Vì các điều-khoản
đó mà chính-phủ Pháp mới trả tự-do cho Đức Hộ-Pháp. Khởi đầu Giáo-Sư Thượng
Vinh Thanh (tức Trần Quang Vinh), ngày 16.08.1946 đến gặp Ủy-Viên Cộng-Hòa
Nam-Kỳ Cédile và Đổng-Lý Văn-phòng Frémolle bàn-tính việc rước Đức Hộ-Pháp,
bằng máy bay để tỏ sự kính trọng đối với vị lãnh-đạo một Tôn-giáo lớn.
Ngày 20.08.1946, nhà cầm-quyền
Pháp báo cho Đạo
biết chuyền tàu Ile De France cập bến Vũng-Tàu, trong đó có
Đức Ngài. Giáo-Sư Thượng Vinh Thanh vội ra châu-tri cho toàn Đạo hay đặng
chuẩn-bị đón rước. Nhưng sau đó được tin mới, trên tàu Ile De France sắp cặp
bến, không có Đức Hộ-Pháp và chưa rõ ngày nào về. Vì lẽ đó Pháp cho một ít
người tuyên-truyền rằng: Pháp không biết bao giờ thả Đức Phạm Hộ-Pháp. Mục-đích
của nhà cầm-quyền Pháp là tránh dân Đạo tụ-tập đông-đảo mất an-ninh.
Chiều ngày 21.08.1946,
được tin chuyến tàu Ile De France đã cập bến Vũng-Tàu (Cap Saint Jacques) trong
đó có Đức Hộ-Pháp. Nhà cầm-quyền Pháp chuẩn-bị đi rước bằng máy bay từ Cấp về
Sàigòn.
09 giờ 20 sáng ngày
22.08.1946, phi-cơ cất cánh tại phi-trường Tân-Sơn-Nhứt, phái-đoàn gồm có
Giáo-Sư Thượng Vinh Thanh, ông Frémolle, Đổng-Lý Văn-Phòng của ông Cédile,
Ủy-Viên Cộng-Hòa Nam-Kỳ, ông Bazin, Sĩ-quan Cò mật-thám. Khi đến Cấp, phi-cơ
bay lượn ba vòng trên chiếc tàu Ile De France rồi mới đáp xuống phi-trường
...Nơi đó đã có quan Chủ-Tỉnh Cap Saint-Jacques, M. Ropion, chờ tiếp đón. Rồi
cả thảy lên xe hơi xuống bến tàu. Khi gặp mặt Đức Phạm Hộ-Pháp, ai nấy đều mừng
rỡ. Riêng ông Frémolle, thì ôm lấy Đức Ngài mà tỏ tình tri ngộ, vì lúc ở Mã-Đảo
hai người đã quen biết nhau. Kế đến là quan tư Pháp Désanges và phu-nhơn, người
có phận-sự đưa Đức Hộ-Pháp từ Mã-Đảo đến Sàigòn gặp Phái-đoàn. Sau khi thủ tục
hành chính thông thường xong, thì phái đoàn đưa Đức Ngài xuống tàu nhỏ trở vào
đất liền.
Ông Chánh Chủ-Tỉnh, M.
Ropion rước Đức Ngài và phái-đoàn về tư dinh đãi buổi cơm trưa. Sau đó, Giáo-Sư
Thượng Vinh Thanh thuật lại giai-đoạn mà Đức Ngài bị nạn (1941-1946). Nào là
Tòa-Thánh bị chiếm, chư chức-sắc phải hành-đạo ở Kiêm-Biên (hạ tuần tháng 3 năm
Nhâm-Ngọ, 1942), hiệp tác với Nhật-Bản (1.12 Nhâm-Ngọ), ở hãng tàu Nitinan và
Nội-Ứng Nghĩa-binh (1.01 Ất-Dậu), lập Cao-Đài Tham-Mưu Quân-Sự Vụ, hiệp tác với
Mặt-Trận Việt-Minh, tới thoả ước ngày 9.06.1946. Riêng Thỏa-ước thì Đức Ngài có
vẻ trầm ngâm, khá lâu rồi mới nói: "Luật công-bình thiêng liêng của
Tạo-Hóa, dầu muốn dầu không cũng không thể sửa cãi đặng ..., còn thiếu 2 năm 10
tháng mới may ra giải khổ ách cho dân tộc Việt-Nam dứt đặng ..."
Ý Đức Ngài muốn nói: hoàn
cảnh thúc-bách đã tạo ra quân-đội, nhưng cũng là cái nạn mà Ngài phải lưu vong
sau nầy, nhận thay cái khổ cho nhân-sanh. Đức Ngài đã biết trước mọi lẽ, nhưng
không thể cãi lại luật Thiên-điều.
Tín-đồ các nơi tấp nập kéo
đến thăm Đức Ngài. Đức Ngài giang tay tiếp từng người để tỏ lòng trìu mến. Đức
Ngài ngùi ngùi kể lại những năm dài lao khổ nơi hải ngoại, mà các Đấng lúc nào
cũng giáng cơ an ủi Đức Ngài. Tiếp đó là Giáo-sư Thượng Vinh Thanh và bổn bộ
lần lượt kể lại tất cả sự việc 5 năm qua, buồn vui lẫn lộn.
Ngày 30.08.1946, toàn Đạo
và chánh-phủ làm lễ rước Đức Hộ-Pháp về Tòa-Thánh. Đoàn xe gồm 5 chiếc của Đạo và
7 chiếc của Pháp, nhưng chỉ có 5 chiếc của Đạo mới đưa về tới Tây-Ninh.
Khi gần tới Tây-Ninh, thì
có Chủ-Tỉnh Tây-Ninh ra nghinh tiếp và vào dinh Tỉnh-trưởng đàm luận. Sau đó
đoàn xe tiếp tục về Tòa-Thánh đúng 12 giờ trưa. Chức-sắc Hiệp-Thiên Đài và Cửu
Trùng Đài với toàn thể tín-đồ nam nữ đã xếp hàng dày đặc hai bên đường nghênh
tiếp Đức Ngài. Xe vừa ngừng, Đức Ngài xuống xe bước vào cửa Đền-Thánh, Đức Ngài
quá cảm động khi đối diện người xưa cảnh cũ đến nỗi không ngăn được dòng lệ cảm
hoài. Các chức-sắc thấy thế cũng chan hòa đồng nhịp tuông châu thương hận.
Tiếng Đại Hồng Chung đổ hồi mừng người xưa trở lại. Người người trật tự đi sau
lưng Đức Ngài bước vào Bửu-điện đảnh lễ Đức Chí-Tôn. Sau đó, Đức Ngài qua
Giáo-Tông Đường làm lễ Đức Quyền Giáo-Tông, đoạn xuống phòng khách dự chứng
cuộc tiếp-nghinh. Ngài Bảo-Thế Lê Thiện Phước đại diện cho Hiệp-Thiên Đài,
Giáo-sư Thượng Vinh Thanh đại-diện cho Cửu Trùng Đài và một Sĩ-quan Pháp đại
diện cho Chính-Phủ Bảo-hộ, mỗi người đọc một bài diễn-văn để chúc mừng. Sau
cùng, Đức Ngài đáp từ và tuyên-bố về chủ trương của Đạo Cao-Đài.
Bữa tiệc mừng ngày hồi
loan của Đức Phạm Hộ-Pháp bắt đầu trong bầu không khí vui tươi cởi mở. Tất cả
đều hướng về Đức Ngài trông đợi những ngày thanh bình thạnh trị.
Sau đó Đức Cao Thượng-Sanh
đến thăm Đức Ngài, có lưu một bài thơ cảm tác như vầy:
Cảm Tác
Nhành lá rừng tòng đã điểm tươi,
Còn non còn nước lại còn người.
Xa nhà bỏ lúc thương pha hận,
Gặp bạn này khi khóc lộn cười.
Nguồn Đạo xưa trong đôi cảnh nghịch,
Thuyền từ nay lướt một dòng xuôi.
Trời Nam thử điểm trang tân-sử,
Đổ lệ cùng nhau gượng
để lời.
Cao Thượng Sanh
Họa Vận
Sắc son nhuộm tánh đậm màu tươi,
Hay dỡ khen chê để miệng người.
Đày đọa xét thân không hổ thẹn,
Sang vinh nghĩ phận quá buồn cười.
Vó ký từng trải đường nguy hiểm,
Cánh hạc quen chìu gió ngược xuôi.
Ước trả mảy may ơn xã tắc,
Nợ muôn đền một kể chi lời.
Đức Hộ-Pháp
Lại Họa Vận
Màu xe Tây vức ngắm thêm tươi,
Hỏi khách Hổn-ngươn đặng mấy người.
Ly hận ngày qua, non ngó khóc,
Trùng hưng buổi hiện, gió reo cười.
Cơ huyền trí tịnh tan rồi hiệp,
Phép Tạo tay cầm ngược cũng xuôi.
Tỏ đặng nỗi mừng chia hạnh-phúc,
Đá kia cũng gật để nên lời.
Cao Tiếp-Đạo
Đức Cao Thượng-Sanh ở lại
để cúng Rằm và dự lễ Hội-Yến Diêu-Trì Cung, bà Bát Nương giáng cơ cho Đức
Hộ-Pháp thi:
THI
Đào nguyên lại trổ trái hai lần,
Ai ngỡ Việt thường đã thấy Lân.
Cung-Đẩu ví xa gươm Xích-quỷ,
Thiên-Cung mở rộng cửa Hà-ngân.
Xuân-Thu định vững ngôi lương tể,
Phất-Chủ quét tan lũ nịnh thần.
Thổi khí vĩnh sanh lau Xã-tắc,
Mở đường quốc thể định Phong-vân.
Bát Nương
Họa Vận
Chông gai đường Đạo mãng dò lần,
Từ bước ta bà trở cố lân.
Biển Bắc vừa nghe hơi súng nổ,
Gành Nam kế lóng tiếng chuông ngân.
Buồm thuyền tế độ sang mơ mộng,
Gió hạc chiêu Tiên giục định thần.
Cam lộ kìa ai dành để sẵn,
Cành Dương rửa sạch nét phù vân.
Đức Hộ-Pháp
Lại Họa Vận
Dựng gầy xã tắc bấy nhiêu lần,
Mong mõi vùng Nam đặng thấy Lân.
Đãnh Việt Trời che gìn cảnh trí,
Thuyền Nam Đạo vững lướt dòng ngân.
Đài hoa tạc để gương anh kiệt,
Thiên khiển dành riêng đám tội thần.
Gặp phải nước nhà cơn loạn lạc,
Làm trai tua vẹn trí thanh vân.
Cao Thượng Sanh
Sau khi Đức Phạm Hộ-Pháp
hồi loan, ông Lễ-Sanh Thượng Tý Thanh vào viếng sư phụ. Đức Ngài nhìn ông rồi
hỏi: "Sao mấy em cắt tóc ngắn hết vậy?" Ông Tý trình rằng: Khi vào
làm hãng tàu Nitinan, Nhật buộc phải cắt tóc. Các ông có cầu cơ được Đức Lý
chuẩn thuận. Đức Ngài chuyển sang việc Nội-Ứng Nghĩa-binh tham gia đảo chánh
ngày 9.03.1945. Đức Ngài nói: "Các em tham gia đảo chánh, thì tự nhận
tương lai của mình, không em nào được vào lịch kỷ-niệm của Đạo, giống như
chuyên viên đảo chánh Khương Thái Công, cũng không được vào lịch kỷ niệm".
Ai cũng biết, quân đội Cao-Đài do ông Trần Quang Vinh lập từ Nội-Ứng Nghĩa-Binh
(1945), trước khi Đức Hộ-Pháp được trả tự do. Thế nên Đức Ngài minh định:
"Chỉ có quân đội Cao-Đài thi hành những điều đã ký với Pháp, còn toàn thể
Đạo đứng trung lập. Văn thơ số 115/HP-TTVP đề ngày 17.01.1949 gởi cho Thượng-sứ
Pháp và Đại-Tướng Blaizot, Tư-Lệnh quân đội Pháp tại Đông-Dương, Đức Ngài đã
viết rõ: "Sự hiện diện của những tổ-chức quân-lực Cao-Đài của chúng tôi đã
đến giai đoạn không còn cần thiết nữa. Chúng tôi để cho nhà binh Pháp tự do
định liệu ngày giờ để chúng tôi giao hồi khí giới, ước mong được sớm ngày nào
tốt ngày ấy". Chân dung Đức Hộ-Pháp trong những năm bị lưu đày, thể hiện
rõ tư tưởng đại-đồng, yêu thương nhân-loại. Đức Ngài đã giúp dân Malgache cãi
thiện cuộc sống và thân hữu với kẻ địch. Ngoài lòng yêu dân (Ngài có bút hiệu
là Ái-Dân) còn nhớ cố hương trong những lúc rảnh rổi, Đức Ngài trò chuyện với
ông Nguyễn Thế Truyền rất là tâm đắc.
Ông Truyền kể cho Đức Ngài
về hoạt động của nhóm Ngũ Long (Phan văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái
Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An-Ninh) trong những năm đầu của thế kỷ hai
mươi này ở Pháp. Ông Truyền cho biết ông Nguyễn Ái Quốc có tình yêu nước nồng
nàn và mãnh liệt, nhất định phải giải phóng dân tộc Việt-Nam khỏi ách đô-hộ của
thực-dân Pháp.
Nhờ đó, hai ông thân nhau
và lập ra nhóm Ngũ Bạch. Rồi cầu cơ, Đức Lý giáng cơ thu nhận ba nhà cách mạng
vào hàng Bảo-Quân. Xem thế dù hoàn cảnh khó khăn nào, Đức Ngài luôn phổ-độ
chúng sanh như lời nguyện.
PHOTO
- Tòa-Thánh khởi
công xây năm 1933
- Khánh-Thành năm
1955
- Miền Bắc Mã-Đảo
(Theo Larousse Universel,
2è volume, page 121) Đường biệt xứ: Cảng Nhà Rồng > Diego Suarez >
Comores > Nosy Lava, 1946)
- Chân-dung Phạm Hộ-Pháp
CHƯƠNG
VI
Vai Trò Của Đức Hộ-Pháp
Trong
Thể-Pháp và Bí-Pháp
(1947 -
1951)
1 - Phương
luyện-kỷ và phép trị tâm
Thiên-chức của Đức Hộ-Pháp
là giáo dân qui thiện. Thế nên, trong hoàn cảnh khó khăn nào, Đức Ngài vẫn dành
nhiều thời giờ để giáo-hóa tín-đồ đạt pháp.
Ngày 14 tháng giêng năm
Đinh-Hợi (1947), Đức Ngài đã ban hành Đạo-lịnh 209-HP chỉ dẫn về Phương
Luyện-Kỷ Đặng Vào Con Đường Thứ Ba Đại-Đạo (tức luyện-kỷ, tu đơn, thiền định).
Nhớ lại từ 14.01.1926, Đức Chí-Tôn đã truyền Tân-Pháp tu chơn cho Đức Ngài và
nay Ngài truyền lại cho nhơn-sanh. Tại vì không tìm hiểu tận nơi mà có người
cho là Tòa-Thánh Tây-Ninh chỉ có tịnh-thất cho tín-đồ mà không có lý pháp tu
tịnh cho chức-sắc (Đồng Tân, Lịch Sử Đạo Cao Đài [quyển II). Sài gòn 1972,
trang 402 ). Đức Chí-Tôn đã dạy: "Phải bày bửu pháp ra không đặng dấu
nữa" (Thánh ngôn Hiệp Tuyển, Q. I, trang 13 ). Việc luyện Tinh, Khí, Thần
đã truyền ra rồi (Xin xem: Trường Đường Tinh Khí Thần, "Quan Niệm Tu
Chơn" ) cứ theo đó mà hành pháp "Dầu không Thiên-phong hễ gắng tâm
thiện niệm cũng đạt hồi đặng" (Thánh ngôn Hiệp Tuyên đầu đêm 17-9-927 ).
Dưới đây là Đạo lịnh
209-HP Đức Phạm Hộ-Pháp đã ban hành công khai:
Phương Luyện-Kỷ
Đặng vào con đường thứ ba
Đại-Đạo
Phải biết thân thiết cùng
cả nhơn vật, tức là tìm nguyên do của Vạn-Linh cùng Chí-Linh.
Phải ân-hậu và khoan hồng.
Phải thanh-nhàn, đừng vị
kỷ.
Phải bình-tĩnh, nghĩa là
đừng chịu ảnh-hưởng của họa, phước, buồn, vui (tập tánh không không đừng nhiểm,
vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh).
Phải độ-lượng, khoan dung,
tha thứ.
Phải vui vẻ, điều hòa, tự
chủ và quyết-đoán.
Giữ linh-tâm làm căn bổn.
Hiếu-hạnh với Đức Chí-Tôn
và Phật-Mẫu.
Phương Pháp Trị Tâm
Vì Tâm là Hình-ảnh của
Thiên-Lương
1. Đức tin và khôn-ngoan
là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ, là đồ vô giá.
2. Ai đã cố oán kẻ thù của
mình thì khó giữ thanh tâm công chánh cho đặng.
3. Ai chẳng oán hận mới thắng
đặng kẻ thù nghịch cùng mình.
4. Sự cừu hận là khối thảm
khổ đệ nhứt của nhơn-sanh, nên người hiền thì không biết đến hay là từ bỏ
cừu-hận oán ghét.
5. Thắng đặng khí nộ mình,
thì không chọc ai giận dữ.
6. Lấy thiện mà trừ ác.
7. Lấy nhơn-nghĩa trừ bạo
tàn.
8. Lấy lòng quãng-đại đặng
mở tâm lý hẹp hòi.
9. Lấy chánh trừ tà. Ấy là
đường thương Huệ Kiếm.
Luyện Thân, Luyện Trí
Ẩm thực tinh khiết.
Tư tưởng tinh khiết.
Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Đức
Chí-Tôn, Phật-Mẫu.
Thương yêu vô tận.
Ấy là chìa khòa mở cửa
Bát-Quái Đài tại thế nầy.
Ngày 14 tháng Giêng năm
Đinh-Hợi (1947)
Hộ-Pháp
(ấn ký)
Phương-pháp trị tâm của
Đức Hộ-Pháp nói gọn là Pháp Tâm hay Đạo Tâm. Vào cửa Đạo đi tu là cố gắng tĩnh
lặng cái tâm "Nhân chi sơ tánh bản thiện" của ta. Bởi lẽ, tâm dẫn đầu
hết thảy mọi hành động. Khi sinh hoạt theo hướng tham sân si, nhỏ mọn,
trách-cứ, lo âu, sầu muộn ..., đó là ác tâm. Khi lòng ta rộng lượng, vị tha,
hoan hỉ, thương người, đó là các tâm chơn-chánh: Đạo-Tâm. Nếu tâm còn bợn đục,
thì phải tẩy tâm, soi rọi lại lòng mình mà hồi quang phản chiếu để minh tâm
kiến tánh.
Đức Phật-Mẫu đã dạy trong
bài Kinh Cửu Cửu:
Cung Trí-Giác trụ tinh-thần,
Hườn hư mầu-nhiệm thoát trần đăng Tiên.
Muốn hườn hư giải thoát
đặng đăng Tiên, thì trí tuệ phải giác ngộ nhờ luyện Tinh Khí Thần hiệp nhứt.
Tất cả mọi Tịnh-thất trong Đạo Cao-Đài đều chú trọng đến việc trau giồi cái
tâm: trí-giác, trí-tuệ, vạn pháp. Muốn trau giồi cái tâm, phải tu luyện, đọc
sách Thánh Hiền, không đọc sách dễ dẫn ta đến bến mê sai lầm. Chỉ có bậc thượng
căn như Huệ-Năng Lục Tổ, không biết chữ mà quán thông Đạo pháp, mới được tôn
sùng là bậc Đại Giác-Ngộ. Còn kẻ phàm phu phải tẩy tâm, rửa sạch bợn trần, giúp
tâm thanh-tịnh phát huệ. Được như thế, mới đáp lại nhận-định của một người nước
ngoài: "Đạo Cao-Đài bao dung mọi tôn-giáo, thuận-lý với khoa-học".
Ta xem "Phương Pháp
Trị Tâm" của Đức Phạm Hộ-Pháp so sánh thấy phù hợp với "Thập Mục Ngưu
Đồ" (Mười bức tranh chăn trâu, ngụ ý dạy về tu chơn). Mười bức tranh nầy
vẽ trong Chánh-Điện Chùa Tam Tông Miếu (tức chi Minh-Lý trong Ngũ Chi Đại Đạo).
- 1 . Thập Mục Ngưu Đồ (TMNĐ).
- 2 . Phương-Pháp Trị Tâm (PPTT).
Ta thấy cả hai đều có 10
câu, 10 đề-tài (mười bức họa) như sau:
1. - TMNĐ: Tìm trâu (tầm
ngưu)
- PPTT: Thanh tâm công
chánh
2. - TMNĐ: Thấy dấu trâu (kiến
tích)
- PPTT: Thắng đặng mình
3. - TMNĐ: Thấy trâu (Kiến
ngưu tức thấy tâm mình)
- PPTT: Từ bỏ cừu hận
4. - TMNĐ: Được trâu (đắc
ngưu)
- PPTT: Thắng đặng khí nộ
(thì được tâm mình)
5. - TMNĐ: Chăn trâu (mục
ngưu)
- PPTT: Lấy thiện mà trừ
ác
6. - TMNĐ: Cưỡi trâu về
nhà (kỵ ngưu qui gia)
- PPTT: Lấy nhơn nghĩa trừ
bạo tàn
7. - TMNĐ: quên trâu còn
người (vong ngưu tồn nhơn)
- PPTT: Đức tin và
khôn-ngoan là kho chí-bửu
8.- TMNĐ: Người trâu đều
quên (Nhơn ngưu câu vong)
- PPTT: Lấy lòng quãng đại
9. - TMNĐ: Buông tay vào
chợ
- PPTT: Lấy chánh trừ tà
10. - TMNĐ: Phản bổn hườn
nguyên
- PPTT: Ấy là đường thương
Huệ Kiếm.
Mười bức tranh vẽ trâu
(chỉ cái tâm), ý nói "Bạch Ngưu Xa" tức Phật-Thừa, là cái đại
viên-giác, tu đốn-ngộ. Bức tranh 1 "Tìm Trâu", trâu đâu mà tìm? Trong
phút giây khác thường nào đó, ta nghi ngờ những điều tai nghe mắt thấy, tức
nghi ngờ cái chánh tâm ta. Khi ta hỏi tâm ở đâu, chẳng khác nào ta hỏi trâu ở
đâu? Trong khi chính ta đang cưỡi trâu. Ta đi tìm cái tâm. Rốt cuộc tâm ở nơi lòng
ta. Ta chỉ cần dừng lại, nó hiện ngay trước mắt ta. Nếu loài người biết dừng
lại (định tâm suy nghĩ) trong vài phút thôi, thì thế gian nầy không đến nỗi
buồn thảm.
Sau giai-đoạn ngoại cầu,
đến giai đoạn tư-trị, tự giác. Khi người và trâu đều quên (nhơn ngưu câu vong),
thì nơi chân trời hiện lên mặt Trời huệ, tượng trưng bằng vòng tròn vô-vi
Viên-Giác. Đó là Tâm Không, đạt Đạo rồi!
Trở về ngôi vị cũ với bức
họa 9 nhan đề: Phản bổn hườn nguyên. Vẽ cảnh lá rụng về cội, nước chảy về
nguồn. Từ nguyên thủy, con người vốn thanh tịnh, vốn là không, nên chỉ cần hiểu
thấu tánh mình là hườn nguyên.
Mười bức tranh trâu và 10
phương-pháp trị tâm có thể tóm gọn một câu: Vô tâm Đạo dễ tầm (Vô tâm Đạo dị
tầm). (Xem thêm mục 7 & 8, cùng chương này )
2 -
Cao Đài Quốc Đạo
Từ ngày 12.08 Bính Dần
(18.09.1926), Đức Chí-Tôn tiên-tri Cao-Đài sẽ là Quốc-Đạo tại Việt-Nam. Nhiều
người muốn biết ý nghĩa về hai chữ Quốc-Đạo. Thế nên, ngày 30.07 Đinh-Hợi
(1947), Đức Hộ-Pháp bắt đầu giảng về sự giáng trần của Đức Chí-Tôn. Đức Ngài nói:
"Trên Thế-giới có ba Đền Thờ Chí-Tôn:
- Đền thờ
Lama (Tibet)
Đền thờ Rome
(Vatican),
Đền thờ
Cao-Đài (Tòa-Thánh Tây-Ninh". (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyển I,
Tây Ninh 1970, trang 57-58 )
Đêm 30.09
Đinh-Hợi (1947), Đức Ngài giảng Quốc-Đạo và Đại-Đồng Thế-Giới. Đức Ngài nói:
"Hai
chữ Quốc-Đạo lần đầu Chí-Tôn viết ra làm cho Bần-Đạo mờ mịt ... Bần-Đạo 35
tuổi, Chí-Tôn biết Bần-Đạo khao khát nên đem cho tinh thần ấy ... Vì Thiên-Hạ
nói rằng Việt-Nam không có Đạo (Từ thuở nước Nam chẳng Đạo nhà) ...
"Nước ta nào là bóng
chàng, đồng cốt, ông tà, ông địa làm cho nhơ nhuốc tinh thần Đạo-giáo. Bần-Đạo
uất ức về những điều đó. Ngày Chí-Tôn tình cờ đến ... Ban đầu làm bạn thân, sau
xưng thiệt danh, Ngài biểu Bần-Đạo phế đời theo Thầy lập Đạo ...
Bần-Đạo thưa: "Thưa
Thầy, Thầy biểu con làm Lão Tử hay Jésus, Thích-Ca con làm cũng không đặng. Con
chỉ làm Phạm Công Tắc mà thôi."
Ngài trả lời: "Tắc,
thảng như Thầy lấy tánh Phạm Công Tắc mà lập giáo con mới nghĩ sao? Bần-Đạo
liền trả lời: "Nếu đặng vậy ...". Ngài liền nói: "Thầy đến lập
cho nước Việt-Nam nầy một Quốc-Đạo."
"Được nghe nói một
điều mà mình thèm ước, nên Bần-Đạo không từ chối ... Ngài cho một bài thi:
"Từ đây nòi giống
chẳng chia ba, tức không chia ra ba Đạo (Nho, Thích, Lão), chớ không phải ba kỳ
(Nam Trung bắc).
"Thầy hiệp các con
lại một nhà: Thầy nắm chủ quyền hiệp Tam Giáo, nếu nói riêng nòi giống ta là
hiệp Nam Trung Bắc thì vô lý lắm.
"Nam Bắc cùng rồi ra
ngoại quốc: Nền chơn-giáo Quốc-Đạo không phải của ta thôi mà còn của toàn
nhơn-loại. Truyền-giáo Nam Bắc thành tướng rồi ra ngoại quốc, tức là Tôn-Giáo
hoàn cầu vậy.
"Chủ-quyền Chơn Đạo
một mình ta: Ngài vi chủ cả năm châu về tín ngưỡng, qui nhứt Tam Giáo. Chính
Chí-Tôn là chúa-tể Càn-Khôn Thế-Giới, làm chúa nền chánh-giáo tại nước Nam vi
chủ tinh thần loài người tức đủ quyền năng lập Quốc-Đạo ...
"Chí-Tôn nói rằng:
"Quốc-Đạo nầy Ngài qui tụ tinh thần đạo đức, trí thức toàn nhơn loại ...
Cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết đặng đem Quốc-Đạo làm môi giới đại đồng
thế-giới". (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyển I, Tây Ninh 1970, trang
87-88 )
"Vậy hai chữ Đại-Đồng
là gì? Bạn đồng sanh, nhìn nhau
hiệp một trong nguyên-căn gọi là Đại-Đồng. Thuyết Đại-Đồng ngày nay thể hiện ra
sao? Cung kính, tôn trọng, quý hóa mạng sanh vạn loại. Loài người đứng phẩm tối
cao tối trọng, thay thế hình ảnh
Chí-Tôn, có quyền làm chúa Đại-Đồng ... thuyết Đại-Đồng kết quả được là khi nào
lấy thuyết hữu thần duy tâm làm môi giới chung, trong sự yêu ái tôn trọng nhau
trong tình anh em đồng một căn cội, một máu thịt. Vì cớ, các Đấng giáng cơ bên
Âu-Châu nói: "Loài người sẽ đạt được địa-vị tối cao tối trọng mà họ mong
muốn, khi loài người chỉ có Một nòi
giống, một Quốc-Gia, Một Tôn-Giáo. Ngày nào loài người đạt được ba điều ấy thì Thế-Giới Đại-Đồng." (Lời Thuyết Đạo của
Đức Hộ Pháp , quyển I, Tây Ninh 1970, trang 105-106 )
Kể từ mồng 1 tháng 4 năm Mậu-Tý (1948), Đức
Hộ-Pháp triển khai Thánh-Giáo của Đức Cao-Đài dạy về "Nam phong, Nhơn-phong".
"Theo bài thi của Đức
Chí-Tôn cho Hoàng-Đế Bảo-Đại, có hai câu yếu trọng:
Quốc-Đạo kim triêu thành
Đại-Đạo,
Nam-phong thử nhựt biến
Nhơn-phong. (Xem "Quốc Đạo Nam Phong )
Đức Chí-Tôn muốn nói với
Bảo-Đại về nền Quốc-Đạo (Nho Thích Lão) ngày nay đã thành Đại-Đạo (tức vạn
giáo). Câu thứ nhì "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong", chữ Phong
đây là phong tục. Chí-Tôn muốn phong tục nước Nam sẽ làm nền cho phong hóa của
loài người.
Chí-Tôn vì quá thương mà
nói? Chúng ta phải coi nền Quốc-Đạo có sẽ trở nên nền tôn-giáo của toàn cầu
chăng? Và phong-hóa của chúng ta có thể thay thế phong-hóa của cả nhơn-loại
chăng?
... Chúng ta có lịch-sử
bốn ngàn năm tranh đấu cho tự do, độc-lập không chịu tùng mạng lịnh của Trung
Hoa ... Chúng ta phải chịu ảnh hưởng trọng hệ hơn hết của hai nền tôn-giáo
Trung-Hoa và Ấn-Độ. Hai khối tinh thần ấy hiệp nhau lại làm một nền
tôn-giáo" (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyển II, Tây Ninh 1973, trang
44,49,50,53,55 )
Thật vậy, triết-gia
Charles Renouvier cũng kêu gọi đồng bào ông hãy quay về tôn thờ triết học
Đông-Phương. (Dẫn bổ Schawb trong Renaussances Orientales, Paris Payot, trang
104 )
. "Luồng tư tưởng lớn
Ấn-Độ nằm trong Bà-La-Môn-Giáo và Phật-Giáo. Luồng tư tưởng lớn Trung-Hoa nằm
trong Lão-Giáo và Khổng-Giáo. Đặc biệt nhứt là cả hai luồng tư tưởng lớn nầy
đều hướng về Việt-Nam, tập trung nơi đây, thăng hoa và phát triển đến cao độ,
khiến nước nầy có cái thế vươn mình xa rộng khắp Đông-Nam-Á". (Helmuth de Glassenapp, les cinq grandes
Religions du Monde, Paris 1954, trang 255 )
"Nước Việt-Nam trên mãnh đất phì nhiêu nên
tổ phụ ta biết trọng sanh mạng con cái của Trời, biết nhận nhơn-loại là anh em,
là cốt nhục, đồng chủng, biết câu "Tứ hải giai huynh đệ" ... Bất cứ
Tôn-giáo nào đến nước Việt-Nam thì tổ phụ ta đều kính trọng tôn sùng. Lòng mộ
đạo của tổ phụ ta do lấy lương thiện làm căn bản, lấy nhơn nghĩa làm môi giới,
cái sự tôn trọng của tổ phụ ta hiển nhiên ... "Nền nhơn nghĩa của chúng ta
có thể làm môi giới cho các chủng tộc trên thế-giới. Đạo nhơn nghĩa của chúng
ta là một căn bản của Quốc-thể và có thể thành Quốc-Đạo được". (Lời Thuyết
Đạo của Đức Hộ Pháp , quyển II, Tây Ninh 1973, trang 44,49,50,52,55 )
Nhân sinh nhật của Ngài
năm đó, Đức Ngài giảng tiếp về Nam Phong "Thời kỳ nầy Chí-Tôn đến lấy Nho
tông để chuyển thế và thi thố cho toàn cầu vạn quốc một triết lý tối tân, đặng
chỉnh đốn sửa đương những tệ tục đồi phong của nhơn-loại mà thay vào thánh chất
..." (trang 50).
"Đạo Nho có Thất Thập
Nhị Hiền và Tam Thập Lục thiện Đồ-đệ. Chí-Tôn lập Hội-Thánh có nhứt Phật, tam
Tiên, tam thập lục Thánh, thất thập nhị Hiền và tam thiên Đồ-Đệ. Rõ ràng là
Hội-Thánh của đạo Nho đó" (trang 52).
"Chúng ta thấy Đạo
nhơn luân của các sắc dân trên mặt địa cầu buổi nầy đã nghiêng đổ và lung lạc.
Nhứt là bên Âu-Châu, đạo nhơn luân của họ tồi tệ quá thường ... Hại thay! Trải
qua tám chục năm nay, những tính yêu nghiệt ấy lại truyền sang nòi giống ta.
Đạo nhơn luân đã vậy, tinh thần con người không còn biết nhơn-phẩm, nhơn cách
gì nên hạt giống yêu nghiệt biến sanh ra mãi thôi. Thành thử, nhơn loại ngày
nay quá bạo ngược tương tàn, tương sát lẫn nhau, người đối với người còn dữ tợn
hơn thú đối với thú nữa. Cha không xứng phận cha, con chẳng biết đạo con, anh
chẳng ra anh, em chẳng ra em. Chồng không nên chồng, vợ không đáng vợ. Nền luân
lý của nhơn-loại trên mặt địa cầu nầy không còn khuôn phép gì hết.
"May thay! Đạo nhơn
luân của tổ-phụ chúng ta lưu lại, dầu bị ảnh hưởng văn-minh ngoại bang làm ô
uế, nhưng nhờ Đức Chí-Tôn đến phổ truyền nền Chơn-Giáo của Ngài có thể sửa
đương và làm khuôn mẫu cho toàn các sắc dân trên mặt địa-cầu nầy bắt chước
nữa" (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyểnI I, Tây Ninh 1973, trang 55,
67, 68 ).
"Bần-Đạo xin nói
trước rằng nó tốt đẹp không gì bì đặng. Hại thay! vì quốc dân xu hướng theo vào
mệnh tân thời, muốn phế bỏ nó, nên đức Thanh-Sơn đề thi trị báo rằng:
"Văn hiến bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công?".
Nền văn hóa nước ta đạt
được trải qua bốn ngàn năm, không cần ai dâng công tạo văn hiến khác" (Lời
Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, quyểnI I, Tây Ninh 1973, trang 44,49,50,52,55 )
. Tinh thần đó đã thể hiện
qua việc tôn thờ cụ Trạng-Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, có Victor Hugo và Tôn Trung
Sơn hầu hạ, có thể coi như là một biểu hiện của tinh thần vị quốc trong lãnh
vực tôn-giáo"(TAÏP CHÍ ĐAÏI TRƯỜNG, "Vị trí Đại Việt Trong Lịch Sử
Việt Nam". Sài gòn, Tập san Sử Địa, Số 4 - 1966, trang 90 ).
Thật vậy, Đức Thanh-Sơn
tiêu biểu cho nhơn cách người Việt-Nam, tập trung nơi Người thuyết Tam Giáo
đồng nguyên, phù hợp với chủ trương Tam Giáo qui nguyên của Đạo Cao-Đài. Người
không màng danh lợi, từ quan về am Bạch-Vân ở ẩn, do ảnh hưởng Lão Giáo; yêu
dân, đau nỗi đau của người dân, do ảnh hưởng thuyết Từ-Bi của Phật-Giáo. Lý
tưởng chánh-trị cao nhứt của Nho-Giáo là chánh-sách "Đức trị", tương
đồng với chủ trương "trị, bình" của Nguyễn Bỉnh Khiêm "Cư kính
như hành giản" (ăn ở chân chánh, hành động đơn-giản).
Tóm lại, nhơn cách của Đức
Thanh-Sơn tiêu biểu cho Nam Phong. Cái phong-hóa mà Đạo Cao-Đài đề cao đạt tới
chân thiện mỹ, nhằm thi đua với văn minh cơ-giới. Đạo Cao-Đài tự chọn cho nước
mình (cái điểm tựa đầu tiên của Đạo Cao-Đài) một con đường khác hơn những nước
phát triển công nghiệp lắm mưu lược và nhiều xô xát. Đức Hộ-Pháp tin rằng một
ngày kia loài người hồi đầu hướng thiện và lúc đó chính là lúc "Nam phong
thử nhựt biến Nhơn phong", lấy văn-hóa con người Việt-Nam làm văn-hóa nhơn-loại
mà Thanh-Sơn Đạo-Sĩ là tấm gương tiêu biểu. Hiểu được Sư-Phó (Le Maitre) Bạch
Vân Động là hiểu được giáo thuyết Đạo Cao-Đài. Nó là một thực thể xã hội đề cao
tinh thần dân tộc, chớ không phải là một khái niệm không tưởng.
3 -
Tái thủ quyền Đạo
Sau khi từ đảo Madagascar
về nước, để chuẩn-bị tái thủ quyền-hành, Đức Hộ-Pháp cho triệu tập Hội-Nghị
Nhơn-Sanh tại Tòa-Thánh nhằm chấn chỉnh lại guồng máy của Đạo. Trong Huấn-từ
khai mạc Đại-Hội ngày mùng 1 tháng 12 năm Bính-Tuất (1946), Đức Ngài nói:
"Đã trót năm năm dư,
Bần-Đạo bị đồ lưu nơi hải ngoại, đã từng chịu biết bao nhiêu là sự khổ tâm hồn,
nỗi lo cho tương lai Đạo, nỗi sợ cho vận nước tránh không khỏi cái nạn
chiến-tranh loạn ly.
"Con hạc lạc hồi quê,
nhìn không nhớ tổ, xem nước non đổi vẻ thay màu, thảm thiết nơi lòng, tuông
châu đổ ngọc, muốn kêu một tiếng nỉ non giục kẻ tri âm tri kỷ cùng Bần-Đạo,
ngoài ra chư hiền hữu, hiền muội. Tưởng khi các bạn có lẽ tội nghiệp cho con
hạc linh nầy mà để tai lóng tiếng.
"Vậy Bần-Đạo cúi mình
cậy các bạn một điều rất thiết yếu là hòa giọng yêu thương cùng con hạc lạc
nầy, đặng giục lòng bác ái đến cảnh an nhơn thiêng-liêng cho toàn sanh chúng.
Vừa để gót về Tổ đình thì đã quên mãnh thân tiều tụy hao mòn, vội cầu Đạo đặng
sửa đương cho đẹp vẻ chân truyền, nên tức cấp mở Hội-Nghị Nhơn-Sanh đặng phục
vụ quyền Vạn-Linh như trước."
Mười lăm ngày sau (ngày 15
tháng 12 năm Bính-Tuất), khai mạc Đại-Hội Phước-Thiện, Đức Ngài nói:
"Hội-Thánh có hai
cơ-quan Hành-Chánh và Phước-Thiện thường tương khắc nhau, song chưa tìm được
chơn-lý hoà nhau. Ngày nào chưa hòa nhau là còn thất sách, bất lực, thì không
thi thố phận-sự cho ra thiệt tướng. Ấy vậy, mấy em phải rán sức định tâm, lấy
tinh thần vi chủ, nêu gương cho mấy em sau nầy đi theo. Nếu khối phàm còn trong
óc mấy em thì không bao giờ đạt mục đích tối cao tối trọng, phải có khối óc
thiêng-liêng mới mong thay hình Thánh-thể Chí-Tôn, đối với con cái Ngài là quần
linh.
Đức Ngài thêm rằng:
"Mỗi tín đồ đều có cái mão của Giáo-Tông và Hộ-Pháp đội trên đầu, chẳng lẽ
chỉ có một người mà người đó chết rồi là tiêu nền Đạo?". (Lời Thuyết Đạo
của Đức Hộ Pháp , quyểnI I, Tây Ninh 1973, trang 122 )
Như vậy, vừa khai Đại-Hội
Nhơn-Sanh và Đại-Hội Phước-Thiện, vừa thông-báo chánh thức cho toàn thể con cái
Đức Chí-Tôn hay rằng Đức Ngài tái thủ quyền hành, đồng thời khuyên toàn Đạo
chung lưng đâu cật xây dựng Tổ-Đình và xiển dương Chánh-Giáo.
Nhơn dịp Tết Đinh-Hợi, vào
ngày mồng 6 tháng Giêng (17.01.1947). Đức Phạm Hộ-Pháp đến làm lễ trấn thần
Đền-Thánh.
Cũng nên nhắc lại
Đền-Thánh khởi công xây năm 1933, sau đó bị ngưng-trệ, vì nội bộ lủng củng. Năm
1936, Đức Hộ-Pháp ra lịnh khởi công tái tạo lại. Năm 1942 bị quân đội Pháp
chiếm đóng. Mãi đến ngày mồng 3 tháng Giêng năm Đinh-Hợi, các công thợ hồ làm
lễ bàn giao Đền-Thánh cất xong cho Hội-Thánh.
Đúng 9 giờ ngày mồng 6
tháng Giêng năm Đinh-Hợi, Đức Hộ-Pháp mặc tiểu-phục, dạy Thừa-sử Huỳnh Hữu Lợi
và Truyền-Trạng Phạm Ngọc Trấn theo Đức Ngài đến Báo Ân Từ, Đức Phạm Hộ-Pháp
vào điện làm lễ xong thỉnh nước âm dương giao cho Thừa-sử Lợi. Đức Ngài dùng ba
bó nhang hành-pháp xong thì lại giao cho Truyền Trạng Trấn.
Khi đến Đền-Thánh, Đức
Ngài ngó ngay Thiên-Nhãn trước Phi-Tưởng Đài rảy Cam-Lồ-Thủy và cầm nhang làm
phép Trấn Thần. Kế tiếp đến tượng Phật Di-Lặc, tượng Đức Quyền Giáo-Tông, Bà Nữ
Đầu-Sư đến tượng Ông Thiện, Ông Ác. Sau đó Đức Ngài vào cửa Đền-Thánh, đứng ngó
vào Tịnh-Tâm Điện trấn thần cái Cân Công-Bình trên ngưỡng cửa. Đức Ngài nói:
"Kể từ đây cái Cân Công-Bình thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã biểu tượng
thiệt-hiện ở thế-gian nầy, để phân công chiết tội và định phẩm-vị tòa sen của
toàn con cái Ngài".
Đức Ngài sang phía trái
Đền Thánh, đứng ngang Cửu Trùng Đài, cách 12 thước, trấn thần con Long Mã. Trên
lưng Long Mã có bộ Hà Đồ Bát-Quái và Cây Kiếm, nên có câu "Long Mã phụ
Hà-Đồ". Long Mã chạy về phía Tây mà đầu quay về phía Đông. Ý nghĩa Đạo
xuất từ phương Đông, đem từ Phương Đông sang phương Tây để cứu vớt chúng sanh.
Kế Đức Ngài đến Bát-Quái
Đài ngó lên trấn thần Tam Thế Phật:
a. Phật Brahma đứng trên
con Thiên-Nga, nhìn thẳng về phía Tây, đó là ngôi thứ nhứt tượng trưng đời
Thánh-Đức thuộc Cơ Sanh-Hóa.
b. Phật Shiva đứng trên
con Giao Long, nhìn thẳng về phía Nam. Đó là ngôi thứ ba ,tượng trưng phần trí
não thuộc Cơ Tranh-Đấu.
c. Phật Christna (hay
Vishnou) đứng trên Thất Đầu Xà, nhìn thẳng về phía Bắc. Đó là ngôi hai, có sanh
có diệt, đời tái tạo thuộc Cơ Bảo-Tồn.
Sau đó Đức Phạm Hộ-Pháp
đến trấn thần bốn con Kim Mao Hẩu ở hai nấc thang bên phải Đền Thánh. Rồi Đức
Ngài vào Cửu-Trùng Đài, sang qua bên tả trấn thần bốn con Kim Mao Hẩu nữa, Đức
Ngài nói: "Con Kim Mao Hẩu rất mạnh và khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh
thần con người nhờ nó mà qua được các từng Trời về cùng Thầy.
Kế tiếp, Đức Ngài vào cửa
bên trái Cửu-Trùng Đài, trấn thần các Thiên-Nhãn quanh Đền, lần lượt lên tới
Bát-Quái-Đài, rồi sang bên phải, cả thảy là 23 Thiên-Nhãn ngó ra ngoài. Vào
trong Ngài đến Cửu Trùng Đài bên phải, lên trấn thần tượng Bát-Tiên và sang bên
tả trấn thần tượng Thất Hiền. Rồi Đức Ngài trở xuống ngôi Hộ-Pháp trấn thần Chữ
Khí. Ngôi Hộ-Pháp có rắn bảy đầu Thất-Đầu-Xà. Cái thân mình nó quấn dưới đôn
Hộ-Pháp, đưa lên trên 3 đầu (Hỉ, Lạc, Ái) và gục xuống 4 đầu (Ai, Cụ, Ố, Dục),
choàn cái mình quấn dưới đôn Thượng-Phẩm và cái đuôi dưới ngôi Thượng-Sanh.
Đến ngày mồng 8 tháng
Giêng năm Đinh-Hợi, lễ rước quả Càn-Khôn từ đền Phật-Mẫu về an vị tại Đền
Thánh. Đức Phạm Hộ-Pháp đã thuyết giảng việc nầy như sau:
"Ngày nay đã dời quả
Càn-Khôn (không phải trái đất mà là Thiên-Cầu thuộc Dương phối-hợp với địa-cầu
thuộc Âm thành Đạo) về Đền-Thánh. Đức Chí-Tôn đã ngự nơi ngôi của Ngài. Chúng
ta nên mừng cho nhơn loại được ảnh hưởng nơi Đền Thánh nầy mà tiến-hóa.
Đền-Thánh từ đây không còn ai xem nó là vôi, cát, xi măng nữa, mà là một khối
đức tin của toàn con cái Đức Chí-Tôn đã dựng nên hình vậy. Nhờ bàn tay khéo léo
của mấy em, mấy con thợ-hồ, thợ mộc đã chịu đói rách cực khổ hơn 10 năm trường
mới tạo nên. Từ đây, mọi sắc dân nào có đủ đức tin nơi Đức Chí-Tôn là Chúa tể
vạn-loại, dầu nơi phương trời nào, họ sẽ hướng về Đền-Thánh mà cầu nguyện hàng
ngày hàng giờ để mong hưởng phước lành của Ngài. Đền-Thánh làm xong, nền Đạo đã
vững vàng, chúng ta sẽ đem hạnh-phúc lại cho thiên hạ trong buổi chuyển thế
nầy".
Vía Đức Chí-Tôn đúng vào
ngày mồng 9 tháng Giêng. Theo tục lệ cổ-truyền Nam phong, ngày mồng 7 hạ Nêu để
chấm dứt Tết Nguyên-Đán, thì nhơn-sanh mở ngay ngày Tết Khai Hạ. Theo Dịch-Lý,
ngày mồng 7 tháng Giêng ứng vào con ngựa trong Thập Nhị Chi, ngày mồng 8 tháng
Giêng ứng vào lúa, ngày mồng 9 tháng Giêng ứng vào Trời. Mặt khác, tháng Giêng
do quẻ Thái chủ-trì. Quẻ Thái (.....) gồm quẻ Khôn (. . . ) trên, quẻ Càn (. .
. . ) dưới, gồm lại Khôn 6 hào cộng với Càn 3 hào là 9 hào, chỉ Đấng Cửu Thiên
Khai-Hóa tức Trời vậy.
Mặt khác, trong nền văn
minh nông-nghiệp thì mùa Xuân, tháng Giêng lễ Cha, tức vía Đức Chí-Tôn; mùa
Thu, tháng 8 lễ Mẹ, tức vía Đức Phật-Mẫu.
Trong ba ngày lễ vía Đức
Chí-Tôn, trừ đêm mồng 8 rạng ngày mồng 9 là chánh Lễ, các ngày còn lại là lễ tạ
ơn Tiền Hiền, Tổ Tiên và tổ-chức các cuộc vui. Đức Hộ-Pháp dạy ban Nhà Thuyền
làm Rồng Nhang để biểu tượng xe Rồng, chỗ ngự của Đức Chí-Tôn.
Thân Rồng Nhang dài 36
thước, chia làm 18 khúc làm thành hình ống. Rồng Nhang phải trang trí sao cho
thật đẹp với hai màu truyền thống vàng và đỏ. Các động tác múa bao gồm: xuất
cung, đi vòng, uốn khúc, lượn sóng, Bát-Quái chậm, Bát-Quái nhanh, đi thẳng,
lật nhanh 45o, lật chậm 180o, lật hình trôn ốc nhanh và chậm 360o. Người múa
Rồng Nhang phải là người có sức chịu đựng và đầy đủ kinh nghiệm về múa Long Mã
(Xem hình ).
Mặt khác, giữa
Đại-Đồng-Xã, Đức Hộ-Pháp cho dựng Văn-Minh-Điện, tức cái đài hình lục-giác, gồm
tầng trệt và tầng cao để mọi người đứng xa đều nhìn thấy rõ người điều hành.
Ban Tổ-chức gồm: một Trưởng-Ban cầm cái mõ và một ban Cỗ-nhạc. Phía trước
Văn-Minh-Điện có một cái cầu thang để người dự lên lãnh thưởng, phía bên trên
cao có đề 3 chữ "Văn-Minh-Điện", tức nhà Văn-Minh về Đạo-Đức,
văn-học, mỹ thuật. Cuộc vui gồm có Thai Đố, thi thơ, hát vè, ngâm thơ. Ai đáp
trúng thì được thưởng kinh sách có giá trị. (Xem "Ngôi Thờ Đức Chí
Tôn" cùng người viết )
Cũng nên biết thêm, Vía
Đức Chí-Tôn năm sau, Đức Hộ-Pháp dạy chưng Cộ-Bông. Đề tài bao gồm: Đức-Tin
nhơn-loại, Tam-Giáo (Xem hình ), Tam Trấn, v.v. phong trào chưng chế mỹ thuật
bằng hoa lá bông trái phát triển từ đó, lan về các tỉnh vì người Đạo tại
Thánh-Địa vốn là dân Lục Tỉnh.
Trong ngày Vía Đức
Phật-Mẫu năm Đinh-Hợi, Đức Hộ-Pháp xuống lịnh cho cơ-quan Phước-Thiện chưng Cộ
bày Đức Phật-Mẫu và Cửu Vị Tiên-Nương. Chỉ có Đức Phật-Mẫu là bông hình, còn 4
vị Nữ-nhạc hầu Đức Phật-Mẫu và cửu vị Tiên-Nương mặc áo dài xanh đỏ là người
thật. Do các Giáo-Nhi, Đồng-Nhi nữ hóa trang để thài 10 bài Kinh ca tụng
công-đức chư Phật có kỳ công khai nền Đại-Đạo. (Xem "Công Đức Đức Phật
Mẫu" cùng người viết )
Nên biết, từ mồng 1 tháng
2 năm Đinh-Hợi, ngôi thờ Đức Phật-Mẫu đặt thờ tạm tại Báo-Ân-Từ. Trong ngày lễ
an-vị Đức Phật-Mẫu và cửu vị Tiên-Nương, Đức Phạm Hộ-Pháp có giảng:
"Từ đây, chúng ta rất
hân hạnh thờ Phật-Mẫu tại Báo-Ân-Từ. Hồi mới mở Đạo, Bần-Đạo biết công nghiệp
của Đức Phật-Mẫu như thế nào: Ngài và Cửu Vị Nữ Phật dìu dắt con cái của Đức
Chí-Tôn từ ban sơ đến ngày đem chúng ta giao lại cho Thầy. Ngày mở Đạo vì cái
cảm tình ấy, các vị Đại Thiên-phong xin thờ Phật-Mẫu ở Đền-Thánh, Phật-Mẫu cho
biết quyền Chí-Tôn là Chúa, còn Phật-Mẫu là tôi, mà tôi thì làm sao ngang hàng
với Chúa? Chúng ta thấy Phật-Mẫu cung kính Chí-Tôn đến dường ấy". Đến
1952, Đức Hộ-Pháp cho sửa Báo-Ân-Từ xây thành Đền thờ Phật-Mẫu như ngày nay.
(Xem hình )
4 - Đức Hộ-Pháp thuyết về quyền-năng Tôn-Giáo
Từ đầu năm Mậu-Tý (1948),
Đức Hộ-Pháp dành nhiều thời giờ để giảng về quyền năng của tôn-giáo. Đạo là sự
sống của Vạn loại. Nhứt là Thánh-thể của Hội-Thánh. Hội-Thánh là hình ảnh
Thiên-lương của Đức Chí-Tôn. Vì "Sự thương-yêu là chìa khóa mở Tam Thập
Lục Thiên, Cực-lạc Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh. Kẻ nào ghét sự thương-yêu, thì
chẳng hề qua khỏi cửa Luân-hồi". (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển , quyển II, trang
43 ) "Vậy Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương-yêu nhau, thì
cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à!". (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển , quyển II,
trang 69 )
Đức Hộ-Pháp cũng giảng:
"Bần-Đạo chắc rằng toàn con cái của Ngài (Chí-Tôn) đều ở trong lòng của
Ngài, sanh ra đã có một tình-yêu đối cùng nhau. Từ trong vật-loại dĩ chí nhơn
thân chúng ta đã có liên-quan mật thiết nồng-nàn, khối tình ái vô biên vô
hạn". (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyểnI I, Tây Ninh 1973, trang 24)
Hội-Thánh trong Đạo
Cao-Đài tổ-chức theo một đại gia-đình, anh cả tức Giáo-Tông, em nhỏ tức
Chánh-Trị-Sự còn gọi là Giáo-Tông em. Nói rộng ra, con cái trong một nhà phải
thương-yêu nhau là điều tất nhiên.
Đêm 28.06 năm Mậu-Tý
(dl.3.08.1948), Đức Hộ-Pháp giảng rõ:
"Hội-Thánh là
Thánh-thể của Đức Chí-Tôn đến đặng dìu dắt con cái Ngài từ bấy lâu nay bị sa
ngã vào đường tội lỗi ... Ngài giáng trần với sự đau khổ nhọc nhằn, nhưng vẫn
cam chịu để tìm phương tận độ chúng-sanh. Ngài đến gom hết con cái trong kỳ
ân-xá thứ ba nầy. Chúng ta không dè ngày nay được hưởng đặc-ân của Ngài, được
nắm quyền làm Thánh-Thể cho Ngài ...
"Hội-Thánh là
Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn, cho nên khi Ngài lập Pháp-Chánh-Truyền, Ngài định
một người làm Anh Cả trông bầy con của Ngài. Người Anh Cả ấy phải làm Cha và
làm Thầy. Ngặt một điều là mình không xứng đáng mà thôi, vì mình không đủ đức
tánh thay thế cho Ngài ...
"Trong tám anh em
chúng ta ngồi tại đây (trong Đàn cúng ngồi Kiết-Tường), cùng sắp nhỏ kia, trong
đó cũng có vị Phật, Tiên giáng thế, nhưng còn chờ chúng ta lập vị cho nó
..." (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyểnI I, Tây Ninh 1973, trang 103
)
Vào thời Tý đêm mùng 1
tháng 5 năm Mậu-Tý (5.08.1948), Đức Hộ-Pháp giảng về Pháp-Chánh Hiệp-Thiên tức
luật thương-yêu, quyền công-chánh. Đức Ngài nói:
"Cây cờ cứu khổ của
Đạo Cao-Đài là Thương-Yêu và Công-Chánh. Phải thực-hiện được hai điều ấy, thì
hòa-bình và hạnh-phúc mới đến với chúng ta". "Từ thuở Tam Giáo có:
Thích, Đạo, Nho. Luật Tam Giáo có hình, có luật hình, gồm cả tôn chỉ của Tam
Giáo, có hai phần:
1 . Pháp Chánh Hiệp-Thiên,
2 . Hình luật Tam Giáo.
Tại sao Ngài giao cho
Hiệp-Thiên Đài? Từ ngôi Giáo-Tông đến ngôi Đầu-Sư, giữa có các ngôi
Chưởng-Pháp, nếu không pháp-chánh do Hiệp-Thiên Đài nắm giữ là gì? ...
Pháp-Chánh cốt yếu lập quyền cho con cái Đức Chí-Tôn, có hàng phẩm, quyền hành,
thứ tự, đẳng cấp, giao cho Hiệp-Thiên-Đài sắp đặt không cho loạn, nếu loạn hàng
thất thứ thì Đạo bị tiêu diệt ... Đạo Cao-Đài không lấy nguyên chất của Tam
Giáo mà chỉ lọc lượt chơn-truyền của các giáo mà tổng-hợp lại...
Hình luật Tam Giáo để định
án chăng? Con người chỉ quý cái tâm và hạ sanh xuống đây ít nữa phải có căn
duyên mà mình không biết đó thôi. Bần-Đạo dám chắc, dầu cho một vị Phật đến tại
thế-gian nầy, mang thi hài xác thịt cũng quên hết, cửa huệ quang bị bí lối,
không tự biết mình, không tự hiểu phẩm-vị mình vì mang xác phàm. Duy có Đấng
toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn Mỹ là Chí-Tôn mới tránh khỏi chuyển kiếp
luân hồi mà thôi. Ngoài ra không vị Phật nào tránh khỏi luân hồi cả.
Chí-Tôn muốn cho con cái
của Ngài nên Thánh, thì phải làm sao? Phải đem cả thảy vô Đạo, tắm rửa cho
sạch-sẽ, làm cho thiên-hạ thích gần nhau, phải vì thương mến, kỉnh khen mà gần,
vì tôn sùng yêu ái mà gần. Hình luật Tam Giáo là nước Cam-Lồ tắm rửa linh-hồn
vậy...
Tội có quá nặng, nếu mình
biết ăn năn tự hối, tự tu thân, tự giác tấm thân đặng rửa tội, mình tu một mình
(tu chơn) dẫu Hội-Thánh không biết tới, mình cũng vẫn tu có Đức Chí-Tôn chứng
giám, ngày kia về cõi Thiêng-Liêng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đẹp dạ, hả lòng
tiếp rước trọng thể hơn nhiều. Danh vị lập được của kẻ bình thường đâu bằng của
người biết ăn năn sám hối". (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyểnI I,
Tây Ninh 1973, trang 106 - 108 )
Đêm 23.11 năm Mậu-Tý
(1948), Đức Hộ-Pháp thuyết giảng về bác-ái công-bình:
"Vì lòng bác-ái
từ-bi, Chí-Tôn đến ký hòa-ước thứ ba, các Đấng Thiêng-Liêng để dấu tượng Tam
Thánh hiệu triệu nhơn-loại tín ngưỡng: Thiên thượng, Thiên hạ (Dieu et
Humanité). Về Luật có bác-ái, Pháp có công bình. Hội-Thánh Cao-Đài dìu dắt
nhơn-sanh, chỉ dẫn họ về một luật tối cao là luật Bác-ái và về một nền tư pháp
tối trọng là pháp Công-bình.
Luật Pháp của Đạo Cao-Đài,
ngoài luật Bác-ái và pháp Công-bình, tất cả luật điều khác đều là phương pháp
giả tạo thành chơn mà thôi." (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyểnI I,
Tây Ninh 1973, trang 162 )
"Bần-Đạo hỏi:
"Đạo Cao-Đài có thể đem hạnh-phúc cho nhơn loại, tạo hòa-bình làm cho
Đại-Đồng Thiên-Hạ đặng chăng?"
Chúng ta tin nơi Đức Chí-Tôn.
Ngài đến tạo nền tân giáo cốt yếu là ký hòa-ước với nhơn-sanh tạo hạnh-phúc cho
nhơn-loại và làm cho Thiên-hạ hưởng đặng thái-bình. Chúng ta dám quả quyết và
tin chắc rằng thế nào cũng thành tựu ...
Chí-Tôn đến ký hòa-ước với
nhơn-sanh có hai khoản thôi:
1 . Luật thương-yêu,
2 . Quyền là Công-chánh.
Từ thuở ta chưa thấy cái
hòa-ước nào đơn-giản như thế mà nó oai quyền làm sao? Khó thể thực hiện đặng,
nhưng với thời gian, Đạo Cao-Đài làm thế nào (tìm cách) đem hạnh-phúc đến cho
nhơn-loại, tạo hòa-bình cho thiên-hạ Đại-Đồng Thế-Giới. ...
Đạo Cao-Đài được hình
tướng thương yêu vô tận. Nó có nét đẹp thiên nhiên là nhờ câu viết Thương-Yêu
... Quyền Đạo ngày nay do thương yêu mà thành tướng. Vậy Đạo đã do luật
thương-yêu thành tướng thì không có quyền năng nào tàn phá cho đặng ...
Nó nên hình bởi sự thương
yêu, nó trưởng thành trong sự thương-yêu, bởi hình chất của sự thương yêu, hễ
càng lớn lên càng tráng kiện. Nó sẽ làm Chúa cả thù hận và quyền lực thù-hằn
không thể xâm lấn nó được." (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyểnI I,
Tây Ninh 1973, trang 168 - 170 )
Đầu năm 1949, chánh quyền
Pháp mời Đức Ngài và một số nhơn-sĩ để trao trả độc-lập cho Việt-Nam. Đức Ngài
thuyết giảng về vấn đề nầy vào đêm 23.01 Kỷ-Sửu như sau:
"Ngày mai nầy,
Bần-Đạo phải xuống Sài thành đặng giải quyết chấm dứt đổ máu Pháp Việt.
"Chánh-quyền Pháp lập
ra một hội-nghị để bàn thảo về việc trao trả độc lập cho Việt-Nam. Hội-nghị ấy
gồm có người Pháp và 48 nhơn-viên Việt-Nam."
Đức Ngài đánh giá về lời
trao trả độc lập của chánh quyền Pháp cho Việt-Nam như sau:
"Pháp chỉ nhìn nhận
độc-lập thôi chứ người ta đâu có đưa cho mình. Độc-lập hay chăng là do nơi toàn
thể quốc-dân. Ngày nào chưa có lục-quân, hải-quân, không-quân đặng bảo thủ cả
lãnh-thổ của mình, thì nói tiếng độc-lập là nói với con nít và ngủ gục mà
thôi."
5 - Đức Hộ-Pháp ân-xá các Chi Phái
Trong năm
1949, còn một sự kiện quan trọng nữa là nhiều Chi Phái trở về xin làm việc với
Tòa-Thánh Tây-Ninh. Điều mà chưa Chi Phái nào được hãnh diện như Tòa-Thánh
Tây-Ninh là những nhơn-sĩ, những kẻ ưu thời mẫn thế đều tìm về với
Tòa-Thánh Tây-Ninh, danh sách có thể kể hàng trang chưa hết, như Phan Khắc Sửu,
Trần văn Ân, Vũ Tam Anh, Võ văn Truyện, Phạm Xuân Thái, Trần văn Quế, v.v.
... Về tập-thể có phái Tiên-Thiên, do ông Nguyễn Bửu Tài lãnh-đạo. Thánh huấn
số 380, ngày 22 tháng 3 năm Kỷ-Sửu (19.04.1949) có ghi về sự-kiện nầy như sau:
"Bần-Đạo
đã ân xá cho toàn cả Chi Phái, bất cứ ai, nếu nhập môn lại và vâng y Luật Pháp
Tòa-Thánh sẽ là Tín-đồ chánh-thức của Đạo Cao-Đài."
Thánh-lịnh
số 535 ngày 4 tháng 6 năm Kỷ-Sửu (29.06.1949) chấp thuận phái Tiên-Thiên do ông
Nguyễn Bửu Tài lãnh-đạo đưa về Tòa-Thánh Tây-Ninh. Tất cả chức-sắc đều tạm chức
Hiền-Tài (Ban Thế-Đạo) để đợi quyền Thiêng-Liêng định đoạt: như vẫn giữ các
Thánh-Thất và được tạm dùng cơ bút tại tư gia để học hỏi riêng, chớ không được
phổ-biến.
Theo Thánh-lịnh số 302
ngày 27.05 năm Canh-Dần (11.07.1950), thì các chức-sắc phái Tiên-Thiên có
danh-sách trong thông-qui ngày 30 tháng 10 năm Kỷ-Sửu được dâng lên Đức Lý
Giáo-Tông xem xét vào ngày mùng 3 tháng Giêng Canh-Dần, được tạm phong vào hàng
chức-sắc Tòa-Thánh Tây-Ninh như sau:
1. Phối-sư Thượng-Tài
Thanh tức Nguyễn Bửu Tài.
2. Phối-sư Thượng Hiền
Thanh tức Phan Lương Hiền
3. Giáo-Sư Ngọc Dừng Thanh
tức Đinh văn Dừng
4. Giáo-Sư Ngọc Thiệu
Thanh tức Phan Lương Thiệu
5. Giáo-Sư Thượng Tấu
Thanh tức Trần văn Tấu
Giáo-hữu gồm đủ ba phái
tất cả 26 vị, Lễ-Sanh 35 vị. Đức Hộ-Pháp lại ký Thánh-Lịnh số 13/TL phong thêm
5 vị Giáo-Sư, 3 vị Giáo-Hữu và 17 Lễ-Sanh. Còn Trung-Hòa Học-Phái, lãnh đạo
Trương Kế-An được phong làm Bảo Y Quân. Xem thế lúc nào Tòa-Thánh Tây-Ninh cũng
mở rộng cửa để đón nhận các Chi Phái trở về gốc Đạo. Xem danh sách ân phong
trên, toàn chức sắc cao cấp, người tín-hữu Thánh-Địa sống giữa lòng Đạo còn
chưa được vậy. Nhưng tại sao họ bỏ đi, không ở lại hành đạo tại Tây-Ninh? Với
họ thì không thể trả lời tại "Bát Đạo Nghị-Định", vì họ đã nhìn nhận
Tòa-Thánh Tây-Ninh và đã được thọ phong chức sắc rồi. Bát Đạo Nghị-Định không
hề ngăn trở sự trở về của bất cứ ai. Người ta trích điểm Đạo Nghị-Định thứ tám
và thứ năm. Đạo Nghị-Định thứ tám, điều thứ nhứt có ghi như vầy:
"Những Chi Phái nào
do bởi Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ làm gốc lập thành, mà không do nơi mạng-lịnh
Hội-Thánh thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí-Tôn và phải định
quyết là Bàng Môn Tả Đạo."
Đàn cơ tại Cung-Đạo Đền
Thánh đêm 17 tháng 10 năm Đinh-Dậu (8.12.1957), Đức Lý-Bạch có dạy:
"Chư Hiền-hữu
Hiệp-Thiên-Đài! về Đạo Nghị-Định của Lão đối với Chi Phái là phương pháp lúc
trước để phổ-độ nhơn-sanh mà thôi. Hiện giờ cửa Đạo đã mở rộng thì cơ qui nhứt
thế nào cũng thực hiện được."
Thêm vào đó, đàn cơ tại
Giáo-Tông Đường đêm mồng 10 tháng 04 năm Giáp-Thìn (1964, vía Đức Phạm
Hộ-Pháp), có Đức Thượng-Sanh, chư chức sắc Hiệp-Thiên-Đài , Cửu Trùng Đài hầu
đàn, Đức Hộ-Pháp giáng dạy có khoản như vầy:
"Ngày giờ đã đến,
Bần-Đạo để lời khuyên cả chức-sắc và toàn Đạo rán thế nào thống nhất nền Đạo
cho được, mới có đủ sức mạnh để làm gương cho vạn quốc."
Theo lời dạy của Đức Lý và
Đức Hộ-Pháp thì Đạo Nghị-Định thứ tám chỉ "là phương pháp lúc trước"
có tính cách giai-đoạn mà thôi.
Bình tâm mà xét, ai trong
chúng ta cũng đều tin tưởng là Đạo chỉ có một, cũng có nghĩa là Đạo chỉ có một
Cung Đạo tại Tòa-Thánh Tây-Ninh mà thôi. Một Cung Đạo là nơi duy nhứt cầu các
Đấng giảng dạy Đạo, phải do các Đồng-tử phò-loan mà Đạo ta gọi là Thập Nhị
Thời-Quân và ba vị cầm đầu của ba Chi của Hiệp-Thiên-Đài, Tòa-Thánh Tây-Ninh
vậy. Chính từ sự tự-chuyên sửa đổi mới thêm nhiều Giáo-Tông, nhiều Hộ-Pháp. Từ
đó đẻ ra nhiều Hội-Thánh, chức sắc thì nhiều mà đạo-hữu thì không có. Cái quan
trọng của một Hội-Thánh là có thực lực về tín-đồ hay không. Mang danh Hội-Thánh
mà chẳng nơi làm việc, gặp biến-cố thì tan rã ngay, ai lo giữ thân nấy, làm
tuồng đàm tiếu cho thiên-hạ. Chưa kể làm sai luật Thiên-Điều. Đức Chí-Tôn dạy:
"Sau đời Giáo-Tông thứ nhứt đến đời Giáo-Tông thứ hai, thì Tịch-Đạo đổi ra
Đạo Tâm". Thế mà Phối-Sư Nguyễn Bửu Tài rời khỏi Tòa-Thánh Tây-Ninh đi lập
Chi-phái cũng tự tôn-xưng Giáo-Tông? Xin nhắc lại Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ chỉ mới
có duy nhứt Đức Lý Giáo-Tông, sau khi Đức Ngô Minh Chiêu tu vô-vi. Còn Ngài Lê
văn Trung chỉ là Quyền Giáo-Tông về mặt hữu hình thế cho Đức Lý Giáo-Tông vô-vi
mà thôi. Ngài Lê văn Trung chưa hề mặc đại-phục Giáo-Tông, Có điều làm các
tín-hữu ở Thánh-địa thắc mắc: Tại sao các Chi Phái sau khi được ân-phong rồi
không ở lại tu hành mà lại ra đi? Đi tu tham thiền nhập định, tự nhiên cô tịch
phải buồn. Thêm vào đó xa nhà, xa người thân lòng cảm thấy cô quạnh. Ngày hai
buổi đi hành đạo, đi cúng-kiếng ... Việc hành đạo chao ôi! không quyền thế sinh
lợi lộc như quyền đời. Còn tình người nữa, các chức sắc Tây-Ninh đều có
gia-đình ở đây. Đức Cao Thượng-Phẩm đã dạy: "Đường tu được bền vững là nhờ
đám khuê môn vẹn gót hài". Nghĩa là việc hành đạo được bền vững là nhờ vợ
con lo vẹn vẽ ở gia-đình, còn giúp lương thực cho chồng đi tu. Thầy buộc phải
lo cho Nhơn-Đạo là vì thế, nếu Nhơn-Đạo chưa tròn thì khó thành Thiên-Đạo.
Đạo Nghị-Định thứ năm,
điều thứ nhứt ghi như vầy: "Buộc cả chức sắc đã thọ phong phải phế đời
hành đạo." Đó là đương nhiên thôi, Thiên-phong mà còn đi làm ăn riêng tư
coi sao được. Hãy nhìn vị Linh-Mục (đối phẩm Giáo-Hữu) bên đạo Ki-tô, người ta
bám chặc với giáo dân, lo cho giáo dân. Đạo Nghị-Định thứ năm phải có. Không
thể nào về Tòa-Thánh thọ phong Thiên-phẩm rồi về gia-đình sống với vợ con được.
Đó là thực tế cuộc sống. Đó là chủ Tánh-hạnh người tu. Nếu đi tu mà còn ham
muốn, chen lấn bụi hồng, vô tình làm Thiên-tước bị rẻ rúng. Vào Đạo là tự
nguyện. Nhận lãnh Thiên phong là tự nguyện. Ta tự nguyện làm con vật hy-sinh
cho vạn linh, thì phải nhận lấy khảo đảo để lột bỏ chất phàm. Nếu nhận
Thiên-phong vì mũ cao áo rộng, có mưu lược ẩn bên trong, khi không thực-hiện
được thì thối chí ngã lòng là điều đương nhiên không tránh khỏi.
Tóm lại, Đạo Nghị-Định thứ
năm ràng buộc cá nhơn chức-sắc phải có hạnh người tu. Người tín-hữu Cao-Đài nào
cũng mong ước hàng lãnh đạo tôn-giáo mình xứng đáng và vinh diệu.
PHOTO
Con Rồng nhang
6 - Những chuyến đi thiện chí
Qua năm
1950, Đức Phạm Hộ-Pháp đi Đà-lạt để gặp vua Bảo-Đại bàn việc quốc-gia trọng-hệ.
Sau đó Đức Ngài sang Campuchia để hành đạo. Đêm 27 tháng 3 năm Canh-Dần (1950),
Đức Ngài thuật lại như sau:
"Từ thuở đến giờ,
Bần-Đạo chưa có buổi nào đặng hưởng hạnh-phúc đại thắng lợi một cách mỹ mãn như
khi Bần-Đạo đi Cao-Miên. Bần-Đạo thấy từ vua đến dân trước trường quan lại khéo
giữ nền chánh-trị của họ. Trí thức tinh thần của họ cương-quyết biết tôn trọng
cái quyền dân, quyền nước hơn lợi lộc. Từ Soài Riêng tới Kinh-Đô, Bần-Đạo đã
thấy cái tự do của nước người. Trong nước trương cờ Đạo dọc dài theo đường đặng
nghinh tiếp một vị Giáo-chủ một cách tự do không ái-ngại. Trong mấy ngày,
Bần-Đạo, Bảo-Thế, Tiếp-Đạo ở đó, nhứt là nhà binh Pháp canh chừng nghiêm nhặt.
Sự cung kính đối đãi với Bần-Đạo và các bạn lấy làm cảm kích vô hạn. Kế tiếp,
chúng tôi đến thăm nhà Vua. Vua dùng lễ Đế-vương mà tiếp rước tại Tư-dinh của
Ngài. Nơi ấy là nơi để rước người thân yêu của nhà Vua, mà rước chúng tôi, làm
cho chúng tôi ngạc nhiên. Sự đối đãi của nhà Vua rất long trọng, không thể
tưởng tượng. Khi đến trước đền Vua, nhạc trổi lên, quân lính nghinh tiếp. Chúng
tôi liền đến trước quốc-kỳ làm lễ. Ngài thấy chúng tôi đi bách bộ. Ngài chắp
hai tay bái. Bần-Đạo phải bái lại. Ngài mời Bần-Đạo ngồi. Bần Đạo không ngồi.
Bần-Đạo nhường cho Ngài. Ngài nhất định nhường cho Bần-Đạo. Khi chúng tôi đã
viếng Thủ-Tướng rồi; ra khỏi điện nhà vua, vua Sãi mời đến nhà thờ Norodom. Khi
đến nhà thờ, thì đức Vua cũng tiếp rước như vị Giáo-chủ. Tiếp chuyện Đạo đức
với nhau, tâm đầu ý hiệp về giáo-lý. Bần-Đạo nói thật, Đạo của nước Tần và vua
của nước Việt-Nam có thể liên hiệp cùng nhau. Nếu ơn Thiêng-liêng Đức Chí-Tôn
định, thì Hội-Thánh Cao-Đài có thể hiệp nhứt với Đạo của nước Tần. Đem giáo-lý
là con thuyền Bác-Nhã đặng độ thiên-hạ."
Ngày 18.10.1950, Đức Ngài
đi Hà-Nội để kêu gọi các Tôn-giáo, các Đảng-phái ngoài Bắc thống nhứt để làm
sức mạnh đòi chánh-phủ Pháp trao trả độc-lập cho Việt-Nam. Đức Ngài đã tiếp-xúc
về phía Công-giáo có Giám-mục Lê Hữu Từ, về phía Phật-Giáo có Thượng-Tọa Thích
Tâm Châu ... Trong dịp nầy Đức Ngài có làm bài thơ hàm súc nhiều ý như sau:
Bắc Du
Non nước hồn thiêng đã tĩnh dần,
Xuân Thu nay đổi lại Xuân Thu.
Nam phong đỡ vững xa thơ Hán,
Bắc tục xô nghiêng đảnh nghiệp Tần.
Bác-ái là đề thi tiến hóa,
Nghĩa nhơn ấy mục định duy tân.
Thiên thời địa lợi đôi điều sẳn,
Chỉ thiếu hòa nhơn
để hiệp-quần.
Sau đó, Đức Ngài đến đảnh
lễ Đức Chí-Tôn tại Thánh-Thất Thăng Long do bà Giáo-Hữu Hương-Dư làm Đầu Tỉnh
Đạo. Bà đã trình lên Đức Hộ-Pháp về buổi thuyết đạo tại nhà hát lớn ở Hà-Nội do
Giáo-sư Khâm-Mạng Tòa-Thánh Trần văn Quế tổ-chức. Lúc đó, Giáo-sư Quế đang dạy
Đại-học tại Hà-Nội, nên ông vận-động sinh-viên các khoa đến tham dự rất đông.
Diễn-giả là Giáo-Hữu Tý. Ông nầy học-lực có hạn, khi bước lên diễn đàn, đứng
trước các cử-tọa có học thức, mặt ông tái nhạt, đầu xây xẩm. Giáo-Hữu Tý định
thần, niệm danh Thầy, một lần, hai lần, rồi ba lần, ông mới lấy lại bình tĩnh
và diễn thuyết Đạo một cách trầm tĩnh và tự nhiên. Ông được thính giả
hoan-nghinh nhiệt-liệt. Giáo-sư Quế đến bắt tay ông và khen ngợi: "Nhờ Thầy
hổ-trợ, ông diễn thuyết Đạo thật hay ngoài sức tưởng tượng của người
nghe". Thế mới biết mọi việc chi chi cũng có Thầy. "Nơi lòng Thầy
ngự, động Thầy hay".
Sau chuyến viếng thăm
Hà-Nội của Đức Hộ-Pháp, số tín đồ tăng lên nhanh, nhưng từ sau năm 1954, cơ Đạo
ở đây gặp nhiều ngăn trở.
Nhắc lại việc truyền Đạo
ra Bắc là do Đức Chí-Tôn định từ ngày 21.10.1926:
Từ đây nòi giống
chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn
Đạo một mình ta.
Đầu năm
Quý-Dậu (1933), Hội-Thánh bổ Giáo-Hữu Thượng Tuất Thanh, Thượng Chữ Thanh lập
Thánh-Thất đầu tiên ở Ga Hàng-Cỏ, Lê-Lợi. Đầu năm 1934, Hội-Thánh bổ Giáo-Hữu
Thượng Ngoạn Thanh, Lễ-Sanh Thượng Điểm Thanh liên lạc với hội Nam-Kỳ Tương-Tế ở Hà-Nội
để mở mang việc truyền-giáo. Đêm mồng 1 tháng 3 năm Giáp-Tuất (14.04.1934), lễ
Khai Đạo tại Bắc Việt ở Thánh-Thất phố Harmand, sau dời về Quỳnh-Lôi, vốn là
nhà của Đạo-Hữu Phạm Đăng Chữ. Cơ Đạo ngày càng phát triển là chỗ dựa cho
nhơn-sanh, nên đầu năm 1935, Hội-Thánh bổ Tiếp-Thế Lê Thế Vĩnh và bà Lễ-Sanh
Hương Thân (phối ngẫu của ông Vĩnh) coi Tông-Đạo Bắc-Việt. Năm sau, Đạo truyền
tới Hải-Phòng. Thánh-thất lần lượt lập ở Tam-Giang, Cẩm-Phả, Tây-Tựu (Hà-Đông),
Chùa Vua ... Năm 1936, Giáo-Sư Thượng Bảy Thanh (Lê văn Bảy) về Nam, Thánh-Thất
Lê-Lợi phải dời về phố Hàng Than (rue du Charbon). Năm 1941, ảnh hưởng tình
hình ở Tòa-Thánh, cơ đạo ở Bắc Việt gặp nhiều khó khăn.
7 -
Đức Hộ-Pháp nhập Tịnh-Thất
Sau đó, Đức Hộ-Pháp trở về
Tòa-Thánh đôn đốc xây cất các Tịnh-Thất. Ngày 15 tháng 12 năm Canh-Dần, Đức
Ngài làm lễ Trấn-Thần Trí-Huệ-Cung, trong Thiên-Hỉ-Động là ngôi tịnh thất của
Nữ-Phái. Đó là ngày lễ lớn, các đạo-hữu phải đi vòng xuống Thiên-Thọ Lộ qua
Đoạn-Trần Kiều mới vào Trí-Huệ-Cung tham dự lễ. Đó là bí-pháp phàm qui Thánh. Nhưng
rủi thay, các thợ đắp Vân Trung Tử cỡi hạc bay về chợ Thiên-Vương (tức chợ
Trường-Lưu) lại biểu tượng Thánh lâm Phàm!
Tịnh-thất của nam-phái là
Vạn-Pháp-Cung trong có Nhơn-Hòa-Động tọa-lạc ở Sơn-Đình, Núi Bà. Đức Hộ-Pháp
giảng về Trí-Huệ-Cung như sau:
"Trí-Huệ-Cung là
cơ-quan tận-độ chúng sanh. Nó không phải của ta mà của toàn thể nhơn-loại, bởi
nó tượng trưng hình-ảnh Chí-Linh của Đức Chí-Tôn tại thế. Nó không cho phép
phân biệt đảng phái, tôn-giáo hay nòi giống. Cửa Thiên-Hỉ-Động là cửa Thiêng-Liêng
Hằng-Sống của toàn thể các Chơn-linh."
"Bần-Đạo cả tiếng kêu
gọi con cái Đức Chí-Tôn, nhứt là Cửu Nhị Ức Nguyên-Nhơn hãy tỉnh mộng, ngó lại
Trí-Huệ-Cung, phải vào nơi cửa nầy (Tịnh-Thất) mới đạt Đạo đặng mà thôi. Đạt cơ
giải thoát mới nhập vào cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống, mà Đức Chí-Tôn đã dựng
riêng dành cho mỗi người."
Rõ ràng, Đức Hộ-Pháp chánh
thức mở cơ vô-vi tịnh-luyện từ đó. Ngài khẳng định "phải vào cửa
tịnh-luyện mới đạt Đạo đặng". Tại ta thiếu trí, không theo được hành tàng
của Đức Ngài mà thôi. Chớ đừng trách sư-phụ chưa truyền phép tu chơn cho ta.
Câu liễn tại Trí-Huệ-Cung
thể hiện lời giảng-đạo đó của Đức Ngài:
TRÍ định thiên-lương qui nhứt bổn,
HUỆ thông đạo pháp độ quần-sanh.
Đến ngày 16 tháng Giêng
năm Tân-Mão (1951), Đức Hộ-Pháp vào Trí-Huệ-Cung tịnh luyện theo Tân-Pháp
Nội-Giáo Tu Thiền mà Đức Chí-Tôn đã chỉ dạy ngay từ đêm 14.01.1926 (Xem lại
chương II, Mục 3 ). Khi nhập Tịnh-Thất, Đức Ngài nói: "giải chức Hộ-Pháp,
chỉ còn là bạn tu mà thôi"(Trí Huệ Cung, Tây Ninh 1973, trang 13 ). Chính
Đức Ngài đã đặt nền tảng luyện kỷ tu đơn cho mọi chúng ta đó.
Khi nhập tịnh-thất
Trí-Huệ-Cung, Đức Hộ-Pháp nói: "giải chức Hộ-Pháp, chỉ còn là bạn tu mà
thôi", có nghĩa là muốn vào tịnh-thất, nếu là chức-sắc phải gởi chức cho
Hội-Thánh trở thành đạo-hữu.
Sau khi được chơn Sư-phụ
chỉ dẫn, rồi hành pháp tịnh luyện, tự tu, tự thành, biết được tánh-giác hằng
hữu là sắp có ấn-chứng thiêng-liêng.
Năm Tân-Mão (1951), Đức
Hộ-Pháp vào Trí-Huệ-Cung, vì Vạn-Pháp Cung chưa xây. Sau khi ra khỏi nhà tịnh,
Đức Ngài đã thuyết-đạo tại Đền-Thánh như vầy:
"Bần-Đạo giải rõ
hành-tàng trong ba tháng mà Bần- Đạo đã làm (trong nhà tịnh). Cái hành-tàng về
mặt Đạo pháp giống như 40 ngày của Đức Chúa Jésus ra ngoài sa-mạc cầu khẩn với
Đức Chí-Tôn ban bố hồng-ân cho nhơn-loại, đặng đem cơ cứu thế của Ngài giao cho
toàn xã-hội nhơn-quần được hưởng; giống như Đức Thích-Ca vào vườn Bồ-Đề ngồi
thiền-định đặng xin giải-thoát chúng sanh."
Khi Đức Ngài đến
Trí-Huệ-Cung để nhập Tịnh-Thất có nhiều người gởi thơ đến xin nhập tịnh một
luợt với Đức Ngài, Đức Ngài trả lời:
"Nếu người nào không
có Tam Lập, thì không ở chung với ai được hết. Chính mình đối với cơ thể hữu vi
của đời (tức thể pháp) mà không ai có bằng cớ chi hết, thì ai tin rằng có bí
pháp đạt đạo.
"Tam Lập là: Lập Đức,
Lập Công, Lập Ngôn. Con ngưòi khi sanh ra nơi mặt địa cầu nầy, không có Tam
Lập, thì không có chi hết. Tam Lập quyết-định cho ra, ta mới sống chung với
xã-hội nhơn-quần được."
Đức Ngài còn thuyết thêm
về phương-pháp tịnh-luyện như vầy:
"Bần-Đạo thuyết-minh
cái bí-pháp tịnh-luyện và khuôn luật tấn-hóa Tạo-Đoan: Cơ huyền-bí ấy Đức
Chí-Tôn đã đem đến cho chúng ta đặng cho đạt cơ tấn-hóa. Thật ra, Đức Phật-Tổ
chỉ đạt được kiếp siêu thoát của Ngài mà thôi. Mấy người đã đạt được vị Phật
đều ở trong cái huyền-vi tịnh-luyện để làm cho chúng ta sống đời đời. Sống lụng
lại ba kiếp trước, rồi nhờ kiếp trước, ta có thể biết luật nhơn-quả của ta. Nhờ
kiếp nầy, có thể đem tương lai cho ta đạt Phật-vị của ba kiếp trước. Đạt
bí-pháp ấy chúng ta mới có thể biết chúng ta là ai. Ta biết đường lối chúng ta
đi như thế nào. Đạt cơ siêu-thoát là mở kiếp thông-minh cho chúng ta đó
vậy". (Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp ngày 1-4-Quí Tỵ )
8 - Vai trò của Đức Phạm Hộ-Pháp với bí-pháp
Trước hết, nghi lễ thọ
phong Hộ-Pháp khác thường, không lời tuyên-thệ, lời nguyện, mà là một cuộc
hành-pháp trục Chơn-Thần Phạm Công Tắc ra khỏi xác phàm, để Chơn-Linh Vi-Đà
Hộ-Pháp giáng ngự nơi thân thể Ngài. Từ đó Phạm Công Tắc trở thành Hộ-Pháp
Cao-Đài. Đó là trường hợp giáng linh ngự thể, như chơn-linh của Nguyễn-Du nhập
vào Victor Hugo. Ngài đã được Đức Chí-Tôn giao trọng trách đứng đầu
Hiệp-Thiên-Đài, thông công với các Đấng và chịu trách nhiệm về phần Chơn-Thần
của toàn thể Đạo-Hữu (chỉ chung cả chức-sắc), còn phẩm Giáo-Tông chỉ có quyền
về phần xác mà thôi.
Năm 1929, Đức Phạm Hộ-Pháp
lập Khổ-Hiền-Trang, mở Phạm-Môn tu luyện không áo mão với "Phương Luyện
Kỷ" để đạt cơ giải-thoát. Thánh-Ngôn của Đức Chí-Tôn đã dạy: "Hộ-Pháp
hằng đứng (nơi Vi-Hộ) (Cửa Mỏ Ác tức Thượng Đơn Điền ) mà gìn giữ chơn-linh các
con khi luyện đạo, đặng hiệp Tinh với Khí, rồi Khí với Thần, đến Chơn-Thần hiệp
làm một mà siêu phàm nhập Thánh".
Năm 1951, tại
Trí-Huệ-Cung, Đức Phật-Mẫu cũng ban cho Đức Ngài "vẹn toàn pháp môn":
Hễ làm mẹ quyền hành dạy trẻ,
Con đừng lo mạng thế thi phàm.
Huyền-Linh mẹ chịu phần cam,
Ban cho con trẻ vẹn toàn pháp-môn.
Vì thế dù Đức Ngài còn ở
thế hay qui Thiên, Đức Ngài sẽ diệu dụng quyền năng điển-lực của Kim-Quang-Tiên
trợ phần cho hành-giả công-phu tu luyện đạt thành chánh-quả.
Khi sinh-tiền, ai đến xin
luyện đạo, Đức Ngài CÂN THẦN, đo mức độ khí trược trong người đó coi có đủ sức
chịu nổi điển-lực thiêng-liêng không, nếu kém sức sẽ biến tướng thành Tả Đạo,
thì không cho luyện đạo. Các vị Thời-Quân Chi Pháp cũng có truyền bí-pháp cho
chức-sắc, nhưng khả năng cân thần không bằng Đức Ngài.
Năm 1936, các vị Phạm-Môn
chuyển qua Phước-Thiện, nhận lãnh Đầu Họ-Đạo Phước-Thiện tại các Tỉnh, Đức
Hộ-Pháp đã truyền các phép Bí-Tích: Giải-Oan, Tắm Thánh, Phép-Xá và Hôn-Phối
cho các vị tân Đầu-Họ tại Hộ-Pháp-Đường. Đức Ngài còn hành pháp trục Thần, khai
khiếu và ban pháp Bạch-Đăng (cây đèn trắng) để khi hành đạo tha phương gặp khó
khăn, thắp đèn lên vào giờ Tý rồi thành tâm cầu-nguyện Đức Ngài hiển-linh chỉ
giáo. Nhiều chức-sắc như Chí-Thiện Võ văn Đợi, Giáo-hữu Thượng Tý Thanh ... đã
được dạy đạo qua phương-pháp nầy. Huyền diệu nhứt là việc Đầu-Sư Thái Thơ Thanh
được Đức Ngài trợ Thần khi tịnh luyện. Ngài Thái Đầu-Sư rất kính phục và hủy bỏ
sơ đồ xây dựng nội-ô Tòa-Thánh theo ý phàm và giao việc xây cất Tòa-Thánh lại
cho Đức Hộ-Pháp làm theo thiên-khải, mà trong chuyến xuất thần vân du Ngài thấy
được.
Xem thế, ngay buổi đầu,
Đức Chí-Tôn dạy người theo Đạo tu thân là: công-quả và tịnh-luyện. Tân Luật
cũng xác nhận: Đạo gồm các Thánh-Thất (thể-pháp) và Tịnh-Thất (bí-pháp thiền định).
Thể-pháp là hình-tướng của Đạo, biểu tượng là Hội-Thánh. Bí-pháp là quyền năng
của điển-lực để người Đạo giải thoát. Thế nên, lúc mới khai đạo, nặng về phổ-độ
để đưa người vào cửa Đạo, sinh hoạt đạo-lý mà lập công, lập ngôn, rồi lập đức
mà tiêu trừ nghiệp chướng. Hai phần phổ-độ và vô-vi nằm chung trong chánh-thể
Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ. Hội-Thánh Cao-Đài thực-hành trọn vẹn cả hai. Bởi lẽ,
trong chơn-truyền của Đức Chí-Tôn không hề có sự phân-chia hai phần:
- 1 . Phổ-độ là ngoại giáo công-truyền do Tòa-Thánh
Tây-Ninh đảm trách,
- 2 . Vô-vi tịnh luyện là nội-giáo bí-truyền do Chi
Phái thực thi, như một ít người lầm tưởng.
Thể-pháp và bí-pháp tương
liên khắn khít với nhau như hình với bóng. Hễ có hình thì có bóng, có bóng tức
có hình. Nói cách khác, cầu Kinh tứ Thời là thể hình để người đạo, mỗi ngày một
ít, gom Thần định Trí và lý thanh cao tưởng đến Phật Trời. Còn cái bóng của
Kinh-kệ là trạng thái sống tinh-thần của người đạo đạt được khi vọng niệm. Các
âm-ba hòa nhập vào điển-lực của Trời Phật làm thức tỉnh Chơn-Thần. Âm-ba
Kinh-kệ là cái bóng, chữ nghĩa Kinh-kệ là cái hình. Hình với bóng không thể xa
nhau.
9 - Người ươm mầm Đạo Dịch
Vào mùa Xuân năm Nhâm-Tý,
tôi được Hiền-Tài Võ Hiếu Nghĩa cho xem bản thảo về Dịch-Lý. Ông kể:
"Vào mùa Xuân Canh
Dần (1950), từ Biên-Hòa về Đất Thánh viếng Sư-Phụ (chỉ Đức Hộ-Pháp). Trong cuộc
hội-kiến Đức Hộ-Pháp dạy:
"Các con nên lưu ý:
Đền-Thánh và các kiến-trúc trong hay ngoài đều tiềm-ẩn Dịch-lý. Các con đã
thấy, Thầy lập ba Tịnh-Thất: Thiên-Hỉ Động (Trí-Huệ-Cung), Địa-Linh Động
(Trí-Giác-Cung) và Nhơn-Hòa-Động (Vạn-Pháp-Cung) hàm ý Tam Tài".
"Ở ngoài miền Trung,
chi Minh-Sư của Đạo-sĩ Trần Cao Vân (1866 - 1916), trong Kinh Nhựt-Tụng có hai
câu:
Con cầu Phật-Tổ Như Lai,
Con cầu cho thấu Cao-Đài Tiên-Ông.
Vì đó, ông nghiên-cứu
Trung Thiên dịch và viết bài "Vịnh Tam Tài" như sau:
Trời Đất sinh ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có ta trong.
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh,
Trời Đất in ta một chữ đồng.
Trời nứt ra ta, Trời chuyển động,
Ta thay Trời mở đất mênh mông.
Trời che đất chở ta thong thả,
Trời Đất Ta đây đủ hóa công".
Đúng chín năm sau, Đức
Chí-Tôn giảng dạy về Bát Quái Cao-Đài như sau: "Thầy khai Bát-Quái mà tác
thành Càn-Khôn Thế-giái" (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I, trang 48 ). Đức Chí-Tôn
dạy tiếp: "Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ
Tượng sanh Bát-Quái, mà biến hóa vô cùng" (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển II, trang
62 ), rồi Thầy định phương vị Tòa-Thánh đối với Bát-Quái và Bát Phương như vầy:
"Tòa-Thánh day mặt hướng Tây (cung Đoài). Ấy là cung Đạo. Bên trái Thầy là
cung Càn, tay mặt Thầy là cung Khôn (từ trong Bát-Quái Đài nhìn ra) (Tân Luật,
Pháp Chánh Truyền, Paris Gasnier 1952, trang 71 ). Do đó, các cao-đồ vẽ
Bát-Quái Cao-Đài theo hình ở trang sau.
Xem thứ tự các quẻ Càn,
Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, thì giống thứ tự các quẻ Hậu-Thiên
Bát-Quái, như cách sắp xếp phương-vị của Bát-Quái và phương địa-lý khác nhau vì
bát-Quái Cao-Đài vận-hành theo chìu ngược kim đồng-hồ (chìu Dương của Dịch-Lý),
còn Bát-Quái Hậu-Thiên bắt đầu bằng cung Chấn và vận-hành ngược lại. Sở-dĩ như
vậy là vì:
1 . Hậu-Thiên làm cho Càn, Khôn thất vị nhiễm Trần,
2 . Đạo Cao-Đài thờ Con
Mắt Trái mở rộng, nên phải đưa quẻ Ly ( là con mắt) về hướng Bắc để vẽ con mắt
lên cung Bắc-Đẩu, trong khẩu truyền của chi Minh-Sư:
CAO như Bắc Khuyết nhơn chiêm ngưỡng,
Đài tại Nam phương Đạo thống truyền.
Trong khi đó, quẻ Ly của
Hậu-Thiên Bát-Quái nằm ở phương Nam để quẻ Càn nằm ở Tây-Bắc, chỉ vùng Kỳ-Sơn,
đất của Văn-Vương, nơi ông dấy nghiệp vua (Càn).
Việc thờ Quả Càn Khôn được
lý-giải như vầy: Càn (. . .) là Trời, nhẹ nhàng nên ở trên, biểu tượng bằng
Thiên-Cầu. Khôn (. . . ) là Đất, trọng trược nên nằm dưới, biểu tượng bằng
Địa-Cầu, lồng bên trong, tức Âm trong Dương. Đó là quẻ Bỉ ( . . ), biểu-tượng
thời Hạ-Ngươn mạt Pháp, tương ứng với ý chưa sinh, chưa biến-hóa. Song Đạo lập
ra để cứu đời, nếu đối diện với Quả Càn-Khôn là chữ KHÍ nơi Hiệp-Thiên-Đài (tức
hiệp nhứt Thiên Nhơn trong Kinh Dịch), biểu-tượng Âm Dương phải khí hóa. Trong
mỗi quẻ đều biểu tượng Tam Tài: Trời, Đất, Người; luôn luôn biến-thiên khí Âm,
khí Dương, đổi chỗ nhau, nhưng con người luôn nằm giữa. Nói cách khác con người
ở trạng thái quay của trái đất, lúc sáng (Dương), lúc tối (Âm). Điều đó giải
thích tại sao Âm nặng-nề, nằm dưới, mà có thể biến-hóa chiếm chỗ chánh-vị
Dương. Nhờ đó, quẻ Bỉ .... khí-hóa mới trở thành quẻ Thái ........ (Âm lên trên
Dương), là thông suốt an lạc mà tạo đời Thánh Đức. Nhờ Âm Dương hợp nhứt sinh
ra người (Âm Dương hợp nhứt vị nhân). Theo từ nguyên, chữ Nhân được hợp thành
do nét trái chỉ Dương và nét phải chỉ Âm, nên trong mổi con người đều có hai
khí Âm Dương.
Cụ thể hơn, ta lấy Càn
Khôn, tức quẻ Bỉ để vẽ sơ-đồ Bát-Quái đã có trong Vũ-Trụ:
photo
Bát-Quái Cao-Đài
Khi quẻ Càn di chuyển
chồng lên quẻ Khôn thì Tốn cũng di chuyển chồng lêm quẻ Cấn mà sinh ra quẻ
Tiệm.
Theo Dịch-Lý, Càn cầu ở
Khôn thì sinh Nữ, Khôn cầu ở Càn thì sinh Nam. Càn Khôn sinh ra Tiệm, tức con
người đứng giữa Trời Đất, giữ đạo trung chánh. Đức Chí-Tôn đã dạy: "Đạo
khai vào Rằm tháng 10 năm Bính-Dần, vì Nhơn sanh ư Dần, lấy Bính-Dần (1926) làm
năm đầu lịch Đại-Đạo (Võ Vương đã lấy Bính Dần [1134 trước Tây Lịch] làm năm
đầu lịch can chi nhà Châu ). Thế nên, Đạo Cao-Đài lấy Nhơn-Đạo làm nền tảng
giáo-lý. Nói cách khác, Đạo Cao-Đài đồng nghĩa với chủ-nghĩa Nhơn-Đạo (Humanitarisme),
với chủ thuyết Tâm Vật bình hành, không nghiêng Duy Tâm hay Duy Vật mà DUY
NHÂN, vì tâm và vật đều do Âm Dương khí hóa mà thành, chỉ có con người tối quan
trọng.
Nhắc lại việc Đức Phạm
Hộ-Pháp cho xây dựng ba Tịnh-thất như sau:
Trí-Huệ-Cung trong
Thiên-Hỉ Động, ở về phía Nam cách Đền Thánh độ 5 Km . Thiên-Hỉ Động là tòa nhà vuông (tứ tượng) có hai
lầu, phía dưới đất có làm phòng ngầm, xây cầu thang đi xuống đó là nơi nhập
đại-tịnh của Đức Phạm Hộ-Pháp.
Sau khi ra tịnh, trấn pháp
Long Tu Phiến và Kim-Tiên trên Thiên-Hỉ Động, Đức Ngài thuyết rằng:
"Ngày mai trấn pháp
Thiên-Hỉ-Động Trí-Huệ-Cung, Bần-Đạo lấy làm mừng đã làm tròn phận-sự đặc biệt
của Bần-Đạo.
"Trước Bần-Đạo đã
gánh vác về Thể-pháp Cửu-Trùng Đài ... Ngày nay vui mừng là Bần-Đạo có sức khỏe
đầy đủ, cầm bí-pháp của Đức Chí-Tôn đã giao phó, ấy là phận sự đặc biệt của
Bần-Đạo vậy".
Trí-Giác-Cung trong
Địa-Linh Động, nằm trên đường đi Qui-Thiện, cách Đền-Thánh độ 3 Km . Đây là nơi đầu tiên xây dựng đền thờ Đức
Phật-Mẫu.
Vạn-Pháp-Cung trong
Nhơn-Hòa-Động, định xây ở Sơn-Đình, chân Núi Bà Đen, sau dời về Phận-Đạo
Thập-Tam, cuối đường Bình-Dương-Đạo.
Chương nầy cho ta thấy vai
trò của Đức Phạm Hộ-Pháp trong Thể-Pháp và Bí-Pháp. Thể-Pháp và Bí-Pháp là hai
mặt mà bất cứ Tôn-giáo nào cũng phải có. Thể pháp của Đạo ai cũng thấy được.
Đức Phạm Hộ-Pháp lập ra những kiến-trúc hình tượng rất đặc thù của tôn-giáo
Cao-Đài: Thánh-Thất, Tòa-Thánh, Đền-Thờ Phật-Mẫu, y phục toàn trắng. Bất cứ ai,
bất cứ ở đâu, nhìn thấy những biểu tượng đó đều biết ngay là Đạo Cao-Đài.
Từ lúc "giáng-linh
Hộ-Pháp Vi-Đà" thì Đức Phạm Hộ-Pháp nắm cả quyền về Bí-Pháp. Trong Pháp
Chánh-Truyền, Đức Chí-Tôn đã dạy: "Hiệp-Thiên-Đài là nơi Thầy ngự cầm
quyền Thiêng-Liêng mối Đạo". "Quyền Thiêng-Liêng" đó là bí-pháp,
là điển-lực giải thoát Chơn-Thần con người thoát khỏi vòng tục lụy. Bí-pháp
thuộc trách-nhiệm nơi Hiệp-Thiên-Đài mà vị Chưởng-Quản là Hộ-Pháp.
Hãy nghe Đức Ngài giảng
việc này như sau:
" Khi Đức Chí-Tôn
chọn Bần-Đạo làm Hộ-Pháp, dạy Bần-Đạo phò-loan chấp bút. Nhờ chấp bút mà
Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn dạy cách tham-thiền. Khi biết tham thiền rồi mới nhập
tịnh, nhưng nhập-tịnh không phải dễ ...
"Chính Bần-Đạo được
Đức Chí-Tôn mở Huệ-Quang Khiếu, nên mới về được hội-kiến cùng Đức Chí-Tôn và
học hỏi được nơi Đức Chí-Tôn nhiều điều bí yếu bí trọng". (Lời Thuyết Đạo,
đêm 13-8-Mậu Tý tức 16-9-1948 tại Đền Thánh )
Nhờ đó mà Đức Ngài truyền
lại cho các chức-sắc hành pháp giải-oan, phép xác, hôn-phối, v.v. ... và luyện
Cam-Lồ-Thủy, Ma-Ha-Thủy, v.v. ... Những thể-pháp và những bí-pháp mà Đức Ngài
xây dựng và truyền giảng, các chức-sắc thừa-hành cố giữ y nguyên-trạng.
PHOTO
Cộ-bông: Đức-tin
Nhân-loại
PHOTO
Chân-dung và
lễ-phục Đức Hộ-Pháp
CHƯƠNG VII
Đạo Cao-Đài Ra Mặt Quốc-Tế
(1951 - 1955)
1 - Đức Phạm Hộ-Pháp lập Long-Hoa Thị
Khi ra nhà
tịnh, Đức Ngài thấy chợ Ngã-Năm (gần cửa số 4 Nội-Ô Tòa-Thánh) chật chội và ẩm
thấp, nên lấy 47 mẫu đất ở phía Nam Tòa-Thánh lập chợ Long-Hoa. Đến ngày
05.06.1951, chợ Long-Hoa cơ-bản thiết-lập xong, Đức Ngài làm lễ Ban Phép-Lành và
trấn thần Long-Hoa Thị và hiểu dụ:
"Bần-Đạo cho lập gấp
cái chợ nầy, tạo một nguồn sinh sống để dành cho nhơn-sanh. Ngày giờ nầy tuy là
cái chợ thô-sơ, rồi đây nó sẽ bành trướng rộng rãi hơn, long trọng hơn. Chắc
chắn con cái Đức Chí-Tôn không bao giờ ngờ đến thế. Nhưng Bần-Đạo quả quyết
việc đó phải có và nhứt định có, vì cái chợ chuyển thế và quyền Thiêng-Liêng
của Đức Chí-Tôn đã định vậy."
Sở dĩ Đức Ngài nhấn mạnh
"phải có", vì lúc bấy giờ vùng chợ Long-Hoa là khu rừng chồi, toàn
gốc cây, gò mối, một vài đường truông sình lầy. Người ta khó tin nơi đây trở
thành ngôi chợ sầm uất như ngày nay.
Khi khánh thành văn phòng
Ban Quản-Trị Long-Hoa Thị (15.07 Quí-Tỵ), Đức Ngài nói:
"Bần-Đạo rất tin cậy
với lòng nhiệt-thành của toàn thể, hãy giúp cho Ban Quản-Trị và Hội-Thánh lập
chợ Long-Hoa thiệt mau. Bần-Đạo dám chắc rằng đời sống của mấy em sẽ tăng thêm
không biết bao nhiêu tươi đẹp. Ngôi nhà chung của chúng ta là một Tông-đường để
đào tạo đám thơ-sinh tiếp tục làm Thánh-thể Đức Chí-Tôn, thừa chí đưa hết năng
lực tận tình đặng cứu khổ chúng sanh".
Chính Đức Ngài đôn đốc
công cuộc khai phá rừng và hiểu dụ:
"Sau hai năm, Qua còn
nhớ, khi Qua ra khỏi nhà tịnh Trí-Huệ-Cung. Về nơi đây, Qua ban phước lành chợ
Long-Hoa là tháng 7 năm Tân-Mão cho đến tháng 7 nầy thật ra có hai năm mà thôi.
Đức tin con người, nếu mà nhơn-loại tụ cả lại làm một khối, thì không có gì làm
không đặng. Qua vẫn biết cái sự nghiệp kinh doanh do tinh thần hoạt bát của mấy
em làm cho Qua được hưởng hạnh-phúc.
"Chợ Ngã Năm, mấy em
đừng tưởng có phép huyền-bí. Qua thấy chợ Ngã Năm rất sung túc, nhưng lại ẩm
thấp, chật chội. Cái tinh thần của mấy em đi cao tiến mạnh. Vì cớ, Qua mới lấy
khu rừng 47 mẫu (chưa có chợ nào đặng 47 mẫu), nhưng chừng vài năm nữa đây sẽ
chật hết. Qua đã thấy chen chút với nhau rồi đó."
Thật vậy, chợ cũ Long-Hoa
không đủ chỗ buôn bán, nên ngày mùng một tháng Giêng năm Nhâm-Thìn (1952), Đức
Hộ-Pháp cho khởi công đào móng xây Long-Hoa Thị (chỗ buôn bán hiện nay).
Đức Ngài nói: "Bát
Long dẫn thủy", thì mở tám con lộ Bát-Quái. Trong nhà lồng, xây dựng một
hồ nước thật cao, lấy nước rửa chợ, các tiệm, các phố đủ sức xài. Nhà lồng cất
bốn cánh, có hai tầng lầu: tầng dưới bán thực phẩm, tầng trên bán mỹ phẩm.
Trên bồn nước giữa chợ,
cất cái nhà nóc bằng để cho Thánh-Vệ ở, luân phiên giữ gìn châu vi chợ và làm
nơi ăn ở trên nhà gác.
Còn bốn phía chợ, đúc cột
làm hàng rào bằng song sắt thật đẹp, để trống cho bốn bề trông vào thấy chợ
thong dong mát mẻ. Mỗi phía hàng rào, có một cái cỗng. Bốn mặt như nhau, nhưng
mỗi cửa để chữ theo mỗi hướng, như: Đông-Môn, Tây-Môn, Nam-Môn, Bắc-Môn. Đừng
để mấy cái quán cóc che lấp cái vẻ đẹp của chợ. Mấy cái xép theo góc Bát-Quái,
cho Ban Kiến-Trúc cất, đúc cột lên mấy từng lầu như phố vậy, để làm Nhà Hàng
hoặc bán các loại máy móc, radio, nhưng tầng dưới chừa hai thước vuông cho trạm
Y-tế, ở cứu thương hoặc bịnh-hoạn sẵn có thuốc. Nghe qua công cuộc từng câu
chuyện, Đức Ngài trở lại cầm thước dây đo ngang 40 thước, từ mặt phố bên phải
qua trái, khoảng trên con lộ 40 thước, ở giữa con lộ lớn có hai cái lề. Bên
trong, sát mặt phố, có hai con lộ nhỏ, xe hơi chạy vào được. Dài trên lộ biểu
Trưởng-Tộc và nhân-viên Chưởng-Quản Phước-Thiện cũng lo cất 20 cái Bar, cất
trọn trên lề, đừng vi phạm choán con lộ mất đẹp. Bar cất hai tầng, cách 40
thước, xa xa để chừa đường ra vào mặt phố. Nếu cất khít, choán chỗ, người ta
rầy, mà coi không đẹp. Cho bán đồ bazar hoặc các thứ đồ chơi hoặc bông hoa trái
cây Đà-lạt. Mỗi Bar đều có bốn mặt, cữa kiếng xinh đẹp. Cấm nấu nướng. Chỉ đến
giờ, mở cửa bán, cũng như Bar giữa lộ ở Đô-thành, giống như Đại-Lộ Charner,
Sàigòn vậy.
Trong 20 cái Bar dành cho
người nghèo không phương sanh sống, hoặc đám nội trợ của chức-sắc nghèo cần có
phương sống. Khi bớt khổ phải đền ơn, giao lại cho Hội-Thánh cho người khác, cứ
kế tiếp không ai có quyền làm chủ vĩnh-viễn.
Hội-Thánh biết kẻ nghèo
cho ở chớ không thâu nạp đơn xin (bị lợi dụng), còn nền nhà hình, Thầy định cất
tại đầu lề lộ, hai bên cất y một kiểu có hai từng. Bên Xuân Dung thì làm nghề
ảnh đặc biệt riêng cho Thầy, dành lại số huê lợi đặng cho đám cô-nhi có phương
sống và mấy con nhiếp ảnh nên cố gắng truyền nghề cho chúng nó thành tài về
nghề phim ảnh chiếu bóng.
Trong nhà hình, từng dưới
chưng triển lãm các kiểu cỗ kim hoặc các cuộc kỷ-niệm, mỗi khi Thầy cần dùng
thì có sẵn; từng trên để làm nghề. Sau nầy ngoại quốc họ vô xem Báo-Quốc-Từ,
thì họ phải vào lấy hình ảnh, mấy con đủ nuôi đám cô-nhi. Còn bên kia giao cho
mấy đứa thủ trinh. Công-nghiệp tụi nó mà Thầy chưa ban đặc-ân, vậy để cho chúng
nó làm nhà cơm chay. Thầy làm ăn mót trên lề lộ mà có nghĩa giúp đám cô-nhi và
những người nghèo mà cũng là làm cho Long-Hoa-Thị ngày kia sung túc.
Long-Hoa-Thị sung túc rồi,
tự nó sẽ làm chén cơm bát nước của Hội-Thánh, của chức-sắc, của nhơn-sanh chung
hưởng đặc-ân. Vậy nên cố gắng tạo cho thành". Hồi mới xây dựng, Tòa-Thánh
có chợ Từ-Bi (khoảng trước Tòa Nội-Chánh), chợ Thương-binh (vì phần đất nầy
trước dành cho Thương Phế-binh Cao-Đài) nay là chợ Hiệp-Lễ, Tân-Dân-Thị (tức
chợ Qui-Thiện), Thiên-Vương-Thị (tức chợ Trường-Lưu), chợ Bến-Kéo, v.v. ...
2 - Việc lập các Phủ-Từ và Ngọc Xá-Lợi
Khởi đầu từ năm 1952, Đức
Phạm Hộ-Pháp cho thiết lập các Phủ-Từ, trong vùng Thánh-Địa nằm trong mục-đích
truyền Đạo mà phương-tiện là Tông-đường. Phủ-Từ hay nhà thờ Họ, như Lê Phủ-Từ,
Phạm Phủ-Từ, Văn Phủ-Từ, ... Thường tôn-vinh một vị văn võ song toàn trong
lịch-sử và một vị có phẩm-tước cao trong Đạo như Trần Phủ-Từ có thể đức Thánh
Trần Hưng Đạo và Ngài Khai-Pháp Trần Duy Nghĩa. Tất cả người trong họ có thể
thờ tại Phủ-Từ.
Đức Hộ-Pháp phủ dụ về việc
lập Tông-đường như sau:
"Từ trước đến giờ Đạo
Cao-Đài lấy Tông-Đường làm nền móng. Từ đây sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa, sẽ càng
cao trọng hơn nữa. Nhờ Tông-đường mà ta tạo dựng, bá Tộc ngày kia không ai
không Đạo. Mấy em tạo phủ thờ, công-nghiệp nầy là mấy em lập công đối với Đạo
Cao-Đài một cách gián tiếp đó vậy".
Trong dịp đến hội ở Phạm
Phủ-Từ, Đức Ngài giảng dạy:
"Hôm nay Bần-Đạo vào
hội chẳng phải lấy danh thể Hộ-Pháp mà chỉ lấy danh thể Phạm Công Tắc mà thôi.
Chữ hiếu là chữ đứng đầu hết. Không trọn hiếu thì không thể làm việc khác được.
Chúng ta có một cơ-nghiệp tận thiện, tận mỹ, vĩ-đại, ta muốn danh thể ta bền bĩ
lâu dài, đại nghiệp thiệt của chúng ta là đây.
"Các bậc tiền bối đã
dạy rằng: "lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế". Ta có thể làm
đạo lập thân danh nhưng phải có hiếu trước đã.
"Tạo Phạm Phủ-Từ,
chẳng phải cho riêng trong cửa Đạo hay nội trong nước Việt-Nam mà thôi. Chúng
ta ngó tới Bắc-Việt, Trung-Hoa ... tông-đường của ta ở mé biển nữa, thành một
cơ-quan vĩ-đại".
Xem đó, ta thấy quan niệm
của Đức Ngài rất rộng-rãi, rất lớn, lớn như nền đạo Cao-Đài.
Sang năm 1953, có nhiều
biến cố quan trọng. Khởi đầu Đức Ngài Narada Théra phó Giáo-Tông Phật-Giáo
Tích-Lan (nay là Srilanca) đem cho nước ta ba hạt Ngọc Xá-Lợi: một cho
Đại-Thừa, một cho Tiểu-Thừa Phật-Giáo Việt-Nam, còn một cho Tiểu-thừa Phật-Giáo
Campuchia. Vì Phái Đại-Thừa chưa quyết-định để hạt ngọc ở đâu, nên Đại-Đức
Narada Théra giao cho Hoàng-Thái-Hậu Từ-Cung (bà được ân-phong Phối-Sư
Tòa-Thánh Tây-Ninh) để tặng nơi nào tùy ý. Kèm theo ba hạt ngọc, có ba cây
bồ-đề: một cây tặng Tiểu-Thừa Việt-Nam, một cây tặng Tiểu-Thừa Campuchia và một
cây tặng Tòa-Thánh Tây-Ninh trồng gần trụ phướn trước Đền-Thánh. Còn hạt Xá-Lợi
Phật, thì được đăng điện đêm 18.05 Quí-Tỵ (1953), Đức Phạm Hộ-Pháp thuyết-giảng
như sau:
"Hạt Xá-Lợi đem về
Tòa-Thánh hôm nay là đặc biệt của Đại-Đức Narada Théra, Phó Giáo-Tông Phật-Giáo
Tích-Lan, lấy của tư Ngài hiến cho Tòa-Thánh. Chúng ta đã thấy sự khó khăn đem
Ngọc Xá-Lợi về Tòa-Thánh, đều do công của Ngài Bảo-Sanh Quân Hiệp-Thiên-Đài
(tức Bác-sĩ Lê văn Hoạch).
"Phật Thích-Ca, theo
Đại-Đức, là người như ta, có xác thân như ta, sống chết như ta, chớ không phải
là người trong thần thoại. Nhưng cái cao siêu về tâm hồn của Ngài, về tiền căn
thiêng-liêng của Ngài đã lên tới Phật-vị.
"Trước kia, Đức
Thích-Ca đã thành Phật đặng, chúng ta cũng thành Phật đặng. Bần-Đạo mong cả con
cái Đức Chí-Tôn cố gắng học đòi như Ngài".
"Khi Thích-Ca đắc
đạo, các Tông-đồ của Ngài thiêu thi hài của Ngài. Các lóng xương chưa thiêu
hủy, được cất giữ coi như báu vật, người ta gọi là Xá-Lợi Phật."
Ngày 18.08.1953 (10.07
Quí-Tỵ) Thủ-Tướng Nguyễn Văn Tâm mời Đức Hộ-Pháp và một số môn-sinh cũ của nhà
giáo Trần văn Giảng để ban cho Thầy cũ Huân-chương. Đức Hộ-Pháp đề-nghị tặng cụ
danh-hiệu Linh-Sơn Phu-Tử (Phu Tử đối phẩm Phối Sư, chức sắc cao nhất trong Ban
Thế Đạo ). Các cựu môn-sinh đều nhứt-trí.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét