Chân Dung Hộ-Pháp Phạm Công Tắc - 6 / 7 (Hiền Tài - Trần Văn Rạng)

Ngày hôm đó tỉnh-lỵ Tây-Ninh trang hoàng rực-rỡ biểu-chương, cờ-xí treo khắp nơi. Tinh thần "Tôn Sư trọng Đạo" của các môn-sinh được thể hiện cao độ. Mười giờ, cuộc lễ khai mạc, có mặt các môn-sinh đều hiển đạt, như Thủ-Tướng Nguyễn Văn Tâm, Hộ-Pháp Phạm Công Tắc, Tướng Nguyễn văn Hinh, Giáo-sư Võ Thành Cứ, Ông Phủ Trần văn Giáo và nhiều Bác-sĩ, Kỷ-sư, ...
Sau khi Thủ-Tướng gắn Bảo-Quốc Huân-Chương cho cụ giáo Trần văn Giảng
(1875-1964), Đức Hộ-Pháp trao lời cho giáo-sư Cứ xưng tụng công nghiệp tôn-sư. Ông nói:
"Thầy lập công bằng trí não, bằng tâm can. Trót 40 năm Thầy chẳng lùi bước trước trở lực nào của nghề-nghiệp thanh cao... Hôm nay Thầy hãnh-diện trông thấy đám môn-sinh thân mến của Thầy đây là Thủ-Tướng, đây là Hộ-Pháp, kia là bác-sĩ, kỷ-sư ... Chúng con hết sức tự-đắc là môn đồ của cụ giáo Trần văn Giảng, xứng đáng tôn vinh là bậc Linh-Sơn Phu-Tử." (Huỳnh Minh, Tây Ninh Xưa và Nay, Sài Gòn 1972, trang 120-122 )

3 - Xây dựng nơi thờ Diêu-Trì-Cung

Để kịp lễ Khánh-thành Tòa-Thánh Tây-ninh (1955) vào tháng 3.1955, Đức Hộ-Pháp ra lịnh sửa Báo-Ân Từ thành đền thờ tạm Diêu-Trì-Cung. Vì Đức Phật-Mẫu có công rất lớn trong việc mở Đạo, nên Bà Bát-Nương giáng cơ tại Kiêm-Biên (Campuchia) viết ra. Đức Hộ-Pháp giảng về việc tiếp nhận Kinh có đoạn như sau:
"Kinh Phật-Mẫu cho tại Kiêm-Biên, nơi Báo-Ân Đường của Thừa-Sử Huỳnh Hữu Lợi. Bần-Đạo đến nhằm lúc cúng vía Đức Phật-Mẫu. Bà Bát-Nương đến cầm cơ viết, có nhiều người làm chứng. Các đạo-hữu và một người không biết đạo, đó là ông Hiếu ngồi trước sân chơi. Họ thấy từ phía đền có hào quang giáng hạ, xẹt xuống ngay Báo-Ân Đường. Tới chừng trọn bài Kinh rồi cả thảy (người ngoài sân) đều nói không biết cái gì xẹt khi nảy, không dè trong nhà (Báo-Ân-Đường) đương chấp bút".
Nhân dịp sửa chửa lại Báo-Ân-Từ (136), Đức Phạm Hộ-Pháp có chỉ cho các thợ-hồ công-quả đắp các pho tượng sau:
1 . Trên hết đắp chân dung Đức Phật-Mẫu cỡi thanh loan
2 . Dưới đắp 9 pho tượng của Cửu Vị Tiên-Nương.
3 . Liên tiếp đắp 4 vị Nữ Nhạc hầu Đức Phật-Mẫu là: Đổng Song Thành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát-Trinh.
4 . Tượng Đông Phương Sóc (Nhà văn hóa đời Hán biết nghe tiếng chim) quì nâng 4 quả đào Tiên.
5 . Tượng Đức Cao Thượng Phẩm quì trước sân Hoa Điện Cỗ-Tự.
Đức Hộ-Pháp chỉ dạy về việc đắp chơn-dung như sau:
"Hình của Đức Phật-Mẫu đắp theo hình chưng công-bộ Cửu Nương lần đầu tiên vào tháng 8 năm Đinh-Hợi. Thầy có chỉ cho Chí-Thiện Trạch, Trần Phong Lưu và Tá-lý Kia cất giữ, coi theo đó mà làm mẫu, theo sự tích đời Hán Võ Đế bên Tàu. Hồi đó mượn bức ảnh của bà Phối-sư Hương Hiếu.
"Đức Phật-Mẫu có từ thuở khai Thiên do khí Âm Dương tạo thành, có quyền năng vô đối, vô biên, vô lượng cũng như Đức Chí-Tôn, hữu hữu vô vô, nắm trọn bí-quyết nhiệm-mầu của Càn-Khôn Vũ-Trụ. Chớ không phải bí-pháp biến thành thể-pháp. Do hiện tượng sự tích đời Hán Võ-Đế, đó chỉ là mượn ý tạc hình, chớ Phật-Mẫu vốn vô-vi."

Đức Phạm Hộ-Pháp nói về việc cầu Phật-Mẫu của Hán Võ Đế như sau:
"Vào tiết Trung-Thu, 15 tháng 8 năm Ngọ, đầu giờ Tý, vua Võ-Đế quì trước chùa thành tâm cầu-khẩn. Đúng 12 giờ, thanh loan đáp trước sân Hoa-Điện. Vua ra thỉnh Đức Phật-Mẫu ngự tại Chánh-Điện.
Đức Phật-Mẫu dạy 4 Nữ Nhạc trao 4 quả đào Tiên cho Hán Võ Đế và Đông Phương Sóc quì rước lộc."

4 - Đức Hộ-Pháp Âu-du

Sang năm 1954, Quốc-Trưởng Bảo-Đại mời Đức Hộ-Pháp làm cố-vấn tối cao để hoạch-định cho chương-trình Hội-nghị Génève. Đồng thời Đức Ngài sang Pháp để đáp lời mời của Chánh-Phủ Pháp trước kia mà Đức Ngài chưa có dịp đi.
Ngày 17.04 Giáp-Ngọ (19.05.1954) các cơ-quan đưa tiễn Đức Ngài lên đường, Đức Ngài nói:
"Hôm nay Bần-Đạo lấy sứ-mạng Thiêng-Liêng đem ngọn cờ cứu-khổ đến Châu-Âu. Mong rằng cánh hạc huyền linh của Đức Chí-Tôn sẽ đem tình ưu-ái vô biên của Ngài đặng an-ủi tâm-hồn các chủng-tộc Châu Âu. Quyền năng vô tận của Đức Chí-Tôn sẽ làm cho trường hổn-loạn trở nên thái bình.
"Một điều trọng-yếu nữa là cả thảy cầu-nguyện thế nào cho ngọn cờ từ-bi bao phủ trên mặt địa cầu nầy. Bần-Đạo dám chắc không có điều chi vui cho Đại Từ-Phụ hơn điều đó."

Sáng hôm nay, Đức Ngài lên máy bay rời phi-trường Tân-Sơn-Nhất. Nhiều chánh-khách, chức-sắc, chức-việc ra tiễn đưa Đức Ngài. Khi máy bay đáp xuống phi-trường Orly (Pháp) có rất đông quan khách đến đón Đức Ngài. Về phía Chánh-Phủ Việt-Nam, có Phó Thủ-Tướng Nguyễn Trung Vinh, Tổng Trưởng Tài-Chánh Dương Tấn Tài, đại-diện Cao-Ủy Phủ Vương Hồng Chương và Đỗ Hùng, rất đông Việt-Kiều ra đón Đức Ngài. Về phía chánh-phủ Pháp, có ông Thị-Trưởng thành Paris, ông Plas và Mattei đại-diện Bộ Trưởng Bộ Liên-Quốc.

Chiều ngày 21.05.1954, Đức Hộ-Pháp mở cuộc họp báo tại nhà hàng George V. Trong lúc dự tiệc, các đại-diện báo-chí phỏng-vấn Đức Ngài về đường lối chánh-trị. Đức Ngài trả lời: "Bần-Đạo sang Pháp với danh-nghĩa cố-vấn tối cao của Đức Quốc-Trưởng Bảo-Đại. Bần-Đạo sẽ gặp Đức Quốc-Trưởng và sẽ thỉnh ý Ngài". (Xem hình )

Báo chí hỏi Đức Ngài có chống cộng không? Đức Ngài đáp: "Chúng tôi là người Tôn-Giáo, thay mặt Thượng- Đế cứu vớt tất cả con cái Ngài, dầu kẻ tội lỗi nào cũng cứu vớt".

Trưa hôm sau Trung-Tướng Nguyễn văn Xuân, cựu Thủ-Tướng, đến mời Ngài dùng cơm tại tư-gia.

Ngày 23.05.1954, Đức Ngài đến Canne rồi tới điện Thorène gặp Đức Quốc-Trưởng, Đức Ngài tỏ vẻ hài lòng rồi trở về Paris cùng ngày, được Thủ-Tướng Bửu-Lộc và các chánh-khách đưa ra tận ga Canne.

Trưa ngày 24.05.1954, ông Laniel, Thủ-Tướng Pháp tiếp Đức Ngài tại điện Matignon. Cùng đi với Đức Ngài có ông Ngô Khai Minh, Ông Nguyễn văn Ba (em ông Xuân) và ông Hồ Bảo-Đạo. Thủ-Tướng Laniel tham khảo ý-kiến riêng với Đức Ngài.

Trước khi Đức Hộ-Pháp sang Paris, bản Hiệp-Ước Génève đã được đăng tải trên các báo. Người ta phao tin đã ký rồi, nhưng thật ra chưa ai ký. Các chánh-khách đều trông vào Đức Ngài.

Ngày 25.05.1954, ông Trần Vinh, Trưởng ban Nghi-Lễ Cao-Ủy Phủ Việt-Nam, sắp chương-trình cho Đức Hộ-Pháp đi viếng và làm lễ ở Chùa thờ chiến-sĩ trận vong Việt-Nam Nogent-Sur-Marne. Đến chiều tối Đức Ngài đặt tràng-hoa nơi mộ chiến-sĩ trận vong Pháp ở Arc-De-Triomphe. Tướng Collion, Tổng-Trấn Paris thay mặt chánh-phủ Pháp và quân đội nghinh đón. Hai bên đài có đoàn Vệ-quân bồng súng chào, giàn nhạc trổi quốc-thiều Việt-Nam và quốc-thiều Pháp.

Sau khi đặt tràng-hoa lên mộ chiến-sĩ vô-danh, Đức Hộ-Pháp trở ra. Các quan-khách đưa tận xe. Việc đón tiếp như vậy là long trọng lắm, vì Đoàn Vệ-Quân (Garde Républicaine) và giàn nhạc thường chỉ để đón tiếp các Quốc-Trưởng mà thôi.

Tờ mờ sáng ngày 27.05.1955, Đức Ngài cho ông Hồ Bảo-Đạo hay: đêm qua Đức Ngài hội-kiến với Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn (Victor Hugo). Đức Chưởng-Đạo có dạy nhiều việc và cho một bài thi như sau:
Giờ điểm vinh-quang đã khởi màu,
Giang sơn Đất Việt giá là bao?
Nền nhân Câu-Tiển vừa che bước,
Cửa ải Phù-Tang đã mở vào.
Mong lịch duyệt, nay đà lịch-duyệt,
Muốn thanh- cao, đã đặng thanh-cao.
Tiên rồng sắp gặp hồi phong vũ,
Thay đổi Càn Khôn thử thế nào?

Tiếp đó, Đức Ngài đi viếng Điện Versailles. Nhân-viên điện đưa Ngài đi xem từng nơi. Điện xây cất từ thời vua Louis XIV (1668), đến nay vẫn còn nguyên-vẹn. Mấy bậc thang, cột và tường đều lát cẩm-thạch có vân và bông tuyệt đẹp. Người hướng dẫn nói cẩm-thạch nầy có 144 màu khác nhau. Trong phòng khác có chiếc đồng-hồ từ máy đến võ đều bằng vàng chạy rất đúng giờ. Cái võ đồng tượng hình một đền vua. Vừa đúng 10 giờ, cửa đền mở, vua Louis 14 trong đền bước ra, có nhạc đánh chào. Cứ mỗi giờ đánh một bản khác nhau, bản nhạc cuối vừa dứt thì đồng hồ gỏ 10 tiếng. Vua Louis 14 bước vô đền, cửa tự động đóng lại. Những động-tác đó, do máy tự động bên trong đồng-hồ tự điều khiển.

Chiều hôm đó, Bộ-Trưởng Mécheri thay mặt Tổng-Thống Pháp René Coty đến viếng Đức Hộ-Pháp. Trước khi ra về, ông Mécheri nói Tổng-Thống Coty mời Đức Ngài sang viếng Điện Élysées.

Sau đó, Đức Ngài nhường thời giờ tiếp xúc các đạo-hữu ở Pháp. Ông Henri Regnault (người thay mặt Đạo Cao-Đài dự nhiều hội-nghị Thần-Linh Học thế-giới) thay mặt người Pháp có Đạo đến chào Đức Ngài.

Ngày 28.05.1954, Đức Hộ-Pháp và đoàn tùy tùng đến Điện Élysées, được Tổng-Thống René Coty đón chào tại cửa. Tổng-Thống Pháp đưa Đức Ngài vào phòng khách đàm luận, sau đó dự tiệc rồi từ giã. Chủ khách rất quyến luyến nhau.

Hôm sau, Thủ-Tướng Bửu-Lộc mời Đức Ngài đến Hotel Raphael, Thủ-Tướng rất vui mừng trước thành-quả mà Đức Ngài ngoại-giao đã đạt được và hứa sẽ mời Quốc-Trưởng Bảo-Đại lên Paris hội-kiến với Đức Ngài.

Chiều hôm đó, giáo-sư Gustave Meillon đến thăm Đức Hộ-Pháp. Ông đang nghiên-cứu về Đạo Cao-Đài, viết luận-án Tiến-sĩ. Ông chăm-chỉ lắng nghe từng câu từng chữ của Đức Hộ-Pháp khi Ngài giải-thích về Đạo.

Ngày 30.05.1954 là ngày Đức Hộ-Pháp bận rộn nhứt, tiếp phái-đoàn nầy, nhân-vật nọ, xin ý kiến và thỉnh ý Đức Ngài. Từ ông Đỗ Hùng, Thư-ký Hội-Đồng Quốc-gia Liên-Kết, đến giáo-sư Pierre Max và nhiều nhân-vật chánh giới Pháp lắng nghe tiếng nói của Đức Ngài.

Chiều ngày 31.05.1954, Đức Ngài đi viếng Điện Panthéon. Điện nầy là một tòa nhà đồ-sộ lộng-lẫy, những bức vẽ hàng mấy trăm năm nay mà vẫn linh-động. Giữa Đền có một bức vẽ trên trần màu sắc rực-rỡ. Nhờ nóc Đền lợp bằng kiếng nên khi mặt trời xoay hướng, thì bức vẽ đổi màu luôn. Trên tường có nhiều bích-họa diễn tả lịch-sử nữ Thánh Sainte Génèvière, tức Thánh bảo hộ thành Paris.

Một bức bích-họa khác mô tả thành Paris bị nạn đói, chánh nhờ nữ Thánh Génévière cầu-nguyện Ơn-Trên và kêu gọi các nơi tiếp tế mà thành Paris thoát nạn đói. Đến đời vua Napoléon dời tượng bà thờ nơi khác và lấy Điện Panthéon làm Báo-Ân-Từ, chôn xác các danh-nhơn dưới đường hầm.

Phái-đoàn xuống hầm. Khi đến mộ Đức Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn, Đức Phạm Hộ-Pháp đốt nhang cầu-nguyện.

Ngày 1.06.1954, Đức Ngài đi viếng Điện Invalides. Ông Trần Vinh và Phó Giám-Đốc Điện Invalides tiếp rước Đức Ngài. Giữa Điện có ngôi mộ của Napoléon I, làm toàn bằng đá cẩm-thạch, chiếu lóng lánh. Điện nầy chứa các di-tích đời vua Napoléon.

Ngày 2.06.1954, Đức Hộ-Pháp viếng lâu đài Liên Quốc (Union des États Associés). Ông Mécheri, Tổng Thư-Ký Hội Liên-Quốc tiếp Đức Ngài và nói: "Đây là nhà chung của các quốc-gia liên-kết, có các cộng-sự-viên Việt, Miên, Lào, ... Bộ Quốc-Gia Liên-Kết không phải là Bộ Thuộc-Địa trước kia".

Ông Mécheri hứa với Đức Hộ-Pháp rằng ông sẵn sàng giúp đỡ Ngài trong công-cuộc xây dựng một nước Việt-Nam hùng cường và thịnh-vượng ngang hàng và làm bạn với Pháp.

Ngày 4.06.1954, nhân sinh-nhật mồng 5 tháng 5 năm Giáp-Ngọ của Đức Phạm Hộ-Pháp, phái-đoàn có tổ-chức tiệc tại Hotel George V, thết đãi quan khách Việt Pháp, lãnh-sự các nước và Việt-Kiều hải-ngoại. Giữa buổi tiệc, Đức Ngài được thông-báo Thủ-Tướng Laniel đã ký hai bản hiệp-ước về chủ-quyền độc-lập của quốc-gia Việt-Nam đúng ngày mồng 5 tháng 5, để làm món quà sinh-nhật của Đức Ngài. Người ta thường nói, người Pháp lịch-sự và tế-nhị quả không ngoa.

Trước khi Đức Hộ-Pháp trở về Việt-Nam, ngày 6.07.1954, ông Chevaul, Trưởng phái-đoàn Pháp tại Hội-Nghị Génève mời Đức Hộ-Pháp và phái-đoàn Cao-Đài dự buổi tiệc vào lúc 12 giờ. Lúc chia tay, Đức Hộ-Pháp nhắc ông Chevaul một câu: "Ne mettez pas vos doigts dans le panier des crabes". (Xin ông đừng thọc tay vào giỏ đựng cua).

Trước bối cảnh đó, Đức Ngài viết bài thơ đáng lưu ý như sau:
ÂU DU 1954 Cỡi gió tung mây đến Pháp triều,
Đo lường vận nước được bao nhiêu?
Tương lai gởi phận tay tha chủng,
Mai mốt thương thân đám Việt-Kiều.
Cứu quốc khó trông mong gặp Thuấn,
An dân hết sở cậy nhờ Nghiêu.
Cho hay chánh-nghĩa chưa cân đúng,
Máu mũ vì thương phải đánh liều.

Cặp luận cho ta thấy nội dung chủ yếu của hai hiệp ước trên. Nói một cách khác nước ta sẽ không có hòa-bình kiểu "thời đại Nghiêu - Thuấn".

Ở Génève độ một tuần, cuộc vận động hòa-bình của Đức Ngài không đem lại kết-quả mong muốn, nên phái-đoàn trở về Paris. Quốc-Trưởng Bảo-Đại mời Đức Hộ-Pháp đến diện kiến và yêu-cầu Đức Hộ-Pháp ủng-hộ Ngô Đình Diệm về nước cầm quyền Thủ-Tướng Chánh-Phủ miền Nam thay Bửu-Lộc.

Để vừa lòng Bảo-Đại, Đức Ngài cho Sĩ-Tải Bùi Quang Cao và Tướng Lê văn Tất trở về nước vận-động đồng-bào, đồng đạo đón rước Ngô Đình Diệm.

Ngày 20.07.1954, Đức Hộ-Pháp và phái-đoàn trở về Việt-Nam. Ngót hai tháng sang Pháp tìm cách giải-quyết về nền hòa-bình cho đất nước khỏi chia đôi bất thành.

Thời gian Đức Hộ-Pháp ở Paris, có đến viếng xã-giao vị Lãnh-sự Trung-Hoa Quốc-Gia Đài-Loan, nên về nước không bao lâu, Đức Ngài được thơ mời của Tổng-Thống Tưởng Giới Thạch, sang viếng Đài-Loan. Phái-đoàn gồm có Đức Hộ-Pháp, Sĩ-Tải Bùi quang Cao và một ít Chức-sắc Đường-Nhơn.

Ngày 20 tháng 7 năm Giáp-Ngọ, phái-đoàn lên đường. Trước các cơ-quan Đạo, Đức Ngài phủ-dụ:

"Hôm nay, Bần Đạo lãnh một sứ mạng mới do ý muốn của Đức Chí-Tôn. Bần Đạo vừa được Chánh-Phủ Trung-Hoa mời sang Đài-Loan. Chủ-đích của họ mời Bần-Đạo chỉ vì Đạo mà thôi.
"Bần Đạo được danh-dự của Đại Từ-Phụ ban cho cầm cây cờ Cứu-Khổ để giải khổ cho nhơn-loại. Mình đã đau khổ mà lãnh sứ mạng thiêng-liêng để an-ủi đau khổ của thiên-hạ. Điều ấy làm cho chúng ta suy ngẫm lắm đó".

Sau khi viếng Đài-Loan, gặp riêng Tổng-Thống Tưởng Giới Thạch, Đức Ngài sang Đại-Hàn thăm xã giao Tổng-Thống Lý Thừa Vãng, sau đó Đức Ngài bay qua Nhật để rước tro cốt Kỳ Ngoại-Hầu Cường-Để, (quí danh là Nguyễn Phước Vân, đích tôn của Đông-Cung Thái-Tử Cảnh), về nước. Khi về đến Phi-trường Tân-Sơn-Nhất, Đức Ngài tuyên-bố:

"Đức Cường-Để đã hy-sinh cuộc đời nơi đất khách, cốt theo đuổi một mục đích là làm thế nào để phục hồi vận mạng tổ-quốc, độc-lập được thực-hiện.
"Ngài cũng như Bần-Đạo, tâm hồn của Ngài phù hợp với tâm hồn Bần-Đạo, là chẳng lúc nào Ngài phân-biệt màu sắc chánh-trị, đảng phái, đoàn thể, tôn-giáo, ...

"Đau đớn thay! trên 40 năm lưu vong nơi đất khách, Ngài theo đuổi một ước vọng mà Ngài không đạt đặng. Công chưa thành, danh chưa toại, Ngài thành người thiên-cổ nơi đất khách quê người.

Hôm nay, di hài của Người đã được đưa về nước. Do đó, khối anh linh của Ngài sẽ cùng hòa-hiệp với khối quốc-hồn của bốn nghìn năm lập quốc".

Ngày 20 tháng 9 năm Giáp-Ngọ (1954), Đức Ngài về tới Tòa-Thánh và tuyên-bố trước toàn Đạo:
"Tiếp theo lời tuyên-bố của Bần-Đạo khi về đến Sài thành, Bần-Đạo không cần nhắc lại. Cả một đời sống hy-sinh của Ngài mong tạo hạnh-phúc cho tổ-quốc mà phải chịu biết bao nhiêu gian-khổ cũng vì lòng ái-quốc của Ngài.
"Cả thanh-niên Việt-Nam nên ghi nhớ những lời nhắn gởi của Ngài. Trước nửa giờ chết, Ngài còn rán ngồi dậy nhắn cho toàn thanh niên Việt-Nam phải cương-quyết quật cường cứu quốc".
5 - Lễ Khánh-Thành Tòa-Thánh

Sang năm 1955, từ ngày 29.01 đến 8.02.1955 (mồng 6 đến 16.01 năm Ất-Mùi) là lễ khánh-thành Tòa-Thánh Tây-Ninh. Đây là một cuộc lễ có một thời gian dài nhứt, 10 ngày. Số người từ các Tỉnh về tham dự lễ lên đến hàng triệu và số người đến xem lễ và đến quan sát trên hai triệu lượt người.
Vào mồng 8 tháng Giêng Ất-Mùi, ngày chánh lễ, Đại-Đồng Xã bề ngang 40 thước, bề dài 80 thước, hai khán-đài nam nữ, mỗi cái chứa trên hai chục ngàn người, đã chật nức. Trên hàng ghế danh-dự, ngoài Đức Hộ-Pháp, còn có Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm, các Đại-Sứ các nước. Sân Đại-Đồng Xã đã đầy người. Các Đạo-hữu đến sau phải đứng tạm trong Rừng Thiên-nhiên, sau hai khán-đài chánh. Thiếu bút mực để ghi chép các ngày lễ lớn đó!

Trong cuộc lễ, Đức Phạm Hộ-Pháp lên Thiên-Hỉ Đài thuyết giảng:
"Hôm nay là ngày Kỷ-niệm Đạo Cao-Đài đã ra mặt quốc-tế. Nó đã ra mặt quốc-tế rồi, thì ta cũng nên luận về tình hình đương thời của các liệt cường".
Giờ Tý đêm hôm đó, Hội-Thánh rước Đức Hộ-Pháp cắt băng khánh-thành, pháo bông rực cháy hiện dòng chữ: "Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ. Lễ khánh-thành Tòa-Thánh". Và khởi hành ngay đại lễ trong Chánh-điện.

Hôm sau, lễ khánh-thành Đền Thờ Phật-Mẫu (tạm thờ tại Báo-Ân-Từ). Đến ngày 12 tháng Giêng Ất-Mùi, khánh thành các dinh thự như Giáo-Tông Đường, Hộ-Pháp Đường, Nữ Đầu-Sư Đường, Tòa Nội-Chánh, Văn-Phòng Hội-Thánh Phước-Thiện. Đức Ngài nói:
"Khởi đầu, Bần-Đạo đi viếng các dinh-thự: Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng Đài.
"Bần-Đạo cho toàn chức-sắc đương quyền hành-chánh Đạo được rõ mục-đích của Hội-Thánh Phước-Thiện do đâu mà sản xuất. Trong Pháp-Chánh-Truyền, Chí-Tôn lập Hội-Thánh Hiệp-Thiên Đài, Hội-Thánh Cửu-Trùng Đài. Trước khi Chí-Tôn đến giao truyền mối Đạo là Thiên-Điều đã định mở cửa Thập Nhị Khai Thiên đặng đem cơ cứu khổ để lại mặt thế nầy mà cứu vớt toàn cả Cửu Nhị Ức Nguyên-Nhơn. Đức Chí-Tôn giao phó cho Hiệp-Thiên-Đài. Chỉ có 15 người gồm Thập Nhị Thời Quân với Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Bần-Đạo. Trong số 15 vị chỉ có 4, 5 vị lãnh lịnh mà thôi.
Hội-Thánh Cửu-Trùng Đài của Giáo-Tông, Hội-Thánh Phước-Thiện của Hộ-Pháp.
Hội-Thánh Phước-Thiện thay thế cho Hiệp-Thiên-Đài lo cứu khổ, giải khổ cho nhơn-loại, mà Hiệp-Thiên Đài chỉ lãnh lịnh có bốn, năm vị làm sao lập thành cơ cứu khổ được. Bần-Đạo chỉ lấy bài thi của Đức Chí-Tôn dạy mà lập thành:
Bài Thi
Tĩnh ngộ xá thân tại Phạm-Môn,
Khuyến tu hậu nhật độ sanh-hồn.
Vô lao bất phục hồi chơn mạng,
Tĩnh thế kỳ thân đắc chánh tôn.

Vì bài thi của Đức Chí-Tôn dạy mà Bần-Đạo mới lập ra Phạm-Môn rồi sản xuất Thập-Nhị Đẳng Cấp Thiêng-Liêng vị".
Đến ngày Rằm tháng Giêng năm đó làm lễ thiêu xác các Thánh Tông-đồ, vì theo Thánh-Ngôn chư chức-sắc Đại Thiên-Phong qui vị ba năm thì thiêu xác. Đức Phạm Hộ-Pháp thuyết-minh về việc nầy như sau:

"Cả toàn thể quốc-dân của chúng ta, hạng đại đức cũng nhiều, hạng học-thức cũng đông; nam cũng thế, nữ cũng thế. Vì sao họ không giành chỗ cho ông Lê văn Trung, ông Cao Quỳnh Cư, bà Lâm Ngọc Thanh, ông Lê Bá Trang (tên của chư vị sắp thiêu xác) ...
"Ngọn lửa sẽ thiêu xác các Thánh ấy, nó sẽ biến thành ngọn lửa thiêng. Nó sẽ làm sáng chói Đạo Cao-Đài, đặng kêu gọi cả nhơn-loại tìm một con đường giải-thoát. Con đường cứu khổ của họ mà cũng là ngọn lửa thiêng-liêng dìu dẫn cả tâm-hồn con cái Đức Chí-Tôn, luôn cả Thánh-Thể của Ngài nữa".

Xen trong cuộc lễ khánh-thành còn có các cuộc vui như triển lãm, văn đàn, đánh cờ người, văn-nghệ, lửa trại, hòa nhạc, đấu bóng, cộ-bông, v.v. ... Cuộc lễ chấm dứt trong niềm hân-hoan và tin vào tương lai rực sáng của toàn thể tín-hữu.

Khi Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm từ giã ra về, Đức Hộ-Pháp nhắc nhở Thủ-Tướng nhớ sớm quốc-gia-hóa quân-đội Cao-Đài. Thế nên, chánh phủ Ngô Đình Diệm đã ban hành lịnh quốc-gia-hóa quân-đội Cao-Đài vào ngày 2.05.1955. Từ đó, Đức Hộ-Pháp từ vị Thượng-Tôn Quản-Thế do Thánh-lịnh số 704/VPHP, ngày 11.03 Ất-Mùi vì Đạo không còn quân-đội nữa.

Tóm lại, thời gian từ năm 1947-1955 là giai-đoạn thanh-bình thịnh-trị của Đạo Cao-Đài. Danh Đạo đã sáng chói trên hoàn cầu.

Nhứt là những năm 1953-1954, chiến-sự Điện-Biên Phủ đang hồi quyết-liệt. Tòa-Thánh trở thành cái nôi "bảo-sanh" cho trí-thức, thanh-niên khỏi bị Pháp bắt đem nuớng vào chiến-trường miền Bắc. Các chánh-khách lũ lượt kéo về Thánh-Địa như Trần văn Ân, Hồ Hữu Tường, Phan Khắc Sửu, Vũ Tam Anh ... Đạo phải lập nhà Quốc-Sự-Vụ cho họ tá túc. Các khoa-bảng như Trần văn Tuyên, Nhị Lang, Phạm Xuân Thái, Hồ Hán Sơn ... Các trí-thức khác làm trong các cơ quan Đạo hoặc dạy học như Chu văn Bình (tức Chu-Tử), Trương Bảo Sơn (sau chủ-nhiệm tạp chí Tân-Phong), Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn văn Quyết ..., nhứt là các thanh-niên trong tuổi lính. Họ về Thánh-Địa núp dưới bóng Đạo Kỳ kéo theo sự di-cư của gia-đình về Tòa-Thánh.

Vì đó, số tín-đồ tăng lên đột-ngột. Thống-kê của Lại-Viện năm 1953 có 1.500.000 tín-đồ (không kể các Chi-phái). Đến năm 1954 tăng lên 2.500.000. Đó là những người Đạo trên 18 tuổi phải nhập môn lập thệ, có "Sớ Cầu Đạo" hẳn hoi, chưa kể vị-thành-niên. Nếu tính bình-quân mỗi gia-đình có năm người thôi, trừ cha và mẹ đã nhập môn, còn lại 3. Vậy số dân Đạo lúc đó là: (2,500.000 x 3) / 2 = 3.750.000 người chia hai là tính cha mẹ trong một gia-đình. Lúc bấy giờ dân-số cả Miền Nam Việt-Nam là 18 triệu.

Đền-Thánh, bất cứ thời nào, nhứt là thời Tý chật ních người, phải ngồi cả ngoài sân để cúng và nghe Đức Hộ-Pháp thuyết đạo. Các Tốc-Ký viên đã ghi chép và sưu tập thành bộ năm quyển "Lời thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp", dày trên một ngàn trang đã in cho cả năm quyển. Quí nhứt là quyển "Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống và Bí-Pháp". Đó là quyển bí pháp của Đạo.

Với trên ba triệu bảy trăm năm chục ngàn giáo-dân là cái gai nhọn chỉa vào mắt Ngô Đình Diệm, người có tham vọng làm Tổng-Thống sau nầy.

Chương nầy nổi bật nhất là việc khánh-thành Tòa-Thánh Tây-Ninh. Một cuộc lễ long trọng vô tiền khoán hậu vẻ vang và hoành-tráng nhứt trong lịch-sử Đạo Cao-Đài, kéo dài hơn 10 ngày. Đức Phạm Hộ-Pháp gọi đây là ngày "Đạo Cao-Đài ra mặt quốc-tế". Vì trong ngày khai mạc lễ có đủ ngoại giao đoàn các nước và đồng chủ-tọa với Đức Phạm Hộ-Pháp là Thủ-Tướng Chính-Phủ miền Nam Việt-Nam đương thời, Ngô Đình Diệm.

Tưởng nên nhắc lại một chút quá trình xây cất Đền-Thánh: Tháng 3.1927, Hội-Thánh phải dời Thánh-Tượng, cốt Phật-Tổ từ chùa Từ-Lâm (tức chùa Gò-Kén) về làng Long-Thành. Để có nơi thờ tự, Đức Cao Thượng-Phẩm cất Thánh-Thất tạm bằng cây và tranh.

Đến cuối năm 1933, Ngài Đầu-Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ) khởi công xây cất bằng bê-tông cốt sắt. Công-trình của ông còn lưu lại là chùa Cực-Lạc Cảnh. Sau đó ông Tiếp-Thế Lê Thế Vĩnh mướn Kỷ-sư Phan Hiếu Kinh lãnh làm lầu Hiệp-Thiên-Đài rồi cũng dở dang.

Trước tình-hình bế tắc đó, cuối năm 1936, Đức Phạm Hộ-Pháp bắt tay vào việc với khẩu-hiệu "Bắt gió nắn hình". (tay không làm nên hình Thánh-Thất). Đức Ngài kêu gọi Phạm-Môn phát hồng-thệ và thủ trinh chấp hành sự chỉ dẫn xây cất của Ngài. Không Kiến-Trúc-Sư, không thợ lành nghề, làm tới đâu hỏi các Đấng chỉ tới đó. Trước, Đức Lý dạy xây lầu Hiệp-Thiên-Đài cao 36 mét, khi xây dựng xong chỉ có 27 mét, là vì phải tiết giảm cho nền móng chỉ chịu nổi sức nặng cao ngần ấy thôi. Chiều dài, chiều ngang cũng tiết giảm, sau khi xây xong đo đạt mới thấy điều đó. Xây dựng tô vẽ, đắp tượng chỉ có mình Đức Ngài chỉ dẫn, có ai hỏi thì Đức Ngài bảo "các Đấng dạy", mà không nhận sự tài giỏi của mình.

Ta tự hỏi: tại sao các vị trước đây, nhiệt tình như Đức Cao Thượng-Phẩm; lắm tiền nhiều của như ông Huyện Thơ; đầy đủ học-vấn như kỷ-sư Kinh lại xây không thành? Chỉ có Đức Phạm Hộ-Pháp "bắt gió nắn hình" xây nên một Đền Thánh độc đáo với hình "Long-Mã bái sư". Bao nhiêu đó cũng đủ xứng đáng tôn vinh Đức Ngài lên ngai Hộ-Pháp, mà không có ai dám mạo xưng hay tiếm vị Hộ-Pháp của Đức Ngài. Khác hơn ngôi Giáo-Tông, lắm người ham muốn, khiến cho nhà Đạo chia chi rẻ phái.

Đi xa trở về, mỗi lần nhìn lại Tòa-Thánh, bạn nghĩ gì? thấy gì? và định làm gì để không hổ thẹn với người xưa?

PHOTO
Cộ-bông Tam Giáo
Đền thờ Phật-Mẫu


CHƯƠNG VIII

Những Hoạt-Động Cuối Đời
(1955 - 1959)

1 - Một chuyến đi

Nhờ viện-trợ Mỹ, Ngô Đình Diệm vận-động phá vỡ "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc-Gia", bằng cách (Donald Lancaster, - The emancipation of French Indochina, London 1963 ). mua chuộc và chia rẽ các lực lượng giáo-phái. Phòng Nhì của Diệm đã bỏ ra một trăm triệu để mua chuộc Nguyễn Thành Phương (chưa nhập-môn theo Đạo) và Năm Lửa(Cố-vấn Ngô Đình Nhu ra lịnh cho Nguyễn Thành Phương kéo quân lên Tòa-Thánh để thanh trừng những phần-tử Cao-Đài chống-đối chế-độ độc tài gia đình trị.
Trong khi Nguyễn Thành Phương bao vây Hộ-Pháp Đường không cho Đức Hộ-Pháp trốn thoát, một số cựu quân-nhơn do Đại-Tá Huỳnh Thanh Mừng (sau trận nầy ông đi theo Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam), chỉ huy binh-sĩ chống lại hành động của Tướng Phương chiếm đóng vùng chợ Long-Hoa đến Cửa Số 6. Đại-Tá Mừng cho đóng quân từ Núi Bà đến cửa Hòa-Viện, nhứt quyết một còn một mất với Tướng Phương. Nhưng chẳng may Đại-Tá Mừng bị bộ-hạ của Tướng Phương phục-kích bắn gãy một cánh tay, khiến cuộc tranh chấp đôi bên quyết liệt hơn.

Nhóm thứ ba do Thiếu-Tá Nguyễn văn Đờn và Nguyễn văn Mạnh chỉ huy, kéo quân vào đóng trong nội-ô Tòa-Thánh tuyên-bố là sẽ ngăn chặn hai nhóm kia hầu tránh cảnh lưu huyết vô lối.

Để tránh viễn cảnh máu đổ giữa đồng-đạo và làm cớ cho cường-quyền Ngô Đình Diệm chiếm Tòa-Thánh, Đức Ngài ra "Bản Tuyên-Ngôn" có câu: "Cơ Đạo trải qua hồi biến chuyển, Bần-Đạo khuyên cả con cái Đức Chí-Tôn bình tĩnh, sáng suốt, chờ Hội-Thánh giải quyết".

Đức Ngài cũng nói với các cấp chỉ-huy quân-đội: "các con là lửa Tam-Muội. Lửa dữ trừ được ma vương mà cũng có thể đốt thiêu luôn Tòa-Thánh".

Vì thế Đức Ngài phải ép lòng ra đi để làm cho các phe phái đối lập không còn lý do gì tranh chấp với nhau. Dự kiến nầy được giữ kín, ít ai biết. Thế mà nhóm Mừng, Đờn, Mạnh cũng đoán được, nên họ đề-nghị dọn đường rừng đưa Đức Hộ-Pháp đi để tránh sự săn đuổi của Tướng Phương. Đức Ngài lặng lẽ và làm theo kế hoạch của riêng mình.

"Trong ngày mồng 4 tháng Giêng năm Bính-Thân, Đức Hộ-Pháp cho sắp xếp mọi hành-trang vào xe Chevrolet, nhưng khi hỏi lại giấy xe thì kiếm không ra, khiến cho tài xế xe Hồ Tấn Lực bị quở. Chừng lên tới Nam-Vang mới hay là cô Tư (Phạm Hương Tranh) lấy đem đi Nam-Vang trước.

"Đến 5 giờ chiều, Đức Hộ-Pháp mới cho tôi (tức Bảo-Đạo Hồ Tấn Khoa) hay việc nầy. Tôi lật đật ra Tây-Ninh kiếm thế làm tờ cớ mất giấy xe để tạm dùng đi đường, nhưng vô hiệu quả, vì đã hết giờ làm việc".

Lúc trở về thì trời đã tối. Đức Hộ-Pháp dạy dọn đồ vật qua xe của Bà Tám (tức Phối-sư Hương Nhiều) để đi vì xe nầy có giấy tờ đủ.

"Đồng thời nhóm Huỳnh Thanh Mừng từ trong núi đi xe Jeep ra, định rước Đức Hộ-Pháp đi ngã đường rừng, vì họ đã dọn đường và cho phục-kích rồi, nhưng xe của họ chạy đến cầu Kỷ-Nghệ thì chết máy mà sửa hoài không chạy được, buộc lòng cho người ra xin tôi gởi xe vô rước họ. Trời khiến lúc đó không có chiếc xe nào ở nhà, nên họ đành chờ sáng mới ra đặng, thì Đức Hộ-Pháp đã đi hồi khuya rồi ...

"Bên chiếc xe của Đức Hộ-Pháp có bảy người. Ở ghế trước có Giáo-Hữu Của (tức Phạm kim Của, từng ở Nam-Vang) làm tài xế, kế bên là cô Hai Đạm, em Ba Hiệu theo để hầu Đức Hộ-Pháp. Ở phía sau, Đức Hộ-Pháp ngồi giữa, bên trái là tôi (ông Bảo-Đạo), bên mặt là Trung-Tá Lê văn Thoại (hiện là Hữu-Phan Quân) và con cả của tôi là Bạch ( tức Hồ Thái Bạch) ngồi trên gói đồ. Đức Hộ-Pháp và tôi thì mặc Đạo-phục, ông Thoại mặc áo dài trắng, em Bạch mặc đồ Hướng-Đạo, còn Giáo-Hữu Của, cô Đạm, em Hiệu thì mặc thường-phục.

"Theo sau xe có chiếc xe của chức-sắc Phước-Thiện, trong đó có ông Trưởng-Tộc Phạm văn Út và vài vị khác tôi không nhớ. Họ đưa Đức Hộ-Pháp lên đường. Bà Tám ở lại một mình rất bùi ngùi.

"Trước khi ra đi, tôi có bạch với Đức Hộ-Pháp có cần để lịnh gì dạy Hội-Thánh hay không. Đức Ngài nói không và dạy tôi viết vắn tắt vài hàng báo tin rằng: "Đức Hộ-Pháp đã đi Nam-Vang rồi ... "

"Vào lối hai giờ khuya, xe ra cửa hông bên tay trái Hộ-Pháp Đường. Xe Đức Hộ-Pháp ra trước, xe chức-sắc Phước-Thiện ra sau, vẫn mở đèn sáng. Nhưng không hiểu sao tốp lính của Nguyễn Thành Phương đứng gác nơi bót trước Hộ-Pháp Đường (bót nầy nay là vùng Bá-Huê Viên) ngủ say không hay gì hết.

"Xe đi theo đường Bình Dương (nay là Đại-lộ Phạm Hộ-Pháp) ra cửa Hòa-Viện. Khi xe đến cửa Hòa-Viện, có hai em Bảo-Thể gác đêm ra mở cửa cho xe đi, rồi đóng cửa lại.

"Xe ra cửa thì rẻ tay trái đến ngã ba quẹo qua đường Nhàn-Du Khách-sạn (tức đường Ca Bảo-Đạo) tới Cửa Số 4, thì quẹo tay mặt ra Cửa Số 7, rồi đi luôn tới Mít-Một.

"Khi ngang Cửa Số 7, bót gác nơi đó gạn hỏi, Trung-Tá Thoại trả lời là xe của Ông Hồ Bảo-Đạo đi Sài gòn rồi chạy luôn.

"Khi xe chạy qua Tổng-Hành-Dinh (ở Cẩm-Giang) thấy có lính đứng gác cửa, nhưng xe vẫn mở đèn pha chạy luôn. Xe của ông Trưởng-Tộc Út chạy theo sau cũng qua êm ái.

"Qua khỏi Tổng-Hành-Dinh rồi, không khí trong xe có vẻ nhẹ nhàng. Từ đó xuống Gò-Dầu thì đường yên tịnh, nhưng vẫn còn e ngại người theo dõi.

"Đến Gò-Dầu, ban đêm lính gác cỗng không cho xe qua cầu. Giáo-Hữu Của đậu xe lại bên đường rồi nhảy xuống nhanh nhẹn, đến chào người lính gác, to nhỏ một hồi rồi bắt tay thân mật. Người lính gác đến gần xe bật đèn piles rọi trong xe để khám xét. Lúc đó, Đức Hộ-Pháp giả bộ quay qua phía Trung-Tá Thoại nói chuyện: còn tôi ngồi trân trân, đưa bộ râu cho người gác rọi đèn coi.

"Qua cầu bên kia lại gặp cỗng đóng nữa, nên Giáo-Hữu Của cũng lanh lẹn nhảy xuống bắt tay anh lính gác, nên anh nầy mở cửa cho đi liền, vì đầu cầu bên kia đã xét rồi.

"Xe qua khỏi cầu Gò-Dầu, thì mọi người đều nhẹ thở. Xe cứ tiến về phía ranh giới Cao-Miên. Một chập sau thấy đèn xe của ông Trưởng-Tộc Út theo sau. Ai nấy đền an tâm.

"Xe đến biên-giới lối 5 giờ khuya. Trời còn tối nhưng cũng có vài người gánh đồ đi bán qua lại cỗng.

"Tại biên-giới, bên quốc-gia lúc ấy chưa có đóng bót, chỉ bên Miên có bót gác khóa cỗng, chưa cho xe qua lại. Đến đó xe ngừng. Ai nấy xuống xe xả hơi và được thở nhẹ nhàng như vừa thoát khỏi cảnh ngục trần gian, mong sẽ đặng sống trong cảnh tự-do.

"Vì Giáo-Hữu Của lo giấy tờ tạm. Chỉ được cho Đức Hộ-Pháp, tôi và cô Hai Đạm mà thôi; còn ba cậu thanh-niên thì không có. Thừa dịp lính trong bót còn ngủ, Giáo-Hữu Của nói với ba cậu (Thoại, Bạch, Hiệu): "qua cỗng đi bộ trước, rồi xe sẽ theo rước".

"Ông xếp bót vì còn say ngủ không ra xét xe, nên Giáo-Hữu Của quen thuộc việc "phải quấy" vào bót gọi, ông xếp dậy, đưa giấy tờ cho ông ta xét và ghi sổ xong xuôi rồi tự mình ra mở cỗng cho xe qua.

"Khi ấy xe ông Trưởng-Tộc Út cũng theo tới. Hai đàng phải tạm biệt nhau, lòng quyến luyến bùi ngùi, nhưng rồi cũng phải chia tay kẻ đi người ở lại; nửa vui thoát vòng hắc ám, nửa buồn vì cảnh chia ly.

"Xe Đức Hộ-Pháp qua cỗng rồi, Ông Trưởng-Tộc Út quày xe trở về báo tin cho Bà Tám và mọi người hay rằng Đức Hộ-Pháp đã qua biên-giới bình yên. Đến sáng ngày, xe đến Soài-Riêng, ghé lại vệ đường đổ xăng, thấy thiên-hạ buôn bán tấp nập dập dìu, thừa dịp ta mua bắp nấu và bánh trái ăn đỡ lòng, rồi lên đường không có ghé Thánh-Thất.

"Lối 10 giờ trưa, đến Hố-Lương (tức Neak Luong), xe đậu lối 15 phút mới qua "bắc" được. Nơi bến "bắc" nầy, người ở cũng đông đúc. Phố xá cũng nhiều, buôn bán coi mòi sung túc lắm.

"Khi xe qua bên kia bờ sông, thì có ông Giám-Đạo Huỳnh Hữu Lợi ngồi xe hơi xuống chờ đón rước. Mừng rỡ nhau, ông Giám-Đạo cho xe chạy trước dẫn đường, xe Đức Hộ-Pháp theo sau. Lối 11 giờ tới Nam-Vang, ghé đền thờ Phật-Mẫu (Báo-Ân Đường) có chức-sắc, chức-việc và Đạo-hữu đông-đảo đón tiếp chào mừng. "Đức Hộ-Pháp và đoàn tùy tùng lên đãnh lễ Đức Chí-Tôn và Phật-Mẫu xong, bà Đạo-Nhơn Võ Hương Nhâm sắp đặt chỗ nghỉ-ngơi cho Đức Hộ-Pháp và mọi người trong đoàn.

"Qua ngày sau, Đức Hộ-Pháp viết thơ cho Quốc-Vương Norodom Sihanouk hay tin và xin hưởng chế-độ "lánh nạn chánh-trị". Tin ấy làm cho chánh-quyền Cao-Miên xôn xao không ít. Vì họ không biết Đức Hộ-Pháp lên Nam-Vang hồi nào và đi đường nào mà cả cơ-quan an-ninh, công-an, cảnh-sát của họ không ai biết. Báo hại, khi rõ Đức Hộ-Pháp qua biên-giới ngã Soài-Riêng, thì toàn bót gác ở biên-giới đều bị phạt đổi đi hết.

"Âu cũng là một "chuyến đi lịch-sử". Lạ lùng làm sao cho nhiều người bàn tán, như là chuyện thần-thoại ly kỳ". (Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa , "Một Chuyến Đi Lịch Sử, Tay Ninh, Thông Tin số 21 [trang 12-14] và 22 [trang 11,12,13] ra ngày 25-01- Tân Hợi [20-02-1971] )

Tóm lại: Vào đầu tháng 8 năm Ất-Mùi, vị cựu Tổng-Tư-Lịnh quân-đội Cao-Đài (Nguyễn Thành Phương), sau khi được quốc-gia-hóa ra lịnh lập Ban Thanh-Trừng, bắt nhiều đạo-hữu giam cầm. Một số thiếu-nữ trong Đạo cũng bị câu-lưu mấy tháng và ép buộc phải khai nhiều điều khiếm nhã cho Đức Ngài.

"Còn chính Đức Ngài cũng bị cầm lỏng tại Hộ-Pháp Đường, xung quanh có quân-đội võ trang canh phòng từ 20.08 Ất-Mùi (1955) đến mùng 5 tháng Giêng năm Bính-Thân (1956)". (Diễn Văn của Đức Cao Thượng Sanh đọc nhân lễ kỷ niệm Triều Thiên của Đức Hộ Pháp năm 1964)

Ban Thanh-Trừng của Tướng Nguyễn Thành Phương bị toàn Đạo lên án nặng-nề. Nguyễn Thành Danh, vừa là anh ruột, vừa là cố-vấn chánh-trị cho Nguyễn Thành Phương, đưa ra thuyết lý "khổ-nhục kế", để biểu lộ hành động nông nổi của nhóm họ.

Khổ-nhục kế là gì? Trong "Tam Quốc Chí", chuyện khổ-nhục kế nổi nhứt là lão tướng Huỳnh-Cái xin Chu-Du đánh đòn nặng mình để ông qua đầu Tào-Tháo, rồi sau đó dùng lửa đốt quân Tào Tháo trên sông Xích-Bích. Vậy chuyện ở đây, ai đóng vai Chu-Du? Ai đóng vai Huỳnh Cái? Giải-thích khổ-nhục kế, mà Nguyễn Thành Danh nói, như thế nào cho hợp lý đây? Chỉ có một câu nói cho vừa tầm vóc với hành-động tố-khổ sư-phụ của Nguyễn Thành Phương: "Đây là cuộc thanh trừng nội-bộ lớn nhứt trong lịch-sử Đạo Cao-Đài".

Trước kia, Tư Mắt Nguyễn Phát Trước tố khổ Đức Cao Thượng-Phẩm cho tới chết. Nguyễn Phan Long (sau làm Thủ Tướng) tố-khổ Đức Quyền Giáo-Tông phải thất chí mà qui Tiên. Nay thì Nguyễn Thành Phương xuyên-tạc, bôi bác Đức Hộ-Pháp phải phẩn-chí buồn lòng mà qua đời. Những tội lỗi đó được gọi là khổ-nhục kế được sao? Khổ-nhục kế để Đức Hộ-Pháp phải ra đi ư? Đó là trúng kế Ngô Đình Diệm, để Đạo mất đầu, sau đó họ đàn-áp Đạo suốt chín năm trời (1955-1963), cớ sao gọi là khổ-nhục kế? Giả thử, Ngô Đình Diệm cho mật-vụ ám-sát Đức Hộ-Pháp, hoặc bắt Đức Ngài bỏ tù, thì cố-vấn chánh-trị Ngô Đình Nhu có để cho Ngô Đình Diệm làm như thế không? Ngô Đình Nhu không bao giờ muốn chọc tay vào tổ ong có mạng lưới khắp cả Miền Nam như tôn-giáo Cao-Đài. Ngô Đình Nhu cũng không muốn đổ thêm dầu vào lửa, vì tình hình giữa chánh-phủ và Mặt-Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc-Gia đã đổ vỡ. Không cách nào hơn, Ngô Đình Nhu dùng mẹo "ném đá dấu tay". Mà người thi-hành kế là Nguyễn Thành Phương được Nhu hứa hẹn cho nhiều quyền lợi, mà chịu "nối giáo cho giặc Đạo". Người Đạo nào lúc ấy lại không biết chuyện đó, biện minh mà chi?!

Hậu-quả của cuộc thanh-trừng rất lớn, ngày 20.03 Bính-Thân, trên đất Cao-Miên, Đức Phạm Hộ-Pháp đưa ra "Bản Tuyên-Ngôn" xác nhận rõ việc lập quân-đội Cao-Đài như sau:
"Sau 5 năm 2 tháng bị đồ lưu nơi hải ngoại, Bần-Đạo để hết sức lực và tâm não đặng nghiên-cứu và thi-hành các phương-pháp bảo-vệ phong trào cách-mạng và giải ách lệ thuộc giống nòi, lại tìm phương hay bảo thủ tinh-thần dân-tộc, hầu đủ phương thống nhứt hoàn đồ, tránh nạn Nam Bắc phân tranh, nồi da xáo thịt ...
"Khi Đức Bảo-Đại về nước, chính Bần-Đạo giao trọn quyền sử dụng quân-đội Cao-Đài cho Đức Ngài điều khiển trong hàng ngũ quân lực quốc-gia. Khi Đức Ngài đi Pháp, tạm giao quân-lực ấy lại cho Bần-Đạo, trong lúc vắng mặt Đức Ngài, Bần-Đạo đã ra lịnh cho hai Chánh-Phủ Nguyễn văn Tâm và Bửu-Lộc thi-hành hợp-pháp quốc-gia-hóa quân-đội Cao-Đài. Nhưng sự thi-hành ấy vẫn kéo dài cho tới chánh-phủ Ngô Đình Diệm thọ phong toàn-quyền cũng chưa quyết-định. Bần-Đạo phải nhắc nhở và yêu cầu chánh-phủ Ngô Đình Diệm quốc-gia-hóa quân-đội Cao-Đài một cách hợp pháp. (Chính phủ Ngô Đình Diệm đã quốc gia hóa quân đội Cao Đài vào ngày 02-05-1955 )

"Bần-Đạo không buổi nào muốn giải quyết vận-mạng nước nhà với quân-lực, mà chỉ dùng phương-pháp đạo-đức, đặng đem hòa-bình hạnh-phúc cho giống nòi". Đức Phạm Hộ-Pháp giáng cơ ngày 10.03.1971, nói lên nỗi đau của tình huynh-đệ bị cấu xé: "Cái đau đớn nhứt của tình cốt nhục là tự cắt tay nhau cho thành người tàn phế".

Cái hậu-quả bao vây Tòa-Thánh bằng vũ-lực của anh em quân-đội rất trầm trọng, làm cho quân-đội trong nhà phải đối đầu nhau. Nguyễn Thành Phương chiếm đóng vùng chợ Long-Hoa đến Cửa Số 6. Đại-Tá Huỳnh Thanh Mừng đóng quân từ Núi Bà đến cửa Hòa-Viện quyết sống mái với Tướng Phương. Còn Thiếu tá Nguyễn văn Đờn kéo quân vào đóng trong nội-ô Tòa-Thánh, với chiêu bài ngăn chận hai nhóm kia. Những hành-động đó cho ta thấy quân-đội đã riệu rã phân hóa đến cùng tột. Sau đó, bản thân Nguyễn Thành Phương cũng không được Ngô Đình Diệm đền ơn đáp nghĩa gì mà còn phải ra Tòa về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Nguyễn Thành Phương cố thử uy-tín của mình lần cuối bằng cách ra ứng cử Phó Tổng-Thống liên danh với Nguyễn Đình Quát. Tại Tỉnh Tây-Ninh Phương đã thua phiếu xa liên danh Trương Đình Du, chủ trương nói chuyện với Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam. Ngày tàn của Phương, linh-cửu không được đi qua Hộ-Pháp Đường để chào sư-phụ lần cuối và cũng không được đến Đền-Thánh để hành lễ Đức Chí-Tôn. Ai tai! Đối với dân Đạo, cuộc thanh-trừng làm xáo trộn nếp sống sinh-hoạt hàng ngày và đời sống kinh-tế của nhiều người. Vì Ban Thanh-Trừng bắt bớ bất cứ ai chống báng hoặc họ nghi-ngờ trung thành với Đức Hộ-Pháp, đối với dân Đạo trước 1945. Còn đối với dân Đạo từ 1952 đến 1954, họ hăm dọa răn đe cho hồi cư về quê cũ. Nhóm trí-thức đến giúp Đạo trong thời kỳ này bỏ đi. Các cơ-sở trường học thiếu thầy giáo trầm trọng, kéo theo học sinh phải bỏ trường tản lạc khắp nơi, liu chiu lít chít như bầy gà lạc mẹ. Hậu-quả tang thương, đau buồn thái quá như thế mà bảo là "khổ-nhục kế" sao?

Tờ Thế-Đạo tháng 5.1970 lên án nhóm Thanh-Trừng gắt gao hơn cả. Điển-hình là bài
Vết cũ đừng loang
Ngày ấy Ất-Mùi hai mươi tháng tám,
Đội lốt ngưới, một bầy chồn cáo săn.
Ăn cơm Đạo bợn còn dính kẻ răng,
Quay cắn ngược bất cần ai chủ tớ.
Nhưng tất cả vẫn phẳng lì không ngạo nghễ,
Nhìn cáo chồn cùng đồng bọn cuồng điên.
Say nhăn nhố với bã lợi mồi tiền,
Làm tất cả để được lòng chủ mới.
Qua bao cuộc phế hưng dời đổi,
Bọn phản Thầy ăn dãi được bao?
Hay nhớ lại chỉ nuốt lệ nghẹn ngào!
Mới thấm bài: "Vắt chanh bỏ võ".
Đấy, đã rõ ràng thế đó,
Thiệt hư ranh giới đã chia bờ,
Đừng dại khờ bước vào dấu xe đã đổ,
Vết cũ đừng loang để Sử Đạo không nhơ!

2 - Những hoạt-động cuối đời

Với tấm lòng thương đời mến Đạo cố hữu, Đức Ngài dù sống tạm yên nơi Báo-Ân-Đường (Nam-Vang), vẫn cho tiến hành hai phương-án: một nhóm do Sĩ-Tải Bùi Quang Cao, Thiếu-Tá Thoại, Cả Bạch lập bản dự-thảo Chánh-Sách Hòa-Bình Chung Sống. Nhóm thứ hai do Giám-Đạo Huỳnh Hữu Lợi và các chức-sắc thuộc Hội-Thánh Ngoại-Giáo lo vật liệu xây cất Báo-Ân-Đường vì phần đất Báo-Ân-Đường cũ bị nhà cầm quyền Cao-Miên trưng thu vào lợi-ích công-cộng. Không mấy tháng, nhờ công thợ Tòa-Thánh sang, ngôi đền thờ đã xây xong về cơ-bản, chỉ còn đổ la-phông và nóc là hoàn tất.
Ngày 26.03.1956, Đức Hộ-Pháp ban hành "Chánh-Sách Hòa-Bình Chung Sống"; do dân, phục-vụ dân, lập quyền dân. Cương-lĩnh gồm ba điểm chánh-yếu:
1 . Thống nhất lãnh-thổ và khối dân tộc Việt-Nam với phương-pháp ôn-hòa;
2 . Tránh mọi cách xâm phạm nội-quyền Việt-Nam;
3 . Xây dựng hòa-bình hạnh-phúc và tự-do dân-chủ cho toàn dân.

Chánh-sách nầy không làm ngăn trở một chánh-quyền nào, mà cũng không tranh lấy chánh-quyền, không chống báng chánh-quyền, cốt chỉ để cứu nhơn-loại khỏi vòng tội lỗi giết hại lẫn nhau. Đúng với tiêu-chuẩn nhơn nghĩa của một Tôn-giáo. Sở dĩ, Đức Phạm Hộ-Pháp tuyên ngôn "Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống" (ngày 26-3-1956) là vì hai khối cộng sản và tư bản đấu tranh càng quyết liệt. Trong nước, chánh quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại hiệp định Génève, từ chối hiệp thương với chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về việc tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam, nhằm phân chia lâu dài là một thiệt thòi lớn cho con Hồng cháu Lạc.
Home        1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét