Lão tử trong Đạo-đức kinh đã nói rất nhiều về vật và
tượng, Nội-kinh cũng nói rất nhiều về tượng. Quá-trình cổ nhân nhìn Thiên, nhìn
Địa để ‘pháp tắc: bắt chước’ Thiên tượng, Địa hình là quá-trình làm cho cái văn
được minh ; văn đã minh thì sự bắt chước sẽ giúp cho Thánh-nhân chế ra nhiều
thành-quả về văn-hóa cho con người dùng.
Hệ-từ hạ truyện chương II viết: “Ngày xưa Bào Hy thị làm vượng thiên-hạ,
ông đã ngẫng (ngưỡng) lên để ‘quan’ tượng trên Trời, cúi (phủ) xuống để quan
pháp dưới Đất, Ông nhìn cái ‘văn: đường nét’ của chim thú và những gì (thích-hợp
cho cuộc sống) dưới Đất. Gần thì ông lấy (kinh-nghiệm) ở thân mình, xa thì ông
lấy hiểu biết ở các vật. Thế là ông vạch ra ‘bát quái’, nhằm làm thông được cái
Đức của thần minh, nhằm phân loại được cái tình của vạn vật. Ông đã thắt dây lại
thành cái lưới, cái vó để đi săn, đánh cá, nhờ lấy (tượng) ở quẻ Ly. Họ Bào Hy
mất, họ Thần nông lên thay, ông đẽo gỗ làm lưỡi cày, uốn gỗ làm cán cày, đem sự
ích-lợi về cái cày để dạy dân trong thiên-hạ, Ông đã lấy (tượng) ở quẻ Ích”.
Như vậy, chúng ta thấy, tượng là thuộc Thiên, nhưng con người có thể ‘bắt
chước’ theo sự hữu-hiệu của Thiên tượng để tạo ra vật cho con người dùng.
Tố-vấn có nhiều thiên nói về tượng, như ‘Âm Dương ứng tượng đại luận’, Lục
tiết tạng tượng luận…cũng đi theo nguyên-lý đó.
Những ‘vật’ mà thánh-nhân tạo ra như chúng ta nói trên gồm nhiều loại: mang
tính-cách cao và thấp. Nếu ở trình-độ thấp ta gọi là ‘khí:器’, tức là mức-độ của một dụng-cụ. Ví-dụ Nội kinh gọi bộ-phận sinh-dục là ‘ Âm -khí: 陰器’, thiên ‘lục tiết tạng tượng luận (Tố-vấn 9) mà chúng ta đã trình bày, đã
gọi Tỳ, Tiểu-trường…là ‘khí’. Khí ở đây là một loại dụng-cụ để chứa đựng. Nhưng
nếu ở trình-độ cao hơn, người xưa gọi là ‘phẩm: 品’. Ở mức độ dụng-cụ thôi, cây đàn chỉ là ‘nhạc-khí’樂器’.
Chúng ta hãy xem lại một vài đoạn văn trong Văn tâm điêu long định-nghĩa về
những chữ trên: “Ngưỡng quan thổ diệu, phủ sát hàm chương…Cố hình lập tắc
chương thành hỹ, thanh (聲) phát tác văn minh hỹ.” =
( Ngẫng lên để ‘quan’ phun ra cái ‘diệu’, cúi xuống để ‘sát’ cái ‘hàm
chương’…cho nên hình được lập nên thì ‘chương’ thành vậy, thanh phát ra thì
‘văn’ minh vậy.
Chúng ta thấy chữ ‘曜: diệu’ ở đây là chiếu
sáng rực-rỡ.
Hào Lục tam quẻ Khôn viết: “Hàm chương khả trinh”(含章可貞): ‘hàm chứa điều chương là có thể trinh’.
Văn-ngôn quẻ Khôn lại viết: ‘Hàm vạn-vật nhi hóa quang’ = Hàm chứa vạn vật
mà hóa ra sáng-sủa.’
Căn-cứ vào những tài-liệu trên, chúng ta thấy chữ ‘văn’ chỉ vào sự hài-hòa
giữa vạn vật tạo thành nét đẹp ở Trời và ở người. Riêng Đất được kinh Dịch xem
như là một nơi chứa đựng, nuôi dưỡng vạn vật mà không bao giờ mệt-mỏi. Chữ
‘hàm’ có nghĩa là chứa, là dung-nạp, là giao-cảm với Thiên để hóa-sinh vạn vật.
Như văn-tâm điêu long đã nói ‘ Hình lập nhi chương thành, thanh lập tắc văn
minh’ thì chữ chương chính là ‘văn’ nhưng hiện-hữu rõ hơn, qua âm-thanh, màu sắc,
chua cay, tanh khét, ở ngay mặt đất, gần-gũi trực-tiếp với cuộc sống con người.
Nói rõ hơn, văn và chương chính là động và tĩnh, Âm và Dương. Như vậy phẩm và vật
được chứa , được sinh ra và nuôi dưỡng từ văn của Trời và người và từ chương của
Đất..
D2 - NGŨ HÀNH TIÊN THIÊN
Chu Liêm-Khê đã viết ‘Thái-cực đồ thuyết’ để giải-thích cho ý-nghĩa của
Thái-cực đồ .
Nguyên-tác của bài này không dài lắm, nhưng nó bao-quát mọi vấn-đề đối với
vũ-trụ từ chưa hữu-hình đến hữu-hình: vô-cực, Thái-cực, Âm Dương, Ngũ hành, con
người…Ta có thể xem đây là một bảng lược-đồ hoàn-chỉnh của quá-trình bao-la trên.
ĐOẠN 1: Vô cực nhi Thái cực.
Sách Tính lý tiết yếu (TLTY) chú: “Ở tầng trên thượng Thiên vốn vô thanh,
vô xú, nhưng đó chính thực là cái gốc, cái then-chốt của tạo-hóa đã tạo ra mọi
phẩm và vật trong Trời Đất. Cho nên, khi nói rằng ‘Vô-cực chuyển sang Thái-cực’
không có nghĩa là ngoài cái Thái-cực ra còn có thêm cái Vô-cực nữa.!”.
Một vấn-đề đặt ra: Kinh dịch chỉ nói ‘Dịch hữu Thái-cực’ mà thôi, như vậy
không thể nói là còn có cái vô-cực nữa. Vậy tại sao Chu Liêm-Khê lại nói ‘Vô-cực
nhi Thái-cực’?
Chu Hy trả lời: “Nếu không nói đến Thái-cực thì vô-cực sẽ chìm đắm vào một
trạng-thái hư-không, tịch-mịch, không đủ làm cái gốc cho vạn-vật. Trái lại, nếu
không nói đến vô-cực thì Thái-cực cũng sẽ giống với một vật nào đó thôi, không
đủ làm cái gốc của muôn vạn sự biến-hóa.”
Đoạn 2: “Thái-cực động nhi sinh Dương, động cực nhi tĩnh, tĩnh nhi sinh Âm, tĩnh
cực phục động. Nhất động nhất tĩnh hổ vi kỳ căn , phân Âm phân Dương, lưỡng nghi
lập yên. = Thái-cực động mà sinh ra Dương , động cực thì tĩnh, tĩnh sẽ sinh Âm,
tĩnh cực thì động trở lại. Một động, một tĩnh cùng làm gốc cho nhau, phân ra
làm Âm, phân ra làm Dương. Thế là ‘lưỡng nghi’ được lập rồi vậy.
Phùng Hữu-Lan cho rằng: “Cái ‘nhất động’, ‘nhất tĩnh’ của Thái-cực có thể
xãy ra đồng thời với nhau”(1).
Sách TLTY giải-thích rằng: “Thái-cực có động và có tĩnh. Đó là sự lưu-hành
của Thiên-mệnh.
Câu ‘Lưỡng nghi lập yên’ có nghĩa là đã có sự phân ra rõ nét về Âm Dương.
Thái-cực là lẽ vi-diệu của bản nhiên. Động-tĩnh là cơ-cấu vận-hành của ‘cơ’.
Thái-cực là Đạo của Hình-nhi-thượng. Âm Dương là ‘器 khí’của hình-nhi-hạ. Nếu Đạo không có khí thì đạo sẽ không thành hình-thể.
Nếu khí mà không có Đạo thì khí sẽ ‘bất lập’: không thể thành và tồn-tại được.”
Trình tử nói rằng: Động tĩnh thì ‘vô đoan’, tức là không có đầu-mối. Âm
Dương thì ‘vô thỉ’ tức là không có bắt đầu.
Sách TLTY nói tiếp: “Thái-cực tùy theo Âm Dương mà thành động tĩnh. Âm
Dương thì dựa vào động tĩnh mà sự ‘sinh hóa’ sẽ hiện ra …Thử đi thì hàn lại, Nhật
đi thì nguyệt lại. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng…vạn cổ cũng theo lẽ
thường đó mà thôi.”
ĐỘNG VÀ TĨNH
Thiên ‘động tĩnh’ sách Thông-thư giải-thích: “Động mà không tĩnh, tĩnh mà
không động đó là vật. Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh, đó là ‘thần’. Khi
nói rằng ‘động mà không động’ và ‘tĩnh mà không tĩnh’ không phải là ‘không động
hoặc không tĩnh’. Vật thì thuộc loại bất-thông, còn thần là cái vi-diệu của vạn-phẩm.,
vạn-vật.”
Qua lời giải-thích trên của sách Thông-thư chúng ta thấy rằng tất cả các sự
vật đặc-thù, trong lúc động thì chỉ có động mà không tĩnh, trong lúc tĩnh thì
chỉ có tĩnh mà không động. Một sự vật nào đó có hình dáng như thế này thì sẽ thế
này chứ không đồng thời là thế kia , và ngược lại. Đó là ý nghĩa của chữ ‘bất
thông’. Thái-cực thì không như vậy. Khi nói Thái-cực ‘động mà không động’, tức
là nói trong cái động ‘đồng thời’ có cái tĩnh, khi nói ‘tĩnh mà không tĩnh’ tức
là nói trong cái tĩnh đồng thời có cái động. Đó là ý-nghĩa của vấn-đề ‘Âm trung
hữu Dương, Dương trung hữu Âm’, là ý-nghĩa câu nói ‘thần diệu vạn phẩm’.
Sách TLTY nhấn mạnh: “Thái-cực tùy theo Âm Dương mà thành động tĩnh, Âm
Dương thì dựa vào động tĩnh mà sự sinh-hóa sẽ hiện ra. Ví dụ như con kiến trên
chiếc cối xay. Cối chuyển-động thì con kiến cũng theo cối mà động. Cối ngừng lại
thì con kiến cũng theo cối mà ngừng. Con kiến chuyển-động nhờ cối xay tuy
nhiên, cũng nhờ sự chuyển-động của con kiến mà ta thấy được sự động tịnh của cối
xay.
Con người có được cái Đạo cũng chỉ là được cái ‘誠 thành’. Thành chính là Thái-cực. Xưa nay chưa có một vật nào, dù nhỏ bằng
sợi lông mà thoát khỏi cái lý đó.”
Sách Trung-dung nói: “Thành giả, Thiên chi Đạo dã: Thành là đạo của Trời..
Thành chi giả, nhân chi Đạo dã: thực-hiện được (Đạo Trời) đó là Đạo của người.
Như vậy ‘Thành giả’ chính là Thái-cực, còn quá-trình thực-hiện đầy đủ thái
cực nơi con người gọi là ‘Thành chi giả’.
Đoạn 3: “Dương biến Âm hợp nhi sinh Thủy Hỏa Mộc Kim Thổ. Ngũ khí thuận bố tứ thời
hành yên. Ngũ hành nhất Âm Dương dã.. Âm Dương nhất Thái-cực dã. Thái-cực bản
vô cực dã. Ngũ hành chi sinh dã, các nhất, kỳ tính. Vô cực chi chân, nhị ngũ
chi tinh, diệu hợp nhi ngưng . Kiền Đạo thành nam, Khôn Đạo thành nữ, nhị khí
giao cảm, hóa sinh vạn vật, vạn vật sinh sinh nhi biến-hóa vô cùng yên.
Dương biến, Âm hợp mà sinh ra Thủy Hỏa Mộc Kim Thổ. Ngũ khí thuận mà tỏa rộng
ra để cho bốn mùa vận-hành được vậy. Trong ngũ hành, mỗi hành đều có một Âm
Dương . Trong Âm Dương đều có một Thái-cực. Thái-cực lấy gốc ở vô cực. Ngũ hành
sinh ra, mỗi hành có một tính.
Cái ‘chân’ của vô cực, cái ‘tinh’ của nhị khí và ngũ hành, hợp lại nhau một
cách vi-diệu để rồi ngưng-tụ lại: Kiền Đạo thành nam (trai), Khôn Đạo thành nữ
(gái). Hai khí giao-cảm nhau để hóa-sinh ra vạn-vật Vạn vật được sinh sinh để rồi biến-hóa đến vô
cùng vậy.
Theo TLTY thì trong thiên-hạ không vật nào sinh ra ngoài cái tính, tức là
không vật nào là không có tính. Nói chung, vạn vật thống-thể vào Thái-cực. Nói
riêng, mỗi vật đều có một Thái-cực.
Thiệu Khang-Tiết nói: “Đạo là Thái-cực, Tâm là Thái-cực. Khi nói rằng ‘Tâm
là Thái-cực’ ý nói rằng vạn vật tổng-hội ở Tâm.
Phùng Hữu-Lan giải-thích rõ hơn: “Đây rõ-ràng là Thái-cực sinh ra Âm Dương
ngũ hành . Trong lúc đó, Thái-cực lại thực sự hiện hữu bên trong Âm Dương ngũ
hành .”
Thiên ‘Lý, Tính, Mệnh’ sách ‘Thông thư’ giải-thích : “Nhị khí và ngũ hành đã
hóa-sinh ra vạn vật năm hành khác nhau, hai khí hiện thực. Hai khí đó lấy gốc ở
cái nhất. Đó là cái vạn-thù của vạn vật quy vào cái nhất. Cái nhất cũng thực sự
được vạn phân (phân ra thành hàng vạn). Dù cái vạn thù hay là cái nhất, mỗi cái
đều ‘chính’ được vai-trò của mình thì sự lớn nhỏ sẽ được định.”
Chúng ta thấy rằng trong ‘Thái-cực đồ thuyết’, Chu Liêm-Khê gọi ngũ hành là
ngũ khí. Trong ‘Thông thư’ ông lại gọi Âm Dương là ‘nhị khí’. Như vậy, theo
ông, dù là Âm Dương hay là ngũ hành, tất cả đều là ‘khí’.
Chu Hy nói: “Trong khoảng Trời Đất, có ‘lý’, có ‘khí’. Lý là Đạo của
Hình-nhi-thượng, là cái gốc sinh ra vạn vật. ‘氣 khí’ và ‘khí 器’ của hình-nhi-hạ là những
hình dáng cụ-thể của vạn vật. Cho nên, con người sinh ra được: bẩm-thụ cái ‘lý,
sau đó mới có ‘tính’, nói khác đi, con người hay vạn vật phải bẩm-thụ cái ‘khí’
sau đó mới có hình.”
Tóm lại, khí ngưng-tụ thành một vật nào đó thì vật đó chính là nó, vì nó đã
bẩm-thụ được cái ‘lý’, cái Thái-cực. Cái mà vật đó bẩm-thụ được cho riêng mình.
Gọi là Tính.
Qua 3 đoạn văn trên của ‘Thái-cực đồ thuyết’, ta thấy được bảng lược-đồ thật
rõ bằng những nét chấm phá đi từ vô-cực ‘chưa hữu hình’ đến Thái-cực, Âm Dương,
ngũ hành ‘hữu hình, hữu tính’ của vạn vật.
Trong y-học, con đường ‘vật hóa’ trên đã được thực-hiện một cách tuyệt-vời
từ sinh-lý, bệnh-lý, dược-lý và cả điều-trị-lý nữa.
ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH QUA MỘT
SỐ DƯỢC LIỆU, Thiên ‘tạng phủ kinh mạch tiên
hậu bệnh mạch’ sách Kim-quỷ yếu-lược đã
nhấn mạnh đến việc con người bẩm-thụ khí ‘ngũ hành’: “Phù nhân bẩm ngũ thường ,
nhân Phong khí nhi sinh trưởng. Phong khí tuy năng sinh vạn vật, diệc năng hại
vạn vật , như thủy năng phù châu, diệc năng phúc châu. = Ôi! Con người bẩm-thụ
khí của ngũ thường, nhân Phong khí mà sinh và trưởng . Phong-khí tuy có thể
sinh ra vạn vật, mà cũng có thể hại vạn vật . Ví như nước có thể làm cho chiếc
thuyền nổi lên, nhưng cũng có thể làm cho chiếc thuyền bị lật úp xuống .
Chữ ‘ngũ thường’ ở đây chính là ‘ngũ khí’, là ‘ngũ hành’. Chữ Phong khí là
nói chung về khí Thái-cực, Âm Dương, ngũ hành.
Con người ‘sống’ có nghĩa là thực-hiện quá-trình khi-hóa hợp với Thiên Địa, Âm Dương ngũ hành
qua từng thời của đời mình. Bất cứ một lý-do nào đó do nội thương con người sẽ
bệnh. hay ngoại cảm làm mất đi sự ‘thăng bằng’ của khí-hóa thì
Lão tử đã nói: ‘tổn hữu dư, bổ bất túc”. Theo nguyên-lý đó, người xưa, nhất
là Thần-Nông đã ‘dùng dược trị bệnh’. Nói khác đi, Thần-Nông đã dùng dược để ‘bổ
tả’, để điều-hòa sự thịnh suy trong con người.
Mỗi một dược vật bẩm-thụ một khí nào đó trong ngũ hành để sinh ra, có tính
có vị…
Đường Dung-Xuyên đã đặt vấn-đề : “Dược gồm cả côn-trùng, thổ thạch, rễ cỏ,
da cây …tất cả đều khác với con người, vậy mà nó lại có thể trị được bệnh của
con người. Tại sao vậy?
Ông tự trả lời: “Trời Đất chỉ là hai khí Âm Dương lưu-hành để thành ngũ vận
(Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ), đối-đãi nhau mà thành lục khí (Phong Hàn Thử Thấp Táo Hỏa).
Con người sống là lấy gốc ở Thiên và gần-gũi với Địa , tức là con người bẩm-thụ
ngũ vận lục khí để sinh ngũ tạng lục phủ.
Phàm các vật tuy hình dáng khác với con người , nhưng không vật nào không lấy
gốc ở khí của Thiên Địa để ‘sinh: sống’. Riêng sự vật vì chỉ ‘đắc’ có ‘một’ khí
cho nên khác với con người, con người thì bẩm-thụ được ‘toàn thể’ khí trong
Thiên Địa.
Nay giả-sử khí trong con người nghiêng về thịnh hay nghiêng về suy, như vậy
gọi là ‘bệnh’. Người xưa đã mượn một loại dược vật nào đó bẩm-thụ được một khí
để điều-hòa sự thịnh-suy trong thân-thể mình làm cho thân chúng ta trở lại
‘bình-hòa’.”
TÍNH DƯỢC CỦA THẢO MỘC
Ông nhấn mạnh: 蓋 假 物 之 陰 陽 以 變 化 人 身 之 陰 陽 也 : Cái giả vật chi Âm Dương dĩ biến-hóa nhân thân chi Âm Dương dã.
Chúng ta đã nghe Chu Hy định-nghĩa ‘tính’ của vạn vật qua bài Thái-cực đồ
thuyết, chúng ta hãy nghe Đường Dung-Xuyên trình-bày rõ hơn về ‘tính’ của dược-vật
trong việc trị-liệu:
Hình thành tính dược:
Ông đặt vấn-đề ( điều 5/ Bản thảo vấn đáp):
“Mọi vật, mỗi vật đều có một ‘tính’,
nhưng ở mỗi ‘tính’ như vậy được thành hình như thế nào?”
Ông nói: “ phải xét đến cách sinh ra của nó để biết được ‘tính’ của nó . Nếu
nó cảm-thụ được khí của Dương để sinh ra thì ‘tính’ của nó thuộc Dương . Nếu nó
bẩm-thụ được khí của Âm để sinh thì ‘tính’ của nó thuộc Âm. Hoặc có khi nó bẩm-thụ
được Dương khí trong Âm, hoặc bẩm-thụ được Âm-khí trong Dương . Ta phải nhìn tổng-quát
sự sinh thành của nó để khu biệt về tính, tức là ta xét sự chung thủy của một vật
rồi thêm vào sự khác biệt về ‘hình, sắc, khí, vị’ rồi sau đó mới định được
tính.”
Ông đưa ra thí-dụ của nhân-sâm. Theo ông, có người cho là nhân-sâm bổ khí
thuộc Dương, cũng có người cho là nó sinh ra tân (dịch) thuộc Âm. Đây là chúng
ta chỉ luận về khí-vị của nhân-sâm mà lại không xét đến cái ‘lý’đã sinh ra
nó như thế nào.
Vì thế chúng ta không định được cái ‘tính’của nó.
Theo sự nghiên-cứu của ông , ông trích hai câu thơ trong Bản thảo cương mục:
三 椏 五 加 Tam nha ngũ gia,
背 陽 向 陰 Bối Dương hướng Âm.
= (Cây nhân-sâm mọc) nhánh có 3 chạc, năm lá, Bối về Dương hướng về Âm.
Nhân-sâm sinh ở vùng Âm thấp của rừng cây ở Liêu-đông. Theo ông, tất cả thảo-mộc
sinh ra ở vùng Âm thấp , bẩm-thụ được khí của Thủy Âm nhuận trạch vì thế vị của
nó khổ cam và có chất trấp dịch. Nhân-sâm nhánh có 3 chạc và 5 lá là theo đúng
với con số của Dương. Mầm của nó mọc ra từ trong đất Âm thấp, đó là do Âm mà
sinh ra Dương , cho nên từ trong Âm-vị (味) của cam khổ có khí sinh ra Dương. Khí này ta có thể nếm để biết được.
‘元 Nguyên-khí’ trong thân-thể con người xuất ra từ Thận thủy để đạt lên đến
Phế, đó là sinh ra từ Âm mà xuất ra ở Dương, nó đồng một cái lý với nhân-sâm
cũng từ Âm sinh ra Dương .
Nhân-sâm có thể đại hóa khí , khí đã hóa sẽ lên trên xuất ra ở miệng và mũi
thành tân-dịch . Đây cũng là cái lý để chúng ta biết được Nhân-sâm sinh ra
tân-dịch . Chúng ta không thể chỉ dựa vào ‘vị’ của nó mà thôi . Cho dù là luận
về khí-vị thì ta cũng thấy rằng trong cái ‘cam khổ’ vẫn hàm chứa cái khí sinh
phát, đây chính là con đường ‘do Âm mà xuất ra Dương’ vậy.
Bàn về nơi sinh của Nhân-sâm, ông cho rằng bắc phương thuộc Thủy, ở quẻ, nó
thuộc quẻ Khảm ☵. Quẻ Khảm thì ngoài Âm trong Dương. Nhân-sâm sinh ra ở Bắc phương, đó là
Dương ở trong Âm. Quẻ Khảm thuộc Thủy. Khí Thiên Dương đều xuất ra ở trong Thủy.
Trong con người Thận và Bàng-quang thuộc Thủy. Bao giờ Dương cũng hóa khí bốc
lên từ Thủy, nó xuất ra ở miệng mũi thành hô hấp, nó làm sung cho bì-mao sẽ
thành vệ-khí.
Đó cũng là con đường mà Dương-khí của Trời Đất đã hàm sẵn trong Thủy, khi
hóa nó sẽ thành khí để rồi xuất ra tràn ngập trong vạn vật.
Trong ngũ hành, Thủy thuộc bắc-phương, Nhân-sâm sinh ra ở bắc-phương, bẩm-thụ
được Dương-khí trong Thủy, vì thế nó tương-hợp với quá-trình khí hóa trong con
người. Vì thế người ta mới nói rằng ‘Nhân-sâm đại năng bổ khí’.
Theo ông không chỉ Nhân-sâm mới theo cái lý đó . Một số dược-vật khác cũng
vậy. Cơ-sở lý-luận này cho ta biết được cái ‘tính’ của vạn vật. (133).
Nếu ở bắc-phương mà ta thấy có loại Dương-dược sinh ra từ trong Âm, thì
trái lại, ở nam-phương ta cũng thấy có Âm-dược
sinh ra từ Dương . Ví-dụ như ‘Chu-sa: 硃砂’ chẳng hạn.
Nhân-sâm thuộc Dương ở trong Thủy, ‘丹砂: đơn-sa’ thuộc Âm ở trong Hỏa. Đơn-sa sinh ra ở Thần châu vì thế được gọi
là ‘Thần-sa’. Người đời đã dùng Lưu-hoàng và Thủy-ngân luyện thành màu xích (đỏ)
mạo danh là Thần-sa. Lại còn có ‘靈 Linh-sa’ cũng dùng hai vị trên luyện thành, có tên là Nhị-khí-sa, cho rằng
nó có công-năng ‘bổ Khảm điền Ly’. Phép này học theo Bảo-phác tử. nghe nói Bảo-phác
tử nhờ uống thuốc này mà thành tiên:
Thủy-ngân thuộc Âm-trấp trong thạch, Lưu-hoàng thuộc Dương-trấp trong thạch
(đá). Luyện chung lại sẽ biến cái Âm của Thủy-ngân hoàn-toàn quy về Dương màu của
nó là thuần xích, giống hệt với màu của Đơn-sa. Nhưng đây là do nhân-tạo. Khi
mà Âm hoàn toàn quy về Dương thì Âm bị tận chỉ còn lại có Dương mà thôi, ngoài
ra nó lại còn cái độc-tính của ‘Hỏa luyện’. Nếu chúng ta dùng nó để trợ Dương
thoái Âm thì được, còn như dùng để ‘bổ Dương ích Âm’ thì không được . Nó không
bằng Đơn-sa, vì Đơn-sa do tự nhiên của Thiên Địa đào-luyện mà thành : trong Dương
có hàm chứa Âm, bên ngoài nó lộ ra bằng màu Hỏa đỏ , bên trong nó hàm chứa Thủy
Âm. Đơn-sa của tự-nhiên không nhờ đến hỏa-lực, như thế mới là cực kỳ thần-diệu,
không thể lấy thủy-ngân và lưu-hoàng mà nói về Đơn-sa được.:
Trong hỏa hàm chứa thủy-khí, vì thế Đơn-sa có thể nhập vào Tâm, làm ích cho
Âm để An-thần. Trong lúc đó Linh-sa và Thần-sa do luyện thành không có ‘tính’
‘Dương trung hàm Âm’.
Duy chỉ có Ly Hỏa của nam-phương luyện thành Chu-sa một cách tự-nhiên, bên
ngoài bộc-lộ ra màu của Hỏa, bên trong hàm chứa Thủy Âm, nó hợp với quẻ ☲ Ly: ngoại Dương nội Âm, Âm ở trong Ly là Thủy ở trong Khảm. Chu-sa bên
ngoài có màu của Hỏa, bên trong hàm chứa Thủy-ngân, đó là tượng của Khảm Thủy
hàm chứa trong Ly Hỏa, vì thế nó có thể ‘bổ cho Thủy của quẻ Khảm’ , nhằm trấn-an
được Ly cung: dưỡng huyết an thần.
Đường Dung-Xuyên nhấn mạnh: “Nhân-sâm bẩm-thụ Dương-khí trong Thủy nhằm bổ
khí, Chu-sa bẩm-thụ Âm-khí trong Hỏa nhằm dưỡng huyết, một sinh ở bắc-phương, một
sinh ở nam-phương…nhờ đó ta biết được vấn-đề nam bắc, Thủy Hỏa, Âm Dương, huyết
khí …tất cả có cái lý của nó …bắc phương thuộc Thủy phần lớn sinh ra loại dược
‘sinh khí phận’, như Hoàng-kỳ chẳng hạn. Nam phương thuộc Hỏa phần lớn sinh ra
loại dược ‘sinh huyết phận’ như nhục-quể chẳng hạn.”
Trên đây, chúng ta đã đi từ định-nghĩa của ‘tính’ trong Kinh Dịch cho đến
‘tính’ trong dược vật, qua nhân-sâm và Chu-sa.
Tính của dược khi uống vào người, nó sẽ có những biến-hóa của nó trên căn-bản
của ngũ hành sinh khắc thể-hiện qua hình, sắc khí vị…
So-sánh giữa Hoàng-kỳ và cam-thảo về mặt lý của ngũ hành và lý của Thái-cực:
Đường Dung-Xuyên nói: “…Cam-thảo vị chính cam nhập Tỳ Vị, nó chỉ có ‘thủ 守’ chứ không có ‘tẩu’(bỏ đi), nó bổ trung-khí hòa các vị dược khác . Tuy nó
không sinh ra ở Hà-nam trung châu mà lại sinh ở vùng cực tây của Cam-túc, đó là
vì Địa (thổ) của Cam-túc thuần-hậu, vì thế nó sinh ra Cam-thảo có rễ dài sâu đến
4, 5 xích , không khác với Hoàng-kỳ.
Thế nhưng Hoàng-kỳ thì bên trong rỗng thuộc vào khí-phận, đó là nó ‘đắc’ được
Thủy-khí ở trong Thổ. Còn Cam-thảo ruột đặc (thực) nó ‘đắc’ được cái hậu của Thổ-khí,
vì thế rễ dài sâu mà thực, tuy nó sinh ở tây nhưng thực sự đắc được khí của
trung Thổ. Nói chung, cái lý của ngũ hàn, khi phân ra để nói thì nó có những khác biệt nhau. Nhưng khi hợp lại để luận chung thì nó
cùng đồng nhau từ một Thái-cực.
Vai-trò của Thổ vị trong
ngũ hành:
Như chúng ta đã thấy trong đoạn 3 của Thái-cực đồ thuyết , ngũ hành từ Âm Dương
biến hợp mà ra. Âm Dương từ Thái-cực mà ra, Thái-cực lấy gốc ở vô-cực. Khi hiện-hữu
ra bằng vạn vật hữu hình thì trong người có ngũ tạng, Tỳ Thổ đứng trung-ương,
trong dược vị thì Tỳ Cam đứng trung-ương. Như vậy vai-trò của cam phải quy Tỳ.
Đường Dung-Xuyên đặt vấn-đề xa hơn : “Người ta trị bệnh bằng dược thường lấy
‘vị’ làm chuẩn. Vị cam thì quy vào Tỳ-kinh, thế nhưng cam-vị ở dược rất nhiều,
có khi nó nhập thẳng vào Tỳ Vị, hoặc có khi nó kiêm nhập vào 4 tạng khác. Ta phải
phân-biệt như thế nào cho rõ?”
Theo ông thì chính ‘vị’ của Cam thì nhập thẳng vào Tỳ-kinh , còn nếu nó
kiêm khổ, kiêm toan, kiêm hàm, kiêm tân, ta gọi đó là ‘gián vị’ của Cam, những
vị này kiêm nhập vào tứ tạng còn lại:
- Cam-thảo 甘草 thuần cam, có thể bổ cho
Tỳ-âm, có thể ích cho Dương-khí của Vị, hoặc dụng sinh, hoặc dụng thục, hoặc
dùng nó để hòa trăm loại dược, không đâu là không thích-nghi.
- Hoàng-tinh 黃精 vị cam mà nhiều trấp, đúng là dùng để bổ cho Thấp-khí của Tỳ.
- 山藥 Sơn-dược: Sắc bạch kèm vị toan, cho nên nó bổ Tỳ
và kiêm nhập vào can và Phế.
- 白朮 Bạch-truật: Vị cam mà khổ ôn, cho nên nó bổ Tỳ ôn Thổ, hòa can-khí nhằm thư-thái
Tỳ-khí.
- 蒼朮 Thương truật: Vị cam mà khổ táo, cho nên nó sẽ làm
táo được Vị, khử được Thấp.
- 黃秖 Hoàng-kỳ:Vị cam mà khí thịnh, cho nên dùng nó để bổ
khí.
- 龍眼 Long nhãn quy Tỳ, nó được sản-xuất tại Viêm-châu,
Đắc được sinh ra từ Hỏa –khí của mùa hạ-lệnh, đó là Hỏa sinh Thổ, cho nên nó bổ
Tâm kiêm bổ Tỳ
- 使君子 Sứ-quân-tử nhân vị cam có thể bổ Tỳ lại có thể giết được cam-trùng (疳), nhân vì khí của nó kiêm hương xú , nó mang tính ôn-liệt (烈) cho nên khi uống vào thì kỵ uống nhiệt trà, nếu phạm phải thì bị tiêu chảy,
giống uống ba-đậu lúc nóng thì tiêu chảy vậy.
- 黃牛 Hoàng ngưu (bò) thịt của nó thuộc cam ôn, đại bổ Tỳ Vị.
- Thịt dê tuy cam nhưng lại có khí
tanh, nó đắc được vị ôn của Mộc, cho nên nó bổ Tỳ kiêm bổ can.
- Thịt heo tuy cam nhưng kiêm hàm,
nó đắc được hàn tính của Thủy Thổ, cho nên nó ‘滋 tư’ Tỳ và nhuận Thận.
- Sữa người vị cam, lấy gốc ở cái trấp
của việc ăn uống, nó đắc được khí-hóa của Phế và Vị mà thành, cho nên nó có thể
nhuận-dưỡng Vị, ‘tư 滋’ sinh huyết-dịch, bổ được
Tỳ-Âm rất tốt.
- 甘松 cam tùng vị cam nhưng hương lại ‘烈 liệt’ cho nên nó chủ về ‘ lý 理’ cái khí của Tỳ.
- 木香 Mộc-hương sở dĩ lý được khí chính vì khí nó quy Tỳ
nhưng vị lại kiêm vi tân, lại đắc được cái ôn của Mộc-khí, sức của nó là làm sơ
Thổ. Vả lại thân Mộc-hương gồm 5 nhánh, 5 lá, 5 tiết, tất cả đều hợp với con số
của Tỳ Thổ, vì thế nó lý được Tỳ.
Nếu kể về các loại ‘quả: trái cây’, ta có:
-大棗 Đại-táo vỏ màu hồng, nhục màu hoàng, bì thuộc tân,
nhục thuộc cam, nó có tính ‘Hỏa sinh Thổ’, vì thế nó thuần dùng để bổ Tỳ Vị.
- 梨 (trái lê) vị cam nhưng hàm chứa ‘水津 thủy tân’, vì thế nó làm nhuận Tỳ Phế.
- 荔枝 lệ-chi sinh ở đông-nam vị cam toan, cho nên nó quy
Tỳ và can để ôn và bổ.
Nói tóm lại, cam-vị đều nhập Tỳ nhưng ta nên xét thêm vị được kiêm ở mỗi loại
dược để biết nó nhập vào tạng nào trong việc chữa trị…
Vấn-đề sắc, vị của Thủy Hỏa
cùng một gốc:
Chúng ta còn nhớ, ngũ hành trong Thái-cực đồ cho ta thấy Thủy và Hỏa cùng
xuất ra ở một gốc. Thủy làm gốc cho Hỏa, Hỏa làm gốc cho Thủy.
Đường Dung-Xuyên nói rằng vật đến cực thì ‘phục: quay trở lại’. Dương cực
thì Âm sinh . Nếu luận ở quẻ thì trong quẻ Ly ☲ có hào Âm, đó là cái tượng trong Ly Hỏa đã hàm chứa Khảm Thủy.
Phàm loại dược nào đắc Hỏa-vị thì bên trong đều hàm chứa Thủy-tính và nó có
thể giáng Hỏa. Đây là cái lý ‘Thủy Hỏa hổ-căn: Thủy và Hỏa cùng làm gốc cho
nhau’. Ví-dụ:
黃連 Hoàng-liên vị chính khổ cho nên nó nhập thẳng vào Tâm-kinh nhằm tả Hỏa.
梔子 Chi tử vị khổ tượng của Tâm-bào, cho nên nó tả Tâm-bào-lạc (tả Hỏa)
連翹 Liên-kiều: cũng tượng của Tâm-bào-lạc
nhưng chất của nó ‘khinh, dương: nhẹ và tỏa rộng’ vị vi khổ, vì thế nó khi
thanh đạt lên trên , nó làm thanh được Hỏa của Tâm và Thượng-tiêu ở đầu mắt.
蓮子 Liên tử tượng của Tâm, nhưng liên-tâm lại nằm ở trong giữa, vị của nó là cực
khổ , ví với hào Âm trong quẻ Ly ☲, dùng nó để thanh cái Hỏa ở Tâm.
黃芩 Hoàng-cầm vị khổ bên trong nhiều hư không, có nhiều lỗ rỗng. Trong con người,
chỉ có Tam-tiêu là có những lỗ rỗng để vận-hành Thủy khí, nó chủ Tướng hỏa.
Hoàng-cầm rỗng bên trong nó nhập vào Tam-tiêu, vả lại vị của nó khổ vì thế nó
chủ về việc thanh được Tướng Hỏa.
胆草,葫黄連 Đởm-thảo, Hồ hoàng-liên vị khổ mà rắn sáp , nó
kiêm cả tính của Thủy, Mộc, cho nên đều có thể tả Mộc Hỏa của Can và Đởm . Duy
có Đởm thảo rễ nhiều, mọc sâu và nhỏ, cho nên nó tả Hỏa kiêm giáng lợi. Hồ
Hoàng-liên thì chỉ ‘thủ : giữ lấy’ mà không đi. Đó là điều nên phân-biệt.
大黄 Đại-hoàng vị khổ, hình to mà khí ‘烈 liệt’ cho nên nó đi vào Tỳ Vị, hạ Hỏa càng nhanh.
b) - Khổ được dùng tả Hỏa,
sắc thường màu vàng, tại sao thế?
Đường Dung-Xuyên nói rằng Hoàng là màu của Thổ. Lý của ngũ hành, hễ ‘công
thành thì thoái’. Sắc của Hỏa màu hồng, khí nó sinh Thổ thì sắc nó thành hoàng
. Ta thấy được ‘màu Hoàng là màu Hỏa thoái’. Vì thế loại dược hoàng và khổ đều
chủ ‘thoái Hỏa’. Trường-hợp vị khổ mà sắc không hoàng, đó là nó kiêm cả tính
khác nữa. Ví-dụ:
- 花粉 Hoa phấn sắc bạch vị khổ mà có chất dịch (液) vì thế nó công-năng tả Hỏa ít mà công-năng tư Thận thì nhiều.
- 丹皮 Đơn-bì sắc hồng vị khổ, do đó nó thanh được Tâm Hỏa
mà hành huyết.
- 青黛 Thanh-đại sắc thanh, vị khổ, nó thanh được can Hỏa
và tắt được Phong…
Trên đây, chúng ta đã đi từ Thái-cực đồ, Thái-cực đồ thuyết đến vai trò của
‘Hình, sắc, khí, vị’ của dược tính tác-động vào ngũ tạng lục phủ của thân-thể
con người. Thủy hay Hỏa, bổ hay tả…tất cả đều theo luật vận-hành của Trời Đất
được giải-thích qua Kinh Dịch: Âm Dương giao-cảm để hóa-sinh, lẽ cùng thông, biến-hóa…
Dưới đây chúng ta tiếp-tục trình bày:
TÍNH THIỆN & ÁC
Đoạn 4: Duy nhân dã, đắc kỳ tú nhi tối linh. Hình ký sinh hỹ, thần phát tri
hỹ. Ngũ tính cảm động nhi thiện ác phân, vạn sự xuất hỹ.
Dịch nghĩa: Duy chỉ có con người bẩm thụ được cái tú-khí của ngũ hành nên
được tối linh. (Xem phần Ngũ hành trang 98). Khi hình-thể đã sinh thì thần cũng
biểu-lộ ra để có sự hiểu biết. ngũ tính cảm-động nhau mà thiện ác được rõ, vạn
sự từ đó mà ra vậy.
Theo TLTY thì “Mọi người đều có cái lý động tĩnh, nhưng thường làm mất đi bởi
sự động sắc.”
Hình sinh ra ở Âm, thần phát ra ở Dương.Ngũ tính tức là ‘ngũ thường chi tính’, do cảm ở vật
mà thành động (Xem lại phần Âm ngũ hành và Dương ngũ hành nơi Hà-đồ ở quyển ‘Sống-Đạo’).
Dương khí động thành thiện, Âm khí động thành ác. Tính của ngũ thường khác nhau
nên tạo ra thành muôn ngàn sự việc khác nhau.
Chu Hy nói trong ‘Thi kinh truyện tự’:
Nhân sinh nhi tĩnh, Thiên chi tính dã, cảm ư vật nhi động, tính chi dục dã.
= Con người sinh ra là tĩnh, đó là tính Trời, cảm bởi vật mà thành động, đó là
cái dục của tính.
TLTY đã dẫn lời của Chu Hy nói: “Nhị khí và ngũ hành giao-cảm mà sinh ra
con người và vạn vật. Sinh ra nhưng có sự khác nhau về ‘tinh-khí’ và ‘thô khí’.
Ví-dụ con người đầu tròn tượng trưng cho Trời, có chân vuông tượng-trưng cho Đất,
dáng đứng thì bình chính, đoan-trang, thẳng đứng, đó là vì con người bẩm-thụ được
cái chính-khí của Trời Đất, cho nên họ mới biết được Đạo-lý, có được tri-thức.
Vạn vật khác chỉ bẩm-thụ được cái khí lệch (1), cho nên loài cầm thú thì sống
và sinh trưởng theo hướng ngang (橫生 hoành sinh), loài thảo mộc thì sống và sinh trưởng theo hướng đầu xuống dưới
đuôi lại hướng lên trên (Đó là quẻ Thiên Địa Bỉ).
Trong số các vật, vật nào được gọi là có ‘tri: biết’ cũng chẳng qua là
thông được một con đường duy nhất cho riêng mình mà thôi. Ví-dụ: con rái cá thì
biết cúng tế, con chó chỉ biết giữ nhà, con trâu chỉ biết cày ruộng …mà thôi.”
Như vậy, con người bẩm-thụ cái tú-khí của ngũ hành như thiên ‘ngũ vận’ sách
Lễ-ký đã nói, do đó chỉ có con người mới có ‘Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’ biết trắc-ẩn,
biết thẹn, biết thương ghét, biết phải trái…Tất cả những cái đó được Kinh Dịch
cũng như các nhà Nho gọi là có ‘tình’, nó là cái biểu-lộ của ‘tính’.
Nói khác đi, nó giống như Trung-dung gọi là ‘中 Trung’. Dù trung hay tính, nó vẫn là cái chưa phát ra.
Phùng Hữu-Lan nói: “Cái ‘chưa phát ra’ gọi là Tính; cái ‘đã phát ra’ gọi là
Tình. Chỉ có Tâm mới bao-quát được cả cái đã phát và chưa phát. Đây gọi là ‘Tâm
đã thống cả Tính lẫn Tình’.”
Chu Hy nói: “ người người có một Thái-cực, vật vật có một Thái-cực.”
Phùng Hữu-Lan cũng giải-thích và đồng-ý cho rằng sở-dĩ con người và vạn-vật
khác nhau về Tính đó là vì chúng đã bẩm-thụ được cái thanh-khí hoặc trọc-khí
khác nhau mà thôi.
Ông nói: “Cái khí mà con người bẩm-th được là thanh và chính, vì thế nên
con người có thể biết ụđược điều mà mình bẩm-thụ được chính là lý, là Thái-cực
. Mặc dù có thể biết, nhưng vẫn phải học để biết theo từng giai-đoạn tuổi. Theo
lối nói của Chu Hy, cái cố gắng, cái học chính là câu nói: “格物致知 cách vật trí tri’ của Đại-học .”
CHỮ ‘THÀNH’.
(Bài Niệm hương ( Kinh cúng tứ thời) có câu: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”).
Thế nào là ‘Thành’?
Sách Thông-thư gọi tính ‘Thiện’ của người là công-phu thực-hiện được cái mà
Trung-dung gọi là ‘誠 Thành’.
Chương ‘Thành’ sách Thông-thư viết: “Thành là cái gốc của thánh-nhân . Câu
‘Đại tai Kiền nguyên vạn-vật tư thỉ’ là cái nguồn của Thành vậy. Câu “Kiền Đạo
biến-hóa các chính tính-mệnh’ đã lập nên chữ ‘Thành’. Nó là cái thuần-túy chí
thiện. Kinh Dịch nói: “Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo, kế chi giả, thiện dã,
thành chi giả, tính dã”.
Đức ‘元 nguyên’, đức ‘亨 hanh’ là lẽ ‘thông’ của Thành. Ôi! Kinh Dịch to rộng thay, là nguồn của
tính mệnh vậy.”
Sách Thông-thư cũng giải-thích về chữ ‘Ác’ nói trong Thái-cực đồ thuyết. Mở
đầu chương ‘Thành, cơ, Đức, sách Thông-thư viết:
誠 無 為 機 善 惡: Thành vô-vi, cơ thiện ác.
Cái ‘Thành’ mà bất động (vô vi) thì đó là cái cơ của thiện ác.
Chương 5 Hệ-từ hạ truyện viết: “ Cơ giả, động chi vi, cát hung chi tiên hiện
giả dã ” = Cơ là điểm nhỏ của mọi cái động, là sự hiện ra trước của mọi điềm
lành dữ .( chữ thập (十): cơ thiên).
Chương ‘Thành’ sách Thông-thư định-nghĩa ‘cơ’: Động nhi vị hành, hữu vô chi
gian giả, cơ dã = Cái động mà chưa thành hình, nó ở vào khoảng giữa hữu và vô,
gọi là ‘cơ’.
Con người tính vốn thiện, nhưng trong quá-trình hành-động và va-chạm với sự
vật khác không phải lúc nào cũng hợp với ‘trung’. Nếu không hợp với trung thì gọi
là ác.
Chúng ta thấy rằng theo Kinh Dịch thì Dương là cương, Âm là nhu, con người
bẩm-thụ khí Âm Dương nên tính cũng có cương nhu. Khi cương nhu không hòa-hợp
đúng nó sẽ làm cho ngũ tính bị cảm và động, không hợp với ‘Trung’, đó là ác.
Chương ‘Thận động’ sách Thông-thư nhắc lại câu nói trong Trung-dung: “Cố
quân-tử thận kỳ độc: cho nên người quân-tử phải thận-trọng trong lúc hành-động
một mình.”
Đoạn 5:
Thánh nhân định chi dĩ
trung chính nhân nghĩa
聖 人 定 之 以 中 正 仁 義
Thánh nhân chi đạo nhân
nghĩa trung chính nhi dĩ hỹ
聖 人 之 道 仁 義 中 正 而 已 矣
nhi chủ tĩnh (vô dục cố
tĩnh) lập nhân cực yên. Cố
而 主 靜 (無 欲 故 靜)立 人 極 焉 故
thánh nhân dữ Thiên Địa hợp
kỳ đức. Nhật nguyệt
聖 人 與 天 地 合 其 德 日 月
hợp kỳ minh, tứ thời hợp kỳ
tự, qủy thần hợp kỳ cát
合 其 明 四 時 合 其 序 鬼 神 合 其 吉
hung. 凶.
Dịch nghĩa: “Bậc thánh-nhân định rằng nhờ ở nhân nghĩa trung chính (Chu Liêm-Khê tự
chú: Đạo của thánh nhân chỉ là nhân nghĩa trung chính mà thôi) mà chủ về tĩnh
(tự chú: vì vô dục nên tĩnh). Đó là Đạo làm người đã được đứng-đắn đến cực rồi
vậy.
Cho nên thánh-nhân là người hợp với cái đức của Trời Đất, hợp với cái sáng
của mặt trời, mặt trăng, hợp với cái thứ-tự của 4 mùa, hợp với điềm lành dữ của
quỹ thần.”
Sách TLTY nói rằng tĩnh là cái ‘chân’ của Tính. Nếu con người không có cái
Tâm tịch-nhiên vô dục để được tĩnh thì làm sao có thể đối-đãi với cái ‘biến’ của
vạn vật để mà thống nhất cái động của vạn vật.
Câu ‘Lập nhân cực yên’ có nghĩa là quá-trình hành động của một người rất
tiêu-chuẩn, đứng-đắn.
Chương ‘Thuận-hóa’ sách Thông-thư viết: “Trời lấy Dương sinh vạn vật, lấy
Âm thành vạn vật. Sinh là nhân, Thành là Nghĩa. Cho nên thánh-nhân ở bên trên
dùng nhân để ‘育 dục’ vạn vật, dùng nghĩa
để ‘正 chính’ vạn vật.
Chúng ta nhận thấy nội-dung của đoạn văn trên nhấn mạnh đến cách ‘sống’ của
con người, đó là giữ cho được ‘tĩnh’.
Câu ‘trung chính nhân nghĩa’ rõ-ràng là nhắc-nhở chúng ta sống hòa-hợp với
lẽ biến-hóa của Âm dương mà thôi.
Tiết đầu tiên của thiên ‘Thượng cổ thiên chân luận’ (Tố-vấn 1) ghi:
Hoàng Đế hỏi Kỳ Bá: “Ta nghe rằng người thời thượng cổ tuối có đến trăm mà
động-tác vẫn không suy yếu. Người thời nay tuổi mới nửa trăm mà động-tác đều đã
suy yếu. Đó là vì thời thế khác nhau ư ? hay là con người sắp mất đi (sự hòa-điệu
Âm Dương )?”.
Kỳ Bá đáp: “Người thời thượng cổ đều biết cái Đạo tu-dưỡng, họ bắt chước
theo lẽ (biến-hóa ) của Âm Dương, họ hòa-hợp được với thuật luyện tinh-khí. Họ
ăn uống có điều-độ, thức ngủ theo lẽ thường , không lao-động mệt-nhọc một cách
cẩu-thả . Do đó hình-thể và thần-khí của họ đầy-đủ để có thể sống trọn tuổi Trời.
Trăm tuổi mới chết…”
NHÂN NGHĨA LÀ ĐẠO CỦA NGƯỜI
Chương 2 Thuyết-quái truyện viết: “Ngày xưa bậc thánh nhân viết ra Dịch là
để bày tỏ sự sống thuận với cái lý của ‘tính mệnh’. Cho nên, cái Đạo lập nên
Thiên gọi là Âm và Dương, cái Đạo lập nên Địa gọi là nhu và cương ,cái Đạo lập
nên nhân (người) gọi là ‘仁 nhân’ và ‘義nghĩa.’.”
Như vậy, ‘nhân nghĩa’ ở đây không phải là lòng thương người một cách chung
chung, mà nó chính là một cách sống hòa-điệu với Âm Dương của Thiên, cương nhu
của Địa.
Thiên ‘Thượng cổ thiên chân luận’ nói tiếp: “Bậc thánh-nhân dạy người dân
(dưới mình) muốn cho họ đều phải rõ về (tai hại) của hư tà tặc phong, muốn cho
họ tùy theo thời-tiết mà tránh tà-khí phải giữ lòng điềm-đạm hư-vô, phải sống
đúng với chân-khí của mình. Tinh-thần có giữ được bên trong thì bệnh làm sao có
thể đến được? được vậy thì chí sẽ nhàn mà ít ham muốn . Tâm được an mà không sợ-sệt,
hình thể nhọc-nhằn mà không mệt-mỏi. Khí được theo với lẽ thuận…”
Đây cũng chính là ý-nghĩa mà thiên ‘Tứ khí điều thần luận’ (Tố-vấn 2) đã nhấn
mạnh: “Thiên minh nhi nhật nguyệt bất minh.”
Đoạn 6: Quân tử tu (修) chi cát, tiểu nhân bội (悖) chi hung. Cố viết: Lập Thiên chi đạo viết Âm Dương, lập địa chi Đạo viết
nhu dữ cương (柔剛), lập nhân chi Đạo viết
nhân dữ nghĩa. Hựu viết: “ nguyên thỉ: 原始) phản chung (反終). Cố tri tử sinh chi thuyết
(說). Đại tai Dịch dã: Tư kỳ chí hỹ ( 大哉 易 也 斯 其 至 矣 ).
Dịch nghĩa: “ Người quân-tử tu sửa (chính-khí) cho nên ‘cát’; kẻ tiểu-nhân làm ngược lại (chính-khí) cho nên ‘hung’. Vì
thế Dịch nói ‘Đạo lập nên Thiên gọi là Âm và Dương, Đạo lập nên Địa gọi là nhu
và cương, Đạo lập nên nhân gọi là nhân và nghĩa’. Kinh Dịch lại nói: “Nguyên bắt
đầu đi rồi trở lại cái chung”. Vì thế nên biết được cái lý của việc sống chết.
Ôi! Lý của Dịch to rộng thay! Đạt đến mức này là cao nhất vậy.”
Chúng ta thấy ở câu kết-luận, Chu Liêm-Khê đã khuyến-cáo con người nên
hành-động theo Đạo người quân-tử, tức là luôn luôn lúc nào cũng phải tu đức, phải
sống đúng theo Thiên-Đạo, được vậy thì kết-quả sẽ ‘cát: lành’. Ngược lại, bọn
tiểu-nhân sống nghịch với Thiên-Đạo thì kết-quả sẽ ‘hung’.
Thiên ‘Tứ khí điều thần luận’ (Tố-vấn 2) nhấn mạnh: “Ôi! Âm Dương vận-hành
trong 4 mùa là cái ‘căn: rễ’, cái bản (gốc) của vạn vật. Cho nên, bậc
thánh-nhân đến mùa xuân và mùa hạ thì dưỡng Dương , đến mùa thu và mùa đông thì
dưỡng Âm, đó là để theo đúng với cái căn và cũng để cùng với vạn-vật chìm nổi
theo cánh cửa của việc sống chết.
Nếu sống nghịch lại với cái căn, đó là chặt đứt cái ‘bản’ là hủy-hoại cái
‘chân’ vậy. Cho nên, Âm Dương vận-hành trong 4 mùa là nơi chung-thỉ của vạn vật.
là cái gốc của việc sống chết.”
Thiên này nói tiếp: 逆 之 則 災 害 生 從 之 則 苛 疾不 起 是 謂 得 道 道 者 聖 人 行 之 愚 者 佩 之 從 陰 陽 則 生 逆 之 則 死 從 之 則 治 逆 之 則 亂 反 順 為 逆 是 謂 內 格.
Nghịch chi tắc tai hại sinh, tùng chi tắc hà tật bất khởi, thị vị đắc Đạo.
Đạo giả, thánh-nhân hành chi, ngu giả bội chi. Tùng Âm Dương tắc sinh, nghịch
chi tắc tử, Tùng chi tắc trị, nghịch chi tắc loạn. Phản thuận vi nghịch thị vị
nội cách.
Dịch nghĩa: Sống nghịch lại với Âm Dương thì tai hại sẽ xãy ra. Sống thuận
theo với Âm Dương thì các tật bệnh nặng không thể dấy lên, gọi là đắc Đạo.
Đạo là con đường mà thánh-nhân đi theo, kẻ ngu thì làm nghịch lại. Theo
đúng với Âm Dương thì trị (yên), nghịch lại thì loạn. Xoay ngược cái thuận
thành cái nghịch, gọi là Nội-cách.
Phùng hữu-Lan nói rằng con người phải lấy lòng ‘trung chính’ để làm khuôn mẫu
cho mình và lấy lòng ‘nhân nghĩa’ để đối-xử với kẻ khác.
Rõ-ràng câu nói trong Kinh Dịch ‘Lập nhân chi Đạo viết nhân dữ nghĩa’ không
phải là để nói đến một thứ nhân nghĩa thương người chung chung, mà ‘nhân nghĩa’
ở đây chính là hành-động đúng theo sự vận-hành của Âm Dương (Thiên), đúng theo
nhu cương (Địa), đúng với ý-nghĩa mà thiên ‘Tứ khí điều thần luận’ đã nói: “Âm
Dương giả, vạn vật chi chung thỉ dã, tử, sinh chi bản dã.’
Con người chỉ cần hành-động như thế đã là thánh-nhân rồi. Thánh-nhân là người
sống thuận với lẽ biến của Âm Dương , kẻ ngu (tiểu-nhân) thì làm ngược lại.
Tóm lại, nếu Kinh Dịch chỉ mới phát-họa những nét đại-cương về Thái-cực và
con người, nếu Trung-dung hay dực-truyện tô đậm nét hơn với lòng ‘thành’, thì
Thái-cực đồ và Thái-cực đồ thuyết đã tô đậm hơn nữa: Vô-cực, Thái-cực, Âm
Dương, ngũ hành. Rồi chính Nội-kinh mới là tác-phẩm lập nên con người bằng một
thực-thể hoàn-chỉnh nhất có khí huyết, kinh mạch, cốt-nhục, hồn-phách, tử sinh…
CHƯƠNG II
LUẬT BIẾN-HÓA TRONG KINH DỊCH
( Pháp-luân thường chuyển)
Đây là phần quan-trọng trong việc trình-bày về luật biến-hóa , giao-cảm
trong Kinh Dịch.
Khi ứng-dụng vào y-học, người thầy thuốc đông-phương cũng phải dựa vào lẽ
biến để nghiên-cứu từ sinh-lý, bệnh-lý, mạch-lý và điều-trị-lý…
Thương-hàn luận và Kim-quỹ yếu-lược là 2 tác-phẩm đầu tiên đã khai-triển lẽ
biến-hóa trong Nội-kinh để ứng-dụng vào lâm-sàng về các mặt như đã nói trên.
Chúng ta sẽ bàn vấn-đề này sau đây.
Trong phần này, chúng ta đi từ những định-nghĩa đại-cương trong Kinh Dịch
nói về luật biến-hóa. Qua sự trình-bày này, chúng ta sẽ dùng những tài-liệu
trong Nôi Nan, Thương Kim…để làm nổi-bật quan-hệ biến-hóa trong Kinh Dịch đến
biến-hóa trong y-học.
Chương 8 Hệ-từ hạ truyện
khẳng-định:
易 之 為 書 也 不 可 遠 為 道 也 屢 遷
Dịch chi vi thư dã, bất khả
viễn, vi đạo dã lũ thiên
變 動 不 居周 流 六 虛 上 下 無
biến động bất cư, chu lưu
lục hư, thướng há vô
常 剛 柔 相 易 不 可 為 典 要
thường , cương nhu tương dịch,
bất khả vi điển yếu,
唯 變 所 適.
duy biến sở thích.
Dịch nghĩa:
Dịch khi được viết thành sách (là nhắc cho chúng ta biết rằng) không thể sống
xa với (cái lý của nó). Đạo (của Dịch) là luôn luôn dời-đổi, biến-động chớ không
ở vào một chỗ. Nó lưu-hành khắp nơi trong cõi lục hư, lên xuống một cách ‘vô
thường’, lẽ cứng mềm cùng thay nhau. Không thể xem nó như một mẫu-mực nào chỉ
có dựa vào lẽ biến là thích-hợp nhất.
Câu nói trên đây, tất nhiên, không thể hiểu ngay và hiểu một cách đơn-giản
được . Nội-dung của nó nhắc chúng ta biết rằng khi học Dịch, không nên dựa vào
phần hữu-hình để hiểu một cách cố-định nào đó, chúng ta phải dựa vào lẽ biến-hóa
của Đạo.
Những phần trước đây, chúng ta đã biết thế nào là ‘khí’, là Đạo. Chúng ta
nên tiếp-tục những khái-niệm trên về khí để tìm hiểu những phần dưới đây.
Chương I Hệ-từ hạ truyện viết: “ Cương nhu tương thôi biến tại kỳ trung hỹ.=
cương nhu xô-đẩy nhau mà biến tại bên trong vậy.
Chương này viết tiếp: “Cát hung hối lận sinh ra từ trong cái động. Cương
nhu là lập nên cái gốc, biến thông thì theo đúng với thời…Cái động trong
thiên-hạ được ‘trinh’ bởi cái Nhất…”
Cương nhu là sự hữu-hình của vạn vật ở Địa.
Chương 2 Hệ-từ thượng truyện viết:
“Cương nhu tương thôi nhi sinh biến-hóa…Biến hóa giả, tiến-thoái chi tượng
dã.” = Cương và nhu xô-đẩy nhau mà thành biến-hóa …Biến-hóa là cái tượng của sự
tiến-thoái.
Những câu nói trên trong Kinh Dịch chứng tỏ biến-hóa là cái lý ‘Sinh sinh
chi vị Dịch’. Có biến-hóa mới có giao-cảm, có giao-cảm mới có biến-hóa; giao-cảm
và biến-hóa nằm trong một cái vòng mà Nội-kinh gọi là ‘chu nhi phục thỉ như
hoàn vô đoan’: đi hết vòng rồi lại trở lại, như chiếc vòng ngọc không đầu mối’.
Đây mới chính là điểm mà cổ-nhân thường nói ‘Học Dịch đi đã, rồi mới nói đến việc
học y’!
Trong phạm-vi của quyển ‘Dịch-lý và y-lý’ tôi xin trình bày những nét lớn về
vấn-đề này. Sau đó, chúng ta tiếp-tục dùng nó làm hành-trình để đi vào ‘rừng
y’.
Trước hết tôi xin trình-bày luật biến-hóa , ở phần sau sẽ nói đến luật
‘giao-cảm’. Sau đó là phần dựng nên một con người, dĩ nhiên dưới mắt Đông-y , với
thân và thể, thủ và túc, khí và huyết, kinh và mạch, ngủ và thức, buồn và vui…để
chúng ta hiểu thế nào là ‘bình nhân’. Từ đó, chúng ta sẽ biết được thế nào là
‘bệnh nhân’. Công-tác của người thầy thuốc Đông-phương phải biết con đường đưa
từ ‘bệnh nhân’ trở lại với ‘bình nhân’, hoặc giữ cho ‘bình nhân’ tránh được trở
thành ‘bệnh nhân’.
Khổng Dĩnh-Đạt trong Chu Dịch chính nghĩa đã trích dẫn sách ‘Dịch Vĩ Kiền-tạc
độ, chia sự biến-hóa của Kinh Dịch ra làm 3 nghĩa:
a) - BIẾN-HÓA THEO DỊ-GIẢN
(易簡).
(Nhất bản tán vạn thù)
Như chúng ta đã biết, sự biến-hóa của vạn vật hữu hình đi từ vô-cực,
thái-cực, lưỡng-nghi, tứ tượng…tức là đi từ ‘dị và giản’ của vô-cực, của Thái-cực,
để rồi tiến tới vạn vật đa thù do Âm Dương tạo nên. Dịch-lý hay
là y-lý đều phải đi bằng con đường từ phức tạp, đa thù để trở về với cái ‘dị giản’:
Thiên ‘Thiên nguyên kỷ đại luận’ (Tố-vấn 66) viết: Cố vật sinh vị chi hóa,
vật cực vị chi biến. Âm Dương bất trắc vị chi thần, thần dụng vô phương vị chi
thánh: = Cho nên, vật ‘sinh ra’ gọi là ‘hóa’, vật đến lúc ‘cực’ gọi là ‘biến’.
Âm Dương (biến-hóa đến chỗ) không đo-lường được gọi là ‘thần’. Cái ‘dụng’ của
thần không bị đóng khung vào một mặt nào, người thực-hiện được việc ấy gọi là
thánh-nhân.
Thiên này nói tiếp: “Ôi! Cái dụng của biến-hóa: Ở Thiên là ‘huyền 玄’, ở nhân (người) là ‘道 đạo’, ở Địa là ‘化 hóa’. Hóa sẽ sinh ra ngũ ‘味 vị’, Đạo sinh ra ‘智 trí’, huyền sinh ra ‘神 thần’. Thần ở Thiên là Phong, ở Địa là Mộc, ở thiên là nhiệt, ở Địa là Hỏa,
ở Thiên là Thấp, ở địa là Thổ, ở Thiên là Táo, ở Địa là Kim, ở Thiên là Hàn, ở
Địa là Thủy. Cho nên, ở Thiên gọi là ‘khí’, ở Địa gọi là ‘hình’.
Hình khí cùng tương cảm mà ‘hóa sinh’ ra vạn vật.”
Thiên ‘Lục vi chỉ đại luận’ (Tố-vấn 68) và thiên ‘ngũ thường chính đại luận’
(Tố-vấn 70) cũng nói tương-tự như thế.
Vạn vật hữu hình đa dạng, tất cả đều từ ‘khí’ để ‘biến’ để ‘hóa’.
Chương 1 Hệ-từ thượng truyện viết:
Kiền dĩ dị tri, thần dĩ giản năng , dị tắc dị tri, giản tắc dị tùng. = Đạo
Kiền dựa vào cái ‘dị: dễ’ mà điều-hành mọi
việc. Đạo Khôn thì dựa vào cái ‘giản’ mà thực-hiện được vai-trò của mình. Hễ ‘dị’
thì đễ điều-hành, ‘giản’ thì dễ làm theo.
Chương này viết tiếp:
易 簡 而 天 下 之 理 得 矣:
Dị, giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỹ. = Nhờ vào ‘dị’ và ‘giản’ mà ta ‘đắc’
được cái lý trong thiên-hạ.
Như vậy, trong thiên Địa và con người , cái ‘dị’ cái ‘giản’ hiểu như là cái
‘nhất’. Chính cái đó mới là ‘đầu mối’ quan-trọng để điều-hành cái phức-tạp,
đa-thù. Cái ‘dị’ và ‘giản’ cũng chính là cái nguồn gốc từ đó sinh ra vạn vật đa
thù.
Chương 10 Hệ-từ thượng truyện gọi nó là ‘cơ’:
“Phù Dịch, thánh nhân chi sở dĩ cực
thâm nhi nghiên ‘cơ’. Duy thâm dã cố năng thông thiên hạ chi chí; duy cơ dã cố
năng thành thiên hạ chi vụ; duy thần dã cố bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí. =
Ôi! Kinh Dịch có một nội-dung mà bậc thánh-nhân dùng để diễn tả cái chỗ cực
‘thâm’ để nghiên-cứu cái ‘cơ’ vậy. Duy chỉ có thâm mới thông được cái chí của
thiên-hạ; duy chỉ có ‘cơ’ mới thành được cái nhiệm-vụ trong thiên-hạ; duy chỉ có
thần làm cho không vội-vàng mà được mau chóng, không đi mà đến.
Thánh-nhân ở đây, như chúng ta đã biết, là những người sống thuận với ‘Lý của
tính mệnh’, họ cũng là những tác-giả của Kinh Dịch như Phục Hy, Văn vương, Chu-công Đán, Khổng-tử.
Từ những người này cho đến những thế-hệ sau nối tiếp theo, tất cả đã làm công
việc giải-quyết mọi vấn-đề quan-hệ giữa Thiên Địa, vạn-vật và con người. Hoàng
Đế Nội-kinh là bộ sách giải-quyết vấn-đề trên riêng về mặt con người và bệnh tật.
Nguyên-lý để giải-quyết là bắt đầu từ chỗ phức-tạp nhất của xã-hội,
gia-đình, thân-thể với ngũ tạng luc phủ …để tìm ra cái thâm, cái cơ, cái ‘thần,
tức là cái dị, cái giản. Duy chỉ có dị và giản tức là cái Thái Nhất mới giải-quyết
tận nguồn gốc của vạn vật hữu-hình phức-tạp mà thôi.
Thiên ‘Thượng cổ thiên chân luận’ (Tố-vấn 1) viết: “Ngày xưa Hoàng Đế sinh
ra là đã rất thần linh…”
Ở đây, chúng ta hoàn-toàn không nên hiểu chữ ‘thần linh’ là một vị thần rất
linh-thiêng, có khả-năng siêu-việt, giúp-đở hoặc hãm-hại loài người …chúng ta lại
càng không nên hiểu Hoàng Đế khi sinh ra đã là một vị thần-linh.
MN Đài chú: “Kinh Dịch viết:’Âm Dương không lường được gọi là thần.
Chữ ‘Linh’ có nghĩa là tùy theo cảm để ứng theo. Kinh Thư cũng nói: “Duy chỉ
có con người là ‘vạn vật chí linh’, cho nên gọi là thần linh.”
TCThông chú: “Thần linh có nghĩa là người có trí tuệ”.
TCNhạc chú: “Thần linh có nghĩa là người ‘hết mực thông-minh’.”
Thông qua các lời chú-giải của các nhà y-học trên, chữ ‘thần linh’ vẫn chưa
diễn-tả được ý-nghĩa sâu-sắc của nó. Thực sự, chúng ta phải chia từ này ra làm
2 tự để giải, sau đó tổng-hợp lại thì mới hiểu rõ được sâu hơn.
Trong sách Hoàng Đế Nội-kinh, nhất là trong vấn-đề trị-liệu, chữ thần phải
được hiểu theo y-học, chứ không thể hiểu chung chung được. Thiên ‘cửu châm thập
nhị nguyên’ (Linh-khu 1), Thiên ‘bát chính thần minh luận’ (Tố-vấn 28), Thiên
‘Bản thần’ (Linh-khu 8)…tất cả đều mô-tả ‘thần’ như là một biểu-hiện sống-động
nhất trong quá-trình khí-hóa của Âm Dương, quan-hệ không rời nhau giữa ‘tinh’
và ‘khí’.
Chúng ta có thể trình-bày một số tài-liệu rút ra từ trong Nội-kinh thật điển-hình
về chữ ‘thần’, sau đó sẽ có phần nhận-định quá-trình đi từ ‘thần’ đến linh.
Thiên ‘Tiểu châm giải’ (Linh-khu 3) viết: “Thần là chính-khí vậy.”
Thiên ‘vinh vệ sinh hội’ (Linh-khu 18) viết: “Huyết là thần khí vậy.” TCNhạc
chú: “Khí vinh vệ tuy chia ra phần thanh và trọc, thế nhưng, tất cả đều là do
phần tinh-hoa của thủy cốc mà thành. Tinh-khí là con đường tiến của huyết thành
màu xích (đỏ), không thể đo-lường được sự kỳ-diệu đó . Đó là ý-nghĩa của câu
nói ‘Huyết là thần-khí’,” TCNhạc đã dẫn câu nói trong chương 5 Hệ-từ thượng
truyện (Kinh Dịch): “Âm Dương bất trắc vị chi thần”.
Thực vậy, chúng ta thấy sự biến-hóa từ tinh-khí của Âm Dương của cốc và vị
‘biến-hóa’ thành huyết-khí là một quá-trình biến-hóa vô cùng vi-diệu, không thể
đo-lường bằng phương-tiện hữu-hạn của tai và mắt con người.
Thiên ‘Thiên niên’ (Linh-khu 54) viết:
- Hoàng Đế hỏi: “Cái gì gọi là Thần?”
- Kỳ Bá đáp: “ Huyết-khí đã hòa, khí vinh vệ đã thông, ngũ tạng đã thành,
thần-khí sẽ ngụ vào Tâm.”
- Thiên ‘Kinh thủy’ (Linh-khu 12) viết:
“Ngũ tạng là nơi họp lại và tàng chứa thần, khí, hồn, phách.”
Thiên ‘Cửu châm thập nhị nguyên’(Linh-khu 1) viết: “Tiết là nơi để cho thần-khí
du-hành và xuất-nhập.”
Thiên ‘Bát chính thần minh luận’ (Tố-vấn 26) viết: “Huyết-khí là thần của
con người”
TCThông chú đoạn chót của thiên ‘Giải tinh vi luận’: Dương-khí là thần-khí,
Hỏa-khí là Dương-khí . Ý nói bên trong ‘thần-khí’ được giữ-gìn bởi tinh-khí…Khí
sinh ra ở thần, thần sinh ra ở tinh, tinh-khí nương theo thần-khí mà vận-hành.’
Đến đây, chúng ta có thể kết-luận thành 2 điểm:
a) Bản- chất của thần
chính là một dạng sinh-động của tinh mà tinh là sự kết-hợp
hài-hòa giữa ‘Tiên-thiên khí’ và Hậu-thiên khí’. Con người đầy-đủ tinh, tức là
con người đầy đủ khí-huyết, sự hiện-hữu và sự biểu-hiện của nó sẽ sống-động, sẽ
nhanh-nhẹn, theo kịp, theo đúng với sự biến-hóa, vận-hành của ‘Thiên nhân địa’
( hình dưới đây):
Sự biểu-hiện như trên được gọi là ‘thần’, sự nhanh-nhẹn sống-động gọi là
‘linh’. Vậy TINH – KHÍ-THẦN-LINH là một quá-trình sinh-hóa của khí Âm Dương
không ngừng-nghỉ, không tách rời, cũng như không thể bắt nó dừng lại để mà
quan-sát nhìn nó như một đối-tượng nằm yên một chỗ.
b) Cho nên, ở dạng vô hình
của khí, thần-linh là Âm Dương điều-hòa,
còn ở dạng hữu-hình của thân-thể khí huyết thì thần linh là sự sống quan-hệ với
những người xung-quanh mình, với xã-hội, với vũ-trụ. Nói khác đi, thần-linh là
một khả-năng tiếp-nhận, phản-ứng nhanh-nhẹn, chính-xác, không sai với nhịp vận-hành
chung của Thiên Địa.
Tóm lại, câu ‘Hoàng Đế sinh nhi thần-linh’ có nghĩa là Hoàng Đế sinh ra và
lớn lên với 1 Tiên-thiên khí khỏe mạnh và một Hậu-thiên khí sung-túc, ông sống
nhanh-nhẹn, thích-ứng tuyệt-vời với nhịp-điệu chung của vũ-trụ quanh mình”
Qua sự nhận-định trên, chúng ta thấy rằng ‘thần-linh’nơi Hoàng Đế có nghĩa
là ông này có một khả-năng từ tiên-thiên đến hậu-thiên để thành một người nắm
được lẽ biến-hóa của vũ-trụ ‘dị giản’ đến phức-tạp để rồi đưa nền y-học
Đông-phương đi đúng vào con đường ‘biến-hóa’ chung của Vô-cưc, Thái-nhất đến sự
‘biến-hóa’ của Âm Dương…
THÁI-CỰC VI CHỦ (VŨ-TRỤ HỮU
HÌNH.)
Chương 5 Hệ-từ hạ truyên xác-định:
機 者 動 之 微 吉 凶 之 先 見 者 也
Cơ giả, động chi vi, cát hung chi tiên hiện giả dã.
= Cơ là chỗ nhỏ (vi) nhất của mọi
cái động, là sự hiện ra trước của mọi điềm lành dữ.
Bậc Thánh-nhân phải ‘tri cơ’, ‘kiến cơ’ để hành-động đúng thời, đúng tận
nguồn của một vấn-đề.(xem phần Hà-Đồ ở SỐNG ĐẠO I) .
Chương này nói tiếp:
君 子 見 機 而 作 不 俟 終 日
Quân-tử kiến cơ nhi tác, bất sĩ chung nhật. = Người quân-tử phải kiến cơ để
hành-động, không thể ngồi suốt ngày để chờ-đợi (nghĩa là phải Tu).
Vương Bật, về mặt Dịch-lý, đã giải-thích rất rõ trong thiên ‘Minh thoán’
(Chu Dịch lược lệ):
夫 眾 不 能 治 眾 治 眾 者 至 寡 者 也
Phù ! Chúng bất năng trị chúng, trị chúng giả, chí quả giả dã. = Ôi !
‘Chúng’ không thể trị chúng, muốn trị chúng phải là cái chí ‘quả’.
Ông nói tiếp: 夫 動 不 能 制 動 制 天 下 之 動 者 貞 夫 一 也 : Phù! Động bất năng chế động, chế thiên-hạ chi động
giả, trinh phù nhất dã = Ôi! Động không thể chế được động, muốn chế cái động
trong thiên-hạ, phải là cái ‘trinh nhất’.
Trong hai câu nói trên: ‘chúng’ và ‘động’ là muốn chỉ vào vạn-vật đa-thù,
‘quả’ thì chỉ vào cái Nhất, cái giản, cái dị…chữ ‘trinh nhất’ cũng thế.
Lão tử nói trong chương 39 Đạo-đức kinh: “Vương hầu đắc nhất dĩ vi thiên hạ
trinh. = Bậc Vương hầu đắc được cái nhất để làm cái trinh trong thiên hạ.
Chương 1 Hệ-từ hạ truyện cũng viết: “Thiên hạ chi động, trinh phù nhất dã.
= Cái động trong thiên-hạ được trinh là do ở Nhất. Ở đây, chúng, động là sự biểu-hiện
phức-tạp. Muốn giải-quyết cái phức-tạp không thể dùng đến phức-tạp mà phải trở
về với cái ‘dị và giản’.
Khổng tử nói trong chương 5 Hệ-từ hạ truyện:
“Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất
trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự? = Thiên-hạ đi bằng nhiều đường khác
nhau, nhưng cùng quy về một mối, (Thiên hạ) suy-nghĩ nhiều cách nhưng cùng đi đến
chỗ ‘nhất trí’. Thiên-hạ còn lo gì? Nghĩ gì?
Chữ ‘đồng quy’ và ‘nhất trí’ cũng có nghĩa là cái nguồn gốc của dị và giản.
Khi nói đến nhất thống thì phải nói đến tông (宗), khi nói đến hội thì phải nói đến nguyên (元). Có như vậy thì phiền mà không bị
loạn, chúng mà không bị mê-hoặc.
Cho nên dù 6 hào (trong một quẻ dịch) có những ngôi vị khác nhau, nhưng ta
có thể chọn một hào để làm sáng-tỏ, dù cương nhu có tương thừa nhau, nhưng ta
có thể chọn một ngôi chủ để định khí.
Vương Bật đưa ra những thí-dụ trong kinh Dịch:
Trong quẻ có 5 hào Dương và 1 hào Âm, thì hào Âm đó làm chủ:
Quẻ Đồng Nhân: “Đồng nhân, nhu đắc vị, đắc trung nhi ứng hồ Kiền viết Đồng
nhân.”
(Quẻ Đồng nhân : hào nhu đắc vị, đắc trung mà ứng với quẻ Kiền, gọi là Đồng
nhân.)
Đại tượng truyện viết: “Thiên dữ Hỏa Đồng nhân, quân-tử dĩ tộc loại biện vật.”
(Thiên và hỏa là tượng của Đồng-nhân. Người quân-tử dựa vào đó mà phân-biệt được
tộc loại và phân biệt được vạn vật.
Chú giải: Quẻ Đồng nhân gồm có hai quẻ đơn Kiền và Ly. Xét toàn quẻ thì chỉ có 1
hào Âm ở giữa quẻ Ly là đắc trung ,đắc chính tức đắc vị. Hào 2 là đức sáng, là
Hỏa. Đồng nhân có nghĩa là hòa-đồng cùng người khác. Hào lục nhị ứng với hào cửu
ngũ, đó là Đạo của người quân-tử: Hai quẻ Kiền và Ly hợp nhau để thành quẻ Đồng-nhân
cũng nhờ có hào lục nhị. Hào này tạo thành quẻ Ly trong quá-trình mà quẻ Kiền hấp-thụ
được một hào Âm ở giữa thành đứa con gái (trung nữ).
Trên Trời, dưới Lửa, tính của 2 quẻ cùng giống nhau, biểu trưng của sự
‘thông chí’ trong thiên hạ. 5 hào Dương này nhờ có một hào Âm mà được cái tượng
tốt như thế.
Thoán–từ truyện viết: “Lý, nhu Lý cương dã. Duyệt nhi ứng hồ Kiền , thị dĩ
lý hổ vĩ, bất điệt (咥 ) nhân, hanh.
Quẻ Lý là nói về nhu ‘đạp lên’ cương vậy. Đây là lấy đức ‘vui’ để ứng với
quẻ Kiền, vì thế đạp lên đuôi cọp mà cọp không cắn người, hanh.
Chú giải: Quẻ này gồm 5 hào Dương và một hào lục tam thuộc Âm. Hào từ lục
tam có nói “…đạp lên đuôi cọp, cọp cắn người, hung…”
Nếu chỉ nhìn riêng hào thì hào này là hung. Nhưng theo Vương Bật thì
vai-trò của Thoán-từ là nhằm giải-thích điểm chủ-yếu của một quẻ, hào lục tam của
quẻ Lý này tạo thành cái thể của quẻ.
Câu ‘đạp lên đuôi cọp’ là nói về cái nguy. Hào lục tam làm chủ quẻ Lý, đó
là dùng nhu ‘đạp lên’ cương , đó là nguy. Nhưng khi nói ‘đạp lên đuôi cọp mà cọp
không cắn’ đó là lấy cái ‘vui’ của quẻ Đoài để ứng với quẻ Kiền , Quẻ Kiền tượng-trưng
cho cái đức cương chính. Ở đây cái Đức ‘duyệt: vui’ không đem ra để thi-hành một
cách cẩu-thả mà rồi đã lấy nó để ứng với quẻ Kiền, nhằm làm cho ‘đạp lên đuôi cọp
mà cọp không cắn người’.
Chu Hy nói: “Quẻ Đoài gặp quẻ Kiền, đó là vui-vẻ để tiếp nhau với sự cứng mạnh…”
Nếu nhìn ở Đại-tượng của quẻ chúng ta thấy ‘thượng Thiên hạ Trạch’, người
quân-tử xem đó để định được, để thấy được vai trò của kẻ trên người dưới…
Thoán-từ truyện viết: “Nhu đắc vị nhi thượng hạ ứng chi, viết Tiểu-súc.”
:Hào nhu đắc vị mà làm cho thượng hạ ứng nhau gọi là Tiểu-súc.
Chú giải: Quẻ Tiểu-súc gồm 2 quẻ đơn là Tốn và Kiền. Xét toàn quẻ Tiểu-súc thì quẻ
Tốn có một hào Âm ẩn náo dưới 2 hào Dương, đức của nó là thuận . Tiểu-súc có
nghĩa là chứa ít. Trên là quẻ Tốn, dưới là quẻ Kiền. Khí Âm ngăn khí Dương, Hào
Âm duy nhất này đã làm chủ ngăn lại 5 hào Dương.. Sức chứa ít nên gọi là Tiểu-súc.
Quẻ Kiền là mạnh, quẻ Tốn là thuận, hào nhị và ngũ là Dương , hào cữu nhị làm
việc ở ngôi vị Âm, không đắc vị, không đắc chính nhưng vẫn thi-hành cái chí của
mình được, dù rằng không rộng-rãi giống như mây dày đặc mà không mưa…
Thoán-từ truyện viết: “Nhu đắc tôn vị Đại trung nhi thượng hạ ứng chi viết
Đại hữu.”
Hào nhu được ở ngôi tôn vị, cái lớn được hợp với trung mà trên dưới đều ứng-hợp,
gọi là Đại-hữu.
Chú giải: Quẻ Ly thuộc hỏa, quẻ Kiền thuộc Thiên, hỏa ở trên Trời, chiếu sáng.
Trong 5 hào Dương có hào Âm ở ngôi Dương đó là hào lục ngũ. Hào này ở ngôi tôn
hợp với đạo trung làm cho 5 hào Dương đều hướng về để ứng-hợp. Đó là Đại hữu
(có lớn), đó là đức nguyên hanh.
Trong quẻ có 5 hào Âm và 1 hào Dương thì hào Dương đó sẽ làm chủ:
Thoán-từ truyện viết: “Sư chúng dã . Trinh chính dã . Năng dĩ chúng chính
khả dĩ vượng hỹ.= Quẻ Sư là chỉ vào số đông dân chúng. Trinh là chính. Biết đưa
dân chúng vào chỗ chính sẽ thịnh vượng.
Chú giải: Quẻ Khảm ở dưới, quẻ Khôn ở trên. Người xưa xem binh lính như lực-lượng
làm ruộng. Hào cửu nhị nằm trong quẻ Khảm , đắc trung là tượng của ông tướng, khiến
cho 5 hào Âm trên dưới đều phải thuận theo: dân chúng, binh lính thì phải theo
tướng . Hào cửu nhị lại ứng với hào lục ngũ, trinh chính.
Thoán-từ truyện viết: “…Tỷ phụ dã, hạ thuận tùng dã. = Tỷ là giúp đỡ, kẻ dưới
phải thuận tùng (trên).
Chú giải Hào cửu ngũ có đức cương đắc trung chính, do đó trên dưới 5 hào Âm
đều phải theo để gần-gũi nhau.
Thoán-từ truyện viết: “Khiêm hanh, thiên đạo há tế nhi quang minh , Địa đạo
ty nhi thướng hành. = Quẻ Khiêm là hanh-thông . Đạo Trời xuống thấp để cứu dân
nên đức quang-minh. Đạo Đất thấp nhưng đi lên.
Chú giải Hào cửu tam ở ngôi chính; trên dưới 5 hào Âm đều quay theo. Vì hào
Dương ở ngôi chính nên đức được sáng , nhún-nhường để có thể quay xuống với
dân, trong lúc đó thì quẻ cấn ở dưới quẻ Khôn nhưng nhờ ở ngôi nhún-nhường nên
dù ở dưới cũng không ai vượt qua được, vừa lòng cả trên dưới.
Thoán-từ truyên viết: “Dự cương ứng nhi chí hành, thuận dĩ động. = Quẻ Dự: cương mà được ứng nên chí được hành,
đó là dưới thuận, trên động, quẻ Dự.
Chú giải: Dự là sự hòa-thuận vui vẻ. Trên dưới ứng-hợp nên vui vẻ. Cửu tứ
là hào Dương tạo cho thượng quái thành quẻ Chấn, chấn là động, trên động mà lẽ
thuận ở dưới , trên dưới được ứng nhau, được hòa nhau, Hào cửu tứ dẫn-dắt 5 hào
Âm, mặt Trời, mặt trăng không đi quá, sự vận-hành của 4 mùa không sai lệch, bậc
thánh-nhân thi-hành việc trị dân được trong sạch nên dân phục. Tất cả đều vui-vẻ.
Thoán-từ truyện viết: “Phục hanh cương phản…phản phục kỳ đạo…phục kỳ kiến
thiên Địa chi tâm hồ” = Quẻ Phục thuộc đức hanh, hào cương đã trở lại…Đạo đã trở
lại luật phản phục…Quẻ Phục cho ta thấy được cái Tâm của Thiên Địa vậy.
Chú giải: Quẻ Phục gồm 5 hào Âm và dưới cùng là 1 hào Dương , đó là
Dương-khí đã ‘phục: trở lại’. Vũ-trụ đi hết một vòng của thuần Khôn thì bắt đầu
sống trở lại với nhất Dương sinh.
Nội quái là quẻ Chấn, ngoại quái là quẻ Khôn: khí Dương động ở dưới cùng
theo lẽ tiến, từ dưới lên trên, biến-hóa theo lẽ thuận. Một vòng phản phục đi từ
quẻ Cấu (tháng 5): Một hào Âm sinh ra dưới 5 hào Dương cho đến quẻ Phục (tháng
11): 1 hào Dương sinh ra dưới 5 hào Âm. Đây là ý-nghĩa của câu nói:
“Thất nhật lai phục, thiên hành dã ”.
= Bảy ngày trở lại ‘phục’ đó là sự vận-hành của Thiên.
Thoán-từ truyện viết: “Bác, bác dã. Nhu biến cương dã. = Quẻ Bác có nghĩa
là bóc ra, lột ra. Nhu mà biến thành cương vậy.
Đại tượng truyện viết: “Sơn phụ ư Địa Bác, thượng dĩ hậu hạ an trạch: 山附於地剝上以厚下安宅 ( Núi dựa vào đất, là tượng của quẻ Bác. Kẻ trên nên đối-đãi hậu với kẻ dưới
để giữ yên được chỗ ở.
Chú giải: Quẻ Bác là quẻ có 5 hào Âm ở dưới 1 hào Dương. Âm thịnh lên mà
ngôi vị của Dương đang rất suy. Vai trò của một hào Dương đây rất tế-nhị, khéo
léo để giữ nơi ở của mình. Mọi việc theo hào Dương đến đây mà dừng lại, chỉnh đốn
đúng với mệnh Trời.
Chúng ta thường theo Vương Bật đề ra một số quẻ để chứng minh vai-trò của
‘dị giản’ của 1hào trong một quẻ. Cái gọi là ‘dị giản’ này được diễn-tả bằng
nhiều danh-xưng khác nhau: dị, giản, Nhất, thâm, Cơ, Thần, Vô-cực, Thái-cực,
Thường Đạo…
Thực vậy, trong y-học, tức là trong Nội-kinh, tất cả điểm then-chốt đó được
Tố-vấn gọi là nhất.
Trước hết chúng ta giới-thiệu thiên ‘Ngọc bản luận yếu’ (Tố-vấn 15). Nội-dung
chí của thiên này luận về phương-pháp vận-dụng điều gọi là ‘Quỹ đạc kỳ hằng’ bằng
cách chứng-minh qua mạch sắc của bệnh.
Chính vì phương-pháp này rất bảo-quý vì thế cho vào ‘Ngọc bản’. Sau đó là
phần trình bày của Kỳ Bá rất sâu-sắc về sắc mạch. Vì thế mới có tên gọi là ‘Ngọc
bản luận yếu’.
Dưới đây chúng ta thử đưa ra đoạn luận về phương-pháp sắc mạch đa dạng mà được
quy về cái Nhất, tức là quy về thần-khí của bệnh nhân.
NGŨ HÀNH: NGUỒN GỐC CỦA SỰ
SỐNG
(Biểu-tượng 十 CŨNG LÀ KHÍ SANH QUANG.)
b) Sự sinh khắc chế hóa của Âm Dương Ngũ-hành:
Học thuyết Ngũ-hành coi tất cả sự vật trong vũ-trụ đều cấu thành bởi sự vận-động
và biến-hóa của 5 loại vật chất: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. “NGŨ” là chỉ vật chất
không thể thiếu được trong sinh-hoạt của 5 luồng vận động. “HÀNH” là chỉ vận-động
và biến-hóa.
Vạn-vật trên thế-gian đều chịu sự sinh-khắc chế hóa của Âm Dương ngũ hành.
Con người đã tìm ra qui luật đó . Vì thế, trong “Hoàng-Đế nội-Kinh” có nói:
“ Âm Dương là đạo của Trời-đất, là cương
kỷ của muôn loài, là cha đẻ của muôn sự biến-hóa, là cái gốc của mọi sự mất còn”.
Cái khí của Trời Đất hợp mà làm một ( tức là vũ-trụ biểu tượng là hình chữ
“Thập”(十: tứ phương thượng hạ viết vũ; cổ vãng kim lai viết
trụ), phân ra âm(一: nét ngang), dương (〡: nét sổ), chia ra bốn mùa (Xuân:Thiếu âm,Hạ: Thái dương, Thu: Thiếu dương,
Đông: Thái âm) bày ra năm hành:Thủy, Mộc, Hỏa, Kim, Thổ) Hành (行) là đi vậy. Cách đi không giống nhau: Di lên, đi xuống, đi thẳng, đi cong
và ở một chỗ (Thổ ở trung cung) mà điều hành mọi việc cho nên gọi là ngũ-hành.
Năm-hành là 5 ông quan trong một triều-đình, so ra sinh lẫn nhau mà gián cách
thắng lẫn nhau vậy. Tương sinh là theo thứ-tự mà sinh ra nhau như 1 sinh 2, 2
sinh 3, 3 sinh 4, 4 sinh 5.
Đồ hình dưới đây cho ta thấy: Theo chiều mũi tên đi theo chiều thuận là
tương sinh tức là: Kim sanh Thủy; Thủy sanh Mộc; Mộc sanh Hỏa; Hỏa sanh Thổ; Thổ
sanh Kim; Kim sanh Thủy.
Có tương-sinh tức có tương thân: Mộc sinh Hỏa. tức Hỏa thân Mộc…
Còn như “gián tương thắng” là khắc chế nhau như: Kim thắng Mộc (hay kim khắc
mộc) ở giữa gián cách Thủy. Thủy thắng Hỏa ở giữa gián cách mộc. Mộc thắng Thổ ở
giữa gián cách Hỏa .Hỏa thắng Kim ở giữa gián cách Thổ. Thổ thắng Thủy ở giữa
gián cách Kim.- Vòng tương-khắc là Mô tả
một hành có khả năng hạn-chế, kiểm-soát hay phá hủy toàn bộ sự tiến-triển của một
hành khác.
Ví-dụ: Thủy dập tắt hỏa. Mộc hút nhựa sống từ Thổ. Hỏa nấu chảy Kim. Thổ
xây đập ngăn Thủy…Kim dùng làm búa sắt chẻ được củi (mộc). v.v.
Bổ túc cho vòng tương khắc là thuyết Tương-cụ (Cụ là sợ, là nể).
Thổ khắc thủy thì thủy cụ thổ.
Người xưa đã lấy thuộc tính của 5 loại vật chất để suy diễn trừu tượng, dùng
để nói lên toàn bộ thế-giới vật chất, còn cho rằng 5 loại vật chất không những có quan-hệ tương
hổ tư sinh, tương hổ chế ước mà còn không ngừng vận-động và biến-hóa. Nhân-loại
phát hiện sự vận-động không ngừng và tác-dụng tương hỗ của ngũ-hành là qui luật
là nguyên nhân SINH DIỆT và BIẾN-HÓA của
vũ-trụ.
Trong hệ-thống lớn của vũ-trụ Bát-quái có thuộc tính ngũ-hành, vì thế bản đồ
ngũ-hành là đơn-giản, nhưng vạn-vật trong trời đất có hàm chứa ở trong đó. Học
thuyết ngũ-hành có tư-tưởng triết-học sâu-sắc, là một bộ-phận quan-trọng trong
văn-hóa truyền thống của Trung-Quốc nói riêng và các nước Châu Á nói chung,
trong đó có Việt-Nam ( y tổ là Hải-Thượng Lãn Ông …) ngày nay có tôn-giáo
Cao-Đài (Tòa-Thánh Tây-Ninh).
Hệ-từ của Chu-Dịch cũng nói: “Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc phải biết
về thuyết sinh-tử”, Âm-dương giao-hợp(Thái) là bắt đầu của sự vật. Âm dương
phân-ly (Bỉ)là kết-thúc của sự vật : Hợp thì Sinh, ly thì Tử”.
Cái thể xác hữu hình của con người như ta đã thấy là do hai khí âm dương
ngũ-hành kết tạo mới thành.
Kinh Dịch cho biết rằng: Có Trời rồi mới có Đất. Trời Đất kết hợp điều hòa
mới sanh ra vạn vật và con người, cũng như con người ai cũng phải có Cha Mẹ.
(1).
Chú-giải (1):Trời là dương số, là cơ số (số lẻ). Đất là Âm số là số ngẫu (tức
số chẳn). Một (Dương) + Hai (Âm) tức là Đạo mà Kinh Dịch đã bảo: (Nhất Âm, Nhất
dương chi vị ĐẠO). Do theo trên, ta có thể thiết lập riêng cho mình một biểu thức
để làm nền tảng và mục tiêu mà chúng sanh phải tiến lên và làm cho sáng tỏ để
phát triển trí tuệ của mình hầu hoằng dương chánh pháp của nền chơn Đạo theo thời
“Tam-Kỳ Phổ-Độ”mà Thượng-Đế đã khai mở hơn 85 năm nay. Biểu thức đó như sau:
Càn: số 1= ☰ có 3 nét dương + hay hợp với Khôn số 2 có 2 nét âm ☷ tức là :1+ 2 = 3 . Con số
3 là do một gạch dương 丨gát chồng lên gạch âm 一一 thành hình chữ Thập “十” .
Biểu tượng này là để chỉ cho người biết rằng: khi chưa có chi trong càn
khôn thế giới, ta gọi nó là “Tiên-Thiên Hư-Vô chi khí”, tức là khí Vô-Cực, cũng
là khí sanh quang. Khí này còn trong trạng thái ‘tĩnh’, có nghĩa là chưa có vật
chi trong càn khôn thế giới này cả.
Đến khi khối Thái-cực ‘động’
thì mới sanh ra ‘lưỡng nghí’, tức là hai khí Âm Dương,khí dương nhẹ thăng lên
làm Trời, khí Âm nặng( trược khí) giáng xuống làm đất. Khi hai khí này phối hợp
nhau thì Trời Đất mới được sanh ra và vạn
vật cũng được thành hình từ đó. Các tiền Thánh
(như Phục Hy…) theo đó mới nghĩ ra cách khai triển thành bức Hà-Đồ gồm
có 10 con số (đó là phần LÝ-Số) nên ta gọi tên nó là ‘ ngũ-hành’ hay ngũ khí mà
vạn vật ắt là bẩm cái khí ấy rồi mới có hình. Cho nên Dịch mới nói “Các hữu
Thái-cực”.Trong bản Hà-đồ còn nói: “Thiên nhất sanh Thủy (là nước tượng bằng quẻ
khảm: (☵ có 5 nét) mà Địa lục thành chi”( tức ngũ khí (là số
1) phối hợp với ngũ hành (số 5) mà thành ra thai bào vậy.Lấy theo số mà nói thì
đó là cơ “ Nhị ngũ”, vì Trong ngũ hành còn chia ra ngũ hành dương và ngũ hành
âm, tức Tiên-thiên dương ngũ hành từ số 1,2,3,4,5 và Hậu-thiên Âm ngũ-hành là
các số từ 6, 7, 8, 9, 10. Số Dương là số Sanh và số Âm là số Thành. (xin xem lại tập SĐ, phần Hà-Đồ sẽ rõ hơn).
Ngũ hành là gì?
- Âm dương là ngưỡng cửa của sự phân-hóa biểu hiện thiên hình vạn trạng, tượng
trưng là âm-dương Ngũ-hành, theo quá-trình HAI (Âm+Dương) và NĂM (Ngũ-hành).
Trời có năm hành: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy.
MỘC là bắt đầu của ngũ-hành, Thủy là cuối cùng của ngũ-hành.
Năm hành lấy Thổ làm giữa. Đấy là thứ-tự của trời hay thiên-nhiên.
Ngũ-hành tương sinh:
MỘC sinh ra hỏa, Hỏa sinh ra thổ, Thổ sinh ra kim, Kim sinh ra thủy, Thủy
sinh ra mộc , đấy là quan-hệ cha con. Hỏa ở đàng trước, thủy ở đàng sau, Thổ ở
chính giữa, đấy là thứ-tự cha con vậy, chịu nhau mà phân bố. Năm hành theo
nhau, mỗi cái như thứ-tự của nó . Quan của năm hành, mỗi cái trọn hết khả năng
của nó .
Cho nên Mộc ở tại phương Đông mà
chủ khí mùa Xuân.
Hỏa đóng ở phương Nam mà chủ khí mùa Hạ,
Kim đóng ở phương Tây mà chủ khí về mùa Thu.
Thủy đóng ở phương Bắc mà chủ khí về mùa Đông. Thế nên mộc (Mộc dục) chủ về
Sinh mà Kim chủ về Sát (kim khắc mộc). Hỏa (Lửa) chủ về nóng mà Thủy ( nước) chủ
về lạnh ...
Thổ đóng ở giữa gọi là thiên-nhuận, Thổ là cánh tay của Trời. Đức tính của nó
tốt đẹp , không thể lấy công việc của một thời tiết mà mệnh-danh nó được. Cho
nên năm hành trong bốn mùa thì Thổ đều gồm cả kim-mộc, thủy-hỏa, tuy mỗi hành một
chức-vụ, nhưng không có Thổ thì THẾ không đứng được ( Thổ là chủ, là vua. Kim,
mộc, thủy, hỏa là khách, là bầy tôi).
Ví như chua, mặn, cay, đắng không nhân có vị ngọt, béo thì không thể thành
vị. Ngọt là gốc của năm vị, Thổ là chủ của năm hành. Chủ của năm hành là Thổ
khí cũng như năm vị có ngọt béo vậy, không thể không thành.
Trời đất lấy đó làm căn bản cho sự điều lý quân phân, mỗi hành đều có tác dụng
lớn lao quan trọng, chiếm một địa vị thiết yếu không gian và thời gian . Mọi sự
vật dù lớn nhỏ, cả đến sông núi đất đai không sao thiếu được nó mà thành tựu,
mà tiến bộ, tùy theo đức tính của mỗi hành mà hiện ẩn, tương phối, tương ly.
Đại cương phương-pháp luận Đông-y dựa trên nền tảng ‘Duy vật biện-chứng’ và có những
nguyên-lý sau: Khí ( énergie) là vận-động của vật-chất qui-dịnh sự tồn-tại và
phát triển của vạn vật. Trong đó các công năng của cơ thể con người khi bình thường
là sinh-lý, khi bất thường gây ra bệnh-lý. Vạn-vật biến chuyển không ngừng theo
chu-kỳ: Mầm trung-ương nãy sinh biến chuyển tột-độ (phát-triển), suy-yếu rồi hủy-diệt
qua 5 giai-đoạn: SINH-TRƯỞNG- HÓA-THÂU-TÀNG. Năm giai-đoạn như vậy tức nhiên có
5 khí tương ứng:
1) MỘC KHÍ: Là nguồn năng-lượng ứng
với sự nảy sinh, khởi-động tượng cho Mùa xuân. Do đó, nếu Mộc khí vượng lên sẽ
gây quặn thắt, nhu động khẩn trương. Mộc khí suy gây mõi yếu, nhu động yếu. Mộc
ứng với Gan (can).
2) HỎA KHÍ: Là nguồn năng-lượng
thể hiện cao độ sự sống, giai-đoạn trưởng. Tính của Hỏa là phát nhiệt. Do đó Hỏa
khí vượng gây viêm nhiệt, nóng sốt, đau nhức. Hỏa khí suy gây ra cảm giác quá
mát. Hỏa ứng với Tâm tượng cho mùa Hạ.
3) THỔ KHÍ: Là nguồn năng-lực
trung-ương giữ vai-trò nuôi dưỡng, chủ sự luân-lưu của huyết (thống huyết). Thổ
khí vượng làm cảnh vật chao-đảo, lật ngược. Thổ khí suy gây tê nặng, suy-nhược,
xây-sẫm. Thổ ứng với Tỳ ( 15 ngày cuối của 4 mùa đều thuộc thổ: thìn, tuất, sửu,
mùi).
4) KIM KHÍ: Là nguồn năng lực bốc
lên, thâu liễm. Do đó Kim khí đầy-đủ làm nhu-nhuận, mịn-màng. Kim khí suy sẽ
gây tức trướng, sình sôi, khô táo. Kim ứng với Phế chủ mùa Thu.
5) THỦY KHÍ: Là nguồn năng-lực tàng-trữ trong người,
liên-hệ đến các triệu-chứng ôn, hàn, súc giảm. Thủy khí đầy đủ làm ấm-áp
linh-hoạt. Thủy khí suy khiến cho cảm giác lạnh, bài-tiết nhiều, cơ-quan co rút
lại. Thủy ứng với Thận chủ mùa Đông.
Dựa trên nguyên-lý ‘Động và phản-đông lực’ người xưa chứng-minh được sự liện-hệ
của 5 luồng khí lực theo luật sinh khắc ngũ-hành.
Đặc-tính của Ngũ-hành:
Nước (Thủy) thấm xuống, Lửa (Hỏa) bốc lên, cây (Mộc) có cong có thẳng, Kim
loại (Kim) co dãn đổi thay tùy sự cần dùng của tay thợ. Đất (Thổ) gieo trồng gặt
hái. Người Đại nhân phải thấu hiểu lẽ sanh khắc biến hóa mà tùy thuận theo tự
nhiên để áp dụng vật lý ngoại giới, chế tạo những cơ cấu vật dụng cần thiết hằng
ngày, mở mang cuộc sống cho nhân quần xã hội ngày thêm thăng tiến để thuận lẽ
Trời, hợp lòng người hầu giúp Trời Đất hướng dẫn quần sanh trở lại cội nguồn tự-do,
hạnh-phúc.
Lý của khí Ngũ-hành:
“Trong khoảng Trời đất có Lý có Khí. Lý là cái đạo thuộc về Hình-nhi-thượng,
cái gốc sự sinh ra vạn-vật thuộc về Hình-nhi-hạ, cái đồ để sinh ra vật. Bởi thế
người với vật sinh ra, ắt là bẩm cái khí ấy rồi mới có tính ;. Trong thiên-hạ
chưa có khí nào không có lý, cũng chưa có lý nào không có khí’. Vậy Lý là phần
thuộc về Hình-nhi-thượng (Cung Ly ☲ ), mà khí là phần thuộc về Hình-nhi-hạ (cung Khảm ☵ ).Nghĩa là Lý thì vô-hình, mà khí thì có hình , nhưng cái nọ lẫn cái kia ,
chứ không bao giờ có cái nọ mà không có cái kia được . Bởi vậy ông nói rằng: “Lý
khí bản vô tiên hậu chi khả ngôn. Nhiên lý hựu phi biệt vi nhất vật, tức tồn hồ
thị khí chi trung “: Lý với khí vốn không nói được có cái trước cái sau. Song
lý không phải là một vật đứng riêng một mình, tức là ở trong khí (1)”. Lý với
khí (tức thủy với hỏa cũng như trời với đất, không có thủy hỏa thì sự sống do
đâu mà thành? ) lúc nào cũng đi với nhau, nhưng xem câu vấn-đáp sau này thì ông
vẫn cho lý là gốc. Hỏi rằng: “Trước khi chưa có Trời-đất , hết thảy chỉ có lý,
có phải không?
- Rằng: “Trước khi chưa có Trời đất, hết thảy chỉ có Lý (Lý là vô-cực). Có
lý ấy, mới có trời-đất ấy. Nếu không có lý ấy, thì cũng không có Trời-đất,
không có nhân-vật gì cả . Có Lý là có khí( là khí Thaí-cực) , hai cái cùng lưu-hành
và phát-dục vạn-vật”. “ Thái-cực không phải là cái đã có trước khi có Trời-đất
, không phải là cái vật hỗn (hỗn-tạp) thành ra, chỉ là cái tổng danh để gọi cái
lý của trời-đất và vạn-vật, có phải không?”
- Rằng: “Thái-cực (biểu thị bằng chữ thập十 tượng trưng cho khí Thổ ở trung-ương) chỉ là cái lý của trời-đất và vạn-vật.
Nói ở Trời-đất, thì trong trời đất có cái thái-cực; nói ở vạn-vật, thì trong vạn-vật,
mỗi vật có một cái thái-cực.”.(cũng như mỗi người chỉ có một cái đầu).Cho nên Dịch
mới nói: “Các hữu Thái-cực”.
Thái-cực là Lý. Trong vạn-vật mỗi vật có một Thái-cực, nhưng tóm cả lại là
chỉ có một thái-cực, cũng như là nói trong vạn-vật, mỗi vật có một lý , nhưng
tóm cả lại là chỉ một lý duy nhất mà
thôi (Thầy là các con, các con là Thầy) . Cái thuyết ấy cũng tương-tự cái thuyết
của Trương-hoành-Cừ nói về Thái-hư.
Lý thì không phân-biệt ra khác nhau được, dẫu có chia ra làm nghìn, làm vạn
mối cũng chỉ là một gốc mà thôi ( gốc ở ĐẠO 道 ). Khí thì chia ra làm nhiều loài , mà mỗi loài một khác. Sự khác nhau ấy
bởi tại khí có thanh, có trọc, hậu, bạc cho nên mới thành ra có sai-biệt.
Phật-giáo có câu: “Kiến tánh thành Phật”, vậy tánh là cái gì mà Phật nói thấy
được Tánh là thành Phật?
Vạn-vật tuy có sai-biệt, nhưng vật nào cũng có cái Thái-cực. Cái thái-cực ấy
ở vào bậc thánh-hiền thì cái tia-sáng phát-hiện ra như hòn ngọc quí nằm trong
chậu nước trong, mà ở vào người ngu dại, thì nó tối mờ đi, như hòn ngọc nằm
trong chậu nước đục vậy.
Thái-cực ở trong người ta là cái tính bản nhiên của mình. Cái tính ấy theo
bản nguyên của nó thì ai cũng như ai cả. Song người ta lại bẩm thụ cái khí mà
sinh ra , tất là có cái tính khí chất thì tùy cái khí bẩm: Thanh, trọc, hậu, bạc
mà thành ra khác nhau. Thí-dụ như: Theo cái thuyết Ngũ-hành, ngũ đức tương-phối
thì người nào chịu nhiều kim khí là khác người chịu nhiều mộc khí .v.v.
Chỉ có bậc Thánh-hiền thì mới có được cái tính khí chất, không những là có
thanh, trọc khác nhau mà thôi, lại có
thuần hay không thuần nữa. Thí-dụ: Có người thông-minh việc gì cũng hiểu cả, ấy
là bởi có cái khí thanh, nhưng đến việc làm thì vị tất việc gì cũng trúng lý , ấy
là bởi có cái khí không được thuần. Có người cẩn hậu, trung-tín, ấy là bởi có
khí thuần , nhưng đến sự biết thì vị tất việc gì cũng đạt được lý, ấy là bởi
cái khí không thanh.
Thanh với trọc, thuần với không thuần là bởi cái thiên-mệnh định ra như vậy.
nhưng ta có thể lấy nhân-lực (tu-thân) mà biến-hóa cái tính khí chất đi, làm
cho sáng cái tính thuần-túy là thiên-lý ra, ấy là cái công-phu của sự tu-dưỡng
vậy.
Cái tính bản-nhiên và cái tính khí chất tuy khác nhau, nhưng hai tính ấy mật
tiếp với nhau, không bao giờ có tính nọ mà không có tính kia được . Bởi vì một
bên là Hình-nhi-thượng thuộc về tinh thần, một bên là Hình-nhi-hạ thuộc về vật-chất. Cái hình-nhi-thượng có cái hình-nhi-hạ mới
phát-hiện ra được , ví như một gáo nước, không có cái gáo đựng thì nước không
chứa vào đâu. Vậy nên đã có lý là có khí, mà có khí là có lý.
QUỸ ĐẠC KỲ HẰNG
THIẾT MẠCH (Bắt mạch)
Nguyên văn:Hoàng Đế vấn viết: “Dư văn quỹ đạc kỳ hằng (1) sở chỉ bất đồng,
dụng chi nại hà?” (2). Kỳ Bá đối viết : “Quỹ đạc giả, đạc bệnh chi thâm thiển
dã; Kỳ hằng giả, ngôn kỳ bệnh dã. Thỉnh ngôn Đạo chi chí số, ngũ sắc mạch biến,
quỹ đạc kỳ hằng Đạo tại vu Nhất (3). Thần chuyển bất hồi , hồi tắc bất chuyển
nãi thất kỳ cơ (4), chí số chi yếu bức cận dĩ vi (5), trứ chi Ngọc bản, mệnh viết
hợp Ngọc cơ (6).
Dịch nghĩa: Hoàng Đế hỏi: “Ta nghe nói về phương-pháp ‘quỹ đạc kỳ hằng’,
nhưng sự biểu-lộ của nó lại khác nhau, vậy phải vận-dụng nó như thế nào?”
Kỳ Bá đáp: “Chữ ‘quỹ đạc’ có nghĩa là đo-lường mức-độ sâu cạn của bệnh; chữ
‘kỳ hằng’ ý nói đến những kỳ bệnh. Thần xin được nói về ‘chí số’ (của mạch),
nói về ngũ sắc và mạch biến, tất cả những phương-pháp đo-lường về các kỳ bệnh ấy
, Đạo của nó chỉ ở Nhất. Thần-khí thì luôn luôn vận-chuyển (vận-hành) chứ không
quay trở lại, khi mà nó quay trở lại tức là đã không còn vận-hành nữa. Đó là nó
đã mất đi cái ‘cơ’. Sự quan-yếu của vấn-đề ‘chí số’ở chỗ: khi chúng ta thiết mạch
là chỉ tiếp-xúc được ở mức-độ thiển-cận, nhưng chúng ta phải biết đó là sự
vi-diệu (của thần và cơ). Vì thế (cổ nhân) đã ghi nó lại trong ‘Ngọc-bản’, dùng
để tham-hợp với thiên ‘Ngọc-cơ chân tạng luận’ vậy.
LUYỆN KHÍ HÓA THẦN
Chú giải:
(1)
Quỹ đạc kỳ hằng:
Sách Hoàng Đế Nội Kinh Tố-vấn dịch thích chú: “Quỹ đạc ý nói đo lường và
so-sánh; kỳ là dị thường, hằng là chính thường.”
Theo Mã Nguyên-Đài thì ‘quỹ đac’ là dùng phép thiết mạch để tìm ra mạch-lý
của bệnh.
2) Sở chỉ bất đồng …: Ý nói khi đo-lường bằng sắc mạch Âm Dương , biết được
độ thiển thâm, thuận nghịch, tất cả đều biểu-lộ ra khác nhau…
3) Thỉnh ngôn Đạo chi chí số …Đạo tại vu nhất; thần chuyển bất hồi…nãi thất
kỳ cơ:
Vương Băng chú: “Huyết-khí chính là thần-khí.”
MNĐài chú: “Nhất có nghĩa là gì? Đó là nói về con người có thần-khí vậy.”Ông
trưng ra một số thiên trong Linh tố:
- Thiên ‘Di tinh biến khí luận’ (Tố vấn 13) có nói: ‘Có được thần thì khá’.
- Thiên ‘Thang dịch lao lễ luận’ (Tố vấn 14) có nói: “Khi mà thần-khí không
còn thì bệnh không khỏi.”
- Thiên ‘Bát chính thần minh luận’ (Tố vấn 26) nói: “Huyết-khí là thần-khí
của con người, không thể không dưỡng thần một cách cẩn-thận.”
- Thiên ‘Thượng cổ thiên chân luận’(Tố vấn 1)
Nói: “Nếu hình và thần còn đầy-đủ thì sẽ sống trọn tuổi Trời.”
Vương Băng nhấn mạnh: “Thần là chủ của con người. Khi thần-khí vận-chuyển
vào ngũ tạng thì sẽ không thể ‘hồi: quay trở lại’, ‘hồi’ có nghĩa là đi ngược lại
mà không thể đi tới. Nếu bị hồi…tức là bị mất đi cái ‘cơ’. Ta thấy được ‘cơ’ ở
tai thần, còn ‘yếu’ ở tại ‘cơ’…”
TCThông chú: “Mạch bắt đầu ở Túc thiếu-âm thận, ‘sinh’ ra ở Túc Dương-minh
Vị, ‘vận-hành’ ở Túc Thái-âm Tỳ. Cho nên Thái-âm có nhiệm-vụ vận-hành khí đến
tam âm, tưới nhuần cho tứ tạng . Chí số ý
nói nhân mạch xuất nhập để mà đo được con số . Câu ‘ngũ sắc mạch biến’ ý
nói mạch của ngũ tạng biểu-hiện ra ở sắc mặt.
‘Nhất’ có nghĩa là ‘thần’. Thần là
thần-khí của huyết mạch của ngũ tạng. Tỳ là tạng trung-ương Thổ có vai trò tưới
nhuần 5 tạng. Ngũ tạng nhận lấy khí chỉ có chuyển hành đi ra mà không được trở
lại. Nếu nghịch lại chuyển qua cho cái sở thắng, đó gọi là hồi chứ không phải
truyền. Đó gọi là thất đi cái vận-chuyển tương sinh của ‘cơ’…”
Qua đoạn văn trên trong Tố-vấn, chúng ta thấy rõ rằng những loại kỳ bệnh biểu-hiện
bằng sắc diện khác nhau, bằng chí số của mạch khác nhau, nhưng cái ‘cơ’ mà người
thầy thuốc phải nắm, đó là thần-khí của người bệnh . Bệnh biến-hóa từ thần-khí
đến những nét đa dạng về sắc, mạch, người thầy thuốc phải học Dịch-lý để biết rằng,
bệnh biến theo từ ‘dị giản’ đến đa thù. Muốn chữa bệnh, phải biết dù có bao
nhiêu thay đổi về sắc mạch, nhưng điểm chính vẫn là ‘thần, cơ, nhất’, đúng với
câu trong Kinh Dịch: “Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỹ” và người thầy thuốc
ví như người ‘quân tử kiến cơ nhi tác, bất sỉ chung nhật’
Sự thay đổi bệnh-tình tùy vào rất nhiều tình huống khác nhau, trong đó có
‘thời’, có hoàn-cảnh của cuộc sống bên ngoài và bên trong nội tạng…Thiên ‘Di
tinh biến khí’ (Tố vấn 13) đã đưa ra sự phối-hợp trong việc chẩn-đoán: sắc, mạch,
vấn. Tất cả đều phải dựa vào cái Nhất nơi người bệnh và ông thầy thuốc . Cái nhất
đó cũng chính là ‘cơ, thâm, thần’ mà chúng ta đã thấy nói ở phần trước. Riêng
trong thiên này phương-pháp vấn-chẩn được thực-hiện thật chu-đáo nhằm kết-hợp với
thần sắc của bệnh nhân. Sau khi mô-tả phép chẩn-trị tổng-quát xưa nay:
PHẦN VẤN CHẨN (để nắm bắt
cho được cái nhất)
Đế viết: “Nguyện văn yếu đạo!”. Kỳ Bá viết: “Trị chi yếu cực, vô thất sắc mạch,
dụng chi bất hoặc, tri chi đại tắc (1), nghịch tùng đảo hành , tiêu bản bất đắc,
vọng thần thất quốc (2), khử cố tựu tân, nãi đắc chân nhân ,” Đế viết: “Dư văn
kỳ yếu vu phu tử hỹ. Phu tử ngôn bất ly sắc mạch, thử dư chi sở tri dã.” Kỳ Bá
viết: “Trị chi cực vu nhất.” Đế viết: “Hà vị nhất?” Kỳ Bá viết: “Nhất giả nhân
đắc chi (3).” Đế viết: “Nại Hà?” Kỳ Bá viết: “Bế hộ tắc dũ”, hệ chi bệnh giả, sổ
vấn kỳ tình dĩ tùng kỳ ý, đắc thần giả xương, thất thần giả vong (4).”Đế viết:
“Thiện”.
Dịch nghĩa:
Hoàng Đế nói: “Ta mong được nghe về cái ‘Đạo’ (Lý) quan-trọng trong việc
lâm chứng.”
Kỳ Bá đáp: “Điểm quan-yếu ‘cực’ (nhất) của việc trị-liệu là đừng nhận-định
sai về sắc mạch, và khi ứng-dụng (sắc mạch vào trị-liệu) đừng có nghi-ngờ .Đây
chính là nguyên-tắc lớn nhất trong việc trị-liệu, (còn nếu như chúng ta không nắm
vững vấn-đề trên, để rồi) làm cho bệnh tình bị nghịch tùng , bị ngược xuôi,
không nắm được gốc ngọn, (như vậy, nếu người thầy thuốc chữa bệnh) sẽ làm hại đến
thần-khí của bệnh-nhân. (dùng nó để) trị quốc sẽ làm vong quốc. Hãy vứt bỏ những
thói quen sai-lầm củ , thể-hiện cho được tinh-thần mới, như vậy mới có thể đắc
được cái sống của bậc chân-nhân .”
Hoàng Đế hỏi: “Ta đã nghe được những điều quan-yếu của phu-tử đã nói. Phu-tử
nói rằng không nên rời sắc mạch, đó là điều mà ta đã hiểu rồi (không biết còn
có những điều nào quan-trọng nữa không?).”
Kỳ Bá đáp: “Chỗ ‘cực: cao nhất’ của phép trị-liệu là ở chỗ nắm được cái ‘nhất’.”
Hoàng Đế hỏi: “Thế nào gọi là Nhất?”
Kỳ Bá đáp: “Nhất có nghĩa là nhân ở (do ở) tiếp-xúc với bệnh-nhân mà biết
được.”
Hoàng Đế hỏi: “Phải tiếp-xúc như thế nào?”
Kỳ Bá đáp: “Đóng cửa lớn, cửa sổ, gặp-gỡ thân-mật với bệnh-nhân, hỏi-han về
bệnh-tình một cách nhẫn-nại, làm thế nào để cho bênh-nhân theo đúng ý mà nói ra
(bệnh-tình của mình), (một mặt theo dõi thần-khí của bệnh-nhân, nếu) còn đắc thần
thì khá, nếu họ bị thất thần thì nguy.”
Hoàng Đế nói: “Đúng vậy!”
Chú giải:
1) Trị chi yếu cực…tri chi đại tác:
TCThông chú: “Sắc mạch là con đường biểu-hiện của Âm Dương . Chỉ cần xem sắc
mạch nơi người bệnh sẽ biết được việc tử sinh. Phép trị lớn là đây.”
2) Nghịch tùng đảo hành…vong thần thất quốc:
TCThông chú: “Câu nghịch tùng đảo hành’ có nghĩa là làm mất đi nghịch thuận
lẽ vận-hành của 4 mùa và hàn thử…Tâm tàng thần và làm chủ toàn thân, nếu chủ
còn sáng-suốt thì tất cả đều an…thần còn thì khí còn, vì thế thiên này rất trọng
‘thần-khí’.”
3) Trị chi cực vu Nhất…Nhất giả nhân đắc chi:
TCThông chú: “Kỳ Bá thấy Hoàng Đế đã biết về vấn-đề sắc mạch, ông nói tiếp
rằng con đường trị-liệu còn dựa vào điểm ‘chí cực’, quy vào cái nhất mà thôi.
Nhất chính là ‘thần’ (khí) …Nếu biết được thần-khí thì sẽ nắm được sắc mạch
tinh khí…vậy.”
4) Bế hộ tắc dũ…thất thần giả vong:
TCThông chú: “Khi nói đóng các cửa lớn và cửa sổ’ ý muốn không để cho ‘chí’
(cả thầy thuốc lẫn bệnh-nhân) bị thoát ra ngoài. Thần ‘xá: ở’ Tâm. Tâm động ra
ngoài gọi là tình. Chí và ý dùng để chế-ngự tinh-thần, để thu hồn-phách, để
thích-ứng với ấm lạnh, hòa-điệu được hỉ nộ. Vì thế không nên cho chí bị thoát
ra ngoài (lo ra).
Khi nói ‘Hỏi-han về bệnh-tình một cách nhẫn-nại’ đó là để theo đúng với
ý-tình (của bệnh-nhân), như vậy sẽ đắc được sự tồn vong của thần-khí…”
Qua hai đoạn văn trên trong Tố-vấn, chúng ta cũng thấy rõ được một điều là
từ Kinh Dich đến Y Dịch, sự vật được biểu-hiên hữu hình một cách đa dạng. Nhưng
muốn giải-quyết, chúng ta phải nắm cho đươc chỗ ‘dị và giản’ tức là nắm được
cái ‘cơ’, cái thâm, cái thần. Thần sắc, mạch đao, cuộc sống từ nội Tâm đến ngoại
cảnh, sự thay-đổi khí-hóa của 4 mùa, tất cả đều ảnh-hưởng nhau và cùng biểu-hiện
ra thật khác nhau…và vì thế bệnh xãy ra cũng hết sức đa dạng.
Mặc dù vậy, người thầy thuốc phải biết
nắm cho được cái ‘NHẤT’ như Tố-vấn đã nói. Cái Nhất đó thiên hạ biểu-hiện nơi
con người ở thần-khí. Đây là một trong những nét độc-đáo trong việc chẩn-trị của
y-thuật Đông-phương . Nó xác-định câu nói ‘Dị giản nhi chi lý đắc hỹ’.
b) - BIẾN DỊCH THEO BẤT DỊCH
SỰ HÔ-HẤP
(LƯỠNG CỰC ĐỘNG TỊNH )
Đây là phép ‘ Luyện-Đơn hay luyện thuốc Trường sanh bất
tử của Tiên gia thời Tam-Kỳ Phổ-Độ”.
(Là nói về bí pháp của hai quẻ Khảm ☵ và Ly ☲).
Thông thường khi nói đến vấn-đề hô
hấp thì ai cũng biết: Hít không khí (thanh khí : dưỡng khí) vào phổi và thở ra (đưa thán khí ra ngoài), đây là một việc làm tự-động,
vì nếu chúng ta không biết, không nghĩ đến thì cơ thể chúng ta cũng tự-đông làm việc đó. Còn vấn đề hô-hấp mà tôi muốn nói ở
đây, nó bao gồm vấn đề tu-luyện và phụng sự của người TU theo “Tân-pháp Cao-Đài:
hấp thu cho tường tận cái lý lẽ chân thật, tức đạo pháp nhiệm mầu để rồi truyền
bá cái đạo-lý ấy cho đồng loại với mình được hiểu biết như mình thì việc hô-hấp
này mới thực sự có ý nghĩa ‘phụng-sự vạn linh tức là phụng sự Thượng-Đế đó vậy.”
(sự hô hấp theo Y-lý phương Đông Đó là trách nhiệm của Phế và Thận vậy).
“Theo các nhà Yoga Ấn-Độ, hơi thở là sự thể hiện khía cạnh vật chất
của nội lực tiềm tàng trong con người. Chúng ta thở trung bình 21.600 lần mỗi
ngày đêm. Nhịp thở mau sẽ làm con người suy yếu, giảm thọ, chế ngự được hơi thở
làm chủ được nhịp thở theo hướng điều hòa, sự sống được kéo dài và những công
năng sẽ bộc phát tuyệt diệu hay còn non nớt tùy bản lĩnh khổ luyện của mỗi người.
Theo tìm hiểu, một đời người dùng không hết một triệu tế bào Đại não trong tổng
số 14 tỷ tế bào này. Tập luyện khí công chính là đánh thức, khai thác các tế
bào còn say ngũ đó.”
Động cực thì trở lại tĩnh. Tịnh cực thì trở lại động, giống như con người
hô hấp vậy. Hô hấp ở đây muốn nói là có sự vận-hành của tư tưởng , tức là dùng
tư tưởng hiểu biết tận tường (cùng lý tận tính) của mình về hai khí âm dương
(giống như hít thở vào thuộc phạm vi của Thận
vậy) để làm cho sự sống của mình được thăng hoa , khỏe mạnh và dùng sự
hiểu biết về đạo lý của mình để phụng sự cho vạn linh (giống như hơi thở ra: ‘Hô’ thuộc Phế) Đây là
thuật chuyển di ‘tư-tưởng’.
HÀN NHIỆT
HÀN là cực của hấp ( thuộc quẻ Khảm ☵), là trầm của khí. NHIỆT
là cực của hô ( là phù của khí. ÔN là vi của hô, là thăng của khí (thuộc quẻ Ly
☲). LƯƠNG là vi của hấp là giáng của khí. Một hô, một hấp cái “Cơ” theo lên
có trật tự của nó. Nó có những quan hệ tương đẳng để khỏi tiêu hại lẫn nhau (
chiết khảm điền ly là quẻ Thủy Hỏa Ký-tế). Đây là nói về mặt dụng của việc lưu
hành, còn trước đây là nói về đại và tiểu, hư và thực, tất cả đều nằm ở cái thể
đối đãi nhau.
Có người nói: Xa thì lấy gương ở Trời Đất, ở mặt Trời mặt Trăng, gần thì lấy
gương ở thân thể của trai gái, có cái bất túc, có cái hữu dư. Điều này chúng ta
đã biết rồi. Còn nếu như nói rằng con người ở giữa nơi giao khí của Trời Đất,
nay nếu muốn thuận với cái lý của âm dương để mà thực hiện cái phép nhiếp sinh
và dưỡng sinh, phải như thế nào mới là đúng?
Ta đáp: Thận chủ bế tàng, Can chủ về sơ tiết. Hai tạng này đều có “Tướng hoả”
và đều liên hệ với bên trên, với Tâm Tâm thuộc về “Quân hoả”, cho nên con người
khi bị ngoại vật làm cảm thì dễ động đến tâm. Tâm động thì Tướng hoả dễ bị động
theo…vì thế các bậc Thánh Hiền chỉ dạy cho con người ta “TU TÂM DƯỠNG TÁNH” . Ý
chỉ của cổ nhân thật là sâu xa vậy.
SỐNG VÀ CHẾT (vấn đề sanh
tử).
TÁC-ĐỘNG CỦA 2 KHÍ
NGŨ-HÀNH
a) Nguồn gốc phát sinh bệnh
tật: (Phong khí)
Thiên ‘Tạng phủ kinh lạc tiên hậu bệnh’ (Kim quỹ yếu lược) viết: “Ôi! Con
người bẩm thụ khí ‘五常 : ngũ thường’ do ở
‘Phong-khí’ mà có sinh trưởng. Phong khí tuy có thể sinh ra vạn vật, mà nó cũng
có thể hại vạn vật, ví như nước có thể làm nổi cho chiếc thuyền và cũng có thể
làm lật úp chiếc thuyền. Nếu ngũ tạng được hòa, khí nguyên và chân được thông
sướng thì con người sẽ được an hòa…”
Ngũ thường đây chính là ngũ khí, ngũ hành, ngũ tạng trong con người . Tất cả
đều vận-hành đồng-nhịp với Thiên Địa. Phong ở đây là khí giao-cảm giữa Thiên Địa,
Âm Dương để con người thành người. Quá-trình này là quá-trình ‘Thiên-mệnh chi vị
tính’ của sách Trung-dung đã nói.)
Con người ‘sống’ có nghĩa là thực-hiện
quá-trình khí-hóa hợp với Thiên Địa, Âm Dương ngũ hành qua từng ‘thời’ của đời
mình. Bất cứ một lý do nào đó do nội thương hay ngoại cảm làm mất đi sự ‘thăng bằng’ của khí-hóa thì con người sẽ bệnh.
Nền Y-học hiện-đại cũng đã nhận-thức được rằng: Con người sở-dĩ sinh bệnh ,
dẫn đến tử-vong, hoặc bị những thương-tổn khác,, những tai-họa khác, đều do sự
sinh khắc chế hóa của khí âm dương ngũ
hành có tác-dụng quyết-định.
Lão tử đã nói ‘Tổn hữu dư, bổ bất túc’ (tức là làm cho âm dương được quân bình
và điều-hòa). Theo nguyên-lý đó, người xưa, nhất là Thần Nông đã ‘dùng dược trị bệnh’. Nói khác đi, Thần
nông đã dùng dược để ‘bổ tả’, để ‘điều-hòa’
sự thịnh suy trong con người.
TÍNH THIỆN.
Chương V Hệ-từ thượng truyện viết: “Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo, kế chi
giả, thiện dã. Thành chi giả, tính dã”. = ( Sự vận-hành giao cảm giữa)1 Âm, 1 Dương,
gọi là Đạo ( là ý-nghĩa của Đạo).( Thiên Địa giao-cảm hoặc con người hành-động
làm sao để) kế-tục được theo cái lẽ của (Đạo) gọi là thiện. Khi nào thực hiện (hoặc hoàn thành) cái đạo ấy nơi người (hay vật)
gọi là Tính.
Home [ 1] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ]
Home [ 1] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét