Chân Dung Quyền Giao Tông Lê Văn Trung - 1 / 5 (GS Trần Văn Rạng)


Lời Giới Thiệu
của Tiến Sĩ S Hc Châu Long
Giáo sư trường Đại Học Văn Khoa Sài goon
Giáo sư Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh

Ông TRẦN VĂN RẠNG, sinh viên Cao Học ưu tú, vừa được Ban Sử Học thuộc Trường Đại học Văn Khoa Sài gòn cho trình Cao Học Sử, có nhờ tôi đọc quyển CHÂN DUNG QUYỀN GIÁO TÔNG LÊ VĂN TRUNG.

Về phương pháp sử học, ông đã cố gắng nghiên cứu khảo sát tài liệu gốc tận nơi, ghi chú cẩn thận đáng tin cậy.

Về Đạo sự, tôi phải nhờ người bạn thân, Bác sĩ Lê Văn Hoạch, Bảo Sanh Quân Hiệp Thiên Đài đọc hộ. Bác sĩ là chức sắc cao cấp đã nhiều năm hành đạo với Đức Quyền Giáo Tông, cho biết tác giả đã nêu được những nét cơ bản về đời hành đạo của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. Gương hành đạo của Đức Ngài đáng được toàn đạo noi dấu.

Nhân danh Giáo sư Sử Học của Viện Đại học Cao Đài, tôi hân hạnh giới thiệu quyển CHÂN DUNG QUYỀN GIÁO TÔNG LÊ VĂN TRUNG với độc giả bốn phương.
Sài gòn II- LXXV
Giáo Sư Tiến Sĩ CHÂU LONG

LỜI TỰA

Đức Chí Tôn đã mặc khải cho Đức Minh Chiêu (Chiêu Minh Linh giác) hai chữ CAO ĐÀI, rồi dùng huyền diệu hiện Thiên Nhãn và Nhựt, Nguyệt, Tinh các biểu tượng của nền Tân Tôn giáo, thì Đức Chí Tôn cũng dùng quyền năng vô đối ban cho nhóm Cao Phạm (Công Tắc) lục tự Cao Đài : ĐAÏI ĐAÏO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Đạo đã có hình tướng, việc hoằng dương chơn pháp là nhiệm vụ của Nhựt, Nguyệt, Tinh tức Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt và Thái Minh Tinh. Thượng Trung Nhựt, là ánh sáng chính ngọ, giữa trưa toả rộng khắp nhân loài, hạt ngọc của Thượng Đế. Thế nên, vai trò của Ngài Thượng Trung Nhựt thật to lớn. Cơ đạo buổi đầu nếu Đức Chí Tôn không giao trọng trách cho Ngài thì không thể nào việc phổ độ tín đồ lên trên hơn triệu chỉ trong thời gian ngắn (1926-1934).

Đức Minh Chiêu lui về vô vi (1926), Ngài Ngọc Lịch Nguyệt đi lập 72 Tịnh Thất bên Tiên Thiên (1927). Đó là cơ trời, đó là việc an bày của Tạo Hoá để lại cơ phổ độ cho Ngài Thượng Trung Nhựt và nhóm Cao Phạm.

Ngay từ ngày 5-12-Ất Sửu (28-1-1926), Đức Chí Tôn đã ban cho Ngài Thượng Trung Nhựt bài thi :
Một trời một đất một nhà riêng,
Dạy dỗ nhân sanh đặng dạ hiền,
Cầm mối Thiên cơ lo cứu chúng
Đạo người vẹn vẽ mới thành Tiên.

Như thế, Đức Chí Tôn đã ban cho Ngài ngôi nhà đạo riêng nắm cả Thiên cơ mà dạy dỗ nhân sanh theo đời Thánh Đức rồi mới đạt phẩm vị Tiên.

Theo Thiên chỉ đó, Đức Lý Thái Bạch phong cho Ngài là Quyền Giáo Tông, thay phần xác cho Đức Lý tại thế. Do đó, suốt đời hành đạo, Ngài chỉ mặc tiểu phục Giáo Tông mà thôi. Dù chư Đầu Sư yêu cầu Ngài xin Ơn Trên ban phẩm Giáo Tông thực thụ, Ngài luôn khiêm tốn từ chối.

Tư cách của Đức Quyền Giáo Tông, đời hành đạo tận tụy của Đức Quyền Giáo Tông, thật đáng được đồng đạo noi gương.
Tam Tê Anh, ngày 26-5-1974
TRẦN VĂN RẠNG

Vân Đằng đề liễn :
NGHĨA THỤC LÊ VĂN TRUNG giáo dân khai tâm mẫn tuệ
THƯỢNG TRUNG NHỰT GIÁO TÔNG hưng đạo độ thế hằng sanh.
- 1961 -

CHƯƠNG I

MỘT NGƯỜI KHẢNG KHÁI
(1875 - 1925)

1 - Thời thanh thiếu niên năng động

Ông Lê Văn Trung sanh ngày 12 tháng 9 năm Ất Hợi ( theo ông Diệp Văn Kỳ thì ông Trung tuổi Tý), nhằm ngày chủ nhật 10 tháng 10 năm 1875 trong một gia đình tiểu nông, ở làng Phước Lâm, tổng Phước Điền Trung, tỉnh Chợ Lớn. Thân phụ của ông là Lê Văn Thanh, mất khi ông mới được vài tháng. Thân mẫu là Văn Thị Xuân, một người đàn bà nhân hậu.
Thuở thiếu thời, ông nổi tiếng là một học sinh thông minh đĩnh ngộ, học rất giỏi tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Chasseloup Laubat, ông làm thơ ký ở Dinh Thống Đốc Nam Kỳ kể từ ngày 14-7-1983. Kế đến, ông coi việc công tác và đấu thầu (la section des Travaux et Marchés) mà vẫn thiếu trước hụt sau.

Từ tháng 5-1905, ông xin nghỉ bốn tháng không ăn lương, cùng với bào huynh Lê Văn Diêu thầu cung cấp đá và gạo cho ngành đường sắt ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Công việc làm ăn phát đạt, nên ông quyết định xin nghỉ làm công chức, dù ông đã là thơ ký thật thụ hạng ba (3-1906) để ra kinh doanh độc lập. Nhiều người cho ông là kẻ thả mồi bắt bóng, ông im lặng và hành động theo ý muốn của mình, mặc tiếng thị phi. Tính cương quyết đã hiện rõ nơi ông.

2 - Nghị Viên Hội Đồng Quản Hạt

Nhờ năng động và uy tính, ông đã thành công trên thương trường. Ông muốn bước xa hơn vào đường giúp dân. Ông nói : " Cái ma lực buộc người có cao vọng về chánh trị nó mạnh lạ thường. Tranh cử lúc đó còn phải tốn tiền hơn bây giờ gấp trăm, gấp ngàn lần. Vậy mà tiền không, thế lực nỏ có, thì tranh cử cái gì, mà tôi cũng xin thôi việc quan đặng ra tranh cử ?".
Vào khoảng giữa năm 1906, ông ra tranh cử Hội Đồng Quản Hạt Quận Nhì ( gồm Gia Định - Chợ Lớn - Tây Ninh - Thủ Dầu Một - Bà Rịa - Cấp Saint Jacques), đắc cử vẻ vang.

Hội Đồng Quản Hạt thành lập từ năm 1880, dưới thời Thống đốc Le Myre de Vilers có nhiệm vụ thảo luận ngân sách địa phương. Lúc đầu, hội viên gồm có mười người Pháp, sáu người Việt. Sau tăng lên mười bốn Pháp, mười Việt. Hội viên người Việt do đại diện các hương chức Nam Kỳ bầu lên. (1)

1 NGUYỄN THẾ ANH , Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Sài gòn 1970, trang 134, 145.

Sau khi đắc cử , Hội Đồng Quản Hạt nhóm phiên họp đầu tiên, Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Ernest Outrey đưa ra Hội Đồng dự thảo về thuế "lục hạng điền", yêu cầu thảo luận và thừa nhận. Ông Trung và Diệp Văn Cương ( Hội Đồng Bến Tre ) cùng bốn người Việt, tất cả là sáu người phản kháng dự thảo luật này. Các ông đã thất bại vì số nghị viên người Việt lúc đó chỉ bằng phân nửa số nghị viên Pháp. Dù vậy, các ông dùng lợi khí của mình là sáu người đồng loạt từ chức. Dưới chế độ cai trị hà khắc của chính quyền Pháp mà các ông dám phản kháng tới cùng như thế là một hành động yêu dân yêu nước đáng để đời.

Kỳ bầu cử sau, tất cả sáu ông lại ra ứng cử thì đắc cử năm người. Trừ ông Hội Đồng Hoài bị Bùi Quang Chiêu xu phụ với E.Outrey xúi người thân là Bùi Thế Khâm phá nên thất cử.

"Trong bước đầu tiên ấy, ông Lê Văn Trung là người hướng đạo RẤT KHẲNG KHÁI. Thế lực chánh trị của ông từ đó về sau, mỗi ngày một càng lớn thêm. Đối với cử tri là các hương chức, thì ông là người đã bảo thủ quyền lợi của nông dân, điền chủ ; đối với chánh phủ (Pháp) thì ông là một trong những người mà nhà đương cuộc khó khinh thường" ( Theo thư của Trạng sư Diệp Văn Kỳ ngày 28-11-1934). Sau Hội Đồng Quản Trị Hạt (Conseil Colonial), năm 1911 ông vào Thượng Nghị Viện Đông Dương ( Membre du Conseil Supérieur de I' Indochine ). Tháng giêng năm 1912 được thưởng đệ ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh ( Chevalier de la Légion d' Honneur) rồi sau vào Hội Đồng Tư Vấn ( Conseil Privé) do Toàn quyền Cognacq chỉ định.

3 - Lập Nữ Học Đường

Năm 1911, ông Lê Văn Trung cùng một số nhà trí thức Sài gòn - Chợ Lớn đưa ra kế hoạch thành lập Nữ Học Đường.
" Giữa thời buổi mà bậc cha mẹ trong nước đều nhận rằng : cho con gái có học thức là một mối hại lớn cho gia đình, cho xã hội. Giữa buổi như thế mà đứng ra đề xướng nữ học, xin lập Trường Nữ học để dạy bên gái bằng bên trai, có phải là việc làm quá bạo chăng ?

" Lúc bấy giờ, chánh phủ ( Pháp) cũng cho việc ấy chưa hợp thời, lại trái phong tục cũ kỷ của người Việt. Tuy không ngăn cấm mà cũng chẳng chịu xuất công nho, để những người xướng xuất mở cuộc lạc quyên cất lên mấy toà nhà đồ sộ mà người ta còn thấy ở đường Le Grand de la Liraye tức Trường Aùo Tím ( Collège de jeunes filles), sau đổi tên Trường Nữ Gia Long ở đường Phan Thanh Giản. Toà nhà ấy đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhân tài trong nữ giới" ( Diệp Văn Kỳ, bản đã dẫn).

4 - Hội Minh Tân

Nhờ hoạt động doanh thương phát triển, năm 1908, ông Lê Văn Trung còn yểm trợ tài chánh cho phong trào yêu nước có tên Hội Minh Tân do hai ông Lương Khắc Ninh và Gilbert Trần Chánh Chiếu lãnh đạo.
Theo tinh thần Minh Tân, bà Nguyễn Thị Của lập một trường nữ, được ông Gilbert Chiếu đề hiệu là:
NỮ NHI HỌC ĐƯỜNG, KHUÊ ANH HIỆU
KHUÊ MÔN HÁO HỌC, ANH TUẤN NHẬT TÂN

Trường dạy đồ học, kim chỉ, cườm (2)
" Ông Lê Văn Trung được tờ Lục Tỉnh Tân Văn số 27 giới thiệu " là người Minh Tân", về sau nầy ông là vị Quyền Giáo Tông của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, một tôn giáo mới tổng hợp Đông Tây thu hút đồng bào Minh Tân, khiến thực dân lo ngại" (3)

Tóm lại, từ lúc chào đời, ông Lê Văn Trung sớm mồ côi cha. Sống côi cút nghèo nàn không nơi nương tựa, ông vào làm thơ ký bị chèn ép, cũng là người mà thơ ký người Pháp được hậu đãi, lương cao hơn thơ ký người Việt. Nỗi bất công đó khiến ông bỏ sở làm ra làm nghề tự do. Thấy dân chúng bị thuế khoá nặng nề ông ra ứng cử để sửa đổi nhưng sức người có hạn, thế lực ngoại bang còn lớn. Ông không chịu làm Hội Đồng "oui" nên từ chức Hội Đồng và sau này trả luôn Bắc Đầu Bội Tinh mà đứng về phía nhân dân, lo nâng cao dân trí mở Nữ Học Đường, đề cao Minh Tân để đổi mới đất nước. Kịp khi đạo Cao Đài với chủ trương chấn hưng (rénové) tôn giáo, ông liền theo đạo và phát triển khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ.

2 - Lục Tỉnh Tân Văn, số 27 ngày 21-5-1908
3 - SƠN NAM, Thiên Địa Hội và Cuộc Minh Tân, Sài gòn 1971, trang 148

CHƯƠNG II

NGỘ ÐẠO VÀ
ĐẮC PHONG THƯỢNG ĐẦU SƯ
(1875 -- 1925)

1 - Ông Trung ngộ đạo

Để thực hiện phương châm : " Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi hợp nhứt", Đạo Cao Đài đã tiến từng giai đoạn trong sự hình thành và bành trướng nền tân tôn giáo.
Từ 1920-1926 là thời Thiên Khai Hoàng Đạo. Trong giai đoạn này có tính cách cầu cơ thỉnh tiên học hỏi về vô hình và đạo giáo, nên các đồng tử được phong là Đạo sĩ hoặc Tiên đồng. Thời kỳ này, Đạo thu hút nhiều kẻ ưu thời mẫn thế. Đó là những người lãnh đạo Cao Đài sau này. Ông Lê Văn Trung cũng nằm trong trường hợp những người thích nghe tiên tri, lời thánh dạy mà ngộ đạo.

Vào tháng tư nhuần năm Ất Sửu (6-1925), Đàn Chợ Gạo thường đêm có thiết đàn thỉnh tiên. Đàn này thờ Quan Thánh thuộc chi Minh Lý thuộc Ngũ chi Đại Đạo do các ông Nguyễn Hữu Lời, Nguyễn Hữu Đắc quen thân với ông Trung thiết lập. Thế nên, ông Đắc mời ông Lê Văn Trung vào đàn, ông Đắc thắp nhanh van vái, bỗng nhiên một hào quang từ bàn thờ Đức Quan Thánh bay lên. Đồng tử Diệp cũng mê man. Ông Đắc đem giấy bút cho đồng tử chấp bút viết những chữ mà không ai hiểu. Có người đọc được giản tự mới biết đó là Đức Lý Thái Bạch giáng đàn, khuyên ông Trung nên đi tu.

Việc chi cũng có sự an bày của Ơn Trên. Kể từ năm 1920, công việc lãnh thầu của ông Trung ngày càng lụng bại, đến năm 1924 coi như phá sản. Ngày 6-10-1925 ông từ chức khỏi Nghị Viện Đông Dương. Dần dần, ông san vào chỗ nghiện ngập, hai mắt của ông như bị loà, đi đứng khó khăn. Nghịch cảnh đó nhắc nhở đánh thức ông lìa khỏi hồng trần mê muội để quay về bến giác.

Thế nên, từ dạo đó, ở Chợ Gạo thiết lễ đàn là có mặt ông tham dự. Gác bỏ dần chuyện kinh doanh, hút sách, ông dốc lòng đi tu. Khi Đức Chí Tôn thâu ông làm đệ tử thì đàn Chợ Gạo bế luôn. Điều ấy thật huyền nhiệm.

Đến mồng 5 tháng 12 năm Ất Sửu (18-1-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ dạy hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc đem cơ đến nhà ông Lê Văn Trung ( ở Quai Testard) độ ông ấy.

Đức Phạm Hộ Pháp kể lại rằng :
" Buổi nọ, ông Lê Văn Trung làm Thượng Nghị Viên lớn lắm. Ông là người hết sức đời. Tôi và Đức Cao Thượng Phẩm không hạp chút nào. Tôi kỵ hơn hết, ý định không làm điều đó đặng.
" Khi chúng tôi ôm cái cơ đến nhà Ngài đặng Đức Chí Tôn độ. Mục đích của chúng tôi là Đức Chí Tôn bảo đâu làm đó vậy thôi. Khi vô tới nhà thú thật với Ngài rằng chúng tôi được lịnh Đức Chí Tôn đến nhà Anh phò loan cho Đức Chí Tôn dạy đạo. Ông biết Đấng đó hơn chúng tôi ( là nhờ Đàn Chợ Gạo đã viết ở trên ) Lo sắp đặt bàn ghế sửa soạn buổi phò loan rồi ông nhập môn.

" Trong nhà có một người con nuôi tên là Thanh còn nhỏ tuổi. Hai cha con kiếm được cái cơ, vái cầu cơ. Khi phò loan thằng nhỏ ngủ, ông thì thức. Cơ chạy hoài. Ông hỏi thì Đức Chí Tôn trả lời, chỉ có hai người biết với nhau thôi. Từ đó ông mới tin Đức Chí Tôn" (PHAÏM HỘ PHÁP, Bài thuyết đạo đêm 13-10-năm Giáp Ngọ (1954))

Trong đàn cơ này, Đức Chí Tôn phán truyền : " Trung nhứt tâm nghe con ! Sống cũng nơi Thầy, thác cũng nơi Thầy, thành cũng nơi Thầy mà đoạ cũng nơi Thầy. Con lấy sự sáng mắt của con mà suy lấy".

Từ đó cho đến lúc qua đời, ông Lê Văn Trung được sáng mắt trở lại. Đứa con nuôi tên Thanh khỏi dẫn dắt nữa. Sau đó, ông Ca Bảo Đạo cũng được Đức Chí Tôn cho sáng mắt.

Đến ngày 21-1-1926, Đức Chí Tôn dạy ông Trung, Cư, Tắc như vầy:
Mặt Nhựt hồi mô thấy xẻ hai
Có thương mới biết Đấng Cao Đài
Cũng con cũng cái đồng môn đệ
Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai ?

Đức Chí Tôn dạy vô vi với phổ độ như dương với âm vốn là một mà phân chi do đâu ? Thế nên, đêm 23-1-1926, Đức Chí Tôn phán truyền:

Chín Trời mười Phật cũng là Ta
Truyền đạo chia ra nhánh nhóc mà.
Hiệp một chủ quyền ta nắm giữ
Thánh Tiên Phật đạo vốn như nhà.

Đêm 27-1-1926, ông Trung phân vân về việc tu luyện tâm pháp, nên hỏi Cô Thất Nương rằng :
- Có duyên luyện đạo cùng chăng ? Xin em mách giùm .
Thất Nương đáp :
- Đã gặp đạo tức có duyên phần. Rán tu luyện, siêng thì thành, biếng thì đoạ. Liệu lấy mà răn mình. Phải sớm tính. Một ngày qua, một ngày chết. Đừng do dự.

Do đó, Đức Lý Thái Bạch khuyến khích ông Trung luyện tâm pháp:
Có công phải biết gắng nên công (PHU)
Tu tánh đã xong tới luyện lòng (TÂM)
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục,
Đơn tâm khó (THIỀN) định lấy chi mong ?
Hôm đó đủ mặt các cao đồ Chiêu, Trung, Kỳ, Cư, Tắc, Sang, Đức, Hậu, nên Đức Chí Tôn cũng giáng đàn dạy :
Đã để vào toà một sắc hoa
Từ đây đàn nội tỉ như nhà.
Trung thành một dạ thờ Cao sắc
Sống có Ta, thác cũng có Ta.
***
Đài sen vui nhành trổ thêm hoa
Một đạo như con ở một nhà
Hiếu nghĩa tương lai sau tựu hội
Chữ trung Từ Phụ vốn là Ta.

Ngày 28-1-1926, Đấng Chí Tôn lại dạy riêng cho ông Trung:

Một ngày thỏn mỏn một ngày qua
Tiên Phật nơi mình chẳng ở xa
Luyện đặng tinh thông muôn tuổi thọ
Cửa thiên xuất nhập cũng như nhà.
***
Cương toả đương thời đã giải vây
Đừng mơ oan nghiệt một đời này,
Hữu duyên độ thấu nguồn chơn đạo
Tu niệm khuyên bền chớ lá lay.

" Trung, con thờ Thầy trên hết là phải. Con đem tượng Quan Vân Trường qua bên trái Thầy, Quan Âm bên mặt, còn Lý Thái Bạch thì dưới Thầy. Đại Từ Phụ hiểu và thương con là bực nào ?
Một trời một đất nhà riêng,
Dạy dỗ nhân sanh đặng dạ hiền
Cầm mối Thiên cơ lo cứu chúng
Đạo Người vẹn vẻ mới thành tiên"

Ta thấy Đức Chí Tôn chú ý dạy ông Lê Văn Trung nhiều nhất vì trọng trách hoằng dương Đại Đạo sau này do nơi tâm chí của ông. Đức Cao Đài dạy ông Lê Văn Trung ba điều chính :
1. Đạo vốn chỉ có MỘT : " Cũng con cũng cái đồng môn đệ".
2. Dạy Tâm pháp thiền định :" Tiên Phật NƠI MÌNH chẳng ở xa". Đây là quan niệm hết sức tiến bộ. Tiên Phật trong tâm ta, không nên tìm ở ngoài.
3. Sống chết có Thầy : " Sống có Ta, mà thác cũng có Ta". Đừng lo sợ điều gì, mà cứ thành tâm lo phổ độ chúng sanh, coi nhân loại là con chung của Thượng Đế.
Thế nên, ngày 21-8-Bính Dần (27-9-1926), Đức Cao Đài dạy : Đạo Cao Đài sẽ là quốc đạo. Bởi lẽ, Tam giáo là quốc đạo (đời Lý, Trần) , mà Đạo Cao Đài qui Tam giáo, vậy Đạo Cao Đài là quốc đạo rất phù hợp luận lý học (logique). Như vậy, Đạo Cao Đài đã thừa kế vốn sống chung của các tôn giáo cổ xưa, từ đó phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc tiến lên tầm cao mới : " Nam phong thử nhựt biến nhơn phong". Con người mở rộng lòng bác ái, tình thương yêu với mọi người. Bởi lẽ, giáo lý Đạo Cao Đài là Đại Đồng nên không thiên duy tâm mà cũng không thiên duy vật vì Tâm và Vật thực tiễn không thể tách rời nhau mà chỉ là hai phương diện cùng một bản thể, tương trợ lẫn nhau : tâm vật hình hành, theo con đường Trung Dung Khổng Thánh đã chỉ rành! .

Làm người, ai cũng phải ngụp lặn trong biển trần để tìm sống (nhập thế) và đến lúc nào đó, con người cảm thấy cần giải thoát vì con người sinh ra không phải để lao vào chiếm lĩnh thế giới mà để tìm cách tháo gỡ, thoát ly khỏi bản thân (xuất thế) đầy dục vọng và ham muốn của chính mình.
2. - Thọ Thiên Ân Đầu Sư Thượng Trung Nhựt

Vào 30 Tết ( thứ sáu 12-02-1926), theo lịnh Đức Chí Tôn các môn đệ đầu tiên đi thăm và chúc Tết gia đình các đạo hữu. Đêm đó, ông Ngô Minh Chiêu pháp đàn. Phò loan là hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc. Mỗi ông đều được Đức Chí Tôn cho một bài tứ tuyệt mà bài của ông Lê Văn Trung là một lời tiên tri về cơ phổ độ sẽ phát triển :
Đã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Đạo cao phó có tay cao độ
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.
Sau đó, các ông vội trở về nhà ông Lê Văn Trung để lập đàn giao thừa. Đức Chí Tôn phân nhiệm các môn đệ như sau :
"Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt Chiêu mà đi độ người, nghe và tuân theo…
"Đắc, con phải hiệp vào đặng giúp đỡ Trung. Nghe và tuân theo .
"Đức, Hậu tập cơ. Sau theo mấy anh con độ người. Nghe và tuân theo"

Vào mồng 9 tháng giêng năm Bính Dần ( Chủ nhật 21-2-1926), các ông thiết lễ vía Đức Chí Tôn lần đầu tiên tại nhà ông Vương Quan Kỳ. Đức Cao Đài giáng dạy:
Bửu toà thơ thới trổ thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà
Chung hiệp rán vun nền đạo đức
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

Ông Chiêu xin Đức Chí Tôn điểm danh các vị cao đồ. Cơ liền gõ:
Chiêu, Kỳ, Trung độ dẫn Hoài sanh
Bản khai sang Sang, Qúi, Giảng thành
Hậu, Đức, Tắc, Cư thiên địa cảnh
Qườn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.

Mười hai tên nhưng 13 đệ tử, hai ông Võ Văn Sang và Cao Hoài Sang ( Tiểu sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu (in lần thứ năm), Sài gòn 1962) điểm chung một tên. Còn Qườn, Minh, Mân là ba người khách của ông Vương Quan Kỳ.

Đàn Phố Hàng Dừa ( chợ Thái Bình) lập tại nhà ông Cao Quỳnh Cư không đủ cung ứng cho cơ đạo ngày càng phát triển nên mở thêm các đàn khác ở nhiều nơi như Đàn Cầu Kho, Đàn Lộc Giang tại chùa Phước Long (Chợ Lớn), Đàn Tân Định tại nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ, Đàn Thủ Đức, Đàn Tân Kiêm ( Cần Giuộc). Theo chính quyền Pháp, ở Nam Kỳ đã xuất hiện hai mươi mốt địa điểm là nơi lập đàn của Đạo Cao Đài ( Gouvernement Général de I' Indochine, Contribution à I' Histoire des Mouverment Politique de I' Indochine Francaise, VII- Le Caodaisme - Hà nội 1934, trang 81 ).

Việc lập đàn cơ phổ độ lúc đầu đem lại nhiều kết quả tốt. Nhiều người có địa vị và giàu sang theo Đạo như Đốc phủ Lê Bá Trang, Tri phủ Nguyễn Ngọc Tường, Lê Văn Hoá, ông bà huyện Nguyễn Ngọc Thơ, Lâm Thị Thanh. Các bậc chân tu như Lê Văn Lịch, Trần Đạo Quang, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Kinh, Hoà Thượng Như Nhãn, Yết Ma Luật, Nhung v.v…

Người nhập môn ngày càng đông, các ông Trung, Kỳ, Bản lập đàn giảng đạo, ông Cao Quỳnh Diêu lo việc lễ nhạc, bà Mỹ Ngọc lập đồng nhi, bà Nguyễn Thị Hiếu may áo mão kịp kỳ Thiên phong.

Để chuẩn bị Thiên phong tại nhà ông Lê Văn Trung, Đức Cao Đài dạy ông Trung sắp đặt bốn cái ghế để tạm thay một ngai rồng ( Giáo Tông) và ba ngai lân ( 3 Đầu Sư).

Bàn thờ Ngũ Lôi đặt phía trước Thiên Bàn, có bài vị : " Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hoá Thiên Tôn" và lá bùa Kim Quang Tiên. Đối diện với Thiên Bàn lập bàn Vi Hộ Pháp ( Vi Đà Hộ Pháp, một trong Tứ Thiên Vương, viết bằng chữ V bấm môi ( Xem "Chân Dung Hộ Pháp Phạm Công Tắc" cùng soạn giả ) . Hai bàn thờ này cho đạo hữu ( Đạo hữu là bạn đạo. Chức sắc và tín đồ mới là cấp bực người theo đạo ) lập thệ khi được phong chức sắc hay khi mới nhập môn.

Đêm 13-3-Bính Dần (24-4-1926), Đức Chí Tôn dạy vì sao phải lập các phẩm chức sắc như vầy :
" Thầy nhứt định chính mình Thầy đến mà độ rỗi các con, chẳng chịu giao Thánh giáo cho tay phàm. Nhưng mà buộc phải lập Thánh thể có lớn nhỏ đặng dễ bề cho các con dìu dắt lẫn nhau. Anh trước em sau mà đến nơi Bồng Đảo"
Tuy vậy, Đức Chí Tôn nhấn mạnh : " Chẳng một ai dưới thế này còn đặng phép nói rằng thế quyền của Thầy mà trị phần hồn cho nhân loại".

Ngày 14-3 (25-4), Đức Chí Tôn dạy cách hành lễ Thiên phong, về sau coi đó mà noi theo.
Trước bàn Ngũ Lôi, hai tay chấp trên trán, cúi xuống lá bùa Kim Quang Tiên và thề :
" Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt, thề Hoàng Thiên Hậu Thổ trước bửu pháp Ngũ Lôi rằng làm tròn Thiên Đạo và dìu dắt mấy em chúng tôi đều là môn đề của Đức Cao Đài Ngọc Đế. Nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định, chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tà đạo. Như ngày sau hữu tội thì thề Ngũ Lôi tru diệt".
Rồi đến bàn thờ Vi Hộ Pháp thề rằng : " Như ngày sau phạm Thiên Điều thề có Hộ Pháp hành pháp, đoạ tam đồ bất năng thoát tục".

Đến thời Tý, ngày 15-3-Bính Dần (26-4-1926), Đức Chí Tôn ân phong:
- Đầu Sư Thượng Trung Nhựt ( Lê Văn Trung )
- Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt ( Lê Văn Lịch )
- Thượng Sanh Cao Hoài Sang
- Thượng Phẩm, Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ Cao Quỳnh Cư
- Hộ Pháp, Hộ giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ Phạm Công Tắc
- Tiên Hạc phò cơ Đạo Sĩ : Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu.
- Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Đạo Giáo Sư : Vương Quan Kỳ.
- Tiên Đạo Công Thần Thuyết Đạo Sư : Đoàn Văn Bản.
Từ xây bàn đến đây chưa tròn một năm mà cơ chế Hội Thánh đã manh nha hình thành hai đài : Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài. Đó là niềm vui lớn cho giáo dân, nhưng là nỗi lo cho chính quyền bảo hộ. Vì thế, Ngài Lê Văn Trung phải sắp xếp mọi thủ tục để khai tịch đạo để tránh mọi khó khăn sau này.

3 - Khai tịch Đạo với chính quyền Pháp

Tập trung nhiều người mà không có giấp phép hội họp là nỗi lo lớn của Ngài Lê Văn Trung. Các đàn cơ đâu thể nào tránh khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp. Ông phủ Chiêu, Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang biết luật pháp chính quyền đô hộ hơn ai hết. Dù được điểm đạo là môn đệ của Đức Cao Đài, các ông vẫn lánh xa các cuộc tụ tập đông đảo. Trong tập Le Caodaisme, Thanh tra Lalaurette đã nhắc đến các văn kiện lập qui thời đó về tín ngưỡng dân gian. Điều 144 Hình luật, Quyển 6, Đoạn 6 bắt nạn nhân phải chịu xử giảo. Nghị định ngày 22-4-1873 cho phép truy nã những tín dồ. Đô đốc La Font cho mật thám trà trộn theo dõi các nơi đáng nghi ngờ ( LALAURETTE et VILMONT, Le Caodaisme, Sài gòn 1933, trang 91).
Thế nên, Pháp cho thông dịch viên Nguyễn Văn Tường, cảnh sát Trần Văn Tạ, quản Báo …. Trà trộn để theo dõi Đạo nhưng rốt cuộc các người này lại theo Đạo và thọ Thiên ân.

Dự kiến trước những khó khăn sắp xảy đến, Ngài Lê Văn Trung lo lắng nên ngày 16-8-Bính Dần (22-9-1926), Đức Chí Tôn dạy :

" Các con xin chánh phủ Lang sa đặng khai (tịch) đạo, thì cực chẳng đã Thầy ép lòng mà chịu vậy cho tùng nơi thiên cơ"
( HƯƠNG HIẾU, Đạo Sử, Tây Ninh 1969, trang 240-241)
Khi tái cầu, Đức Chí Tôn dạy hai vị Đầu Sư Thương Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt phải nhóm họp các môn đệ mà lo khai đạo( HƯƠNG HIẾU, sách đã dẫn, trang 240-241) .

Gần tuần sau, ngày 28-9-1926, Đức Chí Tôn giáng dạy :
" Thầy các con,
" Trung, con biết Thầy thương yêu nhân loại là dường nào chưa? Những điều ngăn trở đều do nơi tiền khiên của chúng sanh. Đã vào trọn một thân mình nơi ô trọc thì Thầy đây cũng khó mà rửa với một gáo nước cho đặng trong sạch. Nhân loại đã thâm nhiễm vào tình luyến ái tà mị trên mười ngàn năm, thì thế nào gọi Thánh Đức trong một lúc chẳng tới một năm cho tròn lành đặng.
" Rất đổi Thầy là một bậc Chí Tôn đây mà còn bị chúng nó mưu lén cho qua Thánh ý Thầy thay ; một đàng trì một đàng kéo, thảm thay cho các con chịu ở giữa.

" Thầy dạy các con một điều là biết tranh đấu cùng Thầy, hễ nó tấn thì mình chống, cân sức cho bằng hay trội hơn mới đắc thắng. Các con chịu nổi thì đạo thành, các con ngã thì đạo suy, liệu lấy.

" Cầm cả quyền hành vô lượng nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu diệt nó đặng, nhưng mà phép công bình thiêng liêng chẳng phải nên vậy. Ấy cũng là cơ mầu nhiệm cho các con có thể lập công quả.

"Trung, Lịch, hai con phải hội Chư Thánh mà xin khai đạo. Phải làm đơn dân cho Thầy xét sửa trước nghe !"

( Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, trang 29 -30)
Ngày hôm sau, ngày 23-8-Bính Dần (29-9-1926), các môn đệ họp tại nhà ông Nguyễn Văn Tường ở đường Gallíeni (nay là Trần Hưng Đạo) để lập danh sách 240 đạo hữu đứng tên để xin khai tịch đạo. Trời mưa tầm tả, dông gió kéo dài trong ba tiếng đồng hồ, làm ngập đường lộ nên giao thông bị bế tắc. Đó là ơn Trên ám trợ để cuộc họp không bị mật thám Pháp phá vỡ.

Hai vị Đầu Sư triệu tập cuộc họp dự thảo đơn khai tịch đạo. Các đạo hữu đồng ý về nội dung. Sau đó, Ngài Lê Văn Trung tu chỉnh lại. Mãi đến ngày 1 tháng 9 năm Bính Dần (7-10-1926), thêm 27 vị nữa, đồng ký tên trong tờ khai đạo gởi lên Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol.

Xem thế, công đầu khai minh Đại Đạo với chính quyền với toàn dân là của Ngài Thượng Trung Nhựt. Nếu Đức Chí Tôn không giao cho Ngài mà giao cho những người sợ Pháp thì chắc chắn cơ đạo sẽ trì trệ, giáo dân sẽ gánh chịu nhiều tai nạn khó lường. Bởi vì " ngoài ông Trung ra, lúc bấy giờ chắc không ai dám đương đầu để đệ đơn lên chánh phủ Pháp hết" ( ĐỒNG TÂN, Lịch sử Đạo Cao Đài, Tập II, Sài gòn 1972, trang 144)

TỜ KHAI TỊCH ÐẠO

( Xem nguyên văn tiếng Pháp trong "PHỤ - CHÚ I") Sài gòn, ngày 7 tháng 10 năm 1926
Thưa ông Thống Đốc,
Những người ký tên dưới đây hân hạnh trình báo cho ông biết những điều sau :

Ở Đông Dương, từ xưa đến nay đã có Tam giáo (Phật, Lão, Khổng). Tổ tiên chúng tôi đã tu theo giáo lý Tam giáo và sống hạnh phúc nhờ nghiêm nhặt noi theo những lời dạy làm lành của giáo chủ Tam giáo.

Ngày xưa, con người sống vô tư đến mức có thể ngủ không cần đóng cửa và chẳng tham lượm của rơi ngoài đường, ( Gia vô bế hộ, lộï bất thập đi là câu nói đã được ghi trong sử sách của chúng tôi).

Than ôi ! Thời đại tốt đẹp đó không còn nữa bởi những lý do dưới nay:
1 . Tín đồ của các tôn giáo tìm cách chia rẽ nhau, trong khi vạn giáo điều có chung một mục đích là làm lành lánh dữ, thờ kính Đấng Tạo Hoá.
2 . Họ lại canh cải chánh truyền làm sai lạc các giáo lý thiêng liêng qúi báu.
3 . Sự ganh đua theo bả vinh hoa, phú qúi, lòng tham vọng của loài người, tất cả là những nguyên nhân chính của những bất đồng tư tưởng hiện nay. Người Việt Nam bây giờ đã từ bỏ hết mỹ tục và truyền thống ngày xưa.

Thấy tình cảnh đau lòng đó, một nhóm người Việt Nam bao gồm những người có nhiệt tình với truyền thống và mộ tu hành đã nghiên cứu canh tân tất cả các tôn giáo này lại làm một thành đạo Cao Đài hay là Đại Đạo.

Tiêu ngữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nghĩa là Kỳ Ba Đại Ân Xá, tên này do Đức Chí Tôn ban cho và Ngài đã giáng trần phò hộ cho những người ký tên dưới đây thành lập nền Tân tôn giáo này.

Đức Chí Tôn ngự đến với danh xưng Ngọc Hoàng Thượng Đế tức CAO ĐÀI hay " Đấng Tối Cao, THƯỢNG ĐẾ TOÀN NĂNG".

Qua cặp đồng tử phò loan, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền cho những người ký tên dưới đây các Thánh giáo cốt để truyền bá tôn chỉ Tam giáo thời xưa.

Nền giáo lý mới sẽ dạy cho nhân sanh những điều sau:
1 . Luân lý cao thượng của Đức Khổng Phu Tử.
2 . Đạo đức của Phật giáo và Lão giáo là làm lành lánh dữ, thương yêu nhân loại, sống hoà thuận, xa lánh mọi sự chia rẽ và chiến tranh.
Chúng tôi hân hạnh gởi kèm theo cho ông xét :

1 . Một vài đoạn trích lục trong tập " Thánh Ngôn" của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, những lời dạy qúi báu hơn tất cả mọi điều hiện hữu trên thế gian này.
2 . Một vài đoạn trong quyển Kinh cầu nguyện mà Đức Thượng Đế đã dạy chúng tôi.
Những người ký tên dưới đây theo đuổi mục đích đưa loài người trở lại thời xa xưa hoà bình và hoà hợp. Nhờ đó, con người sẽ hướng tới một thời đại mới hạnh phúc khôn cùng.

Nhân danh đa số những người Việt Nam đã tán đồng hoàn toàn sự những nghiên cứu này, có kèm danh sách đính kèm, những người có tên dưới đây hân hạnh tuyên bố cho ông hay rằng chúng tôi sẽ phổ truyền cho toàn thể loài người giáo lý thiêng liêng này.

Tin tưởng trước rằng nền Tân tôn giáo này sẽ mang tới cho mọi chúng ta hoà bình và hoà hiệp, những người ký tên dưới đây yêu cầu ông hãy chánh thức tiếp nhận tuyên ngôn (lập đạo) của chúng tôi.

Thưa ông Thống Đốc, xin ông ghi nhận những cảm tình trân trọng và chân thành của chúng tôi.
DANH SÁCH 28 MÔN ĐỆ KÝ TÊN
TỜ KHAI TỊCH ÐẠO
1. Bà Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ Vũng Liêm
3. Ông Lê Văn Lịch, Thầy tu làng Long An, Chợ Lớn
4. Ông Trần Đạo Quang, Thầy tu làng Hạnh Thông Tây , Gia Định
5. Ông Nguyễn Ngọc Tương, Tri phủ, chủ quận Cần Giuộc.
6. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nghiệp chủ, Sài Gòn.
7. Ông Lê Bá Trang, đốc phủ sứ, Chợ Lớn.
8. Ông Vương Quan Kỳ, tri phủ Sở thuế tân, Sài Gòn
9. Ông Nguyễn Văn Kinh, thầy tu Bình Lý thôn, Gia Định
10. Ngô Tường Vân, thông phán Sở Tạo Tác, Sài Gòn.
11. Ông Nguyễn Văn Đạt ,nghiệp chủ, Sài Gòn
12. Ông Ngô Văn Kim, điền chủ, Cần Giuộc
13. Ông Đoàn Văn Bản , đốc học Cầu Kho, Sài Gòn
14. Ông Lê Văn Giảng, thơ ký kế toán, Sài Gòn
15. Ông Huỳnh Văn Giỏi, thông phán Sở Tân Đáo, Sài Gòn
16. Ông Nguyễn Văn Tường, thông ngôn Sở Tuần Cảnh, Sài Gòn
17. Ông Cao Quỳnh Cư, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn
18. Ông Phạm Công Tắc, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn
19. Ông Cao Hoài Sang, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn
20. Ông Nguyễn Trung Hậu, đốc học tư thục Đa Kao
21. Ông Trương Hữu Đức, thơ ký Sở Hoả Xa, Sài Gòn
22. Ông Huỳnh Trung Tuất, nghiệp chủ, Sài Gòn.
23. Ông Nguyễn Văn Chức, cai tổng, Chợ Lớn
24. Ông Lại Văn Hành, hương cả, Chợ Lớn
25. Ông Nguyễn Văn Trò, giáo viên, Sài Gòn.
26. Ông Nguyễn Văn Hương, giáo viên , Đa Kao.
27. Ông Võ Văn Kinh, giáo tập, Cần Giuộc.
28. Ông Phạm Văn Tỷ, giáo tập, Cần Giuộc.

Trong danh sách có 28 vị đứng tên trong Tờ Khai Tịch Đạo, hơn nữa là công chức Pháp nên họ hiểu luật lệ hơn ai hết. Thế mà, ngoài bản tuyên ngôn chỉ kèm theo một bản sao lục Thánh ngôn và một bản dịch Kinh. Điều ấy chứng tỏ rằng Thượng Đế mở đạo giáo dân thì không cần đặt vấn đề xin phép. Trong tờ khai cũng không có từ ngữ nào chứng tỏ các vị xin phép mà chỉ là Tờ Tuyên Ngôn khai đạo Cao Đài.

Thật vậy, Thống Đốc Le Fol không hề ký giấy phép nào cho Đạo Cao Đài hoạt động. " Ngày 7-10-1926 Thống Đốc Nam Kỳ đã nhận được tuyên ngôn chính thức về việc thành lập Đạo Cao Đài. Ông đã khôn khéo tiếp nhận văn kiện, tuy nhiên không cam kết công nhận chính thức mối đạo". Ông G. Meillon gọi đó là Bản Tuyên Ngôn chánh thức về sự thành lập Đạo Cao Đài (La déclaration officielle de la fondation du Caodaisme) ( GUSTAVE MEILLON, Le Caodaisme, in trong Les Messages Spirites 1962).

Trong Le Caodaisme au Cambodge, Pierre Bernardini đã gọi tên đích xác văn bản đó là : " Déclaration officielle adresse par les fondateurs au Caodaisme à M. Le Fol, Gouverneur de la Cochinchine" ( PIERRE BERNARDINI, Le Caodaisme au Cambodge, Université de Paris VII, 1974, trang 282).

Thống Đốc Le Fol tuy không đàn áp Đạo Cao Đài, nhưng ra lịnh bằng mật điện số 146C ngày 14-11-1926, lưu ý các chủ tỉnh về hoạt động đạo giáo của nhóm ông Lê Văn Trung và ra lệnh cho các chủ tỉnh phải bí mật theo dõi việc truyền đạo và báo cáo cho ông bằng "mật điện" (LALAURETTE, sách đã dẫn, trang 15).

Khi Thống Đốc Blanchard de la Brosse kế nhiệm Le Fol bằng Thông tư số 52C ngày 7-3-1927 ra lịnh cho các chủ tỉnh phải chấp hành mật điện 146 của Le Fol (LALAURETTE, sách đã dẫn, trang 19).

Toàn quyền Decoux cho rằng năm 1939 Bộ Trưởng thuộc địa Pháp Georges Mandel mới công nhận sự hiện hữu của Đạo Cao Đài tại Việt Nam với danh nghĩa tôn kính sự tự do tín ngưỡng (A. DECOUX, À la barre de I' Indochine, Paris, trang 235). Đó là sự hiểu lầm hoàn toàn vì trong Journal Officielle de I' Indochine francaise vào năm 1939 không thấy có nghị định này trong Thư viện ở Việt Nam (chính tôi tìm) cũng như ở Pháp (do G. Meillon tìm giùm). Chỉ có một điện tín của G. Mandel, Tổng Trưởng thuộc địa gởi cho luật sư Trịnh Đình Thảo, người đã bênh vực cho Đạo Cao Đài như sau :
" Tôi đã ra lịnh để cho Đạo Cao Đài được tự do khánh thành Thánh Thất Trãng Bàng ( vào năm 1939). Nếu có xảy ra việc gì, xin ông (Trịnh Đình Thảo) lập tức báo cho tôi hay" (NGUYỄN KỲ NAM , Hồi ký, Tập II, năm Giáp Thìn, trang 102).

Trên đây là những bằng chứng cụ thể giấy trắng mực đen rõ ràng, không một ai có thể phủ nhận mà cưỡng chế mù quáng cho rằng Pháp đã ký giấy phép cho Đạo Cao Đài hoạt động hay Đạo Cao Đài do Pháp lập ra, đều võ đoán và phi lý.

Thế thì, Ngày 23-8 là ngày khai sinh đạo với toàn thể chúng sanh, với quốc dân đồng bào. Nó có một ý nghĩa hết sức to lớn thì công của người cưu mang đẻ ra nó cũng vĩ đại chừng ấy. Chính vì vậy, dù đã lập Toà Thánh ở Tây Ninh. Ngài Thượng Trung Nhựt hằng năm vẫn về nhà ông Nguyễn Văn Tường hay Thánh Thất Cầu Kho để làm lễ kỷ niệm. Trong ngày 23-8 năm Mậu Thìn (1928), Ngài nói: " Tôi rất hân hạnh vì ngày nay được thay mặt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đặng thổ lộ ít lời, nhắc tích ngày kỷ niệm hôm nay…

Khi cầu cơ, Đấng Chí Tôn giáng kêu tôi dạy phải cho môn đệ của Thầy tới tối 23 tháng 8 tựu tại nhà đạo hữu Tường đây.

Tôi không biết rõ Thánh ý, điều tôi vâng mạng cho chư đạo hữu hay lời Thánh truyền tối 23-8- Bính Dần tựu tại đây rồi cầu Đấng Chí Tôn giáng dạy tôi phải biên tên hết các nam nữ lưỡng phái đặng đứng tờ khai đạo vơi chính phủ. Khi ấy có mặt tại đàn hết thảy là 240 vị đạo hữu. Tôi có nạp tên mấy vị ấy tại chính phủ, khi tôi dâng tờ khai đạo là ngày 6-10-1926. tôi bạch với Đấng Chí Tôn rằng tôi không có giờ đủ mà đệ tờ khai đạo cho ông Thái Lão Trần Đạo Quang ký tên. Đấng Chí Tôn giáng dạy tôi cứ việc đem tên Trần Đạo Quang vô Tờ Khai Đạo. Đấng Chí Tôn có phán rằng : " Con cứ đem tên nó vô Tờ Khai Đạo, Đạo Quang nó không chối cãi đâu mà con phòng ngại".

Từ ngày ấy, anh Trần Đạo Quang hết lòng sốt sắng vì đạo nên Đấng Chí Tôn phong cho chức Chưởng Pháp trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ấy là sự tích ngày kỷ niệm hôm nay. Nhìn mặt nhau đây, chúng ta thấy chúng ta phản lão hoàn đồng. Chúng ta trẻ lại hai tuổi vì chúng ta trở lại công việc hai năm về trước.

Đó là ngày vui, ngày qúi báu của chúng ta. Biết vui biết quí báu chừng nào thì phải nhớ về cái ân huệ của Đấng Chí Tôn ban thưởng cho chúng ta chừng ấy. Muốn đền ơn qúi trọng ấy, phải làm sao ? Phải hết lòng vì đạo, vì tín ngưỡng Đấng Chí Tôn và chư Phật, chư Tiên, vì đức háo sanh, vì cuộc tuần hoàn mà gieo mối Đạo Trời Tam Kỳ Phổ Độ ngõ hầu độ rỗi sanh linh khỏi trả vay nơi trầm luân khổ ải này…

Đấng Chí Tôn vì quá thương nhân lại nên cho chúng ta được hưởng cái công khai đạo, cái công vẹn ngút mây xanh, làm chổ sáng sủa bạch minh cho bước đường sau này, cũng theo dấu ấy mà tầm đến nơi yên tĩnh, làm cho khắp cả nhân sanh đều được hưởng…

Theo Thánh ý, Đấng Chí Tôn muốn cho chúng ta kết chặt nhân sanh nơi cõi Nam này đặng cùng nhau chung hiệp, tìm con đường hoà bình, lần ra khỏi khốn khổ lao lung ở cõi trần này..

Ngày nào Đạo chưa hoà, chưa đồng nhứt tâm thì đèn thiêng liêng chưa đủ tỏ mà soi mấy chục triệu dân sanh nơi đây… Ngày nay chúng ta thành tâm làm lễ kỷ niệm nầy, tôi tưởng cũng nên thành tâm mà chọn một người bàn hội cho đủ đạo đức. Bàn hội ấy đi dạy dỗ khuyên lơn đạo hữu từ lớn tới nhỏ phải trau dồi hạnh đức. Bàn hội ( tức Bàn Trị Sự) ấy lo cho đạo hữu Thánh Thất Cầu Kho đây. Mỗi tuần phải ra công xem xét bất bình trong Họ (Đạo), phải lo phương cứu chữa cho được yên tĩnh. Mỗi tuần phải có tờ phúc cho ông Đầu Họ.

Tôi sẽ truyền cho mỗi Họ đều sắp đặt như vậy. Aáy là phương châm chế ngự cho trong Đạo hoà bình. (Ban Đạo Sử : Tài liệu lưu trữ)

4 . Nghi tiết đàn lễ và Kinh Tứ Thời

Bất cứ một tôn giáo nào cũng phải có nghi lễ để tế tự các Thần linh. Từ lúc mở đạo, Đức Chí Tôn đã dạy hai vị Đầu Sư phải sao lục trong Kinh Tam Thánh Đại Động, phối hợp với Kinh bên Minh Lý mà lập ra Kinh Tứ Thời. Nhạc lễ theo nhạc cổ truyền Việt Nam vì Cao Đài là Quốc Đạo nên phải chọn quốc hồn. Còn dâng lễ phẩm thì lễ sĩ đichữ tâm, ám chỉ nền Tâm Pháp ra đời.
Đàn đêm 28-5 -Bính Dần (27-6-1926) Đức Chí Tôn dạy rõ :

" Nhơn, con phải khởi sự kể từ ngày nay cho tới bữa Ngọc đàn Vĩnh Nguyên Tự, lập nhạc đủ lại hết. Nhập lễ thì đừng đánh trống Bát nhã mà đánh Ngọc Hoàng sấm, nghĩa là mỗi hồi 12 tiếng đổ xuống đủ 12 hồi, ba lần như vậy.
Bạch Ngọc Chung cũng giọng cách ấy. Khi nhập lễ xướng "Khởi nhạc" thì phải đánh trống và đờn bảy bài cho đủ. Chừng hiến lễ phải đờn Nam Xuân ba bài. Vị Lễ Sanh phải hiến lễ bảy bài, đi chữ TÂM. Tới khi Thầy thì đờn Đảo Ngũ cung rồi con lại bắt đầu đờn lại, cho chư môn đệ tụng kinh.

Lịch, nghi tiết con lập có Thầy giáng đủ lễ hết. Vậy con truyền nghề cho chư môn đệ đặng chúng nó theo mà hành lễ.
Nghĩa, con phải học xướng cho thuộc làu. Biểu Đức cũng vậy.
Mấy đứa con là Nghĩa, Hậu, Đức, Tràng, Cư, Tắc, Sang đều mặc đồ trắng hầu theo thứ lớp như vầy :
Nghĩa, Đức đứng xướng ngoài, tại bàn thờ Hộ Pháp, rồi Hậu, Tràng đứng cặp kế đó. Ba con sau rốt hết : Tắc giữa, Cư mặt, Sang trái.

Còn ba bàn thờ trong thì biểu Lịch lập lại như vầy :
Giữa Thượng Đàn
Hữu Ngọc Đàn
Tả Thái Đàn

Còn Thánh vị của chư môn đệ đã quá vãng thì tuỳ theo phái nó sắp kế theo bàn thờ Thầy.
Kỳ, Kim
Kỳ bên mặt, Kim bên trái.
Còn Bản, Giỏi một cặp Lễ Sanh ( tức lễ sĩ), đầu đi giữa với một cặp nữa Tỷ, Tiếp. Tả thì Nhơn, Tường, hữu thì Giảng, Kinh.

Lập ngoài cho đủ ba bàn vong, đều để chư Lễ Sanh hầu. Chừng nào nội xướng thì để cho Lễ Sanh điện, lễ cúng vật thì để sẵn ngoài ba bàn , chừng Lễ Sanh xướng thì đem vô cho mấy vị chức sắc hiến lễ.

Trung, còn phải cậy hai vị lão thành Minh Đường hầu trong đặng tiếp lễ Thượng Đành ( nhờ Thái Lão Sư Nguyễn Văn Tương), Ngọc Đàn (nhờ Lão sư Trần Văn Thụ). Ngọc Đàn thì có Kinh và Chương, còn Thái đàn ngày ấy Thầy lựa, Cười … Minh ( tức Thiện Minh), Thầy sẽ dạy nó đến. Cười …

Ba bàn ngoài thì mỗi bàn phải có hai vị chức sắc hiến lễ. Tương và Tươi tại giữa Thượng Đàn, Mùi và Vân bên Ngọc Đàn, còn Thái Đàn ngày ấy Thầy sẽ dạy.
Bản, đứng dậy. Thầy vẽ đi chữ Tâm là sao, rồi mới dạy tiếp đặng…
Trung, con phải giữ y nghi tiết mà hành lễ"

( Thánh Ngôn Hiệp Tuyền, quyển I, trang 15,16, 17)
Cứ xem vị trí của mỗi người được xếp đặt ở trên, dù chưa Thiên phong, ta cũng đã thấy phẩm tước của họ rồi.

Nhị vị Đầu Sư theo lời dạy của Đức Chí Tôn mà lập ra NGHI TIẾT ÐẠI ĐÀN và KINH TỨ THỜI NHỰT TỤNG. Kinh soạn cho kịp ngày khai đạo chính thức, nhưng mãi đến năm 1928 quyển Tứ Thời Nhựt Kinh mới được in tại Chợ Lớn ( xem hình). Ngoài bìa Kinh đề tên nhị vị Đầu Sư.
Lời Tiểu dẫn trang hai như sau :
" Đại Đạo là hột giống rất mạnh khó mà chỉ rõ. Dầu cho ngàn kinh muôn sách cũng khó bày ra nguyên lý. Bởi vậy, Kinh Thanh Tịnh có câu rằng : " Cường Danh Viết Đạo". Nay rất may có ngươn hội tuần hoàn, Đấng Từ Bi giáng linh cơ mở hội Tam Kỳ Phổ Độ, rất nên tỏ rạng trong ngoài cõi nhơn hoàng, dìu dắt chúng sanh về nơi Cực Lạc.
Việc cần ích là Kinh Tứ Thời Nhựt Tụng trong mỗi chữ đều lời châu ngọc mà cung kỉnh Đấng Từ Bi, nên phải để chánh tự chẳng nên sai lầm nghĩa lý".

Sách có 56 trang chưa kể tờ bìa. Như Tiểu dẫn viết sách in chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

Trang 46 (dạy)---------- : Nghitiết phụng thờ.
Trang 47 -----------------: Cách lạy thường cúng tứ thời.
Trang 48 -----------------: Giải nghĩa lạy chấp tay.
Trang 50 -----------------: Kinh đưa linh cữu ( không phải bài Kinh hiện đang lưu hành).
Trang 51 ------------------: Nghi lễ Đại đàn
Trang 56 ------------------: Ngày ăn chay và ngày Thánh đản.

Về Kinh thứ tự từ trang 1 đến trang 45 như sau : Phần hương chú ( tức Kinh niệm hương), Tịnh khẩu chú, Tịnh tâm chú, Tịnh thân chú, An thổ địa. Bốn bài này Tiếp lễ Nhạc quân Cao Mỹ Ngọc có nhận định : " Những bài tịnh tâm, tịnh khẩu, tịnh thân, An thổ địa, chẳng cần đọc nơi đàn vì chẳng phải là Kinh chư Tiên, chỉ muốn dạy chúng ta biết cách thức đặng giữ mình, hầu khỏi thất lễ trước Bửu Điện. Nếu đọc thì sai, là vì ta nói rằng ta tịnh khẩu, tịnh tâm mà kỳ thật đọc um lên, rồi thế nào tịnh đặng" ( Kinh Lễ, Paris Gasnier 1952, trang 139) . Vì thế, năm 1936 khi in Kinh Thiên Đạo, Thế Đạo bỏ hẳn ba bài này.

Thật ra, việc tịnh khẩu, thân, ý (tâm) gọi là tam nghiệp rất cần cho người tu. Tiên Phật dạy đâu lầm, tại ta dùng sai chỗ. Các bài Kinh này dùng làm chú tịnh luyện rất tốt ( tức niệm thầm chớ không đọc thành tiếng).

Kế đến bài : Khai Kinh Kệ (trang 7), Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo (trang 9), Thích Giáo Chí Tâm (trang 19), Đạo Giáo Chí Tâm (trang 24), Nho Giáo Chí Tâm (trang 32). Các bài Kinh này, nửa trang dưới là lời giải nghĩa . Kinh này rút trong Tam Thanh Đại Động và Minh Lý.

Kế đến 4 bài dâng Bông, Rượu (hai bài), Trà theo Đức Minh Chiêu truyền. Năm 1930, Toà Thánh soạn ba bài dâng bông, rượu, trà như hiện nay đang dùng.

Kế tiếp là ngũ nguyện , Kệ trống, Kệ chuông. Hương tuần ca, Hoa tuần ca, Tửu tuần ca, Trà tuần ca.

Năm 1930, Ngài Lê Văn Trung cho tái bản Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh ( xem hình 25) có sửa chữa một ít .

Chữ quốc ngữ trong bản Kinh năm 1928 viết chưa chuẩn như bản quyền viết là bản huyền; hoa tuần ca viết là hoa từng ca …

Nhưng có nhiều chữ đúng mà bản Kinh 1936 lại viết sai như bài " Ngọc Hoàng Kinh" viết Oát triền vô biên, bản kinh năm 1936 lại viết : hoát truyền vô biên, viết như vậy trùng nghĩa với các câu trên. Đúng Oát ( ) là xoay ra, triền ( ) là trở vào.

Trong bài " Thích Giáo Tâm Kinh" viết nhứt trụ xanh thiên, bản Kinh năm 1936 lại viết : nhứt trụ xang thiên. Chữ xanh ( ) là chống dỡ, còn chữ xang là chữ Nôm không có nghĩa là chống đỡ.

Tắt một lời, từ Nghi tiết buổi đầu tới Nghi lễ hôm nay, từ Kinh Tứ Thời cho tới Kinh Thiên Đạo Thế Đạo ngày nay có nhiều thay đổi , nên gọi đó là sự canh cải hoặc bước tiến bộ, hay hay dở xin bỏ lửng…

5. Dời Thánh tượng và xây cất Toà Thánh

Theo lịnh Ơn Trên từ mồng 1 -10 - Bính Dần (12-11-1926), chư chức sắc ngưng mọi việc phổ độ Lục Tỉnh trở về Tây Ninh lo sắp đặt lễ Khai Minh Đại Đạo, khánh thành Thánh Thất Từ Lâm tại Gò Kén mà giáo dân gọi là Gò Hồng Đào vì trái kén giống trái hồng đào. Đây là ngày lễ trọng đại nhứt, chư chức sắc mặc Thiên phục mới lần đầu tiên nên còn gọi là Lễ Tấn phong nữa. Ngày 14-10 là ngày chộn rộn tấp nập nhất. Ngài Thượng Đầu Sư hướng dẫn phái đoàn từ Sài gòn về dự lễ. Phái đoàn Hoa kiều do Thượng Tông Thanh, phái đoàn người Miên, phái đoàn người Tà Mun (Stiêng), chư đạo hữu Lục Tỉnh lớp đi xe hơi, lớp đi thuyền ghe chen chút về dự lễ. Nhà khách Đông Lang, Tây Lang chật ních người. Ban tổ chức phải cất thêm nhiều lều, giại từ trong ra tới lộ 22.
Đêm 14 rạng rằm tháng mười (18-11-1926) là lễ chính thức khai đạo. Ngài Lê Văn Trung thay mặt toàn đạo mời quan chức Pháp Việt vào dự lễ. Kể chung bổn đạo trên vạn người.

Bỗng một chuyển biến xảy ra, khi cơ bắt đầu tấn phong chức sắc Cửu Trùng Đài thì quỷ nhập vào Lê Thế Vĩnh (lúc này chưa thọ phong Tiếp Thế) tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh và cô Vương Thanh Chi ( con ông Vương Quan Kỳ) tự xưng là Quan Thế Âm. Hai cốt nam nữ đó nhảy múa lung tung trong đàn làm nhiều người bất bình. Khách quan nhốn nháo bỏ ra về. Đại uý Paul Monet nói với Ngài Lê Văn Trung rằng :

" Công việc các ông làm rất phải. Các ông chẳng nên vì cuộc biến động như vậy mà ngã lòng thối chí. Tôi cho là thường tình. Bên Tây phương mấy đàn thỉnh Tiên cũng thường xảy ra những điều rối rắm như vậy. Tôi khuyên các ông từ nay sắp lên hễ có cầu cơ thì chớ nên đông đảo, cần phải thanh tịnh. Hễ đông người thì một là mất thanh tịnh, hai là tư tưởng bất đồng không tương ứng nhau được thì không linh nghiệm". (NGUYỄN TRUNG HẬU, Đại Đạo Căn Nguyên, Sài gòn 1930, trang 27)

Sau khi quan khách và người hiếu kỳ ra về , Ngài Lê Văn Trung muốn hỏi các Đấng về việc tà quái. Hai Ngài Cư, Tắc ngồi cơ. Thấy ngọc cơ lên điển, Paul Monet làm phép cắt điển theo lối Thông linh học phương Tây, nhưng cơ vẫn lên như thường ( tức thực điển). Đức Chí Tôn giáng dạy :
" Các con chớ nên phiền hà. Chuyện nơi Thánh Thất vừa xảy ra ấy cũng là một bước trắc trở trong đường đạo của Thầy. Thầy còn đau lòng thay, nhưng cũng là Thiên cơ vậy. Thầy hằng biết công của các con, nhưng Thầy phải cực lòng chiều ý của mỗi đứa mà xây đắp nền đạo. Vì vậy mà nhiều sự xảy ra đều do nơi tâm trí của nhiều đứa. Sự xảy ra nơi Thánh Thất, tuy làm mối đạo chậm trễ nhưng cũng do nơi lòng tà vạy của nhiều đứa mà ra. Vì tâm trung chánh làm cốt cho Tiên Thánh, còn tâm tà vạy là chỗ của qủi ma xâm nhập".
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyền, quyển I, trang 33)
Đức Chí Tôn cũng dạy đại uý Paul Monet như vầy :

" Monet ! Con lại đây. Chắc con tưởng rằng Thượng Đế không thể làm được những gì Thượng Đế muốn ư ? Monet, con đã được Ta chỉ định làm một việc tế nhị mà nhân đạo. Mối cảm tình của con đã làm vững dạ một giống người có văn minh đang suy tàn. Con đã giúp cho họ một bài học luân lý thiết thực. Con hãy đọc hết những Thánh giáo để biết tôn chỉ của Đạo Cao Đài là một tôn chỉ ÐẠI ĐỒNG. Nếu nhân loại thực hiện được điều đó thì hoà bình chắc đến cho tất cả mọi chủng tộc. Con có bổn phận là cho nước Pháp biết rằng nước Việt Nam xứng đáng với trọng trách xây dựng hoà bình".
(Thánh Ngôn Hiệp Tuyền, quyển I, trang 34)
Do việc tà quái, các phật tử xúi Hoà Thượng Như Nhãn đòi chùa lại. Hội Thánh hẹn ba tháng sau sẽ trả chùa để cơ bút xây dựng cơ chế Tân Luật Pháp Chánh Truyền. Hội Thánh Cửu Trùng Đài, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài cho xong.

Nhờ tà quái mà Ơn Trên chỉ cho Ngài Lê Văn Trung thấy trước hai vấn đề lớn: Sự tham vọng phẩm tước và việc xây Toà Thánh to lớn đủ sức cho ngoại quốc nhìn vào. Xây cất Toà Thánh là việc trọng đại, cái khó đó có thể vượt qua và có thể hoàn thành. Còn sự tranh giành tham vọng phẩm tước của nhiều người như Đức Chí Tôn đã tiền khải thì khó lường hết được. Vì mấy ai " lấy thước mà đo lòng người"? Đó là nỗi đau đeo đẳng suốt đời hành đạo của Ngài Lê Văn Trung. "Càng cao càng cả gió lay", Ngài phải chấp nhận để trọn lời dạy của Đức Chí Tôn " Đạo Người (nhân đạo) vẹn vẽ mới thành Tiên".

Dù vậy, ngày 19-1-Đinh Mão (19-2-1927), Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dặn dò khuyên nhủ :
" Cười ! Thượng Trung Nhựt, ngày nay rán gắng nghe Lão dạy : chẳng vì Thánh Thất. Như Nhãn phản ngôn mà trễ phổ thông Thánh giáo. Cười ! Đã hiểu đời còn mê muội, chẳng phân đặng chơn giả, thảm thay !
Chí Tôn đau đớn bấy nhiêu, Lão càng giận bấy nhiêu. Biết bao phen Lão cầm viết toan bôi xoá cho rồi phái oan nghiệt mà Chí Tôn xin Lão để cho Người gia công độ rỗi. Ngày nay Lão nhất định chùa này trả lại. Chư đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Toà Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh mà thôi, vì là Thánh Địa. Vả lại phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học Đạo.

Thượng Trung Nhựt ! Phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là trọn bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh Địa. Hiền hữu đi chọn đất về cho Lão hay, cầu khẩn Chí Tôn nghe !"

(HƯƠNG HIẾU, Đạo Sử, quyển II , trang 222)
Ngày 21-1-Đinh Mão (21-2-1927), đàn tại Gò Kén, Đức Lý lại dạy rằng:

"Thượng Trung Nhựt, Thái Thơ Thanh,
Cười ! Nhị vị Hiền hữu muốn cho Đạo phải mang tiếng rằng trốn lánh hay sao mà tính dời Toà Thánh xa dữ vậy?
Trung bạch : có hai làng cúng đất.
Mua thì đặng khó gì ? Một nơi chí Thánh trước mắt mà chư hiền hữu chẳng biết xem, ấy còn hai phần phàm.
Thái Thơ Thanh ! Lão cậy hiền hữu một phen nữa. Mai này đi lên đường trên (Haute route, tức đường trước cửa Hoà Viện ngày nay) gọi là đường dây thép (có giăng dây điện thoại tớiđồn cao su Cầu Khởi), nhắm địa thế dài theo cho tới ngã ba Ao Hồ coi hiền hữu thấy đặng chăng cho biết. Lão đã nói rằng : mỗi sự chi chi đều bày ra trước mắt nhơn sanh hết. Chư hiền hữu đừng sợ ai hết, hễ sợ thì chối quyền thiêng liêng của Chí Tôn, và vì Đạo, nghe à !
Trung, Thơ bạch : Không có lòng nhác sợ" (HƯƠNG HIẾU, sách đã dẫn, trang 224)
Hai hôm sau, Đức Lý giáng đàn dạy :

" Lão khen Thái Thơ Thanh, tưởng chư hiền hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Địa (tức đất xây cất Toà Thánh hiện nay) : sâu hơn 300 thước như con sông giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn làm như 6 con rồng đoanh châu. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là Lục Long Phò Ấn. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu ; một đầu ra Giếng mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia"
Về Lục Long phò ấn , ta thấy như sau: Viễn cảnh Toà Thánh, về phía Đông địa lý (cung Chấn) gối lên giồng Sân Cu ( Đất lành chim đậu), mặt trước phía Tây (cung Đoài) trông ra rạch Tây Ninh. Phía tả (Nam) thanh long nước sông Cẩm Giang - Bến Kéo chảy cuộn quanh. Phía hữu (Bắc) bạch hổ núi Điện Bà ôm vòng lại như cánh cung. Đó là điểm kết long mạch sách gọi là hàm rồng. Phong thuỷ âm dương hội đủ.

Cận cảnh, hồ Động Đình (bàu Cà Na) nước chảy không ngừng nghỉ (pháp luân chuyển) vào rạch Ao Hồ. Hướng Tây Nam (Càn). Trái phải rừng Thiên Nhiên xanh biếc hài hoà cảnh trí. Phía bắc ( cung Ly) suối Lâm Vồ. Phía Đông Bắc (cung Tốn) Suối Đá. Phía Đông (Chấn) Suối cái chảy về Nam (Khảm) qua Đoạn Trần Kiều, Suối con lượn ra Giải Khổ Kiều ; bốn suối hợp sức tưới mát và bao quanh vùng Thánh Địa, kết tụ Lục Long phò ấn.

Biểu hiện Tay Long (dương), Tay Hổ (âm) không đối lập nhau mà còn hoà hợp lồng vào nhau nhiều lần, viễn cảnh như cận cảnh. Bên trái (Thanh Long), bên phải (Bạch Hổ) thế sông núi châu đầu vào nhau như hình móng ngựa (đại Kiết), địa thế Lục Long phò Toà Thánh đó, không đâu tốt đẹp bằng (Xem " Ngôi thờ Đức Chí Tôn" cùng người viết) .

Ngày 27-1-Đinh Mão (28-2-1927), Đức Lý dạy về việc cất Toà Thánh tạm như sau :
" Thánh thất tạm phải cất ngay miếng đất trống. Còn Hiệp Thiên Đài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm. Đạo hữu phải khai phá đám rừng trước miếng đất ấy. Ngay trung tim rừng cách miếng đất trống chừng ba thước rưỡi, đóng một cây cọc đo Hiệp Thiên Đài như vầy : Ngoài bàu Cà Na đo chừng 30 thước đóng một cây cọc. Ấy là khuôn viên Toà Thánh. Lão lại dặn từ cây cọc bên phía miếng đất đo vô Bàu Cà Na 27 thước, nghe à ! Tư vuông 27 thước, mỗi góc của Bát quái Đài nghĩa là nhà hình tròn có 8 nóc, cao từ đất lên 9 thước, làm 9 góc, rộng bao nhiêu tùy ý. Trên điện Bát quái Đài bề cao 9 thước, hình nóc tròn nhô lên chỉ tám nóc cho phân minh. Kế nữa là Chánh điện bề dài 81 mét, bề ngang 27 mét. Kế nữa Hiệp Thiên Đài dài tư vuông 27 mét hai tầng, mỗi tầng 9 mét. Hai bên Hiệp Thiên Đài bên mặt có Lôi Âm Cổ Đài, bên tả có Bạch Ngọc Chung Đài"
HƯƠNG HIẾU, Đạo Sử, quyển II, Tây Ninh 1967, trang 256)
Sau đó, Đức Lý giáng cơ thu nhỏ hoạ đồ lại như sau :

" Cười ! Hoạ đồ của Lão. Chí Tôn chê và trách, hao phí vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại mỗi cấp 3 tấc tây mà thôi, dưới đất 5 tấc, chín cấp 3 tấc là 2,70 mét, cộng là 3,20 mét. Còn lại 10 mét chí đầu nền Bát quái Đài, trên đầu song chí nóc 13 mét mới khỏi bị mưa nước đọng. Nóc của Đại Điện và Hiệp Thiên Đài cũng y mực như vậy, phải làm plafond hai đài chuông trống cao hơn nóc Hiệp Thiên Đài dài 6 thước". (HƯƠNG HIẾU , sách đã dẫn , trang 230)
Vì Ngài Thượng Trung Nhựt lo việc phổ độ Lục Tỉnh nên việc cất Toà Thánh tạm giao lại cho Ngài Thái Nương (Thái Đầu Sư thay Thái Minh Tinh ở lại Gò Kén) .

Đức Chí Tôn dạy như sau :
" Trung, Thái Bạch hầu Thầy để lời khen con. Thầy mừng lắm.
Con nghe Thầy dặn :
Về Vĩnh Nguyên Tự, con nhứt định gọi Thụ (Thái Lão Sư Trần Văn Thụ, thọ phong Ngọc Chưởng Pháp) về Toà Thánh.
Hai em con Cư, Tắc từ đây ở bên con đặng đi phổ độ. Ba con ra Tương (Xuyên Mộc) trong tuần tới này đặng Thầy giáng cơ dạy nó, kẻo nó lo lắng tội nghiệp. Về phần con lại phải đi Ô-Môn tại chùa Vạn Đức, cầu Thái Bạch đặng nghe nó dạy về phổ độ chúng sanh.
Nương, từ đây con phải sắp đặt đặng giữ cho an thuận Toà Thánh. Thái Bạch nói với Thầy rằng: Nó giao Toà Thánh cho con, đặng Trung, Cư, Tắc đi phổ độ".

Nhưng Ngài Thái Nương ở Toà Thánh không bao lâu trở về quê, nên việc xây cất Toà Thánh tạm, Đức Cao Thượng Phẩm phải đảm trách.
" Buổi sơ khai Đạo còn nghèo, nên Đức Cao Thượng Phẩm dắt người Miên đi phá rừng cho trống đặng lấy cây đem về tạo tác Toà Thánh tạm. Đức Cao Thượng Phẩm cầm cây thước, hễ cây nào hạ xuống đáng làm cột cái thì đo làm cột cái, cây nào đáng làm cột hàng nhì, hàng ba v.v…

Đòn tay thì vô rừng đốn tre, mè rui cũng chẻ tre ra làm và bứt dây cổ rùa đem về làm lạt cột, lợp tranh.
Lúc bấy giờ ai hảo tâm cúng hiến vật chi đều treo lên cho họ vui lòng, như màn, chấn, và hai cái đồng hồ bằng giấy treo hai bên cây cột, chứ không phải Đạo làm như vậy" (HƯƠNG HIẾU, Sự tích xây bàn, Tây Ninh 1969, trang 22) .

Ngài Lê Văn Trung kể lại chuyện khó khăn buổi đầu phải mượn chùa khai đạo rồi phải dời Thánh Tượng như sau : "Trời hằng thương con dại biết bao, mới vận trù thiết lập thế độ nhà Thiền, mượn cảnh chùa Gò Kén cheo leo, lập Pháp Chánh Truyền mà khai đạo vào ngày 14 tháng 10 năm Bính Dần, sang năm Đinh Mão vào hạ tuần Thượng Ngươn đất bằng sóng dậy. Trời dương thanh bạch, khiến ngút toả mây giăng vì có đơn kiện vào nơi chính phủ. Bốn muôn dư đồ đệ của Đấng Chí Tôn lòng dạ tỉ tê, giọt lụy tuôn dầm.

Đêm 13 tháng 2 năm Đinh Mão (1927), quả Càn Khôn, cốt Phật Tổ, Toà Bát Quái, Tượng Ngũ Chi phải dời đi hết. Đức Lý Giáo Tông truyền dạy mua đất Long Thành, cất chòi tranh. Trời vần vũ tỏ cuộc bi ai, thương bầy con đỏ, đất rung rinh dường đưa cốt phất qua chùa mới. Từ Gò Kén qua tới đây, đạo hữu nam nữ lao nhao, lố nhố, chen chất đường sá suốt đêm. Qua tảo thìn, chư Phật được yên nơi, đều ở ngoài rừng trống, dãi nắng dầm mưa. Kế đó người phá rừng phá gốc bứng chồi, kẻ dỡ gỗ, đánh tranh, tạm làm một lều tranh che cốt Phật. " Mái tranh thưa thớt, bóng trăng rằm dọi thấu lòng son, vách tre xịch xạc, ngọn gió thổi lồng tạt sương trắng". Ấy là cảnh chùa, nguồn gốc Đại Đạo hồi năm Đinh Mão. Kể chi xiết việc đắng cay ngăn đường đón ngõ…

Ôi, thương bấy chí hào kiệt chẳng núng, ngày nay chùa mặt anh hùng nước mắt nhỏ sa. Nhưng Thượng Đế lắm phen độ chúng sanh qua khỏi tai nạn. Cảnh chùa rách Phật vàng hiện rõ. Tuy tạo cảnh chùa tranh mà trong đạo rất thạnh hành, thảy thảy đều trọn câu phổ độ. Tôi nhớ lễ Trung Ngươn năm Đinh Mão, người đến dư muôn". ( Tiểu Sử Đức Quyền Giáo Tông, Tây Ninh 1973, trang 47)

Sau khi đăng điện Quyền Giáo Tông, vào tháng 10 năm Qúi Dậu (1933), Đức Thượng Trung Nhựt mới khởi công tạo tác Toà Thánh bằng vật liệu nặng. Ngài cho công quả đào hầm đổ nền móng theo kích thước : dài 145 mét, rộng 40 mét. (xem hình H14), được một thời gian rồi ngưng. Sau đó Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh mướn kỹ sư Phan Hiếu Kinh tiếp tục. Nhưng do Nguyễn Phan Long và Đầu Sư Ngọc Trang Thanh họp hội Vạn Linh kích bác, chê bai vu cáo điều này, lẽ nọ nên việc xây cất lại đình, chờ Đức Hộ Pháp về sau tiếp tục và cơ bản hoàn thành năm 1941, trang trí và tô điểm, khánh thành vào năm 1955.

Home       [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét