Các ông già bà lão
thuật chuyện về Trương Quả Lão :
Khi các ông bà ấy còn con
nít, thì đã biết và gặp Ông Trương, thường thấy Ông cỡi con lừa trắng đi dạo
khắp nơi, đặc biệt Ông ngồi ngược chiều, quay mặt ra phía sau. Đến khi đi về
tới nơi ở, Ông liền đè bẹp con lừa, biến ra lừa giấy, xếp cất vào khăn. Khi
muốn đi chơi, Ông lấy lừa giấy ra, phun nước vào thì hiện ra con lừa trắng để
Ông cỡi đi chơi.
Khi các ông bà ấy già, vẫn gặp lại Ông Trương giống y như
trước, không già hơn chút nào, thật là Ông đã đạt được phép trường sanh bất
lão.
Đến đời vua Đường Thái
Tông, vua cho triệu Ông vào triều, nhưng Ông không chịu đến.
Qua đời Võ Hậu, Bà cũng
biết tiếng Ông Trương, nên cũng cho sứ giả đến triệu vào triều. Ông Trương đi
được nửa đường thì chết, giây lát thây thúi hóa vòi, sứ giả phải bỏ thây lại đó
mà về triều tâu lại cho Võ Hậu rõ.
Nhưng sau đó, người ta vẫn
gặp Ông Trương cỡi lừa trắng đi dạo như thường.
Đến đời Đường Minh Hoàng,
vua sai quan là Bùi Ngộ đem chiếu đến rước Ông Trương, nhưng Ông Trương giả
chết. Bùi Ngộ thắp nhang cầu khẩn, Ông Trương từ từ sống lại, nhưng không chịu
đi. Bùi Ngộ không dám ép, đành trở về triều tâu lại.
Đường Minh Hoàng lại sai 2
sứ giả nữa là Dự Thông và Lư Trang Huyền, đem sắc chỉ đến rước nữa. Ông Trương
thấy vua có lòng trọng vọng nên mới chịu tới, được nhà vua và bá quan kính
trọng mười phần. Minh Hoàng hỏi Trương Quả Lão về chuyện Thần Tiên, Ông Trương
ngồi làm thinh, nín hơi mấy bữa, không chịu nói.
Ngày kia Minh Hoàng làm
tiệc đãi Trương Quả Lão, Ông từ chối, nói rằng : "Tôi không biết uống
rượu, duy có học trò tôi nó uống tới một đấu."
Vua Minh Hoàng xin vời
tới. Giây phút có một đạo sĩ trẻ chừng 16 tuổi từ ngoài bay vào, ra mắt nhà
vua.
Trương Quả Lão nói :
- Nó là đệ tử của tôi, xin
đứng hầu Bệ hạ.
Minh Hoàng thưởng cho nó
một đấu rượu, nó liền uống hết. Minh Hoàng lại ép uống nữa. Trương Quả Lão nói
:
- Chẳng nên cho nó uống
nhiều, nếu quá chén, ắt sanh điều quái gở.
Minh Hoàng cứ ép uống rượu
để xem sự thể ra sao.
Giây phút, trên đầu đệ tử
hiện ra một cái quả bằng vàng, rồi người đệ tử biến mất, quả bằng vàng ở dưới
đất trơ trơ, giở nắp ra thấy rượu đầy quả. Coi lại, đó là quả vàng của vua. Ai
nấy đều phục phép Tiên của Trương Quả Lão.
Vua hỏi Ông Trương bao
nhiêu tuổi. Ông Trương đáp :
- Tôi sanh năm Bính Tý đời
vua Nghiêu.
Vua Đường lấy làm lạ, vì
thấy Ông Trương tuổi lối 70 hay 80, liền truyền lịnh cho quan coi tướng là Hình
Hòa Phát coi tuổi Trương Quả Lão, nhưng coi cũng không ra.
Vua liền sai Sư Dạ Quang
là người coi thấu việc quỉ thần, coi cũng không biết tướng tinh của Trương Quả
Lão. Khi ấy có Đạo sĩ Diệp Pháp Thiện, học được phép Tiên, biết việc quỉ thần,
rất được Minh Hoàng yêu mến, được Minh Hoàng vời đến hỏi tướng tinh của Trương
Quả Lão.
Diệp Pháp Thiện tâu rằng :
- Nếu Bệ hạ chịu cất mão
cổi giày mà xin tội cho tôi với Trương Quả Lão thì tôi mới dám nói.
Vua Minh Hoàng vì tính
hiếu kỳ nên ưng chịu.
Diệp Pháp Thiện tâu rằng :
- Trương Quả Lão cỡi lừa
kỳ lắm, ngồi day ngược ngó ra sau, thiệt là con dơi trắng thời thượng cổ.
Nói vừa dứt lời thì Diệp
Pháp Thiện bị sặc máu tươi chết liền tại chỗ. Vua Minh Hoàng kinh hãi, liền cất
mão cổi hài như đã hứa, đến gặp Trương Quả Lão xin tội cho Pháp Thiện. Trương
Quả Lão nói :
- Nó hay nhiều chuyện lắm,
nếu không trị nó thì lậu cơ Trời.
Minh Hoàng cứ đứng đó năn
nỉ hoài, buộc lòng Trương Quả Lão phải tha cho Pháp Thiện, đến phun nước vào
mặt thì Pháp Thiện sống lại như thường.
Minh Hoàng sắc phong cho
cho Trương Quả Lão là Thông Huyền Tiên Sinh, lại sai vẽ chơn dung của Ông
Trương treo ở lầu Tập Hiền.
Ngày kia, vua Đường Minh
Hoàng đi săn, bắt được con nai tại đất Hàm Dương, truyền làm thịt đãi yến.
Trương Quả Lão can rằng :
- Nó là Tiên lộc ngàn năm,
chẳng nên giết. Nguyên trước đây, vua Hớn Võ Đế săn đặng con nai nầy, vua cho
đóng đính bài trên gạt bên tả rồi thả cho đi.
Vua Minh Hoàng truyền coi
lại thì trên gạt con nai nầy có đính bài đúng như Trương Quả Lão đã nói, nhưng
chữ trên đính bài đã mòn.
Minh Hoàng hỏi : - Từ đó
đến nay bao nhiêu năm ?
Trương Quả Lão đáp : - Năm
Quí Hợi, Hớn Võ Đế đào ao Côn Minh, đến nay là năm Giáp Tuất, cộng lại là 852
năm.
Vua truyền quan Thái Sử
coi lại y số.
Sau Trương Quả Lão xin về
dưỡng già. Minh Hoàng cầm không được, liền ban tặng cho một chiếc xe, một cây
lụa, 2 người lính hầu, đưa Trương Quả Lão về Hàng Châu. Ông Trương cho một tên
lính hầu về trào, chỉ giữ lại một tên, rồi hai thầy trò đi vào núi Thiên Bửu.
Ít lâu sau, Minh Hoàng lại
cho triệu Trương Quả Lão. Ông bèn giả chết, tên lính hầu lo chôn cất tử tế rồi
báo về triều. Mấy hôm sau đó, người ta lại thấy Trương Quả Lão cỡi lừa ngược đi
dạo. Tên lính ấy lấy làm lạ, đào mộ của Ông Trương lên xem, chỉ thấy cái hòm
không.
Vua Minh Hoàng hay tin,
cho lập một cái miểu tại núi Thiên Bửu để thờ Trương Quả Lão.
5 . Hà
Tiên Cô :
Hà Tiên Cô, tên thật là Hà
Tố Nữ, quê ở Quảng Châu, huyện Tăng Thành. Khi còn bé, Hà Tố Nữ có 6 cái xoáy
trên đầu, ai cũng cho là kỳ. Hà Tố Nữ ở với mẹ tại khe Vân Mẫu.
Nhằm đời Đường Võ Hậu, Hà
Tố Nữ nằm chiêm bao được Thánh nhơn mách bảo nên ăn bột Vân Mẫu thì nhẹ mình
chẳng thác. Hà Tố Nữ thức dậy, nhớ lại làm y lời. Bà mẹ thấy Hà Tố Nữ đã đến
tuổi trưởng thành nên có ý kén rễ. Hà Tố Nữ khóc lóc nhứt định không chịu lấy
chồng, chỉ muốn ở vậy nuôi cha mẹ.
Ngày kia, Tố Nữ đi kiếm
bột Vân Mẫu thì gặp 2 Tiên Lý Thiết Quả và Lam Thể Hòa đang mang giỏ Hoa Lam đi
hái bông. Hai vị thấy Hà Tố Nữ gần thành Tiên, liền gọi đến, truyền cho phép tu
luyện, và kêu tặng là Hà Tiên Cô.
Võ Hậu nghe đồn, cho người
đến rước Hà Tiên Cô, nhưng dọc đường đi về trào, Hà Tiên Cô biến mất.
Sau quan Thứ Sử họ Cao gặp
Hà Tiên Cô ở trên lầu Quảng Châu. Thứ Sử về trào tâu cho Võ Hậu rõ.
Lý Thiết Quả đến độ cả 2
mẹ con Hà Tiên Cô về cảnh Bồng Lai.
6 . Lữ
Đồng Tân :
Lữ Đồng Tân, con của quan
Thứ Sử Hải Châu, sanh ngày 14 tháng 4. Khi bà mẹ mới sanh ra Ông thì trong
phòng mùi hương thơm phức, có hạc trắng bay vào phòng rồi biến mất. Ấy là Huê
Dương Chơn Nhơn đầu thai xuống trần làm Lữ Đồng Tân.
Lữ Đồng Tân lớn lên, mắt
phụng mày ngài, tay dài, cổ cao, mũi thẳng, xương gò má cao, chơn mày bên tả có
nốt ruồi, dưới bàn chơn có chỉ như lưng qui, mình cao 8 thước 2, tánh ưa bịt
khăn huê dương (bao đảnh xanh), mặc áo đạo sĩ.
Khi ấy có thầy coi tướng
Mãn Tổ đến coi đoán rằng : Người trẻ nầy tướng khác phàm tục, sau gặp chữ Lư
thì đắc thời, gặp chữ Chung thì thành đạo.
Mọi người trong nhà đều
nghe nhưng không hiểu gì.
Năm 20 tuổi, Lữ Đồng Tân
xưng hiệu là Thuần Dương, đi thi đỗ khoa Tú Tài, tiếp theo đỗ luôn khoa Cử
Nhân, nhưng khi thi Tiến Sĩ thì rớt.
Khi đến núi Lư sơn, gặp
Huỳnh Long Chơn Nhơn dạy cho phép tu luyện và tặng cho một thanh gươm chém được
yêu quái.
Ngày kia, Lữ Đồng Tân đến
chợ Trường An, huyện Hàng Đang, vào quán rượu, gặp một đạo sĩ mặc áo trắng đang
đề thơ trên vách 3 bài thi như sau:
Ngồi đứng hằng mang rượu
một bầu,
Chẳng cho cặp mắt thấy
Hoàng Châu.
Dạo chơi ít kẻ tường tên
họ,
Trên thế thanh nhàn muốn
được đâu ?
Thần Tiên tìm bạn khó
không nài,
Có phước theo ta dễ mấy ai
?
Đông Hải rõ ràng nhiều
động đá,
Ít người được thấy núi
Bồng Lai.
Dạo chơi
theo thuở, ở theo thời,
Danh lợi làm
chi mắc nợ đời.
Nằm nghĩ co
tay hằng đếm mãi,
Mấy ai ao ước được như lời.
Lữ Đồng Tân thấy đạo sĩ
cốt cách Thần Tiên, đề thơ thanh thoát thì cảm phục lắm, liền đến làm quen,
chắp tay chào hỏi và xin Đạo sĩ cho biết họ tên. Đạo sĩ mời ngồi, rồi nói rằng
:
- Ông hãy làm một bài thơ
cho ta biết ý trước đã.
Lữ Đồng Tân liền đọc :
Cân đai ràng buôc ý không
màng,
Áo vải coi ra rất nhẹ ï
nhàng.
Danh lợi cuộc đời chưa phỉ
nguyện,
Làm tôi Thượng Đế mới nên
trang.
Đạo sĩ nói :
- Ta là Chung Ly Vân
Phòng, tu ở núi Triều Hạc, Ông có muốn đi chơi với ta không ?
Lữ Đồng Tân có vẻ lưỡng
lự. Vân Phòng biết Lữ Đồng Tân còn muốn đi thi Tiến Sĩ để trổ danh với đời, nên
ý còn dùng dằng.
Vân Phòng muốn độ Lữ Đồng
Tân nên ngồi nấu một nồi huỳnh lương, tức là nồi bắp vàng. Trong lúc chờ cho
nồi bắp chín, Vân Phòng đưa cho Lữ Đồng Tân một cái gối, bảo nằm xuống nghỉ,
còn mình thì tiếp tục chụm củi đun nồi bắp.
Lữ Đồng Tân nằm xuống, kê
đầu lên gối, giây lát chiêm bao thấy mình vác lều chõng đi thi, ngang qua nhà
giàu nọ, gặp một người con gái rất đẹp, thì ướm lời. Nàng nọ nói rằng : Nếu
chàng thi đậu Trạng Nguyên thì thiếp nguyện nâng khăn sửa trấp.
Lữ Đồng Tân vào khoa thi
đỗ Trạng, về cưới nàng ấy, sau lại cưới thêm hầu thiếp, được vua bổ làm quan.
chức Gián Nghị, lần lần thăng lên. Sau 40 năm được vua phong tới chức Thừa
Tướng, con cái đầy đàn, sui gia cũng bực quan lớn, lại có cháu nội cháu ngoại.
Thật là vinh sang phú quí tột bực.
Chẳng may, sau đó bị gian
thần hãm hại, vu oan giá họa, vua tin lời, bắt tội, truyền tịch thâu gia sản,
đày qua núi Lãnh Biển, cực khổ vô cùng. Kế giựt mình thức dậy.
Vân Phòng ngồi kế bên cười
lớn, ngâm câu thơ :
Nồi bắp hãy còn ngòi,
Chiêm bao đà thấy cháu.
Lữ Đồng Tân lấy làm lạ hỏi
rằng :
- Thầy biết sự chiêm bao
của tôi ?
- Chiêm bao 50 năm, công
việc cả muôn, thiệt không đầy một lát, đặng chẳng khá mừng, mất không nên thảm,
hết vinh tới nhục là lẽ thường. (Do sự tích nầy mà người ta nói : Giấc Huỳnh
lương, Giấc kê vàng, Giấc Hàng Đang, là để chỉ giấc mộng của Lữ Đồng Tân, xem
vinh hoa phú quí là phù du mộng ảo).
Lữ Đồng Tân nghe Chung Ly
Vân Phòng nói vậy, liền tỉnh ngộ, ngẫm nghĩ thấy chán ngán cuộc đời, cầu xin
Vân Phòng truyền đạo. Vân Phòng nói :
- Việc nhà hãy chưa an,
đời sau tu cũng không muộn.
Nói rồi liền bỏ đi. Lữ
Đồng Tân trở về nhà, bỏ việc công danh, lo tu tâm dưỡng tánh. Trong thời gian
đó, Chung Ly Vân Phòng lần lượt bày ra 10 điều để thử tâm chí của Lữ Đồng Tân.
Vân Phòng rất hài lòng về người đệ tử nầy, nói :
- Ta đã thử 10 điều, khen
ngươi bền chí, đáng được truyền đạo trường sanh. Song ngươi chưa có công quả
bao nhiêu, nên ta rước gấp chưa được. Nay ta dạy ngươi phép chỉ đá hóa vàng,
ngươi cứu đời cho có công, rồi ta sẽ rước ngươi về Thượng giới.
Lữ Đồng Tân thưa rằng :
- Vàng ấy chừng bao lâu
mới phai ?
- Cách 3000 năm mới trổ.
Lữ Đồng Tân châu mày thưa
rằng :
- Như vậy thì cứu người
nghèo bây giờ mà lại làm hại những kẻ 3000 năm sau nhiều lắm, thiệt tôi chẳng
nỡ lòng.
Vân Phòng khen :
- Lòng ngươi nhơn đức 10
phần, truyền đạo bây giờ cũng đặng.
Nói rồi dắt Lữ Đồng Tân về
núi Triều Hạc, và sau đó truyền hết các phép tu luyện cho Lữ.
Một ngày nọ, Vân Phòng gọi
Lữ Đồng Tân nói :
- Ta gần về chầu Thượng
Đế. Ta sẽ tâu xin đem tên ngươi vào sổ Tiên. Cách 10 năm nữa, đến gặp ta tại
Động Đình Hồ.
Xảy có một vị Tiên cỡi hạc
bay đến nói :
- Có chiếu chỉ của Đức
Thượng Đế phong Vân Phòng làm chức Kim Khuyết Thượng Tiên. Hãy mau lên lãnh
sắc.
Vân Phòng liền từ giã Lữ
Đồng Tân rồi bay lên mây. Lữ Đồng Tân vẫn ở núi Triều Hạc để lập thêm công quả.
Ngày nọ, Lữ Đồng Tân đến
sông Giang Hoài, được biết có một con giao thành tinh, phá hại dân chúng. Đã có
nhiều đạo sĩ đến trị nó không nổi, Lữ Đồng Tân biết mình có gươm phép của Huỳnh
Long Chơn Nhơn ban cho, chắc trừ nó đặng, nên nói với quan Phủ để mình lãnh
cho.
Nói rồi, rút gươm phép ra,
miệng niệm Thần chú, phóng gươm xuống sông Giang Hoài, giây phút thấy nước sông
nổi sóng, máu tươi vọt lên thắm đỏ dòng sông, con giao long bị chém đứt họng
nổi lên. Gươm linh nầy chém xong lại trở vô vỏ. Quan Phủ rất mừng, tặng cho Lữ
vàng bạc để đền ơn, nhưng họ Lữ đều không nhận.
Lữ Đồng Tân đi qua Châu
Nhạc Dương, bố thí thuốc chữa bịnh, và tìm người lành độ dẫn tu hành. Kế tới
ngày hẹn với Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân sắp đặt để đi đến Động Đình Hồ đón Vân
Phòng và sau đó cùng Vân Phòng đi độ Hàn Tương Tử.
7 .
Hàn Tương Tử :
Hàn Tương Tử sanh nhằm đời
Đường, cháu ruột của Hàn Dũ, kêu Hàn Dũ bằng chú. Thuở nhỏ, Hàn Dũ ép cháu học
Nho để tiến thân trên đường làm quan nhưng Hàn Tương Tử không chịu nên nói : -
Chú mộ công danh phú quí, cháu mộ đạo Thần Tiên.
Vì vậy, Hàn Tương Tử
thường lo tu tâm dưỡng tánh.
Ngày nọ, Hàn Tương Tử gặp
được Chung Ly Vân Phòng và Lữ Đồng Tân. Ba người dắt lên non hái đào chín.
Chung Ly biết Hàn Tương Tử sắp thành Tiên, liền kêu Hàn Tương Tử leo lên cây
hái đào chín, nhánh đào gãy, Hàn Tương Tử té xuống bỏ xác thành Tiên, theo Hớn
Chung Ly và Lữ Đồng Tân về đảo Bồng Lai.
Hàn Tương Tử có ý muốn độ
chú mình là Hàn Dũ. Năm ấy, Trời hạn hán, Hàn Dũ vâng lịnh vua cầu mưa nhưng
không linh. Bỗng nghe một đạo sĩ (do Hàn Tương Tử biến hóa ra) rao lên rằng :
- Ai muốn mua mưa tuyết,
ta bán cho.
Hàn Dũ liền rước vào yêu
cầu đạo sĩ đảo võ (cầu mưa), giây phút mưa xuống tràn ngập ngoài đồng, tuyết sa
chất ngất. Hàn Dũ nói :
- Không chắc ai đảo võ mà
đặng mưa tuyết nầy. Ta cầu đã nửa ngày rồi, có khi kết quả chậm một chút.
Đạo sĩ nói :
- Mưa tuyết do tôi cầu cao
3 thước 3 tấc.
Hàn Dũ đo lại, đúng y như
lời đạo sĩ, mới tin đạo sĩ là Thần Tiên có phép mầu.
Đến ngày Hàn Dũ ăn lễ sinh
nhựt, Hàn Tương Tử đến chúc thọ chú. Hàn Dũ thấy vậy, nửa mừng nửa giận hỏi :
- Bấy lâu nay ngươi theo
học đạo Thần Tiên thế nào ? Làm một bài thơ nghe thử.
Hàn Tương Tử ngâm rằng :
Đã quyết chí tu trì, Thành
Tiên chẳng khó chi,
Mây xanh hằng cỡi hạc,
Động đá cứ ngâm thi.
Đặt rượu trong giây phút,
Trồng hoa nở tức thì.
Lâu dài ngàn tuổi thọ,
Điều độ kẻ tương tri.
Hàn Dũ nói :
- Ngươi cướp quyền Tạo Hóa
đặng sao ? Hãy đặt rượu và trồng hoa xem thử.
Hàn Tương Tử bảo đem một
cái ché không, đặt giữa bàn, lấy mâm đậy lại, trong giây phút, rượu ngon đầy
ché. Rồi Hàn Tương Tử ra trước sân, đào đất vun đống, tức thì mọc lên một cây
hoa mẫu đơn nở bông rất lớn, giữa bông có hiện ra hàng chữ:
Vân hoành Tần lãnh gia hà
tại,
Tuyết ủng Lam quan mã bất
tiền.
Hàn Dũ đọc rồi ngẫm nghĩ
mãi mà không hiểu ý gì, liền hỏi Hàn Tương Tử. Hàn Tương Tử đáp rằng :
- Ngày sau chú sẽ biết,
bây giờ không dám lậu Cơ Trời.
Ai nấy trong bàn tiệc đều
lấy làm lạ kỳ. Mãn tiệc, Hàn Tương Tử từ giã về núi.
Lúc ấy nhằm đời vua Đường
Hiến Tông, bên Tây Trúc đem dâng tượng Phật, vua muốn rước vào cung để thờ. Bá
quan không ai dám can gián. Hàn Dũ thấy vậy liền dâng sớ can vua :
- Từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến
vua Võ vua Thang, vua Văn Vương, chưa có Đạo Phật thì thiên hạ thái bình. Đến
đời Hớn, vua Minh Đế đem Đạo Phật vào Trung Nguyên thì nhà Hớn chẳng lâu dài.
Sau qua đời Lương Võ Đế, vua rước Phật về thờ phượng hết lòng, nhưng vua bị Hầu
Kiển vây khổn, phải chết đói tại Đài Thành, sao Phật không cứu ? Như thế chẳng
nên tin Phật. Xin Bệ hạ đãi bọn Tây Vức rồi truyền đem tượng Phật ném xuống
sông hay quăng vào lửa mà hủy đi kẻo thiên hạ mê lầm.
Đường Hiến Tông xem sớ
xong thì nổi giận, truyền lột chức Hàn Dũ và đày ra Triều Châu tức thì. Hàn Dũ
bị dẫn đi đày, đến một nơi hoang vắng, chẳng có nhà cửa người ở, mây giăng chót
núi mịt mù, tuyết rơi bít lối. Chợt thấy phía trước có một đạo sĩ đang quét
tuyết dọn đường, nhìn kỹ lại là Hàn Tương Tử. Hàn Dũ mừng rỡ hỏi :
- Xứ nầy là chốn nào ?
Hàn Tương Tử đáp :
- Đây là Ải Lam quan, núi
nầy là Tần lãnh.
Hàn Dũ nhớ lại 2 câu thơ
trong hoa mẫu đơn thì than :
- Như vậy, số Trời đã
định, chạy sao cho khỏi.
Từ đó, Hàn Dũ mới tin có
Trời, trọng Đạo. Đêm ấy, chú cháu bàn chuyện đạo đức đến khuya. Rạng ngày, Hàn
Tương Tử tặng cho chú một bầu thuốc, rồi dặn chú :
- Chú uống một hoàn thuốc
Tiên nầy thì khỏi sanh các bịnh. Không bao lâu, ở Triều Châu có sấu nổi lên phá
hại, chú đặt văn tế đưa nó phải đi, kế đặng phục chức trở về triều. Sau đó,
cháu sẽ về độ chú, truyền cho các phép tu luyện.
Nói rồi, Hàn Tương Tử từ
giã chú trở về cung Tiên.
8 .
Tào Quốc Cựu :
Tại núi Bồng Lai, trong
lúc ăn tiệc, uống rượu quỳnh tương, Lý Thiết Quả nói :
- Tại Bồng Lai có 8 động
đá, mà anh em ta có 7 người, phải rán độ thêm một vị nữa. Ta nhắm em ruột của
Tào Thái Hậu là Tào Quốc Cựu có khí tượng Thần Tiên, cũng nên độ kẻo uổng.
Hớn Chung Ly thưa rằng :
- Để tôi xuống coi thử,
nếu thực vậy thì tôi lo điều độ.
Nói về Tào Quốc Cựu, tên
thật là Tào Hữu, em ruột của Tào Thái Hậu, đời vua Tống. Tào Hữu có một người
em ruột là Tào Nhị, ỷ thế của anh và chị, lập phe đảng hại dân, bắt hiếp gái
lành, sang đoạt tài sản. Tào Hữu rất giận, thường la mắng Tào Nhị, nhưng Tào
Nhị vẫn chứng nào tật nấy, lại đem lòng oán trách.
Tào Hữu thường than rằng :
Chứa lành có phước, chứa dữ mang họa. Em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị
hại, tuy qua đặng dương pháp, chớ chạy sao khỏi luật Trời. Nếu tai họa tới thì
mình phải tội liên can, chi bằng nên lánh trước kẻo nhơ danh và mắc nạn.
Suy nghĩ rồi, liền bán hết
tài sản, đem tất cả tiền thâu được bố thí cho dân nghèo, rồi mặc đồ đạo sĩ đi
lên núi, tìm chỗ thanh vắng để tu hành. Qua được vài năm thì Hớn Chung Ly và Lữ
Đồng Tân tìm đến gặp mặt, hỏi rằng :
- Ông tu luyện ra sao ?
- Lòng mộ đạo Thần Tiên thì lánh việc trần, chớ
tôi không biết phép tu chi hết.
Hai Tiên liền hỏi tiếp :
- Đạo ở đâu mà mộ ?
Tào Quốc Cựu chỉ Trời.
- Trời ở đâu ?
Tào Quốc Cựu chỉ vào trái tim.
Hớn Chung Ly nói :
- Tâm là Trời, Trời là đạo. Ông đã biết rõ cội
rễ, tu chắc thành Tiên.
Nói rồi, liền đưa Tào Quốc Cựu về núi Bồng Lai.
Từ đây về sau, núi Bồng Lai có đủ Bát Tiên ở
trong 8 động, tiêu diêu nhàn lạc vô cùng.
Ngày kia, Hà Tiên Cô nói với 7 Tiên rằng :
- Lẽ thường, Tiên Ông mới thành thì ra mắt Đông Vương Công, còn Tiên Nữ mới thành
thì ra mắt Tây Vương Mẫu. Kỳ trước, sanh nhựt của Đông Vương Công, Tiên Nữ cũng đi chúc
thọ. Nay gần đến sanh nhựt của Đức Tây Vương Mẫu, 7 Ông tính đi chúc thọ không
?
Hớn Chung Ly và Lam Thể
Hòa đồng nói :
- Tây Vương Mẫu không cai
trị chúng ta, song bà là vị làm đầu Tiên Nữ, các Thần Tiên đều phó hội, lẽ nào
chúng ta không đi, ngặt chẳng có vật chi báu để dâng lễ Chúc thọ. Trương Quả
Lão nói :
- Tây Vương Mẫu ở Cung
Diêu Trì thiếu chi vật báu, chúng ta đặt văn chúc thọ mà khánh hạ thì hay hơn.
Lý Thiết Quả khen phải. Lữ
Đồng Tân nói :
- Văn của chúng ta cũng
tầm thường, ước đặng văn của Lão Quân thì mới xứng đáng.
Hà Tiên Cô nói :
- Thái Thượng Lão Quân hậu
đãi Lý Tiên Trưởng lắm, nếu Lý Tiên Trưởng cầu Ngài chắc đặng.
Lý Thiết Quả nói :
- Phải, song việc đông
người mà đi một mình ta thì thất lễ. Vậy thì 8 anh em ta cùng đi đến mà cầu Lão
Quân.
Nói rồi, Bát Tiên đồng
đằng vân qua Cung Đâu Suất. Đức Lão Quân tiếp Bát Tiên, mời vào Cung, nói :
- Thuở nay, nhà Nho hay
học sách của ta như sách Đạo Đức Kinh, Kinh Cảm Ứng, song dùng cho thông ý tứ
mà làm văn, chớ chẳng hề bắt chước theo lời dạy bảo. Lại có kẻ kiêu ngạo, chê
Phật, chê Lão, nên ta chẳng hề đặt sách chi thêm nữa mà dạy đời.
Lý Thiết Quả thấy Lão Quân
có sắc buồn, nhưng cũng rán cầu xin việc đặt bài chúc thọ Tây Vương Mẫu. Lão
Quân cười nói :
- Ta ít ưa việc ấy, vì có
nhiều người làm không đặng mà lại hay chê. Song 8 vị có lòng cầu ta, ta đặt
giúp cho một bài từ cũng đủ.
Lão Quân nói xong, liền
viết ra một bài, đưa cho Bát Tiên xem thử. Ai nấy đều khen ngợi vô cùng. Bát
Tiên từ tạ lui ra, đến cậy Chức Nữ làm trục bằng gấm, dán chữ sáng như sao, rồi
đem đi chúc thọ.
Bát Tiên đi đến Hội Bàn
Đào, để chúc thọ Tây Vương Mẫu, thấy các Thần Tiên đến đông lắm. Bát Tiên dâng
bức trướng chúc thọ. Tây Vương Mẫu khen văn đặt rất hay.
Sau khi mãn tiệc, các Thần
Tiên đều về hết, Bát Tiên còn lưu lại. Tây Vương Mẫu gọi 4 nàng thị nữ đến bảo
rằng :
- Đổng Song Thành, Vương
Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh 4 người từ khi ca múa tại Hoa Điện của vua
Hớn Võ Đế đến nay cũng đã khá lâu, bây giờ hãy thổi sáo và đờn ca cho Bát Tiên
uống rượu.
Bốn nàng vâng lời. Lam Thể
Hòa khen hay, rót rượu dâng lên Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu nói :
- Ta nghe tiếng Lam Tiên
ca hay, vậy nên trình nghề vui chung trong hội.
Lam Thể Hòa vâng lời, lấy
cặp sanh ra, vừa nhịp vừa ca. Ai nấy đều khen và cười ngất. Tây Vương Mẫu
thưởng cho rượu và đào. Lam Thể Hòa nói :
- Hàn Tương Tử thổi sáo
hay lắm.
Tây Vương Mẫu bảo thử. Hàn
Tương Tử vâng lời. Tây Vương Mẫu nghe xong, khen hay, bảo :
- Bản ấy rất hay, An Phát
Trinh phải nhớ mà tập.
Tiệc xong, Bát Tiên từ tạ.
Tây Vương Mẫu truyền đưa Bát Tiên đến chơn mây.
Bát Tiên ngó thấy sóng
biển Đông cao lắm. Lữ Đồng Tân nói :
- Thuở nay nghe đồn Đông
hải mà chưa đến xem phong cảnh thế nào. Sẵn dịp nầy, chúng ta cũng nên xem qua
một chuyến.
Lý Thiết Quả nói phải. Trương Quả Lão can rằng
:
- Bữa nay
chúng ta uống nhiều rượu say rồi, để khi khác sẽ đi dạo.
Hớn Chung Ly nói :
- Sẵn dịp nầy chẳng đi
dạo, còn đợi dịp nào ?
Bát Tiên đồng đi đến mé
biển. Lữ Đồng Tân nói :
- Nay đằng vân quá hải,
không lấy làm tài, chi bằng mỗi người thả một phép xuống biển, cỡi qua tới mé
bên kia mới thiệt thần thông.
Lý Thiết Quả quăng gậy
xuống nổi lên mặt nước, rồi nhảy xuống đứng một chân trên gậy. Hớn Chung Ly ném
cây Phất chủ xuống và cũng làm như vậy. Trương Quả Lão thả lừa giấy, Lữ Đồng
Tân thả Ống tiêu, Lam Thể Hòa thả Ngọc bản, Hàn Tương Tử thả giỏ Hoa lam, Tào
Quốc Cựu thả Thủ quyển bằng ngọc, Hà Tiên Cô thả bông sen. Tất cả 8 Tiên đều
đứng trên bửu pháp của mình, đồng vượt qua Đông hải.
Theo Đạo Sử của Đạo Cao
Đài, trong thời kỳ đầu tiên còn xây bàn mời các vong linh đến xướng họa thi
văn, Bát Tiên có giáng bàn cho thi và khuyến tu.
Sau đây xin chép lại các
bài của Bát Tiên giáng cho.
1 . Lý
Thiết Quả (Lý Ngưng Dương) :
Đại Hỷ chư Đạo hữu,
Trời Đất riêng tay giữ một
bầu,
Ngàn mây dặm gió gót chơn
thâu.
Rừng tòng thong
thả nhàn ra dạo,
Đền ngọc
thung dung rảnh đến chầu.
Thoát tục
sớm dìu nên bảy bạn,
Dẫn phàm nay
rảo khắp năm châu.
Thế trần
mừng gặp Tam Kỳ độ,
Biển khổ
thuyền đưa khách lánh sầu.
Chư Đạo hữu
may mắn thay gặp đường Chánh giáo, chớ dần dà trễ thiếu công quả, mà chẳng đến
thang thiêng liêng kịp hồi cựu vị.
Lão mong
ngày Đạo khải hoàn. Chư Đạo hữu nên gắng sức. Đường cũng chẳng còn bao xa,
miễn hiệp đồng nhứt tâm vì sanh chúng, sau còn ngày gặp gỡ. THĂNG.
2 .
Hớn Chung Ly :
Rảo khắp non sông dặm trải
qua,
Bì gương nhựt nguyệt, tác
không già.
Biển trần nay gặp kỳ dìu
chúng,
Muôn dặm đèn soi đã có ta.
Chư Đạo hữu, Đức Chí Tôn dìu bước, cả Tiên Phật dẫn đàng, há chẳng sớm lánh phồn
hoa, đặng giồi trau gương đôï chúng. Huống chi chư Đạo hữu đã có quả nơi mình,
lại chẳng vì mạng lịnh Đức Từ Bi mà chịu ít lâu khổ hạnh, hầu mong buổi đạt
phẩm vị thiêng liêng sao ?
Ước mong ngày hội ngộ,
trông mong buổi tạc thù, rượu Thánh ra non dòm thế, cờ Thần dựa đảnh luận đời.
May thay !
Vui thay ! Chư Đạo hữu nên gắng sức. THĂNG.
3 . Lữ Đồng Tân :
Riêng vui
nguyệt chiếu sắc trong ao,
Đền ngọc
từng khi để bước vào.
Rảnh hứng
trăm hoa khoe đảnh ngự,
Nhàn vầy mấy
bạn dự Bàn Đào.
Độ đời rảo
gót non sông lướt,
Cứu thế dìu
nhân đạo đức trau.
Chờ buổi
tuần huờn Thiên lý trở,
Nương gươm Thần huệ
một vừng cao.
Lữ Đồng Tân,
Hỷ chư Đạo hữu,
Đạo gặp kỳ Phổ độ, khá
biết cải thế thì. Đạo khả trọng, đức năng trau, đời dời đổi, Đạo chờ người.
Khách tục nương thuyền độ, non Tiên tiếng khánh đưa. Gắng nhọc thế lọc lừa, tìm
đường ngay thẳng rẳng. Nguồn rửa bợn, nhiều đường cay đắng, bước nâu sồng dặm
lắm gay go, liệu sao khỏi trễ con đò, mới thoát vòng khổ hải.
Gắng sức vì sanh mạng, lao
tâm chớ sợ bởi căn xưa, đường quanh co, bước khá ngừa, nẻo hiểm trở, chơn nên
lánh.
Hậu tái ngộ. THĂNG.
4 .
Lam Thể Hòa :
Từng vào non Thánh lại Đền
vàng,
Mãn quả sớm nhờ sắc ngọc
ban.
Lần hạt tu tâm thìn nét Đạo,
Biển trần độ chúng vững con thoàn.
Cuộc cờ chung hứng nơi rừng thẩm,
Bầu rượu riêng vui dưới
cội tàng.
Gặp lúc dìu đời qua bến
tục,
Để công phải nhọc đến phàm
gian
Lam Thể Hòa
Hỷ chư Đạo hữu,
Đạo gặp lối quanh co, khá
biết ngừa vực thẩm. Gắng sức cho tròn trách nhậm lớn lao do Đấng Chí Tôn phú
thác. Chư Đạo hữu khá biết. THĂNG.
5 .
Trương Quả Lão :
TRƯƠNG kỳ Bạch động mộ
Tiên gia,
QUẢ diệu thâu trì tác trí
kha.
LÃO dược độ sanh tiên tự
khởi,
Hiến trần tu thức trực
ninh tà.
Ách nước nạn dân, số Trời
đọa thế, vòng vay trả, mối buộc ràng, nếu có tai mắt rộng xa, tự hỏi, vì đâu
nên nỗi ?
Đạo Trời gỡ nạn, chuông
Thánh truy hồn, bến khổ vớt khách chìm, non Thần chờ kẻ lạt, mà cũng còn khư
khư nắm chắc miếng đỉnh chung, cấp củm giữ đầy lằn nhơ bợn. Đạo đời đều chẳng
trọn, phương chi tìm chốn thoát lao lung. Ngảnh lại cuộc giả của trò đời mà
thương đau cho trẻ dại. Lần lần lựa lựa, ngẩn ngẩn ngơ ngơ, đứa trí gạt phường
ngu, lũ khôn ăn đám dại. Cười . . . THĂNG.
(Năm bài Thánh giáo từ 1
đến 5 đều chép trong quyển sách Đại Đạo Truy Nguyên của Cao Huệ Chương).
6 .
Tào Quốc Cựu :
Đàn tại Miếu Nổi, Bến Cát,
Gò Vấp, Gia Định, đêm 17-6-Quí Hợi (dl 30-7-1923), Đại Tiên Tào Quốc Cựu giáng dạy
như vầy :
" Khá ráng luyện cho
nên Đạo, kẻo uổng, người sanh trong đời khó gặp đặng, vì Đạo là rất báu trong
đời, không chi bì kịp, nên mới gặp Đạo mở kỳ nầy là kỳ thứ ba. Thiệt chư nhu có
đại căn mới gặp trước thiên hạ đó. " Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ."
Tiên Thánh đều lâm phàm mà
độ kẻ nguyên nhân, chư nhu là kẻ nguyên nhân, hễ thành tâm hành Đạo thì tự
nhiên đặng."
7 .
Hàn Tương Tử :
Đêm 17 tháng 12 năm Tân
Mùi (1931).
HÀN mặc sẵn dành Đạo để
thông,
TƯƠNG giang rõ ngọn phải
nhiều công.
TỬ tôn noi dấu nền tu niệm,
Đắc thất nên hư cũng tại lòng.
Chỉ dạy người phàm trau tánh sáng,
Giáng khuyên kẻ tục sửa
mình trong.
Đàn qua Khứu lãnh bao
nhiêu dặm,
Khuyên thế tu hành học chữ
không.
Phàm làm người tại thế
gian là chốn đua tranh danh lợi, hễ có danh có lợi thì có buồn, có vui, làm
quan tổn đức, làøm giàu bất nhơn, ít ai đặng thanh liêm chưởng đức. Hễ đắm vào
2 đường ấy thì buộc sự oan gia trái chủ. Khi giàu thiếu chi thê thiếp, thân
bằng cố hữu; khi sang chẳng dứt kẻ hầu người hạ; khi nghèo thê thiếp vắng hoe,
bà con biếng ngó; buổi công danh lỡ vận, hầu hạ lánh xa, xe tàn biếng chực.
Xét lại cuộc giàu sang ở
thế như huỳnh lương chi mộng, khuyên thế xét cho kỹ càng, lo tu cho sớm mà
hưởng phước thanh nhàn, khỏi lo luân hồi vay trả.
THI rằng :
Giàu sang danh lợi có ra chi,
Khuyên thế lo tu mới kịp thì.
Gặp lúc mưa thu vui ngã ngớn,
Nhằm hồi nắng hạ não sầu bi.
Tiền muôn lúa lẫm nhiều thê thiếp,
Ruộng mất vườn hư hết thị tỳ.
Mê chốn phồn ba chưa tỉnh giấc,
Ăn năn nào kịp buổi chung qui.
(Trích trong Kinh Tam
Nguơn Giác Thế, trang 73)
8 . Hà
Tiên Cô :
(Trích trong Kinh Tam
Nguơn Giác Thế, trang 28)
Đêm 17 tháng 10 năm Tân
Mùi (1931).
Ỷ thế tri cơ diệt lục trần,
Xuất kỳ chi bán nhập nhơn thân.
Nô nhơn hựu khứ tùng lai cổ,
Đắc lịnh hạ phàm độ thiện nhân.
Giải rõ thi chiết tự : -
Trên đời muốn biết Thiên cơ phải diệt Lục trần là chữ Ỷ, bỏ chữ Lục là chữ Hà,
- Chữ Xuất bỏ bớt một nửa
còn chữ Sơn , đem chữ Nhơn đứng vào mình chữ Sơn gọi là chữ Tiên.
- Bỏ phận nô tỳ, lại theo
người xưa là chữ Nô bỏ chữ Hựu, còn chữ Nữ, đem chữ Cổ hiệp lại là chữ Cô,
- Vâng lịnh Bề trên xuống
phàm trần mà độ người lương thiện.
Sự tích : Ta khi đến tuần
cặp kê, 16 tuổi, chí mộ tu hành, không ham vui cuộc thế. Hồi đời Trung cổ thái
bình, nhiều bực hiền lương thiện sĩ và muôn dân lạc nghiệp, chiến tranh ít có,
nhà an nước trị, ở thế rất vui, làm quan khỏi lo dân kiện, làm giàu khỏi lo đạo
tặc, nhưng ta xét lại người đời trăm tuổi chẳng bao xa, đặng làm Tiên Thánh thì
muôn đời thong thả, nên ta lập chí tu hành, rủi bị cha mẹ ép việc hôn nhân, bởi
chưa rõ lòng ta, suy xét cưỡng ép không đặng, cho đến phạt hình. May có Hớn
Chung Ly Đại Tiên cùng Lữ Tổ cứu khổ huờn sanh và độ ta đặng thành Chánh quả.
Đến khi ta đắc đạo, 3 năm
sau hạ phàm độ cha mẹ cùng đồng đắc đạo, sự đền ơn trả thảo cù lao dưỡng dục
chi nghĩa là là phải tu như vậy, tu cho đắc đạo, phản bổn huờn nguyên, thời độ
Cửu huyền Thất Tổ theo lên, chớ chẳng phải phụng cúng đồ cao lương mỹ vị.
Thế gian khi thác thì nhựt
sát tam sanh, tế tông tự tổ, ấy là gia tăng đại tội cho tiên thân, chẳng phải
là hiếu.
Ta khuyên các trò, gặp
cuộc Tam Kỳ Phổ Độ, Trời ân xá cho chúng sanh, thừa dịp may, khuyên các trò khá
giữ trường trai giới sát mà tu hành, chớ nên ham vui theo cuộc phù ba, vợ vợ
chồng chồng, mà gây thêm mối nợ oan gia thời tử sanh không dứt. .
. . . . . THĂNG.
22 .
Thất Thánh
Thất Thánh là 7 vị Thánh
vào thời Phong Thần ở Trung Hoa.
Theo Truyện Phong Thần, 7
vị Thánh nầy vâng lịnh thầy xuống núi giúp Khương Thượng Tử Nha phò nhà Châu,
đánh dẹp các Tiên Triệt giáo đang giúp vua Trụ, để diệt Trụ hưng Châu.
Bảy vị nầy có đủ công đức
vượt Bảng Phong Thần, vào trường Phong Thánh. Thất Thánh gồm :
1. Lôi Chấn Tử.
2. Lý Tịnh.
2. Kim Tra.
4. Mộc Tra.
5. Na Tra.
6. Dương Tiễn.
7. Vi Hộ.
Trên tấm diềm ở Bát Quái
Đài phía Nam phái, có đắp tượng Thất Thánh trên những cụm mây lành 5 sắc.
Sau đây là sự tích của
Thất Thánh viết theo Truyện Phong Thần.
I .
Lôi Chấn Tử : Tây Bá Hầu (sau là vua Châu Văn Vương) được lịnh của vua Trụ gọi về
triều. Trên đường đến triều ca, khi qua núi Yên sơn thì gặp Trời đổ mưa tầm tã,
lại nổ ra một tiếng sấm thật lớn dường như lở non rúng đất, ai nấy đều thất
kinh. Khi hết mưa, Tây Bá Hầu nói với các tướng hầu cận rằng :
- Sấm lớn quá, chắc có
tướng tinh ra đời. Các ngươi hãy đi tìm kiếm quanh đây xem sao.
Các tướng không dám cải,
cứ đi quanh quẩn mà tìm. Xảy nghe tiếng con nít khóc, quân lính tìm tới thấy
một đứa bé mới sanh, chắc đây là tướng tinh, nên bồng đứa bé đem trình Tây Bá.
Tây Bá mừng rỡ, hỏi kỹ
trước au, thấy thằng nhỏ mặt như nhụy đào, mắt như sao nháy, thì mừng lắm, nói
:
- Số ta có một trăm đứa
con, mà đã sanh được 99 đứa rồi. Nay nuôi thêm thằng nhỏ nầy nữa thì đủ số 100.
Tướng mạng của thằng nhỏ nầy ngày sau quí lắm, bây hãy bồng nó đi vô xóm đặng
mướn vú nuôi dưỡng, đợi 7 năm nữa ta về ngang đây, ta sẽ rước nó.
Tây Bá Hầu chưa đi tới
xóm, thình lình gặp một Đạo sĩ đến bái Tây Bá Hầu nói rằng :
- Chào Chúa Công.
Tây Bá lật đật xuống ngựa
đáp lễ, rồi hỏi :
- Thầy ở động nào, núi
nào, đến đây có việc chi ?
Đạo sĩ đáp :
- Tôi ở động Ngọc Trụ, núi
Chung Nam, hiệu là Vân Trung Tử, bởi nghe sấm nổ lớn, biết có vị tướng ra đời,
nên đến đây tìm kiếm.
Tây Bá truyền đem đứa bé
lại cho Đạo sĩ xem. Vân Trung Tử bồng nó rồi nói rằng :
- Tướng tinh đợi chừng nầy
mới ra đời ! Để cho tôi đem về núi nuôi dưỡng, chừng Chúa Công trở về đây, tôi
sẽ trả lại cho.
- Tôi cám ơn thầy, song
lâu mới gặp, nên phải đặt tên cho nó để nhớ mà nhìn.
- Trong sấm sanh ra, thì
cứ theo đó mà đặt tên là Lôi Chấn Tử.
Tây Bá khen phải, rồi để
cho Vân Trung Tử bồng Lôi Chấn Tử đem về động. Bảy năm sau, Vân Trung Tử biết
Tây Bá Hầu đã mãn hạn ngồi tù ở Dũ Lý, nhưng còn bị tai ương một chút, nay đã
đúng kỳ giao ước, nên phải cho Lôi Chấn Tử xuống núi cứu cha, liền sai Kim Hà
Đồng Tử gọi Lôi Chấn Tử vào và bảo :
- Nay cha ngươi đương mắc
nạn, phải đi cứu cho mau.
Lôi Chấn Tử hỏi :
- Thưa thầy, chẳng hay cha
của con là ai ?
Vân Trung Tử thuật hết các
việc đã xảy ra và nói :
- Cha nuôi của ngươi là
Tây Bá Hầu đang mắc nạn ở ải Lâm Đồng. Ngươi đi ra núi Hổ Nhi kiếm đồ binh khí
đặng thầy dạy võ nghệ cho mà xuống núi cứu cha.
Lôi Chấn Tử vâng lời thầy,
đi đến núi Hổ Nhi tìm binh khí, chẳng thấy chi hết, mà lại thấy một cây hạnh có
2 trái chín đỏ rất ngon, liền leo lên hái, ăn thử một trái cảm thấy rất ngon,
liền ăn hết 2 trái.
Ăn vừa xong thì 2 bên sườn
bắt ngứa ngáy, thấy mọc ra 2 cánh lớn như cánh chim đại bàng. Lôi Chấn Tử thấy
vậy rụng rời, ngã lăn bất tỉnh. Một hồi, tỉnh dậy, rờ sóng mũi quá cao, nanh ló
ra khỏi môi, mắt lồi khỏi khoé, mặt xanh tóc đỏ, mình cao 2 trượng, lưng lớn 10
vừng. Lôi Chấn Tử không biết vì sao mà mình lại biến hình quái lạ như vậy.
Vân Trung Tử xem thấy, vỗ
tay cười lớn, chỉ Lôi Chấn Tử rồi ngâm bài thi:
Ăn hai hạnh đỏ sanh đôi cánh,
Cầm một gậy vàng giúp đế vương.
Bay khắp Đất Trời làm sấm gió,
Biết bao phép tắc định Âm Dương.
Mắt lồi sáng giới đôi tròng bạc,
Tóc dửng phất phơ một sắc hường.
Tướng tợ Lôi Công, oai tợ sét,
Phò cha dựng nước, dẹp nhà Thương.
Vân Trung Tử dắt Lôi Chấn
Tử vào vườn đào, ban cho một cây gậy vàng, dạy cho võ nghệ tinh thông, phép tắc
mầu nhiệm, rồi lấy son viết chữ PHONG bên cánh trái, và chữ LÔI bên cánh phải.
Vân Trung Tử bảo :
- Ngươi mau qua ải Lâm
Đồng cứu cha là Tây Bá Hầu, song chẳng đặng giết tướng của nhà Trụ, cũng không
đặng phép theo cha, phải trở lại núi Chung Nam đặng học thêm cho xong phép tắc.
Lôi Chấn Tử tạ ơn thầy, đi
ra khỏi động, vỗ 2 cánh PHONG LÔI, tức thì bay tới ải Lâm Đồng trong giây lát,
thấy một người cỡi ngựa đang chạy trốn, nghĩ chắc là cha mình đang mắc nạn, nên
gọi lớn : " Ông có phải là Tây Bá Hầu đó chăng ?"
Tây Bá nghe tiếng, ngó lên
núi, thấy một người như quỉ sứ, thì quá sợ hãi, nghĩ sao người nầy lại biết
mình là Tây Bá, lại nghĩ mình đang lúc cùng đường thì còn sợ gì nữa, liền cho
ngựa chạy lên núi, đến chỗ Lôi Chấn Tử đứng, hỏi :
- Tướng quân là ai mà lại
biết tôi là Tây Bá Hầu ?
Lôi Chấn Tử nghe ro õliền
quì xuống lạy vua cha và thuật rõ mọi việc. Tây Bá Hầu mới biết đó là Lôi Chấn
Tử biến thân, bây giờ là học trò Tiên, thì rất vui mừng.
Liền đó, Lôi Chấn Tử bảo
cha leo lên lưng mình, nhắm mắt lại, để Lôi Chấn Tử bay đưa cha qua khỏi 5 ải,
trở về Tây Kỳ, rồi từ biệt cha mà trở về núi Chung Nam theo đúng lời Thầy đã
dặn.
Thời gian sau, một hôm,
Vân Trung Tử đang ngồi trên giường Bích Vân trong động Ngọc Trụ núi Chung Nam,
bỗng nhớ đến việc Thái Sư Văn Trọng đem binh đánh Tây Kỳ, nên gọi Lôi Chấn Tử
đến bảo :
- Ngươi hãy xuống Tây Kỳ,
ra mắt Võ Vương, và Sư thúc Tử Nha, đặng phò Châu đánh Trụ mà lập công danh.
Lôi Chấn Tử lạy thầy rồi
bay xuống Tây Kỳ, xảy thấy binh Trụ đang thua chạy, liền bay xuống đánh tiếp,
bị tướng Trụ là Tần Huờn, cũng có đôi cánh biết bay, nên bay lên nghinh chiến.
Tần Huờn đánh không lại Lôi Chấn Tử, nên phải bay đi trốn.
Lôi Chấn Tử trở qua dinh
Châu, ra mắt Võ Vương Cơ Phát và Sư thúc Tử Nha.
Trước khi khởi sự đánh vào
5 ải chinh phạt vua Trụ, Lôi Chấn Tử hỏi thầy về việc chinh chiến sắp tới thế
nào, Vân Trung Tử ngâm rằng :
Rõ ràng trái hạnh sanh đôi cánh,
Bảo hộ nhà Châu đặng tám trăm.
II . Lý Tịnh, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra :
1. Giới thiệu tổng quát :
Lý Tịnh vốn là học trò của Độ Ách Thiên Tôn, ở núi Côn Lôn. Khi còn nhỏ, Lý
Tịnh đi tu, sau bị đuổi về, ra phò vua Trụ, làm chức Tổng Binh, trấn ải Trần
Đường. Vợ Lý Tịnh là Ân Phu nhân, sanh đặng 2 trai vạm vỡ là Kim Tra và Mộc Ta.
Nay có nghén lần thứ 3, lạ lắm, 3 năm rưỡi mà chưa khai hoa. Đêm kia nhằm giờ
Tý, Ân Phu nhân chiêm bao, thấy một Đạo sĩ râu dài đi thẳng vào phòng, cầm một
trái châu sáng, liệng vào bụng bà và nói : Phu nhân mau lãnh con báu.
Phu nhân giựt mình thức dậy,
thì chuyển bụng, sanh ra một cái bọc điều lớn lắm. Lý Tịnh cả kinh, dùng gươm
rạch bọc ra, liền có một đứa con nít trong bọc nhảy ra, mình chiếu hào quang,
mặt như giồi phấn, tay cầm Càn Khôn quyện, lưng buộc dây Hỗn Thiên lăng. Ấy là
Linh Châu Tử đầu thai xuống đó.
Hôm sau, Thái Ất Thiên Tôn
là vị Tiên ở động Kim Quang, núi Càn Nguơn, đến nói với Lý Tịnh :
- Nghe tướng quân mới sanh
con quí, tôi đến mừng, xin cho tôi xem thử.
Lý Tịnh truyền thể nữ ẵm
công tử ra ngoài. Thái Ất bồng thằng bé và hỏi Lý Tịnh :
- Sanh vào giờ nào vậy ?
- Vào giờ Sửu.
- Không tốt, vì sanh vào
giờ ấy thì phạm sát giới 1700 mạng. Tướng quân có đặt tên cho nó chưa ?
- Chưa.
- Để tôi đặt tên cho nó,
sau nó sẽ là đệ tử của tôi. Tướng quân có đặng mấy công tử ?
- Tôi có 3 trai : Thằng
lớn tên là Kim Tra, theo học với Văn Thù ở núi Ngũ Long động Vân Tiêu; thằng
thứ nhì tên là Mộc Tra, theo học với Phổ Hiền ở núi Cửu Cung động Bạch hạc; còn
thằng thứ ba là nó đó. Thầy muốn thâu nhận nó làm đệ tử thì thầy tự ý đặt tên.
- Tôi đặt tên cho nó là Na Tra.
Sau đó, Thái Ất kiếu ra về.
2 .
Na Tra giết Lý Lương, Ngao Bính, Thể Vân
Một hôm, Na Tra ra bờ sông tắm chơi, ngồi trên
bực thạch, giặt dây lụa đỏ (Hỗn Thiên lăng) làm nước hóa màu hồng, cả sông
nổi sóng, làm lâu đài của Long Vương rung rinh. Long Vương Ngao Quảng sai tướng
Dạ Xoa Lý Lương lên mé sông xem có việc chi.
Lý Lương vâng lịnh đi lên,
thấy Na Tra đang giặt dây lụa đỏ, hào quang sáng ngời, hỏi :
- Thằng nhỏ kia, mày giặt
thứ gì mà làm cho nước sông đỏ tươi, lâu đài rung chuyển ?
Na Tra thấy dưới nước trồi
lên một tướng mặt xanh tóc đỏ, nanh bạc mắt vàng, tay xách búa đồng, tướng như
quỉ sứ, ăn nói lỗ mãng thì đáp rằng :
- Mầy là thằng nào ? Lâu
đài của bây như đồ thợ mã, mà nói với ai ?
Lý Lương tức giận, nhảy
đến chém Na Tra. Na Tra lấy Càn Khôn quyện liệng đùa, đánh bể đầu Lý Lương chết
tốt.
Na Tra nói : - Báo hại dơ
Càn Khôn quyện của ta.
Nói rồi lấy Càn Khôn quyện
chao qua chao lại trong nước để rửa cho sạch, hào quang của nó làm cho lâu đài
của Long Vương đổ sập nghiêng ngửa. Ngao Quảng thất kinh, xảy có quân vào báo :
- Lý Lương bị một thằng
nhỏ đánh bể đầu chết rồi.
Thái Tử Ngao Bính vội bước
ra xin đi lên bắt thằng nhỏ đó đem về Long Cung trị tội. Ngao Bính nai nịt, cầm
khí giới nhảy vọt lên khỏi mặt nước, thấy Na Tra đang ngồi đó thì nạt lớn :
- Ai đánh chết tướng Dạ
Xoa của ta ?
- Tao đây chớ ai. Tao là
Na Tra, con của Tổng Binh Lý Tịnh. Tao đang tắm chơi, can cớ chi thằng chết đó,
nó tưởng tao là củi nên vác búa lại bửa. Tao đánh chết nó đáng đời.
Ngao Bính tức quá, tiến
tới lấy kích đâm liền.
Na Tra đỡ vẹt kích ra rồi
nói rằng :
- Mầy là ai ? Xưng tên họ
ra cho tao biết.
- Tao là Thái Tử Ngao
Bính, con của Đông Hải Long Vương Ngao Quảng đây.
- Hèn chi mà mầy làm
phách. Tao nói thiệt, nếu chọc tao, thì tao lột da đến cha mầy nữa.
Ngao Bính quá tức giận,
cầm kích đâm tới. Na Tra lẹ tay ném Hỗn Thiên lăng trói Ngao Bính lại, rồi đưa
Càn Khôn quyện đập một cái, Ngao Bính chết liền, hiện nguyên hình là một con
rồng nhỏ. Na Tra nói :
- Để tao rút gân mầy đem
về cha tao buộc giáp chơi.
Nói rồi làm liền, xong mặc
lại quần áo quay trở về ải. Gia đinh thấy các việc vừa qua, vô cùng hoảng sợ,
bò lết theo sau Na Tra, cùng nhau về ải.
Một ngày khác, Na Tra ra
hoa viên chơi, thấy một cái lầu tại ải rất cao, bèn leo lên đó chơi và hóng
mát, thấy trên đó có đặt một cây cung lớn với 3 mũi tên. Na Tra nghĩ bụng, thầy
mình bảo sau nầy mình làm chức Tiên Phuông, phò nhà Châu diệt Trụ, nay thử tập
bắn cung tên. Nói rồi liền lắp tên vào, giương cung bắn ra một mũi tên về phía
Tây Nam. Ngờ đâu, nó là một cây cung Thần của vua Huỳnh Đế thuở xưa đánh Xi
Vưu, còn dư 3 mũi tên Thần, gọi là Chấn Thiên Tiễn, khi bắn, phát ra tiếng sấm
vang Trời, lâu nay không ai giương cung nầy nổi, nên để tại lầu cao làm báu vật
trấn ải.
Na Tra bắn xong, nghe sấm
nổ thì hoảng kinh, buông cung ra, không dám bắn tiếp, và lật đật leo xuống lầu.
Ngờ đâu, mũi tên bay tới
núi Khô Lâu, động Bạch Cốt, giết chết Thể Vân Đồng tử, học trò của Bà Thạch Cơ,
một vị Tiên Triệt giáo.
Thạch Cơ ra xem, thấy đề
là Chấn Thiên Tiễn, là biết của Lý Tịnh ở ải Trần Đường, liền cỡi chim loan
xanh xuống ải bắt Lý Tịnh về động tra xét. Lý Tịnh xem thấy Chấn Thiên Tiễn bắn
chết Thể Vân thì thất kinh, van nài Thạch Cơ :
- Cung Càn Khôn và Chấn
Thiên Tiễn là vật linh, lâu nay không ai bắn nổi, chẳng qua tôi mắc vận suy,
tai rơi họa gởi, xin cho tôi về ải tra xét xem ai bắn thì chịu chết cũng cam
lòng.
Thạch Cơ nói :
- Cho ngươi trở về tra
xét, kẻo kêu nài oan ức. Nếu truy xét không ra đứa bắn thì ta kiện đến thầy ngươi.
Lý Tịnh từ ta,ï độn thổ
trở về ải, điều tra biết rõ Na Tra có bắn, kinh hãi vô cùng, đòi Na Tra ra nói
:
- Mầy đã lấy cung Càn Khôn
bắn chết Thể Vân là học trò của Bà Thạch Cơ, Bà bắt tội tao, mầy phải đến Thạch
Cơ mà chịu tội.
Lý Tịnh dẫn Na Tra lên
cung Bạch Cốt, gặp Thạch Cơ. Thạch Cơ tha cho Lý Tịnh trở về ải, còn Bà bắt Na
Tra, nhưng Na Tra đâu dễ cho bắt, lấy Càn Khôn quyện và Hỗn Thiên lăng đánh với
Thạch Cơ, bị Thạch Cơ thâu hết phép báu. Na Tra liền bỏ chạy về động Kim Quang
cầu thầy cứu viện.
Thái Ất ra gặp Thạch Cơ,
bảo rằng :
- Nếu Bà muốn bắt Na Tra
thì hãy lên Cung Ngọc Hư yết kiến Giáo Chủ Nguơn Thỉ là thầy ta, nếu thầy ta
dạy ta phải giao nó cho Bà thì ta mới dám giao, vì Na Tra vâng lịnh Ngọc Hư ra
đời phò chúa Thánh.
Thạch Cơ thấy không xong,
liền ra tay đánh Thái Ất, bị Thái Ất dùng Cửu Long Thần Trảo đốt chết, hiện
nguyên hình là một cục đá xanh.
3 . Na Tra nhờ thầy cứu, nhập xác bông sen.
Na Tra độn
thổ về ải Trần Đường, thấy cha và mẹ đang bị Long Vương 4 biển : Ngao Quảng, Ngao
Khâm, Ngao Thuận, Ngao Nhuận, bắt trói làm tội. Na Tra hét lớn :
- Ta đã đánh
chết Lý Lương và Ngao Bính, thì một mình ta thế mạng mà thôi, sao lại bắt cha
mẹ ta ?
Nói xong, Na
Tra liền ngó ngay Ngao Quảng nói tiếp :
- Mạng ta
đây chẳng nhỏ, ta vốn là Linh Châu Tử vâng lịnh Ngọc Hư đầu thai xuống thế để
giúp Thánh Quân, Nay ta mổ bụng, lóc thịt, chặt xương mà trả cho song thân ta,
để khỏi di lụy đến cha mẹ ta, ngươi có bằng lòng không ? Nếu không
chịu thì đồng lên Thiên Cung mà cáo với Ngọc Hoàng xem ai phải ai quấy cho
biết.
Ngao Quảng
nghe ra liền nói :
- Đạo làm
con như vậy thiệt là có hiếu.
Nói rồi liền mở trói cho
Lý Tịnh và Ân Phu nhân.
Na Tra lấy gươm ra, tay
mặt chặt cánh tay trái, mổ bụng lôi ruột ra, lóc thịt, máu ra lai láng, chết
liền.
Bốn vị Long Vương thấy Na
Tra làm y theo lời, chịu chết nên lui hết. Ân Phu nhân khóc lóc, rồi liệm xác
Na Tra.
Hồn Na Tra đêm ấy về báo
mộng cho mẹ, yêu cầu mẹ lập cho một cái miểu ở núi Túy Bình, cách ải Trần Đường
40 dặm, để nhờ hương khói cho linh hồn mau cứng cát.
Được như vậy nửa năm, một
hôm Lý Tịnh dẫn quân đi qua núi ấy, thấy thiên hạ đến dâng hương ở một cái miểu
rất đông, tiếng đồn nơi miểu có ông Thần linh hiển lắm, ai cầu gì được nấy. Lý
Tịnh vào xem thấy đó là miếu thờ Na Tra, có hình cốt y như người thật. Lý Tịnh
nổi giận nói : Khi sống báo hại cha mẹ đủ thứ, khi chết lại báo hại dân chúng
nữa.
Nói rồi, Lý Tịnh đập phá
cốt tượng, sai lính đốt miếu, lửa cháy tiêu tan.
Hồn Na Tra không nơi nương
tựa, bay về động Kim Quang báo cáo tất cả các việc với thầy.
Thái Ất toán biết Khương
Thượng sắp sửa ra mặt giúp nhà Châu, mà Na Tra chưa hiện hình đặng thì làm sao
nên việc. Nghĩ rồi, bèn sai Kim Hà đồng tử đi hái 2 cái bông sen lớn và 3 lá
sen còn nguyên cọng.
Thái Ất liền bẻ các cọng
sen làm thành 360 khúc để làm xương, lấy các cánh sen đắp lên làm thịt, đắp phủ
bên ngoài 3 lá sen làm da, để một hột linh đơn vào giữa, rồi họa phù niệm chú,
bắt vía thâu hồn Na Tra xô nhập vào hình sen, hét lớn : " Na Tra chưa sống
lại còn đợi chừng nào ?"
Xảynghe một tiếng ư , có
một người từ hình sen trổi dậy, mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son, con mắt có
ngời, bề cao 16 thước. Ấy là Na Tra nhập xác bông sen đó.
Na Tra liền lạy thầy tạ ơn
tái tạo.
Sau đó, Thái Ất dạy thêm
cho Na Tra các môn võ nghệ, phép tắc, rồi truyền cho Na Tra 2 bánh xe Phong
Hỏa, đặng thế cho ngựa đỡ chơn, và các phép báu là : Càn Khôn quyện, Hỗn Thiên
lăng, và một cục Kim Chuyên.
4 . Na
Tra xuống núi giúp Tử Nha :
Lúc ấy, tướng của vua Trụ
là Trương Quế Phương đem binh chinh phạt Tây Kỳ, đánh thắng liên tiếp mấy trận,
vì Quế Phương có tà thuật.
Thái Ất đang ngồi trên
giường Bích Du, động lòng chẳng an, bèn đánh tay biết rõ, liền gọi Na Tra tới
bảo :
- Nay ngươi phải xuống Tây
Kỳ mà giúp Sư thúc của ngươi là Tử Nha đặng lập công danh. Nay lần lượt có 36
đạo binh đến đánh phá Tây Kỳ không hở, ngươi hãy rán hết lòng giúp Sư thúc và
phò tá Minh Quân.
Na Tra vui mừng khoái chí
vì được đi đánh giặc, vội lạy thầy, rồi nổi xe Phong Hỏa đi xuống Tây Kỳ nhanh
như chớp, vào Tướng phủ ra mắt Khương Thượng Tử Nha. Tử Nha rất mừng vì có
tướng tài đến giúp, liền ra binh đánh lui được Trương Quế Phương.
5 .
Kim Tra xuống núi :
Vương Ma và Dương Sum là 2
Tiên Triệt giáo đến giúp vua Trụ đánh Tử Nha. Vương Ma rượt Tử Nha và liệng Tử
Nha một trái Khai Thiên Châu nhằm lưng mà thác. Con Tứ Bất Tướng cũng sa xuống
đứng cạnh xác của Tử Nha để giữ thây. Vương Ma giục thú bay đến định cắt lấy
thủ cấp của Tử Nha, xảy thấy có Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn ở động Vân Tiêu
dẫn theo Kim Tra chờ sẵn ở đó. Văn Thù nói :
- Vương Đạo hữu không nên
giết chết Tử Nha. Bần đạo vâng lịnh Ngọc Hư Cung đợi ở đây lâu lắm, bởi có 5
việc như vầy :
. Một là khí số Thành
Thang đã hết.
. Hai là Chơn Chúa Tây Kỳ
đã ra đời.
. Ba là đạo Xiển giáo của
ta phải phạm sát giới.
. Bốn là Tử Nha đặng hưởng
phước giàu sang dưới thế.
. Năm là Tử Nha thế Ngọc
Hư Cung mà Phong Thần.
Đạo hữu lâu năm tu theo
Triệt giáo, há không nhớ đôi liễn trên Cung Bích Du của Thông Thiên Giáo Chủ
hay sao ?
Đóng cửa tụng Huỳnh
Đình,thiệt có số thành ngôi Chánh quả,
Tách mình qua Tây thổ, là
có tên đứng Bảng Phong Thần.
Tuy Đạo hữu đánh chết Tử
Nha, nhưng còn có thể cứu sống được. Nếu Đạo hữu nghe lời ta khuyên mà trở về
Cửu Long Đảo thì rất tốt, bằng cải lời ta, sau chớ ăn năn.
Vương Ma nổi giận hét lớn
:
- Văn Thù chớ có khoe tài.
Ngươi với ta cùng đồng một thể. Ngươi có Giáo chủ, ta không có Giáo chủ sao ?
Dứt lời, Vương Ma liền
chém tới. Kim Tra đứng sau lướt lên đỡ vẹt đường kiếm của Vương Ma, đồng thời
Văn Thù dùng Độn Long Thung, vật báu của Phật, kêu là Thất bảo Kim liên, bắt
lấy Vương Ma. Kim Tra chém Vương Ma một nhát, hồn Vương Ma bay lên đài Phong
Thần, có Bá Dám cầm Phướn Bá Linh ra rước vào.
Văn Thù thâu Độn Long
Thung, lạy về núi Côn Lôn mà vái rằng : Đệ tử phạm sát sanh, xin cam thọ tội.
Lạy rồi truyền Kim Tra
cõng Tử Nha lên núi đặng đổ thuốc kim đơn cứu sống. Tử Nha tỉnh dậy, cảm tạ Văn
Thù.
Khi ấy Văn Thù trao Độn
Long Thung cho Kim Tra và dặn rằng : "Ngươi hãy theo sư thúc Tử Nha mà
xuống Tây Kỳ hết lòng trợ chiến."
Kim Tra từ tạ thầy rồi đỡ
Tử Nha lên lưng Tứ Bất Tướng, đồng trở lại Tây Kỳ. 6. Mộc Tra xuống núi :
Lý Hưng Bá là Tiên Triệt
giáo ở Cửu Long Đảo, đến trợ giúp Trương Quế Phương đánh Tử Nha, bị thất trận,
chạy đi báo với Thái Sư Văn Trọng.
Giữa đường, Lý Hưng Bá gặp
một Đạo đồng đón lại nói rằng :
- Ta là Mộc Tra, học trò
của Phổ Hiền Chơn Nhơn ở núi Cửu Cung, động Bạch Hạc. Nay ta vâng lịnh thầy ta
đón bắt Lý Hưng Bá nạp cho Tử Nha lãnh thưởng.
Lý Hưng Bá cười rằng :
- Con nít khi ta tới nước
!
Nói rồi lấy giản đánh
liền. Mộc Tra lấy cặp gươm Ngô Câu, một cây trống, một cây mái, đón đánh, giết
được Lý Hưng Bá, chặt đầu rồi đem chôn xác, xong độn thổ qua Tây Kỳ, vào ra mắt
Tử Nha, thuật rõ các việc.
Tử Nha vui mừng, kêu 3 anh
em : Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra đến khen rằng :
- Ba anh em học trò Tiên
tài giỏi phi thường, đồng phò Chúa Thánh, nêu danh 4 biển, để tiếng muôn đời.
7 . Lý
Tịnh xuống Tây Kỳ phò Châu :
Công Chúa Long Kiết giúp
Tử Nha thâu hết các phép của La Tuyên và đánh La Tuyên chạy dài. La Tuyên chạy
đến một ngọn núi kia thì nghe một người ca rằng :
Lánh chốn hồng trần khỏi
thị phi,
Xưa từng áo mão ở thành
trì.
Kích dài trượng tám, người
kiêng sức,
Tháp nặng ngàn hai, cọp
khiếp uy.
Ẩn mặt trước còn nương
thạch động,
Trổ tài nay mới xuống Tây
Kỳ.
Biết thời Trụ mạt, Châu
đương phát,
Cái mạng La Tuyên cũng
hiểm nguy.
La Tuyên nghe ca, ngó lại
thấy một người đội mão kim khôi, mặc đạo phục, tay cầm kích dài, liền hỏi rằng:
- Ngươi là ai mà dám nói
phách như vậy ?
Người ấy đáp :
- Ta là Lý Tịnh, nay xuống
Tây Kỳ giúp Tử Nha lấy 5 ải. Ta không có lễ chi ra mắt, nên mượn cái đầu của
ngươi. La Tuyên nổi giận, cầm gươm chém liền. Lý Tịnh quăng Huỳnh Kim Bửu Tháp
lên kêu lớn.
- Bớ La Tuyên, ngày nay
ngươi khó trốn.
La Tuyên đỡ không kịp, bị
tháp sa xuống bể đầu.
Lý Tịnh giết La Tuyên
xong, liền độn thổ đi qua Tây Kỳ ra mắt Tử Nha. Bốn Cha con đồng phò Châu diệt
Trụ.
8. Khởi đánh 5 ải :
Trong Lễ đăng đàn bái
tướng, Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn an ủi Tử Nha, các vị Đại Tiên rót rượu tiễn
hành, còn các học trò hỏi thầy mình tiến trình chinh chiến lành dữ thế nào ?
- Kim Tra lạy Văn Thù hỏi.
Văn Thù ngâm rằng :
Đã sẵn có công về tám cõi,
Lo chi không kế đánh năm
thành.
- Na Tra cũng lạy Thái Ất
cầu hỏi. Thái Ất cũng ngâm rằng :
Khi vào Tỵ Thủy càng thêm
phép, Mới biết liên hoa lại hóa hình.
- Mộc Tra lạy Phổ Hiền cầu
hỏi. Phổ Hiền ngâm:
Gươm báu Ngô Câu là phép
mạnh,
Đường trường quan ải dễ ai
ngăn.
- Lý Tịnh lạy thầy là
Nhiên Đăng cầu hỏi. Nhiên Đăng nói : Ngươi lại khác hơn người ta nữa, rồi ngâm
:
Thành luôn vừa xác về Tiên
cảnh,
Chẳng những phần hồn đến
Ngọc Kinh.
III .
Dương Tiễn :
Lúc nầy Tử Nha và Võ Vương
còn đang bị Ma Gia Tứ Tướng vây khổn nơi Tây Kỳ gần giáp một năm, chưa phân
thắng bại. Xảy thấy quân vào báo với Tử Nha : - Có một ông Đạo đến xin vào ra mắt.
Tử Nha liền cho mời vào,
thì thấy một Đạo sĩ đội mão Phiến Vân, mặc áo Bát Quái, đi giày cỏ, buộc giải
tơ, đến làm lễ ra mắt Tử Nha và thưa rằng :
- Đệ tử họ Dương tên Tiễn,
học trò của Ngọc Đảnh Chơn Nhơn, vâng lịnh thầy xuống núi đến hầu Sư thúc.
Tử Nha vui mừng không
xiết, vì biết Dương Tiễn rất tài giỏi, có nhiều mưu lạ, và có nhiều phép biến
hóa không lường, kêu các tướng đến giới thiệu cho biết mặt, rồi dẫn Dương Tiễn
đến ra mắt Võ Vương.
Trước khi khởi sự Chinh
Đông, đánh Ngũ quan, diệt vua Trụ, Dương Tiễn lạy thầy là Ngọc Đảnh Chơn Nhơn,
hỏi việc chinh chiến sắp tới thế nào. Ngọc Đảnh Chơn Nhơn đáp :
- Ngươi khác với người ta
xa lắm.
Nói rồi ngâm rằng :
Tập luyện huyền công, ai
sánh kịp,
Tung hoành thế giới, bực
nào hơn.
Dương Tiễn nhờ có Thất
thập nhị Huyền công (72 phép biến hóa), nên đã giúp Tử Nha rất đắc lực, tạo
được nhiều kỳ công.
IV . Vi
Hộ :
Lữ Nhạc là Tiên Triệt
giáo, bị Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Dương Tiễn, đánh cho bại tẩu, cùng với học
trò là Dương văn Huy chạy đến một ngọn núi, định ngồi xuống nghỉ mệt, thì gặp
một người nửa Tiên nửa tục, mình mặc áo Đạo, đầu đội Kim khôi, tay cầm Giáng Ma
Xử, vừa đi vừa ca.
Lữ Nhạc đón lại hỏi :
- Đạo sĩ là ai, đi đâu đó
?
Người ấy đáp rằng :
- Ta họ Vi tên Hộ, học trò
của Đạo Hạnh Thiên Tôn ở núi Kim Đỉnh, tại động Ngọc Ốc, vâng lịnh thầy ta
xuống Tây Kỳ giúp Sư thúc Tử Nha đánh Ngũ quan phạt Trụ, nay thuận đường qua
đây đặng bắt thầy trò Lữ Nhạc mà lập công.
Dương văn Huy nghe nói thì
nổi giận thét :
- Khen mi cả
gan dám lớn lối.
Thét vừa dứt
thì rút kiếm chém. Vi Hộ cười rằng :
- Nói vậy thì may lắm,
không dè lại gặp thầy trò Lữ Nhạc tại đây, thật tiện cho ta, khỏi mất công tìm
kiếm.
Đánh nhau
được 5 hiệp, Vi Hộ quăng Giáng Ma Xử lên để đánh Dương văn Huy. Có bài thơ khen Vi Hộ :
Trong lò Bát Quái
luyện hèn lâu,
Chày Giáng
Ma nầy rất nhiệm mầu.
Vi Hộ ngày
sau thành Hộ Pháp,
Văn Huy nay
gặp nát tan đầu.
Cây Giáng Ma
Xử như cái chày nện vải mà luyện pháp rất hay, cầm trên tay thì nhẹ như bông, đánh nhằm
người thì nặng như núi. Giáng Ma Xử của Vi Hộ đánh Dương văn Huy bể đầu chết liền, linh hồn
bay lên Đài Phong Thần.
Lữ Nhạc thấy học trò đã
chết, nổi giận hét lớn :
- Ngươi dám khi ta.
Nói rồi liền đưa gươm chém
Vi Hộ. Đánh đặng 7 hiệp, Vi Hộ cũng quăng Giáng Ma Xử lên cao, Lữ Nhạc biết
nguy, độn thổ trốn mất.
Vi Hộ thâu Giáng Ma Xử, đi
qua Tây Kỳ vào ra mắt Tử Nha, thuật lại các việc. Tử Nha rất mừng vì có thêm
tướng tài giúp sức đánh Ngũ quan.
Trước khi khởi hành đi
đánh Ngũ quan, Vi Hộ lạy thầy là Đạo hạnh Thiên Tôn hỏi về bước đường chinh
chiến sắp tới, Đạo Hạnh Thiên Tôn đáp :
-Ngươi phò Sư thúc Tử Nha
đi đánh Mạnh Tân không can chi mà ngại.
Nói rồi ngâm rằng :
Dẫu bao nhiêu bạn tu hành
kỹ,
Có một mình ngươi quả vị
cao.
Quả thật về sau, Vi Hộ đắc
quả Phật Hộ Pháp, gọi là Vi Hộ Pháp, hộ giá Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ, Vi Hộ Pháp đầu kiếp xuống trần vào nhà họ Phạm, tên là Phạm công Tắc, để
làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo. (Xem bài Thánh giáo ở phía sau của Đức
Thanh Sơn Đạo sĩ tiết lộ cho biết điều đó.)
V. Thất Thánh trở về núi
tu luyện :
Bảy vị Thánh, sau khi giúp
Tử Nha thành công, phò Võ Vương, diệt vua Trụ, bình định thiên hạ, và Tử Nha
vâng sắc chỉ của Đức Chưởng giáo Nguơn Thủy phong Thần các tướng tử trận xong,
Thất Thánh đồng vào tâu với Võ Vương :
- Chúng tôi là người ở núi
non, vâng lịnh thầy xuống giúp Bệ hạ. Nay nước nhà được thái bình, chúng tôi
xin trở về núi tu hành, còn việc phú quí, chúng tôi không muốn.
Võ Vương phán rằng :
- Trẫm nhờ các khanh tài
cao phép lạ, công khó trí dày, mới cứu được nước được dân. Nay thái bình, các
khanh không chịu hưởng giàu sang,Trẫm nỡ nào để các khanh về núi
Bảy người đồng tâu :
- Chúng tôi đội ơn Bệ hạ,
nhưng không dám cải lời thầy, vả lại lòng tu còn nặng, không có ý hưởng tước
quyền, xin Bệ hạ cho chúng tôi toại nguyện.
Võ Vương biết không thể
nào lưu Thất Thánh lại được, nên buồn bã nói :
- Trước khi khởi binh,
những trung thần nghĩa sĩ như mây rợp đất, thế mà sau cuộc chiến chinh, nửa
đường bỏ mạng rất nhiều, Trẫm lấy làm thảm thiết. Nay các khanh đòi rời Trẫm,
Trẫm không thể ngăn được, vậy xin đợi Trẫm tổ chức một tiệc tiễn hành, các
khanh lợi dụng lúc Trẫm thật say mà ra đi để Trẫm bớt đau lòng.
Hôm sau, tiệc dọn tại
Trường đình, 7 người đều đủ mặt. Võ Vương cùng các quan ra đón. Bảy người tiếp
giá. Võ Vương nắm tay từng người, nói rằng :
- Các vị nay về núi, tức
là bực Thần Tiên, không còn ràng buộc đạo vua tôi nữa. Vậy chớ nên khiêm
nhường, hãy cùng Trẫm đồng bàn uống thật say một bữa.
Bảy người tạ ơn, đồng ngồi
dự tiệc. Thiên hạ nghe đồn Thiên tử đưa Thần Tiên về núi, nên kéo đến xem rất
đông.
Mãn tiệc, 7 người từ giã.
Võ Vương rưng rưng nước mắt. Tử Nha theo đưa một đổi nữa rồi mới chia tay. Bảy
vị sau này đều tu thành Chánh quả. Có bài thơ rằng :
Từ giã về non lánh tục trần,
Thanh nhàn cảnh tịnh rất an thân.
Quyết thành Chánh quả nên Tiên, Thánh,
Khỏi đọa luân hồi trả oán ân.
Hai chữ thị phi đà chẳng bợn,
Một câu vinh nhục cũng không cần.
Vui chơi
nào biết mùi dương thế,
Dâu bể màng chi đổi mấy lần.
Sau đây là bài giáng cơ
của Đức Thanh Sơn Đạo sĩ tức là Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm, nói về Thất
Thánh và Vi Hộ :
Phò loan : Hộ Pháp, Bảo
Đạo
Báo Ân Đường Kim Biên,
ngày 15-8-Bính Thân (dl 19-9-1956).
THANH SƠN ĐẠO SĨ
Bần tăng xin chào Thiên
Tôn, Chơn Quân, Hiền đệ.
Thưa Thiên Tôn, có Nguyệt
Tâm Chơn Nhơn đến, nhưng nhường cơ cho Bần tăng trước. Cười . . .
Nhiều điều Thiên Tôn hỏi,
Bần tăng khó trả lời đặng. Duy Nguyệt Tâm đảm đương Thiên vụ, người hiểu biết
rõ hơn Bần tăng. Vậy Thiên Tôn nên vấn nơi người.
Chỉ có bài thi của Bần
tăng có hơi huyền bí tiên tri, nên Bần tăng có thể giải đáp.
Thiên Tôn nhớ lại, khi lập
thành Phong Thần bảng, những người đứng vào hàng Thất Thánh là ai ?
Hộ Pháp bạch : Lý Thiên
Vương, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử.
- Phải ! Thì trước đầu
kiếp vào nhà họ VI, còn nay vào nhà họ PHAÏM. Điều đó có chi khó hiểu mà phỏng
đoán. Tiên tri của Bần tăng đã nhiều và chỉ rõ Việt Nam xuất Thánh thì đã hẳn
rồi, còn chi không rõ rệt. Hơn nữa lại còn một điều trọng hệ hơn là Di-Lạc
giáng linh, thì Thiên Tôn đã thấy rằng, tiên tri vốn không sai sót.
Còn lời thứ hai, Thiên Tôn hỏi Bần tăng, thì
xin Ngài vấn đáp với Nguyệt Tâm, vì chính mình người đã truyền tin ấy. Vui mừng hơn nữa là từ đây
thiên hạ sẽ hiểu rõ Thánh chất của
Thiên Tôn và ngọn cờ cứu khổ sẽ cứu quốc cho giống nòi Việt nam, rồi loan ra
cho toàn thế giới chung hưởng.
Bảo Đạo ! Có phải ta tri
âm với nhau về điều ấy chăng ? THĂNG.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét