Một việc lý thú xảy
đến với Victor Hugo lúc ở đảo Jersey là Bà bạn Delphine de Giradin từ Pháp qua
thăm, bày cho Ông cầu cơ giao tiếp các chơn linh vô hình. Họ dùng một cái Bàn
quay và kiếm một con đồng. Cầu 5 đêm liên tiếp, cơ không lên. Đến khi Victor
Hugo tò mò đến xem thì cơ lên liền. Bà Giradin hỏi : Ai đó ? Cái bàn trả lời :
Léopoldine (Tên đứa con gái lớn bị chết đuối với chồng năm 1843 khi đi du lịch).
Victor Hugo rất ngạc nhiên, hỏi Léopoldine đủ thứ chuyện.
Con đồng trong buổi
cầu cơ đó là Vacquerie, người thân tín của gia đình Hugo.
Đêm 11-9-1853, buổi xây
bàn được tổ chức, có mặt Ông Bà Victor Hugo, Cậu Charles Hugo, Cậu Francois
Hugo, Cô Madelène Hugo, Đại Tá Le Flo, Bà Giradin, Ông De Tréveneuse, Ông
Auguste Vacquerie. Đêm ấy, vong linh Cô Léopoldine giáng bàn thăm hỏi cha mẹ và
tiết lộ nhiều điều huyền bí nơi cõi vô hình.
Đêm 13-9-1853, tiếp tục
xây bàn, có vong linh xưng là Bóng Hư Linh giáng bảo Victor Hugo hãy đặt trọn
đức tin vào Thượng Đế. Tiếp tục xây bàn, Victor Hugo thông công được với các
Đấng như : Socrate, Luther, Mahomet, Jésus, Moise, ..
và thông công với các danh
nhân như : Shakespeare, Molière, Racine, … Có nhiều vong linh ẩn danh như : Sứ
giả Thượng Đế, Người trong cõi mộng, Bóng dưới mồ, Thần chết, … cũng có giáng
bàn.
Đêm 11-10-1853, nhận thấy
những điều tiết lộ, những lời khuyên bảo, những giáo lý và triết lý nhận được
từ cõi vô hình nhờ vào việc xây bàn, rất hữu ích cho loài người, nên Victor
Hugo hỏi vong linh đang giáng bàn :
- Những lời vàng ngọc mà
chúng tôi nhận được từ bấy lâu nay, thật đáng xem là một chơn truyền quí báu,
chúng tôi có nên in thành sách để phổ biến cho mọi người cùng học đặng chăng ?
Vong linh ấy đáp : -
Không, vì chưa đến ngày giờ.
- Đến bao giờ? Chúng tôi
còn sống đến ngày đó không
- Nếu không thấy nơi nầy
thì sẽ được thấy ở nơi khác. Chừng đến ngày giờ, sẽ có lịnh. Hiện tại, có thể
phổ biến hạn chế cho những người có đức tin.
Kể từ đó, V. Hugo rất tin
tưởng những vấn đề siêu hình, sự bất diệt của linh hồn, sự hiện hữu của Thần
linh.Về sau, những Thánh giáo trong các cuộc xây bàn nói trên được ông Gustave
Simon in thành sách với tựa đề là: LES TABLES TOURNANTES de JERSEY chez VICTOR
HUGO. Sách này được tái bản mười lần, làm chấn động dư luận nơi nước Pháp và
thế giới.
Năm 1855, Nữ hoàng Anh
Victoria và vua Pháp Napoléon III giao hảo với nhau, do đó chánh phủ Anh ra
lịnh di chuyển bọn lưu vong Pháp qua đảo Guernesey ở gần đó.
Hugo và gia đình cũng phải
tuân lịnh. Đảo Guernesey nhỏ và hoang vu hơn đảo Jersey, nhưng V. Hugo lại
thích hơn vì ông vốn thích cảnh biển. Ông để râu, để tóc, ăn mặc như dân chài,
lân la trò chuyện với họ về đời sống của họ và về biển cả.
Lúc đó, tập thơ Les
Contemplations của Ông được phép xuất bản ở Pháp (1856), nhà xuất bản Hetzel
gởi đến cho Ông 20.000 quan tiền tác quyền. Victor Hugo liền dùng tiền đó mua
ngay một biệt thự ở đảo Guernesey, và như vậy, theo luật nước Anh, ông khỏi bị
trục xuất nữa.
Phòng làm việc của V. Hugo
trên lầu có ban công hướng về nhà của Juliette. Như lệ thường, nàng vẫn say mê
chép bản thảo của Ông. Victor cảm thấy ở đây rất thảnh thơi nên Ông làm việc
rất hăng. Ông viết tập thơ LA LÉGENDE DES SIÈCLES (Truyện hoang đường của các
thế kỷ).
Năm 1860, Victor Hugo xem
lại các tài liệu để viết tiểu thuyết LES MISÉRABLES (Những người khốn khổ). Nhà
xuất bản Hetzel ngại không dám in. Nhà xuất bản Albert Lacroix ở Bỉ liền nhận
in ngay và mua tác quyền trong 12 năm với số tiền là 300.000 quan. Lần đầu tiên,
Victor có được số tiền lớn như vậy.
Năm 1862, tác phẩm in
xong, phát hành, thành công rực rỡ. Lacroix lãi được 517.000 quan. Tác phẩm nầy
như một tiếng pháo vang lên thúc đẩy tầng lớp lao động nghèo khổ đứng lên làm
cách mạng.
Tiếp theo sự thành công
nầy, Victor viết tiếp : LES TRAVAILLEURS de LA MER (Người lao động của biển),
xuất bản năm 1866. Tác phẩm nầy ngắn hơn Les Misérables, nhưng lại thành công
hơn vì Victor không nói triết lý nữa, mà dùng trí tưởng tượng quái đản để viết
lôi cuốn độc giả.
Lúc nầy, Victor Hugo giàu
rồi, nhưng Ông không cho vợ con phung phí mà dùng tiền nầy để giúp đỡ người
nghèo và những thân hữu kém may mắn.
Tháng 8 năm 1868, Bà Adèle
vợ của Victor Hugo, sau một cơn bạo bịnh, đã qua đời. Victor cho đưa linh cữu
của Bà về Pháp, dặn các con ghi lên mộ của Bà hàng chữ : ADÈLE - VỢ của VICTOR
HUGO.
Năm 1869, chế độ của
Napoléon III bắt đầu sụp đổ.
Năm 1870, Pháp đánh thua
Đức luôn 3 trận. Victor Hugo cùng với Juliette xuống tàu đi Bruxelles và từ đó
đi xe lửa về Paris. Rất đông dân chúng ra tận ga đón rước Ông.
Victor Hugo trở lại hoạt
động chánh trị rất hăng, được bầu vào Quốc hội và làm thủ lãnh nhóm Cộng hòa,
nhưng phe quân chủ vẫn còn thắng thế hơn, thương thuyết với Đức xin đình chiến
và Pháp chịu bồi thường chiến tranh.
Bao nhiêu chương trình dự
định thực hiện của Ông đều không thành tựu như : Bãi bỏ án tử hình, cải thiện
tư pháp, thành lập Liên bang Âu châu, giáo dục miễn phí và cưỡng bách, tăng
quyền lợi cho phụ nữ. Victor Hugo quá chán nãn, nên Ông quyết định rút lui khỏi
Quốc hội. Ông trở về đời sống của người văn nghệ sĩ thuần túy, sáng tác thêm 2
tác phẩm : L'ANNÉE TERRIBLE (Năm khủng khiếp) và QUATRE VINGT TREIZE (Chín mươi
ba). Cả hai tập nầy cũng đều bất hủ.
Năm 1877, Victor Hugo viết
xong tập thơ L'ART D'ÊTRE GRAND PÈRE (Nghệ thuật làm Ông Nội). Độc giả cũng rất
hoan nghinh tập thơ nầy vì nó ghi lại những cảm xúc êm đềm, những nụ cười hồn
nhiên, hai mái tóc một bạc phơ một đen nhánh kề nhau. Lần đầu tiên trong thi
ca, Victor Hugo đã đưa vào những nét đẹp hồn nhiên của trẻ thơ.
Hoàng đế nước Brazil là
Don Pedro qua thăm nước Pháp, rồi lấy tư cách là một độc giả, nhà vua đến thăm
Victor Hugo. Thật là một vinh dự cho Victor.
Năm 1882, Lễ Bát tuần của
Victor Hugo được tổ chức lớn lao như Lễ Quốc Khánh. Thủ Tướng Jules Ferry, đại
diện chánh phủ Pháp đến chúc thọ Ông, dân chúng và học sinh diễn hành qua trước
nhà và Đại lộ trước nhà Ông mang tên Hugo. Victor Hugo đã đạt đến tột đỉnh vinh
quang của người cầm bút. Chưa có văn thi sĩ nào từ xưa tới nay được như vậy.
Năm 1883, Bà Juliette bị
ung thư bao tử và từ trần, thọ 77 tuổi. Victor không chánh thức cưới Bà nhưng
mọi người đều xem Juliette như vợ chánh thức của Ông. Bà đã giúp Ông rất nhiều
trong công việc sáng tác.
Victor Hugo tới tuổi nầy
bắt đầu lẩn thẩn và viết di chúc : Tặng 40.000 quan cho người nghèo, liệm ông
trong cổ quan tài của hạng người nghèo, bản thảo tặng cho Thư viện Quốc gia
Paris. Những lúc tỉnh táo, Ông vẫn làm thơ. Câu thơ cuối cùng, Ông viết : C'est
ici le combat du jour et la nuit. (Đây là cuộc chiến đấu của ánh sáng và bóng
tối).
Ngày 22-5-1885, Ông bị
sưng phổi rồi mất, thọ 83 tuổi.
Khi hay tin Victor Hugo
chết, cả Thượng và Hạ Nghị Viện đều ngưng họp để tưởng niệm Ông. Nước Pháp làm
lễ quốc táng cho Ông, quan tài được đặt tại Khải Hoàn Môn và được an táng trong
Đền Panthéon, nơi an nghĩ của những danh nhân có công lớn với dân tộc Pháp.
PHẦN KẾT :
Victor Hugo là một Văn thi
sĩ thiên tài độc đáo nhất của nước Pháp vào thế kỷ thứ 19. Ông luôn luôn chủ
trương văn thi sĩ có sứ mạng chỉ đường dẫn lối cho dân chúng. Ông đã rất trung
thành xứng đáng với sứ mạng đó. Chủ trương nầy giống như chủ trương của phương
Đông : Văn dĩ tải Đạo.
Người văn nhân thi sĩ học
được kinh sách của Thánh Hiền đời trước thì phải biết dùng văn chương thi phú
mà truyền bá đạo lý cho mọi người.
Victor Hugo đã giải quyết
được nhiều vấn đề băn khoăn thắc mắc của thời đại Ông :
- Vấn đề nghèo đói là
nguyên nhân của tội lỗi, dốt nát là nguyên nhân của sai lầm.
- Vấn đề cái tốt cái xấu,
cái thiện cái ác.
- Vấn đề Thượng Đế và con
người, Thượng Đế và vũ trụ.
Khi Victor Hugo thoát xác
thì Chơn linh của Ngài trở về Bạch Vân Động (Quảng Hàn Cung) nơi cõi thiêng
liêng, vì Ngài là một vị Thánh ở trong động đó, Đạo hiệu là Nguyệt Tâm Chơn
Nhơn.
Khi Đức Chí Tôn mở Đạo Cao
Đài tại nước VN vào năm 1926, thì qua năm 1927, Đức Phạm Hộ Pháp vâng lịnh Đức
Chí Tôn sang Nam Vang, thủ đô nước Cao Miên, mở Đạo và thành lập Hội Thánh
Ngoại Giáo tại đó, trụ sở đặt tại Thánh Thất Kim Biên, và Đức Nguyệt Tâm Chơn
Nhơn lãnh lịnh Đức Chí Tôn làm Chưởng Đạo cầm quyền điều khiển Hội Thánh Ngoại
Giáo.
" Bần đạo khi đắc
lịnh làm Chưởng Đạo lập Hội Thánh giáo đạo tha phương, thì tùng lòng bác ái của
Chí Tôn, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị. Bần đạo chẳng kể là Nguyên
nhân, Hóa nhân, hay là Quỉ nhân, ví biết lập công thì thành Đạo." (TNHT.
II. 84)
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn
thường giáng cơ điều hành Hội Thánh Ngoại Giáo và chuyện vãn cùng Đức Phạm Hộ
Pháp, những điều Đức Hộ Pháp thắc mắc thường được đem ra hỏi Đức Nguyệt Tâm,
được Ngài giải đáp thỏa đáng.
Chính Đức Nguyệt Tâm Chơn
Nhơn vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng cơ lập các phẩm Chức sắc HTĐ dưới Thập nhị
Thời Quân để làm tay chân cho quyền Tư Pháp của Đạo. Xin chép ra sau đây bài
Thánh giáo quan trọng ấy, đăng trong Đạo Sử II của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu,
trang 319 chót :
Tòa Thánh ngày 16 tháng2
năm Ất Hợi (dl 20 Mars 1935)
CHƯỞNG ÐẠO NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN ou Victor Hugo
Cười … Khi nảy có Thượng
Phẩm và Quyền Giáo Tông nơi đây, 2 vị mới hộ tiếng Nữ phái… Cười … Quý hóa dữ
ha !
Thưa Hộ Pháp, Bần đạo để
lời chia vui cùng Ngài, khi hôm qua, nhờ có Thánh chỉ Chí Tôn, nên mới đặng
rộng đường xuất Thánh. Bần đạo có để lời trân trọng cầu thưởng cho học tu nên
mới đặng cao phong phẩm giá.
Cười … Phẩm trật rắc rối
khó nói rõ, nhưng chia ba : Pháp, Đạo, Thế, thì theo sự hiểu biết của Bần đạo
như vầy :
SĨ TẢI là Secretaire Archiviste.
Lên phẩm TRUYỀN TRẠNG là Greffier.
Rồi lên phẩm THỪA SỬ là Commissaire de la
justice.
Phẩm GIÁM ÐẠO là Inspecteur.
Lên phẩm CẢI TRẠNG là Avocat.
Lên phẩm CHƯỞNG ẤN là Chancelier.
Lên phẩm ấy rồi tùy phái
mà lên Đại vị Hiệp Thiên Đài, nhưng phải biết rằng : Chưởng Ấn phải lên Đại vị
TIẾP DẪN ÐẠO NHƠN mà đắc phong phổ thông đặng một nước nào rồi mới vào Chánh
vị.
Lợi và mấy vị kia là Sĩ
Tải của HTĐ mà thôi.
THĂNG.
Hai người con trai của
Victor Hugo và Bà Adèle Foucher là : Charles Hugo và Francois Hugo, kỳ nầy đầu
kiếp ở VN : Charles Hugo đầu kiếp là Ông Đặng Trung Chữ, Đạo hiệu Ngạn Sơn, đắc
phong Giáo Sư CTĐ Thượng Chữ Thanh (năm 1934); còn Francois Hugo đầu kiếp là
Ông Trần quang Vinh, Đạo hiệu Hiển Trung, đắc phong Giáo Sư CTĐ Thượng Vinh
Thanh (năm 1934), về sau cả 2 vị đều được thăng Phối Sư.
Sau đây là bài giáng cơ của Bà Adèle Foucher nói
chuyện với 2 con trai là Charles và Francois :
Nam Vang, 11 giờ đêm ngày
16-2-1933, tại tư gia của Cao Tiếp Đạo
Phò loan : Hộ Pháp + Tiếp
Đạo.
Hầu đàn : GS
Thượng
Bảy Thanh
GS Thượng Chữ Thanh
GS Thượng Vinh Thanh.
VICTOR HUGO
Xin chào chư Hiền Hữu và
chư Hiền muội.
Charles và Francois, Mẹ
của hai con đến.
Bà VICTOR HUGO, nhũ danh ADÈLE FOUCHER
Các con đứng dậy, khóc !
Suốt đời Mẹ không ngăn nổi
ý chí của cha các con, đặc biệt trong những hành động nhân ái của người, luôn
luôn người tranh đấu chống tàn sát. Sau khi người qua đời, người vẫn không từ
bỏ ý định.
Người gởi 2 con tiếp tục
sự nghiệp của người, giữa những kẻ đã chối bỏ 2 con. Bởi bội bạc, họ chồng chất
những mưu mô xấu xa, những vu khống và bất công.
Cha 2 con đã thu được kết
quả gì ?
Người có đủ tài năng thấu
đáo trong cõi vô vi.
Không, mặc dầu Mẹ khóc,
người nhứt quyết đưa các con vào thế giới khủng khiếp đó.
Vacquerie, nó cũng tái
kiếp. Nó thường tự nhủ rằng địa cầu quyến rũ nó. Nó sắp làm Đại chánh khách
theo dấu Léopold ở Hòa Lan.
Madelène không còn muốn
đau khổ, nó từ chối đến thăm 2 con. Cho rằng kỷ niệm làm đau đớn, nó không còn
muốn nhìn lại cảnh trần gian. THĂNG.
(Bài giáng cơ bằng Pháp
văn, Ông Nguyễn Lộc Thọ dịch ra Việt văn)
Trong Đạo Cao Đài, hằng
năm đến ngày 22 tháng 5 dương lịch, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương
đều có thiết Tiểu đàn cúng Vía Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, có Chức sắc nhắc lại
Tiểu sử của Ngài và những lời giảng đạo của Ngài khi Ngài đắc lịnh làm Chưởng
Đạo cầm quyền Hội Thánh Ngoại Giáo.
Bài Thài hiến lễ Đức
Nguyệt Tâm Chơn Nhơn mỗi khi cúng tế về phần Thế đạo :
NGUYỆT rạng đông thiên đã
sáng soi,
TÂM linh chiếu thấu bốn
phương trời.
CHƠN truyền cứu thế xa tai
ách,
NHƠN loại tuần huờn độ
khắp nơi.
Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn
có giáng cơ ban cho Đạo Cao Đài 6 Bài Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, kể ra :
1. Kinh Tắm Thánh.
2. Kinh Hôn Phối.
3. Kinh Tẫn Liệm.
4. Kinh Cầu Hồn Khi Hấp
Hối.
5. Kinh Khi Đã Chết Rồi
6. Kinh Đưa Linh Cữu.
Tiểu sử TRUNG SƠN CHƠN NHƠN
Tôn dật Tiên,
Trung Sơn Chơn Nhơn là một vị Thánh của Bạch Vân Động nơi cõi thiêng
liêng, giáng trần ở nước Trung Hoa, có tên là Tôn Văn, hiệu là Tôn Trung
Sơn, lại cũng lấy hiệu khác là Tôn Dật Tiên. Ngài lấy hiệu Trung Sơn khi Ngài
sống lưu vong nơi nước Nhựt, Ngài tự xưng là Sơn Trung Tiều, nghĩa là ông tiều
trong núi; lại cũng xưng là Dật Tiên, nghĩa là ông Tiên ở ẩn (vì chữ Nhơn
[người] đứng kế chữ Sơn [núi] thành chữ Tiên). Cho nên người ta gọi Tôn Văn là
Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen) đều được cả.
Ngài Tôn Văn sanh ngày
12-11-1866 (Bính Dần) tại làng Thùy Hưng huyện Hương Sơn, nay đổi tên lại là
huyện Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, dưới thời nhà Mãn Thanh.
Năm 1879, Tôn Văn cùng mẹ
qua Honolulu thuộc quần đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương sống với người anh tên
là Tôn Mi, một Hoa kiều giàu có ở đây. Tôn Mi giúp đỡ cho Tôn Văn vào học
trường Trung học do Giáo hội Cơ Đốc nước Anh mở ra. Học hết bậc Trung học, Tôn
Văn được anh cho trở về Hồng Kông học Đại học Y Khoa, và Tôn Văn tốt nghiệp Bác
sĩ Y khoa tại trường nầy vào năm 1892, lúc đó Tôn văn được 27 tuổi.
Tôn Văn trở về Quảng Châu
mở phòng mạch Bác sĩ, và bắt đầu tiếp xúc, liên lạc với các nhà cách mạng.
Trong thời gian Tôn Văn học Đại học Y khoa ở Hồng Kông, Tôn Văn đã chứng kiến
cuộc chiến tranh giữa quân đội nhà Mãn Thanh và quân đội nước Pháp. Quân đội
Mãn Thanh, với vũ khí thô sơ, nên bị thảm bại và buộc phải ký Tờ Hoà ước nhường
cho nước Pháp nhiều đặc quyền về kinh tế.
Năm 1894, Tôn Văn gởi một
bức thơ lên vị Đại Thần Lý Hồng Chương để yêu cầu cải cách nước Tàu và yêu cầu
họ Lý tiếp kiến, nhưng Lý từ chối. Từ đó, Tôn Văn bỏ ý tưởng cải cách, chuyển
sang lập trường làm cách mạng.
Tháng 11 năm 1894, Tôn Văn
sang Honolulu thành lập một tổ chức cách mạng đầu tiên lấy tên là Hưng Trung
Hội, với cương lĩnh là lật đổ nhà Mãn Thanh, khôi phục lại nước Trung hoa,
thành lập Chánh phủ Dân chủ. Tổ chức ban đầu chỉ thu hút được khoảng 20 Hoa
kiều.
Tháng 2 năm 1895, Tôn Văn
trở về Hồng Kông để thành lập Tổng Bộ Hưng Trung Hội, chuẩn bị kế hoạch khởi
nghĩa ở Quảng Châu. Trong nội bộ có kẻ làm phản, kế hoạch bị bại lộ, hơn 70
người bị bắt và bị giết chết, Tôn Văn trốn thoát được. Triều đình Mãn Thanh
treo giải thưởng lớn cho ai bắt được Tôn Văn. Tôn Văn phải trốn sang Nhựt, rồi
trở lại đảo Hawaii, lại qua Mỹ rồi sang nước Anh.
Tháng 10 năm 1896, Tôn Văn
từ một khách sạn ở Luân Đôn đi ra để gặp thầy giáo Kantlei, người quen cũ hồi
học ở Đại học Y khoa Hồng Kông, nhưng bị người của Sứ quán Mãn Thanh tại Luân
Đôn bắt giữ để giải về nước trị tội. Tôn Văn may mắn được một người Anh đang
làm công nhân trong Sứ quán Mãn Thanh chuyển giùm một bức thơ của ông đến thầy
Kantlei. Kantlei liền đến Cơ quan Cảnh Sát Anh nhờ can thiệp để thả Tôn Văn ra,
nhưng Cơ quan nầy làm ngơ. Kantlei liền nhờ báo chí làm rùm lên. Ngay ngày hôm
sau, trên các tờ báo lớn tại Luân Đôn đều có đăng tin : Hành động bắt người
trái phép của Sứ quán Trung quốc. Những người Anh ủng hộ Cách mạng Trung quốc
kéo đến biểu tình, bao vây Sứ quán Trung quốc, đòi thả Tôn Văn. Cuối cùng, Sứ
quán Trung quốc phải nhượng bộ, thả Tôn Văn ra.
Năm 1897, Tôn Văn rời Luân
Đôn sang Nhựt để tuyên truyền về Hưng Trung Hội trong hàng ngũ Hoa kiều tại
đây.
Tháng 10 năm 1898, Tôn Văn
gặp Khang hữu Vi và Lương khải Siêu, đang sang lánh nạn tại Nhựt sau thất bại
Biến Pháp Mậu Tuất, Tôn Văn vận động hai Ông hợp tác với Hưng Trung Hội, nhưng
không thành công.
Năm 1900, dưới ảnh hưởng của
Phong trào Nông dân Nghĩa Hòa Đoàn, Tôn Văn trở về nước phát động cuộc khởi
nghĩa của Hưng Trung Hội ở Huệ Châu vào ngày 8-10-1900, nhưng không thành công.
Ông phải lánh nạn qua Nhựt lần thứ nhì, rồi qua đảo Hawaii, Việt Nam, Thái Lan
và Mỹ.
Ngày 20-8-1905, tại Tokyo
Nhựt bổn, Tôn Văn hợp nhất Hưng Trung Hội với các Chánh đảng khác có cùng mục
đích như Quang Phục Hội, Hoa Hưng Hội, thành lập một đảng thống nhứt, lấy tên
là Trung Quốc Đồng Minh Hội, do Tôn Văn làm Tổng Lý, với cương lĩnh : "Lật
đổ Mãn Thanh, khôi phục nước Trung Hoa, thành lập nước Trung Hoa Dân
Quốc."
Tháng 11 năm 1905, trên tờ
Dân Báo, Cơ quan Ngôn luận của Đồng Minh Hội, Tôn Văn phê phán gay gắt lý luận
cải lương của 2 Ông Khang hữu Vi và Lương khải Siêu. Ông chủ trương phải tiến
hành cách mạng vũ trang, và Ông đưa ra Chủ nghĩa TAM DÂN : Dân tộc, Dân quyền,
Dân sinh.
Dân tộc : Nước Trung hoa
độc lập. Năm tộc : Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, trong toàn cõi Trung hoa phải
bình đẳng hết thảy.
Dân quyền : Nước Trung hoa
là nước dân chủ, có Quốc hội do dân trực tiếp bầu ra, nắm quyền Lập pháp. Người
dân có quyền ứng cử và bầu cử, ngoài ra còn có quyền sáng chế, quyền phức quyết
và quyền bãi miễn nữa.
Dân sinh : Mọi người dân
đều sống bình đẳng trong xã hội. Nguyên tắc cơ bản là bình quân địa quyền và
tiết chế tư bản, để đi đến mục đích là giải phóng kinh tế, khiến toàn dân đều
được hưởng thụ lợi ích : Ăn mặc, ở và đi.
Từ năm 1906 đến 1911, Tôn
Văn phát động tất cả 10 cuộc khởi nghĩa tại Hồ nam, Giang Tây, Quảng Đông,
Quảng Tây, Vân Nam, An Huy, Triết Giang. Những cuộc khởi nghĩa trên đều thất
bại, nhưng đã làm cho nhà Mãn Thanh suy yếu và làm cho tinh thần cách mạng của
dân chúng Trung hoa càng lúc càng lên cao.
Cuối cùng cuộc khởi nghĩa
tại Vũ Xương ngày 10-10-1911 ( năm Tân Hợi), gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi,
dưới sự lãnh đạo của các nhà Cách mạng chịu ảnh hưởng của Tôn Văn và Đồng Minh
Hội, đạt được thắng lợi và ảnh hưởng lan rộng ra toàn quốc.
Tôn Văn đang ở nước Mỹ,
nhận được tin Cách mạng thành công, liền tiến hành các hoạt động ngoại giao đối
với các Chánh phủ của các nước Âu Mỹ để cắt đứt quan hệ của họ với nhà Mãn
Thanh.
Cuối tháng 12 năm 1911,
Tôn Văn từ Âu Châu trở về Trung quốc. Do công lao to lớn của Ông với sự nghiệp
cách mạng, Hội Nghị Đại biểu 17 tỉnh độc lập họp ở Nam Kinh bầu Tôn Văn làm
Tổng Thống lâm thời.
Ngày 1-1-1912, Tôn Văn
nhậm chức Tổng Thống tại Nam Kinh và thành lập Chánh phủ Trung hoa Dân Quốc.
Tổng Thống lâm thời Tôn
Văn tuyên bố một loạt các pháp lệnh cải cách nước Trung hoa.
Ngày 11-3-1912, Ông ban bố
Ước Pháp Lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc, xem đó như là Hiến Pháp Tạm thời của
nước Trung Hoa Dân Quốc. Tôn Văn đặt ra lá cờ của nước Trung Hoa Dân Quốc, gọi
là lá cờ "Thanh Thiên Bạch Nhật mãn địa hồng" (Trời xanh, Mặt Trời
trắng, đầy đất đỏ).
Do áp lực của các nước Âu
Mỹ và các thế lực bảo thủ trong nước, cộng với sự yếu kém và tản mạn của đảng
cách mạng, Tôn Văn buộc phải chấp nhận các điều kiện của Viên Thế Khải là
nhường chức Tổng Thống cho Viên sau khi vua nhà Mãn Thanh thoái vị.
Vị vua cuối cùng của nhà
Mãn Thanh là Phổ Nghi bị buộc phải thoái vị ngày 12-2-1912, kết thúc 2000 năm
chế độ quân chủ cai trị nước Tàu.
Ngày 1-4-1912, Tôn Văn
chánh thức rút lui khỏi chức vụ Tổng Thống.
Tháng 8 năm 1912, Tôn Văn
cải tổ Trung Quốc Đồng Minh Hội thành Quốc Dân Đảng.
Ngày 25-10-1915, Tôn Văn
kết hôn với Bà Tống Khánh Linh.
Năm 1916, Viên Thế Khải,
một vị Đại Thần của triều đình Mãn Thanh, phản lại Mãn Thanh, hưởng ứng theo
cách mạng, được Tôn Văn nhường cho chức Tổng Thống, lại lo củng cố thế lực,
phản lại chế độ Dân chủ Cộng hòa, tự lập làm vua, xưng Đế tại Bắc Kinh, tái lập
chế độ Quân chủ.
Các tướng lãnh nắm quyền
quân đội, các vị Tỉnh trưởng, nổi lên chống đối quyết liệt, Viên Thế Khải ưu
uất mà chết.
Trong thời gian đó, Tôn
Văn lãnh đạo Chánh phủ Quân sự ở Quảng Đông (1917-1918) và làm Tổng Thống Chánh
phủ Cộng hòa.
Tháng 10 năm 1919, Tôn Văn
cải tổ Quốc Dân Đảng. Trong bản Tuyên ngôn của Quốc Dân Đảng vào tháng Giêng
năm 1923, Ông tuyên bố sẽ dựa vào quần chúng để hoàn thành nhiệm vụ Cách mạng.
Ông chủ tương xây dựng Quảng Châu thành đại bản doanh cách mạng.
Tháng 8 năm 1923, Ông cử
một Đoàn Đại biểu do Tưởng Giới Thạch cầm đầu sang Liên Xô nghiên cứu chánh trị
xây dựng đảng và cách tổ chức Hồng Quân Liên Xô. (Tưởng Giới Thạch có vợ là
Tống Mỹ Linh, em ruột của Tống Khánh Linh). Tháng 10 năm 1923, Tôn Văn tiếp
nhận Phái đoàn Cố vấn của Liên Xô do Borodin cầm đầu đến Quảng Châu.
Tháng giêng năm 1924, Đại
Hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ nhứt của Quốc Đân Đảng nhóm họp tại Quảng Châu.
Trên diễn đàn Đại Hội, Tôn Văn Tuyên bố 3 chánh sách lớn của Quốc Dân Đảng :
Liên Nga, Liên Cộng, Ủng hộ Công Nông. Trong bản Tuyên ngôn của Đại Hội, Tôn
Văn giải thích Chủ nghĩa Tam Dân mới : Phản đế, Phản phong, Tiết chế Đại tư
bản. Nó trở thành cương lĩnh chung cho Mặt Trận Thống Nhứt Quốc Cộng hợp tác
lúc bấy giờ.
Tháng 5 năm 1924, Tôn Văn
thành lập Trường Võ Bị Hoàng Phố ở Quảng Châu, gọi là Trường Trung Quốc Quốc
Dân Đảng Lục Quân Quan Học Hiệu, và cử Tưởng Giới Thạch làm Hiệu trưởng.
Tháng 10 năm 1924, tại Bắc
Trung hoa, Lưu vĩnh Tường và Trương tác Lâm đánh thắng Ngô bội Phu, buộc Tào
Côn từ chức Tổng Thống, rồi hai Ông nầy hiệp cùng Đoàn kỳ Thụy đánh điện mời
Tôn Văn lên bắc Kinh để bàn việc thống nhứt Nam Bắc.
Tôn Văn lên đến Bắc Kinh,
nhưng chẳng bao lâu sau thì bị bạo bịnh bất ngờ và mất ngày 12-3-1925 (âl
18-2-Ất Sửu), thọ 60 tuổi.
Ngài di chúc lại như sau :
- Đảng viên Quốc Dân Đảng
phải nổ lực cách mạng.
- Triệu tập Quốc Dân Hội
Nghị.
- Phế trừ các điều ước bất
bình đẳng đối với ngoại bang.
Cái chết đột ngột của Tôn
Văn là một thiệt hại lớn cho cao trào cách mạng của dân tộc Trung hoa.
Sau 14 năm làm cách mạng,
kể từ năm 1911 đến năm Ông mất 1925, Tôn Văn đã đạt được 2 thắng lợi lớn :
+ Lật đổ được triều đình
nhà Mãn Thanh.
+ Thành lập nước Trung Hoa
Dân Quốc với chế độ Dân chủ Công hòa.
Đám tang của Tôn Văn được
tổ chức rất trọng thể với nghi lễ Quốc táng, có hàng chục vạn người đưa tiễn
đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm 1929, di hài của Tôn
Văn được chuyển về an táng tại núi Tử Kim ở Nam Kinh.
Năm 1986, Trung quốc xuất
bản quyển " Tôn Trung Sơn Toàn tập" gồm 11 tập, và ở Đài Loan xuất
bản quyển " Quốc Phụ Toàn tập ".
Như trên đã trình bày, Tôn
Văn, tức Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên, là một nhà Chánh trị và Cách mạng lớn
của dân tộc Trung Hoa, nhưng Tôn Văn cũng còn là một nhà Tư tưởng Triết học với
tác phẩm cơ bản laø " Học Thuyết Tôn Văn ". Khuynh hướng tư tưởng của
Tôn Văn dựa vào Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Về Vũ trụ quan, Tôn Văn giải thích
Thái Cực vận động sanh ra điện tử, điện tử ngưng kết thành Nguyên tố, Nguyên tố
hợp thành Vật chất, Vật chất tụ lại thành Trái Đất.
Ông cho Tinh thần chỉ là
hiệu quả của Vật chất, tức là chủ trương Duy Vật, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự
ảnh hưởng của Giáo dục Tinh thần.
Về quan hệ giữa TRI và
HÀNH, Ông chống lại tư tưởng cổ đại Trung quốc : " Biết không khó, Làm mới
khó." Theo Ông thì Biết khó Làm dễ, chủ trương phải tìm tri thức khoa học,
nhưng không đi đến quan niệm Duy Tâm "Biết trước Làm sau", và bác bỏ
thuyết Tri Hành hợp nhứt của Vương Dương Minh.
Ông chủ trương : Làm trước
Biết sau, không Biết cũng có thể làm, cho sự hoạt động thực tiễn là con đường
tiến bộ tất yếu.
Ông chia quá trình nhận
thức làm 3 thời kỳ :
- Không Biết mà Làm.
- Làm rồi mới Biết.
- Biết rồi mới Làm.
Phần lớn thì giờ của Tôn
Văn dành cho công cuộc cách mạng, Ông lại mất sớm và đột ngột, nên Ông chưa có
thì giờ để xây dựng tư tưởng triết học của Ông được hoàn chỉnh.
Hằng năm, đến ngày 18-2 âm
lịch, ngày mất của Tôn Văn, tại Tông Đạo Đường Nhơn của người Tàu ở Tòa Thánh
Tây Ninh, các Chức sắc, Chức việc, và Đạo hữu Đường nhơn cử hành Lễ Cúng tế Kỷ
niệm ngày mất của Tôn Văn, có Đại diện của Hội Thánh đến tham dự.
Đức Trung Sơn Chơn Nhơn ít
giáng cơ dạy Đạo hơn Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn. Sau đây, chúng tôi có sưu tập
được một bài Thánh giáo của Ngài nói chuyện với Giáo Sư Thượng Bảy Thanh, Đạo
hiệu Phong Chí, thuộc Hội Thánh Ngoại Giáo, trong đó có tiên tri về nước Trung
hoa và nước Nhựt, xin chép ra như sau :
Đàn cơ tại Hộ Pháp Đường
ngày 17-10-Bính Tý (dl
30-12-1936)
Phò loan : Hộ Pháp, Tiếp
Đạo
TÔN SƠN CHƠN NHƠN
Bần tăng chào quí vị. Cười . . .
Anh Phong Chí đứng chớ.
Làm bộ hoài !
Theo ý Bần tăng tưởng thì
buổi nầy chưa phải hợp thế thời cho Đạo phổ thông Trung quốc, vì 2 lẽ :
Một là Chánh phủ Pháp với
Đông Dương nầy chẳng phải thật tâm trọng Đạo, cố ý giúp dùm, mà thật sự thì chờ
Đạo xuất dương nơi Trung hoa, đặng mai phục ẩn binh toan phương hãm hại.
Anh Phong Chí nè ! Anh
chưa bước chân đến nước Tàu mà tên Anh đã treo nhỏng nhảnh nơi Phòng Mật Thám
Tsien Tries, ấy là đợi Anh qua đặng ghim vào bằng cớ tụ họp thông tư ngoại quốc
vì quốc sự, chớ chẳng vì Đạo. Các cớ ấy chúng sẽ làm thế nào cho quả quyết hiển
nhiên đặng toan diệt Đạo nơi đây cho đặng.
Hai nữa là vì Thiên thơ đã
định cho Huê Nhựt hiệp chủng. Hại nỗi lại là tay có trọng trách nơi phần tạo
Tân Thế giới cho Đức Chí Tôn, nên Ngọc Hư bảo trọng không cho diệt chủng, duy
chịu nạn diệt quốc mà thôi.
Trong thế kỷ 21 sẽ thấy
tang điền Nhựt đảo biến nên thương hải Huê triều. Ấy vậy, lúc phối hợp dân sanh
sẽ có lắm trường huyết chiến.
Em nói : Trong thời gian
ngắn ngủi chi đây sẽ có Nhựt Huê đại chiến.
Em lại nói chắc rằng :
Chức sắc giáo đạo những nơi Huê triều, ngày kia cũng phải chung mang khổ ách.
Anh hiểu rồi ! Gắng nghe
lời Hộ Pháp khuyến giáo và hạ lịnh mới gây nổi cơ đồ vĩ đại, Nghe và tuân theo
vì đó là lịnh dạy của Thầy.
Em trả lời những sự Anh
cầu nguyện rồi.
Xin để nhượng bút cho Phạm
Phối Thánh.
Cao Tiếp Đạo ! Bần tăng
xin dâng bài thi nầy :
THI :
Chém nước chưa ai nắm bửu đao,
Có phong trần mới định anh hào.
Thường mưu trối kệ đời toan tính,
Cái nghiệp thương đời phải chịu đau.
THĂNG
QUẢ CÀN KHÔN & THIÊN NHÃN
QUẢ CÀN KHÔN
Quả là cái trái, Càn Khôn
là 2 quẻ trong Bát Quái, Càn tượng trưng Trời và Khôn tượng trưng Đất. Quả Càn
Khôn tức là Trái Càn Khôn, là một quả cầu tròn tượng trưng vũ trụ của Đấng Ngọc
Hoàng Thượng Đế.
Ngày 12-8-Bính Dần (dl
17-9-1926) tức là trước ngày Đại Lễ Khai Đạo 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926) một
khoảng thời gian gần 2 tháng, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh
làm một Quả Càn Khôn để thờ Đức Chí Tôn nơi Bát Quái Đài, xin trích ra như sau
:
" Bính ! Thầy giao
cho con lo một Trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không ? Cười . . . Một trái như
trái đất tròn quay, hiểu không : Bề kính tâm ba thước ba tấc (3m30) nghe con,
lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu
xanh da trời, cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy.
Thầy kể Tam thập lục
Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú,
còn lại Thất thập nhị Địa và Tam thiên Thế giới thì đều là tinh tú. Tính lại
3072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách Thiên văn Tây ra
coi mà bắt chước.
Tại ngôi Bắc Đẩu, con phải
vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Đẩu, vẽ
con Mắt Thầy, hiểu chăng ?
Đáng lẽ trái ấy phải bằng
chai, đút trong một ngọn đèn cho nó thường sáng. Ấy là lời cầu nguyện rất quí
báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy
tiện, làm thế nào cho kịp Đại hội, nghe à ! " (TNHT. I. 45) Xem như thế,
Quả Càn Khôn nầy chính là một Thiên cầu tượng trưng cho Càn Khôn Vũ Trụ hữu
hình của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, lại được đặt trên Bát Quái Đài để
thờ, nên biểu thị rõ rệt Triết lý về Vũ trụ quan của Đạo Cao Đài.
Càn Khôn Vũ Trụ của Đức
Chí Tôn gồm có 2 phần : Phần hữu hình và Phần vô hình.
* PHẦN HỮU HÌNH, tức là phần nhìn thấy được bằng mắt phàm gồm :
- Tam thiên Thế giới, tức
là 3000 quả tinh cầu nhìn thấy như những ngôi sao trên bầu Trời, được vẽ tượng
trưng bằng 3000 ngôi sao trên Quả Càn Khôn.
- Thất thập nhị Địa, tức
là 72 quả Địa cầu, cũng được nhìn thấy như những vì sao trên bầu Trời, nên cũng
được vẽ tượng trưng bằng 72 ngôi sao trên Quả Càn Khôn.
Tổng cộng tất cả là 3072
ngôi sao, phải vẽ cho đủ số trên Quả Càn Khôn.
Trong số 3072 ngôi sao nầy
có chòm sao Bắc Đẩu với Đại Hùng Tinh (Chòm sao Gấu lớn) và Tiểu Hùng Tinh
(Chòm sao Gấu nhỏ), mỗi chòm có 7 ngôi sao (Thất Tinh), có hình giống như cái
bánh lái thuyền, nên cũng gọi là Chòm sao Bánh lái. Đức Chí Tôn bảo vẽ Con Mắt
Thầy ngay trên ngôi sao Bắc Đẩu, tức nhiên Đức Chí Tôn ngự tại sao Bắc Đẩu, nên
sao Bắc Đẩu chính là Trung tâm của Càn khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn. Các vì sao
khác đều chuyển động chung quanh ngôi sao Bắc Đẩu nầy, giống như Địa cầu của chúng
ta, tuy chuyển động chung quanh Mặt Trời, nhưng trục tự quay của Địa cầu luôn
luôn hướng về ngôi sao Bắc Đẩu. Như vậy, Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Đế gồm 3072 ngôi sao chỉ là một phần tử nhỏ trong một khoảng không
gian bao la vô cùng tận có đến hàng tỷ ngôi sao mà các nhà Thiên văn học hiện
nay đã khám phá và nhìn thấy được trên bầu Trời. Do đó, chúng ta có thể suy
đoán rằng, bên ngoài Càn Khôn Vũ Trụ của Đức Chí Tôn, còn có rất nhiều Càn khôn
Vũ trụ khác của các Đấng Thượng Đế khác.
* PHẦN VÔ HÌNH : Ngoài phần Vũ trụ Hữu hình mà mắt phàm nhìn thấy
được, CKVT của Đức Chí Tôn còn có phần Vô hình mà mắt phàm không thấy được, chỉ
có Huệ nhãn thì mới có thể thấy được.
Theo bài Thánh giáo của
Đức Chí Tôn vừa nêu trên, và những bài Thánh giáo khác của Đức Chí Tôn, chúng
ta biết được Phần Càn khôn Vũ trụ Vô hình gồm có :
- Tam thập lục Thiên : 36
từng Trời.
- Thập nhị Thiên : 12 từng
Trời nối tiếp ở bên dưới Tam thập lục Thiên, chia ra :
+ Phần trên 3 từng là :
Hỗn Nguơn Thiên, Hội Nguơn Thiên, Hư Vô Thiên.
+ Phần kế dướilà 9 từng
gọi là Cửu Trùng Thiên
- Tứ Đại Bộ Châu : 4 Bộ
Châu lớn.
Còn ngọn đèn đặt tại Tâm
của Quả Càn Khôn tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn.
Quả Càn Khôn nầy đáng lẽ
phải được làm bằng thủy tinh trong suốt, nhưng vì thời gian làm chỉ non 2 tháng
nên không thể đúc bằng thủy tinh được, vì nó quá lớn, đường kính tới 3 thước 3
tấc. Ngài Phối Sư Thái Bính Thanh phải làm Quả Càn Khôn bằng nan tre, bọc vải
và sơn màu xanh da Trời, trên đó vẽ các ngôi sao đúng số như Đức Chí Tôn đã
dạy, làm gấp rút cho kịp ngày 15-10-Bính Dần để tổ chức Lễ Khai Đạo tại Thánh
Thất tạm đặt tại Chùa Gò Kén Tây Ninh.
Chỉ có Tòa Thánh Tây Ninh
mới được làm Quả Càn Khôn để thờ nơi Bát Quái Đài, còn tại các Thánh Thất địa
phương thì không được phép làm Quả Càn Khôn, chỉ được đắp Thiên Nhãn lớn để thờ
mà thôi.
Tóm lại, Quả Càn Khôn thờ
nơi Bát Quái Đài Tòa Thánh là hình ảnh của Càn khôn Vũ trụ của Đức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Đế, nó có hình như một quả cầu tròn, trong đó có 3072 ngôi sao, mà
tâm điểm là Thái Cực. Quả Địa Cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là Địa cầu số
68 trong nhómThất thập nhị Địa (72 Địa cầu), nên cũng được tượng trưng bằng một
ngôi sao trên Quả Càn Khôn nầy.
THIÊN NHÃN
Thiên Nhãn là con Mắt Trời. Thờ Thiên
Nhãn tức là thờ Trời.
Trên Quả Càn
Khôn, Đức Chí Tôn bảo vẽ Thiên Nhãn ngay phía trên ngôi sao Bắc Đẩu, tức nhiên
Đức Chí Tôn ngự tại ngôi Bắc Đẩu.
Biểu tượng
Thiên Nhãn của Đạo Cao Đài, tức của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có một ý nghĩa vô
cùng cao cả và đặc sắc, mà bất cứ một nền tôn giáo nào trên thế giới hiện nay
đều không có được.
I . Nguồn gốc Thiên Nhãn
Người môn đệ đầu
tiên của Đức Chí Tôn là Ngài Đốc Phủ Ngô văn Chiêu, trong lúc Ngài đang làm
Quận Trưởng quận Phú Quốc tỉnh Hà Tiên, vào khoảng đầu năm 1921, Đức Chí Tôn
giáng cơ dạy Ngài phải tìm một dấu hiệu chi riêng biệt để thờ kỉnh. Ngài Ngô
văn Chiêu bạch với Đức Chí Tôn chọn dấu hiệu chữ Thập ( + ).
Đức Chí Tôn
giáng cơ đáp : Chọn chữ Thập cũng được, song đó là dấu hiệu của một nền tôn
giáo đã có rồi (Thiên Chúa Giáo), phải suy nghĩ để tìm ra một dấu hiệu mới
khác, sẽ có Đức Chí Tôn giúp sức.
Ngài Ngô văn
Chiêu xin hoãn lại một tuần lễ để suy nghĩ tìm tòi. Mãn tuần lễ rồi mà Ngài vẫn
chưa
tìm ra.
Thế rồi một
hôm, vào ngày 13-3-Tân Dậu (dl 20-4-1921), lúc 8 giờ sáng, Ngài đang ngồi trên
chiếc võng ở mái hiên sau dinh quận, suy nghĩ vẩn vơ, bỗng Ngài thấy xuất
hiện một CON MẮT thật lớn, hào quang chiếu diệu, cách chỗ Ngài ngồi chừng vài
ba thước. Con Mắt ấy đầy đủ thần quang nhìn thẳng vào mặt Ngài, làm Ngài sợ
hãi, lấy 2 bàn tay che mặt lại không dám nhìn, chừng được nửa phút, Ngài lại mở
mắt ra nhìn thử thì lại thấy CON MẮT ấy rực rỡ hào quang hơn nữa. Ngài bèn chấp
tay lại, vái rằng : " Bạch Tiên Ông ! Đệ tử biết rõ huyền diệu của Tiên
Ông, xin Tiên Ông đừng làm vậy sợ lắm ! Nếu Tiên Ông bảo thờ như vậy thì xin
cho biến mất tức thì."
Ngài khấn xong thì Con Mắt
từ từ lu dần rồi biến mất.
Tuy vậy, Ngài Ngô văn
Chiêu vẫn chưa thiệt tin, nên chưa vẽ Con Mắt để thờ.
Cách vài ngày sau, Ngài
lại thấy Thiên Nhãn xuất hiện y như lần trước. Ngài lại vái cùng Tiên Ông xin
vẽ Thiên Nhãn để thờ thì Thiên Nhãn cũng lu dần rồi biến mất. (Ngài Ngô văn
Chiêu lúc đó gọi Đức Chí Tôn là Tiên Ông).
Ngài Ngô văn Chiêu, căn cứ
vào 2 lần chứng nghiệm đó, hoàn toàn tin tưởng nơi Đức Chí Tôn, nên Ngài vẽ
Thiên Nhãn như đã thấy để thờ Đức Chí Tôn.
Vào tháng Giêng năm Giáp
Tý (1924), khi Ngài Ngô văn Chiêu đứng tại Dinh Cậu Phú Quốc nhìn ra biển khơi
vào lúc Mặt Trời sắp lặn, Ngài bỗng thấy Thiên Nhãn hiện ra rực rỡ hào quang
trên một ngôi sao, kế dưới là Mặt Trăng lưỡi liềm, và trên mặt biển là Mặt
Trời, sắp theo một sổ dọc thẳng đứng, và mặt biển là một đường nằm ngang.
Hình ảnh rực rỡ và đẹp đẽ
nầy, Ngài Ngô văn Chiêu ghi nhớ và Ngài họa hình giống y như vậy để thờ : Bên
dưới là mặt biển nằm ngang, bên trên là Nhựt, Nguyệt, Tinh và Thiên Nhãn, tạo
thành một sổ thẳng đứng.
Đến ngày 29-6-Giáp Tý (dl
30-7-1924), Ngài Đốc Phủ Ngô văn Chiêu được Chánh quyền Pháp đổi về làm việc ở
Sài gòn, Ngài cũng đem Thiên Nhãn về Sài gòn để thờ nơi nhà Ngài cư ngụ.
Mặt khác, vào giữa
năm1925, Đức Chí Tôn độ được nhóm Công chức Xây bàn ở Sài gòn gồm quí Ông : Cao
quỳnh Diêu, Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc, Cao hoài Sang, và kế đó độ thêm Ngài
Lê văn Trung; Đức Chí Tôn bảo quí vị nầy hãy vẽ hình Thiên Nhãn để thờ Đức Chí
Tôn. Lúc đó là đầu năm 1926.
Quí Ông rất phân vân,
không biết vẽ thế nào, vì biểu tượng Thiên Nhãn thật vô cùng mới lạ. Từ trước
tới giờ, người Việt Nam chỉ biết thờ tượng Phật, tượng Thánh, tượng Thần, chớ
chưa hề biết thờ Thiên Nhãn.
Đức Chí Tôn biết các Ông
đang phân vân, nên giáng cơ dạy quí Ông đến nhà của Ông Đốc phủ Ngô văn Chiêu
để Ông Chiêu chỉ cho cách thờ, và dặn mang Đại Ngọc Cơ theo để Chí Tôn giáng cơ
dạy việc.
Thế là do lịnh dạy của Đức
Chí Tôn, Quí Ông tìm đến nhà Ngài Ngô văn Chiêu, được Ngài Chiêu hướng dẫn cách
thờ phượng Đức Chí Tôn bằng biểu tượng Thiên Nhãn với đầy đủ chi tiết, và sau
đó quí Ông phò loan cầu Chí Tôn. Đức Chí Tôn giáng dạy quí Ông hợp tác với Ngài
Ngô văn Chiêu để chuẩn bị Khai Đạo, và nhận Ngài Chiêu làm Anh Cả.
Nguồn gốc thờ Thiên Nhãn
của Đạo Cao Đài phát tích từ đó.
Thật ra, biểu tượng Thiên
Nhãn tượng trưng Đấng Thượng Đế, không phải hoàn toàn mới lạ đối với nhơn loại,
vì từ thời Thượng cổ, dân Ai Cập, dân Do Thái ở Phi Châu, dân Pérou ở nam Mỹ
Châu, đã biết vẽ hình Thiên Nhãn ngự trên Kim Tự Tháp để thờ Đấng Thượng Đế.
II . Ý nghĩa thờ Thiên Nhãn
Đức Chí Tôn
dạy rằng :
" Tại
sao Thầy lại biểu các con tạo hình Thiên Nhãn mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn
giáo khác ?
Thầy vốn là Hư Vô chi Khí,
không giống cái chi hết. Các con chớ tạo hình Thầy mà thờ.
Trời là Lý, thì Lý ấy rất
thông linh bao quát Càn khôn Thế giới. Thầy đâu phải có xác phàm như các con mà
tạo hình thể như các con. Nên chi, thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy."
Thờ Thiên Nhãn bao gồm
nhiều ý nghĩa siêu việt, xin nêu ra sau đây :
a) Ý nghĩa
về hình thể :
1 . Tiên Nho
thường
nói : Hoàng Thiên hữu Nhãn, hay trong dân gian cũng thường nói : Trời cao có
mắt, để chỉ rằng Ông Trời, tức là Đấng Thượng Đế, nhìn thấy rõ tất cả những
hành vi thiện ác của khắp chúng sanh, dầu bộc lộ ra ngoài hay giấu giếm kín đáo
bên trong, Mắt Trời đều thấy rõ hết thảy, để khen thưởng hay xử phạt một cách
công bình.
Do đó, trong
Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu :
Càn kiện cao minh,
Vạn loại thiện ác tất
kiến.
Nghĩa là :
Càn là Trời, ngôi Càn mạnh
mẽ, cao tột, sáng tỏ,
Ắt hẳn thấy rõ điều thiện
và ác của muôn loài vật.
Thờ Thiên Nhãn với con mắt
mở, để chúng ta luôn luôn nhớ rằng, bất cứ ta làm việc gì, Trời đều thấy rõ,
không thể giấu giếm, cũng không thể sau nầy chối cãi được.
2 . Vẽ MỘT con Mắt để thờ, mà không vẽ 2 con Mắt (một
cặp) là bởi vì 1 là số khởi thủy của Càn khôn Vũ trụ và vạn vật (theo Dịch học)
: 1 sanh 2, 2 sanh 3, 3 sanh vạn vật.
Tức là Nhứt bổn tán Vạn
thù, Vạn thù qui Nhứt bổn. Cho nên, số 1 là gốc, lại là số Dương, mà Đức Chí
Tôn làm Chủ Dương quang, thì rất hợp lẽ. Số 1 cũng chỉ ngôi Thái Cực, là ngôi
độc nhứt trong Càn Khôn Vũ trụ.
3 . Vẽ Con Mắt bên TRÁI để thờ, chớ không phải vẽ Con
Mắt bên Mặt, bởi vì bên Trái thuộc về Dương, bên Mặt thuộc về Âm, nên khi vào
Thánh Thất quì cúng Đức Chí Tôn, phái Nam quì bên Trái của Đức Chí Tôn; phái Nữ
quì bên Mặt của Đức Chí Tôn (Nam tả Nữ hữu).
Do đó, Con Mắt Trái tượng
trưng Đức Chí Tôn và Đức Chí Tôn chưởng quản Khí Dương quang.
4 . Thờ Thiên Nhãn có ý nghĩa Đại đồng. Bất cứ sắc
dân nào, dân tộc nào cũng biết vẽ Con Mắt để thờ, và vẽ hình Con Mắt không có
tánh cách phân biệt chủng tộc, nên có tính chất chung hết, tức là Đại đồng.
Như chúng ta thấy, Phật
giáo vẽ hình Đức Phật Thích Ca với hình dáng là người Ấn Độ; Thiên Chúa giáo vẽ
hình Đức Chúa Jésus với hình dáng là một người Do Thái; do đó có tánh cách phân
biệt về dân tộc, về quốc gia, là thờ người ngoại quốc, . . . . Vẽ hình Con Mắt
mà thờ thì tránh được các sự phân biệt vừa nêu trên.
Vả lại, Đức Chí Tôn là Đại
Từ Phụ của toàn nhơn loại, chớ đâu phải của riêng một sắc dân nào. Khi thờ Con
Mắt là Đức Chí Tôn muốn cho nhơn loại không còn phân biệt nhau về quốc gia hay
dân tộc, nhìn nhau đều là anh em một nhà, con chung của Đức Chí Tôn và Đức Phật
Mẫu.
Dân tộc Việt Nam là một
dân tộc lãnh sứ mạng của Thượng Đế để thực hiện sự Đại đồng trên toàn thế giới.
b) Ý nghĩa theo
Thiên Chúa Giáo :
Thiên Chúa
giáo có một quyển sách tựa là : "Catéchisme Album " (Giáo lý Cương yếu) do nhà
xuất bản Saint Joseph ở Paris phát hành, nơi
trang đầu tiên có in hình Thiên Nhãn (L'Oeil de Dieu) và chú thích như vầy : "
Dieu est esprit, il ne peut être vu de nos yeux, ni, par conséquent, représenté
sur une image.
C'est OEIL, vous rappelle
que Dieu est le souveraine intelligence, qu'il sait tout et voit tout.
On l'encadre le Soleil,
car Dieu est le Vrai Soleil qui éclaire et réchauffe tout et porte la vie
partout. Dieu est la Lumière Éternelle."
Tạm dịch :
Thượng Đế là Đấng thiêng
liêng, đôi mắt trần của chúng ta không thể thấy được Ngài, vì thế, không thể mô
tả Ngài bằng một hình ảnh.
Thiên Nhãn nầy nhắc cho
chúng ta nhớ rằng : Thượng Đế là Đấng Toàn Tri, Ngài biết tất cả và thấy tất
cả.
Người ta vẽ chung quanh
Thiên Nhãn những tia sáng của Mặt Trời, bởi vì Thượng Đế là ngôi Dương chơn
thật, soi sáng và sưởi ấm vạn vật và mang đến sự sống khắp nơi. Thượng Đế là
Ánh sáng vĩnh cửu.
c) Ý nghĩa thiêng liêng :
Về ý nghĩa thiêng liêng của Thiên Nhãn, Đức Chí Tôn có dạy trong Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển như sau :
TNHT. I. 12 : " Chưa
phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng CON MẮT mà thờ Thầy, song
Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh :
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã giã.
Thần là khiếm khuyết của
cơ mầu nhiệm từ ngày Đại bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp
TINH KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh. Các con nhớ
nói vì cớ nào thờ CON MẮT Thầy cho chư Đạo hữu nghe. . . . . . .
Phẩm vị Thần Thánh Tiên
Phật từ ngày Đạo bị bế, thì Luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song
Thiên đình mỗi phen đánh tản THẦN, không cho hiệp cùng TINH, KHÍ. Thầy đến đặng
huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo.
Con hiểu "Thần cư tại
nhãn". Bố trí cho chư Đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên, Phật do yếu
nhiệm là tại đó."
III .
Giải thích 5 câu chữ Nho về Thiên Nhãn
Xin chép lại 5 câu chữ Nho
giải thích Thiên Nhãn :
Nhãn thị chủ tâm,
Lưỡng quang chủ tể,
Quang thị Thần,
Thần thị Thiên,
Thiên giả Ngã giã.
a) Giải nghĩa từng chữ :
Câu 1 : Nhãn thị chủ tâm. Nhãn : Con mắt. Thị : Ấy là. Chủ : Làm chủ.
Tâm : Cái Tâm. - Cái Tâm của con người là Linh hồn,
cũng gọi là Tiểu hồn, Tiểu Linh quang, và con người là Tiểu Thiên Địa hay Tiểu
Thượng Đế. - Cái Tâm của Trời là Đại hồn, là Đại Linh quang, và Trời là Đại
Thiên Địa, thường gọi là Thượng Đế.
Câu 2 : Lưỡng quang chủ
tể. Lưỡng : Hai. Quang : Ánh sáng. - Đối với Trời, Lưỡng quang là Âm quang và
Dương quang, đó cũng gọi là Lưỡng Nghi. - Đối với con người, Lưỡng quang là 2
Khí : Khí Âm và Khí Dương trong cơ thể con người. Chủ : Làm chủ. Tể : Đứng đầu.
Chủ tể, cũng đọc là Chúa tể là đứng đầu cai trị tất cả.
Câu 3 : Quang thị Thần.
Quang : Ánh sáng. Thị : Ấy là. Thần : Chơn linh, một trong Tam bửu (Tinh, Khí,
Thần). - Đối với Thượng Đế, Thần là Đại hồn. - Đối với con người, Thần là Tiểu
hồn.
Câu 4 : Thần thị Thiên.
Thần : Chơn linh. Thị : Ấy là. Thiên : Trời. - Đối với Trời, Thiên là Thượng
Đế, Đại Vũ trụ. - Đối với con người, Thiên là Tiểu Thượng Đế, Tiểu Vũ trụ.
Câu 5 : Thiên giả Ngã giã.
Thiên : (đã giải nơi câu 4). Giả : Ấy là. Ngã : Ta. Giã : Vậy. Thường viết là Dã, dùng đặt ở cuối câu, nghĩa là : Vậy.
Câu "Thiên giã Ngã dã" giống như câu " Nhân
giả Nhơn dã" ( ), nghĩa là:
Lòng Nhân ấy là đạo làm Người vậy.
Năm câu chữ Nho mà Đức Chí
Tôn dạy về THIÊN NHÃN, có thể được giải thích theo 2 trường hợp :
- Giải thích theo Đại
Thiên Địa (Đại Vũ trụ, Đại Linh quang, Đại hồn, Thượng Đế). [Trời]
- Giải thích theo Tiểu
Thiên Địa (Tiểu Vũ trụ, Tiểu Linh quang, Tiểu hồn, Tiểu Thượng Đế). [Người]
a) Giải thích theo Đại
Thiên Địa (Trời) :
Câu 1 : Nhãn thị chủ Tâm :
Nhãn ở đây là Thiên Nhãn tượng trưng Thượng Đế. Tâm ở đây là Tâm của Thượng Đế,
tức là Đại Linh quang, Đại hồn.
Nhãn thị chủ Tâm : Thượng
Đế là chủ của Đại Linh quang.
Câu 2 : Lưỡng quang chủ tể
: Lưỡng quang là Âm quang và Dương quang. Chủ tể là Chúa tể, cai trị tất cả.
Lưỡng quang chủ tể : Dương
quang và Âm quang làm chúa tể, cai trị tất cả. Bởi vì Dương quang và Âm quang
ấy chính là của Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu, phối hợp để sanh hóa Càn khôn Vũ trụ
và vạn vật.
Câu 3 : Quang thị Thần :
Quang nầy là Đại Linh quang, Thần nầy là Đại hồn.
Quang thị Thần : Đại Linh
quang ấy là Đại hồn của Thượng Đế.
Câu 4 : Thần thị Thiên :
Đại hồn ấy là Trời,Thượng Đế
Câu 5 : Thiên giả Ngã giã
: Thượng Đế ấy là TA vậy. (TA là tiếng tự xưng của Đức Chí Tôn).
Do đó, thờ Thiên Nhãn
chính là thờ Trời, thờ Đấng Thượng Đế, thờ Đấng Đại Từ Phụ đã sanh hóa CKVT và
toàn cả chúng sanh.
b) Giải thích theo Tiểu
Thiên Địa (Người) :
Con người do Thượng Đế tạo
ra, hễ Trời có gì thì con người có nấy, cho nên mới gọi con người là Tiểu Thiên
Địa, Tiểu Thượng Đế, Tiểu hồn, Tiểu Linh quang.
Câu 1 : Nhãn thị chủ Tâm :
Nhãn ở đây là Nhơn nhãn, con mắt của Người, tượng trưng con người. Tâm ở đây là
lương tâm của con người, tức là Tiểu hồn, Tiểu Linh quang.
Nhãn thị chủ Tâm : Con
người làm chủ cái Tâm của mình, tức là làm chủ Tiểu Linh quang (Chơn linh) của
mình.
Câu 2 : Lưỡng quang chủ tể
: Lưỡng quang ở đây là 2 Khí Dương và Âm trong cơ thể con người. Nếu 2 Khí nầy
điều hòa thì thân thể con người khỏe mạnh; nếu 2 khí không điều hòa, hoặc là
Dương thạnh Âm suy hay Âm thạnh Dương suy thì con người bị đau ốm, bịnh hoạn;
nếu khí Dương tuyệt thì cơ thể phải chết.
Lưỡng quang chủ tể : 2 Khí
Âm Dương trong con người là chúa tể, vì nó định được sự sống chết, sự khỏe mạnh
hay đau yếu của thân thể con người.
Câu 3 : Quang thị Thần :
Quang ở đây là Tiểu Linh quang, Thần là Linh hồn của con người, tức là Tiểu
hồn.
Quang thị Thần : Tiểu Linh
quang ấy là Tiểu hồn của con người.
Câu 4 : Thần thị Thiên :
Thần là Tiểu hồn, Thiên ở đây là Tiểu Thiên Địa, Tiểu Thượng Đế.
Thần thị Thiên : Tiểu hồn
ấy là Tiểu Thượng Đế.
Câu 5 : Thiên giả Ngã giã
: Thiên là Tiểu Thượng Đế, Ngã là ta, là con người.
Thiên giả Ngã giã : Tiểu
Thượng Đế ấy là ta vậy.
Về ý nghĩa của chữ " THẦN" :
+ Khi hiến lễ dâng
Tam Bửu lên Đức Chí Tôn : Tam Bửu là : Bông, Rượu, Trà, tượng trưng Tinh, Khí, Thần.
Tinh là Thể xác,
Khí là Chơn thần,
Thần là Chơn linh, Linh hồn.
+ Trong phép Luyện đạo,
luyện cho Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt : Trong trường hợp nầy thì :
TINH là chất tinh túy của
thể xác tạo ra để lưu truyền nòi giống. Phải Luyện Tinh hóa Khí.
KHÍ là chất bổ dưỡng do
chất Tinh biến thành để nhờ máu luân chuyển đem đi nuôi các tế bào của cơ thể
cho tươi nhuận, nhứt là nuôi các tế bào não cho thông minh sáng suốt, có đầy đủ
sự tốt đẹp. Đó là Luyện Khí hiệp Thần.
THẦN là Chơn thần của con
người. Khi trí não của con người đầy đủ sự thông minh sáng suốt thì phát huệ,
tạo được Chơn thần nhẹ nhàng tinh tấn. Nhưng phải Luyện Thần huờn Hư, nghĩa là
luyện cho Chơn thần được huyền diệu, có thể xuất nhập thể xác tùy theo ý muốn,
để có thể vân du lên các cõi Trời, tiếp xúc với các Đấng thiêng liêng. Luyện
được như vậy, gọi là Luyện Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt, đắc đạo tại thế.
Như vậy, chữ THẦN có 2
nghĩa : Linh hồn hay Chơn thần tùy theo trường hợp.
Cho nên, thờ Thiên Nhãn
cũng còn là thờ Chơn thần : "Thần cư tại Nhãn". Nên Đức Chí Tôn dạy
rằng : Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ
Độ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp cùng TINH, KHÍ, đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ siêu
phàm nhập Thánh. Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo."
CÁC ĐẤNG GIÁO CHỦ
Con cọp tượng trưng năm
Dần, đó là năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn khởi khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
tức là Đạo Cao Đài, để giáo hóa nhơn sanh tu hành trong buổi đời Mạt kiếp, và
Đức Chí Tôn giao cho Đức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ Khảo chấm thi đậu rớt,
mà môn thi là : Công Đức (Công quả và Đạo đức).
" Thầy đến độ rỗi các
con là thành lập một Trường Công đức cho các con nên đạo." (TNHT. I. 27)
" Vì vậy Thầy hằng
nói cùng các con rằng : Một Trường thi Công quả. Các con muốn đến đặng nơi Cực
Lạc Thế Giới thì phải đi tại cửa nầy mà thôi." (TNHT. I. 34)
Người nào thiếu công đức
thì bị đánh rớt, phải ở lại cõi trần học hỏi thêm để tiến hóa và sẽ tham dự vào
một Hội thi mới sau nầy.
Cho nên tượng hình Đức
Di-Lạc Vương Phật ngự trên lưng cọp có ý nghĩa là kể từ năm Bính Dần (1926), là
thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Di-Lạc được Đức Chí Tôn giao trọn quyền
phong thưởng Vạn linh và điều hành toàn bộ sự Tiến hóa trong Càn khôn Thế giới.
- Hàng ngang bên trên :
Đức Lão Tử, Giáo chủ Tiên giáo; Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo; Đức
Khổng Tử, Giáo chủ Nho giáo.
- Hàng ngang kế dưới là
Tam Trấn Oai Nghiêm : Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Lý Thái Bạch, Đức Quan Thánh Đế
Quân.
Hàng thẳng đứng ở giữa, từ
trên xuống dưới : Đức Phật Thích Ca, Đức Lý Thái Bạch, Đức Chúa Jésus (Gia Tô
Giáo chủ), Đức Khương Thượng Tử Nha (Giáo chủ Thần đạo).
Đức Di-Lạc Vương Phật
- (Giáo chủ
Hội Long Hoa)
Di-Lạc, Phật
giáo gọi là Di-Lặc, do phiên âm từ tiếng Phạn : Maitreya, dịch Hán văn là Từ
Thị. Từ Thị nghĩa là : Dòng lành, dòng Phật, vì Phật lấy Từ Bi làm gốc.
Vậy Di-Lạc là Từ Thị. Thuở xa xưa lâu đời, Ngài
Từ Thị gặp Phật, liền phát tâm tu hành, chứng phép Từ Thị Tam Muội. Từ ấy đến
nay, Ngài lấy chữ Từ làm họ của mình.
Vương Phật là Phật vua,
tức là vị Phật thay mặt Đức Chí Tôn làm vua cai trị Càn khôn Thế giới và Vạn
linh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.
Di-Lạc Vương Phật là vị
Phật tương lai, giáng sanh xuống cõi trần vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, đắc đạo tại
cội cây Long Hoa, làm Giáo chủ Đại Hội Long Hoa, thay mặt Đức Chí Tôn Ngọc
Hoàng Thượng Đế mà làm vua cai trị Càn khôn Thế giới và Vạn linh.
Trong Kinh Thiên Đạo của
Đạo Cao Đài, Đức Phật Thích Ca giáng cơ ban cho 2 Bài Kinh : Kinh Đại Tường và
Di-Lạc Chơn Kinh, nhờ đó chúng ta biết được nhiệm vụ và quyền hành của Đức
Di-Lạc Vương Phật.
Khi Ngài làm nhiệm vụ cai
quản Càn khôn Thế giới thì gọi Ngài là Đức Di-Lạc Vương Phật; nhưng khi Ngài
làm nhiệm vụ cứu độ chúng sanh (năng cứu khổ ách, năng cứu tam tai, năng cứu
tật bịnh, năng độ dẫn chúng sanh thoát chư nghiệt chướng) thì gọi Ngài là
Di-Lạc Vương Bồ Tát. Theo lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp trong Con đường
Thiêng liêng Hằng sống : Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Đức A-Di-Đà Phật giao quyền lại cho
Đức Di-LạcVương Phật chưởng quản Cực Lạc Thế Giới, nên Đức Di-Lạc Vương Phật
hiện nay ngự tại cửa Kim Tự Tháp, dưới tàn cây dương tối cổ ở Kinh đô Cực Lạc
Thế Giới, còn Đức A-Di-Đà Phật vào ngự trong Lôi Âm Tự và Đức Phật Thích Ca ngự
tại Kim Sa Đại điện trong Kim Tự Tháp.
Kim Tự Tháp tại Kinh đô
Cưc Lạc Thế Giới có hình giống như Kim Tự Tháp bên Ai Cập, nhưng mình nó lại
tròn, có nhiều từng, nhiều nấc, có rất nhiều chư Phật ngự trên đó, mỗi vị có
liên đài riêng.
Bài Di-Lạc Chơn Kinh cho
biết Đức Di-Lạc Vương Phật cai quản 2 từng Trời : Hỗn Nguơn Thiên và Hội Nguơn
Thiên, là 2 từng thứ 12 và thứ 11, nằm kế bên trên Hư Vô Thiên, và bên dưới Hư
Vô Thiên là Cửu Trùng Thiên.
Bài Kinh Đại Tường cho
biết Đức Di-Lạc Vương Phật sẽ giáng sanh xuống trần vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, có
nhiệm vụ thực hiện các điều sau đây do Đức Chí Tôn giao phó :
- 1. Tái sanh sửa đổi Chơn
truyền và Thâu các đạo hữu hình làm một :
Đức Phật Di-Lạc sẽ giáng
sanh xuống cõi trần để sửa đổi và chỉnh đốn các giáo lý chơn truyền của các
Đấng Giáo chủ thời Nhị Kỳ Phổ Độ để lại, đã bị người đời canh cải sai lạc rất
nhiều, đồng thời gom tất cả tín ngưỡng tôn giáo trên hoàn cầu thống nhứt lại
làm một mối, để có một tín ngưỡng chung, cùng nhìn nhận Đức Chí Tôn và Đức Phật
Mẫu là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn nhơn loại.
- 2. Khai cơ Tận độ, Cửu
tuyền diệt vong : Đức Di-Lạc Vương Phật mở ra một cơ quan Tận độ chúng sanh,
đóng cửa Địa ngục, giải phóng các tội hồn, cho đi đầu thai trả quả và lo tu
hành để được cứu vớt trong sự Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn.
3. Hội Long Hoa tuyển
phong Phật vị và Trường thi Tiên, Phật, duợt kiếp khiên :
Đức Di-Lạc Vương Phật làm
Chánh Chủ Khảo Trường thi công đức, tuyển lựa các ngôi vị Thần Thánh Tiên Phật
để đưa vào tham dự Đại Hội Long Hoa do Ngài làm Giáo chủ.
- 4. Tạo đời cải dữ ra
hiền, Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn :
Đức Di-Lạc Vương Phật thay
mặt Chí Tôn để tạo lập lại đời Thượng Nguơn Thánh đức, dân chúng hiền lương tôn
thờ đạo đức, sống hòa bình trong một xã hội đại đồng trong giềng bảo sanh của
Thượng Đế.
- Vào đời nhà Tùy, Ngài
hóa thân là Tăng Can.
- Vào đời Ngũ Đại, Ngài là
Bố Đại Hòa Thượng.
- Vào đời Lục Triều, Ngài
hóa thân là Phó Đại Sĩ.
Trong 3 lần hóa thân, nổi
tiếng nhứt là Bố Đại Hòa Thượng. Dân chúng vẽ hình, đúc tượng theo hình ảnh của
Bố Đại Hòa Thượng, có vóc dáng như Ông Địa, miệng cười toe toét, chung quanh có
6 đứa con nít đang chọc ghẹo.
Sau đây, xin kể lại 2 sự
tích : Tăng Can và Bố Đại Hòa Thượng.
I .
TĂNG CAN.
Vào đời nhà Tùy bên Tàu,
có một Ông sư gọi là Tăng Can, cất một cái am bên cạnh chùa Quốc Thanh để ở.
Không ai biết gốc tích của Ông sư nầy ở đâu, chỉ biết Ông lúc Ông đến cất am.
Ông thỉnh thoảng đi thuyết giáo nơi nầy nơi nọ. Có nhiều lúc Ông cỡi cọp đi về
am khiến chúng tăng trong chùa Quốc Thanh hoảng sợ.
Có lần Ông ôm về một đứa
bé gởi nuôi trong chùa Quốc Thanh đặt tên là Thập Đắc. Thỉnh thoảng có một Ông
ăn mặc rách rưới từ trong núi tuyết đi ra, tên gọi Hàn Sơn, cũng đến ở chùa.
Hàn Sơn và Thập Đắc được
người trong chùa xem như hai gã ăn mày. Khi chúng tăng ăn cơm xong thì 2 người
mới ăn những thức ăn còn thừa lại. Khi ngủ thì chỉ được ngủ ngoài hành lang. Có
lúc cao hứng thấy 2 người làm thơ, nhưng những bài thơ đó đọc lên không ai hiểu
được ý nghĩa.
Một hôm, sau cơm trưa,
chúng tăng đi nghỉ hết, hai người đi vào chỗ thờ, một người thì leo lên ngồi
trên cổ Đức Văn Thù Bồ Tát, còn người kia thì leo lên ngồi trên vai Đức Phổ
Hiền Bồ Tát. Một vị tăng tình cờ đi vào Chánh điện phát hiện ra việc nầy, vội
chạy đi báo cho Hòa Thượng trụ trì biết và chư tăng đến lôi 2 người xuống, quở
mắng đủ điều về tội bất kính.
Lúc đó Ông Tăng Can đã tịch. Quan
Huyện sở tại mắc một chứng bịnh nan y, Ông nằm chiêm bao thấy Ông Tăng Can hiện
đến, tự xưng là Phật Di-Lạc, bảo quan Huyên muốn hết bịnh thì hãy đến đảnh lễ
Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát, xin 2 vị đó ban cho Ông phương thuốc trị dứt
bịnh, mà muốn đảnh lễ 2 vị Bồ Tát đó thì phải vào chùa Quốc Thanh, hỏi 2 người tên là Hàn Sơn
và Thập Đắc, vì đó là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân.
Sáng ngày,
quan Huyện liền đi đến chùa Quốc Thanh như lời báo mộng, đòi gặp 2 vị Hàn Sơn và Thập Đắc.
Hòa Thượng trụ trì và chúng tăng trong chùa rất ngạc nhiên, không biết tại sao
quan Huyện lại có vẻ kỉnh trọng 2 người ăn mày đó thế. Hòa Thượng buộc lòng gọi
2 người ấy ra. Hai vị liền nắm tay đi ra. Vừa thấy 2 vị, quan Huyện quì mọp
xuống lạy.
Hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc
đồng cười nói :
- Cái Lão Tăng Can bày đặt
làm cho ta bại lộ rồi.
Nói rồi, 2 vị cỏng nhau
chạy tuốt vô rừng mất dạng.
Quan Huyện mới thuật lại
điềm chiêm bao của Ông cho vị Hòa Thượng và chúng tăng trong chùa nghe, mới
biết : Tăng Can là Đức Di-Lạc Bồ Tát hóa thân, còn 2 vị Hàn Sơn và Thập Đắc là
Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân.
II . BỐ ĐẠI HÒA THƯỢNG.
Bố Đại Hòa Thượng là một
vị sư trọng tuổi có mang một túi vải lớn. (Bố Đại là cái túi vải lớn). Không ai
biết tên tuổi và gốc gác của Ông, chỉ thấy Ông luôn luôn mang một cái túi vải
lớn bên mình nên đặt ra gọi như vậy.
Ai cho gì, Ông cũng bỏ vào
cái túi vải đó, đến chỗ gặp con nít đông thì Ông dừng lại, lấy tất cả đồ trong
túi vải ra, rồi bày trò chơi vui đùa với lũ trẻ.
Ông có thân hình khác
người thế tục, trán nhăn, mặt tròn, bụng lớn, mập mạp, luôn luôn mặc áo phạch
ngực, miệng lúc nào cũng cười vui.
Ông thường trú tại chùa
Nhạc Lâm, huyện Phong Hóa, tỉnh Châu Minh.
Mỗi khi đi đường, Ông luôn
luôn mang theo cái túi vải lớn và một cây tích trượng, không bao giờ rời xa 2
vật ấy. Lại còn có 18 đứa con nít nhỏ thường đeo đuổi bên Ông để chọc ghẹo mà
Ông vẫn cười hề hề, không phiền trách chi cả, đứa thì móc lỗ mũi, đứa dùi lỗ
tai, đứa chọc vô rún, đứa móc miệng, đứa bịn mắt, vv. . . Mười tám đứa con nít
đó là Lục căn, Lục trần, Lục thức, ở trong tịnh trí của Ông mà hiện ra do thần
thông quảng đại của Ông. Nhưng người đời sau họa hình hay làm tượng Đức Phật
Di-Lạc, họ bớt lại chỉ còn 6 đứa con nít, tượng trưng Lục căn, bởi vì chính Lục
căn làm cho con người vọng động phải bị chìm đắm trong vòng luân hồi sanh tử,
mà cũng chính Lục căn làm cho con người đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Thời đó là đời Ngũ Đại sau
đời nhà Đường, nước Tàu chia làm 5 nước : Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, kéo dài
từ năm 907 đến năm 960.
Thiền Tông bấy giờ rất
mạnh. Một hôm, có một vị Thiền sư phái Thảo đường hỏi Bố Đại Hòa Thượng :
- Đại ý Phật pháp là thế
nào ?
Bố Đại Hòa Thượng đang
quảy cái bị trên vai, Ngài liền để xuống rồi đứng yên.
Thiền sư hỏi tiếp :
- Chỉ có thế thôi hay có
con đường tiến lên chăng ?
Ngài lại xách túi vải mang
lên vai rồi đi.
Hai cử chỉ ấy là 2 câu trả
lời của Ngài. Ngài để cái bị xuống là ý nói buông tất cả, xả bỏ tất cả, đừng
chấp cái gì hết kể cả Phật pháp. Buông tất cả rồi đứng yên là để tâm thanh
tịnh, rồi quảy bị lên vai và đi là tự tại, là ung dung của bực thoát trần.
Khi Bố Đại Hòa Thượng ở xứ
Mân Trung thì có một cư sĩ họ Trần thấy Ngài làm nhiều việc thần kỳ, nên đãi
Ngài rất trọng. Lúc Ngài gần từ giã Ông Trần để đi qua xứ Lưỡng Chiết thì Ông
cư sĩ muốn rõ tên họ của Ngài, bèn hỏi rằng :
- Thưa Hòa Thượng, xin cho
tôi biết họ của Ngài, sanh năm nào và xuất gia đã bao lâu rồi ?
Ngài bèn đáp rằng :
- Ta tỏ thiệt cho ngươi
rõ, ta chính họ Lý, sanh ngày mùng 8 tháng 2. Ta chỉ biểu hiệu cái túi vải nầy
để độ đời đó thôi. Vậy ngươi chớ tiết lộ cho ai biết.
Trần cư sĩ nghe vậy thì
thưa rằng :
- Hòa Thượng đi đây, nếu
có ai hỏi việc chi thì xin Ngài trả lời làm sao cho hợp lý, chớ tùy thuận theo
người thì không khỏi bàng nhơn dị nghị tiếng thị phi.
Ngài liền đáp bằng bài kệ
:
Ghét thương phải quấy biết
bao là,
Xét nét lo lường giữ lấy
ta.
Tâm để rổng thông thường
nhịn nhục,
Bữa hằng thong thả phải
tiêu ma.
Nếu người tri kỷ nên y
phận,
Dẫu kẻ oan gia cũng cộng hòa.
Miễn tấm
lòng nầy không quái ngại,
Tự nhiên
chứng đặng lục ba la.
Trần cư sĩ
lại hỏi :
- Bạch Hòa
Thượng,
Ngài có pháp hiệu chi không ?
Bố Đại Hòa Thượng lại đáp
bằng bài kệ :
Ta có cái túi vải,
Rổng rang không quái ngại,
Mở ra khắp mười phương.
Thâu vào quán tự tại. Trần
cư sĩ lại hỏi tiếp :
- Ngài có đem hành lý gì
theo không ?
Ngài liền đáp bằng một bài
kệ nữa :
Bình bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua. .
Trần cư sĩ hỏi tiếp :
- Đệ tử rất ngu muội, biết
làm sao cho đặng thấy tánh Phật ? Ngài đáp bằng bài kệ :
Phật tức tâm, tâm tức
Phật,
Mười phương thế giới là
linh vật,
Tung hoành diệu dụng biết
bao nhiêu,
Cả thảy chẳng bằng tâm
chơn thật. .
Trần cư sĩ nói :
- Hòa Thượng đi lần nầy
nên ở chùa, chớ nên ở nhà thế gian. Ngài lại đáp rằng :
Ta có nhà Tam bảo,
Trong vốn không sắc tướng,
Chẳng cao cũng chẳng đê,
Không ngăn và không
chướng.
Học vẫn khó làm bằng,
Cầu thì không thấy dạng,
Người trí biết rõ ràng,
Ngàn đời không tạo đặng,
Bốn môn bốn quả sanh,
Mười phương đều cúng
dường. .
Trần cư sĩ nghe rồi thì
lấy làm lạ, liền đảnh lễ Ngài mà thưa rằng :
- Xin Hòa Thượng ở nán lại
một đêm mà dùng cơm chay với đệ tử đặng tỏ dấu đệ tử hết lòng cung kính. Xin
Ngài từ bi hạ cố.
Đêm ấy, Bố Đại Hòa Thượng
ngụ tại nhà Trần cư sĩ, đến khi đi thì Ngài viết một bài kệ dán nơi cửa như vầy
:
Ta có một thân Phật,
Có ai đặng tường tất,
Chẳng vẽ cũng chẳng tô,
Không chạm cũng không
khắc,
Chẳng có chút đất bùn,
Không phai màu thể sắc,
Thợ vẽ vẽ không xong,
Kẻ trộm trộm chẳng mất.
Thể tướng vốn tự nhiên,
Thanh tịnh trong vặc vặc,
Tuy là có một thân,
Phân đến ngàn trăm ức. .
Khi Ngài đến quận Tứ Minh,
Ngài thường ở nhà Ông Tưởng Tôn Bá. Ngài có khuyên Ông nầy nên trì niệm Câu chú:
" Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa". Ông Bá nghe lời, luôn luôn trì niệm
Câu chú nầy, trong lúc ngồi hay nằm đều niệm, nên người ta gọi Tưởng Tôn Bá là
Ma Ha Cư sĩ.
Có một bữa nọ, Ngài cùng
Ma Ha Cư sĩ ra tắm ở khe nước Trường đình. Khi Ngài đưa lưng cho Ma Ha cư sĩ kỳ
cọ giùm thì ông nầy thấy nơi lưng Ngài có 4 con mắt rực rỡ chói lòa, lấy làm
kinh dị vô cùng. Ông đảnh lễ Ngài và nói rằng :
- Hòa Thượng là một vị
Phật tái thế.
Ngài liền khoát tay bảo
nhỏ rằng :
- Ngươi chớ tiết lậu. Ta
với ngươi vốn có nhân duyên rất lớn, rồi đây ta sẽ từ biệt ngươi mà đi, chớ nên
buồn rầu.
Khi trở lại nhà, Ngài hỏi
Ma Ha cư sĩ :
- Ý ngươi muốn giàu sang
không ?
Ma Ha cư sĩ thưa rằng :
- Vả chăng, sự giàu sang
như mây nổi, như giấc chiêm bao, nên tôi nguyện cho con cháu đời đời được miên
viễn mà thôi.
Ngài thọc tay vào túi vải
lấy ra cái hộp, trong đó đựng cái túi nhỏ và một sợi dây, đưa tặng Ma Ha cư sĩ,
nói rằng :
- Ta tặng ngươi mấy vật
nầy mà từ biệt. Song ta căn dặn ngươi phải gìn giữ kỹ lưỡng mà làm biểu tín
những việc hậu vận của ngươi.
Ma Ha cư sĩ lãnh mấy món
ấy mà chẳng hiểu được ý gì. Cách vài bữa sau, Bố Đại Hòa Thượng trở lại hỏi
rằng :
- Nhà ngươi hiểu được ý ta
không ?
Cư sĩ thưa rằng :
- Thưa Ngài, đệ tử thiệt
chẳng rõ.
- Đó là ta muốn cho con
cháu của ngươi ngày sau cũng như mấy vật ta tặng đó vậy. Cái hộp là thể thân
xác của ngươi, cái túi nhỏ là cái tâm, sợi dây là ý để liên lạc với Phật về mặt
vô hình. Ngươi đã hiểu giàu sang là mây nổi, kiếp sống là chiêm bao, vậy nên
thành ý.
Nói rồi Ngài liền từ giã
đi ngay.
Đến sau, quả nhiên con
cháu của Ma Ha cư sĩ đều được vinh hoa phú quí, hưởng lộc nước đời đời.
Bố Đại Hòa Thượng trở về
chùa Nhạc Lâm. Đến ngày mùng 3 tháng 3, năm thứ 3 niên hiệu Trinh Minh, Ngài
không bịnh chi cả, ngồi trên bàn thạch gần mái chùa Nhạc Lâm, làm một bài kệ :
Di-Lạc chơn Di-Lạc,
Phân thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhơn,
Thời nhơn tự bất thức.
Nghĩa là :
Di-Lạc thật Di-Lạc,
Phân thân thành muôn ức,
Thường thường dạy người
đời,
Người đời tự không biết.
Làm bài kệ xong thì Ngài
nhập diệt.
Nhắc lại, ở vùng nầy có
Ông Trần đình Trưởng, thấy Bố Đại Hòa Thượng hay khôi hài mà không lo sự gì cả,
nên mỗi lần gặp Ngài thì hay buông lời diễu cợt, rồi giựt cái túi vải đem đốt.
Hễ bữa nay đốt rồi thì hôm sau lại thấy Ngài mang cái túi vải như cũ. Ông lại
giựt và đem đốt nữa, thì hôm sau vẫn thấy Ngài mang cái túi vải đó. Ông Trần
lấy làm lạ nên đem lòng kính phục và chẳng dám chế diễu nữa.
Nay thấy Ngài nhập diệt
rồi, Ông Trần đình Trưởng lo mua áo quan để tẫn liệm Ngài, cốt ý chuộc tội với
Ngài, nhưng đến chừng khiêng quan tài đi chôn, người rất đông mà khiêng cái
quan tài không nổi.
Trong bọn ấy có người họ
Đồng, ngày thường vẫn tỏ lòng tôn kính Ngài, khi thấy việc linh hiển như vậy
liền vội vã đi mua cái áo quan khác mà đổi, liệm thi hài của Ngài vào áo quan
mới. Khi khiêng đi chôn thì cảm thấy nhẹ phơi phới. Ai nấy đều kinh sợ, và đem
lòng cung kính. Người trong quận lập hội lớn, lo xây tháp cho Ngài tại núi
Phong sơn.
Các vị Tổ Sư Thiền Tông
Phật giáo Trung Hoa chọn ngày Vía Đức Phật Di-Lạc vào ngày đầu năm, mùng 1 Tết
Nguyên đán hằng năm với ý nghĩa là :
- Hình ảnh phúc hậu và nụ
cười cởi mở của Đức Phật sẽ đem đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình suốt
năm.
- Đức Phật Di-Lạc là vị
Phật tương lai, vị Phật trong niềm hy vọng của mọi người để lập đời Thượng
nguơn Thánh đức, mà ngày mùng 1 Tết là ngày hy vọng, là ngày chúc tụng lẫn nhau
được mọi điều tốt đẹp và thành công.
Thời kỳ khởi đầu của Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Di-Lạc chưa giáng sanh xuống cõi trần, Ngài còn ở
Cung Trời Đâu Suất. Ngài chỉ thỉnh thoảng giáng cơ để giáo hóa nhơn sanh.
Sau đây xin trích một bài
Thánh giáo của Đức Di-Lạc Vương Phật giáng cơ trong Thánh giáo sưu tập :
THI :
DI -LAÏC THIÊN TÔN giáng cõi trần,
Chào chư Thiên mạng, bực nguyên nhân.
Mừng chung thiện tín hàng tâm đạo,
Để nghiệm lời đây đạo đức phân.
Nầy chư môn đồ ! Đương
giữa lúc thế trần đau khổ, ách nước nạn dân, chư môn đồ đã là những thành phần giác
ngộ, tìm Đạo học Đạo để tu thân và đem Đạo dìu dẫn người đời. Đó là chư môn đồ
làm đúng theo lòng Thượng Đế.
Cõi đời là tạm bợ, hãy
nương vào đây để lập công bồi đức, chớ đừng xem đây là cõi thiệt vĩnh cửu
trường tồn, rồi đắm say trần lụy, quên mất căn xưa, không ngày trở lại ngôi xưa
vị cũ.
Một xã hội loài người muốn
hưởng cảnh đất Thuấn Trời Nghiêu, thái bình thạnh trị, cần phải có đa số con
người lương thiện để xây dựng xã hội đó.
Chư môn đồ ngày nay đang
dấn thân vào nghiệp duyên trần cấu, chịu sự trả quả chung của dân tộc, đừng bi
quan, đừng thối chí, hãy nươn cảnh ấy mà tu thân hành thiện, tự giải thoát cho
mình và giúp người khác cùng giải thoát.
Hằng ngày, Bần đạo thấy đa
số nhơn sanh bá tánh đến trước Chánh điện lễ bái kỉnh thành, hiến dâng lễ vật,
nghĩ thiệt là tội nghiệp. Thương thay cho lòng mê muội của nhơn sanh còn quá
nặng ! Có mấy ai thấy được mặt Di-Lạc Thiên Tôn bao giờ chưa ? Bần đạo chắc là
chưa ai thấy, chỉ có lời truyền tụng hoặc huấn dụ xuyên qua đàn cơ cùng Thánh
giáo.
Sự tạc tượng thờ đó là do
lòng kỉnh thành của nhơn sanh thiện tín để cụ thể tướng và thể hiện lòng kỉnh
thờ đối với bậc trọn lành đem Đạo cứu đời.
Thương hại cho người đời
còn lầm tưởng rằng : Đem lễ vật hiến dâng lễ bái để cầu xin một việc tư riêng
sẽ được Bần đạo hộ trì giúp đỡ ! . . . . .
- Sự lễ bái, cúng lạy, quì
mọp, ngoài ý nghĩa trịnh trọng thi lễ với Phật Trời, lại còn có ý nghĩa câu
thúc thân mình trong sự khó khăn để trừ bớt nghiệp thân.
- Tịnh khẩu hoặc niệm
Phật, tụng kinh để trừ bớt nghiệp khẩu.
- Nhắm mắt tham thiền hoặc
ngó ngay vào tượng Phật hoặc ngọn nhang, ngọn đèn để trừ bớt nghiệp nhãn.
- Tham thiền định ý, khép
chặt không cho tư tưởng suy nghĩ vẩn vơ phóng túng để trừ bớt nghiệp ý.
- Thiền định, không chấp
nhận mọi tiếng động vào tai để trừ bớt nghiệp nhĩ.
Tóm lại, tất cả những điều
ấy là những phương pháp trợ người tu hành được yên ổn trả dứt nghiệp cũ, không
gây nghiệp mới và tạo thêm âm chất để làm vốn liếng sản nghiệp vô hình cho kiếp
lai sanh hoặc cho bên kia thế giới.
Người tu hành nhờ rất
nhiều phương pháp để trợ duyên, đừng quá chú trọng những hình thức đó tưởng là
để Trời Phật thương rồi cho thành Chánh quả !
Mặc áo đạo để được nghiêm
chỉnh, không nói, không dám làm điều trái đạo, làm cho thân thể mình mất mỹ
thuật như thí phát, áo bã nâu sòng, chơn không đi dép, đó là ngăn chận sự quyến
rũ của tha nhân mà quấy rầy, không được an thân hành Đạo, ăn chay ăn lạt cho
nhiều để thể hiện lòng bác ái hy sinh : Bác ái với loài vật, không nỡ giết
chúng để nuôi mình sống, hy sinh sự thèm thuồng rượu ngon thịt béo để làm chủ
được Thất tình Lục dục.
Đó là phương tiện cần kíp
cho người tu và cũng đừng chú trọng đến đó là được thành Chánh quả.
Nói cho rõ hơn, ăn chay,
niệm Phật. cúng lạy, hiến dâng, áo bã nâu sòng, là những phương tiện, không lấy
đó làm đề tài chính để thành Chánh quả. Nhưng muốn thành Chánh quả, phải có
những phương tiện đó gắn bó bên mình từ nội tâm đến ngoại thể.
Chư môn đồ ơi ! Kỳ nầy là
kỳ Đại Ân Xá, ai tu hành cũng dễ đắc quả vị, mà cũng chính thời kỳ nầy là thời
kỳ hoàng kim, khoa học tiến bước vượt bực. Những chủ thuyết hiện sinh đang tràn
ngập thị trường sách báo, những vật chất xa hoa đua đòi thụ hưởng cũng dễ quyến
rũ hấp dẫn. Vì vậy, cũng chính thời kỳ nầy là thời kỳ dễ sa đọa, làm tiêu tán
bổn chơn linh, nguyên nhân khó trở lại.
Đa số môn đồ tín hữu đều
có lòng mong vọng ngày Long Hoa Đại Hội, Phật Vương ra đời cầm quyền thưởng
phạt. Ý niệm đó cũng tốt, nhưng muốn được Phật Vương ban thưởng, ngay từ bây
giờ, hãy làm những phương tiện, phương pháp hành đạo mà Bần đạo vừa dạy khuyên.
Có làm đúng được, ví như làm bài trúng, sẽ thi đậu trong kỳ chung cuộc của Đại
Hội Long Hoa.
Còn điều quan trọng nữa
sau đây : Tất cả những môn đồ tín hữu, hoặc con chiên của Trời, của Phật, của
Chúa, vv… hãy vì lòng Đạo mà thương yêu đoàn kết, quây quần với nhau thành một
khối vĩ đại để kết tụ khối tinh thần đạo đức vĩ đại, thường xuyên liên giao
thân hữu, thăm viếng để trao đổi học hỏi đạo lý thuần chơn. Hễ đạo đức thắng
thì Ma Vương Tà mị thối. Ngược lại, nếu đạo đức còn chia rẽ là đạo đức thối, ắt
Ma Vương Tà mị thắng.
Nhớ đạo đức nơi đây có
nghĩa là thuần túy tôn giáo. Có thuần túy tôn giáo mới thuận lòng Trời, hạp
lòng người, mới mong thế gian được đạo đức bảo tồn trong kỳ Hạ nguơn Mạt kiếp
nầy. THĂNG. "
Trong những ngày Đại lễ Khai
Đạo Cao Đài tại Thánh Thất tạm đặt tại Chùa Từ Lâm Tự Gò Kén (Tây Ninh), có
trưng bày đôi liễn do Đức Chí Tôn ban cho :
Di-Lạc thất bá thiên niên
quảng khai Đại Đạo,
Thích Ca nhị thập ngũ thế
chung lập Thiền môn.
Nghĩa là :
Đức Phật Di-Lạc, 700.000
năm, rộng mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
Đức Phật Thích Ca, 25 thế
kỷ (2.500 năm), chấm dứt việc lập nền Phật giáo.
Đức Phật Thích Ca
- (Giáo chủ Phật giáo)
Đức Thích Ca Mâu Ni Văn
Phật, gọi tắt là Đức Phật Thích Ca, thế danh Sĩ-Đạt-Ta (Siddattha) có nghĩa là
người được toại nguyện, họ Cồ-Đàm (Gotama), sau đổi họ lại là Thích Ca (Sakya).
Ngài được sanh ra vào ngày
mùng 8 tháng 4 âm lịch, năm 623 trước Chúa Giáng sinh, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni
(Lumbini), ở thủ đô Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) của một nước nhỏ thuộc miền Bắc
Ấn Độ, gần biên giới xứ Népal ngày nay. (Về sau nầy, Đại Hội Phật giáo Thế giới
đổi ngày giáng sanh của Đức Phật là ngày trăng tròn 15-4-âm lịch, và bên Phật
giáo làm Đại lễ Phật đản vào ngày 15-4-âl nầy.)
Ngài là vị Hoàng tử con
của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma-Da (Maha Maya).
Sau khi hạ sanh Hoàng tử
được 7 ngày, Hoàng Hậu Ma-Da từ trần, trở về Cung Tiên. Em Bà là Maha Pajapati
cũng kết duyên với vua Tịnh Phạn, thay thế người chị ruột, nuôi dưỡng Hoàng tử
Sĩ-Đạt-Ta khôn lớn.
Hoàng tử Sĩ-Đạt-Ta lớn
lên, hưởng được sự giáo dục hoàn hảo của bực vua chúa, để sau nầy lên nối ngôi
vua cha trị vì đất nước. Thái tử lại là người thông minh xuất chúng, nên Ngài
trở thành một người văn võ toàn tài.
Khi lên 16 tuổi, theo
phong tục thời bấy giờ, Thái tử kết duyên cùng Công chúa Da-Du-Đà-La
(Yasodhara), một người em cô cậu cùng tuổi với Ngài.
Trong suốt 13 năm chung
sống sau hôn lễ, Thái tử hoàn toàn sống cuộc đời vương giả, không hay biết chi
các nỗi thống khổ của dân chúng ở bên ngoài cửa cung điện.
Một ngày đẹp Trời, Thái tử
cùng quan hầu cận đi du ngoạn bên ngoài Hoàng cung để ngắm xem thế giới bên
ngoài và có thể tiếp xúc với dân chúng.
- Ngài chứng kiến được
những nỗi vất vả khổ cực của kiếp sống con người phải lo làm lụng tìm phương sanh
sống. Chúng sanh cũng vì sự sống mà tranh giành giết hại lẫn nhau.
- Một ngày khác, Thái tử
còn chứng kiến được các cảnh khổ như : Già yếu, ốm đau, chết chóc biệt ly.
Vậy thì đời sống của con
người có chi là sung sướng ?
Ngài nghĩ rằng chỉ riêng
phần Ngài là một Thái tử, sắp sửa lên ngôi vua trị vì Thiên hạ thì nghèo đói,
Ngài không cần lo, nhưng còn già yếu, ốm đau, rồi chết thì không ai tránh khỏi
được. Ngài âm thầm lập chí tìm phương giải khổ cho nhơn sanh.
Tình cờ, Ngài gặp được một
tu sĩ ngoài cửa Hoàng thành, với dáng điệu rất ung dung, mặt mày thơ thới vô
tư. Ngài đến gần vị tu sĩ ấy để hỏi chuyện, được biết vị tu sĩ ấy xuất gia đi
tu học đạo, quyết trừ hết ác căn, lấy lòng từ bi kềm chế dục vọng, hộ niệm cho
chúng sanh không nhiễm theo thế tục, để trước là giải thoát cho chính mình, sau
là giải thoát cho chúng sanh.
Nghe vậy, Thái tử
Sĩ-Đạt-Ta rất hoan hỷ và nhứt quyết sẽ làm như vị tu sĩ ấy. Vua Tịnh Phạn thấy
Thái tử có ý muốn đi tu thì nhà vua không bằng lòng, tìm đủ mọi cách để ngăn
cản Thái tử.
Giữa lúc ấy thì Công chúa
Gia-Du-Đà-La, vợ của Thái tử vừa sanh được một hoàng nam. Thái tử không cảm
thấy vui mừng trước việc nầy, mà lại than rằng : "Lại thêm một sợi dây
trói buộc."
Do đó, vua Tịnh Phạn đặt
tên cho cháu nội là : Ra-Hầu-La (Rahula, tiếng Phạn có nghĩa là Trở ngại).
Ngày mùng 7 tháng 2, năm
Thái tử được 29 tuổi, trong lúc vợ con và quan binh trong Hoàng thành ngủ mê
sau một buổi tiệc tùng ca xướng tưng bừng, Thái tử gọi quan hầu cận là Xa-Nặc
(Chana) thắng ngựa Kiền trắc (Kanthaka) để Thái tử trốn khỏi Hoàng cung, đi vào
rừng núi thanh vắng, tìm thầy học đạo tu hành.
Nhờ ngựa Kiền trắc chạy
rất mau, nên đêm đó, nó đưa Thái tử vượt Hoàng cung, đến một nơi cách kinh đô
rất xa. Thái tử tự mình cắt tóc, gỡ gươm trao cho Xa-Nặc, bảo đem về trình với
phụ vương, rồi đưa ngựa Kiền trắc cho Xa-Nặc cỡi trở về triều.
Thái tử cổi áo Thái tử đổi
lấy áo thâm của một người thợ săn, rồi đi vào núi tu hành.
Vua Tịnh Phạn sai các quan
Đại Thần đi tìm Thái tử, khuyên nhủ Thái tử trở về triều, nhưng không thể lay
chuyển được ý chí kiên quyết của Thái tử.
Thái tử tìm đến một Đạo sĩ
lỗi lạc, tên là Alarama Kalama để xin thọ giáo. Ngài học hết giáo pháp của
Alarama, nhưng cảm thấy chưa toại nguyện. Ngài xin từ giã và tìm đến một Đạo sĩ
trứ danh khác là Uddaka Ramaputta để xin học Đạo. Ngài cũng học hết giáo pháp
của Uddaka, nhưng vẫn chưa thấy được mục tiêu cứu cánh.
Ngài nhận thấy rằng không
ai có thể dẫn dắt Ngài đến thành tựu vì những vị mà Ngài đã học vẫn còn nhiều
vướng mắc, chưa thoát khỏi vô minh.
Từ đó Thái tử không tìm
thầy học đạo nữa, mà tự mình đến chỗ thanh vắng để tự suy nghĩ tìm tòi chơn lý.
Ngài gặp được nhóm 5 tu sĩ
mà Ông Kiều Trần Như đứng đầu theo ủng hộ Ngài để Ngài thực hành một lối tu vô
cùng khổ hạnh. Sau 6 năm tu khổ hạnh như thế, thân mình của Ngài chỉ còn da bọc
xương, hơi thở yếu ớt, gần như cái chết sắp đến với Ngài, mà Ngài vẫn chưa đạt
được cứu cánh.
Bỗng nhiên có một Ông tiều
đến gần chỗ Ngài đang thiền định, mang theo một cây đàn, lên dây đàn, đàn một
khúc rất hay, đến lúc hay nhất thì dây đàn bỗng đứt, tiếng đàn im bặt. Ông tiều
nối lại dây đàn, lên dây cho đúng, rồi lại đàn, đàn đến khúc hay nhất thì dây
đàn lại đứt. Đứt rồi lại nối, nối rồi lên dây trở lại và đàn. Làm 3 hiệp như
vậy.
Thái tử đang trì định phải
bực bội tỉnh hồn than rằng :
- Ông đàn thì hay mà lên
dây chi cho cao quá, đến khúc hay thì dây đứt, cái hay ấy phải hết mùi, rất
đáng tiếc.
Ông tiều liền đáp rằng :
- Cái đàn của tôi cũng như
cái tu của Ngài. Dây đàn tôi lên cao quá, nên đến chỗ hay thì đứt thì cái hay
của tiếng đàn chẳng hữu ích chút nào; còn cái tu của Ngài, nếu cái cao siêu
huyền bí đạt được cơ bất diệt đi nữa thì nó cũng phải chết theo Ngài, còn chi
hữu ích cho đời. Tôi cũng lấy làm tiếc vậy.
Lão tiều nói xong, liền
xách đàn đi mất. (Trong Kinh cho rằng Ông tiều ấy là một vị Phật hóa thân đến
cảnh tỉnh Thái tử).
Thái tử suy nghĩ mãi lời
nói của Ông tiều, liền tỉnh giác, biết mình lầm theo lối tu khổ hạnh, làm suy
giảm trí thức và mệt mỏi tinh thần.
Ngài liền dứt khoát từ bỏ
lối tu khổ hạnh, cũng như 6 năm trước đây, Ngài đã dứt khoát từ bỏ đời sống lợi
dưỡng.
Ngài lại nhớ đến ngày lễ
Hạ điền của vua cha trước kia, trong lúc mọi người đang lo làm lễ thì Ngài đến
dưới bóng mát của cây trâm, ngồi thiền định và đắc được Sơ Thiền. Ngài nhớ lại
và thấy rõ rằng, đó chính mới là con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường
tu, không sống theo lợi dưỡng, mà cũng không quá khắc khổ, gọi là Trung đạo.
Ngài nhứt định từ bỏ lối
tu khổ hạnh. Ngài mệt nhọc lần bước đến bờ sông Ni-Liên-Thiền, xuống tắm rửa
sạch sẽ, rồi đi lên, và kiệt sức ngã vào một cội cây bất tỉnh.
May mắn lúc đó có một
thiện nữ bưng một bát sữa bột tìm đến cúng dường, thấy một Ông đạo đang nằm
thoi thóp tại gốc cây, nàng liền đỡ dậy, rồi dâng bát sữa. Thái tử thọ lãnh,
uống hết, rồi Ngài định tỉnh trở lại, thấy sức khỏe dần dần được phục hồi, tinh
thần bắt đầu sảng khoái.
Ngài cảm ơn nàng thiện nữ
(nàng tên là Suyata), rồi Ngài tìm đến một gốc cây Bồ đề to lớn, cành lá sum
suê, trãi cỏ làm nệm, ngồi tham thiền, phát đại thệ rằng : "Nếu không
thành đạo thì nhứt định không rời khỏi chỗ ngồi nầy".
Trải qua 49 ngày đêm thiền
định, Ngài liền ngộ đạo, biết được nguyên nhân sanh tử của con người, tìm được
con đường giải thoát chúng sanh thoát vòng luân hổi khổ não. Ngài đắc quả Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc đó, Thái tử được 35 tuổi, lấy hiệu là : Thích
Ca Mâu Ni.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
chưa quyết định truyền bá giáo pháp của Ngài, vì Ngài nghĩ rằng : Như Lai đã
khó khăn lắm mới chứng ngộ được giáo pháp ấy. Người đời còn mang nặng tham ái
sân hận, không thể hiểu được, vì giáo pháp ấy đi ngược dòng tham ái, giáo pháp
rất thâm diệu, khó mà nhận thức được.
Đấng Thượng Đế lo ngại Đức
Phật Thích Ca không chịu đem giáo pháp của Ngài truyền dạy cho nhơn sanh, nên
truyền lịnh cho vị Phạm Thiên Vương đến yêu cầu Phật truyền bá giáo pháp cứu độ
chúng sanh.
Đức Phật Thích Ca nhận lời
và tuyên bố : " Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho chúng sanh. Hãy để ai có
tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng."
Trong lúc đó thì nhóm Ông
Kiều Trần Như 5 người thấy Thái tử bỏ lối tu khổ hạnh ép xác, ăn uống trở lại,
cho là Thái tử trở về lối sống lợi dưỡng, thì 5 vị ấy thất vọng, từ bỏ Thái tử,
không ủng hộ Ngài nữa, và họ đi đến vườn Lộc giả.
Đức Phật Thích Ca thầm
nghĩ, cũng tội nghiệp cho 5 Ông nầy, vì đã theo ủng hộ Phật trong một thời gian
dài, gần 6 năm. Nay Ngài đã đắc đạo Vô thượng Bồ đề, Ngài cũng nên đến độ 5 Ông
nầy trước tiên.
Đức Phật vận thần thông để
tìm xem nhóm 5 Ông nầy đang ở đâu, thì biết 5 Ông đang ở vườn Lộc giả xứ
Bénarès.
Đức Phật liền đi đến đó.
Nhóm 5 Ông định không đảnh lễ Ngài vì cho rằng Ngài đã qui phàm, nhưng khi Đức
Phật đến gần, với vẻ oai nghi đầy từ bi, khiến 5 Đạo sĩ đổi thái độ, ra đảnh lễ
Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca thuyết
cho 5 Ông nghe Giáo pháp Tứ Diệu Đế. Đây là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật
thuyết cho 5 vị được nghe, cả 5 vị liền giác ngộ, đắc quả A-La-Hán, trở thành 5
đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Nhóm 5 vị nầy có tên lần lượt là : Kiều Trần Như,
A-Xá-Bà-Thệ, Ma-Ha-Bạt-Đề, Ma-Ha-Câu-Lợi, Thập-Lực-Ca-Diếp.
Đây là lần đầu tiên, Đức
Phật chuyển diệu pháp luân, nói pháp Tứ Diệu Đế, giáo pháp căn bản của Phật
giáo.
Bắt đầu từ đây có đủ Tam
Bảo Phật giáo : Đức Phật Thích Ca là Phật Bảo, giáo pháp Tứ diệu Đế là Pháp
Bảo, 5 vị Tỳ Kheo đệ tử đầu tiên của Phật là Tăng Bảo. Ấy là ngôi Tam Bảo đầu
tiên của thế gian.
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]
Home [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét