Sau đây là Bảng Tóm
tắt cơ cấu thành phần của Càn khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn, Hữu hình và Vô hình,
kể từ Trung tâm Vũ trụ ra đến bên ngoài, biên của Vũ trụ :
Chương 23
TẬN THẾ
Hội Long Hoa
I .
Định nghĩa.
1 .
Tận thế là gì ? Tận là hết, thế là đời, cõi đời.
Tận thế là tiêu diệt hết
cõi đời nầy.
Tận thế là một cuộc đại
động dữ dội chưa từng thấy, với những trận động đất rất mạnh làm thay đổi bề
mặt địa cầu, với những Thiên tai khủng khiếp do thủy, hỏa, phong, rồi bịnh chướng
nổi lên sát hại loài người, làm cho loài người chết rất nhiều, các Đấng Tiên
Phật lúc đó giáng trần, dùng huyền diệu thiêng liêng để cứu sống những người
hiền lương đạo đức, thành lập cõi đời mới gọi là đời Thánh đức, chỉ gồm những
người thiện lương chơn chánh.
Số người được cứu vớt sống
sót chỉ bằng một phần mười (1/10) số nhơn loại hiện nay.
Như thế, Tận thế không có
nghĩa là quả địa cầu nầy
bị tiêu diệt, nhơn loại
chết hết, mà chỉ là một cuộc biến thiên rộng lớn làm thay đổi hình thể mặt đất,
tiêu diệt 9/10 nhơn loại, làm cho cõi đời ác trược của buổi Hạ nguơn Mạt kiếp
trở thành cõi đời thiện thanh chơn chánh, gọi là đời Thượng nguơn Thánh
đức, với những người hiền lương đạo đức,
theo đúng luật Tuần hoàn của Trời Đất, luân chuyển trong ba nguơn : Thượng
nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, rồi bắt qua Thượng nguơn của Chuyển kế tiếp.
“ Chú thích về Nguơn Chuyển :
Nguơn và Chuyển là hai
danh từ thường được dùng để chỉ những khoảng thời gian rất dài trong sự hình
thành vũ trụ, vạn vật, và những giai đoạn tiến hóa của nhơn loại. Mỗi Chuyển
chia ra 3 Nguơn : Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn. Hiện nay địa cầu của
chúng ta đã trải qua 3 Chuyển và đang ở vào cuối Hạ nguơn của Chuyển thứ ba,
sắp bước qua Thượng nguơn của Chuyển thứ tư. “
2 . Hội Long Hoa là gì ?
Long là rồng, hoa là cái bông. Long Hoa là một
cái cây có hình dáng giống như con rồng, đơm hoa rực rỡ.
Đức Phật Di-Lạc sẽ đắc đạo
tại cội cây Long Hoa nầy, cũng như Đức Thích Ca đã đắc đạo tại cội cây Bồ Đề.
Đức Phật Di-Lạc sẽ làm
Giáo chủ một Hội thi tuyển chung kết để chọn người hiền đức dưới cội cây Long
Hoa, nên Hội nầy được gọi là Hội Long Hoa.
Vậy Hội Long Hoa là hội
thi chung kết sau một giai đoạn tiến hóa dài của nhơn loại, để tuyển lựa những người
hiền lương đạo đức, loại bỏ những kẻ hung bạo gian tà, thực hiện sự công bình
thiêng liêng, để rồi sau đó sẽ chuyển qua một giai đoạn tiến hóa mới.
Sự tuyển lựa nầy xảy ra
trong một cuộc Tận thế như đã nói ở trên.
- Những người hiền lương
đạo đức là những người thi đậu, sẽ được sống sót và được thưởng bằng những phẩm
vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tùy công đức nhiều ít.
- Những người gian tà hung
bạo là những người thi rớt nên họ phải bị chết hết và linh hồn của họ phải chờ
đợi để nhập vào một vận hội mới mà học tập và tiến hóa, chuẩn bị một cuộc thi
mới sau nầy.
II . Đã có mấy lần Tận thế ?
Sau mỗi
Chuyển là có một lần Tận thế để phán xét sự tiến hóa của nhơn loại.
Địa cầu của
nhơn loại chúng ta hiện nay đã trải qua 2 Chuyển, nên nhơn loại đã bị hai lần
Tận thế, và sắp đến cuối Chuyển thứ ba nên sẽ có Tận thế lần ba.
Theo các
kinh sách xưa truyền lại thì :
1 . Tận thế
lần thứ nhứt : chép trong Kinh Thánh Cựu Ước của đạo Do Thái, do trận đại hồng thủy.
Kể từ khi Thượng Đế tạo ra
loài người và để cho tiến hóa, thì loài người tiến hóa theo đường vật chất,
quên mất nguồn cội và đạo đức tinh thần, tội ác càng ngày càng chồng chất.
Thượng Đế nhìn thấy chỉ có gia đình ông Nô-ê là còn giữ được đạo đức và công
bình. Ngài ban ơn cho Nô-ê, bảo Nô-ê đóng một chiếc tàu lớn, khi có nước lụt
lớn thì đem tất cả gia đình lên tàu, gồm vợ, ba con trai, 3 con dâu, lương thực
và các sinh vật mỗi loài một cặp trống mái.
Thượng Đế gây ra trận đại hồng thủy, nước ngập
khắp mặt đất, tiêu diệt hết nhơn loại và sinh vật, chỉ còn gia đình ông Nô-ê và
các sinh vật trên tàu sống sót.
Khi nước lụt rút hết, gia
đình ông Nô-ê và các sinh vật rời khỏi tàu, lên mặt đất canh tác, tạo ra thực
phẩm, sống và sanh sản càng lúc càng nhiều. Vợ chồng Nô-ê trở thành thủy tổ
loài người sau cuộc Tận thế lần thứ nhứt.
2 . Tận thế lần thứ nhì : Châu Atlantide sụp đổ.
Loài người nối tiếp qua
nhiều thế hệ, lần lần khôn ngoan và tiến bộ, cũng xu hướng vào đường vật chất,
xa lánh đạo đức tinh thần. Càng tiến bộ khôn ngoan thì càng tự kiêu tự đại,
khinh rẻ Thánh Thần. Dấu tích của nền văn minh nầy còn ghi lại trong các Kim Tự
Tháp ở Ai Cập.
Đến kỳ Phán xét của Thượng
Đế, những giống dân vô đạo đức thì bị trừng phạt hay tiêu diệt. Do đó xảy trận
động đất dữ dội làm sụp đổ châu Atlantide, tạo thành biển Đại Tây Dương. Nền
văn minh Atlantide cùng với giống dân vô đạo bị tiêu diệt, nhơn loại trở lại
thời kỳ bán khai.
Tóm lại, qua hai thời kỳ
Tận thế được biết qua các kinh sách, chúng ta thấy, Tận thế chỉ là một cuộc Đại
Phán xét của Thượng Đế đối với nhơn loại, công thưởng tội trừng. Chư Thần,
Thánh, Tiên, Phật thi hành theo đúng Luật Nhân Quả, sau những thời kỳ chuyển
luân tiến hóa nhứt định.
III .
Tiên tri Tận thế lần thứ ba
Hiện nay, giống dân da
trắng đang làm bá chủ nhơn loại trên mặt địa cầu nầy. Giống dân da trắng không
đem sự khôn ngoan và sự văn minh tiến bộ giúp đỡ các giống dân khác kém văn
minh hơn, lo tổ chức xã hội cho được thuần lương đạo đức, mà lại dùng sức mạnh
bắt các giống dân khác làm nô lệ cho họ, đồng thời xúi giục các giống dân và
các tôn giáo gây chiến với nhau, tương tàn tương sát để họ thủ lợi.
Mặt khác, thời kỳ nầy lại
rơi đúng vào cuộc tuần hoàn giáp mối của thế giới, ở vào thời Mạt kiếp của Hạ
nguơn Tam chuyển, bước qua Thượng nguơn Tứ chuyển. Đấng Thượng Đế cùng chư
Thần, Thánh, Tiên, Phật mở ra một cuộc Phán xét lần thứ ba gọi là Hội Long Hoa,
để kết thúc một giai đoạn tiến hóa dài.
Loài người hiện nay rất
tội lỗi, nên cuộc Tận thế kỳ ba nầy rất dữ dội, nhơn vật 10 phần bị tiêu diệt
hết 9 phần, chỉ còn lại một phần sống sót, gồm toàn là những người hiền lương,
để lập đời Thượng nguơn Thánh đức.
Xin trích ra sau đây Thánh
Ngôn tiên tri cuộc Phán xét (Long Hoa Hội) kỳ ba và sự cứu độ của Thượng Đế:
* “ Kỳ Hạ nguơn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà
phải tiêu tan, mười phần còn lại một mà thôi. Than ôi ! buồn thôi ! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy, thế nào mà cải
cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện mà ăn năn sám hối, lo việc tu hành, đồng
với cả quốc dân mà quị lụy khẩn cầu coi Trời có đoái tưởng đến chăng ?
Bởi thế nên Đức Ngọc Đế và
chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, mới lập Hội Tam Kỳ Phổ Độ đặng cứu vớt chúng
sanh đương linh đinh nơi bể khổ. Nếu gặp thuyền Bát Nhã mà không xuống không
theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi nơi mé biển.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 79)
* “ Đời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút. Lão vì
thương yêu nhơn sanh, hội mười ngày nơi Bạch Ngọc Kinh, cãi cho qua nạn nhơn
loại, nhưng luật Thiên điều chẳng dễ chi sửa đặng.
Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau, tới
buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng ráng
chịu, lạy lục khẩn cầu, chư Đạo hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ mất
hồn, thấy càng thảm thiết.
Lão tưởng chẳng cần phải nói chi một nước nhỏ nhoi, đã
đặng danh Thánh địa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho thành Sài
Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Huế, Hải Phòng, Hà Nội thay ! Thảm ! Thảm ! Thảm ! ” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 93)
* “ Họa Âu tai Á sẽ vì nơi
Thiên thơ mà sát phạt, gieo sầu để thảm cho những giống dân nào đã vì hung bạo
mà gây nên nhiều điều thán oán khắp cả Càn khôn nầy.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B
100)
* “ Ngày vui vẻ của sanh
linh đã mòn, họa Thiên điều đã cận, Càn khôn thế giới còn đeo đuổi dụng thất
đức vô nhân mà gieo thảm chất sầu trong nhơn loại.
Họa Âu tai Á sẽ lần lượt
thay phiên nhau, dụng luật Thiên đình mà diệt phạt người vô đạo. Càn khôn cũng
vì đó mà phải điên đảo.”
“ Thầy lấy đức háo sanh mở
đạo lần ba mà vớt kẻ hữu phần, tránh khỏi nơi buộc ràng khổ phạt. Ai hữu phước
đặng để chân vào, kẻ vô phần phải bị tà yêu cám dỗ.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 59)
Đức Hộ Pháp thuyết đạo
tiên tri cuộc Tận thế sắp tới diễn ra như sau :
“Cơ quan chuyển thế mà Đức
Chí Tôn lập trước mắt sẽ dữ dội lắm ! Tấn tuồng đó vẫn còn tiếp diễn chưa dứt.
Bần đạo quả quyết rằng, sẽ
còn đại động dữ dội một phen nữa nơi mặt địa cầu nầy. Đặng chi ? đặng giống dân
da trắng giao quyền cho sắc dân mới nữa là giống dân Thần thông nhơn làm chủ,
cầm giềng mối toàn mặt địa cầu nầy. Hại thay ! Luật thiên nhiên chiếu theo kinh
luật thượng cổ để lại, quan sát hẳn hoi, dở sách ra coi thấy trước thế nào, sau
thế ấy, bánh xe tiến hóa vẫn đi, xây một hướng một chiều.
Bần đạo e cho loài người mài miệt tội lỗi đó càng
nguy hại cho loài người hơn nữa, nên Đức Chí Tôn lập Đạo Cao Đài là đền thờ cao
trọng, đức tin to lớn, ngự trước Thiên lương loài người mới có thể thắng cơ
quan Thiên điều định trước. Chúng ta, Thánh thể của Ngài, giúp Ngài giải quyết
được chăng ? Nếu thoảng không được, cái hại nầy còn duy trì nữa.
Ngài muốn Việt Nam là
Thánh địa, cho nhơn loại biết rằng nhờ đây mà giải quyết cứu thế, bảo tồn nhơn
loại là do con cái của Ngài, do nơi chúng ta. Nếu bất lực, chúng ta có phần lỗi
đó vậy.” (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Q.I
tr. 80)
“ Kiếp số của địa cầu nầy
còn vĩnh cửu, chỉ thay đổi hình thể, vạn loại mà thôi, nó vẫn còn tăng tiến
mãi.
Chúng ta đã ngó thấy qua
chừng 100 năm trước, văn minh của con người không đạt đến mức hiện tượng như
bây giờ. Cơ tấn bộ tinh thần và vật chất dữ dội nhứt là trong vòng 50 năm sau.
Theo đó mà tính toán lại coi, trong 500 năm nữa, nhơn loại sẽ ra sao ?
Phật giáo nói, qua sắc dân
da trắng, tinh thần vi chủ, tới sắc dân Thần thông nhơn, qua khỏi dân Thần thông nhơn thì có sắc dân Chí linh. Lúc đó
người là Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế. Như vậy còn hai sắc dân nữa cho 500
năm sau.” (Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Q.I tr.132)
Lời Đức Chí Tôn tiên tri
đã quyết định hẳn hòi :
Chừng nào đất
dậy trời thay xác,
Chư Phật, Thánh, Tiên xuống ở trần. (TNHT)
IV . Mỗi lần Tận thế có Hội Long hoa
Như phần trên vừa trình bày, mỗi
lần Tận thế là để phán xét lọc lừa người thiện kẻ ác để phong thưởng trong Hội
Long Hoa.
Từ trước tới
nay đã xảy ra hai lần Tận thế và hai lần mở Hội Long Hoa :
1 . Sơ Hội Long Hoa
Thanh Vương Đại Hội, Đức Nhiên Đăng Cổ
Phật làm Chánh Chủ khảo.
2 . Nhị Hội Long Hoa Hồng Vương Đại Hội, Đức Phật A-Di-Đà làm Chánh Chủ khảo.
3 . Kỳ Tận thế lần thứ ba, Đức Chí Tôn sẽ mở Hội Long
Hoa, gọi là Tam Hội Long Hoa Bạch Vương Đại Hội, Đức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ khảo.
Đạo ví Đời là một học
đường vĩ đại, có đủ tất cả bài học từ thấp đến cao, từ ác đến thiện, từ trược
đến thanh, để nhơn sanh học hỏi, chứng nghiệm, trau luyện tâm tánh để tiến hóa,
mà Hội Long Hoa là cuộc thi tuyển và đề thi là đạo đức. Hội Long Hoa kỳ ba nầy
rất quan trọng, vì là thi chung kết, chấm dứt Đệ tam Chuyển, bắt qua Đệ tứ
Chuyển mà khởi đầu là Thượng Nguơn Thánh Đức.
Cho nên Hội Long Hoa kỳ ba
nầy có một cuộc biến động dữ dội, để sàng sảy lọc lừa, tuyển chọn những người
có trình độ đạo đức mà lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức, loại bỏ những phần tử
gian tà, tức những phần tử thi rớt.
Hội Long Hoa kỳ ba nầy
cũng là Hội Điểm Đạo lần ba của Địa cầu 68, là cuộc Điểm Đạo vĩ đại và quan
trọng mà tất cả chư Phật, Tiên, Thánh, Thần và những người tiến hóa đủ tiêu
chuẩn đạo đức đều phải tham dự.
Sau cuộc biến động dữ dội gọi là Tận Thế đó,
địa cầu 68 trở lại yên tĩnh, thời tiết trở lại điều hòa tốt đẹp, trược khí tiêu
tan, nhơn loại còn lại là những tân dân hiền lương đạo đức, với hình dung tốt
đẹp, mạnh khỏe, sống lâu,
tạo lập một xã hội Đại
đồng, cùng sống hòa bình với nhau trong tình bác ái và sự công bình. Chư Thánh Tiên Phật sẽ giáng trần tiếp tục hướng
dẫn nhơn sanh tu hành tiến hóa cao thêm nữa.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo về Hội Long Hoa, đêm 14-1-Kỷ Sửu (1949) tại Đền Thánh, xin chép ra sau đây
:
“ Long Hoa Hội
là gì ? Long Hoa Hội là một ngày, một
buổi khảo lựa của toàn thể các chơn hồn, dầu quỉ vị
hay Thần vị cũng vậy, định khoa mục của mình đặng lập vị thiêng liêng.
Chúng
ta hiểu rằng, mỗi Chuyển tức nhiên là mỗi khoa mục. Hễ cuối một Chuyển, tức
nhiên Hạ Nguơn, là ngày định vị của
các đẳng linh hồn. Thánh giáo Gia Tô đã nói rằng : Ngày Xét Đoán cuối cùng
(Jugement Général) mà kỳ thật là ngày định vị cho các chư Phật đó vậy.”
“ Có một điều trọng hệ đương buổi nầy là buổi náo
nhiệt. Tại sao ? Tại mãn Hạ Nguơn Tam
Chuyển, Thiên thơ đã định Long Hoa Hội.
Thánh giáo Đức Chí Tôn nói
:
“ Các con phải chung cùng nhau, tức nhiên lập Long Hoa
Hội, định vị cho các chơn linh trong kỳ Hạ Nguơn Tam Chuyển nầy, định vị cho họ
đặng mở Thượng Nguơn Tứ Chuyển cho các
chơn linh.”
Ngài mở Hội Long Hoa ấy, tức nhiên là Ngài định chấm
đậu rớt cho các chơn linh vậy.
Vì cớ cho nên chúng ta ngó thấy có huyền vi bí mật nơi
mặt thế nầy : Đức Chí Tôn đến mở Đạo ngày nay, chúng ta thấy oan gia nghiệt
chướng phải trả liền buổi nầy, không cho thiếu,
trả mãn mới thôi.”
Mặt khác, chúng ta quan
sát Tòa Thánh Tây Ninh, thấy bao lơn nơi mặt tiền Tòa Thánh có bốn cây cột
chống đỡ, phân làm hai cặp. Mỗi cặp có một cây đắp hình rồng (Long) quấn cột,
một cây đắp hình bông sen (Hoa) quấn cột, nên mỗi cặp cột tượng trưng hai chữ
LONG HOA. Còn trên nóc Hiệp Thiên Đài,
giữa hai lầu chuông trống là tượng Đức Phật Di-Lạc ngự tòa sen đặt trên mình
cọp.
Đức Hộ Pháp thuyết đạo về
Hội Long Hoa tại Hộ Pháp Đường, ngày 16-9-Ất Mùi (dl 31-10-1955), giảng giải
bài Kinh Đại Tường, có đoạn kết, chép ra sau đây :
“ Tới năm Tý sẽ mở Hội Long Hoa tuyển phong
Phật vị tại Tòa Thánh Tây Ninh nầy. Mấy em phải cố gắng làm cho kịp. Qua nói
quả quyết nếu mấy em làm không kịp, qua có qui liễu trước đi nữa thì cái tội ấy
về mấy em chớ không phải về Qua, nhớ điều đó. Qua cố gắng tận trung cùng Đạo,
tận hiếu cùng Chí Tôn và Phật Mẫu, Qua chỉ ước cho thiêng liêng của mấy em đây
nè, nó sẽ hưởng được một điều trọng yếu không biết ngày nào giờ nào, Qua không
có thế vì quyền vi định trước được. Qua mơ ước làm thế nào cho dòng máu thiêng
liêng của mấy em đây nó gặp mặt Đức Chí Tôn đến tại thế nầy, lấy một quyền năng
thiêng liêng của Ổng, như Ổng đã đến Đền Thờ Tây Tạng kia vậy. Hễ nói đến Đền
Thờ Tây Tạng thờ Đức Chí Tôn, thì đều nghe hiểu.
Có lẽ Đền Thánh nầy Đức
Chí Tôn thế nào cũng đến, lại chưa đến là vì lẽ gì ? Lý do vì chưa có trọn sao
đây, mấy em cố gắng đi, từ đây tới sau, cho tới ngày Long Hoa Hội, hoặc nên hư
đặng thất điều gì, Qua lập Long Hoa Hội được hay chăng, Qua phú thác nơi tay
mấy em đó vậy.”
V . Sách : Tận thế và Hội Long hoa
Ông Vương Kim viết
quyển Tận Thế và Hội Long Hoa nói về cuộc Tận Thế và cảnh đời Thượng ngươn, tóm
lược và trích ra sau đây :
“ Tận thế bằng cách nào
? Hội Long Hoa thế nào ?
Đó là một cuộc lọc lựa lớn
lao kỳ diệu của Đức Thượng Đế, mà với trí phàm của con người khó thể nghĩ bàn,
vì nó làm thay đổi cả vạn vật một cách mầu nhiệm và chớp nhoáng.
Sau một cuộc lở đất long
trời tối tăm mù mịt, người đứng cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau, tiếng
cây ngã, đá bay và có những tiếng khóc than thảm thiết kêu cứu, mà không ai có
thể làm sao giúp nhau được.
Trong lúc đó, những cái cũ
kỹ, những cái trái ngược đạo lý, những cái đảo lộn nhơn tâm và những điều không
tương ứng với cơ Tạo Hóa, bên trong cũng như bên ngoài con người, thảy thảy đều
bị tận diệt hết cả.
- Về bên ngoài của con người :
- Những loại thuộc về
khoáng vật như : đao, kiếm, súng ống, bom đạn, vv . . .
- Những loại thuộc về thực
vật như cây có gai, cây có chất hôi, chất độc, và cây vô dụng vô ích, vv . . .
- Những loài động vật độc
hại như rắn, rít, sói, lang, hùm, beo,
vv . . .
Nói tóm lại những loại bên
ngoài con người, bất kỳ thứ nào, dù khoáng vật, thực vật, động vật, hễ không có
ích cho thời đó cũng như về sự cần dùng, mà ngược lại còn làm tổn hại con người,
đều bị tiêu diệt hết cả.
- Về bên trong của con người :
Tất cả ngôn ngữ, tư tưởng
và hành động bất công bất chánh, không đạo đức, đê tiện xấu xa,...mà con người
đã có từ trước đều bị tiêu diệt ngay trong lúc biến thiên ấy.
Tại sao ? Vì kẻ đã có bản
tánh và hành vi tồi tệ chắc chắn không tồn tại, trái lại, người được tồn tại
trong thời đó, nhứt định không có những chỗ xấu xa kia.
Tại sao Đức Thượng Đế có
quyền tiêu diệt cả vạn vật ở quả địa cầu nầy ?
Vẫn được và càng được trong thời Mạt pháp nầy, bởi lẽ Ngài là một vị cầm
cán cơ quan chưởng quản cả vạn vật ở cõi ngũ trược ác thế nầy, nên chi lúc nào Ngài cũng có quyền chiếu theo Công lý
của Luật Nhơn Quả báo ứng mà thưởng phạt vạn vật ở thế gian.
Tuy nhiên, trước khi trừng
trị vạn vật và con người, về những tội lỗi hung hăng giảo quyệt thì Thượng Đế
cùng chư Phật, đồng ý cho các vị Thinh Văn, Duyên Giác, La Hán, Bồ Tát và các
Thần Tiên gấp rút lâm phàm, cùng một khẩu hiệu, cùng một giáo pháp (song có
nhiều thể thức khác nhau, tùy theo căn cơ và địa vực), để dạy dỗ, kêu réo những
người có thiện căn, âm đức, mau mau hồi đầu thức tỉnh, lánh dữ về lành, hầu nhờ
sự ủng hộ của chư Tiên Phật Thánh Thần, để tránh khỏi cơ tận diệt tới đây.
Đồng thời các vị thiêng
liêng ấy cho người đời biết trước Hội Long Hoa sẽ mở tại miền Nam Việt Nam.
Hội Long Hoa thế nào ?
Long Hoa là một hội chọn
lựa những phần tử ưu tú có đạo đức chơn chánh, hiếu hạnh đầy đủ, trung nghĩa
vẹn toàn, là những người tâm tánh trong sạch hiền lương, để lập cõi đời an lạc
công bằng ở thời kỳ Thượng nguơn.
Trong khoảng kế cận Hội
Long Hoa, tất cả loài người loài vật, cho đến thảo mộc côn trùng trên thế gian
đều ở trong cảnh giết hại tàn phá lẫn nhau, và đau đớn hơn hết là con người đua
nhau nồi da xáo thịt, gây nên nạn đớn đau thê thảm !
Đến ngày Hội Long hoa, sẽ
có nhiều việc nhiệm mầu khó tưởng tượng nổi, nào là Tà giáo và Chánh giáo đua
nhau trổ tài đấu phép làm kinh Thiên động Địa, nào là loài người và thú sát hại
nhau làm Thần sầu Quỉ khóc.
Trong cảnh ấy, hai phái
Chánh giáo và Tà giáo xô nhau đến cảnh giết chóc, xương chồng tợ núi, máu chảy
thành sông, mà chung qui Chánh giáo trọn
thắng, nhờ Bí pháp của Đức Phật phù trợ; còn những loại thú
dữ do phép mầu của Thần Tiên hóa hiện để sát phạt những người có lòng ác độc,
tuy mang lốt người mà chẳng chút giống người, chỉ biết xu danh trục lợi, ích kỷ
tổn nhân, nói tóm lại là lòng dạ của họ như thú vật nên bị thú vật giết hại
đúng theo phản lực nhân quả.
Sau khi trừ khử xong những
hạng ác nhân, Thần Tiên thâu phép mầu lại, các loài thú dữ không còn nữa.
Đến đây là lúc các vị Phật
Tiên Thánh Thần đồng giáng phàm, để tùy theo nhân duyên mà cứu độ, nghĩa là người
có duyên với Phật thì Phật rước về cõi Phật, người có duyên với Tiên thì được
Tiên rước về cõi Tiên, còn những người vào bảng Phong Thần thì làm Thần, những
người kém đức hạnh hơn mấy hạng nói trên thì ở lại làm dân hay làm quan phò
chúa Thánh.
Có một điều lạ nhứt là
phần nhiều và có thể nói là gần hết các vị cựu thần trung quân ái quốc của Việt
Nam từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần trở lại đây đều tái kiếp.
Trong cảnh Tà Chánh phân
tranh, nhân vật cấu xé, Đức Phật Di-Lạc ra đời lập Hội Long Hoa, có cả chúng
sanh của 3000 thế giới tham thính như Thinh Văn, Duyên Giác, La Hán, Bồ Tát, chư
Tiên, chư Thánh, chư Thần, người, rồng, hổ, điểu, vv.... đều xoay quanh bửu tòa
của Ngài để nghe những lời vi diệu mầu nhiệm chưa từng có.
Ngài sẽ thống nhứt tất cả
kinh luật lại làm một khiến cho tất cả chúng sanh không còn sự tranh chấp câu
nệ đạo nầy chánh đạo kia tà. Ngài là vị Phật thứ năm trong năm vị Phật hiền
kiếp.
Vào thời kỳ Mạt pháp nầy,
đến lượt Ngài ra đời kế truyền Chánh pháp của Đức Thích Ca, bởi sau khi Đức
Thích Ca diệt độ đến nay đã hơn 2500 năm, lời di giáo bị sai lạc tinh lý vì bị
truyền qua dịch lại nhiều lần.
Nhờ Ngài mà nhơn loại có
một thế giới trang nghiêm thanh lịch, an lạc phi thường. Đường đi như lót cẩm
thạch, cỏ tợ nệm bông, người đẹp như Tiên, không làm có ăn, không may có mặc,
cư xử với nhau rất hiền hòa và lịch sự.
Với mỹ lệ ấy, con người
lại có cái đặc biệt là không cánh mà bay, sống lâu muôn tuổi, trí hóa thông
minh một cách dị thường. Vì phần nhiều là người thượng cổ tái kiếp, nên phong
tục tạp quán được gìn giữ nghiêm minh.
Đây là nói ngay xứ Việt
Nam.
Sở dĩ nước VN được cái
diễm phúc như nói trên là bởi các vua chúa đến quan dân VN thời Đinh, Lê, Lý,
Trần trở lại đây, phần nhiều đều qui ngưỡng về Phật đạo, Tiên đạo và Nho đạo
một cách thâm thiết, trong đó có một vị vua phát nguyện sau khi thành đạo sẽ
trở lại chủ trì nền đạo và phong tục VN. Nhờ công quả và công đức ấy, khiến cho
thay đổi địa vị nước VN vậy, và nước VN sẽ trở thành địa điểm trung ương của
đời Thượng nguơn, đó là vì tuần tự theo định luật tuần hoàn của cơ Tạo Hóa.”
VI .
Phần kết :
Các Đấng thiêng liêng đã
tiên tri kỳ Tận Thế nầy rất dữ dội, nhơn loại sẽ bị tiêu diệt 90% bởi nhiều
cách :
- Chiến tranh tương tàn
tương sát với vũ khí nguyên tử và hóa học tối tân, giết người hằng loạt, cùng
đánh nhau rồi cùng chết hết, không có kẻ thắng người bại.
- Cuộc đại động đất dữ dội
làm thay đổi hình thể mặt địa cầu, có nơi thành biển, có chỗ thành non.
- Bịnh chướng sát hại lan
tràn khắp nơi.
- Cuối cùng, Ngũ hành thay
đổi, khí Âm tuyệt, khí Dương sanh để loại bỏ số nhơn loại có tâm tánh ô trược.
Muốn được sống sót trong
Kỳ ba Tận Thế nầy, chúng ta phải lo lập công bồi đức cho nhiều, tu hành chơn
chánh, không chút bợn nhơ, từ bỏ ác hành, dù một chút nhỏ. Chúng ta còn phải ăn
chay trường để chơn thần trong sạch nhẹ nhàng mới chịu nổi khí Tiên Thiên. Nếu
còn ăn mặn, chơn thần ô trược, dẫn điện, sẽ bị sét đánh tiêu tan.
Chỉ có 10 % nhơn loại là còn
sống sót sau khi Tận Thế, sẽ được tham dự Hội Long Hoa. Trong số nầy, những
người có nhiều công đức sẽ có ngôi vị là Thần, Thánh, Tiên, Phật, những người
ít công đức sẽ làm tân dân trong một thế giới mới gọi là thế giới đại đồng, và
địa cầu của chúng ta bước qua thời kỳ Thượng nguơn của Chuyển thứ tư, gọi là
đời Thánh đức.
Chương 24
TANG LỄ
Phần thứ nhứt : CẦU GIẢI BỊNH
Cầu giải bịnh là tụng kinh
cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng tha thứ oan khiên nghiệp chướng
của người bịnh để được mau bình phục sức khỏe.
Theo tài liệu Hạnh Đường
huấn luyện Chức Việc Bàn Trị Sự nam nữ
khóa Canh Tuất (1970), Nghi lễ lập đàn cầu bịnh cho bổn đạo như sau :
Phương pháp thực hành :
Hành lễ trong 3 đêm :
1 .
Khởi đêm thứ nhứt : Vào thời Dậu, thiết lễ cúng Đức Chí Tôn, có thượng
sớ và dâng Tam bửu : Bông, Rượu, Trà, do Chánh Trị Sự dâng sớ.
Khi bắt đầu hành lễ, nên
lên nhang đèn bàn thờ Ông Bà cho trong gia quyến của bịnh nhơn cầu nguyện rồi
sẽ nhập đàn.
Buộc gia quyến phải cúng
Thầy để cầu nguyện. Cúng xong, bãi đàn thì tiếp tụng Kinh Di-Lạc và ba biến Cứu
Khổ. (Trường hợp tụng Kinh Di-Lạc, một hay ba hiệp cũng được).
2 .
Đêm thứ hai : Cũng thời Dậu, thiết lễ cúng Thầy, không thượng sớ, chỉ đọc bài dâng Trà
nhưng cũng phải có đủ Tam bửu trên bàn thờ và việc hành lễ y như đêm thứ nhứt.
3 .
Đêm thứ ba : Hành lễ như đêm thứ hai là xong nhiệm vụ của Bàn Trị Sự (BTS), nhưng nếu
gia quyến yêu cầu tụng Kinh Sám Hối đêm chót thì Bàn Trị Sự buộc người trong
gia quyến cũng như bịnh nhơn phải giữ việc ăn chay trọn ngày và đêm để tụng
Kinh Sám Hối. Bàn Trị Sự khỏi quì tụng
Kinh Sám Hối (để trọn gia quyến quì).
BTS chưa thọ Pháp Giải
Bịnh thì làm như sau đây :
Khi cúng Thầy xong (chưa bãi
đàn), trong gia quyến đỡ người bịnh đến trước Thiên bàn, cho bịnh nhơn lạy cầu
nguyện Đức Chí Tôn, vị chứng đàn vào quì cầu nguyện Chí Tôn, thỉnh ly rượu giữa
để rửa mặt cho bịnh nhơn, kế thỉnh hai tách nước (nước trắng và nước trà), cầu
nguyện Chí Tôn xong, ký tế lại (nghĩa là kê hai miệng tách lại, đổ thống nhứt
xuống một tách khác) rồi cho người bịnh niệm Câu Chú của Thầy mà uống.
Trừ dư, nếu có vị Chức sắc
thọ Pháp Giải Bịnh thì tùng người mà hành lễ.
Phần thứ nhì : TANG LỄ
(LỄ SANH, CHỨC VIỆC, ĐẠO HỮU)
(& các phẩm
tương đương)
1 .
Cầu hồn khi hấp hối.
Cầu hồn khi hấp hối là
tụng kinh cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng cho linh hồn của vị
tín đồ đang hấp hối được nhẹ nhàng xuất ra khỏi thể xác và được cứu giúp siêu
thăng về cõi TLHS.
Theo tài liệu Hạnh Đường
huấn luyện Chức Việc Bàn Trị Sự nam
nữ khóa Canh Tuất (1970):
Phương pháp hành lễ Cầu
Hồn Khi Hấp Hối cho vị tín đồ đang hấp hối như sau :
“ Bàn Trị Sự lo nghi tiết cúng Thầy trước dù chưa đến
giờ cúng thời.
A . Nếu ngoài thời cúng thì dâng đủ Tam bửu.
B . Nếu đúng thời cúng, tùy thời nào dâng bửu nấy, mặc
dầu dâng một bửu nhưng phải có đủ Tam bửu trên Thiên bàn.
C . Sau khi cúng Thầy xong, vị Chánh Trị Sự chứng đàn
và hai vị Chức việc (Phó Trị Sự, Thông Sự) vào lạy Thầy cầu nguyện Đức Chí Tôn rằng
:
” Chúng con là Bàn Trị Sự đương quyền hành chánh sở
tại, được lời thỉnh cầu của vị . . . . . .
. . . . . đến đây Cầu hồn cho vị Đạo hữu . . . . . . . . . . . . . .
đang hấp hối, mong nhờ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, các Đấng thiêng liêng ban
ân cho người được nhẹ nhàng linh hồn.”
Nguyện xong lạy Thầy rồi
đứng dậy.
Vị Chứng đàn lấy 2 cây đèn
sáp gắn dính trên dĩa, đốt cháy, xá Đức Chí Tôn và đưa cho 2 vị Chức việc hầu
lễ cầm, vị Chứng đàn ngó ngay Thiên Nhãn tịnh thần, bắt Ấn Tý vào ngực, cùng 2
vị cầm đèn đến trước đầu bịnh nhơn, ngó ngay mỏ ác người hấp hối, kêu tên, nói
rằng:
“ Tôi vâng lịnh
Đức Chí Tôn đến tụng kinh cho vong hồn Đạo hữu nhẹ nhàng siêu thăng. Vậy Đạo
hữu phải tịnh tâm mà nghe và phải cầu nguyện với Đức Chí Tôn ban ân lành cho.”
Nói xong, đồng nhi khởi
tụng bài Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối (Rấp
nhập cảnh TLHS. . . . .)
Tụng 3 lần, khi dứt niệm
Câu Chú của Thầy 3 lần.
Đoạn vị Chứng đàn cùng 2
Chức việc cầm đèn trở lại Thiên bàn, xá Đức Chí Tôn 3 xá rồi mới tắt đèn và vị
Chứng đàn mới được xả Ấn Tý.
Điều lưu ý là nếu trong
khi tụng Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối mà bịnh nhơn tắt hơi (chết) thì tiếp tụng
luôn bài Kinh Khi Đã Chết Rồi (Ba mươi sáu cõi Thiên tào . . . .)
Lời dặn : Hai cây đèn sáp
hành lễ Cầu Hồn khi hấp hối phải để dùng liên tục trong cuộc hành lễ liên tiếp
cho đến khi hết lễ mới thôi, không nên dùng vào việc khác.
2 .
Cầu hồn khi đã chết rồi.
Bàn Trị Sự (BTS) hành lễ y
như cách hành lễ Cầu hồn khi hấp hối, nơi mục 1.
Sau đó, tang quyến hay BTS
địa phương đến Đền Thánh (nếu người qui vị là Chức sắc) hay Thánh Thất để báo
tử. Nơi đây sẽ đổ chuông báo tử :
- Nếu là Chức sắc thì tùy
theo phẩm cấp mà đổ trống và chuông. Như phẩm Giáo Hữu và tương đương thì tại
Đền Thánh, đổ 2 hồi trống và 2 hồi chuông; phẩm Lễ Sanh và tương đương thì đổ 1
hồi trống và 1 hồi chuông.
- Nếu là Chức việc Bàn Trị
Sự và Đạo hữu và các phẩm tương đương thì tại Thánh Thất không đổ trống, chỉ
dộng chuông : Nam thì dộng 7 tiếng
chuông, Nữ thì dộng 9 tiếng chuông.
3. - Thượng sớ Tân cố
Thượng sớ Tân cố là dâng
sớ lên Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng báo cáo một tín đồ Cao Đài phẩm vị
. . . . . . . mới vừa qui liễu, cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
và các Đấng thiêng liêng cứu độ vong hồn của vị ấy được siêu thăng tịnh độ.
Thượng sớ Tân cố có thể
tại Đền Thánh, tại Thánh Thất hay tại Thiên bàn nơi tư gia người chết.
- Khi người chết từ phẩm
Chánh Trị Sự xuống Đạo hữu hay tương đương thì người chứng đàn cầu nguyện là
Chánh Trị Sự hương đạo sở tại.
- Khi người chết ở phẩm Lễ
Sanh hay tương đương trở lên thì vị chứng đàn là Đầu Tộc, Đầu Phận Đạo hay Khâm
Châu Đạo, Khâm Thành Thánh Địa. Còn các phần việc khác thì BTS sở tại hành lễ
theo nghi thức qui định.
Xin chép ra sau đây mẫu Sớ
Tân cố :
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ
ĐỘ
(Thất thập . . .
niên)
Tam giáo qui
nguyên, Ngũ chi phục nhứt.
Thời duy,
Thiên vận . . . . . niên,
. . . . ngoạt, . . . nhựt, . . . thời, hiện tại Việt Nam quốc, . . . . . Trấn,
. . . . . Châu, . . . . . Tộc, . . . . . . Hương, cư trụ . . . (1) . . chi
trung.
Kim hữu đệ tử thọ Thiên ân . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . công đồng chư Chức sắc, hiệp dữ Chức việc, Đạo hữu nam nữ đẳng, quì
tại . . . (2) . . . tiền, thành tâm trình tấu.
HUỲNH KIM KHUYẾT NỘI :
Huyền Khung Cao Thượng
Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.
Diêu Trì Kim Mẫu
Vô Cực Thiên Tôn.
TAM TÔNG CHƠN GIÁO :
Tây Phương Giáo
Chủ Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn.
Thái Thượng Đạo Tổ
Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.
Khổng Thánh Tiên
Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn.
TAM KỲ PHỔ ĐỘ TAM TRẤN OAI NGHIÊM :
Thường Cư Nam Hải
Quan Âm Như Lai,
Lý Đại Tiên Trưởng
kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ.
Hiệp Thiên Đại Đế
Quan Thánh Đế Quân.
Gia Tô Giáo Chủ
Cứu Thế Thiên Tôn.
Thái Công Tướng
Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn,
Tam Châu Bát Bộ Hộ
Pháp Thiên Tôn.
Thập phương chư
Phật, vạn chưởng chư Tiên, liên đài chi hạ.
Cung vi :
Tân cố chi kỳ . . . . . . . (3) . .
. . . . .tánh, . . . (4) . . . niên
canh, . . . (5) . . tuế, nguyên sanh tại . . . . . . . . . Châu, . . . . . Tộc,
. . . . . . Hương, nhập môn . . . . niên, . . . . ngoạt, . . . . nhựt, tại . .
. . . tùng thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ, lập công bồi đức . . . . . . (6). . . .
. .
Kim triêu Thiên số chi kỳ,
vãn ư . . . . . . . niên, . . . . . ngoạt, . . . . . . nhựt, . . . . . . thời
nhi chung tại . . . . . . . . . .
Hiếu quyến . . . . . . (7)
. . . . . . . . khẩn thỉnh Thiên phong, hiệp dữ Chức việc, Đạo hữu nam nữ đẳng
quì tại . . (2). . tiền, thành tâm cầu nguyện Đức Đại Từ Phụ, các Đấng thiêng
liêng, Địa Tạng Vương Bồ Tát cứu độ vong hồn . . . . . . . . . . . . . . siêu
thăng tịnh độ.
Chư đệ tử đồng thành tâm khấu bái cẩn sớ thượng tấu,
Dĩ văn.
Đệ tử : . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Cách ghi trên sớ :
(1) Tòa Thánh, Thánh Thất, gia đường, tùy trường
hợp.
(2) - Tại Tòa Thánh hay Thánh Thất thì ghi : điện
tiền.
- Tại Thiên bàn tư gia thì ghi : Thiên bàn tiền.
(3) Họ và tên người chết (thế danh).
(4) Năm sanh theo âm lịch, thí dụ : Canh Ngọ,
Giáp Tuất . . . . .
(5) Tuổi của người chết, ghi theo nho văn. Thí dụ
: 71 tuổi thì ghi : thất thập nhứt tuế.
(6) - Nếu là Lễ Sanh thì ghi : thọ Thiên ân Lễ
Sanh Ngọc X Thanh.
- Nếu là Chánh Trị Sự thì ghi : thọ phẩm
Chánh Trị Sự.
- Nếu là Đạo hữu thì bỏ trống.
(7) Tên người quì sớ. Chữ “Hiếu quyến” dùng cho
người quì sớ là : con trai, con gái. Nếu
là vợ hoặc chồng, hoặc em thì dùng chữ “Thân quyến”.
4. Tẫn liệm (Nhập mạch) :
Sau khi dâng Sớ Tân cố tại
Đền Thánh, Thánh Thất, hay tại gia đường, thì thiết lễ Tẫn liệm.
Tất cả người trong tang
quyến quì lạy Đức Chí Tôn và cầu nguyện, rồi đến chỗ người chết quì lạy xác 1
lần.
Vị chứng đàn cùng 2 vị hầu
lễ đến trước Thiên bàn cầu nguyện Thầy. Đốt 2 cây đèn sáp giao cho 2 vị hầu lễ
cầm, vị chứng đàn bắt ấn Tý đến đứng trước đầu người chết, ra lịnh cho đồng nhi
khởi tụng Kinh Tẫn liệm (Dây oan nghiệt dứt rời trái chủ . . .) tụng 3 lần, khi
dứt niệm Câu Chú của Thầy 3 lần. Vị chứng đàn và 2 hầu lễ trở lại
Thiên bàn xá Chí Tôn, rồi
xả ấn Tý và tắt 2 cây đèn sáp.
Tang quyến lạy xác 1 lần
nữa, rồi ban tẫn liệm khởi sự liệm xác chết và đặt vào quan tài.
Trước đó thì thân nhân người
chết phải dùng nước thơm (nước nấu với lá cây mùi thơm) để lau rửa xác chết cho
sạch sẽ, thay đổi quần áo, mặc đạo phục theo phẩm vị, trên mặt đấp một miếng
vải trắng hình tam giác, bề đứng 33 phân, góc nhọn để trên.
Ban tẫn liệm thì lo trị
quan, dùng cháo nếp trộn với bột gạch đâm nhuyễn trét các kẽ hở và các đường
ván ghép, nhứt là bốn góc quan tài, để không bị xì hơi.
Nếu bọc xác chết bằng một
lớp vải trắng thì gọi là : Tiểu liệm; nếu bọc xác chết thêm một lớp vải trắng
nữa (tất cả bọc 2 lớp vải trắng) thì gọi là Đại liệm. Có thể bọc thêm bên ngoài
một lớp nylon trong suốt.
5 . Tấm phủ quan - Đốt đèn trên và dưới quan tài.
Khi đặt quan tài ở đúng vị
trí rồi thì lấy tấm phủ quan đấp lên quan tài, kế tiếp đặt giá đèn lên trên.
Tấm phủ quan là một tấm
vải để phủ lên quan tài, có hình vuông, mỗi cạnh 12 tấc (1 thước 2 tấc), bốn bề
viền ren, chính giữa thêu một Thiên Nhãn lớn có 12 tia hào quang. Hình Thiên
Nhãn thêu theo đường chéo của hình vuông. Khi đấp tấm phủ quan thì để cho chơn
mày của Thiên Nhãn về phía đầu quan tài (đầu người chết), hai góc hai bên phủ
xuống hai bên hông quan tài.
Về màu sắc, Tấm phủ quan
có 5 loại theo 5 màu : vàng, xanh, đỏ, trắng, đen.
Muốn đấp tấm phủ quan,
người chứng lễ đem tấm phủ quan đặt nơi Thiên bàn, cầu nguyện Đức Chí Tôn ban
ơn cho người chết, rồi mới đem đấp lên quan tài.
(Việc thu hồi tấm phủ quan
: Sau khi đồng nhi đọc Kinh Hạ huyệt, 3 biến Vãng Sanh Thần chú và niệm xong
Câu Chú của Thầy, vị chứng lễ bước tới ngang quan tài, xá Thiên Nhãn trên phủ
quan 3 xá rồi thu hồi tấm phủ quan)
Dùng màu sắc của tấm phủ
quan để phân biệt người chết là nam hay nữ, cơ quan, 3 phái Chức sắc CTĐ kể ra
:
1 - Phủ quan màu trắng dành cho :
- Chức sắc và Chức việc Nữ
phái CTĐ,
- Chức sắc HTĐ và Chức sắc
Ban Thế Đạo.
2 - Phủ quan màu vàng dành cho :
- Chức sắc CTĐ phái Thái,
- Chức sắc PT từ phẩm Hiền
Nhơn trở lên.
3 - Phủ quan màu xanh dành cho :
- Chức sắc CTĐ phái
Thượng,
- Chức sắc PT nam nữ mang
dây Sắc lịnh màu xanh : Chí Thiện, Đạo Nhơn, Chơn Nhơn.
4 - Phủ quan màu đỏ dành cho :
- Chức sắc CTĐ phái Ngọc,
BTS nam phái và các phẩm tương đương, Chức sắc Ban Kiến Trúc, Bộ Nhạc, Chức sắc
PT nam nữ mang dây Sắc lịnh màu đỏ : Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Bảo
thể, Đầu phòng văn.
5 - Phủ quan màu đen dành
cho :
- Đạo hữu nam nữ,
- Đạo sở, Minh đức, Tân
Dân (PT),
- Thơ ký, Trật tự viên, .
. . .
Ý nghĩa của tấm phủ quan
nầy giống như ý nghĩa của việc thờ Thiên Nhãn nơi Khách đình : Đức Chí Tôn vì
quá thương yêu con cái của Ngài nên một mình Ngài rời Thiên đình đi xuống trần
(nên Tam Giáo chủ và Tam Trấn không biết), không nệ chỗ uế trược, đến độ con
cái của Ngài lúc chung qui hồn lìa khỏi xác, để trở về cùng Ngài.
Khi quan tài đấp tấm phủ
quan màu gì thì khi lên thuyền Bát Nhã, tấm diềm treo trên thuyền Bát Nhã cũng
có màu giống như thế.
* Khi đấp tấm phủ quan
xong thì đặt giá đèn lên quan tài. Trên giá đèn, đốt đủ 9 cây đèn sáp, đủ 9 cây
không dư không thiếu, thường chăm sóc đừng để tắt. Số 9 cây đèn nầy đúng theo 9
cây nhang đốt cháy khi hành pháp độ thăng và 9 bài Kinh Tuần cửu, có Cửu vị
Tiên Nương hướng dẫn linh hồn người chết đi lên 9 từng Trời.
* Phía dưới quan tài đốt
một ngọn đèn để khử trược lưu thanh.
6 . Thiết lập Bàn vong - Khay vong - Linh vị.
1 - Thiết lập Bàn vong :
Dùng một cái bàn đặt trước
quan tài làm Bàn vong, tức là làm bàn thờ người chết, trên đó có : 1 cặp chân
đèn, 1 lư hương, 1 diã trái cây, 1 bình bông, 1 chung rượu, 1 chung trà, 1 tấm
linh vị (bài vị), 1 cây đèn, phía sau có treo hình của người chết chụp lúc sanh
tiền, mặc đạo phục, và có 1 cây phướn Thượng Sanh đặt bên tay trái phía trong
nhìn ra. Nếu người chết ở phẩm Lễ Sanh hay tương đương thì có thêm 1 cây lọng.
Trước Bàn vong treo một
tấm phủ nghi trắng che khuất phần dưới bàn vong. Trên tấm phủ nghi nầy có viết
chữ nho hay đề chữ Việt cũng được, những câu nói về cái chết của con người, thí
dụ như : Qui hồi cựi vị, Sanh ký tử qui, Sanh tiền giác ngộ Tam Kỳ đạo, Tử hậu
siêu thăng nhứt điểm linh.
Bên cạnh tấm phủ nghi cần
ghim vào một miếng giấy trên đó viết chữ lớn cho dễ đọc : “ Xin cầu nguyện cho
: Phẩm tước, Tên họ người chết, tuổi ” để những người đến viếng tang biết mà
cầu nguyện.
(Nơi phía dưới Thiên bàn,
tương tự như vậy, cũng có một miếng giấy ghi : “Xin cầu nguyện cho : Phẩm tước,
Tên họ, tuổi” người chết dán phía Bình
bông, dưới cái chuông nếu người chết là nam, hay dán phía dĩa trái cây, dưới
cái mõ nếu người chết là nữ, để bạn đạo cầu nguyện)
2 - Khay vong :
3 - Linh vị : Linh vị là một miếng giấy nhỏ trên đó có đề :
Tên họ người chết, phẩm vị, tuổi, ngày sanh, nơi sanh, ngày chết, nơi chết,
ngày nhập môn cầu đạo.
Khi xưa, linh vị được viết
theo văn Nho, nhưng ngày nay, có nơi viết theo văn Việt cho dễ hiểu. Thí dụ như
2 linh vị bên trên, một bên văn Nho, một bên văn Việt :
7 .
Cáo Từ Tổ - Thành phục - Tang phục.
Dọn hai mâm cơm chay : một
đặt trước bàn thờ để cúng Cửu Huyền Thất Tổ, một dọn trước nhà để cúng Thần
Hoàng Bổn Cảnh, cần có đủ bông, rượu, trà.
Tất cả khăn tang và áo
tang, xếp trật tự đặt trên một cái mâm, gọi là mâm tang phục, để trước bàn thờ
Cửu Huyền Thất Tổ. Trên mâm tang phục đốt 2 cây đèn sáp.
Trước hết, Chức việc và
gia quyến đến Thiên bàn cúng Đức Chí Tôn, không đọc kinh, chỉ cầu nguyện cho
gia quyến thọ tang. Kế đó, qua bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ thiết lễ Cáo Từ Tổ,
xong rồi qua bàn vong, làm lễ Thành phục phát tang.
A) Cáo Từ Tổ :
Cáo Từ Tổ là lễ báo cáo
với Tổ Tiên, trong dòng họ có một người vừa qui liễu.
Trong nghi tiết Cáo Từ Tổ
có 2 Lễ sĩ mặc áo xanh đậm, mão trắng có bông đen, đứng hai bên bàn thờ để
xướng lễ, có nhạc và đồng nhi.
Nghi tiết Cáo Từ Tổ : Cặp lễ sĩ bắt đầu xướng :
1 . Tử tôn tựu vị. (con cháu tới đứng tại vị trí của
mình)
Người chủ tế đứng hàng
đầu. Tất cả bắt ấn Tý.
2 . Giai quì. (đều quì) Tất cả xá 3 xá đều quì xuống.
3 . Phần hương. (đốt nhang)
Tiếp lễ đốt 3 cây nhang, trao cho người chủ
tế.
4 . Nguyện hương. (cầm nhang cầu nguyện)
Chủ tế cầm 3 cây hương đưa lên trán cầu
nguyện.
5 . Thượng hương. (dâng hương lên)
Người tiếp lễ tiếp lấy 3 cây hương đem cắm
vào lư hương trên bàn thờ.
6 . Cúc cung bái. (Tất cả cúi mình lạy xuống 3 lạy trơn)
7 . Chước tửu. (rót rượu)
Người tiếp lễ lấy nhạo
rượu rót vào ly rượu trên bàn thờ.
8 . Cúc cung bái. (Tất cả cúi mình lạy xuống 3 lạy trơn)
9 . Ai chúc. (đọc kinh tế lễ với giọng buồn rầu)
Đồng nhi tụng Kinh Cầu Tổ
Phụ Đã Qui Liễu, rồi tụng tiếp ba biến Kinh Cứu Khổ.
10 . Cúc cung bái. (Tất cả lạy xuống 3 lạy trơn)
11 . Điểm trà.
(rót nước trà)
Người phụ lễ rót nước trà
vào tách nước trà trên bàn thờ.
12 . Cúc cung bái. (Tất cả lạy xuống 3 lạy trơn)
13 . Hưng bình thân. (cất mình đứng thẳng lên)
Tất cả những người quì tế
đứng dậy, xá 3 xá.
14 . Tử tôn dĩ hạ giai xuất. (tất cả con cháu từ đó
sắp xuống đều bước ra ngoài).
15 . Lễ thành. (cuộc tế lễ đã xong).
B) Thành phục - Phát tang.
Thành phục là lễ chịu tang
để cho thân nhân người chết mặc quần áo tang.
Đem mâm tang phục qua đặt
trước bàn vong.
Chức sắc hay Chức việc mặc
đại phục đến cúng cầu nguyện Đức Chí Tôn rồi mới trở lại bàn vong, chờ lễ xướng
rồi lấy tang phục của người nào phát cho người nấy (trên tang phục có đề tên
của mỗi người).
Nghi tiết lễ Thành phục :
(có nhạc lễ)
Hai Lễ sĩ đứng hai bên bàn
vong, khởi xướng :
1 . Chủ nhơn tựu vị (người chủ đến đứng tại vị trí hành lễ)
2 . Giai quì (tất cả đều
quì xuống)
3 . Phần hương (đốt nhang)
4 . Nguyện hương (cầm hương đưa lên trán cầu nguyện)
5 . Thượng hương (dâng hương lên cắm vào lư hương)
6 . Cúc cung bái (Con cháu lạy xuống 3 lạy trơn)
7 . Ngũ phục chi nhơn các phục kỳ phục
(5 thứ quần áo tang, áo
của người nào thì lấy mặc vào)
8 . Hưng bình thân (đứng dậy).
9 . Quán y phục (đội khăn tang và mặc quần áo tang vào)
10 . Giai quì (tất cả đều quì xuống trở lại)
11 . Cúc cung bái (Con cháu lạy xuống 3 lạy trơn)
12 . Hưng bình thân (đứng thẳng dậy)
13 . Xuất chủ ngoại nghi.
(Tang chủ phân ra quì Nội và Ngoại nghi)
Liền đó, hành lễ Cúng
vong, nghi châm chước, nên lễ sĩ không xướng Lễ thành, vì còn hành lễ tiếp tục.
C) Cúng vong :
Cúng vong là cúng tế vong
hồn người chết.
Lễ sĩ tiếp tục xướng :
1 . Tang chủ tựu vị.
2 . Giai quì.
3 . Phần hương. (Tiếp lễ đốt hương giao người quì tế)
4 . Nguyện hương.
5 . Thượng hương.
6 . Cúc cung bái.
7 . Châm tửu
(lần 1)
8 . Cúc cung bái.
9 . Châm tửu
(lần 2)
10 . Cúc cung bái.
11 . Ai chúc. (Đồng nhi
tụng kinh Thế đạo tùy sự sắp đặt người quì tế : vợ tế chồng, chồng tế vợ, con
tế cha mẹ)
12 . Cúc cung bái.
13 . Châm tửu (lần 3)
14 . Cúc cung bái.
15 . Điểm trà.
16 . Cúc cung bái.
17 . Hưng bình thân.
18 . Tang chủ dĩ hạ giai
xuất.
19 . Lễ thành.
D) Nói về Tang phục (Ngũ
phục) :
Tang phục là quần áo tang. Theo Nho giáo, trong Tang
phục có Ngũ phục: là năm loại quần áo tang dùng trong năm trường hợp để tang.
Ngũ phục gồm có: Trảm thôi, Tư thôi, Đại công, Tiểu công, Tư ma.
Giải
thích Ngũ phục :
1 . Trảm thôi ( .. ): Trảm là cắt đứt, thôi là
áo tang. Trảm thôi là áo tang bằng vải thô trắng thật xấu, gấu áo cắt mà không
viền, bỏ xủ xuống; quần xổ lai không khâu bằng phẳng.
2 . Tư thôi (...): Tư tức
là Tề : viền lại cho bằng. Tư thôi là gấu áo tang có lên lai, khâu lại cho bằng
phẳng; quần cũng lên lai bằng phẳng.
3 . Đại công (...): Tang phục đại công dùng loại vải bớt
thô hơn Trảm thôi. Đại công có nghĩa là vải đã dệt gia công nhưng còn thô.
4 . Tiểu công (...) : Vải
dệt kỹ càng tinh vi hơn đại công.
5 . Tư ma (...) : Tư hay
Ti là vải gai sợi nhoû dùng để may đồ tang. Ma là cây gai dùng để lấy sợi dệt
vải thưa. Tư ma là loại vải sợi nhỏ như tơ, tinh vi hơn Tiểu công.
Theo cổ lễ của Nho giáo,
thời gian để tang và tang phục được qui định như sau :
Tang 3 năm và 1 năm dùng
Trảm thôi hay Tư thôi.
Tang 9 tháng thì dùng tang
phục Đại công.
Tang 5 tháng thì dùng tang
phục Tiểu công.
Tang 3 tháng thì dùng tang phục Tư ma (Ti ma).
Trong Đạo Cao Đài, theo
TÂN KINH, thời hạn để tang giảm bớt, đơn giản hơn cổ lễ, chỉ có 3 hạn để tang :
* Để tang 81 ngày, tới Chung cửu thì mãn. (tương ứng với để tang
3 tháng theo cổ lễ).
* Để tang 281 ngày, tới
Tiểu tường thì mãn. (tương ứng với để tang 1 năm theo cổ lễ).
* Để tang 581 ngày, tới
Đại tường thì mãn. (tương ứng với để
tang 2 năm hoặc 3 năm theo cổ lễ).
CÁCH THỨC ĐỂ TANG
Tang Cha Mẹ :
* Về phần con trai: Con
thọ tang cha dùng Trảm thôi và gậy trúc (gậy bằng cây trúc hay cây tre cũng
được), đến đại tường là mãn. Con thọ tang mẹ, dùng Trảm thôi và gậy vông (bằng
cây vông đồng) đến Đại tường là mãn.
* Về phần con gái: - Con
gái xuất giá thọ tang cha mẹ dùng Tư thôi, đến Tiểu tường là mãn.
- Con gái tại gia, chưa
xuất giá, dùng Trảm thôi, đến Đại tường là mãn.
Tang phục Trảm thôi bằng
vải sô, cổ trịt như áo lễ, không lên trôn, đường sống lưng may lộn ra ngoài, ở
phía sau lưng, trên vai may kèm một miếng vải nhỏ (ngang 10 phân, dài 20 phân)
gọi là phụ bản, tỏ dấu mang sự đau xót, (tang cha thì phụ bản đặt bên vai trái,
tang mẹ thì phụ bản đặt bên vai mặt), quần thì sổ lai, không khâu bằng phẳng,
ngang lưng quấn một sợi dây bằng rơm hay bằng bẹ chuối đánh 3 tao.
Tang cha thì con trai
chống gậy trúc, tang mẹ thì chống gậy vông. Cây gậy có bề dài bằng khoảng cách
từ gót chân lên tới quả tim, gốc chống xuống đất. Tục lệ giải thích việc chống
gậy là để tỏ rằng, con vì quá bi ai nên yếu sức phải chống gậy mà đi. Gậy trúc
tròn tượng trưng cha, người quân tử; gậy vông có một miếng vải nhỏ hình vuông
chụp xuống đầu gậy và buộc lại, tượng trưng mẹ hiền.
Con trai thì đội bức cân
bao trùm đầu tóc, làm bằng tấm vải vuông 8 tấc (hay 7 tấc), cổ lễ thì có đội mũ
rơm (hay dùng dây chuối thay rơm) bện thành hình tròn bọc vải thô. Con gái thì
dùng vải trắng xé đôi khổ vải theo chiều dài, xếp làm 4 lớp, quấn trên đầu.
8 . Cúng vong triêu - tịch :
Đây là phần
cúng cơm người chết buổi sáng và buổi chiều. Đồ ăn chay dọn lên bàn vong.
Hành lễ theo nghi châm
chước, có 2 lễ xướng, nhạc và đồng nhi. Hành lễ y như mục(C) Cúng vong phần 7.
9 . Tế
điện : Chánh tế - Phụ tế.
Nghi Tế điện có 6 lễ sĩ
hiến lễ, mặc áo lễ màu xanh đậm. Việc Tế điện và 4 bài thài hiến lễ có sự qui
định khác nhau tùy theo phẩm cấp của người chết.
Ở đây chỉ nêu ra 2 trường
hợp :
- Đăng điện cúng tế phẩm
Lễ Sanh.
- Đăng điện cúng tế Chức
việc Bàn Trị Sự, 3 phẩm: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và phẩm Đạo hữu.
* PHẦN CHÁNH TẾ :
I . Tế điện hàng Thiên Thần
:
Lễ Sanh hoặc các phẩm tương đương.
Có đủ nhạc, lễ, đồng nhi.
6 Lễ sĩ mặc áo lễ xanh
đậm, tới Thiên bàn bái lễ
Đức Chí Tôn, trở lại nơi tế lễ, phân ra : 2 lễ sĩ đứng xướng tại Ngoại nghi, 4
lễ sĩ hiến lễ.
Các nghi tiết như sau :
1 . Tang chủ tựu vị. (Thí dụ : con trưởng nam A đứng
tại Nội nghi, con thứ B đứng tại Ngoại nghi)
2 . Nghệ hương án tiền. (2 cặp lễ sĩ đăng đài đến
đứng hai bên B)
3 . Giai quì.
(tất cả đều quì xuống)
4 . Phần hương.(B đốt nhang, xá rồi đưa lễ sĩ đài, 4
lễ sĩ đứng lên)
5 . Điện hương.(Nhạc gài trống đờn xuân nữ, lễ sĩ
điện đi thảo chữ Đinh ( ), đồng nhi thài bài Tuần hương, lễ sĩ điện đến nội
nghi)
Bài thài hiến lễ hàng
Thiên Thần :
Tuần Hương
Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền,
Trầm đoàn khói tỏa năm mây.
Mùi hương phưởng phất thơm bay ngút trời.
6 . Quì. (lễ quì, trao hương
cho A cầm, xá, cầu nguyện dâng hương)
7 . Thượng hương. (Nhạc đổ cho lễ sĩ đứng lên, A trao
hương cho tiếp lễ cắm vào lư hương trên bàn vong).
8 . Cúc cung bái.
(A và B ở nội và ngoại nghi lạy 3 lạy trơn)
9 . Hiến Hoa Quả. (Cặp lễ sĩ đài trên dĩa có bình
bông và dĩa trái cây, cùng cặp đăng đến đứng hai bên B)
10 . Quì. (Hai cặp lễ sĩ
đăng đài quì xuống, trao Hoa và Quả cho B)
11 . Chỉnh Hoa Quả. (B chỉnh Hoa Quả rồi trao lại cho
lễ sĩ đài.
Hai cặp đăng đài đứng lên,
chuẩn bị điện vào nội nghi)
12 . Điện Hoa Quả. (Nhạc gài trống đờn nam ai, lễ sĩ
đi thảo chữ
( ) đồng nhi thài bài Tuần
Hoa, lễ sĩ điện đến nội nghi)
Bài thài hiến lễ Tuần Hoa
:
Thoàn mây thuận gió cánh buồm trương,
Sanh tử chia
phôi cảnh đoạn trường.
Hoa quả tinh
vi xin hiến
lễ,
Thể lòng thành kỉnh, tỏ tình thương.
13 . Quì. (Nhạc
đổ, bốn lễ sĩ quì xuống, trao Hoa Quả
cho A cầu nguyện dâng Hoa Quả cho vong linh, rồi trao cho tiếp lễ)
14 . Thượng Hoa Quả. (Nhạc đổ, lễ sĩ đứng lên trở về
ngoại nghi, tiếp lễ đem Hoa và Quả đặt lên bàn vong).
15. Cúc cung bái. (Hai vị
A và B lạy 3 lạy trơn).
16. Hiến Tửu. (Hành lễ y
như Hiến Hoa Quả)
17. Quì.
18. Chước Tửu. (B ở ngoại
nghi rót rượu, xá rồi trao cho lễ sĩ)
19. Điện Tửu. (Lễ sĩ điện, đồng nhi thài bài Tuần Tửu).
Bài thài hiến lễ Tuần Tửu
:
Thoát trần roi dấu tiếng
anh phong,
Sớm tối riêng vui cảnh bá
tòng.
Kẻ ở người đi dòng lệ đổ,
Tửu quỳnh kính hiến nghĩa
đồng song.
20 . Quì.
21 . Thượng tửu.
22 . Cúc cung bái. (A và B lạy 3 lạy trơn).
23 . Ai chúc. (Nhạc gài trống đờn xuân nữ, đồng nhi
tụng bài kinh :
Kinh tụng cha mẹ đã qui
liễu, tới câu : Chung ly biệt con đưa tay rót, thì A quì nội nghi rót rượu dâng
lên)
24. Cúc cung bái. (A và B
lạy 3 lạy trơn)
25 . Hiến trà.
(Hành lễ y như hiến Hoa Quả)
26 . Quì.
27 . Điểm trà.
28 . Điện trà.
(Lễ sĩ điện, đồng nhi thài bài TuầnTrà).
Bài thài hiến lễ Tuần Trà
:
Đạo đời vẹn
phận đắc Thiên
ân,
Lưu để Thánh danh chốn mộ phần.
Đầu vọng bái anh linh chứng hưởng,
Trà hương tạm biệt khách dương trần.
29. Quì.
30. Thượng trà.
31. Cúc cung bái.
32. Hưng bình thân.
33. Tang chủ dĩ hạ giai
xuất.
34. Lễ thành.
II . Tế
điện hàng Nhơn Thần, Địa Thần :
Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự,
Thông Sự, Đạo hữu hoặc các phẩm tương đương.
Có đủ nhạc, lễ, đồng nhi.
6 Lễ sĩ mặc áo lễ màu xanh đậm, tới Thiên bàn bái lễ Đức Chí Tôn, trở lại nơi
tế lễ, phân ra : 2 lễ sĩ xướng tại ngoại nghi, 4 lễ sĩ hiến lễ.
Các nghi tiết như sau :
1 . Tang chủ tựu vị. (Thí dụ : con trưởng nam A đứng
tại Nội nghi, con thứ B đứng tại Ngoại nghi)
2 . Nghệ hương án tiền. (2 cặp lễ sĩ đăng đài đến
đứng hai bên B)
3 . Giai quì. (Tất cả đều
quì xuống)
4 . Phần hương.
(B đốt hương, xá rồi trao cho lễ sĩ đài.
Nhạc đổ 3 hồi trống cho 4
lễ sĩ đứng lên).
5 . Điện hương.(Nhạc gài trống đờn xuân nữ, lễ sĩ
điện đi thảo chữ
Đinh ( ), đồng nhi thài
Tuần hương, lễ sĩ điện đến nội nghi)
Bài thài hiến lễ hàng Nhơn
Thần, Địa Thần :
Tuần Hương
Nghệ hương hiến, nghệ hương tiền,
Trầm đoàn khói
tỏa năm mây.
Mùi hương phưởng phất thơm bay ngút trời.
6 . Quì. (Nhạc đổ 3 hồi cho lễ quì , lễ sĩ trao hương
cho A cầm hương xá 3 xá, cầu nguyện dâng hương).
7 . Cúc cung bái.
(A và B đồng lạy 3 lạy trơn)
8 . Tiến soạn. (Cặp lễ sĩ đài dâng cơm và đồ ăn, bốn
lễ sĩ điện, đi thảo lên nội nghi, đồng nhi không thài).
9 . Quì. (Hai cặp lễ sĩ
đăng đài quì xuống, trao cơm và đồ ăn cho A cầu nguyện dâng lên)
10 . Sơ Hiến lễ. (Hiến lễ dâng rượu lần thứ nhứt)
11 . Nghệ Tửu tôn sở.
(Bốn lễ sĩ đến đứng trước ngoại
nghi, chuẩn bị sẵn ly và nhạo rượu)
12 . Quì. (Bốn lễ sĩ quì xuống trước B)
13 . Châm tửu. (B cầm nhạo rót rượu vào ly, xá rồi đưa
trở lại cặp đài, cả 4 lễ sĩ đứng lên, dự bị điện vào nội nghi)
14 . Điện tửu. (Nhạc gài trống đờn nam ai, lễ đi chữ
Đinh ( ) đồng nhi thài giọng nam ai, lễ đi được 3 bước, nhạc trở qua đờn xuân
nữ, cho lễ sang Thái cực, phần Lưỡng nghi 10 bước, khi xong 9 bước thì nhạc trở
qua nam ai, lễ bước ra là 10, nhạc đờn Ai chầu 4 lái, lễ tới nội nghi).
Bài thài hiến rượu
lần 1 :
Tuần Sơ.
Hiến tuần sơ, hề hiến tuần sơ,
Vân ám đảnh hồ, long khứ viễn.
Nguyệt minh hoa biểu, hạc qui trì.
Cồn
dâu hóa bể, bể hóa cồn dâu,
Cơ tạo biến dời, người vật đổi,
Sanh ly tử biệt, mạng nơi Trời.
15 . Quì. (Nhạc đổ, 4 lễ sĩ quì, trao rượu cho A cầu
nguyện dâng rượu lên vong linh, đưa tiếp lễ, 4 lễ sĩ đứng dậy đi xuống)
16 . Cúc cung bái.
(A và B đồng lạy 3 lạy trơn)
17 . Á Hiến lễ.
(Hiến lễ lần nhì, hành lễ y như
Sơ Hiến lễ)
18 . Nghệ Tửu tôn sở.
19 . Quì.
20 . Châm Tửu.
(B ở ngoại nghi rót rượu, xá rồi trao cho lễ sĩ)
21 . Điện Tửu. (đồng nhi thài Tuần Trung, lễ sĩ sang
Lưỡng nghi, phần Tứ tượng 8 bước, khi bước thứ 7 xong, nhạc trở Ai, lễ bước ra
là 8 bước).
Bài thài hiến rượu lần 2 :
Tuần Trung.
Hiến tuần trung, hề hiến tuần trung,
. . . . . (1) . . . . . . . . nghĩa mặn nồng.
Ân thâm càng
nhớ lụy khôn ngừng.
Nhựt nguyệt đôi vầng soi nhắc bóng,
Hỡi ôi ! Chiếu
thấu thảm nơi lòng.
22 . Quì.
23 . Cúc cung bái. (A và B đồng lạy 3 lạy trơn)
24 . Ai chúc. (Nhạc gài trống đờn xuân nữ, đồng nhi
tụng kinh : Kinh tụng cha mẹ đã qui liễu, tới câu : Chung ly biệt con đưa tay
rót, thì A quì nội nghi rót rượu dâng lên.
25 . Cúc cung bái. (A và B
đồng lạy 3 lạy trơn)
26 . Chung Hiến lễ.
(Hiến lễ lần chót, hành lễ y như
Sơ hiến lễ)
27 . Nghệ Tửu tôn sở.
28 . Quì.
29 . Châm tửu.
30 . Điện Tửu. (đồng nhi thài bài Tuần chung, lễ sĩ
sang Tứ tượng, chuyển Bát quái, từ vô đến ra 7 bước).
Bài thài hiến rượu
lần 3 :
Tuần Chung.
Hiến tuần chung, hề hiến tuần chung,
Dặm cũ khách đà xa khổ não.
Nay . . (2) . . hiu quạnh chốn trần gian.
Tiếng dế reo đêm sầu thắt dạ,
Nguồn sông lệ chảy, ruột trăm chiều.
Oanh khóc năm canh chiu chít bạn,
Ủ ê cảnh cũ vẩn vơ tình.
31 . Quì.
32 . Cúc
cung bái. (A và B đồng lạy 3 lạy trơn)
33 . Tiến
trà. (Lễ sĩ chuẩn bị bình trà và cái tách đến ngoại nghi)
34 . Quì.
35 . Điểm
trà.
36 . Điện
trà. (Nhạc gài trống đờn xuân nữ, chầu
trống lễ đi thảo, đồng nhi thài bài Tuần Trà).
Bài thài hiến trà :
Tuần Trà.
Đơn tiện xin dâng một tấc thành,
Cõi Thiên khẩn vái có anh
linh.
Mảnh lòng tha thiết, ai ôi
thấu,
Ngó liễu trông mây để tượng hình.
37 .
Quì.
38 . Cúc
cung bái.
39 . Hưng bình thân.
40 . Tang
chủ dĩ hạ giai xuất.
41 . Lễ
thành. (Lễ sĩ bái lễ)
CHÚ THÍCH : (1)
và (2)
- Con tế cha
mẹ, (1) đọc : Cắn muối trêu cơm
- Vợ tế chồng, hoặc chồng
tế vợ, (1) đọc : Tình ái cùng nhau
- Em tế anh chị ruột, (1)
đọc : Huyết mạch đồng môn
- Anh em kết nghĩa, (1)
đọc : Huynh đệ cùng nhau
- Con tế cha mẹ, (2) đọc : con
- Vợ tế chồng, hoặc chồng tế vợ, (2) đọc :
Em hoặc
Anh
- Em tế anh chị ruột, (2) đọc : em
Chánh tế xong, là tới phần TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP
hành đạo của người chết.
- Chánh Trị Sự hay Chức
việc BTS tuyên dương công nghiệp của Đạo hữu trong Hương đạo của mình.
- Đầu Tộc Đạo (Đầu Phận
Đạo) tuyên dương công nghiệp của các Chức việc BTS trong Tộc Đạo (Phận đạo).
* PHẦN PHỤ TẾ :
Sau phần Chánh tế với đầy
đủ nghi tiết, thì tới phần Phụ tế, với nghi châm chước, nên đơn giản hơn.
Sau đây là Nghi châm chước
Phụ tế đối với hàng Nhơn Thần và Địa Thần, gồm các phẩm : Chánh Trị Sự, Phó Trị
Sự, Thông Sự, Đạo hữu, và các phẩm tương đương.
1 . Tế chủ tựu vị.
2 . Giai quì.
3 . Phần hương.
4 . Nguyện hương.
5 . Thượng hương.
6 . Cúc cung bái. (lạy 3 lạy)
7 . Châm tửu. (lần 1)
8 . Cúc cung bái.
9 . Châm tửu. (lần 2)
10 . Cúc cung bái. (lạy 3
lạy)
11 . Ai chúc.
Đồng nhi tụng kinh : - Nếu là em tế anh chị thì tụng bài “ Kinh tụng huynh đệ
mãn phần”.
- Nếu là bà con và bạn bè
tế người chết thì tụng
“Kinh Cầu bà con thân bằng cố hữu đã qui liễu”
12 . Cúc cung bái. (lạy 3
lạy)
13 . Châm tửu. (lần 3)
14 . Cúc cung bái. (lạy 3 lạy)
15 . Điểm trà.
16 . Cúc cung bái. (lạy 3 lạy)
17 . Hưng bình thân.
18 . Tế chủ dĩ hạ giai xuất.
19 . Lễ thành.
Sau phần Tế điện : Chánh
tế và Phụ tế xong, đại diện của tang gia nên có bài phát biểu cảm tạ Hội Thánh,
cảm tạ chư Chức sắc, chư Chức việc, chư đồng đạo, cảm tạ các Ban Bộ lễ, nhạc,
đồng nhi, cảm tạ Ban thuyền Bát Nhã.
Nếu tang gia không có đại
diện thì một Chức việc Bàn Trị Sự thay mặt tang gia đảm nhận việc nầy.
10 . Lễ Cầu siêu Lễ Cầu
siêu thực hiện trước bàn vong. Tất cả tang quyến đều quì trước bàn vong.
Chức sắc, Chức việc, chư
đồng đạo dự lễ Cầu siêu đứng hai bên bàn vong, dài ra trước, phân ra hai bên
nam nữ, tay bắt ấn Tý.
Đồng nhi khởi tụng Kinh
Cầu siêu (Đầu vọng bái Tây phương Phật Tổ . . .), tiếp tụng Kinh Khi đã chết
rồi (Ba mươi sáu cõi Thiên tào . . .), tụng xen kẽ như vậy 3 lần, dứt thì niệm
Câu Chú của Thầy 3 lần. Sau phần lễ cầu
siêu là chư đồng đạo vào bái vong.
Khi bái vong, tay bắt ấn Tý,
cầu nguyện vong linh với họ tên và tuổi ghi trên tấm giấy dán trước bàn vong,
rồi quì lạy 3 lạy trơn.
Chức sắc lớn phẩm hơn
người chết thì không lạy vong, chỉ niệm hương cầu nguyện trước bàn vong.
Buổi tối có tổ chức hòa
nhạc trước bàn vong và luân phiên tụng Kinh Di-Lạc trước Thiên bàn.
11 . Lễ chèo hầu tại Khách
đình Phẩm Lễ Sanh chết làm Lễ Tang tại Khách đình có chèo hầu vào buổi tối. Các
phẩm Chánh Trị Sự sắp xuống không có chèo hầu.
Việc chèo hầu do Ban Tổng
Trạo thực hiện, thành phần gồm : - Tổng lái, - Tổng mũi, - Tổng thương, - Tổng
khậu, - 12 Bá trạo. Theo Bí pháp, các vị nầy có phận sự chèo thuyền Bát Nhã đưa
người phước đức vượt qua biển khổ, đến bờ giác, đắc đạo, đi vào cõi TLHS. Đây là Thể pháp tượng trưng Bí pháp về thuyền
Bát Nhã.
Việc chèo hầu diễn ra trước
quan tài người chết ở phẩm vị Lễ Sanh cũng có tính cách để làm tăng thêm phần
long trọng Tang lễ của một vị Chức sắc của Đạo.
Đối với Chức sắc trên phẩm
Lễ Sanh, tức là từ Giáo Hữu trở lên, còn có chèo đưa, nghi lễ long trọng hơn
nữa.
12 . Hành pháp độ hồn :
phép xác, đoạn căn, độ thăng. Sáng sớm, cúng Đức Chí Tôn vào thời Mẹo.
Cúng Đức Chí Tôn xong, dọn
2 mâm cơm : 1 để cúng Cửu Huyền Thất Tổ,
1 cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh.
Lễ Cáo Từ Tổ tại bàn thờ
Cửu Huyền Thất Tổ, nghi châm chước, có nhạc lễ và đồng nhi.
Cáo Từ Tổ xong, liền ra
cúng vong tại bàn vong, nghi châm chước.
Một vị Chức sắc phẩm Giáo
Hữu đến hành phép xác, phép đoạn căn và phép độ thăng cho chơn hồn người chết,
do thân quyền thỉnh cầu, có sắp đặt trước.
- Phép xác là phép tẩy rửa
chơn thần người chết cho hết ô trược để nhẹ nhàng bay lên cõi thiêng liêng.
- Phép đoạn căn là phép
cắt đứt 7 dây oan nghiệt, không còn ràng buộc chơn thần người chết.
- Phép độ thăng là phép
đưa chơn hồn người chết bay lên Cửu Trùng Thiên (9 từng trời).
Vị Chức sắc hành pháp đến
trước Thiên bàn, tay và mặt xông hương khử trược, rồi luyện 3 món : Cam lồ
thủy, cây kéo và bó nhang 9 cây đốt cháy. Xong rồi giao cho người phụ lễ cầm,
đến đứng trước đầu quan tài.
Hành phép xác :
Chức sắc hành pháp định
thần, lấy con mắt vẽ chữ (.) ngay trên đầu kẻ chết, rồi khởi xướng tụng kinh
Cầu Siêu (Đầu vọng bái Tây phương Phật Tổ, . . .)
Khi đồng nhi tiếp tụng
Kinh Khi đã chết rồi thì Chức sắc hành pháp, tay trái bắt ấn Hộ Pháp, lấy chén
nước Cam lồ để ngay trên ấn, tay mặt lấy nhành dương cầm chỉ Thiên, đứng định
thần thế nào cho không còn thấy cái hòm, mà thấy thể xác người chết. Nhúng
nhành dương vào nước Cam lồ, đi vòng quanh quan tài, rải lên khắp mình người
chết. Đi giáp vòng rồi trở lại đứng chính giữa ngay đầu quan tài, tiếp tụng
kinh với đồng nhi cho tới mãn hiệp kinh lần nhứt. Đó là hành xong phép xác.
Hành
phép Đoạn căn :
Chức sắc hành pháp đứng
ngay đầu quan tài, khởi tụng kinh Cầu Siêu lần thứ nhì. Khi đồng nhi tiếp tụng
kinh thì lấy cái kéo cầm nơi tay trái đưa ngay đầu quan tài. Đứng định thần để
không còn thấy cái hòm mà thấy thể xác người chết có 7 sợi dây oan nghiệt phát
ra. Đi vòng quanh dùng kéo cắt lần lượt 7 dây oan nghiệt nơi : 1/ ngay mỏ ác,
2 / ngay trán, 3/ ngay cổ, 4/ ngay tim, 5/ ngay hông bên trái, 6 /ngay dạ dưới, 7/ ngay xương khu.
Trong lúc cắt, phải tưởng
cái cắt mà thôi, chớ đừng tưởng cái kéo. Cắt xong thì trở lại chỗ cũ, đứng
trước đầu quan tài, trao cái kéo cho người phụ lễ, rồi tiếp tụng kinh với đồng
nhi cho đến mãn hiệp kinh thứ nhì.
Hành pháp Độ thăng :
Chức sắc hành pháp đứng
ngay đầu quan tài, khởi tụng kinh Cầu Siêu hiệp ba. Khi đồng nhi tiếp tụng kinh
thì người hành pháp, tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay mặt cầm 9 cây
nhang đưa ngọn lửa ngay đầu quan tài. Định thần cho thấy chơn thần người chết,
hoặc nằm hoặc ngồi. Cầm 9 cây nhang vẽ bùa chữ (.) ngay trên chơn thần người
chết. Truyền thần vô 9 cây nhang, cầm đưa ngay nguyệt cung (cái kiếng gắn trước
đầu quan tài), định thần, kêu tên họ người chết một cách oai quyền, triệu chơn
thần bảo lên ngồi trên 9 mũi nhang mà đưa lên hư không. Hễ thăng thì lên, còn
trầm thì đọa.
Xong rồi giao 9 cây nhang
cho người phụ lễ và đứng tiếp tụng kinh với đồng nhi cho đến mãn hiệp ba.
Dứt kinh thì niệm Câu chú
của Thầy 3 lần. Xong.
Lưu ý : Nếu người
chết là Chức sắc phẩm Giáo Hữu đổ lên thì việc hành pháp độ thăng thực hiện tại
Tòa Thánh, có nhiều chi tiết hơn, như luyện Cam lồ thủy có Tinh Khí Thần hiệp
nhứt, tạo cho người chết pháp thân huyền diệu, đi lên Cửu Trùng Thiên.
Trường hợp ở xa, không có
Chức sắc hành pháp :
Cả Chức việc BTS cùng tang
quyến, bưng khay vong qua cúng tại Thiên bàn, cầu nguyện Đức Chí Tôn và các
Đấng thiêng liêng ban ân và tha thứ tội tình cho người quá cố, rồi trở lại bàn
vong, tụng Kinh Cầu siêu nối tiếp Kinh Khi đã chết rồi, tụng 3 hiệp, xong niệm
câu chú của Thầy 3 lần, rồi bắt đầu động quan, đưa linh cữu ra thuyền Bát Nhã.
13 . Lễ Động quan : Khiển
điện.
Có nhạc và lễ. Trước hết
là lễ khiển điện, lễ xướng :
1 / Đạo giả tựu vị. (Các đạo tỳ sắp hàng từ ngoài đi
vào trước bàn vong, người trưởng ban ra hiệu lịnh bằng cặp sanh lớn, đạo tỳ đi
vào theo Tứ tượng và Bát quái, rất trật tự nghiêm trang)
2 / Nhơn quan giả bái quan. (Các đạo tỳ đứng trật tự trước bàn vong và lạy xuống.
Nhơn quan giả là người chôn quan tài xuống đất, cũng gọi là đạo tỳ; bái quan là
lạy quan tài).
3 / Đạo giả nhập cữu. (Các
đạo tỳ đi vào đứng hai bên linh cữu).
4 / Chấp sự giả triệt linh
tòa. (Các vị chấp sự khiêng bàn vong đi chỗ khác, bỏ bàn vong, lấy linh vị đặt
vào khay vong. Triệt là bỏ đi, linh tòa là bàn vong).
5 / Đạo giả cử cữu thăng
xa phát hành. (Các đạo tỳ khiêng linh cữu lên xe và khởi hành. Cử cữu là khiêng
linh cữu, thăng xa là lên xe. Xe đây là
thuyền Bát Nhã đặt trên 2 bánh xe để kéo đi trên đường lộ).
14 . Đưa linh cữu đến
nghĩa địa.
Tang chủ bưng khay vong
đến Thiên bàn xá 3 xá, rồi đi ra theo phướn Thượng Sanh, linh cữu đi tiếp theo.
Khi ra đường thì trật tự
đưa đám, đối với đám tang của Lễ Sanh và các phẩm tương đương, sắp đặt như sau
:
1 / Bảng Đại Đạo.
2 / Phướn Thượng Sanh.
3 / Đồng nhi tụng Kinh Đưa
linh cữu, có đờn, tụng hoài cho tới khi linh cữu ra tới huyệt.
4 / Bàn hương án có 1 lọng
và 2 lễ sĩ hầu.
5 / Vãng lụy và tràng hoa.
6 / Thuyền Bát Nhã chở
linh cữu.
7 / Dàn Nam.
8 / Tang gia.
9 / Chức sắc, Chức việc,
Đạo hữu nam nữ đưa đám.
* Nếu là Tang lễ của Chức
việc Bàn Trị Sự và Đạo hữu thì khay vong theo phướn Thượng Sanh và trật tự đưa
đám giống như trên, nhưng không co
(4)ù và
(7) :
- (4) là Bàn hương án, 1 lọng và 2 lễ sĩ hầu.
- (7) là Dàn nam.
Nơi vùng Châu thành Thánh
địa, trước khi đưa linh cữu tới Nghĩa địa Thái Bình thì thuyền Bát Nhã và đoàn
đưa tang đi vào Nội Ô, dừng lại trước Báo Ân Từ, bưng khay vong vào cầu nguyện
Đức Phật Mẫu, ban nghi lễ có dộng 1 hồi chuông.
Tiếp tục đi tới Đền Thánh,
bưng khay vong vào Đền Thánh, có ban nghi lễ tiếp rước và hướng dẫn, lạy Đức
Chí Tôn và cầu nguyện cho vong linh.
Khi vào và lúc ra khỏi Đền
Thánh, có 1 hồi trống và 1 hồi chuông rước và đưa nếu là phẩm Lễ Sanh; còn phẩm
Chức việc, Đạo hữu thì chỉ đánh 1 hồi chuông.
15 . Điếu văn - Cảm tạ -
Hạ huyệt
Khi tới Nghĩa địa, các đạo
tỳ khiêng linh cữu vào đặt trên hai cây đòn kê phía trên huyệt. Vị chủ lễ đến
trước linh cữu, trải chiếu ra và bày quả phẩm cúng Thần Hoàng Bổn Cảnh, tang
gia quì cầu nguyện xin gởi thi hài của người qui liễu tại đây. Tang quyến lạy 3
lạy.
Thân bằng quyến thuộc đọc
Điếu văn (nếu có).
Đại diện tang gia nói lời
cảm tạ Hội Thánh, các Ban Bộ lễ, nhạc, đồng nhi, Ban thuyền Bát Nhã và chư đồng
đạo.
Tang quyến quì trước đầu
huyệt, tay bắt ấn Tý, đồng nhi khởi tụng Kinh Hạ Huyệt (Thức giấc mộng huỳnh
lương vừa mãn, . . .) tụng 3 lần, tiếp đọc Vãng Sanh Thần Chú 3 lần, rồi niệm
Câu Chú của Thầy 3 lần.
Vị chủ lễ bước tới ngang
quan tài, xá tấm phủ quan 3 xá rồi thu hồi phủ quan giao cho Ban đạo tỳ.
Ban đạo tỳ bắt đầu hạ quan
tài xuống huyệt.
Ba ngày sau khi chôn cất,
tang gia đi viếng mộ, đem theo các phẩm vật như : bông, rượu, trà, trái cây,
bánh, nhang đèn, để cúng Thần hoàng Bổn cảnh, Đất đai, cầu nguyện xin gởi thi
hài của người thân nơi đây. Kế đó xem ngôi mộ có đắp kín đáo không và bàn việc
xây mộ.
Lưu ý : Đạo Cao Đài không
theo mê tín, nên : - Không có mở cửa mả. - Không đem linh vị ra mộ để cúng. -
Không rước vong về thờ. - Không đốt giấy vàng bạc.
16 . Tuần
cửu - Tiểu tường - Đại tường - Xả tang
1 / Tuần cửu : Cách tính
ngày để làm Tuần Cửu :
Ngày chết, đếm là 1, đếm
đến ngày thứ 9 thì làm Tuần Nhứt Cửu; tiếp tục đếm tới ngày thứ 18 thì làm Tuần
Nhị Cửu; vv . . . . . . , tiếp tục đếm tới ngày thứ 81 thì làm Tuần Cửu Cửu,
tức là Chung Cửu.
Thư ký Lễ vụ tại Thánh
Thất tính giùm các ngày nầy, biên vào miếng giấy, để đến đúng ngày là tang
quyến tới Thánh Thất làm Tuần Cửu.
a) Làm lễ
tại Thánh Thất :
Tang quyến bưng khay vong đến
Thánh Thất, đưa lên lầu HTĐ, cúng thời Ngọ, có thượng sớ Tuần Cửu.
Cúng thời xong thì đem
khay vong xuống đặt nơi CTĐ, nhập đàn trở lại, tụng Kinh Khai Cửu, sau đó tụng
Kinh Tuần Cửu (Đệ Nhứt Cửu, Đệ Nhị Cửu, . . . ), sau cùng là tụng Di-Lạc Chơn
Kinh.
b) Làm lễ tại tư gia :
Nếu hoàn cảnh Tang gia
không thuận tiện đến Thánh Thất làm Tuần Cửu thì Bàn Trị Sự tổ chức làm Tuần
Cửu tại tư gia.
- Thiết lễ cúng Đức Chí
Tôn vào thời Ngọ, dâng đủ Tam bửu, thượng sớ Tuần Cửu. Chánh Trị Sự chứng đàn
và đứng sớ. Nhớ bưng khay vong để trên ghế đôn, đặt phía sau vị chứng đàn, để
vong cúng Đức Chí Tôn. Cúng xong, bưng khay vong ra, bãi đàn.
- Nhập đàn trở lại, cầu
nguyện Đức Chí Tôn, tụng Kinh Khai Cửu, tụng xong, lạy Thầy 3 lạy 12 gật, xá
rồi bước ra, còn tang quyến vẫn quì. Tụng tiếp Kinh Tuần Cửu, tụng 3 lần, dứt
niệm Câu Chú của Thầy 3 lần, lạy 3 lạy 12 gật, mỗi gật niệm chú Thầy, đứng dậy,
xá rồi bước ra.
- Tiếp theo là Bàn Trị Sự,
đồng đạo và gia quyến tụng Di-Lạc Chơn Kinh.
Trong kỳ Chung Cửu, nếu
tang gia muốn cúng thêm như cúng Cửu Huyền Thất Tổ và cúng vong, tang gia phải
bàn tính trước với Bàn Trị Sự để sắp đặt nhạc lễ và đồng nhi. Nghi thức Cáo Từ
Tổ và cúng vong giống y như lúc trước trong phần Tang lễ.
2 / Tiểu Tường và Đại
Tường.
a) Làm lễ tại Thánh Thất :
Làm lễ Tiểu Tường hay Đại
Tường tại Thánh Thất, nghi thức giống y như hành lễ Tuần Cửu, nhưng tụng bài
Kinh Tiểu Tường hay Đại Tường.
Hiện nay nơi Thánh Thất,
mỗi thời cúng Ngọ, đều có làm Tuần Cửu, Tiểu Tường, Đại Tường cho bổn đạo ở
quanh vùng. Do đó, khi dâng sớ thì trong phần lòng sớ kể chung trong một sớ :
tên họ, phẩm tước những người nào đến ngày nầy làm Tuần Cửu, Tiểu Tường, Đại
Tường.
Thường thì khi làm Đại
Tường nơi ThánhThất xong, tang gia bưng khay vong về nhà cúng vong tế điện
luôn.
b) Làm lễ tại tư gia :
Nghi lễ giống y như làm
Tuần Cửu tại tư gia, nhưng thay vì tụng Kinh Tuần Cửu thì tụng Kinh Tiểu Tường
hay
Đại Tường. Sau đó tụng
Di-Lạc Chơn Kinh.
Tiểu Tường thì chưa mãn
tang nên làm lễ bình thường, nhưng đến khi làm lễ Đại Tường tại tư gia thì làm
long trọng hơn, có tế điện phần Thế đạo, mời nhiều người tới dự hơn, vì là mãn
tang có lễ Trừ phục.
Khi lễ Đại Tường làm xong
phần Thiên đạo, tiếp theo là tế Thế đạo
luôn, có nhạc lễ và đồng nhi. Phần nầy làm giống y như lúc Tang lễ : Tế điện,
Chánh tế và Phụ tế, như đã nói trong các phần trước.
Một vị đại diện tang
quyến, đứng trước bàn vong, phát biểu lời cảm tạ chung các cơ quan và ban bộ,
cùng các thân bằng và đồng đạo.
Sau lễ Đại Tường là mãn
tang, có phần Trừ phục.
3 / Mãn tang - Trừ phục :
Trừ phục là trừ bỏ quần áo
tang. Nghi tiết Trừ phục giống như nghi tiết Thành phục, chỉ đổi vài câu xướng
cho thích hợp. Hai Lễ sĩ đứng hai bên
bàn vong, xướng :
1 . Tang chủ tựu vị.
2 . Giai quì.
3 . Phần hương.
4 . Nguyện hương.
5 . Thượng hương.
6 . Cúc cung bái.
7 . Ngũ phục chi nhơn các tựu diệt phục.
(Những người để tang trong
Ngũ phục đến cởi bỏ tang phục)
Vị Chánh Trị Sự mặc đại
phục đến gỡ bỏ khăn tang cho Tang chủ, còn những người khác chờ lễ xướng “Hưng
bình thân” liền đứng dậy, tự cởi bỏ tang phục ra. Tất cả tang phục gom lại để
đốt.
8 . Hưng bình thân.
9 . Giai quì. (Tất cả trở
lại quì xuống trước bàn vong)
10 . Cúc cung bái.
11 . Hưng bình thân.
12 . Chủ nhơn dĩ hạ giai
xuất.
(Người chủ sắp xuống đều bước ra ngoài).
13 . Lễ thành.
Tiếp theo là phần đốt linh
vị.
Vị Chánh Trị Sự bảo bưng
khay vong đến trước Thiên bàn, chủ nhơn quì xuống cầu nguyện Đức Chí Tôn trong
lễ mãn tang, xin ban ơn lành cho linh hồn người chết. Vị CTS châm đèn cầy đốt
linh vị, trong khi đó thì đồng nhi tụng Vãng Sanh Thần Chú 3 hiệp, rồi niệm câu
chú của Thầy 3 lần. Tất cả đồng vào lạy Đức Chí Tôn.
Phần lễ Tang Tế Sự đến đây chấm dứt.
17 . Nghi
tiết Tang lễ hàng Thiên Thần
Hàng Thiên
Thần gồm các phẩm Chức sắc nam nữ :
- Lễ Sanh, -
Giáo Thiện, - Sĩ Tải, - Hiền Tài,
- Cai Nhạc,
- Bếp Nhạc, - Phó Tổng Giám.
Theo quyển
Quan Hôn Tang lễ 1975 của Hội Thánh:
SƠ GIẢI: Phẩm nầy
được hành pháp xác, chèo hầu tại Khách đình, (không chèo đưa),
hành lễ tế điện theo hàng Thiên Thần, làm Tuần cửu, Tiểu tường, Đại tường, bài thài
theo hàng Thiên Thần.
NGHI TIẾT HÀNH LỄ :
1 . Hấp hối: Tụng Kinh Cầu
Hồn khi hấp hối (Rấp nhập cảnh . . . )
2 . Tắt hơi: Tụng Kinh Khi
đã chết rồi (36 cõi . . . )
3 . Tại Đền Thánh hay Thánh Thất : Đổ một hồi trống,
một hồi chuông (báo tử).
4 . Thượng sớ Tân cố : Dâng sớ tại Đền Thánh hay
Thánh Thất.
5 . Nhập mạch (Tẫn liệm) : Tụng Kinh Tẫn liệm (Dây
oan nghiệt . . . . . )
6 . Di linh cữu vào Khách
đình :
Vị qui liễu thuộc hàng
Chức sắc nên phải di linh cữu vào Khách Đình, nếu tang chủ muốn để nơi tư gia
hành tang lễ thì phải xin phép Hội Thánh.
Trật tự khi đi :
1 / Bảng Đại Đạo.
2 / Phướn Thượng Sanh.
3 / Dàn nam.
4 / Bàn hương án, 1 lọng có
2 lễ sĩ mặc áo màu xanh đậm phò vong.
5 / Đồng nhi theo hầu, không
đọc kinh.
6 / Thuyền Bát Nhã chở linh
cữu.
7 / Tang quyến.
7 . Nơi Khách Đình :
- Bái lễ Đức Chí Tôn.
- Cáo Từ Tổ.
- Thành phục - Phát tang.
- Hành lễ Tế điện (Chánh tế) hàng Thiên Thần.
- Như có các cơ quan Đạo
hoặc thân bằng cố hữu tế lễ thì Phụ tế, nghi châm chước.
8 . Cầu siêu : Tụng Kinh
Cầu siêu (Đầu vọng bái…), tụng xen Kinh Khi đã chết rồi (Ba mươi sáu cõi . . .
), mỗi bài tụng 3 lần, dứt thì niệm câu chú của Thầy 3 lần.
Sau đó Ban Tổng Trạo làm
lễ Chèo hầu.
Lễ chèo hầu xong, đồng nhi
tụng Di-Lạc Chơn Kinh.
9 . Ngày an táng :
- Hành lễ châm chước lễ Cáo Từ Tổ.
- Một vị Chức sắc hành
Phép xác, Phép đoạn căn, Phép độ thăng, trong lúc đó, đồng nhi tụng Kinh Cầu
siêu xen với Kinh Khi đã chết rồi, tụng 3 lần, niệm câu chú của Thầy 3 lần.
- Khiển điện.
- Di linh cữu ra thuyền
Bát Nhã.
- Đi đến Báo Ân Từ, thỉnh
linh vị vào bái lễ Đức Phật Mẫu (rước và đưa đều có đổ 1 hồi chuông)
- Đến Đền Thánh, cũng thỉnh linh vị vào bái lễ
Đức Chí Tôn (khi rước có đổ 1 hồi trống và 1 hồi chuông, khi đưa cũng vậy).
- Trở ra, đưa đến Nghĩa
địa (đất Cực Lạc) an táng. Đồng nhi tụng Kinh Đưa Linh cữu từ khi di linh cữu
cho đến huyệt.
Trật tự đưa đám :
1 / Bảng Đại Đạo.
2 / Phướn Thượng Sanh.
3 / Đồng nhi tụng Kinh Đưa linh cữu, có đờn.
4 / Bàn hương án, 1 lọng có 2 lễ sĩ hầu.
5 / Vãng, lụy.
6 / Thuyền Bát Nhã chở linh cữu.
7 / Dàn nam
8 / Tang gia.
9/ Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu nam nữ.
10. Tại nghĩa địa (đất Cực Lạc) :
- Đại diện các cơ quan Đạo
đọc Ai điếu (nếu có).
- Đồng nhi tụng Kinh Hạ
Huyệt và Chú Vãng Sanh 3 lần, niệm câu chú của Thầy 3 lần./.
Giải tán.
18 . Nghi tiết Tang lễ hàng Nhơn và Địa Thần
* Hàng Nhơn Thần gồm các
phẩm Chức việc nam nữ :
- Chánh Trị Sự, - Phó Trị Sự,
- Thông Sự,
- Luật Sự, - Hành Thiện, - Thính Thiện,
- Nhạc Sĩ, - Lễ Sĩ,
- Giáo Nhi,
- Tá Lý, - Đầu Phòng Văn.
* Hàng Địa Thần gồm các phẩm
nam nữ :
- Đạo hữu, - Thơ ký,
- Tân Dân, - Minh Đức, -
Đạo sở.
Các chức vị trên đây, nếu
giữ Thập trai hay Trường trai thì được làm các phép bí tích : phép xác, phép
đoạn căn, phép độ thăng, được hành lễ tế điện có bài thài, được làm Tuần cửu,
Tiểu tường, Đại tường.
NGHI TIẾT HÀNH LỄ :
1 . Hấp hối : Tụng Kinh
Cầu Hồn khi hấp hối.
2 . Tắt hơi : Tụng Kinh
Khi đã chết rồi.
3 . Tại Đền Thánh hoặc Thánh Thất :
Dộng chuông cảnh cáo : nam
7 tiếng, nữ 9 tiếng.
4 . Thượng sớ Tân cố :
Dâng sớ tại Đền Thánh hoặc Thánh Thất hay tư gia cũng được.
5 . Nhập mạch (Tẫn liệm) :
Tụng Kinh Tẫn liệm.
Thân nhân muốn đem linh
cữu vào Khách đình hay để nơi tư gia tùy ý. Nếu muốn đem vô Khách đình thì phải
xin phép Hội Thánh.
6 . Thành phục - Phát tang
:
- Bái lễ Đức Chí Tôn.
- Cáo Từ Tổ. Phải có mâm
đựng tang phục đặt phía trước bàn thờ, hành lễ Cáo Từ Tổ xong thì đem mâm tang
phục qua đặt trước bàn vong, cầu nguyện. Vị Chức sắc hay Chức việc hữu trách
mặc đại phục phát tang cho tang quyến.
- Hành lễ Tế điện, đọc Ai chúc :
- Chánh tế : vợ tế chồng hay con tế cha, vv…
- Phụ tế : nếu có thân
bằng cố hữu tế lễ thì làm nghi châm chước.
7 . Cầu siêu : Tụng Kinh
Cầu siêu xen Kinh Khi đã chết rồi, tụng 3 lần, niệm câu chú Thầy 3 lần.
Tiếp theo sau là tụng
Di-Lạc Chơn Kinh (DLCK).
8 . Lễ An táng :
- Hành lễ châm chước Cáo
Từ Tổ.
- Một vị Chức sắc hành
Phép xác, phép Đoạn căn và Phép Độ thăng, trong lúc đó, đồng nhi tụng Kinh Cầu
siêu xen với Kinh Khi đã chết rồi, tụng 3 lần, niệm câu chú của Thầy 3 lần.
- Khiển điện.
- Di linh cữu ra thuyền
Bát Nhã. Đồng nhi tụng Kinh Đưa Linh cữu.
- Đi đến Báo Ân Từ : thỉnh
linh vị vào bái lễ Đức Phật Mẫu (khi rước và đưa đều đổ 1 hồi chuông).
- Đến Đền Thánh : cũng
thỉnh linh vị vào bái lễ Đức Chí Tôn (khi rước và đưa đều có đổ 1 hồi chuông)
(không đổ trống).
- Trở ra, đưa đến Nghĩa
địa (đất Cực lạc) an táng.
Trật tự đưa đám :
1 / Bảng Đại Đạo.
2 / Phướn Thượng Sanh.
3 / Bàn vong, theo sau là Bàn đưa.
4 / Đồng nhi tụng Kinh Đưa linh cữu, có đờn.
5 / Vãng lụy nếu có.
6 / Thuyền Bát Nhã chở linh cữu.
7 / Tang quyến.
8 / Chức sắc, Chức việc, Đạo hữu nam nữ.
9 . Tại nghĩa địa :
- Đọc Ai điếu (nếu có).
- Đồng nhi tụng Kinh Hạ
Huyệt và Chú Vãng Sanh 3 lần, khi dứt niệm câu chú Thầy 3 lần.
Giải tán.
19 . Tang lễ của Đạo hữu
giữ Lục trai
(Theo quyển Quan Hôn Tang
Lễ 1975 của Hội Thánh)
Đạo hữu giữ Lục trai thuộc
hàng Vong phàm, không được đối phẩm Địa Thần.
SƠ GIẢI : Những vị nầy
không được làm phép xác, phép đoạn căn, khi Cầu siêu thì chỉ tụng Kinh Cầu Siêu
(Đầu vọng bái.…) và tụng Di-Lạc Chơn Kinh mà thôi (không được tụng xen Kinh Khi
đã chết rồi), được hành lễ tế điện giống như trường hợp Đạo hữu 10 ngày chay.
Không được làm Tuần cửu, Tiểu tường và Đại tường. Khi tới ngày Tuần cửu, Tiểu
tường, Đại tường thì thân nhơn người qui liễu đến Thánh Thất sở tại xin làm lễ
Cầu siêu.
NGHI TIẾT HÀNH LỄ :
1 . Hấp hối: Tụng Kinh Cầu
Hồn khi hấp hối.
2 . Tắt hơi : Tụng Kinh
Khi đã chết rồi.
3 . Thượng sớ Tân cố :
Dâng sớ tại Thánh Thất hay tư gia (không được dâng sớ ở Đền Thánh).
4 . Tẫn liệm (Nhập mạch) :
Tụng Kinh Tẫn liệm.
Thân nhân muốn đem linh
cữu vào Khách đình hay để nơi tư gia tùy ý. Nếu muốn đem vô Khách đình thì phải
xin phép Hội Thánh.
5 . Thành phục - Phát tang
:
- Nếu để nơi tư gia thì
hành lễ Đức Chí Tôn,
Cáo Từ Tổ, Thành phục,
Phát tang.
Còn đem vào Khách đình thì
cũng hành lễ
Đức Chí Tôn trước.
- Hành lễ Tế điện (Chánh
tế) giống như trường hợp Đạo hữu 10 ngày chay, nếu có thân bằng cố hữu thì làm
nghi Phụ tế châm chước.
6 . Cầu siêu: Tụng Kinh
Cầu siêu 3 lần, không tụng xen Kinh Khi đã chết rồi. Niệm câu chú Thầy 3 lần.
Tiếp theo, tụng Di-Lạc Chơn
Kinh.
7 . Lễ An táng :
- Hành châm chước lễ Cáo Từ Tổ.
- Tụng Kinh Cầu siêu 3
lần, niệm câu chú của Thầy 3 lần. (Không được làm các phép bí tích).
- Khiển điện.
- Di linh cữu ra thuyền
Bát Nhã. Đồng nhi tụng Kinh Đưa linh cữu.
- Đi đến Báo Ân Từ : thỉnh
linh vị vào bái lễ Đức Phật Mẫu. (không dộng chuông đưa hay rước).
- Đến Đền Thánh, cũng
thỉnh linh vị vào bái lễ Đức Chí Tôn (không dộng chuông đưa hay rước).
- Trở ra, đưa đi an táng
nơi Nghĩa địa.
Trật tự đưa đám :
1 / Bảng Đại Đạo.
2 / Phướn Thượng Sanh.
3 / Bàn vong.
4 / Đồng nhi tụng Kinh Đưa linh cữu, có đờn.
5 / Vãng lụy (nếu có)
6 / Thuyền Bát Nhã chở linh cữu.
7 / Tang quyến.
8 / Chức việc, Đạo hữu, thân bằng nam nữ.
8 . Tại nghĩa địa :
- Đọc Ai điếu (nếu có).
- Đồng nhi tụng Kinh Hạ
Huyệt và Chú Vãng Sanh 3 lần, niệm câu chú của Thầy 3 lần./.
Giải tán.
So sánh Tang lễ giữa 2 Đạo hữu giữ : Thập trai
và Lục trai.
Chỉ sai biệt có 4 ngày ăn
chay trong 1 tháng mà người Đạo hữu giữ Lục trai mất đi rất nhiều quyền lợi
quan trọng như : không được làm các phép bí tích, không được làm Tuần cửu, Tiểu
tường và Đại tường, và nhứt là không được đối phẩm Địa Thần, chỉ được xem là
Vong phàm, được lạy 2 lạy quì 2 lạy đứng.
20 . Tang lễ Bạt tiến
Bạt tiến là đề cử dâng lên Đức Chí Tôn và các
Đấng thiêng liêng xin cứu giúp linh hồn. Có 2 trường hợp:
1 / Đạo hữu hay Cựu Chức
việc còn giữ Đạo nhưng ăn chay không đủ 6 ngày trong 1 tháng.
Hành lễ Bạt tiến với nghi
tiết giống y như trường hợp Đạo hữu giữ Lục trai, nhưng bớt ra 2 phần :
- Khi tắt hơi không tụng
“Kinh Khi đã chết rồi”.
- Không thượng sớ Tân cố
tại Thánh Thất. Nếu tư gia có lập Thiên bàn thì thượng sớ tại tư gia, nếu tư
gia không có Thiên bàn thì thượng sớ tại nhà của một Chức việc gần đó.
2 / Đạo hữu sa ngã bỏ Đạo
và người ngoại Đạo:
- Phần Kinh Thiên đạo : chỉ tụng 2 bài : Kinh
Cầu siêu và Vãng sanh Thần
chú. Tối được tụng
DLCK. Không tụng các bài
kinh Thiên đạo khác.
- Phần Kinh Thế đạo : được
tụng đầy đủ khi tế lễ, chánh tế và phụ tế.
* Về Cầu siêu bạt tiến,
nếu ở gần Thánh Thất thì cầu siêu nơi Thánh Thất, nếu xa Thánh Thất thì thiết
lễ Cầu siêu nơi tư gia của Chức sắc hay Chức việc gần đó.
* Nếu người trong thân
quyến chịu nhập môn thì dễ hơn, Chức sắc cứ đến thượng tượng cho nhập môn, rồi
thiết lễ tang sự luôn. (Theo Quan Hôn Tang Lễ 1975 của HT)
Hội Thánh có dặn rằng :
“ Tối lại, cả Đạo hữu và tang quyến phải thành tâm
tụng Di-Lạc Chơn Kinh cho tới ngày di linh cữu.”
“ Điều trọng yếu hơn hết là trọn tang gia phải ăn chay
trong mấy ngày quan tài còn tại nhà thì mới làm Bạt tiến cho linh hồn giải
thoát đặng.”
21 - Trường
hợp : -Tự tử, - Sét đánh, - Nhi đồng.
1 / Người
chết vì tự tử : không được hành lễ tang theo phép Đạo.
2 / Người
chết vì bị sét đánh :
Người bị sét
đánh, tam thể xác thân bị tan rã, nên không thể cầu cứu vào đâu được.
Do đó, trong
Tang lễ, không làm phần Thiên đạo, chỉ tế lễ theo phần Thế đạo để thân nhân tỏ
lòng hiếu kỉnh và thương tiếc mà thôi.
3 / Tang lễ cho nhi đồng :
Theo tài liệu Hạnh Đường,
huấn luyện Chức việc Bàn Trị Sự nam nữ năm Canh Tuất (1970) thì :
- Trẻ em từ 10 tuổi trở
lên đến 17 tuổi (vì 18 tuổi là đủ tuổi nhập môn), nếu có Giấy Tắm Thánh, giữ Thập trai hay trường trai,
thì làm các Nghi tiết Tang lễ giống y như Tang lễ hàng Nhơn Thần và Địa Thần.
- Trẻ em dưới 10 tuổi chết
thì chỉ Thượng sớ và Cầu siêu mà thôi.
22 . Tang lễ trong thời gian chư Thánh triều Thiên
Sau ngày lễ Đưa chư Thần
Thánh Tiên Phật triều Thiên mỗi năm, từ ngày 23 đến 30 tháng chạp âm lịch, các
Đấng cầm quyền cai trị Càn khôn thế giới đều lên Ngọc Hư Cung chầu lễ Đức Chí
Tôn, để báo cáo các việc trong một năm vừa qua, và nhận nhiệm vụ trong năm tới.
Trong thời gian 7 ngày
cuối năm nầy, các Chức sắc từ phẩm Chánh Phối Sư đổ xuống Giáo Hữu và các phẩm
tương đương khi qui vị, tang lễ phải làm tại tư gia (nếu không có tư gia thì
hành lễ tại Khách đình), không di linh cữu vào Báo Ân Từ và Đền Thánh, không
chèo hầu, chỉ được chèo đưa.
Còn các phẩm :
- Lễ Sanh và các phẩm tương
đương,
- Chức việc BTS và các
phẩm tương đương,
- Đạo hữu và các phẩm
tương đương.
Khi qui liễu thì hành lễ
cúng tế tại tư gia. Nếu vị nào không có tư gia thì hành lễ tại Khách đình.
Các lễ : Tế điện, Cầu
Siêu, hành các phép bí tích, an táng, đều được tụng kinh như thường lệ.
23 . Giải
thích : Thuyền Bát Nhã, Dàn bắc Dàn nam.
1 / Dàn bắc
- Dàn nam :
* Dàn bắc là
dàn nhạc cổ, trổi lên những bản nhạc cung Bắc. Đây là những bản nhạc cổ phóng
tác theo Tàu nhưng âm điệu mang sắc thái VN. Nhạc cung Bắc gồm 6 bản : Lưu thủy trường,
Xuân tình, Phú lục, Bình bán chấn, Tây thi, Cổ bản. Dàn bắc thường gồm các nhạc khí :
- Trống cái - Kèn
- Thanh la - Chập chả.
* Dàn nam là dàn nhạc cổ
trổi lên các bản nhạc cung Nam. Đây là những bản nhạc cổ được sản xuất ở Nam VN
từ thời Chúa Nguyễn, nên chịu ảnh hưởng của nhạc Chiêm thành, tứ nhạc có giọng ai, bi, oán.
Nhạc cung Nam gồm 3 bài : Nam ai, Nam xuân, Đảo ngũ cung.
Dàn nam thường gồm các
nhạc khí sau đây :
- Trống cơm - Kèn
- Đờn cò - Cặp sanh.
Nghi thức đưa tang trong
Đạo Cao Đài, đối với hàng Chức sắc Thiên phong, tùy theo phẩm cao thấp mà có
Dàn nam hay Dàn bắc hoặc cả hai Dàn nam bắc theo đưa tang.
2 / Thuyền Bát Nhã :
Bát Nhã là do phiên âm từ
tiếng Phạn : Prajnâ, dịch ra hán văn là Trí huệ, nghĩa là sự hiểu biết rốt ráo,
thông suốt tất cả từ cõi người đến cõi trời. Từ ngữ Trí huệ chưa đạt hết ý
nghĩa của chữ Prajnâ (Bát Nhã), nên các nhà tôn giáo vẫn thường dùng danh từ
Bát Nhã.
Bát Nhã là trí huệ bực
nhứt, vượt lên khỏi Tham, Sân, Si, dứt các mê lầm, tự mình thông đạt, tự mình
hiểu biết hết các lẽ. Đạt được Trí huệ Bát Nhã là đắc đạo.
Thuyền Bát Nhã là chiếc
thuyền Trí huệ do pháp nhiệm của Phật tạo nên để rước các chơn hồn đắc đạo lên
cõi CLTG.
Thuyền Bát Nhã là từ ngữ
để nói so sánh : Con người sống trong cõi trần ô trược nên bị tấm màn vô minh
che lấp, để cho lục dục thất tình cám dỗ khiến sai. Chừng nào phá bỏ được tấm
màn vô minh ấy thì vượt lên khỏi sự cám dỗ của lục dục thất tình, trở lại làm
chủ chúng nó, lúc đó con người hết vô minh, tức nhiên đạt được Trí huệ, và cái
Trí huệ ấy ví như chiếc Thuyền Bát Nhã, đưa con người đến cõi Cực Lạc Niết Bàn,
đắc đạo thành Tiên Phật.
Trong thời ĐĐTKPĐ, Thuyền
Bát Nhã do Đức Phật Di-Lạc làm chủ thuyền, rước các chơn hồn có đầy đủ công
đức, vượt qua bể khổ, thoát khỏi luân hồi, đến cảnh TLHS mà Phật gọi là Cực Lạc
Niết Bàn, Tiên gọi là Bồng Lai Tiên cảnh mà an hưởng những điều cực lạc.
Trong TNHT, có 4
câu thơ tả Thuyền Bát nhã :
Khuôn thuyền Bát nhã chẳng hề chìm,
Nổi quá như
bông, nặng quá kim.
Có đạo trong muôn
ngồi cũng đủ,
Không duyên một đứa cũng là chìm.
Theo thuyết đạo của Đức
Phạm Hộ Pháp, trên sông Ngân Hà, một nhánh của biển khổ nơi cõi thiêng liêng,
Đức Quan Âm Bồ Tát vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chèo chiếc thuyền Bát Nhã
qua lại để độ sanh, rước những người đầy đủ phước đức đi qua biển khổ, đến cõi
TLHS.
Theo bài thài hiến lễ Tam
Nương trong Lễ Hội Yến DTC, Tam Nương cũng có nhiệm vụ chèo chiếc thuyền Bát Nhã
rước người phước đức vượt qua biển khổ :
Biển mê lắt lẻo con thuyền,
Chở che khách tục, cửu tuyền ngăn sông.
Trong truyện Tây Du Ký,
khi thầy trò Tam Tạng đến bến Lăng Vân, không thể đi lên cầu để qua bờ bên kia
được. Đang lúc bối rối thì có vị Phật là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chèo chiếc thuyền
không đáy tới rước. Tam Tạng thấy thuyền không đáy nên không dám bước xuống, Tề
Thiên Đại Thánh bỗng xô Tam Tạng một cái, Tam Tạng ngã xuống nước, Tiếp Dẫn Đạo
Nhơn đỡ
Tam Tạng lên thuyền, và chèo thuyền qua sông, khi đến giữa sông thì gặp
một xác người đang trôi xuống, xem kỹ thì đó chính là xác phàm của Tam Tạng.
Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chúc mừng Tam Tạng, đã bỏ xác trần, đắc thành Phật vị.
Thuyền qua đến bờ bên kia,
Tam Tạng nhẹ nhàng bước lên bờ cùng với ba đồ đệ. Khi quay nhìn lại, thấy con
thuyền và vị Phật đều biến mất. Thế mới gọi là pháp trí huệ quảng đại đưa thầy
trò lên bờ Cực Lạc.
Con thuyền không đáy ấy
chính là chiếc Thuyền Bát Nhã mà người chèo là Phật Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.
Bí pháp và Thể pháp của
Thuyền Bát Nhã :
- Bí pháp : Thuyền Bát Nhã
là chiếc thuyền rồng qua lại trên biển khổ nơi cõi thiêng liêng để rước những
chơn hồn có đầy đủ phước đức, từ bờ bên nây của biển khổ (thử ngạn) là bờ luân
hồi, sang qua bờ bên kia (bỉ ngạn) là bờ đắc đạo, đi vào cõi TLHS. Đây là chiếc
thuyền cứu độ các chơn linh trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.
- Thể pháp : Thuyền Bát
Nhã được đóng bằng gỗ, có hình dáng là một con rồng vàng, đầu rồng, đuôi rồng,
nơi chính giữa của mình rồng cất lên một cái nhà vàng để đặt linh cữu người
chết, chở vào nghĩa địa chôn cất.
Vì có Thể pháp và Bí pháp
huyền diệu như thế nên không thể gọi Thuyền Bát Nhã là chiếc “xe tang” được.
Nơi vùng Thánh địa Tòa Thánh Tây Ninh, Thuyền
Bát Nhã được đóng trên một cái khung 2 bánh cao su xe hơi, hai bên hông thuyền
có gắn hai sợi dây thừng to và dài để các đạo tỳ kéo thuyền đi từ từ trên đường
phố, đầu rồng và đuôi rồng lắc lư theo nhịp đi, nên từ xa nhìn vào thấy khung
cảnh ấy rất ngoạn mục và huyền bí.
Năm Ất Hợi (1935), sau khi
Đức Chí Tôn ban cho Kinh Tận độ thì Đức Phạm Hộ Pháp ra lịnh Ngài Khai Pháp
Trần Duy Nghĩa làm lễ khai Thuyền Bát Nhã tại Khách Đình TTTN, tức là khai pháp
Thuyền Bát Nhã
(Bí pháp và Thể pháp) tùng
Cơ Tận độ của Đức Chí Tôn.
Trong buổi lễ nầy, Ngài
Khai Pháp đọc một bài thuyết đạo nói về sự tích của Thuyền Bát Nhã và giải
thích về Chèo Thuyền, xin trích đoạn ra sau đây :
“ Bần tăng vâng lịnh Đức Hộ Pháp dẫn giải cho nhơn
viên hiện có trách nhiệm trọng yếu trong Bát Nhã thuyền được rõ : Lấy theo Thể
pháp, các em đây là nhơn viên của Đức Phật Di-Lạc, tượng trưng thể pháp nơi mặt
thế nầy, nương lấy khuôn thuyền Bát Nhã trong thời kỳ hạ nguơn hầu mãn khởi đầu
thượng nguơn Tứ Chuyển.
Về hữu vi, tượng trưng đưa xác người vào nơi cực lạc
giới, gọi là kiếp thoát trần; mặt khác về nhiệm mầu vô vi là Cơ Tận độ cứu rỗi
92 nguyên nhân qui hồi cựu vị, cùng các chơn hồn tiền vãng hậu vãng và các chơn
hồn vật loại đạt đến phẩm người, khi thoát xác được siêu thăng Thượng giới.”
“ Thuyền Bát Nhã có được là do Đức Phật Tổ lấy một bèn
sen (một cánh bông sen) nơi CLTG, dùng Tam muội hỏa mà biến thành, ấy là bí
pháp của nhà Phật.
Hai chữ Bát Nhã, Phật tông nguyên lý trong kinh gọi là
Trí huệ, để mở mang sự sáng suốt cho các bậc chơn tu, cũng ám chỉ là Thuyền Từ
đưa người thoát tục.
Trải qua bao kỷ nguyên, người tu đắc đạo cũng nương
lấy Bát Nhã thuyền do nhiệm mầu thiêng liêng mà về nước Phật hay đến cõi Hư Vô
tịch diệt.”
“ Thuở Hỗn Độn, khi Trời Đất phân ngôi thứ rồi mà
chưa có loài người, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, đạo Minh Sư
gọi là Lão Mẫu, vâng lịnh Đức Thượng Đế nhóm ngự triều Đại hội nơi Kim Bồn,
phòng định 100 ức nguyên nhân xuống trần, dùng Ngọc Lộ Kim Bàn trụ các nguyên
nhân cho xuống thế lập đời.
Trước khi ấy, Lão Mẫu kêu
toàn cả linh căn chơn tánh dự Hội Yến Bàn Đào, ban cho mỗi vị một cái túi gọi
là Vạn Bửu Nang, trong đó có 8 món báu là : Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa,
Liêm, Sỉ, và căn dặn khi xuống trần thế, rủi mất một món là về cùng MẸ không
đặng.
Lão Mẫu dùng Bát Nhã
thuyền chở toàn linh căn và 8 món báu ấy đưa xuống lập đời. Có bài kệ rằng :
Linh căn ngày đó xuống trần ai,
Cái cái vui mừng nhập mẫu thai.
Vì mất Bửu nang
mê nghiệp hải,
Làm sao
tỉnh đặng trở
hồi lai.
Bên kia có Đại Tiên hiệu
là Cù Tán Đởm hay Kim Quang Sứ, thấy Phật Mẫu cho chơn linh xuống trần thì cũng
xuống trần, dẫn theo 5 chơn linh quỉ vị biến thành :
(1) Kim là tiền bạc. (2) Mộc là sắc đẹp. (3) Thủy là rượu ngọt. (4) Hỏa là nóng giận. (5) Thổ là nha phiến.
Mỗi chơn linh quỉ vị đều
biến ra 5 mùi vị khác nhau cho các nguyên căn say mê mà quên các Bửu nang.
Con người lớn lên thấy
tiền thì ham, thấy sắc lịch thì mê, thấy rượu ngọt thì ưa, mà nó giục cho con
người nóng giận và say mê nha phiến, chước quỉ mưu tà, hằng xúi giục bày ra
muôn ngàn sự khoái lạc nơi trần khổ chẳng xiết, nên các linh căn vì lưu luyến
hồng trần, vui say mùi vị thế gian mà
quên nguồn cội.”
Nhơn thời Hạ nguơn nầy, do
cơ bút mà biết được có 8 ức nguyên nhân đắc đạo trong hai kỳ Phổ Độ trước.
Những nguyên nhân đắc đạo ấy đến tình nguyện nơi Ngọc Hư Cung giáng trần, chịu
mạng lịnh nơi Đức Di-Lạc Vương Phật, lo cứu rỗi 92 ức nguyên nhân còn say đắm
nơi trần.
Bây giờ nhắc lại Thể pháp
cuộc Chèo Thuyền Bát Nhã, phận sự của nhân viên trong thuyền có :
- Tổng Lái - Tổng Mũi
- Tổng Thương - Tổng Khậu
- 12 Bá Trạo.
- Tổng Lái : là chơn linh
Hắc Sát Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của Hộ Pháp.
Tổng Lái tượng trưng Bát
Quái Đài.
- Tổng Thương : là chơn
linh Huỳnh Long Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của
Thượng Sanh. Tổng Thương tượng trưng cho CTĐ.
- Tổng Mũi : là chơn linh
của Bạch Hổ Tinh ở Thượng giới theo Thể pháp, còn Bí pháp là chơn khí của
Thượng Phẩm. Tổng Mũi tượng trưng cho Hiệp Thiên Đài.
- Tổng Khậu : tượng trưng
nhơn sanh, tánh tình của Tổng Khậu vô chừng, vui buồn chẳng định, vả chăng
trong thời biến chuyển loạn lạc, phải chịu dưới phép sai khiến của lục dục thất
tình, vì danh lợi tự đem mình đến chỗ trụy lạc, vì vật chất xa hoa quyến rũ.
- Mười hai Bá Trạo : Con
số 12 là bí pháp, số riêng của Đức Chí Tôn. Ngài nắm Thập nhị Khai Thiên nơi
tay, tức là Thập nhị Thời Thần nơi Bạch Ngọc Kinh. Còn Thể pháp là Thập nhị
Thời Quân HTĐ mà chúng ta đã biết trong cửa ĐĐTKPĐ. Vậy 12 Bá Trạo tượng trưng
Thập nhị Địa Chi : Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi,
mà biến tướng Càn Khôn thế giới, làm cho rộng lớn thêm lên vũ trụ bao la.
Những vị vừa kể trên, vừa
chèo vừa hát rập ràng, theo chơn truyền của đạo là Thể pháp. Thể pháp có hành thì Bí pháp mới tựu. Ấy là dĩ huyễn độ chơn.
Thể pháp và Bí pháp lúc
nào cũng phải đi đôi, cũng như người có xác và hồn phải tương liên, bằng chẳng
vậy, có xác không hồn là điên, có hồn không xác là vị đó vậy.
“ Đức Chí Tôn là chúa tể CKVT, hoá sanh vạn vật, cầm
quyền thiêng liêng cũng như hữu hình, với lòng Đại từ đại bi, chẳng nỡ ngồi
nhìn con cái của Ngài phải chịu trầm luân khổ hải, nên Ngài dùng Bí pháp định
cho Tam vị Thần xuống thế tượng trưng Thể pháp là : Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng
Thương, lái vững khuôn thuyền Bát Nhã để độ dẫn các chơn linh : nguyên nhân,
hóa nhân, quỉ nhân, và các chơn hồn tức là chúng sanh, dầu xiêu lạc nơi nào
cũng tìm rước về hội ngộ cùng Thầy.
Trong thời kỳ Hạ nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng
nguơn Tứ Chuyển, là Đại Ân Xá Kỳ Ba, chính Đức Chí Tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế
dùng huyền diệu cơ bút mở Đạo Cao Đài tại nước Việt Nam, qui Tam giáo hiệp Ngũ
chi, tạo đời Thánh đức, dụng Nho Tông Chuyển Thế với chủ nghĩa tận độ chúng
sanh trên quả Địa cầu 68 nầy qui hồi cựu vị, chẳng phân biệt giống nòi hay
chủng tộc.”
KẾT LUẬN :
“ Trong nền ĐĐTKPĐ, dùng Thuyền Bát Nhã với Bí pháp
mầu nhiệm thiêng liêng, vì Đức Di-Lạc Vương Phật Chưởng Giáo Thiên Tôn, làm chủ
thuyền Bát Nhã, rước các bậc nguyên nhân từ Thất thập nhị Địa trở về. Đức Phật
ngự trên thuyền, kêu gọi toàn linh căn chơn tánh của cửu nhị ức nguyên nhân hãy
mau tỉnh ngộ về cửa nầy, nương thuyền Bát Nhã trở về Lôi Âm Tự và Bạch Ngọc
Kinh mà hội ngộ cùng Thầy.
Còn Thể pháp, Đức Hộ Pháp vâng lịnh Đức Diêu Trì Kim
Mẫu, thọ mạng Đức Chí Tôn tạo thuyền Bát Nhã nơi mặt thế là tượng trưng Thể
pháp, độ dẫn Bát hồn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét