của Thượng Đế, vì con người không ai sáng tác nỗi một tác phẩm siêu phàm như vậy. Ngay trong Kinh Co-ran cũng có đoạn nói người và Thần Thánh dù có họp sức, giúp đỡ nhau cũng không sao tạo ra được một công trình đẹp đẽ như Kinh Co-ran này (Chương 17, Câu 88). Đây cũng là tác phẩm số 1 của nền văn học Á-Rập. Trẻ con lúc học vỡ lòng đã phải thuộc từng đoạn Co-ran. Nó sẽ theo dõi suốt đời người Hồi giáo vì họ tin rằng nó mang lại giải đáp cho tất cả vấn đề mà con người và xã hội đặt ra. Thật ra trong Đạo Hồi không hề có sự phân biệt giữa Đạo và Đời. Kinh Co-ran có nói trong chương 4 câu 13 “Trên trời dưới đất tất cả đều thuộc Thượng Đế”.

Hình thức Kinh Co-ran:
Kinh Thánh Co-ran có cả thảy 114 chương gọi là sua-rát “Surâ”. Mỗi chương mang một tên do đời sau đặt cho và chia thành nhiều câu hay vần thơ (Âya) chương ngắn nhất có 3 câu và chương dài nhất có 228 câu. Tổng cộng có cả thảy 6.219 câu trong Co-ran. Gần 3.500 câu là những lời cầu nguyện hay những mệnh lệnh của Thượng Đế. Phần còn lại nêu lên những sự kiện đã dẫn trong Tân ước và Cựu-ước của các Đạo Do-Thái và Cơ  Đốc.

Các chương trong Kinh Co-ran không được sắp xếp theo thứ tự thời gian mà theo độ dài ngắn để đọc dễ nhớ, trừ chương I, chương mở đầu, mặc dầu chỉ có 5 câu nhưng quan trọng ở chỗ nó lại làm đầu đề cho mọi chương khác. Câu 1 của chương 1 là: “Nhân danh Thượng Đế khoan dung độ lượng”. Đây cũng là câu mà mọi Tín đồ Hồi giáo dùng để chào hỏi nhau và là câu gốc của mọi lời cầu nguyện. Trên đầu 29 chương, người ta còn thấy những chữ bí mật, có lẽ là những dấu hiệu viết tắt mà đến nay chưa ai giải đoán được.

Kinh Co-ran không phải là một tập thơ, nhưng các câu của nó có vần có điệu. Khi tụng kinh người ta phải dừng lại đúng chỗ trong mỗi câu. Chính cách tụng niệm lại có tầm quan trọng của nó đưa đến cho người nghe một cảm giác thiêng liêng, huyền bí

Nội dung Kinh CO-RAN:
Giáo lý và quan niệm xã hội.

Đạo Hồi là một Tôn giáo tương đối đơn giản trong Giáo lý và trong nghi thức. Kinh Co-ran chi tiết hóa những điểm này. Đạo Hồi không tự xem mình là một Tôn giáo mới, mà chỉ kế tục các Tôn giáo có trước trong vùng là Do Thái và Cơ-Đốc-Giáo. Đạo Hồi lập lại giáo thuyết đơn thần của Abraham và kêu gọi Tín đồ chỉ thờ một Thượng Đế duy nhất chống lại thuyết ba ngôi của Đạo Cơ Đốc. Những nghi thức như cách tụng niệm, tháng trai giới hay nghĩa vụ hành hương đều mượn từ các Tôn giáo có trước.

Theo Đạo Hồi, chỉ có một Thượng Đế nhân từ và kiến tạo, con người nhận biết Thượng Đế qua các dấu vết để lại. Thượng Đế tạo ra Trời và đất, xây dựng trật tự trong vũ trụ và lấy bụi bặm để nặn ra con người. Tình thương và lòng Bác ái cũng là những điển hình kiến tạo của Thượng Đế. Thượng đế đã giao phó cho một số người gọi là các Đấng Tiên tri nhiệm vụ truyền đạt lại cho thế gian những Thông điệp của mình. Các Đấng Tiên tri gồm có Adam, Noah, Abraham, Mô-i-dơ, Giê-su và cuối cùng là Mu-ha-mát, tất cả đều là người Do-Thái, trừ Mu-ha-mát. Sau Mu-ha-mát sẽ không còn Đấng Tiên tri nào nữa. Kinh Co-ran xem Chúa Giê-su của Đạo Cơ-Đốc như một Đấng Tiên tri chứ không phải là con Thượng Đế vì trong chương 112 có câu “Thượng Đế là duy nhất, Thượng Đế là tuyệt đối, Thượng Đế không sinh ra ai mà cũng không do ai sinh  ra, không ai sánh ngang tầm Thượng-Đế”. Trong các cuộc chiến tranh giữa người Cơ-Đốc-giáo và người Hồi-giáo, khi bên này hay bên kia bắt được tù binh, họ đều ép người bị bắt phải phủ định hay khẳng định chương 112 này. Sự tuân thủ tuyệt đối của giáo chúng vào Kinh Co-ran từ hàng nghìn năm nay, mặc dầu Kinh này ra đời trong bối cảnh một xã hội còn lạc hậu đã dẫn đến nhiều hành động mà phương Tây xem là lỗi thời. Người Hồi giáo có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối vào các lời dạy trong Kinh Co-ran và đặt lòng tin vào năm chân lý chủ yếu: đó là Thượng-Đế,  các Thiên Thần, Ngày Phán xử cuối cùng, các Kinh điển (của cả ba Tôn giáo là Kinh Tora, Kinh Phúc âm và Kinh Co-ran) và các Đấng Tiên tri.

Theo kinh Co-ran, Tín đồ Hồi giáo phải theo năm điều luật gọi là “Năm trụ cột của Đạo Hồi”. Đó là:
- Lời tuyên thệ (Shahâda) giống như lời qui y của Đạo Phật.
- Cầu Kinh (Salât) 5 lần mỗi ngày, ngày thứ sáu cầu Kinh ở Đền.
-  Trai giới (sawm), trong tháng Ra-ma-dan Hồi giáo.
- Bố thí (zakât), ban đầu là để giúp đỡ người nghèo trong cộng đồng.
- Hành hương (hajj) đến  Mecca, ít ra cũng một lần trong đời.

Thêm vào đấy, cộng đồng Hồi giáo còn đưa ra nhiệm vụ Thánh chiến (jihâd) với mục đích đem lại cho toàn thể nhân loại những“quyền con người” ghi trong Kinh Co-ran.

Lời tuyên thệ là nghi thức qua đó người Hồi giáo nói lên sự gia nhập của mình vào cộng đồng. Lời tuyên thệ này phải được đọc trước hai nhân chứng đã là Tín đồ Hồi giáo và sau đó phải nhắc lại trong mọi thời điểm quan trọng của mình. Lời tuyên thệ này khẳng định rõ rệt tính đơn thuần của Đạo Hồi. Nó rất đơn giản:
“Không có Thượng-Đế nào khác ngoài An-la.
“Mu-Ha-mát là sứ giả của Thượng Đế”.

Cầu nguyện là nhiệm vụ quan trọng nhất của người ngoan Đạo. Lời cầu nguyện trong Hồi giáo chỉ nói lên sự thần phục và tình thương yêu đối với Thượng-Đế An-la. Lời cầu nguyện phải theo những công thức bất di bất dịch, người cầu nguyện không được thêm thắt hay lược bỏ đi phần nào như được phép trong các Tôn giáo khác. Mỗi ngày, Tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyện 5 lần hướng về Mecca sau khi đã rửa ráy sạch sẽ, nếu trong sa mạc không có nước thì phải lau bằng cát. Ngày Thứ Sáu tại các Đền Hồi giáo, người ta tổ chức những buổi cầu nguyện tập thể dưới sự hướng dẫn của các Giáo sĩ. Nên biết là Hồi giáo không có một hàng giáo phẩm nào có uy quyền thay Thượng Đế quản lý giáo dân. Dựa trên tinh thần bình đẳng tuyệt đối giữa các Tín đồ, các giáo sĩ Hồi giáo chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn mà thôi.

Trai giới là một nghi thức Hồi giáo có mục đích tập luyện cho giáo dân tính tự chủ và khả năng chịu đựng khổ hạnh. Trong mùa trai giới, tháng Ra-ma-dan của lịch Hồi giáo, các Tín đồ không được ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Trong mùa này giáo dân cũng không được phép hút thuốc và có quan hệ tình dục. Mùa trai giới cũng là cơ hội cộng đồng Hồi giáo nắm vững Tín đồ của mình nên người ta tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, nhiều bài giảng và nhiều lớp ôn tập giáo lý. Hằng năm các nhà Thiên văn học Hồi giáo xác định đúng ngày bắt đầu và ngày kết thúc mùa trai giới

Tiền bố thí có mục đích củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng, người có của giúp người nghèo khó. Hơn nữa tài sản trên đời không phải của riêng ai mà tất cả thuộc về Thượng Đế, đóng góp một phần cho Thượng đế thì mới có thể hưởng thụ phần còn lại. Về sau tiền bố thí này trở thành một loại thuế, ai cũng phải đóng từ 1/20 đến 1/5 thu nhập hàng năm cho những nhân viên thu thuế để họ phân phát lại cho người nghèo, cho người nô lệ tìm tự do, khách lỡ độ đường hay cho các chiến sĩ Thánh chiến. Ngoài phần bố thí bắt buộc này, Tín đồ Hồi giáo còn có thể tự nguyện đóng góp thêm.  

Hành hương đến Mecca là nhiệm vụ của mọi Tín đồ trưởng thành, ít ra cũng một lần trong đời. Những người có bệnh tật hay nghèo khó có thể nhờ người khác đi hành hương thay cho mình. Nghi thức hành hương đã được xác định từ nguồn Do-Thái-Giáo vì cũng để tưởng niệm giáo trưởng Abraham của Đạo Do-Thái, người Á Rập và người Do-Thái đều có chung Abraham là Thuỷ tổ.

Có hai loại hành hương:
- Tiểu hành hương (umra) có thể thực hiện bất kỳ lúc nào.
- Đại hành hương (hadj) là cuộc hành hương tập thể vào tháng 12 âm lịch Hồi giáo, tức là hai tháng sau mùa trai giới Ra-ma-dam. Kinh Co-ran có qui định các nghi thức hành hương trong chương 22 mang tựa đề “Hành hương. Vùng đất Thánh” xung quanh Mecca gọi là Haram.

(Haram có nghĩa là thiêng liêng) là nơi thiêng liêng nhất của Đạo Hồi, kẻ ngoại đạo không được bén mảng đến. Medina và Mecca và hành lang nối hai thành phố này nay trở thành hai vùng Thánh Địa (al-Haramayn) người ngoại đạo nếu không được phép mà đến đây có thể bị tử hình. Người Hồi giáo đi hành hương mặc một bộ quần áo đặc biệt làm bằng hai mảnh vải bông trắng, không có đường khâu. Bộ này sẽ được người hành hương giữ cho đến lúc chết để làm vải liệm xác. Khi vào khu Thánh địa, Tín đồ phải tắm rửa sạch sẽ, cạo hết lông trên người. Cuộc đại hành hương trước đây thường do một đại diện của Giáo chủ Hồi giáo đứng ra tổ chức, ngày nay chính hoàng gia Saudi Arabia đảm đương trách nhiệm này. Người hành hương phải chạy 7 vòng chung quanh Thánh địa Ka-ba, ngược chiều kim đồng hồ. Sau khi Mu-ha-mát cho huỷ tất cả các thần tượng thì trong Ka-ba chỉ còn lại một hòn thiên thạch màu đen mà theo truyền thuyết thì do chính Abraham đem từ Thiên  đường xuống. Lúc đầu hòn đá này trắng toát nhưng vì nhiễm các tội lỗi của nhân loại nên trở thành đen.

Cuộc hành hương kéo dài 7 ngày, con số 7 là số thiêng liêng của Đạo Do-Thái và đạo Hồi. Trên đường về các Tín đồ thường đến viếng mộ Ma-Ha-mát ở Medina, đến Jérusalem thăm mõm đá là nơi trước kia có Đền của Salomon. Họ cũng có thể thăm đất Thánh thứ tư của Đạo Hồi là Hebron ở Palestine nơi chôn Abraham.

Thực hiện được cuộc hành hương, người Tín đồ mang danh hiệu hadj gắn vào tên mình và được cấp một chứng chỉ hành hương mà họ sẽ nâng niu thờ phượng suốt đời. Nghi thức hành hương chủ yếu để chứng minh sự thống nhứt của cộng đồng Hồi giáo, không phân biệt các dân tộc hay các quốc gia khác nhau. Cuộc đại hành hương hàng năm qui tụ rất nhiều tín đồ, cả Nam lẫn nữ, có lúc trên hai triệu người.

Nhiều người lại xem nghĩa vụ Thánh chiến là cột trụ thứ sáu của đạo Hồi. Đây là một nhiệm vụ nhất thời, không thường xuyên 5 nghĩa vụ trước vì nó chỉ bắt buộc khi đạo Hồi lâm nguy, cần được bảo vệ. Thật ra ý nghĩa chánh của từ jihâd  trong Co-ran là “nỗ lực”, tín đồ phải tránh được các lỗi lầm để trở thành người thiện. Về sau người ta ghép cho từ này ý nghĩa chiến đấu vũ trang, vì theo Kinh Co-ran, phải chiến đấu để bảo vệ hay tấn công, chiến đấu để dẫn dắt mọi người tiến lên trên đường phục tùng Thượng Đế. Các cuộc Thánh chiến đầu tiên xảy ra khi Đấng Tiên-tri Mu-Ha-mát lãnh đạo giáo dân chống lại các cuộc tấn công và bao vây của Mecca. Về sau, khi bị các Thập Tự quân Cơ Đốc giáo đến chiếm vùng đất Thánh, các Giáo chủ Hồi giáo cũng ban sắc lịnh Thánh chiến và trong những thế kỷ gần đây, cuộc chống trả chiến tranh thuộc địa của các nước phương Tây cũng là một Thánh chiến mới.

Trước đây, chính các giáo chủ Hồi giáo phát động Thánh chiến khi cần thiết. Các chiến lợi phẩm được chia làm năm phần, Giáo chủ được toàn quyền sử dụng một phần, bốn phần còn lại thì chia cho các chiến sĩ còn sống sót. Các chiến sĩ tham gia Thánh chiến (mujahidin) sẽ được xoá bỏ mọi lỗi lầm đã phạm  trên đời và nếu hy sinh tánh mạng thì được lên thẳng Thiên đường .

Các khái niệm Thiên đường và Địa ngục trong Hồi giáo được lấy ra từ Do-Thái-giáo và cũng giống như Kinh Thánh của Đạo Cơ-Đốc. Người ta hình dung Địa ngục là 7 từng lửa cháy, có quỉ dữ tưới nước sôi vào những người can tội: ở đây người Á-Rập chỉ muốn mô tả ở mức cao nhứt Địa ngục trần gian là các sa mạc nóng bỏng, nơi họ đang sinh sống. Tương tự như vậy, Thiên Đường là nơi có tất cả những điều mà người dân du mục trên sa mạc hằng mong ước: vườn tược, cây cối, sông nước, hoa nở quanh năm. Kẻ vào được Thiên đường sẽ được hưởng tất cả những thứ mà họ không có được ở hạ giới như trái cây, nước uống, sữa tươi, đường mật hay những thứ  họ không được phép dùng như rượu. Họ được mặc những bộ quần áo lộng lẫy, được những chàng thanh niên đẹp trai hầu hạ và những cô vợ (houri) mắt to, da trắng vĩnh viễn xinh tươi để chung chăn gối. Đạo Cơ Đốc giáo đã từng mô tả Thiên đường một cách gần giống Đạo Hồi, nhưng từ ban đầu Thánh Phao-lồ và các tu sĩ khác đều chống chủ nghĩa hoan lạc cho nên các thành viên của Thiên đường Cơ Đốc giáo đều không có giới tính. Để biện minh cho quan điểm của mình, các nhà Thần học Hồi giáo cho rằng việc hưởng thụ vật chất chỉ làm phát triển thêm nhân cách con người. Kinh Co-ran được xem là bất di bất dịch, không ai có quyền sửa câu, đổi chữ. Vì thế mà ở thế kỷ thứ 21, người dân Hồi giáo vẫn phải quan niệm đời sống và xã hội như ở các thế kỷ đầu của Công nguyên trong những bộ lạc dân du mục.

Tổ chức xã hội theo Kinh Co-ran.
Khi xây dựng Đạo Hồi, Đấng Tiên tri Mu-ha-mát muốn tiến hành một cuộc cách mạng xã hội với những tư tưởng rất tiến bộ của thời bấy giờ. Mu-Ha-mát muốn xây dựng một xã hội không giai cấp, một xã hội bình đằng trong đấy mọi người có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Kinh Co-ran cũng có qui định về pháp luật trong xã hội Hồi giáo và cách tổ chức các cơ quan quyền lực về hành pháp, Tư pháp, Lập Pháp.

Để bổ sung cho Kinh Co-ran, các đời sau sưu tầm những mẫu chuyện và những bài giảng của Đấng Tiên tri trong tập sách sun-na để mọi người do theo đó mà học tập theo gương Đấng Tiên tri. Giáo phái chính thống của Đạo Hồi ngày nay được gọi là giáo phái sun-ni. Các dữ kiện trong sun-na chỉ tồn tại do truyền khẩu từ đời này sang đời kia để lại nên ít chính xác. Các mẫu chuyện về cuộc đời và các lời dạy của Đấng Tiên tri còn được gọi là Hi-đi-thơ (hadith truyền thống). Mặc dầu các ha-đi-thơ giúp người ta tìm hiểu cuộc đời của Mu-ha-mát nhưng chúng ít có giá trị vì hay bị sửa đổi hay được bịa đặt ra do các nhu cầu chánh trị và giáo lý của mỗi thời đại. Đến thế kỷ thứ 9, người ta đã thu thập được trăm nghìn ha-đi-thơ trong số đó có rất nhiều chuyện do dân gian bày đặt ra. Cuối cùng, sau khi loại bỏ dần dần, các nhà Thần học Hồi giáo chỉ còn giữ lại 6 tập ha-đi-thơ do 6 tác giả biên soạn, thí dụ như tác giả Al-Bukhari (chết năm 870) chỉ giữ lại 8.000 trong số 300.000 ha-đi-thơ sưu tầm được.

Sách sun-na qui định luật pháp của Đạo Hồi, đấy là những hướng dẫn trên mặt Tôn giáo, tổ chức xã hội và cả những hình phạt đối với người phạm pháp. Các hướng dẫn này được đưa ra sau khi Đấng Tiên tri Mu-ha-mát qua đời và là những suy luận từ các câu của Kinh Co-ran. Thí dụ như việc cấm uống rượu thì Kinh Co-ran không nói đến trực tiếp nhưng các nhà thần học dựa vào hai câu để cấm giáo dân uống rượu: đó là câu 43, chương 4 nói là không được cầu nguyện trong lúc say sưa và câu 91, chương 5 nói là quỉ Sa-tăng dùng rượu vang để kích thích lòng thù hận của người đời.

Do việc Kinh Co-ran có nhiều chỗ mơ hồ nên các nhà thần học có thể suy luận theo nhiều cách khác nhau. Kết quả là giáo phái sun-ni của Đạo Hồi về sau chia làm 4 trường phái mang tên 4 vị thần học sáng lập ra chúng:đó là Trường phái Ma-lích-kít (doMalik, người Medina, chết năm 795 lập ra)
Trường phái ha-na-phít (do Hanifa, người Iraq, chết năm 767 lập ra)
Trường phái sa-phít (do Safi, người Mecca, chết năm 820 lập ra)
Trường phái han-ban-lít là trường phái bảo thủ nhứt chống lại mọi cải cách và vì nó dễ hiểu đối với người ít học cho nên nó là nơi qui tụ các nhóm Hồi giáo chính thống và quá khích ngày nay, nhất là Saudi Arabia.

Kinh Co-ran phân biệt rõ lãnh thổ của Hồi giáo.
(dân Al Islam) và lãnh thổ ngoại đạo (dâr al harb có nghĩa là vùng đất của chiến tranh và mâu thuẫn) Trong các xã hội thần quyền Hồi giáo được tổ chức dựa trên Kinh Coran, mọi hành động đều phải tuân theo các hướng dẫn của Kinh, pháp luật và các hình phạt cũng do Kinh Co-ran qui định. Trong thế giới hiện đại, với sự thông thương đi lại, với cuộc cách mạng về thông tin, rất khó mà một quốc gia có thể có các tổ chức chánh trị, kinh tế, xã hội chỉ dựa trên Kinh Co-ran mà thôi. Vì vậy các chế độ thần quyền của các giáo chủ ay-a-tô-la ở Iran hay của các gíao sĩ mô-la ở Afghanistan trước đây đều gặp nhiều khó khăn để hoà mình vào thế giới bên ngoài.

Về mặt tổ chức gia đình, Kinh Co-ran nhấn mạnh đến chế độ gia trưởng theo đúng tục lệ cổ truyền của người Á-Rập. Nhưng Kinh Co-ran cũng cho phép ngưới phụ nữ có một số quyền lợi: đây là điểm tiến bộ quan trọng so với thời tiền Hồi giáo nhưng nếu đối chiếu với địa vị của người phụ nữ hiện nay trong các xã hội khác thì còn nhiều thiếu sót. Các xã hội trước hay có hủ tục giết con gái, điều mà Kinh Co-ran nghiêm cấm trong xã hội Hồi giáo. Mu-ha-mát cũng cho phép nuôi con trai vì chính ông cũng nuôi một người nô lệ làm con sau khi các con đẻ của ông lần lượt qua đời. Nhưng về sau, ông xác định lại là chỉ có con đẻ mới có tất cả các quyền lợi. Các giáo chủ nối tiếp còn hạn chế hơn nữa bằng cách xoá bỏ nhiều quyền lợi của con nuôi. Tên con thường được gắn vào họ của bố bằng chữ ibn, bin hay ben. Con trai sống với mẹ cho đến 7 tuổi sau đấy theo cha học nghề hay được nhận vào các trường Hồi giáo miễn phí ma-dra-sa (madrasa) và trở thành sinh viên Thần học (taliban)

Đạo Hồi xem việc lập gia đình như một nghĩa vụ, sống độc thân là một tội lỗi, người phụ nữ độc thân không có tư cách pháp nhân nào cả. Đàn ông Hồi giáo có thể lấy vợ ngoại Đạo nhưng con cái sinh ra bắt buộc phải theo Hồi giáo, trái lại phụ nữ Hồi giáo chỉ có thể lấy chồng đồng đạo mà thôi. Kinh Co-ran cho phép đàn ông lấy 4 vợ chính thức, không phân biệt cả lẻ, còn số nàng hầu xuất thân từ thành phần nô lệ thì không hạn chế. Chế độ đa thê này là một điều cần thiết khi số nam giới Hồi giáo bị hao mòn liên tục vì chiến trận liên miên. Người phụ nữ không có quyền từ chối một người đàn ông đã do cha, anh hay chú, bác lựa chọn. Còn người phụ nữ ngoại tình sẽ bị đánh đập hay bị tù chung thân, nhiều khi bị xử ném đá ngoài đường cho đến chết. Phải đủ 4 nhân chứng mới được kết tội ngoại tình một người phụ nữ.Đàn ông có quyền bỏ vợ hay ly hôn nhưng phải có nhiệm vụ cấp tiền nuôi dưỡng người vợ cũ.

Phụ nữ Hồi giáo có nhiều quyền sở hữu của cải như nam giới và có thể đi học trong một chừng mực nào. Kinh Co-ran khuyên người phụ nữ che tóc theo tập tục có sẵn của dân trong vùng vì họ xem tóc người phụ nữ có tính cách thiêng liêng. Trong xã hội Hồi giáo, hai giới nam và nữ phải luôn luôn cách biệt kể cả trong các bữa ăn hay các hội hè đình đám. Cuộc sống ngoài xã hội chỉ dành riêng cho nam giới, phụ nữ ít khi ra khỏi nhà, khi cần phải ra ngoài như đến nghĩa địa hay đến các phòng tắm thì mang mạng che mặt. Chỉ trong các cuộc hành hương ở Mecca  là nam nữ được lẫn lộn nhau vì theo nguyên tắc, ở đây nghiêm cấm các quan hệ tình dục.

Kinh Co-ran cũng cho phép người ta có quyền mua, bán và sở hữu nô lệ. Nếu bố mẹ là nô lệ thì con cái sinh ra là nô lệ từ thuở lọt lòng. Người Hồi giáo không được bắt người đồng đạo làm nô lệ và người ngoại đạo không có quyền làm chủ người nô lệ Hồi giáo. Các phụ nữ nô lệ được lấy làm hầu đều không đến từ nguồn mua bán mà do bắt được trong các cuộc chiến tranh. Kinh Co-ran khuyên tín đồ nên đối xử tử tế với người nô lệ, đó là một điểm tiến bộ so với luật pháp La-mã cổ xưa vì luật pháp này cho quyền chủ nhân giết nô lệ của mình. Mặc dầu tất cả các tín đồ Hồi giáo đều là anh em chung một nhà và bình đẳng trên mọi mặt (Kinh Co-ran chương 49, câu 10) nhưng người nô lệ khi được nhận vào đạo Hồi thì cũng vẫn chưa được ngang hàng với các tín đồ khác và để phân biệt họ phải đeo một chiếc vòng ở tai.

Xã hội Hồi giáo, ngay từ buổi đầu đã gồm cả những người ngoại đạo, gọi là những người được che chở (dhimmi). Mặc dầu phải đóng một thứ thuế thân gọi là di di-ya (djiziya), số phận của họ cũng chẳng tốt đẹp gì cho lắm. Họ không có quyền mang vũ khí, không được đi ngựa, không có tư cách làm nhân chứng ở các toà án, không được đọc Kinh Co-ran, phải mặc một loại áo quần đặc biệt, trong thành phố thì bị dồn vào sinh sống ở một khu riêng biệt, nhà cửa phải thấp hơn nhà của người Hồi giáo. Từ thế kỷ thứ 10 trở đi, các cộng đồng không phải Hồi giáo (milla hay millet trong đế quốc ốt-tô-man), có thể tự quản lý, bầu ra những lãnh đạo để đại diện cộng đồng trước nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên những thương nhân ngoại quốc khi đến một nước Hồi giáo đầu tư và làm ăn, buôn bán thì được hưởng một qui chế đặc  biệt.

Trong đời sống hằng ngày, các cấm đoán từ Kinh Co-ran cũng khá nhiều, đặc biệt về thực phẩm, tín đồ không được ăn thịt heo, thịt chó, thịt chim. Các thứ thịt khác thì được ăn nhưng phải được chuẩn bị và chế biến theo những nghi thức đặc biệt trong các cửa hàng Hồi giáo

Trên mặt kinh tế, đạo Hồi nghiêm cấm việc cho vay nặng lãi nhưng lại cho phép người ta làm giàu vì của cải làm ăn uy tín của con người. Kinh Co-ran có rất nhiều qui định về thương nghiệp, điều này cũng dễ hiểu vì chính Đấng Tiên tri Mu-ha-mát xuất thân từ nghề dẫn các đoàn lạc đà đi buôn bán, các tín đồ đến với đạo Hồi sớm nhất đều thuộc giới thương gia kể cả các vị giáo chủ đầu tiên. Trong xã hội Hồi giáo ban đầu, công nghiệp tập trung vào việc khai thác các hầm mỏ. Mặc dầu hầm mỏ, trên nguyên tắc là sở hữu của Thượng Đế, tức là của cộng đồng nhưng những người chủ mỏ được hưởng chế độ khoán sản phẩm, chỉ đóng cho nhà nước 1/5 sản lượng hàng năm. Các ngành tiểu, thủ công nghiệp trong các thành phố thường có đại diện được bầu ra để giao thiệp với chánh quyền trên mặt hành chánh. Tuy nhiên tiếng nói của họ rất yếu ớt so với các nhóm thương gia. Dầu sao thì đây cũng là hình thức công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tổ chức chánh trị trong một xã hội Hồi giáo theo một cơ cấu thần quyền, trong đó chính Thượng Đế giao phó cho một người đại diện nắm giữ mọi quyền lực thế tục, người đại diện này lúc đầu là Đấng Tiên tri Mu-ha-mát, sau đấy là các vị giáo chủ kế tục Đấng Tiên tri. Các vị giáo-c.hủ lại uỷ quyền cho một bộ máy hành chánh để điều hành mọi công việc trong nước.

Quyền hành pháp đều do các giáo chủ nắm trong tay. Bất kỳ người Hồi giáo nào cũng có thể trở thành giáo chủ. Lúc đầu các giáo chủ được bầu ra, nhưng sau đó lại theo chế độ cha truyền con nối như các Hoàng Đế, tuy nhiên khác với Hoàng đế, các giáo chủ vừa là vị lãnh tụ ngoài đời vừa là người có quyền lực tôn giáo cao nhứt vì ngay từ vị giáo chủ thứ hai của Hồi giáo là Umar, các giáo chủ còn mang thêm danh hiệu “Thống lãnh các tín đồ” (amir al muminin). Quyền lực của các giáo chủ thật là  tuyệt đối nên hay có lạm dụng và trong lịch sử, nhiều cuộc nổi dậy đã xảy ra chống lại quyền lực này. Bộ máy chánh quyền giúp giáo-chủ được đặt dưới sự lãnh đạo của một tể tướng vi-dia (vizir có nghĩa là người phụ tá mang gánh nặng) và gồm nhiều bộ trưởng. Tại các địa phương giáo chủ uỷ quyền chỉ huy quân sự và dân sự cho các  tiểu vương (amir hay emir có nghĩa là thống lãnh). Dân chúng chỉ tiếp xúc với chính quyền chủ yếu qua trung gian các cán bộ thu thuế.

Quyền lập pháp trong xã hội Hồi giáo hầu như không có, vì đã có Kinh Co-ran làm cơ sở. Tuy nhiên, trong chi tiết, khi có một vấn đề nào đó được đặt ra, các nhà thần học (ulamât) bắt đầu nghiên cứu để đi đến một kết luận mà theo họ là theo đúng tinh thần Kinh Co-ran. Các kết luận này sau được đưa vào bộ luật Hồi giáo gọi là sa-ri-a (charia có nghĩa là con đường phải theo).

Vì có 4 trường-phái giáo lý khác nhau nên cũng có những khác biệt trong luật pháp Hồi-giáo tuỳ theo từng vùng. Vì luật pháp Hồi-giáo không đòi hỏi một văn bản chính thức nên các quan toà (cadi) khi xét xử chỉ dựa vào các quyết định (fatwa) mà các cố vấn pháp luật  (mufti) đã đưa ra. Luật Hồi-giáo có bản chất khắc nghiệt hơn luật của các tôn giáo khác vì nó xem đây là mệnh lệnh bất di bất dịch của Thượng Đế trong kinh luật Do thái (Tora) chẳng hạn chỉ là một hợp đồng giữa Thượng-đế và dân Do-Thái. Các xã hội Hồi giáo thần quyền nguyên thuỷ (và cả ngày nay) đều áp dụng luật sa-ri-a, xem nó là biểu tượng của quyền lực mà Thượng Đế đã trao cho các lãnh đạo nơi trần thế. Trong luật pháp Hồi giáo, các hình phạt đều được qui định rõ tuỳ theo từng tội danh. Nặng nhất là tội bỏ đạo thì bị xử tử hình cũng như tội cướp bóc. Trộm cắp bị xử chặt tay (Coran 5/38), trai gái bị 100 roi, vu cáo bị đánh bằng roi cũng như tội rượu chè. Những tội nhẹ thường chỉ bị khiển trách, xử lý hành chánh. Nhiều tội nhẹ vì không có hình phạt qui định chính thức và lại do các nhân viên  cảnh sát xét xử nên nhiều khi khá tuỳ tiện. Mỗi vùng lãnh thổ có một vị chánh án do giáo chủ bổ nhiệm, các địa phương thì có những quan toà cấp dưới. Ngoài ra còn có những phụ tá thẩm phán  (muhtaib) để theo dõi các vấn đề liên quan đến thương mãi như nghiên cứu các hợp đồng mua bán, kiểm tra chất lượng hàng hoá, kiểm tra việc cân đo, giữ gìn trật tự trong các chợ và dàn xếp các tranh chấp giữa chủ và thợ

Luật Hồi giáo có nhiều điều khoản liên quan  đến các tranh chấp về việc sử dụng nước tưới tiêu trong nông nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu, vì các nước Hồi-giáo  nằm trong những vùng đất đai khô cằn, việc phân phối nguồn nước phải được qui định rất rõ ràng. Khi Đạo Hồi chinh phục Tây Ban Nha họ có lập ra ở đây những toà án chuyên về  các vấn đề nguồn nước, ngày nay vẫn còn tồn tại.

Về mặt thuế khoá, người Hồi-giáo phải đóng thuế bố thí bắt buộc da-cát và người ngoại đạo đóng thuế di-di-ya để được nhà nước bảo vệ. Những người ngoại đạo còn phải trả thuế điền thổ gọi là kha-rát (kharadj), cách tính thuế này rất phức tạp vì nó tuỳ thuộc diện tích canh tác, mức độ phì nhiêu của đất đai, chủng loại cây trồng, năng suất đạt được…Cũng nên biết rằng luật thuế má hà khắc đối với những người ngoại đạo đã có trong Đế-quốc Cơ đốc By-dăng, những ai không theo đạo của Giê-su phải trả một khoản thuế thân hết sức nặng nề. Tất cả thuế má thâu được đều tập trung vào công quĩ nhà nước.

Kinh Co-ran được xem là bộ luật cơ bản đặt mọi tín đồ Hồi giáo vào cộng đồng Um-ma. Dưới thời giáo chủ Uthman (644-656) Kinh Co-ran được hoàn chỉnh thêm và được công bố dưới dạng chính thức, nhờ đó Hồi-giáo tạo ra được một con người mới, con người Hồi giáo, có lòng tin vững chắc vào chân lý của mình, có lòng tự hào vào cộng đồng Um-ma, một cộng đồng có tính đoàn kết và gắn bó cao độ. Tính thống nhất cuả cộng đồng còn được phát huy hơn nữa khi các tín đồ phải luôn luôn cầm vũ khí chiến đấu chống lại đạo Cơ-đốc mà chủ trương lúc ấy là tiêu diệt hết người Hồi giáo hay ít ra cũng bắt họ bỏ đạo theo mình. Qua các cuộc Thánh chiến thắng lợi, người Hồi giáo thấy mình hơn hẳn các tín đồ tôn giáo khác, đặc biệt là Cơ-Đốc giáo, chiến đấu liên tục chống lại hai đế quốc Cơ đốc La mã và By-dăng, quân Hồi giáo đã nhiều lần tấn công vào các thủ đô Roma và Constantinople rồi cuối cùng diệt tan đế quốc By-dăng, tạo nên một vùng lãnh thổ Hồi giáo hùng mạnh.
 (Trích quyển Đạo Hồi thế giới Á-Rập- Văn minh- Lịch sử. Nhà xb tổng hợp TP. HCM  Từ trang-45 . Kinh Thánh Coran)

VI - Triết lý Bà-La-Môn-Giáo
BÀ-LA-MÔN    (Tôn giáo)
Bà-La-Môn ( S, P: brāhmaṇa) [Phật học]

Theo Phật học thì: Danh từ chỉ một cấp, một hạng người tại Ấn Ðộ. Thuộc về cấp Bà-La-Môn là các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lĩnh đạo Tôn giáo. Dân chúng Ấn Ðộ rất tôn trọng cấp người này. Trong thời Đức Phật hoằng hóa, cấp này là cấp thứ hai của bốn cấp (sau thời Đức Phật đến bây giờ là cấp cao nhất) trong hệ-thống xã hội và vì vậy, họ rất kiêu mạn. Nhiều Bà-La-Môn cho rằng, chỉ họ mới mang dòng máu “trắng” là dòng máu trong sạch và tất cả các hạng người còn lại chỉ sống để phụng thờ họ. Trong những bài kinh thuộc văn hệ Pā-li (Bộ kinh), Phật không hề chống đối giai cấp Bà-La-Môn nhưng lại bảo rằng, không phải sinh ra trong một gia đình, dòng dõi Bà La-Môn là tự nhiên trở thành một Bà-La Môn. Người ta “trở thành” một Bà-La-Môn với những hành động, những ý nghĩ cao thượng và đó chính là những tiêu chuẩn đích thật. Bất cứ người nào cũng có thể được gọi là Bà-La-Môn nếu họ đạt những tư cách nói trên. Ðây là một chiến thuật tuyệt vời của Đức Phật khi Ngài chuyển ý nghĩa “giai cấp Bà-La-Môn” thành một danh từ đạo đức Bà-La-Môn, tức là một người có đầy đủ đức hạnh, vượt mọi giai cấp xã hội thời đó (Tập bộ kinh). Phật thuyết trong Tiểu bộ kinh (Tự thuyết I. 5, udāna):
Ai lìa bất thiện nghiệp.
Ði trên đường thanh tịnh.
Tinh tiến, thoát trói buộc.

Ta gọi BÀ-LA-MÔN
Đức Hộ-Pháp nói: “Còn nữa, còn Đạo Brahma, tức là Đạo Bà La Môn cho rằng: thuyết giải thoát của Ngài là thuyết do nhiên chứ không có gì hết, sau chính mình Ngài tạo phẩm vị đi từ Nhơn vị, Tiên vị, lên đến Phật vị, ai cũng có thể đi đến được hết. Luật giải thoát của Ngài do nhiên chứ không có chi lạ. Những lý lẽ ấy làm cho đầu óc con người tầm chơn càng suy nghĩ càng khó quyết định được. Ta tự hỏi, thế nào gọi là chơn ? Thế nào gọi là giả ? Theo lý trí của con người có lẽ này "Tầm chơn là đúng sự thật hơn hết”.

Bà-La-Môn giáo dưới mắt Cao-Đài:

“Ấn-Độ thuở trước tin thờ lý thuyết Đa Thần (Polythéisme) vì tư tưởng cổ nhân thường hay ngó cả quyền năng Tạo-hóa mà so-sánh cùng mình, bởi thế mà cho các quyền lực vô hình cũng có đủ khôn ngoan cùng sự quyết định. Sau lại tư tưởng ấy trở lại xu hướng về Đấng Chí-Tôn dựng căn bổn cho Đạo Bà-La-Môn (Brahmanis-me) từ thử. Tạo hóa Càn Khôn sanh ra do một chủ quyền của Trời. Trời lập nên đời vì Ái, mà Ái kia pha lẫn cùng Tình. Ngài tạo ra gọi là Brahma, Ngài diệt gọi là Civa, Ngài bảo tồn gọi là Vichnou, ấy mới gọi Chí-Tôn Tam Thế (La Trinité)”. (Khuê bài Thiêng liêng vị)

ĐỊNH NGHĨA:

Bà-La-Môn là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn: Brahma. Đạo Bà-la-Môn là một Tôn giáo rất cổ của Ấn Độ, xuất hiện trước thời Đức Phật Thích-Ca, tức là thuộc Nhứt kỳ Phổ Độ. Đạo Bà-La-Môn bắt nguồn từ Vệ-Đà-giáo (cũng phiên âm là Phệ-Đà-giáo) Đạo Bà-La-Môn  phát triển đến thế kỷ thứ nhứt sau Tây lịch thì biến thành Ấn-Độ-Giáo.

Đạo Bà-La-Môn thờ Đấng Brahma là Đấng tối cao tối linh, là linh hồn của vũ trụ.

Những công trình kiến trúc nổi tiếng của Ấn-Độ và các nước Đông-Nam-Á như: Konarac, Kharujaho, Angkor Watt, Mahabalipuram, Loro Jong Grang, Tháp Chàm ở Việt-Nam và nhiều tác phẩm triết học lớn ở Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata, đều ra đời trên nền tảng của Đạo

Bà-La-Môn.
Sau đây lần lượt khảo sát qua: Vệ-đà-giáo, Đạo Bà La-Môn và Ấn-Độ-giáo.
I - VỆ-ĐÀ-GIÁO: Đây là một tôn giáo tối cổ của Ấn Độ. Gọi là Vệ Đà giáo vì tôn giáo nầy xây dựng giáo thuyết trên Kinh Vệ Đà. (Véda: Phiên âm Vệ-Đà hay Phệ-Đà,  nghĩa là Thông hiểu). Vệ-Đà-giáo thờ cúng thiên nhiên, gồm nhiều tín ngưỡng, có nghi lễ, có bùa chú, do các truyền thuyết của thổ dân da đen Dravidian ở bán đảo Ấn Độ, phối hợp với các tín ngưỡng của dân tộc da trắng từ phương Tây Bắc đến xâm lăng, nhất là dân da trắng Aryan tràn vào phía Bắc Ấn Độ, khoảng 1550 năm trước Tây lịch.

Bộ Kinh Vệ-Đà viết bằng tiếng Phạn, của người Aryan, gồm 4 tập, trong đó có các bài hát ca tụng Thần linh, những lời cầu nguyện, nghi thức tế tự và các câu phù chú bí mật, như sau:
1 - Rig Véda: Phỏng theo ý mà dịch thì Rig Véda có nghĩa là Luận rõ về sự khen ngợi (tán tụng), hình thành vào thế kỷ thứ 20 TTL (trước Tây lịch), gồm 10 quyển, tập hợp các bài ca ngợi Thần linh, được 1028 bài.
2 - Sama Véda: Phỏng theo ý mà dịch thì Sama Véda có nghĩa là Luận rõ về các sự ca vịnh, hình thành vào thế kỷ thứ 10 TTL, gồm các bài dùng để hát xướng khi cúng tế, tổng cộng 1549 bài.
3 - Yayur Véda: Phỏng theo ý mà dịch thì Yayur Véda có nghĩa là Luận rõ về các việc tế tự cầu đảo, trong ấy bao gồm các bài cầu nguyện trong nghi thức tế lễ. Ba loại Kinh Véda trên được sử dụng trong thời gian tế lễ, đều do hàng Tăng lữ  tùy nghi chủ xướng, phúng tụng.            4 - Atharva Véda: Sưu tập các chú thuật, không quan hệ đến việc cúng tế, hình thành vào thế kỷ thứ 10 TTL, tổng cộng có 20 quyển. Tuy chủ yếu chép các phép thuật và bùa chú, nhưng xen kẽ vào đó có các bài khoa học làm mầm móng cho Thiên văn học và Y học sau nầy.

Bốn bộ kinh Véda trên, sau nầy đều có những sách viết bằng tiếng Phạn giải thích riêng cho  mỗi bộ.

Giáo lý cơ bản của Vệ-Đà giáo cho rằng, con người thường xuyên có mối quan hệ với Thần linh và có sự hòa đồng với vũ trụ. Do đó, chỉ có cúng tế, cầu đảo thì con người  mới được Thần linh phò hộ trong mọi công việc. Song hành với các buổi cầu nguyện là những cuộc hiến tế lớn. Những đồ hiến tế như : Thịt, bơ, sữa, rượu, được dâng lên Thần linh bằng cách đốt trên giàn hỏa.

Việc cúng tế Thần linh rất quan trọng, nên dần dần đội ngũ các thầy cúng tế trở nên quan trọng, có uy tín và quyền lực nhất trong xã hội Ấn Độ, hình thành đẳng cấp Tăng lữ Bà-La-Môn sau nầy.

II -  Bà-La-Môn giáo:
Đạo Bà-La-Môn hình thành trên cơ sở Vệ-đà-giáo khoảng 800 năm trước Tây lịch, tức là một thời gian không dài lắm trước khi Đức Phật Thích-Ca mở Phật giáo ở Ấn-Độ. Đạo Bà-La-Môn đưa ra những kinh sách giải thích và bình luận kinh Véda như: Kinh Brahmana, kinh Upanishad, giải thích về Maya (tức là Thế giới ảo ảnh) và về Niết bàn. Đạo Bà-La-Môn thờ đấng Brahma là Đấng tối cao tối linh, là linh hồn của vũ trụ.

1 - Sự phân chia giai cấp xã hội:
Đạo Bà-La Môn phân chia xã hội Ấn-Độ làm năm giai cấp. Ai sanh ra trong giai cấp nào thì phải ở mãi trong giai cấp đó suốt đời.
a/ - Giai cấp trên hết là cấp Tăng lữ Bà la môn: Họ tự cho rằng họ được sanh ra từ miệng của đấng Phạm thiên (Brahma) nên họ được quyền giữ địa vị tối cao trong xã hội, độc quyền cúng tế Thượng-Đế và các thần linh.
b/ - Giai cấp thứ nhì là Sát-Đế-Lỵ: Họ được sanh ra từ vai của Đấng Phạm Thiên. Giai cấp này gồm các bậc vua chúa, quí tộc, trưởng giả, công hầu, khanh tướng. Họ nắm quyền cai trị và thưởng phạt dân chúng.
c/ - Giai cấp thứ ba là Phệ-xá: họ được sanh ra từ hông của Đấng Phạm thiên. Giai cấp này gồm các nhà thương mãi, các trại chủ giàu có. Họ nắm kinh tế, chuyên môn mua bán làm ăn với  từng lớp dân chúng trong xã hội. 
d/ - Giai cấp thứ tư là Thủ-đà-la: Họ được sanh ra từ chân của Đấng Phạm Thiên. Giai cấp này gồm các nông dân và công nhân nghèo khổ
e/ - Giai cấp thứ năm là Chiên-đà-La: Đây là giai cấp thấp kém nhứt trong xã hội Ấn độ, gồm các người làm nghề hèn hạ như: ở đợ, làm mướn, chèo ghe, giết súc vật...

Giai cấp trên hết là cấp Tăng lữ Bà la môn dựa vào thế lực tôn giáo để củng cố địa vị và quyền lợi của họ. Họ tìm đủ phương pháp để bảo hộ và duy trì chế độ giai cấp, nương theo thần thoại, chế ra luật pháp Manu, kỳ thị giai cấp, không cho gả cưới giữa hai giai cấp khác nhau.

2 - Giáo luật: Giới Tăng lữ Bà la môn được chia làm ba bực: Sơ khởi, Trung và Thượng Sơ khởi  là những vị sư cúng lễ thường và những vị phục sự nơi đền chùa. Họ tụng ba bộ Kinh Véda đầu, gồm:
Rig-Véda, Sama-Véda, Yayur-Véda. Họ hành lễ, chứng lễ các cuộc cúng tế nên thường trực tiếp với dân chúng.
Bực Trung: là những vị sư bói toán, tiên tri, thỉnh quỉ thần, thỉnh thoảng họ làm vài phép linh cho dân chúng phục. Hạng này đọc và giảng giải bộ kinh Véda thứ tư và Atharva Véda. Bộ kinh thứ tư này có nội dung cao hơn ba bộ kinh trước và có những câu thần chú.
Bực  Thượng là những bực cao hơn hết, gồm các vị sư không còn trực tiếp với dân chúng. Hạng này chuyên nghiên cứu các lực vô hình trong vũ trụ.
Hạng Bà-La-Môn Sơ khởi phải tu học 20 năm mới lên hạng trung. Hạng trung tu học 20 năm mới lên hạng thượng.
Trên hết là một vị sư chưởng quản Tôn giáo làm Giáo chủ. Vị giáo chủ này có 70 vị sư phụ tá. Các Tăng lữ Bà-La-Môn phải giữ 10 điều giới luật, là:
1 - Nhẫn nhục. 
2 - Làm phải (lấy điều lành mà trả điều ác)
3 - Điều độ. 4-Ngay thật. 5-Giữ mình trong sạch. 6-Làm chủ giác quan. 7-Biết ràng Kinh luật Véda. 8-Biết rõ Đấng Phạm Thiên. 9-Nói lời chơn thật. 10-Giữ mình đừng giận.

3 - Thuyết Ashrama: Thuyết Ashrama về 4 giai đoạn mà con người phải trải qua để cho đời sống trần thế nhập vào việc hành sự Tôn giáo, như sau:
a/ - Phạn hành kỳ: Theo Thầy học tập Kinh Véda, tiếp thu huấn luyện Tôn giáo, thời gian là 12 năm.
b/ - Gia trú kỳ: Sống cuộc sống thế tục ở gia đình, lấy vợ sanh con, làm các ngành nghề trong xã hội để mưu cầu cuộc sống, không vi phạm chống lại bổn phận của một Tín đồ Bà-La-Môn, tiến hành việc thờ cúng ở gia đình và bố thí.
c/ - Lâm thế kỳ: Việc nhà đã xong, bản thân hoặc dắt theo vợ vào ẩn cư trong rừng, sống đời khổ hạnh để bản thân chứng ngộ được Đấng Brahma.
d/ - Độn thế kỳ: bỏ nhà đi vân du bốn phương, sống bằng cách nhận bố thí của dân chúng, mục đích để đạt được sự giải thoát của linh hồn.

4 - Brahman và Atman:
Brahman là nguồn gốc tối cao của vũ trụ, tức là Đại ngã, Đại vũ trụ, Đại hồn, nay thường gọi là Thượng đế Atman là bản ngã của con người, là bản ngã, là Tiểu hồn, Tiểu vũ trụ. Nó chỉ là một phần rất nhỏ của Đại ngã. Do đó Brahman và Atman đồng bản chất, nên thông đồng được với nhau. Tu luyện là để đạt được sự giải thoát của linh hồn khỏi các khổ não ràng buộc nơi cõi trần để đem Atman trở về hiệp nhứt với Brahman.

Nhận thức được chân lý này, không phải do trí tuệ, mà do sự giác ngộ của toàn bộ bản thể. Nếu không giải thoát được thì không dứt khỏi Nghiệp (Karma), tức là không dứt khỏi Luân hồi, phải đầu thai trở lại cõi trần, hết kiếp nọ tới kiếp kia.

5 - Nghiệp báo -  Luân hồi:
Kinh  Upanishad đã nêu ra vấn đề Nghiệp báo và Luân hồi một cách có hệ thống.

Nghiệp (Karma) được tạo ra bởi những hành vi thiện ác của con người, sẽ quyết định việc Luân hồi chuyển kiếp của Linh hồn người ấy sau khi chết. Nếu người nào làm điều thiện, Linh hồn sẽ được chuyển kiếp thành người ở giai cấp cao hơn và có thể thành một vị Thần, nhập vào Thiên Đạo. Nếu người ấy làm nhiều điều ác thì Linh hồn sẽ chuyển kiếp đầu thai vào những giai cấp thấp kém khổ sở và có thể bị trừng phạt đọa đày.

Con đường giải thoát là Thiền định, nhưng con đường tu này quá khổ hạnh, ít người theo được, nên đa số Tín đồ theo việc thờ cúng thần linh, tự kềm chế dục vọng của mình mà làm việc từ thiện.

III - Ấn-Độ-giáo:
Đạo Bà-La-Môn là một quốc giáo của nước Ấn Độ. Nhưng khi Phật giáo của Đức Phật Thích-Ca truyền bá thì ảnh hưởng của Đạo Bà-La-Môn thu hẹp dần. Qua nhiều lần cải cách để phù hợp phần nào trào lưu tiến hóa của dân chúng, đến thế kỷ thứ nhứt sau Tây lịch, Đạo Bà-La-Môn  biến thành Ấn-Độ-giáo (nói tắt là Ấn-giáo)

Ấn-Độ-giáo vẫn giữ những nét chánh của Đạo Bà La-Môn, thờ đấng Brahma, về sau thờ thêm hai Đấng nữa là Civa (Shiva) và Vishnu (hay Chrisna).

- Đấng Brahma  là Thần Sáng tạo.
- Đấng Civa       là Thấn tranh đấu.
- Đấng Vishnu   là Thần Bảo tồn.

Ba Đấng ấy hợp lại gọi là Tam Vị nhất thể (Đạo Cao-Đài tôn các Đấng ấy là Tam Thế Phật cai quản ba Nguơn:Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, hiện tạc Tượng đặt trên nóc Bát-Quái-Đài- Tòa Thánh Tây Ninh.

Ấn-Độ-giáo còn thờ các vị thần thuở xưa khác như:
Thần Sấm Indra, thần Mặt trời Surya, Thần lửa Agni, Thần gió Vayu, thần không trung Varuna.
Ấn-Độ-giáo vẫn giữ sự phân chia giai cấp của xã hội giống như Đạo Bà-La-môn.
Ấn-Độ-giáo phân thành nhiều Chi phái, chủ yếu có hai giáo phái lớn là Vihnu và Civa (Siva) đồng thời nuôi dưỡng nhiều môn phái triết học mà nổi tiếng nhứt là hai môn phái: Védanta và Yoga.

Để dễ dàng hòa nhập vào đông đảo dân chúng ở giai đoạn này, nhiều nghi thức tế lễ được đơn giản hóa, những sự hiến tế súc vật tốn kém được bãi bỏ. Đến thế kỷ thứ 19 và 20, một số nhà hoạt động nổi tiếng của Ấn Độ như: Ram Mohan Roy, Rama Krishna, Viveka Nanda, đã làm cuộc canh tân lớn đối với Ấn Độ giáo, phục hồi những giá trị cơ bản và loại trừ các yếu tố lạc hậu và thái quá ra khỏi tư tưởng của Đạo này. Chính nhờ khả năng thay đổi thích ứng mà Ấn-độ-giáo vẫn luôn luôn là Tôn giáo chính của người Ấn và có ảnh hưởng sâu xa đến mọi từng lớp dân chúng từ xưa đến nay.

Theo thống kê sơ lược năm 1980, Ấn-độ-giáo  hiện nay có tới 554 triệu tín đồ, đa số là người Ấn-Độ.

Trong những năm gần đây, những hoạt động mang tính Quốc tế của Ấn-độ-giáo rất phong phú:
Năm 1979 tại Allahabad (Ấn độ), năm 1980 tại Colombo (Tích lan), năm 1981 tại Népal, đã lần lượt triệu  tập Đại hội các Tín đồ theo Ấn-độ-giáo trên toàn Thế giới, để thảo luận các vấn đề khó-khăn của Ấn-độ-giáo, làm thế nào cho Ấn-độ-giáo thích ứng với đời sống văn minh của dân chúng hiện đại và thiết lập những mối liên hệ quốc tế giữa Ấn độ giáo với các Tôn giáo một cách hữu nghị tốt đẹp.
* Vệ-Đà giáo (Vedism)
* Bà-La-Môn giáo (Brahmanism)
* Ấn Độ giáo (Hinduism)

VII - SO SÁNH CÁC TRIẾT LÝ TÔN GIÁO
VỚI CÁC TRIẾT LÝ CAO ĐÀI GIÁO
ĐỂ PHÂN RÀNH CHỖ HƠN CHỖ KÉM CỦA ĐÔI BÊN

A - TAM GIÁO THẤT KỲ TRUYỀN
Duyên khởi: Thầy đã dạy rõ ngay từ buổi đầu trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển còn ghi lại những nguyên nhân chính về việc thất kỳ truyền của các Tôn giáo, nên mới có xuất hiện Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ Độ buổi nay:

1 - PHẬT GIÁO:
Từ việc Phật giáo bị bế đến Kỳ truyền đã thất:
Ngày19 tháng 4 Bính Dần  (dl: 30 Mai 1926):

Phật dạy: “Từ trước TA giáng sanh lập Phật Giáo gần sáu ngàn năm thì Phật Ðạo chánh truyền gần thay đổi. TA hằng nghe chúng sanh nói Phật giả vô ngôn! Nay nhứt định lấy Huyền diệu mà giáo Ðạo, chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật Giáo lại cho hoàn toàn.

Dường nầy, từ đây chư chúng sanh chẳng tu bị đọa A TỲ, thì hết lời nói rằng“Phật tông vô giáo” mà chối tội nữa. TA nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp TAM KỲ PHỔ ÐỘ nầy mà không tu, thì không còn trông mong siêu rỗi”.

Nhưng hại thay Phật Thích Ca  đau đớn bởi lý do:
  (Ngày 5-4-Bính Dần (Samedi 5 Juin 1926).

“Vốn từ Lục Tổ thì Phật Giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh Pháp bị nơi THẦN TÚ làm cho ra mất Chánh Giáo, lập riêng pháp luật buộc mối Ðạo Thiền.

TA vì luật lịnh Thiên mạng đã ra cho nên cam để vậy, làm cho Phật Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì TAM KỲ PHỔ ÐỘ, Thiên Ðịa hoằng khai, nơi "Tây Phương Cực Lạc” và "Ngọc Hư Cung” mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi; tại Tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.

Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo. Ôi! Thương thay! Công có công, mà thưởng chưa hề có thưởng; vì vậy mà TA rất đau lòng.

TA đến chẳng phải cứu một mình chư Tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng trần, TA đương lo cứu vớt.

Chư Tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp KỲ PHỔ Ðộ nầy là lần chót; phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật. Chư Sơn đắc đạo cùng chăng là do nơi mình hành đạo. Phép hành đạo Phật Giáo dường như ra sái hết, tương tợ như gần biến “Tả Ðạo Bàng Môn”. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây Phương mà cửa Tây Phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành chánh quả do nơi nào mà biết chắc vậy. Ta đã đến với huyền diệu nầy, thì từ đây TA cũng cho chư Tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền. Chư Tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa.”

1/ - Tại sao Thầy nói: Phép hành-đạo Phật Giáo dường như ra sái hết,
tương tợ như gần biến
“Tả Ðạo Bàng Môn”?

1 - Phải thấy rằng phép tu hành của Phật giáo quá cao siêu và khó khăn vô cùng:
Thứ nhứt là Kinh của Phật gốc từ tiếng Phạn, là một điều khó; lại nữa Đức Tam Tạng khi thỉnh Kinh về rồi Ngài dịch ra tiếng Trung hoa là một điều khó thứ hai, vì với chính Ngài mà còn sợ không dịch hết ý, huống chi đối với người nước ngoài muốn học Phật thật khó quá, vì ngôn ngữ bất đồng. Vả lại tiếng Trung hoa lại khó học mà khó viết nữa, trong khi tiếng Trung hoa có đến 214 bộ gốc, so với tiếng Việt chỉ có 24 chữ cái mà thôi, dù là tiếng đơn âm, nhưng một chữ rất nhiều nghĩa “Nhất tự lục nghì”mà !

Thử đơn cử một bài kinh “Vãng sanh Thần Chú”  gốc tiếng Phạn là một bài duy nhất trong Kinh Cao-Đài, mà có bao nhiêu người hiểu được nghĩa của Kinh, đừng nói chi đến sự quán triệt. Đây là bài chú đọc lên để cầu nguyện cho hồn người quá vãng sớm được siêu thoát:

 “Nam-Mô A-Di-Đa Bà Dạ, Đa Tha Dà Đa Dạ, Đa Điệt Dạ Tha, A-Di Rị-Đô Bà-Tì, A-Di Rị-Đa Tất Đam Bà Tì, A-Di Rị-Đa, Tì-Ca Lan-Đế, A-Di Rị-Đa Tì-Ca-Lan Đa, Dà Di-Nị-Dà Dà-Na Chỉ-Đa Ca-Lệ Ta-Bà-Ha”.

Thiết nghĩ rằng những người theo Phật trừ ra những bậc đại đức, Hòa Thượng ngày xưa thì không dám bàn chứ còn hơn 99% dù có đọc râm ran Kinh Phật nhưng chắc chắn rằng không ai hiểu được gì hết. Chỉ có điều là mặc áo có màu sắc và kiểu vở giống như của Phật mà thôi. Hỏi vậy đọc Kinh mà không thấu đáo nghĩa lý của Kinh thì làm sao có cảm, không cảm làm sao có ứng. Thế nên việc “thất Kỳ truyền” là một việc đương nhiên. Vì vậy Phật giáo qua hai kỳ Phổ Độ chỉ độ có 6 ức nguyên nhân thôi.

Từ sự sai lệch nhỏ biến sanh nhiều sai biệt lớn mới nảy ra việc “Thầy Tụng” nhận tiền tụng kinh mướn làm nghề sống. Từ đó để lại nhiều sự mai mỉa cho đời.

Nếu so ra Đạo Cao Đài chỉ lo việc Phổ độ, không nhận tiền của bất cứ ai, trên tinh thần Nghĩa Nhân đạo đức thật sự; còn Kinh Cao-Đài nhất định khi đọc lên là hiểu ngay, cảm động ngay. Hơn nữa cái lối văn vần như lối văn Lục bát, hoặc Song thất lục bát hay là Tứ tuyệt cũng tạo nên những âm thanh trầm bổng, rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học và tạo một âm hưởng thâm cảm vô cùng. Nhất là những buổi chiều hay giờ khuya, giờ sáng mà nghe Kinh Phật Mẫu vang vang lên nó mới thấm thía làm sao:
Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường Hằng Sanh.
Xưa con không thấu cội nhành,
Vì đường Đạo bế biệt cành hoa rơi…

Nhưng có một điều dễ nhận ra nhứt là dầu Phật đã trên 2.500 năm, Chúa đã hơn hai ngàn năm mà các vị theo Phật, theo Chúa mỗi lần đọc Kinh đều phải “cầm bổn” tức là phải có quyển Kinh trước mặt. Tất nhiên là câu Kinh khó thuộc, khó nhớ. Khi đã không thuộc, không nhớ mà đọc thì cũng giống như đọc sách mà chưa hiểu nghĩa cho chính mình thì người khác làm sao hiểu?

Khác với người Đạo Cao Đài ở điểm đó, khi đã bước chân vào cửa Đạo, luật buộc sáu tháng phải thuộc Kinh, dẫu chưa thuộc thì trong cộng đồng, trong tập thể tụng đọc rồi nghe theo cũng nhớ, cũng thuộc luôn. Người ngoại quốc có sự nễ phục Đạo Cao-Đài ở chỗ đó: khi thấy trong thời Cúng dù mấy tiếng đồng hồ mà kinh vẫn thuộc một cách thuần thục, giọng trầm bổng theo tiếng đờn du dương, nhịp nhàng; người người trật tự, im lặng. Không ai làm một điều gì ngoài những nghi thức của thời cúng.

Trong khi đó các Tôn giáo khác chưa được sự trật tự, nề nếp như vậy. Họ vô nhà Thờ, đến chùa, mạnh ai nấy đứng ngồi chỗ nào tùy ý, muốn đọc Kinh gì thì đọc, muốn ra về lúc nào không ai bắt buộc. Muốn thắp nhang tùy ý, họ đốt nguyên một bó nhang bất cứ lớn nhỏ, vừa cắm vào  thì có người đem quăng vào lò lửa cho cháy tiêu để khỏi phải ngột ngạt, hoặc gây nạn cháy rừng (như ở núi Bà). Xem ra như vậy thì họ đốt tiền, chứ không có sự kỉnh thành gì hết. Nhiều người phản đối việc nghi thức khắc khe của Đạo Cao Đài không cho họ tự ý đốt nhang. Với Đạo Cao Đài là phải thắp nhang cho trúng kiểu cách, đúng nghi thức: Chỉ dành riêng cho người có bổn phận trực nơi đó mà thôi, chứ không một ai được quyền làm theo ý riêng

2/ - Đạo Cao Đài có Thể pháp và Bí pháp

Người tu theo Đạo Cao-Đài là hành Thể pháp để đạt được Bí pháp, từng bước, từng bước đi trên con đường Thể pháp là Phụng sự nhân sanh, phụng sự vạn linh tức là phụng sự Chí linh, mà Phụng sự Chí linh tức là Phụng sự cho Trời. Mà ông trời thì không bao giờ thiếu nợ một ai tất cả “Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần” ông sẽ trả đủ hay là hơn nữa, tức nhiên trả lại cho ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nơi cõi thiêng liêng tất nhiên phải được công nhận khi công đầy quả đủ.

3/ - Giáo chủ các Tôn giáo không còn
là huyền thoại

Đức Hộ-pháp nói: “Đức Phật Tổ, tức nhiên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cả thảy con cái Đức Chí Tôn đã nghe Đức Narada Thera thuyết Đạo rồi. Ngài nói Đức Phật Thích Ca là người cũng như chúng ta, có xác thân như ta, sống chết như ta, chớ không phải là người ở trong Thần thoại. Nhưng cái cao siêu về tâm hồn của Ngài, về tiền căn Thiêng liêng của Ngài lên tới Phật vị. Ngài tái kiếp làm người với mảnh thân phàm của Ngài cũng như ai kia vậy”

2 - LÃO GIÁO: Với Đức Thái Thượng Đạo Quân
Đến đời vua Võ Đinh nhà Thương bên Tàu (1324 trước Tây lịch), Đức Ngài mới giáng sanh xuống trần danh là Lão-Tử. Việc giáng sanh của Ngài rất huyền diệu phi thường. Theo truyền thuyết: vào đời vua Bàn Canh nhà Thương (1461 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc-Nữ 玊女 vừa được 8 tuổi, con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn, thấy trên cây Lý có một trái chín thật ngon, cô liền hái ăn. Ăn xong, cô cảm thấy mỏi mệt và có thai. Cha của Ngọc-Nữ thấy sự lạ kỳ, liền toán quẻ Âm Dương, đoán biết có một vị Đại Tiên giáng trần trong bụng con gái của mình, nên mừng rỡ và nuôi con gái rất kỹ. Nàng Ngọc-Nữ chịu mang thai như vậy mãi cho đến già mà không sanh. Đến năm Ngọc-Nữ 80 tuổi, tức là đã mang thai ngót 72 năm. Trong Kinh Tiên giáo có câu: “Nhị ngoạt thập ngũ, Phân tánh giáng sanh”.

Nghĩa là chơn linh Ngài giáng sanh xuống cõi trần vào ngày 15 tháng 2 âm-lịch. Đức Lão Tử có giáng cơ cho biết năm giáng sanh của Ngài trong 4 câu thơ sau đây:
  đào mầm tược tượng long lân,
LÃO  luyện đơn thành nhị xác thân.
TỬ  phủ ngồi tu lo nấu thuốc,
GIÁNG  sanh Thương đợi Võ Đinh quân.

Bài thơ khoán thủ 4 chữ: “Lý Lão Tử giáng”. Câu thơ cuối có nghĩa là Giáng sanh vào thời nhà Thương, đợi đến vua Võ Đinh mới chào đời.          

Thật là huyền thoại. Đã biết huyền thoại tại sao không bỏ qua mà vẫn duy trì đến ngày nay và mãi mãi? Ấy là một triết thuyết cao siêu, cho đến ngày nay là thời kỳ mà văn minh khoa học xem như cân bằng với đạo học mới có thể giải được bằng thuyết khoa học, nguyên tử.

Bấy nhiêu bằng chứng cho thấy rằng: Đức Lão Tử là một Đại Tiên  nên cái lý Thiên biến vạn hóa ấy bàng bạc có thể tóm tắt mấy câu:

Trước nhứt là Ngọc-Nữ 玊女vừa được 8 tuổi, thì chữ Ngọc (5 nét) nữ (3 nét) Cộng chung là số 8, phù hợp với 8 tuổi, đây là đủ Âm Dương Bát Quái: tức là Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát Quái thành hình. Số 3 là chỉ Người đứng vào hàng tam tài đó. Tam tài hiệp với Âm Dương thành Ngũ hành (số 5) Mà chính hai khí này tạo thành một mẫu người LÃO TỬ thông Dịch; Ngài cũng muốn dạy người đời phải hiểu Dịch đến mức cao siêu mới thấu được lý biến hóa của vũ trụ. Khi người Cha nàng đoán quẻ Âm Dương biết có thiên Thần giáng. Thế mà đến năm 80 (ba lần con số 8 là 24, tức là 24 chuyến thuyền Bát Nhã mà Đức Chí-Tôn dùng chở nguyên nhân đến trần. Bát nhã tức là Trí huệ của người tu. Buổi Ngài mới chào đời bên cội LÝ (7 nét) Số 7 là nguyên nhân của thất tình tạo ra con người; mà khởi nguyên để có Ngài cũng do cây LÝ, mà người muốn hiểu được Ngài, muốn đến với ĐẠO phải hiểu LÝ (12 nét) của trời đất. Vậy Đạo là Lý, thế nên từ xưa đến giờ qua các thời kỳ mở đạo đều có “Thái Thượng Đạo Tổ” là tiền thân, sau là “Lý Lão Quân”. Nay qua Tam kỳ thì có “Lý Thái Bạch”, có nghĩa là muốn tìm đến Tiên đạo phải hiểu sâu về “LÝ” “Làm người rõ thấu lý sâu”. Nếu cứ hiểu nguyên nghĩa thì thấy ra toàn là những điều hoang tưởng, tức là tưởng tượng ra những chuyện hoang đường. Vì lẽ đó mà những người có chút ít khoa học thì cho rằng Tôn giáo xa rời khoa học, rồi tự họ tìm đến khoa học thực nghiệm hầu để đánh đổ Tôn giáo một phần; phần khác họ đưa khoa học đến đỉnh cao mong thỏa mãn cuộc đời vật chất này. Nhưng rốt lại rồi thiên tai phút chốc phá tiêu công trình ngàn năm, ngàn năm của họ, một phần chìm đắm vào con đường vật chất đến sa đọa. Đây là một cái bịnh trầm trọng của nhân loại nữa kìa.

Vì sao ? -Vì cái lý đạo bị tắt nghẽn không ai giải thích giùm. Mà thực sự thời ấy có giải thích cũng không hiểu. Bởi vì khoa học thực nghiệm đi sau khoa học siêu hình nhiều quá. Bằng chứng trước mắt là dân Việt Nam hãnh diện mình là “Con Rồng cháu Tiên” “giòng Hồng giống Lạc” thế mà ta có bao giờ thấy Rồng, thấy Tiên chưa? – Chưa ! chưa bao giờ thấy! chưa thấy thì lấy gì làm tự hào ? Tổ tiên ta ngày trước sanh trứng (một bọc trăm trứng) mà sao giờ này chúng ta sanh con ? Nếu đứng về nhân văn thì chúng ta bị mất gốc, bị lai giống chăng?

Nếu đứng về khoa học thì vô lý, Rồng Tiên không thấy bao giờ thì ai là vật tổ ? Nếu là hoang đường, là huyễn hoặc, là phi lý sao không bỏ đi ?

Cũng như Thiên Chúa giáo nói là Tổ tông là hai Đấng đầu tiên là Ông Adam và Bà Eva kết hợp. Ban đầu ông Adam một mình buồn mới móc xương sườn trái nắn nên Bà Eva, nhưng Đức Chúa Trời cho họ sống trong vườn Địa đàng yên ấm quá mà lại nghe lời dụ dỗ của loài rắn, ăn phải trái cấm nên bị đuổi ra khỏi Địa đàng.

Nhìn kỹ thì cũng toàn là điều huyễn hoặc nhưng sao vẫn tin ? Người lãnh đạo hẳn biết rõ nhưng không thể giải bằng lý ra được, vì trình độ tiến hóa của nhân loại ở 2000 năm trước đây thì không giải bằng khoa học cho tường tận được. Cũng không thể dẫn chứng bằng Lý Âm Dương như ngày nay. Nghe ra nào có khác với thỉ Tổ Việt Nam là Rồng Tiên đâu ! Tất cả không ngoài lý Càn Khôn biến hóa. Từ Thái cực sanh Lưỡng Nghi mà ra. Thế rồi người có lòng tín ngưỡng cứ nhắm mắt nghe theo, người không tín ngưỡng thì bài bác, người có quyền thế thì bắt bớ, giam cầm tù đày người theo Đạo cho là “mê tín dị đoan”. Than ôi, bao ngàn năm nay rồi, nếu không có những bậc nguyên căn đến “Tạo Đạo cứu đời”, không có những cái tâm “chí Thánh” thì Tôn giáo ở toàn cầu bị diệt hết rồi. May thay  Đức Chí-Tôn đã đến để cứu nhân loại!

Tuy hai phương trời Đông- Tây xem như chẳng bao giờ hòa hợp nhưng mà có chung một Triết thuyết cao siêu tuyệt vời. Dù họ có chối Chúa, phản Thầy, giết đạo họ cũng vẫn nằm trong vòng định mệnh của Hóa công. Sau khi bị phá sản hoàn toàn rồi họ cũng cất tiếng than dài: “TRỜI ƠI ! THIÊN TAI !”.

3 - Thiên Chúa Giáo:

Với Chúa Cứu Thế từ xưa đến giờ cũng vì muốn Ngài là một thần thoại đầy sự kỳ bí nên truyền rằng Chúa là do Thiên Thần giáng điển linh. Nhưng vì thuyết này mà Đạo Chúa phân làm hai:
- Một bên tuyệt đối tin rằng Đức Mẹ đồng trinh Maria, thế nên phân ra Công Giáo
- Một bên không tin như thế, mà là tất cả đều phải thọ đủ Âm Dương phụ mẫu mới sanh hóa ra con người. Chính cái linh diệu là do Chơn linh cao trọng. Từ đấy phân ra Đạo Tin lành.

Nhưng hãy nghe Đức Hộ-Pháp nói để xác định:
…“Từ khi Chúa về nhà thì cũng như mọi đứa trẻ khác, cũng đi đội nước, cũng đục đẽo làm thợ mộc phục tùng cha mẹ hiếu hạnh đủ điều. Trong nhà em út bất hòa, còn ông Jésus hiền lắm, tánh hay nhịn nhục nên mấy người em thường hay ăn hiếp. Ở nhà không yên, ông đi làm thợ lấy tiền về nuôi cha mẹ lây lất qua ngày”.

Vậy là thuyết về Mẹ đồng trinh không đứng vững. Và Chúa có nhiều em út nữa. Nhưng dù thế nào chăng nữa toàn cầu vẫn tôn thờ Chúa Cứu thế trên hai ngàn năm nay rồi và chắc chắn sẽ mãi mãi được tôn vinh.

Ngoài ra còn những việc khác:
NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC VATICAN XIN THA TỘI
(Bùi kha)
(Trích VATICAN thú tội và xin lỗi- Giao điểm 2001)

Ngày Chủ nhựt, 12 tháng 3 năm 2000, Giáo Hội Ca Tô (1) Vatican lại một lần nữa công khai xin tha thứ lỗi lầm mà Giáo hội đã tác hại cho nhân loại suốt hai ngàn năm qua. Việc làm này được thế giới và các cơ quan  truyền  thống quốc tế quan tâm đón nhận và loan báo.

Có thể nói đây là một việc làm đáng ca ngợi vì ít ra Giáo hội Ca-Tô, nhất là giáo Hoàng John Paul II, đã đến lúc không thể dấu diếm tội lỗi nên phải đành công khai. Xem thế còn hay hơn, còn quân tử hơn so với một số lãnh đạo các Tôn giáo khác như giáo hội Ca-Tô Việt Nam tìm cách bào chữa để ém nhẹm những tội lỗi của mình.

Tuy vậy điều đáng phàn nàn là Giáo hội Ca-Tô La Mã và Giáo Hoàng Phao-lô II (John Paul II) thiếu thành thực và thiếu sót trong việc nhân loại tha thứ các núi tội mà Giáo hội đã phạm. Để đọc giả thấy rõ thế nào là thiếu thành thật và thiếu sót, tôi xin tóm lược nội dung những tội ác mà Giáo hội đã đọc trong buổi Lễ mà xin tha thứ.

BẢY NÚI TỘI

1/ - Xưng thú tội lỗi chung: đó là các tội đi ngược lại với Thánh Kinh và từ chối vâng phục Chúa: “Chúng ta khiêm nhường nhìn lại tội lỗi”.
2/ - Xưng thú lỗi lầm đã phạm lúc phục vụ chân lý: những người con của Giáo hội đôi lúc vì hăng say bảo vệ chân lý nên đã sống bất khoan hoà và không chân thành với giới luật yêu thương.
3/ - Xưng thú tội lỗi đã lắm lúc tổn thương đến sự hiệp nhất: làm tổn thương tinh thần bác ái huynh đệ giữa tất cả các Ki-Tô hữu, đôi lúc chống đối và gây chiến với nhau
4/ - Xưng thú các tội chống lại dân Do Thái (Israel)  xin tha thứ tội lỗi chống lại dân của giao ước và các lời chúc lành.
5/ - Xưng thú các tội đã phạm khi hành động ngược lại đức yêu thương, hoà bình, những quyền của các dân tộc. Kính trọng các nền văn hoá và Tôn giáo: các Ki-Tô hữu có thể sám hối về những lời nói và thái độ gây ra bởi sự kiêu ngạo, hận thù, muốn thống trị kẻ khác, thù nghịch bởi những người theo các Tôn giáo khác và các nhóm người yếu kém lang thang trong xã hội.
6/ - Xưng thú các tội chống lại phẩm giá phụ nữ và sự hiệp nhất của nhân loại: các Ki-Tô-hữu đã phạm tội khi có những thái độ hất hủi và loại trừ phụ nữ và kỳ thị chủng tộc cùng sắc tộc.
7/ - Xưng thú các tội liên quan đến các quyền căn bản của con người.
Trên đây là bảy tội mà Giáo hội Ca-Tô Vatican đọc trong buỗi Lễ xưng tội và xin tha thứ. Mỗi tội do một đại diện của giáo triều Vatican đọc trong buổi cầu nguyện có tên là “Universal Prayer Confession of Sins and Asking for Forgiveness” (Cầu nguyện phổ quát Sám hối tội lỗi và xin tha thứ).

Bảy tội tóm lược ở trên là căn cứ theo bản tiếng Anh do báo Hiệp nhứt của Giáo phận Orange California, Hoa kỳ, dịch ra tiếng Việt được tuần báo Sài-gòn Post đăng lại với phụ bản tiếng Anh.

THIẾU SÓT VÀ THIẾU THÀNH THẬT
LÚC XƯNG TỘI.

Để bắt đầu nhận định việc Giáo hội Vatican xin tha tội, tôi trích một số ý kiến của “Học Hội Đức Giê-su KiTô phục sinh (HHĐGSKTPS). Cần nói thêm rằng Học Hội này là một ban nghiên cứu gồm nhiều trí thức Ca-Tô, Bang Texas, Hoa Kỳ. Dưới đây là đoạn tóm lược:
 (1) Ca Tô: phiên âm  từ chữ Catholic, tức là Đạo chúa hay Đạo Công giáo

 “Giáo Hội dạy giáo lý nhồi sọ giáo dân rằng TỘI là Quỉ SATAN và Quỉ SATAN là TỘI, người phạm tội là người của Quỉ SATAN, người có tội bị SATAN bắt linh hồn, nắm đầu nắm cổ và chịu sai khiến như tù nhân khổ sai…Giáo hội công Giáo Roma La-tinh ôm ấp 7 mối tội to như 7 trái núi hàng ngàn năm và 7 chương tội là 7 đàn Quỉ có sừng có đuôi hàng triệu đứa. Giáo hội nắm gọn trong tay 7 đàn quỉ này thống tri, Giáo hội công Giáo Roma La tinh còn thiếu một chương thứ tám “về tội trong hoàng cung và triều đình Giáo Hoàng”.

Ví dụ Giáo Hoàng Tây Ban Nha dòng Borgia là Alexander VI (1492-1503) hiện nguyên hình là một “ con quỉ râu xanh loạn luân ba đời trực hệ đàn bà”, con trai là C ésare và con gái là Lucrezia lộng hành đến nỗi thay cha cai trị Giáo hội, có lần Lucrezia ngồi trên toà Phêrô và các triều thần, các thầy dòng xúm vào hôn chân nàng…đây là chuyện “thất tình lục dục” của ngàn năm thứ hai. Nếu ngược lên ngàn năm thứ nhất, có chuyện cổ kim đông Tây độc nhất vô nhị là “Phiên toà Đại hình Khai quật xác  Giáo Hoàng Formosus (891-896) chết đã mục xương ngồi vào ghế bị cáo”, sử gọi là “CADAVER SYNOD” một phiên Toà Giáo hoàng xử tội GiÁO Hoàng mà người đời mường tượng ra cảnh dưới Âm-Ty cắt lưỡi, móc mắt, chặt từ ngón tay, phân thây ra trăm mảnh ném xuống sông Tiber. Năm sau Giáo Hoàng Stephen VI và người bố trí phiên Toà xử xác chết  này bị lật đổ, bị tù và bị thắt cổ cho chết. Hàng trăm cuộc phế lập, tranh quyền, thanh trừng, cướp ngôi Giáo Hoàng cực kỳ hung bạo, tàn nhẫn, vô luân, y hệt thời Xuân Thu chiến quốc”.

Hàng ngàn năm, để che dấu và bưng bít 7 chương tội đối ngoại và 1 chương đối nội là tám- Nghệ thuật tuyên truyền của giáo hội Roma phải đạt đến chỗ cực kỳ ảo diệu, thiên biến vạn hoá, một nghệ thuật tuyên truyền thần thánh, một nghệ thuật tuyên truyền nhồi sọ tuyệt vời: Giáo hội là Thánh, Giáo hội là mầu nhiệm, Giáo hội là bí tích, Giáo hội là hiền thê Đức Giê-su, Giáo hội là duy nhất, thánh Thiện, Công giáo và Tông truyền, Giáo hội là vương quốc của Thiên Chúa …Giáo hội tự nhận cho mình hết tất cả những khái niệm cao cả thánh thiện, vừa linh thiêng siêu hình, vừa hữu hình thế tục, chẳng bỏ sót một phạm trù nào! Ngoài nghệ thuật tuyên truyền, Giáo hội vẫn phải xây “Vạn lý trường thành đức tin” và buông “bức màn sắt thần học” lên đầu đoàn chiên. Một toà giảng là một cái loa tuyên truyền, dựa vào khoa thần học phù phép ảo thuật biến núi tội thành con chuột” “cho kẻ cướp mặc áo thầy tu” và “Quỉ SATAN có diện mạo ông thánh”.

Trong 7 chương tội mà Giáo hội công giáo Roma La tinh cáo thú, có nhiều tội danh phải kể là “ vượt tội” mang cấp số cộng hay cấp số nhân.

Ví dụ: Giáo hội phạm tội A, muốn giấu kín  và bưng bít tội A, Giáo hội nhắm mắt phạm thêm tội B để bảo vệ tính bí mật, mầu nhiệm của tội A. Giáo hội bị cuốn hút vào qui luật dây chuyền của những con bài Dominos. Giáo hội phạm tội C để bảo vệ A+B.. Thử tưởng tượng từ ngày Giám mục Pierre Cochon (đồng nghĩa với con heo) thiêu sống Bà THÁNH JEANNE D’ARC (1), cho đến ngày Bà được phong Thánh là 400 năm, các toà giảng của Giáo hội trên khắp cõi Âu châu phải ăn gian nói dối và vu oan giá hoạ cho bà bao nhiêu lần ? Giết Bà cũng một tay Giáo hội, phong Thánh cũng một tay Giáo hội, nhưng có mấy ai được may mắn như Bà. Hầu hết các trọng tội Giáo hội phạm tại các “Toà điều tra dị giáo” là tội đẻ ra tội theo cấp số cộng và cấp số nhân”.

Buổi lễ xưng tội và xin tha thứ trông có vẻ rình rang nhưng thực sự quá đơn giản, kiểu đại khái để lấy lòng người, nhưng không có một hình ảnh tương đối khả dĩ cho thấy Vatican thành thật trong vấn đề. Đã thế, Giáo hội Ca Tô Vatican còn dùng những danh từ trịch thượng như. “khiêm nhường nhìn lại tội lỗi”, Giáo Hoàng tha thứ và xin được tha thứ (May we forgive and request forgiveness). Nhất là phát ngôn viên của Vatican, Joaquin Navarro-Valls còn xác định rõ-ràng rằng: Giáo Hội xin Thiên chúa tha thứ chứ không phải xin các nạn nhân của Giáo hội tha thứ.

Theo sử liệu thì Giáo hội đã tạo ra vô số rừng tội, sa mạc tội, chứ không nằm gọn trong 7 loại tội như buổi lễ đề cập. Các tội ác dã man tàn bạo và khủng khiếp nhất trong

lịch sử loài người. Theo đó hơn cả trăm triệu người đã bị  Giáo hội giết bằng bom đạn, thiêu sống, trấn nước và chết vì những hệ quả do chính sách bất lương của Giáo hội. Chỉ riêng các toà án xử các người khác tín ngưỡng hoặc khác ý kiến với Giáo hội cũng đã lên đến con số trên 11 triệu người (more than eleven million people had been  killed by the Inquisition of the Church).

Nói như đại tư tưởng gia Voltaire là “Giáo hội Gia tô La Mã không làm gì ích lợi mà chỉ làm hại cho nhân loại mà thôi” (donc nothing but harm).

Những rừng tội không thể kể hết. Dưới đây chỉ đơn cử vài tội ác tiêu biểu: hơn tám cuộc Thập Ác chiến, các toà án dị giáo xử tử người khác Tôn giáo kéo dài trên 500 năm. Toa rập và dẫn đầu trong các phong trào đánh chiếm thuộc địa. đốt phá đình, chùa, tượng, tháp của các quốc gia    bị xâm chiếm; đốt phá tiêu huỷ các Thánh tích cơ sở văn

Chú thích:  (1)  Bà THÁNH JEANNE D’ARC là Lục Nương Diêu Trì Cung trong cửa Đạo Cao Đài ngày nay, gốc người Pháp hoá và thư viện của nhiều quốc gia. Đe doạ, cản trở các công trình phát minh khoa học. Đào tạo các đạo quân xung kích để lật đổ các chính quyền hợp pháp. Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các cuộc chiến tranh diệt chủng. Đầu tư mua bán cổ phần trong các công ty sản xuất khí giới và dụng cụ chiến tranh. Mở công ty ma, chuyển ngân bất hợp pháp, giết các người giàu để cướp tài sản. Đầu tư vào công ty thuốc ngừa thai, nhưng bên ngoài Giáo hội luôn luôn phản đối các phương tiện và thuốc ngừa thai, liên hệ và cấu kết với các chính quyền quân Phiệt và Phát xít trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Âm mưu tận diệt Do-Thái.

Riêng vào cuối Thế chiến thứ II, 1945, sáu triệu dân Do-thái bị giết (By the end of was, some six million Jews had been perished). Đã thế, Giáo hội Vatican còn ăn cắp vàng của các nạn nhân (…for dealing in gold plundered by Nazis during World War II, a US.government document came to light… containing evidence that links the Vatican  with such dealings. L.A Times July 23, 1997). Giết dân mọi da đỏ ở Bắc Mỹ. Buôn bán nô lệ dân Phi châu. Mua linh hồn qua các chương trình từ thiện. Cổ võ và thực hiện các chương trình giáo dục ngu dân và cuồng tín để dễ dàng bóc lột tín đồ. Giáo hội đã không từ bỏ một chương trình,  một hành động đẫm máu và phi nhân nào trên thế gian.

Gần đây, từ tháng 4 cho đến tháng 7, 1994 có đến 800 (tám trăm ngàn) dân tộc thiểu số Tutsis, nước Rwanda (Phi châu) bị giết, lại có sự liên hệ của Giáo hội Vatican La-Mã trong tội ác tắm máu dã man này. Hơn 20 Linh mục và Bà Sơ đã bị Toà xét xử, trong đó có hai Linh mục đã bị án tử hình (The highly publicized trial strained Rwand’s relations with the Vatican. Misago is the highest ranking Roma Catholic cleric among morc than 20 nuns and priets accused of participating in the  genocide; two priests have already been  convicted and sentenced to death [ (L.A. Times  16-6-2000]
(trích Vatican Thú tội và xin lỗi- trang 1-8)

NHỮNG TỘI ÁC CỦA GIÁO HỘI CA-TÔ VIỆT NAM
ĐỐI VỚI TỔ QUỐC

Ôn lại một số tội mà Giáo hội Ca-tô Việt Nam đối với dân tộc, không nhằm mục đích khơi lại đống tro tàn của những năm xưa. Nhưng không thể có sự hoà đồng Tôn giáo hay đoàn kết Tôn giáo, để xây dựng xứ sở sau bao năm tang tóc vì chiến tranh, mà không phân biệt rõ chánh tà phải trái để cái đúng thì theo, điều sai thì bỏ và nên bỏ hẳn thề không bao giờ tái phạm ! Hoặc cứ vì rụt rè, sợ mất lòng, sợ đụng chạm, hoặc sợ tánh mạng thiếu an toàn, không dám nói ra, thì lịch sử luôn luôn sẽ bị xuyên tạc, bị bóp méo, bị tráo trở. Mà hậu quả của vấn đề ngại ngùng sợ sệt này làm cho trắng đen lẫn lộn, chân giả giống nhau, những bước đi sai lầm của quá khứ vẫn còn  duy trì và tiếp tục thì làm thế nào để có thể đoàn kết và phát triển quốc gia cho kịp đà văn minh của nhân loại.?

Do đó, những ai cảm thấy sự vinh nhục của Tổ quốc cũng là sự vinh nhục của chính mình, sự phồn thịnh của dòng giống Việt cũng là điều hãnh diện của những ai đã từng sinh ra lớn lên trên mảnh đất hình cong chữ S, đã từng ăn mắm ăn cà để nhớ quê hương bốn ngàn năm văn hiến. Hơn bốn ngàn năm lấy xương máu đắp giang san. Giặc ngoại xâm nào cuối cùng cũng phải cuốn gói, sức mạnh của bất cứ cường quốc nào sớm muộn cũng phải dẹp tan, để giang san gấm vóc Việt Nam vẫn là của người Việt oai hùng lẫm liệt trên quả địa cầu này.

Trong tâm tình và suy nghĩ ấy, tôi muốn nêu ra một vài lỗi lầm nghiêm trọng mà các nhà truyền giáo Tây phương và Giáo hội Ca-Tô Việt Nam đã gieo rắc đau thương cho dân tộc Việt. Để từ đó chúng ta sẽ rút tỉa được một bài học thích đáng ngõ hầu tránh sự tái phạm trong tương lai:

1 - Chỉ thị từ La-Mã:
Sắc lệnh của Giáo-Hoàng Borgia Alexandre VI, 1493 là một tai hoạ lớn cho các nước Á-Châu trong đó có Việt Nam. Theo đó, Alexandre VI chia thế giới làm hai, chỉ dành riêng cho Bồ đào Nha và Tây ban Nha mà thôi và buộc họ đi chiếm thuộc địa để cưỡng bách dân bản xứ cải Đạo. Nhưng sắc lệnh này là một cản trở lớn cho việc bành trướng của Giáo Hội Ca-Tô Pháp vào Á-châu, nhất là Việt Nam. Vì thế ngày 11-9-1652 Linh mục dòng Tên Alexandre de Rhodes (Rốt) được sự đồng ý của Giáo hoàng Innocent X để đi Pháp vận động chánh phủ Pháp đánh chiếm Việt Nam. Cuộc vận động này được chính Rốt chứ không phải ai khác, đã nói rõ trong cuốn “Du hành và Truyền giáo” (Divers Voyages Et Missions) in tại Pháp năm 1653 trang 73-74, mà chúng tôi đã trình bày tường tận trong các cuốn “Alexandre de Rhodes người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ Quốc ngữ” và Linh Mục Trần Lục: “thực chất con người và Sự nghiệp” (Giao điểm xb 1999, các trang 193-194)

Để có một cái nhìn tương đối tổng quát về thảm hoạ mà các nước Á-châu bao gồm cả Việt Nam, phải gánh chịu do Ki-Tô giáo (cả Công giáo lẫn Tin lành) mang đến, chúng ta nên đọc một đoạn trong cuốn “Catholic Imperialism and World Freedom” Chủ nghĩa đế quốc Ca Tô và Tự do Thế giới) của Sử gia Avro Manhattan (tr.341)

“Những công vụ truyền giáo của Ki-Tô không bao giờ chỉ là thuần tuý truyền giáo. Những công vụ truyền giáo này luôn luôn hoặc theo sau, hoặc đồng hành, hoặc làm đạo quân tiên phong cho những kho hàng Tây phương ngoại giao, Tây phương và những binh đội Tây phương. Bất kể sự diễn tiến như thế nào, kết quả đều giống nhau, những dân tộc Á-châu mất đi hoặc một phần, hoặc toàn phần sự tự do của họ, bất cứ khi nào và ở nơi nào mà cái Thánh giá cùng cái mũ Tây phương xuất hiện. Sự chấp nhận, tự nguyện hay cưỡng bức, hai thứ trên được tuyên dương là chiến thắng của nền văn minh Ki-Tô và văn minh Ki-Tô có nghĩa là bất cứ cái gì có tính cách thống trị - hay nói khác đi, bất cứ cái gì của Tây phương- sự thành công thường tuỳ thuộc ở sự hiện diện của những hạm đội ở ngoài khơi” .

Đoạn văn trên có hai điểm cho thấy rõ ràng công việc các người truyền giáo gắn liền với các phong trào chiếm thuộc địa và sự thành công của việc truyền đạo tuỳ thuộc vào khí giới Tây phương.

Lúc cải đạo bị bắt buộc hay tự nguyện con người sẽ bị tẩy não, bị tuyên truyền rằng tất cả đất đai đều thuộc của Chúa Trời, mà Giáo Hoàng ở Vatican là đại diện cho Chúa Trời. Nói khác đi, tất cả đất đai của các quốc gia trên thế giới là của Vatican. Trong chiêu bài ấy, các Linh mục, Giám mục đã biến họ và biến con chiên thành một đội quân nội gián chống lại quê hương. Họ là những thành phần “ăn cơm quốc gia thờ ma đế quốc”. Bởi thế chúng ta không lấy làm lạ tại sao Giáo hội Ca-Tô Việt Nam lại chạy theo Pháp rồi lại chạy theo Mỹ và Giáo hội Tin lành Việt Nam lại muốn biến các vùng Cao nguyên dân tộc thiểu số trở thành nhiều “Quốc gia” độc lập tự trị của phong trào Ful-rô trước 1975 và vụ dân Hmong (Mường) ở vùng Cao bằng, Lạng sơn hiện nay là những bằng chứng. Vấn đề này tôi đã trình bày khá đầy đủ trong “Tự do tôn-giáo thế giới” (báo Giao điểm số 33, 1999).

2 - Chạy theo ngoại bang:
Các Sử gia đã viết nhiều về vấn đề này, nhưng ít ai dùng những danh từ “mạnh” để mô tả vì vấn đề tế nhị, sợ đụng chạm đến tôn giáo. Nhưng dẫu có nói quanh co, bóng gió thế nào đi nữa thì người ta vẫn ám chỉ và đồng ý  rằng Giáo hội Ca-Tô Việt Nam là thành phần Việt Nam bán nước. Vì sao ?

a/ - Giám mục Nguyễn Bá Tòng:
Chúng ta biết rằng theo cuốn “Atour des Fêtes du 3 Décembre 1940 à Phát Diệm (chung quanh đại lễ ngày 3-12-1940 ở Phát Diệm - do chánh phó Giám mục. Linh mục và các Giáo hữu địa phận Phát Diệm chủ trương) thì Nguyễn Bá Tòng là người Việt Nam đầu tiên được phong Giám-mục. Trong buổi lễ tại Phát Diệm nói trên, Toàn quyền Decoux thay mặt Thống Tướng Pétain, Chánh phủ thực dân Pháp trao tặng cho Giám mục Nguyễn Bá Tòng Ngũ đẳng Bắc đẩu Bội Tinh. “Đức cha Tòng đọc bài Diễn văn tỏ lòng cảm ơn Chánh phủ, tỏ lòng trung thành con dân Việt Nam đối với Mẫu quốc” (Dẫn theo Toan Ánh trong “Nếp cũ hội hè đình đám”, quyển Thượng, Sài-gòn 1969, trang 292). Một Giám-Mục đầu tiên của Giáo hội Ca-Tô Việt Nam nhờ công lao phục vụ đắc lực cho Chánh phủ thục dân Pháp trong việc chiếm đóng và đô hộ nước ta nên được tặng huy chương cao cấp nói trên. Đã thế còn thề thốt “Tỏ lòng trung thành con dân Việt Nam đối với Mẫu Quốc”. Nếu không tiếm xưng chữ con dân và nói cho đúng ý, đúng thực chất thì phải nói rằng “Giáo Hội Ca-Tô Việt Nam  tỏ lòng trung thành với Mẫu Quốc Pháp”.

Công lao phục vụ thực dân lớn lao như thế nên Nguyễn Bá Tòng luôn luôn được Giáo hội Ca-Tô Việt Nam vận động đặt tên đường, tên trường học Nguyễn Bá Tòng trước 1975 tại Sài-Gòn. Hình như ngày nay các địa danh này vẫn còn tồn tại trên đất nước (Phải chăng vì sự “tế nhị chánh trị” nên chính quyền Việt Nam chưa quyết xét tới chăng?)

b/ - Giám mục Ngô Đình Thục:
Trong bức thư viết tay của Giám mục Ngô Đình Thục gởi cho Đô Đốc Jean Giám mục Ngô Đình Thục: Toàn quyền Đông Dương ngày 21-8-1944, từ Toà truyền giáo Vĩnh Long để xin  thực dân Decoux thả Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm bị Pháp bắt vì lý do hai ông này chạy theo thực dân Nhật sau khi không được thực dân Pháp trọng dụng như trước. Trong thư Giám Mục Ngô Đình Thục có những lời lẽ trần tình với Pháp như sau:
“Nếu hoạt động của hai em tôi được chứng tỏ là có hại cho quyền lợi nước Pháp thì- với tư cách của một Giám Mục, của một người An-Nam và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà Cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy tại Nghệ an và Hà Tĩnh- Tôi, tự đáy lòng, không chấp nhận hoạt động của các em tôi”.

… “Có thể tôi lầm, tuy nhiên, thưa Đô Đốc, tôi xin thú thật là không tin – cho đến khi được chứng minh ngược lại- rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp.

…Tôi nêu ra điều này khi xét thấy rằng thân phụ tôi là Ngô Đình Khả đã từng được vinh dự phục vụ nước Pháp dù sinh mạng bị hiểm nguy và khi xét đến quá trình lâu dài của các em tôi, một quá trình được hình thành bằng lòng tận tuỵ vô bờ của các em tôi đối với nước Pháp, mà không sợ phải hy sinh mạng sống của mình cho nước Pháp”.

Lá thư này viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Việt, đã đăng tải trong các cuốn “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” (Hồi ký của cựu tướng Hoành Linh Đỗ Mậu và trong “Tại sao Tôi không theo Đạo Chúa?” (Tuyển tập I, in tại Texas Hoa-Kỳ, 1994, có cả phóng ảnh bản viết tay của Ngô Đình Thục)

c/ - Linh Mục Trần Lục:
Nguyên là cai quản Chánh xứ Phát Diệm một thời. Ngày 5-12-1873 Trần Lục giúp đội quân do một Chuẩn uý thực dân Pháp cầm đầu chiếm thành Ninh Bình. Năm 1886 Trần Lục dẫn 5.000 giáo dân đến giúp quân đội Pháp đánh chiếm chiến luỹ Ba-Đình của nhà ái quốc Đinh Công Tráng. Trần Lục là đàn em của Giám Mục thực dân cuồng nhiệt và gian ác Puginier, người chủ trương đồng hoá toàn dân Việt Nam và biến Bắc kỳ trở thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông. Nhờ công lao giúp thực dân Pháp đô hộ dân tộc ta, nên Trần Lục được chính phủ thực dân Pháp trao tặng hai Huân chương đặc biệt và cao cấp: Ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh năm 1899 (theo Linh Mục Trần Ngọc Thụ trong cuốn “Trần Lục”, Canada, 1996, nhiều tác giả, trang 18). Muốn rõ thêm chi tiết, mời đọc giả xem thêm cuốn “Linh Mục Trần Lục: thực chất con người và Sự nghiệp”, (của Bùi Kha và Trần Chung Ngọc, Giao điểm, 1999). Cùng nêu rõ thêm rằng tên Giám Mục gian ác và nguy hiểm Puginier cũng chỉ được tặng đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân chương, trong khi Trần Lục được đến hai cái.

Trần Lục với những tội danh bán nước chạy theo thực dân Pháp mà lịch sử cho thấy như thế, nhưng nhiều năm qua Giáo hội Ca-Tô Việt Nam đã đặt tên trường để vinh danh ông. Gần đây, ngày 17-7-1999 Giáo Hội Ca-Tô Việt Nam lại làm lễ kỷ niệm có tính cách Quốc tế để vinh danh ông Linh Mục Việt gian này. Một số ấn phẩm do các Giám Mục, Linh mục, học giả Ca-Tô trong vài năm gần đây đã công khai ca tụng Trần Lục là  “bậc vĩ nhân của lịch sử hiện đại” đã cho thấy rõ âm mưu của họ”.

Đức Hộ-Pháp nói:
Bí pháp chơn truyền của Công giáo không có:
“Bởi thế cho nên nền Tôn giáo mới hơn các nền Tôn giáo khác có mặt tại địa cầu này là nền Thiên Chúa Giáo, vị Giáo chủ sáng suốt, vị Giáo chủ ngôn ngữ hoạt bát, tinh thần minh hoạt hơn hết, là Đức Chúa Jésus Christ, nhưng hại thay trong Thể pháp Ngài đủ quyền năng đem giáo lý của Ngài đặng làm nền tảng tâm lý của nhơn loại. Nhưng về mặt Bí pháp chơn truyền, Ngài chỉ có nói một điều, các Môn đệ nhứt là các vị Thánh Tông Đồ “Có nhiều lý lẽ cao siêu ta chưa có thể nói với các người đặng, dầu ta có nói các người cũng chưa hiểu”.

 Vì cớ cho nên Bí pháp chơn truyền của Công giáo không có, không có thể có. Bởi Bí pháp, theo lời Đức Chúa Jésus-Christ thì buổi nọ Bí pháp Chơn truyền của Ngài chưa có thể gì nói cho thiên hạ nghe đặng”.

4 - HỒI GIÁO:
Khủng bố là người Á-Rập theo Đạo Hồi
(Từ trang 7-10.  Cũng do tài liệu sau, dưới tiểu mục:

“Đạo Hồi, một nhân tố mới trên bàn cờ địa chánh trị Thế giới” Sự kiện ngày 11-09-2001 tại Mỹ Quốc.
(Trích quyển Đạo Hồi thế giới Á-Rập- Văn minh- Lịch sử. Nhà xb tổng hợp TP. HCM  Từ trang-45 . Kinh Thánh Coran)    

* 8 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 09 năm 2001: một chiếc máy bay Boeng 767 của hãng Hàng-không American Airlines xuất phát từ Boston đâm thẳng vào một trong hai Toà nhà chọc trời của Trung tâm Thương mãi Quốc tế ở phía Nam thành phố New-York.. Trong khi lửa đang ngùn ngụt bốc cháy trên các tầng thượng của toà nhà này, nơi chiếc máy bay đâm vào.

*Thì lúc 9 giờ 26 phút một chiếc Boeng 767 khác của hãng Hàng Không United Airlines cũng xuất phát từ Boston, như một mũi tên, xuyên thẳng vào toà nhà chọc trời thứ hai của Trung tâm.

Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, cả hai Toà nhà cao 110 tầng đã đổ sụp xuống, khói lửa và bụi bay ngất trời; một vệ-tinh nhân tạo của Mỹ bay qua đã chụp được cảnh tượng rùng rợn ấy. Hàng nghìn người bị kẹt trong hai toà nhà kể cả hàng trăm cảnh sát và lính cứu hoả của thành phố New-York đều bị chôn vùi dưới hàng trăm ngàn tấn sắt, thép và bê-tông.

Toàn nước Mỹ được tin bàng hoàng sửng sốt thì:
*Lúc 9 giờ 30 một chiếc Boeng 757 của hãng American Airlines xuất phát từ Washington đi Los Angeles đã quay mũi bay trở lại Washington và đâm thẳng vào một cạnh của lầu Năm góc, nơi tập trung đầu não Quân sự của siêu cường Hoa-kỳ, làm chết hàng trăm Quân nhân Mỹ.

* Lúc 10 giờ 37, một chiếc Boeng 757 của hãng United Airlines chở đầy hành khách đã rơi xuống một cánh đồng ở Tiểu bang Pennsylvania, có lẽ đã hụt mục tiêu chính là Toà Nhà Trắng, phủ Tổng Thống Mỹ ở  Washington.   Đứng trước một hành động khủng bố đánh vào giữa lòng nước Mỹ, điều mà từ xưa đến giờ chưa hề xảy ra, chánh quyền Liên bang đã nhanh chóng tiến hành các cuộc điều tra và xác định được tên tuổi của 19 người trực tiếp nhúng tay vào hành động cướp 4 máy bay dân dụng rồi tự tay lái đâm vào các mục tiêu là những biểu tượng của sức mạnh Kinh tế, Quân sự, Chánh trị của Mỹ và cũng của Thế giới Tây phương.

Tất cả 19 người khủng bố này đều là người ÁRập theo đạo HỒI - mang nhiều quốc tịch khác nhau.
Trong số họ, 6 người là nòng cốt và là những thanh niên có trình độ học thức cao. Họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có phương pháp từ nhiều tháng trước cuộc tập kích: nắm vững được kỹ thuật lái máy bay dân dụng cỡ lớn phải tốn hàng năm tập luyện.

Mấy tháng trôi qua. Lửa vẫn cháy âm-ĩ và khói vẫn bốc trên bầu trời New-York, chánh phủ Mỹ ra tuyên bố là người chủ mưu đứng sau vụ khủng bố làm chấn động cả Thế giới ấy chính là tổ chức Hồi giáo quá khích Al Qaeda  (Al Qaeda có nghĩa là Tổ chức Hồi giáo quá khích) mà người sáng lập và chỉ huy là nhà triệu phú Usama Bin Laden hiện đang trú tại Afghanistan lúc ấy là quốc gia độc nhất trên thế giới có một chánh thể giáo quyền Hồi giáo cực đoan. Với lý do tìm diệt Bin Laden và tổ chức của ông ta, Mỹ tiến hành thả bom và bắn phá Afghanistan bị kết tội là đã chứa chấp ông trùm khủng bố này. Sau đó Mỹ đã thành công trong việc giúp những người chống đối lật đổ chánh quyền Hồi giáo ở đây. Các hành động của Mỹ đã gây nên nhiều thương vong cho thường dân Afghanistan nên nhân dân các nước Hồi giáo trên thế giới đã rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối, nhiều tín đồ Hồi giáo ở  Pakistan và nhiều nước Á-Rập đã lên đường sang Afghanistan để chiến đấu bên cạnh những người anh em cùng tôn giáo với họ. Chiến tranh kết thúc, họ đều bị bắt và bị giam tại căn cứ Guantanamo của Mỹ ở Cuba.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét