Tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo" * Ban Đạo Sử Cao Đài Paris, France [ 18 ]

Phát hành Tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo". * Võ Chí Toàn.
13 giờ ngày 05/12/2000. Tại địa chỉ, 269 Rue Saint Jacques 7505 Paris, France. Ban Đạo Sử Cao Đài Âu Châu, Tổ chức buổi phát hành tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo".
Theo thiệp mời, chúng tôi đến trước 15 phút, vào hội trường Thư Viện Cao Đài tham dự một buổi chào mừng năm 2000, qua chủ đề Âm Nhạc Ngũ Cung Cao Ðài, trước nhất nhận thấy cảnh trí đã trang trí hoành tráng, gồm cờ Ðại Ðạo, biểu ngữ trang trọng theo mỹ thuật nhẹ, trong hội trường chia ra làm hai khu vực (zone) ghế chia thành lối đi tự do rất thoải mái, ngoài ra ở hội trường Thư Viện Cao Đài còn phân ra hai khu vực, gồm một sân khấu đơn giản do Ban Ðạo Sử điều hợp và một khu vực thứ hai ban phụ trách phát hành sách báo của Ðạo .
Chúng tôi quan sát cảnh trí đã thấu suốt. Đúng 10 phút (13 giờ 10) nhưng vẫn chưa thấy đại diện của ban tổ chức tiếp đón chúng tôi, thực tế chúng tôi đến sớm để tiếp tay cùng ban tổ chức về phần trang trí, nhưng mọi việc đã hoàn tất trước, lúc này ban tổ chức xuất hiện bốn vị đồng phục, với khăn đóng áo rất nét Ðạo Cao Ðài hiện ra trong ấy có Hiền Huynh Huỳnh Tâm Trưởng Ban Đạo Sử Cao Đài Paris, France. Cùng đồng đạo tín đồ Cao Đài tại Pháp. Tuy nhiên vắng mặt Giáo Sư Gustave Meillon. Giám đốc Thư Viện Cao Đài Paris, vì đã qua đời vào năm 1994.
 
Kính thưa quý vị, tôi là người ngoại đạo và tính lính cựu quân nhân đã quen cho nên thường ngày gọi chính danh anh Huỳnh Tâm, xin quý vị cảm thông. Bốn vị Tín đồ Cao Đài đồng chắp tay xá một lễ theo nghi thức ứng xử của Tín đồ Ðạo Cao Đài. Chúng tôi bối rối không biết phải trả lễ bằng cử chỉ thế nào, riêng tôi thì phản ứng nhanh cũng xá lại như một cử chỉ chào tương kính, còn các bạn đi cùng với tôi chỉ gật đầu tỏ ý chúc sức khỏe, nói lên sự quý trọng lẫn nhau .
 
Tôi thân với anh Huỳnh Tâm từ khi cùng học lớp đệ nhất trường trung học Trần Hưng Đạo Sài Gòn, lúc bấy giờ anh đã là trưởng ban tổ chức của những hội đoàn thanh niên, anh là thành viên sáng lập Thanh Niên Thiện Chí sau đó Văn Ðoàn Xã Hội Việt Nam. Tôi không biết anh Huỳnh Tâm theo Đạo Cao Đài từ bao giờ, hỏi ra mới biết Đạo gốc.
 
Hôm nay, anh thay mặt Ban Ðạo Sử Cao Đài tổ chức buổi giới thiệu tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo". Tôi không ngạc nhiên lắm vì anh đã tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt trên cả ngàn người tham dự lớn nhỏ đều thành công. Nói đúng hơn chưa bao giờ thất bại, nhưng ngày nay ở xứ người, hoàn cảnh môi trường đã đổi thay.
Tôi có vài suy nghĩ hơi lo lắng cho anh, vì tôi nhận diện được nhưng quấy nhiễu mạnh tay trong và ngoài buổi phát hành tập ký âm "Tân Kinh Thiên Đạo", điều này anh Huỳnh Tâm hẳn nhiên không biết, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy anh rất thanh thản hành Đạo, hình như bỏ xuống mọi thử thách bên ngoài.
 
Lúc này, trong hội trường đã đông người, có hơn 120 quan khách, tôi xem lại đồng hồ đúng 14 giờ 5 phút, như vậy chứng tỏ ban tổ chức thành công, thế mà trước đây một hôm tôi cứ tưởng ngày 05/12/2000 sẽ thất bại thê thảm.
 
Đúng 14 giờ 30 phút quan khách tham dự hơn 225 người, đặc biệt có rất nhiều người Pháp, riêng tín đồ Cao Ðài tham dự 45 vị, còn lại là người ngoại Đạo. Chúng tôi thấy quan khách rất tinh thông lịch sử Đạo Cao Ðài, và ngay cả giáo lý. Trong số quan khách tham dự có 4 kiến trúc sư, 2 nhà Nhân văn Xã hội học, 3 dịch giả, 2 đài phát thanh, 1 nhà xuất bản, 2 học giả, 8 nhà văn, 5 thi sĩ, 1 hội họa (cháu Ngoại của Ngài Phối Sư Nguyễn Văn Ca), 3 ký giả, 2 nhà quay Film chuyên nghiệp. 8 Giáo sư đại học, 10 nhà truyền giáo Tin Lành, Thiên Chúa và Phật Giáo, 4 Bác sĩ, 6 Kỹ sư, hơn 100 quan khách tìm hiểu Ðạo Cao Ðài, ban tổ chức 15 vị. Về Âm nhạc có Giáo sư Trần Văn Khê, Nhạc sĩ Xuân Lôi, và ban văn nghệ do Nhạc sĩ Xuân Giao phụ trách.
 
Chuẩn bị vào chương trình anh Huynh Tâm thay mặt Ban Ðạo Sử Cao Ðài Âu Châu mở lời bộc bạch, cảm ơn sự hiện diện quý Tôn giáo bạn, cùng lúc giới thiệu Mục sư Huỳnh Văn Công từ Hà Lan đến Paris để tham dự và kết nghĩa tình huynh, đệ, chúc mừng sự hội ngộ cùng quan khách, chúc mừng quý Hiền Huynh, Tỷ, Ðệ, Muội, quý Hiền hữu đồng Ðạo, và nghi thức tưởng nhớ đến Giáo sư Gustave Meillon đã quá cố, vị tinh thần của dự án ký âm "Tân Kinh Thiên Đạo".
 
Lúc này, tôi mới hiểu được sự xưng danh tương kính của người Tín đồ Đạo Cao Ðài, vì tất cả Huynh, Tỷ, Đệ, Muội một nhà, cùng con cái của Cha-Mẹ thiêng liêng, vì vậy cho phép tôi làm bạn của những tín đồ Cao Ðài, dù tôi là người Thiên Chúa.
Khởi đầu cho chương trình Hiền Huynh Huỳnh Tâm truyền giảng về chủ đề Công đức ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo", cả hội trương tiếp nhận được sức sống của tín ngưỡng Cao Ðài, đây là một công trình dày công nghiên cứu rất công phu mới tạo được một khuôn mẫu ký âm Lễ nhạc truyền lại cho người sau tiếp nối và áp dụng âm nhạc Ngũ Cung theo phương pháp Tây Phương cho dễ hội nhập vào thế giới.
 
Âm giai Ngũ cung hay còn gọi là pentatonic là một âm giai với 5 nốt nhạc trong mỗi quãng tám, khác với âm giai thất cung (heptatonic) gồm 7 nốt chẳng hạn như âm giai thứ, và âm giai trưởng. Âm giai Ngũ cung được xem như linh hồn trong dân gian Việt Nam. Và Hiền Huynh Huỳnh Tâm giới thiệu, đã tìm thấy khắp nơi trên thế giới, cũng có những dân tộc sử dụng Ngũ âm như một ngôn ngữ dân ca, gồm có vùng Celtic, Hungary, nhạc Tây Phi, nhạc Phúc âm, dân ca Mỹ, nhạc Jazz, nhạc blues của Mỹ, nhạc rock, điệu nhạc Sami joik truyền thống, nhạc thiếu nhi, âm nhạc Hy Lạp cổ đại, nhạc truyền thống Hy Lạp, nhạc miền Nam Albania, dân ca của các dân tộc sống ở khu vực Trung Volga (Mari, Chuvash, Tatars), âm thanh của đàn krar của xứ Ethiopia, dàn chiêng gamelan ở Indonesia, trống đồng Kulintang ở Philippine, nhạc của người Mỹ bản địa, âm điệu nhạc Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, vùng Andes, nhạc truyền thống vùng Caribe, dân ca vùng cao nguyên Tatra ở Ba Lan, các nhà soạn nhạc cổ điển phương Tây, như nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy. Âm giai Ngũ cung cũng được sử dụng trên kèn túi của vùng Scotland,v.v...
 
Hôm nay, Giáo Sư Trần Văn Khê cho biết: "Cháu Huỳnh Tâm một trong những tín đồ Cao Đài đi tiên phong chuyển tải âm nhạc Tân Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo hội nhập vào thế giới, một công trình chín (9) năm miệt mài liên tục làm việc với Nhạc sĩ Xuân Lôi."
Tác giả nhạc phẩm "Nhạt Nắng", "Bài hát của người Tự Do", "Tiếng hát quê-hương, v.v...
Từ đây Kinh Lễ âm nhạc Ðạo Cao Ðài tự diễn đạt lưu truyền cho đến 700.000 năm sau, âm nhạc này vẫn tồn tại, có nghĩa là chính truyền nguyên bản, không bị thất chánh truyền, người tín đồ Cao Ðài chỉ cần tu tập thấm nhuần mọi hiểu biết ý nghĩa câu kinh trong âm nhạc cũng đủ đem lại tâm hồn an lạc." 
 
Tiếp theo chương trình H.H Huỳnh Tâm trình bày, nguyên nhân thôi thúc thực hiện tập ký âm "Tân Kinh Thiên Đạo" trôi qua 20 phút rất hữu ích, nhất là Hiền Huynh Huỳnh Tâm cho biết sự đam mê Đức tin cao hơn những giá trị khác, quan khách tán dương bằng một tràng vỗ tay tuyệt vời.
 
Chương trình tiếp theo, giới thiệu Giáo sư Âm nhạc Trần Văn Khê thuyết trình chủ đề Nền Tảng Âm Nhạc Cao Ðài, Giáo sư chứng giải từ lịch sử Ðạo Cao Ðài đến phần âm nhạc, mỗi phần mạch lạc, diễn giải rất khoa học theo Hàn Lâm, phân tích cấu trúc âm nhạc Đạo Cao Ðài thuyết phục quan khách.
 
Giáo sư xin phép ban tổ chức cho nói song ngữ Việt-Pháp, vì trong hội trường có rất nhiều người Pháp, hỏi thăm mới biết có 8 vị Giáo sư người Pháp nói tiếng Việt Nam, bởi Tín đồ Cao Đài nghiên cứu giáo lý, cũng là thành viên của Ban Ðạo Sử Cao Ðài Âu Châu, thế là không cần sử dụng song ngữ.
 
Giáo sư Trần Văn Khê trình bày các cung bậc âm khúc, câu kinh và nhấn mạnh những điểm vi diệu của âm nhạc Cao Ðài, tự toát xuất chất liệu ngũ cung thanh tao rất hài hòa, mỗi cung bậc Nam Ai, Nam Xuân vừa chấm dứt là một tràng vỗ tay của quan khách tán dương, cứ thế trải qua 1 giờ cảm xúc. Giáo Sư tự trình trấu Thánh ca Cao Đài bài "Niệm Hương" bằng đàn Trang, tiếng đàn đưa quan khách vào cõi tâm linh, mỗi tâm trạng lòng người cảm nhận được siêu thoát.  
 
Đặc biệt hôm nay, tôi được duyên, tham dự lần đầu tiên cũng có vài suy tư cảm giác như mọi người thật là vinh dự.
 
Tiếp theo, Nhạc sĩ Xuân Lôi độc tấu bài "Ngọc Hoàng Thương Ðế" để quan khách có một khái niệm về âm nhạc Cao Ðài, quả là tuyệt diệu, khi nghe được âm thanh ngũ cung toả ra sức hút của Nam Ai, trên cây đàn của Nhạc sĩ Xuân Lôi.
Tôi rất ngạc nhiên âm nhạc Cao Ðài lại chuyên chở được một văn hóa cao độ như vậy, nếu không có sự thị hiện của Quý Ðấng Tối Cao thì không ai có khả năng khám phá, khai mở âm nhạc Kinh lễ Đạo Cao Đài với âm hưởng đặc thù dân tộc Việt Nam.
 
Quan khách rất hài lòng, và kính trọng ba vị diễn giả kiệt xuất, can đảm đứng trên mọi thử thách của xã hội để đạt mục đích âm nhạc vì nhân loại. Chúng ta đang đứng trước thời đại thử thách không ngừng, và thế giới chuẩn bị thay đổi không định hướng, nhưng âm nhạc kinh lễ Đạo Cao Đài thì luôn luôn tồn tại với Ngũ cung kỳ diệu, theo tác giả là một tín đồ Thiên Chúa, nhận thấy những tôn giáo bạn chưa thực hiện đầy đủ Lễ nhạc, như Đạo Cao Đài, chứng minh qua tập ký âm "Tân Kinh Thiên Đạo".
 
Trong hội trường ngày lịch sự này, tôi rất xúc động khi nghe lời phát biểu của giáo sư Michel Roche : " - Thưa quý tín đồ Cao Đài có bản tâm đa năng và thực tài, nhưng không có chất liệu để dán dính, vì vậy muốn ngồi lại phải có sức chịu đựng chấp nhận thử thách, và can đảm nhìn thẳng vào sự tha thứ, tôi nghĩ hôm nay cũng là điểm thực hiện dán dính cho tương lai, và tôi rất cảm ơn tinh thần của hiền hữu Huỳnh Tâm, Giáo sư Trần Văn Khê, Nhạc sĩ Xuân Lôi đã cho tôi nhiều suy tư mới về âm nhạc Tân Kinh Cao Ðài. Cho thấy Đạo Cao Đài đã tìm được điểm đứng trong không gian tín ngưỡng của nhân loại".
 
Tiếp tục chương trình âm nhạc sân khấu, ban nhạc hòa tấu chào quan khách, và H.H Huỳnh Tâm điều hợp chương trình giới thiệu văn nghệ phần một: " - Paris đẹp như mùa thu lá vàng rơi theo gió nhẹ, có đôi thiên nga cất lời ca nhớ tổ, từ bá hoa viên Luxemburg cho chúng ta những tia sáng của vũ trụ mênh mang tuyệt vời, nhưng không ở đâu đẹp bằng Thánh Ðịa Tòa Thánh Tây Ninh, có ngôi Cao Ðài uy phong, Trí Huệ Cung có hồ Thất Bửu, 20 phận đạo lũy tre đầu làng, với cánh đồng vàng bát ngát Việt Nam, v.v...mời quý hiền cùng suy tư về nguồn cội yêu dấu, với một âm điệu sang trọng diễn tả thân thương tình ngưi qua dân ca của Ca sĩ Nguyệt Ánh " .
 
Tiếng vỗ tay xôn xao, Ca sĩ và Nhạc sĩ làm chủ sân khấu, Ca sĩ Nguyệt Ánh diễn tả trường ca, âm hưởng dân ca, từ đồng nội trải nghiệm sức sống của dân tộc Việt Nam, và mong ngày quê hương thực sự hòa bình. Ban tổ chức và quan khách cảm ơn Ca sĩ Nguyệt Ánh .
 
Chương trình tiếp theo: - Văn chương, thường ca tụng tiếng sáo Trương Chi, nhưng chưa ai được thưởng thức tiếng sáo huyền lực ấy, vì vậy chúng tôi khám phá một Trương Chi thời đại, nguyên là Giáo sư triết học chuyên về thiền luận, Giáo sư sáng tạo ra một phương thức âm nhạc mới, phát xuất từ 81 hạt gạo chọn một hạt đẹp nhất cho vào ống trúc và thổi thành một âm thanh huyền hảo, tiếng tiêu rơi vào đơn điền phát âm Fa, từ ấy trở thành Nhạc sĩ dân gian, với tiếng sáo cao vút chảy mạnh như thác đổ và lắng đọng êm đềm như nước mặt hồ thu, chúng tôi xin mời Nhạc sĩ Trần Tâm Nguyên. Nhạc sĩ tiến về sân khấu để dùng tiếng sáo trải lòng tâm sự cùng quý hiền. Quan khách tán dương và tin tưởng lời giới thiệu của điều hợp viên.
 
Thực vậy tiếng sáo mang âm hưởng rất lạ lùng có lúc giục giã như chiến mã cùng chinh phu xông pha ngoài trận mạc và tình đời cũng có lúc ray rứt lòng người nhớ cố hương, những nhạc phẩm dân ca "Sông Hương Xứ Huế". Nhạc sĩ Trần Tâm Nguyện quả là Trương Chi thực tại. Tiếng vỗ tay rất nồng nhiệt .
 
Phải nói rằng, những chương trình do H.H Huỳnh Tâm tổ chức đều quy tụ những nhân tài thực sự với giá trị nhân văn, và anh tuyên bố buổi phát hành tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo" rất xúc động:
" Hôm nay, phát hành tập ký âm, thu được tài chính chỉ vì mục đích bảo trợ cho Nhạc sĩ Xuân Lôi".
Trong thời giải lao 30 phút, toàn thể quan khách đồng hưởng ứng, ủng hộ Nhạc sĩ Xuân Lôi.
 
Tiếp tục chương trình văn nghệ phần Hai: Do Nhạc sĩ May Nith điều khiển, nhạc sĩ biệt tài diễn dụ bằng lời ca để gọi sống thực tại, mời vui, nhờ vậy chương trình văn nghệ phần nhì, trở nên xôn xao, náo động và phong phú, Nhạc sĩ May Nith cất lời ca để chào quan khách qua nhiều nhạc phẩm trào phúng, và ví von.
 
Lúc này mỗi Ca sĩ thực hiện lời ca gieo hình ảnh đẹp vào lòng quan khách, xúc cảm nhất nhưng lời hứa hẹn năm sau tái ngộ, qua những nụ cười gọi thức, cho ngày mai một sức sống mới, và điểm khích lệ nhứt là nghệ sĩ tặng nghệ sĩ nhưng chân thực bằng hiện kim, đây là một thể hiện tinh thần thân mật hiếm có do Nữ sĩ Ngọc Thanh sáng tác, bởi vì anh chị em nghệ sĩ ở hải ngoại có một thế giới lời ca mãnh liệt, nhưng khó phát triển vì vậy họ hiểu nhau và thân thiết . 
Ban Ðạo Sử Cao Ðài Âu Châu, và ban tổ chức cảm tạ Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳ, Giám Ðốc Trung Tâm Thư Viện Cao Đài Paris và quan khách, cảm ơn tất cả anh chị em văn nghệ sĩ đã hết lòng hỗ trợ trên nhiều phương diện để thành công tốt đẹp như hôm nay, và xin hẹn tái ngộ vào năm tới.
 
Hiền Huynh Huỳnh Tâm xin tuyên bố bế mạc. Ban Ðạo Sử Cao Ðài và Ban Tổ Chức tiễn đưa quan khách ra về, và chúc sức khỏe mùa Noel bình an.
 
Sau khi quan khách ra về, Ban Ðạo Sử và Ban Tổ Chức trao phần hiện kim bảo trợ cho Nhạc sĩ Xuân Lôi, mọi người đồng hoan hỷ với một tràng pháo tay. Hiền Huynh Huỳnh Tâm thông báo chương trình năm tới cũng bảo trợ cho một nghệ sĩ cao niên khác. Cùng lúc có một luồng gió mới thổi vào, bởi Nữ sĩ Minh Tâm phát biểu " Ðêm nay Minh Tâm chiêu đãi tất cả anh chị em văn nghệ sĩ và ban tổ chức một buổi cơm tối tại nhà hàng Huế, quận 13 Paris, là để mừng sự thành công chương trình Ðạo đức, mà hôm nay chúng ta thực hiện được thành công".
Mọi người đồng chấp nhận tổng số 26 vị tham dự buổi cơm tối, chỉ có 4 vị xin về trước với lý do có con nhỏ, hẹn dịp sau.
Nữ thi sĩ Minh Tâm mời tất cả quý bạn dùng cơm, và nhấn mạnh " chúng ta nhớ chốn này chỉ để nhả Thơ, Nhạc vào, chứ không phải "rượu vào lời ra". Quả nhiên tính nghệ sĩ Paris có khác rất vui. Những buổi vui nào cũng để lại lời tái ngộ, và chia tay trong nhung nhớ, đến 12 giờ đêm mọi người cùng chia tay trong tinh thần thân ái.
Buổi ra mắt tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo" rất thành công, và kính chào năm 2000 kết thúc trước thềm đệ tam thiên niên kỷ. Cùng nhau hứa hẹn hướng về tương lai. Thực vậy đêm nay, mọi người chào nhau tạm biệt mà lòng thanh thản. Tôi không phải là nghệ sĩ nhưng cũng trở thành nghệ sĩ ăn theo.
 
Nhân đây, chúng tôi xin đề nghị ban trị sự phát hành tập ký âm "Tân Kinh Thiên Ðạo", đến với mọi người trong và ngoài Ðạo nào muốn tìm hiểu tường tận hay nghiên cứu về âm nhạc Cao Ðài, vì đây là một trong nhưng tư liệu hiếm hoi. Xin quý vị liên lạc với Nhạc Sĩ Xuân Lôi hay Thư Viện Cao Ðài, tại 269 Rue Saint Jacques 7505 Paris, France.
 
Lời chân thành nhất của anh em chúng tôi, chúc Ban Ðạo Sử Cao Ðài Âu Châu, Thư Viện  Cao Đài Paris thực hiện chương trình mở rộng truyền giáo, mạnh mẽ như một nhịp thở vào thế kỷ mới.
* Võ Chí Toàn

*   *   *

TÌM HIỂU NHẠC CAO ĐÀI. * Prof Dr. Trần Văn Khê. 

Thân gửi cháu Huỳnh Tâm,
Bác đã nhận được mấy tập ký âm, các bài nhật tụng và caneltionder. Cháu gửi cho xem cảm ơn Cháu nhiều. Bác gửi cháu bài "Tim Hiểu Nhạc Cao Đài". Cháu nhận được bài cho Bác biết cảm ơn.
Thân chúc cháu, và quý quyến van an.
Vitry Sur Seine, ngày 16-6-2000.
Prof Dr. Trần Văn Khê.
 
Membre d'Honneur CIM ( UNESCO )
44, Rue Cìment Perrot
94400 Vitry Sur Seine, France.
Tél: 0145 73 01 3
*   *   *
TÌM HIỂU NHẠC CAO ĐÀI
Năm 1965, Ông Jacques Laporte, Chủ biên tập nhà xuất bản Labergene, mời tôi cộng tác trong Bách Khoa Tự Điển Âm Nhạc Tôn Giáo Thế Giới "Dictionnaire des musiques religieuses du monde", với tư cách một nhà Nhạc học Việt Nam.
Prof Dr. Trần Văn Khê (24 tháng 7 năm 1921 – 24 tháng 6 năm 2015).
Lúc đó, tôi chỉ biết tán tụng ít bài theo phong cách miền Nam, từ lúc lên năm (5), vì nhà cha mẹ tôi ở sát vách với nhà Thầy Ba Nhạc một "Thầy cúng", và Thầy dạy nhạc lễ. Đến khi tôi được mười tuổi (10) mồ côi cha mẹ, cô tôi có chồng tại Tam Bình, Vĩnh Long. Nuôi tôi ăn học đến khi tôi vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Dượng Năm tôi, ông Nguyễn Văn Dương, mà trong làng Tam Bình ai cũng gọi là ông Mười Tòng, có đạo Cao Đài, làm đến chức Phối Sư, nên trong ba năm liền, hằng ngày tôi nghe kinh nhựt tụng. Thỉnh thoảng, được phép dự những buổi "cầu cơ", hay những buổi tang lễ lớn có "đồng nhi" đọc kinh, tôi được biết qua về cách "Niệm hương", và đọc kinh "Đại La Thiên Đế..."

Tuy chưa ràng về nhạc tôn giáo trong truyền thống Việt Nam, tôi đã nhận lời cộng tác và đề nghị viết hai bài, về âm nhạc trong đạo Phật, và âm nhạc Đạo Cao Đài, để cho Việt Nam có mặt trong Bách Khoa từ điển âm nhạc tôn giáo thế giới.
Về cách tán tụng theo truyền thống Phật giáo, tôi học với Thầy, Thích Nhất Hạnh, và Thích Thiện Châu, nghe các cuốn băng ghi âm những thờ Cúng ngọ, Khai kinh, Thỉnh linh, Tiễn linh, của Đại Học Vạn Hạnh, và nhạc sĩ Vĩnh Phan gửi cho.
Về nhạc lễ Đạo Cao Đài, tôi chỉ theo trí nhớ, và nhất là nhờ tài liệu do Thầy dạy việt Ngữ của tôi, khi tôi còn là học sinh trường Trương Vĩnh Ký, Giáo Sư Trần Văn Quế gửi cho, và bằng ghi âm nhạc của Đạo Cao Đài của cố Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích cho tôi chép lại.
Những bài viết đăng trên Bách Khoa Từ Điển Nhạc Tôn Giáo, Quyển I xuất bản năm 1968, còn nhiều sơ sót, vì tư liệu chưa đầy đủ, bản thân tôi chưa có dịp thăm viếng Tòa Thánh Tây Ninh, hay gặp người rành về âm nhạc trong Đạo Cao Đài, để biết thực tế, các cuộc lễ lớn cử hành như thế nào.
Mặc dầu vậy, trên lý thuyết thì tôi không xa căn bản vì tôi có đọc quyển kinh lễ, do Tòa Thánh Tây Ninh xuất bản (Trang 126-144) và Bản quy định về Nhạc Lễ và cách đọc kinh, do Ngài Thượng Trung Nhựt, tức là Ngài Lê Văn Trung, được Đức Chí Tôn ân phong Ngôi Đầu Sư ngày 25/4/1926, Chưởng quản Cửu Trùng Đài, thi hành luật đạo, quản trị hành chính, và tuyền giáo, ký tên ngày 12 tháng 7 dương lịch 1930, sau khi Ủy Ban Nghi Lễ họp ngày mùng 9 tháng 2 dương lịch năm 1930.

Đại Cương Nhạc Lễ Trong Đạo Cao Đài.
Chúng tôi không trình bày pháp lý hay thảo luận về ngày Tịch Đạo, tức là ngày thông báo với chính phủ thuộc địa Pháp để khai đạo, vó có những tư liệu khác nhau về điểm này.
Nhưng với những độc giả không phải người trong Đạo Cao Đài chúng tôi dựa vào quyển "Tiểu sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc" của tác giả Huỳnh Tâm, do ban Đạo Sử Cao Đài Âu Châu xuất bản năm 1990, ghi lại ngày lập Tịch Đạo, 15 tháng 10 năm Bính Dần (1926). Dương lịch từ nngày 29/9/1926, đến ngày 25 tháng 10  năm 1926. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chánh thức tổ chức ngày lễ Khai Đạo tại Từ Lâm Tự, Gò Kén, tỉnh Tây Ninh.
Theo quyển "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" của Huệ Lương, xuất bản tại Sài Gòn năm 1963, mặc dầu căn cứ trên Tam giáo đạo Phật, đạo Lão, và đạo Khổng, Đạo Cao Đài có những đổi mới để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Đạo Cao Đài muốn thực hiện sự hợp nhất huynh, đệ giữa các tôn giáo, nhắc nhở con người nên nhớ bổn phận đối với nhân loại, nên dẹp bỏ những ràng buộc của vật chất, thờ Trời, kính trọng những đấng thiêng liêng, tu tâm dưỡng tánh, để thực hiện mục đích của Đạo là thắng khổ và phổ độ chúng sinh.
Đạo cho phép thờ Ông Bà, nhưng không cho cúng quảy thịt cá, và không nên đốt giấy tiền vàng bạc.
Tòa Thánh của Đạo Cao Đài xây dựng tại tỉnh Tây Ninh.
Chức Sắc gồm có một (1) Giáo Tông
             3 Vị Chưởng Pháp.
             3 vị Đầu Sư.
             36 vị Phối Sư.
             72 vị Giáo Sư.
             3000 Giáo Hữu.
Còn về Lễ Sanh vô hạn định.
Chức Sắc chia ra làm ba (3) phái:
- Phái Thái (Phật giáo) áo mão màu vàng.
- Phái Thượng (Lão giáo) áo mão màu xanh.
- Phái Ngọc (Nho giáo) áo mão màu Đỏ.
 
Mỗi Chức Sắc có pháp danh, Như dượng năm tôi tên Tòng, được phong chức Phối Sư, thuộc phái Thái, có pháp danh là Thái Tòng Thanh, Giáo Sư Trần Quang Vinh thuộc phái Thượng, có phẩm danh là Thượng Vinh Thanh.
 
Tu Tại Gia.
Nếu điều kiện vật chất cho phép, tại tư gia chũng như trong các Thánh Thất, mỗi ngày có cúng "Tứ thời", 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều, 12 giờ khuya.
Tại tư gia mỗi lần cúng, đọc "Niệm Hương", "Khai Kinh", Đại La Thiên Đế", Kinh ca ngợi Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử.
Niệm Hương đọc theo hơi Ai, Đại La Thiên Đế, và  những bài ca ngợi Tam giáo đọc theo hơi Xuân.
Tại Thánh Thất
Khi có Đại lễ thì ngoài Dâng hương, còn có dâng hoa, dâng rượu, dâng trà. Còn "Đồng nhi" (trai chưa vợ, gái chưa chồng) đọc kinh.
Khi dâng hoa, dâng rượu nhạc tấu Ngũ cung đảo,
Khi thắp hương Dàn nhạc Ngũ âm đánh Thét,
Khi lạy, đánh "Bài trống lạy".
Trong quyển "Kinh Lễ" xuất bản tại Tòa Thánh Tây Ninh có ghi rành rẽ 58 điều lễ quy định các loại nhạc được dùng trong mỗi trường hợp (xem từ trang 126, đến trang 144)
 
Mỗi lễ lớn được chia ra làm 7:
Lễ thứ nhất nhập lễ.
Phe Văn trong Dàn nhạc Ngũ âm tấu Bài Ngũ âm Hạ. (Về các nhạc cụ, dàn nhạc, Bài bản, Thang âm và Điệu thức; chúng tôi sẽ dẫn giải trong phần sau)
Sau Bài Ngũ đối Hạ Trống sấm (Lôi âm cổ), đánh Ba bài tiếp theo, có Ba hồi chuông Bạch Ngọc.
Phe Võ Nhạc Lễ tấu bản "Nghênh thiên tiếp giá".
Đồng Nhi xướng các bài kệ trong khi trống chuông đánh từng hồi.
Mỗi hồi trống hay chuông đánh có 12 chập, mỗi chập có 12 tiếng trống hay chuông, tất cả 3 hồi trống tổng cộng 432 tiếng trống.
Khi Chức Sắc tề tựu đông đủ chủ tế đi trước, Chức Sắc, Tín đồ theo cấp bậc, và sau cùng đồng nhi, vào trong Thánh Đường, Nhạc lễ tấu 7 Bàn lớn, Ngũ đối Thượng, Ngũ đối Hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu Khúc, Vạn dái, Xàng xê,  hoặc một hai trong 7 Bản, thường là Bài Hạ, tức Ngũ đối Hạ, và Xàng xê. Có khi nhạc tấu liên tục 3 lần Ngũ đối Hạ.
Lễ thứ hai Dâng Hương.
Khi chủ lễ đốt hương, các Chức Sắc quỳ, nhạc Võ đánh Thét.
Khi Đồng Nhi bắt đầu hát bài "Niệm Hương", Nhạc Võ ngừng đánh Thét, Phe Văn đánh bài "Nam Ai" để phụ họa theo Thánh Ngôn do cơ bút ghi ngày 11 tháng 9 năm 1926, Đồng Nhi gồm có 36 Nam và 36 nữ, có hai nữ Chức Sắc chỉ huy nhóm Nữ và hai Chức Sắc chỉ huy nhóm Nam. Số đó có thể giảm xuống đến 16 hay 8 Đồng Nhi tùy theo lễ lớn hay nhỏ.
Khi dứt bài Niệm Hương, Chủ lễ và Chức Sắc lạy, Nhạc Võ đánh bài trống lạy, hay Bài Rập Ban.
 
Lễ thứ ba Khai Kinh.
Đồng Nhi đọc bài "Khai Kinh" tiếp theo các bài ca ngợi Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử theo hơi Xuân, Phe Văn Nhạc lễ đánh bài Nam Xuân phụ họa.
Giữa mỗi bài, khi Chức Sắc lạy, Phe Võ đánh bài Trống lỹ hay Rập ban.
 
Lễ thứ tự Dâng hoa, Dâng rượu, và Dâng trà.
Khi chuẩn bị dâng lễ vật, Nhạc tấu Ngũ đối Hạ, có khi đánh Thét.
Lúc Đồng Nhi xướng bài Dâng hoa, Dâng rượu hay Dâng trà, Nhạc đánh bài Ngũ cung đảo.
Nếu Chức Sắc lạy, Nhạc Võ cũng đánh bài Trống lạy hay Rập ba.
Lễ thứ năm Đọc Sớ và đốt Sớ.
Khi học trò lễ đem sớ đến, Nhạc Võ đánh Thét.
Lúc đọc Sớ Nhạc ngưng đánh, Chỉ có Trống Nhạc chấm câu và đánh khi đọc đến tên Đức Cao Đài Tiên Ông hay tên các Thánh.
Lúc đốt Sớ, trống đánh ba hồi.
 
Lễ thứ sáu: Ngũ Nguyện.
Khi đọc câu Phát nguyện, Nhạc đánh bài Nam Xuân,, Trống đánh "Tịch", và dứt mỗi câu có đánh câu Vĩ.

Lễ thứ bảy: Lễ tất.
Nhạc Võ đánh Thét, Có ba hồi chuông Bạch Ngọc trước chậm sau mau, trong khi Chủ lễ và Chức Sắc rời Thánh đường, theo thứ tự như lúc nhập lễ.
 
Vài nhận xét về Nhạc Đạo Cao Đài.
Nhận xét chung.
1. - Trong các thời cung tứ thời tại tư gia, không có dùng khí nhạc, mà chỉ có thanh nhạc.
Trong các đại lễ tại Thánh Thất, khi nhạc có một vai trò quan trọng.
2. - Nhạc dùng trong Đạo Cao Đài được qui định theo truyền thống Nhạc lễ miền Nam, Việt Nam.
3. - Nhạc liên quan mật thiết với các tời cúng và nghi lễ trong các lễ hội. Không có nhạc đặc biệt để thưởng thức.

Thanh Nhạc.
1 . Chỉ dùng giọng thiên nhiên, như giọng dùng trong âm nhạc  dân gian, không cần luyện tập và cách điệu hóa, như trong hát tuồng, hát bội.
Như Đồng nhi thường dùng giọng Nữ hay giọng Nam cao, ít dùng giọng trầm.
2 . Khi đọc kinh, các thanh giọng theo phong cách miền Nam được thể hiện theo thang âm Ngũ cung trong nhạc miền Nam.
3 . Nét nhạc đi theo thanh giọng, như chữ có dấu huyền thì xuống giọng, Những chữ có dấu sắc, dấu hỏi thì lên giọng. Âm vực trung bình, quãng 5, quãng 8, gặp thường nhất.
4 . Mỗi chữ có một giọng, (Style syllabique) không có luyến láy dài hơi. (Style mélismatique)
5 . Chỉ dùng những hơi trong điệu Nam: Xuân, Ai, Đảo mà không có dùng hơi Bắc; hơi Quảng hay hơi Nhạc lễ.
6 . Nhịp thường theo nhịp 2, Song lang đều, không dùng nhịp ngoại hay đảo phách. Bình điệu chứ không có quá chậm hay quá mau.
7 . Tất cả người đọc Kinh hát đồng đều, không so le, không có giọng cao thấp khác nhau, không dùng hòa âm, đối với theo nhạc Phương Tây, không có đổi bực trong một điệu thức như cách tụng kinh Phật.

Khí Nhạc.
1 . Hai nhạc cụ dùng để tấu khi Nhập lễ hay lễ tất là Trống Ngũ Lôi, hay Trống Sấm, và Chuông Bạch Ngọc.
Ngày xưa Trống Ngũ Lôi là 5 cái trống lớn nhỏ khác nhau tiếng trống to ví như tiếng Sấm. Trong quyển "Dịch vọng tiền xã để niên sự lễ", (Collection Henri Maspero Bibliothèque Asiatique), có ghi lại bộ trống 5 chiếc trong làng Dịch Vọng, miền Bắc, mỗi năm có lễ lớn, hương chức trong làng lựa 5 thanh niên chưa vợ để đánh trống ngũ lôi. Ngày nay, trống Sấm có thể là một Đại cổ, như loại trống chầu thường dùng.
Chuông Bạch Ngọc là một loại Chuông lớn treo trên cái giá và người gõ chuông dùng đùi to bằng gỗ, gõ từ bên ngoài.
Dàn nhạc lễ, cũng gọi là Nhạc ngũ âm.
Dàn nhạc lễ có hai nhóm, (ngày trước gọi là hai phe: Phe Văn và Phe Võ.°
Phe Văn ngày trước gồm có 4 cây đàn Cò:
Đàn Cò Chánh lên dây nghịch (Xề, U)
Đàn Cò Lòn lên dây thuận (Xàng, Liêu)
Đàn Cò Gáo Dừa lên dây Nguyệt điều (Hồ, Xê)
Đàn Cò Gáo Tre lên dây chẩn (Xứ, Cống)
Bộ gõ chỉ có Song lang và trống nhỏ một mặt (đan diện cổ).
Ngày nay không có đủ 4 cây đàn Cò, thường chỉ có đàn Cò Chánh, đàn Cò Lòn, thêm vào đó đàn Kìm, đàn xến, ống sáo, ống tiêu. Có khi dùng cả đàn Tam, đàn Đáy, thùng đàn bịt bằng da trăn, hay đàn Tranh. Nhưng trong Phe Văn quan trọng nhất là hai cây đàn Cò và người nhịp trống.
Phe Võ có 5 nhạc công, vì vậy mà dàn nhạc Võ cũng mang tên là "Ngũ âm".
 
1. Nhạc công thứ nhất. Người đánh trống Nhạc.
Cặp trống nhạc: Trống Văn, Trống Võ, hay trống đực, trống cái, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng tàng, tiếng toong, trống để trên hai cái giá chảng ba, người đánh dùng hai đùi đầu lớn đầu nhỏ. Trong các dàn nhạc lễ từ xưa, người đánh trống phải mặc áo dài đen.
Dùng một dùi đánh giữa mặt trống Võ là Toong, đánh giữa mặt trống Văn là Tàng.
Hai dùi đánh liên hồi và thật mau trên mặt trống là Rù.
Hai dùi đánh Rù tiếp theo tiếng Toong là Tà Roong.
Mỗi dùi đánh vào mặt trống, là Tong hay Táng.
Rù tiếp theo Tong là Tà Rong, tiếp theo Táng là Tà Ráng.
Một dùi đánh trên Tang trống là Cắc.
Hai dùi đánh một lượt trên tang trống là Trắc.
Hai dùi đánh như Rù mà trên tang trống tiếp theo Cắc là Tà Rắc.
Hai dùi đánh Rù, và nhấn mạnh sau cùng là Rụp.
Hai dùi đánh Rù và ấn nhẹ là Sậm.
Dùi tay trái bịt mặt trống, dùi tay mặt đánh mạnh vào phía giữa mặt trống là Tịch.
Tiếng trốn có màu âm khác nhau, và có câu Thủ (đầu) câu Vĩ (đuôi), có "quận" (chu kỳ) có bài có bản.
Người đánh trống nhạc, như người chỉ huy trong ban nhạc.

2 . Nhạc công thứ nhì: Đánh "Chập bạt" hay là Xán bạt.
Xán bạt gồm hai nhạc cụ:
Một thanh la nhỏ, bằng đồng, 18 phân đường kính gõ bằng một dùi gỗ, và một cặp chập chõa nhỏ, có khi gọi là chập bạt. (Bạt cũng do chữ não bạt là chập chõa mà ra), một nửa để giữa trên chiếc gối tròn như chiếc vòng đeo tay, một nửa do tay trái từ trên gõ xuống.
 
3 . Nhạc công thứ ba, gỏ mõ sừng trâu.
Sừng trâu cắt ra lấy khúc giữa độ 15 phân. Khoét bỏng và phơi khô. Dùng dùi gõ, gõ nhịp chấm câu.
4 . Nhạc công thứ tư: Vổ Bồng.
Bồng là một loại trống một mặt bịt bằng da trăn. Thân trống bằng gỗ, hình lục bình, đít nhọn. Có dây chằng từ mặt trống lên đít trống. Phía giữa có dây quấn tròn như thắt lưng, để căng mặt trống ít hay nhiều cho tiếng trống cao hay thấp. Người vổ Bồng ngồi xếp bằng bồng để giữa chân.
 
5 . Nhạc công thứ năm: Thổ Kèn Trung.
Kèn Trung có dăm đôi. Suốt kèn có xoi 7 lỗ phía trước và 1 lỗ phía sau giữa lỗ thứ nhất và lỗ thứ nhì, bịt bằng ngón tay cái của nhạc công. Bát kèn bằng gỗ, không phải kền đồng như kèn song hỷ, kèn Tàu dùng trong hát bội. Kèn trung nhỏ hơn kèn đại dùng trong nhạc cung đình Huế, lớn hơn kèn tiểu dùng trong đám ước.
Ngoài những nhạc cụ kể trên, còn có Trống Cơm, hai mặt da, trên mỗi mặt có miếng cơm nhồi đắp lên phía giữa để cho tiếng trống nghe êm và có thể canh tiếng trống theo cao độ chữ Hồ hoặc chữ Xang khi nhạc tấu bài Nam Ai.
Ngày 12 tháng 5 dương lịch năm 1996, tôi có dịp nói chuyện về những cái hay cái đẹp trong âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Nhà Văn Hóa tỉnh Tây Ninh, vào buổi sáng.
Tôi có lưu lại đến xế để viếng thăm Tòa Thánh. Và để gặp cháu Trần Thu Thủy, Tốt Nghiệp Cao học về Sử học của Đại Học Văn Khoa Thành Phố niên khóa 1989-1991, với đề tài "Bước đầu tìm hiểu tính dân tộc,  dn gian Nam Bộ trong nhâc lễ Tôn giáo Đạo Cao Đài Tây Ninh" và Tốp nghiệp Đại học Nhạc viện Thành Phố về lý luận, niên khóa 1991-1992, vô đề tài "Đặc điểm nghệ thuật âm nhạc dân tộc trong các giọng tụng kinh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh". Cháu có cho tôi xem ảnh cháu chụp tại Tòa Thánh Tây Ninh, nhạc cụ dùng trong nhạc lễ, Theo ảnh đồ.
Nhạc cụ phe Văn gồm có: Tranh, Kìm, Tỳ bà, Đốc huyền, đàn Đoản, đàn Tam, và Ống tiêu.
Nhạc cụ phe Võ gồm có: Trống Văn, trống Võ, Bồng, Tom, Bạt, La, Mõ, Kèn.
Phe Văn có tám (8) nhạc cụ, nên có khi gọi là "Bát Âm". Tại miền Bắc nhạc dùng trong các cuộc tế lễ cũng có khi gọi là "bát âm". Nhưng có nghĩa là 8 nhạc cụ nghe cho 8 âm khác nhau. (Xem phụ chú)

Thanh âm Điệu thức.
Trong Ca nhạc tài tử miền Nam có hai Điệu. Có khi dùng từ Giọng:
Điệu Bắc, Điệu Nam hay giọng Bắc, giọng Nam.
Mỗi điệu (hay Giọng) chia ra làm nhiều Hơi.
Điệu Bắc có 3 Hơi:
Hơi Bắc có 6 bản. Bắc lớn Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn, Tây Thi, Cổ Bản, Bình Bán Chấn, Xuân Tình.
Và những bản Bắc nhỏ như Lưu Thủy Đoản, Bình Bán Vắn, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ Hối, Lưu Thủy Cao San, Tam Pháp Nhập Môn, v.v...
Những bản Hi Bắc không có dùng trong cách đọc hay tụng kinh Cao Đài, Bài Lưu Thuỷ có dùng trong nhạc Phật giáo ánh theo hơi nhạc lễ gọi là Lưu Thủy Thầy, dùng trong nhạc rước Chầu Văn (theo phong cách miền Nam), bài Bình bán vắn dùng trong Nhạc Phật giáo miền Nam.
Trong âm điệu Bắc, hơi Bắc có 5 âm chánh:
Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.
Liu, Ú là Hò, Xự, cao hơn một quãng tám.
Qui ra âm thanh Phương Tây, thì nếu lấy Sol là Hò thì thang âm Bắc là Sol, La, Do, Mi. Nếu lấy Dô là Hò thì Do, Rê, Fa, Sol La.
Nhưng trong hơi Bắc thì phải dùng những cách nhấn nhá đặc biệt:
Xự, Cống phải "rung", Hò, Xang, Xề đàn bình thường hoặc phải "mổ".
 
2 . Hơi Quảng: như trong những bản Ngũ điểm, Bài tạ, Khốc hoàng thiên, Xang Xự Liếu,v.v...không có dùng trong nhạc Cao Đài.
Thang âm y như thang âm hơi Bắc nhưng hai chữ Xự, Cống khi đàn phải mổ, và Hò, Xang, Xề phải "rung nhẹ".
3 . Hơi Nhạc (tứ nhạc lễ) hay có khi gọi là "hơi Hạ" vì miền Nam trong hơi nhạc dùng thường nhứt là Ngũ đối Hạ. Trong lúc "nhập lễ" Đạo Cao Đài. "Tham lễ" theo Phật giáo miền Nam, trong khi Phật giáo miền Trung dùng Đại nhạc tấu Đăng đàn kép và Tiểu nhạc tấu Long Ngâm và Ngũ đ ối Thượng.
Thang âm và cách nhấn mổ như hơi Bắc. Như "Trúc" tức là những chữ quan trọng, là Xự, Cống, Ú, thay vì Hò Xang, Xề trong hơi Bắc.
Điệu Nam (hay giọng Nam) có ba hơi:
1 . Hơi Xuân: như bản Nam Xuân, Êm ái, nhẹ nhàng, gợi lên tâm hồn thư thái, thanh thản, như một ông cụ uống trà, đi dạo vườn hoa.
Thang âm Xuân có 5 âm: Hò, Xự, Xang, Xê Phan.
Xư (không có dấu nặng), cao hơn Xự (có dấu nặng) nửa bực; Phan cao hơn Cống nửa bực Cách tô điểm đặc thù khác hơi Bắc. Chữ Xang nhấn lên Xê trở lại Xang, Chữ Xê phải nhấn hơi rung khi đàn từ Xang lên Xê, từ Liu đến Xê phải nhấn nhẹ lên tới Xế (có dấu sắc), tức là nhấn lên tới Cống non trở về Xê). Từ Xê lên Liu phải vuốt Xê thành Xệ (có dấu nặng, tức là Xê nhấn vuốt lên Phan) rồi mới qua Liu.
Hơi Xuân dùng trong các bài Ngọc Hoàng Thượng Đế (Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng...) bài Thích Giáo (Nhiên Đăng Cổ Phật) Tiên Giáo (Tiên Giáo Thái Thượng Đạo Tổ), Nho Giáo (Khổng Thánh Tiên Sư), Phật Mẫu Chơn Kinh, Di Lạc Chơn Kinh, Ngũ nguyện.
Hơi Ai trong bản Nam Ai, buồn man mác, lòng vương chút u sầu, trước cái mong manh của cuộc đời.

Thang âm như thang âm Xuân. Nét nhấn nhá tô điểm đạo thù khác hẳn. Chữ Xang phản "dằn" (tức là nhấn nhẹ) và phải "rung" có khi "Rung" vuốt nhẹ lên Xê.
Chữ Phan phải "dằn và Rung thành chữ Oan".
Chữ Xê phải mổ
Chữ Liu đàn êm hoạc Rung nhẹ.
Hơi Ai dùng trong hai bài Niệm Hương và Khai Kinh.
Hơi Ai cùng một cấu trúc thang âm điệu thức với cách thức ru em theo truyền thống miền Nam.
2 . Hơi Đảo, như bài Đảo Ngũ cung. Thuộc về hệ thông Nam vì chữ Phan thay cho chữ Cống trong thang âm, Nhưng chức năng chữ nhạc trong thang âm thay đổi và do đó nhấn nhá tô điểm đặc thù cũng thay đổi.
Thang âm Ngũ cung thay đổi chữ Xự trở về Xự của thang âm Bắc.
Chữ Phan y như trong thang âm Nam. Nhưng chữ Xang mang chức bằng Liu thành ra Xang phải mổ. Xê chức năng Ú thành ra phải rung chữ Phan mang chức năng Xang phải mổ, Chữ Liu mang chức năng Xê nên phải mổ. Hơi dựng như hơi Hạ.
Hơi Đảo dùng trong các bài Dâng Hoa, Dâng Rượu, Dâng Trà.
Đồng Nhi "Thài" (trong hát tuồng, hát bội cũng có Đài thài dưng rượu).
Trong điệu Nam có hơi "Oán" để diễn tả tình cảm sầu thảm, những nỗi buồn da diết, như bài Tứ Đại Oán, hay bài Vọng Cổ. Trong âm nhạc Đạo Cao Đài không có dùng hơi Oán.

Bài dâng trong nhạc lễ.
Trong quy định ký ngày 12 tháng 7 năm 1930 dương lịch, có ghi Nhạc Võ đánh bài "Nghinh thien" khi chủ tế và Chức Sắc tề tựu để nhập lễ đánh "Thét" lúc Chức Sắc đốt hương.
Bài Trống lạy hay Rập ban khi Chủ tế và Chức Sắc  lạy.
Xem qua các nhạc cụ dùng trong Phe Văn, Phe Võ của Dàn Nhạc lễ, thang âm điệu thức của các điệu các hơi dùng để Niệm Hương hay Khai Kinh, chúng ta thấy rõ ràng Nhạc Đạo Cao Đài căn cứ vào âm nhạc dân gian.
Các hơi Xuân Ai, Đảo trong lúc Niệm Hương hay Khai Kinh, Dâng hoa không theo một cách tỉ mỉ những hơi dùng trong ca nhạc tài tử, vì Tín đồ Cao Đài không phải tập "ca" đúng điệu đúng hơi cho thính giả thưởng thức, mà để dựa vào hơi nhạc, tự nghe và cho người dự buổi cúng Tứ Thời hay những Đại lễ, nghe rõ lời kinh kệ, để thấm nhuần giáo lý.
 
Tiết tấu, Nhịp Phách.
 Không có tiết tấu phúc tạp trong thanh nhạc.
Hầu hết chỉ có theo nhịp Hai, nhịp Tư theo trường canh đều đều.
Không có nhịp theo "nhịp đôi", (nhịp 2, bỏ 2 như trong nhạc tài tử hay nhịp tư theo cách nhịp 1 bỏ ba,v.v...
Không có nhịp ngoại, đảo phách, Toàn nhịp nội (chính diện phách).
Ngày mùng 6 tháng 10 dương lịch 1996 khi tôi được mời thuyết trình về Nhạc Đạo Cao Đài tại Từ Đàm, quận Phú Nhuận, có một thính giả hỏi tôi:
" - Khi đọc kinh Đại La Thiên Đế, tất cả Tín đồ trong nước đều dùng hơi Xuân. Nhưng có nói đọc theo nhịp 2, Có nói đọc theo nhịp 3."
Theo Giáo sư, nên đọc theo nhịp nào ? "
Tôi đã trả lời như sau:
" - Nếu căn cứ theo Thánh Ngôn ngày 11 tháng 9 năm 1926, hay qui định ngày 12 tháng 7 năm 1930, bài Đại La Thiên Đế phải đọc theo hơi Xuân, không có chỉ định phải đọc theo nhịp 2 hoặc nhịp 3. Như vậy đọc theo nhịp 2 hay 3, đều không sai".
 - Nhưng theo nhạc truyền thống Việt Nam thì nhịp nào được thông dụng nhất ?
- Trong nhạc truyền thống Việt Nam, cả bên Tàu và Nhật Bản, hầu hết bài bản đều thuộc về nhịp Hai, hoặc nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16, và 32 theo bài vọng cổ ngày nay, Chỉ có Triều Tiên là nhịp 3 được thông dụng. Trong truyền thống Việt Nam tôi chỉ thấy có cách đọc Văn tế theo phong cách miền Bắc là nhịp 3.
Bác Tổng Cóc.
Bỗng mà chết chóc....
- Như vậy đọc theo nhịp 2 đúng với truyền thống Việt Nam hơn.
- Nhưng con số 3 cũng rất quan trọng văn hóa Châu Á. Số 3 thuộc về Dương, 3 lần 3 là 9, 9 là tốt nhất trong số thuộc về Dương và người ta thường dành số 9 cho Vua chúa. Vua ngồi trên ngai 9 bệ, (Cửu Trùng). 9 lần 9 là 81, 81 là số hạt lúa mì để cạnh nhau để định bề dài của ống trúc dùng thổi ra âm Hoàng Chung là âm cơ bản trong âm nhạc.
Rồi từ Hoàng Chung theo phương pháp "Tam phân tổn ích" (Chia ba bớt thêm)mà định bề dài của ống trúc dùng thổi ra các âm trong Ngũ cung. (Về con số 3 tôi đã viết rất nhiều và dăng trong nhiều báo chí trong cả ngoài nước).
Tuy vậy, không phải vì số 2 thường có trong nhạc truyền thống Việt Nam hay vì số 3 quan trọng trong sự tạo âm thanh từ Hoàng chung, âm cơ bản, từ Hoàng chung theo phép "Tam phân tốn ích" (chia làm ba và bớt đi hay thêm vô một phân, mà tạo ra 5 âm trong thang ngũ cung mà đọc kinh Đại La Thiên Đế để phải nhất định nhịp 2 hoặc nhịp 3).
Theo tôi nếu người đọc kinh thấy, khi đọc theo nhịp 2 hoặc nhịp 3, tai nghe rõ lời kinh, lòng được bình an, thoải mái, thì cứ theo cách đó mà đọc. Mục đích của việc đọc kinh, không phải để cho người ngoài thưởng thức, mà để cho người đọc và người họp chung trong buổi lễ, tập trung tư tưởng hiểu rõ lời kinh, và thấm nhuần giáo lý.
Điệu thức và nhịp pháp chỉ là phương tiện để đưa lời kinh vào lòng tín đồ, và lời kinh để chuyển ý. Ý là nội dung quan trọng. Lời là hình thức không quan trọng bằng.
Và như thế nhịp 2 hoặc nhịp 3 không còn vấn đề.
Và sau đó độ 10 ngày, có ba vị Chức Sắc Cao Đài, cùng đến tìm tôi để đặt câu hỏi như thế. Tôi cũng trả lời như trênvà các vị cho rằng có tôi có lý.
Để kết luận, chúng tôi thấy rằng, âm nhạc Đạo Cao Đài, bắt nguồn từ nhạc dân gian, nhạc lễ miền Nam, và nhạc để đưa lời kinh vào tâm khảm tín đồ, nhạc để cho lễ thêm long trọng, tâm linh hướng thượng và nhạc Đạo Cao Đài giữ bản sắc dân tộc Việt Nam.

Phụ Chú:
Bát âm theo Từ Nguyên là 8 âm khác nhau do cách sắp loại nhạc cụ được dùng tại Tàu thời xưa. Cách sắp loại ấy, người Việt có nhắc đến nhưng không được thông dụng, Tám âm ấy là:
1 - Thanh. Nhạc cụ làm bằng đá. Đá mài nhẵn (pierre polie) loại Khánh. Có đặc Khánh, là một thanh đá treo. Và Biên khánh 16 thanh đá treo như Biên Khánh Tàu, và Triều Tiên, 12 thanh đá treo như Biên Khánh Việt Nam. Không phải loại đá nghè đẽo (galilée en éclats) như đàn đá tìm được trên Trường Sơn.
2 - Kim là nhạc cụ bằng đồng. Ngày xưa là loại Chung, tức là chuông tro. Bác chung là một cổ chuông treo. Biên chung là 16 chuông treo trên một cái giá bằng gỗ. Ngày nay có nhiều nhạc cụ bằng đồng khác như cồng, chiêng, la, đẩu, chập chõa, chập bạt,v.v...
3 - Ti là tơ. Chỉ những nhạc cụ có dây tơ. Ngày xưa chỉ có Cổ Cầm, và Sắt, theo tương truyền do Vua Phục Hy chế ra. Nay có nhiều nhạc cụ dây tơ như đàn Tỳ Bà, đàn Tam Huyền, đàn Nguyệt Cầm,v.v...
 4 - Trúc loại Sáo. tiêu, làm bằng trúc hay tre. Sáo thổi ngang, tiêu thổi dọc.
5 - Cách là da thuộc. Tất cả các loại trống.
6 - Mộc là gỗ. Ngày xưa chỉ có hai nhạc cụ bằng gỗ được sắp vào nhạc lễ như Chúc và Ngữ. Chúc là cái máng bằng gỗ đá máng hình vuông, đáy nhỏ miệng to, thân có 4 miếng gỗ. Dùng dùi gỗ gõ đáy và hông của Chúc để chấm câu.
Ngữ hình con cọp nằm, lưng khắc 27 răng cưa. Dùng thanh gỗ quẹt trên lưng cọp nghe tiếng "ret ret" chấm dứt bản nhạc lễ tậu.
7 - Bào là bầu. Ống "Sanh" loại kèn bè 17 ống sậy cắm trên trái bầu. Dùng trong Nhã nhạc ngày xưa bên Tàu, Nhật Bản, Triều Tiên. Trong nước Việt Nam, có mặt trong dàn "Huyền nhạc". (Huyền là treo) hay Thiết Nhạc (Thiết là bày ra). Trong lúc tế Nam Giao, có nhiều nhạc cụ bày ra mà không dùng để tấu nhạc.
8 - Thổ, Đất. Ông Huân hình quả trứng có một lỗ thổi và 6 lỗ bấm, làm bằng đất nung.

* Hiền Tài/Huỳnh Tâm
Paris, ngày 15/5/2021. Đúng 21 năm sau, mới có dịp nghi lại Tác phẩm TÌM HIỂU NHẠC CAO ĐÀI của Prof. Trần Văn Khê. Hầu để Viện Sử Cao Đài lưu lại cho mai sau.

Home       1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]  [ 11 ]  [ 12 ]  [ 13 ]  [ 14 ]  [ 15 ]  [ 16 ]  [ 17 ]  [ 18 ] 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét