Thập Nhị Thời Quân - 1 / 4 (Nguyên-Thủy)

Bài thài hiến lễ Thời Quân
Hiệp-Thiên-Đài
"Tướng soái Thời quân đã đạt thành,
Công trình lập Đạo sử nêu danh.
Ngàn năm để tiếng đời ca tụng,
Không hổ mặt mày với kiếp sanh."

LỜI NÓI ĐẦU:
Đức Hộ-Pháp nói về:
Sự ra đời của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
“Có nhiều người viết Đạo-sử và đã nói cho người ngoại-quốc hiểu Đạo. Trong ấy có nhiều điều không đúng sự thật, nhứt là trong các bài Cơ.
Đức Hộ-Pháp ngồi giữa các vị Thời Quân

Đạo ban sơ thế nào?
Nhiều người đã nói đến, đã giảng lịch-sử Đạo, nhưng không đúng lịch-sử chút nào hết. Sự thật như thế này:

Trong năm Ất-Sửu: các Thầy, các Ông, từ hàng Thẩm-phán, Phủ, Huyện, muốn tìm một sự thật mà thiên hạ đã làm đảo-lộn trong giới trí-thức đương thời là “Con người có thể thông-công cùng các Đấng thiêng-liêng vô hình được” nhứt là thuyết này đã làm cho cả Âu-Châu sôi nổi, nhiều sách vở đã tung ra cả hoàn-cầu do các Hội Thần linh-học và Thông-thiên-học đã khảo-cứu một cách rõ-rệt. “Loài người có thể sống với cảnh thiêng-liêng kia như chúng ta đang sống đây vậy.” Cái triết-lý ấy làm cho nhiều người, nhứt là người học-thức muốn tìm-tàng thấu đáo.

Nơi hạng học-thức ấy có một người cố tâm hơn hết là Đức Cao Thượng-Phẩm. Ban sơ chưa biết gì, chỉ làm theo phương-pháp bên Âu-Châu hay bên Pháp là Xây bàn.

Cái duyên ngộ Đạo của chúng tôi lúc đó chưa có quyền-năng thiêng-liêng xúi biểu hay xô đẩy. Chúng tôi muốn tìm hiểu huyền-vi bí-mật thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã tạo ra càn-khôn Vũ-trụ. Sách vở để lại cũng nhiều, nhưng thật ra lý-thuyết ấy làm cho chúng tôi chưa quyết định về tín-ngưỡng cách nào mà đức-tin đã có thật vậy.

Khi Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi, Đức Chí-Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo Cao-Đài.

Tới chừng Ngài biểu chúng tôi cầm một cây Cơ và một ngọn bút đi các nơi thâu Môn-Đệ. Trọng-yếu của Ngài là thâu mấy vị Tông-đồ có sứ-mạng trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này làm môi-giới độ Đạo sau này.

Đức Chí-Tôn biểu chúng tôi phò-loan đặng Ngài dùng quyền-năng Thiêng-liêng kêu gọi mấy vị T ông-đồ đó. Quả nhiên chẳng bao lâu, có đủ Thập Nhị Thời Quân hiển hiện ra, trong số các vị Thời-quân ấy có Cao Tiếp-Đạo ở tại Kiêm-Biên chớ không phải ở Sài-Gòn.

Đi thâu Thập Nhị Thời Quân rồi, Đức Chí-Tôn mới mở Đạo. Chừng đó Ngài mới chỉ cho chúng tôi biết rằng có một người thờ Ngài là ông Ngô-Văn-Chiêu, tức nhiên Đức Chí-Tôn muốn thâu Ông làm Giáo-Tông đầu tiên đó. Có một điều lạ-lùng suy-nghĩ không ra nguyên-cớ là Đức Chí-Tôn biểu Bà Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu may sắc-phục Giáo-Tông cho Người, kỳ hạn trong mười ngày Người sẽ được lên làm Giáo-Tông.

Trong thời-gian mười ngày, chỉ có mười ngày mà thôi! Chúng tôi không hiểu nguyên-cớ nào Ông Ngô-văn Chiêu không hưởng được điạ vị ấy. Ông Ngô-Văn-Chiêu là một vị Phủ, Đốc Phủ-sứ buổi nọ, ở tại Hà-Tiên, do nơi Cơ bút, Đức Chí-Tôn đến với Người và thâu Người làm Môn-Đệ đầu tiên hết, là Người được Đức Chí-Tôn xưng là “CAO ĐÀI TIÊN-ÔNG ĐẠI-BỒ-TÁT MA-HA-TÁT.”

Trong khi đó Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Đức Chí-Tôn chỉ nhà của Ông Ngô-Văn-Chiêu cho chúng tôi và nói:

- Ngô-Văn-Chiêu thờ Thầy lâu rồi, các con đến đó kết Bạn cùng nó, vì cớ cho nên chúng tôi mới đến Ông Ngô-Văn-Chiêu.

Một buổi nọ chúng tôi phò-loan học hỏi như thường ngày. Đức Chí-Tôn kêu chúng tôi và Đức Cao Thượng-Phẩm phải đi vô trong Chợ Lớn, đến tại nhà của Đức Quyền Giáo-Tông của chúng ta bây giờ là Ông Lê-Văn Trung. Buổi nọ Ông Lê-Văn-Trung đang làm Thượng nghị-Viện. Hội-đồng Thượng-Nghị-Viện chẳng khác bây giờ là một vị Tổng-Thống đời Pháp-thuộc. Chức Nghị Viện lớn lắm! Ông là người Nam làm đến bực đó thôi; mà nghe ra Ông là người quá sức đời, Tôi với Đức Cao Thượng-Phẩm không hạp chút nào! Nhứt định không làm điều đó được, nghe danh quá đời, chơi bời phóng túng không thể tả hết; buổi chúng tôi ôm Cơ đến nhà Ngài đặng Đức Chí-Tôn độ Ngài. Khi vô tới nhà, thú thật với Ngài rằng:
- “Chúng tôi được lịnh của Đức Chí-Tôn dạy Đạo, Anh tính sao Anh tính !”

Ngộ quá chừng quá đỗi. Ông biết Đấng đó hơn chúng tôi biết: lo sắp đặt bàn ghế, sửa-soạn buổi phò loan; rồi thì chúng tôi tiếp rước Ông, độ Ông, bắt Ông Nhập-môn đủ hết; chúng tôi không hiểu Ông có tin nơi Đức Chí-Tôn hay không?

Có khi tưởng Ông không tin nơi Đức Chí-Tôn nữa chớ! Trong nhà Ông có nuôi một người con nuôi tên là Thạnh còn nhỏ độ 12, 13 tuổi gì đó. Hai Cha con kiếm đâu ra được một cây Cơ không biết. Vái Đức Chí-Tôn rồi cầu Cơ.

Khi phò-loan, thằng nhỏ kia cầm đến cây Cơ thì ngủ, ông thì thức, Cơ thì chạy hoài.
Đức Chí-Tôn dạy Ông nhiều lắm, không biết dạy những gì. Ông hỏi thì Đức Chí-Tôn trả lời, chỉ có hai người biết với nhau mà thôi. Từ đó Ông mới tin nơi Đức Chí-Tôn.

Từ khi Đức Chí-Tôn đến độ Đức Quyền Giáo-Tông rồi mới xuất hiện ra Hội-Thánh. Nếu chúng tôi làm chứng thì chúng tôi có thể nói rằng: Do nơi Đức Quyền Giáo-Tông mới xuất hiện ra Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài đó vậy.

Ngôi vị của Ông Saint-Pière, Giáo-Hoàng của Thiên-Chúa-Giáo ở La-Mã như thế nào thì ngôi vị của Đức Quyền Giáo-Tông ngày nay cũng thế. Bởi vì chính mình Đức Chí-Tôn đến thâu Ngài, biểu Ngài lập thành Hội-Thánh. Ngài đi đến đâu, Tôi và Đức Cao Thượng-Phẩm theo phò-loan để Đức Chí-Tôn thâu Môn-Đệ, thâu được bao nhiêu thì giao cho Đức Quyền Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt giáo-hóa, chính do nơi Ngài cầu khẩn Đức Chí-Tôn thâu Môn-Đệ. Ngài luôn luôn đi các nơi để phổ-độ chúng sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo. Đức Chí-Tôn sai hết chúng tôi, tức Thập Nhị Thời Quân đi phò-loan cùng hết, không chỗ nào không có Cơ bút:

Người thì xuống miền Tây, người đi miền Trung, đi cùng hết. Thâu Môn đệ xong, Thầy dạy chúng tôi về Tây ninh mở Đạo. Với hai bàn tay trắng, không có một miếng đất cắm dùi làm sao mở Đạo?

Khi đó Đức Chí-Tôn thâu Ông Nguyễn-Ngọc Thơ tức là Phối-Sư Thái Thơ Thanh làm Môn-Đệ, Thái Thơ Thanh tức là bạn chí-thân, tức là chồng của Bà Nữ Đầu-Sư Lâm Hương Thanh. Thành thử mỗi người đều có Thiên mạng nơi mình mà không ai biết, chính Bà là người cầm đầu Nữ-phái đó vậy. Đức Chí-Tôn thâu rồi mới biểu hai vợ chồng Ông Thái Thơ Thanh vào mượn Chùa Từ Lâm Tự ở Gò-kén đặng mở Đạo; Chùa Từ-Lâm chưa xong gì hết, có Chánh điện, còn Đông-lang, Tây-lang thì chưa có, đằng này mấy Anh lớn họp nhau xuất tiền ra làm cho xong.

Đến ngày rằm tháng mười năm Bính-Dần thì mở Đạo, chúng tôi gởi Đơn lên Chánh-phủ Pháp xin mở Đạo công-khai, trong đơn có kể tên những người Môn-Đệ đầu tiên. Sau khi mở Đạo nơi Chùa Gò-kén, tức là Chùa Từ Lâm-Tự. Người cầu Đạo càng ngày càng đông. Người Pháp buổi nọ sợ chúng tôi làm loạn, nên xúi-giục Hoà Thượng Giác-Hải đòi chùa ấy lại, đuổi chúng tôi đi cho hết mở Đạo; đồng thời người Pháp bắt đầu làm khó Đạo, hăm he các Chức-sắc, họ lập hồ-sơ đen để trừng-trị những người theo Đạo.

Riêng phần Bần-Đạo là Công-chức, khi vâng lịnh Đức Chí-Tôn đến Chùa Gò-kén mở Đạo, Bần-Đạo có xin phép nghỉ sáu tháng, đến chừng trở lại làm việc người ta không cho Bần đạo ở Nam-Việt nữa, đổi Bần-Đạo lên Kiêm Biên, tức Nam-Vang (xứ Cam-Bốt bây giờ).

Nơi đó Bần-Đạo vừa làm việc vừa lo mở Đạo, mục đích là làm thế nào cho Đạo chóng thành-tựu. Riêng phần mấy Anh lớn trong hàng phủ, huyện, đã có chức phận làm quan triều Pháp bị người doạ nạt đủ điều. Nếu theo Đạo Cao-Đài người ta sẽ bắt bỏ tù, người ta còn hăm-he con cái Đức Chí-Tôn sẽ bị Chánh-quyền Pháp triệt-để bắt bớ nữa, vì cớ cho nên mấy Anh phải sợ, một cái sợ rất nên phi-lý. Nhưng người Pháp buổi nọ cầm quyền sanh-sát trong tay, hễ thuận thì còn, nghịch thì chết, không còn ai lạ gì việc đó nữa. Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn buổi nọ chỉ còn lại có ba người. Ba người ấy thiên-hạ gọi là ba người lỳ. Ba người ấy là:

Đức Quyền Giáo-Tông, Đức Cao Thượng-Phẩm và Bần-Đạo đây.
Chúng tôi nhứt trí quyết làm cho thành Đạo, cho vừa lòng Đức Chí-Tôn, bởi vì không biết duyên cớ nào chúng tôi hiểu rằng: chúng tôi phải báo hiếu cho Đức Chí-Tôn và tự-nhiên quyền-năng thiêng-liêng giúp chúng tôi biết Đạo Cao-Đài này tương-lai sẽ cứu quốc, cứu chủng tộc và giống-nòi, chúng tôi hiểu rõ-rệt như thế, nên ba Anh em chúng tôi nhứt định hy-sinh kiếp sống mình, hy sinh cả hạnh-phúc để tạo cho nên tướng, nhứt quyết như thế nào, bất kể sống chết. Cả ba chúng tôi, nhứt định phải làm cho Đạo Cao-Đài thành, thành đặng cứu khổ, cứu chủng tộc chúng tôi. Sự quyết chí về tương-lai như thế, nên phải bỏ Chùa Gò-kén, tức là chùa Từ-Lâm Tự, để về đây, về làng Long-Thành Tây-Ninh để lập nên Tòa-Thánh bây giờ đây.

Trong lúc chinh-nghiêng như vậy, tiếc thay Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Cao Thượng-Phẩm phải về cảnh Thiêng-liêng trước, còn lại có một mình Bần-Đạo, Bần Đạo thấy rằng nạn nước nguy-vong, thân nô-lệ ra với hai bàn tay trắng, bắt gió nắn hình, muôn điều khổ-não, lập nghiệp Đạo cho thành, cho con cái Đức Chí-Tôn. Hôm nay Đạo là máu, là xương của con cái Chí-hiếu của Ngài dựng thành đó vậy.
Ba mươi năm khổ não, toàn con cái Đức Chí-Tôn lập nghiệp cho Đạo hôm nay đặng thành tựu. Ngó dĩ-vãng, ngó đương nhiên bây giờ xa cách như Trời với vực. Yếu buổi nọ, so-sánh mạnh hôm nay. Nhục buổi nọ so-sánh vinh-hiển hôm nay, giá-trị xa nhau thiên-lý.

Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn từ khi lập Đạo chịu khổ-hạnh truân-chuyên, chịu nhục-nhã, chịu mọi điều thống-khổ, thì hôm nay được vinh hiển như thế. Bây giờ Đạo nên hình là cả một khối tâm-đức vô biên của con cái Đức Chí-Tôn tạo nên tướng”
(ĐHP:13-10-Giáp-Ngọ -1954)

CHƯƠNG I

I - THẬP NHỊ THỜI QUÂN
A - PHẦN GIỚI THIỆU:
“Hiệp-Thiên-Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp-Thiên-Đài còn”.
“Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng quản, tả có Thượng-Sanh, Hữu có Thượng-Phẩm, phần của HỘ PHÁP Chưởng quản về Pháp” (PCT)
Dưới quyền HỘ-PHÁP có 4 vị:
-Tiếp-Pháp
- Khai-Pháp
- Hiến-Pháp
- Bảo-Pháp

Thượng-Phẩm thì quyền về Đạo, dưới quyền là:
- Tiếp-Đạo
- Khai-Đạo
- Hiến-Đạo
- Bảo-Đạo

Dưới quyền Thượng-Sanh có 4 vị Thời quân chi Thế:
- Tiếp-Thế
- Khai-Thế
- Hiến-Thế
- Bảo-Thế

Cả thảy 12 vị Thời-quân còn gọi là Thập Nhị Chơn Quân

NGƯỠNG NGUYỆN
THẬP NHỊ THỜI QUÂN


Ngưỡng nguyện: THẬP NHỊ THỜI QUÂN thể đắc háo sanh Đại đức: Bác-ái, Công-bình, vận chuyển Huyền diệu Thần bút, thường giáng oai linh hộ trì bố hoá chư Đệ-tử trí não quang minh, tinh thần mẫn huệ, thừa kế đại chí bảo thủ chơn truyền, thật hành NHƠN NGHĨA tế độ chúng sanh hiệp đồng chủng tộc, huynh đệ nhứt gia, cộng hưởng thái bình, thanh nhàn hạnh phước.
(Lòng sớ dâng cúng Thập Nhị Thời Quân)
              
B - TINH THẦN CAO THƯỢNG CỦA ĐẠI-ĐẠO
Lời phủ dụ của ĐỨC HỘ PHÁP trong dịp các Cơ quan chúc xuân Đức Ngài, Ngày 1 tháng Giêng Ất Mùi.
 “Thưa cùng Thánh Thể Đức Chí-Tôn, các Chức sắc Thiên Phong Nam, Nữ Lưỡng Phái, con cái yêu dấu của Đại Từ Phụ, hôm nay Bần Đạo lấy làm hân hạnh nhờ hồng ân của Đức Chí-Tôn ban bố một kiếp sống hữu hạnh, hữu phước được ngộ Đạo và Qua có một điều cần nói cho toàn con cái Đức Chí-Tôn hiểu rõ.

Trước khi mở Đạo Đức Chí-Tôn có nói: Nếu ngày nào có mở một nền Tôn Giáo nào mà cái hạnh phúc ấy ta hưởng đặng bao nhiêu đi nữa cũng chưa có thú vị, vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn mới lấy Đạo nhà của chúng ta, Đạo Tổ Phụ của chúng ta, đặng lập nên nền Tôn Giáo Quốc Tế, cái vui sướng của Bần Đạo hơn hết là chỗ đó. Dầu cho làm một vị Giáo chủ cho nền Đạo Quốc Tế đi nữa thì xương thịt máu mủ tâm hồn, khí phách, chí hướng của Bần Đạo đều là diệt hết hỏi chẳng nhờ cả ân đức của Tổ Tiên ta để lại thì làm sao hôm nay cả toàn một sắc dân nhỏ yếu nơi cõi Đông Á nầy hưởng được một đặc ân vô đối? Nội bao nhiêu đó cũng thấy cả nòi giống ta phải can đảm hy sinh trọn kiếp sanh của mình đặng đền ơn tri ngộ của Đấng tối cao tối trọng ấy.

Các Bạn Hiệp-Thiên-Đài! Các Bạn đã có từ buổi ban sơ đến giờ, Đạo vừa mở là có các Bạn, các Bạn đã chia sớt mọi điều từ trong cảnh khổ cho đến cảnh vinh quang. Hôm nay không ai biết định hướng của Đạo hơn các Bạn, khi nãy Tiếp-Đạo có nhắc lại Bần-Đạo đã hai phen xuất dương sang Âu và Á làm cho uy tín của Đạo càng thêm cao trọng.

Các Bạn ôi! Chúng ta chỉ có hy sinh một kiếp sống đặng làm con hạc vô tội, con hạc hòa bình, biết đâu Đức Chí-Tôn cũng đem con hạc của Ngài để thế cho con bồ câu trắng mà thiên hạ gọi là con bồ câu hòa-bình, nhưng không hòa-bình gì hết, thân làm con hạc thiêng liêng ấy buộc ta phải chở Đạo đi toàn khắp mặt địa cầu. Nếu một chủng tộc nào, một sắc dân nào ở nơi mặt địa cầu nầy chưa biết Đạo là cái lỗi do nơi ta đó vậy.

Ấy vậy cái phận sự của ta tuy đã khổ não cực nhọc mà Bần-Đạo vẫn chưa thỏa nguyện về tinh thần, sự cứu khổ an ủi thiên hạ đương nhiên bây giờ các Bạn đã thấy nhơn loại đau khổ một cách quá quắt không thể tả đặng. Đau khổ về xác thân, đau khổ về tinh thần, các Bạn đã nhờ Đức Chí-Tôn giao cơ Cứu khổ ấy thì cần phải tìm phương giải khổ cho nhơn loại, thoản như buổi ban sơ Bần-Đạo không có lãnh trách vụ đặc biệt của Đạo thì các Bạn chắc cũng không để tâm cho lắm.

Đến hôm nay dầu cho thân già nầy không còn năng lực hoạt động chịu cả khổ cực như trước nhưng vẫn cố gắng, thì Bần-Đạo thấy hiển nhiên rằng: trong Cửu nhị ức Nguyên nhân họ không phải ở trong nước Việt-Nam mà thôi, ở khắp nơi trong các chủng tộc đều có họ.

Tội nghiệp thay! Bóng Đạo vừa đi tới đâu, mặc dầu Thánh Thể Đức Chí-Tôn chưa có làm phận sự mà cả tinh thần lẫn hình thể của họ đều sáng suốt chói lọi vậy.

Họ trông đợi bóng cờ cứu khổ của các Bạn lắm! Cố gắng thêm các Bạn! Vì trong đạo binh thiêng liêng theo hộ giá Đức Chí-Tôn từ khai Thiên lập Địa tới giờ, do theo Thánh Giáo Đức Chí-Tôn có nói: Bần-Đạo là Ngự Mã Thiên Quân, phẩm tước quyền hành cao trọng ấy phải làm thế nào? Để dấu hỏi!

Ta có đền đáp, có thể thay thế hình ảnh Đức Chí Tôn đặng làm phận sự của Ngài hay không? Hay một ngày kia trở về Thiêng Liêng phải thẹn khi ngó mặt Ngài. Bần Đạo nhứt định một hơi thở cuối cùng dầu cho thế nào Bần Đạo cũng quyết tùng mạng lịnh của Đại Từ Phụ làm cho con cái của Ngài đặng giảm bớt khổ não. Tưởng khi các Bạn cũng đồng chí hướng với Bần Đạo đó vậy.

Thưa Chư Chức Sắc Thiên Phong Nam, Nữ Lưỡng Phái đang làm việc thay thế hình ảnh của Đức Chí-Tôn, Bần Đạo xin cả Thánh Thể hãy ngó đến con cái của Ngài đang đau khổ, dốt nát về tinh thần đạo đức, họ thiếu cả tinh thần định phận cho họ, không phải định phận mà thôi, lại thiếu cả tinh thần bảo vệ cái sống của họ nữa, chúng ta ngó thấy cần phải dạy dỗ dìu dắt và an ủi họ.

Ấy vậy cả thảy Thánh Thể Đức Chí-Tôn thay thế hình ảnh của Ngài đang lo lập vị cho con cái của Ngài, hình ảnh bóng dáng của Chức Sắc Thiên Phong thay thế hình ảnh Đức Chí-Tôn không có nghĩa lý gì hết. Trọng hệ hay chăng là cái giá trị đối phẩm Thiêng Liêng cùng Chư, Thần, Thánh, Tiên, Phật mà thôi. Bần Đạo ước mong một đứa em của chúng ta lập nên phẩm vị cho thoát khỏi cái kiếp luân hồi, nếu được như vậy thì công nghiệp của chúng ta rất vĩ đại đó vậy. Huống chi giờ phút nầy cả Thánh Thể Đức Chí-Tôn đem đường cho nó, nâng đỡ nó đưa vào phẩm vị Thiêng Liêng Thần, Thánh, Tiên, Phật thì Bần Đạo tưởng không có danh dự nào bằng, không có phận sự cao trọng nào hơn.

Giờ phút nầy nó đã chịu khổ não nhiều rồi, đau khổ Đời, lại kế tiếp đau khổ Đạo, hôm nay Thánh Thể của Đức Chí-Tôn yêu ái và gởi gấm cho ta lãnh sứ mạng dìu dắt đoàn em đó vậy. Có một phương thế hay ho hơn hết mới có thể bảo vệ ta khỏi lạc lầm, phận sự ta đối đãi cùng đoàn em có một phương pháp duy nhứt là chỉ thương yêu mà thôi. Dầu cho sự thương yêu ấy có ra vẻ dại dột, ngu khờ nhục nhã thế nào đi nữa chúng ta cũng chỉ biết thương yêu mà thôi, sự thương yêu đủ với chúng ta làm, mỗi mỗi đều không cần tìm phương pháp nào khác.

Các con Phước-Thiện! Hội-Thánh Phước-Thiện của mấy con tức nhiên Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Đài. Chúng Qua có mười mấy người, chúng Qua không có thế gì an ủi sự thống khổ của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn cho đặng.

Chúng Qua có mười mấy người, biến thân ra mấy con, mấy con là hiện thân của chúng Qua, thay thế cho chúng Qua đặng tìm phương giải khổ cho thiên hạ làm cho ngọn Cờ Cứu Khổ của Đức Chí-Tôn giao cho chúng Qua đặng thiệt hiện ra mãi mãi.

Năm nay là năm bí yếu hơn hết mà gọi là năm hòa bình, mấy em thôi cũng tin bướng như vậy, tin hòa bình đi, hòa bình với đầu óc của mấy em, hòa bình là buổi nào mấy em an ủi cả thiên hạ đau khổ đương nhiên bây giờ đó là hòa bình của mấy em.

Thay thế hình ảnh của chúng Qua giải khổ cho thiên hạ, mấy em ngó lụng lại qua khỏi cơn thử thách của nước nhà chủng tộc rồi, trước chúng em sẽ thấy một trường thảm khổ không thể tả đặng. Nào là tật nguyền và bịnh hoạn, nào khổ não, nào truân chuyên đủ mọi điều.

Tình thế đương nhiên bây giờ, mấy em thấy trước mắt là đồng bào Bắc Việt, tội nghiệp thay! Họ bỏ cả gia nghiệp vào Nam, Qua chỉ sợ một điều trong cơn buồn tủi của họ, rồi họ sanh ra chán nản, mấy em hãy vì thiên hạ nâng đỡ binh vực giúp sức cho sự sống còn của họ, Qua sợ không biết thương rồi bạc đãi khi thị, thì nòi giống ta tủi nhục biết bao nhiêu, Qua gởi cho mấy em cái phận sự biến thân ra chúng Qua đi an ủi họ từ nhà, từ người trong cơn khổ não.

Mấy con trong Phục Quốc Hội! Những điều Thầy làm không được. Mấy con thay Thầy làm, Quân Đội cũng vậy, Phục Quốc Hội mấy con, không lẽ giờ phút nầy mấy con biểu Thầy đi ra cỡi ngựa cầm cương đặng làm thế các con? Phận sự tối yếu, tối trọng cứu dân, cứu nước, mười mấy năm các con đã hy sinh biết bao xương máu cho Tổ quốc giống nòi. Hôm nay có thể mong ước như Thầy đã mong ước từ vĩ tuyến 17 đổ vô hay đổ ra đối với tinh thần của ai đã chia rẽ, chớ tinh thần của mấy con không chia rẽ buổi nào hết. Bởi ngọn cờ Cứu khổ của mấy con, ngọn cờ Bảo Sanh Nhơn Nghĩa của mấy con đã đến nơi nào thì nơi đó gia nghiệp Thiêng Liêng của mấy con. Thầy chỉ sợ mấy con không đến nơi nào thì nơi ấy còn khổ não, thầy chỉ sợ bao nhiêu đó mà thôi, còn sự thắng lợi của cơ quan Phục Quốc Hội không lẽ Thầy đi ra làm chánh trị đương đầu với thiên hạ. Thầy là nòi giống Việt Nam, tranh đấu đặng đem tương lai cho đất Việt. Có nhiều điều các con làm đặng mà Thầy không làm đặng, các con có nhiều phương làm mà Thầy không có phương làm, thành thử thật ra từ trước đến giờ sự thâu hoạch thắng lợi đều do công nghiệp của các con chớ chẳng phải của Thầy.

Thầy bất quá chỉ có lời nói mà thôi. Đường lối của các con đi được như hôm nay là dài lắm rồi, đã được hai phần đường. Các con cố gắng thêm và sáng suốt làm thế nào cho phận sự Thiêng Liêng của các con tượng trưng hình ảnh nòi giống của các con. Các con đã tránh đặng một điều là thiên hạ cám dỗ mua chuộc các con, nên Thầy đã yên tâm, thấy Phục Quốc Hội không có cái năng lực nào mua chuộc được, nên Thầy gởi gấm cơ quan chuyển thế một phần cho tay mấy con. Thầy để lời ban khen đã mấy năm qua mọi sự đã đem thắng lợi rất nhiều, nhứt là có một điều làm cho Thầy vui hứng là cơ quan dân vụ của các con nó phù hạp thích ứng với Thầy hơn hết, các con cố gắng với đường lối dân vụ.

Đồng bào Bắc Việt! Bần Đạo đã thường nói: Mảnh đất gấm vóc của Tổ Tiên ta để lại từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, Tổ Phụ ta mua chuộc biết bao nhiêu xương máu dành để cho nòi giống. Không có mảnh đất nào là không phải của chúng ta, nên nhớ điều đó, đừng vì di cư ngoài Bắc vô rồi buồn rầu, không lo rồi sống đặng lo làm nghề nghiệp, phải cố gắng thêm nhiều hơn nữa, từ trước đến giờ lịch sử để lại chúng ta đã ngó thấy bằng cớ hiển nhiên, hễ mỗi khi có quốc nạn là mỗi khi chúng ta hiệp chủng đó vậy, để người Bắc kẻ trong Nam không biết nhau là gì, nghe giọng khác nhau, những người dốt nát tưởng đâu là người ngoại quốc, cái đó lấy làm nguy hiểm hơn hết.

Hôm nay tình cờ chúng ta được một phương pháp hiệp chủng, cả thảy đồng bào Nam cũng thế, Bắc cũng thế cố tâm một điều cần yếu hơn hết là gây tình thân ái vô biên của nòi giống Tổ Phụ để lại trong đầu óc ta hôm nay có phương thế hiệp chủng cho mạnh mẽ khắn khít, dầu cho có cực nhọc cũng cố làm, sự làm kia nó sẽ lập lại như hồi nhị Chúa Tây Sơn buổi nọ, nó đi theo tấn tuồng thống nhứt Hoàng Đồ của Chúa Nguyễn khi xưa muốn thiệt hiện thống nhứt Hoàng Đồ thì nòi giống chúng ta phải hiệp chủng thống nhứt năng lực lại.

Hại thay! Có một điều khổ não hơn hết là từ ngày nền văn minh của Tổ Phụ ta, của Quốc Đạo ta bị thiên hạ chi phối muốn có sự phân tâm của nước, của chủng tộc, vì lẽ phân tâm ấy hôm nay mới có tình trạng nầy. Nếu không có Việt Minh thì vinh diệu cho quốc sử của chúng ta biết bao nhiêu.

Đồng bào Bắc Việt hãy nhớ nơi đây là đất địa của mấy người không phải mấy người ăn tạm ở nhờ, mà là ở trong gia đình Tổ Quốc. Vậy mấy người đừng buồn thảm, cố gắng hiệp chủng với nhau thì mới mong thống nhứt Hoàng Đồ trở lại.
Bần Đạo xin để lời cầu chúc toàn thể các con của Đức Chí-Tôn đó vậy.”

Nhiệm vụ trọng yếu của Hiệp-Thiên-Đài:
Đức Hộ-Pháp nói tiếp:
“Nếu Tôi không lầm, Cơ Bút đã cho Tôi biết các Bạn Hiệp-Thiên-Đài do nơi đâu sản xuất?

- Do để giữ quyền Thiêng-liêng nên mới có 12 vị Thời quân, Thập nhị Địa chi tức là cảnh Thiêng liêng vô hình của chúng ta”.

“Ngày nay từ Âu sang Á làn sóng văn minh tràn ngập khắp nơi, vật chất lấn át tinh thần, khiến cho nền luân lý cổ truyền cõi Á-Đông phải luân lạc bởi Hạ ngươn hầu mãn nên Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng-Đế dùng Huyền diệu Cơ bút lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ với Tôn chỉ Qui nguyên Tam giáo Phục Nhứt Ngũ chi.

- Lấy Nho-Tông Chuyển thế
- Lấy sự Thương-yêu làm phương-pháp thực hành chánh Đạo.
- Đức Chí-Tôn quyết cứu vớt những kẻ hữu căn thoát vòng khổ hải, tránh đoạ luân hồi hầu vui hưởng môt hạnh phúc vĩnh cữu."

Đức Ngài nói tiếp:
“Đức Chí-Tôn mở Tam-Kỳ Phổ-Độ này gọi là mở Cơ-quan tận độ chúng sanh tức nhiên là lập một khoa thi sang Tam chuyển tái phục Thiêng-liêng-vị nơi cảnh vô hình, mỗi chuyển tức nhiên mỗi khoa mục của các Đẳng chơn hồn cần phải thi đoạt vị: thăng hay đoạ.

Bởi cớ cho nên Đức Chí-Tôn gọi là trường thi công quả là vậy. Đức Chí-Tôn cho Hộ-Pháp và Thập Nhị Thời Quân đến cốt yếu để mở cửa Bí pháp ấy đặng cho vạn linh đoạt vị. Cả thảy đều hiểu rằng Đức Chí-Tôn buổi mới sơ khai, chưa tạo thiên lập địa, Ngài muốn cho vạn linh đặng hiệp cùng Nhứt linh của Ngài do quyền năng sở hữu của quyền hạn Thần linh.

Ngài vừa khởi trong mình quyết định thi hành điều ấy thì Ngài nắm cái PHÁP. Trước Ngài chỉ là Pháp, vì cớ cho nên ta để PHẬT tức nhiên là Ngài, kế thứ nhì là PHÁP. Hễ nắm Pháp rồi Ngài phán đoán vạn vật thành hình, Ngài muốn vạn vật thành hình tức nhiên TĂNG. Cả vạn linh đều đứng trong hàng Tăng. Ấy vậy Pháp là chủ của vạn linh. Bởi do nơi Pháp vạn linh mới chủ tướng biến hình, do nơi Pháp mới sản xuất vạn linh; cả huyền vi hữu hình Đức Chí-Tôn tạo Đạo do nơi Pháp. Chúng ta biết Pháp thuộc về hình thể của vạn linh, vì cớ cho nên Đạo giáo minh tả rõ rệt Tam châu Bát bộ thuộc về quyền Hộ-Pháp “Tam Châu Bát Bộ Hộ-Pháp Thiên Tôn” …

…Đức Hộ-Pháp đến cốt yếu đem Bát phẩm Chơn hồn thăng vị nhiều hoặc ít: có thể một đẳng cấp từ vật chất Hộ-Pháp đem lên thảo mộc; Thảo mộc đem lên thú cầm, thú cầm đem lên nhơn loại dĩ chí Phật-vị, Hộ-Pháp có thể chỉ định cho họ đặng. Bởi trong quyền ấy Đức Chí-Tôn nói trọng quyền thì trọng phạt; quyền hành nắm chẳng phải nơi mặt thế gian này mà thôi.

Hộ-Pháp và Thập Nhị Thời Quân không phải quyền tại thế gian này, quyền nơi cửa Đạo Cao Đài này, cũng không phải tại đây nữa. Bần-Đạo nói: đây là quyền Đạo Cao-Đài cả Thiêng-liêng hằng sống. (ĐHP: 1-9 Kỷ-Sửu)

Hệ trọng của Hiệp-Thiên-Đài:
Hiện trong Hội-Thánh có chia ra hai Đài hữu hình là Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài.

“Cửu-Trùng-Đài là cơ quan giáo hoá. Cửu-Trùng-Đài là Đời mà Hiệp-Thiên-Đài là Đạo, cho nên buộc Đời phải nương Đạo mà lập ra thiệt tướng, mới mong độ rỗi nhơn sanh chuyển cơ tạo hoá.

Cái hệ trọng là nếu không có Hiệp-Thiên-Đài thì không có Đạo. Trời đất qua chớ Đạo không qua, nhơn loại tuyệt chớ Hiệp-Thiên-Đài không tuyệt..

Hiệp-Thiên-Đài là tay vén màn bí mât cho sự hữu hình và vô vi hiệp làm một, tức là tay phàm làm cho Đạo với Đời tương đắc vậy. Vì cớ ấy mà Thầy giáng cơ buộc cả chư Môn-đệ Thầy chẳng khi nào đặng phép trái mạng lịnh của Thầy.”

Dưới đây Thầy đã nói rõ:
C - Thập Nhị Thời Quân là gì?
Thập Nhị Thời Quân là mười hai vị Thánh bên Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền của Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh Chưởng-quản.

“Thập Nhị Thời Quân đối với Thập nhị thời Thần. Các chơn-linh đến bực nào cũng phải do nơi ấy mà xuất hiện, như Thầy nắm trọn Thập nhị thời Thần vào tay rồi mới khai thiên lập địa:
- Thiên khai ư Tý.
- Địa tịch ư Sửu.
- Nhơn sanh ư Dần.

Các chơn-linh dầu nguyên-nhân hay là Hóa nhân, hễ chịu hữu-sanh thì đều nơi tay Thập Nhị Thời Quân mà siêu đọa, cũng như Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ Thập nhị Thời thần mà thăng giáng.

Thập Nhị Thời Quân tức là Thập nhị thời Thần tại thế đó vậy. Thập Nhị Thời Quân chia ra làm ba chi: Pháp, Đạo, Thế.

Pháp-Chánh-Truyền dạy:
* HỘ-PHÁP chưởng-quản về Pháp (chi PHÁP) dưới quyền có 4 người:
Hậu là Bảo-Pháp (Bảo-Pháp Nguyễn Trung Hậu)
Đức là Hiến-Pháp (Hiến-Pháp Trương Hữu Đức)
Nghĩa là Khai-Pháp (Khai-Pháp Trần-Duy Nghĩa )
Tràng là Tiếp-Pháp (Tiếp-Pháp Trương văn-Tràng)

Chi PHÁP lo bảo-hộ luật Đạo và luật đời, chẳng ai qua luật mà Hiệp-Thiên-Đài không biết.
* THƯỢNG-PHẨM lo về phần Đạo (chi ĐẠO) dưới quyền có 4 người:
Chương là Bảo-Đạo (Bảo-Đạo Ca-Minh Chương)
Tươi là Hiến-Đạo (Hiến-Đạo Phạm-văn Tươi.)
Đãi là Khai-Đạo (Khai-Đạo Phạm-Tấn Đãi)
Trọng là Tiếp-Đạo (Tiếp-Đạo Cao-Đức Trọng)

Chi Đạo lo về phần Đạo nơi Tịnh-Thất, mấy Thánh-Thất, đều xem-xét chư Môn-đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khắc-khổ cho đặng.

* THƯỢNG-SANH thì lo về phần Đời (chi THẾ) dưới quyền có 4 người:
Bảo-Thế thì Phước (Bảo-Thế Lê-Thiện Phước)
Hiến-Thế thì Mạnh (Hiến-Thế Nguyễn văn Mạnh)
Khai-Thế thì Thâu (Khai-Thế Thái-văn Thâu)
Tiếp-Thế thì Vĩnh (Tiếp-Thế Lê-thế-Vĩnh)

Xem cách Thầy ban Pháp-Chánh-Truyền như trên cũng đã thấy cái lý Âm Dương trong ba Chi rồi vậy. Hai chi Pháp và Đạo (thuộc về Đạo) thì Thầy đặt tên các vị ở trước, đặt phẩm-tước sau, chỉ duy chi Thế là Đời, nên đặt tước-phẩm ở trước và tên các vị ở sau. Ấy là ngay trong một cơ-quan cũng phải đủ lý Âm Dương tương-hiệp. Có nghĩa rằng Đạo thì lo tô bồi Nhơn tước để khi đến với Thiên-Đạo thật sự chỉ là một sự hợp thức-hóa, mượn Thiên-tước làm con đường trở về Thiêng-liêng-vị mà thôi.

Còn Đời trọng cái Thiên-tước mà ít khi trau giồi Nhơn-tước. Nếu bản thân không tự trau thì khi có Thiên Tước rồi, cái Nhơn Tước không trau giồi kịp.

Bần Ðạo đã nói: “Thập Nhị Thời Quân, Thượng-Sanh, Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp gọi là Ngự Mã Quân của Chí-Tôn. Phật Mẫu sợ Chí-Tôn tạo Ðạo không nên phải tái kiếp, nên Bà phải cho theo xuống Thập Nhị Thời Quân, phẩm tước cao trọng thay, nhưng không có gì trước mắt Phật Mẫu, tất cả con cái của Người vinh hiển sang trọng đến đâu, Người càng rầu càng lo sợ, e sang trọng ắt tự kiêu, biết đâu không hại cho tương lai vô biên của họ vì quyền tước. Cả thảy lấy triết lý ấy để răn mình. Còn bây giờ Bần Ðạo phải kết luận như sau đây: Về tới cửa của Mẹ rồi, coi như đồng sanh, đồng tử, cốt nhục tương thân, đừng để tâm khinh trọng tôn ti, làm mất khuôn mẫu của Mẹ hằng mong ước, cả thảy nam nữ cũng vậy phẩm vị bên Cửu Thiên Khai Hóa không giống như ở đây, mấy em dầu có tâm thương mến ở bên kia cũng phải nhớ nơi Bà Mẹ, ở sao cho xứng đáng là con đối với Mẹ, là anh em đối với anh em cốt nhục của mình chung một gia đình, là phải đạo."

1 - Thập Nhị Thời Quân dưới quyền Hiệp-Thiên-Đài:
Thầy dạy “Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo. Thầy cho các con biết: Hễ trọng quyền ắt có trọng phạt”.

Đức Hộ-Pháp nói: “Còn nhứt Phật, nhị Tiên, Thập nhị Thánh tại Hiệp-Thiên-Đài thì là các Đấng hầu-hạ bên Thầy lúc trước, nay tuy xuống thế cũng cứ giữ phận hầu Thầy mà thôi”.

Thập Nhị Thời Quân đây là thuộc về cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài, là một trong ba cơ-quan trọng yếu của nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Bởi:

“Hiệp-Thiên-Đài là nơi chuyên về Đạo pháp, bảo hộ luật Đời và luật Đạo, như Ngọc-Hư Cung nắm Thiên Điều tức là Ngọc-Hư-Cung tại thế mà Hộ-Pháp Chưởng quản.

“Hiệp-Thiên-Đài là cửa Trời đó vậy. Hiệp là chung với, Thiên là trời; hiệp cùng Trời tức là cửa vào đường trời, cái thang bắc cho phàm đến cùng Trời. Trong Hiệp-Thiên-Đài có Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh”

Ngày khai Đại-Đạo tại Từ-Lâm-Tự khởi ngày 15 tháng 10 năm Bính-Dần (dl 19-11-1926) Thầy ban Pháp-Chánh-Truyền cho Cửu-Trùng-Đài trước.

Qua ngày 12-1 Đinh-Mão Đức Chí-Tôn mới lập Pháp-Chánh-Truyền phong cho danh-sách 12 vị Hiệp-Thiên-Đài vào phẩm Thập Nhị Thời Quân.

Tam đầu chế Hiệp-Thiên-Đài
(Xếp theo thứ-tự của 12 con Giáp)
Thượng-Phẩm
Fr: Chef du Domaine Spirituel
Cao-Quỳnh-Cư (1888-1929)
Ngày sanh: năm Mậu-Tý (1888)
Ngày qui:: 1-3 Kỷ-Tỵ (dl 10-4-1929)

Thượng-Sanh
Fr: Chef du Domaine Temporel
Cao-Hoài-Sang (1901-1971)
Thọ 70 tuổi.
Ngày sanh: 29-7 Tân-Sửu (dl 11-9-1901)
Ngày qui:: 26-3 Tân-Hợi (dl 24-1-1971)
Hộ-Pháp
Fr: Chef suprême du Temple de l’Alliance Divine
Thế danh: Phạm-Công-Tắc
 (1890-1959) Thọ 70 tuổi.
Hiệu ÁI-DÂN
Ngày sanh: 5-5 Canh-Dần (1890)
Ngày qui: 10- 4 Kỷ-Hợi.(1959)

Đức Hộ-Pháp là vị Giáo-chủ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Đứng đầu trong cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài. Ba vị trên có Tuổi lần lượt là Tý, Sửu, Dần.

2 - Thập Nhị Thời Quân ứng với Thập Nhị Thời Thần
Thập Nhị Thời quân tức là tuổi 12 vị này ứng với 12 con Giáp là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.Tuy tuổi tác các vị lớn nhỏ khác nhau, nhưng đặc biệt không ai trùng tuổi với ai tất cả; xếp theo thứ-tự 12 chi như trên:
Khai-Pháp
Fr: Réformateur Juridique
Trần-Duy-Nghĩa (1888-1954)
Ngày sanh: 17-8 Mậu-Tý (dl 11-9-1888)
Ngày qui 22-1 Giáp-Ngọ (dl 24-2-1954)
Khai-Đạo
Fr: Réformateur Religieux
Phạm-Tấn-Đãi (1901-1976)
Ngày sanh: 22-7 Tân Sửu (1901)
Ngày qui 19-2 Bính-Thìn (19-3-1976)
  
Hiến-Pháp
Fr: Rénovateur Juridique
Trương-Hữu-Đức (1890-1975)
Ngày sanh: 2-2 Canh-Dần (1890)
Ngày qui 15-12 Ất-Mão (dl 15-02-1975)
Tiếp-Thế
Fr: Législateur Temporel
Thế danh: Lê-Thế-Vĩnh
Ngày sanh: Quí-Mão (1903)
Ngày qui: bị mất tích. không biết ngày qui Thiên.
    
Bảo-Pháp
Fr: Conservateur Juridique
Nguyễn-Trung-Hậu (1892-1961)
Ngày sanh: Nhâm-Thìn (1892).
Ngày qui: 7-9 Tân-Sửu (dl 16-10-1961) lúc 16g50
Tiếp-Pháp
Fr: Législateur Juridique
Trương-văn-Tràng (1893-1965)
Ngày sanh: 25-10 Quí-Tỵ (1893)
Ngày qui: 15-1 Ất-Tỵ (1965)
Hiến-Thế
Fr: Rénovateur Temporel
Nguyễn-văn-Mạnh (1894-1970)
Ngày sanh: Giáp-Ngọ (1894)
Ngày qui:: 15-1 Canh-Tuất (1970)
Bảo-Thế
Fr: Conservateur Temporel
Lê-Thiện-Phước (1895-1975)
Ngày sanh: Ất-Mùi (dl 4-6-1895)
Ngày qui:17-3 Ất-Mão (dl 28-4-1975)
Hiến-Đạo
Fr: Rénovateur Religieux
Phạm-văn-Tươi (1896-1976)
Ngày sanh: Bính-Thân (1896)
Ngày qui: 8-4 Bính-Thìn (1976)
Hiệu: Lạc-Nhân
Tiếp-Đạo
Fr: Législateur Religieux
Cao-Đức-Trọng (1897-1958)
Ngày sanh: 20-10 Đinh-Dậu (1897)
Ngày qui: 23-5 Mậu-Tuất (1958)
Bảo-Đạo
Fr: Conservateur Religieux
Ca-Minh-Chương (1850-1928)
Ngày sanh: Canh-Tuất (1850)
Ngày qui: 19-10 Mậu-Thìn (dl 30-11-1928)
Khai-Thế
Fr: Réformateur Temporel
Thái-văn-Thâu (1899-1981)
Ngày sanh: Kỷ-Hợi (1899)
Ngày qui: 2-6 Tân-Dậu (1981)

Trong số 12 Thời-quân thì người lớn tuổi nhất là Ngài Bảo-Đạo Ca-Minh Chương tuổi Canh-Tuất (1850)

Người nhỏ nhất là Tiếp-Thế Lê-Thế-Vĩnh tuổi Quí Mão (1903) đứng cuối hàng Thiên-can mang chữ Quí.

Về Thập nhị địa chi thì Pháp là Khai, nên Khai-Pháp Trần-Duy-Nghĩa đứng đầu tuổi Tý (Mậu-Tý), Khai-Thế Thái-văn-Thâu tuổi Hợi (Kỷ Hợi), đứng cuối hàng địa chi (Hợi)

Về phép Thiên can chuyển hóa Hiến-Thế là Giáp, Tiếp-Thế là Quí.
Về phép thu-liễm của Địa chi Khai-Pháp là Tý, Khai-Thế là Hợi.
Về mặt siêu hình Đạo biến sinh ra Pháp, còn về mặt hữu-vi mỗi cái chi có trật-tự, có định-vị tức là Pháp trị, Đạo ở giữa đó là Phật.

Ngài Bảo-Pháp cầu hỏi Thầy về Thiên-mạng của Thập Nhị Thời Quân ra sao?
 (tháng 7 Mậu-Thìn dl 8-1928).

Đức Chí-Tôn giáng cơ trả lời:
 “Trọng lắm! Mà bây giờ chưa có chi cho lắm, chớ Thập Nhị Thời Quân ngày nào có công việc rồi, các con sẽ thấy công việc của các con lớn-lao là dường nào! Rất đỗi ở thế một viên chức nhỏ như Chủ tỉnh còn nhiều quyền hành rộng lớn thay! Huống chi các con là BẢO, HIẾN, KHAI, TIẾP cả toàn cầu, thì trách-nhậm phải làm sao thì các con cũng hiểu. Nhưng Thầy chưa phân định vì các con chưa tới kỳ hành sự đó”.

Sự mầu nhiệm của THẬP NHỊ THỜI QUÂN:
Thuở mới Khai-Đạo tại Từ Lâm tự (Gò kén), Đức Chí-Tôn phong vị Thập Nhị Thời Quân. Đúng ra là 12 vị nhưng thực tế chỉ có 11 vị, trong đó khuyết phẩm Tiếp-Đạo. Trong khi Đức Cao Thượng-Phẩm lo xây cất Tòa Thánh tạm ở làng Long Thành thì Đức Phạm Hộ-Pháp đi hành Pháp ở Kiêm Biên Tông Đạo.

Trong đàn cơ đêm 29-6-Đinh Mão (Dl. 27-7-1927) tại Thánh Thất Nam Vang do Đức Phạm Hộ-Pháp và ông Cao Đức Trọng phò loan, Đức Chí-Tôn giáng dạy và phong Thánh cho nhiều vị. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ban chức cho ông Cao Đức Trọng nên Đức Hộ-Pháp hỏi:
- Bạch Thầy, còn Trọng, em con sao không thấy Thầy phong chức.

Đức Chí-Tôn gõ cơ đáp:
- Tắc, sao con dại quá vậy, Trọng thuộc về chi Đạo bên Hiệp-Thiên-Đài”.

Thật vậy, sau đó ông Cao Đức Trọng được Đức Chí-Tôn phong chức Tiếp-Đạo. Lúc đó, ông Trọng làm việc tại văn phòng Chưởng Khế (Nam Vang) tức là “quyền năng thiêng liêng dành cho con gà (ông Trọng tuổi Dậu) đi gáy xứ người”, một bí pháp nhiệm mầu, làm sao người phàm rõ thấu được.

Thập Nhị Thời Quân có 12 phẩm cho 12 vị khác tuổi nhau: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Người lớn tuổi nhất là Bảo-Đạo Ca Minh Chương tuổi Canh Tuất (1850), nhỏ tuổi nhất là Tiếp-Thế Lê Thế Vĩnh tuổi Quí Mão (1903). Một vị ở đầu bảng và một vị ở cuối bảng của Thập Nhị Thời Quân. Quả là một cơ mầu nhiệm của tạo hóa.

1 - Khai-Pháp Trần-Duy-Nghĩa tuổi Mậu Tý (1888)
2 - Khai-Đạo Phạm-Tấn-Đãi tuổi Tân Sửu (1901)
3 - Hiến-Pháp Trương Hữu Đức tuổi Canh Dần (1890)
4 - Tiếp-Thế Lê Thế Vĩnh tuổi Quí Mão (1903)
5 - Bảo-Pháp Nguyễn Trung Hậu Nhâm Thìn (1892)
6 - Tiếp-Pháp Trương văn Tràng tuổi Quí Tỵ (1893)
7 - Hiến-Thế Nguyễn-văn Mạnh tuổi Giáp Ngọ (1894)
8 - Bảo-Thế Lê -Thiện Phước tuổi Ất Mùi (1895)
9 - Hiến-Đạo Phạm-văn Tươi tuổi Bính Thân (1897)
10 - Tiếp-Đạo Cao-Đức Trọng tuổi Đinh Dậu (1897)
11 - Bảo-Đạo Ca-Minh Chương tuổi Canh Tuất (1850)
12 - Khai-Thế Thái-văn Thâu tuổi Kỷ Hợi (1899) .

Trong số 12 vị Thời Quân nầy, người được Đức Chí-Tôn chọn đầu tiên là Ngài Khai-Pháp Trần Duy Nghĩa, và người được chọn sau cùng là Ngài Tiếp-Đạo Cao Đức Trọng.
Tuổi và ngày giờ được ghép bởi Thập can và Thập nhị chi còn gọi là Thập nhị thời thần.

Kinh phật-Mẫu có câu:
 “Thập thiên can bao hàm vạn tượng,
“Tùng địa chi hóa trưởng càn khôn."

Thập thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí. Theo thứ tự người ta ghép một can với một chi như can thứ nhất với chi thứ nhất thành tuổi Giáp-Tý…

Tiếp tục phối hợp can thứ nhất với chi thứ mười một rồi can thứ ba với chi thứ nhất, cứ tuần tự như vậy lại đến năm Giáp-Tý nữa là đáo tuế. Trong một chu kỳ, tên mỗi can xuất hiện sáu lần (60 : 10 = 6 ) và tên mỗi chi xuất hiện năm lần ( 60 : 12 = 5). Chu kỳ này, ta gọi là lục thập giáp hay biểu Giáp Tý.

Do đó, chư vị Thập Nhị Thời Quân là đồng tử trung gian giữa Trời và Người. Nếu không có Thập Nhị Thời Quân thì cũng không có Đạo, vì chư vị là những thiên sứ phò cơ nhận lời Phật Tiên dạy. Từ trước Hiệp-Thiên-Đài đã có qui định 4 cặp cơ là:
- Hai ông Tắc, Cư là cơ lập giáo
- Hai ông Hậu, Đức là cơ lập pháp
- Hai ông Sang, Diêu là cơ truyền giáo
- Hai ông Nghĩa, Tràng là cơ bí pháp

Cơ bút là bí pháp mầu nhiệm và là quyền lực của Thiêng Liêng. Thánh ngôn chỉ có giá trị khi cầu ở Cung Đạo và đồng tử là người được Ơn Trên chỉ định. Còn những ai khác hoặc cầu ở nơi khác thì chỉ để học hỏi không có giá trị truyền Đạo.

3 - SỰ ỨNG HỢP GIỮA THỜI-QUÂN & THỜI THẦN
Đức Hộ-Pháp nói:
 “Cả toàn Thánh-Thể và con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu: Trong 12 vị Thời-quân của 12 con giáp là cơ huyền bí tạo càn khôn vũ-trụ thế nào có lẽ cả tinh thần của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu thấu”.

Xem đồ hình thấy có đủ Thập Nhị Thời Quân ứng với 12 con giáp, tức là tuổi của các vị này ứng với Thập nhị Thời Thần. Bát-quái đồ thiên vẫn có đủ số 15 là hình ảnh của 15 vị trong cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài.

Xem như trên thì Tam đầu chế Hiệp-Thiên-Đài tức là ba vị Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh, Hộ-Pháp có tuổi lần lượt là Tý, Sửu, Dần; tức là đứng đầu ba con giáp. Trong 12 vị Thời-quân cũng vậy, có ba vị: Khai-Pháp (Tý), Khai-Đạo (Sửu), Hiến-Pháp (Dần) cũng đứng đầu ba con giáp, tạo thành Tam Âm họp với Tam Dương của Tam Đầu chế Hiệp-Thiên-Đài để điều-hòa máy Âm Dương của trời đất. Tuổi tác các vị này quan-hệ đối với cơ Đạo cũng như thời tiết bốn mùa trong một năm vậy. Tất nhiên rất trọng-yếu.

4 - Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài qui định:
“Trong Pháp-Chánh-Truyền Chí-Tôn lập Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài, Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Đài, mà trước khi Chí-Tôn đến gieo truyền mối Đạo là Thiên-điều đã định mở cửa Thập nhị khai thiên đặng đem cơ cứu khổ để tại mặt thế-gian này mà cứu vớt toàn cả Cửu nhị ức nguyên nhân, con cái của Ngài, Chí-Tôn giao phó cho Hiệp-Thiên-Đài, mà trong Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài có 15 người kể luôn (HP) Hộ-Pháp, (TP) Thượng-Phẩm, (TS) Thượng-Sanh. Đứng vào vị trí ở tam giác trong cùng của đồ hình.
Trọng yếu là thâu mấy vị Tông đồ:
Đức Hộ-Pháp nói:
 “Khi Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi, Đức Chí-Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo Cao-Đài.

Tới chừng Ngài biểu chúng tôi cầm một cây Cơ và một ngọn bút đi các nơi thâu Môn-Đệ. Trọng-yếu của Ngài là thâu mấy vị Tông-đồ có sứ-mạng trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ làm môi-giới độ Đạo sau này. Đức Chí-Tôn biểu chúng tôi phò loan đặng Ngài dùng quyền năng kêu gọi mấy vị Tông đồ đó. Quả nhiên chẳng bao lâu, có đủ Thập Nhị Thời Quân hiển hiện ra, trong số các vị Thời quân ấy có Cao Tiếp-Đạo ở tại Kiêm biên chớ không phải ở Sài-gòn.

“Ngày nay Đức Chí-Tôn đến, Ngài không giáng thân như các lần trước, mà giáng linh bằng HUYỀN DIỆU CƠ BÚT. Vì lẽ đó Ngài phải lập Hội-Thánh để làm Thánh Thể cho Ngài.”

Thầy dạy:
 “Thầy lại nhắc cho các con hay rằng: Trong Thập Nhị Thời Quân, đâu đó đều có sắp đặt, nếu không phải mấy đứa phò-loan của Thầy đã định thì các Thánh-ngôn do nơi khác mà ra đều là không phải lời của Thầy nói. Con phải đề phòng cẩn thận, nghe à!

Thầy hằng nói cho các con biết, việc CƠ BÚT là việc tối trọng, nếu không có Chơn-linh quí trọng thì thường có Tà quái xung nhập mà khuấy rối làm cho thất nhơn tâm, lại còn một điều đáng quan phòng nữa là trong mấy đứa phò-loan cũng có đứa không dè-dặt, tưởng CƠ BÚT là việc khinh thường làm thế nào cũng đặng, rồi muốn lấy đó mà cầu hỏi những điều vô vi, nên cũng có nhiều khi vì đó mà sanh biến trong Đạo.

Thầy nói cho các con hiểu bậc Chơn Thánh mà phải đọa trần nếu không đủ tánh chất để dìu-dẫn nhơn sanh thì cũng chưa xứng đáng cầm bút cho Thầy truyền Đạo. Các con nghe à!”
Đi thâu Thập Nhị Thời Quân rồi Đức Chí-Tôn mới mở Đạo.

Hơn nữa khi Chí-Tôn đến:
 “Lập Pháp-Chánh-Truyền giao cho Hiệp-Thiên-Đài gìn-giữ trong đó có diệu-pháp của Chí-Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế-gian này. Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng hợp lại cho có trật-tự, có đẳng-cấp tức nhiên là lập Thánh-thể của Ngài; các phẩm-trật có liên quan với các phần-tử, tức nhiên Hội-Thánh tổng hợp lại là Thánh-thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được tức nhiên về với Ngài được.

Ấy vậy, Pháp-Chánh Hiệp-Thiên là phương định vị, lập quyền đặng hiệp một con cái của Chí-Tôn cùng Chí-Tôn vậy”

“Hiệp-Thiên-Đài là hình-trạng của Ngọc Hư Cung tại thế, ấy là cửa mở cho các chơn-linh vào đặng đi đến Tam thập lục thiên, Cực-Lạc thế giới và Bạch-Ngọc-Kinh là nơi chúng ta hội-hiệp cùng Thầy hay là chỗ ải địa đầu ngăn cản các chơn-linh chẳng cho xâm-phạm đến đường Tiên nẻo Phật.

Lòng từ-bi của Thầy để cho có kẻ rước là Thượng-Sanh, người đưa là Thượng-Phẩm và người dẫn nẻo mở đường cứu độ là Hộ-Pháp đặng đem cả con cái của Thầy về giao lại cho Thầy, kẻo Thầy hằng ngày trông đợi.

Còn luận theo tính chất thì nó là một cái Tòa lựa chọn người lương-sanh đem vào hiệp làm một với Cửu-Trùng-Đài, lập vị cho cả Tín-đồ; phần xác phù-hợp với phần thiêng-liêng, un-đúc giữ-gìn cho các lương-sanh ấy nhớ cựu-phẩm mình hầu buổi chung-qui Hộ-Pháp mở cửa Bát-quái-đài đem tên tuổi ấy vào thờ cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cho xứng phận.
Hễ Đạo còn ắt tên tuổi cũng còn, cái cơ đắc Đạo tại thế cũng do nơi ấy vậy”.

Nhiệm-vụ của Thời-quân được Ngài Khai-Pháp giáng cơ xác nhận
 “Ngày Bần-Tăng về Chí-Tôn mới rõ quyền-năng Thiên-triều vô biên. Chính Bần-Tăng rón-rén bước vô Bạch-Ngọc-Kinh phải nhờ chơn-linh Vi-Hộ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí-Tôn phần nào và được thấu-đáo nhiệm vụ của Thời-quân, chẳng những nơi thế-gian này mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ trách-vụ mình.

Nếu quí vị được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần-Tăng ước mong quí Bạn Thời-quân dòm về hướng Chí-Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên-soái-mạng”.

5 - Vai-trò Ba chi của Hiệp-Thiên-Đài:
Ảnh dưới đây là nơi thờ Chư vị Chức-sắc Đại Thiên-phong Hiệp-Thiên-Đài.     
“Khi mở cửa Bí-pháp ấy Chí-Tôn để trọn quyền cho Diêu-Trì-cung thay quyền cho Cửu phẩm Thần Tiên cùng Phật-vị.
Đối chiếu lại là Hiệp-Thiên-Đài thay quyền cho Vạn-linh: Pháp, Đạo, Thế.
- Pháp thì Hộ-Pháp.
- Đạo thì Thượng-Phẩm.
- Thế thì Thượng-Sanh
Ngôi vị của Tam quyền, có thể đã định sẵn là: Đạo bên tay mặt, Thế bên tay trái (của Hộ-Pháp), còn Pháp thì tại trung ương.

Vậy thì Khai-Pháp đặng quyền ngồi chính giữa. Một ngày kia nếu cả thảy qui vị thì cũng sắp như thế. Thiên Tôn xem lại địa-vị của họ nơi Đền-Thánh mà sắp thì đúng chơn-pháp”.

Ngài Hiến-Pháp nhận-định về ba vị Chưởng quản ba chi của Hiệp-Thiên-Đài:

“Từ ngày lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đến nay, hệ thống tổ-chức của Tòa-Thánh Tây-ninh đều căn-cứ vào Luật-pháp chơn-truyền mà lập thành Hội-Thánh, trên có một vị Chức-Sắc cao cấp nhứt trong Đạo cầm quyền thống-lãnh toàn Đạo như Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc, kế đến Đức Thượng-Phẩm Cao-Quỳnh-Cư và Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài-Sang.

Tưởng cũng nên hình dung lại sứ mệnh và hành trình của các Ngài:
Đức Phạm Hộ-Pháp cầm quyền về chi Pháp:
Ngài đã phán-quyết với một đức tính công-bình đi đôi với lòng thương-yêu vô tận; gắn liền trên mọi hình thức lồng trong những bài Thuyết-đạo làm cho nhơn-sanh rất thỏa-mãn và tận tâm phục-vụ theo thuyết-định của Đức Ngài, nhân sanh không bao giờ quên được công-đức của Đức Ngài vậy.

Đức Cao Thượng-Phẩm cầm quyền về chi Đạo:
Ngài đã về trước nơi Thiêng-liêng hằng sống, lưu lại cho Đạo một khối tinh-thần cao-thượng vô biên, là sự xây dựng đầu tiên biết bao khổ-hạnh, thử-thách; nhưng Đức Ngài không nản, quyết tâm tạo cho được một nguồn hạnh-phúc chung cho Nhơn-sanh tức là Đạo-nghiệp ngày hôm nay.

Đức Cao Thượng-Sanh cầm quyền về chi Thế:
Là một gương-mẫu tinh-hoa của thế gian. Sự Từ bi, Bác-ái của Đức Ngài được nung-nấu và in sâu trong tâm hồn của toàn Đạo. Từ tư-tưởng phát sinh ra hành-động được mô-tả trong văn thi, kinh điển để lưu lại cho thế nhân một sự dung-hòa rất hữu-ích cho việc tu thân và trong trường-hợp tiếp nhân xử kỷ.

Đức Chí-Tôn đã dùng ba vị Tướng-soái sẵn có những báu vật vừa Đức-tin vừa đức tánh qui-tụ lại thành một tinh-thần tối cao, tối trọng biểu-tượng nên một hệ thống giá-trị đạo-đức có thể nói là một lập-trường Thương yêu vững-chắc để bảo-đảm hạnh-phúc chung cho nhân loại

Giờ đây ba vị Tướng-soái đã triều-thiên, nên mới đến vai-tuồng của Thập Nhị Thời Quân phải đảm-đương trọng-trách cầm quyền Chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài là quyền tối cao của Hội-Thánh đương kim. Điều ấy cũng do theo công-lệ “tiền tấn hậu kế”.

D - HIỆP-THIÊN-ĐÀI:

Đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm Bính-Dần (1926) sau khi lập Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài, Đức Chí-Tôn giáng dạy như vầy:
"Hiệp-Thiên-Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng-liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp-Thiên-Đài còn.” "Thầy đã nói Ngũ-Chi Đại-Đạo qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh-giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa."
"Lại nữa, Hiệp-Thiên-Đài là nơi Giáo-Tông thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới, Lục thập thất Địa cầu, Thập Điện Diêm Cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại."

"Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.
Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm. Thầy lại chọn Thập Nhị Thời Quân, chia ra làm ba:
- Phần của Hộ-Pháp chưởng quản là Chi Pháp:

Lo bảo vệ Luật Đời và Luật Đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp-Thiên-Đài chẳng biết.
- Thượng-Phẩm thì quyền về phần Đạo: Lo về phần Đạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư Môn đệ Thầy, bênh-vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.
- Thượng-Sanh thì chưởng quản Chi Thế, lo về phần Đời.
Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.
Thầy cho các con biết trước rằng, hễ trọng quyền thì ắt trọng phạt."

Từ đây, về mặt hữu hình, ba vị Chưởng quản tối cao của Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Đài không còn nữa, sau khi Đức Thượng-Sanh qui Thiên và Đạo Cao-Đài mất thêm một bực vĩ-nhân nữa.

II - Thập Nhị Bảo Quân

A : The twelve Technical Academicians, twelve Protectors.
P : Les douze Académiciens techniques, douze Protecteurs.
Ngoài Thập Nhị Thời Quân ra còn có 12 vị Bảo Quân dưới quyền chỉ huy của Giáo-Tông và Hộ-Pháp.

Thập Nhị Bảo Quân là 12 vị Bảo Quân do Đức Chí-Tôn lập nên tạo thành Hàn Lâm Viện của Đạo Cao Đài.
Khi thỉnh giáo về Thập Nhị Bảo Quân, Đức Hộ-Pháp có lời phê về Thập Nhị Bảo Quân là:
 “Toàn thể Bảo-Quân là Hàn-Lâm-viện, mỗi vị có sở thức, sở năng ấy là điều khác nhau đặc biệt, tỷ như: Huyền-linh-quân nghĩa là Thần linh hồn khác với Bảo Học quân là thuộc về khoa-học hay thực tế học.”
Bảo-Quân có 12 vị gọi là Thập Nhị Bảo Quân là:
Bảo Huyền-linh-quân (Science mystique)
Bảo-Học-quân (Science physique – Instruction Publique)
Bảo Thiên-văn quân (Astrologie)
Bảo Địa Lý quân (Géologie)
Bảo Sanh Quân (Santé puplique)
Bảo Cô quân (Chevalerie)
Bảo Văn Pháp quân (Belles lettres)
Bảo Y quân (Médecine)
Bảo Nông quân (Agriculture)
Bảo Công quân (Arts et Métiers)
Bảo Thương quân (Commerce et Industrie)

Bảo Phong hoá quân (Philosophie) hoặc còn gọi là Bảo-Sĩ-Quân tức là Triết-học.
Nếu một ngày một đêm có 24 giờ, thì 12 giờ ban ngày là Dương, 12 giờ ban đêm là Âm. Đó là định luật của đất trời. Giờ đây tổ chức trong cơ quan Hiệp-Thiên-Đài cũng tương tự như vậy:
- Thập Nhị Thời Quân ấy là Dương.
- Thập Nhị Bảo Quân ấy là Âm.

Âm Dương tương hiệp mới phát khởi Càn khôn. Bất cứ trường hợp nào vẫn có Âm Dương không lìa nhau.

Phẩm vị Thập Nhị Bảo Quân do Đức Chí-Tôn hay Quyền thiêng liêng giáng cơ phong thưởng, giống y như Thập Nhị Thời Quân Hiệp-Thiên-Đài, chớ không do cầu phong hay cầu thăng hoặc công cử như bên Chức sắc Cửu-Trùng-Đài và Cơ quan Phước-Thiện.

Thập Nhị Bảo Quân đối phẩm với Phối-Sư Cửu-Trùng-Đài.
Khi chầu lễ Đức Chí-Tôn tại Tòa Thánh, chư vị Bảo Quân đứng tại chỗ Hiệp-Thiên-Đài, dưới các bực của chư vị Thời Quân và đứng sắp hàng phân ra hai bên tả hữu của chư vị Thời Quân. Nếu chỉ có 1 vị Bảo Quân chầu lễ thì vị ấy đứng phía bên Chi Thế, tức bên phía Đức Thượng-Sanh

Chú giải Pháp-Chánh-Truyền:
 “Ngoại Pháp-Chánh-Truyền, dưới quyền Hộ-Pháp thì còn Bảo Văn Pháp Quân (Arts et Belles Lettres), trước phong đỡ làm Tiếp Lễ Nhạc Quân, nay đã vào chánh vị đặng chỉnh đốn Lễ Nhạc lại cho hoàn toàn cho tới ngày thành Đạo.

Bảo Sanh Quân (Assistance Publique), Thầy phong đỡ làm Tiếp Y Quân, đặng đợi ngày thành Đạo.
Bảo Học Quân (Enseignement) và nhiều Chức sắc khác nữa Thầy chưa lập.
Các vị ấy Hộ-Pháp đang chờ đến.”

1 - ĐẠO PHỤC của BẢO VĂN PHÁP QUÂN
Chú giải Pháp-Chánh-Truyền:

Bộ Đại phục của Văn Pháp toàn bằng hàng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo như các Chức sắc nơi Hiệp-Thiên-Đài, song hai bên ngay chính giữa có kết một bông sen 5 cánh, trên mỗi bông sen thì thêu Thiên nhãn Thầy, ngay đường giữa trước mão cũng kết một bông sen nhưng khỏi thêu Thiên nhãn. Cả thảy 3 bông sen trên mão.

Lưng đai Bạch Tuyết Thần Quang bằng hàng trắng, bề dài 3 thước 3 tấc 3 phân, bề ngang 3 tấc 3 phân 3 ly, buộc mối chừa ra trước thế nào đủ thắt một bông sen 5 cánh.

Chơn đi giày Vô ưu cũng bằng hàng trắng, trước mũi mỗi chiếc cũng có một bông sen nhỏ hơn một thí.

2 - ĐẠO PHỤC của BẢO SANH QUÂN
Chú giải Pháp-Chánh-Truyền:
Bộ Đại phục của Bảo Sanh Quân toàn bằng hàng trắng. Đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo giống như các Chức sắc Hiệp-Thiên-Đài, ngay giữa mão, từ bìa lên 4 phân thêu một Thiên nhãn, hai bên mão thêu hai Thiên nhãn nữa, cả thảy là ba.Vòng theo vành mão cột một sợi dây Tiên thằng (bề ngang 8 phân, bề dài 2 thước) buộc thế nào chừa Thiên nhãn ngay giữa mão ra,cho hai mối thòng xuống 2 bên vai.
Lưng đai Song Quang Thần Thông, nghĩa là một đường lụa trắng, kết hai bên hai vòng Vô vi.
Chơn đi giày Vô ưu cũng bằng hàng trắng.

3 - Số vị Bảo Quân đã được Đức Chí-Tôn ân phong:
- Bảo Văn Pháp Quân: Ông Cao Quỳnh Diêu Đắc phong 1930
- Bảo Sanh Quân: Bác sĩ Lê Văn Hoạch, Đắc phong 1930
- Bảo Cô Quân: Luật sư Dương Văn Giáo.Đắc phong 1930
- Bảo Học Quân:Luật sư Nguyễn văn Lộc, đắc phong 1972
- Bảo Y Quân: Bác sĩ Trương Kế An (bút hiệu Tuyết Văn Mặc Khách) đắc phong 1972
- Bảo Nông Quân: Ông Đặng Văn Dắn, đắc phong 1972

4 - Thánh giáo trong Đàn cơ Phong Thánh: tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 15-11-Tân Hợi (dl 1-1-1972) hồi 20 giờ. Phò loan: Ngài Hiến-Pháp và Khai-Đạo. Hầu đàn: Ngài Bảo-Đạo, Hiến-Đạo, Đầu-Sư, chư Chức sắc HTĐ, CTĐ, PT và chư Chức việc cùng tín đồ nam nữ.

Đức Phạm Hộ-Pháp giáng cơ:
"......................
Ngài Hiến-Đạo bạch: Cầu xin Đức Ngài phong vị chánh thức cho 3 vị Bảo Quân.

Đọc danh sách:
* Trương Kế An: đắc phong Bảo Y Quân.
* Nguyễn Văn Lộc: đắc phong Bảo Học Quân.
* Đặng Văn Dắn: đắc phong Bảo Nông Quân.

Ngài Hiến-Đạo bạch: Cầu xin Đức Ngài chỉ giáo về sự đối phẩm và Tiểu phục của chư vị Bảo Quân.
- Đối phẩm Phối-Sư. Tiểu phục cũng sửa lại còn một Thiên nhãn như Hộ Đàn.
Ngài Hiến-Đạo bạch: Xin Đức Ngài chỉ định chư vị Bảo Quân đứng cúng thế nào?
- Bảo Quân đứng hai bên tả hữu dưới cẩm bực của Hiệp Thiên, như có một thì đứng bên Chi Thế."........
Trích Thánh giáo Đàn cơ tại Giáo-Tông Đường đêm 11-Giêng-Nhâm Tý (dl 23-2-1972) hồi 20 giờ 35 phút. Phò loan: Ngài Hiến-Pháp và Khai-Đạo. Hầu đàn: Bảo-Đạo, Hiến-Đạo.

Đức Phạm Hộ-Pháp giáng cơ:
".......................
Ngài Bảo-Đạo bạch: Xin Đức Ngài chỉ dạy về phẩm Hiền Nhơn và nhiệm vụ của chư vị Bảo Quân?
- Bần đạo hứa sẽ định sau thì phải chờ một thời gian nữa sẽ giải thích trước mặt các Chức sắc tân thăng và có cả mấy vị Bảo Quân, vì vấn đề nầy liên quan mật thiết với nhiệm vụ của Hiền Nhơn.
- Bảo Sanh Quân cũng có công việc từ thiện Phạm Môn
- Bảo Y Quân cũng có nhiệm vụ từ thiện.
- Bảo Học Quân thì trùm hết.
- Bảo Nông Quân thì vai chánh về lương điền, công nghệ và luôn Công, Thương, nên mới có sự liên hệ với nhau.
Cửu-Trùng-Đài cũng vậy, vì bên ấy cũng có Học, Y, Nông, v.v...

Tất cả đều là công việc chung của Đạo. Chư Chức sắc cứ tùy nhiệm vụ mà thi hành đúng theo tôn chỉ thì sẽ thành công.” Thăng

CHƯƠNG II

NỘI LUẬT
HIẾN PHÁP HIỆP THIÊN ÐÀI

I - HIẾN PHÁP VÀ NỘI LUẬT
Năm Nhâm Thân (1932)

A - HIẾN PHÁP

Ðiều Thứ Nhứt:
Phẩm trật Hiệp-Thiên-Ðài trên hết có Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập Nhị Thời Quân, phân đẳng cấp như dưới đây:
Thượng-Phẩm     Hộ-Pháp          Thượng-Sanh
Bảo-Ðạo            Bảo-Pháp        Bảo-Thế
Hiến-Ðạo           Hiến-Pháp       Hiến-Thế
Khai-Ðạo           Khai-Pháp       Khai-Thế
Tiếp-Ðạo            Tiếp-Pháp        Tiếp-Thế

Ðiều Thứ Nhì:
- Quyền hành của Hộ-Pháp là Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài kiêm Chưởng Quản Chi Pháp.
- Quyền hành của Thượng-Phẩm là Chưởng Quản Chi Ðạo.
- Quyền hành của Thượng-Sanh là Chưởng Quản Chi Thế.

Ðiều Thứ Ba:
Phẩm trật của Thập Nhị Thời Quân khi hành chánh thì đối phẩm như sau:
- Bảo-Pháp, Bảo-Đạo, Bảo-Thế: đều đồng thể
- Hiến-Pháp, Hiến-Đạo, Hiến-Thế: đều đồng thể
- Khai-Pháp, Khai-Đạo, Khai-Thế: đều đồng thể
- Tiếp-Pháp, Tiếp-Đạo, Tiếp-Thế: đều đồng thể

Ðiều Thứ Tư:
Trách nhậm của Bảo-Pháp là bảo tồn Luật Pháp, bảo hộ không cho ai phạm đến những điều lệ nào đã thành mặt luật.
Trách nhậm của Bảo Ðạo là bảo tồn Luật Ðạo, bảo hộ những điều cần ích cho Ðạo mà đã ra mặt luật rồi.
Trách nhậm của Bảo-Thế là bảo tồn Luật Thế, bảo hộ những điều lệ cần ích cho Ðạo đã ra mặt luật rồi.

Ðiều Thứ Năm:
Trách nhậm của Hiến-Pháp là phải tìm những phương hay để hiến cho Luật Pháp tiện việc thi hành, và truyền bá những tư tưởng cần ích cho Ðạo về phương diện Hành Pháp.

Trách nhậm của Hiến Ðạo là lo tìm kiếm những phương hay để hiến cho Ðạo và truyền bá những tư tưởng cần ích cho Ðạo.

Trách nhậm của Hiến-Thế là lo tìm những phương hay để hiến cho Ðời và truyền bá những tư tưởng cần ích cho Ðạo.

Ðiều Thứ Sáu:
Trách nhậm của Khai-Pháp là lo nghiên cứu những điều cần ích cho chúng sanh mà thêm vào Pháp Luật, tức là mở lần Pháp Luật ra thế nào cho chúng sanh có thể tuân theo mà tu hành cho khỏi điều hà khắc.

Trách nhậm của Khai Ðạo là lo nghiên cứu những điều cần ích cho chúng sanh trong đường Ðạo và tìm phương giúp cho những điều cần ích ấy thành ra Luật Ðạo, tức là mở rộng đường Ðạo ra cho chúng sanh hưởng.

Trách nhậm của Khai-Thế là lo nghiên cứu những điều cần ích cho chúng sanh trong đường Ðời, và tìm phương giúp cho những điều cần ích ấy thành ra Luật Ðời, tức là mở rộng đường Ðời ra cho chúng sanh hưởng.

Ðiều Thứ Bảy:
Trách nhậm của Tiếp-Pháp là giúp cho sự ban hành Ðạo Pháp, và yêu cầu sửa đổi những điều lệ nào bó buộc quá lẽ và khổ khắc nhơn sanh trước mặt Luật Pháp.

Trách nhậm của Tiếp Ðạo là giúp chư Ðạo Hữu trong đường Ðạo tránh những nỗi bất bình, những sự bất công, những điều hà khắc có thể làm trở ngại bước đường Ðạo của Ðạo Hữu lưỡng phái.

Trách nhậm của Tiếp-Thế là giúp cho nhơn sanh trong đường sanh hoạt, trong chỗ giao tiếp lẫn nhau, và lo dẹp những nỗi bất bình, những sự bất công, những điều hà khắc có thể làm trở ngại bước đường Ðời của cả chư Ðạo Hữu lưỡng phái.

Ðiều Thứ Tám:
Cửu-Trùng-Ðài có Tòa Tam Giáo thành lập, cũng như Bát-Quái-Ðài có Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng.

Khi nào có Tòa Tam Giáo Cửu-Trùng-Ðài xử đoán rồi mà người bị cáo còn uất ức điều chi, thì được quyền kêu nài đến Tòa Hiệp-Thiên-Ðài.

Thảng như Tòa Hiệp-Thiên-Ðài phán đoán rồi mà người bị cáo uất ức nữa, thì mới kêu nài lên Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là quyền đặc biệt của Bát-Quái-Ðài Chưởng Quản.

Dầu cho lập Tòa Tam Giáo dưới Cửu-Trùng-Ðài, hay là đệ lên Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng là Bát-Quái-Ðài, cũng đều phải do nơi Hộ-Pháp.

Ðiều Thứ Chín:
Muốn kêu nài lên Tòa Hiệp-Thiên-Ðài, thì người bị cáo phải nạp đơn lên Hiệp-Thiên-Ðài, trong khoảng 10 ngày, sau ngày xử hiện diện (Jugement contradictoire).

Như xử khiếm diện (Jugement par défaut) thì người bị cáo phải nạp đơn lên Hiệp-Thiên-Ðài trong khoảng 10 ngày, sau ngày được án (Jour de la notification du jugement).

Quá hạn 10 ngày ấy, thì Hiệp-Thiên-Ðài không thâu đơn.

Ðiều Thứ Mười:
Nghị Viên của Hiệp-Thiên-Ðài ở Thượng Hội là Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, và Thượng-Sanh.

Ba vị đều có quyền bàn cải (voix délibérative) và bỏ thăm (droit de vote), số thăm của ba vị có giá trị riêng, không tính chung về số thăm của Nghị Viên bên Cửu-Trùng-Ðài (Vote séparé).

Mỗi lần bỏ thăm phải được hơn phân nửa số thăm bên Cửu-Trùng-Ðài và hơn phân nửa số thăm của Hiệp-Thiên-Ðài cọng chung lại, mới có đại đa số (majorité).

Ðiều Thứ Mười Một:
Nghị Viên của Hiệp-Thiên-Ðài ở Hội-Thánh.
Thập Nhị Thời Quân.
Quyền của 12 vị cũng như quyền của Nghị Viên Hiệp-Thiên-Ðài ở Thượng Hội. Cách bỏ thăm và tính thăm cũng vậy.

Ðiều Thứ Mười Hai:
Ở Hội Nhơn Sanh, Hiệp-Thiên-Ðài sẽ có Phái Viên đến dự thính, hoặc tỏ bày ý kiến (voix consultative), chớ không có quyền bỏ thăm.

B - NỘI LUẬT

Ðiều Thứ Nhứt:
Hộ-Pháp là người Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài, thay mặt cho các Chức Sắc đặng đối phó với Cửu-Trùng-Ðài, nhưng phải do theo đại đa số (majorité) của Chức Sắc Cửu-Trùng-Ðài.

Ðiều Thứ Nhì:
Ðức Chí-Tôn không có phỏng định việc công cử Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài, thì Chức Sắc mỗi Chi đặng quyền thế mặt cho nhau, tỷ như:
Thượng-Phẩm vắng mặt, duy có Bảo Ðạo đặng thế quyền mà thôi.
Bảo Ðạo vắng mặt thì có Hiến Ðạo;
Hiến Ðạo vắng mặt thì có Khai Ðạo
Phải ở cùng một Chi mới đặng thế quyền cho nhau.

Ðiều Thứ Ba:
Nếu Hộ-Pháp chuyên quyền không do theo phần đông (majorité) thì phần ấy đặng phép không tuân lịnh của Hộ-Pháp và công bố cho Hội-Thánh Cửu-Trùng-Ðài biết, đặng đợi ngày cầu xin Ðức Chí-Tôn phân xét.

Ðiều Thứ Tư:
Nếu Thượng-Phẩm chuyên quyền và phạm đến quyền đặc biệt của Chức Sắc Chi Ðạo, thì Chi nầy đặng quyền xin Hộ-Pháp ngưng quyền của Thượng-Phẩm, hầu đợi ngày đem việc ấy ra Ban Kỷ Luật của Hiệp-Thiên-Ðài phán xét.

Ðiều Thứ Năm:
Nếu Thượng-Sanh chuyên quyền và phạm đến quyền của Chức Sắc Chi Thế, thì Chi nầy đặng quyền xin Hộ-Pháp ngưng quyền của Thượng-Sanh, hầu đợi ngày đem việc ấy ra Ban Kỷ Luật phán xét.

Ðiều Thứ Sáu:
Trong Thập Nhị Thời Quân, nếu vị nào phạm Nội Luật thì Hộ-Pháp, hoặc Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh (tùy theo Chi) sẽ đem ra Ban Kỷ luật phán xét.

C - Luật phán đoán.
Ðiều Thứ Bảy:
Hiệp-Thiên-Ðài có một Ban Kỷ Luật (Conseil de discipline) để khuyên răn những Chức Sắc không hành phận sự theo chương trình hành Ðạo lập tại Tòa Thánh ngày 24-1-1932, là phạm Nội Luật của Hiệp-Thiên-Ðài.

Ban Kỷ Luật không có tính cách thường xuyên. Khi phải cần đến mới lập ra và chư Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài sẽ hiệp nhau công cử làm năm vị Nghị Viên.

Ðiều Thứ Tám:
Trước khi muốn đem Chức Sắc nào ra Ban Kỷ Luật về việc không lo hành sự, Hộ-Pháp nên viết thơ cho vị ấy biết việc mình, và kỳ trong 2 tháng phải lo tái thủ trách nhiệm. Hết 2 tháng mà không có tin tức của vị ấy, thì Hộ-Pháp nên kỳ cho 1 tháng nữa. Qua kỳ hạn thứ nhì, Ban Kỷ Luật đặng quyền phân xử.

Ðiều Thứ Chín:
Chức Sắc đã bị Ban Kỷ Luật xử rồi mà còn tái phạm, sẽ bị đệ ra Tòa Tam Giáo.

Ðiều Thứ Mười:
Không một Chức Sắc ở Hiệp-Thiên-Ðài đặng phép đứng tên vào những Châu Tri cho chư vị Thiên Phong, Chức Việc, Ðầu Họ Ðạo, Chủ Thánh Thất và chư Ðạo Hữu Nam Nữ, vì Hiệp-Thiên-Ðài chỉ có quyền Lập Pháp (Pouvoir législatif), chớ không có quyền Hành Pháp (Pouvoir exécutif).

Ðiều Thứ Mười Một:
Ðối phó với Cửu-Trùng-Ðài thì đã có Hộ-Pháp, nhưng khi có định phái vị nào đặng giao thiệp với Cửu-Trùng-Ðài, thì vị ấy không được bàn định việc chi ngoài các trách nhậm của mình, nghĩa là ngoài những vấn đề mà vị ấy được quyền bàn đến.

Ðiều Thứ Mười Hai:
Kể từ ngày lập Luật nầy, cả Chức Sắc hãy tuân theo Pháp-Chánh-Truyền, Tân Luật, nhứt là điều lệ Ngũ giới Cấm và Tứ Ðại Ðiều Qui.

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
 (Tứ Thập Nhị Niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH

HIẾN PHÁP CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI
Văn phòng
HIỆP THIÊN ĐÀI
THƯỢNG SANH
Số: 002/ TL.
THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI

Chiếu Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền;
Chiếu Hiến-Pháp và Nội Luật Hiệp-Thiên-Ðài ngày Rằm tháng 2 Nhâm Thân (1932);
Chiếu Hiến-Pháp Hiệp-Thiên-Ðài ngày mùng 8 tháng Giêng Giáp Thìn (20-2-1964) và Hiến-Pháp Hiệp-Thiên-Ðài bổ túc ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (29-3-1965);

Chiếu Thánh Giáo Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn đêm 16 tháng 2 năm Ất Hợi (20-3-1935), chỉ giáo về phẩm vị Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài từ hàng Sĩ Tải lên Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn;

Chiếu Sắc Lịnh số 34/SL ngày 23 tháng 5 Bính Tý (11-7-1936) của Ðức Hộ-Pháp mở khoa mục cho phẩm Luật Sự dưới phẩm Sĩ Tải.

Chiếu Vi Bằng số 009/VB ngày 30 tháng 4 Bính Ngọ (18-6-1966), Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài đã nghiên cứu và thành lập bản "HIẾN PHÁP CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI";

Chiếu Thánh Giáo Ðức Hộ-Pháp đêm Rằm tháng 11 Bính Ngọ (26-12-1966), chấp thuận toàn diện bản Hiến-Pháp nói trên, nên:

THÁNH LỊNH

ÐIỀU THỨ NHỨT: - Nay ban hành bản "HIẾN PHÁP CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI" đính theo đây, kể từ ngày ký tên Thánh Lịnh nầy.

ÐIỀU THỨ NHÌ: - Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài, Hội-Thánh Cửu-Trùng-Ðài và Hội-Thánh Phước-Thiện Nam Nữ tùy nhiệm vụ ban hành và thi hành Thánh Lịnh nầy.
Tòa Thánh, ngày 16 tháng 11 Bính Ngọ.
(27-12-1966)
THƯỢNG SANH
(ấn ký)
CAO HOÀI SANG

II - HIẾN PHÁP CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI
TỪ PHẨM TIẾP DẪN ÐẠO NHƠN SẮP XUỐNG LUẬT SỰ

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ Thập Nhứt Niên)
TÒA THÁNH  TÂY NINH

HIẾN PHÁP
CHỨC SẮC HIỆP THIÊN ÐÀI
TỪ PHẨM TIẾP DẪN ÐẠO NHƠN
SẮP XUỐNG LUẬT SỰ

Chiếu Thánh Giáo Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn đêm 16 tháng 2 năm Ất Hợi (20-3-1935) chỉ giáo về phẩm vị của Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài từ hàng Sĩ Tải lên Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn.

Nghĩ vì Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài ngoài Thập Nhị Thời Quân còn nhiều phẩm Chức Sắc cấp dưới để bảo thủ Luật Pháp Chơn Truyền của nền Ðại Ðạo và được qui định như dưới đây:

CHƯƠNG I
Ðiều Thứ Nhứt: - Phẩm vị.
Phẩm trật Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài từ hàng Sĩ Tải lên Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn ấn định theo đẳng cấp sau đây:
- Sĩ Tải
- Truyền Trạng
- Thừa Sử
- Giám Ðạo
- Cải Trạng
- Chưởng Ấn
- Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn

Ðiều Thứ Nhì:
Còn thêm một phẩm Luật Sự dưới cấp Sĩ Tải được thành lập bởi Sắc Lịnh Ðức Hộ-Pháp số: 34/SL ngày 23 tháng 5 Bính Tý (11-7-1936).
Phẩm nầy do khoa mục tuyển chọn.

CHƯƠNG II

Ðiều Thứ Ba: - Quyền hành và trách nhiệm mỗi phẩm.
Phẩm Luật Sự
Luật Sự là phẩm chót của Hiệp-Thiên-Ðài.
Sau thời gian tập sự một năm, Luật Sự được Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài. nhìn nhận vào hàng Luật Sự chánh vị.
Luật Sự có bổn phận hành sự tại các Văn phòng của Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài ba chi Pháp, Ðạo, Thế.

Phẩm Sĩ Tải
Phẩm Sĩ Tải là Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài.

Sĩ Tải có phận sự:
Minh tra công nghiệp cầu phong và cầu thăng.

Thẩm vấn chư Lễ Sanh, Giáo Thiện, Chức Việc, Ðạo Hữu Nam Nữ Hành Chánh và Phước-Thiện phạm pháp.

Gìn giữ hồ sơ lưu trữ.
Ðược làm Bí Thơ cho Chức Sắc cao cấp các Văn phòng Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài ba chi Pháp, Ðạo, Thế.

Ðược bổ dụng hành sự Pháp Chánh địa phương.
Phẩm Truyền Trạng

Truyền Trạng có phận sự:
Ðược quyền thâu nhận các đơn trạng và vâng lịnh ban hành các án tiết của Tòa Hiệp-Thiên-Ðài. Trong lúc hành quyền tại Bộ Pháp Chánh thì được lãnh nhiệm vụ:

Minh tra công nghiệp chư Chức Sắc, Chức Việc Nam Nữ các cơ quan Ðạo.
Thẩm vấn Chức Sắc, Chức Việc, và Ðạo Hữu Nam Nữ bị truy tố.
Ðược làm Ðầu Phòng Văn cho chư vị Thời Quân.
Phẩm Thừa Sử

Thừa Sử có phận sự:
Trong lúc hành quyền tại Bộ Pháp Chánh thì được lãnh nhiệm vụ:
Hòa giải giữa tiên và bị cáo.
Làm Trưởng Phòng Minh Tra và Thẩm Vấn.

Ðược phụ tá vị Thời Quân dự Hội Nhơn Sanh và Ðại Hội Phước-Thiện để bảo thủ Luật Pháp của Ðạo.
Ðược làm Quản Văn Phòng cho chư vị Thời Quân.
Phẩm Giám Ðạo

Giám Ðạo có phận sự:
Ðược đi thanh tra về mặt Luật Pháp trong các cơ quan Chánh Trị Ðạo từ trung ương đến địa phương khi có thượng lịnh.

Ðược quyền thay mặt Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài giao tiếp với các Tôn Giáo khi có lịnh của Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài, hay của Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài.

Ðược quyền thay mặt Bộ Pháp Chánh bảo thủ Luật Pháp nơi các phiên Ðại Hội Hội-Thánh Cửu-Trùng-Ðài và Ðại Hội Hội-Thánh Phước-Thiện.

Ðược cầm quyền Pháp Chánh một Trấn Ðạo khi có thượng lịnh.
Có quyền điều tra lại các vụ án khiếu nại.
Ðược quyền làm giảng viên các khóa huấn luyện Chức Sắc về mặt Luật Pháp khi có sự yêu cầu của Hội-Thánh Cửu-Trùng-Ðài và khi có lịnh của Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài.

Ðược làm Tổng Quản Văn Phòng cho chư vị Thời Quân.
Phẩm Cải Trạng

Cải Trạng có phận sự:
Biện hộ trong các phiên Tòa của Ðạo.

Có quyền xin đình ngày xử các phiên Tòa nếu cần điều tra bổ túc.
Ðược quyền làm giảng viên về Luật Pháp tại Hạnh Ðường nếu có sự yêu cầu của Hội-Thánh Cửu-Trùng-Ðài và khi có lịnh của Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài.

Ðược quyền thay mặt Bộ Pháp Chánh bảo thủ Luật Pháp trong các phiên Ðại Hội Hội-Thánh và Ðại Hội Phước-Thiện. Có quyền giao tiếp với các Tôn Giáo khi có thượng lịnh.
Phẩm Chưởng Ấn

Chưởng Ấn có phận sự:
Ðược quyền Chủ Tọa các phiên Tòa Hiệp-Thiên-Ðài khi có đề nghị của Bộ Pháp Chánh, và sự chấp thuận của Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài.

Ðược quyền làm Trưởng Phòng kiểm án và quyết định thâu nhận hay bác bỏ những đơn khiếu nại hay thượng tố.

Nhưng vị Chưởng Ấn có Chủ Tọa phiên Tòa đã xử không được quyền thâu nhận hay bác bỏ đơn khiếu nại, thượng tố của can phạm bị kết án do phiên Tòa nầy.

Phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn
Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn có sứ mạng phổ thông Chơn Ðạo ở ngoại quốc.

Ðược quyền đi dự hội với các Tôn Giáo Quốc Tế khi có lịnh.

Ðiều Thứ Tư:
Mặc dầu quyền hành và trách nhiệm của mỗi cấp bậc qui định như trên, tuy nhiên trong trường hợp thiếu Chức Sắc mà cấp dưới có khả năng, thì có thể được bổ dụng lãnh phận sự cấp trên với địa vị của mình đương có, tùy ý định của Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài.

CHƯƠNG III

Ðiều Thứ Năm: - Ðạo phục của mỗi phẩm Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài.

Ðạo phục của Luật Sự có hai bộ: Ðại và Tiểu phục:
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, hai bên vai áo có dấu hiệu Tam Giáo và Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng mang dây nịt trắng, đầu đội Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên Nhãn, có dấu hiệu Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình, và hai chữ “Luật Sự” bằng quốc tự.

Ðạo phục của Sĩ Tải có hai bộ: Ðại và Tiểu phục:
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, hai bên mão có dấu hiệu Tam Giáo và Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng mang dây nịt trắng, đầu đội Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên Nhãn,có dấu hiệu Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình và hai chữ “Sĩ Tải”bằng quốc tự.

Ðạo phục của Truyền Trạng có hai bộ: Ðại và Tiểu phục.
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, hai bên mão có dấu hiệu Tam
Giáo và Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng mang dây nịt trắng, đầu đội Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên Nhãn, có dấu hiệu Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình và hai chữ Truyền Trạng bằng quốc tự.

Ðạo phục của Thừa Sử có hai bộ: Ðại và Tiểu phục
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, hai bên Mão có dấu hiệu Tam Giáo và Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng mang dây nịt trắng, đầu đội Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên Nhãn, có dấu hiệu Cổ Pháp,trên Cổ Pháp có cân công bình và hai chữ “Thừa Sử” bằng quốc tự.

Ðạo phục của Giám Ðạo có hai bộ: Ðại và Tiểu phục.
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, hai bên mão có dấu hiệu Tam Giáo và Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng mang dây nịt trắng, đầu đội Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên Nhãn, có dấu hiệu Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình và hai chữ “Giám Ðạo” bằng quốc tự.

Ðạo phục của Cải Trạng có hai bộ: Ðại và Tiểu phục.
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, hai bên mão có dấu hiệu Tam Giáo và Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng mang dây nịt trắng, đầu đội Khôi Nguyên Mạo, trước mão có thêu Thiên Nhãn, có dấu hiệu Cổ Pháp, trên Cổ Pháp có cân công bình và hai chữ “Cải Trạng” bằng quốc tự.

Ðạo phục của Chưởng Ấn có hai bộ: Ðại và Tiểu phục.
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, lưng buộc đường lụa trắng đánh ba tao, dưới có hai tui trắng, chơn mang giày trắng.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng buộc đường lụa trắng đánh ba tao, dưới có 2 tụi trắng, đầu đội Hỗn Ngươn Mạo, trước mão có thêu Cổ Pháp và hai chữ Chưởng Ấn bằng quốc tự, chơn mang giày trắng.

Ðạo phục của Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn có hai bộ: Ðại và Tiểu phục.
a) Ðại phục: Mặc áo tràng trắng, đầu đội Nhựt Nguyệt Mạo, lưng buộc đường lụa trắng đánh ba tao, dưới có hai tui trắng, chơn mang giày trắng.

b) Tiểu phục: Mặc trường y trắng có 6 nút, lưng buộc đường lụa trắng đánh ba tao, dưới có 2 tui trắng, đầu đội Hổn Ngươn Mạo, trước mão có thêu Cổ Pháp và chữ “Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn” bằng quốc tự, chơn mang giày trắng.

Ðiều Thứ Sáu:
Khi thọ mạng lịnh của Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài hay của Thập Nhị Thời Quân, từ phẩm Sĩ Tải đến phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn được buộc dây Sắc Lịnh nơi mình trong lúc hành sự, nhưng phải theo Chi của vị Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Ðài hay của vị Thời Quân ra lịnh mà thả mối. Trường hợp mang dây Sắc Lịnh phải được ghi rõ trong Thánh Lịnh giao phó nhiệm vụ cho đương sự.

CHƯƠNG IV

Ðiều Thứ Bảy: - Việc cầu phong và thăng thưởng Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài.
Phẩm Luật Sự
Luật Sự sau khi đắc khoa mục phải tập sự một năm tại Bộ Pháp Chánh hay các Văn phòng Thập Nhị Thời Quân.

Sau một năm tập sự không gián đoạn, được nhìn nhận vào hàng Luật Sự chánh vị.
Luật Sự muốn lên phẩm Sĩ Tải, phải có đầy đủ 5 năm công nghiệp với chức vụ (kể luôn một năm tập sự) và có sự minh tra đủ lẽ.

Phẩm Sĩ Tải
Sĩ Tải muốn thăng phẩm Truyền Trạng phải có đầy đủ 5 năm công nghiệp với chức vụ và có sự minh tra đủ lẽ.

Phẩm Truyền Trạng
Truyền Trạng muốn thăng phẩm Thừa Sử phải có đầy đủ 3 năm công nghiệp với chức vụ và có sự minh tra đủ lẽ.

Phẩm Thừa Sử
Thừa Sử muốn thăng phẩm Giám Ðạo phải có đầy đủ 3 năm công nghiệp với chức vụ và có sự minh tra đủ lẽ.

Phẩm Giám Ðạo
Giám Ðạo muốn thăng phẩm Cải Trạng phải có đầy đủ 3 năm công nghiệp với chức vụ và có sự minh tra đủ lẽ.

Phẩm Cải Trạng
Cải Trạng muốn thăng phẩm Chưởng Ấn phải có đầy đủ 3 năm công nghiệp với chức vụ và có sự minh tra đủ lẽ.

Phẩm Chưởng Ấn
Chưởng Ấn phải đầy đủ 3 năm công nghiệp với chức vụ và có sự minh tra đủ lẽ mới được cầu thăng lên Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn.

Phẩm Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn
Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn đắc công phổ-độ một nước có bằng cớ cụ thể khi trở về được cầu thăng vào hàng Thập Nhị Thời Quân chánh vị khi có khuyết tịch.

Ðiều Thứ Tám: - Cầu thăng đặc biệt.
Ngoài luật định cầu phong, và cầu thăng của mỗi cấp bậc kể trên, những Chức Sắc Hiệp-Thiên-Ðài còn được hưởng trường hợp đặc biệt như:

Có công nghiệp phi thường được công chúng hoan nghinh, có bằng cớ xác đáng và có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ.

Có khổ hạnh trong trách vụ hành Ðạo và có Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ, thì được vị Thời Quân Chưởng Quản đề nghị cầu thăng thưởng đặc biệt.

Sự cầu thăng thưởng đặc biệt không áp dụng trong trường hợp Chức Sắc bị tù tội hay giam cầm vì những hành vi trái với Luật Pháp Chơn Truyền của Ðạo.

Ðiều Thứ Chín:
Những cấp bậc nào được quyền Thiêng Liêng giáng cơ phong thưởng tại Cung Ðạo Ðền Thánh thì mới ra ngoài luật định kể trên. Bản Hiến-Pháp nầy Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Ðài đã dâng lên Ðức Hộ-Pháp cầu xin chỉnh sửa và phê chuẩn, được Ðức Ngài chấp thuận toàn diện do đàn cơ đêm Rằm tháng 11 năm Bính-Ngọ (26-12-1966).

PHẨM TRẬT HIỆP THIÊN ÐÀI.

Tất cả khởi từ Nguyên lý của Càn khôn vũ trụ
1 - Về mặt hữu hình:
Đức Thượng-Phẩm cho biết:
“Các em cũng dư hiểu rằng các giáo-lý từ xưa đã bị thất-kỳ-truyền là tại Môn-đồ của họ không chịu đặt mình trong khuôn viên Luật-Pháp của giáo-lý ấy.

Nếu một thời-kỳ mà một giáo-lý đã thất chơn truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết bao tang thương biến đổi!

Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập vị.
- Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo hóa nhơn-sanh.
- Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt luật pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh giáo của Đức Chí-Tôn khỏi phải qui thành phàm-giáo.

Cũng vì lẽ quyền-hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc Đạo-quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi-lầm mà chẳng chịu phục thiện đặng cải sửa cho trở nên tận thiện.

Các em đâu hiểu rằng Chí-Tôn giao quyền sửa trị Chức-Sắc, chức việc và toàn Đạo nam, nữ cho bên Hiệp-Thiên-Đài là Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô hình. Nếu ai chẳng thận trọng để cho phạm vào luật-pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa! Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được; rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời.

Vậy các em khá nhớ lời Bần-Đạo dặn mà giữ mình cho tròn phận trong lúc Tam-Kỳ Phổ-Độ này. Thêm nữa các em nên nhớ: Hễ khi các em đã vô tình hay cố ý mà phạm vào luật-pháp thì hãy vui-vẻ để cho luật-pháp sửa trị đặng khỏi vướng tội vô hình.

Còn những người được lịnh Hiệp-Thiên-Đài để sửa trị các em là những người ơn của các em, chớ không phải người thù theo tánh phàm của nhơn-sanh đã tưởng.!

2 - Về mặt tinh-thần đạo-đức:
Lập quốc cho nòi giống Việt-Nam
Đức Ngài dạy tiếp “Đời là một sân-khấu hí-trường, mọi sự đều phải thay đổi, chớ nên lấy đó làm mục-đích chánh để noi theo, vì đã nói rằng: một sân-khấu hí-trường thì trong đó đủ đào kép và ông bầu, dầu hay dầu dở thì bổn-phận họ cũng làm cho rồi để cho kẻ khác lên thay thế, đặc-sắc hơn và hay-ho hơn.

Hiện các em đã thấy biết bao nhiêu màn đời thay đổi liên-tiếp mà những màn ấy cũng chẳng làm cho dân Việt-Nam được hưởng cảnh Thái-bình. Càng thay đổi càng làm cho dân-chúng Việt-Nam thêm hoang-mang, hồi hộp và cảnh tương-tàn, tương-sát của Việt-Nam cũng chưa thấy giảm bớt chút nào mà lại càng tăng thêm cực độ.

Các em biết tại sao vậy không? Nói nghe thử?
- Trúng!... Nhưng còn thiếu một chút là dân Việt Nam chưa được mãn nguyện cho sự lãnh-đạo của những bậc giả thương dân-chúng đó vậy.

Vậy có câu “Dĩ đức phục nhơn”, tức là lập hòa bình bằng nhơn-đức, mà chính các vị lãnh-tụ không thật hành được mảy-may nào cả thì đừng trông chi họ đem hạnh-phúc và nguyện-vọng chơn-chánh đến cho dân chúng được. Dầu cho phải thay màn như vậy nữa dân chúng Việt-Nam chắc-chắn không bao giờ đạt vọng được cũng vì sự bất lực của quyền đời như vậy.

Mọi sự biến-chuyển đều do Đức Chí-Tôn, còn sự lập đời thái-bình cũng do Đức Chí-Tôn định-phận cho các bậc Thiên-mạng rồi thì còn chi mà khó nữa, chỉ đi đúng chơn-truyền của Đạo và trọn tuân lịnh Đức Hộ-Pháp thì xong mọi việc. Các em cũng đã hiểu rồi!

Về việc lập quốc cho nòi giống Việt-Nam, mặc dầu địa thế của nó nhỏ, nhưng sẽ được các liệt-cường trợ giúp cho nó thành một nước độc-lập hoàn-toàn mà lại còn là trụ cốt thái-bình cho Vạn-quốc nữa.

Vì chính nước Việt-Nam đã được Đức Chí-Tôn định làm Thánh-địa; mà đã nói là Thánh-địa tức nhiên nó phải có chút ảnh-hưởng của Đạo Cao-Đài quyềt-định, không dựa vào hình-thức nào hay là chút ảnh-hưởng văn-minh của một liệt-cường nào cả.

Vì sự tiền định khéo-léo và cao-trọng như thế mà ĐẠO CAO-ĐÀI sẽ được vi chủ về mặt tinh-thần để chấm dứt cuộc chiến-tranh tàn-khốc của hoàn-cầu.

Theo thế thường đời càng gay mà muốn lập lại đời thái-bình thì phận-sự của Đạo lại càng thêm khó nhọc và nặng-nề.
 Home       1 ]  [ 2 ]  [ ]  [ 4 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét