Sống Đạo II - Y Đạo (醫道) Pháp Luân Thường Chuyển & Phép Dưỡng Sinh - 1 / 6 (Nữ Dịch Giả Nguyên Thủy)

Lời Nói Đầu.
Phàm vạn vật hữu hình tại thế, đều sanh nơi nguyên do chí thiện  của cơ tạo-đoan gầy dựng, và luật thiên nhiên buộc phải tăng tiến trong đường chí thiện ấy cho đến cuối cùng. 
Đời càng tới càng hay, vật càng ngày càng đẹp, dầu cho phép bảo tồn mạnh mẽ buộc các loài động vật phải diệt lẫn lấy nhau đặng giữ gìn sanh hoạt đi nữa, là khi
đã đặng trưởng thành, đủ trí-thức tinh-thần tự bảo, nghĩa là lúc chen lấn cùng đời mà lập phẩm, mới tranh đấu cùng sự hung bạo của thế tình. Vì sự xung-đột mà nãy sanh ác tánh, chớ còn buổi sơ sanh vẫn giữ nguyên bổn thiện.

Chẳng cần chi luận đến vật chất, thảo mộc vì là loại vô năng, dầu cho cầm thú với loài người cũng chưa hề thấy lúc sơ sanh mà có đủ sẵn-sàng nanh-vút”. (ĐHP (Khuê bài thiêng-liêng vị) .

Ấy là lẽ tự nhiên của đất Trời, dù chúng ta có quan tâm đến hay không thì vạn vật cũng phải đi theo chiều hướng đó (theo luật tấn-hóa).

Loài người khôn ngoan hơn vạn vật, là nhờ có điểm lương tâm dìu dắt, hiểu đặng sống thác là gì; trí tuệ cứ tiềm tàng biết rằng Mình (con người) đứng trên hết loài động vật là nhờ Thượng Đế ban cho điểm linh-quang, nếu ra sức học hỏi và tu sửa lấy mình trở nên "chí thiện" thì con người sẽ được trở về ngôi vị ban đầu "Chí linh" của mình.

Chúng ta cũng đã thấy: Những bậc ưu thời mẫn thế thường nghĩ-suy nhiều về cuộc sống của muôn loài nên đã khám phá ra "luật tiến-hóa" của vạn vật trong vũ-trụ:

Loài Kim thạch là vô-tri vô giác, tiến lên làm loài thảo mộc là đã có được sinh hồn, loài thảo mộc tiến lên thành loài cầm thú mới có thêm được giác hồn, từ cầm thú tiến hóa lên làm người mới có thêm được phần linh-hồn. Trong bát phẩm chơn hồn thì con người đứng vào hàng phẩm tối-linh theo như kinh ‘Tắm Thánh’đã nói:
“Giữa vạn-vật Âm Dương tạo hóa
Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh,
Con người đứng phẩm tối linh,
Nửa người, nửa phật nơi mình anh nhi.”

Rồi từ con người phải nhiều khổ công tu luyện, trải qua không biết bao nhiêu kiếp làm người chân-thật mới tiến-hóa lên địa vị Thần,Thánh, Tiên, Phật.
Phật-mẫu chơn kinh có câu:
“Càn-khôn sản-xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng-sanh”

Nói chung thì đó là sự tiến-hóa tự nhiên trong "bát hồn",  Riêng về loài người thì đã có một cứu cánh nhất định, một giới hạn mà khi họ vượt qua thì họ sẽ bước vào một giai đoạn mới. Nói một cách khác, trên loài người là đời sống Siêu Nhân Loại.

Luật tiến hoá vũ-trụ (Loi de Progression) định rằng: mọi vật đều thay đổi theo thời gian để tiến trên những con đường định sẵn. Dĩ nhiên, đi nhanh hay chậm còn tuỳ cá nhân và hoàn cảnh chung quanh.

Sự tiến hoá là sự trở về với Thượng-Đế, trở về với con người thật của mình, phát triển Phật tính của mình trọn vẹn, để giác ngộ, sự hợp nhất với Thượng-đế nghĩa là trở về với ngài vì chúng ta đều là một phần của ngài.

Theo sự hiểu biết của tôi về luật tiến hoá, thì với con người của thời đại hôm nay (thời nguyên-tử lực) phần trí nảo phát-triển khá cao, thể xác họ đã phát-triển khá hoàn-hảo, nhưng đa số vẫn chưa chủ trị được xác thân,vì họ biết đủ thứ nhưng phần ‘biết về mình’ thì rất ít. Một người tiến-hóa cao là người đã chủ trị được xác thân, đặt nó dưới sự kiểm soát của lý-trí và linh-hồn. Một người kém tiến hoá là người còn nhiều thú tánh, chỉ lo nghĩ đến các đòi hỏi của thể xác như ăn uống, ngủ nghê, dục tính. Những đòi hỏi thái-quá của thân xác mà ta không đủ sức cung-ứng cho nó, do đó ta sẽ gặp nhiều đau khổ để học lấy sự chủ trị xác thân.

“ Thế gian là một trường học mà trong đó, có yếu tố đau khổ. Sau khi chủ trị được xác thân, là việc kiềm chế thể vía. Thể vía hay tư tưởng là điều rất khó kiểm soát, chinh phục. Ta thấy nhiều người tuy đã kiểm soát hành động của xác thân, nhưng vẫn còn để tư tưởng chạy lung tung như ngựa bất kham, không theo một đường hướng nào nhất định.

Sự định trí: “ bắt tư tưởng phải theo một đường lối suy nghĩ” sẽ đưa ta đến sự kiểm soát thể vía. Sau đó là sự kiểm soát thể trí, nghĩa là sử dụng trí tuệ để suy nghĩ, phân biệt, phá tan các tà kiến, các màng che phủ của vô minh. Định trí suy nghĩ là một việc, nhưng suy nghĩ chân chính, đứng đắn lại là một việc khác. Chỉ khi nào cả ba thể (1) : xác, Vía ( hồn), trí hoàn toàn được kiểm soát thì ta sẽ hoà hợp với Chân Ngã (QUI TAM BỬU: Tinh – Khí - Thần hợp nhất). Từ đó, phàm nhân và Chân nhân hoà hợp làm một, con người sẽ tiến hoá đến một giai đoạn mới, trở nên một bậc chân nhân. Khi đó, con người bước vào một đời sống trường cửu của tinh-thần. Đó là một đời sống huy hoàng, tốt đẹp, vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, và không thể diễn tả bằng ngôn ngữ.

Bạn có tin rằng tất cả đều phải tiến tới đời sống đó ?
- Dĩ nhiên, tiến hoá là một định luật vũ trụ và rồi ai cũng sẽ phải đi trọn con đường đó (có nghĩa là ta phải TU: Se perfectionner rồi mới biết định luật đó). Ta có thể làm ác, ích kỷ, đi ngược dòng tiến hoá, nhưng làm thế ta chỉ làm chậm trễ sự tiến bộ của mình, nhưng không thể chận đứng được dòng tiến hoá của nhân loại. Vấn đề đặt ra là thời gian, con người có thể đi đến mục đích trong thời gian ngắn nhất hoặc dài nhất. Thí dụ như ta có thể bơi xuôi dòng, ngược dòng hay chơi vơi ở một chỗ, nhưng dòng nước vẫn chảy và dù muốn hay không trước sau gì ta cũng trôi từ nguồn đến biển cả. Sống thuận theo thiên ý là bơi xuôi dòng, nghịch thiên ý là ngược dòng. Đa số con người thường chơi vơi, không nhất quyết, lúc chìm đắm, khi nổi trôi, có lúc ngược dòng, có khi lại xuôi dòng vì chưa ý thức sáng suốt để nhận định con đường phải theo.”

Người đời nhân chỗ ghét, thương biến dịch đối đầu mà sinh ra đức tánh: Do chỗ kiêu mạn mà có đức-tánh khiêm-hòa , do chỗ sợ-hãi mà có đức tánh dũng-cảm, do có ràng buộc mà có giải-thoát v.v..

Các đức tánh trên dù sao vẫn có giới-hạn ở trong tương-đối. Còn người khi đã thông-triệt Dịch-lý âm-dương  dù họ không tu hạnh khiêm hòa mà thấy họ thật là khiêm hòa, vì không hề biết kiêu-mạn, không nghĩ mình dũng cảm mà thật dũng cảm, vì không hề biết sợ-hãi. Không tìm cách giải-thoát mà giải-thoát rốt-ráo vì không hề biết đến sự buộc ràng. Đó là cái CHÂN-KHÔNG mà DIỆU-HỮU chứa đủ mọi công-đức vô-vi.

Hạnh-phúc hay sự bất-hạnh của cuộc đời chúng ta chỉ hoàn toàn tùy thuộc vào kiến-giải của ta. Mọi vấn đề, mọi bệnh-tật, tai ương, hiểm-họa, tội ác.v.v…của con người đều phát-sinh từ sự vô-minh, sự không thấu hiểu chân-lý.

Theo Dịch-lý tất cả những hiện-tượng của cuộc sống tương-đối đều phát sanh từ sự sai-biệt của một  Thực tại DUY-NHẤT gọi là ĐẠO. Đạo sinh ra vạn sự vạn-vật bằng cách tự phân-cực ra dưới hai hình trạng Âm Dương biểu thị dưới hình tướng Nam Nữ, động tịnh, tâm vật, tối sáng, nóng lạnh v.v...Đây là hai hình tướng đối diện nhau và bề ngoài có vẻ tương-phản, đối nghịch nhau, nhưng thực ra bổ túc cho nhau vì cùng phát sinh ở tại một nguồn gốc: Vô-song nguyên-lý (Nguyên-lý duy nhất không có hai). Hai hình tướng này không lìa nhau, trái lại cùng nương nhau mà có, cho nên chúng có thể biến đổi hình tướng của nhau. Sự phân đôi trong vũ-trụ không phải là nhị-nguyên duy-nhất. Tuy nghe ra thì có vẻ mâu thuẩn. Đối tính tùy thuộc vào Một và vì lẽ một mà thực tại cứu cánh nên ta phải xem những mâu thuẩn không phải như những tương phản hay địch thù mà như những gì bổ túc thêm hay, những người bạn, vì cái này cần thiết cho cái kia. Thực tế do sự vô minh sâu-sắc của chúng ta, do cái nghiệp của chúng ta nên chúng ta không hiểu ý nghĩa của hiện tượng phân cực này để rồi khởi tâm bỉ ngã, phân biệt, chia rẽ, độc đoán, tranh đấu, hận thù… con người tự mình tạo ra ý thức nhị nguyên (1). Khách quan mà nói thì nhị nguyên vốn chẳng có mà chỉ có đối tính phát sinh từ nhất nguyên không có tranh đấu cũng như không có hận thù thực sự bất kỳ ở mức độ nào.

(1): Nhị nguyên là một sự giả tạo, mơ hồ, chủ quan của nội tâm chúng ta. Giải thoát ảo tưởng đó, có một chánh-kiến, đốn ngộ lý nhất như của pháp giới. Siêu việt mọi sai biệt đối đãi của vạn sự vạn-vật ấy là GIÁC-NGỘ. Thực ra mà nói thì một người có "tư-tưởng nhị nguyên" giống như người đứng chàn hảng, suốt đời chỉ ở một chỗ không thế nào tiến-hóa được. họ chỉ biết sống trong nô-lệ của dục-vọng xác thịt)

… Định mệnh con người luôn luôn có những thay đổi lớn, mặc dù không thấy rõ nhưng chúng ta vẫn vô tình tiến đến mục tiêu đã vạch sẵn. Tất cả đều là những thử thách cho sự nghiên cứu của các bạn. Một chân lý có giá trị thực sự phải chịu nổi các thử thách của thời gian. Cuộc đi tìm chân-lý cũng thế, nó đòi hỏi một sự cố-gắng và một tinh-thần khoa-học, suy xét để gạt bỏ các điều mê- tín, các thành-kiến.

Sau đây soạn-giả xin trích-lục lời tiên-tri của Chí-Tôn qua 4 bài thi thất ngôn tứ tuyệt và một bài bát cú đã in trong Thánh-ngôn hiệp-tuyển I và II, gới đến quí bạn cùng chiêm- nghiệm.

THI:
“Trời hằng thương mến lũ nhơn sanh,
Giận nỗi cưu cưu ở bạc tình,
Ép trí sợ trôi, trôi khó níu,
Thương thì để dạ, dụng oai-linh.

“Dập-dìu lắm kẻ ngó Thiên-đường,
Buổi thế không lo níu nhánh dương,
Dương thạnh thì hay đời mạt kiếp
Nêu thân ở giữa cuộc tang-thương”

“Tang-thương đã biến cuộc hầu gần,
Bắc-Hải rồi sau lại hóa sân.
Thanh thế con người toan cải ác,
Tùng theo nhơn cách đặng phong thần.”

“Phong-thần đừng tưởng chuyện mờ-hồ
Giữa biển ai từng gặp Lão Tô?
Mượn thế đặng toan phương giác thế,
cũng như nương viết của chàng Hồ.”

Bốn bài thi trên là nói chung về lòng dạ con người, riêng nước Việt-nam thì  quý bạn hãy suy-gẫm bài thi sau:
“Biến chuyển trời Nam cuộc đão huyền,
Trả vay cho sạch vết oan-khiên.
Trường đời đem thử gan anh-tuấn,
Cửa Đạo mới ra mặt Thánh-hiền.
Đau khổ gắng gìn nhân-nghĩa vẹn,
Tang thương chờ hưởng huệ ân riêng.
Non-sông Việt chủng ngày yên-lặng,
Chung sức cùng nhau đức lập quyền”

Cùng chư vị "Đạo Tâm",
 “Con đường vô-tư để tìm cứu khổ cho chúng sanh là con đường đạo-đức mà đạo-đức là cần phải trau nơi tâm chỗ chẳng ai thấy được, là ngọn đèn thiêng-liêng sẽ soi tỏ lối đi  của chúng ta trên bước đường lập công bồi đức.

Sự tiến hoá chẳng qua chỉ là biểu lộ của sự sống thiêng liêng, con người càng ngày càng trở nên tốt đẹp, tế nhị vì sự sống vô cùng cần được biểu lộ qua hình thể đó. Một bậc toàn thiện là việc tự nhiên, hợp lý do sự kết tinh đến mức tuyệt đỉnh của một con đường tiến hoá dài và liên tục.
Tây-Ninh Thánh-địa ngày vào Hạ. năm Canh-dần.
(Dl: 2010)
Soạn-giả
Nguyên Thủy.

ĐỀ TỰA QUYỂN Y-ĐẠO

Cụ Lê hữu Trác đã nói: “Học Kinh Dịch đã rồi mới nói tới việc học thuốc”. Cụ Nguyễn đình Chiểu cũng đồng ý kiến đó nên  trong “Ngư Tiều vấn đáp Nho y diễn ca” có câu:
“ Đạo y nửa ở Dịch Kinh,
Chưa thông lẽ Dịch sao rành chước Y?

Thực vậy, việc tìm hiểu thật sâu-xa những vấn-đề thâm-thúy của Nội-kinh là một việc làm mà bất cứ nhà nghiên-cứu y-học cổ-truyền Đông phương nào cũng mong ước. Bởi vì, từ cái lý của Dịch đến cái lý của Y, người thầy thuốc Đông phương có thể tìm thấy nơi đây những nguyên-lý chung trong quan-hệ Thiên, Nhân, Địa để phòng ngừa và trị bệnh.

Nhiệm-vụ cao cả của người học Y là để cứu con người thoát khỏi bệnh tật.. Để đạt được mục đích đó, nền y-học cổ-truyền dựa vào lý luận "Kinh điển" ( bao gồm những tác phẩm như: Nội-kinh (Linh tố), Nan kinh, Tố-vấn, Linh-khu, Thương-hàn luận, Kim-quỹ yếu-lược…) là chính yếu.

Kinh Dịch là quyển sách đứng đầu trong các tác phẩm nói trên, đồng thời cũng là quyển sách được ứng-dụng trong nhiều lãnh-vực khoa học: vật-lý, hóa-học, toán-học, điện-học và hiện nay là nguyên-tử học…cũng không ra ngoài nguyên-lý "Âm Dương ngũ-hành".

Có một số hoc-giả cho rằng khi nói đến Kinh Dịch trong Y-học là nói về "Âm Dương ngũ-hành". Nhưng xét cho cùng quan niệm trên vẫn còn thiếu, tức nhiên chưa đủ để có thể giải-quyết được vấn-đề sinh-tử của con người về mặt "triết-lý nhân sinh". Bởi vì Kinh dịch bao gồm vấn-đề Âm Dương ngũ-hành chớ không phải chỉ có Âm Dương ngũ-hành mà thôi.

CHƯƠNG I

HỌC THUYẾT TAM TÀI

A - CĂN NGUYÊN ĐẠI-ĐẠO
Tức là CON SỐ 3 HUYỀN DIỆU

Những bậc thông-minh thánh trí ngày xưa luôn quan tâm đến cuộc sống của con người, nên thường ngẫng xem, cúi xét và quán nhân sự mà thông suốt được Trời Đất mới thấy rằng:

Thiên – Địa – Nhân là ba lý lẽ đã làm nên thế giới hữu hình gọi là ‘Tam tài’. Vậy ‘Tam-tài’ có ý nghĩa gì? Học-thuyết ‘Tam Tài’giữ vai trò gì trong cuộc sống còn của con người ? biến-hóa của nó như thế nào ?
1) Khởi nguyên:
Trời () có: mặt trời (nhật), mặt trăng (nguyệt), các vì sao (tinh tú).
Đất (: địa) có: Thủy (Nước), Hỏa (Lửa), Phong (Gió)
Người (: người): Tinh, Khí, Thần.

Trong thế-giới hữu hình, duy chỉ có con người được đứng vào hàng phẩm ‘Tối linh” theo như Kinh “Tắm Thánh” đã viết:
Những vạn vật Âm Dương Tạo-Hóa,
Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh.
Con người đứng phẩm tối linh,
Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.

Phần ‘tối linh’ đó là do Thượng Đế ban cho con người ‘ điểm linh-quang’ mà người biết cách trau-dồi, tu-dưỡng và phát triển nó đến chỗ tận thiện, tận mỹ mới có được.

Kinh nói tiếp:  sở dĩ có được cái ‘tối linh’ đó là do:
Đại Từ-Phụ từ bi tạo hóa,
Tượng mảnh thân giống cả Càn-khôn,
Và cũng bới thế,nên con người sống phải giữ sao cho được:
Vẹn toàn đủ xác đủ hồn.

Bấy giờ mới có thể:
Xây cơ chuyển thế bảo-tồn vạn-linh.
Các bậc thánh nhân lấy  thuyết ‘tam tài’làm bài học hằng tâm để  luyện ‘Tam bửu’ mà ‘Lập Đức, lập công và lập ngôn’ cho riêng mình đã nói lên sự kết-hợp chặc chẽ không thể thiếu một. Đó là Trời (Thiên-lý, Đất (Địa-lý) và lý nhân (Nhân-văn).Nơi con người, lý tam-tài này đã trở thành ngôi Tam-bửu, đó là Tinh-Khí-Thần: (Trong mỗi con người có ba phần chính: 1- xác thân là phần hữu thể.  Linh hồn là phần khí thể bán hữu hình thuộc về phần trí não. 3-Tinh-thần là điểm linh-quang tiềm tàng trong mọi con người mà ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau như Phật tính, Chân Ngã, Thần tính, v…v..)

 “Học-thuyết tam-tài” là một học thuyết khởi khai nền ‘Đại-Đạo’ vô cùng quan-trọng đối với con người trong cuộc sống. Ta gọi đó là Ba (Cha), là cái nguồn gốc sinh hóa  ra Trời Đất, vạn-vật và con người mà Lão Trang gọi là ‘ĐẠO’.
 Trong một ‘đàn cơ’ , Đức Hộ-Pháp có hỏi Đức Nguyệt Tâm chơn nhơn : “ Cha và Thầy khác nhau. Tại sao Đại Từ Phụ cũng xưng là Thầy.”

Ngài vừa là Cha vừa là thầy:
“Bởi vì con người chúng ta nhờ Ngài mà có.
Ngài nuôi dưỡng thân thể ta bằng những thức ăn trong sạch.
Và tạo dựng linh hồn ta bằng phẩm Thiên.
Nơi Ngài tập trung Khoa Học và khôn-ngoan,
Đại nghiệp của Ngài là không ngớt giục tấn linh hồn;
Những vật chất tồi tàn là châu báu trước mắt ngài,
Ngài biến các chơn linh hèn hạ thành Tiên Thánh.
Luật của Ngài là Thương Yêu, Quyền lực của Ngài là Công-lý.
Ngài quan tâm đến đạo đức, truất bỏ tật xấu.
Là "Cha", Ngài ban cho các con sinh lực của Ngài,
Là "Thầy", Ngài di truyền cho Thiên Tính”
 (theo bản dịch từ Pháp-văn của Sỉ Tải Nguyễn Minh Ngời)

Ấy vậy "lý Tam-tài" đã khai nguyên cho một nền Triết-học Á-Đông vô cùng thâm-diệu mà Dịch-lý là điểm xuất phát, là phương tiện, là điểm tựa dành để cho những ai muốn tiến hóa nhanh cần phải quán-triệt trước hết:

- Phât-giáo gọi lý "Tam-tài" là ngôi "Tam bảo" gồm  có: Phật số 1, ngôi Pháp số 2 và ngôi Tăng số 3. Chỉ có con người mới được đứng vào vị trí của con số 3 ( tức vào hàng "tam tài") cho nên con số 3 đọc là "tam" cũng có thể đọc là "tham" ( dự vào). Khi nào 3 ngôi này hòa hợp với nhau làm một đó là ngôi của Thượng-Đế, duy nhất bản thể  ( gọi là phản bổn hoàn nguyên hay thất phản cửu hoàn hay hòa nhập với 1) thì Người tu (theo Đạo Cao-Đài) đã qui được tam bữu hay "luyện" tinh hóa ra "khí" (tức luyện được tinh khí thần hiệp nhất là "đắc Đạo") thì linh hồn mới được hòa nhập với Thượng-Đế, lúc bấy giờ việc của ta làm là do Thượng-Đế sắp bày cho ta, nên mới có câu "Thầy là các con, các con là Thầy".
 (Nho-Giáo lấy (lý tam-tài) làm TÂM, Dich-lý gọi là quẻ Càn: (: Trời, là con số 1), Đạo Cao-Đài ngày nay tôn thờ Trời bằng biểu tượng "THIÊN NHÃN" cũng là do lý đó.

Công-giáo gọi là: Đức chúa Cha, đức chúa con và chúa Thánh-thần.
Tiên đạo gọi là Tinh, Khí, Thần.
Người "Tu-chơn" gọi đó là "Tam bửu".  hay "Tam thể xác thân".
Tam giáo tuy goi tên con số 3 này bằng nhiều danh từ khác nhau, nhưng nói về Thiên-lý thì chỉ có một, cái MỘT này chính là TÂM của ta đó cũng là chỗ mà nhà nghiên-cứu cho là “Tam-giáo đồng nguyên” là đầu mối của Đại-Đạo, là Trời đó vậy)

B - NHO–Y - LÝ-SỐ NỀN TẢNG CON NGƯỜI
Phàm người học Dịch cũng như học về Đông-y , tất phải thấu hiểu lý-luận Đạo Nho ( chữ có thể đọc là nhu: là sự cần yếu của con người). ngày xưa ở Á-đông người ta rất chú trọng về vấn đề học-vấn, người đi học cần yếu trước nhất là học Đạo ‘Nho’ rồi tới học Y và sau cùng mới học đến Lý Số (tức là Kinh Dịch vậy). Ngày nay, thời ‘Tam-kỳ Phổ-độ’, Đấng Thượng-Đế khai Đạo tại Việt-Nam nói rằng:“ Ngọc-hoàng Thượng-đế giáo đạo Nam phương”xưng danh là ‘Thầy’ và gọi các tín-đồ là  ‘môn-đệ’. Mục-đích của Thầy khai-đạo kỳ này là lấy đạo Nho làm nền tảng để chuyển thế ( vì chữ Nho là một linh-tự có sự kết hợp với Đạo Dịch rất khít-khao). Bởi thế chúng ta học Đạo không thể không thông hiểu về Nho, Y, Lý-số vì nó có liên-quan với nhau như người một nhà) Có thông lý ‘Nho’ thì học thuốc mới dễ, làm thầy trị bệnh mới linh-ứng.

a) - NHO
Kinh Dịch đã minh chứng rằng cuộc sống của con người được nối tiếp nhau bằng sự ‘vận-hành’ uyển chuyển, bằng ‘thông Thiên Địa’, bằng biến-hóa. Con người là cái  ‘Tâm’ của Trời Đất, con người sinh ra  ‘là’ người, nhưng còn phải ‘trở thành’ Người. Quá trình ‘trở thành’ đó buộc con người sống phải luôn đồng nhịp với nhịp biến-hóa của Thiên Địa, của ngày đêm, của nắng mưa…Từ sự hiểu biết ‘thông  Thiên Địa’ đó, Nho học đã đặt ra vấn-đề ‘ thông nhân sinh’ tức là tìm hiểu quan-hệ giữa người và người.

Nhị khí Âm Dương biểu-lộ ra ‘ngũ-hành’: Thủy Hỏa Mộc Kim Thổ. Con người do bẩm thụ ‘tú khí’ của ngũ hành mà thành người, do đó con người phải sống hợp với ngũ hành.

Học Nho là học theo lối sống thuận với sự biến-hóa của ngũ hành.
Nho học là môn học nghiên-cứu ‘cách sống’, cách ‘quan-hệ giữa người và người. Mỗi hành gồm có Âm và Dương, do đó mỗi luân cũng sống theo một ‘cặp người’ cùng sống trong gia đình và xã-hội như:
Vua (chữ :vương) đối với Tôi (thần:bậc dưới) và ngược lại  ‘tôi’ đối với Vua (người làm chủ, đứng đầu một nước) như thế nào cho phải ‘Đạo’.

Cũng theo đó có sự tương-đối (từng cặp đối-đãi) về:
Cha đối với Con và Con đối với Cha,
Chồng đối vớiVợ và Vợ đối với Chồng
Anh đối với Em và Em đối với Anh,

Bạn bè đối với nhau phải như thế nào? Những cách đối xử trên dưới, qua lại với nhau đó là phần ‘nhân đạo’ hay ‘Đạo nhân-luân’. Một cặp Âm Dương gồm 2‘cách đối xử’ (đối nhân xử thế ) ta gọi là ‘luân’. Làm lộn-xộn một trong hai đạo đó gọi là ‘loạn luân’, làm không đúng với một trong hai đạo gọi là ‘phi luân’…Trời có ngũ-hành thì người có ngũ-luân  hay ngũ thường  là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đó vậy.

b) - Y:
Nếu ‘Nho’ và ‘Nho-học’ là phép sống, và cách nghiên cứu ‘phép sống’, sao cho thuận với Thiên Địa, vạn-vật, thì cũng trên nguyên-lý đó, ‘Y’ và ‘Y-học’ là Sự sống và tìm hiểu sự sống của ‘ngũ-tạng, lục phủ, khí huyết’ trong nội bộ của thân thể con người.

Trong vạn-vật đa thù (nhiều hình dạng), con người được xem là TÂM của Thiên Địa. Cũng vậy, trong ngũ-tạng, lục phủ đa dạng trái TIM chính là Tâm của con người.

Thiên khẩu-vấn (Linh-khu 28) có dùng chữ ‘cư-xử’. Cư và xử được Nội-kinh xem như là những cách sống ‘giữa người và người’ (Theo Nho là phần nhơn đạo), giữa ‘tạng phủ’ với nhau (Y-đạo).

 ‘Cư-xử’ dù ở người hay giữa tạng phủ với nhau đều phải thuận với sự vận-hành của Thiên Địa.(Trạng-thái đó gọi là  ‘HÒA’).

Sự sống nhịp nhàng giữa tạng phủ và con người cũng là ‘HÒA’. Sự nhịp nhàng giữa con người với Thiên Địa cũng không ra ngoài lý ‘Hòa’. Sự nhịp nhàng từ tạng phủ đến con người ra đến Thiên Địa gọi là Thái-hòa, gọi là  ‘Đai Đức’.

Thánh ngôn đức Chí-Tôn có câu:
Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Đạo tức một Cha,
Nghĩa nhân đành gữi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ HÒA.

Thoán-từ truyện quẻ Kiền viết: “Các chính tính mệnh, bảo hợp thái-hòa nãi lợi trinh”. (Mỗi người phải sống cho chính với Tính (1) và Mệnh, bảo-hợp được ‘Thái-hòa’, được vậy mới lợi và trinh.

Hệ-từ hạ truyên Chương I (kinh Dịch) viết:
 “Thiên Địa chi Đại Đức viết Sinh”.
 (Cái ‘Đại đức: đức lớn’ trong Trời Đất là ý-nghĩa của ‘Sinh: sự sống’).

Y-học ở đây là một phương-pháp mang lại sự sống, duy trì sự sống bằng cách chỉ cho con người biết cách “Hòa’ với cái ‘Thái-hòa’ của toàn bộ Thiên – Nhân – Địa. Làm người phải biết thế nào là cách sống theo ‘Y-đạo’,  là người thầy thuốc biết thế nào là  ‘học Y’.

C -TỪ HỌC THUYẾT TAM TÀI ĐẾN NGÔI THÁI-CỰC HỮU HÌNH.
1) PHẦN THIÊN-ĐẠO HAY ĐẠO-DỊCH là phần (Lý-số : Hà-đồ và Lạc-thơ) nói về quyền năng của đấng hóa-công, Đấng vô-hình đã tạo ra Trời Đất mà người đời thường gọi Ngài là Đấng Thượng-Đế, là Đấng hằng hữu, là Đấng Chí-tôn chí-linh, chí diệu.

Đại La Thiên Đế Thái-cực thánh hoàng
Hóa-dục quần sanh, thống ngự vạn-vật.
Diệu diệu Huỳnh Kim-khuyết,
Nguy nguy Bạch Ngọc-Kinh.

(67) - Hệ-từ thượng-truyện Chương 11 viết: “Thị cố Dịch hữu Thái-cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát-quái”. Đó là quá trình biến-hóa từ  Vô sang Hữu:( từ Thái-cực sang lưỡng nghi, sang tứ tượng để đi đến bát-quái…). Quá trình này đi từ khí-hóa ‘vô hình’ sang vạn-vật hữu hình, trong đó có con người. Con người là một  ‘vật’ hữu hình do bẩm thụ cái ‘tinh khí’, cái tú khí của Âm Dương, của ngũ hành. Nghiên-cứu y-học tức là nghiên-cứu con người bằng khí huyết, tạng-phủ. Khí huyết tạng phủ này thông với Thiên Địa.

Kinh Dịch là một tác phẩm tìm ra những nguyên-lý chỉ đạo cho vấn-đề trên. Nó đi từ Hình nhi-thượng vô-cực đến hình-nhi hạ Thái-cực, để rồi đến vạn-vật hữu hình.

2) CHÂN KHÍ CỦA VÔ-CỰC.
Hà-đồ (là phần Lý-số) là đầu mối của Kinh-Dịch, có Hà-Đồ (rồi   mới có Lạc-thơ) sau này Thánh-nhân mới vẽ ra Bát-quái. Hà-Đồ là phần cao-cấp của kinh-Dịch, là quyển kinh nói về Bí-pháp của Phật-gia, đó cũng là con đường thứ ba của Đại-Đạo, là biểu-tượng của Tiên-thiên hư-vô chi chí, là triết-lý đại-đồng đó vậy.

“Theo truyền-thuyết kể rằng: Đời Vua Phục-Hi, Ngài thấy con Long-mã nổi lên trên sông Mạnh-Hà, trên lưng nó có nhiều điểm (Xem hình vẽ).
Nếu khí là cái gì khởi thủy của vạn-vật như ta đã nêu trên, người xưa lại dùng chữ Đạo để diễn tả con đường của quá trình khí hóa toàn diện. Hai danh từ ‘Khí’ và  ‘Đạo’ đã diễn tả cái bắt đầu và cái chấm dứt của một chu kỳ sinh hóa của vạn vật, của con người trong một cái vòng ‘không có bắt đầu’ và cũng  ‘không có chấm dứt’ mà sách Hoàng-đế nội-kinh gọi vòng này là ‘Chu nhi phục thỉ như hoàn vô đoạn’.

Khí và Đạo thực sự chỉ là một. Nó chỉ cái nguyên ủy từ đó đã sinh ra vạn-vật. Tất cả các nỗ-lực nghiên-cứu và thành-tựu về mặt y-học đông-phương trong mấy ngàn năm nay cũng chỉ đặt nền tảng ở nó mà thôi.

Quyển sách ‘Y-đạo’ được khai-triển từ nguyên-lý của Kinh Dịch để ứng-dụng vào y-học tiêu biểu qua bộ Hoàng-đế Nội-kinh, bộ Thượng-hàn luận,, bộ Kim-quỉ yếu-lược. Chúng ta lần lượt sẽ trình bày dưới đây.

 Đạo “Vô-vi”là Thiên-lý để nói về phần ‘Tinh-thần’ hay ‘Tâm-linh’ của CON NGƯỜI (côn trùng thảo mộc loài nào chẳng linh). Trong cái không gian vô-tận (cõi Đại-la thiên) mà loài người không thể nào hình dung được biên-giới là đâu, lúc nào cũng có một đấng tối cao, tối diệu…mà tôn giáo Cao-Đài gọi Ngài với danh hiệu là ‘Ngọc Hoàng Thượng Đế’ ( Đại-La Thiên-Đế Thái-cực Thánh-Hoàng (Kinh Thiên-Đạo). Ngài là đấng duy nhất điều hành Càn Khôn vũ-trụ và ban sự sống cho muôn loài vạn-vật. Ngài là đấng tự hữu và hằng hữu giáng cơ lập Đạo Cao-Đài trong thời ‘Tam-kỳ Phổ-Độ này chúng sanh gọi ngài bằng Thầy và tôn ngài là Đấng ‘Đai-Từ Phụ’ (xem lại số 3 đã nói trên mục (A).

- Vạn vật luôn biến chuyển không ngừng, đó là ý-nghĩa của chữ ‘Dịch (Thuyết Tiến-hóa):
Muôn vật đều biến-động không ở một chỗ, như ta ngồi yên một chỗ trên một cái ghế hàng giờ đồng hồ, theo quan năng của ta là “ngồi yên một chỗ” . Nhưng mặt đất mang ta vận-chuyển chung quanh mặt trời, nên sự yên tĩnh của ta đối với Thái-dương-hệ thì vẫn là ‘động’ vì quả đất xoay mang ta từ chỗ này qua chỗ khác. Hóa cho nên ta có thể nói là muôn vật trên trái đất đều lúc nào cũng biến-động mà không ở nguyên  một chỗ. Cũng như ta ngồi ở trong xe lửa hay xe hơi đang chạy. Ta vẫn ngồi yên mà xe mang ta từ xứ này sang xứ khác.

Vì sự thay đổi không thường cho nên người làm dịch không thể như những người làm ra toán học như Pythagore đã định cách tính của hình tam giác, bằng những định lý nhất định. Nhưng người làm dịch không thể đặt ra những định lý cần yếu làm lệ thường để tính một cách dễ dàng như những định-lý của Kỷ-hà-học, số-học, tóm lại của Toán-học vì lẽ rằng trong đạo Dịch cái dịch lý cốt yếu và cần thiết nhất là sự biến-hóa . Có biến-hóa thì mới gọi là Đạo Dịch, mà đã biến-hóa ắt theo thiên-lý và đã biến-hóa thay đổi luôn luôn như vậy thì đến cho những định-lý đã đặt cũng phải thay đổi theo nó . Hóa cho nên người làm dịch không thể đặt ra cái lệ thường toát yếu mà chỉ lấy sự biến-hóa làm căn-bản để tính theo sự thay đổi của Thiên-lý thôi vậy.( Để có được sự hiểu biết thật chính xác sự thay đổi đó ta phải học ‘Dịch lý’ trong suốt cuộc đời mình).

Sách dịch tức là sách gồm ở trong cả một cái Đạo của trời đất gồm từ các tiểu thiên-địa hay là cái đơn nguyên-tử (monade) của nhà Bác-học Einstein đến cái đại thiên-địa gồm tất cả cái Vũ-trụ to lớn có những Thái-dương-hệ như cái thái-dương-hệ mà trái đất ta vận-chuyển hiện tại. Như ta trông lên vòm Trời vào một đêm mùa Hè trời trong trẻo, ta sẽ thấy hằng hà sa số ngôi sao, mỗi ngôi sao là một định tinh, ta có biết đâu mỗi định-tinh cũng như mặt Trời là một “điện hạch” làm trung tâm điểm cho một thế-hệ của các hành tinh khác. Hóa cho nên làm sách Dịch đâu có phải lấy sự xa-xôi mà giải, phàm người ta đã hiểu như vậy ắt không thể xa đạo Dịch được vì Đạo Dịch là đạo của muôn vật của trời đất.Trong thâm-tâm ta, trước mắt ta đều có sự hành-động của Đạo Dịch. Ở cõi sinh-tồn này phàm từ cái nhỏ bé mà mắt thường ta không trông thấy cho đến những vật to lớn đều phải theo Đạo Dịch , nên muôn vật không thể xa Dịch vậy.

Dịch đã thành Đạo, nghĩa là đã thấy rõ ràng muôn vật ở trên cõi sinh-tồn này lúc nào cũng đều có sự thay đổi luôn luôn, không có một giây phút nào ngừng nghỉ được .

- Luật biến hóa phải theo cái Một (1)  hay là Đại-Đạo:
Đức Chí-Tôn dạy: “Các con nên nhớ hoài rằng” Thầy của các con là ông Thầy Trời, nên biết một ổng mà thôi thì đủ. Nghe à!”

 “Nơi trần nầy, thiếu chi bực giả dối, các con có tin ai cho bằng tin cậy nơi các con? (cái một ở trong con người chính là Tâm ta đó). Cơ mầu nhiệm đã định nơi Thiên thơ, Ðạo mở chủ ý dìu dắt những kẻ hữu phần, đặng rán cùng nhau dắt lên khỏi con đường trắc trở, vẹt nẻo chông gai, bước tận đến thang Trời hội hiệp cùng Thầy trong buổi chung qui, đặng cùng không do nơi tâm chí của các con. Sự yên tịnh và sự hòa bình là hai điều Thầy dụng mà gieo mối Ðạo (Đạo ở trong Tâm mới là chơn thật). Biết bao lần sanh linh đã đổ máu vì Ðạo! Thế mà có thành được không?
Thầy vì đó mà phải để cho các con chịu phiền não mà hành đạo cho vẹn toàn.

Do đó Đức Chí-Tôn mới nhắc nhở chúng ta rằng:
 “Cơ  lập Ðạo là nhiệm mầu vô giá, biết Ðạo, biết ta, biết người, biết thế, biết thời, biết dinh hư, biết tồn vong ưu liệt rồi mới có biết hổ mặt thẹn lòng, biết sự thế là trò chơi, biết tuồng đời là bể khổ, biết thân nô lệ dẫn kiếp sống thừa, biết nhục vinh mà day trở trên con đường tấn thối. Có đâu đường đời còn lắm giành xé, hại lẫn nhau, mong chi đặng tầm Tiên noi Phật.

 “ Các con, mỗi đứa đã tự mở một con đường, thì Thầy vẫn không vui được trong sự phân chia (phe phái), nên hay là hư, phải hay là quấy, Thầy chỉnh để cho tâm các con liệu lấy. Tâm cứng cỏi, Ðạo điều hòa thì cứ bước tới Thầy, tâm trí bất định, đạo hạnh không hoàn toàn, thì con đường hám lợi xu danh tới hang sâu vực thẳm đó, vì sức các con đã rã rời thì tài nào níu kéo đỡ nâng khuyên nhủ nhau được”.

“Con đường vô tư để tìm cứu khổ cho chúng sanh là con đường đạo đức. Ngọn đèn thiêng liêng sẽ chực soi tỏ bước của các con; khác với con đường ấy là đường của quỉ vương đem lối”.(Phân chia phe phái, vì danh lợi không thể gọi là chánh Tâm) .

“Vậy nên nhớ mấy lời Thầy, chẳng phải đọc sơ qua mà coi làm chơi, cần chiêm nghiệm kỹ lưỡng mà hiểu nghe”.

3) TỪ KHÍ HƯ-VÔ ĐẾN VẠN VẬT HỮU HÌNH

Từ lúc Thái-cực tách thành động tĩnh, thành lưỡng nghi thì hai quẻ Kiền và Khôn tượng-trưng cho sự bắt đầu biến-hóa để sinh ra vạn-vật: Thiên Địa là cha mẹ của vạn-vật trong đó có con người.( xem lại Hà-đồ ở quyển SĐI).

Mở đầu quẻ Kiền Khổng tử viết trong Thoán-từ truyện: “Đai tai Kiền nguyên, vạn vật tư thỉ” ( ) = To rộng thay! Cái nguyên-khí của quẻ Kiền, vạn vật đều bắt đầu từ đó.

Hệ-từ truyện nói: Kiền tri thái thỉ…乾知太始 ( Đạo Kiền điều-hành cái Thái thỉ…) Rõ hơn nữa. Hệ-từ thượng truyện viết: “ Hình nhi thượng giả, vị chi Đạo” ( ) = Phần thuộc ‘Hình-nhi thượng’ gọi là Đạo.

 (Có thể nói, trong toàn quyển Kinh Dịch đây là những câu-nhắc nhở rõ-ràng đến phần ‘lý-khí’ ‘bản-nhiên’, ‘chân nguyên’ mà Chu Liêm-Khê gọi là ‘vô-cực’và Lão tử gọi là ‘Thường Đạo’. và phải đợi đến 10 thế-kỷ sau Lão tử và Trang tử, với Chu Liêm-Khê, Thiệu Khang-Tiết…thì vấn-đề ‘Thường đạo’ và ‘khí vô cực’ mới có cương-lĩnh.

Tuy nhiên, về mặt nghiên-cứu và ứng-dụng thì đời Hán là thời-kỳ ứng-dụng rất tuyệt-vời với bộ Hoàng Đế nội kinh  dành riêng cho y-học.)

1) PHẦN VÔ HÌNH (Lý).
Khí vô-cực là khí chân-nguyên. Quá-trình đi từ khí Vô-cực ‘hoá’ qua khí Thái-cực để hình thành thế giới hữu hình và được Chu Liêm-Khê gọi là ‘Vô-cực nhi Thái-cực’. Con đường chuyển-hoá đó được diễn-tả một cách tổng-quát là ‘Đạo’.

Lão tử gọi sự vận-hành của khí vô-cực là ‘Thường Đạo’, là ‘Vô’.
Mở đầu Đạo-Đức kinh ông viết:
 “Đạo khả đạo Phi thường Đạo; Danh khả danh  phi Thường danh” (Cái ‘Đạo’ có thể dùng lời để diễn tả được, đó không phải là cái ‘Thường Đạo’; cái Danh có thể dùng lời để diễn tả được, đó không phải là cái ‘Thường Danh’.

‘Thường Đạo’ và ‘Thường Danh’ ở đây Lão tử muốn nói đến cái khí bản-nhiên, khí ‘Chân-nguyên’, cái ‘Đại-Nhất’ mà Huệ Thi nói là không thể diễn-tả được, nếu cái mà lời nói diễn-tả được, đó không phải là ‘Thường Đạo’.

Ông nói tiếp: Vô danh Thiên Địa chi thỉ,
Hữu danh vạn vật chi mẫu.
 (Câu nói này, trong lịch-sử đã được các nhà học-giả lỗi-lạc nhất chia làm hai cách đọc, dĩ nhiên vẫn giữ một ý-nghĩa giống nhau.

1) Cách đọc thứ nhất; theo Tư-mã Quang, Vương An-Thạch và Lương Khải-Siêu:
Vô, danh Thiên Địa chi thỉ;
Hữu, danh vạn vật chi mẫu.
Cái’Vô’ là dùng để gọi tên cho cái ‘ Thiên Địa’ chi thuỷ, cái ‘Hữu’ là để gọi tên cho cái ‘vạn vật chi mẫu’.

2) Cách đọc thứ hai: Theo Vương Bật…
Vô danh, Thiên Địa chi thỉ;
Hữu danh, vạn vật chi mẫu.

Cái ‘Vô-danh’ là cái ‘Thiên Địa chi thuỷ’;Cái ‘Hữu-danh’ là cái ‘vạn vật chi mẫu’.
Như đã nói, hai cách đọc tuy khác nhau, nhưng cũng đều diễn tả lý của Lão tử: THƯỜNG ĐẠO, THƯỜNG DANH, VÔ, VÔ DANH. Những tự và từ này đều nhằm mô tả cái khí ‘chân-nguyên’, ‘Thái-nhất’, tức là cái bắt đầu của vạn vật.( còn gọi là Tiên-thiên hư-vô chi khí)

Lão tử nói tiếp: Đạo thường vô danh, phác: (Cái “Đạo thường” không thể gọi tên được, chỉ gọi là Phác ).

Ông nói tiếp (Chương 41): Đạo ẩn vô danh = 道隱無名: (Cái ‘Đạo ẩn’ không gọi tên được.)

Tóm lại, Lão tử gọi ‘Thường đạo’ là ‘Vô’, gọi vạn vật là’Hữu’ .
Phùng Hữu-Lan diễn tả thêm: “Đạo là vô danh, nhưng nó chính là nguồn gốc sinh ra cái ‘Hữu danh’. Đó là ý nghĩa của câu nói ‘Vô, danh Thiên Địa chi thỉ’, ‘Hữu, danh vạn vật chi mẫu’. (PHL, Tân nguyên đạo, tr 64).

Tuy nhiên, như Lão tử đã nói “Thường Đạo” là cái gì không thể gọi tên, nhưng cuối cùng vẫn phải gọi là ĐẠO.

 Tác-dụng của Đạo là sự ‘tự vận-hành’ của khí. Nó vượt lên trên Thiên Địa, vạn vật, không âm-thanh, không hình-tướng, tự nó tồn-tại mà không biến đổi, nó có trước Thiên Địa vạn vật con người và nó cũng là nguồn của Thiên Địa vạn vật và con người.

Ông nói: “Thiên Địa, vạn vật sinh ra từ Hữu, Hữu sanh ra từ Vô.”
Đã gọi là Đạo thì Đạo chính là Thường Đạo, vì tự nó không biết đến từ lúc nào và lúc nào nó cũng ‘tự vận-hành’ không thay đổi. Cũng chính vì thế mới gọi nó là ‘Vô’ hoặc gọi là ‘Vô danh’.

Tóm lại, vạn-vật tuy thiên hình vạn trạng nhưng cũng từ ‘VÔ’, từ ‘Thường Đạo’ mà bắt đầu : ‘tư thỉ’. Vạn vật có thể có những sai biệt, nó biến-hoá đa đoan, nhưng Đạo thì không thể sai lệch hoặc biến-hoá đa thù được. Có thay đổi là do phần hữu hình của thời khí trong Trời Đất, của luân-lý trong xã-hội, của khí-huyết trong cơ thể con người…Nhưng Đạo luôn luôn giữ được lẽ thường của nó.

(Các quẻ trong Kinh Dịch chỉ là sự công-thức hoá quy-luật biến thiên đối với thế-giới hữu hình của vạn-vật có tính mô-phạm để từ đó chúng ta có thể hiểu được Thường Đạo, hiểu được lẽ ‘tư thỉ’, ‘tư sinh’…

Đoạn này nói sự luân chuyển của âm dương trong 6 hào. Nếu ta nghiệm xét tất cả trong 64 quẻ của Kinh Dịch, thì thấy cái âm dương lên xuống không thường trong 6 hào.

Sự di dịch của âm dương là do theo từng quẻ đã thành để chỉ một hiện tượng biến đổi nên mới nói là cái cứng cái mềm di dịch cùng nhau thay đổi.(Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa (Kinh-dịch).

2) - PHẦN HỮU HÌNH
Nghiên cứu Kinh Dịch là phải nghiên-cứu luôn từng hào, từng quẻ, nhưng chúng ta phải biết thoát ra từ nguyên-lý của sự sắp-xếp, biến-hoá đó, nhất là lãnh vực y-học cổ-truyền Đông-phương.

Thiên ‘Tiên thiên đồ thuyết’ sách “Y-học nhập môn” đã nói: “Học Kinh Dịch đã, rồi sau đó mới có thể nói đến y-học được! (Nói như vậy) không phải bảo chúng ta chỉ học ở vạch, học ở hào. Chúng ta thử ‘quan’:nhìn) Tâm của chúng ta ( thiền-học gọi là ‘Hồi quang phản chiếu’), trong đó quả thực có vạch nào không ? có hào nào không? Chỉ là ‘nguyên-lý’, nguyên-khí’ ‘hổn-hợp’ không gián-đoạn mà thôi. Sinh ra Thiên, sinh ra Địa, sinh ra Nhân, sinh ra vật, tất cả đều do sự ‘tạo-hoá’ này làm chủ mà ra vậy…”

Chúng ta thấy cái gọi là ‘Hồn hợp vô gián’ là nguyên-lý, nguyên-khí, của sự sống trong vũ-trụ. Trong đó thì thân thể chúng ta là một dạng hữu-hình cao-quý nhất, cũng vận-hành đồng nhịp theo đúng với Thiên-lý, với chân-nguyên đó mà thôi.

Nguyên-lý cao nhất của nền y-học cổ truyền là ở đây mà người học y đông-phương phải nắm cho vững.
Sách Kiền-tạc-độ (Dịch-vĩ) viết: “…Ôi! Cái hữu hình sinh ra từ cái vô-hình, còn Kiền Khôn được sinh ra từ đâu? (1). Cho nên mới nói: Có Thái-dịch có Thái-sơ, có Thái-thỉ có Thái-tố. Thái-dịch là khí chưa hiện ra, Thái-sơ là cái bắt đầu của khí. Thái-thỉ, là cái bắt đầu của hình. Thái-tố là cái bắt đầu của chất. Khí, hình, chất đều có đủ nhưng chưa rời nhau, cho nên gọi là ‘hồn luân’ (渾淪 ). Hồn luân ý nói lúc vạn-vật còn đang trộn lẫn vào nhau mà chưa tách rời nhau. Nhìn không thấy nó, quay quanh nó không được, cho nên gọi là Dịch. Dịch không có hình-dáng, không có bờ-bến. Dịch biến để thành Nhất”.
Đoạn văn trên cũng diễn-tả đúng với những ý-nghĩa mà chúng ta đã nói của Kinh Dịch và Lão tử…

Chú giải (1): Bài‘Thái hư lý khí Thiên-Địa Âm Dương ca’ trong sách Y-tông kim giám viết:
Vô cực Thái hư khí trung lý,
Thái cực, Thái hư lý trung khí.
Thừa khí động tĩnh sinh Âm Dương,
Âm Dương chi phân vi Thiên Địa,
Vị hữu Thiên Địa khí sinh hình,
Dĩ hữu Thiên Địa hình ngụ khí.
Tùng hình cứu khí viết Âm Dương,
Tức khí quan lý viết Thái cực.

( 78) - Bài thơ trên đây của sách ‘Y-tông kim-giám’ đã diễn tả quá trình hình thành từ ‘vô-hình’ đến ‘hữu-hình’ của ‘lý’ và ‘khí’ của Vô-cực và Thái-cực. Nội dung bài thơ chúng ta sẽ nói ở phần sau, ở đây, chỉ xin trình bày lại bằng chính lời giảng-giải của tác-giả qua hai câu thơ có liên-quan đến ‘Vô-cực’ và ‘Thường Đạo’ mà thôi.

Sách ‘Y-tông kim-giám’ đã tự chú bài thơ trên như sau: “ Thái là ý nói chí-đại, chí-cực. ‘Hư’ ý nói trạng thái ‘không hư’, ‘vô vật’. Ý nói rằng trong cái cực Đại, cực hư, vô thanh, vô xú đều có đầy đủ cái lý-khí cực đại cực-chí. Lúc lý-khí chưa phân ra, còn trộn lẫn vào nhau ta gọi đó là ‘Thái-hư’.
Khi gọi là ‘Thái hư mà vô-cực’ tức là nói đến cái ‘lý chủ-tể’ trong cái khí lưu-hành của Thái-hư.

Khi gọi là ‘Thái-hư mà Thái-cực’ tức là nói đến cái ‘khí lưu hành’ trong sự chủ-tễ của lý Thái-hư .” Cho nên Chu-tử nói rằng: “Vô-cực nhi Thái-cực” cũng chính là lấy từ ‘cực vô’ mà suy ra cái ‘cực hữu’ vậy”.

Như vậy, trong cái ‘cực vô’ không có cái nào không mang cái ‘lý’ của nó, và trong cái ‘cực hữu’ không có cái nào không mang cái ‘khí’ của nó. Nếu không đi từ cái ‘lý của vô-cực’ để mà suy ra cái ‘khí của Thái-cực’ làm sao chúng biết được ‘có’ cái khí ấy? Nếu chúng ta không đi từ cái ‘khí của Thái-cực’ để mà suy ra cái ‘lý của vô-cực’, làm sao chúng ta biết được có cái ‘lý’ ấy?

Do vậy, chúng ta biết rằng ‘lý’ và ‘khí’, nếu phân ra một cách khác nhau thì chúng là hai. Nhưng nếu nhìn trong trạng-thái ‘hồn hợp’ mà nói thì chúng chỉ là một…có cái lý đó thì phải có cái ‘khí’ đó. Có cái khí đó thì phải có cái lý đó. Danh xưng tuy là hai, kỳ thực chỉ là một mà thôi.

Chúng ta vừa trình bày một phần nhỏ về ý-nghĩa của bài thơ trong sách Y-tông kim-giám, nói về khí vô-cực và Thái-cực.
Xin trình bày tiếp phần còn lại của bài thơ phần nói về khí Thái-cực và Âm Dương hữu-hình.

PHẦN Y DỊCH

(Lý-khí:理器):

Trong khoảng trời đất có khí âm dương (mặt Trời và mặt trăng làm nguồn gốc cho sự động và tịnh ,sáng và tối, thực chất của nó là khí sanh quang ). thường ngâm người như nước ngâm cá vậy. Sở dĩ khác với nước ở chỗ có thể thấy và không có thể thấy, nó lẳng-lặng vậy. Nhưng người ta ở giữa khoảng trời đất, cũng như cá rời khỏi nước, giống nhau vậy.

Cái không gián cách thì như khí mà vẫn ở nước, (biểu tượng là quẻ Khảm có một hào dương ở giữa hai âm mà cuộc sống này không thể thiếu nó được) nước ví với khí như bùn ví với nước . Đấy là khoảng trời đất như hư rỗng mà có thật. Người ta thường ngâm trong yên lặng mà lấy cái khí TRỊ LOẠN cùng với nó trôi chảy lưu thông  trà trộn với nhau vậy.

VẤN-ĐỀ TOÀN ( ) VÀ CHÂN ()
(Đại nhất và Tiểu nhất)
Theo Kinh-Dịch, “KHÍ: ”(Énergie) là nguyên-uỷ của vạn-vật hữu hình. Khí này đã bao trùm trong vũ-trụ ngay từ lúc còn trong trạng-thái đầu tiên chưa ‘động tĩnh’. Huệ Thi nói: Chí đại vô ngoại vị chi Đại nhất, chí tiểu vô nội vị chi Tiểu nhất. ( ) = Lớn nhất không gì ra ngoài nó gọi là Đại-nhất. Nhỏ nhất, không nơi nào, vật nào mà không có nó (bên trong) gọi là Tiểu-nhất.

- “Chí đại” là một tiếng dùng để mô tả cái khí bao trùm vũ-trụ, là cái khí đầu tiên ( )  gọi là nguyên khí, từ đó sinh ra vạn vật và con người.

- “Chí-tiểu” là tiếng mô tả rằng : trong mỗi vât, dù là chỗ nhỏ đến đâu, nó cũng chỉ là một dạng hoá-khí, khí này được Chu Liêm-Khê gọi là “Vô-cực”(2). ( mà con người đã định được hình của khí vô-cực: ‘Thập= 10 con số trong “Hà-đồ’ ). Nó là cái làm cho “vật là vật”, “người là người”. Từ đó người xưa đánh giá cấp bậc khí-hoá ở mỗi vật hay ở mỗi người.

Chú-giải (2):  Nguyên-khí (元氣) là “Toàn”, là “chân”, là “bản nhiên”.
Nguyên-khí (原氣) là vạn vật hữu-hình , là thực”(chân), là “tự-nhiên”.
Chúng ta đọc lại chuyện “Thu thuỷ” của Trang-tử để có một khái niệm rõ hơn về “Đại-nhất” và “Tiểu-nhất”. Nội-dung câu chuyện như sau:

 “Mùa thu, nước dâng lên, tất cả các sông nhỏ đều chảy dồn về sông Hoàng-hà. Nước sông Hoàng-Hà đột-nhiên rộng bao la. Đứng một bên bờ nhìn sang bên kia không còn phân-biệt nổi con trâu và con ngựa. Thế là, Hà Bá lấy làm cao-hứng, cho rằng tất cả những cái gì hay nhất, đẹp nhất trên đời đều qui-tụ về với con sông lớn ấy. Sau đó, thần Hà Bá bèn xuôi theo dòng sông hướng về phía đông đi tới. Khi đến Bắc-hải,Ông quay mặt về đông để nhìn thì không còn thấy bờ bến đâu nữa cả. Thế rồi thần Hà Bá quay đầu lại than thở với thần biển rằng: Tục ngữ có nói:  “Chỉ biết được một phần vạn của Đạo đã cho là không ai bằng mình.Đó là câu nói đúng với tình cảnh của tôi trong lúc này. Nay tôi chứng kiến được sự to rộng không lường của biển, nếu tôi không đến trước mặt ngài để thấy tận mắt kết-quả sẽ rất là tai-hại, nghĩa là sẽ bị các bậc đại-sư cười cho.”

Thần Bắc-hải đáp: “Con ếch nằm dưới đáy giếng không thể bàn chuyện biển to, bởi vì nó bị nơi ở chật hẹp của nó làm che lấp nó. Con sâu của mùa Hạ không thể nói về mùa lạnh-lẽo bởi vì nó bị thời-lệnh làm hạn-chế…Nay Ông từ sông ra, trông thấy biển lớn mới hiểu được cái nhìn sai hẹp của mình, vậy ông nên bàn chuyện Đạo lớn đi là vừa…

Nước trong thiên-hạ không nơi nào lớn bằng biển…nhưng tôi chưa bao giờ cho rằng mình là to rộng. Bởi vì ‘biển’ cũng chỉ là một hình-thể nằm trong Trời Đất mà thôi. Nó cũng thọ khí Âm Dương để có. Riêng trong Trời đất, biển ví như một viên đá nhỏ trên một núi to…

Thần Hà-Bá nhấn mạnh: “Thế thì tôi cho Thiên Địa là lớn nhất và cái đuôi của sợi lông mùa thu là nhỏ nhất, được không?”

Câu chuyện đến đây cho chúng ta nhận-xét rằng chữ  “Thiên Địa” mà hai vị Thần bàn luận như trên chỉ thuộc “Thiên Địa hữu hình, hữu thể”. Bởi vì thông thường ai cũng cho Trời Đất là lớn, đuôi của sợi lông mùa thu là nhỏ. Thiên Địa mà Bà Bá cho là lớn nhất đây chỉ thuộc vào ‘thực-tế, thuộc vào kinh-nghiệm giác-quan của con người, trong lúc đó, cái ‘Đại nhất’và cái ‘Tiểu nhất’mà Huệ Thi nói phải thuộc ‘chân-tế’.

Vì thế, khi thần Bà Bá trả lời thần Bắc-hải được vị Thần này kết-luận:”…Bởi vì sự lớn nhỏ, nhiều ít của vạn-vật là vô cùng, thời-gian không bao giờ ngừng lại , vạn vật bẩm-thụ khí (Âm Dương) không giống nhau, sự chung-thỉ không bao giờ không biến…”
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể tóm-tắt như sau: Đại Nhất: Bản-nhiên, chân-tế.(Đại-Đạo)

Vũ-trụ hữu hình: Tự-nhiên, Thực-tế.
Trang tử nói trong thiên Tề-vật luận: “Đã là Nhất thì còn có thể dùng lời để nói được sao? Mà khi đã nói lên cái Nhất thì có thể cho là lời nói chưa nói gì sao? ‘Nhất’ và ‘ngôn’ là hai việc khác nhau.”

Ví thế đối với cái ‘ Đại nhất’, cái ‘chân-tế’, cái ‘Thường Đạo’ chỉ có thể là đừng nói, vì nói cũng vô ích, cũng không nói được gì. Cái ‘Nhất’ đó; cái ‘Nguyên-khí’(1) đó chúng ta không thể ‘nói’ và sờ mó được.

(1): Cái nguyên khí đó chính là “Tiên-thiên hư-vô chi khí”, là Đạo đó vậy). Nhưng trong vũ-trụ cũng như trong thân-thể con người, nó lại là phần quan-trọng nhất, là nguồn gốc của sự ‘sống’. Khí của vũ-trụ hay của con người đều không thể làm bộc-lộ ra ngoài. Nếu không, vũ-trụ sẽ mất sáng, con người sẽ kiệt sức.

Thiên ‘ Tứ khí điều thần luận’ (Tố-vấn 2) viết: “ Thiên Đức ẩn tàng và vận-hành không ngừng, cho nên không phải đi xuống. Thiên-khí nếu bộc-lộ cái sáng thì mặt Trời, mặt trăng không còn sáng và do đó mà tà-khí lẻn vào làm hại các không khiếu.”

Sách Hoàng-Đế nội-kinh Tố-vấn dịch thích chú: “Đức ở đây là chỉ vào sức hàm chứa trong khí tự-nhiên, nó đun-đẩy cho vạn vật và con người có tác-dụng sinh-hoá. Chữ ‘tàng’ có nghĩa là ‘ẩn tàng’, không bộc-lộ ra ngoài”.

Trương Cảnh-Nhạc chú: “Thiên Đức không lộ ra ngoài gọi là ‘tàng đức’. Nó vận-hành ‘kiện’, không ngừng -nghỉ, gọi là ‘bất chỉ’ (a).”
(Kinh Thiên-đạo):
Thời thừa Lục long du hành bất tức
Khí phân tứ tượng hoát truyền vô biên,
Càn kiện cao minh.
Vạn loại thiện ác tất kiến.

Trương Chí-Thông chú: “ Khí ở trên Trời đến lúc sẽ thanh-tịnh, quang-minh, dù rằng cái ‘minh-đức’(b) vẫn luôn luôn ẩn-tàng, nhưng lúc nào cũng ‘kiện vận’ bất tức(c). Ôi! Thiên-khí giáng xuống, Địa-khí thăng lên tạo thành quẻ Địa Thiên Thái (d). Sự vận-hành và dụng sự của nó không bao giờ ngơi-nghỉ, cho nên không cần đợi đến lúc hạ xuống mới gọi là ‘há’. Ở đây người xưa muốn nói rằng Thiên-khí phân-bố ở khắp nơi hoá-sinh vạn-vật. Nhưng cái thể, cái vị của nó vẫn tôn-quý và cao-thượng vậy.

Thiên-khí rất là quang-minh, đó là nhờ vào cái ‘minh-đức’ tàng ẩn, cho nên ban ngày sáng là nhờ ‘nhật’, ban đêm sáng là nhờ ‘nguyệt’. Nay nếu minh-đức không còn ‘tàng’ được nữa mà để lộ ra ngoài thì mặt Trời, mặt Trăng không còn chỗ tựa để phát ra ánh sáng nữa. Đó là ý-nghĩa câu nói ‘Thiên minh nhi nhật nguyệt bất minh’.

Thiên-đức không ẩn-tàng được sẽ làm ‘hư’ cái thể vốn thanh-tịnh và cao-minh của mình, do đó tà-khí sẽ thừa ‘hư’ để làm hại. Vì thế mới nói rằng: ‘ Thiên vận là phải lấy nhật làm quang-minh, Dương-khí nhân đó bốc lên. Vệ-khí nhân đó ra ngoài. Nay nếu Dương-khí trong người không còn được giữ vững tức là không kín ở trên, không bảo-vệ được bên ngoài, do đó mà tà-khí sẽ theo không khiếu vào để làm hại.

Đây nói về Thiên bảo-bọc Địa. Dương bảo-bọc Âm (Vuông trong Tròn hay Lạc-thơ trong Hà-Đồ), chính vì vậy mà Thiên Đức phải ẩn-tàng cho vững-vàng, kín-đáo, không nên phô-trương ra ngoài để tiết thoát đi xuống dưới vậy.” ( Đây là pháp ẩn thân của người TU).

Vương Băng chú: “Tứ thời vận-hành thành thứ-tự gọi là ‘thất diệu’ thành một chu. Thiên vận-hành không hiện ra hình, cho nên nói là ‘tàng Đức’, vì cái ‘Đức’ ẩn cho nên ứng-dụng không hết, đó là ý-nghĩa của chữ ‘bất há’…Nếu Thiên-khí tự lộ cái ‘minh’ của mình thì cái ‘minh’ của nhật nguyệt sẽ bị ‘bất minh’. Tất cả nhằm nói lên rằng chân-khí của con người không thể để cho tiết-thoát ra ngoài. Chúng ta phải dùng phép sống ‘thanh-tĩnh’ để bảo-vệ cái ‘Thiên-chân’ của mình. Nếu chúng ta rời khỏi cái Đạo thì hư-tà sẽ nhập vào không khiếu vậy.

GIẢI NGHĨA: (a), (c): Chữ kiện: nếu hiểu thông thường nó có nghĩa là sức khoẻ, sức mạnh, nhưng ở kinh Dịch nó là sức mạnh của Dương-khí, nó giữ cho sự vận-hành của Thiên Địa bao giờ cũng hài-hoà, không mệt-mỏi, không ngơi-nghỉ. Nó thuộc quẻ Kiền:

Đại Tượng truyện viết: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức (天行健君子以自強不息): Sự vận-hành của Thiên Đạo là theo lẽ ‘Kiện’. Người quân tử nên theo đó để tạo đủ sức mạnh, đủ nhẫn-nại thi-hành theo Thiên Đạo không ngơi-nghỉ.

 (b) Trương cảnh Nhạc dùng chữ ‘Thiên đức’, ‘tàng đức’, TC Thông dùng chữ ‘minh-đức’. Tất cả ba từ này đều có nghĩa như chữ ‘minh-đức’ của sách Đại-học: “Đại-học chi đạo tại minh minh đức…” Tất cả các từ này đều nhằm mô tả cái Đức sáng của ‘Nguyên-khí’ ( Hà-Lạc) nơi Trời Đất cũng như nơi con người.

d) Quẻ Địa Thiên Thái: Thoán-từ truyện viết: “ Thiên Địa giao nhi vạn vật thông. ( ) = Thiên Địa giao nhau để vạn vật được thông.

e) Theo Thiên ‘‘Thiên nguyên kỷ đại luận’ (Tố-vấn 66) thì ‘ Thất diệu’ gồm nhật, nguyệt, kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.
Trên đây, chúng ta vừa trình bày một cách khái-quát về vấn-đề ‘TOÀN’ và ‘CHÂN’, nó là nguyên-uỷ của Thái-cực, Âm Dương, Ngũ hành mà chúng ta sẽ lần-lượt nói ở sau.

B) - PHẦN ĐỊA.( THUỘC CUNG KHÔN ) HAY CỨNG VÀ MỀM
( CÒN GỌI  LÀ LƯỠNG NGHI TỨC TAM DƯƠNG TAM ÂM)
NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG:Thái-cực sanh ra lưỡng-nghi là hai bên: Âm và Dương.

Thái-cực là phần Dương, là Trời, biểu tượng là quẻ Càn:,là số 1, là tam Dương.
Lưỡng nghi là phần Âm, là đạo Đất, là biểu tượng con số 2, là quẻ Khôn: , là tam Âm Âm-dương học tức Dịch học là một môn học cùng lý tận tính dĩ chí ư Mạng. Cùng lý là muốn biết cái sở dĩ nhiên của sự vật với cái sở đương-nhiên của sự vật mà thôi. Biết cái sở dĩ-nhiên cho nên cái chí không hoặc (không nghi-ngờ), biết cái sở đương-nhiên cho nên việc làm không bị sai lầm .

Cùng lý là biết cho hết cái lý của từng sự vật, cho nên nói rằng: “Muốn biết mười việc mà mới biết được 9 việc, dẫu có một việc chưa biết cũng không sao. Nhưng nếu học một việc mà mới biết đến 9 phần , còn một phần nữa không biết không được , phải biết cho đến hết cả mười phần mới được, như vậy thi sự hiểu biết của ta mới hòan toàn. Phàm việc trong thiên-hạ không việc nào là không có lý. Nếu ta xét cho đến cùng được , thì từ việc lớn của vua tôi , cho đến việc nhỏ của sự vật, không có điều gì là không biết cái sở dĩ nhiên và cái sở đương-nhiên của nó mà không nghi-ngờ chút gì, rồi cứ theo điều thiện bỏ điều ác, mà không có cái lông cái tóc gì hệ lụy. Ấy bởi thế mà sự học lấy cùng lý làm trước vậy. Cái thuyết cùng lý về sau thành ra một cái học rất thịnh. Nhưng trong cái cùng lý nầy ta phải thông suốt ba chặn đường: Lý Thiên, lý Địa và Lý nhân gọi là lý Tam tài, ba lý nầy không thể  biệt lập một mình mà phải hiệp lại thành một khối duy nhất thì mọi vật mới thành-tựu được. theo đó ta có thể khẳng-định rằng: “ Vạn vật không có “Ba”(1) thì không có sự thành hình buổi ban đầu.

CHÚ GIẢI (1): Con người gọi Ba nầy là Cha, là người sanh ra mình, đó cũng do sự hòa-hợp của cái cơ ( số 1) và cái ngẫu (số 2) tức là sự giao-hợp giữa một Dương và một âm ( 1+2= 3) mà thành. Kinh-dịch gọi lý này là ĐẠO: “Nhất Âm, Nhất Dương chi vị Đạo”. Thánh-nhân làm thành sách Dịch-lý để lưu lại cho đời có đủ ý cho mọi sự lý ở trong sách rồi, chỉ nên chú-trọng về sự đọc sách. Luận cái lý của thiên-hạ thì những điều yết diệu tinh-vi đều chính đáng cả, xưa nay không di-dịch. Duy có Thánh-nhân mới có thể biết hết được, mà những việc làm lời nói của thánh-nhân không có điều gì là không làm phép tắc cho thiên-hạ và đời sau;  Ai thuận theo là quân-tử mà cát, ai trái không theo là tiểu-nhân mà hung. Cái điển tích rõ ràng, cái hiệu quả tất nhiên, điều gì cũng đủ ở trong kinh huấn sử sách . Muốn cùng cái lý của thiên-hạ mà không lấy đó dò tìm, thì chính là ngảnh mặt vào tường  mà đứng vậy. Vì thế mà sự cùng lý phải bởi sự đọc sách vậy.( tứ Thư và ngũ Kinh có kinh Dịch làm gốc) Tin rằng các lý tự nhiên là thánh hiền đã nói cả trong sách , cho nên mới nói rằng: “Đọc sách để xem cái ý của Thánh-hiền , nhân cái ý của thánh-hiền  để xem cái lý tự nhiên .Thành thử hai chữ cùng lý chỉ chủ ở sự đọc sách Thánh-hiền, sách của Tam giáo ( Nho, Thích, Đạo, sách thánh ngôn, thánh-giáo của Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ), vì đây là phần luyện tinh hóa khí , là pháp môn tu-tập của đạo Cao-Đài ( luyện Tam-bửu: Tinh, Khí, Thần) vậy. Cái ý kiến có phần hẹp-hòi , là vì lý thì có vô cùng chi lý, mà sách thì chỉ bàn được những cái hữu hạn; lấy cái hữu hạn mà xét cái vô cùng, thì sao cho xiết được. Bởi cái tư tưởng ấy cho nên người học đạo về sau thành ra câu thúc, cố chấp không mở mang ra được ).

Quá-trình khí-hóa vạn-vật hữu hình đi từ ‘Vô-cực’ sang ‘Thái-cực’ rồi sang ‘Lưỡng-nghi’ như chúng ta đã trình bày trước đây, sự phát triển sinh-hóa đã rõ nét từ lưỡng-nghi (Âm Dương) mà tiếp theo sau đây là phần trình bày quan-trọng nhất về vấn đề ‘khí-hóa vạn-vật hữu hình’.

VẤN ĐỀ ‘KIẾN TÁNH’
Manh-tử cho rằng ‘Tính’, ‘Khí’ là cái mà con người bẩm thụ được của Trời Đất, của  ‘Đạo’. Sự vận-hành của khí là tự-nhiên, là tốt không với riêng ai mà chung cho tất cả muôn loài có sự sống trong vũ trụ nầy. Con người là linh vật đứng đầu trong ‘Bát phẩm chơn hồn’, cho nên trong ‘phép dưỡng-sinh’, trong cuộc sống, phải giữ gìn, phải tuân thủ theo sự vận-hành của Thiên Đạo thì mới nên cho.

Về mặt luân-lý, nó là cái làm cho con người trở nên  ngừơi ‘hoàn hảo’, làm cho con người khác với cầm thú.
Về mặt vận-hành của khí-hóa trong thân thể, nó là khí chu lưu trong thân thể không hề ngừng nghĩ ( đó là lục khí, là khí sinh thành của vạn vật, ứng với câu : “Thiên nhất sinh thủy Địa lục thành chi”)
Manh tử nói: “Phù! Chí khí chi soái dã. Khí thể chi sung dã” = (Ôi! Chí (ý tưởng) làm chủ soái của Khí. Khí thì tràn đầy trong con người vậy.
Mạnh tử nói tiếp: “Ta khéo dưỡng cái ‘khí hạo-nhiên của ta’.
Công-Tôn Sửu hỏi: ‘Dám thưa Thầy, khí hạo nhiên là gì?’

Mạnh tử đáp: ‘khó diễn-tả’. Khí ấy là chí đại, chí cương. Nếu chúng ta biết nuôi nó một cách thuận-lợi, đừng làm thương-tổn đến nó, nó sẽ tràn đầy trong Trời Đất.

Nguyễn Công-Trứ có câu:
“khí hạo-nhiên chí đại chí cương,
So chính khí đã đầy trong Trời Đất…"

Tuy nhiên, theo Mạnh tử, trong quá-trình nuôi dưỡng khí ấy trong con người chúng ta, chúng ta không thể nóng-nảy, chúng ta phải điềm-đạm nhẫn-nại, đừng bắt chước theo người nước Tống.
Mạnh tử kể: “ Nước Tống có một người, ông này cứ mãi lo-lắng lúa của mình lâu lớn. Ông bèn đi ra ruộng để  ‘nhổ’ cho lúa được mọc lên cao hơn. Công việc xong rồi Ông hăm-hở chạy về nhà khoe với người nhà rằng: ‘Hôm nay ta mệt quá, vì ta đã giúp cho lúa mau lớn.’
Con ông nghe vậy, vội-vàng chạy ra ruộng để xem, thì ra lúa ở ruộng đã khô hết cả.”

Mạnh tử kết-luận: “Hiện nay người trong thiên-hạ dù làm việc ngoài đời hay trong khi ‘dưỡng khí’, số người không giống với người nước Tống đã giúp cho lúa chóng lớn, thật là ít vậy.
Thiên Tận-tâm thượng viết: “Vạn-vật bị ư ngã, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” = (Vạn-vật có đầy đủ trong ta, nếu ta quay về với ta để ‘thành’, không còn niềm vui nào hơn . ( Đây là một quan-niệm của Kinh Dịch: nối tiếp giữa con người và Thiên Địa. ‘Vạn-vật có đầy-đủ trong ta’ ý nói ta là ‘tiểu vũ-trụ’. Nhân đạo từ Thiên-đạo mà ra. Do đó, ta phải luôn-luôn hành-động cho đúng và cho được với cái Đạo tự-nhiên ấy.
 ‘Phản thân’ là lời kêu gọi của Mạnh tử để con người quay về với  ‘nguyên-khí’ với cái Đạo để chúng ta hành-động đúng với Thiên-lý (mà cũng là thiên-ý vậy).

ÂM DƯƠNG LÀ GÌ?
Thiên : "Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận" (TVấn 5) ghi : "Âm Dương giả, thiên địa chi đạo dã, vạn vật chi kỷ cương, biến hóa chi phụ mẫu, Sinh sát chi bản thủy, Thần minh chi phủ dã, Trị bệnh tất cầu kỳ bản" (Âm Dương là quy luật của trời đất, cương kỷ của vạn vật, nguồn gốc của mọi biến hóa, Căn cội của sự sinh trưởng và hủy diệt, là kho tàng chứa đựng thần minh, trị bệnh phải tìm rõ căn bản của bệnh).

Tiếp tục trình bày vấn đề “ Lưỡng nghi” hay nói rõ hơn là vấn đề “Âm Dương”.
Kinh Dịch đã xác nhận :“ Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo”, là phần quan trọng nhất trong quá trình khí hoá hữu hình, từ Thiên Địa, vạn vật cho đến con người.

Đối với y-học Đông-phương, Âm Dương, ngũ hành, Can chi ( thập thiên-can và thập nhị địa-chi) đóng vai trò then chốt trong lý-luận để tìm ra nguyên nhân gây nên bệnh tật (tức là sự mất quân bình trong tiểu vũ-trụ của con người).

Danh từ “Âm Dương” được dùng nhiều hơn trong Y-học . Quá trình thay đổi danh xưng từ “Lưỡng-nghi” sang Âm Dương là một quá trình của lịch sử Triết-học Đông-phương được thành tựu qua nhiều thời kỳ từ “thời Cổ-đại” cho đến “thời Cận kim”.

Trước khi đi sâu vào phạm vi Y-học của  “Nội-kinh”, chúng ta nên hiểu rõ phần định nghĩa về “”Âm Dương” trong Kinh “Tố-vấn” vì nó là điều kiện ắt có để hiểu được, tính được bài toán tương ứng giữa sự thay đổi của Vũ-trụ, khí huyết trong con người mà từ đó tìm ra cách giải-quyết sự bế tắc giữa hai bên (lưỡng-nghi).

ĐẶC-TÍNH CỦA ÂM DƯƠNG
trực-giác mà các bậc hiền-thánh xưa của nền triết-lý Á-đông đã chia vạn-vật ra làm hai nguyên-tính âm dương. Hai nguyên-tính này mới xem qua thì thấy chúng tương-phản, đối-lập nhau. Nhưng thật ra hai nguyên-tính này bổ-sung mật thiết với nhau: Nương nhau mà cùng có như ngày và đêm, sáng và tối, nóng và lạnh, nam và nữ. Ấy là hai yếu-tố căn-bản để sáng-tạo, khích-động, hòa-hợp phá-hoại và kiến-thiết vạn-vật trong vũ-trụ. Âm-dương luôn luôn song hành là hai phương-diện của một hiện-tượng biến-hóa chứ không phải là một khái-niệm hợp-lý và cố-định. Người Đông-phương nhận-định vũ-trụ ở phương-diện biến-dịch, nhìn sự vật ở nội tâm cũng như ngoại cảnh, ở quan-điểm chuyển-động, vô-thường: “Vạn-vật phù âm nhi bảo dương, xung-khí dĩ vi hòa” (Vạn-vật không vật nào là không cỏng âm bồng dương, nhân chỗ xung nhau và hòa nhau).

Quá trình hình thành:Để hiểu rõ nguồn gốc của hai khí Âm Dương do đâu mà có, chúng ta vận-dụng hai phương pháp “Quy-nạp và diễn-dịch” để nhận-định về nguyên-lý âm dương .

Trong phần Kinh của Dịch chỉ đề cập riêng lẻ từng trường hợp như: Thiên địa, cương nhu, nam nữ, thượng hạ…Thế rồi trong phần “Dực” từ hệ-từ về sau lại nói rất nhiều về âm dương, rõ ràng trong giai đoạn này Âm Dương đã trở thành “thông số” chung để đại diện cho các khái niệm “Lưỡng-nghi” nơi vạn vật và con người.Các đoạn văn này đã đến sau Trâu Diễn; riêng trong Kinh Dịch, con đường đi này đã nương theo hai ngã: Quy nạp và diễn dịch.

1) Diễn  dịch:
- Kiền     cửu      cương  thượng             phu      quân-tử            nam      động    Dương
- khôn     lục        nhu       hạ                    thê       tiểu nhân          nữ        tĩnh       Âm

2) Qui nạp: Ngay trong Kinh Dịch, sau khi Âm và Dương mang vai trò mới , tất cả các khí, hình, vật…đều có thể dùng Âm Dương để thay thế. Ví-dụ:

Hào Dương là hào một vạch () trước phải gọi là hào Cửu thì sau đó có thể gọi là “hào dương”; hào hai vạch liền (-- ) trước đó phải gọi là hào “lục” thì sau đó có thể gọi là hào “Âm”.
Tất cả như : cương nhu, động tĩnh, đều có thể gọi chung là Âm Dương …Một bài toán luận-lý đã được áp dụng rất tuyệt vời theo qui nạp như sau:
Động                  Nam    Cửu     Cương            Dương
Tĩnh                    nữ        Lục      nhu                  Âm    

Từ cách qui nạp trên, ta dùng lối diễn dịch như dưới đây:

Phủ      biểu       tả       Đởm         nhiệt         DƯƠNG
Tạng     lý         hữu    can           hàn           ÂM

ÂM DƯƠNG TƯƠNG XUNG ĐỂ TƯƠNG HÒA
Vạn-hữu do chỗ (Âm Dương) xung nhau và hòa nhau mà sinh-hóa vô cùng.

 Âm dương tương đối sai biệt bất-tận cũng như phương hướng Đông Tây, Nam Bắc. Những gì có nhiều năng-lực âm hơn năng-lực dương thì gọi là Âm (vì vậy mà tiền nhân gọi tên thiếu Âmlà Dương trong Âm, nó là Dương chứ không phải là Âm như một số nhà nghiên cứu cho là Âm, nhưng là dương ở trạng thái tĩnh), và những gì có nhiều năng-lực dương hơn âm thì gọi là Dương (Thiếu Dương:tức là Âm ở trạng thái động). Nói tóm lại âm-dương luôn luôn tương-đối chứ không có một cái gì tuyệt-đối Âm hay tuyệt-đối Dương  trong vũ-trụ này . Ông Giáp có thể âm đối với ông Ất nhưng là dương đối với ông Bính. Quả đất dương đối với mặt trăng  nhưng âm đối với mặt trời .

Trên văn-tự, người ta dùng chữ Âm để chỉ một cái gì lạnh-lẽo , tối-tăm, buồn-bả, bất-động hay chết-chóc . Ví dụ như: âm-phong, âm-phần, âm-hồn, âm-phủ.Còn Dương là để chỉ những cái gì sống-động, sáng-sủa,vui-tươi, như trong chữ dương-gian, dương-minh. Âm còn  dùng để chỉ một cái gì huyền-diệu, thơ mộng, nên người ta gọi mặt trăng là thái-âm; Dương để chỉ một cái gì nóng nảy , cuồng-bạo ví-dụ như mặt trời  người ta gọi là thái-dương .
 (Ngày nay khoa-học chẳng những khám-phá ra vạn-vật đều cấu tạo bởi các nguyên-tố cũng hợp thành bởi những điện-tích âm dương  mà cơ thể mọi sinh-vật chính là  một nhà máy phát-điện , các tế-bào cũng là những thỏi nam-châm điện, những động-điện, những máy phát-thanh và thu-thanh vi-tế .

Ở phòng thí-nghiệm “Général Électric”. Ở Hoa-kỳ người ta đã đặt hai điện-cực trong mình một con chuột cống. Một điện-cực bằng thép (âm) dưới da, và một bằng Bạch-kim (dương) trong xoang của phúc mô (Péritoine). Con chuột này cho thường xuyên một dòng điện 0,68 Volt để chạy một máy radio tý hon. Người ta ước-đoán rằng thí-nghiệm này có thể tiếp-tục đến suốt đời con chuột, vì có cả bầy chuột được đặt các điện-cực trong mình và trong vòng 6 tháng , thỉnh-thoảng người ta lại đo cường-độ của dòng điện và thấy lượng điện vẫn không thay-đổi gì.
Ba nhà Bác-học Pháp sadrow, Douzou  và Polowsky khám phá ra rằng nhân của tế-bào cơ-thể con người, đúng ra là  acit nucléic có đặc tính của những thỏi nam-châm điện và những động-điện, và như vậy mỗi tế bào chứ không phải chỉ riêng tế-bào óc đều có thể tiếp được  những tín-hiệu như những máy thu-thanh nhỏ để truyền cảm-xúc lên óc và nó cũng lại có thể phát đi những tín-hiệu nữa..

Đâu đâu cũng âm dương , âm dương biểu hiện trong thiên hình vạn trạng từ vật-chất đến tâm-linh…
Về phương diện vật-lý : thứ gì chứa nhiều nước  (còn các điều kiện khác giống nhau ) thì Âm, ít nước hơn thì dương .
Về phương-diện hóa-học: Mọi vật chất gồm nhiều H, C, Li, As,, Na …thì dương hơn những hợp-chất gồm ít và chứa các chất như O, N, K, P, S.

Theo Dịch-lý, tất cả mọi vật đều có thể phân hạng vào một trong hai loại tương-phản  và sau đó xếp-đặt theo sự thích-nghi hổ tương của những cấu-tử âm dương .
Tất cả mọi hiện-tượng và mọi đặc-tính  của vạn-vật đều tùy thuộc vào tỷ-lệ và cách hòa-hợp của hai nguyên-tính âm dương cùng hai nền tảng Dương-lực hướng tâm và Âm-lực ly-tâm..)

C - PHẦN NHÂN
C1 - TINH KHÍ TẠO RA VẠN VẬT
Chương IV Hệ-từ truyện viết: “Tinh khí vi vật” ( ) = Tinh-khí tạo nên sự vật. Đây chính là vấn-đề then-chốt trong quá-trình khí-hoá, bao-trùm về vũ-trụ hữu- hình.
Sách Hoàng đế nội-kinh lý-luận rất rõ về ‘Tinh’ và ‘khí’ này. Ở đây chỉ xin trình-bày vài câu quan-trọng trong bộ sách trên nhằm làm sáng tỏ câu nói trong Kinh Dịch

Thiên ‘Bản thần’ (Linh khu 8) viết “Cố sinh chi lai vị chi tinh. Lưỡng tinh tương ‘bác’ vị chi Thần”
 ( Chữ ‘bác’ có nghĩa là giao-kết nhau…)

Cho nên, khi con người bắt đầu ‘sinh’ hoặc bắt đầu có sự sống thì cái làm cho người ‘sinh’ gọi là ‘tinh’. Hai tinh cùng đánh nhau gọi là ‘thần’.
Trương Cảnh-Nhạc chú: “Cái gọi là ‘tinh’ chính là cái ‘Thiên chi nhất’( Thái-cực) và cũng là cái ‘Địa chi lục’.

a -Tam Dương phối với Tam Âm: Trời có 3 khí Dương : Thiếu-Dương, Dương –minh, Thái-Dương, Đất có 3 khí Âm: Thái-âm, Thiếu-âm và quyết-âm . Chủ của 3 khí Dương là Kiền (), chủ của 3 khí Âm là Khôn (). Hai khí Kiền Khôn giao nhau thành ra‘Bát quái hậu thiên’ có hình dáng giống ‘chữ Điền: () mà vị-trí chỗ giao điểm gồm có 9 con số tương ứng với ‘Bát-quái hậu-thiên: 1 là Khảm; 2 là Khôn; 3 là Chấn, 4 là Tốn; 5 là Trung ương; 6 là Kiền; 7 là Đoài; 8 là Cấn; 9 là Ly ( bản đồ Lạc-thơ bên đây.

Trong phép luyện đạo có câu: “Luyện tinh hóa khí” chúng ta nên hiểu ‘tinh’ ở đây chính là cái ‘Một’ mà cái một chính là ngôi ‘Thái-cực’, tức là ‘Kim-đơn’ của nhà luyện đạo.
Như chúng ta đã biết Kinh Dịch là quyển sách diễn giải lại quá trình của vạn-vật hữu-hình từ Thái-cực, lưỡng nghi, mà Thái-cực cũng chính là lưỡng nghi, tứ-tượng. biến-hóa ra .(Xem hình sau đây):
Chúng ta không thể tách ra như những dữ-kiện nằm riêng-rẻ bên nhau để nghiên-cứu. Nhưng vì nhu cầu cần trình bày cho rõ lý mà quyển sách đòi hỏi, chúng ta tạm phân ra để theo dõi mà thôi.( Điều cần-yếu là khi đọc nó, chúng ta đồng thời phải có cái nhìn quán-xuyến, quán-xuyến từ khí vô-cực, Thái-cực,lưỡng-nghi…quán-xuyến từ Thiên đến Nhân đến Địa, quán-xuyến từ khí huyết trong thân-thể con người đến ngũ-vận lục-khí của tuế nguyệt thịnh suy).

Thái-cực sinh lưỡng nghi…để rồi sinh ra vạn vật. Đây chính là tinh-khí của Thái-cực là nguồn sinh ra vạn vật. Kinh Dịch đã phát hoạ ra một cách đại-cương có tính-cách chỉ-đạo cho sự giải-thích sau này ở Hoàng đế nội-kinh. Chúng ta sẽ dành vấn đề lưỡng nghi cho phần sau. Ở đây, chúng ta tạm đưa ra một vài ý tổng-quát mà thôi.

(Thiên lấy cái ‘nhất’ sinh Thuỷ, Địa lấy cái ‘lục’ thành Thuỷ. Từ đó sinh ra ngũ-hành sớm nhất. Chúng ta thấy rằng vạn-vật lúc còn sơ sinh đều chỉ là nước. Ví-dụ những hạt của quả lúc chưa kết thực cũng chỉ là nước. Ví-dụ cái thai, cái trứng lúc mới thành cũng chỉ là nước. Phàm cái bắt đầu của sự sống con người, cùng với côn-trùng, thảo mộc, không gì không như thế. Đây chính là câu nói trong Kinh Dịch: “Nam nữ cấu tinh, vạn-vật hoá sinh”. Lưỡng tinh ở đây là tinh khí của Âm Dương. Phàm cái Đạo sinh thành của vạn vật, không vật nào không do sự giao-cấu nhau của Âm Dương để rồi sau đó thần-minh mới được hiện ra.
 (Cơ sanh-hóa Càn Khôn đào tạo,
Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên (Kinh ‘Hôn-phối’)

Cho nên, sự sinh ra của con người, tất nhiên là do sự hợp nhau của hai khí Âm Dương. Do hai tinh khí của cha mẹ giao-cấu nhau rồi mới tạo thành ‘hình’ và ‘thần’. c2
- Thiên Địa hợp khí gọi là ‘: nhân’.”
Trương Chí-Thông chú: “Tinh’ ở đây là ‘khí’ lúc vạn vật chưa thành hình và còn đang thọ  “Thiên chi nhất”.

Thiên Quyết-khí (Linh khu 30) cũng viết một câu tương tự như thiên Bản-thần: Lưỡng thần tương bác, hợp nhi thành hình, thường tiên thân sinh, thị vị tinh. = Hai thần cùng đánh nhau (giao nhau) hợp lại mà thành ‘hình’, thường ‘sinh’ (hiện hữu) trước khi thân-thể thành ‘hình’. Đó gọi là ‘tinh’.

Quá-trình hình-thành ra vạn vật, như vậy, đi từ vô-cực, thái-cực. Khí-hoá tiến từ Thái-cực, để rồi chính lưỡng-nghi (Âm Dương) mới là giai-đoan ‘tương thôi’ thành vạn-vật mà chúng ta tiếp-tục trình-bày sau đây.

Vạn hữu trong pháp-giới mỗi mỗi đều có hai đức tính tương xung, tương phản  nhưng tương liên, tương-trợ, tương-quan, tương-phối. Vì vạn-hữu đều giả hợp do hai năng-lực đó: Âm và Dương.“Vạn-vật cõng âm và bồng dương, nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau.”.

 Chính do sự tương-phản âm-dương, nhân chỗ xung nhau mà Hòa nhau để hóa-sanh vạn-vật , tạo lập ra vũ-trụ Càn-khôn .

Cô Âm hay độc Dương có nghĩa là chết. Sách xưa có câu: “Vô Dương tắc Âm vô dĩ sanh, vô Âm tắc dương vô dĩ hóa”. Muốn sanh-hóa phải có đủ âm dương đắp-đổi làm thể dụng lẫn nhau vì độc Dương chẳng sanh, cô âm chẳng trưởng.

(Như đã trình bày trên, quá trình khí hóa thành vạn vật hữu hình đi từ “vô-cực” sang “Thái cực” rồi sang “lưỡng nghi”. Thực ra đây chỉ là lối nói còn hạn hẹp trong phạm vi ngôn ngữ .

Không làm gì có những giai đoạn phân chia rõ-rệt giữa vô cực, thái cực và lưỡng nghi (Âm Dương). Những từ ngữ này chỉ là cái “khả đạo”. Lão-Tử đã cho rằng cái “khả đạo” không phải là cái “Thường đạo”. Thường đạo là một chuỗi “sinh hoá” không hề gián đoạn.)

Dù sao sự phát triển sinh hoá cũng rõ nét từ lưỡng nghi “Âm Dương”, cho nên bắt đầu từ đây tôi xin trình bày phần quan trọng nhất:

C3 - KHÍ HÓA VẠN VẬT HỮU HÌNH.
Con người thọ khí của Trời Đất mà sinh (có nghĩa là lấy khí dương của Trời làm khí (là phần nhiệm của HÀ-ĐỒ), lấy khí âm của Đất làm huyết (Là phần hành của LAC-THƠ). Do đó khí thường hữu dư, huyết thường bất túc.

Như vậy, chúng ta thấy rõ : Trời Đất là cha mẹ của vạn vật. Trời rộng lớn làm Dương mà vận hành bao trùm ra ngoài đất . Đất cư ở giữa Trời làm âm, nhờ cái đại khí của Trời nâng đở lên. Mặt Trời thì thực thuộc dương , vận hành trùm bên ngoài mặt Trăng. Mặt trăng thì khuyết thuộc âm, bẩm thụ ánh sáng của mặt Trời làm sáng.

 “Âm khí của con người tiêu trưởng nương theo sự doanh hư của mặt Trăng . Vì thế trong cuộc sống của con người , con trai 16 (2x8) tuổi thì tinh khí được thông , con gái 14 (2x7) tuổi thì kinh nguyệt vận hành. Đây là quá trình mà con người từ lúc hữu hình sinh ra, bú sữa, ăn thuỷ cốc để nuôi dưỡng thì âm khí mới thành, bấy giờ âm khí mới phối với dương khí . Tất cả con đường đó làm cho con người thành người và thành cha mẹ. Người xưa ắt phải gần 30 tuổi và 20 tuổi mới giá (lấy chồng) và thú (lấy vợ), đủ cho thấy âm khí rất khó thành . Điều này cũng nói lên rằng người xưa rất khéo trong việc “nhiếp sinh” và “dưỡng sinh”. Duy đến tuổi 50 về sau mới gọi là dưỡng âm. Nội Kinh nói: tuổi đến 40 thì âm khí tự còn phân nửa và việc ngủ thức bắt đầu suy rồi vậy.

Ôi! Nhìn về mặt trưởng thành và suy yếu, âm dương chỉ cung cấp khoảng 30 năm để rồi bắt đầu khuyết dần trong việc nhìn, nghe, nói và hành động tình dục của con người là vô bờ, đó là đủ thấy âm khí là cái gì khó thành mà dễ suy yếu. Như vậy, làm sao cho phép chúng ta được “túng dục”?(Nội-kinh).

C4 - KHÍ LÀ SỰ SỐNG. (KHÍ -SANH-QUANG)
 “ Đức Jesus đã dạy rằng trong thiên nhiên có chất liệu để làm đủ mọi vật, và người ta có thể tìm lương thực của mình trong đó. Chúng ta chỉ cần rút các chất liệu này để tạo ra mọi thứ cần dùng” (trích sách ‘Á-châu huyền-bí) 
Nội Kinh viết: “Dương khí là Thiên khí chủ ngoại, Âm khí là địa khí chủ nội. Cho nên, Dương đạo là thực, Âm đạo là hư.

 Không có khí thì không có vạn vật, mà không có Lý thì con người chưa thể thành người. Cho nên sự sống thật của con người là Lý Và Khí mà ai cũng phải biết và sống sao cho hợp với nó thì mới có đủ tư cách làm một bậc chính nhân thành đạt trong cuộc sống này vậy.

Thiên “Tiên Thiên Đồ thuyết” sách Y học nhập môn đã viết: “Học Kinh Dịch đã, rồi sau mới có thể nói đến Y-học được. Bởi thế mà cụ Nguyễn-Đình-Chiểu trong “Ngư Tiều vấn Đáp Nho Y diễn ca” có câu:
Đạo Y nửa ở Dịch-Kinh
Chưa thông lý Dịch sao rành chước y
Tổ rằng muốn học Hiên Kỳ
Trước tua đọc quẻ Bào-Hy mới tường.

 Nói như vậy, không có nghĩa là bảo chúng ta chỉ học ở vạch (hoạch) ở hào. Chúng ta thử nhìn Tâm của chúng ta, trong đó quả thực có vạch, có hào nào không ?... Chỉ là  “Nguyên khí”, nguyên lý hỗn hợp không gián đoạn mà thôi. Sinh ra Thiên, sinh ra Địa, sinh ra Nhân, sinh ra Vật…tất cả đều do sự “Tạo-hoá” này làm chủ mà ra.”.

Cái gọi là “hỗn hợp vô gián” chính là nguyên lý, nguyên khí, là cái nguyên uỷ của sự sống trong vũ trụ, trong đó thì thân thể chúng ta là một dạng hữu hình quý nhất, cũng vận hành đồng nhịp theo đúng với sự vận hành của Thiên lý, chân nguyên đó mà thôi.

Các ý kiến trên của các nhà y học lỗi lạc Đông phương cũng tạm đủ để chúng ta đánh giá được vai trò chỉ đạo của Kinh Dịch trong Y học Đông Phương.

D - ÂM DƯƠNG GIAO-CẢM ĐỂ ĐỊNH-VỊ THÀNH HÌNH (210).
Qua phần ‘Tam-tài’, chúng ta đã cảm nhận được những luật biến dịch, biến hóa, từ đó con người không thể không noi theo để sống (sao) cho thích hợp với lẽ Đạo, đồng thời phải biết thêm cái đức lớn của Trời Đất (Thiên Địa chi đại đức viết sinh) để sống hòa hợp một cách bền vững trước sự thăng trầm của vũ-trụ.

D1 - QUY-LUẬT VẬN-HÀNH của lưỡng-nghi hoặc Âm Dương ‘tạo hóa’ thành vạn-vật hữu hình và định vị (1). Tất nhiên, chúng ta sẽ dành cho các phần sau nói riêng, vẽ riêng thành con người với ‘thân thể, khí huyết, thủy hỏa, tạng phủ…’ một cách sống động, sống toàn diện giữa ‘Thiên, nhân, địa. và vạn vật’.

Giải thích: (1) Âm dương có hòa hiệp thì càn-khôn mới yên-tịnh, vạn-vật mới sinh-hóa phát-triển và thăng-hoa.

Thượng-Đế tạo ra phẩm con người là do lấy ngôi Phật phối hợp với ngôi Pháp (tức ngôi 1+ ngôi 2 hay phật hợp với Pháp ra ngôi Tăng) thành ra ngôi Ba là phẩm con người. Con người có đủ hai ngôi Trời và đất nơi mình cọng thêm ngôi ba nữa thì mới được hoàn hảo(1: Phật + 2: Pháp+3: Tăng+Tam dương + Tam Âm)= 9( gọi là ‘cữu Thiên khai-hóa’ ). Như vậy mới có thể gọi  “con người đứng phẩm tối linh. Nửa người, nửa Phật nơi mình anh nhi”( Kinh tắm Thánh.)

Từ Thái-cực sang lưỡng-nghi, Thiên-Địa đã được thành hình để rồi định được sự tôn ty trong vũ-trụ, trong xã-hội và trong con người.
Mở đầu chương I Hệ-từ thượng truyện, ta đã thấy trình bày những nét thật chính:
 “ Thiên ở tôn, Địa ở ty, thế là Kiền Khôn đã được định rồi vậy. Thấp và cao đã bày ra, thế là sự sang hèn đã được định. Sự động và tĩnh có lẽ thường của nó, thế là cương và nhu đã được quyết đoán rồi. Các loại đã tụ lại thành phương, các vật phân ra thành đàn , như vậy sự cát hung đã sinh ra rồi vậy. Ở trên Trời thành tượng, ở dưới Đất thành hình, thế là sự biến-hóa đã hiện ta rồi vậy.
Tất cả những nét đại cương vẽ nên hình và tượng của vạn vật như trên cho ta thấy Thiên Địa, cao ty, quý tiện, động tĩnh, cương nhu, cát hung, hình tượng…chính là những ‘vật’ đã được định hình và định vị để tạo nên vũ-trụ.

Con người, được định-nghĩa như một ‘vật’ bẩm thụ khí Âm Dương và ngũ-hành hoàn chỉnh nhất thì: ‘phải biết sống đồng nhịp với sự sống của vũ-trụ’:

Đó là sự hòa hợp Âm Dương . Trong lý’Tam tài’: thiên, Địa, Nhân thì con người thuộc phần nhân nên ở giữa tức đầu đội trời, chân đạp đất, con người ở giữa là giữ chữ Hòa. Chữ “HÒA” ở đây không những chỉ nói đến con người ở lãnh vực trai gái mà nói bao gồm tới ba lãnh vực là” Hòa Thiên, Hòa địa và hòa nhân. (1).

 (1): Biểu thị của chữ Hòa. ( đó là chữ vương (): Trên đầu có một nét ngang () tượng cho Trời, dưới chân có một nét ngang () tượng cho Đất và ở giữa là chữ thập () tượng cho con người là  do sự phối hợp của Trời Đất vậy). Hình ảnh chữ Vương Trên Thiên bàn có thêm một nét ở trên hết là hình thiên nhãn tạo thành chữ chủ ( tức Trời là chủ tể trong vạn vật) là biểu hiện cho sự “thái-hòa” của Trời đất vậy. (Qua biểu tượng chữ chủ này, ta có thể hiểu (suy đoán) được tại sao Đức Di-Lạc được tôn danh là ‘Di-Lạc vương Bồ-tát’ ha ‘Di-Lạc Vương Phật’).

D1 - ÂM DƯƠNG GIAO-CẢM và sự quan-hệ giữa NGŨ TẠNG LỤC PHỦ với THIÊN ĐỊA.
Âm Dương ngũ hành khi hữu hình nơi con người hay nơi vạn vật đều thể hiện rõ cái ‘Tính’ của ngũ hành. Nói khác đi, mỗi vật hiện hữu được nhìn ở ‘ngũ’ ( tức con số 5 ở trung-ương là MỒ KỶ Thổ) mà kinh Dịch đã nói’Các hữu Thái-cực’ là thế ) tức là ở Địa, ở phần hữu hình rõ nét của sự nuôi nấng của Địa-khí. Trong mỗi ‘hành’ lại được chia ra làm Âm và Dương . Tất nhiên phải có sự quan-hệ với ‘lục khí’ của Thiên thì vạn-vật mới được thành hình. Chúng ta sẽ bàn tiếp vấn đề này ở phần sau đây.

Sách ‘y-tông kim giám’ đã nói lên ý-nghĩa của sự quan-hệ này qua bài ‘Thái hư lý khí Thiên Địa Âm Dương ca’:
Vị hữu Thiên Địa khí sinh hình,
Dĩ hữu Thiên Địa, hình ngụ khí.
Tùng hình cứu khí viết Âm Dương,
Tứ khí quan lý viết Thái cực.

Khi ta nói khí là nói đến Âm Dương, khi nói hình là ta nói đến ngũ hành . Vấn đề biến-hóa thật là vi-diệu, không thể nào trình bày hết được. Ở đây chúng ta chỉ dựa vào Nội –Kinh phần nào để làm căn-bản trình bày nguyên-lý biến-hóa của Âm Dương giao-cảm với ngũ hành. Trong Nội kinh có nhiều thiên bàn trực-tiếp đến Âm Dương , các thiên khác dù không trực tiếp nói về Âm Dương nhưng vẫn lấy lý Âm Dương làm căn-bản cho mọi vấn-đề của con người.

Thiên ‘Âm Dương ứng tượng đại luận’ mà Trương Chí-Thông đã giới-thiệu trong (Tố-vấn 5) bàn về các vấn-đề Thiên Địa, thủy hỏa, tứ thời, ngũ hành, hàn nhiệt, khí vị đều phù hợp với hình thân, tạng phủ của con người. Còn những vấn đề khác như thanh trọc, khí huyết, biểu lý, thượng hạ, thành tượng, thành hình, không có cái nào đi ngoài đạo-lý Âm Dương. Ngoài ra, như việc chẩn mạch, quan hình sát sắc, trị liệu châm cứu cũng lấy phép theo lý âm dương . Bởi thế mới đặt tên cho thiên này là ‘Âm Dương ứng tượng đại luận’.

Mở đầu thiên này viết:
 “ Hoàng Đế nói: “Âm Dương là ‘đạo: con đường’ của Thiên Địa, là ‘ cương kỷ’ của vạn-vật, là phụ mẫu của biến hóa, là ‘bản thỉ’ của sinh sát, là ‘phủ’ của  thần minh.

Trị bệnh ắt phải tìm ở ‘bản: gốc’. Vì thế tích Dương để thành Thiên, tích Âm để thành Địa. Âm thì tĩnh, Dương thì táo , Dương thì sinh, Âm thì trưởng. Dương thì sát, Âm thì tàng. Dương hóa khí, Âm thành hình. Hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn. Hàn khí sinh trọc, nhiệt khí sinh thanh. Thanh khí ở dưới, thì sẽ sinh ra bệnh xôn tiết, trọc khí ở trên thì sẽ sinh ra bệnh phù trướng. Đó là con đường Âm Dương phản tác và con đường ‘nghịch tùng’ của bệnh vậy.

Cho nên khí thanh dương thành Thiên, khí trọc Âm thành Địa. Địa khí lên trên thành mây, Thiên khí xuống dưới thành mưa. Mưa xuất ra ở Địa-khí, mây xuất ra ở Thiên-khí vì thế khí thanh Dương xuất ra ở thượng khiếu , trọc Âm xuất ra ở hạ khiếu. Khí thanh Dương phát ra ở tấu-lý, khí trọc Âm chạy đến ngũ tạng , Khí thanh Dương là ‘thực’ cho tứ chi, khí trọc Âm quy về lục phủ.

Giải-nghĩa: “Vạn vật chi cương kỷ”: Hai chữ  cương và kỷ đều có bộ ‘mịch : tơ sợi’là muốn nói về vấn-đề dệt có đầu mối lớn nhỏ. Bởi Dương đóng vai trò chính của khí để sinh, Âm đóng vai chủ trì để lập. Nên mới có câu ‘Âm Dương là cương kỷ của vạn vật’. Mối tơ lớn là cương (─) , mối tơ nhỏ là kỷ (- -). Đầu mối tổng (lớn), dài là cương, cái vây quanh, ngắn và nhiều hơn gọi là kỷ.

Trương cảnh Thông chú: “Vạn-vật nhờ có Âm Dương mà ‘thống’lại nhau được gọi là cương , phân tán ra nhỏ gọi là kỷ.”

Biến hóa chi phụ mẫu: Thiên ‘Thiên nguyên kỷ đại luận’ (Tố vấn 66) viết: “Vật đến lúc sinh gọi là ‘Hóa’, vật đến lúc cực gọi là ‘Biến’.” Biến là con đường đi dần đến của hóa, hóa là giai-đoạn thành của biến, Âm có thể biến thành Dương, Dương có thể biến thành Âm. Dù cho sự biến hóa đa đoan, nhưng không ngoài sự sinh ra của Âm Dương, cho nên gọi ‘Âm Dương là cha mẹ của sự biến hóa’.
Sinh sát chi bản thỉ: Thiên lấy Dương sinh Âm  trưởng, Địa lấy Dương sát Âm tàng.
Thần minh chi phủ dã: Kinh Dịch đã mô tả ÂmDương biến hóa đến không đo lường được thì gọi là ‘thần ’, Âm Dương giao-hợp làm cho vạn vật được sáng tỏ gọi là ‘minh:
Thần của Âm Dương đã hóa ngũ khí của Thiên, hóa ngũ hành của Địa để sinh ra vạn vật, cho nên mới gọi ‘Âm Dương là phủ của thần minh’.

Trị bệnh tất cầu kỳ bản: Vương Băng chú: “Âm Dương và sự sinh sát biến hóa của muôn loài đồng tham hợp với hình thân con người . Cho nên trong phép trị bệnh ắt phải tìm về cái gốc tức là tìm về những qui-luật biến-hóa của Âm Dương.” Chữ ‘bản’ có nghĩa là gốc. Gốc ở đây là lấy gốc của Âm Dương, gốc ở tạng phủ, khí huyết, thượng hạ của con người đều lấy gốc ở Âm Dương, trong lúc đó những khí ngoại dâm như Phong Hàn Thử Thấp hoặc tứ thời ngũ hành cũng đều thuộc vào hai khí Âm Dương.”

Cố tích Dương vi Thiên, tích Âm vi Địa: Tích Dương lên đến chỗ cao nhất thành thiên, tích Âm đến chỗ dày nhất thành Địa. Đây là nối tiếp ý của câu trên, ý nói trị bệnh phải theo cái lý của Thiên Địa Âm Dương.

Âm tĩnh Dương táo: Âm khí của Địa chủ về tĩnh cho nên theo lẽ ‘thường’. Dương khí của Thiên chủ về động, cho nên vận-hành bất tức (không ngừng nghỉ).

Dương sinh Âm trưởng, Dương sát Âm tàng: Âm Dương lúc hướng về vượng và thịnh thì Dương-khí sinh-phát, Âm-khí trưởng-thành. Âm Dương lúc hướng về suy và thoái thì Dương-khí đóng vai trò thu lại, sát, Âm-khí đóng vai trò bế-tàng.

Mùa xuân và hạ thuộc Âm Dương của Thiên, cho nên chủ về Dương sinh Âm trưởng, mùa thu và mùa đông thuộc Âm Dương của Địa cho nên chủ về Dương sát Âm tàng.

Dương hóa khí, Âm thành hình: Thiên chủ về ‘sinh’ ra vật, Địa chủ về ‘thành’ vật. cho nên Dương hóa khí của vạn vật thì khí ở con người chúng ta cũng theo Dương hóa; Âm thành hình của vạn vật thì hình ở con người chúng ta cũng theo Âm mà thành.

Hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn: Mã nguyên Đài chú: “Con người chúng ta bị hàn, hàn cực thì sinh ra nhiệt. Ví-dụ như bị thương hàn sau đó lại biến thành nhiệt chứng. Đây là một lẽ. Thân chúng ta bị nhiệt, nhiệt cực thì sinh ra hàn, ví dụ như nội nhiệt đến cực sẽ sinh ra hàn. Đây lại thêm một lẽ nữa.

Trương Cảnh Thông chú: “Âm hàn và Dương nhiệt, đó thuộc về chính khí của Âm Dương. Hàn cực sinh nhiệt có nghĩa là Âm đã biến thành Dương. Nhiệt cực sinh hàn có nghĩa là Dương đã biến thành Âm. Thiệu tử nói ‘cái thỉ của động sinh ra Dương, khi động đến cực thì âm sinh. Cái thỉ của tĩnh sinh ra nhu , tĩnh đến cực thì cương sinh .’Đây chính là ý nghĩa mà sách Chu Dịch đã nói rằng ‘Lão thì biến còn thiếu thì không biến’. Cho nên cái lý của Âm dương hễ đến cực thì sẽ biến sinh. Bệnh của con người cũng thế, khi nhiệt thậm thì phát hàn, hàn thậm thì phản nhiệt. Đạo trị bệnh cũng thế, nếu như uống lâu ngày về thuốc khổ hàn sẽ hóa Hỏa.’

Hàn khí sinh trọc, nhiệt khí sinh thanh, thanh khí hạ tắc sinh xôn tiết, trọc khí tại thượng tắc sinh xân trướng, thử Âm Dương phản tác, bệnh chi nghịch tùng dã :

Vương Băng Chú: “Nhiệt khí ở dưới thì cốc khí sẽ không hóa, cho nên sinh ra chứng tiêu chảy, hàn khí ở trên thì khí không tán, cho nên sinh ra chứng phù trướng.”

Trương Cảnh Thông chú: “Hàn khí ngưng ở dưới cho nên sinh ra trọc Âm, nhiệt khí tán ở trên cho nên sinh ra thanh Dương. Khi nói ‘thanh khí ở dưới’ có nghĩa là nó từ trên mà giáng xuống dưới cho nên sinh ra bệnh tiêu chảy. Khi nói ‘trọc khí ở trên’ có nghĩa là nó từ ở dưới lên trên ngưng lại, vì thế sinh ra bệnh phù trướng . Đây là trường hợp phản tác của thân hình chúng ta làm cho khí nghịch tùng mà sinh ra bệnh. Đây cũng nói về thế và vị của Âm Dương đều có thượng hạ.”

Cố thanh Dương vi Thiên, trọc Âm vi Địa, Địa khí thướng vi vân, Thiên khí há vi vũ. Vũ xuất Địa khí, vân xuất Thiên khí: Vương Băng chú: “Âm ngưng ở trên kết lại thành mây, Dương tán ở dưới rót xuống thành mưa. Mưa có từ mây để mà thí-hóa trên vạn vật, cho nên mới nói ‘vũ xuất Địa-khí’. Mây dựa vào khí để giao-hợp, cho nên mới nói ‘vân xuất Thiên khí’. Cái lý của Thiên Địa đã như vậy, khí thanh trọc của nhân thân cũng như thế.”

Trương Cảnh Thông chú: “Đây là đoạn văn nối tiếp ý trên. Vị trí của Âm Dương đều có chỗ thượng hạ của nó. Riêng khí của Âm Dương trên dưới cùng tương giao rồi sau đó mới có ‘vân hành vũ thí’ để rồi hóa-sinh vạn vật. Khí thanh Dương thành Thiên, khí trọc Âm thành Địa. Địa tuy ở bên dưới , nhưng Địa-khí thăng lên trên để thành mây. Thiên tuy ở trên , nhưng Thiên-khí giáng xuống thành mưa.

Do mây rồi sau đó mới có mưa, đó có nghĩa là mưa tuy từ trên rơi xuống, nhưng thực ra nó vốn từ Địa-khí thăng lên mà thành mây. Cho nên mưa xuất ra từ Địa-khí rồi do ở mưa rơi xuống sau đó mới có mây thăng lên, do đó tuy nói rằng mây tuy thăng lên từ Địa nhưng thực sự nó do mưa rơi từ Thiên xuống cho nên mới nói mây xuất ra từ Thiên-khí .Đây là con đường giao nhau giữa Âm Dương . Con người cũng ứng theo như thế.”

Cố thanh Dương xuất thượng khiếu, trọc Âm xuất hạ khiếu : Thượng khiếu đây gồm 2 tai, 2 mắt, 2 mũi, miệng (gồm có 7 lỗ gọi là ‘thất khiếu sanh quang’). Hạ khiếu gồm tiền-âm (bộ sinh-dục) và hậu-âm ( chỗ hậu-môn).

Trương Cảnh Thông chú: “Khí thanh Dương của con người lấy gốc ở Thiên nên lên trên xuất ở thượng khiếu. Khí trọc âm của con người lấy gốc ở Địa nên xuống dưới xuất ra ở hạ khiếu. Đây muốn nói rằng khí Âm Dương nơi con người ví với mây thăng lên và mưa giáng xuống. Khí của con người thông với Thiên Địa.”

Thanh Dương phát tấu lý, trọc Âm tấu ngũ tạng   : “Tấu là nơi Tam-tiêu thông hội với nguyên khí và chân khí; Lý là chỉ vào nơi ‘văn và lý’ nơi bì phu và tạng phủ .”
Trương Cảnh Thông chú: “Khí thanh Dương thông-hội ở tấu-lý, còn phần tinh huyết thuộc Âm trọc thì chạy vào ngũ tạng. Ngũ tạng chũ về tàng tinh.”

Thanh Dương thực tứ chi, trọc Âm quy lục phủ:
Trương Cảnh Thông chú: “ Tứ chi là cái gốc của Dương-khí. Lục phủ có vai trò truyền hóa vật mà không tàng giữ. Đây nói về khí thanh Dương sanh ra từ ẩm-thực sẽ sung-thực cho tứ chi. Còn phần hỗn trọc lại quy vào lục phủ . Tỳ chủ về tứ chi…Đoạn đầu nói về khí thanh dương ‘lên ở trên’, đoạn giữa nói khí thanh dương phát theo đường tấu-lý ra ngoại vào nội . Đây nói về khí thanh Dương là sung thực cho tứ chi. Bởi vì Dương khí ví với Thiên và nhật, vị-trí của nó ở ngôi cao nhưng sự vận-dụng của nó lại đi khắp bốn phương , lục hợp cửu châu…”

Thiên này (Tố vấn 5) nhấn mạnh về vai trò của Âm Dương : “Thiên Địa là ‘thượng hạ’ của vạn vật. Âm Dương là nam nữ của huyết khí. Tả hữu là con đường của Âm Dương . Thủy Hỏa là trưng và triệu của Âm Dương. Âm Dương là nguồn gốc của sinh thành . Cho nên nói rằng: Âm ở bên trong đóng vai trò gìn-giữ cho Dương , Dương ở bên ngoài, đóng vai trò sứ-giả cho Âm.”
Thiên ‘Thiên nguyên kỷ đại luận’ (Tố vấn 66) cũng lập lại cùng nội-dung như ở câu trên (Tố vấn 5).

Vạn vật hữu hình, hữu sinh-hóa là nhờ vào khí của hai quẻ Kiền và Khôn.

Quẻ Kiền:

Thoán-từ truyện viết: “Đại tai Kiền nguyên vạn vật tư thỉ = To rộng thay! Nguyên khí của quẻ Kiền, vạn vật đều bắt đầu từ đó.
Thoán-từ truyện viết: “Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh = Bao-la thay! Nguyên-khí của quẻ Khôn , vạn vật đều được sinh ra từ đó.

Thoán-từ truyện quẻ Kiền viết tiếp: “Vân hành vũ thí, phẩm vật lưu hình = Mây mưa bay đi khắp nơi làm cho phẩm và vật thành hình khắp cả.

Chương II Thuyết-quái truyện viết : “Lập nên Đạo của Thiên gọi là Âm Dương, lập nên Đạo của Địa gọi là nhu cương…”
Thiên ‘ Thiên nguyên kỷ đại luận’ (Tố vấn 66) tóm hết các ý nghĩa của Kinh Dịch trên hết sức sâu-sắc : “Vạn vật tư thỉ, ngũ vận chung thiên  (1). Bố khí chân linh tổng thống  Khôn nguyên (2). Cửu tinh huyền lãng, thất diệu chu toàn  (3). Viết Âm viết Dương , viết nhu viết cương (4) U hiển ký vị, hàn thử thỉ trương  (5). Sinh sinh hóa hóa  phẩm vật hàm chương  (6).

Dịch nghĩa: Vạn vật được ‘tư thỉ’, thì ngũ vận vận-hành tròn Thiên vận, bố-tán khí ra khắp vạn vật và con người, bao gồm chung hai khí Kiền Khôn, cửu tinh được treo sáng trên Trời , nhật nguyệt và ngũ tinh chu hành được Thiên-độ. Gọi đó là nhất Âm, nhất Dương , gọi đó là nhu là cương , nét tối (đêm) và sáng (ngày) đã được vị trí của nó, khí hàn, thử được vãng lai, sinh sinh hóa hóa, phẩm và vật được hiện rõ.

Chú-giải:
 (1): Trương Cảnh Thông chú: “ Ngũ vận đây là vận của Mộc, Hỏa, thổ, Kim, Thủy. Chữ ‘chung thiên’ ý nói ngũ vận vận-hành hết một vòng Thiên 365 độ và ¼ độ. Vạn vật nhờ vào sự hóa-nguyên () mới có sinh, như vậy ngũ hành vận hành theo Thiên vận không ngừng nghỉ. Đây đúng với ý-nghĩa của Kinh Dịch:’Đại tai Kiền nguyên, vạn vật tư thỉ’.”

(2): TCThông chú: “Chữ ‘chân linh’ đây nói về quan-hệ giữa con người và vạn vật . Câu ‘tổng thống Khôn nguyên’ ý nói Địa ở trong Thiên, Thiên thì bao bọc bên ngoài  Địa. Kinh Dịch nói ‘Chí tai Khôn nguyên vạn vật tư sinh’.

(3): TCNhạc chú: “Cửu tinh ở đây là Thiên-bồng () Thiên-nhuế () Thiên-xung (), Thiên-phụ (), Thiên cầm(), Thiên-tâm (), Thiên-nhậm (), Thiên-trụ (), Thiên-anh ().

MNĐài chú: “Thất diệu đây gồm Nhật, Nguyệt, Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh, Thổ-tinh. Ngũ vận hành có trì, có tốc, có thuận có nghịch, ví với chính sự của nhà vua, cho nên còn gọi là thất-chính ().”

(4): Câu này đã lấy ý trong kinh Dịch mà chúng ta đã trích ra trên ‘ Lập Thiên chi Đạo viết Âm dữ Dương, lập Địa chi Đạo viết nhu dữ cương’…”

(5): Chữ ‘u’ ở đây có nghĩa là nơi u-tối, chữ ‘hiển’ là sáng-tỏ. Đây ví với Dương là ngày, là sáng, Âm là đêm là tối. Ngày đêm vận hành cũng là Âm Dương vận-hành có ‘vị ’, tức là có mức-độ của nó. Chữ ‘thỉ trương’ đây là co duỗi, là hàn thử vãng lai.

(6): Câu trên đây tóm-tắt những ý-nghĩa quan-trọng nhất trong quá trình Kinh Dịch mô-tả sự hữu-hình của vạn vật. Chữ ‘sinh sinh hóa hóa’ thì chúng ta đã nói rất nhiều lần trong quyển sách này. Riêng 4 chữ ‘Phẩm vật hàm chương’ mang mỗi chữ một ý-nghĩa riêng mà chúng ta phải giải-thích riêng.

Thoán-từ truyên quẻ Kiền viết: “Vân hành vũ thí, phẩm vật hàm chương” = Mây và mưa rơi xuống khắp nơi, (nhờ vậy mà) phẩm và vật được ‘hàm chương:

Thiên ‘nguyên đạo’ (sách Văn-tâm điêu long) đã lập lại ỹ nghĩa của ‘phẩm, vật, hàm chương’ một cách tuyệt vời. Nội-dung của thiên này (xem lại bài tựa) mô-tả quá-trình hình-thành vạn vật. Vạn vật thành hình tùy theo trình-độ khí-hóa mà nó bẩm-thụ được để nó có những tên gọi khác nhau: Văn, Đức, Phẩm, Vật, Khí (), chương, tượng, hình…Ta có thể hiểu một cách tổng quát như sau:
Đức: là biểu hiện một cách tròn vẹn nhất của một vật về ‘khí’ mà vật đó bẩm thụ được của Thái-cực, Âm Dương: Một màu sắc, một âm-thanh, một hành-động…
- Tất cả những gì hiện-hữu trong Trời Đất đều được gọi chung là vật: Nhân-vật, thực-vật, động-vật…nói chung là ‘vạn-vật’.

Văn: Là những biểu-hiện hài-hòa nhất về cái Đức của mỗi vật, nó ‘có’ khi vạn vật ‘có’: Văn chi vi Đức dã, đại hỹ! Dữ Thiên Địa tịnh sinh giã’. Những gì mà con người mô-phỏng lại của văn, bằng chữ viết, âm-nhạc, hội-họa cũng chỉ là ‘tác-văn: làm lại, vẽ lại văn’ mà thôi. Chúng ta tìm hiểu văn của Trời gọi là Thiên-văn, văn của người gọi là nhân-văn , của Đất gọi là Địa-lý.

Tượng: Là những ‘vật’ được thành ở Trời, hình là ‘vật’ được thành ở đất: ‘Tại Thiên thành Tượng, tại Địa thành hình’. Trong thân-thể con người, chúng ta cũng đều có đủ Thiên Địa. Ngũ tạng là những ‘vật’ bên trong người thuộc tượng . Tượng như vậy là những ‘vật’ chỉ ‘có’ chứ chúng ta không thể sờ mó được, khi chúng ta sờ-mó được thì nó không còn là tượng nữa. Ta gọi môn học về ngũ tạng lục phủ là ‘Tạng tượng học’ là thế. Trong thiên-nhiên, hình gồm có núi sông, cây cỏ, chim muông…thì trong con người chúng ta hình chính là tay chân, da thịt, tóc tai…


 Home       1]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét