Ðại Ðạo Giáo Lý & Triết Lý - 3 / 6 Hiền Tài. Trần Văn Rạng


Tóm lại, Đạo Cao Đài là một nền tân tôn giáo có tầm vóc to lớn phát sinh trong thời đại nguyên tử phù hợp với ước vọng của mọi sắc dân trên thế giới.

HỘI THÁNH NGOẠI GIÁO - CHƯỞNG QUẢN VICTOR HUGO

- ÂU Á - LEO TOLSTOY
- CHÂU ÂU - LA FONTAINE

- CHÂU PHI - ARISTIDE BRIAND
- CHÂU MỸ - PEARL BUCK
- CHÂU Á - TÔN TRUNG SƠN
- LIÊN HIỆP ANH SHAKESPEARE

HỘI THÁNH NGOẠI GIÁO VÔ HÌNH
(Theo Les Massages Spirites)

Phần Thứ Tư

ĐỨC THƯỢNG ĐẾ=ĐỨC CAO ĐÀI

CHƯƠNG I

THỜ ĐỨC TIN CỦA NHÂN LOẠI

Sự xuất hiện của Đạo Cao Đài đã được kinh sấm báo trước, là một tôn giáo được Đức Chí Tôn mặc khải toàn diện. Đạo sinh ra là để cứu đời "tận độ chúng sanh" thoát khỏi bể trầm luân.
Đạo Cao Đài sinh ra và lớn lên trong cái nôi gò bó chật hẹp dưới hai tầng áp bức : nửa thực dân, nửa phong kiến.

Thế mà, Đức Chí Tôn phán truyền : "Độ dẫn hoài sanh" "Hòa bình dân chủ tự do" , "Luật thương yêu, quyền công chánh",Nam nữ bình quyền (có bao nhiêu Chức sắc nam thì có bao nhiêu nữ), phá bỏ hủ lậu (Không vì nguyệt huyết kỵ anh linh) để "tạo đời cải dữ ra hiền" (1). Và Đức Chí Tôn đã dùng huyền diệu qua cơ bút lập Đạo :

Từ thủa nước Nam chẳng Đạo nhà,
Nay ta gầy dựng lập nên ra …
Đó là những chiếc gai nhọn thọc thẳng vào chế độ thực dân và phong kiến, dù Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt bày tỏ với Thống Đốc Nam Kỳ lúc đó (1927) là Blanchard de la Brosse là Đạo Cao Đài chỉ thờ kính Trời (Dieu) chớ không làm chính trị (2). Nhưng mật thám Pháp vẫn đàn áp nhiều tín đồ, dẹp Thánh Tượng (3).

(1)Những tiêu đề tóm lược này xin đọc lại Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
(2) và (3)Tiểu sử Đức Quyền Giáo Tông. TN 1973, tr.53-54.

Lalaurette, Thanh tra Chính trị sự vụ và Hành chánh Nam kỳ, và Vilmont, Tỉnh trưởng Tây Ninh (Administrateur des Services civils, Chef de la province de Tây Ninh) đã theo dõi Đức Quyền Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp rất gắt gao được đúc kết trong tập phúc trình "Le Caodaisme" (4) gồm 2 phần :

- Phần I : (tr1-24) do Lalaurette viết lược sử và giáo điều CĐ
- Phần II : (25-91) do Vilmont viết gồm tài liệu về phái, kinh tế, xã hội, sự phân lý tôn giáo và chính trị.
Còn triều Nguyễn ra dụ cấm đạo : "Bảo Đại tự niên cấm truyền giáo Trung kỳ" vì Đạo Cao Đài hô hào "Tự do dân chủ" làm lung lay chế độ quân chủ phong kiến.

Thật ra, đạo ở trong nước, không thể tách khỏi xã hội nên Giáo lý Cao Đài dựa theo sinh hoạt của con người hầu biến đổi cuộc sống ngày một tốt hơn. Bởi lẽ đó mà Giáo lý Đạo Cao Đài phù hợp với ước vọng thầm kín từ lâu của nhân sanh. Đạo đã trở thành cái phao, con thuyền cứu độ trong lúc họ bị phong ba bão táp bủa vây. Họ đến với Đạo Cao Đài vì Đạo Cao Đài tận độ họ, vỗ về an ủi họ và tương lai sẽ giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc đời cực khổ hiện hữu. "Thầy đến lập nền Chánh giáo tại cõi Đông Dương là cốt làm cho kẻ bị hiếp đáp đặng mạnh mẽ, kẻ hiền lương làm thầy kẻ hung bạo" (5).

Giáo lý Đạo Cao Đài là những nguyên tắc hành động "Phổ độ chúng sanh" chớ không phải những giáo điều suông. Người tín hữu nào cũng hiểu rằng tu là làm giảm bớt đau khổ cho chính mình và cho những người xung quanh mình, chứ không phải tu vì Thượng đế hay làm cho Giáo hội thêm uy quyền. Với quan niệm như vậy, người tín hữu Cao Đài sẵn sàng đón nhận giáo thuyết Tam giáo, Ngũ chi với thành tâm thiện ý. Họ đã thực thi lời Đức Chí Tôn dạy : Thương yêu và Công chánh (Amour et Justice) mà không vì bản ngã tôn giáo.

 (4)Le Caodaisme, Sài gòn 1933, 91 trang.
(5)Đạo sử quyển II, TN 1957 tr.248.

Họ có một đạo tâm sinh động và một nội lực mạnh mẽ để chịu đựng khảo đảo của cuộc đời. Dù đời nêu lên "Cái Aùn Cao Đài", dù đời cho Đạo là những mảnh vỡ của nền văn hóa truyền thống (6). Những việc đó là những thử thách trên đường tu học. Họ không trả lời nhưng có những bạn hữu của họ hồi đáp cho khách bàng quan bằng "Cái Aùn Cao Đài" và người tín hữu các tôn giáo trước cũng đã đi vào đi cuộc đời với những nỗi "nhọc nhằn" như vậy. "Khi Thích Ca truyền đạo, dân Braman cho là Bàn môn. Khi Lão Tử truyền đạo thì đời cho là phù phép mê hoặc. Khi Chúa Jésus truyền đạo thì dân Israel gọi là Tả đạo". (7)

Người ta bảo không thể nào "Qui Tam Giáo, Hiệp Ngũ Chi" được. Bởi lẽ họ đã thâm nhiễm triết học Tây phương. Theo Louis Millot, những ai muốn hiểu được người Đông phương thì hãy xếp lại quyển "Phương pháp luận" (Discours de la Méthode) của Descartes vì lý luận Đông phương và Tây phương không cùng bản chất. Đông phương không có triết học mà chỉ có Đạo học. Tất cả các nền tôn giáo lớn đều xuất phát từ phương Đông, Đạo học Đông phương không trong không ngoài, vừa là A mà vừa không phải là A.

Thần học Cao đài cũng mang tính hư hư thực thực đó. Guglielmo Ferreco khi so sánh giữa nền văn minh phẩm và nền văn minh lượng của Tây phương có viết :
"Dường như cái lý tưởng tiến bộ càng mập mờ bao nhiêu thì càng có sức mạnh được nhiều người tin tưởng bấy nhiêu". Thêm vào đó, G.Monod Herzen nhận xét : "Sự tổng hợp Đông phương và Tây phương, nền tảng của sự thuần nhất loài người là một vấn đề sinh tử, có lẽ là vấn đề khẩn thiết nhất của thời đại" (La Synthèse Orient, base de l'unite humaine, est une nécessité vitale, probablement la plus immédiatement nécessaire à notre époque). (8)

 (6)Kim Định, Căn bản Triết lý trong văn hóa VN. Saigon 1967, tr.70.
(7)Đạo sử II, sđd tr.243.
(8)Confluences Orient-Occident, France Asie N0100

Có người cho rằng không thể nào làm như Tôn giáo Cao Đài, để chung Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử cùng trên một thiên bàn được. Thật ra, "Tam giáo tuy có khác nhau ở chỗ lập giáo và hành đạo nhưng đến chỗ cùng tột tuyệt đối thì cũng gặp nhau ở chỗ lý tưởng, cho nên vẫn dung nạp được nhau. Đó là cái đặc sắc của Tôn giáo Á Đông." (Trần Trọng Kim, Phật giáo, Saigon 1958). Đức Khổng Tử đã nói : "Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lợi" (Thiên hạ tuy có nhiều đường khác nhau nhưng về một chỗ; dẫu có trăm lo cũng gom về một mối). Cái moat ấy là Thái cực, là tuyệt đối, còn vạn tượng chỉ là sự biến hóa của cái một đó, mà cái một ấy là Thiên Nhãn, tượng trưng cho Đấng Duy Nhứt.

Trong "La Fin d'un Mythe", Carlo Suarès nhận định một cách sáng suốt như vầy : "Chân lý là sự tổng quát của hai đối cực, chớ không phải sự đề cao cái này mà phủ nhận cái kia. Đạo học Đông phương và Khoa học Tây phương đều cùng sống trong một ảo tưởng như nhau". (La vérité est ;a synthèse des deux pôles, mais non pas l'affirmation de l'un au détriment de l'autre. L'Orient métaphysique est dans la même illusion que lOccident scientifique).

Đông phương và Tây phương đều sống trong ảo tưởng nên đều sai lầm như nhau. Nhân loại ngày nay đã xích lại gần nhau vì "càn khôn dĩ tận thức" và "Đồng qui nhi thù đồ", cùng gom về một mối Đại Đạo mà mỗi bên đi theo con đường riêng của mình : Thống nhứt mà không đồng nhứt.

Theo Hubert Benoit : "cả vạn vật trong vũ trụ đều do sự tổng hợp của Tam nguyên (ngôi Trung hòa), có hai nguyên mâu thuẫn, một cái thuộc Dương (Thiện), một cái thuộc Aâm (Ác) cả hai cùng đứng trên một bình diện và có giá trị bằng nhau, được một nguyên lý tối cao (Trời) điều hòa lại, hòa giải hoặc chỉnh lại, bằng không, chúng sẽ tự hủy diệt lẫn nhau". (Tout l'univers est ainsi créé par la synthèse trinitaire, deux principes opposés, l'un positif, l'autre négatif, situés sur la même plan et ayant la même valeur, sont harmonisés, concillíes arbitré par un principe suprême, sans lequel, ils s'annuleraient) (H.Benoit, metaphysi que ét Paychanalyse, Paris 1945, trang 40).

Thánh Mahatma Gandhi đồng quan điểm với tôn giáo Cao Đài, đã nói : "Tất cả những chân lý khác biệt nhau, khác nào số lá trên cây, tuy mỗi lá có sắc thái riêng nhưng chung qui ở trên một thân cây, cùng một gốc sống chung với nhau". Chẳng khác chi ý bài Khai Kinh "Một cội sanh ba nhánh in nhau". Nếu những ai phê phán Thần học Cao Đài bằng cách chia ra từng phần mà không xem là một toàn thể bất khả phân, tất cả đều do một Đấng Duy Nhứt, tùy trình độ cao thấp của nhân sanh qua các thời kỳ mà Ngài lập Đạo, là chưa hiểu được chủ trương tổng hợp của nền Đạo mới này.

Đức Lão Tử dạy : "Người rành đạo thì không thích biện lý, kẻ ưa biện lý là kẻ không rõ lẽ Đạo" (Biện giả bất thiện, thiện giả bất biện). Chân lý Đại học không thể chứng minh như khoa học mà chỉ khêu gợi, giác ngộ : "Nói là không biết, mà biết thì không nói". (Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn). Đó mớilà Đạo tâm sâu kín.

Biểu tượng tổng hợp và thống nhất của tôn giáo hoàn cầu đó là "Con Mắt trái mở rộng". Đó là đức tin chung đúc ngàn đời không những của dân tộc khác trên thế giới tôn sùng.

Thờ duy nhất một Con Mắt là thờ Chân lý tuyệt đối :
"Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể.
Quang thi Thần,
Thần thi Thiên.
Thiên giả Ngã giả"

"Tượng Thầy chẳng giống chi hết. Thầy vốn vô hình vô ảnh. Thầy tốt đẹp chưa ngọn bút phàm nào vẽ đặng, nhưng vẽ như Tượng thường tốt hơn là Tượng Ngũ chi" (Đạo sử II, tr.229). Trên thế giới, nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc sùng kính Con Mắt. Trong Thánh Kinh Tân ước của Kitô giáo có nhiều đoạn nói về Con Mắt. Thánh Mathieu, nơi chương 6, điều 22,23 và Thánh Luc, nơi chương 11, điều 34, 35 đều viết : "Con Mắt là ngọn đèn rọi sáng thể xác. Nếu con mắt lành thì cả thể xác được minh mẫn. Nếu Con Mắt xấu thì cả thể xác sẽ ở trong U Minh (bóng tối)". (L'Oeil est la lampe du corps. Si ton oeil est en bon état, tout ton corps sera éclairé. Mais si ton oeil est en mauvais état, tout ton corps sera đans les ténèbres).

Ở Hoa Kỳ, vào năm 1776, Ủy ban soạn thảo triện gồm 3 nhà lãnh đạo Mỹ quốc là Thomas Jefferson, Benjamin Franklin và John Adams với hình Kim Tự Tháp mà trên chót có "Con Mắt" trong hình tam giác như các khung hình quanh Tòa Thánh hiện nay. Họ giải thích rằng tiền nhân người Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Thượng Đế nên sự tiến bộ của nước Hoa Kỳ luôn cần được sự phù hộ của Đức Thượng Đế.

Vì thế, người tín hữu Cao Đài theo chủ thuyết Đại Đồng nhân loại, không hành động cái gì riêng cho mình mà "quên mình làm nên cho người, giúp người nên Đạo" (Theo Tứ đại điều qui).

Thật ra cái nguyên lý tối cao nhất điều hòa những mâu thuẫn là Đạo, là Đấng Tuyệt Đối (Một Con Mắt), là Đấng vĩnh cửu … vô ảnh giúp c nhân loại khỏi rã rời và chia rẽ. (9)

Thiên Nhãn cũng chỉ là một tượng trưng mà thôi, tùy nước tùy nơi mà con mắt khác nhau về hình thể nhưng thống nhất về giáo lý : Tin Đấng Duy Nhất.

Đức Chí Tôn đã dạy : Đạo Thầy là vô hình, vô dạng, nhưng cái lý vô vi ấy cần phải nương với hữu hình. Chẳng nên lấy cái Có mà bỏ cái Không, mà cũng chẳng nên giữ gìn cái Không mà quên cái Có. Bổn nguyên của Đạo Cao Đài là duy nhất Thần với biểu tượng Thiên Nhãn. Còn những cách thể bày biện ngoài Thiên Nhãn chỉ là sự biểu lộ lòng tôn kính đối với hàng giáo lãnh của các tôn giáo đã có trước, cũng nhằm để phổ độ chúng sanh bằng hình tượng siêu thoát.

 (9) G.Gobron, Histoire et Phylosophie du Caodaisme, Paris Dervy 1949, tr.196.

CHƯƠNG II

THƯỢNG ĐẾ HẰNG HỮU

Thật sự có Trời (Dieu) không ? Trời ở đâu ?
Ta hãy nghe ông Trời phán truyền :
"Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền"
Hay: "Cùng nhau một (Đại) Đạo tức một Cha (Trời)" (1)
Đó là tuyên ngôn của nền Đại Đạo gồm tất cả các mối Đạo để tiến tới Đại Đồng Nhân loại vì con một nhà, anh em một cha.
Lúc nào Đức Chí Tôn cũng có mặt dưới những hình thức lập giáo khác nhau, Ngài cho biết '
"Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Ngươn Thỉ thị Ngã,
Kim viết Cao Đài" (2)
"Thầy là Đức Jévovah của dân Hébreux, vì Chúa tể của quân dân Israel, vị Thánh Vô danh của dân Do Thái, Đức Chúa Cha của Chúa Jésus. Con chỉ cần cầu nguyện Thầy với danh hiệu Cao Đài thì sẽ có cảm ứng ngay". (3)

Như vậy, đặt vấn đề có Trời, có Thượng Đế, có Chúa Cha hay không thì nên quay lại tìm hiểu các tôn giáo mà Đạo Cao Đài tổng hợp. Sự hiện diện của Đạo Cao Đài là tiếp nối đạo Giatô và đạo Phật sắp mạt pháp vào năm 2000. mạt pháp theo Đức Hộ Pháp dạy không phải Tận thế mà đúng một giáp tới một nền văn minh tôn giáo mới, một chu kỳ Đạo (*) . lúc đó, Đức Di Lạc ra đời cứu rỗi con người. Ngài là biểu tượng của nền văn hóa tổng hợp hoàn cầu. Ngài đầy đủ nhận định về xã hội và kiến thức về con người để dẫn dắt nhân loại đi trên con đường Đạo tâm Thánh Đức. Sự xuất hiện của Đức Di Lạc như cuộc vận động mới làm sống lại những gì Đức Cao Đài đã phán truyền : Nhân loại hiệp đồng, văn hóa khoa học chỉ là một.

Trở lại vấn đề có Trời hay không? Vào thế kỷ II, nhà thiên văn Ptolémé đã viết : "Có một sức mạnh nào đó phóng ra từ ête vĩnh cữu của vũ trụ và truyền tới hết thảy những gì bao quanh trái đất và có cái gì hoàn toàn phụ thuộc vào sự thay đổi. Đó là những điều mà mọi người thấy rõ. Mặt trời cùng với môi trường bao quanh nó, bằng cách nào đó, luôn luôn truyền cái trật tự của mình tới tất cả những gì ở trên mặt đất". (4)

Thầy Trang Tử cũng viết : "Ta thấy Trời xoay vòng, còn đất thì duy trì mãi. Mặt trời, mặt trăng cứ xoay vòng liên tiếp. Ta tự hỏi cái gì thống quản vũ trụ? Cái gì nối liền vũ trụ? Cái gì tồn tại vô cùng và giữ cho các hành tinh chuyển động mãi mãi như vậy?" Nhứt định phải có một Đấng thống ngự vạn vật."Khi chưa có chi trong Càn Khôn Vũ Trụ thì khí Hư Vô sanh có một mình Thầy". (5)
Vậy Đức Chí Tôn là Đấng Nguyên Thủy.

(1)TNHT.I.TN1964 tr.5 (2) TNHT.I. tr.13
(3) TNHT.I. tr.124
(*)Bài thuyết Đạo (Quyển I), tr.132
(4)Những bí mật của sự tiên đoán. Hà Nội 1977, tr.144
(5)TNHT.II.TN 1963, tr.62.

Vũ trụ không ngẫu nhiên mà có. Trái đất tự quay mà không có điểm tựa, lại phân bốn mùa tám tiết, không ngừng nghỉ, không sai một ly. Những hiện tượng đó buộc ta phải nghĩ rằng có một vị Chúa tể thiêng liêng là Vô vi Thái cực, cái "Vô danh thiên Địa chi thỉ", cái không tên mà là nguồn gốc của Trời Đất. Cái Chân Hư ấy qui tụ điểm Chân nhứt (Jésus) và ánh sáng nguyên thủy (A Di Đà Phật) mà nay gọi là Đức Chí Tôn (Le Très-Haut).

Đứng trước vũ trụ huyền bí bao la, không ai mất đức tin hoàn toàn. Hãy để cho tiếng lương tâm vang lên, thì đức tin sẽ ló dạng. Sự hiện hữu của Trời là nhờ kinh nghiệm trong cuộc sống, chớ không phải nhờ từ bên ngoài hay nhớ lý luận. Rõ ràng nhất là khi công lý loài người vắng bóng thì động lòng Trời, ta sẽ thấy sự diệu hữu của Ngài. "Có lắm người tưởng rằng ta phải thấy Trời y như Trời đứng bên này, còn ta đứng bên kia, đâu phải vậy. Trời với tôi chỉ là một động tác thấy Trời của tôi" (Eckhart).

Đức Chí Tôn đã dạy : "Tuy con không thấy Thầy nhưng nghe Thầy dạy thì con nên tin đó là sự thật". Vả lại cơ thể của Tiên Phật là tinh tế, mắt thường đâu thể nhìn thấy dễ dàng được.

Lắm người ngoài miệng nói không có Trời, nhưng gặp khó khăn bất hạnh lại "kêu Trời" vì Trời là một Đấng Công bình, toàn thiện toàn năng. Do đó, "nơi lòng Thầy ngự động Thầy hay" (6). Thế nên, muốn tin có Trời, phải sống phù hợp với Đạo lý để tâm ta có đủ tri giác nhận thức một điều gì đó. Miễn sự tư duy đó là vô ngã biết thương yêu kẻ khác vì cùng một cha chung, rồi lần lần ta sẽ thấy có Trời ngự trong lòng ta.

"Ta chuẩn nhận Đức Thượng Đế như một anh linh tuyệt đối, vô thỉ vô chung, toàn thiện toàn hảo, vô hình mà hiện thực, như một thực thể toàn tri, vô sở bất tại. trong đời tôi, hơn một lần, mỗi khi cõi lòng đau khổ, cái anh linh toàn năng, cái LÝ tuyệt vời, cái hình ảnh Từ bi ấy đã phát lộ đến với tôi đầy xót thương, an ủi, dường như để cho tôi thấy là có Trời. TÔI CHO LÀ CÓ TRỜI, không phải như trường hợp một thầy tu có đức tin vì có học Đạo, mà đây là trường hợp của kẻ vô tín ngưỡng buộc lòng phải tin có Trời như người bại trận."(7) Theo Théologia Germanica : "Trời là một và phải là một. Trời là tất cả và phải là tất cả. Vậy cái gì có nhưng không phải là Một không phải là Trời và cái gì có nhưng không phải là Tất cả không phải là Trời. Bởi vì Trời là Một và trên Một, là Tất cả và trên Tất cả. Người nào mà vạn hữu không phải là Một đối với mình, kẻ đó không thể tìm thấy sự thỏa mãn nơi Trời" (trang 184).

Tóm lại, Trời không cao, không xa, không lạ với bất cứ ai. Trời ở ngay trong lòng người "trong lòng Thầy ngự" hay "Nhãn thị chủ tâm" cũng vậy. Thượng đến hằng hữu ở khắp mọi nơi, nhất là nhữngnơi trầm luân khổ hải, mất công lý. Nhờ thế người đa nghi mấy cũng phải tin, người ác mấy cũng phải hiền, người yếu mấy cũng thấy mạnh. Trong Thánh ý : "Các con nhỏ noi mà các con to lớn, các con nhịn nhục mà các con hình phạt". (8) Nhờ tin có Trời, sợ Trời, con người mới làm lành lánh dữ để khỏi bị Trời hình phạt.

 (6)TNHT.I.tr.87
(7)Dieu existe-t-il?Saigon 1972, tr.88 và 174.
(8)TNHT.I.tr 36

CHƯƠNG III

Ý NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ

Tôn giáo Cao Đài phản ánh phong hóa xã hội Việt Nam. Tín đồ đa số thuộc giới bình dân. Vậy ta tìm hiểu nơi mà Đạo Cao Đài xuất hiện và trưởng thành xem dân chúng ấy có ý niệm như thế nào về Đấng Toàn năng.
Sau khi khảo sát tục ngữ, phong dao Việt Nam, Thanh Lãng đã lược ghi như sau :

1/- Ông Trời tự có, không ai dựng nên, nhưng tất cả vũ trụ đều là tạo phẩm của ông Trời.
2/- Ông Trời điều động guồng máy vũ trụ, không việc gì xảy ra trên đời này, dù việc thầm kín trong lòng người, mà không do ông Trời.
3/- Ông Trời không cay ác độc địa, trái lại rất nhân từ, nhất là đối với người lương thiện. (1)

Trong ngôn ngữ dân gian không thiếu những từ ngữ : Lạy Trời, Ơn Trời, nhờ Trời, Trời giúp … Thế nên, họ rất thương, rất mến ông Trời. Vì đó mới có danh từ: Đại Từ Phụ, Cha, Thầy … rất gần gũi thân thương cảm hóa được tấm lòng quần chúng. Nhờ đó, họ cảm ứng nồng nhiệt Đạo Mới mà không có mãnh lực nào ngăn cản nổi.

Theo Lê Văn Siêu, "quan niệm siêu hình về Thượng Đế thời xưa chỉ chất phác là có một Đấng Vạn năng ngồi trên chín từng mây mà dưới này ai nói gì cũng nghe, ai nghĩ gì cũng biết cả (2) rất phù hợp với giáo lý Cao Đài.

 (1)Thanh vãng, Văn chương bình dân, Saigon 1957, tr.227
(2)Lê Văn Siêu, Nguồn gốc Văn học VN, Saigon 1956, tr.76

Léopold Cadìere có quan niệm gần giống như vậy : "Ý nghĩa về một Đấng Toàn năng đã được phát triển với ảnh hưởng của các tư tưởng Trung Hoa, nhưng ngay từ khởi thỉ, trong ý thức VN đã có sẵn mầm móng của ý niệm đó rồi" (3)

Có lẽ Hoàng Trọng Miên viết rõ về ông Trời :
"Ngày xưa, trước tất cả mọi sự, đã có ông Trời. Trời là một bậc quyền phép vô song, ở trên cao, làm ra tất cả : Trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng; sinh ra tất cả : Loài người, muôn vật, cỏ cây … Từ mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao trên Trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên.

Trời có Con Mắt, thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ của muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng và đến khi chết thì về chầu Trời …

Giang sơn của Trời từ mặt đất lên đến trên cao có Chín Tầng Trời và chỗ giáp với đất, ấy là chân Trời. Trời vô hình, không nói, nhưng người ta tin là ở đâu đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời, mọi việc đều do Trời định.

 (3)Nguyễn Đăng Thục, Tư tưởng VN (dẫn lại), Saigon 1964, tr.258

Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng ở trong Cung điện giống như Cung điện nhà vua dưới trần đã bắt chước làm theo. Ở cửa điện có một vị Thần mặc áo giáp cầm côn giữ cửa. Ngọc Hoàng hợp triều tại đây, triều đình cũng không khác gì hạ giới, chư Thần Thiên cung, đạo quân nhà Trời để trừng phạt những Thần linh ngỗ nghịch.

Vợ Ngọc Hoàng là Tây Vương Mẫu ở núi Côn Lôn, cùng một đàn Tiên nữ. Tây Vương Mẫu có một vườn Đào, cứ 3000 năm trái chín một lần, ăn vào thì được trường sanh bất tử.

Cõi trời chia ra 9 tầng, các vị Thần tùy chức tước mà ở theo thứ tự mỗi tầng. Ngọc Hoàng là bậc tối cao, ở tầng thứ nhất" (4)

 (4)Hoàng Trọng Miên, VN Văn học toàn thư (Q.I) Saigon 1959, tr.61

Đó là ông Trời theo quan niệm của dân gian.
Đọc kinh điển Cao Đài giáo, ta thường thấy câu này: "Tùy theo trình độ tiến hóa của nhân sanh mà thay đổi cho phù hợp". Thế nên, Đức Chí Tôn của Đạo Cao Đài không da vàng mũi tẹt hay da trắng mũi cao mà vô hình vô ảnh "Vô vi nhi dịch sử quần linh" (5) không hình mà điều khiển cả nhân sanh. Đức Chí Tôn không hề có vợ hay con như quan niệm thấp thỏi của dân gian.

Dưới tay của Đức Chí Tôn có cả một triều nghi tức là Thiên triều, còn gọi là Ngọc Hư Cung, cầm quyền cai trị toàn cả thế giới vô hình và hữu hình, chẳng có mảy lông nào lọt qua lưới Trời. Đó là về mặt "Công", về mặt "Tư", Thượng Đế là Đại Từ Phụ, Đấng Cha Lành của mọi chúng sanh. Lúc nào Ngài cũng Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả, thương toàn nhân loại và "Thầy cấm từ đây các con nếu không đủ sức THƯƠNG YÊU nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau" (TNHT.II, tr.69). Thượng Đế là Thiên Thượng, còn nhân loại là thiên hạ. Hai khối ấy luôn luôn tương hiệp, tương sanh để thế giới vĩnh hằng. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong ý niệm "Thầy là các con mà các con là Thầy". Nói cách khác, Thượng Đế là Đại Linh Quang, con người là Tiểu Linh Quang do Ngài phân tánh cho ta. Nói rộng hơn, Thượng Đế là khối Đại Lương Tri (Conscience universelle) gồm tất cả Lương tri của nhân loại.

Thượng Đế là Thái Dương, chủ Dương quang. Phật Mẫu là Thái Aâm, chủ Aâm quang. Phật Mẫu chuyển hóa Aâm Dương tạo thành chúng sanh :
"Hiệp Aâm Dương hữu hạp biến sanh,
Càn khôn sản xuất hữu hình
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh". (6)
.
Trên đây là ý niệm về Trời của người bình dân Việt Nam. Còn đối với các tôn giáo mà Đạo Cao Đài tổng hợp có quan niệm thế nào về Thượng Đế ?

Kitô giáo cho Đức Chúa Trời chỉ là một cá nhân siêu phàm, có xác thịt nhưng toàn năng. Ai ai cũng phải chịu phán đoán tối hậu của Đức Chúa Trời, làm lành thì được hưởng phước, làm dữ sẽ bị hình phạt đời đời.

Đạo Phật cho Phật là chân lý siêu việt. Thật ra học thuyết Đại Thừa có ý niệm về Trời. Về hình thức suy cứu với căn bản triết lý và dưới hình thức bình dân theo thuyết đa Thần giáo, cho Phật chỉ là một khuôn mặt của Thượng Đế. Đại Thừa cũng cho rằng Bồ Tát ngự ở vị trí cao nhất nên Bồ Tát vốn là một ngôi với Thượng Đế. Trong câu niệm : Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát", xác nhận Đại Bồ Tát là Đức Thượng Đế.

(5) Kinh Lễ. Paris Gasnier 1052, tr.18
(6) Kinh Lễ. Paris Gasnier 1052, tr.101

A Di Đà Phật (Adi Boudha) là vị Phật tối sơ, còn gọi là Tối Thắng Phật, đã lấy cái trí hóa ra 5 vị Phật khác gọi là Dhyani Boudha. Năm vị này tự tính luân thân hóa ra 5 vị Bồ Tát, đó là Phổ Hiền Bồ Tát, Kim Cương Thủ Bồ Tát, Quan Thế Aâm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát và Bảo Thủ Bồ Tát (Ratnapâni Bodhisattva).

Giáo lý của bà La Môn giáo (tức Aán Độ giáo) không giống giáo lý Kitô giáo và Phật giáo. Bà La Môn giáo không phủ nhận có một Đấng điều khiển vũ trụ. Mọi người được tự do muốn tin Đức Chí Tôn là Brahma, Siva hay Christna (Hiện thân của Vishnou) cũng được.

Phái cổ Phệ Đà tin có Đấng Tối Cao, chẳng tùy thuộc không gian, thời gian và nhân quả. Phái nhứt nguyên (advaita) dạy : Nhờ có Đức Brahma mà người Bà La Môn mới biết mọi việc. Không có Trời ban hơi thờ cho ta thì ta không sống thêm một giây nào. Ta sống là nhờ Trời. Trời là tinh túy của vạn vật trong hoàn vũ, là nguồn suối phát xuất linh hồn. Không một ai ở thế gian tự hào là mình biết Trời.

Chuyển sang Trung Hoa, dân tộc này tin có ngôi Thượng Đế thống ngự vạn vật. Đấng ấy ngự tại sao Bắc Đẩu điều khiển cả thế gian, không tùy thuộc vào ngôi nào, có đầy đủ quyền uy.

-Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vọng. (Theo ý Trời thì còn, trái ý Trời thì mất).
-Mưu sự tại nhân, hành sự tại Thiên. (Tính việc ở người, thành việc do nơi Trời).
-Tác thiện, Thiên giáng chi bá phúc, tác bất thiện, Thiên giáng chi bá ương. (Làm lành, Trời ban trăm điều phước, làm ác, Trời cho trăm tai ương).
-Tri mạng chi nhân kiến lợi bất động tâm, tử bất oán. (Biết mạng Trời, thấy lợi không động lòng, thấy chết không oán hờn).

Xem thế, các dân tộc trên thế giới như các tôn giáo đã ra đời đều tin có một Lý Tuyệt đối, tối cao, siêu nhiên mà loài người không ý niệm nổi. Dù hoài nghi thế nào, vũ trụ và con người đều bị một định luật khắc khe thống quản. Đấng điều khiển ấy là Đức Chí Tôn, là Thế Tôn, là Ông Trời, là Đức Chúa Trời … tùy theo quan niệm của mỗi dân tộc.

CHƯƠNG IV

TRỜI NGƯỜI HIỆP NHỨT

Tôn giáo Cao Đài bám chặt cội rễ vào đất nước, nơi mà Đạo xuất hiện và đơm hoa kết trái. Đạo cực lực phát huy và triển khai các thành ngữ "Trời cao có Mắt. Ý dân là ý Trời"
"Ý dân là ý Trời" nghĩa là sao ? Theo Kinh Cảm Ứng, cầu tất linh, cảm tất ứng. Nghĩa là trong một đàn cúng lễ chẳng hạn, mọi người đều nguyện cầu "Thiên hạ thái bình". Những ý tưởng đó bay lên cao động lòng Trời và Trời theo ý muốn của nhân sanh mà ban ơn lành cho "Thiên hạ thái bình".

Người Đạo Cao Đài phát triển "Ý dân là ý Trời" thành "Trời người hiệp nhứt". Khi bước vào cửa chánh Đền Thánh, ta thấy hình Tam Thánh, đại biểu cho cả ba nước "gần gũi" Việt Nam nhất, đứng ký Thiên Nhơn hòa ước, còn gọi là Đệ Tam Hòa Ước.

Tiêu đề là :Thiên Nhơn hiệp nhứt (hai chữ Hán viết là Thiên thượng Thiên hạ và hai chữ Pháp là Dieu et Humanité).
Nội dung là : Thương yêu và công chánh (mà nguyên ngữ bằng chữ Pháp là : Amour et Justice).

Vậy muốn Trời Người hiệp nhứt phải làm sao ? Phải nhờ đồng tử làm trung gian mà trong Đạo gọi là Thập nhị Thời quân. Giáo lý Cao Đài xác nhận con người có linh hồn vì nếu không có linh hồn thì cũng không có Đạo Cao Đài. Nói cách khác, linh hồn là một Tiểu Linh quang của Đức Chí Tôn (Ngài là Đại Linh quang) phân tánh ban cho (TNHT.I.tr.95) nên khi tâm ta động hay ước nguyện điều gì thì Đại Linh quang của Ngài sẽ cảm ứng ngay vì cùng một tầng số vi ba, một nguồn gốc hóa thành. Chẳng khác gì trung tâm điện toán, một tế bào quang điện nhiễu động thì trung tâm có phản ứng ngay. Chính nhờ đó mà Đạo Cao Đài mới thông linh được các Đấng vô hình qua cơ bút.

"Khoa học cũng làm sáng tỏ việc não bộ của con người phát ra các làn sóng điện từ có cùng đặc tính của những sóng đã ghi được trong bầu trời". (1)

Kinh Dịch có viết "Dịch giả ? Thiên Nhơn tương hợp nhi dĩ hỉ" (Dịch là gì? Cái lẽ Trời Người cùng hiệp đó mà).

"Khởi nguyên của sự sống là sinh lực (bióenergie) và là năng lượng khí (énergie). Chung quanh khoảng không vũ trụ còn có trường hấp dẫn, trường điện tử, trường sinh học, trên khoảng chân không còn có một dạng thứ tư của vật chất là Plasma của vũ trụ và Bioplasma của sinh vật. Chính những dòng Plasma vận hành trong cơ thể con người giao lưu cùng vũ trụ" (VS-Tinh Khí Thần của tư tưởng Đông phương).

Việc phù cơ thỉnh Tiên đã có từ thời đại Lý Trần và có lâu đời ở Trung Hoa. Trước khi Đạo Cao Đài xuất hiện, phái Minh Sư ở Trung Hoa do cơ bút đã truyền bá câu :
CAO như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng,
ĐÀI tại Nam phương đạo thống truyền"

(1) Những bí mật của sự tiên đoán, Hà Nội 1977, tr.150

Đến thời Pháp thuộc, báo chí chữ Pháp phổ biến phương pháp xây bàn (la table tournante), các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc theo đó mà làm và vô hình trung bắt điển thiêng liêng truyền Đạo.

Ta có thể nói, Đạo Cao Đài phát sinh dựa trên hai nền tảng :
1/- Xã hội tính Việt Nam chung đúc trên 4000 năm văn hiến. Đó là văn hóa Phật, Khổng, Lão, sau cùng là Kitô giáo. Đạo Cao Đài cố gắng làm sáng tỏ phong hóa VN : Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.

2/- Khoa học tâm linh như Thần Linh học, Thông Thiên học, nhất là phong trào xây bàn ở Châu Aâu tràn vào nước ta vào đầu thế 20. Như thế, đức tin người Cao Đài có cơ sở, đâu phải huyễn hoặc mê tín. Đạo Cao Đài là một tôn giáo tiến bộ có đủ năng lực giải thoát con người tiến đến cõi Thiêng liêng hằng sống.

Việc cầu cơ thỉnh Tiên hiện nay trên thế giới, ngoài nước Trung Hoa lâu đời, còn có Pháp, Anh … nhất là Mỹ. Theo báo Nation (1991) người ta cầu cơ nơi trống thuộc nhà thờ Đạo Do Thái ở New York nhân ngày giỗ của cô đào Marilyn Monroe (tự tử ngày 5-8-1962), hồn cô về cho biết "cô uất hận vì đã bị dòng họ Kenedy ám sát".

Việc xây bàn bắt đầu từ năm 1847 ở nông trại Hydesville thuộc tiểu bang New York, Mỹ quốc, tại gia đình họ Fox. Theo lời bà Fox, một hôm bà nghe tiếng đập cửa. Bà liền nói "Hãy đếm đến 20" thì tiếng đập đủ số 20. Bà liền nói nếu hồn linh thì đập 2 tiếng, được đáp y như lời. Sau đó hồn linh cho biết mình tên là Charles Haynes, làm phu khuân vác bị chủ nhà giết chết và chôn trong hầm trại. Ông Fox đào lên thấy xương tóc của người chết.

Tiếng đồn người sống nói chuyện với hồn linh vang khắp nước Mỹ.
Năm 1852, Hội nghị Thông linh học (Congrès spirite) mở ra lần đầu tại Cleverland. Số người theo Thông linh học lên đến 3 triệu người vào năm 1854, trong đó có hơn 1 vạn đồng tử. Phái đoàn đồng tử Mỹ sang Anh, Đức, Pháp gây phong trào Thông linh rộng lớn tại những nước đó.

Ở Pháp, bà Girardin phổ độ cho văn hào Victor Hugo (Sau đắc phong Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại giáo Cao Đài) về việc xây bàn khi ông ra đảo Jersey. Sau đó Allan Kardec hệ thống hóa Thông linh học phù hợp khoa học chân xác ngày nay.

Non một thế kỷ, việc xây bàn từ Pháp mới truyền sang nước ta, được các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang tiếp nhận, học tập xây bàn. Vô hình trung họ đã làm trung gian cho Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế khai Đạo ở Việt Nam.

Quay sang nước Nhật, từ thời vua Minh Trị Thiên Hoàng Đạo OMOTO (Đại Bản) cũng được sáng lập bằng huyền diệu cơ bút. Năm 1935, Hội Thánh Đạo OMOTO có phái giáo sĩ sang VN liên lạc với ông Đầu Sư Thái Thơ Thanh năm 1955, phái đoàn Cao Đài sang dự hội nghị tôn giáo quốc tế tại Nhật, được ông Sao Deguchi, Giáo chủ Đạo OMOTO tiếp đón. Ông nói cơ bút của Hội Thánh OMOTO cho biết Đạo Cao Đài sẽ xuất hiện tại VN (2)

Bên Ý, vào năm 1984, Luật sư Sados Albertini, một tín hữu Kitô giáo, có đứa con trai tên Andrea bị chết oan. Hồn hắn về thông tin cha và bà đồng tử Anitac. Luật sư tổng kết những điều kỳ diệu mà ông giao tiếp với con viết thành quyển "Thế giới bên kia tồn tại". cuốn sách bán hết trong 10 ngày và phải in lại đến lần thứ 24. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng : Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp. Oâng đã nhận được 5000 là thơ chứng tỏ họ bị thuyết phục về huyền diệu của Thế giới vô hình.

Luật sư Sardos Albertini viết "Tôi tin ở Chúa. Tôi tin ở Giáo hội. Các thông báo của Andrea (linh hồn người chết) đều hoàn toàn thích hợp với những điều Giáo hội răn dạy, chính vì vậy, tôi tin vào Andrea".

Về Andrea cho biết "Bãi chăn thả lớn các linh hồn đi theo ánh sáng vô tận của Thần Thánh … Một linh hồn chỉ biết những gì mà Thượng Đế thông đạt". (3)

Những điều vừa trình bày trên chứng tỏ rằng thế giới vô hình và sẵn sàng liên lạc với người còn sống. Ngay từ buổi đầu lập giáo, Đạo Cao Đài luôn luôn được Đức Thượng Đế phò trợ. "Muốn đến với Thầy thì cầu nguyện. Thầy không bao giờ không cảm ứng với những lời cầu nguyện chân thành" (4) và "Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa". (5)

Những lời phán truyền đó nói lên "Trời Người hiệp nhứt" trong ý niệm lưu truyền lâu đời "Có Trời mà cũng có Ta"

 (2) Lịch sử Cơ bút Đạo Cao Đài, Sài gòn, Hồn Quê 1967, tr.37
(3) Dẫn lại trong Đặc san "Mùa xuân thi ca". Nhà XB Hội Nhà Văn VN năm 1992, tr.43-44
(4) TNHT.I.sđđ, tr.124
(5) TNHT.I.sđđ, tr.18

Đức Chí Tôn lại dạy : "Sự nào về Đạo mà vừa lòng trong cả chư Chức sắc và tín đồ, ấy là hiệp Thiên ý. Còn điều nào mà phần nhiều môn đệ của Thầy chẳng khứng chịu theo, ấy là bất hiệp Thiên ý đó" (6). Câu ấy có khác gì câu : Ý dân là ý Trời.

Nhờ đó, bao nhiêu khó khăn thử thách trong buổi đầu đều được Đức Chí Tôn hiển linh qua cơ bút chỉ vẽ, giải quyết mọi vấn đề. Chỉ một thời gian rất ngắn, cơ chế Đạo đã hình thành : Pháp Chánh Truyền, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài …

Những điều huyền diệu linh hiển của cơ bút thì vô ngần không kể xiết. Từ việc dạy Ngũ chi Minh đạo về hiệp nhứt, tới việc trị bịnh điên, bịnh thời khí, đều đạt kết quả tốt. Nhờ đó, Đạo khai không bao lâu, số người theo Đạo lên tới non triệu.

 (6)TNHT, sđđ, tr.47

CHƯƠNG V

NGÔI THỜ ĐỨC CHÍ TÔN

Trong Tòa Thánh, trên Cung Đạo, có Bát Quái Đài xây thành 12 bậc, tượng trưng cho Thập nhị Khai thiên. Từ lúc giáng trần, Đức Chí Tôn ngự tại Tòa Thánh. Nếu có nơi nào nói là Ngài giáng, đó chỉ là phân tánh của Ngài do lời cầu khẩn của nhơn sanh mà thôi.
Trên mặt Bát Quái có vẽ các quẻ và tạo quẻ Càn Khôn tượng trưng cho sự thống nhất các tôn giáo trên hoàn vũ (vạn thù qui nhứt bổn) , ở giữa quả Càn Khôn vẽ Thiên Nhãn (con mắt trái mở rộng).

Đức Chí Tôn dạy việc thờ Ngài như sau :
"Một quả Càn Khôn như trái đất tròn quay. Bề kính tâm (đường kính) 3,33 mét, sơn màu xanh da trời. Cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên quả Càn Khôn,. Thầy kể Tam thập lục thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, còn Thất thập nhị Địa, tam thiên Thế giới đều là tinh tú (hành tinh). Tính lại 3072 ngôi sao, liệu vẽ trên đó cho đủ, trên sao Bắc Đẩu vẽ con Mắt Thầy. Đáng lẽ quả Càn Khôn phải bằng pha lê, đúc bên trong một ngọn đèn thường sáng. Aáy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại". (Đàn cơ đêm 17-6-1926)
Xem thế, quả Càn Khôn không chỉ là trái đất mà gồm cả Thiên cầu (2). Các tinh tú nói trên xa gần khác nhau, nhưng trong đêm mắt ta thấy như ghi trên một hình cầu màu xanh rất lớn (3), đó là Thiên cầu, vì người ở nước VN (gần địa xích đạo) nên thấy sao Bắc Đẩu nằm ngang trên đường chân trời (tức ngang tầm mắt) chớ không phải Thiên Nhãn vẽ trên địa xích đạo.

Còn ngọn đèn thường sáng, đó là giả mượn Tâm đăng, Phật Tiên truyền Đạo cũng do đó, nhân loại thành Đạo cũng ở đó. Ngọn đèn Thái Cực để ở ngay chính giữa Thiên cầu, không lay động, không xao xuến, chiếu soi khắp cả Càn Khôn. Mặt trời, Mặt trăng có lúc sáng lúc tối (đối với con người) chớ đèn Thái Cực, nơi Thầy ngự thì giờ khắc nào cũng tỏ rạng. Nhơn vật từ đó mà sanh, từ đó mà thành, nhờ đó mà an vui. Vũ trụ nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, siêu phàm nhập Thánh. Đó há không phải là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơ loại hay sao?

Mặt khác, ngọn đèn cũng biểu trưng nguồn sáng nuôi sống nhơn loại. Đèn tắt là thời kỳ mạt kiếp tới. Khoa học nhận vũ trụ hiện đang ở thời kỳ nở ra (période de dilatation). Mọi vật đều dãn ra cùng một nhịp (4). Do đó, các tinh tú ngày càng xa nhau, đến một lúc nào đó, điều kiện sống không còn, vạn loại sẽ đến thời kỳ mạt kiếp. Cho nên người tín đồ Cao Đài luôn luôn thắp sáng (sưởi ấm) trên Thiên Bàn để cầu nguyện cho nhơn loại trường tồn.

(2) Quả Càn Khôn chỉ tạc thờ tại Tòa Thánh, còn các Thánh Thất thờ Thiên Nhãn.
(3) Do hiệu quả của phép phối cảnh.

(Các tấm hình của : Đức Lý Thái bạch, Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Quan Thánh Đế Quân,
& Hội Thánh ngoại Giáo - Sẽ bổ túc sau)
Tại sao Thiên Nhãn tượng trưng cho Thượng Đế ?
Đức Chí Tôn dạy như vầy : "Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh tượng con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược :
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên
Thiên giả ngã giả"
Nghĩa là :
Mắt là chủ cái Tâm
Hai yếng sáng trong mắt là chủ tể,
Yếng sáng là Thần,
Thần là Trời
Trời là TA vậy.
Đức Chí Tôn lại dạy :
"Từ ngày Đạo bế, tu thì nhiều mà người đắc Đạo rất ít vì Thần là cơ mầu nhiệm mà lại bị biếm. Nay Thầy đến hườn nguyên Tam Bửu cho các con đắc đạo. Các con hiểu thần cư tại nhãn, thì nên bố trí cho đạo hữu các con hiểu. Nguồn Tiên Phật yếu nhiệm tại đó".
Cổ thư có nói : Mắt là nơi chứa Thần. Ngoài con Mắt ra không thể chỉ Thần ở đâu cả, nếu không thì Thần người không chỗ nào là không có Thần. Lông tóc không có Thần thì xỉn nháp mà vàng, răng không Thần thì không sáng bóng, tiếng nói không có Thần thì không thể hài hòa, móng tay chân có Thần mới sáng sủa". (Hải Thượng tập Đạo Lưu Dư Vận, Saigon, Khai Trí 1972).

 (4)Đường dài nào trong vũ trụ cũng nở thêm chừng 0,000.000.01% mỗi name

Như vậy, thờ Thiên Nhãn (tức thờ Thần) là cách diễn đạt bí pháp muốn đắc đạo phải có Thần mới hườn nguyên với đệ nhị xác thân mà nhập cảnh Thiêng liêng hằng sống.

Đức Chí Tôn đã dạy : "Con Mắt là gốc ở Tâm". Dân Pháp cũng nói "Con Mắt là kiếng soi tâm" (L'oiel est miroir du coeur).

Như vậy, con Mắt tượng trưng cho lương tri, lương tâm (conscience). Cả vạn vật hợp lại thành khối đại lương tri, đại lương tâm (conscience universelle) tượng bằng Thiên Nhãn, nên thờ Thiên Nhãn là thờ Đức tin của nhân loại.

Trong Tứ thời lễ bái, lúc nào người tìn hữu cũng nhìn thẳng lên Thiên Nhãn để soi tâm mình mà kiềm chế tục tánh tội lỗi vì "Hoàng Thiên hữu nhãn" (Trời cao có mắt).

Trong Tam giáo Thích, Lão, Nho đều lấy tâm tánh giáo hóa con người. Tâm tánh có biết được là do "Lưỡng quang chủ tể" tức cửa ngõ tâm hồn chủ đạo. Thế nên,

Phật giáo dạy : Minh tâm kiến tánh
Lão giáo dạy : Tu tâm luyện tánh
Nho giáo dạy : Tồn tâm dưỡng tánh

Trong Kinh Dịch cũng có câu : "Nhất nhơn chi tâm, tức Thiên Địa chi tâm, nhân vật chi lý, tức vạn vật chi lý". (Cái tâm của mỗi người là cái tâm của Trời Đất, cái lý của mỗi người là cái lý của vạn vật).

Phải nhận rằng Đạo Cao Đài liên quan nhiều với các truyền thuyết và tôn giáo Trung Hoa, nhưng không có tham vọng làm y như người phương Bắc mà giản dị nó vừa tầm vóc với mọi sắc dân. Người đệ tử Cao Đài có ước vọng tôn giáo mình sẽ rộng hơn Di Hòa Viên và dài hơn Vạn Lý Trường Thành.

Dưới Bát Quái Đài có cái hầm gọi là Hầm Tàng Bửu Khánh, tượng trưng nới chứa châu báu để cứu khổ nhơn sanh.

Trên nóc Bát Quái Đài thờ 3 ngôi Thần của Đạo Bà La Môn (Aán giáo) là Brahma, Siva (Shiva). Christna (hay Vishnou) tượng trưng cho Tam Thanh : Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh, ba phái trong Đạo Cao Đài. Ba Thần vâng lịnh Đức Thượng Đế điều khiển ba ngươn, công thành quả mãn nên đắc Phật vị.

- Phật Brahma, hướng mặt về phía Tây, điều khiển Thượng ngươn tức ngươn Thánh Đức.
- Phật Siva hướng mặt về phía Bắc, điều khiển Trung ngươn tức ngươn Tranh đấu, như lời cầu khẩn Đức Chí Tôn (vì Thượng Đế ngự tại ngôi Bắc Đẩu) tế độ nhơn sanh thoát vòng trầm luân.
- Phật Christna, hướng mặt về phía Nam, điều khiển Hạ ngươn tức ngươn Bảo Tồn.

Đức Hộ Pháp có giảng về nhiệm vụ cao trọng của Phật Chritna :
"Dầu cho những chơn linh nào chết nơi chân trời hay góc bể đi nữa, nếu đầy đủ công nghiệp tâm đức thì được Phật Christna (Vishnoun) lãnh lịnh Đức Chí Tôn mà rước chơn linh ấy về ngay nơi Bạch Ngọc Kinh" Đức Hộ Pháp giảng thêm : "Tòa Thánh là hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh tại thế, tương quan bí pháp nơi cõi thiêng liêng".
Tóm lại Cao Đài giáo chọn biểu tượng Thiên Nhãn để tôn thờ vì lẽ Đấng Tối cao vô hình, vô ảnh. Nếu một vị Giáo chủ bằng xương bằng thịt là người Tây phương sẽ làm người Đông phương mặc cảm và ngược lại. Thế nên, hình ảnh thi phàm mắt thịt là hàng rào ngăn cách khó có thể thực hiện một tôn giáo đại đồng nhơn loại.

Lẽ đương nhiên, Cao Đài giáo nhất Thần tượng trưng bằng CON MẮT TRÁI MỞ RỘNG. Còn những thể thức bày biện bên ngoài Thiên Nhãn chỉ là sự biểu lộ lòng tôn kính đối với hàng giáo lãnh của các tôn giáo, đồng thời giúp việc truyền đạo được mau chóng.

Bình tâm mà nhận rằng, không tôn giáo nào chỉ duy nhất một vị Thần mà phải nói là các tôn giáo có một vị Thần độc tôn mà còn không biết bao nhiêu vị Thần khác bao quanh.

Hãy bình tâm nhìn cách thờ phượng chính thống tại Tòa Thánh Tây Ninh. Ta thấy có hai phần rõ rệt : cái nhìn ngang thấy được và cái ngẩng đầu lên mới thấy được.

1/- Cái ngẩng đầu lên là nơi thờ Thần Thánh Tiên Phật trong Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ độ. Những Thần linh đã có sẵn trong nhân dân các nước. Tam Kỳ Phổ độ tạc tượng thờ là để kính trọng (Kính nhi viễn chi) để xác nhận các tôn giáo đều có chung nguồn gốc. Các thức giả chắc thấy được mỹ ý đó.

2/- Cái nhìn ngang đều thấy được là ngôi thờ các Thần linh của Đạo Cao Đài. Từ Tam Thánh, Tam vị thiên sứ, Bảy ngai : 1) Giáo Tông, 2) Chưởng Pháp, 3) Đầu Sư tới Thiên bàn thờ quả Càn Khôn trên có Thiên Nhãn đều là thần linh của Tam Kỳ Phổ độ.

Thánh thi, Thánh ngôn dạy hợp với trào lưu tiến hóa sau thời Khai Đạo Cao Đài mới được chấp nhận. Lời của các bậc Giáo lãnh phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Đạo Cao Đài được trân trọng.

Thế thì, Đạo Cao Đài là Đạo Cao Đài, có bản sắc riêng của mình. Khi làm lễ, Đức Chí Tôn dạy các đệ tử nhìn ngay vào Thiên Nhãn mà không nhìn nơi nào khác. Lời dạy ấy có ai còn dám bảo Đạo Cao Đài đa thần không?

"Không ai chối cãi rằng Đạo Cao Đài đã làm sống lại cái quyền hạn tối thiêng liêng của con người với những tư tưởng quảng đại và nhân từ. Họ đã đem đến cho dân chúng Đông Dương một sự hấp dẫn mãnh liệt, nên đến năm 1931, họ đã tập hợp trên một triệu tín đồ" (6).

 (6) Báo Progrès Civique ngày 19-12-1931

1/- Càn Khôn là gì ?
QUẢ CÀN KHÔN không phải chỉ là Trái đất (Khôn) mà gồm cả Thiên Cầu (Càn) trùm lên nhau, biểu tượng âm dương hợp nhứt chi vị đạo". Vậy Đạo bao gồm cả Aâm Dương, mà Aâm Dương là Thái Cực, mà Thái Cực là ngôi Đức Cao Đài. Chung qui thờ Quả Càn Khôn là thờ Đức Chí Tôn. Thờ Aâm Dương là thờ sự biến dịch của vạn loài. Đó là triết lý cao khiết về mặt tôn giáo và cả khoa học nữa. Bởi lẽ đời người ngắn ngủi, con người chỉ là hiện tượng nhất thời phát sinh do tác động giữa âm dương mà sinh thành. Nguyên tử cũng chỉ do sự hóa hợp điện tử âm và điện tử dương mà sinh thành. Tất cả mọi việc trong vũ trụ đều lấy Càn (Dương), Khôn (Âm) làm điều kiện cơ bản. Vậy Càn Khôn là gì ? Càn Khôn là Đạo, là Thái Cực, mà "Đạo sinh nhứt, nhứt vi Thái Cực" (Thiệu Tử, Văn Ngữ Lục). Lí giải đơn giản :
- CÀN là Trời, là Vua, là Cha, là Chồng, là đầu, là cứng, là lãnh đạo, là vàng, là băng, là thiên thể …
- KHÔN là Đất, là nhân dân, là vợ, là mẹ, là thuận tòng, là mềm, là sắc vàng, là văn, là bụng …

Càn Khôn là âm dương trong Trời Đất. "Một âm một dương quanh đi quẩn lại cái vòng tròn không đầu mối. Nói rằng âm dương là Một (Thái Cực) cũng được, mà bảo là âm dương thiên biến vạn hóa vô cùng tận cũng được" (Nhất âm nhất dương nhi hoàn vô đoan. Vị âm dương khước thị thiên biến vạn hóa nhi vô cùng diệc khả) (7).

 (7) Hồ Cư Nhân, Dịch Tương Sao, quyển II, tr.8

Chu Hy trong "Chu Dịch Bản Nghĩa" giải thích cụ thể hơn "Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn rũ áo xiêm mà thiên hạ trị; đó là lấy tượng ở quẻ Càn, quẻ Khôn" (Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ như Càn Khôn).

Trong Dịch Hệ thượng (Chương IV), Chu Tử chú giải về Càn Khôn như vầy : "Đạo dịch chỉ là Aâm (Khôn) với Dương (Càn) mà thôi. U uẩn hay rõ ràng, sống hay chết, quỉ cũng như Thần, tất cả đều là biến tướng của âm dương, là cái Đạo của Trời Đất". Và ông quả quyết : "Cái Khí (mà khoa học gọi là ÉTHER) bàn bạc khắp trong trời đất để biến hóa tạo lập ra muôn loài, thực ra chỉ là hai khí âm dương trước sau, suy thịnh mà thôi" (Doanh Thiên Địa chi giab, sở dĩ vi tạo hóa giả, âm dương nhị khí chi thủy chung thịnh suy nhi dĩ). Đức Chí Tôn cũng dạy : "Đạo Thầy không chi lạ, không ngoài hai lẽ âm (Khôn) dương (Càn)"

Như vậy, hai động lực căn bản tạo thành vũ trụ là âm dương. Nếu dương cực thì âm sinh, âm cực thì dương sinh. Khoa vật lý cũng chứng minh rằng : một nguyên tử có hai yếu tố căn bản là âm điện tử (électron) và dương điện tử (proton) hoạt động nhộn nhịp chứ không im lìm. Nếu nguyên tử chỉ có thuần một âm tử hay dương tử thì nguyên tử ấy chẳng thể nào phóng xạ sinh hóa được. Giả dụ, nếu mạch điện bị cắt một dây dương thì không thể nào tạo ra điện năng được. Như thế, âm dương không thể tách rời. Aâm dương chỉ là hai trạng thái tịnh động của Lý Thái Cực, chu hành trong vũ tụ cùng tác động với nhau để biến hóa vạn vật.

Chung qui "đạo vốn chỉ một âm một dương mà thôi. Trước sau, đầu cuối, động tịnh, tối sáng, trên dưới,tiếnlui,qua lại,đóng mở, đấy vơi, tiêu tưởng, tôn ti, quí tiện,biểu lý, ẩn hiện, hướng bội, thuận nghịch, tồn vong, đắc thất, xuất nhập, hành tàng; có cai gì thích hợp mà chẳng phải một âm một dương?"(8) Vậy "Vật có gốc ngọn, việc có trước sau" và có "Biết được trước sau mới gần được đạo"(9)

 (8)Trần Thúc Lượng và Lý Tâm Trang, Tống nguyên học án, quyển III, tr.643
(9)Tiền Mục, Tứ Thư thích nghĩa, tập II, tr.2

2/ - Kinh Dịch giải về Càn Khôn ra sao ?

Trong Kinh Dịch phần Thoán truyện do Đức Khổng Tử viết có đoạn : "Đức nguyên, Càn lớn, vạn vật bắt đầu từ Càn (nảy nở) thống cả Thiên Đạo, Càn làm mây mưa khiến cho vạn vật hình thành sinh trưởng. Bậc Thánh Nhân thấy cả trước sau, cả 6 hào của quẻ thuần Càn, mỗi hào có một vị nên thuận thời mà hành Đạo như cưỡi 6 rồng (ám chỉ 6 hào dương của quẻ thuần Càn) mà thống ngự cả vùng Trời. Đạo Càn biến hóa khiến cho Bậc Thánh Nhơn đứng đầu muôn vật, theo Đạo Càn thì muôn nước đều bình an" (Đại tai càn nguyên, vạn vật tư thủy, nãi thống thiên, vận hành vũ chí phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thủy, lục vị thời thành, thời thừa lục long dĩ ngự thiên. Càn Đạo biến hóa, các chánh tính mệnh, bảo hợp thái hòa nãi lợi trinh, thủ xuất thử vật, vạn quốc hàm ninh)

Trong Hệ từ truyện, Thiên Thượng, chương 1 có viết "Đạo Càn tạo thành người Nam, Đạo Khôn tạo thành người Nữ" (Càn Đạo thành Nam, Khôn Đạo thành Nữ).

Câu : "Thời thừa lục long dĩ ngự thiên" như câu : "Thời thừa lục long du hành bất tức" trong bài "Ngọc Hoàng Kinh" , lại nữa Càn Khôn còn tạo ra con người. Vậy ta xét Đạo Càn Khôn theo Kinh Dịch như sau :
Theo quẻ Thuần Càn thì Càn có 4 đức tính : nguyên (đầu tiên), hanh (thông), lợi (thích đáng), trinh (chính bền). Trời có đức nguyên vì là nguồn gốc của vạn vật, có đức hanh vì làm ra mây mưa để cho vạn vật sinh trưởng, có đức lợi và trinh vì biến hóa làm cho mọi vật giữ được bẩm tính và nguyên khí đặng thái hòa. Càn còn tượng trưng cho người quân tử với 4 đức tính nhân, nghĩa, lễ, trí.

Chu Công giải ngĩa 6 hàm của quẻ Thuần Càn thành 6 rồng, con vật ngự của Đấng Chí Tôn như sau :

HÀO ĐẦU : Rồng còn ẩn náo chưa (đem tài) dùng được (tiềm long vật dụng), tức rồng còn dưới vực sâu chưa lên mây nên chưa biến hóa được. Ý nói : người chưa gặp thời thì nên trau dồi hạnh đức, luyện thêm tài trí, ở ẩn không cần danh, không ai biết mình thì cũng chẳng buồn.

HÀO HAI : Rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi (hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân). Người giúp đời mà không khoe công lao, giữ được lòng thành tín và được trung chánh gặp đại nhân thì lợi.

HÀO BA : Người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng, dù nguy hiểm nhưng không tôi lỗi (quân tử chung nhật, càn càn tịch tịch nhược. Lệ vô cửu) Người quân tử giữ lòng trung tín mà tiến đức lập ngôn, lấy lòng thành lập nên sự nghiệp. Ở địa vị cao mà không tự kiêu, ở địa vị thấp mà không lo lắng.

HÀO BỐN : Như rồng có khi bay lượn, có khi nằm vực, tùy thời mà không lầm lỗi (hoặc được, tại uyên vô cửu)
Thận trọng tùy thời cơ, nên tiến thì tiến (như rồng bay) nếu không thì chờ đợi (rồng nằm vực) chuẩn bị cho kịp lúc ra giúp đời.

HÀO NĂM : Rồng bay trên ttrời ra mắt đại nhân thì lợi (Phi long tại thiên lợi tiến đại nhân). mây bay theo rồng, gió bay theo cọp. Ý nói Thánh nhân ra đời người người trông theo.

HÀO CUỐI : Rồng lên cao quá có hối hận (kháng lạng hữu hối). Rồng bay cao quá khó xuống, nếu hành động sẽ xảy ra điều đáng tiếc vì cực thịnh tắc suy nên lui bước để giữ đạo người quân tử.

Trên đây, quẻ Thuần Càn dạy người Nam, dưới đây quẻ Thuần Khôn dạy người Nữ. Thật ra hai quẻ Càn Khôn đều dạy chung con người.

Đạo Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con người cái (nguyên hanh lợi, tấn mã chi trinh) vì Văn Vương cho con ngựa cái có tính thuận theo đực, như Khôn thuận theo Càn.

Càn tạo ra vạn vật ở cõi vô hình thuộc Khí, mà phải nhờ Khôn, vạn vật mới tượng hữu hình rồi sinh trưởng. Cho nên công của Khôn (Mẹ) cũng lớn như công của Càn (Cha), chỉ khác là Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn. Thế nên, các đức nguyên, hanh lợi, Khôn có đủ như Càn. Riêng về đức trinh thì Khôn hơi khác : tuy chính và bền mà phải thuận.

Chính vì Khôn có đức thuận mà mọi việc khởi xưởng đều là Càn. Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người đời nếu ở địa vị Khôn thì phải tùy thuộc theo người trên mà làm, không nên khởi xướng mà lầm lỡ. Như thế, Đức Mẹ chở được vạn vật cũng lớn sánh bằng Đức Cha.

Cái lý của 6 hào Thuần Khôn gần ý như vậy nên không bàn thêm.
Thế thì, người xưa "Thấy Trời cao, Đất thấp mà lập ra quả Càn Khôn động và tĩnh nhất định nhờ đó mà phân biệt được cương nhu" (Thiên tôn, Địa ti, Càn Khôn định hỉ, động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hỉ, Hệ Từ Thượng Truyện).

Tóm lại, "Đạo Càn lúc tĩnh thì chuyên nhất, lúc động thì tiến thẳng, cho nên sức sinh của nó lớn. Đạo Khôn lúc tĩnh thì nhu lại, lúc động thì mở ra, cho nên sức sinh của nó rộng" (Phù Càn kỳ tĩnh dã chuyên, kỳ động dã trực, thi dĩ đại sinh yên. Phù Khôn kỳ tĩnh dã hấp, kỳ động dã tịnh thị dĩ quãng sinh yên. Hệ Từ Thượng Truyện, chương 6).

Nói cách khác "Đạo Càn mạnh nhất trong thiên hạ, đức hạnh của Càn là làm việc gì cũng dễ dàng, bình dị mà vẫn biết được chỗ nguy nan. Đạo Khôn nhu thuận nhất trong thiên hạ, đức của nó đơn giản mà vẫn biết được được nơi trắc trở" (Phù Càn thiên hạ chi chí kiện dã, đức hạnh bằng di, dĩ tri hiểm. Phù Khôn, thiên hạ chi khí thuận dã, đức hạnh bằng giản, dĩ tri trở. Hệ Từ Thượng Truyện, chương 12). Qua lý giải trên ta nhận rằng : Đức Chí Tôn chọn quả Càn Khôn tạo Thiên Nhãn làm ngôi thờ thiêng liêng cho toàn Đạo đã nói lên ý tưởng cao xa huyền nhiệm vô biên. Càn Khôn biến đổi vô thường như Dịch lý không ngừng tạo ra vạn loài và "thống ngự vạn vật", hữu thỉ vô chung.

Xem thế, "Sự biến dịch của Càn Khôn uẩn ảo quá : Khi Càn Khôn hình thành thì đã có dịch ở trong. Nếu Càn Khôn bị hủy thì không thể có dịch, nếu dịch không thể phát hiện thì Càn Khôn tắc nghỉ" (Càn Khôn hủy tắc vô dĩ hiện dịch. Dịch bất khả hiện, tắc Càn Khôn hoặc, cơ hồ hỉ) (10).

Muốn Càn Khôn (âm dương) không xung khắc phải theo học thuyết Trung Dung của Đức Khổng Tử mà Albert Einstein gọi là "Thuyết Tương Đối" là đại biểu cho tính sáng tạo của khoa học hiện đại và cả tính thống nhất (11). Trong Hệ Từ Thượng, Khổng Tử viết "Thiên hạ cùng qui về tuy khác đường, một mối mà trăm lo" và trong Hệ Từ Hạ, Ngài viết : "Đạo cùng đi mà chẳng chống đối nhau, muôn vật nuôi nhau mà chẳng hại nhau" (Đạo tịnh hành nhi bất tương bội, vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại) (12)

"Đạt được trung hòa thì trời đất định vị, muôn vật đều hóa dục … Trung là gì? Trung là cái gốc lớn của thiên hạ. Hòa là gì ? Hòa là sự đạt Đạo của thiên hạ" (Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên … Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt Đạo dã). Đạo đó là Đạo Trung Dung mà Đức Khổng Tử cho là không thể phút giây nào rời xa được (Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã) (13). Đạo Trung Dung quan trọng như vậy nên vua Thuấn phải dặn dò ông Vũ: "Lòng người dễ khuynh nguy, lòng mến Đạo lại yếu cho nên phải xét cho tinh một mực mà quyết giữ cho bằng được Trung Dung" (Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung) (14).

Tóm lại, Đạo Cao Đài mục đích là Qui Tam giáo, mà đời Lý Trần gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên là Quốc Đạo, đã bắt nguồn từ hai luồng tư tưởng lớn trên bán đảo Aán Trung : Phật giáo, Lão giáo, Khổng giao, mà "nhiều người tin tưởng trong tương lai những luồng tư tưởng này có thể dung hợp thành một ý thức hệ kiêm đủ chân thiện mỹ, khả dĩ đem lại được cho Đông phương và toàn thể nhân loại một cuộc sống tinh thần cũng như vật chất đầy đủ, tốt đẹp, luôn luôn khai phóng và hướng thượng.

 (10) Chu Hy, Chu Dịch Bản Nghĩa, Hệ Từ Thượng, chương XII
(11) Trương Kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, quyển II, chương XII, tr.25
(12) Chu Hy, sđđ, Hệ Từ Hạ
(13) Tiền Mục, Tứ Thư thích nghĩa, tập II, tr.31-36
(14) Couvreur Seraphin, les Annalesde la Chine, Paris 1950, tr.39

Sự tin tưởng cũng là một liều thuốc linh nghiệm để đối phó với bệnh tình cấp bách hiện tại của Tây phương. Thức giả Tây phương đã nhân thấy sự kém cỏi của mình, hơn một lần tự hạ mong học hỏi và cầu xin Đông phương giải cứu cho họ. (15)

ÐẠO DỊCH VÀ LÂN MÃ

Vào ngày 15/6/1997, Bảo tàng Vĩnh Long đã "Phát hiện lân mã ở Vĩnh Long" trong báo cáo có ghi rõ :

"Theo một số bô lão bà con trong vùng cho rằng cách nay trên dưới 80 năm, có cụ Đức Lợi là người chuyên về đúc đồng, có thể cụ là người đúc ra con LÂN MÃ này, mà thực tế cụ đã đúc ra nhiều con như vậy. Một số khác còn cho biết, hiện nay trong Tòa Thánh Tây Ninh cũng có một con tương tự, nhưng đã bị hỏng, sứt mẻ còn lại ở đâu đó trong Thánh địa (?) … "Lại có một tin nữa, cho rằng trong thời kỳ Pháp thuộc, trong tỉnh Vĩnh Long có bà Hương Thanh, người có vai vế trong Hội Thánh Cao Đài, nên trong Thánh Thất (Vũng Liêm) nơi bà ở có để con LÂN MÃ này, nên ngày nay có người nhận là chính con LÂN MÃ hiện nay là con LÂN MÃ của bà" (Báo cáo Bảo tàng Vĩnh Long, trang 23)

 (15)Nguyễn Hữu Lương, sđđ, tr.27

Trong "Đại nam Quốc Aâm Tự Vị" của Huỳnh Tịnh Của giải thích về chữ Kỳ Lân như vầy : "Kỳ là thú có nhơn, chính là con đực, lân là con cái … Lân con thú giống sư tử mà hiền lành, người ta gọi là linh vật, đem vào tứ linh là long, lân, qui, phụng. Vua chúa có nhơn đức mới thấy nó". (1)

Trong "Hán Việt Từ điển" của Đào Duy Anh giải thích thêm : "Kỳ lân, con thú có tính lành giống con hươu mà lớn hơn, đuôi trâu vút ngựa, không ăn sinh vật, nên người ta gọi là nhân thú" (2). Về con Long Mã ông viêt : "Long Mã, ngựa cao trên 8 thước, người Tàu gọi là Long Mã, con rồng hình dáng ngựa ….. Hà Đô xưa truyền rằng, đời vua Phục Hy, trong sông Hoàng Hà có con Long Mã xuất hiện, trên lưng nó có vẽ nét từ số 1 đến 10, Phục Hy mới theo đó mà vạch ra Bát Quái" (3)

Năm 1919, L.Cadière công bố về "mỹ thuật ở Huế" trong tạp chí Bulletin des Amis du vieux Hue (những người bạn cố đô Huế) giới thiệu về nhiều con Kỳ Lân, nếu đem đối chiếu với lân đồng ở Vĩnh Long thì chính là lư Kỳ Lân dùng để đốt trầm, Lân Mã này cao 1,36m dài 1,48m, cân nặng 323 kg. Đó là vật cổ quý hiếm thuộc mỹ thuật thời Nguyễn có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XX (4).

Số là năm 1936 Đức Phạm Hộ Pháp tái xây dựng Tòa Thánh có đến Vũng Liêm xin bà Lâm Hương Thanh tài trợ vì bà rất giàu có nhờ thừa kế của người chồng Pháp là Perrier gốc Thụy Sĩ. Bà không đủ tiền mặt nên đưa châu báu cho Đức Hộ Pháp, Ngài không nhận và nói : "Sau khi Tòa Thánh cất xong phải có lư lân mã xông trầm". Vì thế mà bà Hương Thanh mới làm con Lân Mã để tại Thánh Thất Vũng Liêm và một con Lân Mã bằng đồng đen (?) nặng 3 kg để tại Đại Điện Tòa Thánh. Năm 1941, Pháp chiếm đóng Tòa Thánh thì con Lân Mã bị thất lạc. Ngày nay Hội Thánh làm con Ngọc Kỳ Lân thay thế (Ngọc đây ám chỉ cái quí của đồng đen) để múa trong các dịp lễ.

Về bí pháp của Lân mã ta thấy :
- Cao : 1,36m à 1+3+6 = 10 chỉ Hà Đồ : con Rồng
- Dài : 1,48m à 1+4+8 = 13 giờ Ngọ chỉ con Ngựa
- Nặng : 323 kg à 3+2+3 = 8 chỉ Bát Quái Cao Đài
Nếu đem so BQ Cao Đài với hai BQ trước, ta thấy những nét đặc thù sau :

Đệ I BQ Phục Hy - Hà Đồ - Long Mã 10 (cộng từ 1 đến 10) = 55
Đệ II BQ Văn Vương - Lạc Thư - Linh Qui 9 (1à9) = 45
Đệ III BQ Cao Đài - Thiên Thư - Lân Mã 8 (1à8) = 36
Số 36 là Tam Thập Lục Thiên với không gian bốn chiều 4 x 9 tầng bằng 36 tầng trời. Theo Dịch lý giảm dần từ 10,9,8 đến 1 (Thái Cực) biểu hiện con người xa dần vật chất tiến tới tinh thần.

 (1) HUỲNH TỊNH CỦA, Đại nam Quốc Aâm Tự vị (Tập I) Sài gòn 1895, tr.510 và 538.
(2) và (3)ĐÀO DUY ANH, Hán Việt Từ điển, Hà nội 1992, tr.435-436 và 334-513
(4) Tạp chí xưa và nay số 88 tháng 3 năm 2001, tr.37-38

Các tấm hình: Ngọc kỳ lân, Lân Mã - Lân Kinh, vũng Liêm . Sẽ bổ túc sau

3/ - Phạm trù Càn Khôn :
Dịch Hệ Từ viết : "Cương nhu tương dịch, duy biến sở thích". Trong Thái Cực, âm dương bên nhau đương nhiên có sự trao đổi lẫn nhau. Aâm hút Dương, Dương hút Aâm để thể hiện sự quân bình của vũ trụ. Trong Hậu Thiên Bát Quái chẳng hạn, khí Dương của Càn hút khí Khôn âm để biến thành các quẻ Khảm, Cấn, Chấn, còn khí âm Khôn đoạt khí dương Càn để biến thành các quẻ Tốn, Ly, Đoài. Đó là luật nhị khí giao cảm, hóa sinh vạn vật. Mọi việc trên đời đều có cặp mâu thuẫn đối đãi mang tính tất nhiên và phổ biến như âm dương.

Bàn về quan niệm vũ trụ, Dịch Hệ Thượng viết : "Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái". Thánh Ngôn của Đạo Cao Đài cũng dạy : "Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng" (TNHT quyển II, tr.62). Hai ý trên nhứt định có cùng một gốc.

Trong Dịch Hệ Thượng, Đức Khổng Thánh lưu ý : từ chất co giãn vô hình, Thái Cực chia ra hai Nghi là Aâm Dương rồi biến hóa ra Tứ Tượng thành Bát Quái. Bát quái biểu tượng cho vạn vật. Thế thì, vũ trụ được hình thành từ vô thỉ đến vô chung, từ vô hình qua hữu hình với quá trình biến hóa đi lên của nó. Quả thật, "vũ trụ có những mãnh lực bí mật lớn lao đã hợp nhất lại và vô số hình thể sống động của nó đã đảm bảo sự liên tục cho chúng". (Les grands forces mystérieuses de la Nature étaient désormais unifiées. Les innombrables formes vivantes affirmaient leur enchainement) (16)

Vì thế, Kinh Dịch mới nói : "Sinh rồi lại Sinh thì gọi là Dịch". Cái gì sinh? Chu Hy lý giải : "Aâm sinh Dương, Dương sinh Aâm, sự biến hóa của chúng vô cùng" (Aâm sinh Dương, Dương sinh Aâm, biến hóa vô cùng) (17). Đức Chí Tôn cũng dạy : "Đạo Thầy không chi lạ, không ngoài hai lẽ Aâm Dương". Tắt một lời, quan niệm vũ trụ theo phương Đ6ng, trời đất, vạn vật chịu ảnh hưởng của hai yếu tố căn bản là Aâm Dương, biến hóa luôn luôn, chảy quanh khắp nơi, khắp chốn một cách vô thường. Đó là Đạo, Đạo vốn không có hình, nhưng ở đâu cũng có Đạo, thiếu Đạo thì không có sự vật nào tồn tại được.

 (16) RÉNE JUDRE, Les Nouveles Enigmes de I'Univers, Paris 1951, tr.14
(17) CHU HY, Chủ Dịch Bản nghĩa, Hệ Từ Thượng, Chương V.

Theo Soothill : "Trong vũ trụ đều là Aâm hay Dương. Trời, ánh sáng, khí nóng, đàn ông, cha, sức mạnh, sự sống là dương - Đất, bóng tối, hơi lạnh, đàn bà, mẹ, sức yếu, sự chết là Aâm" (Tout est Yin ou Yang dans la Nature. Le Ciel, la lumière, la chaleur, l'homme, le père, la force, la vie Yng. La Teere l'obscurté, le froid, la faiblesse, la ncort sont Yin).

Aâm Dương là Thái Cực là Đạo vì "nhất âm nhất dương chi vị Đạo". Trước Thái Cực còn có khảng trống không gọi là Vô Cực. Thánh Ngôn dạy : "Khí Hư Vô sinh một Thầy, Thầy là Thái Cực , Thái Cực phân cực Aâm Dương, Aâm Dương sinh Ngũ Hành mà tạo thành vạn vật. Châu Liêm Khê viết trong Thái Cực Đồ thuyết như sau :
"Vô Cực mà là Thái Cực. Thái Cực động thì sinh Dương, động cực thì tĩnh, tĩnh thì sinh Aâm, tĩnh cực lại động, một động một tĩnh cùng làm căn bản cho nhau. Rồi khi đã phân chia ra Aâm Dương thì Lưỡng Nghi thành lập. Đến lúc Dương biến, Aâm hợp, thì Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ sinh ra. Năm khí đó nếu được xếp đặt thuận lợi thì bốn mùa sẽ vận hảnh đều đặn.

Ngũ hành nếu hợp nhất thì thành Aâm Dương. Aâm và Dương nếu hợp nhất thì thành Thái Cực. Thái Cực có gốc Vô Cực. Ngũ Hành sinh hóa đều có tính chất duy nhất. cái chân không của Vô Cực, cái tính chất của Aâm Dương và Ngũ Hành, tất cả phối hợp một cách kỳ diệu và kết tụ lại với nhau. Thế rồi, Đạo Càn làm thành trai, Đạo Khôn làm thành giá, hai khí giao cảm mà sinh ra muôn vật, muôn vật sinh rồi lại sinh, sinh sinh mãi mãi và biến hóa vô cùng." (19)

Thật vậy, "Trong lịch sử, có lẽ không có gì chính xác hơn việc biến dịch. Vật đổi thay. Người đẩi thay. Đất đổi thay. Phong tục, quan niệm đổi thay" và tôn giáo cũng đổi thay cho phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại. (Perhaps nothing is more certain in history than change. Animals change. Men change. The Earth changes. Customs, opinions ideas change).

 (18) W.E.SOOTHILL, Les rois religions de la Chine. Paris 1946, tr.161
(19) Trần Thúc Lượng, Lý Tâm Trang, Tống Nguyên học án, Tập I, quyển 9, tr.131

Về nhân sinh quan, sự hình thành con người cũng do sự giao thoa của âm dương mà hóa thành, nên trong mỗi con người đều có gien âm dương. Chu Hy quả quyết rằng : "Người người đều có một Thái Cực, vật vật đều có một Thái Cực" (Nhân nhân các hữu nhất Thái Cực, vật vật các hữu nhất Thái Cực) (21). Chu Hy còn viết thêm : "Thái Cực tự nó bao gồm cái lý động tịnh, chứ không thể lấy trạng thái động tịnh mà phân thể dụng. Bởi vì tịnh là thể của Thái Cực, còn động là dụng của Thái Cực" (22). Nếu ta coi động tịnh là hai trường hợp khác nhau của Thái Cực thì "Aâm Dương chỉ là một khí. Khí âm lưu hành tức là khí dương , khí dương ngưng tụ tức là khí âm. Thực chẳng có chuyện hai vật chống đối nhau bao giờ" (23)

Thật vậy, luật "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" của âm dương trong Kinh Dịch rất tâm đắc. Theo G.Lakhousky trong thuyết "Dao động tế bào" (Oscillation cellulaire), mỗi vật đều phát ra một luồng sóng đặc biệt : có cảm mới có ứng, có tương đồng mới có thể giao cảm. Đó là nguồn gốc cơ bút và cách trị bệnh bằng nhân điện trong Đạo Cao Đài buổi đầu.

 (20) Platt N. and Drummond M.J. Our world through the ages, New York 1959, tr.6
(21) Chu Hy, Ngữ loại
(22) Trần Thúc Lượng, Lý Tâm Trang, Tống Nguyên học án, tập II quyển 44, tr.505

Cặp Aâm dương giống như cặp Aùc Thiện, tuy thấy như mâu thuẫn nhưng chẳng bao giờ rời nhau. Khi ta gọi là dương vì phần dương lấn phần âm. Khi ta gọi là âm vì phần âm lấn phần dương. Thế nên, ta khó tìm được thuần âm hay thuần dương cũng như thuần thiện hay thuần ác. Không có người tốt nào không mang trong mình một tật xấu. Thế nên, người ta phải biết vượt lên trên Thiện Aùc, Thị phi mới thanh thoát. Nếu còn bị ràng buộc trong giả tướng của hiện tượng giới thì chưa có thể giác ngộ vào cõi Phật. Nên nhớ, "Những kẻ đại gian ác là những kẻ đại Thánh thiện" (Les grands pécheurs seront de grands Saint). Madeleine trước khi thành Thánh là người đàn bà sa đọa, Thánh Augustin thuở nhỏ cũng là một kẻ nhiều lầm lỗi, còn Thập Bát La Hán nguyên là những kẻ trộm cướp giết người. Trong "Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống", Đức Hộ Pháp xác nhận "Quỉ Vương là phần trược của Thượng Đế" (Satan est la doublure de Dieu)

Xem thế, Thần hay Quỉ ở tại bản thân của mỗi chúng ta. Hồ Cư Nhân cũng nói : "Thần của mộc, hỏa sinh vật ở hướng Đông Nam. Quỉ của kim , thủy diệt vật ở hướng Tây Bắc" (24). Nói một cách khác "U uẩn hay rõ ràng, sống hay chết, Quỉ cũng như Thần, tất cả đều là biến tướng của âm dương (25). Như thế, quỉ thần không xa ta, Thiên đàng hay Địa ngục đều nằm trong tâm của mọi người. Tránh hạng người "Thân Công Báo", kẻ mở cửa Ma giới trần gian đó. Họ gây xáo trộn trong mỗi con người : hữu vi (xác), vô vi (hồn) lìa nhau, Đạo Đời không còn tương đắc, Aâm (xác) Dương (hồn) rời rã …

 (24)Hồ Cư Nhân, Dịch Tượng Sao, quyển I, tr.2
(25)Chu Hy, Dịch Hệ Thượng, chương IV

Hãy nghe Pháp Chánh Truyền giải thích về ÐẠO ĐỜI TƯƠNG ĐẮC. "Hội Thánh có hai phần tại thế. Phần hữu hình là Cửu Trùng Đài tức là Đời, nghĩa là xác, một phần bán hữu hình là Hiệp Thiên Đài, là chơn thần, nghĩa là nửa Đời nửa Đạo, còn phần vô vi là Bát Quái Đài tức là hồn, ấy là Đạo". Rõ ràng PCT phân giải Đạo là Bát Quái Đài, còn Cửu Trùng Đài là Đời (nhân sanh của Đạo), chớ không phải Đời là chỉ người ngoại Đạo. Chẳng hạn Thế Đạo là Đời của Đạo, chỉ những người Đạo còn sống lẫn lộn với Đời. Đọc tiếp PCT ta sẽ thấy rõ hơn : "Thầy là chúa tể của sự vô vi, ắt Bát Quái Đài là của Hồn. Hồn hiệp với xác bởi chơn thần. Aáy vậy, chơn thần là trung gian của Hồn và Xác. Xác nhờ Hồn mà nên, thì Cửu Trùng Đài cũng nhờ Hiệp Thiên Đài mới mong đạt Đạo", nói cách khác "nếu muốn cho sự vô vi (Đạo) và sự hữu hình (Đời) đặng TƯƠNG ĐẮC thì cả hai ông chúa (Đạo, Đời) phải liên hiệp với nhau". (26)

Xem thế, ÐẠO ĐỜI TƯƠNG ĐẮC rõ ràng là chỉ cách luyện Đạo. Thế mà người sau xa rời kinh sách lại hiểu méo mó là người Đạo và quyền Đời phải tương đắc ! Sự lầm lẫn đó phải trả giá của nó khá cao !." Sự ngạc nhiên của chúng ta quả lớn khi chúng ta thấy điều mê tín kém nhất lại là một điều phổ biến rất lâu dài". (… la superstition la plus basse a été, pendant si longtemps, un fait universel) (27)

(26)Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Paris 1952, tr.37
(27)André Ruffaf, La superstition à travers les ages. Paris 1952, tr.211

Chúng ta phải làm như thế nào như Lord Acton nói : "Tôn giáo là cái chìa khóa của lịch sử". (La religion est la clé de 1'histoire) (28). Bởi lẽ, nếu không có tôn giáo thì lịch sử hẳn hoang lương tiêu điều, cuộc đời hẳn cũng giảm sinh thú. Ngoài tính chất thẩm mỹ, tôn giáo còn có một ảnh hưởng quan trọng đối với nền văn minh nhân loại" (29)

 (28) Christopher Dawson, La religion et la formation de la civilisation Occidentale, Paris 1953, tr.9
(29) Nguyễn Hữu Lương, sđđ, tr.58. xem "Lý giải Quả Càn Khôn" cùng người viết.

CHƯƠNG VI

VÍA ĐỨC CHÍ TÔN Á

Tại sao chọn ngày mùng 9 tháng giêng làm lễ vía Đức Chí Tôn?
Theo tục lệ, mùng 7 hạ nêu để chấm dứt Tết Nguyên Đán thì nhân sanh mở ngay ngày Tết Khai hạ. Theo Dịch lý, ngày mùng 7 ứng vào con ngựa trong Thập Nhị Chi, ngày mùng 8 ứng vào luau (?), ngày mùng 9 ứng vào Trời. Cho nên lấy ngày đó làm lễ Vía Đức Chí Tôn.
Mặt khác, số 9 là số thái dương, số 8 là số của thiếu âm, số 7 là số của thiếu dương, và số 6 là số của thái âm. Theo thứ tự trong Tứ tượng thì thái dương là ngôi số 1, lấy 1 trừ 10 còn 9 dùng làm số đặc biệt của Thái dương, tức Trời vậy.

Thờ quả Càn Khôn là thờ CỬU THIÊN KHAI HÓA vì Càn 3 hào, Khôn 6 hào cộng lại là 9. vả lại, quẻ Khôn chồng lên quẻ Càn thành quẻ Thái có nghĩa là thông suốt. Quẻ Thái làm chủ tháng giêng. Kết hợp lại, mùng 9 tháng giêng là Vía Trời.

Thêm vào đó, trong Kinh Dịch gọi số 9 = 3 x 3 là SỐ Tham Thiên hằng số. Nhà toán học Pythagore cũng nói : Chín là số hoàn hảo, là bình phương của ba, tam hợp hài hòa trọn vẹn". (Neuf est le nombre parfait en tant que carré le trois qu'est le trinité de l'harmonie complète).

Vả lại, các ngày hội lễ trong năm nảy sanh từ nền văn minh nông nghiệp. Mùa xuân, tháng giêng lễ Cha, tức Vía Đức Chí Tôn, mùa thu, tháng 8 lễ Mẹ tức Vía Đức Phật Mẫu. Các ngày lễ này, các Chức sắc phải về triều lễ tại Tòa Thánh.

Ngoài nghi lễ tôn nghiêm, Hội Thánh còn cho tổ chức các cuộc vui như dưng cộ bông, lửa trại, thai đố, ngâm thơ … vừa nâng cao đời sống tâm linh, vừa buông thả tình cảm để thư giãn. Thế nên, lễ Vía xen lẫn cái huyền nhiệm và cái thực tế, cái chính thống tôn giáo và cái buông thả của nhân gian.

Trong ba ngày lễ Vía Đức Chí Tôn, trừ ngày mùng 9 chánh lễ, còn các ngày khác là lễ tạ ơn tổ tiên hoặc tổ chức các cuộc vui, trong đó Văn Minh điện thu hút nhiều người nhứt.

Trong nắng xuân ấm áp, Hội Thánh cho dựng một cái đài lục giác giữa Đại đồng xã, gồm tầng trệt và tầng cao để mọi người đứng xa đều thấy rõ người điều hành. Ban tổ chức gồm một Trưởng ban cầm cái mõ (thường là Phối Sư Thái Đến Thanh) Một ban cổ nhạc trần thiết ở tầng trên giữa căn nhà lục giác. Phía trước Văn Minh điện có một cái cầu thang duy nhứt lên và xuống, phía bên trên có đề 3 chữ : Văn Minh Điện, tức nhà văn minh về đạo đức, văn học, mỹ thuật …

Các cuộc vui gồm : Thai đố, thi thơ, hát vè, ngâm thơ. Ai trúng thì được thưởng kinh sách có giá trị.

Văn Minh Điện bắt nguồn từ hai câu thơ giáng cho của bà Đoàn Thị Điểm được sửa từ và rút ra trong truyện "Chinh phụ ngâm" như sau :
Chín tầng ngôi báu trao tay,
Nửa đêm truyền lịnh định ngày xuống ngai.
Xuất nhứt nhơn (một người). Rõ ràng đây là câu đố. Mãi đến cách mạng tháng tám năm 1945, Bảo Đại xuống ngôi, người ta mới biết nhứt nhơn đó là Vĩnh Thụy. Từ đó, thú chơi thai đố ngày càng thạnh hành. Cái vui của Văn Minh Điện là những câu thai đố được lý, hò, ngâm, diễn, đọc với điệu bộ dễ cười của các diễn viên nghiệp dư. Chính nhờ điệu bộ đó, người xem đoán được phần nào nội dung câu đố.

Một diễn viên đọc với điệu bộ câu này :
Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về Tây.
Xuất nhứt điểu (một con chim), âm điệu thơ Kiều mà lại là câu đố hóc búa. Một tín hữu mặc áo dài trắng giơ tay xin giải đáp. Trưởng ban cuộc thi mời anh lên thang gác. Anh nọ đứng lựng chựng cầu thang đáp : Con chim cút. Viên giám khảo giơ cao tay đánh vào mõ cái cốc. Mọi người đều biết sai, cười ồ lên. Anh nọ bẽn lẽn xuống cầu thang. Nếu ai đáp đúng mõ được đánh một hồi. Ban nhạc tiếp thanh âm hòa tấu một bài để tuyên dương người đáp đúng. Một thiếu nữ giơ tay trả lời là con quạ vàng. Ban giám khảo yêu cầu giải thích. Cô gái đáp : "Lần đường theo bóng trăng tà về Tây" thì chỉ có Mặt trời, mà Mặt trời là Kim Ô. Ban ngày đôi khi có Mặt trăng nhưng do ánh sáng của Mặt trời làm ta không thấy trăng. Một hồi mõ dài được gõ lên. Ban nhạc hòa tấu khúc "Trạng nguyên hành lộ". Cô gái được thưởng một chồng kinh sách với những tràng pháo tay vang dậy.

Kế đến là cuộc thi ngâm thi, thí sinh có thể lấy thơ trong "Thi văn Hiệp tuyển" hay tự biên tự diễn.

Một nhà thơ trẻ với giọng ngâm ngọt ngào truyền cảm hòa lẫn tiếng đàn cò, tiếng tiêu, dìu dặt như bay bổng giữa tầng không :
VỊNH TÒA THÁNH
Tòa Thánh vút cao đứng giữa trời
Aùnh vàng tỏa rộng khắp nơi nơi.
Hiệp Thiên vang tiếng Lôi Aâm Cổ.
Bát Quái lặng thinh Bạch Ngọc ngời.
Cung đạo thiêng liêng miền thượng giới.
Cửu Trùng dung tục cõi người đời.
Thoáng nhìn trụ phướn, bồ đề cội.
Tòa Thánh vút cao đứng giữa trời.

Trên đây chỉ là những trích đoạn về thai đố, thi thơ để người đọc hiểu phần nào thú vui tao nhã nhân ngày Vía Đức Chí Tôn, vừa phù hợp với truyền thống lễ nghi huyền nhiệm, vừa tác động cuộc vui chơi dân đạo, thích đáng với quan niệm cổ truyền "Trời Người hiệp nhứt". Tiếc thay, Văn Minh Điện không vĩnh tồn với thời gian.

Tắt một lời, ngày Vía Đức Chí Tôn là ngày hạnh phúc lớn của đại gia đình nhà Đạo, không phân biệt sang hèn, màu Đạo sắc tộc, mọi tín hữu khắp mọi nơi, trên mọi nẻo đường, hướng về Tòa Thánh mừng lễ Đấng Cha Lành.

Người Đạo Cao Đài luôn luôn tâm niệm và thực hành lời Đức Đại Từ Phụ dạy: Tất cả nhơn loại là con một cha. Tất cả mọi tôn giáo có cùng một gốc. Thế nên, người tín hữu Cao Đài không thấy ngại ngùng khi vào lễ trong một chùa Phật hoặc nhà thờ Thiên Chúa, hoặc đền thờ Hồi giáo. Bởi lẽ, người tín hữu Cao Đài biết rằng các Đấng Giáo chủ ấy đều do Đức Chí Tôn phân tánh giáng sanh nên chịu dưới quyền điều khiển của Ngài.

Người tín đồ nào cũng thuộc làu câu : "Cùng nhau một Đạo tức một cha". Thế nên, họ không kỳ thị tôn giáo và không kỳ thị chủng tộc, coi tất cả mọi sắc tộc trên thế giới dù khác màu da sắc tóc, ngôn ngữ hoặc chánh kiến đều cùng chung huyết mạch.

Khi nói Đức Cao Thượng Phẩm là ngươn linh Hớn Chung Ly hay Thanh Sơn Đạo Sĩ là ngươn linh của Hồng Y Richelieu, là xác nhận Đạo Cao Đài tin có Luật chuyển luân. Ngày trước là người Trung Hoa, ngày nay đầu kiếp làm người VN hay ngược lại. Điều ấy nói lên mọi sắc dân, trước mặt Đức Chí Tôn đều là con cái, là đồng chủng. Nếu tiền kiếp là người Aán Độ thì theo đạo Phật, hoặc người Tàu sao tránh khỏi theo đạo Lão hay đạo Nho. Vậy ta đã từng là môn đệ của các vị đó trước kia, nay tôn vinh các vị đó làm thầy là lý đương nhiên.

Với tinh thần ấy, người tín hữu Cao Đài lúc nào cũng tôn kính các tôn giáo khác và đặt các vị Giáo chủ ngang hàng nhau, không có sự đặt biệt trọng khinh nào.

Thế thì tôn thờ Đức Chí tôn là tôn thờ đức tin của nhơn loại.

Lễ Vía Đức Chí Tôn lúc 0 giờ ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm (1). Đây là buổi lễ trang nghiêm nhất, tất cả mọi sinh hoạt đều im lặng nhường cho tiếng trống tiếng chuông và lời cầu kinh.

Sau khi Lôi Aâm Cổ (trống) dứt hai hồi, vị Tả Phan Quân cầm phướn Thượng sanh hướng dẫn các phẩm Lễ sanh, Giáo thiện nam nữ lên lan can lầu Đền Thánh, nam tả nữ hữu (trong Bửu điện nhìn ra), đồng thời cho 6 vị Lễ sanh và 6 vị Giáo thiện nam nữ vào hầu Bát Quái Đài.

Khởi Bạch Ngọc Chung (chuông), vị Hộ Đàn Pháp Quân cầm cờ Tam Thanh (cờ Đạo) và vị Hữu Phan Quân cầm phướn Thượng Phẩm hướng dẫn chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện vào Đền Thánh (Hoán đàn). Hai bên Chức việc, Đạo hữu nam nữ cũng đi vào Hoán đàn. Đoạn phân ban nam nữ. Đồng thời 3 vị Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư vào Nội Nghi. Một vị Phối sư ở Ngoại Nghi.

Tiếp Lễ Nhạc Quân lên Giảng đài nữ cầm hiệu. Một vị Giáo sư phái Ngọc lên Giảng đài nam xướng lễ.

Dứt chuông, Hộ Đàn Pháp Quân ra cờ lịnh nhập đàn.

Vị Giáo sư phái Ngọc xướng
1/- Nội Nghi, Ngoại Nghi tựu vị
2/- Thiên phong dĩ hạ các tư kỳ vị.
a/- Xàng xê : nghĩa là đưa qua trộn lại, biểu tượng cho thời kỳ hỗn độn sơ khai.
b/- Ngũ đối thượng : là năm từng trên Trời tức khí thanh bay lên làm bầu Trời.
c/- Long ngâm : là rồng xuống, tượng trưng cho Aâm. Nhứt Aâm nhứt Dương chi vị Đạo.
d/- Vạn giá : là muôn việc đã định an, muôn loài vạn vật đều có tên.

 (1) Nghi thức thờ Đức Chí Tôn. Xin xem "Ý nghĩa thờ Thiên Nhãn" của Hiền tài Nguyễn Kim Anh.

CHƯƠNG VII

THIÊN ÐẠO VÔ BIÊN

Tại sao thờ Đức Chí Tôn nơi Bát Quái Đài ?
Thánh Ngôn dạy rằng : "Khi chưa có Trời Đất thì khí Hư Vô có sanh một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến ra Bát quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mà tạo lập ra Càn Khôn Thế giới".
"Từ vô hình ra hữu hình là do khí hóa mà ra. Khí hóa hình, hình hóa khí, từ đó có mọi vật hiện hữu".

Khoa học Vật lý nguyên tử ngày nay cũng xác nhận : "Vật chất (la matière) là khí đọng lại mà thành, khí là vật chất tan ra mà thành khí, hay nói cách khác : Khí lực (énergie) và vật chất là một hoặc hai của một thực thể". (Conquête de la Science, p.195, p.Rousseau). Lời Thánh Ngôn cho ta thấy rõ : Khí Hư Vô ( Khí hư Vô là khí khi vũ trụ chưa hình thành.) sanh có một mình Đức Chí tôn. Ngài ngự trên ngôi Thái Cực mà sanh ra Aâm Dương thì sinh khí hóa mới tạo Thiên lập Địa muôn màu muôn vẻ : Nhất bổn tán vạn thù là vậy.

Bà Bát Nương dạy thêm : "Trong vũ trụ bao la, không gian ở trên là thượng tầng bí pháp của quyền năng thiêng liêng. Đức Chí Tôn vi chủ Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trì. Thời gian ở dưới có đủ khí chất, để tạo dựng thế giới hữu vi và vật chất hữu hình. Phép mầu nhiệm ấy do quyền năng tuyệt đối của Đức Chí Tôn vận chuyển, khiến cho không gian phối hợp với thời gian thành cơ huyền nhiệm mà tạo lập Càn Khôn, hóa sanh vạn vật, và Đức Chí Tôn còn hiệp lập Thiên thơ định thành Thiên điều, là luật pháp thống trị Càn Khôn vạn vật".

Không gian, thời gian đưa tới nhân quả. Ba hiện tượng đó không mà có, có mà không. Nó lảng vảng theo ta như bóng với hình mặc dù ta không hề thấy. Quan sát biển (không gian) và sóng biển (tác nhân của thời gian) nổi cao khi có gió rồi biến mất, rõ ràng ta thấy nhân và quả, hiện tượng tuần hoàn của sóng. Thế mà giờ đây ta không thấy gì, ảo ảnh chăng ?

Cái đó là Đạo, là sự chuyển luân. Đạo không có hình nhưng ở đâu cũng có mặt. Thiếu Đạo thì không có sự chi trên đời tồn tại.

Chữ Đạo gồm 2 phần : Chữ xước có nghĩa là đi, tượng trưng nguyên lý động, tức nguyên lý Dương, chữ Thủ là đầu tương đối bất động của thân thể, tượng trưng nguyên lý tịnh, tức nguyên lý Aâm. Cái đầu hình tròn, cái chân đi hình vuông mà Trời thì tròn, Đất thì vuông, tượng trưng cho Dương Aâm, Trời Đất.

Thế thì Đạo bao gồm mọi mâu thuẫn trên đời : Động và Tịnh, Thị và Phi, Thiện và Aùc, Sáng và Tối, Trong và Ngoài, Vinh và Nhục, Trời và Đất … nên phải biết quân bình để tường tồn trường sanh.

Khi Đạo Cao Đài chủ trương Qui Tam giáo : Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo và hiệp Ngũ chi : Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Thế thường, người ta cho giáo lý các tôn giáo này mâu thuẫn nhau. Nhưng người ta quên rằng mâu thuẫn để sinh tồn và tiến bộ. Sách cổ Hy Lạp Kybalion viết gần giống Kinh Dịch :
"Tất cả đều có hai mặt, những chân lý nói ra chỉ là những phân nửa chân lý mà thôi, tất cả mọi nghịch thuyết đều có thể dung hòa" (Tout est double … Touts les vérités ne sont que des demivérités, tous les paradoxes peuvent être conciliés) (2)

Đạo học Đông phương có đồng quan điểm đó, về bên ngoài thấy mâu thuẫn, nhưng bên trong không bao giờ có sự mâu thuẫn.

Hai bên vách Đền Thánh tạc hình hoa sen, gương sen và ngó sen trong khung hình chữ nhật đứng, ở giữa có khung tam giác tạc Thiên Nhãn phản chiếu các tia rẽ quạt rất sinh động. Thiên Nhãn là Thái Cực, bụi sen trên, bụi sen dưới là Aâm Dương tức Lưỡng Nghi, 4 trái sen hai bên là Tứ Tượng, 8 lá sen là Bát quái, 12 ngó sen là Thập Nhị Khai Thiên. Lấy hình ảnh sen để biểu tượng cho Dịch Lý của vạn vật luân chuyển không ngừng.

Theo Lão tử : Tổng hợp những mâu thuẫn để biến thành một thể mới phong phú hơn. Đó là mục đích của Cao Đài giáo.

 (2) Le Kybalion. Traduction del'Anglais par André Durville, 23 Saint Merri, Paris, tr.29.

(Các tấm hình: Đức Thích Ca Tầm Đạo, Phẩm Vật Thờ Đức Chí Tôn, Truyền Đạo ra Bắc - sẽ bổ túc sau)

Trình Di cho rằng : "Không có sự đi nào mà không trở lại . dương xuống đất ắt trở lại mà lên trên. Aâm trở lại mà lên trên, Aâm lên ở trên ắt trở lại mà xuống". Đó là tư tưởng phản phục của Đông phương.

Hãy gác lại phương pháp luận của Descartes và đôi mắt phân tích của Tây phương, ta sẽ thấy các tôn giáo ở Đông phương thống nhất tuy không đồng nhất. Ta đừng bắt chước kiểu lý luận Tây phương chỉ thấy cây mà không thấy rừng, thì ta không thể thấy được triết lý siêu việt tổng hợop văn hóa toàn cầu của Đạo Cao Đài.

Trong Đền Thánh có tất cả 28 cột rồng. Thượng Đế cưỡi rồng tuần du. Rồng tượng trưng cho sự biến hóa, về sau người ta lấy rồng làm biểu tượng cho Dịch lý.

Rồng màu xanh tượng trưng cho Thanh Dương Đại Hội trong Nhứt kỳ phổ độ, do Đức Nhiên Đăng hành khiển.

Rồng màu đỏ tượng trưng cho Hồng Dương Đại Hội trong Nhị kỳ phổ độ, do Đức Di Đà hành khiển.
Rồng màu trắng tượng trưng cho Bạch Dương Đại hội trong Tam kỳ phổ độ, do Đức Di Lặc khai hội Long Hoa.
Đức Thượng Đế khi hành pháp cưỡi rồng :
"Thời thừa lục long,
Du hành bất tức.
Khí phân Tứ Tượng
Oát triền vô biên" (3)

Nghĩa là : Trời ngự xe sáu rồng hành pháp không ngừng nghỉ, từ Thái Cực phân chia tới Tứ Tượng mà biến hóa vô thường. Rồng còn là biểu tượng của cội nguồn dân tộc, trong ý "Con Rồng cháu Tiên". Thế nên, Đạo Cao Đài bắt nguồn từ lòng dân tộc.

Kinh Dịch lập ra 6 hào tương ứng với 6 Rồng trong quẻ Thuần Càn thuộc Dương.
1/- Hào sơ cửu tiềm long (rồng nằm)
2/- Hào cửu nhị hiện long (rồng ruộng)
3/- Hào cửu tam tích tịch (rồng ruộng cố vùng lên)
4/- Hào cửu tứ tại huyền (rồng nhảy lên khỏi vực)
5/- Hào cửu ngũ Phi Long (rồng bay lên Trời)
6/- Hào thượng cửu Càn long (rồng mạnh bay xa)
Từ hào sơ cửu đến hào thượng cửu, Dịch lý biến hóa diệu diệu huyền huyền. Đức Cao Đài nhờ đó mà nắm trọn Thập nhị Khai Thiên mà tạo dựng chúng sanh.

(3) Kinh lễ, Paris, Gasnier 1952, tr.18
 Home          1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ] 6 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét