Bước Đầu Học Đạo Dành cho Tân Tín Đồ Cao-Đài - 5 / 8 (HT. Nguyễn Văn Hồng)


III . Tổ chức của Bộ Pháp Chánh
Bộ Pháp Chánh tổ chức các Tòa Đạo từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Pháp Chánh bổ nhiệm các Chức sắc HTĐ (dưới Thập nhị Thời Quân) đi hành đạo về Pháp Chánh nơi các địa phương, từ  Tộc Đạo đến Châu Đạo và Trấn Đạo.

* Pháp Chánh tại Tộc Đạo là một vị Luật Sự (đối phẩm Chánh Trị Sự).

(Theo Hiến pháp của Chức sắc HTĐ thì phẩm Luật Sự chưa được bổ nhiệm làm Pháp Chánh Tộc Đạo, nhưng vì  số lượng Chức sắc Pháp Chánh quá thiếu nên phải bổ nhiệm Luật Sự làm Pháp Chánh Tộc Đạo).
* Pháp Chánh tại Châu Đạo là một vị Sĩ Tải (đối phẩm Lễ Sanh).
* Pháp Chánh tại Trấn Đạo là một vị Truyền Trạng (đối phẩm Giáo Hữu).

Đạo Lịnh số 16 ngày 13-giêng-Kỷ Hợi (dl 20-2-1959) qui định Bộ Pháp Chánh có 3 Văn phòng như sau :
1 .  Phòng Luận Án :
Vả lại phận sự xử đoán người phạm luật Đạo vốn do Hội Thánh CTĐ đảm nhận, nhưng trước khi xử đoán, hồ sơ phải gởi đến Bộ Pháp Chánh để Bộ nầy định phải giao nội vụ đến : Hội Công Đồng, hoặc Ban Kỷ Luật phân xử.
Và sau khi phân xử rồi, Hội Công Đồng hay Ban Kỷ Luật cũng phải gởi hồ sơ đến Bộ Pháp Chánh xem lại coi có đúng theo tinh thần luật pháp chăng.
Ấy là Pháp Chánh HTĐ giúp cho Hội Thánh CTĐ áp dụng luật pháp để giữ trật tự của Hội Thánh.
2 . Phòng Kiểm soát công quả  hay
Minh Tra Công nghiệp (MTCN) hành đạo :
Mỗi năm có một lần phong thưởng những vị dày công phụng sự chúng sanh mà chẳng vi phạm pháp luật của Đạo và quốc pháp của Đời. Pháp Chánh HTĐ có phận sự kiểm soát hồ sơ công quả của Chức sắc, Chức việc hầu làm cho sự phong thưởng được công minh.

Hai phận sự giúp cho CTĐ thưởng người có công và răn kẻ có tội đã kể ở trên, đại ý là khuyến khích người đạo đức mau thành công trên đường Đạo và cảnh tỉnh kẻ sai lầm sớm giác ngộ ăn năn.
3 . Phòng Kiểm duyệt Kinh Luật (KDKL) :

Ngoài PCT và Tân Luật, Hội Thánh cũng tùy trình độ tấn hóa của nhơn sanh mà ban hành những thể lệ bổ túc, hầu nâng đỡ tinh thần đạo đức của bổn đạo. Dĩ nhiên, những thể lệ ấy tạm hữu dụng trong một thời hạn, rồi có ngày nó sẽ trở nên lỗi thời.

Pháp Chánh HTĐ có phận sự kiểm duyệt thể lệ ấy và đề nghị với Hội Thánh lập thể lệ khác thích ứng hơn.
Còn những kinh sách nào có tính cách tổn thương tinh thần đạo đức, Pháp Chánh HTĐ cũng được phép đề nghị hủy bỏ.

Ngoài các Phòng kể trên, Bộ Pháp Chánh còn tổ chức thêm 2 Phòng khác nữa là :
- Phòng Thẩm vấn.
- Phòng Nhân viên.

Trong Bộ Pháp Chánh, không có phân ra hai tổ chức : nam phái và nữ phái, như trong các cơ quan khác của Đạo. Chức sắc nam nữ của Bộ Pháp Chánh đều mặc đạo phục với áo mão đều giống hệt nhau, nhưng số lượng Chức sắc nữ phái rất ít so với nam phái.

Khi Bộ Pháp Chánh có nhu cầu tuyển dụng phẩm Luật Sự, Bộ Pháp Chánh dâng tờ lên Đức Hộ Pháp chưởng quản HTĐ để Đức Ngài ra Thánh lịnh mở khóa thi tuyển Luật Sự, ấn định thời gian, các môn thi, ban Giám khảo.

Hồ sơ dự thi nạp tại Bộ Pháp Chánh.
Những người thi đậu kỳ thi tuyển nầy được gọi là Luật Sự tập sự. Sau thời gian 1 năm huấn luyện và làm việc, các vị nầy mới được công nhận là Luật Sự chánh vị.

IV . Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy về Pháp Chánh

Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy Pháp Chánh :
“ Pháp luật vốn vô tư, đứng trong chánh giới chơn truyền, nó là Bác ái, Công bình. Thi hành luật pháp đại khái là làm cho cả chúng sanh biết tương thân tương ái trên đường  sanh sống và tấn hóa.

Vậy phận sự của Pháp Chánh HTĐ là gieo rắc sự thương yêu trong toàn sanh chúng : không tư chẳng vị và giúp chúng sanh một cách cận kề, kẻ hung người bạo, kẻ tham người tà, rồi tìm phương nâng đỡ tinh thần họ trở về với chơn lý. Đó là áp dụng Luật Bác ái.

Còn như kẻ dữ nào còn muốn giở lối    mị,  không  thể sửa cải được, chừng ấy mới đem pháp luật thi hành một cách công minh, chẳng vì thương mà trọng, không vì ghét mà khinh, chẳng vì trung trực mà binh, không vì tà vạy mà bỏ. Như thế thì cân tội phước mới chói rạng.

Ấy là phương bảo tồn trật tự trước Luật Công bình.
Vậy, thực hành cái thuyết Bác ái - Công bình là phận sự của Pháp Chánh HTĐ. Thành thử có khi dùng đức để cảm hóa, có khi dùng pháp luật để khuyên răn, cầu cho kẻ sai lầm giác ngộ chơn lý.

Nhưng chúng ta cũng chẳng khá quên rằng, ngoài pháp luật của Đạo, kẻ tu hành còn phải chịu dưới hệ  thống  thưởng  phạt  của Luật Nhơn Quả : Lành thì thăng, dữ thì đọa. Sự báo ứng chẳng hề sai chạy mảy may. Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu. Đó là một điều mà người hành đạo nên lưu tâm cho lắm.” (Hạnh Đường 1973)

Đức Cao Thượng Phẩm dạy Chức sắc CTĐ về Pháp Chánh :
“ Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm thúc nhau trên bước đường lập vị.

Phần CTĐ chuyên về mặt giáo hóa nhơn sanh, còn phần của HTĐ thì lo về mặt luật pháp để bảo thủ chơn truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh giáo của Đức Chí Tôn khỏi phải qui thành phàm giáo.

Cũng vì lẽ quyền hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc đạo quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi lầm mà chẳng chịu phục thiện, đặng cải sửa cho trở nên tận thiện.

Các em đâu hiểu rằng, Chí Tôn giao quyền sửa trị Chức sắc, Chức việc và toàn đạo nam nữ cho bên HTĐ là Thánh ý của Đức Chí Tôn muốn dùng hình phàm đặng  làm cho giảm bớt tội vô hình.

Nếu ai chẳng thận trọng để cho phạm vào luật pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của HTĐ thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận, và đến khi rời bỏ xác phàm rồi, làm sao có cơ hội lập công nữa !  Mà một khi không lập công quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được, rồi mãi bị trầm luân khổ hải đời đời kiếp kiếp.

Vậy các em khá nhớ lời Bần đạo dặn mà giữ mình cho trọn phận trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy.

Thêm nữa, các em nên nhớ : Hễ khi các em đã vô tình hay cố ý mà phạm vào luật pháp thì hãy vui vẻ để cho luật pháp sửa trị đặng khỏi vướng tội vô hình.

Còn những người được lịnh HTĐ để sửa trị các em là những người ơn của các em, chớ không phải người thù theo tánh phàm của nhơn sanh đã tưởng.” (TNST-Q2-B 50)

“ Chơn truyền là gốc, luật pháp là chuẩn thằng, từ bi bác ái là đạo pháp.
Mỗi việc các em phải khá suy nghiệm cho kỹ lưỡng, phải luôn luôn nhớ rằng : Mình là người của chúng sanh, chớ chẳng phải chúng sanh là người của mình.

Mảnh thân phàm đã làm con vật hy sinh đặng Đức Chí Tôn dùng để sửa đời lầm lạc ra thuần phong mỹ tục, thì phải biết nó ra thế nào rồi, giá trị hay chăng là được trọn cùng không đó. Lại nữa, khi đã làm con vật hy sinh thì con vật ấy phải tùng theo sự điều khiển của chủ nó, nếu chẳng tuân thì sự hình phạt không tránh khỏi.

Các em có biết hữu hình là sao ? vô hình là sao ?  Hai đàng chỉ khác nhau như hình với bóng, hình thế nào thì bóng cũng thế ấy. “ (TNST-Q2- B 64)

Chương 10

PHƯỚC THIỆN

I . Quá trình thành lập CQPT

Khởi đầu là Minh Thiện Đàn do Đức Lý Giáo Tông lập ra tại làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho vào năm 1927 để Đức Lý thu nhận các tín đồ tu chơn.

Năm 1929, Đức Lý Giáo Tông giao Minh Thiện Đàn cho Đức Hộ Pháp cai quản. Đức Hộ Pháp đến Phú Mỹ hai lần để cân thần, lựa chọn được tất cả 72 vị công quả.

Năm 1930, Đức Phạm Hộ Pháp mua một sở đất tại xã Trường Hòa, lập ra Phạm Nghiệp là cơ sở đầu tiên của Phạm Môn tại Tây Ninh. Tất cả 72 vị công quả nơi Minh Thiện Đàn được nhập về Phạm Môn.

Các tu sĩ trong Phạm Môn gọi Đức Hộ Pháp là Sư phụ và xưng mình là đệ tử. Tại Trường Hòa, Đức Hộ Pháp cân thần chọn được 72 vị công quả Phạm môn.

Năm Quí Dậu (1933), một số người ganh ghét, vu cáo Phạm Môn chống đối nhà cầm quyền Pháp, nên Pháp ra lịnh đóng cửa các cơ sở lương điền, công nghệ của Phạm Môn. Đức Hộ Pháp phải cho phân tán các vị nầy đi xuống các tỉnh Nam Kỳ khai mở các cơ sở lương điền, công nghệ và thương mãi.

Đến năm Ất Hợi (1935), Đức Hộ Pháp biến Phạm Môn thành Cơ Quan Phước Thiện với đầy đủ cơ sở lương điền công nghệ và thương mãi ở khắp các tỉnh Nam Kỳ.

Năm Mậu Dần (1938), Cơ Quan Phước Thiện (CQPT) được hợp thức hóa bằng Đạo Luật Mậu Dần, chánh thức là một cơ quan của Đạo Cao Đài.

Cũng trong năm nầy, Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đồng ký tên lập Đạo Nghị Định số 48/PT ngày 19-10-Mậu Dần (dl 10-12-1938) xác nhận sự thành lập CQPT và Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của CQPT.

Nền Đại Đạo đang phát triển thì tình hình chánh trị của Việt Nam và thế giới biến chuyển, chánh quyền Pháp cấm đạo, đóng cửa Tòa Thánh, bắt Đức Hộ Pháp và một số Chức sắc cao cấp đày đi Madagascar vào giữa năm 1941. Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, Nhựt Bổn đầu hàng, Pháp trở lại Việt Nam, chánh quyền Pháp trả tự do cho Đức Hộ Pháp, và đưa Đức Ngài trở về Tòa Thánh, vào ngày 4-8-Bính Tuất (dl 30-8-1946).

Đức Hộ Pháp tái thủ phận sự, củng cố trở lại nền Đạo sau nhiều năm bị đàn áp điêu tàn.

Cuối năm Bính Tuất (1946), Đức Hộ Pháp triệu tập Đại Hội Phước Thiện, thăng thưởng nhiều Chức sắc PT, rồi Đức Hộ Pháp thành lập Hội Thánh Phước Thiện có Cửu Viện giống như bên Hội Thánh Cửu Trùng Đài.

II . Các phẩm Chức sắc Phước Thiện

Đạo Nghị Định 48 của Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp thành lập Cơ Quan Phước Thiện, qui định 12 phẩm cấp Chức sắc Phước Thiện gọi là Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của CQPT, với Đạo phục và dây sắc lịnh, kể ra như sau đây :
1 . Phật Tử,                    (Đạo phục do Đức Chí Tôn định sau)
2 . Tiên Tử,                    áo tràng trắng, khăn đóng vàng 9 lớp chữ nhứt, DSL vàng có gắn lịnh bài, chân mang giày trắng.
3 . Thánh Nhơn,  - như trên-
4 . Hiền Nhơn,    - như trên-
5 . Chơn Nhơn, áo tràng trắng, khăn đóng trắng 7 lớp chữ nhơn, DSL xanh có gắn lịnh bài, không mang giày.
6 . Đạo Nhơn,                - như trên-
7 . Chí Thiện,                  như trên nhưng đội khăn đen 7 lớp chữ nhơn.
8 . Giáo Thiện,    áo tràng trắng, khăn đen, DSL đỏ có lịnh bài.
9. Hành Thiện,                   - như trên-
10. Thính Thiện,                - như trên-
11. Tân Dân,                          áo dài trắng, quần trắng, khăn đen.
12. Minh Đức,                    - như trên-
                                       (Viết tắt : DSL : dây sắc lịnh).

Phẩm Hiền Nhơn trở lên không còn phận sự trong CQPT, mà qua HTĐ giúp Hội Thánh HTĐ giữ  gìn chơn pháp.

Dây sắc lịnh trong bộ Đạo phục của Chức sắc Phước Thiện luôn luôn choàng từ vai trái xuống hông mặt, ý nghĩa là thuộc về Chi Đạo của HTĐ.

Chức sắc CQPT chỉ có một bộ Đạo phục, không có đại phục và tiểu phục như Chức sắc CTĐ hay HTĐ.

Chức sắc nữ phái Phước Thiện có Đạo phục giống y như Chức sắc nam phái PT, nhưng đầu để trần, không đội khăn, phẩm nào cũng vậy.

Người muốn gia nhập vào CQPT thì trước hết phải là một Đạo hữu của Đạo Cao Đài, sau đó đến Đầu Tộc Đạo xin giấy chứng hạnh kiểm và làm giấy hiến thân trọn đời cho CQPT. Khi có đủ hồ sơ rồi thì đem nạp vào cơ sở PT mà mình muốn làm công quả tại đó, vị Chủ sở sẽ chấp hồ sơ ấy gởi lên Bàn Cai Quản và vị Quản Tộc Đạo PT.

Đạo hữu khởi đầu làm công quả nơi cơ sở PT, chưa chánh thức là người của CQPT, nên được gọi là Đạo sở. Sau thời gian 6 tháng công quả, vị Đạo sở mới được chánh thức nhập vào CQPT với phẩm khởi đầu là Minh Đức.

III . Tổ chức Cơ Quan Phước Thiện

Tổ chức của CQPT có những nét giống như Hành Chánh Đạo của Cửu Trùng Đài, nghĩa là cũng phân làm 2 phái: nam phái và nữ phái. Hai phái nầy có quyền hành riêng biệt và chỉ điều hành bên phái mình mà thôi.

Đứng đầu CQPT bao gồm có 2 phái nam và nữ là một vị Thời Quân chi Đạo của Hiệp Thiên Đài, gọi là Thống Quản CQPT.

Dưới Thống Quản CQPT là 2 vị Chưởng Quản nam phái và nữ phái PT, phẩm Chơn Nhơn.
(Xem Sơ đồ tổ chức của CQPT)

Dưới mỗi vị Chưởng Quản là 2 vị Phó Chưởng Quản : Đệ I và Đệ II.
Dưới Phó Chưởng Quản là Cửu Viện PT : Cửu Viện PT nam phái giống y như Cửu Viện PT nữ phái, gồm 9 Viện, có tên và nhiệm vụ giống y như bên Cửu Trùng Đài : Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện, Học Viện, Y Viện, Nông Viện, Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện.

CQPT thì lo tạo tác Điện Thờ Phật Mẫu để thờ phượng Đức Phật Mẫu, còn bên Hành Chánh Đạo CTĐ thì lo xây dựng các Thánh Thất để thờ Đức Chí Tôn.

Hai tổ chức Hành Chánh và Phước Thiện song hành nhau, các chức vụ tương ứng nhau, phận sự thờ phượng tương đương nhau, do đó mà các Chức sắc CQPT đôi khi xem nhẹ mục tiêu chánh yếu của Phước Thiện là cơ quan bảo tồn, cứu khổ ban vui cho chúng sanh, làm ra thật nhiều của cải vật chất để thực hiện mục tiêu nầy.

So sánh tổ chức CQPT ở địa phương với tổ chức Hành Chánh Đạo CTĐ ở địa phương :

Sơ đồ tổ chức CQPT :

IV . Đại hội Phước Thiện

Đại Hội PT là một hội nghị mà các hội viên gồm đủ đại diện của các thành phần Chức sắc trong CQPT, kể ra :
- Các Phái viên : đại diện cho các vị trong 3 phẩm : Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện.
- Các Nghị Viên : đại diện cho các vị Hành Thiện.
- Các Chức sắc PT từ Giáo Thiện đến Chơn Nhơn.
(Xem chi tiết trong Đạo Luật Mậu Dần, phần Phước Thiện)

Phận sự của Đại Hội Phước Thiện là :
1 . Kiểm soát công việc hành đạo trong năm vừa qua, nhận định các ưu khuyết điểm.
2 . Chương trình hành đạo trong năm tới, dự kiến mở rộng các cơ sở Phước Thiện.
3 . Kiểm soát tài chánh và phỏng định số thâu xuất.
4 . Ý kiến về cầu phong cầu thăng của Chức sắc PT.

Đại hội Phước Thiện mỗi năm họp một lần ngay sau ngày Ba Hội lập Quyền Vạn linh họp xong.

V . Chơn truyền của Phước Thiện

“ Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát ít oi, hoặc giúp tay cho bên Hành Chánh thi hành luật pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn.” (ĐLMD)
“ Phước Thiện là cơ quan tận độ, cốt để mở đường Thánh đức cho toàn sanh chúng có đủ phương thế nhập vào Thánh thể, người ngoại giáo có thể nhờ nơi cửa Phước Thiện mà hiệp cùng Hội Thánh.

Phước Thiện là phương bảo tồn sanh chúng, tế khổn phò nguy, vì trong đời người không có sự khổ nào bằng sanh, lão, bệnh, tử. Muốn thi hành cơ tận độ, những con cái của Đức Chí Tôn sẵn có tài tình học thức, đã được lập công nơi cơ quan khác, còn sót lại những kẻ dốt, kém, thật thà thì do nơi đâu mà lập công đoạt vị ? Chỉ có CQPT mới có đủ phương thâu nhập toàn thể con cái Chí Tôn qui về cửa Đạo, nên gọi là cơ Bảo tồn.

Muốn thật hành chánh nghĩa Phước Thiện, con cái Chí Tôn đói phải nuôi, rách cho mặc, tật nguyền phải bảo dưỡng, cô thế phải chở che, châu cấp người già cả, săn sóc kẻ bịnh hoạn, vv. . . . nói tóm lại là phải gánh mọi sự khổ trên đời nầy.
Vả lại, đời là một trường tranh đấu vì miếng ăn chỗ ở. Muốn sống phải no, ấm, mạnh.

Phước Thiện cứu kẻ khổ, giúp kẻ nguy, dìu dắt cho có phương sanh sống, tuy không giàu mà tự toại, không sang mà thung dung, mới có thể tránh được sự tranh đấu vì lẽ sống, tức là nâng đỡ, bảo sanh cho hạng Tam dân (nông, công, thương) hưởng đủ quyền lợi mà mỗi người được quyền sống hưởng theo luật tự nhiên của Tạo hóa.

Phước Thiện là phương pháp làm cho bình đẳng giữa hai hạng người : vô sản và tư sản, hay nói cho đúng là dung hòa quyền lợi chung hưởng chánh đáng, bất phân giai cấp sang hèn, tức là huờn thuốc tự do bình đẳng bác ái.

Chơn truyền của Phước Thiện lại còn phải thay thế cho Chí Tôn và Phật Mẫu thật hành cơ cứu khổ bằng phương pháp là : làm cha những kẻ không cha, làm mẹ những kẻ không mẹ, làm anh những kẻ không anh, làm bạn những kẻ thiếu bạn, làm chồng làm vợ những kẻ không chồng không vợ, trong sự thương yêu cao quí và trong sự giúp đỡ chơn thành. Như thế mới có thể thực hành cơ quan cứu khổ để nơi mặt thế.

Nếu CQPT bảo đảm được con cái Chí Tôn dường ấy thì ân đức của Đại Đạo có thể sánh cùng Trời Đất, làm cho đời khổ trở nên đời hạnh phúc, đời loạn trở nên đời an cư lạc nghiệp thì sự hòa bình của đại đồng thế giới mới mong thành tựu đặng. “ (Trích Chánh Trị Đạo của Trần Khai Pháp)
“ Phải cho cơm những kẻ thiếu cơm, cho thuốc những kẻ thiếu thuốc, cho hàn những kẻ không hàn chôn, chở che những kẻ bị đàn áp bất công, binh vực những kẻ bị chúng hiếp, an ủi những kẻ buồn rầu, khuyến khích những kẻ toan thối bước, độ những kẻ khổ tâm, lau chùi nước mắt những kẻ cô độc đang khóc trước mặt mình.

“ Tóm lại, là phải tự hiến mảnh thân làm tế vật cho Đức Chí Tôn để làm tôi đòi cho con cái của Người sử dụng trong công việc đem hạnh phúc đến cho họ, để thực hành trọn vẹn cơ quan giải khổ của Đại Từ Phụ.” (TNST-Q2-B 67)


Chương 11

CƠ QUAN LẬP PHÁP
(Ba Hội lập Quyền Vạn Linh)

I . Quyền Vạn linh là gì ?
Vạn linh là toàn cả các chơn linh (linh hồn) trong càn khôn vũ trụ, gồm đủ Bát hồn.

Bát hồn là tám phẩm chơn hồn trong càn khôn vũ trụ, gồm : kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.

Quyền Vạn linh là quyền quyết nghị của các đại biểu của Vạn linh, tức là các đại biểu của Bát hồn.

Khi lập Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn lập ra 3 đài tương ứng với 3 quyền : Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp.
- Quyền Lập pháp là của Bát Quái Đài do Đức Chí Tôn nắm giữ.
- Quyền Hành pháp là của Cửu Trùng Đài do Đức  Giáo Tông nắm giữ.
- Quyền Tư pháp là của Hiệp Thiên Đài do Đức Hộ Pháp nắm giữ.

Khi lập Đạo xong thì Đức Chí Tôn giao Quyền Lập pháp lại cho Vạn linh, vì Đức Chí Tôn cho Quyền Vạn linh được ngang bằng với Quyền Chí linh. (Chí linh là Đức Chí Tôn). Vì thế, Quyền Vạn linh lập thành Cơ quan Lập pháp của Đạo Cao Đài.

Cơ quan Lập pháp của Đạo Cao Đài là một cơ quan có nhiệm vụ lập ra hay hủy bỏ các luật pháp tu hành cho các tín đồ Cao Đài, để các luật pháp nầy lúc nào cũng thích hợp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh.
Quyền Vạn linh lập pháp của Đạo Cao Đài thể hiện lần đầu tiên là lập thành Tân Luật, luật tu hành của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Muốn thực hiện Quyền Vạn linh thì phải quyết nghị qua 3 Hội :
- Hội Nhơn sanh,
- Hội Thánh,
- Thượng hội.
- Hội Nhơn sanh là hội nghị của các đại biểu nhơn sanh gồm : đại biểu của hạng Đạo hữu (đối phẩm Địa Thần), đại biểu của hạng Bàn Trị Sự (đối phẩm Nhơn Thần), đại biểu của hạng Lễ Sanh (đối phẩm Thiên Thần).

Hội Nhơn sanh còn là đại biểu của các hạng chúng sanh : kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, bởi vì trong chúng sanh thì nhơn loại tiến hóa và linh hơn tất cả, nên làm đầu chúng sanh.

Cho nên, Hội Nhơn sanh đại biểu cho 5 phẩm chơn hồn : kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, Nhơn hồn và Thần hồn.
- Hội Thánh là hội nghị của các đại biểu của hàng Thánh, gồm : các Giáo Hữu (đối phẩm Địa Thánh), các Giáo Sư (đối phẩm Nhơn Thánh), các Phối Sư và Chánh Phối Sư (đối phẩm Thiên Thánh).
- Thượng Hội là hội nghị của các đại biểu hàng Tiên và Phật, gồm : các vị Đầu Sư (đối phẩm Địa Tiên), các vị Chưởng Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh (đối phẩm Nhơn Tiên), Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp (đối phẩm Thiên Tiên và Phật vị).

Ba hội nầy hiệp lại quyết nghị một điều gì thì đó là quyết nghị của Vạn linh, tạo thành Quyền Vạn linh.

Hội Nhơn sanh thể hiện ý nguyện của nhơn sanh nên có tánh cách dục tấn, cấp tiến, thường đi quá cao so với năng lực của nhơn sanh, nên cần phải có Hội Thánh để dung hòa và kềm chế bớt, còn Thượng Hội thì chỉnh đốn cho hợp với Thiên điều.

Do đó, một quyết nghị mà được thông qua 3 Hội như thế thì nhứt định là xác đáng, hợp lý và hợp Thiên điều.

Cho nên, luật nào được Ba Hội lập Quyền Vạn linh quyết nghị thông qua, thì được xem là Thiên điều tại thế, không ai có quyền sửa cải. Khi có điều luật nào áp dụng lâu ngày trở nên lỗi thời thì chỉ có Quyền Vạn linh mới được sửa cải mà thôi.

II . Hội Nhơn sanh

1 -  Các Đại biểu của Hội Nhơn sanh gồm :
1 . Các vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo.
2 . Các Nghị viên.
3 . Các Phái viên.
- Lễ Sanh làm đầu nhơn sanh, nên các vị Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo phải có mặt trong Hội Nhơn sanh.
- Nghị viên là đại biểu của ba hạng : Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự. Lấy đơn vị bầu cử là Tộc đạo :
Các vị Chánh Trị Sự đương quyền trong Tộc đạo bầu ra 1 đại biểu Chánh Trị Sự.
Các vị Phó Trị Sự đương quyền trong Tộc đạo bầu ra 1 đại biểu Phó Trị Sự.
Các vị Thông Sự đương quyền trong Tộc đạo bầu ra 1 đại biểu Thông Sự.
Như vậy trong 1 Tộc đạo có 3 Nghị viên : 1 Chánh Trị Sự, 1 Phó Trị Sự, và 1 Thông Sự.
- Phái viên là đại biểu các Đạo hữu trong Tộc đạo.
Trong Tộc đạo, cứ 500 Đạo hữu thì bầu ra 1 Phái viên. Thí dụ như trong Tộc đạo có 800 Đạo hữu nam phái thì được bầu ra 2 Phái viên nam phái. (Nếu có 980 Đạo hữu thì cũng chỉ bầu ra 2 Phái viên mà thôi, vì vẫn chưa tới số 1000).

Đối với nữ phái, số Nghị viên và Phái viên bên nam phái thế nào thì số Nghị viên và Phái viên nữ phái cũng y như thế.
Nhiệm kỳ của Nghị viên là Phái viên là 3 năm.

2 - Tổ chức Hội Nhơn sanh :
Tất cả các Đại biểu nam nữ của Hội Nhơn sanh họp chung với nhau, chỗ ngồi phân biệt hai bên nam nữ.
1 . Nghị trưởng :             Thượng Chánh Phối Sư.
2 . Phó Nghị trưởng :                  Nữ Chánh Phối Sư.
3 . Từ hàn :                                 - 1 Nghị viên nam
                                       - 1 Nghị viên nữ.
4 . Phó Từ hàn :              - 2 Nghị viên nam
                                      - 2 Nghị viên nữ.
5 . Tất cả các Lễ Sanh Đầu Tộc Đạo, các Nghị viên và Phái viên đều là Hội viên của Hội Nhơn sanh, có quyền  bàn cãi và bỏ thăm biểu quyết.
6 . Một Chức sắc HTĐ được cử tới dự Hội Nhơn sanh để chứng kiến và giữ cho cuộc hội nhóm của Hội không phạm đến luật đạo. Vị nầy không đặng biểu quyết.
3 -  Phận sự của Hội Nhơn sanh :
Hội Nhơn sanh mỗi năm nhóm họp một lần vào ngày 15 tháng giêng, để bàn cãi các việc sau đây :
1 . Giáo hóa nhơn sanh.
2 . Liệu phương hay cho Đạo và Đời không phản khắc nhau và nâng cao tinh thần trí thức của nhơn sanh.
3 . Phổ độ nhơn sanh vào cửa Đạo, dìu dắt tín đồ trọn tuân các luật pháp của Đạo.
4 . Sửa cải, thêm bớt hay hủy bỏ những luật lệ của nhơn sanh không còn phù hạp.
5 . Lo cho nền Đạo được điều hòa và đủ phương tiện đặng phổ thông chơn đạo.
6 . Xem xét tài chánh, kiểm tra tài sản của Đạo, phỏng định số thâu xuất trong năm tới.
7 . Xem xét sổ cầu phong và cầu thăng của Chức việc và Chức sắc.
4 -  Ban Ủy viên :

Sau khi khai mạc Đại Hội Nhơn sanh, Nghị trưởng trình bày chương trình nghị sự xong thì toàn hội chọn cử ra 4 Ban Ủy viên ngánh theo phái đặng thảo luận các vấn đề cho được cặn kẽ và thấu đáo :
1)  Ban Ủy viên phái Thái.
2)  Ban Ủy viên phái Thượng.
3)  Ban Ủy viên phái Ngọc.
4)  Ban Ủy viên Nữ phái.
Số hội viên của Hội Nhơn sanh được chia đều cho 4 Ban Ủy viên nầy.
Mỗi Ban Ủy viên cử : 1 Nghị trưởng, 1 Phúc sự viên.
5 -  Hội Ngánh thường xuyên Hội Nhơn sanh.

Mục đích của Hội Ngánh thường xuyên Hội Nhơn Sanh tại Tòa Thánh là bàn tính các điều ngoài chương trình nghị sự của Đại hội và các việc trọng hệ xảy ra thình lình, nhứt là việc giao thiệp cùng chánh phủ. Hội Ngánh thường xuyên của Đại Hội Nhơn sanh gồm có :
o  Thượng Chánh Phối Sư :                    Nghị trưởng.
o  Nữ Chánh Phối Sư :               Phó Nghị trưởng.
o  Từ hàn nam nữ của Đại hội :   Từ hàn.
o  Phó Từ hàn nam nữ của Đại hội :        Phó Từ hàn.
o  Mỗi Châu đạo chọn 1 Nghị viên nam và 1 Nghị viên nữ tham dự Hội Ngánh.
o  Một Chức sắc HTĐ chứng kiến, bảo thủ luật pháp.

Hội Ngánh thường xuyên Hội Nhơn sanh nhóm mỗi năm 3 lần :
mùng 6 tháng 4;  13 tháng 8;  13 tháng 10.

III . Hội Thánh

Đại Hội Hội Thánh gồm tất cả Chức sắc nam nữ CTĐ thuộc hàng Thánh (gồm các phẩm : Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Chánh Phối Sư) và Thập nhị Thời Quân của HTĐ với tánh cách là Hội viên, có quyền bàn cãi và bỏ phiếu, nhưng số phiếu nầy tính riêng.
Các Chức sắc hàm phong không được dự vào Hội viên của Đại hội nầy.
1 -  Tổ chức của Đại hội Hội Thánh :
1 . Nghị trưởng :             Thái Chánh Phối Sư.
2 . Phó Nghị Trưởng :                 Nữ Chánh Phối Sư.
3 . Từ hàn :                                - 1 Chức sắc nam
                                      - 1 Chức sắc nữ.
4 . Phó Từ hàn :              - 2 Chức sắc nam
                                       - 2 Chức sắc nữ.
5 . Nghị viên : Tất cả Chức sắc CTĐ nam nữ từ Giáo Hữu đến Chánh Phối Sư.

6. Thập nhị Thời Quân HTĐ phải có mặt đặng bảo thủ luật đạo không cho Hội phạm đến, cũng đồng quyền như Nghị viên.
Đại Hội Hội Thánh nhóm họp vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm.
Nơi nhóm Đại Hội Hội Thánh : giữa Tòa Thánh.
2 - Nhiệm vụ của Đại hội Hội Thánh :
1 . Thảo luận các vấn đề của Hội Nhơn sanh dâng lên, hoặc của Thượng Hội đưa xuống đặng lập phương ban hành.
2 . Lo về sự phổ độ nhơn sanh, việc châu cấp cho Chức sắc hành đạo tha phương, xem xét lại tài chánh của Đạo, kiểm thảo lại lịch trình hành đạo.
3 . Bàn cãi và công nhận số phỏng định thâu xuất tài chánh trong năm tới.
4 . Hủy bỏ, thêm bớt, sửa cải những luật lệ nào không phù hạp với sự tiến hóa của nhơn sanh.
5 . Quan sát các việc có ảnh hưởng đến nền Đạo.

IV . Thượng Hội

Thượng Hội là hội tối cao trong Ba Hội lập Quyền Vạn linh, gồm 11 Chức sắc cao cấp nhứt của Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.
Thượng Hội gồm :
- Đức Giáo Tông :                      Nghị trưởng.
- Đức Hộ Pháp :             Phó Nghị trưởng.
- Thượng Phẩm :             Nghị viên.
- Thượng Sanh :              -   -
- 3 Chưởng Pháp :                      -   -
- 3 Nam Đầu Sư :                       -   -
- 1 Nữ Đầu Sư :             -   -

Một vị Phối Sư hay Giáo Sư làm Từ hàn, không có quyền bàn cãi và bỏ thăm.
Mỗi năm, sau ngày lễ Noel, Thượng Hội nhóm thường niên trong hạn kỳ là 15 ngày.
Ngoài phiên nhóm lệ nầy, Thượng Hội còn nhóm 3 tháng 1 lần.
Thượng Hội nhóm trong Đền Thánh với nghi thức Khai hội và Bãi hội rất long trọng.
Khi Thượng Hội nhóm  thường xuyên thì nhóm tại Giáo Tông Đường.
Phận  sự của Thượng Hội :
Xem xét và phê chuẩn :
1 . Các điều của Hội Nhơn sanh và Hội Thánh bàn luận về việc Đạo.
2 . Các điều ước nguyện của Hội Nhơn sanh và Hội Thánh, những điều nào, hoặc của Hội Thánh, hoặc của Hội Nhơn sanh đánh đổ thì không được phép đệ lên Thượng Hội, trừ khi nào có đơn của hai ông Nghị trưởng kêu nài.
3 . Thượng Hội bàn luận và định đoạt các việc cần gấp, hoặc yếu trọng phải ban hành trong Đạo.

Biểu quyết :
Khi đã bàn cãi xong, Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp bày tỏ ý kiến sau cùng, rồi Đức Giáo Tông cho bỏ thăm, vẫn lấy đa số làm qui tắc.
Quyền của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại là quyền Chí Tôn nên hai vị Đại Thiên Phong nầy không bỏ thăm.
Nếu cả Ba Hội trong Quyền Vạn linh phản khắc nhau thì Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp hiệp lại chỉ định thế nào thì toàn đạo phải tuân theo thế ấy.

Thảng như Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau, thì cả thảy ý kiến của hai hội dưới đều bị hủy bỏ. Chừng ấy, cả Ba Hội lập Quyền Vạn linh phải nhóm lại từ đầu để thảo luận lần thứ hai.
Trước giờ bế mạc Thượng Hội 15 phút, Đức Giáo Tông và Đức Hộ Pháp vào đại điện mật nghị, rồi trở ra cho Thượng Hội biết rõ quyết định chung của hai vị.

Chương 12

LƯỢC SỬ THÀNH LẬP
Đạo Cao Đài

Trong chương nầy, chúng tôi ghi lại một cách tóm tắt các sự kiện quan trọng theo niên biểu (từ năm 1925 đến 1941) để bạn đạo có một nhận định tổng quát về sự thành lập Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn Thượng Đế. 
Bạn đạo muốn biết thêm các chi tiết thì đọc các quyển sách về Lịch Sử Đạo Cao Đài.

Năm Ất Sửu  (1925)

Thứ sáu, 4-6-Ất Sửu (dl 24-7-1925), lúc 9 giờ tối.
Bốn ông : Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu họp nhau tại nhà ông Sang ở phố hàng dừa, Sài Gòn, để thí nghiệm xây bàn theo lối Thần Linh học Tây phương. Bốn ông ngồi quanh một cái bàn tròn một trụ ba chân đặt nơi hàng ba, một chân bàn kê lên cho gập ghình, hai bàn tay đều xòe ra úp lên mặt bàn, im lặng định thần. Lát sau, cái bàn rung động, nghiêng qua lại gõ nhẹ lên gạch. Các ông biết là có vong linh nhập vào bàn, tuy nhiên khi ghi lại các tín hiệu nhận được thì không đọc được ra câu gì hết, có chữ Việt, có chữ Pháp lộn xộn, dường như các vong linh tranh nhau nói. Đến quá khuya mà chưa có được kết quả cụ thể nào, các ông mệt quá, đành dọn dẹp đi nghỉ, hẹn đêm mai thử nữa.

Thứ bảy, 5-6-Ất Sửu (dl  25-7-1925), khoảng 9 giờ tối.
Bốn ông vẫn bày bố y như hôm qua, nhưng chưng hoa quả và nhang đèn tươm tất hơn. Vừa tịnh thần một lát thì có vong linh nhập bàn, liền nhịp chân bàn gõ thành tiếng rõ ràng, không lộn xộn như đêm qua, quí ông ráp lại được 3 chữ : CAO QUỲNH LƯỢNG.

Bốn ông rất vui mừng, vì Cao Quỳnh Lượng là con của ông Cao Quỳnh Diêu, chết đã mấy năm rồi. Ông Cư thử xem có thiệt là Cao Quỳnh Lượng không, liền nói : - Nếu phải là Cao Quỳnh Lượng thì gõ bàn cho biết tên của những người đang ngồi xây bàn nơi đây. Cao Quỳnh Lượng liền gõ bàn đúng tên các vị. Ông Diêu biểu Lượng đi mời ông Nội đến. Chờ một lúc thì chơn linh ông CAO QUỲNH TUÂN (thân phụ của hai ông Diêu và Cư) nhập bàn, gõ cho bài thi : “ Ly trần tuổi đã quá năm mươi, . . . . . “

Kết quả buổi xây bàn nầy thật là mỹ mãn, làm cho bốn ông suy nghĩ rất nhiều, tin tưởng là có thế giới vô hình và có thể nói chuyện với những vong linh đã khuất.

Ngày 10-6-Ất Sửu (dl  30-7-1925), lúc 9 giờ tối.
Bốn ông lại tổ chức xây bàn tại nhà ông Sang. Tối nay, chiếc bàn chuyển động khoan thai nhẹ nhàng, gõ bàn cho một bài thi, tựa là “Thác vì tình” : “Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai, . . . “, xưng tên là : Đoàn Ngọc Quế, con gái.

Quí ông yêu cầu Cô cho biết phần mộ của Cô ở đâu đặng đến viếng. Cô cho biết, mộ của Cô ở trong vườn Bà Lớn, gần Ngã Bảy và tên thiệt của Cô là Vương Thị Lễ.

Mấy hôm sau, ba ông Cư, Tắc, Sang đem đèn nhang đi viếng mộ Cô Lễ thì đúng y như lời cô chỉ dẫn.

Thứ bảy, 19-6-Ất Sửu (dl  8-8-1925), khoảng 8 giờ tối.
Ba ông Cư Tắc Sang xây bàn, Cô Lễ giáng bàn, kết
nghĩa anh em với ba ông : Cô gọi ông Cư là Trưởng Ca, ông Tắc là Nhị Ca, ông Sang là Tam Ca, còn Cô là Tứ muội. Cô Lễ gọi bà Hiếu (vợ của ông Cư) là Đại tỷ. Tình cảm thân thiết của quí vị như trong một gia đình.

Quí ông cứ tiếp tục xây bàn, có nhiều chơn linh đến xướng họa thi phú để cho quí ông có thêm đức tin về các chơn linh nơi cõi vô hình.

Thứ sáu, 10-7-Ất Sửu (dl  28-8-1925), tối.
Tại nhà ông Cư, ba ông Cư, Tắc, Sang xây bàn như thường lệ. Khi tay vừa đặt vào bàn, bàn liền chuyển động, cho bốn câu thi “ Ớt cay cay ớt gẫm mà cay, . . .“ và xưng danh là “ A Ă Â “
Mùng 1-8-Ất Sửu (dl  18-9-1925), tối.
Cô Vương Thị Lễ nhập bàn tiết lộ cho ba ông biết, Cô là Thất Nương của Diêu Trì Cung nơi cõi thiêng liêng, trên có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, còn Cô Hớn Liên Bạch là Bát Nương. Ba ông xin Cô dạy cách cầu Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bảo ba ông phải ăn chay trước 3 ngày và phải có ngọc cơ mới cầu Nương Nương đặng. Thất Nương chỉ vẽ cho 3 ông cách cầu bằng ngọc cơ.

Mùng 8-8-Ất Sửu (dl  25-9-1925), tối.
Đấng A Ă Â giáng bàn, dạy ba ông nhân đó mà làm một cái tiệc chay vào đêm Trung Thu để đãi Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên Nương.

Đêm 15-8-Ất Sửu (dl  2-10-1925) : HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG.
Ba ông Cư, Tắc, Sang thiết lễ Hội Yến DTC tại tư gia của ông Cư (134 đường Bourdais, Sài Gòn). Quí ông lập bàn hương án, chưng những thứ hoa thơm, xông trầm trọn ngày (nhà không tiếp khách). Sắp đặt tiệc ấy do bà Hiếu vâng lịnh lập thành. Trên là bàn thờ Đức Phật Mẫu, dưới đặt một bàn dài, sắp 9 cái ghế như có người ngồi vậy, chén, đũa, muỗng, ly, tách, đều giống y như đãi người hữu hình. Đến giờ Tý, quí vị lên nhang đèn, quì lạy thành kỉnh, rồi đem ngọc cơ ra cầu. Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng chào mừng.

Ba ông, mỗi người đều có chuẩn bị sẵn một bài thi mừng do Thất Nương dặn trước, lần lượt ngâm lên để hiến lễ Nương Nương. Đức Phật Mẫu và 9 Cô an vị lắng nghe.

Chừng nhập tiệc, Thất Nương mời ba ông ngồi chung vào tiệc cho vui. Ba ông thấy không thể chối từ nên sắp sau lưng 9 Cô ba cái ghế, ba ông xá rồi ngồi xuống.

Cách chừng nửa giờ sau, như là mãn tiệc, ba ông phò cơ tái cầu. Lịnh Nương Nương và 9 Cô để lời cảm tạ, mỗi vị cho một bài thi bốn câu, lại hứa rằng : “ Từ đây có ngọc cơ rồi thì tiện cho DTC Cửu Cô đến dạy việc.”

 Kể từ ngày nầy, quí ông sử dụng ngọc cơ cầu các Đấng theo lối Cầu Tiên của Đạo gia, nhận các Thánh giáo rất nhanh so với lối Xây Bàn của Thần Linh học.

Đêm  3-9-Ất Sửu (dl  20-10-1925).
Đấng AĂÂ giáng, nói với ba ông : “ Tôi nói lộ Thiên cơ, trên Ngọc Hư bắt tội, xin tam vị Đạo hữu cầu Ngọc Hư Cung tha tội cho tôi. Nếu không lo cầu giùm thì tôi bị phạt.” Ba ông liền đặt một bài thi khẩn cầu, rồi lập bàn hương án cầu DTC xin Ngọc Hư tha tội cho ông AĂÂ.

Đêm  27-10-Ất Sửu (dl  12-12-1925).
Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ giáng đàn truyền lịnh : “ Mùng 1 nầy, tam vị đạo hữu vọng Thiên cầu Đạo.”

Ba ông không biết Vọng Thiên cầu Đạo là làm gì, bèn cầu hỏi Thất Nương. Thất Nương trả lời : Không phải phận sự của em, xin hỏi ông AĂÂ. Ba ông không thỏa mãn, bèn cầu hỏi các Đấng khác, nhưng các Đấng ấy cũng trả lời tương tự như Thất Nương.

Đêm  30-10-Ất Sửu (dl  15-12-1925).
Ba ông cầu Đấng AĂÂ, Ngài giáng dạy : “ Ngày mùng 1 tháng 11 nầy, tam vị phải vọng Thiên cầu Đạo, tắm gội cho tinh khiết, ra quì giữa trời, mỗi người cầm 9 cây nhang mà vái rằng : “ Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn đủ phước lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”

Đêm mùng 1-11-Ất Sửu (dl  16-12-1925) : VỌNG THIÊN CẦU ĐẠO.
Ba vị Cư, Tắc, Sang mặc quốc phục nghiêm chỉnh, lập bàn hương án trước sân nhà ông Cư, cạnh lề đường, mỗi ông cầm 9 cây nhang quì giữa trời cầu nguyện y như Đấng AĂÂ dạy. Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, người hiếu kỳ bu lại xem ba ông cầu cúng gì mà lạ vậy.

Sau khi tàn 9 cây nhang, ba ông trở vô nhà, đem ngọc cơ ra cầu. Đấng Cao Đài Thượng Đế giáng, viết chữ nho, ba không không hiểu. Khi Đấng Cao Đài thăng rồi, ba ông liền cầu Đấng AĂÂ. Ngài giáng dạy : Đức Cao Đài Thượng Đế nói, tam vị chưa đủ đức tin về Ngài nên hỏi gạn lại, tam vị phải nghĩ cho thấu. Rồi Ngài cho bài thi bốn câu : “ Cứ níu theo phan Đức Thượng Hoàng, . . . . “

Đêm mùng 4-11-Ất Sửu (dl  19-12-1925).
Ba ngày sau khi Vọng Thiên Cầu Đạo, Đấng AĂÂ giáng cho ba ông bài thi :
Mừng thay gặp gỡ Đạo Cao Đài,
Bởi đức ngày xưa có buổi nay.
Rộng mở cửa răn năng cứu chuộc,
Gìn lòng tu tánh, chớ đơn sai.

Như vậy là Đấng Thượng Đế đã chấp nhận lời vọng Thiên cầu Đạo của ba ông Cư, Tắc, Sang, và sẽ mở ra một mối đạo mới gọi là Đạo Cao Đài để cứu độ nhơn sanh.

Đêm mùng 9-11-Ất Sửu (dl  24-12-1925) : Đêm NOEL 1925.
Nhân Lễ Chúa Giáng Sinh, ba ông tập hợp lại nhà ông Cư để cầu cơ. Đấng AĂÂ giáng cơ xác nhận : AĂÂ chính là Cao Đài Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát để dạy đạo tại nước Việt Nam, và Đức Chí Tôn ban lịnh cho ba ông : “ Chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy khai đạo.”

Đêm  18-11-Ất Sửu (dl  2-1-1926) : Thầy bắt đầu dạy Đạo.
Đức Chí Tôn khởi sự dạy đạo cho ba ông Cư, Tắc, Sang và căn dặn hai ông Cư, Tắc mỗi việc chi đều phải triệt để tuân lịnh Thầy.

Ngày 27-11-Ất Sửu (dl  11-1-1926).
Ông Lê Văn Trung đến hầu đàn tại nhà ông Cư, được Đức Chí Tôn ban cho bốn câu thi.
(Ông Trung trước đó được ông Nguyễn Hữu Đắc hướng dẫn đến hầu đàn Chợ Gạo ở Phú Lâm (nhà của ông Lê Thành Vạn), tại đây Đức Lý Thái Bạch giáng đàn, độ ông Trung, làm cho cặp mắt của ông hết bịnh, sáng trở lại).

Ngày 3-12-Ất Sửu (dl  16-1-1926).
Ông Quí Cao giáng cơ cho bài thi “ Tu như cỏ úa gặp mù sương “ và sau đó ông giải thích về Ngũ kỵ, tức là Ngũ vị tân mà Phật giáo cấm dùng.

Ngày 5-12-Ất Sửu (dl  18-1-1926).
Hai ông Cư và Tắc vâng lịnh Đức Chí Tôn đến nhà ông Lê Văn Trung ở Chợ Lớn để lập đàn. Đức Chí Tôn dạy ông Trung : “ Trung, nhứt tâm nghe con. Sống cũng nơi Thầy, thác cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy mà đọa cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng của con mà suy lấy.”
Trong dịp nầy, Đức Chí Tôn dạy ông Trung phải hiệp với hai ông Cư và Tắc lo việc mở Đạo.

Ngày 14-12-Ất Sửu (dl  27-1-1926).
Quí ông bạch hỏi Đức Chí Tôn về cách thờ phượng. Đức Chí Tôn dạy quí ông đến gặp ông Ngô Văn Chiêu để xem cách thức. (Ông Chiêu lúc đó ngụ tại lầu 2, số nhà 110 đường Bonard, nay là đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn).

Nói riêng về Ngài Ngô Văn Chiêu :
- Mùng 1 Tết Tân Dậu (dl 8-2-1921), Đức Chí Tôn giáng bảo ông Chiêu ăn chay 3 năm (Chiêu ! Tam niên trường trai), xem như ông Chiêu được Đức Chí Tôn thâu làm môn đệ đầu tiên, trong lúc đó ông Chiêu đang làm Quận trưởng quận Phú Quốc.
- Ngày 13-3-Tân Dậu (dl 20-4-1921), ông Chiêu đang ngồi sau dinh Quận nhìn ra biển, chợt thấy hiện ra một con mắt lớn, chói lọi hào quang. Ông Chiêu sợ hãi, vái : Như phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin cho biến mất tức thì.
- Vài ngày sau, ông Chiêu lại thấy Thiên Nhãn hiện ra lần nữa, Ngài lại khấn xin vẽ Thiên Nhãn như thế để thờ, thì Thiên Nhãn từ từ  biến mất.
- Sau đó, ông Ngô Văn Chiêu được nhà cầm quyền Pháp đổi về làm việc tại Sài Gòn. Ngài rời đảo Phú Quốc ngày 28-6-Giáp Tý (dl 29-7-1924), về tới Sài Gòn ngay ngày hôm sau, thuê nhà tại 110 đường Bonard để cư ngụ, còn gia đình của Ngài vẫn ở tại Thị xã Tân An.

Ngày 18-12-Ất Sửu (dl  31-1-1926).
Ông Lê Văn Trung lập bàn thờ Thầy rất long trọng và tổ chức lễ Khai đàn Thượng tượng. Đức Chí Tôn giáng dạy ông Trung cách sắp đặt thờ Tam Trấn Oai Nghiêm.

Ngày 30-12-Ất Sửu (dl  12-2-1926) : Đêm giao thừa.
Đức Chí Tôn dạy Ngài Chiêu hiệp với quí ông lập phái đoàn đi viếng thăm nhà các môn đệ của Đức Chí Tôn trong dịp giao thừa cuối năm Ất Sửu.

Ngài Chiêu làm pháp đàn, hai Ngài Cư và Tắc phò loan, ông Nguyễn Trung Hậu làm độc giả và ông Tuyết Tân Thành làm điển ký.
Phái đoàn lần lượt đi đến từng nhà của các môn đệ, đến mỗi nhà thì phò loan cho Đức Chí Tôn giáng dạy.
Khi phái đoàn đến nhà Ngài Lê Văn Trung thì vừa kịp đón lễ Giao thừa.
Đúng giờ Tý năm mới Bính Dần, Đức Chí Tôn giáng ban Thánh giáo đầu tiên rất quan trọng :
“ Chư đệ tử  nghe,

CHIÊU buổi trước hứa lời truyền Đạo cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ, dìu dắt cả môn đệ Ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên tháo trút. Phải thay mặt Ta mà dạy dỗ chúng nó.
TRUNG, KỲ, HOÀI, ba con phải lo thay mặt cho CHIÊU mà đi độ người. Nghe và tuân theo.
BẢN, SANG, GIẢNG, QUÍ lo dọn mình đạo đức đặng truyền bá cho chúng sanh. Nghe và tuân theo.
ĐỨC tập cơ, HẬU tập cơ, sau theo mấy anh đặng độ người. Nghe và tuân theo. “

Ấy là lời Thánh giáo đầu tiên.
Đây là ngày giờ mà Đức Chí Tôn khởi lập Đạo Cao Đài : giờ Tý  mùng 1 Tết  năm Bính Dần.

*  *  *
Đạo lịch 1 - Năm Bính Dần (1926)

Mùng  8-1-Bính Dần (dl  20-2-1926) : Lễ Vía Đức Chí Tôn.
Lễ Vía Đức Chí Tôn được tổ chức tại nhà ông Vương Quan Kỳ, Sài Gòn. Sau phần cúng lễ, quí vị lập đàn cầu Đức Chí Tôn. Ngài Chiêu làm pháp đàn, 2 Ngài Cư - Tắc phò cơ. Đức Chí Tôn giáng dạy. Nhân dịp nầy, Ngài Chiêu bạch xin Đức Chí Tôn lấy tên các môn đệ hiện diện hầu đàn kết thành bài thi để kỷ niệm. Đức Chí Tôn ban cho 4 câu thi : “ Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh, vv. . .” trong đó có đủ tên của 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn.

Ngày  13-1-Bính Dần (dl  25-2-1926).
Tại nhà ông Cư, Đức Chí Tôn giáng dạy về ý nghĩa của Thiên Nhãn, cách niệm danh Cao Đài, cách bắt ấn Tý, cách lạy, cách dâng Tam bửu (bông, rượu, trà). Bà Hiếu được dạy cách may Thiên phục Đầu Sư phái Thượng.

Ngày 6-3-Bính Dần (dl  17-4-1926).
Đức Chí Tôn dạy 3 ông : Trung, Cư, Tắc lên nhà ông Chiêu bảo ông may Thiên phục Giáo Tông. Bà Hiếu lãnh may và làm mão. Đức Chí Tôn giáng dạy bà Hiếu từng chi tiết, dự bị phong ông Chiêu chức Giáo Tông.

Ngày 11-3-Bính Dần (dl  22-4-1926).
Đức Chí Tôn cho biết : ông Chiêu không lãnh chức Giáo Tông được. Sau nầy, Đức Chí Tôn tiết lộ : Khi Đức Chí Tôn dự bị phong ông Chiêu chức Giáo Tông thì Quỉ vương đòi thử thách ông Chiêu. Vì luật công bình, Đức Chí Tôn phải cho thử thách. Sau 5 ngày thử thách, ông Chiêu thua Quỉ vương nên đành chịu mất ngôi Giáo Tông.

Ngày 14-3-Bính Dần (dl  25-4-1926).
Ông Ngô Văn Chiêu tự ý tách riêng ra khỏi nhóm của quí ông : Trung, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức . . . Đồng ý với ông Chiêu có : Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lý Trọng Quí.

Ông Chiêu hiệp cùng bốn ông : Trung, Cư, Tắc, Sang từ ngày 14-12-Ất Sửu đến ngày 14-3-Bính Dần thì ông Chiêu tách ra, sự hội hiệp chỉ được 3 tháng tròn.

Ngày 15-3-Bính Dần (dl  26-4-1926).
Lễ Thiên phong Chức sắc đầu tiên tổ chức tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn, khởi đúng giờ Tý ngày rằm. Đức Chí Tôn giáng phong :
- Đức và Hậu : phong vi Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ.
- Cư : phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ.
- Tắc : phong vi Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.
- Trung, Lịch đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta. (Hai vị nầy đã được Đức Chí Tôn phong Đầu Sư).
- Kỳ : phong vi Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Đạo Giáo Sư.
Bản : phong vi Tiên Đạo Công Thần Thuyết Đạo Sư.

Đặc biệt trong cuộc lễ Thiên phong nầy, Đức Chí Tôn trục thần của Phạm Công Tắc để đưa chơn linh Vi Hộ Pháp nhập vào xác thân của Phạm Công Tắc.

Từ cuối tháng 3 năm Bính Dần (1926).
Đức Chí Tôn cho thiết lập nhiều đàn cơ phổ độ để thâu nhận tín đồ gia nhập Đạo Cao Đài. Trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có 6 đàn cơ phổ độ, kể ra :
1 . Đàn Cầu Kho tại nhà ông Đoàn Văn Bản, ông Vương Quang Kỳ chứng đàn, phò cơ : Hậu - Đức.
2 . Đàn Chợ Lớn tại nhà Ngài Lê Văn Trung, Ngài Trung chứng đàn, phò cơ : Cao Q. Diêu - Cao Hoài Sang.
3. Đàn Tân Kim, Cần Giuộc tại nhà ông Nguyễn
Văn Lai, ông Nguyễn Ngọc Tương và Lê Văn Lịch chứng đàn, phò cơ :  Ca Minh Chương - Phạm Văn Tươi.
4 . Đàn Lộc Giang, Chợ Lớn, tại chùa Phước Long của Yết Ma Giống, chứng đàn là ông Mạc Văn Nghĩa và Yết Ma Giống, phò cơ : Trần D. Nghĩa - Trương V. Tràng.
5 . Đàn Tân Định tại nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ, phò cơ : Cao Quỳnh Cư - Phạm Công Tắc.
6 . Đàn Thủ Đức tại nhà ông Ngô Văn Điều, ông Điều chứng đàn, phò cơ : Huỳnh Văn Mai - Võ V. Nguyên.

Ngày 2-7-Bính Dần (dl  9-8-1926).
Tại Vĩnh Nguyên Tự Cần Giuộc, Đức Chí Tôn giáng cơ ban Tịch đạo Chức sắc nam phái : “ Thanh Đạo tam khai thất ức niên, …” và phong chức cho quí ông :
- Nguyễn Ngọc Tương : Phối Sư Thg Tương Thanh.
- Nguyễn Ngọc Thơ :    Phối Sư Thái Thơ Thanh.
- Lê Bá Trang :           Phối Sư Ngọc Trang Thanh.
- Ngô Văn Kim :          Giáo Sư Thượng Kim Thanh.

Ngày 24-7-Bính Dần (dl  31-8-1926).
Đức Chí Tôn phong Ngài Nguyễn Văn Tương (Minh Sư) ở làng Hữu Đạo, Cai Lậy, chức Thượng Chưởng Pháp.

Ngày  29-7-Bính Dần (dl  5-9-1926).
Đức Chí Tôn phong Hòa Thượng Như Nhãn làm Thái Chưởng Pháp và dạy Hòa Thượng xem lại kinh sách xưa mà lập thành Tân Luật của Đạo Cao Đài.

Đức Chí Tôn cũng phong Hòa Thượng Thiện Minh, học trò của Ngài Như Nhãn, chức Đầu Sư Thái Minh Tinh.

Ngày 11-8-Bính Dần (dl  17-9-1926).
Đ. Chí Tôn dạy Giáo Hữu Thg Kiệt Thanh (Nguyễn Văn Kiệt) làm 7 cái ngai; Giáo Sư Thái Bính Thanh làm Trái Càn Khôn.

Ngày 23-8-Bính Dần (dl  29-9-1926) : LẬP TỜ KHAI ĐẠO.

Đức Chí Tôn ra lịnh cho Ngài Đầu Sư Lê Văn Trung, họp các môn đệ tại nhà ông Nguyễn Văn Tường ở hẽm 237bis đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) để lập Tờ Khai Đạo gởi lên nhà cầm quyền Pháp.
Có tất cả 247 môn đệ ký tên trong buổi họp, nhưng khi ký vào Tờ Khai Đạo thì chỉ ký tên 28 vị làm đại diện.
Tờ Khai Đạo nầy không phải là Đơn xin Khai Đạo, mà là Tuyên Ngôn chánh thức thành lập Đạo Cao Đài.
Vài ngày sau, lập đàn tại nhà Ngài Cư, Ngài Trung dâng Tờ Khai Đạo lên Đức Chí Tôn duyệt xét.
Đức Chí Tôn chấp thuận và căn dặn Ngài Lê Văn Trung : “ Thầy dặn con Trung, nội thứ năm tuần tới phải đến Le Fol mà khai cho kịp nghe.”

Ngày 28-8-Bính Dần (dl  4-10-1926).
Đức Chí Tôn giáng cơ cho biết : Lập ĐĐTKPĐ, Thầy chọn : Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền và Tam thiên đồ đệ.

Thứ năm, 1-9-Bính Dần (dl 7-10-1926) : Nạp Tờ Khai Đạo.
Ngài Lê Văn Trung vâng lịnh Đức Chí Tôn, sáng thứ năm 7-10-1926 (âl  1-9-Bính Dần) đến dinh Thống Đốc Nam Kỳ nạp Tờ Khai Đạo cho Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol, được Le Fol vui vẻ tiếp nhận.

Ngày 7-9-Bính Dần (dl  13-10-1926).
Ngài Cư dâng tập “Phổ Cáo Chúng Sanh“ lên Đức Chí Tôn duyệt xét, được chấp thuận và cho phép ấn hành.

Ngày 10-9-Bính Dần (dl  16-10-1926).
Đức Chí Tôn phong Ngài Thái Lão Sư Trần Văn Thụ  ở Vĩnh Nguyên Tự chức : Ngọc Chưởng Pháp.

Ngày 23-9-Bính Dần (dl  29-10-1926).
Đức Chí Tôn giao quyền thưởng phạt các Chức sắc cho Đức Lý Thái Bạch. Ngày nầy được xem là ngày Đức Chí Tôn giao Đức Lý Thái Bạch làm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.

Ngày 12-10-Bính Dần (dl  16-11-1926) : trước Lễ Khai Đạo 3 ngày.
Đức Chí Tôn dạy lập Lễ Khai Đạo nơi Thánh Thất Gò Kén trong 3 ngày : 14, 15 và 16-10-Bính Dần.
Đức Chí Tôn phong thưởng 3 vị : Trang, Tương, Thơ lên làm Chánh Phối Sư ba phái.

Ngày 14-10-Bính Dần (dl  18-11-1926) :  ĐẠI LỄ KHAI ĐẠO.
Đức Chí Tôn lập Tịch đạo nữ phái và phong :
- Bà Lâm Thị Thanh : phong vi Giáo Sư Hương Thanh.
- Bà Ca Thị Thế : phong vi Giáo Hữu Hương Thế.
*  Đêm nay giờ Tý, 15-10-BD,  khởi  ĐẠI LỄ KHAI ĐẠO.

Ngày 16-10-Bính Dần (dl  20-11-1926), đêm.
Đức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền CTĐ.

Ngày 5-11-Bính Dần (dl  9-12-1926).
Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương qui vị tại làng Hữu Đạo, quận Cại Lậy, Mỹ Tho, lúc đó Ngài được 48 tuổi.

Ngày 12-12-Bính Dần (dl 15-1-1927).
Đức Chí Tôn phong :
- Ngài Trần Đạo Quang : Quyền Thượng Chưởng Pháp.
- Ngài Dương Văn Nương: Đầu Sư Thái Nương Tinh. (Còn Ngài Đầu Sư Thái Minh Tinh bị Đức Lý cách chức).

Ngày 13-12-Bính Dần (dl 16-1-1927).
Tân Luật lập xong, 3 Chánh Phối Sư thay mặt Hội Thánh, đủ 6 bàn tay cầm bộ luật dâng lên 3 Đầu Sư, 3  Đầu Sư cũng đủ 6 bàn tay tiếp luật rồi dâng lên 3 Chưởng Pháp, 3 Chưởng Pháp tiếp luật dâng lên Đức Lý Giáo Tông, đặt tại tượng của Ngài.

Ngày 14-12-Bính Dần (dl 17-1-1927).
Đức Lý Giáo Tông mượn hai vị Đầu Sư lên đại điện cầm bộ luật nơi tượng của Ngài, đem giao cho Hộ Pháp. Đức Hộ Pháp khi đưa Luật thì nói : Kỳ một tháng nạp lại.

Cũng ngày nầy, Đức Chí Tôn tiết lộ cho biết :
“ - Ông Nguyễn Ngọc Thơ là chơn linh Từ Hàng Bồ Tát giáng trần. - Ông Dương Văn Nương là chơn linh của Văn Thù Bồ Tát giáng trần”.

Đạo lịch 2 - Năm Đinh Mão (1927)

Ngày mùng 1-1-Đinh Mão (dl 2-2-1927) : Tết Đinh Mão.
* Đức Chí Tôn kiểm điểm một năm truyền đạo, độ được 4 muôn môn đệ (40 000 tín đồ).
* Đức Lý Giáo Tông lập Pháp Chánh Truyền nữ phái Cửu Trùng Đài.
* Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương giáng cơ un đúc tinh thần của chư Chức sắc Thiên phong.

Ngày 12-1-Đinh Mão (dl  13-2-1927).
Đức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, phong chức cho Thập nhị Thời Quân.

Ngày 18-1-Đinh Mão (dl 19-2-1927).
Đức Lý quyết định trả chùa Gò Kén cho HT Như Nhãn, dạy Hội Thánh mua đất cất Tòa Thánh. Chỉ mua đất ở Tây Ninh vì Tây Ninh là Thánh địa. Đức Chí Tôn cũng định quyết : Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi. Đức Lý gợi ý chỉ chỗ, Hội Thánh đi xem đất để mua.
Đức Lý dạy làm con dấu cho 3 Chg Pháp và 3 Đầu Sư.

Ngày 23-1-Đinh Mão (dl 24-2-1927).
Hội Thánh xem đất xong, tối lại cầu Đức Lý. Đức Lý khen, nói đất ấy là Thánh địa vì có Lục Long Phò Ấn.

Ngày 27-1-Đinh Mão (dl 28-2-1927).
Đức Lý Giáo Tông dạy kích thước xây cất Tòa Thánh, và phải mua Bàu Cà Na để làm Động Đình Hồ.

Ngày 20-2-Đinh Mão (dl 23-3-1927).
Hội Thánh trả chùa Gò Kén cho H.T. Như Nhãn, thỉnh cốt Phật Tổ và ông Sa Nặc về đất mới mua. Công cuộc nầy, Đức Cao Thượng Phẩm gánh vác, đứng ra chỉ huy. Đức Cao Thượng Phẩm nhờ số công quả người Miên phá rừng, đốn cây, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu điện, Đông lang, Tây lang, trù phòng, đào giếng, vv . . .

Ngày 2-5-Đinh Mão (dl 1-6-1927).
Đức Chí Tôn báo cho biết : “Cuối kỳ tháng 6 đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền đạo.” Tất cả các đàn cơ phổ độ đều bế lại, chỉ còn cơ bút tại Tòa Thánh mà thôi.

Ngày 14-5-Đinh Mão  (dl 13-6-1927).
Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ đăng Tiên.

Ngày 29-6-Đinh Mão  (dl 27-7-1927).
Đức Phạm Hộ Pháp sang Nam Vang mở đạo. Ngài ngụ tại nhà ông Cao Đức Trọng, lập đàn cơ, Đức Chí Tôn giáng thâu nhận môn đệ, phong Chức sắc cho nhiều vị :
- Lê Văn Bảy, Giáo Hữu phái Thượng, vv. . .
- Trần Kim Phụng, Nữ Giáo Hữu Hương Phụng, vv...
Nhờ số Chức sắc nam nữ đầu tiên nầy, Đức Hộ Pháp lập “Cơ quan Truyền giáo Hải ngoại”, thường gọi là Hội Thánh Ngoại Giáo, cử Giáo Hữu Thượng Bảy Thanh làm Chủ Trưởng, trụ sở đặt tại Nam Vang, dưới quyền chưởng quản của Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn.
Đạo lịch 3 - Năm Mậu Thìn (1928)

Ngày 19-10-Mậu Thìn  (dl 30-11-1928).
Ngài Bảo Đạo Ca Minh Chương đăng Tiên.
Đây là vị Thời Quân của HTĐ đã qui vị đầu tiên.

Đạo lịch 4 - Năm Kỷ Tỵ (1929)

Ngày 1-3-Kỷ Tỵ  (dl 10-4-1929).
Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư  đăng Tiên, lúc 11 giờ trưa, Ngài được 42 tuổi.

Ngày 8-3-Kỷ Tỵ  (dl 17-4-1929).
Đức Lý Giáo Tông thăng bà Phối Sư Hương Thanh lên phẩm Nữ Chánh Phối Sư.

Ngày 15-5-Kỷ Tỵ  (dl 21-6-1929).
Đức Chí Tôn duyệt và chấp thuận cuốn “Đại Đàn Nghi Tiết” và 3 bài Dâng Tam Bửu mới do Tiếp Lễ Nhạc Quân Cao Quỳnh Diêu đặt ra, nhưng đến ngày 17-6-Canh Ngọ (dl 12-7-1930), Ngài Thượng Đầu Sư mới ban hành.

Ngày 12-12-Kỷ Tỵ  (dl 11-1-1930).
Đức Chí Tôn thăng phẩm cho Ngài Cao Quỳnh Diêu vào chánh vị Bảo Văn Pháp Quân.

Đạo lịch 5 - Năm Canh Ngọ (1930)

Ngày 3-10-Canh Ngọ  (dl 22-11-1930).
Đức Lý Giáo Tông hiệp cùng Đức Phạm Hộ Pháp lập 6  Đạo Nghị Định, từ  Đạo Nghị Định 1 đến 6.
Đặc biệt trong Đạo Nghị Định 2, Đức Lý ban cho Đầu Sư Thượng Trung Nhựt cầm quyền Giáo Tông tại thế.

Ngày 30-11-Canh Ngọ  (dl 18-1-1930).
Đức Lý Giáo Tông ban cho Thập Hình để Tòa Đạo xử phạt Chức sắc và Đạo hữu vi phạm luật pháp của Đạo.

Đạo lịch 7 - Năm Nhâm Thân (1932)

Ngày 13-3-Nhâm Thân  (dl 18-4-1932).
Ngài Ngô Văn Chiêu qui liễu khi ngồi xe du lịch qua phà Cần Thơ, định đi về Tân An. Năm đó, Ngài 55 tuổi. Đám tang của Ngài tổ chức rất long trọng tại Cần Thơ.

Ngày 18-5-Nhâm Thân  (dl 21-6-1932).
Ngài Bảo Văn Pháp Quân theo lịnh của Đức Hộ Pháp, viết bài Kinh “Tán Tụng Công Đức DTKM” lấy ý từ bài thi của Phật Mẫu “ Từ Hỗn độn, Chí Tôn hạ chỉ,..”

Đạo lịch 8 - Năm Quí Dậu (1933)

Ngày 26-2-Quí Dậu  (dl 21-3-1933).
Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ bắt đầu viết Nữ Trung Tùng Phận. Đức Hộ Pháp và Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh phò loan. Về sau, Ngài Cao Tiếp Đạo thế Ngài Tiếp Thế  phò loan.

Ngày 1-10-Quí Dậu  (dl 18-11-1933).
Ông Phạm Văn Màng, Cai sở Bàu Sen thuộc Phạm Môn, mất tại Sở Quảng nghệ do bịnh nặng, hưởng được 46 tuổi. Thần Hoàng làng Long Thành báo cho biết ông Màng đắc Thánh vị, gọi là Phối Thánh Phạm Văn Màng.

Ngày 29-12-Quí Dậu  (dl 12-2-1934).
Bát Nương và Lục Nương giáng cơ báo cho biết Ngọc Hư Cung trở pháp, truất quyền của CTĐ, giao cho HTĐ cầm quyền nền Đạo, bởi vì : “Cửu Trùng không kế an thiên hạ, phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.” Đức Quyền Giáo Tông biết rằng nhiệm vụ của Đức Ngài sắp chấm dứt.
Đạo lịch 9 - Năm Giáp Tuất (1934)

Ngày 16-7-Giáp Tuất  (dl  25-8-1934).
Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp hợp nhau lập thành hai Đạo Nghị Định 7 và 8.

Đạo Nghị Định 8 : “Những Chi phái nào do bởi ĐĐTKPĐ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh của Hội Thánh thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng môn Tả đạo.”

Ngày 13-10-Giáp Tuất  (dl 19-11-1934).
Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung đăng Tiên tại Giáo Tông Đường,  lúc đó Đức Ngài được 59 tuổi.

Sau đó, Đức Lý Giáo Tông giao quyền Giáo Tông hữu hình cho Đức Phạm Hộ Pháp, nên Đức Hộ Pháp xưng là : Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài, Hiệp Thiên và Cửu Trùng.

Đạo lịch 10 - Năm Ất Hợi (1935)

Ngày 16-2-Ất Hợi  (dl 20-3-1935).
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor Hugo) vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng cơ lập 7 phẩm Chức sắc HTĐ từ Sĩ Tải đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, dưới Thập nhị Thời Quân, để giúp chư vị Thời Quân cầm quyền Tư  Pháp của Đạo.

Ngày 23-7-Ất Hợi  (dl 21-8-1935).
Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương DTC, Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho Kinh Tận Độ (Tân Kinh), từ ngày nầy đến mùng 4 tháng 8 Ất Hợi mới chấm dứt.

Đạo lịch 11 - Năm Bính Tý (1936)

Ngày 1-11-Bính Tý  (dl  14-2-1936).
Đức Hộ Pháp tiếp nối công việc xây cất Tòa Thánh.
Đức Ngài huy động 500 công quả hiến thân Phạm Môn làm lực lượng công thợ nồng cốt, các Đầu Họ PT trong 21 tỉnh Nam phần VN lo lương thực chở về Tòa Thánh, các Khâm Châu và Đầu Tộc Đạo lo quyên góp tiền bạc của bổn đạo đưa về mua vật liệu xây dựng. Đức Hộ Pháp nói : Chỉ cần mỗi Đạo hữu góp 1 đồng thì Hội Thánh đủ tiền cất Tòa Thánh và nhứt định kỳ nầy thành công.
Đạo lịch 13 - Năm Mậu Dần (1938)

Ngày 16-1-Mậu Dần  (dl  16-2-1938).
Hội Thánh lập Đạo Luật năm Mậu Dần, Đức Hộ Pháp phê chuẩn, và giao trở lại cho Hội Thánh ban hành.

Ngày 19-10-Mậu Dần  (dl  10-12-1938).
Đức Phạm Hộ Pháp hợp với Đức Lý Giáo Tông lập Đạo Nghị Định số 48 thành lập Cơ Quan Phước Thiện.

Đạo lịch 16 - Năm Tân Tỵ (1941)

Ngày 4-6-Tân Tỵ  (dl 28-6-1941).
Lính mật thám Pháp vào Tòa Thánh bắt Đức Hộ Pháp.

Ngày 17-6-Tân Tỵ (dl 11-7-1941), lính mật thám Pháp lại vào Tòa Thánh bắt thêm 4 vị Chức sắc nữa là : Phối Sư Ngọc Trọng Thanh, Giáo Sư Thái Gấm Thanh, Giáo Sư Thái Phấn Thanh, Sĩ Tải Đỗ Quang Hiển, đồng thời ở Sài Gòn, chúng đến bắt Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.

Ngày 4-6 nhuần-Tân Tỵ (dl 27-7-1941), nhà cầm quyền Pháp đưa Đức Phạm Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc lưu đày sang đảo Madagascar ở Phi Châu.  . .

Chương 13

TÔN CHỈ
của ĐẠO CAO ĐÀI

I . Định nghĩa

Tôn chỉ là nguyên tắc chánh yếu để một đoàn thể theo đó hoạt động. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là : Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt. Câu nầy thường thấy nơi phần đầu của bài Sớ văn thượng tấu.
Tam giáo qui nguyên là ba nền tôn giáo trở về gốc. Cái gốc đó là chơn lý tuyệt đối hằng hữu, thường gọi là Thượng Đế.  Tam giáo gồm : Nho, Thích, Đạo, tức là Nho giáo hay Khổng giáo, Thích giáo hay Phật giáo, Đạo giáo hay Lão giáo hay Tiên giáo.

Ngũ Chi phục nhứt là năm nhánh đạo trở lại thành một. Một đó là Đại Đạo, Một đó cũng là Thái Cực. Ngũ Chi tức là Ngũ Chi Đại Đạo, năm nhánh của nền Đại Đạo, gồm : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

Chữ  NGUYÊN là gốc và chữ NHỨT là một, đều chỉ Đấng Thượng Đế, vì Ngài là gốc của các nền tôn giáo và là  một  ngôi Thái Cực tuyệt đối.

Nói Tam giáo qui nguyên là nói trong phạm vi Á Đông, nơi mà Tam giáo (Nho, Thích, Đạo) mở ra để giáo hóa nhơn sanh trong vùng Á Đông nầy.

Nói Ngũ Chi phục nhứt là nói toàn thể thế giới, gồm tất cả các tôn giáo (Vạn giáo), trong đó có Tam giáo.

Tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài là : Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, nghĩa là : nơi cõi Á Đông thì đem ba nền tôn giáo (Nho, Thích, Đạo) trở về nguồn gốc của nó và trên toàn thế giới thì đem năm nhánh đạo hợp lại thành một nền Đại Đạo duy nhứt.

Đây là một công cuộc vĩ đại của Đức Chí Tôn, phục hưng toàn bộ chơn truyền của tất cả tôn giáo, qui hiệp tất cả giáo lý và triết lý của tất cả  tôn giáo vào một mối duy nhứt lập thành một hệ thống giáo lý mới và triết lý mới phù hợp mức tiến hóa cao của nhơn sanh và dung hợp được tất cả các giáo lý cũ và các triết lý cũ.

II . Tam giáo qui nguyên

Các tôn giáo đã lập ra từ trước tới nay đã thất chơn truyền và lỗi thời, không còn thích hợp với mức tiến hóa cao của nhơn sanh ngày nay. Vả lại, có một số tôn giáo qui phàm rõ rệt, bị những nhà lãnh đạo tôn giáo hiếu chiến lợi dụng, gây thành những cuộc chiến tranh tàn khốc, giết hại nhiều người, được ngụy trang dưới dạng Thánh chiến.

Đức Chí Tôn đến qui nguyên Tam giáo như thế nào?
Ngày nay, Đức Chí Tôn đến đem ba tôn giáo hiệp nhứt, tạo một tòa lớn lao vĩnh viễn cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn khổ nạn sầu. Ba nhà tôn giáo ấy tuy đổ sập nhưng Đức Chí Tôn vì lòng từ bi, chọn lựa cái nào còn dùng đặng thì lấy, cái nào hư nát thì bỏ ra, như cột, kèo, xuyên, trính, ngói, gạch, cái nào còn nguyên thì dùng, cái nào bể nát hư hao, bị mối ăn thì bỏ ra, cây nào cong vạy thì uốn lại, trừ ra uốn không nổi mới bỏ. Đức Chí Tôn lấy các vật ấy ráp lại thành một Tòa Đại Đạo cho nhơn sanh sùng bái tu hành, là tòa nhà ngày nay đó.

Chúng ta đều biết rằng, tất cả các tôn giáo, các chi phái đạo hiện hữu đều là những phương tiện để thực hiện mục tiêu là dẫn dắt nhơn sanh tiến hóa đi đến chỗ Chân Thiện Mỹ. Nhưng con người vì vô minh, mê chấp, nên phân biệt đạo ta đạo người, đạo của ta cao, đạo người thấp, chỉ có đạo ta mới là chánh đạo.

Còn các vị Giáo chủ đều là những Đấng Tiên, Phật cao trọng, lãnh lịnh Đức Chí Tôn giáng trần mở đạo, vào các thời kỳ khác nhau, ở các địa phương khác nhau, để mở trí khai tâm cho nhơn loại, hầu lo tu tâm sửa tánh, tiến hóa lần lần để trở về cùng Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.

Các mối đạo đó chỉ là những phương tiện, như cái thang bắc lên mây xanh, để con người biết lối trèo lên từ từ mà trở về quê xưa cảnh cũ. Con người còn nhiều mê muội, chưa hiểu chơn lý, nên sanh đố kỵ tỵ hiềm, chấp ta ngã mạn, đi đến chỗ chia rẽ phân biệt giữa các tôn giáo, không thực thi đúng tinh thần Bác ái và Công bình, và những điều giảng dạy chơn chánh  của  các Đấng Giáo chủ, làm cho các mối đạo qui phàm và hỗn loạn.

Đạo không còn hướng dẫn được người đời, khiến cho đời càng thêm hỗn loạn, mất hết đạo đức, nên luôn luôn xảy ra chiến tranh giết chóc lẫn nhau, chỉ vì tham vọng.

III . Ngũ Chi phục nhứt
Đức Chí Tôn dạy :
“ Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay, nhơn loại đã hiệp đồng, Càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt.”  (TNHT)

Theo lời Thánh ngôn trên đây của Đức Chí Tôn thì ngày nay, Đức Chí Tôn phục nhứt năm nhánh đạo, lập thành nền Đại Đạo do Đức Chí Tôn đích thân chưởng quản, vì  3 lý do sau đây:

1 . Ngày xưa, nhơn loại chưa văn minh, việc đi lại từ nơi nầy đến nơi khác rất khó khăn và mất nhiều thời gian, sự thông tin liên lạc giữa dân tộc nầy với dân tộc khác cũng rất khó khăn. Do đó, Đức Chí Tôn mở ra cho mỗi địa phương một mối đạo để độ rỗi nhơn sanh vùng đó. Vì vậy mà có nhiều mối đạo khác nhau trên thế giới. Đó là thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, là giai đoạn Nhứt bổn tán vạn thù (Một gốc phân ra muôn sai biệt).

2 . Ngày nay, nhơn loại rất văn minh, chế tạo được những phương tiện đi lại rất nhanh như máy bay, xe hơi, tàu thủy, và chế tạo được một hệ thống thông tin liên lạc rất nhanh chóng, lại chế tạo được các máy điện tử có thể dịch tiếng nói của nước nầy sang tiếng nói của nước khác.

Cho nên Đức Chí Tôn nói rằng, ngày nay Càn Khôn dĩ tận thức, Đức Chí Tôn không cần mở nhiều mối đạo như xưa mà chỉ cần mở một nền Đại Đạo duy nhứt, bằng cách qui hiệp các đạo đã lập từ trước, thống nhứt tín ngưỡng, rồi nhờ hệ thống thông tin liện lạc của thời đại văn minh hiện nay mà truyền bá nền Đại Đạo ấy ra khắp hoàn cầu.

Đức Chí Tôn có tiên trị rằng : Ngày sau, người Trung hoa sẽ thờ phụng Đạo Cao Đài đáo để và người Mỹ sẽ truyền bá Đạo Cao Đài khắp hoàn cầu.
Đây là thời Tam Kỳ Phổ Độ, là giai đoạn Vạn thù qui nhứt bổn (Muôn sai biệt trở về một gốc).

3 . Thời xưa, mỗi mối Đạo thì có một Giáo chủ, khi vị Giáo chủ ấy thoát xác trở về cõi thiêng liêng thì mối đạo ấy lần lần bị người phàm canh cải, trở nên phàm giáo. Các phàm giáo chống báng nhau, đạo mình chánh, đạo kia tà, gây ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc.

Ngày nay Đức Chí Tôn qui hiệp tất cả tôn giáo trong Ngũ Chi vào một nền Đại Đạo duy nhứt, do Đức Chí Tôn làm Giáo chủ, lập thành năm nấc thang tiến hóa cho nhơn sanh đắc đạo. Năm nấc thang tiến hóa đó là : Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người tu có công đức ngang bằng với nấc tiến hóa nào thì sẽ được Đức Chí Tôn ban cho phẩm vị tương ứng trong nấc ấy.

Lại nữa, kỳ nầy, Đức Chí Tôn không đầu thai xuống phàm để mang xác phàm, mà Đức Chí Tôn vẫn ngự trên Bạch Ngọc Kinh, dùng huyền diệu cơ bút, giáng điển xuống trần mở đạo và nắm giữ mối đạo. Nhờ vậy, nền Đại Đạo sẽ mãi mãi là Chánh truyền, không bao giờ bị phàm hóa.

Đức Hộ Pháp đọc diễn văn tại Tòa Thánh ngày 14-2-Mậu Thìn (dl 5-3-1928), thuyết giảng về Ngũ Chi phục nhứt :
“ Với các nguyên nhân thì Ngũ Chi tỉ như một cái thang năm nấc bắc cho mình leo lên địa vị ngang bực cùng Thầy, tức là Phật phẩm đó vậy. Chưa ai nhảy một nhảy mà lên cho tới tầng lầu 5 thước bề cao, mà như ai để sẵn một cái thang năm nấc, mình có thể lần lần mà leo lên đặng. Thầy hiệp Ngũ Chi đặng làm một trường học năm lớp cho mình tu luyện, chẳng khác một trường học phàm kia vậy, lần lần bước đến đặng đoạt thủ địa vị của mình. Hễ ngồi đặng phẩm nào thì địa vị mình nơi ấy, chẳng ai còn tranh giành ngược ngạo không nhìn nhận cho được.
- Mình là người tức có sẵn Nhơn phẩm, mình mới luyện Nhơn hồn theo gương của chư Thần mà chúng ta thờ phụng đó, thì tức nhiên cũng đoạt đặng đức tánh của chư Thần mà làm Thần vị của mình.
- Đặng Thần vị rồi, lại xem gương của các Thánh mà tu luyện Thần hồn của mình cho đặng Thánh đức, tức nhiên cũng đoạt được Thánh vị vậy.
- Đặng Thánh vị rồi, cũng luyện Thánh hồn mình theo tánh đức của chư  Tiên mà đoạt đặng Tiên vị.
- Khi biết mình đã vững nơi Tiên vị rồi thì mình cũng cứ đào luyện Tiên hồn của mình theo gương chư Phật mà gấm ghé vào Phật vị.
Tưởng như có kẻ hỏi : Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật xa cách với người như Trời với Đất, khác nhau kẻ tục người thanh thì thế nào người phàm mong mỏi leo lên phẩm vị ấy cho xứng đáng ?  Ta lại đáp như vầy :
. Những Vật chất có một điểm Thảo mộc hồn. Như cây bông đá đó vậy.
. Thảo mộc có một điểm Thú hồn, như cây mắc cở.
. Thú hồn có một điểm Nhơn hồn, như loài cầm điểu thì có : két, cưởng, nhồng; tẩu thú thí có : chó, ngựa, khỉ; còn ngư thú có : cá ông đó vậy.
. Nhơn hồn có Thần hồn đã đành, chẳng cần phải giải.
. Thần hồn có Thánh hồn, Thánh hồn có Tiên hồn, Tiên hồn có Phật hồn.

Ấy vậy, nơi mình chúng ta đã có sẵn một điểm Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn. Nếu ta biết làm cho chơn hồn tăng tiến lên hoài cho tới phẩm vị Tiên, Phật thì phải tập luyện tu hành và đắc kỳ truyền mới đặng.”

Ngũ Chi Đại Đạo lập thành năm nấc thang tiến hóa từ thấp lên cao, nghĩa là một chương trình học tập năm cấp lớp (Nhơn, Thần, Thánh, Tiên, Phật), có mục đích đưa người tu lần lần tiến lên đến tột đỉnh phẩm vị thiêng liêng, hiệp nhập vào khối Đại Linh Quang của Thượng Đế. Chương trình năm cấp lớp nầy thể hiện giáo lý thuần nhứt của Đại Đạo mà bất cứ người tu nào muốn phản bổn hoàn nguyên đều phải trải qua năm cấp học ấy.

Ngũ Chi Đại Đạo cũng biểu tượng năm phương thức hành đạo là : Tùng khổ, Thắng khổ, Thọ khổ, Thoát khổ và Giải khổ, của năm bậc : Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật, để lập thành đường lối hành đạo đi đến "Tuyệt khổ”.

Như thế, Ngũ Chi Đại Đạo là năm trình độ chuyển hóa liên hợp nhứt quán trên cứu cánh giải thoát con người khỏi sự đau khỗ phiền não một cách toàn diện.

Ba Chi đầu là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo để tạo lập cảnh thế giới đại đồng, lập đời thượng nguơn Thánh đức, để cho các bậc Hiền nhân, Thánh triết tạm dừng chân trong hành trình tu tiến. Hai Chi sau là Tiên đạo và Phật đạo để các bậc ấy tiếp tục tu tiến, đắc thành chánh quả, vào bực trọn lành, thoát khỏi luân hồi, hiệp nhập vào Thượng Đế. Đó chính là cứu cánh của Đại Đạo.

IV . Kết luận

Tôn chỉ của Đạo Cao Đài quá cao siêu vĩ đại, không một người phàm nào có thể thực hiện được, chỉ có Đức Chí Tôn mới thực hiện được mà thôi.

Đức Chí Tôn ủy quyền cho Đức Phật Di-Lạc thực hiện cơ qui nhứt trong Đại Hội Long Hoa mà Ngài là Giáo chủ. Đó là cơ vạn giáo qui nhứt, không riêng gì Tam giáo, để lập đời Thánh đức, đại đồng huynh đệ. Đức Phật Di-Lạc sẽ thâu các đạo hữu hình làm một mối. Những người nào không đủ trình độ vào đời Thánh đức sẽ bị loại bỏ trong công cuộc qui hiệp và phán xét vĩ đại nầy.

Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 1-7-Mậu Dần (1938) nói về Đức Chí Tôn qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi:
" Tại sao Đức Chí Tôn không giáng bằng xác thân, lại giáng bằng huyền diệu cơ bút ?
Tại thời kỳ chuyển đạo vô vi, chấn hưng Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi, nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút, mới qui đặng cả đại đồng Tam giáo. Bởi Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Phật Thánh Tiên giáng trần mở Tam giáo, trong buổi nhơn loại chưa hiệp đồng, ba vị Giáo chủ phải thọ sanh riêng địa phận, nên hai kỳ khai đạo ấy chỉ phổ độ trở về cựu vị có 8 ức nguyên nhân; còn buổi Hạ nguơn Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ ân xá tội tình cho toàn thể chúng sanh, lại nhơn buổi văn minh nhơn loại thông đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, nên Đức Chí Tôn dùng huyền diệu giáng cơ khai đạo, chủ nghĩa là tận độ 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị nên gọi là cơ quan cứu thế.

Nếu Đức Chí Tôn chia chơn linh giáng thế như buổi trước, thì phải tá mẫu đầu thai, mang hình thể hữu vi, lại nữa là đạo khai trong nước Việt Nam thì phải thọ sanh làm người Việt Nam thì có thế nào chuyển ba mối đạo khắp ngũ châu và toàn thế giới đặng.

Lại nữa, các dân tộc trong vạn quốc không thể hiệp đồng sự tín ngưỡng làm một thì khó mà độ tận chúng sanh, cho nên Đức Chí Tôn giáng bằng huyền diệu cơ bút đặng làm cho các nước để trọn đức tin rằng một Đấng Chí Linh giáng thế cứu đời, qui tụ cả khối tinh thần của nhơn loại duy nhứt, chỉ rõ bằng cớ như kỳ hội các tôn giáo tại Luân Đôn, các nước đều công nhận Đạo Cao Đài là chơn thật, có thể qui nguyên đại đồng tôn giáo.

Đức Chí Tôn tuy chẳng giáng bằng xác thân, mà lại qui tụ lương sanh lập Hội Thánh thay hình thể hữu vi cho Đức Chí Tôn và lập Quyền Vạn linh bằng quyền Chí Linh. Kỳ Hạ nguơn nầy, dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế nào cũng không làm hại xác thân của Đức Chí Tôn như các vị Giáo chủ buổi trước. Bởi quyền Vạn linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên luật pháp, xây chuyển cơ đạo và cơ đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của Tạo hóa.

Đức Chí Tôn khai đạo kỳ thứ ba nầy giáng bằng huyền diệu cơ bút, là do Thiên thơ tiền định, chuyển đạo vô vi, hiệp Tam giáo Ngũ Chi làm một."
Chương 14

NHO TÔNG CHUYỂN THẾ

I . Nho tông chuyển thế.

Nho tông là Nho giáo, đạo Nho. (Tông là tôn giáo).
Chuyển thế là làm cho cuộc đời thay đổi từ xấu ra tốt, từ loạn ra trị, từ hung dữ ra hiền lành đạo đức.

Nho Tông Chuyển Thế là một chủ trương lớn của Đạo Cao Đài, đối với cuộc thế, đối với nhơn quần xã hội.

Chủ trương nầy là dùng tinh hoa của học thuyết Nho giáo để cải tạo cuộc thế trong buổi Hạ nguơn mạt kiếp, phong hóa suy đồi, nền nếp gia đình đổ vỡ, xã hội vì danh lợi mà tranh giành sát phạt nhau dữ dội, làm cho mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất.

Với chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài thành một cơ quan chuyển thế.

Đức Hộ Pháp trong bài thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 1-9-Đinh Hợi (1947) giải thích Nho tông chuyển thế như sau :
“ Bần đạo nhớ buổi Chí Tôn mới đến tỏ danh hiệu Người, Người hứa với các môn đệ của Người buổi đầu tiên về Cơ quan chuyển thế, làm phân vân biết bao nhiêu nhà trí thức tìm hiểu hai chữ Chuyển thế nghĩa là gì ?

Theo triết lý học, định nghĩa hai chữ Chuyển thế là : xoay đổi thời đại hiển nhiên ra thời đại khác, hoặc không phù hạp, hoặc quá khuôn khổ nề nếp nên quyết đoán thay đổi lập trường thiêng liêng vì thời đại nầy đã định.

Chuyển nghĩa là sửa đổi cũ ra mới. Lấy nghĩa lý đã định hẳn ra, tức nhiên chúng ta nhận thấy các khuôn luật đạo đức từ trước đến giờ để lại đều bị biếm cả, bởi vì đời quá hung tàn bạo ngược, vô nhơn luân, tinh thần đạo đức không qui định, tâm lý loài người không tương quan cùng nhau, mất cả luật đồng sanh làm căn bản cho loài người, luật đồng sanh gần như bị hủy bỏ, bởi thấy tấn tuồng trước mắt, nào giặc giã chiến tranh giành sống mà giết hại lẫn nhau, oán kết thâm thù, loài người do nơi ấy mà biến sanh tàn ác, cái phương sanh sống đến một giai đoạn rất khó khăn và chúng ta thử xét đoán trong các kinh điển Đạo giáo đã để lại là “mưa dầu nắng lửa”. Trận mưa dầu nắng lửa sẽ có hiện tượng y như trong kinh đã nói. Cũng vì sự sanh hoạt khó khăn mà loài người giết hại lẫn nhau. . . . .

Đời sống đến giai đoạn khó khăn hơn nữa, những phẩm vật nuôi sống loài người càng giảm bớt thì nhơn loại còn quyết liệt chiến đấu hơn nữa. “

“ Nền Đạo Cao Đài là Nho Tông Chuyển Thế thì tức nhiên của toàn xã hội nhơn quần tại mặt địa cầu nầy, nhờ đạo Nho sửa đương chỉnh đốn thiên hạ lại. Chúng ta thấy xã hội tinh túy đạo đức của họ dường như đảo ngược lại, khủng hoảng tinh thần mà ra vậy.”

Đạo Cao Đài chủ trương Nho Tông Chuyển thế, không có nghĩa là đem toàn cả học thuyết của Nho giáo ra áp dụng một cách máy móc khắt khe, vì xã hội hiện tại là dân chủ, nam nữ bình quyền, trình độ tiến hóa về khoa học kỹ thuật cũng như tinh thần rất cao so với thời kỳ của Đức Khổng Tử cách đây hơn 2500 năm.

Hơn nữa, tại sao không dùng Phật giáo hay Lão giáo, hoặc Thiên Chúa giáo để làm căn bản chuyển thế ? mà phải dùng Nho giáo ? Bởi vì không có học thuyết nào dạy Nhơn đạo kỹ bằng Nho giáo. Muốn cải tạo xã hội thì phải dạy Nhơn đạo, vì Nhơn đạo là căn bản, chớ không thể dạy Thánh đạo, Tiên đạo hay Phật đạo. Nhưng chỉ lấy những điểm tinh hoa của Nho giáo làm căn bản giáo dục mà thôi, bởi vì toàn cả giáo lý Nho giáo có nhiều điểm không còn thích hợp với xã hội ngày nay.

Những tinh hoa của giáo lý Nho giáo được áp dụng ngày nay, có thể kể ra sau đây :
* Phần chung :  - Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể.
                                     - Nhơn Nghĩa, Trung Dung.
* Phần riêng :   . Nam thì Tam cang, Ngũ thường.
                                      . Nữ   thì Tam Tùng, Tứ đức.
* Phương pháp thực hành chủ trương Nho Tông Chuyển Thế, trước hết thi hành ba điểm :
                        - Tôn trọng  Nhơn luân.
                        - Sùng kính Nhơn Nghĩa.
                        - Phục hưng Lễ Nhạc

II . Quốc Đạo - Nam phong

Quốc đạo tức là Quốc giáo, là nền tôn giáo chánh thức của một nước.
Đạo Cao Đài là quốc đạo của VN, vì Đạo Cao Đài được Đức ChíTôn mở ra trên đất nước VN, cho dân tộc VN.
TNHT:  Từ thử nước Nam chẳng đạo nhà,
Nên Ta gầy dựng lập nên ra.

Đó là lời xác nhận của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
Trên đất nước VN hiện nay có rất nhiều tôn giáo như: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, đạo Bà La Môn, vv ... Những tôn giáo nầy đều được mở ra ở các nước ngoại quốc rồi truyền vào VN, được người VN chấp nhận và tôn sùng.

Nhưng, riêng nước VN, kể từ khi lập quốc đến nay, chưa có một tôn giáo được khai mở trên đất nước VN, cho dân tộc VN. Ngày nay, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế đến ban thưởng cho dân tộc VN, bằng cách mở ra trên đất nước VN, cho người VN một nền Đại Đạo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay nói vắn tắt là Đạo Cao Đài, do Đấng Thượng Đế tá danh Cao Đài làm Giáo Chủ.

Thật là vinh hạnh cho dân tộc Việt Nam !
TNHT: "Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu. Từ tạo Thiên lập Địa, chưa nước nào dưới quả địa cầu 68 nầy đặng vậy. Cốt để ban thưởng các con thì các con hưởng phần hơn đã đáng, lẽ nào Thầy đã để phần nhiều cho các nước khác sao ? "

" Thầy có hội chư Tiên Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt quốc. Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau, phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng đạo đức."

" Vốn Thầy tạo lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con ví biết Đạo là quí thì phải ân cần thận trọng, đợi đến ngày thành tựu các con mới thấy rõ Thiên cơ thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng, vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai."  " Từ đây trong nước Nam duy có một Đạo chơn thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Đạo, hiểu à ! ”

Đức Chí Tôn giáng cho bài thi và bảo chép lại bằng Hán văn để gởi cho vua Bảo Đại lúc đó, trong đó có 2 câu :
       Quốc  Đạo  kim  triêu  thành  Đại Đạo,
       Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong.

Nghĩa là : - Nền Quốc Đạo Cao Đài ngày nay biến thành nền Đại Đạo cho cả hoàn cầu,
     - Nền phong hóa của nước Việt Nam ngày ấy sẽ biến thành nền phong hóa của nhơn loại.

Nam phong là nền phong hóa của dân tộc Việt Nam. Nhờ thi hành chủ trương Nho tông chuyển thế của Đạo Cao Đài, nền phong hóa của Việt Nam sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp, được dùng làm gương mẫu cho các nước trên toàn thế giới noi theo.
" Nơi dãy đất VN chúng ta đã tám mươi mấy năm khổ nạn, dân sanh sống dưới quyền lệ thuộc, hầu hết đã gần quên tinh thần cổ truyền của tổ phụ để lại.

May thay cho nòi giống Lạc Hồng, là không đến nỗi phải chịu mất tinh thần cố hữu ấy, nên được Đức Chí Tôn dùng dãy đất nầy làm Thánh Địa và định cho dân tộc Việt Thường hưởng hồng ân của Ngài trước nhứt, rồi mới cho nhơn loại trên mặt địa cầu nầy hưởng sau.

Theo Thánh ý của Đức Chí Tôn là muốn dùng dân tộc VN làm gương mẫu cho toàn cầu, là chỗ mà thiên hạ cho là thấp hèn, bạc nhược, lại được Đức Chí Tôn đem lên ngang hàng cùng vạn bang, mà còn cho trổi hơn mặt tinh thần, do đó mới kêu là Quốc Đạo." (Trích Thánh giáo của Đức Cao Thượng Phẩm tại Báo Ân Từ ngày 1-10-Canh Dần)

Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh đêm 30-9-Đ.Hợi 1937 :
" Hai chữ Quốc Đạo, lần đầu Chí Tôn viết ra làm cho Bần đạo mờ mịt. Cũng vì hai chữ Quốc Đạo mà Phạm Công Tắc chết năm 35 tuổi, thí thân đeo đuổi làm cho ra thiệt tướng. Ôi ! Hai chữ Quốc Đạo là một vật mà Bần đạo tiềm tàng rồi mới hiểu. Khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương tổ quốc, đeo đuổi mất còn với cái điều khát khao từ buổi thanh xuân đó vậy. Tự biết khôn dĩ chí gặp Đạo năm 35 tuổi, Bần đạo thấy sao mà phải khao khát thèm lạt, tại làm sao Chí Tôn biết thiếu thốn nơi tinh thần điều ấy mà cho Bần đạo.

Bần đạo ban sơ nghi hoặc, có lẽ một Đấng có quyền năng thiêng liêng biết tâm lý đang nồng nàn ao ước, đương thèm lạt khao khát, đương tiềm tàng mà đem ra cám dỗ. Hại thay ! Yếu ớt đức tin, ngày nay Bần đạo ăn năn quá lẽ, 15 năm đã đặng thấy gì ?

Cả toàn thiên hạ nói rằng : Nòi giống VN không có Đạo. Lạ lùng thay ! chúng ta tự hỏi có thật vậy chăng ? Thật quả có chớ, có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo, chỉ mượn Đạo, xin Đạo của thiên hạ mà thôi... Thành thử VN có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo.

Ngày Chí Tôn tình cờ đến, vì ham thi văn nên ban sơ Diêu Trì Cung đến dụ bằng thi văn tuyệt bút làm cho mê mẩn tinh thần. Hại thay ! Nếu chẳng phải là nhà thi sĩ, ắt chưa bị bắt một cách dễ dàng như thế. Vì ham văn chương thi phú nên Ngài ráng dạy. Chí Tôn đến ban đầu làm bạn thân, rồi dạy đạo, kế bảo Vọng Thiên cầu Đạo, rồi Ngài dạy lập Đạo.

Khi ấy, Bần đạo chưa tín ngưỡng, bởi lẽ nòi giống nước Nam còn tín ngưỡng tạp nhạp lắm, không chưn đứng, không căn bản, nói rõ là không tín ngưỡng gì hết. Bần đạo mới trả lời với Đức Chí Tôn, ngày nay Bần đạo nghĩ lại rất sợ sệt. Nếu không phải gặp Đấng Đại Từ Bi thì tội tình biết chừng nào mà kể.

" Thưa Thầy, Thầy biểu con làm Lão Tử hay Jésus, con làm cũng không đặng; Thích Ca, con làm cũng không đặng, con chỉ làm đặng Phạm Công Tắc thôi. Con lại nghĩ con bất tài vô đạo đức nầy quyết theo Thầy không bỏ, nhưng tưởng cũng chẳng ích chi cho Thầy."

Đấng ấy trả lời: - Tắc, thảng Thầy lấy tánh đức của Phạm Công Tắc mà lập giáo, con mới nghĩ sao ?
Bần đạo liền trả lời: - Nếu đặng vậy . . . .
Ngài liền nói: - Thầy đến lập cho nước Việt Nam nầy một nền Quốc Đạo.

Nghe xong, Bần đạo từ đấy hình như phiêu phiêu lên giữa không trung, mơ màng như giấc mộng. Được nghe nói cái điều mà mình thèm ước nên Bần đạo không từ chối đặng. Ôi ! Quốc Đạo là thế nào ? Quốc là nước, vậy nòi giống tín ngưỡng lập Quốc Đạo, Bần đạo theo tới cùng coi lập nó ra thế nào, hình tướng nào cho biết. Vì đó mà lần mò theo đuổi đến ngày nay, thấy hiện hữu cái hình trạng là Đạo Cao Đài, rồi lại đoán xét coi nó biến hình Quốc Đạo Việt Nam ra sao ?

Ngài cho một bài thi, dám chắc không ai thấu đáo nổi, người coi cái gốc thì không thấy ngọn, người coi cái ngọn  thì  không thấy gốc, tứ văn thiệt thà hay ho cho tới các đảng phái quốc sự ngày nay cũng lợi dụng.
Từ đây nòi giống chẳng chia ba.
Tức nhiên không chia 3 Đạo, chớ khgâ phải chia 3 Kỳ !
Thầy hiệp các con lại một nhà.

Thầy nắm chủ quyền hiệp Tam giáo, nếu nói riêng nòi giống hiệp Nam, Trung, Bắc thì vô vị lắm.
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc.

Tức nhiên nền chơn giáo Quốc Đạo không phải của ta thôi, mà lại của toàn nhơn loại, truyền giáo Nam Bắc thành tướng rồi ra ngoại quốc, tức là tôn giáo toàn cầu.
Chủ quyền chơn đạo một mình Ta.
Tam giáo, Ngài vi chủ, nắm cả tín ngưỡng và tinh thần của loài người, chính Đức Chí Tôn là Chúa tể Càn khôn thế giới, làm chúa nền Chánh giáo tại nước Nam,  tức đủ quyền năng lập Quốc Đạo. . . . . .

Chí Tôn nói rằng : Quốc Đạo nầy, Ngài qui tụ tinh thần đạo đức trí thức toàn nhơn loại cho đặc biệt, có cao có thấp, có hàng ngũ có phẩm giá; còn về phần xác thịt của loài người, mạng sống trước mặt Ngài không ai hơn ai, cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết, đặng đem Quốc Đạo làm môi giới cả đại đồng đặng tạo tương lai loài người cho có địa vị oai quyền cao thượng.”

Nếu hiểu đặng thì Thánh thể cũng vậy, Hội Thánh chư Chức sắc Thiên phong nam nữ hay toàn thể tín đồ cũng vậy, lãnh Thiên mạng đảm nhiệm trách vụ thiêng liêng Chí Tôn phú thác lập giáo, tức nhiên phải có phẩm giá, trật tự đẳng cấp. Nếu hiểu thêm ý của Ngài, khi cổi áo nầy ra khỏi đại điện rồi hết thảy đồng là anh em, không ai hơn ai, không ai thua ai, không khinh không trọng, đầy đủ tình yêu ái trong lòng Mẹ đem ra mà thôi. Nam nữ  cũng thế. Ngày giờ nào nhơn loại cả thế gian ở mặt địa cầu nầy hiểu được lý lẽ chí hướng cao thượng ấy là ngày Đạo Cao Đài sẽ ra thiệt tướng."

Nước Việt Nam trong buổi Hạ nguơn, được hồng ân của Đức Chí Tôn ban cho một nền Quốc Đạo Cao Đài. Người VN không nên ích kỷ, bo bo giữ lấy mối Đạo cao thượng của mình, mà phải truyền bá ra khắp năm châu để toàn cả nhơn loại đều được hưởng ân điển của Đấng Chí Tôn, Đại Từ Phụ của toàn nhơn loại, làm cho nền Quốc Đạo VN trở thành nền Đại Đạo của toàn nhơn loại.
"  Lo lường  thấu  đáo đạo huyền vi,
Ngàn tuổi chưa  ai dám sánh bì.
Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ ! "
                                                                                     (Đức Chí Tôn)

Nhờ nền Quốc Đạo Cao Đài mà dân tộc Việt Nam sẽ làm chủ tinh thần của nhơn loại, và nền phong hóa Việt Nam sẽ làm gương mẫu cho các dân tộc trên thế giới.
 Home      [  1  ]  [   ]  [  3  ]  [  4  ]  [  5  ]  [  6  ]  [  7  ]  [  8  ]  Đến Hạnh Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét