Giải Nghĩa Kinh Thiên Và Thế Ðạo - 1 / 8 (HT. Nguyễn Văn Hồng)


Giới thiệu:
Tôi hân hnh đưc đc bn tho "GII NGHĨA KINH THIÊN ÐO & TH ÐO" ca Hin Tài Nguyn Văn Hng. Tht là mt k công tra cu sưu tầm.
Lời Chí Tôn dạy: "Giáo hóa nhơn sanh cầu Triết lý" và Cổ nhơn có câu: "Ðọc kinh cầu lý".

Thật vậy, khi giờ cúng tại Tòa Thánh hay tại Thánh Thất, tiếng kinh hòa cùng giọng đờn,
nếu chúng ta biết nghĩa lý kinh, luồng tư tưởng phóng ra để dâng lên Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, thì sự cúng mới thấy cảm ứng, đúng với câu của Thất Nương: "Lễ bái thường hành tâm Ðạo khởi".
Ðây là ít lời thô thiển của tôi, xin giới thiệu cùng Ðạo đồng.
Tây Ninh, ngày 6 tháng 7 năm Tân Mùi.
(dl 15-8-1991)
CHÁNH CÔNG
(Hữu Phan Quân LÊ VĂN THOẠI)
TRI ÂN
Thành kính tri ân:
Quí Chức Sắc:
Cửu Trùng Ðài,
Hiệp Thiên Ðài và
Cơ Quan Phước Thiện,
Quí Huynh Tỷ và Quí Thân hữu,
đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu để soạn giả bổ túc và sửa chữa, tạm hoàn thành quyển sách "GIẢI NGHĨA KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO" nầy.

Ước mong Quí Chức Sắc, Quí Huynh Tỷ tiếp tục chiếu cố, đóng góp thêm ý kiến để chỉnh đốn quyển sách nầy cho được hoàn hảo, tạo thành một công trình chung, hầu sau nầy hiến dâng bản quyền cho Hội Thánh xử dụng. Ðó là tâm nguyện của soạn giả.
Nay kính.
Hiền Tài Nguyễn văn Hồng

Giới thiệu:
Đại Đạo Tam Kỳ Ph Đ
(Lục thập lục niên)
Tòa Thánh Tây Ninh

"Tạo chúc cầu minh, đọc kinh cầu lý".
Nhờ ánh sáng ngọn đuốc rọi đường dẫn bước đi vững chắc. Ðọc kinh sách cần rõ thấu lý nghĩa cao siêu thấm nhuần trong tâm hồn thanh khiết diệu mầu, khi tụng đọc thể hiện bên ngoài mới tạo được luồng tư tưởng kính tin hiệp hòa từng tiếng kinh nhịp nhàng bên trong dâng lên khi chầu lễ.

Ðược vậy là mình đã có biết và cảm, tức nhiên thấu đáo "Chín từng Trời Ðất thông truyền chứng tri.". Ðương nhiên, luồng tư tưởng và tâm ta mới tiếp nhận sự ứng của Ơn Trên ban cho, bởi có CẢM mới có ỨNG, sự tu hành mới đoạt thành quả vị, mới hưởng được Bí Pháp huyền vi.

Quyển "GIẢI NGHĨA KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO" do Hiền Tài Nguyễn văn Hồng soạn thảo, rất dày công sưu tầm vào những kinh sách Tam Giáo roi truyền, tra cứu điển tích và các bộ Từ điển, có thể giúp ích độc giả hiểu biết thêm về ý nghĩa lời kinh trong khi tụng đọc, hầu chờ đợi sau nầy, quí Chức Sắc Ðại Thiên Phong, bậc đàn anh chị lớn chúng ta bổ cứu, dạy bảo chúng ta thêm những yếu lý cao siêu nhiệm mầu trong khi chúng ta còn quá nghèo nàn về vốn hiểu biết trong Ðạo học.

Ðôi dòng thô thiển chân thành giới thiệu quyển "GIẢI NGHĨA KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO" nầy cùng Quí Huynh, Tỷ, Ðệ, Muội, môn sinh của Ðấng Cao Ðài Thượng Ðế.
Giáo Hữu NGỌC PHÒ THANH

Lời Cầu Nguyện
Thành tâm cầu nguyện
Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu,
Tam Tông Chơn Giáo, Tam Trấn Oai Nghiêm,
Ðức Quyền Giáo Tông, Ðức Phạm Hộ Pháp, và Các Ðấng Thiêng Liêng :
Con xin dâng lên Thân phụ và Thân mẫu của con phần công đức do con lập được trong việc biên soạn quyển "Giải nghĩa Kinh Thiên Ðạo & Thế Ðạo", để cầu cho linh hồn Thân phụ và Thân mẫu con được siêu thăng, an nhàn nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Hiền Tài Nguyễn văn Hồng
kính bái
THAY LỜI TỰA
Trình bày tổng quát.
Ðọc suốt các bài Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo của Ðạo Cao Ðài, chúng ta nhận thấy các Bài Kinh nầy có thể được phân làm 2 nhóm theo 2 khuynh hướng Triết lý khác nhau:
* Khuynh hướng Triết lý thứ nhứt:
Ðóng cửa Ðịa Ngục và mở cửa các từng Trời.

Ðiển hình là 2 Bài Kinh: Phật Mẫu Chơn Kinh (PMCK) và Kinh Giải Oan (KGO), với các câu:
Vô Ðịa Ngục, vô quỉ quan,
Chí Tôn đại xá nhứt trường qui nguyên.
(PMCK)

Ðóng Ðịa Ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương.
(KGO)

Khuynh hướng Triết lý nầy thể hiện rõ ÐÐTKPÐ là thời kỳ Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn trong buổi cuối Hạ Nguơn Tam Chuyển bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển.

Ðức Chí Tôn đã ra lịnh đóng cửa Ðịa Ngục, giải phóng tất cả các tội hồn để cho họ chuyển kiếp luân hồi, trả cho xong hết các oan khiên nghiệp chướng, đồng thời lo việc tu hành, để được Ðức Chí Tôn cứu vớt, và Ðức Chí Tôn cũng ra lịnh mở cửa Cực Lạc Thế Giới để rước những Chơn linh có đầy đủ công đức đắc đạo trở về.

* Khuynh hướng Triết lý thứ nhì:
Vẫn còn cảnh Ðịa Ngục và Thập Ðiện Diêm Vương với các hình phạt nặng nề trừng trị các tội hồn đã gây ra nhiều lỗi lầm trong kiếp sanh nơi cõi trần. Các hình phạt nặng nề nơi cõi Ðịa Ngục đó là: Nấu dầu, xay, cưa, đốt, giã, bào lạc, rắn ăn thịt, mổ bụng moi tim, móc mắt, ...

Ðiển hình là 2 Bài Kinh: Kinh Sám Hối (KSH) và Giới Tâm Kinh (GTK), với các câu:
Con bất hiếu, xay, cưa, đốt, giã,
Mổ bụng ra phanh rã tim gan.
                                   (KSH)

Nơi Ðịa Ngục gông cùm sẵn đủ,
Ðể răn loài dâm phụ gian phu.
                                   (GTK)

Khuynh hướng Triết lý thứ nhì nầy thể hiện rõ Giáo lý của Phật giáo và của Thiên Chúa giáo thuộc thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, tức là thời kỳ trước khi mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (tức Ðạo Cao Ðài) vào năm Bính Dần (1926).

Nhóm nầy gồm 4 Bài Kinh:
- Kinh Cầu Siêu
- Kinh Sám Hối
- Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối
- Giới Tâm Kinh.

Bốn bài Kinh nầy do các Ðấng Thiêng Liêng giáng cơ ban cho Chi Minh Lý và Minh Tân, là 2 Chi trong Ngũ Chi Minh Ðạo của Việt Nam, rồi khi mở Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn dạy Hội Thánh đến 2 Chi Minh Lý và Minh Tân, thỉnh 4 bài Kinh ấy về làm Kinh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Mặt khác, từ trước đến nay, Hội Thánh chưa có ban hành sách vở hay tài liệu giải thích tất cả các bài Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo, mà chỉ có một vài tài liệu giải thích tổng quát một số ít bài Kinh mà thôi, xin kể ra:
- Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh (có Chú giải) của 2 vị Ðầu Sư: Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, có biên chữ Hán kèm theo và có chú giải các bài Kinh Cúng Tứ Thời.
- Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giải nghĩa Bài Phật Mẫu Chơn Kinh.

Lúc đó, chúng tôi ao ước có đặng một quyển sách giải nghĩa tất cả các bài Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo, thì việc học Ðạo bước đầu được dễ dàng biết mấy!

Và bắt đầu từ đó, chúng tôi có ý hướng sưu tầm tất cả tài liệu liên quan, rồi ra công nghiên cứu để thực hiện việc giải thích nầy.
Nhưng chúng tôi cảm thấy bản thân tài sơ trí thiển, gia công học Ðạo cũng chẳng bao lâu, lại đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt, sợ không kham nổi công việc muôn vàn khó khăn nầy, nên đã hết sức cầu khẩn Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu, Ðức Lý Giáo Tông, Ðức Phạm Hộ Pháp và các Ðấng Thiêng liêng hộ trì cho được mẫn huệ trí não, sáng suốt tinh thần, vượt qua các chướng ngại để hoàn thành ý nguyện.

Chúng tôi lại còn có một điều tin tưởng nữa là cứ mạnh dạn đem hết sức mình ra thực hiện ý định, để các bậc Chức sắc tiền bối, các vị Ðạo tâm thông hiểu Ðạo lý, có một tập sách cụ thể để xem xét, phê phán những chỗ sai lầm, bổ túc những chỗ thiếu sót, bỏ bớt những chỗ dư thừa, thì trong những lần ra mắt tiếp theo, quyển sách sẽ được mỗi lúc một tốt đẹp hơn.

Chúng tôi ước mong được như thế thì Tín hữu Cao Ðài lần lần sẽ có được một tập sách hữu ích trong việc học Ðạo.

Chúng tôi cũng tâm nguyện rằng, khi tập sách nầy được sửa chữa khá hoàn hảo thì chúng tôi sẽ hiến dâng cho Hội Thánh ấn hành.

Một khi đã theo Ðạo, hiểu rõ tôn chỉ, mục đích của nền Ðạo, thì người Tín đồ sẽ không bao giờ xa Ðạo, bỏ Ðạo, hay làm một điều gì trái với luật pháp của Ðạo.

Do đó, chúng tôi đem hết sức mình ra để biên soạn quyển "GIẢI NGHĨA KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO" nhằm 2 mục đích sau đây:
-Thứ nhứt: Lời xưa có nói: Ðọc kinh cầu lý. Nếu tụng kinh mà không hiểu được nghĩa lý của lời kinh thì sự bổ ích không nhiều, bởi vì có hiểu được ý kinh thì khi tụng niệm, tâm hồn ta mới phấn khởi, giữ trọn tâm hồn trong lời kinh tiếng kệ, mới có sự cảm ứng với các Ðấng Thiêng Liêng mà ta đang tưởng niệm đến.
- Thứ nhì: Chúng tôi sưu tập được 8 bổn kinh do Hội Thánh ấn hành vào 8 kỳ khác nhau, kể ra:

* KINH CÚNG TỨ THỜI, in năm 1928, bản quốc ngữ, nhà in Ðức Lưu Phương, Sài gòn.
* TỨ THỜI NHỰT TỤNG KINH (có chú giải), in năm 1928, có viết kèm thêm chữ Hán, Chữ Nôm, của 2 vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt.
* ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ KINH, không để năm in, gồm chữ Hán và chữ Nôm, không có chữ quốc ngữ, của Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh.
* KINH THIÊN ÐẠO và THẾ ÐẠO, của Hội Thánh in năm 1936 (Bính Tý), nhà in Ðức Lưu Phương, Sài gòn.
* KINH LỄ, in bên Pháp năm 1952, khổ nhỏ, nhà xuất bản M. Garnier.
* KINH THIÊN ÐẠO và THẾ ÐẠO , do Hội Thánh ấn hành vào các năm: 1968, 1974, 1975.
* Riêng các bài Kinh mà các Ðấng giáng cơ ban cho Minh Lý (Minh Lý Ðạo, Tam Tông Miếu) và Hội Thánh vâng lịnh Ðức Chí Tôn thỉnh về làm Kinh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, thì chúng tôi sưu tầm được quyển "KINH NHỰT TỤNG - KINH SÁM HỐI" của Minh Lý Ðạo Tam Tông Miếu ấn hành năm Quí Sửu (1973).

Khi so sánh các bản Kinh nầy, chúng tôi nhận thấy có một vài từ ngữ trong một số câu Kinh không đồng nhứt với nhau. Do đó gây ra nhiều cuộc tranh luận giữa người nầy với người kia, là chữ nầy đúng, chữ kia sai, và họ đều đưa ra bản Kinh mà họ đang nắm giữ để làm bằng chứng. Nhưng tất cả các cuộc tranh luận ấy đều đi đến chỗ bế tắc, vì bản Kinh nào cũng đều do Hội Thánh ấn hành và đều có Ban Kiểm Duyệt của Hiệp Thiên Ðài ấn ký. Chẳng lẽ những chữ khác biệt ấy đều đúng cả hay sao? Lỗi nầy do sự sắp chữ sai của nhà in hay do ai sửa đổi? Còn bản Kinh gốc đúng nhứt là bản nào? Không một ai biết được.

Ðể tạm thời giải tỏa vấn đề nầy, chúng tôi đưa ra phần "KHẢO DỊ" liệt kê ra hết những chữ dị biệt giữa các câu kinh trong các bản Kinh, để rộng đường khảo luận của các học giả, và cũng để giúp tài liệu cho việc nghiên cứu sau nầy của Khảo Cứu Vụ của Hội Thánh, sẽ xác nhận chữ nào đúng nhứt, để dùng thống nhứt cho toàn đạo.

Ðể bổ cứu 2 mục tiêu trên, chúng tôi phụ đính thêm phần chữ Hán cho các bài Kinh Hán Việt sau đây:
Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Kinh Phật giáo.
Kinh Tiên giáo.
Kinh Nho giáo.
Bài Dâng Rượu, Dâng Trà.
Ngũ Nguyện.
Phật Mẫu Chơn Kinh.

Phần viết chữ Hán kèm theo các bài Kinh Hán Việt kể trên, chúng tôi căn cứ phần chánh vào bản Kinh Hán văn in trong quyển "TỨ THỜI NHỰT TỤNG KINH" xuất bản năm 1928 của 2 vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, có sự phối hợp đối chiếu bản Kinh Hán văn in trong quyển "ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ KINH" của Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh, có lẽ in vào năm 1928 hoặc 1929.

Khi biên soạn quyển "GIẢI NGHĨA KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO", chúng tôi chỉ mong muốn giúp các Bạn học Ðạo một phương tiện để tìm hiểu ý nghĩa của các câu Kinh căn cứ theo từ ngữ, trong cái học Hạ Thừa, còn phần ý nghĩa siêu việt của câu Kinh, vượt khỏi văn tự mà các Ðấng muốn đặt vào đó, thuộc về phần học Thượng Thừa, chúng tôi chưa đủ trình độ đạt tới.

Chúng tôi mong mỏi được quí Chức sắc, các bậc Ðạo tâm, chỉ giáo thêm cho chúng tôi, thì đó là một ơn huệ lớn lao dành cho soạn giả vậy.
Kính.
Soạn giả:
Hiền Tài. Nguyễn văn Hồng

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
Sắp theo thứ tự A, B, C

B -       BDH (Bài Dâng Hoa.)
            BDR (Bài Dâng Rượu.)
            BDT (Bài Dâng Trà.)
            BÐNÐ (Bát Ðạo Nghị Ðịnh.)
            BKNKSH (Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.)
            BXTCÐPTTT  (Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần)
            BQÐ (Bát Quái Ðài)
C -       CGPCT (Chú Giải Pháp Chánh Truyền).
            CKTG (Càn Khôn Thế giới.)
            CKVT (Càn Khôn Vũ Trụ.)
            CKVV (Càn Khôn Vạn vật.)
            CLTG  (Cực Lạc Thế giới.)
            CTÐ (Cửu Trùng Ðài.)
            CQPT (Cơ Quan Phước Thiện.)
D -       DLCK (Di Lạc Chơn Kinh.)
            DTC (Diêu Trì Cung.)
Ð -       ÐÐTKPÐ (Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.)
            ÐLMD (Ðạo Luật năm Mậu Dần (1938).
G -       GTK (Giới Tâm Kinh.)
H -       HTÐ (Hiệp Thiên Ðài.)
K -      KCBCTBCHÐQL (Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Ðã Qui Liễu.)
            KCHKHH (Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối.)
            KCK (Kinh Cứu Khổ.)
            KCS (Kinh Cầu Siêu.)
            KCTPÐQL (Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu.)
            KÐLC (Kinh Ðưa Linh Cửu.)
            KÐ1C (Kinh Ðệ Nhứt cửu.)
            KÐ2C (Kinh Ðệ Nhị cửu.)
            KÐ3C (Kinh Ðệ Tam cửu)
            KÐ4C (Kinh Ðệ Tứ cửu.)
            KÐ5C (Kinh Ðệ Ngũ cửu.)
            KÐ6C (Kinh Ðệ Lục cửu.)
            KÐ7C (Kinh Ðệ Thất cửu.)
            KÐ8C (Kinh Ðệ Bát cửu.)
            KÐ9C (Kinh Ðệ Cửu cửu.)
            KÐRÐ (Kinh Ði Ra Ðường.)
            KÐT (Kinh Ðại Tường.)
            KGO (Kinh Giải Oan.)
            KHH (Kinh Hạ Huyệt.)
            KHP (Kinh Hôn Phối.)
            KK (Khai Kinh.)
            KKĂCR (Kinh Khi Ăn Cơm Rồi.)
            KKCÐTTT (Kinh Khai Cửu Ðại Tường Tiểu Tường.)
            KKÐCR (Kinh Khi Ðã Chết Rồi.)
            KKÐN            (Kinh Khi Ði Ngủ.)
            KKTD (Kinh Khi Thức Dậy.)
            KKV (Kinh Khi Về.)
            KNH (Kinh Nhập Hội.)
            KNHTÐ (Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.)
            KSH (Kinh Sám Hối.)
            KTCMÐQL (Kinh Tụng Cha Mẹ Ðã Qui Liễu.)
            KTÐTÐ (Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo.)
            KTHÐMP (Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần.)
            KTKCQV (Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.)
            KTKTQV (Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.)
            KTKVQL (Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.)
            KTKVTH (Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.)
            KTL (Kinh Tẫn Liệm.)
            KTP (Kinh Thuyết Pháp.)
            KTT (Kinh Tắm Thánh.)
            KTTg (Kinh Tiểu Tường.)
            KVĂC (Kinh Vào Ăn Cơm.)
            KVH (Kinh Vào Học.)
            KXH (Kinh Xuất Hội.)
N-       NG (Nho Giáo, Kinh Nho Giáo.)
            NH (Niệm Hương.)
            NN (Ngũ Nguyện.)
            NTTP (Nữ Trung Tùng Phận.)
P -       PCT (Pháp Chánh Truyền.)
            PG (Phật Giáo (Kinh Phật Giáo).
            PMCK            (Phật Mẫu Chơn Kinh.)
T -       Td (Thí dụ.)
            TÐ.ÐPHP (Thuyết Ðạo của Ðức Phạm Hộ Pháp.)
            TG (Tiên Giáo, Kinh Tiên Giáo.)
            TKPР (Tam Kỳ Phổ Ðộ.)
            TL (Thiêng liêng.)
            TLHS (Thiêng Liêng Hằng Sống.)
            TNHT  (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.)
            TNHT.II.36 (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển II, trang 36.)
            TTCÐDTKM  (Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.)
            TTTN  (Tòa Thánh Tây Ninh.)
V -       VSTC (Vãng Sanh Thần Chú.)

Phần thứ nhứt

GIẢI NGHĨA
Kinh Thiên Ðạo


Kinh Cúng Tứ Thời

NIỆM HƯƠNG
(Giọng Nam ai)
1 . Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp,
2 . Lòng nương nhang khói tiếp truyền ra.
3 . Mùi hương lư ngọc bay xa,
4 . Kính thành cầu nguyện Tiên Gia chứng lòng
5 . Xin Thần Thánh ruổi dong cỡi hạc,
6 . Xuống phàm trần vội gác xe Tiên.
7 . Ngày nay đệ tử khẩn nguyền,
8 . Chín từng Trời, Ðất thông truyền chứng tri.
9 . Lòng sở vọng gắng ghi đảo cáo,
10 . Nhờ Ơn Trên bổ báo phước lành.

(Lạy 3 lạy, mỗi lạy 4 gật, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy: "Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát"

GIẢI NGHĨA
Phần I : Giải nghĩa các từ ngữ tổng quát:
Kinh: Bài văn, bài thơ do các Ðấng Phật, Tiên, Thánh viết ra để xưng tụng công đức, mô tả nhiệm vụ của các Ðấng TL, hoặc để dạy đạo đức cho nhơn sanh và để cầu nguyện.

Tân Kinh: Kinh mới (Tân là mới), tức là Kinh thuộc Tam Kỳ Phổ Ðộ. Cũng như Tân Luật là Luật mới về tu hành của TKPÐ. Còn Kinh và Luật của thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ được gọi là Cựu Kinh, Cựu Luật. (Cựu là cũ, trái với Tân là mới).

Vậy, Tân Kinh là Kinh của ÐÐTKPÐ, tức là Kinh của Ðạo Cao Ðài. Kinh nầy gồm: Kinh Thiên Ðạo và Kinh Thế Ðạo.

Thiên Ðạo: Ðạo Trời, tức là con đường tu với mục đích cuối cùng là giải thoát khỏi luân hồi, để linh hồn trở về hiệp nhứt với Trời, tức là hiệp với Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.

Con đường tu Thiên Ðạo dành cho bực Thượng thừa quyết chí tu hành, phế đời hành Ðạo, nghiêm giữ giới luật tu hành, thực hành Tam Lập: Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn.
Trước khi bước vào Thiên Ðạo, người tu phải trải qua bực Hạ thừa tu phần Nhơn Ðạo.

Nhơn Ðạo là Ðạo làm Người, là đường lối dạy con người phải làm tròn bổn phận của một người đối với gia đình, gồm cha mẹ, anh chị em, vợ chồng con cái; đối với thân tộc, bạn bè; và sau cùng là bổn phận đối với quốc gia xã hội.

Thế Ðạo: Ðạo ở đời (Thế là đời), tức là đường lối dạy con người bổn phận làm một người ở đời thế nào cho hợp với Ðạo lý, lẽ phải. Ðó chính là Nhơn Ðạo.

Thế Ðạo, tức là Nhơn Ðạo, ví như nền móng; Thiên Ðạo ví như nhà lầu. Không đào móng đúc nền cho vững chắc thì cất nhà lầu lên ắt sụp đổ. Cho nên, phải tu xong Nhơn Ðạo thì mới có thể tiến lên tu Thiên Ðạo được.

Cúng: Ðốt nhang, dâng lễ vật, cầu nguyện và lạy để tỏ lòng thành kính.

Tứ Thời: 4 điểm thời gian trong một ngày vào các giờ: 0 giờ (tức 12 giờ khuya) thuộc giờ Tý, 6 giờ sáng thuộc giờ Mẹo, 12 giờ trưa thuộc giờ Ngọ, và 18 giờ (tức 6 giờ chiều) thuộc giờ Dậu.

Nghi lễ của Ðạo Cao Ðài dạy các tín đồ cúng Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng liêng vào Tứ thời kể trên, bởi vì vào 4 thời điểm nầy, khí Dương và khí Âm trong CKVT có sự biến đổi tương đối đặc biệt:

Lúc 0 giờ, thời Tý: Khí Âm cực thạnh, khí Dương khởi sanh.
Lúc 6 giờ và 18 giờ, thời Mẹo và thời Dậu: Hai khí Dương và Âm giao hòa cân bằng nhau.
Lúc 12 giờ trưa, thời Ngọ: Khí Dương cực thạnh, khí Âm khởi sanh.
Thời Tý và thời Ngọ: Cúng Rượu (Rượu trắng).

Thời Mẹo và thời Dậu: Cúng nước Âm Dương, tức là cúng nước trà và nước trắng thiên nhiên.

Kinh Cúng Tứ Thời: là các bài kinh để tụng cúng Ðức Chí Tôn và 3 Ðấng Giáo chủ Tam giáo vào 4 thời trong một ngày.

Kinh cúng Ðức Chí Tôn vào Tứ thời tại Tòa Thánh hay tại Thánh Thất gồm 8 bài kinh kể ra sau đây:
Niệm Hương.
Khai Kinh.
Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
Kinh Phật giáo.
Kinh Tiên giáo.
Kinh Nho giáo (Thánh giáo).
Bài Dâng Hoa, Dâng Rượu, Dâng Trà.
Ngũ Nguyện.

Kinh cúng Ðức Phật Mẫu vào Tứ thời tại Báo Ân Từ hay tại Ðiện Thờ Phật Mẫu gồm 6 Bài Kinh, kể ra sau đây:
Niệm Hương.
Khai Kinh.
Phật Mẫu Chơn Kinh.
Tán Tụng Công Ðức Diêu Trì Kim Mẫu.
Bài Dâng Rượu hoặc Dâng Trà.
Ngũ Nguyện.

Kinh Cúng Tứ Thời còn được gọi là Kinh Nhựt Tụng, (Nhựt là mỗi ngày). Kinh Nhựt Tụng là những bài kinh dùng để tụng mỗi ngày.

Những bài kinh thường được tụng theo 2 giọng: Nam xuân và Nam ai. Chỉ có 3 Bài Dâng Tam Bửu là thài theo giọng Ðảo Ngũ Cung.

Giọng Nam ai: là giọng ngâm theo điệu cổ nhạc Nam ai, có tính cách buồn bã bi ai, nên nhạc đi theo nhịp chậm rãi.

Giọng Nam xuân: giọng ngâm theo điệu cổ nhạc Nam xuân, có tính cách vui tươi, nên nhạc đi theo nhịp nhanh.

Niệm Hương: Niệm là tưởng nghĩ tới, hương là mùi thơm, chỉ cây nhang đang đốt cháy tỏa mùi thơm. Niệm Hương là đốt nhang và tưởng niệm các Ðấng thiêng liêng.

Phần II : Nguồn gốc bài Niệm Hương:
Kinh Niệm Hương có nguồn gốc là bài Kinh chữ Hán "Phần Hương Chú" trích trong Kinh Cảm Ứng của Tiên giáo.

Vào năm Ất Sửu (1925), Ðức Nam Cực Chưởng Giáo giáng cơ tại Minh Lý (Tam Tông Miếu) dịch bài Phần Hương Chú ra chữ Nôm ban cho Chi nầy cho dễ hiểu.

Khi mới khai ÐÐTKPÐ, Ðức Chí Tôn giáng dạy Ngũ Chi Minh Ðạo (Minh Sư, Minh Lý, Minh Tân, Minh Thiện, Minh Ðường) dâng Kinh cho ÐÐTKPÐ. Do đó, Hội Thánh cử phái đoàn đại diện gồm 4 vị: Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung, Thượng Giáo Sư Vương quan Kỳ, Ðức Phạm Hộ Pháp, Ðức Cao Thượng Phẩm, đến Chi Minh Lý thỉnh 6 Bài Kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, Kinh Sám Hối, Bài Khen Ngợi KSH, Kinh Cầu Siêu, Bài Xưng Tụng Công Ðức Phật Tiên Thánh Thần, về làm Kinh ÐÐTKPÐ.

Sau đây, xin chép lại bài Phần Hương Chú:
PHẦN HƯƠNG CHÚ -
"Ðạo do tâm hiệp -
Tâm giả hương truyền. -
Hương phần ngọc lư -
Tâm chú Tiên nguyện. -
Chơn linh hạ giáng. -
Tiên bội lâm hiên. -
Kim thần quan cáo -
Kính đạt Cửu Thiên. -
Sở khải sở nguyện -
Hàm tứ như nghiên. (ngôn) - ".

Dịch nghĩa:
Bài Cầu Nguyện đốt nhang.
- Ðạo là do cái Tâm hợp lại,
- Cái Tâm mượn mùi thơm của nhang để truyền đi.
- Ðốt nhang tỏa mùi thơm nơi cái lư quí báu,
- Cái Tâm hướng đến các vị Tiên để cầu nguyện.
- Chơn linh của các Ðấng giáng xuống,
- Các vị Tiên ngồi trên xe đi đến.
- Ngày nay kẻ bề tôi cần tấu trình.
- Mau chóng thẳng đến Chín từng Trời.
- Ðiều quan trọng mà mình muốn tỏ bày và mong ước,
- Ðều ban cho ơn huệ như lời cầu khẩn.

Bài Phần Hương Chú của Tiên giáo để cúng các vị Tiên, được Ðức Nam Cực Chưởng Giáo diễn nôm một cách thoát ý tài tình, thành bài kinh cúng Ba Ðấng Giáo chủ Tam giáo nơi Tam Tông Miếu của Minh Lý Ðạo, và cuối cùng được thỉnh về làm kinh của Ðạo Cao Ðài cúng Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và Ba Ðấng Giáo chủ Tam giáo.

Do đó, ý nghĩa của bài kinh nầy được thăng hoa đến tột đỉnh vì được dùng để cúng Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.

Phần III : Giải nghĩa Kinh Niệm Hương
Câu 1: Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp.
Ðạo: "Ðạo là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Ðạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Ðạo thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Ðạo, nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng." (TNHT.II.3). Do đó, nghĩa thông thường của Ðạo là tôn giáo.

Thành: Thành thật. Tín: Tin, tin có Thượng Ðế, tin có Thần, Thánh, Tiên, Phật, tin mỗi người đều có linh hồn bất tiêu bất diệt, tin linh hồn là điểm Linh quang do Thượng Ðế ban cho mỗi người để tạo nên sự sống và gìn giữ sự sống.
Tín chính là đức tin rất cần thiết cho người theo Ðạo.
Hiệp: Hợp lại. Lòng thành: Cái tâm chơn thật.

C . 1: Người theo đạo, cốt yếu phải có một tấm lòng thành thật và một đức tin mạnh mẽ, có dủ 2 yếu tố ấy hợp lại mới vững bước trên đường đạo.
Câu 2 : Lòng nương nhang khói tiếp truyền ra.
Lòng : Cái tâm của con người. Nương: Dựa vào.
C . 2 : Tư tưởng nơi tâm nương theo khói nhang truyền lên Trời cao.

Câu 3 : Mùi hương lư ngọc bay xa.
Mùi hương: Mùi thơm của khói nhang tỏa ra, ý nói những tư tưởng hay ý nghĩ trong sạch tốt đẹp của cái Tâm phát ra. Lư: Dụng cụ đặt trên bàn thờ dùng để đốt trầm hay để đốt nhang cắm vào; đốt trầm thì gọi là Lư trầm, đốt nhang thì gọi là Lư hương. Ngọc: Loài đá quí, chỉ sự quí báu. Lư ngọc: Cái lư bằng ngọc, chỉ cái Tâm quí báu của con người.
C . 3 : Tư tưởng, ý nghĩ trong sạch tốt đẹp phát ra từ cái Tâm quí báu bay lên truyền đến các cõi Trời xa.

Câu 4 : Kính thành cầu nguyện Tiên Gia chứng lòng.
Kính: Kính trọng. Thành: Thành thật. Cầu: Xin. Nguyện: Mong ước. Cầu nguyện là cầu xin các Ðấng thiêng liêng ban cho điều mà mình mong ước.

Tiên Gia: Tiên là ông Tiên, Gia là Cha. Tiên Gia là Ông Cha Tiên, đó là Ðại Từ Phụ, Ðấng Cha chung thiêng liêng của toàn cả vạn linh sanh chúng trong CKVT, mà ta thường gọi là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
C . 4 : Tấm lòng tôn kính và thành thật cầu nguyện thì Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ sẽ chứng cho mình.

Câu 5-6 : Xin Thần Thánh ruổi dong cỡi hạc,
Xuống phàm trần vội gác xe Tiên.

Ruổi dong: Ði thẳng một mạch cho mau tới nơi.
Hạc: Giống chim lớn, chân cao, cổ dài, lông trắng, bay nhanh, dáng thanh nhã, sống đến ngàn năm, thường được các vị Tiên dùng để cỡi bay đi. Phàm: Tầm thường thấp kém. Trần: Bụi bặm. Phàm trần là chỉ cõi thế gian, cõi đời, cõi của nhơn loại đang sống, vì cõi nầy thấp kém có nhiều bụi bặm ô trược. Gác: Ðặt ngang lên trên. Xe Tiên: Chiếc xe mầu nhiệm nơi cõi thiêng liêng, cũng gọi là Xe Như Ý, dùng để chở các vị Tiên đi lại. Người ngồi trên xe muốn đi đến đâu thì chiếc xe Tiên hay xe Như Ý chở ngay đến đó tức khắc. Gác xe Tiên: Ngồi lên chiếc xe Tiên.
Câu 5-6 : Xin các Ðấng Thần Thánh cỡi hạc hoặc đi trên chiếc xe Tiên dong ruổi xuống cõi thế gian.

Câu 7 : Ngày nay đệ tử khẩn nguyền.
Ðệ tử: Học trò. Học trò đối với Thầy thì xưng mình là đệ tử. Ðức Chí Tôn tự xưng là Thầy, và gọi các con đang học đạo là môn đệ hay đệ tử. Khẩn: Tha thiết. Nguyền: Mong mỏi cầu xin. Khẩn nguyền: Tha thiết cầu xin điều mình mong ước
C . 7 : Ngày nay, chúng con là học trò của Thầy, xin tha thiết cầu nguyện.

Câu 8 : Chín từng Trời, Ðất thông truyền chứng tri.
Chín từng Trời: Chữ Hán gọi là Cửu Trùng Thiên. Chín từng Trời nầy có tên theo đúng 9 bài Kinh Tuần Cửu, kể từ thấp dần lên cao là:
Từng Trời thứ nhứt có Vườn Ngạn Uyển.
Từng Trời thứ nhì có Vườn Ðào Tiên của Phật Mẫu.
Từng Trời thứ ba gọi là Thanh Thiên.
Từng Trời thứ tư gọi là Huỳnh Thiên.
Từng Trời thứ năm gọi là Xích Thiên.
Từng Trời thứ sáu gọi là Kim Thiên.
Từng Trời thứ bảy gọi là Hạo Nhiên Thiên.
Từng Trời thứ tám gọi là Phi Tưởng Thiên.
Từng Trời thứ chín gọi là Tạo Hóa Thiên.

CHÚ Ý:
Có một số vị cho rằng: Vườn Ngạn Uyển và Vườn Ðào Tiên không ở trên 2 từng Trời thứ nhứt và thứ nhì, mà từng Trời thứ nhứt là Thanh Thiên trong bài Kinh Ðệ Tam Cửu; từng Trời thứ hai là Huỳnh Thiên, vv..., từng Trời thứ 7 là Tạo Hóa Thiên, từng Trời thứ 8 là Hư Vô Thiên, bỏ từng Trời Hội Nguơn Thiên, và từng Trời thứ 9 là Hỗn Nguơn Thiên, và gọi đó là Cửu Trùng Thiên.

Ðiều nầy hoàn toàn không đúng, vì 3 lý do sau đây:
1 . Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giải nghĩa bài Kinh Phật Mẫu tại Cửu Long Ðài ngày 15-8-Ðinh Hợi (1947) có nói rõ rằng: "Từng Trời thứ 9 gọi là Cung Tạo Hóa Thiên, có vị cầm quyền tạo đoan gọi là Thiên Hậu." (TÐ.ÐPHP.Q1. 64)

2 . Bài Thài hiến lễ Ðức Phật Mẫu trong Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung có 4 câu khoán thủ là: Cửu Thiên Huyền Nữ, nghĩa là: Cửu là thứ 9, Thiên là từng Trời, Huyền là huyền diệu, Nữ là người phụ nữ. Cửu Thiên Huyền Nữ là người phụ nữ huyền diệu ở từng Trời thứ 9. Ðó là Ðức Phật Mẫu. Ðiều nầy một lần nữa chứng tỏ Tạo Hóa Thiên là từng Trời thứ 9.

3 . Nghi thức Tang lễ trong Ðạo Cao Ðài đối với các Chức sắc Ðại Thiên Phong hàng Tiên vị như Ðầu Sư, Thập nhị Thời Quân đổ lên, khi đăng Tiên, thể xác được liệm vào liên đài. "Liên đài được quàn tại biệt điện của mỗi vị một đêm, Báo Ân Từ một đêm, Ðền Thánh một đêm, và Cửu Trùng Thiên một đêm. Hội Thánh sẽ cử hành Lễ Tiểu Tường, Ðại Tường, kỷ niệm hằng năm và xây bửu tháp. Không có làm Tuần Cửu và hành pháp độ thăng." (Trích trong quyển Quan Hôn Tang Lễ năm 1976 của Hội Thánh).

Chúng ta lưu ý trong nghi thức tế lễ nầy, liên đài được đặt trên Cửu Trùng Thiên tại Ðại Ðồng Xã, không làm Tuần Cửu, chỉ làm Tiểu Tường, Ðại Tường, không hành pháp Ðộ Thăng.

Ðiều đó cho chúng ta hiểu rằng: Chức sắc hàng Tiên vị đổ lên có đủ công đức để vượt lên khỏi Cửu Trùng Thiên (mới được ngồi trên Cửu Trùng Thiên) mà không cần nhờ làm Tuần Cửu hay Phép Ðộ thăng.

Hội Thánh chỉ làm lễ Tiểu Tường, mà bài Kinh Tiểu Tường là để đưa chơn hồn lên từng Trời Hư Vô Thiên. Vậy Hư Vô Thiên phải ở bên trên Cửu Trùng Thiên, chớ không thể ở trong Cửu Trùng Thiên được, và đó chính là từng Trời thứ 10.

Qua sự trình bày 3 lý do vừa kể trên, chúng ta đi đến kết luận là: Tạo Hóa Thiên là từng Trời thứ 9 nằm trong Cửu Trùng Thiên, và Hư Vô Thiên là từng Trời thứ 10 nằm bên trên Cửu Trùng Thiên. Theo đó thì Hội Nguơn Thiên là từng Trời thứ 11, và Hỗn Nguơn Thiên là từng Trời thứ 12.

Ba từng Trời bên trên (Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên, Hỗn Nguơn Thiên) hợp với 9 từng Trời (Cửu Trùng Thiên) bên dưới tạo thành 12 từng Trời, gọi là Thập nhị Thiên.

Trở lại giải thích các từ ngữ trong Câu kinh 8:
Ðất: Chỉ các quả Ðịa cầu, ý nói Thất thập nhị Ðịa (72 Ðịa cầu). Thông: Suốt tới khắp nơi. Thông truyền: Truyền đi khắp nơi. Chứng: Nhận thực. Tri: Biết. Chứng tri là nhận thực có biết rõ.
C . 8 : Lời khẩn nguyền của đệ tử sẽ được truyền đi suốt đến 9 từng Trời và đến các quả Ðịa cầu để các Ðấng thiêng liêng chứng thực biết rõ.

Câu 9 : Lòng sở vọng gắng ghi đảo cáo.
Sở: Ðiều quan trọng của mình. Vọng: Mong ước. Sở vọng là điều quan trọng của mình hằng mong ước. Gắng ghi: Cố gắng ghi nhớ. Ðảo: Cúng tế cầu nguyện. Cáo: Tấu trình, báo cáo. Ðảo cáo là cúng tế cầu nguyện và tấu trình các việc
C . 9 : Ðiều quan trọng mà lòng mình hằng mong ước, cố gắng ghi nhớ để cúng tế cầu nguyện và tấu trình lên các Ðấng Thiêng liêng.

Câu 10 : Nhờ Ơn Trên bổ báo phước lành.
Ơn Trên: Ơn huệ của Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng thiêng liêng. Bổ: Giúp đỡ, thêm vô cho đủ. Báo: Ðáp lại. Bổ báo là giúp đỡ báo đáp lại.
C . 10 : Nhờ ơn Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng thiêng liêng giúp đỡ báo đáp lại và ban cho phước lành.

Câu Chú của Thầy:
Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Câu Chú: Câu niệm có tánh cách huyền bí của một Ðấng TL đặt ra để hộ trì các môn đệ trên bước đường tu.

Thầy: Trong thời ÐÐTKPÐ, Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế giáng cơ dạy đạo, xưng mình là Thầy, gọi các con đang học đạo là môn đệ. Ðức Chí Tôn dạy đạo đức cho nhơn sanh như là Thầy dạy trò, gần gũi thân mật, biểu lộ lòng thương yêu của Chí Tôn đối với chúng sanh thật vô cùng tận.

Câu Chú của Thầy tức là của Ðức Chí Tôn có 12 chữ:

Nam-          Cao-    Ðài       Tiên-    Ông     Ðại       Bồ-      Tát       Ma-     Ha-      Tát
1          2          3          4          5          6          7          8          9          10        11        12

Nam-mô : do phiên âm từ tiếng Pali "Namô" hoặc từ tiếng Phạn "Namah", dịch nghĩa là: Qui mệnh, kỉnh lễ, cúi đầu làm lễ. Từ ngữ Nam-mô thường được dùng làm chữ khởi đầu một câu cầu nguyện.

Cao Ðài: Cái đài cao, dùng làm nơi ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế khi có Ðại hội triều đình của Ðức Chí Tôn tại Linh Tiêu Ðiện Ngọc Hư Cung.

Tiên Ông: Ông Tiên, vị Tiên.
Ðại: Lớn. Bồ- Tát: Nói đầy đủ là Bồ-Ðề-Tát-Ðóa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là người đã tự giác được bản tánh và có nhiệm vụ phổ độ chúng sanh. Ma-Ha-Tát: Nói đầy đủ là Ma-Ha-Tát-Ðóa, tiếng Phạn là Mahasattva, nghĩa là Ðại chúng sanh, tức là người có dũng tâm muốn làm việc lớn.

Ðại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát là vị Bồ Tát lớn, ở phẩm bực cao trọng, xứng đáng đứng hàng Phật vị, nhưng vì còn nhiệm vụ cứu độ chúng sanh nên còn mang danh Bồ Tát.

Câu Chú của Thầy đặc biệt có 12 chữ là vì con "số 12 là số riêng của Thầy ".

Câu Chú nầy có ý nghĩa bao hàm Tam giáo:
CAO ÐÀI: tượng trưng Nho giáo.
TIÊN ÔNG: tượng trưng Tiên giáo (Ðạo giáo).
ÐẠI BỒ-TÁT MA-HA-TÁT: tượng trưng Phật giáo.

Do đó, Câu Chú của Thầy (Ðức Chí Tôn) có ý nghĩa Tam giáo đồng tông, ngày nay qui nguyên Ðại Ðạo. Ðại Ðạo đó chính là ÐÐTKPÐ, tức là Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn sáng lập và làm Giáo Chủ.

KHAI KINH
(Giọng Nam ai)

1 . Biển trần khổ vơi vơi trời nước,
2 . Ánh thái dương giọi trước phương đông.
3 . Tổ Sư Thái Thượng Ðức Ông,
4 . Ra tay dẫn độ dày công giúp đời.
5 . Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy,
6 . Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
7 . Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành,
8 . Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn.
9 . Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh,
10 . Một cội sanh ba nhánh in nhau.
11 . Làm người rõ thấu lý sâu,
12 . Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.
                                                                                                          (Cúi đầu)
GIẢI NGHĨA
Phần I : Nguồn gốc bài kinh:
Bài Khai Kinh có nguồn gốc là bài Kinh chữ Hán, tựa là KHAI KINH KỆ trong quyển Kinh Huyền Môn Nhựt Tụng từ bên Tàu truyền sang nước ta.

Vào năm Ất Sửu (1925), Ðức Lữ Tổ giáng cơ tại Chi Minh Lý, diễn nôm bài Khai Kinh Kệ nói trên, ban cho Chi nầy làm bài Khai Kinh để tụng trước khi tụng Kinh Sám Hối.

Ðây là một trong 6 bài Kinh mà Hội Thánh vâng lịnh Ðức Chí Tôn thỉnh từ Chi Minh Lý về làm Kinh ÐÐTKPÐ. (Xem trở lại Phần II: Nguồn gốc bài Niệm Hương trong phần Giải Nghĩa bài Niệm Hương).

Sau đây, xin chép lại bài Khai Kinh Kệ:
KHAI KINH KỆ -
Trần hải mang mang -
thủy, nhựt đông,
Vãn hồi toàn trượng -
Chủ Nhơn Công. -
Yếu tri Tam giáo -
tâm nguyên hiệp, -
Trung thứ, Từ bi, -
Cảm ứng, đồng. -
DỊCH NGHĨA:
Bài kệ mở đầu các bài kinh.
- Biển trần bát ngát mênh mông nước, mặt trời ở phương Ðông,
- Vãn hồi được là hoàn toàn nhờ vào Ðấng Thái Thượng Ðạo Tổ.
- Những điều trọng yếu cần biết của Tam giáo là do cái Tâm làm gốc cho sự hòa hợp.
- Ðức Khổng Tử dạy Trung Thứ, Ðức Phật dạy Từ Bi, Ðức Thái Thượng dạy Cảm Ứng, đều đồng như nhau.

Bài Khai Kinh Kệ gồm 4 câu thơ chữ Hán được Ðức Lữ Tổ diễn nôm thoát ý một cách tuyệt diệu theo thể thơ song thất lục bát gồm 9 câu: Từ câu 1 đến câu 9. Ðức Lữ Tổ viết thêm 3 câu chót, dường như có ý để về sau dùng bài nầy làm Khai Kinh cho ÐÐTKPÐ với tôn chỉ Tam giáo qui nguyên:

10 . Một cội sanh ba nhánh in nhau,
11 . Làm người rõ thấu lý sâu,
12 . Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.
( Lữ Tổ là Lữ Ðồng Tân, đạo hiệu là Lữ Thuần Dương, một vị Ðại Tiên trong Bát Tiên, thường giáng cơ ban cho kinh điển ).

Phần II : Giải nghĩa bài Khai Kinh
Khai Kinh: Bài Kinh để tụng mở đầu trước khi tụng các bài Kinh khác như: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Kinh Phật giáo, Kinh Tiên giáo, Kinh Nho giáo, Kinh Phật Mẫu.

Câu 1 : Biển trần khổ vơi vơi trời nước.
Biển trần khổ: Những nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần nhiều như biển. Ðức Phật Thích Ca nói, con người có Tứ khổ: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Ngoài ra con người còn chịu biết bao khổ sở trong việc đua chen danh lợi, vật lộn với cuộc sống. Do đó, Ðức Phật nói, nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước 4 biển. Vơi vơi: Bát ngát mênh mông.
C . 1 : Những nỗi đau khổ của con người nơi cõi trần thì nhiều như nước biển mênh mông, chỉ thấy trời và nước.

Câu 2 : Ánh thái dương giọi trước phương đông.
Thái dương: Mặt trời. Ánh Thái dương: Ánh sáng mặt trời, nguồn sống của nhơn loại và sinh vật. Giọi: Chiếu, rọi.
C . 2 : Ánh sáng mặt trời chiếu ra từ phương Ðông.
Từ phương Ðông, mặt trời từ từ lố dạng, phá tan màn đêm đen tối đang bao phủ địa cầu, vạn vật thức tỉnh, bừng lên sự sống. Ngụ ý là: ÐÐTKPÐ mở ra tại một nước ở phía đông, ý nói nước Việt Nam, để cứu vớt nhơn loại thoát qua biển khổ.

Câu 3 : Tổ Sư Thái Thượng Ðức Ông.
Tổ Sư: Người sáng lập ra một tôn giáo và làm thầy trong tôn giáo đó. Thái Thượng Ðức Ông: Ðức Thái Thượng Ðạo Quân, Giáo chủ Tiên giáo.
C . 3 : Ðức Thái Thượng Ðạo Quân sáng lập Ðạo Tiên và làm Tổ Sư của Ðạo Tiên.

Câu 4 : Ra tay dẫn độ dày công giúp đời.
Ra tay: Ðem sức ra làm việc. Dẫn độ: Dẫn dắt và cứu giúp. Dày công: Có nhiều công lớn.
C . 4 : Rất dày công trong việc dẫn dắt và cứu giúp người đời.

Câu 5 : Trong Tam giáo có lời khuyến dạy.
Tam giáo: 3 tôn giáo lớn ở Á Ðông: Phật giáo (Thích giáo), Lão giáo (Ðạo giáo), Nho giáo (Khổng giáo). Thường nói Tam giáo là: Phật, Lão, Nho; hay Nho, Thích, Ðạo.
C . 5 : Trong giáo lý của Ba nền tôn giáo lớn ở Á Ðông có nhiều lời khuyên răn dạy dỗ.

Câu 6: Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Gốc bởi lòng: Cái căn bản là do Tâm của mỗi người. Ba nền tôn giáo lớn Nho Thích Ðạo đều lấy TÂM làm gốc:
Phật giáo dạy Minh Tâm kiến Tánh,
Tiên giáo dạy Tu Tâm luyện Tánh,
Nho giáo dạy Tồn Tâm dưỡng Tánh.

Làm phải: Làm điều hợp với Luân thường Ðạo lý.
Làm lành: Làm điều hợp với Ðức háo sanh của Thượng Ðế và hợp với sự Tiến hóa, tức là xả thân giúp đời giúp người.
C.6: Tam giáo dạy lấy Tâm làm gốc, dạy làm điều phải, tránh điều quấy, dạy làm điều thiện, tránh điều ác.

Câu 7 : Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành.
Trung Dung: Một học thuyết rất cao siêu của Nho giáo, do Ông Tử Tư (cháu nội của Ðức Khổng Tử, học trò của Tăng Tử) gom góp các lời dạy của Ðức Khổng Tử mà lập thành. Trung là không thiên lệch, là đường chánh trong thiên hạ; Dung là không thay đổi, là lẽ nhứt định trong thiên hạ.

Mọi việc ở đời đều có cái mức quân bình, đích đáng. Chưa đến cái mức ấy thì việc làm phải sai; quá cái mức ấy thì việc làm cũng không đúng; mức quân bình ấy cũng gọi là Trung. Ở đời, việc nhỏ như ăn uống hằng ngày, việc lớn như kinh luân thiên hạ, đều có cái lý bình thường chi phối tất cả, lý ấy thiết thực, không quái lạ mà cũng thay đổi đi được, ấy cũng là Dung. Vậy, Trung Dung là cái mức quân bình thích đáng trong tất cả mọi sự vật và con người, cũng như trong tất cả tác động của Trời Ðất.

Trong bài Khai Kinh Kệ (Hán văn) thì nói là Trung Thứ. Trung là hết lòng mình, Thứ là suy lòng mình ra lòng người. Sách Trung Dung có nói: Trung Thứ vi Ðạo bất viễn, thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân. Nghĩa là: Trung và Thứ thì cách Ðạo không xa, hễ điều gì làm cho mình mà mình không muốn thì cũng đừng làm cho người.
Khổng Thánh: Ðức Thánh Khổng Tử, Giáo chủ Nho giáo.
C . 7 : Ðức Thánh Khổng tử dạy về đạo Trung Dung rất rành rẽ.

Câu 8: Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn.
Từ bi: Từ là lòng thương yêu chúng sanh, bi là lòng trắc ẩn thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh và muốn giúp chúng sanh thoát khổ. Từ bi là hạnh đặc trưng của Phật. Dặn: Căn dặn, dặn dò. Lòng thành: Lòng thành thật. Lòng nhơn: Lòng thương người mến vật, thương khắp chúng sanh.
C . 8 : Ðức Phật căn dặn phải có lòng từ bi, lòng thành thật, và lòng thương yêu khắp chúng sanh.

Câu 9 : Phép Tiên đạo tu chơn dưỡng tánh.
Phép Tiên đạo: Phương pháp tu luyện của đạo Tiên, hay nói khác hơn là Tâm pháp tu luyện của Tiên giáo.

Tu chơn: Tu là sửa đổi cho được tốt đẹp hơn, chơn là thật. Tu chơn là lối tu quyết tâm sửa đổi con người của mình mỗi lúc một thêm tốt đẹp, thiện lương, chơn chánh, không cần ăn ngon mặc đẹp, chức tước quyền hành hay mão cao áo rộng, chỉ cốt đạt được mục đích quan trọng là giải thoát khỏi luân hồi. Ðây chính là con đường tu thứ ba của Ðạo Cao Ðài.
"Cách thứ ba là cách Tu chơn hay là cách Tịnh luyện cũng thế. Những người đi trong Cửu phẩm Thần Tiên (nơi Cửu Trùng Ðài) hay đi trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng (nơi CQPT), khi mình nhận thấy là đã Lập Ðức, Lập Công, Lập Ngôn rồi, hay là đã thọ khổ và thắng khổ rồi mà còn sức nữa thì vào Nhà Tịnh để được Tu chơn. Nơi đây, các vị đó sẽ học phương pháp luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhứt, là huờn Hư đó vậy." (TÐ. ÐPHP về Con đường TLHS, trang 5).

Dưỡng tánh: Dưỡng là nuôi nấng, Tánh là bản thể của Tâm, bên trong là Tâm, thể hiện ra ngoài là Tánh. Cho nên, Tâm và Tánh, tuy 2 danh từ khác nhau, nhưng sự tác động vẫn một. Cái bổn Tánh của con người do Trời ban cho vốn lành

(Nhơn chi sơ, Tánh bổn thiện), nhưng vì thâm nhiễm mùi trần nên sanh lòng ham muốn, làm cho Tánh biến đổi, trở nên không lành. Con người cần nuôi dưỡng cái Tánh của mình cho được lành như thuở mới sanh ra, rèn luyện trau giồi cho càng ngày càng trở nên linh thiêng sáng suốt thì tự nhiên giao tiếp được với Trời, tức là Nhơn Tánh được hiệp cùng Thiên Tánh.
C.9 : Cái Tâm pháp tu luyện của đạo Tiên dạy về Tu chơn và Dưỡng Tánh.

Câu 10 : Một cội sanh ba nhánh in nhau.
Một cội: Một gốc, gốc đó là Thái Cực, tức là Ðức Chí Tôn Thượng Ðế. Ba nhánh: 3 tôn giáo lớn, tức là Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo. In nhau: Giống hệt nhau.

TNHT. I . 14 : "Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã, Thích Ca Mâu Ni thị Ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã, kim viết CAO ÐÀI." (Nhiên Ðăng Cổ Phật là Ta, Thích Ca Mâu Ni là Ta, Thái Thượng Nguơn Thỉ là Ta, nay gọi là Ðấng Cao Ðài.)

Qua lời Thánh giáo trên của Ðức Chí Tôn, chúng ta nhận thấy rằng, mỗi khi Ðức Chí Tôn thấy nhơn loại đi vào đường tà mị hắc ám thì Ngài mở lòng Ðại từ Ðại bi, sai các Ðấng Phật Tiên giáng trần mở Ðạo giáo hóa nhơn sanh. Thời thái cổ (Nhứt Kỳ Phổ Ðộ), Ðức Chí Tôn sai Ðức Phật Nhiên Ðăng mở Phật giáo; thời thượng cổ (Nhị Kỳ Phổ Ðộ), Ðức Chí Tôn lại sai Ðức Phật Thích Ca mở Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, Ðức Thái Thượng mở Ðạo Tiên ở Trung Hoa, Ðức Khổng Tử mở Nho giáo cũng ở Trung Hoa, Ðức Chúa Jésus mở Ðạo Thánh ở Do Thái. Các Ðấng ấy đều vâng lịnh Ðức Chí Tôn giáng trần mở Ðạo cứu đời. Như vậy, tuy các Ðạo có giáo lý khác nhau vì nhơn sanh ở mỗi vùng có trình độ tiến hóa khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở mục đích là dạy nhơn sanh tu hành, tiến hóa trên đường đạo đức chơn chánh, hầu đoạt vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng, thoát khỏi luân hồi.
Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng vọng chia ba.
                                   (Ðức Khổng Tử)

C.10 : Tam giáo đều có cùng một gốc mà ra, gốc đó là Ðức Chí Tôn, mà ngày nay thời TKPÐ gọi là Ðấng Cao Ðài.

Câu 11 : Làm người rõ thấu lý sâu.
Thấu: Thông suốt. Rõ thấu: Biết rõ, biết một cách thông suốt. Lý sâu: Cái lẽ sâu xa huyền diệu của Trời Ðất. Ðó là Chơn lý hằng hữu bất biến của CKVT.

Con người là loài Thượng đẳng chúng sanh, có Tánh linh hơn vạn vật, nên cần phải tìm tòi học hỏi trong các kinh sách để biết rõ các lẽ cao siêu huyền diệu của Trời Ðất, thì mới biết tùng theo Thiên lý mà trở về cùng Ðức Chí Tôn.
C.11 : Làm một con người nơi cõi trần cần phải tìm tòi học hỏi để biết rõ cái Chơn lý huyền diệu của Trời Ðất.

Câu 12 : Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.
Sửa lòng: chữ Hán là Tu Tâm, nghĩa là sửa đổi cái Tâm cho chơn chánh tốt đẹp. Trong sạch: Trong thì được thanh nhẹ, sạch thì không ô trược. Tâm trong sạch thì làn sóng tư tưởng mới thanh nhẹ, vượt lên khỏi lớp không khí, đến với các Ðấng thiêng liêng. Tụng cầu: Tụng kinh và cầu nguyện. Thánh Kinh: Các bài kinh do các Ðấng Phật Tiên Thánh giáng cơ ban cho.
C . 12 : Cần phải sửa đổi cái Tâm cho trong sạch để tụng kinh và cầu nguyện thì mới được sự cảm ứng của các Ðấng thiêng liêng.

Kinh NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ

Nguồn gốc bài Kinh:
Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, còn được gọi là Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo, hay vắn tắt là Ngọc Hoàng Bửu Cáo, do Ðại Tiên Lữ đồng Tân, thường gọi là Lữ Tổ, tước hiệu Phu Hựu Ðế Quân, một vị trong Bát Tiên, giáng cơ ban cho ở bên Trung Hoa, sau đó mới truyền sang VN.

Bài Ngọc Hoàng Bửu Cáo có in trong quyển Kinh: "Quan Thánh Ðế Quân Cứu Kiếp Vĩnh Mạng Kinh", và có cho biết xuất xứ của bài Kinh nầy như sau:
"Quang Tự Tân Mão, cửu ngoạt, sóc, Quan Ðế thỉnh Phu Hựu Ðế Quân giáng tác thử cáo, phú tụng dĩ kính Thiên Ðế".

Nghĩa là: Niên hiệu Quang Tự (nhà Thanh), năm Tân Mão, tháng 9, ngày mùng 1, Ðức Quan Thánh thỉnh mời Ðức Phu Hựu Ðế Quân giáng cơ viết ra lời cáo nầy, để cho người tụng kinh biết mà tôn kính Ðấng Thượng Ðế.

Ðối chiếu niên lịch, năm giáng cơ ban cho Kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo là năm thứ 17 đời vua Ðức Tông nhà Thanh, niên hiệu Quang Tự, ngày 1-9-Tân Mão, tương ứng với dương lịch là ngày 3-10-1891.

Trong việc giải thích chi tiết bài Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế , có viết Hán văn kèm theo, soạn giả căn cứ phần chánh vào bản Kinh Hán văn in trong quyển "TỨ THỜI NHỰT TỤNG KINH" xuất bản năm 1928 của Nhị vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, và có sự phối hợp đối chiếu với bản Hán văn in trong quyển (ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ KINH) của Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh.
Kinh NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ

1 . Ðại La Thiên Ðế, -
2 . Thái Cực Thánh Hoàng. -
GIẢI NGHĨA
Câu 1-2 : Ðại La Thiên Ðế,
Thái Cực Thánh Hoàng.
Ðại : Lớn. La : Tấm lưới. Ðại La là tấm lưới lớn. Thiên: Trời. Ðế: Vua. Thiên Ðế là vua Trời. Thái Cực : Ngôi của Ðấng Chí Tôn Thượng Ðế. Thánh: Thiêng liêng mầu nhiệm. Hoàng: Vua. Thánh Hoàng là vua Thánh.

TNHT. II. 62 : "Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong CKTG thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra CKTG. Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là chúng sanh."

Bài Thánh ngôn trên của Ðức Chí Tôn là nền tảng Triết lý về Vũ Trụ Quan của Ðạo Cao Ðài.

Trước khi tạo dựng CKVT thì trong khoảng không gian bao la, chỉ có một khí Hồng Mông Hỗn Ðộn mờ mờ mịt mịt gọi là Hư Vô chi Khí (Khí Hư Vô). Khi tới ngày giờ thì trong Khí ấy nổ ra một tiếng dữ dội, sanh ra một Ðấng gọi là Ngọc Hoàng Thượng Ðế mà ngôi của Ngài là Thái Cực.

Ðấng ấy là Ðấng Tuyệt đối, duy có một, huyền diệu vô cùng, trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng. Ðấng ấy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Âm Quang và Dương Quang. Ngài làm chủ Dương Quang, rồi Ngài hóa thân ra Ðức Phật Mẫu để làm chủ Âm Quang.

Khi đã có đủ Âm Dương rồi, Ngài cho Âm Dương chuyển động, biến hóa ra Tứ Tượng: Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm. Tứ Tượng biến hóa ra Bát Quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài. Bát Quái tiếp tục biến hóa tạo thành CKVT và vạn vật.

CKVT của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế về phần hữu hình gồm có: Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới) và Thất thập nhị Ðịa (72 Ðịa cầu), cộng lại là 3072 ngôi sao. Mỗi ngôi sao có một vị Thiên Ðế cai quản. (Thiên đế cũng là hóa thân của Thượng Ðế). Các ngôi sao ấy được ví như những mắc lưới của một tấm lưới lớn (Ðại La) bao trùm CKVT, nên Ðấng chưởng quản toàn cả tấm lưới lớn ấy được gọi là Ðại La Thiên Ðế. Ðấng ấy là vị vua thiêng liêng ngự tại ngôi Thái Cực, nên cũng gọi Ðấng ấy là Thái Cực Thánh Hoàng.

Ðấng ấy hóa sanh ra vạn vật và nhơn loại, là CHA chung của chúng sanh, nên còn gọi Ðấng ấy là Ðại Từ Phụ.
Ðấng ấy là Ðấng duy nhứt, được tôn kính nhứt trong CKVT, nên gọi Ðấng ấy là Ðại Thiên Tôn.
(Ðấng Thiên Ðế cai quản Ðịa cầu 68 của nhơn loại chúng ta được Phật giáo gọi là Phạm Thiên Vương hay Ðế Thích).

Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế thường ngự trên một cái đài cao nơi Linh Tiêu Ðiện Ngọc Hư Cung để họp Thiên triều của Ngài, nên Ngài tự xưng là Ðấng Cao Ðài, và Ngài đặt ra Câu Chú riêng của Ngài trong thời ÐÐTKPÐ gồm 12 chữ là: "Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma ha Tát".

ÐÐTKPÐ được gọi là Ðạo Cao Ðài là vì tôn giáo nầy do Ðấng Cao Ðài giáng cơ lập ra và làm Giáo chủ. Ngài giáng cơ dạy đạo, xưng mình là Thầy và gọi các tín đồ là Môn đệ.

Nhơn loại thường gọi Ðấng Cao Ðài là Ðức Chí Tôn, đôi khi cũng gọi là Ðấng Chí Linh, Ðấng Chí Công.

Tóm lại, trong CKVT nầy, có một Ðấng duy nhứt tạo dựng ra CKVT và hóa sanh vạn vật. Ðấng ấy được người đời gọi bằng nhiều danh từ khác nhau tùy theo trường hợp, kể ra:

Ðấng Ðại La Thiên Ðế.
Ðấng Thái Cực Thánh Hoàng.
Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế, hay vắn tắt là Ðấng Thượng Ðế.
Ðấng Huyền Khung Cao Thượng Ðế Ngọc Hoàng.
Ðấng Ðại Thiên Tôn.
Ðấng Ðại Từ Phụ.
Ðấng Cao Ðài.
Ðấng Chí Tôn, Ðấng Chí Linh, Ðấng Chí Công.
Ðấng ấy tự xưng là Thầy và gọi Tín đồ là Môn đệ.

C. 1 - 2 : Có một Ðấng tạo dựng ra CKVT, hóa sanh vạn vật, được người đời gọi là Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế và nhiều danh hiệu khác nữa, trong đó có 2 danh hiệu là: Ðại La Thiên Ðế, Thái Cực Thánh Hoàng.

3 . Hóa dục quần sanh, -
4 . Thống ngự vạn vật. -
GIẢI NGHĨA
Câu 3: Hóa dục quần sanh.
Hóa: Sanh ra. Dục: Nuôi dưỡng. Quần: Nhiều, tụ họp đông đảo. Sanh: Sống. Quần sanh: đồng nghĩa với Chúng sanh, chỉ tất cả các loài có sự sống như: Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm và Nhơn loại.

C.3: Ðấng Thượng Ðế hóa sanh và nuôi dưỡng các loài sanh vật.
Câu 4: Thống ngự vạn vật.
Thống: Tóm lãnh hết cả. Ngự: Cai trị.
C.4: Ðấng Thượng Ðế cai trị toàn cả vạn vật.

5 . Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết, -
6 . Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh. -
GIẢI NGHĨA
Câu 5 : Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết.
Diệu: Còn được đọc là Diêu, Diểu, Miểu, nghĩa là xa tít mù. Diệu diệu: Ở mù mù rất xa.

Huỳnh: Màu vàng. Kim: Vàng, một thứ kim loại rất quí, là vua của các kim loại. Huỳnh Kim là vàng ròng. Khuyết: Cái cổng vào đền vua. Huỳnh Kim Khuyết: Cái cổng làm toàn bằng vàng ròng để đi vào Ðền của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Phía trong Huỳnh Kim Khuyết là nơi họp Triều đình của Ðức Thượng Ðế .
C.5 : Cái cổng lớn Huỳnh Kim Khuyết ở mù mù rất xa.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo "Con đường Thiêng liêng Hằng sống" có nói như sau:
"Trên hết, chúng ta ngó thấy Ðức Chí Tôn ngự với cái triều nghi của Ngài là Huỳnh Kim Khuyết. Nơi Huỳnh Kim Khuyết, trên đầu của Ngài nơi xa xa, chúng ta thấy vọi vọi, xa nữa chúng ta thấy 3 vị Phật mà hiện giờ ta thấy tượng hình nơi nóc BQÐ là: Brahma Phật, Civa Phật, và Christna Phật, ngự trên nữa, xa hơn nữa, coi vọi vọi xa xăm hơn nữa, chúng ta không thế gì tưởng tượng được, con mắt mình ngó thấy như một đạo hào quang chớp nhoáng mà không có hình ảnh gì hết, chiếu diệu trên cái triều nghi của Ngài là Huỳnh Kim Khuyết, mà dưới Huỳnh Kim Khuyết là Cửu phẩm Thần Tiên đang ngự triều với Ðức Chí Tôn, chúng ta không thế gì tưởng tượng được, oai nghiêm huyền bí làm sao!"

Câu 6 : Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh.
Nguy: Dáng núi cao lớn đồ sộ. Nguy nguy: Ðồ sộ cao vòi vọi. Bạch Ngọc: Loại đá quí màu trắng trong rất đẹp. Kinh: Tòa lâu đài to lớn dùng làm nơi đóng đô của vua.

Vàng là vua loài kim, Ngọc là vua loài đá, cho nên 2 thứ quí báu nầy được dùng làm các vật dụng của vua hay để trang trí trong đền vua.

Bạch Ngọc Kinh là tòa lâu đài đồ sộ làm toàn bằng ngọc trắng, làm nơi ngự của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.
C.6 : Ðền Bạch Ngọc Kinh đồ sộ cao vòi vọi.
Có bài thơ trong TNHT. I. 112 mô tả Bạch Ngọc Kinh:
Tân tả Bạch Ngọc Kinh
"Một tòa Thiên các ngọc làu làu,
Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.
Vạn trượng then gài ngăn Bắc Ðẩu,
Muôn trùng nhiếp khảm hiệp Nam Tào.
Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,
Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.
Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,
Vững bền muôn kiếp chẳng hề xao."

Bạch Ngọc Kinh là tòa lâu đài quí báu nhứt, đồ sộ đẹp đẽ nhứt, huyền diệu nhứt nơi cõi TL. Lâu đài nơi cõi trần còn bị hư sập hay bị hủy hoại theo thời gian, nhưng Bạch Ngọc Kinh thì tồn tại vĩnh viễn. Tất cả các Chơn linh , khi đã đắc đạo, đều phải đến Bạch Ngọc Kinh bái lễ Ðức Chí Tôn.

Tòa Thánh Tây Ninh được Ðức Phạm Hộ Pháp xây cất theo kiểu vở do Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ vẽ ra, căn cứ theo hình ảnh của Bạch Ngọc Kinh. Do đó, Tòa Thánh Tây Ninh được xem là Bạch Ngọc Kinh tại thế.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo về Con đường Thiêng liêng Hằng sống có mô tả Bạch Ngọc Kinh như sau:
"Lại gần tới, còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một tòa Thiên các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả Thoại khí bao quanh, làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy. Lâu đài chớn chở mà nó là con vật sống chớ không như gạch đá chúng ta làm đây, nó vận hành như con vật sống vậy, thay đổi màu sắc vô cùng vô biên.
Bí pháp ấy không thế gì tả đặng, ngó thấy đặc sắc lắm!

Nhà cửa ở thế gian nầy là con vật chết, Bạch Ngọc Kinh là con vật sống, biến hóa thay đổi như thể vận hành, xung quanh Thoại khí bao trùm, từ Nam chí Bắc, từ Ðông qua Tây. Khối lửa ánh sáng ấy, chúng ta ngó thấy như mặt trời vậy, mà ánh sáng mặt trời thì nóng nực bực bội, còn ánh sáng nơi tòa Bạch Ngọc Kinh lại dịu dàng và huyền bí lắm, sung sướng khoái lạc lắm!

Tại sao đài các là con tử vật mà nó sống? Sống là do nơi đâu? Nếu biết thì không lạ gì!
Bạch Ngọc Kinh là do Hỗn Nguơn Khí biến hình ra. Hỗn Nguơn Khí là Khí Sanh Quang của chúng ta đã thở, đã hô hấp, khí để nuôi cả sanh vật sống. Ta sống cũng do do nơi nó xuất hiện, mà biểu nó làm sao không sống?

Khi Bần đạo ngồi trên Pháp xa đến, thấy các Chơn linh hằng hà sa số, bao vây trước cửa la liệt không thể đếm. Pháp xa vừa ngừng, Bần đạo bước xuống thấy 3 cửa nơi Bạch Ngọc Kinh có 12 vị Thời Quân mặc khôi giáp, tay cầm Bửu pháp, đứng cản đường không cho thiên hạ vô. Bần đạo thấy 3 cửa ấy xa nhau, mỗi cửa có 4 người giữ. Bần đạo muốn nói chuyện thì 3 cửa ấy gom lại, 12 người hiệp lại đứng trước mặt Bần đạo. Bần đạo hỏi, vì cớ nào không cho người ta vô?

Vừa hỏi thì họ bỡ ngỡ nói người ta biểu đừng cho vô. Nói người ta biểu thì Bần đạo biết là Kim Quang Sứ biểu xúi đừng cho các Chơn linh vào Bạch Ngọc Kinh. Giận quá, day mặt ra ngoài biểu các Chơn linh vô. Họ tràn vô nghe một cái ào, dường như nước bể bờ chảy vào Bạch Ngọc Kinh vậy. Tới chừng các Chơn linh vô hết, liền biểu 12 vị Thời Quân vô, rồi đứng dòm cùng hết thảy coi còn ai ở ngoài nữa không? Bần đạo cầm cây Giáng Ma Xử đi vô Bạch Ngọc Kinh sau hết.

Bạch Ngọc Kinh chia làm 3 căn, cửa chính giữa các vị Phật cao siêu, mình đứng day vô, phía bên tả là phái nữ, phía bên hữu là phái nam. Bần đạo nghe đi rần rần rộ rộ, bên kia thì thấy hình bóng chiếu qua vách mà thôi, tấm vách thật lạ lùng, trong trắng giống như sương sa vậy.

                 
    Home           [ 1 ]  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ] [ 7 ]  [ 8 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét