Ba Ông rất mừng rỡ vì đã
có được Ngọc cơ rồi, bây giờ lo ăn chay 3 ngày đặng cầu Nương Nương.
Đêm đó, Đấng AĂÂ giáng
bàn, bảo 3 Ông nhơn dịp nầy, làm một cái tiệc chay để đãi Cửu Thiên Nương và
Cửu Vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung.
Đêm 14 tháng 8 âm lịch,
tất cả đều đủ mặt tại nhà của Ông Cư , số 134 đường Bourdais, Sài gòn.
Ông Cư đặt một bàn dài ở
giữa nhà, trải náp đẹp, có rải bông lá, chung quanh đặt 10 cái ghế, cái ghế ở
đầu bàn phía trong thì lớn nhất, dành cho Cửu Thiên Nương Nương, còn 9 cái ghế
kia nhỏ hơn dành cho 9 vị Tiên Cô. Trên bàn, trước mỗi cái ghế, đặt 1 cái ly,
một tách trà, 1 cái chén với muỗng đũa, làm như là đãi tiệc người hữu hình vậy.
Còn giữa bàn dài thì chưng trái cây và bông hoa tươi tốt, trông vào rất lịch
sự.
Ông Cư dặn người nhà là Ông
không tiếp khách tối nay, và từ chập tối đã đốt trầm xông thơm nơi bàn tiệc.
Đến giờ Tý, 3 Ông mặc quần
áo chỉnh tề, đốt nhang đèn lên, đồng quì lạy khấn vái. Xong đem Ngọc cơ ra cầu.
Thật quả có Lịnh Cửu Thiên
Nương Nương đến giáng cơ, và Cửu vị Tiên Nương cũng giáng cơ đầy đủ chào mừng 3
Ông. Thất Nương kêu 3 Ông đờn và ngâm bài thi của mình đặng hiến lễ Nương
Nương. Nương Nương và 9 Cô đồng an vị mà nghe.
Chừng nhập tiệc, Thất
Nương mời 3 Ông ngồi vào bàn cho vui. Ba Ông sợ thất lễ không dám ngồi, nhưng
Thất Nương ép buộc, khó chối từ, nên mới đặt thêm 3 cái ghế ở phía sau, 3 Ông
xá rồi ngồi xuống. Bà Hiếu (hiền nội của Ông Cư), rót rượu (rượu Champagne) lần
lượt vào 10 cái ly, và gắp đồ ăn chay đặt vào chén cho mỗi vị, tựa như đãi
người thật vậy. Sau cùng thì rót nước trà vào 10 cái tách trên bàn.
Nửa giờ sau, chừng như mãn
tiệc, hai Ông Cư và Tắc phò Ngọc cơ tái cầu. Lịnh Nương Nương và 9 Cô để lời
cảm tạ và hứa đã : "Từ đây có Ngọc cơ rồi thì tiện cho DTC đến dạy
việc."
Kế đó, mỗi vị viết cho 4
câu thi, Đức Cửu Thiên Nương Nương (Đức Phật Mẫu) cho trước, rồi lần lượt Nhứt
Nương, Nhị Nương, vv . . ., cuối cùng là Cửu Nương. Các bài thi nầy, về sau
được dùng làm Bài Thài hiến lễ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương trong Lễ Hội
Yến DTC tại Báo Ân Từ vào ngày Rằm Trung Thu hằng năm.
Đầu tháng 9 năm Ất Sửu
(1925), Đấng AĂÂ giáng cơ nói với 3 Ông Cư, Tắc, Sang như sau (để thử lòng 3
Ông) :
" Tôi nói lộ Thiên cơ
nên bị Ngọc Hư Cung bắt tội, xin tam vị Đạo hữu cầu Ngọc Hư tha tội tôi, nếu
không thì tôi sẽ bị phạt."
Ba Ông rất lo lắng, liền
lập bàn hương án cầu DTC vào ngày 3-9-Ất Sửu (dl 20-10-1925), Ông Cư có đặt một
bài thi để đọc trước hương án cầu xin Cửu Thiên Nương Nương tha tội cho Ông AĂÂ
:
Vái van xin quí Cửu Thiên Nương,
Tâu với Ngọc Hư tỏ ngọn nguồn.
Vì nghĩa ĂA mang trọng tội,
Nghĩ tình đồng đạo để tình thương.
Đó là Đấng AĂÂ thử xem 3
Ông có thương AĂÂ thiệt tình không, để dự bị việc Vọng Thiên Cầu Đạo.
Ngày 27-10-Ất Sửu (dl
12-12-1925), Đức Cửu Thiên Nương Nương giáng cơ dạy rằng : " Ngày mùng 1
nầy, tam vị Đạo hữu Vọng Thiên Cầu Đạo." (Ấy là ngày mùng 1-11-Ất Sửu, dl
16-12-1925).
Đức Bà Cửu Thiên viết xong
lịnh đó thì thăng ngay.
Ba Ông Cư, Tắc, Sang không
biết Vọng Thiên Cầu Đạo là làm sao, chờ đợi đêm sau, cầu hỏi Thất Nương. Thất
Nương đáp : Không phải phận sự của Em, xin hỏi Ông AĂÂ.
Tối hôm sau nữa, có các
Đấng khác giáng, 3 Ông cũng đem việc Vọng Thiên Cầu Đạo ra hỏi, các Đấng ấy
cũng đáp y như Thất Nương.
Tối 30-10-Ất Sửu, 3 Ông
cầu Đấng AĂÂ thì Ngài giáng cơ dạy rằng :
"Ngày mùng 1 tháng 11
âm lịch nầy, tam vị phải Vọng Thiên Cầu Đạo, tắm gội cho tinh khiết, ra quì
giữa Trời, mỗi vị cầm 9 cây nhang mà vái rằng : Ba tôi là Cao quỳnh Cư, Phạm
công Tắc và Cao hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế, ban ơn đủ phước lành cho
3 tôi cải tà qui chánh."
Ba Ông không hiểu Cao Đài
Thượng Đế là ai, nhưng lịnh trên đã dạy thì cứ thi hành. Thế là đêm mùng
1-11-Ất Mão (dl 16-12-1925), 3 Ông lập bàn hương án ở ngoài sân trước nhà Ông
Cư, 3 người mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang, quì chung quanh bàn, cầm 9 cây
nhang cầu nguyện y như lịnh dạy, đến khi gần tàn hết 9 cây nhang mới thôi.
Xong rồi, 3 Ông đem Ngọc
cơ ra cầu. Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng cho bài thi chữ Nho rất khó hiểu.
Khi Đấng Cao Đài Thượng Đế
thăng rồi, 3 Ông liền cầu Đấng AĂÂ giải nghĩa dùm.
Đấng AĂÂ giáng, giải nghĩa
xong rồi thì cho bài thi :
Cứ níu theo phan Đức Thượng Hoàng,
Tự nhiên tu tánh đặng bình an.
Nguyệt hoa căn tội tua xa lánh,
Vịn lấy nhành dương hưởng đạo nhàn.
Mãi đến đêm Noel
(24-12-1925), Thất Nương giáng cơ truyền phải chỉnh đàn cho nghiêm hầu tiếp
giá.
Nghe vậy, 3 Ông Cư, Tắc,
Sang, nửa mừng nửa sợ, lật đật sắm đủ hương đăng hoa trà tửu quả, chỉnh đàn
thật nghiêm tịnh, (tại nhà của Ông Cư) đốt nhang khấn vái, rồi 2 Ông Cư, Tắc
ngồi phò Ngọc cơ.
Đấng giáng cơ viết như vầy
:
NGỌC HOÀNG THƯỢNG
ĐẾ viết CAO ĐÀI
GIÁO ĐẠO NAM
PHƯƠNG.
Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
Đêm nay, 24 Décembre, phải
vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà
đặng thấy chư đệ tử kính mến Ta như vậy.
Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi
lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.
Đấng Thượng Đế còn phán rằng :
Bấy lâu Thầy vẫn tá danh AĂÂ là cốt để dìu dắt
các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy mà
Khai Đạo.
Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào
chưa?
Các con nên bắt chước Thầy
trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức."
(Trích trong Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài
Nguyễn Bảo Pháp)
Ngày 31-12-1925(âl 16-11-Ất Sửu), Đấng AĂÂ
giáng:
"AĂÂ,
Ba con thương Thầy lắm há ?
Con có thấy đặng sự hạ mình của AĂÂ thế nào chưa ?
Con có thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa ?
Người quyền thế lớn nhứt như vậy có thể hạ mình bằng
AĂÂ chăng ?
AĂÂ là Thầy.
Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không ?"
IV . Thọ
phong Thượng Phẩm :
Đầu năm
1926, ngày 2-1-1926 (âl 18-11-Ất Sửu), Đức Chí Tôn Thượng Đế bắt đầu dạy Đạo
cho 3 Ông.
Ngày
27-1-1926 (âl 14-12-Ất Sửu), Khai Đàn tại nhà Ông Cao quỳnh Cư, Đức Chí Tôn
giáng cho thi :
Đã để vào tòa một sắc hoa,
Từ đây đàn nội tỷ như nhà.
Trung thành một dạ thờ Cao Sắc,
Sống có Ta, thác cũng có Ta.
Đài sen vui nhánh trổ thêm Hoa,
Một Đạo như con ở một nhà.
Hiếu nghĩa tương lai sau tựu hội,
Chủ trung Từ Phụ vốn là Ta .
Đêm 30 tháng Chạp năm Ất
Sửu (dl 12-2-1926), Đức Chí Tôn giáng tại nhà Ông Cư :
Sắp út thương hơn cũng thế
thường,
Cái yêu cái dạy mới là
thương.
Thương không nghiêm trị là
thương dối,
Dối dạ vì chưng yếu dạ
thương.
Cư, Tắc, Sang ! Trong năm
mới nầy, Thầy trông mong 3 con thấu rõ đạo đức hơn nữa, gắng chí nghe !"
Ngày 14/15-3-Bính Dần (dl
25/26-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Cao quỳnh Cư là Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
Ngày 18-5-Bính Dần (dl 27-6-1926),
Đức Chí Tôn dạy cách tổ chức Lễ cúng Đại Đàn, xếp đặt vị trí đứng cho 3 Ngài :
Phạm công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao hoài Sang. Tuy Đức Chí Tôn không nói phong
chức, nhưng với việc sắp đặt 3 vị trí nầy, Đức Chí Tôn đã phong 3 Ông vào 3
chức vụ : Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh của HTĐ.
Nhưng theo bài Bia kỷ niệm
Đức Cao sĩ Thượng Phẩm của Hội Thánh, thì ngày 15-10-Bính Dần, Đức Chí Tôn
chánh thức phong Ngài Cao quỳnh Cư ø chức Thượng Phẩm HTĐ.
Ấy là ngày mà 3 vị : Hộ
Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, mặc đại phục đứng chầu lễ Đức Chí Tôn lần đầu
tiên tại Thánh Thất Từ Lâm Tự, khởi đầu kỷ nguyên ĐĐTKPĐ.
V . Mua đất cất Tòa Thánh :
Sau ngày Đại Lễ Khai Đạo
tổ chức tại chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén Tây Ninh, chủ chùa là Hòa Thượng Như Nhãn
đòi chùa lại, Hội Thánh buộc phải trả chùa và dời đi nơi khác. Đức Lý Giáo Tông
giáng cơ dạy Hội Thánh đi mua đất ở làng Long Thành (Tây Ninh) để cất Tòa
Thánh, không mua đất ở vùng khác được vì Thánh ý của Đức Chí Tôn là : Chi chi
cũng tại Tây Ninh đây mà thôi. Trong khi Hội Thánh đi tìm đất, Đức Cao Thượng
Phẩm thấy một miếng đất rừng đề tên chủ nhân là Cao văn Điện, ông nầy làbạn của
Ngài, nên Ngài tìm đến Ông Điện nhờ chỉ dẫn để mua miếng đất rừng củaÔng Aspar
người Pháp, làm Kiểm Lâm, ở kế bên miếng đất của Ông Điện, đúng theo ý Đức Lý
Giáo Tông hướng dẫn, dùng làm Thánh địa, cất Tòa Thánh và các cơ quan Trung
ương của Đạo, tạo thành khu Nội Ô ngày nay.
Trong công cuộc phá rừng
khai hoang để cất Tòa Thánh tạm và các cơ quan, Đức Cao Thượng Phẩm là người
đứng đầu công trong Hội Thánh.
Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương
Hiếu thuật lại giai đoạn nầy trong quyển Đạo Sử I của Bà, chép ra như sau :
" Khi phá đám rừng
nầy thì đàn Thổ (người Cao Miên từ Soài Riêng xuống làm công quả) xuống cả ngàn
người để phá rừng, làm cho Ông Chánh Tham Biện người Pháp (Tỉnh trưởng Tây Ninh
thời ấy) nghi ngờ, mời Đức Cao Thượng Phẩm ra Tòa Bố. Ông hỏi Đức Cao Thượng
Phẩm làm cái gì mà đông đảo như vậy ?
Đức Cao Thượng Phẩm trả
lời : Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su.
Ông Tham Biện hỏi : Trồng mấy
mẫu ?
Đức Cao Thượng Phẩm trả
lời : Tôi trồng hết sở đất của tôi mua, phá tới đâu tôi trồng tới đó.
Nên ngày nay, trong Nội Ô
có cây cao su là do nơi đó.
Khổ tâm hơn hết là Đức Cao
Thượng Phẩm bị người Pháp cật vấn đủ điều, cho đến nỗi tới giờ cúng cũng không
vô Chánh điện được, buộc phải rào song ly lại.
Trong Chánh điện chỉ có
một mình Ông Lễ Sanh Thượng Xường Thanh cúng mà thôi, còn ở ngoài thì vài ba
ông thợ mộc quì trên dăm bào lạy vô Bửu điện, vì lúc nầy, Chánh phủ Pháp nghi
ngờ bắt Đạo và bó buộc không cho tụ họp đông đảo, như vậy mà Ông Tham Biện
người Pháp còn mời Đức Thượng Phẩm ra Toà Bố ngày một.
Giai đoạn di cốt Phật Tổ
(từ Chùa Gò Kén về Tòa Thánh) :
Cốt Phật Tổ nặng quá, bởi
con ngựa Kiền Trắc của Đức Phật Tổ cỡi lớn và dài, nên Đức Cao Thượng Phẩm phải
kết 2 cái xe bò lại để thỉnh cốt Phật lên.
Trong lúc sửa soạn thỉnh
cốt Phật thì Ông Chánh Tham Biện người Pháp cho một toán lính mặc đồ thâm, núp
dưới đường mương ngoài lộ, chong súng lên đặng bắn Đức Cao Thượng Phẩm, tới
chừng thấy rõ là thỉnh cốt Phật, mới rút lui. Hội Thánh từ từ di cốt Phật về
đất mới mua.
Đức Cao Thượng Phẩm đứng
trên xe bò vịn cốt Phật Tổ, thấy nghiêng bên nào thì hô lên để sửa lại cho
ngay, đi từ 6 giờ chiều tới 2 giờ khuya mới đến Thánh địa (ngay cửa Hòa Viện,
tức là cửa số 1 bây giờ).
Trước cửa Hòa Viện có cây
vên vên, đến đây di cốt Phật Tổ vào không được vì bị một cái đường mương lớn
quá. Đức Cao Thượng Phẩm phải lập kế, kiếm ván đặng lót cho xe vô mới được. Khi
xe qua đường mương rồi thì tạm để cốt Phật nơi đây, vì Đức Cao Thượng Phẩm mệt
đuối, nhào xuống đống lá khô trong rừng nằm nghỉ, tất cả Chức sắc cũng nằm
xuống đó nghỉ theo.
Xin nhắc lại, khi mua đất
nầy thì chưa tạo được cái nhà nào hết, chỉ có cái nhà bò của Ông Aspar bán đất
để lại (dãy nhà chỗ Chợ Từ Bi, gần nhà Đức Quyền Giáo Tông bây giờ), nhờ đó mà
tạm dùng nhà bò nầy để làm Trù phòng cho công quả ăn phá rừng. Nên khi Đức Cao
Thượng Phẩm thỉnh cốt Phật về tới đây mệt lả thì Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu đã
chuẩn bị nấu cháo sẵn rồi, Nữ phái khiêng cháo và nước qua cụm rừng để ăn cho
đỡ dạ.
Nền Phật Tổ đã được Đức
Cao Thượng Phẩm an vị giữa hai cụm rừng, gần cây Ba nhánh.
Lúc bấy giờ, Đạo phải trải
qua nhiều lối chông gai, nhiều đường khổ hạnh, nhưng người chủ trương việc Đạo,
nhứt là Ông Cao quỳnh Cư đem hết dạ nhiệt thành, hết bầu tâm huyết mà sắp đặt
trật tự bên trong và chống trả với phản động lực bên ngoài (thời Pháp thuộc).
Đức Cao Thượng Phẩm vâng
lịnh Đức Chí Tôn phá rừng xong, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu Điện, Đông Lang, Tây
Lang, Trường học, Trù phòng, đều bằng tranh và đào giếng (mà hiện giờ còn di
tích là mấy cái giếng gần Tòa Nội Chánh đó). "
VI . Thảo Xá Hiền Cung.
" Thảm thay ! Trời
đương thanh, biển đương lặng, gió đương êm, bỗng đâu đất bằng sóng dậy, nước lã
khuấy nên hồ, đem đến gieo ác cảm cho Đức Cao Thượng Phẩm làm cho Đức Ngài phải
về Thảo Xá Hiền Cung.
Đức Ngài quá buồn, vì khi
vâng lịnh Đức Chí Tôn về Tây Ninh mở Đạo, Ngài phải bỏ sở làm, chưa hưu trí,
con còn đang du học tại Paris.
Nhớ lại lúc bỏ sở làm thì
anh em bạn nói rằng : " Thầy Tư ! Sao thầy quá tin dị đoan, con còn đang
học bên Pháp mà thầy đi như vậy thì việc học của con phải dở dang sao ?"
Nhưng Ngài nhứt quyết nghe
lời Đức Chí Tôn dạy mà thôi, nên Ngài thu xếp gia đình, bỏ sở làm, về Tây Ninh
lo Đạo, chịu biết bao cảnh gian nguy, vì chỗ nầy khi xưa, đầy những bụi cây thú
dữ, phải ăn vạc nằm sương, mới tạo thành Tòa Thánh tạm và xây cất đủ mọi nơi
thành khoảnh, thì lại bị thiên hạ đuổi đi."
" Tạo đâu đó xong
xuôi, rồi Đức Cao Thượng Phẩm bị một trận khảo đảo khá dữ dội là : Có một nhóm
người thiếu thương yêu (nhóm Ông Tư Mắt) gieo ác cảm, hội nhau dưới Thủ Đức,
nước lã khuấy nên hồ, họ đồng lòng về Tòa Thánh đuổi Đức Cao Thượng Phẩm, kỳ 24
giờ phải ra khỏi Tòa Thánh, nếu không thì bắt cột trong rừng bắn.
Làm Đạo lúc phôi thai, rất
khổ sở trăm bề, có kẻ nghịch rình mò, âm mưu với nhau hợp lại, xúi giục gây rối
làm loạn. Họ đồng lòng với nhau đuổi hai vợ chồng thầy Tư (tức Cư và Hiếu) ra
khỏi Tòa Thánh.
Buồn cười . . . Tuồng đời
lạnh nhạt. Thôi ! Họ dữ quá !
Chúng tôi về Thảo Xá Hiền
Cung, là nơi căn cội mà Chí Tôn dạy cất trước, nên Thảo Xá Hiền Cung là
gốc." (Trích ĐS. I. 125)
" Ngài về Thảo Xá, vì
buồn rầu, vì xấu hổ với anh em bạn, mặt mũi nào trở về sở làm được nữa, thế nên
Ngài thất chí, ước nguyện của Ngài không thành.
Vì khi ra đi, Ngài quyết
chí đem thân nầy làm con tế vật cho Đức Chí Tôn sai khiến, nhưng cơ đời rất nên
cay nghiệt, xảy đến nhiều nỗi tang thương cho gia đình Ngài.
Ngài quá đau khổ, có làm bài thi Tự Thán
như vầy:
THI :
Công trình gầy
dựng Thất Tây Ninh,
Bằng địa sóng xao
khiến rập rình.
Tà mị phàm rung
rinh chất Thánh,
Mùa màng sâu phá
hoại hồn kinh.
Xưa Tòa Thánh dập
dìu lai vãng,
Nay Bửu đình hiu
quạnh lụy nhìn.
Thương Đạo mến
Thầy xin sớm liệu,
Cộng tâm chung trí
chớ hàm thinh.
Thất Nương DTC giáng cơ
cho Đức Cao Thượng Phẩm bài thi dưới đây để an ủi:
THI :
Nghĩ giận mà ra bắt nực cười,
Nhờ ai an vị lại an nơi.
Trăm năm chưa giữ bền thân sống,
Một kiếp đã gây lắm tội đời.
Phẩm Phật ngôi Tiên ai dẫn nẻo ?
Ngai Thần vị Thánh kẻ toan dời.
Nhắn lời nói với phường đen bạc,
Đến cửa thiêng liêng ngó mặt Trời ! "
Thất Nương giáng cơ ban
cho đôi liễn Thảo Xá Hiền Cung ngày 12-6-Mậu Thìn (dl 28-7-1928):
. Thảo Xá tùy nhơn, ngu
muội bần cùng nghinh nhập thất,
. Hiền Cung trạch khách
thông minh phú quí cấm lai môn.
VII . Đức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên
Đức Cao Thượng Phẩm, từ
ngày về Thảo Xá Hiền Cung thì lâm bệnh nặng, thân thể hao mòn, sắc diện âu sầu
buồn bã. Ngài bị tâm bịnh vì thất chí, lương y khó phương điều trị cho lành
mạnh.
Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh
cất Tịnh Thất trong Nội Ô để rước Đức Cao Thượng Phẩm nhập tịnh.
" Ngày 15-10-Mậu Thìn
(1928), 7 giờ sáng, một đoàn xe hơi Chức sắc Đại Thiên phong Hiệp Thiên, Cửu
Trùng, đến Thảo Xá Hiền Cung rước Đức Cao Thượng Phẩm, thì Ngài vui lòng lên xe
về Tòa Thánh, nhập Tịnh Thất. Hội Thánh có chọn Chức sắc phụng sự mọi việc
thường thức cho Ngài. Đức Cao Thượng Phẩm nhập Tịnh Thất một thời gian, bịnh
tình cũng chưa thuyên giảm, hằng ngày kém ăn mất ngủ, thân thể xem gầy còm.
Ngày 26-12-Mậu Thìn (1928)
(gần Tết), Ngài tỏ với người bạn thân là Bà Giáo Sư Hương Hiếu, lo sắp đặt 6
giờ chiều trở về Thảo Xá. Ngài không cho Chức sắc hay trước.
6 giờ chiều, Giáo Hữu
Thượng Trí Thanh kêu một cỗ xe ngựa, lót nệm để Ngài nằm, đi theo hộ vệ chỉ có
người bạn thân của Ngài và Giáo Hữu Trí, đưa Ngài về Thảo Xá.
7 giờ rưỡi tới nơi, đỡ vào
phòng nghỉ ngơi, xem được khỏe như lúc lên xe. Từ đây ở yên nơi Thảo Xá."
(ĐS. I. 65)
Đức Cao Thượng Phẩm đăng
Tiên :
" Ngày 1-3-Kỷ Tỵ (dl
10-4-1929), 11 giờ trưa, Đức Cao Thượng Phẩm cho mời Đức Phạm Hộ Pháp cùng Ông
Bảo Văn Pháp Quân, Bà Giáo Sư Hương Hiếu, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh, Giáo Hữu
Thượng Kỳ Thanh, Lễ Sanh Thượng Nguơn Thanh.
Đức Cao Thượng Phẩm nhìn
Đức Phạm Hộ Pháp trối rằng : " Nay Qua về chầu Đức Chí Tôn, Em ở lại hiệp
với Chức sắc chung lo nền Đạo của Thầy cho được vẹn toàn mọi sự. Anh dầu có
nhắm mắt thì sự mất cũng như còn."
Nói rồi tuôn hai hàng nước
mắt. Kế day qua nói với người bạn thân của Ngài, căn dặn để trọn tâm lo tròn
phận sự.
Nói dứt lời thì Ngài xuất
linh hồn êm ái, gương mặt cũng như người đương ngủ. Có một điều phi thường là
lời trối Ngài nói có hàng có chấm, cũng như lúc mạnh khỏe. Cả Chức sắc có mặt
đều cảm động ngậm ngùi thương tiếc.
Khi Ngài dứt hơi thì đỡ
ngồi dậy, thúc xác ngồi kiết tường, trước mặt lập bàn hương án có chưng hoa quả
trà rượu.
Đức Phạm Hộ Pháp ra kiểu
cho thợ mộc đóng liên đài hình bát quái.
Thời Tý, 12 giờ đại liệm,
rồi thành phục tế lễ theo nghi tiết. Hội Thánh thông tri cho toàn đạo các tỉnh
đều hay, đặng hành lễ cầu nguyện cho Đức Cao Thượng Phẩm được tiêu diêu nơi
miền Tiên cảnh.
Quàn tại Thảo Xà Hiền Cung
3 ngày, Chức sắc và Đạo hữu Nam Nữ điếu tế rất đông.
Chức sắc HTĐ cầu cơ bút,
Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ tỏ vẻ vui mừng được về bái mạng Đức Chí Tôn cùng Đức
Phật Mẫu nơi Bạch Ngọc Kinh và DTC. Hai Đấng đều ban ân công nghiệp buổi Khai
Đạo làm tròn sứ mạng.
Ngài cho tiếp một bài thi
tứ tuyệt :
CAO thanh miệng thế mặc chê khen,
THƯỢNG trí màng chi
tiếng thấp hèn.
PHẨM cũ ngôi xưa dầu rõ giá,
Từ bi tập tánh được thường quen.
Ngài tỏ vẻ vui mừng nay đã
thoát khỏi biển trần về cảnh Thiêng liêng Hằng sống. " (ĐS. I. 67)
" Sau đây, Đức Cao
Thượng Phẩm có giáng cho 2 bài thi khi di liên đài ra Bửu tháp :
Xủ áo trần hoàn đã rảnh tay,
Thung dung nhờ núp bóng Cao Đài.
Rừng tòng nhựt rọi khi mờ tỏ,
Sớm lạc trăng lồng kẻ tỉnh say.
Phi thị mặc đời nơi quán tục,
An nhàn rảnh dạ khách Thiên Thai.
Ngậm cười
nêu quạt chờ sanh chúng,
Biển khổ ngày qua đếm một ngày.
Ngảnh lại mà đau cảnh đoạn tràng,
Cõi Thiên mừng đặng dứt dây oan.
Nợ trần đã phủi, lòng son sắt,
Ngôi vị nay vinh, nghĩa đá vàng.
Cổi tấm chơn thành lòa nhựt nguyệt,
Phơi gan chí sĩ
nhuộm giang san.
Bốn mươi hai tuổi sanh chưa phỉ,
Để mắt xanh coi nước khải hoàn. "
Bài thi (Ngảnh lại mà đau
. . .) được dùng làm Bài Thài hiến lễ Đức Cao Thượng Phẩm.
Ngày 7-3-Kỷ Tỵ (dl
16-4-1929), giờ Tý tại Tòa Thánh Tây Ninh, tức là sau khi Đức Cao Thượng Phẩm
đăng Tiên 6 ngày, Đức Chí Tôn giáng cơ như sau :
" Thầy đã nói rõ rằng
: Thượng Phẩm phải về Thầy trước cac con, nhưng mà hại thay ! Vì biếng nhác,
các con không đọc Thánh ngôn của Thầy mà kiếm hiểu.
Tắc ! Con có nhớ Thầy nói
với các con rằng : Đạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại Thiêng liêng
chi vị, thì ai đem các chơn hồn các con vào cửa Thiên giùm đó con, lại nữa các
con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh, thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần
Đời, còn phần Đạo cũng có đôi đứa con mới đặng cho. Cười . . .
Con đừng phiền hà trách
mấy anh con, nhứt là đừng nói rằng : Chúng nó giết Thượng Phẩm nghe, vì Thiên
cơ đã định, các con có biết chi mà hờn trách lẫn nhau.
Thơ ! Con phải xây cái
Tháp của Thượng Phẩm phía trước cây Ba nhánh, phải day mặt về Đông, giống như
ngó vào Điện mà hầu Thầy vậy, song 3 từng phải lợp ngói như nóc chùa của Đường
nhơn vậy nghe !
Đừng làm cái Tháp như của
Bảo Đạo, vì hai đứa phẩm vị khác nhau, chung quanh bát quái, phải làm như hình
có cột, tại chính giữa Tháp phải có lỗ cho Nhựt quang giọi vào tới liên
đài." (ĐS. I. 76)
Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp,
Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh của Hớn Chung Ly giáng trần. Hớn Chung Ly tức
là Chung Ly Quyền thời nhà Hớn (Hán) bên Tàu, là một vị Đại Tiên trong Bát
Tiên, đứng dưới Lý Thiết Quả, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần làm tướng soái
cho Đức Chí Tôn khai Đạo, có phận sự xây dựng nền Đạo lúc sơ khai.
Vua Hớn Võ Đế bên Tàu cũng
do chơn linh Đại Tiên Hớn Chung Ly đầu kiếp, cho nên Hớn Võ Đế và Đức Cao
Thượng Phẩm, chỉ là 2 kiếp giáng trần của Đại Tiên Hớn Chung Ly.
Do đó, nơi Báo Ân Từ, khi
Đức Phạm Hộ Pháp tạc tượng Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng trần chứng
lễ Khánh thọ của Hớn Võ Đế, thay vì tạc tượng Hớn Võ Đế thì Đức Ngài cho tạc
tượng Đức Cao Thượng Phẩm thay vào.
Đức Cao Thượng Phẩm hợp
với Đức Phạm Hộ Pháp thành cặp Phò loan Phong Thánh để lập Hội Thánh, và lập
Pháp Chánh Truyền làm Hiến Pháp của Đạo.
Đức Cao Thượng Phẩm rất
thường giáng cơ góp ý kiến với Đức Phạm Hộ Pháp để điều hành nền Đạo.
Ngoài ra, Đức Cao Thượng
Phẩm cũng thường giáng cơ dạy Đạo, Ngài cùng với Bát Nương giáng cơ dạy về Luật
Tam Thể, tạo thành một tập sách quí báu cho người tín đồ cần học Đạo.
Đức Thượng Sanh
CAO HOÀI SANG
Ngài Cao hoài Sang sanh
ngày 29-7-Tân Sửu (dl 11-9-1901) tại làng Thái Bình tỉnh Tây Ninh.
Thân phụ là Ông Cao hoài
Ân (trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên của Huệ Chương chép là : Cao hoằng Ân),
thuở sanh tiền làm việc tại Tòa Án, là vị Thẩm Phán Việt Nam đầu tiên. Chức sắc
tiền bối cho biết, Ông Cao hoài Ân là chơn linh của Xuyên Quan Tư Bộ ở Thiên
đình giáng trần.
Thân mẫu là Bà Hồ thị Lự
(đắc phong Nữ Giáo Sư tại Kim Biên năm 1927, thăng Phối Sư năm 1935, thăng Nữ
Đầu Sư ngày 9-12-1968).
Ông Bà Cụ Cao hoài Ân có
tất cả 3 người con :
- Con thứ hai là Ngài Cao
đức Trọng, Thiên phong Tiếp Đạo HTĐ.
- Con thứ ba là Cô Cao thị
Cường, Thiên phong Nữ Giáo Sư CTĐ.
- Con thứ tư là Ngài Cao
hoài Sang, Thiên phong Thượng Sanh HTĐ.
Năm 1925, thời kỳ còn xây
bàn, Ông Cao hoài Ân có lần nhập bàn cho thi. Chỗ nầy, ông Huệ Chương có thuật
lại trong quyển Đại Đạo Truy Nguyên, trang 13 như sau:
" Hằng đêm hằng có
chư vị đến, mấy ổng thử cũng hết sách, mà cũng nhờ vậy mới phục đặng lòng của
mỗi người. Như có một buổi, anh Cao hoài Sang buồn, đề một bài thi Tự Thuật, có
ý than thân trách phận, sao lăn lóc với tình đời, tuy tuổi chưa bao nhiêu mà đã
mòn mỏi. Ảnh đem ra nhà cho ông thân tôi coi (Ông thân của Huệ Chương là Ngài
Cao quỳnh Diêu), và cũng muốn để cho mấy ổng họa lại chơi cho vui. Nói chuyện
với nhau rồi lẩn quẩn cũng cầu chư vị nữa.
Vào ngồi (xây bàn) trong 5
phút đồng hồ, thì có ông thân của ảnh là Bác Cao hoằng Ân giáng đến.
Thuở Bác còn sanh tiền,
Bác làm việc Tòa Án, lại cũng có đổi đi vùng miệt Tây Ninh, Bạc Liêu và nhiều
chỗ khác nữa, rốt sau về Sài gòn, rồi mới quá vãng, tôi tưởng nhiều người biết
Bác lắm.
Khi ấy, chú tư tôi (Cao
quỳnh Cư) thưa với Bác rằng :
- Sẵn dịp Anh về đây, nhằm
lúc Sang làm một bài thi Tự Thán, cậy mấy anh em tôi họa, vậy Anh họa chơi luôn
thể.
Ông thân tôi lại nói :
- Anh cứ việc đề thi, dạy
nó thế nào thì Anh định lấy, nhưng theo vận Từ Thứ mà lâu nay làng thi chịu
phục là : voi, mòi, còi, roi, thoi, mà làm.
Dứt lời, Bác Cao hoằng Ân
tiếp liền, chẳng đợi phút nào cả, bài thi như vầy:
Thuyền khơi gió ngược khá nương voi,
Vận thới hầu nên đã thấy mòi.
Vườn cúc hôm nay muôn cụm nở,
Rừng tòng buổi trước một cây còi.
Hồng nương dặm gió chi sờn cánh,
Ngựa ruổi đường hòe há nhọc roi.
Nín nẩm chờ qua cơn bĩ cực,
Thìn lòng chúng có lượng đôi thoi. "
Ngài Cao hoài Sang, thuở
nhỏ học trường Sư Phạm, thi đậu bằng Thành Chung, rồi ra làm việc ở Sở Thương
Chánh Sài gòn, lần lần được thăng lên ngạch Tham Tá.
Ngài lập gia đình với Bà
Võ thị Giáo, sanh đặng 9 người con, gồm 5 trai và 4 gái.
Việc xây bàn thử nghiệm
tiếp xúc với các vong linh, lần đầu tiên thực hiện tại nhà Ngài Cao hoài Sang,
ở phố hàng dừa, gần chợ Thái Bình, Sài gòn. Đó là đêm Thứ sáu, ngày 4-6-Ất Sửu
(dl 24-7-1925), với 4 Ông : Cao quỳnh Diêu, Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc và Cao
hoài Sang. Buổi xây bàn đầu tiên nầy không có kết quả.
Đêm Thứ bảy hôm sau, quí
Ông cũng tụ họp nhau tại nhà Ngài Cao hoài Sang để thử xây bàn lần nữa, và lần
nầy thì thành công, tiếp xúc được vong linh Cao quỳnh Lượng (con trai của Ngài
Cao quỳnh Diêu) đã chết cách đó mấy năm, và sau đó được tiếp xúc với vong linh
Ngài Cao quỳnh Tuân, thân phụ của 2 ông Diêu và Cư.
(Trong công cuộc Xây bàn
nầy, Ông Cư đóng vai chủ động. Tiếp theo là thời kỳ phò Ngọc cơ tại nhà Ông Cư,
với Lễ Hội Yến DTC cũng tại nhà Ông Cư, rồi Vọng Thiên Cầu Đạo, cũng tại nhà
Ông Cư ở số 134 đường Bourdais Sài gòn, Ông Cư đều chủ động và tổ chức tại nhà
của ông, cho nên các việc xảy ra trong giai đoạn nầy, xin độc giả xem : I, II,
III, trong Tiểu sử của Đức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư, sẽ hiễu rõ các việc của 4
Ông : Cư, Tắc, Sang và Diêu.)
Ngày 15-10-Bính Dần
(1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Cao hoài Sang vào chức Thượng Sanh, chưởng quản
Chi Thế HTĐ.
Sau ngày Khai Đạo tại chùa
Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh, Đức Cao Thượng Sanh trở về Sài gòn, chỉ lên xuống
Tây Ninh để cùng với Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm lo việc đạo, chớ
Ngài chưa hoàn toàn phế đời hành đạo như Đức Cao Thượng Phẩm.
" Mãi đến năm 1956
(Bính Thân), Đức Phạm Hộ Pháp bị một nhóm phản đồ về Tòa Thánh phản loạn, Đức
Phạm Hộ Pháp phải ra đi Campuchea.
Đức Phạm Hộ Pháp vắng mặt,
không người lèo lái con thuyền đạo, nên Hội Thánh yêu cầu Đức Cao Thượng Sanh
về Tòa Thánh cầm giềng mối đạo, do Vi Bằng ngày 10-3-Đinh Dậu (dl 9-4-1957).
Ngài triệu tập phiên họp
Hội Thánh HTĐ ở Sài gòn, tại nhà Ông Hiến Thế, có Ông Bảo Sanh Quân tham dự,
vào ngày 15-4-Đinh Dậu (dl 14-5-1957), Ngài và chư vị Thời Quân đồng quyết định
về Tòa Thánh cầm giềng mối đạo.
Khi ấy, Ngô đình Diệm nhã
ý muốn cho một phái đoàn đưa Đức Ngài về Tòa Thánh, nhưng Đức Ngài từ khước.
Hội Thánh định rước Đức Ngài bằng một nghi lễ vô cùng long trọng, nhưng Đức
Ngài cũng từ khước luôn.
Kể từ đây, Đức Ngài phế
đời hành đạo.
Từ ngày về Tòa Thánh làm
đạo tính đến ngày qui Thiên là 14 năm thiếu 20 ngày.
Con thuyền Đạo đương hồi
sóng gió của bạo quyền, nhơn tâm xao động, Đức Ngài là người trầm tỉnh, liêm
khiết. Nhờ đức tánh trầm tỉnh tùy thời của Ngài trấn an được nhơn tâm và uyển chuyển
tùy cơ bảo thủ nghiệp đạo, mỗi mỗi đều cân nhắc lợi hại, nên hư. Với sức thanh
liêm đã tiềm ẩn trong con người phi thường ấy, đã làm cho danh đạo khỏi hoen ố,
mà trái lại còn được đời kính nể là khác.
Thời kỳ Đức Ngài cầm quyền
đã kiến thiết Nhà Hội Thánh Ngoại Giáo, tức là Nhà Hội Vạn Linh bây giờ, làm
vòng rào và các cửa Nội Ô, xây dựng được Văn phòng Cơ quan Phát Thanh Phổ Thông
Giáo Lý, Văn phòng Ban Thế Đạo, Bắc Tông Đạo, Đường Nhơn, Tần Nhơn, Đầu Sư
Đường, Văn phòng Ban Chấp Hành Đại Đạo Thanh Niên Hội Trung Ương, Học đường Bộ
Nhạc, xây cửa Chánh Môn, cùng mở Đại Lộ Chánh Môn; ngoài ra Đức Ngài còn đôn
đốc kiến thiết dãy lầu Đạo Đức Học đường, Trường Lê văn Trung, và hiện đang xúc
tiến việc xây cất Đại Học Đường của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Lại nữa, Đức Ngài là một
Nhạc Sư vào hàng Hậu Tổ, nên Đức Ngài quyết tâm chấn chỉnh Bộ Nhạc theo Thánh ý
của Đức Chí Tôn và lời ủy thác của Đức Phạm Hộ Pháp. Huấn luyện các Nhạc sĩ nơi
Cơ quan Phát Thanh về Cổ Nhạc để bảo tồn quốc hồn quốc túy, viết bài Giáo lý,
sáng tác văn nghệ khuyến tu, chấn chỉnh văn đàn thi thơ."
" Tuổi già sức yếu,
việc đạo lại quá đa đoan, nên Đức Ngài khởi chứng mất ngủ, lần sang bịnh thận
tiểu máu, rồi biến đến bịnh áp huyết cao, nhưng nhờ sức chạy chữa tận tình, nên
Đức Ngài dần dần bình phục."
" Ngày 21-3-Tân Hợi
(dl 16-4-1971), trước khi về Sài gòn dưỡng bịnh, Đức Ngài đi thăm các vị yếu
nhân trong đạo lần cuối cùng.
Đức Ngài nói với Ngài Khai
Đạo : " Anh không đi Pháp là Thiên ý, để Anh ở nhà lo công việc cho
tôi."
(Trích trong bài Lược sử Đức Thượng Sanh Cao
hoài Sang, đăng trong báo Thông Tin số 29 trang 7,8,9,10)
Đức Thượng Sanh ngọa bịnh
và đăng Tiên tại tư gia, số nhà 36/24 đường Cô Giang, Sài gòn, lúc 17 giờ ngày
26-3-Tân Hợi (dl 21-4-1971), hưởng thọ 71 tuổi.
Hiền nội của Đức Thượng
Sanh cho biết như sau :
" Buổi trưa ngày
26-3-Tân Hợi, Bà cho Đức Thượng Sanh dùng nửa chén cháo. Đức Ngài bảo rằng mệt,
cần nằm nghỉ. Đức Ngài mới lên lầu, kéo ghế bố xếp nằm nghỉ mệt. Bà vẫn thường
ở sát bên cạnh để săn sóc Đức Ngài. Khi thấy Đức Ngài nằm nghỉ, không có gì
đáng ngại, Bà liền xuống lầu có chút việc, và khi trở lên thì đã thấy Đức Ngài
tịch. Bà cho biết, Đức Ngài tịch lúc 17 giờ ngày 26-3 Tân Hợi. Không có lời Di
ngôn."
Thánh hài của Đức Ngài
được Truyền Trạng Lê quang Tấn và trưởng nam của Đức Ngài là Cao hoài Hà chở
bằng xe du lịch từ Sài gòn về Giáo Tông Đường vào lúc 19 giờ 40 phút, và liền
theo đó, tin Đức Ngài đăng Tiên được truyền ra một cách nhanh chóng.
Đàn cơ tại Cung Đạo Đền
Thánh hồi 20 giờ 20 phút đêm 27-3-Tân Hợi (dl 22-4-1971), Phò loan : Hiến Pháp
- Khai Đạo, Hầu đàn : Quí vị Thời Quân, quí vị Đầu Sư Nam Nữ, Chức sắc HTĐ, CTĐ
và PT.
Đức Cao Thượng Sanh giáng
cơ, và bài giáng cơ của Ngài chép ra sau đây :
THƯỢNG SANH
Chào mừng chư Chức sắc
Thiên phong, chư Đạo hữu Nam Nữ.
Bần đạo lấy làm vui sướng
được thoát nơi trần lụy. Cái kiếp phù sanh của con người chỉ có giải thoát được
là quí hơn hết.
Hôm nay, Bần đạo đến để
thỏa mãn sự yêu cầu của quí vị. Bần đạo không có điều gì hay hơn là bài thi đã
cho lúc Bần đạo tái thủ phận sự, nhưng xin sửa lại 2 câu đầu như vầy:
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.
Kỳ dư đều để y như cũ.
Bần đạo còn rất nhiều Đạo
sự không tiện ở lâu. Xin kiếu.
THĂNG
Bài Thài :
Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.
Độ đời quyết lánh vòng danh lợi,
Trau chí tìm noi bậc Thánh Hiền.
Từ ái làm nền an thổ võ,
Đức ân dụng phép tạo nhơn duyên.
Những mong huệ trạch trên nhuần gội,
Sứ mạng làm xong giữ trọn nguyền.
THƯỢNG SANH
Ông Cao hoài Hà là con
trưởng nam của Đức Thượng Sanh, có nhắc lại lời dạy của Đức Thượng Sanh khi còn tại tiền, và xem đây là lời Di ngôn của Đức
Ngài :
" Đạo cũng đã trưởng thành, có Pháp Chánh
Truyền, Giáo pháp, Đạo luật. Hãy sống trong sạch để làm gương cho mọi người.
Hãy tùng lịnh Hội Thánh. Sống Đạo và sống trong sạch mới không phụ thuộc vào
ai. Hãy thương yêu nhau, đừng vì lẽ gì mà chia rẽ, hiềm ghét. Rồi đây, Đức Chí
Tôn sẽ qui các Chi phái về một gốc."
Thuở trước, Đức Phạm Hộ
Pháp cho biết nguơn linh của Đức Thượng Sanh Cao hoài Sang là Đại Tiên Lữ đồng
Tân, một trong Bát Tiên, giáng trần cùng Đức Cao Thượng Phẩm, hiệp với Đức Phạm
Hộ Pháp để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo.
Sau đây là Bản Tuyên Dương
công nghiệp hành đạo của Đức Cao Thượng Sanh :
BẢN TUYÊN DƯƠNG
CÔNG NGHIỆP
ĐỨC THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HỘI THÁNH HTĐ
của Ngài Hiến Pháp đọc tại
Đền Thánh ngày 4-4-Tân Hợi.
Kính thưa Hội Thánh Hiệp
Thiên, Cửu Trùng và PT,
Kính chư Chức sắc, Chức
việc và toàn đạo Nam Nữ.
Đức Thượng Sanh Cao hoài Sang,
Chưởng quản Hội Thánh HTĐ, Tòa Thánh Tây Ninh, đã qui Thiên hồi 17 giờ ngày
26-3-Tân Hợi (dl 21-4-1971) hưởng thọ 71 tuổi.
Tin buồn nầy làm chấn động
cả các giới trong toàn quốc nói chung và toàn Đạo Cao Đài nói riêng.
Thánh thể của Ngài đang
quàn tại Tòa Thánh Tây Ninh, chờ đến ngày mùng 6-4-Tân Hợi, nhằm 30-4-1971 sẽ
cung nghinh liên đài kỵ Long mã di chuyển theo lộ trình trong châu vi Tòa
Thánh, và sau khi đại diện các Hội Thánh đọc ai điếu xong, lễ cung nghinh liên
đài nhập bửu tháp sẽ cử hành y theo chương trình của Hội Thánh đã lập, mà toàn
đạo đều hiểu biết.
Nhơn cuộc lễ nầy, tôi xin
tuyên dương công nghiệp của Đức Ngài về cả 2 phương diện Đạo lẫn Đời.
Về mặt Đời :
Ông Cao hoài Sang (tên họ
của Đức Ngài) sanh ngày 11-9-1901 (Tân Sửu) tại Thái Bình (Tây Ninh), con của
Ông Cao hoài Ân, giúp việc Tòa Án, và Bà Hồ thị Lự. Khi trưởng thành và thi đậu
bằng Thành Chung trường Trung học Chasseloup Laubat, ông vào giúp việc Sở
Thương Chánh Sài gòn cho đến khi gặp Đạo.
Nói đến Ông, ai ai trong
giới công chức và đồng bào tại thủ đô đều hiểu rõ thanh danh của Ông là một
công chức đúng mực thanh liêm.
Là một chí sĩ thương dân
yêu nước, Ông thường giao du cùng các bạn đồng chí khác như 2 Ông Cao quỳnh Cư
và Phạm công Tắc, chẳng hạn. Cả 3 Ông lại là nhạc sĩ lừng danh trong giới âm
nhạc tại thủ đô Sài gòn. Hai Ông Cư và Sang được coi là bậc thầy trong giới
nầy, sau khi Ông Cư đăng Tiên rồi, thì Ông Sang được coi như " Hậu Tổ
". Ban Âm nhạc của Đạo Cao Đài đã nhờ Ngài chấn chỉnh rành mạch thêm, nhứt
là trong điệu cổ nhạc, vì Đức Ngài là nhà điêu luyện rành nghề. Mất Đức Ngài,
giới âm nhạc trong toàn quốc nói chung và trong Đạo Cao Đài nói riêng, đã mất
một nhạc sư cự phách, đáng tiếc thay !
Về mặt Đạo :
Đến năm Ất Sửu (1925) là
lúc phong trào xây bàn hay "Sai ma" cũng vậy, đang thạnh hành tại thủ
đô Sài gòn, Ông hiệp cùng 2 Ông Cao quỳnh Cư và Phạm công Tắc, mỗi đêm đến chơi
tại nhà Ông Cao quỳnh Cư, tức Cao Thượng Phẩm, để thỏa mãn tánh háo kỳ của mình
bằng cách xây bàn để tiếp xúc với những người khuất mặt ở thế giới bên kia (Hồn
linh).
Một hôm nọ, vào lúc tháng
7 năm 1925, Ông Cao quỳnh Cư đến nhà Ông Cao hoài Sang chơi, lại gặp Ông Phạm
công Tắc cũng ở gần nhà Ông Sang, ba Ông hiệp nhau xây bàn chơi.
Bất ngờ cuộc chơi nầy
hướng dẫn 3 Ông đến chỗ lập được kỳ công trong việc khai sáng Đạo Trời, tức là
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà chúng ta đang sùng bái đây.
Đêm 24 tháng Chạp 1925, nhơn dịp lễ Giáng
Sinh, tại nhà Ông Cao quỳnh Cư, có mặt cả 3 Ông dự, Đức Chí Tôn giáng với danh
hiệu AĂÂ cho một bài thi như vầy :
Muôn kiếp có Ta
nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm
hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp
nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên
giữ trọn biên.
Đức Chí Tôn dạy thêm :
" Đêm nay phải vui
mừng vì chính ngày nầy, Ta xuống trần dạy đạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui
lòng mà thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến,
đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa."
Sau đó ít lâu, Đức Chí Tôn cho bài thi sau
nầy, lấy tên những người có mặt tại đàn cơ, trong đó có tên Ông Sang (tức Đức
Thượng Sanh) :
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI
sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ
GIẢNG thành.
HẬU ĐỨC TẮC CƯ Thiên Địa
cảnh,
Huờn minh mân đáo thủ đài
danh.
12 chữ lớn trong 3 câu
trên là tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Sở dĩ phải xen đoạn Đạo sử nầy vào cuộc
đời của Đức Thượng Sanh là vì Ông còn đang giúp việc trong công sở nhà nước
Pháp, mà Ông vẫn nghe theo tiếng gọi thiêng liêng, cứ mỗi đêm hiệp cùng các bạn
đạo đi chấp cơ truyền bá đạo Trời ở khắp nơi, mặc dù nhà cầm quyền Pháp rất để
ý đến Đạo Cao Đài lúc sơ khởi.
Chúng ta nên nhớ rằng, Đức
Thượng Sanh là một tay chấp cơ truyền đạo, cũng như Đức Hộ Pháp và Đức Thượng
Phẩm, luôn cả 3 Ông đồng tâm hiệp lực nhau để phổ độ chúng sanh trong toàn
quốc.
Trong Tờ Khai Đạo cùng
chánh quyền Pháp năm 1926, Đức Ngài cũng ký tên với 28 người khác để thay mặt
cho 247 người Đạo hữu có tên trong tịch đạo, do Ông Cựu Thượng Nghị viên Lê văn
Trung đứng đầu Tờ Khai Đạo, Ông nầy sau đắc phong Quyền Giáo Tông Đại Đạo Tam
Kỳ Phổ Độ. Ông nầy cũng do Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Đức Cao
Thượng Sanh dẫn độ.
Nhờ sự hướng đạo đắc lực
của Ông Thượng Nghị viên với sự cộng tác của 3 vị kể trên mà cơ phổ độ phát
triển mau lẹ, kỳ công nầy, một phần lớn nhờ Đức Thượng Sanh hy sinh đời công
chức mình để đi phổ độ các nơi trong toàn quốc.
Cơ phổ độ Lục Tỉnh phân ra
như sau :
1). Ông Cao quỳnh Cư và
Phạm công Tắc, phò loan phổ độ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc
Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá.
2). Ông Nguyễn trung Hậu
và Trương hữu Đức, phò loan phổ độ các tỉnh Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho,
Bến Tre.
3). Ông Cao quỳnh Diêu và
Cao hoài Sang, phò loan phổ độ các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên
Hoà, Bà Rịa, Sađéc.
Ngoài công việc phò loan
phổ độ các tỉnh kể trên, Đức Thượng Sanh còn tùy lúc rảnh ban đêm lên Gò Kén,
chùa Từ Lâm, để hiệp cùng Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm để chấp cơ phổ độ, và
đồng thời chung lo Đại lễ Khai Đạo tại Thánh Thất Từ Lâm Tự, sau nầy được dời về
làng Long Thành, tức Tòa Thánh hiện giờ.
Ngày 15-10-Bính Dần, Ông
Cao hoài Sang đắc phong Thượng Sanh một lượt với Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc và
Đức Thượng Phẩm Cao quỳnh Cư.
Đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm
Bính Dần (1926), sau khi lập Pháp Chánh Truyền HTĐ, Đức Chí Tôn giáng dạy như
vầy :
" HTĐ là nơi Thầy ngự, cầm quyền thiêng liêng mối
Đạo, hễ Đạo còn thì HTĐ còn."
" Thầy đã nói Ngũ Chi Đại Đạo qui phàm là vì khi
trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra
Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi,
chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa."
" Lại
nữa, HTĐ là nơi Giáo Tông thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế
giới, Lục thập thất Địa cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhơn
loại."
"
Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó
nữa.
HTĐ dưới
quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm. Thầy lại chọn
Thập nhị Thời Quân, chia ra làm 3 : Phần của Hộ Pháp chưởng quản là Chi Pháp :
Lo bảo vệ Luật Đời và Luật Đạo, chẳng ai qua luật mà HTĐ chẳng biết.
Thượng Phẩm
thì quyền về phần Đạo : Lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem
sóc chư môn đệ Thầy, bên vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.
Thượng Sanh
thì chưởng quản Chi Thế,lo về phần Đời.
Thầy khuyên
các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.
Thầy cho
các con biết trước rằng, hễ trọng quyền thì ắt trọng phạt."
Từ đây, về mặt hữu hình, 3
vị Chưởng quản tối cao của Hội Thánh HTĐ không còn nữa, sau khi Đức Thượng Sanh
qui Thiên, và Đạo Cao Đài mất thêm một bực vĩ nhân nữa.
Từ khi trở về tái thủ phận
sự nơi Tòa Thánh, Đức Thượng Sanh tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hòa
trong cửa Đạo cho toàn Đạo được hưởng thái bình hạnh phúc.
Những tưởng Đức Ngài đến với sứ mạng
thiêng liêng để hoàn thành cơ nghiệp Đạo, thì chắc là Đức Ngài phải được sống
lâu với bổn đạo để bảo tồn nghiệp đạo đến cùng.
Nào ngờ đâu ! Ta muốn vậy
mà Trời chưa cho vậy.
Than Ôi ! Thiên số nan đào
! Tuy sự mất còn là định mệnh, nhưng đối với kiếp sanh của con người sao khỏi
đau lòng lúc tử biệt sanh ly.
Kính thưa quí vị,
Chúng ta đã từng khóc
nhiều cho số kiếp ngắn ngủi của nhiều bậc tiền bối chúng ta. Tuy nhiên, chúng
ta cứ khóc đi cho đến cạn khô giọt lệ, rồi cũng phải nghĩ lại Đạo nghiệp nước
nhà mà tự trấn tỉnh lấy tâm hồn, để tìm phương bảo tồn đại nghiệp Đạo và tiếp
tục sứ mạng thiêng liêng của chúng ta, vì sứ mạng ấy, dầu lớn dầu nhỏ, dầu quan
trọng hay không, cũng là sứ mạng do Đức Chí Tôn cùng các Đấng thiêng liêng giao
phó cho chúng ta, phải tùy khả năng mình mà làm cho hoàn thành.
Đã đành rằng chúng ta phải
thương tiếc một Đấng lãnh đạo anh minh như Đức Thượng Sanh, nhưng thương tiếc
bao nhiêu thì phải noi gương Đức Ngài bấy nhiêu để gặt hái một phần công quả
nào hữu ích cho Đạo, và cho chúng sanh nhờ.
Đó là đền đáp công ơn của
bậc tiền bối chúng ta đã dày công xây dựng, lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho
chúng ta thừa hưởng, chớ không lẽ ngồi khóc hoài để nhìn sự sụp đổ trước mặt
chúng ta sao ?
Vậy chúng ta hãy đứng lên
và đồng tâm hiệp lực tiếp tục xây đắp nền Đạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của
tiền nhân chúng ta.
Trước khi dứt lời, tôi xin
thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho toàn thể quí vị và quí quyến.
Tôi xin nghiêng mình trước liên đài của Đức Thượng Sanh và thành tâm cầu nguyện
cho anh linh của Đức Ngài được cao thăng, sau nữa chơn thành phân ưu cùng tang
quyến.
Nay kính,
Hiến Pháp HTĐ.
Đức Thượng Sanh Cao hoài
Sang, ngoài thiên tài về âm nhạc cổ truyền, Ngài còn là một nhà thơ lỗi lạc với
bút hiệu Thanh Thủy lúc đầu, sau lấy thêm bút hiệu là Huệ Giác.
Theo lời Ngài Bảo Sanh
Quân Lê văn Hoạch, bút hiệu Thanh Thủy có ý nghĩa do 2 câu đối của Đức Thái
Thượng ban cho:(?)
. THANH bạch vẹn lòng vì Trời
mở Đạo vững phong cương,
. Chánh trực gìn tâm cải
thế dìu nhân lòa bích THỦY.
" Mừng nay Thanh Thủy giải dây oan,
Đường Đạo từ đây bước vững vàng.
Tình ái nhành dương
đem rưới tắt,
Nắm tay dìu lại cõi Tiên bang."
BÁT NƯƠNG
Thi văn của Đức Thượng
Sanh sáng tác rất nhiều, nếu thu thập đầy đủ có cả mấy trăm bài. Sau đây, xin
chép một vài bài thi tiêu biểu :
TỨC SỰ
Lui tới kinh thành lối ngựa xe,
Đỉnh chung xạo xự ngán như chè.
Giọng kình tỉnh thế lay hồn bướm,
Tiếng quốc gào hôm động giấc hòe.
Chẳng thích buộc ràng nơi gác tía,
Chỉn ham thong thả chốn rừng tre.
Chí mong lánh khỏi vòng nhân sự,
Muôn dặm đường Tiên chấp cánh sè.
KHUYẾN TU
Trước làm Tiên Phật phải làm người,
Muốn đặng làm người chẳng phải chơi.
Bác ái ví chưa tròn bước đạo,
Từ bi đâu vẹn chí thương đời.
Mùi trần dầu thoát bao vòng lụy,
Bể khổ còn qua mấy dặm khơi.
Trau rạng lòng son sanh chúng độ,
Thênh thang nương bóng ngọn đèn Trời.
HUỆ GIÁC
TỰ THUẬT
Tuồng đời nhàm trải vẻ đai cân,
Tòng bá chọn nơi Đạo gội nhuần.
Hẩm hút muối dưa an phận khó,
Thung dung ngày tháng đắp nền nhân.
Nương thuyền độ khách qua bờ giác,
Luyện tánh tầm chơn dứt mộng trần.
Gắng khổ quyết tâm lo giải khổ,
May duyên kịp buổi hưởng hồng ân.
1958 Cao Thượng
Sanh
HUỆ GIÁC
Bảo Pháp
NGUYỄN TRUNG HẬU
Ngài Nguyễn
trung Hậu, tên thật là Nguyễn văn Hậu, bút hiệu Thuần Đức, sanh ngày 5-3-Nhâm
Thìn (dl 1-4-1892) tại làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định.
Thân phụ là
Cụ Nguyễn phục Lễ, tức là Cụ Nguyễn văn Nhiêu, bút hiệu Tiết Văn, Đông Y Sĩ,
làm 4 khóa Hội Đồng Địa Hạt làng An Thịt (Gia Định) và Thân mẫu là Cụ Bà Lê thị
Cơ,
người gốc Bình Định.
Hiền nội của
Ngài Nguyễn trung Hậu là Bà Diệp thị Nguy, sanh ngày 24-11-Canh Tý (dl
14-1-1901), từ trần ngày 10-12-Nhâm Thìn (dl 24-1-1953).
Ông Bà sanh
đặng 8 người con, gồm 5 trai 3 gái, đều là người học thức, noi theo chí
hướng của phụ thân, chung lo phục vụ cho Đạo, và đều đắc phong phẩm Hiền Tài
Ban Thế Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh.
Thuở thiếu
thời, Ngài Nguyễn trung Hậu theo Tây học, nhưng Ngài cũng tự học Hán
văn. Năm 1911, Ngài tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Định (École Normale de Gia
Định) và được bổ làm giáo viên tại một trường Tiểu học ở đường Tabert thời đó,
sau trường nầy bị bãi bỏ, mới về dạy tại trường Tiểu học ở đường Richaud.
Năm 1919, Ngài làm Thơ Ký
cho Ông Giám Đốc các trường Tiểu Học Sài gòn.
Năm 1922 thì xin nghỉ làm
Thư Ký, để làm Giám Đốc Tư Thục Internat de Dakao ở đường D'Ariès, nay là đường
Huỳnh khương Ninh.
Đến năm1926, Ngài Nguyễn
trung Hậu giao trường lại cho Ông Huỳnh khương Ninh, rồi gia nhập Đạo Cao Đài.
Những năm sau đó, Ngài làm
giáo sư dạy Pháp văn cho các trường Hưng Việt, Nguyễn anh Bổn, Nguyễn Du.
Ngài có viết cho các báo
thời đó là : Đuốc Nhà Nam, Hoàn Cầu, Tân Văn, và sau đó làm chủ bút Tạp chí LA
REVUE CAODAISTE, để truyền bá Đạo Cao Đài cho người Pháp.
Ngài Nguyễn trung Hậu có
khiếu làm thi. Ngay từ thuở thanh niên, Ngài thường xướng họa với các thi sĩ
trong Ngưu Giang Thi Xã vào các năm 1918-1920, bút hiệu Thuần Đức đã có tiếng
tăm từ những năm đó.
Tháng Giêng năm 1926, Ngài
Nguyễn trung Hậu nghe đồn quí Ngài : Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài
Sang, xây bàn thỉnh Tiên cho thi hay lắm, thì Ngài rất để ý. Bữa nọ, Ngài đến
nhà Ngài Cao quỳnh Cư hầu đàn xem thử lời đồn thiệt hay giả.
Cho thi mấy người hầu đàn
trước rồi, tới phiên Ngài Nguyễn trung Hậu, Đấng AĂÂ gõ bàn cho Ngài 4 câu thi
:
THUẦN văn chất ĐỨC tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn kiệt,
Đến hồi búa Việt giục cờ Mao.
Ở trong đàn nầy, không ai
biết cái bút hiệu Thuần Đức của Ngài, thế mà Đấng AĂÂ biết, nên khi cho xong
bài thi, Ngài Nguyễn trung Hậu mới chịu phục, và sau đó nhập môn vào Đạo Cao
Đài và trở thành một trong 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn.
Đêm 30 tháng Chạp năm Ất
Sửu, là đêm giao thừa bước qua năm Bính Dần, Đức Chí Tôn biểu các môn đệ lập
thành phái đoàn đi viếng thăm từng nhà môn đệ, đem Ngọc cơ theo cầu Thầy. Khi
đến nhà Ngài Nguyễn trung Hậu, Đức Chí Tôn giáng cho 4 câu thi :
THUẦN phong mỹ tục
giáo nhơn sanh,
ĐỨC hóa thường lao
mạc vị danh.
HẬU thế lưu truyền
gia pháp quí,
GIÁO dân bất lậu,
tán thời manh.
Thời gian sau, Đức Chí Tôn
cũng có cho Ngài Nguyễn trung Hậu bài thi 4 câu nữa :
Đã có căn phần dựa cảnh Tiên,
Bước đời chớ quản bậc sang hèn.
Mưa mai nắng xế chờ qua khỏi,
Đêm tối lần ra gặp ánh đèn.
Ngày 15-3-Bính Dần (dl
26-4-1926), Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn trung Hậu cùng với Ngài Trương hữu
Đức làm Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ. Hai Ngài trở thành cặp phò loan cầm cơ cho các
Đấng thiêng liêng phổ độ nhơn sanh các tỉnh : Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho,
Bến Tre.
Ngày 12-1-Đinh Mão (dl
13-2-1927), Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền HTĐ, Đức Chí Tôn phong Ngài
Nguyễn trung Hậu vào phẩm Bảo Pháp HTĐ.
Lúc bấy giờ, Ngài cũng như
chư vị Thời Quân HTĐ khác đều là công chức hay tư chức, nên sau khi mãn giờ làm
việc ở cơ quan thì mới đi phò loan cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo, có khi chấp
cơ suốt đêm, sáng lại đi làm việc luôn. Nhờ các Đấng hộ trì, nên tuy vất vả
nhưng các Ngài không biết mệt nhọc và ốm đau.
Ngày mùng 7-3-Quí Dậu (dl
1-4-1933), Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung cùng với Đức Phạm Hộ Pháp ra Châu
Tri số 1, cử 3 vị Thời Quân HTĐ tạm qua cầm quyền Chưởng Pháp bên CTĐ : Ngài
Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu đảm nhiệm Quyền Thái Chưởng Pháp.
Khi Đức Quyền Giáo Tông Lê
văn Trung qui Thiên năm 1934, Ngài Bảo Pháp trở về HTĐ. Sau đó, Ngài bị bịnh
hoạn liên miên, nên xin phép lui về tư gia dưỡng bịnh ở đường Ngô tùng Châu Gia
Định.
Ngày mùng 5-Giêng-Bính
Thân (dl 16-2-1956), Đức Phạm Hộ Pháp bị Chánh quyền Ngô đình Diệm bó buộc nên
phải đi lánh nạn, lưu vong sang Cao Miên.
Lúc bấy giờ nền Đạo tại
TTTN thiếu người gánh vác. Hội Thánh yêu cầu Đức Thượng Sanh lên Tòa Thánh nắm
quyền điều hành nền Đạo. Đức Thượng Sanh họp cùng chư vị Thời Quân HTĐ, trong
đó có Ngài Bảo Pháp, đồng ý trở về Tòa Thánh, trấn an bổn đạo, và đứng ra gánh
vác nền Đạo.
Ngày 15-4-Đinh Dậu (dl
14-5-1957), Ngài Bảo Pháp được Hội Thánh cử làm Giám Đốc Hạnh Đường, huấn luyện
Chức sắc hai phẩm Lễ Sanh và Giáo Hữu, cho có đủ trình độ về đạo đức và giáo lý
để bổ đi hành đạo các địa phương.
Ngài Bảo Pháp có cảm tác
bài thi để kỷ niệm :
CẢM TÁC
Hội Thánh giao cai quản Hạnh đường,
Ân cần lo lập kỷ trần cương.
Giúp người tâm chí hành Thiên mạng,
Tuyển bực nhân hiền trấn tứ phương.
Học hỏi khép vào khuôn Đạo lý,
Lọc lừa mở rộng cửa khoa trường.
Góp phần xây dựng trong muôn một,
Khó vẫn không nao, nhọc chả màng.
Cũng trong thời gian nầy,
Ngài tái lập Đạo Đức Văn Đàn, mà trước đây Ngài Cao Tiếp Đạo đã lập ra vào năm
1950, để khuếch trương thi văn Đại Đạo, được nhiều người hưởng ứng và có tiếng
vang tốt mãi đến ngày nay.
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung
Hậu có viết và xuất bản nhiều sách Đạo, giải thích và truyền bá Giáo lý của Đạo
Cao Đài, kể ra sau đây :
1 . Luận Đạo Vấn Đáp (1927)
2 . Tiên Thiên Tiểu Học (1927)
3 . Bài Thuyết Đạo.
4 . Châu Thân Giải.
5 . Ăn Chay.
6 . Đức Tin.
7 . Chơn Lý (1928)
8 . Đại Đạo Căn Nguyên (1930)
9 . Thiên Đạo (1955), viết chung với Phan trường
Mạnh.
10 . Luân Hồi Quả Báo (1956) viết chung với Ngài Khai
Đạo Phạm tấn Đãi.
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung
Hậu đã viết và xuất bản nhiều đầu sách nhứt về Đạo Cao Đài trong số các Chức
sắc Đại Thiên Phong của Đạo Cao Đài.
Về việc viết sách phổ
truyền Giáo lý Đạo Cao Đài, Ngài Bảo Pháp lo ngại có điều sai sót không tránh
khỏi, nên Ngài cầu hỏi Đức Chí Tôn, thì Đức Chí Tôn giáng cơ trả lời như sau :
(Phò loan : Bảo Pháp - Hiến Pháp) [tháng 5-1927]
" Hậu ! Sách con làm
ra đều có giá trị, là nhờ Thầy giáng tâm con.
Con sợ sai lầm cũng phải,
nhưng về sự sai siển, dầu bậc Thánh xưa làm sách cũng còn nhiều chỗ khuyết
điểm.
Vậy con cứ an lòng mà làm
ích thêm nữa. Thầy hằng ở bên con mà dìu dắt cho trí hóa rộng thêm, nghe con
!"
Năm 1928, Ngài Bảo Pháp
cũng có hỏi Đức Chí Tôn về việc viết sách Đạo, Đức Chí Tôn đáp:
" - Hay đó con ! Con
cứ lần lần đến đâu thì có giá trị đến đó, tùy theo trình độ học cứu mà tấn hóa,
nghe ! "
Sau khi Ngài Bảo Pháp đăng
Tiên, người con trưởng nam của Ngài là Hiền Tài Nguyễn trung Ngôn, đại diện gia
đình của Ngài Bảo Pháp, viết văn thư đề ngày 26-7-1973 (âl 27-6-Quí Sửu), hiến
dâng cho Hội Thánh bản quyền tất cả sách của Ngài Bảo Pháp viết ra kể trên để
Hội Thánh tùy nghi ấn hành phổ biến, và được Hội Thánh chấp nhận ngày 7-8-1973.
Ngoài việc làm thi và viết
sách Đạo, Ngài Bảo Pháp còn có thiên tài đặc biệt viết các câu liễn đối. Tuy
Ngài tự học chữ Nho, nhưng nhờ sự thông minh lỗi lạc của bậc nguyên căn, khiến
các cụ đồ Nho và người Tàu phải chịu khâm phục.
Ngài Hiến Pháp Trương hữu
Đức có thuật lại : " Tôi còn nhớ lúc nọ, Đức Lý Đại Tiên giáng cơ khen
tặng và nói rằng : Ai muốn xin liễn thì xin nơi Hậu."
Ngài Bảo Pháp đã viết đôi
liễn cho Thuyền Bát Nhã :
Vạn sự viết vô, nhục thể
ký qui tam xích thổ,
Thiên niên tự hữu, linh
hồn trực đáo Cửu Trùng Thiên.
Nghĩa là :
Muôn việc đều không, xác
thịt gởi trả lại 3 tấc đất,
Ngàn năm tự có, linh hồn
đi thẳng lên 9 từng Trời.
Hai câu liễn nầy rất hay,
đối rất chỉnh, nhưng khi dâng lên Đức Lý Giáo Tông thì Đức Lý chỉnh lại khúc
sau, lại càng tuyệt diệu hơn nữa :
Vạn sự viết vô, nhục thể
thổ sanh hoàn tại thổ,
Thiên niên tự hữu, linh
hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
Nghĩa là :
Muôn việc đều không, xác
thịt đất sanh hoàn lại đất,
Ngàn năm tự có, linh hồn
Trời ban trở về Trời.
Trong gia đình, Ngài Bảo
Pháp Nguyễn trung Hậu là người con hiếu thảo. Nhờ công quả của Ngài lập được
trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà thân mẫu của Ngài được siêu thăng và tăng cao
phẩm vị nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống, đúng với 2 câu kinh trong bài Kinh Tụng
Cha Mẹ qui liễu :
Thong dong
cõi thọ nương hồn,
Chờ con lập đức giúp huờn
ngôi xưa.
Thân mẫu của Ngài Bảo Pháp
được Đức Chí Tôn cho phép giáng cơ bày tỏ với Ngài như sau :
Ngày 19-2-1929. Phò loan :
Bảo Pháp - Khai Pháp.
" Mẹ mừng con, Mẹ cám
ơn con đó.
Con đâu rõ đặng ngày nay
Mẹ nhờ công con mà đặng thăng cấp. Nay Mẹ đặng vào Đông Đại Bộ Châu. Ấy cũng
nhờ ơn của Đức Chí Tôn rất thương mà cho Mẹ vào phẩm ấy.
Mẹ chẳng biết lấy chi mà
thông công cho 2 con và các cháu, nên mới dụng huyền diệu mà Mẹ đã cầu xin Chí
Tôn ban cho Mẹ đặng cho con cùng cháu hay rằng, Đức Chí Tôn đã giữ lời hứa cùng
con. Nay Mẹ đến khuyên hai con khá lo sao cho tròn phận sự, ngày thêm vun đắp
nền Đạo đặng báo đáp Ơn Trên đã hết lòng vì cả nhà ta. Nếu con có lòng ấy thì
Mẹ rất vui lòng đó, con hiểu . .
Mẹ rất vui thấy lòng con,
nên Mẹ mới xin phép Chí Tôn đến đây tỏ ít lời cho con hiểu. Vậy con khá an lòng
mà lo Đạo, chớ nên vì việc nhỏ mà nao chí nghe !
Tôi chào nhị vị Thánh (Nói
với ông Khai Pháp Trần duy Nghĩa và Bác vật Lưu văn Lang). Tôi chẳng biết lấy
chi cám cảnh cho bằng dùng vài lời nhắc đây : Xin nhị vị khá hết lòng lo hiệp
tác mà nâng cao địa vị mình càng ngày cho tột phẩm.
Tôi đây chẳng chi xứng
phận mà cũng nhờ ơn Chí Tôn thương tưởng thay. Ấy cũng nhờ sức con mới đặng
vậy, không thì biết sao mà kể xiết.
Ấy đó, công của nhị vị
càng dầy thì Chí Tôn càng yêu dấu. Xin khá để hết tâm chí mà hành phận sự. Ấy
là lời tôi xin nhị vị khá để ý.
(Hỏi về việc ông thân của tôi)
- Mẹ không dám nói. Thôi
Mẹ lui."
Vào cuối năm 1958, do tuổi
già sức yếu, lại bị bịnh áp huyết cao, Ngài Bảo Pháp phải xin phép trở về dưỡng
bịnh tại tư gia ở đường Ngô tùng Châu, Gia Định.
Nhưng Thiên số định kỳ,
Ngài đăng Tiên tại tư gia lúc 16 giờ 50 phút ngày 7-9-Tân Sửu (dl 16-10-1961),
hưởng thọ 70 tuổi. Hội Thánh có đến cử hành tang lễ trong 5 ngày và tạm an táng
nơi nghĩa trang gia đình của Ông Bảy Bích tại Cây Quéo, Gia Định.
Ngài có cho Bài Thài tế lễ
Ngài :
Nhà Phật hôm nay giữ Đạo mầu,
Phiền ba ngảnh lại có vui đâu.
Tẻ đường phi thị, noi đường tịnh,
Tìm cửa từ bi, lánh cửa hầu.
Xác thịt trải qua miền gió bụi,
Nắm xương nhờ gởi bóng tang du.
Lửa lòng vụt tắt từ đây vẫn,
Giọt nước nhành dương gội tấm sầu.
13 năm sau, vào giữa năm
Giáp Dần (1974), (theo lời thuật lại của Hiền Tài Nguyễn trung Nhơn, thứ nam
của Ngài Bảo Pháp), thì Ngài Bảo Pháp ứng mộng cho các con của Ngài, bảo lên
xin với Hội Thánh cải táng cho Ngài về Thánh địa Tây Ninh nội trong năm nay
(1974).
Do đó, các con của Ngài
dâng tờ lên Ngài Hiến Pháp, lúc đó đang cầm quyền Chưởng quản HTĐ, và được Ngài
Hiến Pháp chấp thuận.
Ngày 4-9-Giáp Dần (dl
17-10-1974), Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức, Quyền Chưởng quản HTĐ đích thân ra
lịnh tổ chức lễ cải táng.
Ban Nhà Thuyền Trung Ương
do Giáo Sư Thái Hồ Thanh hướng dẫn đến phần mộ, đưa quan tài lên khỏi huyệt và
mở ra. Điều đặc biệt làm mọi người ngạc nhiên là thi hài của Ngài Bảo Pháp vẫn
còn nguyên vẹn như lúc mới thoát xác, sau 13 năm mà không bị tan rửa như các
thi hài khác, lại không khô cứng, nên chỉ cần dùng rượu trắng thoa bóp thì có
thể sửa đổi tay chân, đặt thi hài từ tư thế nằm trở thành tư thế ngồi kiết già,
tay bắt Ân Tý, để liệm vào liên đài một cách dễ dàng.
Liên đài được quàn lại tư
gia một đêm để tế điện, hôm sau, Hội Thánh rước liên đài kỵ long mã đi về Tòa
Thánh Tây Ninh, tới nơi vào chiều ngày mùng 6-9-Giáp Dần, và được đặt nơi Báo
Ân Từ.
Hội Thánh thiết lễ tế điện
và cầu siêu.
Ngày mùng 7-9-Giáp Dần,
liên đài kỵ long mã đến Đền Thánh, thỉnh bửu ảnh vào kỉnh lễ Đức Chí Tôn, và
sau đó, liên đài kỵ long mã đi ra đất Ao Hồ nhập bửu tháp.
Về nguyên căn của Ngài Bảo
Pháp Nguyễn trung Hậu, Ngài có ghi lại như sau:
" Ngày mùng 3-7-Đinh
Mão (dl 31-7-1927), nguyên Đức Chí Tôn có cho biết tiền thân của Hậu là Xích
Tinh Tử và của Đức là Từ Hàng Đạo Nhơn, may được Quỉ Cốc Đại Tiên giáng đàn,
chúng tôi xin Ngài cho mỗi đứa một bài thi .
Bài thi cho Hậu (Bảo Pháp
Nguyễn trung Hậu) :
Đỏ đỏ một vùng ấy Hỏa tinh,
Nhà Châu tên tuổi đã rành rành.
Tam Kỳ tái thế an thiên hạ,
Hậu nhựt thành công hậu hứng tình,
Bài thi cho
Đức (Hiến Pháp Trương hữu Đức) :
Thập nhị Tiên gia nhứt tánh Từ,
Hàng phong vương
mãn thọ hàn thư.
Trung niên thế cuộc tao vân mộng,
Quản thị Càn Khôn thủ Phật thư.
(Theo Truyện Phong Thần, Đức Nguơn Thủy Thiên
Tôn, Giáo Chủ Xiển Giáo, có 12 người học trò giỏi, trong đó có : Xích Tinh Tử ,
và Từ Hàng Đạo Nhơn.
12 vị học trò nầy được
lịnh của Đức Nguơn Thủy xuống trần giúp Khương Thượng Tử Nha đánh các Tiên
Triệt giáo, học trò của Đức Thông Thiên Giáo Chủ, đang ủng hộ Vua Trụ. Phía các
Tiên Xiển Giáo đánh phép thắng các Tiên Triệt Giáo, giúp Khương Thượng tiêu
diệt Vua Trụ, mở ra nhà Châu, với vua Châu Võ Vương. Xong các Tiên đều trở về
núi tiếp tục tu luyện.
Nay đến thời Tam Kỳ Phổ
Độ, các Tiên tình nguyện giáng trần làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo.)
THI VĂN của NGÀI BẢO PHÁP
Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung
Hậu là một thi sĩ nổi danh trên Thi đàn với bút hiệu là Thuần Đức. Ngài làm rất
nhiều thơ đường luật, xin trích ra sau đây vài bài tượng trưng:
BÀI THƠ CHỮ BẦN
Vùng vẫy khó toan với chữ bần,
Khuấy chơi chi cứ quẩn bên chân.
Chỉn buồn bảng lảng tình bè bạn,
Đâu quản đeo đai mối nợ nần.
Rượu sớm mượn mùi khuây thế sự,
Thi chiều lựa vận ngóng tao nhân.
Tuồng đời ấm lạnh qua rồi chán,
Ướm mượn nhành dương quét bụi trần.
(HẬU)
DƯỚI CHƠN THẦY
Vì thương sanh chúng độ kỳ ba,
Ba nhánh Thầy đem lại một nhà.
Nhà có chơn sư bền mối đạo,
Đạo không căn bản lạc đường tà.
Tà quyền khéo giở trò minh chánh,
Chánh pháp đem mưu cuộc hiệp hòa.
Hòa cả tinh thần hòa tín ngưỡng,
Ngưỡng mong Thầy mở Hội Long Hoa.
(1927)
VỀ TÒA THÁNH HÀNH
ĐẠO
Tuổi già gặp buổi Đạo chinh nghiêng,
Đành phải ra tay chống đỡ thuyền.
Cỡi sóng quyết sang miền tịnh độ,
Thuận buồm nhờ núp bóng Cao Thiên.
Trên đường độ chúng vui đoàn kết,
Trong việc tu thân học Thánh Hiền.
Còn chút hơi tàn còn nhiệm vụ,
Còn lo phổ cập mối Chơn truyền.
(6-7-1957)
Hiến Pháp
TRƯƠNG HỮU ĐỨC
Ngày 20-5-Tân Hợi (dl
12-6-1971), Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức có tự viết Tiểu sử của Ngài, xin chép
y theo nguyên văn như sau đây :
" Trương hữu Đức,
sanh ngày mùng 2 tháng 2 năm Canh Dần (1890) (trên giấy tờ sanh năm 1892), con
Ông Trương văn Tựu (chết) Cựu Cai Tổng Cầu An Thượng, làng Hiệp Hòa (Chợ Lớn),
Giáo Sư phái Ngọc và Bà Lê thị Nhụy tức Sót (chết).
(Hiền nội của Ngài Trương hữu Đức là Bà Nguyễn
thị Sanh, nhập môn vào Đạo Cao Đài rất sớm, được Đức Chí Tôn phong phẩm Nữ Lễ
Sanh, do kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ nhứt ngày 14-Giêng-Đinh Mão, dl 15-2-1927).
Nhập môn vào Đạo Cao Đài
từ năm Ất Sửu (1925) lúc mới còn xây bàn, vì lúc ban sơ, những người theo đạo
đều do lịnh Đức Chí Tôn chỉ định, nên không có Sớ Cầu Đạo.
Trong số 12 môn đệ đầu
tiên của Đức Chí Tôn nêu tên trên bài thi tứ tuyệt trong quyển Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển thứ I có tên ĐỨC (sau thọ phong Hiến Pháp HTĐ), hiệp với Ông HẬU thành
cặp phò loan truyền đạo, Ông Hậu sau thọ phong Bảo Pháp HTĐ.
Trong lúc các Ông Cao
quỳnh Cư, Phạm công Tắc và Cao hoài Sng bày cuộc xây bàn thì Đức còn hoài nghi
cho rằng mấy bạn ấy giả ngộ chơi nên không tin; về nhà, Đức đem bàn ra, đặt tay
lên xây thử để xin thi, tức thì có vong linh người anh nhập, nhưng thay vì cho
thi, lại cho 2 vị thuốc. Đức uống thuốc ấy lành bịnh hậu trên 20 năm.
Qua bữa kế đó, vào lúc
đúng ngọ, trong khi thanh tịnh, Đức bắt chước Ông Tắc, chấp bút một mình và cầu
nguyện xin thi. Có vị Minh Nghĩa Tiên Ông giáng bút cho bài thi như sau :
Minh Đức mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn ao ước cái không hay.
Mừng cầu Âu Á càng thêm mặt,
Mừng nậu côn đồ đã chịu chay.
Đức chỉ xin được một bài
thi đó thôi, sau chấp bút hoài cũng không được. Từ đó, Đức hết lòng tin tưởng,
ăn chay luôn, phụng thờ Đức Cao Đài và hiệp cùng các đồng đạo đi phổ độ các
nơi.
Cặp cơ Hậu - Đức có nhiệm
vụ chấp cơ truyền đạo, mà mỗi đêm thứ bảy phải chấp cơ tại Thánh Thất Cầu Kho
(Thánh Thất tạm nơi nhà Ông Đốc Bản) để cho thiện nam tín nữ đến hầu đàn cầu
đạo. Đồng thời mỗi đêm khác đều đi phổ độ các nơi thôn quê sau khi mãn giờ làm
việc, vì lúc ấy, Ông Hậu làm Đốc học trường tư thục, còn Đức thì làm công chức
cho chánh phủ Pháp. Lắm khi phải đi suốt đêm, sáng về điểm tâm rồi đi làm việc
luôn, nhưng vì sự tin tưởng nên không biết nhọc. Có nhiều đêm, Đức phải đi lên
Gò Kén (Tây Ninh) để chấp cơ tại đó cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo.
Lúc đạo mới mở, Đức Chí
Tôn chẳng những giáng cơ độ rỗi nhơn sanh mà còn ban điễn lành cho các đồng tử
để chữa bịnh cho bổn đạo. Vì vậy mà Đức chữa lành nhiều bịnh tê thủng, dịch tả,
và câm, vv . . . Việc chữa bịnh có được kết quả như vậy là nhờ điễn lành của
Đức Chí Tôn ban cho, chớ mấy vị đồng tử đâu có phải là người chữa bịnh.
Sự huyền diệu lạ lùng ấy
làm cho đức tin của mọi người được tăng gia. Nhưng chẳng bao lâu, khi Đạo lập
thành rồi, thì việc chữa bịnh bằng nhơn điễn phải ngưng một lượt với cơ bút, vì
e có sự lạm dụng.
Khi thọ phong chánh thức
vào hàng Thập nhị Thời Quân HTĐ với chức Hiến Pháp Chơn Quân, Đức thường lên
xuống Tòa Thánh Tây Ninh để hành đạo trong lúc rảnh rang, vì Đức vẫn còn giúp
việc cho Chánh phủ Pháp, tùng sự tại Sở Hỏa Xa Sài gòn.
Sau, Đức được Ông Chánh Sở
Mật Thám Nam Kỳ là Ông Nadau mời đến để giao chức vụ Thông dịch viên Sở ấy.
Trước khi nhận lời, Đức có cầu cơ thỉnh giáo Đức Chí Tôn, vì lúc bình thường,
Đức không thích giúp việc cho Sở ấy, là Sở không có cảm tình đối với dân chúng.
Đức Chí Tôn dạy Đức nên qua giúp việc cho Sở ấy vì sẽ có cơ hội giúp Đạo. Quả
thật như lời Đức Chí Tôn nói, chẳng bao lâu Ông Cao quỳnh Cư (tức Cao Thượng
Phẩm ), có ra bản "PHỔ CÁO CHÚNG SANH" để truyền bá Đạo Cao Đài, trên
bìa Bản Phổ Cáo ấy có tựa đề "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Lần đầu tiên
Bản Phổ Cáo ấy không có kèm thêm chữ Hán, nhưng lần sau, Ông Cư có thêm mấy chữ
Hán. Để tượng trưng Tam giáo qui nguyên, ngoài bìa Phổ Cáo Chúng Sanh có vẽ
hình 3 vị Giáo chủ là Đức Thích Ca, Đức Lão Tử, và Đức Khổng Tử.
Bản Phổ Cáo Chúng Sanh in
lần đầu được gởi ra Nha Tổng Giám Đốc Mật Thám Hà Nội để dịch ra Pháp văn.
Nhưng người thông dịch viên ngoài ấy lại dịch câu tựa : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
là Đạo lớn cứu vớt 3 Kỳ.
Lúc đó là lúc nhà cầm
quyền Pháp để ý theo dõi hành vi Đạo Cao Đài rất gắt, nên Hà Nội gởi bài dịch
văn ấy vào Nam hỏi Ông Chánh Sở Mật Thám Nadau, có phải Đạo Cao Đài làm chánh
trị không, để họ giải tán.
Nhằm lúc ấy, Ông Nadau tin
dùng Đức, nên Ông mới đến hỏi bài dịch văn ấy có đúng nghĩa không? Đức trả lời rằng : Không đúng, vì nguyên
văn câu ấy có nghĩa là Đại Đạo mở lần thứ 3 để độ rỗi, chớ không phải cứu vớt 3
Kỳ (trong Liên bang Pháp là Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ). Để trưng bằng cớ cụ thể,
Đức đem trao cho Ông Nadau Bản Phổ Cáo Chúng Sanh có in chữ Hán. Ông liền phúc
trình ra Hà Nội giải thích rõ việc ấy. Nhờ đó mà Đạo khỏi bị giải tán và người
Đạo cũng đỡ khổ. Đó là bằng chứng Đức cứu Đạo.
Còn nhiều việc khác nữa,
nhưng không đáng kể.
Qua năm 1945, Pháp bị Nhựt
bổn đảo chánh tại Đông Dương, Đức tản cư về thôn quê, nhưng ở đâu cũng không
yên, Đức liền về Tòa Thánh, ở được một hôm thì Pháp đổ bộ, bắn chết một Đạo hữu
ở Rừng Thiên nhiên (Tòa Thánh). Tính không êm, Đức liền rời khỏi Tòa Thánh,
băng rừng đi bộ từ Tây Ninh về Lộc Giang (Chợ Lớn). Lúc đó dẫu có tiền cũng
không có xe đi.
Tản cư ở Lộc Giang được
một thời gian, Đức trở lại quê nhà ở Hiệp Hòa (Chợ Lớn), nhưng sau lại tản cư
xuống chùa Minh Đức nơi Đền Thờ Phật Mẫu tại cầu Băng Ky Gò Vấp, do Ông Sĩ Tải
Nguyễn văn Thiệt làm chủ, lúc ấy cùng ở chung với mấy Ông : Bảo Pháp, Bảo Thế,
Khai Đạo, cũng đồng cảnh huống.
Cũng trong năm 1945, bị
bom Nguyên tử, Nhựt đầu hàng Đồng Minh, Pháp trở lại Đông Dương và chiến đấu
với Việt Minh. Pháp kêu gọi công chức hồi cư để hiệp tác, Đức còn do dự mấy
tháng.
Đến năm 1946, mới chịu trở
lại vì hoàn cảnh bắt buộc.
Đến năm Nhâm Thìn (1952),
được giấy hồi hưu, Đức trở về Hiệp Hòa ở chung với người em ruột trong một ngôi
nhà tranh rách nát. Nhờ vậy mà tránh khỏi Việt Minh và quân đội Pháp khủng bố.
Quân đội nầy chỉ khủng bố những nhà tốt mà thôi. Đức cũng muốn về Tòa Thánh làm
Đạo nhưng vì lúc ấy, Đạo còn dùng rất nhiều quân đội nên không về vì tình trạng
không hạp.
Mãi đến hạ tuần tháng 8
năm Ất Mùi (1955), quân đội Cao Đài, một phần tự giải ngũ, một phần gia nhập
vào quân đội quốc gia, còn Đức Phạm Hộ Pháp thì bị cấm phòng tại Hộ Pháp Đường,
Đức mới về Tòa Thánh để quan sát tình hình và hiệp với các Chức sắc khác để lo
gỡ rối cho Đạo.
Nói đến đây, Đức không
quên ghi ơn 2 Ông bạn HTĐ là Bảo Thế và Tiếp Pháp, có lòng đến tận nhà ở Hiệp
Hòa, khuyên Đức về hợp tác hành đạo. Vì vậy mà Đức mới thanh toán hết gia
nghiệp mới gầy dựng được chút ít, chí quyết phế đời hành đạo, mong cứu vãn tình
thế, vì lúc ấy là lúc hỗn loạn. Có nhiều Chức sắc và Đạo hữu bị giam cầm do Ban
Thanh Trừng điều khiển.
Năm Bính Thân (1956), Đức
cùng Hội Thánh ký kết Thỏa Ước với Chánh phủ Cộng Hòa, cam kết không làm chánh
trị. (Thỏa Ước Bính Thân 1956, Xem nơi Tiểu sử của Ngài Bảo Thế Lê thiện
Phước).
Đồng thời Đức Hộ Pháp Phạm
công Tắc đang lưu vong tại Nam Vang, lại phát động Phong trào Chung sống Hòa
bình, và chỉ định Đức làm đại diện cho Người nơi Tòa Thánh. Vì lẽ đó mà Đức bị
tình nghi và bị cắm cư trú 2 năm tại Sài gòn, mặc dù Đức không thọ lãnh chức
Trưởng Ban Miền Nam Phong trào Chung sống Hòa bình do Đức Phạm Hộ Pháp bổ
nhiệm, nghĩ vì đã ký Thỏa Ước Bính Thân, thì cố nhiên phải tôn trọng chữ ký của
mình.
Mãn 2 năm cư trú, Đức trở
về nhà với gia đình để dưỡng sức vì tuổi cao kỷ trưởng. Tuy nhiên, đối với sự
thành bại của Đạo, không thể ngồi ngó cho đành.
Vậy nên vào lúc tháng 9
năm Nhâm Dần (1962), Đức trở về Tòa Thánh tái thủ phận sự tại HTĐ với nhiệm vụ
: Tuyển soạn Thánh Ngôn và viết Đạo Sử.
Chí nguyện làm tròn phận
sự, rồi có nhắm mắt theo Thầy cũng ngậm cười nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.
Từ ấy, Đức cộng tác với
Đức Thượng Sanh.
Ngoài nhiệm vụ kể trên,
còn kiêm nhiệm thêm Bộ Pháp Chánh, Ban Kiểm Duyệt, Ban Đạo Sử và Thơ viện cho
đến ngày nay.
Đắc phong Quyền Chưởng
quản HTĐ và cuộc lễ Tấn Phong được tổ chức ngày Chúa Nhật 21-5-Tân Hợi (dl
13-6-1971) tại Tòa Thánh Tây Ninh, có mời Chánh quyền, các đoàn thể và các tôn
giáo bạn đến dự. "
Tòa Thánh, ngày 20 tháng 5
Tân Hợi. - (dl 12-6-1971)
HIẾN PHÁP HTĐ : Trương hữu
Đức.
Sau ngày Đức Thượng Sanh
đăng Tiên (26-3-Tân Hợi, dl 21-4-1971), Hội Thánh HTĐ họp phiên Đại Hội vào
ngày 24-4-Tân Hợi (dl 18-5-1971) để công cử vị cầm quyền Chưởng quản HTĐ, thì
toàn Hội đồng thanh cử Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức lên đảm nhận trọng trách
ấy. Vi Bằng công cử được dâng lên quyền thiêng liêng, Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ
chấp nhận và phê chuẩn, do đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh ngày 6-5-Tân Hợi (dl
29-5-1971).
Tháng 4 năm Quí Sửu
(1973), trong đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh, Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ
Pháp đồng ý thăng nhiệm cho Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức lên Chưởng quản HTĐ,
để đủ quyền năng thực hành trọng trách bảo thủ Luật pháp Chơn truyền hầu phát
triển nền Đạo.
Từ ngày lãnh trọng trách
Chưởng quản HTĐ, Ngài Hiến Pháp rất lo âu và tận tụy với nhiệm vụ, nên thường
hay bịnh hoạn, mỗi lúc mỗi nhiều hơn.
Ngài đăng Tiên lúc 20 giờ
15 phút ngày 15-12-Ất Mão (dl 15-1-1976), hưởng thọ 87 tuổi.
Trong Bài Điếu văn của
Ngài Bảo Đạo Hồ tấn Khoa, đọc trước liên đài của Ngài Hiến Pháp, trước khi nhập
bửu tháp, có một đoạn quan trọng, xin trích ra sau đây:
" Nhớ buổi xưa, lúc
cơ Đạo chinh nghiêng, Đức Phạm Hộ Pháp đang bị bao vây trong Hộ Pháp Đường, cả
Chức sắc lưỡng phái lưỡng Đài đang hoang mang, nhơn tâm bất nhứt, tâm lý bất
đồng, sống trong hoàn cảnh hồi hộp lo âu sợ sệt, đột nhiên thấy Anh (Hiến
Pháp)đơn độc xách gói về TòaThánh.
Anh Bảo Thế và các Anh
khác hỏi Anh về Tòa Thánh làm gì trong lúc khó khăn rối rắm như vầy?
Khi ấy, lần đầu tiên Em
đặng gặp Anh và cũng lần đầu tiên Em nghe Anh thốt ra một câu trả lời bất hủ,
mà Em vẫn còn ghi mãi trong ký ức, lấy làm gương sáng cho bước hành đạo, và hôm
nay, Em xin phép nhắc lại cho toàn thể các bạn Đạo hiện diện nơi đây đặng biết
và ghi nhớ để làm phương châm hành đạo.
Anh nói rằng : "Sách
xưa có dạy : Gia bần tri hiếu tử, Quốc loạn thức trung thần." Trong Đạo
cũng vậy, lúc cơ Đạo thạnh hành, ai cũng làm đặng. Hôm nay gặp buổi chinh
nghiêng, nền Đại Đạo đang cơn bối rối, Đức nầy mới xin về để cùng chia sớt phần
nào cảnh lo âu khó nhọc với Anh Em."
Lời nói bất hủ nầy cho ta
thấy tinh thần hy sinh phục vụ của Anh cao cả là dường nào và có mãnh lực nhắc
cho chúng ta cả thảy nhớ câu Minh Thệ : Hiệp đồng chư môn đệ . . .. . .., để
mỗi khi cơ Đạo gặp cảnh khó khăn, thì chúng ta phải nhứt tâm nhứt trí siết chặt
hàng ngũ, trụ vững đức tin, chia đau sớt khổ với nhau, để cùng phục vụ cho Đạo
pháp và cho nhơn sanh, chớ không lý do gì lánh né phận sự, để miệng thế bia
danh muôn thuở."
Đầu năm 1975, trong lúc
nội chiến giữa quân đội quốc gia và quân đội cộng sản xảy ra rất ác liệt trong
toàn Miền Nam VN, Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức, với tư cách là Chưởng quản
HTĐ, lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài, có gởi một bức Thông Điệp kêu gọi Hòa
bình đến các Chánh phủ liên hệ trong cuộc chiến và yêu cầu đặt vùng Thánh Địa
Tòa Thánh Tây Ninh ra ngoài vòng chiến tranh.
Sau đây là Nguyên văn
Thông Điệp Hòa bình nầy :
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
(Ngũ thập niên)
Tòa Thánh Tây Ninh
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
THÔNG ĐIỆP
của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh về
Hòa Bình Việt Nam
Kính gởi :
- Các Chánh phủ liên hệ
trong cuộc chiến tại VN.
- Ông Tổng Thơ Ký Liên
Hiệp Quốc.
- Ông Chủ Tịch Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc.
- Ông Chủ Tịch Ủy Ban Kiểm
Soát Quốc Tế Đình chiến tại VN.
- Chánh Phủ các quốc gia
trong Liên Hiệp Quốc.
- Các nhà Lãnh đạo Tôn
giáo.
Nghĩ vì Hiệp Định Paris
ngày 27-1-1973 qui định cuộc đình chiến ở VN là một niềm hy vọng lớn lao cho
toàn cả dân VN đã quá đau khổ vì nạn chiến tranh, nay mong được thấy Hòa bình
lập lại.
Nhưng ngược lại, hai năm
qua mà cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn ngày càng ác liệt, gây không biết bao
nhiêu cảnh máu đổ thịt rơi, cửa nhà tan nát, mỗi ngày hy sinh cả ngàn thanh
niên ưu tú của dân tộc, làm cho mọi người phải đau lòng thất vọng.
Trước cảnh tang thương
tang tóc của dân lành, Hội Thánh và toàn thể tín hữu Cao Đài luôn luôn giữ vững
tôn chỉ cộng yêu hòa ái của một nên tôn giáo đại đồng và trung thành với đường
lối Hòa bình Chung sống của Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc chủ trương để hòa giải
dân tộc.
Nên thiết tha kêu gọi quí
Lãnh tụ các bên lâm chiến :
1) Xin mở lòng thương xót
đồng bào ruột thịt của chúng ta quá đau khổ vì chiến tranh, sớm bình tỉnh ngồi
lại để tự giải quyết vấn đề nội bộ giữa người Việt với nhau trong tình huynh
đệ, tương thân tương ái, tương nhượng, hầu chấm dứt nạn chiến tranh tàn khốc.
Đặng như vậy, cả 40 triệu đồng bào VN sẽ ghi ơn quí vị và thế hệ mai sau sẽ ghi
một điểm son vào trang lịch sử hiện tại cho quí vị.
2) Xin lưu tâm đến Tổ Đình
Tòa Thánh Tây Ninh và cả vùng Thánh địa gồm 19 Phận đạo là nơi tôn nghiêm sùng
bái của toàn thể tín hữu Cao Đài và cũng là nơi gần nửa triệu dân lành chỉ biết
tu hiền, sống đông đúc nơi đây được đôi bên đặt ngoài vòng chiến, để tránh
khích động đến lòng tín ngưỡng của mấy triệu tín hữu trong toàn quốc.
3) Nếu muốn dùng một nơi
nào trong vùng Thánh địa Tây Ninh để làm địa điểm của 2 bên và Ủy Hội Quốc Tế
làm nơi hòa đàm trong quốc nội thì chúng tôi có thể sẵn sàng chấp thuận. Trong
khi chờ đợi giải quyết vấn đề Hòa bình VN, trật tự an ninh nơi đây sẽ tạm thời
do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đảm nhiệm.
Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ chúng tôi cũng thiết tha kêu gọi các cường quốc trong 2 khối và tất cả
các quốc gia Hội Viên Liên Hiệp Quốc, cùng toàn thể nhân dân yêu chuộng Hòa
bình trên thế giới chứng nhận và ủng hộ lời kêu gọi nầy.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ngày
04-12-Giáp Dần. - (dl 15-1-1975)
TM. Hội Thánh ĐĐTKPĐ
Chưởng Quản HTĐ
Hiến Pháp TRƯƠNG HỮU ĐỨC
(ấn ký)
Bài Thài hiến lễ Ngài Hiến
Pháp Trương hữu Đức :
HỮU ĐỨC mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn mong uớc cái không hay.
Mừng nay gặp Đạo lòng mong muốn,
Chí quyết cùng nhau để hiệp vầy.
Nguyên Đức
Chí Tôn cho biết nguyên căn của Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức là Từ Hàng
Đạo Nhơn và Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu là Xích Tinh Tử. Quỉ Cốc Đại Tiên có
giáng cơ cho mỗi Ngài một Bài thi. (Xin độc giả xem lại Tiểu Sử của Ngài Bảo
Pháp Nguyễn trung Hậu).
Ngài Hiến Pháp Trương hữu
Đức có bút hiệu là Thân Dân, có làm khá nhiều bài thi đường luật, xin trích ra
đây vài bài tượng trưng :
ĐẠO ĐỜI TƯƠNG ĐẮC
Đạo Đời tương đắc cứ như nhiên,
Đời Đạo đôi bên nắm vững quyền.
Đạo đắc nhơn tâm, Đời đắc sách,
Đời do dân ý, Đạo dân quyền.
Ái hòa Đạo dụng làm căn bản,
Nhân nghĩa Đời toan giúp phổ truyền.
Đời Đạo tương liên gieo Thánh đức,
Nhơn sanh an hưởng cảnh Thần Tiên.
Ba đào sóng bủa bởi thuyền to,
Lèo lái kiên gan vững phận trò.
Nẻo tắt đường quanh bền sức chống,
Sông sâu biển thẳm gắng công dò.
Lướt dòng cậy có nhiều thần lực,
Quá hải nương
nhờ bóng tự do.
Bến tục thuyền từ dìu độ chúng,
Đưa vào nguồn sống khỏi tò mò.
THÂN DÂN
Họa nguyên vận 2 bài thi
Ngư và Tiều của Ông Huệ
Giác :
Nghinh ngang mặt nước một con thuyền,
Cái thú ngư ông ấy thú Tiên.
Bủa lưới bao trùm gồm bốn biển,
Giăng câu định hướng nắm ba giềng.
Ở trần không nhiễm mùi trần tục,
Xử trí yên vui cảnh trí riêng.
Trời Đất rộng thinh dành một cõi,
Thú nhàn quyết tránh lợi danh quyền.
Nào phải nông gia sợ mất mùa,
Tiều phu nghề ấy khỏi nài mua.
Rừng tòng phủi sạch điều hơn thiệt,
Rìu búa chi màng cảnh được thua.
Trối kệ những ai ham đổi mới,
Thìn lòng riêng tớ giữ nghề xưa.
Chim trời cá nước ai ngăn đón,
Danh lợi đâu cần nhọc trí đua.
HIẾN PHÁP Trương
hữu Đức
Biệt hiệu Thân
Dân.
Khai Pháp
TRẦN DUY NGHĨA
Ngài Trần duy Nghĩa, sanh
năm Mậu Tý (1888) tại làng Thành Phô, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công.
Thân phụ là Ông Trần duy
Quyền và Thân mẫu là Bà Đặng thị Lâu, đều ở Gò Công.
Hiền nội của Ngài Trần duy
Nghĩa là Bà Hồng thị Đỏ (Cô ruột của Cựu Đại Tá Hồng Sơn Đông). Hai Ông Bà chỉ
sanh được một người con trai, đặt tên là Tháp, nhưng chẳng may mất sớm lúc mười
mấy tuổi. Hai Ông Bà không sanh con thêm, nên xin 2 người con gái để làm con
nuôi :
- Một người tên Nguyễn thị Lụa, là cháu
ruột kêu bằng Dì của Bà Hồng thị Đỏ.
- Một người tên là Trần thị Huê, là cháu
ruột của Ngài Trần duy Nghĩa.
Ngài Trần duy Nghĩa làm
công chức Sở Hỏa Xa thời Pháp thuộc.
Năm Bính Dần (1926), Đức
Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức Chí Tôn đi xuống Gò Công gọi Ngài Trần duy Nghĩa. Vì
Ngài là một nguyên nhân giáng phàm có nhiệm vụ tiền định, nên Ngài liền vâng
chịu đi theo Đức Phạm Hộ Pháp, nhập môn làm môn đệ của Đức Chí Tôn, và kể từ
đó, Ngài luôn luôn theo sát Đức Phạm Hộ Pháp để hành đạo.
Ngài Trần duy Nghĩa được
Thiên phong Khai Pháp, cùng một lượt với chư vị Thời Quân khác khi Đức Chí Tôn
lập Pháp Chánh Truyền HTĐ ngày 12-Giêng-Đinh Mão (dl 13-2-1927).
Ngài hợp cùng Ngài Tiếp
Pháp Trương văn Tràng thành cặp Phò loan truyền đạo lúc ban sơ, và sau đó trở
thành cặp Phò loan chuyên về Bí Pháp.
Ngày 11-2-1933 (âl
17-Giêng-Quí Dậu), Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung hiệp cùng với Đức Phạm Hộ
Pháp đồng ký tên ra một Thông Tri thăng phẩm Quyền Đầu Sư cho 3 vị Chánh Phối
Sư là : Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh.
Như vậy, 3 phẩm Chánh Phối
Sư bị khuyết, nên tạm cử 3 vị Thời Quân HTĐ qua CTĐ đảm nhiệm 3 chức vụ kể
trên.
Thông Tri ấy có đoạn như
sau :
" Việc giao quyền
hành Chánh Phối Sư cho 3 Chức sắc HTĐ là việc của Hội Thánh mới định hôm kỳ
nhóm ngày mùng 9 tháng Giêng rồi đây, nhằm bữa 4-3-1933.
Ba Chức sắc ấy là :
- Khai Thế Thái văn Thâu,
lãnh phận sự Thượng Chánh Phối Sư.
- Khai Pháp Trần duy
Nghĩa, lãnh phận sự Ngọc Chánh Phối Sư.
- Khai Đạo Phạm tấn Đãi,
lãnh phận sự Thái Chánh Phối Sư. "
Đạo Nghị Định của Đức Phạm
Hộ Pháp số 56 ngày 23-9-Ất Hợi (dl 20-10-1935), Ngài Khai Pháp Trần duy Nghĩa
trở về HTĐ.
Đạo Nghị Định của Đức Phạm
Hộ Pháp số 46 ngày 21-8-Bính Tý (dl 6-10-1936), Ngài Khai Pháp được giao nhiệm
vụ Thẩm Án Tòa Đạo, và tạm quyền Chưởng quản Cơ Quan Phước Thiện cho tới ngày
có một vị Thời Quân Chi Đạo thay thế.
Ngày 17-6-Tân Tỵ (dl
11-7-1941), lính Mật Thám Pháp vào Tòa Thánh bắt 4 vị Chức sắc : Phối Sư Ngọc
Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, và Sĩ Tải Đỗ
quang Hiển, đồng thời ở Sài gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp tại tư gia của
Ngài. Lúc đó, Đức Phạm Hộ Pháp đã bị chúng bắt trước đó gần nửa tháng, tức là
ngày 4-6-Tân Tỵ (dl 28-6-1941).
Ngày 4-6 nhuần-Tân Tỵ (dl
27-7-1941), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp và 4 vị Chức
sắc lưu đày ở hải đảo Madagascar (Mã đảo) bên Phi Châu, trên chiếc tàu Compiège.
Trong thời gian bị lưu đày
nơi Mã đảo, Ngài Khai Pháp và Sĩ Tải Đỗ quang Hiển luôn luôn kề cận bên Đức
Phạm Hộ Pháp để giúp đỡ và cùng chia xẻ những nỗi đau buồn khổ cực. Sĩ Tải Đỗ
quang Hiển và Giáo Sư Thái Gấm Thanh đã chết tại đảo, và Sĩ Tải Đỗ quang Hiển
đắc Thánh vị.
Ngày 25-7-Bính Tuất (dl
21-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp và 2 vị Chức sắc còn lại là Phối
Sư Ngọc Trọng Thanh và Giáo Sư Thái Phấn Thanh, sau hơn 5 năm bị lưu đày, được
Chánh quyền Pháp đưa trở về VN trả tự do, đi trên chiếc tàu Ile de France, cặp
bến Vũng Tàu.
Ngày mùng 4-8-Bính Tuất
(dl 30-8-1946), Chánh quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp, Ngài Khai Pháp, Phối Sư
Ngọc Trong Thanh và Giáo Sư Thái Phấn Thanh từ Sài gòn về Tòa Thánh. Hội Thánh
và rất đông đảo tín đồ tổ chức Lễ Nghinh Tiếp vô cùng long trọng và cảm động.
Ngài Khai Pháp Trần duy
Nghĩa tiếp tục hành đạo sát cánh Đức Phạm Hộ Pháp, được Đức Phạm Hộ Pháp giao
cho nhiệm vụ Chưởng quản Bộ Pháp Chánh, và Ngài ở nhiệm vụ nầy cho đến lúc đăng
Tiên.
Ngài Khai Pháp Trần duy
Nghĩa đăng Tiên lúc 5 giờ sáng ngày 22-Giêng-Giáp Ngọ (dl 24-2-1954) tại Văn
phòng HTĐ Tòa Thánh, hưởng thọ 67 tuổi.
Sau khi đăng Tiên, Ngài
giáng cơ cho Bài Thài hiến lễ Ngài :
Đã chán công danh dưới phép người,
Đem thân cửa Phạm để nên nơi.
Lóng chuông Bạch Ngọc hồi hồn tục,
Nghe trống Lôi Âm tỉnh mộng đời.
Nắm pháp thiêng liêng dìu Thánh vị,
Cầm cân công lý giữ ngôi Trời.
Dầu chưa trọn nghĩa Thiên Thơ định,
Giác ngộ vui theo cũng kịp thời.
Khai Pháp Chơn Quân
Ngày 28-Giêng-Giáp Ngọ (dl
2-3-1954), trong buổi Lễ Di Liên đài của Ngài Khai Pháp nhập bửu tháp. Đức Hộ
Pháp có phát biểu để tưởng niệm và cũng để tuyên dương công nghiệp của Ngài
Khai Pháp, xin trích ra một đoạn sau đây :
" Đức Khai Pháp Chơn
Quân, cả toàn Thánh Thể và con cái Đức Chí Tôn đều hiểu là ai ?
Trong 12 vị Chơn Quân của
12 con Giáp là cơ huyền bí tạo CKVT thế nào, có lẽ cả tinh thần của toàn thể
con cái Đức Chí Tôn hiểu thấu.
Bần đạo lại thêm một điều
trọng hệ hơn hết, người không phải xa lạ với nhơn loại nơi mặt Địa cầu nầy,
người đã cùng làm bạn với nhơn loại và chịu khổ cùng nhơn loại. Ngài là một bậc
yếu nhân đã giúp Đức Chí Tôn tạo dựng một nền văn minh hiện tại.
Bần đạo nói quả quyết rằng
: Ngài là một vị yếu nhân đã cầm quyền về tinh thần của nền văn minh.
Ngài tái kiếp, sứ mạng của
Ngài là không chi khác hơn là làm thế nào cho nền văn minh ấy chung hiệp các
nền văn minh tối cổ trên mặt Địa cầu nầy, làm cho thiên hạ thống nhứt về tâm
hồn, thống nhứt về đạo đức. . . .
Thật sự hôm nay, Đức Khai
Pháp Chơn Quân đã hưởng trọn hạnh phúc mà Bần đạo đã tỏ ra khi nảy đó, cái hạnh
phúc chơn thật của Ngài hôm nay được hưởng, trái lụng lại, chúng ta buồn thảm
chia ly về phần xác, mà Bần đạo lấy làm hân hạnh vui hứng thấy Ngài đã đoạt
Đạo. Đức Khai Pháp Chơn Quân đã đoạt đạo tại thế nầy đó vậy.
Bần đạo làm chứng cho toàn
thể con cái Đức Chí Tôn điều ấy."
Theo lời Đức Phạm Hộ Pháp,
chúng ta hiểu rằng, Ngài Trần duy Nghĩa là Thánh Pierre (Phê-rô) chiết chơn
linh giáng phàm để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai Đạo.
Thánh Pierre là một trong
số 12 môn đồ của Đức Chúa Jésus, là người mà Đức Chúa Jésus tin cậy, đặt nền
tảng của Hội Thánh truyền giáo của Ngài.
Ông Chơn Nhơn Phạm duy
Hoai có thuật chuyện Ngài Khai Pháp như sau :
" Một hôm nọ, Đức
Phạm Hộ Pháp lập đàn, có các vị Chức sắc Thiên phong dự chứng. Đức Phạm Hộ Pháp
cầm cây Kim Tiên đưa ra bên trên và trước mặt Ngài Khai Pháp đang quì. Đức Phạm
Hộ Pháp nói : "Nầy Pierre, ngày trước nguơi đã chối ta 3 lần, lần nầy ta
tha cho đó." Đoạn Ngài Khai Pháp lạy. Đàn mãn.""
Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu
Sư Nguyễn Hương Hiếu, quyển I trang 35, Thánh Pierre có giáng cơ cho 4 câu thi
:
SAINT PIERRE
Thiên Đàng giữ cửa góc Trời Tây,
Truyền đạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
Cao Đài phú thác dắt dìu bây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét