Chân Dung Hộ-Pháp Phạm Công Tắc - 4 / 7 (Hiền Tài - Trần Văn Rạng)


Lược dịch Tờ Phúc trình (Rapport) như sau:
Tờ Phúc Trình
Hội Thánh Cao Đài
Kính gởi:
Chủ Tịch Ủy Ban Điều Tra Các Thuộc Địa Hải Ngoại.

Qua lời chất vấn, Hội Thánh Cao Đài xin cáo lỗi ông và chấp nhận bỏ một số điều để hợp với tự do tư tưởng. Mong quí ông nhận cho rằng một Tôn Giáo nào được thành
lập mà lại không coi trọng tín ngưỡng.

Để binh vực Đạo, chúng tôi mạn phép nhắc đến những nhân vật mà giá trị tinh thần đã được khẳng định như Allan Kardec, Léon Denis đều tin tưởng những điều bí ẩn của cõi Hư Vô...

Lẽ phải ở đâu khi những kẻ tiểu nhân sống sang trọng vinh hiển còn người quân tử phải chịu khổ não truân chuyên; tưởng rằng sẽ có sự công bằng bồi thường ở kiếp khác hay phải quả báo tiền khiên?

Chúng ta mong có công lý mà công lý không hề hiện hữu... Tin vào công lý đâu phải là vô lối mà nó sẽ nẩy sanh thêm nhiều điều thiện mỹ; nếu không có công lý thì chúng ta cần gì phải làm lành?

Con người được sống mà chẳng hề không có đức tin. Những người không tín ngưỡng, họ có làm theo đức tin mình chăng, hay mỗi ngày đọc báo biết tin là đủ? Trái lại hạng người dốt nát suốt đời làm theo lòng tin của mình. Bởi những lý do đó, sao lại từ chối lòng tin đạo đức và những điều huyền vi bí ẩn nơi cõi Hư Vô. Chẳng cần trình bày dong dài, chúng tôi xin khẳng định: Đạo và Đức tin nơi cõi Hư Vô là một điều cần yếu cho nhơn sanh. Hễ dân tộc nào càng khốn khổ thì họ càng cần được đền bù cho kiếp mai sau.

Sự thất vọng của cá nhân đưa đến tự tử và sự thất vọng tập thể khiến họ làm cách mạng.

Vậy, ông Chủ tịch nên đồng ý với chúng tôi: đối với dân tộc tự trị, điều hy vọng rất nên hữu dụng, còn đối với dân tộc bị chinh phục, nó càng yếu trọng hơn...

Sự bất đồng giữa nước Pháp và Việt Nam không hẳn do sự tương tranh giữa hai nền văn hóa mà do sự xung khắc giữa hai tôn giáo: Khổng giáo và Thiên Chúa giáo. Khổng giáo là một tôn giáo có giáo lý khoan dung, quãng đại đến nỗi tinh thần đạo đức chính nó phải từ bỏ nó... Nó bước đến cảnh nhàn lạc vui hứng của Epicure, không một điều gì không làm cho nó tỉnh mộng mà quay đầu hướng thiện.

Trái lại, Thiên Chúa giáo là một nền tôn giáo sốt sắng, hăng hái, nhiệt huyết, độc quyền, lắm phen tranh cải, không chịu nhận cái hay của kẻ khác, không có điều gì là chân lý ngoài tôn chỉ của nó, nó còn buộc những ai đã theo Đạo thì phải hành Đạo. Có phải chăng, đó là một tôn giáo chinh phục? Do đó, phát khởi sự xung đột với Khổng giáo.

Người ta có thể chia sự xung đột này thành ra ba thời kỳ:
1 . Thời kỳ trước và ngay buổi hỗn độn chinh phục.
2 . Thời kỳ trị bình.
3 . Thời kỳ hợp tác.
Khoản Thứ Nhứt
(Chinh phục)

Chúng tôi đã nói rõ rằng: dân tộc Việt Nam theo Khổng giáo rất quãng đại nên không đủ phương kềm chế sự đàn áp của quan lại. Thiên Chúa giáo ngược lại độc chiếm làm cho vua chúa phải cúi đầu, dưới quyền trục xuất ra khỏi đạo và đã làm cho nước Pháp nhờ cậy.

Chẳng lúc nào Khổng giáo dám bạo hành như thế. Nó chẳng làm chi hơn là kêu gọi nhơn sanh vào đường chí thiện bằng cách khuyên nhủ mà không hù dọa đuổi ra khỏi Đạo Khổng.

Kết cuộc, đa số chán ngán với tôn giáo cổ truyền mà nghe các nhà truyền giáo của Đạo Thiên Chúa với giáo lý mới mẻ tốt đẹp. Họ nhân danh chính phủ Pháp đến tận Triều đình Huế. Nhờ đó các nhà truyền giáo được ân tứ nhiều lợi lộc và Đạo được quãng truyền.

Nhiều Nhà Chung mở ra nhiều nơi. Những cơ sở ấy biến thành Thánh Địa. Nhờ đó, nhiều kẻ tân tòng đến trú ngụ hầu tránh sự đàn áp của quan lại.

Hại thay! Nơi làm chỗ trú thân cho những người Việt Nam bị áp bức, lại cũng là nơi cư ngụ của những kẻ trốn tránh tội đáng nghiêm trị. Thế nên, dân chúng bảo Nhà Chung che chở cho những can phạm bị tập nã. Nhiều cuộc chống đối nổ ra giữa lương dân và giáo sĩ đến lưu huyết. Dựa vào cơ hội ấy, nhà nước chiếm nhiều nơi ở Lục tỉnh và buộc nước Việt Nam chịu sự bảo hộ. (Ý nói: việc quân Pháp chiếm ba tỉnh Miền Đông và ba tỉnh Miền Tây Nam Kỳ )

Thật ra, chỉ là trận giặc giữa Thiên Chúa giáo và Khổng giáo, gọi nhục danh là "Bụt Thần" (paganisme). (Paganisme là tà giáo )

Trong cuộc chinh phục, nước Pháp nhờ dân chúng bản xứ (indigènes) của Nhà Chung giúp sức.

Thời kỳ Pháp Việt đánh nhau, các người Việt Nam ra giúp Pháp đều là những kẻ tư lợi nên chẳng sợ gì mà không phản Chúa để theo kẻ thù, nên họ chẳng cao thượng gì hơn ai. Đừng tưởng lầm rằng quốc dân Việt Nam không có lòng yêu nước là lầm. Họ đã triển khai những trận đánh theo các anh hùng xưa kia (chỉ Nghĩa Quân đánh du kích).

. Tổng kết thời kỳ thứ nhứt đấu tranh giữa Lão giáo, Khổng giáo mỏi mê với Thiên Chúa giáo oanh liệt; những người Việt Nam đứng ra đảm trách lúc ấy không phải là hạng người đúng mức được lựa chọn.
Khoản Thứ Nhì
(Trị bình)

Chánh quyền Pháp thắng. Quyền hành Nhà Chung tăng thêm hàng ngày; trong lúc đó Khổng giáo thối lui từ từ.

Hại thay, những cổ tục Việt Nam không thay đổi và phần đông dân chúng vẫn còn theo tục lệ cũ.

Thiên Chúa giáo buộc phải từ bỏ những điều tín ngưỡng ngoại đạo. Buộc từ chối nhà thờ tổ tiên và tế lễ cổ truyền để đến quì lạy trước đền thờ mới. Thực chất những người Việt Nam đến đó chỉ vì mục đích tư danh, tư lợi.

Những kẻ Đạo giả này hy vọng họ đặng miễn thuế, đặng đất đai, mong trở thành địa chủ, còn người khác chỉ làm tá điền hay tôi tớ cho họ.

Khi họ gặp khó khăn, các Cha, Cố Đạo đến gặp viên sứ Pháp thì mọi điều đều êm đẹp như ý muốn. Do đó, sự vào Đạo là căn cứ trên quyền lợi.

Ngược lại, đa số dân chúng chơn chất, trung thành với tục lệ nhà Nam thì chịu khốn khó mà họ vẫn giữ lòng cao đẹp, từ chối mọi điều nghịch lý mà lương tâm họ không cho phép.

Sự tranh đấu trở nên thúc ngặt giữa tôn giáo mới có nhiều đặc ân dù gốc đạo đức chưa rõ ràng (Tác giả không ám chỉ Đạo Thiện Chúa đời sau ) với các đảng phái chống báng...

Thế thì, không còn chỗ mà chấn hưng tôn giáo để hạng người chơn thật, hạng lao động không bị phiền phức, không so đo, biết kính trọng cổ tục của tiền nhân lưu lại. Họ sẵn sàng tôn sùng giáo lý chí thiện, bất cứ nơi nào họ gặp, miễn là không bị ép buộc coi Đạo nhà là thô thiển.

Có cần thiết tạo ra một nơi di dưỡng tinh thần mới hợp với tâm đức của người dân? Điều ấy Đạo Cao Đài đã làm thử. Nó khiến những người Thiên Chúa giáo tố cáo, còn quan lại Phật giáo bị nó biếm trách về cách đối xử gian ngược. Những việc ấy chưa vội bàn vì Đạo Cao Đài phát sinh vào thời kỳ sau đó.
Khoản Thứ Ba
(Hiệp tác)

Tiếng hiệp tác này là của ông Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương (1925-1928) đã nêu ra trong một bài diễn thuyết.

Người Việt Nam e ngại không tin. Hạt giống ấy mọc lên chậm chạp.

Một Thượng Nghị-Viên, ông Lê Văn Trung đã qui vị. Ông Sarraut trước kia, giữa Hạ Nghị Viện Pháp đã gọi là những người bạn thân thiết của ông để chánh sách (hiệp tác) không bị lẽ loi, không ai hưởng ứng.

Việc hiệp tác đó khó thành dù vị Tổng Trưởng Bộ Thuộc địa đã đề ra. Nhưng muốn đạt đích thì phải làm thế nào cho hai nền văn hóa Âu Á hòa hợp mà muốn hòa hợp thì phải dung hòa hai nền tôn giáo đã xung đột. (Đây muốn nói việc cấm Đạo của triều đình Huế, do cách đối xử khác nhau giữa Nho giáo va Thiên Chúa giáo mà ra )

Triết lý của Khổng Tử thì ôn hòa và trung dung, còn triết lý của Jésus Christ thì khoan hồng chí mỹ...
Chân tướng của hai tôn giáo ấy chẳng có gì phản khắc. Nhưng hỡi ôi! Bên nào cũng vậy, tinh thần đạo đức để ở sau, còn lợi lộc đem lên trước. Bởi thế mà bài toán ấy khó giải quyết đến khi nào người môn đệ Khổng giáo nói rằng: "phải theo tinh thần đạo đức của Đấng Christ" (suivez la morale du Christ) và với con chiên Thiên Chúa giáo: "phải đến hợp tác trong điều thiện dưới bóng giáo lý huyền diệu và khoan dung của Đức Khổng Tử" (venez collaborer dans le bien à l'ombre des doctrines douces et tolérantes de Confucius).

Chí Thiện và Chí Mỹ không do có nhãn hiệu, vậy nó không có quê hương, nên không có tôn giáo nào tranh đoạt nó làm của riêng. Nó cũng như ánh sáng mặt trời là của chung nhân loại.

Ngày nào, nhân dân Việt Nam trọn gìn lòng tin và được hành đạo của tổ tiên đáng kính trọng đáng tôn sùng. Một nền Đạo dù mới mà cho phép họ hành Đạo theo tinh thần của Đấng Christ, với qui hiệp đại đồng mà nước Pháp đã kêu gọi bên kia bờ đại dương; ngày nào quân chinh phục hiểu đặng sự quãng đại bao dung của Khổng giáo đối với đồng loại và thôi coi chữ "quyền hành" đồng nghĩa với "Chí Thiện", "Chí Chơn" thì ngày ấy mọi khó khăn sẽ được giải quyết.

Thế thì, chúng ta phải làm thế nào để có sự dung hòa giữa hai nền tôn giáo hầu trở thành một tôn chỉ chấn hưng; đã có sẵn sự quãng đại bao dung của Khổng giáo và lòng tin nhiệt thành của Thiên Chúa giáo thì sự tàn ác muốn tiêu tan, cả hai phải hòa hợp trong tinh thần đạo đức thanh khiết. Nơi mà hai bên đều thấy sự chí mỹ cao thượng và vô tâm (vô tâm đạo dễ tầm).

Dưới quyền năng của Đấng Cứu Thế, cố đô Huế cần chăm sóc hạng bần dân và dưới sự che chở của Đạo Nho quyền lực của nước Pháp sẽ quãng đại nhân từ mà từ bỏ quyền độc đoán. (Tác giả kêu gọi 2 nhà cầm quyền: nhà Nguyễn và Pháp bớt hà khắc và ban các quyền tự do dân chù cho nhân dân )

Thế nên tôn giáo nào rộng rãi hơn phải nghinh đón giáo lý của Đạo kia. Do đó Đức Khổng Tử phải mở rộng cửa rước Chúa Jésus Christ và mời ngồi đồng bàn. Đó là ngày Đạo Cao Đài xuất hiện.

Ngày nay con đường khá dài đã trãi qua.
Từ lâu bị kềm thúc, nhưng chúng tôi cố gắng nhẫn nại, nhìn sang Mẫu quốc (Métropole) và biết chắc rằng điều chí thiện chẳng thể bị chèn ép mãi bao giờ. Chúng tôi thường liên lạc về ý tưởng với các bạn chúng tôi bên Pháp; chúng tôi cũng báo cho cả tín đồ của chúng tôi biết về lòng nhân hậu, tính phi phàm của họ; vừa qua chúng tôi hân hạnh nghe đặng chút ít kết quả về sự thực hành tôn chỉ Đạo của họ.

Dân Việt Nam bị tư tưởng Pháp chinh phục... Những tín đồ Cao Đài chẳng chịu chung hợp vào cách ấy vì họ là người bình tịnh (bất bạo động) nên từ chối tham dự các cuộc biểu tình quốc sự.

Những người dường như phản đối đó chẳng phải kẻ nghịch hẳn với các ông. Một ngày kia, các ông có thể thâu phục nhân tâm họ.

Dưới sự đồng hóa của các ông, với ngôn ngữ đặc sắc và đầy quyền lực của Mẫu quốc sẽ làm cho tất cả tùng theo mỗi ngày thêm một ít; hàng quan Pháp và bản xứ sẽ cùng nói một thứ tiếng và dân chúng sẽ trả lời rõ rệt. Chừng ấy, một ai còn phản loạn thì chính các người đồng hương của họ sẽ xử đoán.

Trong thanh niên Việt Nam đã phát sinh ra hạng người có trình độ học vấn theo văn hóa Pháp, họ được cấp bằng tốt nghiệp bên Pháp. Hạng dân trí này (Tác giả muốn nói đến thanh niên trí thức Nguyễn An Ninh, Dương văn Giáo . . . chống Pháp ) không chịu thiệt thòi để một thiểu số ngồi trên an hưởng.

Tín đồ Cao Đài chúng tôi biết điều ấy. Chúng tôi sẽ cho họ hiểu rằng cái gánh của họ đã mang thật ra nhẹ nhàng lắm.

Những điều ước vọng của chúng tôi
Cái nguyện vọng thiết yếu của chúng tôi là thuộc địa hải ngoại biến thành như chánh quốc. (Đất Nam Kỳ là đất thuộc địa nên luật lệ giống như bên nước Pháp )

Nguyện vọng kế nữa, với tài cảm hóa của chính quyền Pháp giúp chúng tôi khỏi bị thúc phược đối với các tôn giáo khác vì họ tưởng lầm rằng lòng phước thiện của chúng tôi không chơn thật vì nó chưa thể hiện ra đặng.

Trải qua mấy năm rồi, do không am hiểu luật pháp của nhà nước Pháp thi hành ở Đông Dương, chúng tôi nay đã lập một Dưỡng lão đường, một Ấu trĩ đường, một cơ sở công nghệ cho hạng trai tráng thất nghiệp vì họ cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng tôi đã bị buộc tội ra trước Tòa án, nhờ bị hại mà chúng tôi hiểu ra rằng: phước thiện là độc chiếm của Nhà Nước hay dành riêng cho một nhóm người nào đó.

Việc áp dụng luật pháp như vậy phản khắc với tính quãng đại của Nho giáo và cũng là trở lực làm cho chúng tôi không thể tuyên truyền tư tưởng Pháp cho những người chơn chất, họ đến với tấm lòng thành thật và trí ý giản đơn chí thiện. Họ không quen lối Machiavel (Nhà chính trị độc tài Ý ) và họ cũng không hiểu ý định của lẽ quốc chánh (la raison d'état) là sao?

Dưới mắt họ, lắm điều trái với tinh thần công lý; những kẻ theo Gia Tô giáo được lập cơ quan Phước Thiện và được Chính Phủ giúp đỡ; còn Đạo Cao Đài có mục đích đại đồng dù việc làm hạn hẹp mà vẫn không đặng lập cơ sở tương trợ lẫn nhau, rất cần yếu cho kẻ nghèo nàn, nhưng Đạo lại thiếu quyền tư cách pháp nhân (personalité civile).

Những hoa lợi của chúng tôi đã bị phá bỏ ngay khi mới tạo dựng, vì Đạo Cao Đài chẳng đặng làm chủ sản nghiệp chi, chưa đặng nhìn nhận là đoàn thể và cũng không lập đặng giáo hội.

Chúng tôi mong cho điều thúc phược ấy tiêu hủy và xin phép lập một Giáo Hội, nhờ đó đứng làm chủ sản nghiệp để cứu giúp kẻ nghèo.

Chừng đó, chúng tôi sẽ đủ sức nói đến lòng nhân hậu của chính phủ Pháp và trình bày về tinh thần Thiên Chúa giáo và Nho giáo không hề phản khắc cùng nhau. Nếu thực hành đúng đắn, đường lối nước Pháp giúp hay cho sự mở mang là điều hạnh phúc cho nhân dân Nam Việt. Sự thăng tiến này, dân Nam chẳng hề trông mong nơi vương quyền bạc nhược... (Triều đình Huế )

Chẳng phải nhà vua không hiểu tôn chỉ Đạo của chúng tôi, mà tại nơi các tham quan ô lại. Họ chỉ trích gây xung đột tranh đấu để ngăn trở tài cảm hóa của Đạo...

Chung quanh chúng tôi, xúm xít những hạng nông dân sống về ruộng đất, hạng buôn bán nhỏ. Họ là những hạng người chân thật chẳng biết mưu chước là gì. Họ chỉ biết làm lành và chỉ trông vào kết quả của sự lao động, "không trông công danh và cũng không trông lợi lộc", (sans espoir de duchés, ni de dotations) theo lời Edmond Rostand. Tuy họ không tìm lấy một đặc ân nào, nhưng muốn bảo vệ những của cải do chính công sức lao động của họ.

Họ vốn là những người không chịu từ bỏ đức tin thờ cúng Tổ Tiên dù nhiều quyền lợi của họ có thể bị chiếm dụng. Đó là những người trọng lẽ phải bất cứ từ đâu đến; nếu bảo họ xa lánh một giáo lý cao thâm và thuần khiết để gần gũi cùng Đạo nhà là một điều thất đức.

Muốn thực hiện những cải cách đó, chúng tôi đặt trọn lòng tin nơi chính phủ Pháp vì văn hóa Pháp có lịch sử hàng đầu. Chúng tôi chờ mong với tất cả tấm lòng nhẫn nại để vượt qua cơn khảo đảo thử thách, và những thành tựu nhiều tốt đẹp không thể trọn khai cho chánh quyền hiểu hết.

Vậy thì, nước Pháp nên nhận rằng chính Nhà Nước thâu hồi các đặc ân đã ban cho chúng tôi. Trong hành động ấy, nước Pháp sẽ ân hận rằng chính mình đã chậm trễ giang tay rộng mà nâng đỡ chúng tôi.
Làm tại Tòa Thánh, ngày 12 tháng 12 năm 1937
Phạm Công Tắc
Bề Trên Đạo Cao Đài
(*)

(*) (PHAÏM CÔNG TẮC, Rapport adressé par le Sacerdoce Caodaique à M. Le Président de la Commission d'enquête dans les Territore d'outre Mer, Saigon, Tín Đức Thư Xả 1937 )

Đọc kỹ tờ phúc trình ta thấy Đức Hộ Pháp đã dùng những lời lẽ cao xa và mềm dẽo buộc người đọc phải tìm hiểu cái lý ưng của nó, và những ý lý cụ thể trong lịch sử nước ta để chứng minh những cuộc đấu tranh giữa quân đội viễn chinh Pháp và quân Nghĩa dũng Việt Nam là không tránh khỏi. Đức Ngài coi Triều đình Huế là bạc nhược trước cuộc xâm lăng của Pháp và chế dầu thêm vào lửa bằng chánh sách cấm Đạo Thiên Chúa. Đức Ngài kêu gọi Triều đình hãy thay đổi đường lối và chấp nhận Đạo Thiên Chúa để nhân dân được an lạc.

Đối với Pháp, Đức Ngài khẳng định: Đạo Cao Đài không mê tín dù rằng Đạo tin vào cõi Hư Vô bí nhiệm vì đó là bản chất của bất cứ Đạo nào, ngay cả những nhân vật nỗi tiếng của Pháp như Allan Kardec, Léon Denis cũng tin vào những điều thiêng liêng bí ẩn.

Điều quan tâm hơn hết của Đức Ngài là nhà cầm quyền Pháp phải nới rộng các quyền tự do dân chủ. Dân Việt Nam phải hưởng được tự do như dân Pháp vì Pháp mệnh danh là nước có thiên chức đi khai hóa các dân tộc chậm tiến. Qua đó, chánh quyền Pháp nên cho phép Đạo Cao Đài lập Giáo hội và ban tư cách pháp nhân cho Đạo.

Bản phúc trình đó không trấn an nhà cầm quyền Pháp đủ lâu để xây dựng Tòa Thánh và các cơ sở Đạo.
7 . Việc xây dựng đền Thánh

Việc xây dựng Tòa Thánh cũng bị ảnh hưởng tình hình khó khăn lúc bấy giờ. Đền Thánh đã ba lần khởi công xây cất. Ngày mùng 1 tháng 11 năm Bính Tý (14-12-1936), Đức Hộ Pháp ra lệnh khởi công xây cất lần thứ tư trước sự vui mừng của chư Chức sắc và toàn Đạo. Điều đáng nói, việc kiến thiết Đền Thánh không có sơ đồ thiết kế trước mà do Đức Lý Thái Bạch giáng bút hướng dẫn cho Đức Hộ Pháp từng phần, sau đó Đức Ngài chỉ vẽ lại cho công thợ. Không có bài cơ nào để lại nói về kiến trúc Tòa Thánh, ngoài bài cơ nói về kích thước tổng quát.
Đức Hộ Pháp lịnh cho Hộ Viện kiểm lại ngân quỹ của Đạo, chỉ còn một đồng sáu mươi bốn xu ($1.64). Trước tình thế đó, Đức Hộ Pháp phải đi Vũng Liêm mượn tiền của bà Lâm Hương Thanh. Bà Hương Thanh không có tiền mặt vì lúa hạ giá chưa bán được. Bà lấy cái hòm đựng đầy vàng và hột xoàn đưa cho Đức Ngài nói đem về cầm lấy tiền cất Đền Thánh. Đức Ngài không dám cầm vì sợ chuộc lại không nỗi. Bà khích lệ Đức Ngài: "...đâu em về cất bướng coi, bắt gió nắn hình là không cần số nữ trang này".

Vì thế, ngày 4-7-1937 (28-5-Đinh Sửu), Hội Thánh mới ra Thông Tri số 39 kêu gọi như sau: "Ai là người tâm Đạo, ai là người có dạ nhiệt thành, biết rằng Trời giáng trần cứu thế, nên đem cả mãnh lực tinh thần, kẻ công người của, kẻ ít người nhiều đặng tô điểm vẽ vời cho cơ thể Đạo trở nên xinh lịch. Ấy là công nghiệp thứ nhứt của chúng ta đối với tương lai Đạo. Giàu nghèo chẳng nệ xin trọn tấc thành cùng Đại Từ Phụ. Buổi này tưởng lại chẳng công quả nào vĩ đại bằng công quả tạo đền thờ cho mau thành tựu hầu trụ cả đức tin con cái yêu dấu của Thầy cho ra thiệt tướng".

Nhờ sự hưởng ứng của toàn Đạo và sự chăm sóc từng ly, từng tí và hầu như thường trực hằng ngày của Đức Phạm Hộ Pháp, vừa xây xong năm 1941, chưa kịp tô hồ trang hoàng đắp vẽ thì Đức Hộ Pháp bị Pháp bắt. Đến năm 1946, Đức Ngài trở về tiếp tục chỉnh đốn tô điểm Tòa Thánh. Nhưng có điều khó khăn là bức tường ở Hiệp Thiên Đài chắn lối vào Cửu Trùng Đài do Đức Lý dạy xây dựng nhưng chưa chỉ vẽ trang trí hình tượng. Trong một buổi định thần, Đức Ngài được Đức Lý mách sẽ có người đến phát vẽ Thánh tượng.

Năm 1947, ông Lê Minh Tòng một họa sĩ ở Gia Định bị Pháp tình nghi làm quốc sự, bị Pháp đày ra Côn Đảo rồi được thả chỉ sau ngày hồi-loan của Đức Hộ Pháp vài tháng. Ông Tòng về nhà được đôi ngày dự định đi thăm bạn ở Biên Hòa. Khi ra bến xe Ngã Sáu chư Thần lại xuôi khiến ông Tòng lên xe đi Tây Ninh. Khi đến nơi ông Tòng mới hay mình đã đến chợ Ngã Năm. Ông từng nghe Tòa Thánh cảnh đẹp nên vào thăm. Đến Hộ Pháp Đường, ông lấp ló nhìn vào trong. Bảo Thể vào báo lên Đức Hộ Pháp, Ngài biết ngay là người Đức Lý phái đến. Khi Đức Ngài trấn thần tượng Tam Thánh vào 8 giờ sáng ngày 10-7-Mậu Tý (11-8-1948), Luật sư Võ Quang Tâm tường thuật như sau:

"Bức tượng Tam Thánh này do vị Hiền Tài Lê Minh Tòng vâng lịnh Đức Hộ Pháp truyền họa, khuôn khổ: 2,80m X 1,90m.

"Hình tượng bằng người thường. Đức Thanh Sơn cầm bút lông mèo, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cầm bút lông ngỗng và Đức Tôn Trung Sơn cầm nghiêng mực.

"Hai Đấng đang viết trên bia đá những chữ
Hán Văn: Thiên thượng, thiên hạ - bác ái công bình
Pháp văn: Dieu et humanité - AMOUR ET JUSTICE

"Đi sau bàn đưa có Đức Hộ Pháp, kế là các Ngài Bảo Thế, Khai Đạo ...

"Đến Đền Thánh , đi vào cửa hông phía Nam, tiến lên Cung Đạo, day mặt tượng ảnh vào Bát Quái Đài. Trước hết Đức Hộ Pháp xông tay vào lư hương và áp vào mặt tượng ba lần, rồi Ngài bước xuống cầm lư hương xông tượng vẽ ba ảnh để khử trược.

"Khi Đức Hộ Pháp trấn thần tượng ảnh Tam Thánh xong, các nhân viên tùng sự lui theo cửa hông trở ra, vòng tới cửa trước, rồi đi vào Hiệp Thiên Đài, đến thỉnh Thánh Tượng đặt lên vách tường, ngó mặt ra phía trước Đền Thánh.

Đức Hộ Pháp giải thích:
1 - Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn
2 - Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ
3 - Đức Tôn Trung Sơn

là đại diện Hội Thánh Ngoại Giáo, các Ngài là những Thiên mạng truyền giáo ngoại quốc, cho nên tượng ảnh để ở Hiệp Thiên Đài, quay mặt ra ngoài cho thiên hạ đều thấy mà hưởng ứng theo tiếng gọi thiêng liêng của các Ngài.

"Cái khuông xi măng đúc trên vách Hiệp Thiên Đài, từ ngày tạo tác Tổ Đình là để dành đặt tượng ảnh Tam Thánh lên đó. Trước kia Bần Đạo cũng không hiểu để làm gì, chỉ biết tạo theo lịnh của Đức Lý Giáo Tông.

"Ngày nay, vị Hiền Tài ở Hải đảo trở về đây, Đức Lý truyền lịnh cho vẽ tượng ảnh này. Mới hiểu rằng Đức Lý chờ người mà Ngài cần dùng đến.

Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết vì chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy. Từ ngày 10-7-Mậu Tý, tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên vách tường Hiệp Thiên Đài, là biểu hiện cho chủ nghĩa Đại Đồng của Đạo Cao Đài". (Xem tam Thánh Bạch Vân Động cùng người viết )

Xem thế, Lê Minh Tòng từ một họa sĩ rồi ngộ Đạo được Đức Hộ Pháp ban cho phẩm Hiền Tài. Mãi đến đêm 17 tháng 10 năm Kỷ Dău (26-11-1969), Đức Ngài giáng cơ ban phẩm Bảo Công Quân cho Lê Minh Tòng cùng với hai Hiền Tài khác phẩm Bảo Huyền Linh Quân và Bảo Sĩ Quân, là đủ 12 Bảo Quân.

Đền Thánh dài 96 thước, rộng 22 thước, cao 27 thước về phía tháp chuông trống Hiệp Thiên Đài, 25 thước về nơi Cửu Trùng Đài, 30 thước nơi Bát Quái Đài. Mặt tiền hướng về phía Tây trang hoàng rất mỹ thuật với tất cả biểu hiện của Tam Giáo và Ngũ Chi.

Đền Thánh kiến trúc thật vĩ đại. Không ai có thể tưởng tượng được một công trình đồ sộ như vậy mà Đức Ngài chỉ kêu gọi chư tín hữu làm công quả và lương thực cũng do hiến dâng của mọi nhà hảo tâm. Bởi Đức Ngài quan niệm rằng Tòa Thánh là chung của nhơn sanh không ai được độc quyền xây cất mà phải do chính đức tin của mọi người đóng góp vào không phân biệt lương giáo. Cũng để có bầu khí thiêng liêng vĩnh cữu, tất cả thợ hồ phải thủ trinh hạnh và chay lạc trong suốt thời kỳ tạo tác. Thế nên, suốt thời gian xây cất dù độ cao cheo leo khó khăn không ai phải thiệt mạng, mà được các Đấng hộ trì tai qua nạn khỏi.

Để tôn vinh toàn thể nhân dân lao động, ngoài công trình đắp hình các Thánh, ông Bùi Ái Thoại là người bình dân ít học đã đắp Lao Động Đài ở bao lơn mặt tiền Toà Thánh, chỗ danh dự nhất, tám hạng người lao động: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục. Ông Bùi Ái Thoại được điểm công hàng đầu và đắc phong Thánh nhơn do Đạo Nghị Định số 7/PT, Đức Phạm Hộ Pháp ký ngày 14-2-Mậu Dần (dl 15-3-1938). Hai phẩm Thánh Nhơn và Bảo Quân (Lê Minh Tòng) đều đối phẩm Phối Sư bên Cửu Trùng Đài. Xem thế những vị có công xây dựng Tòa Thánh đều được Đạo phong thưởng xứng đáng.

Dưới đây xin trích đoạn đầu và đoạn chót của "Tờ Bàn Giao Đền Thờ Đức Chí Tôn cho Hội Thánh":
Tòa Thánh, ngày mùng 3 tháng 1 năm Đinh Hợi
(dl ngày 24-1-1948)

Chúng tôi đồng đứng tên dưới đây là Tổng Giám, Tá Lý, nhân công nam nữ xin dâng 3 bổn này lên Hội Thánh.

Nguyên năm Bính Tý (1936), các con có làm tờ trình nguyện làm Đền thờ Đức Chí Tôn. Nay các con đã hoàn thành, xin giao lại cho Hội Thánh ...

VI Bằng: Vị Tổng Giám xây Tòa Thánh Lê Văn Bàng xin phép Đức Hộ Pháp cho toàn nhân công nam nữ ra mắt vị Tiền vãng. Đoạn Đức Hộ Pháp mời cả Chức sắc nam nữ vào lạy Chí Tôn ban ân huệ cho cả gia quyến các công thợ và thiện tâm hỷ cúng vào sự tạo tác Toà Thánh.

Khi bái lễ xong, Đức Hộ Pháp nhân danh Hội Thánh để lời cảm tạ tấm lòng thiết thạch của những môn đệ chí hiếu và tận trung. Kẻ công, người của đã trải qua biết bao thời gian nguy biến, gian lao, gìn giữ đức tin, mới lần hồi kiến tạo nên một Đền thờ vĩ đại, oai nghiêm tráng lệ dường này.

Vị Tá Lý Lê Ngọc Lời thay mặt Tổng Giám Lê Văn Bàng đọc lời chúc mừng: "Toà Thánh là hồn Đạo, là khối đức tin lớn xuất hiện tại vùng Á Đông vào cuối kỳ Hạ Nguơn. Nhờ nơi huyền diệu thiêng liêng mà Đạo đặng phổ thông mau chóng, nhiều tín đồ đã tùng giáo, nên Đạo phải có Thánh thể của Chí Tôn tại thế mà tụ khối đức tin của toàn nhơn loại. Vì lẽ đó Đức Quyền Giáo Tông, ba vị Chánh Phối Sư thi hành theo tiếng gọi của nhơn sanh để làm Tòa Thánh. Biết bao nhiêu hăng hái vui mừng chung hợp xây Tòa Thánh cho mau rồi..."

Khi vị Tá Lý đọc xong, Đức Hộ Pháp đáp lời: "Bần Đạo không ngờ mấy em phái nữ đã đạt được kỳ công. Nhớ lại khi mới khởi công, Bần Đạo chỉ chọn phái nam, sau vì nhân công không đủ nên chọn thêm mấy em nữ. Ban đầu trộn hồ, gánh gạch, lần hồi xây đắp vách tường, công việc của mấy em làm càng ngày càng tiến như phần đông nam phái. Mọi việc chi đủ nam nữ, Âm Dương, mới tạo thành lý Đạo. Ấy là định ý của Đức Chí Tôn đó vậy.

Khi ấy, vì dè dặt, Bần Đạo mới buộc mấy em phải hồng thệ và thủ trinh cho tinh khiết mà xây Đền Thánh. Ngày nay đặng hoàn thành, Bần Đạo sẽ giải thệ cho mấy em nào muốn ra lập gia đình tùy thích."

Đức Hộ Pháp kêu Tổng Giám Lê Văn Bàng đem tờ Giao Lãnh mà khi xưa mấy vị này đã ký với Hội Thánh, Đức Ngài ký tên với danh vị thợ hồ. (Ban Kiến Trúc: Lễ Giao Lãnh Đền tờ D8ức Chí Tôn 1948. Ấn hành năm 1971 )

Thật vậy chính người thợ hồ Phạm Công Tắc đã hướng dẫn thiết kế dựng và đắp hình trong ngoài Đền Thánh lưu để mai sau.

Đền Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế, là mẫu mực cho nhân loại noi theo. Nơi nào muốn tạo dựng Thánh Thất cũng phải lấy họa đồ mà xây cất đủ ba đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Đức Hộ Pháp cho phép được tiết giảm đắp vẽ hình nơi các Thánh Thất ít hơn ở Tòa Thánh: không đắp hình Tam Giáo, Ngũ Chi, Thất Hiền, Bát Tiên trên các tấm hoành chữ M, không đắp Tứ Linh, các cột rồng trong Cửu Trùng Đài, không đắp hình Đức Quyền Giáo Tông và bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh nơi lầu Hiệp Thiên Đài v.v...

Tại tư gia, Đức Ngài cho thờ thống nhất tượng Ngũ Chi đặt lên trang thờ tôn nghiêm có ba bực biểu tượng Tam Kỳ, Tam Giáo. Kỹ thuật điêu khắc chạm trỗ của các nghệ nhân nơi các khánh thờ mỗi ngày một tinh vi điêu luyện nhưng vẫn giữ nguyên tam cấp như thuở ban đầu.

Nhằm nâng cao nghệ thuật chưng bông, hàng năm vào hai ngày lễ lớn: vía Đức Chí Tôn và Phật Mẫu, Cửu Vị Nữ Phật, Long, Lân, Qui, Phụng... đều có thưởng nên ngày càng phát triển. Nghệ nhân các tỉnh phải về Tòa Thánh học hỏi. Về sau, vì hoàn cảnh khó khăn, các cộ bông gom vào triển lãm, long lân... lên bàn thờ gia tiên tô điểm cho ngày tân hôn, xuân Tết, v.v... Các tỉnh có nghệ thuật chưng hình thú là phát xuất từ Tây Ninh...

8 . Bộ đạo luật năm Mậu Dần và Cơ Quan Phước Thiện

Vào ngày 15-7-Mậu Thìn (1928), Đức Lý Giáo Tông lập Minh Thiện Đàn tại nhà ông Đinh Công Trứ ở làng Phú Mỹ. Năm sau, Đức Lý giao Minh Thiện Đàn cho Đức Hộ Pháp để Ngài mở Phạm Môn theo tinh thần của Đức Chí Tôn:
Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm Môn,
Khuyến tu hậu nhựt độ sanh hồn.
Vô lao bất phục hồi chơn mạng,
Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn.

Đêm 22 tháng 2 Kỷ-Tỵ, Đức Phạm Hộ Pháp hành pháp cân thần cho 93 người. Ngài tuyển ra 24 vị để thọ "đào viên pháp". Đến mùng 10 tháng 6 Kỷ-Tỵ, Đức Ngài cân thần thêm 48 người, hai kỳ gom lại được 72 vị. Đức Ngài cấp giấy đi hành thiện kêu gọi các chi phái trở về với Tòa Thánh.

Đến cuối năm 1930, các cơ sở lương điền công nghệ của Phạm Môn được khai mở tại xã Trường Hòa (Tây Ninh). Vào tháng 3 năm 1934 lực lượng các chi phái kéo về Tòa Thánh nhờ các công quả Phạm Môn chặn đứng tại các cửa vào Nội Ô. Năm Mậu Dần (1938), Đức Phạm Hộ-Pháp chuyển Phạm Môn thành Cơ Quan Phước Thiện, trực thuộc chi Đạo Hiệp Thiên Đài.

Để hợp nhất các cơ quan Chánh Trị Đạo, Đức Ngài đã ban hành "Bộ Đạo Luật Mậu Dần", do tờ Kiết Chứng ngày mùng 8-1-Mậu Dần (7-2-1938). Nền Chánh Trị Đạo gồm có 4 cơ quan: Hành Chánh, Phước Thiện, Tòa Đạo và Phổ Tế.

a) - Hành-Chánh: là cơ quan để thi hành các luật lệ của Hội Thánh hoặc của Nhơn sanh dâng lên mà đã có quyền Chí Tôn phê chuẩn.

Về Hành Chánh (tức Cửu Trùng Đài) gồm có các phẩm chức sắc (từ dưới lên trên):
1 - Lễ Sanh
2 - Giáo Hữu
3 - Giáo Sư
4 - Phối Sư
5 - Đầu Sư
6 - Chưởng Pháp
7 - Giáo Tông

Theo "Bài thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp", ngày 14-2-Mậu Thìn (4-4-1948) Đức Phạm Hộ Pháp giảng về cửu phẩm Cửu Trùng Đài phù hợp với Cửu Thiên như sau:
1) Thần vị: người không Đạo mà mộ Đạo, lại giữ đặng trọn Đạo, hữu căn hữu kiếp có thể đắc vị đối với Địa Thần, kẻ tín đồ biết Đạo mà giữ Đạo đối với Nhơn Thần, còn Lễ Sanh đối với Thiên Thần.

2) Thánh vị:
- Giáo Hữu . . . . . . . . . đối với Nhơn Thánh
- Giáo Sư . . . . . . . . . . đối với Địa Thánh
- Giáo Sư . . . . . . . . . . đối với Thiên Thánh

3) Thiên vị:
- Đầu Sư . . . . . . . . . . . đối với Địa Tiên
- Chưởng Pháp . . . . . . đối với Nhơn Tiên
- Giáo Tông . . . . . . . . .đối với Thiên Tiên.

b) - Phước Thiện: là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi nấng thi hài, tức là cơ giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc cho những kẻ tật nguyền cô độc hoặc giúp tay cho Hành Chánh thi hành luật pháp được trọn vẹn.

Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của chư Chức sắc Phước Thiện định như sau (từ dưới lên trên):
1 - Minh Đức
2 - Tân Dân
3 - Thính Thiện
4 - Hành Thiện
5 - Giáo Thiện
6 - Chí Thiện
7 - Đạo Nhơn
8 - Chơn Nhơn
9 - Hiền Nhơn
10 - Thánh Nhơn
11 - Tiên Tử
12 - Phật Tử
Nên biết Phước Thiện là do Đức Phạm Hộ Pháp lập thành. Sau khi ở Mã Đảo hồi loan, Đức Ngài nâng lên hàng Hội Thánh đã giúp Ngài thực thi cơ cứu khổ.

c) - Phổ Tế: là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm Đạo.

d) - Toà Đạo: là cơ quan bảo thủ chơn truyền, giữ gìn luật pháp, chăm nom chư Chức sắc, Chức việc và Đạo hữu thi hành phận sự; che chở những kẻ yếu, bênh vực người cô thế tức là giữ gìn công bình luật Đạo, cũng là cơ quan giúp cho Hành Chánh, Phước Thiện và Phổ Tế thêm uy quyền mạnh mẽ và được tôn nghiêm.

Sau đó mấy tháng, để hợp thức hóa Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng, Đức Lý giáng cơ chuẩn y, Đức Phạm Hộ Pháp ban hành Đạo Nghị Định số 48/PT như sau:

ĐO NGHỊ ĐỊNH
Số 48/PT

Chiếu y Pháp Chánh Truyền ban quyền hành cho Giáo Tông và Hộ Pháp;
Chiếu theo Đạo Nghị Định thứ 4/60, phân định quyền hành cho Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài ngày 4-11-Ất Hợi (dl 29-11-1935);

Nghĩ vì Hội Thánh có một mà quyền Đạo có bốn phương là: Hành Chánh, Tòa Đạo, Phước Thiện và Phổ Tế;

Nghĩ vì Cơ Quan Phước Thiện cốt để mở đường thánh đức cho toàn sanh chúng, có đủ phương thế nhập vào Thánh Thể, người ngoại giáo có thể nhờ nơi cửa Phước Thiện mà hiệp một cùng Hội Thánh, nên:
NGHỊ ĐỊNH

Điều thứ nhứt: Hội Thánh sẽ tuyển chọn trong hàng Chức Sắc Thiên Phong đủ hạnh đức, đủ công nghiệp đặng chiết ra lo khai hóa, giáo hóa cả Cơ Quan Phước Thiện đặng cứu thế độ đời.
Điều thứ hai: Chức sắc Phước Thiện chú trọng nhập vào Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng kể ra sau đây:
1 . Minh đức
2 . Tân dân
3 . Thính thiện
4 . Hành thiện
5 . Giáo thiện
6 . Chí thiện
7 . Đạo nhơn
8 . Chơn nhơn
9 . Hiền nhơn
10 . Thánh nhơn
11 . Tiên tử
12 . Phật tử

Điều thứ ba: những người ngoại giáo hay chư vị Đạo nhơn các nền tôn giáo khác muốn nhập vào cửa Đạo thì Hội Thánh sẽ do nơi công nghiệp Phước Thiện của họ mà định vị, tùy theo công nghiệp nhỏ lớn đặng định phẩm từ bậc Minh Đức cho tới Chơn Nhơn mà thôi.

Còn bậc Hiền Nhơn đổ lên thì giúp Hội Thánh giữ gìn chơn pháp, nên các phẩm vị này phải có cơ bút giáng phong mới đặng.

Điều thứ tư: cả cơ quan Phước Thiện đều giao cho Hiệp Thiên Đài chưởng quản.
Điều thứ năm: Chức sắc Phước Thiện không có Đạo phục riêng, duy đặng Hội Thánh ân tứ Lịnh Bài và Sắc Lịnh kể ra sau này:

MINH ĐỨC và TÂN DÂN có lãnh cấp bằng, mặc áo Đạo phục trắng trơn mà thôi, không có dấu hiệu chi ngoại thể.

Bậc Chức sắc Thiên phong hay là Chức việc thì mặc đồ Đạo phục của mình, những người ngoại giáo thì phải mặc áo dài khăn đen theo quốc phục.

THÍNH THIỆN, HÀNH THIỆN và GIÁO THIÊN thì lãnh sắc lịnh phái Ngọc có Lịnh bài của mỗi phẩm vị ấy gắn giữ dây Sắc lịnh ngay ngực.

CHÍ Thiện, Đạo NHƠN và CHƠN NHƠN mang dây sắc lịnh phái Thượng có gắn Lịnh bài của mỗi phẩm vị của họ ngay ngực.

HIỀN NHƠN, THÁNH NHƠN và TIÊN TỬ thì mang dây sắc lịnh phái Thái, có gắn Lịnh bài của mỗi phẩm vị của họ ngay ngực.

Phẩm PHẬT TỬ thì do nơi cơ bút của Chí Tôn định và mặc sắc phục chi thì Người định đoạt.

Điều thứ sáu: Sắc Lịnh và Lịnh Bài của Phước Thiện duy mặc nơi các Thánh Thất và Tòa Thánh để chầu lễ Đức Chí Tôn mà thôi, không đặng phép dùng theo đồ thường thế.

Điều thứ bảy: cả Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài tùy phận sự mình thi hành Đạo Nghị Định này.
Lập tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 19-10-Mậu Dần
(dl 10-12-1938)
Hộ Pháp
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình đài
Hiệp Thiên và Cửu Trùng
(ký tên)
Phạm Công Tắc

Đến ngày 12-10-Kỷ Hợi, Đức Phạm Hộ Pháp giải thích về Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng như sau:

Minh Đức là gì? Là người đã theo đàng Thiên Lý, sửa tánh cho trong sạch đặng qui về với khí hư linh nhẹ nhàng không còn tối tăm nữa, một mảy quấy không dám làm, một lành nhỏ không bỏ qua. Trọng đức hơn trọng tài, Đạo vậy gọi là Minh Đạo.

Minh Đức đứng vào hàng phẩm trung thừa của thần vị.
Tân Dân: là người đã bỏ được các điều nhiễm cũ, xưa nay hư tệ như: cờ bạc, rượu chè, gian tham, trộm cướp. Nói tóm lại là cái gì đồi phong, bại tục đều bỏ hết. Sửa lòng trong sạch, tịnh dưỡng tinh thần hầu noi theo con đường quang minh chánh đại của Trời là con đường hành thiện gọi là Tân Dân.

Tân Dân đứng vào hàng phẩm thượng thừa của Thần vị.
Thính Thiện: là người đã hoán cựu nghinh tân, không còn cái dục tình vật chất nào quyến rũ tinh thần đặng nữa. Sửa lòng cho trong sạch, hầu nghe lành và học lành, cho biết từ cái chi tiết của lành, đặng làm lành.

Thính Thiện đứng vào hàng phẩm hạ thừa của Thánh vị, khi đi chầu Chí Tôn được mang dây sắc lịnh đỏ đeo khuê bài Thính Thiện, ở cung Ngọc Thanh làm ông Thánh thứ ba.

Hành Thiện: là người đã nghe lành và biết việc lành rồi, thì phải làm lành, làm thế nào có thể cho kẻ bịnh hoạn tật nguyền, già cả, góa bụa được hưởng cái lành và được an ủi cõi lòng, hết than thân tủi phận dở dang, khổ não mới gọi là Hành Thiện.

Hành Thiện đứng vào hàng phẩm trung thừa Thánh vị, khi đi chầu Chí Tôn được mang dây sắc lịnh đỏ đeo khuê bài Hành Thiện, ở cung Ngọc Thanh làm ông Thánh thứ nhì.

Giáo Thiện: là người đã làm được lành rồi, thì phải đi dạy lành cho nhơn sanh tìm đường Thiên Lý là Đạo Trời.

Giáo Thiện đứng vào hàng phẩm thượng thừa Thánh vị, khi đi chầu Chí Tôn được mang dây sắc lịnh đỏ đeo khuê bài Hành Thiện, ở cung Ngọc Thanh làm ông Thánh thứ nhứt.

Chí Thiện: là người đã được 5 cái bằng cấp: từ Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện nên được đến lãnh đứng đầu các vị Thánh và Thần. Chí Thiện đứng vào hàng phẩm hạ thừa Tiên vị, khi đi chầu Chí Tôn được mang dây sắc lịnh xanh, đeo khuê bài Chí Thiện, ở cung Thượng Thanh làm ông Tiên thứ ba.

Đạo Nhơn: là người đã được trọn lành rồi thì phải về Hội Thánh học tân pháp bí truyền để được đắc Pháp.

Đạo Nhơn đứng vào hàng phẩm trung thừa Tiên vị, khi đi chầu Chí Tôn được đội khăn đóng trắng, mang dây sắc lịnh xanh, đeo khuê bài Đạo Nhơn, ở cung Thượng Thanh làm ông Tiên thứ nhì.

Chơn Nhơn: là người được học tân pháp bí truyền, đắc pháp rồi phải đi ra hành pháp cứu thế độ nhơn trong một nước.

Chơn Nhơn đứng vào hàng phẩm thượng thừa Tiên vị, khi đi chầu Chí Tôn được đội khăn đóng trắng, mang dây sắc lịnh xanh, đeo khuê bài Chơn Nhơn, ở cung Thượng Thanh làm ông Tiên thứ nhứt.

Hiền Nhơn: là người diệt được cả thất tình lục dục rồi, không còn nhiễm một mảy gì của trần thế nữa. Cõi lòng thanh tịnh ta bà thế giới, độ tận chúng sanh, ấy là hạng Hiền Nhơn.

Hiền Nhơn đứng vào hàng phẩm hạ thừa Phật vị, khi đi chầu Chí Tôn được đội khăn đóng vàng, mang dây sắc lịnh vàng, đeo khuê bài Hiền Nhơn, ở cung Thái Thanh làm ông Phật thứ ba.

Thánh Nhơn: là người đã học được thông tri tam giái: Thượng giái, Trung giái, Hạ giái, có thể vâng lịnh Chí Tôn đi khai Đạo một nơi nào để độ rỗi nhơn sanh gọi là Thánh Nhơn.

Thánh Nhơn đứng vào hàng phẩm trung thừa Phật vị, khi đi chầu Chí Tôn được đội khăn đóng vàng, mang dây sắc lịnh vàng, đeo khuê bài Thánh Nhơn, ở cung Thái Thanh làm ông Phật thứ nhì.

Tiên Tử: là người sáng suốt hoàn toàn, học đủ lục thông: Nhãn thông, Nhĩ thông, Tha tâm thông, tức Mạnh thông, Thần thông, Trí thông, có khi vâng lệnh Đức Chí Tôn làm một vị Giáo chủ của nhơn loại.

Tiên Tử đứng vào hàng phẩm thượng thừa Phật vị, khi đi chầu Chí Tôn được đội khăn đóng vàng, mang dây sắc lịnh vàng, đeo khuê bài Tiên Tử, ở cung Thái Thanh làm ông Phật thứ nhứt.

Phật Tử: được đồng quyền CHÍ TÔN cai quản cả Thần, Thánh, Tiên, Phật trong Càn Khôn thế giái.

CHÍ TÔN có nói: kỳ ba này CHÍ TÔN đến độ rỗi con cái của Ngài, đến ngang bậc cùng Ngài, là ngôi Phật Tử đó vậy.

Sau khi Cơ Quan Phước Thiện ra đời, một ít Chức sắc bên Cửu Trùng Đài bàn tán so sánh cao thấp. Thế nên, ngày 13-10-Đinh Hợi (26-10-1947), Đức Hộ Pháp ban hành Huấn Lịnh số 551 có đoạn viết:

"Chiếu y Đạo luật năm Mậu Dần phân định quyền hành của bốn cơ quan: Hành Chánh, Phước Thiện, Tòa Đạo, Phổ Tế.
"Nghĩ vì theo Hòa ước trên đây, Đức Lý Giáo Tông đã định phép đối phẩm của chức sắc Cửu Trùng Đài và Phước Thiện như vầy:
- Giáo Thiện đối phẩm Lễ Sanh
- Chí Thiện đối phẩm Giáo Hữu
- Đạo Nhơn và Chơn Nhơn đối phẩm Giáo Sư".

Kê cứu thêm trong "Nền tảng Chánh Trị Đạo" trang 95 và các đàn dạy Đạo về sau, đối phẩm các chức sắc, chức việc trong Đạo Cao Đài.( (Xem Thánh Lịnh số 25 TL ))

9 . Việc mặc sắc phục khi đi hành Đạo
Đức Ngài lại chuyên chú đến cách phục sức của chư Chức sắc, chẳng lẽ khi hành lễ Đức Chí Tôn mặc Đại phục, khi giao tiếp với người đời cũng mặc Đại phục sợ e giảm nghi tiết đặc biệt dành đảnh lễ các Đấng. Thế nên, Đức Ngài mới xin Ơn Trên ban thêm một bộ tiểu phục đi đường từ năm 1934, chính quyền Pháp cho phép Cửu Trùng Đài mặc tràng y chín nút, Hiệp Thiên Đài 6 nút và Phước Thiện 12 nút từ tháng 2 năm 1936. Nhưng thỉnh thoảng có Chức Sắc bị cưỡng chế mặc thường phục khi tiếp xúc với họ.
Châu tri số 62 ngày 19 tháng 9 Mậu Dần (7-11-1938) nhắc lại việc này như sau:
"Từ xưa đến nay tôn giáo nào cũng vậy, hễ người tu thì mặc đồ tu theo tôn chỉ Đạo ấy. Đồ mặc là thể Đạo như Phật Giáo, Gia Tô Giáo.
"Lúc trước Đức Hộ Pháp đã gửi cho Toàn Quyền ở Hà Nội qua Thống Đốc Nam Kỳ và các quan bảo hộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào, Cao Miên biết đặng cho lệnh các viên quan của chính phủ hay rằng chức sắc Cao Đài kể từ tháng 2 năm 1936 sẽ mặc Đạo phục đi đường và có giao hình Đạo phục của toàn chức sắc Thiên phong nam nữ Hội Thánh Cao Đài. Từ chức việc Chánh Phó Trị Sự tới Giáo Tông, từ Sĩ Tải đến Hộ Pháp.
"Nay lại xẩy ra vụ bất ngờ nói rằng không cho chức sắc Đạo Cao Đài mặc Đạo phục khi đến hầu chuyện với quan đời mà phải mặc áo thường phục.

"Vậy từ đây cứ y luật pháp mà hành Đạo, chư Chức sắc nào có việc phải đến quan làng hầu chuyện thì cứ mặc Đạo phục như thường. Nếu họ không tiếp thì viện đủ lẽ chứng cớ rõ ràng hoặc mời Trưởng Tòa (Thừa phát lại) nhân chứng, rồi cho Hội Thánh hay".

Việc này, Đức Hộ Pháp chính Ngài về Sài gòn để khiếu nại và Ngài quyết định sẽ làm mạnh nếu nhà cầm quyền còn viện lẽ quanh co từ chối. Đến ngày 27-12-1938, Toàn Quyền Đông Dương Brévié phúc thư như sau:

"Vì muốn thi hành các sở định của Tổng Trưởng thuộc địa. Vị thượng quan tái truyền lịnh cho tín đồ trong các cơ quan dưới quyền của Đạo đặng thờ phượng khỏi điều trở ngại và nhất là không còn buộc họ phải mặc đồ thế phục khi đến trình diện trước quyền hành chánh đời nữa".
Dù vậy, Đạo Cao Đài vẫn bị dòm ngó, nhà cầm quyền không muốn cho nó lớn mạnh. Tỉnh trưởng Tây Ninh Vilmont và Thanh tra Lalaurette người Pháp đã theo dõi và ghi chú từng hành động và cử chỉ, nhất là chư chức sắc Đại Thiên Phong. Trong quyển :Le Caodaisme", trang 15, bằng mật điện số 146C ngày 14-11-1926, Thống Đốc Le Fol đã lưu ý các Chủ Tỉnh phải bí mật theo dõi về hoạt động và truyền Đạo và phải báo cáo ngay cho Le Fol bằng công văn mật.

Đến khi thế chiến thứ II (1939-1945) bùng nổ giữa Đồng Minh và trục Phát Xít (Đức, Ý, Nhựt), thừa vận hội mới các nhược tiểu nổi dậy chống đế quốc. Các đảng phái ở Việt Nam cũng nổi lên như: Đại Việt Quốc Dân Đảng, Duy Tân, Phục Việt, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội...

Năm 1940, Nhựt tràn vào lục địa Trung Hoa tiến xuống miền Đông Nam châu Á. Pháp lo sợ bắt đầu đàn áp các đảng phái. Cao Đài dù muốn dù không cũng phải chịu chung số phận của đất nước. Chữ Vạn biểu hiệu của Phật-giáo trên nóc các Thánh thất bị hiểu lầm là dấu hiệu của Đức Quốc Xã, nên Hội Thánh phải ra Thánh huấn ngày 2-4-Canh Thìn (8-5-1940) ra lịnh gở các chữ Vạn.

Phong trào bài Pháp lan rộng trên toàn quốc. Các tín đồ là con dân trong nước, nên họ nhảy vào vòng tranh đấu. Hội Thánh không thể ngăn được vì nước mất nhà tan, Đạo sự phải suy vi. Nhân cơ hội đó một ít người vô lương, quá thiên về bã lợi danh, dựa theo quyền đời ám hại Đạo. Họ vu cáo phao truyền Đạo Cao Đài lập một nước nhỏ trong một nước lớn. Họ chú giải lệch lạc các danh từ Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Đạo Nghị Định, Hội Thánh, Hội Nhơn Sanh, Tòa Đạo, Cửu Viện... ra là Thượng Nghị Viện, Hạ Nghị Viện, Tòa án, Cửu Bộ... rồi cố ý cho Đạo Cao Đài có ý chủ trương Quân Chủ Lập Hiến.

Thống Đốc Nam kỳ Pagès vịn vào đó, mật lịnh cho Đại tá Gordon, Ủy viên Chánh phủ của Tòa án Quân sự lập phương án tấn công Tòa Thánh Tây Ninh. Nhờ Ơn Trên chuyển xoay, trong một phiên họp của Tòa án Quân sự, Đại tá Gordon vô tình tâm sự với một người bạn là ông ta được lịnh thực hiện khám xét một vụ to lớn cần phải xử dụng đến 20 xe cam nhông binh lính để bao vây một khu rừng vào lúc 2 giờ đêm. Người bạn tò mò hỏi: "Ông khám tổ chức nào mà to tát vậy?". Đại tá Gordon lúc đầu còn chần chừ, sau ông nói thật rằng mai này (23-7-Canh Thìn, 1940) sẽ khám xét Tòa Thánh Cao Đài ở Tây Ninh. Người bạn của Gordon lại đem kể chuyện với một người có cảm tình với Đạo Cao Đài.

Thế là chiều trước hôm đó, Hội Thánh xem xét lại những giấy tờ gì nghi có liên quan tới chánh trị đều đốt hết. Vừa làm xong lính Pháp cũng vừa đổ quân bao vây chu vi Tòa Thánh chờ sáng là tiến vô khám xét. Chính Đại tá Gordon chỉ huy cuộc khám xét này. Hắn ra lệnh tịch thu hết hồ sơ, giấy tờ của Đạo chất vào 10 cam nhông đem về Sài gòn.

Nhưng một Chức sắc quá chủ quan, lén để lại một tài liệu quan trọng có liên hệ đến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong quyển kinh của mình. Nhân viên Tòa án được lịnh tịch thu hết các hồ sơ chớ không phải coi từng hồ sơ nên tài liệu nói trên cũng được chất lên xe cam nông số 3. Thế nên Sĩ Tải Huỳnh Hữu Lợi phải hối hả xuống Sài gòn báo tin ấy cho các bạn thân. Các tín hữu cấp tốc liên lạc với nhân viên làm trong Tòa án Quân sự. Một việc khó khăn như vậy mà chỉ ngày hôm sau, một người trong Tòa án đem tài liệu về trao tận tay cho Sĩ Tải Lợi.

Thế là kế hoạch của Thống Đốc Pagès thất bại. Họ không tìm thấy tài liệu gì trong 10 xe cam nhông có thể buộc tội Đức Hộ Pháp. Họ trù hoạch phương án khác để diệt Đạo.

Ngày 8-11 năm đó, họ đem 5 xe hơi vào Tòa Thánh bắt các Chức sắc và Đạo hữu giải ra Tây Ninh.
Ngày 15-5-Tân Tỵ (1941) chính phủ Pháp cấm các công quả tạo tác không được xây tiếp Tòa Thánh.
Ngày 4-6 vào 8 giờ sáng, lính mật thám vào bắt Đức Phạm Hộ Pháp.
Ngày 9-7, Chủ Quận và lính vào Tòa Thánh xét giấy thuế thân và đuổi tất cả tín hữu về tỉnh, về xứ, không cho ở trong chu vi Thánh địa.
Ngày 11-7, lính Pháp lại vào bắt thêm 3 vị Chức sắc, ở Sài gòn một vị và Cao Miên một vị.
Ngày 7-8, quân đội Pháp chiếm đóng Tòa Thánh.
Ngày 25-10, lính mật thám vào Tòa Thánh bắt thêm ba vị Chức sắc nữa.

Nhất là nhà cầm quyền Pháp tìm thấy văn bản của ông Godwin, Trưởng Lão của giáo hội Eglise Gnostique Đức quốc liên lạc với Đức Quyền Giáo Tông (13-11-1931), trong có đoạn viết:

"Bức thông điệp của Đức Ngài (Lê Văn Trung) đã tới Trung Âu. Tổng Giáo Hội Eglise Gnostique Đức Quốc mà tôi là Trưởng Lão quyết định liên hợp với Đạo Cao Đài.
"Tôi được lãnh nhiệm vụ báo tin cho Đức Ngài biết sự quyết định này và kính xin Đức Ngài thông truyền cho chúng tôi về lịch sử, hiến chương, giáo lý và những nghi lễ của Đại Đạo" (Tiểu Sử Đức Quyền Giáo Tông, Tây Ninh 1972, trang 82 ).

Trong khi đó, nước Pháp bị Hitler xâm chiếm, ở Đông Dương các đảng phái nổi lên chống ách thống trị của Pháp. Đó là những nguyên nhân mà mật thám Pháp buộc phải bắt Đức Hộ Pháp đưa đi an trí tại Di Linh rồi Sơn La để trừ hậu họa. Chân dung Đức Phạm Hộ Pháp trong chương này nổi lên nhiều tiếng xầm xì trong nhà Đạo do chức phẩm Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài. Trong quyển "Lịch sử Cao Đài" (quyển hai) Đồng Tân cho rằng từ khi ban hành Bộ Đạo Luật năm Mậu Dần (1938), Tòa Thánh trở thành một chi phái (Đồng Tân, Lịch Sử Cao Đài, Cao Hiên 1972, trang 403 ).

Trước đó (1949), trong quyển "Histoire et philosophie du Caodaĩsme", Gabriel Gobron khi viết về các phái Đạo khác của Đạo Cao Đài (Les diverses sectes du Caodaisme nơi trang 174 ), chỉ liệt kê 11 phái, người đọc hiểu lầm là G. Gobron coi Tòa Thánh Tây Ninh cũng là một phái cho đủ 12 phái.

Trong tiểu luận Cao Học Nhân Văn "Đại Lễ vía Đức Chí Tôn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ", trong lời nói đầu Đinh Văn Khá dẫn: "Giáo sư Nghiêm Thẩm cho biết rằng Đạo Cao Đài có rất nhiều chi phái, nếu muốn nghiên cứu, ta nên chọn Tòa Thánh Tây Ninh, vì nơi đây được xem như là Thánh Địa của Đạo Cao Đài".

Thật vậy, một Giáo sư Nhân Văn, một nhà nghiên cứu thâm sâu về Đạo Cao Đài phát biểu một định đề rất chí lý. Người đời có nói gì đi nữa, các người ngoại quốc, các nhà khảo cứu Đông Tây muốn hiểu về Đạo Cao Đài cũng phải đi Tây Ninh, chớ không thể đến nơi nào khác. Đó là niềm vinh hạnh, điều tự hào cho các tín hữu Cao Đài Tây Ninh.

Trong báo VĂN NGHỆ TRẺ số 10 (171) cũng viết:
"Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống dung hợp các luồng văn hóa ngoại nhập, dù đó là văn hóa phương Tây hay phương Đông, là văn hóa Trung Hoa hay là văn hóa Ấn Độ, Đạo Cao Đài ở Việt Nam đầu thế kỷ XX này là một minh chứng điển hình về tính dung hòa văn hóa của người Việt Nam". (Trần Lưu, "Đền Ngọc Sơn với sự dung hợp văn hóa", Văn Nghệ Trẻ số 10 [171])
Khách bàng quang nhìn Đạo mỗi người một lối riêng, đó là ý kiến riêng của họ. Còn người Đạo vẫn trụ vững đức tin của mình, đó mới là điều đáng lưu tâm và đáng tôn vinh.

PHOTO
Đức Hộ-Pháp ngự trên ngai Thất-Đầu Xà.
Khánh-Thành Thánh-Thất Nam-Vang
Hội-Thánh Ngoại-Giáo
Chân-dung Đức Phạm Hộ-Pháp

CHƯƠNG V

MÃ ĐẢO PHÁP NẠN
(1941 - 1946)

1 - Trấn Thánh Phi-Châu

Tin Đức Hộ-Pháp bị Pháp bắt và bị đưa đi an trí loang ra làm chấn động cả toàn Đạo. Chức-sắc và Đạo-Hữu xôn xao lo lắng, lại âu lo không rõ rồi đây nghiệp Đạo sẽ ra sao. Chức-sắc đương quyền lúc ấy, một số tản-cư đi lánh mặt, còn một số quyết chết vì Thầy vì Đạo ở lại làm việc.
Ngày 16.06 năm Tân-Tỵ, một phiên nhóm bất thường của các chức-sắc tại Tòa-Thánh để giao quyền cho ba vị Chánh Phối-Sư, trong lúc Đức Hộ-Pháp vắng mặt. Nhưng không biết có điều gì bí ẩn, mà hai vị Luật-Sự Hiệp-Thiên Đài là Phan Hữu Phước và Võ văn Nhơn tranh giành các bổn vi bằng trước mặt ba vị Chánh Phối-Sư. Thế nên việc cầm quyền thống nhất của ba vị Chánh Phối-Sư không thành.

Tòa-Thánh lúc ấy do Giáo-Sư Thượng Tước Thanh và Giáo-Hữu Thượng Chất Thanh điều-hành và sắp đặt mọi việc để gìn giữ cơ nghiệp Đạo. Tuy nhiên, hàng tháng hai ông mới đến thăm một lần, chớ không dám ở.

Ngày 01.06 năm Tân-Tỵ, Đức Hộ-Pháp cùng năm vị chức-sắc: Khai-Pháp Trần Duy Nghĩa, Giáo-sư Thái Phấn Thanh (bị bắt ở Cao-Miên), Giáo-sư Thái Gấm Thanh, Quyền Chánh Phối-sư Ngọc Trọng Thanh, Sĩ-Tải Đỗ Quang Hiển bị dẫn giải về giam tại Sàigòn. Sau đây là vài nét về chư vị chức-sắc trên:
1 . Khai-Pháp Trần Duy Nghĩa (1889-1954) được cầm Quyền Ngọc Chánh Phối-Sư (1930), Chưởng-quản Phước-Thiện (1937). Năm 1946, Ngài lãnh Chưởng-Quản Bộ Pháp-Chánh, rồi qui vị ngày 22.01 Giáp-Ngọ.
2 . Chánh Phối-Sư Ngọc Trọng Thanh; từ lúc khai Đạo đã có Ngài, sau ở Mã-Đảo về, vẫn tiếp tục làm việc Đạo.
3 . Giáo-sư Thái Gấm Thanh, tên họ thật là Thái văn Gấm, ngồi Đầu Tộc-Đạo Châu-Đốc (1932-1933), Gia-Định (1934-1935), Thượng-Thống Công-Viện (1936-1937), Chủ-Trưởng Hội-Thánh Ngoại-Giáo (1938-1939), đi mở Đạo miền Trung (1940) và qui tại Mã-Đảo (1943).
4 . Giáo-sư Thái Phấn Thanh tức Trần văn Phấn giữ chức Chủ-Trưởng Hội-Thánh Ngoại-Giáo tại Kiêm-Biên (1941), thì bị Pháp bắt lưu đày, khi về nước Ngài sống ở Vũng-Tàu, sau về Gò-Vấp và từ trần năm 1965 (Gia-Định).
5 . Sĩ-Tải Đỗ Quang Hiển chết tại Mã Đảo, Phi-Châu và về cơ xưng là Thánh Phi-Châu có bài thi như sau:
THI
Cuộc đời còn lắm nỗi gay go,
Các Đấng ghe phen đã dặn dò.
Hành Đạo Cao-Đài cho phải Đạo,
Học-trò Xiển-Giáo đáng danh trò.
Lợi quyền chớp nhoáng đừng mơ mộng,
Đạo-đức trường tồn gắng chí lo.
Một kiếp phù-sanh không mấy lát,
Thật hành cho vẹn Thích, Tiên, Nho.

Ngày 27.07.1941, Đức Hộ-Pháp và 5 vị chức-sắc bị đưa xuống tàu Compiège cùng mười hai chánh-trị phạm tại cảng Nhà Rồng đi đến bến Diego Suarez, miền Bắc Madagascar. Tại đây đã có 11 chánh-trị phạm người Việt khác đã bị Pháp đưa qua trước, hiệp chung là 29 người. Tất cả đều bị đưa đến quần đảo Comores (Xem hình - Miền Bắc mã Đảo )

. Trong số chính-trị phạm gồm có 6 chức-sắc Đạo Cao-Đài, ba nhà cách-mạng là Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Sang, Ngô văn Phiến, còn lại là Đảng-viên Đệ Tam Quốc-Tế.

Sau khi đày Đức Phạm Hộ-Pháp, giữa năm 1942, quân Pháp được lịnh vào đóng quân ngay trên nền Đền-Thánh mới xây cất, chưa kịp lót gạch và trang trí. Viên Tiểu-Đoàn Trưởng ra lệnh cho binh lính đào đất dưới nền Hiệp-Thiên Đài (vì chúng cho: "Hiệp-Thiên Đài còn thì Đạo còn, Hiệp-Thiên Đài mất, thì Đạo dứt") chôn một trái mìn (mine) một ngàn kí lô.

Thực-dân Pháp nghi ngờ Đạo Cao-Đài có liên hệ với phát-xít Đức vì trên nóc Hiệp-Thiên Đài có chữ Vạn, nên chúng nghĩ thế nào phát-xít Nhật cũng đến giải vây Tòa-Thánh. Viên Tiểu-Đoàn Trưởng lúc đó mới châm ngòi nổ, vừa diệt Nhật vừa diệt Đạo. Nhưng Nhật không tới, viên Tiểu-Đoàn Trưởng đã được lệnh đổi đi và bàn giao cho Thiếu-Tá Rouband. Ơn Trên xui khiến, viên Tìểu-Đoàn trưởng không ghi "Mission Impossible" này trong biên-bản nên Rouband khi được lệnh rút khỏi Tòa-Thánh, đã không thi hành "Sứ mạng bất khả thi" này.

Vào tết Bính-Thân (1950), anh Ba Tất (Lê văn Tất) đọc tin này trên báo Paris Match có trình lên Đức Hộ-Pháp. Đức Ngài chỉ cười và bảo: "Nếu không có ai câu điện mà giựt, thì nó sẽ không nổ, để lâu ngày rồi nó cũng sét và trở thành đất mà thôi". Mới hay, nơi Thầy ngự là Bạch Ngọc Kinh tại Thế, đâu thể phá đổ dễ dàng như ý nông cạn của một ít người.

Để hiểu một ít về Madagascar: nước này lệ thuộc Pháp từ thế kỷ XVII. Năm 1943, thuộc-địa này bị Anh chiếm, nhưng Pháp vẫn còn chủ quyền (đây là chiến lược của phe Đồng-Minh). Năm 1946, Madagascar được độc-lập, chính phủ liên-bang được thành lập, gọi tên mới là Cộng-Hòa Malgache (Larousse illustré. Paris 1952, tang 1517 ).

Năm 1943, tình hình thế-giới biến chuyển, Hitler chiếm nước Pháp. Pétain lập chính-phủ Vichy. De Gaulle lập chính-phủ lưu vong ở Anh. Pháp buộc phải dời Đức Hộ-Pháp và các chánh-trị phạm tới một đảo nhỏ, kín đáo, sát đảo lớn tên Nosy Lava (hay Nosi Lave) ở về phía Bắc Tây Bắc Madagascar (xem hình trang 201). Tất cả bị câu lưu trong trại giam đến ngày 24.11.1944 mới được ra ngoài lao động. Trong những ngày tù đày làm coọc-vê, Đức Ngài được Đức Chí-Tôn che chở, khiến cho bao tai nạn đều qua. Một lần xe hơi chở Đức Ngài cùng mấy chục người tù, qua một chiếc cầu bắt ngang sông. Cầu gãy, xe rớt theo, thế mà bao nhiêu người cùng rơi theo, không ai hề hấn gì cả. Một lần khác, cũng xe chở tù, trong đó có Ngài. Xe đang leo lên dốc núi thì bị thụt lùi, lăn từ trên cao xuống. May sao chỉ một gốc cây bên bờ vực thẳm mà ngăn được sức xe đang tuột dốc với một tốc độ kỳ dị. Tất cả mọi người đều hồn lìa khỏi xác từ từ tỉnh lại. Bình tĩnh nhìn Ngài mà nói rằng: "Chúng ta thoát chết đều là nhờ ông lão nầy". Nhờ đó, từ đấy về sau ai ai cũng có thiện cảm với Đức Ngài.

Đức Ngài quan sát vùng quê Mã Đảo thấy người dân da đen, nơi nào cũng nghèo nàn. Họ làm ruộng theo phương pháp cổ truyền. Họ lùa trâu bò quầng trên ruộng cho cỏ rạp xuống rồi vạch đất mà cấy, không dùng súc vật cày bừa như ở nước ta. Ngài thấy rõ ràng người Pháp không muốn mở mang nông nghiệp hay bất cứ việc gì, mà để dân ngu hòng dễ cai trị. Lòng nhân của một Thiên-Quân xui khiến Ngài phải hành động cứu nhân độ thế, dù bất cứ sắc dân nào. Ngài cùng Giáo-sư Phấn làm cầy, làm bừa rồi mắc kế bò cày bừa thử nghiệm cho dân Malgache thực-hành. Họ tri ân Đức Ngài. Từ đó, phương-pháp cày bằng trâu bò của nước ta được truyền rộng rãi trên Mã-Đảo.

Dân Malgache cũng chưa biết xay lúa giả gạo, mà chỉ tuốt hột rồi tọt như dân thiểu-số ở nước ta. Ngài nhờ ông Trọng làm cối xay, còn chính Ngài đụt khoét làm một cái cối giả gạo. Mới được cơm ăn, còn nhà ở của dân đảo hầu hết là tranh lá, Ngài chỉ cho họ cách làm lò nung gạch, in gạch, in ngói. Ngài cho phép dân chúng được phổ-biến cách làm gạch để chống lại độc-quyền của bọn Pháp.

Cái ăn, cái ở đã có, nhưng đầu óc còn ngu dốt, thì không thể cãi hóa dân sinh dân trí một cách hữu hiệu được. Đức Ngài coi dân đảo như đồng-bào ruột thịt của mình, cần khai hóa và mở mang trí tuệ họ. Ngài lập một trường tiểu-học gần nơi Ngài sinh sống, dạy tiếng địa-phương và tiếng Pháp. Vì thế, họ coi Ngài như một Đấng Sư-Biểu.

Chưa hết, Ngài còn chỉ họ cách hầm vôi, cách làm vòng vàng, bông tai, cà rá, kiềng vàng ... giúp cho đời tươi đẹp hơn lên.

Một đệ-tử đã cảm khái những hoạt-động khai hóa và từ thiện của Đức Ngài bằng bài thi sau:
THI
Mến ông thợ bạc gốc Thầy tu,
Nuôi cả nhơn-sanh bị nhốt tù.
Đẽo mẫu cày, bừa thâu lắm thóc,
Xây lò vôi, gạch, nhận nhiều xu.
Dắt dìu kẻ khó thành Vương Khải,
Dẫn độ người lành ngự Ngọc-Hư.
Thầy tớ gặp nhau trên đảo vắng,
Pháo đâu như nổ dưới chân cù.

"Dẫn độ người lành ngự Ngọc-Hư". Thật vậy, nhiệm-vụ trọng yếu của Thiên-Quân là truyền đạo độ đời. Một hôm, Thiêng-liêng chuyển Đức Ngài đi qua đi lại nhà một cư sĩ trí-thức ba lần. Vì được Sư ông báo trước sẽ có vị Phật sống đến độ dẫn, nên vị cư-sĩ ra rước Ngài vào nhà, rồi quì xuống xin Ngài truyền tâm pháp tu chơn. Ngài mở huyền quang khiếu cho cư-sĩ được chứng ngộ tại thế. Một lần khác, cô Marie, sinh-viên du học tại Pháp, nằm mộng thấy Thần-linh mách bảo: trong nước xuất hiện vị Phật sống. Cô bỏ học trở về nước dù bị cha mẹ trách mắng, cô kiên trì tìm gặp Đức Ngài. Đức Ngài làm lễ nhập-môn cho cô Marie vào Đạo, rồi cô trở thành thư-ký cho ông "thầu khoán bất đắc dĩ" để giúp nhân-sanh.

Đức Ngài được cô Marie đưa đi tham quan cảnh hồ "Lac Tinivar". Hồ nầy nằm giữa hai ngọn đồi cao, hình bầu dục, bề ngang độ 300 thước, bề dài 500 thước, chấm dứt bằng một khoé ngắn, bên kia một khoé dài, kết hợp giống như một con mắt, mí dưới thấp, mí trên cao, rặng cây làm viền giống như chân mày. Rõ ràng là con mắt trái: "Thiên-nhãn".

Trong những giờ rỗi rảnh nơi xứ lạ quê người, Đức Ngài không bao giờ không vọng tưởng đến Đấng Chí-Tôn, Phật-Mẫu và các Đấng Thiêng-Liêng. Đức Ngài cùng Sĩ-Tải Đỗ Quang Hiển phò loan, được các Đấng giáng an ủi. Một hôm Đức Tiêu-Diêu Đạo-Sĩ giáng cho bài thi như vầy:
THI
Lược chiến từng quen đã bấy lâu,
Thiên-cơ đã rõ máy cao sâu.
Dằn lòng nhẫn nại chờ đôi lúc,
Sẽ thấy khuôn-linh phép nhiệm mầu.

Chào Thiên-Tôn và chư vị Thiên-Phong, có Đức Nhàn-Âm Đạo-Trưởng đến, để Bần-Tăng đi triệu Thần Hoàng Bổn-Cảnh tới gìn giữ cơ.
Nhàn-Âm Đạo-Sĩ cười ... Bần Tăng lấy làm cảm xúc cho chư vị dường nầy. Hận thay cho giống dã man tàn bạo ... Trung-Quân là Nam-Kinh đó vậy. Nơi ấy là ổ của Việt kiều. Thời cuộc Á-Đông sẽ kết cuộc nơi đó.
THI
Quá hải đòi phen đến viếng nhau,
Ngặt không cơ bút để lời giao.
An-nhàn đợi thuở triều linh địa,
Chuyển thế gặp thời phải múa đao.
Cõi Á đã trở thành nơi chủng-quốc,
Phương Âu sẽ diệt tận nô-lao. (*)
Lửa hương đất Việt dầu quen nhúm,
Nhờ đám Trung-Quân ở nước Tàu.

 (*) (Tức No si Lave ở về phía Bắc Tây Bắc Madagascar )

Ít lâu sau cầu cơ, một vị (phái nữ) giáng không xưng tên mà cho bài thi sau:
THI
Nô-si-lao tiếng đặt buồn cười,
Mi đã rước ai hỡi hỡi ngươi.
Lượn thảm bủa ghềnh tình ột ạt,
Gió sầu xô đãnh ái tơi bời.
Yên phu điểu gợi thương cành sớm,
Giọng ngạn quyên khêu gọi buổi mai.
Tổ-quốc đón đường bao dặm thẳng,
Xa đưa thăm thẳm một phương trời.

Nosy Lava, hòn đảo nhỏ ở phía Tây Bắc quần đảo Madagascar. Về sao Vô Danh thị lại giáng cơ và nhủ:
"Chào Thiên-Tôn và chư vị Đại Thiên-phong. Thiếp vì có mạng lịnh đến đây làm bạn bút nghiên trong lúc chư vị mang lịnh Chí-Tôn cho ngơi nghỉ nơi đây. Chí-Tôn than rằng: "Chức-sắc Thiên phong bên Cửu Trùng Đài thiếu hùng biện văn tài đặng làm tay qui phục sanh chúng. Vì cớ ấy mà triết lý Đạo khó phổ-thông cho toàn thiên-hạ.
THI
Đã phong trần phải chịu phong-trần,
Có thân âu phải biết thương thân.
Nam xa ví chẳng vì đường khó,
Việt đãnh mong chi đượm lửa mừng.
Nặng gánh giang sơn là Thương Trụ,
Nhẹ tay cung kiếm ấy Thường Quân.
Ngũ hồ tứ hải không lưu lạc,
Mặt địa-cầu ta vốn định chừng.

Sau khi giải thích Nam xa Việt đãnh thế nào, Vô Danh thị lại cho thi:
THI
Hòn đảo này đây trước nhốt tù,
Mà nay làm khám nhốt Thầy tu.
Quả như oan nghiệt, vay rồi trả,
Thì lũ Tây-man, Nhật-bổn trừ.

Những bài thơ trên đây đều có tính chất tiên đoán thời cuộc ở xứ nhà. Vô hình trung tuy xa thiên-lý mà gần trong gang tấc. Tuy ít ai tin, nhưng việc gì tới sẽ tới.

Vô-Danh thị là ai? Đó là Đức Linh-Sơn Thánh-Mẫu vâng lịnh Thất-Nương Diêu-Trì Cung đến viếng các Thánh bị nạn. Dù dấu tên nhưng Đức Hộ-Pháp biết được, vì chiếc nhẫn nạm ngọc trên tay Ngài phát hào-quang khi bà thăng. Hạt ngọc nầy của ông Lễ-Sanh Võ văn Đợi tìm được ở Núi Bà, biếu cho Ngài. Nên biết ông Đợi theo Đức Hộ-Pháp học tu tịnh, đã chứng ngộ biết trước được nhiều việc, nên Ngài đổi tên ông Đợi ra Võ Linh Đoán và cho trụ trì ở Vạn Pháp Cung, để rước các Thầy tu ở núi lỡ vận.

Biến cố Núi Điện điêu tàn, một nhóm chức-sắc xin Đức Hộ-Pháp cho rước cốt Bà Đen về Đền Thờ Phật-Mẫu, Đức Ngài phê: "Bần-Đạo vì thạnh tình lúc bị lưu đày, Bà thường đến thăm mà thuận cho".

Trong thời gian bị lưu đày, Đức Hộ-Pháp thường cầu cơ, lúc với Sĩ-Tải Đỗ Quang Hiển, lúc với Khai Pháp Trần Duy Nghĩa. Theo lời kể lại của ông Nguyễn Thế Truyền, vào năm 1965, với ông Hội-Trưởng Thánh-Thất Bàu Sen, Phạm Duy Tẩy và soạn giả (ông Truyền đến nhà anh Hai Tẩy để chích thuốc. Ở đây bổn đạo ai cũng biết): Đêm Noẽl (1945) (Theo lời kể của ông Nguyễn Thế Truyền, vào năm 1965 ), Đức Hộ-Pháp và Ngài Khai Pháp phò cơ, ông Nguyễn Thế Truyền làm đọc giả. Đức Lý giáng cơ cho biết các ông sẽ được thả và đưa về Việt-Nam vào cuối năm 1946. Rồi Đức Lý ân phong cho ba ông:

1 . Ông Nguyễn Thế Truyền phẩm Bảo Địa-Lý Quân, giữ tròn vẹn lãnh-thổ Việt-Nam.
2 . Ông Nguyễn Thế Song phẩm Bảo Thương Quân áp dụng việc trao đổi và điều hòa hàng hóa trong chúng sanh.
3 . Ông Ngô văn Phiến phẩm Bảo Tinh Quân để bảo vệ môi trường và sinh-mạng nhân-loại ...
Ngày 1 tháng 10 năm 1946, Đức Hộ-Pháp và các ông được tự do và trả về Việt-Nam. Hai ông thường liên-lạc với nhau.

"Tôi (L. H. CH.) thường gặp ông Nguyễn Thế Truyền khi tại Tòa-Thánh Tây-Ninh, khi ở Văn-Phòng liên-lạc số 145 đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng) hay địa-chỉ của Hộ-Pháp Phạm Công Tắc, Giáo chủ Đạo Cao-Đài, người bạn tù với ông ở Madagascar". (Nhân vật lịch sử - Nguyễn Thế Truyền, Tạp Chí Xưa & nay số 60 )

2 - Hết mùa pháp-nạn

Một hôm Đức Hộ-Pháp nói với Ngài Khai-Pháp Trần Duy Nghĩa, người được Pháp cử làm đại-diện tù-nhơn tại Mã-Đảo rằng: "Ba hôm nữa, chúng ta sẽ trở về nước". Ngài Trần Duy Nghĩa cho là chuyện huyền hoặc, bịa đặt nên đáp: "Ông đã bày đặt Thượng-Đế, Tiên, Phật, chớ làm gì có, để ngày nay đến nỗi nầy". Nói rồi hất quần áo của Đức Ngài từ trên phảng rơi xuống đất. Đức Ngài rơi lệ, cúi xuống nhặt và nói: "Thánh Pierre lần nầy là lần thứ ba ngươi phản ta". Nên biết ngươn-linh của Ngài Trần Khai-Pháp là Thánh Pierre.
Ba hôm sau, quả như lời, quí vị được trả tự-do. Ngài Trần Duy Nghĩa phải lạy Đức Ngài để xin lỗi.

Bởi lẽ, sau khi người Pháp trở lại Đông Dương (tháng 9.1945), tình hình Việt-Nam lúc bấy giờ thật rối ren, đảng phái nổi dậy nhiều nơi. Người Pháp muốn nắm lấy một vài đoàn thể có tổ-chức chặc chẽ, đủ mạnh khả dĩ đương đầu với tình thế lúc bấy giờ. Ở Việt-Nam, ngày 8.04 Bính Tuất (8.05.1946), các cơ sở Đạo tại Sàigòn bị chính phủ Pháp phong tỏa và bắt giam các người lãnh đạo. Họ hăm dọa đánh khảo và sau cùng yêu cầu hiệp tác. Sau 22 ngày bị bắt, bị đánh đập và sau ba ngày hội-đàm, Trần Quang Vinh và Ménage ký thỏa-ước ngày 9.06.1946, đại để:

1 . Đối với Pháp: quân đội Cao-Đài ngưng chiến đấu và giải tán tất cả các bộ đội lưu động kháng chiến.
2 . Đối với Đạo: quân Pháp ngưng các cuộc khủng-bố, không bắt giam tín-hữu, bảo đảm quyền tự-do hành giáo và truyền-giáo. Mở cửa Tòa-Thánh và các Thánh Thất, được tự-do tế tự trong phạm-vi tôn-giáo. Trao trả Đức Hộ-Pháp và chư vị Thiên-Phong về cố quốc, phục hồi các quyền công-dân cho chư vị đó.
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét