Để thực hiện Chánh
Sách Hòa Bình Chung Sống, Ban Túc Trực Bến Hải được thành lập, ngày 17-4 năm
Bính Thân (1956), vị Trưởng phái đoàn Lê Văn Thoại đã cắm được cờ Nhan Uyên
(Nhan Uyên kỳ là cờ trắng của Thầy Nha Hồi dùng để khi nòi giống xô xác thì
trương lên giải hòa ) trên nhịp thứ hai cầu Hiền Lương thuộc sông Bến Hải, ông
Thoại bị mật vụ Ngô Đình Cẩn bắt ngay tại Quảng Trị và ba người khác: Nguyễn
Văn Kỳ,
Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Quốc Đại cũng bị cảnh sát bắt tại bến xe tỉnh
này. Tất cả nhóm 4 người đều bị giam tại Lao xá Thừa Thiên trên 3 năm mới được
trả tự do.
Cảnh sát Thừa Thiên còn
bắt Giáo-sư Thượng Cao Thanh (Mã Tăng Cao), Khâm Trấn Đạo Cao Đài Thừa Thiên vì
bị tình nghi chứa chấp và đưa đường Ban Túc Trực tới Bến Hải. Ông chết trong
ngục tại Huế.
Chánh sách này hoạt động
âm ỉ trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh. Vào ngày 23-10-1961, Sĩ Tải Phạm Duy
Nhung thừa ủy nhiệm của Đức Hộ Pháp họp báo tại nhà hàng Soái Kình Lâm (Chợ
Lớn) trước báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước, ông công bố các bức thư
gởi cho các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ có đơạn viết:
"Chúng tôi tin tưởng
vào sự chân thành của quí quốc với đại danh là liệt cường luôn luôn có ý chí
giúp đỡ dân tộc chúng tôi mà không vụ lợi". Ông bị chánh quyền Ngô Đình
Diệm bắt và tra tấn đến chết. Phong trào Thánh Xa Thơ ngày càng lên mạnh. Các
ông Chơn Nhơn Trịnh Phong Cương, Thừa Sử Phan Hữu Phước... đều bị bắt từ đây và
đều bỏ mạng trong tù.
Tính sổ, có trên hai ngàn
chức sắc, chức việc và tín đồ trên toàn quốc bị bắt giam cầm. Đức Hộ Pháp có
lập danh sách gởi đến Hội Nhân Quyền nhờ can thiệp mà không kết quả. Để bù lại,
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và các cường quốc nhiệt tình hoan nghinh Chánh
Sách Hòa Bình Chung Sống. Có thể liệt các văn thư, phúc thư dưới đây:
- 21.04.1956
- International Commission for Supervision and Control Cambodia do ông S.C. ấn
ký.
- 24.04.1956 - Président du Conseil Guy Mollet,
đó là tên của Thủ Tướng Pháp ấn ký.
- 26.04.1956 - Pierre Mendès France, Quốc Vụ
Khanh Pháp ấn ký.
- 2.05.1956 - United Nations, New York (Chef de
Section Département des Affaires Politiques et du Conseil de Sécurité) ấn ký.
- 3.05.1956 - Haut Commissariat de la
République Française du Cambodge do ông Pierre Gorce ấn ký.
- 14.05.1956
- United Nations (Liên Hiệp Quốc), New York, do ông Pedro L. Yap ấn ký.
- 16.05.1956
- Norodom Sihanouk Upayuvareach do Quốc Trưởng Norodom Sihanouk ấn ký.
- 19.05.1956
- Office of the President of the Philippines do ông Fort Unato de Léon ấn ký.
- 4.01.1958
- Cụ Tôn Đức Thắng, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mời Đức Hộ Pháp ghé thăm
Hà Nội vào xuân Mậu Tuất.
Trước tình hình đó,
Ngô Đình Diệm ra lịnh cho Tỉnh Trưởng Tây Ninh tổ chức lễ chào mừng tiếp nhận
"Hiệp Ước Bính Thân" mà Bảo-Thế Lê Thiện Phước đã ký với Phó
Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ vào ngày 17-1-Bính Thân (28-2-1956) xác nhận tách
rời chánh trị ra khỏi Đạo Cao-Đài. Thực chất là để phô trương thanh thế chánh
quyền nhằm thị uy, đàn áp tinh thần giáo dân Cao Đài.
Giáo dân bị bắt buộc tham
gia mít-tinh, bất mãn tỏ thái độ bất kính, nên Ngô Đình Diệm bực mình khiển
trách hai viên Tỉnh Trưởng và Trưởng Ty Cảnh Sát rồi về Sài Gòn. Nhân đó giáo
dân thừa thế tấn công các phóng viên quay phim lấy cớ họ xâm phạm chỗ tôn
nghiêm, thật ra chiếm lấy các cuộn phim quay cuộc lễ.
Vì đó, Ngô Đình Diệm ra
lịnh thẳng tay đàn áp bắt bớ các tín đồ Cao Đài. Đến ngày 17-9-1956, Diệm cho
mở chiến dịch Trương Tấn Bửu gồm chín bước, kéo dài trong 150 ngày đêm, nói là
"tố cộng". Nhưng thực chất là diệt Đạo Cao Đài. Đầu tiên làm thí điểm
ở xã Phước Vinh (Hảo Đước), mật vụ của Diệm bắt 4 người lính Cao Đài cũ nói là
Việt Cộng nằm vùng. Giáo dân Cao Đài phản đối kịch liệt họ phải thả bốn người
này.
Tại Nhàn Du Khách Sạn bị
mật vụ Diệm chiếm đóng không ngày nào họ không bắt người tra khảo xem coi có
liên lạc gì với Đức Phạm Hộ Pháp. Chiến dịch kết thúc mà không đạt ý muốn vì
mgười tín đồ ngậm miệng chịu tra tấn tù đày để giữ vẹn niềm tin.
"Mặc dù bị đàn áp gắt
gao, khí thế của giáo phái Cao Đài vẫn mạnh mẽ, khiến đầu năm 1957, anh em họ
Ngô phái đại diện đi Nam Vang gặp giáo chủ Phạm Công Tắc thương thuyết, mời về
hợp tác.
"Vị Giáo chủ Đạo Cao
Đài đưa điều kiện đòi Diệm phải thả hết những người Cao Đài bị giam giữ, chấm
dứt chiến dịch gọi là Tố Cộng, để bắt bớ các tín đồ tôn giáo, ngưng hẳn đàn áp
các giáo phái, ban hành các tự do dân chủ, và thành lập chánh quyền liên hiệp
quốc gia.
"Không mua chuộc, dụ
dỗ được giáo chủ Phạm Công Tắc, anh em Diệm tiếp tục chánh sách kỳ thị tôn
giáo". (Hoàng Trọng Miên, - Đệ Nhất Phu Nhân, Tập I )
Nhân ngày vía Đức Chí Tôn
năm Đinh Dậu (1957), Ngô Đình Diệm đưa tiền mua chuộc một số người kêu gọi giáo
dân mít tinh, trưng hình Đức Hộ Pháp và các biểu ngữ: "Yêu cầu Đức Hộ Pháp
hồi loan" và "Đạo không đời không sức, đời không Đạo không
quyền". Một số người nhẹ dạ nghe lời tuyên truyền của cán bộ thông tin
"Ngô Tổng Thống đã chấp thuận Đạo Cao Đài là quốc Đạo" v.v...
Nhưng nhóm Hòa Bình Chung
Sống đã hay tin sự từ khước trở về Việt Nam của Đức Hộ Pháp, nên họ phản tuyên
truyền, biến cuộc mít-tinh "Yêu cầu Đức Hộ Pháp hồi loan" thành cuộc
biểu tình đòi dân sinh dân chủ, chống bọn phản Thầy phản Đạo theo Diệm. Tỉnh
Trưỏng Nguyễn Văn Vàng đành đấu dịu rồi giải tán cuộc mít-tinh. Sau đó họ tìm
bắt các người chủ trương chống kế hoạch làm cho cuộc mít-tinh bị phá vỡ.
Ngô Đình Diệm còn cử phái
đoàn Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ lên Tòa Thánh áp lực Hội Thánh lấy tro Đức
Cường Để tại Báo Quốc Từ. Một số chức sắc buộc phải làm biên nhận việc lấy tro
cốt, mượn danh nghĩa là đưa về Huế thờ, thật sự là đào tận rễ không để chút di
tích chánh trị nào giữa nhà Nguyễn và Hội Thánh Cao Đài. Đồng thời Ngô Đình
Diệm cho chiếm luôn Nhàn Du Khách Sạn (vốn của Đạo), trước cửa chánh môn Tòa
Thánh, tăng cường thêm mật vụ để dò la các tín đồ Cao Đài thường tới lui cúng
kiếng. Mọi việc diễn biến ở Tòa Thánh đều được báo cáo đầy đủ lên Đức Phạm Hộ
Pháp ở Nam Vang.
Trong thời gian lưu vong,
Đức Ngài ban hành nhiều văn bản như sau:
- 1 . Thư gửi Chủ-Tịch
Liên-Hiệp Quốc và Thủ-Tướng Chánh-Phủ và các cường-quốc đề ngày 20.03.1956.
- 2 . Gởi cho toàn Đạo,
chức-sắc Thiên-phong, Hội-Thánh nam nữ Hiệp-Thiên-Đài, Cửu-Trùng Đài,
Phước-Thiện và Phạm-Môn, cùng cả con cái Đức Chí-Tôn nam nữ lưỡng phái, đề
Kiêm-Biên ngày 23.03.1956.
- 3 . Chánh-Sách Hòa-Bình
Chung Sống, đề ngày 26.03.1956.
- 4 . Bản Tuyên-Ngôn ngày
30.04.1956, trong đó nói rõ lý do lập quân-đội Cao-Đài và từ đấy bất kỳ
quân-lực nào mượn danh Đức Ngài đền giả dối.
- 5 . Thư gởi chư Đại-Đức
toàn thể các Tôn-Giáo, đề ngày 3.11.1956.
- 6 . Thư gửi cho cụ Hồ Chí-Minh, Chủ-Tịch nước
Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa và cụ Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Việt-Nam Cộng-Hòa,
ngày 28.03.1956 và một bức thư khác đề ngày 26.04.1956.
Để phúc-đáp, cụ Hồ Chí
Minh, Chủ-tịch nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa, từ Hà-nội gởi điện-văn cho Đức
Phạm Hộ-Pháp, nội dung bức điện-tín như sau:
Kính gởi:
Hộ-Pháp Phạm Công Tắc
Phnom Penh
Tôi trân trọng cám ơn bức
điện cụ gửi tôi ngày 26.04.1956 và thành thật hoan-nghênh cụ đã tỏ ý mong muốn
nước Việt-Nam ta được hòa-bình thống nhứt. Chánh-phủ Việt-Nam dân-Chủ Cộng-Hòa,
toàn dân ta từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước đều đang cương quyết và
bền bỉ đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của dân tộc, là làm cho
Việt-Nam ta được hòa-bình, thống-nhứt, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Cuộc đấu tranh của nhân
dân ta phải khó khăn và phức tạp song toàn dân đoàn kết một lòng, cương quyết
phấn đấu, cho nên nhứt định sẽ thắng lợi.
Tôi xin gửi cụ lời
chào trân trọng.
Hà Nội, ngày
21.06.1956
Hồ Chi Minh
Chủ Tịch Nước
Việt-Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Đến ngày 4.01.1958,
Chủ-Tịch Tôn Đức Thắng gởi thơ mời Đức Hộ-Pháp ra thăm Hà-Nội. Nội dung như
sau:
Việt-Nam Dân Chủ
Cộng Hòa
Độc Lập - Tự Do -
Hạnh Phúc
Ban Trung-Ương
Mặt Trận Tổ-Quốc
Việt-Nam
Kính gởi:
Ngài Hộ-Pháp Phạm Công Tắc
Phnom Penh
Chúng tôi vui mừng được
biết ý định của Ngài muốn đến Hà-Nội thăm đồng bào và tín-đồ Cao-Đài ở miền
Bắc.
Vậy chúng tôi, Ủy-Ban
Trung-Ương Mặt Trận Tổ-Quốc Việt-Nam và cá nhấn tôi, trân trọng mời Ngài đến hà
Nội nhân dịp Tết Nguyên-Đán Mậu-Tuất.
Xin gởi đến Ngài lời chào
thân ái, đoàn kết.
Kính chúc Ngài và đồng-bào
Cao-Đài luôn luôn mạnh khỏe.
Hà Nội, ngày
4.01.1956
T.M. Ủy-Ban
Trung-Ương
Mặt-Trận tổ-quốc
việt-nam
Chủ Tịch Đoàn
Tôn Đức Thắng
(ấn ký)
3 - Triều Thiên trên xứ Chùa Tháp
Biết mình
sắp qui Thiên, tuy đang nằm bệnh-viện Calmette, Đức Ngài gọi các chức-sắc dặn
từng người từng trách-nhiệm riêng rẽ. Đức Ngài dạy lập bản di-ngôn và gởi lên
Quốc-Trưởng Norodom Sihanouk theo hệ-thống hành-chánh. Dù vậy Đức Ngài vẫn gọi
Thái Chánh Phối-Sư Thái Khí Thanh, Khâm Trấn-Đạo Tần-Quốc, dạy rằng: "Ngày
thứ bảy là ngày Hoàng-Thượng Norodom Suramarit tiếp kiến thần dân Cao-Miên theo
lệ thường. Vậy hiền-đệ và Giáo-Hữu Thái Đổng Thanh hãy vào hoàng cung bái-kiến
Hoàng-Thượng dâng bức di-ngôn của Bần-Đạo.
Khi Hoàng-Thượng Suramarit
đến sân chầu, thấy trong đám quần thần có hai vị chức-sắc của Cao-Đài, mặc sắc
phục trắng, Hoàng Thượng liền đến gặp hai vị chức-sắc nhận bức di-ngôn và nói:
"Về thưa lại với Đức Hộ-Pháp, Hoàng-Thượng đã nhận bức di-ngôn và chấp
thuận những lời yêu cầu".
Nhị vị Chánh Phối-Sư Thái
Khí Thanh và Giáo-Hữu Thái Đổng Thanh bái lễ Hoàng-Thượng Suramarit rồi về
thẳng bệnh-viện Calmette trình lên Đức Hộ-Pháp tường tri.
Nguyên-văn bức Di-Ngôn
viết bằng tiếng Pháp được dịch lại như sau:
Hộ-Pháp Phạm Công
Tắc
Bề-Trên Đạo
Cao-Đài
Kính gởi:
Hoàng Thân
Norodom Sihanouk
SAMDACH
UPAYUVAREACH
Thưa Điện-Hạ,
Bần-Đạo gởi những dòng chữ
nầy đến Điện-Hạ trên giường bệnh của Bần-Đạo (bệnh-viện Calmette), sức khỏe của
Bần-Đạo nghĩ không còn sống được bao lâu nữa.
Vậy Bần-Đạo gởi lần cuối
cùng đến Điện-Hạ và Chánh-Phủ Hoàng-Gia Cao-Miên, tất cả lời cảm tạ chân-thành
về sự đối đãi rộng rãi của Điện-Hạ và Chánh-Phủ Hoàng-Gia dành cho Bần-Đạo với
đoàn tùy tùng và cho cả tín đồ của Bần-Đạo. Bấn-Đạo thành tâm cầu-nguyện
Thượng-Đế Cao-Đài và Phật Tổ ban hồng-ân che chở Vương-Quốc Cao-Miên và cho
Điện-Hạ để chóng thực-hiện và thành-công vẻ vang chánh-sách hòa-bình trung-lập
và chung sống hòa-bình, là chánh-sách đặc biệt ưu ái của Bần-Đạo, vì nó Bấn-Đạo
chịu hao mòn sức khoẻ của cả cuộc đời mà Bần-Đạo không thể thực hiện được.
Bần-Đạo thành tâm ước mong
rằng: Tổ-quốc thân yêu của chúng tôi, nước Việt-Nam có thể đeo đuổi theo
chánh-sách ấy trong một ngày gần đây, tay bắt tay đi với nước Cao-Miên trong
đường lối thương-yêu và hòa hợp giữa các sắc dân và nhất là giữa hai dân tộc
Việt Miên.
Bần-Đạo sẽ hoàn toàn sung
sưóng được yết kiến lần cuối cùng với Điện-Hạ, để tỏ bày tất cả những lời cảm
tạ của Bần-Đạo,. Không biết sức khỏe Bần-Đạo còn chờ được hay không ngày về của
Điện-Hạ.
Dầu sao tình thân hữu thâm
niên của chúng ta, nhơn danh tình thương yêu và tình huynh-đệ giữa hai dân tộc
Cao-Miên và Việt-Nam, nhất là nhân danh tương lai bất khả phân ly của hai nước
chúng ta: Cao-Miên và Việt-Nam.
Bần-Đạo cung kính xin
Điện-Hạ như một ân-huệ đặc biệt và cuối cùng cho Thánh-Thất chúng tôi khỏi chịu
dưới lịnh phá hủy, để giữ kỷ-niệm độc nhất của Bần-Đạo trên đất Miên.
Để giúp Điện-Hạ có một ý
niệm đúng đắn về tình hình, Bần Đạo trân trọng gởi đến Điện-Hạ một bản sao thơ
khẩn cầu của Bần-Đạo vừa chuyển đến Hoàng Thượng. Bần-Đạo giải-thoát kiếp sống
nơi đây. Bần-Đạo xin thỉnh cầu Điện-Hạ cho phép Bần Đạo tạm gởi thi-hài ở nơi đất
Miên, dưới sự bảo vệ tối cao của Hoàng-Gia Cao-Miên. Ngày nào tổ-quốc thân yêu
của Bần-Đạo là nước Việt-Nam đã thống nhất sẽ theo chánh-sách hòa-bình
trung-lập, mục phiêu đời sống của Bần-Đạo, tín-đồ của Bần-Đạo sẽ di thi-hài về
Tòa-Thánh Tây-Ninh.
Bần-Đạo khẩn cầu Điện-Hạ
và Chánh-Phủ Hoàng-Gia sau khi Bần-Đạo thoát xác, dành cho đoàn tùy tùng và cả
thiện-nam tín-nữ của Bần-Đạo sự khoản-đãi rộng rãi và các sự dễ dãi như trước
để tu-hành theo tôn-giáo.
Biết rằng Điện-Hạ sẽ chiếu
cố đến đơn thỉnh cầu nầy, Bần-Đạo sẽ thanh thản nhắm mắt đem theo cái kỷ-niệm
dịu dàng nhất trong đời của Bần-Đạo.
Cung kính xin Điện-Hạ chấp
thuận lòng tri ơn vĩnh viễn của Bần-Đạo.
Nam-Vang, ngày 14
tháng 5 năm 1959
Hộ-Pháp Phạm Công
Tắc
Mỗi ngày thấy sức khỏe
mình càng yếu, Đức Ngài nói với một ít tông-đồ: "Bần-Đạo đã lớn tuổi,
không thể lột da để sống đời đặng! Tương-lai của Đạo đều do ở các con, là đoàn
hậu tấn nối tiếp. Bần-Đạo chỉ là người tiền phong khai sáng mối Đạo. Đó là bước
đầu hy sinh lót đường mà thôi. Mối Đạo sau nầy thuộc về quyền của đoàn hậu tấn
tô điểm cho thiên hạ. Sứ mạng của đoàn hậu tấn là vậy".
Hai việc lớn ảnh hưởng đến
sức khỏe Đức Ngài là:
1. Việc xây Thánh-Thất bị
chính Thái-Tử Norodom Sihanouk ngăn chận vì Ngô Trọng Hiếu, đại-diện chánh-phủ
miền Nam Việt-Nam bên cạnh chính-phủ Cao-Miên, sau khi thương-thảo sự trở về
của Đức Hộ-Pháp không thành, họ cho rằng việc xây đền thờ chỉ là bình phong che
đậy âm mưu giục loạn ở Cao-Miên. Để giữ tình giao hảo với chánh phủ miền Nam,
Norodom Sihanouk ra lịnh trục xuất tất cả các công thợ về miền Nam. Những người
nầy về nước đều bị cảnh sát Ngô Đình Diệm bỏ tù.
2 . Thêm vào đó phong trào Hòa-Bình Chung Sống bị đàn
áp và bị bắt giam vô số kể. Mặc dầu Đức Ngài có lập danh-sách những người bị
bắt gởi qua Hội Nhân-Quyền và Liên-Hiệp Quốc mà không thấy kết quả gì. Trong
tình thế ấy, Ông Hồ Bảo-Đạo được lịnh xin một lá xâm như vầy:
Bao năm chìm đắm biển công-danh,
Chí muốn bay cao dạ chẳng thành.
Đêm thấy Thần Nhơn về báo mộng,
Ban lời Ngọc-chỉ của Thiên-Đình.
Thật vậy, một sáng vào
tháng tám năm Bính-Thân (1956), Đức Hộ-Pháp gọi ông Hồ Bảo-Đạo cho biết Ngài đã
thấy chữ APOTHÉOSE (hiển Thánh) trong đêm rồi. Chữ nầy có hai nghĩa:
1 . Vua chúa, Đại thần chết được đăng Tiên.
2 . Thành-công rực rỡ theo chí hướng của mình.
Điều nầy phù hợp với lá
xâm và cuộc đời hoạt-động đạo đời không ngừng nghỉ của Đức Ngài. Bây giờ, Đức
Ngài được Ngọc-chỉ APOTHÉOSE về chầu Thượng-Đế. Một sáng, Đức Ngài thức dậy
định bước xuống giường mà lực bất tòng tâm, choáng váng ngã ngữa lên giường, nửa
trên, nửa dưới. Đồng đạo lo thuốc thang chạy chửa cho Đức Ngài khỏe lại. Ngày
20 tháng 2 năm Đinh-Dậu (27.03.1957, Đức Cao Thượng-Phẩm về cơ khuyên Ngài đi
bịnh-viện, vì lúc ấy Đức Ngài đi đứng đã khó khăn lắm.
Đến đầu tháng tư năm
Kỷ-Hợi (1959), viên cò Cảnh-sát Cao-Miên thay vì báo tin cho Khâm-Trấn Đạo
Kiêm-Biên, lại đem giấy báo triệt hạ đền thờ mới xây vào thẳng bịnh-viện
Générale, gần Chợ Mới cho Đức Ngài. Tin sét đánh đã góp phần cho sự khổ tâm
cùng cực của Đức Ngài. Đức Ngài đòi về Báo-Ân- Đường, nhưng đồng-đạo và cô Ba,
cô Tư nhất trí đưa thẳng Đức Ngài đến bịnh-viện Calmette, bịnh-viện lớn nhất
của Pháp tại Nam-Vang. Nộp tiền phòng 10 ngày, nhưng mới 8 ngày Đức Hộ-Pháp đã
qui thiên, sau một cơn mệt, vào khoảng 12 giờ ngày Chủ-Nhật, nhằm lễ Ascension,
17.05.1959 (Mồng 10.04 Kỷ-Hợi), thọ 70 tuổi. Thánh thể được đưa về Thánh-Thất
Toul-Sway-Prey.
Đêm đó, Ngài Hồ Bảo-Đạo và
Si-Tải Bùi Quang Cao phò-loan, lúc thi thể chưa liệm, Đức Ngài cho bài thi:
Ba năm xa cách để chờ may,
Vạn sự do Thiên đã sắp bày.
Chí muốn cao bay trong một kiếp,
Giờ đây nhờ cậy các anh tài.
Đã đành cam phận còn xa thẳm,
Nhưng đấng mày râu
chẳng mảy may.
Một kiếp vì đời, tua gắng trả,
Cho rồi nợ thế khỏi ai hoài.
Đêm 13.04 Kỷ Hợi, Hồ
Bảo-Đạo và Sĩ-Tải Bùi Quang Cao lại phò loan, Đức Ngài cho bài thi khác:
Trót đã ba năm ở xứ người,
Đem thân đổi lấy phút vui tươi.
Ngờ đâu vạn sự do Thiên định,
Tuổi đã bảy mươi
cũng đủ rồi.
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
Buồn nhìn cội Đạo luống chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm chơn pháp,
Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.
Sĩ-Tải Bùi quang Cao cho
tôi biết, tuy cầu hai lần mà Đức Phạm Hộ-Pháp không vui lòng nên dạy:
"Bảo-Đạo yếu thần, tạm dùng bài này, sau sẽ chọn bài khác thay".
Sự trở về của Đức Ngài
không bình lặng như của nhơn-sanh, mà sự trở về của Đức Ngài là một biến cố lớn
cho toàn nhơn-loại, vị Giáo-chủ hoàn-cầu của Đạo Cao-Đài (The World Leader of
Caodaism) như tuần-báo Le Lien des Cercles d'Études gọi danh.
Đức Ngài hiện xuống vào
Tết Đoan-Ngọ, giữa khổ đau nhục-nhằn của dân-tộc, dưới hai tầng áp-bức phong
kiến và thực-dân. Đức Ngài san xẻ niềm đau đó bằng cách mang đến cho niềm tin
vào đấng Trọn-Lành. Đấng ấy sẽ giúp nước họ được tự-do dân chủ, thoát vòng
nô-lệ. Đức Ngài kêu gọi Tình-Thương và Công-Lý, mong hai điều nầy bao phủ toàn
thể thế-giới.
Nhưng khốn thay, chính bọn
lừa Thầy phản bạn, vì chút lợi danh dẫm đạp lên tình thương cao cả của Đức
Ngài.
Đức Ngài từ-bi tha thứ cho
kẻ dại hối lỗi ăn năn. Ngài tự lưu đày bên xứ Chùa Tháp mà không lúc nào không
hướng về Thánh-Địa, nơi còn nhiều nặng nề trong bể khổ cường quyền, gia-đình
trị đàn áp.
Đức Ngài trở về với Cha
Lành trong bao tham lam tội lỗi của bọn lừa Thầy phản bạn. Đức Ngài hiện xuống
và trở về đều vì nhơn-loại và chúng sanh được hằng sống.
Hiện xuống từ mùa Hạ,
Trở về từ mùa Hạ.
Thế-giới mộng ứng linh,
Ngài ban tình thương cao cả!
Thể theo thánh-ý của Đức
Hộ-Pháp, đồng thời tránh sự trích-điểm của các nhà thơ, nhà tư-tưởng, chúng tôi
mạo muội đan cử bài "Tân niên khai bút" của Đức Ngài viết vào ngày
mùng 4 tháng Giêng năm Bính Thân (1956), tức trước khi Ngài lưu vong không bao
lâu. Bài nầy không những tóm tắt chân dung về đời, đạo của Đức Ngài mà còn thể
hiện văn phong của Đức Ngài nữa:
Tân niên khai bút
Vẫn gánh non sông đến tuổi già,
Đòn tâm làm mạnh thế tài ba.
Đôi phen kiên nhẫn dìu hồn nuớc,
Lắm lúc truân-chuyên giữ đạo nhà.
Tính đức cổ-truyền trừ giặc loạn,
Nghĩa nhân pháp-bửu dẹp can qua.
Hồng-ân đã sẵn làm thao lược,
Ích quốc an dân dụng chữ hòa!
Được tin Đức
Hộ-Pháp triều thiên, toàn đạo trong nước vô cùng thương tiếc. Từ miền Trung
đến Lục Tỉnh kéo về Tòa-Thánh làm lễ truy điệu Đức Hộ-Pháp. Mật-vụ của Ngô Đình
Diệm hay tin đến giải tán. Tấm lòng của người Đạo đối với Đức Ngài quá to lớn,
nên họ phân tán từng nhóm nhỏ vượt biên giới sang Nam-Vang. Những tổ-chức trong
nước cũng phân tán mỏng như Hòa-Bình Chung-Sống, Thánh Xa-Thơ, Phạm-Môn,
Phạm-Nghiệp ... Mỗi nhóm đều tổ-chức tưởng niệm Đức Ngài trong nội-bộ của mình
để che mắt mật-vụ và Cần-lao Nhân-vị.
Tại Nam-Vang, năm mươi
ngàn tín-hữu Cao-Đài khắp nơi lũ lượt đưa nhau về Thủ-đô Phnom Penh thọ tang
suốt mười ngày đêm túc trực bên liên-đài của Đức Ngài. Đại-diện các Tôn-Giáo
trong nước Cam-Bốt từ các Tỉnh xa như Xiêm-Rệp, Battambang, Kratié, Kompong
Cham, Kompong Speu, Kompong Xom, Sway Riêng, Mimot đều đến chia buồn phúng điếu
với Hội-Thánh Ngoại-Giáo. Một số lớn ngoại-giao đoàn tại thủ-đô Phnom Penh cũng
đến đặt vòng hoa. Thủ-Tướng Pen Nouth đại-diện chính-phủ Hoàng-Gia Cao-Miên đến
chiêm-ngưỡng và đặt vòng hoa trước liên-đài. Khi Quốc-trưởng Norodom Sihanouk
công-du hải-ngoại trở về, trong buổi họp báo Norodom Sihanouk nói: "Khi
trở về nước, rất tiếc tôi không được hội-kiến với Đức Hộ-Pháp lần cuối. Tôi
hoàn toàn chấp nhận những lời đề-nghị của Đức Hộ-Pháp".
Phái-đoàn Phật-Giáo,
đại-diện Vua Sãi đến trì kinh và tiễn đưa liên-đài của Đức Hộ-Pháp đến
Bửu-tháp.
Tại miền Bắc Việt-Nam, nữ
Giáo-sư Hương-Dư, đại-diện Hội-Thánh Cao-Đài toàn miền Bắc thiết lễ truy điệu
rất trọng thể tại Thánh-Thất Thăng-Long. Trong khi ở miền Nam, Mật-vụ Ngô Đình
Diệm ngăn chận bất cứ cuộc lễ tưởng niệm nào. Ít hôm sau, Đức Ngài dùng huyền
diệu ứng linh cho nữ đồng-tử Sarah Barthel tại Paris. Đến đầu tháng 6 năm 1959,
tuần báo Le Lien des Cercles d'Etudes của Hội Nghiên Cứu Thần Linh Học bên Pháp
có đăng tin nữ đồng-tử Sarah Barthel tiếp nhận những tin từ cõi vô hình do
Giáo-chủ Cao-Đài Phạm Công Tắc khải ngộ. Sau khi đọc tin trên báo Le Lien,
Hội-Thánh Ngoại-Giáo có viết bài trả lời trên báo, bày tỏ quyền năng của Đức
Phạm Hộ-Pháp, về liên-đài, về cách liệm ngồi và bức di ngôn của Đức Ngài gởi
cho Sihanouk. Sau đó, các báo ngoại-quốc tiếp tục nghiên-cứu về huyền diệu
linh-ứng của Đức Ngài.
Theo thư của ông Olion và
Thánh-Giáo tiếp được, bà Sarah Barthel cho biết ngày rước chư Thánh có đủ các
Phật, Tiên, Thánh ngự, trong đó có ông mặc đồ đẹp, sắc phục có khôi giáp về
đồng ngự. Chư Phật, Thánh, Tiên đến chực đón mừng Chơn-linh ấy.
Chơn-linh ấy là Đức
Hộ-Pháp ở xứ Việt-Nam tên là Phạm Công Tắc. Sau khi hồn xuất ngoại thể xác,
Ngài ngồi trong cái hòm tám góc, ngữa hai bàn tay ban phép lành cho các sắc dân
vàng, xanh, đỏ, trắng. Mỗi sắc dân đều linh hiển khác nhau. Các tín-đồ của vị
Phật ấy toàn các sắc dân ấy, đều hưởng được diệu pháp của vị Phật Hộ-Pháp.
Theo thư của ông Placren
và Thánh-Giáo của bà Sarah Barthel đã đăng trên tuần báo Le Lien số 5 tháng 7
và 8 năm 1959, thì có nhiều người phỏng-vấn Đức Hộ-Pháp giữa không trung. Ngài
đã dùng huyền diệu thuyết giảng đạo đức uyên thâm để giác ngộ nước Việt-Nam
phải biết tôn trọng Đấng Thượng-Đế và Ngài cho biết Ngài còn phải trở lại một
lần nữa, chưa hề định đến nơi nào để kịp kỳ chuyển thế tạo dựng hoàn cầu.
Trên đây là cơ-quan
đồng-tử nước ngoài, các báo nước ngoài xác nhận ông Phạm Công Tắc là một vị
Phật Hộ-Pháp ở thượng-giới chớ không riêng gì các tín đồ người Việt Nam của Đức
Ngài đã từng sùng kính suy tôn vị Giáo-Chủ của mình như vậy. Những ai chưa có
đức tin vô đối về vị lãnh đạo tinh-thần của Đạo Cao-Đài, nên đọc kỷ lại các bài
của nữ đồng-tử Sarah Barthel trên báo "Le Lien des Cercles d'Etudes".
Tóm lại, không tín-hữu
Cao-Đài nào phủ nhận công đức của Đức Ngài. Đức Ngài là một vị Phật, không phải
từ chữ Giáo-chủ, mà cốt ở cái đức-độ, tài năng của Đức Ngài, khiến cho bất cứ
ai, dù không sống trong 18 Phận-Đạo vùng Thánh-Địa, cũng kính phục phẩm-giá cao
quý đó. Thế nên người đời dù có tán-dương hay "bốc-thơm" thêm bớt một
điều gì về sự-nghiệp của Đức Ngài đã làm trong khi còn hóa dân ở trần thế, thì
cái đức của Ngài không vì thế mà nhòe đi hay thăng trầm được.
Hoài Niệm Tôn-Sư
Giáng-sanh trùng ngũ hạnh thanh tao,
Sư-phụ độ đời đạt vị cao.
Ngự-Mã Thiên-Quân danh Hộ-Pháp,
Tây Sơn Đạo giả bậc thi-hào.
Linh-tiêu chánh pháp nâng gươm huệ,
Trần thế nghĩa nhân tỏa ánh sao.
Đắc Đạo Thầy về Kinh Bạch-Ngọc,
Ngàn thu thương tiếc lệ dâng trào.
Vân
Đằng
4 - Bát Thiên-tính của Đức Hộ-Pháp
Đọc đến đây, ta thấy được
phần nào những nét cơ bản của "Chân Dung Hộ-Pháp Phạm Công Tắc". Từ
đó, toát lên những đức tính siêu phàm của một bậc Giáo-Chủ mà chúng ta tạm gọi
là Bát Thiên-Tính. Xin trình bày như dưới đây:
Thánh-ngôn thuở khai đạo,
Đức Chí-Tôn có lần hỏi Đức Phạm Hộ-Pháp rằng: "Tắc, Thầy lấy đức tính của
con mà lập đạo được chăng?". Xem vậy, đức tính của Đức Ngài thật quan
trọng, có tác dụng lớn trong nền tân Tôn-Giáo. Mỗi Thánh-nhân giáng trần giáo
đạo có hai tính đức: một là Nhân-tính, hai là Thánh-tính. Nhân-tính là tính làm
người ở thế-gian vì còn chịu mang thi phàm xác thịt. Thánh-tính, là tính Trời
định cho chơn-linh ấy khi lâm phàm. Vì Đức Ki-Tô cũng phải mang hai đức tính
đó, nên Ngài đã ba lần bị quỉ Satan thử-thách mới đạt đạo. Trường hợp Đức Phạm
Hộ-Pháp cũng vậy, vì mang thi phàm mà phải chịu bao nhiêu thử-thách để xứng
đáng trở về ngôi xưa cảnh cũ.
Nhân-tính của Đức Ngài
phảng-phất nhiều hương-vị hiền triết của Thích-Ca, Chúa Ki-Tô, Khổng-Tử,
Gandhi, Nguyễn Bỉnh Khiêm ... Bởi Đức Ngài đã từng nghiên cứu về cuộc đời của
các bậc siêu-nhân thế giới nầy. Bằng chứng là lúc còn sanh tiền, ngoài lịch
kỷ-niệm trong Đạo, Ngài còn cho thiết lễ kỷ niệm các nhân vật trên. Do đó vô
hình trung con người của Đức Ngài được hun đúc qua các Thánh-chất đó, trở thành
Bát Tính sau:
1 - Hy-sinh thân-thế và chịu đựng tù đày mưu
tìm hạnh-phúc cho nhơn-sanh:
Đức tính đầu tiên của Đức
Phạm Hộ-Pháp là hy-sinh và chịu đựng một mình để cứu vớt muôn sanh linh.
Đó là gương hy-sinh chịu
đựng của bậc Thánh-nhân. Về các điểm nầy, tính đức của Đức Ngài phảng-phất tư
chất của Gandhi (1869-1946) và Chúa Kitô. Thánh Cam-Địa sinh ra đời, thì nước
Ấn chịu dưới sự đô-hộ của người Anh. Tuy đỗ Tiến-sĩ Luật-Khoa ở Anh, nhưng ông
chống lại sự áp bức của người Anh. Trong thế chiến thứ nhứt, trước lời hứa hẹn
của chính-phủ Anh, Gandhi kêu gọi đồng-bào đầu quân giúp chính quốc. Khi chiến
tranh kết thúc, Anh quên lời hứa. Thế nên, Gandhi lập Đảng Quốc-Đại dùng
chánh-sách bất bạo động chống Anh. Dân chúng hưởng-ứng nhiệt liệt. Chánh quyền
phải bắt giam ông. Khi ra tù ông vẫn tiếp tục tranh đấu rồi bị người đồng bào
quá khích ám sát chết.
Đức Phạm Hộ-Pháp cũng sanh
dưới chế độ thuộc-địa Pháp. Khi thế-chiến thứ hai bùng nổ, theo lời hứa của
chánh phủ Pháp, Đức Ngài kêu gọi toàn đạo đầu quân giúp Pháp và cũng bị Pháp
cầm tù ở Sơn-La, rồi Mã-Đảo (1941-1946). Được tự-do, Đức Ngài tiếp tục tìm
phương giành lấy độc-lập trong tay người Pháp. Cuối cùng Đức Ngài tự lưu đày do
chính các đệ-tử của Ngài làm áp lực và bỏ xác nơi xứ người.
Điều khác thường là cả hai
vị, không ai giữ địa-vị cao trọng nào trong chính-phủ và cũng không là
chính-khách nắm vận mạng quốc-gia.
Trên 5 năm chịu đựng ở
Mã-Đảo, mấy tháng bị bọn phản Thầy lừa Đạo thanh trừng tại Hộ-Pháp Đường. Nếu
không là bậc Thánh-nhân, hoặc vì sự liêm-sĩ nhất thời không tìm phương gỡ rối
thế tình, ... không cách nào hơn để giữ tình sư đệ, là phản tỉnh ra đi.
Chánh sách về quốc gia của
Mahatma Gandhi cũng giống như Chánh Sách Hòa-Bình Chung Sống của Đức Hộ-Pháp.
Chủ-nghĩa quốc-gia của chúng ta không làm hại quốc-gia khác, cũng như chúng ta
không phá hoại nước nào.
2 -
Hành-động tích-cực và tận tâm:
Thiên-tính của Đức Phạm
Hộ-Pháp là hành-động tích-cực và quả quyết. Đề xướng một việc gì nhất định sẽ
đi đến kết quả tốt và nhất định vận dụng mọi kế-hoạch để thực-hiện cho kỳ được.
Tìm việc chớ không đợi việc. Nếu không có đức tính tích-cực thì kỳ chắc
Tòa-Thánh xây dựng không xong. Không tiền, không nguyên vật-liệu, chỉ "bắt
gió nắn hình" (Ngài nói) mà công thợ phải trường trai tuyệt dục, thì thử
hỏi không tận tâm và hết sức làm việc, tổ-đình đồ-sộ kia làm sao hoàn-thành?
Với thái-độ tích cực nầy,
giống như Tổng-Thống Hoa-Kỳ Théodore Roosevelt (1858-1969), người đã hành-pháp
tại Kiêm-Biên giúp đạo. Théodore Roosevelt là một người tích-cực, hoạt động
không ngừng, có ý kiến trong hầu hết các vấn-đề trên mọi địa hạt và diễn tả với
khí phách như thác lũ. Đức Phạm Hộ-Pháp cũng vậy, Ngài phê-kiến và giải-quyết
mọi vấn-đề. Ai có đọc tập "Lời phê của Đức Phạm Hộ-Pháp" thì rõ. Từ
việc nhỏ như đắp đường đến nền chánh-trị đạo to lớn, nơi nào cũng có mắt của
Đức Ngài. Từ sau khi ở Mã-Đảo về, Đức Ngài đã ban hành nhiều Thánh-Lịnh và
Thánh-Huấn. Théodore Roosevelt cũng vậy, chỉ trong hai tháng đầu nắm quyền
Tổng-Thống, các công văn do ông ký có thể nối liền từ Mỹ quốc đến Việt-Nam.
3 - Óc
sáng tạo huyền-bí:
Một Tôn-Giáo bao gồm
Thể-pháp và Bí-Pháp. Thể-pháp là cái hình ảnh bên ngoài ai cũng có thấy và biết
được. Bí-Pháp là huyền nhiệm hư hư thực thực bên trong. Thiếu một trong hai
pháp đó thì không còn là Tôn-Giáo.
Đức Chí-Tôn lập Đạo căn cứ trên thiên-tính của
Đức Hộ-Pháp thì Ngài cũng giao bí-pháp Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nơi tay Hộ-Pháp.
Vào năm 1948, Đức Ngài đã để ra thời gian dài giảng về bí-pháp của Đạo, được
các tốc-ký viên ghi chép và in thành tập. Các đạo-hữu truyền miệng nhau những
lời tiên-tri của Ngài. Chẳng hạn như khi thiên-phong nhiều cho phái Tiên-Thiên, nhiều
đạo-hữu suy bì theo ý phàm tục,
Đức Ngài nói: "Các em đừng lo, rồi đây áo mão máng đầy rừng Thiên-nhiên.
Có ai đem đi đâu mà sợ". Thật vậy, chẳng bao lâu, mấy trăm chức-sắc phái
Tiên-Thiên do ông Nguyễn Bửu Tài lãnh đạo "cuốn tượng" về quê cũ.
Danh từ "cuốn tượng" rất thịnh hành trong vùng Thánh-Địa, ám chỉ
những kẻ chối Đạo bỏ Thầy. Hiện tượng nầy xảy ra nhiều lần khi bị cường quyền
áp-chế, những đạo hữu nhát nhúa, thiếu đức tin "cuốn tượng", dẹp
trang thờ Thầy (tức Đức Chí-Tôn). Từ "cuốn tượng" ngày nay đã
bình-dân-hóa, ám chỉ những kẻ thua rút chạy.
Chuyện Đức Ngài giải phép ếm Long Tuyền Kiếm ở
Phú-Mỹ, Mỹ-Tho; chuyện tiếp Kinh Phật-Mẫu ở Kiêm-Biên, v.v. ... không thể kể
hết được ... Khi còn nhỏ quạt hầu Đức Ngài ở Hộ-Pháp Đường, tôi mê xem hát
"Con Bạch-Tuột" ở rạp "Dân Tiến", sát cửa số 6 mà vào muộn,
Đức Ngài rầy nhẹ: "Sắp nhỏ mê xem hát quá hé! Thời gian nữa gánh hát sẽ
đến hát tận nhà. Lúc đó không thèm coi mới lạ kỳ chớ!". Bây giờ tôi mới
biết Đức Ngài muốn ám chỉ về truyền-hình hay vidéo. Chao ôi! Ngài nhìn xa, xa
quá ...
Ngoài ra Đức Ngài còn tuyên-bố nhiều yếu ngôn
quan trọng về nền Đạo, chính-trị nước nhà và thế-giới. Những lời nói đó có thể
sưu tập và in thành sách, chẳng thua gì "Sấm Trạng-Trình" của Thanh-Sơn Đạo-Sĩ.
Đức Ngài nắm giữ bí-pháp
các kiến-trúc xây cất Đền-Thánh, Thánh-Thất, Báo-Ân-Từ ... Những chi phái chấp
nhận giáo-lý Đạo qua Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển và Pháp-Chánh-Truyền, thì không thể
phủ-nhận các công-trình kiến-trúc. Mặt khác Đạo Cao-Đài được phổ-quát và
truyền-bá trong dân chúng là do cặp cơ Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc, đã phong
thánh cho tất cả tướng súy, những tông-đồ đầu tiên của nền Đại-Đạo. Rồi từ đó,
ví lý do này nọ, các chức-sắc bỏ Tòa-Thánh đi lập Hội-Thánh riêng, nhưng vẫn
giữ theo Tân Luật và Pháp-Chánh-Truyền. Có những kẻ đi xa hơn, chối bỏ Hộ-Pháp
Phạm Công Tắc, mà lại giữ những Thánh-Ngôn buổi đầu do cặp cơ Cư - Tắc viết ra.
Sao có hiện tượng kỳ lạ vậy: vừa là Hộ-Pháp, vừa không là Hộ-Pháp? Nếu bất kính
Hộ-Pháp Phạm Công Tắc, thì nên dẹp bỏ luôn những gì do ông viết ra mà lập một
Đạo khác, làm như thế mới hợp với lẽ hằng. Chỉ có một cách giải-thích lý-luận
bất nhất đó là: "Ông Hộ-Pháp Phạm Công Tắc không được độc-quyền cơ bứt, mà
để họ tự quay cơ ban tặng các chức: Giáo-Tông, Hộ-Pháp, Đầu-Sư, v.v. ... cho
một ít người hám danh (*). Đức Chí-Tôn đã dạy: "Thà là một tín-đồ mà làm
tròn nhiệm-vụ còn hơn mũ cao áo rộng mà phạm luật Thiên-Điều".
(*)(Khi nhóm Nguyễn Bửu tài cề Tòa
Thánh, Đức Hộ Pháp cho tự do lập đàn cơ ở chùa Thiên Linh Tự để học hỏi. Đồng
tử đi qúa đà phong cho ông Đốc Nguyễn Bửu Tài là Chưởng quản Cửu Trùng Đài, và
BS Cao Sỉ Tấn làm chưởng quản Hiệp Thiên Đài)
4 -
Chịu nỗi thống-khổ và oan-nghiệt của một con người:
Vì còn mang thi phàm xác
thịt, thì còn chịu bao nhiêu thử thách, khổ ải của một kiếp người. Chẳng-hạn,
Đức Kitô bị quỉ Satan khai chiến ba lần. Lần thứ nhất Satan vấn nạn: "Nếu
ông là con Thiên-Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này trở thành bánh đi".
Ngài đáp rằng: "Người ta khôngsống bằng bánh, nhưng bằng mọi lời bởi Chúa
phán ra". Satan mở cuộc tấn công thứ hai: "Nếu ông là con Thiên-Chúa,
hãy gieo mình xuống sông". Chúa Kitô đáp: "Người chớ thử Chúa là Chúa
của ngươi". Và lần thứ ba, nó đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, cho xem
tất cả các nước trên thế gian với những vinh-quang của trần thế và bảo Ngài
rằng: "Tất cả những vinh-quang phú quí đó ta sẽ cho ông, nếu ông quì xuống
mà lạy ta". Đức Jésus Christ: "Hỡi Satan cút đi, vì có lời chép rằng:
ngươi sẽ thờ phượng Chúa là Thiên-Chúa của ngươi". Kết quả là ác quỉ bỏ
Ngài và Thiên-Thần hiện đến hầu hạ Ngài.
Đấng Kitô chỉ chịu đựng và
truyền đạo trong ba năm, còn Đức Phạm Hộ-Pháp phải chịu lắm nỗi nhọc nhằn từ
năm 1926 đến năm 1959. Đức Ngài không bị Kim Quang Sứ (ngang với Satan) khảo
đảo mà bị cường quyền Pháp đàn áp lưu đày. Đức Ngài nói: "Khi vâng lịnh
Đức Chí-Tôn đến Gò-Kén mở Đạo, Bần Đạo có xin pbép nghỉ sáu tháng (vì là
công-chức). Đến chừng trở lại làm việc, người ta không cho Bần-Đạo làm ở
Nam-Việt nữa mà chuyển lên Kiêm-Biên ... Từ khi lập Đạo chịu khổ hạnh
truân-chuyên, chịu nhục nhã, chịu mọi điều thống khổ". Ngài chịu sự đàn áp
của 6 đời toàn quyền Pháp ở Đông-Dương.
Năm 1941 Đức Ngài bị chánh
quyền Pháp bắt đi an trí ở Di Linh rồi Sơn La. Viên cai tù nói với Đức Ngài
"Nếu ông do trời sai xuống hãy phá tù mà ra". Đức Ngài trả lời:
"thân phàm ta ở trong tù, chớ chơn linh ta ở thượng giới". Sau đó Đức
Ngài bị đày đi Mả Đảo (Phi Châu) suốt 5 năm 2 tháng 3 ngày. Một sĩ quan Pháp nói:
"Ong là giáo chủ Đạo Cao Đài hả, hãy nhảy xuống biển mà lội về Việt
Nam". Ngài mạnh dạn đọc bài thơ của Đấng Vô-Danh vừa cho Ngài tại
Madagascar:
Hòn đão này đây trước nhốt tù,
Mà nay làm khám nhốt thầy tu.
Quả như oan-nghiệt vay rồi trả,
Thì lũ Tây-Man, Nhật-bổn trừ.
Chúng cho là giả điên nên
cười rồi bỏ đi. Bởi lẽ, chúng cũng không hiểu Đức Ngài ngâm nga nói gì.
Gần cuối năm 1955, Nguyễn
Thành Phương, nguyên Tổng Tư Lệnh Quân-Đội Cao-Đài (Lúc ấy ông Nguyễn Thành
Phương vẫn chưa nhập môn theo Đạo (?). Khi chết đám tang ông không được làm
phép xác ), sau khi được quốc-gia-hóa, vì miếng đỉnh chung, nghe lời Ngô Đình
Diệm lập "Ban Thanh-Trừng" bao vây Hộ-Pháp Đường và bắt nhiều thiếu
nữ, ép buộc phải khai gian dối nhiều điều khiếm-nhã cho Đức Ngài, mà toàn thể
các tín-hữu ai cũng biết là Ban Thanh-Trừng vu khống. Anh của Nguyễn Thành
Phương là Nguyễn Thành Danh nói với chúng tôi: đó là khổ-nhục kế. Khổ-nhục kế
gì mà kẻ chủ mưu vênh cao mặt, được nhiều lợi lộc, còn người chịu nhục bị tơi
tả suốt bao năm trời không hề thấy mặt kẻ phản bội nào nhận lỗi.
Việc trên đây, chẳng khác
nào việc Juda bán Đức Chúa Jésus Christ cho bọn Giáo-trưởng Caiphe. Một lãnh-tụ
tôn-giáo mà bị chính kẻ mình lập lên bêu xấu, thì thử hỏi đứng ở địa-vị phàm
nhân, thiếu độ-lượng có lẽ sẽ xảy ra điều gì khác hơn là tấm lòng đại độ phản
tỉnh ra đi? Một đòn tâm lý hết sức cao nhã. Nếu những ai còn chút lương-tri,
còn chút hương-vị đạo đức trong lòng, chắc chắn không khỏi bị tòa-án lương-tâm
xét xử. Càng được sống lâu, thì càng ray rứt nhiều, càng tiếc một hành động vội
vàng, vị-kỷ, quên hẳn nghiệp đạo chung, quên hẳn vị đại-diện tối cao của một
tôn-giáo với bao nhiêu tín hữu đang thờ kính. Kính Đạo phải trọng Thầy, không
Thầy thì ai giữ Đạo cho ta kính.
5 -
Người của bình-dân:
điều nầy quá hiển-nhiên,
vì "Ngày nay Thầy đã khai Đạo nơi Đông Dương là cực Đông của Á-Châu, mà
lại khai nơi xứ Nam-Kỳ là xứ thuộc-địa. Ấy là do nơi thiên-cơ tiền-định cả muôn
năm, lại để thưởng cái lòng tín ngưỡng của người Nam từ thử". (Lời thuyết
giáo của Đức Quyền Giáo Tông, 1933 )
Đức Chí-Tôn đã chọn hạng
bình-dân Việt-Nam để dạy đạo trước tiên và chọn hạng trung lưu để lãnh đạo.
Hạng bình-dân lắm lòng trong sạch, cơ hàn đáng được đặc-ân. Đức Phạm Hộ-Pháp
tuy xuất thân trong đám trung-lưu, nhưng lại đứng về phía bình-dân. Đức Ngài
thường nói: "Không cần người giỏi, chỉ cần biết làm và chịu làm là
được". Sở dĩ Đức Chí-Tôn thay vì chọn bậc bác học thông thái để giáo đạo,
lại chọn hạng trung lưu và bình-dân mà dạy đạo là để cho thế gian nầy thấy rõ
quyền năng của Đức Chí-Tôn; bằng không, đời sau với tật sùng bái cá nhân sẽ cho
rằng Đạo Cao-Đài do các bậc thông-thái bày ra, chớ không phải do Trời lập. Đức
Ngài coi các thợ-hồ, nông dân là con của Thượng-Đế. Trong một lời phê năm
tân-Sửu, Đức Ngài viết:
"Qua đã biết trước
thế nào trong mấy em cũng có đứa ngồi ngục. Gấm bị trước vì Phối-Thánh Thoại
(vốn thợ-hồ đắp vẽ) muốn cho nó trả quả đối với Phối-Thánh lúc còn ở phàm; đáng
kiếp Gấm đụng đầu xe lửa, cũng như mẹ con Út Giáp đụng đầu xe lửa của Màng
(cũng thợ hồ, ân phong Phối-Thánh) buổi trước vậy. Mấy em ráng cẩn thận, đừng
ăn hiếp mấy ông Thánh ẩn thân bất ngờ, phải ngồi cửa Phong-Đô mà khóc đa
nghe".
Việc nầy, trùng hợp với
việc Thánh Gandhi nâng đỡ tập cấp (caste) Paria, cùng đinh của xã hội Ấn, hết
lòng thương họ vì họ bị ghét bỏ, cho là cặn bã của xã-hội. Thánh Gandhi cho họ
là con của "Thượng-Đế".
Đức Hộ-Pháp, trong câu văn
ngắn, đã nhắc lại hai lần "đụng đầu xe lửa". Nhất là quí ông Bùi Ái
Thoại và Phạm văn Màng, họ là những người như chiếc xe định hướng, chỉ đi về
một hướng, chỉ đi về một phía đạo-đức. Ai có đàn áp, chưởi mắng thế nào, họ vẫn
một lòng làm công quả. Khi qua đời, nhị vị hiển Thánh. Đức Phạm Hộ-Pháp mới
cảnh-giác cho những ai lấy quyền thế khôn-ngoan khinh khi kẻ nghèo hèn bình
dân, rồi thế nào cũng bị trả quả nhãn tiền.
6 - Có
hấp lực mãnh liệt:
Đức Ngài có một nhân điện
mãnh liệt, nhờ luyện đạo đến chỗ đạt pháp và sức nói lôi cuốn trong khi thuyết
đạo. Ngoài cái khẩu khí của bậc Thánh lâm phàm, Ngài còn am tường thủ thuật nói
trước công-chúng và "phương pháp Socrate" là đặt những câu hỏi làm
thế nào cho khách bàng quang chỉ có thể đáp có mà thôi. Chính nhờ vậy, đến ngày
nay chưa thấy ai phản đối hành động của Đức Ngài, chỉ trừ biến cố thiếu
suy-nghĩ của lũ môn-đồ Juda cuối năm 1955.
Nhờ có giọng nói ôn tồn mà
Đức Ngài thuyết đạo ròng rã hằng tháng về "Con Đường Thiêng-Liêng hằng
sống" và "Bí-Pháp" vào ban đêm. Đêm nào cũng đông chật tín-hữu,
giờ mà mọi người ngoại đạo đang yên giấc. Nếu không có một mãnh lực hấp dẫn lôi
cuốn được người nghe, mấy ai có thể theo dõi được những đêm triền miên thuyết
giảng đó.
Nhân điện của Đức Ngài
mạnh đến nỗi kẻ đối diện, đừng nói đến chư tín-đồ, ít dám nhìn thẳng tạng mặt.
Lúc Ngài ban phép lành tuy đứng xa hàng 10 đến 20 mét mà trong người nghe
nhân-điện chạy rờn rợn. Lời Ngài phán là răm rắp tuân theo, dù là chức-sắc
Thiên-phong đương quyền. Tất cả vì kính mà hành theo, không ai dám cãi sửa điều
gì. Còn nếu vì sợ mà làm theo, thì khi Ngài triều thiên chắc có người sẽ bươi
móc và chối bỏ những di sản của Đức Ngài. Sự kính trọng ấy đã đóng thành khối
và trở thành ấn tượng trong đầu mỗi tín-hữu, coi lời Đức Ngài nói là một định
đề hằng đúng.
Đức Ngài đã tiên liệu:
"Qua nói rằng mỗi vị tín-đồ đều có cái mão Giáo-Tông và Hộ-Pháp, không lấy
là lỗi tại mấy em, chẳng lẽ chỉ có một người mà người đó chết rồi thì diệt tiêu
Đạo?
"Ngày kia không có gì
vui cho qua hơn, khi thấy xuất-hiện trong mấy em, ở dưới bước lên ngồi địa-vị
cao trọng trong Đạo". (Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp , quyển II, Tây Ninh
1973, trang 122, 123 )
7 - Công bình và chính trực:
Đọc tập "Những lời
phê của Đức Hộ-Pháp" về việc Đạo, ta thấy rõ hai đạo công-bình và
chính-trực. Hai đức-tính nầy ảnh hưởng nơi Nho-Giáo, cách hành sử đối với các
tông-đồ của Đức Khổng Phu-Tử.
Ngày 17.03 Nhâm-Thìn, Đức
Ngài phê về việc đánh lộn như sau:
"Xem rõ vụ đánh lộn
đã nêu gương xấu cho đám trẻ nơi Long-Hoa-Thị, do một vị Lễ-Sanh và một
Giáo-viên trường Đạo-Đức. Hai người như thế mà làm gương như thế ... Lễ-Sanh
Hoàng đã dạy đàn em đánh lộn: võ-sĩ chớ không phải là một vị Lễ-Sanh của
Hội-Thánh! Hoàng không nên phận đàn anh, có đâu làm chức-sắc.
"Giáo-viên Thới là
một Giáo-viên, dạy dỗ đoàn thiếu sinh trong trường Đạo-Đức mà thô lỗ, không lể
nghi khiêm tốn, hỏi dạy sấp nhỏ học cái gì?
"Bần-Đạo định án:
"Ngưng chức Lễ-Sanh
trong sáu tháng và buộc phải cầu khẩn một vị Thiên-phong cho phục-vụ và bảo
lãnh giáo đạo cho Hoàng, trong sáu tháng mà không thuần nết thì sa thải xuống
hàng tín-đồ. Giáo viên Thới thì không cho dạy ở trường Đạo-Đức nữa và nếu từ
nay còn sanh sự với ai thì đuổi ra khỏi Thánh-Địa".
Đức Ngài lại phê về việc
xin chế giảm phẩm Thính-Thiện và Hành-Thiện thuộc Cơ-Quan Phước-Thiện:
"Đạo luật chơn-pháp
của Đức Chí-Tôn đã dạy, không được phép chế sửa. Nam phái thật hành chơn pháp,
đúng lý ra nữ phái cũng phải tùng nam phái mà thật-hành y luật định. Nghĩ lúc
ban sơ, nếu thi hành y luật thì phải thất phận, nên Bần-Đạo chế giảm cho nữ
phái mà thôi".
Đức Ngài đã áp dụng đúng
câu: "Tư vô tà" của Đạo Nho, lấy công bình chính trực mà trị an
thiên-hạ.
8 -
Từ-bi, khoan hồng và đại độ:
nói đến khoan hồng và
từ-bi là nói đến tấm lòng, nói đến cái tâm của nhà Phật. Đức Hộ-Pháp Phạm Công
Tắc chơn-linh là Hộ-Pháp Di Đà. Gặp kỳ ba phổ-độ, Ngài hạ mình mà dìu dẫn toàn
chư môn-đệ.
Đối với chức-sắc Đại
Thiên-phong như Đức Ngô Minh Chiêu, Đức Ngài gọi là Giáo-chủ; Đức Quyền
Giáo-Tông, Đức Ngài gọi là Anh Cả; Đức Cao Thượng-Phẩm, thì một cũng Anh Tư hai
cũng Anh Tư.
Đối với huynh đệ và người
cộng-sự, tuy Đức Ngài nắm chi Pháp, nên phải dùng pháp-trị: công-bình chánh
trực, nhưng về tình người lúc nào cũng khoan dung thân thiện. Nhất là trong
hàng Thập Nhị Thời Quân, những người lỡ phạm lỗi, Đức Ngài quên quá khứ chống
báng của họ. Đức Ngài cho lập Thánh-Xa-Thơ tìm rước hài cốt các chiến-sĩ vị
quốc vong thân (Nay Ngài dùng huyền diệu cho các đồng tử dân gian tầm xác các
liệt sĩ ) và cả chức-sắc bỏ mình ngoài Thánh-Địa. Nhờ thế, cốt của đại-huynh
Nguyễn Bảo-Pháp mới được cải táng về phần đất của Thập Nhị Thời Quân. Còn Trần
Khai-Pháp có lời quá đáng đối với Đức Ngài khi ở Mã Đảo. Đức Ngài không nhớ và
vẫn dùng công-quả của Trần Khai-Pháp. Khi qui vị, đám tang của Trần Khai-Pháp,
Đức Ngài cho làm rất lớn, không thua gì đám tang của Đức Thượng-Sanh. Năm 1946
khi tái thủ quyền hành, Đức Ngài ân-xá cho những người lầm đường. Nhờ vậy Cao
Bảo-Văn (Bảo-Văn Pháp-Quân Cao Quỳnh Diêu), Sĩ-Tải Phạm văn Ngọ (được phong là
Bảo-Đạo ở Ban Chỉnh-Đạo), rời phái Bến-Tre trở về Tây-Ninh. Cao Bảo-Văn, sau
khi qui vị được xây tháp và táng trước Tòa-Thánh, Còn Sĩ-Tải Phạm văn Ngọ được
thăng lên Truyền-Trạng. Những sự kiện đó, cho đồng-đạo thấy tấm lòng khoan dung
và đại độ của Đức Ngài. Đức Phạm Hộ-Pháp còn ban tặng cho những nhân-tài, những
đạo-tâm phẩm Hiền-Tài, như Hiền-Tài Mã Nguyên Lương (Tướng Trung-Hoa), Hiền-Tài
Hồ Tấn Khoa (Đốc Phủ-Sứ) và các vị Lễ-Sanh Nagafuchi (Nhựt-bổn), Serge Vanony
(Pháp), Ngọc Ba Thanh, Ngọc HòaThanh ... Các Lễ-Sanh do Ngài ứng phong này đều
tạm dùng phái Ngọc, để mở rộng cơ tận-độ và đáp ứng sự phát triển của nền Đạo.
Đức Ngài còn cho lớp Hiền-Tài cầu phong vào hàng Thánh-thể thay lớp chức-sắc cũ
ít học.
Năm 1955, quí Ngài Thái,
Thượng, Ngọc Chánh Phối-Sư cầu xin Đức Hộ-Pháp truy-phong tướng Trình Minh Thế
vào hàng phẩm Thế-Đạo. Đức Ngài phê như sau: "Truy thăng Trình Minh Thế
vào hàng phẩm Quốc-Sĩ và đặng thờ nơi Báo-Quốc-Từ cùng Đức Thành-Thái và Đức Kỳ
Ngoại Hầu Cường-Để".
Xem vậy, không những truy
tặng phẩm Quốc-sĩ đầu tiên Ban Thế-Đạo, mà còn đặc ân cho thờ chung với các vì
vương, thì đủ rõ lòng yêu mến người chiến-sĩ của Đức Ngài như thế nào!
Khi Hội-Thánh Phước-Thiện
trình về việc ông Giáo-Thọ Nguyễn văn Tuờng, đại-diện ông Đạo Nằm, Phật-Giáo
Thiền-Lâm (Long Xuyên), xin về hiệp nhất vào Phước-Thiện, Đức Ngài phê:
"Cửa từ-bi
Phước-Thiện vẫn mở rộng ... Bần Đạo lấy làm vui đẹp và hân-hạnh mà tiếp đón họ,
chỉ khuyên họ đừng quá mê tín mà thôi".
Do phúc-trình số 329/PT,
ngày 7.11.1952, dâng lên Đức Hộ-Pháp về việc Thiếu-Tá Khanh xin nhường chức
Lễ-Sanh cho thân phụ là cựu Chánh-Trị-Sự Đỗ văn Cầm, 73 tuổi, Đức Ngài phê:
"Phê y và tư cho
Quyền Ngọc Chánh Phối-Sư lập Thánh-lịnh ân phong cho cụ Đỗ văn Cầm vào hàng
Lễ-Sanh phái Ngọc (hàm phong). Còn Thiếu-Tá Khanh chỉ là một tín-đồ mà thôi.
Bần Đạo để lời khen lòng
hiếu thảo của Khanh, đáng ghi vào Đạo-Sử".
Sau nầy, Đức Ngài giáng cơ
phong cho ông Khanh làm Hộ-Đàn Pháp-Quân.
Đại-Đạo không phải là nơi
nhường tước phẩm thiêng-liêng. Đây là trường hợp biệt lệ. Thứ nhất, cụ Cầm đã
là cựu Chánh-Trị-Sự, tức đủ điều kiện lên Lễ-Sanh. Thứ hai, cụ đã 73 tuổi,
không biết thăng thiên lúc nào, có thể không đợi Hội Nhơn-Sanh phán xét kịp. Đây
chỉ có "phụ từ tử hiếu", lòng hiếu động thấu đến lòng Trời mà thôi.
Bát Tính của Đức Ngài xin
tóm lược bằng câu: "Tâm vô quái ngại, đại hùng, đại lực, đại từ-bi".
Với tám chương xây dựng
nên Bát Tính của Đức Phạm Hộ-Pháp. Còn về hoạt-động giúp đời, giúp nước của Đức
Ngài, xin để lịch-sử phán xét.
Về sự nghiệp Đạo, tác-giả
chỉ nêu được những nét chính, còn biết bao nhiêu điều khác nữa, nên khó tóm tắt
trong vài hàng.
Có điều chắc chắn, theo
các Đạo Sử của bà Đầu-Sư Nguyễn Hương-Hiếu và của Ngài Trương Hiến-Pháp là
"Không có Đức Ngài thì không có Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ, vì khi Đức Chí-Tôn
đến với Đức Ngô Minh Chiêu, chỉ xưng là Thầy và ban hồng-danh Cao-Đài
Tiên-Ông".
Thế nên, hình thể của Đạo
Cao-Đài, danh từ "Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ" là do cặp cơ Cư - Tắc viết
ra trong Pháp Chánh-Truyền trích từ Thánh-Ngôn của các Đấng, chớ không phải nơi
nào khác. Ngay cả hình thể hữu-vi Đền-Thánh, Đền thờ Phật-Mẫu, Thánh-Thất đều
do Đức Ngài chấp bút vẽ nên. Vì thế, bất cứ ai theo Đạo Cao-Đài cũng đều cần
tìm hiểu về các hoạt-động tôn-giáo của Đức Ngài. Đó là mục đích của quyển sách
nầy.
PHOTO
Đức Hộ-Pháp thiền-định
(năm 1951)
Ngày 16.01. đến ngày 16.04
năm Tân Mão
Hình - Đức Hộ-Pháp Phạm
Công Tắc , Trước Hộ-Pháp Đường năm 1952
CHƯƠNG IX
Giản-lược Chân-Dung Phạm Hộ-Pháp
(1890 - 1959)
1 - Ngươn-Linh của Phạm Hộ-Pháp
* Ngự Mã Thiên-Quân
Vị Thiên-Quân đánh xe ngựa
cho Thượng-Đế đi tuần du bốn phương trong Vũ-Trụ, nên tôn Ngài là Chuyển Luân
Vương (Tchakravartin), dùng Pháp Chánh mà trị-an nhơn-sanh. Khi tức vị, Ngài có
đủ 7 bửu bối, về thể pháp tượng trưng Thất Tình: Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ; về
bí-pháp tượng trưng Thất Bảo:
1 . Luân bảo (xe báu),
2 . Tượng bảo (voi báu),
3 . Mã
bảo (ngựa báu),
4 . Ma-ni châu (châu báu),
5 . Nữ bảo (Ngọc-Nữ),
6 . Chủ Tàng Thần (vị Thần giữ kho tàng),
7 . Chủ Binh Thần (vị Thần coi binh).
Ngai rắn bảy đầu bao hàm cả hai mặt đó.
1 . Ngài ngự trên bánh xe vàng, thì thống trị
cả bốn Đại Châu.
2 . Ngài ngự trên bánh xe bạc, thì cai-trị ba
Châu: Đông, Tây, Nam.
3 . Ngài ngự trên bánh xe đồng, thì cai trị hai
Châu: Đông, Nam.
4 . Ngài ngự trên bánh xe sắt, thì cai trị châu
phương
Nam.
Bánh xe Pháp (Luân Bảo)
lăn đến đâu, thì nơi đó dứt lầm lạc, người người ngộ đạo, nên Đức Phạm Hộ-Pháp
giáng trần thức-tỉnh tâm mê muội của nhơn-sanh.
Mừng Ngự-Mã Thiên-Quân
Đào nguyên lại trổ trái hai lần,
Ai ngỡ Việt Thường đã thấy lân.
Cung Đẩu vít xa gươm xích quỷ,
Thiềm Cung mở rộng cửa Hà-Ngân.
Xuân Thu định vững ngôi Lương-tể,
Phất Chủ quét tan lũ nịnh thần.
Thổi khí vĩnh-sanh lau xã tắc,
Mỡ đường quốc thể định phong vân.
Bát
Nương (1946)
* Nam-Bình Vương Phật
Nam-Bình Vương Phật hay
đọc tắt là Nam Phật (Ratna Sambhava), một Đức Phật trong bốn vị Phật cai trị ở
phương Nam tức Châu Thiệm-Bộ hay Nam Thiệm-Bộ Châu (Jambudvipa), một Châu trong
biển ở về Phía Nam núi Tu-Di, tức là Châu mà nhân loại đang ở.
Đức Phạm Hộ-Pháp dạy rằng
khi nào đền thờ Phật-Mẫu xây dựng thì đối diện với ngôi Phật-Mẫu và Cửu-vị Nữ
Phật là tượng của Nam-Bình Vương Phật (Nam Phật) tức tượng Đức Hộ-Pháp mặc tiểu
phục, trong Kỳ Ba Phổ-Độ này.
* Shiva cưỡi rắn bảy đầu
Trên chót vót Bát-Quái-Đài
của Đền-Thánh, Tòa-Thánh Tây-Ninh có tạc hình Tam Thế Phật, biểu tượng cho ba
thời kỳ khai Đạo.
Phật BRAHMA day mặt về
phía tây, giáng trần vào ngươn Thánh đức, cưỡi chim Huyền Nga bay khắp Càn
Khôn.
Phật SHIVA hay CIVA giáng
trần trong Ngươn Tranh-đấu, cưỡi rắn bảy đầu diệt thất tình. Phật Civa day mặt
về phương bắc để cầu khẩn Đức Chí-Tôn đại xá tội cho toàn nhơn-loại.
Chính vị Phật nầy là
ngươn-linh khởi thủy của Đức Phạm Hộ-Pháp. Thần Civa còn giữ vai trò của
Dharmapala tức là Hộ-Pháp giữ các đền thờ. (Nghiêm Thẩm, Tôn giáo của người
Chàm tại Việt nam. Sài gòn, Đại học Văn Khoa 1972, trang 18 )
Phật CHRISTNA hay KRISHNA
là hóa thân thứ tám của vị Thần tối cao Vichnou hay Vishnou (Bình Luận văn Học,
NXB Khánh Hòa 1991, trang 38 ) giáng trần vào Hạ-ngươn tức Nguơn Bảo-tồn. Phật
Krisna day mặt về phương Nam, cưởi con Giao-Long.
* Hộ-Pháp - Dharmapala
Hộ-Pháp Đàm-ma-pa-la là
một vị Bồ-Tát ở Thế-Kỷ thứ VI giáng trần ở Ấn-Độ, viên tịch năm 560. Ngài soạn
bộ "Thành duy thức luận", truyền đạo cho Giái-Hiền. Giái-Hiền truyền
lại cho sư Huyền-Trang, cao tăng nhà Đường. Khi Ngài lâm chung, trên không có
tiếng nói: "Đó là Đức Phật trong một ngàn đức Phật ở hiện kiếp nầy".
(Đoàn Trung Cồn, Phật Học Tự Điển (tập II). Sài gòn 1967, trang 44 )
* Vi-Đà Hộ-Pháp
Ở cửa bên trong các Chùa
có vị Hộ-Pháp mặc đồ nhà tướng cầm cây Kim Cang. Đó là Ngài Vi Đà (tức Vi-Hộ),
một vị Thiên Đại Tướng-Quân trong Tứ Thiên-Vương, hộ-trì Tam-Bảo: Phật, Pháp,
Tăng.
Đàn đêm 22 rạng
23.04.1926, Đức Chí-Tôn dạy lập bàn Vi Hộ-Pháp như sau:
"Cư, nghe dặn: con
biểu Tắc tắm rửa sạch-sẽ (xông-hương cho nó), biểu nó lựa một bộ quần áo tây
cho sạch sẽ, ăn mặc như thường, đội nón ...
"Cười ...
"Đáng lẽ nó phải sắm
khôi, giáp như hát bội, mà mắc nó nghèo, Thầy không biểu.
"Bắt nó lên đứng
trên, ngó mặt vô ngay Giáo-Tông, lấy chín tấc vải điều đắp mặt nó lại.
"Lịch, con viết một
lá phù "Giáng Ma Xử" đưa cho nó cầm.
"Cả thảy Môn đệ phân
làm ba ban, đều quì xuống, biểu Tắc leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang, đến
bàn Ngũ Lôi đặng Thầy triệu nó đến, rồi mới tới trước mặt Tắc, đặng Thầy trục
xuất chơn-thần nó ra. Nhớ biểu Hậu, Đức xông hương tay của chúng nó, như em có
giựt mình té thì đỡ."
Đức Chí-Tôn đã dạy rõ:
trục-xuất chơn-thần phàm nhơn của ông Phạm Công Tắc ra để chơn-thần Vi-Đà nhập
vào. Điều đó cho ta biết Ngài là ngươn-linh của Phật Vi-Đà.
Trong Kinh Đại Tường có
câu:
Giáng-linh Hộ-Pháp Vi-Đà,
Chuyển cây Ma-Xử đuổi tà trục tinh.
Câu trên chỉnh lại chính
tả, Đức Chí-Tôn viết "Vi-Hộ-Pháp" mà ta nhầm lẫn viết Di-Đà, tiếng
gọi tắt A-Di-Đà Phật, là vị Phật Chưởng-Quản cõi Cực-Lạc. Vi Đà như trên đã
giải là một trong Tứ Thiên-Vương, viết bằng chữ V (chữ Việt đầu thế-kỷ 20 chưa
chuẩn).
Đức Phạm Hộ-Pháp cũng dạy:
Cây Giáng Ma Xử để trấn giữ Thiên-Môn. Bửu-bối Đức Ngài cầm là cây Kim Tiên để
nhặc giữ Đạo-Pháp.
"Kim Tiên là gì? Là
biểu tượng của điển-lực điều khiển Càn-Khôn Vũ-Trụ mà chính đó là sanh-lực của
Vạn-vật. Nhờ nó mới có thể mở Đệ bát Khiếu và còn có một khiếu vô hình là Huệ
Quang Khiếu. Con người có ngũ quan hữu tướng và lục quan vô tướng, đều phải nhờ
cây Kim Tiên ấy mới có đủ quyền lực mở lục quan của mình đặng". (Lời
Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp đêm 14-12 Canh Dần , 1950 )
Câu liễn ở Hộ-Pháp Đường
khởi đầu bằng hai chữ Phạm Môn (cửa Phật), rất khác câu liễn ở Giáo-Tông Đường,
khởi đầu bằng hai chữ Giáo Tông.
PHAÏM giáo tùy Ngươn, cứu
thế độ nhơn hành chánh pháp,
MÔN quyền định hội, trừ tà
diệt mị hộ chơn truyền.
Qua câu liễn trên ở
Hộ-Pháp Đường, các Đấng đã xác nhận Đức Ngài là một vị Phật, nên nơi Ngài ở gọi
là cửa Phật (Phạm Môn).
Câu 1: Phật dạy tùy ngươn
mà giáng trần cứu đời, độ người hành Đạo đúng theo Pháp Chánh Truyền.
Câu 2: Cửa quyền định hội
mà trừ tà, diệt mê, bảo hộ đúng chơn truyền đạo pháp.
Câu liễn trên phản ảnh
đúng theo Pháp-Chánh Truyền: "Hộ-Pháp là người nắm cơ mầu-nhiệm của Đạo,
nắm luật của Đời, xử đoán chư Chức-sắc Thiên-phong và cả tín-đồ, cùng xin ban
thưởng: công thưởng tội trừng nơi thế nầy ... Người dùng hình-phạt phàm cho
giảm tội thiêng-liêng, nắm cơ mầu-nhiệm công-bình mà đưa các chơn-hồn vào
Bát-Quái-Đài, hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. (Tân Luật, Pháp Chánh
Truyền, Paris, Gasnier 1952, trang 91)
2 - Văn thi của Ái-Dân Phạm Công Tắc
Văn
Phương-Tu Đại-Đạo: tác-giả
Ái-Dân viết năm 1928. In lần thứ nhất 1969
do Hội-Thánh Phước-Thiện. In lần thứ hai cùng năm 1969 phân làm hai quyển:
- Quyển thứ nhứt: phần
phát đoan có viết: "Ai ai đã mang mãnh xác phàm nầy thì cũng tùng theo ba
cái luật thiên nhiên là: luật đời, luật đạo và luật Trời. Ba luật tương tự,
cũng phù hợp với luật điều Tam Giáo.
- Luật đời (Đời của Đạo)
gồm có: phận anh, phận chị, phận em trai, phận làm cha. Mỗi quyển chỉ có 32
trang.
Bài Thuyết- Đạo
Gồm những bài thuyết-đạo
từ năm 1946 đến 1955 của Đức Phạm Hộ-Pháp do Ban Tốc-Ký ghi chép và quay Ronéo:
1) - Lời thuyết đạo của
Đức Hộ-Pháp (Quyển I), in năm Canh-Tuất (1970) gồm 134 trang.
Lời tựa của Ngài Tiếp-Pháp
Trương văn Tràng, kiêm Trưởng-Ban Đạo-Sử như sau: "Những lời thuyết-đạo
trong quyển sách nầy là lời vàng tiếng ngọc của Đức Hộ-Pháp, một vị Giáo-chủ
của Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ, một bậc vĩ-nhân của thế-hệ, nên Ủy-Ban Sưu tầm và
Biên tập được thành lập có Đức Thượng-Sanh chấp thuận. Nay cuộc sưu tầm và biên
tập đã có kết quả mỹ mãn, nên Ủy-Ban đem ra ấn-tống cho toàn đạo thưởng
thức".
2) - Lời thuyết đạo của
Đức Hộ-Pháp (Quyển II), Ban Đạo-Sử in năm Quý Hợi (1973), gồm 175 trang, chủ
yếu thuyết về "Quốc-Đạo kim triêu thành Đại-Đạo. Nam Phong thử nhựt biến
Nhơn Phong".
3) - Lời thuyết đạo của
Đức Hộ-Pháp, Quyển III, quyển IV (1974), quyển V đều đã in xong.
4) - Nam Phong Quốc-Đạo,
do nhóm phụng-sự Đại-Đạo ở Kiến-Phong sưu tập trong những lời thuyết đạo của
Đức Hộ-Pháp năm 1948, gồm chín bài, 64 trang, in năm 1971.
5) - "Bí-Pháp"
& "Con đường Thiêng-liêng Hằng Sống", hai quyển nầy cũng nằm
trong chương-trình thuyết đạo 10 năm (1946-1955) của Đức Hộ-Pháp.
Riêng quyển "Con
Đường Thiêng-Liêng Hằng Sống" gát những bài không phù hợp chuyên đề, còn
lại 29 (30 ?) bài, dưới các tiểu mục có chủ đề như sau:
1 . Từ Hiệp-Thiên Đài đến Cung-Đạo.
2 . Cung Thể Thiên Hành-hóa.
3 . Cung Thể Thiên Hành-hóa (tiếp theo).
4 . Bát-Quái-Đài.
5 . Cung Tạo Hóa Thiên.
6 . Diêu-Trì Cung (Bát hồn).
7 . Ngọc-Hư Cung.
8 . Hoa Hội.
9 . Triết-lý về tứ khổ.
10 . Tôn-giáo làm nhơn-tâm bất nhứt.
11 . Vấn nạn tín ngưỡng.
12 . Luật thương-yêu, Quyền công-chánh.
13 . Hiệp Thiên Hành-Hóa, Bác-ái Công Bình.
14 . Tông-đồ các Tôn-Giáo.
15 . Cung Diêu-Trì, tiền kiếp Đức Phật-Mẫu.
16 . Người đẹp và con thú.
17 . Ngọc-Hư Cung - Nam-Tào
Bắc-Đẩu.
18 . Hiệp Thiên Hành-Hóa, các Tông-Đường.
19 . Cung Phục-Linh.
20 . Cung Phục-Linh, các Ngươn Đạo.
21 . Cung Phục-Linh, cơ giải-thoát.
22 . Linh Tiêu Điện.
23 . Linh Tiêu Điện (tiếp).
24 . Cực-Lạc Thế-giới, Niết-Bàn.
25 . Cửu Thiên khai hóa.
26 . Cõi Niết-Bàn.
27 . Giám-khảo Kim Quang Sứ.
28 . Cung Thượng-Thiên
Hổn-Ngươn.
29 . Lôi-Âm Tự, Bạch-Ngọc Kinh.
5) - "Trí-Huệ
Cung": do Phạm-Môn in năm 1973, có 32 trang chủ-yếu bài "Phương Luyện
Kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại-Đạo" do Đức Hộ-Pháp ký ban hành ngày 14
tháng Giêng năm Đinh-Hợi (1947) và 6 bài thuyết-đạo dạy về phép tu chơn.
Thi
Thiên-Thai Kiến Diện - do
Đức Hộ-Pháp viết từ năm 1927, bằng thể Thất ngôn Đường Luật, gồm 77 bài. Nhà
sách Minh-Tâm xuất bản và phát-hành năm 1964, có 24 trang. Sách gồm 2 phần:
- 1. Thiên-Thai kiến diện
có 7 bài.
- 2. Tam Thập lục Thiên ký
bút có 70 bài mà bài thứ 74 như sau:
Bài 74
Dời ra hướng Bắc đặng xem qua,
Mới rõ chánh kia chẳng nệ tà.
Tà chánh Thế-gian không biện biệt,
Chánh tà tâm nội có đâu xa.
Khử tà thân chánh, tà kiên chánh,
Phụ chánh cận tà, chánh biến tà,
Người có chơn-hồn, hồn ấy mất,
Muốn xem hí mắt ngó sao xa.
Thi Tuyển
Ai-Điếu Ca Bảo-Đạo
Cởi Hạc anh đà tách cõi Tây,
Từ nhau oằn oại gánh tình nầy.
Muôn lằn sóng thảm nơi trần tục,
Ngàn dặm bước nhàn tách gió mây.
Cõi thọ anh nương theo huệ bóng,
Thân phàm em trẻ chịu chia bầy.
Vui buồn sớt thảm ơn xưa tạc,
Càng nhớ càng sầu khó giải khuây.
19.10 Mậu-Thìn
(1927)
Dạo Đàn Cảm Tác
(của bà Bát Nương,
Ái-Dân họa-vận)
Năm âm mượn bực tỏ tơ lòng,
Đờn
"bắc" ra "ai" oán dội song.
Tiếng
thảm làm cơm tràn quá chén,
Hơi sầu dồn gối chất nên chồng.
Tranh Tần ghẹo khóc người Cung Lãnh,
Tỳ Hớn khêu đau khách ải đồng.
Nhạn lạc lìa cung đành lỗi nhịp,
Cậy lằn phong nguyệt nhắc duyên nồng.
21.02.1929
Người Tu-Hành
Chẳng ham danh lợi chẳng mê trần,
Thạch-động thanh nhàn thêm độ thân.
Biển Bắc mặc dầu con sóng bủa,
Non Nam chi quản đám mây vần.
Ngày ăn hai bữa nuôi Tinh huyết,
Đêm ngủ ba canh dưỡng Khí Thần.
Quyết đoán công-phu thân vận động,
Đường Tiên, cửa Phật mới mong gần.
1935
Nhắn Bạn Quyền
Giáo-Tông
Hồ-lô ai để ở nơi đâu?
Ái quốc Việt-Nam nghĩ bể đầu.
Cứu thế hồng-ân chưa rãi khắp,
Nâng thuyền lòng nước vốn còn sâu.
Nhân tài nảy nở tuy trăm bụng,
Dân-trí biến sanh bởi một đầu.
Ví nhướng mắt Tiên xem rõ trận,
Cuộc cờ thắng bại tận phao câu.
11.09 Bính-Tuất
(1946)
Thần Lý Ngưng
Dương Du Nam
Bầu linh gậy sắt quảy du Nam,
Nương bóng Từ-bi đến cõi phàm.
Độ thế so đồng vầng nhật nguyệt,
Phục-sinh đổ trọn giỏ hoa-lam.
Nẻo Tiên lối cũ thân dầu toại,
Bợn tục đường xưa bước đã nhàn.
Bảy bạn ai còn nơi cõi thế,
Đông-Du xin nhắc vụ ông Lam (Thể-Hòa).
Đêm 12.10 Kỷ-Sửu
(1949)
Cảm Tác Vía Đức
Quyền Giáo-Tông
Nguyện vọng như anh đã thỏa rồi,
Cố tâm kế chí có thằng tôi.
Bầu linh gậy sắt ông an thế,
Chày Gián Xử Ma tớ giúp đời.
Vững tiến xa thơ già gắng đẩy,
Xuôi chèo Bác Nhã trẻ đua bơi.
Khuôn hồng trước thấy trời quang đảng,
Kế nghiệp mai sau vẫn có người.,
18.11.1954
Kinh
Ngoài văn
thi, Đức Phạm Hộ-Pháp còn viết kinh. Mười bài kinh Song Thất Lục Bát in trong phần Kinh
Thế-Đạo, giọng Nam-Xuân là:
Kinh thuyết pháp, Kinh
nhập-hội, Kinh xuất-hội, Kinh đi ra đường, Kinh khi đi về, Kinh khi đi ngủ,
Kinh khi thức dậy, Kinh vào học, Kinh vào ăn cơm, Kinh khi ăn cơm rồi, Kinh
Hôn-Phối.
Tất cả mười bài đều làm
theo thể song thất lục bát, chỉ có bài Kinh nhập hội là 6 vế, hầu hết đều 4 vế;
chỉ trừ hai bài Kinh ăn cơm là hai vế mà thôi.
Mười bài đều xen nhiều chữ
Hán và điển-tích, đã được Hiền-Tài Đặng Mỹ Lệ soạn thảo dưới nhan-đề:
"Giải nghĩa Kinh Thế-Đạo".
Văn Tế
Tiểu-tường Đức
Quyền Giáo-Tông
(Ngày 16.10
Ất-Hợi)
Đoái Nam đãnh mây giăng,
Lượn Long-Giang sóng bùa.
Hồn Linh-điện đeo sầu trang Chí-Sĩ,
Tòa Cao-Đài chưa
lụy mặt anh-hùng.
Nước Việt-Thường ghi tạc mặt tài-danh,
Nòi Hồng-Lạc roi truyền gương tiết nghĩa.
Phương độ thế dầu lỡ làng chưa mãn địa,
Phép hóa-thân cũng mai mỉa đủ kinh Thiên.
Ba mươi năm lăn lộn cửa quyền,
Hay quan tiền vũ hậu,
Để tài tình ích nước lợi dân.
Trọn một đời người vinh diệu đai cân.
Thường suy cỗ nghiệm kim,
Đủ trí thức an bang tế thế.
Sanh gặp lúc ruộng dâu hóa bể,
Phong di tục diệt,
Nhìn nước non tha thiết tấm trung thành.
Ở phải hồi dĩ Lữ diệt Đinh,
Hiền vong ác thạnh.
Tìm không môn, xa lánh cửa công-khanh,
Nhưng mà: Toan cỡi
lao ẩn dật chốn non xanh. Thương chủng-tộc lao đao vòng tử xích,
Chuông cảnh tỉnh rán khua đêm tịch-mịch,
Trống chiều già gượng khích bóng trời mơi.
Trút bầu linh đổ Cam-lồ rưới nơi nơi,
Đưa gậy sắt dẹp sầu than cùng chốn chốn.
Qui tâm lý đem nhơn sanh về một bổn,
Lấy Thiên-lương làm thiên-hạ hiệp trăm nhà.
Cầm cờ Tang (*) cầu Vạn-Quốc dẹp can qua.
Đưa gươm huệ khuyên giống nòi thôi loạn lạc.
Mang thiên mạng Chí-Tôn phú thác.
Độ quần-linh giải thoát trầm luân.
Bố hồng-oai Hội-Thánh gội-nhuần,
Dắt nhơn-loại lánh thân ác Đạo.
Thuyền Bác-Nhã chở đầy khổ não,
Liền trở lui Bồng-Đảo bến xưa.
Chử Thiền lâm im tịnh mây mưa,
Vội rào chặc Tây-phương nẽo cũ.
Anh cả ơi!
Này sự nghiệp nhà Nam đầy nghĩa-vụ,
Anh lòng nào bỏ phú cho đám em khờ?
Kìa giang-san đất Việt những cơ đồ,
Anh sao nỡ nấy giao cho đàn em dại?
Nhìn dấu bước
ưu chơn nơi hồ hải,
Giục nhớ người nặng quảy gánh đồ thơ.
Nghe chày kình khua tiếng chốn đền thờ,
Giục nhớ khách giõi khai đường tận độ.
Ngôi còn đó,vị còn đó, Đạo còn đó, đời còn đó,
Nhà ở đây, vợ ở đây, con ở đây, bạn ở đây,
Anh sao nỡ vui miền Cực-Lạc!
Hay là giận nhơn-tình tráo chác?
Bến Ngân-Hà tắm mát tâm hồn.
Hay là hờn thế-sự dại khôn,
Vào Bát-Quái bảo tồn tri giác.
Vài từng rượu lạt,
Ít chén cơm chay.
Hỡi ơi! Thương thay!
Linh thiêng chứng chiếu.
(Đức Hộ-Pháp đọc
tại Đại-Đồng Xã)
Đức Hộ-Pháp Giáng-Cơ
Đạo Nghị-Định thứ tám của
Đức Lý Giáo-Tông và Đức Hộ-Pháp lập vào ngày 15.07 Giáp-Tuất (1934) có nói về
Chi Phái. Năm 1957, đàn cơ tại Cung-Đạo đêm 17.10 Đinh-Dậu, Đức Lý Giáo-Tông
giáng dạy:
"Chư Hiền hữu
Hiệp-Thiên-Đài! Về Đạo Nghị-Định của Lão đối với chi phái là phương pháp lúc
trước để phổ-độ nhơn-sanh mà thôi. Hiện giờ cửa Đạo đã mở rộng, thì cơ qui nhất
thế nào cũng sẽ thực-hiện được".
Mặt khác, Đàn cơ tại
Giáo-Tông Đường đêm 10 tháng 4 năm Giáp-Thìn (1964), Đức Hộ-Pháp giáng dạy:
"Ngày giờ gần đến,
nên Bần-Đạo để lời khuyên cả chức-sắc và toàn đạo rán thế nào thống nhứt Đạo
cho được, mới có đủ sức mạnh để làm gương cho vạn quốc".
Đêm mùng 4 tháng 7 Kỷ-Dậu
(16.08.1969). tại Giáo-Tông Đường có đủ mặt Đức Thượng-Sanh và các chức-sắc cao
cấp, Đức Hộ-Pháp giáng dạy:
"Kính chào Hiền-tỷ
Đầu-Sư, bạn Thượng-Sanh, chư Hiền-Hữu Hiến-Pháp, Hiến-Đạo, Khai Đạo và các em
Hiệp-Thiên, Cửu-Trùng.
"Bần-Đạo rất vui mừng
về việc hội ngộ hôm nay của chúng ta. Bần Đạo tin rằng các bạn có việc gì hay
muốn tỏ bày. Vậy bạn Thượng-Sanh khá cho biết ...
"Cười! Cũng là việc
hữu hình nữa, nếu các bạn đã để trọn tâm chí vào việc ấy (Qui-Điều Ban Thế-Đạo)
mà tu chỉnh thì hay thêm, chớ có sao. Vậy Bần-Đạo chấp-thuận ...
"Đức Lý Đại-Tiên có
thảo-luận với Bần-Đạo về việc tuyển chọn chức-sắc cao cấp Cửu-Trùng Đài, thì
nên tìm kiếm nhân-tài trong hoặc ngoài Ban Thế-Đạo, sẵn lòng tình nguyện hiến
thân phục-vụ cho Đạo. Đức Lý sẽ đặc cách ân phong quyền tước để phụng-sự cho có
hiệu-lực hơn".
Đêm 10 tháng 03 năm 1971,
tại Thánh-Thất Nam-Thành (Sàigòn), Đức Hộ-Pháp giáng cơ dạy Đạo:
"Hoa mai nào không
trổ vào mùa Đông? Người sứ mạng ưu thế nào không trổ mặt lúc thế sự loạn ly,
nhơn-tâm tán-loạn? ...
"Cái đau đớn nhất của
tình cốt nhục là tự cắt tay nhau cho thành người tàn phế". "Đạo có
sáng chói nơi mọi người, thì xã hội đời mới an.
"Sống dưới
Thánh-Đường uy nghiêm, đọc thuộc làu từ câu văn Đạo-Luật, Thánh-Ngôn, cũng chưa
chắc hiểu trọn vẹn Cao-Đài Chủ-Nghĩa. Câu văn chỉ là hình thức, phương tiện vẽ
nên chơn lý Đạo-Pháp, chớ không là Đạo-Pháp. Thánh-Đường ngoại thể đã huy
hoàng, thì Thánh-Đường nội tâm sẽ sáng chói.
"Thế cuộc đã mở màn.
Cơ Trời đang vận chuyển. Bần-Đạo muốn nói với chư Hiền là đừng nghĩ tới, đừng
bàn tới cái gì về phân-hóa, cái gì về thống nhất, duy nhất hay hiệp nhất nữa,
mà phải chấp nhận tất cả. Bao nhiêu kinh nghiệm đã thấy rồi ... Hãy siết chặc
tay nhau, tìm những giải pháp để làm chung một lối về cho tất cả các con cái
của Đức Chí-Tôn ...".
3 - Lược-sử chân-dung Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc
A . Phần Đời
1) - Thời thanh thiếu niên
- Phạm Công Tắc
(1890-1959), tự Ái-Dân, sanh vào tiết Đoan-Ngọ năm Canh-Dần, tại làng Bình Lập
(Long-An).
- Học chữ quốc-ngữ, chữ
Nho, rồi vào Trường Chasseloup Laubat (Sàigòn).
2) - Đường Đời
- 1916 làm Thơ-Ký sở
Thương-Chánh, rồi đổi đi Cái-Nhum (Hậu-Giang).
- 1917 lập gia-đình với bà
Nguyễn thị Nhiều, sinh được ba người con: 1 trai, 2 gái.
3) - Tám đức-tính:
1 . Hy-sinh thân thế và chịu đựng tù đày mưu tìm
hạnh-phúc cho nhơn-sanh.
2 . Hành-động tích-cực và tận tâm.
3 . Óc sáng tạo huyền-bí.
4 . Chịu nỗi thống khổ và oan-nghiệt của một con
người.
5 . Người của bình-dân.
6 . Có hấp lực mãnh-liệt.
7 . Công-bình và chính-trực.
8 . Từ-bi, khoan hồng và đại-độ.
B . Phần Đạo
1) - Tiền Khai Đạo
- Ngày 5.06 Ất-Sửu
(25.07.1925) ông Phạm Công Tắc xây bàn lần đầu tiên tại nhà ông Cao Hoài Sang,
cạnh Chợ Thái-Bình (Sàigòn) với ông Cao Quỳnh Cư.
- Ngày 10.06 Ất-Sửu
(30.07.1925), nhóm Cao Phạm gặp tiếp xúc Đấng A,Ă,Â, tức Đức Chí-Tôn, dạy đạo.
- Ngày 15.08 Ất-Sửu
(2.10.1925), Hội-Yến Diêu-Trì Cung lần đầu tiên tại nhà ông Cao Quỳnh Cư. Bắt
đầu dùng Đại Ngọc Cơ lần thứ nhứt.
- Ngày 3.09 Ất-Sửu
(20.10.1925), nhóm Cao Phạm được bà Cửu Thiên Huyền Nữ dạy tu tâm dưỡng tánh.
- Ngày 30.10 Ất-Sửu
(15.12.1925), Đức A, Ă, Â dạy tam vị vọng Thiên Cầu Đạo vào ngày mùng 1 tháng
sau.
- Ngày 1.11 Ất-Sửu
(16.12.1925), Tam vị Thiên-Sứ Cầu Đạo.
- Ngày 16.11 Ất-Sửu
(31.12.1925), Đức Cao-Đài xác nhận chính Ngài đã tá danh A, Ă, Â.
- Ngày 19 tháng 11 Ất-Sửu
(3.01.1926), Đức Cao-Đài dạy thủ cơ, chấp bút, triết lý Thiên nhơn hợp nhứt
trong cơ-bút.
- Ngày 1.12 Ất-Sửu
(14.01.1926), Đức Cao-Đài dạy cặp cơ Cư Tắc về Nội-Giáo tâm truyền (tu tịnh).
- Ngày 5.12. Ất-Sửu
(18.01.1926), cặp cơ Cư Tắc được lịnh Đức Cao-Đài lập đàn tại nhà ông Lê văn
Trung.
- Ngày 18.12 Ất-Sửu
(31.01.1926), Đức Cao-Đài dạy ông Phạm Công Tắc hãy ngừng việc đời ngoài xã hội
để lo việc Đạo.
- Ngày 20.12 Ất-Sửu
(31.01.1926), cặp cơ Cư Tắc độ Chủ-Quận Cần-Giuộc Nguyễn Ngọc Tương.
- Ngày 30.12 Ất-Sửu
(12.02.1926), nhân đêm giao-thừa, cặp cơ Cư Tắc đi với ông Ngô văn Chiêu đến
nhà bạn Đạo chúc Xuân. Mỗi nhà đều được Đức Cao-Đài ban cho bốn câu thơ.
BÍNH DẦN
- Ngày 8.01 Bính-Dần
(20.02.1926), Đức Chí-Tôn dạy:"Thầy là các con, các con là Thầy".
- Ngày 9.01 Bính-Dần
(21.02.1926, Lễ Vía Đức Chí-Tôn lần đầu tiên tại nhà ông Vương quan Kỳ và 13 vị
môn-đệ đầu tiên được điểm-danh.
- Ngày 13.01 Bính-Dần
(25.02.1926, Đức Chí-Tôn giải thích việc thờ Thiên-Nhãn, cách niệm danh Cao Đài
Tiên Ông, cách bắt ấn Tý, cách lạy và cách dâng Tam Bửu tại nhà ông Cao Quỳnh
Cư.
- Ngày 26.02 Bính-Dần
(8.04.1926), Đức Chí-Tôn giải nghĩa tuyên ngữ Tam-Kỳ Phổ-Độ, kêu ông Lê văn
Lịch đem bửu pháp ra cứu chúng-sanh, tức không được dấu kín thiền định, trong
nghĩa "Đại Ân-Xá".
- Ngày 11.03 Bính-Dần
(22.04.1926), Đức Chí-Tôn dạy sắp xếp bốn ghế dành cho Giáo-Tông và ba vị
Đầu-Sư tại nhà ông Lê văn Trung. Lập bàn Ngũ-Lôi để chức-sắc lập thệ khi lãnh
sứ mạng và tín-đồ lập thệ khi nhập-môn vào Đạo.
- Ngày 13.03 Bính-Dần
(24.04.1926), Đức Chí-Tôn dạy về Ngũ-Chi Đại-Đạo và việc qui nguyên phục-nhứt.
- Ông Ngô văn Chiêu tách
rời khỏi nhóm Cao Phạm.
- Ngày 14.03 Bính-Dần
(25.04.1926, Đức Chí-Tôn dạy lập bàn thờ Vi Hộ-Pháp để các chức-sắc lập thệ.
- Ngày 15.03 Bính-Dần
(26.04.1926), lễ Thiên-phong đầu tiên gồm có Đầu-Sư Thượng Trung Nhựt, Đầu-Sư
Ngọc Lịch Nguyệt, Hộ-Pháp Phạm Công Tắc, Thượng-Phẩm Cao Quỳnh Cư, Thượng-Sanh
Cao Hoài Sang. Vì ông Ngô văn Chiêu tách rời khỏi nhóm Phổ-Độ, nên Đức Chí-Tôn
chưa hề phong ông làm Giáo-Tông. Ai gọi ông Chiêu là Giáo-Tông, thứ nhứt là sai
về chơn-truyền vô-vi và giáo luật.
- Ngày 8.06 Bính-Dần
(17.07.1926), Đức Chí-Tôn dạy tổ-chức Nữ Phái, dạy về Tân Pháp trường trai,
thập trai, hiệp Tinh Khí Thần.
- Ngày 13.06 Bính-Dần
(22.07.1926), Đức Cao-Đài dạy về Khí Hư-Vô và Đạo: "Khí Hư-vô sanh có mình
Thầy "...". Nếu không Thầy, thì không có chi trong Càn Khôn
Thế-Giới" và Đạo sanh ra Phật, Tiên, Thánh.
- Ngày 2.07 Bính-Dần
(9.08.1926), Đức Chí-Tôn khai Tịch-Đạo Nam-phái "Thanh đạo tam khai thất
ức niên".
- Ngài 1.08 Bính-Dần
(7.09.1926), Đức Cao-Đài dạy đất Tây-Ninh là Thánh-Địa, phải lập Tòa-Thánh ở
Tây-Ninh, lo phổ-độ Nam-Kỳ trước, rồi ra Trung và Bắc.
- Ngày 12.08 Bính-Dần
(18.09.1926), Đức Chí-Tôn cho biết Đạo Cao-Đài sẽ là Quốc-Đạo.
- Ngày 16.08 Bính-Dần
(22.09.1926), Đức Chí-Tôn giao việc lập TÂN-LUẬT cho ba vị Chưởng-Pháp: Nguyễn
văn Tương, Như Nhãn Nguyễn văn Tường và Lão-Sư Trần văn Thụ.
- Ngày 21.08 Bính-Dần
(27.09.1926), tại Thánh-Thất Từ-Lâm (Gò-Kén) Thầy dạy: "Nhạc Lễ là phép
nhà Nam. Thầy muốn giữ sao cho trọn vẹn".
- Ngày 28.08 Bính-Dần
(4.10.1926), Đức Chí-Tôn chọn trong Kỳ Ba Phổ-Độ này: "Nhứt Phật, tam
Tiên, tam thập lục Thánh, thất thập nhị Hiền và tam thiên Đồ-Đệ".
- Ngày 1.09 Bính-Dần
(7.10.1926), ngày khai Tịch-Đạo với Chánh-Phủ Thuộc-địa, đơn gởi đến Thống-Đốc
Nam-Kỳ, Le Fol.
2) -
Thời-Kỳ khai nguyên Đạo
Ngày 15.10 Bính-Dần
(18.11.1926) chánh-thức khai Đạo tại Thánh-Thất Từ-Lâm (Gò-Kén - Tây-Ninh). Đức
Chí-Tôn cho hai câu liễn trước các Thánh-Thất, lập Tân-Luật, Pháp Chánh-Truyền,
tuyển-phong Hội-Thánh Cửu Trùng Đài, Hiệp-Thiên Đài, lập Tịch-Đạo Nữ Phái.
- Ngày 20.02 Đinh-Mão
(23.03.1927), dời Thánh-Tượng về chùa mới ở làng Long-Thành tức khuôn viên
Tòa-Thánh ngày nay, vì Hòa-Thượng Như-Nhãn đòi chùa Từ-Lâm lại.
- Tháng 4 Đinh-Mão (tháng
5.1927), thành lập Hội-Thánh Ngoại-Giáo ở Nam-Vang. Thiên-phong đầu tiên cho
Hội-Thánh Ngoại-Giáo vào đêm 27.07.1927, mà Tiếp-Đạo Cao Đức Trọng được phong
trong đàn nầy.
- Ngày 16.10 Mậu-Thìn
(17.11.1928), Bà Bát Nương chỉ cách phá phép ếm Long Tuyền Kiếm cho Đức
Hộ-Pháp.
3) - Thời kỳ Chưởng-Quản Hiệp-Thiên Đài
- Ngày 3.10 Canh-Ngọ
(22.11.1930), Đức Lý Giáo-Tông và Đức Phạm Hộ-Pháp lập 6 Đạo Nghị-Định và ban
hành ngày 15.10 năm Canh-Ngọ.
- Ngày 15.07 Giáp-Tuất
(25.08.1934) ban hành thêm hai Đạo Nghị-Định gọi chung là Bát Đạo Nghị-Định.
- Ngày 21.01 Nhâm-Thân
(17.02.1932), Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Phạm Hộ-Pháp ban hành Ba Hội Lập Quyền
Vạn-Linh, gồm có: Thượng-Hội, Hội-Thánh và Hội Nhơn-Sanh.
- Ngày 23.07 đến ngày 4.08
năm Ất-Hợi (21 đến 31.08.1935), các Đấng giáng cho Tân Kinh.
4) -
Thời kỳ Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình Đài
- Ngày 17.10 Ất-Hợi
(8.11.1935), Hội Nhơn-Sanh biểu-quyết như vầy: "Đồng lòng bỏ thăm tín
nhiệm chính sách độc tài của Đức Hộ-Pháp".
- Ngày 18.10 Ất-Hợi
(9.11.1935), Hội-Thánh Cao-Đài cũng biểu-quyết như trên. Từ đó Đức Hộ-Pháp
Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình Đài.
- Ngày 1.11 Bính-Tý
(14.12.1936), Đức Hộ-Pháp tái khởi công xây dựng Đền-Thánh và khánh-thành từ
ngày 6 đến 16 tháng Giêng năm Ất-Mùi (29.01 đến 8.02.1955).
- Tháng 11.1937, Đức
Hộ-Pháp trả lời chất-vấn của Chủ-Tịch Ủy-Ban Điều-Tra các Thuộc-Địa Hải-Ngoại.
- Ngày 4.06 Tân-Tỵ (1941),
lính mật-thám Pháp vào Hộ-Pháp-Đường bắt Đức Hộ-Pháp đưa đi an-trí tại Di-Linh
(Lâm-Đồng), Sơn-La (Bắc-Việt), rồi đưa về Sàigòn.
- Ngày 3.07 Tân-Tỵ
(27.07.1941), Đức Hộ-Pháp và 5 vị Chức-sắc bị đưa xuống tàu Compiège ở cảng
Nhà-Rồng sang cảng Diego Suarez, miền Bắc đảo Madagascar.
- Ngày 30.08.1946 (mùng 4
tháng 8 Bính-Tuất) Đức Hộ-Pháp được trả tự-do về Tòa-Thánh Tây-Ninh, sau 5 năm
hai tháng bị tù đày.
- Ngày 14.01 Đinh-Hợi
(1947), Đức Hộ-Pháp ban hành Đạo-Lịnh 209, chỉ dẫn về "Phương Luyện Kỷ
đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo".
- Ngày 27.05 Canh-Dần
(11.07.1950) theo Thánh Lịnh số 302, chư chức-sắc phái Tiên-Thiên được phong
vào hàng chức-sắc Tòa-Thánh Tây-Ninh gồm 2 Phối-Sư, 6 Giáo-Sư, 26 Giáo-Hữu và
53 Lễ-Sanh.
- Ngày 18.10.1950, Đức
Hộ-Pháp đi Hà-Nội kêu gọi các Tôn-Giáo, Đảng-phái đoàn kết và thăm đồng bào
Cao-Đài miền Bắc.
- Ngày 10 tháng 07 Quí-Tỵ
(18.08.1953), Thủ-Tướng Nguyễn Văn Tâm trao Huân-Chương cho Thầy Trần văn
Giảng. Đức Hộ-Pháp cũng tặng Thầy cũ danh hiệu Linh-Sơn Phu-Tử.
- Ngày 17.04 Giáp-Ngọ
(19.05.1954), đáp lời mời của Quốc-Trưởng Bảo-Đại, Đức Hộ-Pháp sang Pháp cố-vấn
hoạch-định chương-trình Hội-nghị Génève.
- Ngày 20.07 Giáp-Ngọ
(18.08.1954), Đức Hộ-Pháp thăm xã-giao các Tổng-Thống Tưởng Giới Thạch
(Đài-Loan), Lý Thừa Vãn (Đại-Hàn) và sang Nhật rước di cốt Kỳ Ngoại-Hầu
Cường-Để.
5) - Triều-Thiên trên đất Chùa-Tháp (Nam-Vang)
- Ngày 20.08 Ất-Mùi (1955)
Ban Thanh Trừng của Nguyễn Thành Phương bao vây Hộ-Pháp Đường đến ngày 5.01
Bính-Thân.
- Ngày 5.01 Bính-Thân
(1956), Đức Hộ-Pháp tự lưu vong sang Cao-Miên.
- Ngày 26.03.1956, Đức
Hộ-Pháp ban hành "Chánh-Sách Hòa-Bình Chung-Sống": do dân, phục-vụ
dân.
- Ngày 28.03.1956: Đức
Hộ-Pháp gởi thư cho lãnh-đạo hai miền Nam Bắc Việt-Nam.
- Ngày 14.04.1959, Đức
Hộ-Pháp lập bản di-ngôn gởi Hoàng-thân Norodom Sihanouk.
- Ngày 10.04 Kỷ-Hợi
(15.05.1959), Đức Hộ-Pháp triều thiên tại Thánh-Thất Toul-Swey-Prey, Thủ-đô
Nam-Vang, Cao-Miên.
PHOTO
Tháp của Đức Hộ-Pháp trước
Đền-Thánh
(phía trước là Chánh-Môn quan)
HẾT
Thư-Mục
Tài
Liệu Tham Khảo
- ARSCHOT Ph. - Le Caodaisme, Message d'Extrême-Orient. Năm thứ hai, 1972, số
6 (trang 419-430), số 8 (603-609, số 9 (715-718).
- BERNADINI P. - Le Caodaisme au Cambodge (Luận-án Tiến-sĩ đệ Tam cấp).
Đại-Học Paris VII, 1974, 451tr.
- BỬU CHƠN - Cao-Đài đối với người cầm vận-mệnh dân-tộc. Sàigòn, Đại-Đạo
Nguyệt-San số 10 (6.1965).
- CAO HOài Sang - Lễ Kỷ-niệm Đức Hộ-Pháp. Sàigòn ĐĐNS số 54, 1964.
- CASTELLA Y. - Le Spiritisme (Le Caodaisme trang 78-83), Paris, que sais
je? 1959, 128 trang.
- CENDRIEUX J. - Une Jérusalem Nouvelle. Qu'est ce qu'au juste le
Caodaisme, quatrième religion indochinoise. Extrême Asie (Revue Indochinoise),
số 25 (7.1928), trang 33-37.
- CHIẾU-MINH - Đại-Thừa Chơn-Giáo. Gia-Định, Trước tiết tàng thơ 1956.
- Cồ Việt Tử - Tại sao Hộ-Pháp Phạm Công-Tắc bị
Pháp đày? Cao-Đài có làm chính-trị không? Sàigòn Đại-Chúng, số 117-120 (14.01 đến 24.01.1961).
- GOBRON G. - Histoire et Philosophie du Caodaisme, Paris, Dervy 1949. Histoire and
Philosophy of Caidaism. Phạm Xuân
Thái dịch, Sàigòn Tứ Hải 1950, 188 trang.
- GOBRON Marg Gab - Le Caodaisme en images. Paris, Dervy 1949.
- GOUVERNEMENT de l'Indochine Francais, quyển VII, Le Caodaisme, Hà Nội
1934.
- Hà Bá Sanh - Nam Bộ trong cuộc thử thách đầu tiên. Sàigòn Điện Báo, bộ
mới, Năm thứ 2, số ngày 12.08.1948 trở đi.
- Hành-Sơn - Tôn-Giáo Cao-Đài và chính-trị. Sàigòn, Nhân ngày 4.07.1946. Gương xưất
xử của Đạo-Trưởng Cao Triều Phát, Sàigòn. Cao-Đài Giáo-Lý số 81 (1973), trang
33-39.
- Hồ Tấn Khoa - Chuyến đi lịch-sử, Tây-Ninh, Thông
tin số 21, 22 và 23 năm 1971.
- Hồ Tấn Khoa - Cuộc Ân-Du của Đức Hộ-Pháp,
Tây-Ninh,Thế-Đạo 1971.
- Hội-Thánh Bến-Tre - Tiểu-sử Đức Giáo-Tông Nguyễn
Ngọc Tương. Bến-Tre 1958. - Châu-tri chỉnh-đạo (1934-1936). - Châu-tri hành-đạo
ở Tây-Ninh (1927-1934).
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Ba Hội lập quyền Vạn-Linh.
Tây-Ninh 1960.
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Hiến-Pháp Hiệp-Thiên-Đài
1932. Tây-Ninh 1972.
- Hội-Thánh Tây-Ninh -
Kinh-Lễ Paris. Gasnier 1952.
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Le Caodaisme. Tây-Ninh, Troupes Caodaistes 1940. La Constitution religieuse du Caodaisme,
Paris Dervy, 1953.
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Lễ giao lãnh Đền-thờ Đức Chí-Tôn. Tây-Ninh 1971.
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Tân Luật, Pháp Chánh-Truyền. Paris, Gasnier 1952,
176 trang.
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Thánh-Ngôn Hiệp Tuyển, Tây-Ninh quyển I, (1964),
quyển II (1963).
- Hội-Thánh Tây-Ninh - Tiểu-sử Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc. Tây-Ninh 1954.
- Hồng-Lĩnh - Kỳ Ngoại Hầu Cường-Để. Sàigòn, Phương-Đông số 479 -481
(10.1973).
- Hoài Nhân - Bốn mươi năm Lịch-sử Cao-Đài (1926-1966). Biên-Hòa 1966.
- Huỳnh Minh - Tây-Ninh xưa và nay. Saigòn 1972.
- J.J. - Un mouvement religieux au Vietnam "Le Caodaisme".
Saigon, Sud-Est, số 11 (5.1950) trang 21-27.
- LA LAURIETTE et VILMONT - Le Caodaisme, Rapport du Service des Affaires Politiques
et Administratives de Cochinchine, Saigon 1933.
- Lê Thiện Phước - Tìm hiểu hiện-tình
Tòa-Thánh Tây-Ninh. Saigon. Ngày Mới, số 36-40 (6.12.1961 đến 10.01.1962).
- Lê văn Trung - Caodaisme, Bouđhisme rénové. Sàigòn, Thái-Hòa, 1931.
- Lương văn Bồi - Tu thành, Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ. Saigon 1961, 99 trang.
- Meillon Gustave - Le Caodaisme (In trong Les Messages Spirites). Tây-Ninh
1962.
- Minh Chơn Đạo - Lịch-sử Quan Phủ Ngô văn Chiêu. Sàigòn 1962.
- Minh-Hiền - Sự-Nghiệp của Đức Hộ-Pháp. Tây-Ninh, Hòa-Bình số 5, 1969
- Minh-Lý Đạo - Kinh Nhựt-Tụng, Sàigòn, Tam Tông Miếu 1927, 85 trang.
- Nguyễn Long Thành - Danh hiệu và tiêu-chuẩn lập pháp Đại-Đạo Tam Kỳ
Phổ-Độ, Khảo Cứu Vụ 1974.
- Nguyễn Long Thành - Đức Hộ-Pháp và đường lối chính-trị. Tây-Ninh, Thế-Đạo
Xuân 1973.
- Nguyễn Long Thành -
The Path of a Caodai Disciple, Tây-Ninh 1970.
- Nguyễn Lương Hưng - Vài
nhận-định về Cao-Đài Giáo. Sàigòn, ĐĐNS số 3-1964.
- Nguyễn Đăng Thục -
Cao-Đài Giáo với ý-thức hệ dân tộc. Sàigòn. Nguyệt-San Đặc Biệt 1964.
- Nguyễn Đăng Thục - Thiền-Tông học với vấn-đề đồng-nguyên Tam Giáo. Sàigòn
số 9-1965.
- Nguyễn Đăng Thục - Triết-lý Bình-dân với xã hội Nông-Nghiệp. Sàigòn,
Nhân-Sinh số 1, 2, 3 năm 1964.
- Nguyễn Đăng Thục - Ý-thức-hệ cho Xã-hội khai phóng. Sàigòn, ĐĐNS số 3,
1964.
- Nguyễn Thành Phương - Diễn-văn quốc-gia-hóa Quân-Đội Cao-Đài, Sàigòn Thắng, năm thứ VIII, Bộ Mới, số 12
(30.04.1955) trang 2, 9, 16.
- Nguyễn Thế Phương - Trạng-sư Trịnh Đình Thảo bày tỏ tôn chỉ Đạo Cao-Đài,
Sàigòn, Đại-Đạo số 1 ngày 1.08.1945, trang 19-26.
- Nguyễn thị Hiếu - Đạo-Sử Xây-Bàn. Tây-Ninh 1967. Đạo-Sử
I, II năm 1968.
- Nguyễn Trần Huân - Histoire d'une secte religieuse au Vietnam. Paris ed.
Anthropos, 1971, 194 trang.
- Nguyễn Trung Hậu - Đại-Đạo Căn-Nguyên, Sàigòn 1930. A short history
of Caodaism. Tourane 1956.
- Nguyễn Trung ngôn -
Vía Đức Hộ-Pháp. Saigon . Tiếng Việt số
147-1969.
- Nguyễn văn Sâm -
Tín-ngưỡng Việt-Nam (cận đại và hiện đại) giảng khóa. Sàigòn, Đại-học Văn-Khoa
1973.
- Nguyễn văn Tâm - Le Caodaisme et les Hòa-Hảo, conférences d'information
sur l'Indochine, 14.11.1945. Sàigòn 1949.
- Nguyễn văn Trương - Đại-đồng tôn-giáo là gì? Sàigòn, ĐĐNS số 4.05.1964.
- Đồng-Tân - Lịch-sử Đạo Cao-Đài (quyển II). Sàigòn, Cao-Hiên 1972.
- Phạm Công-Tắc - Con đường Hoà-bình chơn-thực. Sàigòn 1966.
- Phạm Công-Tắc - Lời thuyết-đạo năm 1946, 1947, 1948. Tây-Ninh 1970-1973.
- Phạm Công-Tắc - Lời thuyết-đạo năm 1949, 1950, 1951, 1952, 1953, 1954,
1955. Tây-Ninh, Ronéo 1966.
- Phạm Công-Tắc - Nam Phong Quốc-Đạo. Kiến-Phong 1971.
- Phan Khoang - Tinh thần chung của dân-tộc Việt-Nam. Sàigòn Nguyệt-San số
5-1964.
- Phan Trường Mạnh - La voie du Salut Caodaique - Đường Cứu Rỗi Đạo Cao-Đài. Saigon
1954.
- Phan Trường Mạnh - Thiên-Đạo. Tây-Ninh, Minh-Tâm 1963.
- Phan Trường Mạnh - Qu'est ce que le Caodaisme? Saigon, éd. Phan Trường
1949.
- Phan văn Tân - Lịch-sử cơ-bút Đạo Cao-Đài. Sàigòn,
Hồn-Quê 1967, 58 trang.
- Phan xuân hòa - Lịch-sử Việt-Nam hiện kim
(1954-1956). Sàigòn 1957, 317 trang.
- Pononti J.C. - Nhận xét về Đạo Cao-Đài. Sàigòn. Nguyễn Lộc Thọ dịch. Tây-Ninh, Hòa-bình
số 7-1970, trang 28-30.
- Regnault Henri - Caodaisme et réincarnation, Paris 1951.
- Regnault Henri - Comment réaliser l'universallisme religieux, Paris 1951.
- Raymond G. - Cảnh u
buồn của Tòa-Thánh Vatican Việt-Nam. Tạp-chí Illustration số 4748 (3.03.1934).
- Sainteny Jean - Histoire une paix manquée. Paris, Amiot Dumont, 1953.
- Smith R.B. - An
introduction to Caodaism: I - Origins and early history (trang 335-349) quyển
XXXIII, tập 2, 1970; II - Beliefs and organisations (trang 573-589), quyển
XXXIII, tập 3, 1970. Bulletin of the School of Oriental and Affrican Studies University of London .
- Sơn-Nam - Thiên-Địa
Hội và Cuộc Minh Tân. Sàigòn, Phù-Sa 1971, 297 trang.
- Tạ Chí Đại Trường - Vị-trí
của Đại Việt trong lịch-sử Việt-Nam. Sàigòn, Quỳnh Lâm 1972.
- Thái Chân - Thử tìm một
triết-học Cao-Đài. Sàigòn Nguyệt-San số 2, 1964 và kế tiếp.
- Thái Nguyên - Phan Bội Châu. Sàigòn, Tân-Việt
1956.
- Thái Nguyên - Phan Chu Trinh. Sàigòn, Tân-Việt
1956.
- Thái văn kiểm - Đất Việt trời Nam. Sàigòn, Nguồn
Sống 1960.
- Thiền Giang - Lược thuật Tòa-Thánh Tây-Ninh.
Tây-Ninh, Minh Tâm 1963.
- Toán-Ánh - Tôn-Giáo Việt-Nam. Sàigòn, Hoa Đăng
1064.
- Trần Duy Nghĩa - Nền tảng Chánh-Trị Đạo.
Tây-Ninh, Hiển-Trung 1948.
- Trần Quang thuận - Tư-tưởng chính-trị trong triết
học Khổng-Giáo. Sàigòn, Thư Lâm ấn-quán 1961, 28 trang.
- Trần Quang Vinh - Lịch-sử Đạo Cao-Đài
(1926-1940), Tây-Ninh 1972.
- Trần Quang Vinh - Lịch-sử Đạo Cao-Đài thời kỳ
phục-quốc (1941-1946). Tây-Ninh 1967.
- Trần Tấn Quốc - Hòa-Bình 1954. Sàigòn Điện-Tín từ
số 900-960 (tháng 7 và 9 năm 1974).
- Trần Trọng Kim - Việt-Nam Sử-Lược. Sàigòn,
Tân-Việt 1968. Nho Giáo. Sàigòn, Tân Việt 1958.
- Trần văn Quế - Cao-Đài sơ giải. Sàigòn,
Thanh-Hương 1963.
- Trần văn Quế - Lý do bành trướng mau lẹ của
Cao-Đài. Sàigòn, ĐĐNS số 4-1964.
- Trần văn Quế - Đạo Cao-Đài trong đời sống
quốc-gia. Sàigòn, Nguyệt-San số 3 năm 1964.
- Trần văn Quế - Vai
trò của các tôn-giáo trước sự khủng-hoảng tinh thần hiện nay của toàn cầu.
Sàigòn, ĐĐNS số-1964.
- Trần văn Rạng - Đại-Đạo
Danh Nhân, 1971.
- Trần văn Rạng - Đại-Đạo Sử-Cương I, II, III năm
1970-1972.
- Trần văn Rạng - Cao Đài Giáo trong Quốc-Sử.
Tiểu-Luận Cao-Học Sử, Đại-Học Văn-Khoa Sàigòn 1974.
- Trần văn Rạng - Tam Giáo Triết-Học Sử Yếu Lược.
Tây-Ninh, 1970.
- Trần văn Rạng - Tam Thánh Bạch Vân Động, 1972.
- Trần văn Rạng - Thượng-Phẩm Cao Quỳnh Cư, 1973.
- Trần văn Tuyên - Hội-Nghị Génève 1954 (Hồi-Ký).
Sàigòn. Chim Đàn 1964, 143 trang.
- Tráng-Liệt - Cuộc đời cách-mạng của Cường-Để.
Sàigòn 1957.
- Vô Danh - Âm mưu của Diệm để đàn áp Cao-Đài.
Sàigòn Buổi Sáng, số 1555, ngày 20.11.1963.
- Vô Danh - Cao-Đài
influence in Tây-Ninh has been great (trong bài Garden of the
elephant). Hurricane, số 6 (April 1968) trang 18-21.
- Vô Danh - Cao-Đài sẽ
đóng vai chhính-trị. Sàigòn, Báo-chí số 497, ngày 18.11.1963.
- Vô Danh - Caodaisme ou Bouđhisme rénové. Sàigòn, Imp Bảo-Tồn, 1949, 52
trang.
- Vô Danh - Diệm ra lệnh triệt hạ quả Càn-Khôn. Sàigòn. Thời-Báo số 3, ngày
21.11.1963.
- Vô Danh - Histoire sommaire du Caodaisme. Đànẳng, Trung-Hưng Bửu-Tòa, 1956, 106 trang.
- Vô Danh - Lý do ông Cao Hoài Sang thay thế ông Phạm Công Tắc. Sàigòn. Báo
Mới, số 498, ngày 19.11.1963.
- Vô Danh - Đạo Cao-Đài với nền văn-hóa Việt-Nam. Sàigòn Hành đạo, số 6,
tháng 5-1963.
- Vô Danh - Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc với những thăng trầm của lịch-sử.
Sàigòn. Hoà-Bình, số 127, ngày 21.02.1967.
- Vô Danh - Thánh-Mẫu Fatimat đồng-hóa với Phật-Mẫu Cao-Đài. Sàigòn Trắng
Đen, năm thứ 7, số 2024, ngày 04.02.1974.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét