Đức Phật Thích Ca
cùng 5 vị Tỳ Kheo đi khắp nơi thuyết pháp, độ được hằng vạn đệ tử xuất gia, đủ
các hạng người trong tất cả giai cấp ở Ấn Độ, không phân biệt giàu nghèo, sang
hèn, quan dân, hay vua chúa.
Những sự kiện quan trọng
trong công cuộc hoằng hóa của Đức Phật là :
- Độ được 3 anh em
Ca-Diếp-Ba đang tu theo đạo thờ Thần lửa. Ba Ông nầy có 1000 đệ tử, cùng qui y
theo Phật.
- Độ được 2 Ông
Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiều-Liên, nguyên là 2 học giả của phái Lục sư ngoại đạo.
- Độ được Quốc vương
Tần-Bà-Sa-La của nước Ma-Kiệt-Đà. Quốc vương đã kính tin Phật pháp, lại khuyến
khích dân chúng qui y Phật pháp. Nhà vua cho xây dựng Tịnh Xá rộng rãi trong
nội thành để thỉnh Phật và chư tăng thuyết pháp thường xuyên.
- Độ được vị Phú Trưởng
giả Cấp-Cô-Độc. Ông nầy kiến lập một tòa Tịnh Xá cao rộng tôn nghiêm, gọi là
Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Độc Viên, để Đức Phật và chư Tăng giảng đạo.
- Độ được Phụ vương của
Phật là vua Tịnh Phạn và quyến thuộc của Đức Phật.
Đức Phật Thích Ca chọn ra
được 10 vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật giáo, kể tên ra sau đây:
1 . Xá Lợi Phất
2 . Mục Kiều Liên
3 . Đại Ca Diếp
4 . 4. A Nan
5 . A Na Luật
6 . 6. Phú Lâu Na
7 . Tu Bồ Đề
8 . 8. Ưu Ba Ly
9 . Ca Chiên Chiên
10 . La Hầu La.
Đức Phật lập Giáo Hội Tỳ
Kheo Ni :
Sau khi vua Tịnh Phạn qua
đời, Hoàng Hậu Maha Pajapati (là mẹ nuôi, mà cũng là dì ruột của Đức Phật) cầu
xin Đức Phật cho hàng phụ nữ được xuất gia tu hành.
Đức Phật liền từ chối ngay
mà không cho biết lý do.
Bà Maha Pajapati đã 3 lần
khẩn cầu như thế, nhưng Đức Phật đều từ chối.
Ông Ananda, cũng 3 lần
dùng hết cách để cầu xin Đức Phật cho phụ nữ xuất gia, nhứt là đối với Bà mẹ
nuôi của Đức Phật, nhưng Đức Phật vẫn cương quyết từ chối. Đến lần thứ 4, Đức
Phật mới chấp thuận.
Lý do từ chối của Đức Phật
là :
" Trong Luật Tạng có
ghi mấy lời của Đức Phật như vầy : Nền Chánh pháp của Ta, đáng lẽ trụ thế 1000
năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng trót vì Ta đã cho hàng phụ nữ xuất gia, nên nền
Chánh pháp bị giảm bớt, chỉ trụ thế 500 năm mà thôi." (Trích trong Phật
Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, trang 376, quyển 1 : Chánh Pháp).
Theo đó thì chúng ta thấy
rằng, nếu chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia học Phật tu hành, lập Giáo Hội Tỳ
Kheo Ni thì Chánh pháp của Phật sớm bị sửa cải, chỉ kéo dài được 500 năm mà
thôi, thay vì được 1000 năm nếu không thâu nhận phụ nữ xuất gia.
Nhưng trước sự quyết tâm
chân thành của Bà mẹ nuôi, với lòng từ bi bác ái của Phật, Đức Phật không nỡ bỏ
Nữ phái mà không lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, mặc dầu biết rằng việc nầy làm cho
thời kỳ Chánh pháp của Phật giảm đi một nửa, chỉ kéo dài 500 năm.
" Khi Đức Phật cho
thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, Ngài đã tiên đoán những hậu quả và lưu ý :
Nầy Ananda, nếu Nữ giới
không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa
trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống
xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu dài. Nhưng Nữ giới đã được phép
sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu chỉ tồn tại
phân nửa thời gian. " (Trích Đức Phật và Phật Pháp, của Đại Đức Narada,
trang 152).
Sau khi Đức Phật lập Giáo
Hội Tỳ Kheo Ni, Bà Maha Pajapati tu đắc quả A-La-Hán, được liệt vào hàng cao hạ
có nhiều kinh nghiệm nhứt, không thua bên Nam phái.
Công Chúa Da-Du-Đà-La (vợ
của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta) cũng xuất gia tu hành, đắc quả A-La-Hán. Trong hàng Tỳ
Kheo, Bà Da-Du-Đà-La đứng đầu những vị đắc Đại Thần Thông, và Bà nhập diệt lúc
78 tuổi.
Đức Phật đi khắp nơi trong
miền Bắc Ấn Độ thuyết pháp được 45 năm mới nhập Niết Bàn, hưởng thọ 80 tuổi.
Trong Hội Linh Sơn trước
đây, Đức Phật chọn Ma-Ha Ca-Diếp tức là Đại Ca-Diếp làm người kế vị cho Ngài
điều khiển Giáo Hội. Hôm đó, Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên cao và im lặng.
Cả hội chúng đều ngơ ngác không hiểu, chỉ có Ma-Ha Ca-Diếp đắc ý mĩm cười (gọi
là Đức Phật niêm hoa, Ca-Diếp vi tiếu).
Đức Phật bảo Ma-Ha Ca-Diếp
: " Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Pháp môn mầu nhiệm,
chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay Ta giao phó cho ngươi. Ngươi
khéo gìn giữ Chánh pháp nầy, truyền mãi đừng cho dứt, đến sau truyền lại cho
A-Nan."
Rồi Đức Phật nói kệ :
Pháp bổn pháp vô pháp,
Pháp vô pháp diệc pháp,
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp
Nghĩa là :
Pháp gốc pháp không pháp,
Pháp không pháp cũng pháp,
Nay khi trao
không pháp,
Mỗi pháp đâu
từng pháp.
Khi nghe tin
Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài Ma-Ha Ca-Diếp từ núi Kỳ-Xà-Quật liền đến thành
Câu-Thi-Na làm lễ hỏa táng thi hài Đức Phật, lấy Xá lợi của Phật chia làm 8
phần phân phát cho 8 nơi, kiến tạo đài tháp phụng thờ :
1 . Câu-Thi-Na
2 . Pa-Bà
3 . Giá-La
4 . La-Ma-Già
5 . Ca-Tỳ-La-Vệ
6 . Tỳ-Lưu-Đề
7 . Tỳ-Xá-Ly
8 . Ma-Kiệt-Đà.
Đức Phật Thích Ca trong Đạo Cao Đài :
Đức Phật Thích Ca là Giáo
chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Đạo Phật từ đó truyền đến nay được hơn 2500
năm.
Ngày nay thuộc Tam Kỳ Phổ
Độ, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế mở Đạo Cao Đài. Lúc ban sơ, Đức Phật Thích
Ca có giáng cơ dạy đạo như sau :
Ngày 8 tháng 4năm
Bính Dần (1926).
THÍCH CA MÂU NI
PHẬT
Chuyển Phật Đạo,
Chuyển Phật Pháp,
Chuyển Phật Tăng,
Qui nguyên Đại Đạo.
Tri hồ chư chúng sanh ?
Khánh hỷ ! Khánh hỷ ! Hội
đắc Tam Kỳ Phổ Độ : Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại hỷ phát đại tiếu !
Ngã vô lự Tam đồ chi khổ.
Khả tùng giáo Ngọc Đế viết Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. " (TNHT. I. 14)
Bài giáng cơ bằng chữ Nho
trên của Đức Phật Thích Ca, diễn Nôm ra sau đây : Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
chuyển Phật đạo, Phật pháp, Phật tăng, qui nguyên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Chư
chúng sanh có biết chăng ?
Vui mừng ! Vui mừng ! Được
hội vào Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ : Chư Thần Thánh Tiên Phật quá mừng nên phát ra
tiếng cười lớn.
Ta không còn lo lắng về 3
đường luân hồi khổ sở. Khá tùng theo lời dạy bảo của Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế,
gọi là Đấng Cao Đài Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Đức Phật Thích Ca có giáng
cơ ban cho 2 Bài kinh rất quan trọng là : Kinh Đại Tường và Di-Lạc Chơn Kinh.
Hai Bài kinh nầy cho chúng
ta biết, Đức Phật Thích Ca đã giao quyền giáo hóa lại cho Đức Phật Di-Lạc trong
thời Tam Kỳ Phổ Độ, nên Đức Phật Thích Ca vào ngự nơi Kim Sa Đại điện trong Lôi
Âm Tự, và Đức Phật Di-Lạc ngự tại Kim Tự Tháp ở Kinh đô Cực Lạc Thế Giới nơi
cõi thiêng liêng.
Còn Đức Phật A-Di-Đà,
trước đây là Giáo chủ CLTG, nay cũng giao quyền lại cho Đức Phật Di-Lạc, và
Ngài cũng vào ngự nơi Lôi Âm Tự. (Vào Lôi Âm kiến A-Di).
Hằng năm, vào ngày mùng 8
tháng 4 âm lịch, tại Tòa Thánh Tây Ninh cũng như tại các Thánh Thất địa phương,
đều có thiết Đại Lễ cúng Vía Đức Phật Thích Ca, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại
tiểu sử và công đức của Ngài.
Đức Lão Tử
- (Giáo chủ Tiên giáo)
Đức Lão Tử
là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng trần vào thời nhà Thương bên Tàu.
Đức Thái Thượng Đạo Tổ,
còn gọi là Đức Thái Thượng Đạo Quân, là Đấng do khí Tiên Thiên hóa sanh thuở
chưa tạo Thiên lập Địa.
Tiên Thiên Khí hóa,
Thái Thượng Đạo Quân.
(Kinh Tiên giáo)
Đức Thái Thượng Đạo Tổ là
Ông Thủy Tổ của Đạo Tiên. Ngài có pháp lực vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện
xuống cõi trần để độ những người có duyên phần, khi trở về cõi Thượng Thiên.
Theo sách Tam Hoàng Thiên
Kinh, Đức Thái Thượng hiện xuống cõi trần rất nhiều lần, kể ra sau đây :
· Vào thời Thái cổ nước
Tàu :
- Đời Thiên Hoàng Thị,
Ngài là Bàn Cổ.
- Đời Địa Hoàng Thị, Ngài
là Vạn Pháp Thiên Sư.
- Đời Nhơn Hoàng Thị, Ngài
là Đại Thanh Tử.
· Vào thời Thượng cổ, cũng
ở nước Tàu :
- Đời vua Phục Hy, Ngài là
Huất Hoa Tử.
- Đời vua Thần Nông, Ngài
là Xích Tùng Tử.
- Đời vua Huỳnh Đế, Ngài
là Quảng Thành Tử.
- Đời vua Thiếu Hạo, Ngài
là Tùy Ưng Tử.
- Đời vua Chuyên Húc, Ngài
là Xích Tinh Tử.
- Đời vua Nghiêu, Ngài là
Vụ Thành Tử.
- Đời vua Thuấn, Ngài là Y
Thọ Tử.
- Đời vua Hạ Võ, Ngài là
Chân Hành Tử.
- Đời vua Thành Thang,
Ngài là Tích Tắc Tử.
Đến đời vua Võ Đinh nhà
Thương (1324 trước Tây lịch), Đức Thái Thượng Đạo Tổ mới giáng sanh xuống trần
là Lão Tử. Việc giáng sanh của Ngài rất huyền diệu phi thường.
Theo truyền thuyết kể lại,
vào đời vua Bàn Canh nhà Thương (1461 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi
là Ngọc Nữ vừa được 8 tuổi, con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn,
thấy trên cây lý có một trái chín thật ngon, cô liền hái ăn. Ăn xong, cô cảm
thấy mỏi mệt và có thai.
Cha của Ngọc Nữ thấy sự lạ
kỳ, liền toán quẻ Âm Dương, đoán biết có một vị Đại Tiên giáng trần trong bụng
con gái của mình, nên mừng rỡ và nuôi con gái rất kỹ.
Nàng Ngọc Nữ chịu mang
thai như vậy mãi cho đến già mà không đẻ. Đến năm Ngọc Nữ 80 tuổi, tức là đã
mang thai ngót 72 năm, lúc đó đã qua 3 đời vua nhà Thương là : Vua Bàn Canh,
vua Tiểu Tân, vua Tiểu Ất, và bắt đầu đời vua Võ Đinh (1324 trước Tây lịch), Bà
Ngọc Nữ thấy trăng tỏ, bèn đi dạo chơi nơi vườn. Khi đi ngang cội cây lý ngày
xưa thì đứa con từ trong bụng theo nách mẹ nhảy ra ngoài. Bà Ngọc Nữ giựt mình
kinh hãi, coi lại nách mình liền lại như thường. Đứa con nhảy ra, đã ở trong
bụng mẹ 72 năm nên đầu tóc bạc trắng, nên mới gọi là Lão Tử (Con già). Lúc đó
là giờ Sửu ngày 15 tháng 2 âm lịch năm Canh Thìn.
Lão Tử chỉ cây Lý bảo rằng
đó là họ của Ngài. Ngài xưng hiệu là Lão Đam, tự là Bá Đương, lại mỗi bên tai
có 3 lỗ nên còn gọi Ngài là Lý Nhĩ.
Ngài có miệng rộng, răng
thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao lớn như chẻ hai,
trên trán có đường nhăn như 3 chữ Tam Thiên.
Cội cây Lý, nơi giáng sanh
của Đức Lão Tử, ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở, ngày nay
thuộc tỉnh An Huy, tỉnh Hồ Nam.
Do đó, trong Kinh Tiên
giáo có câu :
Nhị ngoạt thập ngũ,
Phân tánh giáng sanh.
Nghĩa là : Ngày 15 tháng
2,
Chiết chơn linh giáng sanh
xuống cõi trần.
Đức Lão Tử có giáng cơ cho
biết năm giáng sanh của Ngài trong 4 câu thơ sau đây :
LÝ đào mầm tược tượng long
lân,
LÃO luyện đơn thành nhị
xác thân.
TỬ phủ ngồi tu lo nấu
thuốc,
GIÁNG sanh Thương đợi Võ
Đinh quân.
Khoán thủ 4 chữ : Lý Lão
Tử giáng, và câu thơ chót có nghĩa là : Giáng sanh vào thời nhà Thương, đợi đến
vua Võ Đinh mới chào đời.
Hết thời nhà Thương, qua
đến thời nhà Châu, đời vua Thành Vương (1115 trước Tây lịch), Lão Tử có ra làm
quan Trụ Hạ Sử tại Tàng Thư Viện nhà Châu để có cơ hội nghiên cứu Thái Cực Đồ.
Ngài độ được Từ Giáp là người giữ Tàng Thư Viện, và sau đó, hai thầy trò từ
chức để đi dạo các nước Thiên Trúc và Tây phương. Đến đời vua Châu Khương
Vương, nối tiếp vua Thành Vương, Lão Tử trở về, đặng 3 năm thì Ngài lại đi giáo
đạo miền Tây vức. Ngài ngồi xe trắng trâu xanh do Từ Giáp đánh xe, khi đến ải
Hàm Cốc, quan Doãn giữ ải tên là Hỷ (nên thường gọi là Doãn Hỷ) coi Thiên văn
biết có một vị Đại Thánh sắp đi qua ải, nên chuẩn bị mặc triều phục nghinh
tiếp. Khi thấy Đức Lão Tử tới, biết Ngài là Thánh nhân nên tôn Lão Tử làm thầy,
xin theo học đạo.
Nguyên Ông quan Doãn Hỷ
nầy là chơn linh của Nguơn Thủy Thiên Tôn giáng trần. Khi Bà mẹ có nghén Ông
thì chiêm bao thấy một đoạn lụa đỏ từ Trời sa xuống vấn quanh mình, sau sanh ra
Doãn Hỷ thì thấy sen mọc quanh nhà trổ bông. Ngài lớn lên, con mắt sáng như
sao, râu dài, tướng tốt, có tài xem Thiên văn. Khi làm quan Doãn giữ ải Hàm
cốc, Doãn Hỷ nhìn lên bầu Trời thấy một vầng mây tím bay ngang từ huớng Đông
qua hướng Tây, Ngài biết đó là điềm có Thánh nhân sắp đi qua ải về hướng Tây, nên
chuẩn bị chu đáo để nghinh tiếp.
Do đó, trong
Kinh Tiên giáo có câu :
Tử khí đông
lai,
Quảng truyền
Đạo đức./
Nghĩa là :
Vầng khí mây màu tím từ hướng Đông bay tới,
Rộng truyền Kinh Đạo Đức.
Nhắc lại, khi Lão Tử đến
ải Hàm Cốc, thấy Doãn Hỷ có lòng thành nên bằng lòng ở lại ải ngót 3 tháng để
dạy đạo cho Doãn Hỷ.
Khi thấy Đức Lão Tử chuẩn
bị ra đi thì Doãn Hỷ bạch thầy xin cho biết danh tánh và tình nguyện đi theo
thầy.
Đức Lão Tử đáp :
- Ta sanh ra đã nhiều đời,
tên họ có biết bao nhiêu mà kể. Hiện thời, người đời gọi Ta là Lão Tử. Ngươi có
lòng muốn theo Ta, song ngươi mới tu luyện còn non, chưa từng biến hóa thần
thông, thì theo Ta sao đặng. Ngươi cứ tu hành theo phép đã dạy cho lâu thì sau
nầy cũng được như Ta, đi đâu cũng đặng.
Nói rồi, Đức Lão Tử truyền
cho Doãn Hỷ quyển sách Đạo Đức Kinh gồm 5363 chữ, dặn rằng :
- Ngươi cứ theo sách nầy
mà học, tu đúng phép 1000 ngày, rồi đi qua nước Thục, tìm Ta tại chợ Thanh
Dương.
Nói xong, Đức Lão Tử lên
xe trắng trâu xanh, Từ Giáp đánh xe, hiện hào quang đi về hướng Tây mất dạng.
Doãn Hỷ ngó theo thầy, lạy
tạ.
Sau đó, Doãn Hỷ cứ học
theo Đạo Đức Kinh mà tu, lâu ngày trở nên thông huệ, tự viết ra được một cuốn
sách gồm 36 bài gọi là Kinh Tây Thăng.
Gần đến kỳ ước hẹn với
thầy, Doãn Hỷ sửa soạn đi qua nước Thục để tìm thầy y như lời thầy đã dặn. Khi
đến nước Thục, Doãn Hỷ hỏi thăm chợ Thanh Dương ở đâu thì không một ai biết cả.
Lúc ấy, Đức Lão Tử đã trở
lại Thiên Cung, rồi lại xuống trần đầu kiếp vào nhà họ Lý ở nước Thục, là nhà
đạo đức hiền lương. Khi vợ họ Lý sanh được bé trai ít tháng thì có một con dê
xanh (Thanh dương) đến chơi giỡn với bé. Đó là Đức Lão Tử dặn con Thanh dương ở
Thiên cung hiện xuống.
Ngày kia con dê xanh chạy
đâu mất, cậu bé khóc hoài. Họ Lý phải sai đầy tớ đi khắp nơi tìm kiếm, bắt gặp
dê xanh dẫn về, đi ngang qua một cái chợ.
Doãn Hỷ đang lúc hỏi thăm
để tìm chợ Thanh dương, bỗng thấy có người dắt con dê xanh đi qua chợ, liền
chợt nghĩ rằng chắc thầy mình đang ở chỗ nầy. Nghĩ vậy, Doãn Hỷ liền chạy theo
người dắt dê xanh hỏi :
- Chú dắt con dê nầy đi
đâu vậy ?
Người ấy đáp :
- Chủ tôi có sanh một cậu
trai, cách ít tháng có con dê nầy tới chơi với cậu nhỏ. Bữa kia nó đi mất, cậu
nhỏ cứ khóc hoài. Chủ tôi sai tôi đi tìm kiếm mà dắt về.
Doãn Hỷ đi theo người đầy
tớ ấy đến nhà thì bảo người đầy tớ :
- Chú vào thưa với cậu nhỏ
là có Doãn Hỷ đến tìm.
Anh đầy tớ cười thầm : Cậu
nhỏ chưa giáp thôi nôi, biết chi mà thưa với gởi, nhưng anh ta cũng vào nói :
- Có Doãn Hỷ đến tìm cậu.
Cậu bé nghe nói thế liền
ngồi dậy đáp :
- Doãn Hỷ y lời, không đến
trễ.
Kế đó Doãn Hỷ bước vào.
Bỗng thấy cậu bé vùng lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang
sáng lòa. Cả nhà đều kinh hãi. Người ấy nói :
- Ta là Lão Tử đầu thai
một lần nữa.
Doãn Hỷ mừng rỡ, đến lạy
thầy. Lão Tử nói :
- Khi trước, Ta chẳng dắt
ngươi theo vì sợ ngươi tu không bền chí. Nay ngươi đã tu luyện kỹ lưỡng, hào
quang ẩn ẩn muốn lòa.
Nói rồi, Đức Lão Tử niệm
chú, truyền cho Thần Tiên xuống hầu, phong Doãn Hỷ phục chức Nguơn Thủy Chưởng
giáo, cai trị 8 vạn Thần Tiên, lại truyền phép cho cả nhà họ Lý tu thành Tiên
hết thảy.
Về sau, đến đời vua Châu
Kỉnh Vương, Đức Khổng Tử qua kinh đô nhà Châu học Lễ, nghe nói có Đức Lão Tử
tại đó, liền đến xin ra mắt và hỏi Đức Lão Tử về Lễ. (Chuyện gặp gỡ nầy có chép
trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên).
Đức Khổng Tử chủ trương
theo các nghi lễ của các vua đời trước, nhưng Đức Lão Tử bác bỏ ý kiến đó, nói
rằng :
- Những người mà Ông nói
đó đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ mà thôi. Vả lại, người
quân tử gặp thời thì xe ngựa nghinh ngang, không gặp thời thì tay vịn nón lá mà
đi chơn không. Tôi nghe nói : Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến
người ta thấy dường như không có hàng; người quân tử có đức tốt thì diện mạo
thường như ngu si. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều ,
cái vẻ hăm hở cùng cái khí tham lam đi, những thứ ấy đều không ích chi cho Ông.
Tôi chỉ nói với Ông có thế thôi.
Đến khi Đức Khổng Tử cáo
từ, Đức Lão Tử tiễn Đức Khổng Tử ra cửa và nói :
- Tôi nghe nói : Người giàu
sang lấy tiền bạc để tiễn nhau, người nhân đức dùng lời nói để tiễn nhau. Tôi
không thể làm người giàu sang, nhưng trộm lấy tiếng là người nhân đức, xin có
lời nầy tiễn Ông : Kẻ thông minh và sâu sắc là gần cái chết vì họ khen chê
người ta một cách đúng đắn; kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy hiểm
đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách
nào để giữ mình, kẻ làm tôi cũng không có cách gì để giữ mình.
Ý của Đức Lão Tử, khi nói
ra các lời trên với Đức Khổng Tử, là Ngài chống lại sự thông minh, sự Trung và
sự Hiếu, là những nguyên lý mà Đức Khổng Tử đang chủ trương, bởi vì : Có trí
khôn thì dễ nguy, nếu cứ theo Trung và Hiếu thì cứ hoàn toàn bị lệ thuộc vào
vua và vào cha mẹ, khó lòng được sống tự do tự tại, ung dung thơ thới.
Đức Khổng Tử ra về, nói
với các học trò :
- Con chim, ta biết nó
bay; con cá ta biết nó lội, con thú ta biết nó chạy. Đối với loài chạy thì ta
có thể dùng lưới để săn, đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt, đối
với loài bay thì ta có thể dùng cung tên mà bắn, đến như con rồng cỡi mây cỡi
gió lên Trời, ta không sao biết được. Hôm nay, gặp được Lão Tử, Ông ta có lẽ là
con rồng chăng ?
Kể từ đó về sau, Đức Lão
Tử không đầu thai xuống trần nữa. Khi biết người nào có duyên phần thì Ngài dùng
thần thông hiện xuống cõi trần để dạy đạo cho người ấy tu luyên, rồi Ngài trở
lại Cung Tiên.
Đến đời nhà Tấn, Đức Lão
Tử có hiện xuống xưng là Hà Thượng Công dạy An Kỳ học đạo.
Đến đời vua Hán Văn Đế,
Đức Lão Tử hiện xuống trần, xưng là Quảng Thành Tử. Hán Văn Đế rất mộ đạo, sai
sứ đến rước về triều. Quảng Thành Tử nói :
- Lẽ nào không đích thân
tới rước mà lại sai sứ đến ?
Sứ giả về tâu lại, Hán Văn
Đế đến gặp Quảng Thành Tử, nhà vua nói :
- Ở trong nước là bề tôi
của vua, Thầy tuy có đạo mặc dầu, song cũng là dân của Trẫm, sao không chịu sụt
lại một chút mà làm kiêu như vậy ? Hay là Trẫm không làm được họa phước cho
thầy chăng ?
Quảng Thành Từ nghe vua
nói như vậy, liền cất mình bay lên cao độ 100 thước, ngồi trên thinh không, ngó
xuống nói với vua Hán Văn Đế rằng :
- Nay, trên chẳng tới
Trời, dưới chẳng tới Đất, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao đặng.
Vua Hán Văn Đế biết lỗi,
liền bước xuống xe làm lễ, xin thọ giáo. Quảng Thành Tử đưa cho nhà vua một
cuốn kinh bảo cứ học theo đó mà tu luyện.
Qua đến đời vua Hán Thành
Đế, Đức Lão Tử lại hiện xuống tại suối Khúc Dương , truyền đạo cho Vu Kiết.
Đời vua Hán An Đế, Đức Lão
Tử truyền Kinh Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên.
Đời vua Hán Trinh Đế, Đức
Lão Tử hiện xuống truyền kinh Bắc Đẩu cho Trương thiên Sư.
Đời vua Hán Hoàn Đế, Đức
Lão Tử hiện xuống núi Thiên Thai truyền kinh Bác Động cho Vạn Niên Tiên sinh.
Đời vua Hán Linh Đế, Đức
Lão Tử hiện xuống truyền kinh cho Trương thiên Sư một lần nữa.
Qua đời nhà Đường, Đức Lão
Tử hiện xuống tại núi Dương Giác, truyền đạo cho Đường Công.
Đời vua Đường Cao Tổ, có
người ở Phổ Châu, tên là Thiện Hành, đi ngang qua núi Dương Giác, gặp một Ông
già mặc áo trắng, gọi đến nói rằng :
- Ngươi về tâu lại với
Đường Thiên tử : Thái Thượng Lão Quân là Ông nội.
Đường Cao Tổ hay tin, liền
lập miếu thờ tại núi Dương Giác, và tôn Đức Lão Tử là " Huyền Nguơn Hoàng
Đế ".
Hồi thời nhà Châu, Đức Lão
Tử có hiện xuống truyền đạo cho Ông Lý Ngưng Dương, tu hành đắc đạo thành Tiên,
hiệu là Lý Thiết Quày (thường gọi là Lý Thiết Quả), đứng đầu Bát Tiên. (Xem sự
tích Bát Tiên trong Phần thứ 6).
Đức Thái Thượng Đạo Tổ có
một kiếp giáng sanh xuống trần là Lão Tử, nên Ngài cũng được gọi là Thái Thượng
Lão Quân.
Tóm lại, từ thời tạo dựng
Trời Đất và có nhơn loại đến nay, không có thời nào mà Đức Thái Thượng Đạo Tổ
không giáng trần để độ những người có căn lành tu hành đắc đạo.
Ngài do Khí Tiên Thiên hóa
sanh, nên Ngài có pháp thuật vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi
trần, khi trở về cõi Thượng Thiên, khi đầu thai xuống trần mang xác phàm để dễ
truyền đạo và giáo hóa nhơn sanh.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng sanh nữa, mà Ngài chỉ dùng huyền diệu cơ
bút để giáng cơ dạy đạo. Ngài giao cho Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch thay
mặt Ngài cầm quyền Tiên giáo.
Trong Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển, có một bài Thánh giáo rất hay của Ngài dạy Ông Bảo Văn Pháp Quân Cao
quỳnh Diêu, Đạo hiệu Mỹ Ngọc, xin trích ra vài đoạn :
" Cơ Trời mầu nhiệm
đối với Đời mà máy Thiên cơ đối với Đạo, lại còn huyền vi thậm trọng hơn nữa,
có lẽ tâm phàm dầu cao kiến đến đâu cũng chưa đạt thấu được. Những vai tuồng
của Chí Tôn sắp đặt trên sân khấu Đạo, nếu so sánh lại chẳng khác chi những bậc
nguyên nhân lãnh phận sự dìu đời từ xưa đến nay mà thôi.
Muốn an tâm tĩnh trí và đè
nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì
mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh thiêng liêng phô diễn nơi thâm
hiểm nặng nề nầy. . . . .
Cười . . . Trách nhậm là
trách nhậm, muốn làm thì dầu bao nhiêu cũng gọi là thiếu, dẫu ngày nào cũng gọi
là chẳng sớm, sớm là sớm nơi cái tâm bất định mà thôi.
Chí Tôn đã vì nỗi con cái
của Ngài mà sửa chỉnh bước đường, thì Hiền hữu lại há không vì sự yêu đương quí
hóa ấy mà sửa đổi tâm trí cho quảng đại sao ?
Tà Chánh, Cười . . . Bần đạo
nói thiệt, cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có sự may, trong cái
may vẫn khép cầm sự rủi, khó lường được. Điều cần là nên làm mà thôi.
Nếu luận Tà Chánh thì chưa
một ai dám, còn mang xác phàm, xưng tụng mình là Chánh. Cái Tà, vì Thiên thơ xử
dụng, Tà vì cơ thử thách của Tam Giáo Tòa, Tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn
của Quỉ vương để làm cho công phu lỡ dở. Mỗi cái Tà có duyên cớ ấy, ngày sau
đều có sự biến đổi thiêng liêng, hoặc có một kết quả.
Ngày chung qui chỉ đem về
Thầy một chữ TÂM và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng."(TNHT.
II. 94)
Đức Khổng Tử
(Giáo chủ Nho giáo)
Đức Khổng Tử
tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sanh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551
trước Tây lịch), đời vua Châu Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời
vua Lỗ Tương Công nămthứ 22, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là
Tỉnh Sơn Đông nước Trung Hoa.
Đức Khổng Tử là dòng dõi
của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, 2 người nầy là anh ruột của vua Trụ, con của vua
Đế Ất nhà Thương (cũng còn gọi là nhà Ân).
Sau khi Châu Võ Vương diệt
vua Trụ, mở ra nhà Châu, Ông Châu Công Đán cho Vi Tử Khải làm vua nước Tống,
gọi là Tống Công, để trông nom việc tế tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất,
em là Vi Tử Diễn lên thay.
Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn
là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử.
Ngài lấy họ Khổng, bởi vì
Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ
Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống.
Thúc Lương Ngột có người
vợ cả họ Thi, sanh được 9 người con gái, một người vợ lẽ sanh được một con trai
nhưng bị què một chân, tên là mạnh Bì, tự là Bá Ni. Năm Thúc Lương Ngột 70
tuổi, sợ không có người kế tự, mới sai người đến nhà họ Nhan để cầu hôn. Họ
Nhan có 5 người con gái đều chưa gả chồng, có ý chê Thúc Lương Ngột quá già,
mới bảo với các con rằng :
- Các con có đứa nào thuận
kết duyên với quan Đại phu ở Châu Ấp đó không?
Bốn người con gái lớn đều
làm thinh, người con gái út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng :
- Phép làm con gái, khi
còn ở nhà thì theo lời cha, cha đặt đâu con xin ngồi đó.
Họ Nhan nghe con gái út
nói thế thì lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột.
Trưng Tại đã kết duyên với
Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên
cùng nhau vào núi Ni Sơn cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu
lá cây đều rung động lên cả. Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây
lại rủ xuống như cũ.
Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm
mộng thấy Thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng :
- Sau nầy, nàng sẽ sanh
con Thánh, nhưng khi nào lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang.
Đến khi nàng thức giấc
tỉnh dậy thì biết mình có thai.
Một hôm khác, Trưng Tại mơ
mơ màng màng như người chiêm bao, chợt thấy một Ông già đến đứng ở sân, tự xưng
là Ngũ Tinh, dắt theo một con thú giống như con trâu con mà lại có một sừng,
mình có vằn. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục xuống và nhả ra một
cái ngọc xích, trên đó có thấy đề chữ : "Con nhà Thủy Tinh, nối đời Suy Châu
mà làm vua không ngôi".
Trưng Tại biết là điềm lạ,
liền lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy. Khi tỉnh dậy, Trưng Tại thuật điềm
chiêm bao ấy cho chồng nghe. Thúc Lương Ngột nói :
- Con thú ấy là con kỳ
lân.
Gần đến sản kỳ, Trưng Tại
hỏi hang núi Không Tang ở đâu ?
Thúc Lương Ngột nói :
- Núi Nam sơn có một cái
hang đá, tục gọi là hang Không Tang.
Trưng Tại liền sửa soạn
đến đó ở và sanh đẻ trong hang Không Tang đúng theo lời Thần nhân mách bảo. Đêm
hôm sanh ra Khổng Tử, có 2 con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở 2
bên sườn núi và có 2 vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại.
Gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sản, bỗng thấy trong hang đá có một
suối nước nóng chảy ra để cho Trưng Tại tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay.
Thúc Lương Ngột nói :
- Vì ta cầu tự nơi núi Ni
sơn mà được đứa bé nầy, nên ta đặt tên cho nó là Khâu, tự là Trọng Ni.
Trưng Tại biết đứa con nầy
sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con.
Ông Khổng Tử có tướng lạ
lắm : Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng
rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu),
có tánh ham học.
Năm Khổng Tử lên 3 tuổi
thì cha mất. Ngài sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học,
Ngài chơi với trẻ hàng xóm, thích bày trò cúng tế.
Năm 15 tuổi, lập chí học
tập.
Năm 19 tuổi, Ngài cưới vợ,
vợ của Ngài là con của họ Thượng Quan nước Tống.
Năm 20 tuổi, vợ Ngài sanh
đặng một con trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho Ngài một con cá chép
(Lý ngư), nên nhân đó, Ngài đặt tên con là Lý tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn
trọng vật của vua ban tặng. Về sau, Bá Ngư chết lúc 50 tuổi, chết trước Đức
Khổng Tử. Con của Bá Ngư tên là Khổng Cấp, tự là Tử Tư, sau theo học với Tăng
Sâm, rồi làm ra sách Trung Dung.
1. Đức tánh của Đức Khổng
Tử :
Đức Khổng Tử là người rất
thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, Ngài cũng để ý xem xét rất kỹ
lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi.
Tánh Ngài ôn hòa, nghiêm
trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn
tin vào Thiên mệnh.
2. Thời kỳ tham chánh và
dạy học :
Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử
được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng
là cân đo và gạt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê,
súc vật dùng trong việc tế tự.
Năm Ngài 25 tuổi thì chịu
tang mẹ.
Năm 29 tuổi, Ngài học đàn
với Sư Tương, ở nước Lỗ.
Tuy làm chức quan nhỏ,
nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu
nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ, cho 2 người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo
Ngài học Lễ.
Đức Khổng Tử muốn đến Lạc
Dương, kinh đô nhà Châu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì
nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò Ngài là Nam Cung
Quát nghe vây, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho Ngài một cổ xe
song mã và vài tên quân hầu cận để đưa Ngài và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến
nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và
thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi
đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.
Nơi nào có quan hệ đến
việc tế lễ thì Ngài đến quan sát và hỏi han cho tường tận.
Ngài đến gặp Trành Hoành
để hỏi về Nhạc.
Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng
Tử còn tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ. (Xem trở lại Tiểu sử của Đức Lão Tử
để biết việc đối đáp của 2 vị Thánh nhân).
Đức Khổng Tử ở Lạc Dương
khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ.
Từ đó, sự học của Ngài
càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ
vẫn chưa dùng Ngài vào việc nước.
Được mấy năm, trong nước
Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ngài theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây
Ngài học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời Ngài tới để hỏi việc Chánh trị. Vua
Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho Ngài, nhưng quan Tướng Quốc
nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho.
Năm sau, Ngài trở về nước
Lỗ, thấy họ Quý dùng Dương Hổ để chuyên quyền, ý muốn tiếm đoạt. Ngài quay về
quê lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó
Ngài được 36 tuổi.
Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ
Định Công, Ngài được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung
Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, 4
phương lấy chính sự của Ngài làm khuôn mẫu.
Năm Lỗ Định Công thứ 10
(500 năm trước Tây lịch), Ngài phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp
Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho
nước Lỗ 3 khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.
Qua năm sau, Đức Khổng Tử
giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình
án. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc
tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không
còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.
Sau 4 năm, Lỗ Định Công
phong Ngài lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chánh trị trong nước.
Ngài cầm quyền được 7 ngày
thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính.
Đức Khổng Tử giết Thiếu
Chính Mão :
Thiếu Chính Mão là một
nịnh thần rất nguy hiểm dưới trào Lỗ Định Công. Bấy giờ, Đức Khổng Tử đang làm
quan Tướng Quốc nước Lỗ. Quý Tôn Tư, một vị Đại Thần quyền thế trong triều,
nhưng luôn luôn hỏi ý kiến của Đức Khổng Tử mỗi khi có một quyết định trong
công việc trị nước. Nhưng phần Thiếu Chính Mão, khi Đức Khổng Tử nói ra câu gì
thì liền gièm pha khiến cho người nghe phân vân và đôi khi bị mê hoặc.
Đức Khổng Tử mật tâu với
Lỗ Định Công :
- Nước Lỗ không cường
thịnh lên được là vì trung nịnh không phân biệt, thưởng phạt không nghiêm minh.
Thí dụ như muốn trồng lúa tốt tất phải trừ bỏ cỏ xấu. Xin Chúa công cho đem các
đồ phủ việt (dùng vào việc hình) trong nhà Thái miếu bày ra ở dưới Lưỡng quán
để dùng vào việc hình.
Lỗ Định Công
thuận cho.
Sáng hôm
sau, Lỗ Định Công truyền cho các quan triều đình hội nghị để bàn việc phá thành
ấp xem lợi hại thế nào. Các quan người nói nên phá, người nói không nên phá.
Thiếu Chính Mão đón ý Đức
Khổng Tử, nói rằng :
- Phá thành có 6 điều tiện
:
1/. Để tôn trọng quyền vua
không ai bằng.
2/. Để tôn trọng cái quyền
thế Đô thành.
3/. Để ức quyền tư môn.
4/. Để khiến cho kẻ gia
thần lộng quyền không chỗ nương cậy.
5/. Để yên lòng 3 nhà :
Mạnh, Thúc, Quý.
6/. Để khiến cho các nước
nghe việc nước Lỗ ta làm mà phải kính phục.
Đức Khổng Tử tâu với Lỗ
Định Công :
- Thành ấp nay đã thế cô
còn làm gì được, huống chi Công Liễm Dương vẫn có lòng trung với vua, sao dám
bảo là lộng quyền. Thiếu Chính Mão dùng lời nói khéo để làm loạn chánh trị,
khiến vua tôi ly gián, cứ theo phép thì nên giết.
Các quan trong triều tâu :
- Thiếu Chính Mão là người
danh giá ở nước Lỗ ta, dầu có nói lầm đi nữa cũng chưa đến tội chết.
Đức Khổng Tử lại tâu với
Lỗ Định Công :
- Thiếu Chính Mão là người
dối trá mà lại biện bác, làm cho người ta mê hoặc. Nếu không giết đi thì việc
chánh trị không thi hành nổi. Xin Chúa Công cho đem phủ việt ra để trị tội.
Đức Khổng Tử truyền cho
lực sĩ trói Thiếu Chính Mão đem đến Lưỡng quán mà giết đi.
Các quan trong triều đều
sợ hãi, xám xanh cả mặt. Ba nhà : Mạnh, Thúc Quý, trông thấy cũng đều kinh sợ.
Từ khi giết xong Thiếu
Chính Mão, Lỗ Định Công và 3 nhà Mạnh, Thúc, Quý mới một lòng nghe theo lời của
Đức Khổng Tử. Nhờ vậy, Đức Khổng Tử chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân
những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chánh trị mỗi
ngày một hay.
Ba tháng sau, phong tục
biến cải cả : Các nhà buôn gà và heo không dám nhồi cám để dối người mua; trong
khi ra đường, trai gái đi phân biệt nhau, không hỗn loạn, thấy của rơi ngoài
đường thì không ai lượm, người nước khác du lịch đến nước Lỗ được tiếp đãi tử
tế, không để cho thiếu thốn.
Dân nước Lỗ có làm một bài
ca để tán tụng công đức của Khổng Tử. Bài ca ấy được truyền tụng sang nước Tề.
Tề Cảnh Công lo ngại nói
rằng :
- Nước Lỗ biết dùng Khổng
Khâu ắt nên nghiệp Bá, tất họa đến nước Tề, ta biết làm thế nào ?
Quan Đại Phu Lê Di tâu
rằng :
- Chúa Công lo nước Lỗ
biết dùng Khổng Khâu, sao không lập cách ngăn đi. Tề Cảnh Công nói :
- Nước Lỗ giao quyền chánh
trị cho Khổng Khâu, ta dùng cách gì mà ngăn trở được ?
Lê Di tâu:
- Tính con người ta, hễ
được cường thịnh tất sanh lòng kiêu mạn. Xin Chúa Công lập một Bộ Nữ Nhạc mà
đem dâng vua Lỗ. Vua Lỗ mà nhận Bộ Nữ Nhạc tất sanh lười biếng mà chán Khổng
Khâu. Bấy giờ tất Khổng Khâu phải bỏ nước Lỗ mà đi, Chúa Công mới có thể ngồi
yên được.
Quả vậy, Lỗ Định Công,
không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, nhận Bộ Nữ Nhạc thì mê say theo, bỏ
bê việc triều chánh, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao
cả cho Họ Quí. Đức Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, lại có
thể bị hại vì lời gièm siễm của bọn gian thần.
Do đó, trong ngày Lễ Tế
Giao, vua Lỗ không nhìn đến, cũng không đem phần thịt tế biếu cho các quan Đại
Phu. Đức Khổng Tử nhân việc lỗi nhỏ của vua Lỗ mà xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi
chu du các nước chư hầu.
3. Thời kỳ chu du các nước
chư Hầu :
Đức Khổng Tử cùng các học
trò đi qua các nước : Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, để mong thuyết phục các
vua chư Hầu chịu đem cái Đạo của Ngài ra ứng dụng để đem lại thái bình thạnh
trị cho dân chúng. Nhưng cái Đạo của Ngài là Vương Đạo nên đi ngược ý đồ Bá Đạo
của các vua chư Hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư Hầu đều
không dám dùng Ngài.
Rốt cuộc, sau 14 năm đi
chu du các nước không thành công, Ngài phải trở về nước Lỗ, có quan Đại Phu Quý
Khang Tử sai Công Hoa ra đón Ngài.
Phu nhân của Đức Khổng Tử
là bà Thượng Quan đã mất trước đó một năm, nhằm năm Lỗ Ai Công thứ 10.
4. Thời kỳ soạn sách và
dạy học trò :
Khi trở về nước Lỗ, Đức
Khổng Tử đã 68 tuổi. Ngài trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách.
Tổng số môn đệ của Đức
Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được
liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị Hiền. Đức Khổng Tử san định
lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như : Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ,
Kinh Nhạc, Kinh Dịch.
Ngài ghi chú các lời nói
của Thánh Hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu,
nhất là với Kinh Dịch, Ngài chú giải rất kỹ.
Sau đó, Đức Khổng Tử viết
ra sách Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Châu (Chu) liên hệ với
các nước chư Hầu từ đời Lỗ Ân Công nguyên niên (721 trước Tây lịch) đến đời Lỗ
Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), tổng cộng là 242 năm.
Xem hình thể bề ngoài thì
sách Xuân Thu chỉ là một cuốn sử biên niên, lời lẽ vắn tắt, lắm chỗ hình như
không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần thì thật là một bộ sách
triết lý về chánh trị.
Mạnh Tử là người đã hiểu
rõ nghĩa của Kinh Xuân Thu, nói : " Kinh Thi hết, nhiên hậu Kinh Xuân Thu
mới làm ra. Việc ở trong sách Xuân Thu là việc Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước
Tống, văn trong sách là văn sử, nghĩa thì Đức Khổng Tử nói rằng : Khâu nầy trộm
lấy đó vậy. Nghĩa là Ngài lấy truyện ở trong các sách nước Tấn, nước Sở, nước
Tề, nước Lỗ mà biểu thị cái ý nghĩa của Ngài muốn bày tỏ ra. Thời Xuân Thu lúc
bấy giờ, xã hội nước Tàu loạn lạc, vua các nước chư Hầu làm nhiều điều bạo
ngược và ai cũng muốn lấn quyền Thiên Tử nhà Châu. Ngài không muốn để sự phê
bình phán đoán của Ngài động chạm đến những người quyền thế đương thời, vả lại
cái học sâu xa của Ngài là cái học Tâm truyền, nên Ngài mượn lối văn viết sử ,
nói việc đã qua để ngụ cái vi ý của Ngài."
Sách Trang Tử cũng có nói
ở thiên Thiên Hạ rằng : " Xuân Thu dĩ Đạo danh phận" : Sách Xuân Thu
nói về cái đạo Danh và Phận.
Vậy, ý kiến của các nhà
hiền triết đời Chiến quốc, thì sách Xuân Thu là sách để Tâm truyền cái đại
nghĩa Danh và Phận, về đường Luân lý và Chánh trị, chớ không phải là sách chép
sử như người ta thường hiểu lầm.
Sách Xuân Thu có 3 chủ
nghĩa là : - Chính danh tự. - Định danh phận. - Ngụ bao biếm.
Chủ ý của Đức Khổng Tử là
tôn nhà Châu, dẫu đời bấy giờ, các nước chư Hầu có khi không muốn biết đến nhà
Châu nữa, nhưng Ngài vẫn chép ngay đầu sách là : "Xuân Vương Chánh
nguyệt", nghĩa là : Mùa Xuân, tháng Giêng vua nhà Châu, để tỏ cái ý vẫn
nhận nhà Châu làm chủ Thiên hạ.
Đức Khổng Tử là bậc Chí
Nhân Chí Thánh, nhưng Ngài vẫn khiêm tốn không dám nhận mình là Thánh nhân.
Đối với các môn đệ, Ngài
rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì Ngài không bao giờ từ chối. Ngài
thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ngài mở ra một
nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp người trí thức mới, tài
giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.
Sự giáo hóa của Ngài chủ
yếu là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng của người, chớ không gom vào trong sự
truyền thụ kiến thức. Đây là một phương pháp giáo dục rất hay để khai mở cái
Tâm của con người vậy.
5. Đức Khổng Tử tạ thế :
Mùa Xuân năm Lỗ Ai Công
thứ 14 (481 trước Tây lịch), người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què
một chân bên trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc. Khi trở
về, Ngài than rằng : " Ngô đạo cùng hỹ ! (Đạo của ta đến lúc cùng !).
Sách Xuân Thu chép đến
chuyện nầy thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân Kinh.
Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai
Công thứ 17 (479 trước Tây lịch), một hôm Đức Khổng Tử chống gậy đi tản bộ
trước nhà, vừa đi vừa hát : Thái sơn kỳ đồi hồ ! Lương mộc kỳ hoại hồ ! Triết
nhân kỳ nuy hồ ! (Núi Thái sơn đổ ư ! Cây gỗ tốt hư hoại ư ! Triết nhân mòn mỏi
ư !)
Học trò của Ngài là Tử
Cống liền đến hỏi thăm Ngài. Ngài nói : " Ta biết mình sắp chết."
Đến ngày Kỷ Sửu, tức là
ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi.
Mộ của Ngài ở bên bờ sông
Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ,
tỉnh Sơn Đông.
Ba ngàn đồ đệ của Ngài đều
thương tiếc và than khóc, nguyện để tang Thầy 3 năm. Có hơn 100 môn đệ làm nhà
chung quanh phần mộ để lo phụng tự trong 3 năm, riêng Tử Cống ở đó hết 6 năm
mới thôi.
Chu vi đất quanh mộ của
Đức Khổng Tử rộng chừng 100 mẫu mà không hề có cây gai và cỏ may mọc. Học trò
bảo nhau đi tìm các thứ hoa thơm cỏ lạ ở các nơi đem về trồng khắp chung quanh.
6. Các triều đại phong
tặng Đức Khổng Tử :
- Năm 739, vua Đường Huyền
Tôn phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng
cho các đệ tử các tước : Công, Hầu, Bá.
- Năm 1008, vua Tống Chân
Tông phong Ngài là : Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho thân phụ Ngài là Lỗ
Công, phong cho thân mẫu Ngài là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị làm Vân
Phu Nhân, và ra lịnh cho các tỉnh lập miếu thờ Ngài.
- Năm 1306, vua Minh Thế
Tông phong tặng Ngài là Chí Thánh Tiên Sư .
- Năm 1645, vua Thanh Thế
Tổ phong là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.
7. Văn miếu :
Văn miếu hay Văn Thánh
miếu là tòa nhà dựng lên để làm Đền thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ của Ngài
cùng với các Tiên hiền, Tiên nho qua các thời đại gồm :
a. Tứ Phối : Bốn vị Thánh
cùng được phối hưởng cúng tế với Đức Khổng Tử. Tứ Phối gồm :
- Phục Thánh Nhan Tử (Nhan
Hồi)
- Tông Thánh Tăng Tử (Tăng
Sâm)
- Thuật Thánh Tử Tư (Khổng
Cấp)
- Á Thánh Mạnh Tử (Mạnh
Kha)
b. Thập Triết : Mười vị
Hiền triết, học trò tài giỏi nhứt của Đức Khổng Tử. Thập Triết gồm :
- Mẫn Tổn (Mẫn Tử Khiên)
- Bá Ngưu (Nhiễm Canh)
- Trọng Cung (Nhiễm Ung)
- Tể Dư (Tử Ngã)
- Đoan Mộc Tứ (Tử Cống)
- Nhiễm Cầu (Tử Hữu)
- Trọng Do (Tử Lộ)
- Ngôn Yển (Tử Du)
- Bốc Thương (Tử Hạ)
- Chuyên Tôn Sư (Tử
Trương).
c. Thất thập nhị Hiền : 72
vị học trò giỏi của Đức Khổng Tử, nhưng ở dưới Thập Triết một bực.
Nói là Thất thập nhị Hiền,
chớ thật ra chỉ có 62 vị, vì trong Thất thập nhị Hiền có Thập Triết, nên phải trừ
ra 10 vị.
d. Tiên Hiền, Tiên Nho :
gồm 120 vị, qua các triều đại từ xưa đến nay.
8. Đức Khổng Tử trong Đạo
Cao Đài :
Đức Khổng Tử là một Đấng
Giáo chủ trong Tam giáo thuộc thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Nhờ Đức Khổng Tử mà Nho giáo
mới được hưng hạnh, và trở thành một học thuyết triết học nhân sinh có hệ thống
chặt chẽ và hoàn hảo, chủ yếu dạy về Nhơn Đạo (Đạo làm Người). Không có một
giáo thuyết nào dạy Nhơn Đạo hoàn hảo bằng Nho giáo.
Trong Kinh Cúng Tứ Thời
của Đạo Cao Đài có Bài Kinh Nho giáo để xưng tụng công đức của Đức Khổng Tử.
Ngày Đại Lễ Vía Đức Khổng
Tử được chọn là ngày giáng sanh của Đức Khổng Tử, đó là ngày 27 tháng 8 âm
lịch. Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Toà Thánh và các Thánh Thất địa phương
đều có thiết lễ Đại Đàn cúng Vía Đức Khổng Tử, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại
Tiểu sử của Ngài, và nói về sự ích lợi của Nho giáo đối với sự ổn định trật tự
trong gia đình và ngoài xã hội.
Do đó, Đức Chí Tôn mới có
chủ trương NHO TÔNG CHUYỂN THẾ, tức là dùng tinh hoa của Giáo lý Nho giáo để
dạy dỗ người đời, tái lập trật tự và đạo đức trong xã hội.
Trong Kinh Tam Nguơn Giác
Thế, Đức Khổng Tử có giáng cơ dạy Đạo. Sau đây, xin chép lại bài Thánh giáo nầy
:
Ngày 17 tháng Giêng năm
Nhâm Thân (1932). THI :
NGÃ dĩ từ chương giáo
nghĩa phương,
KHỔNG văn hoằng hóa sự
luân thường.
PHU thê, phụ tử, quân thần
Đạo,
TỬ đệ phùng thời độ thiện
lương.
DIỄN DỤ : Các sĩ cùng chư
khanh nghe cho rõ : Việc Tam giáo hiệp nhứt.
Từ mới mở mang Trời Đất đã
có Đại Đạo. Tam giáo vốn một nhà, đời sau chia làm ba, chớ kỳ trung một bổn, kẻ
thế không thông hiểu nên tranh luận giành điều chơn giả với nhau hoài. Những
người xưng mình là Minh Sư, thọ truyền cho đồ đệ, thì mỗi người cũng muốn khoe
tài mình mà truyền khẩu với chúng sanh rằng, đạo mình chánh, đạo khác thì tà :
Té ra, mình là Manh Sư gạt chúng.
Nếu Đạo Tiên, Đạo Phật mà
không dùng văn chương thì lấy chi mà tả kinh diễn kệ. Còn học Nho mà không học
Đạo thì ra người cuồng sĩ kiêu căng.
Vậy khuyên mấy sĩ Ba Đạo
cũng đồng tìm kiếm gốc cho minh chơn lý, đặng trước độ mình, sau độ chúng. Vậy
mới gọi là Chánh kỷ hóa nhơn.
Thi rằng :
THI :
Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng, vọng chia ba.
Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
Thích, Đạo tỷ như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.
Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
Tam giáo từ xưa vốn một nhà.
KHỔNG PHU TỬ
Đức Chúa Jésus
(Gia-Tô Giáo chủ)
Đức Chúa Jésus (hay Jésus
Christ) là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo. Thiên Chúa giáo còn được gọi là Công
giáo, Đạo Gia-Tô, nên Đức Chúa Jésus còn được gọi là Gia-Tô Giáo chủ.
Đạo Thiên Chúa do Đức Chúa
Jésus lập ra ở nước Do Thái, sau Đạo Phật ở Ấn Độ 544 năm.
Đạo Thiên Chúa là Thánh
đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo.
Đức Chúa Jésus là Chơn
linh của Đức Phật Christna, một vị Phật trong Tam Thế Phật, giáng sanh để mở
đạo Thánh nơi nước Do Thái, cứu độ các sắc dân ở Âu Châu trong thời Nhị Kỳ Phổ
Độ.
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo trong ngày Vía Đức Chúa Jésus 25-12-1948 và 25-12-1949, xin trích ra như
sau :
" Có một Đấng Chơn
linh Tam Thế Chí Tôn, nhơn loại đều biết danh đó : Brahma Phật, tức nhiên là
Tạo hóa; Nhị thế Civa Phật, tức Tấn hóa; Tam thế Christna Phật, tức nhiên Bảo
tồn; Đấng trọn quyền bảo tồn ấy là lòng ái tuất thương sanh vậy. Vì cớ cho nên,
Đức Chúa Jésus Christ thương nhơn loại một cách nồng nàn thâm thúy.
Ngài đã ngó thấy Nhứt Kỳ
Phổ Độ, nhơn loại ký Hoà ước với Chí Tôn mà đã bội ước, nên phạm Thiên điều,
nhơn quả nhơn loại gớm ghiết. Do nhơn quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trữ đến
ngày nay. Thánh giáo gọi " Tội Tổ Tông ". Chính mình Ngài đến, đến
với một xác thịt phàm phu, Ngài đến giơ tay để ký Đệ nhị Hòa ước với Đức Chí
Tôn, chịu tội cho nhơn loại, ký Đệ nhị Hòa ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về
cùng Đấng Cha Lành của họ tức nhiên là Đức Chí Tôn của chúng ta ngày nay đó
vậy.
Đấng ấy vô tận vô biên,
thấy nạn của nhơn loại đã dẫy đầy, Ngài chỉ xuống mặt thế nầy làm con tế vật
đặng chuộc tội tình cho nhơn loại, mà lại còn đem quyền của Chí Tôn để nơi tay
của nhơn loại, bàn tay đó đã ký Đệ nhị Hòa ước cho nhơn loại, nó làm cho Ngài
thế nào ? Do tay Ngài ký tờ Hòa ước với Chí Tôn, nên 2 tay của Ngài bị đóng
đinh trên cây Thập tự giá. Hai chân của Đấng ấy đã đi trước nhơn loại, dìu
đường hằng sống cho họ, rồi 2 chân của Đấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây Thánh
giá. Còn trái tim yêu ái nhơn sanh vô hạn ấy bị một mũi kiếm vô tình đâm cạnh
hông Ngài, lấy gọt máu cuối cùng đó đặng cứu nhơn loại, một tình ái vô biên ấy
để lại cho loài người một tôn chỉ yêu ái. Tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh em cốt
nhục và khuyên nhủ nhơn loại coi nhau đồng chủng.
Cho đến ngày nay, cả nhơn
loại trên Địa cầu nầy không chịu nghe lời Ngài, không theo bước của Ngài, nên
nạn tương tàn tương sát sắp diễn ra gần đây. Nhưng nếu chừng nào toàn cả nhơn
loại biết thương yêu nhau, vì tình cốt nhục, thì cái nạn tương tàn tương sát
trên mặt Địa cầu nầy sẽ không còn nữa.
Hai tấn tuồng, hai thảm
trạng như thế, có thể đưa nhơn loại đến chỗ tiêu diệt mà chớ, vì nhơn loại
không biết nghe, Đấng ấy đã lấy máu thịt của mình làm con tế vật dâng hiến cho
Đức Chí Tôn để cầu xin tha tội cho nhơn loại.
Nhơn loại sẽ mất đức vì
không nghe theo Đấng Cứu thế. Đấng ấy đã bảo anh em phải yêu ái nhau, giúp đỡ
nhau, sống cùng nhau cho trọn vẹn kiếp sanh.
Trái ngược lại, Đệ nhị Hòa
ước kia đã ký với Đức Chí Tôn bị nhơn loại bội ước nữa. Vì bội ước mà bảo nhơn
loại không bị tội tình mắc mỏ sao được.
Đêm nay, nhờ hiển Thánh
anh linh của Đấng Cứu thế, Đấng ấy đã để lòng ưu ái vô tận, mong cứu vãn tình
thế nguy ngập, lấy cả tình ái ấy làm phương giải khổ cho nhơn loại.
Chúng ta để tâm cầu nguyện
Ngài, để Ngài mở con mắt thiêng liêng cho chúng sanh đặng nhìn thấy cái chơn
tánh của kiếp sống họ nơi nào, đừng mê muội, đừng ngu dốt, lấy tinh thần sáng
suốt, bỏ cái Lục dục Thất tình đầy tội ác nầy."
" Cái chết của Đức Chúa Jésus Christ là gì
? Là Ngài đem xác Thánh quí trọng dâng cho Đức Chí Tôn làm tế vật. Xác Thánh
chết trên Thánh giá là tế lễ đồng thể với Tam Bửu của chúng ta dâng cúng Đức
Chí Tôn ngày nay đó vậy.
Vậy, Đức Chúa Jésus Christ đã làm con tế vật
cho Đức Chí Tôn đặng cứu chuộc tội lỗi của loài người, nhứt là các sắc dân
Âu Châu, nên danh thể Ngài để 2 chữ Cứu Thế chẳng có chi là quá đáng."
" Ngài chết như thế
ấy, nếu không phải con mắt thiêng liêng oai quyền của Đức Chí Tôn thì cái chết
của Jésus Christ mai một mờ ám mà thôi, không có cái gì gọi là Chí Thánh cả.
Không phải vậy, Đức Chí Tôn đã hứa, đã nhìn nhơn loại là con và chính mình Ngài
đã ở trọn hiếu cùng hy sinh tánh mạng của mình làm cho danh của Đức Chí Tôn cao
trọng và làm cho nhơn loại đặng hưởng đặc ân của Đức Chí Tôn chan rưới, làm cho
con cái của Đức Chí Tôn biết cái hiếu của Ngài đối với Đức Chí Tôn.
Từ thử tới giờ, chưa có
một Giáo chủ nào đã làm. Cái hiếu của Ngài đến giờ chót đối với Đức Chí Tôn đã
trọn.
Còn Đức Chí Tôn, nếu không
phải giữ " Nghĩa " với đứa con yêu dấu, con hiếu hạnh của Ngài, thì
cái chết của Jésus Christ bất quá như kẻ tù nhân chết mà thôi, có đâu lên phẩm
vị Giáo chủ, ngồi trên ngai thiêng liêng vô cùng quí báu trên mặt địa cầu nầy
gần 2000 năm.
Trong lúc Đức Chúa Jésus
Christ làm con hiếu hạnh có 3 năm thôi, mà Đức Chí Tôn trả lại cái danh dự sang
trọng cho Ngài đến 1949 năm là năm nay."
Tiểu sử Đức Chúa Jésus :
Đức Chúa Jésus giáng sanh
trong một gia đình bần hàn nhưng rất đạo đức : Gia đình bà Maria và Ông Joseph.
Bà Maria trước đó là một
Nữ tu trong Đền thờ Jérusalem, đến tuổi lấy chồng, Luật Đền thờ buộc các Nam tu
sĩ trong Đền thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì căn cứ theo lời dạy của
Thượng Đế với Ông Adam và Bà Êve : "Unissez-vous et multipliez." (Bây
phải chung sống cùng nhau đặng sanh sản ra nhiều nữa).
Lễ chọn chồng của Nữ tu
Maria tổ chức theo luật của Đền thờ : Các vị Nam tu sĩ chưa có vợ, mỗi người
lựa một nhánh bông, cắm vào bình bông đặt trong Đền thờ, sau 3 ngày, bông của
người nào còn tươi tắn là duyên của người đó, phải cưới Maria.
Ông Joseph lúc đó đã 50
tuổi, cũng phải theo luật lệ đó. Các vị Nam tu sĩ trẻ tuổi đã lựa bông kỹ lưỡng
với nhiều hy vọng và đã cắm vào bình hoa hết rồi. Còn Joseph nghĩ mình đã già
rồi, có vợ con làm chi nữa, nhưng luật Đền thờ thì phải vâng, nhưng làm cho có
lệ. Ông lượm một nhánh bông huệ khô héo của ai bỏ dưới đất, đem cắm đại vào
bình. Nhưng kỳ lạ thay, loài hoa huệ, những bông nở tàn rồi thì rụng đi, còn
bông búp bắt nước sống lại, nở ra tươi tốt. Các thứ hoa khác trong bình đều tàn
rụi. Thế là Ông Joseph phải cưới Maria.
Luật Đền thờ lại buộc 2 vợ
chồng mới cưới phải ra ở ngoài, không được ở trong Đền thờ nữa. Vợ chồng Maria
và Joseph dắt ra ngoài mướn nhà ở, lo làm ăn sanh sống. Ông Joseph làm nghề thợ
mộc, Bà Maria làm nghề vá may, đan thêu, tạm sống qua ngày.
Bà Maria có thai con đầu
lòng : Chúa Jésus. Bà được Thiên Thần Gabriel báo mộng cho biết Bà sẽ sanh ra
cho loài người một Đấng Cứu Thế.
Đến ngày Lễ Noel hằng năm
tổ chức long trọng nơi Đền thờ Jérusalem, tuy bụng mang dạ chữa gần ngày sanh
nở, nhưng vì lòng mộ đạo, hai vợ chồng Maria-Joseph đều cố gắng đi đến Đền thờ
để chầu lễ. Khi đến nơi, các quán trọ đều bị khách đi dự lễ mướn hết, tiết Trời
lại quá lạnh lẽo, hai vợ chồng phải đến Bêlem, xin với một chủ trại cho tạm trú
đỡ trong chuồng chiên.
Đúng 12 giờ khuya đêm 24
tháng 12 dương lịch, Bà Maria chuyển bụng sanh ra Chúa Jésus. Chúa Hài đồng
được quấn tả và được tạm đặt vào máng cỏ cho đỡ lạnh nơi chuồng chiên trong
hang đá.
Các nhà Tiên tri đã báo
trước ngày Chúa giáng sanh : Ngày nào sao chổi mọc là ngày đó Chúa giáng sanh,
nên nhớ mà để ý tìm người. Trong giờ Chúa giáng sanh, có nhiều huyền diệu xảy
ra : Đám chăn chiên ngoài đồng bỗng nghe giữa thinh không có tiếng nói của
Thiên Thần : Có Chúa Cứu Thế giáng sanh, hào quang tỏa sáng ngời. Các người chăn
chiên liền đi tìm và gặp Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, họ đảnh lễ Chúa trước
tiên hơn hết.
Vua Hérode đang cai trị
dân Do Thái, bỗng tiếp kiến các Đạo sĩ từ phương Đông tìm đến và hỏi rằng :
" Vua dân Do Thái mới sanh ra hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của
Ngài bên Trời Đông, nên tìm đến để đảnh lễ Ngài."
Nghe vậy, vua Hérode hoảng
hốt và cả thành Jérusalem cũng náo động lên. Ông cho triệu tập các vị Thượng Tế
và Ký Lục để hỏi thì họ cho biết Chúa đã được sanh ra ở Bêlem xứ Juđê. Vua
Hérode lo sợ sự hiện diện của Chúa làm hại đến quyền lực của Ông, nên Ông tìm
cách giết Chúa, nhưng Ông không biết trẻ con nào là Chúa. Ông ra lịnh giết tất
cả những đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, tính theo thời gian mà Ông đã hỏi nơi các
Đạo sĩ.
Thiên Thần liền hiện ra
báo mộng cho ông Joseph, bảo : Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trốn qua
Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì vua Hérode sắp lùng bắt hài nhi mà
giết đi.
Sáu năm sau, vua Hérode chết. Thiên Thần lại
đến báo mộng bảo Joseph : Hãy chổi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trở về Do Thái
vì kẻ tìm hại hài nhi đã chết.
Ông Joseph đem gia đình về xứ Galilé ở thành
Nazaret. Chúa Jésus được 6 tuổi. Hai Ông Bà còn sanh thêm được 4 người con nữa,
cả gia đình sống rất bẩn chật. Ông Joseph tiếp tục làm nghề thợ mộc, Bà Maria
thì vá may. Chúa Jésus là anh cả trong nhà thường giúp mẹ đội nước mướn
ở bờ sông Jourdain.
Lúc Chúa Jésus được 12
tuổi, Ngài theo cha học nghề thợ mộc. Khi đó, Ông Joseph lãnh làm nhà cho một
người trong xóm, tính toán thế nào mà khi cắt gỗ, mấy cây cột đều cụt hết. Chủ
nhà bắt đền.
Ông Joseph ngồi khóc ròng,
vì nhà nghèo tiền đâu mà đền. Chúa Jésus liền cầu nguyện, rồi cha nắm một đầu
cột, con nắm một đầu cột kéo dãn dài ra cho đủ thước tấc để bồi thường cho chủ
nhà. Việc làm liều đó, lạ lùng thay, cây cột gỗ lại dãn dài ra như ý muốn.
Đó là Đấng Christ làm phép
lạ lần đầu tiên lúc 12 tuổi
Cũng trong năm đó, Chúa
Jésus vô Đền thờ Jérusalem. Các vị Giáo sĩ trong Đền thờ nghe danh Chúa là thần
đồng liền xúm lại chất vấn. Buổi đó, Đức Christna Phật giáng linh trên Chúa,
nên Ngài đã ngồi giữa các vị Giáo sĩ thuyết pháp say mê làm mọi người rất đổi
kinh ngạc.
Từ đó, Chúa Jésus về nhà
thì cũng như mọi người, phụ làm thợ mộc với cha, hiếu hạnh với mẹ, hòa nhã với
em út. Nhưng các em thường hay lấn lướt Ngài. Cảm thấy khó khăn, Chúa Jésus bèn
xin đi làm thuê bên ngoài, lấy tiền về phụ với cha mẹ nuôi gia đình.
Thời gian dài trôi qua,
đến năm Chúa Jésus được 30 tuổi, nghe Thánh Jean Baptiste đang làm lễ Giải Oan
tại bờ sông Jourdain, Chúa Jésus liền đi đến đó. Khi nhìn thấy Chúa Jésus từ xa
đi tới, Thánh Jean Baptiste biết đây là Chúa Cứu Thế, mới nói : "Từ sáng
tới giờ, tôi chỉ chờ vị nầy thôi."
Đức Chúa đến thọ pháp Giải
Oan nơi Thánh Jean. Khi Thánh Jean hành pháp vừa xong, Đức Chúa Jésus từ dưới
sông vừa bước lên bờ thì trên không trung hiện ra hào quang sa xuống giữa đầu
Chúa và có tiếng phán rằng : Nầy con yêu dấu của Ta ! Cả ân đức của Ta để cho
ngươi đó."
Sau đó, Chúa Jésus được
khiến đi vào Sa mạc để chịu sự thử thách của Quỉ Satan. Suốt 40 ngày đêm, Chúa
bị Quỉ vương cám dỗ đủ điều, nhưng không dụ được Chúa. Quỉ vương đành khuất
phục trước sự cao cả của Ngài.
Từ buổi đó, Đức Chúa Jésus
là Chơn linh của Đấng Christna Phật giáng hạ. Ngài bắt đầu truyền Đạo khắp nơi,
thâu nhận 12 Tông đồ, làm nhiều phép lạ để cứu khổ nhơn sanh. Ngài xưng là con
của Đức Chúa Trời, tức là con của Thượng Đế và tôn vinh Đấng Thượng Đế cao cả.
Đức Chúa Jésus, với lòng
thương yêu nhơn sanh một cách nồng nàn, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ lòng thương
yêu, bác ái, hạnh bố thí, sự chơn thật, khiêm nhượng, tự xét mình để sửa mình,
các điều răn cấm, giữ tâm thanh cao trong sạch, lời nói trọn lành, hành động
chơn chánh, thờ kính Đức Chúa Trời một cách hết lòng.
Bởi luật vô vi, không ai
thoát khỏi ngày Phán Xét cuối cùng, dù người đã chết hay người đang sống, cũng
đều chịu sự thưởng phạt đúng mức công bình.
Tất cả những điều giáo
huấn của Đức Chúa Jésus tạo thành một hệ thống giáo lý cho nền Đạo Thánh ở nước
Do Thái, truyền bá mạnh mẽ sang Âu Châu. Uy quyền của bọn vua quan phong kiến
và bọn Giáo chủ Cai-phe bị lung lay, nên chúng tìm cách giết Chúa Jésus.
Bọn chúng vu cáo Ngài mưu
việc phản loạn, chúng lại mua chuộc Yuda, một Tông đồ của Chúa, phản lại Chúa.
Tiền bạc đã làm chóa mắt Yuda, Ông đã điềm chỉ cho bọn lính bắt Chúa. Chúa
Jésus bị chúng lên án tử hình và bị đóng đinh trên Thập tự giá.
Đức Chúa Jésus đã biết
trước việc đó, nhưng Ngài không né tránh, mà cứ thể theo Thiên ý.
Cái chết của Ngài có ý
nghĩa gì ?
Đó là đem xác Thánh quí
trọng hiến dâng lên Đức Thượng Đế, làm con tế vật hầu chuộc tội cho loài người.
Việc làm nầy đồng thể với việc dâng Tam bửu của tín đồ Cao Đài lên Đức Chí Tôn,
nhưng lại tuyệt đối cao trọng hơn.
Cái chết của Đức Chúa
Jésus để chuộc tội cho các sắc dân Âu Châu thật là cao cả, xứng đáng là vị Chúa
Cứu Thế của nhơn loại.
Mười hai vị Thánh Tông đoà
của Đức Chúa Jésus là :
1 . Simôn, cũng gọi là Phêrô (Thánh Pierre).
2 . Anhrê, em của Phêrô.
3 . Yacôbê, con của Zêbêđê.
4 . Yoan, em của Yacôbê.
5 . Philip.
6 . Barthêlêmy.
7 . Thôma.
8 . Mathiơ là người thâu thuế.
9 . Yacôbê, con của Alphê.
10 . Thađê.
11 . Simôn nhiệt thành người Ca-na-an.
12 . Yuđa Iscariốt (được thay bằng Matthya).
Chính Yuđa đã bán Chúa để
nhận tiền của bọn Cai-phe đem về mua ruộng đất, nhưng liền bị tai nạn té nhào,
vỡ bụng lòi ruột chết thảm.
Mười một Tông đồ còn lại
của Chúa đã cử Ông Matthya thay thế Yuđa cho đủ số 12 Tông đồ như lúc đầu.
Đức Chúa Jésus Christ, tuy
là Giáo chủ Thánh đạo, nhưng Chơn linh Ngài là một vị Phật. Ngài lãnh lịnh Đức
Chí Tôn mở Đạo Thánh nơi nước Do Thái để cứu độ các sắc dân ở Âu Châu.
Đức Chúa Jésus giáng sanh,
dù do phàm thai hay do Thánh thai, dù là con ruột của Ông Joseph thuộc dòng dõi
vua David (tức là phàm thai, Đức mẹ Maria không đồng trinh), hay là con nuôi
của Ông Joseph, không thuộc dòng dõi của vua David (tức là Thánh thai, Đức mẹ
Maria đồng trinh), thì sự tôn thờ Chúa, không phải căn cứ vào điều đó, mà căn
cứ vào công đức và sự nghiệp của Chúa đối với nhơn loại. Chúa Jésus đã dạy dỗ
nhơn loại nhiều điều hữu ích và sau cùng dùng cái chết của mình trên cây Thập
giá để chuộc tội cho loài người và trả hiếu Thượng Đế. Đó mới là điều quan
trọng. Nhơn loại mới tôn thờ Ngài, suy tôn Ngài là Đấng Cứu Thế.
Nếu nói rằng Đức Chúa
Jésus giáng sanh bằng phàm thai là hạ thấp giá trị của Chúa thì hoàn toàn không
đúng, bởi vì nếu đúng như vậy, Đức Phật Thích Ca hay Đức Khổng Tử đều giáng
sanh bằng phàm thai thì không đáng kính trọng hay sao ?
Các Đấng ấy là Giáo chủ
tôn giáo, thuộc hàng Tiên, Phật, thì không cần các môn đệ Thần Thánh hóa các
Ngài, vì điều đó chỉ đem lại sự mê tín cho các tín đồ, làm trở ngại bước đường
tu tiến mà thôi.
Trong sự thờ phượng của
Đạo Cao Đài, việc sắp xếp Đức Chúa Jésus ngồi dưới Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái
Bạch không có nghĩa là Đức Chúa Jésus nhỏ hơn Đức Lý, mà đó chỉ là thứ tự trong
Ngũ Chi Đại Đạo. Bắt đầu từ Nhơn đạo với phẩm Giáo Tông, đối phẩm với Thiên
Tiên hay Phật vị, lên kế trên là Thần đạo (với Đức Khương Thượng Tử Nha), kế
trên nữa là Thánh đạo (với Đức Chúa Jésus mà chơn linh là Đức Phật Christna),
kế lên Tiên đạo (Đức Lý Thái Bạch) và trên cùng là Phật đạo với Đức Phật Thích
Ca.
Hằng năm, khi đến ngày Lễ
Noel 25-12 dương lịch, là ngày giáng sanh của Đức Chúa Jésus, tại Tòa Thánh và
các Thánh Thất địa phương đều có thiết Đại lễ cúng Vía Đức Chúa Jésus, Gia Tô
Giáo chủ, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại công đức của Chúa đối với nhơn loại.
"Vâng lịnh Vua Cha xuống thái bang,
Truyền ra Đạo Thánh rất gian nan.
Ba mươi năm lẽ chưa toàn vẹn,
Ngàn chín trăm dư thế muốn tàn.
Đắc lịnh Vua Cha truyền lập lại,
Vâng lời Kim Mẫu tá phàm gian.
Thuyết đàn vạn quốc nay mai sẽ,
Phổ độ Ngũ Châu, vạn sự toàn."
(Bài
thi do Đức Chúa Jésus giáng cơ)
Trong sách
Đại Đạo Căn Nguyên của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, có đăng một bài giáng cơ của Đức Chúa Jésus
bằng Pháp văn, ngày 11 Septembre 1926, xin dịch ra Việt văn như dưới đây :
Ngã GIA TÔ GIÁO CHỦ giáng đàn.
Hỷ chư Hiền sanh đẳng
đẳng.
Ta đến, Ta là Đấng Cứu rỗi
và là người phán xét các bạn.
Ta đến, như ngày xưa, với
các con Do Thái lạc loài. Ta mang Chơn lý đến và làm tan biến Vô minh.
Các bạn hãy nghe Ta : Cơ
bút, như trước kia, là Ngôi lời của Ta, cần nhắc nhở những đứa theo chủ nghĩa
Duy Vật rằng trên chúng nó, Chơn lý bất di bất dịch ngự trị đời đời : Thượng Đế
toàn thiện, Thượng Đế vĩ đại làm cây cối tăng trưởng và nổi sóng đại dương. Ta
đã phát lộ Giáo lý của Thượng Đế. Ta như người thợ gặt, bó từ nạm lúa Thánh
thiện trong nhơn sanh, và Ta nói rằng : Hãy đến với Ta, tất cả những người đau
khổ.
Nhưng loài người bội bạc
đã đi lạc hướng, xa con đường chơn chánh và rộng rãi dẫn dắt đến Thiên đường
của Đại Từ Phụ, chúng nó đi lạc vào lối đi gồ ghề, bội phản, bất hiếu, bất
trung.
Đức Chúa Cha không muốn
tàn hại dòng giống loài người. Ngài chỉ muốn, không bởi các thầy Tiên tri,
không bởi các Sứ đồ, các bạn hãy giúp đỡ lẫn nhau, người sống và người chết,
nghĩa là tùy theo tánh chất của các bạn (bởi vì sự chết không có), các bạn hãy
cứu giúp lẫn nhau, và tiếng nói của những đứa không còn nữa cũng được đứa khác
nghe kêu gọi : " Hãy cầu nguyện và hãy tin tưởng", bởi vì cái chết là
sự phục sinh, và đời sống là sự thử thách tốt nhất, trong đó đức tánh của các
bạn được đào luyện phải lớn lên và phát triển như cây bá hương.
Hãy tin tưởng vào những
tiếng nói đang trả lời các bạn, đó chính là Chơn linh của các Đấng mà các bạn
cầu khẩn.
Ta rất ít khi giáng đàn
với các bạn, vì những vị đã dự phần vào đời sống của Ta và sự chết của Ta là
những Thiên sứ truyền đạt Thánh ý của Đức Chúa Cha.
Những người yếu đuối bạc
nhược đang tin tưởng vào sự sai lầm của tâm trí vô minh của mình, hãy đốt sáng
ngọn đuốc mà Đấng Đại Từ Bi thiêng liêng đặt trong đôi bàn tay của các người để
soi đường cho các người, để đem các người, những đứa con lạc loài của Đức Chúa
Cha, vào lòng Đức Chúa Cha.
Ta nói thật với các bạn,
hãy tin tưởng về sự khác biệt nhau và vô số các vị Thần linh bao quanh các bạn.
Ta rất cảm thương về những khốn khổ, sự yếu đuối vô biên của các bạn, mà không
thể ra tay cứu độ những kẻ bất hạnh lạc loài, mà họ đang nhìn bầu Trời thì rơi
xuống hố sâu tội lỗi.
Hãy tin tưởng, hãy thương
yêu, hãy hiểu biết cái Chơn lý đã được phát lộ, không nên lầm lộn cái thiện và
cái ác, phương tiện và Chơn lý.
Hỡi các bạn
thông linh !
Hãy thương yêu nhau, đó
là điều giáo huấn thứ nhứt.
Hãy học hỏi nhau, đó là
điều giáo huấn thứ nhì.
Tất cả Chơn lý đều ở trong
Đạo (Đạo Thiên Chúa, Đạo Lão, Đạo Phật, Đạo Khổng). Những sự sai lầm bắt rễ từ
Đạo là do nguồn gốc của con người. Và khi xuống mồ mới tin tưởng nơi Hư Vô,
những tiếng kêu gọi : "Các huynh ơi ! Không có gì tận diệt, Jésus Christ
là người chiến thắng điều ác, hãy là kẻ chiến thắng điều vô đạo."
Đức Khương Thượng Tử Nha
(Giáo chủ Thần đạo)
Khương
Thượng Tử Nha là học trò của Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo.
Ông Khương Thượng không
có số thành Tiên, nên Đức Giáo chủ Nguơn Thủy truyền cho Khương Thượng trở về
trần lập Bảng Phong Thần và thay mặt cho Giáo chủ đọc Sắc Phong Thần. Do đó,
Đức Khương Thượng Tử Nha là vị đứng đầu các Thần, tượng trưng Thần đạo Trung
Hoa, và cũng có thể xem Ngài là Giáo chủ Thần đạo Trung Hoa.
Đức Khương Thượng được vua
Châu Võ Vương phong chức Thái Công, và được vua gọi là Tướng Phụ. Do đó, trong
Đạo Cao Đài gọi Ngài là : Thái Công Tướng Phụ Quảng Pháp Thiên Tôn.
Trên Thánh tượng Ngũ Chi
thờ tại Thiên bàn, Đức Khương Thượng Tử Nha là Đấng ngồi dưới chót hết ở hàng
giữa, tượng trưng Thần đạo. Ngài mặc áo vàng có thêu Bát Quái, tay mặt cầm cây
roi gọi là Đả Thần tiên, tay trái cầm một cây cờ vàng gọi là Hạnh Huỳnh Kỳ.
- Đả Thần tiên (Đả là
đánh, Thần là các vị Thần, tiên là cây roi) do Đức Nguơn Thủy ban cho, dài 3
thước 5 tấc 6 phân (thước Tàu), gồm có 26 mắc, mỗi mắc có 4 điệu bùa.
- Hạnh Huỳnh Kỳ là cây cờ
vàng do Đức Nguơn Thủy ban cho, màu vàng thuộc Thổ, trong lá cờ có thẻ mà không
có chữ. Khi có việc nguy biến, chữ sẽ hiện ra trên thẻ, chỉ cho cách đối phó và
giải quyết. Khi xổ cờ ra che thân thì có hàng ngàn bông sen vàng rủ xuống bảo
vệ khắp thân thể không cho bất cứ vật gì xâm phạm vào thân thể.
Ngày Kỷ niệm Thánh đản của
Đức Khương Thượng Tử Nha là ngày 18 tháng 4 âm lịch hằng năm.
Nguyên thuở trước, Ông Tổ
của Khương Thượng là cháu của vua Thần Nông, tên Bá Ích, được phong làm Lữ Hầu,
nên kể từ đó lấy họ Lữ (hay Lã), sau lại có công trị thủy nên theo họ Khương.
Bởi vậy có hai họ : Lữ và Khương.
Đức Khương Thượng, tên tộc
là Vọng, nên gọi là Lữ Vọng hay Lã Vọng, tên chữ là Tử Nha, hiệu là Phi Hùng
(Gấu bay), quê quán ở Hứa Châu.
Năm Khương Thượng 32 tuổi,
lòng mộ đạo nên đến núi Côn Lôn xin học Đạo với Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo
chủ Xiển giáo. Ở núi tu được 40 năm, Khương Thượng được 72 tuổi, thì Đức Nguơn
Thủy gọi lên bảo :
- Số ngươi chưa thành Tiên
đặng, hưởng lộc có dư. Nay Thành Thang hết vận có Tây Châu ra đời. Ngươi phải
thay mặt Ta mà xuống thế, ra công giúp nhà Châu, cầm Bảng Phong Thần, sống làm
tướng, thác làm Thần, công tu 40 năm, danh để muôn thuở.
Khương Thượng nói :
- Nay vâng lời thầy trở
lại chốn phàm trần, chẳng hay việc tới thế nào, xin thầy cho biết.
- Ta có 8 câu kệ chỉ rõ
trọn đời của ngươi, giống như lời sấm, rán mà nhớ lấy:
Mười năm chịu túng áo còn bâu,
Gượng gạo mua vui chớ chác sầu.
Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận,
Chờ xe vương giả rước về lầu.
Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc,
Chín chục dư ba buộc ấn hầu.
Mậu Ngũ chư Hầu trăm trấn phục,
Phong Thần chín tám bốn Xuân Thu.
Đức Nguơn Thủy ngâm kệ
xong, nói :
- Tuy bây giờ ngươi xuống
trần, nhưng ngày sau cũng trở về núi.
Tử Nha lạy thầy, giã bạn,
ra khỏi Cung Ngọc Hư, trở xuống trần. Nhớ lại không còn bà con, chỉ có một
người bạn là Tống Dị Nhơn đang ở đất Triều ca, nên Tử Nha liền đến đó để nương
nhờ.
Tống Dị Nhơn gặp Tử Nha
mừng rỡ hỏi :
- Chú bây giờ ăn chay hay
ăn mặn để tôi cho bày trẻ lo cơm nước ?
- Cũng tiếng là kẻ tu
hành, đâu dám dùng rượu thịt.
Tống Dị Nhơn nhận Tử Nha
làm em kết nghĩa, thấy Tử Nha đã già mà không có con nối hậu, nên tính cưới vợ
cho Tử Nha. Dị Nhơn hỏi cưới Mã thị, con gái lỡ thời của Mã Viên Ngoại cho Tử
Nha. Mã thị năm đó đã 68 tuổi.
Có bài thơ ghi lại việc
nầy :
Tu chẳng thành Tiên, tiếc Tử Nha,
Về trần cưới vợ lạ thay la ø !
Sáu mươi tám tuổi nhành dâu xế,
Bảy chục dư hai cái rễ già.
Xem đuốc hàm râu e lửa táp,
Soi gương mái tóc tợ sương sa.
Lá lay Nguyệt Lão xe tơ muộn,
Dẫu đến trăm năm nhắm chẳng xa.
Mã thị nói với Tử Nha phải
tìm cách làm ăn sinh sống, chớ nên nhờ vả Tống Dị Nhơn hoài. Tử Nha nói biết
đan gàu giai, nên đi chẻ tre, đan một gánh gàu giai đem xuống chợ bán. Ngồi từ
sáng đến chiều mà chẳng có ai hỏi mua gàu, đành gánh trở về, bụng đói lã, lại
khát nước mà chẳng có một đồng trong túi để mua.
Mã thị lại bày ra việc xay
bột lúa mì. Xay xong, bảo Tử Nha gánh bột xuống chợ Triều ca để bán, cũng vẫn
không có ai mua, lại bị ngựa của quan chạy qua làm đổ hết gánh bột.
Tống Dị Nhơn thấy Mã thị
luôn luôn đốc thúc Tử Nha kiếm việc làm ăn, nên Dị Nhơn đề nghị, mỗi ngày Tử
Nha đến một quán rượu của ông nơi chợ Triều ca, đứng làm chủ bán hàng và sẽ cho
Tử Nha tất cả số tiền lời của ngày hôm đó. Ngày mai khởi sự để Tử Nha đứng bán
tại quán họ Trương là chỗ đông khách nhứt. Họ Trương truyền cho bọn giúp việc
trong quán làm thịt heo, dê, dọn bày đặc biệt hơn ngày thường để Tử Nha có cơ
hội bán đắc hàng. Nào ngờ hôm đó, Trời mưa xối xả từ sáng đến chiều, ngoài
đường vắng tanh, không khách vào quán, đồ ăn chờ đến chiều sắp thiu, nên Tử Nha
đành cho các người làm công dọn ra ăn hết, còn dư thì đem cho các người làm
công ở các quán khác. Thế là hôm đó, Tử Nha bị lỗ nặng.
Tống Dị Nhơn an ủi :
- Hiền đệ chớ lo, bởi chưa
đến thời nên mới xui như vậy. Ngày mai tôi sẽ sai bọn gia đinh đi mua cho Hiền
đệ một số heo, dê, để Hiền đệ đem ra chợ bán lấy lời, nếu bán không hết thì đem
trở về, không sợ lỗ.
Hôm ấy, Tử Nha đem heo dê
ra chợ bán, rủi nhằm ngày Trụ Vương đảo võ, vì Trời hạn hán đã nửa năm, yết thị
dán khắp nơi kêu gọi dân chúng không được làm thịt súc vật trong ngày ấy. Tử
Nha không biết, cứ lùa heo dê ra chợ, bị bọn lính rượt bắt. Tử Nha đành phải bỏ
đàn heo, dê, chạy thoát lấy thân, trốn được về nhà.
Tống Dị Nhơn sai người nhà
dọn rượu ra nơi vườn hoa để cùng Tử Nha vừa uống rượu vừa ngắm cảnh cho tiêu
sầu. Tử Nha dạo vườn hoa, ngắm nhìn một lát rồi nói :
- Theo địa lý thì nơi đây
có khí tụ rất nhiều. Nếu anh cất nơi đây 5 căn nhà lớn thì sau nầy trong nhà
anh sẽ có 36 người làm quan.
Dị Nhơn nói :
- Hiền đệ thạo về địa lý
thì đó cũng là một nghề sanh sống đó. Chỗ nầy, đã nhiều lần ngu huynh dựng lên
mấy gian nhà, nhưng sau đó liền bị đốt cháy, tôi chắc đó là lửa ma, không thể
làm nhà được, đành chừa đất trống vậy.
- Để em chọn ngày tốt cho
anh xây cất. Anh cứ lo chuẩn bị cây ván và công thợ, còn vụ lửa ma để em lo
cho, có em đây, nhứt định nó không làm gì được đâu.
Hôm cất nhà, Tử Nha núp
trong nhà mát theo dõi sự tình. Nửa đêm hôm ấy, có 5 con yêu nổi gió bay đến,
cát bụi bay mù mịt. Tử Nha vội bỏ tóc xỏa, cầm gươm chỉ mặt 5 con yêu rồi hét
lớn :
- Năm con yêu không sa
xuống còn đợi chừng nào ?
Nói vừa dứt tiếng thì Tử
Nha bắt ấn, tức thì tiếng sấm nổ vang, 5 con yêu sa xuống quì trước mặt Tử Nha
năn nỉ :
- Chúng tôi không ngờ có
Tiên Ông tại đây, xin lấy lượng khoan hồng tha cho chúng tôi khỏi chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét